THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 5
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Phần trước] [Mục lục tập 5] [Tiếp theo]
SỰ VIÊN TỊCH BÁT NIẾT BÀN CỦA ĐỨC PHẬT
Đức Phật thuyết về bảy pháp Bất thối dành cho các vị vua
(Như chúng tôi đã nói đến trước kia) Đức Phật đã trải qua hai mươi hạ đầu, ở nhiều nơi khác nhau và thuyết giảng diệu pháp dẫn đến giải thoát cho phần đông chúng sanh và trải qua hai mươi bốn hạ ở tại Sāvatthi. Sau khi kết thúc mùa an cư, Đức Phật khởi sự những chuyến du hành gồm ba loại ngoại vi (như đã được mô tả) và tế độ cho những người đáng tế độ. Số lượng những bài kinh và những bài pháp thoại vì nhiều loại và rộng lớn, nên không được nêu ra đầy đủ trong phạm vi của tác phẩm này. Ví như một hay hai giọt nước biển cũng đủ để biết rằng biển có vị mặn. Cũng vậy, trong bộ sách này chỉ cần vài ví dụ từ kinh tạng (Suttanta) được nêu ra để độc giả có cái nhìn sâu sắc về sự phong phú của Giáo pháp. Những học giả nào muốn có kiến thức sâu hơn về Giáo pháp sâu rộng của Đức Phật thì nên đọc những bản dịch từ tiếng Miến về Tam Tạng (bao gồm Chú giải và Phụ chú giải). Từ chương này trở đi, tôi sẽ giới hạn trình bày những biến cố và những bài kinh thuộc về thời kỳ từ hạ thứ bốn mươi trở đi, là thời kỳ gần với sự viên tịch đại Niết bàn (Parinibbāna) của Đức Phật.
Vào một thuở nọ, (trải qua mùa an cư thứ bốn mươi bốn) Đức Phật - Bậc có những đức tánh lẫy lừng, Ngài đang trú ngụ trên ngọn đồi Gijjakuṭa gần Rājagaha (Gijjakuṭa nghĩa là cái mỏ của chim kên kên. Có lẽ hình dạng của ngọn đồi giống như cái mỏ của con chim kên kên hoặc do sự kiện rằng nó là chỗ đậu của những con kên kên).
Lúc bấy giờ, vua Ajātasattu rất muốn xâm chiếm Vesāli, vương quốc của những vị Licchavī “Dầu họ hùng mạnh đến cỡ nào chăng nữa, ta cũng sẽ tiêu diệt họ, san bằng họ, làm cho họ tiêu vong.” Vị ấy luôn luôn nói như vậy, một vị hoàng đế rất cao ngạo.
Lý do khiến vị ấy có mối thù ngấm ngầm như vậy đối với các vị Licchavī, được truy nguyên từ những biến cố không hay như vầy:
Rājagaha và Vesāli là hai thành phố hùng mạnh, nằm hai bên sông Hằng chảy ra hướng Đông và hướng Tây. Rājagaha nằm ở phía Nam và Vesāli nằm ở phía Bắc. Có một trạm nghỉ được gọi là Paṭṭanagāma (Paṭna ngày nay có lẽ được thiết lập ở chỗ ấy). Paṭṭanagāma nằm ở giữa vùng đất trải rộng khoảng nửa do tuần, dưới quyền cai trị của vua Ajātasattu. Trong khi đó, miền đất có bề rộng tương đương ở bên kia vùng đất của vua Ajātasattu, nằm trong quyền cai trị của các vị Licchavī.
Nhiều mỏ quặng chứa nguyên liệu quý ở phía sườn đồi gần Paṭṭanagāma. Khi vua Ajātasattu biết được kho báu ấy và đang lên kế họach đến nơi này. Các vị Licchavī đến trước và lấy đi tất cả của báu. Khi vua Ajātasattu đi đến nơi và biết các vị Licchavī phỏng tay trên vị ấy. Nhà vua trở về với sự phẫn nộ dữ dội.
Vào năm sau cũng vậy, các vị Licchavī lại đến trước và lấy đi các của báu. Vua Ajātasattu tức giận vô cùng. Vì hằn sâu ý nghĩ tiêu diệt, đánh đổ và san bằng Licchavī hùng mạnh nên trong cả bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi nhà vua đều lớn tiếng nguyền rủa. Nhà vua còn đi xa hơn nữa là truyền lệnh cho quần thần lên kế hoạch cho cuộc viễn chinh.
Tuy nhiên, qua đợt suy xét lần thứ hai, nhà vua đã kềm chế hành động của mình: “Chiến tranh là tai họa cho cả hai bên. Không có sự xung đột bằng vũ lực nào mà không đem lại sự chết chóc và mất mát tài sản. Nghe được một lời khuyên thông minh, ta có thể không gặp hậu quả xấu. Không ai trong thế gian này mà có trí tuệ vĩ đại hơn Đức Phật. Bây giờ Đức Phật đang trú ngụ gần kinh đô của ta, trên núi Gijjakuṭa. Ta sẽ cử một vị quan đến gặp Đức Phật và xin lời khuyên về cuộc viễn chinh mà ta đã dự định. Nếu kế hoạch của ta thuận tiện thì Đức Phật sẽ làm thinh. Nếu nó đi ngược lại lợi ích của ta thì Đức Phật sẽ nói: “Có lợi ích gì cho đức vua để tiến hành cuộc viễn chinh như vậy?” Sau khi đã suy nghĩ như vậy, nhà vua bèn nói với vị Bà-la- môn Vassakāra (là tể tướng của nhà vua).
“Ở đây, này ông Bà-la-môn! Hãy đi đến Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài và chuyển thông điệp của ta đến Ngài. Hãy thăm hỏi sức khỏe của Đức Phật, xem Ngài được mạnh khỏe không, được an lạc không? Hãy bạch với Đức Phật rằng: ‘Bạch Đức Thế Tôn! Vua Ajatasattu nước Magadha, con trai hoàng hậu Vedehī xin đảnh lễ dưới chân Ngài, vị ấy vấn an sức khỏe của Ngài, xem Đức Phật được mạnh khỏe và an lạc không?’ Sau đó hãy bạch với Đức Phật rằng ‘Bạch Đức Thế Tôn! Đức vua muốn tấn công các hoàng tử nước Licchavī của kinh thành Vesāli, và đang tuyên bố rằng, vị ấy sẽ hủy diệt những hoàng tử Vajjī dù họ hùng mạnh đến mấy chăng nữa, vị ấy sẽ làm cho họ bị tàn lụi.’ Hãy chú ý lắng nghe điều mà Đức Phật nói rồi về trình lại cho ta biết. Đấng Tathāgata không bao giờ nói dối.”
“Thưa vâng, tâu bệ hạ!” Bà-la-môn Vassakāra nói như vậy rồi đánh đoàn xe rầm rộ đến ngọn đồi Gijjakuṭa. Đến nơi, vị ấy đi gặp Đức Phật, và sau khi trao đổi những lời chào hỏi, vị ấy ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Rồi vị ấy bạch với Đức Phật rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn! Vua Ajātasattu của nước Magadha, con trai của hoàng hậu Vedehī xin đảnh lễ dưới chân Ngài, vị ấy vấn an sức khỏe của Ngài, xem Ngài được mạnh khỏe và an lạc không? Bạch Đức Thế Tôn! Đức vua muốn tấn công các hoàng tử Vajjī của nước Licchavī, thuộc kinh thành Vesāli, và tuyên bố rằng vị ấy sẽ huỷ diệt những vị hoàng tử Vajjī, vị ấy sẽ tiêu diệt và san bằng họ.”
Lúc bấy giờ, đại đức Ānanda đứng sau lưng Đức Phật, đang quạt hầu cho Ngài (về điểm này có thể nêu ra ở đây rằng chư Phật, do phước đức vô lượng, nên các Ngài không cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh. Việc đại đức Ānanda quạt hầu Ngài chỉ là một hành động tôn kính Ngài mà thôi). Khi Đức Phật nghe qua những lời trình của vị Bà-la-môn, Ngài chẳng nói gì với vị ấy mà Ngài bắt đầu đàm luận với đại đức Ānanda.
Đức Phật: “Này Ānanda! Phải chăng những vị hoàng tử thường xuyên tổ chức những buổi hội họp? Phải chăng họ đã hội họp nhiều lần? Ngươi đã nghe những gì?”
Đại đức Ānanda nói: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Con đã nghe rằng những vị hoàng tử thường xuyên tổ chức những buổi hội họp, họ đã hội họp nhiều lần.”
“Này Ānanda! Chừng nào các vị hoàng tử Vajjī thường xuyên hội họp thì họ nhất định được hưng thịnh, không có lý do gì để họ suy tàn.”
( Chú thích: những buổi họp thường xuyên nghĩa là mỗi ngày có ba buổi họp hoặc nhiều hơn. Hội họp nhiều lần nghĩa là không bao giờ bỏ sót ngày nào không hội họp).
Những lợi ích của những buổi họp thường xuyên là thông tin mới luôn luôn được truyền đi tám hướng. Nếu thông tin cập nhựt không được truyền đi, thì sự bất ổn ở những vùng xa xôi có thể xâm nhập vào kinh đô mà không ai biết tới. Cũng vậy, sự phạm pháp trong nước có thể xảy ra vì không có thông báo đúng lúc. Nếu không có những biện pháp thích hợp để trấn áp những hành vi phạm pháp, thì điều đó được xem là sự lơi lỏng của những người nắm quyền hành và luật pháp sẽ bị mờ nhạt. Đây chắc chắn là con đường suy thoái đối với nhà cai trị.
Ngược lại, nếu các buổi họp được tổ chức thường xuyên, thì thông tin được cập nhựt thường xuyên từ các nơi trong cả nước, có thể thấu đến kinh đô và biện pháp xử lý nhanh chóng có thể được áp dụng bất cứ khi nào cần thiết. Khi ấy những người xấu sẽ biết rằng họ không thể chống lại cách cai trị có hiệu quả này và sẽ tan rã. Đây chắc chắn là con đường dẫn đến sự hưng thịnh dành cho những người cai trị quốc gia.
“Này Ānanda! phải chăng các hoàng tử Vijjī hội họp với nhau trong hòa hợp và phải chăng họ giải tán trong hòa hợp về việc thi hành phận sự của họ trong công việc của nước Vijjī? Ngươi đã nghe như thế nào?”
“Bạch Đức Thế Tôn! Con đã nghe rằng các hoàng tử Vijjī hội họp với nhau trong hòa hợp và họ giải tán trong hòa hợp về việc thi hành phận sự của họ trong công việc của nước Vajjī.”
“Này Ānanda! Chừng nào những hoàng tử Vajjī còn hội họp với nhau trong hòa hợp và giải tán trong hòa hợp về việc thi hành phận sự của họ trong công việc của nước Vajjī thì họ nhất định sẽ được hưng thịnh, không có lý do gì để suy tàn.”
(Chú thích: ‘Hội họp trong hòa hợp’ có nghĩa là không bao giờ có người đến trễ cuộc họp vì bất cứ lý do gì. Khi giờ họp được công bố bằng tiếng phèn la hoặc tiếng chuông thì tất cả đều phải có mặt đúng giờ, gác lại mọi công việc mà họ đang làm. Nếu một người nào đó đang ăn cơm thì người ấy phải ngưng ngay giữa bữa ăn. Nếu một người nào đó đang mặc y phục thì người ấy phải đến dự buổi họp cho dù chưa trang phục đầy đủ.
“Giải tán trong hòa hợp” nghĩa là rời khỏi phòng họp cùng một lúc sau khi buổi họp được kết thúc. Nếu một số người đã rời khỏi phòng họp và những người khác muốn ở lại, thì những người đã đi khỏi có thể khởi tâm nghi ngờ những người ở lại, với ý nghĩ khó chịu rằng, những người ở lại để lập những quyết định sau lưng họ. Cách suy đoán ngờ vực này là độc hại đối với những nhà cai trị.
Một ý nghĩa khác “Giải tán trong hòa hợp” là thực hành những điều gì quan trọng cần phải thực hiện. Ví dụ: nếu một cuộc nổi loạn cần phải được dẹp yên mà một người nào đó nhận lãnh trách nhiệm ấy, và mọi người đều tha thiết muốn gánh vác trách nhiệm ấy.
“Hòa hợp trong các việc làm tròn các phận sự” nghĩa là có sự trợ giúp lẫn nhau. Ví dụ: nếu một thành viên tỏ ra bất kham với công việc của vị ấy thì những người khác sẽ gửi những người con trai hoặc anh em đến giúp. Ở nơi nào có khách phương xa đến cần được tiếp đãi, thì trách nhiệm ấy không được trốn tránh mà tất cả phải bắt tay làm phận sự. Trong cuộc họp, những nghĩa vụ xã hội cá nhân cũng vậy, dù là những dịp vui hay những dịp buồn, tất cả các thành viên phải hành động như là một gia đình).
“Này Ānanda! Phải chăng những hoàng tử Vajjī không ban hành những điều lệ mà trước kia chưa được ban hành, và phải chăng họ không loại bỏ những điều lệ mà trước kia đã được ban hành, và phải chăng họ tuân theo những truyền thống đã được tôn trọng lâu đời và những pháp hành của nước Vajjī? Ngươi đã nghe như vậy chăng?”
“Bạch Đức Thế Tôn! Con đã nghe rằng những hoàng tử Vajjī không ban hành những điều lệ mà trước kia chưa được ban hành, không loại bỏ những điều lệ mà trước kia đã được ban hành, tuân theo những truyền thống đã được tôn trọng lâu đời và những pháp hành của nước Vajjī.”
“Này Ānanda! Chừng nào mà những hoàng tử Vajjī không ban hành những điều lệ mà trước kia chưa được ban hành, không loại bỏ những điều lệ mà trước kia đã được ban hành, tuân theo những truyền thống đã được tôn trọng lâu đời và những pháp hành của nước Vajjī thì họ nhất định sẽ được hưng thịnh, không có lý do gì để suy yếu.”
Chú thích: “Ban hành các điều lệ” nghĩa là thâu thuế và phạt tiền. Đề ra những loại thuế mới và phạt tiền mới mà trước kia chưa có, và không loại bỏ những loại thuế, loại hình thức phạt tiền cũ là nguyên tắc quan trọng dành cho các nhà cai trị. “Tuân theo những truyền thống và pháp hành của nước Vajjī ” nghĩa là hành động thuận theo những điều luật truyền thống. Chẳng hạn như bố cáo xử trảm những người chưa xét xử là coi thường trắng trợn truyền thống và pháp hành. Bất cứ khi nào những loại thuế mới và những hình thức phạt tiền mới được ban hành thì dân chúng tự nhiên sẽ bất mãn, oán hận. Thậm chí họ có thể cảm thấy rằng họ bị áp bức và trong trường hợp ấy họ có thể bỏ xứ vì bất mãn và trở thành kẻ cướp và tội phạm ở những vùng xa xôi.
Huỷ bỏ những loại thuế và những hình thức phạt tiền truyền thống sẽ đem lại hậu quả là sự thất thu trong thu nhập. Điều này sẽ làm cho những người cai trị gặp khó khăn trong chi tiêu việc công, quân lính và những người làm việc công sẽ bị giảm lương. Điều này sẽ hạ thấp hiệu quả làm việc của họ, những chuẩn mực trong sự phục vụ của họ sẽ sụp đổ và ảnh hưởng đến sức mạnh của quân lính.
Nếu những truyền thống và những pháp hành của nước Vajjī được tôn trọng lâu đời mà bị xem thường và dân chúng bị bắt tội mà không qua xét xử, thì quyến thuộc những nạn nhân của chế độ bất công sẽ oán hận những nhà cai trị. Họ có thể đi đến những vùng xa xôi và gây tội ác hoặc gia nhập các băng đảng và quấy nhiễu đất nước. Đây là những nguyên nhân suy yếu của các nhà cai trị.
Trong một nước mà những điều được ban hành theo đúng truyền thống thì mọi người sẽ chấp nhận chúng mà không than vãn gì. Họ cảm thấy hạnh phúc trong bổn phận và làm những công việc của họ như nông nghiệp và buôn bán.
Ở nơi nào mà những người cầm quyền không hủy bỏ những loại thuế và những hình thức phạt tiền theo truyền thống, thì sự thu nhập của họ bằng hàng hóa hay tiền mặt sẽ được thịnh phát mỗi ngày. Quân binh và những người làm việc sẽ hưởng lương bình thường của họ. Họ được chi trả đúng mức và được hạnh phúc. Những công việc phục vụ của họ đáng tin cậy như trước.
Trong hệ thống công lý của nước Vajjī, có những bước xét xử tội phạm rất cẩn thận. Khi một tội phạm được đem đến trước nhà chức trách bị tố cáo tội trộm cắp, người ấy không bị tạm giam mà được tra xét đúng pháp. Nếu không có bằng chứng tội trộm cắp, người ấy được phép tự do. Nếu người nào đó bị tình nghi phạm tội, người ấy được giao cho các quan chức tư pháp, người ấy phải trả lời đúng những câu hỏi của quan toà và nếu quan tòa nhận thấy người ấy vô tội, họ được trả tự do. Nếu quan tòa nghi ngờ người ấy phạm tội, người ấy được đưa đến những người uyên bác, rành mạch về đạo đức xã hội. Nếu nhóm hội thẩm ấy thấy anh ta không phạm tội thì anh ta sẽ được trả tự do. Nếu họ xét thấy anh ta có tội, thì anh ta được giao đến tám bồi thẩm (thuộc tám loại gia đình có truyền thống lâu đời và chưa phạm phải bốn hành vi phạm pháp của một quan chức). Nếu đoàn bồi thẩm xét thấy anh ta vô tội thì anh ta được trả tự do. Nếu anh ta có tội, thì anh ta được giao đến đức vua thông qua quan tể tướng và người thừa kế. Nếu đức vua thấy anh ta vô tội, thì anh ta được trả tự do. Nếu anh ta không thoát khỏi tội thì anh ta được nghe đọc bộ luật Hình sự truyền thống. Bộ luật mô tả các loại tội phạm và những hình thức tương ứng. Đức vua phán tội mà người đàn ông đó đã vi phạm, căn cứ theo bộ luật và hình thức tương ứng.
Sự thọ trì truyền thống trong nước Vajjī được mô tả ở trên làm cho dân chúng rất yên tâm. Khi người quyến thuộc bị trừng phạt vì một tội nào đó thì họ không than trách các vị hoàng tử Vajjī. Họ biết đức vua đã làm đúng với công lý và tội chỉ thuộc về kẻ phạm pháp. Với sự mãn nguyện rằng họ được bảo vệ bởi luật pháp, họ hăng say làm ăn công việc của họ một cách lương thiện. Sự gắn bó này với hệ thống pháp lý lâu đời là yếu tố hưng thịnh của các nhà cai trị.
“Này Ānanda! Phải chăng những ông hoàng nước Vajjī có sự tôn trọng, đối đãi lịch sự đối với các bậc trưởng thượng của họ, và phải chăng họ xét thấy rằng lời khuyên của những người lớn tuổi là đáng nghe? Ngươi đã nghe những gì?”
“Bạch Đức Thế Tôn! Con đã nghe rằng những ông hoàng nước Vajjī có sự tôn trọng, đối đãi lịch sự đối với các bậc trưởng thượng của họ, và họ xét thấy rằng lời khuyên của những người lớn tuổi là đáng nghe.”
“Này Ānanda! Chừng nào những ông hoàng nước Vajjī có sự tôn trọng, đối đãi lịch sự đối với các bậc trưởng thượng của họ, và họ xét thấy rằng lời khuyên của những người lớn tuổi là đáng nghe thì nhất định họ sẽ hưng thịnh không lý do gì khiến họ suy yếu.”
(Những từ ‘kính mến, tôn trọng’ tất cả đều mang ý nghĩa là sự kính trọng sâu xa, sự mang ơn tình cảm chân thật và sự khiêm tốn. ‘Lắng nghe lời khuyên của họ’ nghĩa là tham khảo ý kiến của họ hai hoặc ba lần mỗi ngày).
Nếu những ông hoàng trẻ không có lòng kính trọng đối với các vị trưởng lão và không đi đến các vị trưởng lão để nghe lời khuyên thì họ sẽ bị các vị trưởng lão lờ đi và sẽ không được hướng dẫn hợp lý. Họ sẽ thiên về sự hưởng thụ các dục lạc và lãng quên những phận sự của họ. Như vậy dẫn đến sự suy tàn của họ.
Ở đây, các vị hoàng tử biết kính trọng những vị trưởng lão của họ thì các lời khuyên của trưởng lão về chính sự chỉ cho họ thấy những pháp hành truyền thống. Trong chiến lược quân sự họ có kinh nghiệm thực tiễn về một tình huống nào đó được đưa ra, họ có thể đưa ra một sự hướng dẫn hợp lý như cách tấn công, cách rút lui. Khi tiếp thu những kinh nghiệm phong phú và trí tuệ lão luyện của những vị trưởng lão, các ông hoàng có thể thực hành truyền thống đầy tự hào của họ, duy trì sự vinh quang về quốc gia của họ.
“Này Ānanda! Phải chăng những hoàng tử Vijjī không dùng vũ lực bắt đi những người đàn bà, những cô gái và giữ họ lại? Ngươi nghe như thế nào?”
“Bạch Đức Thế Tôn! Con đã nghe những ông hoàng Vijjī không dùng quyền lực bắt đi những người phụ nữ, những cô gái và giữ họ lại”.
“Này Ānanda! Chừng nào những hoàng tử Vijjī không bắt những phụ nữ, những cô gái và giữ họ lại bằng quyền lực của họ thì họ nhất định sẽ được hưng thịnh không có lí do gì để họ suy yếu.”
(Ở đây, nơi nào các vị cai trị cưỡng bức bắt đi bất cứ những phụ nữ và các cô gái thì dân chúng sẽ tức giận. “Họ đã bắt người mẹ ra khỏi nhà chúng ta!” “Họ đã bắt người con gái mà chúng ta đã dày công nuôi nấng!” “Họ đã giữ người thân của chúng ta trong cung!” Dân chúng sẽ oán trách như vậy. Họ sẽ bỏ xứ mà đi đến những vùng xa xôi rồi trở thành những kẻ phạm tội hoặc gia nhập các loạn đảng. Đây là nguyên nhân suy yếu dành cho những người cai trị. Ở đây những nhà cai trị không cưỡng bức mang đi những phụ nữ và các cô gái thì dân chúng thoát khỏi sự hành hung, nỗi lo lắng và họ sẽ an tâm trong công việc làm thường ngày của họ. Họ sẽ đóng góp vào tài sản của nhà cai trị. Như vậy, sự kiềm chế của các nhà cai trị là yếu tố hưng thịnh).
“Này Ānanda! Phải chăng những ông hoàng Vajjī tôn trọng những đền tháp của họ ở bên trong và bên ngoài của kinh đô? Phải chăng họ đảm bảo chắc chắn rằng, sự cúng dường được thực hiện thích hợp ở những tháp ấy giống như trước kia, mà không có sự lơ là chểnh mảng? Ngươi đã nghe những gì?”
“Bạch Đức Thế Tôn! Con đã nghe rằng những ông hoàng Vijjī tôn trọng những đền tháp của họ ở bên trong và bên ngoài của kinh đô? Họ đảm bảo chắc chắn rằng sự cúng dường thích hợp được thực hiện ở các tháp giống như trước kia mà không có sự lơ là chểnh mảng?”
“Này Ānanda! Chừng nào những ông hoàng Vijjī tôn trọng những đền tháp của họ ở bên trong và bên ngoài của kinh đô? Họ đảm bảo chắc chắn rằng sự cúng dường thích hợp được thực hiện ở các tháp như trước kia mà không có sự lơ là chểnh mảng. Thì họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy yếu.”
(Ở đâu mà nhà cai trị không tôn trọng các bảo tháp truyền thống dù ở bên ngoài hoặc bên trong kinh đô, và khinh suất trong việc cúng dường theo thông lệ thì các hộ thần sẽ không bảo vệ họ. Dù các hộ thần không có khả năng gieo rắc bất hạnh mới cho mọi người, nhưng họ làm trầm trọng thêm rủi ro đáng có, như làm nặng thêm những bệnh hoạn như bệnh nhức đầu. Trong thời chiến họ không tham gia quân binh để chống lại kẻ thù. Như vậy các nhà cai trị phải đối mặt với sự suy yếu.
Ở đâu các nhà cai trị không bỏ bê các sự cúng dường theo thông lệ, làm hài lòng các vị hộ thần tại các bảo tháp truyền thống, thì các vị hộ thần sẽ hộ trì họ. Dù các vị hộ thần không có khả năng mang những may mắn mới cho mọi người, nhưng họ có thể làm yếu đi những rủi ro đáng có, như làm giảm ngay những cơn ho và nhức đầu. Trong thời chiến, họ gia nhập các đội quân địa phương. Họ có thể gây nên ảo tưởng cho kẻ thù bằng sự suy nghỉ rằng quân đội địa phương đông gấp hai lần hoặc ba lần; hoặc họ có thể làm cho những kẻ thù thấy những hình tượng rùng rợn. Giữ các vị hộ thần truyền thống, trong tình trạng tốt đẹp qua sự cúng dường thường lệ là yếu tố hưng thịnh của các nhà cai trị).
“Này Ānanda! Phải chăng những ông hoàng Vajjī bảo đảm rằng, các vị A-la-hán có được sự bảo đảm thích hợp khiến vị A-la-hán nào chưa đến nước Vajjī thì có thể đến và vị A-la-hán nào đã đến rồi có thể sống an lạc trong nước Vajjī? Ngươi đã nghe những gì?”
“Bạch Đức Thế Tôn! Con đã nghe rằng những ông hoàng Vajjī bảo đảm rằng, các vị A-la-hán có được sự bảo đảm thích hợp khiến vị A-la-hán nào chưa đến nước Vajjī thì có thể đến, và vị A-la-hán nào đã đến rồi có thể sống an lạc trong nước Vajjī.”
“Này Ānanda! Chừng nào những ông hoàng Vajjī bảo đảm rằng các vị A-la-hán có được sự bảo đảm thích hợp khiến vị A-la-hán nào chưa đến nước Vajjī thì có thể đến, và vị A-la-hán nào đã đến rồi có thể sống an lạc trong nước Vajjī, thì họ nhất định sẽ được hưng thịnh, không có lý do để họ suy yếu.”
(Ở đây, ‘sự bảo vệ’ nghĩa là những biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn. ‘Sự an toàn’ nghĩa là giữ không khí thanh bình và thân thiện. Đối với các bậc Thánh, sự bảo vệ họ không cần đến đội bảo vệ vũ trang. Điều cần thiết, là không có sự quấy rầy đến các Ngài bằng những cách không thích hợp, như đốn hạ những cây to nơi chỗ ngụ của Ngài, săn chim hoặc bắt cá trong khu vực ấy.
Ở đây, các nhà cai trị nào không có thái độ tôn trọng thân thiện đối với các bậc A-la-hán chưa đến nước của họ - do họ không có niềm tin nơi Tam Bảo. Trong trường hợp ấy, khi các vị tỳ khưu đến nước của họ, họ sẽ không đón tiếp, không đến đảnh lễ các Ngài, không thăm hỏi xã giao, không hỏi những câu hỏi liên quan đến Giáo pháp , không lắng nghe các Ngài thuyết pháp, không cúng dường, không nghe những lời phúc chúc của những vị tỳ khưu đã thọ thí, và không sắp xếp chỗ ngụ cho các Ngài. Họ sẽ bị đồn rằng họ không có niềm tin nơi Tam bảo. Khi các vị tỳ khưu đến nước họ, họ không đón tiếp các Ngài, không sắp xếp chỗ ngồi cho Ngài. Do tiếng xấu này, các vị tỳ khưu sẽ không đi qua cổng thành. Và như vậy vị A-la-hán nào chưa đến thành phố ấy sẽ không đến.
Nếu vị tỳ khưu nào đã đến thành phố ấy rồi, mà không tìm thấy không khí ôn hòa thì họ sẽ thấy rằng họ đã đến sai chỗ. “Ai mà chịu sống trong một thành phố không thân thiện như vậy, nơi mà những vị cai trị thiếu tôn kính.” Họ sẽ nói như vậy và bỏ đi khỏi chỗ ấy. Nơi nào bị xa lánh bởi các vị tỳ khưu, các vị tỳ khưu chưa đến thì không đến và các vị tỳ khưu đã đến rồi bỏ đi, nơi đó sẽ không có bóng dáng của các vị tỳ khưu. Nơi nào mà các vị tỳ khưu không trú ngụ thì các hộ thần cũng không trú ngụ. Nơi nào mà các hộ thần không trú ngụ thì các hàng dạ xoa lộng hành, quấy nhiễu. Ở đâu ma quỷ lộng hành, nơi đó có những chứng bệnh lạ kì mà trước kia chưa từng có, lại được gây nên bởi chúng. Cơ hội tạo phước nhờ gặp được các bậc giới đức, nghe những câu giải đáp về Giáo pháp, v.v… đều bị mất. Đây là nguyên nhân dẫn đến suy yếu của các nhà cai trị.
Những quả lành của việc quan tâm đến các bậc giới đức có thể được hiểu dựa vào những quả xấu ở trên do thiếu sự quan tâm như vậy).
Rồi Đức Phật nói với vị Bà-la-môn Vassakāra, quan đại thần của nước Magadha: “Này ông Bà-la-môn! Vào một dịp nọ Như Lai dạy cho những ông hoàng Vajjī về bảy pháp hưng thịnh này, khi Như Lai đang trú ngụ tại bảo tháp Sārandada, trong thành phố Vesalī.
Này ông Bà-la-môn! Chừng nào bảy yếu tố hưng thịnh này được tồn tại với các ông hoàng Vijjī, và chừng nào các ông hoàng Vijjī cẩn trọng trú trong bảy pháp này thì họ nhất định sẽ được hưng thịnh, không có lý do gì để suy yếu.”
Rồi vị Bà-la-môn Vassakāra bạch với Đức Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Chỉ cần an trú trong một pháp hưng thịnh thôi cũng đủ đã làm cho các hoàng tử nước Vajjī hưng thịnh. Không lý do gì khiến họ bị suy yếu. Nếu họ trú trong cả bảy pháp ấy thì họ sẽ hưng thịnh biết chừng nào!”
“Kính bạch Đức Gotama! Thật không thể nào đức vua Ajātasattu chinh phục được nước Vajjī bằng chiến tranh, trừ khi vị ấy gieo mầm chia rẽ giữa các hoàng tử.
Kính bạch Đức Gotama! Bây giờ chúng con phải đi đây, chúng con còn nhiều việc cần phải làm”.
“Này ông Bà-la-môn! Ông biết thời gian nào nên đi.” (tức là hãy đi bất cứ khi nào ngươi muốn)
Vị Bà-la-môn Vassakāra rất hoan hỷ với lời dạy của Đức Phật đã bày tỏ nỗi hân hoan của vị ấy, vị ấy đứng dậy và rời khỏi chỗ ngồi và ra đi.
(Bảo tháp Sārandada là bảo tháp có trước thời Đức Phật, nó được xây dựng để thờ vị dạ xoa có tên ấy. Khi Đức Phật xuất hiện, một tịnh xá được xây dựng ở chỗ đất ấy và tịnh xá cũng được đặt tên Sārandada).
Lời đề nghị của vị Bà-la-môn về sự dụ dỗ có nghĩa là sử dụng những hành vi thân thiện đối với kẻ thù bằng những món quà hào phóng, và những lời chúc tụng đầy thiện ý và thân ái. Khi kẻ thù tin rằng Ajātasattu là một người bạn thật sự sẽ không chuẩn bị chiến tranh, đến lúc ấy vị quan đại thần sẽ khuyên vua tấn công.
Ý tưởng thứ hai của vị ấy về việc gieo mầm chia rẽ cũng như một chiến lược khác để làm suy yếu kẻ thù. Có hai ý tưởng sanh ra từ bảy pháp hưng thịnh của Đức Phật.
Có thể nêu ra câu hỏi “Đức Phật có biết rằng vị Bà-la-môn
Vassakāra sẽ được lợi ích từ bài pháp ấy chăng?” Câu trả lời là “Có”
“Thế thì tại sao Đức Phật lại thuyết bài pháp đó?”
Ngài thuyết bài pháp này do lòng bi mẫn đối với các vị hoàng tử Vajjī.
Giải rõ:
Bằng trí tuệ tối cao của vị Phật, Ngài biết rằng nếu không thuyết bài pháp này đến vị Bà-la-môn kia thì đức vua Ajātasattu sẽ xâm chiếm nước Vajjī, bắt các hoàng tử Licchavī và sẽ tiêu diệt họ trong hai hoặc ba ngày. Nhờ thuyết bài pháp này mà khiến cho vua Ajātasattu trước hết phải gieo mầm chia rẽ giữa các vị hoàng tử Vijjī, rồi tiêu diệt họ sau ba năm.
Thay vì vậy, thêm ba năm sống còn sẽ giúp các vị Licchavī có cơ hội tạo thêm nhiều phước. Cho nên bài pháp được thuyết ra là do lòng bi mẫn của Ngài.
Khi vị Bà-la-môn Vassakāra cáo từ Đức Phật và trở về hoàng cung, vua Ajātasattu hỏi vị ấy:
“Bà-la-môn! Đức Phật đã nói những gì?”
“Tâu bệ hạ! Theo Đức Phật Gotama, thì hạ thần suy đoán rằng các vị Vajjī sẽ không dễ bị bắt nếu không dùng kế lừa hoặc gây ra sự chia rẽ giữa họ.”
“Nếu dùng kế đánh lừa thì chúng ta phải hao tốn lực lượng quân binh. Tốt hơn chúng ta nên gây chia rẽ họ. Nhưng này Bà-la- môn! Chúng ta phải làm như thế nào?”
“Trong trường hợp này, bệ hạ hãy tổ chức một cuộc hội họp tại hoàng cung tuyên bố ý định là tấn công nước Vajjī. Khi ấy thần sẽ giả bộ không tán thành ý định ấy và rời khỏi phòng họp. Bệ hạ giả vờ nỗi giận, chê trách hạ thần. Sau đó hạ thần sẽ gởi những món quà cho các vị Vajjī một cách công khai, bệ hạ nhanh chóng nhận ra và tịch thu chúng. Rồi sau đó hãy làm nhục hạ thần, thay vì dùng nhục hình thì cạo đầu của hạ thần rồi đuổi ra khỏi kinh đô. Khi đó hạ thần sẽ nói những lời thách thức rằng: “Tôi biết hệ thống phòng thủ kinh thành của nhà vua, tôi sẽ dẫn những người Vajjī đến phá huỷ các tường thành và cướp phá kinh thành.” Nghe những lời xấc láo của hạ thần, bệ hạ nên tỏ ra giận dữ và ra lệnh đuổi hạ thần đi ngay”.
Vua Ajātasattu thực hiện đúng kế hoạch của vị Bà-la-môn Vassakāra.
Các hoàng tử Vajjī nghe rằng Vassakāra đã rời khỏi Rājagaha, nhưng họ lo sợ vị ấy là người xảo quyệt. “Đừng để ông ta vượt qua sông Hằng đến phía bờ của chúng ta,” họ phản kháng mạnh mẽ. Tuy nhiên, có một số vị Licchavī nói rằng “Vassakāra đang chạy nạn bởi vì vị ấy nói lời bảo vệ chúng ta.” Thế nên, các vị Licchavī cho phép vị Bà-la-môn vượt qua sông Hằng.
Bà-la-môn Vassakāra đến các vị Licchavī và khi được hỏi tại sao bị trục xuất, thì ông ta kể lại cho họ nghe những điều đã xảy ra tại cung triều Rājagaha. Các vị Licchavī thông cảm với Bà-la-môn Vassakāra. Họ nghĩ rằng vị ấy bị đối xử quá đáng vì một tội nhỏ nhen như vậy.
“Tại triều đình Rājagaha ông đã giữ chức vụ gì?” họ hỏi Vassakāra.
“Tôi là quan chánh án.”
“Vậy ông hãy giữ chức vụ ấy tại triều đình của chúng tôi.” Các vị Licchavī đề nghị. Vassakāra chứng tỏ mình là vị quan tòa rất lão luyện. Sau đó các vị Licchavī học các môn học từ vị ấy.
Khi Bà-la-môn Vassakāra đã ổn định địa vị, làm thầy dạy học cho các vị Licchavī, vị ấy bắt đầu thực hiện ý định của mình. Vị ấy thường gọi riêng một vị hoàng tử Licchavī đến và hỏi một vài điều lặt vặt như:
“Các thanh niên dưới sự cai trị của điện hạ có trồng trọt
không?”
“Vâng! Có.” (Vốn là câu trả lời tự nhiên) “Họ có thắng ách vào cặp bò không?” “Vâng! Có.”
Cuộc chuyện trò không xa hơn. Hai người chia tay. Nhưng nếu một trong các vị hoàng tử Licchavī nhìn thấy cuộc chuyện trò riêng tư, bèn đến hỏi vị Licchavī đã trò chuyện với Vassakāra về chủ đề cuộc bàn luận của họ và được nghe câu trả lời đúng sự thật, người dò hỏi dĩ nhiên không thể tin những điều ấy. “Chắc phải có một điều gì đó mà vị ấy còn dấu kín,” vị Licchavī kia nghĩ. Như vậy, một sự rạn nứt đã xảy ra giữa các vị Licchavī.
Vào một ngày khác, Bà-la-môn Vassakāra dẫn một hoàng tử Licchavī khác đến một chỗ kín đáo và hỏi: “Thưa điện hạ! Ngày hôm nay điện hạ có dùng điểm tâm không?” Chỉ có thế thôi. Khi một vị hoàng tử Licchavī hỏi về cuộc chuyện trò, được nghe sự thật nhưng nó làm cho vị ấy khởi sanh hoài nghi. Một sự rạn nứt khác sanh lên.
Vào một dịp khác, Bà-la-môn Vassakāra hỏi riêng một hoàng tử Licchavī khác: “Nghe nói điện hạ bị thiếu thốn, có đúng không?”
Hoàng tử nói: “Ai nói với thầy như vậy?” “Vị hoàng tử đó nói với tôi.”
Và như vậy hận thù xảy ra giữa hai vị hoàng tử Licchavī.
Tuy nhiên, vào một dịp khác Bà-la-môn Vassakāra nói chuyện riêng với một vị hoàng tử Licchavī khác: “Người ta gọi điện hạ là kẻ hèn nhác?”
“Ai dám gọi ta là kẻ hèn nhác?”
“Chính vị hoàng tử đó đã nói như vậy.”
Như vậy sự thù địch khởi sanh giữa hai hoàng tử Licchavī.
Sau ba năm ngấm ngầm gây ly gián nội bộ, Bà-la-môn Vassakāra đưa các hoàng tử Licchavī đi đến tình thế mà không có hoàng tử nào tin lẫn nhau. Rồi để thử lại xem kế họach của ông ta có hiệu quả đến đâu. Ông ta cho đánh trống công bố một cuộc hội họp của các hoàng tử Licchavī. Mọi người đều thù ghét nhau. Không có ai trong các vị hoàng tử sẵn sàng làm các việc trong hòa hợp như thường lệ. “Hãy để các hoàng tử khá giả tham gia công việc, còn chúng ta chỉ là những kẻ hèn hạ,” một số hoàng tử nói như vậy. Hoặc “Hãy để những người dũng cảm đi còn chúng ta chỉ là những kẻ hèn nhát.” Và tại nơi hỗn độn đầy không khí chia rẽ này, cuộc hội họp không diễn ra.
Rồi Bà-la-môn Vassakāra gửi mật thư đến vua Ajātasattu rằng đã đến lúc để tấn công Vesāli. Vua Ajātasattu cho công bố cuộc viễn chinh bằng tiếng cồng chiêng và xuất quân ra khỏi Rājagaha.
Các ông hoàng cai trị kinh thành Vesāli nghe tin: “Chúng ta sẽ không để bọn chúng vượt qua sông Hằng,” họ công bố. Và một cuộc họp được thông báo, nhưng vì vốn mang những mối hận thù cũ nên chẳng ai tham dự. “Hãy để những người dũng cảm đi,” họ nói trong sự nhạo báng.
Khi quân binh của vua Ajātasattu đã vượt qua sông Hằng. Các vị hoàng tử Licchavī cai trị kinh thành Vesāli tuyên bố: “Chúng ta sẽ không để bọn chúng vào kinh thành của chúng ta. Chúng ta sẽ đóng cửa thành và đứng vững. Nào! Hãy vào vị trí phòng thủ.” Họ la to và cố gắng triệu tập một cuộc hội họp. Tuy nhiên, vẫn không có sự đáp ứng nào.
Quân binh của vua Ajātasattu không gặp sự kháng cự nào từ phía Vesāli, nơi mà những cổng thành của nó vẫn mở tung. Họ tàn sát những vị hoàng tử Licchavī và trở về Rājagaha với tư cách là kẻ chiến thắng.
Đây là câu chuyện về sự sụp đỗ của thành Vesāli.
(Những biến cố dẫn đến sự suy sụp của thành Vesāli và sự tiêu diệt hoàn toàn của nó xảy ra suốt ba năm, bắt đầu từ năm Đức Phật viên tịch đại Niết bàn và hai năm sau đó. Câu chuyện được tái tạo ở đây dựa theo Chú giải liên quan đến vấn đề này. Mong rằng độc giả là tín đồ có giới đức của Đức Phật, hãy tưởng tượng ra cảnh Bà-la-môn Vassakāra được nghe từ Đức Phật về bảy pháp hưng thịnh dành cho các vị quân vương, tại chỗ ngụ của Đức Phật trên đỉnh núi Gijjakuṭa và sự ra đi tiến hành của vị ấy (trong tất cả sự thỏa mãn từ đấy).
Ngay khi Đức Phật thuyết pháp về bảy pháp hưng thịnh dành cho các nhà cai trị đến Bà-la-môn Vassakāra, Ngài khởi ý thuyết một bài pháp tương tự để giảng dạy các vị tỳ khưu ngỏ hầu đem lại sự trường tồn cho Giáo pháp, dẫn ra khỏi vòng sanh tử và sự giác ngộ Niết bàn. Vì thế có lợi ích nhiều hơn bảy pháp hưng thịnh dành cho các nhà cai trị mà vốn chỉ là những pháp thế tục.
Do đó, ngay sau khi Bà-la-môn Vassakāra ra đi, Đức Phật đã nói với đại đức Ānanda: “Này Ānanda! Hãy đi và thông báo với các vị tỳ khưu ở quanh Rajagaha hãy cu hội tại giảng đường.”
“Lành thay, kính bạch Đức Thế Tôn!” đại đức Ānanda thưa như vậy rồi sắp xếp một cuộc hội họp cho các vị tỳ khưu. Vị ấy nhờ các vị tỳ khưu có năng lực thần thông đi báo cho những vị tỳ khưu ở những nơi cách xa Rājagaha, và vị ấy đích thân đi đến các vị tỳ khưu gần ở đó. Khi các vị tỳ khưu đã cu hội, vị ấy đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ Ngài và khi đứng ở nơi thích hợp bèn bạch với Đức Phật như vầy: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tỳ khưu đã cu hội. Xin Thế Tôn định liệu lúc nào sẽ đến.”
Rồi Đức Phật đi đến chỗ hội họp và ngồi trên chỗ đã được soạn sẵn dành cho Ngài, Ngài nói với các tỳ khưu rằng:
“Này các tỳ khưu! Như Lai sẽ thuyết giảng về bảy pháp Bất thối. Hãy chú ý lắng nghe về những điều Như Lai sắp nói ra ở đây”.
“Lành thay! Kính bạch Đức Thế Tôn!” các vị tỳ khưu đáp lại, và Thế Tôn bắt đầu thuyết pháp.
(i) Này các tỳ khưu! Chừng nào các tỳ khưu thường xuyên hội họp và có nhiều cuộc hội họp thì nhất định sẽ được tiến bộ (về tâm linh). Không có lý do gì để suy thoái.
(ii) Này các tỳ khưu! Chừng nào các tỳ khưu hội họp, giải tán và tham gia các công việc của Tăng trong hòa hợp thì nhất định sẽ được tiến bộ. Không có lý do gì để bị suy thoái.
(iii) Này các tỳ khưu! Chừng nào các tỳ khưu không ban hành các điều luật mà chưa được ban hành bởi Đức Phật và khéo thọ trì các điều luật mà đã được Đức Phật ban hành thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.
(iv) Này các tỳ khưu! Chừng nào các tỳ khưu tỏ sự tôn kính, tôn trọng đến các tỳ khưu cao hạ giữ địa vị lãnh đạo trong Tăng chúng, và thường suy xét rằng lời khuyên của những vị tỳ khưu trưởng lão ấy là đáng nghe theo thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.
(v) Này các tỳ khưu! Chừng nào các tỳ khưu không chiều theo các ái dục khởi sanh, chính là phiền não dẫn đi tái sanh, thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.
(vi) Này các tỳ khưu! Chừng nào các tỳ khưu chịu ẩn cư trong những chỗ ngụ sâu trong rừng, thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.
(vii) Này các tỳ khưu! Chừng nào các tỳ khưu còn an trú trong Chánh niệm, khiến những vị tỳ khưu cùng thực hành phạm hạnh trân trọng giới luật mà chưa đến có thể đến và những tỳ khưu có tánh tương tự mà đã đến rồi sẽ sống an lạc, nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.
Này các tỳ khưu! Chừng nào bảy pháp Bất thối này còn hiện diện trong các vị tỳ khưu và chừng nào các vị tỳ khưu sống trong bảy pháp bất thối ấy, thì các vị sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.
(Bài pháp chưa kết thúc)
Bảy pháp kể trên được gọi là nhóm bảy pháp Bất thối đầu tiên của chư tỳ khưu.
(i) Trong bảy pháp ấy, pháp thứ nhất về sự hòa hợp thường xuyên tương tự như yếu tố hưng thịnh thứ nhất được giảng dạy đến các hoàng tử Vajji. Nếu các tỳ khưu không gặp nhau thường xuyên thì họ không thể biết điều gì đang xảy ra ở những tịnh xá khác. Ví dụ, một Sīma nọ trong một tịnh xá nọ có thể bị hoãn lại vì các ranh giới bị lẫn lộn khiến các Tăng sự quan trọng không thể được tổ chức ở trong đó. Hoặc một số tỳ khưu nọ trong một tịnh xá nọ đang làm nghề thuốc, hoặc làm công việc đưa tin cho những người thế tục, hoặc đang làm khó thiện tín của họ bằng cách xin xỏ quá đáng, hoặc đang làm công việc lấy lợi câu lợi, v.v…
Khi sự lơi lỏng của vị tỳ khưu không được chư Tăng chú ý, thì các vị tỳ khưu ác lợi dụng sự lơi lỏng một cách bất chánh và làm gia tăng số lượng tỳ khưu của họ, đem đến những hậu quả bất lợi cho Giáo pháp.
Do Tăng đoàn hội họp thường xuyên một cách kịp thời, một Sīma bị lỗi có thể được chư Tăng chỉnh sửa lại để nó hoạt động theo đúng tạng Luật. Khi các tỳ khưu ác thành lập phe nhóm riêng thì vị tỳ khưu bậc Thánh đã chứng đắc đạo quả có thể được cử đến để thuyết pháp cho họ về những đường lối và những pháp hành của chư thánh Tăng (ariyavamsa dhamma). Những vị tỳ khưu tinh thông Giới luật có thể được gởi đến để trừng phạt các vị tỳ khưu ác. Trong trường hợp như vậy, các vị tỳ khưu ác biết rằng chư Tăng có sự cảnh giác và họ không thể lộng hành được. Như vậy, sự hưng thịnh của các vị tỳ khưu trong Giáo pháp được đảm bảo.
(ii) “Các vị tỳ khưu hội họp trong hòa hợp” nghĩa là nhanh chóng đáp lại lời kêu gọi của Tăng đoàn để thực hiện bất cứ Tăng sự nào, như vệ sinh khuôn viên chùa, hay trùng tu lại bảo tháp, hay phát nguyện hoặc tụng Giới bổn. Không lý do gì mà hiệu lệnh triệu tập các vị tỳ khưu được đáp lại một cách khinh xuất. Tất cả những công việc cá nhân như mang y, bát hay sửa sang tịnh xá được gác lại vào lúc tham dự cuộc họp Tăng đoàn. Thái độ luôn luôn dành ưu tiên cho việc hội họp Tăng đoàn đảm bảo sự hòa hợp trong các cuộc họp chư Tăng.
‘Giải tán trong hòa hợp’ nghĩa là rời khỏi cuộc hội họp ngay tức thì và giải tán mà không có ngoại lệ nào.Nếu có một số tỳ khưu định nán lại, thì những vị tỳ khưu đã rời khỏi cuộc họp có thể có những ý nghĩ ngờ vực không tốt đối với những vị tỳ khưu còn ở lại cuộc họp. “Những vị tỳ khưu ấy có công việc cần bàn riêng với nhau” và sự hiểu lầm như vậy sẽ sanh lên.
‘Giải tán trong hòa hợp’ có thể mang ý nghĩa cùng nhau đứng dậy, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm để thực hiện những quyết định đã được thông qua cuộc họp, như tham dự các Tăng sự liên quan đến Sīmā, hay giúp một vị tỳ khưu phạm tội sám hối.
‘Tham gia công việc của Tăng trong hòa hợp’ nghĩa là sự sẵn sàng của mỗi vị tỳ khưu sống trong cộng đồng, không bao giờ tỏ ra ích kỷ. Ví dụ, nếu một vị tỳ khưu khách đến, vị ấy nên được đón tiếp một cách nhiệt tình thay vì chỉ sang một thiền viện khác, hay đặt ra những câu hỏi không thích hợp về đời tư của vị ấy. Điều này đặc biệt quan trọng đối với vị tỳ khưu bệnh đang cần chỗ ngụ và sự chăm sóc. Đi kiếm những món vật dụng cho vị tỳ khưu như bình bát, y phục, thuốc men cho vị tỳ khưu đang cần cũng là hành động hòa hợp trong bổn phận của vị tỳ khưu. Nếu một chỗ nọ thiếu một tỳ khưu đa văn và có nguy hại cho Kinh tạng hoặc ý nghĩa đúng đắn của kinh tạng Pāḷi bị diệt mất, thì những vị tỳ khưu ở chỗ ấy nên tìm kiếm một vị tỳ khưu đa văn để giảng tạng kinh Pāḷi, dịch ý nghĩa của nó và vị ấy nên được chăm sóc hợp lý bằng bốn thứ vật dụng của vị tỳ khưu.
(iii) Trong pháp Bất thối thứ ba, điều lệ của vị tỳ khưu không phù hợp với Giáo pháp, dẫn đến việc ban hành một điều gì đó mà Đức Phật chưa ban hành.
Một ví dụ về việc làm như vầy: Có một điều khoản trong Tạng luật được gọi là Nisīdānasantata hay Purāṇasantata trong phần Pārājika Pāḷi, 2-Kosiya Vagga (điều thứ 5 ở trang 336, bản dịch tiếng Miến). Khi Đức Phật đang trú ngụ tại tịnh xá Jetavana trong thành Sāvatthi, Ngài nói với các vị tỳ khưu như vầy: “Này các tỳ khưu! Như Lai muốn ở nơi vắng vẻ trong ba tháng. Không một tỳ khưu nào được đến, ngoại trừ người đem cơm cho Như Lai.” Rồi các vị tỳ khưu cùng nhau ban hành một điều lệ rằng: ‘Bất cứ vị tỳ khưu nào đi đến Đức Phật, ngoại trừ người mang cơm cho Đức Phật thì phạm tội pācittiya.’ Và ai phạm điều ấy sẽ bị đưa ra Tăng đoàn. Bấy giờ, điều này đi quá những điều ban hành của Đức Phật. Các vị tỳ khưu ấy không có quyền lấy lời dạy của Đức Phật trong trường hợp đặc biệt ấy xem là một trong những tội pācittiya (ưng đối trị), và cũng không có quyền tự ý công bố tội phải sám hối. Việc làm như vậy là đi ngược với Dhamma Vinaya và điều đó có nghĩa là - ban hành điều luật mà Đức Phật chưa ban hành.
Việc xem thường những gì mà Đức Phật đã ban hành được minh họa rõ ràng nhất là trường hợp của các vị tỳ khưu Vajjīputtaka ở Vesāli - họ cố gắng đưa ra mười điều luật phi pháp có tính cách chống lại những điều luật của Đức Phật một cách trắng trợn. Sự kiện ấy xảy ra vào năm thứ một trăm sau khi Đức Phật tịch diệt.
(Hãy tham khảo Vinaya Cūlavagga Pāḷi, Satta Satikakkhandhaka).
Trong thời Đức Phật có những vị tỳ khưu Assaji và Punabbasuka là những người cố ý vi phạm những tội nhỏ trong bộ Luật. Tuy nhiên, việc coi thường tội có thể là không thọ trì những gì Đức Phật ban hành; nghĩa là không có gì khác ngoài việc không thọ trì.
Trong câu chuyện về Puraṇasantata, đại đức A-la-hán Upasena (em của trưởng lão Sāriputta) đã tránh không tạo ra những điều lệ trong pháp hành của vị tỳ khưu. Đây là trường hợp không ban hành những điều luật chưa ban hành bởi Đức Phật ban hành.
Đại đức Yasa, người kết tập cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ hai đã dạy Dhamma Vinaya đến các vị tỳ khưu. Đây là một ví dụ không xem thường các điều luật do Đức Phật ban hành.
Vào buổi chiều hôm trước của đại hội kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, một cuộc bàn luận sôi nổi xảy ra trong Tăng chúng là có nên bỏ đi những tội nhỏ nhặt trong bộ Luật hay không? Bởi vì khi Ngài sắp nhập Niết bàn đã cho phép chúng Tăng làm công việc này sau khi Ngài viên tịch. Tôn giả Kassapa, người chủ trì kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, đã chính thức công bố tại Đại hội Thánh Tăng là trân trọng giữ gìn các điều luật nhỏ nhặt mà Đức Phật đã ban hành. Đây là trường hợp khéo thọ trì những điều luật mà Đức Phật đã ban hành.
(iv) Về pháp Bất thối này, những vị tỳ khưu trưởng lão chỉ hướng dẫn tinh thần đến các vị tỳ khưu nhã nhặn, có lòng tôn kính đến họ và đi đến họ mỗi ngày hai ba lần. Đối với những vị tỳ khưu tha thiết tầm cầu sự hướng dẫn bằng cách bày tỏ sự ngưỡng mộ của họ, thì các vị tỳ khưu trưởng lão truyền đạt trí tuệ thực nghiệm đã được truyền lại qua thế hệ của các vị A-xà-lê, những điều cốt yếu trong Giáo pháp được giảng dạy đến các đệ tử có sự thành khẩn và tịnh tín. Nếu các vị tỳ khưu không tỏ sự tôn kính đúng mực đến các vị tỳ khưu trưởng lão thì họ sẽ mất đi năm lợi ích như Giới và bảy Thánh sản, và vì vậy phải chịu sự mất mát to lớn và suy thoái.
Những vị tỳ khưu nhã nhặn, có lòng tôn kính đến các vị trưởng lão và đi đến các Ngài mỗi ngày hai ba lần, sẽ thâu đạt được trí tuệ từ họ bằng nhiều cách. Họ sẽ thâu đạt được những lời chỉ dẫn thực dụng và pháp thiền quán, như “Hiền giả nên đi như vầy (trong chánh niệm và giác tỉnh); hiền giả nên đi lui như vầy; hiền giả nên nhìn thẳng về phía trước như vầy; hiền giả nên nhìn hai bên như vầy; hiền giả co tay và duỗi tay như vầy; hiền giả nên mang y và bát như vầy, v.v…” Các vị tỳ khưu trưởng lão sẽ truyền đạt cho họ trí tuệ thực dụng được truyền lại qua các thế hệ của các vị A-xà-lê và những điểm chính yếu của Giáo pháp xứng đáng dành cho đệ tử chân thành và có lòng tịnh tín. Các Ngài sẽ dạy cho họ mười ba pháp đầu đà và khuyên họ đừng rơi vào cạm bẫy trong lý luận của Giáo pháp, bằng cách dạy cho họ về những điểm biện bác trong mười điểm tranh luận (Abhidhammā Piṭaka). Nhờ được chỉ dạy từ những vị thầy xứng đáng như vậy, những vị tỳ khưu ấy sẽ gặt hái được những lợi ích như Giới để hoàn thành phận sự Đạo Quả A-la-hán, là quả báu của vị tỳ khưu.
(v) Về pháp Bất thối thứ năm, vị tỳ khưu đi lại từ làng này đến xóm khác, từ thành thị này đến thị trấn khác, hằng theo sát các thí chủ vì bốn món vật dụng là người phục tùng theo năng lực của ái dục. Người xuôi theo các ái dục sẽ bị suy thoái trong các lợi ích về pháp hành của vị tỳ khưu như Giới. Người không xuôi theo ái dục sẽ tiến bộ về mặt tâm linh, bắt đầu là Giới.
(vi) Về pháp Bất thối thứ sáu, trú ngụ ở sâu trong rừng là nơi cách biệt những chỗ định cư của dân chúng ( không nhất thiết phải ở trong rừng). Trong một tịnh xá mà ở gần thị trấn hoặc làng mạc thì một vị tỳ khưu xả thiền, vị ấy nghe giọng nói của người đàn ông, đàn bà hay trẻ con làm ảnh hưởng đến nhịp độ của định tâm.
Ngụ trong rừng, người ta thức dậy sớm vào buổi sáng nghe tiếng chim muông (tạo ra sự an bình và thỏa mãn) làm khởi sanh hỉ lạc (pīti) và nhờ sáng suốt quán chiếu hỉ lạc ấy, người ta có thể chứng đắc Đạo Quả A-la-hán (arahatta-phala). Như vậy, Đức Phật nói lời tán dương vị tỳ khưu sống trong rừng sâu hơn là vị tỳ khưu đắc thiền sống gần làng mạc hay thị trấn. Sở dĩ như vậy là vì Đức Phật thấy khả năng chứng đắc Đạo Quả A-la-hán dễ dàng trong vị tỳ khưu ngụ trong rừng. Đó là lí do khiến Ngài nói rằng chừng nào các vị tỳ khưu thích cư ngụ nơi thanh vắng trong rừng thì họ nhất định sẽ được tiến bộ về tâm linh, và không có lý do gì để họ suy thoái.
