|
Thiền học Nam Truyền
Giác Nguyên dịch Việt
Chương 5
Các Cấp Ðộ Thiền
Ðịnh
Thiền định
là nếp sống năng động thông qua một nhãn quan sáng tạo, một đường
hướng hiểu biết sâu sắc về cuộc sống, về những gì vẫn
thường trực xảy ra quanh ta. Tu tập pháp môn thiền định có nghĩa là
chúng ta đi tìm một hành trình sống với những chặng đường hay cũng có
thể gọi là những trình độ, những bước đi: Khám phá, phơi mở và
hóa thân...
Dấn thân
Chặn đường thứ nhất, là chúng ta trực diện với chính mình trong những
bước đầu sơ cơ. Học hỏi giáo lý và thọ trì một vài nguyên tắc
cơ bản ban đầu, cũng như tập sự làm quen với những trở lực dĩ nhiên phải
có đối với một người mới bước vào ngưỡng cửa thiền định, sau đó,
chúng ta dốc sức điều hành thân tâm chính mình. Bước đầu bao giờ cũng
lắm cái gian nan. Chúng ta đã có dịp biết qua ít nhiều về những
trở lực của thiền định, như ham muốn, xung khắc, khuếch tán tư
tưởng, buồn ngủ và hoài nghi. Chúng là những trở lực có thể đến
với chúng ta trong bất cứ lúc nào.
Giai đoạn dấn thân là dạy cho ta biết cách học hỏi để tự làm
thăng hoa bản thân, sử dụng ngay chính các trở lực đó như những đòn bẩy
cho cuộc tu của mình. Và ở đây, ngay trong từng phút đối diện với thực
tại, chúng ta mới có cơ hội vượt qua những khó khăn ban đầu ấy để
tiếp tục thực hiện công phu tiếp theo là phơi mở nội tâm.
Giai đoạn dấn thân này có thể được minh họa bằng tinh thần can
đảm và khả năng buông bỏ của chúng ta. Ta tự biết những gì là thực sự
không cần thiết để nội tâm được trong sáng và nhẹ nhàng, những
điều kiện hết sức cần thiết cho một sự lắng nghe vừa sâu sắc
vừa mới mẻ. Chỉ riêng ước muốn xả kỷ và thiết tha tìm về bản
chất thật của mình đã là một biểu tượng cho một tâm hồn vĩ đại và
can đảm.
Chúng ta rồi sẽ phải có mặt trong biết bao cuộc đối đầu nữa, chúng ta
còn biết bao việc phải làm, có biết bao điều chúng ta cần phải
hoàn tất..., tất cả chỉ điều có thể thành tựu từ một nội tâm tha
thiết hướng về chân lý. Ta có thể gọi tên nó là một thứ
tình yêu và chỉ có thứ tình yêu này mới đem lại cho chúng ta tất cả nghị
lực và can đảm.
Yêu cầu thứ hai của cuộc dấn thân mà nảy giờ vẫn nói đến, đó là
tinh thần xả kỷ. Ðể có mặt trên một con đường mới, chúng ta không
thể tiếp tục giữ lại và tuân theo những thói quen không cần thiết,
chẳng hạn sự quên mình trong những ham muốn và sợ hãi. Thay vào đó, chúng ta
phải thật sự ngồi lại và đối mặt với mọi sự một cách khách quan nhất.
Phải nhận rằng, kiểu phơi mở này quả là không dễ dàng tí nào. Chúng ta
sẽ cảm thấy bối rối với ngay cả chính mình khi phải gần như lãng quên
hết những gì là hiểu biết để trở nên hồn nhiên và vô tư
hơn. Nhưng người hành giả nên hiểu rằng trong chính thái độ tư tưởng
"anh nhi" đó, mọi cảm nghiệm của chúng ta về vạn sự
mọi trở nên chính xác và sâu sắc.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất của giai đoạn dấn thân là
trong một chừng mực nào đó, người hành giả tự biết xem nhẹ hình hài
vật lý của mình. Ngay những giờ thiền tọa đầu tiên, ta phải chịu
đựng biết bao là khổ sở. Ðối diện với nỗi khó khăn này cũng là
một công phu: Ta tự giàn xếp những vùng đau để cố gắng biến
chúng thành thực tại tri nhận. Có làm quen được với các tư thế
thiền định, học được cách xử lý chúng bằng Thiền định với
ý nghĩ tận dụng, ta sẽ từng bước vượt qua chính mình để các nổ
lực ngày một hữu hiệu hơn, chẳng hạn một khả năng tập trung nhìn ngắm.
Ở chính trình độ này, chúng ta mới may ra cảm nghiệm được một
nỗi đau đớn khác sâu sắc hơn, đó là nỗi đau đến từ những vật
lộn sinh lý: vai, lưng, eo, bụng,... Khi phải chịu đựng một sự gò bó căng
thẳng đến mức độ nào đó có thể gây nên những nhức nhối tưởng có
thể làm chết người. Nhưng rồi cùng với sự tỉnh thức liên tục, những
bức xúc ghê gớm này mỗi lúc cũng được giải phóng. Sau cùng, ở một
trình độ cao hơn, những đau đớn sinh lý lại chuyển sang hình thức
khác: có thể đó sẽ là những cảm giác ảo tưởng không ai giống ai, vi
tế hơn nhưng cơ hồ còn mãnh liệt hơn trước. Nhưng chẳng sao hết,
sự chuyển đổi cảm giác sinh lý này thường đi đôi với sự nâng cấp
của trình độ Thiền định. Thời gian để vượt qua giai đoạn này luôn
là bất định, kẻ mau người chậm. Nhưng vấn đề tựu chung vẫn là làm
thế nào đó, chúng ta học được cách vượt khỏi những giới hạn thông
thường của thể xác bằng cách tri nhận tất cả để thoải mái mở rộng
nhãn trường nhìn vào thực tại.
Giàn xếp được những hoạt động thô tháo của nội thân xong rồi,
người hành giả đến lúc này coi như đã có thể đủ sức đặt vấn
đề với một hoạt động vi tế mà cũng hết sức quan trọng của
tấm thân sinh lý, đó chính là hơi thở. Ðừng cố gắng điều hành hơi
thở. Ðó là một yêu cầu hết sức quan trọng. Chúng ta hãy đơn giản
nhìn ngắm nó ra vào một cách tự nhiên. Nói một cách khác, chúng ta chỉ nên
học hỏi chứ không chỉ đạo hơi thở. Nó nhanh hoặc chậm, nhẹ hoặc sâu cứ
mặc chúng. Ta chỉ việc theo dõi và nhìn ngắm từng đổi thay của nó.
Ðiều này đòi hỏi một sự xuyên xuốt và liên tục: theo thời gian, hơi
thở của chúng ta có thể ngày một vi tế hơn, thậm chí gần như mất
hẳn. Nhưng không sao cả, sự tỉnh thức của chúng ta sẽ theo chiều tỷ
lệ thuận, cũng ngày một vi tế và tinh xác hơn.
