THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 5
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Phần trước] [Mục lục tập 5] [Tiếp theo]


CHƯƠNG 41

NHỮNG BÀI KỆ ĐỘNG TÂM

Khi Đức Phật diệt độ, đại địa đồng thời chấn động, rất khủng khiếp khiến lông tóc dựng đứng và da sởn gai ốc. Tiếng ầm ầm (của những cái trống lớn của chư thiên) vang dội trên không trung. Khi Thế Tôn diệt độ, cùng lúc Ngài diệt độ, Phạm thiên Sahampati thốt lên bài kệ này:

Sabbe va nikkhi pissanti Bhūtā loke samussayaṁ Yattha etādiso satthā Loke appaṭipuggalo Tathāgato balapatto Sambuddho parinibbuto.

Trong thế gian tạm bợ này Ngay cả bậc Vô song

Như Đức Như Lai Chánh biến tri, Thầy của trời, người và Phạm thiên, Bậc có mười lực, Cũng phải diệt độ.

Tất cả chúng sanh trong thế gian này, khi giờ chết đã đến, phải bỏ xuống tấm thân này, khối tổng hợp của Danh và Sắc.

Khi Đức Phật diệt độ, cùng lúc Ngài diệt độ, Sakka, vua của chư thiên, thốt lên bài kệ này:

Aniccā vata saṅkhārā Uppādavaya dhammino Upajjhitvā nirujjhanti

Tesaṃ vūpasamo sukho.

Tất cả pháp hữu vi quả thật vô thường. Chúng có bản chất sanh và diệt.

Sau khi đã sanh lên rồi, chúng ngưng hiện hữu

Sự giác ngộ Niết bàn vào lúc chúng diệt hoàn toàn

Là sự an lạc tịch tịnh.

Khi Đức Phật diệt độ, cùng lúc Ngài diệt độ, đại đức Anuruddha thốt lên bài kệ này:

Nāhu, assāsapassāso Thita citassa tādino Anejo santimārabbha

Yaṃ kālamakarī Muni.

(Thưa các tôn giả!)

Bậc Đại sĩ, Thế Tôn của ba cõi, Đã thoát khỏi ái đối với sanh hữu,

Vừa mới kết thúc thọ mạng của Ngài, Chú tâm vào Niết bàn tịch tịnh, Không còn thở vào ra.

Asallīnena cittena

Vedānaṁ ajjhavāsayi

Pajjo tasseva Nibbānaṁ

Vimokkho cetaso ahu

Trong người của Ngài, bậc đã tự tại, trước cơn bão của các pháp thăng trầm của thế gian (Thưa các vị tỳ khưu!)

Bậc Đạo sư của chúng ta, đã dũng cảm chịu đựng các cảm thọ từ thân Như ngọn đèn tắt khi nguyên liệu đã hết, Tâm của Ngài đã đạt đến sự giải thoát hoàn toàn mọi thống ách.

Khi Đức Phật diệt độ, cùng lúc Ngài diệt độ, đại đức Ānandā thốt lên bài kệ này:

Tadāsi ya bhiṇsanakaṁ Tadāsi lomahāṁ sanaṁ Sabhā kāra va rūpete Sambuddhe parinibbate.

Vào lúc diệt độ của Đạo sư của chúng ta, Bậc có những ân đức cao quý, Có sự chấn động kinh hoàng của đại địa, Rồi vào lúc ấy, đại địa chấn động (mạnh gấp sáu lần) khiến lông tóc dựng đứng và da sởn gai ốc.

Khi Đức Phật diệt độ, những vị tỳ khưu mà chưa có khả năng đọan trừ tham và sân, tức là những bậc Dự lưu và Nhất lai, thì than khóc, với hai cánh tay đưa lên; họ nhào xuống đất, lăn lộn , miệng ta thán, “ Thế Tôn diệt độ quá sớm! Thiện thệ diệt quá sớm! Bậc Ngũ nhãn đã biến mất khỏi thế gian quá sớm!”

Nhưng những tỳ khưu đã đọan tận tham sân, tức là bậc Bất lai, thì trầm tĩnh kiên tâm trước sự kiện ấy với tâm quán niệm rằng: “ Tất cả các pháp hữu vi đều có tánh vô thường, làm sao có thể tìm thấy sự thường tồn trong tánh chất sanh diệt?”

Rồi đại đức Anuruddha nói với các vị tỳ khưu:

“Thôi đủ rồi, thưa các tôn giả, đừng có sầu não, cũng đừng khóc than. Há không phải rằng trước đây Đức Thế Tôn đã từng giảng giải với các vị rằng mọi thứ gần gũi và thân ái nhất với chúng ta đều có tánh chất là chúng phải xa lìa chúng ta bằng cách này hay cách khác ngay cả khi chúng ta đang sống, hay khi cái chết chia lìa chúng ta, hay khi chúng ta sanh về những cõi khác đó sao? Thưa các tôn giả, trong vấn đề này, làm sao người ta có thể mong mõi một cái gì đó vốn có tánh sanh, hiện hữu, hữu vi, và có sự tan rã mà không diệt mất? Không ai có thể mong mỏi điều ấy được.

“Thưa các tôn giả, chư thiên đang quở trách, nói rằng, nếu các vị đại đức không thể chịu đựng nỗi điều ấy thì làm sao họ có thể an ủi được kẻ khác?”

Khi nghe đại đức Anuruddha nói như vậy, đại đức Ānanda hỏi lại: “ Nhưng thưa đại đức Anuruddha, theo sự quan sát của Ngài thì trạng thái tâm nào đang hiện diện trong chư thiên và Phạm thiên?”

“ Này hiền giả Ānanda, chư thiên mà ở trong không trung đang đứng ở đó (tựa như có một nền đất vững chắc để đứng, sau khi biến đổi bầu trời thành cái nền vững chắc bằng thần lực của họ), và đang khóc than với tóc rối bù, hai cánh tay đưa lên; họ gieo mình xuống đất, lăn lộn khắp các hướng, và ta thán rằng: “ Thế Tôn nhập diệt quá sớm! Đấng Thiện Thệ nhập diệt quá sớm! Bậc Sở hữu tuệ nhãn biến mất trên đời quá sớm!”

“ Này hiền giả Ānanda, chư thiên địa cầu đang đứng trên đất (sau khi biến đổi đất tự nhiên thành nền đất chống giữ cho sắc thân vi tế của họ), đang khóc than với tóc rối bù, hai cánh tay đưa lên; họ gieo mình xuống đất, lăn lộn khắp các hướng, và ta thán rằng: “Thế Tôn nhập diệt quá sớm! Đấng Thiện Thệ nhập diệt quá sớm! Bậc Sở hữu tuệ nhãn biến mất trên đời quá sớm!”

“ Những chư thiên đã thoát khỏi dục ái có thể bình thản chịu đựng với tâm suy tư rằng: “ Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Do đó, làm sao có thể được để tìm cái thường tồn trong bản chất hữu nhân hữu duyên này?”

Rồi đại đức Anuruddha và đại đức Ānanda trãi qua thời gian còn lại ngắn ngũi của đêm để đàm đạo chánh pháp. Các vị ấy bàn về sự có mặt khắp mọi nơi của cái chết: “ Này hiền giả, Thần chết chẳng biết xấu hổ chút nào thậm chí cướp đi một bậc Đạo sư vĩ đại vô song của tam giới như vậy. Những chúng sanh tầm thường khác làm sao có thể bỏ trốn với mong mỏi Thần chết có chút xấu hổ mà buông tha cho họ? Thần chết sẽ nuốt chửng bất cứ ai mà chẳng hề biết xấu hổ.” Các vị ấy đã đàm đạo Chánh pháp như vậy và chẳng bao lâu thì trời sáng. Rồi đại đức Anuruddha nói với đại đức Ānanda, “Này hiền giả Ānanda, hãy đi vào Kusināra và nói với các công tử Malla rằng: ‘Này các Vāseṭṭha, Đức Thế Tôn đã diệt độ rồi. Hãy làm điều gì các vị nghĩ là thích hợp.’”

“Xin vâng, thưa tôn giả,” đại đức Ānanda vâng lời tôn giả Anuruddha, và đi vào Kusināra cùng với một vị tỳ khưu.

Lúc bấy giờ các vị công tử Malla đang tham dự buổi họp tại phòng hội đồng, đang bàn chi tiết về việc cúng dường đến Đức Phật khi Ngài đã diệt độ, như việc sắp đặt các loại hoa và hương liệu, sắp xếp những chỗ ngồi dành cho Tăng chúng tỳ khưu, cúng dường vật thực, v..v… Rồi đại đức Ānanda đi đến nhà họp và nói với họ rằng: “ Này các vị Vaseṭṭha, Đức Thế Tôn đã diệt độ rồi. Hãy làm những điều các vị nghĩ là thích hợp.”

Khi nghe đại đức Ānanda thông báo như vậy, các vị công tử Malla, con trai và con gái của họ, vợ và con dâu của họ đều đau buồn và sầu khổ, và than khóc, đầu tóc rối bù, tay đưa lên; thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: “Thế Tôn nhập diệt quá sớm! Đấng Thiện thệ nhập diệt quá sớm! Bậc Sở hữu con mắt trí tuệ đã biến mất khỏi thế gian!”

Những nghi lễ cuối cùng đối với nhục thân của Đức Phật

Rồi các vị công tử Malla của xứ Kusināra ra lệnh cho tùy tùng của họ đi gom nhặt những bông hoa, những loại vật thơm và tất cả những loại nhạc cụ tại Kusināra. Rồi họ đi đến rừng cây Sa la nơi có nhục thân của Đức Phật, mang theo các loại hoa, vật thơm và tất cả các loại nhạc cụ, cũng như năm trăm xấp vải dài. Và tại đó họ múa hát suốt ngày để tôn vinh, tôn kính và lễ bái nhục thân của Đức Phật, những bông hoa và những vật thơm được đặt rất trang nhã, những màn trướng được làm, và những giả ốc được dựng lên bằng vải dài. Rồi các vị công tử Malla của xứ Kusināra quyết định rằng ngày hôm ấy đã quá trễ để hoả thiêu nhục thân của Đức Thế Tôn: “ Chúng ta sẽ làm lễ hỏa thiêu nhục thân của Đức Thế Tôn vào ngày mai, tất cả họ đều tán thành.”

Rồi ngày thứ hai cũng được trải qua trong bài ca và điệu múa để tôn vinh, tôn kính và lễ bái nhục thân của Đức Phật, những bông hoa và những vật thơm được đặt rất trang nhã, những màn trướng được làm, và những giả ốc mới được dựng lên bằng vải dài. Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm và ngày thứ sáu cũng diễn ra như vậy.

Rồi vào ngày thứ bảy, các vị công tử Malla của xứ Kusināra bàn bạc với nhau và quyết định rằng:

“Chúng ta sẽ làm lễ trà tỳ nhục thân của Đức Phật tại phía nam của đô thị này, chúng ta sẽ khiêng nhục thân đi đến đó bằng con đường phía nam và thực hiện lễ trà tỳ bằng bài ca và điệu múa, hoa và hương để tôn vinh, tôn kính và lễ bái nhục thân của Đức Phật.”

Nhân đó, tám vị tộc trưởng Malla, sau khi gội đầu, mặc áo mới, nghĩ rằng: “Giờ đây chúng ta sẽ nhấc bỗng thân của Đức Phật,” họ hợp sức để nhấc nhục thân của Đức Phật, nhưng nhục thân ấy chẳng nhúc nhích. Rồi các vị công tử Malla của xứ Kusināra tin rằng đại đức Anuruddha là vị tỳ khưu đệ nhất về Thiên nhãn sẽ có khả năng nói rõ điều ấy, bèn hỏi đại đức như vầy: “Thưa đại đức Anuruddha, tám vị tộc trưởng Malla này, sau khi gội đầu và mặc áo mới, nghĩ rằng, ‘Giờ đây chúng ta sẽ nhấc bỗng thân của Đức Thế Tôn’, họ hợp sức để nhấc lên nhục thân của Đức Thế Tôn, nhưng nhục thân ấy chẳng nhúc nhích chút nào. Lý do như thế nào? Nguyên nhân như thế nào?”

“Này các vị Vāseṭṭha, vì ý định của các ngươi khác với ý định của chư thiên.”

Này các vị Vāseṭṭha, ý định của các ngươi là thế này: “Chúng ta sẽ làm lễ trà tỳ nhục thân của Đức Thế Tôn ở phía nam của thị trấn, chúng ta sẽ khiêng nhục thân của Đức Thế Tôn bằng con đường phía nam để đến đó và làm lễ bằng bài ca và điệu múa, hoa và hương để tôn vinh, tôn kính và lễ bái nhục thân của Đức Thế Tôn.” Tuy nhiên, ý định của chư thiên thì như vầy: ‘Chúng ta sẽ làm lễ trà tỳ nhục thân của Đức Thế Tôn ở phía đông của thị trấn gần điện thờ Makutabandhana, trước hết chúng ta sẽ khiêng nhục thân đi về hướng bắc bằng con đường phía bắc, qua cổng thành phía bắc đi vào thị trấn, rồi đi đến cổng phía đông bằng con đường giữa, đến điện thờ Makutabandhana, và làm lễ bằng bài ca và điệu múa, hoa và hương để tôn vinh, tôn kính và lễ bái nhục thân của Đức Thế Tôn.”

“Bạch đại đức, vậy hãy theo ý định của chư thiên.”

Lúc bấy giờ Kusināra, là thị trấn của các công tử Malla, khắp nơi ngay cả những đường ranh của hàng rào và những đống rác đều được rải đầy những bông hoa Mandārava của chư thiên.

Rồi chư thiên và các vị công tử Malla của xứ Kusināra khiêng nhục thân của Đức Phật hướng về phía bắc bằng con đường phía bắc, từ đó qua cổng phía Bắc để vào thị trấn, từ đó đi vào trung tâm của thị trấn bằng con đường giữa, và suốt con đường đi họ tôn vinh, tôn kính và lễ bái nhục thân của Đức Phật bằng bài ca, điệu múa, các loại hoa và hương thơm của chư thiên và nhân loại.

