THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1A] [Tiếp theo]


PHỤ CHÚ GIẢI CHƯƠNG 6

CÁC PHÁP BA-LA-MẬT (PĀRAMĪ)

B. GIỚI BA-LA-MẬT (SĪLA-PĀRAMĪ)

Con thú dũng cảm Cāmarī

Tác giả có một bài mô tả chi tiết về con thú Cāmarī mà chúng tôi đã dịch ở đây là “con bò Yak Tây Tạng”. Đây là một loại bò chở hàng ở Tây Tạng, nó cho sữa và thịt. Quạt làm bằng lông đuôi của nó là một trong những biểu tượng của vương quyền.

Loại bò này sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ cái đuôi của nó dù chỉ một sợi lông. Sumedha đã tự khuyên mình bắt chước theo gương của con bò Yak, mà giữ gìn sự trong sạch của giới dù phải hy sinh cả tánh mạng.

Những điều cần lưu ý về các phương diện khác nhau của Giới

Những điều cần lưu ý sau đây ở dưới dạng trả lời những câu hỏi rút ra từ bộ Thanh tịnh đạo.

1) Giới là gì?

2) Tại sao được gọi là Giới?

3) Đặc tánh, phận sự, hiện khởi và nguyên nhân gần của Giới là gì?

4) Giới đem lại những lợi ích nào?

5) Có bao nhiêu loại Giới?

6) Những yếu tố nào làm ô nhiễm Giới?

7) Những yếu tố nào làm thanh tịnh Giới?

Diễn giải Giới

1. GIỚI LÀ GÌ?

Có nhiều yếu tố để định nghĩa Giới mà trong đó yếu tố chính là sở hữu Tư (cetanā) hay sự chủ tâm khởi sanh trong người quyết tâm từ bỏ các hành động sai trái về thân như sát sanh, v.v… hoặc khởi sanh khi đang thực hành các phận sự đối với các bậc trưởng thượng, thầy tổ, v.v...

Ba trạng thái tâm kiên tránh (virati) hay ba sở hữu giới phần là: chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng; vô tham (alobha hay anabhijjhā), vô sân (adosa hay abyāpāda) và vô si hay chánh kiến (amoha hay sammādiṭṭhi); năm pháp thu thúc (sẽ được mô tả đầy đủ) và sở hữu tâm bất phạm (avītikkamma).

Như vậy, Giới có thể được định nghĩa bằng năm phần sau đây:

1) Sở hữu Tư đi kèm với người đang quyết tâm từ bỏ các hành động sái quấy về thân hoặc khẩu, hoặc khi đang thực hành bổn phận đối với các bậc trưởng thượng hoặc thầy tổ, v.v...

2) Ba Sở hữu Giới phần: chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.

3) Ba hành động chân chánh của tâm: vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha).

4) Năm điều kiện tránh hay năm pháp thu thúc (saṃvara), và

5) Sở hữu tâm (cetanā sīla) khởi sanh khi đang tránh những điều vi phạm.

(a) Cetanā-sīla (Tư giới) & (b) Virati sīla (Ly giới)

Ba ác nghiệp của thân là sát sanh, trộm cắp và tà dâm. Bốn ác nghiệp về lời nói là nói dối, nói đâm thọc, nói lời thô lỗ, nói lời vô ích. Hai loại ác nghiệp này có thể xảy ra trong việc nuôi mạng kiếm sống (như nghề đánh cá hoặc săn thú) hoặc để vui chơi tiêu khiển (bẫy chim, bắn chim, câu cá, hội thi săn thú, v.v…)

Cũng vậy, sự kiêng tránh hai loại ác nghiệp này kết hợp hoặc không kết hợp với sự nuôi mạng. Sự kiêng tránh ba ác nghiệp về thân khi không kết hợp với sự nuôi mạng được gọi là sự kiêng tránh bằng chánh nghiệp (sammā kammantā virati); sự kiêng tránh bốn khẩu ác nghiệp khi không kết hợp với sự nuôi mạng được gọi là sự kiêng tránh bằng chánh ngữ (sammā vācā virati). Sự kiêng tránh hai loại ác nghiệp khi kết hợp với sự nuôi mạng, và nhiều loại tà mạng khác (đặc biệt những loại tà mạng đối với các vị tỳ khưu) được gọi là sự kiêng tránh bằng chánh mạng (sammā ājīva virati).

Ba sở hữu giới phần được nêu ra ở trên được gọi là ly giới (viratī- sīla) và sở hữu tư (cetanā) đi kèm với chúng được gọi là tư giới (cetanā-sīla). Tư khởi sanh khi làm những việc phước to lớn đối với thầy tổ được gọi là tư giới (cetanā-sīla).

(c ) Anabhijjhādi sīla (Vô tham giới)

Tâm tham khiến người ta thèm muốn tài sản của người khác với ý nghĩ rằng: “Nếu ta có được món đồ ấy thì tốt biết mấy,” được gọi là Tham ý ác hành (abhijjhā manoduccarita). Khi một người xua tan những ý nghĩ như vậy thì trong người ấy sanh khởi những trạng thái tâm cố ý xua tan (cetanā) và sự vô tham (alobha hoặc anabhijjhā). Những trạng thái tâm này được gọi là Giới.

Muốn hại một người nào đó thì trong tâm có sở hữu sân sanh khởi và tâm ấy được gọi là Sân ý ác hành (byāpāda manoduccarita). Khi một người muốn xua tan những ý nghĩ sân hại như vậy thì những trạng thái tâm cố ý xua tan và trạng thái vô sân sanh khởi trong người ấy (adosa hay abyāpāda). Những trạng thái tâm này được gọi là Giới.

Khi cho rằng không có cái gì gọi là bố thí và không có kết quả nào phát sanh từ đó, người ấy chấp theo tà kiến và tâm như vậy được gọi là Tà kiến ý ác hành (micchā diṭṭhi manoduccarita). Khi người kia muốn xua tan những tà kiến ấy thì sự cố ý xua tan và tâm vô si (amoha) hay chánh kiến (sammā-diṭṭhi) sanh khởi trong người ấy. Những trạng thái tâm này được gọi Giới.

Khi ba ý ác hành này (abhijjhā, byāpāda micchā-diṭṭhi) sanh khởi, người ta rất có thể phạm phải những ác nghiệp như sát sanh, v.v… là những hành động làm tiêu hoại giới. Khi tư và ba chánh nghiệp – Ý chánh hành sanh khởi trong người ấy thì anh ta không thể phạm phải những ác nghiệp như sát sanh, v.v... Do đó, ba ý chánh hành là vô tham, vô sân và chánh kiến được gọi là Giới.

Khi tâm sanh khởi thì luôn có tư hay trạng thái cố ý đi kèm. Tư ấy có phận sự khiến tâm chú ý đến cảnh và làm vật nối giữa tâm và cảnh. Nếu không có sự xui khiến của tư thì không có sự nối kết giữa tâm và cảnh; tâm sẽ không trú vào cảnh và sẽ không biết cảnh. Chỉ qua sự tham dự của tư, sự nối kết giữa tâm và cảnh mớí xảy ra. Như vậy, chính Tư đi kèm với tâm trong mỗi hành động giới đức được gọi là Giới.

(d) Saṃvara-sīla (Thu thúc giới)

(e ) Avītikkama-sīla (Bất phạm giới)

Những loại Giới đã nêu trên đều ứng dụng cho cả hàng tại gia lẫn xuất gia. Nhưng có những loại giới khác chỉ áp dụng cho các vị tỳ khưu, đó là Thu thúc giới và Bất phạm giới.

(a) Saṃvara sīla (Thu thúc giới)

1) Pātimokkha Saṁvara – Giải thoát giới là sự thu thúc bằng những giới căn bản dành cho các vị tỳ khưu. Sự thọ trì các giới ấy giúp người thọ giới thoát khỏi những mối nguy hiểm của sự tái sanh trong các cõi khổ và nổi khổ triền miên.

2) Sati Saṁvara – Niệm thu thúc là sự thu thúc bằng chánh niệm nhiếp hộ năm môn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, để những tên “ác nghiệp” không thể nhập vào tâm.

3) Ñāṇa Saṁvara – Trí thu thúc là sự thu thúc bằng Trí tuệ, nghĩa là sự kiểm soát tâm bằng quán trí, để ngăn chặn sự trôi chảy liên tục của các tâm phiền não, như ái dục, tà kiến và vô minh. Loại thu thúc này bao gồm Tư cụ y chỉ giới (Paccayasannissita sīla), là sự thực hành pháp hộ phòng trong lúc sử dụng các món vật dụng.

4) Khanti Saṃvara – Nhẫn nại thu thúc là sự thu thúc bằng pháp Nhẫn nại, nghĩa là sự kiểm soát tâm, để những tư tưởng ô nhiễm không thể làm vấy đục tâm khi đang chịu đựng sự nóng nực hoặc lạnh rét.

5) Vīriya Saṃvara – Tinh tấn thu thúc là sự thu thúc bằng pháp Tinh tấn, nghĩa là tinh tấn ngăn chặn những ý nghĩ ác - ý nghĩ về dục lạc (dục tầm – kāma-vitakka), ý nghĩ sân hận (sân tầm – byāpāda-vitakka), ý nghĩ độc hại (hại tầm – vihimsā-vitakka). Chánh mạng Thanh tịnh giới (ājivapārisuddhi-sīla) cũng được bao gồm trong phần này.

(b) Avītikkama sīla (Bất phạm giới)

Đây là loại Giới được tu tập bằng cách kiên tránh sự vi phạm về thân, khẩu và các điều học mà vị tỳ khưu đã nguyện thọ trì.

Từ năm loại Thu thúc giới và Bất phạm giới được mô tả ở trên, có thể suy rằng về cơ bản thì Giải thoát thu thúc giới là một nhóm sở hữu tâm bao gồm Tư (cetana) và ba ý chánh hành: vô tham, vô sân và vô si. Niệm thu thúc nghĩa là sở hữu niệm có Tư đi kèm. Trí thu thúc nghĩa là sở hữu trí tuệ có Tư đi kèm. Nhẫn nại thu thúc nghĩa là một nhóm gồm tâm thiện và các sở hữu tâm dẫn đầu là vô sân, có đặc tánh chế ngự cơn giận, nói cách khác, là sở hữu vô sân. Tinh tấn thu thúc là sở hữu tinh tấn có Tư đi kèm.

Nói về Bất phạm giới trong ý nghĩa cùng tột, đó là một nhóm gồm tâm thiện và các sở hữu dẫn dắt người ta tránh vi phạm các điều học mà người ấy đã thọ trì. Trong trường hợp bố thí, Tư làm nền tảng của bố thí. Về Giới cũng vậy, Tư giữ vai trò chính, lại còn có nhóm tâm thiện và các sở hữu dẫn đầu là 3 sở hữu vô tham, vô sân và vô si, và 3 sở hữu Niệm, Tấn, Tuệ cũng có vai trò riêng của chúng.

Chấm dứt phần định nghĩa Giới

2. TẠI SAO ĐƯỢC GỌI LÀ SĪLA?

Chữ Sīla trong tiếng Pāli có nghĩa là Giới. Sīla có hai nghĩa - nghĩa thứ nhất là thói quen, hạnh kiểm. Chẳng hạn: pāpakaraṇa-sīlo - người có thói quen làm điều ác; dubbhāsana-sīlo - người quen thói nói dối; abhivādana-sīlo - người thường hay tỏ sự tôn kính đến các bậc đáng tôn kính; dhammakathana-sīlo - người hay thuyết giảng giáo pháp.

Sīla cũng được ứng dụng để mô tả hiện tượng tự nhiên: vassāna- samaye rukkha ruhana-sīlā - cây cối thường mọc lên trong mùa mưa; gimhasamaye patta patina-sīla - lá thường rụng trong mùa hạ. Trong ý nghĩa thứ nhất này, sīla được ứng dụng để mô tả thói quen của những người có đạo đức và cả phi đạo đức. Và cũng nói về những hiện tượng tự nhiên không nằm trong lãnh vực thiện ác.

Nghĩa thứ hai là pháp hành thiện, giới đức, thuộc về bậc Thánh. Đây là ý nghĩa được ứng dụng trong chương giới Ba-la-mật này. Và trong ý nghĩa này, sīla cũng có hai nghĩa: (a) hướng, dẫn dắt và (b) hỗ trợ.

(a) “Hướng” nghĩa là kiểm soát các hành động về thân và khẩu và đưa chúng đi đúng hướng, để chúng không vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Người không thọ giới, các hành động về thân và khẩu xảy ra một cách bừa bãi, như sợi chỉ lỏng lẻo được cuộn lại một cách ẩu tả. Nhưng người có thọ trì giới, nhiếp hộ các hành động về thân và khẩu để chúng khởi lên một cách có trật tự dưới sự kiểm soát của người ấy. Cho dù một người có tánh cáu kỉnh, dễ phật ý trước sự khiêu khích nhỏ nhặt nhất, cũng có thể kiểm soát các hành động về thân và khẩu nếu người ấy có thọ trì giới.

(b) Giới là sự “hỗ trợ” bởi vì không có việc thiện nào mà không có giới đi kèm. Những hành động tạo phước chỉ có thể khởi sanh trong những người có giới. Như vậy giới làm nền tảng cho mọi hành động thiện. Giới làm cho các điều phước sanh khởi dễ dàng hơn, qua sự thực hành các việc phước dẫn đến tái sanh trong bốn cõi (catubhūmaka): cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc và các trạng thái siêu thế (cõi thánh).

Ở chương Giới Ba-la-mật này, nêu ra rằng ẩn sĩ Sumedha, sau khi được thọ ký thành Phật, đã tự bảo mình trước nhất phải an trú trong Bố thí Ba-la-mật. Nhưng điều này không ám chỉ rằng vị ấy nên thực hành Bố thí trước mà không có sự thọ trì giới. Khi suy xét các yếu tố thành Phật qua sự vận dụng Ba-la-mật Tư trạch trí (Pāramī pavicaya ñāṇa), chính Bố thí Ba-la-mật xuất hiện trước tiên trong con mắt tâm của vị ấy, rồi đến Giới, Xuất gia, v.v... Thứ tự các pháp Ba-la-mật được nêu ra trong kinh sách là thứ tự mà chúng xuất hiện trước con mắt tâm của ẩn sĩ Sumedha. Không thể nào vị ấy thấy được cả mười pháp Ba-la-mật cùng một lúc. Chúng được suy xét lần lượt từng pháp và vì thế mới có thứ tự như vậy. Pháp Ba-la-mật đầu tiên được thấy là Bố thí Ba-la-mật, nhưng điều này không có nghĩa rằng thứ tự trong loạt liệt kê là thứ tự mà các pháp Ba-la-mật phải được tu tập.

Trong thực hành, sự bố thí chỉ được trong sạch khi thí chủ an trú trong giới. Sự bố thí có kết quả nhiều hơn khi có sự thọ trì giới trước. Đó là lý do khiến các vị tỳ khưu khi được mời dự lễ bố thí cúng dường thường khuyên thí chủ nên thọ trì giới trước.

Như vậy đối với câu hỏi: Tại sao được gọi là Sīla? Câu trả lời ngắn gọn và đơn giản là: Được gọi là Sīla vì: (1) Sīla không để các hành động thân khẩu diễn ra một cách phóng túng, thô bạo. Giới kiểm soát và hướng dẫn thân khẩu được nhẹ nhàng và yên tĩnh. (2) Sīla làm nền tảng cho sự sanh khởi tâm thuộc về cõi sắc, cõi vô sắc và tâm siêu thế.

Ngoài những vấn đề bàn luận này còn khởi sanh những câu hỏi sau đây: (1) Nếu Giới (sīla) và Định (samādhi) đều làm công việc “hướng dẫn” thì chúng có phận sự khác nhau như thế nào? Sīla đẩy mạnh sự yên tịnh nhờ những hành động thân khẩu được kiểm soát đúng pháp. Trong khi đó, Samādhi ngăn chặn tâm và các sở hữu tâm mà kết hợp với chúng, không cho tán loạn bằng cách hướng chúng tập trung vào một đề mục. Bằng cách này, Sīla khác với Samādhi về phận sự “hướng” của chúng.

(2) Nếu cả Giới và Địa đại (pathavī) đều làm công việc “nâng đỡ” thì phận sự của chúng khác nhau ở chỗ nào? Giới là nguyên nhân cơ bản làm sanh khởi bốn loại giới tâm, vì thế nó được xem là làm nền tảng cho sự sanh khởi các loại giới tâm thuộc về cõi dục (giới tâm thuộc về cõi sắc, sự tâm thuộc về cõi vô sắc và tâm siêu thế).

Cũng như bà nhũ mẫu giữ vị hoàng nhi trong đôi tay của bà để đứa bé không bò quanh phòng, cũng vậy, địa đại giữ các đại khác mà khởi sanh theo nó chung lại với nhau và ngăn chúng không cho tản mác đi các hướng. Như vậy giới và địa đại khác nhau về phận sự hỗ trợ của chúng. ( Phụ chú giải của Visuddhi-magga (Thanh tịnh đạo) – Chương về Giới)

Bộ Thanh tịnh đạo chỉ nêu ra hai nghĩa ngữ pháp như đã giải thích ở trên. Nhưng có những quan điểm khác nhau của những vị A-xà-lê khác. Theo họ, chữ giới (sīla) bắt nguồn từ chữ sira hay sisa, cả hai đều có nghĩa là “cái đầu”. Khi cái đầu bị cắt đứt thì thân còn lại của con người bị tiêu diệt. Cũng vậy, khi giới bị hoại thì tất cả mọi loại phước đều bị hoại. Như vậy giới giống như cái đầu của thân phước đức và được gọi là “sīla”, lấy từ chữ sira hay sisa và thay chữ “r” hay “s” bằng chữ “l”.

Nhưng tác giả có ý kiến rằng quan điểm khác biệt này không tự nhiên, vì nó được rút ra chỉ dựa vào các âm thanh tương tự từ các chữ sira, sisa sila, và không bàn về ý nghĩa thực chất của chữ sīla như đã định nghĩa trong câu kệ số 1092 của bộ Abhidānappadīpikā.

Vị ấy kết luận rằng Giới được gọi là sīla bởi vì theo bộ Abhidānappadīpikā, nó mang hai ý nghĩa: (1) đặc tánh tự nhiên, (2) pháp hành thiện.

Dù đặc tánh tự nhiên mang ý nghĩa cả thiện lẫn ác như đã giải thích ở trên, vì chúng ta đang bàn về thói quen và những pháp hành của những bậc hiền trí ngày xưa hay của chư đương lai Phật, đương lai A- la-hán, v.v… chúng ta nên nghĩ rằng sīla chỉ nói về những khía cạnh thiện mà thôi. Ví dụ: Dhamma có thể là phước hoặc tội nhưng khi chúng ta nói “Con xin quy y Pháp” thì Pháp ở đây là thiện pháp. Cũng thế, dầu Saṅgha (Tăng) có nghĩa là “nhóm”, “quần hội” trong những chữ như “manussa-sangha - nhóm người”, “sakuna-sangha - bầy chim”, nhưng khi chúng ta nói “Con xin quy y Tăng” thì chữ Tăng chỉ mang ý nghĩa là “Chúng tỳ khưu”.

Xét theo cách này, ý nghĩa của chữ sīla nên được dùng theo định nghĩa của bộ Abhidānappadīpikā là “đặc tánh tự nhiên”. Như vậy, nên giải thích rằng sīla được gọi là Giới bởi vì đó là đặc tánh tự nhiên của những vị hiền trí thuở xưa của chư đương lai Phật, A-la-hán, v.v...

3. ĐẶC TÁNH, PHẬN SỰ, SỰ HIỂN LỘ VÀ NHÂN GẦN CỦA SĪLA

Giới có đặc tánh kiểm soát những hành động về thân khẩu của người và hướng chúng đi theo con đường đúng. Giới cũng làm nền tảng cho tất cả mọi điều phước.

Phận sự của Giới là ngăn chặn không cho người ta phạm tội, do những hành động thân khẩu không được kiểm soát. Giới giúp người ta duy trì hạnh kiểm trong sạch, thoát khỏi sự chê bai của các bậc trí.

Sự hiện khởi của Giới là ý nghĩ, lời nói và việc làm được trong sạch. Khi các bậc trí suy xét về bản chất của Giới, họ thấy rằng nó là sự trong sạch của hành động về thân, sự trong sạch về lời nói và sự trong sạch của tâm.

Nguyên nhân gần cho sự sanh khởi của Giới là hổ thẹn (hiri) và ghê sợ tội lỗi (ottappa). Dù nghe pháp cũng làm sanh khởi Giới nhưng nó chỉ là nguyên nhân xa. Chỉ qua hiri ottappa, người ta mới thọ trì giới.

4. SĪLA CÓ NHỮNG LỢI ÍCH NÀO?

Người có giới hạnh được hưởng nhiều lợi ích như tâm vui sướng dẫn đến hỷ lạc (pāmojja). Kết quả lợi ích của Giới theo thứ tự lần lượt, đầu tiên là Hỷ (pīti). Trong người cảm thọ hỷ, có sanh khởi sự vắng lặng của thân và tâm (passaddhi - khinh an) để rồi lạc (sukha) sanh lên. Trạng thái yên tịnh của thân và tâm dẫn đến định (samādhi) và định giúp người ta có thể thấy các pháp như thật (yathābhūtañāṇa). Khi một người đạt được tuệ quán thấy các pháp như thật, người ấy trở nên yểm ly đối với những cái khổ của luân hồi. Trong người ấy có sanh khởi Lực tuệ (balava vipassanā-ñāṇa). Với tuệ quán này, người ấy viễn ly ái dục và chứng đắc Đạo Tuệ dẫn đến giải thoát hoàn toàn nhờ Quả Tuệ. Sau khi chứng đắc được Đạo Quả Tuệ, người ấy phát triển Quán sát trí (paccavekkhaṇa-ñāṇa) là loại trí giúp hành giả thấy rằng sự chấm dứt các pháp thuộc về danh sắc uẩn đã xảy ra trong tâm của hành giả. Nói cách khác, hành giả đã chứng ngộ Niết bàn, hạnh phúc tuyệt đối. Như vậy Giới có nhiều lợi ích, bao gồm sự chứng ngộ Niết bàn.

Trong nhiều bài kinh, Đức Phật nêu ra năm lợi ích sau đây mà người thọ trì giới và an trú trong Giới có được:

(1) Dựa vào chánh niệm nhờ Giới, người ấy có được tài sản lớn.

(2) Được danh tiếng tốt.

(3) Người ấy dù đi vào bất cứ hội chúng nào - bậc Thánh, Bà-la- môn, gia chủ hay Sa-môn đều có sự tự tin hoàn toàn (sanh lên từ giới), không chút mặc cảm tự ti.

(4) Người ấy sống đến hết thọ mạng và chết với tâm không rối loạn (người không giới lúc lâm chung ăn năn, hối tiếc rằng mình đã không làm những việc phước trong khi còn sống. Người thường xuyên thọ trì giới thì không bao giờ ăn năn, hối hận khi cái chết đến với người ấy. Thay vào đó, ký ức về những việc lành đã làm trước đây lần lượt hiện lên trong tâm, khiến người này không sợ hãi, tâm tỉnh táo để đối mặt với cái chết giống như một người sắp có được một hủ vàng, vui sướng từ bỏ cái hủ đất.

(5) Sau đó người ấy tái sanh vào nơi an vui thuộc cõi chư thiên hoặc cõi người.

Trong bài kinh Ākaṅkheyya của Majjhima Nikāya, Đức Phật kể ra 13 lợi ích sanh lên từ sự thực hành Giới. Những lợi ích như vậy được liệt kê từ sự tôn kính, được thể hiện bởi những người tu Phật cho đến sự chứng đắc đạo quả A-la-hán.

5. CÓ BAO NHIÊU LOẠI SĪLA?

Giới Nhóm Hai

1. Cāritta-sīla / Vāritta-sīla

(Tác trì giới / Chỉ trì giới)

Trong hai loại này, Giới do Đức Phật ban hành rằng: “điều này nên làm” là cāritta-sīla. Ví dụ: Sự thực hành các phận sự đối với thầy hòa thượng (upajjhaya vatta) hay các phận sự đối với thầy A-xà-lê (ācariya vatta) là phận sự cāritta-sīla.

Không làm những điều mà Đức Phật đã cấm chế như:

“Điều này không nên làm” là sự thực hành vāritta-sīla. Ví dụ: sự thọ trì các điều luật Bất cộng trụ (tỳ khưu tránh tà hạnh, đánh cắp, sát sanh và không nói sai lạc về Tri kiến của đạo và quả) là thực hành vāritta-sīla.

Một số người đã diễn dịch một cách sai lệch rằng cāritta-sīla là giới dẫn đến sự vô tội nếu không thực hiện nhưng sự thọ trì giới ấy giúp giới hạnh của người ta được trong sạch. Sự diễn dịch như vậy chứng tỏ rằng, họ không có sự phân biệt giữa các vị tỳ khưu và hàng cư sĩ.

Thực tế, Đức Phật đã ban hành điều luật rõ ràng, liên quan các phận sự phải thực hành của người đệ tử đối với thầy hoà thượng hay thầy y chỉ. Bất cứ người đệ tử đồng cư nào mà không trú trong những điều học này, thì không những không làm tròn học giới cāritta-sīla mà còn phạm tội - vi phạm các điều học liên quan đến các phận sự bắt buộc phải thực hành (vatta bhedaka dukkata āpatti).

Như vậy, đối với các vị tỳ khưu và sa-di, không thể nói rằng việc không thực hành học giới cāritta-sīla dẫn đến vô tội; vì đối với họ, cāritta-sīla do Đức Phật ban hành là Giới bắt buộc phải thực hành.

Đối với hàng tại gia cư sĩ, có thể nói rằng sự kiên tránh các điều ác, mà các điều ác này chắc chắn dẫn đến tái sanh khổ cảnh thuộc loại Tác trì giới (cāritta-sīla). Nói cách khác, sự kiêng tránh những ác nghiệp mà có hoặc không cho quả tái sanh như vậy, được xếp vào loại cāritta-sīla.

Ví dụ: Có năm giới mà người cư sĩ phải thọ trì, đó là không sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối và uống chất say. Nếu cứ mãi đắm chìm trong những ác nghiệp như vậy thay vì kiên tránh chúng, thì chắc chắn sẽ bị tái sanh vào các khổ cảnh. Do đó Giới kiên tránh năm ác nghiệp mà chắc chắn sẽ bị tái sanh các đọa xứ, được gọi là Chỉ-trì- giới (vāritta-sīla) .

