THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 5
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Phần trước] [Mục lục tập 5] [Tiếp theo]
KIẾP QUÁ KHỨ
Câu chuyện về vợ chồng Bà-la-môn xứ Sāketa
Vào một thuở nọ, sau khi trải qua mùa mưa tại Sāvatthi, Đức Phật lên đường du hành. Khi xét đến những cơ hội mà chuyến đi đem lại như: sức khỏe tăng lên, ban hành những điều luật mới cho Tăng chúng, thuyết pháp tế độ những người hữu duyên, thuyết về những câu chuyện bổn sanh của Đức Phật ở bất cứ nơi nào có hoàn cảnh thích hợp. Trên đường du hành, Đức Phật đến Sāketa lúc chiều tối và đi vào khu rừng Añjana (để trú ngụ qua đêm).
Hay tin Đức Phật đến, người dân của thị trấn Sāketa nghĩ rằng đêm tối như vậy mà đến gặp Đức Phật là không thích hợp. Sáng hôm sau họ mang theo hoa, vật thơm và những lễ vật cúng dường Đức Phật, đảnh lễ và trao đổi những lời hỏi thăm xã giao đến Ngài rồi ở đó đến khi Đức Phật đi khất thực.
Đến giờ khất thực, Đức Phật cùng với chúng tỳ khưu đi vào thị trấn Sāketa. Lúc ấy một vị Bà-la-môn giàu có xứ Sāketa đang rời khỏi thị trấn thì trông thấy Đức Phật ở gần cổng thành. Vừa nhìn thấy Đức Phật, vị Bà-la-môn xứ Sāketa cảm thấy tình thương con mãnh liệt trào dâng. Ông khóc trong vui sướng và thốt lên rằng: “Ôi! Con trai của ta, đã lâu lắm rồi ta không thấy Con!” Rồi ông đến gần Đức Phật.
Khi vị Bà-la-môn tiến gần đến Đức Phật, Đức Phật nói với các vị Tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu! Hãy để Bà-la-môn Sāketa tự nhiên. Hãy để ông ta làm điều gì ông ta thích.” Và như con bò mẹ cư xử với chú bê con, vị Bà-la-môn nhìn chăm chăm người Đức Phật từ phía trước, từ phía sau, từ bên phải và từ bên trái. Rồi ông ôm chầm lấy Đức Phật, ông ta nói rằng: “Ôi! Con trai của ta, con trai của ta! Đã lâu lắm rồi ta không thấy Con! Con đã bỏ đi thật là lâu!”
(Ở đây, cần chú thích rằng nếu vị Bà-la-môn kiềm chế những cảm xúc này ông ta có thể bị vỡ tim mà chết, vì ông không thể giữ nổi tình cảm mãnh liệt đang dâng lên trong lòng).
Bà-la-môn Sāketa nói với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con xin cúng dường vật thực đến Đức Phật và chúng Tỳ khưu. Xin Đức Phật vì lòng bi mẫn mà thọ lãnh sự cúng dường của con.” Đức Phật làm thinh chấp nhận lời thỉnh cầu. Vị Bà-la-môn đỡ lấy bát của Đức Phật và đi trước dẫn đường về nhà. Ông nhắn tin đến vợ nói rằng: “Con trai của ta đã đến! Hãy trải một chỗ ngồi thích hợp để cho Con trai của ta nghỉ ngơi.” Người vợ làm đúng như lời căn dặn của ông và nôn nóng chờ đón Đức Thế Tôn. Khi bà nhìn thấy Đức Phật, bà đi đến và nói rằng: "Con trai của ta! Đã lâu lắm rồi ta không thấy Con.” Rồi bà xoa chân của Đức Phật và khóc trong vui sướng. Bà ta thỉnh Đức Phật vào trong nhà và hai vợ chồng Bà-la-môn cung kính cúng dường vật thực đến Đức Phật và chúng tỳ khưu. Sau khi Đức Phật thọ thực xong, Bà-la-môn Sāketa cầm lấy bát của Ngài và tự mình đem đi rửa.
Rồi Đức Phật thuyết một bài pháp thích hợp với căn cơ hai vợ chồng Bà-la-môn xứ Sāketa và cuối thời pháp hai vợ chồng chứng đắc Thánh quả Nhập lưu. Rồi họ thỉnh cầu Đức Phật: “Chúng con kính xin Đức Phật và Tăng chúng trong thời gian lưu trú tại Sāketa chỉ thọ lãnh vật thực cúng dường tại chỗ ở của chúng con.” Đức Phật đáp lại: “Này chư thí chủ! Việc thọ lãnh vật thực thường xuyên ở một chỗ không phải là thông lệ của chư Phật.” Nhân đó, hai vợ chồng ông Bà- la-môn lại thỉnh cầu: “Nếu vậy, bạch Đức Thế Tôn! Cầu xin Đức Thế Tôn và chúng Tỳ khưu cứ đi khất thực ở nơi khác nhưng xin hãy độ thực chỉ tại chỗ của chúng con và trở về tịnh xá sau khi thuyết pháp cho chúng con.” Đức Phật đồng ý, xem sự thỉnh cầu này như là một đặc ân.
Từ dạo đó, Bà-la-môn Sāketa được gọi là ‘cha của Đức Phật’ và vợ của ông được gọi là ‘mẹ của Đức Phật,’ dòng họ của Bà-la-môn Sāketa cũng được lấy tên dòng họ của Đức Phật.
Nhân đó, đại đức Ānandā hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Phật! Con biết cha mẹ của Ngài (là hoàng hậu Mahā Mayā Devī và vua Suddhodāna), thế nhưng tại sao Bà-la-môn Sāketa và vợ của ông ta lại được gọi là cha mẹ của Ngài?” Khi ấy, Đức Phật giải thích với Ānandā rằng: “Này Ānandā! Vợ chồng Bà-la-môn này đã từng là cha mẹ của Ta liên tục trong năm trăm kiếp quá khứ. Ngoài ra, họ cũng đã từng làm bác và dì của Ta (tức là anh của cha Bồ tát và và chị của mẹ Bồ tát trong năm trăm kiếp liên tục). Họ cũng từng là cậu và dì của Ta (tức là em của cha Bồ tát và em của mẹ Bồ tát) trong năm trăm kiếp liên tục. Hai vợ chồng Bà-la-môn gọi Ta là con trai của họ là do tình cảm khác thường đã từng tồn tại trong quá khứ.” Rồi Đức Phật đọc lên câu kệ sau:
Pubbeva sannivāsena paccuppaññāhitena vā
evaṁ taṁ jāyate pemaṁ uppadaṁ va yathodake.
“Do đã sống chung với nhau trong những kiếp quá khứ và đã làm một việc lợi ích nào đó cho nhau nên khởi sanh tình thương giữa hai người. Giống như hoa súng (hay hoa sen) mọc lên trong đầm lầy, trong đó bùn và nước cũng tạo điều kiện để nó sanh lên.”
Đức Phật trải qua những ngày ở Sāketa cho đến khi có nhiều người hữu duyên đạt đến giác ngộ. Rồi Ngài lên đường đi tiếp đến Sāvatthi. Hai vợ chồng Bà-la-môn xứ Sāketatiếp tục nương tựa vào các vị tỳ khưu để được sự chỉ dạy của các ngài. Về sau họ chứng đắc được ba tầng Thánh bậc cao rồi sau đó nhập vô dư Niết bàn (anupādissa parinibbāna).
Khi vợ chồng Bà-la-môn viên tịch thì cộng đồng Bà-la-môn xứ Sāketa họp lại với mục đích tôn vinh một trong những thành viên của họ. Tương tự, những vị thánh Nhập Lưu, Nhất Lai, và Bất Lai đã từng là bạn đạo của hai vợ chồng ông cũng hội họp cùng mục đích, là tôn vinh một trong những thành viên của họ. Hai nhóm này đặt thi thể của hai vợ chồng ông trên một cái quan tài có hai mái cong, giữa những tràng hoa và nước hoa được phun quanh quan tài. Họ khiêng quan tài ra khỏi thị trấn.
Đức Phật (theo thông lệ hằng ngày của Ngài) quán xét thế gian bằng Phật Nhãn trong ngày hôm ấy - bao gồm Ý lạc Tuỳ miên trí (Āsayānusaya-ñāṇa - Trí phân biệt khuynh hướng tự nhiên và khuynh hướng tiềm ẩn của các nhân vật) và Căn thượng hạ trí (Indriya paropariyatti-ñāṇa - Trí phân biệt các căn của chúng sanh đã chín muồi và chưa chín muồi). Khi Ngài biết sự viên tịch của hai vợ chồng Bà-la-môn xứ Sāketa, Ngài thấy rằng sự hiện diện và sự thuyết pháp của Ngài đến mọi người sẽ đem lại sự giác ngộ cho những người tham dự lễ tang. Ngài mang theo đại y và bát, rời khỏi Sāvatthi đi đến chỗ hỏa thiêu tại Sāketa.
Trông thấy Đức Phật, mọi người nói rằng: “Đức Phật đến để dự lễ trà tỳ của cha mẹ Ngài,” và họ đảnh lễ Ngài. Các thị dân khiêng quan tài đến chỗ hoả thiêu trong nghi lễ đầy tôn kính. Họ hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Cách nào là cách thích hợp nhất để tôn kính vợ chồng Bà-la-môn - hai vị đã trở thành những cư sĩ bậc Thánh?”
Đức Phật đáp lại bằng câu kệ sau đây để nói lên sự thật rằng hai vợ chồng này đã chứng đắc đạo quả A-la-hán và họ xứng đáng được tôn kính y như sự tôn kính đối với các bậc A-la-hán.