Mallikā, quả phụ của tướng quân Bandula, cúng dường nhục thân của Đức Phật

Khi nhục thân của Đức Phật được tôn kính như vậy trong thị trấn dọc theo con đường trung tâm thì Mallikā, quả phụ của tướng quân Bandula, nghe tin về đám rước nhục thân Đức Phật, đã đứng chờ đợi ở ngay trước nhà của bà ta với chiếc Đại bảo y Mahālatā mà đã bà không khoác vào người kể từ khi chồng của bà chết. Bà cho làm sạch nó và rửa nó trong nước thơm để đem trang sức cho nhục thân của Đức Phật ( là cách cúng dường vô song của bà đến nhục thân của Đức Phật).

(Đại bảo y Mahālatā là loại y phục quí hiếm mà chỉ có ba người nổi tiếng sở hữu nó, đó là: Visākhā, Mallikā và tướng cướp Devadānniya. Chiếc áo khoác được đề cập là chiếc áo của Mallikā trong thời gian ấy).

Khi đám rước đang khiêng nhục thân của Đức Phật đến cửa nhà của bà Mallikā, thì bà ta yêu cầu đoàn người trong đám rước rằng:

“Thưa các công tử, xin hãy đặt xuống nhục thân của Đức Phật tại đây một lát!” Và (khi họ làm theo thỉnh cầu của bà ta, bà ta đắp chiếc áo Mahālatā lên nhục thân của Đức Phật. Chiếc áo vừa vặn với nhục thân của Ngài từ đầu xuống chân - nhục thân màu hoàng kim lúc ấy trở nên rực rỡ bởi chiếc y có cẩn châu báu bằng bảy loại ngọc quý).

Mallikā tràn ngập niềm hoan hỉ khi thấy nhục thân của Đức Phật rực rỡ lên khi được đắp vào chiếc đại bảo y có cẩn châu báu của bà. Bà phát nguyện: “Bạch Thế Tôn, cầu xin cho con trong tất cả những kiếp luân hồi trong tương lai được mang tấm thân có sẵn y phục đầy đủ trên người mà không cần phải mặc.” Sau khi mạng chung bà được sanh vào cõi Tam thập tam thiên và ước nguyện của bà được thành tựu viên mãn.

(Hãy xem Vimāna Vatthu, Chú giải về Paricchattakavagga, Mallikāvimāna Vatthu).

Sau đó, các vị công tử Malla tiếp tục khiêng nhục thân của Đức Phật được đắp lên bởi đại bảo y Mahālatā, và đi tiếp đến cổng thành phía đông. Họ đặt nhục thân của Ngài tại Điện thờ Makuṭabandhana của các vị công tử Malla ở phía đông thị trấn.

Lễ trà tỳ

Rồi các vị công tử Malla hỏi đại đức Ānanda, “Bạch đại đức, chúng con phải xử sự thế nào với nhục thân của Đức Như lai?”

“Này các vị Vaseṭṭha, nên xử sự nhục thân của Đức Như lai giống như cách xử sự đối với nhục thân của vị Chuyển luân vương?”

“Bạch đại đức, xử sự nhục thân của vị Chuyển luân vương phải theo thủ tục như thế nào?”

“Này các vị Vaseṭṭha, thân của vị Chuyển luân vương, (sau khi vị ấy thăng hà) được bọc trong lớp vải mới từ xứ Kāsi. Ngoài lớp bọc ấy, nên có một lớp bọc khác bằng vải gai bện (bởi vì vải từ xứ Kāsi rất mịn nên không thể thấm được dầu và chỉ có vải gai bện mới có thể thấm được dầu). Bên ngoài lớp vải gai bện ấy nên bọc thêm một lớp vải mới khác từ xứ Kāsi. Bằng cách này thân của vị Chuyển luân vương được bọc bởi năm trăm cặp lớp vải tiếp nối nhau như vậy. Rồi thân được bọc vải ấy được đặt trong cái hòm chứa dầu được làm bằng vàng, nắp đậy được làm bằng vàng. Rồi nó được đặt trên một giàn hỏa được làm bởi nhiều loại gỗ thơm và thân của vị Chuyển luân vương được hỏa thiêu. Rồi người ta xây dựng một bảo tháp để tôn thờ xá-lợi của vị Chuyển luân vương tại ngã tư đường. Này các vị Vaseṭṭha, đây là cách thức cư xử đối với xá-lợi của vị Chuyển luân vương.”

“Này các vị Vaseṭṭha, cách xử sự đối với xá-lợi của vị Chuyển luân vương như thế nào, xá-lợi của Đức Thế Tôn cũng được xử sự như vậy. Một bảo tháp để cúng dường Đức Thế Tôn nên được xây dựng tại ngã tư đường. Dân chúng sẽ đi đến bảo tháp và cúng dường hoa hoặc bột thơm, hoặc lễ bái, hoặc quán niệm về những ân đức của Phật. Và nhờ những hành động tịnh tín như vậy, những người ấy sẽ hưởng được lợi ích và hạnh phúc lâu dài.” Những lời chỉ dẫn này là những lời chỉ dạy của Đức Thế Tôn, đã được mô tả ở trên rồi.

Các vị công tử Malla truyền lệnh cho người hầu của họ đi kiếm vải gai bện từ những kho chứa hàng của những vị công tử Malla. Rồi họ xử sự nhục thân của Đức Phật theo đúng sự chỉ dạy của đại đức Ānanda. Họ bọc lấy nhục thân của Ngài một lớp vải mới. Ngoài lớp vải ấy, họ bọc vào một lớp vải gai, rồi lại đến lớp vải mới. Bằng cách này, nhục thân của Đức Phật được bọc bởi năm trăm cặp lớp vải. Rồi họ đặt nhục thân đã được bọc vải như vậy của Ngài trong một cái hòm chứa dầu bằng vàng, và cái nắp được đậy cũng được làm bằng vàng. Rồi họ dựng lên một giàn hỏa táng và đặt thân đã được tẩn liệm của Đức Phật lên trên đó.

Câu chuyện về đại đức Mahā Kassapa

Khi lễ trà tỳ nhục thân của Đức Phật đang diễn ra tại Kusināra, thì đại đức Mahā Kassapa vừa đi khất thực xong trong thành phố Pāvā. Và với ý nghĩ sẽ đi đến Kusināra, trưởng lão bèn lên đường rời khỏi Pāvā để đi đến Kusināra cùng với năm trăm vị tỳ khưu. Trên đường đi, trưởng lão rời khởi con đường và ngồi dưới một cội cây cùng với chúng tỳ khưu.

(Trưởng lão ngồi ở đó không phải để nghỉ trưa (như thông lệ) mà để nghỉ lấy sức. Vấn đề là như thế này: Tất cả năm trăm vị tỳ khưu đều đã lớn lên trong cuộc sống dễ dàng và tiện nghi. Bởi vậy, khi họ đi chân đất dưới cái nóng thiêu đốt của buổi trưa thì họ bị mệt lả. Đại đức Mahā Kassapa trông thấy tình trạng mệt lả của các vị tỳ khưu đồng hành. Chuyến đi về phía trước cũng không xa lắm. Có thời gian để nghỉ ngơi và họ sẽ tiếp tục lên đường vào buổi chiều mát mẻ và yết kiến Đức Phật. Đó là ý nghĩ trong tâm của đại đức Mahā Kassapa. Vị ấy ngồi nghỉ dưới gốc cây, trải ra chiếc y Tăng-già-lê trên đất và làm mát tay chân từ cái bình nước của vị ấy. Một số vị tỳ khưu an trú trong thiền quán trong khi những vị khác thì bàn luận về ân đức của Tam bảo).

Lúc bấy giờ có một vị du sĩ đang đi đến về phía các vị tỳ khưu trên đường đi từ Kusināra đến Pāvā. Vị ấy đang cầm một bông hoa Mạn-đà-la (Mandārava) của chư thiên ở trên đầu với một cây gậy là cán của cái lọng.

Đại đức Mahā Kassapa lưu ý đến bông hoa Mạn-đà-la của chư thiên được giữ trong tay của vị du sĩ. Vị ấy biết rằng loại hoa này không được thấy ở trên đất của cõi người và nó xuất hiện trên địa cầu này chỉ vào những trường hợp hy hữu như khi một bậc có đại oai lực thị hiện thần thông, hoặc khi vị Phật đương lai nhập thai vào lòng của người mẹ. “Nhưng,” vị ấy suy xét, “hôm nay không phải là ngày có một nhân vật có đại oai lực thị hiện thần thông, cũng không phải là ngày vị Phật đương lai thọ sanh trong lòng mẹ, cũng không phải là ngày đản sanh của Ngài, cũng không phải là ngày Ngài đắc đạo, cũng không phải là ngày Ngài chuyển Pháp luân, cũng không phải là ngày Ngài thị hiện Song thông, cũng không phải là ngày Ngài giáng xuống cõi Tam thập Tam thiên, cũng không phải là ngày Ngài từ bỏ thọ hành. Đạo sư của chúng ta tuổi đã khá già, chắc là ngày hôm nay Ngài đã diệt độ.”

Đại đức Mahā Kassapa muốn (củng cố sự tiên đoán của mình và) hỏi vị du sĩ. Nhưng nếu trưởng lão đề cập đến Đức Phật mà đang ngồi như vậy thì thiếu tôn kính, vị ấy nghĩ như vậy, và do đó trưởng lão đứng lên và khi di chuyển khỏi chỗ ngồi mấy bước, trưởng lão che cái đầu bằng chiếc y màu nâu sẩm được làm từ vải vụn nơi đống rác, giống như con bạch tượng Chaddanta che trên đầu của nó đồ trang sức có cẩn hồng ngọc. và khi chấp lại hai bàn tay được đưa lên trán với mười ngón tay chạm vào nhau, chói sáng rực rõ, trưởng lão đứng quay mặt về phía vị du sĩ và hỏi vị ấy: “Này hiền giả, hiền giả có biết Đạo sư của chúng tôi không?”

Ở đây có thể nêu ra câu hỏi như vầy: “Phải chăng đại đức Mahā Kassapa biết cái chết của Đức Phật hay vị ấy không biết?” Các bộ Chú giải phủ nhận ý kiến cho rằng trưởng lão không biết. Những lý do để cho rằng trưởng lão có biết được các nhà Chú giải nêu ra như vầy: “Không có lý do gì để tin rằng đại đức Mahā Kassapa không biết sự diệt độ của Đức Phật vì sự chấn động của đại địa xảy ra trong mười ngàn thế giới không thể nào mà vị ấy không biết.”

Lý do khiến trưởng lão hỏi vị du sĩ là như thế này: “Một số tỳ khưu đi chung với trưởng lão thì đã được gặp Đức Phật rồi trong khi số khác thì chưa. Những vị tỳ khưu mà đã thấy Đức Phật rồi thì muốn được gặp lại Ngài (chỉ vì họ đã thấy Ngài trước kia rồi); Còn những vị tỳ khưu mà chưa bao giờ trông thấy Đức Phật thì cũng muốn được trông thấy Ngài vì trước đó họ chưa được trông thấy Ngài.”

“Nếu không có ai báo tin về sự viên tịch của Đức Phật trước khi họ đến Kusināra và chỉ khi nào họ đến đó và biết Đức Phật đã diệt độ rồi, thời họ sẽ không thể kềm chế sự sầu não và họ sẽ khóc than và phơi bày những hành vi khó coi, quăng xuống đất chiếc y vai trái của họ, hay mặc y áo một cách luộm thuộm, không đúng pháp, hoặc đấm vào ngực của họ. Mọi người trông thấy họ sẽ nói rằng, “Nhóm tỳ khưu mà đi chung với đại đức Mahā Kassapa, toàn là những vị mặc y phấn tảo, đang khóc than như đàn bà vậy. Nếu họ không thể kềm chế bản thân thì làm sao họ có thể an ủi chúng ta?” và như vậy ta sẽ phải lãnh chịu sự chê trách về những hành vi của họ. Chỗ này là nơi xa xôi hẻo lánh. Nếu khi nghe tin buồn mà những vị tỳ khưu này khóc than, và gào lên một cách tự do, thì sự chê trách sẽ không giáng xuống với ta, (vì không có vị thiện tín nào ở đây để nhìn thấy họ). Nếu những vị tỳ khưu nhận tin buồn sớm thì họ sẽ không (bị sốc khi đến tại Kusināra) sầu khổ.”

Khi được hỏi bởi đại đức Mahā Kassapa, vị du sĩ trả lời, “Tôi có biết về Ngài, thưa hiền hữu. Sa-môn Gotama đã từ trần bảy ngày rồi kể từ ngày hôm nay. Sự thực thì tôi đã nhặt được bông hoa Mạn đà la này của chư thiên từ chỗ vị ấy từ trần.”

Nhân đó, một số tỳ khưu đi chung với đại đức Mahā Kassapa mà chưa đọan trừ luyến ái thì ta thán với hai tay đưa lên, họ nhào xuống đất, lăn lộn qua lại, miệng ta thán, “ Thế Tôn diệt độ quá sớm! Đấng Thiện thệ diệt quá sớm! Bậc Ngũ nhãn đã biến mất khỏi thế gian quá sớm!”

Nhưng những tỳ khưu đã đọan tận tham sân, tức là bậc Bất lai, thì trầm tĩnh kiên tâm trước sự kiện ấy với tâm quán niệm rằng: “ Tất cả các pháp hữu vi đều có tánh vô thường, làm sao có thể tìm thấy sự thường tồn trong tánh chất sanh diệt?”

Câu chuyện về Subhadda, người trở thành tỳ khưu lúc tuổi đã già

Lúc bấy giờ có một vị tỳ khưu lớn tuổi trong nhóm tỳ khưu ấy, người trở thành tỳ khưu lúc đã về già, tên là Subhadda. Khi những vị tỳ khưu khác đang khóc lóc và ta thán một cách tuyệt vọng như vậy, vị ấy bèn nói những lời gàn bướng này với họ: “ Thôi đủ rồi, thưa các hiền giả, đừng sầu não, đừng khóc than. Chỉ có bây giờ tất cả chúng ta mới hoàn toàn được thoát khỏi vị Đại Sa-môn. Ngài thường khó khăn với chúng ta bằng những lời: “ Điều này hợp với các ngươi; điều kia không hợp với các ngươi’. Bây giờ chúng ta được tự do làm điều gì chúng ta thích, và cũng tự do không làm điều gì chúng ta không muốn làm.”

Mối hằn thù của Subhadda với Đức Phật

“Tại sao tỳ khưu Subhadda nói những lời khủng khiếp ấy?” có thể nêu ra câu hỏi như vậy. Câu trả lời là: “Bởi vì vị ấy có mối hằn thù với Đức Phật.”

