THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 4
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Phần trước] [Mục lục tập 4] [Phần tiếp theo]


CHƯƠNG 28

MÙA AN CƯ THỨ 10 CỦA ĐỨC PHẬT TẠI KHU RỪNG PĀLILEYYAKA

Bālakaloṇaka là ngôi làng phong kiến của địa chủ Upāli. Đức Phật đi đến ngôi làng ấy mà không báo cho vị tỳ khưu nào biết, ngay cả vị Thượng thủ Thinh văn hay cả đại đức Ānanda, như con voi chúa rời khỏi đàn. Ngài đi đến đó hoàn toàn một mình cùng y và bát vì sẽ không có chúng sanh nào để Ngài tế độ trong suốt hạ thứ mười sắp đến. Sự ra đi một mình của Ngài đến thành phố Kosambi là cách để khuyến giáo các vị tỳ khưu đang bất hòa với nhau. Ngài bỏ đi vào khu rừng Pālileyyaka, và trên đường đi Ngài muốn tỏ thái độ ủng hộ trưởng lão Bhagu làm cho ông hoan hỉ, lúc bấy giờ đang sống độc cư trong rừng và nuôi mạng bằng cách đi khất thực ở ngôi làng Bālakaloṇaka.

Năm trăm vị tỳ khưu muốn đi theo Đức Phật

Khi Đức Phật ra đi một mình như vậy, năm trăm vị tỳ khưu nói với đại đức Ānanda rằng: “Thưa đại đức Ānanda. Đức Phật đã ra đi một mình, chúng ta hãy đi theo Ngài.” Khi ấy, đại đức Ānanda đáp lại rằng: “Thưa các tôn giả! Khi Đức Thế Tôn dọn dẹp chỗ ngụ và y bát rồi một mình ra đi mà không dẫn theo thị giả nào và không báo cho chư Tăng biết nghĩa là Ngài muốn đi một mình. Đệ tử nên tôn trọng ý định của thầy mình. Do đó, vào những ngày này các tôn giả không nên đi theo bậc Đạo-Sư.” Như vậy, đại đức Ānanda đã không cho họ đi, mà chính vị ấy cũng không đi theo vì biết rõ ý định của Đức Phật.

Khi trưởng lão Bhagu trông thấy Đức Phật từ xa đi đến ngôi làng Bālakaloṇaka, vị ấy sửa soạn chỗ ngồi và đem nước đến để Ngài rửa chân, tấm ván để Ngài đặt chân lên và mảnh gấm dùng để chà chân. Vị ấy cung đón Đức Phật và đỡ lấy y bát của Ngài. Khi ngồi trên chỗ đã được soạn sẵn, Đức Phật rửa chân và hỏi vị ấy: “Này tỳ khưu! Con có được an vui không? Có đủ vật thực không? Đi khất thực có thuận tiện không?” “Bạch Đức Thế Tôn! Con hoàn toàn được an vui, con có đủ vật thực, con kiếm vật thực không khó khăn.” Ngay khi ấy Đức Phật ban một thời pháp thoại về lợi ích của đời sống độc cư, rồi Ngài tiếp tục đi về hướng đông của khu rừng Trúc.

Đức Phật đi đến phía đông của khu rừng Trúc

Lúc bấy giờ, ba vị trưởng lão là Anuruddha, Nandiya và Kimila đang sống ở khu rừng Trúc. Khi người bảo vệ rừng trông thấy Đức Phật từ xa đang đi đến, ông ta tưởng Ngài là vị tỳ khưu bình thường nên chặn Ngài lại và nói rằng: "Thưa ông tỳ khưu! Đừng đi vào khu rừng này, ba thành viên của thị tộc trú ngụ trong khu rừng này vì lợi ích của họ. Xin đừng gây bất tiện cho họ.”

(Chú thích: cũng như một người đói bụng thèm ăn, một người khát nước muốn uống, một người bị lạnh muốn sưởi ấm, một người nóng nực muốn được mát hay một người buồn muốn được vui. Cũng vậy, Đức Phật vì chán cảnh các vị tỳ khưu Kosambi bất hòa với nhau, bèn nghĩ đến những vị tỳ khưu có giới đức sống ở đó. Khi suy xét như vậy, Đức Phật trông thấy ba thành viên quý tộc này bằng Phật nhãn và muốn sách tấn ba nhân vật cao quý này, Ngài suy xét như vầy: “Nếu Ta làm như vậy thì đó là cách tốt nhất để khuyến giáo các vị tỳ khưu xứ Kosambi mãi mãi về sau.” Vì vậy Ngài đi về phía đông của khu rừng Trúc, chỗ ngụ của ba nhân vật cao quý).

Khu rừng nơi mà trưởng lão Anuruddha và hai vị trưởng lão kia đang sống có hàng rào được canh giữ nên hoa trái và những căn nhà bằng gỗ ở trong đó được an toàn không bị quấy phá bởi bất cứ người nào. Khi người bảo vệ trông thấy Đức Phật đi đến từ xa, ông ta suy nghĩ: “Ở đây trong khu rừng này có ba nhân vật cao quý đang sống hòa hợp với nhau. Sự bất hòa và xung đột có thể xảy ra ở bất cứ chỗ nào nếu có người khác đến. Một người có thể đi chỗ này chỗ kia để quấy phá và tấn công như những con bò rừng có cặp sừng nhọn và sự phá hoại như vậy có thể gây ra sự chia rẽ khiến cho hai người không thể đi chung với nhau trên cùng một con đường. Vị đại Sa-môn này đến viếng thăm có thể gây ra sự bất hòa lúc này hoặc lúc khác rồi phá hoại sự nương tựa đầy hạnh phúc và gắn bó của ba nhân vật cao quý này. Xem ra ông ta có ấn tượng với nước da vàng ròng và giống như người ưa thích vật thực thượng vị. Ông ta đến đây, với sự khen ngợi những tín đồ của ông ta là những người sẽ dâng cúng đến ông ấy những bữa ăn ngon và bằng cách làm điều này hay điều khác, ông ta có thể phá hoại đời sống phạm hạnh đầy chánh niệm của ba nhân vật cao quý thánh thiện này.

Ngoài ra, chỗ ngụ chỉ đủ cho ba người, chỉ có ba thảo am, ba đường đi kinh hành, ba chỗ ẩn cư vào ban ngày, ba chiếc giường và ba tấm ván, không có gì dư thừa cả. Vị đại Sa-môn này là người mới đến, có thân cao lớn, có lẽ vị ấy là vị Sa-môn đã tu lâu năm, ông ta có thể chóang chỗ những người cư ngụ hiện tại khiến họ không được an vui về mọi phương diện.” Suy nghĩ như vậy, người bảo vệ ngăn không cho Đức Phật đi vào rừng bằng cách nói rằng: "Đừng quấy rầy sự an vui của họ.”

(Người ta có thể nói rằng phải chăng người bảo vệ rừng ngăn chặn bậc Đạo sư vì ông biết Ngài hay là ông ta làm như vậy vì không biết? Câu trả lời là ông làm như vậy vì không biết.

Giải thích: Khi Đức Phật xuất hiện như vậy, với oai lực của một vị Phật giữa hội chúng tỳ khưu người ta có thể nhận biết Đức Phật mà không cần hỏi: “Người đàn ông này là ai?” Nhưng Ngài đi về hướng đông của khu rừng Trúc với ước muốn rằng: “Đừng ai biết rằng Ta là Đức Phật” nên Ngài đã thu hết hào quang và những oai lực của một vị Phật bằng phương tiện thần thông của Ngài tựa như Ngài che dấu chúng dưới tấm vải. Ngài đi lại trong tướng mạo của người bình thường như mặt trăng tròn to lớn bị che khuất bởi những đám mây, tự mình mang y bát. Người bảo vệ ngăn chặn Đức Phật vì ông ta không biết Ngài là một vị Phật Toàn Giác).

Trong khi đang ngụ ở chỗ ẩn cư ban ngày, trưởng lão Anuruddha nghe câu nói của người bảo vệ ‘Này tỳ khưu! Đừng đi vào khu rừng này.’ Trưởng lão tự nghĩ rằng: “Chỉ có ba chúng ta cư ngụ trong khu rừng này, không có ai khác đang cư ngụ ở đây. Người bảo vệ nói tựa như ông ta đang nói chuyện với một vị tỳ khưu, người ấy là ai?” Rồi vị ấy ngồi dậy, đứng ở cửa và nhìn khắp con đường, vị ấy trông thấy Đức Phật.

Về phần Đức Phật, vừa khi Ngài nhìn lướt qua trưởng lão Anuruddha và Ngài phát ra hào quang với ba mươi hai tướng hảo và tám mươi tướng phụ rực rỡ như dải lụa vàng được trải rộng. Khi ấy, trưởng lão nghĩ rằng: “Như người duỗi cánh tay ra để tóm lấy cổ của con rắn độc và cái mang dựng đứng của nó, người đàn ông tội nghiệp không biết đó là Đức Phật dầu ông ta đang nói chuyện với bậc tôn quý nhất trong thế gian. Ông ta nói chuyện tựa như ông ta đang nói chuyện với một vị tỳ khưu bình thường.” Bởi vậy, trưởng lão nói với người bảo vệ: “Này ông bảo vệ! Đừng chặn đường Đức Phật, đây là bậc Đạo sư, Đức Thế Tôn của chúng ta!”

