THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 4
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 4] [Phần tiếp theo]
Sau khi lưu trú tại Sāvatthi để trải qua an cư mùa mưa thứ mười bốn như đã được trình bày trong phần trước. Sau khi kết thúc mùa an cư, Đức Phật lưu lại trong thành phố này chừng nào còn chúng sanh hữu duyên nên tế độ. Sau đó, Ngài lên đường để đem pháp Bất tử đến cho tất cả chúng sanh, nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Ngài đến kinh thành Kapilavatthu và cùng với nhiều vị tỳ khưu trải qua mùa an cư thứ mười lăm tại tịnh xá Nigrodhārāma (tịnh xá được xây dựng và dâng đến Ngài trong chuyến viếng thăm đầu tiên của Ngài do bởi hoàng tử Nigrodha của dòng Thích ca và được mọi người biết đến là Nigrodhārāma.)
Khi Đức Phật đang cư ngụ tại tịnh xá Nigrodhārāma trong nước của những vị Sakya, thì hoàng tử dòng Thích Ca Mahānāma đến yết kiến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Rồi hoàng tử hỏi Đức Phật:
1) Hoàng tử : “Bạch Đức Thế Tôn! Do thực hành gì khiến người trở thành một cận sự nam (upāsaka)?
Đức Phật: “Này Mahānāma! Quy y (Saraṇa-gamana), Phật quy y Pháp, quy y Tăng. Này Mahānāma! Làm như vậy, người ta trở thành người cận sự nam.”
(Nghĩa là, quy y Tam bảo thành người cận sự nam)
2) Hoàng tử: “Bạch Đức Thế Tôn! Do thực hành gì khiến người cận sự nam có giới?”
Đức Phật: “Này Mahānāma! Kiên tránh sát sanh, kiên tránh lấy của không cho, kiên tránh tà dâm, kiên tránh nói dối, và kiên tránh uống các chất say là nguyên nhân của sự thất niệm. Này Mahānāma! Làm như vậy người cận sự nam trở nên có giới.”
(Tức là do quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ Giới người ta trở thành một thiện nam có giới).
3) Hoàng tử: “Bạch Đức Thế Tôn! Do thực hành gì khiến người cận sự nam có đức tin?”
Đức Phật: “Này Mahānāma! Trong Giáo Pháp này người cận sự nam tin Đức Phật là bậc A-la-hán (Arahaṃ) vì Ngài đáng được tôn kính cúng dường, tin Ngài là bậc Thế Tôn (Bhagavā) vì Ngài có danh tiếng lớn đúng với nghĩa của sự Giác Ngộ. Này Mahānāma! Do tin như vậy mà vị cận sự nam trở nên có đức tin.”
(Ở đây chỉ nói về chín Ân đức của Đức Phật là cách thuyết giảng tóm lượt (upalukkhana-nava). Vị cận sự nam tin chín Ân Đức Phật, sáu Ân Đức Pháp và chín Ân Đức Tăng. Do đó, có nghĩa rằng vị cận sự nam tin vào những ân đức của Tam bảo tức là vị ấy có đức tin).
4) Hoàng tử: “Bạch Đức Thế Tôn! Do thực hành gì khiến người cận sự nam có pháp dứt bỏ (cāga)?”
Đức Phật: “Này Mahānāma! Trong Giáo Pháp này, vị thiện nam cư trú tại gia đình với tâm không bỏn xẻn (macchera), vị ấy cho đi với sự ly tham hoàn toàn, vị ấy rửa tay để trao tặng (tay vị ấy ướt), vị ấy vui thích trong sự bố thí, vị ấy phù hợp với những người tầm cầu vật thí vì không mang vẻ mặt dữ dằn, vị ấy vui thích trong sự cúng dường và phân phát vật thí. Này Mahānāma! Do làm như vậy mà người cận sự nam có pháp dứt bỏ.”
5) Hoàng tử: “Bạch Đức Thế Tôn! Do thực hành gì khiến người cận sự nam có trí tuệ (paññā)?”
Đức Phật: “Này Mahānāma! Trong Giáo pháp này vị cận sự na sáng suốt, vị ấy có trí tuệ thanh tịnh và cao quý, đoạn diệt phiền não dẫn đến Niết Bàn, chấm dứt đau khổ và giúp vị ấy thấy rõ sự sanh diệt (udayabbaya-ñāṇa) của danh và sắc. Tất cả điều này làm cho vị ấy có trí tuệ.” (Mahāvagga Saṁyutta Pāḷi)
(Những chi tiết về vị vua dòng Thích ca Mahānāma này sẽ được nêu ra trong phần Tăng Bảo).
Khi đang ngự tại tịnh xá Nigrodhārāma, tại kinh thành Kapilavatthu nước Sakya, Đức Phật thuyết bài pháp bắt đầu: “Na antalikkhe na samuddamajjhe” liên quan đến người cậu ruột và đồng thời là cha vợ của Ngài, vị vua của dòng Thích ca.
Giải thích: Cậu của Đức Phật, vua Suppabuddha nuôi lòng thù hận với Ngài vì hai lý do. Vị ấy suy nghĩ: “Đứa cháu trai này và cũng là con rễ của ta, thái tử Siddhattha, Đức Phật Gotama đã bỏ con gái của ta mà đi xuất gia, và sau khi cho con trai của ta là Devadatta xuất gia, Siddhattha đã đối xử với nó như kẻ thù.” Một hôm, khi nghĩ rằng: “Ta sẽ không cho vị ấy cơ hội để đi khất thực,” đức vua bèn chặn lối đi của Đức Phật trong khi đang uống rượu giữa đường.
Bấy giờ khi Đức Phật cùng với hội chúng Tỳ khưu đi đến nơi ấy, người của đức vua báo cho vị ấy biết rằng Đức Phật đã đến. Đức vua bèn nói một cách chua cay rằng: “Này các khanh! Các khanh hãy nói với Siddhattha, ông Phật cháu của ta rằng hãy đi con đường khác, vị ấy nhỏ tuổi hơn ta vì thế ta không thể nhường đường cho vị ấy đi. ” Bất chấp sự trình báo nhiều lần của các quan, đức vua vẫn nói như vậy và tiếp tục uống rượu. Vì không được sự cho phép của đức vua Suppabuddha, Đức Phật bèn quay về. Vua Suppabuddha sai thám tử đi theo với lời dặn rằng: “Ngươi phải chú ý đến những lời mà đứa cháu trai của ta nói rồi trở về đây.”
Khi đang quay lui, Đức Phật mỉm cười, và trưởng lão Ānanda hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Lý do gì mà khiến Ngài mỉm cười?” Đức Phật nói: “Này Ānanda! Con có thấy cậu của Như Lai không?” “Thưa có, bạch Đức Thế Tôn!” Trưởng lão Ānanda đáp. Đức Phật tiên đoán như sau: “Này Ānanda! Cậu Suppabuddha của Như Lai, người đã từ chối không nhường đường cho Như Lai đi qua, ông ấy đã phạm một tội rất trầm trọng. Bảy ngày kể từ bây giờ ông ta sẽ bị đất rút tại chân cầu thang từ sân thượng đi xuống.”
Sau khi nghe những lời này, người thám tử bèn trở về gặp đức vua Suppabuddha và đức vua hỏi rằng: “Thế nào? Đứa cháu trai của trẫm sau khi quay về đã nói gì?” Người thám tử bèn kể lại mọi chuyện mà anh ta nghe được. Khi ấy, đức vua khởi lên ý nghĩ như vầy: “Những gì mà cháu trai của ta nói ra không thể sai lầm. Bất cứ điều gì vị ấy nói ra điều đúng sự thật. Bất chấp điều này, ta sẽ tố cáo vị ấy về sự dối trá. Vị ấy nói rằng ta sẽ bị đất rút trong bảy ngày nữa kể từ hôm nay. Vị ấy không đề cập ở chỗ nào nhưng vị ấy đã nói rằng ta sẽ bị đất rút ở chân cầu thang. Từ nay trở đi ta sẽ không đi đến chân cầu thang. Nếu ta không đi đến đó thì ta sẽ không bị đất rút ở chỗ đó. Nếu đến ngày thứ bảy mà ta không bị đất rút thì ta sẽ tố cáo ông Phật cháu của ta, thái tử Siddhattha về tội nói dối.”
Sau khi nói như vậy, đức vua cho người đặt tất cả những vật dụng của vị ấy lên trên gác thượng, dời đi chiếc cầu thang và khóa hết các cánh cửa ở những lối ra vào. Đức vua bố trí hai vị lực sĩ và ra lệnh cho họ rằng: “Trong trường hợp trẫm bị đãng trí mà đi xuống thì các ngươi phải ngăn chặn trẫm lại.” Đức vua ở lại trong vương phòng cao sang của vị ấy vào ngày thứ bảy trên gác thượng.
Khi nghe chuyện về đức vua Suppabuddha như vậy, Đức Phật bèn nói: “Này các tỳ khưu! Lời của một vị Phật luôn rõ ràng, nó chỉ có một ý nghĩa là đúng sự thật bất kể rằng người cậu của Như Lai là vua Suppabuddha chỉ ở trên gác thượng hay bỏ chạy hoặc ở trên không trung, hoặc ở trong chiếc thuyền nằm ngoài đại dương, hoặc trú bên trong một ngọn núi. Tại chính chỗ mà Như Lai đã nêu ra (tại chân cầu thang), vị ấy sẽ bị đất rút.” Vì muốn thuyết pháp bằng cách nối kết lời trước với lời sau, Đức Phật bèn đọc lên câu kệ sau:
Na antalikkhe na samuddamajjhe. na pabbatānaṃ vivaram pavissa. Na vijjati so jagatippadeso.
yattha ṭhitaṃ nappasaheyya maccu.
Này các tỳ khưu! Người đứng trên hư không cũng không thể thoát khỏi cái chết; người nằm giữa đại dương cũng vậy; người đi vào hang sâu hoặc kẻ núi và sống ở đó cũng không thể thoát khỏi cái chết; không có chỗ nào trên đất dầu chỉ bằng một sợi tóc mà không bị cái chết tìm đến.
Vào lúc kết thúc bài kệ, vô số chúng sanh chứng đắc quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala) và những thánh quả khác.
Vào ngày thứ bảy, khi con đường dẫn đến hoàng cung, nơi mà Đức Phật đi độ thực đang bị chặn lại, con tuấn mã của vua Suppabuddha được giữ ở dưới lâu đài thoát ra khỏi sợi dây được buộc vào một cái cột, nó đá vào quanh bức tường và hí vang trời, không ai có thể làm quy phục hay bắt được nó. Khi đang ở trên gác thượng của cung điện, vua Suppabuddha nghe tiếng kêu của con tuấn mã và hỏi lý do. Những người hầu nói rằng con ngựa chiến của vua bị sẩy chuồng.
Vừa trông thấy đức vua, con tuấn mã bèn đứng yên. Khi ấy, vua Suppabuddha không thể không ngăn con ngựa, vị ấy đứng dậy khỏi chỗ ngồi và đi ra cửa, cánh cửa tự động mở ra. Chiếc cầu thang được dời đi lúc trước lại đứng ở ngay chỗ cũ cũa nó. Những lực sĩ của đức vua bèn nắm cổ của đức vua và vật vị ấy xuống. Những cánh cửa trên tất cả bảy tầng lầu đều đồng loạt mở tung. Những chiếc cầu thang tự động trở về vị trí cũ. Những vệ sỉ ở mỗi tầng lầu đều lần lượt nắm cổ vị ấy ném xuống.
Khi vị ấy bị ném xuống chân cầu thang ở mặt đất, thì đại địa nứt ra phát ra tiếng gầm vang và nuốt chửng vua Suppabuddha của dòng Thích ca. Sau khi bị đất rút, đức vua mạng chung và rơi vào địa ngục Avīci (A-tỳ).
Sau khi đã lưu trú ở tịnh xá Nigrodhārāma tại Kapilavatthu và trải qua mùa an cư thứ mười lăm ở đó như đã được trình bày ở trên. Đức Phật đã ban phát nước mát của Chánh pháp, nước Bất tử đến những chúng sanh hữu duyên. Khi hạ thứ mười lăm kết thúc Ngài bèn lên đường, đi từ Kapilavatthu theo thông lệ của chư Phật và đến Jetavana trong kinh thành Sāvatthi tuyệt hảo.
Khi Đức Phật ngự tại đây, Ngài thuyết bài pháp bắt đầu bằng ‘Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti’ theo câu hỏi của Sakka, vua của chư thiên đã hỏi Ngài. Chi tiết của bài pháp như sau:
Một hôm, chư thiên ở cõi trời Đạo Lợi cu hội lại và nêu ra bốn câu hỏi:
1. Vật thí nào tốt nhất trong tất cả vật thí?
2. Vị nào tốt nhất trong tất cả các vị?
3. Hỉ lạc nào thù thắng nhất trong tất cả các hỉ lạc?
4. Tại sao đạo quả A-la-hán, sự chấm dứt ái dục được gọi là thù thắng nhất?
Không có một vị thiên nào có khả năng trả lời bốn câu hỏi này. Thực ra, thì vị thiên này hỏi vị thiên kia, rồi vị thiên kia hỏi vị thiên khác và cứ tiếp tục như thế. Khi đem câu hỏi ra hỏi nhau như vậy, họ đi khắp mười ngàn thế giới suốt mười hai năm (mà không có được câu trả lời).
