THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 4
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 4] [Phần tiếp theo]
BÀ-LA-MÔN NĀḶA
Như đã trình bày ở phần trước, sau khi lưu lại tịnh xá Jetavana, tại Sāvatthi để tế độ những chúng sanh đủ duyên còn lại, Đức Phật tiếp tục lên đường và cuối cùng đến tại làng của người Bà-la-môn tên Ekanāḷa ở huyện Dakkhiṇāgiri, gọi như vậy vì huyện ấy nằm ở phía nam của ngọn đồi gần kinh thành Rājagaha thuộc nước Magadha. Nơi đây, Ngài trải qua mùa an cư kiết hạ thứ mười một và mỗi ngày đến ngôi làng Bà-la-môn ấy khất thực.
Khi ngự tại tịnh xá Dakkhiṇāgiri, Đức Phật thường làm hai công việc:
(1) Công việc buổi sáng (pure-bhatta-kicca), nghĩa là công việc trước buổi độ ngọ).
(2) Công việc sau bữa ăn (pacchā-bhatta-kicca). Sau khi làm xong công việc buổi sáng, Ngài làm những việc sau bữa ăn gồm có bốn phần. Khi làm hết bốn phần công việc, Ngài dùng Phật nhãn dò xét thế giới hữu tình. Phật nhãn (Buddha-cakkhu) bao gồm Āsayānusaya- ñāṇa (Ý lạc tùy miên trí) và Indriya Paropariyatti-ñāṇa (Căn thượng hạ trí) và trông thấy Bà-la-môn Kasibhāradvāja là người có đủ duyên lành để chứng đắc thánh quả A-la-hán do những việc phước đã được tích trữ trong quá khứ của ông. Đức Phật cũng biết rõ: “Nhân duyên viếng thăm của Ta đến nông trại Bà-la-môn này, cuộc đàm thoại giữa Như Lai và ông ta sẽ diễn ra. Khi cuộc đàm thoại kết thúc, sau khi nghe thời pháp thì Bà-la-môn Kasibhāradvāja sẽ chứng đắc đạo quả A-la-hán.”
Do vậy, Đức Phật đi đến nông trại của ông Bà-la-môn trò chuyện rồi thuyết giảng bài kinh Kasibhāradvāja (Bài kinh Kasibhāradvāja được kết tập trong bộ Saṃyutta Nikāya). Trong bộ Đại Phật Sử này, những bài kinh và Chú giải sẽ dựa vào bộ Sutta Nipāta.
Nói về những công việc hay những sở hành của Đức Phật, bộ Chú giải Saṃyutta Nikāya và những bộ Chú giải khác nêu ra năm phận sự; bộ Chú giải Sutta Nipāta kết hợp với bốn phận sự sau chỉ nêu ra hai loại phận sự đó là phận sự buổi sáng và phận sự sau bữa ăn trưa. Tuy nhiên, quan niệm thì giống nhau. Cho nên, nói hai phận sự theo bộ Chú giải Sutta Nipāta và năm loại phận sự theo những bộ Chú giải khác. Đó những công việc trong canh đầu của đêm (purima-yāma- kicca), những công việc trong canh giữa (majjhima-yāma-kicca), những công việc vào canh cuối (pacchima-yāma-kicca). Năm loại phận sự này sẽ được mô tả lần lượt theo thứ tự để độc giả khởi tâm tịnh tín.
(Pure-bhatta Buddha-kicca)
Đức Phật dậy sớm và để ban phước cho vị tỳ khưu thị giả của Ngài cũng như sự chăm lo sự an lạc về thân của Ngài, Ngài làm vệ sinh thân thể rồi nhập vào Quả Định (phala-samāpatti) cho đến giờ đi khất thực. Khi đến giờ, Ngài sửa soạn y nội cho ngay ngắn, buộc lại dây thắt lưng đắp y vai trái rồi mang bát đi vào làng. Có khi Ngài đi khất thực một mình, và có khi Ngài đi cùng với chúng tỳ khưu. Phương tiện đi lại của Ngài có khi đi bộ và đôi khi Ngài đi bằng thần thông.
Ví dụ: Khi Đức Phật đi khất thực, những làn gió nhẹ thổi qua làm sạch những chỗ phía trước con đường đi của Ngài, những đám mây phun xuống những giọt nước li ti làm lắng dịu bụi bặm trên lối đi của Ngài. Những đám mưa ấy theo sát Đức Phật giống như cái lọng che trên đầu Ngài. Những ngọn gió thổi qua chở theo những bông hoa từ khắp nơi và rải chúng xuống đất tạo thành tấm thảm hoa trên khắp lối đi. Những chỗ đất cao tự hạ thấp xuống và trở nên bằng phẳng. Những chỗ đất hõm xuống thì tự nó cao lên và ngang bằng với đất xung quanh. Sỏi đá, những mảnh vụn sành sứ, ụ cây đều tự động dời đi chỗ khác.
Khi Đức Phật đặt bàn chân xuống đất thì mặt đất trở nên bằng phẳng, hoặc những hoa sen lớn bằng bánh xe bò khi chạm vào đem lại cảm xúc khả ái, chúng nỗi lên và đỡ lấy bàn chân của Đức Phật.
Ngay khi Đức Phật đặt bàn chân phải của mình xuống ngưỡng cửa của ngôi làng, thị trấn thì hào quang sáu màu từ thân Ngài phát sáng ra. Tựa như có nước vàng hòa tan đổ lên tòa lâu đài mái vuông góc nhọn, hay như toà nhà đang được che phủ bằng những tấm vải lụa nhiều màu xinh xắn. Những tia hào quang ấy tỏa ra làm khắp nơi sáng rực lên. Những con ngựa, voi, chim chóc và những loài thú khác đều cất lên những âm thanh khả ái khi đang ở trong khu vực của chúng. Tương tự, những cây đàn Beluva và những loại nhạc cụ khác đều phát ra những tiếng nhạc khả ái mà không cần đến nhạc công. Những đồ trang sức như vòng đeo cổ, khuyên tai, vòng đeo tay, đeo chân, bằng tay, v.v… được mang trên thân của mọi người tự động ngân lên những âm thanh khả ái. Từ những hiện tượng này, người ta biết rằng: “Hôm nay Đức Phật đi vào làng (hay thị trấn) của chúng ta để khất thực.”
Mọi người ăn mặc xinh đẹp và trang sức lộng lẫy đi ra khỏi nhà mang theo những vật thơm như tràng hoa và những vật cúng dường khác. Họ tụ họp trên con đường chính, trong trung tâm của thành phố và thành kính dâng lên Đức Phật những lễ vật cúng dường. Họ hỏi có bao nhiêu vị tỳ khưu, tùy theo khả năng họ cúng dường vật thực “Bạch chư đại đức! Chúng con xin thỉnh mời mười vị tỳ khưu.” “Chúng con xin thỉnh hai chục vị tỳ khưu.” “Chúng con xin thỉnh một trăm vị tỳ khưu,” v.v … họ cũng thỉnh lấy bát của Đức Phật và sắp đặt những chỗ ngồi để dâng cúng vật thực đến chư Tăng.
Sau khi thọ thực xong, Đức Phật thuyết pháp đến chư thiện tín phù hợp với căn tánh của họ để giúp họ an trú trong Tam quy, Ngũ giới và những tầng thánh nào đó trong bốn tầng Thánh quả. Như vậy, Đức Phật đã nâng cao tâm linh cho họ bằng cách thuyết pháp đến họ rồi sau đó Ngài trở về tịnh xá.
Về đến tịnh xá, Đức Phật ngồi xuống Phật tọa đã được soạn sẵn trong giả ốc hình tròn ngát hương và đợi đến khi các vị tỳ khưu thọ thực xong. Khi bữa ăn của họ đã xong, vị tỳ khưu thị giả bèn báo tin này đến Đức Phật và Ngài đi vào Hương Phòng.
(Tất cả những công việc này là những sở hành của Đức Phật trong buổi sáng. Ngoài ra còn có những công việc chi tiết khác nhưng không được kể ra ở đây. Những công việc chi tiết ấy được ghi lại trong bài kinh Brahmāya của bộ kinh Majjhima Paṇṇāsa Pāḷi).
Khi công việc độ thực đã xong, Đức Phật ngồi vào chỗ đã được vị thị giả soạn sẵn gần Hương phòng (tại chỗ hội họp của các vị tỳ khưu) và rửa chân của Ngài. Khi đứng trên tấm ván rửa chân, Ngài khuyến giáo các vị tỳ khưu như vầy:
“Này các tỳ khưu! Hãy cố gắng hoàn thành ba học pháp bằng Chánh niệm. Quả thật là hy hữu khi được sống trong thời kỳ có Đức Phật xuất hiện trong thế gian. Khó thay được sanh làm người. Khó thay có được đức tin. Khó thay có được đời sống Sa-môn. Khó thay được nghe Chánh Pháp.”
