THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 1A] [Tiếp theo]
Chữ Pāḷi ‘adiṭṭhāna’ thường được dịch là ‘quyết định’. Nếu ai thực hành Quyết định Ba-la-mật này, người ấy phải an trú nó trong tâm của mình một cách vững chắc và kiên cố. Đó là lý do khiến Bồ-tát
Sumedha khi suy xét về Quyết định Ba-la-mật, đã ví nó như một núi đá vững chắc không bị lung lay trước những luồng gió mạnh.
Từ sự so sánh này, điều rõ ràng là adiṭṭhāna có nghĩa là giữ vững trong tâm điều mà người ta quyết định làm. Do đó, nếu người ta muốn chứng đắc Đạo Quả hoặc Nhất thiết trí (tức là nếu quyết tâm trở thành một vị Phật) thì vị ấy phải có quyết tâm thực hành pháp để thành đạt những mục tiêu ấy, và sự quyết tâm ấy phải vững chắc như núi đá.
Như vậy, sự quyết định được ví như ngọn núi bất động và có nhiều loại quyết định đã được mô tả trong các bài kinh.
Chương Uposathakkhandhaka của bộ Vinaya Mahāvagga có kể ra ba loại Uposatha: Saṅgha Uposatha, Gaṇa Uposatha và Puggala Uposatha. Saṅgha Uposatha được thọ trì bởi ít nhất là bốn vị Tăng trong khu vực của Sīmā, vào ngày rằm và ngày mồng một. Ở đó một vị tỳ khưu đứng ra tụng giới Bổn tóm tắt và những vị còn lại thì cung kính lắng nghe. Sự thọ trì như vậy cũng được gọi là Sutt’uddesa Uposatha (Uposatha được thọ trì bằng sự tụng đọc giới Bổn tóm tắt).
Nếu chỉ có hai hoặc ba vị tỳ khưu, thì họ thọ trì Gaṇa Uposatha vì chữ Saṅgha được sử dụng phải có tối thiểu bốn vị. Nếu số tỳ khưu là ba vị thì trước hết phải tụng tuyên ngôn Bố cáo (Gaṇa). Nếu hai vị thì không cần tụng tuyên ngôn bố cáo. Sau đó mỗi vị nói lên sự trong sạch của mình bằng câu Pāḷi. Do đó, lễ này được gọi là Parisuddhi Uposatha (lễ Uposatha là lễ mà mỗi vị tỳ khưu nói lên sự trong sạch của riêng mình).
Nếu chỉ có một vị tỳ khưu thì vị ấy thọ trì Puggala Uposatha. Nhưng trước khi làm như vậy, vị ấy nên đợi các vị tỳ khưu khác có đến hay không nếu còn thì giờ. Nếu đợi mà không thấy vị tỳ khưu nào đến thì vị ấy thọ trì uposatha một mình. Đức Phật đã ban hành cách nguyện uposatha một mình như sau: “Hôm nay là ngày uposatha của tôi.” Sự chú nguyện như vậy có nghĩa là vị ấy thường xuyên ghi nhớ ngày này. Uposatha như vậy được gọi là Adhiṭṭhāna Uposatha (Uposatha được giữ vững trong tâm của mình). Đây là quyết định liên quan đến uposatha.
Các vị tỳ khưu làm công việc adhiṭṭhāna hay vikappana đối với y trong vòng mười ngày sau khi thọ lãnh nó. Nếu để y quá mười ngày mà không nguyện thì y ấy phải bị xả bỏ theo luật. Vị tỳ khưu có y ấy cũng phạm tội pacittiya. Do vậy, trong vòng mười ngày sau khi thọ lãnh y. Vị tỳ khưu phải chú nguyện như vầy: “Tôi nguyện mặc y nầy.” Khi ấy y hợp lệ, không bị xả bỏ và vị tỳ khưu cũng không phạm tội. Chú nguyện y có nghĩa là quyết định chắc chắn sẽ dùng y ấy (trong Vinaya Pārajika).
Tương tự, khi vị tỳ khưu có bát, vị ấy nên chú nguyện nó trong vòng mười ngày sau khi thọ lãnh. Cách chú nguyện như vầy: “Tôi nguyện dùng bát này.” Nếu trong vòng mười ngày mà không chú nguyện thì bát ấy phải bị xả bỏ theo luật và vị tỳ khưu ấy cũng phạm tội pācittiya. Chú nguyện bát có nghĩa là quyết định chắc chắn rằng: “Vật chứa đựng này là bát của tôi.” Adhiṭṭhāna trong ba trường hợp này được dùng như là từ chuyên môn thuộc về Luật (Vinaya). Nó không liên quan gì đến ba trường hợp sau đây:
Trường hợp về thiền (jhāna), chẳng hạn khi Sơ thiền đã được chứng đắc, hành giả nên trau dồi và phát triển thiền bằng năm cách thuần thục (vasībhāva). Năm cách ấy đã được miêu tả trong bộ Pathavikasina Niddesa và ở những chỗ khác của bộ Visuddhi-magga. Vasīhāva có nghĩa là “thuần thục”. Thế nên năm cách vasībhāva là năm loại thuần thục. Khi sơ thiền đã chứng đắc rồi, hành giả phải tiếp tục tu tập nó cho đến khi thuần thục trong thiền bằng cả năm cách.