Vì không biết được ý nghĩa của những câu hỏi dù mười hai năm đã trôi qua. Chư thiên trong mười ngàn thế giới bèn cu hội lại và đi đến Tứ đại Thiên vương. Khi Tứ đại Thiên vương hỏi về lý do có hội chúng như vậy. Chư thiên bèn nói rằng: " Chúng tôi đi đến đại vương vì có bốn câu hỏi được nêu ra mà trong số chúng tôi không ai trả lời được.” “Này các bạn! Bốn câu hỏi ấy là gì?” Các vị thiên vương hỏi. Chư thiên nói : “Trong vô số vật thí, trong vô số vị, trong vô số hỉ lạc. Vật thí nào là thù thắng nhất, Vị nào là thù thắng nhất, hỉ lạc nào là thù thắng nhất ? Tại sao Đạo quả A-la-hán, sự chấm dứt ái dục được gọi là thù thắng nhất? Vì không tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi bèn tìm đến đại vương.”
Khi ấy, Tứ đại Thiên vương bèn nói rằng: " Chúng tôi cũng không biết ý nghĩa của những câu hỏi này, nhưng thiên chủ Sakka của chúng ta có khả năng hiểu biết một cách mau lẹ khi vị ấy suy xét về ý nghĩa của những câu hỏi mà có thể được suy xét trước bởi một ngàn người. Sakka xuất sắc hơn chúng ta về thông minh, trí tuệ và oai lực. Nào! Chúng ta hãy đi đến gặp Sakka.” Khi bốn vị thiên vương đưa họ đến gặp Sakka và khi được vị ấy hỏi về lý do tụ họp đông đúc như vậy, chư thiên bèn giải thích vấn đề với vị ấy.
“Này chư thiên! Ý nghĩa của bốn câu hỏi này không ai có thể trả lời được (ngoại trừ Đức Phật). Thực ra, bốn câu hỏi này dành cho Đức Phật trả lời. Bây giờ Đức Phật đang ở đâu? Nào! Chúng ta hãy đi đến yết kiến Đức Phật và hỏi Ngài.” Rồi Sakka cùng với hội chúng chư thiên này chiếu sáng toàn thể tịnh xá Jetavana vào lúc đêm khuya và đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Khi Đức Phật hỏi lý do nào khiến họ đi đến đây với hội chúng đông đảo như vậy. Sakka đáp: “Bạch Đức Thế Tôn! Chư thiên muốn hỏi những câu hỏi này. Chỉ Đức Thế Tôn mới có khả năng trả lời những câu hỏi ấy, mới có thể biết được ý nghĩa của những câu hỏi. Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài bi mẫn giảng giải ý nghĩa cho chúng con.”
Đức Phật nói: “Lành thay, này Sakka! Sau khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và năm pháp Đại thí một cách bất thối, Như Lai chứng đắc Nhất thiết trí để đoạn diệt hoài nghi trong những người như các vị đây. Câu trả lời cho bốn câu hỏi của các vị là:
1. Trong tất cả vật thí, Pháp thí là thù thắng nhất.
2. Trong tất cả các vị, Pháp vị là thù thắng nhất.
3. Trong tất cả các hỉ lạc, hỉ lạc trong Pháp là thù thắng nhất.
4. Đạo quả A-la-hán, sự chấm dứt ái dục là thù thắng vì nó chấm dứt tất cả đau khổ.”
Sau khi nói như vậy bằng văn xuôi, Đức Phật bèn đọc lên câu kệ sau:
Sabbadānaṃ Dhammadānaṃ jināti.
sabbarassaṃ Dhammarasaṃ jināti.
Sabbaratiṃ Dhammarati jināti.
taṇhakkhayo sabba dukkhaṃ jināti.
“Này Sakka, vua của chư thiên! Pháp thí, sự thuyết pháp thù thắng hơn tất cả những vật thí khác. Vị của Pháp gồm 37 Bồ đề phần và chín pháp chứng siêu thế thù thắng hơn tất cả những vị khác.
Sự hỉ lạc trong Pháp thù thắng hơn tất cả hỉ lạc khác.
Đạo quả A-la-hán chấm dứt hoàn toàn ái dục, diệt tận tất cả đau khổ.
(1) Cho dù những chiếc y mềm như những lớp bẹ chuối được cúng đường đến chư Phật, chư Độc Giác Phật và chư Thinh văn A-la-hán ngồi đầy cả thế giới lên đến cõi Phạm thiên mà không có khoảng hở giữa các vị này với vị kia - một câu kệ gồm bốn dòng được thuyết giảng trong hội chúng ấy để tán dương sự bố thí ấy thì thù thắng hơn nhiều. Thực ra, giá trị của sự bố thí vô số y phục như vậy không bằng 1/256 giá trị của một câu pháp kệ được thuyết để tán dương sự bố thí y phục. Như vậy, việc thuyết giảng và học thuộc lòng Giáo Pháp là tối thắng.
Ngay cả đối với những người bỏ công sức tổ chức và sắp xếp để nhiều người có thể nghe Pháp thì lợi ích phát sanh đến những người ấy là vô số kể.
Về sự bố thí vật thực được đặt vào trong những cái bát, mỗi một cái bát được bỏ đầy bằng những món ăn thượng vị. Về sự bố thí thuốc chữa bệnh trong những cái bát, mỗi cái bát được bỏ đầy bơ, dầu và những thứ tương tự. Về sự bố thí năm trăm ngàn chỗ ngụ như Mahāvihāra, về sự bố thí hàng trăm ngàn cung điện có tháp nhọn như Lohapāsāda. Ngay cả đến những sự bố thí bao gồm Jetavana tịnh xá được dâng cúng bởi ông Anāthapiṇḍika và những thí chủ khác đến Đức Phật, chư Phật Độc Giác (Paccheka Buddha) và chư Thinh văn A-la-hán ngồi đầy cả thế giới không có khoảng hở giữa vị này với vị kia - đối với tất cả những sự bố thí này, thì Pháp thí được thuyết giảng chỉ bằng một câu kệ bốn dòng để tán dương sự bố thí tài vật thì thù thắng hơn nhiều.
Tại sao? Tại vì những người làm việc phước bố thí bốn món vật dụng gồm y phục, vật thực, chỗ ngụ và thuốc chữa bệnh, họ làm như vậy sau khi được nghe Pháp. Nếu họ chưa nghe Pháp thì chắc hẳn họ sẽ không bố thí dầu một vá cơm hay một muỗng thức ăn. Vì lý do này mà sự bố thí Pháp là thù thắng hơn tất cả những sự bố thí khác.
Để làm cho vấn đề được rõ ràng hơn : Không kể đến chư Phật Toàn Giác và chư Phật Độc Giác, ngay cả đại đức Sāriputta và những vị Thinh văn khác, họ có trí tuệ và có khả năng đếm những giọt mưa khi trời mưa nặng hạt và bất tận suốt cả thọ kiếp (āyu-kappa) cũng không thể tạo ra những pháp chứng như Nhập lưu quả (sotapatti- phala) và những Thánh quả cao hơn (mà không nghe Pháp). Thực ra, chính sau khi nghe pháp được giảng bởi trưởng lão Assaji và những vị Thinh văn khác họ mới chứng đắc quả thánh Nhập lưu (sotapatti- phala), chính do nghe Đức Phật thuyết pháp (về bài kinh Dīghanakha và những bài kinh khác) khiến họ chứng đắc Thinh văn Ba-la-mật Trí (Sāvaka-pāramī-ñāṇa). “Cũng vậy, này Sakka! Chỉ Pháp thí thì đáng kính phục hơn sự bố thí về tứ sự (paccaya-dāna)”. Vì vậy, Đức Phật mới dạy rằng: “Bố thí Pháp thù thắng hơn tất cả những sự bố thí.”
(2) Tất cả những loại vị, bao gồm vị trái cây, vị của các loại hoa, vị của các món ăn. Ngay cả những vật thực của chư thiên đều là nguyên nhân của sự tái sanh trong luân hồi (samsāra) và nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Tuy nhiên, vị của chín pháp Siêu Thế cùng với 37 Bồ Đề phần và bốn cặp Đạo Quả cộng thêm Niết bàn đáng tán dương hơn tất cả các vị trong thế gian. Cho nên Đức Phật mới dạy rằng: “Pháp vị (Dhamma-rasa) thù thắng hơn tất cả các vị.”
(3) Tất cả những loại hỉ lạc trong những vật thuộc về thế gian như là con trai, con gái, của cải, đàn bà, sự múa hát, nhạc, v.v… là nguyên nhân cả sự tái sanh trong vòng luân hồi và đau khổ. Tuy nhiên, Hỉ (pīti) mà khởi sanh trong một người do sự chú tâm của người ấy đến Pháp trong khi nói, giảng dạy hoặc nghe, nó tạo ra sự phấn chấn, ngay cả chảy nước mắt hay nổi ốc. Sự vui thích như vậy mới có thế chấm dứt khổ trong vòng luân hồi và đem lại lợi ích đến chứng ngộ đạo quả Nhập lưu. Và hỉ lạc như vậy đáng được tán dương hơn tất cả các pháp trong thế gian. Cho nên Đức Phật mới dạy rằng: “Hỉ lạc trong Pháp (Dhamma-rati) thù thắng hơn tất cả các loại hỉ lạc.”
(4) Tất cả các loại ái dục đều biến mất vào lúc A-la-hán Đạo được chứng đắc. A-la-hán Quả theo liền ngay sau A-la-hán Đạo. Vì A-la- hán Quả sanh khởi vào lúc chấm dứt ái dục nên gọi là Ái diệt tận (Taṇhakkhaya). A-la-hán Quả được gọi là Taṇhakkhaya - chấm dứt tất cả đau khổ. Chính Pháp thù thắng và đáng được tán dương hơn tất cả những pháp khác. Cho nên Đức Phật mới dạy rằng: “A-la-hán Quả (Arahatta-phala), sự chấm dứt ái dục, đoạn tận tất cả khổ đau.”
Khi Đức Phật đã giảng giải đầy đủ chi tiết về câu kệ thì tám mươi ngàn chúng sanh được giác ngộ Tứ diệu đế.
Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp chi tiết, Sakka bèn thành kính đảnh lễ Ngài và đưa ra lời thỉnh cầu: “Bạch Đức Thế Tôn! Dù Pháp thí rất to lớn và đáng được tán dương như vậy, nhưng tại sao chúng con không được chia sẻ phước từ Pháp thí. Từ nay trở đi, xin hãy bảo Chư Tăng chia sẻ cho chúng con những phần phước từ sự bố thí pháp.”
Sau khi nghe lời thỉnh cầu của Sakka, Đức Phật bèn triệu tập hội chúng lại và dạy rằng: “Này các tỳ khưu! Từ nay trở đi, sau khi bố thí Pháp dầu to lớn hay bình thường, hoặc thời pháp được thuyết đến những người đến gặp các ngươi hoặc (ít ra) bài pháp được nói để tán dương về một sự bố thí vật thực nào đó. Hãy chia phước mà đã phát sanh đến các ngươi từ sự bố thí Pháp đến cho tất cả chúng sanh.” (Chú giải kinh Pháp Cú)
Vua Āḷavaka của kinh đô Āḷavī có thói quen săn trong khu rừng nai mỗi tuần một lần, bỏ lại tất cả những khoái lạc ở hoàng cung cùng với những cung nữ. Để ngăn ngừa tai họa từ những kẻ phản loạn, kẻ thù và trộm cướp, để ngăn ngừa những kẻ cai trị đương thời tấn công vị ấy, đức vua chọn việc săn bắn để nâng cao vương quyền của vị ấy.
Một hôm, trước khi lên đường đi săn bắn, đức vua cùng với các quan lập một cam kết rằng: “Ai mà ở trong phạm vi săn bắn của mình mà để con nai trốn thoát thì phải chịu trách nhiệm,” và khi họ đi vào rừng thì có một con nai chạy khỏi phạm vi săn bắn của đức vua.
Vì đức vua là người có sức mạnh và chạy nhanh, với cây cung trong tay vị ấy ngay lập tức chạy bộ đuổi theo con nai đến ba do tuần (yojanas). Những con nai thuộc giống enī chỉ có thể chạy liên tục trong ba do tuần. Do đó, khi đức vua đi hết khoảng xa ấy thì trông thấy con nai nằm kiệt sức trong một cái hồ, bèn giết nó bằng một mũi tên. Vị ấy chặt con nai thành hai phần. Dù đức vua không muốn ăn thịt nai nhưng vị ấy vẫn mang nó trên một cái sào vì e rằng sẽ bị nói xấu là ‘người không thể bắt được con nai.’ Trên đường quay về, trông thấy một cây đa có bóng mát tại nơi không quá xa cũng không quá gần kinh đô, vị ấy đi đến gốc cây và nghỉ ngơi một lát.
