TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 45
MILINDA VẤN ĐẠO
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
1. Khi ấy, đức vua Milinda đã đi đến gặp đại đức Nāgasena, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đại đức Nāgasena, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống một bên. Đại đức Nāgasena cũng đã tỏ bày vẻ thân thiện, chính vì thế đã làm hài lòng tâm ý của đức vua Milinda.
Khi ấy, đức vua Milinda đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Ngài đại đức được nhận biết bằng cách nào? Thưa ngài, ngài tên gì?” “Tâu đại vương, tôi được nhận biết là ‘Nāgasena.’ Tâu đại vương, các vị đồng Phạm hạnh gọi tôi là ‘Nāgasena.’ Hơn nữa, mẹ cha đặt tên là ‘Nāgasena,’ hoặc là ‘Sūrasena,’ hoặc là ‘Vīrasena,’ hoặc là ‘Sīhasena.’ Tâu đại vương, vả lại ‘Nāgasena’ cũng chỉ là từ phân biệt, là tên thừa nhận, là tên quy định, là tên gọi thông thường, bởi vì không người nào được tìm thấy ở đây.”
Khi ấy, đức vua Milinda đã nói với như vầy: “Xin quý vị năm trăm người xứ Yonaka và tám mươi ngàn vị tỳ khưu hãy lắng nghe trẫm. Vị Nāgasena này đã nói như vầy: ‘Bởi vì không người nào được tìm thấy ở đây.’ Vậy có hợp lý để chấp nhận điều ấy không?”
Khi ấy, đức vua Milinda đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Thưa ngài Nāgasena, nếu không người nào được tìm thấy, vậy thì ai bố thí y phục vật thực chỗ trú ngụ và thuốc men chữa bệnh cho ngài? Ai thọ dụng vật ấy? Ai trì giới? Ai gắn bó với sự tu tập? Ai chứng ngộ Đạo, Quả, và Niết Bàn? Ai sát hại mạng sống? Ai lấy vật không được cho? Ai tà hạnh trong các dục? Ai nói dối? Ai uống chất lên men? Ai gây nên năm nghiệp vô gián? Như thế thì không có thiện, không có bất thiện, không có người làm hoặc người sai bảo làm đối với các nghiệp thiện và bất thiện. Không có sự thành tựu quả đối với các nghiệp đã được làm tốt hoặc đã được làm xấu. Thưa ngài Nāgasena, nếu có người giết chết ngài, thì người ấy cũng không có tội giết hại mạng sống. Thưa ngài Nāgasena, ngài cũng không có thầy dạy học, không có thầy tế độ, không có sự tu lên bậc trên, điều ngài nói rằng: ‘Tâu đại vương, các vị đồng Phạm hạnh gọi tôi là Nāgasena,’ vậy ở đây cái gì là Nāgasena? Thưa ngài, có phải các sợi tóc là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Có phải các sợi lông là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Có phải các móng (tay chân) —(như trên)— các răng, da, thịt, gân, xương, tủy xương, thận, tim, gan, cơ hoành, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, thực phẩm chưa tiêu, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước mỡ (huyết tương), nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu, bộ não ở đầu là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Thưa ngài, có phải sắc là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Có phải thọ là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Có phải tưởng là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Có phải các hành là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Có phải thức là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Thưa ngài, vậy thì sắc-thọ-tưởng-hành-thức là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Thưa ngài, vậy thì trừ ra sắc-thọ-tưởng-hành-thức là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Thưa ngài, trong khi lần lượt hỏi về điều ấy mà trẫm vẫn không thấy ra được Nāgasena. Thưa ngài, chẳng lẽ âm thanh lại là Nāgasena? Vậy thì ở đây người nào là Nāgasena? Thưa ngài, ngài nói không có Nāgasena là điều không thật là lời dối trá.”
Khi ấy, đại đức Nāgasena đã nói với đức vua Milinda điều này: “Tâu đại vương, đại vương quả là có sự thanh lịch của dòng dõi Sát-đế-lỵ, có sự thanh lịch tột bực. Tâu đại vương, đối với bệ hạ đây trong lúc dẫm đạp lên các miểng chai, đá, cát sần sùi ở lớp cát nóng của mặt đất hừng hực và đi bộ vào lúc giữa trưa, hẳn nhiên các bàn chân đau nhức, thân mệt nhọc, tâm bị lui sụt, thân thức gắn liền với khổ sanh khởi. Vậy thì bệ hạ đi đến bằng chân, hay bằng xe cộ?”
“Thưa ngài, trẫm không đi đến bằng chân, trẫm đi đến bằng cỗ xe.”
“Tâu đại vương, nếu bệ hạ đi đến bằng cỗ xe, xin bệ hạ hãy chỉ cỗ xe cho tôi. Tâu đại vương, có phải cái gọng là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Có phải cái trục là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Có phải các bánh xe là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Có phải thùng xe là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Có phải thanh chống là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Có phải cái ách là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Có phải dây cương là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Có phải gậy thúc là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Tâu đại vương, vậy có phải gọng-trục-bánh xe-thùng xe-thanh chống-ách-dây cương-gậy thúc là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Tâu đại vương, vậy thì trừ ra gọng-trục-bánh xe-thùng xe-thanh chống-ách-dây cương-gậy thúc là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Tâu đại vương, trong khi lần lượt hỏi về điều ấy mà tôi vẫn không thấy ra được cỗ xe. Tâu đại vương, chẳng lẽ âm thanh lại là cỗ xe? Vậy thì ở đây cái gì là cỗ xe? Tâu đại vương, đại vương nói không có cỗ xe là điều không thật là lời dối trá. Tâu đại vương, đại vương là vị vua tối cao của toàn cõi xứ Jambudīpa, tại sao đại vương lại sợ hãi và nói lời dối trá? Xin quý vị năm trăm người xứ Yonaka và tám mươi ngàn vị tỳ khưu hãy lắng nghe tôi. Đức vua Milinda này đã nói như vầy: ‘Trẫm đi đến bằng cỗ xe.’ Trong khi được nói rằng: ‘Tâu đại vương, nếu bệ hạ đi đến bằng cỗ xe, xin bệ hạ hãy chỉ cỗ xe cho tôi’ thì không trình ra được cỗ xe. Vậy có hợp lý để chấp nhận điều ấy không?”
Khi được nói như vậy, năm trăm người xứ Yonaka đã tán thưởng đại đức Nāgasena bằng tiếng “Lành thay!” rồi đã nói với đức vua Milinda điều này: “Tâu đại vương, lúc này trong khi đại vương có khả năng, xin đại vương hãy nói.”
Khi ấy, đức vua Milinda đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Thưa ngài Nāgasena, trẫm không nói lời dối trá. Do cái gọng, do cái trục, do các bánh xe, do thùng xe, do thanh chống mà có được từ phân biệt, tên thừa nhận, tên quy định, tên gọi thông thường là ‘cỗ xe’.”
“Tâu đại vương, thật tốt đẹp thay đại vương nhận ra được cỗ xe. Tâu đại vương, cũng tương tợ y như thế đối với tôi, do các sợi tóc, do các sợi lông, —(như trên)— do bộ não, do sắc, do thọ, do tưởng, do các hành, do thức mà có được từ phân biệt, tên thừa nhận, tên quy định, tên thông thường là ‘Nāgasena’. Tuy nhiên, theo ý nghĩa rốt ráo thì không người nào được tìm thấy ở đây. Tâu đại vương, điều này cũng đã được tỳ khưu ni Vajirā nói lên trong sự hiện diện của đức Thế Tôn rằng:
Giống y như việc ráp chung lại các bộ phận thì có tiếng gọi là ‘cỗ xe,’ tương tợ như vậy khi các uẩn hiện diện thì có sự công nhận là ‘con người’.”
“Thưa ngài Nāgasena, thật là kỳ diệu! Thưa ngài Nāgasena, thật là phi thường! Các sự ứng đối câu hỏi rất tuyệt vời đã được trình bày. Nếu đức Phật còn tại tiền thì Ngài cũng tán thưởng bằng tiếng ‘Lành thay!’ Này Nāgasena, thật tốt đẹp thay, thật tốt đẹp thay! Các sự ứng đối câu hỏi rất tuyệt vời đã được trình bày.”
2. “Thưa ngài Nāgasena, ngài được bao nhiêu năm tu?”
“Tâu đại vương, tôi được bảy năm tu.”
“Thưa ngài, bảy đó là gì? Ngài là bảy, hay sự tính đếm là bảy?”
Vào lúc bấy giờ, đức vua Milinda đã được chưng diện với mọi thứ trang sức, đã được trang điểm và phục sức, có bóng (chiếu xuống) được nhìn thấy ở mặt đất, có bóng (chiếu xuống) được nhìn thấy ở chậu nước nữa. Khi ấy, đại đức Nāgasena đã nói với đức vua Milinda điều này:
“Tâu đại vương, cái bóng này của đại vương được nhìn thấy ở mặt đất và ở chậu nước. Tâu đại vương, thế thì đại vương (đây) là đức vua hay cái bóng là đức vua?”
“Thưa ngài Nāgasena, trẫm (đây) là đức vua, cái bóng này không phải là đức vua. Tuy nhiên, nương vào trẫm (đây) mà có được cái bóng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế, việc tính đếm các năm tu là bảy, tôi (đây) không phải là bảy. Tuy nhiên, nương vào tôi (đây) mà có được con số bảy. Tâu đại vương, đại vương hãy hiểu như ví dụ về cái bóng.”
“Thưa ngài Nāgasena, thật là kỳ diệu! Thưa ngài Nāgasena, thật là phi thường! Các sự ứng đối câu hỏi rất tuyệt vời đã được trình bày.”
3. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ngài sẽ trò chuyện với trẫm phải không?”
“Tâu đại vương, nếu đại vương trò chuyện theo lối nói của bậc trí thì tôi sẽ trò chuyện. Tuy nhiên, nếu đại vương trò chuyện theo lối nói của vị vua thì tôi sẽ không trò chuyện.”
“Thưa ngài Nāgasena, các bậc trí trò chuyện như thế nào?”
“Tâu đại vương, trong cuộc trò chuyện của các bậc trí thì việc gây rối cũng được làm, việc tháo gỡ cũng được làm, việc phê bình cũng được làm, việc công kích cũng được làm, nói khác đi cũng được làm, nói trái ngược cũng được làm, và không vì thế mà các bậc trí bực bội. Tâu đại vương, các bậc trí trò chuyện là như vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, thế còn các vị vua trò chuyện như thế nào?”
“Tâu đại vương, trong cuộc trò chuyện các vị vua thông báo một sự việc. Ai không ưng thuận sự việc ấy, các vị vua ra lệnh hình phạt người ấy: ‘Các khanh hãy ban hình phạt cho kẻ này.’ Tâu đại vương, các vị vua trò chuyện là như vậy.”
“Thưa ngài, trẫm sẽ trò chuyện theo lối nói của bậc trí, không theo lối nói của vị vua. Xin Ngài đại đức hãy yên tâm trò chuyện. Ngài trò chuyện với tỳ khưu, với sa-di, với nam cư sĩ, hoặc với người hộ tự như thế nào, xin ngài đại đức hãy yên tâm trò chuyện như thế, chớ lo sợ.”
“Tâu đại vương, thật tốt lắm.” Vị trưởng lão đã tán thành.
Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, trẫm sẽ hỏi?”