Ahiṁsakā ye munayo niccaṁ kāyena saṇvutā.
te yanti accutaṁ thānaṁ yattha gantvā na socare.
“Các bậc A-la-hán không làm hại kẻ khác, luôn luôn chế ngự các hành động về (lời nói và ý nghĩ). Khi đã đạt đến Niết Bàn, Quả Đạo Tuệ, họ thoát khỏi sầu khổ.
Họ đã giác ngộ bốn Đạo Quả và chứng đạt Niết Bàn bất tử.
(Dhammapada 225)
(Chú giải kinh Pháp Cú nói rằng vào lúc kết thúc câu kệ trên có nhiều người chứng đắc thánh quả Nhập lưu và các tầng Đạo Tuệ cao hơn).
Sau khi đọc câu kệ trên Đức Phật thuyết bài kinh Jarā Sutta mà Ngài biết sẽ đem lại lợi ích cho thính chúng lúc bấy giờ (Sutta Nipāta, 4. Aṭhaka Vagga, Jāra Sutta, bài kinh thứ sáu trong Vagga).
Lúc kết thúc thời pháp Jāra Sutta, có 84 ngàn chúng sanh tỏ ngộ Tứ Diệu Đế và trở thành bậc Thánh.
(Nguyên nhân Đức Phật thuyết bài kinh Kula Sutta - Những người thiện tín mà các vị Tỳ khưu không nên đến nhà của họ).
Ba vị hoàng tử: (1) hoàng tử Pasenadi, con trai của vua Mahā Kosala của kinh thành Sāvatthi, (2) hoàng tử Mahā Licchavī, con trai của vua Licchavī thuộc xứ Vesāli, và (3) hoàng tử Bandula, con trai của vua Malla thuộc xứ Kusināra. Cả ba người này đều trên đường đi đến Takkasīla (Taxila) để học với một vị giáo sư nổi tiếng ở đó.Họ gặp nhau tại một nhà trọ ở bên ngoài thành phố. Họ tự giới thiệu với nhau, tên của nhau và cùng nhau trở thành bạn. Sau khi hoàn tất việc học dưới sự chỉ dạy của vị giáo sư nổi tiếng ấy, họ cáo từ vị giáo sư và cùng rời khỏi Takkasīla để trở về xứ sở của mình.
Hoàng tử Pasenadi thể hiện tài năng và sự dũng cảm trước phụ vương là vua Mahā Kosala, khiến đức vua hài lòng với tài năng của con trai mình và phong vương cho hoàng tử. Vì vậy, hoàng tử trở thành vua Pasenadi của nước Kosala.
Hoàng tử Mahāli thể hiện sự dũng cảm và tài năng trước các vị Licchavī rất gay go đến nỗi nổ cả hai mắt nên hoàng tử bị mù. Các vị Licchavī lấy làm tiếc thương cho số phận vị thầy của họ là hoàng tử Mahāli và tôn phong hoàng tử vào một địa vị thích hợp chứ không từ bỏ hoàng tử. Họ nhất quyết chỉ định hoàng tử làm chủ một cổng thu thuế mà thu nhập hằng năm là một trăm ngàn đồng tiền bằng bạc. Hoàng tử Mahāli sống nhờ lợi tức từ sự thu thuế, lãnh trách nhiệm giáo dục và rèn luyện cho năm trăm vị hoàng tử Licchavī.
Khi hoàng tử Bandula thể hiện tài năng và sự dũng cảm trước các vị Malla thì bị người ta chơi khăm, bằng cách bí mật bỏ một thanh sắt vào trong một cây tre mà vị ấy sẽ chặt bằng kiếm - có sáu mươi bó tre, mỗi bó có sáu chục cây tre được dựng đứng trước mặt vị ấy. Vua cha truyền lệnh: “Này, con trai! Con hãy chặt đứt những cây tre này bằng thanh kiếm của con,” để thử sức mạnh của hoàng tử. Hoàng tử nhảy lên độ cao với tám mươi hắc tay (cubit) và lần lượt đốn ngã sáu chục cây tre. Ở bó tre cuối cùng, hoàng tử nghe thấy tiếng va chạm kỳ lạ từ bên trong cây tre có thanh sắt được cất giấu ở đó. Khi khám phá ra tánh chất của trò đùa để lừa gạt mình, vị ấy quăng thanh kiếm đi và than: “Ôi! Không có một người nào từ đám đông này gồm những quyến thuộc và bạn bè mà quan tâm đến ta, báo cho ta biết về trò lừa gạt này. Nếu ta được báo trước thì ta có thể chặt đứt cây sắt ấy mà không để lộ ra tiếng va chạm của nó.” Rồi vị ấy nói với phụ vương và mẫu hậu: “Con sẽ giết tất cả những hoàng tử Malla và đích thân lên ngôi vua.” Khi ấy, đức vua và mẫu hậu nói rằng: “Này con thân yêu! Đây là truyền thống được tôn trọng gắn bó với những người Malla mà chúng ta thay phiên cai trị. Chúng ta không thể tán đồng ý kiến của con.” Do bị từ chối ý kiến, hoàng tử Bandhula lấy làm thất vọng và nói rằng: “Vậy thì con sẽ đi và sống với bạn của con là vua Pasenadi của nước Kosala,” và hoàng tử Bandula đi đến Sāvatthi.
Khi vua Pasenadi hay tin hoàng tử Bandula, bạn của mình đến, đức vua ra đón chào hoàng tử và hộ tống hoàng tử vào kinh thành trong sự tôn vinh long trọng. Vua Pasenadi phong cho Bandula làm nguyên soái, và nguyên soái Bandula rước cha mẹ về sống ở Sāvatthi.
Một hôm, vua Pasenadi của nước Kosala đang đứng trên cung điện và nhìn về phía con đường lớn trong kinh thành, đức vua trông thấy cả ngàn vị tỳ khưu đang đi khất thực ở nhà của trưởng giả (Anāthapiṇḍika); trưởng giả Cūla Anāthapiṇḍika; tín nữ Visākhā - thí chủ của Tịnh xá Pupphārāma; và Suppavāsā - vợ của trưởng giả, để khất thực. Đức vua hỏi quân hầu rằng những vị tỳ khưu ấy đang đi đâu và họ tâu trình với đức vua rằng hai ngàn vị tỳ khưu hằng ngày đi khất thực gồm: vật thực hằng ngày, vật thực phát theo thẻ, hay vật thực dành cho những vị tỳ khưu bệnh tại nhà của trưởng giả Anāthapiṇḍika; năm trăm vị tỳ khưu tại nhà của trưởng giả Cūla Anāthapiṇḍika; tại nhà của tín nữ Visākhā; tại nhà của Suppavāsā. Đức vua rất ấn tượng và muốn làm thí chủ dâng cúng vật thực đều đặn đến Tăng chúng. Đức vua đến tịnh xá Jetavana, thỉnh Đức Phật và một ngàn vị tỳ khưu đến hoàng cung để thọ lãnh vật thực cúng dường 7 ngày và nhà vua tự thân cúng dường vật thực. Vào ngày thứ bảy, vua thưa với Đức Phật rằng: “Thưa Đức Thế Tôn, kính thỉnh Ngài và 500 vị tỳ khưu đến hoàng cung nhận vật thực cúng dường mỗi ngày.”. Đức Phật nói: “Tâu đại vương! Chư Phật không có tục lệ thọ lãnh vật thực hằng ngày từ một thí chủ. Mọi người đều muốn Đức Phật đi đến nhà của họ.”
“Nếu vậy thì xin Đức Thế Tôn cử ra một vị tỳ khưu thường xuyên cùng với năm trăm vị tỳ khưu khác đến hoàng cung mỗi ngày, để thọ lãnh vật thực cúng dường.” Đức Phật chỉ định đại đức Ānanda dẫn năm trăm vị tỳ khưu đến hoàng cung, để thọ lãnh vật thực hằng ngày.
Đức vua tự mình cúng dường các vị tỳ khưu trong bảy ngày mà không giao phận sự này cho bất cứ ai. Đến ngày thứ tám, nhà vua bận rộn nhiều quốc sự nên quên cúng dường vật thực đến chư Tăng.
Theo tục lệ ở hoàng cung, nếu không có lệnh truyền thì không được đem ra bất cứ vật gì, các người hầu chỉ cung cấp những chỗ ngồi cho các vị tỳ khưu nhưng không cúng dường vật thực, vì không có lệnh. Nhiều vị lấy làm thất vọng và nói rằng: “Chúng ta không thể ở lại đây,” rồi họ ra về. Vào ngày hôm sau, đức vua cũng quên cúng dường vật thực đến Tăng chúng và nhiều vị đã bỏ đi khỏi nơi ấy.Vào
ngày thứ ba, điều tương tự xảy ra như vậy và tất cả Tỳ khưu đều bỏ về, chỉ còn một mình đại đức Ānanda ở lại.
Các bậc Thánh có phước lớn thường thận trọng sáng suốt suy xét các vấn đề. Họ làm cho thiện tín gia tăng niềm tin trong Giáo pháp. Tức là, một số đệ tử của Đức Phật từ: đại đức Sāriputta, đại đức Moggallāna –là hai vị đệ tử Thượng thủ Thinh văn; Therī Khemā và Therit Uppalavanna – là hai vị nữ đệ tử Thượng thủ Thinh văn; Trưởng giả Citta và Hoàng tử Hatthakaḷavaka là hai vị thiện nam tối thắng; Nandamātā - vợ của trưởng giả Veḷukaṇḍaka và Công nương Khujjutarā là hai tín nữ tối thắng về mười pháp Ba-la-mật. Các vị này là những bậc thánh có đại phước trong quá khứ và có nguyện vọng trong quá khứ. Đại đức Ānanda cũng đã thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật trong một trăm ngàn đại kiếp (kappas) và là một bậc thánh có đại phước trong quá khứ, có những nguyện vọng trong quá khứ và có tánh thận trọng. Vì muốn vun bồi đức tin cho những người hộ độ, nên đại đức Ānanda ở lại một mình để thọ nhận sự cúng dường hằng ngày trong hoàng cung.
