THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 4
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 4] [Phần tiếp theo]
Sau khi lưu trú tại tịnh xá Jetavana, ở Sāvatthi suốt thời gian sau mùa an cư thứ mười hai và giáo hóa cho các hàng chúng sanh như nhân loại, chư thiên và Phạm thiên qua bài kinh Mahā Rāhulovāda và những bài kinh khác. Đức Phật lên đường đến thị trấn Cālika, trải qua mùa an cư thứ mười ba tại nơi đây.
Ở đây, ở quanh thị trấn đều có đất chuồi, ngoại trừ khu vực ở công viên của thị trấn. Vì đất không ổn định, nên thị trấn ở giữa dãi đất ấy cho ấn tượng chông chênh đối với những người nhìn nó từ xa. Do đó, thị trấn này được gọi là Cālika.
Có một ngọn đồi ở gần thị trấn, vì toàn thể ngọn đồi có màu trắng nên nó cũng tạo ra một ảo tưởng chông chênh cho những người nhìn nó vào những ngày Uposatha của tháng hạ huyền, do đó nó cũng có tên là Cālika.
Ở trên đỉnh của ngọn đồi là một tịnh xá lớn được xây dựng dành cho Đức Phật do các thiện nam tín nữ xây dựng. Đức Phật trải qua mùa an cư thứ mười ba tại tịnh xá Cālika trên ngọn đồi Cālika.
Khi Đức Phật trải qua mùa an cư như vậy tại tịnh xá trên đồi Cātika, Meghiya là thị giả tạm thời làm các phận sự lớn nhỏ hầu hạ Đức Phật.
Giải thích: Đức Phật không có thị giả thường trực (upaṭṭhāka) suốt hai mươi hạ đầu tiên gọi là Sơ giác thời ( patthana bodhi). Lúc thì trưởng lão Nāgasamāla, lúc thì trưởng lão Nāgita, lúc khác thì trưởng lão Upavāna, lúc khác nữa thì tỳ khưu Sunakkhatta là một hoàng tử Liccavī trước kia, có khi là trưởng lão Cunda (em trai của đại đức Sāriputta), có khi là trưởng lão Sāgata và có khi là trưởng lão Meghiya hầu hạ Đức Phật. Thời gian mùa an cư kiết hạ tại tịnh xá trên ngọn đồi Cātika do đại đức Meghiya tạm thời hầu hạ Đức Phật.
Lúc bấy giờ, một hôm nọ đại đức Meghiya đi đến Đức Phật cung kính phủ phục dưới chân rồi đứng lên và bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con muốn vào làng Jantu để khất thực.” Đức Phật đáp: “Này Meghiya! Bây giờ ngươi biết lúc ngươi nên đi,” tức là có thể đi tùy ý.
Thế nên, đại đức Meghiya đi vào làng Jantu để khất thực và sau khi độ thực xong, vị ấy rời khỏi làng Jantu để đến bờ sông Kimikāḷā và đi kinh hành ở đó. Khi đang đi như vậy, vị ấy trông thấy một khu rừng xoài hấp dẫn, các cây được trồng cách nhau không xa, chúng chìa ra những tán lá xanh mướt đầy khả ái với bóng im mát và phong cảnh tuyệt vời của nó, trông đáng ưa thích vì nó làm vui lòng những ai tình cờ đến đó. Thấy vậy, vị ấy khởi lên ý nghĩ sau: “Khu rừng xoài này thật hấp dẫn, dễ chịu và thú vị. Thật là nơi thích hợp cho những thiện nam tử nào muốn hành thiền, nếu Đức Thế Tôn cho phép thì ta sẽ trở lại đây để hành thiền.”
Khu rừng xoài ấy là nơi mà một vị vua đã từng hưởng khoái lạc đế vương khi vị ấy tái sanh trong năm trăm kiếp liên tục trong quá khứ. Đó là lý do khiến ước muốn đến đó khởi sanh trong tâm, khi vị ấy vừa trông thấy vườn xoài.
Rồi đại đức Meghiya trở về với Đức Phật và đảnh lễ Ngài, vị ấy bạch lại vấn đề một cách chi tiết từ khi bắt đầu đi vào làng khất thực cho đến khi khởi lên ý nghĩ muốn trở lại khu rừng xoài để hành thiền. Cuối cùng vị ấy thỉnh cầu Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đức Thế Tôn cho phép thì con sẽ trở lại khu rừng xoài để hành thiền.”
Khi được thỉnh cầu như vậy, Đức Phật đáp lại là cấm vị ấy không được đến đó, Ngài nói: “Hãy đợi, này Meghiya! Lúc này Như Lai ở một mình, vậy con hãy đợi cho đến khi có ai đó đến thay thế!”
(Khi đại đức Meghiya nói lời thỉnh cầu, Đức Phật suy xét và biết rằng “Trí tuệ của đại đức Meghiya chưa đạt đến mức chín muồi.” Đây là lý do khiến Ngài ngăn cản. Nhưng Ngài nói rằng: “Lúc này Như Lai chỉ ở một mình.” Vì Ngài nghĩ rằng: “ Nếu Như Lai nói như vậy, và việc hành thiền của vị ấy ở rừng xoài kết thúc trong thất bại thì khi trở lại vị ấy hoàn toàn sẽ không có sự lúng túng mà chỉ có sự quý mến Như Lai,” và Đức Phật nói vậy để xoa dịu tâm của vị ấy.
Lần thứ hai, đại đức Meghiya thỉnh cầu: “Bạch Đức Thế Tôn! Vì Đức Thế Tôn đã hoàn thành mười sáu phận sự của Đạo, Ngài không còn gì khác để thành tựu hay tăng trưởng những gì đã thành tựu. Còn về phần con, Bạch Đức Thế Tôn! Con phải hoàn thành mười sáu phận sự của Đạo một cách cẩn trọng, con cũng chưa phát triển thêm những gì đã thành tựu. Nếu Đức Thế Tôn cho phép thì con sẽ đi đến hành thiền ở khu rừng xoài.” Lần thứ hai, Đức Phật cũng từ chối lời thỉnh cầu bằng câu trả lời như trước rằng: “Hãy đợi, này Meghiya! Lúc này Như Lai ở một mình, thế nên con hãy đợi cho đến khi có ai thay thế.”
Lần thứ ba, đại đức Meghiya cũng nói lời thỉnh cầu như vậy. Lần này Đức Phật không ngăn cản mà nói rằng: “Này Meghiya! Làm sao chư Phật có thể ngăn cản một người nào đó xin phép đi hành thiền? Này Meghiya! Con hãy làm những gì mà con thấy là thích hợp.”
Đại đức Meghiya đảnh lễ Đức Phật, rời khỏi chỗ ngồi rồi đi đến khu rừng xoài. Sau khi đi vào khu rừng xoài, vị ấy ngồi xuống dưới một cội cây và trải qua thời gian một ngày.
Tảng đá ở dưới cội cây mà trưởng lão Meghiya đang ngồi cũng là tảng đá mà vị ấy đã từng ngồi để hưởng khoái lạc, được vây quanh bởi nhiều cung nữ khi vị ấy làm hoàng đế năm trăm kiếp liên tục trong quá khứ.
Trong thời gian trưởng lão ngồi như vậy thì có vẻ như đời sống Sa-môn của vị ấy trôi đi mất. Vị ấy cảm thấy rằng (trong giấc mơ) mình đang nắm vương quyền, có nhiều cung nữ theo hầu và đang ngồi dưới một cái lọng trắng và trên chiếc ngai xứng đáng với những nhân vật cao quý.
Rồi với tâm luyến ái vào sự cao sang hoa lệ của đời sống vua chúa, tâm vị ấy dần dần khởi sanh những ý nghĩ bất thiện về dục (kāma-vitakka) liên quan đến dục trần (vatthu-vitakka).
