THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 3
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 3] [Phần tiếp theo]


CHƯƠNG 27

TRƯỞNG GIẢ GHOSAKA CỦA NƯỚC KOSAMBI

(Bài mô tả ngắn gọn này về vị trưởng giả của nước Kosambi đã được biên soạn dựa vào cuốn I của bộ Chú giải Pháp cú và cuốn I của bộ Chú giải Ankuttara Atthakatha, nội dung được trình bày đầy đủ chi tiết hơn).

Trước khi Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác xuất hiện trong thế gian, một nạn dịch chết người (ahivataka) đã xảy ra trong nước Allakappa, và sự thiệt hại do bệnh dịch này gây ra làm chết từ mười tới hai chục người trong một gia đình thời bấy giờ. Nhiều người ra đi đến các nước khác để tránh khỏi cái chết. Có một người trong những cư dân của thành phố rời khỏi Allakappa cùng với vợ và một đứa bé trai. Nhưng họ chịu đói khát khi đi qua vùng sa-mạc và họ ở trong tình trạng bị kiệt quệ. Trên đường đi hai vợ chồng thay phiên nhau bồng ẳm đứa con.

Người chồng có ý nghĩ rằng sẽ không thể vượt qua sa mạc nếu phải mang theo đứa con trên vai của họ. Bởi vậy anh ta đi chậm lại tựa như muốn đi vệ sinh, rồi anh ta đặt đứa con trên đất trong thế ngồi và đi tiếp. Khi người vợ không thấy đứa con trong tay của chồng, nàng hỏi: “ Ông à…thằng nhỏ đâu rồi ?” Người chồng đáp lại: “ Trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế này, nó có thể giúp được gì cho chúng ta. Chúng ta có thể sanh thêm nhiều đứa con khác nếu chúng ta còn sống!” Người vợ tức giận la toáng lên: “ Anh thật là tàn nhẫn vô nhân đạo… Tôi sẽ không đi chung với con người độc ác như anh.” Người chồng thú nhận hành động khinh xuất của anh ta và xin lỗi vợ: “ Anh xin lỗi.” Họ lại tiếp tục chuyến đi sau khi bế đứa con lên.

Hai vợ chồng mệt lữ, với đứa con trên tay, đi qua vùng đất cát với nhiều vất vả. Đến chiều họ đến một cái chòi của những người chăn bò, họ đã nấu xong món cơm sữa để chuẩn bị cho bữa ăn tối. Khi họ trông thấy hai vợ chồng và đứa con, họ nhận ra ngay là những người khách lạ đang bị đói lã, vì thế họ cho hai vợ chồng kia cả nồi cơm sữa. Người vợ ăn chừng mực và chỉ vừa đủ lượng thực phẩm trong khi người chồng tham lam ăn quá nhiều, hậu quả là anh ta bị chết vào sáng hôm sau do chứng bội thực. Vì anh ta quá luyến ái với những người chăn bò ấy trước khi chết, nên tái sanh vào bào thai của con chó cái nuôi trong cái chòi ấy.

Về sau, con chó cái sanh ra một chó con rất dễ thương. Nó được người chăn bò chăm sóc rất chu đáo tựa như nó chính là con đẻ của ông ta vậy. Hai bên thường xuyên quấn quýt bên nhau, hễ người chăn bò đi đâu thì con chó nhỏ cứ lẽo đẽo theo sau.

Một buổi sáng nọ, một vị Phật Độc giác dừng lại trước cửa nhà của người chăn bò để khất thực. Người chăn bò đảnh lễ Đức Phật Độc giác và dâng vật thực đến ngài, rồi thỉnh ngài ở lại để ông ta cúng dường bốn món vật dụng. Đức Phật Độc Giác ngụ trong một khu rừng không cách xa chỗ ngụ của người chăn bò. Người chăn bò thường dẫn con chó nhỏ đi theo bất cứ khi nào ông ta đi thăm Đức Phật Độc giác. Ông ta thường gõ vào những cục đá và những gốc cây khô bằng cây gậy ngắn trên đường đi đến chỗ ngụ của Đức Phật Độc Giác để dọa cho những con thú mồi sợ hãi mà chạy đi. Con chó chú ý cẩn thận đến những hành vi của ông chủ.

Vào một dịp nọ, người chăn bò bày tỏ với Đức Phật Độc Giác rằng anh ta không thể thường xuyên hầu hạ Đức Phật Độc giác mỗi ngày vì lý do này hay lý do khác. Ông ta bảo đảm với Đức Phật Độc Giác rằng con chó nhỏ của ông ta sẽ đi đến chỗ ngụ của Ngài để đưa ngài về nhà của ông ta rồi đưa ngài về lại, khi nào ông bận việc.

Một hôm người chăn bò sai con chó nhỏ đi rước Đức Phật Độc giác từ khu rừng về nhà của ông ta. Con chó nhỏ đi đến đó và khi đến nơi, nó nằm sãi bụng dưới chân Đức Phật Độc Giác. Đức Phật Độc Giác biết rằng con chó được sai tới để rước ngài. Ngài bèn mang y và bát. Vì muốn thử trí thông minh của con chó, ngài đi theo một con đường riêng và đi về hướng khác. Thấy vậy, con chó đi đến trước mặt ngài và chắn ngang đường. Nó chỉ tránh qua một bên khi Đức Phật Độc Giác đi đúng đường. Nó sủa lớn ở những chỗ mà chủ của nó thường đập vào những viên sỏi và những gốc cây khô bằng cây gậy ngắn để dọa những con thú săn mồi chạy đi.

Đức Phật Độc giác thường cho nó một miếng vật thực từ cái bát của ngài mỗi ngày. Con chó rất quyến luyến với Đức Phật Độc giác vì sự quan tâm của ngài đối với nó theo cách dịu dàng như vậy.

Vào cuối mùa an cư, người chăn bò dâng Đức Phật Độc Giác một tấm vải để may y và bạch với ngài rằng: “ Kính bạch ngài…mùa an cư đã hết và con muốn để ngài tùy ý quyết định ở lại nơi này hoặc đi đến một nơi khác.” Vì Đức Phật Độc Giác hình như muốn đi đến một nơi khác, người chăn bò tiễn ngài đi một đoạn đường rồi trở về nhà. Khi con chó nhỏ nhận ra rằng Đức Phật Độc Giác đã ra đi, nó đau buồn và chết vì vỡ tim, và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba (Tāvatiṃsa).

Vị ấy có giọng nói thù thắng hơn các vị chư thiên khác là quả phước của việc sủa vang và đe dọa những con thú săn mồi khi đi qua khu rừng cùng với Đức Phật Độc Giác trong kiếp quá khứ của vị ấy. Do đó vị ấy được gọi tên là Ghosaka vì có giọng nói vang khắp cõi chư thiên.

Trong khi vị thiên Ghosaka đang thọ hưởng cuộc sống khoái lạc của chư thiên ở cõi Tāvatiṃsa thì Udena là vua của nước Kosambi ở cõi người.

Rồi vị thiên Ghosaka chết và tái sanh trong bào thai của một cô gái điếm ở Kosambi, triều đại của vua Kosambi. Khi cô gái điếm biết rằng nàng mới sanh đứa bé trai, nàng bèn quăng nó vào đống rác.

Một trong những người quản công của vị trưởng giả nước Kosambi, trên đường đi đến nhà của ông chủ, lưu ý thấy đứa bé giữa đàn quạ. Ông ta bị thu hút bởi khuôn mặt dễ thương của đứa bé và nghĩ rằng nó sẽ có một tương lai sáng lạng. Do đó ông ta bế đứa bé lên và gởi nó về nhà của ông, một trong những người làm công của ông chăm sóc khi ông ta tiếp tục đi đến nhà ông chủ.

Vào buổi sáng hôm ấy, vị trưởng giả của xứ Kosambi gặp một nhà thông thái trên đường đi đến cung điện của vua Udena. Vị trưởng giả hỏi nhà thông thái: “ Thưa thầy… phải chăng thầy đã nghiên cứu điềm tướng của các vì sao và phương hướng của chúng?” Nhà chiêm tinh xem xét sự di chuyển và cách hoạt động của các tinh tú tại nơi ấy rồi đáp rằng:“ Bất cứ ai sanh ra ngày hôm nay đều có số mạng trở thành trưởng giả của xứ Kosambi vì người ấy sanh ra dưới những ngôi sao như vậy.”

Khi nghe những lời tiên tri của nhà chiêm tinh, vị trưởng giả của xứ Kosambi quay sang những người hầu của ông ta và cho những lời chỉ bảo. “ Này các ông… những lời tiên tri của nhà thông thái này luôn luôn chính xác. Vợ của ta sắp sanh và các ngươi nên đi về nhà của ta xem bà ấy đã sanh chưa.” Những người hầu đi nhanh về nhà và trở lại ngay để báo cho ông ta biết rằng vợ của ông ta chưa sanh. Ông ta lại sai những người hầu đi dò xem có đứa bé nào sanh ra trong thành phố vào ngày hôm ấy không.

Những người hầu đi khắp thành phố để tìm xem có đứa bé nào sanh ra vào ngày hôm ấy không. Họ khám phá ra rằng có một đứa bé mới sanh đang ở trong nhà người quản công của vị trưởng giả. Khi tin này được thông báo với vị trưởng giả, ông ta cho gọi người quản công đến rồi hỏi vị ấy mấy câu như sau :

Trưởng giả: Có thật chăng đứa bé ở trong nhà ông là mới sanh ra ngày hôm nay ?

Quản công: Dạ có…thưa ông chủ. Trưởng giả: Hãy cho ta đứa bé ấy. Quản công: Tôi không thể…thưa ông.

Trưởng giả: Hãy lấy một ngàn đồng để đổi lấy đứa bé.

Người quản công đắn đo suy nghĩ: “ Đứa bé này có thể sống lâu hoặc không thể. Vấn đề sống chết vượt ngoài khả năng quyết định của ta.” Vì không biết chắc điều này, ông ta quyết định trao đổi đứa bé để nhận món tiền một ngàn đồng.

Vị trưởng giả nuôi dưỡng ý định: “ Nếu vợ ta sanh bé gái thì đứa bé trai kia sẽ được cư xử như con ruột của ta. Nếu bà ấy sanh ra con trai thì đứa con trai được mua về kia sẽ bị giết chết.” Vài ngày sau, người vợ của vị trưởng giả sanh ra một đứa con trai.

Hành động nhẫn tâm của vị trưởng giả xứ Kosambi

(1) Ông ta nghĩ đặt đứa con nuôi (Ghosaka, con trai của một kỹ nữ) trong chuồng bò để cho những con bò giết chết đứa bé. Bởi vậy ông ta bảo gia nhân đặt đứa bé ở cửa ra vào của chuồng bò. Đứa bé được đặt ở lối ra từ chuồng bò, đúng như lời chỉ bảo của vị trưởng giả.

Một con bò đực to lớn, là con đầu đàn, đi ra khỏi chuồng trước tiên và thấy đứa bé đang nằm bơ vơ trên đất. Con bò lớn bèn che chở đứa bé bằng cách đứng trên đứa bé, bốn chân như một hàng rào chắn để bảo vệ đứa bé tránh khỏi tai họa do những con bò khác có thể đạp lên nó. Khi trông thấy Ghosaka, những người chăn bò bày tỏ ý kiến của họ là: “ Đứa bé này chắc là đứa bé may mắn, ngay cả những con vật xem ra cũng cảm nhận những phước đức của nó.” Và họ đem đứa bé về nhà của họ để nuôi nấng sau khi đã thỏa thuận với nhau.

(2) Vị trưởng giả dò hỏi về số phận của đứa bé và được thông báo rằng đứa bé được an toàn dưới sự chăm sóc của những người chăn bò. Ông ta lại trao đổi đứa bé với giá một ngàn đồng. Rồi ông ta sai người quăng đứa bé vào bãi tha ma.

Đứa bé được bỏ lại ở bãi tha ma vào lúc người chăn dê của vị trưởng giả đang chăn đàn dê ở đó. Một con dê cái trông thấy đứa bé, nó rời khỏi đàn và đến đứng để bụng của nó gần miệng đứa bé để đứa bé bú sữa của nó. Nó chỉ rời khỏi đứa bé sau khi đứa bé đã bú sữa no nê. Khi rời khỏi bải cỏ vào buổi chiều, nó quay lại để cho đứa bé bú sữa như nó đã làm vào buổi sáng. Người chăn dê chú ý đến những hành vi kỳ lạ của con dê cái vào ngày hôm ấy và tận mắt trông thấy con dê đang cho đứa bé bú sữa tựa như đứa bé là con ruột của nó vậy. Người chăn dê tự nghĩ: “ Đứa bé này chắc là đứa bé có phước lớn, ngay cả những con vật cũng cảm biết những phước đức của nó.” Vì vậy ông ta bồng đứa bé về nhà nuôi.

(3) Sáng hôm sau, vị trưởng giả sai gia nhân đi tìm hiểu xem điều gì đã xảy đến cho đứa bé. Khi ông ta được thông báo là đứa bé vẫn an toàn dưới sự chăm sóc của người chăn dê, ông ta bèn sai người đi mua lại đứa bé với giá một ngàn đồng, rồi sai người đặt đứa bé giữa con đường có những chiếc xe bò kéo thường đi qua với hy vọng rằng đứa bé sẽ bị xe bò cán chết vào ngày hôm sau.

Những người hầu đã làm theo lệnh của ông chủ. Một đoàn xe bò đi vào thị trấn qua con đường ấy, nhưng những con bò của chiếc xe đầu tiên trông thấy đứa bé đang nằm giữa lối đi. Bởi vậy chúng đứng yên với bốn chân bất động như bốn cột trụ. Ông chủ của đoàn thương buôn trông thấy hiện tượng kỳ lạ và rất ngạc nhiên đến nỗi ông ta ẳm đứa bé lên và nhận nuôi nó, vì đứa bé được xem là có phước lớn với tương lai sáng lạng.

