THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1A] [Tiếp theo]


PHỤ CHÚ GIẢI CHƯƠNG 6

CÁC PHÁP BA-LA-MẬT (PĀRAMĪ)

D. TRÍ TUỆ BA-LA-MẬT (PAÑÑĀ PĀRAMĪ)

ba loại Trí tuệ

Bộ Vibhaṅga trong Tạng Abhidhamma ở phần Ñāṇa Vibhaṅga, có kể ra ba loại trí tuệ:

(a) Cintāmaya Paññā (Tư sở thành tuệ)

(b) Sutamaya Paññā (Văn sở thành tuệ)

(c) Bhāvanāmaya Paññā (Tu sở thành tuệ)


(a) Cintāmaya Paññā (Tư sở thành tuệ) là Trí tuệ có được từ sự suy nghĩ của chính mình, không phải do hỏi kẻ khác hoặc nghe kẻ khác thì được gọi là Tư sở thành tuệ (cintā: suy nghĩ. mayā: do bởi - nghĩa đen là trí tuệ do suy nghĩ).

Trí tuệ thuộc đủ loại hoặc thấp hoặc cao, bao gồm các loại nghề nghiệp, v.v… Tư sở thành tuệ không chỉ bao gồm sự suy nghĩ về những công việc trong thế gian mà còn bao gồm luôn những vấn đề liên quan đến Giáo pháp. Do đó nó bao gồm kiến thức về thế sự thông thường như ngành mộc, nông nghiệp, v.v… cũng như kiến thức về pháp như bố thí, giới, định và tuệ quán. Nhất thiết trí của Đức Phật cũng có thể được xem là Tư sở thành tuệ vì Bồ-tát, Thái tử Siddhattha đã tự mình nghĩ ra pháp hành dẫn đến Nhất thiết trí mà không phải do nghe từ bất cứ ai.

Tuy nhiên, Trí tuệ là Ba-la-mật thứ tư, mà được thực hành bởi vị Bồ-tát, nên được xem là nhóm trí cần thiết cho sự chứng đắc tuệ Đạo, tuệ Quả và Nhất thiết trí. Chúng tôi không đề cập ở đây nhóm trí tuệ mà có được trong kiếp cuối cùng của Bồ-tát, là trí tuệ giúp Ngài đắc thành Phật quả. Bồ-tát khi thực hành Trí tuệ Ba-la-mật trước kiếp cuối cùng chỉ thực hành đến phần đầu của giai đoạn thứ chín Saṅkhārupekkhā-ñāṇa (Hành xả tuệ) trong mười giai đoạn của Tuệ minh sát. Phần cuối của Saṅkhārupekkhā-ñāṇa (Hành xả tuệ) này trực tiếp dẫn đến tuệ Đạo. Bởi vậy Bồ-tát không cố gắng đi quá phần đầu cho đến kiếp cuối cùng của Ngài, vì nếu làm vậy thì ắt là Ngài đã chứng đắc đạo quả và trở thành bậc Thánh, rồi nhập Niết bàn trong những kiếp ấy. Do đó cần lưu ý rằng là một vị Bồ-tát, Trí tuệ Ba-la- mật chỉ được thực hành đến phần đầu của Saṅkhārupekkhā-ñāṇa (Hành xả tuệ) mà thôi.

(b) Sutamaya Paññā (Văn sở thành tuệ) là trí tuệ do nghe các bậc trí nói về kinh nghiệm của các Ngài hoặc theo sự thỉnh cầu, v.v… khi người ta không thể tự mình nghĩ ra. Cũng như Cintāmaya Paññā (Tư sở thành tuệ), loại tuệ này có tánh chất rất rộng lớn. Sự khác biệt giữa hai loại tuệ này là: loại thứ nhất do tự mình nghĩ ra, còn loại thứ hai do nghe người khác.

(c) Bhāvanamaya Paññā (Tu sở thành tuệ) là loại trí tuệ đạt được khi người ta thực sự trải nghiệm Thiền hoặc các trạng thái Quả thì được gọi là Tu sở thành tuệ.


Bộ Abhidhamma Vibhaṅga, ở chương Ñāṇa Vibhaṅga, có nêu ra các loại tuệ từ nhóm một đến nhóm mười.

Tuy nhiên, tất cả những nhóm tuệ này có thể được xem là thuộc về ba loại trên. Thí dụ: Ở bộ Vibhaṅga, sau nhóm ba loại trí tuệ, tức là Cintāmaya Paññā (Tư sở thành tuệ), v.v... có các loại tuệ như Dānamaya Paññā, Sīlamaya Paññā Bhāvanamaya Paññā. Dānamaya Paññā là trí tuệ có được từ pháp Bố thí. Tư kết hợp với pháp bố thí có ba loại, đó là Tư khởi sanh trước (Tư tiền), Tư khởi sanh trong khi (Tư hiện) và Tư khởi sanh sau khi bố thí (Tư hậu). Trí tuệ kết hợp với ba tư này của mỗi trường hợp được gọi là Thí sở thành tuệ (Dhammaya Paññā). Tương tự, trong trường hợp thọ trì giới, trí tuệ khởi sanh với ý định rằng: “Ta sẽ thọ trì giới,” trí tuệ khởi sanh trong khi thọ trì giới và trí tuệ khởi sanh do suy xét lại sau khi đã thọ trì giới, tất cả ba loại này là Giới sở thành tuệ (Sīlamaya Paññā).

