THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 3
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 3] [Tiếp theo]


CHƯƠNG 26

HẠ THỨ TÁM CỦA ĐỨC PHẬT TẠI THỊ TRẤN

SUSUMARAGIRA

Như đã giải thích ở trên, Đức Phật trải qua mùa an cư thứ bảy ở cõi Tāvatiṃsa, trên tảng đá bằng ngọc lục bảo và thuyết giảng Abhidhamma suốt mùa an cư (vassa). Vào lúc kết thúc mùa an cư, Đức Phật bước xuống cõi nhân loại bằng ba cầu thang kề nhau và thuyết bài kinh Sāriputta Sutta, v.v… tại chân cầu thang gần cổng thành Sankassa, để đem lại lợi ích cho nhân loại, chư thiên và Phạm thiên có mặt lúc bấy giờ. Rồi Đức Phật vào mùa an cư thứ tám tại khu rừng Bhesakala, gần thị trấn Susumaragira, thuộc tỉnh Bagga.

(Xứ Bagga, nơi Đức Phật trải qua mùa mưa thứ tám, là một trong mười sáu nước của Trung độ ( khu vực trung tâm của địa cầu – Majjhima desa). Susumaragira là tên của một con cá sấu khổng lồ đã phát ra tiếng kêu vào lúc đặt viên đá nền của thị trấn. Khu rừng nơi mà Đức Phật trải qua mùa an cư thứ tám được đặt theo tên của một địa điểm, mà một thời là chỗ ngụ của một dạ xoa tên là Bhesaka. Khu rừng ấy là thánh địa).

Trưởng giả Nakulapitu và vợ chứng đắc quả thánh Nhập lưu

(Sotāpatti)

Lúc bấy giờ khi Đức Phật đang ngụ cùng với chúng tỳ khưu trong khu rừng Bhesakala, gần Susumaragira, trưởng giả Nakulapitu và vợ Nakulamatu đi theo đoàn chiêm bái của thị trấn đến đảnh lễ Đức Phật và nghe pháp. Khi lần đầu tiên trông thấy Đức Phật, hai vợ chồng trưởng giả nhận rằng Ngài là con trai của họ. Họ đi đến và nói rằng: “ Con yêu ơi… Con đã đi đâu trong một thời gian dài như vậy sau khi bỏ lại chúng ta, là cha mẹ của con? ” (tựa như họ đang nhắc lại những biến cố của cùng kiếp sống, với cảm giác vui hờn lẫn lộn đối với đứa con trai ruột của họ).

(Chú thích: Nakulapitu là cha hoặc chú, hoặc bác hoặc cậu của Đức Phật ở mỗi kiếp trong năm trăm kiếp quá khứ. Cũng thế, vợ của ông ta là mẹ hoặc cô dì của Đức Phật ở mỗi kiếp trong năm trăm kiếp quá khứ. (Tình cảm làm mẹ và làm cha của họ đối với Đức Phật, đã tiềm ẩn trong thời gian rất lâu, đã sản sanh ý niệm cho rằng Đức Phật là người con trai đã xa vắng rất lâu của họ).

Đức Phật chờ đợi cho đến khi hai vợ chồng ông trưởng giả trở lại trạng thái thăng bằng của tâm, rồi Ngài thuyết pháp đến họ và an trú họ trong quả thánh Dự lưu (sotāpatti) (Xem bộ Chú giải Aṅguttara).

(Câu chuyện về trưởng giả Nakulapitu và vợ của ông ta sẽ được nêu lại ở chương Tăng bảo).

Câu chuyện về Thái tử Boddhi

Câu chuyện về Thái tử Bodhi được nêu ra ở đây dựa theo hai chuyên luận, đó là Chú giải Majjhima Paññāsa về bài kinh Bodhi Raja Kumāra và Chú giải Kinh Pháp Cú, cuốn 12, Atta Vagga về Bodhi Raja Kumāra.)

Thái tử Bodhi là con trai của vua Udena. Vị ấy học môn điều phục voi và sử dụng cái kích voi (móc sắt) do phụ vương truyền cho. Vị ấy trở thành tay thiện xảo trong việc huấn luyện voi. (Câu chuyện được nêu ra ở đây dưới dạng tóm tắt. Muốn biết đầy đủ chi tiết xin hãy tham khảo bộ Chú giải Pháp cú được dịch do Đại trưởng lão Canda Joti).

Dưới triều đại của vua Parantapa, nước Kosambi, vào một hôm nọ, hoàng hậu tắm nắng cùng với Đức vua ở ngoài trời. Nàng đang ở thời kỳ sắp sanh con và đang khoác trên người tấm chăn màu đỏ. Thình lình một con chim khổng lồ sà xuống quắp lấy hoàng hậu rồi tha đi tưởng lầm đó là miếng thịt. Hoàng hậu sợ con chim sẽ thả nàng xuống tan xác nên kêu cứu inh ỏi trong tuyệt vọng.

Con chim thả nàng xuống trên một nhánh cây, là nơi nó thường ăn mồi sau khi tha về từ nơi khác. Khi hoàng hậu vừa hét vừa vỗ tay, kết quả là con chim bay đi vì sợ hãi. Hoàng hậu hạ sanh đứa bé ở trên nhánh cây ấy. Nàng tiếp tục khoác vào người tấm chăn màu đỏ vì mưa rào suốt đêm.

Có một ẩn sĩ sống ở trong khu vực ấy. Ẩn sĩ đi đến cội cây ấy vào lúc sáng sớm vì đêm hôm đã nghe tiếng kêu cứu của hoàng hậu và hỏi nàng thuộc dòng dõi nào. Khi biết rõ mọi chuyện, vị ấy làm một cái thang để nàng đi xuống và đưa nàng về ẩn xá của vị ấy. Đứa bé được đặt tên là Udena vì vị ấy sinh ra trong môi trường mưa gió ẩm ướt và vùng núi rừng.

Một hôm nọ, khi hoàng hậu ra đón ẩn sĩ trở về từ trong rừng, nàng cho ẩn sĩ xem những chỗ hấp dẫn của nữ giới trên người nàng vì lo lắng cho tương lai của nàng. Thế là hai người sống với nhau như đôi vợ chồng. Năm tháng trôi qua và vua Parantapa của nước Kosampi băng hà. Người đàn ông làm ẩn sĩ trước kia ấy biết được sự băng hà của đức vua qua kiến thức về chiêm tinh của ông ta và báo cho hoàng hậu biết rằng: “ Đức vua của nàng đã băng hà rồi. Bây giờ nàng muốn con trai của nàng tiếp tục ở lại trong khu rừng này hay trở về Kosambi để kế thừa ngôi vị của vua cha?” Hoàng hậu đã dạy cho con trai làm quen với cách sống của một vị vua và sau khi biết chắc ước muốn của con trai là trở thành một vị vua, nàng kể lại vấn đề với người chồng mới.

Vị ẩn sĩ rành mạch về câu chú có năng lực sai khiến được voi. Vị ấy học được câu thần chú từ Sakka. Một hôm Sakka đến và hỏi ẩn sĩ: “ Có điều gì làm cho người cảm thấy lo sợ không ?” Ẩn sĩ đáp lại: “Thưa có… Chúng tôi đã phải đối mặt với nguy hiểm từ những con voi.” Nhân đó, Sakka dạy cho vị ấy những câu thần chú và cho vị ấy một cây đàn để khắc phục điều khó khăn trên. Sakka cho lời chỉ dẫn rằng khi nào ẩn sĩ muốn những con voi bỏ đi, vị ấy nên gảy đàn theo cách như thế và đọc câu chú nọ. Khi ẩn sĩ muốn những con voi đến với vị ấy, vị ấy nên đánh đàn theo một cách khác và đọc một câu kệ khác. Ẩn sĩ dạy hoàng tử cách đánh đàn và đọc những câu thần chú trong trường hợp khẩn cấp. Hoàng tử leo lên một cây đa để xem sự linh nghiệm của thần chú. Khi vị ấy trông thấy những con voi đến với vị ấy, vị ấy đánh một bản nhạc từ cây đàn và đọc lên câu chú thích hợp và kỳ diệu thay, những con voi đã bỏ chạy do sợ hãi.

Vào ngày hôm sau, vị ấy khiến những con voi đi đến bằng cách đánh đàn và đọc câu thần chú mà vị ấy đã học được. Những con voi chạy đến với vị ấy để làm theo mệnh lệnh của vị ấy. Con voi chúa hạ mình xuống để hoàng tử bước lên. Khi cỡi trên lưng con voi chúa, hoàng tử chọn những con voi to lớn, mạnh khỏe trẻ trung, có khả năng tham gia vào trận chiến. Vị ấy xin mẹ trao cho tấm chăn màu đỏ và chiếc nhẫn của bà để làm bằng chứng về dòng dõi đế vương của mình. Rồi sau khi đảnh lễ cha mẹ, vị ấy lên đường ra khỏi khu rừng. Vị ấy dừng lại ở mỗi ngôi làng để chiêu nạp binh mã bằng cách công bố rằng “ Ta là con trai hợp pháp của vua Parantapa. Ai muốn tài sản và địa vị thì hãy theo ta.” Khi bao vây kinh thành bằng quân binh của vị ấy, hoàng tử đòi được kế thừa ngôi vị của vua cha: “ Ta là đứa con hợp pháp của vua Parantapa. Hãy trao ngai vàng cho người thừa kế hợp pháp.” Để chứng minh yêu sách trên, hoàng tử đưa ra tấm chăn màu đỏ và chiếc nhẫn của hoàng hậu cho những người còn hồ nghi thân phận của vị ấy xem. Bằng cách này, hoàng tử bước lên ngài vàng mà không gặp chướng ngại nào. Udena rất thích đi bắt voi. Hễ nghe đâu có xuất hiện những con voi quý là vị ấy đến đó bắt chúng đem về hoàng cung.

Vua Candapajjota, địch thủ của Udena, muốn học nghệ thuật sai khiến voi từ vua Udena, vị ấy sai thợ làm một con voi giả bằng gỗ và bố thí một số binh sĩ tinh nhuệ ở bên trong con voi giả dùng làm cái bẫy để bắt vua Udena khi vị ấy đi ra để bắt những con voi. Kế hoạch của vua Candapajjota đã thành công và Udena bị bắt. Vua Candapajjota đưa đứa con gái Vasuladatta đến Udena để học nghệ thuật sai khiến voi và cuối cùng hai người đã yêu nhau. Vua Udena chạy trốn cùng với công chúa Vasuladatta và sống ở thị trấn Susumaragira trong tỉnh Bagga. Công chúa Vasuladatta hạ sanh hoàng tử Bodhi, vị hoàng tử này đã học nghệ thuật sai khiến voi từ vua cha là Udena và trở thành người thiện xảo về môn ấy.

Thái tử Boddhi cho người xây dựng cung điện Kokanda

Hoàng tử Bodhi cho xây dựng cung điện với mái có tháp nhọn mang tên là Kokanda. Tháp nhọn có hình thể lạ kỳ và đặc biệt và được mọi người ngưỡng mộ. Hoàng tử hỏi vị kiến trúc sư: “ Ngươi có xây dựng tháp nhọn tương tự ở chỗ nào khác chưa hay nó là tác phẩm đầu tiên của ngươi ?” Ông ta đáp lại: “ Tâu bệ hạ… Đây là tác phẩm đầu tiên mà hạ thần đã tạo ra.” Nhân đó, thái tử Bodhi lấy làm lo lắng với ý nghĩ rằng: “ Nếu ông thợ mộc này xây dựng một lâu đài tháp nhọn cho một người khác thì cung điện của ta sẽ không còn là tác phẩm khiến mọi người kinh ngạc và trầm trồ khen ngợi.” Một ý nghĩ hiểm độc đi vào đầu óc của vị ấy là giết chết vị kiến trúc sư và những người khác có cung điện tương tự, được xây dựng dành cho họ. Vị ấy đang nghĩ cách thủ tiêu người thợ xây dựng bằng cách giết hoặc chặt tay chân hoặc móc mắt vị ấy.