Loại thuần thục thứ nhất là Āvajjhana – “quán xét”, nghĩa là quán xét các chi thiền và quán xét về đặc tánh của mỗi chi thiền. Lúc đầu vị ấy còn gặp khó khăn trong việc nhận rõ chúng. Có thể có sự chậm trễ vì vị ấy chưa thuần thục trong việc quán xét. Khi đã có kinh nghiệm rồi, vị ấy sẽ phân biệt được chúng rõ ràng hơn. Khi ấy hành giả được xem là có sự quán xét thuần thục.
Loại thuần thục thứ hai là Sampajjana - “nhập định”, tâm thiền nhập vào dòng tâm (nghĩa là tâm thiền liên tục sanh khởi trong dòng tâm). Sau khi thuần thục trong sự quán xét, vị ấy phải thuần thục trong việc nhập định. Vị ấy có thể làm như vậy bằng cách thực hành nhiều lần pháp thiền mà vị ấy đã chứng đắc (cũng như việc đọc nhiều lần một đoạn văn, người ta có thể thuộc nằm lòng nó). Nếu vị ấy cố gắng nhập định khi chưa thuần thục thì tâm thiền sẽ không khó sanh khởi trong dòng tâm thức. Sự nhập định sẽ dễ dàng hơn chỉ sau khi việc tu tập thiền được thuần thục. Khi đó vị ấy được xem là thuần thục trong việc nhập định.
Loại thứ ba là Abdhiṭṭhāna – “nguyện”, nghĩa là quyết định trú trong thiền thời gian bao lâu tùy theo ý muốn. Nếu hành giả cố gắng quyết định thời gian nhập định trước khi thuần thục thì tâm thiền có thể xảy ra trong thời gian dài hơn hoặc ngắn hơn thời gian mà hành giả nguyện. Giả sử hành giả nguyện rằng: “Tôi nguyện nhập định trong một tiếng đồng hồ” thì pháp thiền ấy sẽ tự động xả trước hoặc sau một tiếng đồng hồ. Sở dĩ như vậy là vì nguyện của hành giả chưa thuần. Khi nguyện đã thuần thục thì hành giả có thể trú trong thiền đúng thời gian mà hành giả đã quyết định. Khi đó hành giả được xem là có nguyện thuần thục.
Loại thứ tư là Vuṭṭhāna - “xuất định” (nghĩa là sự chuyển tâm thiền qua trạng thái hữu phần, bhavaṅga-citta). Sự thuần thục trong việc xuất định đúng thời gian mà vị ấy quyết định gọi là vuṭṭhāna- vasībhāva.
Loại thứ năm là Paccavekkhaṇā - “sự xét lại”, tức là xem lại tất cả các chi thiền. Sự xét lại giống như ở loại quán xét (āvajjana), chúng không hiện bày một cách dễ dàng do thiếu sự thuần thục. Chi khi nào hành giả đạt được sự thuần thục, chúng mới hiện bày dễ dàng hơn. (Āvajjana- Quán xét là một giai đoạn trong tiến trình xét lại. Paccavekkhaṇa - Xét lại là giai đoạn xảy ra ngay sau khi quán xét. Nếu vị ấy có Āvajjana - quán xét thuần thục thì vị ấy cũng có Paccavekkhaṇa - xét lại thuần thục. Do đó, người có sự quán xét thuần thục thì cũng có sự xét lại thuần thục).
Trong năm loại thuần thục, loại mà chúng ta cần xét đến là Nguyện thuần thục (adhiṭṭhāna-vasībhāva).
Chương Iddhividha Niddesa của bộ Visuddhi-magga kể ra mười loại iddhi (Thần thông) như sau:
(1) Adhiṭṭhāna iddhi - Nhiếp thọ thần thông.
(2) Vikubbana iddhi - Biến hóa thần thông.
(3) Manomaya-iddhi (Ý sở thần thông)
(4) Ñāṇavipphāra-iddhi (Trí tuệ mãn thần thông)
(5) Samādhivipphāra-iddhi (Định mãn thần thông)
(6) Ariya-iddhi (Thánh thần thông)
(7) Kammavipākaja-iddhi (Nghiệp dị thục thần thông)
(8) Puññavanta-iddhi (Cụ phước thần thông)
(9) Vijjāmaya-iddhi (Chú thuật sở thần thông)
(10) Sammāpayoga-iddhi (Chánh gia hành thần thông)
(Iddhi là chữ Pāli, có nghĩa là sự thành tựu, sự thành đạt nguyện ước. Ở Myanmar nó có nghĩa là thần thông.)
(1) Idhiṭṭhāna-iddhi (Nhiếp thọ thần thông) là thần thông liên quan đến nguyện. Ví dụ khi người ta nguyện: “Hãy hiện ra một trăm hoặc một ngàn con người của tôi.” Khi ấy sẽ có hiện ra một trăm hoặc một ngàn người đúng như quyết định của vị ấy. (Đó là thần thông hóa hiện ra những con người giống y như vị ấy, luôn cả con người thật của vị ấy. Những con người như vậy có thể có cùng oai nghi với người thật hoặc khác).
(2) Vikubbana-iddhi (Biến hóa thần thông) là thần thông biến hóa chính mình thành rồng hoặc Kim xí điểu. (Vi: nghĩa là “khác nhau” và kubana là “tạo ra”. Loại thần thông làm cho chính mình có những hình tướng khác nhau như ý muốn).
(3) Manomaya-idhi (Ý sở thần thông) là thần thông biến ra hình tướng do ý tạo, tức là tạo ra hình tướng thu nhỏ của chính mình.