Bây giờ xin kể lại câu chuyện: Subhadda là một người thợ cạo chuyên nghiệp trước khi vị ấy trở thành vị tỳ khưu. Vị ấy có hai người con trai, cả hai đều xuất gia Sa-di (samaṇera), đang sống chung với vị ấy trong thị trấn Ātuna, họ có giọng nói khả ái và chuyên môn trong nghề thợ cạo. Một dịp nọ khi Đức Phật đi từ Kusināra đến Ātuna cùng với hội chúng tỳ khưu gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị, tỳ khưu Subhadda nghe được tin lành ấy và, khi khởi lên ý định sẽ tổ chức một lễ cúng dường to lớn về món cháo, vị ấy nói với hai vị sư con Sa-di rằng: “ Này các con, Đức Thế Tôn đang đi đến Ātuna cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu. Này các con, hãy đi mang theo đồ nghề hớt tóc của con, và dùng những cái bình hay những cái bao đựng, hay quyên góp từng nhà trong thị trấn những lương thực dự phòng như gạo, dầu ăn, muối, và những thứ ăn được khác, để cúng dường. Chúng ta sẽ nấu một món cháo bằng những thứ ấy và dâng cúng món cháo này đến Đức Thế Tôn.”

Hai vị Sa-di con trai của Subhadda vâng lời dặn bảo của người cha. Nhờ tài ăn nói dịu dàng khả ái và nghề thợ cạo chuyên môn của họ, nên dân chúng trong thị trấn đã cung cấp cho họ những thứ mà họ muốn. Ngay cả những người mà thực sự không cần hớt tóc hay làm tóc cũng xung phong làm tóc và hớt tóc. Sau khi họ được cắt tóc hoặc làm tóc, họ hỏi hai vị thợ cạo Sa-di, “ Này các con, các con muốn trả công bằng cái gì?” Hai vị Sa-di trả lời, “ Chúng tôi dự định dâng cúng món cháo gạo khi Đức Thế Tôn đến thị trấn của chúng ta. Bởi vậy chúng tôi chỉ muốn những thành phần cần thiết để làm món cháo.”

Và dân chúng đã cho mọi thứ cần thiết đến hai vị Sa-di một cách hào phóng, thậm chí họ không nghĩ những vật tặng của họ là món thù lao. Những thực phẩm quyên góp được rất nhiều đến nỗi hai vị Sa-di không thể tự mình mang chúng về nhà được. Các thí chủ phải giúp khiêng phụ hai vị Sa-di.

Rồi khi Đức Thế Tôn đến tại Ātuna và đi vào tịnh xá lợp tranh, tỳ khưu Subhadda bèn đi đến cổng làng vào lúc chiều tối và công bố với thị dân rằng: ‘Này các đệ tử, ta không muốn cái gì khác ngoài những nồi niêu để nấu món cháo từ những thực phẩm mà những đứa con trai của ta đã quyên góp được. Ta cũng muốn các ngươi giúp một tay để nấu món cháo.” Rồi sau khi sắp xếp sẵn chỗ nấu nướng, vị ấy đích thân giám sát mọi công việc, với chiếc y nội và chiếc y vai trái màu nâu sẩm mặc trên người. Vị ấy sữa soạn món cháo đặc biệt đáng giá một trăm ngàn, sẽ trở nên đông đặc nên phải ăn trước rồi mới uống. Món cháo ấy chứa sữa lỏng, mật ong, mật đường, cá, thịt, nước ép trái cây, v.v… Nó có mùi như sáp thơm và cũng thích hợp để được sử dụng như vậy. Ngoài món cháo phong phú này ra, vị ấy cũng sửa soạn những cái bánh mật ong.

Rồi Đức Phật, khi dậy sớm, và sau khi làm vệ sinh thân thể xong, Ngài đi đến thị trấn Ātuna, có đại chúng tỳ khưu theo cùng, để khất thực. Dân chúng bèn thông báo cho tỳ khưu Subhadda biết: “ Đức Thế Tôn hiện đang đi khất thực. Món cháo dành cho Ngài đã nấu xong chưa?”

Tỳ khưu Subhadda trong bộ y phục màu nâu sẩm được mặc thường ngày ngồi trong thế ngồi của Phạm thiên (tức là đầu gối phải của vị ấy chạm đất) và khi cầm cái vá và cái muỗng lớn trong tay, đảnh lễ Đức Phật và bạch rằng: “ Cầu xin Đức Thế Tôn thọ lãnh món cháo cúng dường của con.”

Đức Phật dò hỏi về món ăn được nấu như thế nào, những thành phần thực phẩm nào được dùng đến, v.v… ( như đã được mô tả trong Vinaya Mahāvagga, 6-Bhesajjakkhandha) và sau khi nghe trình bày mọi chuyện, Ngài quở trách tỳ khưu Subhadda về một số tội. Lúc bấy giờ Đức Phật ban hành những điều luật mới : (i) Akappiyasamādāna, có hành vi không thích hợp phạm tội tác ác (dukkaṭa) và (ii) Khurabaṇḍa pariharaṇa, cất giữ đồ nghề thợ cạo bởi người đã từng làm nghề thợ cạo cũng phạm tội tác ác.

Ngài cũng cấm các vị tỳ khưu không được thọ lãnh món cháo của tỳ khưu Subhadda bằng những lời như vầy:

“Này các tỳ khưu, các ngươi đã trải qua hằng triệu triệu đại kiếp tầm cầu vật thực. Vật thực mà bây giờ được dâng cúng bởi tỳ khưu Subhadda thì không thích hợp với các vị tỳ khưu. Nếu các ngươi thọ lãnh vật thực này thì các người sẽ bị đọa trong bốn khổ cảnh trong hằng ngàn kiếp. Này các tỳ khưu, hãy đi chỗ khác, đừng thọ lãnh món vật thực ấy.” Sau khi với họ như vậy, Đức Phật tiếp tục đi khất thực trong thị trấn. Không một vị tỳ khưu nào thọ lãnh món cháo do tỳ khưu Subhadda dâng cúng.

Tỳ khưu Subhadda vô cùng thất vọng: “Vị Sa-môn này đi chỗ này chỗ kia tuyên bố rằng, ‘ Ta là bậc Toàn tri.’ Nếu vị ấy không thọ lãnh vật cúng dường của ta thì vị ấy phải sai một ai đó đến nói với ta như vậy. Vật thực của ta hoàn toàn bị hư hoại và lãng phí. Vật thực đã được nấu chín không thể kéo dài đến bảy ngày. Nếu nó chưa được nấu thì những thứ đồ ăn này có thể kéo dài hết cuộc đời của ta. Vị Sa-môn này đã hủy hoại ta. Vị ấy có ác cảm với ta.” Tỳ khưu Subhadda đã suy nghĩ như vậy. Vị ấy nuôi hằn thù với Đức Phật. Nhưng vị ấy biết rằng, “Vị Sa-môn Gotama này xuất thân từ dòng tộc Thích Ca, là giai cấp tối cao của xã hội. Nếu ta nói ra điều gì thì ta có thể bị đàn áp mà thôi.” Và vì vậy vị ấy không than phiền ra lời trong khi Đức Phật còn tại tiền.

Xét thấy rằng vị ấy đã nghe tin Đức Phật không còn nữa, nên vị ấy cảm thấy thỏai mái và rất sung sướng. vì vậy vị ấy mới đưa ra những lời nhận xét khiếm nhã như vậy.

Dự định của đại đức Mahā Kassapa

Khi nghe tỳ khưu Subhadda thốt ra những lời nói gàn dở, đại đức Mahā Kassapa chấn động tâm can. Tựa như quả tim của trưởng lão bị đánh một quả đấm, hay như một tiếng sét ngang tai, “ Ôi, Đức Thế Tôn diệt độ vừa đúng bảy ngày. Thân màu kim sắc của Ngài vẫn còn nằm đó. Vậy mà một vị tỳ khưu xấu xa như vậy, thứ cặn bả của Giáo pháp, chiếc gai của Tăng đoàn, đã xuất hiện quá sớm để đe dọa sự tồn tại của Giáo pháp mà Đức Thế Tôn đã khổ công thành lập. Nếu vị tỳ khưu ác này không được kiềm chế thì số lượng những vị tỳ khưu tương tự như vị ấy nổi lên làm tổn hại đến Giáo pháp.” Như vậy sự kinh cảm đã sanh lên trong đại đức Mahā Kassapa.

Rồi ý nghĩ triệu tập một hội đồng gồm các vị tỳ khưu để tụng đọc và xác thực Giáo pháp đã sanh lên trong tâm trưởng lão qua những ý nghĩ được mô tả như sau:

“Nếu ta trục xuất ngay tại chỗ vị tỳ khưu già này, một người lớn tuổi mới xuất gia trong Tăng chúng, bêu xấu vị ấy và bôi tro lên người vị ấy, thì dân chúng sẽ nói rằng, ‘ Ngay cả khi nhục thân của Sa-môn Gotama vẫn còn mà đệ tử của vị ấy đã bất hoà với nhau rồi.’ Ta phải nhẫn nại.”

Vì những lời dạy của Đức Phật hiện tại giống như một đống hoa chưa được xâu thành những tràng hoa. Chỉ là một đống hoa rời rạc có thể bị những luồng gió thổi bay đi, sau này những vị tỳ khưu như Subhadda sẽ phá hoại tạng Luật bởi sự huỷ bỏ một hoặc hai điều luật lúc ban đầu; tạng Kinh sẽ bị suy giảm do bởi sự huỷ bỏ một hoặc hai bài pháp thoại vào lúc ban đầu; tạng Abhidhamma sẽ bị bỏ sót một hoặc hai pháp cùng tột vào lúc ban đầu từ những giáo lý đang tồn tại như những pháp thuộc về Dục giới, những pháp thuộc về Sắc giới, và những pháp thuộc về Vô sắc giới, và những pháp Siêu thế. Theo cách này, sự biến mất của giáo pháp sẽ xảy ra, tạng này đến tạng khác. Nếu giáo pháp có nguồn gốc ở tạng Kinh, tạng Luật hoặc tạng Abhidhamma mà biến mất thì chúng ta (tức là cả thế gian) sẽ không còn gì để thọ trì. Nếu những nhánh cây bị chặt đứt, thì vị thọ thần của cây ấy có thể trú ngụ ở thân cây; nếu thân cây bị hủy hoại thì vị thọ thần có thể trú ngụ ở rễ cây. Nhưng nếu rễ cây bị hoại thì vị thọ thần trở nên không nhà. Nếu Tam Tạng mà biến mất thì sẽ không còn gì để những người đệ tử của Đức Phật chỉ ra đâu là giáo lý của họ.

(Xin lấy một ví dụ: Vị dạ xoa cha đã truyền cho đứa con trai dạ xoa của vị ấy một lá bùa giúp cho người mang nó có thể ẩn mình. Nếu đứa con làm mất lá bùa này do tánh hay quên hoặc do bị cướp đọat thời đứa con ấy sẽ hoàn toàn tuyệt vọng. Tương tự, nếu Tam Tạng bị mất thời tất cả chúng ta đều bị mất). Do đó chúng ta sẽ triệu tập một hội đồng gồm các vị tỳ khưu và tụng Pháp và Luật. Nhờ làm vậy chúng ta sẽ đặt Giáo pháp vào đúng vị trí, có thể chịu sự tấn công giống như những bông hoa được làm cẩn thận làm thành những tràng hoa.

“Đức Thế Tôn đã đến Kusināra sau chuyến đi ba gāvutta để ta có thể làm lễ Ngài tại đó. Ngài đã thâu nhận ta vào Tăng chúng sau ba chương giáo giới. Ngài đã cho ta những chiếc y mà Ngài đang mặc để đổi lấy những chiếc y mà ta đang mặc. Khi Ngài thuyết pháp về ‘pháp hành với những ví dụ về mặt trăng’, Ngài soi sáng cho ta bằng ví dụ. Trong ba trường hợp ấy, Ngài đã cho thấy ý định của Ngài là giao lại quyền trông coi Giáo pháp của Ngài cho ta. (Hãy tham khảo ba bài kinh liên quan đến sự Giáo giới, trong Kassapa Saṃyutta). Chừng nào đứa con trai chân thật của Đức Thế Tôn như ta đây còn sống, thì con người xấu ác này đừng mong gây ảnh hưởng đến Giáo pháp này. Trước khi sự đồi bại mọc rễ, trước khi sự đồi bại làm hoen ố Giáo pháp, trước khi những điều lệ sai trái đứng vững, trước khi những điều lệ phi pháp phá hoại tạng Luật, trước khi những kẻ ác này nắm quyền hành, trước khi những người bảo vệ chánh pháp bị suy tàn, trước khi những người mà xuyên tạc Đức Thế Tôn có được sức mạnh, trước khi người giảng giải trung thành với giáo pháp của Đức Thế Tôn bị suy tàn, ta sẽ lo liệu để triệu tập một hội đồng để tụng đọc và được nhất trí chấp thuận Suttanta (Kinh), Vinaya (Luật) và Abhidhamma (Vi diệu pháp). Khi một hội đồng như vậy được triệu tập, các vị tỳ khưu sẽ học Giáo pháp nhiều đến mức họ có thể học được, và bàn luận tạng Luật về những vấn đề hợp pháp và những vấn đề phi pháp. Khi một đại hội như vậy được tổ chức, thì vị tỳ khưu già xấu ác này sẽ biết vị trí của ông ta và sẽ bị trừng phạt đúng mức và ông ta sẽ không bao giờ có thể xuất đầu lộ diện. Và trên hết, Giáo pháp của Đức Phật sẽ được định rõ và sẽ hưng thịnh.”

Những ý nghĩ nảy sanh trong tâm của đại đức Mahā Kassapa. Tuy nhiên, trưởng lão không tiết lộ ý định của mình với bất cứ vị tỳ khưu nào hay người nào khác. Trưởng lão chỉ an ủi các vị tỳ khưu đang ta thán bằng những lời thuộc giáo pháp bậc cao như vầy:

“Thôi đủ rồi, này các hiền giả, đừng có sầu khổ. Đừng có khóc. Trước kia Đức Phật đã từng thuyết giảng với các hiền giả rằng bản chất của các pháp mà gần gũi và thân ái nhất với chúng ta là chúng ta phải xa lìa chúng bằng cách này hay cách khác trong khi chúng ta còn đang sống, hay khi cái chết chia lìa chúng ta, hay khi chúng ta sanh về những cõi khác. Này các hiền giả, như vậy làm sao người ta có thể mong mõi một cái gì đó mà vốn có tánh sanh, xuất hiện, do duyên sanh, và hoại diệt, đừng có tan rã? Không thể được đối với bất cứ ai mong mõi như vậy.”