Vào lúc đó, vị ấy thấy (trong giấc mơ) có hai tên trộm bị bắt quả tang được dẫn đến trước mặt vị ấy. Những ý nghĩ nóng giận (vyāpāda-vitakka) dần dần khởi sanh trong tâm của vị ấy như sắp ban lệnh chém đầu một trong hai tên trộm ấy. Những ý nghĩ não hại (vihimsa-vitakka) dần dần sanh khởi trong tâm tựa như vị ấy sắp truyền lệnh tống giam tên trộm thứ hai vậy.
Bằng cách này, ba loại bất thiện tầm là: dục tầm, sân tầm và hại tầm đã vây chặt tâm vị ấy, không cho vị ấy có cơ hội để thoát ra, giống như cây to bị vây hãm bởi những cây dây leo hay như người lấy mật ong bị chích bởi đàn ong.
Rồi trưởng lão Meghiya suy xét: “Ôi! Thật là lạ kỳ. Ôi! Thật là khác thường. Ta đã từ bỏ thế gian và đã gia nhập vào Tăng chúng bằng đức tin (saddhā) thế mà ta còn bị quấy nhiễu bởi ba loại bất thiện tầm gồm dục tầm, sân tầm và hại tầm.”
Vì bị vây hãm bởi ba loại bất thiện tầm khắp các phía, nên trưởng lão không thể làm điều thích hợp với pháp thiền. Trưởng lão tự nghĩ: “Chắc chắn do thấy trước điều này mà Đức Thế Tôn đã ngăn cản ta. Ta phải bạch lại vấn đề này với bậc Đạo sư.” Vị ấy đứng dậy rồi đi đến tịnh xá trên ngọn đồi Cātika nơi Đức Phật đang cư ngụ. Sau khi đảnh lễ Đức Phật rồi ngồi xuống một nơi thích hợp và kể lại những điều đã xảy ra với vị ấy rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Ba loại ác, bất thiện tầm gồm dục tầm, sân tầm và hại tầm đã sanh khởi nhiều lần liên tục trong tâm của con khi con đang ngồi trong khu rừng xoài ấy (do những bất thiện tầm này luôn khởi sanh nên con mới suy xét: “Ôi! Thật là kỳ lạ! Ôi! Thật là khác thường. Ta là người đã từ bỏ thế gian và gia nhập Tăng chúng bằng đức tin, thế mà ta lại bị quấy nhiễu bởi ba loại ác, bất thiện tầm là dục tầm, sân tầm và hại tầm.” )
Ở đây, một câu hỏi có thể được nêu lên: “Tại sao Đức Phật cho phép đại đức Meghiya đi đến khu rừng xoài?” Vì Ngài biết rằng đại đức Meghiya cũng sẽ đi dù Ngài không cho phép. Nếu bị ngăn cản, vị ấy sẽ nghĩ sai và hiểu lầm rằng: “Đức Phật không cho phép ta vì Ngài chỉ muốn một điều là sự hầu hạ của ta.” Đức Phật cũng biết rằng: “Nếu Meghiya hiểu lầm như vậy thì đó là sự tổn thất và đau khổ lâu dài cho vị ấy.” Vì vậy mà Ngài cho phép.
Khi trưởng lão Meghiya kể xong điều đã xảy đến với mình, vị ấy ngồi xuống. Đức Phật muốn thuyết cho vị ấy một thời pháp thích hợp bèn nói rằng (theo nguyên văn của bài kinh) “Aparipakkāya Meghiya ceto vimuttiyā pañca dhammā paripakkāya saṃvattanti - Này Meghiya! Có năm yếu tố dẫn đến giải thoát tâm khỏi các phiền não đã chín muồi,” v.v… (Bài kinh đầy đủ về pháp thoại này có thể được tìm thấy trong bộ Udāna. Tuy nhiên, trong bộ sách này chỉ nêu ra điểm chính mà thôi).
“Này Meghiya! Năm yếu tố sau đây làm cho tâm giải thoát chưa chín muồi được chín muồi:
(1) Thân cận bạn tốt.
(2) Có giới trong sạch.
(3) Lắng nghe và quán xét về mười loại lời nói:
(a) lời nói liên quan đến thiểu dục,
(b) lời nói liên quan đến tri túc,
(c) lời nói liên quan đến sự yên tĩnh,
(d) lời nói liên quan đến sự viễn ly,
(e) lời nói liên quan đến tinh tấn,
(f) lời nói liên quan đến giới,
(g) lời nói liên quan đến định,
(h) lời nói liên quan đến Tuệ,
(i) lời nói liên quan đến Đạo, Quả và Niết bàn,
(j) lời nói liên quan đến Tuệ Minh Sát.
(4) Có sự tu tập tinh tấn.
(5) Có trí tuệ về tánh chất sanh diệt của các pháp.
“Này Meghiya! Đây là năm yếu tố, mà chỉ khi nào người ta kết hợp với bạn tốt là yếu tố thứ nhất thì người ấy mới có thể đạt được bốn yếu tố còn lại.
Này Meghiya! Sau khi tự mình an trú trong năm yếu tố kể trên, thì vị hành giả tỳ khưu (yogāvacara) phải đi đến giai đoạn kế để tu tập bốn pháp: (a) vị ấy phải tu tập pháp niệm về các pháp bất tịnh (asubha) để đoạn diệt tham ái (rāga), (b) vị ấy phải tu tập về pháp niệm về hơi thở vô, hơi thở ra (ānāpānassati) để đoạn diệt các tầm, và (d) vị ấy phải tu tập tưởng vô thường (anicca-sañña) để đoạn diệt ngã mạn (māna).
Thực vậy, này Meghiya! Đối với người tưởng vô thường, thì vô ngã tưởng (anatta-sañña) sẽ hiện bày, người tu tập vô ngã tưởng có thể loại trừ ngã mạn và chứng ngộ Niết bàn ngay trong kiếp hiện tại này.”
Khi biết rõ điều này, Đức Phật bèn thốt lên hai câu kệ cảm hứng:
1) Khuddā vitakkā sukhumā vittakkā. anugatā manaso uppilāvā. Ete avidvā manaso vitakke. hurā huraṃ dhāvāti bhantacitto.
Những ý nghĩ nhỏ nhặt và những ý nghĩ vi tế theo tâm và làm cho nó nghịch ngợm. Người không hiểu được những ý nghĩ này thì tâm không ổn định và trôi lăn từ cảnh này đến cảnh khác.
2) Ete ca vidvā manaso vitakke. ātāpiyo saṃvarati satimā. Anugate manaso uppitāve. asesam ete pajahāsi Buddho.
Khi biết rõ những ý nghĩ này, vị Thánh đệ tử (Sutabuddhu) có tinh tấn để đốt cháy các phiền não và có chánh niệm, khả năng ngăn chặn các ý nghĩ đi theo tâm đã khiến tâm rối rắm. Vị thánh đệ tử thấu hiểu Tứ Đế, có khả năng đoạn tận dục tầm và những ý nghĩ khác.
Bài kinh này thuộc bộ Chú giải Pháp cú như sau: Trưởng lão Meghiya quay về với Đức Phật vì vị ấy bị vướng phải ba bất thiện tầm và không thể hành thiền trong khu rừng xoài ấy.
Đức Phật dạy rằng: “Ngươi đã làm điều sái quấy trầm trọng, ngươi đã bỏ Như Lai ở lại một mình dù Như Lai đã yêu cầu ngươi ‘Hãy đợi, này Meghiya! Lúc này Như Lai ở một mình, vậy hãy đợi đến khi có người khác đến thay thế.’ Một vị tỳ khưu không nên buông xuôi theo ước muốn của tâm. Tâm rất nhẹ và nhanh. Ngươi nên cố gắng giữ nó trong sự kiểm soát của mình”.
Đức Phật đọc lên hai câu kệ:
Phandānaṃ capalaṃ cittaṃ, dūrakkhaṃ dunnivārayaṃ. Ujuṃ karoti medhāvī, usukāro’ va tejanaṃ.