Bấy giờ, dạ xoa Āḷavaka được vua Vessavaṇa, vua của chư thiên ban cho một đặc ân là bất cứ ai đi vào khu vực của cây đa trong phạm vi bóng râm của nó đổ xuống vào lúc giữa trưa thì sẽ là con mồi của dạ xoa. (Ở đây không phải những kẻ đi đến vào giữa trưa mới bị dạ xoa bắt ăn thịt. Sự thật là những ai đi vào khu vực bóng râm bao trùm của cây đa thì họ sẽ bị bắt ăn thịt dù ban ngày hoặc ban đêm).
Khi dạ xoa trông thấy đức vua đi đến dưới cây đa của mình, vị ấy bèn hiện hình ra để ăn thịt của đức vua (đức vua bèn đưa cho dạ xoa hai phần thịt của con nai vì muốn dạ xoa thả đi, nhưng dạ xoa không làm như vậy, mà nói rằng: " Nó đã vào tay của ta, vậy nó không phải là của ta hay sao? Này đại vương! Làm sao đại vương có thể tìm được sự tự do bằng cách cho ta thịt của con nai?” Phần này của câu chuyện chỉ được nêu ra trong một số bản dịch).
Khi ấy, đức vua bèn hứa với dạ xoa rằng: “Hãy tha cho ta, ta sẽ gửi đến cho ngươi mỗi ngày một người đàn ông và một nồi cơm.” Tuy nhiên, dạ xoa vẫn không chịu thả đức vua mà nói rằng: " Đại vương có thể quên điều ấy do say mê với những xa hoa vương giả. Còn về phần tôi, tôi không thể ăn thịt những người không đi đến chỗ ngụ của tôi. Tôi sẽ không ăn thịt những người không tự nguyện hy sinh. Tôi có thể sống thế nào nếu đại vương được thả ra?” Khi ấy, đức vua làm hài lòng dạ xoa bằng cách nói rằng: " Ngày nào mà ta không gửi vật thực đến ngươi thì ngươi có thể ăn thịt ta.” Đức vua được thả tự do và trở về kinh Āḷavī.
Trong khi chờ đợi đức vua, các quan dựng tạm một chòi lá ở giữa đường. Thấy đức vua trở về, họ chào đón và tâu rằng: “Tâu đại vương! Tại sao đại vương lại mất quá nhiều công sức để bắt con nai chỉ vì sợ mất uy tín?” Đức vua không kể lại điều gì về biến cố xảy ra mà lên đường trở về kinh, dùng cơm trưa, rồi gọi vị quan điều hành kinh đô đến và kể riêng cho ông ta nghe về lời hứa mà đức vua đã hứa với dạ xoa.
Vị quan hỏi: “Tâu đại vương! Đại vương có thỏa thuận về thời gian không?” Đức vua trả lời: “Không, trẫm không thỏa thuận về thời gian.” ‘Tâu đại vương! Đại vương đã phạm một lỗi lầm. Các dạ xoa chỉ đến gần các thứ trong giới hạn. Vì đại vương không đặt ra giới hạn nên khắp vùng sẽ bị tai họa về bệnh tật. Thôi thì đành vậy, tâu đại vương! Dù đại vương làm sai nhưng chớ lo lắng mà hãy vui hưởng khoái lạc vương giả. Hạ thần sẽ làm những việc cần làm liên quan đến việc này.” Vào lúc sáng sớm, vị quan thức dậy và đi đến nhà tù và công bố với những tội nhân bị kết án tử hình rằng: “Những ai muốn tìm con đường sống thì có thể đi ra ngoài.”
Vị quan đón nhận tên tù bước ra đầu tiên và bảo quân hầu tắm rửa cho hắn và cho ăn no. Rồi vị ấy sai hắn đi với lời căn dặn rằng: “Hãy đem nồi cơm này đến cho dạ xoa.” Ngay khi tên tù đi vào bóng râm của cây đa thì dạ xoa hiện hình tướng ghê sợ và ăn thịt tên tù như ăn một cọng ngó sen.
Chú thích: Bằng thần thông của loài dạ xoa, thân người gồm tóc, v.v… đều biến thành một cục bơ.
Những người áp tải tù phạm và vật thực trông thấy dạ xoa Āḷavaka ăn thịt người đàn ông, lấy làm khiếp sợ và đem sự việc ấy kể lại cho những người bạn thân thiết của họ. Từ đó trở đi có tin đồn: “Đức vua bắt những tên trộm và đem chúng nộp cho dạ xoa,” lan truyền và mọi người không ai dám trộm cắp nữa.
Về sau, khi không có những tên trộm mới và cả những tên trộm cũ, tất cả đã làm mồi cho dạ xoa nên những nhà tù đều trống rỗng. Vị quan tâu vấn đề ấy lên đức vua. Đức vua bèn cho người đem vàng và bạc rải trên những con đường chính của kinh đô, nghĩ rằng sẽ có một số người muốn lượm nó. Nhưng không ai nhặt vì họ e rằng sẽ bị buộc tội trộm cắp.
Vua Āḷavaka bị thất bại trong việc bắt những tên trộm mới theo cách này, vua bèn đem vấn đề này bàn luận với các quan và họ đưa ra ý kiến rằng: “Tâu đại vương! Mỗi nhà nộp một người già lần lượt theo thứ tự nghĩa là những người lớn tuổi sắp chết.” Nhưng đức vua bác bỏ lời đề nghị ấy vì cho rằng mọi người sẽ khiếp đảm với ý nghĩ rằng: “Đức vua có tâm muốn đem nộp cha của ta cho dạ xoa. Không nên chọn phương cách ấy.”
Rồi các quan thay nhau đưa ra ý kiến như vầy: “Tâu đại vương! Hãy bắt mọi người đem nộp con cái của họ mà vẫn còn mang trên lưng của họ. Những đứa trẻ như vậy không có cảm nghĩ rằng ‘Đây là mẹ của ta’ hay ‘Đây là cha của ta.’ Đức vua chấp nhận ý kiến này và để vị quan kia làm như vậy. Vị quan bắt đầu hành động bằng cách ấy.
Trong kinh thành, những bà mẹ dẫn con của họ ra đi và những người đàn bà có thai cũng chạy trốn. Sau khi nuôi những đứa con của họ trong một nước khác, họ lại dẫn đứa con của họ trở về kinh đô.
Như vậy, việc dâng vật thực và con nít đến dạ xoa Āḷavaka đã xảy ra suốt mười hai năm. Một hôm, khi những người hầu rảo quanh khắp kinh thành để tìm những đứa trẻ con nhưng họ không tìm thấy một đứa nào. Bởi vậy, họ tâu lại với đức vua rằng: “Tâu đại vương! Không kể thái tử Āḷavaka trong cung của đại vương, ngoài ra không còn một đứa trẻ nào trong kinh đô.” Đức vua nói: “Trẫm thương con của trẫm như thế nào thì những người này cũng thương con của họ như thế ấy, nhưng trong thế gian này không có ai đáng thương hơn chính bản thân của mình. Này các khanh! Hãy đi, hãy cứu mạng của trẫm bằng cách cống nạp đứa con trai của trẫm cho Dạ xoa.”
Lúc bấy giờ, hoàng hậu mẹ của thái tử Āḷavaka cho người tắm cho con trai của bà bằng nước thơm và trang điểm những vật trang sức khác. Rồi hoàng hậu bế con trai được đắp trong những tấm vải trắng mềm mại đặt vào lòng bà để thái tử yên giấc. Theo lệnh truyền của đức vua, những người hầu đi đến và trong khi hoàng hậu cùng với mười sáu ngàn cung nữ đang kêu khóc, họ dẫn đi bà vú nuôi chính thức với thái tử, và công bố rằng thái tử sẽ trở thành món ăn cho dạ xoa.
Ngày hôm ấy, Đức Phật thức dậy sớm và nhập vào Đại bi định trong Hương phòng bên trong Kỳ viên tịnh xá. Và khi Ngài dò xét thế gian bằng Phật Nhãn (gồm có āsayānusaya-ñāṇa và indriya- paropariyatti-ñāna) Ngài trông thấy trong võng trí của Ngài ba điều quan trọng:
1. Phước quá khứ của thái tử Āḷavaka sẽ dẫn thái tử đến Thánh quả anāgāmī-phala.
2. Phước quá khứ của dạ xoa Āḷavaka sẽ dẫn dạ xoa đến Thánh quả sotāpatti-phala.
3. Phước quá khứ của tám mươi bốn ngàn chúng sanh sẽ dẫn họ đến chỗ giác ngộ Pháp nhãn (dhamma-cakkhu) là sự thông đạt Tứ diệu đế vào lúc kết thúc thời pháp của Ngài.
Do đó, sáng sớm Ngài hoàn tất công việc buổi sáng. Trước khi Ngài hoàn tất những công việc buổi chiều của Ngài, vào lúc mặt trời lặn và mặt trăng vừa xuất hiện, Ngài lên đường đi một mình mang theo y và bát, chuyến đi dài ba mươi do tuần từ Sāvatthi đến chỗ ở của dạ xoa Āḷavaka.
Hiện giờ Đức Phật ngự ở đâu? Phải chăng Ngài ngự trong lâu đài của dạ xoa mà người bình thường không thấy được và ở gần cây đa? Hay Ngài ngồi dưới gốc cây đa ? Ngài ngồi trong cung điện của dạ xoa.
Giải thích: Dạ xoa trông thấy nhà của chúng, Đức Phật cũng trông thấy như vậy. Do đó, Ngài đi đến chỗ ở của dạ xoa và đứng ở cổng.
Lúc bấy giờ, dạ xoa Āḷavaka đang dự cuộc họp dạ xoa ở núi Hy-mã-lạp-sơn. Tên gác cửa của dạ xoa Āḷavaka là dạ xoa tên Gadrabha, đi đến Đức Phật và đảnh lễ Ngài. Và một cuộc đàm thoại xảy ra giữa dạ xoa Gadrabha với Đức Phật:
Gadrabha: “Bạch Đức Thế Tôn! Phải chăng Ngài chỉ đến vào lúc mặt trời lặn?”
Đức Phật: “Này Gadrabha! Đúng vậy, Như Lai chỉ đi đến vào lúc mặt trời lặn. Nếu không có gì phiền hà, Như Lai muốn ngụ qua đêm trong lâu đài của dạ xoa Āḷavaka.”
Gadrabha: “Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng có gì phiền hà cho con cả, nhưng dạ xoa Āḷavaka rất hung dữ. Vị ấy chẳng biết tôn kính ai ngay cả cha mẹ của vị ấy. Thế nên tốt hơn là Ngài đừng trú ngụ ở đây?”
Đức Phật: “Này Gadrabha! Như Lai biết tánh hung dữ của dạ xoa Āḷavaka. Không có chút tai hại nào đến với Như Lai đâu. Như Lai muốn ngụ qua đêm trong lâu đài của dạ xoa Āḷavaka nếu ngươi cảm thấy việc trú ngụ của Như Lai không bất tiện.”
Gadrabha: “Bạch Đức Thế Tôn! Āḷavaka giống như cái chảo sắt được nung đỏ bằng ngọn lửa. Vị ấy hoàn toàn không biết đến cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và Chánh pháp (dhamma). Ai đi đến chỗ này, vị ấy có khả năng làm cho họ bị điên, hoặc vỡ tim, hoặc nắm chân ném họ qua bên kia đại dương hoặc bên kia của thế giới. ”
Đức Phật: “Này Gadrabha! Như Lai biết tất cả điều này. Nếu không có gì phiền hà cho ngươi thì Như Lai sẽ ngụ qua đêm trong lâu đài của dạ xoa Āḷavaka.”
Gadrabha: “Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng phiền hà gì đến con cả, nhưng dạ xoa Āḷavaka sẽ giết con nếu con cho phép Ngài vào mà không báo cho vị ấy biết. Thế nên, bạch Đức Thế Tôn! Xin hãy để cho con báo cho vị ấy biết trước đã.”
Đức Phật: “Này Gadrabha! Hãy báo cho vị ấy biết như thế.”
Gadrabha: “Vậy thì, bạch Đức Thế Tôn! Hãy suy nghĩ xem Ngài có nên ở lại đây hay không?”
Sau khi nói vậy, dạ xoa Gadrabha đảnh lễ Đức Phật rồi đi đến Hy-mã-lạp-sơn. Cửa lâu đài của dạ xoa Āḷavaka tự động mở ra. Đức Phật đi vào lâu đài và ngồi trên bồ đoàn bằng châu báu của chư thiên mà Āḷavaka thường ngồi vào những ngày quan trọng và kiết tường, hưởng khoái lạc của chư thiên. Sau khi ngồi, Đức Phật phát ra hào quang màu vàng.