(4) Vị trưởng giả cho người đi tìm hiểu xem đứa bé đã bị giết chết bởi đoàn xe thương buôn chưa, và khi được báo tin là đứa bé vẫn được an toàn dưới sự chăm sóc của người trưởng đoàn thương buôn, ông ta đến mua lại đứa bé với giá một ngàn đồng và cho quăng đứa bé xuống vách núi ở cách xa thành phố.

Đứa bé bị những người hầu ném xuống, nhưng đứa bé rơi ngay trên cái giàn của những người làm chiếu thảm từ những cây sậy. Những tấm thảm bằng lau sậy trở nên mềm như bông gòn do nhờ oai lực phước đức của đứa bé. Ông thợ cả cho rằng đứa bé là người có phước lớn với tương lai sáng lạng, nên ông ta đem đứa bé về nhà để nuôi.

(5) Vị trưởng giả lại cho người đi tìm hiểu xem đứa bé như thế nào. Khi ông ta biết tất cả mọi chuyện về đứa bé, ông ta bảo người hầu đi chuộc lại đứa bé với giá một ngàn đồng, và đem nó về nhà của ông ta.

Về sau đứa con ruột của ông ta và Ghosaka cùng lớn lên và trưởng thành. Vị trưởng giả lại bày mưu để giết chết chàng trai Ghosaka qua tay của người thợ gốm. Do đó, ông ta đi đến người thợ gốm và nói với người kia rằng có một đứa con trai khờ khạo ở trong nhà của ông ta mà ông ta muốn giết một cách kín đáo bằng cách này hay cách khác. Người thợ gốm nói rằng: “ Thưa ông trưởng giả… Ông không nên nói ra những lời như vậy, đó là những lời nói tội lỗi.”

Vị trưởng giả nghĩ rằng người thợ gốm sẽ không làm điều gì không công, và vì vậy ông ta trả cho ông thợ gốm một ngàn đồng để thuyết phục. Ông ta đã thành công vì không có ai mà không bị tối mắt trước món tiền lớn. Người thợ gốm nhận lấy món tiền và đáp lại: “ Tôi sẽ sắp xếp cho đốt lửa những lò nung vào ngày đó. Và ông hãy sai cậu ta đi đến tôi vào ngày đã định ấy.”

Vị trưởng giả chờ đợi và đến ngày đã định, ông ta nói với Ghosaka rằng: “ Này con, ta cần nhiều cái nồi và ta đã bàn bạc với ông thợ gốm sẽ giao hàng vào một ngày nọ, vậy con hãy đi ngay đến người thợ gốm và bảo ông ta hãy giao hàng đúng hẹn không chậm trễ.” Ghosaka đáp lại: “ Dạ vâng, ” rồi ra đi.

Gieo gió gặt bão

Khi trông thấy Ghosaka trên đường, đứa con trai ruột của vị trưởng giả chạy đến cậu ta và yêu cầu giúp đỡ: “ Anh ơi… em đã bị thua nhiều viên bi trong khi đang chơi với mấy đứa bạn. Anh cố gắng gỡ lại giùm em đi.” Ghosaka đáp lại: “ Bây giờ không thể được, vì bây giờ cha của chúng ta đã sai anh đi công chuyện rồi.” Đứa con ruột của vị trưởng giả lại yêu cầu: “ Nếu vậy, hãy chơi giùm em để gở lại những viên bi đã bị thua. Em sẽ thay anh đi lo công chuyện.”

Rồi Ghosaka nói: “ Nếu vậy, em hãy đi đến chỗ ngụ của ông thợ gốm và đem lời nhắn của cha nói rõ với người thợ gốm, còn anh ở đây chơi giùm cho em.”

Đứa con trai của vị trưởng giả ra đi và đem lời nhắn của cha cậu ta đến cho ông thợ gốm. Ông thợ gốm nói sẽ thực hiện theo những lời căn dặn của cha cậu ta. Rồi ông ta dẫn cậu bé vào nhà và chém cậu ta thành từng đoạn, rồi bỏ những đoạn thịt của xác chết vào trong một cái hũ chưa nung, sau đó ông ta đem cả cái hũ đựng xác chết ấy bỏ vào lò nung.

Chàng trai Ghosaka đã chơi ăn rất nhiều viên bi và đợi em trai trở về. Khi đợi hoài mà không thấy em trở về, Ghosaka đi đến gần chỗ của ông thợ gốm để tìm kiếm đứa em rồi trở về nhà nhưng vẫn không thấy cậu ta.

Vị trưởng giả lấy làm ngạc nhiên khi thấy Ghosaka từ xa đang trở về và nóng lòng muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Ông ta đứng lên trước khi Ghosaka ngồi xuống để trình bày mọi việc: “ Này con…con không đi đến chỗ của ông thợ gốm à ?” Chàng trai đáp lại:“ Không, thưa cha, con không đi.” Ông ta lại hỏi: “ Tại sao con không đi ?” Chàng trai giải thích lý do tại sao cậu ta không đi và tại sao đứa em trai đi đến đó thay thế cậu ta.

Vị trưởng giả ngã phịch xuống đất trong choáng váng và quở trách cậu ta: “ Con ơi là con…Tại sao con làm thế ?” Và khi nói vậy, ông ta vội vả chạy đến chỗ ông thợ gốm với tâm chấn động. Khi ông ta vào nhà của ông thợ gốm, ông ta không thể nói hết những sự thật và tấn bi kịch mà chỉ nói: “ Này… ông à! Này … ông à!” Nhưng người thợ gốm đã đáp lại cộc lốc: “ Thưa ông trưởng giả…ông muốn gì khi mọi chuyện đã quá trễ?” Vị trưởng giả trở về nhà ngay mà chẳng còn lời gì để nói. Ông ta bị suy sụp trong tuyệt vọng kể từ đó.

(6) Kể từ đó, vị trưởng giả của xứ Kosambi không ăn chung với Ghosaka, và nghĩ cách giết chết kẻ thù của con trai ông ta. Ông ta thảo ra những lời chú thích về kế hoạch trả thù của ông ta và bảo Ghosaka đem nó giao cho một trong những người đốc công của ông ta ở một ngôi làng nọ và bảo cậu ta nói miệng rằng nội dung của bức thư phải được thực hiện ngay. Ông ta cũng dặn Ghosaka hãy ghé lại nhà của người bạn thời thơ ấu của ông ta, là vị trưởng giả của ngôi làng Gamaka, dừng chân trên đường đi đến chỗ của người đốc công. Chàng trai Ghosaka lúc bấy giờ đã đến tuổi trưởng thành.

Ghosaka làm lễ dưới chân vị trưởng giả, và khi đến tại ngôi làng Gamaka, cậu ta tìm đường đến nhà của vị trưởng giả và kính cẩn đứng trước ông ta. Vị trưởng giả địa phương đang cạo râu bên cửa sổ. Khi ông ta trông thấy chàng trai, ông ta hỏi: “ Này cậu kia, cậu từ đâu đến vậy?” Ghosaka từ tốn đáp lại: “ Thưa cha… con là con trai của vị trưởng giả xứ Kosambi.” Trưởng giả Gamaka vui mừng khi thấy con trai của người bạn thời thơ ấu của ông ta.

Bấy giờ, một trong những nữ tỳ của cô con gái ông trưởng giả đang trên đường đi đến chợ để mua hoa cho cô chủ. Nàng dừng lại gần bên ông trưởng giả và ông ta bảo nàng rằng “ Này nữ tỳ…hãy nán lại một chút, người hãy rửa chân cho chàng trai Ghosaka này và sửa soạn phòng nghỉ cho cậu ta.” Người tớ gái làm theo lời dạy bảo của ông chủ rồi đi ra chợ mua hoa như thường lệ.

Khi trông thấy người tớ gái với bó hoa, cô con gái của vị trưởng giả bèn quở trách cô ta: “ Ngày hôm nay ngươi đã la cà trên đường đi. Trên đời này có điều gì khiến người đi mua hoa phải mất một thời gian lâu như vậy ?” Người tớ gái đáp lại: “ Dạ thưa cô chủ, con chưa bao giờ trông thấy một chàng trai nào xinh đẹp như vậy, được biết cậu ta là con trai của một người là bạn thời thơ ấu của ông chủ, con không tài nào mô tả hết vẻ đẹp và nét duyên dáng của cậu ta. Ông chủ đã bảo con rửa chân cho cậu ta và sửa soạn giường ngủ cho cậu ta khi con đang trên đường đi mua hoa cho cô chủ, vì thế mới chậm trễ như vậy.”

(Đứa con gái của trưởng giả Gamaka vốn là vợ của Ghosaka cách bốn kiếp quá khứ. Khi nghe nói về cậu ta, nàng khởi sanh tình cảm dạt dào không thể kiềm chế được ).

Đứa con gái của trưởng giả Gamaka cùng với cô tớ gái, đi vào phòng ngủ và thấy Ghosaka đang ngủ say. Nàng nhìn thấy một bức thư được buộc vào chéo quần của cậu ta, và do tò mò, nàng nhẹ nhàng gở lấy bức thư và đọc nội dung của nó. Nàng khám phá ra rằng chàng trai kia đang mang theo bức thư mà sẽ đem lại cái chết cho chính cậu ta. Nàng bèn xé vụn bức thư và viết một bức thư khác thế vào trước khi chàng trai thức dậy:

Này ông Đốc công thân mến… Tôi sai đứa con của tôi đi đến ông. Tôi có ông bạn thời thơ ấu của tôi là trưởng giả Gamaka, ông ta có một đứa con gái đã đến tuổi dậy thì. Tôi muốn ông thâu gom tất cả sản phẩm từ ruộng đất của chúng ta và lại chia nhóm thành những lô, gồm một trăm mỗi loại sản phẩm để làm quà tặng nhân dịp lễ cưới giữa con gái của trưởng giả Gamaka và con trai của tôi, và tôi mong ông làm người đại diện mà tôi phó thác trong dịp hỉ sự ấy.

Tôi cũng mong ông cho tôi một bài tường trình về lễ cưới ấy kèm theo bảng liệt kê về chi phí được trang trải cho lễ cưới, rồi gởi đến cho tôi.

Trưởng giả xứ Kosambi.

Nàng đã làm một bức thứ giả với dấu ấn triện giả và buộc nó vào chéo quần của Ghosaka tựa như chẳng có điều gì xảy ra trong lúc cậu ta đang ngủ say.

Ghosaka đã trải qua một ngày trong ngôi nhà ấy và tiếp tục lên đường sau khi cáo từ vị trưởng giả. Khi đến tại chỗ của người đốc công, cậu ta lập tức trao bức thư với lời nhắn là nội dung của bức thư nên được thực hiện ngay. Người đốc công, sau khi đọc xong bức thư bèn cho gọi tất cả dân làng và nói với họ rằng: “ Thưa quý vị, dầu quý vị không quan tâm nhiều đến tôi, nhưng ông trưởng giả của xứ Kosambi, đã giao cho tôi trách nhiệm đại diện ông ta để lo tổ chức lễ cưới cho đứa con trai Ghosaka của ông ta và con gái của trưởng giả Gamaka. Vấn đề là tất cả sản phẩm có được từ vùng đất này nên được gom lại và chia nhóm thành nhiều lô gồm một trăm cho mỗi loại để làm quà mừng cho lễ cưới cho đôi tân nhân.”

Khi mọi việc đã được chuẩn bị đâu vào đó. Ông ta bèn đứng ra tổ chức lễ cưới theo truyền thống và gởi bài tường trình đến trưởng giả xứ Kosambi với nội dung là đám cưới đã được tổ chức xong và mọi việc đã được làm đúng như lời dặn bảo của trưởng giả, kèm theo bài liệt kê chi phí đã được trang trải cho đám cưới ấy.

Khi nghe tin, ông trưởng giả của xứ Kosambi cảm thấy đau đớn như bị nhiều ngọn lửa thiêu đốt và thốt lên: “ Than ôi ! Ta đã bị tàn rụi không phương cứu vãn.” Ông ta đau đớn về cả tâm hồn lẫn thể xác và cuối cùng ông ta mắc phải bịnh lỵ, và tuy thế ông ta vẫn không từ bỏ ý định từ chối cho chàng trai Ghosaka kế thừa tài sản bằng cách này hay cách khác. Do đó, ông ta viết một bức thư đầy ẩn ý và gởi nó đến chàng trai Ghosaka. Nội dung của bức thư là: “Này con, tại sao đã kết hôn rồi mà con vẫn ở đó lâu như vậy. Ta muốn con trở về nhà gấp.”

Khi nhận được bức thư, chàng trai Ghosaka có tâm chất phát bèn sửa soạn để lên đường trở về nhà. Đứa con gái của trưởng giả Gamaka nhận biết rằng chàng trai khờ khạo Ghosaka này không bao giờ biết rằng chính nàng đã đem lại cuộc sống hiện tại cao sang cho cậu ta. Bởi vậy nàng ra sức trì hoãn cậu ta bằng mưu mẹo khôn khéo của nàng. Nàng thuyết phục cậu ta bằng cách nói rằng: “ Này anh yêu… đừng quá vội vã. Ai cũng vậy, khi muốn về thăm quyến thuộc của mình, trước hết phải lo sửa soạn những thứ cần thiết cho chuyến đi.” Thế là nàng đã trì hoãn sự lên đường của cậu ta bằng những lý do hợp lý.

Vị trưởng giả Kosambi không nản chí, bèn gởi một bức thư khác nói rằng sức khỏe của ông ta đã trở nên suy kiệt do bịnh kiết lỵ trầm trọng và đang trong tình trạng hấp hối và vì thế cậu ta nên trở về gấp.

Lúc bấy giờ, cô con gái của trưởng giả Gamaka không thể nào dấu mãi sự thực về sự kết hợp của họ và những điều không hay khác.

“Này anh yêu… Trưởng giả Kosambi không phải là cha ruột của anh, tuy rằng lâu nay anh đã xem ông ta là cha ruột. Ông ta đã sai anh đi đến người đốc công của ông ta với bức thư chứa đựng những lời dặn bảo phải giết chết anh ngay. Em đã xé bỏ bức thứ định mệnh ấy và thay vào đó một bức thư khác do em viết dẫn đến sự thành đôi của chúng ta. Ông ta chẳng phải gọi anh về suông đâu mà để công bố cho mọi người biết rằng anh không phải là người thừa kế của ông ta. Anh nên chờ đợi cho đến khi ông ta chết.”

