THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 3
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 3] [Tiếp theo]
RĀJAGAHA
Đức Phật thuyết pháp bắt đầu bằng những từ ‘Tañca Kammaṃ kataṃ sādhu’ về những lợi ích của phước báu, liên quan đến người bán hoa tên Sumana ở kinh thành Rājagaha trong thời gian Ngài lưu trú tại tịnh xá Veluana ở kinh đô ấy.
Người bán hoa thường đem đến cho vua Bimbisāra tám kunza (đơn vị đo thể tích) hoa lài vào mỗi buổi sáng, đổi lại ông ta được ban tặng tám đồng mỗi ngày.
Một ngày nọ khi Sumana đang đi vào thành phố với những bông hoa như thường lệ, Đức Phật được tháp tùng bởi các vị tỳ khưu cũng đang đi vào thành phố để khất thực với hào quang phát ra từ thân của Ngài, với oai lực, sự uy nghi và vinh quang của vị Phật Chánh đẳng giác.
(Chú thích: Thỉnh thoảng Đức Phật cũng đi khất thực như các vị tỳ khưu bình thường, hào quang sáu màu của Ngài được che giấu trong những chiếc y. (Ví dụ) Đức Phật cải trang làm vị tỳ khưu bình thường, đi xa khoảng ba mươi do tuần để gặp Aṅgulimāla, một tên cướp khét tiếng. Tuy nhiên, vào những dịp khác, Đức Phật thường đi với hào quang chiếu sáng, ví dụ, khi Ngài đi khất thực trong kinh thành Kapilavatthu. Vào ngày hôm nay khi Ngài sắp gặp Sumana, người bán hoa, Đức Phật đi vào kinh thành Rājgaha với hào quang phát ra từ thân của Ngài, với uy lực và vinh quang vĩ đại của vị Phật Chánh đẳng Chánh giác.
Khi Sumana trông thấy Đức Phật, với thân như cột trụ bằng bảy báu, đầy đủ ba mươi hai hảo tướng và tám mươi tướng phụ, hào quang sáu màu tỏa ra từ thân của Ngài, đang đi vào kinh thành Rājagaha để khất thực với uy nghi đường bệ và đầy oai lực của vị Phật Chánh đẳng Chánh giác, Sumana khởi lên niềm tịnh tín và tôn kính mãnh liệt đối với Đức Phật. Rồi vị ấy suy nghĩ: “ Ta nên cúng dường thứ gì để được phước?” và khi không thể nghĩ ra thứ gì để cúng dường Đức Phật, ông ta nghĩ đến vật cúng dường là những tràng hoa trong tay. Nhưng khi suy nghĩ lần thứ hai, thì ông ta nhận ra rằng: “Đây là những tràng hoa để dâng lên đức vua mỗi ngày như thường lệ. Nếu ta không làm đúng phận sự mỗi ngày của ta thì ta có thể bị tống giam vào ngục, bị trói bằng dây thừng và bị hành quyết hoặc bị trục xuất ra khỏi xứ sở. Ta nên làm gì đây?” Rồi một ý nghĩ dũng cảm khởi lên trong tâm của ông ta: “ Cứ để đức vua giết chết ta nếu vị ấy muốn vậy, tống giam ta hoặc trục xuất ta ra khỏi nước. Ta có thể được đức vua ban thưởng vì đã làm đúng phận sự mỗi ngày của ta. Sự may mắn như vậy sẽ đủ để ta sống suốt cuộc đời hiện tại. Nhưng nếu vật cúng dường như vậy được dâng cúng đến Đức Phật thì chắc chắn ta sẽ gặt hái những quả phước trong nhiều kiếp về sau.” Do đó, ông ta quyết định hy sinh mạng sống của mình để cúng dường đến Đức Phật.
Đồng thời ông ta cũng chánh niệm rằng ông ta nên hành động khi tâm tịnh tín mãnh liệt đang dâng cao tột đỉnh, và ông ta bắt đầu cúng dường những bông hoa theo cách sau đây:
(1) Trước hết ông ta cầm hai nắm hoa lài tung lên cao phía trên đầu của Đức Phật; và kỳ diệu thay, những bông hoa sắp lại thành hình cái lọng, nằm lơ lửng trong không trung ở ngay trên đầu của Đức Phật.
(2) Rồi ông ta tung thêm hai nắm hoa nữa theo cách như vậy; những bông hoa đi xuống sắp thành hình bức màn hoa ở ngay bên phải của Đức Phật.
(3) Ông ta lại tung thêm hai nắm hoa nữa; những bông hoa đi xuống sắp thành hình bức màn hoa ở sau lưng Đức Phật.
(4) Cuối cùng, ông ta tung lên hai nắm hoa theo cách như vậy. Những bông hoa đi xuống đứng thành hình bức màn hoa ở bên trái của Đức Phật.
Như vậy, tám kunza hoa lài lơ lửng quanh Đức Phật như cái lọng che, như những bức màn hoa ở bên trên, bên phải, bên trái và sau lưng, có một khoảng trống vừa đủ để Đức Phật đi vào. Điều đáng chú ý là những bông hoa rơi đúng chỗ với những cuống hoa xoay vào bên trong và những cánh hoa xoay ra ngoài rất đều đặn.
Bức màn hoa ở quanh Đức Phật như tấm màn bạc di chuyển theo cùng với Ngài tựa như vật có tri giác, không rả ra hoặc rơi xuống đất. Nó dừng lại bất cứ khi nào Đức Phật dừng nghỉ. Hào quang tỏa ra liên tục từ năm chỗ - phía trước và phía sau, bên phải và bên trái và trên đỉnh đầu của Đức Phật giống như hằng triệu tia sáng. Sau khi tỏa ra từ thân của Đức Phật, mỗi chùm tia sáng này trước hết đi ba vòng quanh Đức Phật, theo chiều kim đồng hồ, hình thành một khối ánh sáng kích thước bằng cây thốt nốt non, trước khi phóng ra ở đằng trước của Đức Phật.
Khắp kinh thành Rājagahā (với dân số một trăm tám chục triệu người) háo hức vì kinh ngạc và xôn xao, đã đi ra ngoài trong náo nhiệt. Trong số một trăm tám chục triệu đàn ông và đàn bà, tất cả đều mang theo những cái hủ đựng đầy vật thực cúng dường.
Tất cả dân cư tưng bừng hô vang như tiếng rống của con sư tử chúa, tung cao những chiếc khăn đội đầu đã được xoắn lại của họ, đi thành từng đám lớn thành đoàn người nối dài. Để làm nổi bật những đức tánh đặc biệt của Sumana - người bán hoa, Đức Phật đã đi dọc theo những con đường chính bên trong thành phố gần 3 gāvuta đoạn đường. Vì thế toàn thân của Sumana tràn ngập năm loại hỉ (pīti).
Sumana đi theo Đức Phật chỉ một khoảng xa, như người nhảy xuống tắm trong một dòng sông, ông ta đi vào vùng chiếu sáng phát ra từ Đức Phật và sau khi tôn kính đảnh lễ Ngài, ông đi về nhà với cái giỏ không.
Về đến nhà, bà vợ bèn hỏi ông rằng: “ Hoa đâu rồi?” Ông ta đáp lại: “ Này em yêu, anh đã dâng cúng những bông hoa đến Đức Phật rồi.” Bà vợ lại hỏi: “ Còn việc dâng hoa đến đức vua thì sao?” Nhân đó, Sumana đáp rằng: “ Hãy để đức vua giết tôi nếu vị ấy muốn như vậy, hoặc đuổi tôi ra khỏi xứ sở, vì tôi đã chấp nhận hy sinh mạng sống của tôi để dâng những bông hoa ấy đến Đức Phật. Tám kunza hoa chỉ là tám nắm hoa, quả thật đã làm nên những điều kỳ diệu. (Ông ta kể lại chi tiết những điều đã thực sự xảy ra). Toàn thể một trăm tám chục triệu người bấy giờ đang đi theo đoàn người để tôn vinh Đức Phật, phát ra những lời tung hô vang dội, âm thanh mà em đang nghe là những lời khen ngợi của họ về việc phước của anh.” Như vậy, ông ta đã kể cho người vợ nghe câu chuyện với giọng nói hân hoan đầy mãn nguyện.
Bà vợ của Sumana vì quá ngu dốt và vô minh, chẳng khởi lên một chút vui thích nào trong sự thị hiện kỳ diệu về những oai lực của Đức Phật và đã mắng nhiếc chồng: “ Các vị vua vốn hung bạo và tàn nhẫn. Một khi ông chọc giận họ thời tay chân của ông sẽ bị chặt đứt. Tôi cũng có thể bị ảnh hưởng, bị họa lây bởi những việc làm của ông.” Vừa càu nhàu, bà ta dẫn theo những đứa con đến hoàng cung yết kiến đức vua.
