Hãy thư thả theo dõi hơi thở ra vào và nếu lúc
nào đó chợt thấy chúng bất ngờ vắng mặt (không vào ra rõ rệt nữa) thì
cứ bình tâm chú ý vàonhững điểm vừa nói trên: mũi, vùng bụng, hoặc
phần đầu gối chạm đất hay ở đôi môi đang khép rồi tiếp tục ghi nhận
những gì xảy ra từ đó. Trong trường hợp hơi thở vắng mặt lâu hơn thì ta
cũng cứ thế mà chờ đợi cho tới khi nó có trở lại (tức lúc ghi nhận
được). Bắt gặp nó rồi, ta bình thản nhìn ngắm như không có gì xảy ra.
Ðiều cần nhất là trong lúc thiền định về hơi thở, ta phải
biết vô can trong sự mất còn của nó. Ðiều này có nghĩa là cứ
để mặc nó tự đến và đi theo nhịp sinh diễn tự nhiên, rồi khách quan
nhìn ngắm mà không hề can dự vào bất cứ một nỗ lực nào mang tính
điều hành. Hơi thở luôn bất thường, lúc mau lúc chậm, khi nặng nề,
khi nhẹ nhàng... Những sai biệt đó không có ý nghĩa gì hết, ta
chỉ việc nhìn ngắm mà vô phân biệt.
Bạn đang trong giờ thiền định và một âm thanh nào đó thình lình
vọng tới ư? Hãy đơn giản ghi nhận rằng "đang nghe". Tỉnh thức
trong cảm nghiệm về thực tại âm thanh đó thôi, đừng kéo theo một
giây mơ rể má nào về điểm xuất phát của âm thanh đó. Bởi
nếu không như vậy, nội tâm bạn sẽ là một mớ bòng bong rất khó dàn
xếp. Hãy cảnh giác và ghi nhận âm thanh đó chỉ là một tiếng động.
Ở đây ta phải đặc biệt đề phòng những khái niệm tập quán
"Còi xe, tiếng người, tiếng gió... ". Ở đây chúng ta chỉ
cần tới một cảm nghiệm trực quan: nghe là nghe, tiếng động là
tiếng động.
Tự dùng trí tuệ khu biệt được hai thái độ cảm nhận thực tại này
rồi, ta tiếp tục tỉnh thức nhìn ngắm chúng cho đến khi chúng không
còn sức ảnh hưởng nữa, ta quay lại với hơi thở của mình.
Thường thì các tạp âm chỉ có thể nhiễu động một trình độ tỉnh
thức non kém. Chỉ cần một khả năng nội tỉnh nhất định nào đó, chúng sẽ
không đủ chi phối cảm nghiệm của ta về thực tại hơi thở. Nhờ vậy ta
bớt nhọc công và đỡ mất thời gian. Chánh niệm ở đây vô cùng cần
thiết: nó trưởng dưỡng sự tĩnh thức và định tâm. Ðể khắc chế
một phút giây quên mình vì một phóng tâm nào đó, ta chỉ việc nhận
diện nó "phóng tán ư?", mọi sự sẽ ổn ngay. Và hơi thở
tiếp tục là một thực tại cảm nghiệm. Những quấy rầy phiền phức
cho công phu thiền định của ta không chỉ đi đến từ bên ngoài, mà
còn là những réo gọi đáng ngại từ trong nội thân và biện pháp xử
lý chúng cũng giống như ở trường hợp giải quyết các nhiễu động
ngoại lai. Nghĩa là hành giả vẫn cứ tỉnh thức, khách quan nhìn ngắm chúng
một cách đơn giản: trực cảm tất cả thực tại hiện hữu theo từng đơn tử
riêng lẻ. Nó ra sao thì chỉ ghi nhận như vậy, không tô lục chuốt hồng hay
bôi tro trét trấu nó bằng một thành kiến tốt xấu nào hết.
Thật khó mà tìm được một chữ khả dĩ lý tưởng để định nghĩa
danh từ "cảm nghiệm". Nhưng chẳng sao hết, ta cứ tạm thời
định danh, gọi tên cho nó là cái biết của cảm giác, nhưng ở đây là
một cảm giác hoàn toàn khách quan.
Thái độ tỉnh thức hay tỉnh giác cực kỳ quan trọng. Nó giúp ta trực
cảm chính xác thực tại, ở đây chỉ cho các đối tượng sở tri tâm vật
lý, để có thể tri nhận trọn vẹn những xúc cảm đối với những
gì xảy đến mà mình nhận diện được. Chẳng hạn trong cơn đau lưng
hay nhức gối, ta có thể thấy như ở bộ phận thân thể đó như bị đốt
nóng. Hãy chỉ ghi nhận các cảm giác nóng đó thôi, mà vứt hết đi những
"lưng, gối của tôi". Bạn nhìn nhắm nó một cách tinh tường và đôi
khi cảm giác đó cũng được chấm dứt.
