THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 4
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 4] [Phần tiếp theo]
Như đã trình bày ở trên, sau khi nhiếp phục và hóa độ dạ xoa Āḷavaka trong mùa an cư thứ mười sáu tại kinh đô Āḷavī. Đức Phật sách tấn và giáo hóa cho nhiều chúng sanh hữu duyên. Mùa an cư kết thúc, Ngài du hành từ kinh đô Āḷavī đến tịnh xá Veḷuvana tại kinh thành Rājagaha và an cư mùa mưa thứ mười bảy tại đó.
Sau đây là phần tóm lượt về câu chuyện kỹ nữ Sirimā. Những thương nhân của kinh thành Rājagaha, sau khi tự mình chứng kiến sự lộng lẫy của kinh thành Vesālī nhờ sự hiện hữu của kỹ nữ Ambapāli, nhân chuyến trở về Rājagaha họ tâu lên đức vua Bimbisāra rằng trong kinh thành cũng nên có một kỹ nữ xinh đẹp. Khi được đức vua cho phép, họ bèn bầu chọn một thiếu nữ xinh đẹp tên là Sālavatī, là một kỹ nữ được ngưỡng mộ nhất bằng những biểu tượng nghi lễ thích hợp và được đức vua chính thức công nhận. Những ai muốn hưởng dục với nàng trong một đêm phải trả một trăm đồng tiền vàng.
Khi kỹ nữ sanh đứa con trai đầu tiên, đứa bé bị đem bỏ bên vệ đường, được thái tử Abhaya nhặt nuôi và đặt tên là Jīvaka. Khi lớn lên, Jīvaka đi đến Takkasilā và học nghề thuốc với một vị thầy nổi tiếng. Jīvaka trở thành một y sĩ nổi tiếng đến ngày hôm nay.
Một thời gian sau, Sālavatī sanh ra một bé gái, vì con gái có thể theo nghề kỹ nữ của mẹ nên đứa bé gái ấy được giữ lại (không giống như trường hợp của Jīvaka) mà được nuôi dưỡng chu đáo. Đứa bé gái được đặt tên là Sirimā. Khi Sālavatī chết đi, nàng kế thừa nghề của mẹ và được công nhận là một kỹ nữ đáng ngưỡng mộ nhất do đức vua phê chuẩn. Những ai muốn tìm khoái lạc với nàng trong một đêm thì phải trả một ngàn đồng tiền vàng. Đây là bài kệ tóm tắt về kỹ nữ Sirimā.
Trong khi Đức Phật đang trải qua mùa an cư hạ thứ mười bảy tại tịnh xá Veḷuvana trong thành Rājagaha, Sirimā là một thiếu nữ xinh đẹp. Điểm đặc biệt về nàng là như thế này: Trong mùa mưa ấy nàng đã xúc phạm điều gì đó đến một cận sự nữ (upāsikā) của Đức Phật tên Uttarā, con dâu của trưởng giả Puṇṇa và là bậc thánh sotāpanna. Để tạ lỗi với Uttarā, nàng sám hối với Đức Phật khi Ngài thọ thực xong cùng với Tăng chúng tại nhà của Uttarā. Vào ngày hôm ấy, sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp tán dương sự cúng dường vật thực, nàng chứng đắc quả thánh sotāpatti-phala khi Đức Phật đọc lên câu kệ bắt đầu bằng ‘Akkodena jine kodhaṃ’ đi đến chỗ kết thúc. Bài mô tả chi tiết sẽ được nêu ra khi chúng ta đến phần nói về Nandamātā Uttarā Upāsikā trong phần tiểu sử của các cận sự nữ ở chương Tam Bảo.
Vào ngày sau khi chứng đắc Thánh quả Nhập lưu (sotāpatti- phala), kỹ nữ Sirimā đã thỉnh mời Tăng chúng có Đức Phật đứng đầu dự một buổi lễ cúng dường to lớn. Từ ngày ấy trở đi, nàng cúng dường vật thực đều đặn đến nhóm tám vị tỳ khưu. Theo sự thỉnh mời của nàng, ngày đầu tiên có tám vị tỳ khưu đến nhà của Sirimā để nhận vật thực cúng dường. Khi tác bạch rằng: “Thưa chư đại đức! Xin các Ngài hãy nhận lãnh món bơ! Xin hãy nhận lãnh món sữa,” nàng đặt các món cúng dường lên miệng bát của tám vị tỳ khưu. Vật thực được thọ lãnh bởi một vị tỳ khưu (từ nhà của Sirimā) đủ cho ba người hoặc bốn người ăn. Mỗi ngày nàng Sirimā bỏ ra mười sáu ngàn đồng tiền vàng cho việc cúng dường vật thực.
Một hôm, có một vị tỳ khưu trong nhóm tám vị tỳ khưu đến nhà của Sirimā thọ lãnh vật thực rồi một mình đi đến một tịnh xá khác, cách vương thành Rājagaha trên ba do tuần. Vào buổi chiều nọ, trong khi vị Tăng khách đang ngồi ở chỗ dành cho vị Mahāthera của tịnh xá, thì những vị tỳ khưu đồng phạm hạnh đi đến đón tiếp với lời lẽ thế này: “Này hiền giả! Hiền giả đã độ thực ở đâu mà đến đây vậy?” Vị tỳ khưu khách đáp: “Thưa các tôn giả! Tôi đến đây sau khi độ vật thực ở nhà nàng Sirimā trong nhóm tám vị.” Các vị tỳ khưu lại hỏi: “Này hiền giả! Có phải nàng Sirimā đã cúng dường vật thực rất hấp dẫn không?” Vị ấy nói: “Thưa các tôn giả! Tôi không thể dùng lời lẽ để ca ngợi vật thực cúng dường của nàng cho đầy đủ được. Nàng cúng dường vật thực đến chúng tôi khi đã chuẩn bị một cách tốt nhất. Vật thực được nhận lãnh bởi một vị tỳ khưu từ nàng đủ cho ba hoặc bốn vị ăn. Tuy nhiên, thật may mắn cho người nào được nhìn thấy sắc đẹp của nàng hơn là nhìn thấy vật thực cúng dường của nàng. Người phụ nữ đó, Sirimā quả thật là người có mỹ tướng như thế như thế và vẻ đẹp của tứ chi lớn nhỏ.”
Khi ấy, có một vị tỳ khưu trong nhóm tỳ khưu ấy, sau khi nghe những lời khen ngợi những phẩm cách của nàng Sirimā bèn đem lòng thương thầm nhớ trộm nàng dù trên thực tế chưa thấy con người thật của nàng. Vị này nghĩ rằng: “Ta sẽ đi xem nàng.” Vị ấy thông báo với vị Tăng khách về hạ lạp của mình và hỏi những tỳ khưu nào hiện đang có mặt tại nhà của Sirimā. Vị Tăng khách đáp: “Thưa tôn giả! Nếu tôn giả đi ngay bây giờ thì tôn giả sẽ là một trong những vị tỳ khưu được đến nhà của Sirimā vào ngày mai và thọ lãnh aṭṭhaka-bhaṭṭa (vật thực được dâng cúng đến tám vị tỳ khưu).” Khi nghe như vậy, vị tỳ khưu bèn lên đường đi ngay mang theo y và bát (dù vị ấy không thể đến Rājagaha trong đêm ấy, nhưng vẫn cố gắng tiếp tục cuộc hành trình. Và vị ấy đến Rājagaha khi trời vừa rạng sáng). Khi đi vào phòng rút thăm và đứng ở đó, và cái thăm được phát đến cho vị ấy, rồi vị ấy cùng với nhóm tỳ khưu đi đến thọ lãnh vật thực tại nhà của nàng Sirimā.
Nhưng nàng Sirimā đã bị một cơn bịnh nặng thập tử nhất sinh kể từ ngày mà vị tỳ khưu trước ra về sau khi độ thực tại nhà của nàng. Do đó, nàng phải cởi bỏ tất cả nữ trang mà nàng thường đeo trên người hàng ngày và nằm trên chiếc trường kỷ. Khi những người hầu của nàng trông thấy tám vị tỳ khưu đi đến, họ báo cho nàng biết. Nhưng nàng không thể mời ngồi và cũng không thể tự tay thỉnh bát của các tỳ khưu giống như những ngày trước. Bởi vậy, khi đang nằm nàng dặn những người hầu: “Hãy thỉnh bát từ các vị tỳ khưu! Hãy sắp xếp chỗ ngồi và cúng dường món cơm dẻo trước tiên. Sau đó dâng món bánh và khi giờ thọ thực đến hãy đặt đầy vật thực vào bát và dâng chúng đến các Ngài.”
Những người hầu đáp: “Vâng, thưa bà chủ!” Sau khi đưa các vị tỳ khưu vào nhà, các nữ hầu bèn dâng món cơm dẻo đến các tỳ khưu. Sau đó họ dâng món bánh, đến giờ ăn họ đặt đầy cơm và vật thực vào bát của các tỳ khưu. Khi họ trình với Sirimā những việc mà họ đã làm xong, nàng bèn nói với họ rằng: “Này các cô! Các cô hãy đưa ta đến yết kiến các Ngài. Ta muốn đảnh lễ các Ngài.” Khi các nữ hầu đưa nàng đến đảnh lễ các tỳ khưu, nàng thành khẩn đảnh lễ các vị ấy với tấm thân run rẫy của nàng vì nàng không thể đứng vững được.
Vị tỳ khưu mà đem lòng say đắm Sirimā dù trước kia chưa thấy nàng, giờ đây chăm chăm nhìn nàng và suy nghĩ: “Nàng Sirimā dù bị bịnh nhưng trông vẫn xinh đẹp. Nếu nàng khỏe mạnh và trang điểm nữa thì nàng đẹp đến dường nào.” Rồi tại nơi đó, khát ái khởi sanh mãnh liệt trong tâm của vị ấy tựa như nó đã được tích tập từ hàng triệu năm. Vị ấy không còn biết bất cứ điều gì khác và không thể độ thực được. Vị ấy mang bát trở về tịnh xá, đậy bát và để nó vào một chỗ, trải y ra rồi nằm dài trên đó. Không một vị tỳ khưu đồng phạm hạnh nào có thể khuyên vị ấy ngồi dậy để độ thực.
Chiều hôm ấy, nàng Sirimā qua đời. Vua Bimbisāra đem tin ấy bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Sirimā, em gái của y sĩ Jīvaka đã chết.” Nghe tin này, Đức Phật căn dặn đức vua rằng: “Tâu bệ hạ! Khoan thiêu xác của Sirimā. Hãy đặt xác của nàng nằm ở giữa bãi tha ma và bảo vệ nó ngăn ngừa quạ, chó, chồn, v.v…” Đức vua làm y như lời Đức Phật căn dặn.
Ba ngày trôi qua, đến ngày thứ tư, xác của Sirimā trương phồng lên, những con dòi bò ra từ chín lỗ trên thân. Toàn thân vỡ ra giống như cái nồi đang sôi sục. Đức vua Bimbisara sai người đánh trống đi khắp thành Rājagaha để ban bố lịnh truyền của vị ấy: “Tất cả dân cư, ngoại trừ trẻ con trông nhà, phải đi đến bãi tha ma để xem xác của Sirimā. Những ai không đi sẽ bị phạt tám đồng tiền vàng mỗi người.” Vị ấy cũng cho người thỉnh Đức Phật đến bãi tha ma và quan sát nhục thân của nàng Sirimā.
Khi ấy, Đức Phật bảo các tỳ khưu rằng: “Chúng ta hãy đi xem xác của nàng Sirimā.” Vị tỳ khưu trẻ lụy tình không nghe lời khuyên của những tỳ khưu khác chỉ nhịn đói và nằm như vậy. Vật thực để trong bát cách đây đã bốn ngày đã hư thiu. Cái bát cũng trở nên nhơ bẩn. Rồi một vị tỳ khưu thân thiết nói với vị ấy rằng: “Này hiền giả! Đức Thế Tôn chuẩn bị đi xem xác của nàng Sirimā.” Tuy đang bị cơn đói bức bách nặng nề, vị ấy vùng dậy khi nghe tên Sirimā. Vị ấy hỏi: “Hiền giả nói gì vậy?” Vị tỳ khưu kia đáp: “Đức Phật chuẩn bị đi xem xác của Sirimā, hiền giả có đi không?” Vị ấy trả lời: “Đi, tôi đi với.” Vị ấy quăng bỏ vật thực thiu thối, rửa bát bỏ vào trong túi và đi cùng với vị tỳ khưu kia.
Đức Phật đứng ở một bên tại bãi tha ma có các tỳ khưu xung quanh. Nhóm tỳ khưu ni, vua quan, cận sự nam, cận sự nữ đang đứng ở phía bên kia. Khi tất cả đã cu hội lại rồi, Đức Phật bèn hỏi đức vua: “Tâu đại vương! Người đàn bà này là ai vậy?” Đức vua trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Nàng là thiếu nữ tên Sirimā, em gái của y sĩ Jīvaka.” Đức Phật hỏi tiếp: “Nàng ta có phải là Sirimā không? Tâu đại vương?” Đức vua khẳng định đúng như vậy, Đức Phật bèn nói rằng: " Tâu đại vương! Nếu vậy thì hãy cho người đánh trống loan truyền rằng ‘Những ai ước muốn nàng Sirimā có thể lấy nàng với giá một ngàn đồng tiền vàng.’” Đức vua làm theo lời chỉ bảo của Đức Phật, nhưng chẳng ai thốt ra lời nào dầu chỉ vài tiếng ‘hừ’, ‘hè’. Khi đức vua bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Không ai muốn lấy nàng cả.” Đức Phật bèn nói: “Tâu đại vương! Nếu không ai muốn lấy nàng với giá một ngàn đồng tiền vàng thì hãy giảm giá.” Khi ấy, đức vua công bố rằng những ai muốn lấy nàng Sirimā thì chỉ trả năm trăm đồng thôi. Nhưng cũng không thấy ai lấy nàng với giá đó. Và như vậy mức giá được giảm xuống còn hai trăm năm mươi, hai trăm, một trăm, năm mươi, hai mươi lăm, năm đồng, một đồng, nửa đồng, một phần tư đồng, một phần mười sáu đồng, chỉ một hạt gunja, nhưng không có ai bước ra nhận lãnh xác của nàng Sirimā. Cuối cùng, người ta công bố rằng xác thân của nàng được cho không, nhưng chẳng ai lên tiếng ‘hí, hố’ gì cả.
Đức vua bạch lại vấn đề với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng ai chịu lấy thân xác cả khi được cho không ấy.” Khi ấy, Đức Phật nói: “Này các tỳ khưu! Hãy xem người đàn bà này (Sirimā) là người vốn rất được yêu quý bởi rất nhiều người. Trước đây, trong kinh thành Rājagaha này, người ta có thể hưởng khoái lạc với nàng bằng cách phải trả một ngàn đồng tiền vàng trong một đêm. Bây giờ chẳng ai muốn lấy nàng dù không trả một đồng nào cả! Sắc đẹp được đánh giá rất cao vậy mà giờ đây đi đến chỗ hoại vong. Này các tỳ khưu! Qua con mắt trí tuệ của ngươi, hãy quán xét thân này luôn bị đớn đau khó chịu.”
Rồi Đức Phật tuyên câu kệ sau:
Passa cittakatam bimbaṃ, arukāyaṃ samussitam Āturaṃ bahusankappaṃ, yassa u’atthi dhuvaṃ ṭhiti.
(Này các tỳ khưu!) Chẳng có cái gì bền vững trong tấm thân này dù chỉ chút ít. Tấm thân được làm cho trở nên khả ái và thanh lịch bằng y phục, vật trang sức, bông hoa, vật thơm và những hình thức trang điểm khác. Tấm thân bao gồm tứ chi lớn nhỏ xinh đẹp và cân đối tạo ấn tượng sai lầm về sự lộng lẫy, nó có thể đứng thẳng nhờ ba trăm đốt xương, thường xuyên bị đau đớn và khó chịu lại được nhiều kẻ phàm phu mê mờ cho là khả ái, thích hợp và may mắn, vì họ không biết sự thật và không có trí tuệ, nó không khả ái vì toàn thể tấm thân đầy sự gớm ghiếc chúng tiết ra từ chín lỗ như chín vết thương. Bằng con mắt thông tuệ của các vị, hãy nhìn vào tấm thân như thế này và thường xuyên quán niệm.
Vào lúc kết thúc thời pháp, tám mươi bốn ngàn chúng sanh giác ngộ Tứ diệu đế và chứng đắc giải thoát . Vị tỳ khưu mà đã đem lòng say đắm nàng Sirimā cũng được an trú trong quả thánh Nhập Lưu.
Bài trình bày ở trên được rút ra từ câu chuyện về nàng Sirimā, Jara-vagga, cuốn II của bộ Chú giải Dhammapada.
Liên quan đến câu chuyện Sirimā, một bài được mô tả trong bài kinh Vijaya, Uraga vagga của cuốn I trong bộ Chú giải Sutta Nipāta sẽ được tái tạo như sau, vì bài kinh có nhiều điều thú vị.
Khi vị tỳ khưu trẻ đang đói khát, thì Sirimā chết và tái sanh làm chánh hậu của thiên vương Suyāma, cõi trời Yāma. Đức Phật cùng với chúng tỳ khưu dẫn vị tỳ khưu trẻ đi xem thi hài của Sirimā tại bãi tha ma do đức vua Bimbisara gìn giữ chưa thiêu (theo lời chỉ dạy của Đức Phật). Tương tự, đức vua cùng với dân chúng có mặt ở đó. Tại bãi tha ma, dân chúng bàn bạc với nhau rằng: “Này các bạn! Trong quá khứ thật khó để có được cơ hội xem và hưởng lạc với nàng cho dù bỏ ra một ngàn đồng tiền vàng. Nhưng bây giờ thì chẳng có ai muốn làm như vậy dầu chỉ trả một hạt guñja.”
