THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 3
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 3] [Tiếp theo]
Đức Thế Tôn, như đã trình bày ở trước, Ngài đã trú ngụ ở khu rừng Mahāvana trong nước Vesali suốt mùa an cư thứ năm để tế độ cho những chúng sanh đáng được tế độ. Ngài rời khỏi đó sau khi kết thúc mùa an cư, và đi đến hai nước Savatthi và Rājagaha để thực hiện sứ mệnh tương tự.
Có hai loại du hành mà Đức Phật thực hiện tùy theo hoàn cảnh, đó là: (1) Loại du hành được thực hiện đột xuất, turita cārika, (2) Cuộc hành trình với những chặng dừng tại các ngôi làng và phố quận, với những khoảng xa từ một đến hai do tuần đều đặn mỗi ngày, aturita cārika.
Turita cārika: Chuyến hành trình được thực hiện đột xuất khi biết có người cần được tế độ. Có nhiều ví dụ như: Đức Phật lên đường một cách bất ngờ, đi một khoảng xa ba gāvuta để gặp đại đức Mahā Kassapa. Rồi Ngài thực hiện một chuyến hành trình dài ba mươi do tuần tức tốc để tiếp độ dạ xoa Ālavaka. Ngài cũng làm như vậy trong dịp tiếp độ Aṅgulimāla, một tên cướp sát nhân hung dữ. Ngài đã đi hết bốn mươi lăm do tuần rất nhanh để thuyết pháp đến vua Pakkusati sau khi vị ấy đã trở thành vị tỳ khưu. Ngài đã đi một trăm hai mươi do tuần rất nhanh để tế độ vua Mahā Kappina. Ngài đã đi hết bảy trăm do tuần đoạn đường rất mau lẹ để tế độ cho Dhniya, vị trưởng giả chủ nhân nhiều con bò và vợ của ông ta. Những chuyến đi hoàn toàn đột xuất như vậy được gọi là Turita cārika.
A turika cārika: Khi Đức Phật rời khỏi một nơi nào đó vào cuối mùa an cư, và lên đường du hành, Ngài thường dừng nghỉ ở những thị trấn và làng mạc trên chặng đường của chuyến hành trình để khất thực hoặc thuyết pháp, đi một hoặc hai do tuần mỗi ngày. Chuyến hành trình như vậy đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người ở dọc theo con đường bằng cách khất thực hoặc thuyết pháp đến họ, được gọi là Aturita cārika.
Đức Phật thường thực hiện ba loại lộ trình với những vùng Mạn-đà-la khác nhau, đó là: (1) Chuyến đi bao trùm một dải đất rộng nhất, Mahā maṇḍhala, (2) Chuyến đi bao trùm một dải đất cỡ trung bình, Majjhima- maṇḍhala và (3) Chuyến đi bao trùm một dải đất nhỏ nhất, Anto-maṇḍhala.
Trong ba loại này, (1) Mahā-maṇḍhala là vùng rộng 900 do tuần (yojana), (2) Majjhima-maṇḍhala là vùng rộng 600 yojana, (3) Anto-maṇḍhala là vùng rộng 300 yojana. Đây là cách phân loại:
(1) Đức Phật làm lễ Tự tứ Pavārana khi mãn hạn mùa an cư vào ngày rằm tháng 9 (â.l) - Assayujo. Nếu không có lý do đặc biệt để chờ đợi, như tế độ cho một chúng sanh hữu duyên nào đó thoát khỏi vòng sanh tử thì Ngài bắt đầu chuyến hành trình của Ngài vào ngày 16 tháng 9 (â.l), cùng với đông đảo chúng tỳ khưu; đi một hoặc hai do tuần mỗi ngày. Ngài tiếp tục lộ trình như vậy trong chín tháng cho đến ngày rằm tháng 6 (â.l) của năm sau.
Ở mỗi chặng dừng trên đường đi đến chỗ đã định, những thí chủ mộ đạo từ khắp các hướng ở trong khu vực 100 do tuần đi đến thành từng nhóm để tôn kính bằng các lễ vật cúng dường. Những người đi đến trễ hiếm khi có được cơ hội để mời Đức Thế Tôn đi đến chỗ ngụ của họ. Hai vùng đất ở hai bên đường này tạo thành vùng chính của Mahā-maṇḍhala này. Đức Phật ở lại một ngày hoặc hai ngày những ngôi làng hoặc phố quận trong vùng Mahā-maṇḍhala rộng lớn, để chúc phúc cho dân cư địa phương bằng cách thọ lãnh vật thực cúng dường của họ và thuyết pháp đến họ. Nhờ vậy làm gia tăng phước của họ để thoát khỏi vòng sanh tử. Như vậy Đức Phật thường trải qua chín tháng của chuyến đi trước khi Ngài kết thúc cuộc hành trình của Ngài. Chuyến đi kéo dài chín tháng bao gồm một khoảng xa ba trăm do tuần từ điểm khởi phát đến điểm kết thúc theo đường chim bay. Với khu vực ba trăm do tuần này làm trung tâm, dân chúng từ những nơi cách ba trăm do tuần ở bên trái của con đường, cũng như những người ở bên phải của con đường đều có cơ hội làm những việc phước như cúng dường vật thực và nghe pháp. Như vậy những vùng này có thể được xem là cũng được Đức Phật ngự đến. Do đó lời giải thích ở trên là chuyến hành trình Mahā-maṇḍhala có kích thước 900 do tuần cả thảy.
(2) Trường hợp những vị tỳ khưu chưa đạt đến mức trưởng thục trong pháp hành của họ về thiền chỉ và thiền quán, thì lễ Tự tứ (Pavāraṇā) của chư Tăng vào ngày rằm tháng 9, được hoãn lại đến ngày rằm tháng mười (Kattika). Chỉ khi ấy, là ngày 16 tháng mười (â.l), Đức Thế Tôn mới bắt đầu chuyến hành trình cùng với chúng tỳ khưu. Nếu vì một lý do nào khác, Đức Thế Tôn muốn thực hiện một chuyến hành trình loại Majjhima-maṇḍhala, thì Ngài sẽ hoãn lại cho đến rằm tháng mười (đủ bốn tháng) ở bất cứ nơi nào Ngài an cư kiết hạ, rồi lên đường. Bằng cách trên, Đức Thế Tôn sẽ trải qua tám tháng của chuyến đi để đem vinh dự cho dân chúng bằng những cuộc viếng thăm của Ngài và sự thuyết giảng chánh pháp. Chuyến đi tám tháng sẽ đi được 200 do tuần từ điểm khởi phát đến điểm đích theo đường chim bay. Mỗi vùng ở hai bên đường có kích thước hai trăm do tuần. Dân chúng từ những vùng này cũng có cơ hội làm những việc phước như cúng dường vật thực và nghe pháp. Như vậy những vùng này có thể được xem là cũng được Đức Thế Tôn ngự đến. Do đó, lời giải thích ở trên là chuyến hành trình Majjhima-maṇḍhala bao gồm một vùng có kích thước là 600 do tuần cả thảy.
(3) Dù Đức Thế Tôn đã trải qua bốn tháng an cư kiết hạ ở một nơi nào đó (tức là đến rằm tháng mười), nếu những chúng sanh hữu duyên thiếu sự trưởng thục của ngũ căn, thì Ngài tiếp tục ở lại tại chỗ ấy thêm một tháng nữa. Khi cần thiết, thời gian quý báu như vậy được kéo dài từ tháng này sang tháng khác, cho dù kéo dài thêm bốn tháng, đến rằm tháng 11 â.l (Phusso), vì hoàn cảnh bắt buộc và chỉ khi ấy Đức Thế Tôn mới rời khỏi chỗ đó cùng với chúng tỳ khưu để lên đường thực hiện chuyến hành trình Anto-maṇḍhala.
Như trong trường hợp trước, Đức Thế Tôn trải qua những tháng này, ban phước cho mọi người bằng những chuyến viếng thăm của Ngài và thuyết pháp. Khoảng thời gian cần thiết để đi về miền quê được rút ngắn từ bảy tháng xuống bốn tháng, vì những lý do đã nêu trên. Do sự rút ngắn thời gian, nên chuyến hành trình bảy tháng, hoặc sáu, hoặc năm, hoặc bốn tháng có khoảng xa là một trăm do tuần theo đường chim bay. Giống như trên, những vùng cách xa một trăm do tuần ở hai bên con đường cũng được Đức Thế Tôn viếng thăm. Do đó, nói rằng: chuyến hành trình Anto-maṇḍhala có kích thước cả thảy là 300 do tuần.
Cần chú ý rằng, Đức Thế Tôn thực hiện một trong những chuyến du hành như thế không phải để thọ lãnh bốn món vật dụng, là y phục, vật thực, chỗ ngụ và thuộc chữa bệnh, mà do lòng bi mẫn của Ngài và với mục đích duy nhất tạo cơ hội cho những người nghèo, những kẻ tối tăm, những người già, bịnh mà không có thời gian nào khác để tôn kính cúng dường Ngài. Một số thì chỉ nhìn thấy Ngài đã hoan hỷ, một số muốn cúng dường tràng hoa và vật thơm, hay một miếng vật thực kiếm được, và sẽ có những người từ bỏ tà kiến để theo chánh kiến. Những người được gặp Ngài như vậy sẽ được an lạc, thịnh vượng và hạnh phúc lâu dài.
Đây là cách mà Đức Thế Tôn, sau khi trải qua mùa an cư thứ năm tại khu rừng Mahāvana ở Vesali, đi đến Sāvatthi và Rājagaha với những ngôi làng ở vùng ngoại ô (bằng một trong ba loại lộ trình này) để thuyết pháp tế độ chúng sanh. Ngài bắt đầu mùa an cư thứ sáu tại tịnh xá ở núi Makula, nằm ở một bên của đại dương, có bóng mát và rừng cây bao quanh, để tế độ cho tất cả nhân loại và chư thiên và Phạm thiên hữu duyên, giúp họ đoạn tận khổ ưu của kiếp sống trầm luân.
Đức Thế Tôn, sau khi đã an cư kiết hạ mùa thứ 6, tại tịnh xá ở núi Makula, Ngài đi đến Rājagaha và trú ngụ ở đó tại tịnh xá Veḷuvana.
Lúc bấy giờ, một vị trưởng giả của kinh thành Rājagaha, vì muốn vui chơi dưới sông Hằng, đã sai người dựng lên một cái lưới hình cái hộp, bao quanh bốn phía ở chỗ mà ông ta sắp đến tắm, để đề phòng nguy hiểm có thể xảy ra từ cả bên trên và bên dưới chỗ tắm và cũng để bảo vệ những đồ trang sức của ông ta có thể bị nước cuốn đi.
Lúc bấy giờ, có một cây gỗ đàn hương trôi đến từ thượng nguồn sông Hằng. Dòng nước chảy mạnh đã xoi mòn đất dưới gốc của nó và làm cho nó ngã xuống. Cây ấy bị mất hình dạng của nó do khi đang trôi theo dòng nước chảy xiết, nó đã va đập mạnh vào các vách núi suốt một quãng dài. Nó đã bị vỡ ra từng mảnh, và cuối cùng một miếng lõi của gỗ đàn hương đỏ, do bị cọ xát thường xuyên, nó có hình dáng một khối gỗ với bề mặt trơn phẳng. Khi trôi xuống, nó vướng vào cái lưới của vị trưởng giả với rong rêu phủ quanh nó. Những tùy tùng và người hầu vớt nó lên và đem đến ông chủ của họ là vị trưởng giả.
Lúc bấy giờ, vị trưởng giả của thành Rājagaha là người không theo một tín ngưỡng nào. Ông ta không có chánh kiến (sammā-diṭṭhi) cũng không chấp theo tà kiến (micchā-diṭṭhi). Ông ta cho người đem khối gỗ đàn hương ấy về nhà của ông ta, rồi sai người đẽo gọt bớt lớp bên ngoài của nó. Họ thấy lõi gỗ màu hồng tỏa ra mùi hương ngào ngạt của loại gỗ chiên đàn. Ông ta nghĩ rằng: “ Ta có quá nhiều gỗ đàn hương trong nhà và ta nên làm gì với miếng gỗ này?” Và cuối cùng, ông ta có sáng kiến như vầy:
“ Trong thế gian hiện nay có nhiều người tự cho mình là những bậc A-la-hán. Ta không biết ai thực sự là bậc A-la-hán. Ta sẽ cho đặt cái máy tiện trong nhà của ta và sai tiện khối gỗ đàn hương ấy thành một cái bát. Mạt cưa của gỗ ta sẽ dùng, nhưng cái bát ta sẽ bố thí. Ta sẽ đặt cái bát vào trong một khung chứa và treo nó trên một cái sào dài được buộc nối bằng những cây tre, cao sáu mươi hắc tay, và công bố rằng : ‘Bất cứ ai có thể tự chứng tỏ mình là bậc A-la-hán bằng cách bay vào không trung do năng lực của thiền và lấy cái bát thì có thể lấy nó làm của riêng. Và vị A-la-hán mà thực sự có khả năng bay vào không trung và lấy cái bát ấy, thì ta cùng với gia đình của ta sẽ chấp nhận vị và tôn vị ấy làm thầy của chúng ta.’”