Người cư sĩ cũng có thể thọ trì tám giới bao gồm bốn Chỉ-trì-giới (vāritta-sīla) là không sát sanh, không trộm cắp, không nói dối và không dùng các chất say, và thêm bốn giới khác là: không hành dâm, không ăn sau khi mặt trời đứng bóng, không khiêu vũ hát hò, chơi nhạc và thưởng thức chúng, và không nằm ngồi chỗ cao sang và xinh đẹp.

Những nghiệp thuộc về bốn giới phụ này không nhất thiết dẫn đến các khổ cảnh. Những cư sĩ bậc thánh như các vị Tu-đà-hườn (sotāpanna) và các bậc Nhất lai (sakadāgāmi) cũng vui thích quan hệ tình dục hợp pháp với vợ chồng của họ, cũng ăn sái giờ, khiêu vũ, hát hò, v.v… và ngủ ở trên giường cao và sang trọng. Nhưng họ làm với tâm không kết hợp với tà kiến, nên những nghiệp ấy của họ không cho quả tái sanh trong các khổ cảnh.

Nhưng một người phàm tục làm những việc này với tâm kết hợp với tà kiến (diṭṭhi-sampayutta) hoặc không kết hợp với tà kiến (diṭṭhi- vippayutta). Những nghiệp này có lẽ hoặc không dẫn đi tái sanh trong các khổ cảnh. Do đó bốn Giới: không hành dâm, không ăn sái giờ, không múa hát, thổi kèn, đánh đàn, xem múa hát, nghe đờn kèn, và không nằm ngồi nơi các chỗ quá cao và xinh đẹp nên được xem là Tác trì giới (cāritta-sīla). Khi một người đã quy y Tam bảo và thọ trì Ngũ giới một cách rất thận trọng, người ấy sẽ là một đệ tử tại gia của Đức Phật, một cận sự nam. Nếu người ấy tinh tấn hơn nữa bằng cách thọ trì Tám giới, sự thọ trì ấy nhằm mục đích thực hành đời sống phạm hạnh ở mức độ cao của sự tinh tấn. Nhưng Đức Phật không hề nói rằng sự thọ trì Tám giới sẽ giúp người ta thoát khỏi khổ cảnh, và cũng không nói sự thọ trì riêng Năm giới không đủ an toàn để thoát khỏi mối hiểm họa bị tái sanh vào khổ cảnh.

Do vậy, trong ý nghĩa này, bốn giới phụ trong Tám giới nên được xem là thuộc loại Tác trì giới (cāritta-sīla). Đối với các vị tỳ khưu, Đức Phật nghiêm cấm họ không được dể duôi với bốn giới này, cho nên đối với các vị tỳ khưu, sự kiện tránh những hành động này là Chỉ trì giới (vāritta-sīla).

Điều suy xét đặc biệt

Nếu đọc không kỹ về sự khác biệt của hai loại Giới: Tác trì (cāritta-sīla) và Chỉ trì (vāritta-sīla) hoặc suy xét một cách hời hợt về việc các đệ tử bực Thánh như tín nữ Visākhā vui thích trong quan hệ tình dục hợp pháp, ăn sái giờ, múa hát đờn kèn, v.v… có thể khiến người ta có suy nghĩ sai lệch. Người ta có thể dễ dàng nghĩ sai rằng tất cả những hành động như vậy là vô tội. Khi ấy người ta có khuynh hướng buông thả với những hành động như vậy sâu hơn với tà kiến đi kèm. Điều quan trọng nhất, là không nên có ý nghĩ sai lạc như vậy.

Sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, và dùng những chất say, là những ác nghiệp chắc chắn dẫn đến các khổ cảnh. Đó là lý do khiến các bậc Thánh không bao giờ vi phạm những giới cấm ấy, dù có sự đe dọa đến tính mạng. Họ sẵn sàng từ bỏ mạng sống chứ nhất quyết không làm những hành động như vậy. Bằng Đạo Tuệ, họ đã đoạn diệt tất cả những pháp ngủ ngầm xui khiến làm các ác nghiệp. Như vậy, cách mà các bậc Thánh vui thích với các việc làm, như ăn sái giờ, v.v… không giống như kẻ phàm phu.

Cái nhìn của các bậc Thánh về các dục lạc không giống như cái nhìn của kẻ phàm phu, cách vui thích dục lạc của họ khác với kẻ phàm phu.

Chú giải của Aṅguttara Nikāya (Tăng chi bộ) nói rằng thái độ của bậc Thánh đối với dục lạc giống như thái độ của vị Bà-la-môn thích sạch sẽ, bị voi rượt bèn tìm chỗ nương trú ở hố xí, rất nhờm gớm nhưng phải miễn cưỡng. Khi bị áp lực bởi tham dục - phiền não mà chưa được đoạn diệt bởi Đạo tuệ, các bậc Dự lưu hay Nhất lai hành xử với các dục lạc bằng tâm không có tà kiến đi kèm, chỉ để làm vơi dịu sự thiêu đốt của phiền não đó thôi.

Điều này rất đáng được suy xét cẩn thận. Khi vin vào gương của các bậc thánh như tín nữ Visākhā, kẻ phàm phu có thể lầm lạc, cho rằng các bậc Thánh vui thích dục lạc không khác gì họ. Như đã giải rõ ở trên, các bậc Thánh hưởng dục lạc với tâm không câu hữu tà kiến, mà chỉ để làm dịu dục vọng đốt cháy - là phiền não mà họ chưa đoạn diệt bằng Đạo tuệ, trong khi đó kẻ phàm phu đắm chìm trong dục lạc thường có tà kiến đi kèm.

Kết luận: Một người có thể có quan hệ tình dục với người bạn đời của mình, ăn buổi chiều, múa hát, chơi nhạc và nằm ngồi chỗ quá cao và xinh đẹp, v.v… với tâm câu hữu tà kiến, cho quả tái sanh vào khổ cảnh hoặc với tâm ly tà, không cho quả tái sanh vào khổ cảnh. Do đó sự kiên tránh bốn loại nghiệp này (những nghiệp có thể không dẫn đến khổ cảnh), nên được xếp vào loại Tác trì giới (cāritta sīla) chứ không phải Chỉ trì giới (vāritta sīla).

Sự phân chia Tám giới ra thành bốn Tác trì giới (cāritta sīla) và bốn Chỉ trì giới (vāritta sīla) chỉ đứng vững khi nào sự phát nguyện thọ trì được thực hiện, nên kể riêng từng giới. Nhưng nếu kể chung cả Tám giới như “Con nguyện thọ trì Bát quan trai giới” thì đó là sự thọ trì Tác trì giới (cāritta sīla) vì tám giới hình thành loại giới mà người ta có thể thọ trì hoặc không.

Còn về năm giới, dầu lời nguyện đối với chung cả năm hoặc riêng từng giới, sự thọ trì ấy hiển nhiên là Chỉ trì giới (vāritta sīla).

Trong hai loại giới này, sự thọ trì Tác trì giới (cāritta sīla) được thành tựu chỉ khi nào người ta có đức tin và tinh tấn. Đức tin có nghĩa là tin rằng kết quả thiện sẽ đi theo nghiệp thiện trong việc thọ trì giới, và tinh tấn có nghĩa là sự cố gắng không thối chuyển đi kèm với niềm tin như vậy.

2. Abhisamācārika-sīla (Đẳng Chánh hành giới) là nhóm giới đẩy mạnh thiện hạnh và bao gồm tất cả mọi hình thức thực hành giới, ngoài những giới thuộc loại Tám giới có chánh mạng là giới thứ tám (Ājīvaṭṭhamaka-sīla). Tất cả mọi hình thức thực hành giới đã được giảng dạy để thành tựu đạo quả đều thuộc sự phân loại này.

Bởi vì bộ Tám giới hình thành sự bắt đầu đời sống thanh tịnh ở đạo, nên bao gồm các pháp hành về chánh mạng (Ājīvaṭṭhamaka-sīla - Chánh mạng Đệ bát giới), cũng được gọi là Căn bản Phạm hạnh giới (Ādibrahmacariyaka-sīla).

Chánh mạng Đệ bát giới (Ājīvaṭṭhamaka-sīla) gồm có ba thân nghiệp giới: không sát sanh, không trộm cắp và tà dâm; bốn khẩu nghiệp giới: không nói dối, không nói lời đâm thọc, không nói lời thô lỗ chửi mắng, không nói lời phù phiếm vô ích; cuối cùng là kiên tránh sự nuôi mạng không chân chánh.

Bộ Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo) giải thích rằng Chánh mạng Đệ bát giới (Ājīvaṭṭhamaka-sīla) cũng có thể được gọi là Căn bản Phạm hạnh giới (Ādibrahmacariyaka Sīla) vì nó bao gồm những giới phải được thực hành viên mãn trong giai đoạn đầu của sự tu tập Thánh đạo.

Câu nói này rất có thể bị diễn dịch sai lạc bởi một số người cho rằng Chánh mạng Đệ bát giới là giới phải được thọ trì đầu tiên trên con đường đạt đến Đạo quả. Một nhóm người thì cho rằng Ngũ giới, Bát giới và Thập giới, mà mọi người thường thọ trì trong thời này, không phải là những giới được thọ trì đầu tiên cho sự chứng đắc Đạo quả.

Nói cách khác, có một số người nói rằng họ chưa hề nghe loại giới nào được gọi là Chánh mạng Đệ bát giới; giới này không phải do Đức Phật giảng dạy. Giới có lẽ về sau được bổ túc thêm, không có giá trị đặc biệt.

Thực tế, Ājīvaṭṭhamaka-sīla - Chánh mạng Đệ bát giới chắc chắn là giới được chính Đức Phật giảng dạy. Bộ Visuddhimagga trích dẫn Hậu Phân Ngũ Thập Kinh, phẩm 5, bài kinh số 7 (Uparipaṇṇāsa Pāḷi, 5 Vagga, 7 Sutta) như sau: “Tenāha pubbeva kho panassa kāyakammaṃ vācikammaṃ ājīvo suparisuddho hotī ti,” chỉ ra rằng Đức Phật đã giảng dạy Chánh mạng Đệ bát giới, là bộ giới mà Chánh mạng là giới thứ tám.

Đức Phật xuất hiện trong thời mà thế gian bị bao trùm bởi bóng tối dày đặc của những ác lực. Đời sống con người bị suy đồi, không có giới, chìm ngập trong những ý nghĩ, lời nói và hành động ác. Khi Đức Phật muốn in sâu một nếp sống có đạo đức qua sự thực hành giới, vào trong tâm trí của con người còn hoang dã như vậy, Ngài đã chọn ra một loại giới mà thích hợp nhất với tâm còn thô thiển của họ. Ở những giai đoạn đầu, Ngài đã dạy cho họ Chánh mạng Đệ bát giới - Ājīvaṭṭhamaka-sīla. Khi những điều ác ở dạng thô thiển từ những thói quen của các chúng sanh đã được thuần hóa, đã được loại bỏ thì Đức Phật không còn dùng đến loại giới ấy nữa. Thay vào đó, Ngài dạy Ngũ giới và Bát quan trai giới.

Đức Phật loại bỏ Chánh mạng Đệ bát giới khi sự thanh tịnh về giới của mọi người đã đạt đến mức độ cần thiết, những vị thầy A-xà-lê từ thời Đức Phật cho đến nay không còn quan tâm đến Chánh mạng Đệ bát giới. Người cư sĩ cũng không còn thọ trì nó (vì Ājīvaṭṭhamaka-sīla đầu tiên chỉ dành cho những người có đạo đức suy đồi).

Một câu hỏi đặt ra là - vì Ājīvaṭṭhamaka-sīla là pháp hành đầu tiên để đạt đến Đạo và vì nó được dùng vào thời điểm mà Đức Phật xuất hiện đầu tiên, thế liệu nó có thích hợp để thọ trì trong thời hiện nay không?

Câu nói “pháp hành đầu tiên để đạt đến Đạo” chỉ có thể được áp dụng khi Ājīvaṭṭhamaka-sīla được thọ trì bởi những người chưa thọ trì loại giới nào cả để đạt đến Đạo. Những người vừa từ bỏ tà kiến và bắt đầu theo đạo Phật, không chút nghi hoặc, thì nên bắt đầu làm trong sạch chính mình bằng cách thọ trì Ājīvaṭṭhamaka-sīla này. Nhưng khi họ đã được tiến bộ trong giới thì nó không còn được gọi là ‘pháp hành đầu tiên để đạt đến Đạo nữa”.

Nói cách khác, sự thọ trì Ājīvaṭṭhamaka-sīla là bước cần thiết mà những người quen sống không đạo đức nên thọ trì để tự mình loại bỏ những thói quen hoang dã, thấp kém. Nhưng đối với những người có giáo dục bởi cha mẹ đang thực hành theo giáo pháp của Đức Phật, thì điều rõ ràng là họ đã có phần nào giới hạnh rồi. Do đó họ không cần thiết phải thọ trì Ājīvaṭṭhamaka-sīla. Điều đã nói ở trên cũng được áp dụng trong thời hiện tại, khi giáo pháp của Đức Phật đã có mặt ở khắp mọi nơi.

Tuy lớn lên trong gia đình theo đạo Phật, và được khuyên dạy tránh xa những tà nghiệp thô thiển, nếu một người tự xét thấy mình còn thiếu sót về giới hạnh và đã phạm phải những điều cấm kỵ quan trọng, người ấy không còn chọn lựa nào khác mà phải khởi sự bước thanh tịnh đầu tiên, bằng cách thọ trì Chánh mạng Đệ bát giới - Ājīvaṭṭhamaka-sīla để đạt đến Đạo quả.

Những người có tánh hơi bướng bỉnh có thể nhận ra Chánh mạng Đệ bát giới này hấp dẫn, nếu có người chỉ cho họ thấy rằng nếu thọ trì giới này, người ta không phải kiên tránh uống rượu, khiêu vũ, đàn hát, đi xem văn nghệ; sự thọ trì giới sẽ không khó khăn lắm, và nó còn làm nền tảng cho sự chứng đắc Đạo quả.

Điểm yếu của con người là muốn kiếm tiền bằng những công việc nhẹ nhàng, nhàn nhã. Người ta đã quên hoặc không biết sự thực rằng, dù làm việc siêng năng, vất vả cũng chưa chắc đạt được giấc mộng giàu sang của mình. Nhiều người đã trở thành con mồi cho bọn lưu manh lường gạt, huênh hoang rằng chúng có bí quyết làm cho của cải người ta tăng lên bội phần. Vì muốn tìm phương tiện dễ dàng để trở nên giàu có, người ta đã trở thành nạn nhân của chính họ do lòng tham thái quá.

Ngoài đời có những kẻ lường gạt thế nào thì trong đạo cũng thế, cũng có những kẻ dối trá đặc biệt liên quan đến sự chứng đắc Đạo quả. Dĩ nhiên, để đạt được những pháp ấy không dễ dàng chút nào. Nhiều người muốn tìm con đường tắt, nên đã nghe theo giáo lý hư ngụy của những vị thiền sư giả dối, khoe khoang rằng sẽ giúp những người theo họ đạt được ‘quả thánh Dự lưu’ trong bảy ngày hoặc ‘Nhất lai’ nếu phát triển đầy đủ về trí tuệ. Sau khi hành xong khóa thiền bảy ngày, thiền sư ấy thọ ký cho môn đồ của mình là ‘bậc Dự lưu’ hoặc ‘Nhất lai’, và dĩ nhiên người tín đồ kia cũng rất hoan hỷ với những hạnh quả giả tạo của mình.

Ở đây, chúng tôi muốn đưa ra lời cảnh tỉnh. Như kim loại đồng, nếu nó có thể được chế biến thành kim loại vàng quý báu thông qua thuật chế kim, nó sẽ có 8 đặc tánh của vàng khác xa rất nhiều so với những đặc tánh của kim loại đồng lúc ban đầu. Cũng vậy, một bậc Thánh mà đã đạt được quả Thánh đầu tiên, tức là bậc Dự lưu, thì rất dễ phân biệt với kẻ phàm phu về thái độ, lời nói, cử chỉ. Thay vì mù quáng chấp nhận lời công bố của ông thầy là đã chứng đắc tầng thánh Dự lưu hoặc Nhất lai – hãy bằng sự nội quán, người ấy nên tự xét lại bản chất chân thật của mình để xem mình có tiến bộ hơn không, và thực sự có kết quả qua khóa thiền 7 ngày hay không. Chỉ qua sự tự đánh giá theo cách này, người ta mới có thể thoát khỏi sự dẫn dắt sai lạc của những vị đạo sư đáng nghi ngờ này.

Như vậy, về mặt thọ trì giới hoặc về những mặt khác, không có con đường tắt hay phương pháp dễ dàng nào để thành đạt mục tiêu ưa thích của mình. Một người nghiện rượu sẽ không thể nào thọ trì ngay cả Ngũ giới, đừng nói chi đến những pháp hành cao hơn như Bát giới chẳng hạn.

Nhóm học giới ngoài Chánh mạng Đệ bát giới (Ājīvaṭṭhamaka-sīla) đều thuộc loại Đẳng chánh hành giới (Abhisamācārika-sīla), là những giới làm phát triển thiện hạnh. Ngay cả Ngũ giới cũng được xem là cao hơn Ājīvaṭṭhamaka-sīla.

Có thể nói rằng: “Làm sao Ngũ giới chỉ có một điều kiêng (tức là không nói dối) trong bốn điều kiêng về lời nói, lại có thể cao hơn Ājīvaṭṭhamaka-sīla, là giới có đến bốn điều kiêng về lời nói?”

Câu trả lời là: Trong bốn giới khẩu thì nói dối làm nền tảng cho sự rạn nứt tất cả những điều kiêng về lời nói. Đức Phật dạy rằng đối với người phạm tội nói dối thì không có điều ác nào mà người ấy không thể không phạm, và người nào kiêng tránh được sự nói dối thì có thể thọ trì những giới còn lại. Cho nên, người không nói dối thì làm sao có thể dính vào tội nói đâm thọc, nói lời thô lỗ và nói lời vô ích. Điều này giải thích lý do tại sao chỉ có giới không nói dối là giới chính về lời nói trong Ngũ giới, và như vậy hẳn là Ngũ giới cao hơn Ājīvaṭṭhamaka-sīla.

Lại có câu hỏi khác: Vì giới kiêng tránh tà mạng không nằm trong Ngũ giới, nó là giới thứ tám của Chánh mạng đệ bát giới. Vậy chắc chắn nó phải được xem là cao hơn Ngũ giới?

Câu trả lời tóm tắt là: Đối với người thọ trì Ngũ giới, họ không dụng công để thọ trì thêm giới kiêng tránh tà mạng. Tà mạng là sự nuôi sống bằng phương tiện bất chánh bao gồm sát sanh, trộm cắp và nói dối. Do cẩn trọng thọ trì Ngũ giới, người ta tự nhiên đã kiêng tránh sát sanh, trộm cắp và nói dối. Như vậy trong Chánh mạng Đệ bát giới, dầu có chánh mạng giới cũng không thể nói rằng nó cao hơn Ngũ giới được. Vấn đề này chỉ dành cho thiện nam và tín nữ mà thôi.

Đối với hàng Tăng lữ, giới luật mà Đức Phật đã ban hành được ghi lại trong tạng Luật, được gọi là điều học (Sikkhāpada). Tùy theo tánh chất của chúng, các tội được phân thành bảy loại:

(i) Parājika - Bất cộng trụ

(ii) Saṅghādisesa - Tăng tàn

(iii) Thullaccaya - Trọng tội

(iv) Pācittiya - Ưng đối trị

(v) Patidesaniya - Ưng phát lồ

(vi) Dukkata - Tác ác

(vii) Dubbhāsita - Ác ngữ

Những tội ở loại thứ nhất (Parājika – Bất cộng trụ) và loại thứ hai (Saṅghādisesa – Tăng tàn) được xếp loại là những tội trọng (Garukāpatti).

Năm loại tội còn lại được gọi là những tội nhẹ - khinh tội (Lahukāpatti).

Những giới mà các vị tỳ khưu thọ trì để tránh những giới khinh (Lahukāpatti) thì được gọi là Đẳng chánh hành giới (Abhisamācarika-sīla). Còn giới trọng (Garukāpatti) được xếp loại Căn bản phạm hạnh giới (Ādibrahmacariyaka-sīla).

Trong năm bộ sách của Tạng Luật, bộ Pārājika Pāli và bộ Pācittiya Pāli gọi chung là bộ Ubhāto Vibhaṅga, bàn về những phần Luật thuộc loại Căn bản phạm hạnh giới (Ādibrahmacariyaka-sīla). Bộ Mahā Vagga Pāḷi và bộ Cūla Vagga Pāḷi, gọi chung là Khandhaka Vagga, mô tả nhóm giới thuộc loại Đẳng chánh hành giới (Abhisamācarika- sīla). (Bộ cuối cùng, Parivāra, đưa ra sự kết luận và sự phân loại các điều luật trong bốn cuốn trước).

(Các vị tỳ khưu được thành tựu Căn bản phạm hạnh giới - Ādibrahmacariyaka Sīla chỉ sau khi hoàn thành việc thọ trì Đẳng chánh hành giới - Abhisamācariya Sīla. Khi vị tỳ khưu đã nghiêm trì giới luật nghiêm ngặt, không để phạm phải dầu một lỗi nhỏ, không cần phải nói, vị ấy sẽ rất cẩn thận không để phạm phải những tội trọng).

3. Virati-sīla / Avirati-sīla (Ly giới / Bất ly giới)

- Virati-sīla (Ly giới) là ba sở hữu giới phần câu sanh, tức là chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.

- Aviratī-sīla (Bất ly giới) bao gồm những giới kết hợp với nhiều sở hữu câu sanh như Tư, v.v… ngoại trừ ba sở hữu giới phần.

4. Nissita Sīla / Anissita Sīla (Y chỉ giới / Bất y chỉ giới)

- Nissita-sīla (Y chỉ giới) là giới được thực hành dựa trên tham ái hoặc tà kiến. Khi người ta thọ trì giới với mục đích đạt được một kiếp sống hạnh phúc trong tương lai với đầy đủ của cải tiền bạc, v.v… thì giới của người ấy được gọi là giới dựa trên nền tảng của tham ái. Sự thọ trì các điều kiêng hoặc các giới điều (như bắt chước theo cách sống của bò hoặc chó) với tà kiến cho rằng, họ đang đạt đến sự thanh tịnh của tinh thần thì được gọi là giới dựa trên tà kiến.

Những người theo đạo Phật không thể nào thực hành giới dựa trên tà kiến, nhưng họ phải cẩn thận không để rơi vào sự thực hành dựa trên tham ái.

- Anissita-sīla (Bất ly giới) là giới được thực hành không dựa trên ái dục hoặc tà kiến, chỉ với mục đích duy nhất là tu tập pháp hành của bậc Thánh. Điều này có nghĩa là lấy pháp hành của phàm giới làm căn bản để đạt đến Thánh giới.

5. Kālapariyanta-sīla / Āpāṇakoṭika-sīla

(Thời hạn giới / Chung thân giới)

- Kālapariyanta-sīla (Thời hạn giới) là giới được thọ trì trong một thời gian nhất định.

- Āpāṇakoṭika-sīla (Chung thân giới) là giới được thọ trì trọn đời.

Khi mô tả về Kālapariyanta-sīla (Thời hạn giới), bộ Visuddhi- magga (Thanh tịnh đạo) chỉ đề cập chung về thời hạn thọ trì. Nhưng bộ Tīkā của bộ Thanh tịnh đạo, thì mô tả chi tiết hơn về thời hạn suốt ngày hoặc suốt đêm, v.v...

Ngày nay, nhiều người thọ giới mà không ấn định thời hạn. Sự thọ trì ấy xem ra là trọn đời. Nhưng ý định thọ trì một giới nào đó trong một ngày hoặc chỉ một thời gian, đó là giới tạm thời. Theo Chú giải và Phụ chú giải thì nghi thức nguyện thọ trì giới được nêu ra ở trên cần phải nói rõ thời gian thọ trì, người thọ trì giới khi phát nguyện phải nói rõ thời gian mà mình sẽ thọ trì. Tuy nhiên, nếu không làm vậy cũng không lỗi lầm gì. Nó vẫn là sự thực hành giới tạm thời.

Ý định không nói ra vẫn thường được xem là suốt ngày hoặc suốt đêm, hoặc suốt cả ngày lẫn đêm. Nhưng không cần thiết như vậy, vì theo lời giải thích trong Chú giải của bộ Paṭisambhidā magga thì người ta có thể thọ trì giới trong lúc đang ngồi, giống như những thiện nam tín nữ đã quy y Tam bảo rồi, họ thọ trì giới trong thời gian cúng dường vật thực đến một vị tỳ khưu ở nhà của họ. Họ thọ trì giới chỉ trong thời gian trai Tăng mà thôi. Hoặc họ có thể nguyện thọ trì giới suốt thời gian họ ở chùa một ngày, hai ngày hoặc lâu hơn. Tất cả những hình thức thực hành này đều là sự thọ trì giới tạm thời.

Như vậy, theo bộ Chú giải này, dầu thọ trì giới trong một thời gian rất ngắn vẫn có kết quả lợi ích. Do đó, các vị thầy A-xà-lê giải thích rằng đối với trẻ em không thể nhịn ăn buổi chiều, có thể khuyên chúng thọ trì Bát quan trai giới chỉ trong buổi sáng thôi cũng được. Khi làm việc thiện, thọ trì giới luôn luôn có phước dù thời gian thọ trì giới ngắn ngủi bao nhiêu cũng được.

Hai câu chuyện trong Tiểu phẩm của bộ Ngạ quỉ (Peta vatthu) sự chứng minh quan điểm này. Trong thời Phật tại tiền, ở thành Vương Xá, có một người thợ săn ngày đêm săn nai để kiếm sống. Một người bạn của ông đã quy y Tam bảo, là đệ tử của Đức Phật. Người bạn này khuyên ông từ bỏ nghề săn thú, nhưng ông không quan tâm. Người bạn vẫn không nản chí, đề nghị người thợ săn từ bỏ sát sanh tối thiểu là ban đêm và thay vào đó chuyên tâm vào việc thọ trì giới. Người thợ săn cuối cùng, đã nghe theo lời thuyết phục đầy kiên trì của người bạn từ bỏ tất cả mọi công việc săn bắt ban đêm, ông ta chỉ chuyên tâm vào việc thọ trì giới.

