THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 1A] [Tiếp theo]
Nhẫn nại được nói đến trong kinh tạng là ‘Chịu đựng sự khen chê bằng tâm nhẫn nại’ (Sammānāvamānakkhamo). Ta không nên bị kích động phấn chấn khi gặp cảnh khả ái cũng không nên buồn phiền khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng.
Ý nghĩa chính ở đây là: Chúng ta thực sự nhẫn nại chỉ khi đối diện với những cảnh vừa lòng mà không khởi tâm tham và không sân giận khi gặp cảnh trái ý.
Tuy nhiên, về Nhẫn nại Ba-la-mật, các bộ Chú giải thường dùng từ Nhẫn nại Ba-la-mật (Khantī Pāramī) trong các câu chuyện minh họa để nói về sự kham nhẫn về lời nói và hành động khích bác của kẻ khác mà không khởi sanh sân hận. Chú giải bộ Hạnh tạng (Cariyāpiṭaka) ở mục Tạp Phẩm trình bày như sau: “Karuṇūpāyakosallapariggahitaṃ sattasaṅkhārāparādhasahanaṃ adosappadhāno tadākārappavatta- cittuppādo khanti-pāramitā.” Nhóm tâm và những sở hữu câu sanh của nó kết hợp với việc nhẫn nại những điều sái quấy của kẻ khác, sở hữu vô sân (adosa-cetasika) chiếm địa vị ưu trội với pháp bi mẫn và phương tiện thiện xảo hỗ trợ được gọi là Nhẫn nại Ba-la-mật, nghĩa là nhóm tâm và những sở hữu của nó hình thành sự nhẫn nại đối với những lỗi lầm của chúng sanh thì được gọi là Nhẫn nại Ba-la-mật.
Bộ Mūla Tīkā trong bài bình giải về năm pháp thu thúc (giới, chánh niệm, trí tuệ, nhẫn nại, tinh tấn) được giải thích tóm tắt trong bộ Aṭṭhasālinī, đã định nghĩa sự thu thúc của nhẫn nại như sau: “Khanti adhivāsana; sā ca tatha pavattā khandhā; paññāti eke, adoso eva vā.” Khantī có nghĩa là nhẫn nại. Sự nhẫn nại ấy thực sự là bốn danh uẩn được hình thành trong dạng nhẫn nại như vậy. Một số các vị A-xà-lê cho rằng đó là trí tuệ hoặc chỉ là sở hữu vô sân.
Một số học giả quan niệm rằng: “Lời sách tấn trong các bộ kinh Pāḷi là ‘hãy chịu đựng sự khen chê với tâm nhẫn nại’ xem ra ám chỉ rằng ta nên chịu đựng việc khen ngợi cũng như chê bai. Nhưng trong kinh nghiệm thực tế, người ta dễ bất bình và tức giận khi người ấy bị quở trách, chê bai; không ai có những thái độ như vậy khi được khen ngợi, tôn kính. Do đó từ nhẫn nại nên được dùng chỉ khi nào người ta không tỏ thái độ nóng giận trong hoàn cảnh mà thường làm cho nhiều người nóng giận.
Nếu xét câu Pāḷi trên theo nghĩa đen, tức là đồng hóa Nhẫn nại Ba- la-mật với Xả Ba-la-mật, không có sự khác biệt giữa hai Ba-la-mật này.
Vì sách mà những học giả này trích dẫn là bộ Chú giải Cariyāpiṭaka và Mūla Ṭīkā nên quan điểm của họ không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Nhẫn nại được xem là chịu đựng sự đối xử của kẻ khác, trong khi Xả là bình thản trước chúng sanh, không thương cũng không ghét.
Đại đức Ledi Sayadaw trong cuốn Maṅgala Sutta Nissaya của vị ấy đã định nghĩa Khantī như sau: “Không cảm thấy vui mừng phấn khởi khi đối diện với tình cảnh vừa lòng, nhẫn nại và không nóng giận khi gặp khó khăn.” Định nghĩa này phù hợp với lời sách tấn “sammānāvamānakkhamo”.