“Này Meghiya! Giống như người thợ làm tên dũng cảm, làm cho cây tên được ngay thẳng bằng cách hơ nóng nó. Cũng vậy, người có tuệ quán có thể làm cho tâm được thẳng bằng cách hơ nóng nó trên ngọn lửa tinh tấn, cả thân lẫn tâm. Tâm có thể bị kích thích bởi sáu cảnh như sắc, thinh, v.v… nó không ổn định, lại hay thay đổi trong một cảnh, không thể ở yên trong một cảnh thích hợp và như vậy khó kiểm soát, khó có thể ngăn chặn để nó đừng trôi lăn trong những cảnh không thích hợp. ”
Vāriyo’va thale khito, okamokata ubbhato, Pariphundi’ daṃ cittaṃ, māradheyyaṃ pahātave.
“Này Meghiya! Cũng như con cá ở dưới nước khi bị đem ra khỏi nước và bị ném lên đất khô, nó không ngừng nhảy lung tung. Cũng vậy, tâm tìm kiếm khoái lạc trong năm cảnh (khi bị đem ra khỏi khoảng rộng mênh mông của dục lạc và bị ném lên đất khô là pháp thiền Vipassanā) nó trôi lăn không ngừng cho đến chết vì nó bị đặt ra ngoài năm cảnh dục và bị hơ nóng bởi bốn loại tinh tấn trong pháp thiền thiêu đốt.”
Vào lúc kết thúc những câu kệ này, đại đức Meghiya được an trú trong quả thánh Nhập Lưu. Nhiều chúng sanh khác cũng chứng đắc các tầng thánh tương tự hoặc cao hơn.
Sau khi trải qua mùa an cư kiết hạ thứ mười ba tại tịnh xá trên đồi Cālika gần thị trấn Cālika và tế độ cho những chúng sanh hữu duyên bằng những bài pháp thoại như Meghiya sutta, v.v… giống như đã được trình bày ở trên, và Ngài ở lại đó sau mùa an cư chừng nào còn những chúng sanh hữu duyên để tế độ. Đức Phật lên đường để mang nước mát Bất Tử đến cho nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Cuối cùng, Ngài an cư hạ thứ mười bốn ở tịnh xá Jetavana, kinh thành Sāvatthi.
Lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta cùng với những tỳ khưu tùy tùng đi đến đại tịnh xá nọ trong huyện lỵ và trải qua mùa an cư. Dân chúng đến viếng đại trưởng lão (Mahāthera) và hứa với ngài sẽ dâng cúng nhiều y cho mùa an cư (vassa).
Sau khi làm lễ Pavāraṇā vào cuối mùa an cư, vì muốn viếng Đức Phật ngay cả trước khi vassa chưa kết thúc, trưởng lão bèn nói với các vị tỳ khưu rằng: “Thưa các hiền giả! Khi các vị thiện tín đem y đến cho các vị Sa-di và những tỳ khưu trẻ thì hãy nhận lãnh và gửi đến cho tôi. Hoặc cất kỹ chúng và nhắn tin cho tôi.” Sau khi nói như vậy, trưởng lão lên đường đến viếng thăm Đức Phật.
Khi trưởng lão đến Sāvatthi, nhiều vị tỳ khưu xì xào bán tán với nhau rằng: “Thưa các hiền giả! Trưởng lão Sāriputta xem ra vẫn còn tham? Đó là lý do khiến vị ấy đi đến Đức Thế Tôn chỉ sau khi nói với các vị tỳ khưu ở đó rằng ‘Thưa các hiền giả! Khi các vị thiện tín đem y cho các vị Sa-di và những tỳ khưu trẻ thì hãy nhận và gửi đến cho tôi. Hoặc cất kỹ chúng và nhắn tin cho tôi.’ ”
Khi Đức Phật đi đến chỗ hội họp của các vị tỳ khưu, Ngài hỏi rằng: “Này các tỳ khưu! Các người đang bàn chuyện gì thế?” Khi các vị tỳ khưu trả lời rằng họ đang bàn luận về vấn đề như vậy thì Đức Phật nói rằng: "Này các tỳ khưu! Con trai của Như Lai là Sāriputta không còn chút tham nhỏ nhặt nào. Quả vậy, vị ấy căn dặn những đệ tử của vị ấy, vì vị ấy tự nghĩ rằng ‘Mong rằng các việc phước của thiện tín không bị suy giảm, mong rằng sự có được y một cách chân chánh dành cho những vị tỳ khưu trẻ và Sa di không suy giảm.’” Sau đó Ngài đọc lên câu kệ sau:
Āsā yassa na vijjanti, asmim loke paramhi ca Nirāsāsaṃ visaṃyuttaṃ, tam ahaṃ brūmi brāhmaṇaṁ.
“Này các tỳ khưu! Trong dòng tâm của bậc A-la-hán, lậu hoặc đã đoạn tận, ái dục đeo bám theo các pháp không tồn tại, ngay cả ít chút cũng không có. Trong thế gian này cũng như trong thế gian tới, vì nó đã bị phá tan và đoạn tận bằng trí tuệ của bốn Đạo theo cách samuccheda-pahāna. Vị A-la-hán lậu hoặc đã hết, hoàn toàn thoát khỏi 108 ái dục và xa lìa hết thảy phiền não. Người ấy Như Lai gọi là Bà-la-môn thật sự.”
Vào lúc kết thúc thời pháp, có rất nhiều chúng sanh được chứng đắc quả thánh Nhập Lưu và những tầng thánh khác.
Đây là câu chuyện về trưởng lão Sāriputta (được trích từ phẩm Brahmana vagga của bộ Chú giải Pháp cú).
Cũng như đại đức Sāriputta bị các vị tỳ khưu hiểu lầm khi cho rằng trưởng lão xem ra vẫn còn tham. Đại đức Moggalāna có lần cũng bị hiểu lầm như vậy. Câu chuyện của đại đức Moggallāna cũng tương tự như câu chuyện của trưởng lão Sāriputta. Điều khác biệt trong trường hợp của đại đức Moggallāna là sau khi quả quyết rằng trong vị ấy không còn tham, Đức Phật đã đọc lên một câu kệ khác:
Yassālayā na vijjanti aññāya akatham kathī. Amatogadham anuppattaṁ, tam ahaṃ brūhi brāhmaṇaṁ.
(Này các tỳ khưu!) Trong dòng tâm của bậc A-la-hán, lậu hoặc đã đoạn tận, ái dục đeo bám theo các pháp không còn tồn tại, ngay cả chút xíu cũng không có. Trong thế gian này cũng như trongg thế gian tới, vì nó đã bị phá tan và đoạn tận bằng trí tuệ của bốn Đạo theo cách samuccheda-pahāna. Sau khi hiểu rõ Tam Bảo, ba pháp học và mười hai nhân duyên trong bản chất chân thật của chúng, vị ấy thoát khỏi hoài nghi.Vị A-la-hán lậu hoặc đã hết, đã tiến sâu vào Niết bàn bất tử và đã chứng đắc Đạo quả A-la-hán. Người ấy Như Lai gọi là Bà-la- môn thật sự.
Vào lúc kết thúc thời pháp, có rất nhiều chúng sanh được chứng đắc quả thánh Nhập lưu và những tầng thánh khác (Dhammapāda).
Cūla-Rāhulovāda
Đức Phật khi đang trú ngụ tại Jetavana, Sāvatthi sau khi trải qua mùa an cư hạ thứ mười bốn trong kinh thành ấy. Lúc bấy giờ, Rāhula vừa tròn hai mươi tuổi và mới trở thành vị tỳ khưu chưa trải qua hạ nào.
Một hôm, vào lúc sáng sớm khi Đức Phật dò xét thế giới chúng sanh thì một ý nghĩ xảy đến với Ngài như vậy: “Mười lăm yếu tố dẫn đến Đạo quả A-la-hán (Vimutti-paripācañya-dhamma) giờ đây đã chín muồi trong Rāhula. Nếu Như Lai giáo giới tế độ cho Rāhula thì nó sẽ tiến một bước xa hơn là chứng đắc Đạo quả A-la-hán.”