Sau khi chết, người thợ săn tái sanh ở gần thành Vương Xá, làm một ngạ quỷ tên là Vemanika, ban ngày thì thọ lãnh nhiều nỗi khổ to lớn, còn ban đêm sống hạnh phúc, thọ hưởng đầy đủ dục lạc.

Đại đức Nārada Thera trên đường châu du khất thực đã gặp ngạ quỷ này. Ngài hỏi ngạ quỷ ấy về những phước nào mà hắn đã làm trong kiếp trước. Ngạ quỉ kể lại cuộc đời làm thợ săn của mình, cách kiếm sống bằng nghề săn thú, chuyện người bạn đã quy y Tam bảo khuyên hắn từ bỏ lối sống tà mạng, chuyện hắn từ chối lời khuyến thiện của người bạn lúc ban đầu và cuối cùng miễn cưỡng nghe theo, bằng cách từ bỏ sự săn bắt thú vào ban đêm và chuyên tâm vào thiện nghiệp thọ trì giới. Do ác nghiệp mà hắn đã làm ban ngày, nên suốt ngày hắn chịu khổ cùng cực, nhưng ban đêm hắn sống hạnh phúc với một cuộc sống đầy đủ dục lạc của chư thiên.

Câu chuyện ngạ quỷ thứ hai cũng tương tự như vậy. (Nhưng câu chuyện liên quan đến một vị trưởng giả ngày đêm ham mê săn thú như một trò tiêu khiển, không phải để kiếm sống). Vị ấy cũng không chịu nghe lời khuyến thiện của người bạn. Cuối cùng nhờ một vị A-la-hán đến khất thực ở nhà người bạn và vị trưởng giả được thuyết phục thọ trì giới vào ban đêm. Sau khi chết, vị trưởng giả tái sanh làm ngạ quỷ, cũng đồng cảnh ngộ như ngạ quỷ Vemanika.

Từ hai câu chuyện này, chúng ta rút ra được bài học rằng dầu chỉ thọ trì giới trong thời gian ngắn ngủi vào ban đêm, chúng ta vẫn gặt hái kết quả lợi ích. Do vậy, chúng ta nên tinh tấn thọ trì giới bất cứ lúc nào có thể và thời gian ngắn ngủi bao nhiêu cũng phải tranh thủ.

6. Sapariyanta-sīla / Apariyanta-sīla

(Hữu chế hạn giới / Vô chế hạn giới )

- Sapariyanta-sīla - Hữu chế hạn giới là giới mà sự thọ trì bắt buộc phải kết thúc trước thời hạn đã nguyện ra lời vì một lý do nào đó, ví như bị thuyết phục hoặc xúi dục bởi lời đề nghị sẽ được tặng tiền bạc, của cải hoặc tôi tớ để phá bỏ sự thọ trì của mình. Trong loại giới này, cần lưu ý rằng dù sự thọ trì bị kết thúc do sự cản trở ở bên ngoài. Tuy nhiên phước đã có được, tương xứng với những giới đã thọ trì của người ấy. Giới đã được thọ trì trước khi kết thúc, cũng có kết quả.

- Apariyanta-sīla - Vô chế hạn giới là giới mà sự thọ trì không bị cắt ngang bởi bất cứ ảnh hưởng bên ngoài nào, nó vẫn được duy trì đến hết thời gian đã nguyện.

7. Lokiya-sīla / Lokuttara-sīla (Phàm giới / Thánh giới)

- Lokiya-sīla - Phàm giới là giới ở trong các lậu hoặc (āsava) như dục lậu, hữu lậu, kiến lậu và vô minh lậu.

- Lokuttara-sīla - Thánh giới là giới không câu hữu với các lậu hoặc.

Phàm giới (lokiya-sīla) dẫn đến sự tái sanh hạnh phúc trong tương lai (như người hoặc chư thiên) và cũng là điều kiện tiên quyết để thoát khỏi vòng luân hồi. Thánh giới (lokuttara-sīla) đem lại sự giải thoát luân hồi. Nó cũng là đối tượng thiền quán của Tuệ quán sát trí (Paccavekkhana-ñāṇa).

Chấm dứt Giới nhóm Hai

Giới Nhóm Ba

1. Hina-sīla / Majjhima-sīla / Paṇita-sīla

(Liệt giới / Trung giới / Thắng giới)

Khi bốn yếu tố: Dục (Chanda), Tinh tấn (Viriya), tâm (Citta) và Thẩm sát tuệ (Vimaṃsā ñāṇa) đi cùng với giới thọ trì có phẩm chất bậc thấp thì nó được gọi là Liệt giới. Khi chúng có phẩm chất bậc trung thì giới ấy được gọi là Trung giới. Khi chúng có phẩm chất bậc cao thì giới ấy là Thắng giới.

a. Hīna-sīla - Liệt giới là giới được thọ trì với ước muốn được danh tiếng. Sự thọ trì như vậy là hành động đạo đức giả, không có chủ tâm trong sạch đối với sự làm phước thật sự. Do đó nó có tánh chất liệt hạ.

b. Majjhima-sīla - Trung giới là sự thọ trì giới với mong ước được tái sanh tốt đẹp, dĩ nhiên có đi kèm một phần nào tham muốn, nhưng đó là ước muốn thiện, muốn việc thiện có kết quả lợi ích kết hợp với tư và tín. Thế nên nó cao quí hơn sự thọ trì giới vì danh tiếng.

Nói cách khác, vì động lực vẫn còn bị ô nhiễm bởi mong ước được lợi ích từ việc phước của mình, nên nó không được xếp hạng bậc cao, chỉ ở hạng bậc trung.

c. Paṇīta-sīla - Thắng giới là giới được thọ trì không phải với ước muốn được danh tiếng hay được kết quả lợi ích mà được thọ trì với sự hiểu biết rằng, thọ trì giới là pháp hành cao quí cho đời sống thanh tịnh, và cũng từ sự nhận biết rằng chúng ta nên tu tập ba pháp hành này vì sự cao quí của chúng. Giới có phẩm chất bậc cao được thọ trì với tư ý thiện, không câu hữu với bất kỳ hình thức tham muốn nào, chỉ giới ấy mới được xem là Giới Ba-la-mật.

Khi vị Bồ-tát sanh làm rồng, suốt hai kiếp làm rồng Campeyya và Bhuridatta, Ngài không thể tinh tấn thực hành giới bậc cao, mà chỉ thọ trì giới với hy vọng được tái sanh làm người. Trong ý nghĩa ấy, giới mà Ngài thọ trì có phẩm chất bậc trung. Tuy nhiên, vì Ngài không làm hư hoại giới, trái lại kiên quyết thọ trì chúng cho dù phải mất mạng, sự tinh tấn của Ngài được xem là sự thực hành Giới Ba-la-mật.

Lại nữa:

a. Khi giới bị ô nhiễm bởi những ý nghĩ bất thiện có nội dung tự tán thán và xem thường người khác, như: “Ta có giới. Những người khác không có giới và thấp hơn ta”. Đó là giới bậc hạ.

b. Giới không bị ô nhiễm như vậy nhưng là giới hiệp thế thì thuộc loại trung giới.

c. Khi giới thoát khỏi mọi ô nhiễm và kết hợp với thánh Đạo và thánh Quả thì nó thuộc loại Thánh giới.

Lại nữa:

a. Hina-sīla (Liệt giới) là giới được thọ trì với quan điểm, sẽ đạt được những kiếp tái sanh hạnh phúc.

b. Majjhima-sīla (Trung giới) là giới được thực hành, để giải thoát chính mình ra khỏi luân hồi như sự thực hành của các vị đương lai Thinh văn hoặc đương lai Độc giác Phật.

c. Paṇita-sīla (Thắng giới) là giới thực hành của chư vị Bồ-tát với mục đích cứu độ chúng sanh thoát khỏi luân hồi, và nó có đặc tánh là Giới Ba-la-mật. (Lời chú giải này chỉ liên quan đến loại giới cao quý nhất. Nó không hàm ý rằng chỉ có giới của riêng các vị Bồ-tát mới có đặc tánh như vậy. Giới thuộc về chư Độc giác Phật và chư Thinh văn đệ tử Phật, dù nó không phải loại cao quý nhất cũng được công nhận là Giới Ba-la-mật).

2. Attādhipateyya / Lokādhipateyya / Dhammādhipateyya-sīla

( Ngã / Thế gian / Pháp Tăng thượng giới)

a. Attādhipateyya-sīla (Ngã Tăng thượng giới) là giới được thọ trì do lòng tự trọng, và để thỏa mãn ý thức mình bằng cách từ bỏ điều gì không thích hợp và không lợi ích.

b. Lokādhipateyya-sīla (Thế gian Tăng thượng giới) là giới được thọ trì vì xem trọng thế gian, và để tránh sự chỉ trích của mọi người.

c. Dhammādhipateyya-sīla (Pháp Tăng thượng giới) là giới được thọ trì để tôn kính oai đức giáo pháp của Đức Phật. Người ta thực hành giới này vì tin rằng pháp thoại của Đức Phật nói về Đạo, Quả và Niết bàn, quả thực chỉ ra con đường dẫn đến giải thoát sanh tử luân hồi và cách duy nhất để tỏ sự tôn kính và cúng dường Pháp là sự thọ trì giới .

3. Parāmaṭṭha-sīla / Aparāmaṭṭha-sīla/ Patippassaddha-sīla

(Chấp thủ giới / Vô chấp thủ giới / An tức giới)

a. Parāmaṭṭha-sīla (Chấp thủ giới) cũng giống như Y chỉ giới (Nissita sīla). Sự thọ trì nó dựa trên ái dục hoặc tà kiến. Do ái dục, người ta hài lòng với ý nghĩ rằng giới của họ sẽ cho kết quả tái sanh vào cõi hạnh phúc mà họ ao ước và giới ấy cao hơn giới của kẻ khác. Do tà kiến, người ta chấp rằng giới của họ là ‘linh hồn hay tự ngã’. Trong cả hai trường hợp, giới ấy đều thuộc loại Chấp thủ giới .

(Ngay cả khi thực hành nó, giới này bùng cháy do những ngọn lửa ái dục và tà kiến. Lửa ái dục và lửa tà kiến không chỉ bùng cháy khi người ta thọ hưởng dục lạc mà ngay cả khi đang thực hành pháp bố thí và trì giới. Chỉ khi nào sự thực hành các việc thiện đạt đến trạng thái của thiền, nó mới thoát khỏi sự đốt cháy của những ngọn lửa này. Qua pháp hành thiền Minh sát cho đến khi người ta giác ngộ rằng thân này không phải ta, chỉ là hiện tượng của danh và sắc, chỉ khi ấy người ta mới thoát khỏi những ngọn lửa thân kiến).

b. Aparāmaṭṭha-sīla (Vô chấp thủ giới) là giới được thọ trì bởi kẻ phàm phu có giới đức, đã quy y Tam bảo và đã bắt đầu tu tập Bát thánh đạo với nguyện vọng chứng đắc Đạo Quả. Đây cũng là giới của bậc Hữu học (sekkha) là người qua sự tu tập Bát thánh đạo, đã chứng đắc một trong bốn thánh Đạo hoặc một trong ba Quả đầu tiên, nhưng còn phải tu tập để đạt đến mục tiêu rốt ráo là Thánh quả thứ tư.

c. Patippassaddha-sīla (An tức giới) là giới được thanh tịnh do sự chứng đắc bốn Thánh quả (sotāpanna, sakadāgāmi, anāgāmi và arahatta).

4. Visuddha-sīla / Avisuddha-sīla / Vematika-sīla

(Tịnh giới / Bất tịnh giới / Si tưởng giới)

a. Visuddha-sīla (Tịnh giới) là giới của vị tỳ khưu chưa phạm một tội nào trong bộ Luật của tỳ khưu, hoặc có phạm nhưng đã sám hối.

b. Avisuddha-sīla (Bất tịnh giới) là giới của vị tỳ khưu đã phạm tội nhưng chưa sám hối tội ấy.

c. Vematika-sīla (Si tưởng giới) là giới của vị tỳ khưu hoài nghi về vật thực mà vị ấy đã thọ lãnh (không biết đó là thịt gấu bị cấm dùng hay thịt heo được phép dùng). Là người đã hoài nghi về tội mà vị ấy đã phạm (không biết đó là tội Ưng đối trị hay tội Tác ác) và là người có sự phân vân về hành động vị ấy đã làm, có phạm tội hay không.

(Vị tỳ khưu chuyên tâm hành thiền thì nên cố gắng thanh lọc giới của mình nếu nó chưa trong sạch. Nếu vị ấy phạm một tội nhẹ (tức là một trong 92 tội pācittiya), vị ấy nên đối trị nó bằng cách sám hối với một vị tỳ khưu và nhờ vậy mà làm thanh tịnh được giới của vị ấy. Nếu vị ấy phạm tội nặng (tức là một trong mười ba tội Tăng tàn), vị ấy nên đi đến Tăng chúng, trước hết vị ấy nên thọ trì hành phạt parivāra (sống biệt trú trong nhiều ngày lâu bằng thời gian mà vị ấy đã giấu tội). Cuối thời kỳ biệt trú, vị ấy phải trải qua một thời gian hình phạt khác gọi là mānatta. Mānatta là thời gian hình phạt trong sáu ngày để được sự đồng ý của Tăng, sau đó vị ấy thỉnh cầu Tăng cho phép được trở lại địa vị hợp pháp của vị tỳ khưu. Và sau đó vị ấy phải chịu hình phạt mānatta. Chỉ khi đó, giới của vị ấy mới trở nên trong sạch và vị ấy có thể tiếp tục pháp thiền của mình. Nếu vị ấy có nghi ngờ về đặc tánh của vật thực, vị ấy nên cẩn thận xem xét kỹ lưỡng vật thực ấy, rồi tham khảo ý kiến với một vị tỳ khưu rành Luật và nhờ vậy mà đoạn diệt những hoài nghi và làm trong sạch giới của mình).

5. Sekkha-sīla / Asekkha-sīla / Nevasekkha nāsekkha-sīla

(Hữu học giới / Vô học giới / Phi hữu học phi vô học giới)

a. Sekkha-sīla (Hữu học giới) là giới được thọ trì bởi người còn phải tu tập. Đó là giới của những bậc đã chứng đắc bốn thánh Đạo và một trong ba thánh Quả.

b. Asekkha-sīla (Vô học giới) là giới của bậc không còn phải tu tập gì nữa. Đó là giới của những vị A-la-hán.

c. Nevasekkha nāsekkha-sīla (Phi hữu học phi vô học giới) là giới của những người chưa trở thành Hữu học hoặc Vô học, là giới của kẻ phàm phu.

Chấm dứt Giới nhóm Ba

Giới Nhóm Bốn

1. Hānabhāgiya-sīla / Thitibhāgiya-sīla Visesabhāgiya-sīla / Nibbedhabhāgiya-sīla

a. Hānabhāgiya-sīla (Thối phân giới) là giới chắc chắn bị suy thối. Vị tỳ khưu sống chung với những người không có giới và không thân cận với những bậc có giới. Vị ấy không biết hoặc không thấy mình đang đi trên con đường phạm tội. Vị ấy thường trú trong những ý nghĩ bất thiện và không hộ phòng các căn. Giới của vị tỳ khưu như vậy không tiến bộ, thay vào đó nó dần dần suy thối.

b. Thitibhāgiya-sīla (Trụ phân giới) là giới đứng một chỗ. Vị tỳ khưu chìm đắm trong sự thỏa mãn giới mà vị ấy đã an trú và không muốn hành thiền để tiến bộ xa hơn. Vị ấy rất thỏa mãn với giới mà không cố gắng tu tập cho tiến bộ hơn. Giới của vị ấy không tiến bộ cũng không suy thối, chỉ đứng yên.

c. Hānabhāgiya-sīla (Thắng phân giới) là giới sẽ đạt được pháp đặc biệt. Vị tỳ khưu sau khi đã an trú trong giới, không bằng lòng với mức độ của giới mà cố gắng để tiến tới Định. Giới của vị tỳ khưu ấy được gọi là Thắng phân giới hay giới sẽ đạt lợi ích đặc biệt của pháp định tâm.

d. Nibbedhabhāgiya-sīla (Quyết phân giới) là giới đi sâu vào và đánh tan bóng tối của pháp ô nhiễm. Vị tỳ khưu không những bằng lòng với giới mà còn cố gắng nỗ lực để đạt Lực quán tuệ (Balavipassana ñāṇa), là tuệ nhàm chán những cái khổ của vòng luân hồi sanh tử. Giới của vị tỳ khưu ấy là giới xuyên thấu và loại trừ bóng tối ô nhiễm qua đạo và quả.

2. Bhikkhu-sīla / Bhikkhunī-sīla / Anupasampanna-sīla / Gahaṭṭha-sīla

a. Bhikkhu-sīla (Tỳ khưu giới) là những điều luật được Đức Thế Tôn ban hành dành cho các vị tỳ khưu và những điều luật mà các vị tỳ khưu cũng phải thọ trì dù chúng được ban hành dành cho các tỳ khưu ni.

b. Bhikkhunī-sīla (Tỳ khưu kheo ni giới) là những điều luật được ban hành dành cho các Tỳ khưu kheo ni và những điều luật mà các tỳ khưu ni cũng phải thọ trì dù chúng được ban hành dành cho các vị tỳ khưu.

c. Anupasampanna-sīla (Vị cụ túc giới) là mười điều học do các vị sa-di (samanera) và sa-di-ni (samaneri) thọ trì. (Những người không phải là tỳ khưu thì được gọi là Vị cụ túc. Theo định nghĩa này, những người cư sĩ cũng được xem là Vị cụ túc, nhưng họ sẽ được phân loại riêng là cư sĩ (gahaṭṭha) và do đó không được bao gồm ở đây). Chỉ những vị sa-di và sa-di-ni mới được xem là anupasampanna. Tuy nhiên có một loại khác được gọi là sikkhāmana (thức-xoa-ma-na). Thức-xoa-ma-na là những vị sa-di tu lâu năm hoặc đã lớn tuổi đang đi vào khóa tu học đặc biệt để trở thành tỳ khưu ni. Họ không được kể riêng ra ở đây mà được liệt vào loại sa-di ni.

d. Gahaṭṭha-sīla (Tại gia giới) là giới được thọ trì bởi người tại gia cư sĩ.

Xét về Tại gia giới, bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) nói rằng:

Upāsaka upāsikānaṃ niccasīlavasena pañcasikkhāpadāni sati vā ussāhe dasa uposathaṅga vasena aṭṭhati idaṃ gahaṭṭha-sīlaṃ”

“Năm giới là pháp thọ trì thường xuyên, mười giới thọ trì khi nào có thể và tám giới thọ trì đặc biệt vào những ngày Bố tát (Uposatha), chúng thuộc về Tại gia giới mà các thiện nam và tín nữ cần phải thọ trì.”

Có nhiều quan điểm về nhóm chữ Pāḷi “sati vā ussāhe - khi nào có thể” trong bộ Thanh Tịnh Đạo.

Một vị thầy A-xà-lê cho rằng không chỉ năm giới mà mười giới cũng phải được thọ trì trọn đời. Họ đã áp dụng sai về thập giới là đặc tánh của thường giới, “thường giới” chỉ có nghĩa cho ngũ giới mà thôi.

Theo những vị A-xà-lê này, “Việc thọ trì ngũ giới, không cần phải xét người đó có khả năng hay không. Người ấy nên thọ trì ngũ giới trọn đời. Về thập giới, cho dù có sự thuyết phục rằng mười giới nên được thọ trì như là thường giới, tuy nhiên, chỉ những người có khả năng mới nên thọ trì chúng. Khả năng ở đây có nghĩa là khả năng từ bỏ của cải về vàng và bạc không chút luyến tiếc. Từ bỏ những vật sở hữu của mình theo cách này, vị ấy nên thọ trì mười giới suốt trọn đời, không phải chỉ vài ngày hoặc vài tháng. Nếu ý định của vị ấy là không cầm giữ vàng bạc chỉ trong thời gian thọ trì giới, và dùng chúng trở lại sau đó, thời vị ấy không nên thọ trì chúng chút nào cả.”

Lại nữa, có một số người suy nghĩ sai lạc và nói rằng “Thật khó để người ta từ bỏ những vật sở hữu của mình về vàng và bạc, vì thế người cư sĩ không nên thọ trì mười giới”. Cũng theo bộ Visuddhimagga Mahātikā, chữ “dasa - mười” nên được xem là mười giới của những vị sa-di. Lại nữa, sīla ở đây giống như giới được thọ trì bởi người thợ gốm Ghatika và những người khác. Lời Chú giải này càng làm rối rắm hơn trong quan điểm lầm lạc của những người này. Họ có quan điểm cực đoan rằng nếu người ta chỉ từ bỏ của cải mới kiếm được và mới thọ lãnh thì chưa đủ. Họ còn phải từ bỏ tất cả những gì mà họ đã sở hữu, giống như Ghatikāra trong bài kinh Ghatikāra (Rājavagga, Majjhimapaṇṇāsa) đã từ bỏ việc dùng xài vàng bạc suốt đời. Và chỉ khi nào họ giống như Ghatikara về mặt này, họ mới có thể an trú đầy đủ trong thập giới. Như vậy họ đã đưa ra lời phát biểu phóng đại thiếu suy nghĩ.

Để làm sáng tỏ:

Quan điểm của họ là như thế này - chỉ khi nào người ta có thể “từ bỏ tài sản vàng và bạc của mình mà không chút luyến tiếc”, người ấy mới nên thọ trì thập giới. Điều ấy bị hiểu sai vì nó khởi sanh liên quan đến điều học jātarūpa sikkhāpada trong thập giới. Theo sự diễn giải này, chỉ khi nào người ta có thể từ bỏ tất cả của cải mà họ sở hữu không chút luyến ái, họ sẽ an trú đầy đủ trong các điều học. Ghatikara là một vị A-na-hàm, bậc Bất lai, là người đã từ bỏ tất cả tài sản của mình không chút luyến ái. Ngày nay dù người cư sĩ không kiếm được tài sản mới vào ngày thọ trì Thập giới, nhưng họ đã tích lũy ở nhà và ở nơi khác tất cả của cải của họ đã kiếm được trước kia, như vậy nó đi ngược với điều học jātarūpa sikkhāpada. Cho nên họ không nên thọ trì mười điều học trừ khi họ từ bỏ tất cả tài sản của mình mà không chút luyến ái. Ngay cả nếu họ nguyện thọ trì thập giới, họ cũng không được giữ chúng.

Sự diễn dịch của những vị A-xà-lê này không thể đứng vững bởi vì đối với các vị tỳ khưu thì rūpiyasikkhāpada, liên quan đến việc cầm giữ và sở hữu tiền, nó còn vi tế và cao quý hơn điều học jātarūpa sikkhāpada của người tại gia. Theo điều học ấy, vị tỳ khưu không nên thọ lãnh tiền hoặc bảo người khác nhận lãnh giùm. Nếu nó được để lại gần vị ấy, chỗ không có người nhận, thì vị ấy không nên tự mãn mà phải có thái độ không chấp nhận bằng cách nói rằng: “Các vị tỳ khưu không được phép thọ lãnh vàng bạc. Chúng tôi không muốn nhận nó.” Nếu vị ấy không nói lên lời phản kháng nào thời vị ấy bị phạm tội, và vàng bạc cũng phải được vị ấy xả bỏ. Đây là điều luật được Đức Thế Tôn ban hành.

Giả sử có người hộ độ (dāyaka) đến với vị tỳ khưu và dâng tiền, dù vị tỳ khưu làm theo luật, ngăn cản người kia và từ chối nhận nó. Nhưng người hộ độ kia để món tiền ấy lại và bỏ đi. Nếu có một vị thiện tín đi đến và vị tỳ khưu nói với người kia về món tiền và người thiện tín nói rằng: “Vậy để con giữ giùm cho.” Vị tỳ khưu có thể đi lên tầng thứ bảy của tịnh xá, dẫn theo người thiện tín ấy và nói rằng: “Đây là chỗ an toàn.” Nhưng vị ấy không được nói: “Hãy giữ nó ở đây.” Tuy nhiên, khi người thiện tín đi khỏi sau khi đã cất giữ an toàn số tiền ấy tại nơi mà vị tỳ khưu đã chỉ, vị tỳ khưu có thể đóng cửa phòng cẩn thận và canh giữ nó. Làm như vậy, vị tỳ khưu không phạm tội về bất cứ điều học nào. Đây là lời giải thích của Chú giải về điều học rūpiya sikkhāpada.

Nếu sự sở hữu vàng bạc là không được phép đối với người cư sĩ đang thọ trì điều học jātarūpa sikkhāpada, thì sẽ không có lý do gì để cho phép vị tỳ khưu đang thọ trì các điều học vi tế và cao quý hơn lại được giữ vàng bạc. Như vậy cần lưu ý rằng nếu vị tỳ khưu như vậy mà không phạm tội, thì đối với người cư sĩ đang thọ trì điều học jātarūpa sikkhāpada, việc sở hữu tài sản được để chỗ an toàn cũng không phạm tội.

Trong bộ Visuddhimagga Mahātikā, tấm gương của người thợ gốm Ghatikāra không phải được dẫn chứng để kết luận rằng: “Người tại gia thọ trì thập giới chỉ khi nào họ có thể từ bỏ tất cả tài sản của họ mà không chút luyến ái giống như Ghatikāra.” Thực tế thì tấm gương Ghatikāra, con người tối thắng trong việc thọ trì thập giới, được dẫn chứng ở đây để sách tấn mọi người đừng thỏa mãn với việc thọ trì thập giới tầm thường của họ, mà họ nên cố gắng hơn nữa để trở thành người thọ trì bậc cao theo gương của Ghatikāra. Ngay cả họ không thể bằng vị ấy, sự dẫn chứng cũng có lợi ích là khuyến khích họ bắt chước theo gương của Ghatikāra càng nhiều càng tốt.

Bằng chứng của lời nhận xét này là: Sīlamayanti niccasīla uposatha niyamādivasena pañca attha dasa vā sīlāni samādiyantassa”, như đã được bình giải trong bộ Itivuttaka Aṭṭhakathā do Ācariya Dhammapāla Thera, tác giả của bộ Visuddhimagga Mahātikā, bộ Chú giải đề cập ba loại giới, đó là (i) Ngũ giới được thọ trì thường xuyên (nicca sīla), (ii) Tám giới được thọ trì vào ngày Bố tát (uposattha sīla), (iii) Mười giới thỉnh thoảng được thọ trì (niyama sīla). Rõ ràng là theo bộ Chú giải này, mười giới không được thọ trì thường xuyên, chúng được thọ trì thỉnh thoảng.