Nếu Thí sở thành tuệ (Dānamaya Paññā) và Giới sở thành tuệ (Sīlamaya Paññā) có được do quá trình suy tư, thì nó được xếp vào loại Tư sở thành tuệ - Cintāmaya Paññā. Nếu trí tuệ ấy có được do nghe người khác thì nó được bao gồm trong Văn sở thành tuệ - Sutamaya Paññā. Những loại trí tuệ khác cũng có thể được xếp loại tương tự ở một trong ba loại tuệ kể trên.

Câu pháp trong bộ Buddhavaṁsa: “Paripucchanto buddham janam paññā paramitam gantvā - Sự thành tựu trí tuệ Ba-la-mật do học hỏi nơi các bậc trí tuệ,” cho thấy rằng Đức Phật xem Văn sở thành tuệ - Sutamaya Paññā là trí tuệ căn bản. Sở dĩ như vậy là vì trong thế gian này người chưa có được trí tuệ căn bản thì không thể biết thêm điều gì qua sự suy nghĩ của chính mình. Trước hết người ấy phải nghe và học hỏi từ các bậc trí. Do đó Đức Phật dạy rằng người nào muốn thực hành Trí tuệ Ba-la-mật thì trước hết phải có trí tuệ từ các bậc trí để tạo cho mình một số vốn trí tuệ căn bản.

Tóm lại, muốn có Tư sở thành tuệ - Cintāmaya Paññā, trước hết phải có Văn sở thành tuệ - Sutamaya Paññā

Các bộ Chú giải như bộ Atthasālinī mô tả vô số kiếp của Bồ-tát, ví dụ như các bậc trí tuệ Vidhura, Mahā Govinda, Kudala, Araka, đạo sĩ hành cước Bodhi, Mahosadha, v.v… là những tiền thân của Đức Phật khi Ngài thực hành trí tuệ Ba-la-mật. Trong những kiếp này Bồ-tát đã có được trí tuệ căn bản. Do đó Ngài cũng có Tư sở thành tuệ. Vì trí tuệ căn bản của Ngài đã đủ mạnh, nên trong những kiếp ấy Tuệ văn không phải trí tuệ đứng đầu của Ngài.

Bốn loại Kavi (Trí giả)

Bộ Catukka Nipāta của Tăng chi bộ kinh mô tả bốn loại Kavi như

sau:

(1) Cintā kavi (Tư trí giả)

(2) Suta kavi (Văn trí giả)

(3) Attha kavi (Nghĩa trí giả)

(4) Patibhāna kavi (Biện tài trí giả)

(Chữ kavi bắt nguồn từ căn kava, có nghĩa là “ca ngợi”. Như vậy người ca ngợi những điều đáng ca ngợi thì được gọi là “trí giả”).


(1) Cintā kavi (Tư trí giả) là người có khả năng biết một vấn đề đã nêu ra bằng cách tự mình nghĩ ra. Kavi cũng có nghĩa là thi nhân, cintā kavi là người chuyên sáng tác thơ văn.

(2) Suta kavi (Văn trí giả) là người lấy những gì biết được đặt thành kệ thơ.

(3) Attha kavi (Nghĩa trí giả) là người không biết qua sáng kiến hoặc học hỏi từ kẻ khác, nhưng diễn dịch ý nghĩa của một vấn đề khó dựa vào kiến thức đã có được về những vấn đề tương tự. Người ấy viết những bài kệ dựa vào chủ đề đã cho sẵn.

(4) Patibhana kavi (Biện tài trí giả) là người không sử dụng trí tư, trí văn hoặc trí diễn nghĩa, nhưng có khả năng hiểu ngay vấn đề được nêu ra thì được gọi là Biện tài trí giả (Như đại đức Vaṅgīsa trong thời Đức Phật).


Bản chất của Trí tuệ

Trí tuệ là sở hữu đồng sanh đặc biệt, là một trong những đệ nhất nghĩa đế. Trong bộ Dhammasaṅganī, có nhiều tên khác nhau như paññindriya, paññā, pajāñāṇa, v.v... được nêu ra để nói về trí tuệ, bởi vì đặc tánh của tạng Abhidhamma là nêu ra đầy đủ chi tiết vấn đề cần được thuyết giảng. Tên chính của trí tuệ là paññindriya, được tạo thành bởi paññā indriya.

Nó được gọi là Tuệ bởi vì nó dẫn đến sự thấu hiểu tất cả khía cạnh của Tứ Thánh Đế hay Ba đặc tính của vô thường (anicca), suffering (dukkha), và vô ngã (anatta).

Nó được gọi là quyền (indriya) (sự kiểm soát hay cai quản) bởi vì nó có thể khắc phục được vô minh (avijjā) và si mê (moha), hoặc vì nó nổi bật trong việc hiểu biết thực tánh. Trí tuệ (paññā) có đặc tánh là tạo ra ánh sáng như bóng tối bị xua tan khi ánh sáng xuất hiện trong phòng tối. Cũng vậy, ở đâu chúng ta bị vô minh che mờ mà trí tuệ xuất hiện thì vô minh bị xua tan và chúng ta có thể trông thấy rõ ràng. Do đó Đức Phật dạy rằng: “Paññā samā ābhā natthi - Không có ánh sáng nào như trí tuệ.”