Những người Malla hoả thiêu nhục thân của Đức Phật

Bốn vị tộc trưởng gội đầu, mặc vào những y phục mới, và khi có ý định châm ngọn lửa vào giàn hoả của Đức Phật, đã châm lửa vào giàn hoả, nhưng họ đã cố hết sức mà giàn hỏa vẫn không bắt lửa.

(Ở đây, giàn hỏa bằng gỗ thơm cao một trăm hai mươi hắc tay, khi bốn người lực lưỡng không thể châm được ngọn lửa, tám người đã tham gia vào và khi tám người cũng không thể, mười sáu người, rồi đến ba mươi hai người tham gia vào công việc châm lửa. Tất cả mọi phương tiện để châm lửa cũng được áp dụng như việc quạt và thổi bằng ống thổi của thợ rèn. Nhưng tất cả đều vô hiệu.

Điều này có thể được giải thích như vầy: Tám mươi đại đệ tử của Đức Phật đều có đông đảo đồ chúng tận tâm với các ngài, khi những người này số lượng đến tám chục ngàn mà qua đời thì họ được tái sanh vào cõi chư thiên. Trong số chư thiên này, chư thiên mà có tâm tịnh tín đặc biệt đối với đại đức Mahā Kassapa khi họ còn là những cư sĩ hộ độ chư Tăng, trông thấy hoàn cảnh cấp thiết như vậy- rằng vị tỳ khưu đáng kính của họ vẫn còn đang trên đường đi từ Pāvā đến Kusināra. Bởi vậy họ đã ước nguyện cho hỏa đài không bốc cháy cho đến khi đại đức Mahā Kassapa đến nơi. Chính do ý muốn của họ mà sự cố gắng của loài người số lượng bao nhiêu cũng không thể làm cho hoả đài bốc cháy).

Rồi các vị công tử Malla hỏi đại đức Anuruddha về lý do khiến hoả đài vẫn không bốc cháy. Đại đức Anuruddha trả lời họ rằng: “Chư thiên có ý muốn khác.”

“Bạch đại đức, chư thiên có ước muốn gì ?”

“Này các vị Vaseṭṭha, đại đức Mahā Kassapa hiện đang trên đường đi từ Pāvā đến Kusināra, cùng với năm trăm vị tỳ khưu. Chư thiên đã nguyện rằng khi nào đại đức Mahā Kassapa đảnh lễ dưới chân của Đức Phật thì hỏa đài bằng các loại gỗ trầm hương mới bốc cháy.

“Bạch đại đức, hãy theo ý định của chư thiên,” các vị công tử Malla đáp lại.

Khi dân chúng đã nghe rằng vị tỳ khưu tên Mahā Kassapa đang đến để đảnh lễ dưới chân của Đức Phật, và hỏa đài bằng gỗ trầm hương sẽ không bắt lửa cho đến khi đại đức Mahā Kassapa đến nơi, họ xôn xao bàn tán rằng: “ Thưa các bạn, đại đức Mahā Kassapa có nước da màu sẫm tối hay da trắng? Vị ấy cao hay thấp? Vị ấy trông như thế nào? Này các bạn, làm sao có thể rằng trong khi có một vị tỳ khưu vĩ đại đang sống như vậy, mà Đức Thế Tôn lại qua đời?” Một số người mang các loại vật thơm, v.v… ra tiếp đón vị đại đức tỳ khưu, trong khi đó những người khác thì sửa soạn con đường mà vị ấy đang đi và đứng ở đó chờ đợi.

Rồi đại đức Mahā Kassapa đến nơi và đi đến hỏa đài được làm bằng các loại gỗ trầm hương tại điện thờ Makuṭabandhana của những vị công tử Malla trong thành Kusināra. Sau khi đắp y Tăng-già-lê ở một bên vai, chấp tay đưa lên trán, trưởng lão đi quanh hỏa đài ba vòng về phía phải. Bằng năng lực đặc biệt của trưởng lão, trưởng lão quán xét về thân đã được bọc vải của Đức Phật và biết chắc chỗ nào là chân của Đức Phật. Và khi đứng ở chỗ cuối tại vị trí chân của Đức Phật, trưởng lão nhập vào tứ thiền, và khi xuất khỏi tứ thiền, trưởng lão phát nguyện, “ Xin cho bàn chân của Đức Thế Tôn có tướng những bánh xe một ngàn căm, xuyên thủng cái hòm bằng vàng cùng với nhiều lớp vải gai bện và năm trăm cặp lớp vải, đi ra tựa trên đầu của tôi.”

Ngay khi lời nguyện này được thực hiện, thì hai bàn chân của Đức Phật xuyên thủng năm trăm lớp vải và những lớp bọc (bằng vải gai bện) như trăng rằm thoát ra khỏi những đám mây. Đại đức Mahā Kassapa đưa ra hai bàn tay màu hồng như những hoa sen mới nở, và khi nắm chắc hai bàn chân có màu kim sắc của Đức Phật đến mắt cá chân, đặt hai bàn chân trên đầu của trưởng lão, đó là cách đảnh lễ thành kính nhất.

Khi chứng kiến cảnh kỳ diệu ấy, dân chúng trổi lên tiếng tung hô vang dội và cúng dường những vật thơm, hoa, v.v… và làm lễ dưới chân của Đức Phật bằng hết lòng thành kính của họ. Năm trăm vị tỳ khưu mà đi chung với đại đức Mahā Kassapa cũng đắp y Tăng-già-lê ở một bên vai và với hai bàn tay của họ được chấp lại và đưa lên trán, đi quanh hỏa đài bằng gỗ trầm hương ba vòng theo chiều phải, và đảnh lễ dưới chân Đức Phật.

Sau khi đại đức Mahā Kassapa, dân chúng và năm trăm vị tỳ khưu đã đảnh lễ dưới chân Đức Phật bằng tất cả sự tôn kính của họ, và vào lúc đại đức Mahā Kassapa buông ra hai bàn chân của Đức Phật, hai bàn chân có màu hồng của Đức Phật trở về vị trí cũ bên trong cái hòm. Khi đôi bàn chân biến mất vào trong cái hòm bằng vàng, không một miếng gỗ trầm hương nào nhúc nhích. Sự thật thì khi đôi bàn chân của Đức Phật đi ra khỏi cái hòm bằng vàng và khi chúng đi vào trở lại, thì không có cái gì bị khuấy động, tức là không một sợi vải gai hay vải mịn, không một giọt dầu, không một miếng gỗ trầm hương bị làm cho động đậy. Khi đôi bàn chân ở bên trong cái hòm bằng vàng trở lại thì mọi thứ hoàn toàn ở trong trạng thái tĩnh lặng.

Nhưng khi đôi bàn chân của Đức Phật biến mất khỏi tầm nhìn như mặt trời hay mặt trăng lặn mất ở bên kia ngọn núi phía Tây, thì dân chúng ta thán. Họ biểu lộ thái độ thảm thiết hơn là lúc Đức Phật nhập Niết bàn.

Sau khi đại đức Mahā Kassapa và năm trăm vị tỳ khưu đảnh lễ Đức Phật lần cuối cùng, thì giàn hỏa bằng gỗ trầm hương tự nó bốc cháy không cần sự cố gắng của loài người, mà do năng lực của các vị chư thiên (hiện tượng này được gọi là sự cháy của Hỏa Đại- Tejo).

Về nhục thân của Đức Phật mà đã tự cháy như vậy, lớp da mỏng bên ngoài, lớp da dày bên trong, gân và chất bầy nhầy không còn lại dưới dạng tro hoặc bồ hóng; cái mà còn lại chỉ là xá-lợi được tạo ra từ nhục thân ấy. Nó giống như cái thùng chứa bơ trong đang cháy không để lại tro hoặc bồ hóng. Từ năm trăm mảnh vải bọc lấy thân của Đức Phật, chỉ có lớp vải trong cùng và lớp vải ngoài cùng vẫn còn y nguyên.

Những điểm ghi chú về Xá-lợi của Đức Phật

Xá lợi của chư Phật mà xuất hiện trong những đại kiếp trong thời kỳ tuổi thọ của loài người rất lâu (khoảng hằng chục ngàn năm) thì trở thành một khối cứng chắc màu kim sắc. Đức Phật Gotama của chúng ta xuất hiện trong thời kỳ tuổi thọ của loài người rất ngắn (một trăm năm). Đức Phật quán xét như vầy trước khi diệt độ: “ Trong thời kỳ mà ta diệt độ thì Giáo pháp của ta chưa lan rộng khắp nơi. Mong rằng chúng sanh từ khắp nơi có được xá-lợi từ nhục thân của ta mà chỉ nhỏ bằng hạt cải, tôn thờ chúng trong bảo tháp và làm nơi chiêm bái, và nhờ vậy có được phước dẫn đến tái sanh thiện thú.” Với ý nghĩ đầy bi mẫn như vậy, Đức Phật nguyện rằng xá-lợi của Ngài sẽ được tách ra thành nhiều mảnh nhỏ.

Trong vấn đề này, Xá-lợi của Đức Phật có hai loại chính: xá- lợi không tách ra thành nhiều mảnh, và xá-lợi tách ra thành nhiều mảnh. Trong hai loại này, bảy thứ thuộc loại đầu tiên, đó là: bốn cái răng nhọn (nanh), hai cái xương cổ, xương trán. Những xá-lợi còn lại thuộc loại thứ hai. Xá lợi thuộc loại thứ hai số lượng khoảng một giỏ đầy, (i) trong số này, những viên xá-lợi nhỏ nhất có kích cỡ bằng hạt cải, hình dạng như những nụ hoa lài màu đỏ, và số lượng khoảng sáu aḷhaka (dụng cụ để đong lường ngũ cốc). (ii) Xá-lợi cỡ trung bình lớn bằng hạt gạo bể, trông như những viên ngọc trai, và số lượng khoảng năm aḷhaka. (iii) Xá-lợi cỡ lớn bằng hạt đậu xanh, có màu kim sắc và số lượng khoảng năm aḷhaka.

(Xem Chú giải về Mahā Vagga, Dīgha Nikāya và Buddhavaṁsa Pāḷi)

Sau khi nhục thân của Đức Phật đã được hỏa thiêu bởi ngọn lửa tự nhiên bốc cháy, thì từ trên trời, do năng lực các vị chư thiên, những cột nước lớn có đường kính một sải tay, có cột nước bằng bắp chân của người đàn ông, và cột nước bằng cây thốt nốt, đổ xuống dập tắt ngọn lửa nơi hỏa đài bằng các loại gỗ trầm hương, cũng có những cột nước phun ra từ những nhánh cây Sala. Để đối phó với giàn hoả có kích thước cao một trăm hai mươi hắc tay, những cột nước có đường kính bằng cán cày phun lên từ dưới đất ở khắp các hướng của giàn hỏa. Các vị công tử Malla của xứ Kusināra mang đến nước thơm trong những cái bình bằng vàng và bằng bạc và tưới vào hỏa đài. Rồi họ cào ra lớp tro bằng những cái cày, mỗi cái được gắn vào tám lưỡi cày bằng vàng và bạc, để rải mỏng ra và làm nguội lớp tro than. Một điều đặc biết rất kỳ diệu ở đây là mặc dầu ngọn lửa đang cháy dữ dội xuyên qua những cành, nhánh và tán lá của những cây sa-la ở quanh hỏa đài, những chẳng có một ngọn lá hay bông hoa nào bị cháy. Các loại côn trùng trong những cây sa-la cũng di chuyển bò đi như bình thường, không bị ngọn lửa làm hại.

Những nghi thức cuối cùng đối với Xá-lợi của Đức Phật

Sau khi ngọn lửa nơi giàn hỏa đã được dập tắt, những vị Malla hội hợp tại hội trường để sửa soạn tổ chức một đại lễ. Họ giã chung bốn thành phần sau đây thành chất sơn phết thẩm mỹ: cây đỗ quyên, nghệ, cây đinh hương và lá của cây gamboge (gamboge: loại nhựa người Campuchia dùng làm thuốc vẽ màu vàng), để phết lên nhiều chỗ trong hội trường. Rồi họ rải các loại hoa như hoa anh thảo, hoa nhài, cỏ durva màu trắng, bột nghệ và hạt ngũ cốc rang. Họ làm một tấm màn trướng và trang trí những trang kim bằng vàng và bạc và treo lên những vật thơm, các loại hoa và những loại đá quý quanh khắp hội trường.

Rồi họ làm con đường lễ hội từ nhà hội đồng đến điện thờ Makuṭabandhana bằng cách dựng lên những bức tường giả bằng chiếu và vải dài ở hai bên con đường, dựng lên những mái vòm dọc theo con đường trên đó được gắn vào những vật trang sức bằng vàng và bạc. Những vật thơm, các loại hoa và những loại đá quý cũng được treo rải rác. Những cây cột bằng tre tươi trông như ngọc lục bảo được dựng lên dọc theo con đường với những lá cờ phướn năm màu phất phơ trong gió, con đường được làm bằng phẳng và sạch sẽ. Những cây chuối, những lu đựng đầy nước, và những cây đèn dầu có đế được đặt ở những khoảng giữa. Rồi họ đặt cái hòm bằng vàng chứa xá-lợi của Đức Phật trên con voi của vua được trang sức lộng lẫy bằng các loại ngọc. (Độc giả nên hình dung ra con đường lễ hội giữa nhà hội đồng trong thị trấn Kusināra và chỗ hỏa táng tại điện thờ Makuṭabandhana nằm ở phía đông của thị trấn).

Rồi các vị công tử Malla dẫn con voi kiết tường mang hòm xá- lợi của Đức Thế Tôn trong đám rước có ca hát và nhảy múa đi vào thị trấn Kusināra, cúng dường hương và hoa trước xá-lợi. Trong thị trấn, tại nhà hội đồng họ đã dựng lên cái bục cao gọi là Sarabha được chống đỡ bởi tượng đá sư tử (cái bục được trang trí bởi bảy loại châu báu). Ở đó họ đặt xá-lợi của Đức Phật, ở bên trên được che bằng cái lọng trắng.