Lại nữa, trong bộ kinh Sagāthāvagga Saṃyutta Pāli, Sakka Saṃyutta, chúng ta thấy câu chuyện sau đây: Sakka, vua của chư thiên, từ cung điện Vejayanta đi đến khu vườn ngự uyển, khi vị ấy sắp bước vào chiếc xe của mình, vị ấy lễ bái tám hướng. Rồi chư thiên Mātali nói rằng: “Thưa thiên chủ, Ngài đang lễ bái ai vậy?” Sakka bèn nói rằng:

Ye gahaṭṭhā puññakarā. sīlavanto upāsakā, dhammena dāraṃ posenti, te mamassāmi Mātali.

Này Mātali, một số người thực hành các việc phước, họ cũng có giới; họ quy y Tam bảo: Phật, Pháp và Tăng, và họ nuôi dưỡng vợ con một cách chánh đáng. Ta lễ bái đến những người ấy.

Chữ “sīlavanto” trong câu trả lời của Sakka được giải thích bởi nhà Chú giải như sau: “Sīlavanto ti upāsakatthe patiṭṭhāya pañcahi pi dasahi pi sīlehi samannāgatā - Những người có giới là những người quy y Tam bảo và an trú trong Ngũ giới và Thập giới.” (Theo bộ Chú giải này, rõ ràng là những người mà Thiên vương Sakka lễ bái là những người sống với gia đình của họ, thọ trì Ngũ giới và Thập giới).

Cũng trong bộ Phụ chú giải của bộ Saṁyutta, có đoạn bình giải như vầy: niccasīlavasena pañcahi niyamavasena dasahi - Ngũ giới nên được thọ trì như là Thường giới (Nicca-sīla) , Thập giới như là Hạn định giới (Niyama-sīla).

Niyama Sīla (Hạn định giới)

Trong tự điển Magadha, câu kệ 444, chữ Niyama Sīla được định nghĩa tóm tắt như sau: Giới phải được thọ trì vĩnh viễn là Yama Sīla. Giới không được thọ trì vĩnh viễn mà chỉ thỉnh thoảng là Niyama Sīla. Cách gọi tên Yama Sīla Niyama Sīla có nguồn gốc ở Bà-la-môn giáo (không sát hại, không nói dối, không trộm cắp, không tham đắm trong tình dục thấp hèn, không thọ lãnh vật thực bố thí - năm điều này là Yama Sīla, phải được thọ trì trọn đời. Thanh lọc, dễ nuôi, khổ hạnh, tụng kinh Phệ đà, niệm tưởng Phạm thiên - năm điều này là Niyama Sīla, nên được thọ trì thỉnh thoảng) (Amarakosa Brahmana Vagga, v. 49).

Theo bộ Saṁyutta Pāli và Chú giải của bộ này, điều rõ ràng là ngay cả những người đang chăm sóc gia đình bằng chánh mạng cũng có thể thọ trì thập giới. Do vậy, quan điểm: “Những người nên thọ trì thập giới chỉ khi nào họ có thể từ bỏ vàng bạc của họ mà không chút luyến ái như người thợ Ghatikara,” không phải là quan điểm đúng. Đó chỉ là câu nói cường điệu.

Hơn nữa, trong mười phận sự của vị vua, được nêu ra trong Mahāvaṁsa Jātaka của Asīti Nipāta, Chú giải nói rằng chữ “sīla” hàm nghĩa cả Ngũ giới lẫn Thập giới. Do đó, điều rõ ràng là các vị vua cũng thọ trì Thập giới như là một trong những phận sự của họ. Nếu nói rằng “Mười giới nên được thọ trì chỉ khi nào chúng có thể được thọ trì trọn đời,” thời các vị vua mà có các bà hoàng hậu, thứ phi, nữ quí nhân và kho báu đầy vàng và họ sẽ không thể thọ trì Thập giới do bởi sự phi phạm hạnh (abrahma-cariya) và các điều học về vàng và bạc (jātarūpa sikkhā-pada). Nếu các vị vua không thể thọ trì, thì nhà Chú giải đã không bao gồm mười giới trong bài bình giải của vị ấy về giới trong mười phận sự của vua. Nhưng nhà Chú giải đã nêu chúng ra một cách khẳng định trong bài bình giải của vị ấy. Do đó mười giới không phải là thường giới (nicca-sīla), chúng là giới được thọ trì khi nào người ta có thể.

Hơn nữa, bộ Chú giải Khuddakapātha giải thích về tám giới có nguồn gốc từ mười điều học như sau: “Trong mười giới, hai giới đầu: Pānātipātā Sikkhāpada (giới sát sanh) và Adinnādāna Sikkhāpada (giới trộm cắp), được hàng cư sĩ và sa-di thọ trì như là Thường giới. (Giới thứ ba: Abrahmacariya sikkhāpada - giới không hành dâm, không được kể Thường giới (nicca-sīla) của người cư sĩ. Nó là giới được thọ trì chỉ khi nào có thể). Lại nữa, từ mười giới, giới thứ bảy, Naccagita Sikkhāpada (giới không xem ca vũ nhạc) và giới thứ tám, Mālāgandha Sikkhāpada (giới không trang điểm..) được tính chung thành một giới. Điều học cuối cùng Jātarūpa Sikkhāpada (giới không giữ vàng bạc) không được tính.

Cũng theo bộ Chú giải này, những giới rút ra từ Thập giới mà người cư sĩ nên thọ trì thường xuyên có bốn: không sát sanh, không trộm cắp, không nói dối và không dùng các chất say. Người cư sĩ không thể thọ trì thường xuyên điều học Abrahmacariya Sikkhāpada (giới không hành dâm). Họ cũng không thể thọ trì thường xuyên các điều học Vikālabhojana, Niccagīta, v.v... Như vậy, rõ ràng là tất cả mười giới này thuộc loại Niyama sīla, được thọ trì chỉ khi nào có thể.

Mặc dầu trong bộ Chú giải Khuddaka Pātha có đề cập rằng Jātarūpa Sikkhāpada là giới đặc biệt dành cho các vị sa-di, phạm giới sẽ không bị trục xuất giới khỏi đời sống sa-di. Vì trong chương Mahākhandhaka của bộ Vinaya Mahāvagga Pāli, Đức Thế Tôn đã ban hành mười điều trục xuất dành cho vị sa-di, trong đó năm giới đầu tiên của thập giới được kể đến, còn năm giới sau không được kể đến. Do đó, dầu phạm một trong năm giới sau vị sa-di cũng không bị trục xuất. Vị ấy chỉ phạm tội làm hoen ố điều học, phải chịu hình phạt. Nếu vị sa-di thực hiện hình phạt do ông thầy đưa ra như khiêng cát, gánh nước, v.v… thời vị ấy sẽ trở lại thành vị sa-di tốt, hoàn toàn hết tội.

Như vậy, ngay cả những vị sa-di thọ trì Thập giới, tuy họ phạm điều học về vàng và bạc cũng không bị trục xuất khỏi đời sống sa-di. Do đó, rõ ràng là trong mười giới, năm giới sau không quan trọng như năm giới đầu. Như vậy thật không thích hợp khi nói và viết ra lời sách tấn nghiêm trọng về sự thọ trì nghiêm ngặt điều học jātarūpa sikkhāpada dành cho người cư sĩ, khi nó không được xem là quá quan trọng ngay cả đối với các vị sa-di.

Phải công nhận rằng bộ Chú giải của Visuddhimagga và Khuddakapātha đều do đại đức Mahā Buddhaghosa viết - hai bộ sách trên được viết ra bởi cùng một tác giả, nên bài viết không thể khác. Đoạn văn từ bộ Visuddhimagga: “Upasakanaṃnic sīlavasena pañca sik-khāpadāni sati vā ussāhe dasa - mười giới đối với người cư sĩ không phải là thường giới, chúng là Hạn định giới được thọ trì chỉ khi nào có thể.” Cần lưu ý là nó phù hợp với hai bộ Chú giải Khuddakapātha và Itivuttaka.

Nói về sự vi phạm các giới cấm, bộ Chú giải Khuddakapātha sau khi bàn về các vấn đề liên quan đến các vị sa-di, đã giải thích rằng: “Trường hợp của người cư sĩ, sau khi nguyện thọ trì năm giới, nếu một giới nào đó bị hỏng, thì chỉ riêng giới ấy bị hỏng mà thôi. Và nếu giới ấy được nguyện thọ trì lại thì năm giới được hoàn toàn trở lại.” Nhưng có một số vị thầy A-xà-lê khẳng định như vầy: “Nếu năm giới được nguyện thọ trì riêng từng giới, tức là giới này đến giới khác, thì sự vi phạm một giới sẽ không ảnh hưởng những giới còn lại. Tuy nhiên, nếu họ nói vào lúc bắt đầu nguyện thọ giới rằng: “Pañcaṅga samannāgataṃ sīlaṃ samādiyāmi - Con nguyện thọ trì trọn đủ năm giới,” thì nếu một trong năm giới ấy bị phạm thì tất cả đều bị hỏng, vì lời nguyện lúc ban đầu là thọ trì chung cả năm . Kết quả của sự vi phạm các giới cấm, mỗi sự vi phạm sẽ có hậu quả riêng của nó, không ảnh hưởng các giới khác.

Nhưng một số vị thầy lại biện minh cho quan điểm này, nói rằng sau khi nguyện thọ trì cả năm giới, nếu một giới nào đó bị phạm thì những giới còn lại không bị ảnh hưởng. Nếu chúng ta chấp nhận lời biện luận như vậy, thời sẽ không có sự khác biệt nào cả trong những quan điểm của họ. Về điểm này, bộ Sikkhāpada Vibhaṅga của bộ Sammohavinodani giải thích rằng:

Gahattha yam yam vītikkamanti, tam tadeva khan-daṃ hoti bhijjati, avasesaṃ na bhijjati, kasmā gahattha hi anibaddhasilā honti, yam yam sakkonti tam tadeva gopenti - Sau khi nguyện thọ trì các giới, nếu người cư sĩ phạm một trong những giới ấy thì chỉ có giới ấy bị phạm, những giới còn lại thì không. Vì đối với người cư sĩ, không có những giới bắt buộc phải thọ trì thường xuyên như các vị sa-di. Trong năm giới, họ có thể thọ trì bất cứ giới nào mà họ có thể. Một, hai hoặc ba, không cần thiết phải thọ hết cả năm. Chúng ta không nên nói rằng chỉ vì họ thọ trì một số giới mà không phải cả năm giới nên không thành tựu việc thọ giới, và họ sẽ không được chút phước nào đối với việc thọ giới như vậy.”

Nên lưu ý rằng, cho dù người cư sĩ không thể thọ trì tất cả năm giới mà chỉ một số giới nào đó, họ cũng có phước và giới của họ là có thật. Về điểm này, bộ Chú giải Patisambhidāmagga bình luận về giới Pariyanta Pārisuddhi Sīla (giới này được mô tả đầy đủ trong mục giới nhóm năm). Có hai loại giới hạn liên quan đến giới, giới hạn về số lượng các điều học được thọ trì và giới hạn về thời gian thọ trì. Các cư sĩ thọ trì một, hay, hai, ba, bốn, năm, tám hay mười giới. Nhưng các vị sa-di và sa-di-ni phải thọ trì đủ mười giới. Đây là giới hạn về số lượng giới được thọ trì.

Ý nghĩa chính ở đây là: nếu người cư sĩ nguyện thọ trì một, hai, ba, bốn, năm, tám hoặc mười giới và thọ trì chúng một cách đàng hoàng thì giới của người ấy sẽ trở thành Sikkhāpada Pariyanta Pārisuddhi Sīla - Giới Thanh tịnh Hạn chế về số lượng.

Do đó, trong sự thực hành cư sĩ không nguyện thọ trì một, hai, ba, bốn, mà cả năm giới, cũng không bắt buộc phải thọ trì tất cả năm giới. Nếu họ có thể thọ trì chỉ hai giới, thì họ nên thọ trì hai giới ấy, v.v…

Có thể đặt ra câu hỏi - khi nào người cư sĩ có quyền thọ trì bất cứ giới nào mà họ thích? Tại sao riêng năm giới lại được mô tả trong bộ Thanh tịnh đạo như vầy: “Upāsakopasikānaṃ niccasīlavasena pañca sikkhā-padāni?”

Câu trả lời là bộ Chú giải đề cập chủ yếu đến nguyên tắc của giới, nghĩa là tất cả năm giới phải được thọ trì thường xuyên, “Niccasīlavasena pañca sikkhāpadāni”. Chúng ta không có quyền bỏ đi bất cứ giới nào mà chúng ta muốn. Sẽ có tội nếu phạm một trong năm giới. Không chỉ bộ Visuddhimagga mà trong những bộ kinh khác cũng thế, năm giới được xem là Thường giới (Nicca Sīla) theo nguyên tắc của giới.

Brahmacariya-Pañcama Sīla (Ngũ phạm hạnh giới)

Thêm vào Ngũ giới, Bát quan trai giới và Thập giới còn có Ngũ phạm hạnh giới, là giới dành cho người cư sĩ. Tuy nhiên, Ngũ phạm hạnh giới thực tế là Ngũ giới. Giới thứ ba trong năm giới gốc - “Kāmesu micchā cārā veramanī-sikkhāpadaṃ samādiyāmi” được thay thế bằng “Abrahmacariyā veramanī-sikkhāpadaṃ samādiyāmi”, được áp dụng trong Ngũ phạm hạnh giới.

Ngũ phạm hạnh giới do vị thiện nam Gavesi thọ trì, vào thời Đức Phật Kassapa (Ca-Diếp) (Aṅguttara Nipāta, Pañcaka Nipāta, 3. Upāsaka Vagga, 13. Gavesī Sutta).

Trong thời của Đức Phật Gotama, giới này được thọ trì bởi Ugga, quan thủ quỷ của thành Vesāli và Ugga, người thủ quỷ của ngôi làng Hatthigāma, nước Vajjī (Aṅguttara Nikāya, Atthaka Nipāta, 3. Gahapati Vagga, I Sutta, và II Sutta). Hai vị Ugga nguyện thọ trì Ngũ phạm hạnh giới từ Đức Thế Tôn và thọ trì chúng. Mỗi người có bốn bà vợ, hai bà vợ cả của hai người được phép tái giá lấy chồng khác, rồi lần lượt những bà vợ còn lại cũng như thế, và sau đó hai vị gia chủ này sống độc thân. Họ là những vị “Bất lai” còn tại gia. Không nên hiểu lầm rằng những người có gia đình trong thời hiện tại muốn thọ trì

Ngũ phạm hạnh giới, phải từ bỏ vợ mà không chút luyến ái. Nói cách khác, không nên cho rằng họ không thể thọ trì giới này, trừ khi họ từ bỏ những bà vợ trước của họ. Vì theo lời giải thích của bộ Chú giải Khuddakapātha thì trong mười giới, chỉ có bốn giới là: Pānātipāta, Adinnādāna, Musāvāda Surāmeraya được xem là Thường giới. Cho nên, điều rõ ràng là giới không hành dâm (Abrahmacariyā Sikkhāpada) và những giới còn lại như Vikālabhojana v.v... không phải là Thường giới (Nicca-sīla), chúng là Hạn định giới (Niyama- sīla), được thọ trì thỉnh thoảng. Cho dù họ không thể thọ trì các giới cấm đúng như người thợ gốm Ghatikara, họ cũng có thể thọ trì chúng như là Hạn định giới được, chừng nào tốt chừng đó.

Cũng vậy, về Ngũ phạm hạnh giới (Brahmacariya-Pañcama Sīla), hai vị Ugga, là những vị Bất lai, đã từ bỏ những bà vợ của họ mà không chút luyến ai, và thọ trì giới trọn đời. Nếu những người khác có thể thực hành theo gương của họ và thọ trì loại giới này thì tốt. Nhưng nếu họ không thể bắt chước hoàn toàn, thì nên thọ trì giới chỉ theo khả năng của mình.

Brahmacariya-pañcama Ekabhattika Sīla

(Ngũ phạm hạnh Nhất thực giới)

Hơn nữa, còn có một loại giới khác gọi là Ngũ phạm hạnh Nhất thực giới hay Nhất thực giới (Ekabhattika Sīla). Ekabhattika nghĩa là chỉ ăn mỗi ngày một bữa vào buổi sáng. Bởi vậy, nếu người cư sĩ muốn thọ trì giới này thì sau khi nguyện thọ trì Ngũ phạm giới, họ các nguyện thêm một giới nữa như sau: Vikālabhojanā veramanī- sikkhāpadaṃ samādiyāmi. Hoặc nếu họ muốn nguyện thọ trì hết một lần thì họ có thể nguyện như sau: “Brahmacariya-pañcama ekabhattikasīlaṃ samādiyāmi.” Giới này được thọ trì bởi cận sự nam Dhammika và cận sự nữ Nandamātā v.v... vào thời Đức Thế Tôn theo bài kinh Dhammika của bộ Chú giải Suttanipāta. Vào thời Đức Phật Kassapa, thiện nam Gavesī cũng thọ trì giới này; năm trăm người cư sĩ cũng vậy. (Aṅguttara Nikāya pañcaka Nipāta, 3.Upāsaka Vagga, 10. Gavesī Sutta)

Aṭṭhaṅga Uposatha Sīla (Bát quan trai giới)

Về Ngũ giới, có thể hỏi rằng tại sao chỉ chữ “pañca” được dùng đến, về Thập giới thì chữ “dasa” được dùng đến. Trong khi để mô tả Tám giới, không riêng chữ “attha” mà chữ “uposatha” cũng được dùng thêm vào?

Chữ Uposatha có năm nghĩa:

a. Sự tụng đọc Giới bổn (Pātimokkha).

b. Tên riêng dành cho loài người và thú vật.

c. Sự thọ trì.

d. Giới được thọ trì, và

e. Ngày thọ trì giới.

Trong năm nghĩa này, nghĩa thứ nhất (a) chỉ liên quan đến vị tỳ khưu, và nghĩa thứ hai (b) là tên dành cho vị hoàng tử (tức là hoàng tử Uposatha) hoặc tên của con voi (tức là voi Uposatha), v.v… không liên quan đến chương nói về sīla. Chỉ ba ý nghĩa còn lại mới được xét đến ở đây.

Ba nghĩa có nguồn gốc từ chữ Pāḷi “upavasa”, có nghĩa là sự thọ trì hay sự thực hành viên mãn các giới cấm. Ý nghĩa thứ ba (c) là hành động thọ trì giới. Ý nghĩa thứ tư (d) là giới, cần được thọ trì. Ý nghĩa thứ năm (e) là ngày thọ trì giới.

Về Ngũ giới và Thập giới, đối với những người giới đức trong quá khứ chẳng có ngày đặc biệt nào được định đặt ra cả. Chỉ có tám giới được thọ trì vào những ngày cố định đặc biệt. Do đó, chữ Uposatha ở đây ám chỉ đến tám giới.

Có một điểm khác cần xét đến. Năm giới không nhiều như tám giới và vì chúng được thọ trì hằng ngày nên không có ngày đặc biệt được đặt tên cho sự thọ trì của chúng. Nhưng còn thập giới thì cao hơn tám giới nên những bậc trì giới trong quá khứ đáng ra phải định ngày đặc biệt để thọ trì chúng. Nhưng ở đây, tại sao họ không làm như vậy? Lý do có thể chấp nhận là tám giới đặc biệt thích hợp cho người cư sĩ trong khi mười giới thì không. Theo bộ Thanh tịnh đạo, mười giới dành cho các vị sa-di và sa-di-ni. Bộ Chú giải Khuddakapātha cũng giải thích rằng giới cuối cùng jātarūpa sikkhāpada, trong mười giới, là giới đặc biệt dành cho các vị sa-di. Do đó, điều rõ ràng là mười giới chỉ đặc biệt dành cho các vị sa-di, không dành cho người cư sĩ.

Do đó, những bậc trì giới và đa văn trong quá khứ đã chọn từ hai loại giới liên quan đến họ, chọn ra tám giới là giới cao hơn, được thọ trì vào ngày ấn định đặc biệt. Do đó, chỉ có tám giới được gọi là Uposatha như đã giải thích trong bộ Visuddhimagga.

Các bậc giới đức không chỉ thỏa mãn với việc thọ trì giới, họ cũng muốn làm các việc phước qua việc bố thí mà cần phải mua sắm, kiếm về những vật, những món để bố thí. Kết quả là họ không thể thọ trì điều học jātarūparajata sikkhāpada cho đúng pháp được. Do đó, người ta đã định đặt ngày đặc biệt cho việc thọ trì tám giới.

Navaṅga Uposatha (Cửu giới)

Trong bộ Aṅguttara Nikāya (Navaka Nipāta, 2. Siha-nāda Vagga, 8. Sutta) có một bài nói về Cửu giới với lời mở đầu như sau: “Chín giới có lợi ích, có phước báu, có quyền lực”. Khi kể ra các giới, Đức Thế Tôn nói tám giới trước từ Pānātipāta Sikkhāpada đến Uccāsayana- Maha sayana Sikkhāpada, nhưng kết thúc bằng phương pháp thực hành Bác ái như vầy: “Mettā sahagatena cetasā ekaṃ disaṃ pharitvā viharāmi - Tôi trú trong những ý nghĩ bác ái thấu đến tất cả chúng sanh trong mười phương.”

Theo bài kinh này, để giữ chín giới này, sau khi nguyện thọ trì Bát quan trai giới, người ta thọ trì thêm pháp thiền bác ái. Người thọ trì tám giới không khuyết phạm và thọ trì tiếp pháp tu bác ái gọi là người thọ trì Cửu giới. Bác ái được tu tập, còn giới thì được thọ trì. Do đó để thực hành Cửu giới, người ta không cần đọc lên chín giới khi nguyện thọ. Nguyện thọ trì Tám giới là đủ và tu tập pháp bác ái càng nhiều càng tốt. Như vậy người ấy được xem là đang thực hành chín giới.

Về pháp bác ái, như Đức Thế Tôn đã đặc biệt nêu ra “ekaṃ disaṃ - rải tâm bác ái đi một phương,” còn hơn là chỉ trú tâm bác ái mà không rải đi. Người nên hướng tâm của mình đến tất cả chúng sanh trong mười phương. (Bốn hướng chính, bốn hướng phụ, cộng thêm hướng trên và hướng dưới), rải lần lượt từng hướng bắt đầu từ hướng nào cũng được.

Cho dù có bốn pháp Vô lượng tâm (từ, bi, hỉ và xả), Đức Thế Tôn chỉ chọn pháp từ ái và thêm nó vào tám giới, như vậy là đang mô tả chín giới vì pháp bác ái có oai lực lớn. Đó là lý do khiến Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh Bác ái trong bộ Khuddakapātha và bộ Sutta- nipāta.

Cũng vậy, trong Aṅguttara Nikāya (Ekadasa Nipāta, 2. Anussati Vagga, 5. Sutta) có đề cập mười một lợi ích phát sanh lập đi lập lại đến người tu tập pháp Bác ái.:

1. Ngủ an vui.

2. Thức dậy cũng được an vui.

3. Không thấy ác mộng.

4. Được mọi người thương mến.

5. Được phi nhân thương mến.

6. Được chư thiên bảo vệ.

7. Không bị lửa, thuốc độc và khí giới làm hại.

8. Tâm vào định dễ dàng.

9. Gương mặt tươi sáng và trầm tĩnh.

10. Người ấy chết với tâm không rối loạn, và

11. Nếu người ấy không thể thông đạt pháp bực cao, Đạo Quả A-la- hán trong kiếp này, người ấy sẽ được tái sanh vào cõi Phạm thiên.

Như vậy điều rõ ràng là pháp Bác ái có oai lực nhiều hơn ba pháp vô lượng tâm kia.

Ba loại giới Uposatha Sīla Uposatha Sīla có ba loại:

1) Gopāla Uposatha - Uposatha của người chăn bò

2) Nigantha Uposatha - Uposatha của đạo sĩ lõa thể

3) Ariya Uposatha - Uposatha của bậc Thánh

Ba loại giới này được Đức Thế Tôn thuyết giảng trong Aṅguttara Nikāya - Tăng chi bộ (Tikā Nipāta, 2. Mahā Nagga, 10. Visākhuposatha Sutta).

Các ý nghĩa chính là:

1) Uposatha Sīla được thọ trì bằng những ý nghĩ của người chăn bò thì được gọi là Gopāla Uposatha. Sau khi lùa bò đi ăn cỏ suốt ngày, người chăn bò lùa chúng về với chủ vào buổi chiều. Khi đến nhà, anh ta chỉ suy nghĩ bằng cách này: “Ngày hôm nay ta đã lùa bò đi ăn cỏ và dẫn chúng đi uống nước ở cánh đồng đó. Ngày mai ta sẽ lùa chúng đến cánh đồng nọ để ăn cỏ và đến chỗ kia để uống nước.” Tương tự, người thọ trì Uposatha Sīla có những ý nghĩ tham đắm vật thực, suy nghĩ rằng: “Hôm nay ta đã ăn loại vật thực này. Ngày mai ta sẽ ăn loại vật thực kia”. Nếu người ấy cứ suốt ngày suy nghĩ như vậy giống như người chăn bò, thì Uposatha của người ấy được gọi là Uposatha của người chăn bò.

2) Uposatha Sīla được thọ trì bởi đạo sĩ lõa thể chấp theo tà kiến, thì được gọi là Nigantha Uposatha. Ví dụ: Về giới không sát sanh đối với họ, thì chúng sanh ở cách xa một trăm do tuần trở đi, về hướng đông, hướng tây, nam, bắc, không được giết. Ở khoảng cách nào đó thì được giết. Như vậy là tạo cơ hội để làm điều ác. Sự khác biệt giữa những chỗ bị cấm và không cấm để làm điều ác là uposatha của họ. Uposatha được thực hành bởi những người có quan điểm như vậy được gọi là Nigaṇṭha Uposatha.

