THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 3
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 3] [Tiếp theo]


CHƯƠNG 25

HẠ THỨ BẢY VÀ SỰ THUYẾT GIẢNG ABHIDHAMMA TẠI CUNG TRỜI ĐAO LỢI (Tāvatiṃsa)

Sau khi an trú cho hai vị thiên Ankura và Indaka trong quả thánh Nhập lưu (sotāpatti), Đức Phật ở lại để nhập hạ thứ bảy khi ngồi kiết già trên bảo tọa của Sakka ở cõi Tam thập Tam Thiên (Tāvatiṃsa) và thuyết Abhidhamma, cả ngày lẫn đêm, đến tất cả chư thiên đến từ mười ngàn thế giới, dẫn đầu là vị thiên Santusita. Ngài bắt đầu bằng ‘Định luật về thiện nghiệp và quả của nó’ (kusala dhamma); bất thiện nghiệp và quả của nó (akusala dhamma), vô-ký-nghiệp (abyakata dhamma). Ngài thuyết liên tục như dòng sông trên trời trôi chảy không ngừng, suốt ba tháng của mùa an cư.

(Chú thích: Chư Phật thường thuyết pháp trước giờ thọ thực để tán thán sự cúng dường vật thực. Những bài pháp như vậy có thể dài bằng Trường bộ kinh (Digha Nikāya) và Trung bộ kinh (Majjhima Nikāya) gộp lại. Những bài pháp được thuyết đến chư thiên và Phạm thiên đến sau giờ ăn trưa dài bằng Tăng chi bộ kinh (Saṃyutta Nikāya) và Tương ưng bộ kinh (Aṇguttara Nikāya) gộp lại.

Vì lộ tâm của Đức Phật rất nhanh lẹ, với rất ít tâm hữu phần (bhavaṅga) xen vào. Và đôi môi của Đức Phật cân đối và vững chắc, sự chuyển động của môi chính xác. Lưỡi của Ngài dài và mềm. Tất cả những đặc điểm góp phần tạo ra giọng nói êm ái với tốc độ rất nhanh.

Có lời giải thích rằng khi một người bình thường nói ra một từ thì đại đức Ānanda nói hơn tám từ; khi đại đức Ānanda nói ra một từ thì Đức Phật nói hơn 16 từ. Như vậy tốc độ nói của Đức Phật nhanh hơn người bình thường 128 lần).

Như vậy, với tốc độ nói nhanh không thể tưởng tượng nổi, chúng ta không ngạc nhiên khi Đức Phật thuyết những bài kinh dài để khen ngợi sự cúng dường vật thực trước buổi trưa và những bài kinh dài hơn đến chư thiên đến sau buổi trưa. Abhidhamma mà Đức Phật thuyết suốt ba tháng mùa an cư thật vô cùng và vô song.

Thân giữ nguyên một tư thế khi đang thuyết giảng Abhidhamma

Nếu có khởi sanh câu hỏi như thế này: “ Đức Phật duy trì thân của Ngài như thế nào khi Ngài đang thuyết Abhidhamma suốt ba tháng của mùa an cư? Đây là câu trả lời tóm tắt: “ Ngài làm như vậy nhờ có vật thực nuôi thân đều đặn.”

Sau đây là bài giải rộng:

Tất cả chư Phật đều lưu tâm đến những vấn đề như vậy. Các Ngài thường theo chu trình thời gian ở cõi người trong khi đang thuyết giảng Abhidhamma. Khi đến giờ đi khất thực, Ngài tạo ra một vị Phật giống hệt Ngài, hành động như Ngài với tay cầm y và mang bát và giọng nói cũng giống hệt như Ngài. Ngài khiến vị Phật hóa hiện thuyết giảng Abhidhamma đến chỗ nào do Ngài quyết định.

Rồi Đức Phật đi đến hồ Anotatta, mang theo bát và y. Khi Ngài đến hồ Anotatta, chư thiên dâng đến Ngài cây que chùi răng. Sau khi chùi răng bằng cây que ấy, Ngài xuống tắm ở hồ Anotatta. Sau khi tắm xong, Ngài đứng trên tảng đá màu vàng nghệ và đắp vào chiếc y hai lớp. Rồi Ngài cầm cái bát đá màu nâu do Tứ đại thiên vương dâng đến ở dưới cây Rājayatana (tại chỗ thứ bảy của bảy chỗ nơi mà Đức Phật đã trải qua bảy ngày ở mỗi chỗ sau khi chứng đắc Phật quả. Mỗi vị thiên vương đã dâng một cái bát và bốn cái được Đức Phật gộp lại thành một với bốn viền bát). Đức Phật tiếp tục đi đến Bắc-cu-lô-châu (Uttara Kuru) để khất thực, và khi trở về Ngài thọ thực bên bờ hồ Anotatta yên tịnh và khả ái. Sau bữa ăn, Ngài đi đến rừng cây đàn hương để nghỉ trưa.

Tôn giả Sāriputta, bậc Tướng quân của chánh pháp, đi đến rừng cây đàn hương để hầu Đức Phật và đứng ở chỗ thích hợp, tránh sáu lỗi. Rồi Đức Phật nói với đại trưởng lão: “ Này con Sāriputta… Như Lai đã thuyết chừng này giáo pháp.” Ngài chỉ nêu ra tiêu đề và những dòng hướng dẫn, nhưng trưởng lão Sāriputta, với bốn Vô-ngại-giải-trí (paṭisaṁbhida-ñāṇa), có thể thông hiểu đầy đủ pháp mà Đức Phật đã nêu ra, như người được chỉ cho thấy đại dương bởi một người nào đó bằng cánh tay được chìa ra. Vị ấy có khả năng hiểu nó cả trăm cách, ngàn cách.

(Đức Phật trở lại cõi Tāvatiṃsa vào lúc xế chiều để tiếp tục thuyết pháp. Ngoại trừ chư thiên có oai lực cao, không ai biết rằng Đức Phật được tạo ra đang thuyết Abhidhamma ở chỗ của Đức Phật thật và rằng Đức Phật thật đã xuống cõi người và đã trở về. Đức Phật được tạo ra giống hệt Đức Phật thật về tất cả mọi phương diện: hào quang, giọng nói và cách nói).

Trưởng lão Sāriputta thuyết Abhidhamma đến năm trăm vị tỳ khưu

Trưởng lão Sāriputta sau khi học Abhidhamma tóm tắt từ Đức Phật mỗi ngày, dạy nó dưới hình thức không quá cô đọng cũng không quá chi tiết đến năm trăm tỳ khưu đệ tử của vị ấy, mà trong một kiếp quá khứ họ là những con dơi.

Đây là tài liêụ tóm tắt về kiếp quá khứ của họ. Tất cả họ là những con dơi nhỏ, sống trong một hang động, treo mình ở trên trần của hang động vào thời của Đức Phật Kassapa. Chúng nghe tụng Abhidhamma từ hai vị tỳ khưu thông thuộc Abhidhmma. Chúng chẳng có chút hiểu biết gì về thượng huyền và hạ huyền của mặt trăng, nhưng sự chú ý của chúng hướng đến sự tụng pháp Abhidhamma của hai vị tỳ khưu với giọng khả ái và ăn khớp nhau. (Những con dơi không có ý tưởng thế nào là Abhidhamma, các uẩn, thọ, xứ (dhātu), chân đế, thậm chí cũng không có ý niệm về tuần trăng lên và tuần trăng xuống, nhưng vì giọng tụng của hai vị tỳ khưu làm cảnh thiện cho tâm tử của chúng (kamma nimitta) vào kiếp sau, nên chúng được tái sanh vào cõi chư thiên).

Chúng thọ hưởng cuộc sống của chư thiên từ thời của Đức Phật Kassapa cho đến thời kỳ của Đức Phật Gotama, mà không bị tái sanh vào khổ cảnh một lần nào. Vào thời của Đức Phật hiện tại, chúng tái sanh xuống cõi người. Nhờ chứng kiến Song thông làm khởi sanh tịnh tín trong bọn họ, nên họ đã xuất gia làm tỳ khưu dưới sự dẫn dắt của tôn giả Sāriputta. Hằng ngày trưởng lão Sāriputta dạy cho họ về Abhidhamma dưới dạng giải rộng về những gì mà ngài đã học được từ Đức Phật ở dạng cô đọng.

Sự thuyết giảng Abhidhamma của Đức Thế Tôn tại cõi chư thiên kết thúc đồng thời với sự hoàn thành bảy bộ Abhidhamma được ghi nhớ bởi năm trăm vị tỳ khưu đệ tử của đại đức Sāriputta tại cõi người.

Mỗi ngày Đức Phật đều dạy lại cho trưởng lão Sāriputta về nội dung của một số pháp Abhidhamma do chính Ngài và vị Phật được tạo ra thuyết giảng tại cõi Tāvatiṃsa và hướng dẫn trưởng lão về dạy cho năm trăm vị tỳ khưu chỗ thiết yếu, trước khi Ngài trở lại giảng thuyết từ nơi mà vị hóa Phật kết thúc.

Sự thuyết giảng Abhidhamma kết thúc vào cuối mùa an cư, vào ngày rằm tháng 9 (â.l), kết quả là có tám chục ngàn koṭi chư thiên và Phạm thiên được giải thoát nhờ giác ngộ Tứ Diệu Đế. Vị thiên Santusita, mẹ của Đức Phật ở cõi người, chứng đắc quả thánh sotapatti.

Mọi người đi từ Savatthi đến thị trấn Sankassa

Vào ngày mồng 9 tháng 9 (â.l) số người lưu lại trong khu vực 36 do tuần, đến hỏi trưởng lão Mahā Moggallāna: “ Bạch trưởng lão, có lẽ giờ là lúc thích hợp để chúng con có thể biết thời gian mà Đức Phật sẽ trở về cõi người; chúng con sẽ không về nhà cho đến khi nào chúng con được đảnh lễ Ngài.” Trưởng lão Moggallāna nói rằng: “ Lành thay,” và đi vào lòng đất đến chân núi Meru. Trưởng lão nguyện rằng mọi người sẽ trông thấy vị ấy đi lên cõi Tāvatiṃsa khi đang đi lên từ bên trong núi Meru. Rồi như sợi chỉ vàng đi xuyên qua viên hồng ngọc trưởng lão được mọi người trông thấy đang đi lên từ trong tâm của ngọn núi đến cõi Tāvatiṃsa.

Dân chúng trông thấy trưởng lão Mahā Moggallāna đang đi lên đỉnh núi từ bên trong ngọn núi, họ đếm từng do tuần mà trưởng lão đi được bằng cách nói rằng: “ Bây giờ trưởng lão đã lên được một do tuần, vị ấy đã đi lên được hai do tuần, v.v…” Khi đến tại cõi Tāvatiṃsa, tựa như bàn chân của Đức Phật đặt trên đầu của trưởng lão Moggallāna, vị ấy đi đến Đức Phật và kính cẩn bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn… Mọi người sẽ không trở về nhà của họ nếu không được đảnh lễ Thế Tôn và họ mong mỏi được biết thời gian Thế Tôn trở lại cõi người.” Đức Phật hỏi: “ Này con Moggallāna… hiện nay sư huynh Sāriputta của con đang ở đâu?” Trưởng lão Moggallāna đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn… Vị ấy đang nhập hạ tại thị trấn Sankassa.” Đức Phật bèn trả lời như sau:

“ Này con Moggallāna… Như Lai sẽ đi xuống tại cổng thành Sankassa vào ngày thứ 7 kể từ hôm nay, nhằm ngày rằm tháng 9, là thời gian để làm lễ Tự tứ Mahā Pavarana. Khoảng cách giữa hai thị trấn là 30 do tuần, nhưng hãy bảo mọi người là họ không cần mang theo vật thực cho chuyến đi. Họ nên thọ trì giới và đi mà không cần mang theo vật thực, hãy đến các tịnh xá ở đầu của các thị trấn và thôn xóm để nghe thuyết pháp vào ngày Bát quan trai giới.” Đại đức Moggallāna đáp lại: “ Lành thay…Bạch Đức Thế Tôn.” Khi trở về đến quả đất, trưởng lão truyền lại lời nhắn của Đức Phật đến mọi người.

Đức Phật bước xuống cổng thành Sankassa bằng ba cầu thang

Đức Phật thông báo về việc ra đi của Ngài với Sakka rằng: “ Này thiện nam Sakka, vua của chư thiên… Như Lai sẽ trở về cõi người.” Vào lúc kết thúc mùa an cư, ngày rằm tháng chín, Sakka tạo ra một bộ ba cầu thang, một cái bằng vàng, một cái bằng ngọc và một cái bằng bạc, nằm sát nhau, chân cầu thang đặt ở cổng thành Sankassa và đầu của thang tựa vào đỉnh núi Meru. (1) Cầu thang ở bên tay phải dành cho chư thiên, (2) cầu thang bằng bạc ở bên tay trái dành cho các vị đại Phạm thiên, (3) Cầu thang bằng hồng ngọc ở giữa đặc biệt dành cho Đức Phật.

Đức Phật, vào buổi chiều, Ngài đứng trên đỉnh núi Meru và thị hiện Song thông gồm nước và lửa và nhìn lên bầu trời. Toàn thể không gian đến cõi Phạm thiên Sắc cứu cánh (Akaniṭṭa), tựa như một không gian rộng mở không có gì ngăn ngại và có thể trông thấy rõ ràng. Khi Ngài nhìn xuống, Ngài có thể trông thấy cõi Avici (A-tỳ địa ngục) ở dưới đáy của tám địa ngục. Khi Ngài nhìn về phía trước và hai bên, tất cả các hướng thì hằng ngàn thế giới có thể được trông thấy mà không có gì ngăn ngại. Cảnh tượng kỳ lạ được chư thiên, Phạm thiên và loài người chứng kiến. Như vậy tất cả chư thiên và Phạm thiên đều có thể trông thấy loài người và loài người cũng có thể trông thấy chư thiên và Phạm thiên.

