THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 4
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 4] [Phần tiếp theo]
Lúc bấy giờ, tại ngôi làng Kalanda gần thành phố Vesāli, có người con trai của thương nhân Kalanda tên là Sudinna. Cùng với nhiều bạn bè, Sudinna con trai của thương nhân Kalanda đi đến Vesalī để buôn bán.
Ngôi làng được gọi là Kalanda vì ở có nhiều con sóc đen. Vị thương nhân Kalanda có tài sản giá trị bốn mươi Koṭi (1Koṭi = 10 triệu). Do đó, ông ta được đức vua công nhận là người giàu có. Con trai Sudinna của ông ta đi đến Vesāli để kinh doanh, thâu các khoản nợ và sắp xếp những công việc khác.
Một số học giả khác thì nói rằng vị ấy đến Vesāli để vui chơi trong lễ hội chòm sao Kattikā. Thực ra, Đức Phật đến Vesāli vào thời gian thượng tuần của tháng Kattikā (tháng 10 - tháng11). Lễ hội Kattikā tại Vesāli đã thu hút nhiều người. Vì muốn tham dự lễ hội này, Sudinna con trai của vị thương nhân Kalanda đi đến đó.
Khi trông thấy mọi người sau bữa ăn sáng đi ra ở Vesāli, họ mặc y phục sạch sẽ và mang những bông hoa, nước thơm, dầu xức đến yết kiến Đức Phật và nghe Ngài thuyết pháp. Sudinna bèn hỏi họ đang đi đâu và biết được mục đích của họ, vị ấy nghĩ rằng: “Ta cũng nên đi chung với họ.” Vị ấy gia nhập vào đám đông đang tụ hội để nghe Đức Phật thuyết pháp. Đức Phật an tọa giữa Tứ chúng và đang thuyết pháp với giọng êm dịu như tiếng của vị trời Phạm thiên. Cảm kích trước phong thái khả ái của Đức Phật và được khích động bởi những thiện nghiệp trong quá khứ của vị ấy, vị ấy tự nghĩ: “Thật tuyệt, nếu ta cũng được nghe pháp.” Nhưng vì thính chúng rất đông nên vị ấy không thể đến gần Đức Phật và phải ngồi ở một chỗ ngồi thích hợp ở mé ngoài thính chúng nhưng chú tâm nghe Đức Phật thuyết giảng.
Trong khi chú tâm nghe Đức Phật thuyết pháp về ba pháp học là Giới, Định và Tuệ thì vị ấy khởi lên thiện ý như sau: “Khi ta suy xét bằng nhiều cách về thời pháp của Đức Phật. Ta kết luận rằng thật không dễ dàng gì để cho một gia chủ thực hành pháp hành cao quý như vậy (về ba pháp hành), rất thuần khiết và hoàn hảo như cái vỏ xà cừ mới được đánh bóng. Thật kỳ diệu thay nếu ta rời bỏ đời sống gia đình để sống đời Sa-môn sau khi cạo bỏ râu tóc và mặc vào chiếc y đã nhuộm.”
Sau đó, Sudinna đi cùng với đám đông ra về, vì trong đám đông có nhiều quyến thuộc và bạn bè của vị ấy nên họ có thể cản lối, nắm tay vị ấy mà nói: “Bạn là con trai duy nhất của cha mẹ bạn, bạn không được phép trở thành Sa-môn.” Thế nên vị ấy cùng đi một đoạn ngắn ra về với đám đông. Rồi trong lúc giả vờ đi rửa tay, vị ấy quay trở lại và đi đến Đức Phật với những lời thỉnh cầu: “Bạch Đức Thế Tôn! Khi con nghiền ngẫm bài pháp của Ngài qua nhiều cách, con kết luận rằng thật không dễ dàng gì để cho một người gia chủ thực hành giáo pháp cao quý như vậy (ba pháp hành) rất thuần khiết và hoàn hảo như cái vỏ xà cừ mới được đánh bóng. Thật kỳ diệu thay nếu con rời bỏ đời sống gia đình để sống cuộc đời Sa-môn sau khi cạo bỏ râu tóc và mặc vào chiếc y đã nhuộm. Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài hãy bi mẫn cho con trở thành một Sa-môn.”
Vì Đức Phật đã từ chối không nhận bất cứ ai vào Tăng chúng khi chưa được cha mẹ cho phép kể từ khi làm lễ xuất gia cho thái tử Rāhula nên Ngài hỏi Sudinna: “Này Sudinna! Cha mẹ của con đã cho phép con rời bỏ đời sống gia đình để sống cuộc đời Sa-môn chưa?” Sudinna đáp: “Dạ chưa, thưa Đức Thế Tôn! Cha mẹ của con chưa cho phép.” Khi ấy, Đức Phật nói: “Này Sudinna! Chư Phật không truyền pháp xuất gia cho người không được sự cho phép của cha mẹ.” Sudinna thưa với Đức Phật: “Thưa Đức Thế Tôn! Con sẽ xin phép cha mẹ con.”
Rồi Sudinna lo xong công việc buôn bán ở Vesāli rồi đi đến cha mẹ của vị ấy ở ngôi làng Kalanda thưa rằng: “Thưa cha mẹ! Khi con nghiền ngẫm về thời pháp của Đức Thế Tôn bằng nhiều cách. Con kết luận rằng thật không dễ dàng gì để một người gia chủ thực hành pháp hành cao quý như vậy (về ba pháp hành) rất thuần khiết và hoàn hảo như vỏ xà cừ mới được đánh bóng, con muốn rời bỏ đời sống gia đình để sống cuộc đời Sa-môn sau khi cạo bỏ râu tóc và mặc vào chiếc y đã nhuộm. Xin cha mẹ hãy cho phép con được làm như vậy.”
Cha mẹ của vị ấy từ chối yêu cầu nói rằng: “Này Sudinna con! Con là đứa con duy nhất mà cha mẹ rất yêu quý. Con là đứa con mà cha mẹ nuôi dưỡng trong niềm hạnh phúc. Này con yêu! Con chẳng lo lắng điều gì, chỉ có cái chết mới tách rời con khỏi cha mẹ ngoài ý muốn. Làm sao cha mẹ có thể cho phép con rời bỏ đời sống gia đình và sống cuộc đời Sa-môn trong khi còn sống?”
Sudinna lại nói lời yêu cầu lần thứ hai, nhưng cha mẹ của vị ấy cũng từ chối tương tự như vậy. Vị ấy lại nói lời yêu cầu lần thứ ba và lần này họ cũng từ chối lời yêu cầu của vị ấy.
Rồi sau khi biết rằng: “Bằng mọi cách cha mẹ của ta sẽ không cho phép ta rời bỏ đời sống gia đình.” Vị ấy nằm xuống nền đất ngay tại chỗ mà vị ấy nói lời yêu cầu, vị ấy nói: “Chỗ này sẽ thấy sự xuất gia của ta hoặc là cái chết của ta.” Vị ấy không ăn uống gì từ một lần, hai lần, ba lần … rồi đến bảy lần và bày tỏ ước muốn đầy phước báu to lớn (bằng cách tuyệt thực).
Rồi cha mẹ của vị ấy nói rằng: “Này Sudinna con yêu! Con là đứa con duy nhất mà cha mẹ yêu quý. Con là đứa con mà cha mẹ nuôi nấng dưỡng dục trong niềm hạnh phúc. Này con yêu! Con chẳng lo lắng điều gì, chỉ có cái chết của con mới tách rời con khỏi cha mẹ một cách ngoài ý muốn. Làm sao cha mẹ cho phép con rời bỏ đời sống gia đình để sống cuộc đời Sa-môn trong khi con vẫn còn sống. Hãy ngồi dậy, này con yêu! Hãy ăn uống và vui chơi. Hãy vui thích làm các việc phước trong khi vẫn ăn uống và vui chơi. Tuy nhiên, cha mẹ sẽ không bao giờ cho phép con xuất gia.”
Sudinna làm thinh trong khi cha mẹ của vị ấy nói như vậy. Vị ấy vẫn làm thinh ngay cả khi cha mẹ nói đến lần thứ hai, lần thứ ba.
Vì không nhận được một lời đáp nào từ con trai của họ dù họ đã khẩn nài vị ấy đến lần thứ ba. Họ bèn cho gọi bạn bè của vị ấy đến và nói rằng: “Này các con! Người bạn Sudinna của các con muốn trở thành Sa-môn. Các con hãy ngăn cản đừng cho nó làm như vậy.” Những người bạn của Sudinna bèn đi đến vị ấy và khuyên giải theo lời yêu cầu của cha mẹ vị ấy đến ba lần. Đối với các bạn cũng vậy, Sudinna vẫn im lặng không trả lời.
Rồi những người bạn suy xét và bàn bạc với nhau rằng: “Nếu Sudinna mà chết đi vì không được phép trở thành Sa-môn thì chẳng ích lợi gì từ cái chết của cậu ấy. Nếu cậu ấy trở thành Sa-môn thì mẹ của cậu ấy mặc sức mà thăm viếng, nhìn ngắm cậu ấy và chúng ta cũng vậy. Đời sống Sa-môn thật là vất vả. Vị Sa-môn mỗi ngày đi khất thực mang theo cái bát bằng đất, vị ấy ngủ một mình và ăn uống buổi sáng. Pháp hành cao thượng như vậy thực khó hành theo và Sudinna là người thành thị thanh nhã, cậu ta không thể nào sống theo pháp hành cao thượng mà đòi hỏi người ấy phải ngủ một mình và ăn một bữa sáng. Cậu ấy nhất định sẽ quay về nhà thôi. Được, chúng ta sẽ yêu cầu cha mẹ của cậu ấy cho phép.” Sau đó, họ đi đến cha mẹ của Sudinna và khuyên họ: “Thưa hai bác! Sudinna đang nằm trên đất mà nói rằng ‘chỗ này là chỗ thấy cái chết của ta hoặc sự xuất gia của ta.’ Nếu hai bác không cho phép cậu ấy rời bỏ đời sống gia đình để sống cuộc đời Sa-môn thì cậu ấy sẽ chết ngay tại chỗ ấy. Giả sử hai bác cho cậu ấy đi xuất gia làm Sa-môn thì hai bác còn có cơ hội được gặp mặt cậu ấy. Sau khi trở thành Sa-môn, nếu cậu ấy không vui thích đời sống Sa-môn nữa thì cậu ấy sẽ đi đâu ngoài cha mẹ của cậu ấy? Cậu ấy sẽ trở lại ngôi nhà này. Hai bác nên cho phép Sudinna đi xuất gia trở thành Sa-môn.”
Khi ấy, cha mẹ Sudinna đáp: “Này các cháu! Chúng ta cho phép nó xuất gia và sống đời Sa-môn.” Rồi những người bạn của Sudinna nói rằng: “Hãy đứng dậy, này Sudinna! Bạn đã được cha mẹ bạn cho phép rồi.”
Vị ấy rất hạnh phúc và phấn khởi khi nghe tin cha mẹ của mình cho phép mình được xuất gia trở thành Sa-môn. Sudinna đứng dậy, phủi sạch bụi trên thân và cố gắng lấy lại sức lực trong một hai ngày. Sau đó, vị ấy đi đến Đức Phật, vị ấy cúi đầu đảnh lễ Đức Phật và ngồi một nơi hợp lẽ rồi thưa: “Bạch Đức Thế Tôn! Con đã được cha mẹ con cho phép rồi, xin Đức Thế Tôn làm cho con được trở thành Sa- môn.”