Ở đây, mười lăm yếu tố dẫn đến Đạo quả A-la-hán là:
1. Tránh xa những người không có đức tin.
2. Thân cận với những người có đức tin.
3. Suy xét về những bài kinh làm khởi sanh đức tin (ba yếu tố liên quan đến saddhā).
4. Tránh xa những kẻ lười biếng.
5. Thân cận với những người siêng năng, tinh tấn.
6. Quán xét những bài kinh làm khởi sanh tinh tấn (ba yếu tố liên quan đến viriya).
7. Không thân cận với những người không có Chánh niệm.
8. Thân cận với những người có Chánh niệm.
9. Quán xét những bài kinh làm khởi sanh Niệm xứ. (ba yếu tố liên quan đến sati).
10. Không thân cận với những người có tâm không tập trung.
11. Thân cận với những người có tâm tập trung.
12. Quán xét những bài kinh bàn đến việc làm khởi sanh định ( ba yếu tố liên quan đến samādhi).
13. Không thân cận với những người thiểu trí.
14. Thân cận với những người có trí.
15. Quán xét những bài pháp cao siêu (có ba yếu tố liên quan đến paññā).
Ngoài ra, năm quyền (indriya) đó là : tín (saddhā), tấn (vīriya), niệm (sati), định (samādhi), tuệ (paññā). Ngũ thuận quyết trạch phần tưởng, năm pháp tưởng về sự nhàm chán (nibbedhahāgiya-saññā), Xả ly tưởng (pahāna-saññā), Ly tham tưởng (virāga-saññā), Vô thường tưởng (anicca-saññā), Khổ tưởng (dukkha-saññā), Vô ngã tưởng (anatta-saññā). Năm yếu tố thuyết trong bài kinh được thuyết đến đại đức Meghiya đó là: thân cận với bạn tốt, có giới, nghe và quán về mười loại lời nói chơn chánh, tinh tấn đã được tu tập, và có trí tuệ về tính chất sanh diệt của các pháp (udayabbhaya-saññā). Đây cũng là mười lăm yếu tố của sự giải thoát .
Sau khi nuôi dưỡng ý nghĩ này, Đức Phật bèn đi vào kinh thành Sāvatthi vào buồi sáng để khất thực, và khi độ thực xong Ngài ra đi khỏi chỗ thí thực và nói với Rāhula: “Này Rāhula! Hãy đem theo tọa cụ và chúng ta đi đến khu rừng Andha để nghỉ ngơi ở đó trong ngày hôm nay.” Đại đức Rāhula đáp: “Vâng, thưa Đức Thế Tôn.” Rồi vị ấy mang tọa cụ đi theo Đức Phật.
Lúc bấy giờ, hàng ngàn chư thiên và Phạm thiên (đã có nguyện vọng thành đạt những pháp chứng cùng với Palita, chúa rồng (hiện tại là Rāhula) trước mặt Đức Phật Padumuttara cách đây một trăm ngàn đại kiếp) cũng xếp hàng theo sát Đức Phật với niềm tin rằng: “Đức Thế Tôn sẽ giáo hóa đến Rāhula để vị ấy tiến một bước xa hơn đến chỗ chứng đắc đạo quả A-la-hán.”
Ở đây, hàng ngàn chư thiên và Phạm thiên ấy đã phát nguyện cách đây một trăm ngàn đại kiếp, họ chờ đợi và hỏi nhau rằng: “Khi nào sự giáo hóa của Đức Thế Tôn sẽ xảy ra đến Rāhula chứng đắc đạo quả A-la-hán như là một bước tiến xa hơn?” Đức Phật nghĩ sẽ giáo huấn Rāhula vì Ngũ quyền của vị ấy: tín, tấn, v.v… đã thuần thục.
Ở đây, một bài giới thiệu ngắn về khu rừng Andha gần kinh thành Sāvatthi sẽ được tái tạo từ bài kinh Vammika của cuốn II bộ Mūlapaṇṇāsa.
Khu rừng nổi danh là Andhavana vào những thời kỳ của hai vị Phật, Phật Kassapa và Đức Phật của chúng ta.
Giải thích: Xá lợi của những vị Phật có thọ mạng ngắn không thành một khối. Theo nguyện vọng của các Ngài, những Xá lợi ấy được phân tán ra. Đức Phật của chúng ta, bậc có thọ mạng ngắn đã suy xét như vầy: “Ta sẽ không tồn tại lâu, vì thọ mạng của Ta ngắn nên chỉ có một số ít chúng sanh có khả năng gặp được. Chúng sanh có số lượng nhiều hơn không kể xiết thì không có cơ hội gặp được Ta. Họ sẽ mang Xá lợi của Ta đến nhiều nơi khác nhau để tôn thờ và được sanh về thiên giới.” Đức Phật đã nguyện ngay trước khi Ngài viên tịch Parinibbāna: “Nguyện cho Xá lợi của Ta được phân tán đi nhiều nơi.” (Thế nên Xá lợi của Đức Phật mới được phân tán như vậy).
Tuy nhiên, Xá lợi của những vị Phật có thọ mạng lâu dài thì thành một khối như vàng rắn. Đức Phật Kassapa (ra đời trong thời kỳ thọ mạng chúng sanh là hai mươi ngàn tuổi) có thọ mạng lâu dài, Xá lợi của Ngài tụ lại thành khối cứng. Khi ấy mọi người bàn với nhau rằng: “Xá lợi tụ lại thành khối cứng, không thể phân tán ra, chúng ta phải làm sao với Xá lợi ấy?” Sau khi bàn bạc với nhau, họ quyết định xây dựng một bảo tháp đặc biệt. Họ nhất trí rằng nên làm bảo tháp cao một do tuần và chu vi của bảo tháp cũng vậy. Khi bàn về gạch và xi măng, họ quyết định lát những viên gạch bằng vàng, mỗi viên trị giá một trăm ngàn ở mặt ngoài, những viên gạch bằng vàng trị giá năm chục ngàn ở mặt bên trong. Vật liệu lỏng làm bằng realger và orpiment và dầu. Có bốn cổng, (1) một cổng dành cho đức vua, (2) một cổng dành cho thái tử Pathavindhara, (3) một cổng dành cho các quan, và (4) một cổng dành cho mọi người do vị thương nhân dẫn đầu để xây dựng bảo tháp.
Trong bốn nhóm này, ba nhóm đầu là những người có tài sản, bởi vậy họ lấy vàng của họ và khởi công ba công trình này. Nhưng có sự chậm trễ trong công việc của nhóm cuối cùng, bởi vì những thành viên trong nhóm ấy không đủ tài sản. Khi ấy, một người thiện nam thông thuộc Tam Tạng và đã chứng đắc tầng Thánh A-na-hàm tên Yasorata; khi biết sự chậm trễ của công trình, vị ấy bèn sửa soạn năm trăm cỗ xe và đi quanh khắp nước kêu gọi dân chúng tham gia vào việc phước.
“Thưa bà con cô bác! Đức Phật Kassapa đã viên tịch Đại Niết Bàn sau khi tồn tại như ngọn núi vàng vĩ đại trải qua hai mươi ngàn năm. Đại bảo tháp có kích thước lớn một do tuần để tôn trí Xá lợi của Đức Phật đang được xây dựng. Xin bà con hãy đóng góp bất cứ thứ gì mà bà con có thể đóng góp được dù là vàng bạc, ngọc thuộc bảy loại realgar hoặc orpiment”.
Dân chúng hoan hỷ đóng góp vàng bạc và những thứ khác theo khả năng của họ. Những người không có khả năng thì đóng góp bằng cách cho gạo, dầu, v.v…
Vị thiện nam A-na-hàm Yasorata cho gửi đi các thứ gạo, dầu, các loại đậu, v.v… để làm lương thực dự trữ cho công nhân, vị ấy mua vàng bằng những thứ còn lại, mua bán trao đổi. Bằng cách này, trong khi rảo quanh khắp xứ Jambudīpa, vị ấy nhận được những sự bố thí và gửi về xây dựng bảo tháp.
