THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 1A] [Tiếp theo]
Trong các vấn đề liên quan đến Tinh tấn Ba-la-mật, các bộ kinh thường lấy ví dụ về con sư tử có bờm, bản tánh của nó thường dốc hết sức tinh tấn khi nó rượt theo con mồi. Nó không vì con mồi nhỏ mà cố gắng ít hơn hoặc con mồi lớn mà cố gắng nhiều hơn. Trong cả hai trường hợp, nó đều cố gắng như nhau.
Theo cách tinh tấn của con sư tử, Bồ-tát khi thực hành Tinh tấn Ba- la-mật, không vì những phận sự bình thường mà cố gắng ít hơn, hoặc vì những phận sự trọng đại mà cố gắng nhiều hơn. Ngài luôn luôn thể hiện sự tinh tấn cao nhất trong các phận sự dầu nhỏ hoặc lớn.
Do kết quả của thói quen thực hành tinh tấn đồng đều trong các công việc lớn nhỏ ở những kiếp làm Bồ-tát của Ngài đến khi đã thành Phật rồi, Ngài thường có sự tinh tấn đồng đều khi thuyết pháp độ sinh. Ngay cả khi thuyết pháp tế độ cho chỉ một người, Ngài cũng không hề giảm bớt tinh tấn và cũng không Tăng thêm tinh tấn khi thuyết pháp đến người nghe ngồi ở cuối một hội chúng lớn. Trong cả hai trường hợp, Ngài đều dùng sức tinh tấn như nhau trong giọng nói của Ngài.
Đức Phật có oai lực bất khả tư nghì - giọng của Ngài thốt ra với sức tinh tấn đồng đều đến tất cả người nghe. Nếu chỉ có một người lắng nghe Ngài thì chỉ người đó nghe được thời pháp. Khi có nhiều người, mỗi người dầu ở gần hoặc ở xa Đức Phật đều nghe được giọng nói của Ngài một cách rõ ràng. (Khi vị đại đệ tử Sāriputta thuyết bài kinh Samacitta Suttanta, vì hội chúng ngồi nghe quá đông nên giọng bình thường của Ngài không thể thấu đến tất cả họ, trưởng lão phải vận dụng thần thông để khiến tất cả họ đều nghe được giọng nói của mình, tức là trưởng lão phải dùng giọng nói lớn của thần thông lực (iddhividha abhiññāṇa). Tuy nhiên, Đức Phật thì không cần phải làm như vậy). Đây là oai lực đặc biệt của Đức Phật.
Mỗi vị Phật đều tự nỗ lực để thực hành viên mãn tinh tấn Ba-la-mật trong tất cả những kiếp quá khứ làm Bồ-tát của Ngài. Hơn nữa, trong kiếp chót để thành Phật của Ngài, Ngài đã từ bỏ thế gian và tinh tấn thực hành các pháp khổ hạnh, khi đến lúc sắp thành Phật, Ngài ngồi trên chỗ ngồi bằng cỏ dưới cội cây Bồ đề và đem hết tinh tấn để phát nguyện rằng: “Dầu chi còn da, dầu chỉ còn gân, dầu chỉ còn xương, dầu tất cả máu và thịt đều khô queo, ta cũng không rời khỏi chỗ ngồi này cho đến khi nào chứng đắc Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa) mới thôi.”
Qua sự tinh tấn này, Ngài đã phát triển tuệ quán hùng mạnh như sấm sét (Mahā Vājira Vipassanā Ñāṇa - Đại kim cang quán trí) khiến Ngài có thể giác ngộ đầu tiên luật Duyên khởi, theo sau là tuệ thông đạt ba đặc tánh vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta) của danh và sắc (rūpa và nāma).