Trí tuệ có đặc tánh thấu hiểu các sự vật bằng sự suy xét đúng đắn. Như một vị thầy thuốc giỏi biết loại vật thực nào là thích hợp với người bịnh và loại vật thực nào không thích hợp. Cũng vậy, khi trí tuệ sanh khởi, nó giúp người ta có thể phân biệt thế nào là phước, thế nào là tội.

Trí tuệ cũng có đặc tánh thông đạt tánh chất như thật. Trí tuệ có thể ví như cây tên do một xạ tiễn thiện xảo bắn ra, nó xuyên thủng mục tiêu một cách chính xác.

Một điểm quan trọng đáng chú ý liên quan đến đặc tánh của trí tuệ là: Trí tuệ chân thật là sự hiểu biết pháp đúng như thật và trí tuệ như vậy là trong sáng. Đó là lý do khiến bộ Abhidhammattha Saṅgaha cho rằng, sở hữu trí tuệ (paññā cetasika) được xếp vào loại sở hữu tâm đẹp (sobhaṇa).

Câu chuyện tóm tắt về Bổn sanh Sulasā

Có những câu hỏi được đặt ra liên quan đến trí tuệ trong hành động của Sulasā trong bổn sanh Sulasā của bộ Atthaka Nipāta. Tại Bārāṇasī một cô gái điếm nọ tên là Sulasā, đã cứu mạng cho tên cướp Suttaka khi anh ta sắp bị hành quyết. Nàng lấy anh ta làm chồng và họ sống với nhau. Vì muốn chiếm lấy tất cả đồ nữ trang của nàng, hắn thuyết phục nàng mang vào người những nữ trang đắt giá và đi lên núi với hắn. Khi lên đến đỉnh núi, hắn bảo nàng cởi bỏ tất cả đồ nữ trang và chuẩn bị giết nàng. Rồi Sulasā suy nghĩ: “Hắn chắc chắn sẽ giết ta. Ta phải dùng một kế sách để giết hắn trước.” Bởi vậy, nàng khẩn nài tên cướp: “Thưa lang quân, dù lang quân sắp giết em, em vẫn một mực yêu chàng. Vậy, trước khi vĩnh biệt chàng, xin cho em được làm tròn phận sự của người vợ đối với chồng là lễ chàng ở bốn hướng.” Không nghi ngờ gì đến mưu chước của nàng, tên cướp đồng ý để nàng làm như vậy. Tên cướp đứng bên bờ miệng của vách núi, nàng đảnh lễ tên cướp ở trước mặt, hai bên và khi nàng đi ra sau lưng hắn, nàng đã lấy hết sức mạnh của mình xô hắn xuống vách núi và kết liễu cuộc đời của một tên cướp.

Bồ-tát lúc bấy giờ là vị thiên sống ở ngọn núi ấy, đã nhận xét rằng: “Na hi sabbesu thānesu puriso hoti pandito; itthipi pandito hoti tattha tattha vicakkhanā - Không phải trong tất cả mọi hoàn cảnh, người đàn ông mới là bậc có trí; người đàn bà cũng có trí, lại còn sáng suốt hơn.”

Một số người hỏi rằng có thích hợp để vị thiên khen ngợi Sulasā là có trí tuệ - Ý định giết chết tên cướp của Sulasā là vấn đề vi phạm ác nghiệp sát sanh và không thể có Sở hữu trí tuệ (paññā cetasika) tham dự trong đó.

Để trả lời, một số người cho rằng kiến thức của Sulasā không phải là trí tuệ chân thật. Trong ba loại hiểu biết: hiểu biết do tưởng (saññā), hiểu biết do thức (viññāṇa) và hiểu biết do trí tuệ (paññā). Sự hiểu biết của Sulasā là sự hiểu biết do thức, tức là do vận dụng trí tưởng tượng. Sự hiểu biết do thức ấy đã được nói ra ở đây là trí tuệ (paññā).

Những người khác thì khẳng định một cách sai lạc rằng trong hai loại tri kiến: tà kiến và chánh kiến, thì Sulasā có tà kiến và vị thiên ám chỉ tri kiến của nàng là trí tuệ và không khen ngợi nàng vì tuệ căn của nàng và do đó nó không đi ngược với Abhidhamma.

Cả hai cách trả lời này, cho rằng thức (viññāna) và kiến (diṭṭhi) là trí tuệ (paññā) - trái ngược với những định nghĩa của Abhidhamma, thì hoàn toàn sai. Kiến thức của Sulasā rằng nàng sẽ chiến thắng tên cướp nếu nàng sử dụng mưu kế là kiến thức chân thật và đó là trí tuệ. Chúng ta không nên nghi ngờ rằng liệu trí tuệ chân thật có bao gồm trong những vấn đề liên quan đến những hành động ác hay không. Ví dụ: hoàn toàn vô tội khi biết rõ các chất say, loại nào không nên uống và loại nào dẫn đến những hành động ác, loại nào chứa nhiều chất say và loại nào chứa ít chất say, giá tiền của mỗi loại là bao nhiêu, chuyện gì sẽ xảy ra nếu người ta uống chúng v.v… Chỉ trở nên bất thiện khi nghĩ sẽ uống những chất say.

