TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 45

MILINDA VẤN ĐẠO

 

Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda

 

 

IV. PHẨM SUY LUẬN

1. CÂU HỎI (GIẢNG BẰNG SỰ) SUY LUẬN

1. Khi ấy, đức vua Milinda đã đi đến gặp đại đức Nāgasena, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Nāgasena rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Milinda có sự mong muốn được biết, mong muốn được nghe, mong muốn ghi nhớ, mong muốn nhìn thấy ánh sáng của trí tuệ, mong muốn phá vỡ sự không biết, mong muốn làm sanh khởi ánh sáng của trí tuệ, mong muốn tiêu diệt bóng tối của vô minh, sau khi thiết lập sự can đảm vượt bậc, sự cố gắng, sự ghi nhớ, và sự nhận biết rõ rệt, rồi đã nói với đại đức Nāgasena điều này:

2. “Thưa ngài Nāgasena, có phải đức Phật đã được ngài nhìn thấy?”

“Tâu đại vương, không có.”

“Có phải đức Phật đã được các vị thầy của ngài nhìn thấy?”

“Tâu đại vương, không có.”

“Thưa ngài Nāgasena, nghe nói đức Phật đã không được ngài nhìn thấy, cũng nghe nói đức Phật đã không được các vị thầy của ngài nhìn thấy. Thưa ngài Nāgasena, như thế thì không có đức Phật. Bởi vì ở đây đức Phật không được biết đến.”

“Tâu đại vương, vậy thì những vị tổ tiên của dòng dõi Sát-đế-lỵ của đại vương, có các vị Sát-đế-lỵ tiền bối ấy không?”

“Thưa ngài, có. Có sự nghi ngờ gì? Có các vị Sát-đế-lỵ tiền bối, họ là tổ tiên của dòng dõi Sát-đế-lỵ của trẫm.”

“Tâu đại vương, có phải các vị Sát-đế-lỵ tiền bối đã được đại vương nhìn thấy?”

“Thưa ngài, không có.”

“Tâu đại vương, vậy thì các vị quân sư, tướng lãnh, quan tòa, quan đại thần đang cố vấn cho đại vương, có phải các vị Sát-đế-lỵ tiền bối đã được những người ấy nhìn thấy?”

“Thưa ngài, không có.”

“Tâu đại vương, nếu các vị Sát-đế-lỵ tiền bối đã không được đại vương nhìn thấy, nghe nói các vị Sát-đế-lỵ tiền bối cũng đã không được những vị cố vấn của đại vương nhìn thấy, vậy thì các vị Sát-đế-lỵ tiền bối ở đâu? Bởi vì ở đây các vị Sát-đế-lỵ tiền bối không được nhận biết.”

“Thưa ngài Nāgasena, những đồ dùng đã được các vị Sát-đế-lỵ tiền bối sử dụng được nhìn thấy như là: chiếc lọng màu trắng, khăn bịt đầu, đôi giày, quạt phất trần, viên ngọc ở thanh gươm, và các giường nằm vô cùng giá trị, nhờ chúng mà chúng tôi có thể biết được, có thể tin tưởng là: ‘Có các vị Sát-đế-lỵ tiền bối.’”  

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế chúng tôi cũng có thể biết được, có thể tin tưởng về đức Thế Tôn ấy. Có lý do mà với lý do ấy chúng tôi có thể biết được, có thể tin tưởng là: ‘Có đức Thế Tôn ấy.’ Lý do ấy là điều nào? Tâu đại vương, quả là có những đồ dùng đã được đức Thế Tôn ấy, vị biết, vị thấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác sử dụng, như là: Bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh tinh tấn, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy chi phần đưa đến giác ngộ, Thánh Đạo tám chi phần, nhờ chúng mà thế gian luôn cả chư Thiên biết được, tin tưởng là: ‘Có đức Thế Tôn ấy.’ Tâu đại vương, với lý do này, với nguyên nhân này, với phương pháp này, với sự suy luận này mà có thể biết được rằng: ‘Có đức Thế Tôn ấy.’

‘Sau khi đã giúp cho nhiều người vượt qua, Ngài đã tịch diệt ở sự đoạn tận mầm mống tái sanh. Nhờ vào sự suy luận, có thể biết được rằng: ‘Có bậc Tối Thượng Nhân ấy.’”

3. “Thưa ngài Nāgasena, xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như nhà kiến trúc đô thị có ý định xây dựng thành phố thì trước tiên hết xem qua khoảnh đất bằng phẳng, không bị nhô lên không bị lõm xuống, không sạn sỏi và đá tảng, không nguy hiểm, không bị chê trách, đáng được yêu thích, rồi chỗ nào không bằng phẳng thì cho san bằng chỗ ấy, cho dọn sạch gốc cây và gai góc, rồi tại chỗ ấy xây dựng thành phố lộng lẫy, được phân chia thành từng phần, đã được đo đạc, có đường hào đã được đào lên và thành lũy, có tháp canh và cổng thành vững chắc, có đường băng ngang, ngã tư, giao lộ, bồn binh rộng lớn, có đường lộ chính sạch sẽ và có bề mặt bằng phẳng, có cửa tiệm khéo được bố trí bên trong, được đầy đủ với các khu vườn, công viên, hồ ao, đầm sen, giếng nước, được tô điểm với nhiều loại điện thờ chư Thiên, toàn bộ đều không có khuyết điểm. Khi thành phố ấy đã đạt đến sự phát triển về mọi mặt, người ấy có thể đi đến khu vực khác. Rồi thời gian sau đó, thành phố ấy trở nên thịnh vượng, giàu có, vật thực dễ dàng, an toàn, được phát đạt, thắng lợi, không có rủi ro, không có bất hạnh, đông đảo với nhiều hạng người, các Sát-đế-lỵ có tầm cỡ, các Bà-la-môn, các thương buôn, các nô lệ, các quản tượng, các kỵ sĩ, các người đánh xe, các khách bộ hành, các cung thủ, các kiếm sĩ, các hiệp sĩ, các quân nhân, các nhà cung cấp vật thực, các hoàng tử dũng mãnh, các cảm tử quân, các yếu nhân, các vị anh hùng, các chiến sĩ mặc áo giáp, các người con của kẻ nô bộc, các người con của kẻ làm thuê, các toán đấu vật, các người nấu ăn, các đầu bếp, các thợ cạo, các người hầu tắm, các thợ rèn, các người làm tràng hoa, các thợ vàng, các thợ bạc, các thợ chì, các thợ thiếc, các thợ đồng, các thợ hợp kim, các thợ sắt, các thợ ngọc ma-ni, các thợ dệt, các thợ gốm, các người làm muối, các thợ thuộc da, các thợ làm xe, các thợ làm ngà, các thợ làm dây, các thợ làm lược, các thợ quay tơ, các thợ đan giỏ, các thợ làm cung, các thợ làm dây cung, các thợ làm tên, các thợ vẽ tranh, các thợ làm màu, các thợ nhuộm, các thợ dệt vải, các thợ may, các thợ phân kim, các người buôn vải, các người buôn hương liệu, các người cắt cỏ, các người nhặt củi, các người làm thuê, các người bán rau, các người bán trái cây, các người bán rễ cây, các người bán cơm, các người bán bánh, các người bán cá, các người bán thịt, các người bán rượu, các kịch sĩ, các vũ công, các người múa rối, các ảo thuật gia, các nhạc công, các người đấu vật, các người thiêu xác, các người đổ rác hoa, các thợ làm tre, các thợ săn, các kỹ nữ, các vũ nữ, các tớ gái đội nước, các người ở Saka, ở Yavana, ở Cīna, ở Vilāta, ở Ujjenī, ở Bhārukaccha, ở Kāsi, ở Kosala, ở Paranta, ở Magadha, ở Sāketa, ở Soraṭṭha, ở Pāvā, ở Koṭumbara, ở Madhura, ở Alasanda, ở Kasmīra, ở Gandhāra đã đi đến cư ngụ ở thành phố ấy, những người ở các địa phương khác nhau sau khi nhìn thấy thành phố ấy mới mẻ, khéo được bố trí, không khuyết điểm, không bị chê trách, đáng được yêu thích, bằng cách suy luận nhận biết rằng: ‘Này ông bạn, nhà kiến trúc đô thị xây dựng thành phố này quả là thành thạo.’

Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn ấy, là vị không ai sánh bằng, tương đương với bậc không thể sánh bằng, không người đối xứng, không kẻ tương đương, không người so sánh, không thể ước lượng, không thể đo lường, không thể định lượng, có đức hạnh vô lượng, đã đạt đết sự toàn hảo của đức hạnh, có sự can đảm vô biên, có sự vinh quang vô biên, có sự tinh tấn vô biên, có năng lực vô biên, đã đạt đến sự toàn hảo về Phật lực, sau khi đánh bại Ma Vương cùng với đạo binh, sau khi đã phá tung mạng lưới tà kiến, sau khi dẹp bỏ vô minh, sau khi làm cho minh sanh khởi, sau khi nắm giữ ngọn đuốc Chánh Pháp, sau khi đạt được bản thể Toàn Tri, với trận chiến không bị khuất phục, đã được chiến thắng, Ngài đã xây dựng thành phố Giáo Pháp.

Tâu đại vương, thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn có thành lũy là giới, có đường hào là sự hổ thẹn tội lỗi, có cổng thành là trí, có tháp canh là sự tinh tấn, có trụ chống là đức tin, có người gác cổng là niệm, có tòa lâu đài là tuệ, có đường băng ngang là Kinh, có bồn binh là Vi Diệu Pháp, có tòa án là Luật, có đường phố là sự thiết lập niệm. Tâu đại vương, hơn nữa ở đường phố về sự thiết lập niệm của thành phố ấy, có các cửa tiệm với hình thức như vầy khéo là được chưng bày, như là: cửa tiệm bông hoa, cửa tiệm hương liệu, cửa tiệm trái cây, cửa tiệm thuốc giải độc, cửa tiệm thuốc chữa bệnh, cửa tiệm thuốc bất tử, cửa tiệm châu báu, cửa tiệm tổng hợp.”

4. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm bông hoa của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”

“Tâu đại vương, có các sự phân loại về đối tượng (tham thiền) đã được đức Thế Tôn ấy, vị biết, vị thấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, nói đến như là: tưởng về vô thường, tưởng về khổ não, tưởng về vô ngã, tưởng về bất mỹ, tưởng về điều bất lợi, tưởng về sự dứt bỏ, tưởng về ly luyến ái, tưởng về sự tịch diệt, tưởng về sự không hứng thú với mọi thứ ở thế gian, tưởng về vô thường trong tất cả các sự tạo tác, niệm hơi thở vào ra, tưởng về tử thi bị trương sình, tưởng về tử thi có màu xanh xám, tưởng về tử thi bắt đầu thối rữa, tưởng về tử thi bị thủng nhiều lỗ, tưởng về tử thi bị thú ăn, tưởng về tử thi bị vung vãi, tưởng về tử thi bị hủy hoại và vung vãi, tưởng về tử thi bị đẫm máu, tưởng về tử thi bị giòi bọ rút rỉa, tưởng về bộ xương, tưởng về tâm từ, tưởng về tâm bi, tưởng về tâm hỷ, tưởng về tâm xả, niệm về sự chết, niệm được đặt ở thân. Tâu đại vương, các sự phân loại về đối tượng (tham thiền) này đã được đức Phật Thế Tôn nói đến.  

Ở nơi ấy, người nào có ước muốn được thoát khỏi sự già và sự chết, người ấy nắm giữ một đối tượng nào đó trong số đó, rồi nhờ vào đối tượng ấy được thoát khỏi luyến ái, được thoát khỏi sân, được thoát khỏi si, được thoát khỏi ngã mạn, được thoát khỏi (tà) kiến, vượt qua luân hồi, ngăn chặn dòng chảy tham ái, làm trong sạch ba loại vết bẩn, sau khi hủy diệt tất cả phiền não, sau khi đi vào thành phố tối thượng là thành phố Niết Bàn, không vết nhơ, hết bụi bặm, trong sạch, tinh khiết, không sanh, không già, không chết, an lạc, có trạng thái mát lạnh, không có nỗi sợ hãi, rồi làm cho tâm được giải thoát ở phẩm vị A-la-hán. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘cửa tiệm bông hoa của đức Thế Tôn.’

‘Sau khi nắm lấy tiền vốn là nghiệp (thiện),[1] hãy đi đến cửa tiệm, hãy mua lấy đối tượng, từ đó hãy được tự do ở sự giải thoát.’”

5. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm hương liệu của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”

“Tâu đại vương, có các sự phân loại về giới đã được đức Thế Tôn ấy nói đến. Được thoa bởi hương thơm của giới ấy, các người con trai của đức Thế Tôn tỏa hơi, tràn ngập thế gian luôn cả chư Thiên bằng hương thơm của giới, rồi thổi đến, bao trùm hướng chính, hướng phụ, gió thuận chiều, gió nghịch chiều, sau khi tỏa khắp thì lắng đọng lại. Các sự phân loại về giới ấy là các cái nào? Là giới của sự nương nhờ (tam quy), năm giới, tám điều giới, mười điều giới, giới của sự thu thúc theo giới bổn Pātimokkha được bao gồm ở năm phần đọc tụng. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘cửa tiệm hương liệu của đức Thế Tôn.’ Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:[2]

‘Hương thơm của bông hoa không bay ngược chiều gió,

(hương thơm của) gỗ trầm, gỗ tagara, hoặc hoa nhài cũng không.

Còn hương thơm của những người tốt bay ngược chiều gió,

bậc thiện nhân tỏa hương (thơm giới hạnh) khắp mọi phương.

Gỗ trầm, gỗ tagara, hoặc ngay cả hoa sen và hoa nhài, trong số các loại có hương thơm này, hương thơm của giới là vô thượng.

Hương thơm này của gỗ tagara hay gỗ trầm là nhỏ nhoi, còn hương thơm của những người có giới hạnh thổi giữa chư Thiên là tối thượng.’”

6. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm trái cây của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”  

“Tâu đại vương, các loại quả đã được đức Thế Tôn ấy nói đến như là: Quả vị Nhập Lưu, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai, quả vị A-la-hán, sự thể nhập quả vị không tánh, sự thể nhập quả vị vô tướng, sự thể nhập quả vị vô nguyện. Ở nơi ấy, người nào ước muốn quả vị nào, người ấy sau khi trao ra tiền vốn là nghiệp (thiện) rồi mua lấy quả vị đã được mong mỏi, nếu là quả vị Nhập Lưu, hay quả vị Nhất Lai, hay quả vị Bất Lai, hay quả vị A-la-hán, hay sự thể nhập quả vị không tánh, hay sự thể nhập quả vị vô tướng, hay sự thể nhập quả vị vô nguyện.

Tâu đại vương, giống như cây xoài của người đàn ông nào đó là có trái thường xuyên. Cho đến khi nào người mua chưa đi đến, thì người ấy còn chưa làm cho các trái từ trên cây rơi xuống. Trái lại, khi người mua đã đến thì người ấy nhận tiền vốn ở người mua rồi bảo như vầy: ‘Này ông, cây xoài này quả là có trái thường xuyên, ông muốn chừng nào ở cây ấy thì hãy lấy chừng ấy, hoặc còn sống, hoặc còn non, hoặc còn lông tơ, hoặc chưa chín, hoặc đã chín.’ Người ấy, với số tiền vốn đã được trao ra ấy của mình, nếu muốn trái còn sống thì lấy trái còn sống, nếu muốn trái còn non thì lấy trái còn non, nếu muốn trái còn lông tơ thì lấy trái còn lông tơ, nếu muốn trái chưa chín thì lấy trái chưa chín, nếu muốn trái chín thì lấy trái chín. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào ước muốn quả vị nào, thì sau khi trao ra tiền vốn là nghiệp (thiện), người ấy nhận lấy quả vị đã được mong mỏi, nếu là quả vị Nhập Lưu, —(như trên)— hay sự thể nhập quả vị vô nguyện. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘cửa tiệm trái cây của đức Thế Tôn.’

‘Sau khi trao ra tiền vốn là nghiệp (thiện), rồi cầm lấy trái cây bất tử, những người nào mua trái cây bất tử, do việc ấy những người ấy được an lạc.’”

7. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm thuốc giải độc của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”

“Tâu đại vương, các thuốc giải độc đã được đức Thế Tôn nói đến, với các thuốc giải độc này đức Thế Tôn ấy giúp cho thế gian luôn cả chư Thiên thoát khỏi thuốc độc phiền não. Vậy thì các thuốc giải độc ấy là các loại nào? Tâu đại vương, bốn Chân Lý Cao Thượng này đã được đức Thế Tôn nói đến, như là: Chân Lý Cao Thượng về sự Khổ, Chân Lý Cao Thượng về nguyên nhân của Khổ, Chân Lý Cao Thượng về sự diệt Khổ, Chân Lý Cao Thượng về sự thực hành theo con đường đưa đến sự diệt Khổ. Tại nơi ấy, những người nào mong muốn trí tuệ lắng nghe Giáo Pháp về bốn Chân Lý, những người ấy được giải thoát khỏi sự sanh, được giải thoát khỏi sự già, được giải thoát khỏi sự chết, được giải thoát khỏi các sầu, bi, khổ, ưu, não. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘cửa tiệm thuốc giải độc của đức Thế Tôn.’

 ‘Bất cứ các thuốc giải độc nào ở thế gian đều là những vật đẩy lùi các chất độc, không có loại nào sánh bằng thuốc giải độc là Giáo Pháp, này các tỳ khưu, các ngươi hãy uống loại này.’”

8. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm thuốc chữa bệnh của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”  

“Tâu đại vương, các thuốc chữa bệnh đã được đức Thế Tôn nói đến, với các thuốc chữa bệnh này đức Thế Tôn ấy chữa bệnh cho chư Thiên và nhân loại, như là: Bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh tinh tấn, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy chi phần đưa đến giác ngộ, Thánh Đạo tám chi phần. Với những thuốc chữa bệnh này đức Thế Tôn tẩy sạch tà kiến, tẩy sạch tà tư duy, tẩy sạch tà ngữ, tẩy sạch tà nghiệp, tẩy sạch tà mạng, tẩy sạch tà tinh tấn, tẩy sạch tà niệm, tẩy sạch tà định, làm cho ói ra tham, làm cho ói ra sân, làm cho ói ra si, làm cho ói ra ngã mạn, làm cho ói ra tà kiến, làm cho ói ra hoài nghi, làm cho ói ra phóng dật, làm cho ói ra sự dã dượi buồn ngủ, làm cho ói ra sự không hổ thẹn và không ghê sợ (tội lỗi), làm cho ói ra tất cả phiền não. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘cửa tiệm thuốc chữa bệnh của đức Thế Tôn.’

‘Bất cứ các thuốc chữa bệnh nào được tìm thấy ở thế gian là đa dạng và có nhiều, không có loại nào sánh bằng thuốc chữa bệnh là Giáo Pháp, này các tỳ khưu, các ngươi hãy uống loại này.