“Tâu đại vương, xin hãy hỏi.”
“Thưa ngài, ngài đã được trẫm hỏi rồi.”
“Tâu đại vương, đã được trả lời rồi.”
“Thưa ngài, vậy chớ điều gì đã được ngài trả lời?”
“Tâu đại vương, vậy chớ điều gì đã được đại vương hỏi?”
4. Khi ấy, đức vua Milinda đã khởi ý điều này: “Vị tỳ khưu này quả là sáng trí, có năng lực để trò chuyện với ta, và ta có nhiều sự việc cần phải hỏi. Cho đến khi các sự việc ấy còn chưa được hỏi xong thì mặt trời sẽ lặn, có lẽ ta nên trò chuyện vào ngày mai ở nội cung?”
Khi ấy, đức vua đã nói với Devamantiya điều này: “Này Devamantiya, như vậy thì khanh có thể thông báo cho ngài đại đức rằng: ‘Ngày mai sẽ có cuộc trò chuyện với đức vua ở nội cung.’” Nói xong điều này, đức vua Milinda đã rời chỗ ngồi đứng dậy, chào hỏi Nāgasena, leo lên ngựa, rồi ra đi trong khi còn đang lẩm nhẩm “Nāgasena, Nāgasena.”
Sau đó, Devamantiya đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Thưa ngài, đức vua Milinda đã nói như vầy: ‘Ngày mai sẽ có cuộc trò chuyện ở nội cung.’” “Thật tốt lắm.” Vị trưởng lão đã tán thành.
Sau đó, vào cuối đêm ấy Devamantiya, Anantakāya, Maṅkura, và Sabbadinna đã đi đến gặp đức vua Milinda, sau khi đến đã nói với đức vua Milinda điều này: “Tâu đại vương, có phải ngài đại đức Nāgasena sẽ đến?”
“Đúng vậy, hãy để ngài đến.”
“Hãy để ngài đến cùng với bao nhiêu vị tỳ khưu?”
“Ngài muốn bao nhiêu vị tỳ khưu thì hãy để ngài đến cùng với bấy nhiêu vị tỳ khưu.”
Khi ấy, Sabbadinna đã nói rằng: “Tâu đại vương, hãy để ngài đến cùng với mười vị tỳ khưu.” Đến lần thứ nhì, đức vua Milinda đã nói rằng: “Ngài muốn bao nhiêu vị tỳ khưu thì hãy để ngài đến cùng với bấy nhiêu vị tỳ khưu.” Đến lần thứ nhì, Sabbadinna đã nói rằng: “Tâu đại vương, hãy để ngài đến cùng với mười vị tỳ khưu.” Đến lần thứ ba, đức vua Milinda đã nói rằng: “Ngài muốn bao nhiêu vị tỳ khưu thì hãy để ngài đến cùng với bấy nhiêu vị tỳ khưu.” Đến lần thứ ba, Sabbadinna đã nói rằng: “Tâu đại vương, hãy để ngài đến cùng với mười vị tỳ khưu.”
“Tất cả việc tôn vinh này đã được chuẩn bị nên Trẫm nói rằng: ‘Ngài muốn bao nhiêu vị tỳ khưu thì hãy để ngài đến cùng với bấy nhiêu vị tỳ khưu.’ Này các khanh, Sabbadinna này lại nói khác đi. Chẳng lẽ chúng ta không có khả năng để dâng cơm đến các tỳ khưu?”
Khi được nói như vậy, Sabbadinna đã xấu hổ. Sau đó, Devamantiya, Anantakāya, và Maṅkura đã đi đến gặp đại đức Nāgasena, sau khi đến đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Thưa ngài, đức vua Milinda đã nói như vầy: ‘Ngài muốn bao nhiêu vị tỳ khưu thì hãy để ngài đến cùng với bấy nhiêu vị tỳ khưu.’”
Sau đó, đại đức Nāgasena vào buổi sáng sớm đã mặc y cầm lấy bình bát và y rồi cùng với tám mươi ngàn vị tỳ khưu đã đi vào thành Sāgala. Lúc ấy, Anantakāya khi đang đi gần đại đức Nāgasena đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Thưa ngài Nāgasena, điều mà tôi gọi là ‘Nāgasena,’ ở đây cái gì là Nāgasena?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Ngươi suy nghĩ xem ‘ở đây ai là Nāgasena?’”
“Thưa ngài, sự sống, tức là gió ở bên trong, đi vào rồi đi ra, tôi nghĩ rằng ‘cái ấy là Nāgasena’.”
“Vậy nếu gió ấy đi ra rồi không đi vào, hoặc đi vào rồi không đi ra, thì người ấy còn sống không?”
“Thưa ngài, không.”
“Những người thổi tù và vỏ ốc, khi thổi tù và vỏ ốc thì gió của họ có đi vào lại không?”
“Thưa ngài, không.”
“Những người thổi sáo, khi thổi sáo thì gió của họ có đi vào lại không?”
“Thưa ngài, không.”
“Những người thổi tù và sừng trâu, khi thổi tù và sừng trâu thì gió của họ có đi vào lại không?”
“Thưa ngài, không.”
“Thế thì tại sao họ lại không chết đi?”
“Thưa ngài, tôi không có khả năng để trò chuyện với nhà diễn thuyết như ngài. Thưa ngài, lành thay xin ngài nói về ý nghĩa.”
“Cái ấy không phải là sự sống. Hơi thở vào hơi thở ra, những cái này gọi là thân hành.”
Vị trưởng lão đã thuyết giảng về Vi Diệu Pháp, rồi Anantakāya đã tuyên bố mình trở thành người cận sự nam.
5. Sau đó, đại đức Nāgasena đã đi đến nơi trú ngụ của đức vua Milinda, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Khi ấy, đức vua Milinda đã tự tay làm hài lòng và toại ý đại đức Nāgasena và hội chúng với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm, rồi đã dâng mỗi một vị tỳ khưu mỗi một xấp vải đôi, đã dâng đại đức Nāgasena với ba y, rồi đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Thưa ngài Nāgasena, xin ngài hãy ngồi lại đây cùng với mười vị tỳ khưu, hãy cho các vị còn lại đi về.”
Sau đó, biết được đại đức Nāgasena đã thọ thực xong, bàn tay đã rời khỏi bình bát, đức vua Milinda đã cầm lấy một chiếc ghế thấp rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Milinda đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Thưa ngài Nāgasena, cuộc trao đổi trò chuyện là về điều gì?”
“Tâu đại vương, chúng ta là những người có sự mong cầu về mục đích, vậy hãy là cuộc trao đổi trò chuyện thuần về mục đích.”
Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, sự xuất gia của ngài là với mục đích gì? Và mục đích tối hậu của ngài là gì?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, làm cách nào để cho khổ này diệt, và khổ khác không thể sanh lên? Tâu đại vương, sự xuất gia của chúng tôi là với mục đích ấy. Còn mục đích tối hậu của chúng tôi là Niết Bàn không còn chấp thủ.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải tất cả đều xuất gia với mục đích này?”
“Tâu đại vương, không hẳn. Một số xuất gia với mục đích này. Một số xuất gia vì sợ hãi đức vua. Một số xuất gia vì sợ hãi kẻ đạo tặc. Một số xuất gia vì bị hành hạ bởi nợ nần. Một số xuất gia vì mục đích nuôi mạng. Những người nào xuất gia chân chánh, những người ấy xuất gia với mục đích này.”
“Thưa ngài, có phải ngài đã xuất gia với mục đích này?”
“Tâu đại vương, tôi đã xuất gia khi còn là đứa bé trai. Tôi không biết là ‘tôi xuất gia với mục đích này.’ Tuy nhiên, tôi đã khởi ý như vầy: ‘Các vị Sa-môn Thích tử này là các bậc trí. Các vị sẽ cho ta học tập.’ Tôi đây đã được học tập với họ, tôi biết và nhận thức rằng: ‘Sự xuất gia là với mục đích này.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
6. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có người nào chết mà không tái sanh?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, có người tái sanh, có người không tái sanh.”
“Người nào tái sanh? Người nào không tái sanh?”
“Tâu đại vương, người còn phiền não tái sanh. Người không còn phiền não không tái sanh.”
“Thưa ngài, có phải ngài sẽ tái sanh?”
“Tâu đại vương, nếu tôi còn chấp thủ, tôi sẽ tái sanh. Nếu tôi không còn chấp thủ, tôi sẽ không tái sanh.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
7. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, người nào không tái sanh, chẳng lẽ người ấy không tái sanh do tác ý đúng đường lối?”
“Tâu đại vương, do tác ý đúng đường lối, do tuệ, và do các thiện pháp khác.”
“Thưa ngài, chẳng lẽ tác ý đúng đường lối chính là tuệ?”
“Tâu đại vương, không phải. Tác ý đúng đường lối là cái khác, tuệ là cái khác. Tâu đại vương, đối với hai pháp này, thì các loài dê, cừu, bò, trâu, lạc đà, lừa có sự tác ý, tuy nhiên chúng không có tuệ.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
8. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài, tác ý có gì là tướng trạng, tuệ có gì là tướng trạng?”
“Tâu đại vương, tác ý có sự cân nhắc là tướng trạng, tuệ có sự cắt đứt là tướng trạng.”
“Thưa ngài, tác ý có sự cân nhắc là tướng trạng nghĩa là thế nào? Tuệ có sự cắt đứt là tướng trạng nghĩa là thế nào? Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương có biết về những người gặt lúa không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Trẫm có biết.”
“Tâu đại vương, những người gặt lúa cắt cây lúa như thế nào?”
“Thưa ngài, họ nắm bó lúa bằng tay trái, cầm cái liềm bằng tay phải, rồi cắt bằng cái liềm.”
“Tâu đại vương, giống như người gặt lúa nắm lấy bó lúa bằng tay trái, cầm cái liềm bằng tay phải, rồi cắt bằng cái liềm, tương tợ y như thế hành giả nắm lấy ý bằng sự tác ý rồi cắt đứt các phiền não bằng tuệ. Tâu đại vương, tác ý có sự cân nhắc là tướng trạng nghĩa là như vậy, tuệ có sự cắt đứt là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
9. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘các thiện pháp khác,’ các thiện pháp ấy là những gì?”
“Tâu đại vương, là giới, tín, tấn, niệm, định, những cái này là các thiện pháp ấy.”
“Thưa ngài, giới có gì là tướng trạng?”