Tương tự, người ta có thể học hết tất cả mọi quan điểm và mọi tín ngưỡng trong thế gian, phân biệt rõ quan điểm, tín ngưỡng nào đúng, hợp lý và quan điểm, tín ngưỡng nào là sai. Như vậy việc học hỏi, nghiên cứu và biết được chúng như thật, dầu đúng hoặc sai, là hoàn toàn vô tội. Chỉ khi nào người ta lầm lạc cho tà kiến là chánh kiến, khi ấy người kia mới có lỗi.

Như vậy, trường hợp của Sulasā rằng nàng biết rằng “nếu ta dùng mưu mẹo, ta sẽ chiến thắng hắn,” đó là sự hiểu biết đúng đắn. Đó là sự hiểu biết bằng trí tuệ, nên không có lỗi, không phải là điều ác. Nhưng từ lúc nàng quyết định giết chồng của nàng bằng mưu mẹo thì hành động của nàng mới đáng trách, là bất thiện. Chỉ nói về sự hiểu biết đúng đắn khởi sanh đầu tiên trong nàng trước hành động giết người là điều mà vị thiên khen ngợi, cho nàng là người có trí tuệ.

Như đã nói ở trên, chúng ta nên phân biệt rõ một bên là sự hiểu biết về điều ác và một bên là thực hiện điều ác như sát sanh. Nếu người ta cố chấp rằng sự hiểu biết về điều ác không phải là trí tuệ chân thật thì người ấy sẽ phạm phải lỗi lầm khi cho rằng Nhất thiết trí vĩ đại của chính Đức Phật cũng không thoát khỏi khuyết điểm.

Qua trí tuệ tối cao của Ngài, Đức Phật biết tất cả những gì cần biết, mọi việc thiện hoặc bất thiện; vì thế mới được gọi là Nhất thiết trí. Nếu trí tuệ chân thật không có gì để làm với bất cứ điều ác nào, thời chắc hẳn Đức Phật đã không biết gì về những điều ác. Quả thực, trí tuệ của Đức Phật rất rộng lớn, vô cùng tận và vì vậy mới được gọi là Nhất thiết trí.

Tóm lại, Đức Phật biết mọi thứ, thiện hoặc ác. Nhưng vì Ngài đã đoạn tận tất cả phiền não ngủ ngầm nên Ngài không còn phạm phải bất cứ điều ác nào. Như vậy, khi suy niệm về những ân đức, biết tất cả các pháp bất thiện, đã đoạn trừ điều gì cần được đoạn trừ và không làm bất cứ điều ác nào, chúng ta sẽ Tăng trưởng niềm tin nơi Đức Phật.

Lại nữa, chúng ta cũng nên tìm hiểu câu chuyện về bậc trí tuệ Mahosadha trong Bổn sanh Mahosadha. Trong câu chuyện ấy, vua Cūlani Brahmadatta cùng với những vị vua của các nước chư hầu đã bao vây và tấn công kinh đô của vua Videha. Vị vua này có một vị quan tâm phúc là bậc trí tuệ Mahosadha. Vị ấy điều khiển kế họach bảo vệ kinh đô, đã bày ra nhiều mưu mẹo để đánh lừa kẻ thù, làm suy sụp chí khí của chúng và cuối cùng buộc chúng phải rút lui, tháo chạy loạn xạ. Nếu chúng ta cho rằng những biện pháp đánh lừa mà Mahosadha sử dụng không được xem là trí tuệ vì không phải là việc làm có đạo đức, thời sẽ không có trường hợp để Bồ-tát thực hành Trí tuệ Ba-la-mật. Thực tế là tất cả những mưu kế được Bồ-tát Mahosadha ứng dụng đều là sản phẩm từ Trí tuệ của vị Bồ-tát. Do đó, Đức Phật đặc biệt đưa ra câu chuyện Mahosadha như là một tấm gương về sự thực hành Trí tuệ Ba-la-mật của Bồ-tát.

Về vấn đề đã nói ở trên, cần lưu ý rằng trong câu chuyện Sulasā, vị thần núi đã khen ngợi Sulasā là người có trí tuệ vì nàng quả thực có trí.

(Đây là bài giải thích về những điểm đáng nghi ngờ liên quan đến đặc tánh của Trí tuệ).

Các loại Trí tuệ

Định nghĩa về Trí tuệ được nêu ra trong các bộ Chú giải như bộ Aṭṭhasālinī, v.v... là trí hiểu biết hoặc trí dẫn đến sự giác ngộ Tứ Diệu Đế và Tam tướng, là loại Trí tuệ cao nhất (Ukkaṭṭha). Cũng có những loại Trí tuệ khác thấp hơn.