Đức Phật bảo vị tỳ khưu ngồi gần đó, là người đang thực hành pháp Đầu đà (piṇḍapātika-dhutaṅga) rằng: “Này tỳ khưu! Theo lời thỉnh cầu của Sudinna như vậy, con hãy truyền phép xuất gia Sa-di cho cậu ấy và sau đó truyền Cụ-túc-giới.” Vị tỳ khưu thực hành pháp Đầu đà đáp lại: “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn!” Khi dẫn Sudinna, người cộng trú đệ tử của vị ấy (saddhivihārika-dhutaṅga) được ký thác bởi Đức Phật bèn truyền phép xuất gia Sa-di và sau đó truyền phép Cụ-túc-giới.
Ngay sau khi trở thành vị tỳ khưu, đại đức Sudinna bèn chuyên tâm thực hành các pháp Đầu đà như là trú ngụ ở tịnh xá trong rừng (āraññika-dhutaṅga), ăn vật thực trong bát (piṇḍapātika-dhutaṅga), mặc những chiếc y được may bằng vải vụn (paṁsukūlika-dhutaṅga) đi khất thực theo tuần tự từng nhà (sapadānacārika-dhutaṅga). Như vậy, vị ấy trú ngụ và đi khất thực tại một ngôi nhà vô danh.
Lúc bấy giờ, xứ Vajjī bị khan hiếm về vật thực, kiếm sống rất khó khăn, có nhiều bộ xương trắng nằm rải rác khắp nơi. Dân chúng phải sống bằng sự nhận lãnh phiếu vật thực. Đối với các vị tỳ khưu thì không dễ gì kiếm đủ vật thực khi ôm bát đi khất thực. Khi ấy, đại đức Sudinna khởi lên ý nghĩ như vầy: “Hiện nay nước Vajjī khan hiếm về vật thực. Thật khó để kiếm sống, có rất nhiều bộ xương trắng rải rác khắp nơi, dân chúng phải sống bằng những thẻ được phân phát. Đối với các vị tỳ khưu thì không thể kiếm đủ vật thực bằng cách ôm bát đi khất thực. Ta có đông đảo quyến thuộc ở Vesāli, họ có tài sản, nhiều của cải, nhiều vàng bạc ngọc ngà và nhiều hàng hóa, nhiều ngũ cốc. Sẽ thế nào nếu ta sống nương tựa vào quyến thuộc của ta? Do sự có mặt của ta họ sẽ cúng dường và làm những việc phước, và lợi lộc sẽ phát sanh đến các tỳ khưu. Và ta sẽ không gặp khó khăn về vật thực.”
Sau khi suy nghĩ như vậy, đại đức Sudinna xếp dọn giường chiếu và vật dụng của vị ấy và đi đến thành phố Vesāli mang theo y bát. Khi đến Vesāli vị ấy trú ngụ ở một tịnh xá có mái nóc nhọn (kūṭagāra) tại khu rừng Đại lâm (Mahāvana) gần Vesāli.
Khi hay tin rằng Sudinna con trai của thương nhân Kalanda đang trú ngụ tại Vesāli thì quyến thuộc của vị ấy gửi đến cho sáu mươi hủ vật thực để cúng dường vị ấy (mỗi hủ vật thực chứa vật thực dành cho mười vị tỳ khưu). Y theo dự định, vị ấy bèn dâng sáu mươi hủ vật thực ấy đến sáu trăm vị tỳ khưu. Còn về phần mình, vì là người thọ trì pháp Đầu đà (đi khất thực từng nhà - sapadānacārika- dhutaṅga) cao thượng nên vị ấy mang bát và đắp y Tăng-già-lê rồi đi vào làng Kalanda để khất thực. Trong khi đang khất thực tuần tự từng nhà, vô tình vị ấy dừng lại ngay nhà của cha mẹ vị ấy.
Chú thích: Những sự kiện xảy ra sau khi vị ấy từ nước Vajjī trở về, lúc ấy vị ấy đã trải qua tám hạ tỳ khưu (tức là khi Đức Phật đã truyền bá Giáo pháp được hai mươi năm). Ở đây, những sự kiện được kể lại liên tục để giữ cho sự nối tiếp của các sự kiện không bị gián đoạn.
Lúc bấy giờ, một nữ nô lệ của những quyến thuộc của đại đức Sudinna đang đi ra khỏi nhà để đổ những các bánh bằng lúa mạch mà đã bị hư thiu do để qua đêm (hư thiu đến nỗi mà các người nô lệ, những người làm công và gia súc không thể ăn được). Khi ấy, đại đức Sudinna bèn nói với cô ta rằng: “Này cô! Nếu cô quăng bỏ những cái bánh ấy, thì tốt hơn nên bỏ bát của bần Tăng.”
Trong khi cô ta đang cầm những cái bánh hư thiu bỏ vào trong bát của đại đức Sudinna, cô ta không nhận ra đại đức là con trai của ông chủ Kalanda, vì vị ấy đã đi được tám năm rồi. Nhưng khi chú ý đến đặc điểm ở đôi tay, hai bàn chân và giọng nói của vị ấy, cô ta bèn đi đến mẹ của đại đức Sudinna và nói với bà rằng: “Thưa bà chủ! Bà biết không, đứa con trai Sudinna của bà đã trở về.” Mẹ của đại đức Sudinna đáp lại rằng: “Này người kia! Nếu những lời của ngươi là đúng sự thật thì ta sẽ miễn thân phận nô lệ cho ngươi.”
Trong khi đó, đại đức Sudinna đang tựa dưới chân tường (trong nhà ăn của vị thương nhân Kalanda) và độ món bánh hư thiu ấy một cách ngon lành.
Một số thí chủ trong một số vùng có cho xây những nhà ăn. Trong những nhà ăn này họ sắp xếp những chỗ ngồi, những bình nước uống và có cả giấm chua. Sau khi thọ lãnh vật thực, các vị tỳ khưu đi vào và ngồi thọ thực trong những nhà ăn này. Nếu cần thiết thì họ có thể dùng những vật thực mà thí chủ để sẵn ở đó. Cho nên chân vách tường ở đây có nghĩa là dưới chân bức vách của nhà ăn do thí chủ xây dựng nên. Các vị tỳ khưu không bao giờ ăn khi ngồi những chỗ không thích hợp trông giống như những người nghèo khổ (hãy xem Chú giải).
Người cha giàu có của đại đức Sudinna trở về sau khi xong công việc và trông thấy vị ấy đang ngồi ăn món bánh hư thiu một cách ngon lành. Ông ta đến gần và nói những lời chê trách: “Này Sudinna yêu quý! Thật tội nghiệp khi phải ăn món bánh thiu bằng lúa mạch. Thật ra, không phải trở về nhà đó sao?” Khi ấy, đại đức Sudinna đáp lại: “Thưa thí chủ! Bần Tăng đã đến nhà của ông rồi và bần Tăng đã nhận món bánh thiu từ đó.” Người cha nắm lấy tay đại đức Sudinna và nói rằng:“Nào, Sudinna con! Chúng ta hãy đi về nhà.” Là một người con biết vâng lời và có tình thương đối với cha, đại đức Sudinna bèn đi đến nhà cha của vị ấy và ngồi vào chỗ đã được soạn sẵn.
Người cha giàu có bèn bảo vị ấy: “Hãy tự giúp mình đi, này con!” Đại đức Sudinna đáp lại: “Đủ rồi, thưa cha! Con đã ăn xong bữa ăn của một ngày rồi” Khi người cha mời vị ấy nói rằng: “Hãy thọ lãnh sự cúng dường vật thực của ta vào ngày mai.” Dù vị ấy sẽ phạm vào pháp hành Đầu đà bậc thượng (piṇḍapātika-dhutaṅga) nhưng vị ấy vẫn nhận lời bằng cách im lặng. Vị ấy rời khỏi chỗ ngồi và ra đi vì vị ấy nghĩ rằng: “Nếu một bữa ăn mà ta từ chối không nhận thì đó là nỗi đau buồn lớn cho cha mẹ và quyến thuộc của ta.”
Khi đêm đã mãn, người mẹ của đại đức Sudinna đã cho người trét phân bò trên nền đất và hai đống của cải được bày ra, một đống bằng vàng và đống kia là bạc. Đống của cải to lớn đến nỗi một người đứng bên này không thể thấy người đứng ở bên kia. Hai đống của cải quả thật to lớn và cao ngất. Sau khi cho người đậy những tấm chiếu lên đó, một chỗ ngồi được bày ra và những tấm màng được treo lên. Rồi bà gọi người vợ cũ của đại đức Sudinna lại và nói: “Này con dâu! Ta muốn con ăn mặc và trang điểm thế nào đó để quyến rũ Sudinna đứa con trai yêu quý của ta.” Cô ta đáp: “Vâng, thưa mẹ.”
Khi trời sáng, đại đức Sudinna sau khi đắp y Tăng-già-lê rồi mang bát đi đến nhà của cha mẹ vị ấy và ngồi ở chỗ đã được soạn sẵn (ở giữa hai đống châu báu). Người cha đi đến Sudinna cho người giở chiếc chiếu đậy hai đống của cải rồi nói: “Này Sudinna con yêu! Số vàng bạc này đến từ bên ngoại của con. Bấy nhiêu đây chỉ để dùng vào việc của phụ nữ (dùng để mua bột phấn và hoa). Còn kho báu của ta, những kho báu của ông nội và ông cố nội được để riêng. Này con yêu! Chúng được để dành cho con sống đời xa hoa và làm các việc phước khi con rời bỏ đời sống Sa-môn. Nào, Sudinna! Con hãy thọ hưởng tài sản và làm các việc thiện.”
Thưa thí chủ! Tôi không thể trở thành người tại gia. Tôi rất hạnh phúc trong việc thực hành các pháp cao thượng (Giới, Định, và Tuệ).
Người cha lặp lại lời nói của ông ta đến lần thứ nhì, và đại đức Sudinna vẫn trả lời tương tự. Tuy nhiên, khi người cha lặp lại lời nói đến thứ ba thì đại đức Sudinna trả lời rằng: “Thưa thí chủ! Nếu ông không giận thì tôi xin nói điều này.” Khi nghĩ rằng con trai của ta sẽ nói điều thuận ý mình nên ông ta vui vẻ nói: “Con cứ nói đi.”
Rồi đại đức Sudinna nói lời quyết định với người cha rằng: “Thưa cha! Trong trường hợp ấy hãy cho người bỏ đầy vàng vào trong năm cái bao dùng những chiếc xe bò chở chúng đi rồi đổ chúng xuống giữa dòng sông Hằng. Bởi vì, thưa thí chủ! Do sở hữu số của cải này mà ông sẽ có sự sợ hãi run rẫy, nỗi gai ốc, lông tóc dựng ngược và cần sự bảo vệ. Nếu không sở hữu số của cải này thì không sợ hãi, không run rẫy và không sợ những hình thức phiền toái khác. Lý do là thế!”
Điều này khiến người cha buồn phiền và tự hỏi: “Tại sao đứa trai của ta lại đành lòng nói như vậy?”
Vì không thể dụ dỗ được đại đức Sudinna trở về đời sống gia đình bằng những đống của cải to lớn. Người cha suy nghĩ: “Không có gì xiềng xích trói buộc người đàn ông bằng người đàn bà.” Ông ta cho gọi người vợ cũ của đại đức Sudinna đến và nói với cô ấy rằng: “Này con dâu! Ta cầu xin con, đứa con trai Sudinna của ta nó yêu con, nó thích con, nó có thể nghe con nói.” Do đó, người vợ của đại đức liền ôm ghì lấy chân của đại đức mà nói rằng: “Thưa chàng yêu quý! Chàng đã hành những pháp cao thượng để được những tiên nữ. Vậy họ trông như thế nào?”