Tinh tấn (viriya) cũng như trí tuệ (paññā), là một sở hữu đồng sanh, nhưng như đã giải thích ở trước, trí tuệ luôn luôn kết hợp với tâm thiện, còn tinh tấn là loại sở hữu Tạp (pakiṇṇaka cetasika), kết hợp với cả tâm thiện lẫm tâm bất thiện. Nó cũng thuộc loại vô ký (abyākata), không thiện cũng không bất thiện. Kết quả là tinh tấn có khi là thiện, có khi là bất thiện và có khi là vô ký. Tinh tấn trong thiện pháp được gọi là chánh tinh tấn (sammā vāyāma). Tinh tấn được dùng trong các mục đích bất thiện thì được gọi là Tà tinh tấn (micchā vāyāma). Trong pháp tinh tấn Ba-la-mật, chỉ có Chánh tinh tấn mới được tu tập đến mức cao nhất.
Chánh tinh tấn (Sammā vāyāma) cũng được gọi là Chánh cần (Sammāppadhāna). Ý nghĩa giống nhau. Trong bài nói về Chánh cần của bộ Abhidhamma Vibhaṅga, Đức Phật đã giải thích bốn loại Chánh cần như sau:
1. Dù ở đâu, trong lúc nào, với bất cứ đối tượng nào, sự tinh tấn luôn luôn có mặt để ngăn chặn điều ác chưa sanh không cho sanh khởi, hoặc đối với điều ác mà người ta không thể nhớ lại là đã khởi sanh lúc nào đó, nơi nào đó, với đối tượng nào đó.
2. Tinh tấn đoạn diệt điều ác đã khởi sanh. (Thực tế thì không thể đoạn diệt điều ác đã khởi và diệt mất rồi. Điều ác đã sanh trong quá khứ đã diệt rồi, nó không còn hiện hữu. Cái không hiện hữu thì người ta không thể đoạn diệt nó được. Điều cần thiết ở đây là ta nên cố gắng ngăn chặn không cho sanh khởi ác nghiệp mới có tánh chất giống như ác nghiệp đã sanh khởi trước kia).
3. Tinh tấn làm cho sanh khởi thiện nghiệp mà chưa sanh hoặc đã sanh khởi rồi mà người ta không thể nhớ lại được.
4. Tinh tấn duy trì và phát triển thêm nữa thiện nghiệp đã sanh lên rồi hoặc đang sanh. (Ở đây cũng vậy, điều cần hiểu là tinh tấn làm cho sanh khởi tiếp tục thiện nghiệp có tánh chất tương tự như thiện nghiệp đã sanh lên rồi).
Bộ Chú giải Satipatthāna Vibhanga và bộ Chú giải Mahā Satipatthāna Sutta mô tả về bảy yếu tố phát triển tinh tấn như sau:
(1) Quán xét về những đau khổ trong các khổ cảnh (Apaya bhaya paccavekkhanata).
Sự tinh tấn sẽ phát khởi trong người có sự suy xét như vầy: “Nếu ta suy giảm tinh tấn thì ta có thể bị đọa vào các khổ cảnh. Trong bốn khổ cảnh, nếu ta bị rơi vào địa ngục, ta sẽ lãnh thọ nhiều đau đớn của nhiều cực hình khủng khiếp. Hoặc nếu ta bị đọa vào cõi súc sanh, ta phải chịu hình thức ngược đãi của con người. Hoặc nếu ta bị sanh làm ngạ quỷ (peta-loka) thì ta sẽ bị đói khát lâu dài suốt thời kỳ giữa hai vị Phật. Hoặc nếu ta bị sanh vào hội chúng A-tu-la (asura loka), với thân hình khổng lồ, cao sáu mươi đến tám mươi hắc tay nhưng chỉ có da và xương mà thôi, ta phải thọ lãnh cái khổ nóng, lạnh và gió. Nếu bị rơi vào một trong bốn đọa xứ này, ta sẽ không còn cơ hội để tu tập Tứ Chánh cần. Kiếp sống này là cơ hội để tu tập Tứ Chánh cần. Kiếp sống này là cơ hội duy nhất để ta phát triển tinh tấn.”
Sự tinh tấn sẽ phát sanh trong người, nhờ xét lại và thấy những lợi ích của tinh tấn, đã thấy như vầy: “Người lười biếng không bao giờ có thể thoát ra khỏi vòng luân hồi (saṃsāra) và chứng đắc các tầng Đạo Quả, chỉ những người siêng năng mới có thể chứng đắc những pháp ấy. Kết quả lợi ích của sự tinh tấn là chứng đắc các tầng Đạo Quả mà rất khó giác ngộ được.”