Chú giải của bộ Abhidhamma Vibhaṅga trong phần trình bày về Tư sở thành tuệ (Cintāmaya Paññā) và Văn sở thành tuệ (Sutamaya Paññā) đã mô tả các loại trí tuệ được bao gồm trong công việc lao động tay chân để kiếm sống (kammāyatana) và có kỹ năng để kiếm sống (sippāyatana). Mỗi lãnh vực lại được chia ra thành hai loại - thấp và cao. Nghề mộc là một ví dụ về sự lao động loại thấp. Nghề nông, nghề buôn bán thuộc loại bậc cao. Nghề dệt chiếu, dệt vải, v.v… là hình thức bậc thấp của kỹ xảo. Nghề viết văn, kế toán, v.v… là kỹ xảo bậc cao.

Điểm khác biệt chính giữa hai hình thức kiếm sống - Khi lao động chân tay để kiếm sống mà không có sự huấn luyện đặc biệt nào thì đó là kammāyatana. Khi kiếm sống bằng nghề tinh xảo có được sau một thời gian huấn luyện đặc biệt thì đó là sippāyatana. Khi có sự huấn luyện đặc biệt cho kỹ xảo trong việc giao tiếp thì nó được gọi là vijjāthāna.

Khi chúng ta phân biệt ngọn lửa này với ngọn lửa kia, sự phân biệt của chúng ta không dựa vào chất lượng của nguyên liệu dùng để đốt, mà dựa vào số lượng của nguyên liệu và chúng ta nói rằng “Ngọn lửa này nhỏ”, “Ngọn lửa kia lớn”. Trong trường hợp trí tuệ cũng vậy, sự phân biệt không phải dựa vào nội dung của điều được biết, mà dựa vào mức độ biết ít hay biết nhiều. Chúng ta nói về trí tuệ là “đơn giản” hay “thâm sâu”, “yếu kém” hoặc “mạnh mẽ”. Chúng ta không chỉ xét đến những hình thức trí tuệ bậc cao như đã trình bày trong bộ Chú giải, mà cũng nên công nhận những hình thức bậc thấp là Trí tuệ.

Do đó người nào muốn thực hành viên mãn Trí tuệ Ba-la-mật thì mức độ trí tuệ nào cũng phải thực hành, bất kể là thấp hay cao. Khi muốn tìm hiểu những điều chưa biết, cần đi đến các bậc trí để nghe và học hỏi từ họ. Do đó, trong bộ Buddhavaṁsa có câu: “Paripucchanto Buddham pannaparamitaṃ gantvā.” nghĩa là “Thường hay học hỏi các bậc trí sau khi đã đạt đến Trí tuệ Ba-la-mật.”

Bảy cách trau dồi Trí tuệ

Bộ Sammohavinodani, là Chú giải của bộ Abhidhamma Vibhanga, có nêu ra bảy cách phát triển trí tuệ ở chương về Niệm xứ (Satipaṭṭhāna) như sau:

(1) Paripucchakatā: Thường xuyên vấn hỏi các bậc trí tuệ.

(2) Vatthuvisadakiriyā: Làm sạch các vật cả bên trong và bên ngoài của thân. (Làm sạch trong thân là râu, tóc, móng chân và móng tay không được quá dài. Không để thân mình dơ bẩn do bụi đất và mồ hôi. Làm sạch ngoài thân là y áo không để dơ bẩn có mùi hôi. Chỗ ngụ phải quét dọn sạch sẽ. Khi có sự bất tịnh ở trong thân hoặc ngoài thân, thì trí tuệ khởi sanh sẽ giống như ngọn lửa heo hắt phát ra từ sợi bấc dơ, được nhúng trong dầu đục của cây đèn dơ. Để có trí tuệ trong sáng như ngọn lửa từ cây đèn sạch, ta phải giữ cho thân thể sạch sẽ cả bên trong lẫn bên ngoài)

(3) Indriya sampatta patipādanā: giữ quân bình ngũ quyền (Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ).

(Trong chúng sanh có năm loại quyền kiểm soát tâm và các sở hữu đồng sanh. Nếu tín quyền quá mạnh thì bắt buộc bốn quyền còn lại phải yếu; kết quả là tinh tấn không thể làm phận sự của nó là hỗ trợ và khuyến khích trong sự cố gắng; niệm quyền không thể hoàn thành phận sự của nó ghi nhận đối tượng chú ý; định quyền không thể ngăn chặn sự phóng tâm; và tuệ quyền không thể nhận biết rõ ràng. Khi tín quyền đi quá xa thì phải cố gắng hạn chế nó lại và đưa nó dung hòa với bốn quyền kia, bằng cách suy xét những pháp nào làm bình thường hóa nó hoặc tránh không suy xét những pháp làm tăng trưởng đức tin, (nếu tấn quyền quá mạnh, thì tín quyền không thể làm phận sự của nó. Các quyền kia cũng không thể làm tròn phận sự của chúng. Tinh tấn vượt trội cần được điều chỉnh bằng cách phát triển sự an tịnh. Các quyền còn lại cũng như vậy).

Điều mà các bậc trí tuệ và các bậc giới đức khen ngợi và quân bình giữa đức tin và trí tuệ, định và tinh tấn. Nếu một người có đức tin mạnh và trí tuệ yếu, người ấy sẽ mù quáng tin vào những người không xứng đáng và không có kết quả gì. (Khi trí tuệ yếu, người ta không thể xét đoán ai đáng tôn kính và ai không xứng đáng. Nhầm lẫn điều không đúng với Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng mà cho là thật, niềm tịnh tín của một người sẽ không có kết quả). Niềm tin lầm lạc của những người dâng hiến đời mình cho Phật giả hoặc Pháp giả không phải là niềm tin chân thật, chỉ là kết luận lầm lạc và có hại (micchā- dhimokkha - tà thắng giải).