Một khi đã làm chủ được những vận động lớn nhỏ của tấm thân sinh
lý, yếu cầu tiếp theo là hành giả chỉ còn mỗi việc thu
nhiếp nội tâm chính mình. Nhìn vào từng giòng trôi chảy của ý thức,
chúng ta thấy được gì? Ðó chính là sự thay đổi liên tục. Kinh điển
truyền thống đã từng ví dụ một nội tâm loạn động bằng hình ảnh con
khỉ. Có nhìn vào nội tâm của chính mình, chúng ta mới thấy được nó chẳng
khác gì một gánh xiếc hay một vườn thú: ở đó có đủ loài két, mèo,
cọp, gấu... Trong tâm hồn của chúng ta nào có thiếu gì đâu: những
biểu tượng, khái niệm, những chuyện vui, chuyện buồn, toan tính,
lý tưởng, hồi ức,... tất cả là một sự hỗn độn và chuyển dịch
bất tận. Bổn phận của người hành giả sơ cơ là lặng lẽ ngắm nhìn dòng
chảy nội tại này. Chúng ta buổi đầu dĩ nhiên phải học qua đôi điều
về bản chất của nội tâm mà phần này chúng tôi đã có viết ở phần
trước. Bản chất vô thường của nội tâm cũng giống như sự đổi thay của
thời tiết: hôm qua có tuyết, hôm nay trời mưa, rồi có thể ngày mai
là nắng đẹp. Và bên cạnh cái vô thường đó luôn là những bất trắc, bất
toàn không hò hẹn: Mùa xuân có thể nhiều sương mù, mùa hạ có
thể nhiều gió lạnh, mùa thu cây cỏ trơ trụi để rồi sang đông,
mọi thứ có thể bị đóng băng.
Nội tâm của chúng ta cũng giống như thế. Chúng ta cũng là một thứ tạo
vật trong đời sống. Thiền định chỉ đề nghị ở chúng ta một thái độ
không phân biệt để có thể giao cảm và tri nhận trọn vẹn tất
cả chính mình, chúng ta cũng đều có thể thực hiện nếp sống
nội quán tỉnh tại.
Chúng ta, những người hành giả có thể xem nội tâm chính mình như một
thác nước: nó ào ạt tuôn chảy mà tâm hồn của chúng ta cũng luôn luôn chảy
ào ạt. Một khi đã đưa được nội tâm của mình vào từng phút giây hiện
tại để chiêm ngắm thì nội tâm của chúng ta cũng sẽ theo đó mà ngày
một kiên cố hơn. Ðó chính là thiền định.
Pháp môn Thiền định mà chúng ta đang nói đến ở đây có nội dung
là sự chú mục vào những gì đang xảy ra. Cách đây mấy năm, một người bạn
của tôi lại không may lại chuyển dạ ở một vùng quê xa không có bác sỹ,
y tá mụ đỡ nào cả. Phải nói đó là một ca sanh nở khốn đốn và mất thời
gian. Ðứa bé mới lọt lòng mẹ bỗng nhiên xám ngắt và gần như không
thở nổi. Hai vợ chồng người bạn tôi đã thay nhau làm hô hấp cho đứa bé
bằng cách hà hơi vào miệng nó rồi chốc chốc dừng lại theo dõi. Họ
làm tất cả những việc đó bằng một sự chuyên tâm, yêu thương và cẩn
trọng cao độ. Hai người gần như nín lặng để theo dõi từng thay đổi
của đứa bé và sau cùng, nó đã bắt đầu thở được. Có thể nói, chúng
ta cũng phải biết học hỏi để theo dõi hơi thở của mình bằng hình
ảnh của hai vợ chồng đó, bởi cuộc sống của chúng ta luôn gắn liền với
hơi thở. Sự chuyên tâm này là toàn bộ công phu mà chúng ta bắt buộc phải
biết đầu tư. Thiền định cũng có nghĩa là sự kiện định nội
tâm: Nội tâm có thiền định cũng giống như một ánh nến được đặt
chỗ khuất gió. Ðó là một nội tâm thủy chung với thực tại thông qua
mọi cảm thức tâm sinh lý với từng phút tập trung, mọi vận động
lớn nhỏ của chúng ta lúc này đều trở nên kỳ diệu.
Một khi tâm hồn đã trở nên định tĩnh thì cũng có nghĩa là chúng ta đã
học được cách giữ mình một cách trọn vẹn nhất. Trong bước đầu
để thực hiện công phu đó, việc điều hành nội tâm cũng giống
như huấn luyện một con chó nhỏ. Ta bảo nó nằm hay ngồi lại một chỗ
thì nó cứ chạy nhảy loanh quanh. Nhưng bạn cứ kiên nhẫn đi, trong một thời
gian ngắn sau đó, nó sẽ dần dần thuần tính. Chuyện tu tập thiền định
về nội tâm cũng thế, chúng ta phải từng bước thu vén các hoạt động
của mình, để rồi từ đó, qua từng ngày, ta mới sống hết mình với
thực tại. Nhưng hãy nhớ rằng, việc tu tâm luôn rất cần đến yếu
tố thời gian. Có thể nói rằng, sau nhiều giờ tọa thiền của
buổi đầu, nội tâm của chúng ta gần như chỉ có được khoảng 10% thời gian tu
tập thật sự. Ðiều đó có nghĩa là, nói theo từ Phật học thường
dùng, ta đã lãng quên chính mình trong suốt thời gian còn lại. Phải nói
rằng, điều hành nội tâm là cả một cuộc vật lộn, vật lộn với chính
mình. Nếu chúng ta chịu để ý thì ngay trong những giờ Thiền
định, chúng ta vẫn thường bị đánh lừa trong từng phút giây đối diện
với thực tại bằng đủ thứ ảo giác và khái niệm. Nói chung, đó là cả
một vấn đề hết sức phức tạp:
Ðể kết thúc phần này, chúng ta có thể hiểu rằng Thiền
định thật sự chỉ có thể đến từ một sự an bình nội tại. Bằng vào
một trình độ Thiền định điêu luyện, chúng ta sẽ hiểu được
rằng một nội tâm định tỉnh không hề thành tựu từ một sự đấu tranh hay
giằng co nào cả. Nó đến từ sự giải thể tất cả những ám ảnh của
hồi ức và ước vọng, một sự thư giản ngay trong hiện tại. Và đây
chỉ là một tiến trình hết sức tự nhiên. Thông qua sự chú niệm
của chúng ta về thực tại, với sự trau luyện liên tục, một trình độ
Thiền lạc (tức sự kỳ thú do Thiền định, trong thiền định) sẽ
từng bước phát triển và nội tâm hành giả lúc này coi như đã được
đặt vào một vùng sáng ngay trong từng giây phút.
Khám phá
Chúng ta đã đi qua giai đoạn Dấn thân hay cũng có thể gọi là
chặng đường nhập cuộc với những đối đầu trong từng cơn đau sinh lý,
từng vận động nhỏ nhặt nhất của nó, những trở lực tu tập cùng với những
bước đầu làm quen với công phu tập trung ý thức. Nhưng chừng đó vẫn
chưa là đủ. Bước đi tiếp theo của người hành giả là khả năng khám
phá: cẩn thận nhìn ngắm, trong từng khoảnh khắc, tất cả những gì xảy ra một
cách vô tư, vô cảm, không thông qua một thành kiến tốt xấu nào cả.
Ở đây người hành giả chỉ được nhìn ngắm bằng tất cả sự tỉnh thức
và tự tại.
Ta có thể hiểu hai tiếng "khám phá" ở đây là một công
phu tu tâm được thực hiện ngay trong chính nội tâm mình. Ðó là một sự
tiếp nhận và cảm nghiệm thật trọn vẹn trong mỗi mỗi phút
giây về thực tại một cách sinh động. Thực tại luôn vô thường, không
lúc nào giống lúc nào. Hãy nhớ rằng, sự khám phá ở đây không hề mang
tính máy móc: nó phải luôn sống động và linh hoạt như thật. Trong thiền
học của Phật giáo Bắc truyền gọi đó là Sơ tâm, một trạng thái
ý thức hồn nhiên để quay về nguồn cội. Ta có thể nói rằng
toàn bộ nghệ thuật sống thiền là chỉ để gìn giữ tinh thần đó:
thấu suốt cái gì đang xảy ra, đắm mình trong đó để không nghĩ đến
tất cả những cái thuộc hôm qua hay ngày mai. Ðây là một Ðạo sống hết
sức kỳ thú.
