TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 34
JĀTAKAPĀLI
- BỔN SANH tập III
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH
5799. Không có mùi thơm tổng hợp của mọi loài hoa, vòng đeo bằng sợi chỉ tỏa ra hương thơm của hoa kaṅgu tinh khiết. Cô gái vô lại này nói lời sai trái, bà lão đã nói sự thật.
5800. Tâu chúa thượng, nếu ngài nghĩ rằng: ‘Người cha là tốt hơn so với người con,’ vậy thì con lừa này, đối với ngài, phải cao giá hơn con la, bởi vì con lừa là cha của con la.
Dứt Mười Chín Câu Hỏi.
5801. “Con tắc kè này ở trên đỉnh cổng chào, trước đây nó không ngước lên. Này Mahosadha, khanh có biết được vì sao con tắc kè lại ương ngạnh?”
5802. “Sau khi nhận được nửa đồng tiền chưa từng nhận được trước đây, con tắc kè khi dễ vị vua trị vì ở thành Mithilā, xứ Videha.”
5803. “Giả sử một người nữ có sắc đẹp, và nàng ấy có đức hạnh, người nam lại không ước muốn nàng ấy, này Mahosadha, khanh có tin không?”
5804. “Tâu đại vương, thần tin (điều ấy), nếu người nam có phần phước kém. Người may mắn và kẻ bất hạnh không bao giờ kết hợp với nhau.”
5805. “Đối với những kẻ thù trước đây chưa bao giờ có sự đối diện trong khoảng cách bảy bước chân ở thế gian này, giờ họ đã trở thành hai người bạn sống liên kết với nhau; nguyên nhân là thế nào?
5806. Nếu hôm nay, vào bữa ăn sáng của trẫm, các khanh không có khả năng để trả lời câu hỏi ấy, trẫm sẽ trục xuất tất cả các khanh ra khỏi đất nước, bởi vì với những kẻ có tuệ tồi thì không có lợi ích cho trẫm.”
(Lời vị Senaka)
5807. “Ở nơi tập trung đông đảo dân chúng, ở nơi hãi hùng, ở cuộc hội họp ồn ào của loài người, chúng tôi có ý nghĩ bị rối loạn, có tâm tánh thất thường, không có khả năng để trả lời câu hỏi ấy.
5808. Tâu vị chúa của loài người, các bậc sáng trí, với tâm được chuyên nhất và chỉ một mình, đã đi đến nơi thanh vắng, sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng về ý nghĩa, sau khi nắm vững được vấn đề ở nơi cô quạnh, các vị sẽ nói về ý nghĩa ấy.”
(Lời vị Senaka)
5809. “Đối với các trai trẻ dòng quý tộc và các trai trẻ thuộc hoàng gia, thịt cừu là đáng yêu, hợp ý. Những vị ấy không ăn thịt chó. Rồi tình thân hữu có thể xảy ra giữa con cừu và con chó.”
(Lời vị Pukkusa)
5810. Họ lột da của loài cừu vì nguyên nhân của sự thoải mái trong việc trải lên lưng ngựa. Và họ không trải lên bằng da của loài chó. Rồi tình thân hữu có thể xảy ra giữa con cừu và con chó.”
(Lời vị Kāvinda)
5811. Bởi vì cừu là loài thú có sừng cong, và không có các sừng ở loài chó. Cừu có thức nhai là cỏ và chó có thức ăn là thịt. Rồi tình thân hữu có thể xảy ra giữa con cừu và con chó.”
(Lời vị Devinda)
5812. Cừu là loài ăn cỏ và là loài ăn lá. Còn chó không ăn cỏ và không ăn lá. Chó có thể săn bắt thỏ và mèo. Rồi tình thân hữu có thể xảy ra giữa con cừu và con chó.”
(Lời đức Bồ Tát)
5813. “Là con thú bốn chân thuộc loài tứ túc, con cừu có tám móng (mỗi chân có hai móng) không bị phát hiện (khi đi lấy thịt). Con chó này mang lại vật che đậy (rơm, cỏ) cho con cừu kia; con cừu kia mang lại thịt cho con chó này.
5814. Vị thủ lĩnh xứ sở Videha đã đi đến tòa lâu đài. Vị chúa của loài người đã thực sự nhìn thấy tận mắt việc trao đổi về thức ăn giữa con thú này với con kia. Và điều ấy xảy ra giữa con chó và con cừu.”
(Lời đức vua)
5815. “Thật vậy, lợi ích có vẻ không phải là ít ỏi đã có cho trẫm, là việc trẫm đây có được các bậc sáng suốt như thế này ở gia tộc! Bằng lời nói khéo léo, các bậc sáng trí thấu triệt ý nghĩa vi tế và sâu sắc của câu hỏi.
5816. Với tâm ý được hài lòng tột đỉnh, trẫm sẽ ban cho tất cả những bậc sáng suốt các khanh mỗi vị một cỗ xe kéo bởi lừa cái, và mỗi vị được ân huệ là một ngôi làng giàu có.”
(thuộc Nhóm Mười Hai Kệ Ngôn).
(Lời đức vua)
5817. “Người có trí tuệ nhưng thiếu về uy quyền, hay là người có danh vọng mà không có trí tuệ, này Senaka, trẫm hỏi khanh về sự việc này, các bậc thiện xảo nói người nào trong hai người này là tốt hơn?”
(Lời vị Senaka)
5818. “Tâu vị chúa của loài người, thật vậy, những bậc trí và những kẻ ngu, những người có kiến thức và không có kiến thức, dầu cho có dòng dõi cao quý, cũng trở thành những người làm công việc phục vụ cho kẻ không có dòng dõi cao quý nhưng có danh vọng. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Người có trí tuệ thấp kém nhưng có uy quyền là tốt hơn.”
(Lời đức vua)
5819. “Này Mahosadha, vị có trí tuệ hoàn hảo, có sự nhìn thấy tất cả các pháp, trẫm cũng hỏi luôn cả khanh nữa, giữa người ngu có danh vọng và người trí có ít của cải, các bậc thiện xảo nói người nào trong hai người này là tốt hơn?”
(Lời bậc sáng suốt Mahosadha)
5820. “Kẻ ngu làm các hành động xấu xa nghĩ rằng: ‘Chính cái này (uy quyền) là tốt hơn.’ Có sự nhìn thấy đời này, không nhìn thấy đời sau, kẻ ngu gánh lấy tai họa trong cả hai đời. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.”
(Lời vị Senaka)
5821. “Không phải tài nghệ này đem lại của cải, không phải các thân quyến, không phải ưu thế về cơ thể (đem lại của cải). Bệ hạ hãy nhìn xem gã Gorimanda ngu dốt đang tràn trề hạnh phúc, bởi vì uy quyền phục vụ cho gã. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Người có trí tuệ thì bị hạ thấp, chính kẻ có uy quyền là tốt hơn.”
(Lời bậc sáng suốt Mahosadha)
5822. “Sau khi đạt được hạnh phúc, kẻ thiểu trí bị say mê. Luôn cả người bị tác động bởi khổ đau, cũng đi đến sự mê muội. Bị tác động bởi niềm hạnh phúc hay nỗi khổ đau đã xảy đến, con người run rẩy tựa như loài thủy tộc giãy giụa ở nơi nóng bức. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.”
(Lời vị Senaka)
5823. “Giống như cây có trái ngọt ở trong rừng, các con chim lai vãng ở xung quanh, cũng tương tự như thế, nhiều người phục vụ kẻ giàu sang, có tài sản, có của cải, vì nguyên nhân lợi lộc. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Người có trí tuệ thì bị hạ thấp, chính kẻ có uy quyền là tốt hơn.”
(Lời bậc sáng suốt Mahosadha)
5824. “Chẳng tốt lành gì việc kẻ ngu có quyền thế tìm kiếm tài sản bằng bạo lực. Các viên quan canh giữ địa ngục kéo lôi kẻ ngu muội còn đang than khóc vào địa ngục vô số kể. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.”
(Lời vị Senaka)
5825. “Mọi dòng sông đều chảy vào sông Gaṅgā; tất cả các dòng sông ấy đều từ bỏ danh xưng và gốc gác. Trong khi đạt đến biển cả, sông Gaṅgā không còn được biết đến; bởi vì kẻ khác có quyền lực hiện diện ở trên đời, (người trí không còn được biết đến). Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Người có trí tuệ thì bị hạ thấp, chính kẻ có uy quyền là tốt hơn.”
(Lời bậc sáng suốt Mahosadha)
5826. “Biển cả to lớn mà vị Senaka đã nói đến ấy có các dòng sông luôn chảy vào không kể xiết, biển cả ấy, là đại dương, thường xuyên có lực đẩy khủng khiếp, nhưng không tràn qua bờ.
