THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.B
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1B] [Tiếp theo]


4. Các pháp Pāramī được sắp xếp như thế nào?

Có năm cách sắp xếp theo thứ tự liên tiếp:

(1) Pavattikkama (Chuyển khởi thuận thứ)

(2) Pahānakkama (Xả đoạn thuận thứ)

(3) Paṭipattikkama (Hành đạo thuận thứ)

(4) Bhūmikkama (Địa thuận thứ)

(5) Desanākkama (Thuyết thị thuận thứ)


(1) Pavattikkama: Liên quan đến thứ tự về các sự kiện đang xảy ra. Ví dụ: nói về sự thụ thai, kinh sách nói rõ rằng: “Paṭhāmaṃ kalalaṃ hoti, Kalalā hoti abbudaṃ,” v.v… Đối với các loại thai sanh thì thời kỳ thứ nhất là giai đoạn chất lỏng kalala tồn tại trong bảy ngày, thời kỳ thứ hai là giai đoạn chất bọt abbuda trong bảy ngày kế tiếp, thời kỳ thứ ba là giai đoạn pesi dưới dạng cục thịt, v.v... Đây là cách sắp xếp theo thứ tự các sự kiện thực sự xảy ra gọi là Chuyển khởi thuận thứ.

(2) Pahānakkama: Liên quan đến thứ tự của sự đoạn trừ. Ví dụ: Nói về các phiền não, kinh sách giải rằng: “Dassanena pahātabbā dhammā, bhāvanāya pahātabbā dhammā,” v.v... Có những pháp phải được đoạn trừ bởi giai đoạn thứ nhất của con đường Đạo, có những pháp cần được đoạn trừ qua ba giai đoạn cao hơn của con đường Đạo. Hình thức thuyết giảng theo thứ tự, của những bước đoạn trừ được gọi là Xả đạo thuận thứ.

(3) Paṭipattikkama: Liên quan đến sự hành đạo. Ví dụ: Bảy giai đoạn thanh tịnh gồm có giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, v.v... Giai đoạn thứ nhất của pháp hành là làm thanh tịnh giới. Tiếp theo là sự thực hành để làm cho tâm thanh tịnh. Bằng cách này, những giai đoạn thanh tịnh phải tiến triển theo đúng thứ tự của chúng. Sự thuyết giảng theo thứ tự của pháp hành được gọi là Hành đạo thuận thứ .

(4) Bhūmikkama: Liên quan đến thứ tự về các cõi. Thứ tự đầu tiên của pháp thuyết giảng là dục giới (kāmāvacara), tiếp theo là sắc giới (rūpāvacara), rồi đến vô sắc giới (arūpāvacara). Sự sắp xếp trong giáo pháp như vậy được gọi là Địa thuận thứ.

(5) Desanākkama: Thêm vào bốn cách sắp xếp giáo pháp kể trên, còn có cách thứ năm mà trong đó các pháp như sắc uẩn (rūpakkhandha), thọ uẩn (vedanākkhandha), tưởng uần (saññākkhandha), v.v... được thuyết giảng theo thứ tự riêng vì lý do đặc biệt. Sự sắp xếp giáo pháp như vậy, được gọi là thứ tự thuyết giảng của Đức Phật - Thuyết thị thuận thứ.


Trong bốn cách sắp xếp đầu, mỗi cách đều có lý do riêng của nó để đi theo một thứ tự đặc biệt, vì những giai đoạn hình thành thai nhi thực sự xảy ra trong trình tự đó; vì những phiền não thực sự được đoạn trừ trong trình tự đó; vì những hành động làm thanh tịnh được thực hiện trong trình tự đó; hoặc vì các cõi thực sự ở trong thứ tự đó. Nhưng phương pháp thuyết giảng thứ năm, Thuyết thị thuận thứ (Desanākkama), Đức Phật có lý do đặc biệt, để áp dụng cách sắp xếp trong sự thuyết giảng mỗi nhóm pháp như năm uẩn (khandha), mười hai xứ (āyatana) v.v...