Ðiều nãy giờ vẫn nói, ta có thể hiểu qua hình ảnh một nhà
thực vật học đang nghiên cứu về một giống cây nào đó. Dưới mắt
họ, từng chi tiết của bất cứ loại cây nào cũng đều quan
trọng, không như bao người khác vẫn có một đánh giá hết sức bình
thường về những thứ cây cỏ mà mình vẫn thường nhìn thấy: "Ồ,
có gì lạ cái thứ cây đó, tôi đã từng trông thấy chúng mọc cả
rừng!" - Bản chất thực tại cũng giống như bao loài cây cỏ: nó sẽ là
thế này hay thế khác dưới nhiều cách nhìn khác nhau của mỗi
con người, mỗi góc độ, mỗi trình độ.
Khi chúng ta học được cách khám phá từng cảm nghiệm của mình trong
thực tại thì cũng có nghĩa là chúng ta đồng thời tìm thấy phương cách thu
xếp tấm thân sinh lý của mình với tất cả thực trạng vốn luôn
chuyển biến của nó sao cho thích ứng một cách nhuần nhuyễn với từng
phút giây tri nhận. Chẳng hạn, chấm dứt hay một cảm giác đi kèm nào đó.
Chúng ta sẽ nhận ra khoảng cách của từng hơi thở với nhau, những giai tần
kể cả những đột biến bất chừng. Bao rắc rối ban đầu rồi sẽ qua đi,
để sau cùng trong cảnh giới tri nhận của chúng ta chỉ đơn giản còn lại
từng hơi thở.
Tu tập Thiền định là một quá trình phát triển liên tục, khả năng
chú niệm mọi thứ ngay từ lúc nó mới vừa xuất hiện, một cách giản
đơn, chẳng hạn từng hơi thở hay từng bước đi và cứ thế, đối với các
thực tại khác cũng vậy. Cuộc tu của chúng ta, dĩ nhiên, bắt đầu từ những
khám phá về thế giới vật chất thô thiển, những gì mình có
thể thấy và nghe đuợc. Có thể nói, những khái niệm của chúng ta
về thế giới xung quanh khi chưa có được chút ít nào trí tuệ
Thiền định thì thường là nông nổi, nếu không muốn là thiển cận,
hời hợt: cái gì đối với chúng ta, kể cả tấm thân sinh lý này,
đều cứ như một cuốn phim. Chúng ta xem phim. Rồi lại gởi mình vào trong
từng tình tiết của nó.
Ở một trình độ khá hơn, theo thời gian, những khái niệm ban đầu
của chúng ta dần dần được nâng cấp, để từ đó, ta lại học thêm
cái thói hoài nghi và cái tật xây dựng những quan niệm này nọ. Nhưng
rồi, một khi đã biết tới trí tuệ Thiền định, từng phút giây
tỉnh thức sẽ đưa ta ra khỏi khu rừng ảo mộng đó, để rồi dần dần tất
cả những mớ bòng bong đó được hệ thống lại để chúng ta ngày một
điềm tỉnh hơn.
Chúng ta tiếp tục ra sức kéo lui nội tâm mình trở lại, chúng ta sẽ bắt
đầu khám phá được rằng Cái gì cũng là một chi tiết cho một tổng
hợp nào đó mà đồng thời cũng là một tổng hợp do nhiều chi tiết
khác tạo nên. Chúng ta sẽ bắt đầu thấy rằng toàn bộ chính mình, từ sinh
lý đến tâm lý, đều là sự góp mặt của các yếu tố tâm
vật lý qua từng giây phút đổi thay. Có thấy được từng khoảnh khắc
hiện hữu và vận động của tấm thân sinh lý như vậy, chúng ta mới
không bị mắc lừa để đánh mất chính mình trong mọi chuyện đời.
Ngay cả khi đối tượng tri nhận được thay đổi theo trình độ Thiền định
đã nâng cấp về các đối tượng thực tại tế vi hơn, thuộc cảnh giới
của ý thức (như tư tưởng, cảm giác, hồi ức) thì công phu tu tập cũng
vẫn thế, vẫn là sự ngắm nhìn để khám phá. Một thói quen nguy
hiểm của chúng ta là khi nhận diện và phân tích được những thực tại
nhỏ nhiệm đó, ta lại bị cuốn hút. Nói chung càng cố công đối diện
với những thực tại vi tế, đặc biệt về tư tưởng, chúng ta thường
mắc phải lỗi lầm này. Phải nói đây là một vấn đề cho hầu hết
các hành giả. Bởi quanh ta, trong nội tâm của chúng ta thì đúng hơn, luôn có
quá nhiều những ám ảnh của vọng tưởng: những quan hệ giao lưu,
những tình cảm vẫn được xem là thiết yếu, rồi là chuyện ăn,
chuyện mặc,... kể cả một thói quen làm việc mang tính văn nghệ.
Tất cả những cái đó đối với chúng ta luôn có vẻ là quan trọng, trong
khi thực ra chúng chỉ là những điệp khúc buồn tẻ, thậm chí có những
điều chỉ là bộ phận của một món đồ đã cũ. Trôi dạt trên dòng chảy
của những ảo tưởng đó, chúng ta ôm ấp những gì mình thích và ghét bỏ
những gì mình không vừa ý. Trên những thói quen đó, chúng ta hãy thử
thực tập Thiền định để giữ cương nội tâm vốn bôn ba của mình xem
sao. Khi một cái gì đó nghịch ý xảy đến, mà thái độ khám phá của
chúng ta bị ảnh hưởng thì xem như ta vẫn chưa thực hiện trọn vẹn
được yếu cầu của công phu khám phá ở đây.
Với sự tiếp sức của Chánh niệm, ta hãy học cách khám phá thực
tại bằng một con đường khác, vững chải và độc lập hơn. Chúng ta có
thể cảm nhận và quan sát những chuyễn biến của thân tâm theo cách của
một nhà khí tượng học quan sát thời tiết bằng nhiệt kế: hôm
nay nắng, hoặc mưa, hoặc có sương mù..., nói gọn lại, ta chỉ việc ghi
nhận một cách đơn giản những gì đang xảy ra.
Người hành giả phải hiểu rằng nội dung của sự khám phá trong Thiền
định là thái độ đón nhận thực tại. Khi dùng trí tuệ Thiền định
để nhìn ngắm, ta sẽ thấy rằng thật ra nội tâm của chính mình có thể
giao hòa với vạn sự mà không hề cần đến một sự đấu tranh, đụng
độ nào cả, đặc biệt ngau trong chính bản thân mình. Mọi cảm giác
tâm sinh lý, dù tốt hay xấu, khi xảy đến, ta không cần phải phân
biệt để phản kháng hay giữ lại. Ta chỉ việc nhìn ngắm và đối
diện bằng tất cả cảm giác thân thuộc vô tư: Không sợ hãi, không ghét
cũng không thương.
Trong quá trình tu tập tiền định, chúng ta dĩ nhiên có lắm lúc cảm
thấy bối rối, mù mịt, nói chung là cảm giác của một người chưa quen đi
biển lại đang có mặt giữa một đại dương sóng gió bão bùng. Trong những
giây phút như vậy, chính tinh thần Biết Chấp Nhận và tình thương
sẽ là những động lực đem lại cho ta nguồn sức mạnh. Tại Calcutta, có một bà
giáo già tên Dipama, một người vẫn dạy cho tôi học nhiều điều
hay. Bà là một hành giả Du già nổi tiếng và cũng là một người giàu
lòng nhân ái. Những ai đến học phép Yoga với bà, bà thường đặt tay
lên đầu họ và từ miệng bà chỉ thốt ra một âm: "xì" thật
nhẹ như để ban phước. Phải nói bà có một nguồn tâm lực rất lớn, ở
cạnh bà, người ta như luôn cảm nhận được một từ trường của tình thương
thật mãnh liệt, dễ nắm bắt, dễ nhận thấy. Khi ta ở bên cạnh bà, dường
như mọi khó khăn trên đời này đều dễ dàng cả. Như để tiếp
sức cho ta, bà luôn thầm thì một câu nói có vẻ như lúc nào cũng ở sẳn
trên môi: "Cái gì rồi cũng ổn cả thôi". Ðừng cố sức đấu tranh hay
ghép bỏ cái gì cả, bà thường nhắc thế. Có thể nói, mọi sự đối
với bà đều luôn là đơn giản cả.