(vii) Về pháp Bất thối thứ bảy, các vị tỳ khưu thường trú mà không đón tiếp những vị tỳ khưu đồng phạm hạnh trang nghiêm thọ trì giới, những vị tỳ khưu như vậy không có niềm tin nơi Tam Bảo. Đây là hạng tỳ khưu đón tiếp những vị tỳ khưu phương xa đến, không mời ngồi cũng không quạt mát họ, cũng không làm bất cứ công việc tiếp khách nào. Một tịnh xá mà có những vị tỳ khưu như vậy sống thì sẽ bị tai tiếng rằng tịnh xá này có những vị tỳ khưu không tin vào Tam Bảo, nó sẽ trở nên xa lạ đối với những vị tỳ khưu khách, không có những vị tỳ khưu khách lui tới. Tiếng xấu như vậy sẽ làm cho các vị tỳ khưu khách tránh không đến tịnh xá ấy cho dù tình cờ đi qua đó. Do đó những vị tỳ khưu có giới đức ở phương xa chưa đến sẽ không bao giờ đến. Những vị tỳ khưu có giới đức mà đã đến rồi, do không biết tịnh xá ấy không tiếp khách, sẽ sớm nhận ra rằng tịnh xá ấy không phải là nơi để họ trú ngụ lâu dài và sẽ bỏ đi. Kết quả là tịnh xá ấy không có những vị tỳ khưu có giới đức đến cư ngụ. Những vị tỳ khưu ở tịnh xá ấy sẽ không có cơ hội gặp được những bậc có giới đức, là những bậc có thể chỉ dạy về Giáo pháp giúp họ đọan trừ hoài nghi, có thể dạy cho họ về các học giới và thuyết giảng diệu pháp. Những vị tỳ khưu thường trú sẽ được nghe những bài pháp mới và họ cũng không ghi nhớ được những gì mà họ đã học do không thường xuyên tụng đọc. Như vậy, những lợi ích của vị tỳ khưu sẽ dần dần mất đi.
Những vị tỳ khưu thường trú mà muốn các vị tỳ khưu khách đi đến tịnh xá của họ là những vị tỳ khưu có đức tin nơi Tam Bảo, vì vậy họ sẽ ân cần đón tiếp những vị tỳ khưu khách đến với họ, sẽ sắp xếp chỗ ở cho những vị tỳ khưu khách và dẫn các vị tỳ khưu khách đi khất thực. Họ sẽ được dịp học pháp với các vị tỳ khưu ấy và nhờ vậy họ đọan được những hoài nghi của họ. Họ có thể nghe những bài pháp vi diệu. Tịnh xá mà có hạng tỳ khưu như vậy trú ngụ sẽ được tiếng tốt, là nơi có những vị tỳ khưu có niềm tin nơi Tam Bảo trú ngụ, là nơi hiếu khách, thường tôn kính tiếp đãi những tỳ khưu khách ở phương xa đến. Tiếng lành ấy hấp dẫn những vị tỳ khưu khách đó. Khi họ đến thì các vị tỳ khưu thường trú sẽ làm những công việc cần thiết đối với vị tỳ khưu khách cao hạ hơn họ hoặc sẽ ngồi trên những chỗ ngồi của họ quanh những vị tỳ khưu khách thấp hạ hơn họ và rồi hỏi các vị tỳ khưu khách có ở lại hay đi đến một nơi khác. Nếu vị tỳ khưu khách có ý định đi tiếp đến nơi khác thì vị tỳ khưu thường trú sẽ mời vị tỳ khưu ấy ở lại, chỉ cho vị tỳ khưu khách thấy đó là nơi trú ngụ thích hợp và việc đi khất thực cũng không có vấn đề gì. Nếu vị tỳ khưu khách đồng ý ở lại thì vị tỳ khưu thường trú được may mắn học các điều luật từ vị tỳ khưu khách thông thạo tạng Luật (Vinaya), hoặc về kinh từ vị tỳ khưu thông thạo tạng Kinh (Suttanta). Nhờ an trú trong những lời chỉ dạy của vị tỳ khưu có giới đức, các vị tỳ khưu thường trú sẽ chứng đắc sẽ được chứng đắc Đạo Quả A-la-hán cùng với Tứ Tuệ Phân Tích (paṭisambhidā-ñāṇa). Còn vị tỳ khưu khách hoan hỉ nói rằng “Khi chúng tôi đến đây, chúng tôi nghỉ sẽ ở lại vài ngày thôi. Nhưng vị tỳ khưu thường trú đem lại sự an lạc cho chúng tôi nên chúng tôi sẽ trú ngụ trong mười năm hoặc hai mươi năm.” Như vậy, những lợi ích của vị tỳ khưu như Giới sẽ được gia tăng.
Thêm nữa, Đức Phật dạy các vị tỳ khưu: “Này các tỳ khưu! Như Lai sẽ dạy các con về bảy pháp Bất thối khác. Hãy chú ý lắng nghe. Như Lai sẽ giảng giải chi tiết về bảy pháp này.”
“Lành thay! Bạch Đức Thế Tôn!” các tỳ khưu đáp lại. Và Đức Phật thuyết giảng bài pháp này.
(i) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào không vui thích và không quan tâm đến thế sự thì nhất định họ sẽ được tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(ii) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào không vui thích và không tìm vui trong các câu chuyện phù phiếm thì họ sẽ được tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(iii) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào không vui thích và không tìm vui trong sự lười biếng và không ưa thích sự ngủ nghỉ thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(iv) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào không vui thích trong phe nhóm thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(v) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào không có ác dục khoe khoang và không chìu theo ác dục như vậy thì nhất định họ sẽ được tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(vi) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào không thân cận với những bạn ác và không binh vực những bạn ác thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(vii) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào không dừng lại nữa chừng (trước khi chứng đắc Đạo Quả A-la-hán) sau khi thấu hiểu chân lý thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
Này các tỳ khưu! Chừng nào bảy pháp Bất thối này được tồn tại với các tỳ khưu và chừng nào các tỳ khưu sống bằng bảy pháp Bất thối này thì nhất định sẽ được tiến bộ. Không có lý do gì để suy thoái.
(Bài pháp này vẫn chưa kết thúc)
Bảy pháp Bất thối trên được gọi là bảy pháp Bất thối phần hai.
(i) Trong bảy pháp bất thối, pháp bất thối thứ nhất ‘những công việc thế sự’ có nghĩa là sự chú nguyện y, sự may y, làm đồ dựng kim, may áo bát, làm dây lưng, khâu đồ lọc nước, làm đế bát, làm mảnh sành để kỳ chân, làm chổi quét, v.v…
Một số tỳ khưu thường bận rộn với những vấn đề này. Điều này được chỉ là yếu tố thứ nhất, không thích hợp cho vị tỳ khưu phân chia thời gian của mình cho những vấn đề như vậy, vị ấy nên dành thời giờ để học pháp, nghiên cứu pháp, quét chùa, … và cũng như phân định thì giờ để hành thiền. Vị tỳ khưu sử dụng thời gian của mình một cách hợp lý thì không phải là người vui thích thế sự.
(ii) “Nói chuyện phù phiếm” nghĩa là say sưa nói chuyện với đàn bà, đàn ông hoặc bất cứ chuyện vô bổ nào mà điều này không dẫn đến Đạo Quả. Vị tỳ khưu mà say sưa những chuyện tầm thường như vậy là người tìm sự vui thích trong những chuyện phù phiếm. Vị tỳ khưu mà luôn thảo luận về Giáo pháp, trả lời những câu hỏi về Giáo pháp thì được gọi là vị tỳ khưu ‘thận trọng’ và người có sự thu thúc trong lời nói.
Đức Phật dạy rằng “Sannipatitānaṁ vo bhikkave dvayaṁ karanīyaṃ dhammī vā kathā ariyo vā tunhībhāvo - Này các tỳ khưu! Có hai điều cần làm dành cho vị tỳ khưu khi gặp một người khác là nói chuyện về Giáo pháp hoặc giữ im lặng trong sự trầm tư về Giáo pháp.”
(iii) Vị tỳ khưu buông xuôi theo sự hôn trầm và thuỵ miên ngay cả khi đang đi, đang ngồi hay đang nằm, là người tìm sự vui thích trong giãi đãi và ưa thích ngủ nghỉ. Vị tỳ khưu mà ít ngủ do sự nhiệt tâm trong pháp hành của vị tỳ khưu thì không phải là người giải đãi và ưa thích ngủ nghỉ.
(iv) Vị tỳ khưu cảm thấy khó chịu khi ở một mình, thích bầu bạn với một hoặc nhiều người hơn để nói chuyện là người ưa thích phe nhóm. Vị tỳ khưu mà thích sống một mình trong cả bốn oai nghi và người hoàn toàn thỏai mái khi sống một mình là người không ưa thích hội chúng.
(v) Vị tỳ khưu không có giới lại tự cho mình là người có giới. Vị tỳ khưu như vậy được gọi là người ác dục. Vị tỳ khưu mà không giả bộ mình là người có giới là người không có ác dục.
(vi) Một người bạn là người yêu mến; bạn đồng hành là người cùng sống, cùng đi hoặc cùng ăn với mình.
(vii) Vị tỳ khưu không tự mãn với giới thanh tịnh hay sự chứng đắc Tuệ quán hay pháp chứng của thiền, hoăc Đạo Quả Nhập lưu, Nhất lai hay Bất lai (mà không ngừng phấn đấu để chứng đắc Đạo Quả A-la-hán) là người nhất định sẽ được tiến bộ về tâm linh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
Lại nữa, Đức Phật dạy các tỳ khưu: Này các tỳ khưu! Như Lai sẽ giảng bảy pháp Bất thối khác. Hãy chăm chú lắng nghe, Như Lai sẽ giảng giải chi tiết.
(i) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào thấm nhuần niềm tin sâu sắc thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(ii) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào cảm thấy xấu hổ khi làm điều ác (hiri) thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(iii) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào có tâm sợ hãi tội lỗi (ottappa) thì họ nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(iv) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào có sự nghe nhiều học rộng thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(v) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào có sự tinh cần thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(vi) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào an trú được trong chánh niệm thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do để họ suy thoái.
(vii) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào có được Tuệ quán (vipassanā-pañña) thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
Này các tỳ khưu! Chừng nào bảy pháp Bất thối này gắn bó với các tỳ khưu và các tỳ khuu sống bằng bảy pháp Bất thối này thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.
Giải thích:
(i) Trong bảy pháp bất thối này, pháp bất thối thứ nhất:
Saddhā - Đức tin gồm có bốn loại:
a) Āgamanīya saddhā.
b) Addigama saddhā.
c) Pasāda saddhā.
d) Okappana saddhā.
a) Āgamanīya saddhā chỉ về sức mạnh của đức tin khởi sanh trong vị Bodhisatta, do sự cố gắng cao cả để thành đạt mười pháp Ba-la- mật (pāramī), sự dứt bỏ (cāga) và hạnh (cariya) mà không có sự xúi dục từ bên ngoài. Sức mạnh ấy đặt niềm tin bất động vào bất cứ điều gì đáng tin.
b) Addigama saddhā chỉ về đức tin bất động của bậc Thánh trong Tứ Thánh Đế do có được Tuệ thông đạt của Đạo (một ví dụ về Surambaṭṭha mà chúng tôi sẽ mô tả ở chương Tăng Bảo).
c) Pasāda saddhā chỉ về chiều sâu của đức tin nơi Tam Bảo, như đức tin của vua Mahākappina. Khi vị ấy nghe những từ như ‘Buddha, Dhamma, Saṅgha,’ vị ấy có niềm tin sâu đậm nơi ân Đức Phật như ‘Đức Phật có trí tuệ phân tích tất cả các pháp,’ v.v… và niềm tin khởi sanh trong vị ấy mà không có sự giảng dạy của người khác về các ân đức như Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng.
d) Okappana saddhā chỉ về niềm tin sau khi đã quyết định cẩn thận về Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng khi những người khác đề cập đến Tam Bảo. Sau khi có quyết định suy xét cẩn thận, người có loại niềm tin này có niềm tin vững chắc trong Tam Bảo như đức tin của bậc Thánh đã giác ngộ Diệu đế.
Trong pháp Bất thối thứ nhất này, Pasāda saddhā và Okappana saddhā được ám chỉ đến.
(ii-iii) Trong các pháp bất thối (Aparihāriya dhamma) thứ hai và thứ ba, sự khác biệt giữa hirī và ottappa nên được hiểu qua sự so sánh sau đây. Chúng ta nói rằng có hai viên sắt, viên thứ nhất mát nhưng dính đầy phân người, viên thứ hai thì nóng đỏ. Người có trí tuệ sẽ không chạm tay vào viên thứ nhất vì sợ làm dơ tay của mình, và anh ta cũng không đụng vào viên thứ hai vì sợ bỏng tay. Cũng vậy, bậc có trí tuệ ghê tởm điều ác vì nó có tánh chất đáng xấu hổ, cảm giác xấu hổ của người ấy đối với điều ác là hirī (tàm). Anh ta ghê sợ điều ác là vì anh ta biết rõ những hậu quả của nó, cả hiện tại lẫn vị lai, ghê sợ không làm điều ác là ottappa (quý).
(iv) Trong pháp bất thối thứ tư (Aparihāniya dhamma), ‘người nghe nhiều học rộng’ nghĩa là (a) người đọc rành mạch các bài kinh và văn học bằng tiếng Pāḷi (pariyatti) và (b) ‘người đã có trí tuệ thông đạt về diệu đế’ nghĩa là người đạt được trí tuệ Siêu thế - Paṭiveda. Trong văn mạch hiện tại, ý nghĩa thứ nhất được ám chỉ đến.
Những người đọc rành mạch Tam Tạng gồm bốn hạng:
(a) Vị tỳ khưu không cần sự hướng dẫn trong việc diễn dịch Tam Tạng.
(b) Vị tỳ khưu thích hợp để dẫn đầu một tịnh xá.
(c) Vị tỳ khưu có khả năng chỉ dạy cho các tỳ khưu ni (chi tiết về ba hạng người này được tìm thấy trong bộ Chú giải của Vinaya có nhan đề Samantapāsādika, trong phần giải thích tội Pacittiya ở phần Ovāda Vagga.
(d) Vị tỳ khưu mà giống như đại đức Ānanda thông thuộc Tam Tạng và có thể thuyết bất cứ bài pháp nào trong Tam Tạng. Trong văn mạch về pháp Bất thối thứ tư, bốn hạng người đa văn muốn ám chỉ đến. Chỉ người như vậy mới có thể an trú trong pháp hành (paṭipatti), trong pháp Thông đạt (pativeda saddhama), bởi vì pariyatti saddhama là nền tảng của hai pháp ấy.
(v) Trong pháp Bất thối thứ năm (Aparihāniya dhamma), người tinh cần thực hành hai khía cạnh viên mãn của pháp tinh tấn là thân và tâm. ‘Sự tinh cần về thân’ chỉ về người xa lánh hội chúng và tu tập trong tất cả mọi oai nghi về thân, tám đề mục về sự tinh cần nên được trau dồi ở trên thân. ‘Sự tinh cần của tâm’ ám chỉ đến hành giả tránh xa lục trần và an trú trong tám tầng thiền và vào những lúc khác trong tất cả các oai nghi của thân, không cho phép các phiền não xâm nhập vào tâm vì tâm luôn cảnh giác. Nếu các tỳ khưu có sự tinh cần thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh; không có khả năng nào khiến họ suy thoái.
(vi) Trong pháp Bất thối thứ sáu (Aparihāniya dhamma), ‘an trú trong chánh niệm’ nghĩa là người có năng lực ghi nhớ, có khả năng nhớ lại tất cả những hành vi và lời nói mà đã làm hoặc đã nói từ lâu, như trường hợp của trưởng lão Mahā Gatimbaya Abhaya, trưởng lão Dīgabhānaka Abhaya và trưởng lão Tipiṭikacūḷabhaya.
Trưởng lão Mahā Gatimbaya - Ngài có bẩm tánh thông minh ngay từ khi còn bé. Vào một buổi lễ truyền thống, người ta cho đứa bé ăn món đề hồ may mắn vào ngày thứ năm sau khi cậu bé sinh ra, đứa bé phát ra tiếng “Su! Su!” để đuổi con quạ đang cố gắng thò cái đầu của nó vào trong bát cơm. Khi cậu bé lớn lên và trở thành một vị tỳ khưu trưởng lão, những đệ tử của Ngài hỏi rằng: “Bạch Ngài! Hành động về lời nói hay hành vi nào đầu tiên nhất mà Ngài nhớ được?” Ngài bèn kể lại câu chuyện lúc Ngài đuổi con quạ khi Ngài mới sanh ra được năm ngày.
Trưởng lão Dīghabhāṇaka Abhaya - khi Ngài chỉ được chín ngày tuổi, người mẹ cúi xuống mặt cậu bé để hôn cậu. Những nụ hoa được kết trên đầu của bà đã bung ra và rơi xuống ngực của đứa bé. Trưởng lão nhớ lại những nụ hoa lài rơi trên ngực đã làm cho mình đau như thế nào. Khi được hỏi về những ký ức đầu tiên của mình, trưởng lão bèn kể lại biến cố này khi Ngài mới được chín ngày tuổi.
Trưởng lão Tipiṭakacūlābhaya - Khi Ngài được hỏi về khả năng ghi nhớ của Ngài. Trưởng lão đã nói rằng: “Nếu các hiền giả có bốn cổng để đi vào thành phố Anurāttha. Sau khi đóng lại ba cổng, chỉ còn một cổng để mở, mọi người ra vào, bần Tăng sẽ hỏi tên của mỗi người đi ra vào buổi sáng. Khi họ trở về thành phố vào buổi chiều, bần Tăng có thể nhắc lại tất cả tên của họ”.
(vii) Trong pháp Bất thối thứ bảy này, ‘Tuệ quán’ có nghĩa là sự biết rõ về sự sanh và diệt của năm uẩn (udayabbaya-paññā). Một ý nghĩa khác là sự chánh niệm được nêu ra trong pháp Bất thối thứ sáu và Tuệ quán được nêu ra trong pháp bất thối thứ bảy ám chỉ đến Chánh niệm và Tuệ quán làm nền tảng trong quá trình tu tập Tuệ quán.
Rồi Đức Phật tiếp tục thuyết về bảy pháp Bất thối thêm như vầy:
(i) Này các tỳ khưu! Nếu tỳ khưu nào tu tập Niệm Giác Chi thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(ii) Này các tỳ khưu! Nếu tỳ khưu nào tu tập Trạch Pháp Giác Chi thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(iii) Này các tỳ khưu! Nếu tỳ khưu nào tu tập Tinh Tấn Giác Chi thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(iv) Này các tỳ khưu! Nếu tỳ khưu nào tu tập Hỉ Giác Chi thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(v) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Khinh An Giác Chi thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(vi) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Định Giác Chi thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(viii)Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Xả Giác Chi thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
Này các tỳ khưu! Chừng nào bảy pháp Bất thối này gắn bó với các tỳ khưu và các tỳ khưu sống bằng bảy pháp Bất thối này thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.
(Bài pháp vẫn chưa kết thúc. Trong bảy pháp Giác chi này các tỳ khưu cần tu tập để được tiến bộ. Đức Phật dạy về sự tu tập Tuệ Quán liên quan đến Đạo Quả ở cả mức độ hợp thế lẫn siêu thế).
Rồi Đức Phật tiếp tục thuyết giảng bảy pháp Bất thối thêm như vầy:
(i) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Vô thường tưởng, thì họ nhất định sẽ tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(ii) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Vô ngã tưởng, thì họ nhất định sẽ tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái
(iii) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Bất tịnh tưởng, thì họ nhất định sẽ tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(iv) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Nguy hiểm tưởng, thì họ nhất định sẽ tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(v) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Xả ly tưởng, thì họ nhất định sẽ tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(vi) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Ly tham tưởng, thì họ nhất định sẽ tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(vii) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Diệt tưởng, thì họ nhất định sẽ tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(Bài pháp vẫn chưa kết thúc).
Ở đây, Vô thường tưởng là tưởng sanh lên với sự quán chiếu về sự vô thường của thân và tâm. Vô Ngã tưởng cũng cần được hiểu như vậy. Tuệ quán thấy đặc tánh vô thường của các pháp hữu vi liên quan đến ba cõi là tuệ quán Minh Sát (vipassanā pañña). Tưởng của trí tuệ ấy đáng được tu tập bởi vì nó là tưởng kết hợp với Trí tuệ. Cần chú ý rằng chữ ‘tưởng’ có nghĩa chính là ‘trí tuệ’. Phương pháp thuyết giảng của Đức Phật cũng nên được hiểu như vậy liên quan đến Vô ngã tưởng, v.v…
(Trong bài bảy pháp kể trên, năm pháp đầu thuộc về thế gian, hai pháp cuối thuộc về pháp hợp thế lẫn siêu thế).
Lại nữa, Đức Phật dạy các tỳ khưu như vầy: “Này các tỳ khưu! Như Lai sẽ giảng về sáu pháp Bất thối. Hãy chú ý lắng nghe, Như Lai sẽ giảng giải chi tiết.”
“Lành thay! Kính bạch Đức Thế Tôn!” các tỳ khưu đáp lại, Đức Thế Tôn thuyết bài pháp này.
(i) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào đối xử với các tỳ khưu đồng phạm hạnh ở chỗ đông người và vắng người, giữ gìn thân nghiệp từ hòa thì nhất định họ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(ii) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào đối xử với các tỳ khưu đồng phạm hạnh ở chỗ đông người và vắng người, giữ gìn khẩu nghiệp từ hòa thì nhất định họ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(iii) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào đối xử với các tỳ khưu đồng phạm hạnh ở chỗ đông người và vắng người, giữ gìn ý nghiệp từ hòa thì nhất định họ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(iv) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào phân phối không thiên vị, thọ hưởng chung với các vị đồng phạm hạnh mọi lợi dưỡng chân chánh hợp pháp thì họ nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(v) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào sống với các vị đồng phạm hạnh tại chỗ đông người và vắng người trong sự thọ trì giới luật đúng với Sa môn hạnh, những giới luật không bị gãy vụn, không bị sứt mẽ, không bị tỳ vết, không bị uế trược, những giới luật dẫn đến giải thoát mà được bậc trí tán thán, không bị ô nhiễm bởi mục đích sai lạc, những giới luật hướng đến định tâm thì họ nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
(vi) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào, ở chỗ đông người và vắng người, thọ trì những tri kiến đúng với Sa môn hạnh, những thành kiến đưa đến giải thoát, hướng đến sự diệt tận khổ đau cho những ai thực hành theo thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
Này các tỳ khưu! Chừng nào sáu pháp Bất thối này tồn tại giữa các tỳ khưu và chừng nào các tỳ khưu sống bằng sáu pháp Bất thối này thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.
Như vậy, Đức Phật đã giảng dạy cho chúng tỳ khưu về năm nhóm bảy pháp bất thối và một nhóm sáu pháp bất thối.
“Bày tỏ thân nghiệp từ hòa” có nghĩa là làm mọi việc với tâm từ ái. “Bày tỏ khẩu nghiệp từ hòa” có nghĩa là lời nói được nói ra với tâm từ ái (ái ngữ). “Giữ ý nghiệp từ hòa đối với những người khác” có nghĩa là nghĩ những ý nghĩ thân ái đối với những người khác.
Trong đọan kinh này Đức Phật dạy rằng hành vi, lời nói và ý nghĩ của vị tỳ khưu phải chan chứa từ hòa đối với những tỳ khưu đồng phạm hạnh, cách sống như vậy cũng áp dụng cho các Phật tử. Ở đây, Đức Phật dạy các tỳ khưu đơn giản là vì trong bốn chúng thì chúng tỳ khưu là cao quý nhất.
Như vậy, thân nghiệp từ hòa của vị tỳ khưu chính là sự phục vụ của cá nhân đến các tỳ khưu đồng phạm hạnh. Đối với người tại gia, đi lễ bái cúng dường bảo tháp hoặc cây Bồ đề hoặc đến tịnh xá để thỉnh chư Tăng về nhà để cúng dường vật thực. Sự tiếp đón đầy ái kính đối với các tỳ khưu khi họ đến nhà khất thực, sự cúng dường chỗ ngồi thích hợp, tiễn đưa các tỳ khưu ra về, v.v… là những nghiệp từ hoà.
Khẩu nghiệp từ hòa của vị tỳ khưu có thể được thể hiện qua những thuyết giảng của điều Luật, chỉ ra những pháp hành thiền, thuyết pháp, dạy về Tam Tạng là sự tác nghiệp quan trọng nhất. Với người tại gia, thuyết phục bạn và tổ chức cho họ làm những việc phước như đi chùa hay đến cây Bồ đề để lễ bái cúng dường, đi nghe pháp hay cúng dường hoa và đèn sáng đến bảo tháp. Khuyến khích họ thọ trì thập thiện nghiệp hay cúng dường vật thực qua thẻ, hay dâng y Kaṭhina hay cúng dường tứ sự đến chư Tăng (và rồi thỉnh chư Tăng về nhà cúng dường vật thực) hoặc rủ bạn bè sửa soạn vật thực, sắp xếp chỗ ngồi, đem đến nước uống, tiếp đón chư Tăng dầu các Ngài đã ngồi chỗ đã soạn sẵn. Và trên hết, nhắc nhở bạn bè có thái độ tịnh tín trong khi phục vụ chư Tăng. Tất cả hành vi về lời nói này xuất phát từ lòng từ ái.
Ý nghĩ từ hòa của vị tỳ khưu có đặc tánh đầy đủ sự thân thiện sau khi làm thanh tịnh bản thân, ngồi ở chỗ vắng vẻ và nguyện cho tất cả tỳ khưu trong tịnh xá đều được an vui, không ưu phiền và nóng giận. Về người tại gia, họ nên rãi tâm từ đến chư Tăng như vầy “ Cầu cho chư Tăng được an vui, không ưu phiền và nóng giận.” Thái độ như vậy xuất phát từ pháp từ ái.
Những ví dụ về nghiệp hành ở chỗ đông người - Giúp đỡ cho các tỳ khưu may y dù cao hạ hay thấp hạ hơn mình. Các tỳ khưu nhỏ hạ thì rửa chân cho các tỳ khưu cao hạ hay làm những công việc phục vụ cá nhân như: quạt hầu, kính lễ, v.v…
Ví dụ về nghiệp hành ở chỗ vắng người - Chăm lo tài sản cá nhân của tỳ khưu đồng phạm hạnh dù cao hạ hay thấp hạ hơn mình. Tài sản mà không được gìn giữ đúng mức bởi chủ nhân và trong khi gìn giữ không có ý nghĩ xem thường về sự thiếu cẩn thận của chủ nhân tài sản, mà làm với ý nghĩ coi đó là tài sản của mình, cần được gìn giữ.
Ví dụ về khẩu nghiệp ở chỗ đông người - Xưng hô với những tỳ khưu khác bằng những từ tôn kính như: đại đức, trưởng lão Tissa.
Ví dụ về khẩu nghiệp ở chỗ vắng người - Khi tìm hiểu một vị tỳ khưu trưởng lão khác, hãy tự hỏi như vầy: “Đại đức trưởng lão Deva của chúng ta ở đâu?” hay “Đại đức trưởng lão Tissa của chúng ta ở đâu? Khi nào Ngài đến đây?”
Ví dụ về ý nghiệp ở chỗ đông người - Nhìn vị tỳ khưu đồng phạm hạnh bằng cái nhìn thân ái biểu hiện với thái độ vui vẻ. Đây là kết quả của pháp từ trong tâm của người nhìn (sự biểu hiện ra ngoài mặt là thân nghiệp xuất phát từ pháp từ ái).
Ví dụ về ý nghiệp ở chỗ vắng người - Cầu mong đại đức trưởng lão Tissa, v.v… được an vui, v.v… đây là ý nghiệp ở chỗ vắng người, xuất phát từ lòng từ ái.
“Thọ hưởng cái gì đó một mình” nghĩa là không chia sớt vật gì đó kiếm được hay không chia sẻ một vật gì đó cho một người nọ, hay một số người nọ. Trong trường hợp thứ nhất, phạm vi mà người ta sẵn sàng chia sớt một vật gì đó là ví dụ về việc thọ hưởng một mình về một vật gì đó. Trong trường hợp thứ hai, khi người ta nghĩ rằng: “Ta sẽ chia sớt nó cho vị tỳ khưu nọ, nhưng sẽ không chia sớt cho vị tỳ khưu kia.” Đây là ví dụ về việc thọ hưởng vật gì đó liên quan đến một người.
Trong pháp Bất thối thứ tư này, vị tỳ khưu mà xem vật gì đó được thọ lãnh là vật cúng dường đến chư Tăng, là tài sản chung của tất cả những tỳ khưu giới đức ở chung với vị tỳ khưu ấy. Vị ấy suy xét rằng: “Vật thực cúng dường này có giá trị lớn (về phước). Ta sẽ không cho các cư sĩ tại gia bởi vì làm như vậy tức là lấy lợi câu lợi.” Ta sẽ không dùng nó một mình trước. Ta sẽ dâng nó đến chư Tăng. Nếu còn lại cái gì sau khi Tăng đã dùng nó thì ta sẽ dùng phần dư ấy. Vì vật thực này có được với ý định trở thành tài sản chung của chư Tăng.” Do đó, trước hết vị ấy đánh kẻng thông báo chư Tăng dùng cơm. Pháp hành cao quý này trong Giáo pháp của Đức Phật được gọi là pháp hành Sāranīya.
Chú thích về pháp hành Sāranīya:
Hạng tỳ khưu nào có đủ tư cách thọ trì pháp hành Sāranīya này? Một tỳ khưu phá giới không thích hợp với pháp hành Sāranīya. Chỉ có vị tỳ khưu có Giới mới có thể thọ trì pháp hành này. Lí do là những tỳ khưu có Giới không thể thọ lãnh vật dúng dường từ vị tỳ khưu phi phạm hạnh. Họ luôn luôn từ chối nó
Chỉ vị tỳ khưu có Giới hoàn hảo mới đủ tư cách thọ trì pháp hành Sāranīya. Một khi đã thọ trì rồi, pháp hành phải được thực hành viên mãn không bị sứt mẻ, khiếm khuyết. Những chi tiết liên quan về pháp hành được nêu ra dưới đây.
Ở đây, vị tỳ khưu cho vật thực có phân biệt đến mẹ, đến cha, hay thầy, hay bất cứ người nào như vậy. Vị ấy chia sớt nó đến một người nào đó mà vị ấy nhất định dâng đến. Nhưng việc san sẻ của vị ấy không phải là pháp hành Sāranīya; nó chỉ là sự đọan trừ chướng ngại (patibodha), do hoàn thành một phận sự như cách gọi trong Giáo pháp. Đúng như vậy, vì pháp hành Sāranīya là cách san sẻ cao quý hơn, chỉ thích hợp với vị tỳ khưu vượt qua các chướng ngại, các phận sự của bản thân.
Người thực hành pháp Sāranīyacó thể cho đi để thành tựu pháp hành của mình, chia sẻ phần khất thực được đến một vị tỳ khưu bệnh, hay chăm sóc tỳ khưu bị bệnh, tỳ khưu khách, tỳ khưu đi phương xa, hay tỳ khưu mới tu chưa biết cách mặc y hay ôm bát như thế nào. Sau khi cho vật thực đến những tỳ khưu này, nếu còn phần vật thực nào dư lại thì vị ấy đem dâng lần lượt từ vị trưởng lão cao hạ nhất, người mà được phép nhận phần vật thực nhiều theo ý của vị trưởng lão. Nếu hết vật thực và còn thời gian đi khất thực thì vị ấy có thể đi khất thực tiếp rồi tiếp tục chia sẽ những vật thực mà vị ấy khất thực được. Nếu còn lại vật thực sau khi đã chia sớt rồi thì vị ấy dùng nó. Nếu không còn chút vật thực nào và nếu không còn thì giờ đi khất thực tiếp thì vị ấy chấp nhận nhịn ăn và thọ hưởng pháp hỉ (pīti) từ pháp hành Sāranīya thành tựu.
(Nên lưu ý, dù trong kinh đề cập việc san sẻ đến những vị tỳ khưu đồng phạm hạnh có giới đức, người thực hành pháp Sāranīyacó thể từ chối không cho vật thực của mình đến tỳ khưu phá giới, hoặc do bi mẫn vị ấy có thể cho, nhưng đó không phải là pháp hành Sāranīya).
Thực ra, người thực hành pháp Sāranīya sẽ không thấy quá khó nếu nó được thọ trì chung với những vị tỳ khưu rành mạch pháp hành Sāranīya.
Lí do: những vị tỳ khưu ở chung rành mạch về pháp hành Sāranīya, các vị đã đi khất thực rồi thì không nhận vật thực của vị tỳ khưu hành pháp Sāranīya (được xem như trở ngại gây nên cho vị tỳ khưu hành pháp Sāranīya). Những vị tỳ khưu khác mà không kiếm được vật thực từ nơi khác sẽ độ vật thực ấy chỉ để thỏa mãn nhu cầu của họ. Như vậy, không có gánh nặng không cần thiết cho người thực hành pháp Sāranīya. Nơi mà những vị tỳ khưu ở chung (không rành mạch pháp hành Sāranīya) đã khất thực được vật thực ở một nơi nào đó nhưng vì tham nên cũng độ vật thực từ người pháp hành Sāranīya. Những vị tỳ khưu khác mà không kiếm được vật thực từ nơi khác sẽ độ vật thực nhiều hơn lượng vật thực mà họ thật sự cần. Trong hoàn cảnh như vậy người thực hành phải khất thực nhiều lần trong thời gian thích hợp (vào buổi sáng) và phải đi nhiều lần mà không có vật thực, tất cả vật thực kiếm được của vị ấy đã được chia hết cho những vị tỳ khưu khác.
Phận sự (được nguyện) thọ trì về sự chia sớt vật thực đến những vị tỳ khưu đồng phạm hạnh phải được duy trì liên tục mười hai năm, không hư hoại mới được xem là thành công. Suốt mười hai năm hành đạo nghiêm ngặt trong việc nuôi sống hằng ngày là đặc tánh ưu việt của pháp hành này.
Nếu trong ngày cuối cùng của mười hai năm mà có điều phiền toái nhỏ nhất trong tâm của hành giả, thì vị ấy thất bại. Ví dụ, nếu hành giả đi tắm và để lại bát vật thực của mình, nếu nó được trông thấy bởi một vị tỳ khưu cao hạ và vật thực được phân phát cho các tỳ khưu theo thứ lớp hạ lạp và không có gì sót lại trong bát - vị hành giả phải biết cách giữ thái độ đúng đắn. Ngược lại, nếu vị ấy có chút bất bình đối với những tỳ khưu đồng phạm hạnh vì đã không chừa lại một chút gì cho vị ấy, thì mười hai năm thực hành của vị ấy xem như tiêu tan. Nếu vị ấy vẫn quyết chí, vị ấy phải bắt đầu thực hành lại thêm mười hai năm nữa. Về phương diện này, luật lệ nghiêm khắc như trường hợp về thời gian phục vụ thử thách để sám hối tội Tăng tàn (titthiyaparivāsa) - một lần vi phạm, người thực hành phải bắt đầu lại.
Nếu người thực hành gặp những người hoàn cảnh tương tự, thay vì tức giận, phật ý thì khởi tâm hoan hỉ khi biết rằng những vị tỳ khưu đồng phạm hạnh đã dùng hết vật thực của mình, khi đó pháp hành của vị ấy được thành tựu viên mãn.
(i) Lợi ích đầu tiên trong việc thực hành viên mãn pháp hành Sāranīyalà sự đọan trừ hai pháp tật đố (issā) và bỏn xẻn (macchariya) và do sự tu tập lâu dài nên diệt trừ được những pháp ô nhiễm này.
(ii) Pháp từ thiện của vị ấy được thành lập. Vị ấy được mọi người quý mến.
(iii) Vì ước muốn mạnh mẽ thực hành hạnh bố thí có hiệu quả tốt nên cho kết quả sung mãn. Trong kiếp hiện tại, người thực hành luôn luôn có đầy đủ bốn món vật dụng.
(iv) Mười hai năm thực hành pháp bố thí vật thực đến những vị tỳ khưu đồng tu có giới đức, từ bát vật thực của vị ấy nên hiệu quả là bát của vị ấy có nguồn vật thực không bao giờ cạn kiệt. Vị ấy có thể cho bao nhiêu cũng được mà không hề cạn kiệt.
(v) Do kết quả của việc bố thí ưu tiên đến những vị tỳ khưu trưởng lão cao hạ nhất mỗi ngày trong suốt thời gian như vậy nên bất cứ khi nào có vật cúng dường được chia trong chư Tăng, thì vị ấy luôn luôn nhận được phần chia tốt nhất.
(vi) Do kết quả của việc đem lại hoan hỉ cho người khác từ việc bố thí vật thực của vị ấy nên bất cứ khi nào có nạn đói xảy ra ở chỗ vị ấy đang sống thì chư thiên sẵn sàng giúp đỡ vị ấy không bị đói.
(1) Trưởng lão Tissa trợ giúp thực phẩm cho 50 vị tỳ khưu.
Ngài là một vị ẩn sĩ sống ở khu rừng Sena, nơi đến khất thực của trưởng lão là ngôi làng Mahāgiri. Một nhóm năm mươi vị trưởng lão hành hương đến bảo tháp Nāgadīpa, đã đi khất thực ở ngôi làng Mahāgiri nhưng họ không nhận được chút vật thực nào. Khi họ đang rời khỏi ngôi làng thì họ gặp được trưởng lão Tissa, vị trưởng lão thường trú ở địa phương đó vào làng khất thực. Trưởng lão Tissa hỏi thăm năm mươi vị tỳ khưu có khất thực được gì không. Các vị trưởng lão không trả lời trực tiếp với trưởng lão Tissa nhưng chỉ nói rằng: “Này hiền giả! Chúng tôi đã đi khất thực ở chỗ đó.” Ngài biết rằng các vị trưởng lão chưa nhận được vật thực nên Ngài nói rằng: “Xin chư đại đức ở lại đây cho đến khi con trở lại.” Các vị trưởng lão bèn nói với Ngài: “Không ai trong số năm mươi tỳ khưu chúng tôi nhận được vật thực từ chỗ đó. Làm sao hiền giả có thể kiếm được nó?” Trưởng lão Tissa đáp lại: “Thưa đại đức! Những vị tỳ khưu thường trú ngụ trong xứ xở dầu không sở hữu năng lực to lớn, nhưng họ biết được chỗ nào có thể kiếm được vật thực.”
Năm mươi vị tỳ khưu đồng ý đợi trưởng lão ở đó.
Khi trưởng lão Tissa đi vào làng Mahāgiri khất thực, ngôi nhà đầu tiên đã sẵn sàng vật thực cúng dường. Chủ nhà đã nấu sẵn món cơm sữa để cúng dường cho trưởng lão Tissa. Khi trưởng lão vừa đứng ngay trước nhà, chủ nhà liền ra trút món cơm sữa đến đầy miệng bát của trưởng lão.
Trưởng lão Tissa trở về chỗ ngụ của trưởng lão đang đứng chờ và cung kính dâng vật thực, tác bạch với vị tỳ khưu cao hạ nhất: “Cầu xin chư đại đức thọ lãnh vật thực cúng dường của con.” Các vị trưởng lão tỏ vẻ ngạc nhiên: “Năm mươi vị tỳ khưu chúng tôi đã đến ngôi làng ấy nhưng không ai nhận được chút vật thực nào. Vị tỳ khưu này đã kiếm món cơm sữa rất nhanh. Làm sao có thể như thế được?” Những ý nghĩ này dầu không được nói ra nhưng được biểu lộ qua thái độ của họ. Khi ấy, trưởng lão Tissa thưa với các trưởng lão rằng: “Thưa chư đại đức! Vật thực này kiếm được hợp theo lẽ đạo. Xin đừng nghi ngờ.” Năm mươi vị tỳ khưu bèn độ món cơm sữa ấy với sự hài lòng. Khi các Ngài đã độ xong thì trưởng lão cũng độ vật thực còn lại đến no bụng.
Sau khi trưởng lão Tissa độ thực xong, các vị trưởng lão nói: “Này hiền giả! Hiền giả đạt được Tuệ thông suốt lúc nào vậy?” Trưởng lão Tissa đáp: “Thưa đại đức! Con chưa chứng đắc pháp Siêu thế”.
“Nếu vậy, phải chăng hiền giả chứng đắc thiền?” “Thưa không!”
“Này hiền giả! Vậy tại sao hiền giả dễ dàng kiếm được món cơm sữa ở nơi mà năm mươi vị tỳ khưu chúng tôi không nhận được chút vật thực nào. Đó không phải là phép lạ sao?”
Trưởng lão Tisa buộc lòng thú nhận pháp hành thành tựu của mình để diệt trừ những hoài nghi của các vị trưởng lão. Vì sự thành tựu pháp hành Sāranīya không phải là pháp Siêu thế (uttarimanussa dhamma), Ngài nghĩ rằng thú nhận điều ấy là đúng pháp: “Thưa chư đại đức! Con đã thực hành thành tựu pháp hành Sāranīya. Từ khi con thành tựu pháp hành ấy, con có thể chia sớt phần vật thực đến cả trăm ngàn vị tỳ khưu từ cái bát vật thực của con.”
“Ôi! Bậc Giới đức! Thật tuyệt vời! Thật tuyệt vời! Phép lạ này chỉ xứng đáng với người có giới đức như hiền giả.”
Đây là ví dụ về cái bát khất thực đã thực sự trở thành nguồn vật thực vô tận, là lợi ích thứ tư của pháp hành Sāranīya. Câu chuyện này cũng chứng minh lợi ích thứ hai là được mọi người ái kính và lợi ích thứ ba là luôn luôn có bốn món vật dụng. Chú giải chọn câu chuyện này để chứng minh về lợi ích thứ tư là lợi ích có ý nghĩa nhiều nhất ở đây.
Tại Srilanka thời xưa, có buổi lễ cúng dường Giribhaṇḍa Mahāpūjā (một lễ hội cúng dường hàng năm được tổ chức trên núi Cetiya, là một lễ hội rất trọng đại). Khi trưởng lão Tissa đến đó, Ngài dò hỏi các vị tỳ khưu xem vật cúng dường có ý nghĩa nhất của năm đó là gì. Khi nghe nói rằng hai xấp y mịn nhất là vật có ý nghĩa nhất, Tissa bèn nói: “Hai xấp vải ấy sẽ về phần ta.” Câu nói này đã lọt tai một vị quan và được trình lên đức vua: “Tâu bệ hạ! Có một vị tỳ khưu nhỏ hạ nói rằng hai xấp vải sẽ thuộc về vị ấy.” Đức vua nói: “Đó là điều vị ấy mơ tưởng. Những xấp vải ấy chỉ xứng đáng với những vị trưởng lão mà thôi.” Và đức vua nghĩ sẽ cúng dường hai xấp vải ấy đến các vị trưởng lão.
Khi đoàn tỳ khưu đi đến, đức vua đích thân làm lễ cúng dường. Hai xấp vải quý nhất được đặt trước nhất, sẵn sàng trong tầm tay. Nhưng chúng không đến tay của đức vua khi dâng cúng vật thực đến các tỳ khưu trưởng lão. Chỉ có những món khác đến tay của đức vua. Khi trưởng lão Tissa đi đến thì hai xấp vải bỗng dâng đến tay của đức vua. Đức vua dâng hai xấp vải đến trưởng lão Tissa và ra hiệu cho vị quan đã tâu lên vị ấy về hai xấp vải và thỉnh Ngài Tissa ngồi lại đó một lát. Sau khi đoàn chư Tăng đã đi hết, đức vua bèn hỏi trưởng lão Tissa: “Bạch Ngài! Ngài có được sự chứng ngộ đặc biệt này vào lúc nào vậy?” Trưởng lão đáp: “Tâu đại vương! Bần Tăng chưa chứng ngộ pháp Siêu thế.”
“Nhưng, bạch Đại đức! Đại đức đã nói ngay trước buổi lễ cúng dường rằng hai xấp vải sẽ thuộc về Ngài?”
“Đúng vậy, tâu Đại vương! Bởi vì bần Tăng đã thành tựu pháp Sāranīya, nên bất cứ lúc nào có vật dụng phát sanh đến chư Tăng và được phân chia thì những thứ tốt nhất luôn luôn thuộc về bần Tăng.”
“Thưa Đại đức! Thật kỳ diệu! Thật kỳ diệu! Điều kỳ diệu này thật xứng đáng với đại đức.”
Sau khi tôn kính đảnh lễ trưởng lão Tissa, đức vua trở về hoàng cung.
Đây là ví dụ về lợi ích thứ năm.
Vào một thuở nọ, Srilanka trải qua thời kỳ khốn đốn do sự dẫn dầu đám nỗi loạn là Brāhmaṇatissa. Tại một ngôi làng tên là Bhārata, nơi mà trưởng lão ni Nāga trú ngụ, toàn bộ ngôi làng đều bỏ chạy vì sợ bọn nổi loạn nhưng họ không cho trưởng lão ni hay biết. Vào lúc sáng sớm, trưởng lão ni nhận biết sự yên lặng khác thường của ngôi làng và nói với các đệ tử của bà rằng: “Ngôi làng Bhārata yên lặng thật khác thường. Hãy đi tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra”. Các tỳ khưu ni trẻ đi vào ngôi làng và thấy không còn một người nào trong làng, họ bèn trở về thông báo vấn đề với trưởng lão ni.
Trưởng lão ni nói với các đệ tử: “Đừng hốt hoảng xôn xao vì việc bỏ chạy của dân làng. Các ni cứ tiếp tục việc học và hành thiền như bình thường.” Khi đến giờ khất thực, trưởng lão ni Nāga mặc y và đi đến chỗ cây đa to gần cổng làng, dẫn theo mười một đệ tử ni. Vị thọ thần của cây đa đi xuống và dâng cúng vật thực đầy đủ cho mười hai vị tỳ khưu ni. Rồi vị ấy nói với họ rằng: “Thưa Ni trưởng! Xin đừng bỏ đi nơi khác. Hãy luôn luôn đến cây đa này để nhận lãnh vật thực”.
Bấy giờ, trưởng lão ni Nāga có một người em trai, tỳ khưu tên Nāga. Vị ấy nhận định hoàn cảnh và kết luận rằng Srilanka là nơi không an toàn và là nơi không thể tìm thấy chỗ nào để đi khất thực. Thế nên, vị ấy rời khỏi tịnh xá và dẫn theo mười một đệ tử định vượt qua biển vào đất liền. Trước khi rời khỏi Srilanka, vị ấy đến chào tạm biệt người chị cả là trưởng lão ni Nāga. Sau khi hay tin họ đã đi đến ngôi làng Bhārata. Trưởng lão ni bèn đến gặp họ và được trưởng lão Nāga cho hay về ý định vượt biển vào đất liền của vị ấy. Trưởng lão ni bèn nói với vị ấy: “Xin các đại đức hãy ở lại tịnh xá đêm nay, ngày sau rồi hẳn đi tiếp.” Mười hai vị trưởng lão chấp nhận lời thỉnh cầu của ni trưởng.
Trưởng lão ni đi khất thực vào buổi sáng như thường lệ từ cây đa. Bà dâng vật thực đến tỳ khưu Nāga và hội chúng của vị ấy. “Thưa Ni sư! Vật thực này có hợp với lẽ đạo không?” Tỳ khưu Nāga hỏi chị của Ngài và rồi làm thinh. “Thưa đại đức! Vật thực này kiếm được hợp theo lẽ đạo. Đừng nghi ngờ gì cả.”
Những tỳ khưu khác vẫn hoài nghi: “Thưa Ni sư! Nó có hợp với lẽ đạo không?”
Nhân đó, trưởng lão ni Nāga bèn cầm cái bát và tung nó lên khiến cái bát đứng yên một lát. Trưởng lão Nāga bèn nói: “ Ngay cả khi cái bát ở trên cao bằng bảy cây cọ, nó vẫn là thức ăn khất thực bởi một tỳ khưu ni, không phải là Đại đức Therī?” Rồi trưởng lão tiếp tục:
“Mối hiểm họa này không kéo dài mãi mãi. Sau khi nạn đói đi qua. Tôi, người đã từng tán dương hạnh tri túc của các bậc Thánh (về bốn món vật dụng) sẽ tự hỏi mình “Này kẻ thọ giới! Ngươi đã thực hành Sa môn hạnh về vật thực, người đã sống còn sau cuộc nổi loạn của Brāhmaṇtissa bằng cách ăn vật thực của một tỳ khưu ni. Tôi không thể chịu đựng sự trách móc bản thân như vậy. Tôi phải đi bây giờ, các vị ở lại trong chánh niệm.”
Vị thọ thần của cây đa đang ngắm nhìn. Nếu tỳ khưu Nāga độ vật thực của trưởng lão ni Nāga thì vị ấy sẽ không nói gì với vị tỳ khưu. Nhưng nếu vị ấy từ chối không nhận thì thọ thần sẽ can thiệp và khuyên vị ấy từ bỏ ý tưởng ra đi. Khi thọ thần thấy rằng tỳ khưu Nāga từ chối không nhận vật thực của ni trưởng Nāga, thọ thần từ cây đa đi xuống và yêu cầu tỳ khưu Nāga trao bát, và thỉnh tỳ khưu cùng với hội chúng của vị ấy đi đến cội cây đa, bèn dâng vật thực đến họ trên những chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Sau bữa ăn, thọ thần nhận được lời hứa của tỳ khưu Nāga là không đi ra nước ngoài. Và kể từ hôm đó trở đi, thọ thần hằng ngày dâng vật thực đến mười hai vị tỳ khưu và mười hai vị tỳ khưu ni trong bảy năm.
Đây là ví dụ về lợi ích thứ sáu.
Trong câu chuyện này, trưởng lão ni Nāga không bị ảnh hưởng của nạn đói nhờ thực hành viên mãn pháp Saranīya. Trong khi đó, tỳ khưu Nāga được thọ thần giúp đỡ nhờ giới hạnh của vị ấy.
“Giới luật không bị gãy vụn, không bị sứt mẻ, không bị lấm lem, không bị tỳ vết” được giải thích như vầy:
Đối với các tỳ khưu có bảy nhóm phạm giới. Trong nhóm giới được thọ trì, nếu giới đầu tiên hay giới cuối cùng bị gãy vụn thì nó được gọi là ‘giới gãy vụn’ ( giống như miếng vải mà đường viền bị ố). Nếu các giới bị hư ở phần giữa, nó không còn nguyên vẹn (giống như tấm vải có những lỗi ở phần giữa). Nếu hai hoặc ba giới trong loạt giới bị phạm thì nó là ‘giới lấm lem’ (giống như con bò có những đốm lấm lem trên thân của nó). Nếu có những giới học bị vi phạm ở nhiều chỗ trong loạt giới thì nó được gọi là ‘giới tỳ vết hay giới lốm đốm’ (như con bò đốm). Giới không bị gãy vụn, sứt mẻ, lấm lem và tỳ vết phải là giới không bị vi phạm theo bốn cách trên ở bất cứ chỗ nào trong sự thọ trì các học giới của vị tỳ khưu.
(Xem cuốn I, phần I của Anudīpanī)
Giới mà không khuyết điểm trong bốn cách kể trên là điều kiện đầy đủ để chứng đắc đạo quả (magga-phala). Người có giới sẽ thoát khỏi xiềng xích của ái dục và do đó trở thành người hạnh phúc thực sự. Bởi vì nó rất thanh tịnh nên nó được Đức Phật và các bậc thánh tán dương. Bởi vì giới ấy không được xem là phương tiện để đạt đến những kiếp sống quý báu rực rỡ trong tương lai như sanh làm một vị thiên (deva) mang một cái tên riêng hay tên chung chung. Nó không phải là tà kiến do sự luyến ái đối với kiếp sống; hay nó không được xem là cái gì đó thường hằng hay vĩnh cửu - một quan niệm sai lầm do tà kiến. Nó được xem là không bị rơi vào quan niệm lầm lạc. Hơn nữa, không một quan niệm lầm lạc nào trong bốn quan niệm được ám chỉ đến loại giới này, nên nó được xem là không bị rơi vào quan niệm lầm lạc. Bởi vì nó là điều kiện tiên quyết để đạt đến cận định (upācāra samādho) và nhập định (appanā samadho), nên nó cũng được gọi là Giới sanh Định. Bởi vì Tứ-thanh-tịnh-giới (catupānsuddhi sīla), của những người phàm phu trên thực tế không thể ngang bằng khi so sánh giữa người này với người kia, chi thứ năm ở đây ám chỉ đến giới của Đạo, Giới siêu thế gian, là giới của tất cả các bậc Thánh (ariya).
Trong chi thứ sáu cũng vậy, Chánh kiến là chi đạo được ám chỉ đến (Sáu yếu tố Bất thối này được Đức Phật giảng dạy cũng là sáu yếu tố về Sāranīya, xem Aṅguttara (pháp 2 chi); Dīgha, iii)
Trong thời gian lưu trú tại núi Linh-thứu (Gijjakuṭa) trong thành Vương xá, vì thời gian nhập Niết bàn của Ngài đang tiến gần (chỉ còn một năm và ba tháng kể từ đây), nên bất cứ khi nào Đức Phật thuyết pháp đến các vị tỳ khưu thì những câu mở đầu sau đây thường được nhắc đi nhắc lại.
“Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định được tu tập nhờ Giới đem lại kết quả và lợi ích to lớn. Tuệ được tu tập nhờ Định có kết quả và lợi ích to lớn. Tâm được tu tập nhờ Tuệ thì được giải thoát hoàn toàn không còn dư sót phiền não hay lậu hoặc (āsavas), tức là dục lậu (kammāsavas), hữu lậu (bhavāsavas), và vô minh lậu (avijjāsavas)”.
Rồi Đức Phật, sau khi trú ngụ ở Rājagaha cho đến khi Ngài cảm thấy vừa đủ, Ngài bèn nói với đại đức Ānanda rằng :“ Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến vườn xoài Ambalaṭṭhikā.”
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Đức Phật.
(Chú thích: Đức Phật nói với đại đức Ānana khi những vị tỳ khưu đang vây quanh Ngài bởi vì đại đức Ānanda luôn luôn ở gần Ngài).
Sau khi đã vâng theo lời dạy của Thế Tôn, đại đức Ānanda ra hiệu cho các vị tỳ khưu: “Thưa các hiền hữu, hãy chuẩn bị sẵn sàng bình bát và đại y. Đức Thế Tôn có ý định đi đến vườn xoài Ambalaṭṭhika.”
Rồi Đức Phật, được tháp tùng bởi nhiều vị tỳ khưu, lên đường đi đến vườn xoài Ambalaṭṭhika và khi đến đó Ngài trú ngụ trong nhà nghỉ của đức vua. Trong khi đang ở đó, suy xét về sự diệt độ sắp đến gần của ngài, Đức Phật thuyết giảng đến các vị tỳ khưu bằng những câu mở đầu tương tự như :
“Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định được tu tập nhờ Giới đem lại kết quả và lợi ích to lớn. Tuệ được tu tập nhờ Định có kết quả và lợi ích to lớn. Tâm được tu tập nhờ Tuệ thì được giải thoát hoàn toàn không còn dư sót phiền não hay lậu hoặc (āsava), tức là dục lậu (kamāsava), hữu lậu (bhavāsava), và vô minh lậu (avijjāsava).”
Ở đây, trong đọan kinh: “ Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ,” Giới (sīla) ám chỉ đến giới hiệp thế, tức là Tứ thanh tịnh giới (catupārisudhi sīla), Định (samādhi) nghĩa là Định hiệp thế, tức là cận định (upacāra-samādhi) và nhập định (appanā-samādhi). Tuệ (paññā) ám chỉ Tuệ quán hiệp thế (vipassanā-paññā). Tất cả ba yếu tố này là những điều kiện cần thiết để chứng đắc đạo trí (magga-ñāṇa).
“Định được tu tập nhờ giới” nghĩa là định siêu thế liên quan đến đạo (magga) và quả (phala), định của đạo và định của quả. Định của đạo có kết quả to lớn vì nó dẫn đến quả của bậc Thánh (Ariya- phala). Nó cũng có lợi ích lớn bởi vì nó có công đức cao quý của sự giải thoát. Sự diễn dịch tương tự nên được hiểu đối với câu nói tương tự theo sau. Định của quả (phala) đem lại kết quả trực tiếp là đọan trừ được những phiền não do bởi sự chỉ đọan (paṭippassaddhi-pahāna), và cho kết quả gián tiếp là sự an lạc trong sự chấm dứt phiền não.
“Tuệ được tu tập nhờ Định” nghĩa là Tuệ siêu thế (magga-ñāṇa và phala-ñāṇa). Kết quả trực tiếp và gián tiếp của nó nên được hiểu như trong trường hợp của Định.
“Tâm được tu tập nhờ Tuệ” nghĩa là Tuệ quán hiệp thế (vipassanā-paññā) và Tuệ kết hợp với thiền (jhāna). Tâm ở đây nghĩa là tâm siêu thế của đạo và quả (magga-phala). Tâm đạo đọan tận các phiền não bằng sự Chánh đọan (samuccheda pahāna). Tâm quả giúp người ta thoát khỏi các bợn nhơ của phiền não bằng sự chỉ đọan (paṭipassaddhi-pahāna).
Rồi sau khi Đức Phật trú ngụ tại vườn xoài Ambalaṭṭhikā cho đến khi Ngài cảm thấy vừa đủ, Ngài bèn bảo đại đức Ānanda : “ Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến thị trấn Nāḷanda.”
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Đức Phật, và thông báo cho các vị tỳ khưu tháp tùng theo Đức Phật.
Rồi Đức Phật, được tháp tùng bởi nhiều vị tỳ khưu, lên đường đi đến thị trấn Nāḷanda và trú ngụ tại vườn xoài của trưởng giả Pāvārika.
Lúc bấy giờ đại đức Sāriputta đi đến chỗ Đức Phật, và sau khi đảnh lễ Đức Phật, đại đức bèn đi vào cuộc luận đạo sôi nổi và kỳ diệu với Ngài: “Bạch Đức Thế Tôn, con tin rằng trong quá khứ, hiện tại cũng như vị lai, không có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào vượt trội Đức Thế Tôn về phương diện giác ngộ hoàn toàn.”
Đức Phật: “ Ngươi quả thật là đại ngôn và đầy tự tin, như tiếng rống hùng dũng của con sư tử, ngươi tin chắc rằng trong quá khứ, hiện tại hoặc vị lai không có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào vượt trội Đức Thế Tôn về phương diện giác ngộ.”