Quanh nhà hội đồng nơi xá-lợi được đặt một cách trang nghiêm, sự bảo vệ an toàn được sắp xếp chặt chẽ. Quanh nhà hội đồng có đội tượng binh đứng san sát bên nhau. Bên ngoài vòng tròn của những con voi có đội kỵ binh gồm những con ngựa đứng sát bên nhau. Và bên ngoài vòng tròn của đội kỵ binh có đội xa binh đứng sát bên nhau. Bên ngoài vòng tròn của đội xa binh, những người lính bộ binh đứng canh phòng trong một vòng tròn chặt chẽ. Bên ngoài vòng tròn của đội kỵ binh có đội tiễn binh đứng sát cánh. Và bên ngoài vòng tròn của đội tiễn binh có đội lính cầm thương trong đội hình gần sát nhau. Như vậy, sự bảo vệ an toàn được mở rộng ra một do-tuần khắp các hướng trông như một mạng lưới khổng lồ bằng những chiếc áo giáp. Trong bảy ngày, lễ trà tỳ được tổ chức rất tưng bừng.

Các vị công tử Malla tổ chức những buổi lễ này chỉ nửa tháng sau khi Đức Phật diệt độ bởi vì nửa tháng trước họ bận rộn chăm lo các nhu cầu của chúng Tăng về chỗ ngụ và những bữa ăn. Bây giờ họ nghĩ rằng, “Bây giờ chúng ta sẽ tổ chức sự kiện trọng đại bằng những lễ hội vui vẻ kết hợp với lòng tịnh tín trải qua suốt bảy ngày. Suốt bảy ngày hội hè ấy chúng ta phải đảm bảo là xá-lợi của Đức Phật được an toàn không bị trộm cắp, vì thế chúng ta sẽ canh giữ xá-lợi bằng hết khả năng của chúng ta.” Vì vậy mà có những sự sắp xếp an toàn tỉ mỉ.

Sự phân chia xá-lợi

Vua Ajātasattu (A-xà-thế) của nước Magadha (Ma-kiệt-đà) nghe tin Đức Phật đã diệt độ tại Kusināra. Tin ấy đến với đức vua theo cách như vầy:

Trước hết các vị quan của vua Ajātasattu nghe tin Đức Phật diệt độ và họ nói với nhau: “ Ngay cả một nhân vật vĩ đại như Đức Phật cũng đã qua đời rồi. Không có cái gì trong thế gian có thể làm cho Đức Phật sống lại được. Trong số những người phàm phu, đức vua của chúng ta đứng đầu về sự tịnh tín đối với Đức Phật. Nếu vị ấy biết tin này theo cách bình thường thì chắc chắn vị ấy sẽ vỡ tim mà chết. Bởi vậy chúng ta phải nghĩ cách để vị ấy không chết khi nghe tin này.” Sau khi bàn bạc với nhau, họ làm sẵn ba cái máng bằng vàng đựng đầy thức uống gồm bốn chất dinh dưỡng (đó là dầu mè, mật ong, bơ và mật đường). Rồi họ tâu với vua Ajātasattu:

“Tâu bệ hạ, chúng thần vừa có một giấc mơ xấu. Để xua tan những hậu quả xấu của cơn ác mộng ấy chúng thần muốn khuyên bệ hạ hãy mặc vào chiếc áo trắng hai lớp và nằm vào cái máng ngâm mình trong bốn dưỡng chất chỉ chừa lại cái mũi ở bên trên thức uống ấy.”

Đức vua tin vào lòng trung thành của quần thần và phán rằng: “Này các khanh, hãy làm như các khanh nói,” và khi mặc vào chiếc áo trắng hai lớp, vị ấy ngâm mình trong thức uống ấy ở trong cái máng, chỉ chừa lại cái lỗ mũi để hít thở.

Rồi một vị quan, sau khi cởi bỏ chiếc áo quan (và mặc vào y phục giản dị), đầu tóc rối bù, mặt hướng về Kusināra nơi mà Đức Phật đã viên tịch, chấp tay đưa lên và tâu với vua Ajātasattu:

“Tâu bệ hạ, không ai có thể thoát khỏi cái chết. Người bảo vệ đời sống của chúng ta, bảo tháp của chúng ta, mảnh ruộng màu mỡ để gieo hạt giống phước đức của chúng ta, Thầy của chư thiên và nhân loại, đã qua đời tại Kusināra!”

Khi vua Ajātasattu vừa nghe tin này, thì vị ấy ngất xỉu. Thân của vị ấy bị đốt nóng bởi nỗi sầu khổ đến nỗi hỗn hợp nước mà vị ấy ngâm mình trong đó trở nên sủi bọt. Nhân đó các quan khiêng đức vua ra khỏi cái máng và đặt vị ấy vào cái máng thứ hai được đổ đầy nước gồm bốn dưỡng chất. Vua Ajātasattu tỉnh lại và hỏi: “Này các khanh, các khanh vừa nói gì?”

“Tâu bệ hạ, Đức Thế Tôn đã qua đời rồi.” và vua Ajātasattu lại ngất xỉu một lần nữa. Nước trong cái máng lại sủi bọt vì hơi nóng phát ra trong thân của vua. Rồi các quan lại đưa đức vua ra khỏi cái máng và đặt vị ấy vào trong cái máng thứ ba được đổ đầy nước gồm bốn dưỡng chất. Khi đức vua tỉnh lại, vị ấy lại hỏi các quan đã nói gì. Tin được tâu lên vị ấy, và vị ấy lại bất tỉnh. Rồi các quan đưa đức vua ra khỏi cái máng, tắm cho vị ấy trong nước thơm, và xối xuống những bình nước mát từ trên đầu của vị ấy.

Khi vua Ajātasattu tỉnh lại, vị ấy đứng lên và khi buông xõa mớ tóc rối bù trên cái lưng rộng của vị ấy, đấm ngực trong sự tuyệt vọng và giữ chặt cái ngực màu kim sắc của vị ấy bằng những ngón tay màu hồng tựa như giữ lại để nó khỏi bị vỡ tung, than khóc và chạy ra ngoài dọc theo con đường lớn như người điên.

Vua Ajātasattu được theo hầu bởi đoàn vũ nữ của hoàng cung được trang điểm xinh đẹp, rời khỏi kinh thành và đi vào tịnh xá trong vườn Xoài của ngự y Jīvaka. Tại đó, đức vua nhìn chăm chú vào chỗ mà Đức Phật đã từng thuyết pháp và ta thán:

“Ôi Bậc Ứng Cúng, Đức Phật Chánh Biến Tri! Có phải Ngài không còn thuyết pháp cho con nghe nữa? Có phải Ngài không còn lấy ra khỏi quả tim của chúng con những cung tên sầu khổ bằng những bài pháp của Ngài? Chúng con là một trong những đệ tử của Ngài đã quy y theo Ngài, đã an trú trong Tam bảo. Nhưng giờ đây Ngài không nói với con một lời nào!”

“Bạch Đức Thế Tôn! Trong những lần trước, khoảng vào giờ này, con được nghe tin lành về Đức Phật và đại chúng tỳ khưu đã đi đến nhiều nơi trong Nam thiện Bộ châu này. Nhưng bây giờ, con chỉ nghe tin xấu về sự diệt độ của Ngài!”Như vậy, vị ấy tiếp tục ta thán về sự diệt độ của Đức Phật khi hồi tưởng về oai đức của Đức Phật trong sáu mươi câu kệ.

Sau đó đức vua tự nghĩ: “ Ta thán một mình cũng chẳng đưa ta đến đâu.Có công việc hệ trọng hơn là lấy về Xá-lợi của Đức Phật”.

Rồi vua Ajātasattu của nước Maghda sai sứ giả đi đến các vị công tử Malla của xứ Kusināra, nói rằng: “ Thưa các vị công tử Malla của xứ Kusināra, Đức Thế Tôn thuộc giai cấp Sát-đế-lỵ; Ta cũng thuộc giai cấp Sát-đế-lỵ. Do đó, ta có quyền được một phần xá-lợi của Đức Thế Tôn. Ta cũng sẽ xây dựng một bảo tháp, ở đó Xá-lợi của Đức Thế Tôn sẽ được tôn thờ.”

Sau khi sai sứ giả đi rồi, vua Ajātasattu suy nghĩ: “Thật tốt thay nếu các vị công tử Malla đáp ứng yêu cầu của ta. Nhưng nếu họ từ chối, thì chúng ta sẽ lấy Xá-lợi bằng vũ lực.” Do đó, (i) vị ấy dẫn theo bốn loại quân binh, gồm tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh, và đi đến Kusināra.

Những hành động tương tự như gởi các sứ giả cũng được thực hiện bởi: (ii) Các công tử Licchavī của kinh thành Vesalī, (iii) Các vị Thích ca của kinh thành Kapilavatthu, (iv) vua Buli (Kābuli) của nước Allakappa, (v) Những vị công tử Koliya ở Rāma.

Hơn nữa, họ cũng nghĩ rằng, “Thật tốt thay nếu các vị công tử Malla đáp ứng yêu cầu của ta. Nhưng nếu họ từ chối, thì chúng ta sẽ lấy Xá-lợi bằng vũ lực.” Do đó, họ dẫn theo bốn loại quân binh, gồm tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh, và đi đến Kusināra.

Bà-la-môn Veṭṭhadīpa nghe tin Đức Phật đã diệt độ tại Kusināra. Vị ấy cũng sai sứ giả đi đến các vị công tử Malla của xứ Kusināra, nói rằng: “Thưa các vị công tử xứ Kusināra, Đức Thế Tôn thuộc giai cấp Sát-đế-lỵ, Tôi cũng thuộc giai cấp Bà-la-môn. Do đó, tôi có quyền được một phần Xá-lợi của Đức Thế Tôn. Tôi cũng sẽ dựng lên một bảo tháp, ở đó Xá-lợi của Đức Thế Tôn sẽ được tôn thờ.” Ngoài việc sai sứ giả ra đi, vị Bà-la-môn cũng đi đến Kusināra cùng với tùy tùng của vị ấy.

Các vị công tử Malla của xứ Pāvā, cũng như vua A-xà-thế, đã sai sứ giả đi đến Kusināra yêu cầu được chia một phần Xá-lợi. Họ cũng đi đến Kusināra dẫn theo bốn đội quân binh.

(Trong bảy nhóm đối thủ đòi chia Xá-lợi, những người Pāvā ở gần Kusināra nhất, chỉ cách 3 gāvuta (tức là ba phần tư do tuần). Nhưng họ lại đến sau cùng bởi vì họ bận sắp xếp những nghi lễ kỹ lưỡng hơn).

Bảy nhóm đối thủ đòi chia Xá-lợi đã gởi đi những sứ giả của họ và đồng thời bao vây kinh thành Kusināra, họ tuyên bố là nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng thì họ sẽ tiến hành chiến tranh. Câu trả lời của các vị công tử Malla của xứ Kusināra là:

“Chúng tôi không sai sứ giả đi thỉnh Đức Thế Tôn đến chỗ của chúng tôi, cũng không đích thân đi đến Đức Thế Tôn. Sự thật thì Đức Thế Tôn tự nguyện đến đây và thông báo với chúng tôi về sự đi đến của Ngài. Đương nhiên, quý vị sẽ không chia sẻ bất cứ tài sản nào mà sanh lên bên lãnh địa của quý vị. Trong thế giới chư thiên và tất cả chúng sanh không có tài sản nào cao quý bằng Đức Thế Tôn. Chúng tôi có tài sản vĩ đại nhất mà đã đến với chúng tôi. Thế nên, bằng bất cứ giá nào, chúng tôi không thể chia sẻ tài sản cho quí vị. Quý vị đã được nuôi dưỡng bởi những người mẹ, chúng tôi cũng vậy. Quý vị là những người dũng cảm, chúng tôi cũng vậy. Nếu quí vị chọn chiến tranh thì cứ chiến tranh.”

Như vậy thái độ tự phụ đã sanh lên trong cả hai bên. Sự căng thẳng trở nên to lớn. (Nếu có chiến tranh thì những người Malla của xứ Kusināra chắc chắn sẽ chiến thắng vì chư thiên đến để tôn kính đảnh lễ Xá-lợi của Đức Phật sẽ có cái nhìn đúng đắn rằng Xá-lợi là tài sản hợp pháp của những vị công tử Malla xứ Kusināra).

Bà-la-môn Doṇa phân chia Xá-lợi

Khi vị Bà-la-môn Doṇa biết được tình thế căng thẳng giữa bảy phe tranh chấp, vị ấy suy nghĩ: “ Những vị công tử này đang tạo ra sự mất tôn nghiêm nơi mà Đức Thế Tôn đã viên tịch. Đây là điều sai lầm nhất vì không ai có được lợi ích từ chiến tranh cả. Ta sẽ giải hòa tất cả họ.” Bởi vậy ông ta xuất hiện trước mọi người, đứng trên một gò đất nhỏ và thốt lên một loạt những câu kệ tán dương oai đức của Đức Phật. Những bài kệ của ông ta được gọi là Doṇagajjita, bài tán dương Đức Phật của Doṇa. Tại những cuộc đại hội kết tập Tam tạng, những bài kệ này mất hai buổi tụng đọc.

(Câu chuyện về Bà-la-môn Doṇa có được khả năng xuất thơ một bài tán dương mạnh mẽ nên được lưu ý ở đây. Vào một dịp nọ, khi Đức Phật đang du hành từ Ukkaṭṭha đến Setabya, Ngài để lại dấu chân với lời nguyện rằng: “ Dấu chân này của ta còn nguyên vẹn cho đến khi Bà-la-môn Doṇa nhìn thấy,” và ngồi nghỉ dưới một cội cây.

Khi Bà-la-môn Doṇa đi dọc theo con đường và trông thấy dấu chân, vị ấy biết chắc rằng “ đây là dấu chân của nhân vật vĩ đại nhất trong tất cả chúng sanh bao gồm chư thiên.” Rồi vị này lần theo dấu vết của Đức Phật và gặp Đức Phật (đang nghỉ dưới cội cây). Đức Phật thuyết pháp đến vị này. Bà-la-môn Doṇa có niềm tịnh tín với Đức Phật nên ông ta có khả năng ngâm lên bài kệ tán dương Đức Phật dài như vậy).