Do đó, ông ta sai người tiện khối gỗ đàn hương thành cái bát và treo nó trên đỉnh một cái sào dài sáu mươi hắc tay, rồi công bố rằng: “ Bất cứ ai thật sự là bậc A-la-hán trong thế gian này có thể nhận lấy cái bát này bằng cách bay xuyên qua hư không.”
Lúc bấy giờ, tại kinh thành Rājagahacó sáu vị giáo chủ ngoại đạo sư tự cho mình là bậc A-la-hán, bậc thánh nhân của giáo phái riêng họ, đó là :
Tên riêng của ông ta là Purana, và ông ta thuộc bộ tộc Kassapa, và ông ta được mọi người biết đến là Purana Kassapa.
Đây là bài mô tả tóm tắt về vị ngoại đạo sư này: Có một vị trưởng giả có chín mươi chín người nô lệ, và Purana sanh ra làm người nô lệ thứ một trăm, do đó cậu bé được đặt tên là Purana hay ‘Người nô lệ thứ một trăm.’ Cậu ta được xem là người nô lệ gặp may mắn vì được làm người thứ một trăm, và cậu ta không bị khiển trách nếu có làm điều gì sai trái hay chểnh mảng trong phận sự.
Về sau, cậu ta bỏ đi với ý nghĩ tự cao tự đại rằng: “ Tại sao ta phải ở lại trong ngôi nhà này?” Và chạy thẳng đến một băng cướp và bị trấn lột đến trần trụi. Tuy vậy, cậu ta chẳng biết hỗ thẹn để che trên người một nhánh lá hay một nắm cỏ. Cậu ta đi vào làng với thân hình lõa thể. Dân chúng đã đặt niềm tin sai lầm vào cậu ta, tán thán cậu ta rằng: “Vị Sa-môn này là bậc A-la-hán. Vị ấy rất khổ hạnh và tiết dục, không ai giống như vị ấy.” Họ đi đến vị ấy với những lễ vật cúng dường gồm vật thực loại cứng và mềm. Rồi vị ấy tự nghĩ: “ Cách sống lõa thể của ta là nguyên nhân để có được những vật thí như vậy.” Từ đó trở đi, vị ấy tiếp tục sống lõa thể ngay cả khi vị ấy có được y phục do người ta dâng cúng. Vị ấy trở nên chấp nhận vào niềm tin rằng: “Lõa thể là điều kiện của vị Sa-môn.” Vị ấy có năm trăm đệ tử cũng chấp nhận sống lõa thể như vị ấy. Theo cách này, Purana Kassapa trở thành một giáo chủ của một giáo phái riêng, một vị đạo sư nổi tiếng, một vị thần thánh đối với tín đồ của vị ấy.
(Chú thích : Khi chúng ta xem xét kỹ đời sống của vị ngoại đạo sư này, chúng ta thấy rằng vị ấy bỏ đi khỏi chỗ ngụ của người chủ, chỉ chạy thẳng đến một băng cướp và chúng trấn lột vị ấy đến trần trụi. Đó là cách mà vị ấy trở thành người lõa thể. Nhưng những người thiếu trí thì nghĩ rằng trạng thái lõa thể tạo thành đời sống phạm hạnh và công bố vị ấy là bậc A-la-hán. Khi chấp nhận như thế, vị ấy tự cho mình là bậc thánh vĩ đại, là một vị thiên dù vị ấy không chứng tỏ được điều gì trong vấn đề phát triển tâm linh và pháp hành. Vị ấy và năm vị giáo chủ khác, trong địa vị tự xưng, họ đã suy luận và từ đó lập nên tín ngưỡng cho riêng mình. Muốn biết rõ chi tiết, hãy xem bài kinh số 2. Samañña phala Sutta, phẩm Sīlakkhandha, Trường bộ kinh).
Tên riêng của ông ta là Makkhali, Gosala được thêm vào tên của ông ta vì ông ta sanh ra ở ngôi làng Gosala (hay vì ông ta sanh ra trong một chuồng bò nơi mà những con bò được giữ trong suốt mùa mưa).
Cuộc đời của ông ta được mô tả tóm tắt như sau: Ông ta là một nô lệ giống như Purana. Một hôm khi ông ta đang đi qua một chỗ có sình lầy, mang trên vai cái hũ đựng dầu, ông chủ bảo vị ấy hãy cẩn thận đừng để trượt ngã, nói rằng: “ Hãy coi chừng té… Hãy coi chừng té.” Nhưng vị ấy bất cẩn đến nỗi bị trượt ngã và vì vậy, vị ấy bỏ chạy vì sợ ông chủ.
Khi ông chủ tóm bắt vị ấy ở phần dưới y phục của vị ấy, Makkhali tuột khỏi y phục của mình và chạy thoát khỏi ông chủ. (Phần còn lại của câu chuyện trùng hợp với câu chuyện của Purana Kassapa).
Ông ta cũng là đạo sư của một giáo phái. Tên riêng của là Ajita. Ông ta thường mặc chiếc y (kambala), làm bằng tóc người (kesā), và được mọi người biết đến qua cái tên Ajita Kesa-kambala.
Ông ta cũng là đạo sư của một giáo phái. Tên riêng là Pakudha. Ông ta thuộc dòng họ Kaccayna, vì vậy mọi người gọi ông ta là Pakudha Kaccayana. Ông ta kiêng cử nước lạnh. Ông ta thường dùng nước nóng hay giấm để rửa sạch sau khi đi đại tiện, hoặc để tắm rửa. Ông ta tự cho mình là đã vi phạm các giới cấm bất cứ khi nào ông ta lội qua một dòng nước hay con sông. Sự vi phạm như vậy phải được sám hối bằng cách chất cát thành những đống nhỏ và thọ trì các giới cấm trước khi ông ta tiếp tục chuyến hành trình của ông ta.
Vị ấy cũng là đạo sư của một giáo phái. Đại đức Sāriputta và đại đức Mahā Moggallāna đã từng sống chung với vị ấy khi họ bắt đầu sống cuộc đời của một đạo sĩ du phương. Tên riêng của ông ta là Sancaya. Ông ta là con trai của một người đàn ông tên Belattha và mọi người biết ông ta qua cái tên Sancaya Belatthaputta.
Ông ta cũng là đạo sư của một giáo phái. Ông ta tuyên bố rằng: “ Ta không bị phiền não trói buộc. Ta đã thoát khỏi phiền não trói buộc.” Cho nên mới có từ ‘Nigantha’. (Thực ra, việc thoát khỏi phiền não còn xa vời). Cha của ông ta là Nātha và vì vậy ông ta được mọi người biết đến qua cái tên Nigantha Nāthaputta.
Cái bát đàn hương được treo trên đỉnh của một cái sào dài được kết nối bằng những cây tre, cao sáu mươi hắc tay. Một lời công bố chung là: “ Bất cứ ai đã trở thành bậc A-la-hán trong thế gian này có thể nhận lấy cái bát bằng cách dùng năng lực thiền định để bay xuyên qua hư không.” Nhân đó, đạo sư Purana Kassapa đi đến vị trưởng giả của thành Rājagaha và nói rằng: “ Này ông trưởng giả…Ta là bậc A- la-hán và cũng là bậc có thần thông. Vì vậy hãy cho ta cái bát.” Vị ấy đã nói ra lời tự xưng táo bạo vô nghĩa. Vị trưởng giả của thành Rājagaha lịch sự đáp lại: “ Thưa ngài…Tôi đã sẵn sàng dâng cái bát đến bất cứ ai thực sự là bậc A-la-hán có năng lực thần thông. Hãy đem nó xuống và lấy đi bằng năng lực thần thông của ngài.” (Bởi vì Purana Kassapa chẳng phải là bậc A-la-hán có năng lực thần thông, nên vị ấy phải trở về trong tuyệt vọng).
Những vị đạo sư khác cũng đi đến để lấy cái bát theo cách giống như Purana Kassapa. Vào ngày thứ hai, Makkhali Gosala đến. Ngày thứ ba, Ajita Kesa Kambala. Ngày thứ tư, Pakudha Kaccayana. Ngày thứ năm, Sacaya Belatthaputta. Tất cả đều chung số phận như Purana Kassapa, vì họ không hội đủ những điều kiện do vị trưởng giả đặt ra.
Vào ngày thứ sáu, đạo sư Nigandha Nāthaputta triệu tập các đệ tử và bảo họ rằng: “ Các ngươi hãy đi đến vị trưởng giả của thành Rājagaha và bảo với ông ta rằng: ‘Cái bát chỉ dành cho bậc thánh nhân vĩ đại của chúng ta, đừng để đạo sư vĩ đại của chúng ta phải đi đến bằng đường hư không vì một cái bát gỗ chẳng đáng gì, hãy miễn phận sự ấy cho đạo sư vĩ đại của chúng ta và dâng nó cho vị ấy.’ ”
Những đệ tử của ông ta đi đến vị trưởng giả của thành Rājagaha và nói với vị ấy y như đạo sư của họ đã chỉ dẫn. Nhân đó, vị trưởng giả cho họ một câu trả lời thẳng thắn: “ Chỉ những ai có thể đi xuyên qua hư không mới được cái bát.”
Nigandha Nāthaputta muốn đi đến đó và vì thế vị ấy dặn dò với các đệ tử như vầy: “ Ta sẽ giả vờ nhấc một chân và một tay của ta lên, tựa như ta sắp bay vọt vào không trung và tất cả các người hãy đến nói rằng: ‘ Thưa bậc đại trí… Ngài đang làm gì thế… Xin đừng phô diễn những bí mật về các ân đức của A-la-hán quả (arahattaphala) vì một cái bát gỗ’ và rồi hãy đẩy ta ngã xuống đất.”
Như vậy vị ấy đã tiết lộ kế hoạch của mình với các đệ tử.
Sau khi bàn mưu tính kế với các đệ tử, đạo sư Nāthaputta đi đến vị trưởng giả và nói rằng: “ Này ông trưởng giả… Cái bát này không thích hợp với bất cứ ai khác. Tại sao ông muốn ta phải bay vào không trung vì một cái bát gỗ tầm thường. Hãy tặng nó cho ta.” “Kính thưa ngài… Hãy bay lên không trung mà lấy nó,” đó là câu trả lời ngắn gọn của vị trưởng giả.
Nhân đó, Nāthaputta nói rằng: “ Nếu vậy thì ta sẽ bay vào không trung.” Và khi quay về phía các đệ tử của ông ta, ông ta bảo họ tránh qua một bên rồi ông ta đưa lên một chân và một tay. Khi ấy những đệ tử của ông ta vội vã đi đến đạo sư của họ và nói với ông ta rằng: “Thưa đại sư… thầy định làm gì thế? Nó chẳng đáng để thầy phô diễn những ân đức của A-la-hán thánh quả vì một cái bát gỗ chẳng đáng gì” như đã sắp đặt trước. Họ kéo tay và chân của ông ta lại khiến ông ta ngã xuống đất. Trong khi đang nằm trên đất, Nāthaputta nói với ông trưởng giả rằng: “ Này ông trưởng giả, ông đã thấy rồi đó, đệ tử của ta không muốn để ta bay vào không trung. Ta khuyên ông hãy tặng cái bát ấy cho ta.” Nhưng vị trưởng giả không hề lay chuyển. Vị ấy lịch sự lập lại: “ Hãy lấy nó bằng thần thông của ngài.”
Như vậy sáu vị giáo chủ chủ đã cố gắng trong sáu ngày nhưng không đạt được mục đích.
Vào ngày thứ bảy, hai vị đại trưởng lão, đó là đại đức Mahā Moggallāna và đại đức Pindola, họ ra khỏi tịnh xá Veluvana đi vào thành phố Rājagaha để khất thực như thường lệ. Khi họ đang mặc y trên một tảng đá lớn gần thành phố, họ nghe những lời phê phán của một số người say rượu.