Giải thích: Vào thời ấy có nhiều vương tôn công tử, con trai của các Bà-la-môn và con trai của các vị thương nhân phú hộ từ bỏ sự vinh hoa phú quý của họ để trở thành những vị Sa-môn. Khi trông thấy họ, những người không biết lợi ích của đời sống Sa-môn thì thường hỏi rằng: “Tại sao những người này lại đi tu?” Và câu trả lời mà họ nhận được từ những người mà làm ra vẻ hiểu biết là “Bởi vì họ muốn có những nàng tiên nữ.” Những câu hỏi và những câu trả lời của những người thiếu hiểu biết này thường được truyền như vậy. Hiểu biết như thế, người vợ cũ của đại đức Sudinna đã hỏi như trên.
Đại đức Sudinna đáp: “Này cô em! Không phải tôi thực hành pháp cao thượng đây là để có được những nàng tiên nữ.” Câu trả lời này khiến người vợ cũ nghĩ rằng: “Ông chồng Sudinna của ta bây giờ gọi ta là cô em. Bây giờ chàng không còn thích ta nữa, chàng không thích ta trong khi ta là vợ, là một phần trong cuộc đời của vị ấy, vì vậy vị ấy mới xem ta là em gái, là người sanh cùng một mẹ.” Ý nghĩ của nàng đem lại sự sầu khổ và khiến nàng té xỉu ngay tại đó.
Rồi đại đức Sudinna nói với người cha: “Thưa thí chủ! Nếu ông muốn bố thí vật thực đến bần Tăng thì hãy làm đi. Đừng đem của cải và nữ nhân để làm phiền tôi. Sự dụ dỗ bằng cách phô trương như vậy tức là hành hạ các vị Sa-môn.” Sau đó, cha mẹ của vị ấy đích thân dâng những món vật thực thượng vị đến vị ấy; khi ăn no vị ấy không nhận lãnh thêm vật thực của họ nữa.
Khi việc dâng vật thực đã xong, người mẹ của đại đức Sudinna nói với vị ấy rằng: “Này con thân Sudinna! Gia đình của chúng ta giàu có. Chúng ta có rất nhiều của cải, có nhiều hàng xa xỉ và những thứ khác để dùng trong ngày, có nhiều vật khả ái và châu báu. Cũng có vô số hàng hóa và ngũ cốc để buôn bán và trao đổi. Này Sudinna! Con hãy trở về với đời sống thế tục để thọ hưởng tài sản châu báu và làm các việc thiện.”
Đại đức Sudinna từ chối lời yêu cầu của người mẹ bằng những lời giống như đã trả lời với người cha: “Thưa mẹ! Con không thể trở về đời sống cư sĩ. Con không làm như vậy, con đang chuyên tâm vào pháp hành cao thượng rất hạnh phúc.” Người mẹ lặp lại câu nói ấy lần thứ hai và đại đức Sudinna cũng trả lời như vậy. Nhưng lần thứ ba thì người mẹ của đại đức Sudinna yêu cầu đại đức truyền lại tinh giống với lời rằng: “Này Sudinna con thân! Gia đình của chúng ta có rất nhiều của cải châu báu, có nhiều hàng xa xỉ và những thứ khác để dùng hàng ngày. Có nhiều vật khả ái và châu báu, cũng có vô số hàng hóa và ngũ cốc để buôn bán và trao đổi. Này con Sudinna! Trong trường hợp ấy (nếu con cảm thấy hạnh phúc trong Giáo pháp của Đức Phật) thì con hãy cho tinh giống. Đừng để các vị Liccavī tiếp quản tài sản của chúng ta vì chúng ta không có những đứa con trai để kế thừa.”
Khi ấy, đại đức Sudinna suy xét: “Ta là người thừa kế tài sản duy nhất của cha mẹ, không có ai khác. Ngày nào mà ta chưa cho họ tinh giống thì họ đeo bám ta vì sự bảo vệ tài sản của họ. Nếu họ làm như vậy thì ta không được tự do thực hành pháp Sa-môn. Cha mẹ ta chỉ buông tha khi nào họ có được đứa cháu để làm người thừa kế. Chỉ khi ấy ta mới có thể làm các phận sự của mình một cách thoải mái và hạnh phúc.” Vị ấy đáp lại: “Thưa cha mẹ! Con làm gì để có thể cho tinh giống?” (mà không biết rằng vị ấy sẽ bị phạm tội do hành động như vậy).
Người mẹ hỏi: “Này Sudinna! Hiện giờ con đang sống ở đâu?” “Thưa mẹ, tại Mahāvana.” Sau khi đã trả lời như vậy, đại đức đứng dậy và ra đi.
Người mẹ của đại đức Sudinna gọi người con dâu lại và nói rằng: " Này con dâu! Ta muốn con sanh ra một đứa con trai. Hãy cho ta biết khi nào con đến kỳ kinh nguyệt.” Cô ấy đáp: “Vâng, thưa mẹ!”
Chẳng bao lâu, người vợ cũ của đại đức Sudinna đến thời kỳ kinh nguyệt và nàng báo tin cho người mẹ của đại đức Sudinna biết. Người mẹ nói: “Này con! Vậy thì con hãy mặc những y phục mà trước kia con trai ta từng yêu thích.” Cô ta đáp: “Vâng, thưa mẹ.” Rồi người vợ cũ đại đức Sudinna làm theo lời căn dặn của người mẹ.
Dẫn theo nàng dâu, người mẹ của đại đức Sudinna bèn đi đến Mahāvana và nói với đại đức Sudinna hai lần như trước là hãy ra khỏi đời sống Sa-môn và hưởng sự vinh hoa phú quý và làm những việc thiện. Đại đức Sudinna từ chối lời yêu cầu ấy giống như trước là vị ấy không trở về đời sống thế tục và vị ấy không làm như vậy. Vị ấy nói thêm rằng vị ấy đang sống và thực hành pháp cao thượng được an lạc. Tuy nhiên, đến lần thứ ba thì người mẹ yêu cầu đại đức cho tinh giống. Khi ấy đại đức Sudinna nói: “Thưa mẹ! Đây là điều mà con có thể làm được.” Vị ấy nắm tay người vợ cũ và đi vào Mahāvana. Vì lúc bấy giờ điều luật Pārājika thứ nhất chưa được ban hành, nên vị ấy không biết rằng hành động hành dâm là phạm tội. Cho nên vị ấy đã hành dâm với người vợ cũ liên tục ba lần ở trong rừng. Và kết quả là người vợ đã có thai.
Người đàn bà có thể mang thai bằng cách:
1. Giao cấu.
2. Bằng sự xúc chạm trên thân thể.
3. Ấn (nhét cái y nội (khố) của người đàn ông vào trong âm hộ).
4. Nuốt tinh của người nam.
5. Sờ vào cái rốn.
6. Nhìn thấy hình tướng của người đàn ông.
7. Nghe tiếng kêu của con đực.
8. Ngửi mùi của con đực. Trong những nguyên nhân này:
Giải thích:
1. Sự mang thai do giao cấu rõ ràng (bà vợ cũ của đại đức Sudinna có thai bằng cách này).
2. Một số người nữ khởi sanh dục tình mạnh mẽ khi đến thời kỳ kinh nguyệt bèn kéo tay và kéo tóc của người đàn ông, sờ nắm các chỗ lớn nhỏ trên tứ chi và cảm thọ khoái lạc bằng cách ấy, và nhờ đó khiến cho người đàn bà có thai. Như vậy, qua sự xúc chạm trên thân thể mà sự thụ thai xảy ra.
3. Trong thời kỳ Đức Phật, vị tỳ khưu Udāyī đã nhìn chăm chú vào chỗ kín của người vợ cũ của vị ấy và đã bị xuất tinh. Vị ấy bảo nàng ta giặt chiếc y bị lấm bẩn. Nàng ta nuốt một ít tinh trùng ấy và nhét một phần của chiếc y còn dính tinh trùng ấy vào trong âm hộ của nàng. Do làm như vậy mà nàng đã có thai. Như vậy, qua việc ấn nhét cái y (khố) của người đàn ông vào trong âm hộ khiến người phụ nữ thụ thai.
4. Một câu chuyện bổn sanh kể về con nai cái, mẹ của ẩn sĩ Migasiṅga. Khi con nai cái đến thời kỳ động đực, nó đi đến chỗ ẫn sĩ già là cha của Migasiṅga đã tiểu ra và nó uống nước tiểu cùng với tinh của vị ẩn sĩ già. Do làm như vậy mà nó có thai và sanh ra đứa bé Migasiṅga. Như vậy, do nuốt tinh mà sự thụ thai xảy ra.
5. Trong Bổn sanh Suvaṇṇasāma, Sakka biết trước rằng cha mẹ của Bồ tát sẽ bị mù và muốn họ có một đứa con trai nên Sakka bèn hỏi vị ẩn sĩ trí tuệ Dukūla liệu sự hành dâm của các vị ẩn sĩ có được hay không. Khi nghe câu trả lời rằng: “Dù có được phép hay không, vấn đề là chúng tôi trở thành ẩn sĩ vì chúng tôi không muốn làm điều ấy.” Sakka bèn bảo vị ẩn sĩ sờ vào rốn của nữ ẩn sĩ Pārikā khi trong thời kỳ có kinh nguyệt. Ẩn sĩ Dukūta làm đúng như vậy và kết quả là nữ ẩn sĩ Pārikā mang thai và hạ sanh Bồ tát Suvaṇṇasāma. Như vậy, việc sờ vào rốn của người đàn bà là một nguyên nhân khác khiến phụ nữ thụ thai.
Cũng trong một trường hợp khác, khi thời kỳ kinh nguyệt xảy ra với người con gái Diṭṭhamaṅgatika của một vị trưởng giả, ẩn sĩ Bồ tát Mātaṅga đã sờ vào rốn của nàng khiến nàng có thai, và đứa con trai Mādavga của nàng được sanh ra. Người mẹ của thái tử Canda Pajjota trong thời kỳ kinh nguyệt cảm thấy có con bò cạp bò ngang qua rốn nàng khiến nàng khoái lạc và nàng đã thụ thai và hạ sanh thái tử.
6. Do không được quan hệ tình ái với người đàn ông, một số phụ nữ trong thế giới này nhìn ngắm một cách say đắm vào những người đàn ông trong thời kỳ có kinh nguyệt và ngay cả khi đang ở nhà cũng có thể mang thai (tại Ceylon có một trường hợp mang thai theo cách này). Như vậy, do nhìn ngắm hình tướng của người đàn ông một cách say đắm làm cho sự thụ thai xảy ra.
7. Không có con đực nào được biết đến trong số những con diệt hồ. Khi chúng nghe tiếng của con đực trong thời kỳ động đực thì chúng tự nhiên có thai. Đôi khi có sự đậu thai xảy đến với những con gà mái như khi nghe tiếng gáy của con gà trống. Tương tự, sự đậu thai đến với những con bò cái khi nghe tiếng rống của con bò đực. Như vậy, khi nghe tiếng kêu của con đực mà sự thụ thai xảy ra.
8. Đôi khi những con bò cái mang thai do ngửi mùi của con bò đực. Như vậy, do ngửi mùi của loài giống đực mà sự thụ thai xảy ra.