Đức vua hỏi bà ta: “ Ngươi muốn kêu nài điều gì?” Bà ta tâu rằng: “ Tâu bệ hạ, chồng của tôi là Sumana, người bán hoa, đã dâng cúng Đức Phật tất cả số hoa để dâng lên bệ hạ như thường lệ và trở về với tay không. Khi hạ dân hỏi ông ta: ‘ Hoa đâu rồi?’ ông ta đã kể lại cho hạ dân nghe điều ông ta đã làm với số hoa ấy. Hạ dân đã mắng nhiếc ông ta bằng nhiều cách và nói rằng: ‘Các vị vua vốn rất thô bạo và nhẫn tâm, một khi ông đã chọc giận họ thì tay chân của ông sẽ bị chặt đứt. Tôi cũng có thể bị ảnh hưởng, bị họa lây bởi những việc làm của ông’. Sau khi cắt đứt quan hệ với ông ta, tôi đến đây cúi đầu dưới bệ rồng. Bất cứ điều gì mà ông ta đã làm, tốt hoặc xấu, đó là việc của ông ta, là trách nhiệm của ông ta. Hãy để ông ta đi theo những việc làm của ông ta, tất cả đều do ông ta, tâu bệ hạ, hạ dân đã từ bỏ người chồng ấy và hạ dân xin trịnh trọng tâu lên bệ hạ.”
Vua Bimbisāra đã chứng đắc quả thánh Dự lưu khi vị ấy gặp Đức Phật ở khu rừng thốt nốt gần kinh thành Rājagaha. Và vì thế, niềm tin của vị ấy đối với Đức Phật là bất động. Đức vua suy nghĩ: “ Người đàn bà này quả thật rất ngu dốt, bà ta không thể khởi tâm tịnh tín trú trong những oai đức kỳ diệu của Đức Phật” và giả bộ giận dữ, đức vua hỏi bà ta rằng: “ Này người đàn bà kia, ngươi vừa nói rằng ông chồng Sumana của ngươi đã dâng cúng tất cả số hoa dùng để dâng lên trẫm phải không?” “Đúng thế, hạ dân đã nói như vậy, tâu bệ hạ.” vợ của người bán hoa đáp lại.
Đức vua truyền phán: “ Này người đàn bà kia, ngươi đã làm đúng khi cắt đứt quan hệ với chồng của ngươi, và bây giờ trẫm sẽ xem xét nên dùng loại hình phạt nào dành cho chồng của ngươi vì đã dâng cúng đến Đức Phật số hoa dùng để dâng lên cho trẫm.” Rồi đức vua cho phép người đàn bà ra đi. Còn nhà vua thì vội vàng ra đi để đảnh lễ Đức Phật và nhập vào đoàn người đi theo Đức Phật suốt chặng đường Ngài đi qua.
Thấy vua Bimbisāra với vẻ đầy tôn kính, Đức Phật quyết định đi theo những con đường chính đông người bên trong thành phố và cuối cùng đi đến cổng hoàng cung. Nhà vua Bimbisāra thỉnh lấy bình bát từ tay của Đức Phật và dẫn đường, thỉnh Ngài đi vào hoàng cung, vị ấy lưu ý những biểu hiện của Đức Phật rằng Ngài muốn dừng lại ở sân triều ngay bên ngoài cung điện. Ngay lập tức, đức vua truyền lịnh cho dựng lên một giả ốc ở sân triều. Và Đức Phật cùng chúng tỳ khưu ngồi vào chỗ ngồi đã sắp trong giả ốc mới được dựng lên.
(Chú thích: có một câu hỏi cần nêu lên ở đây là “ Tại sao Đức Phật không đi vào cung điện?” Câu trả lời là: Đức Phật đã nghĩ rằng: Nếu Ngài đi vào cung điện thì 18 koti dân chúng sẽ không thể đảnh lễ Ngài và những đức tánh của Sumana, người bán hoa sẽ không được hiện bày. Đúng vậy, chỉ chư Phật mới có thể làm rạng rỡ những đức tánh của những người có giới đức. Những người bình thường thì cố gắng tôn vinh ở nơi tôn vinh xứng đáng khiến những người khác có tâm ganh tỵ).
Khi Đức Phật đi vào bên trong giả ốc và ngồi vào chỗ ngồi được dành sẵn cho Ngài, thì bốn bức màn hoa di chuyển đến chỗ sau cùng của đám đông ở bốn hương, mỗi bức màn hoa đứng như những vật hữu tình khác. Rồi mọi người kéo đến quanh Đức Phật để đảnh lễ Ngài. Và vua Bimbisāra tự tay dâng cúng vật thực thượng vị loại cứng và loại mềm đến các vị tỳ khưu có Đức Phật dẫn đầu. Sau khi bữa ăn đã xong, và Đức Phật đã thuyết pháp để tỏ sự tùy hỉ bởi phước bố thí vật thực ấy, thì bốn bức màn hoa trở lại chỗ cũ bao quanh Đức Phật ở bốn phía. Được vây quanh bởi 18 koti dân chúng và giữa những âm thanh vang dội của đám đông, Đức Phật trở lại tịnh xá Veḷuvana.
Trở về cung điện, sau khi tiễn Đức Phật ra về, vua Bimbisāra cho triệu Sumana đến và hỏi rằng: “ Tại sao những bông hoa dành cho trẫm lại được đem cúng dường đến Đức Phật?” Sumana đáp: “ Tâu bệ hạ, hạ dân đã dâng cúng những bông hoa ấy đến Đức Phật khi lập quyết tâm như vầy: Hãy để đức vua giết ta nếu vị ấy muốn như thế; hãy để vị ấy trục xuất ta ra khỏi xứ sở, ta sẽ dâng cúng những bông hoa này đến Đức Phật. Như vậy hạ dân đã hy sinh cả tánh mạng của mình để thực hiện một sự cúng dường.” Nhân đó, vua Bimbisaara nói những lời khen ngợi sau đây: “ Ngươi quả là một con người cao quý.” Rồi đức vua ban tặng cho Sumana tám con voi của hoàng gia, tám con ngựa của hoàng gia, tám người hầu nam, tám người hầu nữ, tám bộ y phục, tám ngàn đồng tiền vàng, cùng với tám thiếu nữ trang phục xinh đẹp và tám ngôi làng, gọi là sự ban thưởng tám món (sabbatthaka).
Sự kiện to lớn này đã khiến đại đức Ānanda tự hỏi là loại lợi ích nào Sumana sẽ có được từ việc phước của ông ta, được đánh dấu bằng những âm thanh vang dội khắp không trung như những tiếng gầm sấm sét của con sư tử chúa và bằng sự tung lên cao hằng ngàn chiếc khăn đội đầu của dân chúng từ lúc sáng sớm. Do đó đại đức đi đến Đức Phật và thỉnh cầu Ngài cho biết loại lợi ích nào mà Sumana sẽ thọ hưởng. Đức Phật nói với Ānanda rằng: “ Này Ānanda, con không nên nghĩ rằng người bán hoa Sumana đã thực hiện một sự cúng dường nhỏ nhoi! Trong việc cúng dường những bông hoa đến Như Lai, ông ta đã thực hiện sự bố thí mạng sống của chính ông ta với tâm tịnh tín dũng mãnh.”
Kappānaṁ satasahassaṁ duggatiṁ na gamissati thatva devamanussesu phalam etassa kammuno paccha Paccekasambuddho Sumano nāma bhavissati.
Do việc phước này của ông ta, (suốt một trăm ngàn kiếp), ông ta sẽ không bị tái sanh trong các cõi khổ. Ông ta sẽ luôn tái sanh trong các cõi chư thiên và nhân loại, thọ hưởng quả phước của ông ta và sẽ trở thành vị Bích Chi Phật trong tương lai.
Đây là lời tiên tri của Đức Phật Gotama để đáp lại lời thỉnh cầu của đại đức Ānanda.
(Chú thích: Khi về đến tịnh xá Veḷuvana, lúc Đức Phật đi vào hương phòng, thì những bông hoa lài rơi xuống ngập lối vào).
Vào buổi chiều hôm ấy, các vị tỳ khưu tụ họp tại Chánh pháp đường và bày tỏ sự cảm kích của họ đối với việc phước của Sumana và kết quả của nó, nói rằng: “ Thưa các hiền hữu, lợi ích mà Sumana đạt được do việc phước của ông ta làm quả thật là kỳ diệu, đáng được vỗ tay khen ngợi. Vị ấy đã dâng Đức Phật tám nắm hoa lài bất chấp đến mạng sống của mình, và vì thế ông ta đã được đức vua ban thưởng ngay thời điểm đó, phần thưởng tạo nên tám loại hữu hình lẫn vô hình.”
Đức Phật rời khỏi hương phòng và đi đến chánh pháp đường, và sau khi ngồi trên pháp tọa, Ngài hỏi rằng: “ Này các tỳ khưu, các thầy đang bàn luận đề tài gì vậy?” Tất cả họ đồng thanh trả lời về đề tài mà họ đang bàn luận. Rồi Đức Phật nói: “ Này các tỳ khưu, các vị đã nói đúng, không những làm một việc mà không cảm thấy hối tiếc thì nên thường xuyên thực hiện, mà còn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi trú tâm trong việc làm ấy. Một hành động có tánh chất như vậy quả thật nên làm.” Và liên quan đến vấn đề này, Ngài nói lên câu kệ sau đây để làm phương ngôn cho điều mà Ngài đã nói:
Tañca kammaṁ kataṁ sādhu yaṁ katvā nanutappati
yassa patito sumano vipākaṁ paṭsevati.
Sau khi hành động, người thực hiện không ân hận hối tiếc về việc làm ; người này chỉ thọ hưởng những kết quả của việc làm ấy bằng sự vui sướng hoan hỉ. Hành vi như vậy hoàn hảo, thiện lành và đáng làm.
Vào lúc kết thúc thời pháp, tám mươi bốn ngàn chúng sanh tỏ ngộ Niết bàn và chứng đắc giải thoát khỏi vòng đau khổ.