Thiên hậu Sirimā cùng với năm trăm chiếc thiên xa đi đến bãi tha ma, ở đó Đức Phật thuyết pháp bài kinh Vijaya đến các vị tỳ khưu và hàng cư sĩ, còn vị tỳ khưu trẻ, Ngài khuyến khích bằng cách đọc lên câu kệ bắt đầu bằng: “Passa cittakataṃ bimbaṃ” được ghi lại trong bộ Dhammapada.
(1) Caraṃ vā yadi vā ḷiṭṭhaṃ, nissinno vā sayaṃ samiñjeti pasāreti esā kāyassa iñjanā
Sự đi, đứng, ngồi hoặc nằm, sự co cúi hoặc duỗi thẳng, tất cả những tư thế gồm đi, đứng, nằm, ngồi, bước tới, bước lui, khom xuống và ngữa lên đều là những chuyển động của thân.
Câu kệ sau hàm ý như sau:
Trong thân này không có người đi, không có người đứng, v.v… không có người duỗi ra. Thực ra, ta nên hiểu rằng:
a) Chính tâm muốn đi, đứng, nằm hoặc ngồi.
b) Chính tâm làm duyên để yếu tố gió lan tràn khắp thân.
c) Khi yếu tố gió lan tràn khắp thân thì sắc mới sanh khởi, và chính sắc đi.
d) Nên biết bằng trí tuệ rằng cái đang đi không phải là người hay ngã (ta), mà chính sắc làm công việc đi.
e) Nên biết bằng trí tuệ rằng cái đang đứng không phải là người hay ngã (ta), mà chính sắc làm công việc đứng.
f) Nên biết bằng trí tuệ rằng cái đang ngồi không phải là người hay ngã (ta), mà chính sắc làm công việc ngồi.
g) Nên biết bằng trí tuệ rằng cái đang nằm không phải là người hay ngã (ta), mà chính sắc làm công việc nằm.
h) Nên biết bằng trí tuệ rằng cái đang khom xuống không phải là người hay ngã (ta), mà chính sắc làm công việc khom xuống.
i) Nên biết bằng trí tuệ rằng cái đang duỗi ra không phải là người hay ngã (ta), mà chính sắc làm công việc duỗi ra.
Theo những dòng kể trên:
1. Khi tâm muốn đi thì yếu tố gió do tâm làm duyên tràn lan khắp thân. Do sự tràn ngập của yếu tố gió, có xuất hiện động tác bước tới của thân. Nghĩa là loại sắc đặc biệt khởi sanh liên tục qua động tác bước tới một chỗ khác như mong muốn. Do động tác bước tới của sắc khởi sanh liên tục này, động tác ấy được gọi là ‘đi’ theo cách nói thông thường.
2. Tương tự, khi tâm muốn đứng thì yếu tố gió do tâm làm duyên tràn lan khắp thân. Do sự tràn ngập của yếu tố gió, xuất hiện động tác bước tới của thân. Nghĩa là loại sắc đặc biệt khởi sanh liên tục qua tư thế đứng thẳng. Do tư thế đứng thẳng của những sắc khởi sanh liên tục này trong việc kết nối phần trên và phần dưới của thân, tư thế như vậy được gọi là ‘đứng’ theo cách nói thông thường.
3. Tương tự, khi tâm muốn ngồi thì yếu tố gió do tâm làm duyên tràn lan khắp thân. Do sự tràn ngập của yếu tố gió, có xuất hiện tư thế co lại của phần dưới và duỗi thẳng của phần trên thân. Nghĩa là loại sắc đặc biệt khởi sanh liên tục qua tư thế co lại của phần dưới và duỗi thẳng của phần trên thân. Do tư thế một phần co lại và một phần đứng thẳng của những sắc khởi sanh liên tục này, tư thế như vậy được gọi là ‘ngồi’ theo cách nói thông thường.
4. Tương tự, khi tâm muốn nằm thì yếu tố gió do tâm làm duyên tràn lan khắp thân. Do sự tràn ngập của yếu tố gió, có xuất hiện động tác duỗi ngang của thân. Nghĩa là loại sắc đặc biệt khởi sanh liên tục qua duỗi ngang của thân. Do động tác duỗi ngang của những sắc khởi sanh liên tục này, tư thế như vậy được gọi là ‘nằm’ theo cách nói thông thường.
Trong trường hợp cúi xuống hoặc duỗi ra cũng vậy, vì tâm muốn cúi xuống hoặc duỗi ra nên yếu tố làm duyên tràn ngập khắp các đốt xương. Do sự tràn ngập của các yếu tố gió, động tác cúi xuống hoặc duỗi ra xuất hiện. Nghĩa là những sắc đặc biệt khởi sanh liên tục qua động tác cúi xuống hoặc duỗi ra. Do động tác cúi xuống hoặc duỗi ra của những sắc khởi sanh liên tục này, động tác như vậy được gọi là ‘cúi xuống, ‘duỗi ra’ theo các nói thông thường.
Cho nên, tất cả những động tác đi, đứng, nằm, ngồi, co hoặc duỗi đều thuộc về thân. Nghĩa là những sắc đặc biệt khởi sanh qua những động tác riêng biệt ấy. Trong thân này, không có nhân vật nào, không có thực thể nào, không có linh hồn nào đi, đứng, nằm ngồi, co hoặc duỗi. Thân này không có bất cứ nhân vật nào, thực thể nào, linh hồn nào làm công việc đi, đứng, nằm, ngồi, co hoặc duỗi. Thực thể ấy là:
cittanānataṃ āgamma, nānattaṃ hoti vāyuno. vāyunānattato nānā, hoti kāyassa iñjanā.
Do trạng thái đặc biệt của tâm, trạng thái đặc biệt của yếu tố gió khởi sanh. Do trạng thái đặc biệt của yếu tố gió, trạng thái đặc biệt của sự chuyển động của thân khởi sanh. Đây là ý nghĩa rốt ráo của câu kệ.
Qua câu kệ đầu tiên này, Đức Phật dạy về ba đặc tánh: đặc tánh vô thường (anicca-lakkhaṇa), đặc tánh khổ (dukkha-lakkhaṇa), đặc tánh vô ngã (anatta-lakkhaṇa). Cách mà Ngài giảng dạy như sau:
Khi một người ở lâu trong bất cứ oai nghi nào của bốn oai nghi đi, đứng, nằm, và ngồi thì người ấy sẽ bị đau nhức khó chịu. Để diệt trừ sự đau nhức và khó chịu ấy người ta phải thay đổi oai nghi (đặc tánh khổ bị che đậy bởi oai nghi. Để ngăn không cho đặc tánh khổ xuất hiện, nó được ẩn dấu bởi một oai nghi khác. Đó là lý do khiến các bậc trí tuệ nói rằng: “Oai nghi (iriyāpattha) che lấp đặc tánh khổ”).
Như vậy, qua ba dòng kệ (pada) bắt đầu bằng “caraṃ vā yadi vā tiṭṭhaṃ” đặc tánh khổ bị che khuất bởi sự thay đổi oai nghi được giảng dạy (sự thay đổi từ oai nghi này đến oai nghi khác là do sự đau đớn của thân. Nguyên nhân sự đau đớn của thân, đặc tánh khổ được biết từ kết quả nêu trên. Kết quả ấy là sự thay đổi oai nghi.
Cũng vậy, vì không có oai nghi đứng, v.v… trong khi người ta đi nên đặc tánh vô thường bị che khuất bởi tính liên tục (santati) được giảng dạy bởi Đức Phật qua câu kệ “esā kāyassa iñjanā - tất cả những oai nghi gồm đi, đứng, nằm, ngồi, bước tới, bước lui, khom xuống, duỗi ra là những chuyển động của thân.”
Giải thích: Sự khởi sanh không gián đoạn của danh và sắc gọi là santati. Do bởi santati này, sự khởi sanh liên tục của danh và sắc, sự chấm dứt và biến mất của danh và sắc, tức là đặc tánh vô thường, không được trông thấy. Đó là lý do khiến các bậc trí nói rằng: "Tính liên tục che khuất đặc tánh vô thường.” Qua lời dạy của Ngài “esā kāyassa iñjanā”, Đức Phật muốn nói rằng tất cả những oai nghi này là những chuyển động của thân.
Trong những oai nghi, một nhóm danh sắc phù hợp với oai nghi ấy khởi sanh không gián đoạn. Qua sự thay đổi của mỗi oai nghi, nhóm danh sắc cũng thay đổi hoặc biến mất. Do đó, cần hiểu rằng qua dòng kệ thứ tư và cũng là dòng kệ cuối cùng Đức Phật dạy đặc tánh vô thường bị che khuất bởi tính liên tục (santati).
Như đã nói trên, trong sự thật tối thượng, chính do tâm muốn đi đứng nằm ngồi, nguyên tố gió do tâm làm duyên khởi sanh. Do nguyên tố gió tràn ngập khắp thân, những sắc đặc biệt như động tác đi, đứng, nằm, ngồi khởi sanh. Liên quan đến những động tác này người ta nói rằng: "Người ta đi, người ta đứng, người ta nằm, người ta ngồi, người ta bước tới, người ta bước lui, người ta cúi xuống, hoặc người ta duỗi ra”. Tuy nhiên, theo sự thật tối thượng, đây chỉ là những khởi sanh của những sắc đặc biệt vì chúng được làm cho khởi sanh bởi những nguyên nhân được kết hợp thích ứng. Nghĩa là, đây chỉ là sự khởi sanh của những sắc đặc biệt của những oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, v.v… đã được thúc đẩy bởi sự kết hợp mà phù hợp với những nguyên nhân thuộc về cả sắc lẫn danh trong thân. Những người theo thuyết Linh hồn (attavāda) vì không có kiến thức thâm sâu về điều này nên họ cho rằng “Chính linh hồn đi, đứng, nằm, ngồi.” Ngược lại, Đức Phật tuyên bố rằng không phải linh hồn làm công việc đi, đứng, nằm, ngồi. “Esā kāyassa iñjanā” tất cả những oai nghi này chỉ là những chuyển động của thân xuất hiện qua những động tác riêng của chúng, được thành lập bởi một số nguyên nhân kết hợp trong sự hòa hợp.
Ở đây có bốn khối (ghana): (1) khối liên tục (santati-ghana), (2) (samūha-ghana khối kết dính), (3) khối phận sự (kicca-ghana), (4) khối cảnh duyên (ārammaṇa-ghana).
Trong bốn khối này:
1. Sự sanh khởi của các yếu tố về thân với tâm bằng sự hợp nhất, sự kết hợp và kết dính nhau để chúng xuất hiện như một tổng thể mà không có kẻ hở nào thì gọi là khối liên tục (santati-ghana).
Ở đây, ‘không có kẻ hở nào’ nghĩa là sự chấm dứt của nguyên tố đi trước xảy ra đồng thời với sự khởi sanh của nguyên tố đi sau. Hoặc nguyên tố vừa diệt thì nguyên tố theo sau vừa sanh lên. Những nhà biên soạn bộ Tika cho là ‘purima paccimānaṃ nirantaratā – không có kẻ hở giữa nguyên tố này với nguyên tố kế tiếp.’ Do sự sanh khởi mà không có kẻ hở như vậy, dường như những nguyên tố sanh khởi mạnh hơn và vượt trội và những nguyên tố diệt hiện bày yếu hơn; thế vậy người ta có ấn tượng sai lầm rằng ‘Cái gì chúng ta thấy bây giờ là cái mà chúng ta thấy khi trước.’ Điều này được chứng tỏ bởi sự thật rằng khi một cây nhang đang cháy được quay vòng tròn thì người ta nhìn thấy đó là một vòng lửa. (Đây thật sự là khối liên tục).
2. Sự sanh khởi của các yếu tố thuộc tâm như xúc (phassa), v.v… và các yếu tố thuộc về thân như yếu tố đất (pathavī), v.v… bằng sự hợp nhất, sự kết hợp và kết dính nhau đến nỗi tất cả chúng cho người ta một ấn tượng rằng chúng là một thì gọi là khối kết dính (samūha- ghana).
Khi các yếu tố của thân và tâm sanh khởi, chúng sanh khởi không phải vì đặc tánh tự nhiên (sabhāvassati). Về phía tâm, có tối thiểu tám yếu tố như: nhãn thức (cakkhu-viññāṇa) và bảy Sở hữu biến hành (sabba-citta-sādhāraṇa-cetasika). Về mặt thân cũng vậy, có tối thiểu tám yếu tố (qua đó tám loại sắc được ám chỉ đến). Như vậy, tối thiểu tám đặc tánh tự nhiên hoặc thuộc danh pháp hoặc sắc pháp cho ấn tượng rằng chúng chỉ là sự hợp nhất, kết hợp và kết dính nhau. Đây quả thật là khối kết dính (samūha-ghana).
3. Các yếu tố thuộc đơn vị danh và sắc khởi sanh làm những phận sự riêng của chúng. Khi chúng khởi sanh, thật khó khăn cho những người không có kiến thức Abhidhamma để hiểu ‘đây là phận sự của xúc (phassa), đây là phận sự của thọ (vedanā), đây là phận sự của tưởng (saññā), v.v… Cũng vậy, thật khó khăn để họ hiểu ‘đây là phận sự của nguyên tố đất (pathavī), đây là phận sự của nguyên tố nước (āpo), đây là phận sự của nguyên tố gió (vāyo), đây là phận sự của nguyên tố lửa (tejo), v.v…’ Như vậy, những phận sự của các nguyên tố do khó thấu hiểu, chúng xuất hiện như một tổng thể do sự hợp nhất, sự kết hợp và sự kết dính nhau. Như vậy, nó được gọi là khối phận sự (kicca-ghana).
4. Các yếu tố thuộc mỗi đơn vị danh pháp đều chú ý hướng về hoặc các yếu tố thuộc về mỗi đơn vị sắc pháp tạo thành một đối tượng chú ý bằng sự hợp nhất, sự kết hợp và sự kết dính nhau, khiến người ta có cảm tưởng rằng chúng chỉ là một (đặc tánh tự nhiên). Trên thực tế là khối cảnh duyên (ārammaṇa-ghana).
Nói tóm lại, nhiều yếu tố thuộc danh pháp và sắc pháp khởi sanh như là kết quả (paccay uppaññā) của một nhân (paccaya); nhưng thật khó phân biệt được những điểm khác biệt của chúng về thời gian, đặc tánh, phận sự và sự chú ý. Và như vậy chúng tạo ra một ấn tượng sai lầm rằng chúng chỉ là một đơn vị. Chúng có những tên gọi là santati- ghana, samūha-ghana, kicca-ghana, ārammaṇa-ghana (Bài mô tả về bốn khối này được tái tạo từ bộ Dhammasaṅganī Mūla Ṭīkā và Anu Ṭīkī).
Khi bàn về sự thật tối thượng thì đặc tánh của một yếu tố sẽ được phân biệt rõ. Ví dụ: nói về hạt ớt, tâm chỉ tập trung vào vị của nó. Chỉ khi nào đặc tánh tự nhiên của một yếu tố được phân biệt rõ bằng con mắt của trí tuệ thì sự thật tối thượng mới có thể thông đạt. Chỉ khi nào sự thật tối thượng được thông đạt thì khi đó khối (ghana) mới bị tan rã. Chỉ khi nào khối bị tan rã, thì trí tuệ Vô ngã (anatta) mới đạt được. Nếu đặc tánh tự nhiên không được phân biệt rõ bằng con mắt trí tuệ thì sự thật tối thượng không thể được thông đạt. Nếu sự thật tối thượng không thể thông đạt thì khối không bị tan rã. Nếu khối không bị tan rã thì sự hiểu biết về Vô ngã không đạt được. Đó là lý do khiến các bậc trí nói rằng: “Khối (ghana) che khuất đặc tánh Vô ngã (anatta).”
Qua dòng kệ thứ tư của câu kệ đầu tiên Đức Phật lột tả đặc tánh Vô ngã bị che lấp bởi các khối vì Ngài nói rằng ở đó: “esā kāyasā iñjana - tất cả tư thế này không thuộc về linh hồn hay một thực thể mà thực ra chúng chỉ là những chuyển động của các yếu tố danh sắc hoàn tất những phận sự tương ứng của chúng”. Giáo pháp quả thật thâm sâu mà sự hiểu biết thông thường không thể đạt được.
Kết thúc bài kệ đầu tiên
********************
Sau khi đã thuyết giảng về ba đặc tướng, là sự trống vắng (suññāta) của sự thường tồn (nicca), lạc (sukha) và ngã (atta), và để thuyết giảng hai loại bất tịnh tướng, hữu thức bất tịnh tướng (saviññāṇaka-asubha) và vô thức bất tịnh tướng (aviññāṇaka-asubha), Đức Phật đọc lên câu kệ sau:
(2) Aṭṭhinahāru-saṁyutto. tacamaṃsāva lepano. chaviyā kāyo paticchanno. yathābhūtaṃ na dissati.
Cơ thể sống gồm có ba trăm đốt xương, chín trăm sợi gân buộc giữ các đốt xương, và bảy ngàn mao mạch giúp cảm thọ các vị. Nó được đắp lên bởi lớp da dày bên trong màu trắng và chín trăm cục thịt (vô cùng hôi hám và nhờm gớm). Cơ thể sống này được bao bọc bởi lớp da mỏng ở bên ngoài có nhiều màu sắc khác nhau như những vách nhà được sơn quét. Do đó, thực chất của sự gớm ghiếc hoàn toàn không thể nhận ra được bởi những kẻ ngu si mù quáng vì thiếu trí tuệ.