Để dung hoà bài trình bày của Chú giải và Kinh: Chư Bồ-tát bản chất nghiêm túc. Những cảm thọ dễ chịu hay hoàn cảnh an vui không làm cho các Ngài khởi tâm tham. Các Ngài đã quen bất động trước chúng mà không phải tạo ra cố gắng đặc biệt để kềm chế tâm. Tuy nhiên, khi đối mặt bới những biến cố xấu bất ngờ xảy đến, các Ngài phải tạo ra cố gắng đặc biệt để nhẫn nại chịu đựng chúng ngõ hầu thành tựu Nhẫn nại Ba-la-mật của các Ngài.
Chư vị Bồ-tát, khi đang thực hành Nhẫn nại Ba-la-mật, thường phải nhẫn chịu những điều vừa lòng cũng như nghịch ý để tham và sân không sanh khởi. Cho nên, lời sách tấn được nêu ra trong kinh là nhận sự khen ngợi mà không phát khởi tham và chịu đựng những lời mắng nhiếc và bạc đãi mà không phát khởi sân. Nhưng đối với những vị Bồ- tát có tâm chín chắn sống trong vui sướng mà không động lòng tham là chuyện bình thường, chẳng có gì lạ. Do đó, Chú giải khi nói về Nhẫn nại Ba-la-mật chỉ bàn về sự Nhẫn nại trong những hoàn cảnh bức xúc, người bình thường khó chịu đựng. Xét theo cách này, không có sự bất đồng giữa sự trình bày trong Chú giải và giáo lý trong Kinh.
Nhẫn nại là nhóm tâm và sở hữu của nó có sở hữu vô sân (adosa cetasika) dẫn đầu, có đặc tánh vô sân, không phải là thực thể cùng tột riêng biệt như Trí tuệ hoặc Tinh tấn. Tuy nhiên, khi chính nó được xem là sở hữu vô sân, dĩ nhiên nó là pháp Chân đế như Trí tuệ hoặc Tinh tấn.
Dù nhẫn nại (khantī) là sở hữu vô sân (adosa cetasika) nhưng không phải mọi trường hợp vô sân đều là nhẫn nại. Trong mọi sự sanh khởi tâm ‘đẹp’ (sobhana) đều có sở hữu vô sân nhưng nó chỉ được gọi là nhẫn nại nếu nó giữ vai trò ngăn chặn sân hận khi có kẻ khác khiêu khích. Nếu tâm đẹp sanh khởi do bất cứ nguyên nhân nào khác thì sở hữu vô sân (adosa cetasika) câu sanh với tâm đẹp ấy không được gọi là nhẫn nại.
Thái độ của đại đức Puṇṇa được xem như là tấm gương tốt về sự nhẫn nại để mọi người noi theo. Sau đây là câu chuyện tóm tắt. Một thuở nọ, lúc Đức Phật còn tại tiền, đại đức Puṇṇa đi đến bạch với Đức Thế Tôn rằng vị ấy muốn đến xứ Sunāparanta và sống ở đó. Đức Phật hỏi đại đức:
“Này Puṇṇa, dân xứ Sunāparanta thô lỗ và cộc cằn, nếu họ mắng ngươi thì ngươi sẽ làm gì?”
Trưởng lão đáp lai:
“Bạch Đức Thế Tôn, nếu họ mắng con thì con sẽ xem họ là những người tốt, con sẽ kiềm chế sân hận và nhẫn nại với ý nghĩ rằng: “Họ là những người tốt, là những người rất tốt, họ chỉ chửi mắng ta mà không đánh đập ta bằng nắm đấm và cùi chỏ.”
Đức Phật hỏi tiếp:
“Này Puṇṇa, giả sử dân xứ Sunāparanta đánh đập ngươi bằng nắm đấm và cùi chỏ thì ngươi sẽ làm gì?”