Khi công trình được xây dựng xong, các vị bô lão nơi xây dựng bảo tháp nhắn tin đến vị ấy rằng: “Công trình xây dựng bảo tháp đã được hoàn tất, thưa ông chủ! Xin ông hãy đến làm lễ cúng dường bảo tháp.” Vị thiện nam cũng gửi lại một bức thư với nội dung là: “Tôi đã động viên và làm cho toàn xứ Jambudīpa được an trú trong thiện phước. Hãy cố gắng hoàn thành bảo tháp bằng cách dùng bất cứ cái gì có thể làm được.” Hai bức thư gặp nhau ở giữa đường, nhưng bức thư từ chỗ bảo tháp đến vị thiện nam chậm hơn.
Sau khi đọc lá thư, vị thiện nam nghĩ rằng: “Ta sẽ đến làm lễ bảo tháp.” Và một mình lên đường đi đến bảo tháp. Trên đường đi, năm trăm tên cướp đang gây khiếp sợ trong một khu rừng, một số trong bọn chúng thấy vị thiện nam và nói với những tên cướp khác: “Ông già này đã quyên góp vàng và bạc từ khắp xứ Jambudīpa. Những hủ vàng giờ đây đang tiếp tục gởi đến,” và chúng bắt lấy vị thiện nam.
Khi ấy, vị thiện nam hỏi: “Này các cậu ! Tại sao các cậu lại bắt tôi ?” Các tên cướp đáp lại: “Ông đã quyên góp rất nhiều vàng và bạc từ khắp xứ Jambudīpa. Ông hãy cho chúng tôi mỗi thứ một ít từ số vàng bạc ấy.”
“Này các chàng trai! Vậy các ngươi không biết rằng Đức Phật Kassapa đã viên tịch Đại Niết Bàn rồi sao? Một đại bảo tháp kích thước một do tuần được xây dựng để tôn trí Xá lợi của Đức Phật. Vì bảo tháp to lớn ấy mà tôi đã cố gắng khuyến khích mọi người tham gia vào việc phước, bất cứ thứ gì ta nhận được đều gửi đến cho công trình xây bảo tháp. Ta chẳng có gì cả dù một vật chỉ đáng một xu ngoài bộ y phục trên thân ta.” Khi ấy, một số tên cướp nói rằng: " Điều người thiện lành này nói đúng, chúng ta hãy thả ông ta.” Nhưng những tên khác quả quyết rằng: “Người này được vua cũng như các quan tôn kính, nếu ông ta gặp bất cứ ai trên đường phố mà kể lại vấn đề thì chúng ta sẽ bị họa.” Đó là ý kiến của những tên cướp không muốn cho ông ta đi.
Yasorata, vị thiện nam chứng quả A-na-hàm bèn cam kết với họ rằng: “Này các bạn trẻ! Ta sẽ không gây phiền phức đến các bạn đâu.” (Vị ấy nói như vậy vì lòng bi mẫn đối với những tên cướp chứ vì không tham luyến cuộc sống của ông ta). Một cuộc tranh cãi xảy ra, một bên muốn tiếp tục giam giữ vị ấy, một bên muốn thả vị ấy đi. Cuối cùng, ý kiến của phe trước chiếm ưu thế, áp đảo ý kiến của phe sau và vị thiện nam bị giết chết.
Ngay lúc ấy chúng đã phạm một trọng tội là giết chết một người có giới đức to lớn là bậc thánh A-na-hàm nên đôi mắt của những tên cướp bỗng nhiên bị mù như ngọn đèn cũ bị tắt. Năm trăm tên cướp đi lại dùng tay sờ soạn chỗ này chỗ kia và mỗi người trong bọn chúng kêu than rằng: “Đôi mắt của tôi đâu rồi.” Một số người thì được quyến thuộc dẫn về nhà của chúng. Còn số còn lại không có quyến thuộc thì sống trong sự đau khổ dưới những chòi lá, những cội cây trong rừng.
Những người đi rừng đem lòng thương xót những tên cướp bị mù và đem cho chúng cơm, những gói đồ ăn và những loại vật thực (tùy theo khả năng của họ). Một số đi hái rau và khi trở về, người ta hỏi: “Này các bạn đã đi đâu vậy?” Họ đáp: “Chúng tôi đã đến khu rừng của những người mù (andhavana).”
Do vậy, khu rừng nổi danh là andhavana suốt thời gian của hai vị Phật. Điểm đặc biệt là nó ở gần một châu quận hoang vắng trong thời của Đức Phật Kassapa. Tuy nhiên, trong thời kỳ của Đức Phật chúng ta, khu rừng này nằm ở sau lưng của tịnh xá Jetavana gần kinh đô Sāvatthi, giống như một khu vực để tu thiền nơi mà các thiện nam tử muốn tránh xa năm cảnh dục. Đây là bài nói về khu rừng của những tên cướp mù.
Bấy giờ, Đức Phật đi vào khu rừng Andhavana và ngồi trên chỗ đã được soạn sẵn bởi đại đức Rāhula dưới một cội cây. Và đại đức Rāhula sau khi đảnh lễ Đức Phật cũng ngồi xuống một nơi thích hợp. Khi đại đức Rāhula đã ngồi xuống, Đức Phật bèn thuyết bài pháp sau đây.
1) Đức Phật: “Này Rāhula! Con nghĩ thế nào về điều Như Lai sắp hỏi con? Sắc được gọi là con mắt, vô thường hay thường?”
Rāhula: “Bạch Đức Thế Tôn! Là Vô thường.”
Đức Phật: “Sắc là vô thường được gọi con mắt ấy là bất toại nguyện hay toại nguyện?”
Rāhula: “Bạch Đức Thế Tôn! Là bất toại nguyện.”
Đức Phật: “Sắc được gọi là con mắt có tánh chất hay thay đổi, vô thường và bất toại nguyện ấy có nên lầm lạc (bởi ái dục) mà cho rằng là ‘của ta’ (etam mama), ‘ta’ (eso’ham asmi), và (do tà kiến) mà cho rằng ‘ngã của ta’ (eso me attā) không?”
Rāhula: “Thưa không, bạch Đức Thế Tôn.”
2) Đức Phật: “Này Rāhula! Con nghĩ thế nào về điều Như Lai sắp hỏi con? Sắc này hoặc sắc kia được gọi là ‘cảnh sắc’ là thường hay vô thường?”
Rāhula: “Bạch Đức Thế Tôn! Là vô thường!”
Đức Phật: “Sắc vô thường mà được gọi là ‘cảnh sắc’ là toại nguyện hay bất toại nguyện?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là bất toại nguyện.”
Đức Phật: “Này Rāhula! Sắc này hay sắc kia có tánh vô thường hay thay đổi mà được gọi là ‘cảnh sắc’ có nên (do ái dục) mà lầm lạc cho rằng là ‘của ta’, (do ngã mạn) cho là ‘ta’, (do tà kiến) mà cho rằng là ‘tự ngã của ta?”
Rāhula: “Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!”
3) Đức Phật: “Này Rāhula! Con nghĩ thế nào về điều Như Lai sắp hỏi con? Nhãn thức (cakkhu-viññāna) là vô thường hay thường?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là vô thường!”
Đức Phật: “Nhãn thức vô thường là toại nguyện hay bất toại nguyện?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là bất toại nguyện.”
Đức Phật: “Nhãn thức là vô thường, có tánh cách thay đổi và bất toại nguyện có nên (do ái dục) làm lạc cho đó là ‘ta’, (do mạn) cho là ‘của ta’, (do tà kiến) cho là ‘tự ngã của ta’ không?”
Rāhula: “Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!”
4) Đức Phật: “Này Rāhula! Con nghĩ thế nào về điều Như Lai sắp hỏi con? Nhãn xúc (cakkhu-samphassa) là thường hay vô thường?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là vô thường.”