Đức Phật khiến cho hào quang sáu màu phát ra từ thân khi Ngài đi xuống cõi người từ cõi Tāvatiṃsa, và không ai trong số người chứng kiến, đứng trong phạm vi có viên chu 36 do tuần mà không phát nguyện thành Phật khi họ chứng kiến oai lực vĩ đại của Đức Phật.

Chư thiên đi theo xuống bằng cầu thang bằng vàng ở bên tay phải. Chư Phạm thiên đi xuống theo bằng cầu thang bằng bạc ở bên tay trái. Một mình Đức Phật đi xuống trên chiếc cầu thang bằng hồng ngọc ở giữa. Vị thiên Pañcasikha ở bên phải của Đức Phật tỏ sự tôn kính Ngài bằng cách đánh đàn Beluva.Vị thiên Suyama cũng theo hầu ở bên phải, quạt hầu Đức Phật bằng cái quạt được làm bằng lông đuôi của con bò Tây Tạng. Vị thiên Santusita cũng theo hầu ở bên phải, quạt hầu Đức Phật bằng cái quạt có cẩn hồng ngọc. Sakka ở bên phải, thổi cái tù và Vijayuttara. Chư thiên còn lại của thế giới cũng đi theo tôn vinh Ngài bằng nhiều cách; các vị Phạm thiên theo hầu ở bên trái trên cái thang bằng bạc, cầm cái lọng trắng che trên đầu Đức Phật một biểu hiện của sự tôn kính.

Như vậy, Đức Phật đi xuống cõi người theo cách như đã mô tả ở trên, và khi đến nơi, đứng tại cổng thành Sankassa. Những người đã tụ họp tại thành Savatthi, ra đi sau bữa ăn sáng, vui sướng chờ xem Đức Phật vào ngày Pavarana, cuối của mùa an cư. Cuối cùng họ đến tại cổng thành Sankassa một cách nhanh chóng cứ như họ đi đến tịnh xá ở đầu làng họ.

Thuyết giảng bài kinh Sariputta

Trưởng lão Sāriputta là người đầu tiên đảnh lễ Đức Phật ngay khi Ngài đặt bàn chân phải xuống đất. Tất cả những người còn lại tiếp tục đảnh lễ Đức Phật. Chỗ Đức Phật đặt bàn chân phải xuống đất về sau được xem là chỗ đất thiêng và được đặt tên là Acala Cetiyaṭṭhāna.

Chỗ Đức Phật đặt bàn chân phải của Ngài trên đất sau khi trở về từ cõi Tāvatiṃsa, vào cuối mùa an cư, sau khi thuyết giảng Abhidhamma, theo đúng truyền thống của chư Phật, cũng được xem là một trong những thánh địa có tên là Avijahitaṭṭhāna (tức là mỗi vị Phật sau khi thuyết giảng Abhidhamma ở cõi Tāvatiṃsa suốt mùa an cư, khi trở về quả đất bằng ba chiếc cầu thang, Ngài luôn đặt bàn chân phải trước tiên xuống chính nơi mà ba chiếc cầu thang được đặt ở cổng thành Sankassa).

Bốn nơi thiêng liêng - Avijahitaṭṭhāna

Ở đây, một bài mô tả tóm tắt thích hợp và đáng được ghi nhớ sẽ được trình bày về bốn chỗ đất thiêng Avijahitaṭṭhāna. Những chỗ đất thiêng được tất cả chư Phật thực hiện với cùng mục đích, đồng bộ không thay đổi được gọi là Avijahitaṭṭhāna. Có bốn chỗ, đó là:

(1) Khu vực của cây Đại Bồ Đề, vô địch bảo tọa, nơi mà tất cả chư Phật đã chiến thắng ngũ ma (ngay nơi có nổi lên vô địch bảo tọa của tất cả chư Phật. Không có sự thay đổi về địa điểm).

(2) Isipatana, Migadāya, nơi mà Đức Phật Gotama của chúng ta thuyết giảng bài kinh Dhammacakka, bài pháp đầu tiên. (Đây là nơi mà tất cả chư Phật cũng đã thuyết giảng bài kinh Dhamma- cakka. Bài kinh ấy không được thuyết ở bất cứ chỗ nào khác).

(3) Điểm mà chư Phật thường đặt bàn chân phải của các Ngài đầu tiên xuống đất khi các Ngài trở về từ cõi Tāvatiṃsa sau khi thuyết giảng Abhidhamma nơi đó. (Cổng thành Sankassa là vùng đất thiêng trong thời của Đức Phật Gotama).

(4) Nơi đặt chiếc giường của chư Phật (nơi mà bốn chân giường tựa xuống không có sự thay đổi). Hương phòng của Đức Phật Gotama tại Jetavana là chỗ đặt chiếc giường của Ngài.

Về các tịnh xá của chư Phật, chúng khác nhau về kích cỡ do bởi các hoàn cảnh của thời kỳ ấy. Để giải rõ:

(a) BUDDHA VIPASSI: Chỗ đất rộng 1 yojana, do trưởng giả Punabba Sumitta dâng cúng, trị giá của mảnh đất ấy được tính bằng những viên gạch bằng vàng được đặt sát nhau trên bề mặt của mảnh đất ấy.

(b) BUDDHA SIKHI: Mảnh đất rộng 3 gavuta, do trưởng giả Sirivatta dâng cúng, trị giá được tính bằng những song bằng vàng nằm sát nhau trên mảnh đất ấy.

(c) BUDDHA VESSABHU: Mảnh đất rộng nửa yojana, do trưởng giả Sotthija dâng cúng, trị giá được tính bằng những cái răng bằng vàng (những cái răng của cái bừa) chạm vào nhau trên khắp mặt đất.

(d) BUDDHA KAKUSAN: Mảnh đất rộng 1 gavuta, do trưởng giả Accuta dâng cúng, trị giá được tính bằng những cục vàng (có hình thù như chân voi) nằm sát nhau khắp mặt đất.

(e) BUDDHA KONAGAMANA: Mảnh đất rộng nửa gavuta, do trưởng giả Ugga dâng cúng, trị giá được tính bằng những viên gạch bằng vàng đặt sát nhau khắp mặt đất.

(f) BUDDHA KASSAPA: Mảnh đất rộng 20 ussabha, do trưởng giả Sumaṅgala dâng cúng, trị giá được tính bằng những con rùa vàng được đặt sát nhau trên mảnh đất.

(g) BUDDHA GOTAMA: Mảnh đất rộng tám pais, do trưởng giả Sudattha (Anāthapiṇḍika) dâng cúng, trị giá được tính bằng những đồng tiền vàng đặt sát nhau trên mảnh đất ấy.

Những đoạn trên được trích dẫn từ bộ Buddhavaṃsa Atthakathā và bộ Vinaya Cula Vagga Atthakatha.

Tuy kích thước trong khuôn viên của các tịnh xá khác nhau theo thời kỳ, nhưng chỗ đất nơi hương phòng của Đức Phật không thay đổi.

Chư thiên và Phạm thiên hết lòng sùng kính chư Phật Chánh đẳng Chánh giác

Như đã trình bày ở trước, tôn giả Sāriputta đi đến Đức Phật sau khi Ngài đặt bàn chân phải xuống đất đầu tiên, đảnh lễ Đức Phật và bạch với Ngài rằng: “ Tất cả chư thiên và những người tục gia ở đây đều rất sùng kính Đức Thế Tôn đến nỗi tất cả họ đều khởi ước nguyện Phật quả.” Rồi Đức Phật đáp lại: “ Này con Sāriputta, đúng thật là tất cả chư thiên, Phạm thiên và loài người đều ái kính chư Phật vì sự vĩ đại, rực rỡ và đầy oai lực.” Rồi Đức Phật đọc lên câu kệ sau đây để mở đầu cho một thời thuyết pháp:

Ye jhānappa sutā dhīra nekkhammupasame rathā devāpi tesam pihayanti

Saṃbuddhānam satīmataṃ.

Này con Sāriputta… tất cả chư Phật Chánh đẳng Chánh giác đều đã đạt đến mức tự tại trong các pháp hành nhập định bằng năm cách và các Ngài vui thích trong các pháp nhập định này. Các Ngài cũng thường trú trong quả định (phala-samāpatti) mà đề mục của nó là Niết bàn, thoát khỏi tất cả đau khổ. Ngay cả chư thiên và Phạm thiên trong các cõi thiên giới đều nói lời tôn kính và tán dương chư Phật, là những bậc luôn luôn có chánh niệm: “Thật vĩ đại thay, nếu chúng ta đã có được cơ hội hy hữu này, chúng ta nguyện sẽ thành Phật Chánh đẳng Chánh giác.”

Theo Chú giải Pháp cú kinh, 30 koti chư thiên, Phạm thiên và nhân loại được giải thoát vào lúc kết thúc thời pháp. Kết quả là năm trăm vị tỳ khưu đệ tử của tôn giả Sāriputta chứng đắc đạo quả A-la- hán.

Đức Phật xiển dương những đức tính của tôn giả Sāriputta

Khi đang đứng ở đầu của cầu thang, Đức Phật quán xét như vầy:

“ Mọi người tụ họp ở đây biết được rằng tôn giả Moggallāna là đệ nhất về thần thông, Tôn giả Anuruddha về thiên nhãn thông, tôn giả Punna là vị thầy nổi tiếng về Pháp. Nhưng không ai biết về những đức tính của tôn giả Sāriputta.” Do đó, Đức Phật nghĩ là cần phải cho mọi người biết trí tuệ của tôn giả Sāriputta bằng cách này hay cách khác. Đức Phật hỏi tôn giả Sāriputta những câu hỏi liên quan đến những vấn đề của hạng phàm phu (puthujjana), những vấn đề liên quan đến bậc hữu học (sekhā) về ba Đạo và ba Quả, và những vấn đề liên quan đến bậc A-la-hán (asekkha), trước mặt tất cả những người hiện diện lúc bấy giờ. Tôn giả Sāriputta đã trả lời thích đáng cho mỗi câu hỏi, liên quan đến phạm vi hiểu biết của những kẻ phàm phu, của những bậc hữu học và của những bậc A-la-hán. Kết quả là tất cả những người hiện diện đều bắt đầu nhận biết về trí tuệ của đại trưởng lão !

Sự thuyết giảng Bổn sanh Parosahassa

Rồi Đức Phật tiếp tục suy xét như vầy: “ Sāriputta không chỉ vượt qua trình độ thông minh của kẻ phàm phu trong kiếp hiện tại này mà trong kiếp quá khứ vị ấy cũng đã vượt trội những kẻ khác về kiến thức và trí tuệ.” Rồi Đức Phật bắt đầu kể bổn sanh Parosahassa dưới dạng tóm tắt.

Vào một thuở nọ, tại một rừng cây ở dưới chân của một ngọn núi, có trên một ngàn ẩn sĩ trú ngụ sống bằng rau quả và các loại củ. Một hôm, đạo sư của họ ngã bịnh và vị đệ tử huynh trưởng đi ra ngoài để tìm thuốc chữa bịnh sau khi căn dặn những vị nhỏ hơn lo hầu hạ chăm sóc đạo sư của họ thật chu đáo.

Người thầy mạng chung trước khi người đệ tử huynh trưởng trở về. Khi sắp lâm chung, các đệ tử hỏi ông thầy của họ về thiền chứng của vị ấy (jhāna-samāpatti) và vị đạo sư trả lời rằng: “Natthi kiñci,” nghĩa là “Không có gì cả,” ám chỉ tầng thiền thứ ba - Akiñcaññayatana (vô sở hữu xứ). Bất cứ ai muốn trú trong tầng thiền vô sắc thứ ba, có tên là Akiñcaññayatana-jhāna được gọi là ‘ Jhāna- samāpatti’, trước hết phải quán về ý niệm ‘không hiện hữu’ của tầng thiền vô sắc thứ nhất nhiều lần lập đi lập lại. Đây thực sự là điều mà vị đại sư muốn ám chỉ khi ông ta nói “Naṭṭhi kiñci.

Nhưng các đệ tử đều nghĩ sai vấn đề, hiểu lầm đạo sư của họ và coi thường vị ấy, cho rằng vị ấy là người chưa chứng đắc tầng thiền nào và họ chẳng làm gì về những nghi lễ mai táng liên quan đến nhục thân của vị ấy.

(Chú thích: Vị đại sư đã chứng đắc tầng thiền Akiñcaññāyatana-jhāna qua tầng thiền ấy, người ta có thể đạt đến cõi vô sắc, nhưng khi được hỏi bởi các đệ tử, vị ấy chỉ trả lời đơn giản là “ Naṭṭhi kiñci ” và mạng chung tái sanh về cõi Phạm thiên hữu sắc - Ābhasara Brahmā, có thể đạt đến bằng tầng thiền hữu sắc thứ hai - rūpavacara-jhāna. Sở dĩ như vậy vì các cõi Phạm thiên vô sắc không thích hợp đối với chư vị Bồ tát – Abhabba ).

Khi trở về mang theo đúng thuốc trị bịnh cho ông thầy, vị đệ tử huynh trưởng được báo cho biết là đại sư đã mệnh chung, vị ấy hỏi xem họ đã hỏi ông thầy điều gì. Họ trả lời “ Vâng…Chúng tôi đã hỏi, và “ Naṭṭhi kiñci ” là câu trả lời của thầy, và do đó, chắc chắn thầy đã ra đi mà chưa chứng đắc tầng thiền nào.”