Các vị quan sửa soạn một chỗ ngồi thích hợp và cúng dường vật thực đến vị tỳ khưu duy nhất là đại đức Ānanda. Vua Pasenadi đi đến hoàng cung sau khi các vị tỳ khưu đã bỏ đi hết. Khi thấy vật thực cúng dường đến chư Tăng bị bỏ lại, đức vua hỏi: “Phải chăng các vị đại đức chưa đến?” Các vị quan đáp lại rằng chỉ có đại đức Ānanda đến mà thôi. Đức vua tức giận vì cảm thấy rằng các vị tỳ khưu đã bỏ phí một lượng thức ăn lớn. Nhà vua đến yết kiến Đức Thế Tôn và than phiền rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con đã chuẩn bị vật thực cúng dường cho năm trăm vị tỳ khưu, nhưng chỉ có đại đức Ānanda đến, tất cả vật thực vẫn còn nguyên. Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao những vị tỳ khưu lại xem thường sự thỉnh mời của chúng con như vậy?”
Nhân đó, Đức Phật không nói gì với các tỳ khưu mà Ngài nói rằng: "Thưa đại vương! Những vị tỳ khưu Thinh văn này không quen thân với đại vương lắm. Có lẽ đó là lý do khiến họ không đến hoàng cung.”
Nhân cơ hội này, Đức Phật thuyết pháp đến các vị tỳ khưu bài kinh Kula – Bài kinh nêu ra chín nguyên nhân khiến các vị tỳ khưu xét là không nên đi đến nhà thiện tín thuộc bốn giai cấp và chín lý do thích hợp để đến nhà của họ. (Aṅguttara Nikāya, Navaka Nipāta, Pathama Paṇṇāsaka, 2 - Sīhanāda Vagga, 7 - Kula Sutta).
(Những thiện tín mà các vị tỳ khưu không nên đến nhà của họ)
“Này các tỳ khưu! Nhà của những thiện tín mà rơi vào chín điều kiện sau đây thì không nên đến; nếu chưa bao giờ đến đó hoặc nếu đã đến đó rồi thì không nên ở lại đó. Đây là chín điều kiện không thích hợp:
1 Nếu các thiện tín không tôn kính đón tiếp họ.
2 Nếu họ không đảnh lễ các vị tỳ khưu.
3 Nếu họ không tôn kính mời vào những chỗ ngồi thích hợp.
4 Nếu họ giấu các vị tỳ khưu những tài sản mà đáng cúng dường của họ đến các tỳ khưu.
5 Nếu họ có nhiều mà chỉ dâng chút ít.
6 Nếu họ dâng những vật ít có giá trị, trong khi đó họ có những vật có giá trị xứng đáng hơn để dâng cúng.
7 Nếu họ dâng cúng lễ vật một cách không tôn kính.
8 Nếu họ không đến gần các vị tỳ khưu để nghe pháp.
9 Nếu họ không tôn kính nghe các tỳ khưu thuyết pháp.
Này các tỳ khưu! Nhà của những thiện tín có chín điều kiện không thích hợp kể trên thì các vị tỳ khưu không nên đến nếu các vị chưa bao giờ đến đó.Và nếu có vị tỳ khưu nào đã lỡ đến nhà đó rồi thì không nên ở lại.
Này các tỳ khưu! Nhà của những thiện tín có đủ chín điều kiện sau đây, thì các vị tỳ khưu nên đến nếu chưa bao giờ đến đó, nếu các vị đã đến đó rồi thì nên ở lại đó. Đây là chín điều kiện thích hợp:
1 Nếu các thiện tín tôn kính đón tiếp họ.
2 Nếu họ đảnh lễ các vị tỳ khưu.
3 Nếu họ tôn kính mời vào những chỗ ngồi thích hợp.
4 Nếu họ không che giấu các vị tỳ khưu những tài sản đáng cúng dường của họ đến các tỳ khưu.
5 Nếu họ có nhiều và dâng nhiều.
6 Nếu họ có vật quý giá để dâng cúng thì họ đem dâng cúng vật quý giá ấy.
7 Nếu họ dâng cúng lễ vật một cách tôn kính.
8 Nếu họ đến gần các vị tỳ khưu để nghe pháp.
9 Nếu họ tôn kính nghe các tỳ khưu thuyết pháp.
Này các tỳ khưu! Nhà của những thiện tín có chín điều kiện thích hợp kể trên thì những vị tỳ khưu nên đến nếu các vị chưa bao giờ đến đó. Và nếu có vị tỳ khưu nào đã đến nhà đó rồi thì nên ở lại đó.
Thưa đại vương! Những vị tỳ khưu ấy rời bỏ hoàng cung của đại vương chắc có lẽ là họ không có quan hệ thân mật với đại vương. Đúng như vậy, tương truyền rằng những bậc trí ngày xưa, trong lúc bị bệnh nặng gần như sắp chết họ đã đi đến những người thân thiết, dầu họ được chăm sóc một cách đầy tôn kính bởi những người không thân thiết với họ.”
Khi được vua Pasenadi Kosala thỉnh cầu kể lại câu chuyện ấy, Đức Phật kể lại câu chuyện bổn sanh Kesava Jātaka trong phẩm Catuka Nipāta.
(Câu chuyện này cũng được kể ra khi Phạm thiên Baka được Đức Phật tế độ và xuất hiện trong cuốn IV của Đại Phật Sử hiện tại này).
Sau khi nghe thời pháp của Đức Phật, vua Pasenadi thấy cần thiết phải kết thân với chúng Tăng và đã nghĩ ra một cách để đạt được mục đích của mình. Đức vua nghĩ ra việc kết hôn với một trong những công chúa của dòng Thích Ca: “Nếu ta đưa công chúa của dòng Thích Ca lên địa vị chánh hậu thì Đức Phật sẽ trở thành quyến thuộc của ta và chư đệ tử của Ngài sẽ xem ta là người thân quen.’
Nhân đó, đức vua bèn gửi một bức tâm thư đến các hoàng tử dòng Thích Ca. Khi các sứ giả được trao sứ mệnh hỏi rằng: “Tâu bệ hạ! Bệ hạ sẽ chọn một công chúa như thế nào?” Đức vua nói: “Công chúa nào của dòng Thích Ca cũng được, miễn là các ngươi biết chắc nàng thuộc dòng dõi Thích Ca.”
Tại kinh đô Kapilavatthu, những người dòng Thích Ca tổ chức một hội đồng để trả lời bức tâm thư. Họ không muốn đi đến chiến tranh với vương quốc Kosala. Nếu họ từ chối lời yêu cầu của vua Pasenadi thì vương quốc của họ chắc chắn sẽ bị xâm phạm. Vì Kosala là bộ tộc khác với bộ tộc Thích Ca nên họ không thể gã bất cứ người nào của dòng Thích Ca cho một người không thuộc dòng dõi Thích Ca. Chính hoàng tử Mahānāma đã nghĩ ra một cách để thoát khỏi trình trạng ‘tiến thoái lưỡng nan’ này. “Ta có một người con gái rất xinh đẹp được sanh ra từ một nữ nô lệ của ta (tên là Nāgamuṇḍā). Đứa con gái ấy tên là Vāsabhakhattiyā. Chúng ta sẽ gả người con gái ấy đi.” Họ đồng ý. Lời phúc đáp khi ấy chính thức được trao cho phái đoàn nước Kosala: “Chúng tôi đồng ý.”
“Các vị sẽ gả người con gái của dòng Thích Ca chăng?”
“Đó là con gái được sanh ra từ Mahānāma, vị hoàng tử dòng Thích Ca, là một người anh em bà con của Đức Phật Gotama, con trai của Amitodāna. Vāsabhakhattiyā là tên của công chúa.”
Phái đoàn trở về Sāvatthi với tin tức thuận lợi. Vua Pasenadi xứ Kosala lấy làm vui mừng và nói rằng: “Hãy đi, và rước công chúa dòng Thích Ca về đây ngay, không nên chậm trễ. Nhưng hãy lưu ý, theo lệ thường thì các vị vua dòng Thích Ca rất xảo quyệt. Con gái của một người nô lệ có thể được trở thành công chúa. Bởi vậy, các người phải đảm bảo tánh thuần chủng của nàng bằng cách quan sát nàng ở bàn ăn. Hãy đoan chắc là nàng ngồi ăn chung với người cha thuộc dòng Thích Ca của nàng.”
Phái đoàn trở lại Kapilavatthu và công bố: “Đức vua Kosala của chúng tôi chỉ bằng lòng nhận lấy công chúa mà cùng ngồi chung bàn ăn với những vị Thích Ca các người.”
“Tốt lắm!Thưa các bạn,” vua Mahānāma nói. Khi đến giờ ăn, Vāsabhakhattiyā, ăn mặc lộng lẫy và trang sức như một công chúa, được đưa đến bàn ăn nơi mà Mahānāma đang ngồi ở đó và mọi việc diễn ra tựa như hai người đang ngồi ăn chung. Phái đoàn lấy làm thỏa mãn với điều mà họ trông thấy và trở về Sāvatthi mang theo cô gái.