Có lần nọ thái tử Bodhi tình cờ tiết lộ ý đồ độc ác của vị ấy với một trong những người bạn thân thời thơ ấu của vị ấy, đó là vị quan tên Sanjikaputta, người này có tánh thương người và cẩn thận. Sanjikaputta biết thái tử Bodhi muốn làm gì, ông ta hoàn toàn chống lại ý đồ làm hại bậc đại tài vô tội như vậy. Ông ta quyết định ngăn chặn tai họa sắp xảy ra và vì vậy ông ta đi đến người thợ mộc và hỏi rằng: “ Ông đã làm xong công trình xây dựng cung điện tháp nhọn cho thái tử Bodhi chưa hoặc có điều gì vẫn chưa xong không ?” Khi người thợ mộc trả lời rằng: “ Đã xong tất cả rồi.” Sanjikaputta bèn báo cho ông ta biết rằng: “ Thái tử Bodhi muốn hại ông đấy. Hãy cẩn thận mà lo cho sự an toàn của ông !”

Người thợ mộc bậc thầy nói những lời tri ân rằng: “ Kính thưa ngài… qua những lời nhắc nhở ân cần như vậy, ngài quả thật là vị cứu tinh của tôi.” Và ông ta nói với Sanjikaputta rằng: “ Tôi sẽ làm tất cả mọi chuyện trong mọi tình huống.” Khi Thái tử Bodhi hỏi ông ta rằng: “ Này ông thợ mộc đại tài… Có điều gì cần phải làm để hoàn tất cái tháp nhọn không ?” “ Tâu bệ hạ, vẫn chưa xong, còn nhiều việc cần phải làm,” là câu trả của người thợ mộc. Nhân đó thái tử hỏi: “Còn việc gì nữa ?” Người thợ mộc đáp lại: “ Tâu bệ hạ… Những chi tiết sẽ được trình lên sau. Bây giờ xin hãy cung cấp gỗ cần thiết cho hạ thần.” Thái tử hỏi tiếp: “ Ngươi muốn trẫm cung cấp loại gỗ gì ?” “ Tâu bệ hạ, chỉ cần loại gỗ nhẹ và khô,” là câu trả lời. Thái tử không nghi ngờ điều gì đã cung cấp cho ông ta loại gỗ nhẹ và khô theo như yêu cầu.

Người thợ mộc bậc thầy còn yêu cầu với thái tử rằng: “ Tâu bệ hạ…Trong lúc hạ thần đang mải mê làm việc, xin bệ hạ đừng đến chỗ làm việc của hạ thần, vì loại công việc mà hạ thần sắp làm rất khó khăn và phức tạp nên hạ thần sẽ không có thì giờ nhàn rỗi để tiếp chuyện với bất cứ ai, ngoại trừ vợ của hạ thần, người làm công việc đem cơm nước đến cho hạ thần.” Vị thái tử đồng ý và nói rằng “Tốt lắm.”

Người thợ mộc bậc thầy ở lại trong phòng làm việc và cưa đẽo gỗ mềm theo kích thước và làm nên một ‘Phương tiện bay’ có hình thù con chim đại bàng Garuda. Khi con chim gỗ được làm xong, ông ta bảo vợ chuyển tất cả tài sản thành ngân lượng và châu báu và mọi người đều ở trong trạng thái sẵn sàng. Thái tử Bodhi bố trí những đội quân bao vây chỗ làm việc của ông thợ mộc bậc thầy. Khi mọi việc đã sẵn sàng, người thợ mộc bậc thầy cho gia đình tập trung ở xưởng làm việc và sau khi ăn điểm tâm xong, họ đi vào bên trong con chim gỗ, và bay đi. Ngay khi lính ngự lâm đang tâu trình với thái tử rằng: “Tâu bệ hạ…Người thợ mộc bậc thầy đã đi rồi,” thì người thợ mộc và gia đình của ông ta đi xuống trong một vùng đất của dãy Hi-mã-lạp-sơn và định cư nơi đó. Về sau chỗ định cư mới phát triển thành kinh đô và người thợ mộc bậc thầy lên ngôi vua trị vì lãnh thổ ấy. Ông được mọi người biết đến là vua Katha Vahana.

Lễ khánh thành cung điện tháp nhọn của thái tử Bodhi

Thái tử Bodhi quyết định thỉnh Đức Phật và chúng Tăng đến dự lễ khánh thành cung điện của vị ấy. Thế nên, vị ấy cho người trang hoàng cung điện và rải đầy bột thơm. Rồi thái tử cho trải tấm thảm màu trắng từ bậc thang thấp nhất của cung điện. (Thái tử không có con. Vị ấy nghĩ rằng nếu Đức Phật bước lên tấm thảm thì vị ấy sẽ có cơ hội có con trai hoặc con gái, bằng ngược lại thì không. Đó là lý do khiến vị ấy cho trải tấm thảm màu trắng).

Khi Đức Phật đến tại cửa của cung điện, thái tử đảnh lễ Đức Phật theo đúng truyền thống và nhận lấy bát bằng cả hai tay mà bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn …Xin thỉnh Thế Tôn vào.” Nhưng Đức Thế Tôn không đi vào cung điện. Thái tử thỉnh cầu Đức Thế Tôn ba lần. Đến lần thứ ba, Đức Phật quay người và nhìn vào đại đức Ānanda khiến đại đức biết được rằng Đức Phật không muốn bước lên tấm thảm trắng. Do đó, đại đức quay sang thái tử và yêu cầu vị ấy lấy đi tấm thảm trắng vì Đức Phật không muốn giẫm lên nó.

(Những sự kiện liên quan đến mục đích trải tấm thảm trắng của thái tử Bodhi và việc Đức Phật từ chối không bước lên nó được trình bày đầy đủ trong chú giải Trung bộ. Đây chỉ là bài tóm lượt ).

Mục đích của thái tử Bodhi là: Vị ấy không có con. Vị ấy nghe rằng nếu người dâng cúng những vật thí quý báu đến Đức Phật thì sẽ được những quả phước thích hợp. Vị ấy nguyện mình sẽ có con nếu Đức Phật bước lên tấm thảm trắng, bằng ngược lại thì không.

Nghiệp quá khứ của thái tử Bodhi

Trong một kiếp quá khứ nọ thái tử là một người sống trên một đảo nhỏ. Vị ấy có vợ cùng cảnh ngộ và hai người sống qua ngày bằng cách giết những chim non để ăn thịt. Nếu thái tử lấy một người vợ ngoài người vợ trước kia của vị ấy như vừa mô tả, thì vị ấy có cơ may có con. Vì cả hai vợ chồng đã cộng nghiệp trong việc giết chết những con chim non trong kiếp quá khứ, nên cả hai cùng chịu hậu quả tội lỗi giết những con chim non, Đức Phật biết rõ tất cả điều này và vì thế Ngài đã từ chối không bước lên tấm thảm trắng được cố ý trải ra trong dịp ấy.

Còn có một số điểm khác cần suy xét ở đây:

(1) Thái tử không có con do nghiệp quá khứ ngăn cản, và không điều gì có thể can thiệp vào quá trình nhân quả báo ứng, cho dù Đức Phật bước lên tấm thảm, do thái tử trải ra với ý nghĩ sai lầm. Do vô minh, vị ấy có thể tạo thêm lỗi lầm mới bằng cách nghĩ rằng, không gì không thể đạt được bằng cách cúng dường đến Đức Phật vì có câu châm ngôn rằng: “ Mọi sự cúng dường đến Đức Phật đều đem lại quả phước như ý nguyện.” Vị ấy có thể có những ý nghĩ sai lầm khác về vấn đề ấy.

(2) Nếu làm như vậy thì ngoại đạo sẽ có cơ hội để chỉ trích rằng:“ Những vị tỳ khưu ấy đang đi đến nơi này chỗ kia và giẫm lên những tấm thảm trắng và không có điều gì mà họ không dám làm.”

(3) Trong số những vị tỳ khưu mà có thể đã có lúc giẫm lên những tấm thảm trắng trong khi Đức Phật còn tại tiền, có những vị tỳ khưu có đầy đủ các thắng trí có thể biết được tâm của mọi người. Những vị tỳ khưu như vậy sẽ giẫm lên những tấm thảm, khi nào chúng đáng được giẫm lên! Họ sẽ từ chối không làm như vậy khi hoàn cảnh không cho phép. Một khi Đức Phật đã viên tịch rồi, thì cơ hội chứng đắc đạo quả kèm theo thắng trí biết về tương lai sẽ hiếm hoi dành cho chúng sanh.

Một khi họ không có khả năng biết về tương lai, thì họ không thể quyết định liệu việc giẫm lên tấm thảm trắng có đem lại lợi ích hay không. Sẽ tốt thay nếu họ có đầy đủ khả năng biết về tương lai để quyết định khi cần thiết. Nếu không, hàng thiện nam tín nữ có thể mang ý nghĩ rằng: “ Trong thời của Đức Phật, việc cúng duờng đến chư Tăng chắc chắn sẽ làm thành tựu ước nguyện của họ, nhưng trong thời của chúng ta, sự cúng dường đến các vị tỳ khưu chẳng phát sanh điều gì. Có lẽ ngày nay họ không chuyên tâm hành đạo.” Ý nghĩ như vậy có thể làm cho họ không vui.

Chính vì những lý do này mà Đức Phật đã không bước trên tấm thảm trắng và đại đức Ānanda cũng đã giải thích là: “Đức Phật không bước trên tấm thảm trắng vì những sự thực đã được giải thích ở trên và vì sự quan tâm đến các vị tỳ khưu về sau, như đã được nhấn mạnh ở điểm (3).”

Thái tử cho người lấy đi tấm thảm trắng và cung rước Đức Phật vào cung điện rồi dâng cúng đến Ngài món cơm dẻo, vật thực thượng vị loại cứng và mềm. Khi Đức Phật đã thọ thực xong, thái tử bạch với Ngài rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, con có ý nghĩ rằng trạng thái an lạc và thanh tịnh chỉ có thể đạt được bằng sự tinh tấn mạnh mẽ.” Rồi Đức Phật đáp lại: “ Thưa thái tử… Như Lai cũng đã có ý nghĩ như vậy khi Như Lai còn là Bồ tát.” Và kể lại cho thái tử nghe về cuộc đời của Ngài từ lúc thực hành các pháp khổ hạnh cho đến khi thuyết giảng bài kinh Anatta Sutta đến nhóm năm vị Sa-môn, khiến họ an trú trong đạo quả A-la-hán.

Thái tử Bodhi quy y Tam bảo

Khi Đức Phật đã thuyết bài pháp về sự an trú của nhóm năm vị Sa-môn trong đạo quả A-la-hán, thì thái tử Bodhi hỏi Đức Phật rằng:

“ Bạch Đức Thế Tôn, đối với người có đạo sư là Đức Thế Tôn, người ấy phải tu tập bao lâu để chứng đắc đạo quả A-la-hán và thọ hưởng sự an lạc tịch tịnh?” Đức Phật trả lời: “ Thưa thái tử, về vấn đề này, Như Lai muốn hỏi thái tử một câu hỏi và thái tử có thể trả lời nếu thấy thích hợp : Phải chăng thái tử đã lão luyện trong việc điều phục voi và sử dụng móc sắt?” Thái tử đáp: “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn, con đã lão luyện trong việc điều phục voi và sử dụng móc sắt.”

Đức Phật tiếp tục hỏi thái tử :

“Thưa thái tử, giả sử có một người nào đó biết rằng thái tử lão luyện trong việc điều phục voi và sử dụng móc sắt, ông ta đi đến xin học nghệ thuật điều phục voi nhưng ông ta có những khuyết điểm sau đây :

(1) Thiếu lòng tin: Ông ta không có đủ lòng tin để đạt đến mục tiêu mong muốn.

(2) Bịnh: Ông ta bị bịnh đủ nặng làm ngăn trở ông ta trong việc đạt đến mục tiêu mong muốn.

(3) Tự phụ: Ông ta có tánh tự phụ thích khoe khoang, là pháp làm ngăn trở ông ta trong việc đạt đến mục tiêu mong muốn.

(4) Thiếu cố gắng: Ông ta thiếu sự nỗ lực cố gắng để đạt đến mục tiêu mong muốn.

(5) Thiếu thông minh: Ông ta không đủ thông minh để đạt đến mục tiêu mong muốn.

Liệu người ấy có khả năng học được nghệ thuật điều phục voi và sử dụng móc sắt chăng ?”