5827. Cũng tương tự như vậy, những lời nói làm nhảm của kẻ ngu (không qua mặt được người trí); uy quyền không bao giờ vượt hơn trí tuệ. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.”
(Lời vị Senaka)
5828. “Nếu kẻ có danh vọng đã đạt được địa vị trình bày sự việc cho những người khác, dầu cho không có giới hạnh, lời nói của chính kẻ ấy vẫn có giá trị ở giữa các thân quyến; chính uy quyền giúp cho gã ấy vượt lên, không phải trí tuệ. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Người có trí tuệ thì bị hạ thấp, chính kẻ có uy quyền là tốt hơn.”
(Lời bậc sáng suốt Mahosadha)
5829. “Dẫu cho vì nguyên nhân của người khác hay của bản thân, kẻ ngu, kém trí tuệ, nói lời dối trá, kẻ ấy bị chê bai ở giữa hội chúng. Thậm chí sau khi chết, kẻ ấy còn bị đi đến chốn khổ đau. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.”
(Lời vị Senaka)
5830. “Nếu người có trí tuệ uyên bác, không dư dả, có ít tài sản, nghèo khó, trình bày sự việc, lời nói của người ấy không có giá trị ở giữa các thân quyến; và uy quyền không thuộc về người có trí tuệ. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Người có trí tuệ thì bị hạ thấp, chính kẻ có uy quyền là tốt hơn.”
(Lời bậc sáng suốt Mahosadha)
5831. “Dẫu cho vì nguyên nhân của người khác hay của bản thân, người có trí tuệ uyên bác không nói lời sai trái, người ấy được tôn vinh ở giữa hội chúng. Và sau khi chết, người ấy được đi đến chốn an vui. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.”
(Lời vị Senaka)
5832. “Các con voi, bò, ngựa, các bông tai ngọc ma-ni, và các nữ nhân được phát hiện ở các gia tộc giàu có; toàn bộ tất cả các nàng ấy là vật sở hữu. Những người không có quyền thế là thuộc về người có quyền thế. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Người có trí tuệ thì bị hạ thấp, chính kẻ có uy quyền là tốt hơn.”
(Lời bậc sáng suốt Mahosadha)
5833. “Uy quyền từ bỏ kẻ ngu muội, là kẻ có việc làm không được sắp xếp, ngu dốt, có suy nghĩ xấu xa, tựa như con rắn từ bỏ lớp da đã bị già cỗi. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.”
(Lời vị Senaka)
5834. “Tâu bậc tôn kính, năm người sáng suốt chúng thần, tất cả đều chắp tay hầu cận. Ngài đã khuất phục chúng thần và là vị chúa tể, tựa như Sakka là người chủ quản của các sanh linh, vị chúa của chư Thiên. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Người có trí tuệ thì bị hạ thấp, chính kẻ có uy quyền là tốt hơn.”
(Lời bậc sáng suốt Mahosadha)
5835. “Kẻ ngu có danh vọng chính là nô lệ của người trí. Khi các công việc thuộc loại như thế ấy sanh khởi, người sáng suốt xếp đặt công việc một cách khéo léo, trong trường hợp ấy kẻ ngu đi đến sự rối loạn. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.
5836. Thật vậy, bởi vì chính trí tuệ đã được các bậc thiện nhân ca tụng; còn loài người ưa thích của cải, thì uy quyền được chúng yêu mến. Và trí của chư Phật là không thể sánh bằng. Uy quyền không bao giờ vượt hơn trí tuệ.”
(Lời đức vua)
5837. “Điều mà chúng ta đã hỏi khanh, khanh đã trả lời cho chúng ta. Này Mahosadha, vị có sự nhìn thấy tất cả các pháp, được hài lòng với việc giải thích câu hỏi, ta ban cho khanh một ngàn bò cái, một bò mộng, và một con voi, với mười cỗ xe kéo đã được thắng vào những con ngựa thuần chủng này, và ân huệ là mười sáu ngôi làng.”
(thuộc Nhóm Hai Mươi Kệ Ngôn).
5839. Theo hướng đi có tiệm bánh và tiệm cháo, rồi có cây song diệp đã được trổ hoa; thiếp cho bằng tay nào thì thiếp nói về hướng đó, thiếp không nói về hướng phía bên tay mà thiếp không cho; con đường ấy dẫn đến ngôi làng Yavamajjhaka, chàng hãy nhận biết lối đi đã được che giấu ấy.
5839. Gã ấy đánh bằng những cánh tay, bằng những bàn chân, và gã ấy đấm vào mặt. Tâu bệ hạ, gã ấy quả thật đáng yêu; bệ hạ xem có ai đáng yêu hơn gã ấy?
5840. “Người nào, trong khi có cây đèn, trong khi đi tìm kiếm ngọn lửa, đã nhìn thấy con đom đóm lúc ban đêm và đã nghĩ là ngọn lửa?
5841. Kẻ ấy, trong khi nghiền nát bụi phân bò và các cỏ khô ở con đom đóm (để nhóm lửa), do hiểu biết sai lệch, đã không thể làm bùng cháy ngọn lửa.
5842. Cũng như vậy, bằng cách thức sai trái, kẻ ngu không đạt được sự lợi ích trong khi vắt sữa bò cái từ sừng bò, là nơi không tìm thấy sữa.
5843. Các chàng trai trẻ thu thập điều lợi ích theo nhiều cách thức, nhờ vào sự quở trách của những kẻ thù và nhờ vào sự nâng đỡ của các thân hữu.
5844. Nhờ việc thu phục các tướng lãnh của quân đội, và nhờ vào kế hoạch của các cận thần, các vị chúa tể trái đất cư ngụ ở trái đất, nơi cất giữ nhiều của cải.”
(Lời của một quan viên)
5845. “(Điều vị Senaka đã nói) quả đúng là sự thật, ngài dầu có trí tuệ uyên bác, thêm vào sự vinh quang, nghị lực, và thông minh như thế ấy vẫn không bảo vệ được vị thế và quyền lực đã đạt đến của ngài, khiến ngài phải ăn món lúa mạch với ít nước xúp.”
(Lời bậc sáng suốt Mahosadha)
5846. “Trong khi làm tăng trưởng hạnh phúc với sự khó nhọc, trong khi xem xét thời điểm hoặc chưa phải thời điểm, ta đã che giấu lòng mong muốn trong khi mở ra các cánh cửa đưa đến điều lợi ích; vì thế, ta hài lòng với cơm lúa mạch.
5847. Và sau khi nhận biết thời điểm cho việc ra sức, sau khi làm cho chín muồi sự lợi ích thông qua các kế hoạch, ta sẽ phô trương bản thân tựa như con sư tử đã vươn dậy; với sự thành tựu ấy, ngươi cũng sẽ gặp lại ta.”
(Lời đức vua)
5848. “Một số người không làm điều ác bởi vì họ hạnh phúc, thêm nữa một số người do sợ hãi việc dính líu đến điều tai tiếng; còn khanh, trong khi đang có nhiều ý tưởng về những lợi ích lớn lao, vì lý do gì mà khanh không gây ra sự khổ đau cho trẫm?”
(Lời bậc sáng suốt Mahosadha)
5849. “Các bậc sáng suốt không vì nguyên nhân hạnh phúc của bản thân mà tạo ra các ngiệp ác xấu. Những người tốt, dầu bị tác động bởi khổ đau, dầu bản thân bị vấp ngã, cũng không vì tham muốn và sân hận mà từ bỏ thiện pháp.”
(Lời đức vua)
5850. “Bằng bất cứ cách thức nào, mềm mỏng hay thô bạo, nên đưa bản thân ra khỏi tình trạng khốn khó, rồi sau đó mới thực hành thiện pháp.”
(Lời bậc sáng suốt Mahosadha)
5851. “Người ngồi hoặc nằm ở bóng râm của cây nào thì không nên bẻ gãy cành lá của cây ấy, bởi vì kẻ phản bội bạn bè là kẻ ác xấu.
5852. Nhờ vào vị nào mà một người có thể nhận thức được lẽ phải, và các bậc thiện nhân dẹp bỏ mối nghi ngờ đối với người này, chính vị ấy là hòn đảo và là nơi nương tựa của người này; người có sự hiểu biết không nên hủy hoại tình bạn với vị ấy.”
5853. “Người tại gia biếng nhác có sự thọ hưởng các dục, là không tốt, bậc xuất gia không tự chế ngự, là không tốt, vị vua có hành động không cân nhắc, là không tốt, người sáng suốt có sự phẫn nộ, việc ấy là không tốt.
5854. Vị Sát-đế-lỵ nên hành động sau khi cân nhắc. Bậc chúa tể một phương không thể không cân nhắc. Đối với vị vua có hành động đã được cân nhắc, danh vọng và tiếng tăm tăng trưởng.”