Ba vị Trưởng lão đón tiếp Đức Phật

Trưởng lão Anuruddha không đi một mình để đón tiếp Đức Phật, vì trưởng lão nghĩ rằng: “Ba chúng ta hiện đang sống hòa hợp với nhau. Nếu một mình ta đi đón tiếp Đức Phật thì không đúng với đời sống hòa hợp. Ta sẽ dẫn hai người bạn của ta cùng đi đón tiếp Ngài. Hai bạn của ta cũng tôn kính Ngài giống như ta.” Ước muốn cùng hai bạn đi yết kiến Đức Phật, vị ấy đi đến chỗ ẩn tu ban ngày của hai vị và gọi họ: “Nào! Các hiền giả, hãy đến đây. Bậc Đạo sư của chúng ta, Đức Phật đã đến.” Rồi ba vị trưởng lão với tâm đầy ý hợp cùng đón tiếp Đức Phật. Người thì cầm y bát, người kia sửa soạn chỗ ngồi và người kia thì sắp sẵn nước, tấm ván và miếng sành để Đức Phật rửa chân.

Khi ngồi trên chỗ đã được soạn sẵn, Đức Phật rửa chân của Ngài.

(Ở đây, hai bàn tay của Ngài đỏ như hoa sen mới nở. Đức Phật múc một ít nước trong như pha lê và rưới xuống hai lòng bàn chân màu vàng ròng và lấy bàn chân này chà vào bàn chân kia để rửa chân của Ngài.

Người ta có thể nói rằng tại sao Đức Phật phải rửa chân của Ngài dầu rằng thân của Ngài hoàn toàn không dính bụi? Câu trả lời là Ngài rửa chân để làm mát chân và đồng thời làm hoan hỷ ba vị trưởng lão. Lý do sau cần được giải thích. Qua việc Đức Phật rửa chân như vậy, Ngài có thể khiến cho ba vị trưởng lão vô cùng hoan hỷ với ý nghĩ rằng: “Nước do chúng ta mang đến, bậc Đạo sư đã dùng để rửa chân và như vậy Ngài đã dùng đến nó.” Vì lý do như vậy mà Đức Phật rửa chân dầu thân của Ngài không hề dính chút bụi nào).

Sau khi đảnh lễ Đức Phật, ba vị trưởng lão bèn ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Rồi Đức Phật hỏi: “Này các con! Các con có được an vui không? Các con có hoàn toàn khỏe mạnh không? Các con có được an vui trong các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi không? Các con có được thoải mái trong việc nuôi mạng không?” Trưởng lão Anuruddha đáp lại: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con luôn được an vui. Chúng con hoàn toàn an vui trong bốn oai nghi. Chúng con không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm vật thực.”

(Ở đây, trong số ba vị trưởng lão, Ngài Anuruddha là vị tỳ khưu cao hạ nhất. Nếu vinh dự được ban đến trưởng lão Anuruddha, vị trưởng lão cao hạ nhất thì có nghĩa là vinh dự cũng được ban đến cho hai vị trưởng lão nhỏ hạ hơn. Đó là lý do khiến Đức Phật gọi tên Anuruddha. Nói cách khác, trong kinh tạng Pāḷi, tên Anuruddha ở dạng số nhiều, nghĩa đen là ‘Này Anuruddha! Các con…’ Trong câu nói của Ngài, Đức Phật dùng phương pháp gọi tắc (Virupekasesa) bao hàm cả hai vị trưởng lão còn lại).

Lại nữa, Đức Phật hỏi: “Này Anuruddha! Các con sống với nhau có được hòa hợp và hạnh phúc, không tranh cãi, và giống như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt thân ái không.” Trưởng lão Anuruddha trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con quả thật có sự hòa hợp và hạnh phúc, không tranh cãi bất hoà, và chúng con nhìn nhau với cặp mắt thân ái.” Đức Phật hỏi tiếp: “Này Anuruddha! Làm sao các con làm được như vậy?” Trưởng lão giải thích: “Bạch Đức Thế Tôn! Sống trong khu rừng này, con tự xét rằng: “Lợi đắc của ta quả thật to lớn. Ta đã thành đạt sự may mắn to lớn, vì sống chung với hai người bạn này có cùng bản tánh như vậy. Bạch Đức Thế Tôn! Đối với hai người bạn này con đã cư xử bằng thân từ ái, lời nói từ ái và ý nghĩ từ ái ngay cả trước mặt cũng như lúc vắng mặt họ. Bạch Đức Thế Tôn! Khi nghĩ rằng: ‘Khi làm điều gì, ta gạt lại ý riêng của ta mà làm theo ý kiến của họ, ta phải tôn trọng ý của họ hơn ý của ta. Bạch Đức Thế Tôn! Dầu ba chúng con có thân khác nhau nhưng tâm tính chúng con giống tựa như một.”

Sau đó, trưởng lão Nandiya và trưởng lão Kimila bạch với Đức Phật với nội dung giống như trưởng lão Anuruddha.

(Ở đây, liên quan đến những lời được nói về sự thực hành của thân, lời nói và ý nghĩ có từ ái (metta) đi kèm dù trước mặt hay sau lưng kẻ khác. Hành động về thân và lời nói trước mặt kẻ khác được thể hiện khi đang sống với nhau. Chúng được thể hiện ở sau lưng kẻ khác khi đang ở cách xa nhau. Tuy nhiên, hành động về ý nghĩ xảy ra trong khi đang sống chung với nhau hay trong khi đang ở riêng biệt).

Giải rõ: Khi một vị tỳ khưu đồng cư trông thấy một chiếc giường, một tấm ván, một vật bằng gỗ hay một thứ đồ gốm để sai chỗ bởi một vị tỳ khưu khác, vị ấy không nên hỏi một cách hình sự rằng: “Ai đã dùng đến cái này?” Thay vào đó, vị ấy nên cầm nó lên rồi để lại đúng vị trí của nó tựa như chính vị ấy đã đặt sai vị trí và bây giờ vị ấy phải đặt lại cho đúng chỗ. Hơn nữa, vị ấy nên làm sạch sẽ bất cứ chỗ nào cần làm sạch sẽ. Như vậy, hành động về thân của vị tỳ khưu ấy được xem là đã được làm bằng tâm từ trước mặt những người khác.

Khi có một vị tỳ khưu đồng cư đi vắng, thì một vị tỳ khưu nào đó trong số còn lại cũng nên trả về lại vị trí cũ những vật dùng trong tịnh xá đã bị bỏ lại một cách bề bộn bởi vị tỳ khưu đi vắng. Vị ấy nên làm sạch bất cứ chỗ nào nên được làm sạch. Hành động của thân như vậy được gọi là hành động được làm với tâm từ khi người khác đi vắng.

Sống chung với những vị trưởng lão khác, vị tỳ khưu nên nói bằng những lời từ ái và dịu ngọt, những lời khẩn khoản, những lời đáng ghi nhớ lâu dài, những lời nói của Giáo pháp, nên nói Pháp, luận Pháp và đặt ra những câu hỏi và trả lời trong Giáo pháp. Mọi hành động về lời nói như vậy là lời nói có tâm từ trước mặt những người khác.

Khi những vị khác đi đến một nơi nào đó, thì vị tỳ khưu ở lại (như trưởng lão Anuruddha chẳng hạn) tán dương những đức tính của họ như nói rằng: “Trưởng lão Nandiya (hay trưởng lão Kimila) có những đức tánh như vậy và những hạnh đức như vậy. Hành động về lời nói như vậy được gọi là lời nói từ hòa được nói ra khi vị khác đi vắng. Cầu mong cho trưởng lão Nandiya, bạn thân của ta (hay trưởng lão Kimila) không gặp những điều rủi ro tai hại. Cầu mong cho bạn của ta không sân hận, không thù nghịch, cầu mong cho bạn của ta thân tâm hằng được an vui.” Hành động về ý nghĩ của vị ấy như vậy tập trung vào những ý tưởng chúc lành cho kẻ khác ở trước mặt cũng như sau lưng của họ được gọi là ý từ ái trong cả hai trường hợp.