Chấm dứt câu chuyện về người bán hoa Sumana
Bài pháp gồm năm câu kệ này, bắt đầu bằng những từ, bahum ve yaranam yanti, v.v… được Đức Phật thuyết giảng khi Ngài đang ngụ ở Jetavana tịnh xá, liên quan đến vị ẩn sĩ có tên là Aggidatta, (trước kia là quốc sư của vua Kosala), khi ấy đang sống gần một gò cát.
(Chú thích : Ẩn sĩ Aggidatta đang sống gần một gò cát nằm giữa ba nước Anga, Magadha và Kuru, kế cận kinh thành Rājagaha. Điều ấy dường như là lý do khiến Sayagyi U Lin, người đầu tiên nhận lãnh công trình phiên dịch, đã đưa câu chuyện Aggidatta này vào bảng mục lục gồm những biến cố xảy ra khi Đức Phật an cư kiết hạ tại thành phố Rājagaha).
Bà-la-môn Aggidatta là quốc sư của vua Mahā Kosala, phụ vương của vua Pasenadi Kosala. Khi vua cha băng hà, vua Pasenadi Kosala đã giữ lại Aggidatta ở địa vị cũ làm quốc sư cho vị ấy, tôn trọng vị ấy như vị quốc sư của cha mình. Khi Aggidatta đến hoàng cung để làm các phận sự, vị ấy được đức vua đối đãi bằng sự tôn kính đúng mức và trao cho vị ấy cùng một địa vị trước kia.
Một hôm nọ, Aggidatta khởi lên ý nghĩ rằng: “ Đức vua Pasenadi Kosala rõ ràng đã đối xử với ta bằng sự tôn kính đúng mức, nhưng không dễ gì để khiến nhà vua chấp nhận vị quốc sư lâu dài. Điều tự nhiên là đức vua vốn thích các vị quan cố vấn cùng tuổi tác. Ta giờ đã quá già, đã đến lúc để ta sống cuộc đời của vị ẩn sĩ.”
Thế nên vị ấy xin phép đức vua và sau khi công bố quyết định của mình bằng cách cho người đánh trống rao truyền khắp kinh thành Sāvatthi, trong vòng bảy ngày vị ấy từ bỏ tất cả những sở hữu của mình để trở thành một vị ẩn sĩ ở ngoài giáo pháp của Đức Phật.
Mười ngàn người nam cũng đi theo và trở thành đệ tử của vị ấy. Họ trú ngụ tại một vùng nằm giữa ba nước Aṅga, Magadha và Kuru. Aggidatta với tư cách một đạo sư, đã ban lời giáo huấn đến hàng đệ tử như vầy: “ Này các đệ tử, nếu có ai khởi lên một trong những ý nghĩ sau: ý nghĩ về dục (kāma-vitakka), ý nghĩ về sân nhuế (vyāpāda-vitakka) và ý nghĩ làm hại kẻ khác (vihiṁā-vitakka), người ấy phải mang một bụm cát từ dưới sông và bỏ xuống đây.” Các đệ tử đã hứa nguyện sẽ làm đúng điều luật của đạo sư của họ. Và cứ mỗi lần họ nhận thấy một bất thiện tầm nào đó như dục tầm (kāma-vitakka), v.v… khởi sanh trong tâm của họ, thì họ tự trừng phạt mình như đã hứa, bằng cách hốt một bụm cát từ dưới sông và bỏ xuống nơi đã định sẵn. Thời gian qua, đống cát trở thành một gò cát khổng lồ.
Gò cát sau đó bị chiếm hữu bởi con rồng chúa Ahichatta. Dân chúng từ ba nước Aṅga, Magadha và Kuru mỗi tháng thường đi đến mang theo lễ vật dành cho các vị ẩn sĩ. Rồi Ẩn sĩ Aggidatta giáo huấn các tín đồ: “ Này các đệ tử, hãy đi đến các đồi núi để nương tựa, hãy đi đến các rừng cây để nương tựa. Hãy đi đến các lâm viên để nương tựa. Hãy đi đến các đại thọ để nương tựa. Nếu các người nương tựa nơi đồi núi, nơi rừng cây, nơi lâm viên và nơi các đại thọ, thì các người sẽ thoát khỏi tất cả đau khổ.” Vị ấy cũng ban lời giáo huấn như vậy đến mười ngàn ẩn sĩ đệ tử.
Aggidatta được nhiều người biết đến qua sự thuyết giảng các pháp hành sai trái vào lúc Bồ tát còn là Thái tử Siddhattha, sau khi từ bỏ thế tục rồi chứng đắc quả vị Phật và đang trú ngụ ở tịnh xá Jetavana tại Sāvatthi. Vào lúc sáng sớm, khi Ngài dò xét thế gian để xem những chúng sanh nào hữu duyên nên tế độ, Ngài nhìn thấy ẩn sĩ Aggidatta cùng với mười ngàn đệ tử của vị ấy. Khi ấy Đức Phật biết rằng tất cả họ đều có đầy đủ cận y duyên (upanissaya) để chứng đắc đạo quả A-la-hán. Bởi vậy Ngài chỉ dạy đại đức Moggallāna rằng: “ Này con Moggallāna, tại sao con không thấy ẩn sĩ Aggidatta đang khiến mọi người đi theo tà đạo, là con đường không bao giờ dẫn họ đến bờ bên kia của Niết bàn. Nào, con hãy đi đến những vị ẩn sĩ này để giáo hóa họ.”
Đại đức Moggallāna đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn, số lượng những vị ẩn sĩ này rất lớn. Họ có thể không sẵn sàng chấp nhận những lời giáo huấn của riêng con. Nếu Đức Thế Tôn cũng đi đến đó, thì họ sẽ sẵn sàng nghe theo lời giáo huấn của Đức Thế Tôn.” Nhân đó, Đức Thế Tôn đáp lại rằng: “Chúng ta sẽ đi đến đó. Nhưng con hãy đi trước để giáo hóa họ.”
Đại đức Moggallāna làm theo lời chỉ dạy của Đức Phật và khi đang đi, vị ấy suy nghĩ: “ Số những vị ẩn sĩ này rất đông và mạnh, mọi cố gắng để giáo hóa họ khi họ ở chung một chỗ sẽ khiến họ đồng loạt chống lại ta.” Bởi vậy, đại đức dùng thần thông tạo ra một cơn mưa lớn trút xuống. Kết quả là các ẩn sĩ ra khỏi chỗ ngụ chung, chạy vào những chỗ ngụ riêng của họ.
Rồi đại đức Mahā Moggallāna đứng trước lối vào chỗ ngụ của Aggidatta và gọi vị ẩn sĩ bằng tên “Này Aggidatta.” Khi nghe giọng nói của đại đức Mahā Moggallāna, Aggidatta tự hỏi không biết ai đã gọi đích danh mình, vì không có ai trong thế gian này có thể gọi vị ấy như vậy. Tức giận vì tự ái, vị ấy gắt gỏng đáp lại: “Ai đang gọi ta bằng tên của ta vậy?” Đại đức Mahā Moggallāna trả lời: “ Tôi đây, Bà-la-môn Aggidatta.” “ Người muốn nói gì?” Aggidatta đáp lại. Đại đức Mahā Moggallāna lịch sự đáp lại: “ Tôi muốn ông chỉ cho tôi một chỗ để tôi có thể trú ngụ qua đêm.” Aggidatta trả lời cộc lốc: “Chẳng còn chỗ trống nào dành cho ông. Mỗi phòng đều có người ở.”
Rồi đại đức Moggallāna nói: “Này ông Aggidatta, theo lệ thường thì loài người đi đến chỗ ngụ của loài người, trâu bò đi về chỗ ngụ của trâu bò và Sa-môn đi đến chỗ ngụ của Sa-môn. Hãy đừng nói với tôi như thế. Hãy chỉ cho tôi một chỗ ngụ để nghỉ tạm qua đêm.” Rồi ẩn sĩ hỏi: “Ông có phải là Sa-môn chăng?” “Phải, tôi là Sa-môn, ”đại đức Mahā Moggallāna đáp lại. Rồi Aggidatta chất vấn : “Nếu ông là Sa-môn thì các vật dụng Sa-môn của ông đâu?” Đại đức Mahā Moggallāna đáp lại: “Này ông bà-la-môn, tôi có những vật dụng của Sa-môn, nhưng nghĩ rằng nó cồng kềnh không tiện mang theo trong lúc đi lại, nên tôi đã mang theo chúng ở trong người tôi.” Aggidatta rất bực tức khi thấy đại đức Mahā Moggallāna đi lại mà không có những vật dụng cần thiết của vị Sa-môn.