5855. “Gã ấy đánh bằng những cánh tay, bằng những bàn chân, và gã ấy đấm vào mặt. Tâu bệ hạ, gã ấy quả thật đáng yêu; bệ hạ xem có ai đáng yêu hơn gã ấy?”
5856. “Người sỉ vả gã ấy tùy theo ý thích, nhưng người lại mong muốn sự quay về của gã ấy. Tâu bệ hạ, gã ấy quả thật đáng yêu; bệ hạ xem có ai đáng yêu hơn gã ấy?”
5857. “Người trách móc gã ấy với việc không có thật, người buộc tội với chuyện giả dối. Tâu bệ hạ, gã ấy quả thật đáng yêu; bệ hạ xem có ai đáng yêu hơn gã ấy?”
5858. “Trong khi lấy mang đi cơm, nước, y phục, và chỗ trú ngụ, thật vậy, những người lấy mang đi là những người tốt. Tâu bệ hạ, những người ấy quả thật đáng yêu; bệ hạ xem có những ai đáng yêu hơn những người ấy?”
(Lời đức vua)
5859. “Năm bậc nhân sĩ đã tụ hội lại. Có câu hỏi lóe lên ở trẫm, các vị hãy lắng nghe điều ấy. Có nên bày tỏ việc cần phải giấu kín đến người nào khác, cho dầu là việc đáng bị chê bai hay là việc đáng được khen ngợi?”
(Lời vị Senaka)
5860. “Tâu đấng hộ quốc, xin bệ hạ hãy bày tỏ với chúng thần. Bệ hạ là chủ nhân, là người nâng đỡ gánh nặng cho chúng thần, xin bệ hạ hãy nói ra điều ấy. Tâu vị chúa của loài người, sau khi nắm bắt được mong muốn và ý thích của bệ hạ, khi ấy năm vị sáng trí sẽ phát biểu.”
(Lời đức vua)
5861. “Cho dầu là việc đáng bị chê bai hay là việc đáng được khen ngợi, nên bày tỏ việc cần phải giấu kín đến người vợ, (nếu) nàng là người có giới hạnh, không thể bị xúi giục bởi người khác, chiều theo sự mong muốn và mệnh lệnh của chồng, đáng yêu, và hợp ý.”
(Lời vị Senaka)
5862. “Cho dầu là việc đáng bị chê bai hay là việc đáng được khen ngợi, nên bày tỏ việc cần phải giấu kín đến người bạn, (nếu) vị ấy là nơi nương tựa, nơi đi đến, nơi nâng đỡ đối với người gặp khó khăn, đối với người bị bệnh.”
(Lời vị Pukkusa)
5863. “Cho dầu là việc đáng bị chê bai hay là việc đáng được khen ngợi, nên bày tỏ việc cần phải giấu kín đến anh em trai, là người anh cả, anh thứ, hay em út, nếu người ấy có giới hạnh, trầm tĩnh, có bản tánh kiên định.”
(Lời vị Kāvinda)
5864. “Cho dầu là việc đáng bị chê bai hay là việc đáng được khen ngợi, nên bày tỏ việc cần phải giấu kín đến người con trai, là người tuân phục sự sai bảo của cha, là người con tiếp nối sự nghiệp của cha, là người có trí tuệ hoàn hảo.”
(Lời vị Devinda)
5865. “Tâu vị chúa tối thượng của loài người có hai chân, cho dầu là việc đáng bị chê bai hay là việc đáng được khen ngợi, nên bày tỏ việc cần phải giấu kín đến người mẹ, là người mẹ nuôi dưỡng kẻ ấy với sự mong mỏi, với sự yêu mến.”
(Lời bậc sáng suốt Mahosadha)
5866. “Riêng đối với việc cần phải giấu kín, chỉ có việc giấu kín là tốt, bởi vì đối với việc cần phải giấu kín, sự bày tỏ là không được khen ngợi. Khi việc chưa được hoàn tất, vị sáng trí nên chịu đựng; khi việc đã được hoàn tất, thì có thể nói ra một cách thoải mái.”
(Lời hoàng hậu Udumbaradevī)
5867. “Tâu chúa thượng, việc gì khiến bệ hạ ưu tư? Tâu vị chúa tể của loài người, bọn thiếp không nghe nói gì về việc ấy. Trong khi suy nghĩ về việc gì mà ngài phiền muộn? Tâu bệ hạ, không lẽ thiếp có lỗi lầm gì chăng?”
(Lời đức vua)
5868. “‘Kẻ có trí Mahosadha đáng bị giết chết,’ (nghe lời sàm tấu) trẫm đã ra lệnh hành quyết bậc có trí tuệ uyên bác. Trong khi suy nghĩ về việc ấy khiến trẫm phiền muộn. Này hoàng hậu, nàng chẳng có lỗi lầm gì.”
(Lời đức vua nói với bậc sáng suốt Mahosadha tại triều)
5869. “Tối hôm qua khanh đã ra về, bây giờ khanh đi đến. Khanh đã nghe điều gì? Ý của khanh nghi ngờ điều gì? Này bậc có trí tuệ uyên bác, người nào đã nói điều gì với khanh? Nào, hãy cho chúng ta nghe lời nói ấy. Khanh hãy nói điều ấy với trẫm.”
(Lời bậc sáng suốt Mahosadha)
5870. “Tâu vị chúa của loài người, nếu điều đã được nói ra bởi bệ hạ tối hôm qua rằng: ‘Kẻ có trí Mahosadha đáng bị giết chết,’ rồi bệ hạ đã bày tỏ cho người vợ ở nơi kín đáo. (Như thế) việc cần phải giấu kín đã được phơi bày, (bởi vì) thần đã nghe được điều ấy.
5871. Việc Senaka đã làm hành động xấu xa, có hình thức không tốt lành, ở khu rừng cây sāla, rồi đã bày tỏ cho người bạn ở nơi kín đáo. (Như thế) việc cần phải giấu kín đã được phơi bày, (bởi vì) thần đã nghe được điều ấy.
5872. Tâu vị chúa của loài người, Pukkusa, người của bệ hạ, đã bị phát khởi chứng bệnh (phong cùi), không thích hợp để đức vua chạm đến. Lão đã bày tỏ cho người em trai ở nơi kín đáo. (Như thế) việc cần phải giấu kín đã được phơi bày, (bởi vì) thần đã nghe được điều ấy.
5873. Căn bệnh này có hình thức không tốt lành, Kāvinda bị ám ảnh bởi Dạ-xoa Naradeva. Lão đã bày tỏ cho người con trai ở nơi kín đáo. (Như thế) việc cần phải giấu kín đã được phơi bày, (bởi vì) thần đã nghe được điều ấy.
5874. Thiên chủ Sakka đã cho đến ông nội của bệ hạ viên bảo ngọc ma-ni tuyệt hảo, có tám mặt. Hôm nay, viên ngọc ấy đã rơi vào tay của Devinda. Lão đã bày tỏ cho người mẹ ở nơi kín đáo. (Như thế) việc cần phải giấu kín đã được phơi bày, (bởi vì) thần đã nghe được điều ấy.
5875. Riêng đối với việc cần phải giấu kín, chỉ có việc giấu kín là tốt, bởi vì đối với việc cần phải giấu kín, sự bày tỏ là không được khen ngợi. Khi việc chưa được hoàn tất, vị sáng trí nên chịu đựng; khi việc đã được hoàn tất, thì có thể nói ra một cách thoải mái.
5876. Không nên bộc lộ việc cần phải giấu kín; nên bảo vệ nó như là của chôn giấu. Quả thật là không tốt đẹp nếu việc cần phải giấu kín bị phơi bày bởi người có sự nhận thức.
5877. Vị sáng suốt không nên bày tỏ điều bí mật cho phụ nữ, cho kẻ đối nghịch, cho kẻ có thể bị mua chuộc bởi tài vật và hạng người giả vờ kết thân.
5878. Người nào cho biết việc cần phải giấu kín đến kẻ không khôn ngoan do nỗi sợ hãi về chú thuật hay về sự đổ vỡ quan hệ đối với kẻ ấy, thì phải chịu đựng thân phận làm nô lệ (cho kẻ ấy).
5879. Càng có nhiều kẻ biết được việc cần phải giấu kín của một người (do) đã được thổ lộ, thì càng có nhiều kích động đối với người ấy; vì thế, không nên thố lộ điều bí mật.
5880. Vào ban ngày, nên tách ly rồi mới nói điều bí mật, vào ban đêm không nên thốt ra lời tốn quá nhiều thời gian. Bởi vì những kẻ nghe lén lắng nghe điều thố lộ; vì thế, điều thố lộ mau chóng đi đến việc rò rỉ.”
(thuộc Nhóm Hai Mươi Kệ Ngôn).