Ngay sau đó, có tin đồn rằng: “ Trưởng giả Kosambi đã chết” được lan truyền khắp nơi và đôi vợ chồng đi đến đó với đoàn tùy tùng. Người vợ thông mình căn dặn chồng phải cẩn thận hết sức khi đi vào nhà và cho bố trí những người bảo vệ ở quanh nhà trước tiên. Nàng đi theo chồng khi anh ta bước vào nhà. Hai tay của nàng đưa lên và khóc lớn. Nàng lần mò đi đến nơi trưởng giả đang nằm ở một góc tối; và dùng đầu của nàng đánh xuống ngực của ông ta như đang thể hiện sự đau buồn to lớn, khiến cho người hấp hối thêm kiệt sức chết sớm hơn.

Sau lễ hỏa táng thi thể của trưởng giả Kosambi, Ghosaka dùng những món tiền mua chuộc hậu hỉ để thuyết phục những người hầu thân tín của vị trưởng giả khiến họ đi nói với mọi người là cậu ta chính là con ruột của trưởng giả Kosambi.

Chức vị trưởng giả của xứ Kosambi

Bảy ngày sau cái chết của trưởng giả Kosambi, vua Udena suy nghĩ phải tìm một người kế thừa có những phẩm chất tốt để trao danh hiệu trưởng giả của xứ Kosambi. Vị ấy truyền lịnh cho thị vệ đi tìm xem vị trưởng giả quá vãng kia có con trai không. Tất cả những người hầu thân tín của cựu trưởng giả đều trình lên rằng vị trưởng giả quá vãng có một đứa con trai tên là Ghosaka, là người xứng đáng kế thừa địa vị của cha.

Vua Udena ban danh hiệu trưởng giả xứ Kosambi cho Ghosaka với đầy đủ biểu hiệu của chức vụ.

Khi Ghosaka trở thành trưởng giả xứ Kosambi, người vợ tài trí của cậu ta nói rằng: “Này anh yêu… Dầu chúng ta có nguồn gốc thấp hèn, chúng ta đã trở nên vĩ đại và có tiếng tăm nhờ phước quá khứ của chúng ta. Do đó chúng ta hãy cố gắng và gìn giữ nó tốt hơn bằng cách làm những việc phước với sự tinh cần và nhiệt tâm gấp đôi.” Chồng của nàng hoan hỉ chấp thuận những lời đề nghị của nàng. Và hai vợ chồng thỏa thuận với nhau là chi ra một ngàn đồng mỗi ngày trong những việc làm từ thiện (nibaddha dāna) và đều đặn như vậy cho đến hết cuộc đời của họ không gián đoạn.

(Đây là bài mô tả về trưởng giả Kosambi dựa theo Chú giải Tăng chi bộ (Aṅguttara, cuốn I).

ĐỨC PHẬT TRẢI QUA MÙA AN CƯ THỨ CHÍN

TẠI KOSAMBI

Ở nước Kosambi, trước khi Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác xuất hiện, có ba vị trưởng giả hay bá hộ nổi tiếng. Đó là Ghosaka, Kukkudha và Pavarika là những người bạn thời thơ ấu của nhau. Họ sùng mộ năm trăm vị ẩn sĩ và hộ độ những vị ấy rất chu đáo. Tất cả những vị ẩn sĩ thường trú ngụ tại Kosambi suốt bốn tháng mùa mưa, rồi trở về các khu rừng tại Himalaya vào mùa hè và mùa đông kéo dài tám tháng.

Năm tháng trôi qua và đến một hôm nọ, họ cảm thấy kiệt lực sau khi phải đi qua vùng sa mạc không có nước trong chuyến đi từ Himalaya đến Kosambi. Cuối cùng, họ đến tại một cây đa to lớn và họ khởi ước muốn rằng: “ Một cây đa to lớn như thế này, ước gì có một vị thọ thần có đủ oai lực để cho họ nước uống.”

Vị thọ thần của cây đa nghĩ nên đáp ứng nhu cầu của các vị ẩn sĩ, và vị ấy khiến một dòng nước chảy ra từ nhánh chẻ của cây. Khi các vị ẩn sĩ trông thấy dòng nước trong vắt, họ hứng lấy nó và uống đến thỏa cơn khát. Sau khi đã hết khát và khỏe khoắn trở lại, họ bắt đầu suy nghĩ rằng thật tốt thay nếu vị thọ thần có thể cho họ vật thực, vì họ đang ở trong khu rừng cách xa làng mạc. Nhân đó, thọ thần cho họ vật thực của chư thiên.

Các ẩn sĩ suy nghĩ, bởi vì thọ thần đã cho họ vật thực và nước uống nên họ muốn được tận mắt trông thấy thọ thần. Rồi thọ thần hiện ra và các ẩn sĩ hỏi vị ấy: “ Thưa vị thiên… ngài đang hưởng lạc thú như thế, vì vậy chúng tôi muốn biết ngài đã làm loại phước nghiệp gì trong kiếp quá khứ? ” Vị thọ thần đáp lại: “ Trong kiếp trước, tôi đã thọ Bát quan trai giới nửa ngày.”

Câu này sẽ được giải thích rõ hơn: Trong kiếp quá khứ, vị thọ thần này là một trong những người hầu của trưởng giả Anāthapiṇḍka. Mọi người sống trong nhà của ông Anāthapiṇḍka có quy lệ là thọ bát quan trai giới vào những ngày giới. Một buổi sáng sớm nọ (của ngày giới) một người làm công được yêu cầu đi đến chỗ làm việc để làm những phận sự của ông ta. Khi ông Anāthapiṇḍka cầm bảng danh sách những người lãnh vật thực ngày hôm ấy, ông ta khám phá ra rằng người công làm người duy nhất đã đi vào rừng để làm việc trong ngày hôm ấy. Bởi vậy, ông ta cho phép người nấu bếp chừa lại một phần ăn dành cho người làm công ấy vào buổi chiều. Những người nấu bếp đã chừa lại một khẩu phần và để dành sẵn cho người làm công kia. Khi ông ta trở về, người nấu bếp trao phần ăn dành sẵn cho ông ta.

Khi người làm công thấy rằng cả nhà ngày hôm ấy đều im lặng khác thường, ông ta dò hỏi về sự im lặng bất thường ấy và phòng ăn không có người. Người nấu bếp trả lời: “ Tất cả mọi người trong nhà đang thọ trì bát quan trai giới, vì hôm nay là ngày giới.” Ông ta lại hỏi: “ Có thật vậy không mẹ ?” Bà ta gật đầu nói rằng: “ Đúng vậy.” “ Thưa mẹ… xin mẹ hỏi giùm ông chủ xem một người có thể thọ bát trai giới trong thời gian còn lại của ngày được không?” Người nấu bếp bèn đi đến vị trưởng giả và chuyển câu hỏi của người làm công và được trả lời rằng: “ Nó có nghĩa là thọ trì Bát quan trai nửa ngày chứ không phải trọn ngày. ”

Khi nghe những lời của vị trưởng giả, người làm công súc miệng và phát nguyện thọ trì giới rồi đi về chỗ nghỉ của ông ta và và thọ giới cho đến khi lăn ra ngủ. Ông ta chết do kiệt sức vào sáng hôm sau và được tái sanh làm thọ thần của cây đa to lớn ấy tại bìa rừng.

Khi nghe toàn bộ câu chuyện về kiếp quá khứ của vị ấy, các ẩn sĩ bèn hỏi thọ thần: “ Ngài đã nói về Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng… mà trước đây chúng tôi chưa bao giờ nghe đến. Có thật chăng Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác đã xuất hiện trên thế gian?” Khi thọ thần trả lời bằng sự khẳng định, các ẩn sĩ lại hỏi: “ Hiện giờ Đức Phật ấy đang trú ngụ ở đâu?” Thọ thần trả lời: “ Đức Phật hiện đang ngụ tại Jetavana tịnh xá ở nước Sāvatthi.”

Các ẩn sĩ bèn lên đường ra đi và nói rằng: “ Thưa thọ thần của cây đa… Chúng tôi sẽ đi đảnh lễ Đức Phật,” và họ đến Kosambi trên đường đi đến Sāvatthi. Ba vị đại trưởng giả nồng hậu đón tiếp các vị ẩn sĩ và mời họ thọ thực vào ngày hôm sau. Lễ bố thí vật thực vào ngày ấy đã diễn ra rất linh đình và to lớn.

Ngay sau khi các vị ẩn sĩ đã thọ thực xong, họ lịch sự nói rằng: “ Chúng tôi sẽ đi…” và các đại trưởng giả rất đỗi ngạc nhiên khi nghe những lời ấy, họ hỏi rằng: “ Thưa các đại đức…Thật hết sức không bình thường khi các ngài nói ra những lời như vậy trong khi các ngài mới đến đây chỉ có một ngày, những dịp trước các ngài thường đến ở lại một, hai, ba hay bốn tháng. Xin các ngài giải thích lý do khiến các ngài ra đi sớm như vậy trong ngày ?” Rồi các vị ẩn sĩ đáp lại: “ Thưa các vị trưởng giả… Thật vậy, sự thật là: Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác đã xuất hiện rồi, và cái chết là vấn đề chắc chắn, dầu chúng tôi không biết khi nào chết và chết như thế nào? Do đó, chúng tôi phải vội vã đi yết kiến Đức Phật.” Các vị trưởng giả bèn xin phép được đi theo các vị ẩn sĩ.

Các ẩn sĩ bèn nói vài lời sách tấn để đáp lại lời thỉnh cầu của họ: “ Các vị có thể nán lại và đi sau vì các vị còn phải lo sửa soạn mọi thứ cho chuyến đi. Chúng tôi sẽ đi trước.” Họ rời khỏi Kosambi và lên đường hướng tới Sāvatthi mà không dừng nghỉ quá lâu trên đường đi. Khi đến tại Sāvatthi, họ đi ngay đến Đức Phật và Ngài tiếp họ bằng món ăn chánh pháp. Các vị ẩn sĩ chứng đắc đạo quả A-la-hán nhờ đạo tuệ mà họ đạt được do nghe thời pháp của Đức Phật.

Ba vị trưởng giả chứng đắc Sotāpanna

Ba vị trưởng giả rời khỏi Kosambi, mỗi vị có năm trăm cỗ xe bò chất đầy vật thí đủ loại để cúng dường, và đến Sāvatthi đúng lúc. Họ cắm trại ở gần Jetavana tịnh xá và dựng lên những phước xá tạm thời trước khi họ đi vào đảnh lễ Đức Phật. Sau khi đảnh lễ Đức Phật, họ ngồi xuống ở nơi phải lẽ. Đức Phật thuyết pháp phù hợp với căn tánh của họ, kết quả là tất cả họ đều chứng đắc quả thánh Dự lưu (Sotāpanna). Họ thực hiện những sự bố thí cúng dường to lớn trong mười lăm ngày liên tục. Họ chính thức thỉnh cầu Đức Phật ban vinh dự cho họ bằng chuyến viếng thăm của Ngài đến Kosambi. Đức Phật đáp lại: “ Chư Phật thường ưa thích những nơi vắng vẻ.”

Các vị trưởng giả thành kính đáp lại: “Chúng con đã hiểu… Bạch Đức Thế Tôn!” và nói thêm rằng: “Xin Thế Tôn hãy bi mẫn ban vinh dự cho chúng con bằng chuyến viếng thăm của Ngài sau khi nhận lời thỉnh cầu của chúng con.” Và sau khi đi nhiễu quanh ba vòng về phía bên phải của Đức Phật, họ lên đường trở về quê nhà. Và dựng lên những nhà nghỉ ở mỗi trạm cách nhau một do tuần trên tuyến đường giữa Sāvatthi và Kosambi. Khi về đến Kosambi, họ công bố khắp nơi cho mọi người biết sự xuất hiện của Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác. Mỗi vị trưởng giả đều xây dựng những tịnh xá lớn ở trong những khuôn viên của họ với phí tổn to lớn, để dành sẵn khi Đức Phật đi đến.

Ba tịnh xá mang tên ba vị trưởng giả, đó là tịnh xá Ghositārāma do trưởng giả Ghosaka dâng cúng, tịnh xá Kukkudhārāma do trưởng giả Kukkudha dâng cúng, và tịnh xá Pavarikambavana của trưởng giả Pavarika xây dựng trong vườn xoài của ông.

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, ba vị trưởng giả bèn cho sứ giả đặc biệt lên đường đi đến Sāvatthi để thỉnh mời Đức Phật ngự về xứ Kosambi.

Đức Phật tế độ hai vợ chồng Bà la môn Magandhi

Trên đường đến Kosambi cùng với hội chúng đông đảo tỳ khưu, Đức Phật nhận biết rằng hai vợ chồng Bà-la-môn Magandha có duyên lành chứng đắc đạo quả A-la-hán. Do đó Ngài tách khỏi con đường chính và đi về hướng của thị trấn Kammasadamma ở nước Kuru.

Bà-la-môn Magandhi trở về lúc sáng sớm sau khi trải qua suốt đếm ở bên ngoài ngôi làng để cúng dường ánh sáng theo tục lệ của họ. Trên đường đi đến ngôi làng để khất thực, Đức Phật trông thấy Bà-la- môn Magandhi đang đi hướng ngược lại. Ngài tận dụng cơ hội xuất hiện trước mặt vị Bà-la-môn già. Khi trông thấy Ngài, Magandhi tự nghĩ: “ Từ lâu ta đi tìm kiếm một chàng rễ xứng đôi với con gái của ta, duyên dáng như con ta, và có tướng mạo của vị Sa-môn. Vị Sa-môn này có trông thật quyến rũ và đẹp trai. Vị ấy quả thật xứng với con gái của ta.” Với ý nghĩ này, ông ta đi thẳng về nhà.