Bà Dipama dặn dò chúng ta đừng bao giờ vật lộn nhọc nhằn với bất cứ
một cảm nghiệm nào. Cảm nghiệm hay kinh nghiệm vốn là một từ
nhiều nghĩa, vậy thì tiếng cảm nghiệm mà bà Dipama nhắc đến ở
đây chỉ cho ý nghĩa nào? Chẳng có gì là rắc rối cả, ở đây bà chỉ
đơn giản nhấn mạnh đến từng khoảnh khắc mà ta có thể nghe nhìn
được về thực tại, dù đó là thuộc tâm lý hay vật lý. Chúng ta
thường có thói quen phân biệt các đối tượng tri nhận ra ít nhất thành
hai thứ chấp nhận được và khó chấp nhận, để từ đó mới tự nảy sinh ra
thái độ tâm lý cách ly và trốn chạy. Trong khi đó, tinh thần cốt lõi
của Thiền định luôn nhắc nhở chúng ta hãy biết quan sát và đón nhận
mọi thứ một cách vô tư. Chúng ta phải học cách tiếp cận và giao
hòa để lắng nghe tất cả những gì xảy đến với mình mà không hề
có một ý thức phân biệt. Chúng tôi, trong tập sách này, đã từng
nhấn mạnh rằng Thiền định đúng nghĩa không hề là một quá trình thay
đổi hình thức như kiểu sống mang tính thời thượng, miễn sao hình thức
sống luôn mang ý nghĩa nâng cấp nội dung tâm linh. Chẳng hạn ở oai nghi
Thiền định nào cũng đều tốt cả. Nếu ở oai nghi ngồi, ta cảm thấy
là thích hợp thì chính từ tư thế này, ta mới dễ dàng cảm nhận được
từng ba động lớn nhỏ của thân tâm, rồi từ đó, ta mới đủ sức đi nốt
đoạn đường còn lại là tiếp nhận và quan sát. Cũng như đối với bất
cứ một công việc nào trên đời, công phu này cũng đòi hỏi ở chúng ta
một sự kiên nhẫn đúng mức cùng với một sự ra sức nghiêm túc. Với từng
bước tiến bộ nhịp nhàng này, dần dần rồi chúng ta cũng sẽ tự làm chủ
lấy được chính mình, nói khác đi, làm tìm lại được sự cân bằng tâm sinh
lý mà mình vẫn đánh mất từ lâu. Ðây mới chính là vốn sống, là nguồn
sinh lực thật sự của chúng ta.
Có một dạo, ở một vài nơi trên xứ Ấn Ðộ, người ta vẫn thường bắt
gặp những tấm bích chương có hình vẽ đại sư Satchidananda Swàmi khoác một
manh áo cánh đang đứng trong một tư thế Yoga "Cổ thụ" với một
chân xếp tréo lên và hai tay đặt lên đầu. Hình ảnh trên tấm bích
chương cho thấy Ngài rất vững vàng trong tư thế đó, dù chỉ đang đứng
bằng một chân. Ðiều này chẳng có gì là lạ lùng cả nếu ta hiểu
được rằng để thực hiện được tư thế này, vị đại sư chỉ phải
bận tâm mỗi một việc là xua khỏi lòng mình mọi xung động không
cần thiết. Bởi có lẽ bất cứ Thiền sinh nào cũng đều nhớ được
quy luật "Tâm tịnh, Thân cố". Bên dưới tấm bích chương có một
dòng chữ lớn "Bạn không thể ngăn sóng vỗ nhưng có thể ngăn
nó tràn bờ". Ðó chính là Thiền định.
Ðúng vậy, chúng ta chẳng tài nào làm đình chỉ hay tránh được những
đợt sóng vô thường, bởi chúng chính là từng viên gạch xây nên sự hiện
hữu của chúng ta: chúng ta tồn tại bằng từng chuỗi vận động của tâm sinh
lý và chúng là gì nếu không phải là những chuyển biến vô
thường. Như vậy thì chúng ta có lắm điều phải học: học cách
đối diện với những đổi thay ác nghiệt của đời sống, học phép
tỉnh thức rồi cả phép quân bình nội tâm. Một khi đời sống không còn bị ám
ảnh bởi những sợ hãi vô cớ và được thiết lập trên một căn bản cố
định, nó sẽ đẹp và thoải mái nhiều lắm.
Phơi mở
Sau những chặng đường dấn thân, chuẩn hóa cái nhìn của mình về cuộc
đời rồi là sự quân bình nội tâm, chúng ta dĩ nhiên vẫn chưa đi hết
được con đường Thiền định. Chúng ta không thể đơn giản dừng lại
nơi đây bằng một sự tự hài lòng nào cả, mà phải biết sử dụng những
năng lực hiện có của mình để tiến thêm bước nữa. Trình độ
tiếp theo của Thiền định chính là khả năng phơi mở. Trước hết ta
phải thấu đáo trọn vẹn tấm thân sinh lý của mình, rồi là một
hiểu biết sâu sắc về từng vận động của nội tâm, đặc biệt
những hình thái ý thức mà mình đã một lần kinh qua để rồi phơi mở
toàn bộ bản chất vận hành của chính đời sống mình một cách sinh động.
Khả năng phơi mở này đòi hỏi một trình độ chú niệm và ghi nhận
thật nghiêm cẩn. Trong những giây phút Thiền định đạt đúng yêu cầu như
vậy, chính hơi thở sẽ là một vị thầy tận tình cho ta, bởi tự nó luôn làm
mê hoặc, nêu bật cái quy luật vô thường của vạn pháp bằng các ảnh tượng
sinh diệt, diệt sinh. Thái độ quan sát cẩn thận sẽ chỉ rõ cho ta những
cấu tố vật lý làm nên tất cả những cảm giác, bức xúc và chấn động.
Chúng ta sẽ trở nên tỉnh thức hơn nhiều nếu trả lời được câu hỏi
mà Ngài Thiền Sư Mahasi Sayadaw vẫn thường đặt ra cho các Thiền sinh,
rằng có bao giờ họ nhớ được là mình đã đi vào giấc ngủ hoặc thức
giấc trong hơi thở vào hoặc thở ra hay không. Có cảm thấy hứng thú trong
việc quan sát và khám phá từng vận động của nội thân, chúng ta mới may
ra tự tìm thấy cho mình một thái độ nội tâm vô cầu vô chấp.