“Tâu đại vương, giới có sự đặt nền tảng là tướng trạng. Giới là nền tảng của tất cả các thiện pháp, của các sự thể nhập các quyền, các lực, các chi phần đưa đến giác ngộ, các Đạo, các sự thiết lập niệm, các chánh tinh tấn, các nền tảng của thần thông, các thiền, các sự giải thoát, các tầng định. Tâu đại vương, đối với người đã đặt nền tảng ở giới thì tất cả các thiện pháp không bị suy giảm.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như các loại hột giống và các loài thảo mộc nào đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh, tất cả các loại hột giống và các loài thảo mộc ấy đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh như thế này đều nương tựa vào đất, đều đặt nền tảng ở đất. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, hành giả tu tập năm quyền: tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền đều nương tựa vào giới, đều đặt nền tảng ở giới.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như các công việc nặng nhọc[1] nào được thực hiện, tất cả các công việc nặng nhọc được thực hiện như thế này đều nương tựa vào đất, đều đặt nền tảng ở đất. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, hành giả tu tập năm quyền: tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền đều nương tựa vào giới, đều đặt nền tảng ở giới.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như nhà kiến trúc đô thị có ý định xây dựng thành phố thì trước tiên cho làm sạch sẽ khu vực thành phố, cho dời đi gốc cây và các gai góc, cho làm bằng phẳng, sau đó phân chia khu vực của các con đường, các lô đất vuông, các giao lộ, v.v... rồi mới xây dựng thành phố. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, hành giả tu tập năm quyền: tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền đều nương tựa vào giới, đều đặt nền tảng ở giới.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như diễn viên nhào lộn có ý định biễu diễn nghề nghiệp thì cho người đào đất, cho dời đi sạn sỏi mảnh sành, cho làm bằng phẳng, rồi biễu diễn nghề nghiệp ở mặt đất mềm. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, hành giả tu tập năm quyền: tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền đều nương tựa vào giới, đều đặt nền tảng ở giới. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
Sau khi đặt nền tảng ở giới, người có trí tu tập tâm và tuệ.
Vị tỳ khưu tinh cần, chín chắn, vị ấy có thể gỡ ra mối rối này.
Đây là nền tảng ví như trái đất đối với các sinh mạng,
và đây là gốc của sự phát triển các điều tốt đẹp,
và đây là phần đầu ở lời dạy của tất cả các đấng Chiến Thắng,
chính là giới uẩn thuộc về giới bổn Pātimokkha cao quý.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
10. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, tín có gì là tướng trạng?”
“Tâu đại vương, tín có sự thanh lọc là tướng trạng, và có sự tiến vào là tướng trạng.”
“Thưa ngài, tín có sự thanh lọc là tướng trạng nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, tín trong khi được sanh lên thì loại trừ các pháp che lấp, làm cho tâm thoát khỏi các pháp che lấp, không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục. Tâu đại vương, tín có sự thanh lọc là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như đức chuyển luân vương di chuyển đường xa cùng với đạo quân gồm bốn binh chủng vượt qua vũng nước nhỏ; vũng nước nhỏ ấy bởi các con voi, bởi các con ngựa, bởi các cỗ xe, và bởi các bộ binh, bị khuấy động, bị vẩn đục, bị quậy lên, trở thành bùn lầy. Và khi đã vượt qua, đức chuyển luân vương ra lệnh cho mọi người rằng: ‘Này các khanh, hãy mang nước lại, trẫm sẽ uống nước.’ Và đức vua có viên ngọc ma-ni lọc nước. ‘Tâu bệ hạ, xin tuân lệnh.’ Những người ấy vâng lệnh đức chuyển luân vương và thả viên ngọc ma-ni lọc nước ấy vào trong nước. Ngay khi viên ngọc ấy được thả vào trong nước thì số lượng rong rêu biến mất, và bùn lắng xuống, nước trở nên không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục, sau đó họ đã dâng nước uống đến đức chuyển luân vương: ‘Tâu bệ hạ, xin bệ hạ hãy uống nước.’
Tâu đại vương, nước là như thế nào thì tâm nên được xem xét như vậy. Những người ấy là như thế nào thì hành giả nên được xem xét như vậy. Số lượng rong rêu và bùn là như thế nào thì các phiền não nên được xem xét như vậy. Viên ngọc ma-ni lọc nước là như thế nào thì tín nên được xem xét như vậy. Giống như khi viên ngọc ma-ni lọc nước được thả vào trong nước thì số lượng rong rêu biến mất, và bùn lắng xuống, nước trở nên không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục, tâu đại vương tương tợ y như thế, tín trong khi được sanh lên thì loại trừ các pháp che lấp, làm cho tâm thoát khỏi các pháp che lấp, không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục. Tâu đại vương, tín có sự thanh lọc là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
11. “Thưa ngài, tín có sự tiến vào là tướng trạng nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, giống như sau khi nhìn thấy tâm của những người khác đã được giải thoát, vị hành giả tiến vào quả Nhập Lưu, hoặc quả Nhất Lai, hoặc quả Bất Lai, hoặc phẩm vị A-la-hán, thực hành việc tu luyện để đạt đến pháp chưa được đạt đến, để chứng đạt pháp chưa được chứng đạt, để chứng đắc pháp chưa được chứng đắc. Tâu đại vương, tín có sự tiến vào là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như đám mây lớn ở phía trên núi đổ mưa xuống, nước mưa ấy trong khi di chuyển xuống chỗ thấp, sau khi làm đầy các rãnh, các khe, các suối của ngọn núi, thì có thể làm đầy con sông; con sông trôi chảy ngập tràn hai con đê. Rồi có đám đông người đi đến, trong khi không biết mức độ cạn hay sâu của con sông, sợ hãi, ngần ngại, đứng ở bờ sông. Rồi một người nam đi đến, trong khi nhận biết thể lực và sức mạnh của mình đã buộc chặt chiếc khố rồi tiến vào và vượt qua. Sau khi nhìn thấy người ấy đã vượt qua được, đám đông người cũng vượt qua.
Tâu đại vương, giống như sau khi nhìn thấy tâm của những người khác đã được giải thoát, vị hành giả tiến vào quả Nhập Lưu, hoặc quả Nhất Lai, hoặc quả Bất Lai, hoặc phẩm vị A-la-hán, thực hành việc tu luyện để đạt đến pháp chưa được đạt đến, để chứng đạt pháp chưa được chứng đạt, để chứng đắc pháp chưa được chứng đắc. Tâu đại vương, tín có sự tiến vào là tướng trạng nghĩa là như vậy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến ở Tương Ưng Bộ quý báu:
Vượt qua cơn lũ nhờ vào tín, vượt qua biển cả nhờ vào sự không xao lãng, vượt lên khổ đau nhờ vào sự tinh tấn, được hoàn toàn trong sạch nhờ vào tuệ.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
12. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, tấn có gì là tướng trạng?”
“Tâu đại vương, tấn có sự nâng đỡ là tướng trạng. Được nâng đỡ bởi tấn, tất cả các thiện pháp không bị suy giảm.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như khi ngôi nhà đang sụp đổ, người đàn ông nâng đỡ bằng thanh gỗ khác. Trong khi được nâng đỡ như vậy, ngôi nhà ấy không thể bị sụp đổ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, tấn có sự nâng đỡ là tướng trạng. Được nâng đỡ bởi tấn, tất cả các thiện pháp không bị suy giảm.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như đội binh lớn có thể đánh tan đội binh nhỏ, vì thế có người báo cho đức vua, đức vua cho đội binh khác tiếp ứng, tiếp viện đội binh nhỏ, với đội binh tiếp viện ấy đội binh nhỏ có thể đánh tan đội binh lớn. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, tấn có sự nâng đỡ là tướng trạng. Được nâng đỡ bởi tấn, tất cả các thiện pháp không bị suy giảm. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, có sự tinh tấn vị Thánh đệ tử từ bỏ pháp bất thiện, tu tập pháp thiện, từ bỏ pháp bị chê trách, tu tập pháp không bị chê trách, gìn giữ bản thân trong sạch.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
13. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, niệm có gì là tướng trạng?”
“Tâu đại vương, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng, có sự nắm lấy là tướng trạng?”
“Thưa ngài, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, niệm trong khi được sanh lên thì không lơ đễnh các pháp có sự xen lẫn là thiện, bất thiện, có tội, không có tội, hạ liệt, cao quý, đen, trắng rằng: ‘Đây là bốn sự thiết lập niệm, đây là bốn chánh cần, đây là bốn nền tảng của thần thông, đây là năm quyền, đây là năm lực, đây là bảy chi phần đưa đến giác ngộ, đây là Thánh đạo tám chi phần, đây là chỉ tịnh, đây là minh sát, đây là minh, đây là giải thoát.’ Nhờ đó, hành giả thực hành các pháp nên thực hành, không thực hành các pháp không nên thực hành, thân cận các pháp nên thân cận, không thân cận các pháp không nên thân cận. Tâu đại vương, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như viên quan giữ kho của đức chuyển luân vương sáng chiều nhắc nhở cho đức chuyển luân vương về sự vinh quang rằng: ‘Tâu bệ hạ, bệ hạ có chừng này voi, chừng này ngựa, chừng này cỗ xe, chừng này bộ binh, chừng này vàng khối, chừng này vàng ròng, chừng này tài sản, xin bệ hạ hãy ghi nhớ điều ấy,’ và không lơ đễnh về tài sản của đức vua. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, niệm trong khi được sanh lên thì không lơ đễnh các pháp có sự xen lẫn là thiện, bất thiện, có tội, không có tội, hạ liệt, cao quý, đen, trắng rằng: ‘Đây là bốn sự thiết lập niệm, đây là bốn chánh cần, đây là bốn nền tảng của thần thông, đây là năm quyền, đây là năm lực, đây là bảy chi phần đưa đến giác ngộ, đây là Thánh đạo tám chi phần, đây là chỉ tịnh, đây là minh sát, đây là minh, đây là giải thoát.’ Nhờ đó, hành giả thực hành các pháp nên thực hành, không thực hành các pháp không nên thực hành, thân cận các pháp nên thân cận, không thân cận các pháp không nên thân cận. Tâu đại vương, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Thưa ngài, niệm có sự nắm lấy là tướng trạng nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, niệm trong khi được sanh lên thì xem xét các hành vi của các pháp có lợi ích và không có lợi ích rằng: ‘Các pháp này có lợi ích, các pháp này không có lợi ích. Các pháp này hữu dụng, các pháp này không hữu dụng. Nhờ đó, hành giả bỏ đi các pháp không có lợi ích, nắm lấy các pháp có lợi ích, bỏ đi các pháp không hữu dụng, nắm lấy các pháp hữu dụng. Tâu đại vương, nắm lấy quả là như vậy. Tâu đại vương, niệm có sự nắm lấy là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như vị tướng quân báu của đức chuyển luân vương biết được điều lợi ích và không lợi ích cho đức vua rằng: ‘Đối với đức vua, các điều này có lợi ích, các điều này không có lợi ích, các điều này hữu dụng, các điều này không hữu dụng,’ nhờ đó bỏ đi các điều không có lợi ích, nắm lấy các điều có lợi ích, bỏ đi các điều không hữu dụng, nắm lấy các điều hữu dụng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, niệm trong khi được sanh lên thì xem xét các hành vi của các pháp có lợi ích và không có lợi ích rằng: ‘Các pháp này có lợi ích, các pháp này không có lợi ích. Các pháp này hữu dụng, các pháp này không hữu dụng. Nhờ đó, hành giả bỏ đi các pháp không có lợi ích, nắm lấy các pháp có lợi ích, bỏ đi các pháp không hữu dụng, nắm lấy các pháp hữu dụng. Tâu đại vương, niệm có sự nắm lấy là tướng trạng nghĩa là như vậy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, ta nói rằng niệm quả là có lợi ích về mọi mặt.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
14. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, định có gì là tướng trạng?”