- Brahmadatta đã đến cùng với đám chư hầu, đạo binh Pañcàla này thật vô địch. Này Mahosadha,
quân hầu đầu đội vai mang, bộ binh bao kẻ thiện chiến, sẵn sàng đi tàn sát, một cảnh đại náo loạn, tiếng trống chiêng vang dậy ngập trời,
đây là nơi trổ tài sử dụng binh khí, nào cờ xí, kỵ binh mặc áo giáp, chiến sĩ anh hùng thắng trận vẻ vang.
Cả mười bậc Trí giả lại đây, uyên thâm trí tuệ, mưu lược thần kỳ và vị thứ mười một chính là thái hậu đang cổ võ đạo binh Pañcàla.
Đây là cả một trăm lẻ một vị vương hầu thiện chiến làm tùy tướng, quốc độ của họ đã bị chiếm đóng, họ đang kinh hoàng và chịu thần phục trước đạo binh của Pañcàla.
Họ thề nguyện phụng sự vò vua này, dù muốn dù không, họ cũng nói thẳng họ phải làm như vậy, nay họ bắt buộc phải theo phe vua Pañcàla, vì họ ở dưới quyền vua này.
Kinh thành Mithilà đang bị bao vây bởi đạo binh dàn trận ở ba chặng đường, tấn công vào đủ mọi mặt,
thành bị bao vây mọi phía như thể muôn sao trên trời. Này Mahosadha, làm cách nào giải vây được chăng?
70. Đại vương hãy duỗi thẳng đôi chân,
Mở hội vui chơi, tiệc uống ăn,
Chốc lát Brah-ma, vua địch ấy,
Sẽ đào tẩu, bỏ mặc binh hùng.
74. Một vì vua muốn kết thân bằng,
Tặng bảo vật này đến Đại vương,
Mong các sứ thần lời êm dịu,
Từ nơi chốn nọ chóng lên đường.
75. Ước mong lời lẽ họ ôn hòa,
Đem lại hân hoan cho chúng ta,
Mong ước thần dân Vi-đề quốc,
Hòa đồng với tộc Pañ-cà-la.
76. Việc ngài hội kiến Ma-sa-dha,
Diễn tiến ra sao, Ke-vat-ta,
Xin hãy nói ngay cho trẫm biết,
Ma-sa-dha có muốn cầu hòa?
77. Kẻ kia bản chất thật gian tà,
Tâu Đại vương, ngoan cố, xấu xa,
Khó chịu, tính tình đầy độc ác,
Như người câm điếc, chẳng lời ra.
78. Quyết định này sao khó hiểu vầy,
Một nguyên nhân thật rõ ràng thay,
Được người dũng cảm này tiên đoán,
Vì vậy thân ta rung động đây,
Ai sẽ là người mất tính mạng,
Và rơi vào địch thủ cao tay?
79. Sáu người một ý thật hòa đồng
Là các bậc hiền trí thượng nhân,
Đi, hoặc không đi và ở lại,
Ma-ho-sad hãy nói ta cùng.
80. Ngài có biết chăng, tâu Đại vương,
Cù-la-ni thế lực hùng cường,
Vua kia muốn giết ngài như thể,
Lập hố bắt nai với lúa hương!
81. Như cá tham ăn, không nhận thấy,
Lưỡi câu giấu kín dưới mồi ngon,
Một người đời chẳng hề trông thấy,
Bóng dáng đâu đây của tử thần.
82. Cũng vậy, đầy tham dục, Đại vương,
Không sao nhận thấy vị công nương,
Con Cù-la đế là thần chết,
Vì chính ngài là một thế nhân.
83. Đại vương cứ đến Pãn-cà-la,
Và tự diệt vong chốc lát mà,
Như chú nai kia lâm đại nạn,
Trên con đường nọ bị sa cơ.
84. Trẫm thật điếc ngấm câm, ngu dại thay,
Hỏi ngươi những việc tối cao vầy!
Làm sao ngươi hiểu như người khác
Khi đã lớn lên bám lưỡi cày?
85. Bắt lấy gã này, tóm cổ mau,
Tống ra khỏi xứ sở ta nào,
Con người dám nói hòng ngăn cản,
Việc trẫm sắp đi lấy bảo châu!
86. Sau đó ngài đi khuất mắt vua,
Nói cùng chim két Mà-tha-ra:
"Đến đây, anh vũ màu xanh lục,
Bạn hãy làm công việc giúp ta.
87. Pãn-cà Đại đế có May-nah,
Canh giữ vương sàng của đức vua,
Hỏi nó ngọn nguồn, vì nó biết,
Điều cơ mật của Ko-si-ya".
88. Mà-tha-ra, trí điểu nghe rồi,
Két lục bay đi đến tận nơi,
Trú ngụ chim May-nah quý tộc,
Ma-tha-ra trí điểu trao lời,
Với May-nah giọng du dương ấy,
Trong chiếc lồng son đẹp tuyệt vời:
89.- Bạn ơi, bạn có được khang an,
Trong chiếc lồng vàng của bạn chăng,
Hạnh phúc có tràn đầy, Vệ-xá,
Họ cho bạn đủ mật, ngô rang?
90. Em đầy an lạc, hỡi Tôn ông,
Quả thật nơi đây hạnh phúc tròn,
Họ tặng em ngô rang, mật ngọt;
Hỡi Anh vũ có trí tinh thông,
Sao ngài đến, vậy ai sai đến,
Em chẳng hề nghe thấy quý ông?
91. Ta là thị giả Chúa Si-vi,
Ở chính trong cung điện xứ kia,
Từ đó vị minh quân giải thoát,
Các tù nhân được tự do đi.
92. Ta có vợ hiền một thuở xưa,
Du dương tiếng hót, một May-nah,
Rồi chim ưng nọ vồ nàng chết,
Mang xác nàng đi trước mắt ta.
93. Yêu quý vợ hiền, ta đến đây,
Nếu nàng cho phép, tự hôm nay,
Chúng ta có thể cùng nhau hưởng,
Cuộc sống lứa đôi hạnh phúc thay.
94. Anh vũ phải yêu Anh vũ thôi,
May-nah kết hợp May-nah hoài,
Làm sao có thể đem hòa hợp,
Anh vũ, May-nah thật đẹp đôi?
95. Khi kẻ si tình yêu quý ai,
Dù Chiên-đà hạ liệt mà thôi,
Họ đều đồng đẳng bên nhau cả,
Trong ái tình không có khác sai.
96. Mẫu thân của Chúa thượng Si-vi,
Tên gọi là Jam-bà-va-tì,
Bà đã được lên ngôi chánh hậu,
Và Su Hắc đế vẫn yêu vì.
97. Ra-tha-va nọ, một tiên nga,
Cũng đã từng yêu quý Vac-cha,
Người ấy đã yêu loài thú vật,
Trong tình yêu chẳng khác nhau mà.
98. Quả thật ta gần cất cánh xa,
Hỡi nàng thánh thót giọng May-nah,
Đây là lời chối từ ta đấy,
Chắc chắn nàng đang khinh bỉ ta.
99-100. Không phước lành cho kẻ vội vàng
Mà-tha-ra, két lục khôn ngoan,
Ở đây cho đến khi triều kiến,
Chúa thượng và nghe tiếng dậy vang,
Của các trống chiêng khua đủ loại,
Và nhìn Đại đế đẹp huy hoàng.
100-101. Tiếng đồn này thật lớn truyền ra,
Khắp cả miền đất nước của ta:
Công chúa Pãn-cà-la Đại đế,
Như sao rực sáng, được vua cha,
Đem gả Vi-đề-ha quý tộc,
Lễ thành hôn sắp đến đây mà!
102. Đừng để cho ai, dẫu kẻ thù,
Tác thành hôn lễ, Ma-tha-ra,
Giống như cách của hai vua ấy,
Pãn-cà-la và Vi-đế-ha.
103. Vua hùng của xứ Pañ-cà-la,
Sẽ quyến rủ vua Vi-đế-ha,
Và sẽ giết vua kia lập tức,
Nàng đây chẳng phải bạn đâu mà.
104. Nay xin từ giã bảy đêm trường,
Ta sẽ tâu trình với Đại vương,
Của xứ Sivi, ta đã gặp,
May-nah và lập tổ uyên ương.
105. Em để chàng đi trong bảy đêm,
Sau nếu chàng không trở lại em,
Em sẽ tự mình tìm nắm mộ,
Chàng về em cũng sẽ quy tiên!
106. Rồi Mà-tha, két khôn ngoan,
Trình Ma-ho-sad Trí nhân sự tình.
107. Con người luôn phải thực hành,
Vì quyền lợi của người mình thọ ân.
108. Thần sẽ ra đi trước Đại vương,
Đến kinh thành tráng lệ huy hoàng,
Pãn-cà-la để xây cung điện,
Dâng chúa Vi-đề- ha vẻ vang.