Trong những trường hợp như vậy, một số tỳ khưu hỏi Đức Phật về pháp môn Thiền, và Đức Phật bèn chỉ dạy cho họ những đề mục thiền thích hợp với căn tánh của họ. Sau đó tất cả đảnh lễ rồi đi đến chỗ ngụ riêng của họ, một số đi vào rừng, một số đi đến cội cây, một số đi đến những ngọn đồi, trong khi những vị tỳ khưu khác thì đi đến cõi Tứ đại thiên vương (catummahārājikā), Đạo lợi (tāvatiṃsā), Dạ ma (yāmā), Đâu suất (tusitā), Hóa lạc thiên (nimmānarati) và Tha hóa tự tại thiên (paranimmitavasavattī).
Sau đó Ngài đi vào Hương phòng, và nếu muốn Ngài sẽ nằm nghỉ một lát bằng cách nghiêng mình về bên phải mà không hề xa rời Chánh Niệm. Khi thân đã được thư giãn, Ngài ngồi dậy và dò xét thế giới hữu tình trong bước thời gian thứ hai của ngày. Tuy nhiên, phần thời gian thứ ba của ngày, dân chúng nơi các làng mạc hay thị trấn nơi mà Đức Phật đến khất thực, họ đi đến tịnh xá mang theo vật thơm, tràng hoa và những thứ cúng dường khác để nghe Ngài thuyết pháp vào buổi chiều. Khi Đức Phật đi vào hội chúng bằng phương tiện siêu phàm và ngồi vào Phật tọa đã được soạn sẵn trong Chánh pháp đường (đó là một giả ốc hình tròn làm nơi để thuyết pháp). Nơi đây, Đức Phật thuyết pháp trong thời gian thích hợp rồi cho thính chúng ra về khi Ngài biết thời gian đã hết. Dân chúng đảnh lễ Đức Phật rồi kính cẩn cáo từ ra về. (Tất cả những công việc này được Đức Phật thực hiện sau bữa ăn).
(Purima-yāma Buddha-kicca)
Sau khi làm xong mọi phận sự ban ngày sau bữa ăn. Nếu muốn, Đức Phật có thể đi tắm, Ngài đi đến chỗ mà vị thị giả đã chuẩn bị sẵn nước tắm, lấy chiếc y tắm từ tay của vị thị giả rồi đi vào phòng tắm.
Trong khi Đức Phật đang tắm như vậy, vị thị giả bèn khiêng một cái ghế cho Đức Phật và đặt vào một nơi nào đó trong Hương phòng. Sau khi tắm xong, Đức Phật mặc y nội, buộc dây thắt lưng, đắp y vai trái và đắp y Tăng-già-lê rồi Ngài ngồi một mình trên Phật tọa đã được soạn sẵn trong Hương phòng trong chốc lát.
Một lát sau, các vị tỳ khưu từ những chỗ ngụ riêng của họ đi đến hầu Đức Phật. Trong những lúc hội họp như vậy, một số tỳ khưu xin Đức Phật chỉ dạy đề mục thiền, trong khi những vị khác thì thỉnh Ngài thuyết pháp. Đức Phật giúp các tỳ khưu viên mãn ước muốn và trải qua thời kỳ đầu của đêm.
(Đây là sở hành của Đức Phật trong canh đầu của đêm).
(Majjhima-yāma Buddha-kicca)
Các vị tỳ khưu ra về sau khi đảnh lễ Đức Phật trong canh đầu của đêm, các chư thiên và Phạm thiên trong mười ngàn thế giới tranh thủ đi đến Đức Phật để đặt ra những câu hỏi mà họ ấp ủ trong tâm. Họ cũng đưa ra những thắc mắc mà trong đó tối thiểu là bốn mẫu tự. Đức Phật giải đáp tất cả những nghi vấn và thắc mắc của họ không bỏ sót một vấn nạn nào. Như vậy, Đức Phật trải qua canh giữa của đêm theo cách như thế.
(Đây là sở hành của Đức Phật trong canh giữa của đêm)
(Pacchima-yāma Buddha-kicca
Canh cuối của đêm được chia làm ba phần: giai đoạn đầu Đức Phật đi kinh hành để thư giãn cơ thể vì Ngài đã ngồi liên tục suốt đêm; giai đoạn hai Ngài nằm nghỉ nghiêng mình về bên phải trong Hương phòng mà không xa rời chánh niệm; giai đoạn ba, sau khi ngồi dậy Ngài dò xét thế gian hữu tình bằng Phật nhãn để tìm xem những nhân vật đã từng làm những việc đặc biệt như là Bố thí, giữ Giới trong thời gian những vị Phật quá khứ. Đây là bài Chú giải được nêu ra trong các bài Chú giải Saṃyutta, Sīlakkhandha và những tác phẩm khác.
Trích dẫn trong Chú giải Sutta Nipāta như sau:
Thời gian buổi sáng được chia làm bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất Đức Phật đi kinh hành; giai đoạn thứ hai Đức Phật nằm nghỉ với tư thế nghiêng mình bên phải trong Hương phòng mà không rời xa chánh niệm; giai đoạn thứ ba được Ngài sử dụng để nhập thiền quả (arahatta-phala-samāpatti); giai đoạn thứ tư, Ngài nhập vào Đại bi định (mahākaruṇā-samāpatti) và dò xét thế giới hữu tình của Ngài bằng Phật nhãn để xem chúng sanh nào có ít ‘bụi’ trong mắt và chúng sanh nào có nhiều ‘bụi’ trong mắt…
(Đây là sở hành trong canh cuối của Đức Phật).
Chấm dứt năm loại phận sự của Đức Phật
*************
Như vậy, theo thông lệ chư Phật hằng ngày thường làm năm phận sự dù ở bất cứ nơi nào mà các Ngài ngự đến. Theo đúng thông lệ nên Đức Phật của chúng ta cũng vậy. Khi Ngài trải qua mùa an cư thứ mười một, hằng ngày Ngài làm năm phận sự. Một hôm, khi Ngài dò xét thế giới hữu tình bằng Phật nhãn, Ngài trông thấy ông Bà-la-môn Kasibhāradvāja là người có phước adhikara đặc biệt giúp ông ta chứng đắc đạo quả A-la-hán. Khi suy xét thêm, Ngài biết trước như vầy: “Ông Bà-la-môn ngày hôm nay sẽ tổ chức lễ canh điền. Khi Như Lai đến mảnh ruộng đang cày của ông ấy thì cuộc đàm đạo giữa Như Lai và ông ta sẽ xảy ra. Vào lúc kết thúc buổi pháp đàm, nhờ nghe thời pháp của Như Lai, ông ta sẽ đắp y và trở thành vị thánh A-la- hán.” Rồi Đức Phật ở lại tịnh xá Dakkhiṇagiri và chờ cơ hội ấy.
Ngày hôm ấy diễn ra lễ canh điền của Bà-la-môn Kasibhāradvāja, một cư dân của ngôi làng Ekaṇāla (ông có tên như vậy là vì ông thuộc bộ tộc Bhāradvāja và làm nghề nông).
Chương trình lễ cày ruộng và gieo hạt ngày thứ nhất của ông ta như sau: ba ngàn con bò kéo được sắp xếp sẵn sàng. Tất cả những chiếc sừng của chúng đều được bịt bằng vàng và móng của chúng được gắn bằng bạc. Tất cả chúng đều được trang sức bằng bông hoa trắng và trên thân có in hình năm ngón tay bằng vật liệu thơm. Tất cả chúng đều là giống bò tốt nhất, đầu và bốn chân chúng tuyệt đẹp. Một số có màu nâu đậm, một số có màu trắng tuyết, một số có màu đỏ của san hô, trong khi những con khác thì có màu đốm trông những viên ngọc māsaragalla.
Cũng thế, năm trăm công nhân đều mặc y phục màu trắng và trang sức trên người bằng những tràng hoa thơm, vai phải của họ mang một vòng hoa lớn, toàn thân của họ sáng chói rực rỡ. Họ đi thành từng nhóm, mỗi nhóm có mười cái cày. Ngay trước những cái cày là những cái ách và những gậy hích được bịt vàng. Trong năm trăm chiếc cày này, chiếc cày thứ nhất do tám con bò kéo, mỗi chiếc cày còn lại được kéo bởi bốn con. Những con bò còn lại sẵn sàng để thay thế những con bị mệt. Mỗi nhóm có mười chiếc cày và có một cỗ xe hạt giống đi kèm. Việc cày ruộng được thực hiện do từng người nông dân thay phiên nhau. Việc gieo giống cũng được thực hiện như thế.