“Tâu đại vương, định có sự dẫn đầu là tướng trạng. Tất cả các thiện pháp đều có định là pháp dẫn đầu, có định là nơi quy về, có định là nơi hướng đến, có định là nơi tiến tới.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như tất cả các cây đà của ngôi nhà mái nhọn có chóp nhọn là nơi đi đến, có chóp nhọn là nơi quy về, có chóp nhọn là nơi hội tụ. Chóp nhọn được gọi là đỉnh của chúng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, tất cả các thiện pháp đều có định là pháp dẫn đầu, có định là nơi quy về, có định là nơi hướng đến, có định là nơi tiến tới.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như một vị vua lao vào cuộc chiến đấu cùng với đạo quân gồm có bốn binh chủng, và toàn thể đạo quân gồm các con voi, các con ngựa, các cỗ xe, và bộ binh có đức vua là vị dẫn đầu, có đức vua là nơi quy về, có đức vua là nơi hướng đến, có đức vua là nơi tiến tới, chúng di chuyển xung quanh đức vua. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, tất cả các thiện pháp đều có định là pháp dẫn đầu, có định là nơi quy về, có định là nơi hướng đến, có định là nơi tiến tới. Tâu đại vương, định có sự dẫn đầu là tướng trạng nghĩa là như vậy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, hãy tu tập về định. Vị đã định, nhận biết như thật.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
15. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, tuệ có gì là tướng trạng?”
“Tâu đại vương, quả là đã được tôi nói đến trước đây: ‘Tuệ có sự cắt đứt là tướng trạng.’ Và tuệ còn có sự soi sáng là tướng trạng.”
“Thưa ngài, tuệ có sự soi sáng là tướng trạng nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, tuệ trong khi được sanh lên thì xua tan bóng tối vô minh, tạo ra ánh sáng ngời của minh, phô bày ánh sáng của trí, làm cho các chân lý cao thượng được hiển hiện. Nhờ đó, hành giả nhìn thấy với tuệ chân chánh rằng: ‘là vô thường,’ hoặc ‘là khổ não,’ hoặc ‘là vô ngã’.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người đàn ông đem cây đèn vào trong ngôi nhà tối tăm, cây đèn khi đã được đem vào thì xua tan bóng tối, tạo ra ánh sáng ngời, phô bày ánh sáng, làm cho các vật thể được hiển hiện. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, tuệ trong khi được sanh lên thì xua tan bóng tối vô minh, tạo ra ánh sáng ngời của minh, phô bày ánh sáng của trí, làm cho các chân lý cao thượng được hiển hiện. Nhờ đó, hành giả nhìn thấy với tuệ chân chánh rằng: ‘là vô thường,’ hoặc ‘là khổ não,’ hoặc ‘là vô ngã.’ Tâu đại vương, tuệ có sự soi sáng là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
16. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, các pháp này là khác biệt, nhưng có phải chúng đạt tới cùng một mục đích?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Các pháp này là khác biệt, nhưng chúng đạt tới cùng một mục đích là diệt trừ các phiền não.”
“Thưa ngài, các pháp này là khác biệt, nhưng chúng đạt tới cùng một mục đích là diệt trừ các phiền não nghĩa là thế nào? Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như các đạo quân là khác nhau: các con voi, các con ngựa, các cỗ xe, và bộ binh, nhưng chúng đạt tới cùng một mục đích là chiến thắng đạo quân đối địch ở chiến trường. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, các pháp này là khác biệt, nhưng chúng đạt tới cùng một mục đích là diệt trừ các phiền não.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
Đại Phẩm là phần thứ nhất.
(Trong phẩm này có mười sáu câu hỏi)
*****
1. Đức vua Milinda đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, người đi tái sanh thì cũng chính là người ấy, hay là người khác?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Không phải là người ấy, mà cũng không phải là người khác.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Khi đại vương còn nhỏ, trẻ thơ, bé bỏng, nằm ngửa, có phải chính đứa bé ấy là đại vương hiện nay đã được trưởng thành?”
“Thưa ngài, không phải. Đứa nhỏ, trẻ thơ, bé bỏng, nằm ngửa ấy là khác, trẫm hiện nay trưởng thành là khác.”
“Tâu đại vương, trong khi là như vậy thì cũng sẽ không có người gọi là ‘mẹ,’ cũng sẽ không có người gọi là ‘cha,’ cũng sẽ không có người gọi là ‘thầy,’ cũng sẽ không có người gọi là ‘nghệ nhân,’ cũng sẽ không có người gọi là ‘bậc giới đức,’ cũng sẽ không có người gọi là ‘bậc trí.’ Tâu đại vương, phải chăng người mẹ của bào thai mới tượng là khác, người mẹ của bào thai thời kỳ thứ hai là khác, người mẹ của bào thai thời kỳ thứ ba là khác, người mẹ của bào thai thời kỳ thứ tư là khác, người mẹ của người con lúc bé là khác, người mẹ của người con trưởng thành là khác, người học nghề là người khác, người thạo nghề là người khác, người làm việc ác là người khác, người có tay chân bị chặt là người khác?”
“Thưa ngài, không phải. Thưa ngài, nếu được nói như vậy thì ngài có thể đáp lại điều gì?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, chính tôi đã là đứa nhỏ, trẻ thơ, bé bỏng, nằm ngửa, chính tôi hiện nay đã được trưởng thành, tất cả các sự việc ấy được tổng hợp chung lại nương vào chính thân xác này.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như một người nào đó thắp sáng ngọn đèn, có phải ngọn đèn có thể chiếu sáng trọn đêm?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Nó có thể chiếu sáng trọn đêm.”
“Tâu đại vương, vậy có phải ngọn lửa ở canh đầu là ngọn lửa ở canh giữa?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Tâu đại vương, vậy có phải cây đèn ấy ở canh đầu là khác, cây đèn ở canh giữa là khác, cây đèn ở canh cuối là khác?”
“Thưa ngài, không phải. Nó được chiếu sáng trọn đêm nương vào chính cây đèn ấy.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự diễn tiến của pháp được liên kết lại. Sanh lên là cái khác, hoại diệt là cái khác, được liên kết như là không trước không sau. Vì thế, không phải là người ấy, mà cũng không phải là người khác, tâm thức trước đi đến sự kết hợp với tâm thức sau.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như sữa tươi được vắt ra sau một thời gian thì trở thành sữa chua, từ sữa chua trở thành sữa đông, từ sữa đông trở thành sữa trong. Tâu đại vương, vậy thì người nào nói như vầy: ‘Vật nào là sữa tươi chính vật ấy là sữa chua, chính vật ấy là sữa đông, chính vật ấy là sữa trong;’ tâu đại vương, trong khi nói như thế có phải là người ấy nói đúng?”
“Thưa ngài, không đúng. Vật được tạo thành là nương vào chính sữa tươi ấy.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự diễn tiến của pháp được liên kết lại. Sanh lên là cái khác, hoại diệt là cái khác, được liên kết như là không trước không sau. Vì thế, không phải là người ấy, mà cũng không phải là người khác, tâm thức trước đi đến sự kết hợp với tâm thức sau.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
2. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, người nào không tái sanh, có phải người ấy biết rằng: ‘Ta sẽ không tái sanh’?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Người nào không tái sanh, người ấy biết rằng: ‘Ta sẽ không tái sanh.’”
“Thưa ngài, làm sao biết?”
“Tâu đại vương, nhân nào duyên nào đưa đến việc tái sanh, do sự chấm dứt của nhân ấy duyên ấy nên người ấy biết rằng: ‘Ta sẽ không tái sanh.’”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nông dân gia chủ, sau khi cày đất và gieo hạt, có thể làm đầy kho lúa; người ấy vào lúc khác không cày đất không gieo hạt, rồi thọ dụng thóc lúa đã được tích trữ hoặc phân phát hoặc sử dụng tùy duyên, tâu đại vương, có phải người nông dân gia chủ ấy biết rằng: ‘Ta sẽ không làm đầy kho lúa’?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể biết được.”
“Làm sao biết được?”
“Nhân nào duyên nào đưa đến việc làm đầy kho lúa, do sự chấm dứt của nhân ấy duyên ấy nên người ấy biết rằng: ‘Ta sẽ không làm đầy kho lúa của ta.’”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhân nào duyên nào đưa đến việc tái sanh, do sự chấm dứt của nhân ấy duyên ấy nên người ấy biết rằng: ‘Ta sẽ không tái sanh.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
3. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, trí sanh lên cho người nào, thì tuệ sanh lên cho người ấy phải không?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Trí sanh lên cho người nào, thì tuệ sanh lên cho người ấy.”
“Thưa ngài, có phải cái nào là trí thì chính cái ấy là tuệ?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Cái nào là trí thì chính cái ấy là tuệ.”
“Thưa ngài, chính trí ấy chính tuệ ấy được sanh lên cho người nào, có phải người ấy còn mê mờ, hay không còn mê mờ?”
“Tâu đại vương, còn mê mờ về lãnh vực nào đó, không còn mê mờ về lãnh vực nào đó.”
“Thưa ngài, còn mê mờ về lãnh vực gì, không còn mê mờ về lãnh vực gì?”
“Tâu đại vương, còn mê mờ về những lãnh vực nghề nghiệp chưa được biết trước đây, hoặc về những địa phương chưa được đi đến trước đây, hoặc về những tên gọi và điều quy định chưa được nghe trước đây.”
“Không còn mê mờ về lãnh vực gì?”
“Tâu đại vương, điều nào đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã,’ thì không còn mê mờ về lãnh vực ấy.”
“Thưa ngài, vậy thì sự si mê của người này đi đâu?”
“Tâu đại vương, vào lúc trí được sanh lên, thì si mê diệt mất ngay tại chỗ ấy.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó mang cây đèn vào căn nhà tối tăm, do đó bóng tối diệt mất, ánh sáng hiện ra; tâu đại vương, tương tợ y như thế vào lúc trí được sanh lên, thì si mê diệt mất ngay tại chỗ ấy.”
“Thưa ngài, vậy thì tuệ đi đâu?”
“Tâu đại vương, tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy. Tuy nhiên, điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất.”
“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là: ‘Tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy,’ và ‘điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất,’ xin ngài cho ví dụ về điều ấy.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó có ý định gởi đi bức thơ vào ban đêm, có thể cho gọi người thơ ký đến, bảo đem lại cây đèn rồi bảo viết bức thơ. Khi bức thơ đã được viết xong thì có thể cho làm tắt cây đèn, mặc dầu cây đèn đã được làm tắt, bức thơ vẫn không biến mất; tâu đại vương, tương tợ y như thế tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy, và điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như ở các xứ sở ở phương Đông, người ta để năm chum nước dọc theo từng nhà một để dập tắt hỏa hoạn. Khi căn nhà bị bốc cháy thì ném năm chum nước ấy ở phía bên trên căn nhà, do đó ngọn lửa được dập tắt. Tâu đại vương, có phải những người ấy sẽ khởi ý rằng: ‘Chúng ta sẽ làm công việc dập tắt lửa với năm chum nước ấy lần nữa?’”
“Thưa ngài, không phải. Đã xong rồi với năm chum nước ấy. Còn việc gì với năm chum nước ấy?”
“Tâu đại vương, năm chum nước là như thế nào thì ngũ quyền gồm có tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền nên được xem xét như vậy. Những người ấy là như thế nào thì hành giả nên được xem xét như vậy. Ngọn lửa là như thế nào thì các phiền não nên được xem xét như vậy. Ngọn lửa được dập tắt bởi năm chum nước như thế nào thì các phiền não được dập tắt bởi năm quyền là như vậy. Các phiền não đã được dập tắt thì không xuất hiện lại nữa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy, và điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người thầy thuốc lấy năm loại thuốc rễ cây đi đến gặp người bệnh. Sau khi nghiền nát năm loại thuốc rễ cây ấy rồi cho người bệnh uống để loại trừ các sự khó chịu nhờ vào năm loại thuốc rễ cây ấy. Tâu đại vương, có phải người thầy thuốc ấy sẽ khởi ý rằng: ‘Ta sẽ làm công việc chữa trị với năm loại thuốc rễ cây ấy lần nữa?’”