Đức Phật: “Này Rāhula! Nhãn xúc là vô thường có tánh cách toại nguyện hay bất toại nguyện?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là bất toại nguyện.”
Đức Phật: “Này Rāhula! Nhãn xúc vô thường, có tánh cách hay thay đổi và bất toại nguyện có nên (do ái dục) cho là ‘ta’, (do mạn) cho là ‘của ta’, (do tà kiến) cho là ‘tự ngã của ta’ không?”
Rāhula: “Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!”
5) Đức Phật: “Này Rāhula! Con nghĩ thế nào về điều Như Lai sắp hỏi con? Bốn uẩn là thọ uẩn (vedanā), tưởng uẩn (saññā), hành uẩn (saṇkhārā), và thức uẩn (viññāna) nương vào nhãn xúc mà sanh lên là vô thường hay thường?”
Rāhula: “Bạch Đức Thế Tôn! Là vô thường.”
Đức Phật: “Này Rāhula! Bốn uẩn có tánh cách vô thường là bất toại nguyện hay toại nguyện?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là bất toại nguyện.”
Đức Phật: “Này Rāhula! Bốn uẩn là vô thường, có tánh hay thay đổi và bất toại nguyện có nên (do ái dục) cho là ‘ta’, (do mạn) cho là ‘của ta’, (do tà kiến) cho là ‘tự ngã của ta’ không?”
Rāhula: “Thưa không, bạch Đức Thế Tôn.”
Đây là giáo lý về năm chi pháp liên quan đến con mắt (cakkhu- pañcaka)
1) Đức Phật: “Này Rāhula! Con nghĩ thế nào về điều Như Lai sắp hỏi con? Sắc thần kinh nhĩ là vô thường hay thường?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là vô thường”. Đây là giáo lý nói về năm chi pháp liên quan đến tai (sota-pañcaka).
Đức Phật: “Này Rāhula! Con nghĩ thế nào về điều Như Lai sắp hỏi con? Sắc thần kinh tỷ là vô thường hay thường?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là vô thường”. Đây là giáo lý về năm chi pháp liên quan đến mũi (ghāna-pañcaka).
Đức Phật: “Này Rāhula! Con nghĩ thế nào về điều Như Lai sắp hỏi con? Sắc thần kinh thiệt là thường hay vô thường?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là vô thường”. Đây là giáo lý về năm chi pháp liên quan đến lưỡi (jivhā-pañcaka).
Đức Phật: Này Rāhula! Con nghĩ thế nào về điều Như Lai sắp hỏi con? Sắc thần kinh thân là thường hay vô thường?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là vô thường”. Đây là giáo lý về năm chi pháp liên quan đến thân (kāya-pañcaka).
Đức Phật: “Này Rāhula! Con nghĩ thế nào về điều Như Lai sắp hỏi con? Ý là thường hay vô thường?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là vô thường.”
Đức Phật: “Ý có tánh vô thường là toại nguyện hay bất toại nguyện?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là bất toại nguyện.”
Đức Phật: “Này Rāhula! Ý có tánh vô thường, hay thay đổi và bất toại nguyện có nên (do ái dục) cho là ‘ta’, (do mạn) cho là ‘của ta’, (do tà kiến) cho là ‘tự ngã của ta’ không?”
Rāhula: “Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!”
2) Đức Phật: “Này Rāhula! Con nghĩ thế nào về điều Như Lai sắp hỏi con? Danh sắc được gọi là cảnh pháp (dhammā rammaṇa) là thường hay vô thường?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là vô thường.”
Đức Phật: “Này Rāhula! Cảnh pháp vô thường là toại nguyện hay bất toại nguyện?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là bất toại nguyện.”
Đức Phật: “Này Rāhula! Cảnh pháp vô thường, hay thay đổi và bất toại nguyện có nên (do ái dục) cho là ‘ta’, (do mạn) cho là ‘của ta’, (do tà kiến) cho là ‘tự ngã của ta’ không?”
Rāhula: “Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!”
3) Đức Phật: “Này Rāhula! Con nghĩ thế nào về điều Như Lai sắp hỏi con? Ý thức (mano-viññāna) là vô thường hay thường?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là vô thường.”
Đức Phật: “Này Rāhula! Ý thức có tánh vô thường là toại nguyện hay bất toại nguyện?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là bất toại nguyện.”
Đức Phật: “Này Rāhula! Ý thức có tánh vô thường, hay thay đổi và bất toại nguyện có nên (do ái dục) cho là ‘ta’, (do mạn) cho là ‘của ta’, (do tà kiến) cho là ‘tự ngã của ta’ không?”
Rāhula: “Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!”
4) Đức Phật: “Này Rāhula! Con nghĩ thế nào về điều Như Lai sắp hỏi con? Ý xúc (mano-samphassa) là thường hay vô thường?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là vô thường.”
Đức Phật: “Này Rāhula! Ý xúc có tánh vô thường là toại nguyện hay bất toại nguyện?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là bất toại nguyện. ”
Đức Phật: “Này Rāhula! Ý xúc có tánh vô thường, hay thay đổi có nên (do ái dục) cho là ‘ta’, (do mạn) cho là ‘của ta’, (do tà kiến) cho là ‘tự ngã của ta’ không?”
Rāhula: “ Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!”
5) Đức Phật: “Này Rāhula! Con nghĩ thế nào về điều Như Lai sắp hỏi con? Bốn Danh uẩn là thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn sanh lên từ ý xúc là thường hay vô thường?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là vô thường”.
Đức Phật: “Này Rāhula! Bốn Danh uẩn có tánh vô thường là bất toại nguyện hay toại nguyện?”
Rāhula: “ Bạch Đức Thế Tôn! Là bất toại nguyện”.
Đức Phật: “Này Rāhula! Nếu bốn Danh uẩn có tánh vô thường, hay thay đổi và bất toại nguyện thì có nên (do ái dục) cho là ‘ta’, (do mạn) cho là ‘của ta’, (do tà kiến) cho là ‘tự ngã của ta’ không?”
Rāhula: “Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!” Đây là giáo lý về năm chi pháp liên quan đến ý (mano-mañcaka).
Bài pháp được thuyết bằng cách hỏi ba lần để ba tánh chất vô thường, khổ và vô ngã có thể trở nên rõ ràng, bài pháp như vậy gọi là ‘Teparivaṭṭa dhamma desanā’.
Kết luận: “Này Rāhula! Khi một vị đệ tử có trí của Như Lai nhìn thấy như vậy, người ấy trở nên nhàm chán sắc thần kinh thân, người ấy nhàm chán cảnh sắc, người ấy nhàm chán nhãn thức, người ấy nhàm chán nhãn xúc, người ấy nhàm chán bốn danh uẩn như thọ, tưởng, hành, thức sanh lên từ nhãn xúc, người ấy nhàm chán thần kinh nhĩ, người ấy nhàm chán các âm thanh, … người ấy nhàm chán sắc thần kinh tỷ, người ấy nhàm chán các mùi, … người ấy nhàm chán sắc thần kinh thiệt, người ấy nhàm chán các loại vị,… người ấy nhàm chán sắc thần kinh thân, người ấy nhàm chán các loại xúc,… người ấy nhàm chán ý, người ấy nhàm chán các cảnh pháp, người ấy nhàm chán ý thức, người ấy nhàm chán ý xúc, người ấy nhàm chán bốn loại danh uẩn sanh lên từ ý xúc. Do nhàm chán, người ấy hết luyến ái, do hết luyến ái người ấy thoát khỏi phiền não. Do thoát khỏi phiền não người ấy biết bằng sự suy xét rằng ‘Ta đã thoát khỏi phiền não.’ Người ấy có được trí tuệ qua sự quán xét liên tục như vầy: ‘Sự tái sanh đối với ta đã hết, pháp hành cao quý đã được làm xong, phận sự đối với đạo đã được làm rồi. Chẳng còn điều gì phải làm đối với đạo.” Khi Đức Phật thuyết xong bài kinh Cūla Rāhulovada thì đại đức Rāhula được an trú trong đạo quả A-la-hán.