(Bản chất của thân được nói như sau: giống như trong căn nhà có những cái xà ngang, đòn tay, những cái rui chính và những cái rui phụ và những cái quan trọng khác được kết buộc lại và giữ cho không được lay chuyển bởi những sợi mây. Cũng vậy, trong thân này có ba trăm sáu mươi đốt xương được buộc lại và được giữ chặt bởi chín trăm sợi gân. Giống như những bức vách bằng phên tre được trét lên bằng phân trâu và đất mịn, cũng vậy những đốt xương và những sợi gân được trét lên bởi chín trăm cục thịt. Như những vách nhà được trét bằng xi măng, cũng vậy tấm thân này được đắp lên nhờ lớp da dày đặc. Những đốt xương, những sợi gân, những cục thịt và lớp da dày có đặc tánh là có mùi hôi hám. Nhưng những bức vách được sơn phết bởi những màu sắc khác nhau như màu nâu, màu vàng, màu lục, màu đỏ, v.v… để làm cho căn nhà trông xinh đẹp. Cũng vậy, những đốt xương, những sợi gân, những cục thịt, và lớp da dày được bao bọc bởi lớp da ngoài mỏng như cánh của con ruồi có màu nâu, màu vàng, màu đỏ hoặc màu trắng (rất mỏng manh đến nỗi khi nó được lột ra khỏi thân và được vo loại thành cục tròn thì kích thước của nó nhỏ bằng hạt mận). Do đó, những người không có trí tuệ thì không thể nhìn thấy bản chất gớm ghiếc vốn thật của nó.
Để thuyết giảng rằng nhiều bộ phận bên trong không khả ái phải được trông thấy bằng cách xuyên suốt chúng với con mắt trí tuệ - những bộ phận rất nhơ bẩn, hôi tanh, nhờm gớm nhưng không được mọi người nhìn thấy vì chúng được bao bọc bởi lớp da dày và lớp da mỏng ở ngoài phủ nhiều màu sắc. Đức Phật tiếp tục đọc lên những câu kệ sau:
(3) Antapūro udarapūro. yakanapeḷassa vatthino. hadayassa papphāsassa. vakassa pihakassa ca.
(4) Singhānikāya kheḷassa. sedassa ca medassa ca. lohitassa lasikāya. pittassa ca vasāya ca.
(3) Cơ thể sống này không chứa hương thơm của gỗ chiên đàn, v.v… Thực vậy, thân này chứa đầy lòng ruột, vật thực mới được ăn vào, gan, nước tiểu, tim, hai lá phổi, cặp thận và lá lách.
(4) Cơ thể sống chứa đầy chất nhờn từ lỗ mũi, nước miếng, mồ hôi, mỡ, máu, mật, đàm và tủy.
Sau khi thuyết giảng như vậy với hai câu kệ này rằng trong thân này không có gì đáng ưa thích để gìn giữ như ngọc trai, hồng ngọc, v.v… mà thực ra thân này chứa đầy những vật bất tịnh. Đức Phật bèn đọc lên hai câu kệ sau đây để lột tả những vật bất tịnh bên trong tương phản với những thứ bên ngoài và để kết hợp những thứ đã được kể ra với những thứ chưa được kể ra:
(5) Athassa navahi sotehi. asucī savati sabbadā. Akkhimhā akkhigūthako. kaṇṇamhā kaṇṇagūthako.
(6) Siṅghānikā ca nāsato. mukhena vamatekadā. Pittaṃ semhañ ca vamati. kāyamhā sedajallikā.
(5) Ngoài ra, từ chín lỗ trên thân hằng tuôn chảy trong mọi lúc mà không thể kiểm soát được, cả ngày lẫn đêm, những yếu tố như nhờm gớm. (Bằng cách nào?) Từ hai con mắt chảy ra chất bài tiết nhơ bẩn, từ hai lỗ tai chảy ra chất sáp nhơ bẩn.
(6) Nước mũi hôi hám chảy ra từ hai lỗ mũi; đồ ăn có bọt khi bị nôn ra qua miệng. Đôi khi mật như là cơ quan (baddha) và như là chất lỏng (abaddha) và đàm đi ra từ miệng. Từ thân này mọi lúc ngày và đêm tuôn chảy mồ hôi, chất muối, chất ẩm, chất cặn và những vật bất tịnh khác.
(Ở đây, vì phần chảy ra từ hậu môn và nước tiểu chảy ra từ chỗ kín, điều này ai cũng biết, vì Đức Phật muốn cho thấy sự quan tâm của Ngài đối với nguyên nhân, cá nhân và người nghe có liên quan nên Ngài đề cập đến chúng một cách rõ ràng, và vì Ngài chỉ muốn nói rằng có những vật bất tịnh chảy ra qua những phương tiện khác nữa nên Ngài gom tất cả trong câu nói: “kāyamhā sedajallikā.”
Qua hai câu kệ này Đức Phật cho một ví dụ: giống như cơm được nấu, bọt nổi lên và chảy tràn ra ngoài miệng nồi. Cũng vậy, khi vật thực ăn vào được nấu và thiêu đốt bởi ngọn lửa tiêu hóa sanh ra do nghiệp quá khứ của con người (kammaja tejodhātu), những vật bất tịnh như ghèn, nước mắt, v.v… trồi lên và chảy ra ngoài thân).
Đầu được công nhận là phần thiêng liêng nhất của thân trong thế gian này. Do bởi tánh chất thiêng liêng (hoặc đôi khi do ngã mạn), đầu không cúi xuống để tỏ sự tôn kính đến những người đáng tôn kính. Để cho thấy rằng tấm thân là bất tịnh và nhờm gớm bởi sự thật rằng ngay cả đầu (là phần cao nhất của thân) cũng không có sự trong sạch và thực chất nên Đức Phật đọc lên câu kệ này:
(7) Athassa susiraṃ sīsam matthaluṅgassa pūritam Subbhato naṃ maññāti bālo avijjāya purakkhato.
Ngoài ra, cái đầu trống rỗng của cơ thể sống này chứa đầy não rất nhờm gớm. Kẻ ngu mù quán đối với thực tại do ái dục, ngã mạn và tà kiến, vì người này bị che lấp bởi vô minh nên lầm lạc cho thân này là ‘Thân của ta quả thật xinh đẹp. Sự xinh đẹp là thường tồn.’
Kết thúc phần nói về sự nhờm gớm của thân.
Sau khi thuyết giảng tánh chất nhờm gớm của thân, bây giờ để thuyết giảng về tánh chất nhờm gớm khi đời sống bị hoại diệt. Nói cách khác, sau khi thuyết giảng rằng ngay cả thân của vị Chuyển luân vương cũng chứa đầy những thứ hôi hám và ngay cả đời sống xa hoa cũng không khả ái. Bây giờ, để thuyết giảng về tánh chất nhờm gớm khi đời sống bị hoại diệt, Đức Phật đã đọc lên câu kệ này:
(8) Yadā ca so mato seti. uddhumāto vinīlako Apaviddho susānasmiṃ anapekkhā honti ñātayo.
Khi thân này chết đi (do sự vắng mặt của ba yếu tố đó là thọ mạng (āyu), hay danh sắc mạng quyền (jīvita), thân nhiệt (usmā) hay nguyên tố lửa do nghiệp quá khứ sanh (kammaja-tejo) và thức (viññāṇa), nó trở nên cương phồng giống như cái bị da chứa đầy không khí, nó chuyển sang màu đen do nước da vốn có đã biến mất và nó nằm trong quan tài bị bỏ hoang ở bãi tha ma. Khi ấy tất cả quyến thuộc và bạn bè không quan tâm đến người ấy vì nghĩ rằng “Điều chắc chắn là xác chết không bao giờ sống lại.”
(Trong câu kệ này, qua chữ mato - chết, chỉ ‘tính chất vô thường’; chữ seti - nằm trong quan tài chỉ sự thiếu vắng sức sống. Qua cả hai nhóm chữ, ý khuyên rằng hai loại ngã mạn: ngã mạn về mạng sống (jīvita māna) và ngã mạn về sức mạnh (bala-māna) cần phải từ bỏ.
Qua chữ uddhumāto - sưng phồng chỉ ‘sự hoại diệt của hình tướng’; chữ vinīlako - chuyển qua màu đen chỉ ‘sự mất mát màu da gốc’. Qua hai chữ, ý khuyên rằng ‘sự ngã mạn về sắc đẹp và sự ngã mạn về hình tướng nên được loại bỏ.’
Qua chữ āpaviddho - bị bỏ rơi chỉ ‘sự vắng mặt hoàn toàn cái cần được lấy lại’; qua chữ susānasmiṃ - ở bãi tha ma chỉ ‘tánh chất nhờm gớm không thể chịu đựng được đến nỗi cái thân chẳng còn giá trị gì để giữ nó trong nhà.’ Qua hai chữ, ý khuyên rằng ‘sự chấp thủ với ý nghĩ rằng ‘Đây là của ta’ và ấn tượng rằng ‘Nó đáng ưa thích’ cần được loại bỏ.
Qua những từ anapekkhā honti ñātayo - tất cả quyến thuộc và bạn bè không quan tâm đến nó chỉ rằng ‘những người mà trước kia thường yêu kính người chết ấy bây giờ không còn như vậy nữa.’ Như vậy, câu ấy khuyên chúng ta rằng ‘Sự ngã mạn ỷ vào nhiều bạn bè và người thân ở quanh ta’ cần được loại bỏ.
Qua câu kệ này Đức Phật chỉ ra tấm thân không có sự sống dầu nó chưa bị tan rã).
Bây giờ, để lột tả tánh chất nhờm gớm của thân không có sự sống mà chưa bị tan rã, Đức Phật thuyết lên câu kệ này:
(9) Khādanti nam suvānā ca siṅgāla ca vakā kimī kākā gijjhā ca khādanti ye ca’ññe, santi pāṇino.
Cái thân xác bị quăng bỏ ở bãi tha ma, những con chó nhà và giả can (chó rừng), chó sói và sâu bọ ăn thịt, những con quạ và những con kên kên cũng đến xâu xé, những loài ăn thịt sống khác như hổ, báo, diều hâu v.v… cũng cắn xé nó.
Kết thúc phần nói về tánh chất nhờm gớm của thân không có sự sống.
**********************
Bằng cách này Đức Phật đã giảng dạy bản chất của tấm thân này bởi pháp thiền suññata qua câu kệ đầu tiên bắt đầu bằng “caraṃ vā yadi vā tiṭṭhaṃ” về tánh chất nhờm gớm của thân đang sống qua sáu câu kệ bắt đầu bằng “aṭṭhi nahāru saṃyutto” và về tánh chất nhờm gớm của thân đã chết qua hai câu kệ bắt đầu bằng “yadā ca so mato seti”. Ngoài ra, Đức Phật cũng lột tả bản chất của kẻ ngu khi họ cho rằng xác thân đáng ưa thích, vì người ấy bị vô minh che mờ không thấy rằng tấm thân này thực sự không thường tồn (nicca), không lạc (subha), và không có ngã (atta). Bằng cách làm này, Đức Phật mở ra sự thật rằng đau khổ (vaṭṭa dukkha) quả thật do vô minh (avijjā) dẫn đầu. Bây giờ, để chi ra trạng thái của bậc trí xem tấm thân có đặc tánh như vậy và sự thật rằng sự chấm dứt đau khổ (vivaṭṭa) do ba giai đoạn biến tri (pariñña) dẫn đầu, Đức Phật bèn đọc lên câu kệ sau:
(10) Sutvāna Buddha-vacanaṁ bhikkhu paññāṇavā idha so kho naṃ parijānāti yathābhūtañ hi passati.
Trong Giáo Pháp này của Đức Phật có tám điều kỳ diệu, vị tỳ khưu là phàm phu (putthujjana), bậc hữu học (sekha) hay một hành giả (yogāvacara) có Trí tuệ Minh sát (Vipassanā), sau khi nghe thời pháp này của Đức Phật là kinh Vijaya (hay kinh Kāya-vicchandanika) thấy bằng con mắt Tuệ quán, thân này trong bản chất thực của nó. Do đó, vị ấy thấy rõ thân này qua ba giai đoạn biến tri (pariññā) đó là sở tri (ñāta), sự phán quyết (tīraṇa) và sự đoạn trừ (pahāna).
Cách phân biệt thân này qua ba giai đoạn biến tri như sau:
Sau khi xét kỹ lưỡng hàng hóa các loại, vị thương nhân suy xét rằng “Nếu ta mua nó chừng này thì tiền lãi sẽ được chừng này” chỉ khi ấy vị thương nhân mới mua hàng hóa và bán lấy lãi. Cũng vậy, vị tỳ khưu phàm phu, hữu học, vị hành giả xem xét thân này bằng con mắt trí tuệ và hiểu thân này bằng sở tri (ñāta-pariññā) rằng: “Những thứ cấu tạo nên thân này chỉ là xương, gân, v.v…” (đã được nêu ra trực tiếp trong bài kinh). Khi đó vị ấy quán xét và quyết định thân bằng con mắt của tuệ Minh sát và hiểu thấu bằng tīrana-pariññā: “Các hiện tượng xảy ra trong thân là vô thường, khổ, và vô ngã.” Cuối cùng vị ấy đạt đến Thánh đạo (Ariya-magga) và thông hiểu bằng pahāna-pariññā và đoạn trừ sự luyến ái của vị ấy đối với thân này hay sự tham muốn của vị ấy đối với thân.
(Ở đây, vì thân này mọi người đều thấy được, sẽ không hiểu thấu qua ba giai đoạn biến tri (pariññā) nếu không có cơ hội nghe Giáo pháp của Đức Phật (mặc dù thân này có thể thấy được) vì sự hiểu thấu như vậy có thể xảy ra chỉ khi nào được nghe Giáo pháp của Đức Phật , và chỉ ra rằng cũng có cách để hiểu biết các đặc tánh của suññata và chỉ ra rằng những người ở bên ngoài Giáo pháp của Đức Phật thì không thể phân biệt được theo cách này, Đức Phật đã tuyên câu kệ “Sutvāna Buddha-vacanaṃ-idha.”
Vì các tỳ khưu và tỳ khưu ni có tâm tham luyến sắc đẹp của nàng Sirimā nên bài kinh Vijaya sutta (hay kinh Kāyavicchandanika) được tuyên thuyết. Trong bốn hội chúng, địa vị của chúng Tăng là cao nhất, chỉ có chúng Tăng mới hằng gần gũi Đức Phật. Bất cứ ai hoặc là tỳ khưu hay cư sĩ mà quán niệm về vô thường (anicca), khổ (dukkha), vô ngã (anatta) đều có thể được gọi là tỳ khưu. Để chỉ ra những điều này, Đức Phật dùng từ ‘bhikkhu’ không vì ba giai đoạn pariññā được giới hạn trong các vị tỳ khưu. Nội dung này cũng còn được đặc biệt lưu ý).
Bây giờ, để chỉ ra cách nhìn thấy các pháp đúng như thật phù hợp với câu nói “yathā bhūtañ hi passati,” Đức Phật đọc lên câu kệ này:
(11) Yathā idaṃ tathā etaṃ yathā etaṃ tathā idaṃ Ajjhattañ ca bahiddhā ca kāye chandaṃ virājaye.
Cũng như cơ thể sống đầy nhờm gớm này đi, đứng, nằm, ngồi vì nó có ba yếu tố: mạng quyền (āyu), hơi nóng do nghiệp sanh (usmā), và thức (viññāṇa). Cũng vậy, thân không có sự sống cũng đầy nhờm gớm (mà trước khi chết có thể đi, đứng nằm, ngồi) và khi ấy nó có ba yếu tố ấy.
Như xác chết bây giờ (không thể đi, đứng, nằm và ngồi do sự chấm dứt của ba yếu tố ấy). Cũng vậy, cái thân này của ta sẽ không thể đi, đứng, nằm, ngồi do sự chấm dứt của ba yếu tố ấy.
Như vậy, bậc trí thực hành suy xét và thấy rõ các biến cố của thân bị đe dọa bởi sự hiểm nguy của luân hồi nên dốc hết khả năng để đoạn tận tham luyến đối với nội thân cũng như ngoại thân bằng bốn Đạo trí, trong cách đoạn diệt samuccheda -phāna.
(Trong câu kệ này, qua sự đối chiếu chính mỉnh với cái thân không có sự sống, người ta đoạn trừ sân phiền não (dosa-kilesa) (mà sẽ khởi sanh) đối với ngoài thân khi người ấy suy xét “yathā idaṃ tathā etaṃ - cũng như thân đang sống này của ta như thế nào thì cái thân không có sự sống đầy nhờm gớm trong quá khứ cũng như thế ấy.”
Bằng cách đối chiếu cái thân không có sự sống với chính mình, người ta đoạn trừ tham phiền não (rāga-kilesa) (mà sẽ khởi sanh) đối với ngoài thân khi người ấy suy xét “yathā etaṃ tathā idaṃ - cái xác chết này như thế nào thì cơ thể sống của ta trong tương lai cũng như thế ấy.
Khi người ta quán xét bằng trí tuệ biết đối chiếu qua lại của hai thân là nội thân và ngoại thân, hay thân sống và xác chết người ta đoạn trừ si phiền não (moha-kilesa) tức là sự không biết bản chất của hai thân.
Ngay vào lúc sát na khởi sanh Tuệ quán, trước tiên người ta biết các pháp như thật và đoạn trừ ba nhân bất thiện là tham (lobha), sân (dosa), và si (moha). Vào sát na khởi sanh sau của Tuệ quán, qua bốn giai đoạn của Đạo, người ta có thể đoạn trừ tất cả tham ái, không còn lại chút tàn dư nào của chúng bằng cách chánh đoạn (samuccheda- pahāna). Nội dung này cần được lưu ý).