Tám nguyên nhân mang thai này nên được đặc biệt lưu ý. (Trích từ bộ Vinaya Parajika Kaṇḍa, cuốn I).
Trong thế gian này không có chỗ nào gọi là kín đáo để người ta làm điều sái quấy. Thực ra, người làm điều sái quấy tức là người đầu tiên biết điều sái quấy của mình. Rồi đến vị thần bảo vệ của vị ấy và đến những vị thần bảo hộ của núi rừng biết đến điều đó. Rồi đến cả chư thiên và Phạm thiên biết đến điều ấy. Do đó, khi đại đức Sudinna hành dâm với người vợ cũ của vị ấy thì những vị thần linh địa cầu sống quanh khắp khu rừng Mahāvana trông thấy tội lỗi và la vang đến nỗi chư thiên và Phạm thiên nghe được.
“Này các bạn! Quả thật Chư Tăng trong quá khứ không có những kẻ phá giới (dussīla). Quả thật vậy, chư Tăng trong quá khứ không có những kẻ phá giới, nhưng bây giờ Sudinna con trai của thương nhân Kalanda đã gây ra sự phá giới (dussīla).”
Khi nghe tiếng của chư thiên địa cầu, những vị chư thiên ở cõi trời Dục giới như Catumahārajika deva, Tāvatiṃsa deva, Yāma deva, Tusita deva, Nimmānarati deva, Paranimmitavasavattī deva và chư Phạm thiên cũng lần lượt la lên như vậy. Như vậy, trong chốc lát những tiếng la chê trách được lan truyền thấu đến cõi trời Phạm thiên.
Khi bà vợ cũ cũa đại đức Sudinna mang thai đã đến thời sanh nở, và nàng hạ sanh một đứa bé trai. Rồi những người bạn của Sudinna đặt tên cho đứa bé là Bījaka chứ không phải cái tên nào khác (vì ai cũng biết rằng mẹ của đại đức Sudinna nói lời yêu cầu là “Bajakaṃ pi dehi - hãy cho chúng tôi tinh giống.” Người ta cũng gọi tên bà vợ Sudinna là Bījaka-mata (mẹ của Bījaka), và Sudinna là Bījaka-pitā (cha của Bījaka).
Sau bảy hoặc tám năm, cả hai mẹ con tức là Bījaka và Bījaka- mata xuất gia và gia nhập vào Tăng và Ni đoàn. Họ chứng đắc đạo quả A-la-hán nhờ những người thầy và những người bạn tốt.
Như vậy, cuộc đời xuất gia của hai mẹ con quả thật là đời sống có lợi ích. Tuy nhiên, người cha (đại đức Sudinna) thì bị sự sầu khổ giày xé.
Về vấn đề này, Chú giải giải thích rằng “pitā pana vippatisārābhibhūto-vihāsi, đại đức Sudinna sống với nỗi ân hận buồn khổ to lớn.” Do đó, đại đức hoàn toàn không chứng đắc đạo quả A-la- hán trong kiếp sống ấy – theo Sārattha Tīkā.
Trong Chú giải nói rằng đại đức Sudinna trước kia con trai của thương nhân Kalanda đi nghe pháp, là bhabba kulaputta - vị thiện nam tử xứng đáng chứng đắc Đạo Quả . Dù vị ấy là người có nhiều phước báu dẫn đến chứng đắc pháp chứng cao, nhưng việc chứng đắc Đạo Quả sẽ không xảy đến cho vị ấy, như trường hợp của vua Ajātasatthu, và chướng ngại đã xảy đến vì vị ấy bị dằn vặt do hành động phạm tội (hành dâm với người vợ cũ). Các vị A-xà-lê giải thích như vậy.
Ở đây có câu hỏi được nêu ra là “Phải chăng chướng ngại như vậy có thể xảy ra với người mà có những tiềm năng chứng đắc những pháp chứng cao, ngay cả trong cuộc đời của một vị Phật?”
Câu trả lời: Đúng như vậy, nhưng chướng ngại không phải xuất phát từ Đức Phật. Thực ra, chư Phật là những bậc nỗ lực giúp đỡ chúng sanh chứng đắc Đạo Quả. Các Ngài thường xuyên ra sức nâng cao tâm linh cho kẻ khác. Do đó, không có chướng ngại nào có thể gây ra bởi Ngài đối với những người có nhiều phước báu trong quá khứ.
Trên thực tế, chướng ngại cho sự tiến bộ tâm linh là do (1) sự thực hành không đúng, (2) thân cận với bạn xấu.
Trong hai nguyên nhân này, nguyên nhân đầu tiên (1) có hai loại:
-Thiếu sự cố gắng trong giảng dạy để đưa đến Đạo Quả là phần thuộc về vị thầy.
- Thiếu sự thực hành để dẫn đến Đạo Quả là phần của người đệ tử, là người có tích lũy nhiều phước báu trong quá khứ.
Trong hai loại này, loại đầu tiên là phần thuộc về ông thầy nghĩa là nơi vị thầy của đại đức Sudinna là vị Thinh văn đệ tử của Đức Phật chứ không phải là Đức Phật.
Giải thích: Trong phẩm Brahmana vagga thuộc Majjhima Pannāsa sutta, bài kinh kể rằng trong khi Bà-la-môn Dhanañjāni đang hấp hối thì đại đức Sāriputā dạy ông về giáo lý Tứ vô lượng tâm (Brahmavihāra) có thể đưa người ta đến cõi Phạm thiên. Khi Bà-la- môn Dhanañjāni chết, ông ta được tái sanh vào cõi Phạm thiên ấy. Nếu trưởng lão Sāriputā biết được những khả năng tiềm ẩn của Bà-la- môn và nếu trưởng lão giảng bài pháp đúng với khả năng của ông ta thì ắt hẳn ông ta đã trở thành bậc Nhập lưu (sotāpanna). Sự thực hành không tương xứng về phần ông thầy có thể gây ra trở ngại khiến cho cho người đệ tử không đạt được Đạo Quả
Loại thứ hai: một ví dụ nói về sự thực hành không tương xứng về phần người đệ tử mà có nhiều khả năng tiềm ẩn có thể được thấy trong những bài kinh Kadaraka sutta, Gahapati vagga, Majjhima Paṇṇāsa, Majjhima Nikāya. Theo bài kinh này, có một du sĩ tên Kandaraka và con trai của người huấn luyện voi tên Pessa đã đi đến Đức Phật trong một dịp nọ. Ngài thuyết pháp cho họ về bốn nhân vật, thứ nhất là hạng attantapa (người tự làm khổ mình). Khi Đức Phật giảng xong phần khái quát của bài pháp và trước khi Ngài có thể đi sâu vào chi tiết thì Pessa, con trai của người huấn luyện voi bèn ra về trong sự thỏa mãn. Nếu vị ấy ngồi lại lắng nghe phần chi tiết của bài pháp thì vị ấy chắc chắn sẽ chứng đắc quả thánh Nhập lưu. Vì vị ấy ra đi sau khi nghe phần khái lượt của bài pháp nên vị ấy chỉ được hai lợi ích là niềm tin vào chư Tăng và một phương pháp mới về sự thực hành Tứ Niệm xứ (muốn biết thêm chi tiết thì hãy tham khảo bài kinh này). Nếu vị ấy đợi thêm một lát nữa để nghe phần chi tiết về phần bốn hạng người thì chắc hẳn vị ấy sẽ đạt đến giai đoạn đầu tiên trên bước đến đạo quả A-la-hán. Sự thiếu nhẫn nại khiến vị ấy bị trượt khỏi con đường Đạo Quả. Sự thực hành không đúng đắn nơi người đệ tử có những khả năng để đạt đến những pháp chứng bậc cao là nguyên nhân thất bại của vị ấy.
(2) Chướng ngại về đạo quả do thân cận với bạn xấu có thể được hiểu như sau, nếu đức vua Ajatasatthu không thân cận với Devadatta và không làm theo lời của ông ta là giết chết phụ vương của mình là đức vua Bimbisara thì vị ấy sẽ chứng đắc quả thánh Nhập lưu sau khi nghe Đức Phật thuyết bài pháp Samanaphala ( kinh Sa Môn Quả). Do đức vua đã nghe lời xúi giục của người bạn ác và đã làm điều sái quấy là giết cha nên vị ấy không thể chứng đắc được quả thánh Nhập lưu. Sự thân cận bạn ác tạo ra chướng ngại trên con đường đến đạo quả.
Ở đây cũng vậy, nên hiểu rằng Sudinna chịu sự mất mát tương tự do thân cận với người xấu. Nếu vị ấy không làm theo lời khuyên của cha mẹ và tránh xa sự hành dâm với người cợ cũ thì chắc chắn sẽ không xảy ra sự chướng ngại đột biến đối với những triển vọng tốt đẹp của vị ấy về các pháp chứng. Sự ăn năn và sự dằn vặt khiến vị ấy thất bại trên con đường thành đạt đạo quả A-la-hán (Sārattha Dīpanī Tīkā, cuốn II).
Lúc bấy giờ, một nỗi ăn năn đã khởi lên trong tâm của đại đức Sudinna: “Ta đã không tạo ra những pháp thành tựu như Thiền Định, v.v… cuộc đời Sa-môn của ta đã trở nên vô giá trị. Ta thọ trì Giáo pháp của Đức Phật một cách không tốt đẹp. Ta đã không thể thực hành pháp học cho cuộc đời hoàn thiện và thanh tịnh sau khi đã thọ phép xuất gia trong Pháp và Luật được khéo giảng dạy.” Nỗi ân hận của vị ấy to lớn đến nỗi vị ấy mỗi ngày trở nên gầy mòn, da khô khốc và xuống sắc, tướng hảo của vị ấy xấu đi, và nước da xanh xao nhợt nhạt như tàu lá úa, thân của vị ấy nổi đầy gân. Nỗi đau buồn âm ĩ trong lòng và những ý nghĩ nội tâm cứ dần dần lớn mạnh, vị ấy bị hành hạ bởi nỗi đau khổ của thân tâm. Vị ấy rơi vào tâm trạng sầu khổ.
Những người bạn của đại đức Sudinna bèn nói với vị ấy rằng: “Này bạn! Trước kia bạn đẹp trai, các căn của bạn minh mẫn, sắc mặt tươi sáng và nước da của bạn đặc biệt đẹp đẽ. Bây giờ bạn càng ngày càng gầy mòn, da khô khốc và xuống sắc, tướng hảo của bạn xấu đi và nước da của bạn trở nên xanh xao nhợt nhạt như tàu lá úa, thân của bạn nổi đầy gân. Nỗi đau của bạn âm ỉ trong lòng và những ý nghĩ nội tâm của bạn dần dần lớn mạnh. Bạn bị hành hạ bởi nỗi đau khổ của thân và tâm. Bạn rơi vào tâm trạng buồn khổ. Vì sao vậy Sudinna? Phải chăng bạn đang thực hành pháp cao thượng về ba pháp học trong sự đau khổ trong Giáo pháp của Đức Phật?”
Đại đức Sudinna trả lời: “Này các bạn! Tôi đang thực hành pháp cao thượng về ba pháp học trong Giáo pháp của Đức Thế Tôn không phải trong sự đau khổ. Do tôi đã tạo một ác nghiệp. Tôi đã phạm tội hành dâm với người vợ cũ của tôi khiến tôi cảm thấy ân hận khi nghĩ rằng: “Ta đã không tạo ra các pháp thành tựu như Thiền định, v.v… đời sống Sa-môn mà ta có đã trở nên vô giá trị. Ta đến với Giáo pháp của Đức Phật không phải trong tính cách tốt đẹp. Ta không có khả năng thực hành pháp cao thượng về ba pháp học một cách hoàn hảo và thanh tịnh trong cuộc đời sau khi thọ phép xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng.”