Cùng lúc với sự phát triển khả năng chú niệm, chúng ta có thể
phơi mở và nhìn thấy được rằng, dầu ở bất cứ nơi đâu, cũng không hề
có một sự tồn tại nào mang tính bản ngã nặng nề cả, mọi thứ
đều là những hình thức của cảm giác và khái niệm của chúng ta mà
thôi. Ở một bình diện sâu sắc hơn của sự tỉnh lặng và tỉnh thức,
chúng ta còn có thể cảm nhận được từng khía cạnh và mức độ của cái
gọi là sự vận động. Thường thì chúng ta luôn bị mắc bẩy từ cái
nhọc nhằn và mơ hồ của các biến động sinh lý: từ thực trạng này
đến thực trạng khác có vẻ như không có đường ranh rõ ràng, nên từ
đó, chúng ta bị lầm lẫn và thái độ chấp thủ cũng từ đây mà được khai
sinh. Nhưng chúng ta đã làm thế nào để có thể xác định một
cách rạch ròi cái cơ cấu làm nên sự hiện hữu của chính mình, môt cơ
cấu có vẻ như không hề có một dấu hiệu phân định? Nếu chỉ sống
trong trình độ của những khái niệm thông thường thì coi như chúng ta
suốt đời chỉ phải vật lộn với từng từng phút giây tồn tại của chính mình,
một sự hiện hữu buồn nhiều hơn vui, đau đớn nhiều hơn hạnh phúc.
Thực ra trí tuệ Thiền định cũng không thể sửa đổi được cho ta
cái tính bất toàn của đời sống, nhưng chính trí tuệ này sẽ giúp ta một
cái nhìn khách quan và bình tỉnh về từng niềm vui, nỗi buồn vẫn
thường trực sanh diệt. Chính trí tuệ đó giúp ta thấu đáo được một
vấn đề hết sức quan trọng mà Ðức Phật vẫn thường đặc biệt
nhấn mạnh, đó chính là bản chất bất toại và vô ngã của xác thân.
Một khi khả năng khám phá giúp ta có được một cái nhìn phơi mở về
tấm thân sinh lý thì điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đã có
thể dễ dàng phơi mở và bước vào cảnh giới của ý thức. Công phu
phơi mở của ý thức cũng giống như công phu theo dõi hơi thở, dĩ nhiên
có phần tế nhị hơn nhiều: trực diện với từng chuỗi vận động
của ý thức, ta cũng sẽ cảm nhận được những giai điệu và hình ảnh
vô cùng sinh động, buồn vui, thương ghét, bay bỗng hay tù đọng
đều có cả. Nhưng hãy nhớ rằng ý thức luôn giống như một nụ hoa: ta
không thể nào dùng một áp lực buộc nó phải mở. Những giọt mưa của
tấm lòng hào sảng, những tia nắng của sự chú niệm sẽ là những nguồn
dưỡng tố giúp nó phơi mở. Ðã nói là phơi mở thì chúng ta phải có được
cái can đảm khám phá tất cả những gì thuộc về thực tại, từ cái dễ
thương nhất đến cái đáng ghét nhất, ta phải luôn biết đón nhận
với một tư tưởng công bằng và hứng thú. Bởi đối tượng của công phu phơi
mở này phải là cái gì đó rất người, và như vậy công cuộc khám phá của
chúng ta mới có thể được thực hiện bằng tất cả bao dung. Tất cả
những gì vừa được nhắc đến trên đây chỉ là một góc nhỏ trong cảnh
giới ý thức mà ta cần phơi mở.
Phải nói rằng phơi mở là một công phu hết sức khó khăn. Chẳng hạn
như, có những nỗi đau tâm sinh lý mà trước giờ ta vẫn cật lực
để trốn chạy, hoặc giải trừ chúng thì hôm nay ta lại bới tung chúng lên,
dựng chúng dậy để cảm nghiệm. Việc đó chẳng khác gì hình ảnh
một người phải cố tình lặn sâu xuống một hồ nước đã bị đóng băng trong
khi mình rất sợ cái giá lạnh của nó, để nghiên cứu và nhìn nó trong
từng cơn nhức buốt thấu xương.
Ðể phơi mở nội tâm, ta rất cần đến một thái độ quan sát đầy
hứng thú và can đảm. Ðiều này hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta quay
lui để bới tìm trong đống tro tàn của hồi ức những mảnh vụn của đau
đớn buồn khổ mà nhấp nháp, truy niệm, cải táng. Phơi mở ở đây là sự
đối đầu với từng phút giây thực tại để lắng nghe chúng. Trong một
trình độ khám phá và phơi mở ý thức cao rộng hơn nữa, chúng ta có
thể phải theo dõi từng chuỗi tư tưởng từ đầu đến cuối, xem
chúng đến và đi ra sao.
Khi nhìn ngắm vào từng trạng thái ý thức, điều trước tiên ta chỉ
đơn giản theo dõi chúng đến và đi ra sao. Thỉnh thoảng, ta có thể
bắt gặp một vài hình thái tư tưởng cá biệt hoặc những hình thức trùng
lập được tái diễn tới lui như một điệp khúc. Chúng có thể là
những dự tính hay hồi ức tốt xấu nhưng sự tồn tại của chúng lại chính là
sự tồn tại của ý thức chúng ta. Chúng có mặt một cách hết sức là
bình thường, thậm chí gần như không có gì đáng để lưu ý nhưng
thỉnh thoảng chúng lại hiện hữu một cách nổi bật dưới hình thức những
cảm xúc có vẻ bất thường như âu lo, thương ghét, buồn chán. Bước đầu ta
chỉ việc nhìn xem chúng xuất hiện và biến mất để rồi dần dần
ta sẽ nhận ra ảnh hưởng của chúng đối với chúng ta: từng biến chuyển
của tư tưởng gần như đóng vai trò quyết định thái độ sống của ta và
cứ thế, chúng ta sẽ có những câu hỏi quan trọng để chính mình tự
trả lời: Cái gì đã duy trì sự tồn tại của ý thức? Cái gì đã nằm
đằng sau hoặc bên dưới các hình thái ý thức sai biệt của chúng ta
như là những nhân tố quyết định?
Ở đây chúng ta có thể phải vận dụng đến một trình độ tỉnh
thức cao hơn để thực hiện một công phu chú niệm chặt chẽ hơn sự
tái hiện của dòng tư tưởng khi chúng ta không tri nhận trọn vẹn các
cảm giác ý thức mà lại điều khiển chúng. Vấn đề chỉ được
giải quyết khi ta biết rõ từng chương trình vận động của tư tưởng.
Càng phát huy khả năng chú niệm, ta càng có cơ hội tỉnh thức trước cảm
giác tế nhị nhất đang diễn ra và khi thấy rõ được từng cấu tố của
ý thức, chẳng hạn như biết rõ nó xảy đến từ sự kết hợp với
lòng sợ hãi hay ham muốn thì thường những sự tái hiện đó được đình
chỉ ngay. Còn đối với lòng sợ hãi hay ham muốn kia thì ta cứ tự nhiên đón
nhận và tìm cách hiểu biết nó. Có thể nói đây là một phương
cách hữu hiệu nhất để xử lý từng khoảnh khắc thực tại: tư
tưởng dĩ nhiên phải tuôn chảy nhưng điều quan trọng là ta nhận
diện được nó qua từng biến tướng và phát hiện chính xác cũng
như kịp thời căn cội đã tác động nên dòng vận động này bằng tất cả sự
cảm nhận sâu sắc. Sự tỉnh thức này là cả một hành trang quan trọng trên
suốt con đường Thiền định để chúng ta luôn có thể tỉnh thức
trước mọi thực tại vốn luôn chuyển hóa của thân tâm.