Vị đệ tử huynh trưởng giải thích với họ như vầy: “ Các huynh đệ đã không hiểu ý mà thầy muốn nói. Đại sư của chúng ta đã chứng đắc tầng thiền vô sắc thứ ba là Akiñcaññāyatana.” Vị ấy đã đưa ra lời giải thích chính xác nhiều lần để thuyết phục họ. Nhưng câu trả lời của vị ấy chỉ rơi vào những lỗ tai điếc. Khi vị đại sư, tức Bồ tát, lúc bấy giờ là vị Phạm thiên Abhassara, biết được tình cảnh tồi tệ như vậy, vị ấy suy nghĩ rằng vị ấy sẽ phơi bày sự thật để đoạn trừ hoài nghi cho những kẻ ngu si ấy đang quờ quạng trong bóng tối. Do đó, vị đại sư đi xuống từ cõi Phạm thiên Abhassara Brahma Loka đến cõi nhân loại, đứng lơ lửng giữa không trung trên khu vực của ẩn xá bằngđại thần lực của vị ấy, và để tán dương trí tuệ của vị huynh trưởng, bèn nói lên câu kệ:

Parosahassampi samā gatānaṃ

kandeyyuṃ te vassasataṃ apaññā

ekova seyyo puriso Sapañño

yo bhāsitassa vijānāti aṭṭhaṃ.

Những người không có chút kiến thức nào có thể kêu khóc cả trăm năm (họ chẳng có chút ý tưởng nào về điều mà thầy của họ muốn nói). Người duy nhất trong hội chúng có trên một ngàn người có khả năng hiểu được điều muốn nói, quả thật đáng khen ngợi.

Vị đại sư trở về cõi Phạm thiên sau khi đã thuyết một thời pháp. Tất cả những vị ẩn sĩ đều chứng đắc Thiền chứng (jhāna- sampatti) do kết quả của chuyến viếng thăm của vị ấy, và tất cả họ đều được tái sanh vào cõi Phạm thiên sau khi chết.

Để kết thúc thời pháp, Đức Phật nhận diện bổn sanh: vị đệ tử huynh trưởng lúc bấy giờ là Sāriputta và vị đại Phạm thiên ở cõi Ābhassara Brahma Loka là Đức Phật bây giờ.

(Đây là bài tóm tắt của bổn sanh Parosahassa. Muốn biết đầy đủ chi tiết của câu chuyện hãy tham khảo Ekatanipatta Jātaka Vatthu).

Sự thuyết giảng kinh Sāriputta

Sau khi Đức Phật đã thuyết bài pháp trước đó, tôn giả Sāriputta bèn đặt ra một loạt câu hỏi liên quan đến những trú ngụ thích hợp và khả ái, chỗ đi khất thực được cho phép, pháp hành (thiền chỉ và thiền quán), v.v… để đem lại lợi ích cho những đệ tử đang tu tập dưới sự hướng dẫn của trưởng lão. Những câu hỏi này được nêu ra trước Đức Phật bằng tám câu kệ và Đức Phật đưa ra một loạt câu trả lời trong mười ba câu kệ. (Đó là những câu trả lời dài và cặn kẽ, và ở đây chỉ là những câu ở dạng cô đọng. Muốn biết đầy đủ chi tiết, hãy xem kinh Pali Sutta Nipāta).

Kinh Sāriputta (dạng tóm tắt)

(1) Con là Sāriputta, cho đến bây giờ chưa bao giờ thấy hoặc nghe nói về Bậc đại sĩ của một giáo phái, đã đi vào lòng mẹ của vị ấy từ cõi Tāvatiṃsa, Bậc có giọng nói rất khả ái và có năng lực thị hiện thần thông, với tất cả sự vĩ đại và oai lực của một vị Phật toàn giác.

(2) Tất cả chư thiên, Phạm thiên và loài người đều thực sự trông thấy Ngài là Bậc đã xua tan bóng tối của vô minh, là Bậc vô địch, vô song, thọ hưởng trạng thái an lạc của thiền chứng và trạng thái tịch tịnh của Niết bàn. Tất cả chư thiên, Phạm thiên và nhân loại đều tôn kính Ngài là bậc có Ngũ nhãn.

(3) Bạch Đức Thế Tôn … Bậc đã thoát khỏi hai loại phiền não là chấp thủ và tà kiến, Bậc đã bất động trước các pháp thăng trầm của thế gian, Bậc không bao giờ thu hút sự chú ý của mọi người bằng những pháp thần thông, Bậc đã đến cổng thành Sankassa như là Bậc đại trí của một giáo phái… Con, Sāriputta, đã đến tại chỗ này với mục đích dâng lên Thế Tôn những vấn đề để được giải đáp ngõ hầu đem lại lợi ích cho những đệ tử của con.

(4, 5) (a) Có bao nhiêu đối tượng đáng sợ và có hại cho vị tỳ khưu cao quý do ghê sợ những hiểm họa lớn của sự sanh, v.v… đã đến cội cây vắng vẻ, bãi tha ma, hay một chiếc giường có chân ngắn trong một hang động?

(6) (b) Có bao nhiêu loại tai họa cần phải áp chế mà vị tỳ khưu cao quý có thể gặp phải khi vị ấy đang trên đường đi đến miền đất Niết bàn chưa đạt được, đơn độc đến ẩn xá nơi rừng núi, nằm bên ngoài thị trấn hay làng mạc?

(7) (c)Vị tỳ khưu có thể nói những lời nói nào? (d) Thế nào là những chỗ đi khất thực hợp pháp dành cho vị tỳ khưu cao quý ? (e) Những pháp hành nào mà vị tỳ khưu cao quý nên tu tập?

(8) (f) Vị tỳ khưu nên thọ trì giới như thế nào bằng sự kiên trì, sự quyết định trưởng thành, và chánh niệm rõ ràng để loại trừ bụi phiền não, như người thợ kim hoàn thanh lọc vàng?

(Như vậy tôn giả Sāriputta đã nêu ra tám câu kệ, gồm ba câu kệ tán dương các ân đức của Đức Phật và năm câu kệ về pháp hành mà năm trăm tỳ khưu đệ tử của vị ấy nên thọ trì).


(1) Này con Sāriputta… Có hai điều mà một người thiện sanh đang tầm cầu đạo tuệ, rút về nơi ẩn dật do ghê sợ các sanh hữu cần phải biết (a) cách sống trong an lạc và thanh tịnh và (b) pháp hành cần được tu tiến. Như lai sẽ dạy con hai pháp này mà Như Lai biết chúng từ trí tuệ thực nghiệm, không phải bằng suy luận.

(2-3) Này con Sāriputta… Một người có trí và chánh niệm không nên sợ hãi hay dao động khi vị ấy tiếp xúc với năm đối tượng nguy hiểm như (l) ruồi, muỗi, mòng (2) rắn, bò cạp, rít, chuột, (3) đạo tặc, (4) thú bốn chân, như sư tử, cọp, beo (5) những người ở ngoài giáo pháp không có đức tin đối với Tam bảo, thường có thể gây bất lợi bằng những câu hỏi và những quan điểm đối địch của họ. Người ấy không nên hốt hoảng hay sợ hãi trước năm loại đối tượng nguy hiểm như vừa nêu ra.

(Cần chú ý câu trả lời cho câu hỏi (a) năm loại đối tượng nguy hiểm được nêu ra, đó là (1) muỗi, mòng, (2) rắn, rết, bò cạp, chuột (3) đạo tặc, (4) loài bốn chân như sư tử, cọp, beo (5) Những người ngoại đạo gây bất lợi bằng những quan điểm đối địch vô nghĩa của họ).

Hơn nữa, vị tỳ khưu cao quý như cố gắng tu tập để chứng đắc Niết bàn bằng cách thực hành theo thiện đạo chân chánh nên áp chế năm loại ‘kẻ thù bên trong’ để bổ túc những điều vừa được mô tả.

(4) (1) Bịnh tật, (2) sự đói khát, (3) sự lạnh, (4) sự nóng, và (5) khi vị tỳ khưu gặp phải điều bất lợi do tiếp xúc với một trong những đối tượng nguy hiểm này. Vị ấy phải chống lại hay nhẫn nại chịu đựng chúng vì những cảm thọ và những sự đau đớn như vậy sẽ dẫn đến việc sanh khởi mười ác nghiệp (do thân, ngữ và ý). Vị ấy nên bảo vệ mình bằng sự cố gắng chân chánh (sammappadhāna).

(Để trả lời câu hỏi (b) Đức Phật nêu ra năm loại ‘nội phiền’ sau đây : (1) bịnh tật, (2) sự đói khát, (3) sự lạnh, (4) sự nóng, (5) nhóm mười ác nghiệp khởi sanh từ chúng.

Sau khi thuyết giảng phần (a) và (b) Đức Phật tiếp tục thuyết giảng các phần (c), (d), (e) và (f) bằng chín câu kệ dưới đây).

(5) Một vị tỳ khưu cao quý phải luôn luôn kiên tránh trộm cắp và nói dối ; vị ấy phải nguyện hạnh phúc cho cả (i) những người vẫn còn những bợn nhơ của ái dục (tasa) và (ii) những người đã đoạn diệt ái dục (thavara). Vị ấy phải loại trừ tất cả mười loại ác nghiệp, hay nói ngắn gọn, là nhóm những hành vi bất thiện vì chúng là những trợ thủ của Mara.

(Bốn loại thiện hạnh được mô tả trong câu kệ này, đó là : kiên tránh trộm cắp và nói dối, nguyện an vui cho tất cả mọi người và đoạn trừ ác hạnh).

(6) Vị tỳ khưu cao quý không được khởi tâm sân hận (kodha) và ngã mạn thái quá (atimāna). Những nguyên nhân chính của hai pháp bất thiện này có sáu, đó là vô minh (avijjā), bất như lý tác ý (manasikāra), tự cao (asamimāna), vô tàm (ahīri), vô uý (anottappa), và phóng dật (uddhacca). Những nguyên nhân căn cội này phải được đoạn tuyệt. Hơn nữa, tình cảm thương và ghét phải được khắc phục bằng tâm xả ly (upekkhā).

(Ở đây, bốn pháp hành được nêu ra, đó là : sân và mạn phải được đoạn trừ, và sáu nguyên nhân căn cội phải được đoạn trừ, những đối tượng đáng thương và đáng ghét phải được từ bỏ bằng tâm xả).

Vị tỳ khưu cao quý cần phải tu tập giác tỉnh và mười pháp tùy quán. Sức mạnh của hỉ (pīti) có được nhờ sự tu tập ấy, những kẻ thù nói trên gồm cả bên trong và bên ngoài phải được đoạn trừ.

(Đây là lời giáo huấn của Đức Phật để đoạn diệt những kẻ thù bên trong và bên ngoài như đã được nêu ra ở (a) và (b) bằng mười pháp tùy quán (anusati). (Đó là quán về Buddha, Dhamma, Saṅgha, Sīla, Cāga, Devatā, Marana, Kāyagatā, Ānapāna, Upasamāna. Muốn biết thêm chi tiết, hãy xem bộ Visuddhimagga). Pīti sanh khởi từ thiền quán nên được sử dụng như phương tiện tu tập kham nhẫn. Đây là phương cách khắc phục những kẻ thù trên).

(7) Vị tỳ khưu nên khắc phục tâm bất mãn trong ẩn xá vắng vẻ và tu tập pháp thiền bằng những phương tiện tự độ như vậy để đem lại kết quả mỹ mãn. Những phương tiện tự độ như vậy cũng được áp dụng để loại trừ bốn nguyên nhân ta thán được kể ra dưới đây.


Bốn nguyên nhân của sự ta thán

(1) Loại vật thực nào mà ta sẽ phải ăn ngày hôm nay (là cơm, hay bánh, hoặc cá hoặc thịt)?

(2) Tại chỗ trú ngụ nào mà ta sẽ phải ngồi ăn (tại cung điện của đức vua, hay nhà của vị Ba-la-môn hay của một vị trưởng giả)?

(3)Ta đã phải ngủ đêm hôm qua (trên một tấm ván hay trên một tấm chiếu thô, hay một tấm da hay một đống cỏ).

(4) Ở loại chỗ cao sang nào ta sẽ phải ngủ tối nay (trên một chiếc giường có bốn chân). Bốn loại suy quán này được gọi là bốn nguyên nhân ta thán.


(8) Vị tỳ khưu tu tập pháp hành về sīla, samadhi pañña để thoát khỏi những chướng ngại (paḷibodha), như sự luyến ái thuộc quyến thuộc, giáo phái, chỗ ngụ và các món vật dụng, nên từ bỏ những lo lắng liên quan đến vật thực và những vấn để liên quan đến chỗ ngụ. Bốn điều lo nghĩ này nên được từ bỏ.

(Vị tỳ khưu có thể ta thán do áp lực của những điều lo nghĩ như vậy. Do đó vị ấy cần phải cắt đứt tất cả bốn chướng ngại, như luyến ái quyến thuộc hay thí chủ, những thành viên trong giáo phái của vị ấy, chỗ trú ngụ và các món vật dụng).

Khi vị tỳ khưu có được vật thực và y phục một cách hợp pháp đúng thời điểm, vị ấy nên có sự tri túc trong việc thọ lãnh và sử dụng chúng.

(Về vấn đề tri túc, vị tỳ khưu nên xét về lượng vật thí, chừng mức trong ý định của thí chủ, chừng mức về nhu cầu của mình. Trường hợp lượng vật thí cần nhiều so với tác ý của thí chủ thì người thọ thí nên hài lòng với lượng vật thí có giới hạn. Khi lượng vật thí sẵn có tương đối ít hơn chừng mức mà thí chủ định dâng cúng thì người thọ thí vẫn nên thọ lãnh lượng vật thí có giới hạn. Khi lượng vật thí đủ lớn để làm thỏa mãn những ước muốn của thí chủ là dâng cúng lượng lớn vật thí, người thọ thí vẫn nên thọ lãnh chỉ vừa phải để đáp ứng nhu cầu của mình. Cho nên chữ Paṭiggaha mataññuta - thọ lãnh chỉ vừa đủ nhu cầu. Sự thọ dụng bốn món vật dụng có quán tưởng gọi là Thọ dụng Tri lượng - Paribhoga mataññutā).