(Trò dối gạt này được thực hiện như sau:
Khi những vị Thích Ca đối diện với thử thách về sự dùng cơm mà vua Pasenadi Kosala yêu cầu thì họ rất lúng túng, không biết làm gì. Nhưng Mahānāma lại đảm bảo với họ bằng sự chỉ dẫn rằng khi nàng công chúa gã cho nhà vua được ngồi ở bàn ăn của Mahānāmam thì khi Mahānāma sắp bỏ miếng vật thực vào miệng, vị này được ngăn cản bằng một tin khẩn cấp mà vị ấy phải đọc ngay. Kế hoạch được sự tán đồng của các vị Thích Ca và được áp dụng đúng như thế ). (Nó đã được chấp nhận bởi đoàn sứ giả từ Sāvatthi).
Khi trở về kinh đô, đoàn sứ giả trình lên đức vua điều mà họ chứng kiến, vua Pasenadi Kosala lấy làm hài lòng. Vị ấy phong Vāsabhakhattiyā làm Chánh hậu được hầu hạ bởi năm trăm cung nữ. Chẳng bao lâu, Chánh hậu được vua sủng ái hạ sanh một bé trai có nước da vàng ròng.
Đến ngày đặt tên cho hoàng tử, vua Kosala gửi một bức thông điệp đến ông ngoại của hoàng tử là vua Thích Ca Mahānāma, nội dung báo tin về sự ra đời của một đứa bé trai và yêu cầu vua đặt một cái tên thích hợp cho hoàng tử. Nhưng chẳng may vị sứ giả đem tin đến hoàng cung của dòng Thích Ca lại bị hơi nặng tai. Sau khi đọc bức thông điệp của đức vua Kosala, vị Thích ca Mahānāma nhận xét rằng: “Vāsabhakhattiyā trước kia là một cô gái có ảnh hưởng to lớn về cá nhân. Bây giờ sau khi hạ sanh một đứa con trai này sẽ trở thành người được sủng ái - vallabhā của vua Kosala!” Bấy giờ, câu nói đầy vui sướng ‘người được sủng ái – vallabhā’ trong ngôn ngữ địa phương, nghe ra như viṭaṭūbha đối với sứ giả của nước Kosala, nên ông ta cho rằng chữ ấy là tên được đặt cho hoàng tử nước Kosala. Vị ấy trình lên vua Pasenadi nước Kosala: “Tâu bệ hạ! Viṭaṭūbha tên mà ông ngoại của hoàng tử đặt cho hoàng tử. ” Đức vua trầm ngâm “Có thể vậy, Viṭaṭūbha là tên của dòng họ ngày xưa đi theo chúng ta.” Và đức vua đặt tên cho hoàng tử là Viṭaṭūbha. Với ý định làm hài lòng Đức Phật, đức vua phong cho Viṭaṭūbha làm nguyên soái ngay trong độ tuổi thơ ấu.
Viṭaṭūbha được nuôi dưỡng bằng tất cả phương tiện của hoàng đế. Khi hoàng tử lên bảy tuổi, cậu để ý thấy rằng những vị hoàng tử khác nhận được những búp bê và những món quà tặng từ ông ngoại của họ. Vì vậy, hoàng tử hỏi hoàng hậu Vāsabhakhattiyā: “Thưa mẹ! Những đứa trẻ khác nhận được những món quà trẻ con như búp bê, v.v… từ ông bà ngoại của họ. Còn con thì không nhận được gì từ ông bà ngoại của con. Tại sao vậy? Thưa mẹ! Phải chăng con không có ông bà ngoại?” Hoàng hậu đáp lại: “Này con yêu! Những vị Thích Ca dĩ nhiên là ông bà ngoại của con, nhưng họ sống cách xa chúng ta. Đó là lý do khiến họ không thể gửi quà cho con.”
Khi hoàng tử Viṭaṭūbha lên mười sáu tuổi, vị ấy nói với hoàng hậu rằng: “Thưa mẹ! Con muốn đến thăm hoàng cung của ông bà ngoại con.” Nhưng hoàng hậu cố làm thối chí của hoàng tử bằng những lời: “Này con! Thật không thích hợp để con làm việc ấy. Rốt cuộc thì con đi thăm hoàng cung của ông bà ngoại, con được lợi ích gì?” Nhưng hoàng tử vẫn cương quyết và sau nhiều lần nài xin, hoàng hậu không biết làm gì hơn là chiều theo ý hoàng tử.
Viṭaṭūbha trình lên vua cha về chuyến đi đã dự định của mình, rời khỏi Sāvatthi và dẫn theo đông đảo quân binh. Hoàng hậu Vāsabhakhattiyā trong lúc đó đã gửi một mật thư đến các vị Thích Ca để giữ thể diện khi hoàng tử đến và để toàn bộ âm mưu sẽ không bị lộ ra. Tin này đến đúng lúc, những vị Thích Ca nhỏ hơn, tức là nhỏ hơn hoàng tử Viṭaṭūbha về vai vế rời khỏi kinh đô và ở lại một vùng xa xôi trong thời gian hoàng tử Viṭaṭūbha viếng thăm. Lý do vì họ không thể cúi chào hoàng tử Viṭaṭūbha như hoàng tử mong đợi. Những vị Thích Ca mà đón tiếp Viṭaṭūbha sẽ ra gặp vị này tại nhà nghỉ của hoàng gia khi vị này đến.
Ở đó, hoàng tử được giới thiệu với ông ngoại và các cậu của hoàng tử mà hoàng tử phải thi lễ cúi chào. Sau khi làm phận sự thi lễ cúi chào rồi, hoàng tử thấy không ai cúi chào mình cả. “Tại sao không có vị Thích Ca nào cúi chào ta vậy?” hoàng tử hỏi. Những vị Thích Ca trả lời: “Này con! Những người anh em bà con mà có vai vế nhỏ hơn con đã về miền quê cả rồi.” Họ đón tiếp hoàng tử rất hào phóng.
Sau khi ở lại Kapilavatthu hai hoặc ba ngày, hoàng tử rời khỏi kinh đô với đại quân của mình. Khi những người khách đã đi rồi, thì một nữ nô lệ đem sữa pha loãng đến chùi rửa chỗ ngồi nơi mà hoàng tử Viṭaṭūbha đã ngồi ở nhà nghỉ của hoàng gia, miệng luôn nguyền rủa rằng: “Thật là xấu hổ và hèn hạ thay, chỗ này đã bị ô uế bởi Viṭaṭūbha, con trai của nữ nô lệ Vāsabhakhattiyā.” Một trong những người hầu của hoàng tử đã nghe được những lời này khi anh ta trở lại chỗ đó để lấy khí giới mà anh ta bỏ quên. Anh ta hỏi lời nguyền rủa của cô gái đúng đến mức nào, và được đáp lại là Vāsabhakhattiyā được sanh ra từ một nữ nô lệ tên là Vāgamuṇḍā và vị Thích Ca Mahānāma. Anh ta kể lại chuyện này cho những người lính bạn của mình, và tin này nhanh chóng trở thành câu chuyện được truyền ra trong thành phố, rằng chánh hậu Vāsabhakhattiyā là con gái của một nữ nô lệ.
Khi hoàng tử Viṭaṭūbha biết được tin này, hoàng tử đau nhói tâm can và tự nhủ: “Được, cứ để người Thích Ca chùi rửa chỗ ngồi của ta bằng nước sữa loãng trong lúc này. Khi trở thành vua, ta sẽ rửa chỗ ngồi của ta bằng máu từ cổ họng của những người Thích Ca.” Và như vậy, hoàng tử ôm ấp mối hận thù này đối với dòng Thích Ca.
Sau khi về đến kinh đô, các quan bèn tâu tin ấy lên vua Pasenadi Kosala. Đức vua rất tức giận các vị Thích Ca: “Việc biếu tặng một nữ nô lệ để làm hoàng hậu của ta như thế thật là lố bịch, đó là hành động bôi nhọ danh dự của ta.” Đức vua gầm lên và thâu hồi tất cả địa vị và danh phận mà đã ban cho hoàng hậu và chức đại nguyên soái của hoàng tử Viṭaṭūbha. Rồi đức vua ban cho họ danh phận và địa vị của những người nô lệ.
Hai hoặc ba ngày sau, Đức Thế Tôn viếng thăm cung điện của vua Pasenadi Kosala. Ở đó, Ngài ngồi ở chỗ đã được soạn sẵn, Đức vua đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Những người quyến thuộc của Thế Tôn đã dối gạt con. Họ đã gửi cho con, đứa con gái của một nữ nô lệ mà lại nói rằng đó là công chúa của dòng Thích Ca. Con đã khám phá ra điều này, do đó con đã hạ cấp cả hai mẹ con Vāsabhākhattiyā và Viṭaṭūbha xuống địa vị và danh phận của những người nô lệ.”
Đức Phật nói: “Thưa đại vương! Những người Thích Ca đã làm điều sai quấy. Họ đáng ra phải dâng đến đại vương một nàng công chúa thích hợp với dòng dõi của bệ hạ. Tuy nhiên, thưa đại vương! Như Lai muốn đại vương suy xét điều này. Vāsabhakhattiyā là con của vị Thích Ca Mahānāma. Hơn nữa, nàng đã được tôn phong làm Chánh hậu do bởi đại vương là người thuộc huyết thống đế vương. Và hoàng tử Viṭaṭūbha thuộc huyết thống của chính đại vương.Vậy, dòng dõi bên mẹ quan trọng gì? Chính dòng dõi bên cha mới đáng kể. Sự thật quan trọng này được những người có trí thuở xưa công nhận – chuyện một người nhặt củi, một cô gái nông dân nghèo nàn được phong làm Chánh hậu, và người con sanh ra từ vị Chánh hậu có nguồn gốc khiêm tốn này đã trở thành vua Khaṭṭhavāhana của xứ Bārāṇasī, một kinh đô rộng mười hai do tuần.”