(3) Suy xét lại con đường mà có người đã đi qua. (Gamanavīthi paccavekkhanatā).
Tinh tấn sẽ phát khởi và Tăng trưởng trong người có sự suy xét như vầy: “Tất cả chư Phật, chư Độc giác và chư Thinh văn đệ tử Phật đều giác ngộ mục tiêu tối thượng nhờ đi theo con đường tinh tấn. Sự tinh cần là con đường ngay thẳng được các bậc Thánh đi qua. Kẻ lười biếng không thể đi theo con đường này, chỉ có những người siêng năng mới đi vào con đường này.”
(4) Tôn trọng vật thực cúng dường của thiện tín. (Piṇḍapātāpacāyanatā).
Yếu tố này là mối quan tâm đặc biệt của các vị tỳ khưu. Sự tinh tấn sẽ phát triển trong người biết xem trọng vật thực do thiện tín dâng cúng bằng cách suy xét như vầy: “Những thiện tín này không phải là quyến thuộc của ta. Họ cúng dường vật thực đến ta không phải vì họ muốn kiếm sống nhờ vào ta. Họ làm như vậy chỉ vì phước sẽ phát sanh do sự cúng dường đến Tăng. Đức Phật không cho phép chúng ta ăn vật thực bố thí một cách khinh suất, vô trách nhiệm hoặc để sống cuộc sống nhàn nhã. Ngài cho phép các vị tỳ khưu dùng nó chỉ vì mục đích thực hành pháp để thoát khỏi luân hồi. Vật thực bố thí không phải dành cho kẻ lười biếng. Chỉ những người siêng năng mới xứng đáng thọ lãnh nó.
(5) Quán về tánh chất cao quý của sự thừa tự (Dāyajjamahatta paccavekkhanatā).
Tinh tấn sẽ phát triển trong người có sự quán xét như vầy: “Di sản của Đức Phật được gọi là ‘tài sản của những bậc giới đức’ mà đệ tử của Đức Phật tiếp nhận, gồm có bảy loại - đức tin (saddhā), giới (sīla), sự học hỏi (suta), sự dứt bỏ (cāga), trí tuệ (paññā), hỗ thẹn tội lỗi (hiri) và, ghê sợ tội lỗi (ottappa)
Những kẻ lười biếng không thể thừa hưởng di sản của Đức Phật. Cũng như những đứa con hư đốn bị cha mẹ từ bỏ thì không được thừa hưởng gia tài. Cũng vậy những kẻ lười biếng không thể thọ nhận tài sản của những bậc giới đức là di sản từ Đức Phật. Chỉ những người siêng năng mới xứng đáng thọ hưởng của thừa tự này.
(6) Quán về tánh cao quý của Đức Phật, bậc Đạo sư (Satthumahatta paccavekkhanatā).
Sự tinh tấn sẽ phát triển trong người có sự quán xét như vầy: “Bậc Đạo sư của ta là Đức Phật, rất cao quý đến nổi mười ngàn thế giới đã rung chuyển vào lúc Ngài nhập thai (khi còn là Bồ-tát trong kiếp cuối của Ngài), khi Ngài từ bỏ thế gian, khi Ngài thành đạo, khi Ngài Chuyển pháp luân, khi Ngài thị hiện Song thông tại Sāvatthi để nhiếp phục ngoại đạo, khi Ngài đi xuống từ cung trời Đao lợi, khi Ngài từ bỏ thọ hành (Āyusaṅkhāra) và khi Ngài viên tịch. Là đứa con của một vị Phật như vậy, ta có nên dể duôi, lười biếng mà không tự mình cố gắng thực hành giáo pháp của Ngài không?
(7) Quán tánh cao quý của dòng phái của mình (Jāti mahatta paccavekkhanatā).