“Thưa ngài, không phải. Đã xong rồi với các loại thuốc rễ cây ấy. Còn việc gì với các loại thuốc rễ cây ấy?”
“Tâu đại vương, năm loại thuốc rễ cây là như thế nào thì ngũ quyền gồm có tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền nên được xem xét như vậy. Người thầy thuốc là như thế nào thì hành giả nên được xem xét như vậy. Căn bệnh là như thế nào thì các phiền não nên được xem xét như vậy. Người bị bệnh là như thế nào thì phàm nhân nên được xem xét như vậy. Khi sự khó chịu của căn bệnh được loại trừ nhờ vào năm loại thuốc rễ cây rồi người bệnh được hết bệnh như thế nào thì các phiền não được loại trừ nhờ vào năm quyền là như vậy, và các phiền não đã được loại trừ thì không xuất hiện lại nữa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy, và điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người chiến sĩ tham gia chiến trận cầm lấy năm mũi tên lao vào chiến trận để đánh bại đội quân địch, vị ấy có thể phóng năm mũi tên ấy ở chiến trận và nhờ chúng đội quân địch bị phá tan; tâu đại vương, có phải người chiến sĩ tham gia chiến trận ấy sẽ khởi ý rằng: ‘Ta sẽ làm công việc bắn tên với năm mũi tên ấy lần nữa?’”
“Thưa ngài, không phải. Đã xong rồi với năm mũi tên ấy; còn việc gì với năm mũi tên ấy?”
“Tâu đại vương, năm mũi tên là như thế nào thì ngũ quyền gồm có tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền nên được xem xét như vậy. Người chiến sĩ tham gia chiến trận là như thế nào thì hành giả nên được xem xét như vậy. Đội quân địch là như thế nào thì các phiền não nên được xem xét như vậy. Đội quân địch bị phá tan bởi năm mũi tên như thế nào thì các phiền não bị phá tan bởi năm quyền là như vậy, và các phiền não đã bị phá tan thì không xuất hiện lại nữa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy, và điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
4. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, người nào không tái sanh, người ấy còn nhận biết thọ khổ nào đó phải không?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Còn nhận biết thọ nào đó, không nhận biết thọ nào đó.”
“Nhận biết thọ gì, không nhận biết thọ gì?”
“Tâu đại vương, nhận biết thọ thuộc về thân, không nhận biết thọ thuộc về tâm.”
“Thưa ngài, nhận biết thọ thuộc về thân là thế nào, nhận biết thọ thuộc về tâm là thế nào?”
“Nhân nào duyên nào đưa đến việc sanh lên thọ khổ thuộc về thân, do sự chưa chấm dứt của nhân ấy duyên ấy nên người ấy nhận biết thọ khổ thuộc về thân. Nhân nào duyên nào đưa đến việc sanh lên thọ khổ thuộc về tâm, do sự chấm dứt của nhân ấy duyên ấy nên người ấy không nhận biết thọ khổ thuộc về tâm. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Người ấy nhận biết một thọ, thuộc về thân không thuộc về tâm.’”
“Thưa ngài Nāgasena, người ấy nhận biết thọ khổ thuộc về thân, tại sao người ấy không viên tịch Niết Bàn?”
“Tâu đại vương, đối với A-la-hán không có sự bám níu hay sự ghét bỏ. Và các vị A-la-hán không hủy diệt điều chưa chín tới. Các bậc trí chờ đợi sự chín muồi. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp, nói đến:
‘Tôi không vui thích sự chết, tôi không vui thích sự sống, và tôi trông chờ thời điểm, giống như người làm công trông chờ tiền lương.
Tôi không vui thích sự chết, tôi không vui thích sự sống, và tôi trông chờ thời điểm, tỉnh giác, có niệm.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
5. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, các thọ lạc là thiện, hay là bất thiện, hay là không xác định?”
“Tâu đại vương, có thể là thiện, có thể là bất thiện, có thể là không xác định.”
“Thưa ngài, nếu là thiện thì không khổ, nếu là khổ thì không phải là thiện, ‘vừa là thiện vừa là khổ’ không xảy ra.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Trường hợp đặt xuống khối sắt được nung đỏ ở bàn tay của người đàn ông, ở bàn tay thứ nhì đặt xuống cục tuyết lạnh, tâu đại vương, phải chăng cả hai vật ấy đều có thể gây bỏng?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Cả hai vật ấy đều có thể gây bỏng.”
“Tâu đại vương, có phải cả hai vật ấy đều nóng?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Tâu đại vương, có phải cả hai vật ấy đều lạnh?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Đại vương hãy nhận biết lời bắt bẻ. Nếu vật được nung đỏ gây bỏng, tuy nhiên không phải cả hai vật ấy đều là nóng, vì thế không xảy ra. Nếu vật lạnh gây bỏng, tuy nhiên không phải cả hai vật ấy đều là lạnh, vì thế không xảy ra. Tâu đại vương, vậy thì tại sao cả hai vật ấy đều gây bỏng? Không phải cả hai vật ấy đều là nóng, không phải cả hai vật ấy đều là lạnh, mà là một nóng, một lạnh. Vậy mà cả hai vật ấy đều gây bỏng, vì thế không xảy ra.”
“Thưa ngài, trẫm không có khả năng để trò chuyện với nhà diễn thuyết như ngài. Thưa ngài, lành thay xin ngài nói về ý nghĩa.”
Do đó, vị trưởng lão đã giúp cho đức vua Milinda hiểu được bằng sự thuyết giảng liên quan đến Vi Diệu Pháp: “Tâu đại vương, đây là sáu hỷ tâm liên quan thế tục, sáu hỷ tâm liên quan xuất ly, sáu sân tâm liên quan thế tục, sáu sân tâm liên quan xuất ly, sáu xả liên quan thế tục, sáu xả liên quan xuất ly; đây là sáu nhóm sáu. Hơn nữa, ba mươi sáu thọ thuộc quá khứ, ba mươi sáu thọ thuộc vị lai, ba mươi sáu thọ thuộc hiện tại, sau khi gom lại đặt chung lại với nhau thì có một trăm lẻ tám thọ.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
6. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ai đi tái sanh?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, danh sắc đi tái sanh.”
“Có phải chính danh sắc này đi tái sanh?”
“Tâu đại vương, không phải chính danh sắc này đi tái sanh. Tâu đại vương, tuy nhiên con người tạo nghiệp thiện hoặc ác với danh sắc này, do nghiệp ấy mà danh sắc khác đi tái sanh.”
“Thưa ngài Nāgasena, nếu không phải chính danh sắc này đi tái sanh, không lẽ người ấy sẽ được thoát khỏi các nghiệp ác?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Nếu không đi tái sanh thì có thể thoát khỏi các nghiệp ác. Tâu đại vương, và chính vì đi tái sanh mà không được thoát khỏi các nghiệp ác.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó lấy trộm trái xoài của người nào khác, người chủ trái xoài bắt lấy chính người ấy rồi đem trình diện đức vua: ‘Tâu bệ hạ, các trái xoài của thần bị người này lấy trộm.’ Người ấy nói như vầy: ‘Tâu bệ hạ, thần không lấy trộm các trái xoài của người này. Các trái xoài đã được người này trồng là các trái khác, các trái xoài đã bị thần lấy trộm là các trái khác. Thần không đáng bị hình phạt.’ Tâu đại vương, phải chăng người ấy đáng bị hành phạt?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Đáng bị hành phạt.”
“Vì lý do gì?”
“Thưa ngài, cho dầu người ấy có thể nói như thế, người ấy có thể chối bỏ trái xoài trước, vẫn đáng bị hành phạt với trái xoài sau.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế con người tạo nghiệp thiện hoặc ác với danh sắc này, do nghiệp ấy mà danh sắc khác đi tái sanh, do đó không được thoát khỏi các nghiệp ác.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó lấy trộm lúa sāli —(như trên)— lấy trộm mía của người nào khác, —(như trên)— Tâu đại vương, giống như người nào đó vào mùa đông đốt ngọn lửa, sau khi sưởi ấm đã không dập tắt rồi ra đi. Sau đó, ngọn lửa ấy đốt cháy ruộng lúa của người khác. Người chủ ruộng bắt lấy chính người ấy rồi đem trình diện đức vua: ‘Tâu bệ hạ, ruộng của thần bị người này đốt cháy.’ Người ấy nói như vầy: ‘Tâu bệ hạ, thần không đốt cháy ruộng của người này. Ngọn lửa thần quên dập tắt ấy là khác, ngọn lửa đốt cháy ruộng của người này là khác. Thần không đáng bị hình phạt.’ Tâu đại vương, phải chăng người ấy đáng bị hành phạt?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Đáng bị hành phạt.”
“Vì lý do gì?”
“Thưa ngài, cho dầu người ấy có thể nói như thế, người ấy có thể chối bỏ ngọn lửa trước, vẫn đáng bị hành phạt với ngọn lửa sau.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế con người tạo nghiệp thiện hoặc ác với danh sắc này, do nghiệp ấy mà danh sắc khác đi tái sanh, do đó không được thoát khỏi các nghiệp ác.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó cầm lấy cây đèn rồi leo lên căn gác và sử dụng nó. Cây đèn trong khi được đốt cháy có thể đốt cháy cỏ, cỏ trong khi được đốt cháy có thể đốt cháy căn nhà, căn nhà trong khi được đốt cháy có thể đốt cháy ngôi làng, dân làng bắt lấy chính người ấy rồi nói như vầy: ‘Này ông, tại sao ông đốt cháy ngôi làng?’ Người ấy nói như vầy: ‘Này các ông, tôi không đốt cháy ngôi làng. Ngọn lửa của cây đèn mà tôi đã sử dụng ánh sáng là khác, ngọn lửa đã đốt cháy ngôi làng là khác.’ Trong khi tranh cãi, họ đã đi đến gặp bệ hạ. Tâu đại vương, đại vương có thể chấp nhận lời giải thích của ai?”
“Thưa ngài, của dân làng.”
“Vì lý do gì?”
“Thưa ngài, cho dầu người ấy có thể nói như thế, tuy nhiên ngọn lửa ấy đã phát khởi chính từ đó.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế cho dầu danh sắc cận tử là khác, danh sắc trong sự đi tái sanh là khác, tuy nhiên danh sắc ấy đã phát khởi chính từ đó. Vì thế không được thoát khỏi các nghiệp ác.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó hỏi cưới cô con gái còn nhỏ, sau khi dâng vật đính hôn rồi ra đi. Cô gái ấy sau này trưởng thành đến tuổi thành hôn. Sau đó có người đàn ông khác dâng vật đính hôn rồi cử hành đám cưới. Người kia trở lại và nói như vầy: ‘Này ông, vì sao ông dẫn đi người vợ của tôi?’ Người ấy nói như vầy: ‘Này ông, tôi không dẫn đi người vợ của ông. Cô con gái còn nhỏ trẻ tuổi đã được ông hỏi cưới và dâng vật đính hôn là cô khác, cô con gái trưởng thành đến tuổi thành hôn được tôi hỏi cưới và dâng vật đính hôn là cô khác.’ Trong khi tranh cãi, họ đã đi đến gặp bệ hạ. Tâu đại vương, đại vương có thể chấp nhận lời giải thích của ai?”