Nếu trí tuệ mạnh và đức tin yếu, người ta sẽ bỏ con đường đúng và đi theo con đường sai lầm đến xảo biện. Đưa một người như vậy trở lại con đường chánh còn khó hơn chữa trị cho một người bịnh uống nhầm thuốc. Ví dụ: Đây là hai loại bố thí: (1) Tư bố thí (cetanā-dāna) và (2) Vật bố thí (vatthu-dāna). Người có lối suy nghĩ xảo biện có thể cho rằng chỉ cần Tư, không cần vật bố thí cũng sẽ có quả phước trong tương lai. Do đó không cần phải cho ra vật thí. Sự bố thí bằng Tư là đủ. Người như vậy không làm những việc phước bố thí cụ thể, do sự xảo biện của người ấy, sẽ bị đọa vào các cõi khổ.

Chỉ khi nào đức tin và trí tuệ ngang bằng nhau, người ta mới có thể có niềm tin đúng đắn nơi những bậc xứng đáng và nhờ không có xảo biện mới phát sanh nhiều lợi ích. Tinh tấn và định cũng phải ngang bằng nhau. Khi tinh tấn yếu và định mạnh thì sẽ có sự giải đãi (kosajja). Khi ấy người ta sẽ say mê trong trạng thái vắng lặng và trở nên lười biếng.

Khi tinh tấn mạnh và định yếu thì tâm sẽ bồn chồn, dao động và không có sự kiên định. Bị phóng dật (uddhacca) người ta sẽ rơi vào tâm trạng rằng: “Nếu công việc này không cho kết quả mong muốn, tức là nó không thích hợp với ta. Ta sẽ bỏ nó và bắt đầu công việc khác.”

Khi tinh tấn và định ngang bằng nhau, giải đãi (kosajja) và phóng dật (uddhacca) sẽ không có cơ hội sanh khởi. Khi hai pháp này được quân bình thì sự nhập định (Appannā) sẽ được thành đạt mau lẹ.

Tuy nhiên, không có chuyện niệm quyền vượt trội, chỉ có sự thiếu vắng niệm mà thôi. Trong kinh tạng, nó được ví như muối, một gia vị cần thiết trong tất cả món ăn, hoặc như vị đại thần điều hành tất cả mọi công việc của triều chính. Do đó trong khi duy trì niệm đến mức tối đa có thể được, thì các quyền còn lại, từng cặp, đức tin và trí tuệ, tinh tấn và định phải được giữ trong tình trạng ngang bằng nhau, có một quyền vượt trội là điều bất lợi. Về mặt này, đại đức U Budh, trong bài Mahā Satipaṭṭhāna - Nissaya của vị ấy đã bình luận như sau:

Đức tin vượt trội sẽ dẫn đến nhiệt tâm thái quá. Trí tuệ vượt trội sẽ dẫn đến xảo biện.

Tinh tấn quá mức sẽ dẫn đến phóng dật. Định vượt trội sẽ dẫn đến giải đãi, hôn trầm.

Nhưng không bao giờ có sự vượt trội của Niệm.

(4) Duppaññapuggala parivajjanam: Tránh tiếp xúc với những người không có trí tuệ.

(Duppañña nghĩa là người không có trí tuệ để thông hiểu những nhóm pháp như uẩn (khanda), xứ (ayatana), v.v... Ta nên tránh xa những người như vậy).

(5) Paññavanta puggalasevana: Thân cận với các bậc trí tuệ.

(Bậc trí tuệ là người có năm mươi đặc tánh của trí hiểu biết sự sanh và diệt. Chi tiết về năm mươi đặc tánh của udhaya bhaya ñāṇa (Sanh diệt trí) được tìm thấy trong bộ Patisambhidāmagga).

Trong mục (4) và (5), nhà Chú giải chỉ mô tả loại trí tuệ cao nhất mà thôi. Ở mục (4), người không có trí tuệ nghĩa là người không thể thông hiểu các nhóm pháp như uẩn, xứ. Người có trí thông hiểu các pháp như vậy chỉ có thể là người có trí tuệ lớn. Nhưng có những người dầu không có trí tuệ thông hiểu những pháp vi tế như uẩn, xứ, vẫn biết những vấn đề bình thường liên quan đến sự thực hành pháp: “Bố thí như vậy là thích hợp. Làm như vậy là không thích hợp. Giới nên được thọ trì như vậy, chúng không nên được thọ trì theo cách khác.” Họ cũng biết những vấn đề liên quan đến cuộc sống thế tục: “Hành động như vậy sẽ được trường thọ, hành động như vậy sẽ bị tổn thọ.” Những người như vậy không thể xem là hoàn toàn không có trí tuệ. Chúng ta cũng nên thân cận với những người ấy.