(Bằng cách nào mà ba vị trưởng lão gác lại ý muốn của riêng mình và hành động theo ý của người khác? Giả sử cái bát của vị này có dấu hiệu cũ sét, cái y của vị kia dơ và thiền thất của vị thứ ba cũng bị dơ và cần được dọn sạch. Trong khi ba thứ này cùng xảy ra, nếu chủ nhân của cái bát nói trước rằng ‘Cái bát của tôi đã bị cũ sét, tôi phải đốt nó để làm mới lại.’ Khi ấy, hai vị kia sẽ không nói ‘Y của tôi bị dơ và tôi phải giặt nó’ hay ‘Tôi phải làm sạch bụi rác trong thiền thất của tôi.’ Thay vào đó, họ đi vào rừng và cùng phụ giúp vào việc đốt bát. Chỉ sau khi đốt bát xong họ mới giặt y hoặc quét dọn thiền thất. Nếu vị tỳ khưu thứ hai nói trước ‘Tôi phải giặt y’ hay vị tỳ khưu thứ ba nói trước ‘Tôi phải quét dọn thiền thất’ thì hai vị còn lại phụ giúp vào công việc của vị ấy. Và chỉ sau khi làm xong công việc của vị thứ hai rồi, họ mới trở về công việc riêng của họ. Đây là cách vị tỳ khưu ưu tiên ước muốn của người khác, gác lại ước muốn của riêng mình).

Sau khi hỏi về nội dung của sự hòa hợp (sāmaggī-rasa) của ba người, và sau khi đã biết đầy đủ nội dung của họ. Đức Phật muốn biết về những dấu hiệu Chánh niệm của họ (appamāda-lakkhaṇa). Ngài hỏi: “Này Anuruddha! Các con hướng đến Niết Bàn bằng nỗ lực tinh tấn như thế nào?” Trưởng lão trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con quả thật sống với tâm hướng đến Niết Bàn bằng sự nỗ lực tinh tấn lớn, không dể duôi”. Đức Phật hỏi tiếp: “Các con đã sống hướng đến Niết Bàn với sự nỗ lực tinh tấn không dể duôi như thế nào?” Trưởng lão đáp lại: “Bạch Đức Thế Tôn! Một người trong số ba chúng con khi đi trước vào làng khất thực thì hai vị kia bèn sắp xếp các chỗ ngồi, để sẵn nước và tấm ván rửa chân và đặt những miếng gốm để cọ chân. Vị ấy đặt sẵn cái hủ để bơ, những phần vật thực đầu tiên vào trong đó, vị ấy đi lấy nước uống và nước dùng trong những mục đích khác. Vị tỳ khưu nào đi vào làng khất thực muộn hơn thì có thể ăn thêm phần vật thực của vị trước nếu vị ấy muốn. Nếu không thích vị ấy có thể đem đổ nó ở chỗ không có cây cỏ xanh hoặc đổ nó xuống ở những chỗ nước không có sinh vật nhỏ. Vị ấy xếp dọn các chỗ ngồi, tấm ván, nước và những miếng sứ để lại chỗ cũ của chúng. Vị ấy cũng làm như vậy với các hủ đựng vật thực sau khi rửa sạch nó. Vị ấy quét dọn phòng ăn. Nếu thấy cạn nước trong một cái lu nào đó, như lu nước uống, lu nước rửa hoặc lu nước tắm, vị ấy châm đầy nước. Nếu công việc nặng nhọc cần có người khác giúp thì vị ấy gọi một vị tỳ khưu khác bằng cách đưa tay ra hiệu và hai người cùng nhau làm công việc ấy. Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con không nói một lời nào liên quan đến việc mang nước. Bạch Đức Thế Tôn! Cứ năm ngày một lần, chúng con ngồi lại với nhau một đêm để luận bàn giáo pháp.

Bạch Đức Thế Tôn bằng cách như vậy chúng con sống hoan hỷ trong Niết Bàn, bằng cách thể thiện những sự tinh tấn lớn, không dể duôi.”

(Ở đây, một điều đáng tôn kính và đáng lưu ý là ba vị trưởng lão này không đi khất thực chung với nhau, họ chỉ vui thích trong thiền quả, họ xuất thiền, họ làm vệ sinh thân thể, làm tròn các phận sự của họ rồi trở về thiền thất riêng của họ và trú quả định trong một thời gian nhất định nào đó).

Trong ba vị trưởng lão này, vị nào trú quả định trước thì đi khất thực trước. Khi trở về vị ấy biết rằng hai vị kia đi trễ còn ta về trước. Rồi vị ấy đậy nắp bát, sắp xếp chỗ ngồi và làm những công việc khác; nếu vị ấy có đủ vật thực trong bát thì ngồi xuống và đem vật thực ra ăn. Nếu vật thực hơi nhiều ăn không hết thì vị ấy múc ra bỏ vào trong cái hủ đựng vật thực, đậy lại rồi ăn phần trong bát. Sau khi đổ vật thực xong vị ấy rửa bát, phơi khô và đặt nó vào trong cái túi vải đựng bát, rồi mang y và bát, vị ấy đi về chỗ ngụ ban ngày của mình.

Khi vị tỳ khưu thứ hai đi đến phòng ăn, vị ấy hiểu rằng ‘đã có một vị tỳ khưu đi trước ta,’ vị kia vẫn còn sau ta. Nếu vị ấy thấy đủ vật thực trong bát thì ngồi xuống độ thực. Nếu vị ấy thấy vật thực trong bát của mình không đủ no thì vị ấy lấy thêm một ít vật thực đựng trong cái hủ (do vị tỳ khưu trước để lại). Nếu vị ấy thấy ăn không hết vật thực trong bát của mình thì vị ấy sớt một phần vào trong cái hủ đựng vật thực rồi ăn phần vật thực vừa đủ trong bát của mình. Và giống như vị tỳ khưu trước, vị ấy đi về chỗ ẩn cư ban ngày của mình.

Khi vị tỳ khưu thứ ba đi đến phòng ăn, vị ấy nhận thấy ‘hai vị kia đã đến và đi trước ta.’ Ta là người cuối cùng, và vị ấy độ thực giống như vị tỳ khưu thứ hai. Sau khi độ thực xong, vị ấy rửa bát rồi đem phơi khô, xong rồi bỏ vào túi đựng bát và dọn dẹp chỗ ngồi. Đổ bỏ nước uống và nước dùng, đoạn úp lại những cái hủ đựng nước. Nếu còn vật thực trong hủ vị ấy đem đổ bỏ ở trên những chỗ đất không có cỏ xanh hay những chỗ nước không có những sinh vật bé nhỏ rồi rửa hủ và đem cất nó. Sau khi quét dọn phòng ăn, vị ấy lắc cho cái chổi sạch bụi rồi để nó ở chỗ không có mối. Đoạn mang bát trở về chỗ ngụ riêng. Đó là sinh hoạt thường nhựt của các vị trưởng lão tại phòng ăn ở bên ngoài chỗ ngụ trong rừng.

Việc lấy nước uống và nước sinh hoạt là phận sự được làm trong chỗ ngụ. Nếu một trong những ba vị Thánh trưởng lão trông thấy một cái hủ nào đó bị cạn nước, vị ấy mang cái hủ đi đến hồ nước, rửa sạch cả trong lẫn ngoài rồi đổ nước vào qua cái lọc; (nếu hủ nước nặng quá không mang nổi) vị ấy đặt nó ở một chỗ gần bờ và đi gọi một vị tỳ khưu khác bằng một cử chỉ nào đó để nhờ sự giúp đỡ. Vị ấy không bao giờ gọi tên vị kia cũng không lên tiếng gợi ý.

Vì nếu vị ấy lên tiếng cần sự giúp đỡ bằng cách gọi tên thì sẽ làm nhiễu loạn pháp thiền của vị tỳ khưu kia. Đó là lý do khiến vị ấy không gọi tên. Nếu vị ấy lên tiếng gọi một vị tỳ khưu nào đó mà không nói tên thì hai vị tỳ khưu sẽ ra khỏi thiền thất của mình, tranh nhau đi đến chỗ vị tỳ khưu đã gọi. Trong trường hợp ấy, vì công việc chỉ cần hai người là có thể thực hiện được, người thứ ba tự thấy mình dư thừa và sự chuyên tâm hành thiền của vị ấy bị gián đoạn một cách không cần thiết. Vì lý do này mà người gọi không lên tiếng, thậm chí cũng không gọi tên.

Nếu vị tỳ khưu không lên tiếng thì bằng cách nào vị ấy làm cho người khác đến phụ giúp? Sau khi đổ đầy hủ nước, vị ấy đi đến chỗ ngụ của một vị tỳ khưu khác không để cho bước chân phát ra tiếng động. Và khi thấy vị kia, vị ấy dùng tay để gây sự chú ý của vị tỳ khưu kia. Sau đó hai vị tỳ khưu khiêng hủ nước và đổ đầy nước dùng để uống và dùng trong những sinh hoạt khác.

Về câu nói ‘Cứ năm ngày một lần chúng con dành một đêm để cùng nhau luận đạo.’ Ngày thứ mười bốn, ngày thứ mười lăm và ngày thứ mười tám của nửa tháng thượng huyền và hạ huyền, Pháp thường được nghe trong ba ngày này. Giữ đúng thông lệ của ba ngày này, cứ năm ngày một lần, hai vị trưởng lão Nandiya và Kimila sau buổi trưa đều tắm nhanh rồi đi đến trưởng lão Anuruddha. Họ gặp nhau và hội họp ở chỗ của vị ấy và bắt đầu luận bàn về Giáo pháp trong Tam Tạng. Và họ cùng nhau luận đạo cho đến khi mặt trời mọc.