Sau khi chỉ ra trình độ của các bậc Hữu học (sekha-bhūmi, hữu học địa), bây giờ Đức Phật muốn chỉ ra trình độ của các bậc Vô học (asekha-bhūmi, vô học địa) và thuyết giảng câu kệ này:
(12) Chanda-rāga vivatto so bhikkhu paññāṇavā idha Ajjhagā amataṃ santiṃ Nibbānaṃ padam accutaṃ
Trong Giáo pháp này có tám điều kỳ diệu, đối với thân còn sống hoặc đã chết, bên trong hoặc bên ngoài, vị tỳ khưu đã đoạn trừ hoàn toàn tất cả ái dục và tham muốn, bậc có A-la-hán Đạo tuệ, bậc đã đắc Quả ngay sau Đạo và trở thành bậc A-la-hán, đạt đến Niết bàn bất tử tối thắng, chấm dứt tất cả hành (saṇkhāra) hay đặc tánh tịnh lạc, giải thoát khỏi ái dục, mục tiêu có thể đạt được bởi Đạo tuệ.
Qua câu kệ này Đức Phật muốn nói rằng người mà đã thực hành theo cách đã được nêu ra trước đây, đã đoạn diệt ái dục và tham muốn (hay tất cả phiền não do ái dục và tham muốn dẫn đầu) và đạt được hai yếu tố của Niết bàn.
Sau khi đã giảng về pháp quán bất tịnh như vậy (asubhakammaṭṭhāna) bằng thân đang sống (saviññāṇaka) và xác thân đã chết (aviññāṇaka) cùng với đỉnh cao của nó là Đạo, Quả và Niết bàn. Đức Phật đọc lên hai câu kệ cuối cùng để khiển trách những người sống dể duôi (pamādavihāra) vốn rất nguy hiểm cho pháp thiền đầy kết quả to lớn như vậy:
(13) Dvipādako’yaṃ asuci Duggandho-parihārati Nānākuṇapa-paripūro vissavanto tato tato.
(14) Etādisena kāyena yo maññe uṇṇametave Paraṃ vā avajāneyya kim aññatra adassanā.
Thân người, có hai chân, đầy những vật bất tịnh, nhờm gớm và hôi hám, phải trải qua sự chăm sóc hằng ngày như tắm rửa, xức dầu thơm, v.v… (Mặc dù chăm sóc hàng ngày như vậy) nó chứa đầy mùi hôi thối, từ chín lỗ và những lỗ chân lông trên thân chảy ra liên tục những thứ đáng nhờm gớm như nước miếng, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, ráy từ lỗ tai, dù luôn cố gắng che phủ chúng bằng cách trang điểm tràng hoa và dầu thơm.
(Do tấm thân hay vì tấm thân bất tịnh đầy những vật nhờm gớm, kẻ ngu, hoặc nam hoặc nữ, qua ái dục có thể nghĩ rằng “Đây là thân của ta!” , do ngã mạn nghĩ rằng “Đích thực thân này là ta”, do tà kiến nghĩ rằng “Thân này thì trường tồn” chỉ làm tăng thêm vô minh mà thôi. Nói cách khác, vị ấy có thể xem thường kẻ khác vì dòng dõi, danh tính, dòng tộc và những thứ như vậy. Trong việc tán hủy tha như vậy, lý do nào có được ngoài việc không hiểu Tứ Đế mới có sự khen mình chê người.
Vào lúc kết thúc thời pháp, tám mươi bốn ngàn chúng sanh được giác ngộ Tứ Diệu đế và được giải thoát. Thiên hậu Sirimā chứng đắc Quả thánh Bất lai (anāgāmi-phala), vị tỳ khưu luyến ái nàng Srimā được chứng đắc Quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala).
Kết thúc bài kinh Vujaya
SUTTA
Bài Pháp này có ba cái tên: (1) Kinh Vijaya, (2) kinh Kāyavicchandanika, (3) Kinh Nanda. Lý do của chúng là:
(1) Bài kinh dẫn đến sự chiến thắng (vijaya) vượt qua tham ái (chanda-rāga hay taṅhā-lobha) đối với thân, vì vậy nó được gọi là kinh Vijaya.
(2) Bài kinh dạy cách đoạn trừ tham ái đối với thân; nên có tên là kinh Kāya-vicchandanika hay Kāya-vicchindanika.
(3) Câu chuyện về kỹ nữ Sirimā là sự giới thiệu cho việc thuyết giảng lần thứ hai của bài kinh. Chính bài pháp này trước kia đã được thuyết giảng đến Trưởng lão Ni Janapada Kalayānī Nandā tại Sāvathi; nên mới có tên là kinh Nanda.
Giải thích:
(1) Bài kinh Vijayā đầu tiên được thuyết giảng liên quan đến Trưởng lão Ni Janapada Kalayānī Nandā tại Sāvatthī.
(2) Bài kinh được thuyết giảng liên quan đến kỹ nữ Sirimā tại Rājagaha. Bài trình bày sự thuyết giảng lần thứ hai đã được kể ra. Bài nói về sự thuyết giảng lần thứ nhất như sau:
Trong khi viếng thăm kinh đô Kapilavatthu lần đầu tiên (sau khi Ngài chứng đắc quả Phật Toàn Giác). Đức Phật khuyến giáo hoàng tử Sakyan và truyền phép xuất gia cho hoàng tử Nandā và những vị khác. Sau đó (năm năm sau), khi Ngài cho phép người nữ xuất gia làm tỳ khưu ni thì ba vị công chúa:
1. Nanda, chị gái của trưởng lão Ānanda,
2. Abhirūpanandā, con gái của vua Khemaka dòng Thích ca,
3. Janapada-Kalyāṇī Nandā, vợ chưa cưới của hoàng tử Nandā.
Vào lúc họ xuất gia, Đức Phật đang ngự tại Sāvatthi. Trong số ba nàng công chúa này, Abhirūpanandā sở dĩ có tên như vậy là vì nàng có sắc đẹp thù thắng. Janapada-Kalyānī Nandā cũng không thấy ai có sắc đẹp như nàng. Vì cả hai rất ngã mạn về sắc đẹp của họ nên họ không bao giờ đi đến Đức Phật hay muốn gặp Ngài; vì họ nghĩ rằng: “Đức Phật chê bai sắc đẹp. Ngài chỉ ra những khuyết điểm trong sắc đẹp bằng nhiều cách.”
[“Thế thì tại sao họ trở thành tỳ khưu ni?” Có thể hỏi như vậy. Câu trả lời là “Họ không có ai để nương tựa trong xã hội, vì thế họ trở thành tỳ khưu ni.”
Giải thích: Người chồng của công chúa dòng Thích ca Abhirūpanandā, chết vào ngày họ cưới nhau. Rồi cha mẹ buộc nàng xuất gia làm tỳ khưu ni.
Janapada Kalyānī trở thành tỳ khưu ni vì nàng mất hy vọng giành lại người chồng chưa cưới khi ấy là đại đức Nandā đã chứng đắc đạo quả A-la-hán, nàng suy nghĩ rằng: “Thái tử Nandā chồng của ta, mẹ của ta Mahāpajāpati Gotamī và những quyến thuộc khác đều đi tu. Quả thật bất hạnh nếu sống không có quyến thuộc trong đời sống thế tục này,” và không tìm thấy sự an ủi nào trong đời sống gia đình. Cả hai xuất gia không vì đức tin (sadhā).]
Khi biết rõ sự chín muồi trí tuệ của cả hai, Đức Phật bèn nhắn tin đến trưởng lão ni Mahāpajāpati Gotamī với nội dung rằng: “Tất cả tỳ khưu ni đều phải đến nghe Như Lai khuyến giáo.” Khi đến lượt của hai vị tỳ khưu ni ấy, họ nhờ người khác đi thay. Điều này khiến Đức Phật đưa ra một quyết định khác: “Không được cử người khác đi thế. Đến phiên người nào thì người ấy bắt buộc đích thân đến.”
Một hôm nọ, trưởng lão ni Abhirūpanandā đi đến Đức Phật để nghe giáo huấn của Ngài. Khi ấy Đức Phật khuấy động tâm của nàng bằng cách tạo ra hình tướng của một người nữ khác và giáo huấn bằng câu kệ sau:
Aṭṭhīnaṃ nagaraṃ kataṃ, maṃsalohitalepanaṃ Yattha jarā ca maccu ca, māno makkho ca ohito.
(Này con gái Abhirūpanandā!) Cũng như cái kho chứa ngũ cốc được dựng lên bằng gỗ, buộc nó lại bằng những sợi dây mây, và trét đất lên. Cũng vậy, thân ví như kho thóc được xây lên bởi người thợ ái dục, bằng các cố định ba trăm đốt xương (giữ nó bằng ba trăm sợi gân) và đắp lên nó chín trăm cục thịt và một pattha máu. Chất chứa trong nó là già, chết, ngã mạn và vô ơn.
Câu kệ này thuộc kinh Pháp cú (Dhammapada)
Āturaṃ asucinṃ pūtiṃ passa nande sarnussayaṃ Uggharantaṃ paggharaṅtaṃ bālānaṃ abhipatthitaṃ.
(Này con gái Abhirupanandā!) Hãy nhìn bằng con mắt trí tuệ, thân này thường xuyên đau đớn, bất tịnh, hôi hám, có dòng chảy (hôi hám) lên và chảy xuống. Chỉ những kẻ ngu mới đắm say vào thân ấy.”
Nửa phần sau của câu kệ nằm trong bộ Therī Gāthā:
Asubhāya cittaṃ bhāvehi ekaggaṃ susamāhitaṃ
Hãy tu tập tâm định trong tánh bất tịnh của thân đang sống, tâm có sự tập trung bởi upacara samādhi và tâm được khéo tập trung bởi appana-samādhi.
Animittañ ca bhāvehi mānānusayam ujjaha Tato mānābhisamayā upasantā carissasi.
(Này con gái Abhirupanandā!) Hãy tu tập không ngừng về pháp thiền vô thường (anicca-bhāvanā), pháp thiền về khổ (dukkha- bhāvanā), pháp thiền về vô Ngã (anatta-bhāvanā) mà được gọi là animitta (pháp không có tướng thường tồn v.v…). Hãy đoạn tận kiến chấp về ‘Ta’, nó đã ngấm ngầm đi theo trong luân hồi mà không có khởi điểm. Bằng cách như vậy, theo phương pháp chánh đoạn (samuccheda-pahāna) con sẽ sống với tất cả ô nhiễm đã bị đoạn diệt.” Bằng sự giáo huấn qua những câu kệ này, như đã được nêu ra trong bộ Therī Gāthā, Đức Phật đã an trú Trưởng lão ni Abhirūpanandā trong A-la-hán Quả. (Đây là câu chuyện về Trưởng lão ni Abhirūpanandā).
Một hôm, dân cư trong thành Sāvatthi bố thí vật thực và thọ trì giới vào buổi sáng. Họ ăn mặc đẹp đẽ và đi đến tịnh xá Jetavana, mang theo dầu xức, bông hoa và những vật cúng dường khác để tham dự buổi lễ thuyết pháp của Đức Phật. Khi buổi lễ kết thúc, họ đảnh lễ Đức Phật và trở vào thành. Sau khi nghe pháp, các tỳ khưu ni cũng trở về chỗ ngụ.
Trong thành Sāvatthi, các thiện nam tín nữ, cũng như các vị tỳ khưu ni nói lời tán dương bậc Đạo-Sư như sau:
Không ai không khởi tâm tịnh tín khi nhìn thấy Đức Phật giữa hội chúng gồm chư thiên và nhân loại, họ đặc biệt bị thu hút bởi bốn pháp: sắc tướng (rūpa), giọng nói (ghosa), sự mộc mạc (lūkha) và Pháp (Dhamma) của Ngài (sīla, samādhi, paññā).
Nghĩa là :
(1) Những người thích sắc tướng (rūpappamāṇika) thì trở nên có tịnh tín với Đức Phật khi họ thấy vẻ đẹp rực rỡ của Ngài với những tướng chính, tướng phụ và hào quang sáu màu.
(2) Những người thích về danh tiếng và giọng nói (ghosappamāṇika) thì trở nên tịnh tín đối với Đức Phật khi họ nghe danh tiếng của Ngài khi Ngài còn là vị Bồ tát trong nhiều câu truyện Bổn sanh và giọng nói của một vị Phật có tám đặc tánh.
(3) Những người thích sống đơn giản trong bốn món vật dụng và ít phiền não (lūkhappamāṇika) thì sẽ có đức tin với Ngài khi họ biết sự thiểu dục của Ngài đối với bốn món vật dụng và sự thực hành khổ hạnh của Ngài (dukkaracariyā).
(4) Những người khác thích các đức như sīla, samādhi, paññā và những pháp khác (dhammappamāṇika) sẽ khởi tâm tịnh tín nơi Đức Phật khi họ quán niệm về năm ân đức của Ngài như Giới đức (sīla-guṇa), Định đức (samādhi-guṇa), Tuệ đức (paññā-guṇa), Giải thoát đức (vimutti-guṇa), Giải thoát Tri kiến đức (vimutti- ñāna-dassana), tất cả năm đức ấy đều vô song.
Bằng cách này, những lời ca ngợi được lan truyền khắp nơi để tán dương Đức Phật, mọi người không ngớt lời tán thán Ngài.
Chú thích:
(1) Hai phần ba (66%) chúng sanh thuộc loại rūpapppamāṇika.
(2) Bốn phần năm (80%) là ghosappamāṇika.
(3) Chín phần mười (90%) là lūkhappamāṇika.
(4) Một phần trăm ngàn (1/100.000) là dhammappamāṇika.
Dù nhiều đến bao nhiêu họ cũng được xếp vào trong bốn hạng theo cách này.
Trong bốn hạng chúng sanh này, những người không có tịnh tín đối với Đức Phật thì rất ít so với những chúng sanh có tịnh tín.
Giải thích:
(1) Đối với chúng sanh rūpapppamāṇika thì không có hảo tướng nào hấp dẫn hơn hảo tướng của Đức Phật.
(2) Đối với chúng sanh ghosappamāṇika thì không có danh tiếng và giọng nói nào hay hơn danh tiếng và giọng nói của Đức Phật.
(3) Đối với chúng sanh lūkhappamāṇika, không có sự khổ hạnh nào hơn sự khổ hạnh của Đức Phật, bậc đã từ bỏ những y phục mịn màng của nước Kāsi, những hủ vàng, ba cung điện phù hợp với ba mùa và đầy đủ dục lạc, nhưng Ngài lại mặc y vải vụn, dùng bát bằng đá, ngụ dưới cội cây, v.v…
(4) Đối với chúng sanh dhammappamāṇika thì không có ân đức nào trong khắp thế gian mà hấp dẫn hơn ân đức của Đức Phật như sīla, samādhi, paññā, v.v… Đức Phật đã hiểu rõ tất cả chúng sanh và Ngài hình thành bốn hạng (catuppamāṇika) Những chữ trong dấu ngoặc được tái tạo từ bộ Abhidhamma III, phần còn lại từ bộ Chú giải Sutta Nipāta, cuốn I.
Khi Trưởng lão ni Janapada Kalyānī Nandā trở về nơi ngụ, ni sư còn nghe những lời tán dương những ân đức của Đức Phật, và ni sư nghĩ rằng: “Những người này đang nói về những ân đức của anh trai ta (Đức Phật) cứ như miệng của họ không có khả năng giữ những câu nói này. Nếu Đức Phật nói xấu về sắc đẹp của ta, Ngài có thể làm được bao nhiêu trong cả ngày? Nếu ta đi đến Đức Phật đảnh lễ Ngài và nghe Ngài thuyết pháp nhưng không để Ngài thấy ta thì sao?” Khi nghĩ như vậy, Ni sư nói với những ni sư khác rằng: “ Tôi sẽ đi với các ni sư đến nghe Đức Phật thuyết pháp.” Các tỳ khưu ni lấy làm hoan hỷ và đi đến tịnh xá cùng với Trưởng lão ni Nandā vì họ nghĩ rằng: “Rất lâu rồi Trưởng lão ni Nandā mới đi nghe Đức Phật thuyết pháp. Chắc chắn, bậc Đạo-Sư sẽ thuyết pháp một cách kỳ diệu bằng nhiều cách tinh tế. ”
Đức Phật biết rằng Trưởng lão ni Nandā đến và Ngài dùng thần thông hóa ra một cô gái tuổi mười lăm hoặc mười sáu rất xinh đẹp đang quạt hầu cho Ngài để diệt trừ sự ngã mạn về sắc đẹp của Rūpanandā, ví như một người dùng một cái gai để nhổ đi một cái gai khác.
Cùng với những tỳ khưu ni khác, Trưởng lão ni Nandā đi đến Đức Phật và đảnh lễ Ngài, sau khi đó nàng ngồi ở giữa hội chúng tỳ khưu ni, nhìn ngắm sự rực rỡ của Đức Phật từ bàn chân lên đến đỉnh tóc. Nàng trông thấy một cô gái xinh đẹp đứng quạt hầu bên cạnh Ngài, Rūpanandā suy nghĩ rằng: “Ồ! Thiếu nữ này thật xinh đẹp.” Và ý nghĩ ấy khiến nàng khởi lên sự ưa thích sắc đẹp được tạo ra ấy và sự khao khát cháy bỏng muốn có được sắc đẹp ấy, nàng đã đánh mất sự ngã mạn về sắc đẹp của mình.