Rồi những người bạn chê bai vị ấy bằng cách đưa ra nhiều ví dụ: “Này Sudinna! Vì bạn không có khả năng thực hành pháp cao thượng cho cuộc đời hoàn hảo và thanh tịnh sau khi thọ phép xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng. Bạn ân hận là phải. Này bạn Sudinna! Chẳng phải bậc Đạo-Sư đã dạy chúng ta bằng nhiều cách để xa lìa tình dục chứ không phải để kết hợp với tình dục? Chẳng phải Ngài dạy chúng ta tránh xa nhục dục chứ không phải kết hợp với nhục dục? Chẳng phải Ngài dạy chúng ta viễn ly ái dục và tà kiến? Này bạn Sudinna! Bất chấp sự giảng dạy của bậc Đạo-Sư là xa lìa tình dục, thế mà bạn lại cố gắng kết hợp với tình dục. Bất chấp lời dạy của bậc Đạo sư là tránh xa nhục dục, thế mà bạn lại cố gắng kết hợp với nhục dục. Bất chấp lời dạy của bậc Đạo-Sư là viễn ly ái dục và tà kiến, nhưng bạn lại đeo níu ái dục và tà kiến.
Này bạn Sudinna! Không phải rằng bậc Đạo sư đã dạy chúng ta bằng nhiều cách để xa lìa tình dục, để từ bỏ kiêu mạn, để đoạn trừ đói và khát mà vốn là phiền não, để loại trừ tham ái, để cắt đứt nguồn đau khổ, để chấm dứt ái dục, để không còn các tham muốn và để dập tắt phiền não.
Này bạn! Ác nghiệp mà bạn đã làm khiến cho người không có đức tin không thể có được niềm tin, nó cũng khiến cho người có đức tin không thể tăng trưởng. Thực ra, này bạn! Ác nghiệp của bạn sẽ khiến cho người chưa có đức tin không sanh khởi niềm tin và sẽ làm thay đổi niềm tin đối với những người đã có đức tin.”
Rồi họ trình bạch vấn đề ấy lên Đức Thế Tôn.
Do sự kiện này, Đức Phật triệu Tăng chúng lại và hỏi đại đức Sudinna: “Này Sudinna! Có thật chăng ngươi đã hành dâm với người vợ cũ của ngươi?” Đại đức Sudinna đáp: “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn.”
Đức Phật quở trách đại đức Sudinna như sau:
“Này kẻ cuồng si (mogha purisa), kẻ không chứng đắc đạo quả, không thành tựu được điều gì, điều này (điều mà ngươi đã hành dâm) không thích hợp với một vị tỳ khưu. Đó không phải là sở hành của vị Sa-môn, nó không thích hợp, nó không nên làm. Này kẻ cuồng si! Tại sao ngươi không thể thực hành về ba pháp học cho một cuộc sống hoàn hảo và thanh tịnh sau khi đã thọ phép xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng?
Này kẻ cuồng si! Chẳng phải Như Lai đã dạy ngươi bằng nhiều cách để tránh xa tình dục, chứ không phải kết hợp với tình dục? Chẳng phải Như Lai bằng nhiều cách dạy trách xa nhục dục chứ không phải kết hợp với nhục dục? Chẳng phải Như Lai bằng nhiều cách dạy ngươi viễn ly ái dục và tà kiến chứ không phải đeo níu vào ái dục Và tà kiến? Dù Như Lai bằng nhiều cách đã dạy ngươi xa lìa tình dục, thế mà ngươi vẫn cố gắng kết hợp với tình dục. Dù Như Lai bằng nhiều cách dạy ngươi tránh xa nhục dục thế mà ngươi vẫn cố gắng kết hợp với nhục dục. Dù Như Lai bằng nhiều cách dạy ngươi viễn ly ái dục và tà kiến thế mà ngươi vẫn đeo níu ái dục và tà kiến.
Này kẻ cuồng si! Chẳng phải Như Lai đã dạy ngươi bằng nhiều cách để xa lìa tình dục, để từ bỏ kiêu mạn, để đoạn trừ đói và khát mà vốn là phiền não, để loại trừ tham ái, để cắt đứt nguồn đau khổ, để chấm dứt ái dục, để không còn các tham muốn và để dập tắt phiền não.
Này kẻ cuồng si! Chẳng phải Như Lai đã dạy ngươi bằng nhiều cách đoạn trừ dục lạc. Chẳng phải Như Lai đã dạy ngươi trí phân tích về tướng liên quan đến dục lạc? Chẳng phải Như Lai đã dạy ngươi sự đoạn trừ ái luyến của dục lạc? Chẳng phải Như Lai đã dạy ngươi đoạn tuyệt những ý nghĩ liên quan đến dục lạc? Chẳng phải Như Lai đã dạy ngươi sự dập tắt hơi nóng của dục lạc?
Này kẻ cuồng si! Thà ngươi để dương vật của ngươi vào trong miệng của con rắn độc, chứ chẳng tốt đẹp gì để đặt nó vào trong âm hộ của người nữ.
Này kẻ cuồng si! Thà ngươi để dương vật của ngươi vào trong đống than hồng đang cháy đỏ rực, chứ chẳng tốt đẹp gì để đặt nó vào trong âm hộ của người nữ.
Này kẻ cuồng si! Vì nếu để dương vật của ngươi vào trong miệng con rắn độc hay đống than hồng thì ngươi chỉ đi đến cái chết hoặc bị đau đớn gần như chết. Đặt dương vật vào trong miệng con rắn độc hoặc trong đống than hồng, ngươi không thể sanh vào bốn khổ cảnh sau khi chết. Này kẻ cuồng si! Nhưng nếu ngươi làm như vậy với âm hộ của người nữ thì ngươi có thể đọa vào bốn khổ cảnh sau khi chết.
Này kẻ cuồng si! Ngay khi ấy người đã phạm tội hành dâm thì không phải là sở hành của các bậc thánh nhân mà là sở hành của những người trong xóm làng, là hành động thô thiển kết thúc bằng sự rửa sạch được làm ở chỗ vắng vẻ (do cảnh khó coi của nó), được làm bởi đôi nam nữ. Này kẻ cuồng si! Ngươi là kẻ đầu tiên trong ý nghĩa này, ngươi đã làm điều bất thiện trước những người khác.
Này kẻ cuồng si! Điều mà ngươi đã làm khiến cho người không có đức tin không thể có được niềm tin, nó cũng khiến cho người có đức tin không thể tăng trưởng. Thực ra, này kẻ cuồng si! Ác nghiệp của ngươi sẽ khiến cho người chưa có đức tin không sanh khởi niềm tin và sẽ làm thay đổi niềm tin đối với những người đã có đức tin.”
Khi ấy, Đức Phật khiển trách đại đức Sudinna bằng nhiều cách và giảng dạy về những điều bất lợi, những điều không thích hợp như khó giữ mình, khó bảo quản bởi những người khác, tánh tham lam, sự bất mãn, thích có nhiều bạn bè và lười biếng. Ngài cũng dạy về những điều lợi ích và thích hợp như dễ giữ mình, dễ bảo quản bởi những kẻ khác, thiểu dục, tri túc, dể duôi, bớt phiền não, sự rủ bỏ phiền não, có sắc thân khả ái, sự đoạn diệt phiền não và sự tinh cần. Đức Phật cũng thuyết giảng về pháp thoại đến vị tỳ khưu thích hợp với sự kiện ấy và nói với họ như sau.
“Này các tỳ khưu! Trong trường hợp ấy, Như Lai sẽ ban hành các điều luật với mười mục đích sau đây:
1. Để chư Tăng thọ trì và thừa nhận tánh thiện của nó.
2. Vì lợi ích của Tăng chúng.
3. Để áp chế những kẻ phá giới.
4. Để những tỳ khưu tôn kính Giới được an vui.
5. Để ngăn chặn các khổ đặc biệt trong đời sống hiện tại.
6. Để đoạn trừ các khổ bất thường có thể sanh lên trong tương lai.
7. Làm cho những người chưa có đức tin trở nên có đức tin.
8. Làm cho những người đã có đức tin càng thêm tăng trưởng.
9. Để cho Chánh pháp được bền vững lâu dài.
10. Để thánh hóa các điều luật.
Này các tỳ khưu! Vị tỳ khưu phạm tội hành dâm thì bị tổn thất trong Giáo pháp này (tức phạm tội Bất cộng trụ - Pārājika). Vị ấy không còn sống chung với các vị tỳ khưu có giới khác trong sinh họat của Chư Tăng.”
Bằng cách này, Đức Phật ban hành điều luật Pārājika thứ nhất.
Chấm dứt câu chuyện của Sundinna, con trai của thương nhân Kalandaka
**********************
(Bài trình bày về Sudinna con trai của thương nhân Kalanda chứa những biến cố xảy ra từ cuối mùa an cư của Đức Phật tại Verañjā cho đến khi vị ấy xuất gia vào lúc Đức Phật đến thành phố Vesāli. Những biến cố dẫn đến ban hành điều luật Pārājika thứ nhất xảy ra vào năm thứ tám sau khi Sudinna xuất gia. Độc giả nên cẩn thận lưu ý điều này).
Sau khi đã lưu trú như vậy tại Mahāvana, Vesāli, thuyết pháp đến những người hữu duyên nên tế độ, Ngài rời khỏi thành phố ấy và đi đến Sāvatthi trong thời điểm thích hợp và trú ngụ tại tịnh xá Jetavana.
Bấy giờ, một biến cố xảy ra là nguyên nhân để Đức Phật kể lại bổn sanh Vālodaka Jātaka. Năm trăm cư sĩ của thành phố Sāvatthi đã gác lại công việc để cùng vợ đi thành một đoàn đến nghe Đức Phật thuyết pháp. Kết quả là một số chứng đắc đạo quả Nhập lưu (sotāpanna), một số chứng đắc đạo quả Nhất lai (sakadāgāmi), một số chứng đạo quả A-na-hàm (anāgāmi), tất cả thính chúng đều chứng đắc đạo quả thánh. Những người thỉnh mời Đức Phật bao gồm năm trăm cư sĩ trong danh sách những vị tỳ khưu được thỉnh mời.
Cũng có năm trăm người hầu trẻ, trong khi đang hầu hạ năm trăm cư sĩ đã ăn được những vật thực dư thừa. Sau bữa ăn trưa bằng vật thực dư thừa ấy, họ lăn ra ngủ vì không có việc gì làm; thức dậy, họ đi đến con sông Aciravātī vật lộn đùa giỡn với nhau trên bờ sông và la hét ầm ĩ. Còn chủ nhân của họ là năm trăm cư sĩ thì không đùa giỡn la hét mà giữ im lặng và nhập vào thiền quả (phala-samāpatti) ở nơi thanh vắng.
Khi ấy, Đức Phật nghe tiếng ồn từ những người hầu của năm trăm cư sĩ, Ngài bèn hỏi đại đức Ānanda: “Này Ānanda! Những tiếng ồn ấy là gì vậy.” “Bạch Đức Thế Tôn! Những tiếng ồn này xuất phát từ những người hầu của năm trăm vị cư sĩ.”