Về phần của điền chủ Bà-la-môn Kasibhāradvāja, ông tỉa râu mép và râu cằm thật gọn gàng. Ông tắm rửa sạch sẽ và thoa lên người loại hương liệu có mùi thơm đặc biệt. Sau đó ông mặc bộ y trị giá năm trăm ngàn đồng tiền vàng và chiếc áo choàng trị giá một ngàn đồng tiền vàng ở bên vai trái của ông. Hai lỗ tai của ông ta được đính vào hai vật trang sức có hình miệng của con sư tử. Đầu của ông được vấn bằng chiếc khăn xếp như chiếc khăn vấn đầu của vị Phạm thiên. Một vật trang sức bằng vàng như tràng hoa đeo quanh cổ. Đứng giữa nhóm người Bà-la-môn, ông giám sát cuộc lễ.
Sau đó, vợ của ông cho người chở đến những chiếc bình đựng các món ăn được nấu bằng sữa bằng những chiếc xe bò. Bà tắm gội bằng nước thơm, trang phục lộng lẫy rồi đi đến nông trang cùng với những nữ Bà-la-môn khác.
Trong nhà của Bà-la-môn cũng vậy, nơi nào cũng có mùi hương thơm ngát. Hột nổ được rải khắp nơi. Những cái lu đựng đầy nước, những cây chuối, cờ xí và cờ phướn được trang hoàng cho buổi lễ. Và bằng hương hoa và các lễ vật khác, lễ cúng dường được tiến hành. Trong cánh đồng, những lá cờ hình khối và dẹp được treo khắp nơi. Những người trợ giúp, người làm công và những người tụ họp lại số lượng lên đến hai ngàn năm trăm người. Mọi người đều mặc quần áo mới và món ăn bằng sữa đã được bày sẵn sàng cho họ.
Khi mọi sự đã sẵn sàng để tiến hành lễ hội ở nông trại, Bà-la- môn Kasibhāradvāja sai rửa sạch cái bát vàng mà ông thường dùng ăn cơm và cho vào bát món cơm sữa thêm bơ, mật ong và mật đường. Ông cho người cúng dường món cơm sữa đến Thần Nông. Vợ ông sai phân phối các bát bằng vàng, bạc, đồng trắng và đồng đỏ cho năm trăm nông dân, đích thân bà sớt món cơm sữa, bằng cái giá hình thù như cái tách, vào bát của họ lần lượt từ người này đến người khác. Tuy nhiên, sau khi cúng lễ các thần linh xong, Bà-la-môn đi đôi giày buộc bằng những sợi dây màu đỏ và cầm chiếc gậy bằng vàng, ông đi từ nơi này đến nơi khác để giám sát công việc và nói: “Hãy cho món cơm sữa vào bát của người đàn ông này! Hãy bỏ bơ vào bát này! Hãy múc một ít mật đường cho vào bát ông này!”
Đây là cách thức về lễ canh điền của chủ điền Bà-la-môn Kasibhāradvāja.
Bấy giờ đang ở Hương phòng, Đức Phật biết rằng bữa tiệc món cơm sữa đang diễn ra và Ngài quyết định rằng: “Đã đến lúc Như Lai tế độ Bà-la-môn Kasibhāradvāja!” Thế nên, Ngài sửa lại chiếc y nội, buộc dây lưng, đắp y vai trái, mang bát và đi đến nơi mà lễ canh điền đang diễn ra sôi động nhất.
(Ở đây, bất cứ khi nào Đức Phật muốn nhận lãnh vật thực thì cái bát bằng đá màu xanh inda-nila (do bốn vị Thiên vương dâng cúng) tự động xuất hiện giữa hai tay của Đức Phật. Đức Phật không cần thiết đem bát đi theo. Như con ong đến nơi nhiều bông hoa, cũng vậy cái bát tự hiện ra dành cho Đức Phật.
Người ta có thể hỏi rằng: “Tại sao các tỳ khưu không đi theo Đức Phật?” Câu trả lời là: “ Khi muốn đi một mình, Đức Phật đi vào Hương phòng vào giờ khất thực buổi sáng và đóng cửa phòng, ở lại trong đó. Từ dấu hiệu đó, các tỳ khưu biết rằng: “Ngày hôm nay, Bậc Đạo sư muốn đi vào làng hay thị trấn một mình. Chắc chắn là bậc Đạo sư đã thấy một người nào đó cần tế độ.” Do biết vậy, họ mang bát tìm con đường riêng đi khất thực sau khi nhiễu quanh Hương phòng. Trong ngày hôm ấy, để tiếp độ Bà-la-môn Kasibhāradvāja, Đức Phật đã hành xử y như cách đã được nêu trên. Đó là lý do mà các tỳ khưu không đi theo Đức Phật).
Vào lúc Đức Phật đến viếng thì Bà-la-môn Kasibhāradvāja đang chủ trì bữa tiệc món cơm sữa dành cho các thành viên trong nhóm tùy tùng của ông. Đức Phật đi đến bữa tiệc và đứng ở một nơi thích hợp.
(Ở đây Đức Phật đi đến và đứng nơi buổi tiệc đang diễn ra là chỉ để ban phúc lành cho Bà-la-môn Kasibhāradvāja. Thực ra, Ngài đi đến đó không phải để xin vật thực như những người ăn xin. Giải rộng: Quyến thuộc của Đức Phật số lượng một trăm sáu chục ngàn người, tám chục ngàn bên cha và tám chục ngàn bên mẹ. Những quyến thuộc này đủ khả năng để cung cấp vật thực thường xuyên. Quả vậy, Đức Phật khoác vào chiếc y không vì vật thực. Thực ra, Ngài trở thành Sa- môn với chí nguyện là: “ Trong vô số kiếp Ta đã tạo ra năm loại đại thí và thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật. Sau khi tự mình thoát khỏi sanh tử luân hồi, Ta sẽ độ thoát cho những chúng sanh nào xứng đáng được độ thoát như Ta. Sau khi nhiếp phục bản thân bằng sự thu thúc lục căn, Ta sẽ nhiếp phục những chúng sanh đáng được nhiếp phục như Ta vậy. Sau khi làm thanh tịnh bản thân bằng sự dập tắt tất cả hơi nóng của phiền não, Ta sẽ đem lại thanh tịnh cho những chúng sanh xứng đáng giống như Ta. Sau khi tự mình đạt đến chỗ tịch tịnh đối với thân và phiền não, Ta sẽ dạy cho những chúng sanh xứng đáng đạt đến chỗ tịch tịnh đối với thân và các phiền não giống như Ta vậy. Do đó, chính vì Ngài muốn độ thoát cho những chúng sanh này giống như Ngài đã tự mình giải thoát khỏi vòng luân hồi. Chính vì Ngài muốn điều phục chúng sanh giống như Ngài đã điều phục chính mình bằng sự thu thúc lục căn. Chính vì Ngài muốn đem lại thanh tịnh cho những chúng sanh ấy giống như Ngài đã thanh tịnh chính mình bằng sự dập tắt tất cả những ngọn lửa phiền não. Chính vì Ngài muốn đạt đến chỗ tịch tịnh về thân và các phiền não mà Ngài đã đi khắp thế gian. Trong chuyến du hành hôm nay, Ngài đi đến và đứng đó, nơi mà bữa cơm sữa đang diễn ra sôi động nhất để tế độ Bà-la-môn Kasibhāradvāja).
Sau khi Đức Phật đứng ở chỗ đủ cao để Bà-la-môn Kasibhāradvāja có thể trông thấy và nghe Ngài nói. Từ thân Ngài phát ra hào quang có màu pīta giống như sự pha trộn màu sắc của vàng lỏng và bột đá vàng. Sáng chói hơn ánh sáng của một ngàn mặt trời và một ngàn mặt trăng, các tia hào quang đi xa tám mươi hắc tay, khắp các hướng đều thấm nhuần hào quang từ thân Đức Phật, những bức vách trong chỗ làm việc của Bà-la-môn, những cây cối chung quanh và những cục đất đã được lật lên và những vật khác đều trông như những khối vàng rắn.
Lúc bấy giờ những người tham dự bữa tiệc cơm sữa trông thấy Đức Phật vô song trong tướng mạo uy nghi rực rỡ của một vị Phật. Do vậy, họ vội vàng rửa tay chân rồi cung kính chắp tay đứng quanh Ngài. Bà-la-môn Kasibhāradvāja trông thấy mọi người vây quanh Đức Phật, ông ta không hài lòng, nghĩ rằng: “ Công việc của ta đã bị phá vỡ có chủ tâm!” Khi chú ý đến các tướng chánh và tướng phụ, ông ta đã nhận xét sai lầm rằng: “ Vị Sa-môn Gotama này, nếu mà chịu làm việc để kiếm của cải thì chắc vị ấy đã kiếm được cái gì đó như cái kẹp tóc bằng hồng ngọc cho tất cả người trong khắp cõi Diêm phù đề này. Vị ấy có thể thành tựu bất cứ điều hạnh phúc nào! Tuy nhiên, vì lười biếng không làm gì cả, chỉ ăn vật thực kiếm được ở các buổi lễ canh điền và các buổi lễ khác; vị ấy đi lại chỗ này chỗ kia để chăm lo cái thân của vị ấy mà thôi.” Do tâm trạng khó chịu và suy nghĩ sai lầm của mình nên ông đã nói với Đức Phật những lời khinh miệt sau: “ Này ông Sa-môn, tôi làm công việc cày cấy và gieo trồng. Tôi kiếm sống nhờ vậy (dù tôi không có những tướng hảo như ông, nhưng công việc của tôi cũng không bị ảnh hưởng bất lợi). Này ông Sa-môn, ông cũng nên cày bừa và gieo trồng như tôi. Nhờ làm vậy, ông sẽ sống cuộc đời hạnh phúc như tôi. (Đối với ông, người có những tướng của bậc đại nhân, lợi ích nào sẽ xảy đến?)