Sau khi uống vào thuốc chữa bệnh là Giáo Pháp, thì có thể trở thành không già không chết. Sau khi tu tập và sau khi nhìn thấy, thì được tịch diệt ở sự đoạn tận mầm mống tái sanh.’”

9. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm thuốc bất tử của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”

“Tâu đại vương, thuốc bất tử đã được đức Thế Tôn nói đến, với thuốc bất tử này đức Thế Tôn ấy rưới rắc cho thế gian luôn cả chư Thiên, do đã được rưới rắc với thuốc bất tử này, chư Thiên và nhân loại đã được giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Thuốc bất tử ấy là cái nào? Tức là niệm đặt ở thân. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến: ‘Này các tỳ khưu, những người nào thọ hưởng niệm đặt ở thân, những người ấy thọ hưởng sự bất tử.’ Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘cửa tiệm bất tử của đức Thế Tôn.’

‘Sau khi nhìn thấy loài người bị bệnh, Ngài đã bày ra cửa hàng thuốc bất tử. Này các tỳ khưu, các người hãy mua vật ấy bằng nghiệp (thiện) và hãy nhận lấy thuốc bất tử.’”

10. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm châu báu của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”

“Tâu đại vương, các châu báu đã được đức Thế Tôn nói đến. Được trang điểm với các châu báu này, những người con trai của đức Thế Tôn chiếu sáng, soi sáng, tỏa sáng, rực sáng, phát sáng ở thế gian luôn cả chư Thiên, phô bày ánh sáng ở hướng trên, ở hướng dưới, ở hướng ngang. Các châu báu ấy là các loại nào? Giới báu, định báu, tuệ báu, giải thoát báu, trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát báu, các tuệ phân tích báu, các giác chi báu.

Tâu đại vương, giới báu của đức Thế Tôn là cái nào? Giới của sự thu thúc theo giới bổn Pātimokkha, giới của sự thu thúc ở các quyền, giới của sự trong sạch về nuôi mạng, giới liên quan đến các vật dụng, giới nhỏ, giới trung, giới lớn, giới của Đạo, giới của Quả. Tâu đại vương, thế gian luôn cả chư Thiên, cùng với Ma Vương, Phạm Thiên, và các dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn đều ước muốn, mong cầu người đã được trang sức với châu báu của giới.  

Tâu đại vương, được chưng diện với châu báu của giới, vị tỳ khưu chiếu sáng, chiếu chói lọi ở hướng chính, hướng phụ, hướng trên, hướng dưới, hướng ngang. Vị ấy vượt qua, ngự trên, nhấn chìm tất cả các châu ngọc ở trong khoảng giữa, tính từ phía dưới là địa ngục Vô Gián từ phía trên là cõi cao nhất, rồi đứng lại. Tâu đại vương, các giới báu có hình thức như thế được chưng bày ở cửa tiệm châu báu của đức Thế Tôn. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘giới báu của đức Thế Tôn.’

‘Các giới có hình thức như thế hiện diện ở cửa tiệm của đức Phật. Các ngươi hãy mua châu báu ấy bằng nghiệp (thiện), và hãy chưng diện.’

11. Tâu đại vương, định báu của đức Thế Tôn là cái nào? Tâu đại vương, định có tầm có tứ, định không tầm chỉ có tứ, định không tầm không tứ, định không tánh, định vô tướng, định vô nguyện. Tâu đại vương, đối với vị tỳ khưu chưng diện định báu, các suy nghĩ về (ngũ) dục, các suy nghĩ về oán hận, các suy nghĩ về hãm hại, ngã mạn, phóng dật, tà kiến, hoài nghi, các nền tảng của phiền não, và nhiều loại suy nghĩ xấu xa, tất cả chúng sau khi tiếp cận với định thì phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, không trụ lại, không đeo bám. Tâu đại vương, giống như nước ở lá sen thì phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, không trụ lại, không đeo bám. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Vì tính chất trong sạch của cây sen. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với vị tỳ khưu chưng diện định báu, các suy nghĩ về (ngũ) dục, các suy nghĩ về oán hận, các suy nghĩ về hãm hại, ngã mạn, phóng dật, tà kiến, hoài nghi, các nền tảng của phiền não, và nhiều loại suy nghĩ xấu xa, tất cả chúng sau khi tiếp cận với định thì phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, không trụ lại, không đeo bám. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Vì tính chất trong sạch của định. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘định báu của đức Thế Tôn.’ Tâu đại vương, các định báu có hình thức như thế được chưng bày ở cửa tiệm châu báu của đức Thế Tôn.

 ‘Đối với vị có tràng hoa là định báu, các suy nghĩ xấu xa không sanh lên, và tâm không bị tán loạn, các ngươi hãy chưng diện vật ấy.’

12. Tâu đại vương, tuệ báu của đức Thế Tôn là cái nào? Tâu đại vương, với tuệ nào vị Thánh đệ tử nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Cái này là thiện,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Cái này là bất thiện,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Cái này là có tội, cái này là không có tội, cái này là nên thực hành, cái này là không nên thực hành, cái này là thấp kém, cái này là hảo hạng, cái này là đen, cái này là trắng, cái này có sự lẫn lộn giữa đen và trắng,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là nhân sanh Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự diệt tận Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.’ Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘tuệ báu của đức Thế Tôn.’

‘Đối với vị có tràng hoa là tuệ báu, sự hiện hữu không xoay chuyển lâu dài. Vị ấy mau chóng chạm đến Bất Tử, và không thích thú ở sự hiện hữu.’

13. Tâu đại vương, giải thoát báu của đức Thế Tôn là cái nào? Tâu đại vương, ‘giải thoát báu’ được gọi là phẩm vị A-la-hán. Tâu đại vương, vị tỳ khưu đã đạt đến phẩm vị A-la-hán được gọi là ‘chưng diện giải thoát báu.’  