“Này các bạn…Trong quá khứ, sáu vị giáo chủ ngoại đạo sư thường đi đây đó rêu rao cho mình là những bậc A-la-hán. Bây giờ đã là ngày thứ bảy kể từ khi vị trưởng giả của thành Rājagaha công bố: ‘ Nếu có bậc A-la-hán, vị ấy hãy bay xuyên qua hư không mà lấy cái bát,’ sau khi treo cái bát bằng gỗ đàn hương trên đỉnh của một cái sào cao 60 hắc tay. Trong số sáu vị giáo chủ tự cho mình là bậc A-la-hán, chẳng một ai có khả năng bay vào không trung. Chỉ đến hôm nay chúng ta mới biết rõ là không có bậc A-la-hán nào trong thế gian này.”
Khi nghe lời nhận xét ấy, đại đức Mahā Moggallāna hỏi đại đức Pindola: “ Này hiền giả… Hiền giả có nghe lời nhận xét đầy xúc phạm của những người say rượu ấy chăng? Xóa đi lời nhận xét đầy xúc phạm ấy cũng là việc đem lại uy tín cho giáo pháp của Đức Phật. Hiền giả có thần thông lực. Hãy đi lấy cái bát bằng gỗ đàn hương bằng cách bay xuyên qua hư không.” Nhân đó, đại đức Pindola Bharadvaja đáp lại rằng: “ Thưa Tôn giả… Đức Thế Tôn đã đưa tôn giả lên địa vị Tối thượng Thinh văn (Etadaggaṃ) về thần thông, và vì thế tôi mong rằng tôn giả hãy tự mình làm điều đó. Tôi sẽ hoàn thành phận sự chỉ khi nào tôn giả không làm việc ấy. (Điều này cho thấy rằng đại đức Pindola đã nhường quyền ưu tiên cho đại đức MahaMoggallana do sự tôn kính đối với bậc cao hạ).” Nhân đó, đại đức Maha Moggallana đồng ý cho phép đại đức Pindola thực hiện phận sự.
Sau khi được sự cho phép của đại đức Moggallāna, đại đức Pindola nhập vào tứ thiền, là cơ sở để phát triển thần thông, vị ấy khiến cho tảng đá lớn kia, nơi mà họ đứng để mặc y, bay bổng lên không trung bằng thắng trí của vị ấy. Tảng đá với những cạnh của nó gọn gàng, xinh xắn được khiến cho bay lên như khối bông gòn, vòng quanh 7 lần trên thành phố Rājagaha rộng 3 gāvuta. Tảng đá khổng lồ tựa như là cái nắp khổng lồ phủ kín cả thành phố Rājagaha.
Dân cư của thành phố hoảng sợ khi trông thấy tảng đá khổng lồ đang lơ lửng trên đầu của họ và khi nghĩ rằng: “ Tảng đá khổng lồ đã bao trùm và sắp đè bẹp chúng ta,” họ bỏ chạy tứ tung tìm chỗ ẩn núp ở những nơi gần đó, dùng những cái khay để che trên đầu. Khi tảng đá khổng lồ đã đi quanh bảy vòng bên trên thành phố, đại đức Pindola xuất hiện trên tảng đá ấy. Nhân đó, dân cư trong thành phố bèn cầu xin rằng: “ Thưa ngài… Xin hãy giữ chặt tảng đá đừng để nó đè bẹp chúng tôi.” Ngay khi dân chúng đang nhìn sửng sốt như vậy, đại trưởng lão khiến cho tảng đá trở về vị trí cũ của nó bằng cách dùng những ngón chân của vị ấy đá vào nó.
Khi đại đức Pindola đứng trong không trung bên trên chỗ ngụ của vị trưởng giả ; nhìn thấy đại đức, ông ta nằm sát xuống đất và thỉnh đại đức đi xuống. Một khi đại đức ở trong nhà của ông, ông ta cho người đem cái bát xuống và bỏ đầy vào bát bốn loại dinh dưỡng, ‘catu-madu’. Rồi ông ta tôn kính dâng nó đến đại đức.
Khi đại đức đang trên đường trở về tịnh xá mang theo cái bát, những người bị lỡ mất cơ hội chiêm bái năng lực thần thông vì bận công việc ở ngoài đồng ruộng, họ kéo đến vây quanh đại đức và thỉnh cầu rằng: “ Bạch đại đức… Xin hãy cho chúng tôi xem thần thông như những người khác.” Họ đi theo đại đức đến tịnh xá để chứng kiến phép lạ do ngài phô diễn.
Khi nghe những tiếng ồn ào, Đức Phật hỏi đại đức Ānanda: “Này con Ānanda…những tiếng ồn kia là của ai vậy?” Đại đức Ānanda đáp lại rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn… Đại đức Pindola đã bay lên không trung và lấy xuống cái bát bằng gỗ đàn hương do vị trưởng giả của thành Rājagaha dâng cúng. Nghe tin ấy, dân chúng đã theo sát trưởng lão. Những tiếng ồn ấy là của đám người ấy.”
Nhân đó, Đức Phật cho triệu tập Tăng chúng và hỏi đại đức Pindola rằng: “Này con Pindola…Có thật chăng con đã có được cái bát bằng gỗ đàn hương của vị trưởng giả thành Rājagaha do bởi thần thông (patihāriya)?” Khi đại đức Pindola đáp lại là có thật, Đức Phật bèn quở trách vị ấy, Ngài đưa ra nhiều lý do và thuyết những bài pháp giáo huấn, rồi Ngài ban hành điều luật: Na bhikkhave Iddhipatihāriyaṃ dassetabbaṃ, yo dasseya āpatti dukkatassa - Này các tỳ khưu…Vị tỳ khưu không được thị hiện thần thông, ai vi phạm thì phạm tội tác ác - Dukkata Āpatti. Rồi Ngài tiếp tục dạy rằng cái bát trầm hương phải được đập vỡ ra từng miếng vụn và đem chia cho các vị tỳ khưu nghiền bột để làm thuốc bôi mắt. Và Ngài còn ban hành thêm một điều luật khác là vị tỳ khưu không được dùng bát bằng gỗ đàn hương, ai vi phạm thì phạm tội tác ác – Dukkata Āpatti.
Khi nghe Đức Phật đã ban hành điều luật cấm các vị tỳ khưu không được khai triển thần thông, các ngoại đạo sư tin chắc rằng tất cả đệ tử của Đức Phật sẽ không vi phạm điều luật ấy cho dù bị đau đớn đến chết. Họ nghĩ cách để lợi dụng hoàn cảnh ấy. Họ đi khắp các đường lớn đường nhỏ của thành phố khoe khoang với mọi người rằng: “Trong quá khứ, để đề cao uy tín của chúng ta, chúng ta đã không hiển lộ thần thông vì cái bát bằng gỗ. Chỉ những đệ tử của Sa-môn Gotama đã không biết xấu hổ mà làm những điều như vậy. Nghe nói rằng Sa- môn Gotama, là bậc trí tuệ, đã cho đệ tử đập vỡ nó ra từng mảnh vụn, và đã ban hành điều luật cấm các vị tỳ khưu không được khai triển thần thông. Bây giờ chúng ta có thể lợi dụng hoàn cảnh và thách thức Sa-môn Gotama về việc thị hiện thần thông.”
Nghe tin ấy, vua Bimbisāra đi đến Đức Phật và bàn luận vấn đề bằng cuộc đàm thoại sau đây :
(Đức vua): Bạch Đức Thế Tôn … Phải chăng Ngài đã ban hành điều luật cấm các vị tỳ khưu không được khai triển thần thông?
(Đức Phật): Đúng vậy, thưa đại vương!
(Đức vua): Các ngoại đạo sư đã đi khắp nơi rêu rao rằng họ sẽ thách thức Đức Thế Tôn thị hiện thần thông, Đức Thế Tôn sẽ làm gì bây giờ?
(Đức Phật): Nếu họ định phô diễn thần thông thì Như Lai cũng sẽ phô diễn thần thông.
(Đức vua):Không phải rằng Ngài đã ban hành điều luật cấm phô diễn thần thông đó sao?
(Đức Phật): Thưa đại vương! Như Lai không ban hành điều luật dành cho chính Như Lai. Như Lai đã ban hành điều luật dành riêng cho đệ tử của Như Lai!
(Đức vua): Có thể nào điều luật được ban hành dành cho các đệ tử nhưng không dành cho Đức Thế Tôn ?
(Đức Phật): Thưa đại vương… Trong trường hợp như vậy, Như Lai sẽ hỏi đại vương một câu hỏi : Trong vườn của đại vương có những cây xoài và các loại trái cây không?
(Đức vua): Dạ có, bạch Đức Thế Tôn.
(Đức Phật): Đại vương có biện pháp gì đối với người lẻn vào hái trái cây và ăn chúng?
(Đức vua): Trong trường hợp ấy con sẽ trừng phạt hắn.
(Đức Phật): Đại vương có quyền hành nào để tự mình thọ hưởng những trái cây ấy không?
(Đức vua): Thưa có… Bạch Đức Thế Tôn, không có biện pháp nào đối với con cả khi con thọ hưởng tài sản của riêng con.
(Đức Phật): Thưa đại vương… Cũng như quyền hành của đại vương bao trùm khắp vương quốc này với bề rộng ba trăm do tuần, cũng thế, quyền lực của Như Lai tỏa rộng khắp một triệu triệu thế giới (āṇākhetta). Không có điều luật nào dành cho Như Lai. Chỉ những đệ tử của Như Lai mới bị bắt buộc thọ trì các điều luật. Còn Như Lai sẽ thị hiện thần thông.
(Đức vua): Bạch Đức Thế Tôn …Khi nào Ngài sẽ thị hiện thần
thông?
(Đức Phật): Thưa đại vương… Bốn tháng nữa kể từ hôm nay, vào ngày rằm tháng Asalho, thần thông sẽ được Như Lai thị hiện.
(Đức vua): Bạch Đức Thế Tôn … Tại chỗ nào ?
(Đức Phật): Thưa đại vương… Gần cây xoài Kandamba trong nước Savatthi.
(Từ cây Kandamba, nghĩa là cây xoài trắng, Đức Thế Tôn muốn nói về cây xoài Kandamba rukkha là cây xoài do người làm vườn tên Kandamba trồng.
Đức Thế Tôn đã chọn chỗ ấy, vì thứ nhất đây là nơi mà tất cả chư Phật quá khứ thường thị hiện thần thông; thứ hai là để cho nhiều người có thể chứng kiến sự kiện vĩ đại. Đức Phật đã quyết định chọn chỗ này ở một khoảng xa 45 do tuần và thời gian sau bốn tháng).
Khi các ngoại đạo sư nghe được lời tuyên bố khẳng khái của Đức Phật (rằng Ngài thị hiện các phép thần thông vào ngày rằm tháng Waso gần cây xoài Kaṇḍamba trong nước Savatthi), họ tiên liệu rằng họ sẽ bị thất bại mãi mãi. Tuy nhiên, họ nghĩ ra những cách để đánh lạc hướng mọi người bằng cách giả bộ dối trá. Do đó, họ quyết định theo sát Đức Phật trên đường đi đến Sāvatthi, và để nói cho mọi người biết rằng họ đã công bố sẽ thi thố thần thông với Sa-môn Gotama, nhưng giờ đây Sa-môn Gotama đang chạy trốn họ vì sợ hãi, và vì vậy họ phải theo sát Sa-môn Gotama không để mất dạng Ngài, và không cho Ngài có cơ hội chạy trốn. “Với kế hoạch này của chúng ta, chúng ta sẽ nhận được nhiều lợi lộc và danh vọng hơn nữa.” Các ngoại đạo sự đã nuôi hy vọng như vậy.
Vấn đề thị hiện thần thông bất ngờ xảy ra vào ngày rằm tháng Phagguno (tháng 3 - theo Ấn độ), năm 108 (Đại kỷ nguyên). Vào khoảng ngày 16 tháng Tabaung (tháng 3 – Miến), Đức Phật đi khất thực trong thành Rājagaha và rời khỏi thành phố ấy, lên đường đi đến Sāvatthi cùng với chúng Tăng.
Đồng thời, các ngoại đạo sư cũng bắt đầu chuyến hành trình của họ và đi theo sau Đức Phật suốt chặng đường, thọ lãnh vật thực và độ thực ở cùng chỗ, ra đi và dừng lại ở cùng chỗ, ngủ cùng chỗ và tiếp tục lên đường sau bữa ăn sáng, ở cùng chỗ vào sáng hôm sau. Khi được dân chúng hỏi: “ Điều gì khiến các ngài đi theo Đức Thế Tôn?” Họ trả lời nội dung giống như đã trình bày ở trên. Đám đông kéo theo sau với ý định xem thị hiện thần thông.