Khi ấy, Đức Phật đang thuyết pháp, Ngài hóa hiện thiếu nữ ấy vào tuổi hai mươi. Một thiếu nữ tươi thắm nhất chỉ khi ở tuổi mười sáu. Qua tuổi ấy nàng sẽ không đẹp như thế. Do đó, khi tuổi của nàng thiếu nữ được hóa hiện thay đổi thì mắt của Rūpanandā thấy sự suy giảm về sắc đẹp của thiếu nữ này, và dục tham (chanda-rāga) của nàng càng lúc càng giảm.
Sau đó, Đức Phật hóa hiện cho nàng thiếu nữ mỗi lúc một già đi thành một người đàn bà chưa có gia đình, rồi thành một người đàn bà đã một lần sanh con, rồi thành người đàn bà ở độ tuổi trung niên, một bà già, một bà lão một trăm tuổi tay chống gậy thân đầy những vết tàn nhang. Trong khi Rūpanandā đang nhìn bà lão ấy thì Đức Phật biến bà lão ấy thành một người chết, xác của bà ta trương phình lên, thối rửa và có mùi hôi thối trước sự nhìn ngắm của Trưởng lão ni ấy.
Trông thấy sự biến hoại của người đàn bà được tạo ra thì Trưởng lão ni Nandā quán xét: “ Tất cả chúng sanh trong chúng ta đều phải chịu đựng quá trình mà hiện ta đang nhìn thấy.” Và Vô thường tưởng (anicca-saññā), Khổ tưởng (dukkha-saññā), và Vô ngã tưởng (anatta- saññā), lần lượt sanh khởi trong tâm của Trưởng lão ni Nandā. Ba loại Hữu hiện bày trong tâm của Trưởng lão ni khiến bà cảm thấy như đang ở trong căn nhà rực cháy.
Khi ấy, Đức Phật biết rằng Trưởng lão ni Nandā đang chuyên tâm vào trong thiền quán, Ngài bèn đọc lên những câu kệ sau đây mà rất phù hợp với trưởng lão:
Āturaṃ asuciṃ pūtiṃ passa Nande samussayaṃ Uggharantaṃ paggharantaṃ, bālānaṃ abhipatthitaṃ.
Yathā idaṃ tathā etaṃ, yathā etam tatha idam dhātuto suññato passa mā lokaṃ punar āgami
Bhave chandaṃ virājetvā upasanta carissasi.
(Xem ý nghĩa câu kệ đầu ở phần Bổ sung cho bài dịch kinh Vijaya).
Này con! Nandā, nội thân này (thân của con) chịu sự vô thường, v.v… như thế nào thì ngoại thân (thân của người khác) cũng như thế ấy. Cũng như ngoại thân mà con đã trông thấy, trải qua tất cả các giai đoạn của tuổi già và đi đến trạng thái bị trương phình, v.v… Này con gái! Bằng con mắt Minh sát tuệ hãy thấy (cả hai là nội thân và ngoại thân) là không có những yếu tố như đất hoặc tự ngã và những pháp kết hợp với tự ngã. Đừng muốn trở lại thế giới chấp thủ của ngũ uẩn. Hãy đoạn tận (samuccheda-pahāna) ái dục của con đối với ba hữu gồm kāma, rūpa, arūpa, hoặc nếu con đã đoạn tận như vậy, con sẽ an trú với tất cả hơi nóng phiền não bị dập tắt.
Lúc kết thúc câu kệ, Trưởng lão ni Janapada Kalyānī Nandā được an trú trong quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala). Khi ấy, Đức Phật đem bài kinh Vijaya (như đã được nêu ra ở trước) để thuyết giảng về pháp thiền Vipassanā kết hợp với suññata để Trưởng lão ni có thể đạt Đạo Quả cao hơn.
(Đức Phật thuyết bài kinh Vijaya này (1) đầu tiên đến Janapada Kalyāni vào hạ thứ năm hoặc thứ sáu sau khi Ngài thành đạo. (2) Chính hạ thứ mười bảy Ngài đã thuyết bài kinh ấy đến vị tỳ khưu luyến ái kỳ nữ Sirimā.)
Khi bài pháp kết thúc, Trưởng lão ni bị nhiều khuấy động bởi sự kinh hãi, nghĩ rằng: “Ôi! Ta quả thật là ngu si! Đối với anh của ta (Đức Phật), người đã dạy cho ta Giáo pháp kỳ diệu như vậy, quan tâm nhiều đến ta và rất bi mẫn. Vậy mà trước kia ta đã không đến nghe pháp.” Sau khi kinh hãi như vậy, Trưởng lão ni quán đi quán lại bài Kinh và siêng năng hành thiền suññata. āliaāāKhoảng thời gian hai hoặc ba ngày, Trưởng lão ni chứng đắc Đạo quả A-la-hán.
Sau khi trải qua mùa an cư thứ mười bảy tại Veḷuvana thuộc thành Vương Xá và tế độ cho vô số chư thiên, nhân loại và chư Phạm thiên hữu duyên, tế độ bằng nhiều bài pháp khác nhau bao gồm bài kinh Vijaya đã được nêu ở trên. Đức Phật du hành khi mùa an cư đã mãn và đến thành Sāvatthi, ngụ tại tịnh xá Jetavana.
Rồi một hôm, trong khi ngự trong Hương phòng tại tịnh xá Jetavana, Ngài đã dò xét thế giới chúng sanh vào lúc bình minh và thấy một người đàn ông nghèo tại thành phố Āḷavī. Khi biết rằng phước báu từ kiếp trước của người đàn ông này sẽ đưa ông ta đạt đến Đạo quả Nhập lưu, Đức Phật bèn đi đến Āḷavī dẫn theo năm trăm vị tỳ khưu. Dân chúng trong kinh thành Āḷavī, vốn là tín đồ mẫu mực của Đức Phật, có chánh kiến, cung kính thỉnh mời chúng Tăng do Đức Phật dẫn đầu tham dự lễ cúng dường vật thực của họ.
Khi người đàn ông nghèo hay tin Đức Phật đến, ông ta vui sướng nghĩ rằng: “Ta sẽ có cơ hội được nghe Đức Phật thuyết pháp.” Rồi một biến cố xảy ra vào ngày Đức Phật vào kinh thành. Con bò kéo của người đàn ông nghèo tuôn chạy vì sợi dây buộc nó bị đứt.
Khi ấy người đàn ông nghèo nghĩ rằng: “Ta sẽ làm gì? Ta sẽ đi tìm con bò trước hay là đi nghe pháp trước?” Rồi ông ta quyết định đi tìm con bò trước rồi đi nghe Đức Phật thuyết pháp sau thì mới khỏi lo lắng. Thế nên, ông ta rời nhà đi tìm con bò.
Dân cư thành Āḷavī dâng chỗ ngồi đến Tăng chúng có Đức Phật dẫn đầu, dâng vật thực đến các Ngài và sắp xếp để Đức Phật thuyết pháp để tán thán công đức cúng dường vật thực của họ. Đức Phật suy xét: “Vì người đàn ông nghèo, Ta đã đi một đoạn đường dài ba mươi do tuần. Giờ ông ta đi vào rừng tìm con bò bị thất lạc. Bao giờ ông ta đến ta mới thuyết pháp.” Suy nghĩ như vậy, Đức Phật vẫn im lặng.
Đến xế trưa thì ông ta mới tìm thấy con bò và lùa nó vào đàn. Rồi ông ta suy nghĩ: “Vào giờ này ta không còn cơ hội để phục vụ dù bằng bất cứ hình thức nào. Tuy nhiên, ta sẽ đến đảnh lễ Đức Phật.” Dù bụng đói cồn cào nhưng ông ta không trở về nhà mà chạy thẳng đến Pháp hội, ông ta đảnh lễ Đức Phật và đứng ở một nơi hợp lẽ.
Khi ông ta đang đứng như vậy, Đức Phật bảo với người trưởng nhóm bố thí vật thực: “Này thí chủ! Sau khi dâng cúng vật thực đến chư Tăng rồi, có còn thừa chút ít vật thực nào không?” Vị thí chủ trả lời: “Dạ còn, bạch Đức Thế Tôn! Còn đủ một bữa ăn.” Khi ấy Đức Phật bảo vị thí chủ dọn ra cho người đàn ông nghèo.Vị thí chủ bèn dọn ra trước mặt người đàn ông nghèo món cơm dẻo, vật thực loại cứng loại mềm. Sau khi ăn một cách no đủ, người đàn ông nghèo rửa miệng sạch sẽ.
(Không có chỗ nào trong Tam Tạng Piṭaka nói rằng Đức Phật bảo một người nào đó dọn cơm cho một gia chủ).
Sau khi ăn no, tâm của người đàn ông nghèo trở nên lắng dịu và nhất tâm. Khi ấy Đức Phật thuyết pháp tuần tự đến ông ta: dāna-kathā (pháp thoại về bố thí), sīla-kathā (pháp thoại về trì giới), sagga-kathā (pháp thoại về các cõi trời), kammānaṁādīnava-kathā (pháp thoại về tội của các dục lạc), nekkhamme anissamsa-kathā (pháp thoại về lợi ích của sự từ bỏ), và cuối cùng Đức Phật thuyết về Tứ Diệu Đế. Vào lúc kết thúc thời thuyết giảng tán thán sự cúng dường vật thực, Đức Phật đứng dậy và ra đi. Ngài trở về tịnh xá và mọi người quay về kinh đô Āḷavī.
Khi các vị tỳ khưu đi theo bậc Đạo-Sư, họ nói với nhau một cách mỉa mai rằng: “Thưa các tôn giả! Hãy nhìn xem cách mà bậc Đạo-Sư đã làm. Trước đây tuyệt đối chưa có nơi nào thấy Ngài sắp xếp đãi ăn một cư sĩ. Nhưng hôm nay, vừa nhìn thấy gã đàn ông nghèo Ngài đã bảo người ta dọn ra món cơm dẻo và những món vật thực khác cho ông ta.” Đức Phật bèn quay lại hỏi họ đang bàn luận về vấn đế gì. Khi Ngài biết nội dung câu chuyện, Ngài dạy: “Đúng vậy, này các tỳ khưu! Các thầy đã nhận xét đúng. Như Lai đã đi một quãng đường ba mươi do tuần chỉ vì Như Lai thấy phước quá khứ của người đàn ông nghèo khổ kia đủ để dẫn ông chứng đắc Đạo quả Nhập lưu. Ông ta rất đói bụng. Vì từ sáng sớm ông ta đã đi tìm con bò bị thất lạc đang đi quanh quẩn trong khu rừng. Nếu Như Lai giảng dạy cho ông ta mà không cho ông ta ăn cơm, ông ta không thể nào thâm nhập lời dạy của Như Lai do cái khổ đói của ông ta. Sau khi quán xét như vậy, Như Lai mới làm điều này. Không có sự đau khổ nào bằng đói bụng.” Rồi Ngài đọc lên câu kệ sau:
Jighacchā paramā rogā, saṅkhāraparamā dukkhā.
Etaṃ ñatvā yathābhūtaṃ, nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ.
Này các tỳ khưu! Đói vượt trội hơn tất cả mọi đau đớn bức bách (trong tất cả mọi sự đau đớn, đói là khốc liệt nhất). Đúng vậy, những chứng bịnh khác thì chỉ cần chữa một lần là khỏi hẳn. Hay chúng dịu bớt trong nhiều ngày, nhiều tháng hay nhiều năm. Tuy nhiên, với cái đói thì dầu ăn no một lần không thể dập tắt được. Sự đối trị của nó bằng cách ăn uống ngày này qua ngày khác. Do đó, trong tất cả mọi bệnh khổ thì bệnh đói tệ hại nhất.
Các yếu tố hữu vi gồm năm uẩn vượt trội tất cả mọi sự khổ (chừng nào những yếu tố này còn hiện hữu thì sự khổ vẫn chưa chấm dứt. Do đó, trong tất cả mọi sự khổ, những yếu tố hữu vi gồm năm uẩn là tệ hại nhất).
Yếu tố vô vi Niết bàn tuyệt đối là hạnh phúc tối thượng (hạnh phúc cảm thọ (vedayita-sukha) được người thế gian ưa thích và thọ hưởng chỉ khi nào nó hiện hữu. Khi nó hoại diệt thì không có sự an nhàn hay thích thú. Sự an lạc của Niết bàn không bao giờ có tánh hoại diệt, sự an lạc ấy là vĩnh cửu, cho nên Niết bàn là hạnh phúc tối thượng.
Khi kết thúc điều này đúng như thật, Bậc trí giác ngộ hạnh phúc của Niết bàn.
Vào lúc kết thúc thời pháp nhiều chúng sanh chứng quả đắc quả thánh Nhập lưu và những tầng thánh khác.
Kết thúc câu chuyện về vị thiện nam
*****************
Sau khi độ thoát cho đông đảo chúng sanh hữu duyên theo đúng căn tánh của họ, bắt đầu từ người đàn ông nghèo xứ Āḷavī, người đi tìm con bò thất lạc như đã được trình bày. Đức Phật trải qua mùa an cư thứ mười tám trên một ngọn đồi gần Cāliya, ban phát nước bất tử đến cho những ai cần được độ thoát .
Vào cuối của mùa an cư thứ mười tám trên đồi Cāliya, Đức Phật đi du hành từ nơi này đến nơi khác, và khi đến Sāvatthi, Ngài ngụ tại tịnh xá Jetavana.
Khi Đức Phật đang ngụ tại Jetavana, vào lúc kết thúc mùa an cư thứ mười tám, Ngài đi đến thành phố Āḷavī và dân cư thỉnh mời Ngài cùng chư Tăng dự lễ cúng dường vật thực to lớn của họ. Sau khi độ thực xong, Đức Phật ban bố thời pháp thoại để tán thán sự cúng dường vật thực của dân chúng. Pháp thoại bao gồm những lời khuyến giáo như sau:
“Này các thí chủ, này các vị! Hãy quán niệm về sự chết như vầy : ‘Mạng sống của ta không trường tồn, sự chết chắc chắn sẽ đến với ta. Điều chắc chắn là ta sẽ chết. Đời sống của ta sẽ kết thúc bằng sự chết ; đời sống không thường hằng nhưng sự chết thì thường hằng !’
Những lợi ích của việc quán niệm về sự chết là như vầy: Khi trông thấy một con rắn, người không có cây gậy sẽ khởi sanh sợ hãi, ông ta và những người không quán niệm về sự chết - nó phát ra những âm thanh khiếp đảm. Tuy nhiên, người có cây gậy sẽ không sợ hãi mà giữ tâm bình lặng khi thấy con rắn vì ông có thể chế ngự con rắn và bắt nó bằng cây gậy của ông rồi đưa nó đi chỗ khác. Cũng vậy, những người đã thành tựu về pháp thiện quán niệm về sự chết thì không sợ hãi vào sát na cuối cùng của họ (khi cái chết đang đến gần) họ sẽ mạng chung với tâm không sợ hãi mà bình thản. Do đó, quý vị nên quán niệm về sự chết (đã được nói ở trên). ”
Trong khi những người khác đang lưu tâm đến công việc riêng của họ sau khi nghe pháp thoại của Đức Phật thì có một cô gái mười sáu tuổi, con gái người thợ dệt lại quan tâm rất tốt đến thời pháp như thế này: “Ôi! Lời dạy của Đức Phật quả thật là kỳ diệu, ta sẽ quán niệm về sự chết!” Bởi vậy, nàng quan tâm đến pháp thiền ấy cả ngày lẫn đêm. Rồi từ thành phố Āḷavī, Đức Phật quay về Jetavana. Về người con gái, cô ta tiếp tục thực hành pháp thiền ấy suốt ba năm.
Sau ba năm, Đức Phật khi đang ngự tại Jetavana, Ngài dò xét thế gian hữu tình vào buổi sáng nọ và trông thấy chính người con gái ấy của người thọ dệt trong võng trí của Ngài.
Khi Ngài quán xét thêm xem có gì xảy ra với nàng thì Ngài thấy rằng: “Cô gái này đã quán niệm về sự chết trong ba năm kể từ khi cô gái ấy nghe thời pháp thoại của ta. Bây giờ ta sẽ đi đến Āḷavī và hỏi cô gái ấy bốn câu hỏi. Khi ấy Như Lai sẽ đọc lên pháp kệ bắt đầu bằng “Aṇdhī-bhūto ayam loko”. Vào lúc kết thúc pháp thoại cô gái ấy sẽ chứng đắc Quả Nhập lưu (sotāpatti-phala). Do cô gái ấy mà đông đảo hội chúng cũng được lợi ích.
Do thấy trước như vậy, Đức Phật cùng năm trăm vị tỳ khưu rời Jetavana đi đến Āḷavī và ngụ tại tịnh xá Aggāḷava.
Nghe tin Đức Phật đến, người dân xứ Āḷavī đi đến tịnh xá Aggāḷava và thỉnh mời chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu.
Con gái của người thợ dệt hay tin Đức Phật đến và phát tâm hân hoan, nghĩ rằng: “Bậc Đạo-sư và người cha tinh thần của ta, Đức Phật thuộc dòng họ Gotama, bậc có khuôn mặt xinh đẹp ví như trăng rằm, Ngài đã đến.” Và cô gái tiếp tục suy nghĩ: “Cách đây ba năm ta đã thấy Đức Phật có nước da màu vàng ròng. Bây giờ ta có thêm một cơ hội nữa để xem kim thân sáng chói của Ngài và nghe pháp thoại ngọt ngào đầy bổ ích của Ngài.”