“ Này Sāriputta, có phải với tâm của ngươi, ngươi đã biết rõ tâm của những vị Phật, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác trong quá khứ đến nỗi ngươi có thể quả quyết rằng đây là sự thực hành về giới của các vị Thế Tôn ấy, đây là sự thực hành về định của các vị Thế Tôn ấy, đây là trí tuệ của các vị Thế Tôn ấy, đây là cách trú trong thiền quả của các vị Thế Tôn ấy, đây là sự giải thoát của các vị Thế Tôn ấy ?”
“Thưa không, bạch Thế Tôn.”
“Này Sāriputta, có phải với tâm của ngươi, ngươi đã biết rõ tâm của những vị Phật, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác trong tương lai đến nỗi ngươi có thể quả quyết rằng đây là sự thực hành về giới của các vị Thế Tôn ấy, đây là sự thực hành về định của các vị Thế Tôn ấy, đây là trí tuệ của các vị Thế Tôn ấy, đây là cách trú trong thiền quả của các vị Thế Tôn ấy, đây là sự giải thoát của các vị Thế Tôn ấy ?”
“Thưa không, bạch Đức Thế Tôn.”
“Này Sāriputta, có phải với tâm của ngươi, ngươi đã biết rõ tâm của Như Lai, là vị Phật hiện tại, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác đến nỗi ngươi có thể quả quyết rằng đây là sự thực hành về giới của Đức Thế Tôn , đây là sự thực hành về định của Đức Thế Tôn , đây là trí tuệ của Đức Thế Tôn , đây là cách trú trong thiền quả của Đức Thế Tôn , đây là sự giải thoát của Đức Thế Tôn?”
“Thưa không, bạch Đức Thế Tôn.”
“Này Sāriputta, nếu ngươi không có Tha tâm thông (cetopariya-ñāṇa), khả năng đọc được tâm của người khác mà nhờ đó ngươi có thể biết rõ tâm của những vị Ứng cúng, Chánh biến tri trong quá khứ, hiện tại và tương lai, thì làm sao người có thể nói ra một cách đại ngôn với sự tin chắc, và phát ra lời nói như tiếng rống của con sư tử rằng, ngươi tin chắc trong quá khứ, hoặc vị lai, không có vị Sa-môn (samana) hay Bà-la-môn (brāhmana) nào vượt trội Đức Thế Tôn về phương diện giác ngộ hoàn toàn?”
“Bạch Thế Tôn, con không có Tha tâm thông (cetopariya- ñāṇa), khả năng đọc được tâm của người khác mà nhờ đó có thể biết rõ tâm của những vị Ứng cúng, Chánh biến tri trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng con có trí dhammanvaya ñāṇa, là loại trí suy ra từ kinh nghiệm cá nhân.”
“Bạch Đức Thế Tôn, nếu con có thể nêu ra một ví dụ, hãy giả sử rằng có một thị trấn ở vùng biên giới xa xôi có tường thành kiên cố được xây dựng trên một nền móng kiên cố vững chắc mà chỉ có một cổng vòm ra vào, và nơi đó có một người giữ cổng, thông minh, có biệt tài và giàu kinh nghiệm, ngăn chặn những người lạ, chỉ cho vào những ai quen biết. Khi ông ta đi tuần quanh thị trấn, ông ta không thấy có khe hở của tường, không có những lổ hổng trong những bức tường để một con mèo có thể đi qua được. Khi ấy ông ta sẽ kết luận đúng đắn rằng ‘ tất cả những sinh vật to lớn hơn mà đi vào hoặc ra khỏi thị trấn đều phải đi qua cái cổng duy nhất ấy.’
“Dường thế ấy, bạch Đức Thế Tôn, con có loại trí do suy ra từ kinh nghiệm cá nhân. Bạch Thế Tôn, (nhờ vậy mà con biết rằng) tất cả chư vị A-la-hán, Chánh đẳng giác mà đã xuất hiện trong quá khứ, đã đọan trừ năm triền cái làm ô nhiễm tâm và suy yếu trí tuệ; đã khéo an trú vào Bốn Niệm xứ, đã tu tập đúng đắn Thất giác chi; và đã chứng ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Giác.
[Sammāsambodhi-ñāṇa (Chánh Đẳng Giác) là từ ngữ bao gồm chữ Arahatta-magga-ñāṇa (A-la-hán đạo trí) và Sabbannuta-ñāṇa (Nhất thiết trí), là những loại trí chỉ dành cho chư Phật]
“Bạch Đức Thế Tôn, (nhờ vậy mà con biết rằng) tất cả chư vị A-la-hán, Chánh đẳng giác xuất hiện trong tương lai sẽ đọan trừ năm triền cái làm ô nhiễm tâm và suy yếu trí tuệ; sẽ khéo an trú vào Bốn Niệm xứ, sẽ tu tập đúng đắn Thất giác chi; và sẽ chứng ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Giác.
“Bạch Đức Thế Tôn, (nhờ vậy mà con biết rằng) Đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác cũng vậy, mà đã xuất hiện trong thế gian này, đã đọan trừ năm triền cái, đã khéo an trú vào Bốn Niệm xứ, đã tu tập đúng đắn Thất giác chi; và đã chứng ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Giác.
“Bạch Đức Thế Tôn, tất cả những kết luận này của con là do trí suy ra từ kinh nghiệm cá nhân (dhammanvaya-ñāṇa) mà con có được.”
( Đây là cuộc luận đạo sôi nổi và đáng ghi nhớ diễn ra giữa đại đức Sāriputta và Đức Thế Tôn).
Trong suốt thời gian lưu trú tại khu vườn xoài của trưởng giả Pāvārika trong thị trấn Nāḷanda, cũng như khi đang suy xét về thời gian viên tịch sắp gần kề của Ngài, Đức Phật thuyết pháp đến các vị tỳ khưu bằng những lời mở đầu tương tự như:
“Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định được tu tập nhờ Giới đem lại kết quả và lợi ích to lớn. Tuệ được tu tập nhờ Định có kết quả và lợi ích to lớn. Tâm được tu tập nhờ Tuệ thì được giải thoát hoàn toàn không còn dư sót phiền não hay lậu hoặc (āsavas), tức là Dục lậu (kammāsavas), Hữu lậu (bhavāsavas), và Vô minh lậu (avijjāsavas).”
Rồi Đức Phật, sau khi trú ngụ ở thị trấn Nāḷanda cho đến khi Ngài cảm thấy vừa đủ, Đức Phật bèn bảo đại đức Ānanda : “Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến ngôi làng Pāṭali.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Đức Phật, và thông báo cho các vị tỳ khưu tháp tùng theo Đức Phật. Rồi Đức Phật được tháp tùng bởi nhiều vị tỳ khưu bèn lên đường đi đến ngôi làng Pāṭali.
Khi các thiện tín của ngôi làng Pāṭali nghe tin Đức Phật đã đến ngôi làng của họ, họ rất vui mừng hoan hỉ vì họ có được dịp may to lớn là được tiếp đãi Đức Phật mà không phải cầu xin đặc ân ấy. Họ vừa mới làm xong nhà trọ. Thật thích hợp biết bao nếu người khách đầu tiên của họ chính là Đức Phật! “Chúng ta sẽ thỉnh cầu Đức Phật thọ lãnh sự cúng dường ngôi nhà trọ của chúng ta và sẽ được nghe những lời chúc phúc của Ngài về việc phước của chúng ta.” Họ bàn bạc với nhau. Họ đi đến và đảnh lễ Ngài, rồi ngồi xuống ở nơi phải lẽ. Sau đó họ bạch với Đức Phật rằng: “Cầu xin Đức Thế Tôn bi mẫn thọ lãnh ngôi nhà trọ mới của chúng con để làm khu vực trú ngụ trong thời gian lưu trú của Ngài.” Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng.
Sau khi được sự đồng ý của Đức Phật, các thiện tín của ngôi làng Pāṭali đứng dậy khỏi chỗ ngồi của họ, đảnh lễ Ngài và đi đến ngôi nhà trọ của họ. Họ sắp sẵn những đồ dùng cần thiết, trải ra những tấm thảm nền chung quanh và sắp xếp những chỗ ngồi riêng biệt, đổ đầy những cái lu nước và đốt lên những ngọn đèn. Họ căn dặn những bà mẹ cho con bú trước khi trời tối và đưa chúng lên giường ngủ. Rồi họ trở lại với Đức Phật, đảnh lễ Ngài và đứng ở một bên. Họ bạch với Đức Phật rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, tại ngôi nhà trọ, cái nền đã được trải lên bằng những tấm thảm, những chỗ ngồi riêng biệt đã được sắp sẵn, những cái lu nước đã được châm đầy và những cây đèn đã được thắp sáng. Xin cung thỉnh Đức Thế Tôn đi đến đó bất cứ khi nào Thế Tôn thấy cần.”
( Chú thích: Ngôi nhà khách được dân làng xây dựng tại trung tâm của ngôi làng. Mục đích chính của nó là để đón tiếp những quan chức viếng thăm gồm những vị Licchavī và những vị Magadha mà thường hay đến nghỉ tại ngôi làng Pāṭali, nó là một ngôi làng vùng biên. Ngôi nhà trọ này là nhu cầu cần thiết của dân làng bởi vì trước đó họ đã từng phải giao những ngôi nhà mà họ đang sống cho những vị quan chức đến viếng để họ trú ngụ tạm thời trong một tháng hoặc lâu hơn mỗi lần như vậy. Ngôi nhà trọ mới giờ đây đã làm cho tình hình bớt đi sự căng thẳng. Nó được khéo sắp xếp để các quan chức đến viếng sử dụng những phòng ở cũng như những phòng có bọc sắt để cất giữ tài sản quí giá. Lúc Đức Phật đến viếng ngôi làng thì nó vừa mới được xây dựng xong. Lúc đầu dân làng nghĩ rằng Đức Phật có thể thích trú ngụ trong rừng hơn và vì vậy họ không phải làm sẵn ngôi nhà trọ ấy để đón tiếp Đức Phật đến đó. Chỉ đến khi Đức Phật đồng ý vào ngụ ở đó, thì dân làng mới sửa soạn những thứ cần thiết dành cho Ngài khi Ngài vào ngụ ở đó).
Rối vào lúc chiều tối, Đức Phật sửa soạn y, đắp Tăng-già-lê và mang bát, Ngài đi đến ngôi nhà trọ có các vị tỳ khưu theo cùng. Sau khi rửa chân, Ngài đi vào ngôi nhà trọ, ở đó Ngài ngồi tựa vào cây cột ở giữa, xoay mặt về hướng đông. Các vị tỳ khưu cũng rửa chân của họ, đi vào ngôi nhà trọ, và ngồi tựa vào vách tường phía tây, quay mặt về hướng đông, tất cả họ đều ngồi sau lưng Đức Phật. Các vị thiện nam của ngôi làng Pāṭali cũng rửa chân, đi vào ngôi nhà trọ, và ngồi tựa vào vách phía đông xoay mặt về hướng tây, có Đức Phật ở ngay trước mặt họ.
Rồi Đức Phật thuyết pháp về năm quả dữ đối với người phá giới và năm quả phước của người có giới đức như vầy:
“Này các gia chủ, có năm quả dữ giáng xuống cho người phá giới, và thế nào là năm ?
(i) Này các gia chủ, trong thế gian này, người ác giới, không có giới, chịu sự mất mát to lớn về sự thịnh vượng do bởi sự dể duôi. Đây là quả dữ thứ nhất dành cho người ác giới, không có giới.
(ii) Này các gia chủ, hơn nữa, tiếng xấu của người ác giới, không có giới sẽ lan truyền rộng khắp. Đây là quả dữ thứ hai dành cho người ác giới, không có giới.
(iii) Này các gia chủ, hơn nữa, người ác giới, không có giới, khi đi vào giữa hội chúng thuộc bất cứ tầng lớp xã hội nào, hoặc là giai cấp thống trị, hay chúng Sa-môn hoặc Bà-la-môn, hay hội chúng trưởng giả, đều cảm thấy rụt rè và bất an. Đây là quả dữ thứ ba dành cho người ác giới, không có giới.
(iv) Này các gia chủ, hơn nữa, người ác giới, không có giới, chết trong tâm trạng tán loạn. Đây là quả dữ thứ tư của người ác giới, không có giới.
(v) Này các gia chủ, hơn nữa, người ác giới, không có giới, sau khi thân hoại mạng chung, tái sanh vào các khổ cảnh (niraya). Đây là quả dữ thứ năm dành cho người ác giới, không có giới.
Này các gia chủ, đây là năm quả dữ dành cho những người ác giới, không có giới.”
“Này các gia chủ, có năm quả phước dành cho những người có giới đức. Thế nào là năm :
(i) Này các gia chủ, trong thế gian này, người có giới kiếm được tài sản to lớn nhờ không dể duôi. Đây là quả phước thứ nhất dành cho người có giới.
(ii) Này các gia chủ, hơn nữa, tiếng tốt của người có giới vang xa. Đây là quả phước thứ hai dành cho người có giới.
(iii) Này các gia chủ, hơn nữa, người có giới, khi đi vào giữa hội chúng thuộc bất cứ tầng lớp xã hội nào, hoặc là giai cấp thống trị, hay chúng Sa-môn hoặc Bà-la-môn, hay hội chúng trưởng giả, đều ngẫng cao đầu và nhìn trực diện trước bất cứ ai. Đây là quả phước thứ ba dành cho người có giới.
(iv) Này các gia chủ, hơn nữa, người có giới chết với tâm không tán loạn. Đây là quả phước thứ tư dành cho người có giới.
(v) Này các gia chủ, hơn nữa, người có giới, sau khi thân hoại mạng chung, được tái sanh vào nhàn cảnh. Đây là quả phước thứ năm dành cho người có giới.
Này các gia chủ, đây là năm quả phước dành cho những người có giới.”
Mặc dầu bài pháp này được thuyết giảng đến những người tại gia cư sĩ, nhưng nó cũng áp dụng cho các vị tỳ khưu.
(i) Đối với người cư sĩ mà không có giới có thể dẫn đến sự vi phạm vào những điều ác như sát sanh. Vì người ấy say mê trong điều ác nên anh ta có khuynh hướng xao lãng công ăn việc làm thường ngày của anh ta, như trồng trọt hoặc buôn bán, nên chịu sự mất mát to lớn về tài sản. Tệ hơn nữa, việc làm ác của vị ấy có thể phạm vào luật của vua như giết thú vật thì bị phạt tội. Nếu người ấy ăn trộm thì phạm pháp và đáng bị trừng phạt. Như vậy sự không có giới của người ấy có thể đem lại cho người ấy sự mất mát to lớn về của cải. Tương tự, một vị tỳ khưu không có giới, do dể duôi, bị mất giới, mất chánh pháp, là lời dạy của Đức Phật, mất thiền định (jhana) và mất bảy Thánh sản (Saddha, Sīla, Hiri, Ottappa, Suta, Cāga, Paññā).
(ii) Người ác giới chịu tiếng xấu đến nỗi người ấy bị gạt ra như một người vô loại, vô dụng trong thế gian này và không còn hy vọng gì cho những đời sau. “ Người đàn ông này keo kiệt đến nỗi ông ta không chịu tham gia vào việc cúng dường vật thực bằng sự rút thăm,” đây là loại danh mà người ấy tự chuốc lấy vào mình. Tất cả bốn loại hội chúng đều xem người này như vậy.
Tương tự, trường hợp vị tỳ khưu không có giới, tiếng xấu rằng vị tỳ khưu như thế đó đã buông lơi trong giới luật của vị tỳ khưu, không thực hành theo Chánh pháp, kiếm sống bằng nghề làm thuốc, hay những nghề nuôi mạng tương tự mà Đức Phật đã cấm chế, và hạnh kiểm của vị ấy có sáu điểm đáng bị xem thường, lan truyền khắp trong bốn chúng.
(iii) Người ác giới luôn luôn bị ray rứt bởi mặc cảm tội lỗi mà người ấy đã phạm phải. Do đó người ấy không dám đối mặt với đám đông. “ Một người nào đó có thể nhận ra ta,” anh ta sợ hãi “ và ta có thể bị tóm bắt và bị giao nộp cho nhà chức trách.” Đó là lý do mà khi ở trong một hội chúng nào đó của bốn chúng, người ấy thường cúi mặt xuống đất, đôi vai của người ấy rùn xuống, người ấy cầm cái que gạch gạch trên đất trong tâm trạng bất an. Người ấy chẳng dám hé miệng nói gì. Cũng vậy, vị tỳ khưu phá giới cảm thấy không thỏai mái khi đối mặt với đám đông, mà có thể họ biết những hành động sái quấy của vị ấy, trong trường hợp như vậy vị ấy phải chịu sự trừng phạt đúng theo luật (vinaya) như bị trục xuất. Do đó vị ấy đi vào hội chúng với nỗi lo sợ to lớn và nói ít. Tuy nhiên, cũng có một số tỳ khưu phá giới có thể ngẩng mặt dạn dĩ và đi lại trong chúng Tăng nhưng trong tâm thì vị ấy chỉ cảm thấy đau khổ.
(iv) Người phá giới, dầu là cư sĩ hay tỳ khưu, có thể ngụy trang trong khi đang sống, nhưng lúc lâm chung thì những ác nghiệp của người ấy xuất hiện trước vị ấy trên các môn. Mắt người ấy lờ đờ mở ra để nhìn thế gian hiện tại, và rồi nhắm lại để nhìn cõi đời sắp đến nơi mà người ấy không thấy chút khuây khỏa nào. Chỗ tái sanh sắp xảy ra, là bốn cõi khổ, trở nên rõ ràng trước mắt vị ấy. Người ấy cảm thấy dằn vặt dữ dội tựa như bị đâm vào đầu bởi cả trăm cây dao. “Cứu tôi với! Cứu tôi với!” Người ấy kêu gào trong tuyệt vọng và rồi trút hơi thở cuối cùng. Đây là điều mà Đức Phật muốn ám chỉ qua câu nói “ người ấy chết trong tâm trạng rối loạn.”
(v) Quả dữ thứ năm dành cho người ác giới không cần giải thích thêm nữa.
(Những quả phước dành cho người có giới đức có thể được xem trái ngược lại với năm quả dữ dành cho người ác giới ở trên).
Rồi Đức Phật vào lúc đêm khuya tiếp tục giáo giới các thiện nam của ngôi làng Pāṭali về những đề tài khác bao gồm những quả phước cúng dường ngôi nhà trọ của họ, nhờ đó chỉ ra những lợi ích của Chánh Pháp, sách tấn họ an trú trong pháp hành của Chánh Pháp, và làm cho họ vui thích với pháp hành. Rồi Ngài cho họ ra về khi nói rằng: “ Này các gia chủ, đêm đã khuya rồi; các ngươi có thể ra về.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” các thiện nam của ngôi làng Pāṭali vâng lời Đức Phật, và sau khi đã đảnh lễ Ngài, họ cung kính lui chân và ra đi. Không lâu sau khi họ đã ra đi, Đức Phật đi vào chỗ vắng vẻ.
(Chú ý: “ Đức Phật đi vào chỗ vắng vẻ” nên hiểu là ám chỉ đến ngăn phòng riêng của nhà nghỉ có tấm màng che chắn. Một cái giường tre được đặt ở đó dành cho Ngài, và Ngài suy xét rằng các vị thiện nam sẽ hưởng được nhiều phước báu nếu Ngài sử dụng ngôi nhà trọ trong cả bốn oai nghi của Ngài. Do đó Ngài nằm xuống trên chiếc giường ấy với thân nghiêng về bên phải và nghỉ ngơi).
Lúc bấy giờ hai vị Bà-la-môn Sunidha và Vassakāra, là những vị quan tể tướng của vương quốc Magadha đang xây dựng một thành phố vững chắc tại vị trí của ngôi làng Pāṭali để ngăn chặn những vị hoàng tử Vajjī. Trong thời gian ấy có nhiều chư thiên sống trong những nhóm gồm một ngàn vị mỗi nhóm, đang chiếm ngụ những mảnh đất tại ngôi làng Pāṭali.
Tại chỗ chư thiên có đại thần lực trú ngụ, thì những vị quan lãnh trách nhiệm xây dựng thành phố lại có ý muốn xây những ngôi nhà dành cho các vị hoàng tử và các vị quan có quyền lực lớn của vua tại chỗ mà chư thiên có thần lực bậc trung trú ngụ, tại đó những vị quan lãnh trách nhiệm xây dựng thành phố lại có ý muốn xây dựng những ngôi nhà dành cho những vị hoàng tử và những vị quan có quyền lực trung bình của vua. Và tại chỗ mà chư thiên có thần lực kém hơn đang trú ngụ, tại đó các vị quan lãnh trách nhiệm xây dựng thành phố khởi lên ý định xây dựng những ngôi nhà dành cho các vị hoàng tử và những vị quan có quyền lực kém hơn của đức vua.
(Ở đây, trong số những người xây dựng thành phố có những vị quan chức thông thạo về địa lý. Qua kiến thức đặc biệt của họ, họ biết tình trạng của những mảnh đất dự định xây nhà ở sâu xuống ba mươi hắc tay, là chỗ nào có rồng hoặc rắn chúa trú ngụ, chỗ nào có dạ xoa trú ngụ, hay chỗ nào có phi nhân ác trú ngụ, hay nơi nào có tảng đá lớn đang nằm trong lòng đất, hay nơi nào có gốc cây cổ thụ ẩn trong lòng đất. Do đó, những vị quan chức thông bác ấy áp dụng những phương pháp cần thiết bằng cách tụng những câu thần chú, nên họ có thể tiến hành một cách suôn sẻ tựa như họ đang xây dựng thành phố có sự cố vấn của chư thiên.
Một cách giải thích khác: Các vị quan chức lãnh trách nhiệm xây dựng thành phố được nhập vào bởi chư thiên ở nhiều nơi khác nhau: Chư thiên (deva) sẽ xuất ra khỏi thân của họ sau khi bốn góc của chỗ đất xây nhà đã được làm dấu phân ranh giới. Những người cư ngụ tương lai mà có niềm tin nơi Tam Bảo thì được nhập vào bởi chư thiên trú ngụ nơi đó có niềm tin với Tam Bảo. Những người cư ngụ tương lai mà không có niềm tin nơi Tam Bảo thì được nhập vào bởi chư thiên trú ngụ nơi đó không có niềm tin với Tam Bảo. Lý do là như vầy: chư thiên mà có niềm tin trong Tam Bảo tác động vào tâm của những người cư ngụ tương lai có niềm tin nơi Tam Bảo, vì họ tin rằng những cư dân mới này sẽ thỉnh chư Tăng đến căn nhà mới xây của họ và nghe pháp, và các vị chư thiên ấy cũng sẽ có dịp được trông thấy các vị tỳ khưu có giới đức và nghe pháp. Họ cũng mong chờ những cư dân mới ấy sẽ chia phước cúng dường chư Tăng đến cho họ.
Đức Phật bằng thiên nhãn thông (dibba-cakkhu) của Ngài, đã trông thấy cảnh chư thiên sống chung thành từng nhóm gồm một ngàn vị trong mỗi nhóm, đang cư ngụ trong những vùng đất của ngôi làng Pāṭali. Rồi Ngài thức giấc vào lúc sáng sớm và hỏi đại đức Ānanda: “ Những người đang xây dựng thành phố tại khu vực của ngôi làng Pāṭali là ai vậy?”
Ānanda đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn, hai vị Bà-la-môn Sunidha và Vassakāra, là những vị quan lãnh đạo của vương quốc Magadha, đang xây dựng thành phố kiên cố để ngăn chặn những vị hoàng tử Vajji.”
“Này Ānanda, những vị quan lãnh đạo đang xây dựng thành phố kiên cố tựa như họ đang làm có sự tham khảo ý kiến của chư thiên thuộc cõi trời Đao Lợi.
“Này Ānanda, bằng thiên nhãn của Như Lai, Như Lai đã trông thấy cảnh chư thiên sống chung thành từng nhóm gồm một ngàn vị trong mỗi nhóm, đang cư ngụ trong những vùng đất của ngôi làng Pāṭali.
“Này Ānanda, tại những địa điểm nơi mà các vị chư thiên có đại lực đang trú ngụ, ở đó những vị quan chức lãnh trách nhiệm xây dựng thành phố thì có ý định xây dựng những ngôi nhà dành cho các vị hoàng tử và các vị quan của vua mà có quyền lực lớn. Tại những địa điểm nơi mà các vị chư thiên có quyền lực bậc trung đang trú ngụ, ở đó những vị quan chức lãnh trách nhiệm xây dựng thành phố thì có ý định xây dựng những ngôi nhà dành cho những vị hoàng tử và các vị quan của vua mà có quyền hành bực trung. Tại những địa điểm mà các vị chư thiên có quyền lực kém hơn đang trú ngụ, ở đó những vị quan chức lãnh trách nhiệm xây dựng thành phố khởi lên ý định xây dựng những ngôi nhà dành cho các vị hoàng tử và các vị quan của vua mà có quyền hành thấp hơn.
“Này Ānanda, ba tai họa lớn sẽ giáng xuống thành phố Pāṭali: lửa, nạn lụt và sự ly gián nội bộ ( như vậy Đức Phật đã tiên đoán rằng một phần của Pāṭali sẽ bị tiêu diệt bởi lửa, một phần của nó sẽ bị cuốn trôi bởi sông Hằng, và một phần của nó sẽ bị tiêu diệt bởi sự ly gián nội bộ)
Sau khi nói ra những lời như vậy, Ngài đi đến sông Hằng để rửa mặt và chờ đến thời gian đi khất thực.
Rồi hai vị Bà-la-môn Sunidha và Vassakāra nhớ rằng vì đức vua Ajātasattu của họ là một cận sự nam của Sa-môn Gotama, nên sẽ thích hợp nếu họ thỉnh Đức Phật đến thọ lãnh vật thực cúng dường của họ, bởi vì họ trông thấy Đức Phật trong ngôi làng Pāṭali. Hơn nữa, họ cho rằng điều khôn ngoan là thỉnh cầu Sa-môn Gotama ban lời phúc chúc cho đề án xây dựng thành phố của họ, nhờ vậy các phi nhân ác sẽ bị đuổi đi khỏi khu vực xây dựng thành phố. Bởi vậy hai vị Bà-la-môn đi đến chỗ Đức Phật và đứng ở chỗ nên đứng. Sau khi trao đổi những lời chào hỏi, họ bạch với Đức Phật rằng: “ Cầu xin Đức Gotama và chúng tỳ khưu thọ lãnh sự cúng dường vật thực của chúng con ngày hôm nay.” Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng.
Rồi hai vị quan thống lãnh của nước Maghada, Sunidha và Vassakāra, biết rằng Đức Phật đã chấp nhận lời mời của họ, bèn đi đến chỗ mà họ đang ở trọ, và sau khi sửa soạn vật thực thượng vị loại cứng và loại mềm, họ bèn cho người đến thông báo với Đức Phật rằng: “Kính bạch Đức Gotama, đã đến giờ, vật thực cúng dường đã sẵn sàng.”
Rồi vào buổi sáng, Đức Phật mặc y, mang bát và đắp Tăng-già- lê (đại y), bèn cùng với chúng tỳ khưu đi đến chỗ mà hai vị quan nước Maghada, Sunidha và Vassakāra, đang trú ngụ, và ngồi vào chỗ đã được dành sẵn cho Ngài. Rồi hai vị Bà-la-môn Sunidha và Vassakāra phục vụ Đức Phật và chúng tỳ khưu, đích thân cúng dường vật thực thượng vị loại cứng và loại mềm cho đến khi Đức Phật và chúng tỳ khưu bảo họ ngừng phục vụ vì các ngài đã thọ thực vừa đủ. Khi Đức Phật đã thọ thực xong và đã rời tay khỏi bát, hai vị Bà-la-môn Sunidha và Vassakāra bèn lấy những cái ghế thấp hơn và ngồi xuống ở nơi phải lẽ.
Sau khi hai vị Bà-la-môn Sunidha và Vassakāra đã ngồi vào nơi phải lẽ như vậy, Đức Phật bày tỏ sự tùy hỉ và tán thán bằng ba bài kệ Pāḷi (ở đây chỉ có bản dịch bằng văn xuôi).
“Này các Bà-la-môn, khi người có trí cúng dường vật thực đến những bậc có giới đức, tự chế ngự và có đời sống thanh tịnh, tại chỗ mà người ấy trú ngụ, người ấy nên chia phước cúng dường của mình đến chư thiên, là những vị hộ thần của trú xứ ấy. Nếu chư thiên được tôn kính như vậy, thời chư thiên sẽ bảo vệ người ấy để đền ơn. Đúng như vậy, người có trí ấy được chư thiên che chở như người mẹ bảo vệ đứa con trai của bà. Người ấy luôn luôn được may mắn.”
Sau khi ban lời tùy hỉ và tán thán của Ngài bằng ba bài kệ đến hai vị quan Sunidha và Vassakāra, Đức Phật đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi và ra đi.
Rồi hai vị Bà-la-môn Sunidha và Vassakāra đi theo Đức Phật suốt cả con đường, nghĩ rằng: “ Chúng ta sẽ đặt tên cho cái cổng ra vào mà Đức Gotama ra về ngày hôm nay là ‘Cổng Gotama’, và chỗ Đức Gotama đặt chân xuống để qua bên kia sông Hằng là ‘Bến Đò Gotama’.
Cái cổng mà Đức Phật ra đi ngày hôm ấy đã được đặt tên là ‘Cổng Gotama’. Rồi Đức Phật đi đến sông Hằng. Lúc bấy giờ nước sông dâng lên cao đến nỗi con quạ đứng trên bờ sông có thể cúi xuống để uống nước dễ dàng.
Rồi ngay tức thì giống như người lực sĩ duỗi ra cánh tay đã được co lại hay co lại cánh tay đã được duỗi ra, Đức Phật biến mất ở bờ bên này của sông Hằng và xuất hiện ở bờ bên kia cùng với chúng tỳ khưu.
Đức Phật trông thấy nhiều người muốn qua sông, một số chờ để đi thuyền, một số muốn đi bè, và một số đang làm những chiếc bè bằng tre. Khi ấy Đức Phật nói lên những lời hoan hỉ sau đây:
“Các bậc thánh nhân đã vượt qua con sông Ái (taṇhā) dục sâu rộng bao la, bằng cách tạo ra chiếc cầu Thánh đạo, sau khi đọan trừ các phiền não. Còn đối với chúng sanh, họ phải kết những chiếc bè để vượt qua con sông Hằng này chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, các bậc thánh nhân thì vượt qua con sông Ái dục bằng Thánh đạo có tám chi mà không cần phải tạo ra những chiếc bè.”
Rồi Đức Phật nói với đại đức Ānanda: “Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến làng Koṭi.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Đức Phật và đi thông báo với các vị tỳ khưu. Đức Phật, được tháp tùng bởi chúng tỳ khưu, bèn đi đến làng Koṭi và trú ở đó. (Ngôi làng được gọi là Koṭi bởi vì nó là nơi mà cái tháp nhọn của vua Mahāpanāda rơi xuống ở đó).
Suốt thời gian ấy, Đức Phật thuyết giảng Tứ Diệu Đế đến các vị tỳ khưu như vầy: “Này các tỳ khưu, do không tuệ tri và thông đạt Tứ Diệu Đế nên Như Lai cũng như các ngươi đã phải lang thang trong vòng luân hồi bất tận, từ kiếp này sang kiếp khác. Thế nào là Tứ Diệu Đế?
(i) Này các tỳ khưu, do không tuệ tri và thông đạt Khổ thánh đế (Dukkha ariya saccā) nên Như Lai cũng như các ngươi đã phải lang thang trong vòng luân hồi bất tận, từ kiếp này sang kiếp khác.
(ii) Này các tỳ khưu, do không tuệ tri và thông đạt Tập thánh đế (Samudaya ariya saccā) nên Như Lai cũng như các ngươi đã phải lang thang trong vòng luân hồi bất tận, từ kiếp này sang kiếp khác.
(iii) Này các tỳ khưu, do không tuệ tri và thông đạt Diệt thánh đế (Nirodha ariya saccā) nên Như Lai cũng như các ngươi đã phải lang thang trong vòng luân hồi bất tận, từ kiếp này sang kiếp khác.
(iv) Này các tỳ khưu, do không tuệ tri và thông đạt Đạo thánh đế (Magga ariya saccā) nên Như Lai cũng như các ngươi đã phải lang thang trong vòng luân hồi bất tận, từ kiếp này sang kiếp khác.
“Này các tỳ khưu, giờ đây Như Lai đã tuệ tri Khổ thánh đế, Như Lai đã thông đạt Khổ thánh đế, .....Tập thánh đế..... Khổ Diệt thánh đế....Như Lai đã tuệ tri Đạo thánh đế; Như Lai đã thông đạt Đạo thánh đế. Sự luyến ái kiếp sống (bhavataṇhā - hữu ái), đã được đọan tận, không còn dư sót. Trong Như Lai, hữu ái giống như sợi dây thừng kéo lê người ta vào kiếp sống mới, đã cắt đứt rồi. Giờ đây, đối với Như Lai sẽ không còn sự tái sanh nào nữa.”
( Ở đây, “Tuệ tri” nghĩa là Tuệ quán hợp với, và đứng trước Đạo trí (magga-ñāṇa). Đó là trí Hợp thế, và được gọi theo tiếng Pāḷi là Anubodhi (tùy giác). “Tuệ thông đạt” nghĩa là Tuệ thông đạt của Đạo (magga-ñāṇa), chính nó đọan diệt các phiền não. Nó được gọi theo tiếng Pāḷi là Paṭivedha).
Sau khi Đức Phật nói những lời trên, Ngài tiếp tục giảng dạy bằng những câu kệ sau đây:
“Trải qua nhiều kiếp trong luân hồi bất tận do không thông hiểu như thật Tứ Thánh Đế. Giờ đây Như Lai đã thông suốt hoàn toàn Tứ Thánh Đế ấy. Hữu ái, là sợi dây mà kéo người ta đi tái sanh, đã bị cắt đứt hoàn toàn. Gốc rễ của đau khổ (dukkha) đã được đọan tận. Đối với Như Lai sẽ không còn kiếp tái sanh nào nữa.”
Cũng trong khi Đức Phật đang trú ngụ tại làng Koṭi ấy, khi suy xét và sự viên tịch sắp gần kề của Ngài, Ngài đã thuyết pháp đến các vị tỳ khưu bằng những lời mở đầu tương tự như:
“Đây là Giới (sīla), đây là Định (samādhi), đây là Tuệ (pañña). Định được tu tập nhờ Giới đem lại kết quả và lợi ích to lớn. Tuệ được tu tập nhờ Định có kết quả và lợi ích to lớn. Tâm được tu tập nhờ Tuệ nên được giải thoát hoàn toàn không còn dư sót phiền não hay lậu hoặc (āsavas), tức là Dục lậu (kammāsava), Hữu lậu (bhavāsava), và Vô minh lậu (avijjāsava).”
Sau khi ngụ ở làng Koṭi cho đến khi Ngài cảm thấy vừa đủ, Đức Phật nói với đại đức Ānanda : “ Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến làng Nāṭika.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Đức Phật và đi thông báo với các vị tỳ khưu. Đức Phật đi đến ngôi làng Nāṭika cùng với nhiều vị tỳ khưu và ngụ ở toà nhà gạch.
( Ở đây, Nāṭika là một ngôi làng đôi do hai anh em chú bác ruột thành lập, họ đã chọn địa điểm gần hồ nước.Vì vậy ngôi làng được lấy tên là “ Ngôi làng quyến thuộc”(nāṭika). Trong ngôi làng đôi ấy có một tịnh xá bằng gạch, là nơi mà Đức Phật lưu trú ).
Trong suốt thời gian ấy đại đức Ānanda đi đến chỗ Đức Phật và nêu ra những câu hỏi sau đây :
“Bạch Đức Thế Tôn, tại làng Nāṭika có một vị tỳ-khưu tên là Sāla đã mạng chung. Vị ấy đã tái sanh về đâu?
“Bạch Đức Thế Tôn, cũng tại làng Nāṭika này, một vị Tỳ khưu ni tên là Nandāđã mạng chung. Tỳ-khưu ni đã tái sanh về đâu?”
“Bạch Đức Thế Tôn, cũng tại làng Nāṭika này, một thiện nam tên là Sudatta đã mạng chung. Vị ấy đã sanh về đâu?”
“Bạch Đức Thế Tôn, cũng tại làng Nāṭika này, một tín nữ tên là Sujātā đã mạng chung. Nàng ta đã tái sanh về đâu ”
“Bạch Đức Thế Tôn, cũng tại làng Nāṭika này, một thiện nam tên là Kukkuṭa… tương tự… một vị thiện nam tên là Kaḷimba… tương tự… một vị thiện nam tên là Nikaṭa… tương tự… một vị thiện nam tên là Kaṭissaha… tương tự… một vị thiện nam tên là Tuṭṭha… tương tự… một vị thiện nam tên là Santuṭṭha… tương tự… một vị thiện nam tên là Bhadda… tương tự… một vị thiện nam tên là Subhadda đã mạng chung. Vị ấy đã sanh về đâu ?”.
Đức Phật lần lượt trả lời từng câu hỏi như vầy:
“Này Ānanda, do sự diệt tắt các lậu hoặc (āsavas), tỳ khưu Sāḷa đã chứng đắc A-la-hán quả định (arahatta-phala-samādhi) và A-la- hán quả tuệ (arahatta-phala-pañña). Vị ấy đã nhập Niết bàn.
“Này Ānanda, do sự đọan tận năm kiết sử dẫn đến tái sanh trong cõi Dục, tức là năm cõi Hữu bậc thấp, Tỳ khưu ni Nandā đã hoá sanh vào cõi Phạm thiên. Nàng ta mạng chung trong thân phận của một vị thánh Bất lai (anāgāmi), sẽ không bao giờ trở lại từ cõi Phạm thiên ấy, và sẽ nhập Niết bàn (parinibbāna) tại cõi ấy.
“Này Ānanda, do sự đọan tận ba kiết sử gồm tà kiến chấp năm uẩn là ta (sakkāya-diṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā), giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa) là tin vào những cách tu tập ở ngoài pháp hành của bậc Thánh và sự làm giảm thiểu dục ái (rāga), sân (dosa) và si mê (moha), vị thiện nam Sudatta là một vị Nhất lai (sakadāgāmi). Vị ấy sẽ chấm dứt khổ (dukkha) sau khi tái sanh vào cõi người chỉ một kiếp nữa.
“Này Ānanda, do sự đọan tận ba kiết sử gồm tà kiến chấp năm uẩn là ta (sakkāya-diṭṭhi), hoài nghi (viccikicchā), giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa) là tin vào những cách tu tập ở ngoài pháp hành của bậc Thánh. Tín nữ Sujātā là một vị thánh Nhập lưu (sotāpanna), chắc chắn không còn đọa vào bốn khổ cảnh (apāya), và sẽ được tiến bộ vững chắc trong ba đạo bậc cao. ”
“Này Ānanda, vị thiện nam tên Kukkuta… nt… vị thiện nam tên Kaḷimba… nt… vị thiện nam tên là Nikaṭa… nt… vị thiện nam tên là Kaṭissaha… nt… vị thiện nam tên là Tuṭṭha… nt… vị thiện nam tên là Subhadda, do sự đọan tận năm hạ phần kiết sử dẫn đến tái sanh vào cõi dục giới, đã hoá sanh vào cõi Phạm thiên.Vị ấy chết trong thân phận của bậc thánh Bất lai (ānāgami), không bao giờ sanh trở lại từ cõi Phạm thiên ấy và sẽ nhập Niết bàn (parinibbāna) ở đó. ”
“Này Ānanda, trên năm mươi vị thiện tín từ làng Nātika mà đã chết là những vị thánh Bất lai (ānāgami) do đã đọan tận năm hạ phần kiết sử dẫn đến tái sanh vào cõi dục, tất cả đều hoá sanh vào cõi Phạm thiên, sẽ không trở lại từ cõi ấy và sẽ nhập Niết bàn tại đó. ”
“Này Ānanda, trên chín mươi vị thiện tín của ngôi làng Nātika mà đã chết là những vị thánh Nhất lai (sakadāgāmi), họ đã đọan tận ba kiết sử (thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ) và đã làm giảm thiểu dục ái (rāga), sân (dosa) và si mê (moha). Họ sẽ chấm dứt đau khổ sau khi tái sanh vào cõi người chỉ một lần. ”
“Này Ānanda, trên năm trăm vị thiện tín từ ngôi làng Nātika mà đã chết là những vị thánh Nhập lưu do đã đọan tận ba kiết sử (thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ). Họ không còn tái sanh vào bốn khổ cảnh, được sanh về cảnh giới hạnh phúc, và chắc chắn sẽ chứng đắc ba đạo bậc cao. ”
“Này Ānanda, khả năng nói về chỗ tái sanh của mọi người là việc mà bất cứ ai có kiến thức về Dhamma đều có thể nói được về chính mình. Nó không phải là vấn đề cao siêu chỉ thuộc về Đức Tathāgata. Này Ānanda, nếu mọi người cứ đến với Như Lai và hỏi về chỗ tái sanh của những người đã chết, thì sẽ rất phiền toái cho Như Lai.
Như vậy, này Ānanda, một vị thánh Thinh văn đệ tử mà có chiếc Gương Trí tuệ, nếu muốn có thể nói về chính mình: “Tôi sẽ không bao giờ tái sanh trong cõi địa ngục vô gián (niraya), hay cõi súc sanh, hay cõi ngạ quỉ (peta), hoặc bất cứ cõi nào trong bốn cõi khổ (apaya), chắc chắn là tôi chỉ tái sanh trong những kiếp sống hạnh phúc. Tôi chắc chắn sẽ chứng đắc ba đạo bậc cao.” Này Ānanda, Như Lai sẽ giảng giải bài kinh về Gương Trí tuệ. Thế nào là Gương Trí tuệ?”
(i) Này Ānanda, trong giáo pháp này, bậc Thánh đệ tử (tức nam đệ tử hoặc nữ đệ tử) có niềm tin vững chắc nơi Đấng Thế Tôn (Bhagavā), tin rằng: Đức Thế Tôn là bậc Ứng Cúng (Arahaṃ), Ngài là bậc Chánh biến tri (Sammāsambuddha), Minh hạnh túc (Vijjā caraṇa sampanna), Thiện thệ (Sugata, chỉ nói điều gì lợi ích và đúng sự thật), Thế gian giải (Lokavidhū, biết tất cả ba cõi), Vô thượng sĩ (Anuttaro), Điều ngự trượng phu (Purisadamma sāratti), Thiên nhân sư, Phật (Buddho), Thế Tôn (Bhagavā). ”
(ii) Bậc Thánh đệ tử có niềm tin bất động trong Dhamma, tin rằng: Pháp được khéo thuyết bởi Đức Thế Tôn (svākkhāta), tự kiến (sandiṭṭhika), bất thời (akālika, thánh đạo cho thánh quả tức thì), pháp mà mọi người đến và thấy (ehipassika), đáng được ghi khắc trong tâm (opaneyika), và các bậc trí tùy theo khả năng của mình, có thể chứng đắc các thành quả khác nhau (paccattaṁ veditabba viññāhi).
(iii) Vị thánh đệ tử có niềm tin bất động trong Tăng (Saṅgha), tin chắc rằng:‘Chúng tỳ khưu, Saṅgha, có chánh hạnh (suppaṭipaññā), tức là Tam học trong Giới, Định và Tuệ; các ngài có chánh trực hạnh (ujjupaṭipaññā); các ngài có chánh như lý hạnh hay tuệ hạnh (ñāyapaṭipaññā); các ngài có hòa kính hạnh (sāmīcipaṭipaññā). Chúng Tăng như vậy gồm bốn cặp thánh đệ tử, tạo thành tám hạng thánh nhân; các ngài xứng đáng thọ lãnh vật cúng dường từ phương xa đem đến (āhuneyya); xứng đáng thọ lãnh vật cúng dường đặc biệt dành cho khách (pāhuneyya); xứng đáng thọ lãnh vật cúng dường của tín thí cầu được phước to lớn (dakkhineyya); xứng đáng được tôn kính lễ bái (añjalikaranīya); các ngài là phước điền vô thượng để tất cả chúng sanh gieo vào hạt giống phước.
(iv) Bậc Thánh đệ tử có giới trong người (sīla), dẫn đến sự giải thoát khỏi trói buộc của ái dục, mà các bậc trí tuệ hằng khen ngợi, những giới ấy không bị ảnh hưởng bởi tà kiến, là giới dẫn đến định, không bị gãy vụn, nguyên vẹn, và không tỳ vết, và được các bậc Thánh quý mến.
Này Ānanda, một vị Thánh đệ tử có bốn điều kể trên về Chiếc Gương Trí Tuệ, nếu muốn có thể nói về chính mình, ‘Tôi sẽ không bao giờ tái sanh vào cõi địa ngục (niraya), hay cõi súc sanh, hay cõi ngạ quỉ (peta) hay bất cứ cõi nào trong bốn cõi khổ (apāya). Tôi chắc chắn chỉ tái sanh trong những cõi hạnh phúc. Tôi chắc chắn sẽ chứng đắc các đạo bậc cao.’ Bài pháp này được gọi là Tấm Gương Trí Tuệ.
Cũng trong khi đang trú ngụ tại tịnh xá bằng gạch ở ngôi làng Nāṭika, Đức Phật khi suy nghĩ về cái chết sắp đến của Ngài, Ngài thuyết giảng đến các vị tỳ khưu bằng những câu mở đầu tương tự như: “Đây là Giới (sīla), đây là Định (samādhi), đây là Tuệ (pañña). Định được tu tập nhờ Giới đem lại kết quả và lợi ích to lớn. Tuệ được tu tập nhờ Định có kết quả và lợi ích to lớn. Tâm được tu tập nhờ Tuệ nên được giải thoát hoàn toàn không còn dư sót phiền não hay lậu hoặc (āsava), tức là Dục lậu (kammāsava), Hữu lậu (bhavāsava) và Vô minh lậu (avijjāsava).”
Sau khi trú ngụ tại ngôi làng Nātika như ý muốn, Đức Phật nói với đại đức Ānanda: “Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến Vesāli.” “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānandā vâng lời Đức Phật và đi thông báo với các vị tỳ khưu về chuyến đi. Đức Phật, được tháp tùng bởi nhiều vị tỳ khưu, lên đường đi đến Vesāli và ngụ ở khu vườn Xoài của kỹ nữ Ambapālī.
Lúc bấy giờ năm trăm vị tỳ khưu đi chung với Đức Phật là những vị tỳ khưu trẻ vừa mới gia nhập vào Tăng chúng, chưa có sự tinh tấn mạnh mẽ. Họ sắp được trông thấy Ambapāli khi nàng đi ra để tiếp đón Đức Phật. Để các vị tỳ khưu trẻ không bị thất niệm khi trông thấy cô kỹ nữ xinh đẹp, đầy quyến rũ, Đức Phật đã ổn định tâm tư của các vị tỳ khưu ấy bằng thời pháp như vầy :
“Này các tỳ khưu, một vị tỳ khưu nên trú trong chánh niệm và tỉnh giác. Đây là lời sách tấn của Như Lai đến các tỳ khưu. Các vị nên chánh niệm như thế nào ? Này các tỳ khưu, trong Giáo pháp này, vị tỳ khưu quán thân trên thân bằng sự tinh cần, chánh niệm và tỉnh giác, ngõ hầu đọan diệt tham và ưu hằng sanh khởi trong vị ấy. Vị ấy quán thọ trên thọ bằng sự tinh cần, chánh niệm và tỉnh giác… quán tâm trên tâm… Vị ấy quán pháp (dhamma) trên các pháp ngõ hầu đọan diệt tham và ưu hằng sanh khởi trong vị ấy. Này các tỳ khưu, đây là cách mà vị tỳ khưu giữ tâm chánh niệm. “Này các tỳ khưu, thế nào là vị tỳ khưu thực hành tỉnh giác? Này các tỳ khưu, trong giáo pháp này, vị tỳ khưu thực hành tỉnh giác khi đi tới hoặc đi lui, khi nhìn thẳng tới trước hoặc hai bên, khi co duỗi; khi đắp y Tăng-già-lê, hoặc khi mang bát và đắp y; khi ăn, uống, nhai, nếm đồ ăn; khi đại tiện và tiểu tiện; khi đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức dậy, khi đang nói hay khi im lặng. Này các tỳ khưu, đây là cách mà vị tỳ khưu nên thực hành tỉnh giác.
“Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nên trú chánh niệm và tỉnh giác. Đây là lời khuyến giáo của Như Lai đến các vị.”
Khi kỹ nữ Ambapālī nghe tin Đức Phật đã đến tại Vesālī và đang trú ngụ ở khu vườn xoài của nàng, nàng bèn sai sửa soạn những cỗ xe ngựa thù thắng nhất cho sự kiện trọng đại (là đi yết kiến Đức Phật), và khi bước lên cỗ xe thù thắng được tháp tùng bởi những cỗ xe thù thắng khác, nàng rời khỏi thành phố Vesālī để đi đến khu vườn xoài của nàng. Sau khi đã đi trên chiếc xe ngựa kéo được một quãng đường vừa phải, nàng xuống xe đi bộ đến yết kiến Đức Phật. Nàng đảnh lễ Đức Phật và ngồi xuống ở nơi phải lẽ.
Khi kỹ nữ Ambapāli đã ngồi xuống ở nơi phải lẽ, Đức Phật bèn chỉ ra cho nàng thấy những lợi ích trong Giáo pháp, khuyên nàng nên thực hành pháp, và khiến nàng vui thích trong pháp hành. Sau khi Ngài đã chỉ cho nàng thấy những lợi ích trong Giáo pháp, khuyên nàng nên vui thích trong sự thực hành pháp, kỹ nữ Ambapālī bèn bạch với Ngài rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Đức Thế Tôn hoan hỉ thọ lãnh sự cúng dường vật thực của con vào ngày mai, cùng với chúng tỳ khưu.” Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng.
Rồi, Ambapālī, sau khi biết rằng Đức Phật đã chấp nhận lời thỉnh cầu của nàng, bèn đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ Ngài và cung kính ra về.
Khi những vị công tử Licchāvi của thành phố Vesāli nghe tin Đức Phật đã đếnVesāli và đang trú ngụ tại khu vườn xoài của kỹ nữ Ambapālī, họ truyền lịnh cho thắng ách những chiếc xe ngựa kéo thù thắng, và bước lên những chiếc xe báu, họ rời khỏi thành phố, được tháp tùng bởi đoàn xe hộ tống.
Một số công tử Licchavī mặc y phục màu xanh đậm và mang đồ trang sức màu xanh đậm, họ mang tướng mạo màu xanh đậm. Một số mặc y phục màu vàng, và mang đồ trang sức màu vàng, họ mang tướng mạo màu vàng. Một số mặc y phục màu đỏ, mang đồ trang sức màu đỏ, họ mang tướng mạo màu đỏ. Một số mặc y phục màu trắng, mang đồ trang sức màu trắng, họ mang tướng mạo màu trắng.
(Chú ý: những vị công tử mặc y phục màu xanh đậm không chỉ mang đồ trang sức màu xanh đậm, mà còn bôi lên người những loại dầu mỡ màu xanh đậm. Hơn nữa, những cỗ xe ngựa mà họ cỡi trên đó cũng được trang trí màu xanh đậm, được đính vào những viên ngọc màu xanh đậm, và được thắng ách những con ngựa với đồ trang sức cũng màu xanh đậm, ngay cả những cây roi và những lá cờ được gắn vào cỗ xe cũng có màu sắc tương tự. Những màu còn lại cũng được làm theo cách tương tự).
Kỹ nữ Ambapālī khiến cho xe của nàng va chạm vào những cỗ xe của những vị công tử Licchavī. Trục xe chạm vào trục xe, bánh xe chạm vào bánh xe, ách xe chạm vào ách xe. Nhân đó, các vị công tử Licchavī nói với kỹ nữ Ambapālī, “Xem kìa, này Ambapālī, tại sao nàng để cho xe của nàng va vào xe của những vị công tử Licchavī, trục chạm trục, bánh xe chạm bánh xe và ách xe chạm ách xe… ?”
“Thưa các vị công tử ! Chính vì tôi đã thỉnh mời Đức Phật cùng với chúng Tăng đến thọ lãnh vật thực cúng dường vào ngày mai.” “Thế thì, này Ambapālī, hãy nhường cho chúng tôi đặc ân này để đổi lấy một trăm ngàn đồng tiền vàng.”
“Thưa các công tử, cho dù các vị có cho tôi cả kinh thành Vesāli này cùng với những thôn ấp, châu quận của nó, tôi cũng sẽ không đổi cho các vị đặc ân cúng dường bữa ăn này.”
Trước câu trả lời khẳng khái của Ambapālī, các vị công tử Licchavī đi tiếp đến vườn xoài của Ambapālī. Đức Phật trông thấy cảnh tráng lệ, rực rỡ của các vị Licchavī đang đi thành đoàn với nhiều màu sắc khác nhau, và nói với các vị tỳ khưu:
“Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào mà chưa bao giờ trông thấy chư thiên ở cõi trời Đạo lợi thì hãy nhìn vào nhóm các vị Licchavī ấy. Hãy nhìn vào họ một cách cẩn thận. Hãy chăm chú nhìn vào các vị Licchavī tựa như các vị Licchavī là chư thiên ở cõi Đao lợi thiên.” (Trong văn mạch này, Đức Phật nói với các vị tỳ khưu: “Hãy chăm chú nhìn vào các vị Licchavī tựa như các vị Licchavī là chư thiên ở cõi Tusitā.” Không phải là mang ý nghĩa xem cảnh huy hoàng ấy như là cái gì đó đáng được yêu thích. Câu nói ấy được nói ra ở đây để tạo ấn tượng trong tâm các vị tỳ khưu về sự huy hoàng của loài người được sánh với sự huy hoàng của chư thiên. Đây là cách để nâng cao tâm của một số tỳ khưu như trong những bài kinh Tuần tự thuyết (bắt đầu bằng lợi ích của sự bố thí (dāna-kathā), những lợi ích của sự trì giới (sīla-kathā), bao gồm những kiếp sống may mắn ở trong những cõi chư thiên (sagga-kathā), và đỉnh cao của Tuần tự thuyết là nói về tội của dục lạc (kāmanaṁ ādīnava kathā).
Tuy nhiên câu hỏi vẫn còn: “ Tại sao Đức Phật bảo các vị tỳ khưu nhìn vào các vị Licchavī mà có thể giúp một số tỳ khưu trong thính chúng nghĩ rằng cảnh tượng ấy là tốt đẹp, đáng được ưa thích?” Trong nhiều bài pháp của Đức Phật, thì lời giáo giới thường thấy không phải là xem các cảnh dục như cảnh sắc là đẹp (suba). Nhưng tại sao lời giáo giới như vậy không được nêu ra ở đây?”
Câu trả lời là như vầy: Đức Phật nói như vậy để đem lại lợi ích cho các vị tỳ khưu. Xin giải rõ như vầy:
Một số tỳ khưu trong chúng Tăng không siêng năng thực hành các phận sự của vị tỳ khưu. Đức Phật muốn chỉ cho họ thấy rằng pháp hành của vị tỳ khưu có thể dẫn đến sự vinh quang của con người mà các vị Licchavī có được. (Hãy so sánh điều này với phương pháp của Đức Phật để làm khởi sanh lợi ích ban đầu của Nanda bằng pháp hành của vị tỳ khưu, bằng cách đưa vị ấy đến các cõi chư thiên và chỉ cho vị ấy thấy sự vinh quang của chư thiên).
Hơn nữa, các vị Licchavī đến đúng lúc sẽ cung cấp một ví dụ cụ thể về tánh vô thường của các pháp. Đối với những vị Licchavī này, địa vị hiện tại của họ rất cao, có thể sánh với chư thiên ở cõi Tusitā, chắc chắn sẽ bị tiêu diệt trong tay của A-xà-thế (Ajātasattu). Các vị tỳ khưu mà lưu ý đến tánh chất vĩ đại của các vị Licchavī sẽ sớm có cơ hội trông thấy sự sụp đỗ của họ. Khi ấy những vị tỳ khưu này sẽ đạt được tuệ quán về vô thường của chúng sanh hữu tình, dẫn đến đạo quả A-la-hán cùng với bốn Tuệ Phân tích. Đây là lý do thứ hai và quan trọng hơn để Đức Phật khuyến khích các vị tỳ khưu nhìn kỹ các vị công tử Licchavī.
Rồi các vị Licchavī đánh xe của họ đi tiếp đến một quảng đường thích hợp, họ xuống khỏi xe và đi đến Đức Phật. Họ đảnh lễ Ngài và ngồi xuống ở nơi phải lẻ. Sau khi các vị Licchavī đã ngồi như vậy, Đức Phật chỉ ra những lợi ích trong giáo pháp, sách tấn họ thực hành theo giáo pháp, và làm cho họ hoan hỉ với sự thực hành pháp. Sau khi Ngài chỉ cho họ trông thấy những lợi ích của giáo pháp, và làm cho họ vui thích với pháp hành, các vị công tử Licchavī bèn bạch với Đức Phật, “Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Đức Thế Tôn hoan hỉ thọ nhận sự cúng dường vật thực của chúng con vào ngày mai cùng với chúng tỳ khưu.” Khi ấy Đức Phật bèn nói với họ rằng: “ Này các công tử Licchavī, Như Lai đã nhận lời đến thọ lãnh sự cúng dường vật thực của kỹ nữ Ambapālī rồi.” Nhân đó các công tử Licchavī, sau khi búng ngón tay của họ (trong sự ngưỡng mộ) bèn thốt lên rằng : “ Thưa các vị, chúng ta đã thua một người đàn bà trẻ! Chúng ta đã thua người đàn bà trẻ!”
Rồi vị Licchavī bày tỏ sự hoan hỉ và tịnh tín của họ trong bài pháp của Đức Phật, đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ Ngài và cung kính ra đi.
(Về việc này có thể nêu ra câu hỏi rằng: “Các công tử Licchavī đã biết (từ Ambapālī) rằng nàng đã thỉnh Đức Phật và chúng Tăng đến thọ lãnh sự cúng dường vật thực của nàng vào ngày mai rồi, tại sao họ còn thỉnh mời Ngài?
Câu trả lời là: (1) Bởi vì các vị Licchavī không tin lời nói của Ambapālī; và (2) bởi vì họ đánh giá cao về những nghĩa vụ của những người cư sĩ hộ độ. Nhiều sự giải thích về điều này:
(1) Các vị công tử Licchavī không xem lời nói của Ambapālī là có giá trị vì họ xem nàng là người đàn bà hư đốn.
(2) Thông thường thì những người cư sĩ hộ độ thỉnh mời chư Tăng thọ lãnh vật thực cúng dường khi họ sắp về nhà sau khi nghe thuyết pháp.