Đức Phật đến Sāvatthi, Ngài ngụ tại Kỳ viên tịnh xá. Các ngoại đạo sư, sau khi đi theo Đức Phật, đã dựng lên một giả ốc bằng gỗ từ tiền quỹ một lakh do đệ tử của họ nộp lên theo yêu cầu của họ. Họ trang hoàng giả ốc một cách rực rỡ bằng những hoa sen xanh và huênh hoang công bố rằng đây sẽ là trung tâm của họ để khai triển thần thông.
Vua Pasenadi Kosala đi đến Đức Phật và hỏi rằng : “ Bạch Đức Thế Tôn, các ngoại đạo sư đã dựng lên một giả ốc rồi. Xin Thế Tôn cho phép con dựng lên một giả ốc dành cho Thế Tôn.” Đức Phật đáp lại: “ Thưa đại vương…đại vương không cần xây dựng giả ốc. Như Lai đã có thí chủ thân cận sẵn sàng xây dựng nó.” “ Ai có khả năng hơn con để xây dựng một giả ốc dành cho Thế Tôn ?” “ Thưa đại vương… Sakka (vua của chư thiên) sẽ xây dựng nó,” là câu trả lời. Đức vua hỏi: “ Bạch Đức Thế Tôn… Thế Tôn muốn thị hiện thần thông tại địa điểm nào?” “ Thưa đại vương…gần cây xoài Kadamba,” là câu trả lời.
Các ngoại đạo sư rất lo lắng khi họ nghe tin: “ Đức Phật sẽ thị hiện thần thông gần cây xoài,” và vì vậy họ bàn bạc với những tín đồ của họ để mua và đốn hạ tất cả những cây xoài ngay cả những cây con mới mọc ở bên trong khu vực có bán kính một do tuần quanh thành phố Sāvatthi.
Đức Phật đi vào thành phố Savatthi, có chúng Tăng theo cùng, để khất thực vào buổi sáng ngày rằm tháng Asalha (tháng 7). Tình cờ, người làm vườn, tên là Kanda, đang dọa đuổi những con quạ bị hấp dẫn bởi hương thơm của trái xoài chín nằm bên trong những lớp bao bọc của tổ kiến vàng trên cây xoài. Cuối cùng ông ta hái nó với ý nghĩ sẽ dâng nó đến đức vua. Trên đường đi, ông ta trông thấy Đức Phật và rồi ý nghĩ mới nảy sanh trong ông ta.
“ Nếu đức vua thọ hưởng trái xoài này thì phần thưởng vị ấy thưởng cho sẽ là tám đồng hoặc mười sáu đồng tiền. Với bao nhiêu đó không giúp ta sống hết cuộc đời. Nếu trái xoài này được dâng cúng đến Đức Phật thì đáp lại ta sẽ được quả phước vô lượng trong luân hồi.’
Với tâm tịnh tín như vậy, ông ta dâng trái xoài đến Đức Phật. Nhân đó, Đức Phật xoay người về phía đại đức Ānanda và đại đức Ānanda biết được ý của Đức Phật. Vị ấy dâng lên Đức Phật cái bát bằng đá mà bốn vị Đại phạm thiên đã dâng nó đến Đức Phật. Rồi Đức Phật hạ thấp cái bát xuống để thọ lãnh vật thí của Kanda. Rồi Đức Phật tỏ ý muốn ngồi xuống.
Đại đức Ānanda bèn trải xuống đất tấm tọa cụ và đem trái xoài ép lấy nước rồi dâng đến Đức Phật. Sau khi dùng nước trái xoài, Đức Phật gọi người làm vườn đến và nói rằng: “Này thiện nam Kanda… Hãy dọn sạch chỗ đất ở đây và gieo hạt xoài ấy xuống.” Khi Kanda đã gieo hạt xoài xuống đất rồi, Đức Phật rửa bàn tay phải của Ngài trên hạt xoài ấy.
Ngay khi Đức Phật rửa tay trên hạt xoài thì một cây con cỡ bằng cán cái cày mọc lên, cây con tiếp tục mọc lên cao dần đến năm mươi hắc tay. Thân chính của cây mọc ra những nhánh lớn ở khắp bốn hướng, và nhánh thứ năm vươn thẳng lên bên trên, mỗi nhánh dài năm mươi hắc tay. Rồi những nhánh chính lại đâm ra nhiều nhánh nhỏ và cho nhiều trái. Dần dần khắp cây đầy những chùm trái chín.
Tất cả những vị tỳ khưu đến trễ cũng có thể ăn những trái xoài. Khi nghe tin về sự xuất hiện kỳ lạ của cây xoài, vua Pasenadi Kosala truyền lịnh cấm không cho bất cứ ai đốn hạ cây xoài ấy và cho nhiều binh lính đến bảo vệ quanh cây xoài ấy.
(Cây xoài được lấy tên của người làm vườn, Kanda là người đã trồng cây ấy, cho nên mới có tên ‘Kandaṁba Rukkha.’ Đức Phật muốn ám chỉ về cây xoài này khi Ngài nói cho vua Bimbisāra và vua Pasenadi Kosala biết rằng Ngài sẽ thị hiện thần thông gần cây xoài Kandaṁba, để trả lời câu hỏi của họ. Đây là điều mà các ngoại đạo sư không thể biết, và vì thế họ đã lập kế hoạch với các tín đồ của họ để tiêu diệt tất cả cây xoài, kể cả những cây con, ở trong và quanh thành phố Sāvatthi, để Đức Phật không thể thị hiện thần thông).
Những người nát rượu ở địa phương cũng đến ăn những trái xoài đến thỏa thích. Họ quay sang các ngoại đạo sư và chỉ trích những động cơ hạ tiện và vị kỷ của họ: “ Ôi… những tên ngoại đạo tàn mạt, các ông đã tiêu diệt tất cả những cây xoài và bứng gốc cả những cây con, ở trong và quanh thành phố Sāvatthi vì sợ rằng Sa-môn Gotama sẽ thị hiện thần thông gần cây xoài (cây xoài trắng mà các ông đã răm rắp trong tâm). Nhưng phép lạ diễn ra gần cây xoài do người làm vườn Kanda trồng.” Và họ tấn công các ngoại đạo sư bằng cách lấy những hạt xoài mà họ đã ăn ném vào họ.
Sakka (Indira) truyền lịnh cho thần gió: “ Hãy thổi sập giả ốc của các ngoại đạo sư, làm bật gốc những cái cột và thổi tấp nó vào đống rác.” Thần gió làm theo lịnh của Đế Thích.
Sakka bảo thần mặt trời hạ thấp một chút để tạo ra sức nóng dữ dội cho các ngoại đạo sư. Thần mặt trời cũng làm như vậy.
Thần gió lại được Đế Thích truyền lịnh tạo ra một trận gió lốc riêng tại chỗ ngụ của các ngoại đạo sư. Vị ấy đã làm như vậy, kết quả là các ngoại đạo sư bị ướt dẫm mồ hôi và bị lấm đầy bụi và họ trông giống như những tổ kiến vàng lớn.
Rồi Đế Thích bảo thần mưa cho trút xuống một đám mưa đá. Thần mưa đã làm như vậy, kết quả là họ trông giống như những con bò đốm trắng đốm đỏ, khắp cả thân mình.
Các ngoại đạo sư, trước cảnh giả ốc của họ bị đổ sập vô phương cứu vãn, không thể chịu nỗi sức nóng mãnh liệt và sức mạnh của gió lốc kéo theo mưa đá. Họ buồn bã thất vọng, và không còn cách nào khác ngoài việc bỏ chạy khắp nơi.
Sáu vị giáo chủ ngoại đạo sư đã bỏ chạy tán loạn. Trong khi đó, một tín đồ hộ độ cho Purana Kassapa, là một nông dân, nghĩ rằng: “ Bây giờ phải là lúc để những đạo sư cao quý của ta phô diễn thần thông. Ta sẽ đi xem các phép thần thông.” Ông ta tháo ách cho những con bò kéo, và khi mang theo cái hủ mà ông ta dùng để đựng cháo vào lúc ban sáng, một sợi dây thừng và cái hích bò.
Ông ta đến tại chỗ nơi mà người ta mong chờ vị thánh nhân của ông ta sẽ phô diễn thần thông. Khi ông ta trông thấy Purana Kassapa đang vội vả bỏ chạy, ông ta hỏi vị ấy: “ Kính bạch ngài… Con đến để chứng kiến sự phô diễn thần thông của ngài, còn ngài đi đâu vậy?” Purana Kassapa đáp lại: “ Thần thông của ta làm được gì ? Hãy đưa cái hũ và sợi dây thừng cho ta.” Khi cầm lấy sợi dây thừng và cái hủ, vị ấy chạy thẳng đến bờ sông gần đó, bỏ cát đầy hủ và khi buộc chặc cái hủ vào cổ của vị ấy, vị ấy nhảy xuống dòng nước đang chảy xiếc để kết liễu đời mình. Sự kiện này được đánh dấu bằng những bong bóng nổi lên mặt nước trong khi đó vị ấy tái sanh vào địa ngục A tỳ (Avici).
Theo lẽ tự nhiên thì :
(a) Những kẻ ngu si và không giác ngộ thường phải chịu khổ lâu dài trải qua nhiều kiếp.
(b) Những bậc thánh có giới đức, có trí và đã giác ngộ hưởng được an lạc và hạnh phúc tột bậc.
Đến chiều hôm ấy, Sakka nhận ra rằng bổn phận của vị ấy là sắp xếp để tạo ra một giả ốc bằng châu báu dành cho Đức Phật, thế nên vị ấy truyền lịnh sai Vissakamma tạo ra một giả ốc to lớn trải rộng khắp 12 do tuần với nhiều hoa sen xanh ở khắp nơi và được tô điểm bằng bảy loại châu báu. Chư Tăng và thiện tín hội họp quanh Đức Phật trong giả ốc này.
Chiều ngày hôm ấy, Đức Phật rời khỏi Hương phòng của Ngài để trú tạm tại giả ốc do Vissakamma tạo ra, chuẩn bị thị hiện thần thông, và khi đến nơi, Ngài ngồi trên Phật tọa bằng châu báu có kích thước một do tuần, dưới cái lọng trắng của chư thiên có kích thước ba do tuần.
Cần nhớ lại rằng thời gian bốn tháng đã trôi qua kể từ ngày rằm của tháng Tabaung (tháng 3) khi mà Đức Phật tuyên bố với vua Bimbisāra về ý định Ngài sẽ thị hiện thần thông gần cây xoài Kandamba. Tin này đã được truyền đi khắp nơi kể từ đó, và bây giờ tất cả tỳ khưu, tỳ khưu ni và thiện nam tín nữ đã hội lại quanh Đức Phật ở bốn phía - trước, sau, bên phải và bên trái - mỗi bên dài 12 do tuần, từ mé bên này đến mé bên kia 24 do tuần và chu vi 72 do tuần.
Tất cả chư thiên từ mười ngàn thế giới đồng thời cũng đã hội đến chỗ này.
Tại đại hội, Gharani, một nữ cư sĩ và bậc thánh anāgāmi có năng lực lớn, đứng trước Đức Phật và khi chấp tay thành kính hướng về Ngài tác bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn… khi có một đứa con gái của Thế Tôn như con đây, Ngài không cần phải nhọc công. Xin hãy cho phép con được phô diễn thần thông.” Nhân đó, Đức Thế Tôn hỏi rằng: “ Này con Gharani, con định phô diễn thần thông của con như thế nào?” Nàng đáp lại :
“ Bạch Đức Thế Tôn… Con sẽ khiến một phần đất của thế giới biến thành nước nhờ đó biến toàn thể thế giới thành một khối nước. Con sẽ biến mình thành con gà nước và lặn xuống rồi xuất hiện ở mé phía đông, và cũng thế tại mé phía tây, phía bắc và phía nam của thế giới, rồi lại xuất hiện ở trung tâm của thế giới.
Nhân đó, một người nào đó sẽ hỏi con là ai và mọi người sẽ trả lời: ‘Nàng ta là Gharani, con gái của Đức Thế Tôn, và là một nữ thánh anāgāmi’. Sự kiện này sẽ khiến mọi người nói rằng: “Sự phô diễn thần thông này chỉ là bước mở đầu, là năng lực thần thông của con gái Đức Thế Tôn, một cô gái trẻ. Năng lực thần thông của Đức Thế Tôn chắc chắn phải là vô hạn. Kết quả là tất cả các ngoại đạo sư tự nhiên mất can đảm và bỏ chạy mà không dám quay lại nhìn Thế Tôn.”