Lúc bấy giờ, cha của cô gái định đi đến xưởng dệt vải, nên trước khi đi ông dặn con gái rằng: “Này con! Cha đã gắn miếng vải của người ta trên khung. Còn một khoảng gang tay nữa cha chưa dệt xong, cha sẽ dệt nó xong ngày hôm nay. Con hãy cuộn nhanh sợi vải rồi đem đến cho cha.”
Bấy giờ cô gái ở trong trình trạng tiến thoái lưỡng nan, nghĩ rằng: “Ta muốn đi nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp. Nhưng cha bảo ta phải làm gấp rút cho xong công việc. Bây giờ ta nên làm gì? Ta nên đi nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp trước hay quay cuộn chỉ đem đến cho cha ta trước ?” Sau đó cô gái ấy quyết định : “Nếu ta không làm xong và đem cuộn chỉ vải đến cho cha thì cha sẽ mắng ta. Do đó, chỉ sau khi quay xong cuộn vải rồi ta sẽ đi nghe pháp.” Thế nên, cô gái ngồi vào chiếc ghế và quay cuộn chỉ vải.
Dân cư trong kinh thành Āḷavī sau khi cúng dường vật thực đến Đức Phật, cầm những cái bát nước dâng cúng để nghe Đức Phật thuyết pháp phúc chúc cho những việc phước của họ. Tuy nhiên, Đức Phật vẫn làm thinh, vì Ngài nghĩ rằng: “Vì cô gái con của người thợ dệt này mà ta đã đi một đoạn đường dài ba mươi do tuần. Cô gái ấy chưa có cơ hội để nghe Như Lai thuyết pháp. Chỉ khi nào cô gái ấy có cơ hội nghe pháp thì Như Lai sẽ thuyết pháp phúc chúc.”
(N.B. Khi Đức Phật đang ngồi im lặng, trong hội chúng nghe pháp cũng không ai dám thỉnh Ngài thuyết pháp).
Cô gái bỏ cuộn chỉ vải vào trong giỏ và trên đường đi đến cha của cô, cô đứng ở vòng ngoài của hội chúng. Đức Phật nhìn cô gái, rướn cái cổ của Ngài. Cách nhìn của Ngài khiến cô biết rằng: “Đức Thế Tôn muốn ta đến gần Ngài hơn vì khi ngồi giữa hội chúng đông đảo như vậy mà Ngài chỉ nhìn vào ta.”
(Ở đây, có thể đặt ra câu hỏi rằng: “Tại sao Đức Phật rướn cổ của Ngài và nhìn cô gái?”
Câu trả lời: Vì Đức Phật biết như vầy: “Nếu cô gái ấy đi đến cha của nàng mà không nghe pháp của Như Lai ngay tại mé ngoài của hội chúng thì cô ấy sẽ chết trong thân phận của kẻ phàm phu (puthujjana) và số phận vào lúc chết thì không an toàn. Nhưng nếu cô ấy đi đến cha sau khi nghe pháp của Như Lai thì số phận của cô ấy sẽ đảm bảo, cô ấy sẽ chứng đắc thánh quả Nhập lưu (sotāpatti-phala) và tái sanh trong một thiên cung ở cõi Đâu suất đà (Tusitā). Ngoài ra, sẽ không có sự giải thoát nào dành cho cô ấy sau cái chết vào ngay ngày hôm nay.” Đó là lý do khiến Đức Phật rướn cổ nhìn cô gái).
Sau khi nhận được lời gợi ý từ Đức Phật và đi đến Đức Phật xuyên qua hào quang sáu màu của Ngài. Cô gái đảnh lễ Đức Phật và đứng ở một nơi thích hợp. Sau đây là những câu hỏi của Đức Phật và những câu trả lời của cô gái:
Đức Phật: “Này cô gái! Cô từ đâu đến?”
Cô gái: “Bạch Đức Thế Tôn! Con không biết.” Đức Phật: “Cô đang đi đâu?”
Cô gái: “Bạch Đức Thế Tôn! Con không biết.” Đức Phật: “Này cô gái! Cô không biết à?”
Cô gái: “Dạ con biết, bạch Đức Thế Tôn.” Đức Phật: “Này cô gái! Cô biết à?”
Cô gái: “Bạch Đức Thế Tôn! Con không biết.”
Bằng cách này Đức Phật đã hỏi cô gái bốn câu hỏi. Do hiểu được ý mà Đức Phật muốn hỏi nên cô gái trả lời với ý nghĩa thâm sâu.
Những người không hiểu ý nghĩa, quở trách cô ấy: “Hãy xem cô gái! Thưa các bạn! Trong cuộc nói chuyện giữa cô ta với Đức Phật, cô ta đã nói một cách ngẫu nhiên điều mà cô ta muốn nói, chẳng có ý nghĩa gì cả. Khi được hỏi ‘Ngươi từ đâu đến?’ thì lẽ ra cô ta nên trả lời là ‘Con đến từ nhà dệt vải của con.’ Khi được hỏi ‘Cô đang đi đâu vậy?’ thì lẽ ra cô ta nên trả lời là ‘Con đang đi đến xưởng dệt.’ ”
Đức Phật sau khi bảo mọi người im lặng, bèn hỏi cô gái rằng:
(1) “Này cô gái! Khi Như Lai hỏi ‘Cô từ đâu đến?’ Tại sao cô trả lời là cô không biết?”
Cô gái trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Ngài biết rõ là con đến từ nhà dệt vải của con. Thực ra, câu hỏi ‘Con từ đâu đến?’ Ngài ý muốn nói là từ kiếp sống nào con đi đến kiếp sống của người thợ dệt vải này. Con không biết con đến từ kiếp sống nào. Nên con trả lời là ‘Con không biết.’
Khi ấy Đức Phật tỏ sự tùy hỷ của Ngài lần thứ nhất, nói rằng: "Khéo nói! Khéo nói! Này cô gái, Cô đã trả lời câu hỏi mà Như Lai đã nêu ra.” Ngài lại hỏi :
(2) “Này cô gái! Khi Như Lai hỏi cô ‘Cô đang đi đâu?’ Tại sao cô trả lời không biết?”
Cô gái trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Ngài biết rằng con đang đi đến xưởng dệt vải với giỏ sợi chỉ trong tay. Thật ra, câu hỏi ‘Cô đang đi đâu?’ Ngài ý muốn nói là từ kiếp người này con sẽ tái sanh đến kiếp sống nào. Nên câu trả lời của con là ‘Con không biết.’
Đức Phật bày tỏ sự hoan hỷ lần thứ hai, nói rằng: "Cô đã trả lời đúng câu hỏi của Như Lai.” Ngài hỏi tiếp:
(3) “Này cô gái! Khi Như Lai hỏi cô ‘Cô không biết à?’ Tại sao cô trả lời là ‘Con biết.’”
Cô gái trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Con biết rằng con sẽ phải chết. Thế nên con trả lời là ‘Con biết.’ ”
Đức Phật bày tỏ sự hoan hỷ lần thứ ba, nói rằng: "Cô đã trả lời đúng câu hỏi của Như Lai.” Ngài hỏi tiếp:
(4) “Này cô gái! Ngay cả khi ấy Như Lai hỏi cô ‘Cô biết à?’ Tại sao cô trả lời là cô không biết?”
Cô gái trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Con biết rằng con sẽ phải chết. Nhưng con không biết khi nào con sẽ chết, vào ban ngày hay ban đêm, vào buổi sáng hay khi nào. Thế nên, con trả lời là ‘Con không biết.’ ”
Đức Phật bày tỏ sự hoan hỷ lần thứ tư, nói rằng: “Cô đã trả lời đúng câu hỏi của Như Lai.”
Rồi Đức Phật nói với thính chúng rằng: “Ngay cả ý nghĩa trong các câu trả lời của cô gái quý vị cũng không biết. Hổ thẹn là tất cả những gì mà quý vị có thể làm. Quả thật, những người thiếu con mắt trí tuệ tức là những người mù (bất chấp nhục nhãn của họ). Chỉ những ai có con mắt trí tuệ mới thấy được”.
Sau đó Đức Phật đọc lên pháp thoại này:
Andhībhūto ayaṃ loko tanuk’ettha vipassati Sakuṇo jālamutto’va appo saggāya gacchati.
Này quý vị! Thế gian này có nhiều kẻ phàm phu, những kẻ không thấy mà chỉ cảm thấy các sự vật qua sự tiếp xúc chúng, giống như người mù thiếu con mắt trí. Trong hội chúng này có rất nhiều người phàm phu, chỉ có số ít là người có trí thông minh có thể quán xét và thấu hiểu bản chất của danh sắc qua ba đặc tánh. Cũng như số con chim cút thoát khỏi cái bẫy chim thì không đáng kể. Cũng vậy, chỉ có một số lượng nhỏ người có trí tuệ sắc bén đạt đến cõi chư thiên, cõi nhân loại và Niết bàn.
Lúc kết thúc thời thuyết pháp, con gái người thợ dệt an trú trong quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala). Thời pháp cũng đem lại lợi ích cho nhiều người.
Cô gái đem cái giỏ đựng chỉ vải đi đến xưởng dệt của cha mình, ông đang ngồi ngủ gục bên khung cửi. Cô gái đi vào và xê dịch cái giỏ và tình cờ đụng vào một đầu của con thoi làm nó trở xuống và phát ra tiếng động.
Cha của nàng tỉnh dậy và kéo con thoi theo thói quen. Do tốc độ chuyển động quá nhanh, khiến một đầu của con thoi ghim vào ngực cô gái. Cô ấy chết ngay tại chỗ và tái sanh vào cõi Đâu suất đà (Tusitā).
Người thợ dệt nhìn đứa con gái đã chết, thân đầy máu. Khi ấy người thợ dệt vô cùng ưu bi đau khổ. Sau đó, ông ta bình tĩnh lại, nghĩ rằng: “Không có ai khác ngoài Đức Phật có thể dập tắt nỗi sầu khổ của ta.” Nghĩ như thế, ông ta đi đến Đức Phật khóc lóc thảm thiết, và sau kể lại câu chuyện, nói rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài từ bi giúp con bớt sầu khổ. ”
Đức Phật bèn khiến cho người thợ dệt được nguôi ngoai và dạy rằng: “Đừng buồn, này ông thợ dệt! Nước mắt mà ông đã khóc những lần con gái ông bị chết trong quá khứ của vòng luân hồi không khởi điểm, còn nhiều hơn nước trong bốn biển.”
Sau khi nói như vậy, Đức Phật bèn thuyết một thời pháp về Vòng sanh tử không khởi điểm (anamataggiya saṁsāra)
Lúc ấy, nguôi ngoai phiền não, người thợ dệt xin phép Đức Phật được xuất gia, và sau khi trở thành vị tỳ khưu ông ta tinh tấn hành thiền và sớm chứng đắc Đạo quả A-la-hán. (Loka Vagga và Chú giải Dhammapada).
Sau khi đi đến thành phố Āḷavī và những nơi khác phân phát nước mát bất tử đến nhân loại và chư thiên như đã được trình bày, Đức Phật trải qua mùa an cư thứ mười chín cũng tại tịnh xá trên đồi Cāliya, Ngài cũng độ thoát cho những chúng sanh xứng đáng được độ thoát .
Sau khi trải qua mùa an cư thứ mười chín tại Cāliya, Đức Phật lại lên đường sau khi mãn hạ, Ngài đến Rājagaha và ngụ ở Veḷuvana khu rừng Trúc.
Trong khi Đức Phật đang an cư lại Veḷuvana, Ngài thuyết thời Pháp thoại bắt đầu bằng câu: “Pāṇamhi ce vanno nassa” liên quan đến gia đình của người thợ săn. Nội dung chi tiết của câu chuyện như sau:
Con gái của một vị trưởng giả ở kinh thành Rājagaha đến tuổi trưởng thành, nàng được cha mẹ cho ở trong một căn phòng sang trọng ở tầng thượng của tòa lâu đài bảy tầng. Nàng được chăm sóc bởi một nữ hầu. Vào một buổi chiều, khi đang đứng tựa bên cửa sổ nhìn xuống đường, nàng trông thấy người thợ săn Kukkuṭamitta làm nghề giết nai và để bắt chúng, ông ta mang theo năm trăm cái bẫy và năm trăm cái cọc. Lúc bấy giờ, người thợ rừng sau khi giết chết năm trăm con nai, ông ta điều khiển chiếc xe chở đầy thịt nai đem bán. Cô gái đem lòng yêu thương người thợ săn, sau khi trao cho hầu nữ một số vật tặng và sai nàng ta đi với lời dặn rằng: “Này em! Em hãy đi và đưa cho người thợ săn ấy những vật tặng này và cố gắng hỏi khi nào anh ta trở về.”
Người nữ hầu đi rồi trao người thợ săn những vật tặng và hỏi rằng: “Này anh! Khi nào anh sẽ về nhà?” Anh ta nói: “ Sau khi bán hết thịt ngày hôm nay. Ngày mai vào lúc sáng sớm tôi sẽ đi qua cổng thành đó trở về nhà.” Sau khi nhận được câu trả lời của người thợ săn, cô hầu nữ trở về và báo lại cho cô gái biết.
Cô gái bèn gói lại y phục, nữ trang, vàng bạc mà nàng có thể mang theo, và mặc vào y phục dơ bẩn. Sáng sớm hôm sau, mang bình nước trên đầu và cô rời khỏi nhà tựa như đi đến bờ sông. Khi đến chỗ mà người thợ săn đã cho biết, nàng đứng đợi người thợ săn đến. Người thợ săn đánh xe ra khỏi thành phố vào buổi sáng sớm. Khi ấy, cô gái vội vàng đi theo xe của người thợ săn.
Trông thấy cô gái trẻ, người thợ săn nói: “Này cô! Tôi không biết cô là con gái nhà ai, xin đừng đi theo tôi.” Cô ấy nói: “Anh đã không bảo tôi đến mà tôi tự ý đến. Hãy lặng lẽ đánh xe đi tiếp.” Người thợ săn lặp lại lời của anh ta để ngăn cản cô gái đi theo. Khi ấy, cô gái nói: “Anh ơi! Không ai lại đi từ chối vận may đến với mình.” Người thợ săn không còn nghi ngờ nữa, bắt đầu hiểu ra lý do khiến cô gái bám theo anh ta, bèn đưa nàng lên xe và đánh xe đi.
Cha mẹ của cô gái bèn đi tìm con gái của họ ở chỗ này chỗ kia nhưng không tìm thấy. Cuối cùng họ kết luận rằng chắc ắt hẳn cô đã chết và làm lễ cúng tưởng nhớ đứa con gái của họ (matakabahatta).
Cô gái sống chung với người thợ săn và sinh được bảy người con trai và cưới vợ cho chúng khi chúng đến tuổi trưởng thành.
Một buổi sáng nọ, khi dò xét thế giới hữu tình, Đức Phật trông thấy người thợ săn Kukkutamitta cùng với bảy người con trai và bảy nàng dâu của ông ta lọt vào võng trí của Ngài. Khi xem xét lý do, Ngài thấy rõ phước quá khứ của mười lăm người này sẽ dẫn dắt họ chứng đắc Đạo quả Nhập lưu (sotāpatti-magga). Sáng sớm, Đức Phật một mình mang y và bát đi đến nơi mà những cái bẫy được đặt sẵn. Ngày hôm ấy không có một con thú nào dính bẫy.
Rồi Đức Phật để lại dấu chân của Ngài gần chỗ cái bẫy của người thợ săn và ngồi dưới bóng mát của một gốc cây trước mặt. Người thợ săn mang cung tên đi đến chỗ đặt bẫy vào lúc sáng sớm và lần lượt kiểm tra những cái bẫy, ông ta thấy không có con nai nào dính bẫy, và tất cả những gì ông ta thấy là dấu chân của Đức Phật.
Ông chợt nghĩ như vầy: “Có thể có ai đó đã thả những con thú ra khỏi bẫy rồi đi?” Mang trong lòng nỗi thù hận đối với Đức Phật (ngay trước khi ông ta nhìn thấy Ngài) và trong khi đi quanh quẩn ông ta nhìn thấy Đức Phật đang ngồi dưới gốc cây trước mặt. Khi nghĩ rằng: “Chắc người này đã thả những con thú trong những cái bẫy của ta. Ta sẽ giết ông ta bằng cây tên,” ông lắp tên vào cung và dùng hết sức giương cây cung.
Đức Phật cho phép ông ta giương cung nhưng không cho ông thả cung tên (Đức Phật dùng thần thông để người thợ săn có thể giương cung và kéo dây cung nhưng không thể thả cây tên được). Không những ông ta không thể bắn tên mà thả cung ra cũng không được. Có vẻ như các xương sườn của ông ta sắp bị gãy và miệng của ông ta sủi bọt. Ông đứng tê liệt như tượng đá.
Bảy người con trai đến nhà cha và hỏi mẹ trong khi đang nói chuyện với bà, rằng: “Cha sao đi lâu quá. Không biết cha có chuyện gì không mà đi lâu vậy?” Khi được mẹ của họ bảo: “Này các con! Các con hãy đi đến chỗ của cha các con xem sao.” Họ bèn đi đến chỗ người thợ săn, mỗi người mang theo cung và tên. Khi trông thấy cha của họ đứng yên như tượng đá (và thấy Đức Phật đang ngồi dưới bóng râm của cội cây), họ nghĩ : “Người này ắt hẳn là kẻ thù của cha ta.” Mỗi người đều ra sức giương cung và kéo dây cung. Tuy nhiên, do bởi năng lực thần thông của Đức Phật, tất cả đều đứng uể oải như những tượng đá giống người thợ săn.