Trong chương về Pāramī, các pháp Ba-la-mật không được sắp xếp theo thứ tự của sự kiện xảy ra, theo sự đoạn trừ, sự hành đạo hoặc các cõi như trong bốn cách đầu tiên mà chúng được sắp xếp theo phương pháp thứ năm này, Thuyết thị thuận thứ (Desanākkama) do Đức Phật thuyết giảng vì lý do đặc biệt.

Có thể hỏi rằng: Tại sao Đức Phật sử dụng cách sắp xếp đặc biệt này, tức là bố thí, trì giới, xuất gia, v.v... mà không dùng cách sắp xếp nào khác trong việc thuyết giảng mười pháp Ba-la-mật?

Câu trả lời là: Khi Bồ tát, tức đạo sĩ Sumedha, lần đầu tiên suy xét về các pháp Pāramī cần được thực hành sau khi nhận được sự thọ ký, Ngài khám phá ra chúng trong một trình tự đặc biệt. Do đó, Ngài đã thực hành chúng theo trình tự ấy và sau khi chứng đắc thành Phật, Ngài thuyết giảng các pháp Pāramī cũng theo thứ tự mà Ngài đã từng thực hành.

Giải rõ hơn: Trong mười pháp Pāramī. Bố thí giúp phát triển Giới theo cách đặc biệt, ngay cả người không có giới (làm thí chủ trong trường hợp xuất gia sa-di của con trai ông ta) cũng có thể thọ trì giới mà không khó khăn gì và dễ thực hành bố thí hơn (dầu sự trì giới có thể khó thực hành đối với một người nào đó, nhưng sự bố thí thì không khó). Thế nên Bố thí Ba-la-mật (Dāna Pāramī) được nêu ra trước hết.

Chỉ có Bố thí dựa vào Giới mới có lợi ích nhiều nhất. Bởi vậy theo sau Giới là Bố thí.

Chỉ có Giới dựa vào sự Xuất ly mới có lợi ích nhiều nhất. Bởi vậy sự Xuất ly được thuyết giảng ngay sau Giới.

Tương tự, Xuất ly dựa vào Trí tuệ - Trí tuệ dựa vào Tinh tấn - Tinh tấn được dựa vào Nhẫn nại - Nhẫn nại dựa vào Chân thật - Chân thật dựa vào Chí nguyện - Chí nguyện dựa vào Bác ái - Bác ái dựa vào

Hành xả mới có lợi ích nhiều nhất. Như vậy Hành xả được thuyết giảng sau Bác ái.

Hành xả có lợi ích chỉ khi nào nó dựa vào đức Bi mẫn. Các vị Bồ tát là những bậc đại sĩ, tất cả các Ngài đều có đức tánh cơ bản là tâm Đại bi.

Có thể đặt câu hỏi ở đây như thế này: Là những bậc có tâm đại bi, làm sao các vị Bồ tát có thể nhìn chúng sanh bằng tâm xả? (Một số vị A-xà-lê nói rằng: “Không phải trong tất cả mọi trường hợp và mọi lúc mà các vị Bồ tát sử dụng tâm xả đối với chúng sanh. Các Ngài làm như vậy chỉ khi nào cần thiết.”)

(Một số A-xà-lê khác thì nói rằng: “Các Ngài không tỏ thái độ xả đối với chúng sanh mà chỉ đối với những hành động xúc phạm của chúng sanh mà thôi). Như vậy đức Đại bi và Xả Ba-la-mật không đối nghịch nhau.

Một cách giải thích khác về thứ tự của các pháp Ba-la-mật

(1) Dāna Pāramī - Bố thí được giảng dạy đầu tiên (a) vì nó có thể xảy ra trong nhiều người nên nó thuộc về tất cả chúng sanh; (b) vì nó không có nhiều quả như giới, v.v... và (c) vì nó dễ thực hành.

(2) Sīla Pāramī - Giới được nêu ra ngay sau bố thí (a) vì giới làm thanh tịnh cho người bố thí và người thọ vật thí, (b) vì sau khi thuyết giảng, pháp đem lại lợi ích cho kẻ khác (như bố thí vật thực), Đức Phật dạy kiên tránh không làm khổ kẻ khác như sát sanh; (c) vì bố thí bao gồm hành động tích cực trong khi giới bao gồm sự thực hành kiên tránh, và Đức Phật muốn dạy sự kiên tránh sau khi dạy hành động tích cực (tức là bố thí); (d) vì bố thí dẫn đến sự thành đạt về của cải, còn giới dẫn đến tái sanh vào các cõi chư thiên và nhân lọai; (e) vì Ngài muốn giảng dạy về sự thành tựu ở cõi người và cõi trời sau khi dạy về sự thành đạt của cải.