Đức Phật nói với nàng rằng: “ Này con Gharani, Như Lai biết con có năng lực để phô diễn thần thông như vậy, nhưng bó hoa (được gắn vào cột trụ chiến thắng) không phải dành cho con.” Gharani suy nghĩ rằng Đức Phật đã không cho phép nàng vì những lý do tốt đẹp ; có thể là có một người nào đó hơn nàng về năng lực thần thông. Bởi vậy nàng ngồi xuống ở nơi thích hợp.
Đức Phật suy xét: “ Nếu theo cách này mà ta hỏi các con trai và con gái của ta giữa hội chúng đông đảo này, trải khắp 24 do tuần vuông thì họ sẽ dũng cảm đứng lên và với oai phong của con sư tử chúa, sẽ nói lên những lời công bố đầy tự tin. Theo cách này, oai đức của những con trai và con gái của ta sẽ được phơi bày. Do đó, Đức Phật hỏi những đệ tử khác về những pháp chứng đắc riêng của họ. Các vị đệ tử đã can đảm nói ra cách phô diễn thần thông của họ.”
Trong số những đệ tử nam nữ của Đức Phật, công bố những lời nói dũng cảm, Cula Anāthapiṇḍika là người đã nói ra như vầy: “ Bạch Đức Thế Tôn, khi có một đệ tử bậc anāgāmi của Thế Tôn như con đây thì Thế Tôn không cần phải nhọc công. Xin hãy cho phép con được phô diễn thần thông.”
Nhân đó, Đức Phật hỏi vị ấy: “ Này con Anāthapiṇḍika…con sẽ phô diễn thần thông như thế nào?” Vị thiện nam bậc thánh anāgāmi Anāthapiṇḍika đáp lại rằng: “ Con sẽ hóa thân của con thành thân của vị Phạm thiên, kích thước 12 do tuần, và rồi khi vỗ bàn tay này với bàn tay kia, con sẽ tạo ra những âm thanh sấm sét giữa đông đảo mọi người hiện diện ở đây.”
Sau đó, mọi người sẽ hỏi: “Loại âm thanh gì thế? ”, và những người khác sẽ trả lời: “Đây là tiếng vỗ tay của vị phú hộ trẻ Anāthapiṇḍika, là một vị anāgāmi thinh văn của Đức Phật.” Sự kiện này sẽ khiến các ngoại đạo sư nói rằng: “Đây chỉ là bước mở đầu, là năng lực thần thông của thiện nam đệ tử trẻ. Còn năng lực thần thông của Đức Phật thì không thể đoán biết được. Kết quả là họ tự nhiên mất can đảm và bỏ chạy mà không dám quay lại nhìn Đức Phật. ”
Đức Phật bảo vị ấy rằng: “ Này con Anāthapiṇḍika… Như Lai biết con có năng lực thần thông, nhưng tốt hơn con hãy chờ đợi.”
Một vị sa-di ni bảy tuổi tên là Cira, là bậc có Vô-ngại-giải-trí (paṭisambhidā-ñāṇa) sau khi đảnh lễ Đức Phật, bèn bạch với Ngài rằng: “Bạch Đức Thế Tôn… xin cho phép con được phô diễn thần thông.” Đức Phật hỏi sa-di ni rằng: “ Này con Cira, con sẽ phô diễn thần thông của con dưới hình thức nào?”
“Bạch Đức Thế Tôn… Con sẽ đem ba ngọn núi Sineru, Cakkavalapabbata và Himalaya đến tại chỗ này và đặt chúng thành hàng, rồi con sẽ biến mình thành con vịt Braminy, và khi đi ra từ những ngọn núi ấy, con sẽ bay lượn khắp nơi một cách tự do, không chướng ngại.”
Sau đó, mọi người sẽ hỏi: “ Cô gái nhỏ này là ai?” Và những người khác sẽ trả lời: “ Đây là Cirā, vị sa-di ni nhỏ của Đức Phật.” Điều này sẽ khiến các ngoại đạo sư nói rằng: “ Đây chỉ là sự phô diễn khởi đầu, là năng lực thần thông của vị sa-di ni mới bảy tuổi. Còn năng lực thần thông của Đức Phật thì không thể đoán biết được. Kết quả là họ sẽ tự nhiên bỏ chạy mà không dám quay lại liếc nhìn Đức Phật.”
(Những lời nhận xét như vậy có thể áp dụng cho những trường hợp sau có nội dung tương tự và không cần phải lập lại). Đức Phật cũng đáp lại như các trường hợp trước và vị sa-di ni không được Đức Phật cho phép phô diễn thần thông.
Tiếp theo, một vị sa-di A-la-hán bảy tuổi, tên Cunda, bậc có Vô-ngại-giải-trí (paṭisambhidā-ñāṇa), sau khi đảnh lễ Đức Phật, vị ấy bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn… Xin Thế Tôn cho phép con được phô diễn thần thông.” Đức Phật hỏi: “Này con Cunda, con sẽ phô diễn thần thông dưới hình thức nào?”
“ Bạch Đức Thế Tôn… Con sẽ nắm vào thân của cây vàng (được xem là cá cờ chiến thắng của vũ trụ) và mang về những trái rụng xuống từ đó rồi phân phát cho tất cả mọi người ở đây. Lại nữa, con sẽ mang những bông hoa từ cây san-hô ở cõi Tam thập Tam thiên và đem chúng đến hội chúng ở đây.
Đức Phật cũng đáp lại như trước và không cho phép vị sa-di trẻ phô diễn thần thông.
Tiếp theo, Trưởng lão ni Uppalavana thỉnh cầu Đức Phật cho phép phô diễn thần thông và Đức Phật hỏi nàng: “Con sẽ phô diễn thần thông dưới hình thức nào?”
“ Bạch Đức Thế Tôn… Con sẽ tạo ra một hội chúng trải dài 12 do tuần, chiếm một khoảng không gian có chu vi 36 do tuần. Con sẽ biến mình thành một vị Chuyển luân vương và cùng với đoàn tùy tùng, con sẽ đến đảnh lễ Thế Tôn.”
Đức Phật đáp lại: “ Như Lai biết con có năng lực thần thông như vậy.”Ngài cũng không cho phép trưởng lão ni phô diễn thần thông như những trường hợp trước.
(Moggallāna): Xin cho phép con được phô diễn thần thông.
(Tathagata): Này con Moggallāna…Con sẽ phô diễn như thế nào ? (Moggallāna): Con sẽ thâu nhỏ ngọn núi Meru bằng cỡ hạt cải, để nó trong kẽ răng của con và nhai nó trước mặt Đức Thế Tôn.
(Tathagata): Còn cách nào khác không ?
(Moggalāna): Quả đất sẽ được làm dẹp như tấm chiếu mỏng và con sẽ giữ nó giữa những ngón tay của con.
(Tathagata): Còn cách nào khác không ?
(Moggallāna): Như bánh xe của người thợ gốm (dùng để nghiền đất), con sẽ lật lên lớp đất mặt của quả đất và lấy chất dinh dưỡng ở bên dưới rồi cho tất cả mọi người ở đây ăn.
(Tathagata): Còn cách nào khác nữa không ?
(Moggallana): Bạch Đức Thế Tôn…Con sẽ dùng ngọn núi Meru làm cán dù và đặt quả đất trên đỉnh của nó, rồi con sẽ đi lui đi lại trên hư không tay nắm chúng như vị tỳ khưu cầm cái dù đi lại vậy.
Đức Phật dạy đại đức Mahā Moggallāna:“Này con Moggallāna… Như Lai biết con có đại lực để phô diễn thần thông,” nhưng không cho phép vị ấy. Đại đức Maha Moggallāna hiểu rằng: “ Sở dĩ Đức Phật không cho phép vị ấy vì thần thông của Ngài to lớn hơn và cao quý hơn vị ấy nhiều. Bởi vậy vị ấy ngồi xuống ở chỗ thích hợp.”
Đức Phật còn dạy thêm rằng: “ Này con… Chùm hoa chiến thắng này không phải dành cho con… Như Lai có năng lực để hoàn thành bất cứ phận sự nào vượt xa sự thành đạt của bất cứ ai khác. Chẳng lạ gì rằng không có ai khác ngang bằng với Như Lai khi Như Lai đã thành một vị Phật Chánh đẳng Chánh giác. Như Lai đã không có người ngang bằng khi Như Lai sanh ra làm một chúng sanh mà sự thành tựu Ba-la-mật của Như Lai vẫn chưa viên mãn.” Theo lời thỉnh cầu của đại đức Moggallāna, Đức Phật đã kể lại Bổn sanh Kanha Usaha (xem Ekanipata.3- Kurunga vagga, Bổn sanh thứ 9).
Sau khi kể lại Bổn sanh Kanha Usabha, Đức Phật tạo ra con đường kinh hành bằng châu báu từ tận cùng đầu này đến tận cùng đầu kia của mười ngàn thế giới, từ Đông sang Tây. Mười ngàn ngọn núi Mahā Meru trong mười ngàn thế giới được dùng làm những cột trụ chống đỡ con đường châu báu. Đầu phía Đông của con đường châu báu tựa trên mé ngoài của thế giới xa nhất về phía Đông. Đầu phía Tây của con đường châu báu nằm dựa trên mé ngoài của thế giới xa nhất ở về phía Tây. Bề rộng của con đường châu báu là 12 do tuần. Bề mặt ở hai bên của con đường châu báu có màu vàng. Phần giữa của toàn thể con đường bằng hồng ngọc, các rui mè bằng các loại ngọc sáng chói, mái che bằng vàng, và những trụ ngắn nằm thành hàng trên con đường châu báu đều bằng vàng; những hạt hồng ngọc và những hạt ngọc trai được rải như cát trên toàn thể bề mặt của con đường.
Ở mỗi mặt trong bốn phía của con đường, rộng đến 12 do tuần, là thính chúng nhân loại. Số lượng nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thì vô số kể. Giữa thính chúng như vậy, Đức Phật đã thị hiện song thông. Sau đây là đoạn trích tóm tắt từ kinh tạng Pāḷi.
(1) Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ phần trên của thân, có những dòng nước chảy ra từ phần dưới của thân; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ phần dưới của thân thì có những dòng nước chảy ra từ phần trên của thân.
(2) Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ phần trước của thân thì có những dòng nước chảy ra từ phần sau của thân; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ phần sau của thân thì có những dòng nước chảy ra từ phần trước của thân.
(3) Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ mắt phải thì có những dòng nước chảy ra từ mắt trái; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ mắt trái thì có những dòng nước chảy ra từ mắt phải.
(4) Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ tai phải thì có những dòng nước chảy ra từ tai trái; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ tai trái thì có những dòng nước chảy ra từ tai phải.
(5) Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ lỗ mũi phải thì có những dòng nước chảy ra từ lỗ mũi trái; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ lỗ mũi trái thì có những dòng nước chảy ra từ lỗ mũi phải.
(6) Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ vai phải thì có những dòng nước chảy ra từ vai trái; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ vai trái thì có những dòng nước chảy ra từ vai phải.
(7) Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ tay phải thì có những dòng nước chảy ra từ tay trái; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ tay trái thì có những dòng nước chảy ra từ tay phải.
(8) Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ bên phải của thân thì có những dòng nước chảy ra từ bên trái của thân; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ bên trái của thân thì có những dòng nước chảy ra từ bên phải của thân.
(9) Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ chân phải thì có những dòng nước chảy ra từ chân trái; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ chân trái thì có những dòng nước chảy ra từ chân phải.
(10) Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ mỗi ngón tay và mỗi ngón chân thì có những dòng nước tuôn ra từ mỗi kẽ hở của mười ngón tay và mười ngón chân; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ mỗi kẽ hở của mười ngón tay và mười ngón chân thì có những dòng nước chảy ra từ mỗi ngón tay và mỗi ngón chân.
(11) Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ một số sợi lông trên thân thì có những dòng nước tuôn ra từ một số sợi lông khác trên thân.
(12) Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ một số lỗ chân lông trên thân thì có những dòng nước chảy ra từ một số lỗ chân lông khác trên thân.
Từ những phần khác nhau này của thân chiếu ra hào quang sáu màu khác nhau, đó là: xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, hồng, rực rỡ, từng cặp, từng chùm.