Tâu đại vương, giống như người đàn ông, được trang điểm với đồ trang sức là xâu chuỗi ngọc trai, ngọc ma-ni, vàng, san hô, thân thể được thoa với dầu thơm của các cây tagara, tālīsa, và trầm hương đỏ, được điểm tô với các loại hoa lim, hoa nguyệt quế, hoa salaḷa, hoa cầy, hoa nhài vàng, hoa atimuttaka, hoa vòi voi, hoa sen, hoa nhài trâu, hoa nhài Ả-rập, thì vượt trội, chiếu sáng, chói sáng, soi sáng, tỏa sáng, lóe sáng, rực sáng, phát sáng, ngự trị, nhấn chìm những người còn lại bằng các đồ trang sức là vòng hoa, hương thơm, và châu báu. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị đã đạt đến phẩm vị A-la-hán, có lậu hoặc đã cạn kiệt, được chưng diện giải thoát báu, so với các tỳ khưu đã được giải thoát có liên quan điều này điều khác, thì vượt trội, vượt lên, chiếu sáng, chói sáng, soi sáng, lóe sáng, rực sáng, phát sáng, ngự trị, nhấn chìm với sự giải thoát (của bản thân). Điều ấy có nguyên nhân là gì? Tâu đại vương, vật chưng diện này là tối thắng trong số tất cả các vật chưng diện, tức là giải thoát báu. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘giải thoát báu của đức Thế Tôn.’

‘Người (làm công) trong nhà ngước nhìn người chủ đang mang tràng hoa có ngọc ma-ni, còn thế gian có cả chư Thiên ngước nhìn tràng hoa có giải thoát báu.’

14. Tâu đại vương, trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát báu của đức Thế Tôn là cái nào? Tâu đại vương, trí về việc quán xét lại được gọi là ‘trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát báu’ của đức Thế Tôn, nhờ vào trí ấy vị Thánh đệ tử quán xét lại Đạo, Quả, Niết Bàn, các phiền não đã dứt bỏ và các phiền não còn sót lại.

‘Nhờ vào trí nào, các bậc Thánh biết rõ trạng thái đã hoàn thành phận sự, hỡi những người con của đấng Chiến Thắng, hãy tinh tấn để đạt được châu báu trí tuệ ấy.’

15. Tâu đại vương, tuệ phân tích báu của đức Thế Tôn là cái nào? Tâu đại vương, là bốn tuệ phân tích là ‘tuệ phân tích về ý nghĩa, tuệ phân tích về pháp, tuệ phân tích về ngôn từ, tuệ phân tích về phép biện giải.’ Tâu đại vương, được trang điểm với bốn tuệ phân tích báu này, vị tỳ khưu đi đến mỗi một tập thể nào, dầu là tập thể Sát-đế-lỵ, hay tập thể Bà-la-môn, hay tập thể gia chủ, hay tập thể Sa-môn, đều đi đến với sự tự tin, không có trạng thái hổ thẹn, không nhút nhát, không hãi sợ, không hốt hoảng, đi đến tập thể không bị nổi da gà. Tâu đại vương, giống như người chiến sĩ, anh hùng của chiến trận, đã vũ trang năm loại vũ khí, không kinh sợ, lao vào chiến trận (nghĩ rằng): ‘Nếu các quân địch ở xa, ta sẽ hạ gục bằng mũi tên, kế đó gần hơn nữa thì ta sẽ đánh bằng cây lao, kế đó gần hơn nữa thì ta sẽ đánh bằng cây thương, với kẻ đang tiến đến gần thì ta sẽ chém làm hai bằng cây kiếm lưỡi cong, còn kẻ đã đến sát bên thân thì ta sẽ đâm thủng bằng cây dao.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị tỳ khưu được trang sức với bốn tuệ phân tích đi vào tập thể không kinh sợ (nghĩ rằng): ‘Bất cứ người nào hỏi ta câu hỏi về phân tích ý nghĩa, đối với người ấy ta sẽ thuyết giảng về ý nghĩa bằng ý nghĩa, ta sẽ thuyết giảng về lý do bằng lý do, ta sẽ thuyết giảng về nguyên nhân bằng nguyên nhân, ta sẽ thuyết giảng về phương pháp bằng phương pháp, ta sẽ làm cho không còn nghi ngờ, ta sẽ cô lập sự phân vân, ta sẽ làm cho hoan hỷ bằng sự giải thích câu hỏi.  

Bất cứ người nào hỏi ta câu hỏi về phân tích pháp, đối với người ấy ta sẽ thuyết giảng về pháp bằng pháp, ta sẽ thuyết giảng về Bất Tử bằng Bất Tử, ta sẽ thuyết giảng về không tạo tác bằng không tạo tác, ta sẽ thuyết giảng về Niết Bàn bằng Niết Bàn, ta sẽ thuyết giảng về không tánh bằng không tánh, ta sẽ thuyết giảng về vô tướng bằng vô tướng, ta sẽ thuyết giảng về vô nguyện bằng vô nguyện, ta sẽ thuyết giảng về bất động bằng bất động, ta sẽ làm cho không còn nghi ngờ, ta sẽ cô lập sự phân vân, ta sẽ làm cho hoan hỷ bằng sự giải thích câu hỏi.

Bất cứ người nào hỏi ta câu hỏi về phân tích ngôn từ, đối với người ấy ta sẽ thuyết giảng về ngôn từ bằng ngôn từ, ta sẽ thuyết giảng về đoạn kệ đầu bằng đoạn kệ đầu, ta sẽ thuyết giảng về đoạn kệ kế tiếp bằng đoạn kệ kế tiếp, ta sẽ thuyết giảng về âm từ bằng âm từ, ta sẽ thuyết giảng về nối âm bằng nối âm, ta sẽ thuyết giảng về phụ âm bằng phụ âm, ta sẽ thuyết giảng về âm phụ thuộc bằng âm phụ thuộc, ta sẽ thuyết giảng về hình thức bằng hình thức, ta sẽ thuyết giảng về nguyên âm bằng nguyên âm, ta sẽ thuyết giảng về khái niệm bằng khái niệm, ta sẽ thuyết giảng về tên gọi bằng tên gọi, ta sẽ làm cho không còn nghi ngờ, ta sẽ cô lập sự phân vân, ta sẽ làm cho hoan hỷ bằng sự giải thích câu hỏi.

Bất cứ người nào hỏi ta câu hỏi về phân tích phép biện giải, đối với người ấy ta sẽ thuyết giảng về phép biện giải bằng phép biện giải, ta sẽ thuyết giảng về ví dụ bằng ví dụ, ta sẽ thuyết giảng về tướng trạng bằng tướng trạng, ta sẽ thuyết giảng về phẩm vị bằng phẩm vị, ta sẽ làm cho không còn nghi ngờ, ta sẽ cô lập sự phân vân, ta sẽ làm cho hoan hỷ bằng việc giải thích câu hỏi. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘các tuệ phân tích báu của đức Thế Tôn.’