109. Khi nào thần đã dựng xây xong
Dâng chúa Vi-đề mỹ lệ cung,
Thần sẽ tâu trình ngài đến ngự,
Hỡi vị chúa tể đại anh hùng!
110. Bậc Đại trí liền cất buớc ra,
Đến thành hoa lệ Pañ-cà-la,
Để xây dựng thật nhiều cung điện,
Dâng chúa vinh quang Vi-đế-ha.
111. Vị Đại vương cùng bốn đạo binh,
Bấy giờ liền ngự giá du hành,
Cùng vô số cỗ xe hầu cận,
Đến viếng Kam-pil-la hiển vinh.
112. Khi đến nơi, vua nhắn gửi lời,
Với Brah-ma: "Kính lễ chân ngài,
Xin ban công chúa làm vương hậu,
Nữ báu dung nhan thật tuyệt vời,
Đầy vẻ yêu kiều và khả ái,
Được đoàn thị nữ hộ lên ngôi".
113. Cung nghênh Đại chúa Vi-đề-ha,
Hạnh ngộ ngày nay quả thật là!
Hãy chọn giờ lành mang hạnh phúc,
Trẫm đem công chúa tặng vương gia,
Nàng đầy vẻ đẹp yêu kiều ấy,
Được đám cung tần hộ tống ra.
114. Vi-đề chúa chọn giờ lành xong,
Trình với Brah-ma-at Đại vương:
Xin gả công nưông làm ái hậu,
Nữ nhân diễm lệ tuyệt trần gian,
Tròn đầy mọi vẻ yêu kiều ấy,
Được các cung phi hộ tống nàng.
115. Đại đế Cù-la-ni đáp lại:
Ta ban ngài nữ báu siêu phàm,
Tròn đầy mọi vẻ yêu kiều ấy,
Được các cung phi hộ tống nàng.
116. Voi, ngựa, cỗ xe, các đạo quân.
Mang bào giáp đứng cả đoàn đông
Rực trời ánh đuốc đang bừng cháy.
Ý nghĩ ý gì chăng, các Trí nhân?
117. Voi, ngựa, cỗ xe, các đạo quân,
Mang bào giáp đứng cả đoàn đông,
Rực trời ánh đuốc đang bừng cháy,
Ý nghĩa gì chăng, hỡi Trí nhân.
118. Hoàng đế Cù-la-ni đại cường,
Đang vây ngài chặt, tấu minh quân,
Brah-ma-dat chính người gian trá,
Vua ấy sẽ tàn sát đại vương!
119. Tim ta hồi hộp miệng khô rang,
Lòng dạ ta nay thật bất an,
Ta giống một người được đốt lửa,
Rồi đem phơi dưới nắng chang chang.
120. Như cháy bên trong, lửa thợ rèn,
Bên ngoài chẳng có thể nào xem,
Lòng ta cũng vậy, đang bừng cháy,
Nhưng chẳng một ai có thể nhìn.
- Hỡi chiến vương, ngài thật bất cẩn, không quan tâm đến lời khuyến cáo và thiếu tài trí, giờ đây xin để các quân sư của ngài giải cứu ngài.
Một vị vua không làm theo lời khuyên của quân sư trung tín và tài trí, chỉ tham đắm dục lạc riêng của mình, thì có khác gì con nai bị bắt trong lưới?
Như con cá ham mồi không để ý tới lưỡi câu giấu trong miếng thịt bao quanh, không nhận biết chỗ chết của mình.
Tâu Đại vương, ngài cũng vậy, tham đắm sắc dục, như con cá kia, không nhận thấy công chúa con vua Cùlani chính là tử thần của mình.
Thần đã nói rằng nếu Đại vương đi Pañcàla, ngài sẽ mất ngay phúc lạc như con nai bị bắt trên đường sẽ gặp đại nạn.
Tâu Chúa thượng. một ác nhân sẽ cắn vào bụng ngài như con rắn độc. Không một hiền nhân nào nên kết bạn với kẻ ác, kết bạn với kẻ ác sẽ gặp bất hạnh.
Tâu Chúa thượng, bất cứ người nào mà ta nhận ra là có đức hạnh và thông thái thì đó chính là người mà bậc trí kết bạn. Kết bạn với thiện nhân chính là hạnh phúc.
121. Ngài điếc câm, ngu muội, Đại vương,
Khinh lời khuyên tối thượng từ thần,
Hỏi: "Sao thần hiểu như người khác,
Khi lớn lên cày cấy ruộng đồng?
122. "Bắt lấy gã kia, tóm cổ mau,
Tống ra khỏi xứ sở ta nào,
Con người dám nói hòng ngăn cản,
Việc trẫm sắp đi lấy bảo châu!"
123. Bậc Trí không nhai chuyện đã qua,
Giữa hàm răng, hỡi Ma-sa-dha,
Cớ sao khanh cứ rầy rà trẫm,
Như ngựa bị dây trói chặt à?
124. Nếu thấy được đường lối giải vây,
Cách an toàn thoát nạn giờ này,
Hãy mau làm trẫm yên lòng nhé,
Sao trút chuyện xưa xuống trẫm đây?
125. Hành động giờ đây quá muộn màng,
Vô cùng nguy hiểm, lại gian nan,
Thần không giải cứu quân vương được,
Ngài phải tự lo liệu số phần.
126. Có giống voi bay giữa cõi không,
Lực thần đầy đủ, thật vinh quang,
Người nào có được loài voi ấy,
Có thể bay cùng chúng thoát thân.
127. Có giống ngựa bay giữa cõi không,
Lực thần đầy đủ,thật vinh quang,
Người nào có được loài phi mã,
Có thể bay cùng chúng thoát nàn.
128. Có các loài chim hoặc quỷ thần,
Đủ tài bay bổng giữa không gian,
Còn nay quá muộn nên người tục,
Không thể làm vì quá khó khăn,
Thần chẳng thế nào cứu Chúa thượng,
Ngài cần quyết định việc riêng phần.
129. Một người không thể thấy bờ xa,
Ở giữa đại dương rộng lớn mà,
Khi nó tìm ra nơi trú ngụ,
Đủ đầy hạnh phúc với hoan ca.
130. Cũng vậy với quân sĩ, Đại vương,
Ngài là đất trú ngụ an toàn,
Ngài là tối thượng quân sư báu,
Xin giải cứu toàn thể thoát nàn.
131. Hành động giờ đây quá muộn màng,
Vô cùng nguy hiểm, lại gian nan,
Ta không giải cứu cho ngài được,
Ngài phải tự lo liệu số phần.
132. Hãy lắng nghe lời trẫm nói vầy:
Khanh nhìn thấy mối hiểm nguy này,
Se-na-ka, trẫm hỏi khanh nhé,
Khanh nghĩ làm gì được ở đây?
133. Ta hãy đốt lên ngọn lửa cao,
Ở bên cửa lớn lấy gươm dao,
Chúng ta cùng đả thưông nhau chết,
Chốc lát ta không sống nữa nào.
Đừng để Brah-ma-dat Đại đế,
Giết ta bằng cái chết dài lâu!
134. Hãy lắng nghe lời trẫm nói vầy:
Khanh nhìn thấy mối hiểm nguy này,
Puk-ku-sa, trẫm hỏi khanh nhé,
Khanh nghĩ làm gì được ở đây?
135. Chúng ta uống thuốc độc từ trần,
Chốc lát ta không phải sống còn,
Đừng để Brah-ma-dat Đại đế,
Giết ta bằng cái chết dần mòn!
136. Hãy lắng nghe lời trẫm nói vầy:
Khanh nhìn thấy mối hiểm nguy này,
Kà-vin-da, trẫm hỏi khanh nhé,
Khanh nghĩ làm gì được ở đây?
137. Chúng ta thắt cổ họng lìa đời,
Chốc lát ta không sống nữa rồi,
Đừng để Brah-ma-dat Đại đế,
Giết ta bằng các chết lần hồi!
138. Hãy lắng nghe lời trẫm nói vầy:
Khanh nhìn thấy mối hiểm nguy này,
De-vin-da, trẫm hỏi khanh nhé,
Khanh nghĩ làm gì được ở đây?
139. Ta hãy đốt lên ngọn lửa cao,
Ở bên cửa lớn lấy gươm dao,
Chúng ta cùng đả thương nhau chết,
Chốc lát ta không sống nữa nào.
Thần không thể cứu nguy chư vị,
Chỉ Đại Trí nhân có phép mầu!
140-141. Tâu Đại vương, thần muốn nói đây:
Chúng ta cùng hỏi Trí nhân này,
Nếu như việc hỏi han đầy đủ,
Bậc Trí nhân không thể giải vây,
Thì chúng ta cùng theo cách nọ,
Se-na-ka đã khuyến ta vầy.
142. Giống kẻ đi tìm chất nhựa thông,
Ở trong cây chuối hoặc cây bông,
Nên không thấy nhựa, như ta vậy,
Không thể tìm lời giải khó khăn.