(Chú thích: Khi Đức Phật thị hiện song thông, Ngài vừa nhập định đề mục lửa (teso-kasiṇa-jhāna) để khiến những ngọn lửa xuất hiện, vừa nhập định đề mục nước (āpo-kasiṇa-jhāna) để khiến những dòng nước tuôn ra).
Cần lưu ý rằng, những ngọn lửa không hòa chung với những dòng nước và ngược lại, chúng tách riêng. Vì không thể có hai sát na tâm xảy ra cùng một lúc, nên sự tạo ra những ngọn lửa và sự tạo ra những dòng nước xảy ra trong hai sát na riêng biệt thay đổi luân phiên, dầu chúng có vẻ như đồng bộ và xảy ra cùng một lúc trước mắt của những người bình thường. Sự biến hóa của tâm dù riêng biệt, nhưng vô cùng mau lẹ. Điều này do bởi (a) khoảnh khắc giữa mỗi trạng thái tâm của Đức Phật cực kỳ ngắn, (b) độ nhanh của tâm, (c) đã đạt đến sự thuần thục tột đỉnh trong sự nhập định. Những ngọn lửa và những dòng nước phát ra từ thân của Đức Phật đi lên đến chỗ cao nhất của mười ngàn thế giới và đi xuống chỗ thấp nhất của mười ngàn thế giới.
Sau khi thị hiện Song thông, Đức Phật thị hiện thần thông đặc biệt gọi là Thế-giới-khai-hiện-thần-thông. Đây là cách thị hiện thần thông. Đức Phật nhập tứ thiền - rūpa-vacara-kiriya, đề mục màu trắng (odata kasina) ; sau khi xuất khỏi tứ thiền, Đức Phật chú nguyện: “ Hãy chiếu sáng khắp mười ngàn thế giới.” Ngay tức thì, toàn thể đại thế giới, từ cõi người đến cõi Phạm thiên sắc cứu cánh (Akkaniṭha Brhamā) đều được chiếu sáng.
Tất cả nhân loại đều có thể thấy rõ các cõi từ cõi Tứ đại thiên vương (Catumahārajika Deva) đến cõi Phạm thiên sắc cứu cánh (Akkaniṭha Brhamā) ngay khi họ ở chỗ ngụ riêng của họ. Họ có thể thấy tất cả chư thiên tại các cõi ấy đang đi lại sinh hoạt hàng ngày với những hồ nước, khu vườn, bảo tọa, trường kỹ, những lâu đài có mái chồng nhau, những cỗ xe, các biểu chương của vua, trong kiểu cách vui sướng hạnh phúc, họ đang vui sướng thọ hưởng cuộc sống xa hoa trong những cung điện bằng châu báu lấp lánh do họ tạo ra, bản thân họ và mọi thứ đều lấp lánh rực rỡ.
Trong mười sáu cõi Phạm thiên sắc giới (rūpavaraca), một số Phạm thiên sáng chói và thuần tịnh như những pho tượng làm bằng nhiều loại châu báu được trông thấy đang thọ hưởng lạc định (samapatti), trong khi những vị khác thì đang say sưa bàn luận về bản chất vi tế và thâm sâu của giáo pháp. Họ trông thấy rõ ràng bằng mắt của loài người do bởi oai lực của Đức Phật.
Tương tự, nhìn xuống phía dưới sâu thẳm của quả đất, có tám cõi đại địa ngục, và mỗi cõi có bốn mặt, mỗi mặt có 4 tiểu địa ngục, tổng cộng là mười sáu tiểu địa ngục trong mỗi đại địa ngục, được gọi là Ussada niraya. Ở giữa của ba thế giới có một địa ngục gọi là Thế giới địa ngục trung gian (Lokanta niraya, mỗi thế giới có 31 cõi). Những địa ngục này hoàn toàn tối tăm. Trong mỗi cõi địa ngục có những chúng sanh đang chịu cực hình thống khổ khốc liệt, tùy theo những loại ác nghiệp khác nhau mà họ đã gây ra trong kiếp trước. Tất cả mọi người trên quả đất này đều có thể trông thấy những cõi khổ này và những chúng sanh chịu khổ trong đó một cách rõ ràng do oai lực của Đức Phật.
Tất cả chư thiên và Phạm thiên trong mười ngàn thế giới mà đã đến bằng đại thần thông của họ đều được loài người trông thấy đang chấp tay, cúi đầu đảnh lễ Đức Phật với tâm đầy tịnh tín và thán phục. Họ ngâm lên những câu kệ để tán dương các oai đức của Đức Phật và nói những lời bày tỏ sự hạnh phúc và niềm vui sướng.
Tất cả những hiện tượng kỳ lạ ấy, như Song thông, hào quang sáu màu từ thân của Đức Phật và mười ngàn thế giới có thể được trông thấy bởi tất cả mọi người trên quả đất này tạo ra nhiều hoan hỉ và tịnh tín.
(1) (Nīla) Hào quang màu xanh đậm: Khi thị hiện Song thông, do oai lực của Song thông trí (yamaka patihāriya-ñāṇa), Đức Phật khiến hào quang phát ra từ thân của Ngài: hào quang màu xanh đậm phát ra từ chỗ tóc râu mọc lên và hai con ngươi của mắt, kết quả là toàn thể không trung tựa như được phun rải bởi loại bột Antimon hay được bao trùm bởi màu xanh của loại đậu và những hoa sen xanh. Toàn thể không gian tràn ngập ánh sáng màu xanh lục bảo.
(2) (Pīta) Hào quang màu vàng: phát ra từ da và hai hốc mắt và tất cả những chỗ có màu vàng trên thân của Đức Phật. Tất cả những vùng chung quanh đều được chiếu sáng bởi ánh sáng màu vàng tựa như khắp nơi đều được tưới lên bằng chất lỏng vàng hoặc được che phủ bằng tấm vải bằng vàng, hoặc tựa như bột nghệ được phun ra và những bông hoa bằng lụa vàng được rải trên đó.
(3) (Lohita) Hào quang màu đỏ: phát ra từ thịt, máu và phần nào của hai mắt và những phần khác có màu đỏ của thân. Toàn thể không gian chung quanh sáng rực lên bởi ánh sáng màu đỏ tựa như được nhuộm thắm bởi màu châu sa hay được phủ lên lớp sơn đỏ, hay được bao phủ bởi tấm thảm nhung màu đỏ hay tựa như được rải đầy những bông hoa san hô của Ấn Độ ở trên đó. Toàn thể không gian được chiếu sáng một cách kỳ diệu và xinh đẹp bởi hào quang ấy.
(4) (Odata) Hào quang màu trắng: Hào quang màu trắng phát ra từ xương, răng của Đức Phật và những phần trắng của con mắt. Khắp vùng chung quanh trông như được bao bọc bởi dòng sữa tuôn ra liên tục từ những cái hũ bằng bạc, hoặc bằng lớp trần che bằng bạc ở trên cao, những ngọn lá bạc và những cái đĩa bạc được sắp thành từng lớp hoặc như cái quạt bằng bạc đang di động, hoặc như hoa lài, hoa sen trắng được tung rải khắp nơi.
(5) (Manjeṭṭha) Hào quang màu hồng: Phát ra từ lòng bàn tay và hai gót chân, tỏa sáng xinh đẹp tựa không gian được bao bọc bằng tấm lưới san hô và bằng những loại hoa có màu hồng.
(6) (Pabhassara) Hào quang rực rỡ: phát ra từ một sợi lông trên trán của Đức Phật, trên móng tay và móng chân, và tất cả những phần sáng bóng, nhờ đó chiếu sáng khắp nơi tựa như có nhiều chòm sao hôm và những tia chớp. Không gian trông thật xinh đẹp diệu kỳ.
(Trích dẫn từ bộ Paṭisambhida Maggaṭṭhakatha, cuốn 2).
Sự chiếu sáng bằng hào quang sáu màu quả thật là một hiện tượng kỳ lạ.
Vào ngày hôm ấy, Đức Phật thuyết những bài pháp khế hợp với những căn tánh của chúng sanh, suốt quá trình thị hiện Song thông trên con đường châu báu, dài từ đông sang tây, xuyên qua hàng ngàn cõi thế giới. Đức Phật tạm dừng thị hiện song thông trong một thời gian ngắn để hội chúng nói lời ‘Sādhu’ (Lành thay). Trong những khoảng thời gian như vậy, Đức Phật dò xét căn tánh của mỗi chúng sanh trong hội chúng, tạo nên một biển chúng sanh. Với mục đích này, Đức Phật quan sát quá trình tâm của mỗi chúng sanh bằng vận dụng Tâm-tùy-quán (cittānupassanā), lưu ý 16 thái độ tâm khác nhau của mỗi chúng sanh. Người ta có thể tưởng tượng tốc độ tâm của chư Phật Chánh đẳng Chánh giác nhanh lẹ đến dường nào.
Như đã trình bày ở trên, Đức Phật thị hiện Song thông và thuyết pháp khế hợp với căn tánh của chúng sanh, chỉ sau khi Ngài đã nhìn vào và quan sát quá trình tâm của họ, kết quả là vô số chúng sanh được giải thoát khỏi luân hồi nhờ giác ngộ Tứ Diệu Đế. Quả thật vậy, đây là trường hợp tối thắng của Pháp - Dhammābhi samaya.
Đức Phật nhìn vào tâm của các nhân vật trong đại chúng, để xem có chúng sanh nào có khả năng nêu lên những câu hỏi theo ý muốn riêng của vị ấy (để Ngài có thể cho câu trả lời đúng), nhưng Ngài không tìm thấy ai cả. Bởi vậy, Ngài tạo ra vị Phật thứ hai giống hệt Ngài, rồi dần dần tăng lên hai vị, ba vị, bốn vị đến hằng trăm vị Phật giống hệt Ngài.
Có một cuộc đàm đạo gồm một loạt câu hỏi và câu trả lời giữa chính Đức Phật và những vị Phật được hóa ra, thay phiên đưa ra những câu hỏi và trả lời. Chư Phật được hóa ra ở trong nhiều tư thế khác nhau: một số đang đứng, một số đang nằm, một số đang đi và một số đang ngồi, trong khi đang đàm đạo.
Sự rực rỡ và lộng lẫy của hào quang sáu màu cùng với những ngọn lửa và những dòng nước từ Song thông của Đức Phật, và sự chói lọi của chư Phật được hóa ra, kết hợp với ánh sáng trên bầu trời tạo ra một nét kỳ diệu vượt ngoài khả năng của các vị Thinh văn (savaka).
Một số Phạm-thiên và chư thiên ngâm lên những bài kệ tán dương oai lực, sự vinh quang và tánh chất vĩ đại của Đức Phật. Khắp không trung vang lên những bài hát của chư thiên. Họ tung rải những hoa trời, tiếng nhạc từ hằng ngàn nhạc cụ của chư thiên kết hợp với tiếng nhạc từ những nhạc cụ của nhân loại, làm cho không gian giống như ngày hội lớn của tất cả chúng sanh.
Song thông phi thường như vậy được thị hiện bởi Đức Phật bằng bất cộng trí (asādhārana-ñāṇa), là trí của riêng chư Phật Chánh đẳng Chánh giác, chư Phật Độc giác và Thinh văn giác không thể có được. Sau khi chứng kiến Song thông cũng như nghe thuyết pháp, hai mươi koṭi nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đạt được sự giải thoát.
Đức Phật nhìn vào quá khứ trong khi vẫn còn đang thị hiện Song thông, để xem các vị Phật quá khứ thường an cư ở chỗ nào sau khi thị hiện Song thông, và cuối cùng thấy rằng: “ Tất cả chư Phật đều đi lên cõi Tāvatiṃsa để an cư kiết hạ và thuyết tạng Abhidhamma đến vị thiên là mẹ của các Ngài trong kiếp trước.” Rồi Ngài quyết định đi lên cõi Tāvatiṃsa, và ngay khi Ngài vừa nhấc bàn chân phải lên thì đỉnh núi Yugando, cao 42 ngàn do tuần, di chuyển đến và đặt đỉnh của nó dưới bàn chân phải của Ngài. Khi bàn chân trái được nhấc lên thì đỉnh núi Maha Meru, cao 84 ngàn do tuần tự động di chuyển đến dưới bàn chân trái của Đức Phật.
(Chú thích: Không ai trông thấy các đỉnh núi Yugando và Maha Meru tự uốn cong xuống để đặt chúng dưới chân của Đức Phật và Đức Phật cũng không đi những bước dài để đến cõi Tāvatiṃsa. Đây hoàn toàn là vấn đề thần thông, đặc biệt thuộc lãnh vực của chư Phật Chánh đẳng Chánh giác và vượt ngoài phạm vi hiểu biết của tất cả chúng sanh).