(9) Vị tỳ khưu cao quý sau khi hộ phòng chính mình chống lại những pháp bất thiện bằng cách thọ trì hai phần giới về sự thọ lãnh và sự sử dụng bốn món vật dụng, nên đi vào phố quận và làng mạc với oai nghi trang nghiêm và tránh nói những lời thô lỗ, ngay cả khi đáp lại những người đã xúc phạm mình (Nghĩa là : Vị tỳ khưu (i) nên thọ lãnh và sử dụng vật thí theo đúng 2 cách tri lượng, (ii) nên đi lại trong phố quận và làng mạc với oai nghi trang nghiêm và (iii) nên giữ mình tránh nói lời thô lỗ ngay cả khi nói với những người đã xúc phạm mình).

(10) Vị tỳ khưu phạm hạnh nên nhìn xuống, không nên du phương nơi này nơi khác, nên cố gắng để chứng đắc tầng thiền chưa chứng đắc, cố gắng thành đạt năm pháp tự tại trong thiền chứng (jhāna) đã chứng đắc, nên ngủ có chánh niệm, chỉ bốn giờ một ngày, vào canh giữa của đêm (và thời gian còn lại thì ngồi hoặc đi kinh hành trong khi đang thọ trì các học giới của vị tỳ khưu). Qua những sinh hoạt như vậy, xả (upekkha) được phát triển do bởi Tứ thiền, tâm được bình thản. Những ý nghĩ về dục (kāma-vitakka), những dục tưởng (kāma- saññā) và sự trạo cử của chân tay (kukkucca) được nhiếp phục.

(11) Bất cứ huấn thị nào của thầy hòa thượng tế độ như : “ Điều này không đúng và không thích hợp” thì nên được ghi nhớ với tâm tri ân và hoan hỉ. Tâm sân hận và thái độ không thân thiện đối với những vị tỳ khưu đồng phạm hạnh thì không nên có. Tâm này phải bị tiêu diệt như tiêu diệt cây gai nhọn. Chỉ nên nói những lời trong sáng, không bao giờ nói điều gì ngoài phạm vi giới luật (sīla, samādhi, pañña) cho phép hoặc quá thời gian. (Vị tỳ khưu có thể bị phê phán, chỉ trích vì vi phạm giới cấm, vì tà kiến, tà mạn cho nên cần phải kiên tránh những ác hạnh như vậy ngay cả trong ý nghĩ, không phải trong lời nói hoặc hành động).

(12) Này con Sāriputta… Ngoài ra, thế gian này, có năm loại bụi trần, đó là: sự luyến ái cảnh sắc (rūpa-rāga), sự luyến ái cảnh thinh (sadda-rāga), sự luyến ái mùi (ganda-rāga), sự luyến ái vị (rasa- rāga), sự luyến ái vật xúc chạm (phothabba-rāga). Tất cả những sự luyến ái như vậy nên được đoạn trừ bằng pháp hành sīla, samādhi, pañña với chánh niệm. Sự hành đạo chuyên cần sẽ giúp vị tỳ khưu có thể đoạn trừ năm loại bụi trần.

(Năm loại bụi trần nên được đoạn trừ bằng sự thọ trì ba học giới. Chỉ những người thọ trì các học giới này mới có thể khắc phục năm loại bụi trần, không ai khác có thể làm như vậy).

(13) Một khi năm loại bụi trần này được đoạn trừ, vị tỳ khưu sẽ không còn vui thích năm loại cảnh dục. Vị tỳ khưu ấy, với chánh niệm, thoát khỏi các chướng ngại, quán đúng thời về các pháp hữu vi là vô thường, khổ và vô ngã với tâm kiên định tuyệt đối. Tâm của vị ấy trở nên điềm đạm, và sẽ xuyên thủng bóng tối phiền não.

Như vậy, Đức Phật đã trả lời những câu hỏi của tôn giả Sāriputta với ý định khai sáng từng bước, mà chắc chắn dẫn đến tầng thánh quả A-la-hán. Năm trăm vị tỳ khưu đệ tử của tôn giả Sāriputta chứng đắc đạo quả A-la-hán vào lúc kết thúc thời pháp, và ba mươi koti chư thiên và nhân loại được giải thoát nhờ giác ngộ Tứ Diệu Đế.

Đức Phật bị vu khống bởi nữ đạo sĩ hành cước Cincamanavika

Như đã trình bày ở những đoạn trước đó, Đức Phật, sau khi giải thoát cho năm trăm vị tỳ khưu đệ tử của tôn giả Sāriputta và ba mươi koti chư thiên và nhân loại qua sự giác ngộ Tứ Diệu Đế, Ngài tiếp tục đi đến Sāvatthi để trú ngụ tại tịnh xá Jetavana và thuyết pháp cho những chúng sanh hữu duyên đã đến đó.

Chính vào thời gian ấy, một nữ đạo sĩ hành cước hèn mọn, quỷ quyệt, tên là Cincamanavika đã thực hiện một sự vu khống đối với Đức Phật. Sau đây là nội dung câu chuyện.

Số lượng đệ tử của Đức Phật gia tăng rất nhanh, như thủy triều dâng, suốt hai mươi năm đầu của thời kỳ giáo pháp, được gọi là Sơ- giác-thời – Paṭhama Bodhi. Và số lượng của nhân loại, chư thiên và Phạm thiên chứng đắc bốn tầng thánh quả (ariya bhūmi) cũng gia tăng theo thời gian, và những ân đức của Đức Phật, như Araham, lan rộng đến tột đỉnh của thế giới. Số lượng tứ sự được cúng dường đến Đức Phật và Tăng chúng gia tăng rất nhiều trong khi đó sức mạnh của các ngoại đạo sư thì dần dần tàn lụi và những lợi lộc cúng dường đến họ dần dần giảm sút đến mức ít ỏi như ánh sáng của con đom đóm bị tiêu diệt khi mặt trời mọc lên vào ban mai.

Các ngoại đạo sư đứng ở các ngã ba đường và ra sức xúi dục mọi người cúng dường đến họ bằng cách nói rằng: “Này các cư sĩ… Sa-môn Gotama không phải là người duy nhất đã chứng đắc Phật quả, chúng tôi cũng đã chứng đắc Phật quả vậy… Phải chăng chỉ cúng dường đến Sa-môn Gotama mới được phước ? Các vị có thể gặt hái quả phước bằng cách cúng dường đến cả chúng tôi nữa. Do đó, các người cũng nên cúng dường đến chúng tôi.”

Những lời kêu gọi của họ không kết quả, và vì vậy họ hội họp với nhau “ để lập kế nói xấu Sa-môn Gotama, để mọi người không cúng dường đến Sa-môn Gotama do thiếu tôn kính.”

Lúc bấy giờ, tại Sāvatthi, có một nữ đạo sĩ hành cước tên là Cincamanavika. Nàng ta có tên như vậy vì nàng ta sanh ra từ một cây me ; cho nên nàng được mọi người biết đến là “nàng trinh nữ sanh ra từ cây me, Cincamanavika.” Tương truyền rằng nàng xinh đẹp và duyên dáng như tiên nữ và thân của nàng phát ra ánh sáng thành từng vòng quanh thân.

Khi các ngoại đạo sư đang bàn mưu tính kế thì có một ngoại đạo sư ngu si, độc ác đưa ra một mưu kế để vu cáo Đức Phật bằng cách dùng nàng Cincamanavika làm công cụ cho những mục đích hẹp hòi của họ. Mưu kế này được tán đồng và chấp nhận là mưu kế có hiệu quả để cắt đứt nguồn vật thí chảy đến Sa-môn Gotama.

Khi nữ đạo sĩ Cincamanavika đi đến trong khuôn viên tịnh xá của họ và đứng trước họ trong tư thế kính lễ, nàng hoàn toàn không biết bí mật của họ. Nàng tò mò muốn biết và vì vậy nàng hỏi họ rằng:“Thưa các ngài… Con xin đảnh lễ các ngài ba lần. Con đã làm điều gì sái quấy xúc phạm đến các ngài và con đã phạm tội gì? Tại sao các ngài im lặng?”

Đây là câu trả lời khắc khe của họ: “Này cô Cincamanavika…Phải chăng ngươi không biết rằng Sa-môn Gotama đã đi khắp nơi và gây tổn hại cho chúng ta bằng cách tước đoạt những vật thí của chúng ta?”

Rồi Cincamanavika nói rằng: “Con chẳng biết gì về điều này… Con có thể làm gì giúp các ngài trong vấn đề này?” Họ bèn nói với nàng về ý định của họ: “Này Cincamanavika… Nếu cô quan tâm đến lợi ích của chúng ta, thì cô có thể bêu xấu Sa-môn Gotama bằng cách dùng sắc đẹp của cô làm công cụ để tiêu diệt danh tiếng, danh dự và lợi lộc của vị ấy.” Như vậy nàng được giao phận sự thi hành một công việc dơ bẩn.

Âm mưu quỷ quyệt của Cincanama

Cincanama mạnh dạn hứa rằng: “Dạ được, thưa các ngài… Các ngài có thể yên tâm chờ con hoàn thành trách nhiệm được giao. Đừng lo lắng gì về vấn đề này,” rồi nàng rời khỏi đó. Sau đó nàng ta bắt đầu thực hiện từng bước âm mưu quỷ quyệt. Nàng ta mặc vào bộ y phục màu hồng và đi đến Jetavana tịnh xá với bó hoa trong tay, vào lúc mọi người ra khỏi Jetavana tịnh xá sau khi nghe pháp. Mọi người hỏi nàng rằng: “Cô đi đâu vậy?” Nàng đáp lại: “Các người biết chỗ đến của tôi để làm gì ?” để làm khởi dậy sự hoài nghi của họ đối với nàng. Thực ra nàng rẽ qua khuôn viên tịnh xá của các ngoại đạo sư và nghỉ đêm ở đó. Vào lúc mọi người ra khỏi thành Sāvatthi vào lúc sáng sớm để đảnh lễ Đức Phật, thì nàng đi ra từ Jetavana tịnh xá trở về Sāvatthi, tựa như nàng đã ngủ qua đêm tại đó. Khi được hỏi nàng đã ngủ qua đêm tại đâu, nàng cho câu trả lời tương tự: “Các vị sẽ được gì khi biết tôi ngủ qua đêm ở đâu ?” để tạo ra sự nghi hoặc trong tâm của họ.

Mỗi ngày nàng đều làm như thế. Sau một thời gian khoảng một tháng rưỡi nàng bắt đầu sử dụng cách đổ tội bằng cách đáp lại rằng: “Tôi đã ngủ qua đêm với Sa-môn Gotama trong hương phòng của vị ấy.” Điều ấy khiến những người còn phàm phu tự hỏi liệu nàng ta có nói thật hay không. Khoảng ba hoặc bốn tháng sau, nàng giả vờ có thai bằng cách buộc miếng gỗ tròn vào trước bụng của nàng và mặc bộ y phục màu hồng ở bên ngoài. Và nàng bắt đầu nói với mọi người rằng nàng đã có thai với Sa-môn Gotama, một lời vu khống được những kẻ phàm phu thiếu trí tin theo.

Sự vu khống trước tứ chúng

Sau một thời gian khoảng tám hoặc chín tháng, Cincamana buộc miếng gỗ tròn hình nửa quả trứng vào trước bụng của nàng và mặc y phục màu hồng để có hình tướng của người đàn bà mang thai. Nàng lấy xương hàm của con bò đánh đập vào hai tay và hai chân của nàng để làm ra vẻ như người đàn bà có thai nặng nề yếu đuối. Rồi vào một buổi chiều nọ, nàng đi đến chỗ Đức Phật đang ngồi trên pháp tọa và thuyết pháp đến tứ chúng. Nàng đứng ngay trước mặt Đức Phật và nói lời vu khống độc ác như sau:

“Này ông Đại Sa-môn… Ông cứ an nhàn thuyết pháp đến mọi người như thế! Còn về phần tôi, tôi đã trở thành một người mẹ sắp sanh con qua việc sống với ông. Thế mà ông vẫn dửng dưng không lo nghĩ sắp xếp cho sự sinh đẻ của tôi. Nếu ông không quan tâm đứng ra làm những công việc như vậy, thì ông có thể nhờ đến vua Kosala, hoặc Anāthapiṇḍika hoặc Visakha, là thí chủ của tịnh xá, để làm những công việc cần thiết cho tôi. Ông cứ ngồi yên một cách vô trách nhiệm và nhẫn tâm đối với giọt máu của ông, nhưng ông biết cách vui sướng trong dục lạc.”

Như vậy Cincamana đã nói lời vu khống độc ác đến Đức Phật trước mặt đại chúng đông đảo như một người đàn bà ngu xuẩn, cố gắng tiêu diệt mặt trăng bằng cục phẩn trong bàn tay của mình. Nhân đó, Đức Phật ngừng thời pháp của Ngài và như một sư tử chúa, đã bác bỏ lời vu khống của nàng bằng giọng nói đầy oai lực.

“Này cô Cincamana… chỉ có cô và Như Lai biết điều mà cô vừa nói ra là đúng hay sai.”

Cincamana tỏ ra không nhân nhượng, nàng tạo ra một làn sóng tấn công khác bằng cách nói rằng: “Đúng như vây, này ông Đại Sa- môn… Đây là vấn đề giữa ông và tôi, việc mang thai này là sự thật.”

Sakka đi xuống để giải quyết vấn đề

Nhân đó, bảo tọa lục bảo của Sakka bắt đầu nóng lên khiến Sakka phải xem xét nguyên nhân của nó; ngài nhận biết rằng: “Cincamana đã nói lời vu khống độc ác đến Đức Phật.” Vị ấy nghĩ rằng: “Ta sẽ đi và tự mình giải quyết vấn đề trước sự hiện diện của mọi người.” Vị ấy cùng với bốn vị chư thiên xuống nơi Đức Phật đang thuyết pháp. Bốn vị chư thiên ấy tự biến mình thành bốn con chuột nhắt và cắn đứt những sợi dây buộc miếng gỗ tròn trên bụng của Cincamana, và khi ngọn gió thổi lên làm giở lên chiếc áo của nàng, thì miếng gỗ tròn rơi xuống ngay trên đầu mười ngón chân của nàng, gây ra sự đau buốt dữ dội.

