BuddhaSasana Home Page Vấn đề ăn
chay, ăn mặn trong đạo Phật Có
phải tất cả Phật tử đều ăn chay? John Kahila Giới thiệu: Ông John
Kahila là một cư sĩ người Mỹ. Ông là một trong những
người đầu tiên sáng lập diễn đàn Phật giáo
"talk.religion.buddhism" trên mạng Internet. -ooOoo- T
Không phải thế. Giới
luật đầu tiên chỉ khuyên chúng ta kềm chế đừng sát
sanh, nhưng ăn thịt không xem là sát sanh, và kinh Phật không
cấm chúng ta ăn thịt (Ở
đây, chủ yếu là chúng ta đề cập đến kinh điển Pali.
Một số kinh Bắc Tông, nhất là Kinh Lăng Già- Lankavatara
Sutra, lại hết sức ủng hộ thực hành việc ăn chay. Xin
xem phần ghi chú ở cuối bài.)
Theo như ghi chép trong
kinh tạng Pali, Ðức Phật không cấm sử dụng thịt, kể
cả các vị tăng ni nữa. Thực vậy, Ngài đã dứt khoát bác
bỏ lời đề nghị của Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) bắt
buộc chư tăng ni phải "ăn chay trường". Nơi các xã
hội thuộc hệ phái Phật Giáo Nam Tông hiện nay, một vị
tỳ kheo nào bám víu lấy việc ăn chay để gây uy tín nơi
người khác là mình có tinh thần siêu nhiên vượt trội hơn
người khác thì xem như vi phạm giới luật tu sĩ. Mặt khác, Ðức Phật
đã nghiêm cấm thẳng thừng việc sử dụng các loại thịt
của bất kỳ con vật nào đã được mắt thấy, tai nghe và
không nghi ngờ gì con vật đó được giết mổ rõ ràng là
để thiết đãi các vị tăng ni ( Kinh Jivaka, Trung Bộ 55).
Giới luật này chỉ áp dụng cho các vị tăng ni mà thôi, nhưng
cũng được xem như là một hướng dẫn hợp lý cho các cư
sĩ sùng đạo. Ðể hiểu rõ cách
tiếp cận "lý Trung đạo" này về việc ăn thịt,
chúng ta cần phải nhớ là vào thời Phật Thích Ca chưa có
các "Phật tử". Lúc đó, chỉ có các khất sĩ chia
thành nhiều loại khác nhau (kể các môn đệ của Ðức
Phật), cộng với những người cư sĩ là những người bố
thí cúng dường mà không quan tâm đến nhãn hiệu của các
loại giáo lý. Nếu người chủ nhà
cố ý chọn thịt là thực phẩm để bố thí, thì các vị
khất sĩ đó cũng phải nhận, không được phân biệt hay
tỏ vẻ không hài lòng gì cả. Từ bỏ của bố thí như
vậy có thể xúc phạm đến lòng mến khách và có thể làm
mất đi cơ hội cho người chủ nhà được tạo phước -- và
cũng không mang lại lợi ích gì cho con vật vì nó đã
chết. Ngay cả những người Kỳ-na giáo có lẽ cũng đã có
cùng một quan điểm tương tự như vậy ở cùng một thời
kỳ lịch sử, mặc dù giáo lý Vô hại (Ahimsa) rất nghiêm
khắc. Ăn chay không phải là
nguồn gốc những bất đồng nghiêm trọng trong Tăng đoàn
(Sangha), cho đến khi có xuất hiện các cộng đồng tu sĩ trú
ngụ tại những nơi cố định và họ không còn thực hiện
việc đi khất thực trì bình. Tại các cộng đồng đó,
bất kỳ loại thịt nào do các Phật tử mang cúng cho Tăng
Ni, rất có thể là từ thú vật bị giết đặc biệt cho
mục đích đó. Ðó là một lý do của sự khác biệt trong
quan điểm giữa hai phái Bắc Tông và Nam Tông về việc ăn
thịt - sự phát triển của các cộng đồng tu sĩ thường
trú tại một nơi cố định, chính yếu xảy ra trong Bắc Tông. Vấn đề ăn thịt đưa
đến các câu hỏi khó khăn về đạo đức. Có phải chăng
thịt bày bán ở các siêu thị và các nhà hàng được
giết mổ "nhằm" phục vụ chúng ta? Có phải chăng
ăn thịt là gián tiếp giết hại? Rất ít người trong chúng
