THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1A] [Tiếp theo]


PHỤ CHÚ GIẢI CHƯƠNG 6

CÁC PHÁP BA-LA-MẬT (PĀRAMĪ)

C. XUẤT GIA BA-LA-MẬT

(NEKKHAMMA PĀRAMĪ)

Nekkhamma có nghĩa là sự từ bỏ, đồng nghĩa với sự thoát ly. Giải thoát có hai loại - Giải thoát khỏi vòng luân hồi (saṃsāra) và Giải thoát khỏi dục trần (kāma). Thoát ly luân hồi là kết quả của giải thoát dục trần. Chỉ khi nào có được sự thoát ly dục trần qua pháp hành, người ta mới có thể đạt được thoát ly luân hồi. Trong hai loại giải thoát này, chính vì sự thoát ly luân hồi mà Đức Phật thuyết giảng bài kinh Buddhavaṁsa, Ngài ví ba cõi giống như ba cái nhà tù lớn.

Ý nghĩa của Xuất gia Ba-la-mật

Theo Chú giải của bộ Hạnh Tạng (Cariyāpiṭaka), Xuất gia Ba-la- mật được giải thích theo Tạng Abhidhamma là tâm thiện cùng với những sở hữu đồng sanh khởi sanh do phẩm hạnh của sự giải thoát dục trần và sự giải thoát ba cõi. Bộ Mahā Niddesa mô tả hai loại dục: vật dục (vatthu kāma) và phiền não dục (kilesa kāma). Về Xuất gia Ba-la-mật, giải thoát dục trần có nghĩa là giải thoát cả hai loại dục vừa kể ra ở trên.

Cách Chánh niệm để thành đạt Thoát ly

Phương pháp thành đạt sự thoát ly khỏi các xiềng xích của phiền não dục được giải thích trong bộ Mahā Niddesa như sau:

Addasam kāma te mūlaṃ saṅkappa kāma jāyasi

na taṃ saṅkappayissāmi evaṃ kāma na hohisi.

Này Tham kia, ta đã thấy căn cội của ngươi rồi. Ngươi khởi sanh từ những ý nghĩ của ta về những cảnh trần khả ái (Dục tầm – Kāma vitakka). Ta sẽ không bao giờ nghĩ đến những cảnh trần khả ái nữa. Như vậy, này Tham kia, ngươi sẽ không còn sanh khởi nữa.

Về mặt này, nên hiểu rõ ba loại tà tư duy và ba loại chánh tư duy.

Ba tà tư duy là:

(i) Kāma Vitakka (Dục tầm) là suy nghĩ về cảnh dục khả ái.

(ii) Vyāpāda Vitakka (Sân tầm) là suy nghĩ về những kẻ khác với tâm sân hận.

(iii) Vihimsā Vitakka (Hại tầm) là suy nghĩ cách làm hại kẻ khác.

Ba chánh tư duy là:

(i) Nekkhamma Vitakka (Ly dục tầm) là suy nghĩ cách giải thoát chính mình ra khỏi dục lạc.

(ii) Avyāpāda Vitakka (Vô sân tầm) là suy nghĩ đến kẻ khác với tâm từ ái, và

(iii) Avihimsā Vitakka (Vô hại tầm) là nghĩ đến kẻ khác với tâm bi mẫn.

Phiền não dục hay nguồn gốc của tham được tìm thấy ở dục tầm. Chừng nào người ta còn duy trì dục tầm thì tham sẽ tiếp tục Tăng bội và sẽ không có sự giải thoát khỏi tham nhiễm. Chỉ khi nào người ta không còn nghĩ đến cảnh dục, khi ấy tham mới ngưng không sanh khởi và người ta được sự giải thoát. Do đó như đã giải thích ở trên, hành giả nên hộ phòng tâm không để tham sanh khởi. Sự giải thoát khỏi dục trần dẫn đến sự giải thoát khỏi luân hồi như thế nào thì hành giả cũng nên cố gắng giải thoát chính mình khỏi tham từ cảnh dục khả ái.