(Bà-la-môn Kasibhāradvāja vốn biết rằng: “Thái tử Siddhattha ra đời trong cung điện của dòng tộc Thích ca, trong kinh thành Kapilavatthu! Vị thái tử ấy đã trở thành một vị Sa-môn sau khi từ bỏ đời sống vương giả của một vị Chuyển luân vương!” Ông nhận ra Thái tử Siddhattha chính là vị Sa-môn này. Ông nói với Đức Phật theo cách trên vì ông muốn chỉ trích Ngài: “Sau khi từ bỏ đời sống xa hoa của một vị Chuyển luân vương, giờ đây ông có thấy mỏi mệt không?” Hoặc, là một Bà-la-môn thông minh sắc bén, ông ta nói như vậy vì không muốn phản đối Ngài mà vì ông đã tự mình chứng kiến tướng hảo thù thắng của Đức Phật nên muốn tán dương trí tuệ của Ngài và bắt chuyện với Ngài).
Lúc bấy giờ vì Bà-la-môn Kasibhāradvāja, một người chủ nông trại, là người xứng đáng để nói chuyện nên Đức Phật muốn giáo giới cho ông tùy theo căn cơ của ông. Để ban ra một thời pháp thoại, khi biểu lộ chính Ngài là chúa tể của những người trồng trọt trong thế giới hữu tình, có chư thiên và Phạm thiên, Đức Phật nói rằng: “ Này Bà-la- môn Kasibhāradvāja, giống như ông, Như Lai cũng cày ruộng, gieo hạt và nhờ đó sống hạnh phúc.”
Khi ấy ý nghĩ sau đây sanh đến với Bà-la-môn Kasibhāradvāja: “Vị Sa-môn Gotama này nói rằng: ‘Ta cũng cày ruộng và gieo hạt,’ nhưng ta không thấy những dụng cụ của vị ấy như cái ách, gậy hích, v.v… Vị ấy có nói dối ta không?” Rồi ông Bà-la-môn nhìn Đức Phật và quan sát Ngài từ chân lên đến đầu và thấy rằng Ngài có đầy đủ tướng hảo của một bậc Đại nhân. Thế nên ông suy nghĩ: “Không có lý do gì mà một người có đầy đủ hảo tướng như vầy lại nói lời không thật.” Ngay khi ấy ông cảm thấy kính trọng Đức Phật và từ bỏ lời nói khiếm nhã như ‘ông Sa-môn’ và gọi Ngài bằng tên của bộ tộc của Ngài như vầy:
“Chúng tôi không thấy cái ách, cái cày, lưỡi cày, gậy hích và những con bò kéo của Ngài Gotama. Dù ông đã quả quyết khi nói rằng: ‘ Này ông Bà-la-môn, giống như ông Như Lai cũng cày ruộng, gieo hạt và nhờ đó sống hạnh phúc.’ ”
Rồi ông hỏi bằng câu kệ sau đây:
1) Kassako paṭijānāsi na ca passāmi te kasim. Kasim no pucchito brūhi yathā jānemu te kasiṁ.
(Thưa Ngài Gotama), Ngài công bố rằng Ngài là nông dân. Nhưng tôi không thấy những công cụ của Ngài, là cái ách, cái cày và những thứ khác cần thiết cho việc đồng áng. Vì giờ đây chúng tôi xin hỏi Ngài, hãy nói cho chúng tôi biết bằng cách nào đó để có thể nhìn thấy tất cả những công cụ (của Ngài, thưa Ngài Gotama) để làm nông. Đối với câu hỏi đầy đủ do Bà-la-môn nêu ra, Đức Phật đã cho câu trả lời bằng bốn câu kệ, ba câu tự nó là những câu trả lời và câu thứ tư là câu kết luận. Những câu kệ và bản dịch của chúng như sau:
2) Saddhā bījaṁ tapo vuṭṭhi paññā me yuga-nañgalaṁ Hirī tsā mano yuttaṁ sati me phālapācanaṁ
(a) (Này Bà-la-môn Kasibhāradvāja!) Niềm tin của Như Lai là hạt giống, niềm tin có bốn loại: Lai tín (āgamana-sadhā), Chứng tín (adhigama-sadhā), Xác tín (okappana-sadhā), và Tịnh tín (pasāda- sadhā). (Đọc Chú giải Pāthika-vagga và những tác phẩm khác để biết rõ hơn về bốn loại đức tin này).
Chú thích:
(1) Lai tín (āgamana-sadhā) là đức tin sanh lên do sự phát nguyện thành Phật.
(2) Chứng tín (adhigama-sadhā) là đức tin sanh lên do sự chứng đắc Đạo và Quả.
(3) Xác tín (okappana-sadhā) là đức tin sanh lên do sự hiểu rõ các ân đức của Tam bảo.
(4) Tịnh tín (pasāda-sadhā) là đức tin sanh lên do bởi đối tượng hình sắc hay âm thanh đáng ưa thích.
(b) Sự thu thúc lục căn của Như Lai là đám mưa giúp cho sự phát triển những cây con.
(c) Tuệ quán (vipassana-paññā) và bốn Đạo tuệ (magga-paññā) của Như Lai là cái ách và khúc gỗ của cái bừa.
(d) Tàm (hiri) và Quý (ottapa) của Như Lai là cặp sào của cái bừa.
(e) Tâm sản sanh ra Định (samādhi) của Như Lai là những sợi dây thừng, gồm có 3 loại: một sợi dùng để buộc, một sợi dùng để gắn giữ và sợi thứ ba dùng để kết nối.
(f) Chánh niệm của Như Lai (sati) có Tuệ quán đi kèm và có Tuệ đạo đi kèm là những cái răng của cái bừa và cây gậy hích.
(Chú thích: Bà-la-môn hỏi riêng về cái ách, cái bừa và những công cụ khác. Nhưng Đức Phật trả lời bằng cách thêm vào các sự kiện cần thiết (dù chúng không được đề cập trong câu hỏi). Ngài làm như vậy do sự giống nhau của hai nguyên tắc gốc (đức tin và hạt giống). Cách thuyết giảng như vậy là phương tiện vốn có của các Đấng Giác Ngộ. Đức Phật, vì muốn thuyết giảng bằng cách mở ra phương tiện ấy để bổ túc những yếu tố cần thiết khác trong cùng một sự kiện tương đồng nên đã nói rằng đức tin của Ngài là hạt giống.
Ở đây, câu nói “Sự tương đồng giữa hai căn nhân” có ý nghĩa gì? Không phải ông Bà-la-môn chỉ hỏi câu hỏi liên quan đến những thứ như cái ách, cái bừa và những thứ tương tự? Như thế tại sao Đức Phật nói về niềm tin của Ngài bằng cách so sánh nó với hạt giống và đưa nó vào câu trả lời của Ngài dù không được nêu ra trong câu hỏi của ông ta? Nếu câu trả lời không liên quan đến câu hỏi thì có thích hợp không? Dù ông ta đã giới hạn câu hỏi trong những công cụ nông nghiệp, như cái ách, cái bừa và những thứ tương tự, tại sao Đức Phật lại đưa vào câu trả lời của Ngài như đức tin ngang hàng với hạt giống, v.v…? Phải chăng điều này khiến cho câu trả lời của Ngài trở nên không thích hợp?
Câu trả lời: Đức Phật không bao giờ nói điều gì không thích hợp. Chư Phật có truyền thống thuyết giảng bằng cách giới thiệu những sự kiện mới bằng phép loại suy.
Ở đây, cần chú ý những điều sau: Bà-la-môn Kasibhāradvāja hỏi về nghề nông liên quan đến cái cày, cái ách và các công cụ khác. Nhưng Đức Phật khi được hỏi như vậy, đã không bỏ sót bất cứ điều gì trong câu trả lời của Ngài khi nói rằng: “Điều này ông ta không hỏi”. Đối với Đức Phật, sự quan tâm đến ông ta như vậy là do lòng bi mẫn. Vì muốn nói về nghề nông ngay từ đầu để ông ta có thể biết toàn thể
công việc cùng với bốn điểm là (1) căn nguyên (mūla), (2) trợ thành (upakāra), (3) tư lương (sambhāra), và (4) quả (phala) đã không được đề cập đến trong những câu hỏi của ông ta. Tuy ông không hỏi vì kiến thức và trí tuệ của ông không đủ thâm sâu, Đức Phật đã trả lời tất cả những điểm không được hỏi đến nhưng cần thiết do bởi tâm bi mẫn quảng đại của Ngài.