143. Chỗ trú ta đây thật hãi hùng,
Như bầy voi ở chốn khô cằn,
Với người vô dụng và ngu xuẩn,
Chẳng biết làm gì để thoát thân.
144. Tim ta hồi hộp, miệng khô ran,
Lòng dạ ta nay thật bất an,
Ta giống một người được đốt lửa,
Rồi đem phơi dưới nắng chang chang.
145. Như cháy bên trong, lửa thợ rèn,
Bên ngoài chẳng có thể nào xem,
Lòng ta cũng vậy, đang bừng cháy,
Nhưng chẳng một ai có thể nhìn!
146. Thế rồi Trí giả Ma-sa-ha,
Nhận thức điều hiền thiện tối đa,
Khi ngài thấy mặt vua sầu thảm,
Ngài nói như vầy với đức vua:
147. - Xin đừng sợ hãi, tấu Anh quân,
Chúa tể đoàn xa mã đại hùng,
Thần sẽ giải vây phò Chúa thượng,
Như trăng bị nuốt bởi La Thần,
148. - Như vầng dương bị La Thần nuốt,
Như thể voi chìm xuống dưới bùn,
Như rắn bị giam trong giỏ kín,
Như con cá lọt lưới quay cuồng.
149. - Thần sẽ giải vây cứu Đại vương,
Cùng đoàn xa mã, với đoàn quân,
Sẽ làm kinh hãi Pãn-cà-đế,
Như quạ bị quăng đá hoảng hồn!
150. - Có ích lợi gì là trí tuệ,
Hoặc quân sư thuộc hạng tầm thường,
Không tài giải cứu phò Minh chúa,
Ra khỏi gian nguy, bước cuối đường?
- Này các người hãy đến mở cửa miệng hầm ra, vua Vedeha cùng quần thần sẽ đi qua địa đạo này.
Nghe lệnh bậc Trí giả, quân hầu của ngài mở cửa hầm và các then tự động.
Senaka đi trước, Mahosadha đi sau, vua ở giữa cùng đám quân thần.
Vua Vedeha bước ra khỏi đường hầm ngự lên thuyền và khi ông đã an vị, Mahosadha khuyên nhủ ông:
- Đây là quốc trượng, đây là quốc mẫu, tâu Chúa thượng, ngài thường phụng dưỡng mẫu hậu ra sao thì xin phụng dưỡng quốc mẫu như vậy.
Đây là hoàng tử cùng cha cùng mẹ với vương hậu, xin Đại vương hãy bảo hộ Pañcàlacandì, tâu Chúa tể đoàn chiến xa.
Còn Pañcàlacandì là công chúa rất được nuông chìu, xin Đại vương hãy yêu quý nàng, nàng là vương hậu của Đại vương.
151. Nào, hãy nhanh chân bước xuống đò,
Sao vương nhi mãi đứng trên bờ,
Ta vừa thoát được nơi nguy hiểm.
Ta hãy đi mau, Ma-sa-dha.
152. Việc này không đúng, tâu Quân vương,
Thần thủ lãnh toàn thể đạo quân,
Nếu bỏ đoàn quân và tẩu thoát.
Vậy toàn quân lính ở trong làng,
Rồi đây thần sẽ đem về cả,
Theo lệnh Brah-ma-dat Thượng hoàng.
153. Một đoàn quân quá nhỏ nhoi,
Làm sao thắng nổi đoàn người đông hơn?
Đoàn quân yếu bị diệt vong,
Bởi đoàn quân mạnh, Trí nhân hỡi ngài!
154. Một đoàn quân quá ít oi,
Có minh sư sẽ thắng người đông hơn,
Nhưng không có vị dẫn đường,
Một vua thắng lắm quốc vương lẽ thường,
Khác gì với ánh chiêu dương,
Đánh tan bóng tối, vinh quang mọi nhà.
155. Quốc sư hỡi, Se-na-ka,
Sống cùng người trí thật là lạc hoan !
Như Chim thoát khỏi lồng giam,
Như con cá thoát lưới càng vui thay,
Ma-sa-dha cứu ta đây
Khi ta còn ở trong tay quân thù.
156. Muôn tâu Chúa thượng, chúng ta,
Sống cùng người trí thật lạc hoan!
Như chim thoát khỏi lồng giam,
Như con cá thoát lưới càng vui thay.
Ma-sa-dha cứu ta đây,
Khi ta còn ở trong tay quân thù.
157. Hoàng đế Cù-la-ni đại cường,
Đã canh giữ kỹ suốt đêm trường,
Rạng đông vừa đến thành U-pak,
Đang ngự trên lưng của tượng vương.
158. Mãnh tượng sáu mươi tuổi đã già,
Đại vương hùng dũng Pañ-cà-la,
Quân trang vũ khí toàn châu báu,
Cung nắm trong tay cất tiếng ra:
159. - Truyền lệnh đại quân tề tựu ngay,
Lên voi vệ sĩ chiến xa này,
Các người thiện xạ và cung thủ,
Tất cả cùng nhau tụ họp đây.
160. Đưa hết các voi chiến có ngà,
Sáu mươi tuổi thọ, dẫm tan ra,
Kinh thành mới dựng cao sang ấy,
Do chính Đại vương Vi-đế-ha.
161. Hãy bắn tên ra mọi phía này,
Từ bao cung nọ, đám tên bay,
Như răng bò nghé, đầu tên nhọn,
Đâm thủng tận xương bọn chúng ngay.
162. Anh hùng tiến tới, giáp bào mang,
Vũ khí cầm tay khéo điểm trang,
Dũng mãnh can trường và tự nguyện,
Sẵn sàng đối diện với voi đàn.
163. Các gươm giáo được tẩm dầu trong,
Đầu nhọn lung linh tựa lửa hồng,
Lấp lánh như chùm sao hội tụ,
Cả trăm tinh tú giữa hư không.
164. Khi các anh hùng ấy tấn công,
Mang bào giáp, vũ khí hiên ngang,
Không hề tháo chạy bao giờ cả,
Như vậy làm sao Vi-đế vương,
Có thể tìm đường nào tẩu thoát,
Cho dù bay lượn tựa chim muông?
165. Ba vạn chín ngàn chiến sĩ ta,
Ta chưa từng thấy thế bao giờ,
Toàn quân được chọn rất tinh nhuệ,
Tất cả hùng quân của nước nhà.
166-167. Hãy nhìn voi mạnh đủ đôi ngà,
Tô điểm cân đai đẹp mắt ta,
Tuổi thọ sáu mươi, lưng ngất ngưỡng,
Các vương tử rực rỡ, xa hoa,
Trang hoàng lộng lẫy bao xiêm áo,
Như các Thiên thần Nan-da-na.
168. Gươm màu cá bạc tẩm dầu trơn,
Lấp lánh anh hùng, nắm vững vàng,
Bén nhọn, sáng ngời, hoàn hảo quá,
Được làm bằng thép luyện nhiều lần.
169-170. Gươm mạnh, do bao dũng sĩ cầm,
Những người chiến đấu mãi không ngừng,
Kim hoàn vàng ánh, đai màu đỏ,
Gươm sáng lung linh lúc vẫy vùng,
Như chớp lòe trong mây xám ngắt.
Anh hùng mang giáp vẫy cờ tung,
Có tài dùng kiếm và khiên mộc,
Nắm chặt chuôi gươm, thiện chiến quân.
171. Bị vây bởi chiến sĩ anh hùng,
Như vậy trên lưng voi tấn công,
Ngươi chẳng có nơi nào tẩu thoát,
Ta không thấy một lực oai thần,
Giúp ngươi trở lại kinh thành cũ,
Ở tại Mi-thi-là, biết chăng?
172-173. Sao ngài thúc giục mãi con voi,
Ngài đến với khuôn mặt thật tươi,
Ngài nghĩ là ngài tròn ước muốn,
Ném cung ấy xuống, ném tên thôi.
Cởi ngay bào giáp kia ngời sáng,
Cùng với san hô, các ngọc trai.
174. Trông ngươi có dáng điệu vui tươi,
Ngươi nói lời ra với nụ cười,
Giờ chết của ngươi nay sắp đến,
Cho nên vẻ đẹp hiện ra ngoài!
175. Sấm sét của ngài thật uổng công,
Âm mưu đã hỏng, hỡi Quân vương!
Vua ta khó bắt cho ngài quá,
Như tuấn mã so với ngựa thường!
176. Vua ta đã vượt quá sông Hằng,
Vào tối qua cùng các cận thần,
Ngài sẽ giống như con quạ nọ,
Cố công săn bắt thiên nga vương!
177. Chó rừng đang ở giữa đêm trường,
Nhìn thấy hoa cây phượng đỏ hồng,
Cứ tưởng hoa kia là miếng thịt,
Súc sinh hạ liệt họp từng đàn.