‘Sau khi mua các tuệ phân tích, nhờ vào trí vị nào có thể chạm đến, thì (vị ấy) không kinh sợ, không xao động, chói sáng thế gian luôn cả chư Thiên.’

16. Tâu đại vương, giác chi báu của đức Thế Tôn là cái nào? Tâu đại vương, có bảy giác chi này là: ‘Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, cần giác chi, hỷ giác chi, tịnh giác chi, định giác chi, xả giác chi.’ Tâu đại vương, được trang điểm với bảy giác chi báu này, vị tỳ khưu chế ngự mọi sự tối tăm, soi sáng, tỏa sáng, thế gian luôn cả chư Thiên, và làm sanh lên ánh sáng. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘giác chi báu của đức Thế Tôn.’

‘Thế gian luôn cả chư Thiên đều đứng dậy (chào) đối với người có tràng hoa là giác chi báu. các ngươi hãy mua châu báu ấy bằng nghiệp (thiện), và hãy chưng diện.’”

17. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm tổng hợp của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”

“Tâu đại vương, cửa tiệm tổng hợp của đức Thế Tôn có lời dạy của đức Phật gồm chín thể loại, các xá-lợi, các vật dụng, các bảo tháp, và Hội Chúng báu. Tâu đại vương, do đức Thế Tôn ở cửa tiệm tổng hợp sự thành tựu về sanh chủng được chưng bày, sự thành tựu về của cải được chưng bày, sự thành tựu về tuổi thọ được chưng bày, sự thành tựu về không bệnh được chưng bày, sự thành tựu về sắc đẹp được chưng bày, sự thành tựu về tuệ được chưng bày, sự thành tựu về cõi người được chưng bày, sự thành tựu về cõi trời được chưng bày, sự thành tựu về Niết Bàn được chưng bày.  

Tại nơi ấy, những người nào ước muốn sự thành tựu này hay sự thành tựu nọ, những người ấy sau khi trao ra tiền vốn là nghiệp (thiện) rồi mua lấy sự thành tựu đã được mong mỏi thế này thế nọ. Nhiều người mua bằng sự thọ trì giới, nhiều người mua bằng việc hành trì trai giới, rồi nhận được các sự thành tựu tùy theo từng phần tiền vốn là nghiệp (thiện) ít ỏi. Tâu đại vương, giống như ở cửa tiệm của người chủ tiệm có các loại mè, đậu mugga, đậu māsa, những người ấy mua gạo, đậu mugga, đậu māsa, với số lượng chút ít tùy theo từng phần tiền vốn ít ỏi. Tâu đại vương, tương tợ y như thế ở cửa tiệm tổng hợp của đức Thế Tôn, những người ấy nhận được các sự thành tựu tùy theo từng phần tiền vốn là nghiệp (thiện) ít ỏi. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘cửa tiệm tổng hợp của đức Thế Tôn.’

‘Tuổi thọ, sự không bệnh, sắc đẹp, cõi trời, việc có được gia tộc cao sang, và sự không tạo tác, sự Bất Tử là có ở của hàng tổng hợp, ở đấng Chiến Thắng.

Được nhận lấy ít hay nhiều tùy theo phần tiền vốn là nghiệp (thiện). Này các tỳ khưu, sau khi mua bằng tiền vốn là đức tin, các ngươi hãy được thành tựu.’

18. Tâu đại vương, ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn có những người như thế này sinh sống: Các vị chuyên về Kinh, các vị chuyên về Luật, các vị chuyên về Vi Diệu Pháp, các vị thuyết giảng về Pháp, các vị trì tụng Bổn Sanh, các vị trì tụng Trường Bộ, các vị trì tụng Trung Bộ, các vị trì tụng Tương Ưng, các vị trì tụng Tăng Chi, các vị trì tụng Tiểu Bộ, các vị đầy đủ giới, các vị đầy đủ định, các vị đầy đủ tuệ, các vị thích thú việc tu tập các giác chi, các vị hành minh sát, các vị gắn liền với mục đích của mình, các vị ngụ ở rừng, các vị ngụ ở gốc cây, các vị ngụ ở ngoài trời, các vị ngụ ở đống rơm, các vị ngụ ở mộ địa, các vị (hành pháp) về oai nghi ngồi (không nằm), các vị đã tiến đến (Đạo), các vị đã trú ở Quả, các vị Hữu Học đã đạt được quả vị, các vị Nhập Lưu, các vị Nhất Lai, các vị Bất Lai, các vị A-la-hán có ba Minh, có sáu Thắng Trí, có thần thông, đã đạt đến sự toàn hảo về tuệ, thiện xảo về sự thiết lập niệm, chánh tinh tấn, nền tảng của thần thông, quyền, lực, giác chi, Đạo, thiền, giải thoát, sắc và vô sắc, về việc thể nhập vào sự tịch tịnh và an lạc. Thành phố Giáo Pháp đã là đông đúc, dầy đặc, chen chúc, tràn ngập với các vị A-la-hán ấy, tợ như rừng sậy hay rừng mía đường. Ở đây có:

‘Các vị có luyến ái đã lìa, có sân đã lìa, có si đã lìa, không còn lậu hoặc, có tham ái đã lìa, không còn chấp thủ, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị ngụ ở rừng, duy trì pháp từ khước, chứng thiền, có y thô xấu, thỏa thích sự cô độc, sáng suốt, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị giữ oai nghi ngồi, ngụ chỗ được chỉ định, đứng và đi kinh hành, tất cả đều mang y may bằng vải quăng bỏ, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị sử dụng ba y, thanh tịnh, có mảnh da thú là vật thứ tư, thích thú việc (thọ thực) một chỗ ngồi, hiểu biết, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị ít ham muốn, chín chắn, sáng suốt, (thọ) chút ít vật thực, không tham lam, tự biết đủ với việc có hay không có, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.  

