THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.B
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 1B] [Tiếp theo]
Đối với câu hỏi, “Có bao nhiêu pháp Ba-la-mật?” Câu trả lời tóm tắt là “Có ba mươi pháp Ba-la-mật, đó là mười Ba-la-mật bậc hạ (Pāramī), mười Ba-la-mật bậc trung (Upapāramī) và mười Ba-la-mật bậc thượng (Paramattha pāramī).
(Về Bố thí Ba la mật, có ba bậc, đó là Dāna pāramī, Dāna Upapāramī và Dāna Paramattha-pāramī. Chín Ba-la-mật còn lại cũng như thế, như vậy cả thảy là ba mươi Ba-la-mật.)
Đối với câu hỏi: “Thế nào là Pāramī, Upapāramī và Paramattha- pāramī?” Câu trả lời được tìm thấy trong Chương Tạp phẩm của Chú giải bộ Cariyā Piṭaka. Trong đó, nhà Chú giải đưa ra câu trả lời rất chi tiết, nhiều cách diễn giải, nhiều quan điểm và những bài bình luận khác nhau của các vị A-xà-lê. Nếu đưa hết chúng vào trong tác phẩm này thì chỉ làm cho người đọc thêm rối rắm. Thế nên chúng tôi chỉ nêu ra quan điểm rõ ràng nhất, được chọn lọc bởi nhà Chú giải Mahā Dhammapāla Thera.
1. Bố thí những vật ngoài thân như tài sản, vợ và con là Dāna- pāramī. Bố thí các phần của cơ thể như tay, chân, v.v... là Dāna Upapāramī. Bố thí sanh mạng của chính mình là Dāna Paramattha-pāramī.
2. Tương tự, thọ trì giới và không vì những vật ngoài thân như vợ, con và tài sản mà phạm giới là Sīla-pāramī. Thọ trì giới và không vì các phần của thân thể mà phạm giới là Sīla Upapāramī.
Thọ trì giới và không vì mạng sống của chính mình mà phạm giới là Sīla Paramattha-pāramī.
3. Cắt đứt luyến ái đối với những vật ngoài thân và ra khỏi đời sống gia đình là Nekkhamma Pāramī. Cắt đứt luyến ái đối với các phần của thân thể và ra khỏi đời sống gia đình là Nekkhamma Upapāramī. Cắt đứt luyến ái đối với sanh mạng của chính mình và ra khỏi đời sống gia đình là Nekkhamma Paramattha-pāramī.
4. Đoạn trừ luyến ái đối với những vật ngoài thân quyết định kỹ lưỡng điều gì có lợi cho chúng sanh và điều gì không có lợi là Paññā Pāramī. Đoạn trừ luyến ái đối với các phần của cơ thể và quyết định kỹ lưỡng điều gì có lợi ích cho chúng sanh và điều gì không có lợi ích là Paññā Upapāramī. Đoạn trừ luyến ái đối với sanh mạng của chính mình và quyết định kỹ lưỡng điều gì có lợi ích cho chúng sanh và điều gì không có lợi là Paññā Paramattha-pāramī.
5. Tinh tấn thực hành viên mãn và thành tựu các pāramī kể trên và những pāramī sẽ được nêu sau là Vīriya Pāramī. Tinh tấn thực hành viên mãn và thành tựu các Upapāramī kể trên và những upapāramī sẽ được nêu ra sau là Vīriya Upapāramī. Tinh tấn thực hành viên mãn và thành tựu các paramattha-pāramī kể trên và những paramattha-pāramī sẽ được nêu ra sau là Vīriya- Paramattha-pāramī.
6. Nhẫn nại chịu đựng những pháp thăng trầm gây nguy hiểm cho những vật ngoài thân của mình là Khantī Pāramī. Nhẫn nại chịu đựng những pháp thăng trầm gây nguy hiểm cho các phần của thân thể là Khantī Upa-pāramī. Nhẫn nại chịu đựng những pháp thăng trầm gây nguy hiểm cho tánh mạng của chính mình là Khantī Paramattha-pāramī.
7. Không từ bỏ pháp chân thật vì những vật ngoài thân là Sacca Pāramī. Không từ bỏ pháp chân thật vì các phần thân thể như tay, chân, v.v... là Sacca Upapāramī. Không từ bỏ pháp chân thật vì sanh mạng của chính mình là Sacca Paramattha-pāramī.
8. Quyết định không lay chuyễn, bất chấp sự tổn thất các vật ngoài thân với niềm tin vững chắc rằng ‘các pháp ba-la-mật như bố thí, v.v..., có thể được thực hành viên mãn chỉ nhờ quyết định bất khả hoại’ là Adhiṭṭhāna Pāramī. Qưyết định không lay chuyển, bất chấp sự tổn thương các phần của cơ thể như tay, chân, v.v... là Adhiṭṭhāna Upapāramī. Quyết định không lay chuyển dầu phải mất cả mạng sống là Adhiṭṭhāna Paramattha-pāramī.
9. Không từ bỏ pháp bác ái đối với chúng sanh (liên tục rải tâm từ đến chúng sanh) dù họ đã từng gây thiệt hại đến những vật ngoài thân của mình là Mettā Pāramī. Không từ bỏ pháp bác ái đối với chúng sanh dù họ đã từng gây tổn thương đến các phần cơ thể của mình như tay, chân, v.v... là Mettā Upapāramī. Không từ bỏ pháp bác ái đối với chúng sanh dù họ đã từng gây tai hại đến sinh mạng của chính mình là Mettā Pāramattha- pāramī.
10. Giữ thái độ bình thản đối với những hành vi cố ý của chúng sanh dù họ đã từng giúp đỡ hoặc làm tổn hại những vật ngoài thân của mình là Upekkhā Pāramī. Giữ tâm bình thản đối với chúng sanh và những hành vi cố ý của họ dù họ đã từng giúp đỡ hoặc làm tổn thương các phần thân thể của ta như tay, chân, v.v... là Upekkhā Upapāramī. Giữ tâm bình thản đối với chúng sanh và những hành vi cố ý của họ dù họ đã từng giúp đỡ hoặc làm hại đến tính mạng của ta là Upekkhā Paramattha-pāramī.
(Đây là cách phân loại các pháp Ba-la-mật)
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B