(4) Ñāṇavipphāra-iddhi (Trí tuệ mãn thần thông) là thần thông liên quan đến hiện tượng kỳ diệu do ảnh hưởng của trí tuệ siêu thế sắp xảy ra. Năng lực này sẽ được hiểu rõ hơn ở câu chuyện về Bākula và những câu chuyện khác.
Chuyện Bākula xuất hiện trong phần Chú giải về phẩm Etadagga Vagga, Ekaka Nipāta của bộ Aṅguttara Nikāya. Sau đây là tóm tắt tinh hoa của câu chuyện.
Bākula là con trai của một vị trưởng giả ở Kosambi. Vào ngày lễ đầy tháng của cậu bé, cậu bé được đem đến con sông Yamuna để làm lễ tắm nước và bị một con cá lớn nuốt chửng vào bụng. Con cá cảm thấy rất nóng ở dạ dày và lội đi. Khi nó lội đến Bārāṇasī thì một ông chài lưới nọ bắt được nó và đem nó vào thành phố bán. Người vợ của một trưởng giả mua con cá và khi người ta mổ bụng con cá thì một đứa bé xinh đẹp được tìm thấy ở bên trong con cá. Vì người vợ của vị trưởng giả không có con và khao khát có được một mụn con nên nàng rất sung sướng mà nói rằng: “Đây chính là đứa con của ta.”
Khi cha mẹ ruột ở Kosambi nghe tin ấy, họ vội vã đến Bārāṇasī để đòi lại đứa con. Nhưng người đàn bà ở Bārāṇasī từ chối trả lại, nói rằng: “Đứa bé đến với chúng tôi do trời ban. Chúng tôi không thể trả lại cho ông bà được.” Rồi họ kéo nhau đến quan tòa và quan tòa phán rằng cả hai gia đình đều được làm cha mẹ của đứa bé. Như vậy cậu bé có hai mẹ và hai cha, và vì thế mà cậu bé có tên là Bākula (Bā: hai, kula: gia đình; cậu bé có hai gia đình).
Chính do sự mầu nhiệm mà cậu bé được vô hại dù bị nuốt trong bụng của con cá. Sự mầu nhiệm ấy là do năng lực của A-la-hán Đạo tuệ (arahatta-magga ñāṇa) mà Bākula sẽ chứng đắc ngay trong chính kiếp sống này. (Hoặc có thể do năng lực của Trí tuệ Ba-la-mật tiềm ẩn trong cậu bé giúp cậu bé sau này chứng đắc A-la-hán Đạo tuệ (arahatta-magga ñāṇa) ngay trong chính kiếp ấy). Năng lực ấy gọi là Trí tuệ mãn thần thông - Ñāṇavipphāra-iddhi
Cô con gái của một gia chủ ở thành Sāvatthi mang thai cậu bé Saṅkicca. Người mẹ chết khi sắp sanh đứa bé. Khi xác người mẹ được hỏa táng, người ta đâm xuyên vào xác chết ấy bằng những cây sắt để xác chết cháy nhanh hơn. Một cây sắt xuyên qua bụng người mẹ và trúng nhằm con mắt của đứa bé làm cho đứa bé bật khóc. Biết rằng đứa bé vẫn còn sống, người ta vội vàng đem xác của người mẹ xuống khỏi giàn hỏa, mổ bụng xác người mẹ và đem đứa bé ra. Đứa bé được nuôi dưỡng và đến năm lên bảy tuổi xuất gia theo giáo pháp của Đức Phật và trở thành một vị A-la-hán.
Sự thoát khỏi cái chết một cách kỳ diệu của đứa bé cũng do bởi năng lực của A-la-hán Đạo tuệ (arahatta-magga ñāṇa). (Hoặc do Trí tuệ Ba-la-mật (pāramī-ñāṇa) tiềm ẩn trong đứa bé giúp cậu chứng đắc arahatta-magga ñāṇa).
(5) Samādhivipphāra-iddhi (Định biến mãn thông) là năng lực do ảnh hưởng của định. Những hiện tượng kỳ lạ xảy ra khi sắp hoặc đang hoặc vừa mới nhập định do ảnh hưởng của samādhi. Năng lực kỳ diệu như vậy được gọi là Samādhivipphāra-iddhi. Bộ Visuddhimagga mô tả một số câu chuyện liên quan đến loại thần thông này, ở đây chỉ giới thiệu câu chuyện về trưởng lão Sāriputta.
Một dạo nọ, khi tôn giả Sāriputta cùng với tôn giả Moggallāna đang trú ngụ ở một hẻm núi có tên là Kapota, với cái đầu vừa mới cạo láng bóng Ngài ngồi nhập định giữa chỗ vùng đất trống suốt một đêm trăng sáng. Một dạ xoa tinh nghịch đi cùng với bạn của hắn đến và trông thấy cái đầu cạo nhẵn sáng bóng của trưởng lão nên muốn dùng cái chày của hắn gõ vào cái đầu trưởng lão. Dạ xoa bạn khuyên hắn không nên làm vậy. Nhưng hắn đã không nghe và dùng hết sức mình đánh vào đầu trưởng lão. Cú đánh rất dữ dội đã phát ra tiếng nổ kinh hồn. Nhưng trưởng lão không cảm thấy đau đớn gì nhờ năng lực của định đã thấm nhuần toàn thân của trưởng lão.