Như vậy, trưởng lão Anuruddha sau khi được Đức Phật hỏi về những ví dụ của sự Chánh niệm của họ, trưởng lão đã trả lời đầy đủ nhất tới mức họ không dể duôi ngay cả trong những trường hợp thường làm khởi sanh sự dể duôi cho những vị kia.

Giải thích: Đối với những vị kia, thời gian đi khất thực, thời gian rời khỏi chỗ ngụ để khất thực, thời gian mặc y nội, đắp y vai trái hay lum y (đắp y kín người), đang đi khất thực, thuyết pháp, tụng kinh chúc phúc, độ thực từ khi trở về từ thị trấn hay làng mạc, rửa bát, đặt bát vào túi vải, và xếp dọn y bát. Đây là mười một trường hợp để họ kéo dài thời gian chuyện trò mà không cần đến Chánh niệm và nhờ đó họ dể duôi đối với những phận sự về pháp thiền của họ. Do đó, trưởng lão Anuruddha nói rằng: “Về phần chúng con ngay cả trong trường hợp này có thể khiến miệt mài trong những cuộc chuyện trò dây dưa làm xao lãng pháp thiền. Chúng con chẳng bao giờ làm một điều gì như nói chuyện dông dài ở bên ngoài pháp thiền và đối nghịch với pháp thiền.” Qua đó, vị ấy đã giải thích những dấu hiệu về Chánh niệm của họ ở đỉnh cao của nó ngay cả những lúc mà những người khác thường dể duôi.

Đức Phật đến Pālileyyaka

Như đã nói ở trên, Đức Phật sau khi giảng giải lợi ích của đời sống ẩn dật đến trưởng lão Bhagu tại ngôi làng Bālakaloṇaka trong nữa ngày và suốt đêm, Ngài đi đến ngôi làng Bālakaloṇaka để khất thực vào ngày hôm sau với trưởng lão Bhagu. Sau khi để trưởng lão về lại nơi ấy, Đức Phật đi đến khu rừng Trúc với ý nghĩ: “Như Lai sẽ gặp ba người quý tộc đang sống trong pháp hòa hợp.” Ngài nói chuyện với ba vị trưởng lão Anuruddha, Nandiya và Kimila về lợi ích của đời sống hòa hợp. Sau khi bảo họ ở lại khu rừng Trúc, Ngài tiếp tục lên đường đến ngôi làng Pālileyyaka.

Khi ấy dân làng đón tiếp Đức Phật và cúng dường đến Ngài. Sau khi xây cất một chỗ ngụ dành cho Đức Phật tại khu rừng có tên Rakkhita gần ngôi làng. Họ thỉnh cầu Đức Phật ở lại trong khu rừng Rakkhita này.

Tại khu rừng Rakkhita có cây Sāla đại thọ tên Bhadda gần chỗ ngụ của Đức Phật. Đức Phật trú ngụ gần cây ấy và đi khất thực tại ngôi làng Pālileyyaka. Và trong khi trú ngụ tại nơi ẩn dật ấy, Đức Phật khởi lên ý nghĩ rằng: “Ta không thể thoải mái vì phải gần gũi những vị tỳ khưu Kosambi đang mãi tranh chấp nhau trước mặt hoặc sau lưng Như Lai, và tạo ra những cuộc tranh cãi trong Tăng chúng. Giờ đây Như Lai sống một mình, xa rời những vị tỳ khưu đang xung đột cãi vã nhau, thời gian này của Như Lai thật là hạnh phúc.”

Câu chuyện về voi Pālileyyaka

Lúc bấy giờ, có một con voi đực to lớn cường tráng, là voi chúa trong đàn đang sống chung với những con voi trẻ đực và cái, những con voi đực thích ve vãn và những con voi còn bú. Sống như thế này nó phải ăn những đọt cỏ không được non. Tất cả những nhánh cây và túm lá mà nó kéo xuống đều bị những con voi khác đã ăn trước rồi. Nó cũng phải uống nước bị vẫn đục. Ngoài ra, khi nó đứng lên từ chỗ sông cạn thì những con voi cái đi qua và chen lấn nó.

Khi ấy, nó khởi lên ý nghĩ như vầy: “Sống với những con voi như vậy trong đàn khiến ta phải ăn những thứ cỏ mà đọt mềm của nó đã bị những con voi khác đã ăn trước rồi, tất cả những gì mà ta kéo xuống từ cây đều bị chúng ngốn sạch. Nước mà ta uống bị vẫn đục. Mỗi lần ta đi từ dưới nước lên đều bị những con voi cái đến cọ qua cọ lại. Thật tốt thay nếu ta sống tách biệt ra khỏi đàn!” Nghĩ vậy, nó rời khỏi đàn tình cờ đi đến Đức Phật gần cây Sāla đại thọ trong khu rừng Pālileyyaka Rakkhita.

(Ở đây, nguồn gốc của chữ Pālileyyaka là tên của ngôi làng. Tên gốc của khu rừng là Rakkhita. Vì khu rừng Rakkhita ở gần ngôi làng Pālileyyaka, nó được gọi là Pālileyyaka. Con voi đến khu rừng ấy cũng được nói đến là voi chúa Pālileyyaka).

Voi Pālileyyaka hầu hạ Đức Phật

Khi voi Pālileyyaka chán cảnh sống chung với đàn của nó, nó đi vào khu rừng và trông thấy Đức Phật đang ngồi dưới gốc cây Sāla. Trông thấy Đức Phật, thân tâm của nó trở nên mát dịu, nguôi ngoai nỗi sầu muộn như vừa được rưới lên người bởi trăm ngàn thùng nước. Với tâm đầy tịnh tín, nó cảm thấy kính mến Đức Phật và đứng gần Ngài. Từ đó trở đi nó làm công việc phục vụ Đức Phật mỗi ngày. Trước hết, nó dùng vòi quấn lấy chùm lá quét sạch lá và rác quanh cây Bhaddasāla và chỗ ngụ của Đức Phật rồi nó đem nước đến để Ngài rửa mặt. Đoạn nó lấy nước để Ngài tắm, rồi nó dâng cây chùi răng đến Ngài. Xong xuôi, nó dâng các loại trái cây để Ngài độ thực.

(Con voi dùng vòi gom củi thành đống, rồi nó cọ hai cây củi lại với nhau để tạo ra lửa. Khi lửa cháy, nó bỏ vào những cục đá để nung nóng. Khi những cục đá đã nóng nó dùng một khúc cây hất những cục đá vào cái bể bằng đá rồi nó thử để biết chắc nước đã nóng hay chưa, nếu nó biết nước đã đủ nóng thì nó đi đến Đức Phật và đứng gần Ngài. Khi biết rằng: “Con voi muốn Như Lai đi tắm.” Đức Phật bèn đi đến bể đá và tắm. Con voi cũng tạo ra nước uống theo cách đó. ( Điều đáng chú ý là ở đây Đức Phật uống nước sôi đã được nấu). (Tất cả điều này đều được trích ra từ bộ Nikaya Mahāvagga Aṭṭhakathā và bộ Sāratthapakāsanī Ṭikā).

Sau đây là phần trích dẫn từ câu chuyện Kosambaka trong bộ Chú giải Pháp cú, cuốn I.

Khi Đức Phật đi vào làng để khất thực, voi Pālileyyaka mang y và bát trên đầu của nó và đi theo Đức Phật. Khi Đức Phật đến đầu làng, Ngài nói với con voi rằng: “Này Pālileyyaka! Thật không thích hợp để con đi với Như Lai ra khỏi chỗ này. Con hãy trao lại y bát cho Như Lai.” Như vậy, Ngài khiến con voi để xuống những vật dụng của Ngài từ trên đầu của nó, và tự Ngài mang lấy y bát đi vào làng.

Con voi đứng yên ở tại chỗ ấy chờ Đức Phật trở lại. Khi Ngài trở lại, nó chào đón Ngài và theo cách như trước, nó lại mang y bát của Ngài. Khi đến tại chỗ ngụ của Đức Phật trong rừng, nó đặt y bát vào đúng chỗ cũ của chúng. Và khi hầu hạ bậc Đạo sư nó quạt cho Ngài bằng nhánh lá. Đêm xuống, với ý định khởi lên trong tâm: “Ta sẽ bảo vệ Đức Phật” bằng cách dùng vòi quấn một khúc cây to và rảo đi trong khu rừng cho đến khi trời sáng để ngăn chặn mọi nguy hiểm đến từ sư tử, cọp, beo, v.v…

Và cũng như mọi ngày, nó làm tất cả mọi phận sự để phục vụ Đức Phật, bắt đầu bằng việc dâng nước đến Ngài rửa mặt vào lúc hừng sáng.

Bằng cách này, Đức Phật trải qua mùa an cư thứ mười trong khu rừng Pālileyyaka, nhận lãnh sự phục vụ của voi Pālilkeyyaka.