Khi đêm đã tàn, kỹ nữ Ambapālī sau khi cho sửa soạn những món ăn thượng vị trong khu vườn xoài của nàng, bèn sai sứ giả đi thông báo với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, đã đến giờ, vật thực cúng dường đã sẵn sàng.” Rồi vào buổi sáng, Đức Phật sắp xếp lại những chiếc y của Ngài, mang bát và đắp Tăng-già-lê, Ngài đến nhà của Ambapālī, được tháp tùng bởi chúng tỳ khưu, và ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sửa soạn sẳn dành cho Ngài.
( Trong nội dung này, ngôi nhà của Ambapālī nên được hiểu là nhà nghỉ mát của nàng trong khu vườn xoài, và không phải là chỗ ngụ thường ngày của nàng trong kinh thành Vesāli. Sự kiện này được chỉ rõ bởi những lời của nàng bạch với Đức Phật: “Con xin cúng dường khu vườn này đến Đức Phật.” Bộ Bhesajjakkhandhaka của phẩm Vinaya Mahā vagga cũng giải rõ về điều này như vầy: ‘Kỹ nữ Ambapālī, đã dâng cúng vật thực đến Đức Phật và chúng tỳ khưu của Ngài tại nhà nghỉ của nàng trong khu vườn, và dâng cúng chính khu vườn xoài của nàng đến chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu’).
Kỷ nữ Ambapālī, phục vụ các vị tỳ khưu có Đức Phật dẫn đầu, cung kính cúng dường vật thực thượng vị bằng chính tay của nàng. Sau bữa ăn, nàng ngồi xuống ở chỗ thích hợp và bạch với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, con xin dâng cúng khu vườn này đến chúng Tăng do Đức Thế Tôn dẫn đầu.” Đức Phật chấp nhận sự cúng dường của nàng và sau khi thuyết pháp đến Ambapālī, Ngài đứng dậy khỏi chỗ ngồi và ra đi.
Trong khi Đức Phật đang lưu trú ở khu vườn xoài của kỹ nữ Ambapālī tại Vesāli, ở đó Ngài cũng thuyết lại về tầm quan trọng của Giới, Định và Tuệ, là ba pháp của vị tỳ khưu.
Rồi Đức Phật, sau khi trú ngụ tại khu vườn xoài của Ambapālī trong một thời gian thích hợp, Ngài bảo Ānanda rằng Ngài muốn đi đến ngôi làng Veḷuva thuộc vùng lân cận của kinh thành Vesāli và đã lên đường đi đến đó có đại chúng tỳ khưu tháp tùng.
Trong suốt thời gian lưu trú tại ngôi làng Veḷuva (vào ngày rằm tháng Vesakha, trong mùa an cư thứ 45 của Ngài), Đức Phật nói với các vị tỳ khưu rằng:
“Này các tỳ khưu, hãy an cư kiết hạ trong vùng ngoại ô của thành Vesālī tại những tịnh xá của những người bạn và những người quen thân. Về phần Như Lai thì Như Lai sẽ an cư kiết hạ tại ngôi làng Veḷuva này.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” các vị tỳ khưu đáp lại, và họ bắt đầu an cư kiết hạ tại những tịnh xá của những người bạn và những người thân quen trong vùng ngoại ô của kinh thành Vesāli. Còn Đức Phật thì Ngài an cư kiết hạ tại ngôi làng Veḷuva.
(Đức Phật bảo các vị tỳ khưu an cư kiết hạ ở nhiều tịnh xá khác nhau trong vùng phụ cận của Vesāli bởi vì ngôi làng Veḷuva quá nhỏ không thể cung cấp đủ vật thực cho số lượng tỳ khưu đông đảo, trong khi đó nhiều tịnh xá ở quanh Vesāli thì có thể giúp các vị tỳ khưu đi khất thực dễ dàng hơn.
Lý do mà Đức Phật bảo các vị tỳ khưu không được trú ngụ cách xa thành Vesāli vì Ngài biết rằng Ngài sẽ nhập Parinibbāna trong mười tháng tiếp theo đó, bởi vậy nếu các vị tỳ khưu được phép đi trú ngụ ở những nơi xa thì một số vị có thể sẽ không được đảnh lễ Ngài lần cuối cùng khi Ngài viên tịch, và họ sẽ rất hối hận vì không hiểu lời gợi ý từ Đức Phật về sự viên tịch sắp xảy ra của Ngài. Do trú ngụ quanh quẩn gần kinh thành Vesāli họ có được cơ hội nghe những bài pháp của ngài, tám lần trong một tháng. Do lòng bi mẫn đối với các vị tỳ khưu mà Đức Phật giới hạn khu vực an cư kiết hạ dành cho các vị tỳ khưu trong những vùng lân cận của kinh thành Vesāli).
Sau khi Đức Phật đã vào mùa an cư kiết hạ tại ngôi làng Veḷuva, Ngài bị một cơn bịnh rất đau đớn tạo ra cơn đau chí tử. Ngài chịu đựng cơn đau và vô hiệu hoá nó bằng cách giữ tâm chánh niệm và tỉnh giác (tức là bằng tuệ quán về vô thường, khổ và vô ngã của cảm thọ). Lúc bấy giờ, Ngài chợt nghĩ rằng: “Thật không thích hợp để Như Lai viên tịch mà không cho các vị tỳ khưu theo hầu biết rõ, không từ giã chúng Tăng. Lành thay Như Lai nên áp chế cơn đau này bằng thiền Minh sát (vipassanā-bhāvanā), là pháp đi trước Tuệ Quả, và rồi trú trong thiền quả (phala-samāpatti).” Do đó, Ngài áp chế cơn đau bằng sự nỗ lực trong thiền quán và sự an trú trong thiền quả. Sau đó cơn bịnh của Ngài biến mất.
(Tiến trình tiếp diễn của hiện tượng tâm sinh lý được duy trì bởi sức mạnh của nghiệp thì được gọi là Mạng hành (jīvita-saṅkhāra). Sự kéo dài quá trình tâm sinh lý này bằng Thiền quả thì cũng được gọi là jīvita-saṅkhāra. Quá trình duy trì hay sự cố gắng duy trì mạng sống này cũng được gọi là Thọ hành (āyu-saṅkhāra).
A-la-hán quả định (arahatta-phala-samāpatti) của Đức Phật có ba loại: maggānantara, vaḷañjana, và āyusaṅkhāra (hay āyupālaka).
Trong ba loại này:
(i) Ba Tốc lực tâm mà sanh lên ngay tức thì trong lộ tâm đắc đạo A- la-hán (arahatta-magga) của Đức Phật (Tốc lực tâm của đạo có đặc tánh cho quả ngay tức thì, akālika) thì được gọi là maggānantara-phala-samāpatti.
(ii) Sự nhập định mà Đức Phật có thể nhập vào bất cứ lúc nào Ngài muốn thì được gọi là vaḷañjana phāla-samāpatti. Đây là sự thọ hưởng an lạc của Niết bàn. Đức Phật nhập vào loại định này bất cứ trong những khoảnh khắc rảnh rỗi nào, ngay cả khi thính chúng đang nói lời tùy hỉ “sādhu, sādhu” trong thời pháp.
(iii) Thiền quán mà Đức Phật nhập vào tại ngôi làng Veḷuva là sự nỗ lực bước đầu để nhập vào quả-định (phala-samāpatti) giống như pháp quán mà Bồ-tát đã thực hành ở bước đầu của sự giác ngộ dưới cội cây Bồ đề. Pháp quán này chính yếu là ba đặc tướng của Danh và Sắc. Sau khi đã an trú bước đầu trong thiền quán này, Đức Phật chú nguyện rằng Ngài sẽ không bị bất cứ cơn đau nào trong mười tháng cho đến ngày rằm của tháng Āsaḷha (tháng Tư â.l). Sau đó, Ngài nhập vào A-la-hán quả định (arahatta-phala-samāpatti). Quả định này có hiệu quả như ý là dập tắt được cơn đau dữ dội và thoát khỏi tất cả mọi chứng bịnh trong mười tháng. Do đó loại thiền quả thứ ba này được gọi là Thiền định duy trì mạng sống. Những chi tiết về phương pháp thiền quán đi trước thiền quả định (phala-samāpatti) này được gọi là rūpa-sattaka và nāma-sattaka, có lẽ được thu thập từ bộ Visuddhi-magga, chương XXII.
Trong ba loại phala-samāpatti kể trên, hai loại đầu maggāntara
và vaḷañjana được nêu ra là khanika-phala-samāpatti trong những bộ
Chú giải và Phụ chú giải trong khi loại thiền thứ ba thì được gọi là jīvita-saṅkhāra hay āyu-saṅkhāra phala-samāpatti.
Sự phân biệt giữa khanika-samāpatti và jīvita-saṅkhāra- samāpatti cần được chú ý.
Khanika-samāpatti được đứng trước bởi cách nhập vào thiền quán thông thường trong khi jīvita-saṅkhāra-samāpatti thì được đứng trước bởi loại thiền quán cao hơn gọi là rūpa-sattaka và nāma-sattaka cần đến sự tinh tấn nhiều hơn. Hai loại thiền quán này có những hiệu quả khác nhau đối với thiền quả (phala-samāpatti) theo ngay sau chúng. Loại trước có thể loại trừ cơn bịnh chỉ trong khi sự nhập định đang diễn ra, giống như hòn đá rơi trên mặt nước đang có rêu phủ, hòn đá có thể xua tan lớp rêu khi sự va chạm diễn ra, nhưng sau đó lớp rêu sẽ trở lại như cũ. Loại sau có thể loại trừ cơn bịnh đau trong một thời gian được quyết định (ở đây là mười tháng) giống như một người mạnh khỏe đi xuống hồ nước, làm sạch lớp rêu trên mặt với một khoảng rộng như ý muốn đến nỗi lớp rêu bị biến mất trong một thời gian đáng kể.
Đức Phật ra khỏi tịnh xá của Ngài ngay sau khi Ngài bình phục trở lại, và ngồi dưới bóng mát của tịnh xá trên chỗ ngồi đã được sắp đặt sẵn dành cho Ngài. Rồi đại đức Ānanda đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và sau khi đã ngồi ở nơi phải lẽ, bèn bạch với Đức Phật rằng :
“Bạch Đức Thế Tôn, con thấy Thế Tôn giờ đây đã khỏe ra. Con thấy Thế Tôn giờ đây đã được khỏe mạnh. Nhưng, bạch Đức Thế Tôn, dầu bây giờ con thấy Thế Tôn như thế, nhưng khi Thế Tôn bị bịnh thì con cảm thấy thân của con nặng nề và tê cứng. Con hầu như không thể phân biệt được các phương hướng. Con trở nên đần độn, không thể biết rõ các pháp như những phương pháp của chánh niệm.
Tuy nhiên, con cảm thấy được chút ít an ủi từ ý nghĩ rằng Ngài sẽ không nhập Niết bàn chừng nào Ngài chưa để lại lời giáo huấn liên quan đến chúng tỳ khưu.”
Đức Phật giải thích như vầy :
“Này Ānanda, chúng tỳ khưu còn mong mõi gì nữa nơi Như Lai ? Như Lai đã giảng dạy chánh pháp mà không phân biệt trong ngoài. Này Ānanda, đối với giáo pháp, Như Lai không giữ lại bất cứ điều gì tựa như đó là điều bí mật được giữ trong nắm tay của vị thầy (tầm thường). Này Ānanda, nếu có ai đó muốn rằng chỉ riêng người đó nắm quyền độc tôn đối với Tăng chúng, hay chúng tỳ khưu nên nương tựa vào một mình người đó, thời đối với người như vậy phải để lại những lời giáo huấn liên quan đến chúng Tăng. Nhưng này Ānanda, Như Lai không có ước muốn rằng một mình Như Lai nắm quyền độc tôn đối với Tăng chúng, hay Tăng chúng nên nương tựa vào một mình Như lai. Bởi vì Như Lai không có ước muốn như vậy, tại sao Như Lai phải để lại lời giáo huấn liên quan đến chúng tỳ khưu?”
“Này Ānanda, Như Lai nay đã già, tuổi tác đã cao, và đã đến thời kỳ cuối của cuộc đời. Như Lai đã đến tuổi tám mươi rồi. Và như cỗ xe cũ kỹ còn chạy được nhờ những cố gắng và sự chăm sóc phụ thêm. Cũng vậy, thân của Như Lai được duy trì bởi sự nỗ lực thêm trong việc duy trì mạng sống bằng thiền quả (phala-samāpatti). Này Ānandā, chỉ khi nào Như Lai trú trong A-la-hán quả định (arahatta- phala-samāpatti), không quan tâm đến những đối tượng vật chất do sự chấm dứt một số cảm thọ (hiệp thế), và nhờ sự dừng lại không quan tâm đến các tướng của các pháp hữu vi, nên thân của Như Lai được thỏai mái.”
“Do đó này Ānanda, hãy tự mình làm hải đảo cho chính mình, hãy lấy mình, chứ không lấy ai khác, làm nơi nương tựa của chính mình. Hãy lấy chánh pháp làm nền tảng vững chắc cho chính mình, và hãy lấy chánh pháp, và không lấy cái gì khác, làm nơi nương tựa cho chính mình.”
“Này Ānanda, thế nào là vị tỳ khưu lấy chính mình làm hải đảo cho chính mình, lấy chính mình, chứ không lấy ai khác, làm nơi nương tựa cho chính mình? Thế nào là vị tỳ khưu lấy chánh pháp làm nền tảng vững chắc cho chính mình, và lấy chánh pháp, chứ không lấy gì khác, làm chỗ nương tựa cho chính mình?”
“Này Ānanda, trong giáo pháp này, vị tỳ khưu quán thân trên thân, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm, ngõ hầu nhiếp phục tham ái và ưu bi trên đời; quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm ngõ hầu nhiếp phục tham ái và ưu bi trên đời. ”
“Này Ānanda, như vậy vị tỳ khưu lấy mình làm hải đảo cho chính mình, lấy mình chứ không lấy ai khác làm chỗ nương tựa cho chính mình. Như vậy vị ấy lấy chánh pháp làm nền tảng vững chắc cho chính mình, và lấy chánh pháp chứ không lấy gì khác làm nơi nương tựa cho chính mình.”
“Này Ānanda, những vị tỳ khưu mà trong lúc Như Lai còn tại tiền hoặc sau khi Như Lai diệt độ rồi, lấy chính mình làm hải đảo cho chính mình, lấy chính mình và không lấy bất cứ ai khác làm nơi nương tựa cho chính mình; lấy chánh pháp làm nền tảng vững chắc cho chính mình, lấy chánh pháp, chứ không lấy cái gì khác, làm chỗ nương tựa cho chính mình, tất cả những vị tỳ khưu như vậy sẽ đạt đến địa vị cao nhất (tức là đạo quả A-la-hán) trong chúng tỳ khưu mà có sự quý mến ba pháp học.”
Như vậy Đức Phật đã kết thúc thời pháp của Ngài ở đỉnh cao là đạo quả A-la-hán (Arahatta-phala).
Sau khi trải qua mùa an cư cuối cùng tại ngôi làng Veḷuva. Vào thời gian cuối cùng, Đức Phật rời khỏi ngôi làng ấy để đi đến Sāvatthi. Sau khi đi qua từng chặng đường, cuối cùng Ngài đến Sāvatthi và ở lại Jetavana tịnh xá (vào khoảng mồng 8, tháng mười, â.l).
Vào hôm ấy, đại đức Sāriputta, khi biết rằng trưởng lão chỉ còn sống thêm bảy ngày nữa mà thôi, bèn nói lời từ biệt Đức Phật và thực hiện chuyến đi bảy ngày về quê hương của trưởng lão, là ngôi làng Nālaka trong Vương xá thành (Rājagaha). Tại đó, trong ngôi nhà gạch nơi mà trưởng lão sanh ra, trưởng lão đã diệt độ và nhập vào parinibbāna, ngày rằm tháng mười âm lịch (tháng Tazaungmon).
(Chi tiết về biến cố này sẽ được mô tả trong chương về Saṅgha)
Sau khi những nghi thức mai táng đã được thực hiện xong, thì đại đức Cunda, là em trai của đại đức Sāriputta, thu lại cái bình bát, chiếc y,… của đại đức Sāriputta cùng với xá-lợi của Ngài đem đến Sāvatthi. Những di vật và xá-lợi này được tôn trí trong bảo tháp theo sự hướng dẫn của Đức Phật tại Sāvatthi. Sau đó Đức Phật đi đến Rājagaha. Khi Ngài ở tại Rājagaha, vào ngày mồng một của tháng Tazaungmon, đại đức Mahā Moggallāna cũng diệt độ - parinibbāna.
(Chi tiết về biến cố sẽ được mô tả trong chương nói về Saṅgha)
Xá-lợi của đại đức Moggallāna được tôn trí trong bảo tháp theo sự chỉ dạy của Đức Phật tại Rājagaha. Sau đó Đức Phật tiếp tục chuyến đi của Ngài và, khi trải qua từng chặng đường, Ngài đến tại Ukkacela. Ở đó, bên bờ sông Hằng, Đức Phật đã thuyết một thời pháp liên quan đến sự diệt độ của hai vị Thượng thủ Thinh văn.
(xem bài kinh Ukkacela Sutta, Saṃyutta III).
Sau đó, vào buổi sáng, Ngài đi vào kinh thành Vesalīđể khất thực, và sau khi độ thực xong, rời khỏi chỗ độ thực, Ngài nói với đại đức Ānanda, “Này Ānanda, hãy mang theo chiếc tọa cụ bằng da và chúng ta hãy đi đến điện thờ Capata để nghỉ trưa ở đó.”
“Xin vâng, bạch Đức Thế Tôn.” Tôn giả Ānanda vâng đáp Thế Tôn, lấy tọa cụ và đi theo sau Ngài.
Rồi Đức Phật đi đến điện thờ Capata và ngồi chỗ đã được trải sẵn dành cho Ngài. Đại đức Ānanda, sau khi đảnh lễ Đức Phật, bèn ngồi xuống ở nơi phải lẽ. Rồi Đức Phật nói với Ānanda bằng những lời gợi ý rõ ràng:
“Này Ānanda, bất cứ ai đã tu tập Bốn Thần Túc (iddhipāda), đã thực hành, đã dùng làm phương tiện, đã dùng làm nền tảng, đã giữ vững, đã thuần thục và đã tu tập đầy đủ thì nếu muốn, vị ấy có thể sống đến thọ mạng tối đa hoặc lâu hơn thọ mạng tối đa.
“Này Ānanda, Như Lai đã tu tập, đã thực hành, đã dùng làm phương tiện, đã dùng làm nền tảng, đã giữ vững, đã thuần thục và đã tu tập đầy đủ Bốn Thần túc. Do đó, này Ānanda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến thọ mạng tối đa”.
Mặc dầu Đức Phật đã nêu ra những lời gợi ý rất rõ ràng như vậy, đại đức Ānanda vẫn không hiểu được những lời gợi ý này. Và vì vậy, vị ấy đã không thỉnh cầu Đức Phật như vầy: “Cầu xin Đức Thế Tôn, vì lợi ích cho loài người, vì lợi lạc và hạnh phúc của chư thiên và nhân loại, vì lòng bi mẫn với thế gian, cầu xin Đức Thế Tôn hãy sống đến thọ mạng tối đa!” Tâm của đại đức Ānanda giống như tâm của người bị ác ma (māra) nhập vào.
Liên quan đến vấn đề này, điện thờ Udena là điện thờ được xây dựng trên chỗ đất nơi mà dạ xoa Udena được thờ cúng. Những điện thờ khác (tại Vesāli) cũng là những nơi thờ cúng theo truyền thống các vị thần linh.
Về chữ ‘kappa’ trong văn mạch này: “Kappaṃ vā tiṭṭheyya kappāvasesaṃ vā ” được nhất trí công nhận với ý nghĩa là āyu-kappa (thọ kiếp) trong thời bấy giờ bởi các vị Chú giải sư và Phụ chú giải sư.
Riêng đại đức Mahāsīva thì diễn dịch theo cách khác. Theo vị ấy: ‘Chư Phật không bao giờ nói ra những năng lực của các Ngài mà không có lý do chánh đáng. Đúng vậy, Đức Phật có thể nhiều lần đi vào thiền quả (phala-samāpatti) và tiếp tục duy trì thọ mạng của Ngài trong thời gian kéo dài mười tháng cho đến hết hiện kiếp này - là kiếp có 5 vị Phật xuất hiện (Như thế tại sao Đức Phật không chọn cách như vậy? Có thể Ngài đã nghĩ như vầy:) Loài người sanh ra với sắc thân do nghiệp sanh phải chịu sự biến hoại. Chư Phật không muốn phơi bày tấm thân già yếu của các Ngài sau khi đã trải qua 4/5 của thọ mạng. Đó là lý do mà tất cả chư Phật có thông lệ sẽ diệt độ sau khi đã đi đến thời kỳ 4/5 của thọ mạng, là thời gian mà thân tướng của các Ngài vẫn còn vững chắc và khiến cho hàng tín đồ khởi tâm tịnh tín. Cũng có một lối suy nghĩ thiết thực khác: nếu một vị Phật sống lâu hơn hầu hết các đại đệ tử của Ngài và chỉ còn những vị tỳ khưu trẻ vây quanh, thì mọi người sẽ nói rằng: “Ồ! Đức Phật có loại đệ tử gì vậy!” Đại đức Mahāsīva cho rằng đây là những sự suy xét thiết thực của chư Phật khiến các Ngài không vận dụng năng lực của mình để sống hết thọ kiếp của quả đất.
Tuy nhiên quan điểm của đại đức Mahāsīva không được các nhà Chú giải chấp nhận, họ cho rằng ‘thọ mạng’ là ý nghĩa của chữ āyu-kappa căn cứ vào bộ sách Pakinnaka desana atthakathā.
(Xem chú giải của bộ Dīgha Nikāya)
Quan điểm của đại đức Mahāsīva cũng bị phủ nhận bởi Phụ chú giải của bộ Mahāvagga (Dīgha Nikāya). Trong đó nói rằng: “Quan điểm của Mahāsīva phát biểu rằng tất cả chúng sanh đều phải bị già chết, ám chỉ rằng sự già chết không được trì hoãn bởi năng lực thần thông. Trong trường hợp ấy nó ám chỉ rằng cái chết không thể bị chặn lại bởi năng lực thần thông. Do đó, luận cứ vốn không vững chắc. Chỉ có quan điểm được nêu ra trong bộ Chú giải nên được xem là quan điểm đúng đắn, chứ không phải là quan điểm của Mahāsīva.”
Trong vấn đề này, xem ra Mahāsīva chỉ lấy một điểm làm điểm suy xét đầu tiên, đó là nghiệp quả của vị Bồ-tát trong kiếp cuối cùng, Ngài có khả năng kéo dài thọ mạng trong một thời gian vô hạn định. Và quan điểm ấy kết hợp với tư liệu trong kinh tạng Pāḷi rằng mạng sống được duy trì trong thiền quả của chư Phật có thể vượt qua cơn bịnh chí tử, khiến Mahāsīva tuyên bố rằng nếu Đức Phật muốn, Ngài có thể sống cho đến hết đại kiếp hiện tại.
Mặc dầu nghiệp quả của Bồ tát trong kiếp cuối cùng của Ngài được xem là kéo dài mạng sống trong một thời gian bất định, thời gian bất định ấy theo nghĩa đen có thể đúng nếu thọ mạng trong thời ấy cũng là thời gian bất định. Nhưng nếu thọ mạng lúc bấy giờ là một trăm năm, thời gian (được gọi là) bất định ấy chỉ có thể kéo dài một trăm năm. Quả thật đúng như vậy, bởi vì năng lực của nghiệp, kết quả của nó bị giới hạn bởi chừng mức thời gian trong thời kỳ ấy, bởi nền tảng vật lý của con người, bởi sức tinh tấn và cõi sanh hữu. Đó là lý do khiến bộ Pakiṇṇaka desanā của bộ Chú giải cổ xưa lấy ý nghĩa của chữ āyu-kappa là thọ mạng đương thời. Quan điểm này cũng được duy trì bảo vệ bởi những nhà Chú giải sau này như Ngài Buddhaghosa, Dhammapāla, v.v…
Về câu nói : “bị ám bởi Māra,” 12 loại ảo tưởng cần được lưu ý:
(1) Vô thường (anicca) được xem là thường (nicca) do bởi: (i) tưởng lầm lạc, (ii) tâm lầm lạc và (iii) kiến lầm lạc.
(2) Khổ (dukkha) được xem là lạc (sukha) do bởi : (i) tưởng lầm lạc,
(ii) tâm lầm lạc và (iii) kiến lầm lạc.
(3) Vô ngã (anatta)được xem là có ngã (atta) do bởi (i) tưởng lầm lạc, (ii) tâm lầm lạc và (iii) kiến lầm lạc.
(4) Bất tịnh (asubha) được xem là khả ái (subho) do bởi (i) tưởng lầm lạc, (ii) tâm lầm lạc và (iii) kiến lầm lạc.
Người thoát khỏi những ảo tưởng này thì không thể rơi vào ảnh hưởng của Marā được. (Đại đức Mahā Moggallāna là một ví dụ). Một kẻ phàm phu chưa đọan trừ được ảo tưởng nào hay một bậc thánh Ariya mà đã đọan trừ một số ảo tưởng nhưng vẫn còn một số ảo tưởng chưa được đọan trừ thì có thể bị Ác ma nhập.
Đại đức Ānanda vẫn còn có bốn ảo tưởng này: điên đảo tưởng và điên đảo tâm mà cho khổ là lạc. Điên đảo tưởng và điên đảo tâm mà cho rằng bất tịnh là tịnh (khả ái). Do đó, vị ấy mới bị Ác ma che ám.
Cách mà Ác ma nhập vào một người nào đó bằng cách làm cho người ấy sợ hãi bằng những mưu kế của hắn như hóa ra một hình ảnh ghê sợ hay tạo ra một âm thanh khủng khiếp. Khi người kia bị khiếp sợ thì người ấy bị bất tỉnh nằm há miệng. Khi ấy Ác ma thọc bàn tay của hắn vào cái miệng được mở ra của người kia và nắm vào quả tim rồi ép nó. Người bị nhập nằm trong trạng thái bất tỉnh hoàn toàn.
Trong trường hợp của đại đức Ānanda, có thể Ác ma không thọc tay vào miệng và ép quả tim. Ác ma chỉ tạo ra một cảnh đáng sợ nào đó trước Ānandā, do ảnh hưởng của nó khiến Ānanda không thể suy nghĩ về ý nghĩa trong lời gợi ý của Đức Phật.
Lần thứ hai, Đức Thế Tôn nói với Ānanda… Lần thứ ba, Đức Thế Tôn nói với Ānanda…
“Này Ānanda, kinh thành Vesali thật là khả ái. Và cũng khả ái thay các điện thờ Udena, Gotamaka, Sattamba, Bahuputta, Sarandada, Cāpāta. “Này Ānanda, bất cứ ai đã tu tập Bốn Thần Túc, đã thực hành, đã dùng làm phương tiện, đã dùng làm nền tảng, đã giữ vững, đã thuần thục và đã tu tập đầy đủ thì nếu muốn, vị ấy có thể sống đến thọ mạng tối đa hoặc lâu hơn thọ mạng tối đa.
“Này Ānanda, Đức Như Lai đã tu tập, đã thực hành, đã dùng làm phương tiện, đã dùng làm nền tảng, đã giữ vững, đã thuần thục và đã tu tập đầy đủ Bốn Thần túc. Do đó, này Ānanda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến thọ mạng tối đa.” Đức Phật đã nói như vậy bằng những lời gợi ý rất rõ ràng.
Mặc dầu Đức Phật đã nêu ra những lời gợi ý rất rõ ràng như vậy, đại đức Ānanda vẫn không hiểu được những lời gợi ý này. Và vì vậy, vị ấy đã không thỉnh cầu Thế Tôn như vầy: “Cầu xin Đức Thế Tôn, vì lợi ích cho loài người, vì lợi ích, lợi lạc và hạnh phúc của chư thiên và nhân loại, vì lòng bi mẫn với thế gian, cầu xin Thế Tôn hãy sống đến thọ mạng tối đa!” Tâm của đại đức Ānanda giống như tâm của người bị Ác ma (māra) nhập vào.
(Ở đây, có thể nêu ra câu hỏi: “Tại sao Đức Phật đã biết rõ rằng Ānanda bị Ác ma nhập mà vẫn lập lại lời gợi ý của Ngài đến 3 lần?”. Câu trả lời là như thế này: Đức Phật thấy trước rằng khi Ác ma buông thả Ānanda, và vị ấy tỉnh táo trở lại, thì vị ấy sẽ thỉnh cầu Ngài sống đến hết thọ mạng. Trong hoàn cảnh ấy, Đức Phật sẽ có lý do để quở trách Ānanda là đã không nói lời thỉnh cầu đúng lúc và sự quở trách này sẽ có hiệu quả là làm vơi đi sự hối hận của Ānandā).
Rồi Đức Phật nói với đại đức Ānanda: “Này Ānanda, bây giờ ngươi hãy đi. Bây giờ ngươi bắt đầu đi là phải lúc.” “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Thế Tôn, rồi khi đứng dậy khỏi chỗ ngồi, vị ấy đảnh lễ Đức Phật và đi đến ngồi dưới một cội cây, không cách xa Đức Phật.
Ngay sau khi đại đức Ānanda đã rời khỏi Đức Phật, Ác ma bèn đi đến, đứng trong một khoảng xa, bèn nói với Đức Phật như vầy:
“Bạch Đức Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy diệt độ bây giờ, xin bậc Thiện Thệ hãy diệt độ ! Bạch Đức Thế Tôn, bây giờ là lúc thích hợp để Thế Tôn diệt độ.
“Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn đã nói (với con) như vầy:
‘Như Lai sẽ không diệt độ, chừng nào đệ tử của Như Lai, các tỳ khưu, chưa rành rẽ giáo pháp, chưa khéo tu tập (trong ba vô lậu học), chưa bảo đảm chính mình (trong chánh hạnh của họ), chưa có kiến thức sâu rộng, chưa thể nhớ hết giáo pháp, chưa thể thực hành giáo pháp dẫn đến sự chứng đắc pháp siêu thế, chưa thể thọ trì chánh hạnh (tức là đời sống thanh tịnh), chưa được an trú trong pháp hành, chưa có thể giảng giải chi tiết, trình bày, chỉ ra, thành lập, làm sáng tỏ, phân tích, làm sáng tỏ giáo pháp của bậc Đạo sư mà họ đã học; chừng nào họ chưa thể đứng trên những lập trường chân chánh bác bỏ những giáo lý khác để có thể khởi sanh, và xiển dương giáo pháp vi diệu.”
“Bạch Đức Thế Tôn, xét thấy rằng các đệ tử của Thế Tôn, là những vị tỳ khưu, đã rành mạch giáo pháp, đã khéo tu tập (trong Tam vô lậu học), đã đảm bảo chính mình, có kiến thức sâu rộng, có thể nhớ hết giáo pháp, có thể thực hành giáo pháp dẫn đến sự chứng đắc pháp siêu thế, có thể thọ trì chánh hạnh, đã an trú trong pháp hành, có khả năng giảng giải chi tiết, trình bày, chỉ ra, thiết lập, làm sáng tỏ, phân tích, hay làm sáng tỏ giáo pháp của bậc Đạo sư mà họ đã học; có thể đứng trên những lập trường chân chánh bác bỏ những giáo lý khác để có thể khởi sanh, và xiển dương giáo pháp vi diệu.”
“Bạch Đức Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy diệt độ bây giờ, xin đấng Thiện Thệ hãy diệt độ ! Bạch Đức Thế Tôn, bây giờ là lúc để Đức Thế Tôn diệt độ.”
“Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn đã nói (với con) như vầy: ‘Như Lai sẽ không diệt độ, chừng nào đệ tử nữ của Như Lai, các tỳ khưu ni, chưa rành rẽ giáo pháp, chưa khéo tu tập (trong ba vô lậu học), chưa bảo đảm chính mình (trong chánh hạnh của họ), chưa có kiến thức sâu rộng, chưa thể nhớ hết giáo pháp, chưa thể thực hành giáo pháp dẫn đến sự chứng đắc pháp siêu thế, chưa thể thọ trì chánh hạnh (tức là đời sống thanh tịnh), chưa được an trú trong pháp hành, chưa có thể giảng giải chi tiết, trình bày, chỉ ra, thành lập, làm sáng tỏ, phân tích, làm sáng tỏ giáo pháp của bậc Đạo sư mà họ đã học; chừng nào họ chưa có thể đứng trên những lập trường chân chánh bác bỏ những giáo lý khác để có thể khởi sanh, và xiển dương giáo pháp vi diệu.”
“Bạch Đức Thế Tôn, xét thấy rằng các đệ tử của Thế Tôn, là những vị tỳ khưu ni, đã rành mạch giáo pháp, đã khéo tu tập (trong ba vô lậu học), đã đảm bảo chính mình, có kiến thức sâu rộng, có thể nhớ hết giáo pháp, có thể thực hành giáo pháp dẫn đến sự chứng đắc pháp siêu thế, có thể thọ trì chánh hạnh, đã an trú trong pháp hành, có khả năng giảng giải chi tiết, trình bày, chỉ ra, thiết lập, làm sáng tỏ, phân tích, hay làm sáng tỏ giáo pháp của bậc Đạo sư mà họ đã học; có thể đứng trên những lập trường chân chánh bác bỏ những giáo lý khác để có thể khởi sanh, và xiển dương giáo pháp vi diệu.”
“Bạch Đức Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy diệt độ bây giờ, xin đấng Thiện Thệ hãy diệt độ! Bạch Đức Thế Tôn, bây giờ là lúc để Đức Thế Tôn diệt độ.”
“Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn đã nói (với con) như vầy: ‘Như Lai sẽ không diệt độ, chừng nào những cận sự nam đệ tử của Như Lai, chưa rành rẽ giáo pháp, chưa khéo tu tập (trong ba vô lậu học), chưa bảo đảm chính mình (trong chánh hạnh của họ), chưa có kiến thức sâu rộng, chưa thể nhớ hết giáo pháp, chưa thể thực hành giáo pháp dẫn đến sự chứng đắc pháp siêu thế, chưa thể thọ trì chánh hạnh (tức là đời sống thanh tịnh), chưa được an trú trong pháp hành, chưa có thể giảng giải chi tiết, trình bày, chỉ ra, thành lập, làm sáng tỏ, phân tích, làm sáng tỏ giáo pháp của bậc Đạo sư mà họ đã học; chừng nào họ chưa có thể đứng trên những lập trường chân chánh bác bỏ những giáo lý khác để có thể khởi sanh, và xiển dương giáo pháp vi diệu.”
“Bạch Đức Thế Tôn, xét thấy rằng những cận sự nam đệ tử của Thế Tôn, đã rành mạch giáo pháp, đã khéo tu tập (trong ba vô lậu học), đã đảm bảo chính mình, có kiến thức sâu rộng, có thể nhớ hết giáo pháp, có thể thực hành giáo pháp dẫn đến sự chứng đắc pháp siêu thế, có thể thọ trì chánh hạnh, đã an trú trong pháp hành, có khả năng giảng giải chi tiết, trình bày, chỉ ra, thiết lập, làm sáng tỏ, phân tích, hay làm sáng tỏ giáo pháp của bậc Đạo sư mà họ đã học; có thể đứng trên những lập trường chân chánh bác bỏ những giáo lý khác để có thể khởi sanh, và xiển dương giáo pháp vi diệu.”
“Bạch Đức Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy diệt độ bây giờ, xin đấng Thiện Thệ hãy diệt độ ! Bạch Đức Thế Tôn, bây giờ là lúc để Đức Thế Tôn diệt độ.”
“Bạch đức Thế Tôn, Thế Tôn đã nói (với con) như vầy : ‘Như Lai sẽ không diệt độ, chừng nào những cận sự nữ đệ tử của Như Lai, chưa rành rẽ giáo pháp, chưa khéo tu tập (trong ba vô lậu học), chưa bảo đảm chính mình (trong chánh hạnh của họ), chưa có kiến thức sâu rộng, chưa thể nhớ hết giáo pháp, chưa thể thực hành giáo pháp dẫn đến sự chứng đắc pháp siêu thế, chưa thể thọ trì chánh hạnh (tức là đời sống thanh tịnh), chưa được an trú trong pháp hành, chưa có thể giảng giải chi tiết, trình bày, chỉ ra, thành lập, làm sáng tỏ, phân tích, làm sáng tỏ giáo pháp của bậc Đạo sư mà họ đã học; chừng nào họ chưa có thể đứng trên những lập trường chân chánh bác bỏ những giáo lý khác để có thể khởi sanh, và xiển dương giáo pháp vi diệu.”
“Bạch Đức Thế Tôn, xét thấy rằng những cận sự nữ đệ tử của Thế Tôn, đã rành mạch giáo pháp, đã khéo tu tập (trong ba vô lậu học), đã đảm bảo chính mình, có kiến thức sâu rộng, có thể nhớ hết giáo pháp, có thể thực hành giáo pháp dẫn đến sự chứng đắc pháp siêu thế, có thể thọ trì chánh hạnh, đã an trú trong pháp hành, có khả năng giảng giải chi tiết, trình bày, chỉ ra, thiết lập, làm sáng tỏ, phân tích, hay làm sáng tỏ giáo pháp của bậc Đạo sư mà họ đã học; có thể đứng trên những lập trường chân chánh bác bỏ những giáo lý khác để có thể khởi sanh, và xiển dương giáo pháp vi diệu.”
“Bạch Đức Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy diệt độ bây giờ, xin đấng Thiện Thệ hãy diệt độ ! Bạch Đức Thế Tôn, bây giờ là lúc để Đức Thế Tôn diệt độ.”
“Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn đã từng nói : ‘Này Ác ma, Như Lai sẽ không diệt độ chừng nào Giáo pháp của Như Lai mà vốn là pháp hành Thanh tịnh chưa được an trú trong các hàng đệ tử, chưa được hưng thịnh, lan rộng, thấu đến mọi người và lừng danh, đến mức mà chư thiên và nhân loại có trí tuệ đều thông suốt.’
‘Bạch Đức Thế Tôn, xét thấy rằng giáo pháp của Thế Tôn mà vốn là pháp hành Thanh tịnh đã được an trú đầy đủ trong các hàng đệ tử, giờ đây đã được hưng thịnh, lan rộng, đã thấu đến mọi người, và lừng danh đến mức mà chư thiên và nhân có trí tuệ đều thông suốt.”
“Bạch Đức Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy diệt độ bây giờ, xin đấng Thiện Thệ hãy diệt độ ! Bạch Đức Thế Tôn, bây giờ là lúc để Đức Thế Tôn diệt độ.”
(Đây là lần thứ ba, Ác ma thỉnh cầu Đức Thế Tôn diệt độ).
Lần thứ nhất là trong suốt tuần lễ thứ tám tại khu vực cây Đại thọ Bồ đề sau khi ngài đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lúc bấy giờ Ác ma nói với Đức Phật rằng : “Bạch Đức Thế Tôn, do kết quả của sự thành tựu các pháp Ba-la-mật, với mục đích chứng đắc Phật quả, giờ đây Thế Tôn đã thành Phật. Thế Tôn đã thành bậc Chánh đẳng Chánh giác. Có lợi ích gì để Thế Tôn đi lang thang từ thị trấn này đến thị trấn khác, từ làng này đến làng nọ, để thuyết giảng giáo pháp của Thế Tôn vì lợi lạc của thế giới chúng sanh? Bạch Đức Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy diệt độ bây giờ, xin đấng Thiện Thệ hãy diệt độ ! Bạch Đức Thế Tôn, bây giờ là lúc để Đức Thế Tôn diệt độ.”
(Lần thứ hai) Sau khi thấy rằng Đức Phật đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên Sahampati để thuyết giảng Chánh Pháp, Ác ma bèn đi đến Đức Phật khi Ngài ngụ ở dưới cội cây Ajapāla, là chỗ mà Đức Phật trải qua tuần lễ thứ 7 sau khi thành đạo. Ác ma cảm thấy đau khổ khi nghĩ về tương lai của lãnh thổ của vị ấy bị mất vào tay của Đức Phật vì giáo pháp của Ngài sẽ dẫn dắt chúng sanh đi đến chỗ vô sanh bất tử. Bởi vậy, (bất chấp lời hứa của Đức Phật với Phạm thiên Sahampati), vị ấy quyết định một phen làm thay đổi tâm của Đức Phật bằng cách ra sức ngăn cản sự truyền bá giáo lý của Đức Phật bằng sự thỉnh cầu Đức Phật diệt độ, nội dung giống như lời thỉnh cầu lần thứ nhất.
Lúc bấy giờ, Đức Phật trả lời Ác ma rằng chừng nào chúng đệ tử của Ngài gồm : tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam và cận sự nữ chưa rành mạch giáo pháp … (nt)… chưa thể đứng trên các nền tảng chánh pháp bác bỏ các giáo lý để có thể khởi sanh, và xiển dương Diệu pháp, Ngài sẽ không diệt độ. Do đó, trong lần thứ ba, Ác ma đã nhắc lại những lý do mà Đức Phật đã nêu ra trong lần cầu thỉnh thứ hai ấy).
Khi được thỉnh cầu như vậy, Đức Phật nói với Ác ma: “Này Ác ma, đừng lo, chẳng bao lâu nữa Như Lai sẽ diệt độ. Ba tháng nữa, kể từ hôm nay Như Lai sẽ diệt độ.”
Rồi Đức Phật, khi đang ở tại điện thờ Cāpāla, Ngài quyết định từ bỏ thọ hành, tức là không nhập vào quả định nữa (vào lúc cuối của ba tháng). Trong thời gian Đức Phật khởi lên quyết định như vậy, đại địa chấn động khiến người ta lông tóc dựng đứng.
Rồi khi Đức Phật nhận thấy hiện tượng này, bèn nói lên hỉ kệ sau đây:
Tula matulañca sambhavaṁ
Bhava saṅkhāra mavassaji muni Ajjhattarato samāhito
Abhindi kavacamivatta sambhavaṁ.
Bậc Đại Sa-môn, sau khi suy xét Niết bàn vô hạn trái ngược với bản chất phù du của kiếp sống hữu tình, (bằng Thánh đạo) đã từ bỏ thọ hành (những nghiệp cho quả tạo ra kiếp sống mới). Với sự thỏa thích trong Thiền quán (khi quán về ba đặc tướng của năm uẩn) và với tâm thanh tịnh hoàn toàn, vị ấy đã đọan trừ những phiền não sâu đậm đã che lấp vị ấy như chiếc áo giáp bền chắc.
Ý nghĩa của câu kệ được giải thích rộng thêm :
Đức Phật đắc được bốn Thánh đạo (ariya-magga) sau khi tu tập thiền chỉ và thiền quán. Như người chiến sĩ gan dạ ở nơi chiến trường dùng cây gươm bén cắt lỏng chiếc áo giáp bền chắc mà vị ấy đang mặc, cũng vậy Đức Phật cũng đã đọan diệt hoàn toàn các phiền não bằng bốn Đạo Trí. Cũng như những cái rễ đan chéo của cây bị chặt đứt, tiềm năng cho quả của cây ấy bị kết thúc, vào lúc phiền não bị đọan diệt, thì tiềm năng tái sanh mà đã được tích lũy trong luân hồi không khởi điểm, được kết thúc trong dòng tâm thức của Ngài.
(Chú ý: Trong câu nói: “Đức Thế Tôn chánh niệm và với sự cẩn trọng từ bỏ thọ hành.” Chánh niệm nghĩa là tâm của Đức Phật luôn luôn trú trong bốn Niệm xứ: thân, thọ, tâm và pháp. Khi quán chiếu trên bốn Niệm xứ này, Ngài nhớ lại rằng đã mang gánh nặng của năm uẩn trong cuộc lang thang dai dẳng và mệt mỏi của luân hồi, và thấy rằng giờ đây, ngài đã thoát khỏi gánh nặng ấy, và để hạ xuống gánh nặng này, Ngài đã phải thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong 4 A-tăng-kỳ (asaṅkheyya) và một trăm ngàn đại kiếp, những Ba- la-mật ấy là những pháp làm sanh khởi Thánh đạo. Xét thấy rằng Ngài đã được an trú trong Đạo mà từ lâu Ngài đã mong mỏi, giờ đây Ngài có thể trú trong bốn Niệm xứ, sau khi đã có tuệ Thông đạt tánh bất tịnh, khổ, vô thường và vô ngã trong các pháp hữu vi.
“Với sự cẩn trọng” nghĩa là Đức Phật suy ngẩm về những lợi ích mà Ngài đã đem lại cho chính mình và cho kẻ khác. Đối với lợi ích của riêng Ngài, Ngài đã đạt được mục tiêu là Phật quả dưới cội cây Bồ-đề. Về lợi ích của những kẻ khác, bằng sự thuyết giảng chánh pháp, Ngài đã khiến cho chúng sanh đạt được giải thoát khỏi vòng đau khổ. Ngài sẽ kết thúc nhiệm vụ ấy trong 3 tháng tới (tức là ngày rằm tháng Tư – tháng Asaḷha).
Với những ý nghĩ này mà Đức Phật đã suy xét dẫn đến quyết định bằng Phật trí, là từ bỏ thọ hành.
Trong câu nói: “từ bỏ thọ hành”, ‘Thọ hành’ (āyu-saṅkhāra) là một từ ngữ có khả năng có 2 nghĩa: sự tác động lẫn nhau của Danh và Sắc được tiếp tục bởi quá trình duy trì đời sống, do nghiệp tạo duyên, là một ý nghĩa. Āyupālaka-phala-samāpatti mà họat động như một điều kiện để kéo dài đời sống, là một ý nghĩa khác.
“Từ bỏ thọ hành” nghĩa là khi Đức Phật quyết định rằng Ngài sẽ không nhập trở lại vào quả định (phala-samāpatti) sau 3 tháng. Ngài sẽ làm như vậy chỉ đến ngày rằm tháng Tư. Do bởi quyết định ấy, Đức Phật đã từ bỏ điều kiện duy trì mạng sống quá ba tháng.
Khi Đức Phật từ bỏ thọ hành như vậy thì đại địa chấn động trong 6 cách (i) chao đảo từ Đông sang Tây, (ii) chao đảo từ Tây sang Đông, (iii) chao đảo từ Nam đến Bắc, (iv) chao đảo từ Bắc đến Nam,
(v) trồi lên, và (vi) sụp xuống. Hiện tượng này xảy ra khắp mười ngàn thế giới, khiến cho mọi người kinh hãi đến nỗi gai ốc và chân lông dựng đứng.
Khi Đức Phật đã từ bỏ thọ hành, Ngài cảm thấy vui mừng mãn nguyện với ý nghĩ rằng gánh nặng của tấm thân mà Ngài đã mang vào suốt chuỗi dài của luân hồi giờ đây sẽ được để xuống trong ba tháng nữa. Bởi vì niềm hỉ lạc về viễn cảnh hạnh phúc quá mạnh mẽ đến nỗi không gì có thể chứa nổi nó (như cái bình bị tràn bởi dầu), nó tìm sự diễn đạt trong sự tuyên kệ đầy hoan hỉ.
Sự thật là câu kệ ấy là kết quả của sự hoan hỉ to lớn làm sáng tỏ sự kiện rằng trong việc Đức Phật từ bỏ thọ hành không phải do sợ hãi mà đầu hàng Ác ma. Nếu đúng như vậy thì làm sao có câu kệ hoan hỉ như vậy ? Chính viễn cảnh hạnh phúc, được thấy trước bởi Phật trí, rằng ba tháng nữa kể từ nay Ngài sẽ để xuống gánh nặng của năm uẩn và chấm dứt tất cả đau khổ, đã làm khởi sanh hỉ kệ ấy liên quan đến sự diệt độ của Ngài.
Rồi đại đức Ānanda tự nghĩ rằng: “ Ôi kỳ diệu thay! Ôi hy hữu thay! Sự chấn động của đại địa làm dựng đứng chân lông này, quả thật là ghê rợn! Lạ lùng! Và sấm trời vang dội! Những cơn chấn động của đại địa xảy ra do nguyên nhân gì? Do duyên gì?”
Rồi đại đức Ānanda đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ Ngài, và khi ngồi ở nơi phải lẽ, bèn bạch với Đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn! Thật kỳ diệu thay! Thật hy hữu thay! Sự chấn động của đại địa làm dựng đứng chân lông này quả thật là ghê rợn! Lạ lùng! Và sấm trời vang dội! Bạch Đức Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì khiến đại địa chấn động như vậy? ”
Rồi Đức Phật dạy rằng: “ Này Ānanda, có tám nhân hoặc tám duyên khiến đại địa chấn động. Đó là:
(1) Đại địa này được nâng đỡ bởi nước, nước được nâng đỡ bởi không khí, không khí được nâng đỡ bởi hư không. Khi những cơn gió rất mạnh thổi đến thì nước bị chao động. Khi nước bị chao động thì quả đất bị chấn động. Đây là nhân, là duyên thứ nhất khiến đại địa chấn động.
(2) Lại nữa, này Ānanda, một vị Sa-môn hay Bà-la-môn có đại thần lực và đã thành đạt các pháp thần thông, hay một vị thiên có đại thần lực dùng định lực mạnh mẽ quán chiếu tướng hữu hạn của địa đại và tướng vô hạn của thủy đại có thể khiến cho đại địa rung chuyển mạnh, lắc lư mạnh và chấn động. Đây là nhân, là duyên thứ hai khiến đại địa chấn động.
(3) Lại nữa, này Ānanda, trong trường hợp vị Bồ tát, khi mạng chung ở cõi trời Tusitā và giáng sanh vào bào thai của người mẹ, chánh niệm và tỉnh giác, thì đại địa này rung chuyển, rung động mạnh, lắc lư mạnh, và chấn động. Đây là nhân, là duyên thứ ba khiến đại địa chấn động.
(4) Lại nữa, này Ānanda, trong trường hợp vị Bồ-tát, khi ra khỏi lòng mẹ, chánh niệm và tỉnh giác, thì thì đại địa này rung chuyển, rung động mạnh, lắc lư mạnh, và chấn động. Đây là nhân, là duyên thứ tư khiến đại địa chấn động.
(5) Lại nữa, này Ānanda, khi vị Phật chứng ngộ Vô-thượng Chánh- đẳng Chánh-giác, thì đại địa này rung chuyển, rung động mạnh, lắc lư mạnh, và chấn động.
(6) Lại nữa, này Ānanda, trong trường hợp Đức Phật thuyết giảng diệu pháp về Tứ Thánh Đế, (bài pháp đầu tiên tức là) bài kinh Dhammacakka-pavattana sutta, thì đại địa này rung chuyển, rung động mạnh, lắc lư mạnh, và chấn động.
(7) Lại nữa, này Ānanda, khi một vị Phật chánh niệm và tỉnh giác, từ bỏ thọ hành, thì đại địa này rung chuyển, rung động mạnh, lắc lư mạnh, và chấn động.
(8) Lại nữa, này Ānanda, khi một vị Phật nhập vô dư y Niết bàn, thì đại địa này rung chuyển, rung động mạnh, lắc lư mạnh, và chấn động.
Này Ānanda, đây là tám nguyên nhân hay là tám duyên khiến đại địa chấn động. ”
(Bài giảng của vẫn chưa kết thúc). Sau đây là phần chi tiết về tám nguyên nhân kể trên:
(i) Những cơn chấn động của quả đất do bởi những điều kiện không vững chắc của những nguyên tố trong vũ trụ. Đại địa được nâng đỡ bởi một khối không khí dày chín trăm sáu chục ngàn do tuần. Bên trên của khối không khí ấy có một khối nước dày bốn trăm tám chục ngàn do tuần. Bên trên khối nước ấy là đại địa dày hai trăm bốn chục ngàn do tuần. Nửa phía dưới của bề dày, tức là trăm hai chục ngàn do tuần của quả đất là đá granit, trong khi nửa lớp trên có cùng bề dày là đất. Khi các nguyên tố trở nên không bền vững và những cơn cuồng phong ở bên dưới đi qua bề mặt của khối không khí thông thường, khối không khí bị thay thế tạm thời đến nỗi sự nâng đỡ khối nước của nó bị thu lại. Khối nước khi ấy rơi xuống đột ngột, dẫn theo sự rơi xuống đột ngột của đại địa. Khi những cơn gió mạnh khác thường dịu xuống trở lại, khối không khí trở lại mức bình thường của nó, trở lại phận sự của nó là nâng đỡ khối nước, và nổi lên lại. Điều này dẫn đến sự nổi lên của đại địa. Như vậy những cơn gió mạnh thổi đến do bởi những điều kiện bất ổn của các nguyên tố là nguyên nhân của những cơn động đất. Hiện tượng này luôn luôn có mặt, xảy ra thỉnh thỏang. Sự rơi xuống và nổi lên đột xuất của quả đất không thu hút sự chú ý vì đại địa quá dày.
(ii) Đại địa chấn động do bởi những nhân vật có đại thần lực: những người có thần lực có thể tạo những cơn chấn động của quả đất bằng năng lực thần thông ấy. Phương pháp mà họ ứng dụng là nhập định đề mục nước và từ đó gây ra sự chấn động của đại địa.
Họ tạo ra sự địa chấn vì mục đích cao quý nào đó, (ví dụ) đại đức Mahā Mogallāna khiến cho cung điện có tháp nhọn Vejayanta của Sakka nghiêng ngã vì mục đích khiến cho những kẻ khác khởi sanh lòng tịnh tín; và Sa-di Sangharakkhita cũng làm điều tương tự như vậy để dò hỏi một điều gì đó.
Sa-di Samgharakkhita (cháu trai của đại đức Mahānāga) là một vị Sa-di có tiếng tăm, chứng đắc đạo quả A-la-hán (arrahatta-phala) trong khi vị ấy đang cạo đầu xuất gia. Vị ấy đã quán xét xem liệu trước kia có vị tỳ khưu nào có thể làm cho cung điện Vejayanta của Sakka bị lay chuyển không, và thấy rằng không có ai, vị ấy cố gắng làm điều đó. Nhưng vị ấy không thể làm điều ấy. Sự cố gắng của vị ấy không thành công, các tiên nữ múa hát trong cung điện của Sakka bèn chế nhạo vị ấy: “Này con trai, con còn quá trẻ để làm một điều như vậy, cung điện Vejayanta này rất vững chắc đối với con,” họ đã nói với vị ấy như vậy.
Sa-di Samgharakkhita tự nghĩ: “Ta bị những tiên nữ này chế nhạo bởi vì ta không có lời hướng dẫn thích hợp từ một vị thầy.” Và vì vậy, vị suy xét xem ông thầy của vị ấy là đại đức Sāmuddika Mahānāga đang ở đâu, và khi biết rằng đại đức đang nghỉ trưa trong một cái hang bên dưới đại dương, vị ấy đi đến đó và đứng trong tư thế tôn kính trước vị trưởng lão.
“Ngươi đã không thể làm lay chuyển cung điện Vejayanta bởi vì ngươi đã tham gia trận chiến trước khi học cách chiến đấu,” trưởng lão nói.
“Kính bạch Ngài, con đã không tiếp nhận những lời chỉ bảo của một vị thầy có khả năng,” vị Sa-di đáp lại.
“Này con, nếu một người có năng lực thần thông như con mà không thể làm lay chuyển cung điện Vejayanta, thì ai khác có thể làm được? Vậy, con có thấy miếng phân bò khô trôi trên mặt nước không? Và hãy nhớ lại cách mà người làm bánh kếp lấy cái bánh ra từ cái chảo ráng bằng cách cạy quanh viền của nó trước. Hãy chú ý ví dụ này.” Đây là những lời hướng dẫn ngắn gọn từ vị thầy. “Dạ, con hiểu rồi, bạch Ngài,” vị sa-di đáp lại.
Rồi vị ấy phát nguyện, “Xin cho cung điện Vejayanta được bao quanh bởi nước. Và vị Sa-di đi đến cung điện Vejayanta. Khi trông thấy vị Sa-di trở lại, các tiên nữ bèn nói rằng, “Cậu ta lại quay trở lại, vẫn còn ấm ức. Vâng, cậu ta lại trở lại đây!”
Khi Sakka nghe những lời nhận xét ấy, vị ấy nói với họ rằng: “Đừng chế nhạo con trai của ta. Cậu ta đã nhận được lời chỉ giáo từ ông thầy có khả năng. Cậu ta sẽ làm lay chuyển cung điện ngay bây giờ.” Sa-di Sangharakkhita đưa ngón chân cái của vị ấy chạm vào cái xà ở bên ngoài của cung điện Vejayanta. Cung điện lắc lư khắp bốn hướng, hai bên cũng như trước và sau. Nhân đó các tiên nữ bèn kêu lên: “Này con, hãy dừng lại! Hãy để yên đại điện!”
Khi ấy Sa-di Sangharakkhita bèn để cung điện Vejayanta trở về vị trí cũ, và khi đứng ở bên trên cung điện, vị ấy vui sướng nói lên 3 câu kệ sau đây:
“Ngay ngày hôm nay ta đã trở thành một vị tỳ khưu. Ngày hôm nay ta đã chứng đắc đạo quả A-la-hán ngay khi đầu của ta đang được cạo. Và ngày hôm nay ta đã có thể làm nghiêng ngả cung điện của Sakka (sau khi nhận được lời chỉ giáo từ thầy của ta). Kỳ diệu thay Đức Phật, bậc Chánh đẳng Chánh giác. Kỳ diệu thay Giáo pháp, thực sự dẫn đến giải thoát. Kỳ diệu thay đức Tăng, các bậc thánh chân thực!
(Ba câu kệ này được dịch có kết hợp)
(iii) Nguyên nhân thứ ba (sự nhập thai của vị Phật đương lai) và
(iv) Nguyên nhân thứ tư (sự sanh của vị Phật đương lai) do bởi phước siêu việt của vị Phật đương lai.
(v) Nguyên nhân thứ năm (trường hợp giác ngộ) do bởi năng lực của Trí tuệ thông đạt của một vị Phật.
(vi) Nguyên nhân thứ sáu ( trường hợp thuyết giảng bài pháp đầu tiên) do bởi năng lực trí tuệ cốt ở khả năng diễn đạt của vị Phật. Trong trường hợp vĩ đại này, vị thần bảo vệ quả đất khi bày tỏ sự hoan hỉ của vị ấy được xem là đại địa đang vỗ tay khen ngợi, theo Chú giải.