“Bạch đức Thế Tôn, con sẽ xem họ là những người tốt, con sẽ kiềm chế sân hận và nhẫn nại với ý nghĩ rằng: “Họ là những người tốt, là những người rất tốt, họ chỉ đánh đập ta bằng nắm đầm và cùi chỏ mà không ném đá vào ta.”
(Đức Phật lại hỏi thêm vị ấy rằng nếu họ ném đá, đánh bằng cây gậy, chặt tay, chặt chân, móc mắt, xẻo mũi, v.v... thậm chí giết chết vị ấy thì vị sẽ làm gì?)
Trưởng lão đáp lại rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, con sẽ kiềm chế cơn nóng giận, nhẫn nại chịu đựng với ý nghĩ rằng: ‘Những đệ tử của Đức Thế Tôn như đại đức Godhika, đại đức Channa, v.v... vì nhàm chán, xấu hổ và ghê tởm tấm thân và đời sống, đã phải tự sát. Con may mắn hơn các vị ấy vì có người giết giùm, không phải tự sát.”
Khi ấy Đức Phật khen ngợi những câu trả lời của trưởng lão và chúc phúc cho vị ấy (Majjhima Nikāya Uparipaṇṇāsa, 5-Salāyatana Vagga, 3-Puṇṇovāda Sutta).
Lại nữa, trong bổn sanh Pātha Jātaka, Sattālīsa Nipāta, Sarabhaṅga Jātaka, Sakka, vua của chư thiên, hỏi ẩn sĩ Sarabhaṅga như sau: “Hỡi ẩn sĩ của dòng Koṇdañña, người ta giết chết cái gì mà không phải ăn năn, hối hận? Người ta phải đoạn diệt cái gì để được các bậc giới đức khen ngợi? Người ta giỏi nhẫn nại chịu đựng những lời mắng chửi thô lỗ của ai? Xin hãy trả lời những câu hỏi này.”
Bồ-tát, tức ẩn sĩ Sarabhaṅga, đáp lại rằng:
“Người ta có thể giết chết sân hận mà không phải ăn năn. Người ta có thể đoạn diệt tánh vô ơn bạc nghĩa để được các bậc Bồ-tát đức khen ngợi. Người ta nên nhẫn nại chịu đựng lời mắng nhiếc, thô lỗ của bất cứ ai lớn hơn, ngay bằng hoặc nhỏ hơn mình. Các bậc giới đức gọi đây là hình thức nhẫn nại cao nhất.”
Sakka lại hỏi:
“Thưa ẩn sĩ, đối với lời mắng chửi, thô lỗ của những người lớn hơn, ta có thể nhẫn nại chịu đựng được, nhưng làm sao có thể nhẫn nại với những lời hỗn láo của những kẻ nhỏ hơn mình?”
Bồ-tát trả lời:
“Người ta có thể chịu đựng sự khiếm nhã của những người lớn hơn do sợ hãi hoặc lời mắng nhiếc của những kẻ ngang bằng để tránh thù địch (cả hai trường hợp đều không phải là hình thức nhẫn nại bậc cao). Nhưng các bậc trí tuệ cho rằng nhẫn chịu những lời hỗn xược của những người nhỏ hơn mà không vì hai lý do trên, là hình thức nhẫn nại cao nhất.”
Một thuở nọ, trong trận chiến giữa chư thiên cõi (Tāvatiṃsa) Đao lợi thiên và các vị (Asura) A-tu-la, các vị chư thiên bắt sống Vepacitta, vua của Asura, và đưa vị ấy đến trước mặt Sakka. Khi đi vào cũng như ra khỏi hội chúng, vị ấy lăng mạ Sakka bằng những lời chửi mắng thậm tệ, nhưng Sakka nhẫn nại mà không biểu lộ chút sân hận.