Trông thấy hào quang màu vàng, những nữ thần của dạ xoa Āḷavaka bèn hội lại đảnh lễ và ngồi quanh Ngài. Đức Phật bèn thuyết pháp đến họ, nói rằng: " Này các nữ dạ xoa! Vì trong quá khứ các ngươi đã bố thí vật thực, thọ trì giới và tôn kính những bậc đáng tôn kính nên các ngươi mới đạt được những khoái lạc cao sang. Bây giờ cũng vậy, hãy làm như các ngươi đã làm trước kia. Đừng bị dể duôi bởi các ác pháp như ganh tỵ (issā) và bỏn xẻn (maccariya), v.v… Sau khi nghe pháp thoại ngọt ngào, họ nói ngàn lời tung hô và vẫn ngồi quanh Đức Phật.
Đến Hy-mã-lạp-sơn, dạ xoa Gadrabha kính cẩn trình báo với Āḷavaka: “Thưa ngài Āḷavaka, vua của loài dạ xoa, người chẳng biết khổ là gì. Xin cho phép tôi được trình báo với ngài. Đức Phật đã đến và ngồi trong lâu đài của ngài.” Khi ấy, Āḷavaka biểu lộ cử chỉ ý muốn nói rằng: " Hãy im lặng! Ta sẽ trở về ngay và bất cứ điều gì cần làm.”
Ở đây, Āḷavaka rất mạnh mẽ trong việc suy nghĩ sái quấy, vị ấy cho rằng việc Đức Phật vào trú ngụ trong lâu đài của vị ấy là một sự sỉ nhục. Và do bản tánh ngã mạn của một vị dạ xoa, vị ấy dấu nhẹm tin ấy và nghĩ rằng: “Đừng để ai giữa hội chúng này nghe được tin ấy.”
Khi ấy, hai vị thiên cao quý, Sātāgira và Hemavata rủ nhau đi đến yết kiến Đức Phật tại Jetavana trước khi đi dự hội chư thiên. Mỗi vị đi xe của mình, họ lên đường trong hư không cùng với tùy tùng của họ.
Chú thích: Trong không trung không có đường dành cho loài dạ xoa. Họ chỉ phải tìm đường đi để tránh những cung điện của chư thiên. Tuy nhiên, lâu đài của dạ xoa Āḷavaka nằm trên đất.
Tòa lâu đài khá an toàn, có những bức thành kiên cố bao quanh, tháp pháo và cổng tò vò. Ở trên lâu đài có giăng một tấm lưới được làm bằng đồng thau trắng, trông nó giống như cái hộp. Nó cao ba do tuần, phía trên hình thành một con đường hư không dành cho các vị dạ xoa thiên.
Khi hai người bạn là hai vị dạ xoa thiên Sātāgira và Hemavata tình cờ đi đến ngay trên lâu đài qua con đường hư không của họ để yết kiến Đức Phật nhưng họ không thể đi tiếp.
Thực ra, phía trên từ chỗ Đức Phật đang ngồi lên đến cõi Bhavagga, không có ai vượt qua được.
Do đó, khi suy nghĩ nguyên nhân làm cho họ không thể đi thêm được, họ trông thấy Đức Phật và đáp xuống đất, giống như cục đá được ném lên trên phải rơi xuống đất. Sau khi đảnh lễ Đức Phật, họ nghe một thời pháp rồi nhiễu quanh Đức Phật và xin cáo từ: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con phải đi dự hội của các vị dạ xoa thiên.” Sau khi nói vài lời tán dương Tam Bảo, họ đi về phía Hy-mã-lạp-sơn, nơi hội họp của họ.
Khi trông thấy hai người bạn (chư thiên bậc thánh) Āḷavaka bèn đứng dậy và mời họ: “Xin mời ngồi ở đây.”
Hai người bạn báo tin với Āḷavaka rằng: “Này bạn Āḷalvaka! Đức Thế Tôn vẫn còn ngồi trong lâu đài của bạn. Bạn thật may mắn. Này bạn Āḷavaka! Bạn hãy đi hầu hạ Đức Thế Tôn.”
(Đối với người không có niềm tin thì lời nói liên quan đến niềm tin làm cho người ta không thể chịu nổi; lời nói liên quan giới đối với người không có giới cũng vậy; lời nói liên quan đến trí tuệ đối với người ngu si cũng vậy và lời nói liên quan đến bố thí đối với người keo kiệt ).
Lời nói của hai người bạn kích thích niềm tin liên quan đến Đức Phật làm cho Āḷavaka vốn không có niềm tin, không thể không tức giận. Do đó, khi nghe những lời tán dương Đức Phật, dạ xoa Āḷavaka trở nên giận dữ. Tim của vị ấy kêu lốp bốp bởi cơn giận dữ như những cục muối được ném vào trong đống lửa. Vị ấy hỏi trong cơn giận: “Kẻ được gọi là Phật mà ngồi trong lâu đài của ta là loại người nào?”
Hai người bạn chư thiên bậc Thánh nói với dạ xoa Āḷavaka rằng: “Này bạn Āḷavaka! Phải chăng bạn không biết Đức Thế Tôn, bậc Đạo-Sư của chúng tôi? (Ngài là một nhân vật cao quý và rất nổi tiếng). Ngay cả khi ở trong Đâu suất đà thiên, Ngài đã thực hiện năm điều suy xét.” (Và họ kể lại tiểu sử của Đức Phật cho đến khi Ngài thuyết giảng bài kinh Chuyển pháp luân. Họ cũng kể cho Āḷavaka nghe về ba mươi hai điềm tướng vào lúc Bồ tát nhập thai, v.v…). Này bạn Āḷavaka! Phải chăng bạn chưa từng thấy những điềm tướng kỳ diệu ấy?” Dù vị ấy đã trông thấy chúng nhưng vì bị cơn giận chế ngự nên che dấu sự thật, đáp lại: “Chưa, tôi chưa thấy.”
Hai vị thiên cảm thấy không hài lòng và nói rằng: " Dù bạn đã thấy hoặc chưa thấy chúng thì có lợi ích gì cho bạn? Này bạn! Bạn định làm gì bậc Đạo sư của chúng tôi? Nếu so sánh với Ngài thì (a) bạn giống như một con bê mới sanh ngày hôm nay đứng gần con bò đực có cục bướu lắc lư, (b) giống như voi con mới sanh ra ngày hôm nay đứng gần con voi chúa dũng mãnh, (c) giống con chồn già xấu xí đứng gần sư tử chúa đầy oai vệ với cái lưng tròn, đôi vai và cái bờm dài sáng bóng, (d) giống như con quạ con gãy cánh đứng gần đại bàng Kim-xí-điểu (garuḍa) mà thân của nó có kích thước một trăm năm mươi do tuần. Hãy đi và làm điều gì cần làm.” Do giận dữ, dạ xoa Āḷavaka đứng dậy khỏi chỗ ngồi và đứng vững chắc với bàn chân trái đặt trên một tảng đá bằng phẳng, vị ấy hét lên: “Phải chăng Đức Phật, bậc Đạo-sư của các bạn hùng mạnh? Hay là ta mới là người hùng mạnh? Các bạn sẽ thấy ai hùng mạnh hơn!” Khi hét lên như vậy, vị ấy đạp bàn chân phải của vị ấy xuống ngọn núi Kelasa cao sáu mươi do tuần. Giống như những hạt lửa rơi tung tóe từ thanh sắt nóng đỏ đã được nung nóng quá mức trong cái lò rèn rồi được đặt trên cái đe và được đập bằng cái búa. Như vậy, núi Kelasa vỡ ra thành những lớp đá.
Khi đứng trên đỉnh núi dạ xoa tuyên bố vang xa: “Ta đích thực là Āḷavaka đây.” Tiếng vang thấu đến toàn xứ Jambudīpa.
Có bốn tiếng gầm lớn mà toàn xứ Jambudīpa đều nghe rõ:
(1) Tiếng gầm ‘Ta đã thắng! Ta đã thắng!’ của tướng quân dạ xoa Puṇṇadha khi vị ấy đánh bại Dhanañjaya Korabya trong trò chơi súc sắc như được kể trong truyện Bổn sanh Vudhūra Jātaka.
(2) Tiếng gầm ‘Ta sẽ ăn thịt tất cả tỳ khưu và tỳ khưu ni ác, cận sự nam và cận sự nữ ác và những kẻ bất chánh’ của Visukamma trong hình tướng của con chó mực to lớn theo lệnh của Sakka, vua của chư thiên khi Giáo pháp của Đức Phật Kassapa bị suy yếu.
(3) Tiếng gầm ‘Vua Kusa, người Sīhassara, có giọng nói hùng dũng và xuyên thấu như tiếng sư tử vương, ta đây’ của Bồ tát Kusa khi đi ra khỏi kinh đô với công chúa Pabhāvatī ở trên lưng của con voi của vị ấy khi bảy vị vua muốn dành lấy công chúa, đã bao vây kinh đô. Và
(4) Tiếng gầm hiện tại ‘Ta đích thực là Āḷavaka’ của dạ xoa Āḷavaka khi đang đứng trên đỉnh núi Kelasa. Khi những tiếng la hét ấy được phát ra có vẻ như chúng xuất phát trước mỗi cổng thành và mỗi cổng làng toàn xứ Jambudīpa.
Do sức mạnh của Āḷavaka, dãy núi Hy-mã-lạp-sơn rộng ba ngàn do tuần phải rung chuyển.
Sau đó, dạ xoa tấn công Đức Phật bằng chín loại vật phóng (giống như đã được mô tả trong phần nói về sự hàng phục Vassavati Devaputta Māra, cuốn II). Mặc dù tấn công với những vật phóng như vậy, Āḷavaka cũng không thể khiến Đức Phật bỏ chạy. Vì vậy, vị ấy tiến đến Đức Phật dẫn theo quân binh đáng sợ gồm bốn binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh với nhiều hình thức ghê sợ và nhiều loại khí giới.
Đoàn binh ma hóa ra đủ loại binh tướng hăm dọa và la hét ‘Hãy tóm bắt vị ấy! Hãy giết chết vị ấy!’ Chúng xuất hiện tựa như chúng đang ồ ạt đến từ khoảng không bên trên Đức Phật. Nhưng chúng không dám đến gần Đức Phật giống như bầy ruồi không dám đến gần cục sắc nóng đỏ.
Dù chúng không dám đến gần nhưng chúng cũng không dám rút lui trong thời gian ngắn giống như Ma vương và binh ma của vị ấy đã từng làm, là quay lui ngay sau khi bị đánh bại vào lúc Bồ tát sắp giác ngộ tại Mahā Bodhi. Thay vào đó, Āḷavaka cùng quan binh của vị ấy trải qua cả đêm làm những điều nhũng nhiễu.
Sau khi thất bại trong sự nỗ lực gây kinh sợ cho Đức Phật bằng cách phô trương nhiều thứ khủng khiếp như vậy suốt nữa đêm, vị ấy khởi lên ý nghĩ rằng: “Thật là tuyệt vời nếu ta phóng binh khí hình chiếc áo choàng màu trắng, là loại binh khí vô địch.”
Có bốn loại binh khí hùng mạnh nhất trong thế gian:
1. Cái chày sấm sét của Sakka.
2. Cái gậy sắt của Vessavaṇa.
3. Cái liếc nhìn một bên của Yama.
4. Chiếc áo choàng trắng của Āḷavaka
Giải thích:
(1)Nếu Sakka mà trong cơn giận dữ ném cái chày sấm sét của vị ấy xuống núi Tudi thì nó sẽ xuyên thủng ngọn núi cao 168.000 do tuần, tạo ra một lỗ hổng ngay khi nó đi qua và đi ra từ dưới đáy.
(2) Cái dùi sắt của Vessavaṇa khi được vị ấy rút ra trong lúc giận dữ khi vị ấy còn phàm nhân thì nó sẽ chặt lìa hàng ngàn cái đầu của dạ xoa và nó sẽ nằm lại vị trí cũ sau khi trở về.
(3) Khi vị Yama, vua của địa ngục tức giận mà liếc nhìn một bên thì hằng ngàn Cưu-Bàn-Trà (kumbhanda) bị tiêu diệt thì tạo ra tiếng lách tách như những hạt mè được bỏ vào trong cái chảo nóng đỏ.
(4) Nếu dạ xoa Āḷavaka trong lúc tức giận mà quăng chiếc áo khoác của vị ấy lên không trung thì sẽ gây ra nạn hạn hán trong mười hai năm. Nếu nó được ném xuống đất thì cây cối thảo mộc và những thứ khác sẽ bị khô héo và đất sẽ không còn màu mỡ trong mười hai năm. Nếu nó được ném vào đại dương thì nước ở đó sẽ bị khô cạn giống như nước trong cái nồi nóng đỏ. Một ngọn núi như Tudi sơn khi bị ném chiếc áo khoác vào sẽ vỡ ra thành từng mãnh.
Đây là bốn loại binh khí vĩ đại.
Với ý nghĩ ấy, Āḷavaka cởi ra chiếc áo khoác của mình, một loại khí giới rất hùng mạnh và khi đứng vị ấy xuống tấn để ném nó.