“Thưa ngài, của người trước.”
“Vì lý do gì?”
“Thưa ngài, cho dầu người ấy có thể nói như thế, tuy nhiên cô gái ấy trưởng thành phát khởi chính từ đó.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế cho dầu danh sắc cận tử là khác, danh sắc trong sự đi tái sanh là khác, tuy nhiên danh sắc ấy đã phát khởi chính từ đó. Vì thế không được thoát khỏi các nghiệp ác.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó mua lọ sữa tươi từ tay của người chăn bò, sau khi để lại ở tay của chính người ấy rồi ra đi (nói rằng): ‘Ngày mai, tôi sẽ nhận lấy rồi khởi hành.’ Ngày hôm sau, sữa tươi ấy có thể trở thành sữa chua. Người kia đi đến và nói như vầy: ‘Hãy trao cho tôi lọ sữa tươi.’ Người chăn bò trao sữa chua. Người kia nói như vầy; ‘Tôi không mua sữa chua từ tay của ông. Hãy trao cho tôi lọ sữa tươi.’ Người ấy nói như vầy: ‘Bộ ông không biết sữa tươi của ông đã trở thành sữa chua?’ Trong khi tranh cãi, họ đã đi đến gặp bệ hạ. Tâu đại vương, đại vương có thể chấp nhận lời giải thích của ai?”
“Thưa ngài, của người chăn bò.”
“Vì lý do gì?”
“Thưa ngài, cho dầu người ấy có thể nói như thế, tuy nhiên sữa chua ấy phát khởi chính từ đó.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế cho dầu danh sắc cận tử là khác, danh sắc trong sự đi tái sanh là khác, tuy nhiên danh sắc ấy đã phát khởi chính từ đó. Vì thế không được hoàn toàn thoát khỏi các nghiệp ác.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
7. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải ngài sẽ không đi tái sanh?”
“Tâu đại vương, thôi đi. Điều gì với việc hỏi điều ấy? Không phải tôi đã nói trước đây là: ‘Tâu đại vương, nếu tôi còn chấp thủ tôi sẽ tái sanh. Nếu tôi không còn chấp thủ thì tôi sẽ không đi tái sanh’?”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó làm việc phục vụ cao quý đến đức vua, đức vua hoan hỷ ban cho phần thưởng. Với phần thưởng ấy, người ấy đạt được, có được, hưởng được năm phần dục lạc. Nếu người ấy tuyên bố với mọi người rằng: ‘Đức vua không đền đáp cho tôi.’ Tâu đại vương, phải chăng người ấy có sự hành xử đúng đắn?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế điều gì cho đại vương với việc hỏi điều này? Không phải tôi đã nói trước đây là: ‘Tâu đại vương, nếu tôi còn chấp thủ tôi sẽ tái sanh. Nếu tôi không còn chấp thủ thì tôi sẽ không đi tái sanh’?”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
8. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘danh sắc,’ ở nơi ấy cái gì là danh, cái gì là sắc?”
“Tâu đại vương, ở nơi ấy cái nào thô thiển cái ấy là sắc. Ở nơi ấy những pháp nào vi tế, là tâm và sở hữu tâm, cái ấy là danh.”
“Thưa ngài Nāgasena, vì lý do gì không chỉ riêng danh đi tái sanh, hoặc không chỉ riêng sắc (đi tái sanh)?”
“Tâu đại vương, các pháp này nương tựa lẫn nhau, sanh lên chung với nhau.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như không có mầm trứng ở con gà mái thì cũng không có quả trứng. Và trong trường hợp ấy, cái nào là mầm trứng, và cái nào là quả trứng, cả hai vật này nương tựa lẫn nhau, chúng có sự sanh lên chung với nhau. Tâu đại vương, tương tợ y như thế ở nơi ấy nếu không có danh thì cũng không có sắc. Ở nơi ấy cái nào là danh, cái nào là sắc, cả hai cái này cũng nương tựa lẫn nhau, chúng có sự sanh lên chung với nhau. Như vậy hành trình[2] diệu vợi này được tạo nên.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
9. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘hành trình diệu vợi,’ hành trình này gọi là gì?”
“Tâu đại vương, quá khứ là hành trình, vị lai là hành trình, hiện tại là hành trình.”
“Thưa ngài, phải chăng hành trình là hiện hữu?”
“Tâu đại vương, cũng có loại hành trình là hiện hữu, cũng có loại hành trình là không hiện hữu.”
“Thưa ngài, loại nào là hiện hữu, loại nào là không hiện hữu?”
“Tâu đại vương, các hành quá khứ, đã qua khỏi, bị hoại diệt, bị biến đổi, loại hành trình ấy không hiện hữu. Các pháp tạo quả và các pháp có nhân tạo quả, chúng ban cho sự đi tái sanh ở nơi khác, loại hành trình ấy là hiện hữu. Các chúng sanh chết đi rồi sanh lên ở nơi khác, loại hành trình ấy là hiện hữu. Các chúng sanh chết đi rồi không sanh lên ở nơi khác, loại hành trình ấy là không hiện hữu. Và các chúng sanh nào viên tịch Niết Bàn, loại hành trình ấy là không hiện hữu, là sự viên tịch Niết Bàn.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
Phẩm Hành Trình là thứ nhì.
(Trong phẩm này có chín câu hỏi)
*****
1. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, cái gì là cội nguồn của hành trình quá khứ? Cái gì là cội nguồn của hành trình vị lai? Cái gì là cội nguồn của hành trình hiện tại?”
“Tâu đại vương, vô minh là cội nguồn của hành trình quá khứ, của hành trình vị lai, và của hành trình hiện tại. Do duyên vô minh, các hành (sanh khởi). Do duyên các hành, thức (sanh khởi). Do duyên thức, danh sắc (sanh khởi). Do duyên danh sắc, sáu xứ (sanh khởi). Do duyên sáu xứ, xúc (sanh khởi). Do duyên xúc, thọ (sanh khởi). Do duyên thọ, ái (sanh khởi). Do duyên ái, thủ (sanh khởi). Do duyên thủ, hữu (sanh khởi). Do duyên hữu, sanh (sanh khởi). Do duyên sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như thế điểm mốc đầu tiên của toàn bộ hành trình khổ uẩn này không được nhận biết.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
2. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘điểm mốc đầu tiên không được nhận biết,’ xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như một người đặt xuống hạt giống nhỏ ở đất, từ đó mầm cây mọc lên, dần dần đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh, rồi cho trái. Cũng từ đó, sau khi lấy hạt giống rồi lại gieo trồng, cũng từ đó mầm cây mọc lên, dần dần đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh, rồi cho trái. Như vậy, phải chăng có điểm chấm dứt của tiến trình này?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế thậm chí điểm mốc đầu tiên của hành trình này không được nhận biết.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như ‘từ con gà mái có quả trứng, từ quả trứng có con gà mái, từ con gà mái có quả trứng.’ Như vậy, phải chăng có điểm chấm dứt của tiến trình này?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế thậm chí điểm mốc đầu tiên của hành trình này không được nhận biết.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
Vị trưởng lão đã vạch vòng tròn ở mặt đất rồi nói với đức vua Milinda điều này:
“Tâu đại vương, có điểm chấm dứt của vòng tròn này chăng?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế những vòng quay này đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Tùy thuận vào mắt và các cảnh sắc mà nhãn thức sanh lên. Sự hội tụ của ba điều này là xúc, do duyên xúc có thọ, do duyên thọ có ái, do duyên ái có nghiệp, từ nghiệp mắt lại được sanh ra.’ Như vậy, phải chăng có điểm chấm dứt của tiến trình này?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tùy thuận vào tai và các cảnh thinh —(như trên)— Tùy thuận vào ý và các cảnh pháp mà ý thức sanh lên. Sự hội tụ của ba điều này là xúc, do duyên xúc có thọ, do duyên thọ có ái, do duyên ái có nghiệp, từ nghiệp ý lại được sanh ra.’ Như vậy, phải chăng có điểm chấm dứt của tiến trình này?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế thậm chí điểm mốc đầu tiên của hành trình này không được nhận biết.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
3. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘điểm mốc đầu tiên không được nhận biết,’ và điểm mốc đầu tiên ấy là cái nào?”
“Tâu đại vương, cái nào là hành trình quá khứ, cái ấy là điểm mốc đầu tiên.”
“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘điểm mốc đầu tiên không được nhận biết,’ thưa ngài, phải chăng hết thảy tất cả điểm mốc đầu tiên đều không được nhận biết?”
“Tâu đại vương, có điểm mốc được nhận biết, có điểm mốc không được nhận biết.”
“Thưa ngài, điểm mốc nào được nhận biết, điểm mốc nào không được nhận biết?”
“Tâu đại vương, từ đây trở về trước, với mọi hình thức, bằng mọi cách, vô minh đã không hiện hữu, điểm mốc đầu tiên ấy không được nhận biết. Còn (hành trình) nào từ không hiện hữu rồi được hình thành, sau khi hiện hữu rồi phân tán, thì điểm mốc đầu tiên ấy được nhận biết.”
“Thưa ngài Nāgasena, hành trình nào từ không hiện hữu rồi được hình thành, sau khi hiện hữu rồi phân tán, chẳng lẽ nó được cắt ở hai đầu thì biến mất?”
“Tâu đại vương, nếu (hành trình) được cắt ở hai đầu thì biến mất, có phải (điểm mốc) được cắt ở hai đầu thì có thể tăng trưởng?”
“Đúng vậy, nó cũng có thể tăng trưởng.”
“Thưa ngài, trẫm không hỏi điều này, phải chăng có thể tăng trưởng từ điểm mốc?”
“Đúng vậy, có thể tăng trưởng.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
Vị trưởng lão đã làm ví dụ về cái cây cho đức vua (rồi kết luận): “Và các uẩn là các mầm mống của toàn bộ khổ uẩn.”[3]
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
4. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, phải chăng có các pháp hữu vi nào đó được sanh lên?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Có các pháp hữu vi được sanh lên.”
“Thưa ngài, chúng là những cái nào?”
“Tâu đại vương, khi có mắt và các cảnh sắc thì có nhãn thức; khi có nhãn thức thì có nhãn xúc; khi có nhãn xúc thì có thọ; khi có thọ thì có ái; khi có ái thì có thủ; khi có thủ thì có hữu; khi có hữu thì có sanh; từ sự sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như thế là sự sanh lên của toàn bộ khổ uẩn này. Tâu đại vương, khi không có mắt và không có các cảnh sắc thì không có nhãn thức, khi không có nhãn thức thì không có nhãn xúc, khi không có nhãn xúc thì không có thọ, khi không có thọ thì không có ái, khi không có ái thì không có thủ, khi không có thủ thì không có hữu, khi không có hữu thì không có sanh, khi không có sanh thì không có lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não. Như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
5. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, phải chăng có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra?”
“Tâu đại vương, không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả. Tâu đại vương, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Phải chăng cái nhà này, nơi mà đại vương đang ngồi, là chưa từng hiện hữu mà được sanh ra?”