Dầu những bài kệ của ông Bà-la-môn dài đến hai buổi tụng đọc, vì những vị công tử đang tranh chấp, họ không nghe nửa phần đầu chút nào cả. Chỉ đến khi nửa phần thứ hai gần hết họ mới nhận ra giọng nói. “Lành thay, đây là giọng nói của ông thầy của chúng ta! Thưa các bạn, đây là giọng nói của ông thầy của chúng ta, phải không?” Rồi tất cả sự ầm ĩ đều lắng xuống do sự tôn kính đối với Bà- la-môn Doṇa, vì trong tất cả Nam thiệm Bộ châu lúc bấy giờ hầu hết tất cả những vị thiên nam tử đều là học trò của Bà-la-môn Doṇa. Số rất ít trong bọn họ mới không biết ông ta là một vị giáo sư. Khi Bà-la-môn Doṇa biết rằng các vị công tử đang sẵn sàng lắng nghe ông ta thì ông ta nói với họ rằng:

“Thưa các ngài, hãy lắng nghe một lời nói của tôi. Đức Phật của chúng ta là bậc đề cao pháp nhẫn nại. Thật không thích hợp để tạo ra chiến tranh về vấn đề phân chia Xá-lợi của Ngài, bậc có đức tánh cao quý như vậy.

“Thưa các vị, tất cả chúng ta hãy đồng tâm nhất trí chia xá-lợi ra làm tám phần. Có những chúng có lòng tịnh tín với Đức Phật. Cần có những bảo tháp để tôn thờ Ngài ở khắp nơi.”

Các vị Vương tôn đều vâng lời: “Thưa thầy Bà-la-môn,” họ nói “ trong trường hợp ấy, xin thầy hãy đứng ra phân chia đồng đều Xá- lợi của Đức Thế Tôn thành tám phần.”

“Tốt lắm, thưa các vị,” Bà-la-môn Doṇa đồng ý và cho người mở ra cái hộp bằng vàng đựng Xá-lợi. Khi trông thấy màu kim sắc của Xá-lợi nằm bất động bên trong cái hộp, tất cả các vị vương tôn đều than khóc.

“Ôi, Đức Thế Tôn Toàn tri! Trước đây chúng con từng nhìn thấy cảnh rực rỡ của Đức Thế Tôn với nước da màu kim sắc, có ba mươi hai hảo tướng của bậc Đại Nhân, phát ra hào quang sáu màu, và được tô điểm bởi tám mươi tướng phụ của một vị Phật. Nhưng giờ đây chúng con chỉ trông thấy Xá-lợi màu kim sắc của Đức Thế Tôn mà thôi. Ôi chúng con thật bất hạnh biết bao!”

Khi ông Bà-la-môn trông thấy các vị vương tôn đang sầu muộn không chú ý đến ông ta thì ông ta chộp lấy cái răng nhọn bên phải và giấu nó trong búi tóc trên đầu của ông ta. Khi các vị vương tôn đã bình tĩnh thì ông ta lấy tám phần xá-lợi trong cái giỏ và chia cho họ, mỗi phần đong được 2 aḷhaka, cả thảy là mười sáu aḷhaka.

Ngay cả trong khi ông Bà-la-môn Doṇa phân chia xá-lợi thì Sakka đang dò xem. “ Chiếc răng nhọn bên phải của Đức Phật, của Đức Thế Tôn, Bậc thuyết giảng Tứ Diệu Đế để đọan trừ tất cả hoài nghi trong tâm của chư thiên và nhân loại, bây giờ đâu mất rồi? Ai lấy nó?” Vị ấy nhìn lướt và trông thấy cái răng nhọn bên phải được giấu trong búi tóc trên đầu của Bà-la-môn Doṇa. Sakka suy nghĩ: “Cái răng nhọn này của Đức Phật, đó là một di vật quý báu. Ta sẽ lấy nó? Và vì vậy vị ấy đã lấy nó (trường hợp “kẻ trộm cắp bị lấy cắp”) từ Bà-la-môn Doṇa và trân trọng đặt nó trong cái giỏ bằng vàng (cái tách) và đem chiếc răng nhọn ấy về cõi Tam thập Tam thiên, ở đó vị ấy tôn trí răng trong bảo tháp Cūḷāmaṇi.

Sau khi phân chia Xá-lợi cho tám vị vua của tám nước, Bà-la- môn Doṇa dùng bàn tay sờ lại trên búi tóc để cầm chắc còn cái răng nhọn ở đó. Nhưng, than ôi! Nó không còn ở đó nữa. Nhưng vì ông ta đã lấy cắp nó nên ông ta không dám mở miệng hỏi người khác về cái răng ấy. Nếu ông ta đòi một phần Xá-lợi thì các vị vua sẽ nói rằng: “Thưa thầy, thầy đã tự mình đứng ra chia Xá-lợi. Tại sao thầy không nghĩ cho mình để lấy một phần?” Bởi vậy ông ta tự an ủi với ý nghĩ rằng: “Cái giỏ đong lường này được dùng để chia xá-lợi đã trở nên bất khả xâm phạm. Ta hài lòng khi có được nó. Ta sẽ xây dựng một bảo tháp để tôn thờ nó.” Và vị ấy nói với các vị vua:

“Thưa các vị, hăy cho tôi giữ lại cái giỏ đong lường aḷhaka được dùng để phân chia Xá-lợi. Tôi sẽ xây dựng một bảo tháp để tôn thờ.”

Các vị vua đồng ý và như vậy Bà-la-môn Doṇa lấy cái giỏ đong lường aḷhaka, đã được dùng để phân chia Xá-lợi.

Các vị công tử Mauriya, những người đến trễ xuất hiện

Các vị công tử Mauriya của nước Pippalivana cũng nghe tin rằng Đức Phật đã diệt độ, và họ cũng như vua Ajātasattu, cũng sai sứ giả đi đến Kusināra để yêu cầu được chia phần Xá-lợi, và họ cũng dẫn theo bốn binh chủng. Họ đến trễ.

Các vị công tử Malla của nước Kusināra nói với họ rằng: “Không còn phần Xá-lợi nào của Đức Phật. Tất cả những người đến đòi phần Xá-lợi đã chia Xá-lợi với nhau hết rồi. Hãy lấy tro than từ chỗ hỏa táng.” Và các vị công tử Mauriya phải lấy phần tro than từ chỗ hỏa táng.

Sự xây dựng bảo tháp để tôn thờ Xá-lợi

1. Vua Ajātasattu của nước Magadha xây dựng một bảo tháp tại Rājagaha ở đó vị ấy tôn trí Xá-lợi của Đức Phật để tôn thờ.

2. Các vị công tử Licchavī của kinh thành Vesalīđã xây dựng một bảo tháp tại Vesalī, ở đó họ tôn trí Xá-lợi của Đức Phật để tôn thờ.

3. Những vị hoàng tử dòng Thích ca của nước Kapilavatthu xây dựng một bảo tháp tại Kapilavatthu, ở đó họ tôn trí Xá-lợi của Đức Phật để tôn thờ.

4. Các vị hoàng tử Kābuli của nước Allakappa xây dựng một bảo tháp tại Allakappa, ở đó họ tôn trí Xá-lợi của Đức Phật để tôn thờ.

5. Các vị hoàng tử Koḷiya của ngôi làng Rāma xây dựng một bảo tháp tại ngôi làng Rāma, ở đó họ tôn trí Xá-lợi của Đức Phật để tôn thờ.

6. Bà-la-môn Veṭṭhadīpa xây dựng một bảo tháp tại xứ Veṭṭhadīpa của vị ấy và tôn trí Xá-lợi của Đức Phật để tôn thờ.

7. Các vị công tử Malla của nước Pāvā xây dựng bảo tháp tại Pāvā và tôn trí Xá-lợi của Đức Phật để tôn thờ.

8. Các vị công tử Malla của xứ Kusināra xây dựng một bảo tháp tại Kusināra và tôn trí Xá-lợi của Đức Phật để tôn thờ.

9. Bà-la-môn Doṇa xây dựng một bảo tháp và tôn trí cái giỏ đong lường aḷhaka trong đó để tôn thờ.

10. Các vị công tử Mauriya của xứ Pippalivana xây dựng một bảo tháp và tôn trí những mảnh than tro từ chỗ trà tỳ để tôn thờ.

Như vậy có tám bảo tháp thờ Xá-lợi của Đức Phật, bảo tháp thứ chín thờ cái giỏ đong Xá-lợi, và bảo tháp thứ mười thờ tro than, tổng cộng là mười bảo tháp.

Bảo tháp của vua Ajātasattu

Sự xây dựng và những chi tiết liên quan khác

Trong mười bảo tháp kể trên, chúng tôi xin kể lại những sự kiện liên quan đến sự xây dựng bảo tháp của vua Ajātasattu theo đúng lời kể trong bộ Chú giải và Phụ chú giải của bộ Mahā Vagga (Dīgha Nikāya).

Vua Ajātasattu mang về kinh đô phần Xá-lợi được chia trong một nghi lễ rất long trọng. Vị ấy sửa soạn quãng đường dài hai mươi lăm do tuần của chuyến đi giữa Kusināra và Rājagaha thành con đường lớn có bề rộng tám usabha, mặt đườngđược làm cho bằng phẳng. Vị ấy cho sắp xếp mọi công việc rất chu đáo giống như các vị công tử Malla đã làm đối với con đường mà nhục thân của Đức Phật được khiêng đi giữa điện thờ Makuṭabandhana và nhà hội đồng. Ngoài ra để cúng dường Xá-lợi bằng nhiều cách, vị ấy sắp xếp cho mở những quán xá ở những nơi khác nhau suốt con đường dành cho những đám đông. Cái hộp bằng vàng đựng Xá-lợi được đặt trong một cái hòm bằng vàng và được khiêng đi rất long trọng và đầy tôn kính, được hộ tống bởi một đại binh cầm thương.

Trước khi Xá-lợi đến kinh đô tại Rājagaha, vua Ajātasattu truyền lịnh cho dân chúng đi đến chỗ tụ họp rộng năm trăm do tuần. Những lễ hội bắt đầu từ Kusināra được tiếp tục suốt dọc đường dưới sự hộ tống của đông đảo quân sĩ. Bất cứ cây ra hoa nào có màu kim sắc đang nở hoa thì vua cho đặt Xá-lợi trong một vòng đai gồm những người lính cầm thương và tổ chức những nghi lễ cúng dường, được kéo dài trong thời gian những bông hoa chưa úa tàn. Rồi đám rước tiếp tục lên đường từ chỗ đó. Ở mỗi đọan đường mà chiếc xe rước Xá- lợi đi qua, đám rước dừng lại để tổ chức những lễ hội và những nghi lễ cúng dường, kéo dài trong bảy ngày. Như vậy đám rước di chuyển một cách ung dung đến nỗi phải mất bảy năm, bảy tháng và bảy ngày mới đến Rājagaha.

Những người tin theo các tà kiến cất lên tiếng kêu ca rằng đức vua Ajātasattu tổ chức những buổi lễ mai táng nhân sự diệt độ của sa- môn Gotama đi ngược lại ước muốn của mọi người và những lễ hội này gây ra sự lơ đãng công việc cho những người có đời sống khó khăn. Bằng sự chống báng như vậy, tám mươi sáu ngàn người chấp theo tà kiến bị xúi dục bởi những tâm bất hảo về Tam Bảo mà kết quả là họ bị tái sanh vào bốn khổ cảnh.

Các vị La-hán lúc bấy giờ đã xem lại tình huống. Những lễ hội kéo dài đối với đám rước Xá-lợi đang tạo ra sự đi quá giới hạn của Tam Bảo trong dân chúng mà thực sự không được ưa thích. Bởi vậy các ngài nghĩ cách tìm sự hợp tác của chư thiên để tăng tốc cho đám rước của đức vua đến Vương xá thành. Các ngài yêu cầu Sakka, vua của chư thiên: “Hỡi Sakka, hãy nghĩ một cách nào đó để tăng tốc cho sự chuyên chở Xá-lợi đi đến Rājagaha.”

Sakka đáp lại: “Bạch đại đức, không có kẻ phàm phu nào mà có tâm tịnh tín đối với Tam bảo như vua Ajātasattu. Vị ấy sẽ không nghe lời khuyên của con. Nhưng con sẽ dùng cách khác Một cách khả thi là chính con sẽ hoá ra hình tướng dữ tợn mà Ác ma từng làm, để tạo ra những âm thanh ghê sợ đe dọa sẽ nhập vào mọi người, khiến cho mọi người bị hắt hơi, khiến cho mọi người ăn không ngon. Khi con đã dùng những cách ấy, chư đại đức nên nói với vua Ajātasattu rằng: “ Những lễ hội được kéo dài đối với chiếc xe chở Xá-lợi đã làm chư thiên phẫn nộ. Xin hãy đẩy nhanh đám rước về Rājagaha.” Chỉ có lời khuyên của chư đại đức, vua Ajātasattu mới đẩy nhanh đám rước. Và Sakka đã làm phận sự của vị ấy như đã dự tính, gây ra sự khiếp sợ trong dân chúng.

Rồi các vị A-la-hán đi đến vua Ajātasattu và nói rằng: “Thưa bệ hạ, những lễ hội kéo dài đối với chiếc xe chở Xá-lợi đã làm chư thiên phẫn nộ. Xin hãy đẩy nhanh đám rước về Rājagaha.” Vua Ajātasattuđáp lại rằng, ‘ Kính bạch chư đại đức, bản thân con vẫn chưa thỏa mãn một cách đầy đủ trong việc tôn kính cúng dường Xá- lợi. Tuy nhiên, con sẽ làm theo lời khuyên của chư đại đức.” Và do vậy, vị ấy truyền lịnh tăng nhanh chiếc xe chở Xá-lợi về Rājagaha. Lịnh truyền này được ban ra khi bảy năm và bảy tháng đã trôi qua đối với chuyến đi về Rājagaha của chiếc xe chở Xá-lợi Phật. Và sau bảy ngày tiếp theo, đám rước đã về đến nơi đã định.