178. Khi các canh khuya ấy đã qua,
Mặt trời đã xuất hiện dần ra,.
Chó nhìn cây phượng đầy hoa nở,
Thất vọng, súc sinh thật xấu xa!
179. Hỡi Đại vương, cũng giống các vua,
Đã bao vây chúa Vi-đề-ha,
Sẽ tan hy vọng và đi mất,
Như lũ chó rừng tránh phượng hoa!
180. Cắt hết tay chân, tai mũi ra,
Vì tên kia thả Vi-đề-ha,
Kẻ thù đã thoát tay ta đó,
Xẻo thịt, đem chiên nấu chín mà,
Vì tên kia thả Vi-đề chúa,
Kẻ thù đã thoát khỏi tay ta !
181. Như tấm da trâu trải đất bằng,
Hoặc da sư, hổ được đem căng,
Bằng cây cọc, vậy ta mong muốn,
Căng nọc nó và lấy giáo đâm,
Vì nó thả Vi-đề chúa tể,
Kẻ thù ta thoát khỏi giam cầm!
182. Nếu chặt tay chân, tai mũi ta,
Vi-đề chúa sẽ chặt Can-da,
Can-dì,
hoàng hậu Nan-dà nữa,
Công chúa cùng hoàng tử cả nhà!
183. Nếu xẻo ta rồi xiên thịt ta,
Vi-đề chúa sẽ xẻo Canda
Can-dì,
hoàng hậu Nandà nữa,
Công chúa và hoàng tử cả nhà!
184. Nếu đóng cọc ta, đâm giáo ta,
Vi-đề sẽ đóng cọc Can-da,
Can-dì,
hoàng hậu Nan-dà nữa,
Công chúa và hoàng tử cả nhà!
185. Vậy việc kia đã được mật bàn,
Giữa ta và chính Vi-đề vương,
Giống như tấm chắn bằng da thuộc,
Dầy một trăm tầng được khéo làm,
Bởi các thợ da, là vật dụng,
Đề phòng tên nọ bắn xuyên ngang.
186. Ta mang hạnh phúc, tránh đau buồn,
Cho chúa Vi-đề-ha vẻ vang,
Ta thoát âm mưu ngài dự tính,
Như khiên tránh khỏi mũi tên đâm.
187. Đại vương xin hãy bước vào trong,
Các nội cung đều đã trống không:
Hoàng hậu, hoàng nhi, hoàng thái hậu,
Thảy đều được dẫn xuống đường hầm.
Chiến vương hỡi! họ được giao phó,
Vi-đề vương giám sát hộ phòng.
188. Mau bước vào trong các nội cung,
Xem lời tên nọ đúng hay không?
189. Ma-ho-sad nói đúng, Minh quân,
Nội điện hoàng cung đã trống không,
Như một làng bên bờ bến nước,
Được bầy quạ trú ẩn nương thân.
190. Giai nhân có sắc đẹp toàn thân,
Đã bước lối này, hỡi Đại vương,
Giọng nói bà: thiên nga trổi nhạc,
Môi bà như các phiến vàng ròng,
191. Giai nhân có sắc đẹp toàn thân,
Được dẫn lối này, hỡi Đại vương,
Đã khoác xiêm y màu lụa sẩm,
Đai lưng sáng rực kết vàng ròng.
192. Đôi chân hồng đỏ trông kiều diễm,
Đai kết vàng ròng với bảo trân,
Đôi mắt bồ câu, hình yểu điệu,
Đôi môi như trái bim-ba rừng.
193. Lưng eo thon dịu, dáng cao sang,
Như một cây leo, giống cát đằng,
Hoặc chỗ tế đàn cao, giữa hẹp,
Tóc dài đen nhánh, dưới cong cong,
Như nai tơ, thuộc dòng cao quý,
Như ngọn lửa hồng giữa tiết đông!
194. Như dòng sông ẩn dưới sườn non,
Trong đám cây leo bé cỏn con,
Tuyệt sắc giai nhân hoàn hảo quá,
Ngực đầy như trái tin-dook tròn,
Cũng không ngắn quá, không dài quá,
Cũng chẳng nhiều lông, chẳng trụi lông!
195. Vậy ngài, Đại đế vinh quang,
Thấy Nan-dà chết, hân hoan trong lòng,
Thì Nan-dà sẽ cùng thần,
Đến trình diện trước Diêm vương bây giờ!
196. Nhà ngươi có pháp thuật ư?
Hay là ngươi đã làm mờ mắt ta?
Nên ngươi cứu chúa Đề-ha,
Kẻ thù ta thoát tay ta giam cầm?
197. Tâu Đại vương, các trí nhân,
Vẫn thường học phép thần thông ở đời;
Trí nhân đầy đủ kế tài,
Bản thân giải thoát ra ngoài gian lao.
198. Tiểu thần có các quân hầu,
Khéo tài phá vỡ các hào lũy ra,
Họ làm cách ấy giúp vua,
Vi-đề đã đến Mi-la kinh thành.
199. Đường hầm xây thật tài tình,
Ngự du, xin hãy thân hành, Đại vương!
Hầm to đủ chứa voi đàn,
Đoàn xe, bầy ngựa, hàng hàng lục quân,
Bên trong đèn thắp sáng trưng,
Một đường hầm quả kỳ công thực là!
200. Lợi thay chúa tể Đề-ha,
Có nhiều người trí trong nhà như khanh,
Hoặc trong đất nước của mình,
Ma-ho-sad hỡi, thông minh tuyệt trần!
201. Trẫm ban thế lực, vinh quang,
Gấp đôi thực phẩm, tiền lương công thần,
Và thêm nhiều thứ đặc ân,
Mong khanh hưởng thụ toàn phần tự do,
Đừng về với Chúa Đề-ha,
Vua kia làm được gì cho khanh à?
202-203. Đại vương, rời bỏ chủ ta,
Chỉ vì lợi lộc thật là nhục thay,
Cho người kia lẫn ta đây;
Trong đời Vi-đế vương này trị dân,
Thần không hầu hạ tha nhân,
Thần không thể sống giang sơn người ngoài.
204. Ban khanh ngàn nén vàng thoi,
Ở Kà-si đủ tám mươi ngôi làng,
Bốn trăm tỳ nữ gia nhân,
Một trăm thê thiếp, trẫm ban trọn phần.
Rồi đem tất cả đoàn quân,
Ma-ho-sad, hãy lên đường bình an.
205. Hãy cho bầy ngựa, voi đàn,
Gấp đôi số thực phẩm ban ngày,
Toàn quân mở tiệc liên hoan,
Quản xa, lính bộ uống ăn thỏa lòng!
206. Lên đường, hỡi bậc Trí nhân,
Đoàn xe, voi ngựa, lục quân ra về,
Để cho chúa tể Vi-đề
Thấy khanh trở lại Mi-thi-la thành.
207. Ngựa voi, xe pháo, bộ binh,
Đạo quân rầm rộ hiện hình trước ta,
Bốn đoàn khủng khiếp lộ ra,
Việc này có ý nghĩa là sao đây?
208. Hân hoan lớn nhất đời này,
Đại vương còn thấy vui vầy nào hơn?
Ma-ho-sad được bình an,
Trở về cùng cả đoàn quân của ngài.
209-210. Giống như có bốn người trai,
Để thi thể nọ ra ngoài nghĩa trang,
Chúng ta để bậc Trí nhân.
Tại Kam-pil quốc, nhanh chân trở về.
Nhưng khanh có đặc tính gì,
Lập mưu, phương tiện, cứu nguy an toàn?
211. Vi-đề-ha, tấu Đại vương,
Thần nhờ một đích phá tan địch thù,
Dùng quân cơ thắng quân cơ,
Và thần vây hãm vị vua đại cường,
Như là biển lớn, Chiến vương,
Bao vây khắp cả giang sơn Diêm-Phù.
212. Được ban ngàn nén vàng thoi,
Ở Kà-sì đủ tám mươi ngôi làng
Bốn trăm tỳ nữ gia nhân,
Một trăm thê thiếp được ban cho thần.
Rồi cùng tất cả đoàn quân,
Tiểu thần trở lại quê hương an toàn.
213. Thật là hạnh phúc muôn vàn,
Khi ta được sống cùng hàng trí nhân.
Như chim thoát khỏi lồng giam,
Như con cá thoát lưới càng vui thay,
Ma-ho-sad cứu ta đây,
Khi ta còn ở trong tay quân thù.
214. Muôn tâu chúa thượng, chúng ta,
Sống cùng bậc Trí thật là lạc quan,
Như chim thoát khỏi lồng giam,
Như con cá thoát lưới càng vui thay,
Ma-ho-sad cứu ta đây,
Khi ta còn ở trong tay quân thù.