“Thưa ngài, không có cái gì ở đây là chưa từng hiện hữu mà đã được sanh ra, chính vật từng hiện hữu là đã được sanh ra. Thưa ngài, những cây gỗ này quả đã có ở trong rừng. Và đất sét này đã có ở trong đất. Và do sự ra sức đúng đắn của những người đàn bà và đàn ông mà cái nhà này đã được hình thành như vầy.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như các hạt giống và loài thảo mộc nào đó được đặt ở đất, dần dần đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh, rồi cho trái; các cây ấy không phải là chưa từng hiện hữu mà đã được sanh ra, chính các cây ấy từng hiện hữu mà đã được sanh ra. Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người thợ gốm lấy lên đất sét từ đất rồi làm ra nhiều loại thau chậu, các thau chậu ấy không phải là chưa từng hiện hữu mà đã được sanh ra, chính các vật ấy từng hiện hữu mà đã được sanh ra. Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như đối với cây đàn vīṇā, nếu không có khung đàn, nếu không có da bọc, nếu không có bầu đàn, nếu không có cần đàn, nếu không có cổ đàn, nếu không có dây đàn, nếu không có phím đàn, và nếu không có sự ra sức đúng đắn của con người, thì âm thanh có thể phát ra không?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, bởi vì đối với cây đàn vīṇā, nếu có khung đàn, nếu có da bọc, nếu có bầu đàn, nếu có cần đàn, nếu có cổ đàn, nếu có dây đàn, nếu có phím đàn, và nếu có sự ra sức đúng đắn của con người, thì âm thanh có thể phát ra không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể phát ra.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như nếu không có vật tạo lửa, nếu không có trục xoay, nếu không có dây kéo, nếu không có thanh gỗ ở trên, nếu không có giẻ bùi nhùi, và nếu không có sự ra sức đúng đắn của con người, thì ngọn lửa ấy có thể sanh ra không?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, bởi vì nếu có vật tạo lửa, nếu có trục xoay, nếu có dây kéo, nếu có thanh gỗ ở trên, nếu có giẻ bùi nhùi, và nếu có sự ra sức đúng đắn của con người, thì ngọn lửa ấy có thể sanh ra không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể sanh ra.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như nếu không có ngọc ma-ni, nếu không có tia nắng, nếu không có phân bò thì ngọn lửa ấy có thể sanh ra không?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, bởi vì nếu có ngọc ma-ni, nếu có tia nắng, nếu có phân bò thì ngọn lửa ấy có thể sanh ra không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể sanh ra.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như nếu không có tấm gương, nếu không có ánh sáng, nếu không có khuôn mặt thì hình người có thể sanh ra không?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, bởi vì nếu có tấm gương, nếu có ánh sáng, nếu có khuôn mặt thì hình người có thể sanh ra không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể sanh ra.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
6. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải sự hiểu biết có thể đạt được?”
“Tâu đại vương, sự hiểu biết ấy là cái gì?”
“Thưa ngài, sự sống bên trong nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, nghe âm thanh bằng tai, ngửi mùi bằng mũi, nếm vị bằng lưỡi, chạm cảnh xúc bằng thân, nhận thức cảnh pháp bằng ý, giống như chúng ta ngồi ở đây, trong tòa lâu đài, muốn nhìn bằng cửa sổ nào thì có thể nhìn bằng cửa sổ ấy, chúng ta có thể nhìn bằng cửa sổ hướng đông, chúng ta cũng có thể nhìn bằng cửa sổ hướng tây, chúng ta cũng có thể nhìn bằng cửa sổ hướng bắc, chúng ta cũng có thể nhìn bằng cửa sổ hướng nam. Bạch ngài, tương tợ y như thế sự sống bên trong này muốn nhìn bằng cửa lớn nào thì nhìn bằng cửa lớn ấy.”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, tôi sẽ nói về năm cửa lớn (ngũ môn, năm giác quan). Đại vương hãy lắng nghe điều ấy, đại vương hãy khéo chú ý. Nếu sự sống bên trong nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, giống như chúng ta ngồi ở đây, trong tòa lâu đài, muốn nhìn bằng cửa sổ nào thì có thể nhìn cảnh sắc bằng cửa sổ ấy, chúng ta có thể nhìn cảnh sắc bằng cửa sổ hướng đông, chúng ta cũng có thể nhìn cảnh sắc bằng cửa sổ hướng tây, chúng ta cũng có thể nhìn cảnh sắc bằng cửa sổ hướng bắc, chúng ta cũng có thể nhìn cảnh sắc bằng cửa sổ hướng nam. Như vậy, với sự sống bên trong này, cảnh sắc có thể được nhìn thấy bằng mắt, phải chăng cảnh sắc có thể được nhìn thấy bằng tai, cảnh sắc có thể được nhìn thấy bằng mũi, cảnh sắc có thể được nhìn thấy bằng lưỡi, cảnh sắc có thể được nhìn thấy bằng thân, cảnh sắc có thể được nhìn thấy bằng ý; phải chăng âm thanh có thể được nghe bằng mắt, âm thanh có thể được nghe bằng mũi, âm thanh có thể được nghe bằng lưỡi, âm thanh có thể được nghe bằng thân, âm thanh có thể được nghe bằng ý; phải chăng mùi có thể được ngửi bằng mắt, mùi có thể được ngửi bằng tai, mùi có thể được ngửi bằng lưỡi, mùi có thể được ngửi bằng thân, mùi có thể được ngửi bằng ý; phải chăng vị có thể được nếm bằng mắt, vị có thể được nếm bằng tai, vị có thể được nếm bằng mũi, vị có thể được nếm bằng thân, vị có thể được nếm bằng ý; phải chăng cảnh xúc có thể được chạm bằng mắt, cảnh xúc có thể được chạm bằng tai, cảnh xúc có thể được chạm bằng mũi, cảnh xúc có thể được chạm bằng lưỡi, cảnh xúc có thể được chạm bằng ý; phải chăng cảnh pháp có thể được nhận biết bằng mắt, cảnh pháp có thể được nhận biết bằng tai, cảnh pháp có thể được nhận biết bằng mũi, cảnh pháp có thể được nhận biết bằng lưỡi, cảnh pháp có thể được nhận biết bằng thân?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, quả là đại vương không liên kết điều sau với điều trước, hoặc điều trước với điều sau. Tâu đại vương, hoặc là giống như chúng ta ngồi ở đây, trong tòa lâu đài nhìn thấy rõ rệt hơn cảnh sắc ở bên ngoài trước mặt qua bầu không gian bao la khi hệ thống các cửa sổ này được mở rộng, như vậy sự sống bên trong này có thể nhìn thấy cảnh sắc rõ rệt hơn cảnh sắc ở bên ngoài trước mặt qua bầu không gian bao la khi các nhãn môn này được mở rộng. Phải chăng có thể nghe âm thanh, có thể ngửi mùi, có thể nếm vị, có thể chạm rõ rệt hơn cảnh xúc ở bên ngoài trước mặt qua bầu không gian bao la khi các tai được mở rộng, khi mũi được mở rộng, khi lưỡi được mở rộng, khi thân được mở rộng?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, quả là đại vương không liên kết điều sau với điều trước, hoặc điều trước với điều sau. Tâu đại vương, hoặc là giống như vị Dinna này đi ra bên ngoài rồi đứng ở cổng bên ngoài cửa lớn, tâu đại vương, phải chăng đại vương biết vị Dinna này đã đi ra bên ngoài rồi đứng ở cổng bên ngoài cửa lớn?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Trẫm biết.”
“Tâu đại vương, hoặc là giống như vị Dinna này đi vào bên trong rồi đứng phía trước đại vương, tâu đại vương, phải chăng đại vương biết vị Dinna này đã đi vào bên trong rồi đứng phía trước đại vương?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Trẫm biết.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế khi vị nếm được đặt ở lưỡi, phải chăng sự sống bên trong này có thể biết được vị chua, hoặc vị mặn, hoặc vị đắng, hoặc vị cay, hoặc vị chát, hoặc vị ngọt?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể biết.”
“Khi các vị nếm ấy đã đi vào bên trong (cổ họng), phải chăng có thể biết được vị chua, hoặc vị mặn, hoặc vị đắng, hoặc vị cay, hoặc vị chát, hoặc vị ngọt?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, quả là đại vương không liên kết điều sau với điều trước, hoặc điều trước với điều sau. Tâu đại vương, ví như người nào đó bảo mang lại một trăm hũ mật ong, bảo đổ đầy máng mật ong, rồi bít kín miệng của một người đàn ông và đặt vào ở máng mật ong. Tâu đại vương, người đàn ông ấy có thể biết được có mật ong hay không có?”
“Thưa ngài, không thể.”
“Vì lý do gì?”
“Thưa ngài, bởi vì mật ong đã không đi vào miệng của người ấy.”
“Tâu đại vương, quả là đại vương không liên kết điều sau với điều trước, hoặc điều trước với điều sau.
“Thưa ngài, trẫm không có khả năng để trò chuyện với nhà diễn thuyết như ngài. Thưa ngài, lành thay xin ngài nói về ý nghĩa.”
Vị trưởng lão đã giúp cho đức vua Milinda hiểu được bằng sự thuyết giảng liên quan đến Vi Diệu Pháp: “Tâu đại vương, trong trường hợp này, tùy thuận vào mắt và các cảnh sắc mà nhãn thức sanh lên, như vậy các pháp này sanh lên do duyên. Xúc, thọ, tưởng, tư, nhất hành, mạng quyền, tác ý là đồng sanh với nó. Bởi vì ở đây sự hiểu biết có thể đạt được là không đúng. Tùy thuận vào tai và các cảnh thinh —(như trên)— Tùy thuận vào ý và các cảnh pháp mà ý thức sanh lên. Xúc, thọ, tưởng, tư, nhất hành, mạng quyền, tác ý là đồng sanh với nó, như vậy các pháp này sanh lên do duyên. Bởi vì ở đây sự hiểu biết có thể đạt được là không đúng.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
7. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải nhãn thức sanh lên trước ý thức sanh lên sau, hay là ý thức sanh lên trước nhãn thức sanh lên sau?”
“Tâu đại vương, nhãn thức sanh lên trước ý thức sanh lên sau.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải nhãn thức ra lệnh cho ý thức rằng: ‘Tôi sanh lên ở nơi nào thì anh cũng sanh lên ở nơi ấy,’ hay là ý thức ra lệnh cho nhãn thức rằng: ‘Anh sẽ sanh lên ở nơi nào thì tôi cũng sẽ sanh lên ở nơi ấy’?”
“Tâu đại vương, không đúng. Chúng không có sự chuyện trò với nhau.”
“Thưa ngài Nāgasena, nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, là tính chất xuôi chiều, tính chất cửa lớn, tính chất tập quán, và tính chất thực hành.”
“Thưa ngài Nāgasena, thế nào là tính chất xuôi chiều khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy? Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này, trong khi trời đang mưa, nước di chuyển theo lối nào?”
“Thưa ngài, lối nào là lối đi xuống thì đi theo lối đó.”
“Rồi vào lúc sau đó trời vẫn mưa thì nước ấy di chuyển theo lối nào?”
“Thưa ngài, nước lúc trước đã di chuyển theo lối nào thì nó cũng di chuyển theo lối đó.”
“Tâu đại vương, phải chăng nước lúc trước ra lệnh cho nước lúc sau rằng: ‘Tôi di chuyển theo lối nào thì anh cũng di chuyển theo lối ấy,’ hay là nước lúc sau ra lệnh cho nước lúc trước rằng: ‘Anh sẽ di chuyển theo lối nào thì tôi cũng sẽ di chuyển theo lối ấy’?”