Vua Ajātasattuđã xây dựng lên một bảo tháp ở Rājagaha để tôn kính cúng dường Xá-lợi. Những vị vua và Bà-la-môn khác mà đã nhận được phần chia xá-lợi của họ, hay cái giỏ đong lường Xá-lợi hoặc tro than, cũng dựng lên những bảo tháp để tôn kính cúng dường Xá-lợi, tùy theo khả năng của họ, tại kinh đô của họ. Những sự kiện này đã được ghi lại, trong nhan đề “Sự tôn kính cúng dường Xá-lợi bằng sự xây dựng lên những bảo tháp” trong đó giải thích rằng: “Vua Ajātasattu của nước Magadha đã dựng lên một bảo tháp tại Rājagaha để tôn thờ Xá-lợi của Đức Phật,” đã được tụng đọc tại hai cuộc Kiết tập Tam tạng lần thứ Hai và thứ Ba.

Đại đức Mahā Kassapa và vua Ajātasattu cùng hợp tác trong việc xây dựng chỗ xây dựng tôn thờ Xá-lợi kín đáo

Sau khi các vị vua và Bà-la-môn đã dựng lên những bảo tháp tại những địa điểm của họ để tôn thờ Xá-lợi của Đức Phật thì đại đức Mahā Kassapa bằng năng lực đặc biệt của vị ấy thấy được tương lai, đã thấy rằng:

(1) Những bảo tháp ấy có thể bị ăn cắp bởi những người chấp theo tà kiến, và

(2) Nếu một chỗ cất giữ kín đáo được xây dựng thì những Xá-lợi ấy sẽ được vua Asoka tìm thấy và sẽ trải rộng Xá-lợi khắp cõi Nam thiện Bộ châu, để đem lại lợi ích to lớn cho chư thiên và nhân loại.

Bởi vậy đại đức Mahā Kassapađi đến vua Ajātasattu và nói lời trang trọng rằng: “Thưa đại vương, có một điều rất cần làm là một chỗ cất giữ kín đáo cần phải được xây dựng để bảo vệ Xá-lợi”.

“Lành thay, bạch đại đức,” Vua Ajātasattu nói: “Hãy để phần xây dựng chỗ kín đáo cho trẫm, nhưng làm sao để gom Xá-lợi ở những nơi khác lại?”

“Thưa đại vương, việc gom Xá-lợi tại những địa điểm của những vị vua và Bà-la-môn khác là phận sự của chúng tôi, không phải của đại vương.”

“Lành thay, bạch đại đức, xin chư đại đức hãy gom về tất cả Xá-lợi ấy. Trẫm sẽ xây dựng chỗ cất giữ.”

Sau khi đạt đến chỗ thông suốt này, đại đức Mahā Kassapađi đến những người đã nhận lãnh phần chia Xá-lợi, và giải thích với họ về cái thấy trong tương lai của vị ấy, và có thể thâu gom Xá-lợi, chỉ để lại một lượng Xá-lợi vừa phải tại những chỗ tôn thờ ấy. Tất cả Xá-lợi được thâu gom như vậy được mang đến Rājagaha.

Xá-lợi tại ngôi làng Rāma là một ngoại lệ. Ở đó những vị rồng (nāga) đang canh giữ Xá-lợi và do vậy được an toàn không bị trộm cắp. Đại đức Mahā Kassapa thấy trước rằng sau này Xá-lợi của ngôi làng Rāma sẽ được tôn trí khi bảo tháp Mahācetiya được dựng lên tại tịnh xá Mahāvihāra ở Sri Laṅkā. Bởi vậy xá-lợi từ chỗ ấy không nằm trong số những Xá-lợi được thâu gom và mang đến Rājagaha. Ở đó tại khu vực về phía Đông Bắc của thành đô, đại đức Mahā Kassapađã phát nguyện: “Xin cho vùng đất tại chỗ này được hoàn hảo và sạch sẽ. Nếu có những tảng đá to nào thì xin cho biến mất ngay bây giờ. Xin đừng có nước xuất hiện ở đây.”

Vua Ajātasattu truyền lịnh cho người làm công việc đào đất tại chỗ ấy. Đất được đào lên ở đó được làm thành những viên gạch. Rồi vị ấy cho xây dựng tám mươi bảo tháp để tôn thờ tám mươi vị đại đệ tử. Khi được hỏi công trình gì, đức vua trả lời đó là công trình xây dựng bảo tháp để tôn thờ tám mươi vị đại đệ tử. Không ai được cho biết rằng Xá-lợi của Đức Phật nằm ở bên dưới.

Sự tôn trí Xá-lợi trong hàng loạt những cái hộp (cái bình)

Ở độ sâu khoảng tám mươi hắc tay, một cái bệ bằng đồng được lát xuống trên đó một ngăn phòng bằng đồng bề rộng bằng cái bảo tháp được dựng lên. Rồi một loạt tám bộ gồm những đồ chứa đủ cỡ bắt đầu từ những cái hộp bằng gỗ đàn hương màu kim sắc và tám bộ gồm những cái tháp nhỏ bằng gỗ đàn hương màu kim sắc được làm sẵn, cái này được bao bọc bởi cái kia theo thứ tự sau đây:

Xá lợi của Đức Thế Tôn trước tiên được đặt trong một cái hộp được làm bằng gỗ đàn hương màu kim sắc. Rồi cái hộp này được đặt trong cái hộp thứ hai cũng bằng gỗ đàn hương. Rồi nó lại được đặt trong cái hộp thứ ba bằng vật liệu tương tự. Bằng cách này tám cái hộp bằng gỗ đàn hương màu kim sắc cái này được đặt trong cái kia thành một cái hộp có tám lớp hộp bằng gỗ đàn hương màu kim sắc.

Cái hộp tám lớp bằng gỗ đàn hương màu kim sắc này được tôn trí trong một loạt tám cái tháp được làm bằng gỗ đàn hương màu kim sắc, mỗi cái tháp được bạc ngoài bởi cái tháp khác để cuối cùng một cái tháp có tám lớp bằng gỗ đàn hương màu kim sắc được tạo ra.

Tương tự, cái tháp bằng gỗ đàn hương màu kim sắc này được bao bọc trong một loạt tám cái hộp bằng ngà voi tạo thành một cái hộp chứa tám lớp hộp bằng ngà voi. Cái hộp tám lớp bằng ngà voi này được tôn trí trong một loạt tám cái tháp bằng ngà voi, mỗi cái được bọc trong cái kia, tạo thành một cái tháp có tám lớp tháp bằng ngà voi được hình thành.

Tương tự, cái tháp bằng ngà voi này được bao bọc trong một loạt tám cái hộp được làm bằng bảy loại ngọc. Cái hộp tám lớp bằng bảy loại ngọc này được tôn trí trong một loạt tám cái tháp được làm bằng bảy loại ngọc, mỗi cái được bọc trong cái kia thành một cái tháp có tám lớp bằng bảy loại ngọc được hình thành.

Tương tự, cái tháp bằng bảy loại ngọc này được đặt trong một loạt tám cái hộp bằng bạc tạo thành một cái hộp chứa tám lớp hộp bằng bạc. Cái hộp có tám lớp bằng bạc này được tôn trí trong một loạt tám cái tháp bằng bạc, mỗi cái được bọc trong cái kia để rồi một cái tháp có tám lớp tháp bằng bạc được hình thành.

Tương tự, cái tháp bằng bạc này được đặt trong một loạt tám cái hộp bằng ngọc lục bảo tạo thành một cái hộp có tám lớp hộp bằng ngọc lục bảo. Cái hộp có tám lớp bằng ngọc lục bảo này được tôn trí trong một loạt tám cái tháp bằng ngọc lục bảo, mỗi cái được bọc trong cái kia để một cái tháp có tám lớp tháp bằng ngọc lục bảo được hình thành.

Tương tự, cái tháp bằng ngọc lục bảo này được bọc trong một loạt những cái hộp bằng hồng ngọc tạo thành một cái hộp gồm tám lớp hộp bằng hồng ngọc. Cái hộp tám lớp này được tôn trí trong một loạt tám cái tháp bằng hồng ngọc để rồi một một cái tháp có tám lớp tháp bằng hồng ngọc được hình thành.

Tương tự, cái tháp bằng hồng ngọc này được bọc trong một loạt những cái hộp bằng đá mắt mèo tạo thành một cái hộp có bảy lớp hộp bằng đá mắt mèo. Cái hộp tám lớp bằng đá mắt mèo này được tôn trí trong một loạt tám cái tháp bằng đá mắt mèo, mỗi cái được bọc trong cái kia để một cái tháp có tám lớp tháp bằng đá mắt mèo được hình thành.

Tương tự, cái tháp bằng đá mắt mèo này được bọc trong một loạt tám cái hộp bằng pha lê tạo thành một cái hộp tám lớp bằng pha lê. Cái hộp tám lớp bằng pha lê này được tôn trí trong một loạt tám cái tháp bằng pha lê, mỗi cái được bọc trong cái kia để một cái tháp có tám lớp bằng pha lê được hình thành.

Được bao bọc lần lượt có hệ thống như vậy, cái tháp bằng pha lê ngoài cùng có kích thước bằng cái tháp Thūpāsāma tại Sri Laṅkā. Cái tháp bằng pha lê được tôn trí trong một bộ tháp bằng bảy loại ngọc. Cái tháp này lại được che bọc bên trong một cái tháp bằng vàng, rồi lại được che bọc bên trong một cái tháp bằng bạc và cuối cùng được che bọc bên trong một cái tháp bằng đồng. Bên trong bảo tháp bằng đồng, bảy loại châu báu được rải khắp nơi để làm nền mà bên trên của nó hàng ngàn bông hoa nở ra từ cây trên đất được rải ra. Những bức tượng nhỏ mô tả năm trăm năm mươi câu chuyện Jātaka, tám mươi đại đệ tử, vua Suddhodāna, cha của Đức Phật Gotama, hoàng hậu Māyā Devī, là mẹ của Đức Phật Gotama, bảy nhân vật cùng sanh ra vào lúc đản sanh của Đức Phật đương lai Gotama, v..v… được đặt ở trong đó. Năm trăm cái hũ bằng vàng và năm trăm cái hũ bằng bạc được đổ đầy nước, năm trăm ngọn cờ đuôi nheo bằng vàng, năm trăm cây đèn bằng vàng, năm trăm cây đèn bằng bạc có tim đèn bằng vải trắng được châm đầy dầu thơm, cũng được trưng bày ở bên trong.

Rồi đại đức Mahā Kassapa phát nguyện: “Xin cho những bông hoa tươi mãi, xin cho những loại hương thơm giữ lại mùi hương của chúng, xin cho những ngọn đèn được đốt sáng vẫn cháy sáng.” Trên một tấm vàng, trưởng lão cho khắc những chữ sau đây:

“Vào một ngày nào đó trong tương lai, vị thái tử tên Piyadāya sẽ lên ngôi làm một vị minh quân có tên là Asoka. Vua Asoka ấy sẽ phân bố rộng rãi Xá-lợi này khắp Nam thiện Bộ châu, Jambudīpa.”

Sau khi đã thực hiện tất cả mọi hình thức tôn kính cúng dường Xá-lợi, vua Ajātasattu đóng tất cả lối vào bên trong bảo tháp được làm bằng bảy loại châu báu, cái bảo tháp bằng vàng và bảo tháp bằng bạc mà nằm kế tiếp bảo tháp bên trong cũng được làm y như vậy. Đức vua khóa cái bảo tháp ngoài cùng được làm bằng đồng. Dựa vào cái khóa móc bằng sắt, vị ấy đặt một miếng hồng ngọc lớn kèm theo lời ghi rằng:

“Trong tương lai vị vua nào cần đến miếng hồng ngọc này thì cứ dùng xài để trang trải những chi phí cho việc tôn kính cúng dường Xá-lợi.”

Sakka, vua của chư thiên, nói với Visukamma: “Này bạn lành Visukamma, vua Ajātasattu đã làm hết sức để bảo vệ an toàn cho Xá- lợi. Bây giờ bạn nên nghĩ cách để bảo vệ an toàn chỗ cất giữ.”

Visukamma đi xuống chỗ cất giấu Xá-lợi và dựng lên một cơ cấu phức tạp mà từ đó toả ra hơi nóng đốt và hiện bày một cảnh ghê sợ với những phần chuyển động có liên kết với nhau. Những phần chuyển động bằng những lưỡi dao bằng sắt phát sáng như cỏ được lật qua lại bởi tốc độ nhanh của những cơn gió lốc và được nắm trong tay bởi những pho tượng dạ-xoa bằng gỗ đứng canh giữ ở khắp bốn phía. Tất cả hệ thống phức tạp gồm những lưỡi dao đang quay này chỉ có một nút bấm. Sau khi đã tạo ra sự bảo vệ an toàn Xá-lợi, Visukamma trở về cõi chư thiên của vị ấy.

Vua Ajātasattu còn dựng thêm những vách đá quanh chỗ cất giữ giống như công trình xây dựng tịnh xá vậy. Ở bên trên những bức vách, vị ấy cho che khắp bằng một bệ đá mà trên đó được đắp lên một lớp đất. Đất được làm thành một bề mặt bằng phẳng mà trên đó một cái tháp bằng đá được dựng lên.

Sau khi làm những công việc sắp xếp cẩn thận cho chỗ cất giữ xá-lợi, đại đức Mahā Kassapa, sau khi sống hết tuổi thọ, đã viên tịch. Vua Ajātasattu cũng chết và đi qua kiếp sống khác theo nghiệp của vị ấy. Dân chúng thời bấy giờ cũng chết và ra đi. Than ôi! Tất cả các pháp hữu vi gồm danh và sắc đều có tánh vô thường như vậy, tánh không bền vững như vậy, tánh khổ như vậy.

Vua Asoka xây dựng những bảo tháp một cách rộng rãi khắp nơi

Sau một thời gian khoảng trên hai trăm năm kể từ năm Đức Phật diệt độ, một vị thái tử tên Piyadāsa được tôn phong làm vua Asoka. Vị ấy đã khai quật Xá-lợi của Đức Phật tại chỗ cất giữ do đại đức Mahā Kassapa cất giữ, và đã xây dựng những nhiều bảo tháp khắp Nam thiệm Bộ châu, Jambudîpa. Câu chuyện này được kể lại như sau:

Vua Asoka đã trở thành một Phật tử vĩ đại của Đức Phật qua sự giúp đỡ và tiếp độ của vị Sa-di Nigrodha. Lòng tịnh tín khác thường của vị ấy đối với Đức Phật và Giáo pháp được thể hiện trong tám mươi bốn ngàn tịnh xá. Sau khi xây dựng chúng, đức vua bạch với chư Tăng: “Kính bạch chư đại đức, con đã xây dựng tám mươi bốn ngàn tịnh xá, con có thể tìm Xá-lợi ở đâu?”