Đặc tánh, phận sự, sự hiện khởi và nhân gần của Xuất gia Ba-la-mật khác sẽ được bàn đến ở chương Tạp lục trong cuốn hai.

Mối liên hệ giữa sự xuất gia và đời sống của vị tỳ khưu

Chú giải bộ Hạnh Tạng (Cariyapiṭaka) định nghĩa chữ xuất gia (nekkhamma) như sau: “Nekkhammaṃ pabbajja-mūlakaṃ” Định nghĩa này có thể được diễn dịch theo hai cách: “ Đời sống của vị Sa- môn là nguyên nhân của sự thoát ly” và “Sự thoát ly là nguyên nhân của đời sống Sa-môn.” Cách diễn dịch thứ nhất “Đời sống của vị Sa- môn là nguyên nhân của sự thoát ly,” đúng với câu chuyện trong Bổn sanh Mahā Janaka. Vua Mahā Janaka trước tiên có được các món vật dụng gồm y, bát, v.v… mà không báo tin cho hoàng hậu và các phi tần, cung nữ của vị ấy hay biết. Đoạn vị ấy lên gác thượng của hoàng cung và trở thành một vị Sa-môn. Sau đó vị ấy mới xuất gia thế gian.

Trong ví dụ này, Bồ-tát Mahā Janaka trở thành vị Sa-môn trước khi vị ấy thực hiện sự xuất ly từ bỏ. Do đó có thể nói rằng sự xuất ly là kết quả. (Ở đây các từ đồng nghĩa: xuất gia, xuất ly, từ bỏ, thoát ly).

Cách diễn dịch thứ hai: “Sự thoát ly là nguyên nhân của đời sống Sa-môn” đúng với nội dung của những câu chuyện về Sumedha, anh em bậc trí tuệ Hatthipāla, v.v… Bậc trí tuệ Sumedha, trước hết từ bỏ đời sống gia đình ra đi và đến núi Dhammika, rồi tìm thấy một chỗ ngụ do Sakka chuẩn bị sẵn. Chỉ khi đó vị ấy mới trở thành vị Sa-môn. Tương tự, anh em Hatthipāla trước hết bỏ nhà ra đi và khi cả vương quốc có đức vua và hoàng hậu dẫn đầu chạy theo họ, họ mới trở thành Sa-môn. Do đó có thể nói rằng sự từ bỏ của bậc trí tuệ Sumedha, anh em Hatthi-pāla v.v… là nguyên nhân và đời sống Sa-môn của họ là kết quả.

Bộ chú giải Hạnh tạng có bài nói phù hợp với cách diễn dịch thứ nhất (bài này được nói chi tiết ở chương Tạp lục). Dầu bậc trí tuệ Sumedha, anh em nhà Hatthipāla, v.v… trước hết từ bỏ thế gian, sau đó mới trở thành Sa-môn, họ làm như vậy chỉ vì muốn đời sống Sa- môn. Do đó cho dù sự từ bỏ xảy ra trước, có thể nói rằng đời sống Sa- môn mà theo sau đó là nguyên nhân thực sự (ví dụ, để xây dựng một ngôi nhà, gỗ phải được cưa ra trước. Dù việc cưa gỗ xảy ra trước việc xây dựng, nhưng gỗ được cưa là do ý định xây dựng ngôi nhà khởi lên trước. Do đó phải nói rằng ý muốn xây dựng ngôi nhà là nguyên nhân và sự cưa gỗ là kết quả).

Năm kiểu sống ở rừng

Theo các bộ kinh Vinaya Parivāra Ekuttarikanaya pañcaka và Upāli

Pañha, Dhutaṅga Vagga, thì trú ngụ trong rừng có năm loại:

(i) Sống ở rừng do ngu dốt, không biết các điều lợi ích và nguyên nhân của chúng.

(ii) Sống ở rừng với ham muốn bất chánh, “Nếu ta đi vào sống ở trong rừng thì mọi người sẽ hộ độ rộng rải đến ta như một vị ẩn sĩ.”