Khi ấy, Đức Phật bèn dạy rằng: “Này Ānanda! Không phải chỉ có bây giờ những người hầu ấy ăn vật thực dư thừa và la hét ầm ỹ như vậy mà trong những kiếp quá khứ họ cũng đã làm như vậy rồi. Không phải chỉ có bây giờ năm trăm vị cư sĩ giữ im lặng mà trong những kiếp quá khứ họ cũng đã làm như vậy rồi.” Và theo lời thỉnh cầu của trưởng lão Ānanda, Đức Phật kể lại câu chuyện quá khứ như sau:
Vào thời xa xưa, khi đức vua Brahmadatta trị vì xứ Bārāṇasī. Bồ tát sanh vào một gia đình cao quý, và khi đến tuổi trưởng thành, vị ấy làm người cố vấn (Quốc sư) cho đức vua.
Một hôm nọ, khi nghe tin ở vùng biên giới có cuộc nỗi loạn, vị ấy bèn cho xuất chuồng năm trăm con ngựa thuộc giống Sindhava và lên đường với đoàn quân gồm bốn binh chủng. Sau khi dẹp loạn được vùng biên giới, vị ấy trở về Bārāṇasī và bảo các quan đem nước trái nho cho những con ngựa, nói rằng: "Những con ngựa này đã bị đuối sức. Hãy cho chúng uống nước nho.” Các quan đã làm theo lệnh truyền của đức vua.
Năm trăm con ngựa uống nước nho có hương thơm ngon rồi đi vào chuồng của chúng và yên lặng nghỉ ngơi trong chuồng. Sau khi cho nước nho đến những con ngựa, vẫn còn một lượng lớn trái nho không có hương vị. Các quan bèn hỏi đức vua: “Tâu đại vương! Chúng thần phải làm gì đối với số nho còn lại?” “Này các khanh! Hãy nhào trộn chúng với nước rồi đem lược chúng bằng những tấm vải thô và lấy nước ấy cho những con la thường chở vật thực đến những con ngựa.” Các quan làm theo lời căn dặn của đức vua.
Những con la làm công việc mang chở vật thực ấy được uống nước nho được lược lại lần thứ hai, chúng đã trở nên ngông nghênh, chúng đùa giỡn kêu be be, chạy nhảy ở trong sân. Đức vua mở cửa sổ cung điện và khi nhìn xuống sân, vị ấy hỏi vị Quốc sư: “Hãy nhìn kìa! Thưa bậc trí tuệ! Sau khi uống nước nho loại hai, năm trăm con la này trở nên ngông nghênh và đùa giỡn kêu be be, chạy nhảy lung tung. Nhưng những con ngựa Sindhava sau khi uống nước nho có hương vị thơm ngon đã không phát ra tiếng kêu, không biểu lộ hành vi đùa giỡn, chúng giữ im lặng. Lý do là thế nào?” Bởi vậy, đức vua đã đọc lên một câu kệ:
(1) Vālodakaṃ apparasaṃ nihīnaṃ pitvā mado jāyati gadrabhānam Imaṃ ca pitavāna rasaṃ paṇītaṃ mado na sañjāyati sindhayānaṃ.
(Thưa bậc trí tuệ!) Đối với những con la đã uống nước nho loại hai có ít hương vị và thiếu chất mà được lọc bằng tấm vải thô, sự say sưa với ngã mạn đã xảy đến với những con la. Sự say sưa như thế không xảy đến với những con ngựa Sindhava tuy chúng được uống loại nho có hương vị thơm ngon. (Lý do là thế nào?)
Vị quốc sư bèn đọc lên một câu kệ sau đây để trả lời :
(2) Appaṃ pivitvāna nihīnajucco. so majjatī tena janida phuṭṭho. Dhorayhasīlī ca kulamhi jāto. na majjatī aggarasaṃ pivitvā.
“Tâu bệ hạ! Con la thấp hèn đã bị ảnh hưởng bởi giống thấp hèn của nó trở nên say sưa sau khi uống nước nho loại hai nhạt nhẽo. Những con ngựa Sindhava siêng năng phục vụ cho đất nước, dầu nó được uống loại nước nho có hương vị ngọt nhất nhưng chúng vẫn không say sưa do bởi nó được sanh ra từ giống cao quý.”
(Điều muốn nói là những con la thuộc giống thấp nên chúng bị say sau khi uống nước nho loại hai nhạt nhẽo. Ngược lại, những con ngựa chiến Sindhava, do bởi giống cao quý của chúng, chúng không tỏ ra kiêu mạn hoặc không say sưa với sự kiêu ngạo dù chúng đã được uống loại nước nho có hương vị ngọt nhất).
Khi nghe vị Quốc sư nói như vậy, đức vua truyền lệnh lùa những con la ra khỏi sân sau khi nghe lời giải thích của Quốc sư. Đức vua bắt đầu làm các việc phước bắt đầu bằng sự bố thí và rồi vị ấy mạng chung vào một kiếp sống khác theo nghiệp của vị ấy.
Sau khi thuyết thời pháp bổn sanh Vālodaka Jātaka, Đức Phật kết thức câu chuyện bằng sự nhận định rằng: “Năm trăm con la lúc ấy là năm trăm người hầu ăn vật thực dư thừa, năm trăm con ngựa Sindhava lúc ấy là năm trăm vị Thánh cư sĩ, vị Quốc sư trí tuệ ấy là Như Lai.”
*************************
Khi Đức Phật đang ngụ tại tịnh xá Jetavana, tại Sāvatthi. Rāhula, con trai của Đức Phật, là vị Sa-di mười tám tuổi. Bấy giờ, vị ấy đã trải qua mười một năm thọ phép Sa-di.
Một hôm, Đức Phật đi vào thành Sāvatthi để khất thực, Sa-di
Rāhula đi sát theo sau Đức Phật.
Khi Đức Phật và Sa-di Rāhula đang đi trên đường như vậy, người sau theo sát người trước, Đức Phật trông thật rực rỡ như voi chúa đi ra khỏi khu rừng để đi đến một chỗ khả ái trong rừng cây Sāla đang nở rộ. Sa-di Rāhula cũng rực rỡ như voi con theo sau voi chúa. Đức Phật rực rỡ như sư tử chúa đi ra khỏi hang hồng ngọc để tìm kiếm vật thực vào buổi chiều; Rāhula cũng rực rỡ như sư tử con theo sau sư tử chúa. Đức Phật rực rỡ như cọp chúa ra khỏi khu rừng giống như hang ngọc bích; Rāhula cũng rực rỡ như cọp con theo sau cọp chúa.
Đức Phật rực rỡ như điểu vương Gāruda bay ra khỏi rừng cây bông vải, trong khi Sa-di Rāhula cũng rực rỡ như Gāruda con bay theo điểu vương. Đức Phật rực rỡ như thiên nga chúa bay lên bầu trời từ ngọn núi Cittakūta, trong khi ấy Sa-di Rāhula cũng rực rỡ như thiên nga con bay theo sau thiên nga chúa. Đức Phật rực rỡ như chiếc thuyền bằng vàng to lớn lướt đi trong hồ Chaddanta, trong khi ấy Sa- di Rāhula cũng rực rỡ như chiếc thuyền vàng nhỏ lướt theo sau chiếc thuyền vàng lớn. Đức Phật rực rỡ như vị Chuyển luân vương đi trên hư không bằng năng lực của xe báu, trong khi ấy Sa-di Rāhula cũng rực rỡ như đứa con trai đầu đi theo sau vị Chuyển luân vương. Đức Phật rực rỡ như mặt trăng, chúa của các vì sao đi trong bầu thời quang đãng, trong khi ấy Sa-di Rāhula cũng rực rỡ như sao Mai đi sau mặt trăng.
Đức Phật xuất thân từ dòng dõi Okkāta, thuộc dòng tộc Mahāsammāta, Sa-di Rāhula cũng vậy. Đức Phật thuộc dòng Khattiya thuần túy như sữa được đổ vào cái vỏ sò, Rāhula cũng vậy. Thân của Đức Phật được tô điểm bởi ba mươi hai tướng hảo của bậc đại nhân và hấp dẫn người khác như cái cột trụ bằng châu báu được dựng lên ở cồng thành của chư thiên hay như cổng Pārichattaka đang nở rộ hoa, thân của Rāhula cũng vậy.
Bằng cách này, hai con người cao quý, những bậc đã giác ngộ, những nguyện vọng vô song trong quá khứ của Ngài, những bậc đã trở thành Sa-môn từ giai cấp vua chúa, đức tánh hòa nhã của bậc vương tôn, của bậc đại nhân đi cùng con đường rực rỡ chói lọi tựa như các Ngài vượt trội sự chói lọi của hai mặt trăng, hai mặt trời, và các cặp chư thiên như Sakka, Suyāma, Santusita, Sunimmita, Vasavatī, Mahā- Brahmā, v.v…
Trong khi Sa-di Rāhula đang theo sát Đức Phật như vậy, vị ấy nhìn cha chăm chú từng chi tiết từ bàn chân lên đến đỉnh đầu và thấy sự rực rỡ của cha mình phát ra từ oai lực của một vị Phật. Đầy ngạc nhiên, vị ấy suy nghĩ: “Kim thân của Ngài cực kỳ đẹp với ba mươi hai tướng hảo chính và được bao quanh bởi hào quang chói sáng, Ngài rực rỡ tựa như đứng giữa đám bụi vàng. Như núi vàng được bao quanh bởi những tia chớp, như cái trụ cổng bằng vàng rực rỡ bởi bảy loại châu báu được trang trí trên đó. Như những ngọn núi vàng được che phủ trên đó bằng những tấm thảm đỏ dù Ngài đang mặc chiếc y phấn tảo màu đỏ sẫm. Như cái cổng bằng vàng được nạm và trang trí bằng những dây leo san hô, như bảo tháp bằng vàng được tô điểm bột son, như cái cột tế lễ bằng vàng được quét lên lớp nước sơn, như mặt trăng thình lình nổi lên giữa đám mây màu đỏ. Đức Phật có được sự rực rỡ như vậy là do năng lực ba mươi pháp Ba-la-mật của Ngài.”
Sau đó, vị ấy nhìn vào thân của mình và khởi dậy ái dục kết hợp bởi đời sống gia đình do bởi tấm thân của mình. Vị ấy nghĩ: “Ta cũng đẹp, nếu Đức Phật là vị Chuyển luân của bốn châu thì ắt Ngài sẽ chỉ định ta làm tướng quân báu (pari nāyaka) địa vị dành cho đứa con trai đầu. Trong trường hợp ấy, toàn cõi Jambudita sẽ trở nên rực rỡ.”
Trong khi Đức Phật đang đi trước như vậy, Ngài chợt nghĩ: “Xét thấy rằng thân của Rāhula, con trai của Như Lai đã lớn lên với thịt và máu. Lúc mà tâm của con người trôi lăn không ngừng suy nghĩ tất cả những vật hấp dẫn như: cảnh sắc, cảnh thinh, v.v… Như Lai sẽ tự hỏi người ấy sẽ sanh khởi ý nghĩ nào vào lúc mạng chung!” Trong khi Đức Phật đang suy xét như vậy, Ngài thấy rõ những ý nghĩ của con trai Ngài đang xu hướng theo sự tham đắm đối với đời sống gia đình (gehassita taṇhālobha). Ngài thấy những ý nghĩ của Sa-di Rāhula tựa như Ngài thấy con cá đang bơi lội dưới dòng nước trong và tựa như Ngài thấy hình ảnh của mình trong tấm gương tròn. Điều này khiến Ngài quyết định rằng: “Trong khi đang theo sau Như Lai, Rāhula đã khởi dậy ái dục đối với đời sống gia đình do bởi tấm thân của nó với ý nghĩ ‘Ta xinh đẹp, tướng mạo của ta thanh tịnh.’ Vì không hướng đúng cảnh mà đi sai đường, nó đã hướng tâm đến những cảnh dục không xứng đáng giống như người lữ hành bị lạc đường, không đến chỗ mà xứng đáng đến. Nếu tham phiền não mà ngự trị trong tâm của nó tăng trưởng, điều này sẽ không cho nó thấy rõ lợi lạc của chính mình cũng như của người khác. Điều này sẽ đưa nó đến bốn cảnh khổ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la và thọ sanh trong bào thai chật hẹp. Như vậy, nó sẽ bị ném vào vòng luân hồi mà không biết điểm khởi đầu.