Thái tử đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn… không thể nào dạy cho một người mà có một trong năm khuyết điểm để đạt đến mục tiêu mong muốn, nói chi đến việc dạy cho người có cả năm khuyết điểm ấy. ”

Rồi Đức Phật hỏi tiếp :

“Thưa Thái tử… Giả sử có người đi đến thái tử để học môn điều phục voi và sử dụng móc sắt, ông ta có năm đức tánh sau đây:

(1) Về lòng tin : ông ta có đủ niềm tin khiến ông ta có thể đạt đến mục đích mong muốn.

(2) Về bịnh tật: ông ta không có bịnh nào cả, hay ông ta là người khỏe mạnh có thể đạt đến mục đích mong muốn.

(3) Về tánh tự phụ: ông ta không tự phụ hay ông ta là người có tánh chất phác, nhờ đó giúp ông ta có khả năng đạt đến mục đích mong muốn.

(4) Về sự tinh tấn: ông ta là người có sự nỗ lực tinh tấn, nhờ đó giúp ông ta có thể đạt đến mục đích mong muốn.

(5) Trí thông minh: ông ta là người có trí thông minh có khả năng đạt đến mục đích mong muốn.

Với một người có những đức tánh như vậy, liệu thái tử có thể dạy cho ông ta đạt đến mục đích mong muốn chăng? ”

Thái tử Bodhi đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn … Con có thể dạy cho một người đạt được mục đích mong muốn chỉ cần ông ta có một trong năm đức tánh trên, tốt hơn nếu ông ta có cả năm đức tánh. ”

Năm chi Cần (Padhāniyañgac)

Rồi Đức Phật tiếp tục thuyết giảng:

“Cũng vậy, thưa thái tử, có năm đức tính mà người hành thiền quán cần phải có :

(1) Trong giáo pháp này, vị tỳ khưu có niềm tin đầy đủ trong A-la- hán đạo trí và Nhất thiết trí của Đức Phật, có sự hiểu biết rằng Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác có đầy đủ chín ân đức (Araham:vì đáng được sự tôn kính cao nhất; Sammāsam- buddha: vì đã tự mình giác ngộ hoàn toàn; v.v… ; Bhagavā: vì có sáu oai đức vĩ đại).

(2) Vị ấy không có bệnh và có thân tâm bình thường và có bộ phận tiêu hóa tốt (pācaka-tejo) có thể tiêu hóa vật thực dễ dàng, tiện việc thực hành thiền quán.

(3) Vị ấy không tự phụ và không dối trá, thành thật với Đức Phật hay các vị đồng tu.

(4) Vị ấy siêng năng trong công việc đoạn trừ mọi điều ác và cố gắng thực hành các điều thiện. Vị ấy nỗ lực và kiên trì. Vị ấy có nhiệt tâm bất thối trong việc thực hành các việc phước, không phạm tội.

(5) Vị ấy có trí tuệ và là người có tuệ quán (thấy được trạng thái ‘sanh và diệt’ của các pháp hữu vi – udayabbaya-ñāṇa, nhằm đoạn trừ khổ đau của vòng sanh tử).

Thưa thái tử…, như đã giải thích, một người có năm đức tính này, trong vòng bảy năm, dưới sự hướng dẫn của vị đạo sư là Đức Phật, có khả năng giác ngộ đạo quả A-la-hán và có thể sống an lạc.

Thưa thái tử…, nếu thời gian bảy năm được xem là quá dài, người có năm đức tánh này có thể chứng ngộ đạo quả A-la-hán trong sáu năm, bốn, ba, hai hoặc một năm dưới sự hướng dẫn của bậc đạo sư là Đức Phật có thể sống hạnh phúc.

Thưa thái tử…, nếu thời gian một năm được xem là quá dài, người có năm đức tánh này có thể chứng ngộ đạo quả A-la-hán trong vòng bảy tháng dưới sự hướng dẫn của bậc đạo sư là Đức Phật và có thể sống hạnh phúc.

Thưa thái tử…, nếu thời gian bảy tháng được xem là quá lâu, người có năm đức tánh này có thể giác ngộ đạo quả A-la-hán trong vòng 6,5,4,3,2, một tháng, nửa tháng dưới sự hướng dẫn của bậc đạo sư là Đức Phật và có thể sống hạnh phúc.

Thưa thái tử…, nếu thời gian mười lăm ngày được xem là quá lâu, người có năm đức tánh này có thể chứng ngộ đạo quả A-la-hán trong vòng bảy ngày, sáu ngày, 5,4,3,2, một ngày dưới sự hướng dẫn của bậc đạo sư là Đức Phật và có thể sống hạnh phúc.

Thưa thái tử …, nếu một ngày được xem là quá lâu, người có năm đức tánh này có thể giác ngộ đạo quả A-la-hán trong nửa ngày, nghĩa là người có năm đức tánh này và được Đức Phật chỉ dạy vào buổi chiều sẽ giác ngộ đạo quả A-la-hán vào buổi sáng, nếu được chỉ dạy vào buổi sáng thì sẽ giác ngộ đạo quả A-la-hán vào buổi chiều.

Đây là câu trả lời của Đức Phật đối với câu hỏi của thái tử Bodhi.

Sau đây là bài kệ của ngài Ledi Sayadaw tóm lượt về năm cần chi, nên được ghi nhớ nhằm lòng:


Đức tin, sức khỏe, thật thà,

Tinh cần, tuệ quán gọi là cần chi,

Năm đức cần phải thọ trì,

Ngõ hầu chứng đắc vô vi Niết-bàn !

Trong năm cần chi này, đức tin (saddhā) có thể phân thành 4 loại :

(1) Āgama saddhā: Đức tin của chư vị Bồ tát tồn tại bất thối chuyển từ khi phát nguyện thành Phật.

(2) Adhigama saddhā: Đức tin của các bậc thánh nhân (ariya- puggala) tồn tại bất động kể từ khi chứng đắc đạo trí (magga- ñāṇa).

(3) Okappana saddhā: Đức tin vào Đức Phật là Bậc đã tự giác ngộ hoàn toàn; tin vào Pháp được khéo thuyết giảng; tin vào sự chánh trực của đức Tăng.

(4) Pasāda saddhā: Tâm tịnh tín do lòng tôn kính đối với những ân đức của Phật, Pháp và Tăng.

Trong bốn loại saddhā này, Okappana saddhā, đức tin vào Tam bảo được xem là Tín chi của năm cần chi (Padhāniyañga).

Khi thái tử Bodhi nghe xong thời pháp do Đức Phật thuyết giảng, vị ấy nói những lời tán dương đầy tôn kính sau đây: “ Người hành đạo đúng theo sự chỉ dạy của Đức Phật vào lúc chiều thì có khả năng đắc Đạo và Quả vào buổi sáng; người hành đạo đúng theo sự chỉ dạy của Đức Phật vào buổi sáng thì có khả năng đắc Đạo và Quả vào buổi chiều. Đức Phật kỳ diệu, giáo pháp thật kỳ diệu, cách thuyết pháp thiện ở phần đầu, thiện ở phần giữa và thiện ở phần cuối quả thật kỳ diệu.” Như vậy thái tử đã nói lời tán dương về cách thuyết pháp của Đức Phật.

Khi thanh niên Sanjikaputta nghe thái tử Bodhi tán dương thời pháp, vị ấy nói lời khiêu khích thái tử: ‘Vị thái tử Bodhi này đã nói rằng, Đức Phật kỳ diệu, Giáo pháp kỳ diệu vì thiện ở phần đầu, thiện ở phần giữa và thiện ở phần cuối, và vị ấy cũng tán dương cách mà trong đó pháp được thuyết giảng. Chung quy, thái tử xem ra vẫn chưa quy y Phật, Pháp và Tăng.

Rồi thái tử giải thích cặn kẽ với vị ấy:

“Này ông bạn… Sañjikaputta… đừng nói như vậy, đừng nói như vậy, ông bạn Sañjikaputta. Hãy chú ý đến những điều mà ta sắp nói cho ngươi biết bây giờ, những điều mà ta đã nghe mẹ ta nói trong quá khứ.”

Khi Đức Phật đang ngụ ở tịnh xá Ghositarāma trong nước Kosambi, mẹ của ta cung kính đi đến Đức Phật và nói lời thỉnh cầu long trọng: “Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Thế Tôn nhủ lòng bi mẫn ban phước cho đứa con sắp sanh của con có thể là con trai hoặc con gái, mà con đang mang trong người, được quy y Phật, quy Pháp, quy y Tăng bằng cách nhận nó là cận sự của Tam bảo (upāsaka hoặc upāsikā) kể từ lúc nó sanh ra cho đến khi chết.”

Này ông bạn Sañjikaputta… Khi Đức Phật đang ngụ trong rừng thiêng Bhesakala này thuộc phủ Bagga, thì bà nhũ mẫu của ta đã bồng ta đến Đức Phật và nói lời thỉnh cầu rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, vị hoàng tử Bodhi này xin quy y Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng . Xin Ngài bi mẫn xem hoàng tử Bodhi này là thiện nam kể từ hôm nay cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. ”

Này ông bạn Sañjikaputta… thêm vào hai lời thỉnh cầu của mẹ ta và nhũ mẫu của ta, lần thứ ba này chính ta quy Phật, quy y Pháp và quy y Tăng: “Bạch Đức Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy xem con là cận sự nam từ nay cho đến trọn đời.”

(Ở đây có câu hỏi cần được nêu lên về tánh hiệu quả hay nói cách khác về những lời thỉnh cầu của mẹ và nhũ mẫu của thái tử. Nói đúng ra, chúng không có hiệu quả do thiếu chủ ý (cetanā ) của đương sự. Không có sự quy y Tam bảo như vậy nếu không có chủ ý).

Phải chăng hai lời thỉnh cầu trước không có hiệu lực gì ? Thực ra, chúng không hẳn là không có giá trị, chúng làm bước mở đầu cho niềm tịnh tín và đem lại lợi ích cho thái tử. Vị ấy biết rõ những ân đức của Tam bảo khi cha mẹ của thái tử báo cho thái tử biết điều mà họ đã làm cho thái tử phòng khi vị ấy đi đến Đức Phật. Vị ấy hầu như trở thành một thiện nam vững chắc vào lúc vị ấy biết rõ những ân đức của Tam bảo và đặt niềm tin vào đó.

(Những sự kiện liên quan đến thái tử Bodhi được rút ra từ bài kinh Majjhima-paṇāsa Bodhi Rājakumāra Sutta Pāḷi, Atthakata and Tika).

Thái tử Bodhi chứng đắc quả thánh Sotāpatti

Sau đó, thái tử Bodhi ngồi xuống ở một nơi thích hợp, không phạm vào sáu lỗi và bạch với Đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn… Con là một trong những cận sự nam của Thế Tôn. Mẹ của con đầu tiên đã xin ân huệ nơi Thế Tôn là chấp nhận con là cận sự nam trước khi con sanh ra và nhũ mẫu của con cũng thỉnh cầu tương tự lần thứ hai khi đang bồng con trong tay của bà. Con cũng đã thỉnh cầu Đức Thế Tôn lần thứ ba khi con đã lớn khôn. Với tất cả điều ấy, Thế Tôn đã từ chối không bước lên tấm thảm trắng do một cận sự nam như con trải ra. Cầu xin Đức Thế Tôn hãy khai sáng cho con về nguyên nhân của tất cả điều này!”

Rồi Đức Phật đáp lại: “ Này Thái tử…đó là lý do khiến Như Lai không bước lên nó.” Thái tử lại hỏi: “ Bạch Đức Thế Tôn… Có phải con bị nghiệp không có con chăng?” “ Đúng vậy…Thái tử.” Đức Phật đáp lại.

Thái tử hỏi: “ Xin Đức Thế Tôn cho biết nguyên nhân của nó.” Đức Thế Tôn nói lời gợi ý: “ Nguyên nhân là thái tử đã dể duôi và đắm chìm trong ngũ dục cùng với vợ của thái tử trong một kiếp quá khứ nọ.” Thái tử thỉnh Đức Phật khai sáng cho vị ấy về lúc nào và kiếp nào vị ấy sống dể duôi và đắm chìm trong ngũ dục. Sau đây là câu trả lời của Đức Phật về lời thỉnh cầu của thái tử.

“Vào một thuở nọ, có hằng trăm người vượt đại dương bằng một chiếc thuyền lớn. Chiếc thuyền bị đắm giữa biển và tất cả những người đi tàu đều bị chết đuối ngoại trừ một cặp vợ chồng nhờ bám vào tấm ván mà sống sót khi tấm ván tấp vào một hải đảo nọ.