Sự chỉ trích hành động của chư Tăng ở Kosambi

Trong khi Đức Phật trải qua mùa an cư như vậy tại khi rừng Pālileyyaka, thì trưởng giả Ghosaka và những vị thiện tín, thí chủ khác tại Kosambi đi đến tịnh xá Ghositārāma. Không thấy Đức Phật, họ hỏi: “Bạch chư đại đức! Bậc Đạo sư bây giờ đang trú ngụ ở đâu?” Các vị tỳ khưu buồn bả trả lời: “Này các vị thí chủ! Bậc Đạo sư đã đi đến khu rừng Pālileyyaka rồi.” Họ hỏi: “Tại sao?” Các vị tỳ khưu trả lời: “Bậc Đạo sư đã cố gắng đem lại sự hòa hợp cho chúng tôi vì chúng tôi đã chia rẽ nhau. Nhưng sau khi nỗi hận thù lẫn nhau trong chúng tôi đã trở nên căng thẳng. Chúng tôi đã từ chối không hòa hợp nên bậc Đạo sư đã bỏ đi đến khu rừng Pālileyyaka.” Các vị thiện tín hỏi: “Thưa các Ngài! Tại sao như vậy? Dù các Ngài đã xuất gia theo Đức Phật, và dù Đức Phật đã cố gắng đem đến sự đoàn kết cho các Ngài thế mà tại sao các Ngài vẫn khăng khăng không chịu hòa hợp?” Các vị tỳ khưu thú nhận rằng đó là sự thật.

Thế rồi, các thiện nam, tín nữ và dân cư thành Kosambi họ bàn bạc với nhau và đi đến kết luận rằng: “Những vị tỳ khưu Kosambi này mặc dù đã xuất gia theo Đức Phật nhưng lại không chịu hòa hợp với nhau bất chấp sự khuyên giải của Đức Phật. Vì họ mà đã lâu chúng ta không được gặp bậc Đạo sư. Chúng ta sẽ không mời họ ngồi và không đảnh lễ họ nữa.” Từ lúc đó trở đi, những vị tỳ khưu hay tranh chấp ở thành Kosambi không còn nhận được sự tôn kính của Phật tử (nói chi đến bốn món vật dụng).

Do thiếu thốn vật thực và đói khát, các vị tỳ khưu ngày càng tiều tụy, gầy ốm và bắt đầu tỉnh ngộ sau vài ngày. Họ bắt đầu sám hối lẫn nhau và xin lỗi những thiện nam tín nữ. “Chúng tôi đã hòa hợp với nhau rồi thưa các thí chủ, xin hãy cư xử với chúng tôi như trước kia.” “Các Ngài đã sám hối với bậc Đạo sư chưa?” Các thiện tín hỏi. “Chưa, thưa các thí chủ.” Các thiện tín đáp lại: “Thế thì các Ngài nên sám hối với bậc Đạo sư và sau khi làm như thế thì chúng tôi sẽ cư xử với các Ngài như trước.” Thực ra, lúc ấy nhằm mùa an cư kiết hạ nên các vị tỳ khưu không dám đi yết kiến Đức Phật; vì vậy họ phải trải qua ba tháng mùa an cư trong cảnh khốn đốn.

Con khỉ cảm kích sự hầu hạ của voi Pālileyyaka

Với sự hầu hạ của voi Pālileyyaka, Đức Phật sống an lạc trong khu rừng Pālileyyaka suốt ba tháng của mùa mưa.

Lúc bấy giờ, có con khỉ nọ trông thấy voi Pālileyyaka làm những phận sự hằng ngày siêng năng và đầy nhiệt tâm. Khỉ lấy làm cảm kích và tự nghĩ: “Ta cũng sẽ làm một việc phước nào đó đến bậc Đạo-sư.” Một hôm, khỉ dạo chơi trong khu rừng trông thấy một tổ ong của những con ong bỏ lại trên một cành cây, nó bèn bẻ lấy và đem dâng lên Đức Phật. Nó ngắt một tàu lá chuối và đặt tổ mật ong lên rồi đem dâng đến Đức Phật. Ngài nhận lấy.

Con khỉ nhìn dõi xem Đức Phật có ăn mật ong không, và nó thấy rằng Ngài chỉ ngồi yên nhìn vào tổ mật mà không ăn. Con khỉ dò xét tìm hiểu lý do, rồi nó cầm tổ mật lật qua lật lại và trông thấy những trứng nhộng còn dính trong tổ ong. Nó nhẹ nhàng nhặt ra và dâng lại tổ mật đến Đức Phật. Chỉ khi ấy, Đức Phật mới cầm mật lên ăn.

Đầy hoan hỷ và vui sướng, con khỉ nhảy chuyền từ cành cây này sang cành cây khác. Trong khi đang nhảy chuyền như vậy, nó với nhằm một cành cây khô; cành cây gãy lìa và nó rơi xuống gốc cây, bị đầu nhọn của ụ cây đâm xuyên qua thân. Trong tâm trạng đầy tịnh tín với Đức Phật, nó chết và được tái sanh lên cõi trời Ba-mươi-ba (Tāvatiṃsa) trong cung điện bằng vàng rộng ba mươi do tuần tại, làm một vị thiên tên Makkata deva (vị thiên khỉ) có một ngàn tiên nữ ngày đêm hầu hạ phục vụ.

Ý nghĩ của voi Pālileyyaka và cảm hứng kệ của Đức Phật

Voi Pālileyyaka, trong khi đang làm những phận sự hằng ngày đối với Đức Phật, nó suy nghĩ như vầy: “Sống chung với những con voi đực và cái, những con voi đực hay ve vãn những con voi cái khiến ta không thể sống an lạc. Ta phải ăn cỏ già. Tất cả những nhánh cây được kéo xuống từ trên cây đã bị những con voi khác ăn trước rồi. Khi khát ta phải uống nước đục.

Hơn thế nữa, những con voi cái không tôn trọng ta, lúc ta từ dưới nước đi lên bị chúng chen lấn một cách thô bạo. Giờ đây lìa bỏ tất cả chúng, ta có thể sống trong an bình.”

Do tự Ngài biết rõ đời sống an lạc của chính Ngài xa lìa những người xung quanh và cũng biết rõ ý nghĩ của voi Pālileyyaka. Đức Phật đọc lên bài kệ cảm hứng này:

Etaṃ nāgassa nāgena. īsādantassa hatthino. sameti cittaṃ cittena. yad’eko ramatī vane.

Có nghĩa là: sống một mình trong khu rừng Rakkhita này, Ta - Đức Phật, bậc Đạo sư của ba cõi (nhân loại, chư thiên và Phạm thiên) được an lạc. Cũng thế, con voi Pālileyyaka này cũng vui thích sống một mình trong khu rừng này. Do đó, ý nghĩ của voi Pālileyyaka, kẻ có cặp ngà như cái sào, Ta cũng vậy, bậc có danh hiệu Buddha-nāga, Đức Phật như tượng vương sống trong chốn ẩn dật của sơn lâm.

Ānanda thỉnh cầu Đức Phật

Việc Đức Phật an cư kiết hạ trong khu rừng Pālileyyaka, có voi Pālileyyaka hầu hạ, phục dịch đã nổi tiếng khắp xứ Jambudīpa. Trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc), đại tín nữ Visakhā và những người dân thượng sanh khác của thành phố Sāvatthi đã gửi tin nhắn của họ đến đại đức Ānanda với nội dung rằng: “Kính bạch đại đức! Xin đại đức hãy bi mẫn giúp chúng con có được cơ hội yết kiến Đức Thế Tôn.”

Rồi trưởng lão Ānanda đi đến khu rừng Pālileyyaka dẫn theo năm trăm vị tỳ khưu, nhưng trưởng lão nghĩ lại rằng: “Sẽ không thích hợp để năm trăm vị tỳ khưu cùng đi với trưởng lão đến chỗ Đức Phật vì Ngài đang sống cuộc sống ẩn dật suốt mùa mưa.” Do đó, trưởng lão để năm trăm vị tỳ khưu dừng lại một nơi nào đó và một mình đi đến gặp Đức Phật.

Khi trông thấy đại đức Ānanda, voi Pālileyyaka chạy xộc đến vị ấy với cây gậy quấn chặt trong cái vòi của nó (vị trưởng lão ấy là kẻ thù). Đức Phật trông thấy vậy, Ngài cảnh báo với voi rằng: “Hãy tránh ra, này Pālileyyaka! Đừng chặn đường vị ấy. Vị tỳ khưu này là thị giả của Như Lai.” Rồi voi Pālileyyaka thả cây gậy xuống đất và bày tỏ ý muốn mang y bát của trưởng lão nhưng trưởng lão từ chối không giao chúng.

Khi ấy, voi Pālileyyaka nghĩ rằng: “Nếu vị tỳ khưu này rành mạch bổn phận của một vị thị giả thì vị ấy sẽ không để vật dụng của mình trên tảng đá nơi mà bậc Đạo-Sư ngồi.” Trưởng lão Ānanda để y bát của vị ấy xuống đất (một người có hạnh kiểm tốt hay một người biết rành mạch về phận sự thì không bao giờ để những đồ dùng của mình trên chỗ ngồi hay trên giường của đạo sư đáng kính của mình).