Thực ra, tham này sản sanh ra cái không có kết quả. Nó tiêu diệt tâm thiện. Do bởi tham, mối tai họa kinh khủng có thể xảy ra trong dòng tâm của con người. Điều này loài người không thấy được.
Người đang tham luyến không thấy rõ nguyên nhân và hậu quả của nó. Khi một chúng sanh tham luyến thì chỉ có sự tối tăm ngự trị.
Một chiếc thuyền lớn chở đầy châu báu không thể không chú ý dầu trong một giây lát, một khi nước thấm qua những chỗ rạng nứt của những tấm ván, những chỗ nứt cần được trám kín nhanh chóng. Cũng vậy, không nên để mặc Sa-di Rāhula này trước khi tham phiền não kịp huỷ hoại những kho báu của bậc thiện trí như Giới, Định, v.v… đã phát sanh đến nó. Như Lai sẽ dập tắt những phiền não này.”
Trong biến cố như vậy, Đức Phật thường nhìn lui bằng cách quay người, như con voi chúa được gọi là nāga-vilokana, cái nhìn của voi chúa. Đức Phật đứng sau khi quay lại, toàn thân của Ngài giống như người ta xoay một pho tượng vàng. Ngài dạy Sa-di Rāhula: “Này Rāhula! Có sắc trong quá khứ, sắc trong hiện tại và sắc trong tương lai (3), sắc trong thân và sắc ngoài thân (2), sắc thô và sắc vi tế (2), sắc xấu và sắc tốt (2), sắc xa và sắc gần (2). Tất cả mười một loại sắc này không phải là ‘sắc của ta’, không phải là ‘Ta’, không phải là ‘tự ngã của Ta’. Như vậy, sắc phải được quán như thật qua Tuệ quán Vipassanā.”
Khi ấy Rāhula hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Phải chăng sắc chỉ được quán như vậy? Bạch bậc Thiện ngôn! Phải chăng chỉ riêng sắc phải được quán như vậy?” Đức Phật trả lời: “Này Rāhula! Sắc (rūpa) phải được quán như vậy, thọ (vedanā) phải được quán như vậy, tưởng (saññā) phải được quán như vậy, hành (saṅkhāra) phải được quán như vậy, và thức (viññāṇa) phải được quán như vậy.”
Ở đây, lý do mà Sa-di Rāhula hỏi câu hỏi ‘Phải chăng sắc phải được quán như vậy?’ là như sau: Khi nghe lời giáo huấn của Đức Phật, tất cả mười một loại sắc này không phải là sắc ‘của ta’, không phải là ‘ta’, không phải là ‘tự ngã của ta’. Như vậy, sắc phải được quán như thật bằng Trí và Tuệ Vipassanā. Rāhula, người đang tu tập loại trí nayakusala-ñāna chợt nảy lên ý nghĩ như vầy: “ Đức Thế Tôn nói tất cả sắc phải được quán như thật bằng Trí và Tuệ Vipassanā”. Vậy thì bốn uẩn còn lại như thọ, tưởng, hành và thức như thế nào? Nên suy ra rằng chúng cũng được quán như trường hợp của sắc uẩn. Cho nên câu hỏi của Sa-di Rāhula dựa vào trí tuệ nayakusala-ñāṇa của vị ấy.
Quả thật, Sa-di Rāhula có trí thông minh bậc cao (nayakusala – ñāṇa). Khi được dạy chỉ một pháp như ‘điều này không nên làm.’ Khi ấy, vị ấy cũng sẽ suy nghĩ ‘điều này không nên làm, điều này cũng không nên làm’ và cứ tiếp tục như vậy bằng hàng trăm ngàn cách. Tương tự, khi chỉ được dạy một pháp như “điều này nên làm, điều này cũng nên làm”, vị ấy có khả năng thâm nhập bằng cả trăm ngàn cách.
Ngoài ra, Sa-di Rāhula rất yêu thích ba học pháp. Vào lúc sáng sớm, trong khu vực có Hương phòng của Đức Phật, cứ mỗi ngày như vậy vị ấy thường tung lên một nắm cát và nguyện rằng: “Nguyện rằng ngày hôm nay ta sẽ nhận được lời giáo huấn của Đức Thế Tôn hoặc từ trưởng lão Sāriputta nhiều như số cát này.” (Vị ấy đặt ra những câu hỏi bởi vì vị ấy muốn thực hành một cách đầy đủ, vì vị ấy có trí thông minh bậc cao và ưa thích ba học pháp).
Khi nghe câu trả lời của Đức Phật, Sa-di Rāhula bèn suy nghĩ như vầy: “Sau khi biết ái dục đang sanh khởi trong tâm của ta, Đức Thế Tôn không khuyên răn ta một cách trực tiếp rằng “Vị tỳ khưu không nên có những ý nghĩ như vậy,” mà Ngài cũng không bảo người khác đến nói với ta rằng “Này tỳ khưu! Hãy đi nói với Sa-di Rāhula không nên có những ý nghĩ như vậy.” Thực ra, Ngài đứng đối diện với ta và cho ta lời giáo huấn ngay trong hiện tại tựa như Ngài bắt tên trộm cùng với tang vật bằng cách túm lấy tóc của hắn. Thật khó mà nghe được lời khuyên của một vị Phật dù trải qua một A-tăng-kỳ kiếp! Khi người nào đã nhận được lời giáo huấn trực tiếp từ Đức Phật mà còn muốn đi vào làng mạc hay châu quận để khất thực thì người ấy thực sự không có trí.”
Do đó, Sa-di Rāhula bỏ việc đi khất thực và quay lui ngay từ chỗ mà vị ấy nghe lời giáo huấn của Đức Phật (vị ấy không đi theo Đức Phật thêm một chút nào nữa), vị ấy ngồi xuống ở một cội cây.
Tuy Đức Phật trông thấy Rāhula quay lui nhưng Ngài không ngăn cản, nói rằng: “ Này Rāhula! Đừng vội trở về, đây là lúc mà con nên đi khất thực.” Vì Ngài đã có ý định rằng “Hãy để Rāhula thọ hưởng vật thực là pháp Bất Tử (kāyagatā-sati) cả ngày. ”
Các phận sự của trưởng lão Sāriputta khi sống một mình khác với những phận sự khi sống cùng với Đức Phật.
Giải thích: Khi hai vị Thượng thủ Thinh văn đang trú ngụ một mình, họ thường quét dọn chỗ ngụ vào lúc sáng sớm, làm sạch thân thể, nhập vào thiền chứng, ngồi lặng lẽ, và đi vào làng khất thực. Mỗi vị làm theo ước muốn của mình. Những khi trú ngụ chung với Đức Phật thì hai vị thường không làm như vậy.
Trích dẫn: Những khi trú ngụ chung với Đức Phật, Đức Phật cùng với chúng Tỳ khưu trước hết là đi khất thực. Khi Đức Phật đã đi khất thực như vậy thì trưởng lão Sāriputta ra khỏi cốc, và ý thức rằng: “Chỗ ngụ của các vị tỳ khưu có những lúc được quét dọn sạch sẽ và có những lúc không được quét dọn sạch sẽ.” Trưởng lão thường đi quanh khu vực và quét dọn những chỗ chưa được quét dọn sạch rác, chưa được đặt những hủ đựng nước vào đúng chỗ. Khi viếng thăm những tỳ khưu bị bệnh, trưởng lão thường hỏi thăm rằng: “Này hiền giả! Hiền giả muốn tôi đem đến cho hiền giả món ăn nào đây? Hiền giả muốn ăn món nào?” Trưởng giả đi đến những vị tỳ khưu chưa nhập hạ nào và khuyên họ: “Này các hiền giả! Hãy vui thích trong Giáo pháp của Đức Phật! Đừng nên dể duôi, Giáo pháp của Đức Phật chứa pháp hành là chính.” Sau khi làm tất cả những điều này, trưởng lão mới theo sau các vị tỳ khưu đi khất thực.
Ví dụ: Khi vị Chuyển luân vương, chúa tể của bốn châu muốn đi đến một nơi nào đó, vị ấy bước ra đầu tiên với bốn đội quân binh, thì người con trai đầu tiên của vị ấy là vị phó vương đi theo vị ấy để giám sát các đoàn quân. Dường thế ấy, Đức Thế Tôn, vị Chánh pháp Chuyển luân vương, Bậc chuyển bánh xe Chánh pháp, đi cùng với chúng tỳ khưu trước hết là trưởng lão Mahā Sāriputta, người con cả của Đức Phật, bậc tướng quân của Chánh pháp đi khất thực sau tất cả những vị tỳ khưu khác sau khi làm xong tất cả những phận sự đã nêu ra ở trên.
Vào ngày hôm ấy, khi trưởng lão Sāriputta là người cuối cùng đi khất thực sau khi làm xong những công việc của mình tại tịnh xá Jetavana, trưởng lão trông thấy Sa-di Rāhula đang ngồi kiết già với lưng thẳng, chánh niệm. Trưởng lão động viên vị ấy những lời khuyến khích thực hành pháp thiền ānāpānassati-bhāvanā - pháp niệm hơi thở.
Trưởng lão nói: “Này Rāhula! Con hãy tu tập ānāpānassati- bhāvanā. Khi ānāpānassati-bhāvanā được tu tập nhiều lần lập đi lập lại thì sẽ đem lại lợi ích to lớn.”
Ở đây, có thể đặt ra câu hỏi là tại sao trưởng lão khuyến khích Sa-di Rāhula tu tập pháp thiền ānāpānassati-bhāvanā?
Trả lời: Vì ānāpānassati-bhāvanā thích hợp với căn tánh của Rāhula.
Giải thích: Vì trưởng lão không biết rằng Đức Phật đã dạy Sa- di Rāhula pháp thiền quán tưởng về sắc, trưởng lão lưu ý rằng cách mà Rāhula ngồi bất động sẽ trở nên tốt nhất với pháp thiền ānāpānassati-bhāvanā cho nên trưởng lão mới có những lời sách tấn như vậy.
Liên quan đến những từ “Khi ānāpānassati-bhāvanā được tu tập nhiều lần lập đi lập lại sẽ đem đến lợi ích to lớn.” Cách mà lợi ích phát sanh là như sau:
Một vị tỳ khưu tu pháp thiền ānāpānassati-bhāvanā có thể chứng đắc đạo quả A-la-hán ngay trong tư thế ngồi. Cho dù vị ấy không thể chứng đắc đạo quả A-la-hán ngay trong hiện tại thì vị ấy cũng có thể trở thành samasīsī arahat khi sắp lâm chung. Nếu không, thì khi tái sanh vào cõi chư thiên, vị ấy có thể chứng đắc đạo quả A-la- hán sau khi một bài pháp từ một vị thiên. Nếu không thì vị ấy có thể trở thành vị Phật Độc Giác trong thời kỳ không có Đức Phật Toàn Giác. Nếu không, vị ấy có thể trở thành một vị A-la-hán có khippabhiññā (mẫn tiệp trí) như Bāhiya Dārujiya Thera vào thời kỳ của Đức Phật tương lai. Như vậy, ānāpānassati-bhāvanā có lợi ích to lớn.