Lúc bấy giờ, chư thiên trong mười ngàn thế giới đều cu hội về đó một cách nhanh chóng, vì họ biết rằng: “Đức Thế Tôn sẽ nhiếp phục dạ xoa Āḷavaka hung ác. Tại chỗ nhiếp phục ấy chúng ta sẽ nghe Đức Phật thuyết pháp.” Ngoài chư thiên muốn nghe Đức Phật thuyết pháp còn có chư thiên muốn xem một cuộc so tài, tất cả cu hội ở đó. Bằng cách này toàn thể bầu trời dày đặc chư thiên.
Dạ xoa Āḷavaka nổi lên đi quanh Đức Phật, ném chiếc áo choàng trắng của vị ấy đến Đức Phật. Phát ra một âm thanh khủng khiếp trong bầu trời như tiếng sấm sét rồi khói bốc lên cuồn cuộn khắp nơi với những ngọn lửa rực cháy, chiếc áo choàng bay đến Đức Phật, khi bay đến Ngài thì nó biến thành chiếc khăn lau chân và rơi xuống trên bàn chân của Ngài, tiêu diệt tánh ngã mạn của dạ xoa.
Nhìn thấy điều này, dạ xoa bất lực và cảm thấy mình mất đi sự kiêu hãnh như con bò bị gãy cặp sừng hay như con rắn độc bị nhổ hết răng. Rồi vị ấy suy xét: “Chiếc áo choàng trắng đã không thắng nổi Sa-môn Gotama. Tại sao ?” Rồi lại phỏng đoán: “Sa-môn Gotama trú trong pháp từ ái. Đây chắc là lý do. Giờ ta sẽ tước mất pháp từ ái của vị ấy bằng những lời khiêu khích.”
Dạ xoa nói rằng: “Này Sa-môn Gotama! Chưa được phép của ta tại sao ông đi vào lâu đài của ta và ngồi giữa đám nữ hầu như một gia chủ vậy? Chẳng phải một vị Sa- môn mà thọ lãnh cái không được cho và trà trộn trong các nữ nhân là điều không thích hợp sao? Do đó, nếu ông trú trong các điều luật của vị Sa-môn. (Này Sa-môn! Hãy ra khỏi lâu đài của ta ngay!)”
(Liên quan đến câu nói của Āḷavaka chỉ phần chính được nêu ra trong ngoặc đơn được tụng thành bài kinh trong các cuộc kết tập, phần còn lại được rút ra đầy đủ từ bộ Chú giải).
Khi ấy Đức Phật chấp nhận mệnh lệnh của dạ xoa và đi ra bên ngoài lâu đài sau khi cho một lời đáp khả ái: “Lành thay! Này Āḷavaka!” (Một người thù địch không thể được nguôi ngoai bởi sự thù địch. Đúng như vậy! Chỉ một miếng mật gấu được đặt vào lỗ mũi con chó hoang hung dữ sẽ làm cho nó trở nên tệ hơn. Cũng vậy, một người hung dữ khi bị trả thù bằng sự hung dữ sẽ trở nên hung bạo hơn. Thực ra, người như vậy nên được nhiếp phục bằng sự quảng đại. Hiện tượng tự nhiên này Đức Phật hiểu thông suốt, cho nên Ngài dùng lời nói dịu dàng và hành xử nhân nhượng).
Khi ấy, dạ xoa suy nghĩ: “Sa-môn Gotama quả thật vâng lời. Vị ấy ra ngoài theo mệnh lệnh của ta mà đưa ra chỉ một lần. Ta đã đối đầu với vị ấy suốt đêm mà không có nguyên nhân nào. Sa-môn Gotama, người rất dễ bảo đi ra ngoài.” Tâm của dạ xoa Āḷavaka bắt đầu nguôi ngoai, vị ấy suy nghĩ tiếp: “Nhưng ta không chắc rằng vị ấy đi ra ngoài do vâng lời hay tức giận. Bấy giờ ta sẽ tìm hiểu xem.” Bởi vậy, vị ấy lại hỏi Đức Phật: “Này Sa-môn Gotama! Hãy đi vào.”
Đức Phật, để làm cho dạ xoa trở nên mềm mỏng và tin chắc vào sự dễ bảo của Ngài bèn nói một cách rất khả ái: “Lành thay! Này bạn Āḷavaka!” và đi vào lâu đài.
Bằng cách này, dạ xoa thử Đức Phật bằng cách ra lệnh nhiều lần lập đi lập lại để biết chắc rằng Ngài có vâng lời hay không, lần thứ hai và lần thứ ba vị ấy nói: “Hãy vào” rồi nói “Hãy ra”. Đức Phật làm theo sự ra lệnh của dạ xoa khiến cho dạ xoa càng trở nên mềm dịu hơn (lòng bi mẫn của Đức Phật quả thật rất vĩ đại). Nếu Đức Phật không vâng lời dạ xoa, kẻ có tánh hung ác thì tâm thô bạo của vị ấy sẽ càng trở nên hung dữ và không thể tín thọ Giáo pháp. Có một ví dụ trong thế gian như sau: cũng như những đứa con trai còn nhỏ nghịch ngợm và hay khóc, người mẹ làm cho nó ngoan bằng cách cho nó cái gì nó muốn và điều gì nó thích. Cũng vậy, Đức Phật (người mẹ vĩ đại của ba cõi) hành động theo mệnh lệnh của dạ xoa để cho vị ấy trở nên mềm dịu hơn.
Một ví dụ khác: như bà vú nuôi dùng món đồ chơi và vỗ về để làm cho đứa bé bướng bỉnh chịu uống sữa. Cũng vậy, Đức Phật (người vú nuôi vĩ đại của ba cõi) làm theo bất cứ điều gì dạ xoa ra lệnh (đứa bé bướng bỉnh) chịu uống món sữa ngọt là Pháp siêu thế.
Một ví dụ so sánh khác nữa: cũng như một người muốn đổ đầy món Catumadhu vào trong một cái bình thủy tinh (vật thực hay thuốc chữa bệnh chứa bốn loại gia vị) bèn chùi sạch bên trong của cái bình. Cũng vậy, Đức Phật muốn làm đầy tâm như cái bình của dạ xoa bằng Pháp siêu thế giống như món Catumadhu nên đã phải tẩy sạch đi tâm nóng giận như bụi nhơ của Āḷavaka. Do đó, Ngài đã vâng lời dạ xoa ba lần bằng cách đi ra và đi vào lâu đài của dạ xoa (sự vâng lời của Ngài không phải do sợ hãi).
Sau đó, dạ xoa khởi lên ước muốn ác như vầy: “Vị Sa-môn này thật sự dễ bảo. Khi được ra lệnh chỉ một lần ‘Hãy đi vào’ vị ấy đi vào. Khi được ra lệnh chỉ một lần ‘Hãy đi ra’ vị ấy liền đi ra. Bằng cách truyền lệnh hãy đi ra đi vào như vậy ta sẽ làm cho vị ấy mệt mỏi trải qua suốt đêm. Sau khi làm cho vị ấy mệt mỏi như vậy ta sẽ nắm chân của vị ấy ném sang bên kia bờ sông Hằng.” Do đó, lần thứ tư dạ xoa yêu cầu Đức Phật: “Hãy đi ra, này Sa-môn!”
Khi ấy Đức Phật biết ý định độc ác của dạ xoa, Ngài cũng thấy trước dạ xoa sẽ làm gì nếu Ngài nói một điều gì đó với vị ấy. Āḷavaka sẽ khởi lên ý nghĩ hỏi Đức Phật một số câu hỏi, và điều ấy sẽ tạo ra một cơ hội vàng để Đức Phật thuyết pháp.
Do đó, Đức Phật trả lời: “Như Lai biết kế hoạch ác trong tâm của ngươi. Bởi vậy, Như Lai sẽ không đi ra hay làm bất cứ điều gì mà ngươi thích.”
Trong những ngày, trước cuộc gặp gỡ giữa Đức Phật và dạ xoa Āḷavaka, có những đạo sĩ và những du sĩ có thần thông đi đến bằng con đường hư không, họ viếng thăm lâu đài do tò mò muốn tìm hiểu xem nó bằng vàng, bằng bạc hay bằng ngọc. Với những vị khách này dạ xoa thường đặt câu hỏi. Nếu họ không trả lời được thì dạ xoa làm hại họ bằng cách khiến cho họ bị điên hoặc vỡ tim hoặc nắm chân ném họ qua bên kia bờ sông Hằng.
Sau đây là cách làm hại của dạ xoa: làm cho người ta bị điên bằng hai cách (1) cho người ấy thấy tướng mạo của chúng, (2) nắm chặt và bóp quả tim của người ấy. Khi biết rằng cách thứ nhất không làm cho các ẩn sĩ và các du sĩ bị điên thì Āḷavaka không áp dụng. Thay vào đó, dạ xoa bằng thần thông thu nhỏ thân của mình đến mức vi tế rồi đi vào thân của người đạo sĩ ấy và bóp chặt quả tim của họ, khi ấy dòng tâm của họ không ổn định và họ trở nên điên dại. Vị ấy cũng làm vỡ tim những vị đạo sĩ bị điên dại khi họ không thể trả lời những câu hỏi. Vị ấy bảo họ đừng trở lại đó nữa và cầm hai chân của họ ném qua bên kia bờ sông Hằng.
Bởi vậy dạ xoa nhớ lại những câu hỏi mà vị ấy đã hỏi trong những lần trước và nghĩ rằng: “Bây giờ ta sẽ hỏi Sa-môn Gotama theo cách này và sau đó nếu vị ấy không trả lời những câu hỏi của ta một cách thỏa đáng thì ta sẽ làm cho vị ấy điên, hoặc làm vỡ tim hay nắm chân của vị ấy ném qua bên kia bờ sông Hằng. Ta sẽ hành hạ vị ấy như vậy.”
Bởi vậy, dạ xoa nói một cách thô lỗ: “Này Sa-môn Gotama! Ta sẽ đặt ra một số câu hỏi đối với người. Nếu người không trả lời được thì ta sẽ làm cho người bị điên, hoặc làm vỡ tim hay nắm chân người và quăng sang bên kia bờ sông Hằng.”
(Những câu hỏi của dạ xoa Āḷavaka có từ đâu? Trả lời: Cha mẹ của dạ xoa đã học thuộc tám câu hỏi và cùng những câu trả lời của Đức Phật Kassapa, bậc mà họ sùng kính. Cha mẹ của vị ấy dạy cho vị ấy những câu hỏi và những câu trả lời này khi vị ấy còn trẻ).
(Thời gian trôi qua, Āḷavaka quên đi những câu trả lời. Rồi vị ấy sai viết những câu hỏi này bằng chữ son lên những cái đĩa bằng vàng và gắn cái đĩa ấy ở cổng của lâu đài. Như vậy, những câu hỏi của dạ xoa Āḷavaka có nguồn gốc từ Đức Phật Kassapa và chỉ có chư Phật mới trả lời được những câu hỏi ấy vì chúng thuộc về phạm vi của chư Phật (Buddhavisaya).
Khi nghe những lời của dạ xoa, Đức Phật muốn thể hiện năng lực vô song của chư Phật trong ý nghĩa rằng năng lực ấy trong thế gian này không ai có được. Vì không thể làm hại đến bốn điều trong quyền sở hữu của chư Phật: lợi lộc phát sanh đến Ngài, mạng sống của Ngài, Nhất thiết trí của Ngài và hào quang từ kim thân của Ngài. Thế nên, Đức Phật nói: “Này dạ xoa Āḷavaka! Khắp cả hai cõi gồm chư thiên, ma vương và Phạm thiên và cõi nhân loại gồm Sa-môn, Bà-la- môn, vua quan và thường dân, Như Lai không thấy ai có thể làm Như Lai bị điên, làm vỡ tim Như Lai hay nắm chân Như Lai quăng sang bên kia bờ sông Hằng.” (Sau khi ngăn chặn ý định độc ác của dạ xoa, Đức Phật nói thêm để vị ấy nêu ra câu hỏi).
“Này dạ xoa Āḷavaka! Dù thế nào chăng nữa bạn có thể nêu ra bất cứ câu hỏi nào bạn thích.”
Như vậy, Đức Phật đưa ra lời mời của Ngài, tư cách mà chư Phật Chánh đẳng Chánh giác áp dụng.
(Ở đây, có hai cách mời, một cách được thực hiện bởi chư Phật Chánh đẳng Chánh giác và chư Bồ tát, và cách thứ hai được thể hiện bởi những người khác. Chư Phật và chư Bồ tát nêu ra câu hỏi với đầy đủ sự tự tin: “Hãy hỏi bất cứ điều gì mà ngươi thích! Như Lai sẽ trả lời những câu hỏi của ngươi, không bỏ sót điều gì!”
Những người khác làm như vậy nhưng thiếu tự tin: “Hãy hỏi! Này bạn, khi nghe câu hỏi của bạn, tôi sẽ trả lời nếu tôi biết.”)
Khi Đức Phật thực hiện cách mời được áp dụng bởi chư Phật như vậy, Āḷavaka bèn đặt ra câu hỏi dưới dạng kệ ngôn:
Kiṃ su’dha vittaṃ purisassa seṭṭhaṃ?