Khi mọi nhiễu động qua rồi, ta lập tức trở lại với đề mục hơi
thở. Hãy giữ quân bình, thăng bằng nội tâm với một sự thư thái, nhẹ nhàng,
một thái độ giao hòa hết mình trong từng phút giây hiện tại thực
hữu, tỉnh thức và tinh xác.
Nãy giờ là những cảnh báo về các nhiễu động thiền định từ ngoại
giới sang nội thân sinh lý. Ðến đây chúng ta lại còn phải chú ý
những nhiễu động ma chướng ngay trong chính nội tâm.
Người hành giả thiền định nên luôn quan tâm đến những phản ứng
nội tại vốn không cần thiết, thậm chí rất nguy hiểm trong lòng mình,
đó là những ghét thương, bận bịu, sợ hãi... và như đã nói hàng trăm lần
ở các chương khác, ta cứ nhìn ngắm chúng một cách tỉnh thức, trung thực.
Kể cả đối với những niềm vui mà mình muốn giữ lại mãi cũng thế.
Hãy nhớ rằng đừng bao giờ để tâm đi tìm một đối tượng sở tri nào
ngoài ra hơi thở nếu ta đang lấy hơi thở làm thực tại để tri nhận.
Chỉ khi nào chúng tự đến thì ta mới nhìn ngắm, dĩ nhiên vẫn bằng sự
cảm nghiệm giống như đối với hơi thở. Ðại khái, ta dành hết thời
gian và công phu cho hai tiếng hiện tại. Bất cứ một suy nghĩ nào vừa
có mặt cũng phải được ghi nhận khách quan hết. Ðối mục với một bức
tranh, hoặc tình cờ nghe được một tiếng động, hãy đơn giản cảm
nghiệm bằng thực tại "thấy" hay "nghe" mà thôi. Cứ
thế mà thiền định, đừng đợi chờ nghe ngóng bất cứ một đối tượng
ngoại tại nào cả. Nhiều khi có nhiều nhiễu động ngoại giới gần như
đến cùng một lúc, thì khi đó ta hãy cố gắng nhìn thẳng vào hơi thở,
xem nó như một chiếc mỏ neo cho chiếc thuyền nội tâm của mình giữa
những ba đào ngoại cảnh. Sở dĩ hơi thở thường được chọn làm đề
mục tiên khởi cho thiền định vì nó thường trực có mặt trong mọi
không gian, thời gian và tất cả tình huống. Nhắm vào nó cũng có nghĩa là ta
luôn có dịp cảm nghiệm thực tại, bởi nó có lúc nào lại không gắn bó
với các vận động tâm sinh lý khác, nếu ta chịu để ý nhìn
ngắm. Chỉ cần ghi nhận được hơi thở là ta đã có đủ cơ hội để cảm
nghiệm mọi thực tại xảy đến cho mình trong từng hơi thở.
Có thể nói rằng bất cứ một đối tượng tâm vật lý nào xảy
đến một cách nổi bật trong phạm vi không gian mà ta có thể cảm
nghiệm được, đều khả dĩ trở thành điểm nhìn ngắm cho ta.
Nếu ta thiếu tỉnh thức thì chúng ta rất có thể sẽ thành ra một
màng lọc trung gian và vô thức cho những cảm nghiệm của ta về thực
tại xuyên qua màng lọc xúc cảm đặc biệt này. Rơi vào tình huống
này, coi như noi tâm chúng ta tự bị tấn công, khuynh đảo, phân hóa qua khái
niệm buồn vui tiêu cực, những nóng giận và sợ hãi, đầu tư và thất
vọng... Trong khi chỉ với một sự tỉnh thức và tri nhận đúng mức thì
chúng ta có thể thấu thị tất cả thực tại một cách an nhiên, độc lập tự
tại. Bởi tất cả những chuỗi tư tưởng và cảm giác luôn vô thường trong
từng chớp mắt. Ở chúng không hề có một cái tôi, của tôi. Chúng tự
đến rồi tự đi. Ta thẩm thấu chúng rồi quay về với hơi thở hoặc các
xúc cảm đương tại.
Ngoài ra, hành giả nên luôn cảnh trọng đối với năm triền cái, tức
những trở lực tinh thần có phương hại cho thiền định: tham dục, sân hận,
hôn thụy (dã dượi, buồn ngủ), phóng dật và nghi hoặc. Chúng luôn tiềm
tàng, sinh sôi và sẳn sàng chi phối nội tâm chúng ta. Hãy nổ lực nhận
diện những trở lực này, càng tích cực và mau chóng thì càng tốt, để
kìm hãm sức tác động và sự tồn tại của chúng.