Khi ấy, người mẹ tự hỏi: “Không biết có chuyện gì mà các con trai của ta cũng đi quá lâu.” Bà ta cùng với bảy nàng dâu đi đến, và họ trông thấy tám người : người cha và bảy cậu con trai. Khi ấy bà ta nhìn quanh và tự hỏi: “Tám người này, người cha và bảy đứa con trai đang nhắm bắn ai mà đứng như vậy?” Bà ta trông thấy Đức Phật, hai tay đưa lên trời, bà ta hét lên: “Đừng giết Cha của ta, này các con!”
Nghe tiếng kêu của vợ, người thợ săn Kukkutamitta suy nghĩ: “Ôi! Ta bị suy tàn rồi, người này là cha của vợ ta. Ôi ! Ta đã phạm một tội ác tày trời.” Bảy người con trai cũng nghĩ rằng: “Người này là ông ngoại của chúng ta! Chúng ta đã phạm một lỗi lầm to lớn.” Sau đó, với ý nghĩ sâu đậm rằng: “Đây là ông ngoại của chúng ta.”
Rồi mẹ của bảy người con trai ấy nói rằng: “Hãy quăng bỏ những cây cung của các ngươi và đến đảnh lễ Cha của ta”. Vì Đức Phật đã biết rõ tâm của tám người đàn ông đã trở nên mềm dịu nên Ngài khiến họ đặt cung xuống. (Khi ấy Ngài thu lại năng lực thấn thông mà Ngài đã sử dụng để ngăn không cho họ bắn Ngài). Tám người đến đảnh lễ Đức Phật và thưa rằng: " Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài hãy tha thứ lỗi lầm cho chúng con.” Sau đó họ ngồi xuống ở một nơi hợp lẽ.
Khi họ đã ngồi ngay ngắn rồi, một gia đình mười sáu người, Đức Phật bèn thuyết tuần tự pháp: Dāna-kathā, Sīla-kathā, Sagga-kathā (Pháp thoại về cõi trời), Kāmānaṃ ādīnava-kathā (Pháp thoại về tội của các dục lạc), Nekkhamme-ānissaṁsa-kathā (Pháp thoại về sự từ bỏ). Vào lúc kết thúc pháp thoại, mười lăm người là người thợ săn, bảy người con trai và bảy nàng dâu đều được an trú trong quả thánh Nhập lưu. Sau khi đã giúp họ chứng ngộ Thánh quả, Đức Phật bèn đi vào kinh thành Rājagaha để khất thực và trở về tịnh xá vào lúc xế trưa. Bấy giờ, đại đức Ānanda hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn!
Ngài đã đi đâu ạ!” “Như Lai đã đi đến chỗ của người thợ săn Kukkutamitta” Đức Phật trả lời. “Bạch Đức Thế Tôn! Có phải Ngài đã làm cho ông ta từ bỏ các ác nghiệp sát sanh? Có phải Ngài đã giáo giới và độ thoát cho ông ta?” “Đúng vậy, này Ānanda! Tất cả họ, với Kukkkutamitta là mười lăm người đều được an trú trong niềm tin bất động, hoàn toàn hết hoài nghi Tam Bảo và trở thành những người không làm ác nghiệp sát sanh,” Đức Phật trả lời.
Khi ấy, các vị tỳ khưu xen vào và bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Cũng có vợ của người thợ săn, phải chăng bà ta không có ở đó?” Đức Phật trả lời: “Này các tỳ khưu! Bà ta cũng có mặt ở đó. Này các tỳ khưu! Vợ của người thợ săn đã trở thành bậc thánh Nhập lưu (sotāpanna) khi còn là con gái sống ở nhà cha mẹ.”
Rồi một cuộc bàn luận xảy ra ở Chánh pháp đường (Dhamma sala, nơi mà những bài pháp được nghe và được đem đến bàn luận).
“Này các hiền giả ! Vợ của người thợ săn Kukkutamitta (con gái của vị trưởng giả) đã chứng đắc Đạo quả Nhập lưu trong khi là cô gái sống với cha mẹ. Sau đó bà ta đi theo người thợ săn về nhà của ông ta và có được bảy người con trai. Được chồng bảo đi lấy cung tên, lao, cọc hoặc lưới, bà ta đi lấy đem đến cho ông. Về phần người thợ săn, ông ta mang những khí giới ấy do bà vợ là bậc thánh Nhập lưu (sotāpanna) của ông ta đem đến và làm những ác nghiệp sát sanh ngày này qua ngày khác. Như vậy là thế nào thưa các hiền giả? Phải chăng những bậc thánh Nhập lưu vẫn còn phạm tội như vậy?”
Đức Phật đi đến chỗ hội họp của các vị tỳ khưu và hỏi: “Này các tỳ khưu! Các vị đang luận về vấn đề gì trước khi Như Lai đến?” Các vị tỳ khưu trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con bàn về vấn đề này (về người vợ của Kukkuta mitta, con gái của vị trưởng giả). Nhân đó Đức Phật dạy rằng: “Này các tỳ khưu! Những bậc thánh Nhập lưu không bao giờ phạm tội sát sanh. Vợ của người thợ săn đem đến cho ông ta những khí giới như cung tên vì bà ta quan tâm đến bổn phận người vợ phải vâng lời chồng. Ba ta không có ý định khiến người chồng đi vào rừng với những khí giới trong tay để tạo nghiệp sát sanh, bà ta không có một ý nghĩ nào như vậy.
Ví dụ, nếu không có vết thương nào trong lòng bàn tay, người dùng bàn tay ấy để nắm thuốc độc thì không thể bị hại bởi chất độc. Tương tự, đối với người không làm bất cứ điều ác nào vì người ấy không có ý nghĩ bất thiện, thì không có quả ác nào sanh đến cho người ấy dầu người ấy có thể đã lấy khí giới.” Sau khi đã nói như vậy, Đức Phật bèn đọc lên câu kệ:
Pānimhi ce vaṇo nāssa, hareyya paṇinā visaṃ
Nabbaṇaṃ visaṃ anveti n’atthi pāpaṃ akubbato.
Này các tỳ khưu! Nếu không có vết thương nào trong lòng bàn tay thì chất độc không thể làm hại nó. Do đó, với bàn tay không có vết thương ấy người ta có thể cầm chất độc một cách an toàn. Tương tự, với người chưa thực hiện điều ác vì không có ý nghĩ bất thiện, thì không khởi sanh ác nghiệp dầu nhỏ nhặt nhất. (Chí có đi lấy cây cung và những thứ tương tự).
(Vì chất độc không thể làm tổn thương bàn tay không có vết lở hay mụn nhọt, cũng vậy, người chỉ giao khí giới như cung tên thì không gieo tạo điều ác vì người ấy không có ý nghĩ bất thiện. Nghĩa là, cũng như không có chất độc nào ảnh hưởng đến bàn tay khỏe mạnh. Không có (ước muốn làm) điều ác nào có thể đến với tâm kiên định của một người).
Vào lúc kết thúc thời pháp, nhiều người chứng đắc quả thánh Nhập lưu và những Thánh quả khác.
Một thời gian sau, trong Chánh pháp đường, các vị tỳ khưu lại bắt đầu một cuộc bàn luận khác:
“(1) Thưa các tôn giả! Người thợ săn Kukkutamitta đã làm gì trong quá khứ mà nay được chứng đắc thánh đạo Nhập lưu (sotāpatti- magga)? (2) Tại sao ông ta sanh vào gia đình thợ săn?”
Nhân đó, Đức Phật đến và hỏi rằng: “Này các tỳ khưu! Các vị đang bàn luận về vấn đề gì vậy?” Khi biết được đề tài các vị tỳ khưu bàn luận, Đức Phật bèn kể lại câu chuyện về phước của người thợ săn như sau:
“Này các tỳ khưu! Trong quá khứ khi mọi người đang tổ chức một cuộc hội đàm về việc xây dựng một bảo tháp lớn để tôn trí Xá lợi của Đức Phật Kassapa, họ bàn nên dùng vật gì để làm đất mịn và vật gì để làm vật liệu lỏng.
Sau đó họ quyết định dùng chất orpiment để làm chất mịn và dầu mè để làm vật liệu lỏng. Người ta lấy orpiment đem xây thành bột và trộn nó với dầu mè rồi dùng nó làm chất vữa để kết dính các viên gạch. Những viên gạch được lát bên trong bảo tháp, chúng được bao bằng vàng. Còn lớp gạch bên ngoài bảo tháp thì tất cả đều bằng vàng. Mỗi viên gạch trị giá một ngàn đồng tiền vàng.
Khi công việc xây dựng bảo tháp đã hoàn tất để có thể tiến hành việc tôn trí Xá lợi, một cuộc luận diễn ra: ‘Ai sẽ được tuyển chọn làm người chủ lễ,’ vì cần một số tiền lớn cho cuộc lễ tôn trí Xá lợi.
Khi ấy, một người thương nhân ở miền quê nghĩ rằng: “Ta sẽ trở thành người chủ lễ.” Vị ấy bèn bỏ ra một số tiến lớn là một koṭi (10 triệu) vào quỹ tôn trí Xá lợi. Khi thấy sự hào phóng của vị thương nhân vùng quê, mọi người bèn gièm pha vị thương nhân thành phố: “Vị thương nhân thành phố này tích lũy của cải như những con kiến trắng (mối). Vị ấy không đủ tư cách trở thành chủ lễ trong trường hợp này đối với công trình xây dựng bảo tháp Xá lợi lớn lao như vậy. Còn vị thương nhân miền quê thì đã bố thí một cách hào phóng đến 10 triệu và đang trở thành chủ lễ.”
Khi mọi người nói như vậy, vị thương nhân thành phố bèn ủng hộ 20 triệu với hy vọng trở thành người chủ lễ.
“Chỉ có ta mới là người đứng đầu trong cuộc lễ tôn trí Xá lợi,” vị thương nhân miền quê suy nghĩ và bỏ ra 30 triệu. Bằng cách này, những sự bố thí của cả hai bên cứ tăng dần cho đến khi sự đóng góp của vị thương nhân thành phố lên đến 80 triệu.
Nhưng vị thương nhân miền quê chỉ có 90 triệu. Tuy nhiên, tiền của vị thương nhân thành phố có đến 40 koṭi (400 triệu). Do đó, vị thương nhân miền quê nảy ra ý định như vầy: “Nếu ta bố thí 9 koṭi thì vị thương nhân thành phố sẽ bố thí 10 koṭi. Ta không thể ganh đua với ông ta, tình trạng ta thua sút về của cải sẽ được mọi người biết đến.” Khi ấy, ông ta bèn nói rằng: "Tôi sẽ bố thí bấy nhiêu đây. Tôi tình nguyện đem cả chính mình cùng bảy đứa con trai, bảy nàng dâu và vợ của tôi đến phục vụ bảo tháp.” Khi nói như vậy, ông ta đem những người trong gia đình và dâng hiến họ cùng với ông ta, tất cả là mười sáu người cho bảo tháp.
Sự hoạch đắc nhiều tiền quỹ hơn có thể xảy ra, (nhưng sự hoạch đắc về nhân công được dâng hiến thì không). Người ta nói rằng: “Vị thương nhân miền quê này đã dâng hiến bảy người con trai, bảy nàng dâu, vợ của ông ta và cả chính bản thân ông cho bảo tháp. Do đó, hãy để ông ta làm chủ lễ tôn trí Xá lợi này.” Như vậy, tất cả họ đều tuyển chọn vị thương nhân miền quê làm chủ lễ.
Bằng cách này, mười sáu người trong gia đình trở thành nô lệ cho bảo tháp. Nhưng mọi người đồng ý cho họ thoát khỏi trình trạng nô lệ. Tuy nhiên, gia đình mười sáu người ấy đã chăm lo cho bảo tháp đến hết cuộc đời của họ. Và lúc mạng chung họ được sanh vào cõi chư thiên.
Mười sáu người hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên suốt cả trung gian Phật thời (Buddhantara asaṅkheyya-kappa - tức là thời gian giữa thời Đức Phật Kassapa và thời Đức Phật chúng ta). Khi đến thời kỳ Phật xuất thế (Buddhupāda) Đức Phật Gotama của chúng ta xuất hiện, bà vợ của vị thương nhân miền quê mạng chung từ cõi chư thiên và sanh làm con gái của vị trưởng giả ở thành phố Rājagaha. Khi chỉ là một cô gái trẻ, nàng đã chứng đắc Quả thánh Nhập lưu (sotāpatti- phala).
“Adiṭṭha-saccassa pana paṭisandhi nāma bhāriyā,” Chú giải như vậy - “Kiếp sanh làm một kẻ phàm phu mà không thấy được Chân đế thì thật nặng nề.” (Người ấy có thể tái sanh vào một gia đình thấp hèn mặc dù sự thật rằng, chính kiếp sống ấy là kiếp cuối cùng của anh ta (pacchima-bhāvika); vì người ấy chưa vượt qua mối nguy hiểm phải rơi vào cõi thấp hèn). Do đó, vị thiên đã từng làm chồng của con gái của vị trưởng giả, khi trở lại cõi người, vị ấy đã tái sanh vào gia đình săn bắn. Ngay khi trông thấy người thợ săn, tình yêu trong quá khứ xa xưa của nàng (taṇhā-pema) sống lại. Đó là lý do khiến Đức Phật đọc lên câu kệ này:
Pubbe’va sannivāsena, paccuppaññā hitena vā. Evaṃ taṃ jāyate pemaṃ, uppalaṃ va yathodake.
Do từng yêu thương trong quá khứ và cũng do vì lợi ích cho nhau trong hiện tại, vì hai lý do này mà hai loại tình yêu là taṇhā- pema và mettā-pema khởi sanh. (Như thế nào?) Giống như hoa sen vào những loài thủy hoa khác, phát triển mạnh nhờ vào hai yếu tố nước và bùn.
Chính do tình yêu của nàng trong kiếp quá khứ mà nàng đi theo người thợ săn đến nhà của anh ta. Những đứa con trai của họ cũng mạng chung từ cõi chư thiên và sanh vào trong bào thai của người con gái vị trưởng giả. Những nàng dâu của họ thì sanh trong những gia đình khác nhau, khi đến tuổi trưởng thành thì tất cả họ đều đến với gia đình của người thợ săn do tình cảm mà họ đã có trong những kiếp quá khứ.
Kết quả là sự phục vụ của họ đến bảo tháp của Đức Phật Kassapa khiến mười sáu người trong gia đình người thợ săn đều được chứng đắc quả thánh Nhập Lưu trong Giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Sau khi ban phát nước bất tử đến chúng sanh bao gồm gia đình thợ săn Kukkuṭamitta khi đang ngự tại tịnh xá Veḷuvana, Rājagaha. Từ đó Đức Phật đi đến Sāvatthi và ngụ tại Jetavana. Trong khi đang ngụ tại đó, Ngài thuyết bài pháp bắt đầu bằng: “puttā matthi dhanaṃ matthi ” liên quan đến trưởng giả Ānanda, một cư dân thành Sāvatthi. Câu chuyện chi tiết như sau:
Tại Sāvatthi có một vị trưởng giả giàu có tên Ānanda, tài sản trị giá lên đến 40 koṭi, nhưng lại vô cùng keo kiệt. Người đàn ông ấy tổ chức buổi họp quyến thuộc vào mỗi nửa tháng và khuyên con trai của ông, Mūrasirī giữa những quyến thuộc của mình ở ba thời điểm khác nhau, nội dung như vầy: “Này con thân yêu! Đừng nghĩ rằng 40 koṭi là số tài sản to lớn. Cái gì ở trong tay mình thì không nên cho người khác. Hãy cố gắng kiếm thêm của cải. Người nào mà xài một đồng tiền sau một đồng tiền khác chắc chắn một ngày nào đó sẽ bị cạn kiệt của cải. Do đó, ta khuyên rằng:
Añjanānaṃ khayaṃ disyam disvā upacikānañ ca ācayaṃ Madhūnañ ca samāhāraṃ paṇḍito gharam āvase.
Này con thân yêu ! Sau khi đã quan sát thấy sự biến mất nửa viên đá collyrium do chà xát nhiều lần, sự khởi sanh của ổ mối do góp nhặt đất nhiều lần của những con mối, sự phát triển của một tổ ong do sự hút mật hoa nhiều lần của những con ong, người có trí nên sống nỗ lực để gìn giữ tài sản mà mình đã có để nó không bị suy giảm và hãy tạo ra của cải mới.”
Sau đó, vị trưởng giả chết mà không nói cho đứa con trai Mūlisirī biết về năm hủ vàng to lớn mà ông ta chôn giấu, do luyến ái với của cải và làm nhiễm ô chính bản thân bởi những nhơ nhuốc của sự keo kiệt. Vào lúc lâm chung, ông ta tái sanh vào bào thai của một phụ nữ Chiên-đà-la (caṇḍāla) trong một ngôi làng gồm một ngàn gia đình tại cổng thành Sāvatthi.
Hay tin về cái chết của vị trưởng giả, vua Kosala bèn cho triệu mời người con trai Mūlasirī đến và chỉ định cậu ta làm người kế thừa tài sản của người cha.
Một ngàn gia đình Chiên-đà-la (caṇḍāla) kiếm sống bằng cách lao động tập thể đi kiếm tiền hằng ngày, vào lúc thọ sanh kẻ keo kiệt Ānanda, vị trưởng giả giàu có trước kia, họ không kiếm được tiền công nhật cũng không kiếm đủ vật thực để ăn. Những người lao động kết luận rằng: “Giờ đây chúng ta kiếm một miếng cơm thật khó khăn dù làm việc rất cực nhọc. Chắc chắn trong số chúng ta có một người ác và bất hạnh.” Thế nên, họ chia những người trong số họ làm hai nhóm và chia tiếp cho đến khi chỉ còn một gia đình bị cô lập là cha mẹ của người keo kiệt. Trong tình huống ấy gia đình của Ānanda nói rằng: “Đây là kẻ xui xẻo trong gia đình của chúng ta,” và họ trục xuất người mẹ của Ānanda.