Khi đức vua nghe xong câu chuyện về Khaṭṭhavāhana lấy làm thỏa mãn với lời quả quyết rằng: “Chỉ có dòng dõi bên cha mới có ý nghĩa thật sự.” Do đó, đức vua phục hồi lại địa vị và danh phận cho hoàng hậu và hoàng tử. (Xem Ekanipāta về các câu chuyện Khaṭṭhavāhana).
Hoàng tử Bandula nước Malla giờ là vị nguyên soái của vua Pasenadi. Mallikā, vợ của vị ấy là con gái của vua Malla, nước Kusināra. Sau vài năm kết hôn, hai vợ chồng vẫn không có con. Do đó, Bandula gởi Mallikā về nhà cha mẹ của nàng. Mallikā nghĩ rằng: “Tốt hơn, ta nên đến viếng thăm Đức Phật trước khi rời khỏi Sāvatthi.” Nàng đi đến tịnh xá Jetavana và đảnh lễ Đức Phật. Khi được hỏi nàng sẽ đi đâu, Mallikā bèn kể lại với Đức Phật về việc nàng được cho về nhà của cha mẹ mình vì không sanh được người con nào. Nhân đó, Đức Phật dạy rằng: “Nếu vậy thì con không cần thiết phải về nhà cha mẹ của con, con nên ở lại với nguyên soái.” Mallikā rất vui sướng với những lời này, và sau khi đảnh lễ Đức Phật, nàng trở về nhà của mình. Bandula hỏi tại sao nàng trở về.Nàng bèn kể lại với vị ấy về điều mà Đức Phật đã nói với nàng. Bandula nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn thấy xa, chắc Ngài có trí tuệ thấy được việc Mallikā có thể mang thai.” Và vị này cho nàng ở lại.
Chẳng bao lâu, Mallikā mang thai. Nàng có sự khao khát mãnh liệt như những người phụ nữ có thai. Nàng kể cho Bandula về điều ấy. Nàng muốn tắm trong cái hồ kiết tường của hoàng gia nơi mà các vị Licchavī thường đến để làm lễ phong vương và nàng cũng muốn uống nước trong cái hồ ấy. Bandula nói rằng: “Tốt lắm,” đặt nàng trên cỗ xe của mình, và mang theo cây cung to lớn - cây cung này cần sức của một ngàn người kéo. Vị ấy rời khỏi Sāvatthi và đi vào Vesāli từ cổng thành được dành cho Mahā Licchavī – người mà được hưởng phần thuế thu được từ cổng thành; nhà của Mahā Licchavī cũng ở gần đó.
Mahā Licchavī nhận ra tiếng xe của Bandula đập mạnh vào ngưỡng cửa của cổng thành. Vị ấy có linh tính báo rằng: “Ngày hôm nay tai họa sẽ ập đến đối với các vị Licchavī.” Và vị ấy báo trước với tất cả mọi người. Hồ kiết tường của hoàng gia được canh phòng rất chặt chẽ từ bên trong cũng như bên ngoài. Nó được bao bọc bởi mạng lưới bằng sắt, để những con chim không thể bay vào được.
Tướng quân Bandula bước xuống khỏi xe, đuổi những người lính gác đi bằng cây gậy của vị ấy và chẻ đứt tấm lưới sắt bằng cây đại đao của mình. Rồi tướng quân cùng vợ đi xuống hồ nước, tắm ở đó rồi đưa vợ lên xe trở về nhà bằng con đường cũ.
Những người lính canh bèn trình vấn đề ấy lên với các vị hoàng tử Licchavī. Rất tức giận, những vị hoàng tử Vajjī bèn cỡi trên năm trăm cỗ xe và đuổi theo. Khi cuộc rượt đuổi được trình lên vị Mahā Licchavī, vị ấy kêu to: “Này các hoàng tử Licchavī trẻ tuổi! Đừng nên làm thế, vị tướng quân Bandula ấy sẽ tiêu diệt các ngươi.” Họ đáp lại: “Chúng tôi không thể chịu đựng được, chúng tôi phải bắt lấy vị ấy.”
Mahā Licchavī đã biết sức mạnh của người bạn học của mình và khuyên can các vị Licchavī như vầy:
“Thôi được, này các hoàng tử! Nếu các người đuổi theo thì khi trông thấy chiếc xe của Bandula lún xuống ngang trục xe, thì các ngươi phải quay về ngay từ chỗ các ngươi trông thấy nó.
Nếu các ngươi không quay về, mà vẫn cứ đuổi theo thì hãy quay về ngay khi nghe có tiếng vang lớn phát ra.
Nếu các người không quay về mà cứ đuổi theo khi các người thấy những cái lỗ ở tấm chắn trước mũi xe của các ngươi, thì hãy quay về bất cứ lúc nào. Đừng đi xa thêm nữa.”
Nhưng các vị Licchavī không nghe lời khuyên mà tiếp tục rượt đuổi quyết liệt. Khi nàng Mallikā thấy rằng họ bị đuổi theo, nàng bèn nói với Bandula điều mà nàng trông thấy. Bandula nói: “Được! Khi mà năm trăm chiếc xe được thấy như một (tức là khi tất cả đều thẳng hàng từ Bandula) thì nàng hãy nói cho ta biết.” Mallikā báo tin cho Bandula biết khi nàng thấy trăm trăm cỗ xe được xếp thành một hàng thẳng. Khi ấy, tướng quân Bandula trao dây cương ngựa cho vợ và nói rằng: " Nàng hãy cầm lấy dây cương!” Rồi vị ấy đứng trong xe và kéo cây đại cung mà đến một ngàn người khỏe mạnh mới có thể kéo được. Vào lúc ấy, bánh xe lún xuống ngang trục xe. Các vị Licchavī trông thấy điều này, nhưng họ không quan tâm đến lời căn dặn của Mahā Licchavī mà tiếp tục đuổi theo.
Nguyên soái Bandula sau khi đi tiếp một lúc, bèn kéo giãn dây cung và một âm thanh vang dội như sấm sét phát ra. Các vị Licchavī nghe âm thanh ấy nhưng họ vẫn không quay lui. Rồi Bandula bắn ra một cây tên làm xuyên thủng năm trăm cỗ xe đang đuổi theo. Nó đi xuyên qua bụng của năm trăm vị Licchavī và lao cắm xuống mặt đất.
Các vị Licchavī không biết rằng họ đã trúng tên và họ kêu lên: “Này Bandula! Hãy dừng lại.” Họ hô kêu luôn miệng như vậy trong khi đuổi theo Bandula. Tướng quân Bandula dừng lại một lúc và nói: “Tất cả những vị Licchavī, các người đều đã chết, ta không cần phải chiến đấu với những người đã chết.”
“Nhưng chúng ta không giống như những người đã chết, phải vậy không?”
“Vậy thì các ngươi hãy cởi ra chiếc áo giáp từ vị hoàng tử Licchavī cuối cùng”.
Khi họ làm theo lời bảo của Bandula thì cái thân không còn sự sống của vị hoàng tử Licchavī sau cùng ngã gục xuống xe. Khi ấy, Bandula bèn nói với họ là hãy đánh xe về nhà và hãy sửa soạn những thứ cần thiết cho sự mai táng của họ: “Trước khi cởi chiếc áo giáp của mình, các ngươi có thể để lại lời trăn trối cuối cùng cho những người vợ của mình.” Các vị Licchavī đã làm theo y như vậy - tất cả họ đều ngã ra chết.
Tướng quân Bandula đưa vợ về nhà an toàn. Nàng sinh ra cho vị ấy mười sáu lần song sinh bé trai - 32 người con trai. Tất cả những người con trai đều khỏe mạnh và dũng cảm. Họ được dạy tất cả các môn học và mỗi người có một ngàn người theo hầu. Bất cứ khi nào tướng quân Bandula xuất hiện trong triều đình, thì vị ấy cùng với 32 người con trai và ba mươi hai ngàn dũng sĩ hùng mạnh đứng chật cả sân triều.
Một hôm tại tòa án có tiếng la ó, than phiền rằng một sự xét xử bất công đã xảy ra. Vần đề được trình lên tướng quân Bandula. Tướng quân Bandula đến toà án nghe lại vụ kiện rồi đưa ra lời xét xử, công bố đúng đắn ai là người có tội và ai là người vô tội. Mọi người đều hoan hô tán dương sự xét xử công minh của tướng quân.
Vua Pasenadi nghe tiếng ồn và hỏi chuyện gì đã xảy ra. Khi được nghe kể lại mọi chuyện, vua lấy làm hoan hỷ và cắt cử tướng quân làm quan toà. Như vậy, Bandula nhận thêm chức vị quan toà nhờ tánh công minh.
Các vị quan toà do bị tước mất những món tiền hối lộ thường xuyên của họ nên họ nghĩ ra kế sách hãm hại tướng quân. Họ sàm tấu rằng Bandula muốn soán ngôi. Đức vua tin vào lời của những vị quan tòa này. Đức vua rất ái ngại muốn thủ tiêu tướng quân Bandula, nhưng vì Bandula là người có tiếng tăm lớn nên đức vua không dám giết ông trong kinh đô.Thế nên đức vua lập nên một ác kế - truyền lệnh cho những người thân tín của mình sắp xếp một cuộc nổi loạn ở vùng biên giới. Tướng quân Bandula và 32 người con trai của mình nhận được lệnh lên đường để bình định cuộc nổi loạn, và dẫn về những kẻ nổi loạn. Đức vua gửi theo tướng quân Bandula là những vị tướng được tuyển chọn với nhiệm vụ giết chết Bandula và 32 người con trai.