(3) Nekkhamma Pāramī - Xuất ly được đề cập ngay sau trì giới (a) vì qua sự xuất ly, giới mới được thọ trì hoàn hảo; (b) vì Đức Phật muốn giảng dạy thiện hạnh của ý (qua sự xuất ly - sự xuất ly ở đây không những chỉ về sự từ bỏ của cải mà còn chỉ về sự đoạn trừ các phiền não trong tâm) ngay sau khi giảng dạy các thiện hạnh về thân và khẩu (qua giới); (c) vì sự chứng đạt thiền định (xuất ly) dễ dàng đến với người có giới thanh tịnh; (d) tội khởi sanh từ những hành động bất thiện (kamma-paradha) được đoạn trừ qua sự thọ trì giới. Nhờ vậy, sự thanh tịnh của thân và khẩu (payoga-suddhi) được thành tựu. Các phiền não trong tâm (kilesa-paradha) được đoạn trừ qua sự xuất ly. Nhờ vậy, thường kiến (sassata-ditthi) và đoạn kiến (uccheda-ditthi) được đoạn diệt và thiên hướng thanh tịnh (āsaya-suddhi) liên quan đến Quán trí (Vipassanā-ñāṇa) và Nghiệp tác trí (Kammassakata- ñāṇa: trí thấy các hành động tạo nghiệp là tài sản của riêng mình) được thành tựu. Vì vậy Đức Phật muốn giảng dạy về sự thanh tịnh của trí do sự xuất ly, theo sau sự thanh tịnh của Giới (payoga-suddhi) (e) vì Đức Phật muốn dạy rằng sự đoạn trừ các phiền não trong tâm ở giai đoạn triền (pariyutthana) do sự xuất ly có thể chỉ xảy ra sau khi đoạn trừ các phiền não trong tâm ở giai đoạn vi phạm (vītikkama) do giới.

- Có ba giai đoạn trong việc sanh khởi của phiền não (i) giai đoạn ngủ ngầm (anusaya), (ii) giai đoạn triền (pariyutthana), phiền não hiển lộ ở cửa tâm, (iii) giai đoạn vi phạm (vītikkama) ở giai đoạn này, phiền não trở nên dữ dội và không thể kiểm soát được, chúng thể hiện qua hành động bất thiện về thân và lời nói.

- Sự thọ trì giới ngăn chặn không cho phiền não biến thành hành động bất thiện qua thân và khẩu. Đây là sự đoạn trừ tạm thời các phiền não (tadaṅga-pahana).

- Sự thực hành thiền định (samathabhāvana) đặc biệt ở giai đoạn đắc định, ngăn chặn sự sanh khởi của phiền não ở cửa tâm (giai đoạn triền). Đây là sự trấn phục xả đoạn (vikkhambhana-pahana).

- Phiền não hoàn toàn bị đoạn tận do đạo Tuệ. Ở giai đoạn này phiền não ngủ ngầm bị đoạn diệt hoàn toàn. Đây là sự xả đoạn khiến phiền não bị dập tắt vĩnh viễn (samuccheda-pahana).

(4) Paññā Pāramī - Trí tuệ được nêu ra ngay sau pháp xuất ly (a) do trí tuệ nên sự xuất ly được hoàn hảo và thanh tịnh; (b) vì Đức Phật muốn dạy rằng không có trí tuệ nếu không có thiền jhāna (bao gồm sự xuất ly); (e) vì Ngài muốn dạy trí tuệ là nguyên nhân cần thiết của xả, ngay sau khi giảng dạy sự xuất ly là nguyên nhân cần thiết của sự định tâm; và (d) vì Ngài muốn dạy rằng chỉ sự xuất ly với mục đích đem lại phúc lạc cho chúng sanh mới có thể khởi sanh phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla-ñāṅa) để làm lợi chúng sanh .