Ở mục (5) cũng vậy, theo định nghĩa rằng người trí tuệ là người có năm mươi đặc tánh trí thông hiểu sự sanh diệt (udayabbaya-ñāṇa), nhà Chú giải nói đến trí bậc cao này (ukkattha ñāṇa) là ám chỉ bậc trí tuệ có sự tiến bộ cao nhất trong thiền Minh sát (Vipassanā).

Nhưng nói về việc tu tập trí tuệ, Đức Phật đã giảng dạy trong bộ Buddhavaṁsa như sau: “Hãy noi gương của vị tỳ khưu đi khất thực qua tất cả mọi nhà theo thứ tự không phân biệt sang hèn, người tầm cầu trí tuệ nên đi đến bất cứ ai có thể giải đáp những thắc mắc của mình, bất chấp địa vị xã hội hay học vấn của người ấy. Do đó hành giả chỉ nên tránh xa kẻ ngu si và đi đến bất cứ ai có thể giúp hành giả phát triển trí tuệ.”

Tóm lại, chỉ giới hạn đi lại với những người hoàn toàn không thể trả lời được câu hỏi nào. Ta nên đi đến những người có thể cho mình dù chỉ chút ít kiến thức.

Theo bộ Buddhavaṁsa, trên bước đường tầm cầu trí tuệ, trước hết hành giả nên học hỏi các bậc trí để phát triển trí tuệ bằng sự nghe - Tuệ văn (Sutamaya paññā). Sau đó nếu có điểm nào chưa rõ ràng thì hành giả nên suy nghĩ và tìm hiểu nó và nhờ vậy có được trí tuệ qua sự suy nghĩ - Tuệ Tư (Cintamaya paññā)

Trong bài pháp Đức Phật thuyết giảng đến người dân Kamala (Aṅguttara Nikāya, Tikanipāta, Dutiya Paṇṇasaka. 2- Mahāvagga, 5- Kalama Sutta) các vị Kalama bạch với Đức Phật rằng có nhiều vị pháp sư đi đến trú xứ của họ, các vị pháp sư này chỉ đề cao giáo lý của họ và phủ nhận giáo lý của kẻ khác, nên các vị Kalama có sự nghi ngờ và phân vân không biết nên theo giáo lý nào. Câu trả lời của Đức Phật có thể được tóm tắt như sau: “Các ngươi nên chấp nhận giáo lý nào mà sau khi suy xét, các ngươi thấy không có khuyết điểm.”

Hơn nữa, trong Bổn sanh Patha, Dasaka Nipata, 9- Mahā Dhammapāla Jātaka, khi vị đại giáo sư của trường Takkasila đích thân đi đến ngôi làng Dhammapāla để tìm hiểu xem lý do nào khiến những người trẻ trong làng không bị chết yểu. Mahādhammapala (vị thôn trưởng) mà tương lai tái sanh làm vua Suddhodana đã trả lời như sau: “Chúng tôi lắng nghe tất cả những ai đến thuyết giảng. Sau khi nghe rồi, chúng tôi nghiền ngẫm lại những điều đã được thuyết giảng. Chúng tôi không chú ý đến những lời của những người phi đạo đức thay vì quay mặt với họ. Chúng tôi chỉ chấp nhận giáo lý của những người có đạo đức và hoan hỷ thực hành theo. Do đó những người trẻ trong ngôi làng của chúng tôi không bao giờ bị chết yểu.”

Chuyện Bổn sanh này cũng cho thấy rõ rằng người tầm cầu trí tuệ trước hết phải lắng nghe để có Tuệ văn (Sutamaya ñāṇa), sau đó chỉ chấp nhận điều gì đã được hiểu chắc là đúng bằng Tuệ tư (Cintamaya ñāṇa).

Thân cận với các bậc Trí tuệ

Câu nói “Thân cận với các bậc trí tuệ” ở đây không có nghĩa là chỉ đi đến người có trí và ở chung với người ấy cả ngày lẫn đêm. Ý nghĩa là học hỏi và thâu thập một số kiến thức từ người có trí tuệ.

Theo lời khuyên “Không thân cận với kẻ ngu,” ta có thể đến với họ để khuyên nhủ và thuyết phục họ đi theo con đường chánh. Ví dụ cụ thể là Đức Phật đã đi đến khu rừng Uruvela để tiếp độ cho nhóm ngoại đạo.

Như vậy chỉ khi nào người ta chấp nhận và làm theo các pháp của kẻ ngu, người ấy mới được xem là thân cận với kẻ ngu. Cũng vậy, lời dạy trong bài Hạnh phúc kinh khuyên chúng ta nên thân cận với các bậc trí tuệ, không phải là sống chung với họ, mà để thâu thập kiến thức từ họ dù chút ít.

(6) Gambhirananacariya paccavekkhana: Quán tánh chất của Pháp như là chỗ đến của trí tuệ thâm sâu. (Ở đây, trí tuệ giống như ngọn lửa đốt cháy tất cả những vật dễ cháy dầu lớn dầu nhỏ. Tùy theo kích cỡ của vật cháy, ngọn lửa được xem là lửa nhỏ hay lửa lớn. Cũng vậy, trí tuệ biết mọi thứ cần biết; trí tuệ được gọi là nhỏ, rõ ràng hoặc thâm sâu tùy thuộc vào cái được biết là nhỏ, rõ ràng hoặc thâm sâu. Pháp làm chỗ đến của trí tuệ thâm sâu gồm có uẩn, xứ, v.v… Trí tuệ khởi sanh từ trí hiểu thấu những chủ đề thâm sâu này là trí thâm sâu. Trí tuệ thâm sâu bao nhiêu thì Pháp thâm sâu bấy nhiêu. Sự quán xét nhiều Pháp thâm sâu này dẫn đến phát triển trí tuệ.)