3) Nếu uposatha được thọ trì sau khi thanh lọc các pháp ô nhiễm trong tâm qua pháp niệm tưởng ân Đức Phật, v.v… thì nó được gọi là Ariya Uposatha. Lại nữa, Ariya Aposata có sáu loại:

a. Brahmuposatha - Noble Uposatha

b. Dhammuposatha - Dhamma Uposatha

c. Saṅghuposatha - Saṅgha Uposatha

d. Sīluposatha - Sīla Uposatha

e. Devatuposatha - Devatā Uposatha

f. Atthaṅguposatha - Uposatha with the eight precepts


a. Brahmuposatha uposatha được thực hành bằng cách nguyện thọ trì tám giới và niệm ân Đức Phật như Arahaṃ v.v...

b. Dhammuposatha uposatha được thực hành bằng cách nguyện thọ trì tám giới và niệm tưởng các ân đức của Pháp.

c. Sanṅatha uposatha được thực hành bằng cách nguyện thọ trì tám giới và niệm các ân đức của Tăng.

d. Sīluposatha uposatha được thực hành bằng cách nguyện thọ trì tám giới, thọ trì không khuyết phạm giới nào và niệm các ân đức của giới.

e. Devatuposatha (ở đây devatā hàm ý chư thiên và Phạm thiên). Người ấy thọ trì uposatha và so sánh mình với các vị chư thiên. Quán niệm rằng: “Trong thế gian có những vị chư thiên và Phạm thiên, là những bậc đã từng có những đức tánh cao quý như tín, giới, đa văn, bố thí và trí tuệ trong những kiếp quá khứ của họ và nhờ vậy họ được tái sanh vào cõi chư thiên và Phạm thiên. Những đức tánh như vậy cũng có trong ta.”

f. Atthanguposatha uposatha được thọ trì theo cách sau với sự quán niệm từng giới. Sau khi nguyện thọ trì Bát quan trai giới, người ta quán niệm như vầy: “Cũng như các vị A-la-hán không bao giờ giết hại một chúng sanh nào và luôn luôn có lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh. Ta cũng vậy, sẽ không giết hại chúng sanh nào và có lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh. Do sự thực hành này, ta đang sống theo gương các vị A-la-hán.”


Cần lưu ý rằng sự phân chia uposatha thành ba loại và sáu loại theo cách thọ trì nó. Tuy nhiên, cách phân chia đầu tiên về uposatha là chỉ có hai loại: Atthaṅga Uposatha Sīla Navañga Uposatha Sīla.

Ngày Uposatha có ba loại

1) Pakati Uposatha (Tự nhiên Bố tát)

2) Pāṭijāgara Uposatha

3) Pāṭihariya Uposatha

Sự phân loại này dựa theo Aṅguttara Nikāya, Tăng chi bộ (Tika Nipāta, 4. Devadutadvagga, 7. Raja Sutta, v.v...), trong đó nói rằng: “Uposathaṃ upavasanti patijagaronti” cātuddasiṃ pañcaddasiṃ, yā ca pakkhassa atthamī, pātihāriya pakkhañ ca, atthaṅga susamāgataṃ.

1) Pakati Uposatha (Ngày Uposatha Thông thường)

Theo câu kệ Pāli trên, những dòng “Cātuddasiṃ pañcaddasiṃ yā ca pakkhassa atthami” chỉ về những ngày Uposatha thông thường. Theo nội dung này, mỗi nửa tháng thượng huyền và hạ huyền, có ba ngày Uposatha, đó là ngày thứ tám, ngày thứ mười bốn và ngày thứ mười lăm. Do đó một tháng có sáu ngày Uposatha: mồng tám, mười bốn, rằm, hai mươi ba, hai mươi chín và ba mươi. Tuy nhiên, trong Chú giải, tháng thượng huyền có bốn ngày Uposatha, đó là mồng năm, mồng tám, mười bốn, mười lăm. Tháng hạ huyền cũng có bốn ngày Uposatha, (ngày 16 tính thành ngày mùng một, 17 là mùng hai, v.v…). Cả thảy có tám ngày Uposatha trong một tháng. Tám ngày này là những ngày Uposatha thông thường mà người cư sĩ thường hay thọ trì.

(Ngày nay, người cư sĩ chỉ thọ trì bốn ngày Uposatha trong mỗi tháng, bốn ngày ấy là mùng tám, rằm, 23 và mùng một).

2) Patijāgara Uposatha (Những ngày Uposatha Trước và Sau): Patijāgara Uposatha nghĩa là tám ngày Uposatha thông thường cộng thêm một ngày trước và một ngày sau của mỗi ngày trong tám ngày ấy. (Pati nghĩa là ‘lập lại’, jāgara nghĩa là ‘tỉnh thức’. Do đó Paṭijāgara Sīla có thể được diễn dịch là Giới tỉnh thức lập đi lập lại trước giấc ngủ của các pháp ô nhiễm). Cách tính số ngày như sau: ngày mùng năm thì có thêm mùng bốn đứng trước và mùng sáu đứng sau; ngày mùng tám thì có ngày mùng bảy đứng trước và mùng chín đứng sau; ngày mười bốn thì có ngày mười ba đứng trước (không có ngày sau vì ngày 15 là ngày uposatha chính thức); ngày rằm không có ngày trước mà chỉ có ngày sau là 16. Như vậy liệt kê theo thứ tự thì ta có: mùng bốn, mùng năm, mùng sáu, mùng bảy, mùng tám, mùng chín, mười ba, mười bốn, mười lăm và mười sáu. Như vậy mỗi nửa tháng có mười ngày Uposatha. Một tháng có hai mươi ngày: Tám ngày Pakati Uposatha và mười hai ngày Patijāgara Uposatha.

3) Paṭihariya Uposatha

Paṭihariya Uposatha là giới được thọ trì liên tục nên có oai lực nhiều hơn Paṭijāgara Uposatha (vì Paṭijāgara Uposatha là giới được thọ trì vào những ngày xen kẽ trong nửa tháng thượng huyền và nửa tháng hạ huyền).

Nếu người cư sĩ muốn thọ trì Paṭihariya Uposatha thì nên thọ trì ba tháng của mùa mưa (mùa an cư) mà không bị đứt đoạn. Nếu họ không thể thọ trì trọn ba tháng thì họ nên thọ trì trong một tháng từ ngày rằm tháng Thadingyut (tức là tháng mười dương lịch) đến ngày rằm tháng Tazaungmon (tức tháng mười một dương lịch). Nếu họ không thể thọ trì trong một tháng thì họ nên thọ trì trong mười lăm ngày từ ngày rằm đến mồng một tháng Thadingyut. Điều này được nói rõ trong Aṅguttara Nikāya, Tăng chi bộ.

Tuy nhiên, theo bộ Sutta Nipāta Atthakatha (Bài kinh Dhammika Sutta của Cūla Vagga), Uposatha được thọ trì trong năm tháng (Waso- 7, Wagoung-8, Tawthalin-9, Thadingyut-10, Tazaungmon-11) mà không đứt đoạn thì gọi là Pāṭihariya Uposatha. Trong khi đó, những vị A-xà-lê khác thì nói rằng Uposastha được thọ trì mỗi tháng trong ba tháng Waso-7, Tazaungmon-11 và Tabaung-3 mà không bị đứt đoạn thì gọi là Pāṭihariya Uposatha. Số A-xà-lê khác nữa thì cho rằng, theo những bộ kinh Pāḷi, có ba ngày Pakati Uposatha, đó là ngày mồng tám, mười bốn và mười lăm của mỗi nửa tháng. Nếu cộng thêm bốn ngày nữa vào ba ngày Pakati Uposatha ấy, tức là mùng bảy trước ngày mùng tám và mùng chín sau ngày mùng tám, mười ba trước ngày mười bốn và mười sáu sau ngày mười lăm, nếu những ngày như vậy được thọ trì thì gọi là Pāṭihariya Uposatha. Nhà Chú giải nhận xét rằng vì lợi ích của những thiện nhân muốn gặt hái phước báu thì tất cả những loại giới được nêu ra để họ có thể thọ trì bất cứ loại giới nào mà họ thích.

Trong ba quan điểm được nêu ra trong bộ Suttanipāta Atthakathā, quan điểm riêng của nhà Chú giải: “Uposatha được thọ trì trong năm tháng là Pāṭihariya Uposatha”, phù hợp với nội dung của bộ Chú giải Aṅguttara. Còn thời gian được thọ trì liên tục trong ba tháng và theo bộ Chú giải Suttanipāta thì năm tháng, đó chỉ là sự khác biệt.

Quan điểm thứ ba từ bộ Chú giải Suttanipāta là phù hợp với quan điểm của các bộ Chú giải của các bộ sách và bài kinh Nemi Jātaka, Vimānavatthu (Uttara Vimāna-vatthu), Theragāthā và Suruci Jātaka của bộ Pakiṇṇaka Nipāta.

Tuy nhiên, theo phẩm Sagathavagga của bộ Saṁyutta Aṭṭhakathā (Indaka Vagga, 5.Sutta) thì Pāṭihāriya Upo-satha trong mỗi nửa tháng là những ngày mùng 7, mùng 9, 13 và 16 hoặc mồng một của tháng Thadingyut-10.

Ở đây, có một điều cần xét đến: mặc dầu các bộ Chú giải của các bộ Aṅguttara, Suttanipāta, Jātaka và bộ Saṁyutta được viết bởi cùng một tác giả, đại đức Mahā Buddhaghosa, nhưng tại sao chúng lại khác nhau về ngày Uposatha?

Theo bài kinh Visakh’uposath thì rõ ràng là Đức Phật có mô tả ba loại Uposatha, nhưng không có bài kinh nào được Đức Phật thuyết mà không nói đến những ngày Uposatha đặc biệt, ba hoặc sáu. Ngày Uposatha mười bốn, ngày Uposatha mười lăm, ngày Uposatha mồng tám, ngày Pāṭihariya Uposatha được nêu ra trước không phải do Đức Thế Tôn mô tả. Thực ra, chính Sakka, vua của chư thiên, đã nói với chư thiên ở cõi 33 rằng: “Các vị hãy thọ trì Uposatha vào ngày mười bốn, mười lăm và mùng tám. Vào những ngày gọi là Pāṭihariya cũng vậy, các vị hãy thọ trì Uposatha.” Tin này được Tứ đại Thiên vương trình bạch lên Đức Thế Tôn và vị ấy đi quanh khắp cõi người để liệt kê những người có giới đức. Đức Phật chỉ truyền lại những lời của Sakka mà thôi. Sự phân loại những ngày Uposatha mười bốn, mười lăm và mùng tám chỉ là câu nói về những ngày Uposatha do mọi người thọ trì theo truyền thống. Không có bài kinh đặc biệt nào do Đức Thế Tôn thuyết giảng có tánh cách áp đặt là Uposatha phải được thọ trì vào những ngày này hay không được thọ trì vào những ngày khác.

Như vậy, những ngày mười bốn, mười lăm và mùng tám là những ngày thọ trì Uposatha do người xưa quy định. Bởi vậy, theo truyền thống chỉ có ba ngày Pakati Uposatha nhưng về sau người ta cũng thọ trì ngày mùng năm, cho nên mới có bốn ngày Uposatha trong mỗi nửa tháng. Như vậy ngày Uposatha thứ năm được nêu ra trong bộ Chú giải. Ngày nay người ta chỉ thọ trì bốn ngày Uposatha trong một tháng.

Đức Phật không quy định ngày Uposatha đặc biệt nào cả vì mọi người có thể thọ trì bất cứ ngày nào mà họ thích . Khi đề cập những ngày Paṭijāgara Paṭihāriya Uposatha là những ngày đặc biệt để thọ trì giới, các nhà Chú giải chỉ ghi lại những pháp hành khác nhau của mọi người theo truyển thống tập tục. Cho nên mới có những điểm khác biệt này trong các bộ Chú giải.

Hơn nữa, các bộ kinh Aṅguttara, Suttanipāta, Saṃyutta và Jātaka nêu ra các bài trình bày về Giới được gọi là Suttanta Desanā. Chúng cũng được gọi là Vohāra Desanā vì trong những bài kinh này, Đức Phật là bậc vô song trong cách ứng dụng những thuật ngữ thế gian và những cách nói của mọi người mà không bao giờ giống nhau.

Như vậy về những sự phân loại khác nhau của ngày Uposatha, vì tất cả đều nhắm đến việc tạo phước, nên không cần thiết để quyết định quan điểm nào là đúng, quan điểm nào là sai. Trong bộ Chú giải Suttantanipāta, ba quan điểm được mô tả là để khuyên độc giả muốn chọn cách nào tùy thích.

Người thọ trì giới chọn những ngày thích hợp mà họ thích và thọ trì theo nhiều cách, và tất cả sự thọ trì của họ là làm Tăng trưởng phước báu. Bởi vậy các nhà Chú giải viết ra để ghi lại những cách mà mọi người đã áp dụng. Trong các bài kinh Suttanta Desanā, ngay cả Đức Phật cũng trình bày theo những cách ứng dụng của mọi người, Tại sao Đức Thế Tôn lại thuyết giảng theo cách này? Bởi vì Ngài muốn họ đừng phá bỏ những tục lệ truyền thống tốt đẹp của họ.

Mục đích chính của Đức Thế Tôn là thuyết giảng Thắng nghĩa pháp hay thực tại cùng tột như Danh và Sắc để sự chứng đắc đạo quả và Niết bàn được dễ dàng. Thuyết giảng bằng những từ khó hiểu như vậy có thể đem lại lợi ích cho những người có sự hiểu biết đúng đắn, nhưng nó có thể làm cho những người thiếu sự hiểu biết đúng đắn phạm phải những ác nghiệp để rồi dẫn họ xuống bốn khổ cảnh.

Ví dụ: Những người có sự hiểu biết sai lạc về Danh và Sắc thường nghĩ rằng: “Trong thế gian này chỉ có Danh Sắc mà thôi, không có ‘ta’ cũng không có ‘kẻ khác.’” Nếu không có kẻ khác thì sẽ vô hại khi giết họ. Không có ‘cái của ta’ hoặc ‘cái của người khác’thì sẽ vô hại trong việc trộm cướp, tà dâm, v.v... Bằng cách này, họ tự do phá hoại những luật lệ của xã hội và làm những việc ác khiến họ phải tái sanh vào các khổ cảnh đọa xứ.

Về Đệ nhất nghĩa đế (Paramattha Sacca), không có ‘ta’ cũng không có ‘kẻ khác’, không có ‘đàn bà’, ‘đàn ông’ v.v… chỉ có các uẩn của danh và sắc (nāma-rūpa). Đối với những người không hiểu được những thuật ngữ về chân lý cùng tột, Đức Phật áp dụng những thuật ngữ về chân lý thông thường (Samuti Sacca) trong những thời pháp của Ngài. Tuy tất cả đều là một khối gồm Danh và Sắc, dùng cách thông thường thì hiểu được dễ dàng nên mới có sự chế định rằng khối này là ‘tôi’, khối nọ là ‘chúng nó’, khối kia là ‘mẹ’, ‘cha’, v.v.... Nếu người ta đi ra ngoài các nguyên tắc đã được định đặt trong thế gian, họ sẽ lầm lạc phạm vào những ác nghiệp. Để ngăn người ta đừng bị đọa vào các khổ cảnh do kết quả những ác nghiệp của họ, Đức Phật thuyết giảng những bài kinh, mà trong đó Ngài dùng những từ thông thường.

Tuy nhiên, nếu chỉ có những bài kinh như vậy, người ta sẽ nghĩ rằng những từ ‘tôi’, ‘anh’, ‘con trai của tôi’, ‘con gái của tôi’, ‘vợ của tôi’, ‘tài sản của tôi’ v.v… là những thực thể cùng tột và niềm tin của họ sẽ là thân kiến (tin vào sự thường tồn của cái ta). Thân kiến càng sâu nặng thì Đạo Quả và Niết bàn càng xa vời.

Cho nên Đức Phật mới thuyết giảng về Nāma-rūpa Paramattha Dhamma.

Một số vị A-xà-lê viết rằng: “Trong tạng Luật, có điều luật dành cho các vị tỳ khưu là không hành ‘bhikkhu uposatha’ (sự tụng đọc các điều luật paṭimokkha) vào những ngày không phải uposatha. Nếu làm như vậy họ sẽ phạm tội Tác ác (Dukkaṭa Āpatti). Cũng vậy người cư sĩ không nên thọ trì Bát quan trai giới vào những ngày không phải Uposatha.”

Viết như vậy chứng tỏ họ chưa thành công trong việc diễn giải giáo pháp của Đức Phật. Vinaya Desanā, theo văn học Phật giáo, được gọi là Aṇādesanā. Nó có nghĩa là điều luật chính thức do Đức Thế Tôn ban hành. Nếu vị Tỳ khưu phạm vào một điều cấm ngay cả với ý định tốt, vị ấy cũng phạm tội vì đã đi ngược qui định của Đức Thế Tôn và vi phạm các điều luật của bộ Vinaya. Cho rằng điều Luật (Vinaya) như vậy cũng áp dụng với người cư sĩ trong việc thọ trì Uposatha của họ, nói rằng mọi người không được thọ trì giới vào những ngày không phải Uposatha và làm như vậy sẽ có tội, rõ ràng là sự diễn giả sai lầm về Desanā. Tóm lại, Uposatha là sự thọ trì thanh tịnh và cao quý có thể được thực hành bất cứ ngày nào. Sự thọ trì nó càng nhiều thì quả phước càng lớn.

Do đó Phụ chú giải của bài kinh Mahā Sudāssana Sutta trong Đại Phẩm (Mahā Vagga), Dīgha Nikāya nói rằng: “Uposathaṃ vuccati atthaṅgasamannāgataṃ sabbadivasesu gahaṭṭhehi rakkhitabbasīlaṃ - Uposatha được xem là giới có tám điều răn mà người cư sĩ có thể thọ trì trong tất cả mọi ngày.” (Phụ chú giải này do Đại Đức Dhammapāla biên soạn. Ngài cũng biên soạn các bộ Anutīkā, Phụ chú giải của bộ Mūlaṭīkā, bộ Visuddhimagga - Mahātīkā, bộ Itivuttaka Aṭṭhakathā, v.v... và những bộ Phụ chú giải khác nữa).

3. Pakati-sīla / Ācāra-sīla / Dhammatā-sīla / Pubbahetu-sīla

a. Pakati-sīla (Tự nhiên giới) là sự không vi phạm ngũ giới của những người ở cõi Bắc cưu Lưu châu. (Về bản tánh, những chúng sanh này kiên tránh các ác nghiệp như sát sanh, v.v… mà không nguyện thọ trì ngũ giới). Sự không việc phạm ngũ giới ấy không phải là vấn đề kiêng giới tránh do lời nguyện (thọ ly - samadana virati), chỉ là sự kiêng tránh tự nhiên ngay cả khi có điều kiện để vi phạm (đắc ly - sampatta viratī).

b. Ācāra-sīla (Chánh hành giới) là làm theo sự thực hành truyền thống của gia đình, địa phương hoặc bộ phái. (Bởi vì tổ tiên, cha ông đã từng làm như vậy nên gọi là Kula ācāra. Sự kiêng tránh điều ác vì đó là phong tục của địa phương nên gọi là Desa ācāra. Sự kiêng tránh điều ác vì nó được làm như vậy trong tông phái của mình thì được gọi là Pāsaṇda sīla).

c. Dhammatā-sīla (Pháp tánh giới) là loại giới được thọ trì bởi mẹ của Bồ-tát vào lúc bà có thai, do oai đức của giới bà không có ý nghĩ nào về đàn ông cả. (Mẹ của Bồ-tát thường thọ trì ngũ giới đều đặn từ lúc có thai. Điều này do bởi một chúng sanh vô cùng cao quý, tức là Bồ-tát, đang nằm trong bào thai của bà vì giới được thọ trì bởi mẹ của Bồ-tát như là một quy luật).

d. Pubbahetu-sīla (Túc nhơn giới) là sự thọ trì giới do bởi những người có đời sống trong sạch như chàng trai Pippali (về sau trở thành Mahā Kassapa) và Bồ-tát như vua Mahāsīlava do bởi căn tánh tự nhiên và không do sự chỉ dạy của bất cứ ai (do kết quả của sự thọ trì giới đã tích tập thường xuyên trong những kiếp quá khứ của họ, nên bản tánh của họ có khuynh hướng thọ trì giới trong kiếp hiện tại này).

4. Pātimokkhasamvara-sīla / Indriyasamvara-sīla Ājivapārisuddhi-sīla / Paccayasannissita-sīla

Bốn loại giới này chỉ liên quan đến vị tỳ khưu. Khi Bồ-tát, đạo sĩ Sumedha, suy xét về giới Ba-la-mật, Ngài tự nhủ rằng: “Tath’eva tvam catūsu bhūmīsu, silāni pari-pūraya - Cũng vậy, ngươi nên hoàn thành trong bốn lãnh vực của giới.”

a. Pātimokkhasamvara-sīla (Biệt biệt giải thoát luật nghi giới)

Là giới giúp người thọ trì thoát khỏi bốn khổ cảnh (pāti: người thọ trì. mokkha: giải thoát, giải phóng).

Người thọ trì giới này: (i) nên có chánh hạnh, (ii) nên đến những chỗ thiện lành, trong sạch, (iii) nên thấy mối nguy hiểm to lớn trong lỗi lầm nhỏ nhất. Tội có thể nhỏ như hạt bụi nhưng vị tỳ khưu nên thấy mối nguy hiểm trong đó lớn bằng núi Tu-di cao một trăm sáu mươi tám ngàn do-tuần và (iv) nên thọ trì và thực hành các điều học một cách đúng đắn.

Giải rõ hơn:

(i) Trong thế gian này, chánh pháp (Ācāra Dhamma) nên thực hành và phi pháp (Anācāra Dhamma) nên tránh ba thân ác nghiệp (sát sanh, trộm cắp và tà dâm) và bốn ngữ ác nghiệp (nói dối, đâm thọc, chửi mắng và nhảm nhí), tất cả bảy ác hạnh (duccarita) và những ác nghiệp khác làm hư hoại giới gọi là phi pháp (anācāra).

Sau đây là một số ví dụ về những ác nghiệp làm hư hoại giới. Trong thế gian có một số tỳ khưu kiếm sống bằng cách cho tre, lá, hoa, trái cây, bột giặt, tăm xỉa răng đến người cư sĩ. Họ tự hạ thấp phẩm giá bằng cách tán đồng, hùa theo những lời nói ác của người cư sĩ, tâng bốc nịnh bợ họ để kiếm lợi, nói nhiều điều giả dối pha lẫn chút chân thật như món đậu xào nửa chín nửa sống. Họ giữ con cho người cư sĩ như những bà vú nuôi, bồng ẳm, thay tả lót, v.v... Họ làm công việc chạy vặt, giữ nhà, vườn, trao đổi đồ ăn thức uống. Những hành động tà mạng như vậy Đức Phật gọi là Phi chánh hạnh (Anācāra Dhamma).

Thật không thích hợp cho vị tỳ khưu làm công việc cho tre, cho lá, v.v… cho dù người cư sĩ cần đến; lại càng tệ hơn khi người cư sĩ không cần đến. Những hành động như vậy không phải là việc làm của vị tỳ khưu. Nếu họ làm như vậy, họ sẽ làm tiêu hoại niềm tin của người cư sĩ (kuladūsana) đối với tạng Luật.

Về mặt này, người ta có thể thắc mắc rằng nếu vị tỳ khưu không cho người cư sĩ những gì mà họ cần, liệu niềm tin của người cư sĩ có bị hủy hoại không, hoặc nếu vị tỳ khưu cho người cư sĩ những gì mà họ cần thì liệu họ có Tăng niềm tin khi nghĩ rằng: “Đây đúng là vị tỳ khưu đã làm thỏa mãn những nhu cầu của ta.” Niềm tin của người cư sĩ đối với vị tỳ khưu, đệ tử của Đức Phật vốn là niềm tin chân thực và trong sạch ngay trước khi nhận những vật tặng từ vị tỳ khưu. Sau khi nhận vật tặng, người cư sĩ xem vị tỳ khưu như người cho tre, cho lá, v.v… và kết quả là tình cảm ái luyến khởi sanh trong họ. Do đó niềm tin của họ đối với vị tỳ khưu bị nhiễm luyến ái. Niềm tin chân thật đã bị huỷ hoại. Do đó Đức Thế Tôn gọi hành động cho vật phẩm của vị tỳ khưu là kuladūsana, tức là sự cướp đoạt niềm tin của người cư sĩ.

Tất cả những pháp hành đối nghịch với những phi pháp hạnh kể trên là những chánh hạnh cần tu tập.

(ii) Chỗ lui tới có hai loại: chỗ lui tới chánh đáng và chỗ lui tới bất chánh.

Chỗ lui tới bất chánh: Một số tỳ khưu trong giáo pháp của Đức Phật thường hay tiếp xúc, thân cận với những người đàn bà góa, phụ nữ ly hôn, kỹ nữ, phụ nữ không chồng, người lưỡng tính và các tỳ khưu ni, thường đến ngồi ở các quán nhậu, trà trộn trong các vị vua, quan, ngoại đạo sư và tín đồ của họ như những người dân thường. Họ kết bạn với những người không có đức tin, những người chửi mắng và dọa nạt đệ tử của Đức Phật, và những người có ác ý với những người theo đạo Phật. Tất cả những sự thân cận và những chỗ lui tới này là những chỗ lui tới bất chánh đối với các vị tỳ khưu.

“Tà hành xứ” ở đây chỉ về sự thân cận bất chánh và những chỗ lui tới không thích hợp đối với các vị tỳ khưu. Nhưng nếu một kỹ nữ thỉnh các vị tỳ khưu về nhà trai Tăng, các vị tỳ khưu có thể đi và thọ thực nhưng phải giữ chánh niệm. Ở đây kỹ nữ, đàn bà góa, phụ nữ ly hôn, phụ nữ không chồng, người lưỡng tính và tỳ khưu ni được xem là những chỗ lui tới bất chánh, vì họ là cơ sở của năm dục lạc. Quán rượu, tiệm giải khát, v.v… đều nguy hiểm cho sự thực hành chánh pháp. Thân cận với vua, quan cũng bất lợi. Sự cúng dường của họ rất tai hại như sấm sét, và những nhà mà ở đó người ta không có đức tin, những nơi mà người ta chửi mắng và dọa nạt đều là những chỗ lui tới bất chánh vì chúng sẽ làm thối thất niềm tin và gây ra sự sợ hãi cho vị tỳ khưu.