Rồi Matali (người đánh xe của Sakka) hỏi chủ nhân của vị ấy tại sao im lặng mà không tỏ chút tức giận khi phải nghe những lời lăng mạ như vậy. Sakka đáp lại bằng bài kệ có nội dung như sau:
Sadatthaparamā atthā, Khantyā bhiyyo na vijjati. Yo have balavā santo.
Dubbalassa titikkhati.
Tam āhu paramaṃ khantiṃ.
Trong tất cả những loại lợi ích, lợi ích của chính mình là cao nhất. Và trong tất cả những hành động đem lại lợi ích cho chính mình thì Nhẫn nại là hành động hay nhất.
Bài giải thích về những đoạn trích dẫn từ các bộ kinh
Dù những đoạn trích dẫn từ bổn sanh Sarabhaṅga và Sakka sampyutta ở trên đặc biệt nói về sự nhẫn nại đối với những sự lăng mạ về lời nói, nhưng cần hiểu thêm rằng nó cũng bao gồm sự nhẫn nại đối với những sự tấn công về thân. Các bộ kinh sở dĩ nêu ra những sự lăng mạ về lời nói là vì chúng thường gặp hơn những sự tấn công về thân. Điều nay có thể tìm thấy từ ví dụ về Đại đức Puṇṇa, trong đó sự nhẫn nại được nêu ra lần lượt đến mức cao nhất là sự nhẫn nại với những sự tấn công về thân.
Trong bổn sanh Khantīvādī Jātaka, ta cũng tìm thấy tấm gương nhẫn nại cao nhất của đạo sĩ Khanivādī khi vua Kalabu hành hạ đạo sĩ không chỉ bằng lời nói mà còn cả hành động về thân, đến mức kết liễu mạng sống của Ngài.
Như đã giải thích ở trên, nhẫn nại là sự kiểm soát chính bản thân không để bản thân nổi giận khi kẻ khác tấn công mình bằng lời nói và hành vi. Nhưng có một hình thức sân hận khác mà không liên quan gì đến những điều sai trái về thân và khẩu của người khác.Giả sử có người thuê một người thợ làm một công việc nào đó và người thợ kia làm việc hết khả năng của mình nhưng người chủ lại không hài lòng với công việc của ông ta và nổi giận. Nếu người chủ kiểm soát cơn nóng giận của mình trong hoàn cảnh như vậy thì đó không phải là nhẫn nại mà chỉ là sự không nổi giận hay vô sân (akkodha)
Trong kinh bổn sanh Mahā Haṃsa, Asīti Nipāta, Pātha Jātaka, Đức Phật dạy về Thập vương pháp, trong đó có akkodha và khantī.
Trong việc thực hiện các mệnh lệnh của vua, những người thừa hành phận sự có thể thi hành tốt và chu đáo nhưng không làm đức vua hài lòng. Không sân là một trong mười vương pháp: Cấm vua không được nổi giận trong trường hợp như vậy. Ngược lại, nhẫn nại là chịu đựng sự công kích bằng lời nói và công việc mà không khởi tâm sân hận, là một phận sự khác của vua.
Có chín nguyên nhân của sân hận liên quan đến bản thân, bạn bè, người thân thương hoặc kẻ thù. Nó cũng có thể khởi sanh khi nghĩ đến những hành động đã qua, đang xảy ra hoặc sẽ xảy ra. Như vậy có 9 nguyên nhân của sân liên quan đến người và liên quan đến thời gian.
(1) Người ta tức giận liên quan đến bản thân khi nghĩ rằng: “Hắn ĐÃ gây thiệt hại đến lợi ích của ta”.
(2) Người ta tức giận liên quan đến bản thân khi nghĩ rằng: “Hắn ĐANG gây thiệt hại đến lợi ích của ta.”
(3) Người ta tức giận liên quan đến bản thân khi nghĩ rằng: “Hắn SẼ gây thiệt hại đến lợi ích của ta.”
(4) Người ta tức giận liên quan đến bạn bè, khi nghĩ rằng: “Hắn ĐÃ gây thiệt hại đến lợi ích của bạn ta.”