(7) Tadadhimuttata: Có khuynh hướng phát triển trí tuệ. (Trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm và ngồi chỉ nên hướng về sự phát triển trí tuệ. Có tâm như vậy là một trong những nguyên nhân phát triển trí tuệ).

Tóm tắt bài kệ của U Budh:

(1) Hỏi đi hỏi lại.

(2) Giữ các vật được sạch sẽ.

(3) Quân bình các quyền.

(4) Tránh xa kẻ ngu.

(5) Thân cận các bậc trí.

(6) Suy xét thâm sâu, và

(7) Có tâm nghiêng về sự phát triển trí tuệ.

Những đặc tánh của Trí tuệ

(1) Khi trí tuệ chiếm địa vị ưu trội trong việc thực hành đa phận sự, nó có tên là Vimamsadhipati - Quán Tăng thượng, một trong bốn điều kiện ưu trội.

(2) Tạo nên các phần cấu thành của 22 Quyền là bốn loại quyền liên quan đến trí tuệ: (a) Trí tuệ được bao gồm trong 39 tâm hợp thế tương ưng trí (lokiñāṇa-sampayutta citta) được gọi là Tuệ quyền (Paññindriya). (b) Trí tuệ câu hữu với tâm khởi sanh vào giai đoạn chứng ngộ lần thứ nhất (sotāpatti-magga citta) thì được gọi là Vị trí đương tri căn (Anaññātaññassāmīt’indriya). (c) Trí tuệ khởi sanh trong tâm quả A-la-hán thì được gọi là Cụ tri căn (Aññātavindriya).

(d) Trí tuệ tương ưng với sáu tâm siêu thế ở giữa (giữa giai đoạn Sotāpanna Arahatta) thì được gọi là Dĩ tri căn (Aññindriya).

Trí tuệ cần được tu tập trong pháp Ba-la-mật chỉ liên quan đến tâm hợp thế. Như vậy nó được bao gồm trong 13 loại tâm thiện (Kusala Ñāṇa Sampayutta Citta) của 39 tâm hợp thế tương ưng trí (Lokiñāṇa Sampayutta Citta). Tâm không chức năng hay tâm Duy tác (Kriyā Citta) chỉ có trong các vị A-la-hán, nó không liên quan đến các vị Bồ- tát vẫn còn là phàm phu, chưa thành Phật. Tâm quả (Vipāka Citta) khởi sanh mà không có cố gắng đặc biệt nào là kết quả của nghiệp quá khứ. Do đó trí tuệ kết hợp với hai loại tâm này không được xem là Ba- la-mật. Các vị Bồ-tát chỉ chuyên tâm vào trí tuệ hợp thế để thực hành viên mãn trí tuệ Ba-la-mật đến mức độ cao nhất.

Trong 37 pháp Trợ bồ đề (Bodhipakkhiya Dhamma) gồm có Ngũ quyền (Indriya), một trong năm quyền ấy là Tuệ quyền (Paññindriya). Tuệ quyền này có hai loại: hợp thế và siêu thế. Loại siêu thế này không được bao gồm trong Trí tuệ Ba-la-mật mà các vị Bồ-tát thực hành. Chỉ trí tuệ kết hợp với tâm hợp thế, khởi sanh trong khi thực hiện sự thanh tịnh giới và sự thanh tịnh của tâm trước khi chứng đắc các trạng thái Đạo Quả là Trí tuệ Ba-la-mật viên mãn của vị Bồ-tát.

(3) Tương tự, trong bốn thành phần cấu thành của Bồ đề phần gồm có các yếu tố trí tuệ dưới các tên khác nhau. Như vậy Ngũ Lực (Bala) được gọi là Tuệ lực (Paññā bala).

Trong Tứ thần túc, Tuệ được gọi là Quán thần túc (Vimaṃsiddhipāda). Trong Thất giác chi (Bojjhanga), Tuệ được gọi là Trạch pháp giác chi (Dhammavicaga Sambojjhanga) và trong Bát thánh đạo (Ariya-magganga), Tuệ được gọi là Chánh tri kiến (Sammā- diṭṭhi).

Những yếu tố trí tuệ với nhiều tên khác nhau này được tu tập ở hai mức độ khác nhau - hợp thế và siêu thế. Trí tuệ kết hợp với tâm siêu thế không được bao gồm trong Trí tuệ Ba-la-mật. Chỉ trí tuệ kết hợp với tâm thiện hợp thế khởi sanh trong khi thực hiện sự thanh tịnh giới và tâm trước khi chứng đắc các trạng thái đạo quả mới được gọi là Trí tuệ Ba-la-mật.

Quán về những đặc tánh này của Trí tuệ, hành giả mới có thể thực hành Trí tuệ Ba-la-mật đến mức độ cao nhất.

Chấm dứt Chương về Trí tuệ Ba-la-mật


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]