(5) Viriya Pāramī - Tinh tấn được nói đến ngay sau trí tuệ (a) vì trí tuệ được thành tựu do có tinh tấn (b) vì Đức Phật muốn dạy những điều kỳ diệu của tinh tấn vì lợi ích của chúng sanh sau khi dạy về trí tuệ là trí thông hiểu bản chất của thực tại là vô ngã (c) vì Ngài muốn dạy rằng nguyên nhân để thành đạt tinh cần ngay sau nguyên nhân xả, và (d) vì Ngài muốn dạy rằng những lợi ích đặc biệt chỉ phát sanh từ sự cố gắng tinh cần sau khi đã suy xét cẩn thận.

(6) Khanti Pāramī - Nhẫn nại được đề cập ngay sau tinh tấn (a) vì nhẫn nại được thành tựu nhờ tinh tấn (vì chỉ có người tinh tấn mới có thể chịu đựng tất cả đau khổ mà vị ấy gặp phải); (b) vì Đức Phật muốn dạy rằng tinh tấn là vật trang sức của nhẫn nại (sự nhẫn nại của kẻ lười biếng không đáng được khen ngợi, anh ta làm như vậy vì anh ta không thể chiến thắng; ngược lại sự nhẫn nại của người tinh tấn thì đáng được khen ngợi dù anh ta đang ở địa vị của kẻ chiến thắng; (c) vì Ngài muốn giảng dạy nguyên nhân của định ngay sau khi giảng dạy nguyên nhân của tinh tấn (phóng dật do tinh tấn quá mức chỉ được đoạn trừ nhờ thông hiểu pháp qua sự quán xét về nó (dhammanijjhanakkhanti - pháp tự nhẫn); (d) vì Ngài muốn dạy rằng chỉ có người tinh tấn mới thường xuyên nỗ lực cố gắng (vì chỉ có người nhiều nhẫn nại mới không phóng dật và có thể thường xuyên làm các việc phước); (e) vì Ngài muốn dạy rằng khi có chánh niệm thì sự khao khát quả phước không khởi sanh trong lúc siêng năng làm việc phước lợi cho kẻ khác (khi quán về pháp để làm những công việc lợi sanh thì không thể có tham ái), và (f) vì Ngài muốn dạy rằng vị Bồ tát kham nhẫn chịu đựng nỗi khổ do kẻ khác gây ra, khi vị ấy không siêng năng làm việc phúc lợi cho kẻ khác (hãy đọc bằng chứng từ truyện bổn sanh Cūla Dhammapāla, v.v...)

(7) Sacca Pāramī - Chân thật được nêu ra ngay sau nhẫn nại (a) nhờ pháp chân thật thì nhẫn nại mới duy trì được lâu dài, nghĩa là nhẫn nại chỉ tồn tại khi nào người ta có pháp chân thật; (b) vì sau khi nêu ra sự nhẫn nại đối với những điều sai trái kẻ khác gây ra, Đức Phật muốn dạy tiếp theo sau là cách mà vị Bồ tát giữ pháp chân thật với quyết định là cứu độ ngay cả những người đã vô ơn phản bội lại Bồ tát. (Vào lúc được thọ ký, Bồ tát khi phát nguyện thành Phật, Ngài nguyện cứu độ tất cả chúng sanh. Trung thành với chí nguyện bất di bất dịch của mình, Ngài cứu độ cho cả những kẻ đã làm khổ Ngài). Để chứng minh, trong bổn sanh Mahākāpi, câu chuyện thứ sáu của chương Timsa Nipāta. Câu chuyện kể về Bồ tát lúc Ngài sanh làm khỉ chúa, đã cứu một vị Bà-la-môn bị rơi xuống khe núi. Bị kiệt sức vì đã cật lực cố gắng cứu người đàn ông thoát khỏi nguy hiểm, Bồ tát tin tưởng người mà Ngài đã cứu, bèn gối đầu lên bụng của ông ta mà ngủ thiếp đi. Ác tâm sanh khởi (muốn ăn thịt kẻ đã cứu giúp mình), tên Bà-la-môn độc ác bèn lấy cục đá đập vào đầu của Bồ tát. Bồ tát không hề khởi chút sân hận mà nhẫn nại chịu đựng cơn đau do thương tích ở đầu và tiếp tục cố gắng giúp người đàn ông thoát khỏi hiểm nguy của thú rừng. Ngài dẫn người đàn ông ra khỏi rừng bằng cách chuyền từ cành cây này sang cành cây khác, để lại những giọt máu trên đất cho người đàn ông lần theo đó mà ra khỏi khu rừng (c) vì Ngài muốn cho thấy rằng vị Bồ tát vốn sẵn có lòng độ lượng bao dung sẽ không bao giờ từ bỏ pháp chân thật dù bị kẻ khác đối xử tệ hại hay xúc phạm, và (d) vì sau khi dạy pháp thiền quán để tỏ ngộ lý vô ngã, Đức Phật muốn cho thấy trí tuệ về sự chân thật được tu tập qua quá trình suy quán ấy (dhammanijjhānakkhantī).