(Trong luân hồi, có một kiếp ông ta làm Sa-môn. Do đó Magandhi có khuynh hướng ái mộ Sa-môn).

Bà-la-môn Magandhi nói với vợ rằng: “ Này bà nó… Tôi chưa bao giờ trông thấy một vị Sa-môn nào như vậy. Người mà tôi đã trông thấy có nước da vàng ròng. Vị ấy có tướng mạo của Đại phạm thiên. Vị ấy thực sự xứng đôi với con gái của chúng ta. Hãy cấp tốc trang điểm cho con gái Magandhi của chúng ta.” Khi hai vợ chồng ông Bà- la-môn đang bận rộn mặc y phục cho con gái của họ thì Đức Phật đã để lại dấu hai bàn chân (Pada ceti) của Ngài tại chỗ gặp ông Bà-la- môn lần đầu tiên, rồi Ngài đi vào thị trấn để khất thực.

(Chú thích: Dấu chân của Đức Phật nằm ở chỗ mà Ngài đã chọn chứ không phải bất cứ chỗ nào khác. Đồng thời, dấu chân của Đức Phật chỉ những người có phước đặc biệt mới thấy được và không có gì có thể che chắn những dấu chân ấy; ngay cả voi lớn, mưa bão dữ dội cũng không thể xóa đi những dấu chân này). (Chú giải Pháp Cú)

Hai vợ chồng ông Bà-la-môn và đứa con gái của họ đi đến chỗ mà ông Bà-la-môn già đã bắt gặp Đức Phật, nhưng họ không thể nhìn thấy Ngài vì lúc bấy giờ Ngài đã vào làng. Ông Bà-la-môn già càu nhàu trách móc bà vợ của ông ta đã làm mất nhiều thì giờ trang điểm cho con gái của họ nên vị Sa-môn đã đi mất. Bà vợ bảo ông Bà-la- môn rằng: “Hãy để vị Sa-môn đi, chỉ cần cho tôi biết vị ấy đi về hướng nào?” Ông Bà-la-môn già trả lời cộc lốc: “Ông ta đi về hướng đó,” và cuối cùng họ tìm thấy những dấu chân của Đức Phật. Ông Bà- la-môn già nói: “Đây là những dấu chân của vị Sa-môn, chắc hẳn vị này đã đi về hướng đó.”

Khi trông thấy những dấu chân, vợ của ông Bà-la-môn suy nghĩ: “Ông Bà-la-môn này quả thật ngu dốt. Ông ta không đủ thông minh để biết những điều phức tạp trong kinh Phệ đà.” Và để chế giễu ông chồng, bà ta nói lời nhận xét châm biếm này: “ Này ông Bà-la- môn, ông quả thật ngu đần vì đã nói rằng ông muốn gả con gái của chúng ta cho người mà dấu chân của người ấy hoàn toàn khác biệt với những kẻ phàm phu trần tục đầy dẫy tham (rāga), sân (dosa) và si (moha). Này ông Bà-la-môn, hãy nhìn vào những dấu chân của vị ấy, đó là dấu chân của vị Phật Chánh đẳng Chánh giác, là bậc đã phá tan những xiềng xích của các phiền não. Hãy thận trọng nhìn vào những dấu chân ấy.”

Rattassa hi ukkuṭkam padaṃ bhave duṭhassa hoti avakaḍḍhitam padaṃ mūṭassa hoti saha sānupiḷitam

vivaṭaccha dassa imīdisaṇ padaṇ.

- Dấu chân của người nhiều tham dục không chạm đất ở phần giữa.

- Dấu chân của người nhiều sân hận được in đậm hơn ở hai gót chân.

- Dấu chân của người si mê được in đậm ở hai gót chân và những ngón chân.

Dấu chân mà chúng ta thấy thì không có những biểu hiện này và do đó rõ ràng là nó thuộc về bậc Chánh Biến tri, Bậc đã đoạn trừ tất cả phiền não.

Ông Bà-la-môn già cảm khó chịu trong tâm vì những lời nhận xét châm chọc của bà vợ và phàn nàn rằng: “ Này bà, bà thật thô lỗ và thích sanh sự.” Trong khi họ đang lời qua tiếng lại với nhau như vậy thì Đức Phật đã thọ thực chung với các vị tỳ khưu và Ngài xuất hiện ở một nơi để ông Bà-la-môn có thể dễ dàng trông thấy Ngài.

Khi ông Bà-la-môn Magandhi trông thấy Đức Phật đi đến từ xa, ông ta quở trách vợ và nói rằng: “Người mà tôi đã nói đến chính là vị Sa-môn kia.” Và khi nói vậy, ông ta đi đến Đức Phật và phân trần với Ngài:

“ Thưa ngài Sa-môn! Tôi đã đi tìm Ngài khắp các nơi từ sáng sớm đến giờ. Không có người nào trên thế gian mà xinh đẹp như con gái của tôi và không có ai nào trên thế gian mà tuấn tú như Ngài. Tôi muốn gả con gái của tôi về làm vợ ngài để hầu hạ ngài.”

Ông Bà-la-môn già đã nói ra những lời chất phát và thẳng thắng. Nhân đó, Đức Phật đáp lại :

“Này ông Bà-la-môn, Như Lai chẳng còn chút ham muốn nào đối với ba đứa con gái của Ma vương ở thiên giới của Vasavatti. Ba người con gái ấy đã đứng bên cạnh Như Lai và dụ dỗ Như Lai bằng những lời tình tứ đầy nét duyên dáng và (ông cứ nghĩ xem) liệu Như

Lai có còn ham muốn nào đối đứa con gái của ông không, Magandhi ?”

Và Ngài đọc lên câu kệ sau đây :

Disvāna Tanhaṃ Aratiṃ Ragañca nāhosi chando api methuna samiṃ kimevidaṃ muttakarīsa punnaṃ pādāpi naṃ sanphusituṃ na icche.

Dầu ba đứa con gái của Ma vương, tên là Taṇha, Arati và Raga đã đến gặp Như Lai dưới cây đa Ajapāla với quyết tâm dụ dỗ Như Lai thọ hưởng khoái lạc bằng giao tình với chúng, Ta chẳng còn mảy may ước muốn chìu theo sự dụ dỗ của chúng và cũng chẳng có chút bợn nhơ ái dục nào trong Như Lai. Cũng vậy, Ta chẳng còn chút ham muốn nào khi trông thấy cô gái trẻ Magandhi này với thân đầy cấu uế, tựa như phẩn và nước tiểu, v.v… chí đến đụng bàn chân vào người của nàng, Ta cũng không thích.”

Đức Phật nói lên câu kệ này tựa như Ngài không phải đang nói với ông Bà-la-môn mà với một người khác.

Nàng Magandhi ôm hận

Nàng Magandhi, con gái của ông Bà-la-môn Magandhi, nuôi dưỡng oán hận đối với Đức Phật vì đã chê bai nàng bằng cách so sánh thân của nàng với đồ cấu uế, như phẩn và nước tiểu. “ Vị ấy lẽ ra từ chối ta một cách tế nhị mà không xúc phạm đến phẩm cách của ta, ta thề sẽ rửa mối hận này khi có cơ hội về sau.” Như vậy, Magandhi đã gieo hạt giống hận thù đối với Đức Phật.

Vợ chồng Bà la môn Magandhi chứng đắc đạo quả A-la-hán

Đức Phật chẳng hề quan tâm đến sự oán hận của nàng Magandhi, và tiếp tục thuyết pháp đến Bà-la-môn Magandi, phù hợp với căn tánh của ông (muốn biết đầy đủ chi tiết, hãy tham khảo bộ Sutta Nipāta, bài kinh Magandiya Sutta). Magandhi và vợ chứng đắc quả thánh A-na-hàm (ānāgami) vào lúc kết thúc thời pháp. Về sau, hai vợ chồng họ suy nghĩ rằng thật vô ích khi sống tại gia, và họ giao đứa con gái Magandhi cho một người chú ruột chăm lo, trước khi họ xuất gia làm Sa-môn. Sau khi thực hành phạm hạnh của Sa-môn, họ chứng đắc đạo quả A-la-hán, đoạn tận các lậu hoặc.

Đức Phật thọ nhận sự cúng dường ba tịnh xá

Sau khi độ giải thoát cho vợ chồng Bà-la-môn Magandhi, Đức Phật lên đường đi đến xứ Kosambi.

Khi ba vị trưởng giả nghe tin Đức Phật cùng chúng tỳ khưu đã đến, họ sửa soạn đón tiếp Đức Phật một cách long trọng và cung rước Ngài đến các tịnh xá. Khi đến các tịnh xá, họ ngồi xuống ở nơi phải lẽ và sau khi đảnh lễ Ngài, họ tác bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, ba tịnh xá đã được xây dựng với mục đích dâng cúng đến chúng Tăng. Chúng con cầu xin Thế Tôn bi mẫn thọ lãnh ba tịnh xá này để chư Tăng khắp bốn phương đến trú ngụ.” Đức Phật hoan hỉ thọ lãnh chúng theo sự thỉnh cầu của các thí chủ. Rồi ba vị trưởng giả thỉnh Đức Phật chủ trì lễ trai Tăng vào ngày hôm sau rồi họ ra đi.

(Điều tất nhiên là những sự kiện liên quan đến nữ tỳ Khujjuttara, Hoàng hậu Samavatī, và hoàng hậu Magandhi cần được bao gồm ở đây để hoàn thành chủ đề. Nhưng những sự kiện liên quan đến Khujjuttara và Samavatī sẽ được đề cập đến khi chúng tôi bàn về Tăng Bảo. Bài mô tả đầy đủ về Magandhi có thể tìm thấy ở bộ Chú giải Pháp Cú. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập những sự kiện thích đáng cần thiết đối với chương này).

Đức Phật vào ngụ ở các tịnh xá do ba vị trưởng giả dâng cúng

và trải qua mùa an cư thứ chín tại Kosambi.

Những ác nghiệp của Magandhi

Trong thời gian Đức Phật trải qua mùa an cư thứ chín tại Kosambi, thì nàng Magandhi trở thành chánh hậu của vua Udena. Vấn đề như thế này: Magandhi được cha mẹ giao lại cho người chú của nàng là Cula Magandhi chăm sóc, trước khi họ xuất gia Sa-môn. Vua Udena sau khi bàn bạc với người chú Cūla Magandhi, đã phong nàng làm hoàng hậu. Một hậu cung với năm trăm nữ tỳ được dành cho nàng và như vậy Magandhi đã trở thành hoàng hậu của vua Udena lúc bấy giờ. Đức Phật nhập hạ thứ chín tại Kosambi.

Sau khi biết được rằng Đức Phật đã đến tại Kosambi, nàng cho gọi tất cả những tên côn đồ, lưu manh và nghiện ngập đến, rồi bỏ ra một số tiền mua chuộc chúng, bảo chúng gọi Đức Phật bằng nhiều cái tên do nàng bày ra. Khi Đức Phật vào kinh thành để khất thực vào ngày hôm sau, để đáp lại lời thỉnh cầu dự lễ cúng dường vật thực của ba vị trưởng giả, những tên lưu manh, nghiện ngập ấy bèn mắng nhiếc Ngài bằng những cái tên có tính chất lăng mạ do Magandhi chỉ dạy.

Đại đức Ānanda nài xin Đức Phật rời khỏi chỗ ấy : “Bạch Đức Thế Tôn… chúng ta không nên trú ngụ tại một thị trấn nơi mà chúng ta bị chửi mắng. Chúng ta hãy đi đến một thị trấn khác!” Nhân đó, Đức Phật đáp lại: “ Này Ānanda, chư Phật hoàn toàn tự tại trước tám pháp thăng trầm của thế gian và tất cả những lời chửi mắng, gièm pha đều phải diệt tắt trong vòng bảy ngày, không thể lâu hơn. Những kẻ lăng mạ sẽ phải nhận lãnh hậu quả về tội lỗi mà chúng đã làm. Ngươi không cần phải lo lắng buồn phiền về những điều sai trái như vậy! ”

(Đây là dạng tóm tắt của bài trình bày trong bộ Chú giải Tăng chi, Chú giải Pháp cú, 223 Nāga Vagga. Lời mở đầu về Atta daṇda vatthu có một bài trình bày khá chi tiết).

Những cố gắng tự nguyện phi thường của ba vị Trưởng lão xứ Kosambi

Ba vị trưởng giả thỉnh Đức Phật vào thành phố và thực hiện sự cúng dường đủ loại rất dồi dào. Đức Phật trú ngụ tại các tịnh xá của họ theo thứ tự luân phiên và thọ lãnh vật thực cũng theo cách ấy. Nói cách khác, khi Đức Phật trú ở tịnh xá Ghositārāma vào ngày nào thì Ngài đến thọ lãnh vật thực ở nhà của ông Ghosita vào ngày hôm sau. Cũng vậy, Ngài thọ lãnh vật thực ở nhà của ông Kukkudha và Pavarika, theo thứ tự nối tiếp. (Chú giải Pháp Cú). Sau thời gian khoảng một tháng, ba vị trưởng giả cùng hiểu ra vấn đề là :

“Chư Phật xuất hiện vì mục đích che chở chúng sanh và nâng cao lợi lạc của họ, chúng ta nên lo liệu để tất cả dân chúng cũng được góp phần trong các việc phước. ”

Do đó, họ tạo cơ hội thuận tiện để tất cả dân cư đều tham gia vào các việc phước, kết quả là tất cả dân cư trong nước Kosambi đều bố thí cúng dường tại những con đường, góc phố riêng của họ hay bằng cách thành lập những nhóm từ thiện.