Đức Phật đã đến cõi Tāvatiṃsa như vậy chỉ bằng hai bước chân. Cõi Tāvatiṃsa ở trên đỉnh của núi Meru, và đến đỉnh của nó tức là đến cõi Tāvatiṃsa.
Ngay khi Sakka trông thấy Đức Phật, vị ấy suy nghĩ sai lầm rằng: “ Đức Phật có thể ngụ trên tảng đá bằng ngọc lục bảo để an cư kiết hạ và chư thiên, Phạm thiên nhờ đó mà được lợi ích. Trong trường hợp như vậy, không ai có được cơ hội dù chỉ chạm vào tảng đá bằng ngọc lục bảo có kích thước khổng lồ, dài 60 do tuần, rộng 50 do tuần và cao 15 do tuần. Khi Đức Phật ngụ ở trên đó mùa an cư, giống như một con chim sẻ ở trên một cái khay lớn, để lại một khoảng trống rộng lớn.”
Sau khi biết được ý nghĩ của Sakka, Đức Phật thả xuống chiếc y Tăng-già-lê của Ngài che phủ hết tảng đá. Sakka vẫn nghĩ rằng ‘một khoảng trống lớn vẫn còn bị bỏ phí sau khi Đức Phật đã ngồi trên đó dù cho tấm y phủ khắp cả tảng đá, người của Đức Phật chỉ chiếm một khoảng nhỏ trên đó mà thôi.’ Đức Phật biết được ý nghĩ của Sakka và như một vị đại trưởng lão (mahāthera) đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ và thọ trì pháp hành của vị Sa-môn, Ngài ngồi kiết già trên tảng đá bằng ngọc lục bảo và choán hết chỗ của tảng đá.
Sakka nhận ra những lỗi lầm của mình và tự trách vì những khả năng hữu hạn của mình: “ Đức Thế Tôn quả thật phi thường. Chúng ta không bao giờ có thể biết hết được, cũng không thể biết đầy đủ những ân đức thù diệu của Ngài vĩ đại đến dường nào. Ngay cả đối với một người như Thế Tôn mà ta cũng có những ý nghĩ lỗi lầm!” Để công bố lỗi lầm, vị ấy đảnh lễ Đức Phật với tâm tịnh tín sâu xa.o:p>
Ở cõi nhân loại, mọi người rất ngạc nhiên khi Đức Phật bỗng nhiên biến mất. Trong khi họ đang chứng kiến Song thông, tựa như hằng trăm ngàn mặt trời và mặt trăng khuất dạng và biến mất, và vì vậy họ bàn luận về nguyên nhân nào khiến Đức Phật biến mất trước mắt họ.
Gato nu cittakutaṃ vā
kelāsaṃ vā Yugandharaṁ
na no dakkhemu sambuddhaṁ lokajettham narāsabhaṁ.
Bậc chúa tể tối thượng của ba cõi, bậc Ứng cúng tối cao, bậc Như lai danh tiếng, Đức Chánh biến tri, bây giờ Ngài đã đi mất trong khi chúng ta đang chứng kiến các phép thần thông vĩ đại! Chúng ta tự hỏi liệu có phải Ngài đã tránh khỏi đám đông ồn ào để đến chỗ vắng vẻ như ngọn núi Cittakuti, hay đến núi bạc Kelasa hoặc đến núi Yugandhara ?
Họ khóc than và thốt lên bài kệ trên khi họ đang bàn luận với nhau.
Có một số người cho rằng: “ Đức Phật thích trú ngụ ở nơi vắng vẻ. Đức Phật chắc đã suy nghĩ ‘thay vì đến nơi ẩn dật, ta đã đi thị hiện thần thông trước đại chúng này,’ và khi cảm thấy bối rối đã lui về một nơi vắng vẻ nào đó, nơi mà không ai có thể trông thấy Ngài. Họ khóc than và nói lên bài kệ sau đây:
Pavivekarato dhīro nayimaṃ lokam punehiti
na no dakkhemu sambruddham
loka jettam narāsabhaṃ.
Giờ Đức Phật đã rút về nơi vắng vẻ, nơi mà những phiền nhiễu của ngũ căn được vắng lặng, Ngài sẽ không bao giờ trở lại cõi người đầy náo nhiệt này, đầy những cám dỗ trần tục. Vị chúa tể cao quý nhất của ba cõi, bậc Ứng cúng tối thượng, bậc Như Lai danh tiếng, bậc Toàn giác đã đi mất, ngay khi chúng ta đang tôn kính đảnh lễ.
Mọi người hỏi đại đức Mahā Moggallāna về chỗ trú ngụ của Đức Phật, tuy vị ấy biết Đức Phật đang ở cõi Tāvatiṃsa, nhưng vị ấy chỉ họ đến đại đức Anuruddha để xin câu trả lời. Khi họ hỏi đại đức Anuruddha thì vị ấy trả lời rằng Đức Phật đã trú ngụ trên bảo tọa của Sakka dưới cây hoa san hô ở cõi Tāvatiṃsa, để chuyết pháp tạng Abhidhamma đến chư thiên, dẫn đầu là vị thiên mà kiếp trước là mẹ của Ngài. Khi được hỏi khi nào Đức Thế Tôn sẽ trở lại cõi nhân gian, đại đức cho biết là Ngài sẽ trở về vào ngày lễ Tự tứ (Mahā Pavāraṇa) (vào cuối mùa an cư) nhằm ngày rằm tháng chín (Assayujo), sau khi thuyết tạng Abhidhamma trong suốt mùa an cư.
Tất cả những người ấy quyết định rằng: “ Chúng ta sẽ không rời khỏi nơi đây chừng nào chưa đảnh lễ Đức Phật,” vì vậy họ dựng lên những giả ốc bằng lá ở xung quanh đó. Bầu trời bản thân làm mái che và đất mẹ hút hết tất cả rác rưởi và khắp vùng hoàn toàn vệ sinh sạch sẽ.
Đức Phật đã cho lời chỉ bảo đến đại đức Moggallāna là thuyết pháp đến những người này, và vị thiện nam Cula Anāthapiṇḍika trách nhiệm cung cấp vật thực cho họ. Vị ấy cho họ cơm, đồ ăn, cau trầu, thuốc lá, trà, vật thơm, hoa, y phục và tất cả những vật dụng khác, đầy đủ không thiếu vật gì. Theo lời yêu cầu của Đức Phật, đại đức Mahā Moggallāna thuyết pháp đến họ suốt mùa an cư.
Chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới kéo về quanh Đức Phật để nghe Ngài thuyết tạng Abhidhamma từ trên bảo tọa của Sakka, dưới cây hoa san hô ở cõi Tāvatiṃsa. Không có ai trong số chư thiên và Phạm thiên vượt trội Đức Phật về tướng mạo. Quả thật vậy, Ngài vượt trội tất cả họ về diện mạo tuấn tú.
Khi Đức Phật ngồi trên bảo tọa của Sakka, vị thiên Santusita đi xuống từ cõi Đâu-suất-đà (Tusitā) và cung kính ngồi xuống một bên trước Đức Phật. Vị ấy là mẹ của Ngài trong kiếp trước của vị ấy.
Vị thiên Indaka đến sau vị thiên Santusita và ngồi ở bên phải gần chỗ ngồi của Đức Phật, còn vị thiên Ankura ngồi ở bên trái ở một chỗ gần Đức Phật. Vị thiên Ankura buộc phải tìm chỗ cho mình vì có nhiều chư thiên và Phạm thiên có oai lực lớn hơn đi đến và cuối cùng vị này phải lùi xa cách Đức Phật 12 do tuần. Nhưng Indaka thì có thể ngồi yên ở chỗ cũ của vị ấy.
Phần khởi đầu của tiểu sử của vị ấy phải được truy về quá khứ vào thời kỳ đen tối (theo sau thời giáo pháp của Đức Phật Kasapa đã hoại diệt). Lúc bấy giờ, vị ấy là người con trai út trong mười một người con của hoàng tử Upasagara và công chúa Devagabbha. Hoàng tử Upasagara là con trai của vua Mahā Sagara nước Uttaramadhuraj, và công chúa Devagabbha là con gái của Mahākansa, người trị vì phủ Asitanjana, nước Uttarapatha. Anh cả là Vasudeva và chị lớn là Ujanadevi.
Khi vị ấy đến tuổi trưởng thành, những người anh cho vị ấy cai quản một thị trấn và thâu thuế ở đó. Đây là phần chia của vị ấy từ những chiến lợi phẩm sau khi những người anh chinh phục toàn cõi Jambudīpa. Nhưng vị ấy lại nhường thành phố ấy cho người chị lớn, là công chúa Ujana. Vị ấy chỉ xin miễn thuế đối với hàng hóa buôn bán của vị ấy bên trong những vùng biên giới thuộc châu phủ của họ. Vị ấy sống cuộc đời của vị thương nhân tự do và cảm thấy hạnh phúc, thỏa mãn điều kiện sống của vị ấy.
Một hôm nọ, vị ấy gặp phải tình cảnh rất khó khăn do thiếu đồ ăn dự trữ cho cuộc hành trình vượt qua sa mạc. Một vị hộ thần ở trong một cây đa nọ, có năng lực tạo ra mọi nhu cầu cần thiết chỉ bằng cử chỉ từ bàn tay phải của vị ấy. Đó là vị thiên có tánh tri ân và vị ấy đã hoàn thành mọi nhu cầu cho hoàng tử và đoàn tùy tùng bằng cách tạo ra thứ cần thiết cho họ bằng cách chỉ ra một ngón tay từ bàn tay phải của vị ấy, để đền đáp món nợ của vị ấy đối với hoàng tử trong một kiếp quá khứ. Vị hoàng tử tò mò hỏi vị ấy về năng lực kỳ diệu, vị thọ thần đáp lại rằng: “Kiếp trước tôi là một người thợ may nghèo sống gần nhà của một vị phú hộ tên Asayha, trong thị trấn Roruva. Một hôm vị phú hộ mở cuộc đại phát chẩn đến người nghèo và tôi vui sướng giúp đỡ những người nghèo đi qua trước nhà của tôi bằng cách chỉ bàn tay về hướng của nhà phát chẩn của vị phú hộ. Vì thế giờ đây tôi đang thọ hưởng kết quả của việc làm tự nguyện của mình. Thế nên, tất cả những vật dụng cần thiết của loài người như vật thực, y phục tuôn ra một cách dồi dào như ý, từ bàn tay phải của tôi.”
Vì muốn được quả phước như thọ thần của cây banyan, hoàng tử Ankura, sau khi trở về nước Dvaravati đã phát chẩn bố thí rộng lớn đến mọi người trong khắp cõi Jambudīpa (rộng mười ngàn do tuần). Sự bố thí như vậy có ảnh hưởng bất lợi cho guồng máy thâu thuế. Quả thật vậy nó làm tê liệt hệ thống thâu thuế và những người anh của vị ấy đã phải khuyên vị ấy nên bố thí vừa phải. Ankura chuyển đến thành phố Dakkhinapatha của nước Damittha để bắt đầu lại việc bố thí của vị ấy dọc theo dãi đất dài 12 do tuần ở bên bờ của đại dương. Suốt dãi đất ấy, vị ấy đã cho đặt một loạt những cái nồi lớn đựng vật thực bố thí trên những cái bếp hầu như dính liền nhau. Vị ấy sống mười ngàn năm, bố thí suốt thời gian ấy và mạng chung. Khi tái sanh vào cõi Tāvatiṃsa, vị ấy cũng mang tên là Ankura.
Dù Ankura đã bố thí rất dồi dào suốt thời gian dài như vậy, phước của vị ấy cũng không phải là lớn lắm, bởi vì những người đến thọ thí không có giới đức suốt thời kỳ đen tối không có giáo pháp, giống như người nông dân gieo hạt giống trên mảnh đất cằn cỗi. (Đây là đoạn trích dẫn tóm tắt về cuộc đời của Ankura. Muốn biết đầy đủ chi tiết, hãy xem câu chuyện 9. Ankura Peta Vatthu 2. Ubbari Vagga, Ngạ quỉ sự).
Vào thời kỳ của Đức Phật Gotama của chúng ta, trong khi vị thiên Ankura đang thọ hưởng cuộc sống hạnh phúc ở cõi Tāvatiṃsa, thì một chàng trai trẻ nọ tên là Indaka, với tâm tịnh tín, đã cúng dường một vá cơm đến đại đức Anuruddha khi trưởng lão đang trên đường đi khất thực.