Dân chúng hãy trổi vang mọi loại đàn sáo trống chiêng, tù và trong xứ Ma-kiệt-đà hãy khua vội lên, thanh la rung thật nhộn nhịp.
215. Đàn bà, con gái mọi nhà,,
Thương gia cùng vợ, các Bà-la-môn
Đem đầy đủ thức uống ăn,
Đến dâng bậc Trí nhân làm quà.
216. Luyện voi, vệ sĩ, quản xa,
Bộ binh, tất cả đem quà đến, dâng.
Toàn dân làng xã hợp quần
Người người vui thấy Trí nhân khải hoàn.
Trong khi tiếp đón chào mừng,
Trên không phất phới khăn quàng vẫy tung.
(Dứt) Phẩm Đường Hầm Vĩ Đại.
217. Bảy người thân của hoàng cung,
Ngự du trên chốn ngàn trùng đại dương,
Quỷ thần đòi hỏi tế đàn,
Khi vừa chụp lấy thuyền vàng của vua,
Những ai ngài sẽ đưa ra,
Dần theo thứ tự để mà cứu nguy?
218. Trước tiên mẫu hậu tức thì,
Kế là hoàng hậu chánh phi Nandà,
Tiếp theo tiểu đệ hoàng gia,
Thứ tư thân hữu, năm bà-la-môn,
Chính ta thứ sáu bản thân,
Nhưng ta không hiến Trí nhân của mình!
219. Lệnh bà dưỡng dục sinh thành,
Bao năm tận tụy nhiệt tình với con,
Khi Cham-bhì hại hoàng nam,
Khôn ngoan bà thấy việc làm lợi vua,
Đem người thế chỗ vương gia,
Nên ngài đã được chính bà cứu nguy.
220. Mẹ cho đời sống từ bi,
Chính bà mang nặng hoàng nhi trong lòng.
Vì đâu là các lỗi lầm,
Ngày đem hiền mẫu hiến dâng thủy thần?
221-222. Giống như thiếu nữ còn xuân
Bà đeo các món bội hoàn nữ trang
Mà bà già chẳng nên mang.
Phi thời bà chế nhạo quân canh phòng.
Lại thường gửi điệp địch vương,
Mà không được lệnh của hoàng gia đây.
Chính vì các lỗi lầm này,
Nên ta đem hiến bà ngay thủy thần!
223-224. Lệnh bà đệ nhất hồng quần,
Cực kỳ diễm lệ, nói năng ân cần,
Tràn đầy đức hạnh, nhiệt tâm,
Kề bên hoàng hậu uyên ương bóng hình,
Chẳng hề giận dỗi bất bình,
Khôn ngoan, thận trọng, chân thành lợi vua.
Vậy vì lầm lỗi đâu mà
Ngài đem hoàng hậu hiến dâng thủy thần?
225-226. Nhờ bao vẻ đẹp mê hồn,
Bà hoàng đã khiến vương quân phục tòng,
Chịu nhiều ảnh hưởng bất nhân,
Và đòi những thứ bà không nên đòi
Dành cho con của bà thôi.
Vì ta say đắm ban hoài đặc ân.
Ta ban những vật khó ban,
Về sau hối hận muôn vàn đắng cay,
Chính vì các lỗi lầm này.
Ta đem hoàng hậu tế ngay thủy thần!
227. Chàng đem phồn thịnh cho dân,
Khi ngài đang ở tha phương xứ người,
Chàng đưa Hoàng thượng tái hồi,
Chàng không hề bị cuốn lôi bạc vàng.
228. Anh hùng thiện xạ vô song,
Ti-khi-na thật tinh thông muôn phần,
Vậy đâu là các lỗi lầm,
Ngài đem hoàng đệ tế dâng thủy thần?
229. "Ta đem phồn thịnh cho dân,
Khi ngài đang ở tha phương xứ người,
Ta đưa Hoàng thượng tái hồi,
Ta không hề bị cuốn lôi bạc vàng.
Ta là thiện xạ vô song,
Anh hùng vô địch tinh thông trí tài.
Ta tôn Hoàng thượng lên ngôi".
Chàng suy nghĩ vậy, thế rồi về sau.
230. Chàng không đi đến cung chầu,
Như thường thuở trước chàng hầu bên ta.
Chính vì lầm lỗi kia mà,
Ta đem hoàng đệ tế dâng thủy tề.
231. Ngài và Dha-nu-sek-ha,
Cùng mang tên tộc Pañ-cà-la-mà.
Một đêm hai vị sinh ra,
Vừa là thân hữu vừa là đồng môn,
Suốt đời hầu cận minh quân,
Đồng cam cộng khổ vui buồn bên nhau.
232. Nhiệt tình thận trọng bấy lâu,
Hết lòng phục vụ kể đâu đêm ngày.
Vậy thì lầm lỗi nào đây,
Ngài đem thân hữu tế ngay thủy thần?
233. Suốt đời, thưa nữ đạo nhân,
Chàng thường vui thú chung cùng bên ta.
Chính vì duyên cớ ấy mà,
Nay chàng hành động quá là tự do.
234. Nếu ta nói chuyện riêng tư,
Cùng hoàng hậu, cứ xông vô phi thời,
Mà không có lệnh ta đòi,
Cũng không thông báo cho người nào hay.
235. Nếu cho chàng một dịp may,
Làm điều bất kính, nhục đầy xấu xa,
Chính vì lầm lỗi ấy mà
Ta đem thân hữu hiến cho thủy thần.
236. Tế sư quả thật tinh khôn,
Biết nhiều điềm triệu, thanh âm ở đời,
Chuyên môn đoán rộng, vãng lai,
Am tường dấu hiệu đất trời, trăng sao,
Vậy thì do lỗi lầm nào,
Đại vương đem đạo sĩ trao thủy thần?
237. Dù ngay ở giữa quần thần,
Lão thường mở mắt trừng trừng nhìn ta,
Nên ta muốn hiến lão già,
Nhăn mày quỷ quái ấy cho thủy thần!
238. Đại vương ở giữa triều thần,
Trong châu lục lớn, ngàn trùng biển xanh,
Thay vì thành lũy bao quanh,
Ngự trên đế quốc hùng anh đại cường,
Độc tôn hoàng đế trần gian,
Thật là vĩ đại vinh quang vô vàn.
239. Nữ nhi một vạn sáu ngàn,
Điểm tô châu ngọc, nữ trang sáng ngời,
Giai nhân từ khắp mọi nơi,
Khác nào tiên nữ cao vời thiên cung.
240. Được dâng mọi thứ cần dùng,
Mọi điều ước nguyện cầu mong vẹn toàn,
Đại vương đã sống trường tồn,
Trong niềm hạnh phúc hân hoan tột cùng.
Đâu là duyên cớ nguyên nhân,
Hy sinh ngọc thể hộ phòng Trí nhân?
241. Thưa bà, Trí giả Đại thần,
Từ khi đến ở kế gần bên ta,
Ta không hề thấy bao giờ,
Con người khí phách tạo ra lỗi lầm,
Dù là một mảy cỏn con.
242. Nếu ta chết trước Trí nhân lúc nào,
Người đem hạnh phúc biết bao,
Cho đàn con cháu mai sau lâu dài.
243. Người thông minh mọi việc trên đời,
Dù là quá khứ, tương lai xa gần.
Người này không có lỗi lầm,
Ta không muốn tế thủy thần quỷ ma.
244. Thần dân của xứ Pañ-cà,
Nghe lời này của vua Cù-la-ni,
Bảo toàn bậc Trí giả kia,
Đức vua nào có kể chi mình vàng.
245. Cuộc đời của chính mẫu hoàng,
Em trai, hoàng hậu, thân bằng, bản thân,
Vua Pãn-cà thảy sẵn lòng,
Hy sinh tất cả hiến dâng thủy thần.
246. Diệu kỳ thay trí lực hùng,
Thông minh tài giỏi vô song như vầy,
Chỉ vì ích lợi đời này,
Cùng là hạnh phúc lâu dài đời sau.
(Dứt) Câu Hỏi của Thủy Thần.
- Uppalavannì (Liên Hoa Sắc) là nữ ẩn sĩ Bheri, Suddhodana (Vua Tịnh phạn) là cha của bậc Trí giả, Mahàmàyà (hoàng hậu Ma-gia) là mẹ ngài, giai nhân Bimbà (tức Yasodhàrà) là Amarà,
Ànanda là con két, Sàriputta là vua Cùlani, Mahosadha là đức Thế tôn.
Tiền thân này được hiểu như vậy.
Bổn Sanh Đường Hầm Vĩ Đại là thứ chín. [546]
[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09[10]
[Thư Mục Tổng Quát][Thư mục Bổn Sanh I][Thư mục Bổn Sanh II][Thư mục Bổn Sanh III]