Một sự bất hòa to lớn xảy ra trong chúng Tăng

Khi Đức Phật đang ngụ ở tịnh xá Ghositārāma, có khởi sanh xích mích giữa hai vị bhikkhu, vị thì thông suốt Tạng Luật (Vinaya) và vị khác thì thông suốt Tạng Kinh (Sutta), cả hai sống trong cùng một tịnh xá. Một hôm vị tỳ khưu thông thạo sutta đi vào nhà cầu và sau khi đi ra, đã để lại một ít nước trong cái gáo. Vị tỳ khưu tinh thông vinaya đi vào sau vị kia, trông thấy một ít nước còn lại trong cái gáo ; vị ấy đi ra và hỏi vị tỳ khưu tinh thông sutta: “ Này hiền giả…có phải hiền giả đã để lại một ít nước trong cái gáo này chăng?” Vị tỳ khưu thông sutta đáp lại một cách thành thật: “ Đúng vậy, thưa tôn giả.” Vị tỳ khưu tinh thông vinaya gắt gỏng: “ Này hiền giả, vậy hiền giả không biết làm như vậy là phạm tội (āpatti) sao?” Vị tỳ khưu tinh thông sutta đáp lại: “ Không, tôi không biết, thưa tôn giả.” Rồi vị tỳ khưu tinh thông vinaya giải thích: “Này hiền giả, chừa nước lại trong cái gáo, nhiều hay ít cũng là một tội (āpatti).”

Vị tỳ khưu tinh thông sutta nói rằng: “ Nếu tôi phạm tội thì tôi sẽ trừ diệt tội bằng sự sám hối.” Rồi vị tỳ khưu tinh thông vinaya giải thích: “ Này hiền giả, nếu hành động như vậy làm do quên hoặc không cố ý thì không có tội.” Nghe vậy, vị tỳ khưu tinh thông sutta nghĩ rằng mình không phạm tội khi chừa lại nước trong cái gáo.

(Ở đây, vị tỳ khưu tinh thông vinaya nghĩ rằng ‘hành động như vậy’ không kể là tội (āpatti) vì sơ xuất hoặc không cố ý. Thực tế thì, hành động như vậy được xem là tội tác ác (dukkata-āpatti), cho dù nó làm do sơ ý hoặc không cố ý).

Vị tỳ khưu tinh thông vinaya nói với các đồ đệ của mình rằng vị tỳ khưu tinh thông sutta đã không biết mình phạm tội khi nào, để chê bai vị tỳ khưu tinh thông sutta. Và khi các đệ tử của vị tỳ khưu tinh thông vinaya gặp các đệ tử của vị tỳ khưu tinh thông sutta nói rằng thầy của các vị tỳ khưu này không biết tội mà vị ấy đã phạm. Khi các đệ tử của vị tỳ khưu tinh thông sutta đem vấn đề ấy thuật lại với thầy của họ, vị tỳ khưu thông sutta nói rằng: “ Chính vị tỳ khưu tinh thông vinaya nói với ta rằng ta không phạm tội, thế mà bây giờ vị ấy lại tráo trở và tố cáo ta phạm tội ấy. Vị ấy đã nói dối.”

Các đệ tử của vị tỳ khưu tinh thông sutta bèn đi đến các đệ tử của vị tỳ khưu thông vinaya và nói với họ rằng: “ Thầy của các người là một kẻ nói dối.” Và sự bất hòa bắt đầu xảy ra! Vị tỳ khưu thông vinaya sắp xếp để được sự ủng hộ của những người cùng nhóm cùng phe và kết tội vị tỳ khưu tinh thông sutta về tội có lỗi mà không thấy lỗi (āpattiyā adassane ukkhepaniyakaṃ) và quyết tâm treo tội vị ấy.

Vị tỳ khưu bị hài tội như vậy, là người đa văn và có địa vị trong Tăng chúng, bèn đi đến các bạn bè và những người cùng phe mà nói rằng: “ Thực ra, kẻ không có tội thì bị kết tội, còn kẻ có tội thì không bị kết tội, tôi không bị ngã, chưa bị ngã, tôi không bị treo (dầu họ đã treo tôi), tôi không có tội, tôi đã bị treo bởi một việc làm công khai mà không có giá trị hợp pháp. Tôi muốn cầu xin các vị hãy đứng bên cạnh tôi, làm người cùng phe với tôi về pháp và luật (dhamma-vinaya).” Như vậy vị ấy đã có được nhiều bạn bè, nhiều người ủng hộ. Một người đưa tin cũng được cử đi đến các vị tỳ khưu trong các ngôi làng và các xứ để giải thích vấn đề. Như vậy các vị tỳ khưu trong nước đã từng qua lại với vị ấy đã trở thành những người cùng phe.

Các đệ tử của những vị tỳ khưu bị treo đi đến những vị tỳ khưu đã treo họ và nói lời chống bác: “Này các hiền giả… đó không phải là trường hợp có tội, đó không phải là trường hợp để bắt người ta phải chịu tội. Do đó, vị tỳ khưu tinh thông sutta không có tội. Vị ấy không phải bị treo dầu vị ấy đã bị treo bởi một việc làm công khai mà không có giá trị hợp lý.”

Đáp lại, các vị tỳ khưu tố cáo nói với những vị tỳ khưu bị treo rằng đó là trường hợp có tội (āpatti), không phải không có tội. Do đó, vị tỳ khưu tinh thông sutta đã phạm tội. Không phải là vị ấy không có tội. Do đó vị ấy đáng bị treo bởi một hành động treo tội công khai có giá trị hợp pháp. Này các hiền giả… đừng nên đi theo con đường của vị ấy. Đừng hầu hạ vị ấy nữa.” Nhưng những lời kêu gọi của họ đã đi ra ngoài tai của những vị tỳ khưu thiêng về sutta; họ tiếp tục phục vụ cho vị tỳ khưu bị treo, và đi theo vị ấy bất cứ nơi đâu vị ấy đi đến.

Đức Phật khuyến giáo các vị tỳ khưu của hai phe

Một vị tỳ khưu không rõ danh tính đi đến Đức Phật và kính cẩn thuật lại tất cả mọi chuyện. Nhân đó, Đức Phật thốt lên: “ Chúng Tăng đã chia rẽ. Chúng Tăng đã chia rẽ.” Hai lần liên tục và đi đến các vị tỳ khưu đã treo tội vị tỳ khưu thông sutta và sau khi ngồi xuống chỗ ngồi đã dành sẵn, Ngài khuyên họ như vầy:

(Chúng tỳ khưu lúc bấy giờ chưa thực sự bị chia rẽ, nhưng Đức Phật đã nói như vậy để đề phòng tai họa chia rẽ Tăng sắp xảy ra sau này. Ví dụ: người ta có thể nói rằng: “ Lúa đã chín” khi người ta thấy không còn những cơn mưa là hiện tượng báo hiệu đã đến mùa gặt).

‘Này các bhikkhu… các thầy không nên vì ngã mạn tự cao mà nghĩ đến việc treo tội hay trục xuất một vị tỳ khưu vì một chuyện nhỏ nhoi. Giả sử chúng ta cho rằng một vị tỳ khưu nọ phạm tội (āpatti) dù vị ấy không nghĩ rằng đó là tội. Nói cách khác, có thể có những vị tỳ khưu cho đó là tội. Này các bhikkhu … nếu những vị bhikkhu ấy biết mà quan tâm đến vị tỳ khưu kia: “ Vị bhikkhu này đa văn, thông thuộc kinh tạng, rành mạch Pháp, Luật và Pāṭimokkha, thông minh và có trí tuệ, có kinh nghiệm, tận tâm, cẩn trọng và ưa thích ba học pháp: (1) “Nếu chúng ta cô lập vị tỳ bhikkhu này vì không thấy tội, nếu chúng ta không hành Tăng sự với vị bhikkhu này, và hành Tăng sự riêng không có vị bhikkhu này, do làm như vậy, sẽ có sự xung đột, bất hòa, sẽ có sự chia rẽ trong chúng Tăng; sẽ có sự đấu khẩu trong chúng Tăng ; sẽ có sự phân biệt kỳ thị trong chúng Tăng.” Này các bhikkhu, khi biết rõ điều này, các bhikkhu không nên treo tội hay cô lập một vị bhikkhu như vậy vì không thấy tội, ngõ hầu dẹp yên sự chia rẽ Tăng và phát triển sự đoạn kết.

Này các bhikkhu … các thầy không nên vì ngã mạn tự cao mà nghĩ đến việc treo tội hay cô lập một vị bhikkhu vì một chuyện nhỏ nhoi. Chúng ta hãy giả sử rằng vị bhikkhu nọ có thể đã phạm tội (āpatti) dù vị ấy nghĩ rằng về mặt này không có tội. Nói cách khác, có những vị bhikkhu cho đó là tội. Này các bhikkhu … Nếu những vị bhikkhu ấy biết mà quan tâm đến vị bhikkhu kia: “ Vị đại đức này đa văn, thông thuộc kinh tạng, rành mạch Pháp, Luật và Pāṭimokkha, thông minh và có trí tuệ, có kinh nghiệm, tận tâm, cẩn trọng và ưa thích ba học pháp. (2) Nếu chúng ta cô lập vị bhikkhu này vì không thấy tội, và không làm lễ tự tứ chung; nếu chúng ta làm lễ tự tứ mà không có vị bhikkhu này. (3) Nếu chúng ta không hành Tăng sự chung với vị bhikkhu này; nếu chúng ta hành Tăng sự mà không có vị bhikkhu này. (4) Nếu chúng ta không ngồi chung với vị bhikkhu này; nếu chúng ta ngồi ở chỗ không có vị bhikkhu này. (5) Nếu chúng ta không ngồi uống cháo chung với vị bhikkhu này, nếu chúng ta ngồi uống cháo mà không có vị bhikkhu này. (6) Nếu chúng ta không ngồi trong phòng ăn chung với vị bhikkhu này, nếu chúng ta ngồi trong phòng ăn không có vị bhikkhu này. (7) Nếu chúng ta không ở dưới cùng một mái nhà với vị bhikkhu này; nếu chúng ta ở dưới một mái nhà mà không có vị bhikkhu này. (8) Nếu chúng ta không thực hiện pháp tôn kính theo hạ lạp, không đón chào hay đảnh lễ theo thứ tự hạ lạp đối với vị bhikkhu này, nếu chúng ta chỉ thực hiện pháp tôn kính, chào hỏi và đảnh lễ theo hạ lạp mà không có vị bhikkhu này, do làm như vậy, sẽ có sự bất hòa, xung đột, sẽ có sự chia rẽ trong chúng Tăng, sẽ có sự đấu khẩu, sự phân biệt kỳ thị trong chúng Tăng.” Này các thầy bhikkhu … khi biết rõ điều này, các tỳ khưu không nên treo tội hay cô lập một vị bhikkhu vì không thấy tội, ngõ hầu dập tắt sự chia rẽ và đẩy mạnh sự đoàn kết trong chúng Tăng.

Sau khi thuyết giảng thời pháp trên vì sự đoàn kết của chư Tăng đến các vị bhikkhu đã treo tội một vị bhikkhu, Đức Phật đi đến những đệ tử của vị tỳ khưu bị treo tội và thuyết một thời pháp.

‘Này các thầy bhikkhu … khi các thầy đã phạm tội, các thầy không nên nghĩ rằng không cần phải sám hối tội, vì cho rằng : “ Chúng ta chưa phạm tội.”

Này các thầy bhikkhu … giả sự rằng một vị bhikkhu nọ có thể đã phạm tội (āpatti) dù vị ấy nghĩ rằng không có tội, về mặt này, và về mặt khác, có những vị bhikkhu khác cho đó là tội (āpatti).

Này các thầy bhikkhu, nếu vị bhikkhu ấy cho rằng vị ấy chưa phạm tội, và vị ấy biết quan tâm đến những vị bhikkhu kia: “ Những vị đại đức này đa văn, thông thuộc kinh tạng, rành mạch Pháp Luật (dhamma-vinaya) và Pāṭimokkha, thông minh và có trí tuệ, có kinh nghiệm, tận tâm, cẩn trọng và ưa thích ba học pháp. Cho dù vì mình hay vì bất cứ ai khác những vị bhikkhu này không nên hành động sai lầm do tham muốn vị kỷ, thù ghét, ngu si, do sự hãi.

Nếu những vị bhikkhu này treo tội ta vì không thấy tội và (1) nếu họ không thọ trì giới chung với ta, nếu họ thọ trì giới mà không có ta; (2) nếu những vị bhikkhu này không làm lễ tự tứ chung với ta, nếu họ làm lễ tự tứ mà không có ta; (3) nếu họ không hành Tăng sự chung với ta ; nếu họ hành Tăng sự mà không có ta; (4) nếu họ không ngồi chung với ta, nếu họ ngồi ở chỗ không có ta; (5) nếu họ không ngồi uống cháo chung với ta, nếu họ ngồi uống cháo ở chỗ không có ta; (6) nếu họ không ngồi trong phòng ăn chung với ta, nếu họ ngồi trong phòng ăn khi không có ta; (7) nếu họ không ở chung mái nhà với ta, nếu họ ở dưới mái nhà không có ta; (8) nếu họ không tôn kính, chào hỏi, hay đảnh lễ theo thứ tự hạ lạp mà không có ta, do làm như vậy, sẽ có sự bất hòa, sự xung đột, sẽ có sự chia rẽ trong chúng Tăng, sẽ có sự đấu khẩu, sự phân biệt, kỳ thị trong chúng Tăng.” Này các thầy bhikkhu, khi biết rõ điều này, vị bhikkhu ấy nên sám hối tội vì niềm tin đối với Tăng bảo để dập tắt sự chia rẽ và đẩy mạnh sự hòa hợp.

Sau khi thuyết giảng thời pháp này vì sự đoàn kết của chư Tăng, Đức Phật đứng dậy khỏi chỗ ngồi và ra đi.

(Chú thích: Vị bhikkhu thông sutta đã thành thật bày tỏ ước muốn của vị ấy là ‘ xin được sám hối tội nếu vị ấy đã phạm tội khi vị bhikkhu thông vinaya đầu tiên đã khiển trách. Nhưng sau đó, khi vị bhikkhu ấy được vị kia cho biết rằng: “ Bất cứ tội nào đã vi phạm do sơ ý và không có chủ tâm thì không được kể là tội hay hành vi có tội nên vị ấy tin rằng mình không có tội. ”

Nếu Đức Phật quyết định quở trách những vị bhikkhu tinh thông vinaya vì đã treo tội các vị bhikkhu tinh thông sutta trong những vấn đề như vậy thì họ ắt sẽ phân bua là Đức Phật đã nghiêng về phe đối lập, như vậy khiến họ bị tội chống lại Đức Phật, là tội có thể dẫn họ đến bốn khổ cảnh.