Cicamana bị nuốt chửng bởi đường nứt của trái đất

Tất cả mọi người hiện diện đều lên án và khạc nhổ vào nàng, người cầm cục đá, kẻ cầm cây gậy v.v… họ kéo nàng ra khỏi khuôn viên của tịnh xá. Khi nàng đã ở khuất khỏi tầm nhìn của Đức Phật thì đất nứt ra để đón lấy thân xác của nàng. Rồi những ngọn lửa từ địa ngục A-tỳ (Avici) tóm lấy nàng và nuốt chửng nàng xuống đáy sâu của đại địa ngục A-tỳ ( Mahā Avici).

Khi mọi người trông thấy các ngoại đạo sư đã lộ rõ bộ mặt thật của họ, người ta cúng dường ít hơn đến họ, trong khi đó vật thí đến với Đức Phật và Tăng chúng càng dồi dào hơn.

Sự thuyết giảng Bổn sanh Mahū Paduma

Vào ngày hôm sau, tất cả các vị tỳ khưu hội họp tại giảng đường chánh pháp và bàn luận về chủ đề của ngày: “Thưa các tôn giả… Cincamana đã bị suy sụp vì những lời vu khống của nàng chống lại Đức Phật chí kính của chúng ta, bậc đáng được thế gian kính ngưỡng.” Đức Phật đi vào giảng đường chánh pháp và hỏi: “ Này các tỳ khưu… Các thầy đang bàn luận về chủ đề gì vậy?” Khi các vị tỳ khưu đáp lại rằng họ đang bàn luận về số phận của Cincamana, Đức Phật bèn kể lại câu chuyện quá khứ của nàng qua bổn sanh Mahā Paduma, Ngài nói rằng: “Đây không phải là lần đầu tiên nàng ta vu khống Như Lai và lãnh chịu hậu quả của nó.” Rồi Ngài tiếp tục kể lại Bổn sanh Mahā Paduma.

Bổn sanh Mahā Paduma

Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Bārāṇasī, lúc bấy giờ Bồ tát thọ sanh vào bào thai của hoàng hậu. Khi ra đời, vị ấy được đặt tên là hoàng tử Mahā Paduma, vì khuôn mặt của vị ấy giống như hoa sen mới nở.

Khi đến tuổi trưởng thành, hoàng tử được gởi đến Takkasīla để học các môn nghệ thuật và thủ công; và sau khi hoàn tất việc học, vị ấy trở về nước của mình và thấy rằng mẫu hậu đã mạng chung còn phụ vương thì tôn phong một người đàn bà khác lên ngôi chánh hậu. Vị ấy được chính thức tấn phong thái tử, là người kế thừa duy nhất của ngai vàng.

Một thời gian sau, đức vua thân chinh đi dẹp loạn ở các vùng biên giới, vị ấy căn dặn hoàng hậu rằng: “ Này chánh hậu… trẩm phải đi dẹp loạn ở các vùng biên giới và ái hậu sẽ ở lại trong hoàng cung này.” Hoàng hậu bèn nói rằng: “Thiếp không muốn ở lại; thiếp muốn theo bệ hạ ra biên giới.” Đức vua bèn giải thích với hoàng hậu về những nguy hiểm của chiến trận: “ Này chánh hậu… hậu nên ở lại trong hoàng cung cho đến khi trẫm trở về. Đừng u sầu vì vắng trẫm. Trẫm sẽ cho lời chỉ bảo đến thái tử để chăm sóc ái hậu chu đáo.” Rồi đức vua đi đến những vùng có dấy loạn và trở về sau khi dẹp yên loạn tặc, nhưng vị ấy không đi ngay vào kinh đô. Vị ấy lưu lại một thời gian tạm thời ở ngoài kinh thành.

Khi Bồ tát, thái tử Mahā Paduma nghe tin phụ vương đã trở về, vị ấy lo sắp xếp mọi việc để đón tiếp phụ vương bằng cách trang hoàng kinh đô thật hoa lệ. Sau khi đã làm xong tất cả mọi việc, vị ấy một mình đi vào căn phòng của bà chánh hậu. Khi trông thấy tướng mạo xinh đẹp diệu kỳ của thái tử, bà chánh hậu khởi lòng say đắm thái tử. Thái tử làm lễ hoàng hậu và hỏi: “Thưa mẫu hậu… Con có thể giúp mẫu hậu bằng cách nào đây ?” Hoàng hậu đáp lại : “Đừng gọi thiếp là mẹ.” Khi nói vậy, bà ta đứng dậy ôm ghì lấy thái tử và truyền lịnh thái tử lên nằm trên giường: “Hai chúng ta sẽ thọ hưởng khoái lạc dục tình đến ngây ngất trước khi đức vua trở về .”

Vốn là người có đạo đức và giới hạnh, thái tử trả lời dứt khoát :

“ Thưa mẫu hậu… Mẫu hậu đã trở thành mẹ của con từ khi mẹ ruột của con qua đời. Mẫu hậu là người đàn bà đã có chồng. Trong đời con, con chưa bao giờ nhìn vào một người đàn bà đã có chồng hợp pháp với tâm ái nhiễm, làm sao một người có tự chế như con có thể phạm phải một tội lỗi đáng ghê tởm như vậy?”

Sau ba hoặc bốn lần cố gắng cám dỗ thái tử không thành công, hoàng hậu dùng đến biện pháp đe dọa vị ấy khi hỏi rằng : “ Ngươi cải lịnh ta à?” “Vâng… Con không thể,” thái tử mạnh dạn đáp lại. Rồi bà ta đe dọa vị ấy: “ Ta sẽ vu khống người trước mặt đức vua để vị ấy đập vỡ cái đầu của người thành trăm mảnh.” “ Bà có thể vu cáo tôi nhưng tôi sẽ không chìu theo những cám dỗ của bà.” Thái tử rời khỏi phòng của bà ta sau khi làm cho bà ta phải xấu hổ.

Hoàng hậu biết lỗi của mình, bèn quyết định thoát tội bằng cách vu khống thái tử trước mặt đức vua không chậm trễ, vì mạng sống của nàng có thể gặp nguy hiểm nếu thái tử tiết lộ những bí mật của nàng trước khi nàng gặp đức vua. Nàng bèn dùng những móng tay cào khắp thân mình và nằm trên giường mà không ăn uống gì cả, giả bệnh. Nàng căn dặn các nữ tỳ phải trả lời như thế nào khi đức vua hỏi họ về nàng.

Đức vua, đi vào kinh thành sau khi nhiễu quanh thành phố và ngồi trên ngai vàng. Khi đức vua không nhìn thấy hoàng hậu, vị ấy dò hỏi về nàng và những nữ tỳ của nàng tâu rằng nàng không được khỏe. Vị ấy đi vào khuê phòng của nàng và hỏi: “ Này ái hậu… Ái hậu bị bịnh gì thế?” Nàng giả bộ như không nghe những lời của đức vua đến hai hoặc ba lần và cuối cùng nàng đáp lại như vầy: “Tâu bệ hạ, xin bệ hạ đừng bắt thiếp phải trả lời điều mà thiếp không muốn nói, xin hãy im lặng để thiếp khỏi bị xấu hổ; trường hợp của thiếp khác xa với những người đàn bà đã có chồng.” Nghe qua lời bóng gió như vậy, đức vua bèn nói rằng: “Hãy nói cho trẫm biết ngay rằng ai đã làm điều sai trái với nàng và trẫm sẽ đập vỡ cái đầu của kẻ đó.” Để trả lời đức vua, hoàng hậu hỏi lại: “Tâu bệ hạ… Khi bệ hạ xuất chinh, ai nắm quyền điều hành kinh đô này?” “ Trẫm đã giao cho con trai của trẫm, là thái tử Paduma,” đức vua nói. Rồi hoàng hậu bắt đầu kể lại câu chuyện bịa đặt của nàng để vu khống thái tử: “ Tâu bệ hạ… Chính người mà bệ hạ đã giao quyền điều hành kinh đô, là thái tử Paduma, đã một mình đi vào phòng của thiếp và cưỡng ép thiếp phải chìu theo những quyến rũ của vị ấy, và khi thiếp khiêm tốn van xin vị ấy đừng xúc phạm mẹ của mình, vị ấy đã nói lời hổn xược với thiếp rằng: ‘ Có vị vua nào khác ngoài ta ra… Ta sẽ giữ nàng ở trong nhà và hưởng khoái lạc dục tình với nàng.’ Khi thiếp cự tuyệt không chìu theo vị ấy, thì vị ấy giật tóc của thiếp và đánh đập khắp thân mình của thiếp rồi ném thiếp xuống sàn nhà, vị ấy đã thô bạo với thiếp rồi bỏ đi.”

Đức vua truyền lệnh xử tử thái tử Mahā Paduma

Đức vua đánh mất lý trí do tức giận như con rắn độc và truyền lịnh xử tử thái tử. Các đao phủ thủ đi đến chỗ ở của thái tử, đánh đập vị ấy rất dã man, trói hai tay vị ấy ra sau lưng và lôi thái tử ra khỏi chỗ ở của vị ấy bằng một cái vòng màu hồng buộc quanh cổ vị ấy, như người tù bị phán tội chết.

Thái tử biết rằng hoàng hậu đứng đằng sau toàn thể vấn đề. Vị ấy đi theo các đao phủ thủ và nài xin rằng: “Này các đao phủ thủ. Ta chẳng làm điều gì chống lại đức vua, ta vô tội.” Toàn thể kinh đô đầy kinh động và dân chúng trao đổi quan điểm với nhau: “ Đức vua đã hiểu lầm thái tử Paduma và truyền lịnh xử tử vị ấy do những lời vu khống của hoàng hậu.” Họ xúm lại quanh thái tử và khóc to: “ Ôi thái tử… Lời phán tội giáng xuống cho ngài quả thật không công bằng và không hợp lý.” Họ tiếp tục gào khóc quanh thái tử.

Khi các đao phủ thủ đã dẫn thái tử đến trước mặt đức vua, vị ấy, trong cơn giận dữ tức thì truyền lịnh xử tử thái tử bằng cách ném vị ấy xuống vách núi sâu (là nơi dùng để ném những tên cướp xuống đó) với đầu trút xuống. Khi ban hành mệnh lệnh, đức vua nêu tội thái tử, dầu là con trai của vị ấy, nhưng phạm tội lộng quyền và xúc phạm hoàng hậu. Rồi thái tử phản kháng rằng: “Tâu phụ vương… con không phạm những tội như vậy. Xin đừng giết con vì những lời cáo buộc của hoàng hậu.” Những lời van xin của vị ấy rơi nhằm lỗ tai điếc của đức vua.

Không chỉ riêng dân chúng trong kinh thành khóc cho số phận của thái tử và mười sáu ngàn vị quan cũng khóc than: “Ôi con trai yêu quý… Mahā Paduma… thật là một điều đáng tiếc to lớn khi hình phạt như vậy dành cho ngài, không phải vì lỗi của ngài.” Tất cả các vị hoàng tử, công chúa, quan lại, bà-la-môn, trưởng giả, và tất cả mọi tầng lớp xã hội đều nối nhau van xin đức vua: “Tâu bệ hạ, Mahā Paduma có nhân cách vô song, là người thừa kế hợp pháp ngai vàng, cả về lẽ phải và truyền thống, xin đừng giết người thừa kế vương vị vì những lời cáo buộc của hoàng hậu mà không xem xét vấn đề dưới danh nghĩa của công lý. Đây là lời cầu xin của chúng thần.”

Lời thỉnh cầu của họ được làm thành bảy câu kệ như sau:

(1) Nadaṭṭhā parato dosaṃ aṇuṃthulani sabbasso issaro panaye daṇḍaṃ sāmaṃ appaṭiyekkhiya.

Hỡi đức vua cao quý… Người cai trị không nên phán tội chết và chặt tay chân bị cáo mà không vận dụng lý trí; không điều tra kỹ lời cáo buộc người bị hại.

(Chú thích: Trong thời của Mahā Paduma (người được dân chúng tôn phong địa vị của người cai trị tối cao) không có tội nào bị bắt phải nộp nhiều hơn 100 tiền vàng, không có tội tử hay chặt tay chân. Những hình phạt nặng nề hơn được áp dụng bởi những vị bạo chúa vào những thời về sau. Do đó, các vị quan đã đưa ra lời cầu xin trên liên quan đến quyền ưu tiên như vậy).

(2) Yo ca appaṭivekkhitvā daṇḍam kubbati khattiyo sakaṇūkam so gilati jaccandhova samakkhikaṃ.

Một vị vua cao quý phán tội chết và chặt tay chân người bị cáo mà không tra xét đúng đắn lời cáo buộc, thì giống như người sanh ra bị mù, nuốt vào vật thực hư thối, bị ruồi vấy bẩn với những phiền phức kéo theo; hành động như vậy giống như ăn vật thực có gai nhọn.

(3) Adaṇḍhiya dandhayati daṇḍhiyañca adaṇḍhiyaṃ.

andhova visamaṃ maggaṃ

na jānāti samāsamaṃ.

Một vị vua ngẫu nhiên trừng phạt người vô tội mà không đáng bị trừng phạt, và đã để cho người có tội thoát thân mà không trừng phạt, do say sưa trong quyền lực, thì được xem là đã đi trên một con đường không bằng phẳng, đầy những nguy hiểm như người sanh ra bị mù. Người ấy không có sự phân biệt con đường bằng phẳng gồm mười điều phước và con đường không bằng phẳng gồm mười điều tội và chắc chắn sẽ bị đọa vào khổ cảnh.

(4) Yo ca etāni tṭhānāni aṇuṃthulani sabaso suḍiṭhamanusāseyya sa ve voharitumarahati.