ta có đủ tư cách để phán quyết những người ăn thịt
hoặc bất kỳ người nào khác vì tội "ủy nhiệm sát
sanh" (killing by proxy). Bởi vì chúng ta đang dự phần
trong nền kinh tế toàn cầu, và điều này đưa đến
"ủy nhiệm sát sinh" trong mọi tác động tiêu thụ
của chúng ta. Ðiện khí chúng ta dùng để chạy máy vi tính
là bắt nguồn từ những phương tiện đang làm hủy hoại môi
trường. Những cuốn sách về kinh điển Phật được in trên
giấy do một công nghệ đang phá hủy môi trường sống
của thú rừng. Sâu bọ, côn trùng, các loài gậm nhấm và
nhiều động vật khác đã bị giết một cách đều đặn hàng
loạt trong quá trình sản xuất những nguyên liệu cho các
loại thực phẩm chay. Xin chào đón vào cõi Ta-bà! Ðối
với đa số trong chúng ta, thật không thể nào thoát ra ngoài
khỏi mạng lưới này. Chúng ta chỉ có thể cố gắng có ý
thức về những vướng mắc này mà thôi. Chỉ có một cách
thực hiện điều này, đó là suy gẫm về sự đau khổ và
chết chóc của các sinh vật đang phải cống hiến cho các
tiện nghi của chúng ta. Ðiều đó có thể giúp chúng ta
bớt thiên về sự tiêu thụ lãng phí đơn thuần do lòng
tham lam thúc đẩy. Ngoài tất cả những gì
đã được nói ở trên, một điều không thể chối cãi
được là cỗ máy kinh tế sản xuất ra thịt cũng đã gây
ra biết bao nhiêu sợ hãi và đau khổ cho một số lớn các
súc vật. Thật ích lợi biết bao nếu ta ghi nhớ điều đó
ngay cả khi chúng ta sử dụng thịt, để chống lại sự phát
triển của tánh lãnh đạm, chai lì trong tâm chúng ta. Nhiều
Phật Tử (đặc biệt những người theo phái Bắc tông) hành
trì "ăn chay trường" như là một phương thế để
vun bồi lòng bi mẫn. Kinh Jivaka có gợi ý chúng ta có thể
thực hành "ăn chay" bắt đầu bằng một trong bốn
tâm vô lượng (từ, bi, hỷ, xã). Một điều đáng chú ý là
lòng từ ái, không phải lòng bi mẫn, đã được đề cập
đến trước tiên trong kinh Jivaka đó. Nếu bạn đang quan tâm
thực tập "ăn chay" lần đầu tiên, chúng tôi đề
nghị bạn hãy bàn thảo với một vài người đã có kinh
nghiệm trong lãnh vực này. Có nhiều vấn đề cần phải
được xem xét, liên quan đến sự cân bằng trong dinh dưỡng,
v.v... Ghi chú: Kinh Lăng Già-
Lankavatara Sutra, mặc dù đã ghi lại những lời dạy của Ðức
Phật tại đảo Lanka (Sri Lanka), chủ yếu là một tác phẩm
thuộc giai đoạn phát triển trường phái Bắc Tông sau này.
Theo giáo sư H. Nakamura ("Indian Buddhism", 1987), có
nhiều phiên bản của bộ kinh này, và nội dung các phiên
bản có phần khác nhau. Ða số các học giả đều kết
luận rằng có lẽ kinh này được biên soạn vào những năm
350-400 Tây lịch. Thêm vào đó, theo nhà thiền sư nổi
tiếng của Thiền tông Nhật bản, ông D.T. Suzuki (trong cuốn
"The Lankavatara Sutra - A Mahayana Text", 1931), chương đề
cập đến "Ăn Thịt" trong bản kinh có lẽ mới được
thêm vào về sau này trong các phiên bản kế tiếp. Ông cũng
đồng ý rằng bộ kinh này không phải là những lời do chính
Ðức Phật nói ra, nhưng được biên soạn về sau bởi các
tác giả vô danh, dựa theo triết lý Bắc Tông. Nguyên tác: "Are
all Buddhists vegetarians?", John Kahila, Tỳ kheo Thiện Minh
dịch. -ooOoo- Ðầu
trang | Mục
lục | 01 | 02
| 03 | 04 | 05
| 06 | 07 | 08 | 09
| 10 [Trở
về trang Thư Mục]
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
updated: 06-04-2002