Các vị chứng thiền, thích thú với thiền, sáng suốt, có tâm thanh tịnh, được định tĩnh, có sự mong mỏi về cõi thiền Vô Sở Hữu, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị đã tiến đến (Đạo), đã trú ở Quả, là các bậc Hữu Học, đã đạt được quả vị, là những vị mong mỏi mục đích tối thượng, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị Nhập Lưu, không vết nhơ, và các vị Nhất Lai, các vị Bất Lai, và các vị A-la-hán, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị thiện xảo về sự thiết lập niệm, thích thú việc tu tập các Giác chi, các vị hành Minh Sát, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị thiện xảo về các nền tảng của thần thông, thích thú việc tu tập định, gắn bó với chánh tinh tấn, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị đã đạt đến sự toàn hảo về các Thắng Trí, thích thú với hành xứ có tính chất truyền thống, có sự di chuyển ở không trung, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị có mắt nhìn xuống, nói năng chừng mực, có các giác quan được canh phòng, khéo thu thúc, đã được huấn luyện tốt đẹp ở Giáo Pháp tối thượng, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị có ba Minh, và sáu Thắng Trí, đã đi đến sự toàn hảo của thần thông, đã đạt được sự toàn hảo về tuệ, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.’

19. Tâu đại vương, những vị tỳ khưu nào có sự gìn giữ trí cao quý không đo lường được, không bị ràng buộc, có đức hạnh không thể so sánh, có danh vọng không so sánh được, có năng lực không so sánh được, có vinh quanh không so sánh được, là các vị tiếp tục chuyển vận bánh xe Giáo Pháp, đã đi đến sự toàn hảo về tuệ, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘các tướng quân Chánh Pháp’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào có thần thông, có các tuệ phân tích đã được chứng đạt, có các sự tự tín đã được đạt đến, có sự di chuyển ở không trung, khó sánh bằng, khó khuất phục, di chuyển không cần vật để bám víu, làm rúng động trái đất có biển và núi, có thể vuốt ve mặt trăng và mặt trời, thiện xảo về biến hóa, về sự chú nguyện và phát nguyện, đã đi đến sự toàn hảo về thần thông, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những vị quân sư’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào đã theo đuổi các pháp từ khước, ít ham muốn, tự biết đủ, chán ghét sự yêu cầu và sự tầm cầu sai trái, đi khất thực theo từng nhà, tợ như các con ong hút lấy hương hoa rồi đi vào khu rừng cô quạnh, không quan tâm đến thân thể và mạng sống, đã đạt được phẩm vị A-la-hán, đã được xem là tối thắng về đức hạnh của các pháp từ khước, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những vị quan tòa’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào thanh tịnh, không vết nhơ, không còn phiền não, thiện xảo về tử sanh, đã đi đến sự toàn hảo về Thiên nhãn, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những vị thắp sáng thành phố’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.  

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào nghe nhiều, có Kinh điển được truyền thừa, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, có sự ghi nhớ về Luật, có sự ghi nhớ về các tiêu đề, thiện xảo về việc chia chẻ các âm là không gió hay có gió, dài hay ngằn, nặng hay nhẹ, có sự ghi nhớ về các lời giáo huấn gồm chín thể loại, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những vị bảo vệ Giáo Pháp’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào hiểu biết về Luật, thông thái về Luật, thiện xảo về phần mở đầu và phần đọc tụng, thiện xảo về sự phạm tội, sự không phạm tội, tội nặng có thể chữa trị hay không thể chữa trị, sự thoát tội, sự trình báo tội, sự khiển trách, sự sửa chữa, sự mời vào, sự đuổi ra, sự hòa giải, đã đi đến sự toàn hảo về Luật, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những vị thành thạo về nghi thức’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào được quàng vào tràng hoa gồm các bông hoa cao quý của sự giải thoát, đã đạt được bản thể cao quý, ưu tú, giá trị cao, đứng đầu, được yêu quý và mong mỏi của số đông người, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những người chủ tiệm hoa’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào đã được thấu triệt sự lãnh hội về bốn Sự Thật, đã nhìn thấy Sự Thật, đã nhận thức được Giáo Pháp, đã vượt qua các sự hoài nghi về bốn quả vị Sa-môn, đã đạt được an lạc của quả vị, và chia phần những quả vị ấy cùng với những vị khác cũng đang thực hành, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những người chủ tiệm trái cây’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào được thoa hương thơm tốt đẹp cao quý của giới, mang nhiều đức hạnh đủ các loại, làm tiêu tan mùi thối của phiền não và ô nhiễm, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những người chủ tiệm hương liệu’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào yêu mến Giáo Pháp, có lời nói đáng yêu quý, có sự vui thích tột bực ở Thắng Pháp, ở Thắng Luật, những vị đi vào rừng, đi đến cội cây, đi đến ngôi nhà trống vắng, uống vào vị nếm cao quý của Giáo Pháp, được thấm nhuần hương vị cao quý của Giáo Pháp bằng thân, bằng khẩu, và bằng ý, có tài biện giải tuyệt vời, đã thực hành sự tầm cầu về Pháp trong số các Pháp, từ nơi này hoặc từ nơi kia, ở nơi nào có sự thuyết giảng về ít ham muốn, thuyết giảng về sự tự hoan hỷ, thuyết giảng về sự tách ly, thuyết giảng về sự không kết giao, thuyết giảng về việc khởi sự tinh tấn, thuyết giảng về giới, thuyết giảng về định, thuyết giảng về tuệ, thuyết giảng về giải thoát, thuyết giảng về trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát, sau khi đi đến nơi này nơi khác và uống vào từng hương vị của cuộc thuyết giảng, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những vị nghiện uống, có sự khao khát’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào đầu đêm và cuối đêm gắn bó với sự rèn luyện về tỉnh thức, trải qua đêm ngày với việc ngồi, đứng, và đi kinh hành, gắn bó với sự rèn luyện về việc phát triển (thiền), đang đeo đuổi mục đích của mình nhằm xua đuổi các phiền não, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những người canh giữ thành phố’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.  

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào bảo đọc, bảo đọc theo, giảng giải, lập lại lời dạy của đức Phật gồm chín thể loại về ý nghĩa, về văn tự, về phương pháp, về lý do, về nguyên nhân, và về ví dụ, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những người chủ tiệm Giáo Pháp’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào là những người có của cải, có tài sản, với của cải là châu báu về Giáo Pháp, với của cải là sự học tập và lắng nghe về Kinh điển, có sự thấu triệt về nguyên âm, phụ âm, và đặc điểm đã được diễn đạt, có sự hiểu biết rộng rãi, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những người triệu phú về Giáo Pháp’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào có sự thấu triệt sự thuyết giảng tột bực, đã quen thuộc với sự phân loại và mô tả đối tượng (của tâm), đã đạt đến sự toàn hảo về đức hạnh của việc học tập, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những nhà đạo đức nổi tiếng’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn đã khéo được bố trí như vậy, khéo được xây dựng như vậy, khéo được sắp xếp như vậy, khéo được bồi đắp như vậy, khéo được xác định như vậy, khéo được bảo vệ như vậy, khéo được gìn giữ như vậy, khó bị chế ngự như vậy bởi những kẻ nghịch, những kẻ thù. Tâu đại vương, với lý do này, với nguyên nhân này, với phương pháp này, với sự suy luận này, nên nhận biết rằng: ‘Có đức Thế Tôn ấy.’