Kiṃ su suciṇṇaṃ sukhaṃ āvahati? Kiṃ su have sādutaraṃ rasānaṃ? Kathaṃ jīviṃ jīvitaṃ ahu seṭṭhaṃ?
(Này Sa-môn Gotama!) Cái gì là tài sản đáng ca ngợi nhất của chúng sanh trong thế gian này? Cái gì có thể thực hành ngày này qua ngày khác một cách liên tục mà đem lại ba sự an lạc trong nhân loại, chư thiên và Niết bàn? Trong tất cả các vị, vị nào là tốt nhất cho chúng sanh? Đời sống con người như thế nào đáng ca ngợi nhất trong chúng sanh mà nhiều bậc giới đức như chư Phật và các bậc khác hằng tuyên thuyết?”
Theo cách này, câu hỏi thứ nhất là: “Cái gì là tài sản đáng ca ngợi nhất của chúng sanh trong thế gian này? Được hỏi bằng cách dùng từ có tính chất dẫn đầu, cách nói như vậy được gọi là phương pháp ukaṭṭha. Do đó, cần lưu ý rằng chữ ‘chúng sanh’ ở đây tượng trưng cho cả đàn ông và đàn bà. Câu hỏi có ý nghĩa rằng: “Cái gì là điều tốt nhất trong tất cả người nam và người nữ?”
Qua câu kệ này, bốn câu hỏi sau đây được hàm ý rằng:
1. Tài sản quý báu nhất trong thế gian này là gì?
2. Điều gì khi được thực hành từ ngày này sang ngày khác có thể dẫn đến ba trạng thái hạnh phúc thuộc nhân loại, chư thiên và Niết bàn?
3. Vị nào là ngọt ngào nhất trong các vị?
4. Sống như thế nào là cao quý nhất?
Khi ấy, Đức Phật vì muốn trả lời theo cách như Đức Phật Kassapa đã trả lời, Ngài bèn trả lời bằng cách thuyết lên những câu kệ:
Saddh’īdha vittaṃ purisassa seṭṭhaṃ.
Dhammo suciṇṇo sukhaṃ āvahati.
Saccaṃ have sādutaram rasānaṃ
Paññājīvim jīvitaṃ āhu seṭṭham.
(Này Āḷavaka!) Trong thế gian này tài sản đáng ca ngợi nhất của mỗi người nam và người nữ là đức tin (saddhā), phàm phu cũng như bậc thánh.
Mười điều phước hay ba thiện sự là Bố thí, Giới và Thiền quán mà khi được thực hành liên tục cả ngày lẫn đêm có thể đem đến ba điều hạnh phúc (sukha) thuộc nhân loại, chư thiên và Niết bàn.
Trong tất cả các vị, chân lý (sacca) của Niết bàn là sự thật trong ý nghĩa cùng tột (Đệ nhất nghĩa đế - Paramattha-sacca) hay lời nói chân thật thuộc ngữ hạnh phúc (vaci-mangata) đạt được do kiên tránh nói dối (virati-sacca) quả thật là vị tối thắng nhất trong tất cả chúng sanh.
Những bậc có giới như chư Phật và những nhân vật khác hằng tuyên bố rằng đời sống của một chúng sanh mà sống thực hành theo chánh hạnh một cách liên tục là đáng tán dương nhất.
(1) Đây là ý nghĩa, cũng như tất cả tài sản trong thế gian như vàng, bạc, châu báu, v.v… dầu hữu ích của chúng là đem lại hạnh phúc cho cả thân (kāyika-sukha) và tâm (cetasika-sukha) vì chúng ngăn ngừa sự đói khát và những cái khổ khác, cũng như chúng làm hết nghèo, cũng như chúng là nguyên nhân để có được ngọc trai, hồng ngọc, v.v… cũng như chúng thu hút sự ngưỡng mộ từ những người khác. Cũng vậy, hai loại đức tin của phàm phu và của bậc thánh đem lại hạnh phúc cả thế tục lẫn tâm linh. Cũng vậy, đức tin là giới (pháp) dẫn đầu cho những người thực hành chánh hạnh để ngăn chặn những cái khổ trong luân hồi như sanh, già, bịnh, chết, v.v… Cũng vậy, nó làm chấm dứt trình trạng thiếu thốn các giới đức (thiện pháp). Cũng vậy, nó là nguyên nhân để thành đạt Pháp bảo như Thất Giác Chi (Bojjhanga).
Saddho sīlena sampanno, yaso bhogasamappito,
Yaṃ yaṃ padesaṁ bhajati, tattha tatth’eva pūjito.
(Người có đầy đủ đức tin (saddhā) và giới (sīla), cũng có tùy tùng và của cải người ấy đi đâu cũng được vinh danh. Vì Đức Phật cũng từng dạy như vậy (trong chuyện về Cittagahapati, 21 Pakinnaka- vagga thuộc Dhammapada), một bậc có đầy đủ đức tin được tôn trọng bởi tất cả chư thiên và nhân loại. Do đó, đức tin phàm và thánh được Đức Phật thuyết ra là hai tài sản của con người).
Tài sản về đức tin là nguyên nhân của ba loại hạnh phúc vô song của con người, chư thiên và Niết bàn. Hơn nữa, nó là nguyên nhân để hoạch đắc những của báu trong thế gian như vàng, bạc, v.v… chỉ có người nào có đức tin và thực hành bố thí mới có được châu báu trong thế gian. Người không có đức tin không có quả báu tài sản. Do đó, đức tin là tài sản đáng khen ngợi nhất trong thế gian.
(2) Khi mười việc thiện (hay nói cách khác là ba việc làm bố thí (dāna), trì giới (sīla) và tham thiền (bhāvanā) được thực hành ngày này qua ngày khác, chúng đem lại hạnh phúc nhân loại cho người thực hành, như chúng mang lại cho Sona, Ratthapala và những trưởng giả khác. Chúng đem lại hạnh phúc chư thiên, cho người thực hành như Sakka, vua của chư thiên, và chư thiên khác; chúng đem lại Niết bàn như đem lại cho hoàng tử Mahāpaduma và các vị khác.
(3) Cái để nếm và thưởng thức gọi là vị. Có nhiều loại vị, như vị của các loại củ, vị của thân hay vị của cọng rau, v.v… và những phần khác của cây thảo mộc đóng góp vào sự phát triển trên thân của người. Nhưng chúng chỉ đem lại hạnh phúc trong thế gian. Vị của pháp chân thật do kiên tránh nói dối (virati-sacca) và vị của chân thật ngữ (vaci-sacca) đóng góp vào sự phát triển trong tâm của con người nhờ thiền Chỉ (samatha) và thiền Quán (vipassanā) và những pháp thiền khác. Chúng dẫn đến hạnh phúc của tâm linh. Đạo quả A-la-hán được gọi là Giải thoát vị (vimutti-rasa) vì được thành đạt nhờ vị của Niết bàn, là chân lý trong ý nghĩa chân đế (paramattha-sacca) rất ngọt ngào. Do đó, ba vị này gồm paramattha-sacca, virati-sacca, và vaci-sacca là những vị tối thắng nhất trong các vị.
(4) Một người mà thiếu cả hai con mắt tức là mắt trí tuệ tu tập trong lĩnh vực thế gian và con mắt trí tuệ trong lĩnh vực tu tập xuất thế gian thì được gọi là Andha-puggala (người bị mù cả hai mắt). Người chỉ có một con mắt trong tu tập thuộc lĩnh vực thế gian và thiếu con mắt trí tuệ trong Pháp (Dhamma) thì được gọi là Eka- cakkhu (một mắt). Người có cả hai con mắt trí tuệ thì được mệnh danh là Dvi-cakkhu-puggala (người có hai mắt sáng).
Trong ba hạng người này, thì người cư sĩ có hai mắt sống bằng cách làm các công việc trong gia đình, quy y Tam Bảo , thọ trì ngũ giới, bát quan trai giới và làm những phận sự khác trong xã hội loài người nhờ vào trí tuệ. Một tỳ khưu sống bằng cách làm tròn phận sự Sa-môn như Giới thanh tịnh (sīla-visuddhi), Tâm thanh tịnh (citta-visuddhi) và những pháp khác nhờ trí tuệ. “Chỉ đời sống của người trú bằng trí tuệ là đáng khen ngợi.” Các bậc Thánh nhân như chư Phật, v.v… hằng tuyên bố như vậy. (Các Ngài không nói rằng lối sống của người chỉ biết hít thở là đáng khen ngợi). Như vậy cần được lưu ý một số chi tiết của ý nghĩa.
Khi nghe Đức Phật trả lời bốn câu hỏi của mình, dạ xoa Āḷavaka rất hoan hỷ, và muốn đặt bốn câu hỏi còn lại, vị ấy bèn đọc lên câu kệ sau:
Katthaṃ su tarati oghaṃ, katthaṃ su tarati aṇṇavaṃ Katthaṃ su dukkham acceti, katthaṃ su parisujjhati.
(Bạch Đức Thế Tôn!) Bằng cách nào hay do điều gì mà người ta vượt qua bốn dòng bộc lưu? Làm thế nào hay do điều gì mà người ta vượt qua đại dương luân hồi (saṁsāra)? Làm thế nào hay do điều gì mà người ta vượt qua vòng đau khổ? Bằng cách nào hay do điều gì mà người ta tẩy sạch các pháp ô nhiễm trong chính mình?
Khi dạ xoa đã hỏi như vậy, Đức Phật bèn trả lời bằng cách đọc lên câu kệ:
Saddhāga tarati oghaṃ, appamādena aṇṇavaṃ Viriyena dukkham acceti, Paññāya parisujjhati.
(Này Āḷavaka!) Do đức tin (saddhā) người ta vượt qua bốn dòng bộc lưu. Do pháp không dể duôi (appamāda) là sự thực hành lập đi lập lại mười điều phước mà người ta vượt qua đại dương luân hồi. Do tinh tấn (viriya) người ta vượt qua vòng đau khổ. Do trí tuệ (paññā) mà người ta thanh lọc các pháp ô nhiễm trong tâm.
(Ở đây, người vượt qua bốn dòng bộc lưu đại dương luân hồi, có thể vượt qua vòng khổ đau và xa lìa các pháp ô nhiễm, nhưng (1) người thiếu đức tin (saddhā), người không tin vào pháp hành cao quý để vượt qua bốn dòng bộc lưu thì người ấy không thể hành thiền, là pháp vượt qua. Do vậy, người ấy không thể vượt qua được bốn dòng bộc lưu. (2) Người xao lãng, dể duôi, do đắm chìm trong dục lạc vì người ấy bám chắc vào những dục lạc này nên không thể vượt qua đại dương luân hồi. (3) Người lười biếng không tinh tấn, sống chung với những người bất thiện thì sống trong đau khổ. (4) Kẻ ngu do không biết đường lối thực hành dẫn đến sự thanh lọc các pháp ô nhiễm thì không thể dứt khỏi phiền não trong tâm. Cho nên câu trả lời của Đức Phật cho thấy rằng đức tin (saddhā) đối trị với thiếu đức tin (asaddhā), không dể duôi (appamāda) đối trị với dể duôi (pamāda), tinh tấn (viriya) đối trị với biếng nhác (kosajja), và trí tuệ (paññā) đối trị với si mê (moha).
Lại nữa, trong bài kệ trả lời bốn dòng này thì đức tin hay Tín quyền là nguyên nhân cơ bản của bốn yếu tố của sự Nhập lưu (sotāpattiyaṅga) đó là (a) sappurisa-saṃseva - thân cận với những bậc có giới đức. (b) saddhamma-savana - nghe pháp của những bậc có giới đức. (c) yoniso-manasikara - quán xét đúng pháp (như lý tác ý). (d) dhammānudhamma-paṭipaṭṭi - chuyên tâm vào pháp thiền Chỉ và thiền Quán phù hợp với chín pháp siêu thế. Chỉ khi nào có được đức tin mới dẫn đến sự tu tập bốn yếu tố Nhập lưu. Và chỉ có sự tu tập bốn yếu tố này mới dẫn đến Đạo quả Nhập lưu (sotāpatti). Cho nên, qua câu trả lời đầu tiên của Đức Phật trong bài kệ: “Saddhāya tarati ogham - do đức tin mà người ta vượt qua bốn dòng bộc lưu,” Nhập lưu đạo - Sotāpatti-magga, sự vượt ra khỏi kiến bộc lưu (ditth’ogha), ám chỉ đến Bậc Thánh Dự lưu.
(Bậc thánh Dự lưu - Sotāpanna, vì vị ấy có sự cần mẫn, tương đương với những việc phước được lập đi lập lại, hoàn thành Đạo thứ hai và chỉ tái sanh một lần nữa trong cõi người. Vị ấy vượt qua đại dương luân hồi (saṁsāra), cho nên câu trả lời thứ hai trong câu kệ: “appamādena aṇṇavam - do chuyên cần người ta vượt qua được đại dương luân hồi.” Nhất Lai đạo (sakadāgāmi-magga) sự vượt qua Hữu bộc lưu (bhav’ogha), ám chỉ đến bậc Thánh Nhất Lai.