Khi tướng quân Bandula đến nơi nổi loạn thì những người được đức vua bố trí bèn bỏ chạy. Bandula thực hiện một số biện pháp để vùng xa xôi hẻo lánh này thành khu định cư thịnh vượng rồi trở về kinh đô. Trên đường về, khi còn xa kinh đô thì những vị tướng được gửi đi theo họ bèn chém đầu Bandula và cả 32 người con trai.
Vào hôm ấy, Mallikā - vợ của tướng quân Bandula đang sửa soạn lễ vật cúng dường đến hai vị Thượng thủ Thinh văn là đại đức Sāriputta và đại đức Moggallāna cùng với năm trăm vị tỳ khưu tại nhà của nàng. Sáng sớm hôm ấy, nàng nhận được tin báo rằng chồng và 32 người con trai của nàng đã bị chém đầu. Nàng cất bức thư vào bên trong chiếc áo và giữ kín tin đó. Trong khi nàng đang cung kính phục vụ hai vị Thượng thủ Thinh văn tại bàn - sau khi người hầu dâng xong món cơm thì mang đến những bình sữa, bỗng nhiên một cô tớ gái sơ ý làm vỡ bình sữa.
Hai vị Thượng thủ Thinh văn chứng kiến cảnh tượng này, đại đức Sāriputta nói với Mallikā: “Cái gì có tánh chất tan vỡ thì nó tan vỡ. Đừng để nó giày vò.”
Nhân đó, Mallikā lấy bức thư báo tin buồn từ trong chiếc áo của nàng và nói: “Bạch đại đức! Người ta gửi cho con bức thư này báo rằng chồng và 32 người con trai của con đã bị chém đầu. Ngay cả tin ấy con cũng không để cho nó giày vò, thiêu đốt nội tâm con thì làm sao cái bình sữa này có thể gây phiền não cho con được?”
Đại đức Sāriputta thuyết pháp bắt đầu bằng câu kệ “Animitta manaññātaṇ macānaṁ ida jīvitaṁ, v.v… Rồi đại đức đứng dậy khỏi chỗ ngồi và trở về tịnh xá. (Hãy xem Sutta Nipāta 3, Mahā vagga; 7 Salla Sutta).
Khi việc cúng dường vật thực đến chư Tăng kết thúc, Mallikā cho gọi 32 nàng dâu đến và nói: “Này các con! Những người chồng của các con vô tội, nhưng phải chịu quả của những nghiệp quá khứ. Các con đừng quá sầu khổ, phiền muộn và ưu não. Cũng đừng nuôi lòng thù hận đối với đức vua.” Những lời này lọt vào tai của những thám tử đã được đức vua cử đến, và họ trình lên đức vua rằng Bandula và những người con trai của vị ấy là vô tội. Đức vua đi đến nhà của Mallikā xin lỗi nàng cùng với 32 nàng dâu của nàng. Rồi đức vua cho phép Mallikā được nhận bất cứ đặc ân nào mà nàng muốn.
Mallikā nói: “Tâu đại vương! Xin hãy cho thiếp chọn những đặc ân vào lúc thuận tiện.” Sau khi đức vua trở về, nàng cúng dường Tăng chúng vật thực đặc biệt để hồi hướng phước báu đến thân nhân đã quá vãng. Sau đó nàng đi tắm gội, đến yết kiến đức vua và nói rằng: “Tâu đại vương! Đại vương đã cho thiếp chọn một đặc ân - Thiếp chẳng muốn gì khác, chỉ xin đại vương cho phép thiếp cùng với 32 nàng dâu được trở về với cha mẹ của mình. Đức vua hoan hỷ chấp nhận lời thỉnh cầu của nàng - cho 32 nàng dâu được trở về với cha mẹ của họ, còn nàng thì trở về cha mẹ của nàng.
Câu chuyện về Mallikā (tiếp theo)
Mallikā sống ở nhà cha mẹ của nàng tại Kusinārā trong một thời gian dài. Khi Đức Phật viên tịch và nàng biết rằng nhục thân của Ngài đang được những người Malla đưa đến Kusināra, nàng khởi lên ý nghĩ sẽ tôn vinh nhục thân của Đức Phật bằng chiếc áo nổi tiếng mahālatā mà nàng đã không mặc, kể từ ngày chồng chết. Nàng lấy nó ra từ chỗ cất đặc biệt, lau sạch nó bằng nước hoa và chờ đợi nhục thân của Đức Phật đến.
Chiếc áo mahālatā là vật trang sức rất quý hiếm, chỉ có ba người được may mắn sở hữu nó đó là nàng Visākhā, Mallikā vợ của tướng quân Bandula và tên trộm Devadinya (trích dẫn từ Chú giải của bộ Mahāvagga, Dīgha Nikāya).
(Theo Chú giải của bộ Dhammapada, nó được sở hữu bởi ba vị công nương trong khắp cõi nhân loại là bà Visākhā, Mallikā và con gái của trưởng giả thành Bārāṇasī.)
Khi nhục thân của Đức Phật được khiêng ngang nhà, nàng yêu cầu những người khiêng quan tài rằng: “Xin làm ơn, chờ một lát,” và cung kính phủ lên nhục thân của Đức Phật bằng chiếc áo mahālatā từ đầu xuống đến bàn chân. Thân sắc vàng của Đức Phật được đắp lên bằng chiếc áo được làm bằng bảy loại ngọc – thân Ngài càng trở nên rực rỡ hơn.
Tâm của Mallikā tràn đầy sự hỷ lạc khi thấy sự rực rỡ nơi kim thân của Đức Phật . Niềm tin của nàng nơi Tam Bảo càng tăng trưởng. Nàng phát nguyện: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Xin cho con trong bước đường luân hồi, được hoàn hảo về sắc tướng dầu không có một vật trang sức nào trên người.” (Chú giải bộ Mahāvagga (Dīgha Nikāya) về bài kinh Mahāparinibbāna Sutta).
Sau khi Mallikā mạng chung, nàng sanh lên làm một vị tiên nữ ở cõi trời Tāvatiṁsā. Do ước nguyện của nàng, nàng có sắc đẹp vô địch. Nàng có y phục lộng lẫy bởi bảy loại ngọc báu và cũng có một cung điện tương tự. (Xem chi tiết trong bộ Chú giải về Vimāra Vatthu, 3- Pāricchattaka Vaga, 8-Mallikā Vimāna Vatthu).
Vua Pasenadi Kosala cho đứa cháu của tướng quân Bandula tên là Dīghakārāyaṇa kế thừa địa vị nguyên soái. Tuy nhiên, đứa cháu của Bandula không nguôi ngoai về cái chết của Bandula. Vị này chờ cơ hội để trả thù cho người cậu (chú) vô tội của mình.
Đức vua không bao giờ hạnh phúc, kể từ khi cho người ám sát tướng quân Bandula vô tội. Một cảm giác tội lỗi giày vò đến nỗi nhà vua không còn thấy vui sướng trong những khoái lạc đế vương. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn lưu trú tại thị trấn Medaḷupa, trong tỉnh của những vị Thích Ca. Vua Kosala muốn viếng thăm Đức Thế Tôn và trú tại đó, trong giả ốc tạm thời được xây dựng bằng những nhánh cây trong khuôn viên tịnh xá. Tại đó, đức vua giao ấn triện của mình cho tướng quân Dīghakārāyaṇa, một mình đi vào cốc của Đức Thế Tôn.
[Lý do đức vua giao những ấn triện của mình cho tướng quân Dīghakārāyana giữ là: (1) đức vua trông sẽ không thích hợp khi phô trương trước mặt của Đức Thế Tôn, và (2) đức vua dự định sẽ đàm đạo với Đức Thế Tôn mà ông tin sẽ làm cho Ngài hoan hỷ. Đúng như vậy, vì khi ấn triện của đức vua được gửi về hoàng cung thì các quan nghĩ rằng họ nên trở về hoàng cung. (Họ không cần phải chờ đợi đức vua).]
Khi vua Kosala một mình đến tịnh xá của Đức Phật thì Dīghakānāyaṇa cảm thấy khó chịu với ý nghĩ: “Vị vua này trước kia đã có cuộc bàn bạc riêng với Sa-môn Gotama, mà sau đó người chú Bandula của ta cùng 32 đứa con trai bị giết chết. Bây giờ vị ấy lại bàn bạc với Sa-môn Gotama. Điều này có ý nghĩa gì? Có thể lúc này ta là mục tiêu của họ cũng nên? ”
Khi đức vua vừa đi vào tịnh xá của Đức Phật, tướng quân Dīghakārāyaṇa bèn đem ấn triện của đức vua giao cho thái tử Viṭaṭūbha rồi thuyết phục và thúc ép thái tử nhận lấy vương quyền ngay tại đó. Tướng quân để lại một con ngựa chiến, một thanh đại đao và một nữ hầu cho vua Pasenadi Kosala với lời căn dặn: “Đừng đi theo chúng ta nếu ngươi muốn sống.” Sau đó, vị ấy đưa thái tử Viṭaṭūbha về hoàng cung tại Sāvatthi như là một vị tân vương, được che bởi chiếc lọng trắng.