Giải rộng: Hạt giống là nhu cầu cơ bản trong nông nghiệp. Không có hạt giống thì không có công việc trồng trọt. Số lượng hạt giống quyết định số lượng công việc làm nông. Công việc trồng trọt được làm nhiều hay ít tùy thuộc hạt giống. Cho nên hạt giống là căn nguyên của nghề nông. Về vấn đề này, Đức Phật muốn mô tả công việc làm nông bắt đầu từ căn nguyên ấy. Vì hạt giống là căn nguyên của ngành nông nghiệp muôn thuở, nên chủ đề của ông ta tương tự như căn nguyên của việc trồng trọt trong tâm của Đức Phật. Ngài thêm vào việc loại suy nên Ngài mới nói rằng: “Đức tin của Như Lai là hạt giống.” (Như đã nói ở trên, căn nguyên của công việc là nông tức là hạt giống và căn nguyên của việc gieo trồng trong tâm là đức tin. Ý nghĩa thâm sâu của câu nói này nên hiểu như vậy.)
Lại nữa, người ta cũng có thể tranh biện rằng: “Bà-la-môn hỏi điều gì thì nên trả lời điều đó trước, tại sao Đức Phật trả lời trước điều mà ông ta không hỏi đến?”
Câu trả lời tóm gọn: (1) Dù đức tin như hạt giống lẽ ra được trả lời sau nhưng Đức Phật trả lời trước vì muốn đem lại nhiều lợi ích cho ông ấy. (2) Sự thu thúc lục căn giống như đám mưa và đức tin như hạt giống có liên hệ với nhau như nhân và quả, cho nên sự thu thúc lục căn giống như đám mưa được đề cập ngay sau đức tin như hạt giống.
Giải rộng:
(1) Ông Bà-la-môn bản chất thông minh. Nhưng vì ông sanh ra trong một gia đình tà kiến nên niềm tin của ông rất yếu. Người mạnh về thông minh mà yếu về đức tin thì chẳng tin ai cả (ngay cả những vị thầy của mình), người ấy không thực hành pháp cần được thực hành và vì thế không thể chứng đắc đạo quả siêu phàm. Niềm tin trong sạch của ông ta còn yếu. Thế nên, đức tin yếu kết hợp với trí thông minh mạnh mẽ không thể giúp ông ta chứng đắc đạo quả. Sự kết hợp ấy có phần giống như con bò kéo được thắng ách chung với con voi. Chính niềm tin sẽ dẫn dắt ông Bà-la-môn chứng đắc đạo quả. Vì vậy để ông ta an trú trong đức tin là điều rất cần thiết. Đức Phật bằng phương pháp thuyết giảng vô song, đã giảng dạy về đức tin trước tiên dù nó nên được đề cập đến về sau.
(2) Mưa có lợi ích vô cùng cho hạt giống. Mối liên hệ giữa nhân và quả có thể đánh giá đầy đủ chỉ khi nào Đức Phật nói về đám mưa ngay sau phần nói về hạt giống. Cho nên câu trả lời của Đức Phật liên quan đến đám mưa được nêu ra trước mà đúng ra phải trả lời sau (tức là kế tiếp câu trả lời liên quan đến đức tin như hạt giống). Không riêng đám mưa, mà cái cày, dây thừng, v.v… Đức Phật cũng nói đến những chỗ thích hợp riêng biệt của chúng. Những đặc tánh và những đặc điểm của đức tin có thể được biết rõ từ những bộ kinh có liên quan.
(Sự giống nhau giữa đức tin và hạt giống là như vầy: hạt giống tự nhiên - nguyên nhân cơ bản trong việc trồng trọt của ông Bà-la- môn làm hai việc: (1) đâm rễ xuống dưới và (2) đâm chồi lên trên. Tương tự, đức tin như hạt giống, nguyên nhân cơ bản của công việc trồng trọt trong tâm cũng làm hai việc: (1) đâm rễ Giới (sīla) xuống dưới đất và (2) đâm chồi Định và Tuệ Quán (samatha vipassanā) lên trên.
Giống như hạt giống hấp thụ những thành phần dinh dưỡng của đất và nước từ rễ vào thân của chúng để đem lại kết quả dồi dào cho vụ mùa. Cũng vậy, đức tin giống như hạt giống hấp thụ những thành phần Định và Tuệ từ rễ Giới để mọc lên và nhờ vào thân cây Thánh Đạo (ariya-magga) đem lại kết quả cho Thánh Quả (ariya-phala).
(a) Giống như hạt giống nằm trong vùng đất màu mỡ phát triển rễ, chồi, thân và bông của chúng làm sản sanh ra vụ mùa đầy hạt. Cũng vậy, đức tin giống như hạt giống nằm trong vùng đất phì nhiêu Quả, quá trình tâm đạt đến sự phát triển về Giới thanh tịnh (sīla- visuddhi) sản sanh ra chất nhựa của Thánh đạo (ariya-magga) và vụ mùa hoa trái là Đạo Quả A-la-hán với tuệ Phân tích (paṭisambhidā) và trí Vô-ngại-giải (abhiññā). Cho nên Đức Phật mới dạy rằng: “Đức tin của Như Lai là hạt giống.”
Liên quan đến câu nói ‘Sự chế ngự lục căn của Như Lai là đám mưa’. Cũng như những cây lúa của ông Bà-la-môn từ hạt giống mọc lên luôn tăng trưởng tốt tươi mà không bị héo úa vì chúng nhận được sự hỗ trợ của mưa. Cũng vậy, Giới (sīla), Định (samādhi) và Tuệ (paññā) của Đức Phật có nguyên nhân gần là đức tin như hạt giống thường xuyên phát triển không suy giảm.
(b) Qua câu nói này của Đức Phật chỉ ra ý nghĩa thâm sâu như sau: “Này ông Bà-la-môn! Nếu trận mưa rơi xuống sau khi ông gieo hạt thì ấy là điều tốt. Nếu không, ông phải tự tưới nước cho chúng. Còn phần Như Lai, Như Lai gắn chiếc cày Tàm (hirika) và Quý (ottappa) vào cái ách Tuệ quán (vipassana-paññā) và Tuệ Đạo (magga-paññā), bằng sợi dây thừng là Định (samādhi) rồi khi thắng ách vào những con bò kéo là Tinh tấn (viriya), Như Lai điều khiển chúng bằng chiếc gậy hích là Chánh niệm (sāti). Như vậy, Như Lai đã cày mảnh ruộng phì nhiêu là quá trình tâm và gieo hạt giống là đức tin. Chẳng giây phút nào đức tin như hạt giống thiếu nước mưa (là sự thu thúc lục căn). Nước dưới hình thức chế ngự lục căn luôn luôn tưới lên mảnh ruộng màu mỡ là quá trình tâm của Như Lai.
Liên quan đến câu nói của Đức Phật ‘Tuệ quán và Đạo Tuệ của Như Lai là cái ách và cái bừa’. Cái ách và cái bừa của ông Bà-la-môn giống như Tuệ quán và Đạo tuệ của Đức Phật. Cái ách là vật nâng đỡ cho cái bừa, nó ở trước cái bừa. Nó cũng là cái để dây cương dựa vào. Nó cũng được dùng để khiến những con bò kéo đi chung với nhau. Tương tự như vậy, Trí tuệ là pháp nâng đỡ chính yếu của các Giới đức do Tàm và Quý mở đường. Nó cũng là kẻ dẫn đầu của Giới đức và nó không thể tồn tại mà không có Tàm và Quý như hai cái cán của cái bừa. Và cái bừa được buộc chung với cái ách là Trí tuệ. Vì nó là pháp mà sợi dây thừng là Định nương tựa vào. Tuệ hỗ trợ cho Định, vì trí tuệ kiểm soát sự tinh tấn quá mạnh hay quá yếu và nó hoạt động bằng cách điều hòa sự chuyển động song hành của cặp bò kéo là Tinh tấn.
(c) Khi việc bừa đất được thực hiện, khúc gỗ có gắn những cái răng làm nhuyễn đất, đánh tan những rễ cây lớn và nhỏ. Tương tự, khi khúc gỗ trí tuệ của Đức Phật gắn những chiếc răng chánh niệm làm tan tác bốn khối lớn (ghana). Đó là: khối tương tục (santati), khối tương tập (samūha), khối phận sự (kicca) và khối cảnh (ārammaṇa). Nó cũng đoạn diệt tất cả những cội rễ lớn nhỏ của phiền não (kilesa) cho nên Đức Phật mới nói rằng: “Tuệ quán và Tuệ đạo của Như Lai là cái ách và cái bừa.”