Sau khi mạng chung, chàng trai tái sanh làm một vị thiên rất hùng mạnh ở cõi Tāvatiṃsa, có mười loại quả phước của vị thiên phát sanh từ việc phước mà vị ấy đã làm trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Gotama, giống như một nông dân đã gieo hạt vào mảnh đất phì nhiêu. Vị ấy mang tên cũ của mình là Indaka. Mười quả phước của vị thiên là (1) Sắc, (2) Thinh, (3) Hương, (4) Vị, (5) Xúc, (6) Sự trường thọ, (7) Nhiều người hầu hay tùy tùng, (8) Sắc tướng xinh đẹp, (9) Tài sản của cải, (10) Quyền lực.
Vị thiên Ankura đã phải nhường chỗ của mình vì có những chư thiên và Phạm thiên hùng mạnh hơn đến dự thính tại đại hội thuyết pháp Abhidhamma, vị ấy phải lùi xa đến 12 do tuần cách Đức Phật, trong khi đó vị thiên Indaka có thể ngồi yên mà không phải nhường chỗ cho bất cứ chư thiên nào.
Khi Đức Phật trông thấy sự khác biệt về địa vị giữa vị thiên Ankura và vị thiên Indaka, Ngài nghĩ là điều tốt nên được nêu ra để mở mang kiến thức cho chúng sanh, đó là những khác biệt về lợi ích phát sanh từ những việc phước được làm trong thời kỳ giáo pháp hưng thịnh của chư Phật Chánh đẳng Chánh giác và từ những việc phước phát sanh trong thời kỳ đen tối không có chánh pháp. Do đó, Đức Phật hỏi Ankura: “Này Ankura… làm sao mà ngươi phải ở cách Như Lai đến 12 do tuần, dù ngươi đã bố thí vật thực từ những cái nồi lớn được đặt trên những cái bếp được sắp dài trên dải đất 12 do tuần suốt 10 ngàn năm ?”
Mahādānaṃ tayā dinnaṃ
Ankura dighamantare atidūre nisinnosi āgaccha mama santike.
Này thiện nam Ankura… Tại sao ngươi phải lùi lại và nhường chỗ cho những chư thiên và Phạm thiên khi đến đại hội Abhidhamma này, dù ngươi có phước từ sự bố thí vật thực trong những cái nồi lớn được đặt trải dài trên dải đất rộng 12 do tuần, trong mười ngàn năm ? Giờ đây người ở cách xa Như Lai 12 do tuần. Hãy đến và ngồi trước Như Lai !
Lời nói của Đức Phật trong câu kệ vấn nạn này thấu đến quả đất và mọi người trên quả đất đều nghe được. (Hãy xem Chú giải Pháp cú kinh)
Câu trả lời của Ankura đối với câu hỏi của Đức Phật một câu kệ rưỡi (6 dòng) và bài kệ bổ túc của những vị đại trưởng lão kết tập Tam tạng tạo nên nửa câu kệ (hai dòng), tổng cộng là 2 câu kệ và chúng được kết tập có hệ thống trong tư liệu của kỳ Kết tập bằng tiếng Pāḷi như sau :
Codito bhāvitattena Aṅkuro etadabravi
kim mayham tena dānena
dakkhiṇeyyena suññataṃ
Ayaṃ so Indako yakkho dajjā dānaṃ parittakaṃ atirocati amhehi
cando tārāgane yatha.
Sau khi được Đức Phật hỏi, bậc đã thực hành hai loại thiền dẫn đến tâm tự tại và thân tự tại, vị thiên Ankura, người đã làm các việc phước trong thời kỳ đen tối không có giáo pháp của Đức Phật, cung kính trả lời như sau: “ Bạch Đức Thế Tôn… có một loại phước được làm rất siêng năng trong thời kỳ đen tối, không có giáo pháp của Đức Phật. Khi ấy không có một người giới đức nào thọ lãnh vật thực cúng dường. Làm sao phước của con có thể giúp con ngồi ở chỗ tốt khi mà nó được thực hiện trong suốt thời kỳ đen tối không có Giáo pháp !
Vị thiên Indaka đang ngồi trước mặt Ngài, đã cúng dường chỉ một vá cơm đến đại trưởng lão Anuruddha với tâm tịnh tín, vị ấy đã nhận được quả phước vượt trội quả phước của con như mặt trăng sáng trội hơn vô số vì sao, và đó là lý do vị ấy có được may mắn là thọ hưởng 10 điều phước của vị thiên thù thắng hơn vị thiên khác như con đây, kẻ đã làm những việc phước trong thời kỳ đen tối không có Giáo pháp của Đức Phật!”
Rồi sau đó, Đức Phật hỏi vị thiên Indaka: “Này Indaka… Ngươi ngồi bên phải của Như Lai mà không dời đi chỗ nào khác! Tại sao ngươi không phải nhường chỗ ngồi khi có chư thiên và Phạm thiên hùng mạnh hơn đi đến?” Đây là câu trả lời của Indaka: “ Bạch Đức Thế Tôn, trường hợp của con có thể ví như người nông dân gieo một lượng nhỏ hạt giống trên một mảnh đất phì nhiêu; cũng thế, con đã có được may mắn có được người thọ thí ứng cúng.” Và vị ấy đọc lên 4 câu kệ để tán dương những ân đức của những người thọ thí:
Ujjangale yatha khette bijaṃ bahumhi ropitam na phalaṃ vipulaṃ hoti napi toseti kasakam.
Thatheva dānam bahukam
dussīlesu patithitaṃ
na phalaṃ vipulam hoti
napi toseti dāyakaṃ.
Cho dù một lượng lớn hạt giống được gieo vào trên đồi đất đầy đá, cát, phèn, cằn cỗi, sản phẩm có được sẽ ít ỏi và làm thất vọng người gieo trồng.
Tương tự thế, dù sự bố thí rộng rãi được thực hiện mà người thọ thí lại kém cõi về giới đức suốt thời kỳ đen tối không có Giáo pháp của Đức Phật, quả phước phát sanh từ đó sẽ ít ỏi và làm thất vọng người bố thí.
Yathapi bahaddake khette bijam appamhi ropitam sammā dhāraṃ pavecchante phalam toseti kassakaṃ.
Tatheva sīlavantesu gunavantesu tādisu appakampi kataṃ kāram puññaṃ hoti mahapphalaṃ.
Bạch Đức Thế Tôn… cũng như sản phẩm của vụ mùa làm người nông dân hoan hỉ, người đã chăm chỉ cần cù trong việc gieo trồng trên mảnh đất phì nhiêu (thuộc loại nhất đẳng điền) nhận được cơn mưa đều đặn mười lăm ngày một lần, (hay thuộc loại đất trung bình) nhận được những cơn mưa đều đặn mười ngày một lần, (hay đất loại ba) nhận được cơn mưa đều đặn năm ngày một lần.
Cũng vậy, kết quả phát sanh phước từ việc cúng dường vật thực đến các bậc thánh nhân, là những bậc có giới đức và tự tại, sẽ to lớn và sung mãn, như kết quả từ những hạt giống được gieo trên mảnh đất phì nhiêu.
Như vậy Indaka đã nói lên sự khác biệt giữa những việc phước được thực hiện đến hai loại người thọ thí trong hai thời kỳ khác nhau, qua bốn câu kệ. Nhân đó, Đức Phật nói: “ Này Ankura… điều hay nhất là nên có sự chọn lựa trong cả vật thí và người thọ thí: một kết quả xứng đáng chỉ có được qua sự lựa chọn về vật thí và người thọ thí, cũng như những hạt giống tốt được gieo trên mảnh đất phì nhiêu. Dĩ nhiên, ngươi không thể bố thí theo cách như vừa mới mô tả vì ngươi sanh ra nhằm thời kỳ không có giáo pháp, trái ngược với thời kỳ may mắn là thời kỳ có giáo pháp. Cho nên những việc phước của ngươi không cho kết quả sung mãn như những việc phước của Indaka. Bốn câu kệ sau đây được Đức Phật giảng dạy về sự phân loại:
Viceyya dānaṃ databbam yattha dinnaṃ mahāpphalaṁ viceya dānaṃ datvāna saggaṃ gacchanti dāyakā
Viceya dānaṃ sugata apasaṭhaṃ
ye dakkhineyya idha jīvaloke etesu dinnāni mahāpphalāni bijāni vutthāni yathā sukhette.
Này vị thiên Ankura… những vật thí được cúng dường với tâm tịnh tín đến những người có giới đức sẽ đem lại quả phước dồi dào. Những vật thí được cúng dường với tâm tịnh tín đến những người được tuyển chọn chắc chắn sẽ đưa người bố thí đến cõi chư thiên.
Sự chọn lựa trong vật thí và người thọ thí đã được ba đời chư Phật khen ngợi. Có những người có giới đức sống trường thọ trong thế gian này. Những vật thí được cúng dường đến những người như vậy với tâm tịnh tín chắc chắn sẽ đem lại sự giàu sang và hạnh phúc cho người bố thí trong cõi người và cõi chư thiên trước khi người ấy đạt đến mục tiêu rốt ráo là Niết bàn, như trường hợp gieo trồng năm loại mầm tốt nhất (bījagam nghĩa là mầm, có năm loại, đó là: gốc (củ), cây con, mầm, quả, hạt; mỗi loại này đều có khả năng mọc lên khi được tách rời khỏi cây).
Đức Phật tiếp tục thuyết giảng bốn câu kệ nữa là pháp dẫn đến Niết bàn qua con đường Đạo và Quả:
Tiṇadosāni Khettāni dosadosā ayaṃ pajā
tasamā hi vīta dosesu
dinnaṃ hoti mahāpphalam.
Đã có ví dụ mà trong đó những mầm giống có tiềm lực ‘ bījagam’ đã được quăng vào những mảnh ruộng đầy cỏ dại. Giống như thế, những vật thí đã được cúng dường đến nhân loại và chư thiên không có giới đức và đầy dẫy tham ái. Do đó sự cúng dường vật thí nên được cúng dường đến những bậc thánh nhân (ariya-puggala) không có tham ái (rāga) và ý định thọ hưởng các dục lạc của thế gian trong cõi nhân loại và chư thiên trước khi chứng đắc mục tiêu rốt ráo là Niết bàn.
Tinadosāni Khettāni dosadosā ayam pajā tasamā hi vītadosesu dinnam hoti mahāpphalaṃ.
Như những mảnh đất canh tác lại đầy cỏ dại; cũng vậy có một số người và chư thiên thiếu giới đức và đầy sân hận. Do đó, người nên để tâm cúng dườngvật thực đến những bậc không sân, nhờ vậy người ấy có thể vui hưởng cuộc sống thế gian ở cõi người và cõi chư thiên trước khi chứng đắc mục tiêu rốt ráo là Niết bàn.
Tiṇadosāni Khettāni mohadosā ayam pajā tasmā hi vītamohesu dinnam hoti mahāpphalaṃ.
Như những mảnh đất canh tác vốn đầy cỏ dại và lùm bụi, loài người và chư thiên cũng đầy si mê. Vì thế, chỉ nên cúng dường vật thực đến các bậc thánh nhân (ariya-puggala) không có si mê ngõ hầu đem lại phước lạc trong cõi người và cõi chư thiên trước khi đạt đến mục tiêu rốt ráo là Niết bàn.
Tiṇadosāni Khettāni Icchādosa ayaṃ pajā
tasmā hi vīgaticchesu dinnaṃ hoti mahāpphalaṃ.
Như những mảnh đất canh tác đầy cỏ dại, và lùm bụi. Cũng vậy, loài người và chư thiên vốn đầy dẫy năm loại dục ái. Do đó nên cúng dường vật thí đến các bậc thánh nhân (ariya-puggala) không còn ham muốn (iccha). Việc phước như vậy chắc chắn sẽ đem lại cuộc sống sung sướng trong cõi người và cõi chư thiên trước khi chứng đắc mục tiêu rốt ráo là Niết bàn.
Vào lúc kết thúc thời pháp, vị thiên Ankura và vị thiên Indaka chứng đắc quả thánh Nhập lưu (sotāpatti). Thời pháp cũng đem lại lợi ích to lớn cho chư thiên và Phạm thiên.
Kết thúc tiểu sử của hai vị thiên Ankura và Indika
KẾT THÚC CHƯƠNG 24
ĐỨC PHẬT NGỰ Ở NGỌN NÚI MAKULA MÙA AN CƯ THỨ SÁU
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B