Lại nữa, nếu vị bhikkhu tinh thông sutta cố ý để lại một ít nước trong cái gáo, và như vậy, vị ấy phạm tội tác ác (dukkata āpatti). Những đệ tử của vị ấy đã bày tỏ quan điểm của họ là sự kết tội như vậy không có giá trị hợp pháp do sự binh vực thầy của họ.

Nếu Đức Phật quyết định tán đồng sự kết tội của những vị bhikkhu khưu tinh thông vinaya về vấn đề ấy, thì những đệ tử của vị bhikkhu tinh thông sutta tự nhiên sẽ tố cáo Đức Phật đã nghiêng về phe đối lập họ, như vậy chính họ rơi vào tội chống báng Đức Phật, một tội có thể dẫn họ đi vào các khổ cảnh.

Do vậy, nên nhớ rằng Đức Phật đã tránh không khiển trách bất cứ ai trong hai phe vì sự an lạc và thanh tịnh, và Ngài thuyết các thời pháp vì sự đoàn kết của chư Tăng, rồi Ngài ra đi khỏi chỗ ấy).

Thuyết giảng về hai Ñānā Saṁvāsa và hai Samānā Saṁvāsa

Bấy giờ, những vị bhikkhu đã bị treo tội thọ trì giới và hành Tăng sự trong Sima (bên trong khu vực có phân giới hạn) của cùng tịnh xá, trong khi đó những vị bhikkhu đã cô lập nhóm trước thì thọ trì giới và hành Tăng sự sau khi đã đi ra bên ngoài Sima của tịnh xá. Một trong những vị bhikkhu của nhóm sau đi đến Đức Phật và kính cẩn bạch với Đức Phật:

“ Bạch Đức Thế Tôn… những vị bhikkhu bị treo tội đã làm lễ phát lồ và hành Tăng sự trong Sima của cùng tịnh xá, trong khi đó Tăng chúng mà đã cô lập nhóm trước thì làm lễ phát lồ và hành Tăng sự sau khi đã ra bên ngoài Simā của tịnh xá.”

Nhân đó, Đức Phật cho câu trả lời sau đây :

“ Này bhikkhu … trường hợp những vị bhikkhu bị treo tội làm lễ phát lồ và hành Tăng sự theo đúng thủ tục về tuyên ngôn Ñatti kammavācā do Như Lai ban hành, trong khu vực Sima của tịnh xá, sự thực hành của họ phải được xem là hợp lệ, có giá trị hợp pháp.

Này bhikkhu … dường thế ấy, nếu những vị tỳ khưu treo tội nhóm trước, làm lễ phát lồ và hành Tăng sự đúng với thủ tục về tuyên ngôn do Như Lai ban hành, trong Sima của tịnh xá, thì sự thực hành của các thầy cũng được xem là hoàn toàn hợp lệ, có giá trị hợp pháp.

Này bhikkhu …tại sao như vậy? Những vị bhikkhu bị treo thuộc về một hội chúng khác với hội chúng của thầy và thầy thuộc về một hội chúng khác với hội chúng của họ.”

Hai loại Biệt trú - Ñānā Saṁvāsa

Này các bhikkhu …có hai trường hợp để thuộc về một hội chúng khác - Ñānā Saṃvāsa (1) Bằng sự cố gắng của bản thân, vị bhikkhu tự mình đi theo một hội chúng khác. (2) Do bị treo tội bởi Tăng chúng vì không thấy tội (āpatti), vì không sám hối, không từ bỏ tà kiến. Như vậy có hai trường hợp để thuộc về một hội chúng khác.

Hai loại đồng trú - Samānā Saṁvāsa

Này các bhikkhu …Có hai trường hợp để thuộc về một hội chúng- Samānā saṃvāsa: (1) Sự cố gắng của chính mình, vị tỳ khưu tự làm cho mình trở thành người theo cùng một hội chúng (2) Toàn thể chúng Tăng tháo gỡ sự treo tội và phục vị (osaraniva kamma) cho vị bhikkhu đã bị treo tội (ukkhepaniya kamma).

Như vậy, có hai trường hợp Biệt trú (Ñānā saṃvāsa) và hai trường hợp Đồng trú (Samānā saṃvāsa), do Đức Phật giáo giới.

(Chú thích: Có hai nhóm hay hai loại chúng bhikkhu : đó là (1) Những vị bhikkhu đúng luật (Dhammavādi) là những vị đã treo tội các bhikkhu phạm tội, (2) Những vị bhikkhu phạm luật (Adhammavādi). Nếu một vị bhikkhu trú ngụ với nhóm này hay nhóm khác, sau khi xem xét cẩn thận các quan điểm của cả hai nhóm, quyết định rằng những vị bhikkhu bị treo là phạm luật, còn những vị bhikkhu mà treo tội họ thì đúng luật, chính vị ấy đã làm cho mình thuộc về hội chúng với những vị tỳ khưu treo tội).

Hành vi của các bhikkhu đang xung đột

Lúc bấy giờ, các vị bhikkhu rơi vào xung đột, tranh cãi nhau trong nhà ăn ở các làng mạc. Họ cư xử không thích hợp về thân và lời nói. Họ đi đến đấm đá. Mọi người tỏ thái độ xem thường và chỉ trích họ. Những vị bhikkhu có hành kiểm tốt và khiêm tốn bèn thuật lại tình trạng đáng buồn này đến Đức Phật và Ngài cho gọi các vị bhikkhu ẩu đả nhau đến. Sau khi hỏi rõ mọi chuyện và quở trách họ, Đức Phật bèn thuyết một thời pháp thoại thích hợp và dạy họ rằng:

‘Này các Tỳ khưu, khi chúng Tăng bị chia rẽ, không cư xử với nhau đúng theo luật, nếu có sự bất hòa, các thầy nên ngồi riêng ra, nghĩ trong tâm rằng: “ Ít nhất, chúng ta cũng không thể cư xử một cách không thích đáng với nhau về thân và lời nói; chúng ta không thể đi đến ẩu đả nhau.”

Này các bhikkhu, khi chúng Tăng bị chia rẽ nhưng nếu cư xử với nhau đúng theo luật và nếu có sự thân ái, thì các thầy có thể ngồi cạnh bên nhau.”

Đây là những lời khuyên nhủ của Đức Phật đến các vị tỳ khưu khi có sự chia rẽ trong chúng Tăng.

Bài pháp về Bổn sanh Dighavu

Hai phe bhikkhu đối địch tiếp tục cải vả, xung đột nhau, làm thương tổn nhau bằng binh khí miệng lưỡi. Chúng Tăng không thể dập tắt sự xung đột.

Rồi một vị bhikkhu nọ đi đến Đức Phật. Sau khi đến đảnh lễ Đức Phật và đứng ở chỗ phải lẽ, rồi bạch lại vấn đề với Đức Phật và thỉnh Ngài đi đến chỗ các vị tỳ khưu đang xung đột.

Nhân đó, Đức Phật đi đến các vị tỳ khưu và giáo giới họ:

“Này các bhikkhu... thật hoàn toàn không thích hợp để các thầy tranh cãi nhau, chiến đấu với nhau và đối chọi lẫn nhau. Đủ lắm rồi ! Hãy chấm dứt xung đột, hãy chấm dứt tranh cãi. ”

Nhân đó, một vị bhikkhu trong nhóm bị treo, do quan tâm đến sự an lạc của Đức Phật, đã bạch rằng:

“ Bạch Đức Thế Tôn… Xin đấng Pháp vương hãy chờ đợi, xin Thế Tôn đừng quan tâm đến, hãy trú trong an lạc vào lúc này. Chúng con sẽ chịu trách nhiệm về những sự xung đột này.” Đây là lời thỉnh cầu của vị ấy đến Đức Phật.

Đức Phật đã khuyên nhủ họ đến hai lần, và vị bhikkhu trong nhóm bị treo tội vẫn lập lại lời thỉnh cầu hai lần liên tục.

(Chú thích: Vị bhikkhu bị treo tội là người có thiện ý đối với Đức Phật. Vị ấy thành tâm thỉnh cầu Đức Phật đừng lo buồn về vấn đề hiện tại khi ngọn lửa thù hận đang dâng cao.

Nhưng Đức Phật biết rằng hai nhóm đối lập, sẽ hồi tỉnh một khi ngọn lửa hận thù được dập tắt, và vì vậy do lòng bi mẫn đối với những vị bhikkhu này, Đức Phật thuyết một thời pháp về tích chuyện Dighavu).

Câu chuyện Dighavu

Một thuở nọ có một vị vua ở xứ Benares, tên là Kasi đại vương, nhà vua có tài sản lớn, quân binh, chiến xa, voi, ngựa, có lãnh thổ rộng mênh mông, kho báu to lớn và đầy những kho thóc. Vua nước Kosala, tên là Dīghiti là người nghèo hơn, ít tài sản, quân binh ít hơn, số lượng chiến xa, voi ngựa có giới hạn, kho báu và kho thóc có giới hạn. Này các bhikkhu, vua Brahmadatta danh hiệu là Kasi đại vương, chuẩn bị chiến tranh chinh phục vua Dighiti, và xuất chinh đến nước Kosala với binh lực hùng hậu gồm chiến xa, tượng binh, mã binh và bộ binh.

Kẻ yếu không chống lại kẻ mạnh

Khi nghe tin cấp báo, vua Dighiti của nước Kosala cân nhắc suy nghĩ: “ Vua Brahmadatta của nước Kāsi là người giàu có, sở hữu tài sản khổng lồ, có binh lực vĩ đại, gồm xa binh, tượng binh, mã binh và bộ binh. Có kho báu to lớn, lãnh thổ rộng mênh mông và nhiều kho thóc trong khi đó ta tương đối nghèo, có ít tài sản, binh lực yếu và ta chắc chắn sẽ bị đánh bại bởi trận đánh đầu tiên của vị vua ấy. Hay nhất là trốn đi trước hơn để bị đánh bại.” Do đó nhà vua dẫn theo hoàng hậu trốn khỏi kinh đô trước khi kẻ thù tiến đến.

Này các thầy bhikkhu … vua Brahmadatta đã chiếm lấy tất cả mọi thứ mà vua Dighiti để lại gồm quân binh, xe ngựa, đất đai, tài sản và những kho thóc và sáp nhập nước Kosala vào nước Kasi, còn vị vua lưu vong và hoàng hậu của ông ta đến tại Benares và ẩn náu tại một lò gốm ở ngoại thành; cả hai cùng cải trang làm đạo sĩ.

Hoàng hậu mang thai

Này các bhikkhu... sau một thời gian, hoàng hậu của vua Dighati có thai, bà có sự thèm muốn những thứ đặc biệt như muốn thấy mặt trời mọc trên bốn lực lượng quân binh, trang phục chỉnh tề đầy đủ khí giới đang đứng trên đất bằng và muốn uống nước rửa kiếm.

Hoàng hậu bèn đem ước muốn thuật lại với chồng, vua Dighati của nước Kosala, rằng nàng đã có thai và có sự khao khát mãnh liệt, muốn thấy quân binh, binh giáp đầy đủ vào lúc mặt trời mọc và muốn uống nước được dùng để rửa đao kiếm. Nhân đó, nhà vua nói rằng: “Này ái hậu… làm sao chúng ta có thể thấy quân binh trang bị đầy đủ và có được nước được dùng để rửa đao kiếm… khi chúng ta ở trong hoàn cảnh thấp hèn này. Hoàng hậu đáp lại: “ Tâu bệ hạ… thiếp sẽ chết nếu những ước muốn của thiếp không được thỏa mãn.”

Nhà hiền triết thấy xa trông rộng và cũng là một người bạn

Lúc bấy giờ, người bạn thời thơ ấu của vua Dighati là vị tư tế quan của vua Brahmadatta, vua nước Kāsi. Này các bhikkhu... Dighati, vua nước Kosala bèn đi đến người bạn thời thơ ấu của vị ấy là vị tư tế quan và nói với ông ta rằng: “ Này ông bạn… người bạn của ông, hoàng hậu đang có thai, và nàng có ước muốn mãnh liệt là được thấy quân binh đang đứng ở chỗ đất bằng phẳng và rộng lớn, và muốn uống nước được dùng để rửa đao kiếm.” Nghe nói vậy, vị Bà-la-môn nói rằng: “ Tâu bệ hạ…nếu vậy, tôi muốn được gặp hoàng hậu.”

Này các bhikkhu... hoàng hậu đi đến vị tư tế quan. Khi vị Bà-la- môn trông thấy hoàng hậu từ xa đang đi đến ông ta đứng dậy, sửa y áo chỉnh tề và với hai tay chấp lại, ông ta vui sướng thốt lên: “ Quả thật vậy, một vị vua của nước Kosala đang ở trong bào thai của hoàng hậu.” Ông ta đã nói lên ba lần như vậy. Và ông ta đảm bảo với hoàng hậu rằng: “ Chúc hoàng hậu được an vui và tốt đẹp. Hoàng hậu sẽ có cơ hội trông thấy bốn loại quân binh trang bị đầy đủ vào lúc mặt trời mọc tại chỗ đất bằng phẳng và uống nước được dùng để rửa đao kiếm.”

Này các bhikkhu... Vị tư tế quan đi đến vua Brahmadatta của nước Kāsi và tâu rằng: “ Tâu bệ hạ…những điềm tướng mà hạ thần có thể trông thấy là quân binh với đầy đủ binh phục và khí giới phải xuất hiện trên một chỗ đất bằng phẳng rộng lớn vào lúc mặt trời mọc và những cây kiếm của vua phải được rửa vào lúc ấy.” Đức vua truyền lịnh cho các vị quan thực hiện những lời chỉ dẫn của vị tư tế quan.