Liên quan đến câu nói ‘Tàm và Quý của Như Lai là cặp cán bừa.’ Tàm và quý cùng sanh cùng tồn tại với nhau, khi có tàm thì quý cũng có mặt. Cho nên mới có câu: “Tàm và Quý của Như Lai là cặp cán bừa.”
(d) Cũng như cặp cán bừa của ông Bà-la-môn, một đầu được gắn vào cái ách và một đầu được gắn vào khúc gỗ. Cũng vậy, cặp cán bừa của Đức Phật là Tàm và Quý được đi kèm với cái ách và khúc gỗ là thế gian Tuệ quán (lokiya vipassanā-paññā) và siêu thế gian Tuệ đạo (lokuttara magga-paññā) (vì sự hiện hữu của hai loại Tuệ tùy thuộc vào sự hiện hữu của hai pháp Tàm và Quý. Cái ách và khúc gỗ làm những chức năng riêng của chúng như đã đề cập ở trên). Khi chúng được gắn liền với cặp cán bừa. Chỉ khi ấy chúng mới không bị lúc lắc hay lỏng lẻo. Cũng vậy, hai loại Trí tuệ kể trên làm những phận sự riêng của chúng khi chúng được liên kết chặt chẽ với nhau hai pháp là Tàm và Quý. Chỉ khi ấy chúng mới không bị yếu hoặc lỏng lẻo, mà vẫn giữ tình trạng chặt chẽ, khắng khít và không bị nhiễm các pháp bất thiện mà có thể sanh lên do vô tàm (ahirika) và vô quý (anottappa). Cho nên, Đức Phật nói: “Tàm và Quý của Như Lai là cặp cán bừa.”
(Liên quan đến câu nói ‘Tâm của Như Lai là sợi dây thừng’. Tâm ở đây có nghĩa là sự tập trung cho nên câu diễn dịch ‘Tâm của Như Lai sanh ra định là những sợi dây thừng, gồm có ba loại: một sợi dùng để buộc, một sợi dùng để gắn giữ và sợi thứ ba dùng để kết nối).
(e) Có ba loại dây thừng: Một sợi dùng để buộc có nghĩa là buộc cặp cán và cái ách. Một sợi dùng để gắn giữ có nghĩa là gắn giữ cái ách vào cổ của con bò. Và sợi dây thứ ba dùng để kết nối có nghĩa là kết nối người điều khiển với những con bò kéo. Cũng như ba sợi dây thừng của ông Bà-la-môn giữ chặt cái bừa. Cái ách và những con bò kéo dính liền nhau và giúp chúng hoàn thành những phận sự riêng của chúng. Cũng vậy, sợi dây thừng chú tâm của Đức Phật giúp Ngài tập trung tàm và quý, tuệ và tinh tấn vào một đối tượng và làm cho chúng thực hiện những phận sự riêng của chúng. Cho nên Đức Phật mới dạy rằng: “Tâm sanh sản ra Định của Như Lai là những sợi dây thừng.”
Liên quan đến câu nói ‘Chánh niệm của Như Lai có Tuệ Đạo và Tuệ quán đi kèm là những cái răng của cái bừa và cái gậy hích’. Cũng như cái răng bừa bảo vệ và hướng dẫn khúc gỗ của cái bừa. Cũng vậy, chánh niệm bảo vệ trí tuệ bằng cách thăm dò cảnh trông xa của những thiện pháp và đem chúng về một điểm tập trung. Cho nên trong nhiều bộ kinh Pāḷi, Đức Phật dạy Chánh niệm và pháp bảo vệ. Do không bao giờ xao lãng, lưỡi bừa Chánh niệm đi trước khúc gỗ bừa và Trí tuệ. Quả thật vậy, những yếu tố pháp mà đã được thăm dò bởi Chánh niệm, chúng được thâm nhập bởi Trí tuệ đi sau.
(f) Cũng như cái gậy hích, cảnh báo cho những con bò biết mối nguy hiểm sẽ bị hích hoặc bị đánh, không cho chúng cơ hội rút lui hay dừng lại, mà giữ chúng không đi sai đường. Cũng vậy, cái gậy hích Chánh niệm cảnh báo con bò Tinh tấn về mối nguy hiểm bị rơi xuống khổ cảnh, không cho nó cơ hội lười biếng, thối thất hoặc dừng lại. Và nhờ đó mà giữ tâm không đi lang thang trong các cảnh dục không đáng ưa thích, buộc nó vào pháp hành thiền quán, nó cũng ngăn cản không cho tinh tấn đi vào tà đạo. Cho nên Đức Phật mới dạy rằng: “Chánh niệm của Như Lai có Tuệ đạo và Tuệ quán đi kèm là những răng bừa và gậy hích.”
3) Kāyagutto vacīgutto. āhāre udare yato.
Saccaṃ karomi niddānaṃ. saraccaṃ ma pamocanaṃ.
“Này ông Bà-la-môn của bộ tộc Bhāradvāja! Cũng như ông bảo vệ an toàn mảnh ruộng của ông bằng những hàng rào. Cũng vậy, Như Lai (Đạo sư của ba cõi) bảo vệ an toàn mảnh ruộng tâm bằng hàng rào của ba thân thiện hạnh và bốn ngữ thiện hạnh.
(Qua câu trả lời này Đức Phật dạy về Pātimokkha-saṃvara-sīla - Sự thu thúc bằng giới Patimokkha). Về cách sử dụng bốn món vật dụng, Như Lai kiềm chế chính mình để tránh 21 cách kiếm lợi bất chánh (điều này ám chỉ đến Hoạt mạng Biến tịnh giới – Ājivapārisuddhi-sīla). Nói về cái bụng, Như Lai chế ngự bản thân bằng cách ẩm thực độ lượng ( Điều này dạy về Tư Cụ Y Giới – Paccaya-sannissita-sīla). Qua tám loại thánh ngữ (ariya-vohāra), Như Lai đã đoạn tận tám loại ngôn ngữ hèn hạ, phi thánh ngữ (anariya- vohāra) là những rong rêu của sự dối trá. A-la-hán đạo quả là sự an lạc trong trạng thái gọi là Niết bàn, là sự đoạn tận, sự phá tan hoàn toàn cái bừa, sự viễn ly hoàn toàn mảnh ruộng và sự rút lui vĩnh viễn thuộc về Như Lai, bậc Đạo-sư của ba cõi).
Ý nghĩa ở đây là ‘Này ông Bà-la-môn! Cũng như ông, sau khi đã gieo hạt bèn dựng lên một hàng rào gai, một hàng rào cây, một hàng rào bằng những khúc gỗ hay bằng tre để gia súc, trâu bò, nai không vào phá hoại hoa màu được. Cũng vậy, Như Lai sau khi gieo xuống hạt giống đức tin bèn xây nên ba bức tường thành lớn là pātimokkha- saṃvara-sīla, ājiva-pāsuddhi-sīla và paccaya-sannissita-sīla khiến những gia súc, trâu bò, nai dưới dạng pháp bất thiện như tham, sân, si,
v.v … không có đường để vào phá hoại hoa màu là những công đức, những điều phước mà Như Lai (người nông dân vĩ đại) sở hữu.
“Này ông Bà-la-môn! Cũng như ông, sau khi làm công việc bên ngoài (bahira) như cày ruộng bằng đôi tay hoặc bằng cái liềm bèn nhổ hoặc cắt sạch cỏ dại vốn có hại cho vụ mùa. Cũng vậy, Như Lai, sau khi làm công việc bên trong (ajjhattika) là cày thửa ruộng tâm bèn nhổ lên và đoạn sạch tám loại phi thánh ngữ, là những rong rêu cỏ dại của sự dối trá:
1. Không thấy mà nói là “ tôi thấy.”
2. Không nghe mà nói là “ tôi nghe.”
3. Không chứng mà nói là “tôi chứng.”
4. Không biết mà nói là “tôi biết.”
5. Thấy mà nói là “ tôi không thấy.”
6. Nghe mà nói là “ tôi không nghe.”
7. Chứng mà nói là “ tôi không chứng.”
8. Biết mà nói là “ tôi không biết.”
Trong tám loại phi thánh ngữ này là những loại cỏ dại của sự dối trá. Như Lai đã làm công việc đào bứng, cắt đứt và đoạn tận bằng đôi tay hay bằng cái liềm Bát thánh ngữ như:
1. Khi không thấy nói rằng “tôi không thấy.”
2. Khi không nghe nói rằng “tôi không nghe.”
3. Khi không chứng nói rằng “tôi không chứng.”
4. Khi không biết nói rằng “tôi không biết.”
5. Khi thấy nói rằng “tôi thấy.”
6. Khi nghe nói rằng “tôi nghe.”
7. Khi chứng nói rằng “tôi chứng.”
8. Khi biết nói rằng “tôi biết.”
“Này ông Bà-la-môn! Việc dẹp bỏ cái bừa của ông, việc trừ bỏ mảnh ruộng cũ và việc ngừng nghỉ của ông không phải là vĩnh viễn vì ông còn phải cày bừa lại vào buổi chiều, ngày hôm sau hoặc năm sau. Việc tháo bỏ cái bừa của Như Lai, việc từ bỏ mảnh ruộng của Như Lai và sự ngừng nghỉ của Như Lai không giống như ông. Quả thật vậy, này ông Bà-la-môn! Khi Như Lai đã chứng đắc Đạo Quả A-la-hán. Trước đó, Như Lai chẳng hề biết thế nào là dẹp bỏ cái bừa, thế nào là từ bỏ mảnh ruộng và sự quy ẩn. Như Lai sẽ giải thích cụ thể hơn. Này ông Bà-la-môn! Vào thời của Đức Phật Dīpankara, Như Lai chưa dẹp bỏ cái bừa, chưa từ bỏ mảnh ruộng và quy ẩn cho đến khi Như Lai chứng đắc A-la-hán đạo tuệ, Nhất thiết trí. Suốt thời gian bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp Như Lai phải làm việc bên trong là trồng trọt trên mảnh đất tâm bằng sự thắng yên cương bốn con bò lớn là Chánh tinh tấn hay duy trì sự tinh tấn để nung nóng cái bừa Trí tuệ.