(5) Người ta tức giận liên quan đến bạn bè, khi nghĩ rằng: “Hắn ĐANG gây thiệt hại đến lợi ích của bạn ta.”
(6) Người ta tức giận liên quan đến bạn bè, khi nghĩ rằng: “Hắn SẼ gây thiệt hại đến lợi ích của bạn ta.”
(7) Người ta tức giận liên quan đến kẻ thù khi nghĩ rằng: “Hắn ĐÃ làm gia Tăng lợi ích kẻ thù của ta.”
(8) Người ta tức giận liên quan đến kẻ thù khi nghĩ rằng: “Hắn ĐANG làm gia Tăng lợi ích kẻ thù của ta.”
(9) Người ta tức giận liên quan đến kẻ thù khi nghĩ rằng: “Hắn SẼ làm gia Tăng lợi ích kẻ thù của ta.”
(Aṅguttara Pāli, Navaka Nipāta, 1-Paṇṇāsaka, 3-Vagga, 9-Sutta)
Ngoài chín nguyên nhân sân hận kể trên, người ta cũng có thể nổi nóng nếu mưa quá to, gió quá mạnh hoặc trời quá nóng, v.v... Nóng giận đối với những chuyện mà xét ra người ta không nên như vậy thì được gọi là nóng giận phi lý. Đó là sở hữu sân (aṭṭhāna kopa), thường khởi sanh trong những người thiếu suy nghĩ. Để chế ngự loại nóng giận này, cần phải giữ tâm không nóng giận.
Trong bài liệt kê tám loại sức mạnh, nhẫn nại là một trong tám loại ấy (Aṅguttara Pāli, Atthaka Nipāta, I. Paṇṇāsaka, 3. Gahapati Vagga,
7. Sutta). Tám loại sức mạnh là:
(1) La khóc là sức mạnh của đứa bé.
(2) Nóng giận là sức mạnh của người đàn bà.
(3) Khí giới là sức mạnh của bọn cướp.
(4) Quyền thống trị các lãnh thổ là sức mạnh của các vị vua.
(5) Thấy lỗi kẻ khác là sức mạnh của những kẻ ngu..
(6) Cân nhắc kỹ lưỡng là sức mạnh của các bậc trí tuệ.
(7) Suy đi xét lại là sức mạnh của người có học.
(8) Nhẫn nại chịu đựng những điều sái quấy của kẻ khác là sức mạnh của các vị Sa-môn và Bà-la-môn.
Liên quan đến các từ Samaṇa và Brahmaṇa ở mục số (8) trong bản liệt kê ở trên, người ta có thể hỏi rằng liệu các vị được gọi là Sa-môn có địa vị ngang bằng nhau hay không.
Ngoài giáo pháp, Sa-môn có nghĩa là ẩn sĩ hay đạo sĩ. Còn trong giáo pháp, Sa-môn là tỳ khưu, là thành viên của Tăng đoàn, là con của Đức Phật. Chữ Samaṇa đã được nhiều người biết đến như vậy và không cần phải giải thích thêm.
Điều cần phải giải thích chi tiết là chữ Brāhmaṇa. Bài kinh Aggañña trong phẩm Pāthika Vagga, Dīgha Nikāya, có nói về tên gọi “Brāhmaṇa” này đầu tiên được dùng như thế nào.
Vào lúc bắt đầu của thế giới (sau khi loài người đã sống trên trái đất trải qua nhiều đại kiếp) những lối sống ác đã xuất hiện trong họ và họ cử một nhân vật nọ đứng ra cai trị mọi người, đó là vua Mahā Sammata. Lúc bấy giờ, một số người nói rằng: “Thế gian dẫy đầy những thế lực ác. Chúng ta không muốn sống chung với những người quá đồi trụy đến nổi phải có một vị vua đứng ra cai trị. Chúng ta sẽ đi vào rừng và tẩy sạch những lối sống ác này.” Họ bèn đi vào rừng, sống ở đó, tu tập thiền định và chứng đắc các tầng thiền. Vì họ sống theo cách này, nên họ được gọi là Brāhmaṇa, Bà-la-môn.