Biết rõ tâm của vị ẩn sĩ này, đại đức Mahā Moggallāna nói rằng:“ Này Aggidatta, đừng cáu giận với tôi. Hãy chỉ cho tôi một chỗ nghỉ.” Aggidatta trả lời cụt ngủn: “ Không có chỗ nào dành cho ông ở quanh đây.” Khi đưa ngón tay chỉ về đống cát, đại đức Mahā Moggallāna nhẫn nại dò hỏi: “Ai sống ở đống cát kia vậy?” “Một con rồng chúa,” Aggidatta đáp. “ Vậy thì hãy cho tôi chỗ đó,” đại đức Mahā Moggallāna nài nỉ. Vị ẩn sĩ thận trọng đáp lại: “ Tôi không dám chỉ định chỗ đó cho ông. Con rồng chúa bản tánh hung dữ, đáng sợ.” Đại đức Mahā Moggallāna đáp lại: “Cứ vậy đi, đừng lo chuyện đó, ông chỉ cần cho tôi chỗ đó là được.” “Nếu vậy, ông hãy tự lo cho mình xem chỗ đó có thích hợp để trú ngụ hay không?” Aggidatta đáp. Rồi đại đức Mahā Moggallāna đi đến đống cát và khi con rồng chúa Ahichatta bắt gặp vị ấy, nó tự nghĩ: “ Vị Sa-môn này xem ra không biết sự hiện diện của ta ở đây. Ta sẽ tống khứ vị ấy đi bằng cách phun ra những luồng khói.” Với ý nghĩ này, rồng chúa bắt đầu phun ra những đám khói có hơi độc dày đặc. Đại đức Mahā Moggallāna suy nghĩ: “ Con rồng chúa này đã tự đánh giá mình quá cao, nghĩ rằng không ai khác có thể phun ra những luồng khói như vậy.” Do đó, vị ấy cũng bắt đầu phun ra những luồng khói và khi những luồng khói của hai bên nhập lại, chúng bốc cao thấu đến cõi trời Phạm thiên. Những luồng khói khổng lồ do cả hai bên phun ra đã gây nhiều đau đớn và khó chịu cho rồng chúa Ahichatta trong khi đại đức Mahā Moggallāna vẫn bình an vô sự.
Bị đau đớn do tác động của những luồng khói, rồng chúa trở nên hung dữ đến nỗi nó đã phun ra những luồng lửa đỏ rực. Bằng cách nhập vào tứ thiền đề mục lửa, đại đức Mahā Moggallāna cũng phun ra những luồng lửa dữ dội hơn. Những đám lửa do cả hai bên tạo ra bốc cao thấu đến cõi trời Phạm thiên, nhưng chúng không tác hại chút nào đến đại đức Mahā Moggallāna trong khi rồng chúa Ahichatta thì chịu nhiều đau đớn. Toàn thân của nó tựa như đang bị khối lửa thiêu đốt. Khi thấy đám cháy khổng lồ, ẩn sĩ Aggidatta và mười ngàn đệ tử của ông ta đã kết luận sai lầm rằng: “ Rồng chúa ắt đã đốt cháy vị Sa-môn rồi, vị ấy giờ đây đã bị tiêu diệt hoàn toàn vì không nghe lời khuyên của chúng ta. Thật đáng đời vị ấy.”
Sau khi đã chiến thắng rồng chúa và nhiếp phục tánh tự cao của nó, đại đức Mahā Moggallāna ngồi trên đống cát trong khi đó rồng chúa quấn mình quanh đống cát, mang của nó che trên đầu đại đức Mahā Moggallāna như căn nhà mái có đỉnh nhọn xinh đẹp.
Vì muốn biết ngay số phận của vị Sa-môn, các vị ẩn sĩ đi đến đống cát và trông thấy đại đức Mahā Moggallāna đang ngồi ung dung trên đỉnh của đống cát. Họ không thể nào không chấp tay để tỏ sự tôn kính đến đại đức Mahā Moggallāna và sau khi nói lời ca ngợi vị ấy bằng nhiều cách, họ hỏi: “ Thưa ngài Sa-môn, phải chăng ngài không bị đau đớn gì do rồng chúa gây ra?” Rồi đại đức Mahā Moggallāna trả lời: “Các vị không thấy rồng chúa đang nằm bên cạnh với mang của nó giương ra như cái lọng trắng che trên đầu tôi đó chăng?” Các ẩn sĩ thốt ra những lời nói đầy kinh ngạc: “Này các bạn, đây quả là điều kỳ diệu đáng vỗ tay khen ngợi! Vị Sa-môn đã nhiếp phục rồng chúa hùng mạnh như thế. Thật là kỳ diệu!” Rồi họ đứng quanh đại đức Mahā Moggallāna theo từng nhóm.
Ngay khi ấy, Đức Phật đi đến, đại đức Mahā Moggallāna đứng dậy rời chỗ ngồi và đảnh lễ Ngài. Các vị ẩn sĩ hỏi vị ấy: “Có phải vị Sa-môn này nhiều oai lực hơn ngài?” “ Vị đại Sa-môn này có đầy đủ sáu lực, là đạo sư của tôi, tôi chỉ là đệ tử của người,” đại đức Mahā Moggallāna trả lời.
Đức Phật ngồi vào đống cát; các vị ẩn sĩ vây quanh, chấp tay nói lời tán dương:“Vị Sa-môn đã chinh phục rồng chúa chỉ là một đệ tử. Không biết đạo sư của vị ấy hùng mạnh đến dường nào?” Rồi Đức Phật gọi Aggidatta và hỏi vị ấy: “ Ông đã giáo huấn các đệ tử và tín đồ của ông như thế nào?”
Aggidatta đáp lại: “Kính bạch Đức Phật, con đã giáo huấn cho họ như thế này: ‘Này các đệ tử, hãy đi đến các đồi núi để nương tựa, hãy đi đến các rừng cây để nương tựa, hãy đến các lâm viên để nương tựa, hãy đi đến các đại thọ để nương tựa. Nếu các người nương tựa nơi đồi núi, nơi rừng cây, nơi lâm viên và nơi các đại thọ, thì các người sẽ thoát khỏi tất cả đau khổ.’” Khi nghe câu trả lời thành thật này, Đức Phật dạy rằng :
“ Này Aggidatta, người nương tựa nơi đồi núi, rừng rậm, lâm viên, cây cối không thể thoát khỏi đau khổ. Thực tế thì người nương tựa nơi Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng mới thoát khỏi tất cả đau khổ của vòng sanh tử.” Rồi Ngài tiếp tục thuyết giảng con đường chân thực thoát khỏi đau khổ bằng năm câu kệ sau đây:
(1) Bahum ve saranaṃ yanti pabbatāni vanāni ca ārānarukkhacetyyāni manussā bhayatajjitā.
Này Aggidatta, con người do sợ hãi mà đến nương tựa nơi các núi cao như núi Isigili, núi Vepulla, núi Vebbara, v.v… hoặc trong các khu rừng như Mahavana, Gosinga, rừng cây Chiên đàn, v.v… hoặc trong các khu lâm viên như Veluvana, vườn xoài Jivaka, v.v… và nơi các đại thọ như thọ miếu Udena, thọ miếu Gotama, v.v... Tất cả những chỗ này không thể được xem là nơi nương tựa và phương tiện bảo vệ tránh khỏi mọi điều nguy hại.
(2) Netaṁ kho saranaṁ khemaṁ netaṁ saranamuttamaṁ netaṁ saranamāgamma sabbadukkhā pamuccati.
Này Aggidatta, những núi cao, rừng rậm, khu vườn hoặc đại thọ không phải là những nơi nương tựa an toàn, vô hại. Chúng không phải là nơi nương tựa tốt nhất, cao nhất. Bằng việc nương tựa nơi núi cao rừng rậm, khu vườn hoặc đại thọ, người ta không thể có được sự giải thoát khỏi vòng đau khổ triền miên.
(3) Yo ca Buddhañca Dhammañca Sanghañca saranaṁgato cattari Ariyasaccāni sammappaññādya passati.
(4) Dukkhaṁ dukkhasamuppādaṁ dukkhassa ca atikkammaṁ Ariyaṁ caṭṭhañgikaṁ maggaṁ dukkhūpasamagāminaṁ.
Này Aggidatta, bất cứ người nào dù xuất gia hay tại gia mà nương tựa nơi Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng như là nơi trú ẩn an toàn, (với đức tin thanh tịnh trong sáng nơi Tam Bảo, với tâm xuất thế gian - lokuttara saranagamana cittuppada). Bất cứ người nào, dù xuất gia hay tại gia mà qua tuệ quán giác ngộ đúng đắn Tứ thánh đế gồm : Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế dẫn đến chấm dứt đau khổ, tức là Bát thánh đạo gồm : Chánh kiến, Chánh tư duy, v.v…
(5) Etaṁ saranaṁ khemaṁ etaṁ sarana muttamaṁ etaṁ saranamāgamma sabbadukkhā pamuccati.
Này Aggidatta, chỉ sự quy y của người có thánh căn với đức tin sâu đậm trong Tam Bảo, mới gọi là quy y an toàn, không nguy hại. Chỉ sự quy y của người có thánh căn như vậy, với đức tin sâu đậm trong Tam bảo, hình thành sự quy y tốt nhất, cao nhất. Chỉ sự quy y của người có thánh căn như vậy, với đức tin sâu đậm nơi Tam Bảo, mói có thể đem lại sự giải thoát khỏi vòng đau khổ triền miên.”
Vào lúc kết thúc thời pháp, tất cả mười ngàn ẩn sĩ đều chứng đắc đạo quả A-la-hán với Tứ-vô-ngại-giải trí. Họ đảnh lễ Đức Phật và xin phép được thọ cụ túc giới. Nhân đó, Đức Phật đưa ra bàn tay vàng óng từ dưới chéo y của Ngài và gọi đến : “ Etha bhikkhave, caratha brahmacariyam…hãy đến, này các tỳ khưu, hãy cố gắng thọ trì các pháp hành của bậc thánh…”
Ngay khi ấy, tất cả các ẩn sĩ, vị lãnh đạo và những đệ tử của ông ta, tức thì trở thành những vị tỳ khưu cụ túc giống như những vị trưởng lão sáu mươi hạ, y vàng đủ bộ với đầy đủ tám món vật dụng, đang thành kính cúi đầu đảnh lễ Đức Phật.