Người mẹ vì mang đứa con trong bụng nên gặp rất nhiều khó khăn để kiếm đủ miếng ăn và bà sanh đứa con trai một cách rất đau khổ. Tay, chân, mắt, tai, mũi và miệng của đứa bé đều lệch lạc. Với thân thể méo mó, cậu ta trông rất xấu xí giống như một con quỷ nhỏ. Dù thế nào chăng nữa, người mẹ cũng không nở lòng vứt bỏ đứa con. Thực ra, tình thương của người mẹ đối với đứa con rất to lớn ngay khi nó nằm trong bụng của bà. Sau khi sanh ra đứa con bà ta nuôi dưỡng nó với nhiều vất vả. Những ngày mà bà ta đi làm mà mang theo cậu ta thì bà ta không kiếm được gì, và những ngày bà ta bỏ lại nó thì bà ta kiếm được một ít tiền công nhật.
Về sau, khi đứa con đủ lớn và có thể đi lại chỗ này chỗ kia, và tự mình có thể tìm kiếm đồ ăn thì người mẹ Chiên-đà-la bèn đặt cái bát trong bàn tay của nó và nói rằng: " Này con thân! Vì con mà chúng ta đã chịu nhiều khổ sở. Bây giờ mẹ không còn đủ khả năng để chăm sóc cho con nữa. Trong thành phố Sāvatthi này có những phần ăn được nấu sẵn dành cho những kẻ nghèo khổ, khách phương xa, v.v… Con hãy tự nuôi sống bản thân bằng cách đi đến nơi nào có vật thực mà xin ăn.” Nói thế xong bà ta bỏ mặc đứa bé.
Khi cậu bé vào thành phố lang thang từ nhà này sang nhà khác, cậu đi đến nơi mà kiếp trước cậu từng sống làm trưởng giả Ānanda. Vì cậu ta có jātissarā-ñāna (khả năng nhớ lại kiếp trước) nên cậu ta mạnh dạn đi vào nhà của cậu, cậu đi qua cổng thứ nhất, thứ hai và thứ ba mà không ai nhớ hoặc nhận ra cậu ta. Tuy nhiên, ở cổng thứ tư thì những đứa con của Mūlusirī trông thấy cậu ta và khóc thét lên vì sợ hãi.
Khi ấy, những người hầu của Mūlasirī đánh đập cậu ta, nói rằng: “Đồ xui xẻo, đồ xấu số!” Họ kéo cậu ta ra khỏi cổng và quăng cậu vào đống rác. Ngay khi ấy, Đức Phật đang trên đường đi khất thực có trưởng lão Ānanda theo cùng đã chứng kiến cảnh ấy. Đức Phật nhìn trưởng lão Ānanda và theo lời thỉnh cầu của trưởng lão, Đức Phật kể lại câu chuyện quá khứ và những biến cố hiện tại của vị trưởng giả giàu có Ānanda.
Sau đó, trưởng lão bèn gọi Mūlasirī đến. Mọi người cũng tụ quanh. Rồi Đức Phật nói với Mūlasirī rằng: “Này thí chủ Mūlasirī! Ông có biết cậu bé này không?” “Bạch Đức Thế Tôn! Con không biết.” “Cậu bé này chính là vị trưởng giả Ānanda, cha của ông đấy,” Đức Phật tiết lộ. Vì Mūlasirī không tin điều đó nên Đức Phật bảo với cậu bé rằng: “Này trưởng giả Ānanda! Hãy nói cho con trai của ông biết về năm hủ vàng to lớn mà ông đã chôn giấu.” Sau khi tìm được 5 hủ vàng, Mūlasirī bắt đầu có niềm tin.
Thương nhân Mūlasirī bèn quy y Phật. Vì muốn thuyết pháp đến Mūlasirī, Đức Phật bèn đọc lên câu kệ:
Puttā matthi dhanam atthi. iti bālo vihaññti.
Attā hi attano n’atthi. kuto puttā kuto dhanaṃ.
“Ta có con cái; Ta có tài sản,” nghĩ như vậy người ngu bị khổ bởi putta-taṇhā (tham luyến con cái) và dhana-taṇhā (tham luyến của cải). Trên thực tế, người ấy cũng không phải là nơi nương tựa của chính mình tránh khỏi mọi khổ cảnh. Vậy làm thế nào con cái có thể là chỗ nương tựa của mình? Làm sao tài sản là chỗ nương tựa của chính mình?”
(Ý nghĩa là: Kẻ ngu cho rằng chính mình là chủ nhân của con cái và tài sản, người ấy bị khổ bởi tham ái cả hai. Bằng cách nào? Người ấy bị làm khổ bởi quan niệm ‘Con của ta đã chết’ hoặc ‘Con của ta sẽ chết.’ Điều tương tự cũng xảy ra đối với của cải. Bằng cách này người ấy khổ đau qua sáu cách: ba cách liên quan đến con cái và ba cách liên quan đến của cải. Vì người ấy có lòng tham luyến đối với con cái, người ấy phải nghĩ cách nuôi con cái bằng nhiều phương tiện ở trên đất hoặc ở dưới nước, ban ngày hoặc ban đêm. Và như vậy người ấy đầy khốn khổ. Vì tham luyến đối với tài sản, người ấy nghĩ cách làm gia tăng tài sản bằng nghề nông hay buôn bán và do đó chịu nhiều đau khổ.
Một người đau khổ do luyến ái con cái và tài sản thì không thể dẫn dắt chính mình đến chỗ an toàn về sau được. Khi cái chết đến với người ấy, người ấy bị hành hạ bởi những cơn đau chết người (maraṇantika-vedanā) giống như những ngọn lửa, những khớp xương của người ấy bị lìa và những khớp xương ấy bị rời ra. Người ấy nhắm nghiền đôi mắt để hình dung kiếp sống tương lai rồi lại mở to mắt đề thấy đời sống hiện tại của mình. Như vậy người ấy khổ đau vào lúc lâm chung ; trước kia người ấy luôn chăm sóc bản thân, một ngày tắm hai lần, ăn ba lần, xức dầu thơm, đeo tràng hoa cùng với những vật trang sức khác. Nhưng giờ đây, người ấy không thể nào giải thoát bản thân khỏi đau khổ. Một thời gian sau, người ấy trong trình trạng hấp hối đầy khổ sở, làm thế nào con cái hay của cải có thể cứu giúp người ấy? Quả thật vậy, chúng hoàn toàn không có khả năng cứu giúp người ấy.
(Còn vị trưởng giả, người đã từng miễn cưỡng khi cho ai một cái gì nhưng lại tích ā nhiều của cải dành cho đứa con trai Mūlasirī, và trong kiếp hiện tại này khi ông ta bị đói, bị người khác đối xử tệ bạc và đầy đau khổ, thì con cái yêu dấu và của cải nào của ông có thể diệt được những khổ đau này? Quả thật chẳng có con cái hay của cải nào có thể làm được điều ấy. Loại hạnh phúc nào chúng có thể mang đến cho ông ta? Quả thật, không thể có. Đó là nội dung của câu kệ).
Vào lúc kết thúc thời pháp, tám mươi bốn ngàn chúng sanh được giác ngộ Tứ Diệu Đế và được giải thoát. Thời pháp này cũng đem lại lợi ích cho phần đông. (Chú giải Dhammapada, cuốn I)
Bằng cách này, Ngài viên mãn năm phận sự vĩ đại mà không có sự gián đoạn trong khi phân phát nước bất tử của Diệu pháp đến chư thiên và nhân loại. Đức Phật ra đi từ Sāvatthi và sau khi đi du hành cùng chúng Tăng đến Rājagaha, vương quốc Magadha và ngự tại Veḷuvana vào mùa an cư (vasa) thứ hai mươi.
Trong 45 năm của Đức Phật an cư (vassa), hai mươi hạ đầu từ khi Đức Phật thành đạo thì được gọi là Anibaddha hay Aniyata vassa vì các hạ được trải qua không phải cùng một chỗ mà ở nhiều thị trấn, làng mạc khác nhau, một hạ ở nơi này, hai hạ ở nơi kia, rồi ba hạ ở chỗ khác, v.v… Chúng cũng được gọi là Pathama hay Purima Bodhi- Vassa vì chúng hình thành phân nửa đầu tiên hay nửa trước của toàn bộ những mùa an cư mà trong đó chư thiên và nhân loại được dẫn dắt đến giác ngộ Bốn Đạo Trí (magga-ñāṇa).
Hai mươi lăm hạ an cư còn lại được gọi là Nibaddha hay Niyata vassa vì các hạ này được an cư ở một chỗ tức là tại Jetavana hay Pubbārāma tại Sāvatthi trong vương quốc Kosala. Chúng cũng được gọi là Dutiya hay Pacchima Bidhi-Vassa vì các hạ này hình thành phân nửa thứ hai hay nửa sau của toàn bộ những mùa an cư mà trong đó chư thiên và nhân loại được làm cho giác ngộ bốn Đạo trí.
(Giải thích: Trong hai mươi năm (20 vassa) của Sơ giác thời, sự trú ngụ của Đức Phật không đều đặn, vì Ngài trải qua hạ an cư ở nhiều thị trấn hay làng mạc khác nhau theo ý thích của Ngài. Tuy nhiên, từ hạ thứ hai mươi mốt Ngài trú ngụ đều đặn ở Jetavana hay Pubbārāma, vào thành Sāvatthi để khất thực. (Chú giải Buddhavaṃsa) (Tuy nhiên, có một bài kinh khác trong bộ Aṅguttara Nikāya như sau:
Trong hai mươi mốt hạ, Đức Phật sử dụng hai chỗ là Jetavana và Pubbārāma thường xuyên vì sự hộ độ rất lớn của trưởng giả Anāthapiṇḍika và tín nữ Visākha. Thực ra, Đức Phật trú ngụ thường xuyên ở hai nơi này do sự tri ơn của Ngài đối với hai vị thí chủ.
Đức Phật đi đến những nơi khác trong những tháng ngoài mùa an cư, nhưng vào mùa an cư thì Ngài trở về trú ngụ thường xuyên tại hai tịnh xá Jetavana và Pubbārāma. Đức Phật có thói quen là ngự ban đêm tại Jetavana và sáng hôm sau đi khất thực cùng với chúng Tăng, vào thành Sāvatthi ở cổng phía nam để thọ lãnh vật thực và đi ra bằng cổng phía đông đến Pubbārāma, Ngài ở đây suốt ngày. Sau khi nghỉ đêm tại Pubbārāma, sáng hôm sau Ngài đi khất thực cùng với chúng Tăng, vào thành Sāvatthi bằng cổng phía đông để khất thực rồi đi ra bằng cửa phía nam đến Jetavana và trải qua thời gian ban ngày ở đó. Có thể trích ra từ các bộ Chú giải tiếng Pāḷi).
(Chú giải Therī-gāthā, cuốn II) Suốt hai mươi năm của Sơ giác thời, Đức Phật không có thị giả thường trực để phục vụ Ngài. Đôi khi trưởng lão Nāgasamāla phục vụ Đức Phật, mang y bát của Ngài vào theo hầu Ngài bất cứ nơi nào Ngài đi đến. Khi thì trưởng lão Nāgita, trưởng lão Upavāna, trưởng lão Sunakkhatta Thera, hoàng tử Liccavī, trưởng lão Cuṇda - em trai của trưởng lão Sāriputta, trưởng lão Sāgata, khi thì trưởng lão Meghiya hầu hạ Ngài, theo Ngài đến bất cứ nơi đâu mà Ngài đến. Họ làm như vậy nhưng nói chung không làm Đức Phật hài lòng.
Một hôm, khi Đức Phật đang ngồi trên Phật tọa trong Hương phòng, chung quanh là các vị tỳ khưu. Ngài nói với các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu! Như Lai giờ đã già (lúc bấy giờ Ngài 55 tuổi). Khi Như Lai nói với một số thị giả rằng: ‘Chúng ta hãy đi lối này’ thì họ lại rời bỏ Như Lai và đi lối khác. Một số thị giả thì bỏ y và bát của Như Lai trên đất. Các vị hãy xem xét và chọn ra một vị tỳ khưu làm thị giả thường trực cho Như Lai.”
Các vị tỳ khưu xúc động khi nghe những lời này của Đức Phật. Khi ấy trưởng lão Sāriputta đứng lên và đảnh lễ Đức Phật bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con sẽ hầu hạ Ngài.” Nhưng Đức Phật từ chối lời đề nghị của trưởng lão. Theo sau trưởng lão Sāriputta, tất cả những đại trưởng lão khác do trưởng lão Moggallāna dẫn đầu, ngoại trừ trưởng lão Ānanda, đều lần lượt đưa ra lời đề nghị của họ, nói rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Con sẽ làm thị giả của Ngài.” Đức Phật cũng từ chối những lời đề nghị của họ.
Trưởng lão Ānanda vẫn ngồi im lặng, khi được các tỳ khưu bảo rằng: “Này hiền giả Ānanda! Hiền giả cũng nên xin làm thị giả của bậc Đạo sư”. Trưởng lão Ānanda nói: “Thưa các tôn giả! Vị trí nào được đảm bảo bằng sự cầu xin? Nếu Đức Thế Tôn muốn tôi làm thị giả thì Ngài sẽ nói.” Khi ấy, Đức Phật bèn nói rằng: “Này các tỳ khưu! Ānanda không phải là hạng người cần được hối thúc. Vị ấy sẽ sử dụng sự thận trọng của mình để hầu hạ Như Lai. ”
Khi ấy, các vị tỳ khưu bảo trưởng lão: “Này Ānanda! Hiền giả hãy xin bậc Đạo sư làm thị giả cho Ngài.” Trưởng lão Ānanda bèn đứng dậy khỏi chỗ ngồi và bạch với Đức Phật rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn!
1. Nếu Thế Tôn không cho con những y tốt mà Đức Thế Tôn nhận;
2. Nếu Thế Tôn không cho con những vật thực ngon mà Thế Tôn khất thực được;
3. Nếu Thế Tôn không cho con vinh hạnh được ngồi chung với Ngài trong Hương phòng;
4. Nếu Thế Tôn không dẫn con theo Ngài đến những nơi Thế Tôn được thỉnh mời;
rồi (nghĩa là nếu Ngài chấp nhận 4 điều mong ước của con ) Con sẽ phục vụ Ngài, Đức Thế Tôn. ”
(Bốn điều ‘không’ được trưởng lão Ānanda xin phép để không ai khác có thể chê bai rằng “Với những lợi lộc như vậy, ai sẽ nghĩ rằng hầu hạ bậc Đạo sư là gánh nặng?”)
Trưởng lão Ānanda nói tiếp: “Bạch Thế Tôn!
1. Nếu theo lời thỉnh cầu của con, Thế Tôn đi đến những nơi con được thỉnh mời (bởi thiện nam và tín nữ của trưởng lão);
2. Nếu Thế Tôn cho phép, con được phép đưa khách đến đảnh lễ Thế Tôn;
3. Nếu con được phép đi đến Thế Tôn để hỏi Ngài khi có những thắc mắc khởi sanh trong con;
4. Nếu Thế Tôn lặp lại những gì Thế Tôn đã thuyết giảng vào lúc con vắng mặt;
khi ấy con sẽ hầu hạ Đức Thế Tôn.”
Bốn đặc ân này được thỉnh cầu để tránh sự phê bình của kẻ khác khi họ nói rằng: “Tuy vị ấy đã hầu hạ Đức Phật cả ngày lẫn đêm, đại đức Ānanda cũng không được Đức Thế Tôn chiếu cố dù chỉ bấy nhiêu,” và có thể thực hiện những việc thiện lành và các pháp Ba-la- mật, để chư thiên và nhân loại công nhận trưởng lão là người giữ kho Chánh Pháp).
Bằng cách này, trưởng lão Ānanda đã xin Đức Thế Tôn tám đặc ân, bốn đặc ân tiêu cực và bốn đặc ân tích cực. Đức Phật cũng đồng ý ban cho trưởng lão tám đặc ân ấy. Trưởng lão Ānanda thọ lãnh tám đặc ân ấy và trở thành thị giả thường trực của Đức Phật. Quả những pháp Ba-la-mật của vị ấy được thực hiện viên mãn trong một trăm ngàn kappas để đạt địa vị thị giả thường trực được thành tựu vào chính ngày hôm ấy.
Từ ngày được chỉ định làm thị giả của Đức Phật, trưởng lão hầu hạ Đức Phật, đem đến cho Ngài nước nóng và nước mát, cung cấp cho Ngài ba loại: cây chà răng ngắn, dài và trung, đấm bóp cho bậc Đạo- Sư, chà lưng cho Ngài trong khi tắm, quét dọn Hương phòng cho bậc Đạo-Sư, v.v… Mỗi ngày trưởng lão đi lại không cách xa bậc Đạo-Sư, khi quyết định rằng: “Vào giờ này Đức Thế Tôn phải có được cái này, điều này nên được làm đến Ngài.” Vào ban đêm vị ấy đi quanh Hương phòng chín lần, cầm cây đuốc lớn để có thể trả lời Đức Phật ngay khi Ngài hỏi đến, và để diệt hôn trầm thụy miên. Đây chỉ là bài mô tả tóm tắt về sự phục vụ của trưởng Ānanda đến Đức Phật. Những sự phục vụ khác của vị ấy sẽ được kể ra khi đến chương Tăng Bảo.
KẾT THÚC CHƯƠNG 34
HẠ THỨ MƯỜI BẢY CỦA ĐỨC PHẬT TẠI VEḶUVANA
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B