“Này ông Bà-la-môn! Sau khi làm công việc cày xới mảnh ruộng tâm không ngừng nghỉ suốt bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, chỉ đến khi Như Lai chứng đắc đạo quả A-la-hán với tất cả ân đức của một vị Phật khi đang ngồi trên bồ đoàn bằng vàng dưới cội cây Bồ đề là trạng thái thực sự an lạc, chấm dứt mọi phiền não. Khi ấy Như Lai mới tháo bỏ bốn con bò tinh tấn từ cái cày Trí tuệ, từ bỏ mảnh ruộng quá trình tâm và quy ẩn vĩnh viễn bằng sự an trú trong Đạo Quả A-la- hán. Giờ đây Như Lai chẳng còn gì để làm đối với công việc trồng trọt.”
4) Vīriyaṃ me dhuradhorayhaṃ. yogakkhemādhivāhanaṃ.
Gacchāti anivattantaṁ yattha gantvā na socati.
‘Này ông Bà-la-môn của bộ tộc Bhāradvāja! Hai loại tinh tấn (vīriya) của Như Lai thuộc về thân (kāyika) và thuộc về tâm (cetasika) hình thành một cặp bò lớn được buộc vào ngay trước cái cày hay bốn loại chánh tinh tấn của Như Lai (sammappadhāna) là hai cặp bò kéo (cặp bò gồm thân tinh tấn và tâm tinh tấn hay hai cặp bò Chánh tinh tấn của Như Lai) có khả năng dẫn đến Niết bàn, thoát khỏi mọi đau khổ gây ra bởi bốn loại phiền trược đó là: dục phiền trược (kāma-yoga), v.v… Sau khi đã đến Niết bàn nơi mà một nông dân giống như Như Lai không còn phiền não sẽ không quay lại nữa do nhờ năng lực của Trí tuệ.
(Giải thích: Cũng như khúc gỗ nơi mà cái bừa của ông Bà-la- môn được kéo đi bởi cặp bò làm bể vụn những khối đất và tiêu diệt những rễ cây lớn và nhỏ. Cũng vậy, khúc gỗ trí tuệ của Đức Phật được kéo đi một cách mạnh mẽ bởi cặp bò là thân tinh tấn và tâm tinh tấn, nghiền nát bốn loại khối đất đó là khối tương tục (santati), khối hợp thành (samūha), khối phận sự (kicca), khối cảnh duyên (ārammana), Như Lai cũng đoạn diệt những rễ cây lớn và nhỏ là những pháp ô nhiễm.
Hay nói cách khác, cũng như hai cặp bò để kéo của ông Bà-la- môn, một cặp được thắng vào cái ách thứ nhất và cặp kia được thắng vào cái ách thứ hai. Cũng vậy, trong cái bừa chánh pháp của Đức Phật có bốn pháp tinh tấn giống như hai cặp bò của ông Bà-la-môn được gắn vào cái bừa của ông ta. Chúng phấn đấu nỗ lực và hoàn thành hai phận sự, đó là phận sự tiêu diệt cỏ dại đã mọc rồi và cỏ dại sắp mọc lên và phận sự làm sanh ra những cây lúa. Cũng vậy, bốn pháp tinh tấn của Đức Phật tương ứng với hai cặp bò của ông Bà-la-môn, chúng phấn đấu nỗ lực và hoàn thành nhiệm vụ. Đó là nhiệm vụ đoạn trừ các bất thiện pháp đã sanh cũng như sẽ sanh và phận sự làm sanh khởi các thiện pháp.
“Này ông Bà-la-môn! Cũng như hai cặp bò của ông đi về hướng đông, hướng tây, v.v… khi ông điều khiển chúng. Cũng vậy hai cặp bò tinh tấn của Như Lai đi thẳng đến Niết bàn khi Như Lai điều khiển chúng đi về hướng ấy. Sự khác biệt về hướng đi của ông và hướng đi của Như Lai là thế này: khi hai cặp bò của ông tiến đến đầu kia của mảnh ruộng thì chúng quay lại, nhưng cặp bò tinh tấn của Như Lai đi thẳng đến Niết bàn mà không quay trở lại kể từ thời kỳ Đức Phật Dīpankara.
Hai cặp bò của ông không thể đến chỗ mà một người nông dân như ông có thể thoát khỏi phiền não. Còn hai cặp bò của Như Lai dưới dạng Chánh tinh tấn, chúng đã được điều khiển để đến chỗ Niết bàn thoát khỏi mọi sầu khổ của một người nông dân giống như Như Lai).
5) Evaṃ esa kasi kuttha, sa hoti amatapphala. Etam kasim kasitvāna sabbadukkha pamuccati.
“Này ông Bà-la-môn của bộ tộc Bhāradvāja! Như Lai (bậc Thiên nhân sư của ba cõi) đã làm công việc cày ruộng Chánh pháp liên tục không gián đoạn suốt bốn A-tăng-kỳ (asaṇkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp. Việc cày ruộng Chánh pháp của Như Lai cho quả Niết bàn, hương vị này không chỉ giành riêng cho Như Lai mà dành cho bất cứ ai dù là Phạm thiên, chư thiên hay nhân loại. Khi việc thắng ách cặp bò Chánh tinh tấn và việc cày ruộng Pháp được người đó thực hiện một cách liên tục không gián đoạn thoát khỏi mọi khổ đau và chứng đắc Niết bàn.
Với cách này, Đức Phật qua việc thuyết pháp đến Bà-la-môn Kasibhāradvāja. Kết thúc bài pháp bằng cách đưa nó lên tới đỉnh cao là đạo quả A-la-hán và Niết bàn.
Sau khi lắng nghe bài pháp thâm diệu, Bà-la-môn Kasibhāradvāja giác ngộ được rằng: ‘ Dù ta ăn ngũ cốc có được từ công lao trồng trọt của mình nhưng hôm sau ta vẫn bị đói. Việc trồng trọt trên mảnh ruộng Chánh pháp của Sa-môn Gotama đã cho Quả Bất tử gọi là Niết bàn. Sau khi hưởng Quả Bất tử từ việc trồng trọt trên mảnh ruộng chánh pháp, người ta có thể giải thoát bản thân khỏi đau khổ vĩnh viễn.’ Như vậy, ông Bà-la-môn đã phát triển tâm tịnh tín, hiểu thấu đáo và muốn làm những việc mà một cận sự nam hằng làm. Ông ta đã đặt món cơm sữa vào cái bát bằng vàng của ông, trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng. Rồi ông ta đặt thêm vào bơ, mật ong, mật đường, v.v… để món ăn ngon hơn. Cuối cùng ông đậy bát bằng một tấm vải trắng và tự tay dâng đến Đức Phật và những lời tác bạch rằng: “Cầu xin Sa-môn Gotama hãy thọ dụng món cơm sữa! Sa-môn Gotama quả thật là người cày ruộng, vì người đã làm công việc cày ruộng Chánh pháp mà kết quả của vụ mùa là Niết bàn.”
Rồi Đức Phật thuyết hai câu kệ sau đến Bà-la-môn:
6) Gāthābhigītaṁ me abhojaneyyaṁ. sampassataṃ Brāhmana n‘esa Dhammo. Gāthābhigītaṃ panudanti Buddhā. dhamme sati Brāhmaṇa vuttiresā.
“Này ông Bà-la-môn của bộ tộc Bhāradvāja! Vật thực có được do đọc lên những câu kệ thì không đáng cho Như Lai thọ dụng chút nào cả. Sự thọ dụng vật thực có được như vậy không phải là tục lệ của chư Phật là những bậc hằng thọ trì Pháp nuôi mạng thanh tịnh. (Cho nên) tất cả chư Phật đều từ chối vật thực kiếm được do đọc lên những câu kệ. Này Bà-la-môn của bộ tộc Bhāradvāja! Khi một người thọ trì Pháp thanh tịnh về sự nuôi mạng, người ấy tầm cầu bốn món vật dụng đúng pháp mà không bị luyến ái với bất cứ gia đình nào như mở rộng bàn tay của mình trong không trung. Đó là cách sống thanh tịnh của tất cả chư Phật”.