Hoàng hậu của vua Dighati được thỏa mãn những khao khát của nàng (nhờ sự sắp xếp của vị tư tế quan). Nàng đã thấy quân binh trang bị đầy đủ, đang đứng trên chỗ đất bằng phẳng, rộng lớn và uống nước được dùng để rửa đao kiếm. Này các bhikkhu... nàng đã hạ sanh một bé trai và đặt tên là Dighavu.

Này các bhikkhu... khi hoàng tử Dighavu đến tuổi trưởng thành, vua Dighiti bèn nảy sanh ý nghĩ: “ Vua Brahmadatta của nước Kāsi bấy lâu nay đã làm hại chúng ta, vị ấy đã chiếm lĩnh quân binh, xe ngựa, voi, ngựa, và đất đai của chúng ta bao gồm những khu làng mạc, đã tước đoạt những kho báu và thóc lúa. Vị ấy sẽ giết ba người chúng ta một khi vị ấy biết được chỗ ở của chúng ta. Tốt hơn, đứa con trai Dighavu của chúng ta nên ở ngoài kinh đô để được an toàn. Do đó, vị ấy sắp xếp để Dīghāvu ở tách biệt họ tại một chỗ ở ngoại thành. Này các bhikkhu … Hoàng tử Dighavu đã học nhiều môn nghệ thuật và khoa học của thời bấy giờ trong suốt cuộc đời xa xứ.

Người thợ cạo phản bội

Này các bhikkhu... một người thợ cạo của vua Dighiti nước Kosala được quyền tự do đi đến hoàng cung của vua nước Kasi. Này các bhikkhu... khi người thợ cạo trông thấy vua và hoàng hậu của nước Kosala đang nương náu trong một ngôi nhà cũ kỹ của người thợ gốm, mang tướng mạo những đạo sĩ ở vùng ngoại ô, ông ta đi đến vua Brahmadatta của nước Kasi và tâu lên rằng: “ Tâu bệ hạ…vua Dighiti và hoàng hậu của vị ấy đang nương trú trong một ngôi nhà cũ của người thợ gốm và mang tướng mạo của những đạo sĩ ở vùng ngoại ô của thành phố.” Này các tỳ khưu, vua Brahmadatta đã sai quân binh đi bắt vua và hoàng hậu của nước Kosala. Quân hầu làm theo lịnh truyền.

Này các bhikkhu... vua Brahmadatta đã truyền lịnh quân binh: “ Này các khanh… hãy trói tay vua Dighiti và hoàng hậu của ông ta ra sau lưng thật chắc. Hãy cạo trọc đầu của chúng, đánh trống cho vang trời và dẫn chúng đi từ con đường này đến con đường khác, từ ngã tư đường này đến ngã tư đường khác, hãy đánh đập chúng trên đường đi, và cuối cùng đưa chúng ra khỏi kinh thành ở cổng phía nam và chặt chúng thành bốn mảnh. Xác của chúng phải được quăng đi bốn hướng.” Các đao phủ đã làm theo lịnh truyền của vua Brahmadatta.

Giáo thuyết hòa bình của vua Kosala

Lúc bấy giờ, hoàng tử Dighavu nóng lòng muốn gặp cha mẹ. Hoàng tử tự nghĩ: “ Đã lâu rồi ta chưa gặp cha me của ta, tốt hơn ta nên đi thăm họ ngay bây giờ.” Do đó, hoàng tử đi vào thành phố và đến gặp mặt hai đấng sanh thành bạc mệnh với đôi tay bị trói ngược sau lưng, đầu bị cạo, bị đánh đập khi đi qua các con đường, các ngã tư đường với những tiếng trống vang trời. Hoàng tử vô cùng xúc động và bàng hoàng, đau đớn, nhưng cậu ta vẫn cố gắng đến gần cha mẹ.

Này các bhikkhu... khi vua Dighiti trông thấy con, hoàng tử Dighavu đi đến từ xa, vị ấy nói lên những lời khuyên như nhắm vào con trai của vị ấy.

Này Dighavu con thân… đừng nhìn xa và cũng đừng trông gần. Này con thân Dighavu… sự trả thù không đem lại hạnh phúc.

Này con thân Dighavu… chỉ có sự không oán hận mới đem lại hạnh phúc.

Khi vua Dighiti nói lên những lời khuyên như vậy, các quan hiểu lầm vị ấy và nói rằng :

“Vị vua Dighiti của nước Kosala này đã mất cái đầu của ông ta rồi, con trai Dighavu của ông ta đâu? Ông ta đang nói chuyện với ai mà nói rằng: ‘Này Dighavu con… đừng nhìn xa cũng đừng nhìn gần. Này Dighavu con thân… sự trả thù không đem lại hạnh phúc. Này Dighavu con thân… chỉ có không hận thù mới đem lại hạnh phúc.’ ”

Khi vua Dighiti nghe những lời nhận xét của họ, vị ấy nói rằng: “ Này các ngươi… không phải ta nói ra do mất cái đầu của ta. Thực ra, những người có trí tuệ sẽ hiểu ý nghĩa trong câu nói của ta.”

Vua Dighiti đã nói ra những lời khuyên như vậy đến ba lần và các đao phủ thủ cũng nói lời nhận xét như vậy ba lần. Và vua Dighiti cũng giải thích cho họ biết rằng tâm trạng của vị ấy hoàn toàn tỉnh táo và lời nói của vị ấy các bậc trí tuệ có thể hiểu được, là nhắm đến con trai của vị ấy.

Này các bhikkhu... các đao phủ tiếp tục đánh đập đức vua và hoàng hậu suốt đường đi và cuối cùng dẫn họ ra ngoài thành phố qua cổng phía nam theo lệnh truyền của vua Brahmadatta. Vua Dighiti và hoàng hậu bị chặt thành bốn mảnh và những phần xác của họ bị ném đi bốn hướng. Các đao phủ trở về kinh đô sau khi cắt cử lính gác ở pháp trường.

Sự sắp xếp khôn khéo của hoàng tử Dighavu

Này các bhikkhu... Dighavu vào thành phố rồi đi ra với một ít rượu để đút lót những tên lính canh, và sau khi uống say mèm họ đã lăn ra ngủ li bì. Dighavu chất củi rồi bỏ những phần xác của cha mẹ trên đống củi, đoạn châm lửa hỏa thiêu theo truyền thống. Khi ngọn lửa đang cháy, hoàng tử chấp tay kính cẩn đi quanh đống lửa ba vòng theo chiều bên phải.

Nỗi hoang mang to lớn của vua Brahmadatta

Lúc bấy giờ, vua Brahmadatta đang ở thượng lầu của cung điện, vị ấy trông thấy Dighavu, qua cửa sổ, đang đi quanh hỏa đài ba vòng với tay chấp lại trong tư thế lễ bái. Tức thì vị ấy nghĩ rằng người đàn ông kia phải là một trong những quyến thuộc thân thiết nhất của vua Dighiti và là người có thể sẽ làm điều gì đó chống lại đức vua. Vị ấy bàng hoàng đến nỗi không ai có thể làm gì để vị ấy đừng chú ý đến cảnh tượng ấy.

Hoàng tử Dighavu làm người quản tượng

Này các bhikkhu... Hoàng tử Dighavu đi vào rừng và khóc than thương tiếc cho cái chết của hai đấng sanh thành, khóc một hồi cho đến khi trút cạn nỗi sầu rồi trở lại kinh đô. Cậu ta đến một chuồng voi o gần hoàng cung và xin người quản tượng nhận cậu ta làm người học việc. Yêu cầu của hoàng tử được chấp nhận.

Này các bhikkhu... Hoàng tử Dighavu thường dậy sớm, chơi đàn Beluva và hát những bài ca nghe rất hay tại chuồng voi vào mỗi buổi sáng. Khi nghe giọng hát và tiếng đàn như vậy, vua Brahmadatta hỏi các quan xem người cất lên tiếng hát và chơi đàn vào mỗi sáng sớm là ai. Các quan bèn tâu lại đầy đủ về người đã hát và chơi đàn ấy.

Rồi đức vua truyền lịnh cho gọi chàng trai chơi đàn và có giọng hát rất hay ấy đến.

Hoàng tử được phép tự do đi lại trong hoàng cung

Khi các quan dẫn Dighavu đến trước đức vua, vua hỏi: “ Này gã kia…phải chăng ngươi là người đã hát những bài ca và chơi đàn rất hay tại chuồng voi vào mỗi buổi sáng?” Hoàng tử trả lời bằng sự khẳng định. Rồi đức vua truyền lịnh vị ấy hãy hát và chơi đàn trước mặt đức vua.

Này các bhikkhu... Hoàng tử Dighavu đã hát với tiếng đàn phụ họa. Đức vua rất hoan hỉ với sự trình tấu của Dighavu và truyền lịnh cho phép chàng trai được làm người hầu của đức vua. Hoàng tử bắt tay vào làm phận sự của người hầu phục vụ đức vua. Về sau, vị ấy được tôn phong vào địa vị tín cẩn để đáp lại năm đức tính mà vị ấy đã thể hiện: (1) dậy sớm hơn đức vua, (2) đi ngủ sau đức vua, (3) luôn luôn năng động và sẵn sàng phục vụ, (4) làm tất cả mọi việc để làm hài lòng đức vua (5) có thói quen khéo nói và có ái ngữ.

Hoàng tử Dighavu tôn kính những lời khuyên của cha mình

Này các bhikkhu... Một hôm, vua Brahmadatta truyền lịnh hoàng tử Dighavu đi sửa soạn long xa: “ Này chàng trai…Hãy chuẩn bị xa giá, chúng ta sẽ đi vào rừng nai.” Hoàng tử đáp lại: “ Thưa vâng… Tâu bệ hạ.” Và khi mọi việc đã xong, Dighavu tâu đức vua: “ Tâu bệ hạ… xa giá đã sẵn sàng, xin bệ hạ hãy quyết định khi nào lên đường.” Đức vua khởi sự lên đường đến khu rừng có quân binh theo hầu.

Hoàng tử Dighavu điều khiển xa mã chạy rất nhanh đến nỗi cuối cùng nó bỏ xa đoàn quân binh. Khi xe đã đi đủ xa, vua Brahmadatta truyền lịnh cho hoàng tử Dighavu: “ Này chàng trai… chúng ta đã xa khuất đoàn ngự binh rồi. Ta đã mệt và ngươi hay dừng xe lại để ta nghỉ một lát.” Hoàng tử cho xe dừng lại và ngồi xếp bằng trên đất. Đức vua nằm nghỉ và gối đầu lên đùi của chàng trai, và do mỏi mệt, đức vua ngủ thiếp đi.

Này các bhikkhu... khi đức vua đang ngủ say, tâm của Dighavu bắt đầu làm việc:

“ Vị vua Brahmadatta của nước Kasi này đã làm hại nhiều đến chúng ta. Vị ấy đã dùng vũ lực chiếm lấy quân binh, voi, ngựa, xe, đất đai, của báu và những kho thóc của chúng ta. Chính hắn đã giết chết cha mẹ của ta, cơ hội trả thù hắn giờ đây tự nó đã đến.”

Hoàng tử tuốt kiếm và này các tỳ khưu... và những lời khuyên của phụ vương vị ấy lại trỗi dậy trong tâm trí vị ấy:

“ Này Dighavu con thân… đừng nhìn xa cũng đừng trông gần. Này Dighavu con thân… sự trả thù không đem lại hạnh phúc. Này Dighavu con thân… chỉ có sự không trả thù mới đem lại hạnh phúc.”

Thật không đúng để chống lại lời khuyên của phụ vương ta và tra kiếm trong cái vỏ của nó.

Lần thứ hai rồi đến lần thứ ba, hoàng tử Dighavu tuốt kiếm ra để rửa mối hận đối với kẻ thù xưa và lần thứ hai rồi lần thứ ba vị ấy tra kiếm vào vỏ vì đã nhớ lại lời khuyên của vị ấy.

Rồi Brahmadatta, vua của nước Kasi sợ hãi và hốt hoảng, loạng quạng đứng dậy bất chợt từ giấc ngủ. Nhân đó, hoàng tử Dighavu hỏi vị ấy: “ Tâu bệ hạ… điều gì khiến bệ hạ sợ hãi và hốt hoảng như vậy?” Đức vua đáp lại: “ Này chàng trai…Trẫm đã mơ thấy rằng trẫm đang bỏ chạy bán sống bán chết vì sợ con trai của vua Kosala đang cầm cây gươm bén đuổi theo trẫm.”

Này các bhikkhu... rồi hoàng tử Dighavu tay trái cầm đầu của vua Brahmadatta và tay phải tuốt kiếm ra và nói rằng: “ Tâu bệ hạ…Con trai của vua Kosala chẳng ai khác ngoài chính tôi đây. Bệ hạ đã gây nhiều tổn hại cho chúng tôi. Bệ hạ đã dùng sức mạnh chiếm đoạt quân binh, voi, ngựa, xe, của báu và những kho thóc và đất đai của chúng tôi. Chính bệ hạ đã giết chết phụ vương và mẫu hậu của tôi. Bây giờ tới phiên tôi trả thù bệ hạ.”

Rồi vua Brahmadatta gục đầu dưới hai bàn chân của hoàng tử Dighavu và khẩn nài vị ấy xin tha mạng: “ Này con thân Dighavu… hãy tha mạng cho ta.” Như vậy, vị ấy đã ba lần xin tha mạng. Rồi hoàng tử đáp lại: “Làm sao tôi có thể tha mạng cho bệ hạ! Chính bệ hạ là người nên tha mạng cho tôi!” “ Thôi được, này Dighavu, người tha mạng cho trẫm và trẫm sẽ tha mạng cho ngươi!”

Này các tỳ khưu... vua Brahmadatta của nước Kasi và hoàng tử Dighavu đã tha mạng cho nhau, và họ nắm tay nhau. Họ thề không làm hại lẫn nhau. Rồi đức vua bảo Dighavu: “ Này con thân… hãy thắng ách xe vào ngựa và chúng ta hãy trở về.” Hoàng tử nói: “ Thưa vâng, tâu bệ hạ.” Khi mọi việc đã sẵn sàng, hoàng tử chờ lệnh đức vua để lên đường trở về kinh đô.