Trong số hàng ngàn chư thiên và Phạm thiên có một số chứng đắc đạo quả Nhập lưu, một số chứng đắc Nhất lai, một số chứng đắc Bất lai, một số chứng đắc A-la-hán (tùy theo Pāramī của họ).
Một hôm, khi đêm xuống, một số đông trưởng lão đi vào Kỳ viên tịnh xá thăm viếng chỗ ngụ của đại đức Rāhula và ngồi vào chỗ của họ. Vì Rāhula là một vị tỳ khưu nhỏ hạ nên vị ấy không thể ngăn cản các vị trưởng lão đừng ngồi trong chỗ ngụ của vị ấy; đại đức phải tìm kiếm một chỗ ngụ khác. Cuối cùng không tìm thấy chỗ ngụ nào, đại đức đành phải nằm ở lối vào Hương phòng của Đức Phật. Lúc bấy giờ vị tỳ khưu trẻ Rāhula vừa mới chứng đắc đạo quả A-la-hán nhưng chưa hoàn tất mùa an cư của một vị tỳ khưu.
Từ cõi trời Tha hoá tự tại (Vasavatti), nơi ngụ của Ma vương (Māra). Ma vương trông thấy đại đức Rāhula đang nằm ở lối ra vào Hương phòng của Đức Phật, vị ấy khởi lên ý nghĩ như vầy: “Ngón tay nhỏ của Sa-môn Gotama (nghĩa là Rāhula) sẽ bị thương tổn khi đang nằm bên ngoài Hương phòng, trong khi Sa-môn Gotama thì đang nằm bên trong. Nếu ta làm thương tổn ngón tay nhỏ tức là ta làm thương tổn đến Sa-môn Gotama. Thế nên, ma vương hóa thành con voi lớn và đi đến Rāhula dùng cái vòi ôm chặt cái đầu của vị ấy; thêm nữa, hắn còn kêu lớn như tiếng kêu của con cò.
Ngồi trong Hương phòng, Đức Phật biết đó là ma vương, Ngài nói rằng: "Này ma vương! Cho dù cả một trăm ngàn ma vương như ngươi cũng không thể làm cho con trai Rāhula của Như Lai sợ hãi. Thật vậy, con trai của Như Lai chẳng còn chút sợ hãi nào. Con trai Như Lai đã hết ái dục, rất dõng mãnh và có trí tuệ cao siêu.’ Để in đậm lời nói của Ngài bằng dấu ấn của Pháp, Đức Phật bèn đọc lên hai câu kệ:
Niṭṭhangato asamtasi. vītataṇho anaṇgato. Acchindi bhavasallāni. antimo’yaṃ samussayo.
“Này ác ma, kẻ hay quấy rối! Đứa con trai yêu quý của Như Lai là người đã giác ngộ được mục tiêu tức là đạo quả A-la-hán được gọi là Brahmacariya pariyosāna. Vị ấy hoàn toàn hết sợ hãi vì đã được tẩy sạch hết 108 loại ái dục, không còn một ngàn năm trăm phiền não. Vị ấy đã nhổ lên những cái gai sanh hữu như là dục hữu (kāma), sắc hữu (rūpa) và vô hữu ái (arūpa). Thân của con trai của Như Lai trong kiếp hiện tại là thân cuối cùng.
Vītataṇha anādāno. niruttipada-kovido. Akkharānaṃ sannipātaṃ. jaññā pubbāparām ca. Sa ve antimasārīro. mahāpañño mahāpuriso ti vuccati.
“Người đã tẩy sạch hết 108 loại ái dục không còn chút tí tham luyến. không chấp thủ năm uẩn gồm danh sắc là ‘ta’, là ‘của ta’, là ‘tự ngã của ta’; người ấy có Tứ tuệ phân tích, thấy những sự kết hợp của các chữ cái được gọi là ngôn ngữ tự nhiên (tự tánh từ - sabhāva nirutti), đúng như thật nếu người ta không biết ngôn ngữ tự nhiên này mà nói sai là phusso về sở hữu phassa (xúc). Người ấy biết nó là phasso, chữ đúng của ngôn ngữ tự nhiên (tự tánh từ - sabhāva nirutti) vị ấy biết rõ âm tiết đứng trước, và biết rõ âm tiết theo sau. Trong chữ ba âm tiết là cetanā, nếu riêng âm tiết đầu tiên rõ ràng, từ đó vị ấy biết hai âm tiết chính xác giữa và ở cuối. Nếu riêng âm tiết đứng giữa rõ ràng thì từ nó vị ấy biết chính xác âm đầu và âm cuối theo cách tương tự. Nếu riêng âm tiết cuối rõ ràng thì từ nó vị ấy biết chính xác âm tiết đầu và âm tiết giữa theo cách tương tự, người ấy đáng được gọi là bậc Trí, bậc Đại nhân đã thoát khỏi một ngàn năm trăm phiền não.”
Vào lúc kết thúc bài pháp, nhiều chúng sanh chứng quả thánh Nhập lưu (sotapatti-phala) và những quả thánh khác.
Do biết rằng Đức Phật đã biết rõ chân tướng của mình, ma vương bèn biến mất ngay tại chỗ.
Bài kinh Suciloma nằm trong phần Sutta Nipāta và Sagāthā- vagga của bộ Saṁyutta Nikāya. Trong bộ Đại Phật Sử này, bài kinh sẽ được tái tạo theo Chú giải.
Một hôm, Đức Phật xuất thiền Đại bi định (mahā-kuraṇā- samāpatti) ngay trước khi mặt trời mọc và dò xét thế gian hữu tình bằng Phật nhãn (bao gồm asayanusaya-ñāṇa và indriya-paropriyatti- ñāṇa) Ngài trông thấy việc phước trong quá khứ của hai người bạn dạ xoa là Suciloma và Karaloma và sẽ giúp họ chứng quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala). Do vậy, Ngài mang y và bát rồi lên đường ngay lúc mặt trời mọc và ngồi trên một tảng đá gọi là Taṃkita tại lâu đài của dạ xoa Suciloma gần ngôi làng Gayā.
(Chiếc trường kỷ bằng đá Taṃkita là một tảng đá được đặt trên bốn cục đá, nó dùng làm chỗ ngồi).
Lúc bấy giờ, hai người bạn dạ xoa đi ra ngoài để kiếm thức ăn, lang thang gần nơi Đức Phật.
Trong hai dạ xoa, có một dạ xoa trong kiếp quá khứ đã lấy dầu của chư Tăng (Sangha) mà không xin phép để thoa lên thân của mình. Do nghiệp bất thiện ấy, vị ấy chịu khổ trong cảnh địa ngục và tái sanh vào một gia đình dạ xoa gần một bờ hồ tại Gayā. Do dư báo của ác nghiệp ấy khiến tay chân lớn nhỏ của vị ấy bị méo mó trông thật đáng sợ. Da của vị ấy như mái ngói (giống như vảy cá) và thô nhám kinh khủng.
Khi muốn đe dọa người khác, vị ấy làm da vảy cá của mình phình lên. Vì vị ấy có thân thô nhám nên được gọi là dạ xoa Khara.
Dạ xoa kia là một cận sự nam trong thời quá khứ của Đức Phật Kassapa. Vị ấy thường hay đi đến tịnh xá và nghe pháp vào những ngày pháp lệ, tám ngày trong một tháng. Một hôm, khi người ta rao mời đi nghe pháp, vị ấy nghe lời rao từ cổng trại trong lúc đang dọn sạch cỏ khu vườn; không tắm rửa vì sợ mất thời giờ, vị ấy đi vào nhà giảng Uposatha với thân đầy bụi đất và nằm trên tấm thảm rất đắt giá được trải trên đất mà không quan tâm.
Do bởi ác nghiệp này và những ác nghiệp khác vị ấy chịu khổ trong địa ngục (niraya) và tái sanh làm thành viên trong một gia đình dạ xoa gần hồ tại Gayā.