Vua Kosala sau khi đàm đạo thân mật với Đức Thế Tôn, ra khỏi tịnh xá nhà vua không thấy quân binh.Vị ấy hỏi người nữ hầu và nàng tâu lại những gì mà nàng đã nghe và thấy. Nhân đó, đức vua đi thẳng về Rājagaha để cầu viện sự giúp đỡ của người cháu là vua Ajātasattu với mục đích truất phế Viṭaṭūbha, kẻ cướp ngôi. Trên đường đi, đức vua phải ăn món cơm gạo bể và uống nước không được lọc; vì đức vua có thể trạng tinh tế nên vật thực ấy gây ra chứng khó tiêu. Khi vua đến kinh thành Rājagaha thì trời đã tối, các cổng thành đã đóng. Bởi vậy, ông phải nghĩ qua đêm tại nhà trọ ở bên ngoài kinh thành, với ý định sẽ gặp vua Ajātasatū vào sáng hôm sau.
Đêm hôm ấy, vua Kosala bị chứng khó tiêu do trình trạng rối loạn của đờm, mật và gió, đi vệ sinh nhiều lần khiến nhà vua trở nên hoàn toàn kiệt sức. Vua nằm ngủ trên bụng nàng hầu trẻ - ông chết vào lúc rạng đông ngày hôm sau. (Vua Kosala chết vào năm tám mươi tuổi, cùng tuổi thọ với Đức Phật.) (Xem Majjhima paṇṇāsa Pāḷi, Dhammacetiya Sutta).
Khi người hầu nữ thấy đức vua đã băng hà, nàng kêu to: “Vua Kosala, chúa của tôi, người đã trị vì hai tỉnh Kasi và Kosala đã chết cô đơn ở kinh thành bên ngoại trong ngôi nhà trọ này, nơi mà những người không nhà xem đó là nhà của họ.” Khi nghe những lời ta thán của nàng, mọi người bắt đầu biết về cái chết của vua Kosala. Họ báo tin cho vua Ajātasattu, đức vua đi ra và thấy người cậu đã chết. Đức vua tổ chức lễ mai táng rất long trọng. Rồi ông tập trung quân binh bằng tiếng cồng chiêng với ý định đi bắt Viṭaṭūbha.
Các vị quan của vua Ajātasattu quì dưới chân đức vua, cầu xin rằng: “Tâu đại vương! Nếu cậu của đại vương còn sống thì chuyến viếng thăm của đại vương là thích hợp. Nhưng bây giờ, Viṭaṭūbha người em bà con của đại vương đã lên ngôi vua - vị này cũng có quyền kế thừa ngôi vua, nên cuộc viễn chinh của đại vương không hợp lý.” (Và vua Ajātasattu đã hủy bỏ ý định của mình).
Thái tử Viṭaṭūbha sau khi lên ngôi vua đã nhớ lại mối hận thù với dòng Thích Ca. Vị ấy rời kinh đô dẫn theo đội binh để khiêu chiến và tiêu diệt những người Thích Ca. Vào sáng sớm, Đức Phật quán xét thế gian bằng Phật nhãn của Ngài và thấy tai họa sắp xảy đến với dòng Thích Ca, quyến thuộc của Ngài. Ngài nghĩ điều thích hợp là bảo vệ quyến thuộc của Ngài. Bởi vậy, sau khi đi khất thực, Ngài nghỉ trong Hương Phòng, trong tư thế cao quý (như con sư tử) nằm nghiêng về bên phải. Lúc chiều tối, Ngài đi đến Kapilavatthu bằng con đường hư không, Ngài ngồi dưới một cội cây đã rụng hết lá, trong vuông đất của kinh thành Kapilavatthu.
Không xa cây ấy có một cây đa to lớn, đầy bóng mát gần ranh giới giữa Kapilavatthu và nước của vua Viṭaṭūbha. Khi vua Viṭaṭūbha trông thấy Đức Phật, vị ấy đảnh lễ Ngài và bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao Thế Tôn lại ngồi dưới gốc cây trụi lá như thế này khi trời vẫn còn nóng? Xin Đức Thế Tôn hãy đến ngồi dưới cội cây có bóng mát, ở gần ranh giới của nước con.” Đức Phật đáp lại: “Tâu đại vương! Thế này cũng được. Quyến thuộc của Như Lai cũng đủ để che mát cho Như Lai.” Vua Viṭaṭūbha hiểu nhanh lời ngụ ý của Đức Phật. Vị ấy nghĩ ra rằng Đức Phật ngồi ở đó để bảo vệ quyến thuộc của Ngài. Bởi vậy, vị ấy rút lui sau khi tôn kính đảnh lễ Đức Phật. Rồi Đức Phật trở về tịnh xá bằng con đường hư không.
Vua Viṭaṭūbha không quên sự sỉ nhục mà vị ấy chịu đựng từ những người Thích Ca. Vị ấy lại thực hiện một cuộc xuất binh khác, tấn công vào kinh đô của những người Thích Ca. Dịp này cũng vậy, Đức Phật cũng ngồi ở đó và vị ấy buộc lòng phải rút lui. Lần thứ ba, vị ấy dẫn theo một đội hùng binh tiến thẳng vào lãnh thổ của người Thích Ca, chỉ gặp mỗi Đức Phật trước khi bắt đầu cuộc tấn công và phải rút lui.
Khi vua Viṭaṭūbha xuất binh lần thứ tư, Đức Phật thấy rằng, thời gian để những ác nghiệp của những người Thích Ca trả quả đã đến, và vì vậy Ngài không can thiệp nữa. Những ác nghiệp quá khứ của những người Thích Ca bao gồm việc rải thuốc độc xuống dòng sông vào một thuở nọ trong kiếp quá khứ của họ.
Viṭaṭūbha đến cùng đại quân với ý định tiêu diệt những người Thích Ca. Ngược lại, quyến thuộc của Đức Phật thì không muốn giết hại kẻ khác. Họ đã từng là những tay cung thiện xảo. Bởi vậy họ dọa kẻ thù bỏ chạy bằng những ngón bắn cung của mình. Họ mặc áo giáp và đi ra giả bộ nghinh chiến; họ bắn những cây tên vào kẻ thù nhưng không làm ai thương tích, mà tên chỉ xuyên qua những tấm khiên và những lỗ ở thùy tai của họ (chỗ được xỏ lỗ khi còn nhỏ để đeo bông tai).
Khi Viṭaṭūbha trông thấy những cây tên, vị ấy nghĩ rằng những người Thích Ca đang bắn họ thật sự: “Người ta nói rằng những người Thích Ca không sát sanh, nhưng bây giờ họ đang ra sức giết chúng ta bằng những làn tên.”
Một trong những cận vệ của đức vua nói: “Tâu bệ hạ! Hãy xem quân binh thì bệ hạ sẽ biết.”
“Kìa! Những cây tên đi vào những người của chúng ta.”
Nhưng ở cánh vòng không có ai trúng tên cả. “Tâu bệ hạ! Xin bệ hạ cho đếm số quân binh.” Những cận thần đề nghị. Đức vua truyền lệnh cho điểm số quân binh và thấy rằng không ai chết cả.
Viṭaṭūbha cho lui binh một lát rồi truyền lệnh: “Này quân sĩ! Hãy giết chết tất cả những ai nói rằng họ là người Thích Ca. Nhưng hãy tha mạng cho ông ngoại Mahānāma của trẫm và những người ở chung với vị ấy.” Nhân đó, quân binh của vua Viṭaṭūbha xông đến chém giết. Những người Thích Ca không tìm kiếm bất cứ vật gì để cầm lấy. Một số đứng cầm những nắm cỏ, trong khi những người khác thì cầm những cây sậy. Khi được kẻ thù hỏi: “Ngươi có phải là người Thích Ca không?” Những người dòng Thích ca không nói dối và không thể nói dối, những người Thích Ca cầm những nắm cỏ đáp lại rằng: “Đây không phải là những cây Tectona grandis mà chỉ là cỏ,” và những người Thích Ca nắm những cây sậy đáp lại rằng: “Đây không phải là những cây Tectona grandis mà chỉ là cây sậy.” Những người Thích Ca ở chung với Mahānāma đều được tha mạng; những người cầm những nắm cỏ về sau được gọi là người Thích Ca Cỏ, và những người nắm cây sậy thì được gọi là người Thích Ca Sậy. Tất cả những người Thích Ca khác đều bị giết chết, ngay cả trẻ con cũng không tha. Rồi Viṭaṭūbha rửa sạch chỗ ngồi của vị ấy bằng máu từ những cuống họng của những người Thích Ca. Như vậy, bộ tộc Thích Ca bị tiêu diệt bởi Viṭaṭūbha.
Vị Thích Ca Mahānāma bị bắt sống. Trên đường về nước của vua Viṭaṭūbha, khi đến giờ ăn sáng, họ xuống xe và bàn ăn được dọn ra. Viṭaṭūbha thông báo với vị Thích Ca Mahānāma hãy ngồi chung với vị ấy. Người mang dòng máu của kẻ đế vương không bao giờ ngồi ăn chung với đứa con của người nô lệ. Do vậy, khi Mahānāma để ý thấy hố nước ở gần đó bèn nói rằng: “Này cháu, ta muốn đi tắm trước khi ăn.” “Vậy, ông ngoại cứ đi tắm,” Viṭaṭūbha nói.
Mahānāma biết rằng nếu ông không chịu ngồi ăn chung với Viṭaṭūbha thì ông sẽ bị giết chết: “Tốt hơn ta nên tự tử,” vị ấy suy nghĩ. Bởi vậy, vị ấy xõa cuộn tóc, thoắt một búi ở cuối mái tóc của vị ấy và trầm mình xuống nước. Vì vua Mahānāma có nhiều phước, nên sự hiện diện của vị ấy dưới nước đã tạo ra sự ấm cúng cho cõi rồng. Long vương nhìn quanh xem hiện tượng kỳ lạ nào và trông thấy vua Mahānāma của những người Thích Ca, long vương xuất hiện trước đức vua, để đức vua ngồi trên cái mang của mình, và đưa vua xuống cõi rồng. Ở đó vị Thích Ca Mahānāma sống mười hai năm.