(vii) Nguyên nhân thứ bảy do bởi năng lực của Đức Phật - Trí tuệ trong việc từ bỏ thọ hành, do sự nhàm chán kiếp sống hữu tình sanh lên bởi nhân duyên. Trong dịp trọng đại này, vị hộ thần của quả đất đồng cảm với Đức Phật (về sự già và chết vốn có trong mọi người, không loại trừ Đức Phật) và đã bày tỏ sự đồng cảm bằng địa chấn.
(viii) Nguyên nhân thứ tám do bởi năng lực trí tuệ của Đức Phật làm cho Ngài rất hạnh phúc với sự mãn nguyện đầy hoan hỉ vì đã hoàn thành sứ mệnh thuyết giảng giáo pháp của Ngài mà Ngài đã phải trải qua 4 A-tăng-kỳ (asaṅkkeya) và một trăm ngàn đại kiếp (kappa) để nhập Vô dư y niết bàn (anupādisesa nibbāna). Còn vị hộ thần của trái đất, đó là trường hợp thương tiếc và ta thán. Đại địa chấn động vào lúc ấy là sự bày tỏ nỗi thương tiếc và ta thán của vị ấy (Chú giải và Phụ chú giải).
Khi Đức Phật thuyết giảng tám nguyên nhân của đại địa chấn động, đại đức Ānanda, vì có trí tuệ rộng lớn, đã kết luận đúng rằng Đức Phật đã từ bỏ thọ hành ngày hôm ấy. Việc đại đức Ānanda đánh giá tình hình được biết rõ bởi Đức Phật nhưng Ngài không cho phép đại đức Ānanda cắt ngang thời pháp và tiếp tục với những đề tài khác như tám loại hội chúng, tám abhibhāyatana, và tám vimokkha (có một số nhà Chú giải đã giải thích hành động này của Đức Phật là diệu kế của Ngài để làm vơi giảm sự sầu khổ sanh lên trong tâm đại đức Ānanda nếu sự kiện về sự từ bỏ thọ hành được cho phép hiển lộ. Những đề tài mới mẻ mà Đức Phật bàn đến không bị gián đọan là có chủ ý để thế chỗ trong tâm của đại đức Ānanda bằng những vấn đề khác mà ngoài cái chết sắp đến của Đức Phật).
“Này Ānanda,” Đức Phật dạy “có tám hội chúng, gồm có: chúng Sát-đế-lỵ, chúng Bà-la-môn, chúng gia chủ, chúng tỳ khưu, chúng chư thiên cõi Tứ đại thiên vương, chúng chư thiên cõi Đao lợi thiên, chúng chư thiên do Mara lãnh đạo, và chúng Phạm thiên.”
“Này Ānanda, Như lai nhớ lại đã tham dự hằng trăm chúng Khattiya (Sát-đế-lỵ). (nt) Trong những chúng ấy, Như Lai đã ngồi chung với họ, đã trò chuyện với họ, và có những cuộc bàn luận với họ. Trong khi Như Lai ở chung với họ thì tướng mạo của Như Lai giống như tướng mạo của họ, và giọng nói của Như Lai giống như giọng nói của họ. Trong những bài pháp mà Như Lai thuyết đến họ, Như Lai chỉ cho họ thấy những lợi ích của Giáo pháp, sách tấn họ an trú trong sự thực hành pháp, và làm cho họ hoan hỉ với pháp hành. Trong khi Như Lai đang thuyết pháp đến họ thì họ không biết Như Lai là ai. Họ tự hỏi: “ Người đang thuyết pháp đây là ai? Vị thiên hay con người?” Sau đó qua bài pháp, Như Lai đã chỉ cho họ thấy những lợi ích của Chánh pháp, và khiến họ vui thích trong pháp hành, Như Lai biến mất khỏi chỗ ấy. Khi Như Lai đã biến mất, họ cũng không biết Như Lai là ai; và tự hỏi: “ Kẻ đã biến mất kia là ai? Là vị thiên hay con người?”
“Này Ānandā, Như Lai nhớ lại đã tham dự hằng trăm
… chúng Bà-la-môn… [lập lại như trên (nt)].
… chúng gia chủ… (nt)…
… chúng tỳ khưu… (nt)…
… chúng chư thiên cõi Tứ đại thiên vương… (nt) …
… chúng chư thiên cõi Đao lợi thiên… (nt)…
… chúng chư thiên do Mara lãnh đạo… (nt)…
“Này Ānanda, Như Lai nhớ lại đã tham dự hằng trăm chúng Phạm thiên. Trong những chúng ấy, Như Lai đã ngồi chung với họ, đã trò chuyện với họ, và có những cuộc bàn luận với họ. Trong khi Như lai ở chung với họ thì tướng mạo của Như Lai giống như tướng mạo của họ, và giọng nói của Như Lai giống như giọng nói của họ. Trong những bài pháp mà Như Lai thuyết đến họ, Như Lai chỉ cho họ thấy những lợi ích của Giáo pháp, sách tấn họ an trú trong sự thực hành pháp, và làm cho họ hoan hỉ với pháp hành. Trong khi Như Lai đang thuyết pháp đến họ thì họ không biết Như Lai là ai. Họ tự hỏi: “Người đang thuyết pháp đây là ai? Vị thiên hay con người?” Sau đó qua bài pháp Như lai đã chỉ cho họ thấy những lợi ích của Chánh Pháp, và khiến họ vui thích trong pháp hành, Như Lai biến mất khỏi chỗ ấy. Khi Như lai đã biến mất, họ cũng không biết Như lai là ai; và tự hỏi: “Kẻ đã biến mất kia là ai? Là vị thiên hay con người?”
“Này Ananda, đây là tám loại hội chúng.”
(Bài pháp vẫn chưa kết thúc).
( Ở đây một số ví dụ về nhiều đại chúng Sát-đế-lỵ là: cuộc gặp mặt đầu tiên với vua Bimbisāra sau khi Đức Phật đã thành Phật (xem Đại Phật sử, cuốn II), chuyến viếng thăm đầu tiên của Đức Phật đến Kapilavatthu và cuộc gặp mặt với quyến thuộc của Ngài (xem Đại Phật Sử, cuốn II), cuộc gặp mặt của Đức Phật với các vị công tử Licchavī như đã được kể lại trong Sunakkhattavatthu, Saccaka vatthu (xem Đại Phật Sử, cuốn III). Những cuộc gặp mặt như vậy với các vị sát-đế-lỵ cũng có xảy ra trong những thế giới khác.
“Tướng mạo của Như Lai cũng giống như tướng mạo của họ” nghĩa là không phải màu da, mà là hình sắc, vì các vị Sát-đế-lỵ có những màu da khác nhau, một số thì da trắng, một số da đen, một số da màu nâu sẩm như con rệp. Về hình tướng thì Đức Phật không mang tướng mạo đặc biệt nào, mà vẫn giữ con người thật của chính ngài. Chỉ những khách bàng quan, những vị Sát-đế-lỵ, mới xem họ là người trong bọn họ.
“Giọng nói của Như Lai giống như giọng nói của họ” nghĩa là ngôn ngữ mà Đức Phật sử dụng để nói trong một hội chúng đặc biệt. Xét về giọng nói thì Đức Phật có giọng nói như của Đại phạm thiên, giọng nói có tám đặc tánh kỳ diệu. Khi Đức Phật ngồi trên pháp tòa thì thính chúng sẽ nghĩ rằng vị vua của họ đang nói bằng giọng nói ngọt ngào. Chỉ sau khi Đức Phật đã thuyết pháp xong và rời khỏi hội chúng, thì thính chúng mới thấy vị vua thật của họ và họ tự hỏi: “ Ai đang ngồi trên ngai vàng, ai nói chuyện với chúng ta bằng giọng nói Magadhi về Dhamma bằng giọng nói ngọt ngào như vậy, và đã đi rồi là ai vậy? Vị ấy là vị thiên hay con người?” Họ không biết đó là Đức Phật.
Có câu hỏi như vầy: “Tại sao Đức Phật lại thuyết pháp đến những người mà không nhận ra Ngài? Ngài thấy có lợi ích gì trong đó?” Câu trả lời là: Đức Phật thuyết pháp đến họ để tạo một nền tảng cho sự giác ngộ của họ về sau.
Xin giải rõ điều này: Mặc dầu những người nghe pháp không nhận ra Đức Phật và không vui thích trong pháp, bởi vì Pháp có đầy đủ những ân đức như “ khéo thuyết”(svakhāto), sự nghe pháp sẽ gieo duyên cần thiết cho sự giác ngộ trong tương lai để chứng đắc đạo quả (magga-phala).
Nói về nhiều hội chúng Bà-la-môn, chúng tôi có những ví dụ về cuộc gặp mặt của Đức Phật với Sonadanta, Kūṭadanta, v.v... Những hội chúng Bà-la-môn tương tự trong những thế giới khác cũng có thể được xem là đã xảy ra.
Có thể hỏi rằng: “ Đức Phật thấy lợi ích gì mà thuyết pháp về tám hội chúng?” Câu trả lời là: Đức Phật đã thuyết giảng về tám hội chúng để minh họa sự kiện rằng Ngài không có sự sợ hãi. Xin giải thích điều này: Sau khi mô tả tám hội chúng, Đức Phật tiếp tục: “Này Ānanda, khi đi vào tám hội chúng ấy, Như Lai không có sự sợ hãi. Đúng vậy, làm sao có người có thể nói rằng Như Lai sợ Ma vương đến khi Như Lai một mình? Này Ānanda, trong việc từ bỏ thọ hành, Như Lai đã làm như vậy mà không hề có sự sợ hãi, Như Lai làm với chánh niệm và tỉnh giác.”
(Những câu nói này được chứa trong Pakiṇṇaka Dhamma Desanā Pāḷi, dù không được tụng trong cuộc kiết tập nhưng được các nhà Chú giải trích dẫn).
Rồi Đức Thế Tôn tiếp tục thời pháp của Ngài mà không có sự gián đọan như vầy: “Này Ānana, có tám cách (abhibhāyatana-jhāna) nhiếp phục các pháp đối nghịch và các cảnh, tức là những chướng ngại làm hư hoại sự định tâm. Đó là:
(1) Một người thông minh nọ sau khi đạt được sự định tâm ở mức sự tập trung ban đầu về màu sắc của những phần trong thân của chính vị ấy, tập trung tâm của vị ấy vào những hình tướng nhỏ bên ngoài theo ý thích của vị ấy (kasiṇa), có thể tốt hoặc xấu (màu sắc của những hình tướng ấy có thể đẹp hoặc xấu). Tâm của vị ấy chuyên nhất trên những hình tướng nhỏ ấy, nhiếp thắng được chúng và như vậy trú trong an chỉ định (appanā-jhāna). Sau khi xuất khỏi định, vị ấy nhận thức rằng vị ấy biết và thấy những hình tướng ấy. Đây là Thắng xứ thứ nhất (abhibhāyatana-jhāna).
(2) Một người thông minh khác, sau khi đạt được sự tập trung ban đầu trên màu sắc của những phần trong thân của vị ấy, bèn tập trung vào những hình tướng lớn bên ngoài (dùng làm những đề mục kasiṇa) mà có thể tốt hoặc xấu. Tâm của vị ấy chuyên nhất vào những đề mục lớn ấy, nhiếp thắng được chúng và như vậy trú trong an chỉ định (appanā-jhāna). Sau khi xuất định, vị ấy nhận thức rằng mình đã biết và thấy những hình tướng ấy. Đây là Thắng xứ thứ hai (abhibhāyatana-jhāna).
(3) Một người thông minh khác không lấy màu sắc của phần nào trong thân của vị ấy làm cảnh của sự tập trung ban đầu, tập trung vào những đề mục nhỏ bên ngoài (những đề mục kasiṇa) có thể tốt hoặc xấu làm đề mục của chuẩn bị định. Tâm của vị ấy chuyên nhất vào những hình tướng nhỏ ấy ( dùng làm đề mục kasiṇa), nhiếp thắng chúng, và như vậy trú trong an chỉ định. Sau khi xuất khỏi định, vị ấy nhận thức rằng mình biết và thấy những hình tướng ấy. Đây là thắng xứ thứ ba (abhibhāyatana-jhāna).
(4) Một người thông minh khác không lấy màu sắc trong thân của vị ấy làm cảnh của sự tập trung ban đầu, tập trung vào những hình tướng lớn bên ngoài (dùng làm những đề mục kasiṇa) mà có thể tốt hoặc xấu dùng làm đề mục của chuẩn bị định. Tâm của vị ấy chuyên nhất vào những hình tướng lớn ấy, nhiếp thắng chúng, và như vậy trú trong an chỉ định. Sau khi xuất khỏi định, vị ấy nhận thức rằng mình biết và thấy những hình tướng ấy. Đây là thắng xứ thứ tư (abhibhāyatana-jhāna).
(5) Một người thông minh khác không lấy màu sắc trong thân của vị ấy làm cảnh của sự tập trung ban đầu, tập trung vào những hình tướng bên ngoài (làm đề mục kasiṇa) có màu xanh đậm, với tướng sắc xanh đậm, hình sắc xanh đậm, như hoa vải lanh màu xanh đậm, với tướng sắc xanh đậm, hình sắc xanh đậm, hay như vải lụa Bārāṇasī cả hai mặt láng trơn, màu xanh đậm và có tướng sắc xanh đậm, hình sắc xanh đậm. Vị ấy tập trung vào những hình tướng bên ngoài có màu xanh đậm, có tướng màu xanh đậm, hình màu xanh đậm, làm đề mục cho sự tập trung ban đầu. Tâm của vị ấy chuyên nhất vào chúng, nhiếp thắng chúng, và như vậy trú trong an chỉ định. Sau khi xuất khỏi định, vị ấy nhận thức rằng mình biết và thấy những hình tướng ấy. Đây là thắng xứ thứ năm (abhibhāyatana-jhāna).
(6) Một người thông minh khác không lấy màu sắc trong thân của vị ấy làm cảnh của sự tập trung ban đầu, tập trung vào những hình tướng bên ngoài (làm đề mục kasiṇa) có màu vàng, có tướng màu vàng, hình màu vàng, hay giống như vải lụa Bārāṇasī trơn láng cả hai bên, màu vàng và có tướng màu vàng, hình màu vàng. Vị ấy tập trung vào những hình tướng bên ngoài này màu vàng, có tướng màu vàng, hình màu vàng, làm đề mục cho sự tập trung ban đầu. Tâm của vị ấy chuyên nhất vào chúng, nhiếp thắng chúng, và như vậy trú trong an chỉ định. Sau khi xuất định, vị ấy nhận thức rằng mình đã biết và thấy những hình tướng ấy. Đây là thắng xứ thứ sáu (abhibhāyatana-jhāna).
(7) Một người thông minh khác không lấy màu sắc trong thân của vị ấy làm cảnh của sự tập trung ban đầu, tập trung vào những hình tướng bên ngoài (dùng làm đề mục kasiṇa) màu đỏ, có tướng màu đỏ, hình màu đỏ, giống như hoa của cây baṇḍhu jīvaka màu đỏ, có tướng màu đỏ, hình màu đỏ, hay như vải lụa Bārāṇasī trơn láng cả hai bên, màu đỏ và có tướng màu đỏ, hình màu đỏ. Vị ấy tập trung vào những tướng bên ngoài màu đỏ này, có tướng màu đỏ, hình màu đỏ, làm đề mục của sự tập trung ban đầu, tâm của vị ấy chuyên nhất vào chúng, nhiếp thắng chúng và như vậy trú trong an chỉ định. Sau khi xuất khỏi định, vị ấy nhận thức rằng vị ấy biết và thấy những hình tướng ấy. Đây là thắng xứ thứ bảy (abhibhāyatana-jhāna).
(8) Một người thông minh khác không lấy màu sắc trong thân của vị ấy làm cảnh của sự tập trung ban đầu, tập trung vào những hình tướng bên ngoài (dùng làm đề mục kasiṇa) màu trắng, có tướng màu trắng, hình màu trắng, như sao mai màu trắng, có tướng màu trắng, hình màu trắng, hay như vải lụa Ba-la-nại trơn láng cả hai bên, màu đỏ và có tướng màu đỏ, hình màu đỏ, làm đề mục của sự tập trung ban đầu, tâm của vị ấy chuyên nhất vào chúng, nhiếp thắng chúng, và như vậy trú trong an chỉ định. Sau khi xuất khỏi định, vị ấy nhận thức rằng mình đã biết và thấy những hình sắc ấy. Đây là thắng xứ thứ tám (abhibhāyatana-jhāna).
( Bài pháp vẫn chưa kết thúc).
(Abhibhāyatana-jhāna: Abhibhū, khắc phục những pháp đối nghịch bên ngoài như là những chướng ngại (āyatana-xứ); trạng thái nhập định (jhāna). Chính jhāna là trạng thái có thể có được đối với những người có trí tuệ sắc bén, có thể đạt được sự tập trung nhanh chóng và nhờ đó khắc phục tất cả những chướng ngại, và có khả năng đối phó với đề mục nhỏ hoặc lớn của thiền, và nhiếp thắng nó mà không gặp khó khăn).
Để đạt được abhibhāyatana-jhāna, hành giả có thể bắt đầu pháp chú niệm ban đầu bằng cách lấy hình tướng bên trong làm đề mục, tức là tập trung vào một phần nào đó trên thân hoặc một hình tướng bên ngoài.
Nếu vị ấy bắt đầu bằng hình tướng bên trong, vị ấy có thể chọn một trong bốn màu – màu xanh đậm, màu vàng, màu đỏ và màu trắng cốt ở nhiều phần trên thân của vị ấy. Ví dụ: nếu vị ấy tập trung vào màu xanh đậm, vị ấy có thể tập trung vào tóc, hay mật, hay con ngươi và ghi khắc vào tâm màu xanh đậm ấy khi nghĩ rằng “xanh đậm, xanh đậm”. Nếu vị ấy tập trung vào màu vàng, vị ấy có thể tập trung vào mỡ, da, đỉnh đầu của bàn tay, hoặc đỉnh đầu của bàn chân, hoặc bề mặt có màu hơi vàng của nhãn cầu và ghi khắc vào tâm màu vàng khi nghĩ rằng, “vàng, vàng”. Nếu vị ấy tập trung vào màu đỏ, vị ấy có thể tập trung vào thịt, máu, lưỡi, hay bề mặt có màu hơi đỏ của nhãn cầu và ghi khắc vào tâm màu đỏ khi nghĩ rằng, “đỏ, đỏ”. Nếu vị ấy tập trung vào màu trắng, vị ấy có thể tập trung vào xương, răng, móng tay, móng chân, hay bề mặt hơi trắng của nhãn cầu, và ghi khắc vào tâm màu trắng, khi nghĩ rằng, “trắng, trắng”.
Những hình sắc bên trong chỉ có thể đạt được ở mức chuẩn bị định, (parikamma), chứ không phải an chỉ định hay appanā-bhāvanā. Hình ảnh về sau mà hành giả có được sau khi đạt được chuẩn bị định thì không rõ ràng một cách đầy đủ. Để có được hình ảnh phản chiếu hoàn hảo hay Quang Tướng (paṭi bhaga nimitta), hành giả phải thay đổi đề mục thiền của mình từ hình sắc bên trong sang hình sắc bên ngoài. Chỉ khi ấy hành giả mới có được tướng như ý muốn mà có thể nâng cấp sự định tâm của vị ấy đến cận định (upacāra) và nhập định (appanā).
Hành giả mà bắt đầu chuẩn bị định bằng cách lấy hình sắc bên ngoài làm đề mục của thiền định có thể thành tựu viên mãn cả ba giai đọan định (tức là chuẩn bị định (parikamma-bhāvanā); cận định (upacāra-bhāvanā); và nhập định (appanā- bhāvanā).
Các đối tượng của sự định tâm có thể lớn hoặc nhỏ. Đối với vị hành giả mà có thể đạt được abhibhāyatana-jhāna thì trí tuệ rất sắc bén đến nỗi vị ấy không gặp phải khó khăn nào về kích thước của để mục thiền định. Giống như một người có sự ngon miệng trong ăn uống, có thể ăn miếng nhỏ hoặc miếng lớn vật thực mà không có khó khăn gì. Dù đề mục thiền lớn hoặc nhỏ, vị hành giả có khả năng như vậy đạt được cận định một cách nhanh chóng và rồi ngay tức thì đạt được an chỉ định (appanā- bhāvanā), nhờ vậy khắc phục tất cả những trạng thái đối nghịch trong tâm như là những chướng ngại.
Về bốn trong tám thắng xứ đầu tiên trong tám abhibhāyatana- jhāna, hình sắc nhỏ làm đề mục của sự định tâm thì thích hợp với vị hành giả có tánh hay trầm ngâm suy nghĩ (tánh Tầm – vitakka-carita). Hình sắc lớn làm đề mục của sự định tâm thích hợp vị hành giả có tánh si mê (moha-carita). Hình tướng bên ngoài có màu sắc tốt thì thích hợp với vị hành giả có tánh sân (dosa-carita). Hình sắc bên ngoài có màu sắc xấu thì thích hợp với vị hành giả có tánh tham (rāga-carita).
Những thắng xứ này (abhibhāyatana-jhāna) được thuyết giảng bởi Đức Phật từ kinh nghiệm của chính Ngài. Sự thật thì Ngài đã thực hành chúng trong vô số lần. Đối với một số người ở ngoài giáo pháp của Đức Phật thì đề mục thiền mà không hạn lượng có thể làm cho họ rất nản chí. Đối với Đức Phật thì phạm vi của đề mục thiền định là vô hạn. Do đó, không có bất cứ điều gì làm nản chí Đức Phật. Trong sự thuyết giảng tám Thắng xứ đến đại đức Ānanda, Đức Phật có ý định khiến cho đại đức Ānanda thấy được tánh vô úy của Đức Như Lai, Tathagata.
“Này Ānanda,” Đức Phật tiếp tục thuyết giảng, “Đức Như Lai, bậc đã trú trong tám Thắng xứ có bản chất như vậy và xuất khỏi chúng hoàn toàn không có chút sợ hãi nào cả. Đúng vậy, ai khác có thể nói rằng Đức Như Lai sợ Mara khi một mình đi đến Ngài? Này Ānanda, trong việc từ bỏ thọ hành, Đức Như Lai hoàn toàn không có sợ hãi, với tâm chánh niệm và tỉnh giác.”
(Những câu nói này được tìm thấy trong bộ Pakiṇṇaka Dhamma desanāPāḷi không được tụng đọc trong những cuộc kiết tập nhưng lại được trích dẫn bởi các nhà Chú giải).
Rồi Đức Phật không dừng lại mà tiếp tục qua đề tài kế tiếp, về tám giai đọan giải thoát (vimokkha), trong bài pháp của Ngài đến đại đức Ānanda như vầy: “Này Ānanda, có tám giai đọan giải thoát, đó là:
(i) Sau khi đắc thiền (jhāna) bằng pháp quán trên sắc thân của mình, vị hành giả quán các ngoại sắc làm đề mục kasiṇa. Đây là Giải thoát thứ nhất.
(ii) Không lấy đề mục bên trong, tức là không quán sắc thân của chính mình, vị hành giả quán các ngoại sắc (làm đề mục kasiṇa). Đây là Giải thoát thứ hai.
(iii) Vị hành giả quán tánh chất sáng chói của đề mục (subha). Đây là Giải thoát thứ ba.
(iv) Sau khi hoàn toàn vượt khỏi tất cả sắc tưởng (rūpa-saññā), hữu đối tưởng (mọi hình thức của sự nhận biết sanh lên từ sự tiếp xúc giữa căn và cảnh (paṭigha-saññā), sau khi làm biến mất và không chú ý đến tất cả mọi dị tưởng (nānatta-saññā), vị hành giả quán “ hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ định (ākāsānañcāyatana-jhāna). Đây là Giải thoát thứ tư.
(v) Vượt khỏi hoàn toàn tầng thiền không vô biên xứ, vị hành giả quán rằng: “thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ định (viññāṇañācayatana-jhāna). Đây là Giải thoát thứ năm.
(vi) Vượt khỏi hoàn toàn tầng thiền Thức vô biên xứ, vị hành giả quán rằng “không có gì cả”, chứng và trú Vô sở hữu xứ (ākiñcañāyatana-jhāna). Đây là Giải thoát thứ sáu.
(vii) Sau khi vượt khỏi tầng thiền Vô sở hữu xứ, vị hành giả quán thức vi tế, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng-xứ (nevasaññā- nā-saññāyatana-jhāna). Đây là Giải thoát thứ bảy.
(viii) Sau khi vượt khỏi tầng thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vị hành giả chứng và trú trong Diệt thọ tưởng định. Đây là Giải thoát thứ tám.
Này Ānandā, đây là tám giai đọan giai đọan Giải thoát.”
(Bài pháp vẫn chưa kết thúc).
(Vimokkha nghĩa là sự giải thoát hoàn toàn khỏi các chướng ngại và các pháp đối nghịch làm che mờ tâm, một trạng thái an lạc trong định có thể ví như giấc ngủ an lành của một đứa bé trong vòng tay của người cha. Sự giải thoát này sẽ kéo dài trong thời gian nhập định. Vimokkha cũng có nghĩa là sự đồng nhất của tâm và đề mục thiền mà không bị ngăn trở bởi bất cứ tư tưởng nào khác).
Trong tám vimokkha này, 3 vimokkha đầu tiên là những tầng thiền hữu sắc (rūpā-vacara-jhāna).
Trong ba giải thoát ấy, giải thoát đầu tiên là tầng Thiền hữu sắc, được chứng đắc do sự tập trung vào các nội sắc cũng như ngoại sắc. Giải thoát thứ hai là tầng Thiền hữu sắc được chứng đắc do sự tập trung vào các đề mục thuộc ngoại sắc. Giải thoát thứ ba được chứng đắc do sự tập trung vào các đối tượng sắc pháp hay kasiṇa có màu sắc rất rõ ràng và thuần khiết, đó là: nīla, pīta, lohita, adāta (xanh đậm, vàng, đỏ, trắng).
Bốn vimokkha tiếp theo – thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy – chỉ về bốn tầng Thiền vô sắc (arūpa-jhāna). Bốn tầng thiền vô sắc này được gọi là vimokkha bởi vì chúng hoàn toàn thoát khỏi các sắc tưởng, và cũng vì tâm của hành giả hoàn toàn đồng nhất với cảnh thiền, không bị ngăn trở bởi bất cứ ý nghĩ nào khác.
Vimokkha thứ tám ám chỉ Diệt tận định (nirodha-samāpatti). Nó được gọi là Giải thoát bởi vì trong khi người ta trú trong Diệt tận định thì tất cả những sở hữu tâm do tưởng và thọ dẫn đầu đều diệt, tức là quá trình tâm tất cả đều ngưng họat động, và sắc do tâm sanh cũng diệt, cho nên người ấy hoàn toàn thoát khỏi pháp hữu vi. Sự diệt bốn danh uẩn và sắc do tâm sanh này kéo dài trong thời gian trú Diệt tận định.
Đối với những người thấy vui thích trong vòng luân hồi đầy đau khổ và thỏa mãn với đời sống của họ trong ba cõi, thì Giải thoát là một ý nghĩ khủng khiếp. Đối với Đức Phật thì trú trong pháp Giải thoát là điều rất khả ái. Ngài không có sự sợ hãi trong sự trải nghiệm pháp Giải thoát. Đức Phật thuyết giảng về tám giai đọan Giải thoát để khiến Ānanda hiểu tánh vô úy của Đức Phật.
“Này Ānanda,” Đức Phật tiếp tục “Đức Tathāgata là người trú trong tám pháp Giải thoát và xuất khỏi chúng, không hề run sợ hay khiếp đảm. Đúng vậy, ai khác có thể nói rằng Đức Tathāgata sợ hãi Ác ma đến khi Ngài một mình? Này Ānandā, trong việc từ bỏ thọ hành, Đức Như Lai hoàn toàn không có sợ hãi, có tâm chánh niệm và tỉnh giác”. (Đây cũng là những lời của Đức Phật thuyết giảng đến đại đức Ānanda, được tiếp tục trong bộ Pakiṇṇaka Dhamma desana).
Sau khi thuyết giảng về tám pháp Giải thoát, Đức Phật tiếp tục bài pháp của Ngài mà không để cho đại đức Ānandā nói một lời nào. “Này Ānanda, vào một dịp nọ, ngay sau khi Như Lai giác ngộ (trong tuần lễ thứ tám sau khi giác ngộ), Như Lai đang trú ngụ dưới cội cây đa của người chăn dê gần bờ sông Nerañjarā trong khu rừng Uruvela. Lúc bấy giờ Ác ma đi đến Như Lai và khi đứng tại một chỗ nọ, bèn nói với Như Lai như vầy:
“Xin Đức Thế Tôn hãy diệt độ bây giờ, xin đấng Thiện Thệ hãy diệt độ! Bạch Đức Thế Tôn, nay đã đến lúc để Thế Tôn diệt độ!
“Này Ananda, khi điều này được nói ra, Như Lai bèn trả lời Ác ma như sau:
“Này Ác ma, Như Lai sẽ không diệt độ chừng nào… (xem lại đọan Lời thỉnh cầu của Mara đã dịch ở trên)
Khi Đức Phật nói ra điều này, thì đại đức Ānanda thỉnh cầu Đức Phật như sau:
“Bạch Đức Thế Tôn! Xin Thế Tôn vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại, vì lòng bi mẫn với thế gian, xin hãy sống cho đến hết thọ mạng! Xin đấng Thiện thệ hãy sống cho đến hết thọ mạng!”
Nhân đó Đức Phật bèn nói rằng: “ Đủ rồi, này Ānanda, bây giờ đừng có thỉnh cầu Như Lai nữa. Thời gian để thỉnh cầu như vậy đã qua rồi.”
Lần thứ hai đại đức Ānanda lập lại lời thỉnh cầu và Đức Phật cũng từ chối như vậy. Đến lần thứ ba, đại đức Ananda lập lại lời thỉnh cầu thì Đức Phật bèn nói với vị ấy rằng:
“Này Ānanda, ngươi có tin vào trí Giác ngộ (Bodhi-ñāṇa) của Đức Như lai không ?”
“Bạch Đức Thế Tôn, con có tin.”
“Vậy thì tại sao ngươi vẫn khăng khăng thỉnh cầu Như Lai đến ba lần?”
“Bạch Đức Thế Tôn, con đã được Thế Tôn đích thân dạy rằng: “Này Ānanda, ai đã tu tập, đã thực hành, đã dùng làm phương tiện, đã dùng làm nền tảng, đã giữ vững, đã lão luyện, và đã tu tập đầy đủ bốn Thần túc (iddhipāda) thì nếu muốn vị ấy có thể sống đến hết thọ mạng hoặc lâu hơn thọ mạng tối đa.
Này Ānanda, Như Lai đã tu tập, đã thực hành, đã dùng làm phương tiện, đã dùng làm nền tảng, đã giữ vững, đã lão luyện, và đã tu tập đầy đủ bốn Thần túc. Do đó, này Ānanda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến hết thọ mạng hoặc lâu hơn thọ mạng tối đa (Bạch Đức Thế Tôn, chính vì những lời nói ấy của Đức Thế Tôn mà con thỉnh cầu Thế Tôn ba lần).”
“Này Ananda, ngươi có tin tưởng điều ấy không?” “Bạch Đức Thế Tôn, con có tin.”
“Này Ānandā, mặc dầu Như Lai đã cho lời gợi ý rõ ràng như vậy, nhưng ngươi đã không hiểu chúng. Ngươi đã không thỉnh cầu Thế Tôn: ‘Bạch Đức Thế Tôn, xin Thế Tôn, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại, vì lòng bi mẫn cho thế gian, xin hãy sống cho đến hết thọ mạng! Xin đấng Thiện thệ hãy sống cho đến hết thọ mạng!” Do đó, này Ānanda, việc ngươi không thỉnh cầu Như Lai lúc bấy giờ là lỗi của ngươi, là thiếu sót của ngươi.
“Này Ānanda, nếu lúc bấy giờ mà ngươi thỉnh cầu Như Lai, thì Như Lai có thể từ chối lời thỉnh cầu hai lần nhưng có thể chấp nhận trong lần thứ ba. Do đó, này Ānanda, việc không thỉnh cầu Như Lai lúc bấy giờ là lỗi của ngươi, là thiếu sót của ngươi.”
(1) “Này Ānandā, vào một dịp nọ, Như Lai đang ngụ trên ngọn đồi Gijjhakuṭa trong kinh thành Rājagaha (nt). Lúc bấy giờ Như Lai đã nói với người rằng: ‘Này Ānanda, khả ái thay thành Vương Xá. Này Ānanda, khả ái thay ngọn đồi Gijjhakuta. Này Ānanda, ai đã tu tập, đã thực hành, đã dùng làm phương tiện, đã dùng làm nền tảng, đã giữ vững, đã lão luyện, và đã tu tập đầy đủ bốn Thần túc (iddhipāda) thì nếu muốn vị ấy có thể sống đến hết thọ mạng hoặc lâu hơn thọ mạng tối đa. Này Ānanda, Như Lai đã tu tập, đã thực hành, đã dùng làm phương tiện, đã dùng làm nền tảng, đã giữ vững, đã lão luyện, và đã tu tập đầy đủ bốn Thần túc. Do đó, này Ānanda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến hết thọ mạng hoặc lâu hơn thọ mạng tối đa.”
“Này Ānandā , mặc dầu Như Lai đã cho lời gợi ý rõ ràng như vậy, nhưng ngươi đã không hiểu chúng. Ngươi đã không thỉnh cầu Thế Tôn: ‘Bạch Đức Thế Tôn, xin Thế Tôn, vì hạnh phúc cho nhân loại, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại, vì lòng bi mẫn với thế gian, xin hãy sống cho đến hết thọ mạng! Xin Thế Tôn hãy sống cho đến hết thọ mạng!”
“Này Ānandā, nếu lúc bấy giờ mà người thỉnh cầu Như Lai, thì Như Lai có thể từ chối lời thỉnh cầu hai lần nhưng có thể chấp nhận trong lần thứ ba. Do đó, này Ānandā, việc không thỉnh cầu Như Lai lúc bấy giờ là lỗi của ngươi, là thiếu sót của ngươi.
“Này Ānandā, vào một dịp nọ, …
(2) khi Như Lai ngụ dưới cội cây Gotama trong thành Vương Xá… (Lập lại (nt) như trên).
(3) khi Như Lai ngụ ở trên sườn núi Corapapata gần thành Vương xá… (nt)
(4) khi Như Lai ngụ tại hang động Sattapaṇṇi ở một bên của ngọn núi Vebhāra gần thành vương xá… (nt)
(5) Như Lai ngụ tại Kaḷasia ở một bên của núi Isigili gần thành vương xá… (nt)
(6) Tại rừng cây gỗ mun trong rặng núi Sappasoṇḍika gần thành Vương xá… (nt)
(7) Tại tịnh xá Tapodārāma trong thành Vương xá … (nt)
(8) Tại tịnh xá Veḷuvana nơi nuôi ăn của những con sóc đen… (nt)
(9) Tại khu rừng xoài của Jīvaka… (nt)
(10) Tại rừng Migadāya trong xứ Maddakucahi gần thành Vương xá… (nt)
Này Ānanda, trong khi Như Lai trú ngụ tại những chỗ ấy cũng vậy, Như Lai đã nói với ngươi rằng: (1) Này Ānanda, khả ái thay kinh thành Vương Xá… (2) Này Ānanda, khả ái thay cây đa Gotama… (3) Khả ái thay sườn núi Corapapata… (4) Khả ái thay hang động Sattapaṇṇi … (5) Khả ái thay Kaḷasia ở bên ngọn núi Isigilii… (6) Khả ái thay rừng gỗ Mun trong rặng núi Sappasoṇḍika … (7) Khả ái thay tịnh xá Tapodārāma … (8) Khả ái thay tịnh xá Veḷuvana nơi nuôi ăn của những con sóc đen… (9) Khả ái thay khu rừng xoài của Jīvaka … (10) Khả ái thay khu rừng Migadāya trong xứ Maddakuccahi. Này Ānanda, ai đã tu tập, đã thực hành, đã dùng làm phương tiện, đã dùng làm nền tảng, đã giữ vững, đã lão luyện, và đã tu tập đầy đủ bốn thần túc (iddhipāda) thì nếu muốn vị ấy có thể sống đến hết thọ mạng hoặc lâu hơn thọ mạng tối đa. Này Ānanda, Như Lai đã tu tập, đã thực hành, đã dùng làm phương tiện, đã dùng làm nền tảng, đã giữ vững, đã lão luyện, và đã tu tập đầy đủ bốn thần túc. Do đó, này Ānanda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến hết thọ mạng hoặc lâu hơn thọ mạng tối đa.”
“Này Ānanda, mặc dầu Như Lai đã cho lời gợi ý rõ ràng như vậy, nhưng ngươi đã không hiểu chúng. Ngươi đã không thỉnh cầu Thế Tôn: ‘Bạch Đức Thế Tôn, xin Thế Tôn, vì hạnh phúc cho nhân loại, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại, vì lòng bi mẫn với thế gian, xin hãy sống cho đến hết thọ mạng! Xin Thế Tôn hãy sống cho đến hết thọ mạng!”
“Này Ānanda, nếu lúc bấy giờ mà người thỉnh cầu Như Lai, thì Như Lai có thể từ chối lời thỉnh cầu hai lần nhưng có thể chấp nhận trong lần thứ ba. Do đó, này Ānanda, việc không thỉnh cầu Như Lai lúc bấy giờ là lỗi của ngươi, là thiếu sót của ngươi.
(a) “Này Ānanda, trong khi Như Lai đang trú ngụ tại điện thờ Udena trong thành Vesāli (nt) khi ấy Như Lai cũng nói với ngươi rằng: “Này Ānanda, khả ái thay thành Vesāli. Khả ái thay điện thờ Udena. Này Ānanda, ai đã tu tập, đã thực hành, đã dùng làm phương tiện, đã dùng làm nền tảng, đã giữ vững, đã lão luyện, và đã tu tập đầy đủ bốn Thần túc (iddhipāda) thì nếu muốn vị ấy có thể sống đến hết thọ mạng hoặc lâu hơn thọ mạng tối đa. Này Ānanda, Như Lai đã tu tập, đã thực hành, đã dùng làm phương tiện, đã dùng làm nền tảng, đã giữ vững, đã lão luyện, và đã tu tập đầy đủ bốn Thần túc. Do đó, này Ānanda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến hết thọ mạng hoặc lâu hơn thọ mạng tối đa”.
“Này Ānanda , mặc dù Như Lai đã cho lời gợi ý rõ ràng như vậy, nhưng ngươi đã không hiểu chúng. Ngươi đã không thỉnh cầu Thế Tôn: ‘Bạch Đức Thế Tôn, xin Thế Tôn, vì hạnh phúc cho nhân loại, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại, vì lòng bi mẫn với thế gian, xin hãy sống cho đến hết thọ mạng! Xin Thế Tôn hãy sống cho đến hết thọ mạng!”
“Này Ānanda, nếu lúc bấy giờ mà người thỉnh cầu Như Lai, thì Như Lai có thể từ chối lời thỉnh cầu hai lần nhưng có thể chấp nhận trong lần thứ ba. Do đó, này Ānanda, việc không thỉnh cầu Như Lai lúc bấy giờ là lỗi của ngươi, là thiếu sót của ngươi.
‘Này Ānanda, vào một dịp nọ, khi Như Lai đang ngụ (b) Tại điện thờ Gotama trong chính thành Vesāli này… (Lập lại (nt) như trên) tại điện thờ Sattamba trong chính thành Vesāli này… (Lập lại (nt) như trên) tại điện thờ Bahuputta trong chính thành Vesāli này … (Lập lại (nt) như trên) tại điện thờ Sāranada trong chính thành Vesāli này… (Lập lại (nt) như trên). “Này Ānanda, ngày hôm nay tại điện thờ Cāpāla, Như Lai vừa mới nói với người rằng: ‘Này Ānanda, khả ái thay thành Vesali, khả ái thay điện thờ Cāpāla. Này Ānanda, ai đã tu tập, đã thực hành, đã dùng làm phương tiện, đã dùng làm nền tảng, đã giữ vững, đã lão luyện, và đã tu tập đầy đủ bốn Thần túc (iddhipāda) thì nếu muốn vị ấy có thể sống đến hết thọ mạng hoặc lâu hơn thọ mạng tối đa. Này Ānanda, Như Lai đã tu tập, đã thực hành, đã dùng làm phương tiện, đã dùng làm nền tảng, đã giữ vững, đã lão luyện, và đã tu tập đầy đủ bốn Thần túc. Do đó, này Ānanda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến hết thọ mạng hoặc lâu hơn thọ mạng tối đa.”
“Này Ānanda, mặc dầu Như Lai đã cho lời gợi ý rõ ràng như vậy, nhưng ngươi đã không hiểu chúng. Ngươi đã không thỉnh cầu Thế Tôn: ‘Bạch Đức Thế Tôn, xin Thế Tôn, vì hạnh phúc cho nhân loại, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại, vì lòng bi mẫn với thế gian, xin hãy sống cho đến hết thọ mạng! Xin Thế Tôn hãy sống cho đến hết thọ mạng!”
“Này Ānanda, nếu lúc bấy giờ mà người thỉnh cầu Như Lai, thì Như Lai từ chối lời thỉnh cầu hai lần nhưng có thể chấp nhận trong lần thứ ba. Do đó, này Ānanda, việc không thỉnh cầu Như Lai lúc bấy giờ là lỗi của ngươi, là thiếu sót của ngươi.”
(Đức Thế Tôn kể lại mười lăm ví dụ trước về việc Ānanda không thỉnh cầu Đức Thế Tôn tiếp tục sống. Trong dịp cuối cùng ấy, thứ mười sáu, xảy ra tại điện thờ Cāpāla. Tất cả những trường hợp bị bỏ qua như vậy được Đức Thế Tôn chỉ ra để làm nguôi ngoai nỗi sầu bi của Ānanda lúc bấy giờ. Dĩ nhiên sự không thỉnh cầu của Ānanda trong tất cả những dịp ấy là do hành động ác của Ác ma).
“Này Ānanda, không phải rằng trước kia Như lai đã từng nói với ngươi rằng các pháp mà thân ái nhất đối với chúng ta đều có đặc tánh là chúng ta phải chia lìa chúng bằng cách này hay cách khác ngay cả khi chúng ta còn đang sống, hay khi cái chết chia lìa chúng ta, hay khi chúng ta ở những cõi khác? Này Ānanda, trong vấn đề này, làm sao người ta có thể mong mỏi một cái gì đó mà bản chất của sự sanh khởi, của sự xuất hiện, của duyên sanh, và của sự hoại diệt, đừng có tan rã? Không thể nào có được đối với người mong mỏi như vậy.
“Này Ānanda, Như Lai đã bỏ đi, đã quăng bỏ, đã từ bỏ thọ hành. Và Như Lai đã nói ra một cách dứt khoát rằng sự diệt độ của Như Lai sẽ đến không bao lâu nữa, rằng ba tháng nữa Như Lai sẽ diệt độ. Việc Như Lai vì muốn sống mà rút lại lời nói của mình thì không thể xảy ra. Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến giảng đường có tháp nhọn tại khu rừng Mahāvana.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” Đại đức Ānandā vâng lời Thế Tôn.
Rồi Đức Phật, được theo hầu bởi đại đức Ānanda, bèn đi đến giảng đường có tháp nhọn tại khu rừng Mahāvana. Tại đó Đức Phật nói với đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, hãy đi triệu tập tất cả các vị tỳ khưu đang sống trong thành Vesāli về hội họp tại hội trường.” Đại đức Ānanda đã đi triệu tập tất cả các vị tỳ khưu đang sống trong thành Vesāli về hội trường. Rồi vị ấy đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ Ngài và đứng ở một nơi phải lẽ, bạch với Ngài: “Bạch Thế Tôn, các vị tỳ khưu đã hội họp. Xin Đức Thế Tôn hãy đi đến với họ khi nào Ngài muốn.”
Rồi Đức Phật đi đến giảng đường, ngồi trên chỗ ngồi đã sắp xếp sẵn dành cho Ngài, và nói với các vị tỳ khưu như vầy:
“Này các tỳ khưu, những giáo pháp mà Như Lai đã chứng ngộ qua Đạo Trí và đã đem giảng dạy cho các ngươi. Các ngươi cần phải quán triệt, thực hành, tu tập, thường xuyên thọ trì. Nếu các ngươi quán triệt, thực hành, tu tập và thường xuyên thọ trì những giáo pháp này, thì giáo pháp này vốn là pháp thanh tịnh sẽ tồn tại lâu dài và bền vững, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì sự duy trì thế gian, vì lợi ích, vì lợi lạc và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại.
Những giáo pháp này là:
(a) Bốn Niệm xứ (Satipaṭṭāna)
(b) Bốn Chánh cần (Sammapadāna)
(c) Bốn Thần túc (Iddhipāda)
(d) Ngũ Căn (Indriya)
(e) Ngũ Lực (Bala)
(f) Thất Giác chi (Bojjhaṅga)
(g) Bát Thánh đạo (Ariya-magga)
[Đây là Ba mươi bảy Pháp trợ Bồ đề (Bodhipakkhiya)]
Này các tỳ khưu, Ba mươi bảy Pháp trợ Bồ đề này mà Như Lai đã giác ngộ qua Đạo Trí và đã giảng dạy cho các ngươi. Các ngươi cần phải quán triệt, thực hành, tu tập và thường xuyên thọ trì. Nếu các ngươi quán triệt, thực hành, tu tập và thường xuyên thọ trì những giáo pháp này, thì giáo pháp này vốn là pháp hành thanh tịnh sẽ tồn tại lâu dài và bền vững, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì sự duy trì thế gian, vì lợi ích, vì lợi lạc và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại.”
Rồi Ngài tiếp tục nói với các vị tỳ khưu:
“Này các tỳ khưu, hãy xem đây, Như Lai sẽ sách tấn các ngươi: Tất cả các pháp được cấu tạo, dầu là Danh hay Sắc, đều mang đặc tánh vô thường biến hoại. Bằng chánh niệm và tinh cần hãy phấn đấu (để đạt đến mục tiêu giải thoát). Sự diệt độ của Như Lai sẽ xảy ra không lâu nữa: ba tháng nữa kể từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ.”
Sau khi nói như vậy, Đức Phật nói những lời sau đây (bằng kệ thơ) “ Tuổi của Ta nay đã khá già, cuộc đời còn lại chẳng bao lâu.
Ta sẽ phải ra đi, phải xa lìa các ngươi. Ta đã nương tựa nơi chính mình.
“Này các tỳ khưu, đừng bao giờ dể duôi phóng dật, hãy luôn luôn có chánh niệm, hãy giữ giới luật thanh tịnh, hãy giữ tâm có tập trung, suy nghĩ chân chánh, và hãy phòng hộ tâm một cách chuyên cần để nhiếp phục phiền não.
“Này các tỳ khưu, trong giáo pháp này, (Pháp và Luật) ai chuyên trì giữ gìn Chánh pháp sẽ chấm dứt sanh tử và đọan diệt khổ đau.
Rồi Đức Phật, vào buổi sáng đắp y, mang bình bát và đại y rồi đi vào thành Vesāli để khất thực. Sau khi đã khất thực và độ thực xong, Ngài rời khỏi nơi độ thực. Khi rời khỏi chỗ ấy, Đức Phật quay người và nhìn lại về hướng kinh thành Vesālī, như con voi chúa quay người nhìn lui. Rồi Ngài nói với đại đức Ānanda, “Này Ānanda đây là lần cuối cùng Như Lai nhìn ngắm kinh thành Vesāli. Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến ngôi làng Bhaṇḍa.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời ĐứcPhật.
(Trong vấn đề này, câu nói về Đức Phật “quay người để nhìn lại” cần được giải thích thêm vài điều. Bộ xương của Đức Phật là duy nhất trong nhân loại. Những người bình thường có những khúc xương được nối kết bằng cách chạm đầu với nhau (đầu này với đầu kia). Chư Phật Độc giác (Paccekabuddha) có những đốt xương được nối lại bằng những cái móc ở cuối mỗi đốt xương (móc này nối với móc kia). Cấu trúc xương của Đức Phật là một bộ mắc nối (vòng này với vòng kia). Có một ngoại lệ là hai cánh tay của Ngài gồm có mười hai đốt xương lớn, còn những ngón tay và những ngón chân thì có những đốt xương nhỏ hơn, tất cả những khúc xương khác được nối lại như một chuỗi nối kết. Đó là lý do khiến sức mạnh về thân của Ngài bằng sức mạnh của của mười ngàn triệu con voi chúa hay sức mạnh của một trăm ngàn triệu người có sức mạnh bậc trung.
Cấu trúc xương là chuỗi nối kết, cái cổ của Đức Phật tự nó không thể quay lui được. Do đó, khi Đức Phật muốn nhìn lui thì Ngài phải xoay cả người, như hành động xoay người của con voi chúa).
Mặc dầu Ngài có ý định quay người để nhìn lui, nhưng do sự can thiệp của vị hộ thần của trái đất, nên hành động ấy thực sự không được thực hiện. Đối với quả đất thì tựa như không thể chịu đựng cảnh một đấng Vô thượng tôn phải quay người, nên tự nó đã quay tròn khiến cho Đức Phật đứng trong tư thế mặt ngó về kinh thành Vesāli. Đại địa can thiệp vào tựa như nó đang nói rằng: “Thưa Đức Thế Tôn, sự thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật của Ngài là vô song. Cho nên không cần thiết để Ngài phải nhọc công quay người lại chỉ để nhìn lui như những người bình thường khác.” Trong bất cứ trường hợp nào mà có câu nói rằng: “Đức Thế Tôn quay người để nhìn lui, như cái nhìn của con voi chúa” thì có liên quan đến ý định của Đức Thế Tôn muốn làm như vậy.
Có thể hỏi rằng: “ Tại sao chỉ riêng Vesāli được nêu ra là nơi mà Đức Thế Tôn nhìn lại như là cái nhìn cuối cùng của Ngài, mà không phải những nơi khác như Sāvatthi, Rājagaha, Nāḷanda, ngôi làng Pāṭali, làng Koṭi, làng Nātika mà Ngài đã viếng thăm lần cuối cùng? Tại sao Ngài không nhìn lại những chỗ ấy?”
Câu trả lời là ‘Không’. Nếu Đức Phật nhìn lại những chỗ khác nhau ấy, thì tánh chất có một không hai của cơ hội ấy sẽ bị đánh mất.
Có một lý do khác: Vesāli là một kinh đô phải chịu số phận bi đát. Nó sẽ bị tiêu diệt sau ba năm kể từ chuyến viếng thăm cuối cùng của Đức Phật tại kinh đô ấy. Ngài thấy rằng nếu Ngài quay người nhìn lại kinh thành Vesāli như cái nhìn của con voi chúa, thì chỗ ấy sẽ được các vị công tử Licchavī lập điện thờ tưởng niệm: “Cái nhìn cuối cùng của Đức Thế Tôn” và nhờ vậy sẽ đem lại lợi ích to lớn cho họ trong thời gian lâu dài. Đó là mục đích trong quyết định của Đức Phật để quay người nhìn lại kinh thành Vesāli.
Rồi Đức Phật, được tháp tùng bởi đại chúng tỳ khưu, đến viếng ngôi làng Bhaṇḍu và trú ngụ ở đó. Trong suốt thời gian lưu trú của Ngài tại đó, Ngài đã thuyết pháp đến các vị tỳ khưu như sau:
“Này các tỳ khưu, chính vì không giác ngộ và không thông đạt bốn pháp mà Như Lai cũng như các ngươi đã phải trôi lăn trong chuỗi dài sanh tử luân hồi, từ kiếp sống này sang kiếp sống khác. Bốn pháp ấy là:
(i) Này các tỳ khưu, chính vì không giác ngộ và không thông đạt Thánh giới, là giới của bậc Thánh (ariya sīla) mà Như Lai cũng như các ngươi đã phải trôi lăn trong chuỗi dài sanh tử luân hồi, từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.
(ii) Này các tỳ khưu, chính vì không giác ngộ và không thông đạt Thánh định, là định của bậc Thánh (ariya samādhi) mà Như Lai cũng như các ngươi đã phải trôi lăn trong chuỗi dài sanh tử luân hồi, từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.
(iii) Này các tỳ khưu, chính vì không giác ngộ và không thông đạt Thánh tuệ, là tuệ của bậc Thánh (ariya paññā) mà Như Lai cũng như các ngươi đã phải trôi lăn trong chuỗi dài sanh tử luân hồi, từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.
(iv) Này các tỳ khưu, chính vì không giác ngộ và không thông đạt Thánh giải thoát, là sự Giải thoát của bậc Thánh (ariya vimutti) mà Như Lai cũng như các ngươi đã phải trôi lăn trong chuỗi dài sanh tử luân hồi, từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.
“Này các tỳ khưu, Như Lai đã giác ngộ và không thông đạt Thánh giới; Như Lai đã giác ngộ và thông đạt Thánh định; Như Lai đã giác ngộ và thông đạt Thánh Tuệ; Như Lai đã giác ngộ và thông đạt Thánh giải thoát. Ái dục đối với kiếp sống đã được đọan diệt hoàn toàn thế nên ái dục mà lôi kéo chúng sanh đi vào kiếp sống mới đã diệt tắt trong Ta. Giờ đây không còn sự tái sanh nào khác nữa.”
Rồi Đức Phật nói thêm với các vị tỳ khưu (bằng thể kệ):
“(Này các tỳ khưu) Đức Phật Gotama, bậc có đồ chúng đông đảo, đã giác ngộ những pháp về Giới, Định, Tuệ và Giải thoát cao siêu này.
“Sau khi thông đạt chúng qua Đạo trí, (do lòng bi mẫn) đã giảng dạy những pháp ấy đến các vị tỳ khưu. Bậc Đạo sư (của chư thiên và nhân loại), bậc có năm loại mắt Trí tuệ, bậc đã dập tắt tất cả những ngọn lửa phiền não, đã chấm dứt tất cả khổ đau (trong chính Ngài cũng như trong các vị A-la-hán Thinh văn đệ tử.”
Trong suốt thời gian lưu trú tại ngôi làng Bhaṇḍu cũng vậy, Đức Phật, sau khi suy xét về cái chết sắp gần kề của Ngài, đã thuyết giảng đến các vị tỳ khưu về chủ đề được lập lại như sau:
“Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định được tu tập nhờ Giới đem lại kết quả và lợi ích to lớn. Tuệ được tu tập nhờ Định có kết quả và lợi ích to lớn. Tâm được tu tập nhờ Tuệ thì được giải thoát hoàn toàn không còn dư sót phiền não hay lậu hoặc (āsavas), tức là Dục lậu, Hữu lậu, Kiến lậu và Vô minh lậu.”
Sau khi trú ngụ ở ngôi làng Bhaṇḍu cho đến khi Ngài thấy là vừa đủ, Đức Phật bèn nói với đại đức, “Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến làng Hatthi,… làng Amba,… làng Jamba, và từ đó đi đến thị trấn Bhoga.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Đức Phật. Và Đức Phật, được theo hầu bởi đông đảo đại chúng tỳ khưu, đến tại thị trấn Bhoga, ở đó Ngài vào trú ngụ trong điện thờ Ānandā. Trong thời gian lưu trú ở đó Ngài thuyết giảng đến các vị tỳ khưu về Bốn Đại Pháp Kinh:
(i) “Này các tỳ khưu, trong Giáo pháp này, nếu một vị tỳ khưu nói như vầy: ‘Thưa các hiền hữu, tôi đã nghe từ chính miệng của Đức Phật nói rằng như thế là Pháp (Dhamma), như thế là Luật (Vinaya), như thế là Giáo pháp của Đức Phật.”
“Này các tỳ khưu, những lời nói của vị tỳ khưu ấy không nên chấp nhận hay phủ nhận ngay. Những lời nói và những chữ được nói ra ấy (cho là của Đức Phật) nên được xem xét cẩn thận. Chúng nên được đem đối chiếu với Kinh (Suttanta) và so sánh với Luật (Vinaya).
“Nếu khi đem đối chiếu với Kinh và so sánh với Luật mà những lời, những chữ được nói ra bởi vị tỳ khưu ấy không phù hợp với Kinh hay không trùng khớp với Luật, khi ấy các ngươi có thể kết luận rằng: ‘ Đây chắc chắn không phải là lời mà đức Thế Tôn đã nói. Đó là điều mà vị tỳ khưu đã thọ giáo sai lạc.’ Và khi đã kết luận như vậy, này các tỳ khưu, các thầy nên phủ nhận và bỏ qua những lời nói ấy. ”
“Ngược lại, nếu những lời nói của vị tỳ khưu ấy mà phù hợp với Kinh và trùng khớp với Luật, thời các thầy có thể kết luận rằng: ‘Đây chắc chắn là lời mà Đức Thế Tôn đã nói. Đó là điều mà vị tỳ khưu đã thọ giáo đúng đắn. ”
Này các tỳ khưu, đây là Đại pháp kinh thứ nhất, hãy nhớ kỹ.
(ii) “Lại nữa, này các tỳ khưu, trong Giáo pháp, nếu một vị tỳ khưu nói như vầy: Tại một tịnh xá nọ có chúng Tăng do một vị tỳ khưu trưởng lão lãnh đạo. Tôi đã được nghe từ chính chúng Tăng ấy: Như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là Giáo pháp.”
“Này các tỳ khưu, những lời nói của vị tỳ khưu ấy không nên chấp nhận hay phủ nhận ngay. Những lời nói và những chữ được nói ra ấy (mà được cho là của chư Tăng ở tịnh xá ấy) nên được xem xét cẩn thận. Chúng nên được đem đối chiếu với Kinh (Suttanta) và so sánh với Luật (Vinaya).”
“Nếu khi đem đối chiếu với Kinh và so sánh với Luật mà những lời, những chữ được nói ra bởi vị tỳ khưu ấy không phù hợp với Kinh hay không trùng khớp với Luật, khi ấy các ngươi có thể kết luận rằng: ‘ Đây chắc chắn không phải là lời mà Đức Phật đã nói. Đó là điều mà vị tỳ khưu đã thọ giáo sai lạc.” Và khi đã kết luận như vậy, này các tỳ khưu, các thầy nên phủ nhận và bỏ qua những lời nói ấy.”
“Ngược lại, nếu những lời nói của vị tỳ khưu ấy mà phù hợp với Kinh và trùng khớp với Luật, thời các thầy có thể kết luận rằng: ‘Đây chắc chắn là lời mà Đức Thế Tôn đã nói. Đó là điều mà vị tỳ khưu đã thọ giáo đúng đắn.