Nhận thức rõ lợi ích to lớn như vậy, trưởng lão Sāriputta đã động viên và khuyến khích Sa-di Rāhula, người đã nhận trưởng lão là thầy tế độ nên thực hành pháp thiền ānāpānassati-bhāvanā.
Như vậy, Đức Phật và trưởng lão Sāriputta đã dạy cho Sa-di Rāhula pháp thiền quán về sắc và pháp thiền về ‘hơi thở vô, hơi thở ra’ rồi ra đi. Rāhula một mình ở lại tịnh xá.
Dầu biết rằng Rāhula bị bỏ lại, nhưng Đức Phật không đem vật thực đến cho vị ấy, Ngài cũng không gửi vật thực thông qua đại đức Ānanda, Ngài cũng không báo cho các nam nữ thí của vị ấy như vua Pasenadī, Anāthapiṇḍika, v.v… về vấn đề ấy, (nếu họ biết rằng, họ sẽ cho gánh những hủ vật thực đến).
“Đúng thật sắc là vô thường vì lý do như vậy, như vậy. Đúng thật sắc là khổ vì lý do như thế, như thế. Đúng thật sắc là không khả ái, bất tịnh vì lý do như thế, như thế. Đúng thật sắc là vô ngã vì lý do như thế, như thế.”
Vị ấy quán xét như vậy một cách không ngừng nghỉ như một người cấp bách đốt lên ngọn lửa, và đến chiều tối, vị ấy suy xét: “Ta đã được thầy Tế độ dạy nên tu tập ānāpānassati-bhāvanā, ta sẽ thọ trì lời chỉ dạy của Ngài. Thật ra, người không làm theo lời dạy của thầy tế độ của mình là người khó dạy (dubbaca), không có sự áp bức nào dành cho ta tệ hơn là sự chê trách của các vị đồng phạm hạnh khi nói rằng: ‘Rāhula khó dạy, ngay cả lời của vị thầy tế độ vị ấy cũng không làm theo!’” Vì muốn hỏi về pháp tu tập ānāpānassati-bhāvanā, vị ấy ra khỏi tịnh thất và đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Vị ấy hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Ānāpānassati-bhāvanā nên được tu tập như thế nào? Nó được tu tập nhiều lần lập đi lập lại như thế nào để trở nên có lợi ích to lớn?”
Khi ấy, Đức Phật trả lời Rāhula một cách chi tiết:
(1). Cách tu thiền:
a. 20 phần (koṭṭhāsa) của yếu tố đất.
b. 12 phần (koṭṭhāsa) của yếu tố nước.
c. 4 phần (koṭṭhāsa) của yếu tố lửa.
d. 6 phần (koṭṭhāsa) của yếu tố gió, tất cả là những đại chủng (Mahābhūta)
e. yếu tố hư không do sắc sanh (upādā-rūpa).
(2). Cách niệm về tādibhava-lakkhaṇa, những đặc tánh của chúng giống như những đặc tánh của năm yếu tố đất, nước, lửa, gió và hư không.
(3) Từ (mettā).
(4) Bi (kuraṇā).
(5) Hỉ (muditā).
(6) Xả (upekkhā).
(7) Bất tịnh (abhusa).
(8) Vô thường tưởng (anicca-saññā), Đức Phật ban bố thời pháp (bao gồm những lợi ích), khuyến khích vị ấy thực hành tất cả những pháp quán niệm này.
(9) Hơi thở vô ra (ānāpānassati) là câu hỏi ban đầu do Rāhula đặt ra, Đức Phật giải rõ chi tiết, chỉ rõ lợi ích bắt nguồn từ đó (bài pháp chi tiết của Đức Phật có thể đọc trong phần Majjhima Paṇṇāsa của bộ kinh Trung Bộ).
Nhiều bài pháp Đức Phật thuyết đến đại đức Rāhula: (1) Sāmaṇera-pañha - Những câu hỏi dành cho vị Sa di, (2) Kinh Ambalaṭṭhika Rāhulovāsa – Giáo giới Rāhula, được thuyết tại khu vườn Ambalaṭṭhika, (3) Rāhula-Saṁyutta - Bài pháp liên quan đến Rāhula, (4) Mahā-Rāhulalovāda Sutta – Đại kinh Giáo giới Rāhula,
(5) Cūla Rāhula sutta – Tiểu kinh Giáo giới Rāhula.
Nguyên nhân chính của những bài kinh này: Vào lúc Đức Phật viếng hoàng cung Kapilavatthu lần đầu tiên và gặp thái tử Rāhula, lúc đó thái tử được bảy tuổi, thái tử hỏi xin của thừa tự, tay nắm chặt chéo y của Đức Phật “Thưa cha! Cha là người đã đoạn diệt phiền não! Xin hãy cho con di sản của cha!” Khi ấy Đức Phật giao thái tử cho trưởng lão Sāriputta để truyền phép xuất gia Sa di cho vị ấy.
(1) Sau đó, Đức Phật quyết định ban vài lời giáo huấn đến Rāhula vì Ngài nghĩ rằng: “Trẻ con có khuynh hướng nói ra những điều thích hợp, cũng như không thích hợp.” Rồi Ngài gọi con trai đến và nói rằng: " Này Rāhula! Sa-di không nên đắm chìm trong súc sanh luận (tiracchāna-kathā) như những chuyện về các vị quân vương, v.v… là những điều không dẫn đến Đạo quả. Này con trai! Nếu con muốn nói chuyện thì hãy nói về Giáo pháp như thế như thế.” Và Đức Phật thuyết đến Rāhulā một thời pháp có tên là sāmanera- pañha chứa mười câu hỏi và năm mươi lăm câu trả lời mà không bao giờ bị bỏ sót bởi tất cả chư Phật từ Giáo pháp của các Ngài (Khuddaka-pāṭha, cuốn đầu của bộ Khuddaka Nikāya).
(2) Đức Phật suy xét: “Trẻ con ưa thích nói dối. Chúng có thể nói ‘tôi thấy’ khi mà chúng không thấy, hoặc nói ‘tôi không thấy’ khi mà chúng thấy. Do đó, ta sẽ tiếp tục giáo huấn Rāhula.” Vì vậy, Ngài đã thuyết bài pháp Ambalaṭṭhika Rāhulovāda gồm có bảy ví dụ theo thứ tự. Trước hết, có bốn ví dụ về ly nước có thể thấy dễ dàng bằng mắt, hai ví dụ về con voi chiến, và một ví dụ về chiếc gương soi (Ambalaṭṭhika Rāhulovada sutta, Bhikkhu-Vagga, Majjhima- Paṇṇāsa, trong Majjhima Nikāya).
Ngoài ra, Đức Phật còn dạy Rāhula một bài kinh khác nhằm ngăn ngừa không cho sanh khởi tham luyến đối với bốn món vật dụng, nhằm đoạn trừ tham muốn đối với ngũ dục, và cũng giảng giải những lợi ích có ý nghĩa do thân cận với bạn tốt (Sutta Nipāta I, bài kinh đặc biệt này được gọi là Abhiṇha Rāhulovāda).
(3) Bài kinh Rāhula Samyutta dạy không nên phát triển tham luyến đối với ba cõi, nơi mà người ta sanh vào (Saṁyutta Nikāya).
(4) Bài kinh Mahā Rāhulovada được thuyết giảng để ngăn chặn gehassita chandarāga, khi nghĩ rằng: “Tôi đẹp, nét mặt của tôi rạng rỡ liên quan đến thân của con người. (Majjhima Paṇṇāsa trong Majjhima Nikāya).
(5) Vào năm thứ mười bốn sau khi Đức Phật thành đạo ( Rāhula mới thọ Cụ Túc giới trở thành vị tỳ khưu nhưng chưa có hạ nào), bài pháp Cūla Rāhulavāda được thuyết giảng để Rāhula có thể chứng đắc ngay đạo quả. (Uppari-Paṇṇāsa trong Majjhima Nikāya).
Trong những bài pháp kể trên:
Không có chi tiết chính xác về ngày tháng năm thuyết giảng bài kinh Rāhula ( Kinh Abhiññā Rāhulovāda). Thực ra, bài kinh ấy thỉnh thoảng được Đức Phật thuyết.
(1 & 2) Hai bài kinh Sāmaṇera Pañha và Ambalaṭṭhika Rāhulovāda được thuyết giảng khi Rāhula là vị Sa-di còn bảy tuổi.
(3) Bài kinh Rāhula Saṁyutta được thuyết thỉnh thoảng thời gian giữa thời kỳ Sa-di Rāhula bắt đầu lên bảy tuổi và đến lúc vị ấy thọ Đại giới tỳ khưu, nhưng chưa có hạ lạp nào.
(4) Bài kinh Mahā Rāhulovāda được thuyết giảng khi Rāhula được mười tám tuổi.
(5) Bài kinh Cūla Rāhulovada được thuyết giảng khi Rāhula vửa trở thành tỳ khưu nhưng chưa có hạ lạp nào.
Trong những bài pháp này, bài kinh Rāhula Sutta ( Kinh Aphiñha
Rāhulovāda) được thuyết giảng để liên tục khuyến giáo Rāhula.
(1) Bài kinh Sāmaṇera Pañha được thuyết để khiến cho Rāhula tránh xa những việc nói những điều không thích hợp.
(2) Bài kinh Ambalatthika Rahulovāda nhằm mục đích hướng dẫn vị ấy không nói dối.
(3) Bài kinh Rāhula Saṁyutta được thuyết giảng để Rāhula thọ nhận giáo lý liên quan đến Tuệ quán Vipassanā.
(4) Bài kinh Mahā Rāhulovāda được thuyết giảng để đoạn tận gechassita chanda-rāga (ngũ dục tham ái đối với đời sống gia đình).
(5) Bài kinh Cūla Rāhulovāda được thuyết giảng để Rāhula chứng đắc đạo quả A-la-hán khi mười lăm đặc tánh vimutti- paripācanīya đã đạt đến sự chín muồi (lúc bấy giờ Rāhula là một thành viên mới trong hội chúng tỳ khưu). Liên quan đến điểm này, đại đức Rāhula vì muốn tán dương ân đức của Đức Phật, đã nói giữa chúng tỳ khưu như sau:
Kikī va bijaṃ rakkheyya,camarī valam uttamaṃ, nipako sīlasampanno, mamaṃ rakkhe tathāgato.
Con chim trĩ cái bảo vệ cái trứng của nó, con bò yak bảo vệ cái đuôi quý báu của nó. Cũng vậy, Đức Thế Tôn! Cha của ta, bậc được ba hạng chúng sanh ái kính đã che chở cho ta, là thịt và máu của chính Ngài, tư cách ấy có thể sánh với tư cách của con chim trĩ hoặc con bò yak để tôi có thể chứng đắc đạo quả A-la-hán.”
Như vậy, có nhiều bài kinh được Đức Phật thuyết liên quan đến đại đức Rāhula.
KẾT THÚC CHƯƠNG 31
TỲ KHƯU SUDINNA CON TRAI CỦA THƯƠNG NHÂN
KALANDA
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B