(6) Ariya-iddhi (Thánh thần thông): Khi các bậc Thánh (Ariya) muốn quán những vật bất tịnh là tịnh hoặc quán những vật thanh tịnh là bất tịnh thì các Ngài có thể làm như vậy một cách tự tại. Năng lực như vậy của bậc Thánh quán bất cứ đối tượng nào bằng cách nào theo ý muốn, được gọi là Thánh thần thông (Thần thông của các bậc Thánh).
(7) Kammavipākaja-iddhi (Nghiệp dị thục thần thông): Chim bay trên trời. Sở hữu khả năng bay chúng không cần phải nỗ lực trong kiếp hiện tại. Đấy là kết quả những gì chúng đã làm trong quá khứ. Chư thiên, Phạm thiên, v.v... cũng có khả năng đi trong hư không. Năng lực ấy được gọi là nghiệp Dị thục sanh thần thông – Kammavipākaja Iddhi.
(8) Puññavanta-iddhi (Cụ phước thần thông): Các vị Chuyển luân vương (Cakkavatti) v.v... có thể đi trong không trung. Họ có thể làm như vậy vì họ đã tích lũy rất nhiều phước. Những người đi theo vị Chuyển luân vương cũng có thể đi xuyên qua hư không nhờ đi chung với Chuyển luân vương, là người sở hữu thật sự các điều phước. Những của báu phát sanh đến những người giàu có thuở xưa như Jotika, Jātila, Ghosaka, Meṇḍaka, v.v... cũng do Puññavanta Iddhi.
(Sự khác biệt giữa Kammavipākaja-iddhi và Puññavanta-iddhi: Kammavipākaja-iddhi là năng lực không phải do những nghiệp thiện người ta thực hiện trong kiếp hiện tại mà do những thiện nghiệp được làm trong kiếp quá khứ; nó kết hợp với sự sanh của người ta. Puññavanta Iddhi không những do những thiện nghiệp trong quá khứ mà còn do những cố gắng trong hiện tại để hỗ trợ những nghiệp đó; nó không kết hợp với sự sanh của người ta; nó thành tựu và họat động chỉ khi nào được hỗ trợ bởi những thiện nghiệp trong hiện tại của người ấy. Ví dụ: Đối với vị Chuyển luân vương, xe báu không xuất hiện vào lúc vị ấy mới sanh ra. Xe báu chỉ xuất hiện vào lúc vị ấy thọ trì giới và thực hành một số phận sự đặc biệt của vị Chuyển luân vương. Cho nên năng lực đặc biệt này không hoàn toàn do nghiệp quá khứ mà còn do sự hỗ trợ của những thiện nghiệp hiện tại của vị ấy nữa).
(9) Vijjāmaya-iddhi (Minh sở thần thông) là phép thuật của những chú thuật sư, thầy bùa.
(10) Sammāpayoga-iddhi (Chánh gia hành thần thông) là năng lực phát sanh từ các thành tựu khác nhau (phạm vi của loại thần thông này rất rộng. Đạo và Quả được chứng đắc do những cố gắng đúng pháp là hình thức cao nhất của sammāpayoga- iddhi. Tóm lại, tất cả những thành tựu do học được từ các nghề, các môn nghệ thuật, Tam Phệ đà, Tam tạng, hoặc (nói đơn giản hơn) từ những công việc về đồng áng như cày, cấy, v.v... tất cả đều là sammāpayoga-iddhi.
Trong mười loại thần thông này, idhiṭṭhāna-iddhi (Nhiếp thọ thần thông) là năng lực của nguyện để biến ra trăm hoặc ngàn con người của chính mình. Đó là thần thông của đại đức Cūla Panthaka và những vị khác nữa. Người bình thường không làm được như vậy vì họ không có jhāna hay samādhi.
Khi một vị angami (A-na-hàm) hay arahat đã đắc bát định (samāpatti) mà muốn nhập Thiền diệt (nirodha-samāpatti) thì vị ấy nguyện như vầy: “Suốt thời gian nhập định của tôi, nguyện cho những vật dụng của tôi mà ở cách xa tôi không bị hoại diệt. Nếu chư Tăng cần sự hiện diện của tôi, tôi có thể xuất khỏi định trước khi có người đến báo tin. Nguyện cho tôi có thể làm như vậy khi Đức Phật gọi tôi.” Chỉ sau khi nguyện như vậy, vị ấy mới nhập vào thiền diệt – samāpatti.
Theo ý nguyện của vị ấy, suốt thời gian nhập định, những tư cụ của vị ấy ở cách xa không thể bị hủy hoại bởi năm loại kẻ thù. Khi chư Tăng có việc cần đến vị ấy trong chính thời gian đó thì vị ấy liền xuất định trước khi có người đến báo tin. Vị ấy cũng xuất định ngay khi Đức Phật gọi đến vị ấy. Những vật dụng trên thân vị ấy như y phục, v.v... cũng không thể bị xâm phạm bởi năm loại kẻ thù ngay cả vị ấy không chú nguyện.
Adhiṭṭhāna (nguyện) có ba loại:
(1) Pubbanimitta Adhiṭṭhāna (Tiền tướng nguyện) là nguyện thực hiện để cho các điềm báo xuất hiện trước khi sự việc xảy ra.
(2) Āsisa Adhiṭṭhāna (Cầu ước nguyện) là nguyện thực hiện để cho ước muốn trở thành sự thật.