Đối nghịch với những chỗ và những hạng người nói trên là chỗ lui tới chánh đáng của vị tỳ khưu. Một số cư sĩ có niềm tin nơi Tam bảo, họ cũng tin vào nghiệp và quả. Họ giống như những cái hồ và giếng nước trong, là nơi mà vị tỳ khưu có thể đến lấy nước không bao giờ cạn kiệt. Nhà của họ chói sáng màu y vàng của các vị tỳ khưu thường lui tới. Chỗ như vậy rất mát mẻ và an lành nhờ các vị tỳ khưu thường lui tới. Ở đây mọi người thường hoan hỷ với những người thực hành giáo pháp của Đức Phật, họ khích lệ và ủng hộ những người như vậy, ngôi nhà như vậy là chỗ lui tới tốt đẹp dành cho vị tỳ khưu.

Giải thích thêm: Ācāra, Anācāra và Gocara

Anācāra (Phi chánh hạnh)

Có hai loại Phi chánh hạnh: Kāyika Anācāra (Thân phi chánh hạnh) và Vacasika Anācāra (Ngữ phi chánh hạnh).

· Kāyika anācāra (Thân phi chánh hạnh)

Sau khi đi vào Tăng chúng, vị tỳ khưu hành động bất kính đối với Tăng. Vị ấy đứng giữa các vị trưởng lão, ngồi giữa các vị trưởng lão, đứng hoặc ngồi trước mặt các ngài, ngồi cao hơn các vị trưởng lão, ngồi với đầu trùm y, nói trong lúc đứng, múa tay khi nói chuyện, đi thì mang giày, dép trong khi vị trưởng lão thì đi chân không. Đi trên chỗ cao trong khi các vị trưởng lão đi ở ven đường, ngồi xô lấn các vị trưởng lão, đứng cũng lấn lướt các vị trưởng lão và không nhường chỗ cho các vị tỳ khưu thấp hạ hơn. Tại nhà ăn, vị ấy cho củi vào bếp mà không xin phép các vị trưởng lão và đóng cửa. Ở nhà vệ sinh vị ấy xô đẩy các vị trưởng lão và đi vào trước, đi ra cũng chen lấn. Khi đến làng mạc hoặc thị trấn, vị ấy vội vã đi vào phòng riêng và kín của người cư sĩ và phòng của phụ nữ. Vị ấy thoa đầu, vuốt tóc trẻ con. Đây là thân Phi chánh hạnh.

· Anācāra (Ngữ phi chánh hạnh)

Sau khi đi vào Tăng chúng, vị tỳ khưu nói lời bất kính đối với Tăng. Vị ấy nói pháp mà không xin phép các vị trưởng lão, không trả lời các câu hỏi, tụng Pātimokkha mà không xin phép các vị trưởng lão.

Nói trong khi đứng, vẫy tay trong khi nói. Khi đến làng quận, chẳng có chút tự chế, vị ấy nói chuyện với các cô gái trẻ: “Này cô gái, cô có gì không? Có cháo không? Có cơm không? Có vật thực cứng không? Có gì cho bần Tăng uống không? Bần Tăng sẽ ăn loại vật thực nào đây? Cô sẽ dâng cho bần Tăng cái gì đây? v.v... Đây là Ngữ phi chánh hạnh (vacasika anācāra).

Ācāra (Chánh hạnh)

Ācāra nên hiểu bằng nghĩa trái ngược với Anācāra. Hơn nữa, vị tỳ khưu lễ phép, dễ dạy, có tàm quý, mặc y đúng luật, oai nghi và phẩm hạnh của vị ấy làm khởi dậy niềm tịnh tín. Dầu khi đi tới hoặc đi lui, nhìn xuống, vị ấy hộ phòng các căn. Vị ấy ăn uống có độ lượng, luôn luôn giác tỉnh, chánh niệm, tri túc, thiểu dục, vị ấy tinh tấn trong sự thực hành chánh pháp, nghiêm trì Đẳng chánh hành giới. Những điều này được gọi là Chánh hạnh.

Gocara (Chánh hành xứ)

Gocara có ba loại: Upanissaya Gocara - Chỗ lui tới hỗ trợ cho sự vững mạnh của giới; Ārakkha Gocara - Chỗ lui tới như là nơi nhiếp hộ tâm, và Upanibandha Gocara - Chỗ lui tới dùng làm cái neo của tâm.

(1) Một người bạn tốt thường dùng mười loại chánh ngữ dẫn đến giải thoát luân hồi thì được gọi là Upanissaya Gocara. Do nương tựa vào người bạn như vậy, vị ấy nghe pháp chưa từng nghe, diệt trừ hoài nghi, củng cố chánh kiến, có được sự trong sáng của tâm. Thêm vào những lợi ích này, vị ấy được Tăng tiến về đức tin, giới, sở học, tánh rộng rải và trí tuệ. Cho nên người bạn tốt ấy là Upanissaya Gocara - sự nâng đỡ mạnh mẽ cho sự tu tập các thiện pháp như giới, v.v...

Mười loại chánh ngữ dẫn đến giải thoát là:

1. Appiccha kathā - Lời nói về thiểu dục

2. Santuṭṭhi kathā - Lời nói về tri túc

3. Paviveka kathā - Lời nói về đời sống độc cư

4. Asamsagga kathā - Lời nói về đời sống tịnh cư

5. Vīriyarambha kathā - Lời nói về sự tinh tấn

6. Sīla kathā - Lời nói giới

7. Samādhi kathā - Lời nói về định

8. Paññā kathā - Lời nói về tuệ

9. Vimutti kathā - Lời nói về những trạng thái quả (giải thoát)

10. Vimuttiñāṇadassana kathā - Lời nói về giải thoát tri kiến, quán sát trí

Tóm lại, người sử dụng mười loại chánh ngữ liên quan đến sự giải thoát cái khổ luân hồi sẽ đem lại năm lợi ích như nghe pháp chưa từng nghe, v.v... Người bạn tốt mà có thể làm cho những kẻ khác được tiến bộ về đức tin, giới, sở học, sự bố thí và trí tuệ - người như vậy được gọi là Upanissaya Gocara - hành xứ tạo duyên mạnh mẽ cho sự phát triển các thiện pháp như giới, v.v...

Chánh niệm có phận sự canh phòng tâm thì được gọi là Thủ hộ hành xứ (Ārakkha Gocara). Vị tỳ khưu lấy chánh niệm làm chỗ lui tới, đi khất thực trong làng xã với mắt nhìn xuống, chỉ nhìn một khoảng xa bằng cái cày và phòng hộ các căn. Vị ấy đi như vậy mà không nhìn những đoàn tượng binh, mã binh, xa binh hoặc bộ binh, không nhìn vào đàn ông hoặc đàn bà. Vị ấy không nhìn lên hoặc nhìn xuống, hoặc hướng nào trong tám hướng và vẫn đi như thế. Vị tỳ khưu mà không lấy chánh niệm làm hành xứ, khi đi khất thực trong làng mạc và châu quận, nhìn chỗ này chỗ nọ, mắt láo liên như con quạ bị nhốt trong lồng. Cho nên chánh niệm là hành xứ hộ trì tâm của vị tỳ khưu, không để những ý nghĩ bất thiện sanh khởi.

Tứ niệm xứ là nơi để tâm trú vào đó như chỗ để tâm thả neo, Tứ niệm xứ ấy được gọi là Upanibandha Gocara (Cận hiền hành xứ - Upanibandha: nơi mà tâm thả neo, gocara: chỗ lui tới).

Vị tỳ khưu nào muốn Biệt biệt giải thoát Luật nghi giới (Pātimokkhasamvara Sīla) của mình được hoàn toàn trong sạch thì nên có chánh hạnh, chánh hành xứ và xem tội nhỏ nhất như là mối tai họa lớn.

b. Indriyasamvara Sīla (Căn luật nghi giới )

Sự hộ trì các căn được gọi là Căn luật nghi giới (căn có 6: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). Indriya nghĩa là sự cai quản. Trong sự nhìn thấy đối tượng, mắt (cakkhu pasāda) là cơ quan cai quản. Nếu mắt bị mất thị lực thì nó không thể nhìn thấy cảnh vật (nhãn thức không thể sanh khởi). Do đó Đức Phật nói rằng con mắt được gọi là nhãn căn (cakkhundriya).

Tương tự, sự nghe âm thanh cũng vậy, tai là cơ quan cai quản. Nếu tai bị điếc thì nó không thể nghe âm thanh được (nhĩ thức không thể sanh khởi). Do đó tai được gọi là nhĩ căn (sotindriya). Trong sự ngửi mùi, mũi (ghāna-pasāda) là cơ quan cai quản. Nếu mũi bị hư khuyết, nó không thể ngửi mùi (tỉ thức không thể sanh khởi). Do đó, mũi được gọi là tỉ căn (ghānindriya). Trong việc nếm vị, lưỡi là cơ quan cai quản. Nếu lưỡi bị mất vị giác thì nó không thể nếm vị (thiệt xúc không thể sanh khởi). Do đó lưỡi được gọi là thiệt căn (jivhindriya). Trong sự đụng chạm với vật có hình thể, thân) là cơ quan cai quản. Nếu thân bị tê liệt thì nó không thể cảm giác được đối tượng. Do đó, thân được gọi là thân căn (kāyindriya). Trong việc nhận biết đối tượng của tâm, ý (mana) là cơ quan cai quản. Nếu không có ý thì không thể có ý thức sanh khởi. Do đó, ý được gọi là ý căn (manindriya). Như vậy sự hộ phòng sáu căn này được gọi là Căn luật nghi giới.

Đây là cách hộ phòng sáu căn. Khi nhìn thấy cảnh vật bằng mắt, người ta nên nhận biết nó chỉ là cảnh sự thôi, không nên biết tướng chung của đối tượng được nhìn thấy như ‘đây là người đàn ông’, ‘đây là người đàn bà’, ‘người này đẹp’. Cách nhận biết như vậy sẽ làm khởi sanh phiền não. Người ta cũng không nên chú ý vào chi tiết của người đàn ông, đàn bà, v.v… như tay, chân, v.v.... cách cười, nói, v.v… đang nhìn qua một bên, v. v... Sự nhận biết như vậy sẽ làm cho phiền não nhiều lần sanh khởi lập đi lập lại.

Ví dụ về trưởng lão Mahātissa

Nói về việc hộ phòng các căn, trưởng lão Mahā Tissa sống ở đỉnh núi Cetiya là một ví dụ minh chứng. Một hôm nọ, trưởng lão Mahā Tissa đi vào thành Anuradha để khất thực. Hôm ấy có một người đàn bà nọ, sau khi gây gỗ với chồng, đã bỏ nhà đi về chỗ ngụ của cha nàng. Nàng mặc y phục lộng lẫy, diêm dúa. Trông thấy trưởng lão Mahā Tissa đang đi đến trong sự thu thúc lục căn, nàng cười to với ý nghĩ rằng: “Ta sẽ quyến rũ vị sư này về làm chồng của ta.” Do sự quán niệm thường xuyên về bộ xương, Ngài trông thấy bộ xương đang lướt qua hình ảnh của người đàn bà ấy. Vị ấy phát triển bất tịnh tướng (asubha saññā) và chứng đắc Đạo Quả A-la-hán.

Chồng của người đàn bà đang trên đường chạy theo nàng, trông thấy trưởng lão và hỏi rằng:

“Bạch đại đức, Ngài có trông thấy một người đàn bà đang qua đây không?”

“Này cận sự nam, ta không để ý đó là đàn ông hay đàn bà đang đi qua. Ta chỉ biết rằng một bộ xương đã đi qua.”

Cho dù trưởng lão có trông thấy người đàn bà, Ngài cũng chỉ thấy vậy thôi, mà không có sự nhận biết đó là người đàn bà. Thay vào đó, trưởng lão chỉ chuyên tâm vào pháp thiền quán của mình và chứng đắc đạo quả A-la-hán. Sự kiện ấy nên được xem là tấm gương quý báu.

Nếu không có sự kiểm soát nhãn căn thì khi vị tỳ khưu trông thấy cảnh khả ái, tham ái sẽ sanh khởi trong vị ấy. Nếu vị ấy thấy cảnh không khả ái, ưu não sẽ sanh khởi trong vị ấy. Do đó người nên thực hành sự thu thúc nhãn căn qua chánh niệm để ngăn chặn sự sanh khởi những trạng thái bất thiện tâm.

Về những căn còn lại cũng vậy, nên có sự hộ phòng tương tự để ngăn chặn phiền não khởi sanh khi nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, đụng chạm hoặc nhận thức.

c. Ājivaparisudhi-sīla (Hượt mạng luật nghi giới)

Ājivaparisudhi Sīla là giới nuôi mạng thanh tịnh có nghĩa là sự kiêng tránh 6 loại tà mạng đạo sĩ nêu ra trong tạng Luật và sự kiêng tránh tất cả những loại tà mạng khác. Sáu điều học được Đức Phật ban hành liên quan đến sự nuôi mạng là:

(1) Do có những ước muốn bất chánh hoặc bị thúc ép bởi những ước muốn ấy, nếu vị tỳ khưu khoác lác khoe khoang về những pháp chứng của bậc cao nhân như thiền chứng, Đạo và Quả mà vị ấy không có hoặc chưa từng có thì phạm tội Bất cộng trụ (Pārājika-āpatti).

(2) Nếu vị ấy đi làm mai mối cho người ta để nuôi mạng thì phạm tội Tăng tàn (Sanghadisesa-āpatti).

(3) Dù không nói trực tiếp rằng “Tôi là vị A-la-hán” nhưng vị ấy vì nuôi mạng mà nói rằng: “Vị tỳ khưu nọ sống ở chùa của ông, vị tỳ khưu ấy là bậc A-la-hán” và nếu thí chủ ngôi chùa ấy tin lời nói của vị tỳ khưu ấy thì vị ấy phạm trọng tội Thullaccaya-āpatti.

(4) Vì sự nuôi mạng, nếu vị ấy xin ăn vật thực thượng vị dành cho tỳ khưu bịnh, vị ấy phạm tội Ưng đối trị - Pācittiya-āpatti (vật thực thượng vị của tỳ khưu bịnh là vật thực có trộn chung với bơ, thục tô, sữa, mật ong, mật đường, cá và sữa cục).

(5) Vì sự nuôi mạng, nếu vị ấy xin và ăn vật thực thượng vị trong khi không bị bịnh thì phạm tội Ưng phát lộ (Pātidesanīya- āpatti).

(6) Vì sự nuôi mạng, nếu vị tỳ khưu xin và ăn món cà-ri hoặc cơm trong khi không bị bịnh thì phạm tội Tác ác (Dukkaṭa-āpatti).

Những loại tà mạng khác ngoài sáu điều trên gồm có:

(1) Kuhana - Trá thuật

(2) Lapana - Hư đàm

(3) Nemittkata - Hiện tướng

(4) Nippesikatā - Kích đàm

(5) Labhena lābhaṃ nijigisanatā - Lấy lợi câu lợi

(1) Kuhana (Trá thuật) có ba loại:

(i) Paccaya patisevana - Trá thuật liên quan đến bốn món vật dụng.

(ii) Samanta jappana - Trá thuật liên quan đến lời nói về các chủ đề gần với pháp chứng.

(iii) Iriyāpatha saṇthapana - Trá thuật trong việc sử dụng các oai nghi để lường gạt Phật tử.

(i) Khi có người Phật tử dâng cúng đến vị tỳ khưu các món vật dụng như y phục, v.v… dầu rất thích nó nhưng vì ham muốn thái quá, vị tỳ khưu làm ra vẻ ta đây là người tu hành chân chánh, vị ấy nói để được nhiều hơn: “Đối với vị tỳ khưu, cần gì những bộ y đắt giá như thế này. Chỉ cần những bộ y paṅsukulika làm bằng vải vụn là đủ.” Về vật thực, vị ấy nói rằng: “Đối với vị tỳ khưu, cần gì những món ăn sang trọng như vậy. Vị tỳ khưu chỉ thích hợp với những món ăn kiếm được do đi khất thực.” Về chỗ ngụ, vị ấy nói rằng: “Đối với vị tỳ khưu, cần gì chỗ ngụ tốt như thế này, chỉ cần chỗ ngụ dưới cội cây hoặc ngoài chỗ trống là thích hợp dành cho vị tỳ khưu rồi.” Về thuốc trị bệnh, vị ấy nói rằng: “Đối với vị tỳ khưu, cần gì thuốc chữa bịnh đắt giá như thế này. Đối với vị ấy, chỉ cần nước tiểu bò đen là tốt rồi.”

Do đó, để thực hành điều mà vị tỳ khưu nói ra, vị ấy chỉ mặc y loại thô, chỗ ngụ đơn giản và thuốc chữa bịnh loại thô, Phật tử sẽ rất kính trọng vị ấy khi nghĩ rằng: “Vị tỳ khưu này sống thiểu dục, tri túc, vị ấy đã thoát khỏi những ham muốn về vật chất và dục lạc. Vị ấy không trà trộn với người cư sĩ. Vị ấy cũng rất tinh tấn trong sự thực hành pháp.” Họ dâng cúng bốn món vật dụng đến vị ấy, càng ngày càng nhiều. Rồi vị tỳ khưu tham lam ấy khoác lác rằng: “Này Phật tử, khi có hiện diện ba pháp này: đức tin, vật dụng dâng cúng và người thọ lãnh, khi đó vị thí chủ có lòng tịnh tín ấy sẽ được nhiều phước. Ở đây, ông (bà) là Phật tử có niềm tin vững chắc, có vật dụng để dâng cúng và ta là người thọ lãnh. Nếu ta không thọ lãnh vật thí của ông thì phước của ông sẽ bị tổn giảm. Bởi vậy, để tiếp độ cho ông, ta sẽ thọ lãnh vật thí của ông mặc dầu ta chẳng cần đến chúng.” Nói như vậy, vị ấy thọ lãnh nhiều cỗ xe, y phục và vật thực, nhiều chỗ ngụ và số lượng lớn thuốc chữa bệnh. Như vậy, dù vị tỳ khưu rất tham lam, nhưng vị ấy giả bộ muốn ít và dùng những vật dụng loại thô để khiến cho Phật tử đánh giá cao về vị ấy . Đây là Paccayapatisevana Kuhana - Tư cụ thực dụng trá thuật, tức là trá thuật trong việc dùng các món vật dụng.

(ii) Dù không nói thẳng rằng: “Ta đã chứng thiền, Đạo và Quả rồi.” Vị ấy khiến cho mọi người nghĩ rằng vị ấy đã chứng bằng cách nói gợi ý như vầy: “Vị tỳ khưu mặc loại y như thể có oai lực, vị tỳ khưu mang loại bát đó, đồ lọc nước đó, dây lưng đó, đi loại dép đó là có oai lực.” Đây là Sāmanta jappana - Trá thuật trong việc nói về các chủ đề gần với các pháp thiền chứng, Đạo và Quả.

(iii) Vì muốn được Phật tử kính trọng và khen ngợi, vị tỳ khưu nghĩ rằng: “Nếu ta đi theo cách này, mọi người sẽ khen ngợi và kính trọng ta.” Rồi làm bộ đi đứng, nằm, ngồi giống như bậc Thánh. Đây là Iriyāpatha saṇthapana - Trá thuật trong việc thay đổi các oai nghi để lường gạt Phật tử.

(2) Lapana (Hư đàm)

Lapana - Hư đàm nghĩa là nói chuyện do động cơ ác thúc đẩy. Khi vị tỳ khưu trông thấy mọi người đi đến chùa, vị ấy đến họ trước và nói rằng: “Này đạo hữu, đạo hữu đến đây có việc gì không? Đạo hữu đến thỉnh các vị tỳ khưu phải không? Nếu vậy đạo hữu hãy đi trước, bần Tăng sẽ mang bát theo sau.” hoặc nói rằng: “Ta là trưởng lão Tissa, đức vua tôn kính ta lắm. Các quan đều tôn kính ta,” v.v... Trong khi nói chuyện, vị ấy cẩn thận không làm phật ý, hoặc buồn lòng họ. Vị ấy tâng bốc họ, gọi họ là ‘đại trưởng giả’, ‘ông chủ’, v.v... Nói bằng nhiều cách như vậy để lấy lòng Phật tử, khiến họ dâng cúng, bố thí thì được gọi là Lapana - Hư đàm.

(3) Nemittikatā (Hiện tướng)

Nemittikatā - Hiện tướng nghĩa là gợi ý bằng cách ra dấu hoặc cho lời chỉ bảo để khiến người ta bố thí. Ví dụ: Khi thấy một người đàn ông mang một số vật thực, vị tỳ khưu muốn một ít vật thực bằng cách nói rằng: “Có phải ông đã có được vật thực rồi chăng?” “Ông kiếm được nó ở đâu vậy?” “Ông kiếm được nó bằng cách nào?” v.v... Khi thấy những người chăn bò, vị ấy chỉ vào những con bê và nói rằng: “Những con bê này uống sữa hay uống nước?” Những người chăn bò đáp lại rằng: “Những con bê này đang uống sữa.” “Vậy à, các vị tỳ khưu cũng uống sữa,” v.v... Những người chăn bò hiểu lời gợi ý của vị tỳ khưu và nói lại với cha mẹ chúng để dâng sữa đến vị tỳ khưu ấy. Gợi ý như vậy để khiến người ta bố thí thì gọi là Nemittikata - Hiện tướng.

Những hình thức nói chuyện bằng cách cho những lời chỉ dẫn trực tiếp và trắng trợn thì gọi là sāmanta jappana. Cả nemittikata sāmanta jappana là những loại khác nhau của Hư đàm, đều có tánh chất bất thiện.

Trong bài mô tả về loại sāmanta jappana, bộ Visuddhi Magga, Thanh tịnh đạo có nêu ra một câu chuyện về vị tỳ khưu Kulupaka, là người hay đến nhà Phật tử.

Câu chuyện về tỳ khưu Kulupaka

Vì muốn được vật thực, vị tỳ khưu này có thói quen thường hay đến nhà Phật tử, đã đi vào nhà của một người đàn bà nọ và tự nhiên kéo ghế ra ngồi. Trông thấy vị tỳ khưu và không muốn cho vị ấy vật thực, bà ta càu nhàu: “Nhà con hết gạo rồi Sư ơi.” Rồi ra đi tựa như đang tìm xem có chút gì không và nấn ná ở ngoài nhà. Khi ấy vị tỳ khưu lén đi vào phòng trong và nhìn chỗ này chỗ nọ, trông thấy một cây mía trong kẹt cửa, những cục đường phèn trong cái bát, miếng cá chiên dẹp trong cái chảo, cơm trong nồi và bơ trong cái keo. Sau đó vị ấy đi ra và ngồi vào chỗ cũ.

Người đàn bà đi vào và nói lầm bầm: “Hết cơm rồi Sư ơi”. Khi ấy vị tỳ khưu nói rằng: “Bà ạ, sáng nay Sư gặp điềm báo không có gì để ăn.” “Điềm gì vậy?” người đàn bà hỏi. “Trên đường đi đến nhà này để kiếm vật thực, Sư đã trông thấy một con rắn lớn bằng cây mía ở sau kẹt cửa kia. Để đuổi nó đi, sư bèn tìm vật gì đó và trông thấy cục đá cỡ bằng cục đường phèn trong cái bát của bà. Khi Sư ném cục đá vào con rắn thì cái đầu của nó phình ra lớn bằng miếng cá chiên trong cái chảo của bà. Khi con rắn há miệng ra để cắn cục đá, nó nhe răng trông trắng phau như những hạt cơm trong cái nồi của bà. Nước miếng độc của nó trông giống như bơ trong cái keo của bà.” Những lời nói biểu lộ ước muốn của vị tỳ khưu như cái mạng nhện trói chặt con mồi, khiến bà ta không còn đường nào để thối thoát và nghĩ rằng: “Chẳng còn cách nào để dối gạt gã đầu trọc này!” Và bà ta miễn cưỡng cho vị tỳ khưu kia cây mía, cơm cùng với bơ, đường phèn và món cá chiên.

(4) Nippesikatā (Kích đàm)

Kích đàm là một loại ác ngữ khác nữa, có nghĩa là sự đeo đuổi lợi lộc bằng cách tước bỏ hoặc nghiền nát hoặc phá tan những đức tánh của người Phật tử như sự đeo đuổi để có được chất thơm bằng cách nghiền nát hoặc tán nhuyễn những vật liệu có chất thơm. Sự đeo đuổi như vậy được thực hiện bởi nhiều cách như: Dùng lời lăng mạ để buộc người ta bố thí, chê trách như: “Ngươi chẳng có đức tin chút nào cả.” “Ngươi chẳng giống như những Phật tử khác.” Nói nặng với người không chịu cho như: “Thí chủ mà như thế à! Đại thí chủ mà như thế à.” Nói lời khiêu khích đến người Phật tử không chịu cho trước mặt những Phật tử khác: “Tại sao sư bảo rằng người này chẳng bố thí gì cả? Ông ta có bố thí đấy chứ, khi có ai đến nhà ông ta để xin vật thực thì ông ta đều bảo là: “Tôi chẳng có gì cả.” Sự đeo đuổi lợi lộc bằng cách làm giảm thiện tánh của người Phật tử như vậy là Nippesikatā - Kích đàm.

(5) Labhena labham nijigīsanatā (Lấy lợi câu lợi)

Sau khi kiếm được vật thực, kẹo bánh, vị tỳ khưu đem đến cho con cái của những Phật tử có khả năng bố thí dồi dào. Kết quả là cha mẹ bọn trẻ dâng cúng đến vị tỳ khưu ấy những thứ quí hơn, dồi dào hơn vì nghĩ rằng vị tỳ khưu kia thương mến con cái của mình. Tóm lại, đây là hình thức “Thả con tép câu con cá.”

Năm loại tà mạng, như trá thuật, v.v… được mô tả ở trên, đều là kiểu kiếm lợi bất chánh từ những Phật tử, nhưng mỗi loại có một cách đeo đuổi riêng của nó.

Như vậy sự kiếm sống bằng cách vi phạm sáu điều học (sikkhāpada) do Đức Phật ban hành liên quan đến sự nuôi mạng như đã giải thích ở trước và những thứ kiếm được bằng các ác hạnh như trá thuật, hư đàm, v.v... lấy lợi câu lợi, thì được gọi là Tà mạng (Micchājīva).

Sự kiêng tránh những hình thức tà mạng để có được sự nuôi mạng chân chánh thì được gọi là Ājīvapārisuddhi Sīla - Chánh mạng thanh tịnh giới.

d. Paccayanissita-sīla (Tư cụ y chỉ giới )

Paccayanissita-sīla (Tư cụ y chỉ giới) là giới được thực hành viên mãn nhờ bốn món vật dụng.