Trên đảo này có rất nhiều chim trú ngụ, và hai vợ chồng, để thỏa mãn cơn đói của họ, đã luộc trứng chim để ăn. Ngoài ra họ còn giết những chim con để ăn thịt trải qua suốt cuộc đời của họ. Họ không biết rằng làm như vậy là đã gây ra một ác nghiệp.”

Sau khi mô tả những ác nghiệp trong quá khứ của họ, Đức Phật tiếp tục thuyết giảng:

“Này thái tử… Nếu thái tử cùng vợ nhận ra những ác nghiệp của mình ở một giai đoạn nào đó của cuộc đời, thì thái tử có cơ may có con vào thời kỳ tương ứng trong kiếp hiện tại của thái tử.

Nếu một trong hai người nhận ra ác nghiệp mà từ bỏ thì sẽ có cơ hội có con.

Này thái tử, người biết thương mình thường biết rõ những lợi ích của những việc thiện trong cả ba thời kỳ của cuộc sống, nếu không, người ấy có thể tự phòng hộ mình tránh xa những việc ác ở một thời kỳ nào đó trong cuộc sống.”

Rồi Đức Phật tiếp tục thuyết giảng:

Attānañce piyaṃ jaññā, rakkheyya naṃ surakkitaṃ tiṇṇaṃ aññataraṃ yāmaṇ paṭijaggeyya paṇḍito.

Này thái tử… người có trí tuệ biết thương mình, hằng hộ phòng bản thân tránh xa mọi tội lỗi, vì lợi ích của chính mình trong kiếp hiện tại và kiếp tương lai. Người ấy nên thanh lọc bản thân để tránh mười ác nghiệp, vì lợi ích của chính mình ở một trong ba thời kỳ của cuộc đời.

( Câu “ Người có trí tuệ biết thương mình hằng hộ phòng bản thân” nên được hiểu rõ như vầy: Trong trường hợp của một cư sĩ (người bình thường), người ấy không nên nghĩ rằng mình được bảo vệ do cổng kín tường cao với gia nhân canh gác. Cũng vậy, vị tỳ khưu không nên cho mình là an toàn khi ở trong hang động có cửa đóng then gài.

Thực ra, người cư sĩ khéo hộ phòng bản thân chỉ bằng cách bố thí và trì giới càng nhiều càng tốt. Vị bhikkhu hộ phòng bản thân bằng cách siêng năng làm những phận sự thường ngày của mình đối với các vị bhikkhu đồng cư và những vị bhikkhu cao hạ, và cố gắng học giáo pháp và thực hành thiền quán cho được tiến bộ và an lạc.

Câu: “ Người ấy nên thanh lọc chính mình ở một trong ba thời kỳ của cuộc sống,” nghĩa là: điều cấp thiết là người cư sĩ hay vị bhikkhu nên cố gắng gieo tạo phước bằng cách thọ trì giới phù hợp với mình trong cả ba thời kỳ của cuộc sống hoặc một trong ba thời kỳ ấy.

Khi một người không thể làm các việc phước trong độ tuổi còn nhỏ ham chơi, thì người ấy nên làm phước vào thời kỳ thứ hai của cuộc sống. Không làm được vì gánh nặng cuộc đời, người ấy nên làm phước ở thời kỳ cuối của cuộc đời mà không nên bỏ lỡ. Người như vậy được xem là đã lo cho sự thanh lọc bản thân. Người không lo cho sự thanh lọc của chính mình thì đi vào con đường dẫn đến khổ cảnh.

Trường hợp vị bhikkhu không thọ trì tỳ khưu giới và không hành thiền ở giai đoạn đầu vì công việc và phận sự đa đoan, vị ấy nên cố gắng thực hành chúng ở thời kỳ thứ hai. Nếu ở thời kỳ thứ hai cũng còn bận rộn nhiều phật sự thì vị ấy không có lý do gì mà bỏ cả thời kỳ thứ ba không tu tập. Chỉ khi ấy vị ấy mới được xem là người, lo cho sự thanh lọc bản thân là người biết thương mình và không bị sự dày vò cắn rứt).

Vào lúc kết thúc thời pháp, Thái tử Bodhi chứng đắc quả thánh nhập lưu, và thời pháp đã đem lại lợi ích cho những người hiện diện ở đó.

(Đây là câu chuyện về Thái tử Bodhi).

Ác ma đi vào bụng của Tôn giả Moggalāna

Vào một thuở nọ, tôn giả Mahā Moggallāna đang ngụ ở một tịnh xá trong rừng thiêng Bhesakala, gần thị trấn Susmaragira thuộc phủ Bagga. Trong khi tôn giả đang đi kinh hành ở ngoài trời thì Ác Ma đột nhiên đi vào bụng của tôn giả và ngồi trên khối ruột già. Tôn giả Mahā Moggallāna cảm thấy bụng của mình nặng như có tảng đá to. Cái bụng căng và nặng tựa như chứa đầy vật thực hoặc như cái túi đựng đầy chất lỏng. Vị ấy nghĩ rằng nếu sức nặng trong bụng do bởi chứng khó tiêu thì tốt hơn không nên đi kinh hành ở ngoài trời. Cuối cùng vị ấy trở về phòng và ngồi trên chỗ ngồi được bày sẵn.

Tôn giả tiếp tục suy xét về nguyên nhân của sự khó chịu theo cách thông thường. Nếu vị ấy cố gắng tẩy ruột sau khi quán xét về sự trong sạch của giới và quyết tâm đoạn trừ tất cả sự đau đớn do chứng khó tiêu hoặc rối loạn tiêu hóa gây ra, thì Ác ma ngu xuẩn ắt sẽ bị tan tát thành những mảnh nhỏ. Nhưng vị ấy không cố gắng làm vơi dịu cơn đau theo cách như thế. Vị ấy chỉ tiếp tục suy xét về nguyên nhân của nó theo cách bình thường.

Sau khi xem xét cẩn thận về nguyên nhân của cơn đau ở bụng như thế, tôn giả lưu ý thấy Ác ma đang ngồi trên đống ruột già, và vị ấy nói rằng: “ Này Ác ma… hãy đi ra, này Ác ma… hãy đi ra. Ngươi không nên quấy phá Đức Phật ! Đừng làm khổ chính mình rồi phải lãnh chịu những quả khổ trong thời gian lâu dài về sau.” (Sở dĩ tôn giả Mahā Moggallāna nói như vậy vì mọi cố gắng sinh sự với trẻ con tức là thách thức với cha mẹ của chúng. Cũng thế, quấy rối các vị Thinh văn đệ tử là quấy rối Đức Phật. Đó là điều mà tôn giả Mahā Moggallāna muốn nói khi vị ấy nói rằng: “ Đừng gây phiền phức cho Đức Thế Tôn.”)

Ác ma nghĩ rằng: “ Vị tỳ khưu này đã nói rằng : ‘Này Ác ma… hãy đi ra. Đừng gây phiền phức cho Đức Thế Tôn! Đừng gây phiền hà cho đệ tử của Đức Thế Tôn! Đừng cố gắng đem phiền phức cho chính mình và chịu các quả khổ trong một thời gian lâu dài. ” Vị ấy cũng có cảm nghĩ rằng ngay cả Đức Thế Tôn cũng sẽ không có năng lực nhìn thấy vị ấy, huống chi đệ tử của Ngài. Nhân đó, tôn giả Mahā Moggallāna nói rõ với Ác ma: “Này Ác ma, Ta biết người và ta cũng biết người đang nghĩ gì… đừng cho rằng ta không có khả năng biết được ý nghĩ của ngươi. Người là Ác ma. Ngươi hiện đang nghĩ rằng ta không biết gì về ngươi khi ta nói rằng: ‘Hãy đi ra, này Ác ma…đừng cố gắng gây phiền phức cho Đức Thế Tôn. Đừng cố gắng đem phiền phức đến cho đệ tử của Đức Thế Tôn. Đừng cố gắng đem phiền phức cho chính người và chịu những quả khổ trong thời gian lâu dài. Ngươi đã nghĩ rằng ngay cả Đức Thế Tôn cũng không có khả năng biết được ngươi, huống chi một đệ tử như vị ấy. Phải chăng đó là ý nghĩ trong tâm của người”

Ma vương bắt đầu nhận ra rằng vị trưởng lão này đã thực sự trông thấy vị ấy và biết được ý nghĩ của vị ấy nếu không ắt vị ấy đã không nói rằng: “ Hãy đi ra, này Ác ma… Đừng cố gắng gây phiền phức cho Đức Thế Tôn. Đừng cố gắng gây phiền phức cho đệ tử của người. Đừng cố gắng đem phiền phức đến cho chính ngươi và chịu những quả khổ trong thời gian lâu dài, ” và vì thế, Ác ma ra khỏi bụng của đại trưởng lão và ẩn mình ở ngoài cửa.

Khi đại trưởng lão trông thấy Ma vương đang đứng ở ngoài cửa, vị ấy nói rằng: “ Này Ác ma, ta thấy ngươi hiện đang đứng ở đâu, ngươi đừng nghĩ rằng ta không thể trông thấy ngươi. Ta trông thấy ngươi đang đứng ở bên ngoài của cánh cửa.” Rồi đại trưởng lão chợt suy nghĩ:

“ Mùi hôi phát ra từ thân người có thể gây bất tiện cho các vị chư thiên ở cách xa một trăm do tuần (xem Di: 2:260). Ma vương là chư thiên ở cõi Tha hóa tự tại thiên (Paranimitta Vasavatti) nơi mà chúng sanh ở đó có sự thanh khiết và thân vi tế. Nhưng, vì Ma vương đã vào ngồi trên đống ruột già dơ dáy, có thể vị ấy cố ý làm hại ta và hủy hoại ta. Vì có bản tánh như vậy, không nên để vị ấy gây ra bất cứ điều ác nào !

Vị ấy xem ra không có tàm và quý về những kết quả của những ác nghiệp. Do đó, tốt hơn, trong mọi hoàn cảnh là cho vị ấy biết rằng chúng ta là quyến thuộc máu huyết và làm cho vị ấy trở nên hiền thuận trước khi vị ấy chịu ra đi.”

Với ý định như vậy, tôn giả Mahā Moggallāna báo cho Ma vương biết sự thật rằng vị ấy là cháu của tôn giả, bằng cách kể cho vị ấy nghe về một kiếp quá khứ của chính vị ấy.

Kiếp quá khứ bất thiện của tôn giả Mahā Moggallāna

Này Ác ma… có một sự kiện đáng lưu ý đã xảy ra trong thời kỳ của Đức Phật Kakusandha, ta là Ma vương tên Dusi và chị của ta là Kalī, còn ngươi lúc bấy giờ là con trai của chị ta. Như vậy ngươi là cháu của ta.

(Nói về vấn để này, tôn giả Mahā Moggallāna đã kể lại sự nối tiếp của các đời con cháu bên nội và bên ngoại, từ kiến thức được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đối với loài người thì đứa con lên kế thừa ngôi vị của vua cha, nhưng điều này không áp dụng cho những chúng sanh ở cõi chư thiên. Một vị thiên sanh ra để thay vào địa vị của một vị thiên khác ngay khi vị ấy mạng chung, do phước của vị thiên sau. Ma vương Vasavatti hiện tại chính là cháu của Ma vương Dusi. Sau khi mạng chung từ kiếp sống ấy, vị ấy đã làm các việc phước và nhờ vậy được sanh lên làm Ma vương Vasavati, do phước của vị ấy).

Sau khi kể cho Ma vương biết về quan hệ ruột thịt của họ trong một kiếp quá khứ, tôn giả tiếp tục làm sáng tỏ sự thật rằng chính vị ấy, tức Ác ma Dusi, đã gây nên một ác nghiệp nghiêm trọng nên đã phải chịu khổ trong các khổ cảnh trong thời gian dài.