Trong công phu chú niệm để tri nhận các thực tại tâm vật lý,
thái độ tỉnh thức và cách nhìn tinh tế chiếm một vị trí rất quan
trọng với ý nghĩa giúp ta tự tại và cẩn trọng nhìn ngắm mọi
sự. Thái độ tỉnh thức có vai trò của một cái cửa để mở vào thế
giới nội quán về từng vận động của nội tâm. Tỉnh thức ở đây còn một
tên gọi khác nữa, đó là sự chuyên tâm thực hiện mọi vận hành
của thực tại một cách khít khao gắn bó.
Xác thân của chúng ta thực ra không thể vận động nếu không có
được những trợ lực nhất định nào đó. Cho nên trước khi bắt đầu có một
vận động lớn nhỏ nào của cơ thể, người hành giả phải nhanh chóng kịp
thời tri nhận những cơ năng nào thúc đẩy chúng. Bởi trước những vận động
sinh lý đó đều luôn có một sự chuẩn bị của tư tưởng, mà sự chuẩn
bị này rất vi tế không dễ gì nắm bắt được để ta có thể nhìn
ngắm chúng một cách rõ ràng và trọn vẹn. Trước hết sự chuyên tâm ở
đây có thể tạm thời ngưng đọng, trong một phút giây thôi, một thời
gian vừa đủ để ta biết mình muốn làm gì. Sự chuyên tâm đó còn có
ý nghĩa là một kiểu thư giản nghỉ ngơi để giúp cho công phu nhìn
ngắm thực tại trở nên hữu hiệu hơn.
Cái vấn đề quan trọng ở đây chính là việc khởi sự tỉnh thức
đối với mỗi giây phút khởi sự tỉnh thức đối với mỗi giây phút
chuyên tâm, tức là sự tỉnh thức đối với chính sự tỉnh thức. Ðiều này
có nhiều lý do. Thứ nhất sự tỉnh thức luôn có nhiệm vụ phơi mở
mối tương quan nhân quả giữa nội tâm với tâm thân sinh lý của chúng ta,
mà qui luật nhân quả luôn là một qui luật căn bản để người hành giả
theo đó mà tiến đạt lên một trình độ trí tuệ sâu sắc. Những vận
động của tâm lý xem ra có vẻ rối rắm, hỗn độn, nhưng thật ra chúng
luôn sinh diễn một cách rất hệ thống, mà một trong những qui luật
điều hành sự vận động đó chính là qui luật nhân quả, tức mối liên
quan bất biến giữa lực tác động và hệ quả phản ứng. Sở hữu được
khả năng nội quán này, coi như ta đã có thể nhìn ngắm tận tường các
hình thái hoạt động của thực tại. Bởi vì có sự trợ lực của một chuẩn bị
tâm lý, tấm thân này mới có thể vận động, mà sự chuẩn bị đó
chính là nhân tác động, còn những vận động kia lại là hệ quả phản
ứng. Càng đối diện thực tại bằng thái độ cảm nghiệm đó của tự
thân thì mọi sự sẽ càng hiển hiện rõ ràng hơn nhiều. Công phu
ghi nhận khuynh hướng vận động của nội tâm còn giúp ta cái nhìn thấu trị
bản chất vô ngã trong toàn bộ qui trình sinh diễn của thân tâm. Ðiều này
rất quan trọng: bởi nhiều khi đáng chuyên tâm ngắm nhìn các thực tại,
bất luận thuộc tâm vật lý nội tại hay ngoại giới, chúng ta vừa xem chúng
là những bọt nước phù du mà cũng vừa âm thầm nuôi dưỡng một ảo tượng
về cái tôi, một chủ thể điều hành cái thực tại .
Cho nên một yêu cầu tối trọng ở đây là chúng ta phải luôn thấy
được cái bất khả của ý niệm Tôi, Của Tôi ngay trên
chính những thực tại mà chúng vẫn luôn luôn sanh diệt như chúng ta cũng
đã nhìn thấy, để vất bỏ đi những ý hướng đồng hóa hợp nhất bản
thân mình với chúng. Ðại khái người hành giả phải có bổn phận từng bước
nâng cao trình độ cảm nghiệm của mình đối với toàn bộ những qui trình
vận động, hiện hữu hết sức phức tạp của các thực tại bằng một trí
tuệ sâu sắc về tính vô nghĩa của chúng.