Này các tỳ khưu, đây là Đại pháp kinh thứ hai, hãy nhớ kỹ. ”
(iii) “Lại nữa, này các tỳ khưu, nếu có vị tỳ khưu nói rằng: ‘Tại một tịnh xá nọ, có những vị tỳ khưu trưởng lão đa văn, thuộc lòng kinh điển Pāḷi, nghiêm trì Pháp và Luật, và rành mạch những điều học trong Biệt biệt giải thoát giới (Pātimokkha). Tôi đã nghe từ chính các vị tỳ khưu trưởng lão ấy: như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là Giáo pháp.”
“Này các tỳ khưu, những lời nói của vị tỳ khưu ấy không nên chấp nhận hay phủ nhận ngay. Những lời nói và những chữ được nói ra ấy (mà được cho là của các vị tỳ khưu trưởng lão) nên được xem xét cẩn thận. Chúng nên được đem đối chiếu với Kinh (Suttanta) và so sánh với Luật (Vinaya).”
“Nếu khi đem đối chiếu với Kinh và so sánh với Luật mà những lời những chữ được nói ra bởi vị tỳ khưu ấy không phù hợp với Kinh hay không trùng khớp với Luật, khi ấy các ngươi có thể kết luận rằng: ‘ Đây chắc chắn không phải là lời mà Đức Thế Tôn đã nói. Đó là điều mà vị tỳ khưu đã thọ giáo sai lạc.” Và khi đã kết luận như vậy, này các tỳ khưu, các vị nên phủ nhận và bỏ qua những lời nói ấy.”
“Ngược lại, nếu những lời nói của vị tỳ khưu ấy mà phù hợp với Kinh và trùng khớp với Luật, thời các thầy có thể kết luận rằng:
‘ Đây chắc chắn là lời mà Đức Thế Tôn đã nói. Đó là điều mà vị tỳ khưu đã thọ giáo đúng đắn.’ Này các tỳ khưu, đây là Đại pháp kinh thứ ba, hãy nhớ kỹ.”
(v) “Lại nữa, này các tỳ khưu, nếu có vị tỳ khưu nói rằng: ‘ Có một vị tỳ khưu trưởng lão nọ đa văn, thuộc lòng kinh điển Pāḷi, nghiêm trì Pháp và Luật, và rành mạch những điều học trong Biệt biệt giải thoát giới. Tôi đã nghe từ chính miệng của vị tỳ khưu trưởng lão ấy: như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là Giáo pháp.”
“Này các tỳ khưu, những lời nói của vị tỳ khưu ấy không nên chấp nhận hay phủ nhận ngay. Những lời nói và những chữ được nói ra ấy (mà được cho là của vị tỳ khưu trưởng lão đa văn) nên được xem xét cẩn thận. Chúng nên được đem đối chiếu với Kinh (Suttanta) và so sánh với Luật (Vinaya).”
“Nếu khi đem đối chiếu với Kinh và so sánh với Luật mà những lời những chữ được nói ra bởi vị tỳ khưu ấy không phù hợp với Kinh hay không trùng khớp với Luật, khi ấy các ngươi có thể kết luận rằng: ‘Đây chắc chắn không phải là lời mà Đức Thế Tôn đã nói. Đó là điều mà vị tỳ khưu đã thọ giáo sai lạc.” Và khi đã kết luận như vậy, này các tỳ khưu, các thầy nên phủ nhận và bỏ qua những lời nói ấy.”
“Ngược lại, nếu những lời nói của vị tỳ khưu ấy mà phù hợp với Kinh và trùng khớp với Luật, thời các thầy có thể kết luận rằng: ‘ Đây chắc chắn là lời mà Đức Thế Tôn đã nói. Đó là điều mà vị tỳ khưu đã thọ giáo đúng đắn.’ Này các tỳ khưu, đây là Đại pháp kinh thứ tư, hãy nhớ kỹ.”
“Này các tỳ khưu, hãy nhớ kỹ bốn Đại pháp kinh này”.
Về chủ đề Bốn đại pháp kinh hay Bốn đại giáo pháp, Chú giải đã thu hút sự chú ý của độc giả vào những điểm khác nhau liên quan đến chủ đề. Bài chú thích tóm tắt như sau:
(i) Có bốn pháp liên quan đến bốn Đại pháp kinh; (trong Dīgha Nikāya).
(ii) Bốn pháp liên quan đến chủ đề được giảng dạy trong bộ luật Vinaya Mahāvagga.
(iii) Bốn kiểu trả lời tương ứng với bốn loại câu hỏi được gọi là Vyakaraṇas.
(iv) Bốn Vinaya.
(v) Ba Đại hội Kiết tập.
(i) Bốn đại pháp kinh được thuyết giảng trong Tạng Kinh (Suttanta Piṭaka). Những pháp ấy đã được trình bày ở trên rồi.
(Vinaya Piṭaka) (Mahāvagga, 6 Bhesajjakkhandhaka)
Bốn pháp liên quan được Đức Phật nêu ra như một dược phẩm trị liệu thích hợp cho các vị tỳ khưu:
(a) Này các tỳ khưu, loại thuốc trị bịnh mà không được Như Lai đặc biệt nêu ra vì không thích hợp cho các vị tỳ khưu thọ dụng, tuy nhiên nếu nó có khuynh hướng không thích hợp, thì khi dựa vào những điều học trong Vinaya, hãy xem loại thuốc ấy là không thích hợp.
(b) Này các tỳ khưu, loại thuốc trị bịnh mà không được Như Lai đặc biệt nêu ra vì không thích hợp cho các vị tỳ khưu thọ dụng, nhưng nếu khi dựa vào nhữngđiều học trong Vinaya, thấy nó đúng pháp và thích hợp, thời hãy xem loại thuốc ấy được phép dùng hợp pháp.
(c) Này các tỳ khưu, loại thuốc trị bịnh mà không được Như Lai đặc biệt nêu ra là hợp pháp để các vị tỳ khưu thọ dụng, và nếu nó có khuynh hướng không hợp pháp, thời khi căn cứ vào những điều học trong tạng Luật, thấy nó không hợp pháp để thọ dụng, khi ấy hãy xem nó là không hợp pháp để thọ dụng.
(d) Này các tỳ khưu, loại thuốc trị bịnh mà không được Như Lai đặc biệt nêu ra là hợp pháp để các vị tỳ khưu thọ dụng, và nếu nó có khuynh hướng hợp pháp khi căn cứ vào những điều học trong tạng Luật, thời hãy xem nó là loại thuốc được phép dùng hợp pháp.
Có bốn cách trả lời tương ứng với bốn loại câu hỏi.
(a) Câu hỏi thẳng được trả lời ngay. Ví dụ: nếu câu hỏi là: “Có phải con mắt là vô thường?” Câu trả lời thích hợp là: “ Vâng, con mắt là vô thường.”
(b) Câu hỏi đòi hỏi phải có sự phân tích câu trả lời, ví dụ: “Có phải con mắt là vật duy nhất có tánh chất vô thường?” Câu trả lời cần có sự phân tích chi tiết: “ Con mắt không phải là vật duy nhất mang tính chất vô thường; tai cũng vô thường; lưỡi cũng vô thường; v.v…”
(c) Câu hỏi cần được thay thế bằng câu hỏi (trả lời bằng cách hỏi lại), ví dụ: “ Có phải tai được xem là giống như mắt không? Có phải mắt được xem là giống như tai không?” Câu trả lời thích hợp là: “Câu hỏi này được nêu ra trong ý nghĩa nào?” Khi ấy, nếu người hỏi nói rằng: “Trong ý nghĩa về sự thấy, có phải tai có thể thấy như mắt không.” Câu trả lời khi ấy là: “Không, không phải.” Nếu người hỏi nói rằng: “Về tánh chất vô thường, có phải tai giống như mắt không?” Câu trả lời khi ấy là “ Phải, đúng vậy.”
(d) Loại câu hỏi cần được bỏ qua hay im lặng. Ví dụ: Đối với những người tin vào cái ngã (atta), thì có đời sống (java), thân (sarīra), mà chỉ là những tên gọi chứ không tồn tại trong ý nghĩa cùng tột. Do đó, nếu câu hỏi là: “Có phải đời sống cũng giống như thân xác?” Câu trả lời thích hợp là im lặng bởi vì người ta hiểu rằng chính Đức Thế Tôn cũng bỏ qua câu hỏi như vậy.
(1) Sutta: Ở đây ám chỉ về Tam tạng (Piṭaka).
(2) Tùy Kinh (Suttānuloma): bốn Đại pháp kinh (Mahāpadesas) được mô tả trong Luật (Vinaya) và bốn Mahāpadesas được mô tả trong Kinh (Suttanta).
(3) A-đồ-lê thuyết (Ācariyavāda): Bài chú giải phụ thêm để làm sáng tỏ giáo pháp của Đức Phật được thực hiện trong lúc Đức Thế Tôn còn tại tiền ở những nơi khác nhau. Bởi vì chúng giải thích những bài kinh Pāḷi nên chúng được gọi là Những bài Chú giải (aṭṭhakathā). Tại những đại hội nghị Kiết tập Tam tạng, các vị tỳ khưu trưởng lão tụng đọc tiếng Pāḷi trước tiên và vào lúc kết thúc họ nêu ra những bài Chú giải riêng cho mỗi phần của kinh tạng. Những lời nói uyên bác này mà vốn là những bài pháp phụ lục đồng thời cũng là những bài Chú giải, được viết ra bởi những vị thầy đa văn, cũng được biết đến là A-đồ-lê thuyết (Ācariyavāda). Những bộ luận giải này mà được nói đến bằng ba tên gọi khác nhau: Ācariyavāda, Aṭṭhakathā, Pakiṇṇakadesanā, đã được đại đức Mahinda đem đến Sri Lanka. Các vị tỳ khưu trưởng lão đã dịch chúng sang tiếng Sinhalese để bảo đảm truyền thống cho các vị tỳ khưu dùng tiếng Sinhalese chống lại những giáo lý mà được đưa vào bởi những phái khác sau này. Đại đức Buddhaghosa đã nghiên cứu bộ Chú giải bằng tiếng Sinhalese (tức là bộ Mūḷa Pakiṇṇaka), làm sáng tỏ những câu nói được lặp đi lặp lại và cô đọng chúng lại ở bất cứ chỗ nào thích hợp, phân loại chúng theo những tiêu đề thích hợp đúng với Kinh tạng, làm sáng tỏ bất cứ chỗ nào cần thiết, và nhờ đó tạo ra một bộ Chú giải mới bằng tiếng Māgadī, thêm vào những quan điểm truyền thống của các vị tỳ khưu trưởng lão (Theravāda) mà về sau được gọi là ‘quan điểm chính thống’ (attanomati), bất cứ lúc nào cần thiết. Như vậy, Ācariyavāda, là Vinaya thứ ba trong bốn Vinaya, ngày nay được thọ trì với những mục đích thiết thực, ám chỉ đến bộ Chú giải mới này.
(4) Attanomati: ám chỉ đến ‘quan điểm chính thống’, tức là những quan điểm được cân nhắc kỹ lưỡng bởi những vị tỳ khưu trưởng lão sau khi thực hành theo những pháp được chứa trong Sutta, Suttanuloma và Ācariyavāda. Attanomati cũngđược gọi là Theravāda, những giáo lý được giữ gìn theo truyền thống bởi những vị tỳ khưu trưởng lão. Như vậy bốn Vinayas là Sutta, Suttānuloma, Ācariyavāda và Attanomati này nên được chú ý.
(i) Đại hội Kiết tập lần thứ nhất gồm 500 vị La-hán do Trưởng lão Mahā Kassapa chủ trì.
(ii) Đại hội Kiết tập lần thứ nhì gồm 700 vị La-hán do trưởng lão Mahā Yasa chủ trì.
(iii) Đại hội Kiết tập lần thứ ba gồm 1000 vị La-hán do trưởng lão Mahā Moggaliputta chủ trì.
Đây là ba cuộc Đại hội Kiết tập chính thức.
Cần nhớ:
(h) Bốn Đại pháp kinh được giảng dạy trong Suttanta,
(ii) Bốn Đại pháp kinh được giảng dạy trong Vinaya
(iii) Bốn loại Câu hỏi và Câu trả lời,
(iv) Bốn Vinaya và
(v) Ba cuộc Đại hội Kiết tập chính thức.
Rồi áp dụng chúng vào những vấn đề thực tiễn như vầy:
(i) Nếu một vị tỳ khưu nói rằng: “Đây là Giáo pháp, đây là Luật (Vinaya), đây là lời dạy của Đức Phật,” khi trích dẫn dựa vào uy tín của Đức Phật, hay của Tăng đoàn (Saṅgha), hay của một số tỳ khưu trưởng lão, hay của một vị tỳ khưu trưởng lão nào đó. Để quyết định tánh trung thực trong câu nói của vị ấy, hãy áp dụng sự trắc nghiệm bằng Bốn Đại pháp kinh mà được giảng dạy trong Tạng kinh (Suttanta). Nếu lời tuyên bố ấy phù hợp với bốn Đại pháp kinh, thì câu nói ấy nên được xem là đúng sự thực. Ngược lại, nó phải được xem chỉ là ngoại giáo, là lời nói vô căn cứ.
(ii) Ở đâu có vấn đề nan giải sanh lên rằng: “Điều đó có thích hợp với vị tỳ khưu hay không,” sự trắc nghiệm là Bốn Đại pháp kinh mà được giảng dạy trong Vinaya Mahāvagga. (Chú giải của bộ Vinaya Mahāvagga nên được đem ra thảo luận để có được thông tin chi tiết về chủ đề). Nếu, khi xem xét chủ đề có khúc mắt hay còn hoài nghi dựa theo Bốn Đại pháp kinh được giảng dạy trong Luật tạng, mà nó có khuynh hướng phù hợp với các điều luật, thì điều đó nên được chấp nhận là đúng pháp, ngược lại là phi pháp.
(iii) Nếu câu hỏi về Giáo pháp sanh lên – như được nêu ra ở trên – thì câu trả lời phải phù hợp với loại câu hỏi được giảng dạy là Bốn loại Câu hỏi.
(iv) Trong bốn Vinaya, nếu sự khẳng định của một người nào đó là một phần của Kinh Tạng (Suttanta Piṭka), thì câu nói ấy không nên phủ nhận vì sự phủ nhận Piṭaka đồng nghĩa với sự từ chối chính cả Đức Phật. Nếu lời khẳng định là câu nói trong Suttānuloma thì nó phải được đối chiếu với Kinh tạng (tức là Pāli Tipiṭaka). Nếu nó phù hợp với Tạng Kinh (Suttanta), thì nó nên được chấp nhận, bằng ngược lại thì nên bỏ qua. Về A-đồ-lê Thuyết (Ariyavāda), có thể Chú giải không tuân theo Piṭaka do sự khinh suất, thiếu cẩn trọng. Do đó Āriyavāda nên được đối chiếu với Pāli Piṭaka. Nếu nó phù hợp với Pāḷi thì nên chấp nhận, bằng ngược lại thì nên phủ nhận như một điều được nói ra thiếu cẩn thận. Attanomati có uy tín yếu nhất. Nó chỉ được chấp nhận nếu nó phù hợp với Kinh tạng, tức là Pāḷi text.
(v) Nếu một người nào đó trích dẫn một đọan như là một phần của kinh Pāḷi, “mà được Đại hội Kiết tập tán đồng”, nó phải phù hợp với những bài kinh mà được công nhận tại ba cuộc Kiết tập Tam- tạng. Nếu nó không phải là một phần của kinh tạng Pāḷi được chấp thuận tại ba cuộc kiết tập Tam tạng thì nó phải được xem là giả.
(Những điểm phụ lục trên cần được ghi nhớ.)
Trong khi Đức Phật đang trú ngụ trong điện thờ Ānandā trong thị trấn Bhoga cũng vậy, khi lưu ý tới cái chết sắp đến của Ngài, Ngài sách tấn các vị tỳ khưu bằng những lời như sau:
“Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định được tu tập nhờ Giới đem lại kết quả và lợi ích to lớn. Tuệ được tu tập nhờ Định có kết quả và lợi ích to lớn. Tâm được tu tập nhờ Tuệ nên được giải thoát hoàn toàn không còn dư sót phiền não hay lậu hoặc (āsavas), tức là Dục lậu, Hữu lậu, Kiến lậu và Vô minh lậu”.
Sau khi trú ngụ tại thị trấn Bhoga cho đến khi Ngài nhận thấy vừa đủ, Đức Phật bèn nói với đại đức Ānanda, “ Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến Pāvā.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn, ” đại đức Ānanda vâng lời Đức Phật. Và Đức Phật, có đại chúng tỳ khưu theo hầu, bèn đi đến Pāvā, nơi đó Ngài trú ngụ ở tịnh xá trong khu vườn xoài do Cunda, con trai người thợ kim hoàn dâng cúng. (Cunda, con trai người thợ kim hoàn là một người rất giàu có. Khi gặp Đức Phật, vị ấy được lợi ích nhờ nghe bài pháp của Đức Phật và chứng quả Nhập lưu. Vị ấy xây dựng một tịnh xá lớn trong khu vườn xoài của mình và dâng cúng nó đến Đức Phật. Đây là lần cuối cùng Đức Phật trú ngụ tại tịnh xá ấy).
Khi Cunda, con trai người thợ kim hoàn nghe tin Đức Phật đã đến và đang trú ngụ tại tịnh xá trong khu vườn xoài của vị ấy, vị ấy bèn đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài, và ngồi ở nơi thích hợp. Đức Phật bèn chỉ ra cho Cunda, con trai người thợ kim hoàn, thấy những lợi ích của Giáo pháp, sách tấn vị ấy thực hành chánh pháp, và khiến vị ấy vui thích trong pháp hành. Sau khi nghe thời pháp, Cunda, con trai người thợ kim hoàn, bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của con ngày mai cùng với chúng tỳ kheo đến dùng cơm." Đức Phật im lặng nhận lời.
Cunda, con trai người thợ kim hoàn, khi biết rằng Đức Phật đã chấp nhận lời thỉnh cầu của vị ấy, bèn đứng dậy khỏi chỗ ngồi, và sau khi đảnh lễ Đức Phật, cung kính từ biệt Ngài. Ngày hôm sau, vị ấy cho sửa soạn tại nhà những món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm, gồm có món thịt heo mềm (sūkara maddava), là món thịt của heo rừng không quá già cũng không quá non. “Bạch Đức Thế Tôn, đã đến giờ. Vật thực cúng dường đã sẵn sàng.”
(Ở đây, chữ Pāḷi về món thịt heo mềm (sūkara maddava), được diễn dịch bởi một số vị thầy, nó là món cơm mềm được nấu với sữa bò thơm ngon khác thường, trong khi những vị khác nói rằng nó có nghĩa là một loại món ăn đặc biệt được chế biến bằng những chất bổ dưỡng và thơm ngon được gọi là rasāyana. Họ nói rằng Cunda sai chế biến món ăn đặc biệt này dành cho Đức Phật với niềm tin rằng nó sẽ không gây ra sự diệt độ của Đức Phật).
Rồi vào buổi sáng, Đức Phật, khi mang theo y và bát, đi đến nhà của Cunda, con trai của người thợ kim hoàn, được tháp tùng bởi chúng tỳ khưu, và ngồi trên chỗ ngồi đã được soạn sẵn dành cho Ngài.
Sau khi đã ngồi như vậy, Đức Phật nói với Cunda, con trai của người thợ kim hoàn, “ Này Cunda, hãy dọn cho Như Lai món thịt heo mềm do ngươi chế biến; còn những món vật thực khác do ngươi chuẩn bị, ngươi có thể dâng cúng đến các vị tỳ khưu.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” Cunda vâng lời Đức Phật, và do vậy món thịt heo đã được dâng đến Đức Phật, còn những món ăn khác thì dâng đến các vị tỳ khưu.
Sau khi thọ thực xong, Đức Phật nói với Cunda, con trai của người thợ kim hoàn, “Này Cunda, hãy đem chôn món thịt heo còn lại trong cái hố. Này Cunda, Như Lai không thấy ai khác, ngoài Như Lai, trong tất cả các cõi chư thiên, māra và Phạm thiên, hay trong cõi nhân loại này gồm những vị Sa-môn và Bà-la-môn, các nhà cai trị và loài người mà ăn món này có thể tiêu hoá được nó,” Đức Phật đã tuyên bố một cách dứt khoát như vậy.
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” Cunda, con trai người thợ kim hoàn, vâng lời Đức Phật và đem chôn món thịt heo còn lại trong một cái hố. Rồi vị ấy đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài, và ngồi xuống ở nơi phải lẽ. Và Đức Phật thuyết pháp đến Cunda. Rồi Ngài đứng dậy khỏi chỗ ngồi và ra đi.
Sau bữa ăn do Cunda dâng cúng, Đức Phật bị một cơn bạo bịnh, một loại bịnh kiết lỵ, tạo ra cơn đau dữ dội gần như muốn chết. Đức Phật chịu đựng cơn đau bằng chánh niệm và tỉnh giác, mà không có sự lo lắng.
Rồi Đức Phật bảo đại đức Ānanda, “Ānanda, chúng ta hãy đi đến Kusināgara.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Đức Phật.
(Cần phải chú ý ở đây là bệnh lỵ đến với Đức Phật không phải do món vật thực cúng dường của Cunda. Điều muốn nói ở đây là cơn bịnh sanh lên chỉ sau bữa ăn nhưng không phải do nó. Sự thật thì bữa ăn được sửa soạn đặc biệt để tăng thêm sức mạnh cho Đức Phật, nếu không nhờ món ăn đầy bổ dưỡng của Cunda, thì Đức Phật sẽ không thể chịu đựng sự tấn công dữ dội của cơn bạo bệnh. Nhờ bữa ăn có món thịt heo mềm của Cunda mà Đức Phật có sức để đi bộ đến Kusināgara).
Rồi Đức Phật rời khỏi con đường và đi đến cội cây. Tại đó Ngài nói với đại đức Ānanda, “Này Ānanda, hãy xếp tư chiếc y Tăng- già-lê và để nó trên đất. Này Ānanda, Như Lai rất mệt. Như Lai sẽ ngồi nghỉ một lát.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Đức Phật và vị ấy đặt xuống trên đất chiếc Tăng-già-lê được xếp thành bốn lớp. Đức Phật ngồi trên chỗ ngồi đã được soạn sẵn và nói rằng:
(1) “Này Ānanda , hãy đi kiếm cho Như Lai một ít nước uống. Này Ānanda, Như Lai khát nước. Như Lai muốn uống nước.”
Đại đức Ānanda bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, năm trăm cỗ xe bò vừa mới đi ngang qua dòng nước. Nước cạn bị khuấy lên và bị vẫn đục. Bạch Đức Thế Tôn, con sông Kakudhā không còn xa. Ở đó nước trong, ngọt, mát và không có bùn. Bờ sông cũng khả ái và hấp dẫn. Thế Tôn có thể uống nước tại con sông Kakudhā và cũng có thể làm mát tứ chi ở tại đó.”
(2) “Này Ānanda, hãy đi kiếm cho Như Lai một ít nước uống. Như Lai khát nước. Ānanda, Như Lai khát nước. Như Lai muốn uống nước.”
Đại đức Ānanda lại bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, năm trăm cỗ xe bò vừa mới đi ngang qua dòng nước. Nước cạn bị khuấy lên và bị vẫn đục. Bạch Đức Thế Tôn, con sông Kakudhā không còn xa. Ở đó nước trong, ngọt, mát và không có bùn. Bờ sông cũng khả ái và hấp dẫn. Thế Tôn có thể uống nước tại con sông Kakudhā và cũng có thể làm mát tứ chi ở tại đó.”
(3) “Này Ānanda, hãy đi kiếm cho Như Lai một ít nước uống. Như Lai khát nước. Như Lai muốn uống nước.”
Sau khi được yêu cầu bởi Đức Phật đến ba lần, đại đức Ānanda vâng lời, “ Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” và mang theo bình bát, đại đức đi đến dòng suối nhỏ. Khi ấy nước cạn đang chảy bị vẫn đục sau khi bị quậy lên bởi đoàn xe bò đi ngang qua, bỗng trở nên trong vắt một cách kỳ diệu, sạch sẽ và không có bùn dơ. Nhân đó đại đức Ānanda tự nghĩ:
“Kỳ diệu thay, hy hữu thay, đại lực của Đức Tathāgata! Dòng nước cạn này đang chảy qua đục ngầu do bởi đoàn xe bò đi ngang qua, khi ta đến, thì trở nên trong vắt và không có bùn dơ.”
Với những ý tưởng đầy kinh ngạc này, đại đức Ānanda múc lấy một bát nước uống, trở lại với Đức Phật và bạch rằng:
“Kỳ diệu thay, bạch Đức Thế Tôn, hy hữu thay, bạch Thế Tôn, đại lực của Đức Tathāgata! Dòng nước cạn mà chảy qua bị vẫn đục do bởi đoàn xe bò đi ngang qua vừa mới đây, khi con đi đến đó, thì lại trở nên trong veo và không bị bùn dơ. Bây giờ xin Đức Thế Tôn hãy uống nước. Xin đấng Thiện Thệ hãy uống nước.”
Và Đức Phật đã uống nước.
Về vấn đề này, xem ra cần nêu ra một cách tóm tắt về mười hai quả báo của ác nghiệp (phải được xem là mười hai món nợ luân hồi) mà Đức Phật phải lãnh chịu:
Trong một kiếp quá khứ, Bồ tát làm một người nghiện rượu tên là Munāḷi. Vị ấy đã nói với một vị Phật Độc giác tên là Surabhi bằng lời chỉ trích rất thô thiển: “ Người đàn ông này là một kẻ phi đạo đức đã chìm đắm trong nhục dục ở chỗ vắng vẻ.”
Do bởi khẩu ác nghiệp ấy mà vị ấy tái sanh trong địa ngục vô gián (niraya). Và trong kiếp chót này, Đức Thế Tôn đã bị nàng Sundarī, một nữ du sĩ, vu khống Ngài giữa chỗ đông người là đã trăng hoa với nàng.
Trong một kiếp quá khứ, Bồ tát có tên là Nanda, làm đệ tử của một vị Phật Độc giác tên là Sabbābhibhu. Vị ấy đã chê trách ông thầy của mình là người có tánh không nghiêm.
Do bởi khẩu ác nghiệp ấy, vị ấy phải chịu khổ trong địa ngục vô gián suốt một trăm ngàn năm. Khi vị ấy tái sanh làm người trở lại trong nhiều kiếp, vị ấy cũng bị người khác vu khống sai lạc. Trong kiếp sống cuối cùng Bồ tát chứng đắc Phật quả, Ngài bị nàng Ciñjamāna công khai vu khống là người dâm ô đã làm cho nàng có thai.
Trong một kiếp nọ, Bồ tát của chúng ta là một vị giáo sư Bà-la- môn uyên bác, rành mạch Tam phệ đà, là một người có danh vọng lớn.
Trong khi vị ấy đang giảng dạy Vệ-đà trong khu rừng Mahāvana đến năm trăm đệ tử, họ thấy trên bầu trời có một vị ẩn sĩ thánh thiện tên là Bhima đang đi đến khu rừng bằng thần thông. (Thay vì khởi tâm tôn kính) Bồ tát đã nói với năm trăm đệ tử rằng vị Sa-môn kia là một kẻ đạo đức giả, đầy tham dục. Các đệ tử tin vào những lời của ông thầy nói ra và truyền đi nhận xét của ông thầy về vị Sa-môn thánh thiện trong khi vị ấy đang đi khất thực.
Năm trăm đệ tử ấy đã tái sanh làm năm trăm vị tỳ khưu đệ tử của Đức Phật. Do sự vu khống xúc phạm đến vị Sa-môn thánh thiện trong kiếp sanh làm năm trăm đệ tử của ông thầy Bà-la-môn của họ, nên họ đã bị đổ tội là đã giết chết nữ đạo sĩ Sundarī, mà trên thực tế thì do các ngoại đạo sư sai người giết. Nên lưu ý rằng sự vu khống xúc phạm các đệ tử của Đức Phật cũng có nghĩa là sự xúc phạm đến chính Đức Phật.
Trong một kiếp quá khứ, Bồ tát của chúng ta đã giết chết người em cùng cha khác mẹ do lòng tham lam. Vị ấy đã ném người em trai xuống một khe núi và rồi làm tan xác người kia bằng một tảng đá.
Do ác nghiệp ấy mà trong kiếp cuối cùng, Đức Phật bị Devadatta lăn đá để lấy đi mạng sống của Ngài, nhưng vì một vị Phật không thể bị giết chết được, nên Ngài bị một cục đá vỡ làm thương tích ngón chân cái.
Trong một kiếp quá khứ, Bồ tát của chúng ta sanh làm một cậu bé nghịch ngợm và khi cậu ta gặp Đức Phật Độc giác trên đường đi, cậu ta khởi tâm bất lương và đã ném những cục đá vào vị Độc giác Phật ấy.
Do ác nghiệp ấy mà Đức Thế Tôn đã có lần bị một băng nhóm cung tiễn do Devadatta sai đi phục kích nhằm giết chết Đức Phật.
Khi Bồ-tát của chúng ta sanh làm một quản tượng, vị ấy đã đe dọa một vị Phật Độc giác trên đường đi khất thực của ngài bằng con voi của vị ấy tựa như muốn giẫm nát vị Phật Độc giác.
Do bởi ác nghiệp ấy mà Đức Thế Tôn có lần bị con voi say tên là Nāḷāgiri tại Rājagaha, xông đến đòi giẫm chết Ngài (do Devadatta)
Trong một kiếp quá khứ nọ, Bồ tát của chúng ta sanh làm một vị hoàng đế. Do tánh kiêu ngạo của một vị quân vương, vị ấy đã tự tay hành quyết một người tù bằng cách dùng cây lao đâm xuyên người kia.
Ác nghiệp đó đã lôi vị ấy xuống địa ngục trong nhiều năm. Trong kiếp cuối cùng, Đức Phật phải để cho danh y Jīvaka chữa trị ngón chân của Ngài bằng sự mổ xẻ để lấy ra mảnh đá trong ngón chân (khi Ngài bị Devadatta lăn đá mưu sát khiến một mảnh đá ghim vào ngón chân của Ngài).
Trong một kiếp quá khứ, Bồ-tát của chúng ta sanh vào trong gia đình của một ngư dân. Vị ấy từng khởi tâm vui thích khi xem những người quyến thuộc săn bắt và giết những con cá (nhưng tự mình thì không giết).
Do kết quả của ý nghiệp ác ấy, trong kiếp cuối cùng trở thành Đức Phật, Ngài thường bị nhức đầu. (Còn quyến thuộc của Ngài trong kiếp ấy, họ sanh làm những người Thích Ca bị Viṭaṭūbha tàn sát).
Khi Bồ tát của chúng ta sanh làm người trong thời kỳ Giáo pháp của Đức Phật Phussa, vị ấy đã lăng mạ các vị tỳ khưu đệ tử của Đức Phật rằng:“ Các ông nên ăn lúa mạch, chớ đừng ăn cơm.”
Sự lăng mạ ấy đã trổ quả, trong kiếp cuối cùng, Đức Phật có lần đã phải sống chỉ bằng lúa mạch trong suốt mùa an cư tại ngôi làng của Bà-la-môn Verañjā (Ngài đến trú ngụ ở đó theo lời thỉnh cầu của Bà-la-môn Verañja).
Trong một kiếp quá khứ nọ, Bồ tát của chúng ta sanh làm một võ sĩ chuyên nghiệp, đã làm gãy lưng đối thủ của mình.
Do kết quả của ác nghiệp ấy, trong kiếp cuối cùng Đức Phật thường bị đau lưng.
Khi Bồ tát của chúng ta sanh làm một vị y sĩ trong một kiếp quá khứ nọ, vị ấy đã cố ý pha chế một loại thuốc làm lỏng đường ruột của con trai một vị phú hộ do không hài lòng với món tiền thù lao mà ông ta đã trả.
Do bởi ác nghiệp ấy, Đức Phật trong kiếp cuối cùng đã bị chứng lỵ huyết, trước khi Ngài nhập Niết bàn.
Trong một kiếp nọ, Bồ tát của chúng ta sanh làm một vị Bà-la- môn tên là Jotipala. Vị ấy đã nói lời xúc phạm đến Đức Phật Kassapa rằng: “Làm sao kẻ đầu trọc này có thể trở thành bậc Toàn giác được? Sự giác ngộ hoàn toàn là một điều hy hữu nhất.”
Lời báng bổ ấy đã cho kết quả là sự giác ngộ của Đức Phật bị kéo dài thời gian lâu hơn. Trong khi sự giác ngộ của những vị Bồ tát khác chỉ kéo dài trong một số ngày hoặc một số tháng mà thôi, Đức Phật Gotama hiện tại đã phải trải qua sáu năm khổ hạnh để tầm cầu Chân lý.
Mười hai quả nghiệp này của những ác nghiệp trong quá khứ của Đức Phật đương lai của chúng ta đã được chính Ngài kể lại, xem: Khuddaka Nikāya, Therāpadana Pāḷi, 39, Avaṭaphala Vagga; 10, Pubbakammapilotika Buddha apadāna.
Khi Đức Phật đang ngồi dưới cội cây sau khi đã uống nước, Pukkusa, vị công tử Malla mà vốn là đệ tử của Āḷāra Kālāma, đang trên đường đi từ Kusināra đến Pāvā. Khi trông thấy Đức Phật đang ngồi dưới cội cây, Pukkusa của bộ tộc Malla đi đến, đảnh lễ Ngài, và ngồi xuống nơi phải lẽ. Rồi vị ấy bạch với Đức Phật :
“Kỳ diệu thay, bạch Đức Thế Tôn, hy hữu thay, bạch Đức Thế Tôn, trạng thái trầm lặng của những vị Sa-môn!”
“Bạch Đức Thế Tôn, chuyện xảy ra trong quá khứ rằng, Āḷāra Kālāma, trong khi đang đi trên đường, rời khỏi con đường và ngồi xuống dưới một cội cây ở bên đường để nghỉ trưa. Bạch Đức Thế Tôn, vào lúc ấy có năm trăm cỗ xe đi ngang qua Āḷāra Kālāma, rất gần vị ấy.
“Bạch Đức Thế Tôn, một người đàn ông đi theo sau năm trăm cỗ xe bèn đi đến Āḷāra Kālāma và hỏi rằng: “Thưa ngài, ngài có thấy năm trăm cỗ xe đi ngang qua không?”
(Āḷāra) “Này hiền hữu, ta không thấy chúng.”
“Thưa ngài, sao thế? Ngài có nghe tiếng ồn của những cỗ xe ấy
không?”
“Này hiền hữu, ta cũng không nghe tiếng ồn ấy.” “Thưa ngài, sao thế? Có phải lúc ấy ngài đã ngủ?” “Này hiền hữu, khi ấy ta cũng không ngủ.”
“Thưa ngài, sao thế? Có phải khi ấy ngài hoàn toàn tỉnh thức?” “Này hiền hữu, khi ấy ta hoàn toàn tỉnh thức.”
“Thưa ngài, ngài nói rằng ngài không thấy cũng không nghe năm trăm cỗ xe đi ngang qua ngài dầu ngài đang tỉnh và thức. Tuy nhiên tấm y hai lớp mà ngài đắp bên ngoài thì bị dính đầy bụi, đúng không?”
“Đúng vậy, này hiền hữu.”
“Bạch Đức Thế Tôn, sau chuyện trò với Āḷāra Kālāma, người đàn ông ấy suy nghĩ như vầy: “Kỳ diệu thay, hy hữu thay, sự trầm tĩnh của các vị Sa-môn! Vị ẩn sĩ Āḷāra này, dầu vẫn còn tỉnh thức, vẫn không thấy cũng không nghe năm trăm cỗ xe mà đi ngang qua gần vị ấy! và nói rằng vị ấy rất kính nể Āḷāra Kālāma, rồi ra đi.”
Nhân đó, Đức Phật nói với Pukkusa của bộ tộc Malla, “Này Pukkusa, ngươi nghĩ thế nào về vấn đề này?
(i) Một người, dầu tỉnh thức, cũng không thấy hoặc nghe năm trăm cỗ xe bò đi ngang qua gần vị ấy.
(ii) Một người khác, dầu tỉnh thức, vẫn không thấy cũng không nghe tiếng của cơn mưa lớn kèm theo tiếng sấm đùng đùng, ánh chớp và những tiếng sét gần vị ấy. Bây giờ, trong hai trường hợp này, trường hợp nào khó đạt được hơn? Trường hợp nào khó xảy ra hơn?
“Bạch Đức Thế Tôn,” Pukkusa của bộ tộc Malla đáp lại, “Trú mà không thấy và không nghe những cỗ xe bò đi ngang qua gần chính mình - dầu là năm trăm, sáu trăm, bảy trăm, tám trăm, chín trăm, một ngàn, hoặc một trăm ngàn cỗ xe bò – cũng không thể được xem là khó (khi so với trường hợp kia). Quả thật khó hơn nhiều là trú mà không thấy và không nghe tiếng của cơn mưa lớn kèm theo tiếng sấm đùng đùng, ánh chớp và những tiếng sét gần vị ấy. Trường hợp ấy khó xảy ra hơn.” Rồi Đức Phật dạy rằng:
“Này Pukkusa, một thời nọ Như Lai đang sống trong một cái chòi tranh tại thị trấn Āluma. Trong thời gian ấy có một cơn mưa nặng hạt trút xuống kèm theo tiếng sấm đùng đùng, tia chớp và những tiếng sét. Cơn sét ấy đánh xuống gần cái chòi của Như Lai giết chết bốn con bò và hai anh em người nông dân.
“Khi ấy, này Pukkusa, một số đông người từ thị trấn đổ xô đến xem chỗ có bốn con bò và hai anh em người nông dân bị chết. Này Pukkusa, vào lúc ấy, Như Lai vừa ra khỏi cái chòi tranh và đang đi kinh hành ở chỗ trống, gần cái chòi tranh. Này Pukkusa, một người từ đám đông ấy tiến gần Như Lai, và sau khi đảnh lễ Như Lai, đứng ở nơi thích hợp. Này Pukkusa, Như Lai hỏi người đàn ông ấy rằng: “ Này hiền giả, tại sao có nhiều người tụ họp ở đó?”
“Bạch Ngài, bốn con bò và hai anh em người nông dân bị sét đánh chết trong khi trời đang mưa nặng hạt với những tia chớp và tiếng sấm sét. Những người này kéo nhau đến xem (cảnh tai nạn). Nhưng, bạch Ngài, khi ấy Ngài ở đâu?
“Này hiền giả, Ta ở đây suốt thời gian đó.”
“Bạch Ngài, thế là sao? Ngài có thấy (điều gì xảy ra) không?” “Này hiền giả, Ta không thấy.”
“Bạch Ngài, thế là sao? Ngài có nghe âm thanh ấy không?” “Này hiền giả, Ta cũng không nghe âm thanh ấy.”
“Bạch Ngài, thế là sao? Có phải Ngài đang ngủ?” “Này hiền giả, Ta cũng không ngủ.”
“Bạch Ngài, thế là sao? Có phải Ngài đang tỉnh thức?” “Vâng, này hiền giả, Ta đang tỉnh thức.”
“Bạch Ngài, có phải rằng, dầu Ngài vẫn đang tỉnh thức, Ngài cũng không thấy hoặc nghe tiếng của cơn mưa nặng hạt trút xuống, tiếng sấm đùng đùng và tia chớp, những tiếng sét?”
“Đúng vậy, này hiền giả.”
“Này Pukkusa, cuối câu chuyện, người đàn ông ấy suy nghĩ: “Kỳ diệu thay, hy hữu thay trạng thái trầm tỉnh của những vị sa-môn (trong trường hợp này)! Đức Phật ở đây, dầu tỉnh thức, vẫn không thấy hoặc nghe tiếng mưa nặng hạt trút xuống, tiếng sấm đùng đùng và tia chớp, những tiếng sét.
Và sau khi nói lời tôn kính sâu sắc đến Như Lai, vị ấy đảnh lễ Ta rồi ra đi.”
Sau khi Đức Phật nói những lời này, Pukkusa của bộ tộc Malla bèn bạch với Đức Phật:
“Bạch Đức Thế Tôn, bất cứ sự kính trọng nào mà con đã có đối với Ālāra Kālāma. Giờ đây con quăng bỏ nó (tựa như con quăng bỏ rác rưởi) trong một cơn gió mạnh, hay thả nó (tựa như vứt bỏ một vật không giá trị) xuống dòng sông đang chảy xiết.
“Bạch Đức Thế Tôn, kỳ diệu thay (Chánh pháp)! Bạch Đức Thế Tôn, hy hữu thay (Chánh pháp)! Bạch Đức Thế Tôn, tựa như vật bị xô ngã được dựng đứng lên, hay vật bị che khuất này được phơi bày ra, hay như người đi đường bị lạc được chỉ dẫn lối đi, hay như ngọn đèn được đốt lên ở chỗ tối để những ai có mắt có thể thấy mọi vật – Cũng vậy Đức Thế Tôn đã giảng dạy Chánh pháp đến con bằng nhiều cách. Bạch Đức Thế Tôn, con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy Tăng! Cầu xin Đức Thế Tôn hãy xem con là cận sự nam, người đã quy y Tam bảo từ nay cho đến trọn đời.”
Rồi Pukkusa của bộ tộc Malla gọi một người đàn ông đến và nói với anh ta rằng, “Này ông, hãy đem đến cho ta một cặp vải y màu kim sắc mịn đặc biệt dành cho những dịp lễ.” Và khi hai xấp vải màu kim sắc mịn được đem đến thì Pukkusa của bộ tộc Malla dâng lên Đức Phật với lời tác bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Đức Thế Tôn, vì lòng bi mẫn đến con, hãy thọ nhận cặp vải y này.”
Đức Phật bèn nói rằng: “Nếu vậy thì, này Pukkhusa, hãy dâng một lá y đến Như Lai và lá y kia đến Ānandā.” Và do vậy, Pukkusa, công tử Malla bèn dâng một tấm y đến Đức Phật, và tấm y kia dâng đến đại đức Ānandā.
(Về vấn đề này, người ta có thể hỏi rằng, “Đại đức Ānanda có nhận lấy vật cúng dường của Pukkusa không?” Và câu trả lời là, “Có”. Khi ấy người hỏi có thể đưa ra sự thỏa thuận trước kia của Ānanda là không nhận những vật cúng dường mà lúc đầu được dâng đến Đức Phật, (sự thỏa thuận là chỉ thọ lãnh bốn loại vật thí và từ chối bốn loại vật thí) được vị ấy đưa ra khi vị ấy nhận lãnh địa vị thị giả cho Đức Phật. Vật thí được thọ lãnh trong trường hợp này là một ngoại lệ dựa vào 3 duyên cớ:
(i) Ānanda , vào thời điểm đó, đã thực hành viên mãn phận sự làm thị giả của Đức Phật một cách hoàn hảo nhất.
(ii) Sự kiện vị ấy thọ lãnh vật thí cúng dường ấy sẽ ngăn chặn những người khác có thể nói rằng Ānanda đã không phục vụ Đức Phật tốt. Bởi vậy Đức Phật đã không ban cho vị ấy bất cứ vật thí nào sau hai mươi lăm năm làm thị giả.
(iii) Ānanda hiểu rằng Đức Phật để cho Pukkusa hưởng được lợi ích của sự bố thí cúng dường đến chư Tăng, vì cúng dường đến Ānanda tức là cúng dường đến Tăng. Đức Phật cũng biết rằng Ānanda sẽ không tự mình dùng xài tấm y ấy mà sẽ dâng nó đến đức Bhagavā).
Rồi Đức Phật thuyết pháp đến Pukkusa, vị công tử Malla, về những lợi ích của Chánh pháp, sách tấn vị ấy thọ trì pháp hành, và khiến vị ấy vui thích trong pháp hành. Sau khi đã được chỉ cho thấy những lợi ích của Chánh pháp như vậy, được sách tấn thọ trì pháp hành, và được làm cho vui thích trong pháp hành; Pukkusa, vị công tử Malla, bèn đứng dậy khỏi chỗ ngồi và đảnh lễ Đức Phật , rồi cung kính bái từ.
Không lâu sau khi Pukkusa, công tử Malla, vừa đi khỏi, đại đức Ānanda bèn đặt cặp y màu kim sắc ngay ngắn lên thân của Đức Phật. Khi chúng đã được đặt lên người của Đức Phật rồi thì cặp y bị mất đi vẻ lộng lẫy của chúng vì bị sự lấn át của hào quang từ thân của Đức Phật. Đại đức Ānanda kinh ngạc. Đại đức kêu lên điều mà đại đức trông thấy. Nhân đó, Đức Phật giải thích cho vị ấy như vầy:
“Này Ānanda, điều ngươi nói là đúng. Này Ānanda, điều ngươi nói là đúng. Có hai trường hợp mà sắc tự nhiên của Như Lai trở nên trong sáng vô cùng và nước da của Như Lai cực kỳ sáng rỡ. Hai trường hợp này là:
Này Ānanda, đêm mà Như Lai chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, và đêm mà Như lai sắp diệt độ không còn dư báo của ngũ uẩn, và nhập vô dư Niết bàn (Anupādisesa Nibbāna).
Này Ānanda, đây là hai trường hợp mà màu sắc tự nhiên trên thân của Như Lai trở nên vô cùng thanh tịnh và nước da của Như Lai cực kỳ sáng chói.
Này Ānanda, ngày hôm nay, vào canh cuối của đêm, trong rừng cây Sala của những vị công tử Malla nơi mà con đường đi đến Kusināra rẽ vào, giữa cặp cây Sala, Như Lai sẽ nhập vô dư Niết bàn.”
Rồi Đức Phật dạy: “Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến con sông Kakudhā.” “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn”, đại đức Ānanda vâng lời.
Rồi Đức Phật đi đến con sông Kakudhā có đại chúng tỳ khưu theo cùng. Ngài đi xuống nước, tắm và uống nước. Trở lại bờ sông, Ngài đi đến khu vườn xoài bên con sông. Ở đó Ngài nói với đại đức Cunda (đại đức Ānanda khi ấy ở bờ sông đang phơi chiếc y nội mà Đức Phật đã dùng để tắm): “ Này Cunda, hãy xếp chiếc y Tăng già lê thành bốn lớp và đặt nó trên đất. Như Lai mệt. Như Lai cần nằm nghỉ.”
Đại đức Cunda cung kính vâng lời Đức Phật, và đặt chiếc y hai lớp đã được xếp tư trên đất. Và Đức Phật nằm xuống nghiêng về bên phải, chân trái gác lên chân phải, chánh niệm và tỉnh giác, ghi nhớ thời gian ngồi dậy lại. Đại đức Cunda ngồi gần đó, hầu Đức Phật.
Khi đại đức Ānanda trở lại trước mặt Đức Phật, Ngài bèn cho những lời nhận xét đặc biệt sau đây về bữa ăn cuối cùng như vầy: “Này Ānanda, điều có thể xảy ra là có người có thể gây khó khăn cho Cunḍa, con trai người thợ kim hoàn, bằng cách nói như vầy: ‘ Này hiền giả Cunḍa, Đức Thế Tôn đã diệt độ sau khi ăn bữa ăn cuối cùng do hiền giả dâng cúng. Đối với hiền giả thật là bất hạnh, thật là một sự mất mát.’
“Nếu điều ấy xảy ra, thì người khác nên an ủi Cunda như vầy: “Này Cunda đáng kính, Đức Thế Tôn đã diệt độ sau khi Ngài đã ăn bữa ăn cuối cùng do hiền giả cúng dường. Thật may mắn biết bao, thật đại lợi cho hiền giả biết bao. Này hiền giả Cunda đáng kính, đây là những lời mà tôi đã nghe từ chính miệng của Đức Thế Tôn: Có hai sự cúng dường vật thực mà vượt trội tất cả những sự cúng dường vật thực khác về lợi ích của chúng, và phước của những người cúng dường hai bữa ăn ấy cũng vượt trội. Hai sự cúng dường là vật thực được cúng dường đến Đức Như Lai mà sau khi ăn, Đức Như Lai sẽ chứng đắc Tối thượng Chánh đẳng Chánh giác, và vật thực cúng dường đến Đức Như Lai, mà sau khi ăn Đức Như Lai diệt độ không còn dư báo của ngũ uẩn, và nhập vô dư Niết bàn (anupādisesa-nibbāna). Hai sự cúng dường vật thực này vượt trội tất cả những sự cúng dường vật thực khác về lợi ích của chúng, và phước báu của những người cúng dường hai bữa ăn ấy cũng vậy. Đây là những lời mà tôi đã nghe từ chính miệng của Đức Thế Tôn. Đúng vậy, hiền giả Cunda đáng kính, con trai của người thợ kim hoàn, đã tích luỹ cho mình: Phước làm cho vị ấy được trường thọ, phước làm cho vị ấy có tướng mạo xinh đẹp, phước giúp cho vị ấy được an lạc, phước làm cho vị ấy có đông đảo tùy tùng, phước dẫn vị ấy đến cõi chư thiên, và phước giúp cho vị ấy có được uy quyền cao cả. Như vậy, Cunda, con trai của người thợ kim hoàn, sẽ được nguôi ngoai.”
Rồi Đức Phật, sau khi hiểu ý nghĩa này, bèn thốt lên cảm hứng kệ sau (udāna gāthā):
Người có sự bố thí, phước báu hằng tăng trưởng, Người có sự tự chế, hận thù không thể đến.
Người có tuệ quán, từ bỏ được điều ác, Người có lòng từ thiện, giới, định và tuệ,
Sau khi đọan diệt tham, sân và si, tâm giải thoát thanh tịnh.
(Ở đây, “phước bằng nhau” trong món cơm sữa của nàng Sujāta (tại cây bồ đề) và món thịt heo mềm của Cunda có thể là vấn đề tranh cãi).
Người ta có thể hỏi rằng: “ Vào lúc Đức Phật ăn món cơm sữa của nàng Sujāta thì Ngài chưa đọan diệt tham, sân và si trong khi Ngài ăn món vật thực cúng dường của Cunda thì Ngài đã giải thoát khỏi tham, sân và si mê. Như vậy trạng thái thanh tịnh của người bố thí không bằng nhau, làm sao phước trong sự cúng dường có thể ngang bằng nhau?”
Câu trả lời là như thế này: Những yếu tố bằng nhau trong cả hai bên là:
(a) Cả hai bữa ăn đều dẫn đến Parinibbāna.
(b) Cả hai bữa ăn đều giúp cho Đức Phật trú trong thiền chứng.
(c) Cả hai bữa ăn đều dẫn đến cùng cách suy nghĩ, của hai vị thí chủ. Giải rộng:
(a) Sau khi ăn món cơm sữa của nàng Sujātā, Đức Phật đọan diệt tất cả phiền não và chứng đắc Phật quả, là “Hữu dư y niết bàn” (parinibbāna of kilesa), chứng ngộ Niết bàn vẫn còn dư báo của năm uẩn.
Sau khi ăn món thịt heo mềm của Cunda, Đức Phật diệt tắt sự tái sanh của năm uẩn, gọi là Vô dư y niết bàn (parinibbāna of khanda), chứng ngộ Niết bàn không còn dư báo của năm uẩn. Nhờ món cơm sữa của của nàng Sujāta mà sắc thân của Đức Phật trở nên thắng diệu. Điều này làm tăng sức mạnh cho hệ thống tinh thần đến nỗi Pháp thân, gồm có sự sanh khởi của Tuệ quán, sự sanh khởi của Đạo (magga), và sự sanh khởi của Quả (phala), có khả năng đọan diệt phiền não không khó khăn, như vậy dẫn đến Hữu dư y niết bàn (kilesa parinibbāna).
Sự cúng dường vật thực của Cunda cũng cung cấp chất bổ dưỡng thích hợp cho Đức Phật và giúp từ bỏ năm uẩn không khó khăn, như vậy dẫn đến Vô dư y niết bàn (khandha parinibbāna).
(b) Vào ngày Giác ngộ, Đức Phật, sau khi ăn món cơm sữa do nàng Sujāta dâng cúng, đã lấy sức mạnh để trú trong thiền chứng gồm 2.4 triệu koṭi nhập định (devasikavaḷañjana-samāpatti) mà sẽ trở thành thông lệ hằng ngày của Ngài. Sau khi ăn món vật thực cúng dường của Cunda cũng vậy, Đức Phật (dầu bị phát bịnh lỵ huyết) có thể giữ vững thông lệ hằng ngày là trú trong thiền chứng gồm 2.4 triệu koṭi nhập định.
(c) Sujāta dâng món cơm sữa của nàng đến Bồ tát khi cho rằng ngài là vị thần của cây đại thọ banyan (về sau được gọi là cây Đại thọ Bồ đề). Nhưng khi nàng biết rằng nàng đã cúng dường đến Đức Phật và Ngài đã chứng đắc Phật quả sau khi dùng món cơm sữa của nàng và Đức Phật có chất dinh dưỡng để nuôi mạng trong bốn mươi chín ngày nhờ vật thực cúng dường của nàng, nên nàng rất hạnh phúc. “Thật là may mắn lớn cho ta, thật là lợi đắc to lớn cho ta!” Nàng suy nghĩ như vậy nhiều lần lập đi lập lại, như vậy làm gia tăng những ý nghĩ phước báu về sự mãn nguyện và hoan hỉ. Tương tự, khi Cunda, con trai người thợ kim hoàn, biết rằng vật thực cúng dường của vị ấy là bữa ăn cuối cùng của Đức Phật, sau đó Ngài sẽ diệt độ Vô dư niết bàn, thì vị ấy vô cùng hoan hỉ, “Thật là may mắn lớn cho ta, thật là lợi đắc to lớn cho ta!” Vị ấy suy nghĩ nhiều lần lập đi lập lại, như vậy làm gia tăng phước báu về sự mãn nguyện và hoan hỉ.
Theo thông lệ hằng ngày Đức Phật trú trong 2.4 triệu koti của sự Nhập Định Được thảo luận trong Sāṃyutta Ṭīkā, Volume I (Sagāthā Vagga Sāṃyutta Ṭīkā; Brahmā Sāṃyutta, 2: Dutiya Vagga, 5. Parinibbāna Sutta, pp 251-251)
Theo một số vị A-đồ-lê (Keci vāda)
Theo thông lệ hằng ngày, Đức Phật trú trong pháp thiền định đề mục Đại bi số lượng lên đến 1.2 triệu koṭi lần, và A-la-hán quả định số lượng cũng tương tự - như vậy Ngài trú cả thảy là 2.4 triệu koṭi được gọi là Deva-sikavaḷañjana samāpatti.
Một cách giải thích khác:
Đối với chư Phật, sự trở lại dòng hộ kiếp (bhavanga-citta) rất nhanh. Việc nhập vào và trú trong một loại định nào đó như từ loại định này đến loại định khác là một việc làm hoàn hảo. Để nhập vào định và xuất khỏi định, Đức Phật chỉ cần 2 hoặc 3 sát-na tâm mà thôi. Đúng vậy, Đức Phật có thông lệ là trú trong: 5 loại thiền hữu sắc, 4 loại thiền vô sắc, appamañña-samāpatti, nirodha-samāpatti và arahatta-phala-samāpatti, như vậy tạo ra tổng số hằng ngày gồm 12 loại samāpatti. Một trăm ngàn koṭi lần cho mỗi loại trong 12 loại samāpatti này được Đức Phật nhập vào mỗi buổi sáng, và số lần nhập định tương tự được lập lại vào mỗi buổi xế trưa. Như vậy thông lệ hằng ngày gồm 2.4 triệu koṭi lần nhập định xảy ra mỗi ngày.
Theo những vị A-đồ-lê khác (Apare vāda)
Theo thông lệ, Đức Phật trú trong thiền diệt (Nirodha samāpatti) mỗi ngày. Sự nhập vào thiền Diệt phải có thiền Quán đi trước. Đối với chư Phật, đề mục để phát triển thiền Quán tuệ dẫn đến Diệt-tận-định là Pháp Duyên khởi - Paṭiccasamupāda (xem bộ Đại Phật sử, cuốn II, về Mahāvajira vipassanā). Cách thức phát triển pháp thiền này bao gồm việc quán 12 pháp nhân duyên theo thứ tự xuôi bắt đầu từ Vô minh, mỗi pháp được quán trong một trăm ngàn koṭi lần. Như vậy 1.2 triệu koṭi lần được dành cho 12 pháp nhân duyên. Rồi quán 12 pháp nhân duyên ấy theo thứ tự ngược lại cũng bao gồm thêm 1.2 triệu koṭi lần. Việc nhập vào Diệt tận định, với Paticcasamuppāda làm đề mục của thiền quán, do vậy có 1.2 triệu koti lần cho mỗi lần quán xuôi và mỗi lần quán ngược, như vậy là hết 2.4 triệu koti lần (đây là lời mà những vị A-đồ-lê khác nói).
Bởi vì 2.4 triệu koti lần được Đức Phật nhập định hằng ngày, có ý nghĩa gì về những sự nhập định này vào ngày giác ngộ và vào ngày diệt độ? Ý nghĩa, như đã được chỉ ra trong Phụ chú giải về Matravagga, Dīgha Nikaya, là vào những ngày đặc biệt này những sự nhập địnhđược xây dựng dựa trên kỷ luật khắc khe đòi hỏi sự quán chiếu 7 phương diện của sắc pháp (rūpa-sattaka) và 7 phương diện của danh pháp (nāma-sattaka) trong pháp thiền quán chuẩn bị.
Rồi Đức Phật nói với đại đức Ānanda: “ Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến rừng cây Sala của những vị công tử Malla nơi đó có con đường hướng về thị trấn Kusināgara, ở bờ bên kia của con sông Hiraññavatī.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời. Rồi Đức Phật, được theo hầu bởi đại chúng tỳ khưu, (cuối cùng) đến tại rừng cây Sala của những vị công tử Malla nơi có con đường hướng về thị trấn Kusināgara, ở bờ bên kia của con sông Hiraññavatī. Tại đó, Ngài nói với đại đức Ānanda: “ Này Ānanda, hãy đặt chiếc trường kỷ đầu về hướng Bắc, giữa cặp cây Sa-la. Ānanda, Như Lai mệt, và muốn nằm nghỉ.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Thế Tôn. Và đặt chiếc trường kỷ đầu về hướng Bắc giữa cặp cây Sa-la. Và Đức Phật nằm nghiêng bên phải trong tư thế cao quý, chân trái gác lên chân phải, chánh niệm và tỉnh giác.