Ngày hôm ấy tất cả các ẩn sĩ đều trở thành những vị thiện lai tỳ khưu ngẫu nhiên đúng ngày mà dân chúng từ ba nước Anga, Magadha và Kuru quy tụ về chỗ ngụ của các vị ẩn sĩ mang theo các lễ vật đến cúng dường các vị thầy ẩn sĩ của họ. Khi họ trông thấy các vị ẩn sĩ mang tướng mạo các vị tỳ khưu, họ tự hỏi: “Làm sao thế, đạo sư Aggidatta của chúng ta lớn hơn đại Sa-môn Gotama hay đại Sa-môn Gotama lớn hơn đạo sư của chúng ta?”
Đức Phật biết rõ những ý nghĩ khởi lên trong tâm của dân chúng và Ngài bảo Aggidatta: “Này con Aggidatta, con hãy đoạn trừ hoài nghi trong tâm của những tín đồ của con.” Aggidatta đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn, con cũng có ý định như vậy.” Và khi nói vậy, vị ấy bay lên không trung rồi đáp xuống bảy lần như vậy. Và sau đó vị ấy đứng chấp tay tôn kính hướng về Đức Phật mà công bố rằng: “ Satta me bhante Bhagava, savakohamasm - Bạch Đức Thế Tôn, Ngài là thầy của con, con chỉ là đệ tử của Ngài.” Nhờ đó mà đoạn trừ hoài nghi trong tâm của những tín đồ của vị ấy.
Chấm dứt câu chuyện về ẩn sĩ Aggidatta
Bài pháp này bắt đầu bằng những từ “Mase mase kusaggena”do Đức Phật thuyết giảng trong khi Ngài đang ngụ ở tịnh xá Veḷuvana ở Rājagaha, liên quan đến đạo sĩ lõa thể Jambuka.
Vào thời kỳ của Đức Phật Kassapa, có một trưởng giả tại một ngôi làng xây dựng một tịnh xá cho một vị tỳ khưu. Ông thường xuyên cúng dường vật thực, y phục, tịnh xá và thuốc chữa bịnh, gọi là bốn món vật dụng của vị tỳ khưu, đến vị tỳ khưu thường trú ấy. Vị tỳ khưu thường trú ấy thường đến nhà vị trưởng giả để thọ thực mỗi ngày.
Một hôm có một vị trưởng lão tỳ khưu là bậc A-la-hán, khi đang khất thực, đã đến tại cửa nhà của vị trưởng giả. Vị trưởng giả rất hoan hỉ với oai nghi tướng mạo của vị tỳ khưu này và vì thế ông ta đã mời trưởng lão vào nhà và dâng cúng vật thực với sự tôn kính sâu đậm, rồi ông ta nói rằng: “ Bạch ngài, xin hãy thọ nhận tấm vải này để làm y sau khi nhuộm và khâu may, tóc của ngài cũng đã dài cần được cạo, con sẽ đem đến một người thợ cạo và một cái giường dành cho ngài đến tại tịnh xá.”
Vị tỳ khưu thường trú trông thấy cách cúng dường của ông thí chủ đến vị tỳ khưu A-la-hán rất mực tôn kính. Ngay tức thì bất thiện tâm khởi sanh trong vị ấy, vị ấy ganh tỵ với những vật cúng dường đến vị A-la-hán tỳ khưu (lābha-macchariya) và cũng ganh tỵ với dòng dõi cao hơn của vị ấy (kula-macchariya). Vị ấy cảm thấy bị thương tổn và nghĩ rằng: “ Vị trưởng giả này đã tỏ sự tôn kính nhiều hơn đến vị tỳ khưu mà ông ta mới gặp so với ta là người thường xuyên đến nhà ông ta để thọ thực mỗi ngày.” Vị tỳ khưu ấy trở về tịnh xá trong tâm trạng đầy sân hận.
Vị tỳ khưu khách, vốn là bậc A-la-hán, đi theo vị tỳ khưu thường trú đến tịnh xá. Vị ấy nhuộm và mang tấm vải do vị trưởng giả dâng cúng và ngồi xuống đắp nó vào người. Khi vị trưởng giả đi đến dẫn theo người thợ cạo để cạo tóc cho vị tỳ khưu A-la-hán, vị trưởng giả đặt xuống cái khung giường mà ông ta đã mang đến và thỉnh vị tỳ khưu A-la-hán nghỉ trên đó. Rồi sau khi thỉnh cả hai vị tỳ khưu đến nhà ông ta để thọ thực vào ngày hôm sau, ông ta trở về nhà.
Vị tỳ khưu thường trú khởi ác tâm với vị tỳ khưu khách đến nỗi vị ấy đi đến chỗ nghỉ của vị tỳ khưu A-la-hán và trút cơn giận của vị ấy bằng những lời rất xúc phạm.
(1) Này ông khách kia, tốt hơn ông nên ăn phẩn hơn là ăn vật thực được dâng cúng tại nhà của vị trưởng giả, là thí chủ dâng cúng tịnh xá của tôi.
(2) Tốt hơn ông nên nhổ tóc của ông bằng vỏ ngoài của hạt thốt nốt hơn là cạo tóc bằng con dao của người thợ cạo do thí chủ dâng cúng tịnh xá của tôi đem đến.
(3) Tốt hơn ông nên đi lại trong thân hình lõa thể hơn là mặc y do thí chủ dâng cúng tịnh xá của tôi dâng cho ông.
(4) Tốt hơn ông nên ngủ trên đất hơn là nằm trên giường do thí chủ dâng cúng tịnh xá của tôi dâng cho ông.
Vị Đại trưởng lão A-la-hán (arahant-bhikkhu) rời khỏi tịnh xá vào lúc sáng sớm để tìm một chỗ ngụ an lạc, bỏ qua sự thỉnh mời thọ thực của vị trưởng giả, với ý nghĩ rằng: “Mong sao chẳng có điều không hay xảy đến với vị tỳ khưu ngu si.”
Vị tỳ khưu thường trú đã thức dậy rất sớm để làm tất cả công việc thường ngày trong tịnh xá, và khi đã đến giờ đi khất thực, vị ấy suy nghĩ: “ Vị khách lười biếng vẫn còn ngủ, ta có thể gõ chuông để đánh thức vị ấy dậy.” (Nhưng vị ấy cảm thấy không muốn vị khách thức dậy khi nghe tiếng chuông), nên chỉ dùng móng tay gõ nhẹ vào cái chuông rồi bỏ đi vào làng để thọ lãnh vật thực. Sau khi bày dọn tươm tất mọi thứ cho buổi lễ cúng dường vật thực, vị trưởng giả dâng cúng tịnh xá chờ đợi hai vị tỳ khưu đến. Khi trông thấy vị tỳ khưu thường trú đến một mình, ông ta hỏi rằng: “Bạch đại đức, vị đại trưởng lão khách đâu rồi?” Vị tỳ khưu kia đáp lại: “Đừng nói về vị ấy, này ông chủ? Vị tỳ khưu của ông đã đi vào phòng để ngủ từ khi ông rời khỏi tịnh xá lúc chiều hôm qua và đã không thức dậy trong khi tôi quét dọn tịnh xá, và châm nước vào cái lu chứa. Vị ấy cũng không nghe tiếng chuông mà tôi đã đánh khi đến giờ đi khất thực.”
Vị trưởng giả thí chủ tự nghĩ: “Thật vô lý, là một nhân vật đáng kính như vậy với tác phong đáng ngưỡng mộ lại ngủ lâu như vậy. Vị tỳ khưu thường trú này, do ganh tỵ khi thấy ta tỏ sự tôn kính lớn và lịch sự đến vị tỳ khưu khách chắc đã nói những lời xúc phạm đến vị ấy.” Sau khi suy nghĩ như vậy, vì là người thông minh, có trí, ông ta duy trì những ý nghĩ ấy và cúng dường vật thực một cách tôn kính đến vị tỳ khưu. Sau khi bữa ăn đã xong, ông ta lấy cái bát không của vị tỳ khưu thường trú, sai người rửa sạch nó rồi bỏ đầy vật thực thượng vị. Sau đó ông ta trao bát vật thực cho vị tỳ khưu thường trú với lời yêu cầu: “Bạch đại đức, xin ngài hoan hỉ cho vật thực này đến vị tỳ khưu khách khi ngài gặp vị ấy.”
Trở về tịnh xá mang theo vật thực dành cho vị tỳ khưu A-la- hán, vị tỳ khưu thường trú có tâm ganh tỵ đã khởi lên ý nghĩ tà vậy: “ Vị khách lười biếng sẽ tiếp tục ở lại tịnh xá nếu vị ấy được ăn vật thực ngon như thế này.” Bởi vậy vị ấy quăng bỏ số vật thực do vị thí chủ tịnh xá dâng cúng. Khi về đến chỗ mà vị tỳ khưu khách ở, vị ấy tìm kiếm vị tỳ khưu A-la-hán, nhưng ngài không còn ở đó nữa.