(iii) Sống ở rừng do điên loạn.

(iv) Sống ở rừng vì pháp hành được Đức Phật và các bậc giới đức khen ngợi, và

(v) Sống ở rừng vì vị ấy có tánh tri túc, thiểu dục và những đức tính khác.

Trong năm kiểu sống ở rừng này, hai kiểu cuối cùng là đáng khen ngợi.

Xuất gia Ba-la-mật không phải là vấn đề nên sống ở đâu, phiền não dục, ái dục đối với các cảnh khả ái có thể khởi sanh bất cứ nơi nào. Phiền não dục này nên được đoạn diệt ở bất cứ nơi nào mà nó xuất hiện và không để cho nó tăng trưởng. Sự thoát ly phiền não dục bằng cách đoạn diệt này là đặc tánh chân thật của sự xuất gia.

Về sự thoát ly dục trần, tiêu biểu là những tấm gương về bậc trí tuệ Sumedha, anh em nhà Hatthipāla, v.v…. Họ là những kẻ từ bỏ thế gian để ra đi đến tận Hy-mã-lạp-sơn. Do đó có thể hỏi rằng đối với những người muốn thực hành viên mãn Xuất gia Ba-la-mật (sự thoát ly khỏi cảnh dục khả ái), có cần thiết phải ra đi đến tận Hy-mã-lạp-sơn không? Người ta nên làm như vậy nếu có thể, hoặc nếu người ta muốn như vậy hoặc vì đó là môi trường tốt hơn. Trong những câu chuyện Bổn sanh liên quan đến sự xuất gia, phần lớn các nhân vật xuất gia đều đi vào Hy-mã-lạp-sơn. Họ làm như vậy vì đó là chỗ thích hợp đối với họ.

Theo Bổn sanh Maghadeva của bộ Ekaka Nipāta và bổn sanh Nimijātaka của bộ Mahā Nipāta, những dòng tộc cai trị nối tiếp nhau trải qua tám mươi bốn ngàn vị vua, bắt đầu từ vua Maghadeva đến vua Nimi, tất cả đều xuất gia từ bỏ đời sống gia đình, sống không gia đình ngay khi có một sợi tóc bạc xuất hiện trên đầu của họ. Tuy nhiên, không ai trong số ấy đi đến Hy-mã-lạp-sơn. Họ chỉ đi đến khu rừng xoài của hoàng gia gần kinh đô Mithila. Tương truyền rằng nhờ tinh tấn hành thiền, tất cả đều đắc định và được tái sanh về cõi Phạm thiên. Bằng chứng hiển nhiên từ những câu chuyện này là dù không đi đến tận Hy-mã-lạp-sơn, chỉ rời khỏi nơi mà tham nhiễm tăng trưởng cũng đủ để thành tựu Xuất gia Ba-la-mật. Tám mươi bốn ngàn vị vua như Maghadeva hoàn toàn từ bỏ những vương cung tráng lệ của họ bằng cách sống trong rừng xoài mà Xuất gia Ba-la-mật của họ được thành tựu.

Do đó, Xuất gia Ba-la-mật có thể được thành tựu bởi bất cứ ai hoàn toàn từ bỏ nơi mà tham nhiễm của người ấy Tăng trưởng, và trú ngụ ở chỗ thích hợp để thoát khỏi sự ô nhiễm như vậy.

Hai loại xuất gia

Xuất gia có hai loại:

(i) Xuất gia khi còn trẻ (độc thân).

(ii) Xuất gia khi đã già rồi (có gia đình).