Trong chuyến đi này từ Pāvā đến Kusināgara, chúng tỳ khưu rất đông, hầu như không tính hết được, đã cu hội lại quanh Đức Phật vì từ khi tin Đức Phật sắp diệt độ được lan truyền đi từ ngôi làng nhỏ Veḷuva, tất cả những vị tỳ khưu sống ở nhiều nơi khác nhau mà đã đến thì không phân tán đi.
Trong rừng cây Sa-la của những vị công tử Malla, nơi mà chiếc trường kỉ dành cho Đức Phật được đặt ở đó, có hai hàng cây Sa-la đẹp ở hướng Bắc (nơi mà đầu của chiếc trường kỉ được đặt) và ở hướng nam. Giữa hai hàng cây này có một cặp cây sa-la ở hai đầu đối diện của chiếc trường kỉ, những gốc, nhánh và tán lá của chúng đan quyện với nhau chằng chịt đến nỗi chúng được xem như một cặp cây song sinh. Có một chiếc trường kỷ được những vị công tử Malla sử dụng trong rừng cây Sa-la và nó là chiếc trường kỷ mà Đức Phật bảo Ānanda bày ra cho Ngài, và được đem đến đúng lúc.
“Này Ānanda, Như Lai mệt, và muốn nằm nghỉ.” Ý nghĩa của những lời này có thể được xét về sức mạnh nơi thân của Đức Phật, bằng sức mạnh của một ngàn koṭi con voi thông thường, tương đương với mười con bạch tượng Chaddanta, hay tương đương với sức mạnh của mười ngàn koṭi người bậc trung. Tất cả sức mạnh phi thường ấy có thể tuôn đi mất bởi cơn bịnh lỵ, giống như nước đổ xuống vào một cái phễu lọc, sau khi Đức Phật đã ăn món vật thực của Cunda. Khoảng cách từ Pāvā đến Kusināgara chỉ 3 gāvata (bằng ¾ của một do tuần- yojanā). Tuy nhiên Đức Phật đã mất hai mươi lăm lần dừng nghỉ trong chuyến đi. Cuối cùng, khi đi vào rừng cây Sa-la vào lúc mặt trời lặn, Ngài bị những cơn đau. Vì lý do đó mà Ngài bộc lộ tình trạng khó ở và cần nằm nghỉ là điềm tướng báo hiệu cho thế gian biết rằng Ngài sắp diệt độ.
Ở đây, người ta có thể nêu ra câu hỏi rằng: “Tại sao Đức Phật phải chịu nhiều khó khăn để đi đến Kusināgara? Không có những nơi khác thích hợp làm nơi an nghỉ cuối cùng cho Ngài chăng? Câu trả lời là, không có chỗ nào mà thực sự thích hợp cho trường hợp trọng đại ấy. Nhưng có ba lý do để Đức Phật chọn thị trấn Kusināgara làm chỗ an nghỉ cuối cùng của Ngài. Đức Phật đã thấy ba tình huống có thể xảy ra sau đây, Ngài suy xét:
(i) “Nếu Ta diệt độ tại bất cứ chỗ nào khác ngoài Kusināgara, thì sẽ không có cơ hội để thuyết bài pháp Mahāsudassana Sutta. Bài kinh dài này mất hai buổi tụng đọc ở hội nghị Kiết tập và cho thấy rằng cho dù là người, khi Đức Phật còn là vị Bồ tát, người có thể hưởng sự vinh hoa của chư thiên trên trái đất này, mà chỉ được tìm thấy ở Kusināgara mà thôi. Bài kinh gợi lên sự hoan hỉ cho người nghe để làm các việc thiện.”
(ii) “Nếu Ta diệt độ ở một nơi nào khác ngoài Kusināgara, thì Subhadda, vị du sĩ sẽ không có được cơ hội yết kiến ta, sẽ là một sự mất mát to lớn cho vị ấy. Vì vị ấy thích hợp để được Đức Phật khai ngộ chứ không phải do vị Thinh văn đệ tử của Đức Phật. Du sĩ Subhadda ấy sẽ có mặt tại Kusināgara, vị ấy sẽ nêu ra những câu hỏi thông minh đến Như Lai, và khi Như Lai trả lời xong những câu hỏi của vị ấy, thì vị ấy sẽ thọ trì chánh pháp, học cách thực hành để phát triển Tuệ quán, và sẽ trở thành vị La-hán cuối cùng trong khi Như Lai chưa viên tịch.”
(iii) “Nếu Như Lai diệt độ ở một nơi khác, thì sẽ có đổ máu trong cuộc tranh giành xá-lợi của Như Lai. Tại Kusināgara, Bà-la-môn Dona sẽ có khả năng ngăn chặn tai họa như vậy và sự phân chia Xá-lợi sẽ diễn ra trong hoà hợp.”
Đó là ba lý do khiến Đức Phật phải nhọc công để đi đến Kusināgara.
Khi Đức Phật nằm trên chiếc trường kỷ, cặp song thọ Sa la bỗng nở đầy hoa, dù không phải là mùa ra hoa, và để tôn vinh Đức Phật những cơn mưa hoa đổ xuống, liên tục tung rắc những hoa ấy trên thân của đức Như lai.
Cũng vậy, những thiên hoa Mandāvara từ trên bầu trời rơi xuống liên tục gieo rắc trên thân của Đức Tathāgata, biểu hiện sự tôn kính cúng dường của chư thiên đến Đức Tathāgata.
Cũng vậy, bột đàn hương từ trên bầu trời rơi xuống liên tục gieo rắc trên thân của Đức Tathāgata, biểu hiện sự tôn kính cúng dường của chư thiên đến Đức Tathāgata.
Và, để tôn vinh đức Tathāgata, nhạc trời trổi dậy trong hư không, thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.
Rồi Đức Phật nói với đại đức Ānandā :
“Này Ānanda, cặp song thọ Sa la bỗng nở đầy hoa, dù không phải là mùa ra hoa, và để tôn vinh Đức Thế Tôn những cơn mưa hoa đổ xuống, liên tục tung rắc những bông hoa ấy trên thân của đức Như lai.
Cũng vậy, những thiên hoa Mandāvara từ trên bầu trời rơi xuống liên tục gieo rắc trên thân của Đức Tathāgata, biểu hiện sự tôn kính cúng dường của chư thiên đến Đức Tathāgata.
Cũng vậy, bột đàn hương từ trên bầu trời rơi xuống liên tục gieo rắc trên thân của Đức Tathāgata, biểu hiện sự tôn kính cúng dường của chư thiên đến Đức Tathāgata.
Và, để tôn vinh Đức Tathāgata, nhạc trời trổi dậy trong hư không, thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.
“Này Ānanda, tất cả những hình thức tôn kính cúng dường này không thể được gọi là những hành động đầy đủ của sự kính trọng, tôn kính, sùng kính, tôn vinh hay thờ cúng Như Lai. Này Ānanda, vị tỳ khưu hay tỳ khưu ni, hay cận sự nam, hay cận sự nữ, mà thực hành theo Giáo pháp dẫn đến siêu xuất thế gian, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, là người kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng.
“Do vậy, này Ānanda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp.” (Ở đây, những cây Sa-la đang tưới xuống những bông hoa nên
được hiểu là hành động cúng dường của những vị hộ thần trong những cây ấy bằng cách rung những nhánh cây.
“Hoa Mandārava - những bông hoa trong hồ Nandā ở cung trời Đao lợi. Lá của cây có kích thước bằng cái dù, và phấn trong mỗi bông hoa chứa đầy một cái giỏ. Không chỉ những bông hoa Mandārava, mà những thiên hoa khác cũng vậy, như hoa san-hô và những thiên hoa khác được rải xuống bởi chư thiên trú quanh những khu vực tại những bức thành của Cakkavāla, cõi Đao lợi và cõi Phạm thiên thế nên hoa chư thiên được rải xuống liên tục.
Cũng vậy, “Bột chiên đàn của chư thiên” ở đây nên hiểu là tượng trưng cho nhiều loại gỗ thơm khác không chỉ từ cõi chư thiên không thôi, mà từ những cõi nāga, garuda, những vùng đất xa xôi khác của cõi người, cũng như những loại hương thơm tự nhiên khác dưới nhiều hình thức khác nhau như bụi vàng, bột bạc, các loại khoáng vật ... Nói tóm lại, tất cả thế giới hữu tình, chư thiên cũng như nhân loại, đều cùng nhau tham gia vào việc cúng dường các loại hương liệu, liên tục rải xuống thân của Đức Phật tại Kusināgara.
“Nhạc chư thiên” cũng tượng trưng cho bản nhạc giao hưởng của thế gian được thể hiện bởi những nhạc sĩ của khắp cả thế giới hữu tình trải rộng đến mười ngàn thế giới, bao gồm deva, naga, garuda và nhân loại, mà vang lên giữa không gian bao la của thế giới.
“Những tiếng nhạc của chư thiên vang dậy trên không trung”. Phía sau câu nói là một câu chuyện cảm động. Nó liên quan đến chư thiên Varuṇa và Vāraṇa là chư thiên có thọ mạng rất lâu. Chư thiên này, khi hay tin rằng vị thiên là Bồ-tát sắp tái sanh xuống cõi người, bèn khởi sự làm một tràng hoa để dâng đến Bồ Tát vào ngày Ngài nhập thai. Trước khi họ làm xong cái tràng hoa thì họ nghe tin rằng Đức Phật đương lai đã thọ thai vào lòng mẹ. Bởi vậy khi chư thiên khác hỏi họ cái tràng hoa làm dành cho ai, họ nói rằng, “ Tràng hoa của chúng tôi chưa xong, bởi vậy nó phải được dâng đến Bồ-tát vào ngày Ngài đản sanh.”
Lại nữa, khi họ biết rằng Bồ tát đã sanh ra rồi, chư thiên làm tràng hoa bèn nói rằng, “Thôi được, chúng ta sẽ dâng nó đến Bồ tát vào ngày Ngài xuất gia.” Sau hai mươi chín năm sống trong cõi nhân loại, Bồ tát từ bỏ thế gian, những người làm tràng hoa nghe tin và nói rằng: “Chúng ta sẽ dâng nó đến Đức Phật vào ngày Ngài giác ngộ. Rồi, sau sáu năm tinh tấn vĩ đại của Bồ tát và tin về sự giác ngộ của ngài đến với chư thiên làm tràng hoa, họ nói rằng, “Chúng ta sẽ dâng nó đến Đức Phật vào ngày Ngài thuyết bài pháp đầu tiên.” Sau bốn mươi chín ngày satta sattāha (bảy chỗ trú ngụ khác nhau trong thiền định, mỗi chỗ bảy ngày), khi bài pháp đầu tiên được thuyết tại khu rừng Migadāvana, chư thiên làm tràng hoa bèn nói rằng, “Thôi được, chúng ta sẽ dâng nó đến Đức Phật vào ngày Ngài thị hiện Song thông.” Khi tin Song thông đã xảy ra thấu đến chư thiên làm tràng hoa, họ nghĩ sẽ cúng dường tràng hoa khi sau ba tháng Đức Phật trở về từ cõi Đao lợi. Và khi tin Đức Phật đã đi xuống từ cõi Đao lợi thiên cũng đến với họ, họ nghĩ sẽ cúng dường tràng hoa vào ngày Đức Phật từ bỏ thọ hành. Nhưng đến ngày ấy tràng hoa vẫn chưa được làm xong, và vì vậy họ nói rằng, “Tràng hoa vẫn chưa được làm xong; chúng ta sẽ cúng dường Đức Phật vào ngày Ngài diệt độ.”
Xét thấy rằng tin mới nhất về Đức Phật đang nằm trên chiếc giường vĩnh biệt đến với chư thiên làm tràng hoa và vào canh ba của đêm ấy Đức Phật sẽ diệt độ, hai vị thiên Varuṇa và Varāṇa bối rối kêu lên rằng, “Sao thế? Mới hôm nay Bồ tát nhập thai vào lòng mẹ; mới ngày hôm nay vị ấy sanh ra; mới ngày hôm nay vị ấy từ bỏ thế gian; mới ngày hôm nay Đức Phật đã giác ngộ; mới ngày hôm nay Ngài thuyết bài pháp đầu tiên; mới ngày hôm nay Ngài thị hiện Song thông; mới ngày hôm nay Ngài giáng xuống cõi trời Đao lợi; mới ngày hôm nay Ngài đã từ bỏ thọ hành; và mới ngày hôm nay Ngài lại sắp diệt độ! Sao Ngài không nán lại cho đến buổi điểm tâm ngày hôm sau? Thật quá sớm, quá sớm để một nhân vật vĩ đại như vậy, bậc đã thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật tối cao và đã chứng đắc Phật quả, mà diệt độ bây giờ.”
Trong lúc đang lẩm bẩm như vậy, Varuṇa và Vāraṇa đến trước Đức Phật mang theo cái tràng hoa to lớn, chưa được làm xong, với thêm nhiều bông hoa để kết vào tràng hoa. Nhưng họ không thể tìm thấy chỗ trong hệ thống thế giới này giữa những nhóm chư thiên đã kéo đến rồi nên họ buộc lòng phải lùi xa đến bờ mé của hệ thống thế giới, và phải giữ cái tràng hoa lớn trong không trung. Rồi chư thiên ấy chạy quanh bờ mép của hệ thống thế giới giữ chặt bàn tay của vị khác hay ôm ghì nhau, tất cả quán tưởng về những ân đức cao quý của Tam Bảo, và ca lên những bài ca về ba mươi hai hảo tướng của bậc Đại Nhân, hào quang sáu màu của Đức Phật, mười Ba-la-mật, năm trăm năm mươi kiếp của Bồ tát, và mười bốn loại Trí của Đức Phật; và hát đọan điệp khúc ở cuối mỗi bài hát, “ Ôi, Đức Thế Tôn có đồ chúng và danh tiếng như vậy!” “ Ôi, Đức Thế Tôn có đồ chúng và danh tiếng như vậy!” Tất cả những bản nhạc hay này đều phát ra từ chư thiên vĩ đại ấy khiến nhạc chư thiên vang dội trong hư không.
Khi Đức Phật đang nằm đó, trên chiếc trường kỷ, Ngài thấy những đám đông chư thiên và Phạm thiên kín đầy toàn thể hệ thống thế giới này từ mặt đất đến ven bờ của hệ thống thế giới này và từ ven bờ của nó đến cõi Phạm thiên. Khi thấy sự nhiệt tâm của họ trong sự tôn kính Đức Phật, Ngài bèn nói những lời trên với đại đức Ānanda. Sau khi kể ra những cách cúng dường kỳ diệu của chư thiên đến Đức Phật (chư thiên trong mười ngàn thế giới), Đức Phật dạy rằng những sự cúng dường vật chất (āmisa-pūjā) tự bản thân chúng cũng không đủ để gọi là cách tôn kính tối thượng đến Đức Như Lai, chỉ có sự nương theo và thực hành Chánh pháp mới là sự cúng dường tối thượng đến Đức Như Lai. Khi nói như vậy, Đức Thế Tôn cũng ám chỉ rằng ‘từ lúc ban sơ nhất, sau khi có được tám pháp cần thiết của một vị Bồ tát (làm ẩn sĩ Sumedhā), vị ấy đã phát nguyện thành Phật dưới chân Đức Phật Dīpaṅkarā, nằm úp mặt trong vũng sình, cúng dường thân mạng để Đức Phật và chúng Tăng gồm bốn trăm ngàn vị A-la- hán sử dụng, tất cả sự thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật của vị ấy trải qua bốn A tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, không phải với mục đích để được thế giới chư thiên cúng dường bằng những bông hoa, những loại vật thơm và âm nhạc như vậy, mà chỉ với mục đích là nhận được sự tôn kính cúng dường của các đệ tử bằng sự thực hành theo lời dạy của Ngài, đó là cách cúng dường cao thượng nhất đến Ngài.
Ở đây có thể nêu ra câu hỏi: “Thường thì Đức Thế Tôn tán dương sự cúng dường vật thí dầu tầm thường, chỉ ra rằng nếu sự cúng dường được làm với tâm nghĩ về những ân đức của Phật, thì lợi ích phát sanh từ sự cúng dường sẽ vô hạn. Tuy nhiên trong trường hợp này (của Varuṇa và Vāraṇa) tại sao Đức Thế Tôn không hoan nghênh sự cúng dường tràng hoa to lớn của họ ?
Câu trả lời là Đức Phật quan tâm đến lợi ích chân thật của đông đảo chúng sanh, và sự trường tồn của Giáo pháp. Xin giải thích điều này: Giáo pháp đề ra ba pháp tu tập là Giới, Định và Tuệ. Nếu sự cúng dường những vật thí được cho phép quá tự do, thời trong tương lai những đệ tử của Đức Phật có thể sao lãng sự thực hành Định và Tuệ, họ sẽ sao lãng pháp hành thiền Tuệ; các vị tỳ khưu sẽ thuyết giảng phước của những sự cúng dường về hoa và vật thơm và chỉ sự cúng dường những món thuộc vật chất khác. Sự cúng dường vật chất không thể duy trì Giáo pháp mà chính yếu chứa đựng ba pháp tu học dù chỉ trong thời gian của bữa điểm tâm. Quả thật vậy, hằng ngàn ngôi tịnh xá hay hằng ngàn bảo tháp nguy nga tráng lệ không thể duy trì Giáo pháp. Những sự bố thí tài vật này chỉ dẫn đến lợi ích trong thế tục.
Chính sự thực hành đúng đắn Chánh pháp mới được xem là sự cúng dường đến Đức Phật. Quả thực như vậy, Đức Phật muốn sự cúng dường đến Ngài bằng sự thực hành Chánh pháp (dhamma-pūjā). Bởi vì chỉ có sự thực hành chân chánh mới giúp cho Giáo pháp được trường tồn. Đó là lý do khiến Đức Phật tán dương sự thực hành Giáo pháp (Đây không phải là sự phủ nhận phước của những sự cúng dường tài vật).
Sự hành pháp dẫn đến bốn Đạo, bốn Quả và Niết bàn, chín pháp Siêu thế, là sự cúng dường tối cao đến Đức Phật. Sự thực hành đúng với Pháp, Dhammānudhamma paṭipatta (Pháp tùy pháp tu tập) bắt đầu từ sự quy y Tam bảo và lên đến sự tu tập cao nhất, đánh dấu sự chuyển đổi từ trạng thái phàm phu qua dòng thánh, Gotrabhū - trạng thái trưởng thành của tâm, cũng là ngưỡng cửa của Đạo Trí (magga-ñāṇa).
Vị tỳ khưu buông lung trong sáu pháp Bất kỉnh (agārava), không tuân theo giới luật của vị tỳ khưu, và sống đời sống bất chánh dùng bốn món vật dụng kiếm được một cách phi pháp, không phù hợp với những điều học trong Vinaya, là người không thực hành đúng với Pháp. Vị tỳ khưu tuân theo các điều học của vị tỳ khưu một cách kỹ lưỡng là người thực hành đúng theo Chánh Pháp. Những sự thọ trì cũng được áp dụng đối với các vị tỳ khưu ni.
Đối với những người tại gia cư sĩ, người mà có thói quen phạm vào ngũ giới (như sát sanh, v.v…) và phạm vào mười ác nghiệp, thì được gọi là người không thực hành đúng theo Chánh pháp. Người Phật tử tại gia mà khéo an trú trong Tam Bảo, thọ trì Ngũ giới, Thập giới, thọ trì Bát quan trai giới trong bốn ngày trai giới và bốn ngày trước những ngày ấy, người có thói quen bố thí, người cúng dường những hoa thơm đến Tam Bảo, phụng dưỡng mẹ cha và hộ độ những bậc có giới đức - người ấy được gọi là người cư sĩ thực hành đúng theo Chánh pháp. Những sự thọ trì này áp dụng cho những cư sĩ.
Sự cúng dường đức Pháp bằng sự cúng dường Dhammā. (Dhammānudhamma paṭipatta) cũng được gọi là nirāmisa-pūjā (vô nhiễm cúng dường). Riêng loại cúng dường này đến Đức Phật giúp cho sự duy tồn Giáo Pháp. Chừng nào bốn chúng đệ tử của Đức Phật, tức là tỳ khưu, tỳ khưu ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ, thực hiện sự cúng dường theo cách này thì Giáo pháp sẽ chiếu sáng như trăng tròn đầy trên bầu trời quang đãng.
Lúc bấy giờ đại đức Upavāṇa đang đứng trước Đức Phật, hầu quạt Ngài. Rồi Đức Phật nói với đại đức Upavāṇa rằng: “ Này tỳ khưu, hãy tránh ra, đừng đứng trước mặt Như Lai.” Đại đức Upavāṇa vâng lời ngay không chậm trễ, thả xuống cái quạt bằng lá ở đó, và đứng ở nơi thích hợp.
Nhân đó, đại đức Ānanda liền suy nghĩ, “ Đại đức Upavāṇa này đã lâu (suốt hai mươi năm đầu sau khi Đức Thế Tôn thành Phật) từng là thị giả sống gần gũi Đức Phật, tuy nhiên vào thời gian diệt độ này Đức Phật lại bảo vị ấy tránh qua một bên khi nói rằng, ‘Này tỳ khưu, hãy tránh ra, đừng đứng trước mặt Như Lai’. Vì lý do gì mà Đức Phật nói như vậy?”. Thế nên, đại đức Ānanda bèn hỏi Đức Phật:
“Bạch Đức Thế Tôn, đại đức Upavāṇa này là thị giả sống gần và hầu cận Thế Tôn đã lâu ngày, tuy nhiên vào thời gian diệt độ này của Đức Thế Tôn, Thế Tôn lại bảo vị ấy tránh qua một bên với những lời này, ‘ Này tỳ khưu, hãy tránh ra, đừng đứng trước mặt Như Lai’ vì lý do gì mà Đức Thế Tôn nói như vậy?”
Đức Thế Tôn muốn loại bỏ ý nghĩ là đại đức Upavāṇa có lỗi của đại đức Ānanda, nên Ngài giải thích như sau:
(a) “Này Ānanda ( ngoại trừ những vị Phạm thiên Vô tưởng và những vị Phạm thiên ở cõi vô sắc) hầu hết chư thiên và Phạm thiên trong mười ngàn thế giới đều đã cu hội ở đây, tại Kusināgara để chiêm ngưỡng Như Lai. Trong vòng mười hai do tuần ở bên trong và chung quanh rừng cây Sa-la này, không có một khoảng hở nào dầu chỉ bằng đầu lông đuôi của con dê núi mà không có sự hiện diện của chư thiên có oai lực.”
(b) “Này Ānanda, chư thiên đang than phiền Upavāṇa như vầy: ‘Chúng ta từ xa đến để chiêm ngưỡng Đức Như Lai. Thật rất là hy hữu để chư Phật, bậc Ứng cúng, Chánh biến tri xuất hiện ở đời. Và tối hôm nay, trong canh ba của đêm, Đức Như Lai sẽ nhập diệt. Vị tỳ khưu có oai lực này đang đứng trước Đức Phật che chắn tầm nhìn của chúng ta. Ôi, chúng ta sẽ mất cơ hội chiêm ngưỡng Đức Như Lai trong giờ phút cuối cùng của Ngài’. Đây là lý do khiến Như lai bảo tỳ khưu Upavāṇa bước qua một bên.”
Điểm chú thích:
(a) Trong khoảng không gian gần Đức Phật, chư thiên và Phạm thiên trong sắc thân vi tế của họ ở chung từng nhóm, mỗi nhóm mười vị, chiếm những đơn vị không gian mà bề rộng bằng sợi đuôi tóc. Ngoài những nhóm chư thiên và Phạm thiên ấy, có những nhóm chư thiên và Phạm thiên gồm có hai mươi vị trong mỗi nhóm cũng ở trong khoảng không gian tương tự. Ngoài những nhóm ấy, lại có những nhóm khác gồm ba mươi, bốn mươi, năm mươi và sáu mươi vị thiên và Phạm thiên. Dầu chật ních như vậy, nhưng không có vị thiên hay Phạm thiên nào cản lối của vị khác bằng thân hoặc y phục; không có vị nào cần phải bảo vị khác tránh chỗ cho mình.
(b) Upavāṇa là người có tầm vóc khá lớn, bằng con voi con. Hơn nữa, vị ấy mặc y vải vụn (paṅsakū), làm cho vị ấy càng lớn hơn. Thế nên, chính bản thân của vị ấy trở thành vật ngăn cản khi đứng trước Đức Phật, là nguyên nhân đích thực khiến chư thiên và Phạm thiên than phiền. Có thể nêu ra câu hỏi rằng, “Phải chăng chư thiên và Phạm thiên không có năng lực nhìn xuyên qua vị tỳ khưu?” Câu trả lời là “Không”. Vì rằng chư thiên và Phạm thiên có thể nhìn xuyên qua người phàm phu, nhưng họ không thể nhìn xuyên qua một vị A-la- hán. Đại đức Upavāṇa không chỉ là bậc A-la-hán mà là người có những năng lực cao siêu đến nỗi người ta không thể đến quá gần vị ấy.
Sở dĩ đại đức Upavāṇa có những năng phi thường trong số những vị A-la-hán là vị ấy đã từng làm một thần bảo vệ bảo tháp của Đức Phật Kassapa.
Chín mươi mốt đại kiếp trước khi Đức Phật Gotama xuất hiện, Đức Phật Vipassī diệt độ để lại một khối Xá-lợi có màu vàng duy nhất. (Theo thông lệ thì chư Phật mà xuất hiện trong thời kỳ thọ mạng của loài người đến hằng ngàn tuổi, thì các Ngài để lại một mẫu Xá-lợi sau khi diệt độ, được dân chúng tôn thờ trong bảo tháp). Dân chúng vào những thời kỳ ấy xây dựng lên một bảo tháp để tôn thờ Xá-lợi. Bảo tháp cao một do-tuần, được xây bằng những viên gạch màu vàng dài một hắc tay và rộng nửa hắc tay, bề dày hai ngón tay. Chất vữa làm bằng bột đá pha lê trộn chung với dầu mè.
Trong việc kiến tạo ngôi bảo tháp, chư thiên địa cầu nâng cái bảo tháp do loài người xây dựng cao thêm một do tuần nữa, chư thiên cõi trời nâng thêm một do tuần khác. Bên trên chiều cao ấy các vị Nhiệt vân thiên (Unhavalāhakadeva), Đồ vân thiên (Abbhavalāhaka deva), chư thiên ở cõi Tứ thiên vương (Catumahārāja) và chư thiên ở cõi Tam thập tam (Tāvatiṃsā) mỗi loại chư thiên ấy nâng cao thêm một do tuần, kết quả là bảo tháp tôn trí mẫu xá-lợi của Đức Phật Vipassī cao bảy do tuần.
Khi dân chúng đi đến bảo tháp ấy để cúng dường hoa và những lễ vật khác thì vị hộ thần của bảo tháp lấy những vật cúng dường và đặt chúng một cách thích hợp trước bảo tháp trước sự chứng kiến của các thí chủ.
Vào thời ấy, tiền thân của đại đức Upavāṇa, ngài sanh làm một vị Bà-la-môn giàu có. Vị ấy đi đến bảo tháp để cúng dường một tấm vải màu vàng như là biểu tượng của chiếc y dâng đến Đức Phật. Vị hộ thần đặt tấm vải trông rất rực rỡ và xinh đẹp ở bảo tháp làm hài lòng vị thí chủ Bà-la-môn ấy rất nhiều và vị Bà-la-môn kia đã phát nguyện trong tương lai xin được làm vị hộ thần canh giữ bảo tháp Đức Phật như vậy. Lúc chết vị ấy tái sanh vào cõi chư thiên.
Trong suốt thời gian Upavāṇa tương lai tái sanh nhiều lần trong cõi chư thiên và nhân loại thì Đức Phật Kassapa xuất hiện trong thế gian. Khi Đức Phật Kassapa diệt độ, thọ mạng của loài người lúc bấy giờ rất cao (hai mươi ngàn năm), chỉ một mẫu xá-lợi Phật còn lại. Xá lợi này được tôn trí trong bảo tháp có đường kính và chiều cao một do tuần. Upavāṇa đương lai lúc bấy giờ trở thành vị hộ thần của bảo tháp. Sau khi mạng chung từ kiếp sống ấy vị ấy tái sanh vào cõi chư thiên trở lại. Trong thời của Đức Phật Gotama, vị ấy sanh vào trong một gia đình cao quý, từ bỏ đời sống gia chủ, bỏ lại vợ và các con, và trở thành bậc A-la-hán.
Như vậy, nhân và duyên khiến Upavāṇa có những năng lực phi thường. Trong số những bậc A-la-hán, vị ấy đã từng là một vị hộ thần tại bảo tháp được dựng lên để tôn trí xá-lợi của Đức Phật Kassapa.
Sau khi Đức Phật đã giải thích với đại đức Ānanda rằng đại đức Upavāṇa được bảo tránh qua một bên trong đám đông không phải vì vị ấy có lỗi mà chỉ để làm thỏa mãn chư thiên, đại đức Ānanda bèn bạch với Đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn đánh giá như thế nào về những trạng thái tâm đang hiện diện trong chư thiên và Phạm thiên?” (Qua câu hỏi này đại đức Ānanda dò hỏi chư thiên và Phạm thiên chịu đựng sầu khổ như thế nào trước cảnh Đức Phật sắp diệt độ). Đức Phật nói với đại đức Ānanda rằng chư thiên và Phạm thiên đều có tâm trạng sầu khổ như vầy:
“Này Ānanda, chư thiên mà quyết định ở trong hư không và đang đứng ở đó (tựa như có một nền móng vững chắc để đứng, sau khi biến đổi bầu trời thành cái nền vững chắc bằng năng lực chư thiên của họ), đang khóc than với tóc rối bù, hai cánh tay của họ đưa lên, họ gieo mình xuống đất, lăn lộn khắp các hướng, và ta thán rằng, ‘Thế Tôn nhập diệt quá sớm! Đấng Thiện Thệ nhập diệt quá sớm! Bậc Sở hữu Tuệ nhãn biến mất trên đời quá sớm!”
“Này Ānanda, chư thiên mà quyết định ở trên quả đất và đang đứng trên đất (khi biến đổi đất tự nhiên thành nền đất chống đỡ cho sắc thân vi tế của họ), đang khóc than với tóc rối bù, hai cánh tay của họ đưa lên, họ gieo mình xuống đất, lăn lộn khắp các hướng, và ta thán rằng, ‘Thế Tôn nhập diệt quá sớm! Đấng Thiện Thệ nhập diệt quá sớm! Bậc Sở hữu Tuệ nhãn biến mất trên đời quá sớm!”
“Nhưng chư thiên đã thoát khỏi dục ái có thể bình thản chịu đựng với tâm suy tư rằng “Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Do đó, làm sao có thể được để tìm cái thường tồn trong bản chất hữu nhân hữu duyên này?”
(Thân của chư thiên chứa sắc vi tế. Sự kết cấu của quả đất tự nhiên không thể nâng đỡ được họ; nếu chư thiên đứng trên nó thì thân của họ sẽ sụp xuống đất như cục bơ. Vào một dịp nọ, có vị Phạm thiên tên là Hatthaka đi đến Đức Phật và khi vị ấy cố gắng đứng ở đó thì thân của vị ấy sụp vào trong đất. Đức Phật đã phải nhắc vị ấy biến đổi thân của vị ấy qua dạng sắc thô để có thể đứng trên đất. Hoàn cảnh tương tự cũng áp dụng với chư thiên. Đó là lý do khiến chư thiên, ở trong điều kiện này, cần phải biến đổi đất tự nhiên để phù hợp với sắc thân vi tế của họ, nhờ đó mà họ có thể lăn trên đất ).
Rồi đại đức Ānanda bạch với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, theo thông lệ thì các vị tỳ khưu sau khi kết thúc mùa an cư từ nhiều nơi thường đến yết kiến và làm lễ Đức Thế Tôn. Chúng con cũng được dịp may tiếp kiến và cúng dường những vị tỳ khưu này là những bậc làm chúng con khởi tâm kính ngưỡng. Nhưng, bạch Đức Thế Tôn, xét thấy rằng Đức Thế Tôn sẽ không còn nữa, chúng con sẽ không còn được vinh hạnh gặp mặt những vị tỳ khưu đáng kính này.”
Trong lúc Đức Phật còn tại tiền, các vị tỳ khưu thường đến viếng Ngài một năm hai lần. Trước mùa an cư và vào lúc kết thúc mùa an cư. Họ đi đến Đức Phật trước khi nhập hạ để học pháp thiền, và vào lúc kết thúc mùa an cư kiết hạ để trình lại với Đức Phật về những pháp chứng của họ như Đạo và Quả (magga-phala). Tại SriLaṅkā cũng vậy, giống như trong thời của Đức Phật, các vị tỳ khưu thường cu hội mỗi năm hai lần, trước và sau mùa an cư kiết hạ. Các vị tỳ khưu ở bờ Mahāgāma bên kia, hội họp tại tịnh xá Tissa, do vua Kākavaṇṇatissa dâng cúng; trong khi các vị tỳ khưu ở bờ Mahāgāma bên này, hội họp tại Lohapāsāda (toà nhà có tháp nhọn). Trong hai nhóm này, các vị tỳ khưu ở bờ bên này, vào lúc bắt đầu mùa an cư thì hội họp ở Đại Tịnh Xá (Mahāvihāra), họ mang theo những cái chổi và những cái giỏ đựng rác, ở đó họ làm những công việc bảo tồn Đại Bảo Tháp (Mahācetiya) như đắp vá vách tường, quét vôi, v.v…. Trước khi họ giải tán để đi đến nơi mà họ chọn để nhập hạ. Sau khi hoàn tất công việc quét dọn sạch sẽ, họ thỏa thuận với nhau là sẽ gặp nhau tại Lohapāsāda sau khi mãn hạ. Lúc kết thúc mùa an cư, họ lại hội họp tại Lohapāsāda, tại đó năm bộ Nikāya được đem ra thuyết giảng bởi các vị tỳ khưu trưởng lão và được các Tăng sinh tụng đọc. Một số vị tỳ khưu tham gia những khoá về kinh Pāḷi trong khi những vị tỳ khưu khác thì tham gia những khoá về Chú giải (Aṭṭhakathā). Bất cứ khi nào những bài kinh hoặc Chú giải (Aṭṭhakathā) tụng bị sai, thì các vị A-đồ-lê sẽ bảo vị Tăng sinh (đã đọc sai) học từ thầy nào, ở đâu, và sửa lại cho đúng. Những phận sự tương tự như vậy cũng xảy ra ở bờ biển Mahāgāma phía bên kia, tại tịnh xá Tissa.
Ở đây đại đức Ānanda đang nói đến những phận sự một năm hai lần mà vốn là thông lệ trong thời của Đức Phật.
Đại đức Ānanda vốn cẩn thận trong việc thọ trì các phận sự đối với các vị tỳ khưu đồng phạm hạnh. Bất cứ khi nào đại đức trông thấy một vị tỳ khưu trưởng lão đi đến, vị ấy liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi để đón tiếp vị kia. Đại đức thường hạ bớt gánh nặng cho khách viếng bằng cách đỡ lấy dù che, bình bát và đại y (Tăng-già-lê) và dâng đến vị tỳ khưu trưởng lão một chỗ ngồi. Rồi đại đức ngồi xuống, đảnh lễ vị tỳ khưu trưởng lão. Sau khi tìm cho vị Tăng khách nơi trú thích hợp, Ngài dọn dẹp và sắp xếp ngăn nắp. Bất cứ khi nào đại đức trông thấy một vị tỳ khưu cao hạ đi đến, đại đức cũng đón tiếp vị ấy, thăm hỏi vị kia cần những thứ gì và đáp ứng ngay nếu có thể được. Chính vì Ānanda luôn luôn muốn trở thành vị tỳ khưu có ích lợi, sẵn sàng giúp đỡ và biết tôn kính những vị tỳ khưu khác. Đây là cách sống thường ngày của vị ấy, và vì vậy, vị ấy bày tỏ mối quan tâm của mình về vấn đề ấy trong những lời nói trên.
Đức Phật biết đại đức Ānandā đang có cảm nghĩ: “Ānanda đang lo lắng về việc sẽ bị mất đi đặc ân thường ngày là gặp và biết những vị tỳ khưu làm sanh khởi niềm tịnh tín hoan hỉ nơi kẻ khác. Bây giờ Ta sẽ chỉ cho vị ấy những chỗ mà vị ấy có thể gặp những vị tỳ khưu như vậy một cách dễ dàng chỉ cần chính mình ở tại nơi đó.” Và Ngài nói với đại đức Ānanda:
“Này Ānanda, có bốn chỗ đáng đến chiêm ngưỡng đối với những người có tịnh tín với Tam bảo mà sẽ làm khởi dậy trong họ sự động tâm tịnh tín. Đó là:
(i) Này Ānanda, Rừng cây Sa-la có tên Lumbinī là một chỗ động tâm như vậy. Người có lòng tịnh tín, khi hành hương đến đó, suy xét: “ Đây là nơi mà Đức Tathāgata đã ra đời,’ và sự quán chiếu như vậy sẽ làm khởi dậy trong vị ấy niềm tịnh tín; do vậy, đó là nơi đáng chiêm ngưỡng.
(ii) Này Ānanda, Mahābodhi, cây Đại Bồ Đề, là một nơi khác. Người có lòng tịnh tín, khi hành hương đến đó, suy xét, ‘Đây là chỗ mà Đức Tathāgata chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác’, và sự quán chiếu như vậy sẽ làm khởi dậy trong vị ấy niềm tịnh tín; do vậy, đó là nơi đáng chiêm ngưỡng.
(iii) Này Ānanda, khu rừng Migadāvana là một chỗ khác. Người có lòng tịnh tín khi hành hương đến đó, suy xét: “ Đây là chỗ mà Đức Tathāgata chuyển Bánh xe Chánh pháp Vô thượng,’ và sự quán chiếu như vậy sẽ làm khởi dậy trong vị ấy niềm tịnh tín; do vậy, đó là nơi đáng chiêm ngưỡng.
(iv) Này Ānanda, Kusināgara là một chỗ khác. Người có lòng tịnh tín khi hành hương đến đó, suy xét: ‘Đây là chỗ mà Đức Tathāgata nhập Vô dư Niết bàn,’ và sự quán chiếu như vậy sẽ làm khởi dậy trong vị ấy niềm tịnh tín; do vậy, đó là nơi đáng chiêm ngưỡng.
“Này Ānanda, đây là bốn chỗ đáng đến chiêm ngưỡng đối với những người có tịnh tín với Tam bảo sẽ làm khởi dậy trong họ niềm động tâm tịnh tín.
“Và này Ānanda, đến viếng bốn thánh tích này sẽ có các hàng tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam và cận sự nữ là những người có lòng tịnh tín với Tam Bảo, khi quán niệm, (i) ‘Thánh tích Lumbinī này là nơi mà Đức Tathāgata đã sanh ra; (ii) Thánh tích Mahābodhi này là nơi mà Đức Tathāgata đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác; (iii) Thánh tích Migadāvana này là nơi mà Đức Tathāgata đã lăn bánh xe Chánh pháp Vô thượng; và (iv) Thánh tích Kusināgara này là nơi mà Đức Tathāgata đã nhập vô dư Niết bàn.’ Này Ānanda, tất cả những người hành hương ấy, nếu họ chết với tâm tịnh tín trong khi đang chiêm ngưỡng bốn thánh tích này, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đi đến cõi hạnh phúc. Họ sẽ tái sanh trong cõi chư thiên.”
Rồi đại đức Ānanda đặt ra một loạt câu hỏi và được Đức Phật trả lời đầy đủ chi tiết.
Ānandā: “Bạch Đức Thế Tôn, chúng con phải cư xử như thế nào đối với phái nữ?
Đức Phật: “Này Ānanda, đừng nhìn họ.”
(Đức Thế Tôn dạy cách hay nhất là đừng nhìn bất cứ người nữ nào. Quả thực đúng như vậy. Vì nếu một người nữ xuất hiện ở cửa và vị tỳ khưu ở bên trong tịnh xá cửa lớn và cửa sổ được đóng lại, vị ấy sẽ không có ý nghĩ luyến ái đối với người nữ kia nếu vị ấy không nhìn cô ta. Nhưng khi vị ấy nhìn thấy cô ta thì ý tưởng tham luyến sẽ sanh lên trong tâm, làm cho tâm bị dao động. Đó là lý do khiến Đức Phật dạy cách hay nhất đối với vị tỳ khưu là đừng nhìn nữ nhân).
Ānandā: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu (không thể tránh được) chúng con phải gặp họ, thì chúng con nên làm gì?”
Đức Phật: “Đừng nói chuyện với họ, này Ānandā.”
(Khi đi khất thực vào buổi sáng, những người cận sự nữ thường đến cúng dường vật thực. Các vị tỳ khưu sẽ nhìn thấy họ. Trong trường hợp ấy, Đức Phật dạy rằng, “Hãy suy nghĩ về người nữ ấy tựa như cô ta là một người đàn ông hung dữ tay cầm cây dao bén nhọn, nói với ngươi rằng: ‘Nếu ngươi nói chuyện với ta thì ta sẽ cắt cái đầu của ngươi,’ hay như một vị dạ xoa nói với ngươi rằng: ‘Nếu ngươi nói chuyện với ta thì ta sẽ ăn thịt ngươi.’ Hãy suy xét rằng nếu ngươi nói chuyện với người đàn ông hung dữ hay với con quỷ dạ-xoa thì tánh mạng của ngươi sẽ bị đe dọa chỉ một kiếp hiện tại này. Trong khi đó, nếu ngươi nói chuyện với người nữ mà ngươi bắt buộc phải trông thấy thì ngươi có thể bị đọa xuống bốn khổ cảnh. Nếu vị tỳ khưu chuyện trò với người nữ thì sẽ có sự thân mật quá đáng. Khi có sự thân mật quá đáng thì sự luyến ái sẽ sanh lên. Khi tâm của vị tỳ khưu luyến ái theo người nữ thì giới hạnh sẽ bị hư hoại và nó sẽ đưa vị ấy xuống bốn khổ cảnh. Đó là lý do khiến Đức Phật nói rằng, “ Đừng nói chuyện với họ.”)
Ānandā: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu chúng con bắt buộc phải nói chuyện với họ, thì chúng con phải làm gì?”
Đức Phật: “Này Ānanda, hãy xem người nữ ấy như là mẹ, hay chị em gái của mình, v.v… (tùy theo tuổi tác), và phải chánh niệm!”
(Vị tỳ khưu có lúc cũng phải nói chuyện với người nữ. Cô ta có thể muốn biết về những ngày giới, hay cô ta có thể yêu cầu vị tỳ khưu truyền giới cho cô ta, hay cô ta thỉnh thuyết pháp, hay cô ta có thể hỏi một điểm giáo lý. Trong những trường hợp như vậy thật không thích hợp để vị tỳ khưu giữ im lặng, e rằng người ta sẽ cho vị ấy là bị câm hoặc đần độn. Nếu nhất định vị tỳ khưu phải nói chuyện với người nữ, thì vị ấy nên xem người kia là mẹ của mình nếu bà ta có tuổi bằng tuổi mẹ mình, hoặc là chị em gái nếu cô ta bằng tuổi chị em gái, hoặc con gái nếu bằng tuổi con gái của vị ấy).
Hãy xem Saḷāyatana Vagga Saṃyutta, 3 Gahapati Vagga, 4 Bhāradvāja Sutta).
Ānandā: “Bạch đức Thế Tôn, sau khi Thế Tôn diệt độ, chúng con nên làm gì đối với xá-lợi của Đức Tathāgata?”
Đức Phật: “Này Ānanda, các ngươi đừng lo lắng về việc tôn kính cúng dường xá-lợi của Đức Như lai. Như lai khuyên các ngươi hãy chuyên tâm vào pháp hành của bậc Thánh. Hãy tinh tấn nhiệt tâm, không phóng dật, hướng tâm của các ngươi đến Niết bàn. Này Ānanda, những vị Sát đế lỵ có trí, những vị Bà la môn có trí và những gia chủ có trí có mặt ở đó, với lòng tịnh tín sâu sắc nhất đối với Như Lai, họ sẽ chăm lo công việc tôn kính cúng dường xá lợi của Như Lai.
Ānanda: “Bạch Đức Thế Tôn, những vị Sát đế lỵ có trí, những vị Bà- la-môn có trí và những gia chủ có trí sẽ cư xử thế nào với xá-lợi của Đức Như Lai?” (qua câu này, đại đức Ānandā muốn nói rằng những người Sát đế lỵ có trí ấy, v.v… chắc chắn sẽ hỏi ý kiến từ chính vị ấy về nghi thức mai táng, và vì vậy vị ấy muốn có một sự gợi ý rộng rãi từ Đức Phật về vấn đề này).
Đức Phật: “Này Ānanda, nên hành xử giống như trường hợp cư xử xá-lợi của một vị Chuyển luân Thánh vương.”
Ānandā: “Bạch Đức Thế Tôn, người ta cư xử đối với xá-lợi của một vị Chuyển luân Thánh vương như thế nào?”
Đức Phật: “Này Ānanda, (cách thức như thế này) thân của vị Chuyển luân vương, (sau khi vị ấy băng hà) được bọc trong lớp vải mới từ xứ Kāsi. Ngoài lớp bọc ấy, nên có một lớp bọc khác bằng vải gai bện (bởi vì vải từ xứ Kāsi rất mịn nên không thể thấm được dầu và chỉ có vải gai bện mới có thể thấm được dầu). Bên ngoài lớp vải gai bện ấy nên bọc thêm một lớp vải mới khác từ xứ Kāsi. Bằng cách này thân của vị Chuyển luân Thánh vương được bọc bởi năm trăm cặp lớp vải tiếp nối nhau như vậy. Rồi thân được bọc vải ấy được đặt trong cái hòm được làm bằng vàng chứa dầu, nắp đậy được làm bằng vàng. Rồi nó được đặt trên một giàn hỏa được làm bởi nhiều loại gỗ thơm và thân của vị Chuyển luân Thánh vương được hỏa thiêu. Rồi người ta xây dựng một bảo tháp để tôn thờ xá-lợi của vị Chuyển luân Thánh vương tại ngã tư đường. Này Ānandā, đây là cách thức cư xử đối xá-lợi của vị Chuyển luân Thánh vương.”
“Này Ānandā, giống như phương cách cư xử liên quan đến xá- lợi của vị Chuyển luân vương, cách thức cư xử đối với xá-lợi của Đức Tathāgata cũng giống như vậy. Một bảo tháp để thờ cúng xá-lợi của Đức Như Lai nên được dựng lên ở ngã tư đường. Mọi người sẽ cúng dường hoa hoặc nhang trầm hoặc hương liệu, hoặc đảnh lễ, hoặc suy quán về tánh chất vĩ đại của Đức Phật khi đứng trước bảo tháp, và nhờ những hành động tạo phước như vậy, những người ấy sẽ hưởng được lợi ích và hạnh phúc trong một thời gian lâu dài.
“Này Ānandā, có bốn hạng người đáng được làm bảo tháp để tôn thờ. Đó là:
(i) Đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh Biến tri.
(ii) Đức Bích chi Phật
(iii) Vị Thánh đệ tử của Đức Như Lai .
(iv) Vị Chuyển luân Thánh vương.
“Này Ānanda, vì lợi ích đặc biệt nào mà Đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri đáng được xây dựng bảo tháp? Này Ānanda, một bảo tháp để tôn vinh, cúng dường Đức Như Lai sẽ làm khởi dậy trong tâm những người hành hương đến viếng ở đó niềm tịnh tín sâu sắc, khi nghĩ rằng: “Bảo tháp này là nơi tôn thờ bậc Ứng cúng, Chánh biến tri.” Sau khi thành kính hồi tưởng về Đức Như Lai ở đó, những người hành hương ấy sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh về những cõi hạnh phúc, họ sẽ được tái sanh vào cõi chư thiên. Này Ānanda, chính vì lợi ích đặc biệt này mà Đức Như lai, bậc Ứng cúng, Chánh biến tri đáng được xây dựng bảo tháp.”
“Này Ānanda, vì lợi ích đặc biệt nào mà Đức Bích chi Phật đáng được xây dựng bảo tháp? Này Ānanda, một bảo tháp để tôn vinh, cúng dường Đức Bích chi Phật sẽ làm khởi dậy trong tâm những người hành hương đến viếng ở đó niềm tịnh tín sâu sắc, khi nghĩ rằng. “Bảo tháp này là nơi tôn thờ Đức Phật Độc giác đã tự mình giác ngộ Tứ Thánh Đế (mà không có sự chỉ dạy của vị đạo sư nào). Sau khi thành kính hồi tưởng về Đức Phật Độc giác ở đó, những người hành hương ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh về những cõi hạnh phúc, họ sẽ được tái sanh vào cõi chư thiên. Này Ānanda, chính vì lợi ích đặc biệt này mà Đức Bích chi Phật đáng được xây dựng bảo tháp.” “Này Ānanda, vì lợi ích đặc biệt nào mà vị Thánh đệ tử đáng được xây dựng bảo tháp? Này Ānanda, một bảo tháp để tôn vinh, cúng dường vị Thánh đệ tử sẽ làm khởi dậy trong tâm những người hành hương đến viếng ở đó niềm tịnh tín sâu sắc, khi nghĩ rằng: “Bảo tháp này là nơi tôn thờ vị Thánh đệ tử của bậc Ứng cúng, Chánh biến tri.” Sau khi thành kính hồi tưởng về vị Thánh đệ tử ở đó, những người hành hương ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh về những cõi hạnh phúc, họ sẽ được tái sanh vào cõi chư thiên. Này Ānanda, chính vì lợi ích đặc biệt này mà vị Thánh đệ tử đáng được xây dựng bảo tháp.”
“Này Ānanda, vì lợi ích đặc biệt nào mà vị Chuyển luân Thánh vương đáng được xây dựng bảo tháp? Này Ānanda, một bảo tháp để tôn vinh, cúng dường vị Chuyển luân thánh vương sẽ làm khởi dậy trong tâm những người hành hương đến viếng ở đó niềm tịnh tín sâu sắc, khi nghĩ rằng: “Bảo tháp này là nơi tôn thờ vị Chuyển luân Thánh vương đã sống (và cai trị) theo chánh pháp.” Sau khi thành kính hồi tưởng về vị Chuyển luân Thánh vương ở đó, những người hành hương ấy sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh về những cõi hạnh phúc, họ sẽ được tái sanh vào cõi chư thiên. Này Ānanda, chính vì lợi ích đặc biệt này mà vị Chuyển luân Thánh vương đáng được xây dựng bảo tháp.” tháp.”
“Này Ānanda, đây là bốn hạng người đáng được xây dựng bảo
Đây là những câu hỏi được nêu ra bởi đại đức Ānanda và được Đức Phật trả lời chi tiết.
(Về vấn đề này, có thể hỏi rằng, “ Tại sao vị Chuyển luân vương sống và chết cũng chỉ là một cư sĩ mà lại được mọi người xây tháp thờ trong khi vị tỳ khưu, dầu vẫn còn là phàm phu, nhưng có giới đức, lại không được như vậy?”
Câu trả lời là Đức Phật không cho phép xây dựng bảo tháp để cúng dường một vị tỳ khưu giới đức còn phàm phu bởi vì chỗ ấy sẽ rất bình thường. Vì nếu những vị tỳ khưu được Đức Phật công bố là đáng được xây dựng bảo tháp, thì ngay cả tại Sri Lankā không thôi cũng có thể có rất nhiều bảo tháp được mọc lên đến nỗi những tháp thờ này sẽ trở nên không đáng chú ý. Vị Chuyển luân vương là một nhân vật rất hiếm hoi và một bảo tháp được xây dựng để tôn vinh và cúng dường vị ấy sẽ gây kinh cảm. Tuy nhiên, dù một vị tỳ khưu giới đức còn là phàm phu không đáng được tôn vinh bằng bảo tháp nhưng vị ấy có quyền được tổ chức những nghi lễ mai táng giống như đối với vị A-la- hán vào lúc vị ấy nhập Niết bàn).
Sau khi Đức Phật đã trả lời chi tiết những câu hỏi của đại đức Ānanda, đại đức Ānanda tự nghĩ rằng:
“ Đức Thế Tôn đã thuyết giảng đến ta về bốn chỗ Động tâm, và những lợi ích sanh lên cho những người đến viếng bốn chỗ này; Ngài cũng đã trả lời cho ta về cách cư xử của vị tỳ khưu đối với nữ nhân; Ngài đã trả lời chi tiết đến ta về cách thức thực hiện những nghi lễ cuối cùng để cúng dường Đức Như Lai; và Ngài đã giải thích cho ta về bốn hạng người đáng được xây tháp thờ. Và chỉ ngày hôm nay Đức Như Lai sẽ nhập vô dư Niết bàn.”
Những ý nghĩ này làm cho vị ấy buồn khổ. Vị ấy cảm thấy muốn khóc nhưng, khi nhớ ra rằng thật không thích hợp để làm Đức Phật không hài lòng nếu vị ấy bật khóc gần Ngài, vị ấy đi vào phòng hội họp và dựa vào trụ cửa, vị ấy than khóc, “Ta vẫn còn đang tu tập để chứng đắc ba Đạo bậc cao, và bậc Đạo sư của ta rất bi mẫn đối với ta thì sắp diệt độ!” Rồi Đức Thế Tôn hỏi các vị tỳ khưu, “Này các tỳ khưu, Ānanda đang ở đâu?”
“Bạch Đức Thế Tôn”, các vị tỳ khưu trả lời, “ Đại đức Ānanda đã đi vào nhà họp và đang dựa vào trụ cột, vị ấy than khóc, ‘Ta vẫn còn đang tu tập để chứng đắc ba Đạo bậc cao, và bậc Đạo sư của ta rất bi mẫn đối với ta thì sắp diệt độ!’
Rồi Đức Phật nói với một vị tỳ khưu, “Này tỳ khưu, hãy chuyển lời của ta mà nói với Ānanda rằng:‘ Này hiền giả Ānanda, bậc Đạo sư cho gọi hiền giả’.
Vâng lời vị tỳ khưu ấy, đại đức Ānanda bèn đi đến Đức Phật, sau khi đảnh lễ Đức Phật và ngồi xuống ở nơi thích hợp. Khi đại đức Ānanda đang ngồi ở đó, Đức Phật dạy rằng:
“Đủ rồi, này Ānanda, chớ có buồn rầu, chớ có khóc than. Trước đây Như Lai đã từng nói với ngươi rằng tánh chất của mọi vật mà gần gũi và thân ái nhất đối với chúng ta là người ta phải xa lìa bằng cách này hay cách khác trong khi chúng ta còn đang sống, hay khi cái chết chia lìa chúng ta, hay khi chúng ta ở trong những cảnh giới khác. Này Ānanda, như vậy làm sao ta có thể mong chờ một cái gì đó mà có tánh chất sanh, trụ, hữu vi và phải tan rã, đừng có tiêu hoại? Không thể nào mong ước như vậy được.
“Này Ānanda, trong một thời gian dài ngươi đã hầu hạ Như Lai một cách trung thành dầu ở trước mặt hay ở bên ngoài, với lòng từ ái vô lượng về thân nghiệp, tận đáy lòng vì lợi ích và an lạc của Như Lai; với lòng từ ái vô lượng về khẩu nghiệp, tận đáy lòng vì lợi ích và an lạc của Như Lai; với lòng từ ái vô lượng về ý nghiệp, tận đáy lòng vì lợi ích và an lạc của Như Lai. Này Ānanda, ngươi đã gieo tạo nhiều công đức. Hãy chuyên tâm thực hành Thiền quán, ngươi sẽ sớm chứng đắc đạo quả A-la-hán.”
Như vậy Đức Phật đã nói lời an ủi đại đức Ānanda.
(Sự hầu hạ của Ānanda đến Đức Phật với lòng từ ái vô lượng về thân nghiệp bao gồm tất cả những hành vi về thân, như sửa soạn nước và đồ chà răng để Đức Phật vệ sinh vào buổi sáng. Lòng từ ái vô lượng về khẩu nghiệp của vị ấy bao gồm tất cả hành vi về lời nói của vị ấy đầy tao nhã, tôn kính đối với Đức Phật như câu trả lời, “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn, đã đến giờ Thế Tôn đi rửa mặt, v.v...” Về một ý nghĩa khác, nó cũng bao gồm những lời nói đầy hoan hỉ khi nghe Đức Phật khuyên răn. Từ ái vô lượng về ý nghiệp nghĩa là sau khi thức dậy sớm và đã làm vệ sinh cá nhân xong, Ānanda sẽ ngồi ở một góc vắng vẻ và cầu mong sự an lạc đến Đức Phật như vầy: “Cầu mong Đức Thế Tôn đừng bị những chứng bịnh, cầu mong Đức Thế Tôn thoát khỏi sự nguy hại, cầu mong Đức Thế Tôn có thân và tâm an lạc.”)
Tựa như một người lực sĩ mở ra đại địa bị gấp nếp lại ở một nơi nào đó, hay như một người lực sĩ làm nhẵn bầu trời bị co cúm, hay như người lực sĩ đè xuống ngọn núi Cakkavāḷa cao một trăm sáu mươi bốn ngàn do tuần, hay như người lực sĩ nhấc lên ngọn núi Meru cao một trăm sáu mươi tám ngàn do tuần, hay như người lực sĩ rung cây Jambu cao một trăm do tuần và rộng một trăm do tuần, để gây sự kinh ngạc trong tâm của những người nghe. Xét về những đặc tánh phước thiện của đại đức Ānanda, Đức Phật đã nói như vầy với các vị tỳ khưu:
“Này các tỳ khưu, những vị tỳ khưu thị giả của chư Phật Ứng cúng, Chánh biến tri trong quá khứ đều tối thắng như thị giả Ānanda của ta vậy.
“ Này các tỳ khưu, những vị tỳ khưu thị giả của chư Phật Ứng cúng, Chánh biến tri trong tương lai đều tối thắng như thị giả Ānanda của ta vậy.
“Này các tỳ khưu, Ānanda thông minh và sáng suốt. Vị ấy biết: “ Đây là thời gian thích hợp để các vị tỳ khưu đến yết kiến Đức Như Lai, hay đây là thời gian thích hợp để các vị tỳ khưu ni đến yết kiến Đức Như Lai, hay đây là thời gian thích hợp để các vị nam cư sĩ đến yết kiến Đức Như Lai, hay đây là thời gian thích hợp để các vị nữ cư sĩ đến yết kiến Đức Như Lai, hay đây là thời gian thích hợp để đức vua, các vị cận thần, hay các ngoại đạo sư hay các tín đồ của các ngoại đạo sư đến yết kiến Như Lai.”