Đức vua trở về

Này các bhikkhu … khi đức vua bước lên long xa, hoàng tử Dighavu đánh xe đi với tốc độ rất nhanh và chẳng bao lâu đã đuổi kịp đoàn quân hộ tống. Khi ấy vua Brahmadatta của nước Kasi với đoàn quân hộ tống trở về kinh độ. Khi đến tại hoàng cung, đức vua cho triệu tập các quan và nói với họ rằng: “ Này các khanh… các khanh sẽ làm gì nếu Dighavu, con trai của vua Kosala có thể được tìm thấy bây giờ?”

Khi ấy, một số vị quan nói rằng: “ Chúng thần sẽ chặt tay của hắn.” Số khác thì nói rằng: “ Chúng thần sẽ chặt chân của hắn.” Và số khác thì nói: “ Chúng thần sẽ chặt chân tay… tai và mũi của hắn; chúng thần sẽ chặt đầu của hắn.”

Đức vua chỉ ngón tay của vị ấy và nói rằng: “ Đây là hoàng tử Dighavu, con trai của vua Dighiti của nước Kosalas, không ai được phép làm hại cậu ta. Cũng như vị ấy đã tha mạng cho ta, cũng vậy ta đã tha mạng cho vị ấy.”

Vua Brahmadatta của nước Kasi đã công bố như vậy.

Giáo lý hòa bình của hoàng tử Dighavu

Rồi vua Brahmadatta của nước Kasi hỏi hoàng tử Dighavu: ‘Này con… Cha của con chắc chắn đã để lại bốn lời khuyên Này con thân… đừng nhìn xa cũng đừng nhìn gần! Trả thù không đem lại hòa bình. Không trả thù mới đem lại hòa bình.

Này Dighavu con… Cha của con muốn ám chỉ điều gì trong những lời khuyên ấy?

Để đáp lại câu hỏi của đức vua, hoàng tử Dighavu trả lời như sau:

(1) Tâu bệ hạ… cha của con đã khuyên con: “ Đừng nhìn xa.” Câu này nên hiểu là “ không nên thù địch với người khác dù bao lâu chăng nữa.”

(2) Tâu bệ hạ… Cha của con đã khuyên con: “ Đừng nhìn gần,” nghĩa là : “ Đừng rút ngắn thời gian thân ái mà phải tăng cường và duy trì lâu dài tình thân ái.”

(3) và (4) Tâu bệ hạ… Cha của con đã khuyên con: “ Này con thân… Sự trả thù không thể làm chấm dứt hận thù. Con chỉ có thể diệt hận thù bằng sự không trả thù.”

Tâu bệ hạ, nếu con giết bệ hạ để trả thù cho cha mẹ của con, thì những người trung thành với bệ hạ sẽ tìm cách giết con. Làm như vậy sẽ không kết thúc sự thù qua oán lại giữa những người theo phe bệ hạ và những người theo phe con, và chuỗi dài thù hận sẽ tiếp diễn mãi mãi!

Như vậy, hoàng tử Dighavu đã giải thích ý nghĩa đằng sau lời khuyên của cha vị ấy về sự chấm dứt thù hận.

Về vấn đề này, các bậc trí tuệ thuở xưa cũng đã truyền lại bốn câu huấn thị như sau:

1. Không nên kéo dài nguyên nhân của sự thù địch.

2.n style="font:7.0pt "Times New Roman""> Không nên rút ngắn thời gian thân ái.

3. Sự thân ái diệt tắt thù hận.

4. Thù hận mở đường hận thù.

Hoàng tử Dighavu lấy lại vương quốc của vua cha

Này các bhikkhu… khi hoàng tử Dighavu giải thích ý nghĩa chính trong lời khuyên của vua cha, vua Brahmadatta của nước Kasi nói rằng: “ Này các khanh… kỳ diệu thay. Điều kỳ diệu như vậy chưa bao giờ xảy ra trước kia. Vị hoàng tử Dighavu này rất thông minh giải thích cho chúng ta hiểu ý nghĩa trong lời khuyên của phụ vương vị ấy một cách ngắn gọn!” Như vậy vua của nước Kosala đã tán dương hoàng tử Dighavu và chính thức trao trả tất cả mọi thứ mà vua Kosala đã sở hữu bao gồm: quân binh, voi, ngựa, xe, đất đai, của báu và kho thóc, và trên hết, đức vua bèn gả công chúa của vị ấy cho hoàng tử Dighavu.

Lời khuyến giáo của Đức Phật

“ Này các bhikkhu... qua câu chuyện trên, có thể thấy rằng, ngay cả những vị vua có binh lực hùng mạnh cũng đi đến quan hệ thân thiết do sự nhẫn nại và tánh ân cần! Này các bhikkhu... khi những người như các ngươi, vốn đã là những thành viên của Tăng đoàn trong giáo pháp của Như Lai có tính chất thiện ở phần đầu, thiện ở phần giữa và thiện ở phần cuối, mà không thể tha thứ và cư xử thân ái với nhau, làm sao các ngươi có thể giữ gìn sự tôn nghiêm và duy trì thánh thiện và thanh tịnh của giáo pháp Như Lai!” Rồi Đức Phật lập lại lời khuyến giáo của Ngài lần thứ ba: “ Này các bhikkhu... việc các ngươi tranh cãi, chiến đấu và chống đối lẫn nhau thật hoàn toàn không thích hợp và không đúng lẽ đạo. Thôi đủ rồi! Đừng tranh cãi nữa, đừng chống đối nhau nữa!” Nghe qua lời khuyến giáo này, vị bhikkhu thuộc nhóm bị treo trả lời Đức Phật như trước: “ Bạch Đức Thế Tôn… Xin Đấng Pháp vương hãy chờ đợi. Xin Thế Tôn hãy đứng ngoài sự việc, hãy trú trong sự an lạc của hiện tại, chúng con sẽ chịu trách nhiệm về sự bất hòa, những sự xung đột, cải vã này.” Rồi Đức Phật suy xét: “ Những con người vô ích này (không có hy vọng thành đạt đạo quả) thực sự không thể cải sửa được. Thật không dễ dàng để làm cho họ hồi tỉnh lại.” Rồi Ngài ra đi khỏi chỗ ấy.

Kết thúc câu chuyện về Dighavu

(Câu chuyện này đã được biên soạn từ bộ Vinaya Mahāvagga, Kosambi Kakkhandhaka. Muốn biết thêm chi tiết, xin hãy tham khảo các bổn sanh Dighiti Kosala Jātaka và Kosambiha Jātaka, thuộc Pañcaka Nipāta).

Mười câu kệ khuyến giáo

Đức Phật đi vào Kosambi vào lúc sáng sớm để khất thực và sau khi thọ thực xong, Ngài trở về tịnh xá. Rồi Đức Phật sắp xếp chỗ ngụ của Ngài sạch sẽ gọn gàng và mang y bát, Ngài đứng giữa các vị bhikkhu và nói lên mười khuyến giáo kệ sau đây:

Puthusaddo Samajano, Na bālo koci mañtha, Sangasamin bhijja mānasmiṃ, Nānan bhiyo amannayuṃ.

Những bhikkhu này, miệng hôi hám và có hành vi khiếm nhã, ăn nói cộc cằn; họ cùng loại với những người có tâm bất tịnh; không có ai trong bọn họ biết được tánh điên rồ của mình. Hơn hết, không ai trong những vị bhikkhu này nhận ra rằng sự chia rẽ Tăng do bởi hành vi của vị ấy.

Parinmuthā paṇḍitabhāsā,

vācāgocara bhāṇino. Yāvicchanti mukhāyāmaṃ,

yena nītā na taṃ vidā.

Những vị bhikkhu ấy, miệng hôi hám và cử chỉ thô lỗ, bị mê mờ, bị hút vào những cuộc cãi vã và đấm đá dưới tướng mạo của những bậc trí tuệ.

Họ mở miệng và thốt ra những lời chửi mắng mà không có cảm giác xấu hổ và ghê sợ (không ai trong họ giữ im lặng vì sự quan tâm và tôn kính chúng Tăng). Họ không biết sự thật rằng những hành vi cải vả và công kích lẫn nhau như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng xấu hổ. Họ không biết rằng sự sân hận sẽ dẫn dắt họ gây ra những hành vi đáng xấu hổ.

Akkocchimaṃ avadhi maṃ,

ajinimaṃ ahāsi me.

Ye ca taṃ upanayhanti

veraṃ tesaṃ na sammati.

Nếu ngươi nuôi dưỡng thù hận đối với người đã chửi mắng các ngươi, đã hành hạ các ngươi, đã đàn áp các ngươi, đã tướt đoạt tài sản của các ngươi; và nếu ngươi không giữ tâm nhẫn nại đối với kẻ xâm phạm ấy để được hòa bình và an tịnh thì ngọn lửa hận thù sẽ không tắt, mà nó sẽ tiếp tục bùng cháy đến thời kỳ tan rã của thế giới.

Akkocchi maṃ avadhi maṃ ajinimaṃ ahāsi me

Ye ca taṃ nupanayhanti veraṃ tesūpasammati.

Nếu ngươi không nuôi dưỡng thù hận đối với người đã chửi mắng ngươi, đã tước đoạt tài sản của ngươi, do nhẫn nại và sự bình thản, ngọn lửa thù hận chắc chắn sẽ lụi tàn vì không còn nhiên liệu mới!

Na hi verena verāni sammantīdha kudācanaṃ, Averena ca sammati,

esa dhammo sanantano.

Trong thế gian này, ngọn lửa hận thù không thể được dập tắt bởi sự thù hận. Dùng vật thối không thể tẩy sạch mùi hôi! Phân thối chỉ có thể dùng nước sạch mà tẩy đi. Cũng vậy, ngọn lửa thù hận chỉ có thể được dập tắt và thanh bình trở lại chỉ bằng sự nhẫn nại và từ ái. Đây là con đường mà chư Phật Toàn giác đã đi qua và chư Độc giác Phật đã đi theo.

Pare ca na vijānanti, mayamettha yamāmase. Ye ca tattha vijānanti, tatho sammanti medhagā.

Trong số những chúng bhikkhu, những bhikkhu thiếu trí và hay cải vả vô minh không biết rằng họ đang bước đến vương quốc của Thần chết, theo bánh xe của thời gian! Trong khi đó những vị bhikkhu có trí và cẩn trọng thì hiểu rõ rằng tất cả các pháp hữu vi đang đi đến gần hơn với nanh vuốt của thần chết theo dòng trôi chảy của thời gian. Nhờ thế mà tranh cãi và xung đột được diệt tắt và hòa bình, thanh tịnh hiện diện.

Aṭhicchinnā pāṇaharā, gavāssadhanahārino. Raṭhaṇ vihimpamānānaṃ, tesampi hoti sañgati, kasmā tumhā ka no siyā.

Khi tình thân ái có thể được nuôi dưỡng và thanh tịnh được thành lập bằng phương tiện hòa giải, giữa những vị vua mà trước kia đã nhẫn tâm đập nát xương và chặt đứt các chi phần trên thân thể của cha mẹ chúng ta, giết chết họ, lại tước đoạt gia súc của cải và những thứ sở hữu của cha mẹ chúng ta bằng bạo lực. Chính Như Lai cũng không nghĩ rằng tại sao những vị bhikkhu các ngươi, những đứa con trai đáng yêu của Như Lai, lại không thể giữ tình huynh đệ với nhau, và tái lập trạng thái thanh tịnh và bền vững trong các người! Đó là vấn đề có thể giải quyết được.

Sace labhetha nipakaṃ sahāyaṃ, Saddhiṃ caraṃ sādhuvivahāri dhīraṃ. Abhibuyya sabbāni parissayāni, Careyya tenatthamano satīmā.

Khi một người có chánh niệm có được người bạn trong pháp, là bậc đã thành tựu ba học pháp, điềm đạm, cẩn thận và có trí tuệ. Người ấy nên vui thích trong việc thân giao với bậc trí tuệ như vậy, và nên cố gắng để đánh bại những kẻ thù bên ngoài như voi, cọp, beo, và trừ diệt những kẻ thù bên trong như tham, sân và si, sống cuộc đời Sa-môn để tầm cầu chân lý.

No ce labhetha nipakaṃ sahāyaṃ saddhiṃ caraṃ sadhuvihāri dhīraṃ Rājāva raṭṭhaṃ vijitaṃ pahāya

eko care mataṅgaraññeva nago.

Nếu một người có chánh niệm không có người bạn trong pháp, là bậc đã thành tựu ba học pháp, điềm đạm, cẩn thận và có trí tuệ thì người ấy nên cố gắng tầm cầu chân lý tối thượng một mình bằng đời sống Sa-môn, giống như cách các vị chuyển luân xưa thoái vị, từ bỏ vương quốc và xuất ly thế gian, như Maha Janaka và Arindama, hay như con voi chúa Matanga sống một mình đơn độc trong rừng sâu.

Ekassa caritaṁ seyyo, nathi bāle sahāyathā.

Eko care na ca pāpāni kariyā,

appossukko mātaṅgaraññeva nāgo.

Đi đó đây một mình, sống cuộc đời Sa-môn, và cố gắng thành đạt chân lý tối thượng đáng ca ngợi, đáng ngưỡng mộ. Không thể nào có được đức tin và tuệ quán hay sự phát triển giới, định và tuệ khi sống chung với những kẻ si mê thấp kém. Người ấy nên một mình phấn đấu để thành đạt mục tiêu tối thượng, như voi chúa rảo đi một mình trong rừng không quan tâm đến thế gian! Không nên làm các điều ác.

Đức Phật dùng mười câu kệ để thuyết thời pháp này trong khi đang đứng giữa hội chúng bhikkhu, sau đó Đức Phật một mình đi đến ngôi làng Balakalonaka.

KẾT THÚC CHƯƠNG 27

TRƯỞNG GIẢ GHOSAKA CỦA NƯỚC KOSAMBI

Hết cuốn 3 của bộ Mahā Buddhavaṃsa


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]