‘Này Ác ma… Ta chính là Ma vương Dusi trong thời kỳ của Đức Phật Kakusandha, Ngài có hai vị đại đệ tử là Vidhūra và Sañjiva. Vị Thượng thủ Thinh văn Vidhūra là đệ nhất về Chánh Pháp (Dhamma); nên vị ấy được gọi là Vidhūra, nghĩa là vị trưởng lão về trí tuệ. Còn vị trưởng lão Sañjiva thì có khả năng trú trong thiền diệt (Nirodha-samāpatti) một cách tự tại bất cứ lúc nào vị ấy muốn, dù ở trong rừng, dưới cội cây hay một nơi vắng vẻ nào. Một hôm nọ, những người chăn bò, những nông dân và những người qua đường tưởng lầm vị ấy là vị tỳ khưu đã chết trong tư thế ngồi, trong khi vị ấy đang an trú trong Thọ-diệt-tưởng-định (Nirodha-samāpatti).Tất cả những người ấy đi kiếm củi, cỏ khô và phân bò và chất lên người của trưởng lão Sañjiva rồi châm ngọn lửa vào đó như một hành động hỏa tảng và ra đi.

(Các bậc A-na-hàm - Anāgami và A-la-hán khi muốn nhập thiềt diệt thường nguyện trước bốn điều, đó là: (1) Những vật dụng cá nhân mà không ở trên người của vị ấy thì không bị tiêu diệt bởi năm loại kẻ thù như nước, lửa, v.v… (2) Vị ấy có thể xuất định ngay trước khi có người đem tin đến và sẵn sàng khi Tăng chúng cần vị ấy làm một công việc nào đó, (3) Vị ấy có thể xuất định ngay trước khi có người đem tin đến và sẵn sàng khi được gọi bởi Đức Phật; (4) Vị ấy sẽ không mạng chung trong khi đang nhập thiền diệt (cả 4 điều này có hiệu lực trong suốt thời gian nhập thiền diệt của vị ấy). Đối với những vật dụng trên người của vị ấy thì không cần thiết phải nguyện bảo vệ chúng vì ngay cả một sợi chỉ trên chiếc y của vị ấy cũng không bị cháy bởi ngọn lửa do những người chăn bò và những kẻ khác).

Này Ác ma…Vào sáng hôm sau, Sañjiva xuất định và bước ra khỏi đống lửa hồng, phủi sạch bụi bậm trên chiếc y và đi vào làng để khất thực. Những người chăn bò, đám nông dân và khách qua đường mà đã làm công việc hỏa thiêu vị ấy ngày hôm trước, họ rất đỗi ngạc nhiên khi trông thấy đại trưởng lão (mahāthera) đang trên đường đi khất thực. Họ nói với nhau rằng: “ Đây là loại thần thông mà trước kia chưa bao giờ xảy ra, vị bhikkhu mà chúng ta trông thấy đã chết trong thế ngồi ngày hôm trước. Và vị ấy đã sống lại một cách kỳ diệu”. Này Ác Ma…Vì lý do ấy mà mọi người gọi tên vị mahāthera là Sañjiva, ám chỉ việc vị ấy sống trở lại.

Ác nghiệp nghiêm trọng của Ma vương Dusi

Này Ác ma… Ma vương Dusi đã nghĩ ra một kế hoạch tạo ra một tình huống gây xao động tâm tư của những vị bhikkhu hiền thiện bằng phương tiện độc ác. Vị ấy tự nghĩ: “ Ta không biết những vị tỳ khưu giới đức ấy từ đâu đến và họ sẽ đi đâu, ta sẽ xui khiến các gia chủ Ba-la-môn gièm pha những vị bhikkhu nổi tiếng có giới đức và chánh trực bằng cách nói những lời lăng mạ, chê bai, tố cáo, gièm pha và phỉ báng các vị bhikkhu. Hành xử như vậy của các gia chủ Bà-la- môn sẽ gây phiền não và làm họ phân tâm, nhờ đó sẽ tạo ra cơ hội cho ta làm hại họ.”

Này Ác Ma…Ma vương Dusi ấy đã đi trước để xui khiến các gia chủ Bà-la-môn làm theo lời chỉ bảo của vị ấy bằng cách nói xấu và nhục mạ các vị bhikkhu và kết quả là các gia chủ Bà-la-môn bắt đầu nói xấu các vị bhikkhu do hiểu lầm.

“ Những bhikkhu tà mạng kia, những tên đầu trọc thuộc giai cấp hạ liệt, dơ bẩn sanh ra từ phần cong phía trên bàn chân của Phạm thiên, ngồi không, lười biếng, giả bộ ngồi thiền, với cổ cong cong và mặt cúi xuống.

Họ giống như con diều đang ngồi đợi những con chuột nhắt đi ra từ tán lá, hay con cáo ranh mãnh tìm kiếm những con cá dọc theo bờ sông; như con mèo nằm chờ con mồi của nó ở miệng cống hoặc bên cái thùng đựng rác; như con lừa nằm uể oải gần đống rác ở một góc xó của hàng rào. Những tên Sa-môn đầu trọc ấy thuộc giai cấp hạ liệt, dơ dáy, sanh ra từ phần phía trên bàn chân của Phạm thiên, ngồi lười biếng, giả bộ ngồi thiền, với cổ cong cong và mặt cúi xuống.”

Như vậy, họ đã mắng nhiếc các vị bhikkhu bằng cách dùng những lời chửi mắng và thô lỗ; do hiểu lầm, họ gièm pha các vị bhikkhu theo sự xui khiến của Ma vương Dusi.

Hầu hết những người ấy đều bị tái sanh trong các khổ cảnh, như địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và A-tu-la, tùy theo tội nặng nhẹ của họ.

(Chúng ta nên xét những điểm sau đây liên quan đến đoạn văn: “ Hầu hết những người ấy đều tái sanh trong bốn khổ cảnh” để có cái nhìn chính xác.

Nếu những người ấy bị Ma vương Dusi nhập vào và bị xui khiến chửi mắng các bhikkhu như là ‘ những tác nhân’ của vị ấy, thì họ không phạm tội do không tác ý khi làm như vậy. Riêng Ác ma Dusi chịu trách nhiệm của ác nghiệp này và vì thế những người này không bị tái sanh vào các khổ cảnh về vấn đề trên.

Điều thực sự xảy ra là như thế này: Ma vương Dusi không nhập vào họ và dùng họ làm tác nhân của vị ấy, nhưng vị ấy tạo ra một tình huống khiến họ do hiểu lầm chống lại các vị bhikkhu. Vị ấy tạo ra những cảnh có sự hiện diện của những phụ nữ trong khu vực của những vị bhikkhu; những cảnh có sự hiện diện của những người đàn ông trong khu vực của những bhikkhuni; những vị bhikkhu đánh bắt cá bằng những cái bẫy và lưới, đang săn bắt chim bằng những cái bẫy sập, hoặc săn thú trong rừng bằng những con chó săn, cảnh những vị bhikkhu đang chè chén ngả nghiêng với những cô gái trong quán rượu, đang nhảy múa và ca hát, những phụ nữ đang quanh quẩn trong khu vực của các vị bhikkhu và những chàng trai ở trong chỗ ngụ của các vị bhikkhuni vào lúc trời sẫm tối… (Đây là ma thuật được Ma vương Dusi tạo ra).

Dân chúng nhìn thấy những cảnh trái nghịch như vậy bất cứ khi nào họ đi vào rừng, đến các khu lâm viên và đến các tịnh xá đến nỗi họ hầu như ghê tởm các vị bhikkhu và nhất trí không cúng dường nữa, họ nói rằng: “ Những vị bhikkhu này có những hành vi không thích đáng. Làm sao chúng ta có phước khi cúng dường đến những người thấp hèn như vậy ?”

Họ mắng nhiếc các vị bhikkhu bất cứ khi nào họ gặp và vì vậy họ bị tái sanh vào các khổ cảnh do những ác nghiệp của họ đối với các vị bhikkhu.

Này Ác ma… Khi Đức Phật Kakusandha Buddha biết rằng những vị bhikkhu đệ tử của Ngài đã bị xúc phạm bởi những người chịu ảnh hưởng bất chánh của Ma vương Dusi, Ngài khuyên các đệ tử của Ngài tu tập bốn phạm trú, đó là (1) Metta, (2) Karunā, (3) Muditā,

(4) Upekkhā. Các vị bhikkhu đã siêng năng tu tập bốn phạm trú theo sự chỉ dạy của Đức Thế Tôn ấy.

Khi Ma Vương Dusi thấy rằng mưu kế như vậy không ảnh hưởng tâm của các vị bhikkhu, vị ấy lại thay đổi mưu kế bằng cách xui khiến mọi người tôn kính lễ bái và cúng dường với động cơ sâu kín là gây ra sự rối rắm và bấn loạn trong tâm các vị tỳ khưu, như vậy sẽ đem lại cho vị ấy cơ hội để làm hại họ. (Mưu chước của vị ấy sẽ được bàn sau).

Này Ác ma… những vị Bà-la-môn ấy đã làm theo sự chỉ bảo của vị ấy là đảnh lễ và cúng dường vật thực đến các vị tỳ khưu.

Này Ác ma… hầu hết những người ấy đều được tái sanh trong các cõi hạnh phúc nhờ đã làm những việc phước như vậy.

( Có vài điểm lý thú liên quan đến những người đạt đến các cõi hạnh phúc).

Cũng như trong những trường hợp trước, Ma vương Dusi đã tạo ra những cảnh khó coi thế nào, thì lần này vị ấy tạo ra những cảnh khả ái đẹp lòng để khơi dậy tâm tịnh tín của mọi người với các vị tỳ khưu.

Vị ấy tạo ra những cảnh mô tả các vị bhikkhu trong những tư thế khác nhau; một số đang bay trong không trung, một số đang đứng hoặc ngồi kiết già, một số đang mang y, những vị khác thì đang thuyết pháp hoặc đang học kinh tạng và những vị khác thì đang trùm y vào người để sưởi ấm ngoài trời, còn những vị sa-di thì đang hái hoa trong không trung. (Đây là một mưu kế khác của Ma vương Dusi).

Khi mọi người trông thấy các vị bhikkhu với những sinh hoạt khác nhau lúc đi vào rừng, vào khu lâm viên hoặc đến các tịnh xá, họ bèn kể lại với những người trong thành phố về những điều họ trông thấy: “ Những vị tỳ khưu này, ngay cả những vị sa-di trẻ cũng có oai lực lớn và đáng được cúng dường. Sẽ có quả phước to lớn cho chúng ta khi cúng dường đến những vị tỳ khưu có oai lực như vậy.”

Mọi người bèn cúng dường đến các vị bhikkhu bốn món vật dụng gồm y phục, vật thực, tịnh xá và thuốc chữa bệnh và gặt hái phước báu to lớn. Họ được tái sanh vào những cõi hạnh phúc nhờ những việc phước như vậy!)

“Này Ác ma… Đó là cách mà Ma vương Dusi áp dụng để tác động mọi người cúng dường đến các vị tỳ khưu.”

Sau khi vạch rõ âm mưu của Ma vương, Đức Phật Kakusandha quay sang các vị tỳ khưu và khuyên họ thực hành thiền quán : “Này các tỳ khưu, hãy sống trú trong pháp thiền quán về tánh bất tịnh của thân (assubha), về tánh chất đáng nhờm gớm của vật thực (ahare paṭikūla), về tánh chất bất lạc, bất toại nguyện của thế gian (anabhirati), về tánh chất vô thường của các pháp hữu vi (anicca).”

“Này Ác ma… sau khi tín thọ lời dạy của Đức Phật Kakusandha, tất cả các vị bhikkhu đều thực hành thiền quán về asubha, ahare paṭikūla, anabhirati, anicca ở trong các khu rừng hay những nơi vắng vẻ và dưới các cội cây, kết quả là tất cả các vị bhikkhu đều chứng đắc đạo quả A-la-hán. ”

(Chú thích: Đức Phật Kakusandha đã đến tất cả nơi trú ngụ của các vị bhikkhu trong thế gian, bất kể số lượng các vị bhikkhu ở một nơi là bao nhiêu, và khuyên họ chuyên tâm thực hành thiền quán. Các vị bhikkhu đã tu tập bốn đề mục thiền quán này và phát triển tuệ minh sát, nhờ vậy tất cả họ đều chứng đắc đạo quả A-la-hán).