Nghiệp ác của vị tỳ khưu ganh tỵ chống lại vị tỳ khưu A-la-hán (là sự huỷ hoại vật thực cúng dường dành cho bậc A-la-hán) trầm trọng đến nỗi những ảnh hưởng xấu của nó đã lấn lướt những phước đức phát sanh suốt hai chục ngàn năm tu hành của vị tỳ khưu kia. Kết quả là sau khi chết, vị ấy bị đọa xuống địa ngục A-tỳ (mahā avici) để thọ lãnh đau đớn cùng cực suốt thời gian dài giữa hai vị Phật, sau khi Đức Phật Kassapa nhập diệt cho đến khi Đức Phật Gotama xuất hiện. Sau khi trải qua thời gian khổ hình lâu dài như vậy, vị ấy tái sanh vào một gia đình có dồi dào vật thực tại Rājagaha trong thời kỳ của Đức Phật Gotama.
Vị ấy được cha mẹ đặt tên là Jambuka. Jambuka không muốn ngủ trên giường từ khi cậu ta biết đi, và thay vì ăn vật thực như mọi người thì cậu ta tiếp tục ăn phẩn của chính mình. Cha mẹ và quyến thuộc của cậu ta đầu tiên nghĩ rằng sở dĩ cậu ta làm như vậy vì bản tánh ngu si của con nít và cố gắng giúp cậu ta đi vào cuộc sống tốt hơn, chịu khó hầu hạ cơm nước và tắm rửa cho cậu ta. Nhưng ngay khi cậu ta lớn khôn, cậu ta cũng không muốn mặc áo quần, sống trần truồng như vậy, ngủ trên đất và ăn phẩn của chính mình.
Cha mẹ của Jambuka sau đó bắt đầu nhận ra rằng: “Cậu ta không thích hợp để sống trong một gia đình danh giá như gia đình của họ, cậu ta không biết hỗ thẹn và nên sống chung với các vị Ajivaka, một giáo phái ngoại đạo.” Bởi vậy, họ đưa cậu ta đến tịnh xá của các vị Ajivaka và giao cậu ta cho họ trông coi.
Rồi các vị Ajivaka tiến hành việc xuất gia bước đầu cho Jambuka và sau đây là bài mô tả về cách thức xuất gia của Jambuka.
Vị ấy được đặt trong một cái hố sâu ngang cổ, rồi những tấm ván được đặt vào che lấp miệng hố, chỉ chừa lại cái đầu của vị ấy (để vị ấy không thể vùng vẫy thoát ra ngoài). Ngồi trên những tấm ván, các vị Ajivaka bắt đầu nhổ tóc của Jambuka (đây là cách thức mà các vị Ajivaka truyền phép xuất gia sa-di cho một chàng trai). Rồi cha mẹ của Jambuka ra về sau khi mời họ đến nhà để thọ thực vào sáng hôm sau.
Ngày hôm say, các vị Ajivaka bảo Jambuka: “Hãy ra đây, chúng ta sẽ đi vào làng.” Vị ấy đáp lại: “ Các ngài hãy đi đi, còn tôi sẽ ở lại tịnh xá.” Sau nhiều cố gắng để thuyết phục vị ấy đi theo nhưng thất bại, họ bỏ vị ấy ở lại một mình và đi vào làng. Một khi Jambuka biết rõ họ đã đi rồi, thì vị ấy dở những tấm ván đậy nhà xí lên, rồi đi vào hố xí dùng hai bàn tay bốc lấy phẩn để ăn đến no bụng.
Các vị Ajivaka (vì không biết rõ sự thực), đã gởi vật thực từ xóm về cho vị ấy. Nhưng vị ấy không thích vật thực và đã từ chối nó mặc cho các vị Ajivaka khuyên bảo, thuyết phục vị ấy. Câu trả lời của vị ấy là: “Tôi không muốn những thứ này. Tôi đã có đủ vật thực (vihara) dành cho tôi rồi.” Khi vị ấy được hỏi: “ Ngươi nhận chúng từ đâu?” Vị ấy đáp lại: “ Từ bên trong khuôn viên của tịnh xá này.” Ngày thứ hai, thứ ba và thứ tư cũng trôi qua như thế, Jambuka từ chối lời mời đi ra ngoài để thọ lãnh vật thực, chỉ ở lại một mình trong tịnh xá.
Các vị Ajivaka bắt đầu thắc mắc liệu Jambuka đã xoay xở như thế nào: “ Vị Jambuka này cứ từ chối mỗi ngày đi vào xóm, từ chối vật thực được gởi đến cho vị ấy, mà nói rằng vị ấy kiếm vật thực cho mình từ bên trong khuôn viên của tịnh xá. Vị ấy có khả năng gì ? Chúng ta sẽ phải điều tra.” Rồi họ quyết định để lại một hoặc hai vị đồng đạo để thăm dò động tịnh của Jambuka. Khi họ đi vào thôn xóm, những vị được giao trách nhiệm điều tra họ giả bộ đi theo nhóm các vị Ajivaka, nhưng lén quay trở lại để thăm dò Jambuka. Khi cho rằng tất cả những vị Ajivaka đã đi vào làng, Jambuka đi xuống hố xí giống như những ngày trước và ăn phân.
Jambuka bị bắt quả tang bởi những người bí mật điều tra và vấn đề được trình lên các vị trưởng bối. Các vị trưởng bối sau khi nghe lời tường trình, họ xì xào: “Hành động của Jambuka thật là tệ hại. Nếu những đệ tử của Sa-môn Gotama biết được sự việc này, chắc chắn họ sẽ chê bai chúng ta là bộ lạc du cư gồm những kẻ ăn phẩn, lại tổn hại nhiều cho sự tôn nghiêm của chúng ta. Cậu ta không còn thích hợp để ở lại với chúng ta.” Khi nói vậy, họ nhất trí trục xuất cậu ta ra khỏi tập thể của họ.
Vì bị các vị Ajivaka trục xuất, Jambuka đi đến sống ở gần một tảng đá to bên cạnh chỗ mà dân cư của kinh thành Rājagaha dùng làm hố xí công cộng. Cũng có một cái ống lớn dẫn chất thải nằm kế cận tảng đá to ấy. Dân chúng thường đến đại tiểu tiện ở sau tảng đá lớn che chắn ấy. Jambuka ăn phẩn vào ban đêm, và khi mọi người đến đại tiểu tiện vào ban ngày, thì vị ấy đứng với một tay vịn vào tảng đá và một chân gác trên đầu gối của chân kia, đầu thẳng và miệng hả ra.
Những người đến vệ sinh ở đó khi trông thấy vị ấy, họ đi đến và hỏi rằng: “Kính thưa ngài, tại sao ngài đứng như thế này với miệng hả ra vậy?” “Tôi sống bằng gió, không có vật thực nào khác dành cho tôi ngoài gió.” Vị ấy mạnh dạn trả lời. Mọi người tiếp tục hỏi: “Kính thưa ngài, tại sao ngài chỉ đứng một chân, với chân này gác lên trên đầu gối của chân kia?” “Ta là người thực hành pháp khổ hạnh. Nếu ta đứng bằng cả hai chân chạm đất thì quả đất sẽ không thể chịu nổi những oai lực và đức độ của ta và sẽ rung chuyển dữ dội. Đó là lý do khiến ta đứng trong tư thế này. Sự thực thì, vì quả đất rung chuyển nên ta đã phải đứng một chân cả ngày lẫn đêm, không ngồi, không nằm ngủ.” Jambuka đáp lại với giọng điệu phô trương ngông cuồng.
(Theo thói thường thì người ta sẵn sàng chấp nhận những gì kẻ khác nói, chỉ hơi thắc mắc một chút là liệu nó có thực không). Bởi vậy họ thán phục nói rằng: “ Ôi, kỳ diệu thật! Trong thế gian này có những nhân vật như thế thực hành các pháp khổ hành. Trước kia chúng ta chưa bao giờ thấy những nhân vật có những pháp hành khắc khe khổ hạnh như vậy.” Một số đông người từ Aṅga và Magadha lấy làm cảm kích và kinh ngạc do nghe tin về những pháp hành khổ hạnh của Jambuka, đã lũ lượt kéo đến mang theo những lễ vật cúng dường vị ấy và tiếp tục lễ bái cúng dường vị ấy hằng tháng.
Jambuka tiếp tục từ chối vật thực tốt và ngon của mọi người dâng cúng, khăng khăng nói rằng: “Ta chỉ sống bằng không khí. Ta không dùng vật thực nào khác. Nếu ta ăn cái gì khác ngoài không khí tức là ta đã phá hỏng pháp hành của ta.” Mọi người van nài vị ấy, nói rằng: “Kính thưa ngài, xin ngài đừng từ chối cơ hội tạo phước của chúng tôi. Giá mà có một nhân vật như ngài, tiến sâu trong các pháp hành khổ hạnh, mà thọ lãnh vật cúng dường của chúng tôi, thì sự thịnh vượng và hạnh phúc của chúng tôi sẽ tăng trưởng lâu dài.” Jambuka không thích bất cứ loại vật thực nào ngoài phẩn, nhưng bị nài ép bởi những lời cầu khẩn tha thiết của mọi người, vị ấy bắt buộc nếm những vật thực như bơ và mật đường mà dân chúng đem đến, nhận lấy chúng bằng đầu của cọng cỏ Kusa, chỉ để làm thỏa mãn họ mà thôi. Rồi vị ấy giải tán họ bằng cách nói rằng: “Bây giờ, các người có thể đi. Bấy nhiêu đây cũng đủ để đem lại lợi ích to lớn cho các người rồi.”