Một vị vua mà xem xét các vụ kiện theo đúng thủ tục, và xét xử người có tội hay các vụ kiện, nhỏ hoặc lớn, nhân danh công lý, là người cai trị giỏi, xứng đáng trị vì đất nước.

(5) Nekantamudunā sakkā ekantatikhi nena vā attaṃ mahāṇte ṭhapetuṃ tasmā ubhayamācare.

Hỡi đức vua cao quý… không thể để cho bất cứ người nào giữ mãi địa vị bằng cách luôn luôn sử dụng những biện pháp cực đoan hoặc mềm mỏng hoặc thô bạo. Người trị vì cần có sự xét xử công minh thận trọng để phân biệt rõ tội nào cần nhẹ tay hay tội nào cần nghiêm khắc.

(6) Paribhūto mudu hoti

atitikkho ca veravā

etañca ubhayaṃ ññatvā anumajjaṃ samācare.

Hỡi đức vua cao quý… Người cai trị dân chúng mà quá nhân từ thì bị thần dân của vị ấy coi thường. Nói cách khác, người lãnh đạo cai trị dân chúng mà khắc khe thô bạo thì có thể gây thù địch và giận ghét trong dân chúng. Một vị vua nên có khả năng phân biệt giữa hai cực đoan và đi theo con đường trung đạo để đem lại sự thái bình và an ổn.

(7) Bahompi ratto bhāseyya duṭhopi bhahu bhāsati na itthikāranā rāja puttam ghāte umarahati.

Hỡi đức vua cao quý… Người bị đốt cháy bởi ngọn lửa tình ái có thể nói nhiều cách khác nhau; người bị đốt cháy bởi ngọn lửa sân hận cũng có thể nói nhiều cách khác nhau. Do đó, không có sự công bằng trong việc phán tội chết cho thái tử mà không có sự suy xét đúng đắn và chủ yếu dựa vào lời vu cáo của một người đàn bà do ảnh hưởng của dục tình bốc cháy và hại tâm.

Những lời đệ trình và thỉnh cầu của các quan không lay chuyển được đức vua. Chính thái tử Paduma cũng đã cố gắng nhiều lần xin đức vua thâu hồi mệnh lệnh bằng nhiều cách, nhưng không kết quả. Đức vua kiên quyết với sự phán xét của vị ấy và truyền lịnh: “Tất cả các ngươi hãy đi đến vách núi và ném kẻ phạm tội ngu đần này xuống đó ngay.”

(8) Sabbova loko ekato itthi ca ayamekikā

te nā haṃ patipajjissam.

gacchatha pakkhipathe va taṃ.

Tất cả dân cư trong kinh thành đều về phe thái tử, còn chánh hậu của trẫm thì hoàn toàn một mình, trẫm sẽ về phe của hoàng hậu. Tất cả các người hãy đi đến vách núi và ném kẻ phản bội này, thái tử Paduma, xuống vách núi của những tên cướp ngay.

Khi nghe lịnh truyền này, không người đàn bà nào trong đám đông mà không khóc. Tất cả mọi người đều đưa tay phản đối và hô vang những lời ủng hộ thái tử khi họ đi theo vị ấy với tóc xoã xuống người trong tâm trạng sầu não. Vị vua ngu si nghĩ rằng mọi người sẽ đứng cản đường ngăn không cho ném thái tử xuống vực thẳm, thế nên vua đi theo đoàn người đang khóc lóc đến vực thẳm. Vị ấy truyền lịnh cầm chân thái tử treo ngược xuống dưới và quăng thái tử xuống vực thẳm trước sự hiện hiện của vị ấy.

Năng lực tâm từ của Bồ tát

Do ảnh hưởng tâm từ của Bồ tát, vị hộ thần của ngọn núi ấy hiện ra và an ủi thái tử: “ Này thái tử Paduma… đừng lo lắng.” Rồi vị hộ thần ôm thái tử sát vào ngực của vị ấy, để thái tử được thoải mái nhờ hơi ấm tỏa ra của vị sơn thần. Rồi vị sơn thần đưa thái tử xuống dưới vách núi và đặt vị ấy trên cái mang xòe ra của vị long vương đang trú ngụ dưới chân núi.

Long vương đưa thái tử đến cõi rồng và cùng chung hưởng lạc xa thú hoa trong xứ sở của những vị rồng. Sau khi ở lại trong hội chúng rồng suốt một năm, Bồ tát bày tỏ ước muốn được trở về cõi người: “ Tôi sẽ trở lại cõi người.” Long vương hỏi: “ Ngài định đi đến đâu?” “Đến Himalaya,” là câu trả lời. Long vương đưa thái tử đến Himalaya và sau khi dâng đến vị ấy các món vật dụng của Sa-môn bèn trở về long cung. Bồ tát, sau khi trở thành ẩn sĩ, siêng năng tu tập thiền định và chứng đắc định và thần thông, hằng ngày sống bằng rau cỏ, các loại củ và trái cây.

Sau một thời gian, một người thợ săn ở kinh thành Bārāṇasī đi đến chỗ ở của Bồ tát và nhận ra Ngài là thái tử. Thợ săn hỏi ẩn sĩ: “ Thưa thái tử… ngài có phải là thái tử Paduma không ạ?” “Phải…Ta là thái tử Paduma,” ẩn sĩ trả lời. Người thợ săn đảnh lễ Bồ tát và ở lại với vị ấy vài ngày trước khi trở về kinh thành Bārāṇasī. Khi về đến nơi, thợ săn đi đến đức vua và tâu rằng: “Tâu bệ hạ, con trai của bệ hạ, thái tử Paduma hiện đang sống trong khu rừng của dãy núi Himalaya, làm một vị ẩn sĩ. Hạ dân đã trông thấy vị ấy và đã ở lại với vị ấy vài ngày”. Rồi đức vua hỏi: “ Phải chăng ngươi đã tận mắt trông thấy thái tử?” “Thưa vâng, tâu bệ hạ… Hạ dân đã tận mắt trông thấy vị ấy,” thợ săn đáp lại.

Đức vua bèn lên đường đi đến chỗ ấy cùng với quan binh và trú tạm trong một giả ốc ở bìa rừng hy vọng gặp con trai. Đức vua đối mặt ẩn sĩ khi vị ấy đang ngồi trước thảo am như một pho tượng vàng, vị ấy đảnh lễ ẩn sĩ và ngồi xuống ở chỗ thích hợp. Các quan trao đổi những lời chào hỏi thân mật với ẩn sĩ. Bồ tát dâng đến đức vua các loại trái cây và chuyện trò thân mật.

Đức vua bắt đầu hỏi dưới dạng kệ: “ Này con thân… Trẫm đã cho người ném con xuống vách núi có tên là ‘Corapapata’ với đầu của con bị treo ngược và trẫm tự hỏi làm sao con có thể bảo toàn tánh mạng?”

(9) Anekatāle narake gambhīre ca suduttare pātito giriduggasmiṃ kena tum tattha nāmari.

Này con thân… Bằng cách nào con được sống sót sau khi bị ném ngược xuống vách núi sâu bằng chiều dài của nhiều cây thốt nốt thật khó thoát mạng? Rồi một cuộc đàm thoại diễn ra giữa hai cha con:

(10) Nāgo jātaphano tattha thāmavā girissānujo paccaggahi mam bhogehi tenāhaṃ tattha nāmariṃ.

Tâu phụ vương… Một vị long vương đầy oai lực từ dưới vực sâu đã đỡ lấy con từ cái mang được xòe ra của vị ấy qua tay một vị sơn thần ở đó, và đó là lý do khiến con khỏi bị tan xác sau khi bị ném xuống vực thẳm.

Vua cha lấy làm hoan hỉ bởi câu trả lời của Bồ tát và trân trọng nói rằng; “ Ta quả thật là kẻ ác độc đã xúc phạm đứa con trai chánh trực như con khi nghe lời xúi bẩy của vợ ta, trẫm xin hạ mình xin lỗi con,” và đầu cúi xuống dưới chân của Bồ tát. Rồi Bồ tát thuyết phục vua cha: “ Tâu bệ hạ… Xin hãy đứng lên… Con đã tha thứ tất cả lỗi lầm của bệ hạ và ước nguyện chân thành của con là mong bệ hạ hãy tránh trở thành con người hành động mù quáng, thiếu suy xét và không điều tra kỹ lưỡng. ” Đức vua đáp lại: “ Này con thân…Việc con đảm nhận vương quyền với tất cả sự vinh quang của nó trên khắp xứ sở chính là sự tha thứ của con đối với trẫm.”

(11) Ehi tam paṭnessāmi. rajaputtam sakam gharaṃ rajjaṁ kārehi bhaddante, kiṁ aranne karissasi.

Này thái tử Mahā Paduma… Trẫm sẽ đưa con về làm người kế thừa ngai vàng của vương quốc Bārāṇasī, cầu mong con hãy trị vì với sự vinh quang và vĩ đại. Ta cầu xin con hãy nhận lãnh vương quyền với sự thống trị khắp xứ sở. Làm sao con có thể đem lại lợi lạc và sự thịnh vượng cho dân chúng ở nơi hoang vắng xa lìa sự văn minh như vầy?

Sau đây là câu trả lời của thái tử dưới dạng kệ:

(12) Yathā gilitvā balisaṃ uddbareyya salohitaṃ uddharitvā sukhi assa evaṃ passāmi attanaṃ.

Tâu phụ vương… Cũng như người tình cờ nuốt nhằm cái móc câu bèn lấy nó ra với máu chảy đầm đìa ngay trước khi nó đi đủ xa và thấu đến tim, nên người ấy có thể giữ thân tâm được an lạc. Cũng thế, con thấy mình giống như người đã nuốt nhằm cái móc câu nhưng đã lấy nó ra đúng lúc để sống trong an lạc và thanh tịnh.

(13) Kiṇ nu tuṃ balisaṃ byūsi kiṃ tum lyusi salohitam

kin nu tum ubbhataṃ vyusi

tam me akkhāhi pucchito

Này con thân… Con muốn nói gì qua cái móc câu? Con muốn nói gì khi đề cập đến máu? Con muốn nói gì qua việc nôn ra tức thì? Ta cầu xin con hãy khai sáng cho ta bằng cách trả lời những câu hỏi này của ta!

(14) Kāmāham blisam byūmi

hatthitassam salohitaṁ

cattāhaṁ ubbhataṃ byūmi

evam janahi khattiya.

Tâu phụ vương, bằng trí tuệ con đã thấy năm dục lạc là cái móc câu; tài sản và những vật sở hữu trong thế gian như voi, ngựa, xe, v.v… là máu; sự từ bỏ năm dục lạc là việc nôn ra ngay. Bệ hạ có thể hiểu rõ những điều này qua trí suy quán.

Sau khi đã đưa ra câu trả lời trên, Bồ tát tiếp tục cho lời giáo huấn để hướng dẫn trong việc điều hành công lý: “Hỡi đức vua cao quý… Như đã giải thích ở trên, con chẳng còn dính dáng gì đến vương quyền của nước Bārāṇasī, và điều con muốn nhắc nhở phụ vương là cai trị đúng theo thập vương pháp mà không bị ảnh hưởng bởi bốn pháp tây vị.”


*Thập vương pháp là: bố thí, trì giới, xả ly (paricāga), ngay thẳng (công bình), nhu hòa (ôn tồn), tự chế (khuynh hướng diệt ác), vô sân, nhẫn nại, không nuôi dưỡng thù oán (nghĩa là có tâm tha thứ), biết khổ hạnh.

*Bốn pháp tây vị: Hành động do tham, do sân, do si mê và do sợ hãi.

Đức vua trở về kinh đô và trừng phạt hoàng hậu

Đức vua, sau khi nhiều lần cố gắng thuyết phục con trai nhưng không thành, bèn trở về kinh đô, vừa đi vừa than khóc. Trên đường đi, đức vua hỏi quần thần rằng: “ Ai chịu trách nhiệm về sự chia cắt giữa đức vua với thái tử?” Tất cả họ đều đồng thanh đáp lại: “ Bệ hạ đã chịu sự mất mát đứa con trai cao quý và đáng kính trọng như vậy do bởi chánh hậu của bệ hạ.” Khi trở về tại kinh đô, đức vua lập tức truyền lịnh ném hoàng hậu xuống vực sâu, trước khi vị ấy đi vào hoàng cung. Từ đó trở đi, đức vua trị vì xứ sở và muôn dân rất công minh.

Đức Phật, sau khi thuyết giảng bài pháp trên, Ngài tiếp tục nói: “Này các tỳ khưu, như vậy Cincamana đã từng nói những lời vu khống để bêu xấu Như lai trong kiếp quá khứ.”

(15) Cincamānavika māta Devadatto ca me pita Ānando pandito nāgo Sāriputto ca devatā

Rājaputto aham āsiṃ evam dhāretha jātakaṃ.

Này các tỳ khưu… Cincamana lúc bấy giờ là hoàng hậu kế mẫu. Devadatta khi ấy là đức vua, Ānanda lúc bấy giờ là long vương, Sāriputta lúc bấy giờ là vị sơn thần, và Như Lai lúc bấy giờ là Mahā Paduma. Bổn sanh được kết thúc bởi câu kệ cuối cùng này.

Kết thúc bổn sanh Mahā Paduma

Đức Phật tiếp tục làm sáng tỏ sự kiện như sau: Không có hành động ác nào mà kẻ dối trá không làm. Này các tỳ khưu… người đã từ bỏ pháp hành nói lời chân thật và nghiêng về pháp nói dối, tức là đã từ bỏ con đường dẫn đến Niết bàn và con đường đến cõi nhân loại và chư thiên. Và như vậy, không có hành động ác nào mà họ từ chối không làm.

Ekaṃ dhammaṃ atītassa masavādissa jantuno vitiṃ ṇaparalokassa natthi pāpaṃ akariyaṃ.