Tinh tấn sẽ phát triển trong người có sự quán xét như vầy: “Dòng dõi của ta không phải là thấp hèn. Ta có tổ tiên là vị vua đầu tiên Mahāsammata thuộc giai cấp thượng đẳng và thuần chủng. Ta là anh em của Rāhula, cháu nội của vua Suddhodana và Hoàng hậu Mahā Māyā ở hoàng cung của vua Okkāta, là một trong những người con cháu của vua Mahāsammata, Rāhula là con trai của Đức Phật. Từ khi ta trở thành con của Đức Phật thuộc dòng Sakya, chúng ta là anh em, đã trở thành người của dòng tộc cao quý như vậy, ta không nên sống cuộc sống lười biếng mà phải tinh tấn thực hành giáo pháp cao thượng.”
(8) Quán tánh cao quý của những bậc phạm hạnh trong Tăng chúng (Sabrahmacārīmahatta paccavekkhanatā).
Sự tinh tấn sẽ phát triển trong người có sự suy xét như vầy: “Những bậc phạm hạnh trong chúng Tăng của ta, tôn giả Sāriputta và Mahā Moggallāna cũng như tám mươi vị Đại đệ tử, là những bậc đã thực hành giáo pháp cao thượng, đã chứng ngộ các thánh Đạo và thánh Quả. Ta nên thực hành theo con đường của các bậc phạm hạnh ấy.”
(9) Tránh xa những kẻ lười biếng (Kusīta puggala parivajjanata).
Tinh tấn sẽ phát triển trong người tránh xa những kẻ lười biếng - những người không chịu làm các thiện nghiệp về thân, ngữ và ý, chỉ nằm lăn ra ngủ như con trăn đã ăn no bụng.
(10) Thân cận với những người siêng năng, tinh tấn (Aradha vīriya puggala sevanatā).
Tinh tấn sẽ phát triển trong người thường thân cận với những bậc siêng năng và tinh tấn, nhiệt tâm tinh cần trong sự thực hành pháp.
Những người có quyết tâm (pahitatta) một khi đã quyết định làm điều gì thì làm tới cùng (nếu chưa thành công vẫn kiên trì cho đến chết). Những người thiếu quyết tâm thì ngay khi mới bắt đầu công việc cũng do dự với ý nghĩ rằng: “Không biết làm việc này có thành công hay không?” Trong khi thực hiện một công việc, nếu mục đích khó thành đạt, người ấy thường thối chí với ý nghĩ rằng: “Dù ta có tiếp tục công việc, ta cũng không thể thành công.” Và như vậy họ từ bỏ tinh tấn.
(11) Có khuynh hướng phát triển tinh tấn trong cả bốn oai nghi (Tad adhimuttatā).
Tinh tấn sẽ phát triển trong người luôn luôn tự nhắc mình phải để tâm trong cả bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.
Đây là mười một yếu tố phát triển Tinh tấn.
Nền tảng chính của sự Tinh tấn là tâm kinh cảm (saṃvega). Kinh cảm có ba loại:
(2) Ottappa Saṁvega
(3) Ñāṇa Saṁvega
(1) Cittutrāsa Saṁvega
Sự dao động của tâm do sợ hãi mối nguy hiểm từ voi, cọp, khí giới như gươm, giáo, v.v... được gọi là “Cittutrāsa Saṁvega”. Theo tạng Abhidhamma, đó là sở hữu sân (dosa). Sân yếu thì sợ hãi sanh khởi, sân mạnh thì hung hăng sanh khởi.
Sợ làm điều ác là Ottappa Saṃvega. Đó là loại sở hữu thiện (sobhana cetsika)
Sợ hãi như là trạng thái kinh cảm và nhàm chán do quán về nhân quả thì được gọi là ñāṇa saṁvega (tuệ uý). Đó là loại sợ hãi luân hồi khởi sanh trong những người giới đức. Trong các bộ kinh, ñāṇa saṁvega cũng được mô tả là trí tuệ câu hữu với trạng thái ghê sợ tội lỗi.
(Nếu tính thêm Dhamma Saṁvega - Pháp úy là trí của vị A-la-hán khởi sanh kéo theo trạng thái kinh cảm khi thấy những mối nguy hiểm của các pháp hữu vi, ta sẽ có bốn loại saṁvega.)