“Tâu đại vương, không đúng. Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng di chuyển theo tính chất xuôi chiều.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tính chất xuôi chiều khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy. Nhãn thức không ra lệnh cho ý thức rằng: ‘Tôi sanh lên ở nơi nào thì anh cũng sanh lên ở nơi ấy.’ Ý thức cũng không ra lệnh cho nhãn thức rằng: ‘Anh sẽ sanh lên ở nơi nào thì tôi cũng sẽ sanh lên ở nơi ấy.’ Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng sanh lên theo tính chất xuôi chiều.”
“Thưa ngài Nāgasena, thế nào là tính chất cửa lớn khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy? Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này, thành ở biên địa của đức vua có tường vững chắc và cổng chào, và một cửa lớn, do đó một người đàn ông có ý định đi ra thì có thể đi ra theo lối nào?”
“Thưa ngài, có thể đi ra theo lối cửa lớn.”
“Rồi một người đàn ông khác ý định đi ra thì có thể đi ra theo lối nào?”
“Thưa ngài, người đàn ông trước đã đi ra theo lối nào thì người ấy cũng đi ra theo lối đó.”
“Tâu đại vương, phải chăng người đàn ông trước ra lệnh cho người đàn ông sau rằng: ‘Tôi đi theo lối nào thì anh cũng đi theo lối ấy,’ hay là người đàn ông sau ra lệnh cho người đàn ông trước rằng: ‘Anh sẽ đi theo lối nào thì tôi cũng sẽ đi theo lối ấy’?”
“Thưa ngài, không đúng. Họ không có sự chuyện trò với nhau. Họ đi theo tính chất cửa lớn.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tính chất cửa lớn khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy. Và nhãn thức không ra lệnh cho ý thức rằng: ‘Tôi sanh lên ở nơi nào thì anh cũng sanh lên ở nơi ấy.’ Ý thức cũng không ra lệnh cho nhãn thức rằng: ‘Anh sẽ sanh lên ở nơi nào thì tôi cũng sẽ sanh lên ở nơi ấy.’ Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng sanh lên theo tính chất cửa lớn.”
“Thưa ngài Nāgasena, thế nào là tính chất tập quán khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy? Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này, một xe tải hàng đi đầu, vậy xe tải hàng thứ nhì có thể đi theo lối nào?”
“Thưa ngài, xe tải hàng trước đã đi lối nào thì nó cũng đi theo lối đó.”
“Tâu đại vương, phải chăng xe tải hàng trước ra lệnh cho xe tải hàng sau rằng: ‘Tôi đi theo lối nào thì anh cũng đi theo lối ấy,’ hay là xe tải hàng sau ra lệnh cho xe tải hàng trước rằng: ‘Anh sẽ đi theo lối nào thì tôi cũng sẽ đi theo lối ấy’?”
“Thưa ngài, không đúng. Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng đi theo tính chất tập quán.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tính chất tập quán khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy. Và nhãn thức không ra lệnh cho ý thức rằng: ‘Tôi sanh lên ở nơi nào thì anh cũng sanh lên ở nơi ấy.’ Ý thức cũng không ra lệnh cho nhãn thức rằng: ‘Anh sẽ sanh lên ở nơi nào thì tôi cũng sẽ sanh lên ở nơi ấy.’ Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng sanh lên theo tính chất tập quán.”
“Thưa ngài Nāgasena, thế nào là tính chất thực hành khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy? Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như sự vụng về của người thợ mới trong các lãnh vực của nghề nghiệp về đo, đếm, tính, viết, rồi thời gian sau đó, với tính chất thực hành của sự làm việc cẩn thận khiến không còn vụng về. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tính chất thực hành khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy. Và nhãn thức không ra lệnh cho ý thức rằng: ‘Tôi sanh lên ở nơi nào thì anh cũng sanh lên ở nơi ấy.’ Ý thức cũng không ra lệnh cho nhãn thức rằng: ‘Anh sẽ sanh lên ở nơi nào thì tôi cũng sẽ sanh lên ở nơi ấy.’ Và chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng sanh lên theo tính chất thực hành.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải nhĩ thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy?” —(như trên)— tỷ thức sanh lên ở nơi nào —(như trên)— thiệt thức sanh lên ở nơi nào —(như trên)— thân thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Thân thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải thân thức sanh lên trước ý thức sanh lên sau? Hay là ý thức sanh lên trước thân thức sanh lên sau?”
“Tâu đại vương, thân thức sanh lên trước ý thức sanh lên sau.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải —(như trên)— Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng sanh lên theo tính chất thực hành.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
8. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải ý thức sanh lên ở nơi nào thì xúc, thọ cũng sanh lên ở nơi ấy?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Ý thức sanh lên ở nơi nào thì xúc cũng sanh lên ở nơi ấy, thọ cũng sanh lên ở nơi ấy, tưởng cũng sanh lên ở nơi ấy, tư cũng sanh lên ở nơi ấy, tầm cũng sanh lên ở nơi ấy, tứ cũng sanh lên ở nơi ấy, tất cả các pháp có thọ đứng đầu cũng sanh lên ở nơi ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, xúc có cái gì là hành tướng?”
“Tâu đại vương, xúc có sự chạm vào là hành tướng.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như hai con cừu húc nhau. Trong hai con cừu ấy, một con cừu được xem như là mắt, con cừu thứ hai được xem như là cảnh sắc. Sự va chạm nhau của chúng được xem như là xúc.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như hai bàn tay được vỗ vào nhau. Trong hai bàn tay ấy, một bàn tay được xem như là mắt, bàn tay thứ hai được xem như là cảnh sắc. Sự va chạm nhau của chúng được xem như là xúc.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như hai chập chõa được vỗ vào nhau. Trong hai chập chõa ấy, một chập chõa được xem như là mắt, chập chõa thứ hai được xem như là cảnh sắc. Sự va chạm nhau của chúng được xem như là xúc.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
9. “Thưa ngài Nāgasena, thọ có cái gì là hành tướng?”
“Tâu đại vương, thọ có sự cảm nhận là hành tướng và sự kinh nghiệm là hành tướng.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó làm việc phục vụ cao quý đến đức vua, đức vua hoan hỷ ban phần thưởng cho người ấy. Với phần thưởng ấy, người ấy đạt được, có được, hưởng được năm phần dục lạc. Người ấy khởi ý như sau: ‘Trước đây, quả là ta đã làm việc phục vụ cao quý đến đức vua, đức vua hoan hỷ đã ban phần thưởng cho ta đây. Do nhân ấy ta đây nhận biết thọ này có hình thức như vầy.’
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nào đó đã làm việc thiện, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi trời. Tại đó, người ấy đạt được, có được, hưởng được năm phần dục lạc thiên đường. Người ấy khởi ý như sau: ‘Trước đây, quả là ta đã làm việc thiện. Do nhân ấy, ta đây nhận biết thọ này có hình thức như vầy.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế thọ có sự cảm nhận là hành tướng và sự kinh nghiệm là hành tướng.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
10. “Thưa ngài Nāgasena, tưởng có cái gì là hành tướng?”
“Tâu đại vương, tưởng có sự tự nhận biết là hành tướng. Tự nhận biết điều gì? Tự nhận biết màu xanh, tự nhận biết màu vàng, tự nhận biết màu đỏ, tự nhận biết màu trắng, tự nhận biết màu tím. Tâu đại vương, tưởng có sự tự nhận biết là hành tướng nghĩa là như vậy.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như viên quan giữ kho của đức vua sau khi đi vào nhà kho nhìn thấy và tự nhận biết các vật thể, các của cải thuộc về đức vua, là có màu xanh vàng đỏ trắng tím. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tưởng có sự tự nhận biết là hành tướng.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
11. “Thưa ngài Nāgasena, tư có cái gì là hành tướng?”
“Tâu đại vương, tư có sự quyết định là hành tướng và có sự tạo tác là hành tướng.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó tạo ra thuốc độc rồi tự mình uống, và cho các người khác uống. Bản thân người ấy bị khổ sở, những người khác cũng bị khổ sở. Tâu đại vương, tương tợ y như thế ở đây có một người nào đó suy nghĩ với sự quyết định về điều bất thiện, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị sanh vào chốn bất hạnh, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Luôn cả những người học tập theo người ấy, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, cũng bị sanh vào chốn bất hạnh, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục.
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nào đó tạo ra một hỗn hợp bơ lỏng, bơ đặc, dầu ăn, mật ong, đường mía rồi tự mình uống, và cho các người khác uống. Bản thân người ấy được khoái lạc, những người khác cũng được khoái lạc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế ở đây có một người nào đó suy nghĩ với sự quyết định về điều thiện, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi trời. Luôn cả những người học tập theo người ấy, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, cũng được sanh vào chốn an vui, cõi trời. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tư có sự quyết định là hành tướng và có sự tạo tác là hành tướng.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
12. “Thưa ngài Nāgasena, thức có cái gì là hành tướng?”
“Tâu đại vương, thức có sự nhận biết là hành tướng.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người giữ thành, ngồi ở ngã tư giữa thành phố, có thể nhìn thấy người đang đi đến từ hướng đông, có thể nhìn thấy người đang đi đến từ hướng nam, có thể nhìn thấy người đang đi đến từ hướng tây, có thể nhìn thấy người đang đi đến từ hướng bắc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế con người nhìn thấy cảnh sắc bằng con mắt và nhận biết sắc ấy bằng thức, nghe âm thanh bằng tai và nhận biết thinh ấy bằng thức, ngửi mùi bằng mũi và nhận biết hương ấy bằng thức, nếm vị bằng lưỡi và nhận biết vị ấy bằng thức, chạm cảnh xúc bằng thân và nhận biết xúc ấy bằng thức, nhận thức cảnh pháp bằng ý và nhận biết pháp ấy bằng thức. Tâu đại vương, tương tợ y như thế thức có sự nhận biết là hành tướng.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
13. “Thưa ngài Nāgasena, tầm có cái gì là hành tướng?”
“Tâu đại vương, tầm có sự áp vào là hành tướng.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người thợ mộc áp thanh gỗ đã khéo được chuẩn bị trước vào chỗ ráp nối. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tầm có sự áp vào là hành tướng.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
14. “Thưa ngài Nāgasena, tứ có cái gì là hành tướng?”
“Tâu đại vương, tứ có sự áp sát là hành tướng.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như cái cồng được vỗ vào sau đó vang lên và dội lại. Tâu đại vương, sự vỗ vào là như thế nào thì tầm nên được xem như vậy, sự dội lại là như thế nào thì tứ nên được xem như vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
Phẩm về Sở Hữu Tứ là thứ ba.
(Trong phẩm này có mười bốn câu hỏi)
*****
[1] balakaraṇiyyā: dịch sát nghĩa sẽ là ‘cần phải làm bằng sức mạnh.’
[2] Về hai từ addhā và addhāna, HT. Giới Nghiêm dịch là ‘thời gian,’ bản dịch tiếng Anh của I. B. Horner cũng ghi là ‘time,’ còn Bhikkhu Pesala sử dụng cả hai nghĩa ‘time’ và ‘journey’ ở bản dịch của mình.
[3] Không nắm được ý nghĩa của phần câu hỏi này (ND).
| 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 |