“Này Ác ma… một thời gian sau, Đức Phật Kakusandha đi khất thực, theo hầu là vị Tối thượng Thinh văn, đại trưởng lão Vidhura. Ma vương Dusi thất bại trong việc làm hại các vị bhikkhu sau khi xúi dục các gia chủ mắng nhiếc cũng như tôn kính cúng dường các ngài. Cuối cùng vị ấy tự mình tiêu diệt chư Tăng. Vị ấy nhập vào một cậu bé và ném một nắm đá vào đại trưởng lão Vidhura. Do sự tấn công của vị ấy, những viên đá trúng vào đầu của đại trưởng lão cắt vào da và chạm đến sọ.

Này Ác ma… Đại trưởng lão Vidhura theo sau Đức Phật Kakusandha với dòng máu chảy xuống mặt, ngài vẫn an nhiên trước biến cố. Rồi Đức Phật Kakusandha quay người và nhìn vào vị ấy, với cái nhìn của con voi chúa và kết án kẻ xúc phạm: “Ma Vương Dusi ngu si này không biết lượng sức mình.” Và ngay lúc ấy Ma vương Dusi mạng chung. Vị ấy bị tái sanh vào địa ngục.”

(Ở đây, câu: “Với cái nhìn của con voi chúa nên được hiểu như vầy: khi con voi quay nhìn vào đối tượng, nó không chỉ quay đầu mà thực sự quay về phía bên phải.

Xương của người bình thường được nối với nhau bằng những đầu xương chạm vào nhau. Trường hợp của chư Phật Độc giác, những đốt xương được nối với nhau bằng những đầu móc ở cuối của đốt xương. Trường hợp của chư Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, xương được nối với nhau bằng những cái vòng ở mỗi đầu của đốt xương. Chính vì lý do này mà Đức Phật Kakusandha phải quay cả người trước khi Ngài nhìn vào đối tượng ở sau lưng Ngài, như pho tượng vàng quay tròn bằng cái bệ xoay. Đức Phật Kakusandha quay người như vậy và nhận xét: “Ma Vương Dusi ngu si này không biết lượng sức mình, vị ấy đã gây ra một tội lỗi rất nặng nề.”

Liên quan đến đoạn: “Vào lúc này, Ma vương Dusi mạng chung từ cõi chư thiên và tái sanh vào khổ cảnh,” nên được hiểu rằng, chư thiên ở các cõi trời thường chết ở cõi chư thiên của họ khi hết thọ mạng. Do đó, không nên cho rằng Ma vương Dusi chết tại cõi người. Nên hiểu rằng vị ấy trở về cõi chư thiên và mạng chung tại đó rồi tái sanh vào cõi khổ.

Nên nhớ rằng, dầu Ma vương Dusi chết vào lúc Đức Phật Kakusandha quay người nhìn vào cảnh phạm tội, không có nghĩa là vị ấy mạng chung vì điều ấy. Thực tế là thọ mạng của vị ấy bị cắt đứt tựa như bằng lưỡi búa khổng lồ vì sự xúc phạm tàn bạo của vị ấy đối với vị Tối thắng Thinh văn của Đức Phật, bậc có những oai đức vĩ đại).

“Này Ác ma… Ma Vương Dusi đã phải bị thọ hình trong ba cõi khổ, đó là các cõi Chaphassāyatanika, Sañkusamāhata Paccatavedanīya.

(Chú thích: Những tội đồ ở trong địa ngục loại này, các căn của họ như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ngực (tim) bị đâm thủng bởi những cây sắt có đầu nhọn, và kết quả là họ thường xuyên chịu những cơn đau khủng khiếp tại mỗi căn ấy gọi là ‘những cơn đau do xúc’ và vì vậy, cõi khổ ấy được gọi là ‘cõi khổ Chaphassāyatanika’. Địa ngục tương tự cũng được gọi là ‘ Địa ngục Sañkusamāhata ’vì nó có nhiều cây sắt đầu nhọn để trừng phạt tội đồ. Một tên khác dành cho nó là ‘Paccatavedanīya,’ vì bản chất tự chịu khổ của nó dầu không có ai đứng ra trừng phạt).

“Này Ác ma… những chúa ngục thường đến đều đặn sau những khoảng thời gian nhất định, và báo cho ta biết rằng khi hai cây lao cùng đâm vào ngực thì nó đánh dấu đã hết một ngàn năm. ”

(Chú thích: Đoạn “ khi hai cây lao cùng đến” cần được giải thích : Những tội đồ của địa ngục thuộc loại này có kích thước 3 gāvuta. Những tay đao phủ, gồm hai nhóm, bắt đầu trừng phạt chúng bằng cách đâm xuyên những cây lao ở trên ngực và nói rằng: “Đây là chỗ mà những ý nghĩ của ngươi đã sanh lên để làm điều ác.”

Mỗi cây lao đường kính to bằng cây thốt nốt, mỗi nhóm hành tội gồm 50 người, một nhóm đi từ ngực lên đầu gây ra những cơn đau xé buốt bằng cách đâm xuyên những cây lao khắp đường. Nhóm kia đi từ ngực xuống chân cũng theo cách như vậy. Mỗi nhóm phải mất 500 năm để đến đầu hoặc chân; hoặc một ngàn năm để đi hết một vòng, khi ấy hai nhóm gặp nhau ở ngực).

“Này Ác ma… Ta đã phải chịu thọ hình trong đại địa ngục ấy trải qua hằng trăm ngàn năm và khi được thoát khỏi chỗ đó, ta phải đến một địa ngục phụ của đại địa ngục ấy, nó có tên là Ussāda, ở đó ta phải chịu cực hình còn khốc liệt hơn ở đại địa ngục, trải qua mười ngàn năm trước khi cuối cùng thoát khỏi chỗ đó.

“Này Ác ma…Ta có thân người và đầu cá suốt thời gian thọ hình trong địa ngục ấy (đầu của con người tròn và trên đó những cây lao đâm vào có thể bị trượt trong khi đầu của con cá thì dài và dẹp và dùng làm mục tiêu tốt). ”

Sau khi kể lại những biến cố quá khứ, đại đức Mahā Moggallāna tiếp tục thuyết giảng đến Ma vương bằng 21 câu kệ để khiến vị ấy ăn năn về những hành động ngu si của vị ấy.

(a) Địa ngục nơi mà Ma vương Dusi bị đoạ đày vì tội xúc phạm bậc A-la-hán Vidhura, vị Tối thượng Thinh văn của Đức Phật cũng như chính Đức Phật, địa ngục ấy có bản chất là hành hạ tội đồ bằng những cây lao sắt; những cây lao sắt này tự động hành hạ tội đồ, dù không có những tay đao phủ.

Này Ác ma… ngươi có thể bị đoạ đày trong địa ngục như vậy vì tội xúc phạm vị Thinh văn của Đức Phật, bậc biết rõ nhân quả của bất cứ nghiệp nào.

(b) Có những nơi nằm giữa đại dương. Chúng có dáng vẻ khả ái của những viên ngọc nhiều màu lấp lánh. Một số đông tiên nữ có thể được trông thấy đang múa hát trong những nơi ấy.

Này Ác ma… ngươi đã xúc phạm vị Tối thượng Thinh văn của Đức Thế Tôn, bậc biết rõ những nơi ấy, những lạc thú được thọ hưởng bởi những tiên nữ ấy và những nhân duyên của những lạc thú ấy.

(c)Vị bhikkhu ấy đã khiến cho tịnh xá Pubbayon, do Visākhā, mẹ của phú hộ Migara dâng cúng, phải rung chuyển ngay khi đang được Tăng đoàn ngắm nhìn theo lời đề nghị của Đức Phật.

Này Ác ma… ngươi sẽ phải lãnh chịu những hậu quả do sự xúc phạm của ngươi đến vị bhikkhu đã thành tựu thắng trí và tuệ giác (abhiñña paññā).

(d) Vị bhikkhu ấy đã khiến cung điện Vejayanta của Sakka phải lắc lư bằng ngón chân cái của vị ấy, do năng lực thần thông của vị ấy, khiến tất cả chư thiên hoảng sợ.

Này Ác ma… ngươi sẽ phải lãnh chịu những hậu quả về sự xúc phạm của ngươi chống lại vị bhikkhu đã thành tựu abhiñña paññā.

(e) Vị bhikkhu ấy đã đi đến cung điện Vejayanta của Sakka và hỏi vị ấy câu hỏi này: “ Này Sakka… Ngươi có biết chăng sự thật về sự giải thoát mà trong đó không có tất cả mọi hình thức tham muốn ?” Khi được hỏi như vậy, Sakka bèn đưa ra câu trả lời đúng. Này Ác ma ngu si… ngươi sẽ phải lãnh chịu những hậu quả về sự xúc phạm của ngươi đối với vị thanh văn của Đức Như Lai (Tathāgata), bậc đã thành tựu abhiñña paññā, khiến vị ấy có thể đặt câu hỏi như vậy.

(f) Vị bhikkhu ấy đã hỏi Đại phạm thiên một câu hỏi ở gần giảng đường Sudhamma dhamma: “Này ông thiện nam…phải chăng ông vẫn còn mang quan điểm lầm lạc rằng không có vị bhikkhu hay Sa- môn nào có khả năng đi đến các cõi Phạm thiên ? Ông có bao giờ trông thấy hào quang của Đức Như Lai vượt trội hào quang của các vị Phạm thiên, của các cung điện và y phục của họ chưa ?”

Đại phạm thiên trả lời: “Tôi không còn mang những quan điểm lầm lạc cổ xưa ấy nữa. Tôi nhìn thấy hào quang của Đức Phật sáng trội hơn hào quang của các vị Phạm thiên, của các cung điện và y phục của họ. Tại sao tôi còn khăng khăng cho rằng tôi thì thường hằng hay là một chúng sanh bất tử ?”

Này Ác ma… ngươi sẽ phải lãnh chịu những hậu quả về sự xúc phạm của ngươi chống lại vị Thinh văn đệ tử của Đức Như Lai, bậc đã thành tựu abhiñña paññā, có thể đặt ra những câu hỏi như vậy.

(g) Vị bhikkhu ấy, bằng thắng trí (abhiñña) dựa trên giải thoát thiền (vimokka jhāna), đã tiếp xúc với đỉnh núi Mahā Meru và bốn châu đảo Đông, Tây, Nam và Bắc, vào lúc nhiếp phục rồng chúa Nandopananda (tôn giả Mahā Moggallāna đã che hết ngọn núi Mahā Meru và bốn châu đảo bằng tác nhân của con rồng được hóa hiện lúc bấy giờ).

Này Ác ma… ngươi sẽ phải chịu những hậu quả về sự xúc phạm của ngươi đối với vị Thinh văn đệ tử của Đức Phật, bậc đã thành tựu abhiñña pañña, có thể đặt ra những câu hỏi như vậy .

(Chú thích: Khi nói chuyện với Ma vương, tôn giả Mahā Moggallāna đang nói về chính ngài tựa như ngài là một vị bhikkhu khác, và cách thuyết pháp như vậy được gọi là Annapadesa).

Tôn giả Mahā Moggallāna đã chinh phục Ma-vương bằng cách mô tả thần thông của ngài bằng 7 cách từ (a) đến (g).

(a) Liên quan đến bài kinh Māratajjaniya Sutta trong phần Mūlapaṇṇāsa.

(b) Liên quan đến thần thông của ngài trong những chuyến đi thuyết pháp như trong Vimāna vatthu và Peta vatthu.

(c) Liên quan đến bài kinh Mahā Moggallāna trong phẩm Mahā Vagga của Tương Ưng Bộ.

(d) và (e) Liên quan đến bài kinh Cūlataṇhāsankhaya Sutta trong phần Mūlapaṇṇāsa.

(f) Liên quan đến bài kinh Aññatara Brahma Sutta của phẩm Sagātha Vagga, Tương Ưng Bộ.

(g) Liên quan đến Chú giải Thanh tịnh đạo, cuốn 2, về sự nhiếp phục rồng chúa Nandopananda.

(h) Lửa không cần cố gắng để đốt cháy con người ngu si mà chính kẻ ngu si tự đốt cháy mình. Cũng như kẻ ngu si tự đốt cháy mình, ngươi cũng vậy, sẽ khiến cho chính ngươi bị đốt cháy do xúc phạm Đức Phật.

(i) Này Ác ma… ngươi đã gây ra một hành động tội lỗi bằng cách xúc phạm vị Tối thượng Thinh văn của Đức Phật. Ngươi có nghĩ rằng hành động tội lỗi của ngươi sẽ không đem lại hậu quả thích đáng không ?