Nhìn ngắm, đón nhận từng thực trạng của ý thức sẽ đem lại cho chúng
ta khả năng xử lý, hiểu biết và an bình cho nội tâm trong từng
giây phút. Ở trình độ Thiền định này, dĩ nhiên cũng đòi hỏi ở
chúng ta cái nhìn ngày một sâu sắc hơn, một trạng thái tỉnh thức mỗi
lúc càng thâm hậu hơn về các chuyễn biến của tư tưởng, nhưng đã
đến lúc chúng ta phải đối diện với những câu hỏi hóc búa nhất của
Trí tuệ Thiền định: Cái gì đã tác động cho tư tưởng chúng ta liên
tục biến động? Chúng ta thực ra vẫn cố tình trốn chạy cái gì, một cuộc
trốn chạy bằng tất cả hy vọng với dự tính cùng ảo giác cũng như hồi
ức? Chúng ta thực ra e sợ cái gì? Nỗi đau đớn, niềm cô đơn hay sự
tầm thường? Trong từng phút giây vận động, chúng ta cố nhắm đến cái
gì? Thế nào là bản chất của cái gọi là ước muốn? Trên cả sự khám
phá, chúng ta ngay bây giờ phải biết phơi mở và cảm nhận, thậm chí bứt
phá tất cả những ràng rịt, mắc míu của thực tại cho đến khi nào thẩm
thấu tâm điểm của các hình thái ý thức, cái đã làm động cơ cho
mình...
Ðể minh họa vấn đề đang nói, ta có thể hiểu qua trường
hợp một dòng tư tưởng hướng tới mối tương giao nào đó trong thế giới
tình cảm. Ta có thể dễ dàng nhận ra nó ngay khi nó vừa phát khởi, bởi
trên thực tế, chúng ta đang có cảm giác ước muốn: muốn yêu, muốn
thương. Ta cảm nhận nó bằng tất cả ý thức và ngay trong khoảnh khắc đón
nhận, những ba động khác coi như đều lắng xuống. Chúng ta phát hiện
nó qua từng chuyễn biến tâm sinh lý. Rõ ràng, chúng ta đang muốn yêu
thương, nhưng công phu khám phá thực tại không chỉ dừng lại ở đây.
Chúng ta còn những bước đi khác nữa: Cái gì đã tạo nên ước muốn đó?
Ở mỗi người, có một câu trả lời khác nhau. Ðối với một số người
trong chúng ta thì ước muốn đó có thể đến từ cảm giác rằng mình
đang thiếu thốn một cái gì đó, hoặc cảm giác e ngại sự lẻ loi hay có
những khía cạnh nào đó thuộc thế giới sống bản thân mà ta không thể
tự kham nổi nên phải cần đến sự tiếp sức nào đó để tìm chút
an lòng... Chính những cảm giác này thôi thúc chúng ta trốn chạy và dấn
thân, đồng thời cũng rời ra dần cái thực tại mà lẽ ra mình phải cẩn
trọng nhìn ngắm. Và đằng sau những cảm giác đó không gì khác hơn là
một thứ mặc cảm rằng mình đang bị giới hạn, đang là một cá nhân đơn
độc. Bằng mọi giá, chúng ta phải phá vỡ cho bằng được cái nhà tù này,
cái nhà tù được xây dựng bằng thứ vật liệu mặc cảm. Nếu chúng ta
tự ghìm cương mình lại được và lặng lẽ đối diện với tất cả những
sợ hãi, trống vắng, lẻ loi -- cái khoảng không gian lạnh lùng và thừa thải
của nội tâm -- thì xem như một trình độ tỉnh thức cao cấp hơn trước sẽ
được hình thành. Ảo giác trong sự mặc cảm đó chỉ có thể được
thay thế chỗ bằng một cái gì cốt lõi hơn thôi. Chỉ với một ý
hướng phơi mở toàn triệt, chúng ta mới có thể hiểu được tận
cùng mọi vận động của ý thức, đưa mình trở về với thực tại
bằng một con đường trọn vẹn nhất.
Cách nhìn ngắm thực tại này không hề là một cuộc nghiên cứu lý
tính mà phải nói đây là một kinh nghiệm tâm linh vô cùng quan trọng
về sự hiện hữu của chúng ta. Ðó là một thứ kinh nghiệm tự chứng
trong những điều kiện tất yếu là tỉnh lặng, trong sáng và trọn
vẹn -tùy theo mức độ nông sâu của khả năng Thiền định. Cái cốt lõi
của giai đoạn công phu này là giúp ta thấu suốt được căn cội của tất cả
những gì đang thật sự xảy ra và đưa chúng ta đến một cảnh giới tự do.
Dĩ nhiên, hành trình này phải vượt qua tất cả cảm giác trống vắng và sợ
hãi vô cớ để đạt tới cái nhìn thật trọn vẹn về chính chúng ta
và toàn bộ cuộc đời.
Khi trong cuộc tu, chúng ta thực hiện đúng được cái công đoạn khám
phá, phơi mở, giải trừ (khai phóng) và ăn nằm với thực tại một cách hết
mình thì cái giá trị chánh niệm, định tỉnh nhất tâm cũng tự nhiên theo
đó mà lớn mạnh. Thế rồi, vẫn bằng thái độ khám phá, ta phát hiện
ra cái dòng luân lưu của các hình thái tư tưởng, khai phóng một cách cẩn
thận từng cảm giác tâm sinh lý, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy rõ cái
bản chất chuyễn hóa liên tục trong từng đợt cảm nghiệm về thực tại
của mình. Chẳng hạn, ngay khi tấm thân sinh lý này được chia chẻ, phân
tích dưới thấu kính chú niệm thì tư tưởng của chúng ta cũng tự lột
trần bản chất phù du của mình. Rồi đến khi chúng ta đem từng cảm xúc
của mình ra làm đối tượng kiểm nghiệm thì vấn đề cũng vẫn
thế: chúng luôn biến tướng liên tục từ tình trạng này sang tình
trạng khác, có thể là mâu thuẩn và đối lập lẫn nhau. Nếu chúng ta
chịu khó để ý thì bất cứ một cảm xúc nào khi nhận diện một
cách đúng mức thì chúng chỉ sẽ tồn tại trong một ít lâu, dưới sự kiểm
soát của chúng ta, rồi lại nhường chỗ cho cảm xúc khác.
Sự tồn tại của các dòng tư tưởng cứ mong manh như những bọt nước.
Buổi đầu, sự tỉnh thức của chúng ta chỉ là từng giai đoạn ngắn ngủi nhưng
dần dần, nó sẽ là một thứ sức mạnh căn bản và thường trực, thậm chí gần
như thói quen trong mỗi mỗi cảm nhận trước thực tại. Song hành với sự
tiến bộ đó, chúng ta sẽ đạt tới trình độ không những chỉ nhìn ngắm
mà còn dường như có thể dự đoán được sự có mặt của các dòng tư
tưởng. Trình độ này lại dẫn ta đến một khả năng khác cao hơn là chúng
ta, đến một lúc nào đó, có thể tự có được một khả năng tỉnh
thức tế nhị để có thể nhìn rõ từng dấu hiệu xuất phát cũng
như chỗ ẩn náu, dung chứa của ý thức, mà ở đây là các luồng tư
tưởng.
Ở đây chúng ta có thể làm một bài thực tập để nhìn ngắm
thế giới tư tưởng của mình bằng cách liệt kê từng loạt tư tưởng
như là một phương thức củng cố Chánh niệm. Chẳng hạn như chúng ta thử
bỏ ra một khoảng thời gian chừng năm phút để liệt kê từng ý nghĩ
của mình. Như một con mèo rình chuột, chúng ta có thể tự đếm thầm
từng tên gọi và hình ảnh của mọi suy nghĩ: "giận! thích! nhớ!
thèm!...". Thời gian của công phu này dĩ nhiên là bất định nhưng dần
dần rồi cũng sẽ tới đích. Ta cũng sẽ có được thời gian tu tập như ý
muốn và không bị câu thúc bởi bất cứ một tư tưởng nào, mà ngược lại,
còn học được cách nhìn ngắm hành trình biến tướng, vận động của
tư tưởng.