Bậc thánh Nhất Lai hoàn thành Đạo thứ ba do tinh tấn và vượt qua khổ liên quan đến tham ái, có nguồn gốc ở Dục bộc lưu (kām’ogha) – việc mà Nhất Lai đạo chưa làm được. Cho nên câu trả lời thứ ba “viriyena dukkham acceti - do tinh tấn người ta vượt qua vòng đau khổ”. Bất lai đạo (anāgāmi-magga) là sự vượt qua Dục bộc lưu (kam’ogha), ám chỉ đến bậc thánh Bất lai.
Vị thánh Bất lai, vì vượt qua vũng lầy của dục lạc, hoàn thành Đạo thứ tư do Tuệ quán và đoạn trừ pháp ô nhiễm Vô minh (mà Bất lai đạo chưa đoạn diệt được). Cho nên câu trả lời thứ tư trong bài kệ: “paññāya parisujjhati - do trí tuệ người ta thanh lọc các ô nhiễm trong chính mình”. A-la-hán đạo (arahatta-magga), sự vượt qua vô minh bộc lưu (avijj’ogha), ám chỉ đến bậc thánh A-la-hán.)
Câu kệ được giảng dạy kết thúc với đỉnh cao là đạo quả A-la-hán thì dạ xoa Āḷavaka được an trú trong Thánh quả Nhập Lưu.
Giờ đây Āḷavaka đã khắc nghi trong tâm chữ Paññā (Trí tuệ) trong câu trả lời thứ tư của bài kệ, “paññāya parisujjhati - do trí tuệ người ta thanh lọc các pháp ô nhiễm trong chính mình” được Đức Phật đọc lên. Dạ xoa (vị ấy đã là bậc thánh Nhập lưu) ước muốn hỏi thêm những câu kệ khác, sự pha trộn các vấn đề khác thuộc thế gian và xuất thế gian, bằng trí thông minh của mình, vị ấy đọc lên sáu dòng kệ sau:
Kathaṃ su labhate paññaṃ? Kathaṃ su vindate dhanaṃ? Katham su kiṭṭiṃ pappoti?
Katham mittāni ganthati? Asmā lokā paraṃ lokaṃ kathaṃ pecca na socati?
(Bạch Đức Thế Tôn!) Bằng cách nào để đạt được hai loại trí là hiệp thế và siêu thế? Làm thế nào để đạt được hai loại tài sản là hiệp thế và siêu thế? Làm thế nào để đạt được danh tiếng? Làm thế nào để thân cận với bạn bè? Bằng cách nào mà người ta không sầu khổ khi mạng chung từ thế giới này sang thế giới khác?
Qua câu kệ này, dạ xoa Āḷavaka muốn hỏi những vấn đề liên quan đến năm điều sau đây:
1. Phương cách để có được trí tuệ.
2. Phương cách để có được tài sản.
3. Phương cách để có được danh tiếng.
4. Phương cách để có được bạn bè.
5. Phương cách để thoát khỏi sầu khổ trong kiếp sau.
Vì muốn giảng cho dạ xoa một cách đúng pháp rằng có bốn pháp giúp thành tựu hai loại trí hiệp thế và siêu thế ( muốn trả lời câu hỏi thứ nhất), Đức Phật tuyên thuyết câu kệ sau:
Saddhāno aroahataṃ,dhammaṃ nibbānapattiyā. sussūsaṃ labhate paññaṃ, appamatto vicakkhaṇo.
(Này Āḷavaka!) Người có niềm tin sâu đậm trong mười việc phước và ba mươi bảy Bồ đề phần là những pháp giúp chứng đắc Niết bàn, do chư Phật Toàn giác, chư Phật Độc giác và Thinh văn A-la-hán giảng dạy; người tôn kính lắng nghe bậc trí, có chánh niệm và nhất tâm, và suy xét tường tận về hai loại lời nói thiện ngữ (subhāsita) và ác ngữ (asubhāsita) thì sẽ có được hai loại trí là hiệp thế và siêu thế.
Qua câu trả lời này, Đức Phật muốn nói rằng:
1. Đức tin (saddhā)
2. Sự chú ý (sussūsā)
3. Chánh niệm (appamāda)
4. Sự suy xét (vicakkhanā) là những phương tiện để có được trí tuệ.
Giải thích: Chư Phật Toàn giác, chư Phật Độc giác và chư Thinh văn Phật chứng ngộ Niết bàn là nhờ mười điều phước đầu tiên và ba mươi bảy pháp Bồ đề phần, được gọi phương tiện dẫn đến Niết bàn. Chỉ người nào có niềm tin sâu sắc (saddhā) mới có thể sở hữu được hai loại trí hiệp thế và siêu thế này.
Tuy nhiên, sự sở hữu trí tuệ không thể có được chỉ bằng đức tin. Chỉ khi nào những bậc có đức tin trau dồi (sussūsā) bằng cách đến gần các bậc trí, hầu hạ các Ngài, lắng nghe các Ngài nói pháp, như vậy người ấy mới có thể đạt được hai loại trí tuệ này (tức là niềm tin dẫn đến Niết bàn), người ấy phải đi đến người thầy tế độ (upajjahāya) và làm tròn bổn phận của mình đối với thầy.
Khi vị thầy hài lòng việc làm tròn bổn phận của người đệ tử sẽ giảng dạy. Người đệ tử phải chăm chú lắng nghe. Việc đến gần thầy tế độ, chăm chú lắng nghe lời giảng - tất cả những điều này tạo nên từ sussūsā, cung kính vâng lời. Chỉ người nào có sussūsā mới có thể đạt được trí hiệp thế và siêu thế.
Chỉ khi nào người nghe có đức tin, sự tôn kính và tu tập thêm, appamāda (không dể duôi) và vicakkhaṇā (thẩm xét) về thiện ngữ (subhāsita) và ác ngữ (asubhāsita) người ấy mới có thể đạt được hai loại trí hiệp thế và siêu thế. Người thiếu bốn pháp, saddhā, sussūsā, appamāda và vicakkhaṇā thì không thể.
Xét về sự liên hệ giữa bốn pháp và trí siêu thế, (1) do saddhā người ta đi vào pháp hành dẫn đến trí tuệ, (2) do sussūsā người ấy cung kính lắng nghe pháp dẫn đến trí tuệ, (3) do appamāda người ấy không quên những điều đã học được, (4) do vicakkhaṇā người ấy suy xét sâu xa về những điều đã nghe, đã học khiến cho nó nguyên vẹn, không thay đổi sai lạc, mở rộng kiến thức và trí tuệ của người ấy. Hoặc (2) do sussūsa người ta cung kính dẫn đến trí tuệ, (3) do appamāda người ta ghi nhớ điều đã học khiến nó không bị quên lãng,
(4) do vicakkhaṇā người ta suy gẫm sâu xa điều đã được ghi nhớ trong tâm. Sự thực hành lập đi lập lại bốn điều này giúp người ta giác ngộ ý nghĩa cùng tột của Niết bàn nhờ Đạo quả A-la-hán. Theo cách này, sự tu tập Trí tuệ siêu thế của Đạo và của Quả cần được lưu ý.
Sau khi trả lời câu hỏi đầu tiên như vậy, Đức Thế Tôn trả lời câu hỏi thứ hai, thứ ba và thứ tư Ngài bèn tuyên đọc câu kệ sau:
Patirūpa-kāri dhuravā, uṭṭhātā vindate dhanaṃ saccena kittiṃ pappoti dadaṃ mittāni ganthāti.
(Này Āḷavaka!) Người thực hiện hai điều này dẫn đến tài sản thế tục lẫn tâm linh phù hợp với nơi chốn và thời gian; người do tinh tấn không từ bỏ phận sự của mình, và cũng như năng động về thể chất, chắc chắn có được hai loại tài sản. (Nửa câu kệ đầu, Đức Phật trả lời rằng hai loại tài sản có thể đạt được qua ba yếu tố: theo pháp hành phù hợp với thời gian và nơi chốn, dẫn đến tài sản, có sự tinh tấn của thân và tâm). Qua lời nói chân thực an lành, người ta có thể đạt đến danh tiếng tốt rằng “Đây là người nói sự thật” (hay) do sự chứng đắc ý nghĩa cùng tột của Niết bàn mà người ta đạt đến danh tiếng, mọi người sẽ nói rằng: " Người ấy là Đức Phật.” “Người ấy là Phật Độc Giác.” “Người ấy là Thinh văn đệ tử Phật.” (Dòng kệ thứ ba này trả lời cho câu hỏi thứ ba). Người không bỏn xẻn mà toàn tâm toàn ý bố thí đến một người nào đó cái mà người ấy cần thì sẽ tạo được nhiều bạn bè (Qua dòng kệ thứ tư này, câu hỏi thứ tư được trả lời).
Ở đây, phương pháp để đạt đến tài sản trong thế gian qua sự thực hành đúng pháp, sự tinh tấn của tâm và thân có thể được lưu ý từ câu truyện Bổn sanh nổi tiếng - Cūḷa-seṭṭhi Jātaka , kể về một người trở nên giàu có trong vòng bốn tháng bằng cách lấy con chuột chết làm vốn và lợi tức thu được là 200 ngàn.
Nói về sự thành tựu tài sản tinh thần, cần tìm hiểu về câu chuyện của trưởng lão Mahā Tissa.
Giải thích: Vị trưởng lão cao tuổi Mahā Tissa ở Ceylon, nguyện thực hành pháp Đầu đà với ba oai nghi - đi, đứng và ngồi và ngài thực hiện viên mãn. Bất cứ khi nào cảm thấy uể oải thì Ngài nhúng cái nệm bằng rơm trong nước rồi đặt nó trên đầu và lội xuống nước đến ngang cổ để diệt trạng thái hôn trầm (thina-middha) của mình. Sau mười hai năm, Ngài chứng đắc Đạo quả A-la-hán.
Sau khi trả lời bốn câu hỏi đầu tiên như vậy, trong đó những pháp thuộc thế tục và tinh thần dành cho người tại gia và người xuất gia được kể chung. Giờ đây Đức Phật muốn giải đáp câu hỏi thứ năm. Do đó, Ngài đọc lên câu kệ sau:
Yass’ete caturo dhammā, saddhassa gharaṁ esino.
Saccaṃ dhammo dhīti cāgo, sa ve peccan socati.
Người có đức tin và tầm cầu lợi ích cho gia đình, trong người ấy có hiện hữu bốn pháp đó là chân thật (sacca), trí tuệ (dhamma), sự tinh tấn của thân và tâm (dhīti), xả thí (cāga), thật vậy, người này không lo buồn cho sự ra đi của mình sang thế giới bên kia.
Sau khi trả lời câu hỏi thứ năm như vậy, Đức Phật muốn sách tấn dạ xoa Āḷavaka và đọc lên câu kệ rằng:
Ingha aññe’pi pucchassu, puthū samāṇa brāhmaṇe. Yadi saccā damā cāgā, khantyā bhiyyo’dha vijjati.
(Này dạ xoa Āḷavaka!) Trong thế gian này nếu có đức tánh nào thù thắng hơn sacca (hai loại chân thật) để thành đạt danh tiếng; nếu có đức tánh nào thù thắng hơn dama (tự chế) qua sự thận trọng là một phần của sự vâng lời khôn ngoan để thành đạt trí thế tục và tâm linh; nếu có đức tánh nào thù thắng hơn cāga (xả thí) để kết bạn; nếu có đức tánh nào thù thắng hơn khantī (nhẫn nại) dưới dạng tinh tấn nơi thân và tâm để tạo ra tài sản thuộc thế tục và tâm linh. Nếu có đức tánh nào thù thắng hơn các pháp sacca, dama, cāga, và khantī để loại trừ sầu khổ cho đời sau, hoặc nếu ngươi nghĩ có những đức tánh thù thắng hơn bốn pháp này, để thỏa mãn ngươi nên hỏi những người khác, những vị Sa-môn và Bà-la-môn như Purāna Kassapa, v.v… những kẻ lầm lạc cho rằng họ là những vị Phật Chánh đẳng Chánh giác.
Khi Đức Phật đọc xong câu kệ thì dạ xoa Āḷavaka bạch với Đức Thế Tôn bằng câu kệ, nửa câu kệ đầu giải thích rằng vị ấy đã đoạn diệt hoài nghi (do chứng đắc Đạo Tuệ), hoài nghi rằng liệu vị ấy có nên hỏi Purāma Kassapa, v.v… hay không và câu kệ thứ hai giải thích lý do khiến vị ấy không có ý định hỏi:
Kathaṃ nu dāmi puccheyyam
puthū samaṇa-brahmaṇe.
Yo’haṃ ajja pajānāmi yo attho samparāyiko.