(j) Này Ác ma… số nghiệp bất thiện chống lại ngươi sẽ gia tăng theo thời gian. Này Ác ma… phải chăng ngươi vẫn chưa chán việc làm hại Đức Phật ? (Lẽ ra ngươi nên rút ra bài học từ những ác nghiệp của cậu ngươi là Ma vương Dusi đã phải chịu khổ trong các địa ngục). Ngươi nên dừng ngay những hành động làm hại các vị Thinh văn đệ tử của Đức Phật.

Tôn giả Mahā Moggallāna đã khuyến giáo Ma vương khi nêu ra những ví dụ làm bằng chứng để khiến vị ấy ân hận về những việc làm điên rồ của mình và ghê sợ những quả dữ trong một thời gian dài, tại khu rừng thiêng Bhesakala, kết quả là Ma vương với tâm nặng trĩu, đã biến mất tại chỗ.

Vị thiện nam Bà la môn Pañcagga

Sau khi trải qua mùa an cư thứ tám và giải thoát cho những chúng sanh xứng đáng được giải thoát, bằng sự thuyết giảng bài kinh Bodhi Raja Kumār Sutta và những bài kinh khác, tại khu rừng thiêng Bhesakala, gần thị trấn Susumaragira, Đức Phật lên đường đi đến Savatthi và trú ngụ tại Jetavana tịnh xá.

Có một vị thiện nam Bà-la-môn tên là Pañcagga Dāyaka. Vị ấy được gọi tên như vậy vì thói quen cúng dường năm loại thực phẩm đầu tiên trong quá trình sản xuất. (1) hạt lúa sữa ở ngoài ruộng; (2) lúa được gặt đầu tiê ; (3) lúa được đem vào kho đầu tiên; (4) vật thực được nấu từ cái nồi đầu tiên; (5) món ăn đầu tiên được đặt trên bàn ăn (pañca: năm sản phẩm hay thực phẩm đầu tiên; và dāyaka: thí chủ; pañcagga-dāyaka là người bố thí năm loại thực phẩm đầu tiên). Sau đây là bài minh họa:

(1) Vị ấy thường dâng cúng những trái bắp non hay lúa sữa hái từ cánh đồng của vị ấy đem dâng lên Đức Phật và chúng Tăng dưới dạng cơm sữa, với niềm tin rằng sự cúng dường những sản phẩm đầu tiên như vậy sẽ cho quả phước sớm. Đây là sự cúng dường sản phẩm đầu tiên của vụ mùa.

(2) Khi hạt ngũ cốc đã chín, vị ấy cho gặt về, chất đống, rồi sau đó lấy ra một ít đem nấu thành vật thực. Vị ấy đem dâng chúng trước tiên đến Đức Phật và chúng Tăng. Đây là sự cúng dường ngũ cốc từ vụ lúa thu hoạch đầu tiên.

(3) Sau khi cho ngũ cốc vào các kho, khi kho đầu tiên được mở ra, vị ấy cho lấy ra một ít ngũ cốc và đem nấu thành vật thực rồi đem dâng đến Đức Phật và chúng Tăng. Đây là sự cúng dường ngũ cốc từ kho đầu tiên.

(4) Thức ăn lấy ra trước tiên ở mỗi nồi rồi đem dâng cúng đầu tiên đến các vị bhikkhu. Chừng nào thực phẩm chưa được cúng dường đến chư Tăng, thì không ai được phép ăn từ nồi thực phẩm ấy. Đây là vật cúng dường đầu tiên lấy từ những nồi nấu thực phẩm.

(5) Vị ấy không bao giờ ăn trước khi lấy ra một phần để dâng cúng đến Đức Phật và chúng Tăng vào buổi sáng. Còn vào buổi ăn trưa, vị ấy cũng lấy trước ra một ít từ trên bàn ăn của vị ấy để bố thí đến những người ăn xin, nếu không có thì vật thực ấy được cho những con chó. Đây là sự bố thí được thực hiện trước bữa ăn của vị ấy.

Như vậy, vị ấy được nổi danh là Pañcagga-dāyaka, người bố thí vật thực trong năm trường hợp đầu tiên.

Vào một sáng sớm nọ, Đức Phật nhìn vào thế gian bằng hai loại trí: Asayanusaya-ñāṇa Indriya-propriya-ñāṇa (Căn thượng hạ trí) và biết được những cận y duyên trước kia của pañcagga-dāyaka và vợ của ông ta sẽ được an trú trong quả thánh Dự lưu (sotā patti-magga), và thế nên Đức Phật y phục chỉnh tề và ngồi lại trong hương phòng vào buổi sáng đặc biệt ấy.

(Tất cả các vị bhikkhu thường hội họp tại hương phòng của Đức Phật vào giờ đi khất thực mỗi buổi sáng. Họ luôn luôn theo sau Đức Phật để thọ lãnh vật thực ở thị trấn. Nhưng Đức Phật ở lại hương phòng sau cánh cửa đóng khi nào Ngài muốn đi một mình. Trong những trường hợp như vậy, các vị bhikkhu tự đi khất thực sau khi đi nhiễu quanh Hương phòng vì họ hiểu ngầm rằng Đức Phật vì lý do riêng không đi với họ).

Vào ngày hôm ấy, Đức Phật vẫn ở trong Hương phòng sau cánh cửa được đóng lại vào giờ đi khất thực. Ngài chỉ đi ra khi đến giờ dùng cơm của pañcagga-dāyaka.

Ngài một mình đi vào thành Sāvatthi và dân chúng biết rằng một người nào đó được Đức Phật ban phước. Họ không đi ra như thường lệ để thỉnh Đức Phật thọ lãnh vật thực cúng dường.

Đức Phật đi dọc theo con đường từ nhà này sang nhà khác và dừng lại ở cửa nhà của pañcagga-dāyaka vào lúc vị Bà-la-môn ấy đang cầm bát vật thực để ăn và vợ của ông ta đang cầm quạt để quạt cho chồng. Bà vợ là người đầu tiên trông thấy Đức Phật đang đứng trước cửa nhà của họ. Nàng cố gắng giữ Đức Phật ở ngoài tầm nhìn của chồng bằng cách để cái quạt chắn giữa chồng của bà ta và Đức Phật. Bà ta biết rằng nếu chồng bà trông thấy Đức Phật thì ông ta sẽ cúng dường tất cả vật thực trong bát đến Đức Phật; và như thế bà ta phải nấu phần ăn khác cho chồng. Cùng lúc ấy bà ta ở trong trạng thái bối rối và bất kính. Đức Phật biết rõ điều đó và phóng hào quang từ thân của Ngài đến hai vợ chồng. Khi người chồng trông thấy hào quang màu vàng, ông ta hỏi vợ rằng: “ Cái gì thế này?” Rồi ông ta nhìn quanh và cuối cùng trông thấy Đức Phật đang đứng trước cửa nhà. Rồi vợ của ông ta thả cái quạt xuống và vội vã đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài theo đúng truyền thống thời bấy giờ. Đức Phật nói lên câu kệ để tán dương bà ta trong khi bà ta đang đứng lên:

Sabbaso nāmarūpasamiṃ Yassa naṭṭhi mamāyitaṃ asatā ca na socati.

sa ve bhikkhūti vuccati.

Người đã cắt đứt luyến ái đối với danh và sắc (nāma-rūpa) không chấp thủ tà kiến về ‘Ta’ hoặc ‘của Ta’ và ‘ông kia’ hay ‘bà nọ’ thì được thoát khỏi sầu khổ và ta thán. Do sự chấm dứt nāma-rūpa, người ấy chọc thủng màn đêm dày đặc của phiền não và đáng được xem là vị bhikkhu bậc thánh.

Người vợ của ông Bà-la-môn được an trú trong quả thánh Nhập lưu vào lúc kết thúc thời pháp ấy.

Rồi ông Bà-la-môn thỉnh Đức Phật vào nhà và dâng cúng chỗ ngồi. Rồi vị ấy dâng cúng đến Đức Phật phần ăn của ông ta, rót nước cúng dường và bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn là bậc đáng tôn kính nhất trong thế gian gồm chư thiên và nhân loại. Cầu xin Đức Thế Tôn thọ lãnh vật thực cúng dường của con.” Để đáp ứng lời thỉnh cầu ông ta, Đức Thế Tôn thọ lãnh vật thực được dâng cúng vào bát của Ngài rồi độ nó. Sau khi độ thực xong, Đức Thế Tôn đọc lên câu kệ sau đây:

Yadaggato majjhato sesato vā piṇḍaṃ labhetha paradathepajīvī nalam thuluṃ no be nipaccavādi taṃ vāpi mira muni vedayantu.

Vị bhikkhu sống bằng vật thực do thí chủ tín tâm cúng dường, dù vật thực ấy lấy từ phần đầu hoặc phần giữa hay phần cuối của nồi cơm, như là phương tiện nuôi mạng thường ngày. Vị bhikkhu có lòng tri ân nhận lãnh vật thực bất chấp miếng vật thực xuất phát từ phần nào của nồi cơm. Vị ấy không tỏ ra quá vui sướng khi thọ nhận phần trước tiên của vật thực, cũng không phiền lòng khi có người dâng đến đồ ăn dư thừa. Vị ấy đã từ bỏ cái thích và cái không thích. Người như vậy được những người có trí tuệ xem là người đã đoạn tận các lậu hoặc (āsava), bình thản trước thế gian và các biến cố của thế gian.

Pañcagga-dāyaka chứng đắc quả thánh sotāpatti vào lúc kết thúc thời pháp.

(Đây là những đoạn trích dẫn từ bộ chú giải Sutta Nipāta, bài diễn giải của bài kinh Muni Sutta, nó không ăn khớp với bài trình bày trong bộ Chú giải kinh Pháp Cú).

Ba chuyến viếng thăm Sri Lanka của Đức Phật

Chuyến viếng thăm đảo Sihala lần thứ nhất

Một bài mô tả về ba chuyến viếng thăm đến đảo Sihala (Sri- Lanka) của Đức Phật, dưới dạng tóm tắt, trích ra từ bộ Mahā Vaṃsa, cuốn I.

Sau khi chứng đắc Phật quả, Đức Phật trải qua mùa an cư đầu tiên tại Isipatana, Migadāya gần Bārāṇasī. Từ đó Ngài đi đến khu rừng Uruvela để tế độ ẩn sĩ Uruvela bằng cách thị hiện những pháp thần thông. Lúc bấy giờ, dân chúng của hai nước Aṅga và Magadha hằng năm đến cúng dường vị ẩn sĩ này. Vị ẩn sĩ không muốn Đức Phật đến tham dự trong lễ hội to lớn ấy. Đức Phật biết rõ những ý nghĩ của vị ấy. Bởi vậy vào ngày hôm ấy, Đức Phật đi đến châu đảo Uttarakuru để khất thực, và từ đó Ngài trở về hồ Anotatta để độ thực, và khi đêm xuống (tháng thứ 9 sau khi giác ngộ) Ngài tiếp tục đi đến đảo Sihala.

Chuyến viếng thăm của Ngài đúng vào lúc các dạ-xoa đang tổ chức đại hội tại nơi mà ngày nay là khu vườn Mahānagavana, bề dài 3 do tuần và bề rộng một do tuần ở phần trung tâm của đảo, nằm dọc theo bờ sông. Đức Phật đi đến chỗ các dạ xoa đang hội họp và trong khi đang đứng ngay trên đầu của họ, nơi bảo tháp Mahīyañgana ngày nay, tạo ra cơn mưa lớn và những luồng gió thổi vần vũ cộng thêm bóng tối bao trùm khiến họ sợ hãi.

Các dạ-xoa rất sợ hãi và họ cầu xin Đức Phật ban cho họ một chỗ nương náu tránh khỏi hiểm nguy. Đức Phật xoa dịu họ bằng cách cho họ biết rằng Ngài sẽ làm cho họ vơi dịu lo âu và sợ hãi, nếu họ chịu dâng cho Ngài một chỗ ở trên đảo để trú ngụ. Nhân đó, họ đáp lại: “ Đức Thế Tôn của sự bình an và thanh tịnh… Nhân đây chúng con xin dâng Ngài chính chỗ này và chúng con cầu xin Ngài cho tất cả chúng con một chỗ trú ẩn trên hải đảo này.”