Này các tỳ khưu… người đã rơi vào con đường nói dối cũng đã từ bỏ những lợi ích của Niết bàn và sự tái sanh vào cõi người và cõi chư thiên, và như vậy, không có hành động bất thiện nào mà những người này, những người quyết định đi đến khổ cảnh, lại không dám làm.

Vào lúc kết thúc thời pháp, đông đảo chúng sanh chứng đắc sotapatti quả và những tầng thánh khác.

(Đây là phần mở rộng về sự vu cáo của Cincamana)

Nguyên nhân chính làm khởi sanh sự vu khống của nàng Cincamana

Sau đây là bài giải thích về nguyên nhân căn cội thúc đẩy Cincamana gây ra sự vu khống Phật.

Vào một thuở nọ rất xa xưa, trước 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp (trước khi sự thọ ký thành Phật được thực hiện) Bồ tát của chúng ta là người lêu lỏng, có thái độ bất chánh do thân cận thường xuyên với những người ác thuộc loại bất trị nhất. Vào một dịp nọ, vị ấy tình cờ vu cáo một vị A-la-hán tên là Nanda, là đệ tử của Đức Phật Sabbabhibhu, bằng cách tố cáo vị ấy đã tà dâm với một người đàn bà. Đây là một tội rất nặng trong việc vu khống một bậc Thánh.

Do kết quả vu khống bậc Thánh như vậy, vị ấy bị đọa xuống khổ cảnh trong nhiều năm và khi thoát khỏi khổ cảnh và được tái sanh làm người, vị ấy bị người ta vu khống lại hết kiếp này đến kiếp khác, và trong kiếp cuối cùng, khi đã thành Phật, Ngài bị nàng Cincamana vu khống trước mặt tứ chúng.

(Apadāna Pāḷi cuốn I, Avataphala vagga: 10- Pubbakammalotika Buddha apadan có nêu ra đầy đủ chi tiết về vấn đề này do chính Đức Phật thuyết giảng).

Nữ du sĩ Sundari

Như đã trình bày ở trên, các ngoại đạo sư ở ngoài giáo pháp, do vật cúng dường phát sanh đến họ bị giảm sút, đã xúi dục người đàn bà ác Cincamana vu khống Đức Phật. Họ đã tạo ra một âm mưu khác để vu cáo Đức Phật. Họ sử dụng một nữ du sĩ có khuôn mặt xinh đẹp tên là Sundari vào thời gian Đức Phật đang ngụ ở Sāvatthi (xem Udana Pāḷi text 4 ; Maghiya Vagga 1:8 ; Sundari Sutta Pāḷi and Chú giải).

Khi Đức Phật đang ngụ ở Jetavana tịnh xá, tất cả nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đến đảnh lễ Đức Phật và chúng Tăng, họ tôn kính cúng dường các ngài bốn món vật dụng gồm y phục, vật thực, chỗ ngụ và thuốc chữa bịnh luôn luôn dồi dào dành cho các ngài. Đối với Đức Phật và chúng Tăng, phước tích lũy của các ngài trong quá khứ rất to lớn, pháp hành về chánh đạo trong kiếp hiện tại của các ngài cũng tạo ra những phước thiện. Kết quả hiện tại từ hai nguồn thiện nghiệp này kết hợp với nhau tạo ra một sự trôi chảy không ngừng về các món vật dụng và những vật cúng dường dành cho các ngài giống như khối nước khổng lồ tuôn chảy từ hai con sông lớn.

Ngược lại, các ngoại đạo sư chịu sự thiếu thốn về bốn món vật dụng và những vật cúng dường khác. Điều này do bởi sự thiếu phước của họ trong kiếp quá khứ và tà pháp mà họ đang thực hành trong kiếp hiện tại.

Vào thời bấy giờ, tại Sāvatthi có một nữ du sĩ rất xinh đẹp, tên là Sundari, nhưng hành vi, lời nói và ý nghĩ của nàng thì đáng bị chê trách.

Các ngoại đạo sư ngồi lại để bàn mưu kế vu khống Đức Phật và chư Tăng. Họ tham gia bàn luận về vấn đề ấy:

“ Thưa quý ngài… Chúng ta đã bị suy sụp tệ hại vì sự xuất hiện của Sa-môn Gotama và chúng ta đã bị thiệt thòi rất nhiều về vật thí cúng dường, vì dân chúng hầu như không để ý đến sự hiện diện của chúng ta. Điều gì xui khiến mọi người cúng dường ồ ạt đến Sa-môn Gotama với sự tôn kính và tín thành hết mức như vậy?”

Một ngoại đạo sư có mặt trong buổi bàn luận ấy đưa ra ý kiến như sau:

“ Thưa quý ngài… Sa-môn Gotama vốn là hậu duệ của Mahā Sammata thuộc dòng dõi Khatitiya thuần khiết không bị gián đoạn. Có thể đó là lý do khiến mọi người tôn kính và cúng dường dồi dào đến vị ấy.” Một ngoại đạo sư khác đưa ra ý kiến của ông ta như vầy: “ Chính do nhiều hiện tượng kỳ lạ xảy ra vào lúc vị ấy sanh ra.” Lại có ý kiến khác cho rằng: “ Lý do là khi vua Suddhodana, phụ vương của vị ấy bắt vị ấy đảnh lễ ẩn sĩ Devila bằng cách chấp hai tay ngay sau khi vị ấy sanh ra, thì đôi chân của vị ấy bay lên cao một cách kỳ diệu và đặt xuống trên búi tóc của ẩn sĩ Devila. Và khi cha mẹ của vị ấy để vị ấy dưới bóng râm của cây táo hồng khi lễ Hạ điền đang diễn ra, trong khi bóng râm của nhiều cây khác di chuyển theo mặt trời, thì bóng râm của cây táo hồng vẫn đứng yên, không thay đổi dù trời đã xế trưa.” “ Chính vì vị ấy có tướng hảo xinh đẹp phi thường,” một người khác nói. Rồi lại người khác đưa ra ý kiến khác: “Có thể do vị ấy đã từ bỏ ngôi vị Chuyển luân vương với tất cả những vinh quang của nó và từ bỏ cả thế gian do trông thấy bốn điềm tướng lớn, nên mọi người tôn kính và cúng dường đến vị ấy rất ồ ạt.”

Tất cả họ đều suy luận lòng vòng mà không tìm ra nguyên nhân thực sự khiến mọi người có sự tôn kính sâu đậm đến Đức Phật vì họ hoàn toàn vô minh, không biết những ân đức vô song của Đức Phật là: Ba-la-mật (pāramī), sự xả ly (cāga) và hạnh (cariya). Sau khi trao đổi bàn bạc không kết quả gì, một người trong số những ngoại đạo sư dữ dằn nhất đưa ra một mưu kế để tiêu diệt danh tiếng và lợi lộc của Sa- môn Gotama bằng sự cộng tác của một người đàn bà.

“Thưa quý ngài… Không có ai trong thế gian này mà không có những ham muốn dục lạc từ nữ giới và Sa-môn Gotama, do còn trẻ và có diện mạo xinh đẹp như chư thiên, chắc chắn sẽ phải lòng một thiếu nữ cùng độ tuổi và xinh đẹp nếu có điều kiện thích hợp. Ngay cả khi vị ấy không thể bị dụ dỗ hoàn toàn, mọi người cũng sẽ hoài nghi về giới hạnh của vị ấy. Nào chúng ta hãy sai nữ du sĩ Sundarī thực hiện kế hoạch của chúng ta để đem lại sự suy tàn về danh tiếng của Sa-môn Gotama ở khắp mọi nơi.

Khi nghe qua lời đề nghị này, tất cả các ngoại đạo sư đều nói lời ủng hộ vị ấy: “ Kế hoạch của ngài thật là tuyệt vời. Nó sẽ đem lại sự suy tàn cho Sa-môn Gotama. Vị ấy sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc co giò bỏ chạy.” Tất cả họ đều quyết định thực hiện kế hoạch ấy và tất cả họ đều đi đến chỗ ở của Sundarī.

Khi trông thấy các ngoại đạo sư, Sundarī hỏi: “ Tại sao các ngài đến đây đông đảo thế này?” Tất cả họ đều đi đến góc nhà và ngồi ở đó mà chẳng trả lời gì cả. Nàng đi đến họ trong thái độ tuân phục và hỏi họ nhiều lần: “ Phải chăng con đã làm điều gì sai trái, nếu có xin hãy cho biết?”

Cuối cùng họ đưa ra câu trả lời này: “ Sở dĩ chúng ta không trả lời vì cô chẳng quan tâm đến chúng ta khi chúng ta bị chèn ép bởi một người.” Sundarī bèn hỏi họ: “Chẳng hay ai đã chèn ép các ngài?” Rồi họ giải thích tình cảnh của họ: “ Cô không thấy rằng Sa-môn Gotama đang đi chỗ này chỗ kia tước đoạt hết những vật cúng dường của chúng ta, đem lại cho chúng ta sự bất lợi lớn!” “Thưa các ngài, con có thể giúp được gì trong vấn đề này?” Họ đáp lại: “ Này cô… Cô có thể nào làm lợi cho quyến thuộc của cô như chúng ta đây không?”

(Họ đã dùng từ ‘quyến thuộc’ để thuyết phục nàng, dầu họ chẳng có quan hệ huyết thống gì với cô ta cả ngoài một điều là tất cả họ đều sống đời vô gia cư. Các ngoại đạo sư thật đáng sợ).

Rồi Sundarī nói rằng: “ Thưa các ngài… Con nên làm gì cho các ngài. Không có điều gì mà con không thể làm, con đã sẵn sàng hy sinh mạng sống của con để làm bất cứ điều gì có lợi ích cho quyến thuộc của con như các ngài?” (Như vậy nàng đã hứa sẽ làm tròn những ước muốn của họ và nàng không thể chùn bước, như con nai bị vướng vào bụi gai). Các ngoại đạo sư bèn nói với nàng rằng: “ Này cô… cô đã hứa sẽ làm bất cứ điều gì đem lại lợi ích cho chúng ta. Nhờ ở trong độ tuổi trẻ ấn tượng nhất ở giai đoạn đầu tiên của cuộc đời, hãy làm bất cứ điều gì bằng hết khả năng của cô, ngõ hầu đem lại sự suy tàn cho Sa-môn Gotama, bằng nhân cách tuyệt vời của cô.” Khi đã khơi dậy tánh tự cao tự đại của cô ta, họ ra dấu cho cô ta đi làm phận sự, hàm ý rằng cô ta nên thường xuyên đi đến Jetavana tịnh xá.

Sundarī ngu si, giống như người muốn nhảy với cái vòng hoa trên những lưỡi cưa, như người muốn bắt con voi điên ở cái vòi của nó, như người đưa cái trán ra đón tiếp thần chết, Sundarī đã thoa vào người nước hoa thơm ngát và trang điểm lên người những bông hoa, lên đường đi đến Jetavana tịnh xá, khi mọi người đang ra khỏi tịnh xá sau khi nghe pháp. Khi được hỏi, nàng nói rằng: “ Tôi đang đi đến với Sa-môn Gotama, người mà tôi thường ở chung trong hương phòng của vị ấy.” Nhưng nàng không dám đi vào tịnh xá mà rẽ qua ẩn xá gần đó của các ngoại đạo sư. Nàng trở về thành phố bằng chính con đường ấy khi mọi người đang đi đến tịnh xá. Khi được hỏi, nàng nói với họ rằng nàng vừa mới ra khỏi hương phòng của Đức Phật sau khi ngủ qua đêm ở đó.

Sau vài ngày, các ngoại đạo sư thấy thỏa mãn với việc làm của Sundarī, bèn mua chuộc những tên đâm thuê chém mướn và xúi họ giết Sundarī rồi bỏ xác của nàng dưới đống hoa bị xả bỏ trong một cái hố gần hương phòng của Đức Phật. Những tên côn đồ đã làm theo lời chỉ bảo của họ. Rồi các ngoại đạo sư tung tin về sự mất tích của nàng Sundarī, và đi đến đức vua Kosala, họ tâu lên rằng nữ đệ tử của họ, nàng Sundarī đã bị mất tích và không thể tìm thấy. Đức vua hỏi họ xem chỗ nào đáng nghi ngờ. Họ tâu rằng khu vực trong Jetavana tịnh xá là chỗ đáng nghi ngờ nhất. Đức vua truyền lịnh cho binh sĩ đến Jetavana tịnh xá để tìm kiếm nàng Sundarī.

Các ngoại đạo sư cùng với đệ tử của họ đi đến Jetavana tịnh xá, giả bộ tìm kiếm nữ du sĩ Sundarī. Họ tìm thấy xác chết của Sundarī ở bên dưới đống hoa héo trong cái hố và đem xác chết đến trước mặt đức vua trên cái khung giường có trang trí tràng hoa. Họ khiến đức vua tin rằng: “ Những đệ tử của Đức Phật đã giết chết nàng Sundarī trẻ đẹp và bỏ xác của nàng dưới đống hoa héo để che dấu hành động ác của đạo sư của họ là Sa-môn Gotama.” Vị vua thiếu trí, do không suy xét kỹ lưỡng, đã truyền lịnh rằng: “ Xác chết phải được mang đi khắp các nẻo đường trong thành phố, để cho mọi người trông thấy.”

Được khuyến khích bởi mệnh lệnh hồ đồ của đức vua, các ngoại đạo sư bèn khiêng xác của Sundarī trên chiếc giường hoa và đi khắp thành phố, từ đường này đến con đường khác, từ ngã tư đuòng này đến ngã tư đường khác, và công bố rằng: “ Quý vị hãy biết, hãy tự mình thấy cho rõ hành động mà những con cháu dòng tộc Thích ca đã làm. Họ thật đáng chê trách; họ có ác tánh, họ không có đạo đức; họ thường hay nói dối; và họ say mê trong quan hệ dục tình nhưng tự cho mình là những tỳ khưu tốt, nói mà không thẹn miệng rằng: ‘ Chúng tôi thọ trì các giới cấm, chúng tôi có giới, chúng tôi có thiện hạnh, có giới hạnh, đang tu tập những pháp hành cao quý, chỉ nói lời chân thật.’ Nhưng đối với những Sa-môn này, chẳng có giới cấm nào cả, những điều học cao quý chỉ là những điều thuộc về quá khứ. Làm thế nào có yếu tố giới trong bọn họ? Làm thế nào có thể có pháp hành cao quý? Họ đã mất hết giới, hết pháp hành cao quý. Tại sao một người đàn ông lại đi giết chết một người khác phái xinh đẹp sau khi đã hãm hiếp người ấy?”