Vua Viṭaṭūbha ngồi chờ ông ngoại của mình trở lại: “Ông ấy sẽ trở lại,” nhà vua luôn miệng tự nhủ. Nhưng nhà vua chờ đợi khá lâu.“Có điều gì không ổn rồi,” vị ấy suy nghĩ rồi sai quân lính lội, lặn xuống hồ và tìm kiếm khắp hồ. Khi trời đã trở tối, nhà vua sai mọi người bằng mọi khả năng đi tìm khắp nơi, soi đèn khắp mọi ngỏ ngách. Sau khi đã tìm kiếm khắp nơi mà không thấy, cho rằng ông ngoại đã bỏ trốn nên đức vua cùng binh sĩ rời khỏi nơi ấy lên đường.
Đức vua Viṭaṭūbha đến con sông Acaravatī vào lúc trời sẫm tối, đã quá trễ để đi vào thành phố. Thế nên, đức vua và quân binh bèn cắm trại qua đêm ở trên bờ sông. Một số quân binh nằm trên bờ cát để nghỉ trong khi số khác nằm trên chỗ cao hơn. Trong những người thuộc nhóm thứ nhất, có một số chưa phạm ác nghiệp trong quá khứ. Trong nhóm thứ hai, có một số đã phạm các ác nghiệp trong quá khứ. Chuyện xảy ra với hai nhóm người tựa như những đàn mối không thể ở qua đêm nên chúng phải di dời đến chỗ mới. Những người không tạo ác nghiệp trong quá khứ mà đang nằm trên bờ cát, thì cảm thấy cần phải đến chỗ đất cao. Còn những người đã tạo các ác nghiệp trong quá khứ đang nằm chỗ đất cao, thì thấy cần đi xuống bờ cát.
Sau khi mọi người đã đổi chỗ như vậy, thì những đám mây đen nghịt kéo đến rồi thình lình một cơn lũ lớn tràn xuống làm ngập cả hai bờ sông Aciravatī. Viṭaṭūbha cùng quân sĩ bị nước cuốn ra đại dương. Ở đó, họ làm mồi cho cá và rùa.
Cuộc tàn sát những người Thích Ca trở thành chủ đề bàn luận sống động trong dân chúng: “Thưa các vị! Sự tàn sát những người Thích Ca thật không đúng. Vì tánh hung bạo nên Viṭaṭūbha và quân sĩ phải lãnh chịu, ngay cả những đứa trẻ nhỏ của họ cũng không tha. Thật hết sức tàn nhẫn.”
Ý kiến này thấu đến tai của Đức Phật và Ngài nói rằng: “Này chư tỳ khưu! Những người Thích Ca gặp phải họa diệt vong, xem ra thật không đáng trong kiếp sống hiện tại này. Tuy nhiên, nếu số phận hiện tại của họ khi được xét, lại liên quan đến ác nghiệp trong quá khứ của họ, thì việc họ gặp phải cái chết như vậy lại phù hợp với nguyên nhân của nó. Và Đức Phật kể cho họ nghe về một kiếp quá khứ của dòng Thích Ca - họ đã cùng nhau rải thuốc độc xuống dòng nước (khiến cho tất cả cá tôm ở trong đó đều bị chết).
Vào ngày hôm sau, các vị tỳ khưu tụ họp với nhau để nghe pháp, họ lại bàn tiếp về số phận của vua Viṭaṭūbha.
“Thưa các tôn giả! Vua Viṭaṭūbha cùng với đoàn tùy tùng, sau khi tàn sát những người Thích Ca đã trở thành những con mồi cho cá và rùa trong đại dương, ngay khi đạt được tham vọng của vị ấy.”
Khi Đức Phật đến chỗ hội họp và hỏi các vị tỳ khưu: “Các vị đang bàn luận vấn đề gì vậy?” Họ bạch với Đức Phật về đề tài bàn luận của họ.
Đức Phật bèn nói rằng: “Này các tỳ khưu! Cũng như dân làng đang ngủ say thì bị cơn lũ cuốn trôi. Cũng vậy, ngay khi những tham vọng lớn của họ được thành tựu. Tất cả chúng sanh nào dể duôi đều có kiếp sống bị rút ngắn và bị cuốn đi bởi thần chết và đại dương của bốn khổ cảnh.”
Rồi Đức Phật đọc lên câu kệ này:
Pupphāni heva pacinantaṁ byāsattamanasaṁ naraṁ suttaṁ gāmaṃ mahoghova. maccu ādāya gacchati.
(Này chư tỳ khưu!) Giống như người góp nhặt những bông hoa đẹp nhất, người mà khao khát dục lạc, thèm muốn cái mà mình chưa có, và bám chấp vào cái mình đã có, sẽ bị thần chết cuốn trôi ra đại dương của các khổ cảnh - giống như một ngôi làng đang ngủ say bị cơn lũ lớn cuốn ra đại dương.”
Vào lúc kết thúc câu chuyện, nhiều chúng sanh đạt được sự giác ngộ như chứng đắc quả thánh Nhập lưu. Do đó, thời pháp này rất có lợi ích cho tất cả.
Kết thúc câu chuyện về Viṭaṭūbha.
Vào thời Đức Phật, tại thành Sāvatthi có hai người mang tên Mallikā. Một người Mallikā, vợ của tướng quân Bandula và người kia là Mallikā, chánh hậu của vua Kosala. Nàng Mallikā trước là công chúa Malla thuộc xứ Kusinārā mà chúng tôi đã nêu ra ở phần trước. Bây giờ chúng tôi sẽ mô tả hoàng hậu Mallikā theo cách tóm tắt.
Hoàng hậu Mallikā tương lai này là con gái của một người bán hoa ở thành Sāvatthi. Nàng là một thiếu nữ có sắc đẹp diễm kiều, có phước tích lũy từ quá khứ. Khi nàng vừa tròn mười sáu tuổi, một hôm nàng đi hái hoa cùng với những cô gái khác, mang theo ba cái bánh bằng lúa mạch để trong cái giỏ hoa.
Khi nhóm các cô gái đang đi ra khỏi thành phố, họ gặp Đức Phật, thân Ngài toả ra hào quang sáu màu rực rỡ với tùy tùng đông đảo, những vị tỳ khưu đang đi vào thành phố. Mallikā rất cảm kích trước hào quang rực rỡ của Đức Phật và với tâm tịnh tín mạnh mẽ, nàng dâng cúng ba cái bánh đến Đức Phật. Đức Phật nhận vật thí ấy trong cái bát do Tứ Thiên vương dâng cúng.
Mallikā đảnh lễ dưới chân Đức Phật, tâm tràn đầy hỷ lạc, do quán niệm về những ân đức của Đức Phật và rồi đứng ở một nơi thích hợp. Đức Phật nhìn nàng và mỉm cười. Đại đức Ānanda hỏi Đức Phật lý do khiến Ngài mỉm cười: “Này Ānanda! Do nhờ cúng dường ba cái bánh này với tác ý của đổng lực tâm đầu tiên, cô gái này sẽ trở thành chánh hậu của vua Kosala trong chính ngày hôm nay.”
Mallikā rất sung sướng khi nghe những lời của Đức Phật và đi đến hoa viên cùng với những người bạn của nàng. Ngày hôm ấy, khi vua Kosala chiến đấu với người cháu của mình là vua Ajātasattu và bị thua trận. Đức vua bỏ chạy trên lưng ngựa nhưng khi nghe tiếng hát của nàng Mallikā - bị hấp hẫn bởi tiếng hát của cô gái, đức vua quay ngựa vào hoa viên. Thấy đức vua, những cô gái khác bỏ chạy vì sợ hãi nhưng Mallikā, người có duyên sẽ trở thành hoàng hậu thì không sợ hãi. Thay vì thế, nàng tiến đến và tay cầm lấy dây cương ngựa của đức vua.
Đang ngồi trên ngựa, đức vua dò hỏi xem nàng đã có chồng chưa. Khi biết rằng nàng chưa có chồng, đức vua xuống ngựa. Do bị mệt vì nắng gió, ông nằm nghỉ, gối đầu trong vòng tay của nàng. Sau khi nghỉ mệt xong, đức vua đưa nàng lên ngựa rồi đi vào kinh đô với quân binh theo hầu. Đức vua cho người đưa nàng về nhà cha mẹ nàng. Chiều hôm ấy, đức vua cho người đem xe hoa dành cho hoàng hậu đến nhà của Mallikā, để rước nàng về cung trong nghi lễ long trọng. Sau đó, đặt nàng trên chỗ ngồi được sắp xếp theo nghi lễ, ghế ngồi được làm bằng các loại ngọc báu, và nàng được tôn phong làm chánh hậu. Kể từ ngày hôm ấy, Mallikā trở thành chánh hậu được sủng ái.
(Những chi tiết này dựa vào bộ chú giải Bổn sanh, cuốn 3, Sattaka Nipāta; 10- Kummāsapiṇḍi Jātaka).
Như vậy, hai người mang tên Mallikā - Mallikā hoàng hậu của vua Kosala là con gái của người bán hoa, Mallikā vợ của tướng quân Bandula là con gái của một trong những vị hoàng tử Malla.
KẾT THÚC CHƯƠNG 38
CHA MẸ BÀ-LA-MÔN CỦA ĐỨC PHẬT TRONG KIẾP QUÁ KHỨ
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B