(3) Vata Adhiṭṭhāna (Hạnh nguyện) là nguyện thực hành viên mãn phận sự
Loại Adhiṭṭhāna này có thể tìm thấy trong câu chuyện Campeyya Jātaka của chương Vīsati Nipāta và những câu chuyện khác. Đây là câu chuyện tóm tắt từ Bổn sanh Campeyya: Khi chúa rồng Campeyya báo tin với hoàng hậu Sumana của vị ấy rằng vị ấy sẽ đi đến cõi người để thọ trì giới, hoàng hậu nói rằng: “Cõi người nhiều nguy hiểm lắm. Nếu có điều gì xảy đến với hoàng thượng thì thiếp phải nhìn vào những tướng nào để biết được? Chúa Rồng dẫn hoàng hậu đến hồ nước của hoàng gia và nói rằng: “Hãy nhìn vào hồ nước này. Nếu ta bị kẻ thù bắt thì nước sẽ trở nên đen. Nếu ta bị Kim xí điểu bắt thì nước sẽ sủi bọt. Còn nếu ta bị thầy rắn bắt thì nước sẽ chuyển sang màu đỏ như máu.” Sau đó chúa Rồng lên cõi người để thọ trì giới mười bốn ngày.
Sau một tháng, long vương không trở về nhà vì vị ấy bị một ông thầy rắn bắt. Lo lắng cho sự an nguy của chồng, hoàng hậu đi đến hồ nước và thấy mặt hồ có màu đỏ như máu.
Sự chú nguyện của chúa rồng Campeyya là Pubbanimitta Adhiṭṭhāna (Tiền tướng nguyện) vì vị ấy đã nguyện trước khi những điềm tướng xuất hiện đúng theo sự quyết định của vị ấy.
Tương tự, theo bài giới thiệu của bộ Chú giải bổn sanh, khi Thái tử Siddhattha xuất ly thế gian, Ngài cắt tóc tung lên trời sau khi phát nguyện rằng: “Nếu tôi chứng ngộ Nhất thiết trí thì xin cho mớ tóc này nằm yên trong không trung; nếu không thì nó sẽ rơi xuống đất.” Tóc đã treo lơ lửng trong không trung. Sự phát nguyện này cũng vậy, được thực hiện để biết trước rằng Ngài có thành Phật hay không, là Pubbanimitta Adhiṭṭhāna.
Lại nữa, sau sáu năm kiên trì khổ hạnh, khi Ngài ăn món cơm sữa do nàng Sujāta dâng cúng ở bờ sông Nerañjara, Ngài tung cái bát vào giữa dòng sông với phát nguyện như vầy: “Nếu ta thành Phật, thì cái bát bằng vàng này trôi ngược dòng nước; nếu không thì cái bát vàng trôi xuôi dòng nước.” Và cái bát kia đã trôi ngược dòng nước rồi chìm xuống nằm bên cạnh chỗ Rồng chúa Kāla đang nằm. Sự phát nguyện này cũng là Pubbanimitta Adhiṭṭhāna.
Tương tự, bất cứ nguyện nào được thực hiện trong thế gian này với mục đích biết trước qua điềm tướng rằng ước nguyện của người ta có thành tựu hay không, nguyện ấy là Pubbanimitta Adhiṭṭhāna, loại nguyện này hiện nay vẫn còn thông dụng. Một số người thường đến chùa hoặc miếu thần để trên bàn tay một hòn sỏi và cầu nguyện như vầy: “Nếu kế hoạch của tôi được thành công thì cho viên sỏi này trở nên nặng hơn; nếu không thì viên sỏi này sẽ nhẹ hơn,” hay ngược lại Sau khi cầu nguyện rồi, họ chú tâm vào viên sỏi trên bàn tay xem nó nặng hơn hay nhẹ hơn.
Āsīsa Adhiṭṭhāna là loại nguyện được thực hiện để làm thành tựu ước muốn. Loại nguyện này có thể tìm thấy ở Bổn sanh Vidhura.
(Khi vị quan Vidhura sắp bị dạ xoa Puṇṇaka bắt đi khỏi tay của vua Korabya vì vua đã thua cá độ với dạ xoa trong cuộc chơi súc sắc). Chú giải câu kệ 197 thuộc bổn sanh này giải thích rằng: Sau khi dũng cảm tuyên bố: “Ta không sợ chết,” Vidhura nguyện rằng: “Nguyện cho y phục này không rời khỏi người tôi.” Khi quán xét về các pháp Ba-la- mật của vị ấy, Vidhura buộc chặt y phục vào người và nắm lấy đuôi con ngựa đi theo Puṇṇaka bằng sự dũng cảm của con sư tử chúa. Đây là loại Āsīsa Adhiṭṭhāna.
Trong bổn sanh Nalapana của phẩm Sīla Vagga, Ekaka Nipāta, tám chục ngàn con khỉ do khỉ chúa là tiền thân của Bồ-tát lãnh đạo. Khỉ chúa thấy khó uống nước trong một cái hồ được bảo vệ do một dạ xoa nước. Khỉ chúa lấy một cây sậy mọc ở quanh hồ và nguyện cho cây sậy rỗng ruột từ gốc tới ngọn. Ước nguyện của khỉ chúa được thành tựu, nhưng có quá nhiều khỉ uống nước từ một cây sậy rỗng ruột như vậy nên khỉ chúa lại nguyện rằng: “Xin cho tất cả những cây sậy ở quanh hồ đều rỗng ruột.” Lời nguyện của khỉ chúa được thành tựu, loại nguyện này là Āsīsa Adhiṭṭhāna.