Trong những loại saṁvega này, chỉ có ñāṇa saṁvega mới được xem là nền tảng chính của sự tinh tấn. Khi người ta thấy những mối nguy hiểm của luân hồi qua trí tuệ và khởi sanh sự kinh cảm, chắc chắn người ta sẽ tinh tấn hành pháp để thoát khỏi những mối nguy hiểm này. Không có trí tuệ như vậy thì sẽ không có sự tinh tấn trong pháp hành giải thoát.
Ngay cả trong đời sống thế tục hằng ngày, một cậu học sinh vì sợ đói nghèo, cậu ta là người có Tuệ úy, sẽ làm việc chăm chỉ nhờ suy xét như vầy: “Nếu sau này lớn lên mà không có trình độ học vấn thì ta sẽ chịu cảnh nghèo khổ.”
Nhưng tuệ úy ở đây chỉ áp dụng cho sự tu tập Tinh tấn Ba-la-mật. Như đã nêu ra, có hai loại Tinh tấn: Tinh tấn trong thiện pháp và Tinh tấn trong bất thiện pháp. Tinh tấn cần thiết cho một hành động bất thiện cũng do cảm giác kinh sợ gây ra (saṃvega). Nhưng đó là Cittutrāsa Saṃvega, không phải Ñāṇa Saṃvega.
Một kẻ lười biếng, khi kẹt tiền, có thể cố gắng đi ăn cắp. Người ấy không thể khởi sanh thái độ chân chánh (yoniso manasikāra). Đây là ví dụ về sự tinh tấn khởi sanh do sự kinh sợ, cittutrāsa saṁvega. Người không có tác ý khéo léo hay thái độ chân chánh sẽ có sự cố gắng bất chánh để ngăn chặn những bất hạnh có thể xảy đến cho anh ta. Nhưng người có tâm chân chánh sẽ không cố gắng làm các việc ác. Người ấy luôn luôn phấn đấu làm các việc thiện.
Như vậy Tinh tấn có nền tảng là sự kinh sợ (saṁvega) và chính tác ý hay thái độ quyết định sự tinh tấn là thiện hay bất thiện.
Nói về Ba-la-mật, tinh tấn bất thiện không được xét đến, chỉ có tinh tấn thiện, vô tội mới được xem là Ba-la-mật.
Khi chúng ta xét đến Tứ chánh cần, xem ra chỉ có tinh tấn tạo ra các việc thiện mới là Ba-la-mật, nhưng dầu sự tinh tấn có thể không đem lại kết quả là những hành thiện, nếu nó không phải là tinh tấn bất chánh cũng không phải loại tinh tấn tạo ra những hành động thiện, nó vẫn được xem là Tinh tấn Ba-la-mật.
Chú giải trích dẫn câu chuyện Mahājanaka làm ví dụ về sự tinh tấn vượt bực trong pháp Ba-la-mật. Bồ-tát là hoàng tử Janaka, đã tinh tấn bơi lội trong đại dương suốt bảy ngày (khi chiếc thuyền của Ngài bị chìm). Sự tinh tấn của Ngài không phải do ước muốn làm các việc thiện hoặc bố thí, trì giới hoặc tu thiền. Nó cũng không phải là sự tinh tấn cho kết quả là sự khởi sanh những trạng thái bất thiện như tham, sân hoặc si mê và như vậy nó có thể được xem là sự tinh tấn vô tội. Sự tinh tấn vượt bậc của hoàng tử Janaka được xem là Tinh tấn Ba-la- mật.
Khi chiếc thuyền sắp bị đắm, bảy trăm người trên chiếc thuyền khóc lóc, kêu la trong tuyệt vọng mà chẳng cố gắng để vượt qua tai họa. Hoàng tử Janaka, không giống như những người tùy tùng đi chung của mình, đã tự nghĩ rằng: “Khóc lóc và kêu la trong sợ hãi khi đối mặt với nguy hiểm không phải là cách của các bậc trí tuệ. Người có trí tuệ phải cố gắng cứu mình chống chọi với nguy hiểm sắp xây ra. Người có trí tuệ như ta phải cố gắng bơi qua biển cả để đến chỗ an toàn.” Với quyết tâm không chút nao núng, Ngài can đảm bơi qua biển cả. Được hướng đạo và thôi thúc bởi ý nghĩ cao thượng như vậy, việc làm ấy rất đáng khen ngợi.