Một trong những tâm điểm quan trọng của trí tuệ Thiền định
lúc này là nhận ra được điểm đầu và điểm cuối của một dòng tư
tưởng. Ðó là nói về ý thức. Còn nói về các biến động sinh
lý, buổi đầu ta chỉ đơn giản ghi nhận "đầu gối đau" hay
"tiếng còi xe hơi"... một kiểu ghi nhận hết sức thông
thường bằng lối định danh, đánh giá thực tại không thông qua trí tuệ
Thiền định. Nhưng sau đó, ta lại bắt đầu đi vào một bước ngoặc mới
là ghi nhận tất cả một cách trực tiếp, không nhờ tới một tên gọi hay
một khái niệm cứng nhắc nào cả. Ðối với thế giới của ý thức
cũng vậy, các cảm xúc cùng các dòng tư tưởng tự chứng cũng chỉ là những
ba động mà ta chỉ cần ghi nhận một cách kịp thời mà không cần tới bất cứ
một lăng kính trung gian nào cả; bởi từ đó rất dễ đưa đến cảm giác
bám víu.
Một khi sự tồn tại và vận động của tấm thân sinh lý đã được phân
định rạch ròi thì như đã nói, bản chất của nội tâm cũng sẽ lập tức lộ
diện với đầy đủ những khía cạnh bất toàn, vô thường. Càng nhìn vào
chúng, ta sẽ thấy chúng đổi thay nhanh hơn bất cứ cái gì trên đời. Thận
chí đến lúc này, chúng ta có thể không còn ghi nhận kịp từng cảm
nghiệm nữa và Thiền định ở đây cứ giống như từng giọt mưa và
các khoảnh khắc tư tưởng thì chẳng khác gì những bọt nước. Tất cả ảo
tượng về một cái tôi thực hữu lần lượt theo nhau vỡ vụn.
Thời gian công phu sẽ là không phụ lòng chúng ta. Thành quả sẽ được nhân
lên theo mức độ nổ lực. Buổi đầu, các thực tại ý thức sẽ như một
gánh nặng đọa đày trên đôi vai hành giả. Sự ghi nhận chúng là cả một
khổ công: Lúc này nó đang toan tính, lúc khác nó những buồn giận... Nhưng
rồi cùng với sự lớn mạnh của Chánh niệm (tỉnh thức) và định tĩnh,
chúng ta sẽ tự học được cách tháo cởi và xử lý mớ bòng bong đó
như một sự giải thoát và điều tuyệt vời là kẻ tù nhân và người
cướp ngục ở đây cũng chính là nội tâm của chúng ta mà thôi. Nhưng ta cũng
phải cẩn trọng đấy, ý thức luôn lắm trò ma mị. Nó có thể náu
mình trong những thành lũy tinh vi, tế nhị mà căn bản vẫn là những cấp
thủ rất khó phát hiện, để từ đó một cái tôi khác được tái tạo
tinh xảo hơn.
Do đó con đường của chúng ta vẫn phải liên tục là một hành trình của
sự tĩnh lặng và phơi mở. Nhờ đó chúng ta mới may ra thấu triệt được
tất cả chiều sâu của thực tại mà ở đây là bản chất hiện hữu của
chính mình để rồi sau cùng là môt nụ cười thức ngộ: Chẳng có gì
để ôm ấp, bám víu...
Hóa thân
Chúng ta đã bàn tới vấn đề thứ tư của bài viết này. Ðó là giai
đoạn hóa thân hay nhập cuộc.
Chỉ cần nhìn thẳng vào các quy luật điều hành sự vận động của tâm
sinh lý, chúng ta có thể ghi nhận được từng giai đoạn tĩnh động của
chúng, tốt hay xấu, thô thiển hoặc nhỏ nhiệm, những mầm mống thoái
địa hay dấu hiệu thăng hoa của tâm hồn. Với nhãn quan tinh tường này
về thân tâm, ta sẽ nhận ra được mối tương quan giữa mình với chúng và
thấy được cái gì khả dĩ đem lại cho mình nguồn hạnh phúc thực sự. Chúng
ta hãy thử một lần chiêm ngắm chuyện đời và lòng mình xem sao: ôm ấp
một thứ gì đó không là miên viễn và luôn sẳn sàng đổi thay, khi nó đột
nhiên không tiếp tục tồn tại như ý muốn ta nữa thì niềm ôm ấp
kia có phải đã đem lại cho ta những giọt nước mắt? Hoặc thể nào
chúng ta có thể nào ổn định một cách tuyệt đối những hình thái,
tình trạng nhất định nào đó cho thân tâm mình hay không? Ðã có ai trên
đời này lại có thể đặt được cái tâm sinh lý của mình vào hai
tiếng vĩnh cửu?
Chúng ta phải dốc sức sống cho mỗi một thái độ sống duy nhất là nhìn
ngắm để đến một ngày nào đó thấy được mọi khát vọng của
mình đều lắng yên, thấy được nhu cầu tối hậu của bản thân chính là
sự tự do, thấy được bề trái phản trắc của lòng ham muốn cũng như những
âu lo, bận lòng trong đời sống thường nhật vẫn từng ngày vây hãm và cấm
cố chúng ta vào những mâu thuẩn, xung đột triền miên. Nhưng vấn đề
tối trọng, tối hậu ở đây không chỉ đơn giản là sự thành tựu, sỡ hữu
được một trình độ cao thấp nào đó mà cái cốt lõi ở đây phải là sự
quay về với tâm điểm của sự hiện hữu, sự tồn tại của bản thân
với ý chí là Tại đây và Bây giờ.
Chúng ta phải biết nhìn vào từng giây khắc lộ diện của lòng ham
muốn của mình bằng tất cả sinh lực nội tại trọn vẹn nhất. Ta phải thấy
được tính chất vô hộ vô chủ của mọi vật, hành trình lai vãng của từng
giòng ý thức với các hành trạng sai biệt, những cảm giác sinh lý
đến và đi theo những điều kiện hữu cơ. Chúng ta không hề là
người điều hành dòng thực tại luôn sinh diễn đó. Chúng ta không thể
điều động được những gì luôn thay đổi. Ðã đến lúc chúng ta phải
tự biết chấm dứt cái ý hướng đi ngược lại những quy luật này như
một điều tất nhiên. Hãy điềm tỉnh ngồi xem nước chảy dưới chân
cầu mà không hề ưu tư hay toan tính. Chúng ta sống như thế không
thể chỉ là một sự mô phỏng hay tự mãn cố chấp, mà phải là một bước
tiến bộ tự thành, tự chứng có được từ trí tuệ hiểu biết
như thật về bản thân và vạn sự. Thiền sư Suzuki đã từng nói:
"Ngoài sắc tướng biểu hiện, có chi là thực hữu? Cái này xô dạt
vào cái kia, nên chẳng thứ gì đáng chấp thủ. Trong cơn mưa ta còn nghe
được tiếng chim kêu, cũng như dưới một bầu trời tuyết giá, ta vẫn
có thể nhìn thấy những bông tuyết rơi cùng bao loài sinh vật khác vừa
mới sanh sôi".
Bản chất sinh tồn của chúng ta chỉ đơn giản là một dòng chảy luôn luân
lưu bất tuyệt. Mọi hiện hữu đều là vô thường. Cuộc đời
không có gì đáng để ôm giữ vì chẳng có chi là miên viễn hằng tại.
Tất cả đều rỗng tuếch, vô ngã như mây trời trên không gian huyễn
hoặc. Chỉ cần hiểu được mọi sự luôn bất toàn, trần gian chỉ là
bến đợi tao phùng của bèo nước phù du thì ta có thể bình tâm dấn
bước giữa đường đời muôn lối, an nhiên sống thiệt thà không mưu toan,
chọn lựa và tìm thấy cho chính mình một ngõ về bình yên.