Bổn sanh Kukkura của phẩm Kurunga, Ekaka Nipāta kể rằng những sợi dây da trên chiếc vương xa của vua Brahmadatta xứ Baranasī bị gặm nát bởi những con chó ở ngoài kinh thành và vì vậy quân lính của nhà vua được lịnh săn giết chúng. Do vậy những con chó ở ngoài kinh thành không dám đi vào bên trong kinh thành mà tụ họp thành đàn ở một bãi tha ma. Sau khi tìm hiểu vấn đề và biết chắc rằng những con chó ở trong kinh thành đã gặm những sợi dây da ấy, chó đầu đàn, tức Bồ-tát, bèn bảo bầy chó hãy chờ đợi, còn vị ấy thì lên đường đi vào hoàng cung. Trên đường đi, Ngài luôn niệm tưởng các pháp Ba-la-mật, rải tâm bác ái và phát nguyện: “Xin đừng ai ném đá hoặc gậy gộc vào tôi.” Nguyện này cũng vậy làm thành tựu ước muốn của vị ấy là đem lại sự an ổn cho những con chó ở ngoài kinh thành, nên được gọi là Āsīsa Adhiṭṭhāna.
Bổn sanh Mātaṅga của chương Vīsati Nipāta cũng kể lại rằng: Dưới triều đại của vua Brahmadatta xứ Bārāṇasī, Bồ-tát của chúng ta sanh vào giai cấp hạ liệt của những người Chiên-đà-la (candala), có tên là Mātaṅga. Con gái của một vị trưởng giả ở thành Bārāṇasī có tên là Diṭṭha Maṅgalikā thường tin vào những cảnh có điềm may mắn. Một hôm nàng cùng với những tớ gái của nàng đi đến một lạc viên nọ để vui chơi. Trên đường đi, nàng gặp Mātaṅga đang đi vào thành phố. Dù Mātaṅga đã tránh qua một bên vì thân phận thấp hèn của mình, nhưng do đã trông thấy con người của cậu ta khiến Diṭṭha Maṅgalikā mất hứng thú vì nghĩ đây là điềm không may mắn và quay về nhà. Gia nhân của nàng nổi giận cho rằng Mātaṅga đã làm họ mất đi cuộc vui và họ đã đánh đập Mātaṅga đến bất tỉnh rồi bỏ đi. Khi Mātaṅga tỉnh lại, vị ấy tự nhủ: “Những người của Diṭṭha Maṅgalikā đã hành hạ một người vô tội như ta.” Rồi vị ấy đi đến nhà của Diṭṭha Maṅgalikā và nằm vạ ở trước nhà với quyết định rằng: “Ta sẽ không đứng dậy cho đến khi ta lấy được nàng mới thôi.” Lời nguyện của vị ấy được thực hiện để nhiếp hóa tánh cao ngạo của nàng, được gọi là Āsīsa Adhiṭṭhāna.
Chú giải của bộ Mahāvagga trong tạng Luật cũng vậy, mô tả như vầy: Sau khi thành đạo, Đức Phật trải qua bảy tuần lễ ở bảy chỗ trong khu vực của cây bồ đề, mỗi chỗ Ngài ở một tuần. Sau bảy ngày của tuần lễ cuối cùng ở cội cây Rajayatana, có hai anh em thương nhân Tapussa và Bhallika đi đến và dâng cúng Ngài một số bánh. Đức Phật suy xét làm cách nào để thọ lãnh số bánh ấy (cái bát do Phạm thiên Ghatikāra dâng đến Đức Phật đã biến mất vào ngày Ngài nhận món cơm sữa từ nàng Sujāta). Khi ấy bốn vị Thiên vương dâng đến Ngài bốn cái bát bằng đá cẩm thạch. Nhưng Đức Phật không nhận chúng. Rồi Tứ thiên vương dâng đến Ngài bốn cái bát bằng đá có màu đỏ sậm. Để làm Tăng trưởng đức tin của họ, Đức Phật nhận bốn cái bát ấy và chú nguyện rằng: “Nguyện cho bốn cái bát này biến thành một.” Rồi bốn cái bát biến thành một với bốn vòng mép đồng tâm. Sự chú nguyện này của Đức Phật là Cầu ước nguyện (Āsīsa Adhiṭṭhāna).
Dường như Pubbanimitta Adhiṭṭhāna (Tiền tướng nguyện) và Āsīsa Adhiṭṭhāna (Cầu ước nguyện) của phần Adhiṭṭhāna này và Icchāpūrana Sacca, của phần nói về Sacca - pháp Chân thật là một, vì tất cả những pháp này có liên quan đến sự thành tựu ước nguyện của con người.
Về Icchāpūrana-sacca, khi mẹ cha của Suvaṇṇa Sāma và nữ thần Bahusundarī, mỗi người đều nói lên lời nguyện của họ để chất độc trong người của Suvaṇṇa Sāma tiêu tan. Về Pubbanimitta Adhiṭṭhāna (Tiền tướng nguyện) cũng vậy, khi Bồ-tát cắt tóc và tung lên trời, Ngài cũng nguyện cho mớ tóc đứng yên trong không trung nếu Ngài sẽ thành Phật. Còn Āsīsa Adhiṭṭhāna (Cầu ước nguyện) cũng vậy, khi Vidhura lập nguyện, ước muốn của vị ấy là giữ y phục được toàn vẹn. Mối quan hệ giữa những lời nguyện này với những ước muốn làm cho người ta nghĩ rằng tất cả chúng đều như nhau. Đó là lý do khiến một số người ngày nay kết hợp hai từ Sacca và Adhiṭṭhāna thành một khi họ nói rằng: “Chúng ta thực hành sacca-adhiṭṭhāna.”