(8) Adiṭṭhāna Pāramī - Chí nguyện được nêu ra ngay sau chân thật: (a) chân thật được thành tựu nhờ chí nguyện, nghĩa là sự từ bỏ gian dối được trọn vẹn khi người có chí nguyện quyết tâm nói lời chân thật trước sau như một, cho dù hy sinh cả sanh mạng của mình; (b) vì sau khi giảng dạy về sự chân thật, Ngài muốn dạy về sự trung thành tuyệt đối của vị Bồ tát đối với sự thật mà không chút dao động; và (c) vì sau khi dạy rằng chỉ những người có trí tuệ thấy rõ sự thật của các pháp, mới có thể nguyện thực hành các pháp Ba-la-mật đến chỗ viên thành. Ngài muốn dạy rằng những pháp cần thiết của Ba-la-mật có thể được tu tập viên thành nhờ trí tuệ thấy rõ chân lý.

(9) Mettā Pāramī - Từ ái được nêu ra ngay sau chí nguyện: (a) vì sự tu tập từ ái giúp thành tựu chí nguyện độ sanh; (b) vì sau khi dạy về chí nguyện, Đức Phật muốn dạy pháp đem đến lợi ích cho chúng sanh theo đúng với chí nguyện của Ngài (vì vị Bồ tát trên bước đường thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, Ngài thường trú ở trong pháp bác ái); (c) vì khi người ta đã an trú vững chắc trong chí nguyện độ sanh, người ta có thể thực hiện chí nguyện ấy bằng pháp bác ái.

(10) Upekkhā Pāramī - Hành xả được nêu ra ngay sau bác ái: (a) vì hành xả làm cho pháp bác ái trở nên thuần khiết (nếu người ta tu tập pháp bác ái mà không có hành xả, người ấy có thể bị dối gạt bởi tình thương thiên vị mang mặt nạ của bác ái). Chỉ khi nào người ta có tu pháp xả, khi ấy họ mới gạt bỏ được cái mặt nạ tham ái ấy; (b) vì sau khi giảng dạy cách đem lại phúc lợi cho chúng sanh bằng pháp bác ái, Đức Phật muốn dạy rằng hành xả phải được duy trì đối với những điều sai trái do chúng sanh đáp trả (vị Bồ tát làm công việc phúc lợi cho chúng sanh bằng pháp bác ái. Ngài giữ tâm bình thản, khoan dung, tha thứ cho tất cả chúng sanh khi họ xúc phạm, ngược đãi Ngài); (c) vì sau khi dạy pháp tu bác ái, Đức Phật muốn dạy về những lợi ích của nó. Vì chỉ sau khi tu tập bác ái, hành xả mới có thể tu tập thành công; (d) Đức Phật muốn dạy ân đức kỳ diệu của vị Bồ tát là vị ấy có thể giữ tâm bình thản ngay cả đối với những người tỏ thiện ý đến Ngài.

Như vậy bậc Đạo sư của chúng ta, Đấng giáo chủ của cõi Sa-bà, đã dạy pháp Ba-la-mật theo đúng trình tự của chúng, như đã mô tả ở trên được sắp xếp đúng nguyên tắc, không ra ngoài nguyên tắc hoặc tự tiện.


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]