Do dư báo của ác nghiệp, vị ấy có tướng mạo xấu xí đáng sợ. Lông trên thân của vị ấy nhọn bén và châm chích như kim. Khi gây sợ hãi đến người khác, vị ấy làm như đang đâm thủng họ bằng cây kim. Do vị ấy có lông giống như cây kim nên vị ấy được gọi là Suciloma.
Khi ra khỏi chỗ ngụ để tìm kiếm thức ăn, hai dạ xoa đôi lúc trở lại con đường cũ. Trong khi viếng thăm chỗ khác, họ tình cờ đến gần nơi Đức Phật ngự.
Rồi Kharaloma nói với Suciloma điều mà vị ấy nghĩ: “Người đàn ông ấy là vị Sa-môn.” Suciloma đáp: “Người đàn ông ấy không phải là Sa-môn thật sự, chỉ là giả mạo. Tôi sẽ điều tra để biết chắc vị ấy có phải là Sa-môn thật hay không.”
(Ở đây, khi trông thấy sự xuất hiện của vị Sa-môn, Kharaloma thành thật nói “Người đàn ông ấy là vị Sa-môn.” “ Suciloma có ý kiến rằng “Nếu người kia sợ hãi thì vị ấy không phải là Sa-môn chân chánh, người ấy chỉ là Sa-môn giả mạo.” Và sai lầm nghĩ rằng Đức Phật sẽ sợ hãi nên hồ đồ nói rằng: “Người đàn ông ấy không phải là Sa-môn chân chánh, người ấy chỉ là một Sa-môn giả mạo,” và muốn thực hiện một cuộc điều tra. Thế nên, vị ấy nói thêm rằng “Ta sẽ điều tra để biết chắc liệu vị ấy có phải là Sa-môn thật hay không? ”
Sau đó, Suciloma đi đến Đức Phật, cúi chào Ngài với thân hình đồ sộ xấu xí và đầy lông nhọn của vị ấy. Đức Phật bất ngờ di chuyển thân của Ngài qua một bên. Điều này khiến Suciloma đặt câu hỏi: “Thưa Sa-môn! Phải chăng ông sợ tôi?” “Như Lai không bị ngươi làm sợ hãi dù hình dáng của ngươi quả thật là thô thiển và xấu xí.”
Khi Đức Phật không tỏ vẻ có chút sợ hãi, Suciloma tự nghĩ: “Dù đã trông thấy thân xác thô xấu của ta, người đàn ông này là người đàn ông thật sự không sợ hãi. Bây giờ ta sẽ đưa ra trước vị ấy một vài vấn đề có giá trị thuộc phạm vi trí tuệ của một vị Phật Toàn Giác (Buddha-visaya). Vị ấy sẽ không thể giải đáp chúng một cách đầy đủ. Rồi ta sẽ hành hạ vị ấy bằng cách như thế như thế.” Bởi vậy, dạ xoa nói một cách bất lịch sự rằng: “Này ông Sa-môn kia! Ta sẽ hỏi ông một câu hỏi nếu ông trả lời không thông suốt thì ta sẽ làm cho ông bị điên, hoặc ta sẽ làm vỡ quả tim của ông, hoặc ta sẽ nắm chân của ông và quăng sang bờ bên kia sông.”
Vì tâm đại bi, Đức Phật nói với giọng từ ái: “Này Dạ xoa! Trong cõi chư thiên gồm chư thiên và Phạm thiên và trong cõi địa cầu gồm Sa-môn, Bà-la-môn và quân vương, Như Lai không thấy ai có khả năng làm cho Như Lai bị điên, hoặc làm vỡ tim Như Lai, hoặc nắm chân của Như Lai mà ném Như Lai qua bên kia bờ sông. Này dạ xoa! Nếu có thể, cứ hỏi Như Lai bất cứ câu hỏi nào mà ngươi muốn. Như Lai sẽ trả lời những câu hỏi của ngươi một cách thông suốt và không thiếu sót.” Khi Đức Phật bảo dạ xoa đưa ra câu hỏi theo cách mời đón của Đức Phật thì Suciloma đặt ra câu hỏi dưới dạng kệ ngôn:
Rāgo ca doso ca kutonidānā. aratī ratī lomahāmso kutojā. Kuto samuṭṭhāya mano vitakkā. kumrakā dhaṅkam ivossajanti.
(Này ông Sa-môn!) Nguồn gốc của tham và sân ở đâu? Sự bất mãn trong các thiện pháp thuộc tịnh xá ở trong rừng vắng, sự vui thích trong năm cảnh dục và sự nổi da gà (cittutrāsa dhamma - dấu hiệu của tâm bị khiếp đảm) ba loại cảm xúc này sanh lên từ cái gì? Cũng như những đứa trẻ trong làng tung lên một con quạ để vui chơi (sau khi làm dây buộc chân nó), từ cái gì mà chín loại ý nghĩ xuất hiện và lấn át tâm thiện?
Khi ấy, Đức Phật đưa ra câu trả lời của Ngài để thuyết pháp đến Suciloma bằng câu kệ sau:
1) Rāgo ca doso ca itonidānā. aratī ratī lomahāṁso itojā. Ito samutthāya mano vitakkā. kumārakā dhaṅkam iv’ossajanti.
(Này dạ xoa!) Tham và sân có nguồn gốc ở trong thân này. (Ba loại cảm xúc đó là) sự bất mãn trong những thiện pháp thuộc tịnh xá ở trong rừng vắng, sự thích thú trong năm dục lạc và sự nổi da gà sanh lên từ thân này. Cũng như, những đứa trẻ ném một con quạ lên không trung để vui chơi (sau khi đã buộc chân của nó bằng sợi dây), chín loại ý nghĩ xuất hiện từ thân này và lấn át tâm thiện.”
2) Suchajā attasambhutā. nigrodhass’eva khandhajā. Puthū visattā kāmesu. māluvā va vitatā vane.
(Này dạ xoa!) Như những chồi non xuất hiện trên thân cây đa. Cũng vậy, tham, sân, v.v… được gây ra bởi loại nhựa ái dục xuất hiện trên chính thân này. Như những cây dây leo trong rừng bao bọc lấy thân cây mà chúng đang bám quanh. Cũng vậy, vô số phiền não tự chúng bám vào các cảnh và các dục lạc một cách kỳ lạ.
3) Ye naṃ pajānanti yato nidānaṁ te naṁ vinodeni suṇohi yakkha. Te duttaram ogham imaṁ taranti.
atinnapubbaṁ apunabbhavāya.
Này dạ xoa! Hãy lắng nghe, có một số người biết rành mạch rằng tấm thân này là hiện hữu của năm uẩn, và tạo thành Khổ đế, nguồn gốc của nó ở tham và ái, là chân lý về nguyên nhân của khổ (Tập đế). Họ đoạn diệt tham và ái ấy, chân lý nguyên nhân của Khổ đế bằng chân lý Bát thánh đạo (dẫn đến sự chấm dứt khổ). Những bậc cao quý này đã đoạn tận tham ái, nguyên nhân của khổ, vượt qua cơn lũ lớn gồm bốn loại phiền não - cơn lũ khó vượt qua, cơn lũ mà chưa vượt qua được qua nhiều kiếp luân hồi trong quá khứ, ngay cả trong giấc mơ cũng không - khiến cho sự tái sanh không còn sanh lên nữa, tức là Chân lý về sự Diệt khổ.
Khi hai người bạn dạ xoa nghe những lời kệ này, cả hai đều chứng đắc quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala) ngay khi những câu kệ kết thúc.
Vừa chứng đắc quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala) thì diện mạo xấu xí vốn có của hai dạ xoa liền biến mất. Thay vào đó, với nước da màu vàng tươi sáng và được trang điểm với những vật trang sức của chư thiên, họ có một diện mạo khiến mọi người thấy hài lòng.
KẾT THÚC CHƯƠNG 32
HẠ THỨ MƯỜI BA CỦA ĐỨC PHẬT TẠI ĐỒI CALIKA
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B