Trên thực tế, sacca là một pháp và adhiṭṭhāna là pháp khác trong mười pháp Ba-la-mật. Thế nên, chúng là hai pháp khác nhau và sự khác biệt của chúng là như thế này: như đã nói ở trước, sacca là sự thật dù nó thiện hay bất thiện; ước nguyện dựa trên sự thật ấy là icchāpūrana. Nhưng khi ước nguyện không dựa vào một sự thật nào, sự quyết tâm tự nguyện để làm cho điều ước được thành tựu là adhiṭṭhāna.
Giải rõ: Trong Bổn sanh Suvaṇṇasāma, khi cha mẹ của vị ấy thực hiện tác chứng, họ nói: “Từ trước đến giờ Sāma chỉ thực hành theo lẽ chánh” (Là sự thật làm nền tảng) và họ nói tiếp: “Do lời chân thật này, cầu cho chất độc trong người của con trai tôi biến mất.” (Là điều ước của họ). Sự bày tỏ điều ước như vậy dựa vào điều có thật là Icchāpūrana-sacca.
Khi Bồ-tát tung mớ tóc vào không trung với lời nguyện rằng: “Nếu ta thành Phật thì mớ tóc hãy đứng yên trong không trung.” Ngài làm như vậy mà không dựa vào sự thật nào, vì thế nó là Āsīsa adhiṭṭhāna.
Sự chú nguyện của Vidhura khi vị ấy sắp nắm đuôi con ngựa thần và đi theo Puṇṇaka: “Nguyện cho y phục của ta được toàn vẹn.” cũng là Āsīsa adhiṭṭhāna vì nó không có sự thật nào làm nền tảng mà chỉ là sự quyết tâm trong ước muốn của vị ấy.
Như vậy sự khác biệt giữa sacca và adhiṭṭhāna tùy thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của sự thật làm nền tảng.
Có những thói quen và sự thực hành mà người ta làm giống như của con bò (gosila và govata): Bò ăn cỏ, đại tiện trong tư thế đứng. Trong thời Đức Phật, có một số đạo sĩ đã thực hành lối sống của bò vì họ tin một cách sai lầm rằng làm như vậy họ sẽ được thanh tịnh và thoát khỏi luân hồi. (Điều này không có nghĩa là loài vật có tà kiến ấy, chỉ những đạo sĩ bắt chước theo chúng mới mang tà kiến ấy). Sự thực hành này có liên quan đến điều ác.
Nhưng adhiṭṭhāna không liên quan gì đến những lối thực hành sai lạc như vậy, vì nó thuộc về sự thực hành Ba-la-mật. Ở đây vata chỉ về những sự thọ trì các pháp hành cao quý như bố thí, trì giới, v.v... Khi người ta nguyện thọ trì những pháp hành này thì hành động như vậy được gọi là Vata adhiṭṭhāna (Hạnh nguyện), nhưng chỉ nguyện suông thì không đủ để gọi là thực hành Quyết định Ba-la-mật. Lý do là adhiṭṭhāna không thuộc về quá khứ hoặc hiện tại. Người ta thực hành Quyết định Ba-la-mật tức là người ấy sẽ làm đúng với lời nguyện khởi phát bây giờ. Dù hiện tại người ấy nguyện có chí thành đến mấy đi nữa mà không thực hành thì nguyện ấy sẽ trở nên vô nghĩa, không lợi ích gì cả.
Những loại nguyện như nguyện về Uposatha, nguyện về y bát thì không được bao gồm trong Tiền tướng nguyện (Pubbanimitta Adhiṭṭhāna), Cầu ước nguyện (Āsīsa Adhiṭṭhāna) và Hạnh nguyện (Vata Adhiṭṭhāna), vì chúng là những loại nguyện mà điều Luật bắt buộc. Nói cách khác, nguyện (adhiṭṭhāna) của người có năm pháp thuần thục (vasībhāva), nguyện (adhiṭṭhāna) đi trước thiền Diệt (Nirodhasamāpatti) và nguyện thuộc về 10 Iddhi là những nguyện thuộc loại Cầu ước nguyện - Āsīsa adhiṭṭhāna.
Về ba loại Adhiṭṭhāna này, chư Bồ-tát đương lai thực hành Tiền tướng nguyện (Pubbanimitta adhiṭṭhāna) và Cầu ước nguyện (Āsīsa adhiṭṭhāna) không phải là các Ngài đang thực hành Quyết định Ba-la- mật, mà để đáp ứng một số nhu cầu cần thiết trong những hoàn cảnh nào đó. Nói cách khác, chính Hạnh nguyện (Vata Adhiṭṭhāna) được xem như là Quyết định Ba-la-mật mà các Ngài thực hành cho mục tiêu giác ngộ A-la-hán đạo trí hoặc Nhất thiết trí.
Sau đây là đoạn trích dẫn từ Hạnh Tạng (Cariyā Pitaka), cho thấy sự thực hành Quyết định Ba-la-mật của các vị Bồ-tát.
Nisajja pāsādavare evaṃ cintes’ahaṃ tadā
Yaṃ kiñci mānusaṃ dānaṃ dinnaṃ me na vijjati Yo pi yāceyya maṃ cakkhuṃ dadeyyaṃ avikampito.