Bốn món vật dụng là y phục, vật thực, chỗ ngụ và thuốc chữa bệnh. Chúng là nhu cầu không thể thiếu được. Sự sống không thể không có chúng. Nhưng khi sử dụng chúng, vị tỳ khưu phải suy quán về tánh chất của vật dụng có liên quan để những bất thiện pháp như tham, sân, v.v… không thể sanh khởi.

Cách quán xét như vầy: “Ta dùng vật thực này không phải để thỏa mãn sự ngon miệng như trẻ nhỏ, không phải để Tăng thêm sức mạnh hoặc làm cho thân thể đầy đặn xinh đẹp, cũng chẳng phải để cho da thịt được hồng hào. Ta dùng vật thực này chỉ để duy trì sự sống, khỏi bị đói khát, để tu tập được dễ dàng. Nhờ dùng những vật thực như vậy, cơn đói và khát sanh lên sẽ bị tiêu diệt. Ta cũng không để cho cái khổ mới phát sanh do ăn quá độ và nhờ vậy duy trì được mạng sống. Vật thực này được kiếm về một cách chơn chánh và dùng nó một cách trong sạch. Nhờ thọ thực có độ lượng mà ta sống được an vui.

Về sự sống an vui do ăn uống độ lượng, Đức Phật dạy rằng:

Cattāro pañca ālope. abhutvā udakaṃ pive. Alaṃ phāsuviharāya, pahitattassa bhikkhuno.

Còn bốn hoặc năm miếng nữa để ăn, vị tỳ khưu nên kết thúc bữa ăn bằng sự uống nước. Đối với vị tỳ khưu có ý chí kiên quyết hành thiền thì ăn như vậy là đủ để được an vui.

Dầu bài pháp này được Đức Phật thuyết giảng trước tiên đến những hành giả tu thiền, tuy nhiên bài pháp ấy cũng có lợi ích đến những người không tu thiền. Nhờ thực hành theo lời dạy này, họ có thể sống dễ chịu, không bị những trạng thái nặng nề do ăn quá độ.

Về chỗ ngụ: “Ta ở trong chỗ ngụ này để khỏi bị lạnh, tránh nắng mưa, muỗi mòng, rắn rít, bọ cạp, v.v... Ta dùng chỗ ngụ này để tránh những bức bách của khí hậu khắc nghiệt và sống an vui trong đời sống ẩn dật.

Về thuốc chữa bệnh: “Ta dùng thuốc này để chống lại bịnh họan, để bảo vệ đời sống và để trấn áp những cơn bệnh đã sanh hoặc đang sanh.

Cách quán tưởng chi tiết này gọi là Mahā Paccavekkhanā - Đại quán sát.

Làm sao để thực hành viên mãn 4 loại Giới này

Trong bốn loại giới này, Biệt giải thoát Luật nghi giới

(Pātimokkhasamvara-sīla) nên được thực hành viên mãn bằng đức tin

- Đức tin vào Đức Phật như vầy: “Đức Thế Tôn, bậc đã ban hành các điều học, quả thật là Đức Phật đã giác ngộ tất cả mọi định luật của tự nhiên mà không có ngoại lệ (tức là có tri kiến rõ ràng về Đức Phật). Đức tin nơi Giáo pháp như vầy: “Các điều học mà chư Tăng phải thực hành quả thực là những điều học do Đức Phật ban hành (tức là có tri kiến rõ ràng về pháp). Tin vào Đức Tăng như vầy: “Chư Tăng là đệ tử của Đức Phật, tất cả quí Ngài đều thực hành tốt những điều học này (tức là có tri kiến rõ ràng về Tăng)”.

Như vậy, nếu vị tỳ khưu có đức tin nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, vị ấy có thể thực hành viên mãn Biệt giải thoát Luật nghi giới (Pātimokkhasamvara-sīla).

Do đó, những điều học do Đức Phật ban hành cần được thọ trì không ngoại lệ bằng đức tin và phải được thực hành viên mãn cho dù phải đánh đổi cả mạng sống. Đúng vậy, Đức Phật đã dạy rẳng:

Kikī va aṇdaṃ camarīva vāladhiṃ, v.v... - Cũng như con chim trĩ cái, liều mạng sống của nó để bảo vệ quả trứng của nó, con bò cái cũng liều mạng sống để bảo vệ cái đuôi của nó, cũng như người gia chủ lấy tình thương của người cha để bảo vệ đứa con trai một của ông ta; cũng vậy người thọ trì giới phải đem hết nhiệt quyết cẩn trọng bảo vệ giới của mình.”

Chuyện các vị trưởng lão hy sinh cả mạng sống của quí Ngài để thực hành viên mãn Pātimokkhasamvara-sīla

(Biệt giải thoát Luật nghi giới / Giới Bổn Ba-la-đề-mộc-xoa )

Một thuở nọ, tại khu rừng Mahāvattani của nước Sri Laṅkā, các tên cướp bắt trói một vị trưởng lão và để vị ấy nằm trên đất. Vị trưởng lão này có khả năng thoát ra khỏi sự trói buộc này, nhưng Ngài không làm như vậy vì e rằng sợi dây trói bằng cây leo sẽ đứt và Ngài sẽ bị phạm tội ‘Bhūtagāma pācittiya āpatti’. Bởi vậy Ngài chuyên tâm vào thiền quán trong bảy ngày trong tư thế nằm như vậy và chứng đắc thánh anāgāmi-phala, và mạng chung tại chỗ đó. Ngài tái sanh về cõi Phạm thiên.

Cũng tại Sri Laṅka, một vị trưởng lão khác cũng bị bọn cướp hãm hại trong khi khu rừng đang cháy. Dầu Ngài có thể bứt dây để tự thoát thân nhưng Ngài sợ phạm tội ‘Bhūtagāma pācittiya āpatti’. Nhờ phát triển thiền quán, Ngài chứng đắc đạo quả A-la-hán và chính lúc ấy thọ mạng của Ngài cũng hết nên Ngài liền nhập Niết bàn. Rồi trưởng lão Abhaya, bậc thông thuộc Trường bộ kinh, cùng với năm trăm vị tỳ khưu đi đến đó. Trông thấy nhục thân của trưởng lão, vị ấy đứng ra tổ chức lễ hỏa thiêu và tôn trí Xá-lợi của trưởng lão vào bảo tháp. Do đó Chú giải có đoạn nói rằng:

Pātimokkhaṃ visodhento appeva jīvitam jahe.

Paññattaṃ lokanathena, na bhinde sīla samvaraṃ.

Thiện nhân, bậc duy trì sự trong sạch của Pātimokkhasamvara-sīla (Biệt giải thoát Luật nghi giới), thà hy sinh tánh mạng của mình chứ không để vi phạm các điều học trong giới Bổn Ba-la-đề-mộc-xoa do Đức Phật ban hành.

Cũng như Pātimokkhasamvara-sīla (Giới Bổn Ba-la-đề-mộc-xoa) được thực hành viên mãn do đức tin, cũng vậy Indriyasamvara-sīla (Lục căn thu thúc giới) nên được thực hành viên mãn bằng chánh niệm. Chỉ khi nào Indriyasamvara-sīla được khéo bảo vệ bởi chánh niệm, khi ấy Pātimokkhasamvara-sīla mới tồn tại lâu dài. Khi nào Indriyasamvara-sīla bị khuyết phạm, khi ấy Pātimokkhasamvara-sīla sẽ bị khuyết phạm.

Thời Đức Phật, có vị tỳ khưu mới xuất gia tên là Vaṅgīsa, trong khi đi khất thực, đã vi phạm Indriyasamvara-sīla, không chế ngự các căn và tình dục trỗi dậy khi trông thấy một cô gái. Vị ấy nói với trưởng lão Ānanda rằng: “Thưa đại đức Ānanda, con đang bị đốt cháy bởi dục tình, tâm của con bị thiêu đốt bởi những ngọn lửa ái dục. Vì lòng bi mẫn, cầu xin đại đức dạy cho con phương pháp để dập tắt những ngọn lửa này.”

Khi ấy đại đức Ānanda đáp lại rằng: “Vì ngươi có cái nhìn sai lạc nên lửa thiêu đốt tâm của ngươi. Hãy loại trừ tưởng trong cái mà ngươi thấy vì tưởng ấy làm sanh khởi tình dục. Hãy quán tánh bất tịnh ở nó để tâm của ngươi được thanh tịnh.” Đại đức Vaṅgīsa thực hành theo lời khuyên của trưởng lão Ānanda và những ngọn lửa dục tình biến mất.

Những ai muốn thực hành viên mãn Indriyasamvara-sīla thì nên thực hành theo hai tấm gương sau đây:

Chuyện trưởng lão Cittagutta

Trong đại thạch động Kurandaka tại Sri Laṅka có một bức tranh rất đẹp mô tả sự xuất gia của bảy vị Phật như Vipassī, v.v... Một số tỳ khưu khách Tăng được vào thăm thạch động của trưởng lão Cittagutta, trông thấy bức tranh và nói rằng: “Thưa tôn giả, bức tranh trong hang động của tôn giả trông thật tuyệt đẹp!” Trưởng lão đáp lại rằng: “Thưa chư hiền giả, đã sáu chục năm sống trong hang động này, tôi chẳng biết liệu có bức tranh nào hay không. Hôm nay tôi mới biết nhờ nghe chư hiền giả nói. Thị lực của chư hiền giả thật là tốt.” (Tuy trưởng lão đã sống ở đó trên sáu chục năm, Ngài chưa bao giờ đưa mắt nhìn lên hang động dù chỉ một lần. Và tại cửa hang có một cây thiết mộc, trưởng lão không bao giờ nhìn lên cây. Nhưng mỗi năm, cứ thấy cánh hoa rụng trên đất là Ngài biết nó đang nở hoa).

Nghe nói trưởng lão đã thọ trì Indriyasamvara-sīla rất nghiêm ngặt, đức vua của xứ Mahāgāma bèn cho người ba lần đến thỉnh Ngài vào hoàng cung để bày tỏ sự tôn kính đến trưởng lão. Nhưng trưởng lão không đến. Đức vua bèn truyền lịnh buộc vú của những người đàn bà có con mọn rồi niêm phong lại, nói rằng: “Chừng nào trưởng lão vẫn không đến, chừng đó những đứa bé sơ sinh sẽ sống không có sữa.” Vì lòng bi mẫn đối với trẻ thơ vô tội, trưởng lão đành đi đến Mahāgāma.

Nghe tin trưởng lão đến, đức vua truyền lịnh: “Hãy ra thỉnh trưởng lão vào nội cung. Trẫm muốn thọ trì giới.” Đức vua đảnh lễ trưởng lão, cúng dường vật thực rồi bạch rằng: “Bạch Ngài, hôm nay trẫm chưa có cơ hội để thọ trì giới. Ngày mai trẫm sẽ thọ trì giới.” Sau khi ôm bát của trưởng lão, đức vua và hoàng hậu tiễn Ngài đi một đoạn đường và quì xuống đảnh lễ trưởng lão. Để phúc chúc dù cho đức vua hay hoàng hậu, trưởng lão chỉ lập lại duy nhất một câu: “Chúc đức vua được hạnh phúc!” Suốt bảy ngày, trưởng lão chỉ phúc chúc bằng một câu như thế.

Các vị tỳ khưu đồng phạm hạnh đã hỏi trưởng lão như vầy: “Thưa tôn giả, tại sao khi đức vua hoặc hoàng hậu đến đảnh lễ tôn giả, ngài chỉ nói một câu: “Chúc đức vua được hạnh phúc.” Trưởng lão đáp lại rằng: “Thưa các hiền giả, tôi chẳng có cái nhìn riêng biệt rằng đó là đức vua hay hoàng hậu.” Cuối bảy ngày, đức vua thấy rằng trưởng lão sống không được an vui ở đó, bèn cho phép Ngài ra về. Ngài trở lại đại thạch động Kuraṇḍaka.

Một vị thiên sống ở cây thiết mộc cầm đuốc đứng gần đó. Pháp thiền của trưởng lão rất thanh tịnh và tươi sáng làm hoan hỷ vị thiên. Ngay sau canh giữa, Ngài chứng đắc đạo quả A-la-hán, khiến toàn thể vùng núi đồi rung động vang dội.

(Câu chuyện này cho chúng ta một tấm gương tốt về sự thọ trì Lục căn thu thúc giới - Indriyasamvara-sīla).

Chuyện về trưởng lão Mahā Mitta

Mẹ của trưởng lão Mahā Mitta bị bịnh ung thư vú. Bà bảo với người con gái đã xuất gia tỳ khưu ni rằng: “Hãy đi tìm anh con và nói rằng ta bị bịnh và đem về một số thuốc trị bịnh.” Nàng ra đi và kể lại mọi chuyện. Trưởng lão đáp lại rằng: “Ta không biết cách hái thuốc và bào chế thuốc, nhưng tốt hơn ta nên nói cho Sư muội biết một loại thuốc trị bịnh. Hãy lắng nghe: “Từ khi tôi xuất gia làm Sa-môn, tôi chưa hề vi phạm Indriyasamvara-sīla do nhìn vào thân thể người khác phái bằng những ý nghĩ tình dục. Do lời chân thật này, cầu xin cho mẹ tôi được hết bịnh.” Hãy trở về và nói lại những lời chân thật của ta rồi lấy tay thoa vào thân của bà.” Tỳ khưu ni trở về và nói với mẹ những lời mà vị sư huynh đã thốt ra và làm theo lời chỉ bảo của sư huynh. Ngay tức thì, khối u trên vú của người mẹ liền biến mất như khối bong bóng nước vỡ ra từng mảnh. Bà ngồi dậy và nói lời hoan hỷ: “Nếu Đức Chánh Biến Tri còn sống thì ắt là Ngài đã lấy bàn tay với những đường chỉ mạng lưới đặc biệt thoa lên đầu vị tỳ khưu như con trai của ta!”

Cách thu thúc của trưởng lão Mahā Mitta có phần khác với cách của vị trưởng lão trước - Cittagutta. Trưởng lão Cittagutta thu thúc lục căn bằng đôi mắt nhìn xuống để không nhìn vào bất cứ đối tượng nào dù tình cờ. Trong khi đó trưởng lão Mahā Mitta không thu thúc lục căn bằng đôi mắt nhìn xuống. Ngài nhìn vào các sự vật đúng với thực tướng của chúng. Ngay cả khi Ngài trông thấy đối tượng khác phái, Ngài thu thúc nhãn căn để ngăn chặn dục tình không cho sanh khởi.

Cách thu thúc lục căn của trưởng lão Cittagutta giống như việc đóng kín cửa nhà, không cho bất cứ tên cướp nào đột nhập. Cách thu thúc lục căn của trưởng lão Mahā Mitta là không đóng cửa nhưng canh phòng không cho bọn cướp vào nhà dù chỉ một lần. Cả hai cách thu thúc đều tuyệt diệu và đáng kính ngưỡng.

Trong khi sự thu thúc lục căn được thực hành bằng chánh niệm (sati) thì giới nuôi mạng thanh tịnh được thực hành bằng tinh tấn (viriya). Sở dĩ như vậy là vì người ta có thể từ bỏ lối sống tà mạng chỉ bằng chánh tinh tấn. Do đó để tránh những phương tiện bất chánh, sự nuôi mạng thanh tịnh nên được thực hành bằng loại tầm cầu chân chánh như tinh tấn trong việc đi khất thực.

Nói lời gợi ý, nói quanh co, chỉ cho biết hoặc gợi ý trực tiếp để kiếm về những vật dụng như y phục, vật thực mà không được phép.

Gợi ý”: Khi vị tỳ khưu đang sửa soạn một chỗ đất tựa như đang chuẩn bị xây dựng một chỗ ngụ mà có người hỏi: “Bạch đại đức, cái gì đang được làm thế? Ai đứng ra làm?” Và vị ấy đáp lại: “Chưa có ai cả.” Câu trả lời của vị ấy là “sự gợi ý” (ám chỉ rằng chưa có thí chủ nào chi phí cho việc xây dựng chỗ ngụ này). Tất cả mọi hành động liên hệ đến nhu cầu của vị ấy về chỗ ngụ cũng được xem là “sự gợi ý.”

Nói quanh co”: Vị tỳ khưu gọi Phật tử: “Nhà của ông (bà) làm theo kiểu gì thế?” “Bạch Ngài, kiểu lâu đài.” “Này thiện nam (tín nữ), phải chăng các vị tỳ khưu không được phép ở kiểu nhà ấy?” Đây là cách nói quanh co.

Chỉ rõ”: “Chỗ ngụ này quá nhỏ đối với các vị tỳ khưu”. Hoặc bất cứ lời nói nào có nội dung đề nghị như vậy đều là cách “chỉ rõ.”

Tất cả bốn cách nói như gợi ý, v.v… đều được phép khi vị tỳ khưu có nhu cầu về thuốc trị bịnh. Nhưng khi bịnh được chữa khỏi thì cách kiếm thuốc trị bịnh như vậy có được phép không? Ở đây các vị luật sư nói rằng vì Đức Phật đã mở ra đường lối sử dụng chúng nên nó được phép. Nhưng những vị rành mạch về Tạng kinh thì duy trì quan điểm rằng, dầu không có tội, nhưng sự nuôi mạng thanh tịnh bị lấm nhơ. Cho nên không được phép làm như vậy. Người muốn sống cuộc đời hoàn toàn thánh thiện thì không nên nói lời gợi ý, lời quanh co hoặc lời đề nghị dầu những điều này được Đức Thế Tôn cho phép. Người có những đức tánh như thiểu dục, v.v... thì chỉ nên dùng những vật dụng kiếm được không phải bằng những phương tiện bất chánh như gợi ý, v.v... dù phải hy sinh tánh mạng. Người như vậy được gọi là bậc cao quí, có lối sống khắc khổ như trưởng lão Sāriputta.

Chuyện về trưởng lão Sāriputta

Một thuở nọ, trưởng lão Sāriputta, vì muốn trau dồi đời sống thánh thiện, đã sống ẩn dật trong một khu rừng nọ cùng với trưởng lão Moggallāna. Một hôm nọ, trưởng lão bị cơn đau bụng dữ dội. Vào buổi chiều, trưởng lão Moggallāna đến vấn pháp trưởng lão Sāriputta và trông thấy Ngài đang nằm. Vị ấy hỏi: “Sư huynh bị bịnh gì thế?” Nghe trưởng lão Sāriputta giải thích, trưởng lão lại hỏi: “Trước kia khi bị bịnh như vậy sư huynh chữa trị bằng phương thuốc gì?” Trưởng lão Sāriputta bèn trả lời: “Khi còn làm cư sĩ, mẹ huynh thường cho huynh ăn món cháo nấu chung với sữa, mật ong, đường, v.v... Món cháo ấy thường giúp huynh khỏi bệnh.” Rồi trưởng lão Moggallāna nói rằng: “Hãy như thế đi tôn huynh. Nếu tôn huynh hoặc đệ đã tích lũy đầy đủ phước báu, có lẽ ngày mai chúng ta sẽ kiếm được một ít.”

Bấy giờ một vị thiên nọ sống ở một cây đại thọ nằm cuối đường kinh hành nghe được lời trò chuyện của hai vị tôn giả, bèn nghĩ rằng: “Ngày mai ta sẽ kiếm món cháo cho trưởng lão.” Và vị ấy đi đến một gia đình đang hộ độ đến trưởng lão Moggallāna, nhập vào thân của đứa con trai đầu khiến cho cậu ta trở nên khó ở. Rồi vị thiên nói với gia đình của cậu bé rằng nếu họ làm món cháo như thế để cúng dường trưởng lão vào ngày mai thì vị ấy sẽ buông tha cậu bé. Họ đáp lại: “Dù không được ngài nói cho biết, chúng tôi vẫn cúng dường vật thực đều đặn đến trưởng lão.” Ngày hôm sau họ đã nấu nón cháo ấy.

Vào buổi sáng, trưởng lão Moggallāna đi đến trưởng lão Sāriputta và nói rằng: “Hiền huynh hãy ở đây cho đến khi đệ đi khất thực trở về.” Rồi trưởng lão đi vào làng. Dân làng trông thấy trưởng lão, bèn đi đến thỉnh bát của trưởng lão và để đầy món cháo đã chuẩn bị theo yêu cầu và trao bát lại cho trưởng lão. Khi trưởng lão sắp sửa ra về, họ nói rằng: “Bạch Ngài, xin hãy độ thực, chúng con sẽ dâng cúng thêm một bát nữa.” Khi trưởng lão thọ thực xong, họ cúng dường đến Ngài một bát khác. Trưởng lão đem bát vật thực ấy về cho trưởng lão Sāriputta và bảo Ngài hãy độ thực. Khi trưởng lão Sāriputta trông thấy món cháo, Ngài suy xét: “Món cháo này rất tốt. Bằng cách nào mà có được nó?” Rồi Ngài quán xét và trông thấy cách mà nó có được, bèn nói rằng: “Này hiền hữu, vật thực này dùng không thích hợp.” Thay vì cảm thấy bị xúc phạm với ý nghĩ rằng: “Vị ấy không ăn vật thực được đem đến bởi người như ta.” Trưởng lão Mahā Moggallāna tức thì cầm mép bát và lật úp nó (không phải vì vị ấy tức giận).

Khi món cháo đổ xuống thì bịnh của trưởng lão Sāriputta liền biến mất (Và suốt bốn mươi lăm năm nó cũng không tái xuất hiện nữa). Rồi trưởng lão Sāriputta nói với trưởng lão Moggalāna: “Này hiền đệ, cho dù ruột có rớt ra ngoài và rơi xuống đất do bởi cơn đói cũng không thích hợp để ăn món cháo kiếm được bằng lời nói đề nghị.”

Ở đây, cần chú ý rằng: Đức Thế Tôn cấm sự đề nghị về vật thực. Khi trưởng lão Mahā Moggallāna muốn biết cái gì đã từng chữa khỏi bịnh của trưởng lão Sāriputta, nên trưởng lão kể lại món cháo đã từng chữa khỏi bịnh của Ngài trong quá khứ. Tuy nhiên, Ngài không hài lòng về lời đề nghị và không nhận món cháo.

Chuyện trưởng lão Ambakhadaka Mahā Tissa

Chuyện trưởng lão Sāriputta xảy ra trong thời Đức Phật, còn chuyện về trưởng lão Mahā Tissa của xứ Ciragumba ở Sri Laṅka xảy ra sau khi Đức Phật nhập Niết bàn. Đó là vị trưởng lão thọ trì giới luật rất nghiêm ngặt. Một thời nọ, trưởng lão Mahā Tissa trong lúc đi du hành khất thực, gặp thời kỳ nạn đói, đường đi thì xa xôi, trưởng lão bị mệt lã và đuối sức vì không có vật thực lót lòng, Ngài nằm dưới gốc cây xoài có trái sum suê. Nhiều trái rụng xuống ở quanh Ngài nhưng dầu bị đói, Ngài cũng không có ý nghĩ sẽ nhặt lên một vài trái để ăn.

Lúc ấy một người đàn ông đến gần Ngài và thấy Ngài đang trong trạng thái kiệt quệ, bèn làm một ít nước xoài và dâng đến Ngài. Rồi cõng Ngài trên lưng, người đàn ông đi đến bất cứ nơi nào mà trưởng lão muốn. Trong lúc được cõng đi như vậy, trưởng lão tự xét: “Người này chẳng phải là cha ta hay mẹ của ta hoặc người quyến thuộc của ta, thế mà vẫn cõng ta, chính là do giới mà ta đã thọ trì.” Suy xét như vậy, trưởng lão tự sách tấn mình phải gìn giữ giới và định cho toàn vẹn, không khuyết phạm. Rồi Ngài phát triển Minh sát tuệ và trong khi ở trên lưng người đàn ông, Ngài lần lượt chứng đắc các quả thánh cho đến đạo quả A-la-hán.

Vị đại trưởng lão này là một bậc thánh có sự tri túc trong vật thực, đáng được mọi người kính ngưỡng và noi gương.

Trong khi Chánh mạng thanh tịnh (Ājivapārisuddhi-sīla) được thực hành bằng tinh tấn (viriya) thì Tư cụ y chỉ giới (Paccaya sannissita sīla) được thực hành bằng trí tuệ. Bởi vì chỉ những bậc có trí mới thấy những lợi ích và những mối nguy hiểm trong bốn món vật dụng, nên Tư cụ y chỉ giới là giới được thực hành viên mãn bằng trí tuệ. Do đó người nên thọ dụng bốn món vật dụng kiếm về một cách chân chánh, không có sự luyến ái đối với chúng và sau khi đã quán tưởng chúng bằng trí tuệ.

Hai loại quán tưởng (Paccavekkhaṇā)

Có hai loại quán tưởng về bốn món vật dụng: (1) quán tưởng vào lúc thọ lãnh chúng và (2) quán tưởng vào lúc dùng chúng. Không chỉ vào lúc dùng các món vật dụng, mà ngay vào lúc thọ nhận chúng, người ta cũng phải quán tưởng: (a) chỉ là những nguyên chất (Dhātu paccavekkhanā - nguyên chất quán), hoặc (b) là những vật đáng nhờm gớm (Patikūla paccavekkhanā - bất tịnh quán) và đem cất các món vật dụng để dùng sau này.

(a) Quán về nguyên chất: y phục này chỉ là một khối gồm tám nguyên chất khởi sanh khi có điều kiện. Người sử dụng chúng cũng thế.

(b) Quán về bất tịnh: quán về vật thực gọi là Thực bất tịnh tưởng và quán về y phục, v.v… như vầy: “Tất cả những y phục này, v.v... vốn không nhờm gớm, nhưng khi chúng kết hợp với thân này thì chúng trở nên đáng nhờm gớm.”

Tóm lại, sự quán tưởng có ba loại cả thảy: (1) Mahā paccavekkhaṇā như đã mô tả chi tiết về cách dùng chung chung đối với bốn món vật dụng, (2) Dhātu paccavekkhaṇā: quán tưởng bốn món vật dụng như là những nguyên chất, và (3) Patikūlamanasikāra paccavekkhaṇā: quán tưởng về chúng như là những vật đáng nhờm gớm dầu trong bản chất tự nhiên của chúng hoặc khi đang dùng.

Nếu vị tỳ khưu quán tưởng về y phục, v.v... vào lúc thọ nhận chúng và nếu vị ấy quán tưởng một lần nữa vào lúc dùng chúng, thì cách dùng bốn món vật dụng của vị ấy sẽ được trong sạch từ đầu chí cuối.