Như vậy Jambuka phải lãnh chịu hậu quả của ác nghiệp xúc phạm bậc A-la-hán, phải chịu khổ suốt năm mươi lăm năm bằng bốn cách sau :
(1) Vị ấy không mặc y phục.
(2) Vị ấy không ăn gì khác ngoài phẩn.
(3) Vị ấy phải dùng vỏ của trái thốt nốt để nhổ tóc mình.
(4) Vị ấy ngủ trên đất.
Vào lúc sáng sớm mỗi ngày, chư Phật thường dò xét khắp thế gian để xem ai có đủ căn duyên để giải thoát khỏi vòng luân hồi. Đức Phật của chúng ta cũng vậy, vào một buổi sáng sớm nọ, Ngài dò xét thế gian và trông thấy Jambuka. Khi suy xét thêm, Ngài nhận ra rằng Jambuka đã tích lũy những việc phước và chính những việc phước ấy làm cận y duyên cho sự chứng đắc đạo quả A-la-hán (arahatta-phala) của vị ấy, kèm theo Tứ-vô-ngại-giải trí (patisambhida-ñāṇa). Ngài biết rằng Ngài sẽ phải thuyết một bài pháp bằng kệ đến đạo sĩ lõa thể Jambuka, và thời pháp của Ngài cũng sẽ đem lại sự tỏ ngộ Tứ Diệu Đế cho tám chục ngàn chúng sanh, giúp họ giải thoát khỏi vòng đau khổ. “Do con người Jambuka này mà hằng ngàn chúng sanh sẽ đạt được hạnh phúc.” Do vậy, sau khi đi khất thực quanh kinh thành Rājagaha, Ngài báo tin với đại đức Ānanda rằng: “ Này con Ānanda, Như Lai sẽ đi gặp Jambuka.”
“Bạch Đức Thế Tôn, phải chăng Ngài một mình đi đến đó,” đại đức Ānanda hỏi. “ Đúng vậy, này Ānanda, Như Lai sẽ đi một mình.” Đức Phật đáp lại rồi đi đến chỗ của Jambuka vào chiều hôm ấy.
Các chư thiên chánh pháp suy xét: “Đức Phật đang viếng thăm đạo sĩ lõa thể Jambuka chiều hôm nay; nhưng chỗ ở của vị đạo sĩ lõa thể ấy là tảng đá lớn đầy phẩn hôi hám, dơ bẩn, lại thêm nước tiểu và đồ chà răng bị vất bỏ bừa bãi. Chúng ta sẽ tẩy sạch khối xú uế ấy bằng đám mưa lớn.” Như vậy, họ đã dùng thần lực tạo ra đám mưa lớn, tẩy sạch tất cả vật dơ từ tảng đá lớn ấy, làm cho nó trở nên sạch sẽ. Rồi chư thiên tạo ra đám mưa hoa ngũ sắc rơi xuống trên tảng đá.
Khi đến chỗ của Jambuka vào lúc chiều tối, Đức Phật gọi vị đạo sĩ lõa thể bằng cái tên ‘Jambuka’ khiến cho vị ấy cảm thấy bị xúc phạm khi bị một người không rõ lai lịch gọi đích danh mình bằng cái tên Jambuka, vì vị ấy cho rằng đó chắc là một người thấp hèn. Vị ấy tức giận đáp lại: “Ai đang gọi ta bằng cái tên của ta vậy?” Đức Phật đáp lại: “Ta là vị Sa-môn cao quý.” Jambuka lại hỏi: “ Ông muốn gì đây?” Khi Đức Phật nói: “Ta muốn ngươi chỉ cho ta một chỗ để nghỉ lại qua đêm.” Jambuka trả lời cụt ngủn: “Ở đây không có chỗ nào dành cho ông cả.” Nhưng Đức Phật vẫn cương quyết: “ Này Jambuka, đừng nói thế. Hãy chỉ cho ta một chỗ để trú ngụ qua đêm. Theo lệ thường thì Sa-môn tìm nhờ Sa-môn, loài người tìm nhờ loài người và thú vật tìm nương trú nơi đồng loại của chúng.” Nhân đó đạo sĩ lõa thể hỏi rằng: “ Ông có thật là Sa-môn chăng?” “ Phải, ta là Sa-môn cao quý,” Đức Phật trả lời. Rồi Jambuka dò hỏi: “ Nếu ông là Sa-môn, vậy thì những vật dụng của Sa-môn như trái bầu đựng nước, cái vá để khơi lửa, những sợi chỉ thiêng đâu?” Đức Phật đáp lại: “Ta có những vật dụng của Sa-môn mà ngươi hỏi đến. Nhưng thiết nghĩ mang theo chúng thì rất vướng víu trong khi đi lại, ta chỉ đem theo chúng ở bên trong con người của Ta.” Jambuka rất bực mình và trách Đức Phật: “Là Sa-môn, làm sao ông có thể đi lại mà không có những vật dụng của Sa-môn?” Đức Phật từ tốn đáp lại: “Này Jambuka, cứ vậy đi, đừng nổi nóng với Ta. Chỉ cần chỉ cho Ta một chỗ.” Nhưng Jambuka trả lời cộc lốc: “Không có chỗ nào dành cho ông ở quanh đây.”
Có một thung lũng nhỏ ở gần chỗ ngụ của Jambuka và Đức Phật hỏi rằng: “Ai trú ngụ ở đó ?” Jambuka đáp lại: “Không có ai.” “ Nếu vậy, ta muốn trú ngụ ở đó,” Đức Phật nói. Nhân đó, Jambuka đáp lại: “ Tùy ông quyết định cho dù nó tốt hay xấu.” Ám chỉ rằng vị ấy không phản đối nhưng không chịu trách nhiệm gì cả.
Đức Phật đặt tấm tọa cụ một nơi trong thung lũng và ngồi trên đó. Vào canh đầu của đêm, Tứ đại thiên vương từ cõi Catumaharajika đi đến, chiếu sáng bốn phương và đứng hầu Đức Phật. Khi Jambuka nhìn thấy sự chiếu sáng như vậy, vị ấy tự hỏi không biết chuyện gì xảy ra ở đó. Đến canh hai của đêm, Sakka, vua của chư thiên đến hầu Đức Phật. Và Jambuka vẫn ngạc nhiên tự hỏi như trước. Đến canh cuối của đêm khi Đại phạm thiên, bậc có năng lực chiếu sáng một thế giới chỉ bằng một ngón tay của vị ấy, hai thế giới bằng hai ngón tay, mười thế giới bằng mười ngón tay, đến hầu Đức Phật, chiếu sáng toàn thể khu rừng, Jambuka lại nghiền ngẫm suy nghĩ: “ Sự chiếu sáng ấy có thể là gì?”
Khi trời rạng sáng, Jambuka đi đến Đức Phật và sau những lời chào hỏi lịch sự, vị ấy ngồi xuống ở chỗ thích hợp và thưa với Ngài rằng: “ Thưa ngài đại Sa-môn, ai mà đến với Ngài trong canh đầu của đêm, chiếu sáng bốn phương như vậy?” “Này Jambuka, họ là Tứ đại thiên vương ở cõi Catumahārājika,” Đức Phật đáp. “Tại sao họ đến? ” Jambuka hỏi. “Họ đến để đảnh lễ và hầu hạ Như Lai,” là câu trả lời. Jambuka lại hỏi: “Thưa đại Sa-môn, làm sao lại như thế, có phải Ngài lớn hơn họ ?” “Đúng vậy, này Jambuka. Như Lai lớn hơn họ,” Đức Phật trả lời.
Đạo sĩ Jambuka lại hỏi: “ Thưa ngài đại Sa-môn, người đến vào canh giữa của đêm là ai vậy?” “ Vị ấy là Sakka, vua của chư thiên,” Đức Phật đáp lại. “Tại sao vị ấy đến?”, Jambuka hỏi. Đức Phật đáp : “Vị ấy đến để đảnh lễ và hầu hạ Như Lai.” Jambuka lại hỏi: “ Thưa đại Sa-môn, làm sao lại như thế, có phải Ngài cũng lớn hơn Sakka? ”“Đúng vậy, này Jambuka,” Đức Phật nói “Như Lai lớn hơn Sakka, Sakka chỉ giống như người hầu hạ Như Lai hoặc như vị sa-di thị giả của Như Lai.”
Jambuka hỏi tiếp Đức Phật: “ Thưa ngài đại Sa-môn, ai mà đến vào canh cuối của đêm, làm ngập sáng toàn thể khu rừng bằng hào quang từ thân của vị ấy?” “ Này Jambuka, người đến vào canh cuối của đêm không ai khác chính là Đại phạm thiên (Mahā Brahma), là bậc mà tên của vị ấy thường được các vị Bà-la-môn và những người khác thì thầm: ‘Con kính lạy đấng Đại phạm thiên’ mỗi khi họ hách xì hoặc giật mình và mất tự chủ.” Jambuka lại hỏi: “ Thưa ngài đại Sa-môn, làm sao có thể như thế? Có phải Ngài cũng lớn hơn Mahā Brahma ?” “Phải, Ta là vua của các Phạm thiên, lớn hơn cả Mahā Brahma.”
Rồi đạo sĩ Jambuka nói lời nhận xét đầy phô trương: “Thưa ngài đại Sa-môn, Ngài quả thật xứng đáng được kính ngưỡng bằng sự vỗ tay hoan hô. Không có ai trong những nhân vật ấy đến đảnh lễ ta tại chỗ này, chỗ mà ta đang thực hành các pháp khổ hạnh suốt năm mươi lăm năm. Quả thật vậy ! Suốt năm mươi lăm năm ròng rã, ta đã tự nuôi sống mình bằng không khí và suốt những năm ấy, những chư thiên, Sakka và các vị Phạm thiên chưa bao giờ đến đảnh lễ ta.”