Chư vị Bồ-tát trong mỗi kiếp sống thường làm điều mà các Ngài phải làm một cách gan dạ, không nao núng. Không chỉ trong những kiếp tái sanh làm người, mà ngay cả khi tái sanh làm bò, Bồ-tát cũng tinh tấn làm các việc (Pātha Jātaka, Ekaka Nipāta, 3 - Kuru Vaggas). Trong kiếp ấy, Bồ-tát sanh làm một con bò đực mạnh mẽ, cương kiện, tên là Kanha, do lòng biết ơn một bà lão đã nuôi nấng, chăm sóc Ngài, Ngài đã dùng sức tinh tấn kéo đi năm trăm cỗ xe chở đầy hàng hóa vượt qua vũng sình lớn.
Dầu làm súc vật nhưng sự tu tập tinh tấn Ba-la-mật của Bồ-tát cũng không bị gián đoạn. Khi tái sanh làm người. Khuynh hướng thể hiện tinh tấn vẫn mạnh mẽ trong vị Bồ-tát. Những khó khăn cực kỳ mà Ngài trải qua do phải thực hiện nhiều cố gắng để chiếm cảm tình của công chúa Pabhavatī (Nàng đã bỏ chạy khi trông thấy tướng mạo xấu xí của Ngài dù trong kiếp ấy Ngài là vua Kusa). Đó là những tấm gương về sự tinh tấn có quyết tâm của Bồ-tát, không chịu đầu hàng khi đối mặt với những khó khăn. Khuynh hướng phát triển tinh tấn tiềm tàng trong người của Bồ-tát vẫn đi theo Ngài trong tất cả những kiếp luân hồi.
Các bộ kinh nêu ra câu chuyện về Mahosadha để cho thấy sự thực hành Trí tuệ Ba-la-mật của Bồ-tát.
Nhưng trong chính kiếp ấy, Bồ-tát cũng tu Tinh tấn Ba-la-mật. Nói chung, Bồ-tát xem trí tuệ như là kim chỉ nam trong mọi hành động của Ngài. Nhưng một khi đã có quyết định chắc chắn rồi thì tinh tấn liên tục hiện diện. Những sự nỗ lực như vậy Bồ-tát Mahosadha dầu không phải để làm các phước như bố thí, trì giới hoặc tham thiền, chúng vẫn được xem là Tinh tấn Ba-la-mật vì những sự tinh tấn ấy đem lại lợi ích cho những kẻ khác.
Người ta có thể thắc mắc rằng phải chăng một số nỗ lực của Bồ-tát Mahosadha không đem lại đau khổ cho kẻ khác. Ví dụ như khi vua Culani Brahmadatta đem mười tám đội binh hùng hậu bao vây kinh thành Mithilā, Bồ-tát Mahosadha đã bày ra một mưu mẹo gây rối loạn hoàn toàn cho đại hùng binh kia, khiến cho vua Cūlani Brahmadatta và những đội binh hùng hậu của vị ấy phải chịu nhiều khốn đốn. Như vậy chúng ta có nên chê trách Bồ-tát Mahosadha là đã cố gắng làm cho những kẻ thù của mình phải khổ sở.
Để trả lời câu hỏi ấy, hãy xét ví dụ sau đây về việc làm con rắn hoảng sợ khi sắp chộp một con nhái. Một số người cho rằng việc làm vậy là đáng chê trách vì làm vậy con nhái chắc chắn sẽ thoát khỏi nguy hiểm, nhưng con rắn phải chịu đói. Đức Phật dạy rằng Tư là yếu tố quyết định trong hoàn cảnh như vậy. Nếu người ta dọa con rắn bỏ chạy để khiến nó phải chịu đói thì hành động ấy đáng chê trách. Ngược lại nếu người ta hành động chỉ để giúp con nhái thoát khỏi nguy hiểm mà không có ý làm hại con rắn thì hành động ấy hoàn toàn vô tội.