Bậc trí tuệ Sumedha, anh em nhà Hatthipāla, v.v… đã từ bỏ đời sống thế tục để thoát khỏi những trói buộc của dục ái, tức là những sự xa hoa tráng lệ ở hoàng cung hoặc ở gia đình của họ. Dầu các câu chuyện Jātaka nói về họ như là những tấm gương về những bậc đã thực hành viên mãn Xuất gia Ba-la-mật, nhưng họ chỉ là những chàng trai trẻ còn độc thân. Họ là những kẻ có đầy đủ dục lạc, nhưng có thể nói rằng những trói buộc đối với họ không mạnh lắm. Chỉ những người lớn tuổi hơn sống đời gia chủ với vợ con mới bị cột chắc bởi những trói buộc của vật dục (vatthu kāma). Về mặt này, có thể nói rằng sự xuất gia của những người lớn tuổi đã có gia đình khó hơn sự xuất gia của những người còn trẻ và độc thân. Nhưng một số người chứng minh rằng sự xuất gia của Bồ-tát khi sanh làm hoàng tử Temiya là sự xuất gia được thực hiện khi vị ấy chỉ mười sáu tuổi và chưa lập gia đình, mới là sự xuất gia dũng mãnh. Nhưng khó khăn của vị ấy không phải khởi sanh từ những trói buộc của dục lạc mà từ những phiền phức lớn do phải giả bộ làm người bị liệt, điếc và câm để sự xuất gia có thể xảy ra. Do đó vị ấy phải đối mặt với nhiều khó khăn để mưu cầu sự xuất gia. Khi thực sự làm như vậy, vị ấy không gặp nhiều khó khăn vì trói buộc của dục lạc đối với vị ấy hầu như rất ít.

Bộ Atthasalinī nêu ra ở chương Xuất gia Ba-la-mật đầy đủ những bài về các Ba-la-mật được thực hành bởi Bồ-tát khi Ngài sanh làm hoàng tử Somanassa, hoàng tử Hatthipāla, hoàng tử Ayoghara, v.v… trong vô số kiếp. Chú giải nêu ra những tên đặc biệt của pháp Ba-la- mật bậc thượng đối với sự xuất gia Ba-la-mật của vua Cūla Sutasoma.

Trong trường hợp của hoàng tử Somanassa, hoàng tử Ayoghara, hoàng tử Hatthipāla, và hoàng tử Temiya, họ đều là những người xuất gia lúc còn thanh xuân. Sự xuất gia của vua Mahā Janaka thì khó khăn hơn vì vị ấy là người lớn tuổi đã có gia đình. Đức vua trở thành Sa- môn mà không báo trước cho hoàng hậu, thứ phi và các tùy tùng hay biết. Và chỉ vào lúc xuất gia vị ấy mới đối mặt với khó khăn vì hoàng hậu, các phi tần và tùy tùng đã theo đuổi và khóc lóc, van xin vị ấy trở lại với họ. Họ không thực hiện bất cứ biện pháp nào để bảo đảm rằng vị ấy không xuất gia hay xuất ly thế gian.

Còn về tám mươi bốn ngàn vị vua như Maghadeva, họ công bố rộng rải ý định xuất gia của họ. Bất chấp sự khẩn nài, van xin của quyến thuộc, họ vẫn không nản lòng và quyết chí xuất gia. Họ không đi xa lắm, chỉ trú ngụ trong rừng xoài của hoàng gia gần kinh đô.

Trái ngược với tất cả họ, vua Cūla Sutasoma công bố ý định rời bỏ thế gian của mình do xúc động mạnh khi thấy trên đầu xuất hiện sợi tóc bạc. Dầu vua cha, mẫu hậu, hoàng hậu, phi tần và tất cả thần dân tụ họp khóc lóc, van xin vị ấy từ bỏ ý định, vị ấy vẫn giữ tâm kiên quyết, bình thản và ra đi đến tận Hy-mã-lạp-sơn. Do đó sự xuất gia của vua Cūla Sutasoma dũng mãnh hơn những vị khác như vua Maghadeva, v.v... Nói về điều này, nhà Chú giải đã mô tả pháp Xuất gia Ba-la-mật của vua Cūla Sutasoma thuộc loại cao nhất - Paramattha Pāramī.

Chấm dứt Chương nói về Xuất gia Ba-la-mật


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]