Chư đại đức bèn nói rằng: “Thưa đại vương, chúng tôi có nghe nói về chỗ cất giấu Xá-lợi được xây dựng bởi đại đức Mahā Kassapa và vua Ajātasattu. Nhưng chúng tôi không biết vị trí chính xác.”

Vua Asoka trước tiên tìm kiếm Xá-lợi tại Rājagaha. Với hy vọng tìm thấy Xá-lợi, vị ấy phá đổ cái bảo tháp gốc được xây dựng bởi vua Ajātasattu nhưng không tìm thấy gì ở đó. Vị ấy phục hồi lại cái bảo tháp như cũ. Rồi đức vua tổ chức một hội chúng gồm bốn chúng, đó là tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam và cận sự nữ, và đi đến Vesālī.

Tại Vesāli, vị ấy tìm kiếm Xá-lợi bên trong bảo tháp gốc do các công tử Licchavī xây dựng, sau khi kéo đổ nó xuống nhưng không tìm thấy gì cả. Vị ấy phục hồi lại bảo tháp về nguyên trạng của nó và thử vận may tại Kapilavatthu. Nhưng vị ấy cũng thất bại ở đó và tiếp tục đi đến ngôi làng Rāma. Những vị rồng canh giữ Xá-lợi đã không cho phép phá sập cái bảo tháp (tất cả những dụng cụ để khai quật đều bị bể tung ra từng mảnh).

Sau việc nỗ lực cố gắng nhưng không thành tại ngôi làng Rāma, vua Asoka đi đến những chỗ khác nơi mà Xá-lợi được biết là có tôn trí. Vị ấy đi đến lần lượt các trú xứ Allakappa, Veṭṭhadīpa, Pāvā, Kusināra, phá sập các bảo tháp tại mỗi nơi nhưng không tìm thấy Xá-lợi. Vị ấy lại phục hồi tất cả những bảo tháp ấy trở về tình trạng cũ và rồi trở về lại Rājagaha.

Sau khi về lại Rājagaha, vua Asoka tổ một cuộc họp gồm bốn chúng và hỏi rằng: “Có ai đã từng nghe về chỗ mà vua Ajātasattu đã cất giấu Xá-lợi chăng?”

Một vị tỳ khưu trưởng lão nói rằng: “Tâu đại vương, chỗ cất giấu chính xác thì không được biết. Nhưng tôi nhớ lời mà cha của tôi, là một vị tỳ khưu trưởng lão, đã nói với tôi rằng: “Này Sa-di, tại chỗ những đám cây mọc um tùm đó có một bảo tháp bằng đá nằm ở đó. Chúng ta hãy đi đến đó và đảnh lễ cúng dường!” Chúng tôi đã cúng dường những bông hoa ở đó. Rồi cha tôi lại nói, “ Này Sa-di, hãy nhớ kỹ chỗ này!” Đây là tất cả những gì mà tôi biết được.”

(Trong vấn đề này, một số vị thầy A-xà-lê nói rằng vì không có những vị tỳ khưu hiện diện trong hội chúng mà có những năng lực thần thông qua thiền định nên họ phải lưu ý đến những gì mà vị tỳ khưu trưởng lão nói. Tuy nhiên, theo những vị A-xà-lê khác thì có những vị tỳ khưu có những năng lực thần thông tại buổi họp ấy, nhưng những vị đó không muốn được danh tiếng và sự khen ngợi bằng cách tiết lộ những gì mà các ngài biết được bằng trí đặc biệt của các ngài và các ngài nghĩ rằng chỉ cần nắm được đầu mối ít ỏi từ những gì mà vị tỳ khưu trưởng lão nói ra, đức vua sẽ có thể lần ra kho báu - (Phụ chú giải).

Vua Asoka khám phá ra căn phòng cất giấu Xá lợi

Vua Asoka có khả năng xác định vị trí, “ Đây chắc chắn là chỗ mà vua Ajātasattu đã cất giấu Xá-lợi,” vị ấy quyết định và truyền lịnh cho khai quật. Sau khi dọn sạch những đám cây mọc um tùm, họ tìm thấy bảo tháp bằng đá, và khi bảo tháp cùng lớp đất ở bên dưới được lấy đi thì một cái nền bằng đá hiện ra. Rồi, sau khi phá tung lớp gạch thì chỗ cất giấu hiện ra. Họ ngạc nhiên trông thấy bảy loại châu báu được rải trên một lớp nền và những lưỡi dao đang quay tròn trong tay của những pho tượng dạ-xoa đứng trong một vòng tròn trông rất đáng sợ.

Vua Asoka đã thuê những người đồng cốt làm dừng lại cơ cấu bảo vệ nhưng họ không thể giải mật hệ thống những lưỡi dao đang quay tròn. Rồi vua Asoka cầu khẩn chư thiên: “Tôi định tôn trí và thờ cúng những Xá-lợi trong nhiều tịnh xá số lượng lên đến tám mươi bốn ngàn. Cầu xin các vị chư thiên đừng gây chướng ngại cho những cố gắng tha thiết của tôi!”

Vào lúc ấy Sakka, vua của chư thiên, đang đi kinh lý và trông thấy sự kiện.Vị ấy nói với Visukamma: “Này bạn tốt Visukamma, vua Asoka đang ở bên trong khu vực của chỗ chôn cất Xá-lợi, ước muốn lấy Xá-lợi. Bây giờ bạn hãy đi phá dỡ cơ cấu bảo vệ ấy đi.” Rồi Visukamma mang hình tướng một cậu bé trai có năm búi tóc trên đầu. Vị ấy đi đến vua Asoka, trong tư thế cúi chào và nói rằng: “Tâu đại vương, tôi sẽ tháo bỏ những vị dạ-xoa máy móc ấy.” Đức vua vui sướng nói rằng. “Hãy làm đi, con trai!” Rồi Visukamma trong tướng mạo một cậu bé trai đã phóng đi một cán cây nhắm vào chỗ khoá trong thiết bị máy móc và tất cả những pho tượng dạ-xoa đều rơi xuống từng mảnh.

Rồi vua Asoka xem xét kỹ cái khoá móc ở lối vào và trông thấy những câu khắc ghi trên cái đĩa bằng vàng đề rằng: “Một vị vua nghèo túng nào đó trong ngày vị lai hãy dùng miếng hồng ngọc này để trang trải những chi phí cho việc cúng dường Xá-lợi.”

Vua Asoka lấy làm tức giận với dòng chữ ấy, “Làm sao có người dám nói ta là vị vua nghèo túng chứ!” Vị ấy phản đối. Rồi sau nhiều lần cố gắng, vị ấy đã dời đi nhiều vật chướng ngại được đặt tại lối vào và đi vào bên trong chỗ cất giấu Xá-lợi.

Đức vua trông thấy những ngọn đèn cháy sáng cách hai trăm mười tám năm trước đó mà vẫn còn cháy sáng. Những hoa sen màu đất vẫn tươi thắm như ngày nào, và lớp hoa được rải khắp nền cũng tươi thắm như vậy. Những vật thơm vẫn toả ra mùi thơm như xưa.

Vua Asoka cầm lấy cái đĩa bằng vàng mà trên đó đại đức Mahā Kassapa đã cho khắc ghi dòng chữ:

“Trong ngày vị lai, một vị thái tử tên Piyadāsa sẽ được tôn vương làm một vị minh quân tên là Asoka. Vua Asoka ấy sẽ phân bố rộng rãi những Xá-lợi này khắp Nam thiệm Bộ châu, Jambudīpa.”

Đức vua vui sướng và kêu lên rằng: “Này các bạn! Đại đức Mahā Kassapa đã tiên tri về trẫm một cách đúng đắn!” Và khi co lại cánh tay trái của vị ấy, đức vua dùng bàn tay phải vỗ vào bàn tay trái phát ra những tiếng kêu lớn.

Rồi vua Asoka lấy đi rất nhiều Xá-lợi, chỉ chừa lại một lượng vừa đủ trong chỗ cất giữ để những những người địa phương đến lễ bái cúng dường. Vị ấy cho đóng tất cả lối vào chỗ cất giữ một cách cẩn thận như trước, và phục hồi lại nguyên trạng như trước. Vị xây dựng lại một bảo tháp mới bằng đá nơi đó. Rồi đức vua tôn trí những Xá-lợi bên trong tám mươi bốn ngàn tịnh xá mà vị đã cúng dường.

Kết luận về các chương nói về Đức Phật

Thưa quý độc giả, chúng tôi đã kết thúc chương nói về Đức Phật. Quý vị có thể đã chú ý khi theo dõi hết chương này về bảy ngày (trọng đại) liên quan đến Đức Phật, đó là

(1) Ngày thọ thai vào lòng mẹ,

(2) Ngày đản sanh,

(3) Ngày mà Ngài từ bỏ thế gian,

(4) Ngày Thành đạo,

(5) Ngày mà Ngài thuyết bài pháp đầu tiên, Dhammacakka- pavattana Sutta,

(6) Ngày Ngài nhập Niết bàn, và

(7) Ngày mà thân của Ngài được đốt cháy bởi hoả đại. Bảy ngày này có thể được lưu ý như sau:

1. Đức Phật đương lai thọ sanh vào ngày thứ Năm, ngày rằm tháng Asaḷha, vào năm thứ 67 của Đại kỷ nguyên (Great Era).

2. Ngài sanh ra vào ngày 7th thứ Sáu, ngày rằm tháng Vesākha vào năm thứ 68 của Đại kỷ nguyên.

3. Ngài từ bỏ thế gian vào ngày thứ Hai, ngày rằm tháng Asaḷha vào năm thứ 97 của Đại kỷ nguyên.

4. Ngài chứng đắc Phật quả vào ngày thứ Tư, ngày rằm tháng Vesākha vào năm thứ 103 của Đại kỷ nguyên.

5. Ngài thuyết bài pháp đầu tiên vào ngày thứ Bảy, ngày rằm tháng Vesākha vào năm 103 của Đại kỷ nguyên.

6. Ngài diệt độ vào ngày thứ Ba, ngày rằm tháng Vesākha vào năm thứ 148 của Đại kỷ nguyên.

7. Thân của Ngài được thiêu đốt bởi hoả đại vào ngày Chủ Nhật, ngày thứ 12 của hạ huyền tháng Vesākha trong cùng năm ấy.

Những vần thơ tôn kính Bảy ngày đáng ghi nhớ trong cuộc đời Đức Phật của Cố Thượng Tọa Ledi Sayadaw

Cố Thượng Toạ Ledi Sayadaw đã biên soạn về Bảy ngày kể trên bằng thể thơ vần để Phật tử dễ nhớ và tôn vinh Đức Phật:

(1) Khi được sự thỉnh cầu

Của chư thiên và Phạm thiên, Trong mười ngàn thế giới, Thế Tôn của ba cõi,

Bậc đáng kính của con, Từ cõi trời Đâu suất, Thọ sanh vào lòng mẹ,

Thứ Năm, ngày trăng tròn, Của tháng Asaḷha.

Một sự kiện trọngđại, Báo trước niềm phúc lạc, Sẽ đến với nhân thiên.

(2) Sau mười tháng trú thai, Đến thứ Sáu, rằm tháng Tư, Bồ tát đã đản sanh,

Dưới tàng cây bóng mát,

Trong vườn Lumbinī Và địa cầu chấn động, Để tỏ lòng tôn kính

Sự kiện báo điềm lành, Mở ra đường bất tử, Đến thành phố Niết bàn, Dành cho trời và người.

(3) Năm lên mười sáu tuổi, Sống trong ba lâu đài, Thích hợp với ba mùa. Trải qua mười ba năm, Ngài sống đời đế vương. Rồi đến năm hai chín, Do thấy bốn điềm tướng, Bởi chư thiên hoá ra, Tâm bừng tỉnh kinh cảm, Ngài từ bỏ thế gian, Xuất gia sống không nhà Trong rừng sâu vắng vẻ, Đúng vào ngày thứ Hai, Ngày rằm tháng Asaḷha.

(4) Sau sáu năm khổ hạnh Nơi vắng vẻ rừng già, Đến ngày Ngài giác ngộ,

Thứ Tư, ngày rằm tháng tư, Ngồi trên Kim cang toạ, Dưới cội cây bồ đề,

Ngài thắng phục binh ma. Khắp mười ngàn thế giới, Đều vui mừng hoan hô, Bậc Ứng cúng ra đời.

Đây là biến cố lớn, Mở ra đường giải thoát Cho chúng sanh ba cõi.

(5) Dời chân đến Vườn Nai, Migadāvana,

Đức Phật thuyết Diệu Pháp, Là bài Chuyển Pháp luân, Đến nhóm năm đạo sĩ,

Chư thiên cùng Phạm chúng, Đến từ khắp mười ngàn,

Đó là ngày thứ Bảy, Rằm tháng Asalha. Đó là lần đầu tiên,

Tiếng trống của chánh pháp, Được gióng lên trong đời.

(6) Rồi bốn mươi lăm năm, Bằng Chánh pháp của Ngài, Đức Phật bắt chiếc cầu, Cho chúng sanh ba cõi, Khắp mười ngàn thế giới, Vượt qua bờ sông mê.

Khi Ngài tuổi tám mươi, Vào ngày rằm tháng tư, Dưới hai cây Sa-la, Vườn Kusinarā

Lãnh thổ người Malla Đức Phật đã diệt độ, Khắp mười ngàn thế giới, đều trở nên ảm đạm.

(7) Nhục thân của Đức Phật

Màu kim sắc diệu kỳ, Bỗng tự nhiên bốc cháy, Nhờ nguyện trước của Phật Để lại cho hậu thế

Tám phần của Xá-lợi, Đó là ngày chủ nhật, Thượng huyền của tháng Tư

(8) Bảy ngày đáng nhớ này Liên quan đến Đức Phật, Bậc Ứng cúng nhất, Trong các bậc Ứng cúng, Thế Tôn của ba cõi.

Con nay xin thành kính, bằng thân, khẩu và ý, Xin đảnh lễ Đạo sư, và do phước báu này, Xin cho mọi phúc lạc, Phát sanh đến cho con!

KẾT THÚC CHƯƠNG 41


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]