(Nên lưu ý rằng Đức Phật không nói điều gì về những vị Phật khác của thời hiện tại, bởi vì chẳng có thế giới nào khác có một vị Phật có vô lượng ân đức đang hiện hữu).
“Này các tỳ khưu, Ānanda có bốn đức tánh kỳ diệu, đáng kinh ngạc. Đó là:
(i) Này các tỳ khưu, nếu có một hội chúng tỳ khưu đến gặp Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, Ānanda làm thinh, thời chúng tỳ khưu vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu).
(ii) Này các tỳ khưu, nếu có một hội chúng tỷ kheo ni đến gặp Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, Ānanda làm thinh, thời chúng tỳ khưu ni vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu khác).
(iii) Này các tỳ khưu, nếu có một hội chúng nam cư sĩ đến gặp Ngài Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, Ānanda làm thinh, thời chúng nam cư sĩ vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu khác).
(iv) Này các tỳ khưu, nếu có một hội chúng nữ cư sĩ đến gặp Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, Ānanda làm thinh, thời chúng nữ cư sĩ vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu khác).
Này các tỳ khưu, đây là tánh kỳ diệu, đáng kinh ngạc trong con người Ānanda.”
(Tất cả bốn loại đệ tử mà đến yết kiến Đức Phật đều đến yết kiến đại đức Ānanda. Nhiều người đến yết kiến bởi vì Ānanda nổi tiếng là có phẩm cách hoàn hảo về sự nhẫn nại, tướng mạo khả ái, đa văn, và niềm tự hào của chúng Tăng. Khi họ tự thân trông thấy vị ấy thì họ được hoan hỉ bởi tất cả những điều tốt đẹp mà họ nghe nói về Ngài đều đúng như thật. Ānanda thường thuyết pháp thích hợp với mỗi loại đệ tử. Những lời chuyện trò của vị ấy rất lịch sự tao nhã. Đối với chúng tỳ khưu, vị ấy thường hỏi, “ Thưa các tôn giả, các tôn giả có khỏe không? Các tôn giả có thể chuyên tâm vào pháp hành của vị tỳ khưu với sự chú tâm thích hợp không? Các hiền giả có thể làm các phận sự đối vị thầy của mình không?” Đối với chúng tỳ khưu ni, vị thường hỏi: “Thưa các sư cô, các sư cô có thọ trì tốt tám trọng pháp không (garudhamma)?” Đối với các nam cư sĩ mà đến yết kiến vị ấy thì vị ấy sẽ không lập lại những câu hỏi như: “ Thưa các thí chủ, bệnh đau đầu của quý vị như thế nào rồi? Dạ dày của quý vị bây giờ họat động ra sao? Con cái và quyến thuộc của quý vị có khỏe mạnh không? (v.v…).” Đúng hơn, vị ấy sẽ hỏi: “ Thưa các thí chủ, quý vị có tin tưởng vững chắc đối với Tam bảo không? Quý vị có thọ trì Ngũ giới trong sạch không? Tám ngày Bát quan trai của mỗi tháng quý vị có thọ trì tốt đẹp không? Quý vị có phụng dưỡng cha mẹ không? Quý vị có hộ độ cúng dường đến các vị Sa-môn và Bà-la-môn có giới đức không?” Những lời này mà các vị tỳ khưu nên nói với những người đến yết kiến là những lời nói thường ngày mà đại đức Ānanda sử dụng khi những nam cư sĩ đến yết kiến vị ấy. Đối với những nữ cư sĩ cũng vậy, những lời nói tao nhã của Ānandacũng có nội dung tương tự).
“Này các tỳ khưu, vị Chuyển luân vương có bốn đức tánh kỳ diệu và đáng kinh ngạc, đó là:
(i) Này các tỳ khưu, nếu có chúng Sát-đế-lỵ đến yết kiến vị Chuyển luân vương, thời họ sẽ được hoan hỉ do được chiêm ngưỡng vị ấy. Nếu vị Chuyển luân vương thuyết pháp đến họ, thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, vị Chuyển luân vương làm thinh, thời chúng Sát-đế-lỵ vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu).
(ii) Này các tỳ khưu, nếu có chúng Bà-la-môn…
(iii) Này các tỳ khưu, nếu có chúng trưởng giả…
(iv) Này các tỳ khưu, nếu có chúng Sa-môn đến yết kiến vị Chuyển luân vương, thời họ sẽ được hoan hỉ do được chiêm ngưỡng vị ấy. Nếu vị Chuyển luân vương thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, vị Chuyển luân vương làm thinh, thời chúng Sa-môn vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu).
Đây là bốn đức tánh kỳ diệu của một vị Chuyển luân vương. “Dường thế ấy, này các tỳ khưu, Ānanda cũng có bốn đức tánh kỳ
diệu và đáng kinh ngạc. Đó là:
(i) Này các tỳ khưu, nếu có một chúng tỳ khưu đến gặp Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, Ānanda làm thinh, thời chúng tỳ khưu vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu).
(ii) Này các tỳ khưu, nếu có một chúng tỳ khưu ni đến gặp Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, Ānanda làm thinh, thời chúng tỳ khưu ni vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu khác).
(iii) Này các tỳ khưu, nếu có một chúng nam cư sĩ đến gặp Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, Ānanda làm thinh, thời chúng nam cư sĩ vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu khác).
(iv) Này các tỳ khưu, nếu có một chúng nữ cư sĩ đến gặp Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, Ānanda làm thinh, thời chúng nữ cư sĩ vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu khác).
“Này các tỳ khưu, đây là bốn đức tánh kỳ diệu, đáng kinh ngạc trong con người Ānanda.
(Qua những lời này, Đức Phật so sánh đại đức Ānanda với vị Chuyển luân vương.
Giai cấp Sát-đế-lỵ bao gồm những vị vua được tôn vương và những vị vua chưa được tôn vương. Họ đến yết kiến vị ấy vì họ nghe danh tiếng của vị Chuyển luân vương như: “ Vị Chuyển luân vương có tướng mạo hấp dẫn và đáng tôn quý, rằng vị ấy dạo đi qua các lãnh thổ của vị ấy bằng con đường hư không để thực thi công lý và sự an bình, và vị ấy chỉ cai trị bằng chánh pháp mà thôi.’ Và khi họ đích thân diện kiến vị ấy thì họ sẽ được hoan hỉ bởi vì tất cả những điều tốt đẹp mà họ nghe nói về vị Chuyển luân vương đều được chứng thực.
Khi giai cấp Sát-đế-lỵ đến yết kiến, vị Chuyển luân vương sẽ hỏi họ rằng: “ Này các bạn, các bạn có cai trị đúng với mười vương pháp không? Các bạn có bảo vệ và duy trì những truyền thống tốt đẹp của những nhà cai trị thuở xưa không?”
Đối với chúng Bà-la-môn đến yết kiến, thì vị ấy hỏi rằng: “Thưa các thầy, các thầy có giảng dạy kinh Phệ đà không? Những học trò của các thầy có học kinh Phệ đà không? Các thầy có được cúng dường bằng những vật hiến tế không, các thầy có được dâng cúng bằng vải mới và những con bò sữa tạp sắc không?”
Đối với những vị gia chủ giàu có đến yết kiến thì vị ấy hỏi rằng: “Này các vị, các vị có thoát khỏi sự áp bức từ những những nhà cai trị bởi những mệnh lệnh bất công và tình trạng sưu cao thuế nặng không? Quý vị có được mưa thuận gió hoà không? Những mùa gặt của quý vị có bội thu không?”
Đối với những vị Sa-môn đến yết kiến thì vị ấy hỏi rằng: “Thưa các ngài Sa-môn, các ngài có được cúng dường các món vật dụng một cách hào phóng không? Các ngài có tinh tấn trong pháp hành của các ngài không?”
Sau khi Đức Phật đã tán dương đức hạnh của đại đức Ānanda thì đại đức Ānanda bèn bạch với Đức Phật như vầy: “ Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Đức Thế Tôn đừng diệt độ tại thị trấn nhỏ bé này (Kusināgara). Bạch Đức Thế Tôn, có những đô thị khác to lớn hơn như Campā, Rājagaha, Sāvatthi, Sāketa, Kosambī và Bārānasī. Xin Đức Thế Tôn hãy diệt độ tại một trong những đô thị lớn ấy. Trong những đô thị lớn ấy có nhiều vị Sát-đế-lỵ giàu có, nhiều vị Bà-la-môn giàu có và nhiều gia chủ giàu có, họ rất tịnh tín với Đức Như Lai. Họ sẽ làm phận sự cúng dường xá-lợi của Đức Như Lai.”
“Chớ có nói vậy, này Ānanda. Chớ có nói: ‘Thị trấn bé nhỏ
này’ Ānanda.”
“Này Ānanda, thuở xưa rất lâu, có một vị vua tên là Mahāsudassana, là một vị Chuyển luân vương, một nhà cai trị chân chánh khắp bốn phương của quả đất, tức là bốn Châu đảo, được bao quanh bởi bốn đại dương, người chiến thắng tất cả kẻ thù, kẻ nắm quyền cai trị tối cao trên lãnh thổ và có bảy Báu vật là quả phước vốn có của vị Chuyển luân vương. Này Ānanda, thị trấn Kusināgara này lúc bấy giờ là kinh đô Kusāvatī của vua Sudassana. Từ Đông đến Tây dài mười hai do tuần, và từ Bắc xuống Nam rộng bảy do tuần.
“Này Ānanda, kinh đô Kusāvatī thịnh vượng và phú cường, dân cư đông đúc và có đầy đủ tất cả loại người kéo đến đó, và thực phẩm phong phú. Này Ānanda, cũng như thành phố chư thiên Āḷakamandā, chỗ ngồi của vua Vessavaṇṇa (thuộc Tứ Đại Thiên Vương), là thành phố hưng thịnh và phú cường, chư thiên đông đúc và có đầy đủ tất cả các loại dạ xoa (yakkha), và thực phẩm sung mãn; cũng vậy, này Ānanda, kinh đô Kusāvatī phồn thịnh và phú cường, dân cư đông đúc và có đầy đủ tất cả các loại người ở đó và thực phẩm rất phong phú.
“Này Ānanda, kinh đô Kusāvatī ngày và đêm không bao giờ yên lặng, luôn luôn sôi động bởi mười loại âm thanh, đó là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng của những cái trống lớn, trống nhỏ, tiếng đàn, tiếng ca hát, tiếng tù và, tiếng chiêng cồng, và tiếng kêu gọi: “ Hãy ăn, thưa các bạn, hãy uống đi, hãy nhai đi.”
(Mười loại âm thanh biểu hiện sự thanh bình và thịnh vượng của kinh đô Kusāvatī. Trong những đô thị khác, thay vì mười loại âm thanh, thì có những âm thanh khó nghe như, “ Hãy đi đổ mớ rác này, hãy đem đến các rìu, hãy đem lại cái giỏ, hay chúng ta hãy đi đến một chỗ khác, hãy mang đến đồ ăn dự trữ, hãy dọn những món ăn, hãy chuẩn bị sẵn tấm khiên và khí giới, hãy sẵn sàng ra trận! Nhưng tại Kusāvatī, những tiếng khó nghe như vậy không bao giờ có. Chỉ những tiếng mời gọi khả ái vào dự tiệc và hội hè được nghe mà thôi).
Đức Phật thuyết giảng về kinh đô Kusāvatī bắt đầu bằng: “ Này Ānanda, kinh đô Kusāvatī được bao quanh bởi bảy vòng tường thành, v.v…” được kéo dài trong hai thời tụng đọc tại Đại hội Kiết tập (hãy xem Dīgha Nikāya Mahāvagga). Sau khi kết thúc bài kinh dài về tánh chất vĩ đại của kinh đô Kusāvatī, Đức Thế Tôn nói với đại đức Ānanda:
“Này Ānanda, ngươi hãy đi vào thị trấn Kusināra và công bố với những vị công tử Malla của thị trấn Kusināra rằng, ‘Thưa các vị Vāsettha (tên gọi về bộ tộc của những vị Malla), đêm nay vào canh ba, Đức Như Lai sẽ diệt độ. Thưa các vị Vāsettha, hãy đến! Các vị chớ có để phải ân hận về sau với ý nghĩ rằng: “ Đức Như Lai đã diệt độ tại dãi đất của chúng ta, thế mà chúng ta không tận dụng cơ hội để bày tỏ sự tôn kính của chúng ta trong giờ phút cuối cùng của Ngài.’
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Thế Tôn, và cùng với một vị tỳ khưu khác đi vào Kusināra.
(Về điểm này, có thể hỏi rằng: “ Phải chăng các vị công tử Malla không biết rằng Đức Phật đã đến tại Kusināra?” Câu trả lời là: “ Dĩ nhiên là họ biết.” Vì Đức Phật dù ở bất cứ nơi nào đều luôn luôn có chư thiên có tâm tịnh tín với Đức Phật và những cận sự nam, họ báo trước tin vui vang khắp vùng lân cận. Vào buổi chiều tối đặc biệt ấy, các vị công tử Malla bận tham dự một buổi họp nên họ không thể đi yết kiến Đức Phật lúc Ngài đến đó. Đức Phật sai Ānanda đi vào giờ trễ ấy bởi vì không có tịnh xá nào được xây dựng dành cho Đức Phật ở trong rừng Sa la cả, và các vị công tử Malla sẽ phải cung cấp chỗ trú ngụ cho đông đảo các vị tỳ khưu ở đó. Cũng có một ý khác là các vị công tử Malla, nếu không được thông báo vào thời điểm khuya như vậy, có thể cảm thấy buồn rằng họ không có tin tức gì về Đức Phật trong những giây phút cuối cùng của Ngài).
Khi đại đức Ānanda đi vào kinh thành Kusināra thì các vị công tử Malla đang bận họp tại phòng hội đồng về một vài công việc. Đại đức Ānanda đi đến họ và công bố như Đức Phật đã chỉ bảo:
“Thưa các vị Vāseṭṭha, đêm nay vào canh ba, Đức Như Lai sẽ diệt độ. Thưa các vị Vāseṭṭha, hãy đến! Các vị chớ có để phải ân hận về sau với ý nghĩ rằng: “ Đức Như Lai đã diệt độ tại dãi đất của chúng ta, thế mà chúng ta không tận dụng cơ hội để bày tỏ sự tôn kính của chúng ta trong giờ phút cuối cùng của Ngài.”
Khi nghe đại đức Ānanda thông báo như vậy, các vị công tử Malla, con trai và con gái của họ, vợ và con dâu của họ đều đau buồn và sầu khổ, và than khóc, đầu tóc rối bù, tay đưa lên, thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: “Thế Tôn nhập diệt quá sớm! Thiện thệ nhập diệt quá sớm! Bậc sở hữu con mắt trí tuệ sắp biến mất khỏi thế gian!”
Rồi các vị công tử Malla, con trai và con gái của họ, con dâu và vợ của họ đau buồn và sầu khổ, và họ đi đến khu rừng Sa-la và đến chỗ của đại đức Ānanda. Rồi đại đức Ānanda chợt nảy ra ý nghĩ như vầy:
“Nếu ta để cho những người Malla của xứ Kusināra đảnh lễ Đức Phật từng người một, thì đêm sẽ tàn trước khi tất cả họ đảnh lễ xong. Thật tốt thay nếu ta chia nhóm từng gia đình và cho họ, tức là mỗi gia đình như vậy đảnh lễ Đức Phật, khi công bố rằng, ‘Bạch Đức Thế Tôn, vị công tử Malla tên đó cùng với con cái, vợ và tùy tùng, xin đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn.”
Do vậy, đại đức Ānanda gom nhóm những vị Malla của xứ Kusināra thành những gia đình và bảo họ đảnh lễ Đức Phật, hoàn tất ngay trước khi hết canh một.
Lúc bấy giờ Subhadda đang trú ngụ tại Kusināra. Vị ấy đã nghe tin: “Đêm nay, trong canh cuối của đêm, Sa-môn Gotama sẽ diệt độ.” Rồi Subhadda chợt nảy ra ý nghĩ như vầy: “ Ta đã nghe các du sĩ, các vị thầy, và các thầy của những vị thầy, tuyên bố rằng Đức Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến tri sanh lên trong thế gian chỉ một lần trong một thời gian rất dài. Đêm nay, vào canh cuối của đêm, Sa-môn Gotama sẽ nhập vô dư Niết bàn. Có một vấn đề, một nỗi hoài nghi, đã sanh lên trong tâm của ta, và ta hoàn toàn tin rằng Sa-môn Gotama có thể giảng dạy Giáo pháp cho ta khiến cho điều hoài nghi này được làm sáng tỏ.”
Trước khi kể câu chuyện tiền kiếp của du sĩ Subhadda, chúng ta cần phải phân biệt cho rõ là có đến 3 Subhadda trong thời kỳ của Đức Phật Gotama. Đầu tiên là Subhadda, con trai của Upaka và Cāpā. Rồi đến Subhadda là vị tỳ khưu đã xuất gia trong Tăng chúng sau khi làm một gia chủ - vị tỳ khưu trong hội chúng đi theo đại đức Mahā Kassapa từ Pāvāđến Kusināra khi Đức Phật đã viên tịch đã nói lời xúc phạm giáo pháp rằng vì Đức Thế Tôn không còn nữa, nên các vị tỳ khưu tự do làm điều gì mà họ thích. Còn Subhadda trong câu chuyện của chúng ta ở đây là vị du sĩ, không phải đạo sĩ lõa thể, xuất thân từ một gia đình Bà-la-môn danh tiếng và giàu có, là người cuối cùng được giác ngộ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Lý do khiến Subhadda có ý nghĩ muốn đến yết kiến Đức Phật trong giờ phút cuối cùng, có lẽ vì phước quá khứ của Subhadda có tiềm năng giúp vị ấy đạt được sự giác ngộ chỉ vào giờ phút muộn màng như vậy.
Tính chất đặc biệt trong phước quá khứ của Subhadda sẽ được bàn đến bây giờ. Trong một kiếp quá khứ nọ có hai anh em nông dân, cả hai đều có tâm bố thí rộng rãi. Nhưng người anh thì có ý muốn bố thí trong mỗi giai đọan của vụ mùa gồm có 9 giai đọan cả thảy. Như vậy khi những cây lúa được cấy xuống thì vị ấy để riêng một mớ hạt lúa để bố thí, lúa ấy được làm thành gạo và được đem nấu làm thành ‘cơm hạt giống cúng dường’; khi cây lúa bắt đầu ra hạt thì vị ấy bàn ý kiến với người em là lấy nước sữa của hạt lúa và đem bố thí. Lời đề nghị ấy không được người em chấp thuận: “Thưa anh, tại sao anh muốn làm hư hạt lúa non?”
Nhân đó, người anh, để có thể thực hiện ước muốn của mình, bèn chia đồng đều thửa ruộng cho người em và lấy nước sữa của hạt lúa từ phần ruộng của vị ấy, đem nấu với sữa lỏng, rồi đem bố thí gọi là ‘Sự cúng dường cơm đầu mùa’. Khi hạt lúa đã cứng chắc, vị ấy đem giã nó ra và nấu món ăn cúng dường có tên gọi là ‘Sự cúng dường những miếng cơm dẻo’. Khi đến thời kỳ gặt lúa, vị ấy làm món cúng dường gọi là ‘Sự cúng dường cơm của mùa gặt’. Khi lúa gặt được bó lại, vị ấy chọn những bó lúa đầu tiên làm thành món cúng dường có tên gọi là ‘Sự cúng dường cơm thời bó lúa’. Khi những bó lúa được chất đống trên sân đập lúa thì vị ấy nấu món cơm từ những bó lúa được chất đống đầu tiên ấy thành món cúng dường có tên gọi ‘Sự cúng dường cơm từ đống bó lúa’. Khi việc đập lúa bắt đầu, vị ấy chọn ra những bó lúa đầu tiên để đem ra đập, lấy hạt gạo nấu thành món cúng dường gọi là ‘Sự cúng dường cơm thời đập lúa’. Sau khi hạt lúa được gom lại từ sân đập lúa và được đổ lên thành đống, vị ấy chọn ra một ít từ đống lúa và làm món cúng dường có tên gọi là ‘ Sự cúng dường cơm từ đống lúa’. Khi lúa được bỏ vào kho, vị ấy lấy một ít và làm món cúng dường có tên gọi là ‘Sự cúng dường cơm thời vô kho lúa’. Bằng cách ấy, vị ấy đã thực hiện sự cúng dường cơm từ lúa cho mỗi mùa lúa.
Về phần người em trai, vị ấy chỉ cúng dường món cơm sau khi lúa gặt đã được bỏ vào kho.
Trong kiếp cuối của họ, người anh tái sanh làm Koṇḍañña trong thời của Đức Phật Gotama. Khi Đức Phật dò xét thế gian:“ Ai là người đáng được nghe bài pháp đầu tiên?” Ngài trông thấy Kiều trần Như (Koṇḍañña) là người mà trong kiếp quá khứ của vị ấy đã làm chín loại cúng dường lúa gạo trong mỗi mùa canh tác. Do đó, Kiều trần Như (một trong 5 vị Sa-môn) đáng được vinh hạnh nghe thời pháp đầu tiên có nhan đề là Dhammacakka pavattanasutta.” Như vậy, Kiều trần Như là người đệ tử đầu tiên liễu ngộ giáo pháp, được gọi là Aññasi Koṇḍañña - Koṇḍañña đã liễu ngộ, là người đã trở thành bậc thành Nhập lưu cùng với tám mươi koṭi Phạm thiên vào lúc kết thúc thời Pháp đầu tiên.
Còn người em trai, do kết quả của sự cúng dường trễ muộn, nên ý nghĩ đi yết kiến Đức Phật đến trong tâm của vị ấy chỉ vào giờ phút cuối cùng (xem Chú giải về Dīgha Nikāya).
Khi thời gian để gặt quả phước quá khứ của vị ấy cuối cùng đã đến, Subhadda mới nhớ đến Đức Phật. Vị ấy đi ngay đến khu rừng Sa la, rồi đi đến đại đức Ānanda và nói rằng:
“Thưa đại đức Ānanda, tôi đã nghe các du sĩ, các vị thầy, và các thầy của những vị thầy, tuyên bố rằng Đức Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến tri sanh lên trong thế gian chỉ một lần trong một thời gian rất dài. Đêm nay, vào canh cuối của đêm, Sa-môn Gotama sẽ nhập vô dư Niết bàn. Có một vấn đề, một điều hoài nghi, đã sanh lên trong tâm của tôi, và tôi hoàn toàn tin rằng Sa-môn Gotama có thể giảng dạy Giáo pháp cho tôi khiến cho điều hoài nghi này được làm sáng tỏ. Thưa tôn giả Ānanda, xin hãy cho tôi được cơ hội yết kiến Sa- môn Gotama!”
Nhân đó, đại đức Ānanda suy nghĩ: “Những vị đạo sĩ này tin vào giáo lý ngoài lời dạy của Đức Phật, bám chấp theo quan điểm riêng của họ mà thôi. Nếu Đức Phật giảng dạy cho vị Subhadda này thật đầy đủ để khiến vị ấy rũ bỏ quan điểm riêng của vị ấy, thì nó sẽ làm hao hơi tổn sức của Ngài, và Subhadda cũng không thể từ bỏ quan điểm của vị ấy. Vì như thế này mà Đức Phật đã rất mệt.” Bởi vậy đại đức nói rằng: “Này hiền giả Subhadda, thôi đi, Đức Phật đang mệt. Đừng quấy nhiễu Ngài.”
Khi nghe trả lời như vậy, du sĩ Subhadda tự nghĩ rằng: “Đại đức Ānanda từ chối yêu cầu của ta. Nhưng người ta phải nhẫn nại để đạt được cái mà người ta muốn.” Và vì vậy vị ấy nói lần thứ hai, “ Thưa đại đức Ānanda,…” đại đức Ānanda lại từ chối. Lần thứ ba Subhadda cũng yêu cầu như trước. Và lần thứ ba đại đức Ānanda cũng từ chối.
Đức Phật đã nghe qua cuộc chuyện trò giữa du sĩ Subhadda và đại đức Ānanda. Bởi vì Ngài đã thực hiện chuyến đi đầy mệt nhọc đến Kusināra vì Subhadda, nên Ngài bảo đại đức Ānanda, “Này Ānanda, thật không thích hợp để ngăn cản Subhadda. Đừng ngăn cản Subhadda đến yết kiến Như Lai, hãy để Subhassa có cơ hội yết kiến Như Lai. Bất cứ điều gì Subhadda hỏi Như Lai, vị ấy hỏi để biết chứ không phải để phiền nhiễu Như Lai. Khi Như Lai trả lời điều vị ấy hỏi thì vị ấy sẽ hiểu ngay câu trả lời của Như Lai.”
Rồi đại đức Ānanda nói với du sĩ Subhadda: “Này hiền giả Subhadda, hãy vào, Đức Phật đã cho phép hiền giả.”
Rồi du sĩ Subhadda đi đến Đức Phật và trao đổi những lời chào hỏi xã giao với Đức Phật, rồi ngồi xuống ở nơi thích hợp. Rồi vị ấy bạch với Đức Phật như vầy:
“Thưa tôn giả Gotama, có những vị Sa-môn và Bà-la-môn có đông đảo đồ chúng, có giáo phái riêng, là những người lãnh đạo giáo phái của họ, có danh tiếng, là những người sáng lập ra những chủ thuyết riêng của họ, và được nhiều người tôn kính, đó là: (i) Pūraṇa Kassapa, (ii) Makkhali Gosāla, (iii) Ajita Kesakambala, (iv) Pakudha Kaccāyana, (v) Sañjaya con trai của Belaṭṭha, và (vi) Migaṇṭha, con trai của Nāṭaputta. Có phải tất cả họ đều hiểu những điều mà họ nêu ra là chân lý chăng? Hay tất cả họ đều không biết điều mà họ nêu ra là chân lý? Hay một số vị giác ngộ chân lý, còn số khác thì không?”
(Câu hỏi của Subhadda chính yếu là về đạo quả Phật. Vị ấy hỏi: “Kính bạch Ngài, có phải Pūraṇa Kassapa và năm vị giáo chủ khác mà cho mình là Đức Phật Toàn giác, và được nhiều người tôn kính, thực sự là chư Phật Toàn giác không? Hay chẳng có ai là Đức Phật cả? Hay một số là Phật, còn số khác thì không? Vì nếu họ thực sự là chư Phật thì những giáo lý mà họ thuyết ra phải dẫn đến giải thoát vòng sanh tử luân hồi. Có phải tất cả giáo lý của họ đều dẫn đến giải thoát? Hay một số giáo lý của dẫn đến giải thoát còn số khác thì không?”)
Xét thấy rằng ý định của Đức Phật đến Kusināra là để thuyết giảng giáo pháp đến các công tử Malla trong canh đầu của đêm, thuyết pháp đến Subhadda trong canh hai, và cho lời khuyên răn đến chúng Tăng trong canh ba, và nhập vô dư Niết bàn vào lúc gần sáng. Trong thời gian biểu khít khao như vậy, sẽ không đem lại lợi ích cho Subhadda nếu giảng giải cho vị ấy là giáo lý của sáu vị ngoại đạo sư có dẫn đến giải thoát hay không, và sẽ không có thời gian cho một cuộc luận bàn như vậy. Do đó Đức Phật quyết định giảng dạy cho Subhadda về Trung đạo được bao gồm trong Bát Thánh đạo mà có thể đưa vị ấy đến giải thoát.
Do đó, Ngài nói rằng:“Này Subhadda, đừng hỏi điều ấy. Hãy bỏ qua vấn đề ấy: dầu tất cả những vị giáo chủ ấy có biết tất cả chân lý hay không, dầu không ai biết tất cả chân lý, hoặc dầu một số biết tất cả chân lý và số khác thì không.
“Này Subhadda, Như Lai sẽ thuyết giảng cho ngươi về giáo pháp dẫn đến Niết bàn. Hãy chú ý lắng nghe. Như Lai sẽ thuyết giảng đầy đủ.
“Lành thay, thưa Ngài,” Subhadda vâng lời Đức Phật, và Đức Phật thuyết pháp như vầy:
“Này Subhadda, trong bất kỳ giáo pháp nào mà Bát Thánh đạo không được tìm thấy, thì trong đó không có Đệ nhất Sa-môn, tức là vị tỳ khưu bậc thánh Nhập lưu; cũng không có Đệ nhị Sa-môn, tức là bậc thánh Nhất lai; Đệ tam Sa-môn, tức là bậc thánh Bất lai; Đệ tứ Sa- môn, bậc A-la-hán.
“Này Subhadda, trong giáo pháp nào mà Bát Thánh đạo được tìm thấy, thì ở đó cũng có Đệ Nhất Sa-môn (bậc Sotāpanna); Đệ Nhị Sa-môn (bậc Sakadāgāmi); Đệ Tam Sa-môn (bậc Anāgāmi); Đệ Tứ Sa-môn (bậc Arahant).
“Này Subhadda, trong giáo pháp của Như Lai có Bát Thánh đạo. Chỉ riêng trong giáo pháp này mới được tìm thấy Đệ Nhất Sa-môn, Đệ Nhị Sa-môn, Đệ Tam Sa-môn và Đệ Tứ Sa-môn.
“Tất cả những tín ngưỡng khác đều không có mười hai loại tỳ khưu giác ngộ chân lý, đó là 4 bậc Thánh đã chứng đạo (magga), 4 bậc Thánh đã đắc quả (phala), và 4 hạng tỳ khưu đang trên đường phát triển Tuệ quán để chứng đắc 4 tầng Đạo Trí.
“Này Subhadda, nếu mười hai hạng tỳ khưu này kiên trì thực hành giáo pháp chơn chánh , thì thế gian sẽ không vắng bóng các vị A-la-hán.
“Này Subhadda, năm hai mươi chín tuổi, Như Lai từ bỏ thế gian và trở thành Sa-môn tầm cầu chân lý (sự giác ngộ của vị Phật). Bây giờ đã trên năm mươi năm, từ khi Như Lai trở thành Sa-môn. Ngoài giáo pháp này của Như lai, không có ai tu tập Tuệ quán là pháp mở đầu để đi vào Thánh đạo (ariya-magga), cũng không có vị Sa-môn nào thuộc tầng Thánh thứ nhất (sotāpanna); cũng không có Đệ nhị Sa- môn (sakadāgāmi); cũng không có Đệ tam Sa-môn (anāgāmi) cũng không có Đệ tứ Sa-môn (arahat).
“Tất cả những tín ngưỡng khác đều không có mười hai loại tỳ khưu giác ngộ chân lý. Này Subhadda, nếu mười hai hạng tỳ khưu này kiên trì thực hành giáo pháp chơn chánh, thì thế gian sẽ không vắng bóng các vị A-la-hán.”
Khi Đức Phật thuyết giảng điều này, du sĩ Suhadda bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thật hy hữu thay giáo pháp! Bạch Đức Thế Tôn! Thật vi diệu thay giáo pháp! Bạch Đức Thế Tôn! Tựa như vật bị xô ngã được dựng đứng lên, hoặc như vật bị che kín nay được phơi bày ra, hoặc như người bị lạc đường được chỉ con đường đi, hay như ngọn đèn được đốt lên và được để trong chỗ tối để những ai có mắt có thể thấy các vật. Cũng vậy, Đức Thế Tôn đã giảng dạy chánh pháp cho con bằng nhiều cách. Bạch Đức Thế Tôn, con là Subhadda, xin quy y Đức Phật, con xin quy y đức Pháp, con xin quy y đức Tăng. Bạch đức Thế Tôn, con xin được xuất gia trong Tăng chúng trước sự hiện diện của Đức Thế Tôn. Con xin thọ đại giới.”
Khi Subhadda đã nói lời thỉnh cầu như vậy, Đức Phật bèn nói rằng: “Này Subhadda, nếu một người trước kia là ngoại đạo, nay muốn xuất gia trong Tăng chúng để trở thành vị tỳ khưu, thì vị ấy phải sống thử thách trong bốn tháng, và nếu vào cuối của bốn tháng các vị tỳ khưu hài lòng với vị ấy, thì vị ấy sẽ được thâu nhận vào Tăng chúng. Nhưng trong vấn đề này, Như Lai thấy có sự khác biệt trong các hạng người (liệu một người nào đó có cần sống thử thách hay không).” Du sĩ Subhadda đáp lại:
“Bạch Đức Thế Tôn, nếu một người xưa kia là ngoại đạo, nay muốn xuất gia trong Tăng chúng và trở thành vị tỳ khưu phải sống thử thách trong bốn tháng, và nếu cuối bốn tháng các vị tỳ khưu hài lòng và làm lễ xuất gia cho vị ấy, cho vị ấy thọ giới pháp. Con nay đã sẵn sàng để sống thử thách trong bốn năm. Và cuối của bốn năm, nếu các vị tỳ khưu hài lòng với con, hãy con cho con xuất gia, cho con thọ đại giới để trở thành tỳ khưu.”
Rồi Đức Phật nói với đại đức Ānanda: “Thôi được, này Ānandā, hãy truyền phép xuất gia cho Subhadda.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Thế Tôn. Rồi du sĩ Subhadda nói với đại đức Ānanda: “ Thưa tôn giả Ānanda, thật là may mắn cho tôn giả. Tôn giả thật vô cùng hữu phước, rằng tôn giả đã được Đức Thế Tôn đích thân ban cho địa vị thị giả.
(Ở đây những lời nói thực sự của Subhadda là “Tôn giả đã được thọ lễ tôn phong địa vị thị giả.” Ý tưởng được tôn phong địa vị thị giả bởi vị giáo trưởng của chúng trong hệ thống tín ngưỡng của các vị du sĩ là một vinh dự và đặc ân to lớn ).
Rồi đại đức Ānanda dẫn du sĩ Subhadda đến một nơi thích hợp, làm ướt đầu cho vị ấy bằng nước từ cái chậu nước, và dạy phương pháp quán về tánh chất bất tịnh của thân, đặc biệt là nhóm năm phần của thân. Khi cái đầu và mặt được cạo, đắp vào những tấm y vàng của vị tỳ khưu, quy y Tam bảo, lần lượt các bước khác. Sau đó Subhadda được dẫn đến trước Đức Phật.
Đức Phật tác thành địa vị tỳ khưu cụ-túc-giới cho Sa-di Subhadda và dạy cho vị ấy phương pháp thiền quán thích hợp. Rồi tỳ khưu Subhadda tìm chỗ vắng vẻ trong rừng Sa la, thực hành pháp thiền quán chỉ trong oai nghi đi mà thôi, tức là đi kinh hành. Với chánh niệm, và tinh tấn, tỳ khưu Subhadda chứng đắc đạo quả A-la- hán ngay đêm ấy, cùng với Tứ tuệ Phân tích. Rồi vị ấy đi đến Đức Phật và ngồi xuống ở đó trong tư thế kính ngưỡng hướng về Đức Phật.
Đại đức Subhadda trở thành một trong những vị A-la-hán, và vị ấy là người cuối cùng chứng đắc đạo quả A-la-hán trước sự hiện diện của Đức Phật.
(Ở đây, “người cuối cùng trở thành bậc La-hán trước mặt đức Thế Tôn” có thể là một trong những hạng người sau đây: (i) người thọ phép xuất gia trong thời Đức Phật, và thọ cụ-túc-giới sau khi Đức Phật diệt độ, tu tập thiền quán tuệ, và chứng đắc A-la-hán quả; (ii) người thọ phép xuất gia và thọ cụ túc giới trong thời Đức Phật, tu pháp thiền quán tuệ sau khi Đức Phật diệt độ và chứng đắc A-la-hán quả; (iii) Người thọ phép xuất gia và thọ cụ-túc-giới, tu Thiền quán tuệ, và chứng đắc A-la-hán quả sau khi Đức Phật đã diệt độ. Đại đức Subhadda là người đã thọ phép xuất gia và thọ cụ-túc-giới, tu Thiền quán tuệ và chứng đắc A-la-hán quả trong thời Đức Phật. Như vậy vị ấy là người đứng đầu trong những người trở thành bậc A-la-hán trước mặt Đức Phật.)
Câu chuyện được kể ra ở trên về du sĩ Subhadda là được trích ra từ Phẩm kinh Mahāvagga Pāḷi (Dīghanikāya) và Chú giải của nó. Câu chuyện về du sĩ Subhadda, được kể lại trong Chú giải của kinh Pháp cú cũng được kể lại dưới đây một cách tóm tắt như sau:
Trong khi Đức Phật đang nằm trên chiếc trường kỉ, trong giờ phút cuối cùng, tại khu rừng cây Sa la, du sĩ Subhadda tự suy nghĩ:
“Ta đã nêu ra ba câu hỏi của ta đến các du sĩ rồi nhưng ta chưa đem những câu hỏi ấy ra hỏi Sa-môn Gotama bởi vì vị ấy còn trẻ. Bây giờ Sa-môn Gotama sắp diệt độ. Nếu ta không hỏi vị ấy thời ta sẽ hối tiếc về sau vì đã không làm như vậy.” Khi trầm ngâm suy nghĩ như vậy, vị ấy đi đến khu rừng Sa-la nơi Đức Phật đang trú ngụ và thỉnh cầu đại đức Ānanda cho phép được yết kiến Đức Phật. Đại đức Ānanda đã từ chối như câu chuyện ở trên. Tuy nhiên, Đức Phật nói với đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, đừng ngăn cản vị ấy. Hãy để vị ấy đặt câu hỏi với Như Lai.” Do đó, vị ấy được cho vào khu vực của Đức Phật nơi được che chắn để ngăn cách bên ngoài. Subhadda ngồi xuống dưới chân giường của Đức Phật và bạch với Đức Phật như vầy: “Thưa Ngài Gotama,
(i) Có thể nào có dấu vết trong không trung không?
(ii) Có thể nào các vị Sa-môn đọan diệt được phiền não ở bên ngoài giáo pháp của Đức Phật Gotama không?
(iv) Có thể nào pháp hữu vi thường tồn không?
Đức Phật trả lời ba câu hỏi bằng sự phủ định trong những câu kệ sau đây:
(1) Ākāseva padaṃ natthi samaṇo natthi bāhire papañcābhiratā pajā nippapañcā Tathāgatā
(2) Ākāseva pandaṃ natthi samaṇo natthi bāhire saṅkhāra sassatā natthi natthi buddhānamiñjitaṁ
Này Subhadda, trong không trung không có dấu vết. Cũng vậy, ngoài giáo pháp của Đức Phật, không có vị tỳ khưu nào (trong mười hai hạng tỳ khưu) có thể đọan diệt phiền não. Tất cả chúng sanh, dầu là chư thiên, nhân loại hay Phạm thiên mà vui thích trong ba pháp có khuynh hướng kéo dài luân hồi, đó là ái dục, ngã mạn và tà kiến. Tất cả chư Phật đều thoát khỏi ba yếu tố này, (đọan diệt chúng vào lúc đắc đạo dưới cội cây Bồ đề).
Này Subhadda, trong không trung không có dấu vết. Cũng vậy, ngoài Giáo pháp của Đức Phật, không có vị tỳ khưu nào (trong mười hai hạng tỳ khưu) có thể đọan diệt phiền não. Không có pháp hữu vi nào (tức là năm uẩn) mà thường tồn. Tất cả chư Phật đều tự tại (trước ái dục, ngã mạn và tà kiến).
Vào lúc kết thúc thời pháp, du sĩ Subhadda chứng đắc A-na hàm đạo (anāgāmi-magga). Và thính chúng có mặt ở đó cũng được lợi ích nhờ thời pháp ấy.
Đây là câu chuyện về Subhadda được kể lại trong Chú giải của bộ Pháp cú.
Trong vấn đề này, hai câu chuyện có thể được biên tập lại theo cách này:
Du sĩ Subhadda đã nêu ra câu hỏi mà được chứa trong phẩm Mahāvagga Pāli, và sau khi nghe Đức Phật trả lời câu hỏi, vị ấy lại hỏi thêm ba câu hỏi nữa như đã được nêu ra trong Dhammapada (Pháp cú kinh). Sau khi nghe câu trả lời, vị ấy chứng đắc quả thánh A-na-hàm. Rồi vị ấy trở thành đệ tử của Đức Phật, thọ cụ-túc-giới và trở thành vị tỳ khưu, chuyên tâm thực hành ba pháp học, và trở thành bậc A-la-hán trước khi Đức Phật nhập vô dư Niết bàn.
Sau khi Subhadda đã trở thành người cuối cùng chứng đắc thánh quả A-la-hán, Đức Phật cho lời khuyến giáo, lời tối hậu, Ngài nói với Ānandā, nhưng được nhắm đến tất cả chúng tỳ khưu đang hiện diện.
a) “Này Ānandā, nếu có ai đó trong các ngươi nghĩ rằng, ‘Giáo pháp được thuyết giảng bởi bậc Đạo sư đã không còn người thuyết giảng, giờ đây chúng ta không còn bậc Đạo sư.’ Nhưng, này Ānanda, sự tuyệt vọng như vậy quả thật không cần thiết. Này Ānanda, Pháp và Luật mà Như Lai đã giảng dạy và trình bày đến các ngươi trên bốn mươi lăm năm này, sẽ là Đạo sư của các ngươi sau khi Như Lai diệt độ.”
b) “Này Ānanda, bây giờ các vị tỳ khưu xưng hô với nhau bằng từ ‘āvuso’ (hiền giả, bạn), bất chấp hạ lạp bậc cao, họ không nên xưng hô với nhau như thế sau khi Như Lai diệt độ. Một vị tỳ khưu cao hạ nên xưng hô với vị tỳ khưu thấp hạ hoặc bằng pháp danh của vị ấy hoặc bằng tên họ của vị ấy, hoặc bằng tước vị ‘āvuso’. Và vị tỳ khưu thấp hạ nên xưng hô với vị tỳ khưu cao hạ bằng tước vị ‘bhante’ (ngài, H.T. Thích Minh Châu dịch là Thượng Toạ) hay ‘āyasmā’ (đại đức)”
c) “Này Ānanda, sau khi Như Lai diệt độ, chư Tăng (Saṅgha) nếu muốn, có thể bỏ những điều luật nhỏ nhặt và thứ yếu.”
d) “Này Ānanda, sau khi Như Lai diệt độ, hãy áp đặt tội Phạm đàn (brahmadanda) đối với tỳ khưu Channa.”
“Nhưng bạch Đức Thế Tôn, tội Phạm đàn là gì?”
“Này Ānanda, hãy để Channa nói điều gì vị ấy thích. Không vị tỳ khưu nào được phép có ý kiến nhận xét về những gì vị ấy nói ra, các vị tỳ khưu cũng không được khuyên răn vị ấy, cũng không ngăn cản vị ấy.”
(1) Về điểm thứ nhất, ý của Đức Phật là: “Này Ānanda, trong khi Như lai còn tại tiền, Như Lai đã giảng dạy cho các ngươi năm bộ sách về Luật (vinaya), tức là Mahāvagga, Cūḷavagga, Khandhaka, Parivāra và bộ Song Vibhaga, cùng với những bộ Chú giải phụ theo, bao gồm bảy loại tội với những trường hợp cơ bản cho mỗi loại tội bên trong bảy loại tội ấy như: Đây là tội nhẹ; đây là tội nặng; đây là tội có thể sám hối, đây là tội không thể sám hối; đây là tội đã định rõ, đây là tội không đáng kể; đây là tội có thể cứu chữa được do sự tha thứ từ phía bị hại; đây là tội có thể cứu chữa được do sự tha thứ của nhóm tỳ khưu có liên quan; đây là tội có thể cứu chữa do Tăng quyết định, v.v... Tất cả những giáo lý này đều nằm trong tạng Luật (Vinaya Piṭaka) mà, sau khi Như Lai diệt độ, sẽ là Đạo sư của các ngươi.
“Này Ānanda, trong khi Như Lai còn tại tiền, Như Lai đã giảng dạy cho các ngươi về Tạng kinh (Suttanta) bao gồm Ba mươi bảy pháp trợ bồ đề, gồm có Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo, cùng với Chú giải phụ theo. Tất cả những giáo lý này đều nằm trong Tạng Kinh (Suttanta Piṭaka) mà, sau khi Như Lai diệt độ, sẽ là đạo sư của các ngươi.
“Này Ānanda, trong khi Như Lai còn tại tiền, Như Lai đã giảng dạy cho các ngươi về Abhidhamma phân tích pháp một cách chi tiết như: “ Đây là năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, bốn Đế, hai mươi hai Quyền, chín Nhân, tứ Thực, bảy loại Xúc, bảy loại Thọ, bảy loại Tưởng, bảy loại Tư, bảy loại Thức. Và trong tất cả những pháp ấy, Như Lai đã cho các ngươi những sự phân loại, kể chúng ra dưới những chủ đề pháp Dục giới, pháp Sắc giới, pháp Vô sắc giới, pháp Vô nhân, pháp Hợp thế, pháp Siêu thế. Như vậy bắt đầu từ việc kể ra những pháp như Uẩn (khandha) là lâu đài của Abhidhamma đã được xây dựng lên dành cho các ngươi với vô số loại phương pháp phân tích và tổng hợp gồm có hai mươi bốn bộ sách về Paṭṭhāna. Tất cả giáo lý này đều nằm trong Tạng Vi diệu pháp (Abhidhamma Piṭaka) mà, sau khi Như Lai diệt độ, sẽ là đạo sư của các ngươi.
Những giáo lý này mà Như Lai đã giảng dạy cho các người trên bốn mươi lăm năm (vāssa) tạo thành Dhamma và Giáo Pháp (Tam tạng - Piṭaka), năm bộ Nikāya, Chín phần giáo pháp, số lượng tám mươi bốn ngàn pháp môn. Tám mươi bốn ngàn pháp môn này vẫn tồn tại với các ngươi. Đức Như Lai là bậc Đạo sư duy nhất mà sẽ không còn nữa. Trong khi Như Lai còn tại tiền, các ngươi ở dưới sự hướng dẫn và giám sát của một bậc Đạo sư duy nhất. Khi Như Lai diệt độ rồi, tám mươi bốn ngàn pháp môn này mà có thể được gọi là tám mươi bốn ngàn Đạo sư sẽ hướng dẫn các ngươi, thay Ta giám sát các ngươi.” Như vậy Đức Phật đã khuyến giáo và an ủi các vị tỳ khưu.
(2) Về nội dung của phần (b), Đức Phật dạy về luật xã giao trong các vị tỳ khưu.
(3) Về nội dung của phần (c), Đức Phật không đưa ra một lời nhắn nhủ dứt khoát nào với ý nghĩa rằng những điều luật nhỏ nhặt và thứ yếu có thể được huỷ bỏ. Thay vào đó, Ngài giao cho chư Tăng được quyền lựa chọn làm như vậy. Tại sao Đức Phật lại đặt vấn đề trong tình trạng không dứt khoát? Câu trả lời là: Đức Phật thấy sức mạnh của sự tin chắc và sức mạnh của trí tuệ trong người đại đức Mahā Kassapa. Đức Phật thấy rằng cho dù Ngài có đưa ra lời nhắn nhủ không dứt khoát như vậy bây giờ, nhưng chư Tăng (Saṅgha) trong hội đồng Kiết tập do đại đức Mahā Kassapa chủ toạ sẽ không hủy bỏ bất cứ điều luật nào, ngay cả những điều luật nhỏ nhặt và thứ yếu. Đây là điều đáng chú ý.
Sau khi Đức Phật đã nói những lời ấy đến đại đức Ānanda, Ngài bèn nói với các vị tỳ khưu như vầy:
“Này các tỳ khưu, nếu có sự nghi ngờ hay phân vân trong vị tỳ khưu nào đó về Đức Phật, hay đức Pháp, hay đức Tăng, hay Đạo dẫn đến Niết bàn, hay pháp hành của bậc Thánh, thì hãy nêu ra những câu hỏi với Như lai, này các tỳ khưu, và đừng để mất cơ hội để rồi phải hối tiếc về sau, với ý nghĩ rằng: ‘ Chúng ta ở chung với Đức Thế Tôn tại đó mà chúng ta không giải rõ hoài nghi của chúng ta bằng cách hỏi Ngài những câu thắc mắc của chúng ta.’
Khi Đức Phật nói điều này, các vị tỳ khưu làm thinh. Đức Phật hỏi lại lần thứ hai, nhưng các vị tỳ khưu vẫn im lặng. Khi Đức Phật hỏi lần thứ ba các vị tỳ khưu vẫn giữ im lặng. Nhân đó Đức Phật nói với các vị tỳ khưu.
“Này các tỳ khưu, có thể rằng các ngươi không nêu ra những câu hỏi bởi vì các ngươi tôn kính Như Lai do nghĩ rằng: ‘ Tất cả chúng ta đều là những tỳ khưu đệ tử của Đức Thế Tôn, chúng ta có được bốn món vật dụng cũng nhờ Đức Thế Tôn, chúng ta không có ngờ vực về Ngài (v.v…), tuy nhiên chúng ta thật không phải lẽ khi ngờ vực Ngài (v.v…) trong giờ phút cuối cùng này.’ Này các tỳ khưu, nếu là như vậy thời mỗi vị tỳ khưu nên đem sự nghi ngờ hay phân vân của mình nói với bạn đồng tu.”
Và các vị tỳ khưu vẫn giữ im lặng. Đại đức Ānanda bạch với Đức Phật:
“Thật kỳ diệu thay, bạch Đức Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Đức Thế Tôn! Con tin rằng trong chúng tỳ khưu này không có một vị tỳ khưu nào mà có hoài nghi hay phân vân về Đức Phật, hay đức Pháp, hay đức Tăng, hay Đạo hay Pháp hành.”
Và Đức Phật nói rằng:
“Này Ānanda, ngươi nói điều này là từ niềm tin. Còn Như Lai thì Như Lai biết rằng trong chúng tỳ khưu này, không có một vị tỳ khưu nào mà có sự nghi ngờ hay phân vân về Đức Phật, hay đức Pháp, hay đức Tăng, hay Đạo, hay Pháp hành.
“Này Ānanda, trong năm trăm vị tỳ khưu này, ngay cả vị tỳ khưu thành tựu thấp nhất cũng là bậc Tu-đà-hườn, không còn đọa lạc xuống bốn khổ cảnh, nhất định sẽ đạt được ba đạo bậc cao”.
Rồi Đức Phật nói lời giáo huấn cuối cùng với các vị tỳ khưu:
Handa dāni, bhikkhave, āmantayāmi vo,
Vayadhammā saṅkharā,
Appamādena sampādetha.
“Giờ đây, này các tỳ khưu, Như Lai nói điều này là lời giáo huấn cuối cùng của Như Lai: vô thường biến hoại là tánh chất cố hữu trong tất cả các pháp hữu vi. Do đó, hãy tinh cần và chánh niệm phấn đấu để thành đạt mục tiêu.”
Đây là lời giáo huấn cuối cùng của Đức Phật. Điều này được nói ra khi Đức Phật sắp diệt độ. Sự cô đọng có ý nghĩa nhất trong tất cả các pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng trên bốn mươi lăm năm thành một từ duy nhất, là đó appamāda : không dể duôi (chánh niệm hay tinh cần).
Thưa quý độc giả, các bậc tôn đức, quý vị cần chú ý ở đây là sau khi Đức Phật đã nói ra những lời “appamādena sampādetha - hãy tinh cần và chánh niệm,” thì Ngài không còn nói ra một lời nào khác nữa. Toàn thể khu rừng Sa la đều chìm trong tĩnh mịch. Đức Phật giờ đây đang nhiếp vào sự họat động của tâm mà thôi, chuẩn bị diệt độ trong trạng thái vô dư Niết bàn. Tâm của Ngài giờ đây hoàn toàn chuyên chú trong thiền định.
Trước hết Đức Phật nhập vào Sơ thiền sắc giới (rūpāvacara kriyāpaṭhana jhāna). Xuất khỏi sơ thiền, Ngài nhập vào nhị thiền. Xuất khỏi nhị thiền, Ngài nhập vào tam thiền. Xuất khỏi tam thiền, Ngài nhập vào tứ thiền sắc giới (rūpāvacara kriyā cattutha jhāna) . Xuất khỏi tứ thiền, Ngài nhập vào thiền vô sắc Hư không vô biên xứ (arūpāvacara kriyā ākāsānañcāyatana samāpatti). Xuất khỏi Hư không vô biên xứ định, Ngài nhập vào Thức vô biên xứ định (viññānañcāyatana samāpatti). Xuất khỏi Thức vô biên xứ định, Ngài nhập vào Vô sở hữu xứ định (ākiñcañāyatana samāpatti). Xuất khỏi Vô sở hữu xứ định, Ngài nhập vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ định (nevasaññā-nāsaññāyatana samāpatti). Xuất khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, Ngài nhập vào Diệt thọ tưởng định (nirodha samāpatti).
Trong khi Đức Phật đang trú trong thiền Diệt thì hơi thở không có. Khi Ānandā lưu ý sự ngưng thở vị ấy lo lắng và hỏi đại đức Anuruddha, “ Thưa Tôn giả, có phải Đức Thế Tôn đã nhập diệt rồi chăng?” Đại đức Anuruddha giải thích với đại đức Ānanda, “ Không phải, này hiền giả, Đức Thế Tôn đang trú trong thiền Diệt thọ tưởng định.”
(“Làm sao đại đức Anuruddha biết Đức Phật đang nhập thiền Diệt?” Câu trả lời là: đại đức Anuruddha đang nhập định Sơ thiền cho đến các tầng thiền Vô sắc cùng với mỗi giai đọan mà Đức Thế Tôn trải qua, nhập vào và xuất khỏi mỗi tầng thiền, cho đến tầng thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Chỉ khi Đức Thế Tôn nhập vào Diệt thọ tưởng định thì đại đức Anuruddha không tham gia với Đức Thế Tôn trong tầng thiền này. Do đó vị ấy biết rằng Đức Thế Tôn đang trú trong thiền Diệt thọ tưởng định và vị ấy cũng biết rằng trong suốt thời gian nhập vào loại thiền này cái chết không bao giờ xảy ra ).
Rồi Đức Phật xuất khỏi thiền Diệt, nhập vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Xuất khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, nhập vào Vô sở hữu xứ định. Xuất khỏi Vô sở hữu xứ định, Ngài nhập vào Thức vô biên xứ định. Xuất khỏi Thức vô biên xứ định, Ngài nhập vào Hư không vô biên xứ định. Xuất khỏi Hư không vô biên xứ định, Ngài nhập vào Tứ thiền hữu sắc. Xuất khỏi Tứ thiền, Ngài nhập vào Tam thiền. Xuất khỏi Tam thiền, Ngài nhập vào Nhị thiền. Xuất khỏi nhị thiền, Ngài nhập vào sơ thiền.
(Vài chi tiết chuyên môn:)
Đức Phật nhập vào Sơ thiền hữu sắc bằng 21 đề mục thiền sau đây:
(a) |
Đề mục Bất tịnh |
10 |
(b) |
Đề mục Kasina |
8 |
(c) |
Đề mục về nhóm sắc trong pháp Niệm thân |
1 |
(d) |
Đề mục niệm Hơi thở vô và ra (ānāpanasati) |
1 |
(e) |
Ba đề mục Phạm trú là mettā, karuṇā và muditā |
3 |
(f) |
Đề mục về Hư không |
1 |
Tổng cộng: |
24 |
Ngài nhập vào nhị thiền và tam thiền hữu sắc với mười ba đề mục thiền gồm có năm trong sáu nhóm của bảng liệt kê ở trên (tức là trừ bớt (a) và (c) ). Ngài nhập vào Tứ thiền với mười lăm đề mục thiền được kể ra dưới đây:
(a) |
Đề mục Kasiṇa |
8 |
(b) |
Đề mục hơi thở vô ra |
1 |
(c) |
Đề mục phạm trú Upekkhā (xả) |
1 |
(d) |
Đề mục Hư không |
1 |
(e) |
Bốn đề mục thiền Vô sắc |
4 |
Tổng cộng: |
15 |
ngay trước khi nhập vào thiền Diệt hoàn toàn, Đức Phật đã trú trong hằng chục ngàn lượt nhập định số lượng 2,4 triệu koṭi mà vốn là thông lệ hằng ngày của Ngài. Giống như một người sắp đi xa rời khỏi nhà sẽ từ giã tất cả gia đình bằng
Đây chỉ là nét khái quát. Thực ra, trong giờ phút cuối cùng, ngay trước khi nhập vào thiền Diệt hoàn toàn, Đức Phật đã trú trong hằng chục ngàn lượt nhập định số lượng 2,4 triệu koṭi mà vốn là thông lệ hằng ngày của Ngài. Giống như một người sắp đi xa rời khỏi nhà sẽ từ giã tất cả gia đình bằng những cái ôm và nụ hôn, Đức Phật trú trong hạnh phúc của các tầng thiền cho đến khi Ngài cảm thấy vừa đủ trước khi viên tịch Đại bát Niết bàn – Parinibbāna.
Lại nữa, khi xuất khỏi Sơ thiền, Đức Phật nhập nhị thiền. Xuất khỏi nhị thiền, Ngài nhập tam thiền. Xuất khỏi tam thiền, Ngài nhập tứ thiền. Xuất khỏi tứ thiền, Ngài quán về hai chi thiền của tứ thiền là xả và định, quán chi thiền này đến chi thiền khác hoặc cả hai. Vào lúc kết thúc của tâm đổng lực, đại duy tác làm phận sự quan sát, duyệt xét ( paccavekkhaṇā mahā kriyā javana), với sát na tâm hộ kiếp (thọ hỉ, hợp trí, vô trợ) là khổ đế (dukkha sacca) của tâm không phước không tội, Đức Phật viên tịch Đại bát Niết bàn và chấm dứt khổ (dukkha).
Chú ý: có hai loại Đại bát Niết bàn (parinibbāna), đó là:
(i) Sự viên tịch sau khi kết thúc sự nhập định (jhāna) mà trong đó vị A-la-hán, sau khi nhập và xuất khỏi thiền, vị ấy trở về dòng tâm hộ kiếp, trong thời gian ấy vị ấy viên tịch.
(ii) Sự viên tịch sau tâm đổng tốc duyệt xét mà trong đó vị A-la-hán, sau khi nhập và xuất khỏi thiền, vị ấy quán về tầng thiền (jhana) và các chi thiền chung với nhau hoặc riêng biệt, và vào lúc kết thúc của sự quán sát như vậy, vị ấy trở về dòng tâm hộ kiếp và viên tịch trong lúc ấy.
Trong hai loại kể trên, sự viên tịch của Đức Phật thuộc loại thứ hai.
KẾT THÚC CHƯƠNG 40
NHỮNG LỜI THUYẾT GIẢNG & SỰ VIÊN TỊCH BÁT NIẾT BÀN CỦA ĐỨC PHẬT
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B