(Bạch Đức Thế Tôn!) Giờ đây (đệ tử của Ngài tên Āḷavaka) đã cắt đứt tất cả hoài nghi bằng lưỡi dao của Đạo trí Nhập lưu (sotāpatti- magga-ñāna), tại sao con còn phải hỏi những Sa-môn và Bà-la-môn mà tự cho mình là Đức Phật Toàn Giác (Thực vậy, con không nên hỏi họ vì con đã thoát khỏi phiền não trói buộc của hoài nghi (vicikicchā). Vì Đức Thế Tôn đã khuyến giáo con, con tên Āḷavaka là đệ tử của người, ngày hôm nay đã tự thân biết rõ, tất cả những lời khuyến giáo của Đức Thế Tôn về sự thành tựu trí tuệ, thành tựu tài sản và thành tựu danh tiếng và sự kết bạn, những đức tánh dẫn đến không khổ ưu trong kiếp sau. (Thế nên, con không cần phải hỏi những người khác để được thỏa mãn).
Giờ đây, dạ xoa Āḷavaka đọc lên bài kệ sau đây để cho thấy rằng trí tuệ mà vị ấy đạt được có nguồn gốc từ Đức Phật:
Atthāya vata me Buddho vāsāy’āḷaviṃ āgāmā.
Yo’haṃ ajja pajānāmi,
yattha dinnaṃ Mahāppahalaṃ.
Đức Thế Tôn, Đức Phật Toàn Giác do lòng bi mẫn đã đi đến kinh đô Alavi để trải qua suốt mùa an cư để đem lại lợi ích thế tục và tinh thần cùa con. Vật thí với tâm tịnh tín được cúng dường đến Đức Phật Toàn Giác có những phước báu to lớn trong cõi trời, cõi người cho đến Niết bàn. Đức Phật Toàn Giác xứng đáng được thọ lãnh những vật thí quý báu nhất, mà giờ đây con được biết một cách thấu đáo.
Sau khi đã đọc lên câu kệ nói rằng bây giờ vị ấy đã có được phương tiện phát triển lợi ích cho mình. Āḷavaka lại đọc lên câu kệ này để bày tỏ mong ước muốn đem lại lợi ích cho những kẻ khác:
So aham vicrissāmi, gāmā gāmaṃ purā puraṃ. Namassamāno sambuddhaṃ, Dhammassa ca suddhammataṃ.
(Bạch Đức Thế Tôn!) Bậc có hào quang chiếu sáng rực rỡ như mặt trời. Con Āḷavaka, đệ tử của Ngài (từ hôm nay trở đi vào ngày mà con gặp bậc Đạo sư), thành kính chấp tay đưa lên đầu, sẽ đi từ cõi trời này đến cõi trời khác, từ thành phố chư thiên này đến thành phố chư thiên khác công bố vang khắp về những ân đức của Đức Phật, Chúa tể của ba cõi, và ân đức của Pháp gồm có mười thành phần là bốn Đạo, bốn Quả, Niết bàn và toàn thể Giáo pháp của Ngài, chứa những phương cách thiện xảo để giải thoát khỏi vòng đau khổ (và những ân đức của Tăng , tám hạng Thánh Tăng, những bậc cẩn trọng đi theo pháp hành quý báu của ba pháp học).
Đó là lúc mà bốn biến cố sau đây đồng thời xảy ra:
1. Kết thúc câu kệ của Āḷavaka.
2. Trời vừa rạng sáng.
3. Câu kệ của Āḷavaka được đón nhận bằng sự hoan hô vang dội.
4. Những người hầu của vua giao nộp hoàng tử Āḷavaka đến lâu đài của dạ xoa Āḷavaka.
Khi những người hầu của đức vua (từ kinh đô Āḷavi) nghe tiếng hoan hô vang rền, họ tự nghĩ rằng: “Tiếng vang như vậy không thể xảy ra với bất cứ nhân vật nào ngoài Đức Phật. Có thể rằng Đức Phật đã đến rồi chăng?” Nhìn thấy ánh hào quang của Đức Phật, họ đi vào lâu đài của dạ xoa không chút sợ hãi. Vào trong lâu đài, họ gặp Đức Phật đang ngồi còn dạ xoa Āḷavaka đang đứng chấp hai tay chấp trong thái độ tôn kính.
Sau khi thấy vậy, những người hầu của đức vua mạnh dạn trao hoàng tử cho dạ xoa Āḷavaka nói rằng: " Thưa đại dạ xoa! Chúng tôi mang hoàng tử Āḷavaka bé nhỏ này để dâng nộp cho ngài. Bây giờ ngài có thể ăn hoàng tử nếu ngài muốn.” Vì dạ xoa Āḷavaka đã trở thành bậc thánh Nhập lưu rồi nên cảm thấy hổ thẹn.
Āḷavaka dịu dàng bồng lấy hoàng tử bé nhỏ rồi dâng hoàng tử đến Đức Phật bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con xin dâng vị hoàng tử đến Ngài. Con xin bố thí hoàng tử này đến Ngài. Chư Phật hằng nhân từ và bảo vệ chúng sanh vì lợi lạc của họ. Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài hãy tiếp nhận đứa bé này, vì hạnh phúc và lợi ích cho cậu ấy.” Dạ xoa đọc lên câu kệ này:
Imaṃ kumāraṃ satapuññalakkhaṇaṃ sabba’ṅgupetaṃ paripuṇṇavyañjanaṃ Udaggacitto sumano dadāmi te. paṭiggaha lokahitāya cakkhuma.
Bạch Đức Thế Tôn! Bậc Ngũ nhãn! Phấn chấn và hạnh phúc, con Āḷavaka với tâm tịnh tín xin dâng Đức Thế Tôn hoàng tử Āḷavaka, người có hơn một trăm tướng do bởi những việc phước trong quá khứ, người có đầy đủ tứ chi lớn nhỏ và thân tướng được phát triển. Chư Phật chăm sóc chúng sanh hằng đem lại lợi ích cho họ. Xin Ngài bi mẫn nhận lấy hoàng tử để đem lại lợi ích cho cậu ấy.
Đức Phật đón nhận lấy hoàng tử Āḷavaka. Ngài thọ nhận như vậy để ban phước và sự lợi ích là trường thọ và khỏe mạnh cho dạ xoa và hoàng tử. Đức Phật đọc lên ba câu kệ, mỗi câu bỏ bớt một dòng (để dành cho người khác điền vào). Chỗ trống trong mỗi câu kệ được dạ xoa điền ba lần thành dòng kệ thứ tư để an trú hoàng tử trong Tam Quy. Những câu kệ chưa đầy đủ được đọc lên bởi Đức Phật và được điền vào đầy đủ bởi Dạ xoa như sau:
(1) Đức Phật: Dīghāyuko hotu ayaṃ kumāro. tuvañ ca yakkha sukhito bhavāhi. Avyādhitā lokahitāya tiṭṭhatha
Yakkha: ayaṃ kumāro saranam upeti Buddhaṃ.
(2) Đức Phật: Dīghāyuko hotu ayaṃ kumāro. tuvañ ca yakkha sukhito bhavāhi. Avyādhita lokahitāya tiṭṭhatha.
Yakkha: ayaṃ kumāro saranam upeti Dhammaṁ.
(3) Đức Phật : Dīghāyuko hotu ayaṃ kumāro. tuvañ ca yakkha sukhito bhavāhi. Avyādhitā lokahitāya tiṭṭhatha.
Yakkha: ayaṃ kumāro saraṇam upeti Saṅghaṁ.
(1) Đức Phật: Cầu cho hoàng tử Āḷavaka này được sống lâu. Này dạ xoa Āḷavaka! Cầu cho ngươi cũng được hạnh phúc cả thân lẫn tâm! Cầu cho cả hai được sống lâu, thoát khỏi chín mươi sáu loại bịnh, vì lợi ích của nhiều người.
Yakkha: Bạch Đức Thế Tôn! Hoàng tử Āḷavaka xin quy y Đức Phật, Thế Tôn, bậc Chánh Biến Tri.
(2) Đức Phật: Cầu cho hoàng tử Āḷavaka này được sống lâu. Này dạ xoa Āḷavaka! Cầu cho ngươi cũng được hạnh phúc cả thân lẫn tâm! Cầu cho cả hai được sống lâu, thoát khỏi chín mươi sáu loại bịnh, vì lợi ích của nhiều người.
Yakkha: Bạch Đức Thế Tôn! Hoàng tử Āḷavaka xin quy y Pháp gồm mười đặc tính như bốn Đạo, bốn Quả, Niết bàn và toàn bộ Giáo Pháp của Ngài.
(3) Đức Phật: Cầu cho hoàng tử Āḷavaka này được sống lâu. Này dạ xoa Āḷavaka! Cầu cho ngươi cũng được hạnh phúc cả thân lẫn tâm! Cầu cho cả hai được sống lâu, thoát khỏi chín mươi sáu loại bịnh, vì lợi ích của nhiều người.
Yakkha: Bạch Đức Thế Tôn! Hoàng tử Āḷavaka này xin quy y Tăng gồm những bậc thánh Tăng trong ý nghĩa cùng tột (Paramattha Ariya).
Rồi Đức Phật trao hoàng tử lại cho các quan và bảo rằng: “Hãy nuôi dưỡng vị hoàng tử này rồi trả vị ấy về với Như Lai.”
Tên gốc của hoàng tử là Āḷavaka. Như đã trình bày, ngày dạ xoa được nhiếp phục, hoàng tử được chuyển giao từ tay của các vị quan đến tay của dạ xoa, rồi từ tay của dạ xoa đến tay Đức Phật, và từ tay Đức Phật trở về lại tay của các quan. Vì thế, hoàng tử được gọi là Hatthaka Āḷavaka (hay Hatthakā-lavaka - Āḷavaka là người được chuyền từ tay người này đến tay người khác).
Khi các quan đem hoàng tử trở về, những người nông dân, thợ rừng và những người khác đều trông thấy, họ rụt rè hỏi: “Thế là thế nào? Không phải dạ xoa không muốn ăn thịt hoàng tử vì hoàng tử quá nhỏ chăng?” Các quan bèn đáp: “Này các bạn! Đừng sợ hãi. Đức Thế Tôn đã làm cho hoàng tử thoát khỏi nguy hiểm rồi,” và kể cho họ nghe về toàn thể câu chuyện.
Sau đó, toàn thể kinh đô Āḷavi hô vang: “Lành thay! Lành thay!” Dân chúng hướng đến nơi dạ xoa Āḷavaka hô vang dội “Đức Thế Tôn đã tạo ra sự an lành! Đức Thế Tôn đã tạo ra sự an lành!” Đến giờ Đức Phật đi vào thành khất thực, dạ xoa đi theo mang theo y và bát của Đức Phật, được nửa đường thì dừng lại nhìn Đức Phật đi khuất, vị ấy trở về cung điện của mình.
Sau khi Đức Phật đi khất thực trong thành Āḷavī và khi độ thực xong, Ngài ngồi trên trang nghiêm dưới một cội cây đã được soạn sẵn ở một nơi vắng vẻ tại cổng thành. Khi ấy, vua Āḷavaka cùng đông đảo quần thần và dân cư thành Āḷavī đến đảnh lễ Đức Phật rồi ngồi quanh Ngài và hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Bằng cách nào Ngài nhiếp phục được tên dạ xoa hung ác như thế?”
Khi ấy, Đức Phật thuyết bài kinh Āḷavaka đã được trình bày bằng mười hai câu kệ trên, bắt đầu bằng việc kể lại cuộc tấn công của Dạ xoa và chi tiết: “Bằng cách này vị ấy cho đổ xuống cơn mưa bằng chín loại khí giới, bằng cách này vị ấy đã thị hiện nhiều hình tướng ghê sợ, bằng cách này vị ấy đặt nhiều câu hỏi với Như Lai, bằng cách này Như Lai đã trả lời những câu hỏi của vị ấy”. Vào lúc kết thúc thời pháp có tám mươi bốn ngàn chúng sanh giác ngộ Tứ Diệu Đế và tìm thấy sự giải thoát .
Bấy giờ, vua Āḷavaka và cư dân thành Āḷavī dựng lên một cái miếu dành cho dạ xoa Āḷavaka gần bảo tháp của vua trời Vessavana. Họ thường xuyên cúng dường đến dạ xoa những lễ vật xứng đáng với chư thiên như hoa, nước thơm, v.v…
Khi hoàng tử đã lớn lên trở thành chàng trai thông minh, người ta đưa vị ấy đến Đức Phật với những lời này: “Thưa hoàng tử! Ngài đã được Đức Phật cứu mạng. Ngài hãy đi hầu hạ bậc Đạo sư và chúng Tăng”. Hoàng tử đi đến Đức Phật và chúng Tăng hầu hạ các Ngài, thực hành pháp và an trú trong quả Thánh Bất lai (anāgāmi-phala). Hoàng tử cũng học thuộc lòng Tam Tạng và có hội chúng gồm năm trăm cận sự của Đức Phật. Sau một thời gian, Đức Phật cho triệu tập chúng Tăng và công bố hoàng tử là vị Thánh Bất lai. Hoàng tử Hatthaka Āḷavaka là vị Tối thắng trong những người đem đến cho thính chúng bốn Nhiếp sự (Saṅgaha-vatthu).
KẾT THÚC CHƯƠNG 33
HẠ THỨ MƯỜI LĂM CỦA ĐỨC PHẬT TẠI KAPILAVATTHU
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B