Lại nữa, trong bộ Midinda Vấn Đạo, đức vua hỏi đại đức Nagasena (Na-tiên) rằng: “Bạch đại đức, phải chăng Đức Phật đã biết Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) sẽ chia rẻ Tăng nếu ông ta được thâu nhận vào Tăng chúng. Nếu đã biết như vậy, tại sao Đức Phật vẫn thâu nhận ông ta vào Tăng chúng. Nếu không được thâu nhận thì ông ta sẽ không thể chia rẻ Tăng.”
Đại đức Nagasena trả lời: “Tâu đại vương, Đức Phật quả thực đã biết trước rằng Devadatta sẽ gây chia rẻ Tăng, nhưng Đức Phật cũng biết rằng nếu Devadatta không được thâu nhận vào Tăng chúng, hắn sẽ phạm phải những ác nghiệp như chấp theo “Quyết định tà kiến” (niyata micchādiṭṭhi). Do đó với quả của sự chia rẻ Tăng thì quả của những nghiệp còn tệ hại hơn nhiều. Tội chia rẻ Tăng chắc chắn sẽ đưa Devadatta đọa xuống địa ngục, nhưng thời gian chịu khổ có giới hạn. Còn nếu ở ngoài Tăng chúng thì do những ác nghiệp ông chấp theo “Quyết định tà kiến”, ông sẽ chịu khổ ở địa ngục vô hạn định. Do thấy trước nỗi khổ có giới hạn này của Devadatta mà Đức Phật vì lòng bi mẫn đã thâu nhận hắn vào Tăng chúng.
Cũng vậy, nhờ làm rối loạn đại hùng binh của vua Cūlani Brahmadatta mà tránh được một trận can qua, và như vậy Mahosadha đã cứu được quốc độ của mình thoát khỏi sự tiêu diệt hoàn toàn. Ngài làm như vậy là đem lại lợi ích cao nhất cho cả hai bên và hoàn toàn không thể bị chê trách.
1. Khi Tinh tấn chiếm địa vị ưu việt trong sự thực hành đa phận sự, nó có tên là Tinh Tấn Tăng Thượng (Viriyādhipati), một trong bốn điều kiện nổi bật (Adhipati).
2. Nó là thành phần cấu tạo trong 12 Quyền (Indriya) và được gọi là Tấn quyền (Vīriyindriya). Nhưng chỉ tinh tấn kết hợp với tâm thiện hợp thế mới được xem là Tinh tấn Ba-la-mật. Trong Ngũ quyền của pháp Trợ bồ đề cũng vậy, Tấn quyền, cũng như trường hợp Tuệ quyền (Paññindriya) được xem là Ba-la-mật chỉ khi nào nó bao gồm trong những pháp thanh tịnh hợp thế (thuộc giới và tâm).
Về Tứ Chánh cần (Sammappadhāna), chỉ tinh tấn trong pháp thanh tịnh hợp thế mới được xem là Ba-la-mật.
3. Yếu tố tinh tấn ở trong Ngũ lực (bala) thì được gọi là Tấn lực (vīriya bala). Ở trong Tứ Thần túc (iddhipada), nó là Tinh tấn thần túc (vīriyiddhipāda). Trong Thất giác chi (bojjhaṅga), nó là Tinh tấn giác chi (vīriya-sambojjhaṅga) và trong Bát thánh đạo (ariya-maggaṅga), nó là Chánh Tinh tấn (sammā-vāyāma). Tinh tấn và những tên khác nhau này được xem là Tinh tấn Ba-la-mật, chỉ kết hợp với tâm thiện hợp thế khởi sanh trong khi làm phận sự thanh tịnh hợp thế.
Nhờ quán về những đặc tánh này của Tinh tấn, quí vị có thể thực hành Tinh tấn Ba-la-mật đến mức cao nhất.
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B