Đức Phật trả lại sự an bình và làm lắng dịu những nỗi sợ hãi của các dạ-xoa bằng cách khiến cho mưa bão và bóng tối biến mất, rồi Ngài đi xuống đất và trải ra tấm tọa cụ bằng da rồi ngồi trên đó. Khi Đức Phật trải ra tấm tọa cụ bằng da trên chỗ ấy, các dạ-xoa bèn bỏ chạy để tránh sức nóng khó chịu đang tỏa ra từ tấm thảm rực cháy và ẩn náu nơi những khu vực xa xôi của hải đảo. Đức Phật khiến cho đảo Giridipa đến gần với Sihala để cung cấp chỗ ngụ cho các dạ-xoa chưa ổn định. Một khi tất cả các dạ-xoa đã định cư ở đó rồi, Đức Phật khiến cho hải đảo di chuyển trở lại chỗ cũ của nó.

Tấm thảm da cháy sáng được thu lại ngay khi đảo Sihala đã hết tất cả dạ-xoa. Rồi tất cả chư thiên đến hội họp trên đảo và tổ chức đại hội. Đức Phật bèn thuyết pháp đến họ, kết quả là nhiều koṭi chúng sanh giác ngộ Tứ Diệu Đế và số chư thiên quy y Tam bảo với niềm tin dũng mãnh.

Đức Phật trao một nắm tóc đến vị thiên Mahā Sumana theo lời thỉnh cầu của vị ấy

Vị thiên Mahā Sumana sống ở núi Samavakuta. Vị ấy chứng đắc quả thánh sotāpatti nhờ nghe thời pháp tại đại hội, đã đề cập ở trên. Vị ấy thỉnh cầu Đức Phật trao cho một vật kỷ niệm nào đó để tôn thờ. Đức Phật sờ vào đầu của Ngài và lấy một nắm tóc rồi trao cho vị thiên Mahā Sumana. Sau đó, Đức Phật trở về khu rừng Uruvela.

Vị thiên Mahā Sumana cất nắm tóc trong cái hộp bằng vàng và tôn trí ở một nơi được rải đầy các loại châu báu, và ngày nay nơi ấy có bảo tháp Mahīyañgana Cetiya. Cái hộp bằng vàng đựng nắm tóc của Đức Phật được tôn trí trong một ngôi tháp nhỏ bằng ngọc thạch anh.

Về sau một đệ tử của tôn giả Sāriputta, là đại đức Sarabhū, đã lấy cái xương cổ của Đức Phật từ chỗ hỏa thiêu nhục thân của Đức Phật và dùng thần thông đem đến đặt vào bảo tháp này. Vị ấy đã tôn trí xương ấy trong bảo tháp cũ có kích thước nhỏ hơn và nâng bảo tháp ấy lên cao 12 hắc tay, được phụ giúp bởi một nhóm bhikkhu. Rồi đại đức Sarabhu trở về sau khi trùng tu lại bảo tháp ấy.

Năm tháng trôi qua và đến thời của vua Devānapiyatissa, em trai của vua tên là Uddha Culabhaya đã trùng tu lại ngôi bảo tháp cũ và nâng nó lên cao 30 hắc tay, bao bọc cái bảo tháp cũ nhỏ hơn. Về sau, vua Duṭhagāmani tái thiết lại ngôi bảo tháp, nâng cao lên 80 hắc tay. Như vậy bảo tháp Mahīyañgana Ceti đã được nâng lên cao trải qua năm tháng.

Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của Đức Phật đến đảo Sihala.

Chuyến viếng thăm của Đức Phật đến đảo Nāgadipa

Vào lúc Đức Phật đang ngụ ở Jetavana tịnh xá tại Sāvatthi, suốt mùa an cư thứ năm, có một trận chiến lớn gồm những đội binh to lớn giữa hai phe của Mahodara và rồng cháu Culodara để dành lấy chiếc ngài vàng bằng ngọc lục bảo. Khi Đức Phật biết được tình huống không vui này, Ngài mang y bát ra đi vào lúc sáng sớm và đến giữa trận chiến tại đảo Nāgadīpa, để cứu cho loài rồng tránh khỏi sự diệt vong.

Rồng chúa Mahodara là vị long vương hùng mạnh, muốn thống trị vương quốc rồng (nāga) rộng năm trăm do tuần tại khu vực ấy của đại dương.

Long vương Mahodara gả em gái của vị ấy, là Kanha, cho một vị long vương khác đang cai trị vùng núi Vattamana. Về sau họ có một đứa con trai tên là Culodara.

Trước khi mạng chung, bà ngoại của Culodara cho mẹ của Culodara chiếc ngai bằng ngọc lục bảo. Kết quả là một cuộc chiến tranh xảy ra tranh quyền sở hữu chiếc ngai kia giữa long vương Mahodara và đứa cháu Culodara. Những vị rồng sống ở vùng núi ấy cũng là những kẻ cai trị hùng mạnh trong lãnh thổ riêng của họ với những đội binh to lớn.

Có một vị thiên tên là Samiddhi Sumana, ngụ ở cây Linlun, gần cổng vòm đi vào khu vườn của Jetavana tịnh xá. Vị ấy đi theo Đức Phật suốt con đường đến đảo Nāgadīpa, được sự cho phép của Đức Phật, mang theo cây Linlun làm cái lọng che để bảo vệ Ngài tránh khỏi nắng mưa.

Vấn đề này sẽ được giải rõ thêm. Vị thiên Samiddhi Sumana trong một kiếp quá khứ đã làm người tại đảo Nāgadīpa. Một lần nọ, vị ấy trông thấy một vị Phật Độc giác đang độ thực tại nơi mà ngày nay có bảo tháp Rājayatana (được mọi người biết đến qua tên Linlun). Bằng sự tôn kính, vị ấy đã dâng đến Đức Phật Độc Giác một nắm nhánh cây dùng để chùi rửa bát sau bữa ăn.

Do nhờ việc phước này, vị ấy được sanh làm thọ thần của cây Linlun ở gần cổng vòm dẫn vào Jetavana tịnh xá. Cây Linlun nằm ở bên ngoài tịnh xá từ lúc tịnh xá được xây dựng.

Đức Phật đã dẫn theo vị thiên Samiddhi Sumana cùng với cây Linlun vì lợi ích của vị ấy và lợi ích của hải đảo.

Khi đến hải đảo, Đức Phật ngồi giữa chiến trường trên hư không và khiến cho bóng tối bao trùm toàn thể không gian để khiến những kẻ tham chiến sợ hãi. Rồi Đức Phật khiến cho toàn vùng sáng tỏ trở lại để làm vơi dịu các vị rồng khỏi sợ hãi và lo lắng. Các vị rồng trông thấy Đức Phật, họ cảm thấy hạnh phúc và kéo đến quanh Ngài và đảnh lễ dưới chân Ngài với lòng tôn kính sâu sắc.

Khi Đức Phật thuyết pháp đến họ trong niềm an lạc và tĩnh lặng, hai vị vua rồng địch thủ rất hoan hỉ với thời pháp đến nỗi họ nhất trí dâng chiếc ngai bằng ngọc lục bảo đến Đức Phật.

Rồi Đức Phật đi xuống và ngồi trên chiếc ngai và độ vật thực thượng vị do các vị rồng dâng cúng rồi thuyết pháp đến họ, kết quả là tám mươi koṭi chúng sanh rồng, cả trên đất liền và dưới nước, đều quy y Tam bảo với tâm tịnh tín.

Chuyến viếng thăm đảo Sihala lần thứ hai

Sự thỉnh cầu của Long vương Maniakkhita

Maniakkhika, một vị long vương của vùng Kalyani là cậu của Mahodara, cũng đã đến tại đảo của chúa rồng Nagadīpa để tham chiến. Vị ấy đã quy y Tam bảo vào lúc Đức Phật lần đầu tiên đến viếng đảo Sihala. Vị ấy long trọng thỉnh cầu Đức Phật: “ Bạch Đức Thế Tôn… Ngài quả thật đã làm một việc đem lại lợi ích to lớn cho chúng con bằng những lời khuyến giáo của Ngài. Nếu Ngài không đi đến chỗ này thì giờ đây chắc hẳn chúng con đã bị thiêu hủy ra tro bụi rồi. Ước muốn tha thiết của chúng con là với lòng bi mẫn của Ngài, mong Ngài ban đặc ân cho chỗ ngụ của chúng con, Kalayani, bằng chuyến viếng thăm của Ngài khi Ngài đến đảo Sihala trong dịp tới.”

Đức Phật làm thinh để tỏ dấu hiệu nhận lời thỉnh cầu của vị ấy.

Rồi Đức Phật khuyên họ nên xây dựng bảo tháp Rājayatana tại chỗ ấy như là một đài kỷ niệm trường hợp kiết tường ấy. Ngài tặng cho họ cây Linlun và trả lại chiếc ngai bằng ngọc lục bảo với những lời giáo huấn là giữ gìn chúng như là những vật thiêng liêng đáng tôn thờ.

“ Này các chúa rồng, hai vật này nên được tôn kính như là những di vật của Như Lai (Paribhoga Ceti) vì lợi ích và vì sự thạnh vượng lâu dài của các ngươi.”

Đức Phật, sau khi để lại những lời giáo huấn ấy, Ngài trở về Jetavana tịnh xá tại Sāvatthi.

Những biến cố này đánh dấu chuyến viếng thăm thứ hai đến đảo Sihala của Đức Phật.

Chuyến viếng thăm đảo Sihala lần thứ ba

Ba năm sau, long vương Maniakkhika đi đến Sāvatthi để thỉnh cầu Đức Phật đến viếng đảo Sihala khi Ngài đang ngụ ở Jetavana tịnh xá.

Vào ngày rằm tháng Vesakha, năm thứ tám sau khi Đức Phật thành đạo (và một ngày sau khi Maniakkhika đi đến). Đức Phật, khi được thông báo đã đến giờ thọ thực, bèn mặc y và đi qua đảo Sihala, có năm trăm vị bhikkhu theo cùng.

Long vương Maniakkhika cùng với tùy tùng của vị ấy đã cung rước Đức Phật và chúng bhikkhu đến một cung điện bằng châu báu, gần nơi ngày nay có bảo tháp Kalyani, rồi dâng vật thực thượng vị của chư thiên đến Đức Phật và chúng bhikkhu với lòng tôn kính sâu sắc.

Sau khi thuyết pháp đến long vương Maniakkhika và tất cả các vị rồng, Đức Phật đi xuyên qua hư không đến đồi Sumana và để lại một dấu chân của Ngài, để các thế hệ mai sau xem đó là chỗ thiêng liêng (Pāda ceti). Đức Phật đi xuống chân đồi cùng với chúng bhikkhu để nghỉ ngơi rồi đi tiếp đến Dīghavapi.

Trong thời gian lưu trú tại Dīghavapi, Thế Tôn và tất cả các vị bhikkhu an hưởng quả định (phala-sāmapatti) tại nơi bảo tháp Dīghavāpi ngày nay. Đây là một trong những thánh địa mà xưa kia được mọi người sùng bái. Từ đây Đức Phật đi tiếp đến khu vườn Maha Meghavana.

Khi đến tại khu lâm viên Meghavana cùng với 500 bhikkhu, Đức Phật ngồi xuống chỗ cây Mahabodhi nguyên thủy và cùng với các vị tỳ khưu nhập thiền quả định.

Từ đây, Đức Phật cùng với 500 bhikkhu đi đến địa điểm của bảo tháp Mahāceti và thọ hưởng thiền quả định. Sau khi xuất định, lại đi đến chỗ hiện nay có bảo tháp Thupayo ceti và cùng thọ hưởng thiền quả.

Khi xuất khỏi quả định (phala-sāmapatti), Đức Phật cùng với 500 bhikkhu đến bảo tháp Kyauk (bảo tháp bằng đá) ngày nay và thuyết pháp đến tất cả chư thiên hiện diện ở đó lúc bấy giờ, rồi Ngài trở về Jetavana tịnh xá.

Những biến cố này đánh dấu chuyến viếng thăm thứ ba của Đức Phật đến đảo Sihala. Đây là bài mô tả ba chuyến viếng thăm của Đức Phật đến đảo Sihala.

KẾT THÚC CHƯƠNG 26

HẠ THỨ TÁM CỦA ĐỨC PHẬT TẠI THỊ TRẤN SUSUMARAGIRA


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]