Sau khi đảnh lễ Đức Phật, trưởng lão ngồi xuống ở một nơi phải lẽ. Đức Phật hỏi: “Này Ānanda! Có phải chăng con đến một mình?” Khi được trả lời rằng trưởng lão đến đây cùng với năm trăm vị tỳ khưu. Đức Phật hỏi thêm: “Năm trăm vị tỳ khưu bây giờ đang ở đâu?” Trưởng lão trả lời: “Sau khi bảo họ dừng lại ở một nơi nọ, con đến đây một mình vì con không biết được ý của Đức Thế Tôn.” Rồi Đức Thế Tôn bảo đại đức Ānanda: “Này Ānanda! Hãy đưa họ đến đây.”

Sau khi được Đức Thế Tôn cho phép, trưởng lão Ānanda gọi năm trăm vị tỳ khưu đến đảnh lễ Đức Phật rồi ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Khi Đức Phật đã trao đổi những lời thân mật với họ, các vị tỳ khưu bèn bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Ngài vốn là bậc thanh nhã, một phần vì Ngài đã là một vị Phật và một phần là do Ngài xuất thân từ dòng tộc Khattiya (Sát-đế-lỵ). Ngài đã làm một việc khó làm bằng cách sống một mình suốt mùa mưa. Xem ra không có ai hầu hạ bên Ngài. Không có ai dâng nước rửa mặt và những thứ khác.” Rồi Đức Thế Tôn nói với họ rằng: “Này các tỳ khưu! Voi Pālileyyaka đã làm tất cả mọi phận sự phục vụ Như Lai. Thực ra, một người ở chung có bản tánh tốt như vậy thì nên kết bạn. Nếu không có một người bạn đồng hành như thế mà chỉ có đời sống độc cư thì cũng đáng khen ngợi.” Rồi Ngài đọc lên ba câu kệ sau đây:

Sace labhetha nipakam sahāyaṃ. Saddhiṃ caraṃ sādhuvihāri dhīraṃ. abhibhuyya sabbāni parissayāni. careyya tenattamano satimā.

No ce labhetha nipakaṃ sahāyaṃ saddhim caraṃ sādhuvihāri dhīraṃ. rājā’va ratthaṃ vijitaṃ pahāya.

eko care mātaṅgaraññeva nāgo.

Ekassa caritaṃ seyyo. n’atthi bāle sahāyatā.

eko care na ca pāpāni kariyā. appossukho mātaṅgaraññe’va nāgo.

(Ý nghĩa của ba câu kệ này đã được nêu ra ở chương thứ 27 của cuốn 3. Vào lúc kết thúc ba câu kệ này, năm trăm vị tỳ khưu được an trú trong đạo quả A-la-hán).

Rồi trưởng lão Ānanda trình lên Đức Thế Tôn lời thỉnh mời của trưởng giả Anāthapiṇḍika và thí chủ dâng tịnh xá Visakhā, cùng tất cả những thí chủ khác rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Năm Koṭi (năm chục triệu) thí chủ cao quý, nam cư sĩ và nữ cư sĩ cùng dân cư của thành phố Sāvatthi, dẫn đầu là trưởng giả Anāthapiṇḍika đang mong mỏi chờ đợi Đức Thế Tôn đến với họ.” “Này Ānanda! Nếu vậy thì hãy mang y bát của Như Lai.” Khi nói vậy, Đức Phật lên đường rời khỏi khu rừng Pālileyyaka.

Lúc bấy giờ, voi Pālileyyaka đến và nằm chắn ngang con đường mà Đức Phật sẽ đi qua. Khi ấy, các vị tỳ khưu hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Con voi đang làm gì thế?” Đức Phật nói: “Này các tỳ khưu! Con voi muốn cúng dường vật thực chúng tỳ khưu các con. Thực ra, con voi này đã đặc biệt phục vụ Như Lai trong một thời gian dài đáng để Như Lai tri ân. Không nên để cho nó buồn lòng. Này các tỳ khưu! Chúng ta hãy quay lại.” Với những lời này, Đức Phật cùng với các tỳ khưu quay lại.

Voi Pālileyyaka đi vào rừng hái nhiều loại trái cây như mít, chuối, v.v… và đem chúng về để thành đống để cúng dường các tỳ khưu vào ngày hôm sau. Năm trăm vị tỳ khưu mà không thể ăn hết lượng trái cây ấy.

Sau khi Đức Phật thọ thực xong món trái cây ấy, Ngài để đại đức Ānanda mang y bát và rời khỏi khu rừng. Voi Pālileyyaka đi qua trước mặt các vị tỳ khưu và đứng chặn ngang trước mặt Đức Thế Tôn. “Bạch Đức Thế Tôn! Con voi có chuyện gì thế?” “Con voi muốn Như Lai quay lại và cho các con ra đi.” Đức Phật trả lời như vậy rồi Ngài nói với voi Pālileyyaka: “Lần này Như Lai nhất định sẽ đi và không quay lại. Với thân này con không thể chứng đắc các tầng thiền hoặc Tuệ quán, Đạo và Quả. Con hãy ở lại.” Khi nghe những lời này, con voi đưa cái vòi vào miệng vừa khóc vừa đi theo hội chúng tỳ khưu do Đức Phật dẫn đầu. Thật vậy, nếu nó có khả năng khiến Đức Phật quay lại và sống như vậy thì nó cũng chỉ làm công việc phục vụ bậc Đạo sư như trước đây.

Khi đến vùng ngoại biên của ngôi làng Pālileyyaka, Đức Phật nói những lời cuối cùng đến con voi: “Này Pālileyyaka! Ở bên kia vùng này không phải là nơi đi lại, sinh sống của con, đó là chỗ trú ngụ của loài người nên sẽ nguy hiểm cho con. Con nên ở lại!” Con voi sầu muộn chăm chú đứng nhìn Đức Phật đến chừng nào nó còn trông thấy. Khi không còn có thể trông thấy Ngài, nó liền vỡ tim và chết ngay tại chỗ ấy. Do oai lực của tâm tịnh tín đối với Đức Phật nên nó được tái sanh làm một vị thiên trong một thiên cung bằng vàng rộng ba mươi do tuần với tùy tùng gồm một ngàn chư thiên. Ở đó, vị ấy tên là vị thiên Pālileyyaka.

Các tỳ khưu Kosambi đến sám hối với Đức Phật

Đức Phật tiếp tục lên đường và cuối cùng đến tại tịnh xá Kỳ viên ở Sāvatthi. Hay tin rằng Đức Phật đã trở về, các vị tỳ khưu ở Kosambi bèn đi đến Sāvatthi để sám hối với Đức Phật (trích dẫn từ bộ chú giải Pháp Cú).

Mười tám cách để phân biệt người nói chánh pháp (Dhammavādi) và mười tám cách để phân biệt người nói phi pháp (Adhammavādi)

(Bài này trích dẫn từ bộ Vinaya Mahāvaggapāli).

Lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta Mahāthera sau khi nghe tin các vị tỳ khưu Kosambi đã đến bèn đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Rồi trưởng lão bạch với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Nghe nói rằng các vị tỳ khưu xung đột ở Kosambi đã đến tại Sāvatthi. Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con nên cư xử với họ như thế nào?” Đức Phật nói: “Này Sāriputta! Trong trường hợp ấy con nên trú trong Chánh pháp.” Đại đức Sāriputta hỏi:“Bạch Đức Thế Tôn! Làm sao con có thể biết được điều gì là chánh pháp và điều gì là phi chánh pháp?” Câu hỏi này là nguyên nhân khiến Đức Phật thuyết giảng mười tám đặc tánh của phi chánh pháp (adhamma) và mười tám đặc tánh của chánh pháp (dhamma).

Mười tám đặc tánh của phi chánh pháp (Adhamma-vatthu)

Này Sāriputta! Con có thể biết được người thuyết phi chánh pháp qua mười tám đặc tánh ở đây trong chánh pháp này. Vị tỳ khưu cho rằng:

1. Điều phi pháp cho là chánh pháp.

2. Chánh pháp cho là phi pháp.

3. Không phải luật cho là luật.

4. Đúng luật cho là phi luật.

5. Phi Phật ngôn cho là Phật ngôn.

6. Phật ngôn cho là phi Phật ngôn.

7. Pháp hành của Đức Phật cho là không phải của Đức Phật

8. Điều Đức Phật không thực hành cho là pháp hành của Đức Phật.

9. Điều Đức Phật không ban hành cho là điều học do Đức Phật dạy.

10. Điều học do Đức Phật dạy cho rằng không phải của Đức Phật.

11. Không phải tội cho là tội.

12. Tội cho là không phải tội.

13. Tội nhỏ cho là tội lớn.

14. Tội lớn cho là tội nhỏ.

15. Tội có thể sám hối cho là không thể sám hối.

16. Tội không thể sám hối cho là có thể sám hối.

17. Trọng tội cho là không phải trọng tội.

18. Không phải trọng tội cho là trọng tội.

“Này Sāriputta! Qua mười tám đặc tánh này con có thể biết được thuyết phi chánh pháp.”