Họ cũng khiến những người dân của thành Sāvatthi truyền đi những lời vu khống tương tự. Khi dân chúng trông thấy các vị tỳ khưu, họ tố cáo các vị tỳ khưu đúng như ý đồ của các ngoại đạo sư.

“ Những vị tỳ khưu này là những hoàng tử của dòng Thích ca, không có tàm úy, không có giới đức, những kẻ nói láo chuyên nghiệp, họ say mê trong những hành vi giới tính, họ làm ra vẻ có giới đức, đứng đắn, cao quý, chân thực và có tri túc. Thực ra, họ không có giới đức, không có giới hạnh, giới luật dành cho tỳ khưu chẳng có gì, chúng chỉ là những điều của quá khứ. Làm sao có thể có những giới cao quý hay những thiện đức trong bọn họ? Họ chẳng có đức tánh cao quý nào cả. Tại sao một người đàn ông giết chết một người đàn bà sau khi đã thỏa mãn dục tình với cô ta?”

Như vậy dân chúng đã lên án chỉ trích các vị tỳ khưu khi họ trông thấy các ngài ở trong thành phố, dùng những lời thô tục và làm nhục các ngài bằng thái độ công kích.

Sau khi các vị tỳ khưu đã đi khất thực trong thành Sāvatthi và trở về tịnh xá, các vị tỳ khưu đi đến Đức Phật và bạch với Ngài rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn … Dân chúng của thành phố Sāvatthi khi trông thấy các vị tỳ khưu, họ tố cáo các vị tỳ khưu bằng lời kẻ thô tục:

“ Những vị tỳ khưu này của dòng Thích ca không có tàm úy, không có giới đức, là những kẻ thường xuyên nói dối, họ chìm đắm trong những hành vi dục tình, và họ giả bộ có giới đức, đứng đắn, cao quý, chân thật và tri túc. Nhưng thực ra, họ không có giới, không có những pháp hành cao quý. Những học giới dành cho các vị tỳ khưu chẳng có gì hơn, chúng là những điều của quá khứ. Làm sao có thể có những học giới hay những đức tánh cao quý? Tại sao một người đàn ông hủy hoại một người dàn bà sau khi thỏa mãn dục tình với cô ta?”

Như vậy, họ đã bạch lên Đức Phật về việc họ bị nói xấu, chửi mắng, lăng mạ, công kích bằng những lời lẽ rất thô lỗ (không thích hợp dành cho những bậc phạm hạnh. Đức Phật giải thích với họ rằng những người ấy sẽ gặt hái hậu quả y như những gì họ đã gieo do xúc phạm các vị tỳ khưu và Ngài nói rằng: “Này các tỳ khưu… những giọng điệu vu khống như vậy chỉ kéo dài trong vòng bảy ngày và sau bảy ngày nhất định nó sẽ biến mất. Các tỳ khưu nên phản bác những người này, những kẻ đã nói xấu, chửi mắng, lăng mạ và công kích các thầy bằng những lời lẽ rất thô lỗ (không thích hợp với tai của những bậc phạm hạnh) bằng cách nói lên câu kệ sau đây:

Abhūtavādi nirayaṃ upeti yo vāpi Ratvā na karoni cāha ubhopi te pecca samā bhavanti nihīnakammā mānajā parattha.

“ Người quen thói nói dối thường nói ‘tôi đã trông thấy điều đó, tôi đã nghe điều đó, tôi đã gặp điều đó, tôi biết điều đó, dù người ấy không tự mình trông thấy điều đó, nghe điều đó, dầu người ấy chưa biết gì về điều đó. Và người có tội mà phủ nhận tội lỗi của chính mình đều có tội ngang nhau, và cả hai loại người ác này, đã làm điều thấp hèn, phải bị tái sanh vào khổ cảnh sau khi chết.”

Các vị tỳ khưu đã học thuộc lòng câu kệ ấy từ Đức Phật và đọc nó trước mặt những người kia bằng lối phản bác.

Dân chúng bắt đầu nhìn thấy sự thật

Nghe câu kệ phản bác được nói ra bởi các vị tỳ khưu, dân chúng bắt đầu hiểu ra rằng: “Các vị tỳ khưu thuộc dòng Thích ca đã không làm chuyện giết người như các ngoại đạo sư ở ngoài giáo pháp đã cáo buộc. Có một điều đáng suy xét là những người cao quý này thậm chí không quan tâm đến việc trả thù chúng ta về sự mắng nhiếc họ, lăng mạ họ, vu khống họ bằng những lời thô lỗ, không thích hợp với lỗ tai của họ. Thay vào đó, chúng ta chỉ thấy họ nhẫn nại với những lời vu khống và họ tỏ ra khiêm tốn từ hòa, và trên hết, họ chỉ thuyết pháp và giải thích cho chúng ta là những người đã mù quáng, cố ý vu khống họ, lăng mạ họ, những hậu quả xấu của sự nói dối và và phủ nhận tội của chính mình, để cho thấy rằng họ vô tội. ”

Như vậy mọi người đã trở nên sáng suốt và có ý thức trở lại. Sau khi nghe câu kệ, họ nhận thức rằng: “Chúng ta không tự thân chứng kiến hành vi giết người ấy và điều mà chúng ta đã nghe có thể hoặc không đúng sự thật. Và có một điều cần đặc biệt suy xét là: những ngoại đạo sư này chỉ có ước muốn làm hại các vị tỳ khưu, muốn các vị tỳ khưu bị suy tàn. Chúng ta không nên nghe theo một bên mà tin lời các ngoại đạo sư. Chúng ta thực sự không biết sự thực về các vị tỳ khưu này.” Họ bắt đầu thấy ân hận về hành vi của họ đối với các vị tỳ khưu. Những lời tố cáo đầy kinh tởm không tồn tại lâu dài và sau bảy ngày chúng hoàn toàn tắt lịm.

Vụ giết người của các ngoại đạo sư được phơi bày ra ánh sáng

Vua Kosala sai một nhóm binh sĩ bí mật đi điều tra vụ án. Vào một dịp nọ, những tên giết người sau khi nhận được tiền từ các ngoại đạo sư về việc giết chết Sundari, chúng uống rượu say khướt. Hai tên sát nhân gây gỗ nhau và bắt đầu ẩu đã nhau, một tên quát tên kia rằng: “ Thế là mày đang ăn uống hả hê với đồng tiền nhận được từ các ngoại đạo sư do việc chết nàng Sundari và bỏ xác của nàng dưới đống hoa héo.” (Việc say sưa đã khiến tên cướp phơi bày tội ăn cắp bò của hắn, đó là câu châm ngôn). Nhóm thám thính bèn bắt hết bọn chúng và dẫn chúng đến trước mặt vua Pasenadi Kosala.

Đức vua hỏi: “ Có phải các ngươi đã giết Sundari không ?” Chúng thừa nhận: “ Thưa vâng…Tâu bệ hạ.” Đức vua tiếp tục hỏi : “Ai đã xui khiến các ngươi gây tội ác?” Họ đáp lại: “ Do sự xúi dục của các đạo sư ở ngoài giáo pháp.” Các ngoại đạo sư được gọi đến và sự điều tra chính thức được thực hiện. Tất cả các ngoại đạo sư đã thừa nhận tội của họ. Và đức vua truyền lịnh các ngoại đạo sư phải đi quanh thành phố và công bố rằng: “ Chúng tôi đã sai khiến những tên sát nhân giết chết Sundari với mục đích đem lại sự suy tàn cho Sa- môn Gotama. Sa-môn Gotama hoàn toàn vô tội. Những đệ tử của vị ấy cũng vô tội. Riêng chúng tôi chịu trách nhiệm về việc giết chết Sundari. Những ngoại đạo sư các ông phải đi khắp thành phố và tự mình công bố những lời trên.”

Theo lịnh truyền của đức vua, các ngoại đạo sư đã làm như vậy. Dân chúng không còn tôn kính họ và rất ghê tởm họ. Các ngoại đạo sư phải chịu hình phạt về tội giết người. Dân chúng tôn kính cúng dường Đức Phật và chúng Tăng với tâm tịnh tín lớn hơn.

Hoan hỷ kệ của Đức Phật

Rồi một số đông tỳ khưu đi đến Đức Phật và ngồi xuống ở nơi phải lẽ sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn. Sau đó họ bạch với Đức Thế Tôn rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn … Thật là một sự việc hy hữu chưa từng có trước kia, đáng được chấp tay tán dương. Bạch Đức Thế Tôn, lời tiên tri của Thế Tôn ‘Này các tỳ khưu… Những giọng điệu như vậy sẽ không tồn tại lâu dài. Chúng chỉ kéo dài trong vòng bảy ngày và chúng sẽ biến mất sau thời gian bảy ngày’ đã thành hiện thực, những giọng điệu như vậy không còn nữa.”

Đức Phật cũng biết rõ sự thực rằng, không bao giờ có trường hợp nào mà bậc giới đức có trí tuệ không thể chịu đựng ngay cả lời chỉ trích độc ác nhất bởi hạng người ngu dốt, thấp hèn. Cảm nghĩ tự tin cao tột này làm sanh khởi hỉ lạc dồn dập đến nỗi nó lên đến cực điểm để bộc phát thành hoan hỉ kệ (udāna).

Tudanti vācāya janā saññatā sarehi sañgāmagataṇva kuñcaraṃ sutvāna vākyan phrusam udīritaṃ adhivāsaye bhikkhu aduṭṭha citto.

“ Này các tỳ khưu… vị tỳ khưu đã từ bỏ thế gian vì sợ những hậu quả ác của kiếp sống vô thường, nên khắc phục những thế lực ác bằng sự nhẫn nại, như con voi ngoài chiến trận có thể chống lại và đẩy lùi những làn tên từ phía kẻ thù, khi bị tấn công bởi những kẻ ngu dốt hèn hạ không chút tự chế về thân, ngữ và ý, lăng mạ, vu khống và chỉ trích kẻ khác một cách ngu si, tựa như đang tấn công các thầy bằng con dao hai lưỡi.”

Ác nghiệp quá khứ là nguyên nhân dẫn đến sự vu khống từ Sundari

Ở đây có câu hỏi được nêu ra là: “ Tại sao Đức Phật không tiết lộ sự thật rằng các ngoại đạo sư đứng đằng sau của toàn thể vấn đề dù Ngài biết rõ đầu đuôi của mưu đồ này?” Câu trả lời như sau : Không cần thiết để nói điều này với các bậc thánh nhân. Các bậc thánh ngay từ đầu đã có niềm tin tuyệt đối vào phẩm chất cao quý của Đức Phật và chúng Tăng. Và có thể có một số người trong đám phàm phu sẽ không chấp nhận những lời của Đức Phật khi Ngài tiết lộ những sự thật của vụ án. Sự bất tín nơi Đức Phật sẽ trở thành nghiệp bất thiện trong tâm, gây cho họ sự tai hại và đau khổ khôn tả trong một thời gian dài ở kiếp sau. Cho nên Đức Phật đã im lặng không tiết lộ sự thật của vụ việc.

Nói cách khác, nói trước những sự kiện và những hậu quả liên quan của chúng không phải là pháp hành truyền thống của chư Phật (dhammatā aciṇṇa).

Các Ngài thường không vạch trần người chủ mưu hành động tội ác. Các Ngài bàn đến những vấn đề như vậy một cách khách quan (Hãy xem câu kệ phản bác trên). Các Ngài không đứng ra ngăn cản tai họa mà nhất định phải xảy đến với các Ngài. Do đó, các Ngài giữ thái độ bình thản trước những lời công kích của mọi người và vụ giết chết Sundarī là nguyên nhân của những lời chỉ trích ấy.

Và vẫn còn một câu hỏi khác cần nêu ra là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc bị tố cáo một cách thô bạo nhất, khi Đức Phật đã có phước vô lượng được gieo tạo trải qua 4 A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp ! Đây là câu trả lời.

Trong một kiếp quá khứ, trước khi trở thành Bồ tát, Đức Phật của chúng ta là một người nát rượu tên là Murali. Vị ấy kết bạn với những kẻ ác, phi đạo đức và trở thành người phi đạo đức như họ. Một hôm vị ấy trông thấy một vị Phật Độc giác tên là Surabhi, đang mặc y để chuẩn bị đi vào thị trấn khất thực. Tình cờ, một người đàn bà đi ngang qua Đức Phật Độc Giác. Murali vốn có tâm hay suy nghĩ bậy bạ, nên đã nói lời nhận xét xúc phạm Đức Phật Độc Giác: “ Vị tỳ khưu này có thói quen chìm đắm trong dục lạc giới tính.”

Vị ấy đã phải bị đọa trong các cõi khổ trải qua nhiều trăm ngàn năm vì tội ấy. Và vị ấy phải thọ lãnh dư báo nghiệp của hành động ác ấy là bị mọi người vu khống đã hành dâm với nữ đạo sĩ Sundari ngay cả sau khi đã thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác. ( Có 12 cách trả quả tương tự mà Đức Phật phải lãnh chịu vì những ác nghiệp quá khứ của Ngài trong những kiếp trước. Những cách trả quả này được tìm thấy trong bộ kinh Pāḷi Apadāna).

KẾT THÚC CHƯƠNG 25

HẠ THỨ BẢY VÀ SỰ THUYẾT GIẢNG ABHIDHAMMA TẠI

CUNG TRỜI ĐAO LỢI (Tāvatiṃsa)


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]