Chúng ta hãy tự biết khám phá cho đến kỳ cùng ý nghĩa sâu
thẳm khôn cùng của tinh thần chối bỏ trong thiền lý. Chúng ta đã nắm
giữ nhiều thứ quá: tấm thân sinh lý cùng những cảm giác ảo tưởng
về nó, những hồi ức, những lý tưởng, quan niệm, kiến giải...
để từ đó, gom hết mọi thứ, chúng ta chế tác nên một cái tôi
cho riêng mình và cứ vậy, đời sống mỗi người chỉ toàn là những cơn
thống lụy tự nguyện, ai cũng biết xót đau nhưng gần như cố tình bất
lực!
Lần đó, tại Tích Lan, chúng tôi đến viếng thăm một vị Thiền
sư bản xứ thật lừng danh, đó là Ngài Hina Tyana Dhammaloka. Ngài quả là một
vị Thiền sư khả kính. Ở cạnh Ngài, ai cũng như cảm nhận được một
nguồn sinh lực dồi dào và mát mẻ. Chúng tôi thi lễ chào Ngài và sau ít phút
trao đổi, Ngài đột nhiên hỏi chúng tôi:
- Có phải ông đã từng dạy thiền cho nhiều người rồi phải không?
- Thưa, chỉ là cố gắng thôi, ạ!
Vẫn nhìn chúng tôi, Ngài tiếp tục câu hỏi khác:
- Hãy nói cho tôi nghe thế nào là tâm điểm của thiền định
Phật Giáo?
- Thưa, tất cả đều là vô ngã. Vạn vật chỉ là những cuộc chơi huyễn
hóa, hiện tượng, và sự hiện hữu của chúng chỉ là một quá trình vận
động rỗng không, ạ.
Ngài Thiền sư lại nhìn chúng tôi và hốt nhiên cười lớn:
- Ðã là vô ngã thì chẳng còn gì là quan trọng nữa!
Rồi Ngài lại cười, tiếp tục cười thật hồn nhiên.
Có chấm dứt được các khát vọng và đạm nhiên dung hòa với tất cả
những gì xảy đến, ta mới có được cái Hư tâm vô cầu vô chấp trong
mọi cảm nghiệm thực tại một cách trung thực. Và bên cạnh đó, chúng
ta còn phải đạt tới một khả năng tịch nhiên căn bản, lặng lẽ kiện toàn
một tâm phong chính chán. Bởi chính nhờ sự đình chỉ mọi xung đột nội
tại với một tâm thái hồn nhiên thì cùng lúc những giá trị tu tập như trí
tuệ, thiền duyệt và trên hết, là sự tự do sẽ tự đến với
chúng ta một cách tự nhiên và hiệu quả. Mỗi mỗi vận động lớn
nhỏ của chúng ta lúc này có thể đươc điều hành từ một lòng bao
dung và đời sống của mỗi người bây giờ cũng được trí tuệ chỉ
đạo như một nguồn sinh lực tích cực nhất.
Tới được bước chân này, thiền sinh đương nhiên tự có một sinh phong
riêng, thậm chí một sinh quan cho cá nhân mình, độc đáo mà vẫn không lập
dị, cao khiết nhưng cứ dễ gần nếu như không muốn nói là độ lượng
như hải. Như T.S. Eliot đã có lần thốt lên một câu nói hết sức ý
nhị: "Hãy dạy chúng tôi phép tự vệ và và khả năng tự tại tức
biết quên đi phép tự vệ".
Trong Thiền định, chúng ta học cách tự vệ lấy mình bằng một
khả năng cảnh giác toàn tâm trong từng giây phút nhưng sau cùng rồi chúng ta
lại cũng phải biết học cách vong thân, buông xả và thả trôi tất cả.
Bằng vào tâm hồn của một hành giả, chúng ta không những vô can đối với các
kinh nghiệm Thiền định ngọt ngào, mà còn phải tự có thêm một tâm
thái dung hòa, phơi mở và độ lượng trước tất cả sự thật trong chính mình
và ở thế giới chung quanh với tất cả những gì hiện hữu. Phải nói
rằng đây mới chính là ý nghĩa tích cực và hợp lý nhất của con
đường Thiền định. Như Lạt Ma Karmapa của Tây Tạng đã từng nói:
"Sống Thiền tốt hơn thao tác Thiền!".
J.K.
Hướng dẫn thực tập
Ðưa ý muốn sang hành động
Trước hết, ta hãy chọn lấy một thế ngồi thoải mái, nhắm mắt
lại và thử bỏ ra khoảng năm phút để theo dõi từng dòng tư tưởng
đến đi. Trong suốt thời gian này, ta cứ bình thản nhận diện từng
ý nghĩ một trong đầu mình khi chúng vừa xuất hiện. Từ đó ta sẽ thấy
rằng các luồng tư tưởng chẳng khác gì những bức tranh những dòng chữ hoặc
cả hai, và song hành với các dòng tư tưởng luôn là cảm giác tâm lý, có
thể là nhẹ nhàng nhưng đôi khi lại là những bức xúc nặng nề. Nhìn
ngắm tư tưởng trôi đi, dĩ nhiên ta cũng phải ghi nhận tất cả những chi
tiết đó của chúng.
Ðể việc quán tâm được như ý hay ít nhất cũng là dễ dàng
hơn, ta phải học cách phơi trải nội tâm mình ra như một phông tranh sáng
sủa, hay lồng lộng xuyên suốt như bầu trời trong xanh rồi lặng lẽ chờ đợi
và nhận diện thật cẩn trọng từng tư tưởng lộ diện như con mèo
ngồi rình chuột trong một hốc tối thích hợp. Cứ thế, từng tư tưởng đi
qua, ta không bỏ sót tư tưởng nào. Cái này trôi đi, ta chờ cái khác trôi
đến.
Ðiều tối trọng là vị hành giả đừng bao giờ để mình bị cuốn
hút và mê hoặc bởi bất cứ luồng tư tưởng nào hết. Chúng ra sao cũng
mặc, ta chỉ tri nhận môt cách hồn nhiên thôi. Các dòng tư tưởng có thể
như tự tản mạn manh mún ngay khi mới vừa xuất hiện trong sự quan sát của
ta, nhưng rồi sau đó đâu sẽ vào đấy, chúng sẽ lộ dạng nguyên hình. Ðối
với nhiều người, chỉ trong năm phút ngắn ngủi đó có thể từ năm
đến mười luồng tư tưởng khác nhau. Dùng đến con số toán học ở
đây có vẻ không hay, nhưng nói vậy có nghĩa là trong từng phút giây thời
gian, nội tâm chúng ta luôn biến động và trôi chảy không ngừng để
có khi chỉ trong đôi ba phút, người ta có thể bị cuốn xô bởi hàng chục
suy nghĩ mà không kềm hãm được. Chỉ với Thiền định, người hành
giả mới có thể thấy được từng hình thái tư tưởng, thấy rõ những gì
vẫn thống trị nội tâm chính mình, như một bức tranh xuất thần hay những dòng
chữ trêu ngươi nào đó mà chúng tôi vừa ví dụ ở trên.
Và điều sau cùng quan trọng hơn cả là chúng ta sẽ cảm nhận được
cái kinh nghiệm rằng mình đã bằng cách nào, với cách điệu nào chiêm
ngắm dòng luân lưu của tư tưởng thông qua một chánh niệm để chỉ ghi
nhận chúng mà không bị chúng cuốn trôi, đồng hóa, huyễn hoặc bằng một
ý niệm tự ngã, ngã sở nào hết. Ðiểm kỳ diệu của
Thiền định nội quán nằm ngay ở chỗ này.
[Chương trước][Mục
lục][Chương kế] |