Mười tám đặc tính của người thuyết chánh pháp (Dhamma-vatthu)

“Này Sāriputta! Người thuyết chánh pháp có thể biết được qua mười tám đặc tánh. Ở đây, trong giáo pháp này, vị tỳ khưu thuyết giảng rằng:

1. Điều không phải chánh pháp là phi chánh pháp.

2. Điều đúng pháp là chánh pháp.

3. Điều không phải luật là phi luật.

4. Điều đúng luật là lluật.

5. Điều không phải do Đức Phật thuyết cho là không phải giáo pháp của Đức Phật.

6. Điều Đức Phật thuyết cho là giáo pháp của Đức Phật.

7. Điều gì Đức Phật không làm thì cho là không phải pháp hành của Đức Phật.

8. Điều gì Đức Phật thực hành thì cho là pháp hành của Đức Phật.

9. Điều gì Đức Phật không ban hành thì cho là không phải điều học Đức Phật dạy.

10. Điều gì Đức Phật ban hành thì cho là điều học Đức Phật dạy.

11. Không có tội cho là không có tội.

12. Có tội cho là có tội.

13. Tội nhỏ cho là tội nhỏ.

14. Tội lớn cho là tội lớn.

15. Tội có thể sám hối cho là có thể sám hối.

16. Tội không thể sám hối cho là không thể sám hối.

17. Trọng tội cho là trọng tội.

18. Không phải trọng tội cho là không phải trọng tội.

“Này Sāriputta! Qua mười tám đặc tánh này con có thể biết được người thuyết giảng chánh pháp.” Đức Phật dạy như vậy.

(Ở đây, lời khuyến giáo này được thuyết giảng liên quan đến các nhân vật (puggalā-diṭṭhāna dhamma-desanā). Về mười tám điểm như:

(1) thuyết giảng điều không phải chánh pháp là chánh pháp. (2) thuyết giảng cho rằng chánh pháp là phi chánh pháp. (17) thuyết giảng cho rằng … .(18) … Được gọi là mười tám điểm của phi chánh pháp (adhamma-vatthu). Người có một trong mười tám đặc điểm này được xem là người thuyết giảng phi chánh pháp (adhamma-vādī).

Tương tự, về phía người thuyết chánh pháp, mười tám đặc điểm sau đây như: (1) thuyết giảng không phải là chánh pháp là phi chánh pháp. (2) thuyết giảng điều thuộc về chánh pháp là chánh pháp. … .

(18) … . Được gọi là mười tám đặc tánh của chánh pháp (dhamma- vatthu). Người có một trong mười tám đặc điểm này được gọi là người thuyết chánh pháp (dhamma-vādī). Như vậy, ngụ ý của Đức Phật nên được hiểu tóm tắt như thế).

Sự khác biệt giữa những điểm khẳng định và những điểm phủ định

(Trong hai phần chánh pháp và phi chánh pháp này, mỗi bên gồm mười tám điều. Xét theo tạng Kinh thì mười tám thiện nghiệp (kusalakamma-patha) là chánh pháp. Mười bất thiện nghiệp (akusalakamma-patha) là phi chánh pháp. Cũng vậy, 37 phẩm Trợ đạo (Bodhipakkhiya-dhamma): bốn Niệm xứ (Satipaṭṭhāna), bốn Chánh cần (Sammappadhāna), v.v… là Chánh pháp. (Sự liệt kê sai lạc các Pháp trên như ba Niệm xứ, ba Chánh cần, ba Thần túc (iddhipāda), sáu Căn (indriya), sáu Lực (bala), tám Giác chi (bojjhaṇga), chín Chánh đạo (maggaṇga), cũng như bốn thủ (upādāna), năm triền cái (nīvaraṇa), bảy pháp ngủ ngầm (anusaya) và tám tà kiến (micchādiṭṭhi). Tất cả những nhóm này là phi chánh pháp.

Nếu một người nào đó trong khi chấp theo một trong những nhóm phi chánh pháp này. Sau khi luận với những người khác và đi đến thống nhất rằng: “Chúng ta hãy cho rằng những nhóm này là chánh pháp. Nếu chúng ta làm như vậy thì chúng ta sẽ có đẳng cấp cao hơn trong những người thuyết pháp và chúng ta sẽ được nổi tiếng trong xã hội.” Họ công bố rằng: “Đây đúng là chánh pháp,” (1) Vị ấy khẳng định điều phi chánh pháp là chánh pháp.

Tương tự, nếu vị ấy nghĩ về những nhóm chánh pháp mà cho rằng: “Đây quả thật là phi chánh pháp,” (2) vị ấy công bố điều chánh pháp là phi chánh pháp.

Xét theo tạng Luật, nếu một người hỏi một người khác khiến cho người ấy nhận ra tội và sám hối, sửa sai lỗi lầm của mình. Đó là hành động đúng pháp (dhamma-kamma). Nếu một người không hỏi tội, không làm cho người ấy nhận ra tội và không khiến cho người ấy nhận ra tội. Đó là hành động phi chánh pháp (adhamma-kamma). Nếu một người nói về một hành động đúng pháp là phi chánh pháp. Khi đó, người ấy thuyết giảng chánh pháp là phi chánh pháp.

Về tạng Kinh, sự đoạn trừ tham (raga), sự đoạn trừ sân (dosa), sự đoạn trừ si (moha), năm pháp nhiếp hộ đó là: Giới nhiếp hộ (sīla- saṃvara), Niệm nhiếp hộ (sāti-saṃvara), Trí nhiếp hộ (ñāṇa-saṃvara), Nhẫn nhiếp hộ (khantī-saṃvara), Tinh tấn nhiếp hộ (vīriya- saṃvara).

Năm pháp đoạn trừ (pahāna) đó là: đoạn ác bằng Chánh kiến (tadaṅga-pahāna), đoạn ác bằng Định (samādhi-pahāna), đoạn ác bằng Xả (samuccheda-pahāna), đoạn ác bằng Chỉ tịnh (patipassaddhi-pahāna), đoạn trừ bằng sự chứng ngộ Niết bàn (nissaraṇa-pahāna), và sự quán niệm đến tham, sân và si không thể sanh khởi. Những nhóm pháp này gồm: trừ diệt, nhiếp hộ, đoạn trừ và quán niệm hình thành chánh pháp. Ngược lại, các nhóm phi đoạn diệt, phi nhiếp hộ và phi quán niệm về tham, sân và si, v.v… hình thành nhóm phi chánh pháp.

Xét theo tạng Luật, sự hoàn thành năm yếu tố đó là: sự (vatthu), khu vực tăng sự (sīma), hội chúng (parisā), sự tụng đọc (ñatti), tuyên ngôn (kamma-vācā) là chánh pháp, Giáo pháp. Sự bất toàn hay khiếm khuyết trong năm yếu tố này là phi chánh cháp, phi giáo pháp.

Theo Tạng Kinh, tứ Niệm xứ, tứ Chánh cần, tứ Thần túc, ngũ Căn, ngũ Lực, thất Giác chi và bát Chánh đạo. Những nhóm này là pháp do Đức Phật thuyết. Chư Phật chẳng bao giờ thuyết rằng có ba Niệm xứ, ba Chánh cần, ba Thần túc, sáu Căn, sáu Lực, tám Giác chi hay chín Chánh đạo.

Theo Tạng Luật, có bốn điều luật Bất cộng trụ (Pārājika), 13 Tăng tàn (Saṅghādisesa), 2 Bất định (Aniyata), 30 Ưng xả đối trị (Nissaggiya), v.v… tất cả đều do Đức Phật giảng dạy. Đức Phật không bao giờ thuyết rằng có 3 Bất cộng trụ, 3 Bất định, 31 Ưng xả đối trị, v.v…

Theo tạng Kinh, sự nhập định hằng ngày trong quả định (Phala- samāpatti), sự nhập định trong pháp Đại bi định (Mahākuraṇā- samāpatti), sự dò xét thế giới hữu hình chúng sanh qua Phật nhãn (Buddha-cakkhu), bao gồm Ý lạc tùy miên trí (Āsayānusaya-ñāna: trí biết rõ tính khí và thiên hướng ngủ ngầm của chúng sanh), Căn thượng hạ trí (Indriya Paropariyatti-ñāṇa: trí biết rõ sự trì độn và tánh mẫn tiệp của các căn tín, tấn, niệm, định, tuệ), sự thuyết giảng những bài pháp thích hợp và sự kể lại thích hợp những câu chuyện liên quan theo sự thỉnh cầu, những phận sự này tạo nên pháp hành của Đức Phật. Không nhập định trong thiền quả, không phải sự nhập định trong pháp Đại bi, v.v… thì không phải là pháp hành của Đức Phật.