(Ở đây, câu hỏi được nêu ra là “Phải chăng Đức Phật đọc lên những câu kệ để được nhận được món cơm sữa, vì vật thực kiếm được do đọc lên những câu kệ đã được nêu ra? ” Câu trả lời là “Không, Đức Phật đọc lên những câu kệ không phải để nhận vật thực.” Đúng vậy, Ngài đã không nhận dù một vá vật thực tuy Ngài đã đứng gần mảnh ruộng từ sáng sớm. Ngài thốt lên ba câu kệ một cách rõ ràng để mô tả cách Ngài thực hiện việc cày ruộng Chánh pháp và nhờ đó Ngài đã giải thích đầy đủ những ân đức của một vị Phật; vật thực phát sanh như vậy có vẻ giống như những người ca múa kiếm được một cái gì đó do múa và hát. Cho nên câu nói: “Vật thực có được do đọc lên những câu kệ.” Vật thực như vậy không đáng để chư Phật thọ dụng, cho nên Ngài mới nói: “Nó không đáng được thọ dụng chút nào cả.”
Câu kệ bốn dòng, ba câu kệ đầu chỉ ra sự thanh tịnh của thời pháp để ngăn chận sự chê bai và chỉ trích của những kẻ thiểu trí có thể nói rằng: “Nhờ hát một bảng nhạc mà Sa-môn Gotama đã khiến cho Bà-la-môn Kasibhāradvāja, người không có niềm tin mà hoan hỷ bố thí vật thực. Thời pháp này của Sa-môn Gotama nhằm mục đích kiếm vật thực cúng dường.” Dòng kệ thứ tư chỉ rõ sự thanh tịnh trong việc nuôi mạng của Đức Phật.
Khi Đức Phật nói lên như vậy thì ông Bà-la-môn buồn bã nghĩ rằng: “Đức Gotama đã từ chối món cơm sữa của ta. Ngài nói nó không đáng được ăn. Ta thật không may. Ta đã bị tước mất cơ hội bố thí vật thực.” Ông nghĩ thêm: “Nếu Đức Gotama không nhận món cơm sữa này thì thật tốt thay nếu Ngài nhận một món khác.” Khi ấy, Đức Phật chợt nghĩ: “Sau khi bỏ qua thời khất thực, Như Lai đã đến đây với ý nghĩ rằng Như Lai sẽ làm khởi dậy niềm tin nơi ông Bà-la-môn này trong một thời gian giới hạn. Giờ ông ta đã bị từ chối. Nếu do bị từ chối, ông Bà-la-môn có thái độ không tốt với Như Lai thì ông ta sẽ không thể chứng đắc thông tuệ liễu ngộ Niết bàn tối thượng.” Vì muốn giúp ông Bà-la-môn được toại nguyện, để ông ta khởi dậy niềm tin đối với Ngài, Đức Phật bèn đọc lên câu kệ sau:
7) Aññena ca kevalinaṁ mahesiṁ. khīṇāsavaṁ kukkucca-vupasantaṁ. Aññena pānena upaṭṭhahassu. khettaṁ hi tam puññapekkhassa hoti.
“Này ông Bà-la-môn của bộ tộc Bhāradvāja! Với vật thực và thức uống, ngoài món ăn này mà được dâng đến các bậc A-la-hán đã thoát khỏi các lậu hoặc (āsava), bậc có tất cả những ân đức của một vị Phật, bậc tầm cầu những ân đức như giới bậc cao. Bậc đã hoàn toàn tự tại (tuy Đức Phật cố ý làm khởi dậy ước muốn bố thí đối với ông Bà-la-môn nhưng Ngài chỉ nói một cách đơn giản, không nói trực tiếp). Chỉ có Giáo pháp của một vị Phật và tám đặc tánh kỳ diệu mới là mảnh ruộng vĩ đại, đất đai phì nhiêu giành cho ông - người có khuynh hướng làm những việc phước.”
Rồi ông Bà-la-môn suy nghĩ: “Ta đã mang món cơm sữa này dành cho Đức Phật. Vì thế, ý ta không muốn cho đến ai khác.” Bởi vậy, ông ta hỏi: “Kính bạch Đức Gotama! Như vậy con nên cúng dường món cơm sữa này đến ai?” Đức Phật đáp lại: “Này ông Bà-la- môn! Như Lai không thấy ai trong cõi chư thiên gồm chư thiên, ma vương, Phạm thiên hay trong cõi nhân loại này gồm Sa-môn, Bà-la- môn, vua chúa và thường dân, ngoài Như Lai và Thinh văn đệ tử của Như Lai có thể tiêu hóa được món cơm sữa ấy. Do đó, này ông Bà-la- môn! Ông nên đổ nó ở một nơi không có cỏ xanh hoặc đổ vào trong nước không có côn trùng.”
Tại sao trong cả chư thiên và nhân loại không ai có thể tiêu hóa được món cơm sữa này? Nó không thể tiêu hóa bởi vì vật thực thô này của loài người đã trộn chung với vật thực vi tế mềm (ambrosia) của chư thiên. Khi vị Phạm thiên đang cho vào vật thực dành cho Đức Phật, chư thiên cũng đặt thêm vật thực của họ vào trong đó. (Nó có thể tiêu hóa được nếu đó chỉ thuần túy là vật thực của chư thiên và được chư thiên ăn ; tương tự như vậy nếu món cơm sữa này loài người tiêu hóa được mà không trộn chung với vật thực của chư thiên).
Món cơm sữa là loại vật thực thô, chư thiên có cơ thể vi tế nên khi trộn chung với vật thực của chư thiên, chư thiên cũng không thể tiêu hóa được. Đối với loài người cũng vậy, vì thân thô thiển nên không thể tiêu hóa được vật thực của chư thiên.
Đối với Đức Phật, Ngài có thể tiêu hóa được vì Ngài có sự biến thể tự nhiên (một số vị A-la-hán rành mạch Tam Tạng thì cho rằng khả năng này là do năng lực của thân và tâm của Đức Phật). Đối với các vị A-la-hán đệ tử của Đức Phật cũng vậy, vật thực ấy có thể tiêu hóa do định lực và trí quán khi thọ dụng có độ lượng. Đối với những người khác thì không thể được ngay cả những người có năng lực thần thông. Đây là điều bất khả tư nghì - chỉ liên quan đến Đức Phật.
Bà-la-môn Kasibhāradvāja bèn đổ món cơm sữa ấy vào trong chỗ nước không có côn trùng. Ngay tức thì nó phát ra tiếng kêu xèo xèo, nhiều hơi nước bốc lên từ bốn phía giống như cái lưỡi cày đã được nung nóng trong lò lửa suốt ngày và hơi bốc lên khi nó được nhúng vào trong nước.
Thấy vậy Bà-la-môn đứng sững trong sợ hãi, rồi ông ta đi đến Đức Phật, quỳ xuống ôm chân Ngài bạch rằng: “Thưa Đức Gotama! Giáo pháp của Ngài quả thật là khả ái, cũng như một vật đang nằm sấp được lật ngữa lên, hay một vật đang đậy kín được mở ra, hay một người đi lạc được chỉ đúng đường, hay một ngọn đuốc được thắp sáng trong đêm tối để mọi người có mắt có thể trông thấy và phân biệt các đồ vật. Dường thế ấy, Đức Gotama thuyết giảng cho con về Chánh pháp một cách tường tận bằng nhiều cách. Bạch Đức Gotama! Con xin quy y Đức Phật, quy y đức Pháp và quy y đức Tăng.
Thưa Đức Gotama! Xin cho con được toại nguyện, xin cho con được xuất gia theo Ngài.”
Ông Bà-la-môn được Đức Phật truyền pháp xuất gia. Và sau khi xuất gia trở thành Sa-môn không bao lâu, đại đức Kasibhāradvāja một mình đi vào nơi vắng vẻ. Nơi đây, vị ấy thực hành pháp chuyên cần tinh tấn với tâm hướng đến Niết bàn. Cuối cùng đại đức Kasibhāradvāja chứng đắc được quả vị A-la-hán và trở thành bậc Ứng cúng.
(Bài viết này về ông Bà-la-môn Kasibhāradvāja được dựa trên bài kinh Kasibhāradvāja sutta, cuốn thứ nhất của bộ Chú giải Sutta Nipāta).
KẾT THÚC CHƯƠNG 29
HẠ THỨ MƯỜI MỘT CỦA ĐỨC PHẬT TẠI LÀNG CỦA
BÀ-LA-MÔN NĀḶA
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B