Brāhmana là từ Pāḷi, có nghĩa là người đã đoạn diệt điều ác. Các vị Brāhmana không nấu ăn, họ sống bằng trái cây đã rụng hoặc đi khất thực trong làng mạc, châu quận. Họ được gọi là Brāhmaṇa vì họ sống cuộc đời phạm hạnh, trong sạch, phù hợp với từ Pāḷi Brāhmaṇa là những Bà-la-môn vì sự thực hành phạm hạnh của họ.
Trải qua nhiều đại kiếp về sau, một số Guṇa brāhmaṇa này không còn hành thiền và không nhập định. Họ sống gần thị trấn và làng mạc. Họ biên soạn và dạy các bộ kinh Phệ đà đến những ai muốn học. Họ không còn hành thiền để đắc định và để tẩy sạch điều ác. Nhưng họ vẫn giữ lại cái tên Bà-la-môn. Bấy giờ họ không còn là Guṇa brāhmaṇa vì họ không có đức tánh của người thực hành phạm hạnh. Họ có thể tự xưng là Jāti brāhmaṇa, nghĩa là các vị Bà-la-môn về dòng giống, là con cháu của những vị Guna brāhmaṇa. Vì họ không thể hành thiền để đắc định nên họ được xếp vào tầng lớp thấp. Nhưng trong quãng thời gian này, nhờ biên soạn và dạy những bộ kinh Phệ đà, họ lại được xem là đáng kính, cao quí. Dù những vị bà-la-môn này không loại bỏ và tẩy sạch những pháp ô nhiễm trong tâm bằng pháp thiền, nhưng họ tự ngâm mình dưới nước dối gạt mọi người, gọi cách thực hành ấy là hành động tẩy rửa những pháp bất tịnh.
Trong Bổn sanh Bhūridatta, chúng ta thấy có đề cập đến lối rửa tội này. Bhūridatta, vua của loài rồng thường đến cõi người để thọ trì giới. Vào một dịp nọ, vị ấy không trở lại cõi rồng đúng thời gian mong đợi. Hai vị rồng em bèn ra đi tìm kiếm vị ấy. Người em trai là Subhoga Nāga, trong khi đi theo con nước của dòng sông Yamunā để tìm kiếm vị ấy, đã đi ngang qua vị Bà-la-môn Nesāda, là người chịu trách nhiệm vì chỉ cho người dụ rắn đến bắt. Vị Bà-la-môn được tìm thấy đang ngâm mình dưới nước của con sông Yamunā để tẩy rửa những hành vi bất tịnh về hành vi phản bội của ông ta.
Đức Phật chỉ nhắm đến Guṇa brāhmaṇa khi Ngài nói rằng nhẫn nại là sức mạnh của Sa-môn hoặc Bà-la-môn. Các vị đạo sĩ được mô tả trong bài kinh Aggañña Sutta, mặc y phục trắng, hành đạo để loại trừ ô nhiễm, là những vị Bà-la-môn bình thường hoặc có huyết thống bà- la-môn. Nhưng khi Đức Phật xuất hiện và bắt đầu thuyết pháp độ sinh, Ngài mô tả những phẩm hạnh mà qua đó một người được gọi Bà-la- môn. Trong bộ Pháp cú kinh, Đức Phật dành trọn phẩm Brāhmaṇa Vagga gồm 42 câu kệ để giải thích đầy đủ những đức tánh cao quí và những ai có những đức tánh ấy mới đáng được gọi là Bà-la-môn. Những vị Bà-la-môn như vậy tất cả đều là Guṇa brāhmaṇa. Tuy nhiên, những vị Bà-la-môn thuộc huyết thống đã bị chia chẻ thành nhiều phần nhỏ.
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B