Này Sāriputta, trong kiếp sanh làm vua Sivi, lúc ngồi trong vương phòng, Ta đã suy nghĩ như vầy: “Trong số những loại bố thí mà mọi người thường thực hành, những loại bố thí ấy ta cũng đã làm rồi. Nếu có ai xin mắt của ta, ta sẽ vững tâm mà cho nó.”
Qua ý nghĩ này. Chúng ta thấy vua Sivi đã dũng cảm phát nguyện: “Nếu ngày hôm nay có ai đến xin mắt của ta, thì ta sẽ cho nó đến người ấy không chút do dự.”
Khi Sakka giả dạng làm ông lão Bà-la-môn đến xin một con mắt, trung thành với quyết định của mình, vua Sivi đã cho ông lão cả hai con mắt của mình mà không chút do dự. Sự phát nguyện này của vua Sivi liên quan đến sự bố thí.
Ở chương nói về sự thực hành của Bhuridatta, có đoạn nói rằng:
Caturo aṅge adhiṭṭhāna semi vammikamuddhani chaviyā cammena maṃsena nahāru aṭṭhikehi vā yasa etena karaniyaṃ dinnaṃ yeva harātu so.
Đoạn này mô tả cách nguyện của Rồng chúa Bhuriatta khi vị ấy thọ trì giới. Nội dung như sau: “Ta nằm trên gò mối nguyện về bốn phần của thân, đó là (1) da dày và mỏng, (2) thịt và máu, (3) những bắp thịt và (4) xương. Sau khi ta nguyện, bất cứ ai cần đến bốn thứ này thì cứ đến mà lấy vì ta đã sẵn lòng bố thí chúng.” Ước muốn việc thọ trì giới được tốt đẹp, Rồng chúa Bhuridatta đã nguyện: “Ta sẽ bảo vệ giới của ta dù phải hy sinh cả bốn phần của thân.” Sự phát nguyện này của rồng chúa Bhuridatta có liên quan đến Giới.
Trong Bổn sanh Campeyya của chương Vīsati Nipāta cũng vậy. Rồng chúa Campeyya lên cõi người để thọ trì giới sau khi nhắn nhủ với hoàng hậu của vị ấy về những điềm tướng sẽ xuất hiện nếu vị ấy gặp rủi ro. Sau đây là một đoạn trích dẫn từ Chú giải về câu chuyện ấy: “Nimittāni ācikkhitvā cātuddasī uposathaṃ adhiṭṭhāya nāgabhavanā nikkhamitvā tattha gantvā vammikamatthake nipajji - Sau khi nói về các điềm tướng sẽ xảy ra và sau khi nguyện thọ trì giới vào ngày mười bốn, Campeyya từ cõi rồng đi đến cõi người và nằm trên gò mối.” Sự quyết định này của Campeyya thuần túy dành cho sự thọ trì giới.
Trong tất cả những câu chuyện này, Thí (dāna) hoặc Giới (sīla) là một pháp và Adiṭṭhāna là một pháp khác. Sự bố thí của vua Sivi xảy ra vào lúc vị ấy cho mắt nhưng sự phát nguyện của vị ấy xảy ra trước việc bố thí. Do đó, sự phát nguyện đến trước và theo sau nó là hành động bố thí. Trong trường hợp thọ trì giới của các vị chúa rồng cũng vậy, sự phát nguyện xảy ra trước rồi mới đến hành động thọ trì giới. Những công việc trong thế gian cũng vậy, sự thực hiện công việc chỉ xảy ra sau khi người ta đã lập quyết định “ Tôi sẽ thực hiện điều này.”
Bồ-tát của chúng ta có một kiếp nọ sanh làm con của vua nước Kāsi và có tên là Temiya. (Sở dĩ hoàng tử có tên như vậy vì vào ngày sanh của vị ấy, trời mưa nặng hạt trên khắp vương quốc và mọi người đều được an vui). Khi hoàng tử được một tháng tuổi, trong khi cậu bé đang ở trong vòng tay của phụ vương, bốn tên trộm được áp giải đến trước mặt đức vua và đức vua đã truyền lịnh trừng phạt bọn chúng. Hoàng tử rất xúc động trước cảnh này và trở nên buồn chán khi nghĩ: “Ta sẽ tìm cách thoát khỏi hoàng cung này.”
Ngày hôm sau trong khi hoàng tử đang ngồi một mình dưới cái lọng trắng, vị ấy suy nghĩ về hành động của phụ vương và thấy khiếp đảm với vương vị. Thấy hoàng tử mang bộ mặt thiểu não như hoa sen bị vò nát, vị nữ thần bảo hộ chiếc lọng trong một kiếp quá khứ đã là mẹ của hoàng tử Temia mới cất tiếng nói rằng: “Đừng lo, này con thân. Nếu con muốn thoát khỏi hoàng cung này, hãy quyết chí giả câm, điếc và bại liệt và con sẽ được toại nguyện.” Khi ấy hoàng tử lập nguyện và bắt đầu thực hành theo đó.
Dù gặp nhiều thử thách suốt thời mười sáu năm ròng rã, vị ấy vẫn kiên định như núi đá vững chắc. Sự quyết tâm kiên cố của vị ấy là một hành động về sự quyết chí vĩ đại. Chỉ khi nào người ta thực hành viên mãn Vata Adhiṭṭhāna bằng quyết tâm của hoàng tử Temiya với tất cả nội lực của mình và không hề dao động, khi đó người ấy mới được xem là đã thực hành Quyết định Ba-la-mật như các vị Bồ-tát đã từng làm.
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B