Theo tạng Luật, sự nhập hạ tại một thị trấn hay một ngôi làng nào đó theo sự thỉnh cầu của thí chủ, sự lên đường du hành sau khi mãn hạ có báo trước với thiện tín ở đó hay lên đường sau khi làm lễ Tự tứ, sự chào hỏi các vị Tăng khác bằng những lời như: “Các con có được an lạc không? Các con có khỏe không?” v.v… những điều như vậy là pháp hành của Đức Phật. Nếu không phải những điều như thế thì không phải là pháp hành của Đức Phật.

Trong một số điều Luật có một số câu như: “Người phạm luật không có ý thì không có tội. Người phạm luật không cố ý trộm cắp thì thì không có tội, v.v… Những điều luật như thế này là chương nói về những điều vô tội. “Người cố ý phạm luật thì có tội. Người vi phạm cố ý giết người thì phạm tội, v.v… Những điều luật như vậy là chương nói về các tội.

Trong bảy loại tội, là tội Pārājika, tội Saṅghādisesa, tội Thullaccaya, tội Pācittiya, tội Pātidesaniya, tội Dukkata và tội Dubbhāsī, năm loại sau là những tội nhẹ. Trong khi hai loại trước (những tội Pārājika Saṅghādisesa) là những tội nặng.

Trong bảy loại tội này, sáu loại sau có thể sám hối được (Sāvasesa āpatti) vì hạnh Sa-môn của người phạm tội vẫn còn (nghĩa là nếu vị tỳ khưu ấy phạm tội nào đó trong sáu loại tội thì địa vị tỳ khưu của vị ấy vẫn còn có giá trị dầu vị ấy đã phạm tội). Tội Pārājika (Bất cộng trụ) không thể sám hối được (nghĩa là nếu vị ấy phạm một điều Bất cộng trụ thì phẩm hạnh tỳ khưu của vị ấy mất giá trị).

Như vậy, mười tám đặc tánh của người thuyết Chánh pháp và mười tám đặc tánh của người thuyết Phi chánh pháp nên được hiểu chi tiết như vậy. Bài giải thích này trích từ Chú giải bộ Saṅghā bhedakakhandhaka, Vinaya Cūḷa-Vagga.

Giống như đại đức Sāriputta, các vị đại đức Mahā Moggalāna, Mahā Kassapa, Mahā Kaccāyana, Mahā Kotthika, Mahā Kappina, Mahā Cunda, Anuruddha, Revata, Upāli, Ānanda và Rāhula cũng nghe nói các vị tỳ khưu Kosambi đang đi đến Sāvatthi bèn đi đến yết kiến Đức Phật và hỏi Ngài như đại đức Sāriputta đã hỏi. Khi ấy, Đức Phật cũng giảng dạy họ mười tám điều Chánh pháp và mười tám điều Phi chánh pháp theo cách như Ngài đã giảng dạy cho đại đức Sāriputta.

Di mẫu Mahā Pajapati Gotamī của Đức Phật cũng thế, bà cũng nghe nói các vị tỳ khưu Kosambi đang đi đến nên bà đến viếng Đức Phật. Đảnh lễ Đức Phật rồi đứng ở một nơi hợp lẽ và đưa ra những câu hỏi giống như đại đức Sāriputta. Rồi Đức Phật cũng nói với bà như vầy: “Thưa di mẫu! Trong trường hợp ấy, hãy lắng nghe những câu sau đây của cả hai hội chúng. Sau khi đã nghe rồi, di mẫu nên ưa thích quan điểm của những người nói chánh pháp trong hai nhóm. Tất cả những gì Ni chúng mong mỏi nơi Tăng chúng chỉ từ những vị tỳ khưu thuyết chánh pháp.

Khi nhận được tin, trưởng giả Anāthapiṇḍika là thí chủ dâng cúng Jetavana tịnh xá, và bà Visākhā là thí chủ dâng tịnh xá Đông phương (Pubbārāma) cũng đi đến Đức Phật và đặt ra câu hỏi. Đức Phật cũng trả lời với họ rằng: “Này trưởng giả Anāthapiṇḍika, (Visākhā) trong trường hợp ấy hãy cúng dường vật thực đến cả hai nhóm, sau khi đã cúng dường vật thực, hãy nghe pháp từ hai nhóm. Sau khi đã nghe pháp hãy hoan hỷ ưa thích quan điểm ước muốn, sở thích và sự chấp nhận của những vị tỳ khưu chơn chánh!” (Đây là đoạn được trích từ bộ Vinaya Mahāvagga, Chú giải và Phụ chú giải của tạng ấy).

Tuy nhiên, phần trích dẫn sau đây được rút ra từ bộ Chú giải Dhammapada). Khi nghe tin các vị tỳ khưu xung đột ở thành Kosambi đi đến yết kiến Đức Phật ở thành Sāvatthi. Đức vua Pasenadi xứ Kosala đi đến yết kiến Đức Phật và bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con không muốn các vị tỳ khưu Kosambi đi vào vương quốc của con.” Đức Phật đáp lại: “Tâu bệ hạ! Những vị tỳ khưu Kosambi là những vị tỳ khưu có giới đức. Chỉ do xung đột khiến họ không nghe lời Như Lai. Giờ đây họ đã đến để sám hối với Như Lai. Hãy để họ đến.”

“Bạch Đức Thế Tôn! Con không muốn họ đi vào tịnh xá.” Và Đức Phật từ chối ước muốn của đức vua nên vị ấy chỉ biết làm thinh.

Khi các vị tỳ khưu Kosambi đi đến Sāvatthi, Đức Phật vận dụng sự cố gắng để các tỳ khưu im lặng và bố trí cho họ trong những nơi nằm ngoài rìa của tịnh xá. Không riêng gì các vị tỳ khưu khác tránh xa họ mà các vị tỳ khưu khiêm tốn cũng đã hỏi Đức Phật như vậy: “Bạch Đức Thế Tôn! Những vị tỳ khưu Kosambi xung đột là ai vậy?” Đức Phật chỉ về phía những vị tỳ khưu ấy và nói rằng: "Họ ở đây.” Khi các vị tỳ khưu có giới đức nói rằng: "Thì ra chính họ là những vị tỳ khưu Kosambi hay gây gỗ và tranh cãi với nhau! Chúng con cũng nghe nói rằng họ là những vị tỳ khưu Kosambi đã coi thường lời dạy của Đức Phật!” Và chỉ ngón tay về phía họ. Các vị tỳ khưu Kosambi hổ thẹn đến nỗi họ không dám ngẩng đầu lên, chỉ biết phủ phục dưới chân Đức Phật và xin sám hối tội. Khi ấy Đức Phật nói rằng: “Này các tỳ khưu! Các thầy đã trở thành đệ tử của một bậc Toàn Giác như Như Lai đây và dầu Như Lai đã cố gắng đem đến sự hòa hợp, các thầy đã không nghe lời Như Lai, đó quả thật là lỗi lầm to lớn của các thầy.”

“Vào một thuở nọ, có một vị Bồ Tát lắng nghe lời khuyên của cha mẹ khi họ sắp bị giết chết, và nhờ làm theo lời khuyên của cha mẹ mà vị ấy củng cố được vương quyền của hai nước lớn bất chấp việc cha mẹ của vị ấy bị giết.”

Rồi Đức Phật kể lại bổn sanh Kosambaka Jātaka (câu chuyện về Dīghavu) đầy đủ chi tiết. Sau đó Đức Phật dạy thêm rằng: “Như vậy, này các tỳ khưu! Dầu cha mẹ của vị ấy bị giết, hoàng tử Bồ Tát Dīghavu đã cẩn trọng nghe lời khuyên của cha mẹ nên cuối cùng đã lấy được con gái vua Brahamadatta và trở thành đấng cai trị hai vương quốc lớn là Kāsi và Kosala. Tuy vậy, này các tỳ khưu! Các con đã không nghe theo lời khuyên của Như Lai và đã phạm một lỗi lầm rất to lớn.”

Rồi Đức Phật đọc lên câu kệ sau:

Pare ca na vijānanti, mayam ettha yamāmase. Ye ca tatha vijānanti, tato sammanti’medhagā.

Ở đây, giữa đông đảo chúng tỳ khưu, những kẻ ngu si và hay sinh sự không biết rằng chúng ta đang tiến gần đến với tử thần trong từng giây phút vì họ thiếu trí tuệ. Cũng trong hội chúng ấy, những vị tỳ khưu có trí tuệ sáng suốt thì nhận biết rằng họ đang tiến gần đến tử thần trong từng ‘sát na’. Nhờ nhận biết như vậy mà sự xung đột chấm dứt bởi Chánh Đạo.

Vào lúc kết thúc câu kệ, tất cả hội chúng được an trú trong quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala) và các tầng thánh cao hơn.

Bằng những bài pháp này, Đức Phật đã hóa độ cho nhân loại, chư thiên và Phạm thiên (trong khu rừng Pālileyyaka suốt thời từ cuối mùa hạ thứ mười đến đầu hạ thứ mười một).

KẾT THÚC CHƯƠNG 28

MÙA AN CƯ THỨ 10 CỦA ĐỨC PHẬT TẠI KHU RỪNG PĀLILEYYAKA


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]