Trong công phu thiền định, đặc biệt ở đây là đang nói về vấn
đề hơi thở, người hành giả phải luôn biết vô tư trong từng phút
giây: khách quan nhìn ngắm từng hơi thở vốn tự đến, tự đi. Ðối với
hơi thở nói riêng và tất cả những vận động tâm sinh lý nói chung, ta
tuyệt đối không nên can dự vào chúng bằng bất cứ một nổ lực lớn nhỏ
nào. Cứ sống hết mình với từng phút giây hiện tại bằng một sự trực
diện cẩn trọng và tinh xác đối với từng hơi thở cùng những gì thực
sự có mối tương quan mang tính thực tại với nó. Ðừng bao giờ đặt thành
vấn đề cái hình thù thể cách, tư thức, qui mô... của tất cả thực
tại một cách vô ích. Bởi trong thiền định hoàn toàn không cần đến
một cái danh mục nào cả về các thực tại. Chúng ta chỉ việc phơi mở
nội tâm rồi thận trọng nhìn ngắm hiện tại là thực tại, nó là nó.
Cứ thế, xem ra những gì phải làm của một hành giả tu thiền hơi thở,
kể cả một thiền sinh chân ướt chân ráo, cũng đâu có chi là
nhiều quá khó khăn.
Ở đây tôi muốn nhắc lại một điều là nếu như trong khi đang
theo dõi hơi thở mà đột nhiên có vẻ biến mất thì người hành giả vẫn
cứ tiếp tục giữ yên chánh niệm và vào lúc này, thì hướng tâm chú
ý đến một điểm xúc giác khác trên thân mình rồi cũng ghi nhận
nó như là một thực tại: "Ðụng! Ðụng!". Hoặc những khi có một đối
tượng tâm vật lý nào đó xảy đến với một sức ảnh hưởng và réo
gọi chánh niệm của ta mạnh hơn thực tại hơi thở lúc đó thì ta cứ
tự nhiên đón nhận chúng, vẫn bằng một trí tuệ tỉnh thức như đối với
hơi thở. Nghĩa là vẫn nhìn ngắm chúng một cách tinh tường chi tiết.
Phần thưởng quí giá cho người hành giả là khi nào trình độ tỉnh thức
của ta càng vững mạnh bao nhiêu thì thực tại nó cũng lộ diện rõ ràng
bấy nhiêu. Hãy ghi nhận thực tại bằng thái độ đón chào nghiêm túc: nhìn
ngắm chúng thật kỹ lưỡng, khách quan và đơn giản. Nãy giờ là những thực
tại ngoại lai, giàn xếp chúng xong, ta nhớ đừng bỏ quên hơi thở, một nội
tại căn bản mà mình đã chọn .
Nói chung, người hành giả phải luôn biết tỉnh thức, cảnh phòng đối
với tất cả thực tại đến từ mọi giác quan rồi thu gọn tất cả
chúng lại vào một phút giây hiện tại: chúng ra sao thì thấy như vậy và
trước sau gì ta cũng phải nhớ quay về với đề mục hơi thở vào bất
cứ phút giây nào mình có thể quay về.
Còn có một vấn đề mà tôi muốn nhắc đi nhắc lại hàng ngàn lần nữa,
là đừng bao giờ cố tình tìm kiếm những đề tài (đối tượng) nằm
ngoài đề mục chính của mình. Bởi mọi thứ luôn tự đến rồi tự
đi, và dù chúng ta không có những nổ lực đó, luôn có hằng hà sa số những
vấn đề tâm vật lý vẫn sẳng sàng chực chờ nhiễu động sự tỉnh thức
của ta trong thực tại hiện hữu. Do đó ta không cần thiết phải đi tìm
kiếm chọn lựa, phân biệt đối tượng nào ngoài hơi thở, mà chỉ
việc chuyên tâm đứng ngay lối vào của sự kiểm nghiệm rồi nhìn
ngắm từng thứ ra vào trong mỗi phút giây hiện tại.
Hành giả cần đặc biệt lưu tâm với những đối tượng tâm lý.
Chúng là những hình thái ý thức cực kỳ tế vi không dễ gì nhận
diện một cách rõ ràng. Cho nên, nếu không thể nhìn ngắm chúng một
cách trọn vẹn như đối với đối tượng sinh vật lý thì trong trường
hợp này, ta chỉ việc chuyên tâm trực diện vào một vấn đề chính
yếu thôi, đó là sự đến và đi của chúng.
Những tâm thái mang tính cách nhiễu động đó, rồi cũng sẽ qua đi, để
ta có thể trở lại với đề chính là hơi thở. Bất cứ khi nào tự nhận
ra là nội tâm mình đang bị phóng tán, loạn động thì ta cứ việc dồn
hết tâm lực để chú niệm vào hơi thở với một sự cảnh giác
thường trực đối với những ngoại cảnh vốn luôn sẳn sàng quấy rầy chánh
niệm của chúng ta. Chúng xuất hiện thì ta ghi nhận đã đành, mà ngay
khi cả chúng biến mất ta cũng phải biết tới. Nói chung, điều nhắn
gởi sau cùng của tôi cho các hành giả là phải từng phút tỉnh thức, cảnh
phòng đối với từng thực tại trong mỗi phút giây.
J.G.