Nhân đó, Đức Phật nói lời rất thẳng thắn: “Này Jambuka, ngươi là người đã từng chơi trò chơi bịp bợm với những kẻ dốt nát, lại nghĩ sẽ dối gạt với cả Như Lai ! Há không phải rằng người đã từng ăn phẩn suốt năm mươi lăm năm, ngủ trên đất, đi lại trần truồng và nhổ tóc bằng vỏ của hạt thốt nốt đó chăng ? Vậy mà người đã lường gạt tất cả mọi người, nói với họ rằng “Ta chỉ sống bằng không khí, đứng bằng một chân mà không ngồi và nằm và bây giờ ngươi lại chơi trò dối gạt với một vị Phật Toàn giác Như Lai đây ! ”
“ Này Jambuka, bởi vì đã theo tà kiến thấp hèn này mà ngươi phải ăn phẩn, ngủ trên đất, đi lại trần truồng, và nhổ tóc bằng vỏ của hạt thốt nốt (suốt những năm này, chịu đau khổ cùng cực), thế mà bây giờ ngươi vẫn chấp giữ theo tà kiến thấp hèn, bịnh hoạn này”.
Rồi Jambuka hỏi Đức Phật: “Thưa ngài đại Sa-môn, con đã phạm ác nghiệp nào?” Nhân đó, Đức Phật giải thích cho vị ấy về những ác nghiệp trầm trọng mà vị ấy đã phạm phải trong quá khứ. Khi nghe Đức Phật thuyết giảng thì Jambuka đầy ân hận, hổ thẹn và ghê sợ hậu quả của những ác nghiệp của vị ấy trong quá khứ. Vị ấy xúc động đến nỗi nằm bẹp xuống đất để che giấu những phần kín của cơ thể.
Nhân đó, Đức Phật đưa đến cho vị ấy một chiếc y tắm mưa. Jambuka mặc ngay chiếc y và ngồi ở nơi thích hợp, đảnh lễ Đức Phật. Rồi Đức Phật thuyết pháp tuần tự liên quan đến Bố thí luận (dāna- katha), Trì-giới-luận (sīla-katha), v.v… và cuối cùng là Tứ Diệu Đế Vào lúc kết thúc thời pháp, Jambuka chứng đắc đạo quả A-la-hán với đầy đủ Tứ-vô-ngại-giải trí (patisambhida-ñāṇa). Vị ấy đứng dậy từ chỗ ngồi, đảnh lễ Đức Phật và xin Ngài được xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật.
(Chú thích: Như vậy, những quả xấu của các ác nghiệp mà vị ấy đã phạm phải trong kiếp quá khứ đã đến hồi kết thúc. Giải rõ: Vì tội của vị ấy xúc phạm vị tỳ khưu A-la-hán trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Kassapa (như đã đề cập ở trên), vị ấy đã phải chịu khổ cùng cực, bị thiêu đốt trong địa ngục A-tỳ, suốt một thời gian dài đủ để quả đất nhô cao một do tuần và 3 gāvuta. Và sau đó, vì dư báo của ác nghiệp quá khứ vẫn còn đeo bám vị ấy, nên vị ấy phải trải qua một cuộc sống phi nhân tính hèn hạ, đáng ghê tởm suốt năm mươi lăm năm mới hết nghiệp ấy. Sau khi trả hết món nợ ác nghiệp, những khổ quả của ác nghiệp đã đến hồi kết thúc. Nhưng sự tích lũy công đức mà vị ấy đã tạo được do sự thọ trì giới luật của vị tỳ khưu suốt hai chục ngàn năm vẫn không bị quấy nhiễu bởi những ác nghiệp của vị ấy).
Do đó, khi Jambuka xin phép được xuất gia, thì Đức Phật duỗi ra cánh tay phải và gọi đến: “ Ehi bhikkhu, carabrahmacariyam samma dukkhassa antakiriyaya – Hãy đến, này tỳ khưu, (hãy thực hành phạm hạnh mà ngươi mong ước), hãy cố gắng thọ trì ba pháp hành của bậc thánh ngõ hầu chấm dứt vòng sanh tử.” Ngay khi ấy, Jambuka trở thành vị tỳ khưu cụ túc như vị trưởng lão sáu mươi hạ với đầy đủ tám món vật dụng.
Vào ngày hôm ấy khi Jambuka chứng đắc đạo quả A-la-hán, dân chúng từ hai nước Aṅga và Magadha đến mang theo lễ vật cúng dường vị ấy. Khi họ trông thấy Đức Phật, họ bắt đầu tự hỏi : “ Làm sao thế ? Đạo sư Jambuka của chúng ta lớn hơn đại Sa-môn Gotama hay đại Sa-môn Gotama lớn hơn đạo sư Jambuka của chúng ta?” Rồi họ kết luận sai lầm vì cho rằng vị đại Sa-môn đến gặp đạo sư của họ, như vậy đạo sư Jambuka của họ chắc chắn lớn hơn đại Sa-môn Gotama.
Đức Phật biết được ý nghĩ đang khởi lên trong tâm của mọi người và Ngài bảo Jambuka: “ Này con Jambuka, con hãy đoạn trừ hoài nghi trong tâm của những tín đồ của con.” Jambuka đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn, đó cũng là ý định của con.” Và khi nói vậy, đại đức Jambuka nhập vào tứ thiền rồi đứng dậy và bay lên không trung cao một cây thốt nốt, rồi đứng trên đó chấp tay hướng về Đức Phật bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn là thầy của con. Con chỉ là đệ tử của người.” Rồi vị ấy đáp xuống đất và sau khi đảnh lễ Đức Phật, lại bay lên không trung. Vị ấy lập lại như vậy bảy lần cao đến bảy cây thốt nốt. Theo cách như vậy, vị ấy đã công bố đến hội chúng biết rõ là vị ấy chỉ là đệ tử của Đức Phật.
Khi trông thấy những hiện tượng kỳ lạ này, mọi người ngạc nhiên nói rằng: “ Ôi, Chư Phật đáng được vỗ tay khen ngợi. Các Ngài quả thật là đấng Chí Tôn và không ai sánh bằng các Ngài.” Đức Phật, vì muốn bàn luận giáo pháp với hội chúng, bèn nói với họ rằng: “ Này các cư sĩ, Jambuka đã sống ở đây suốt năm mươi lăm năm, đã khoe khoang với các ngươi rằng ‘ta đã thực hành pháp tiết chế, chỉ ăn cái gì dính trên đầu cọng cỏ, từ chối vật thực cúng dường mà các ngươi đã đem đến. Giả sử vị ấy thực hành pháp tiết chế này đến một trăm năm, và một số phước phát sanh từ đó; phước như vậy không bằng 1/256 lần phước của bậc thánh từ chối không ăn vật thực do hoài nghi liệu vật thực và thời gian dâng cúng có được phép hay không?” Rồi Đức Phật thuyết pháp bài kệ sau đây để đúc kết những gì mà Ngài đã nói với mọi người :
Mase mase kusaggena bālo bhuñjeyya bhojanaṁ
na so sankhātadhammānaṁ
kalan agghati solasiṁ.
Cho dù từ tháng này qua tháng nọ (hay mỗi tháng một lần) kẻ ngu (không biết Tứ diệu đế) thiên về đời sống khổ hạnh, ăn vật thực rất ít bằng cách nhặt nó lên bằng đầu của cọng cỏ suốt một trăm năm. Người ấy không bằng 1/256 của bậc thánh đã giác ngộ Tứ diệu đế.
Câu kệ được thuyết giảng liên quan đến một nhân vật đặc biệt, tên là Jambuka. Khi được xét về ý nghĩa chung của nó thì :
(1) Có sự cố ý hay Tư (cetana) khởi sanh khi vị Sa-môn ngoại đạo dốt nát thực hành khổ hạnh suốt một trăm năm.
(2) Có sự cố ý hay Tư khởi sanh khi bậc thánh liễu ngộ Tứ diệu đế, từ chối vật thực cúng dường do hoài nghi liệu vật thực cúng dường và thời gian có cho phép hay không.
Trong hai loại Tư kể trên, những Tư được gieo tạo bởi vị Sa- môn ngoại đạo suốt một trăm năm thì không bằng 1/256 của Tư khởi sanh khi bậc thánh từ chối vật thực cúng dường do hoài nghi về vật thực và thời gian được dâng cúng.
Giải rõ: Số phước phát sanh từ Tư (cetana) tình cờ khởi sanh chỉ do hoài nghi của vị Sa-môn bậc thánh về loại vật thực và thời gian được cúng dường khiến vị ấy phải bỏ bữa ăn, thì lớn hơn 256 lần so với số phước mà vị Sa-môn ngoại đạo gặt hái được qua sự thực hành khổ hành tiết chế vật thực của vị ấy suốt một trăm năm.
Vào lúc kết thúc thời pháp, tám mươi bốn ngàn chúng sanh được giải thoát luân hồi do giác ngộ Tứ Diệu Đế.
KẾT THÚC CHƯƠNG 21
CÂU CHUYỆN VỀ SUMANA, NGƯỜI BÁN HOA CỦA THÀNH RĀJAGAHA
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B