Bốn trường hợp sử dụng

Để diệt trừ hoài nghi về cách dùng bốn món vật dụng, vị tỳ khưu nên lưu ý bốn trường hợp sử dụng chúng:

(a) Theyya paribhoga

Dùng như hành động của tên cướp - theyya paribhoga: người phi giới dùng các món vật dụng dù ở giữa Tăng chúng cũng được gọi là theyya paribhoga.

(Đức Thế Tôn cho phép sử dụng bốn món vật dụng dành cho những vị tỳ khưu có giới. Người Phật tử cũng vậy, họ cúng dường vật dụng đến những vị tỳ khưu có giới đức chỉ mong được phước báu. Do người phi giới chẳng có tư cách giới để thọ hưởng các món vật dụng. Cho nên người phi giới không xứng đáng thọ dụng các món vật dụng, nếu thọ dụng thì nó giống như hành động ăn cướp, Visuddhi Magga Mahā Tika).

(b) Ina paribhoga

Dùng giống như vay nợ - ina paribhoga: người có giới dùng các món vật dụng mà không có sự quán tưởng đúng đắn thì giống như người vay nợ. Vị tỳ khưu nên quán tưởng mỗi khi mặc y phục, mỗi miếng vật thực ăn vào cũng phải quán tưởng. Nếu không quán tưởng khít khao như vậy thì vị tỳ khưu nên quán tưởng chúng vào buổi sáng, lúc sắp tối, suốt canh đầu, canh giữa và canh cuối của đêm. Nếu mặt trời mọc lên mà vị ấy chưa quán tưởng như vậy thì vị ấy xem như bị mắc nợ.

Mỗi lúc đi qua dưới mái để vào chỗ ngụ và sau khi đi vào rồi, cứ mỗi lần ngồi, nằm, vị ấy nên quán tưởng đúng pháp. Lúc thọ lãnh thuốc chữa bệnh và lúc dùng chúng, vị ấy cũng nên quán tưởng. Nhưng nếu vị ấy chỉ quán tưởng trong lúc thọ lãnh mà không quán tưởng lúc dùng nó thì bị phạm tội. Nói cách khác cho dù vị ấy không quán tưởng lúc thọ lãnh nhưng có quán tưởng khi dùng nó thì không phạm tội.

Bốn loại Thanh tịnh Giới

Nếu vị tỳ khưu bị phạm tội nào đó, vị ấy nên sử dụng một trong bốn cách sau đây để làm cho giới của mình được trong sạch trở lại:

(1) Desanā suddhi - Thanh tịnh nhờ sám hối là Biệt giải thoát Luật nghi giới (Patimokkasamvara-sīla) được thanh tịnh nhờ khỏi tội và sám hối.

(2) Saṃvara suddhi - Thanh tịnh nhờ thu thúc: Lục căn thu thúc giới (Indriyasamvara-sīla) được thanh tịnh nhờ sự quyết tâm: “Ta sẽ không bao giờ làm như thế nữa.”

(3) Pariyettha suddhi -Thanh tịnh nhờ sự tầm cầu: Chánh mạng thanh tịnh giới (Ajivaparisuddhi-sīla) được trong sạch nhờ từ bỏ sự tầm cầu phi pháp và tìm kiếm vật dụng một cách chân chánh.

(4) Paccavekkhaṇā suddhi- Thanh tịnh nhờ quán tưởng: Tư cụ y chỉ giới (Paccayasannissita sīla) được trong sạch nhờ quán tưởng theo cách đã nêu ra ở trên.

(c) Dāyajja paribhoga

Dùng giống như lấy của thừa tự (dāyajja paribhoga): Sự dùng xài vật dụng của bảy hạng hữu học thánh nhân (sekkha: ám chỉ những bậc thánh đã chứng đắc ba Đạo, ba Quả bậc thấp và A-la-hán đạo). Bảy hạng hữu học thánh nhân này là những đứa con trai của Đức Phật. Cũng như đứa con trai là kẻ thừa kế từ người cha, những bậc thánh này là những kẻ thừa kế, dùng các món vật dụng được Đức Phật cho phép (dầu trên thực tế, các món vật dụng do người cư sĩ dâng cúng, tuy nhiên chúng được Đức Phật cho phép và như vậy chúng được xem là vật dụng của Đức Phật)

(d) Sami paribhoga

Dùng giống như ông chủ đối với bậc A-la-hán (sami paribhoga): Những kẻ phàm phu (puthujjana) và những bậc hữu học (sekkha) chưa thoát khỏi ái dục, cho nên họ vẫn còn bị ái dục chi phối và việc sử dụng các món vật dụng của họ không giống như những ông chủ mà giống như những kẻ nô lệ của ái dục. Nói cách khác, các bậc A-la-hán đã thoát khỏi sự khống chế của ái dục và việc sử dụng các món vật dụng của các Ngài giống như những ông chủ có sự kiểm soát ái dục hoàn toàn. Do đó các Ngài có thể dùng những vật nhờm gớm bằng cách quán tưởng tánh cách không nhờm gớm của chúng hoặc dùng những vật không nhờm gớm bằng cách quán tánh bất tịnh của chúng, hoặc các Ngài có thể dùng bằng cách quán tánh chất của chúng là không nhờm gớm cũng không phải không nhờm gớm.

Trong bốn cách dùng này, dùng như ông chủ bởi vị A-la-hán và dùng như hưởng di sản là được phép cho tất cả. Ở đây như đã nói ở trên, dùng vật dụng như ông chủ chỉ có thể áp dụng cho các vị A-la- hán mà thôi. Nhưng nếu các vị hữu học và những kẻ phàm phu dùng các món vật dụng bằng cách từ bỏ ái dục do pháp tưởng về tánh bất tịnh của chúng thì nó cũng giống như được thoát khỏi ái dục. Cho nên cách dùng này cũng có thể được xếp loại là dùng như ông chủ bởi vị A-la-hán. Dường thế ấy, các vị A-la-hán và những kẻ phàm phu cũng có thể được xem là những đứa con thừa kế của Đức Phật.

Dùng như mắc nợ thì không được phép, lại càng không được phép là dùng như hành động ăn cướp. Dùng các món vật dụng sau khi đã quán tưởng đối với người có giới là đối nghịch với cách dùng như mắc nợ và như vậy nó được gọi là Dùng mà không mắc nợ. Đồng thời, những kẻ phàm phu có giới dùng các món vật dụng sau khi đã quán tưởng đúng pháp có thể được xem là bậc hữu học, bậc thánh nhân. Do đó dùng các món vật dụng sau khi đã quán tưởng đúng pháp bởi những kẻ phàm phu có giới cũng được xem là dùng như hưởng di sản.

Trong bốn cách dùng này, dùng như ông chủ bởi vị A-la-hán là cao quí nhất. Vị tỳ khưu muốn dùng các món vật dụng như ông chủ thì nên thực hành viên mãn Paccayasannissita-sīla (Tư cụ y chỉ giới) bằng cách dùng các món vật dụng sau khi đã quán tưởng đúng pháp.

Chấm dứt phần Giới nhóm Bốn

Giới Nhóm Năm

(1) Giới có năm loại:

(a) Pariyanta Pārisuddhi-sīla (Chế hạn biến tịnh giới)

(b) Apariyanta Pārisuddhi-sīla (Vô biên thanh tịnh giới)

(c) Paripuṇṇa Pārisuddhi-sīla (Viên mãn thanh tịnh giới)

(d) Aparāmattha Pārisuddhi-sīla (Bất hôn muội thanh tịnh giới)

(e) Patippassaddhi Pārisuddhi-sīla (An tức thanh tịnh giới)

(a) Pariyanta Pārisuddhi-sīla (Chế hạn biến tịnh giới) là giới có sự thanh tịnh hạn chế. Đó là giới do những người cư sĩ và các vị sa-di thọ trì, bởi vì nó bị giới hạn bởi số điều học được thọ trì.

Bộ Thanh tịnh đạo có giải thích về sự hạn chế bởi số điều học trong chế hạn giới, nhưng bộ Chú giải Patisambhidā Magga giải thích như đã nêu ra ở trên là có hai loại hạn chế: (i) Giới hạn về những điều học được thọ trì - Sikkhāpada pariyanta, (ii) Giới hạn về thời gian thọ trì giới - Kāla pariyanta.

(i) Giới hạn về số điều học được thọ trì là số điều học được thọ trì theo truyền thống của người Phật tử - một, hai, ba hoặc bốn giới, năm, tám hoặc mười giới (bất cứ số giới nào mà họ có thể thọ trì). Sa-di, sa-di-ni và những người tập sự chuẩn bị thọ đại giới đều thọ trì mười giới. Đây là giới hạn về số giới được thọ trì.

(ii) Giới hạn về thời gian thọ trì giới: khi người Phật tử làm phước trai Tăng cúng dường vật thực, họ cũng thọ giới trong thời gian của buổi lễ. Bất cứ khi nào họ đi đến chùa cũng vậy, họ thọ trì giới trước khi về nhà trong thời gian một, hai, ba ngày hoặc suốt ngày hoặc suốt đêm. Đây là giới hạn về thời gian thọ trì giới.

(b) Apariyanti Pārisuddhi-sīla (Vô biên thanh tịnh giới) là giới không có giới hạn. Bộ Dve Matika và bộ Yếu lược của bộ Ubhato Vibhaṅga có kể ra 227 điều học dành cho vị tỳ khưu. Nếu kể rộng ra từ những điều học này, nó có đến chín ngàn một trăm tám chục koṭi, và năm triệu ba mươi sáu ngàn điều học. Những điều luật này của vị tỳ khưu do Đức Phật ban hành và được kiết tập tóm tắt trong cuộc Kiết tập lần thứ nhất. Toàn thể nhóm giới này được gọi là Vô biên thanh tịnh giới.

Dầu những điều học được Đức Phật ban hành với số lượng xác định, chư Tăng phải thọ trì hết không được bỏ sót. Hơn nữa, không thể biết trước sự kết thúc việc thọ trì giới do bởi năm nguyên nhân hoại diệt, tức là hoại diệt do lợi lộc, vì danh tiếng, vì quyến thuộc, do thân bị suy yếu bịnh họan và do mất mạng. Vì những lý do này mà các điều luật này được gọi chung là Vô biên thanh tịnh giới. Đây là loại giới được thọ trì bởi trưởng lão Mahā Tissa của xứ Ciragumba như đã mô tả ở trên.

(c) Paripunna Pārisuddhi-sīla (Viên mãn thanh tịnh giới) là giới mà kẻ phàm phu tinh tấn hành trì để được thanh tịnh hoàn toàn. Giới của vị ấy kể từ lúc thọ đại giới rất thuần khiết như viên hồng ngọc sáng chói đã được mài gọt đúng mức hoặc như vàng ròng khéo tinh luyện. Do đó nó không bị lấm nhơ ngay cả bởi những tư tưởng bất tịnh và trở thành nguyên nhân gần cho sự chứng đắc đạo quả A-la-hán. Cho nên nó có tên là Viên mãn thanh tịnh giới. Trưởng lão Mahā Saṅgharakkhita là đứa cháu trai của Trưởng lão Saṅgharakkhita, là những tấm gương về sự thọ trì Viên mãn thanh tịnh giới.

Câu chuyện về trưởng lão Mahā Saṅgharakkhita

Khi trưởng lão Mahā Saṅgharakkhita đang hấp hối trên giường bệnh với tuổi hạ 60 (tám mươi tuổi đời), các vị tỳ khưu bèn hỏi Ngài: “Bạch Ngài, Ngài đã chứng đắc pháp siêu thế nào chưa?” Trưởng lão trả lời: “Tôi chưa thành đạt pháp chứng nào như vậy cả.” Lúc ấy một vị tỳ khưu, thị giả trẻ của trưởng lão bèn nói với trưởng lão: “Bạch thầy, những người đang sống quanh đây mười hai do tuần đã đến đây rồi vì nghĩ rằng thầy đã nhập Niết bàn. Nếu họ biết rằng thầy mạng chung với thân phận một kẻ phàm phu thì họ sẽ thất vọng.”

Nghe vậy, trưởng lão bèn nói rằng: “Này con, vì muốn được gặp Bồ-tát Di-lặc (Buddha Metteya) nên ta đã không cố gắng tu tập thiền Minh sát. Nếu điều ấy khiến cho nhiều người thất vọng thì hãy giúp ta ngồi dậy và cho ta một cơ hội để quán niệm.” Vị tỳ khưu trẻ bèn giúp trưởng lão ngồi dậy, rồi đi ra ngoài. Khi vị ấy vừa ra khỏi phòng thì trưởng lão chứng đắc A-la-hán và búng ngón tay để ra hiệu. Vị tỳ khưu trẻ trở lại và đặt trưởng lão nằm xuống như trước. Vị ấy báo tin với chư Tăng đã tụ hội ở đó và họ bạch với trưởng lão: “Bạch Ngài, Ngài đã làm một công việc rất khó khăn là chứng đắc pháp siêu thế ngay khi cận tử.” Trưởng lão bèn đáp lại: “Thưa quí hiền giả, việc chứng đắc đạo quả A-la-hán đối với tôi chẳng khó khăn gì khi giờ chết đang gần kề nhưng tôi sẽ nói cho quí hiền giả biết điều gì thực sự khó làm. Này quí hiền giả, tôi thấy không có hành động nào tôi làm mà không có chánh niệm và giác tỉnh kể từ khi tôi thọ đại giới. Chỉ có loại hành động có chánh niệm và giác tỉnh đi kèm là khó làm nhất.

Đứa cháu trai của trưởng lão cũng chứng đắc đạo quả A-la-hán khi vị ấy được năm mươi sáu hạ tỳ khưu.

(d) Aparāmaṭṭha Pārisuddhi-sīla (Bất hôn muội thanh tịnh giới) là giới không bị tà kiến chi phối và được bậc hữu học thọ trì; giới không bị hoen ố bởi tham dục được thọ trì bởi những kẻ phàm phu. Đây là loại giới được thọ trì bởi trưởng lão Tissa, con trai của vị gia chủ.

Chuyện trưởng lão Tissa, con trai vị gia chủ

Một vị gia chủ nọ ở Sri Lanka có hai người con trai. Sau khi cha chết, đứa con trai đầu là Tissa nhường hết tài sản cho người em và xuất gia Tỳ khưu, thực hành pháp thiền ở một tịnh xá nọ trong rừng. Rồi vợ của người em trai tự nghĩ: “Bây giờ chúng ta có được tất cả tài sản vì anh chồng của ta đã xuất gia làm một vị tỳ khưu. Nếu vị ấy hoàn tục thì chúng ta sẽ phải trao lại cho vị ấy một nửa gia sản. Không biết vị ấy có làm như vậy hay không. Chúng ta sẽ được an tâm chỉ khi nào vị ấy chết đi.” Bởi vậy, nàng thuê một số người đi giết chết trưởng lão.

Bọn côn đồ đi đến tịnh xá và bắt trưởng lão vào lúc chiều tối. Trưởng lão nói với họ rằng Ngài chẳng có thứ gì mà họ muốn. Những tên cướp giải thích với trưởng lão rằng chúng đến đây không phải để lấy tài sản của Ngài mà đến để giết Ngài (theo sự thuê mướn của em dâu Ngài). Rồi trưởng lão nói rằng: “Tôi có Giới thanh tịnh nhưng tôi chưa chứng đắc đạo quả A-la-hán. Vì muốn chứng đắc đạo quả A-la- hán dựa vào Giới thanh tịnh này, hãy cho phép tôi thực hành thiền Minh sát trước khi mặt trời mọc.” “Chúng tôi thấy không thể chấp nhận yêu cầu của Ngài. Nếu Ngài bỏ chạy trong lúc đêm tối thì chúng tôi sẽ rất phiền phức để bắt Ngài một lần nữa.” Trưởng lão đáp lại: “Tôi sẽ cho các ông thấy rõ rằng tôi không còn khả năng trốn chạy.” Rồi trưởng lão lấy cục đá đập bể xương hai đầu gối của Ngài.

Khi cả hai đầu gối hoàn toàn bị vỡ bể như vậy, trưởng lão nói rằng: “Bây giờ các ông đã thấy tình trạng của tôi như vậy. Chẳng còn cách nào để tôi chạy thoát khỏi các ông. Tôi lấy làm ghê tởm khi phải chết trong thân phận một kẻ phàm phu đầy tham dục. Tôi cảm thấy xấu hổ về nó.” Chỉ khi ấy bọn giết mướn mới cho phép Ngài thực hành pháp thiền, Rồi trưởng lão nương vào giới của mình, không bị tham nhiễm, tinh cần suốt đêm và đến khi mặt trời ló dạng thì Ngài chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Chuyện về Đại trưởng lão

Một hôm nọ có một vị đại trưởng lão bị trọng bịnh yếu đuối đến nổi không thể ăn bằng chính đôi tay của Ngài. Ttrưởng lão nằm quằn quại với thân dính đầy phân và nước tiểu của chính Ngài. Thấy Ngài như vậy, một vị tỳ khưu trẻ nói lời ta thán rằng: “Ôi, đời sống thật đau khổ biết bao!” Trưởng lão bèn đáp lại: “Này hiền hữu, nếu ta chết bây giờ, chắc chắn ta sẽ đạt được hạnh phúc của thiên giới. Ta không nghi ngờ về điều ấy. Hạnh phúc có được do đoạn tuyệt giới này (nghĩa là chết mà chưa trở thành vị A-la-hán) giống như rũ bỏ đời sống Sa-môn và trở thành người cư sĩ. Nhưng ta quyết định chết bằng giới nguyên vẹn của ta (nghĩa là mạng chung chỉ sau khi chứng đắc đạo quả A-la- hán).” Khi nói vậy, trưởng lão nằm như vậy, quán về tánh chất bịnh hoạn như vậy trong năm uẩn của danh và sắc và chứng đắc đạo quả A- la-hán.

(Giới của những vị đại trưởng lão bực Thánh này là Bất hôn muội thanh tịnh giới – Aparamattha-sīla).

(e) Patippasaddhi Pārisuddhi-sīla (An tức thanh tịnh giới) là Giới của những vị A-la-hán (Độc giác Phật và Toàn giác Phật) được thanh tịnh do sự lắng yên những ngọn lửa phiền não.

Lại nữa:

(2) Giới có năm loại:

(a) Pahāna-sīla (Xả đoạn giới)

(b) Veramani-sīla (Ly giới)

(c) Cetanā-sīla (Tư giới)

(d) Saṃvara-sīla (Nhiếp hộ giới)

(e) Avitikkama-sīla (Bất phạm giới)

(a) Pahāna-sīla (Xả đoạn giới) là giới được thọ trì bằng cách xả đoạn sự sát sanh, v.v... (Ở đây “v.v...” không chỉ bao gồm những ác nghiệp như trộm cắp, tà dâm, v.v… mà cần được xả đoạn những pháp nào cần được xả đoạn trải qua những giai đoạn liên tiếp của những việc phước. Về Abhidhamma, “xả đoạn” là nhóm tâm thiện cùng với những sở hữu tâm đồng sanh của chúng có đặc điểm là làm phận sự loại trừ mọi pháp cần được xả đoạn, bất cứ khi nào cần thiết).

(b) Veramani-sīla (Ly giới) là giới được thọ trì bằng cách xả ly sự sát sanh, v.v... Theo tạng Abhidhamma, đó là nhóm tâm thiện cùng với những sở hữu đồng sanh của chúng dẫn đầu là sở hữu Ly (viratī cetasika).

(c) Cetanā-sīla (Tư giới) là giới được thọ trì bằng Tư làm công việc kết hợp sự viễn ly sát sanh, v.v… với tâm.

(d) Saṃvara-sīla (Nhiếp hộ giới) là giới được thọ trì bằng cách ngăn chặn ý nghĩ về các ác nghiệp như sát sanh, v.v… để tâm không bị ô nhiễm. Theo tạng Abhidhamma, đó là những tâm thiện cùng với những sở hữu đồng sanh của chúng dẫn đầu sở hữu Niệm.

(e) Avītkkama-sīla (Bất phạm giới) là giới được thọ trì bằng cách không việc phạm những ác nghiệp như sát sanh, v.v... Theo tạng Abhidhamma, đó là nhóm tâm thiện cùng với những sở hữu đồng sanh của chúng.

(Năm loại giới này bắt đầu bằng Pahāna-sīla (Xả đoạn giới) không phải là những giới riêng biệt như những bộ giới khác. Thọ trì Xả đoạn giới có nghĩa là thọ trì luôn cả bốn loại giới còn lại).

Chấm dứt Giới nhóm Năm

Chấm dứt Chương nói về các nhóm Giới

Sự ô nhiễm và sự thanh tịnh của Giới

6. THẾ NÀO LÀ SỰ Ô NHIỄM GIỚI?

7. THẾ NÀO LÀ SỰ THANH TỊNH GIỚI?

Trước khi trả lời hai câu hỏi này, cũng cần giải thích rõ rảng về sự ô nhiễm và thanh tịnh của giới. Ô nhiễm của giới có nghĩa là sự khuyết phạm của giới và ngược lại, giới không khuyết phạm nghĩa là giới thanh tịnh.

Sự khuyết phạm của giới có thể khởi sanh do việc mất lợi lộc, danh tiếng, v.v… hoặc do bảy hành động thứ yếu về tình dục.

Nói rõ hơn là:

Trong bảy nhóm tội, nếu điều học (sikkhāpada) trong nhóm thứ nhất hay nhóm cuối cùng bị suy yếu do ái dục, vì lợi lộc, danh tiếng, v.v… thì giới của vị tỳ khưu xem bị rách như tấm vải bị cắt ở mé.

(Bảy nhóm tội là: (1) Pārājika, (2) Saṅghādisesa, (3) Thullaccaya, (4) Pācittiya, (5) Pātidesaniya, (6) Dukkata, (7) Dubbhisita).

Nếu một điều học ở nhóm giữa bị suy yếu thì giới của vị ấy xem như bị lủng như tấm vải bị lủng lỗ ở giữa.

Nếu hai hoặc ba điều học bị suy yếu một loạt thì giới của vị ấy xem như bị rỗ lốm đốm như con quạ có những đốm nâu, đỏ và những màu khác ở trên lưng hoặc bụng.

Nếu những điều học bị suy yếu ở những khoảng giữa thì giới của vị ấy xem như bị lấm lem hoàn toàn như con quạ có nhiều vết đốm tạp sắc trên toàn thân.

Như vậy sự suy yếu của giới có tánh chất rách lủng, lem luốc, lốm đốm do bởi lợi lộc, v.v… thì gọi là ô nhiễm của giới.

Bảy hành động thứ yếu về tình dục sau đây cũng làm cho giới bị suy yếu. Bảy hành động này được Đức Phật giảng giải chi tiết trong bài kinh Jānussoni Sutta của phẩm Mahāyañña Vagga, Sattaka Nipāta, Aṅguttara Nikāya. Chúng được kể lại tóm tắt như sau:

(i) Vị Sa-môn hay Bà-la-môn cho mình là có đời sống thánh thiện, vị ấy không hành dâm với phụ nữ, nhưng thích được phụ nữ vuốt ve, mát xa, tắm rữa và kỳ cọ.

(ii) Vị ấy không hành dâm với phụ nữ, vị ấy không thích người nữ đích thân hầu hạ, nhưng thích cười giỡn với cô ta.

(iii) Nếu không thể, vị ấy thích nhìn ngắm phụ nữ.

(iv) Hoặc thích nghe phụ nữ cười, nói, hát hoặc kêu la ở bên kia vách tường hoặc bên kia hàng rào.

(v) Hoặc thích nhớ lại kỷ niệm mà vị ấy đã cười nói hoặc vui chơi với phụ nữ trước kia.

(vi) Hoặc thích xem vị gia chủ hoặc con trai của ông ta đang thọ hưởng năm loại dục lạc và đang được hầu hạ bởi các nữ tỳ.

(vii) Hoặc thích được sống ở cõi chư thiên và sống cuộc đời phạm hạnh với ước nguyện rằng: “Do bởi giới này, do bởi sự thực hành này, với sự tinh tấn và đời sống phạm hạnh này, cầu cho tôi được tái sanh làm một vị đại chư thiên hay một vị thiên nào đó.”

Như vậy sự suy yếu của giới do rách, lủng, lấm lem hoặc lốm đốm bởi lợi, danh, v.v… và do bảy hành động thứ yếu về tình dục là sự ô nhiễm của giới.

(7) Sự khuyết phạm của giới có đặc tánh là không bị rách, không bị lủng, không bị lấm lem, không bị lốm đốm nhờ:

(a) Không vi phạm điều học nào.

(b) Đối trị đúng pháp khi có sự vi phạm.

(c) Không rơi vào bảy hành động thứ yếu về tình dục.

(d) Không bị chi phối bởi sân, bất mãn, sự chê bai, sự kình địch, ganh tỵ, keo kiệt, gian trá và những tánh ác đại loại như vậy, và

(e) Nhờ tu tập về những đức tánh như tri túc, thiểu dục, pháp hành đầu đà, v.v…

Những loại giới này mà không rách lủng, lấm lem và không lốm đốm cũng được gọi bằng những tên khác như Vô câu thúc giới (Bhujissa-sīla) vì chúng đưa người ta ra khỏi sự kềm kẹp của ái dục. Thức giả sở tán giới (Viññūpasattha-sīla) vì chúng được các bậc trí tuệ khen ngợi. Bất hôn muội giới (Aparāmaṭṭha-sīla) vì chúng không bị ảnh hưởng bởi ái dục: “Giới của ta rất thanh tịnh, nó sẽ cho kết quả lợi ích to lớn trong tương lai.” hoặc do thân kiến: “Đây là giới của ta. Giới của ta rất thanh tịnh. Không ai có giới như ta.” Định giới (Samādhi saṃvattanika-sīla) vì chúng dẫn đến Cận định (Upacāra-samādhi) và Nhập định (Appana-samādhi)

Như đã giải thích ở trên, bảy yếu tố này, tức là: không rách, không lủng, không lấm lem, không lốm đốm, giải thoát, được các bậc trí khen ngợi, không bị ảnh hưởng bởi ái dục và tà kiến, là những yếu tố dẫn đến sự thanh tịnh của giới. Chỉ khi nào giới được hoàn hảo do bảy yếu tố này, nó mới có thể làm nền tảng để thành tựu hai loại định kể trên. Do đó, bậc Phạm hạnh muốn tu tập hai loại định này nên nhiệt tâm tinh tấn trau dồi giới của mình cho được hoàn hảo bởi bảy yếu tố này.

Chấm dứt Chương nói về Giới Ba-la-mật


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]