‘Cũng giống như sau khi nhìn thấy thành phố khéo được bố trí, làm thích ý, bằng suy luận họ nhận biết sự vĩ đại của nhà kiến trúc.

Y như thế ấy, sau khi nhìn thấy thành phố Giáo Pháp cao quý của đấng Bảo Hộ Thế Gian, bằng suy luận họ biết rằng: ‘Có đức Thế Tôn ấy.’

Sau khi nhìn thấy làn sóng ở biển cả, bằng suy luận họ biết rằng theo như làn sóng này được nhìn thấy thì biển cả sẽ là lớn lao.

Tương tợ, đức Phật là bậc xua đi nỗi sầu muộn, không bị đánh bại ở mọi nơi, đã đạt đến sự cạn kiệt của tham ái, có sự thoát khỏi sự luân chuyển trong các cõi.

Sau khi nhìn thấy làn sóng ở thế gian luôn cả chư Thiên, theo như sự lan rộng của làn sóng Giáo Pháp, bằng suy luận có thể biết được đức Phật sẽ là hạng nhất.

Sau khi nhìn thấy ngọn núi vươn cao, theo như cách nó được vươn cao, bằng suy luận họ biết rằng nó sẽ là núi Hi-mã-lạp.

Tương tợ, sau khi nhìn thấy ngọn núi Giáo Pháp của đức Thế Tôn có trạng thái mát lạnh, không có mầm mống tái sanh, vươn cao, không dao động, khéo được thiết lập.

Sau khi nhìn thấy ngọn núi Giáo Pháp, bằng suy luận có thể biết được bậc Đại Hùng ấy chính là như thế, đức Phật sẽ là hạng nhất.

Cũng giống như sau khi nhìn thấy bàn chân của con voi chúa, bằng suy luận mọi người biết được rằng: ‘Con voi ấy là to lớn.’

Y như thế ấy, sau khi nhìn thấy dấu chân của đức Phật vĩ đại, bậc có sự thông suốt, bằng suy luận họ biết rằng vị ấy sẽ là tột bực.

Sau khi nhìn thấy những con thú nhỏ bị sợ hãi, bằng suy luận họ biết rằng: ‘Những con thú nhỏ này bị sợ hãi bởi âm thanh của con thú chúa.’  

Y như thế ấy, sau khi nhìn thấy các ngoại đạo bị bối rối, có tâm sợ hãi, bằng suy luận có thể biết được tiếng rống của đấng Pháp Vương.

Sau khi nhìn thấy trái đất đã được nguội lạnh, đạt được màu xanh, có nhiều nước, bằng suy luận họ biết rằng (trái đất) đã được nguội lạnh nhờ đám mưa lớn.

Y như thế ấy, sau khi nhìn thấy người này được vui mừng, hớn hở, bằng suy luận có thể biết được (người ấy) đã được toại ý bởi cơn mưa Giáo Pháp.

Sau khi nhìn thấy bụi bặm bị kết dính, bùn lầy, mặt đất trở thành lầy lội ẩm thấp, bằng suy luận họ biết rằng có khối nước lớn đã đi đến.

Y như thế ấy, sau khi nhìn thấy người này bị lấm lem bởi bụi bặm và bùn lầy, đã được đưa đến ở dòng sông Giáo Pháp, đã được chuyển đến ở biển cả Giáo Pháp.

Sau khi nhìn thấy quả đất này luôn cả chư Thiên đi đến sự Bất Tử của Giáo Pháp, bằng suy luận có thể biết được có Pháp uẩn vĩ đại đã đi đến.

Sau khi ngửi mùi hương tối thượng, bằng suy luận họ biết rằng là theo như mùi hương này thổi đến thì sẽ có những cây đã được trổ hoa.

Y như thế ấy, mùi hương giới đức này thổi ở thế gian luôn cả chư Thiên, bằng suy luận có thể biết được là có đức Phật vô thượng.’

20. Tâu đại vương, có thể chỉ cho thấy năng lực của đức Phật bằng một trăm lý do, bắng một ngàn lý do, bằng một trăm nguyên nhân, bằng một ngàn nguyên nhân, bằng một trăm phương pháp, bằng một ngàn phương pháp, bằng một trăm ví dụ, bằng một ngàn ví dụ. Tâu đại vương, giống như người làm tràng hoa khôn khéo, từ đống bông hoa nhiều loại, theo sự chỉ dạy của người thầy, bằng việc làm của cá nhân một người, có thể tạo thành một đống các kiểu tràng hoa nhiều màu sắc.

Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn ấy, có đức hạnh vô biên, có đức hạnh vô lượng, ví như đống bông hoa nhiều màu sắc. Giờ đây, ví như người làm tràng hoa, người kết bông hoa trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, cũng bằng đường lối của các vị thầy tiền bối, cũng bằng năng lực ở sự sáng suốt của tôi, tôi sẽ giải thích năng lực của đức Phật bằng cách suy luận bằng nhiều lý lẽ không thể đếm được. Vậy thì trong trường hợp này, đại vương hãy khởi lên ước muốn về việc lắng nghe.”

21. “Thưa ngài Nāgasena, thật là việc khó khăn để chỉ cho thấy năng lực của đức Phật bằng sự suy luận bằng lý lẽ có hình thức như vầy đối với những người khác. Thưa ngài Nāgasena, trẫm đã được thỏa mãn với việc giải thích câu hỏi một cách vô cùng đa dạng của ngài.”

Câu hỏi (giảng bằng sự) suy luận là thứ nhất.

*****

 

2. CÂU HỎI VỀ PHÁP TỪ KHƯỚC

“Đức vua nhìn các vị tỳ khưu sống ở rừng đã được gắn bó với các hạnh từ khước, rồi nhìn lại những người tại gia đã trú ở quả vị Bất Lai.

Sau khi quan sát cả hai hạng ấy, có nỗi nghi hoặc lớn đã khởi lên: ‘Nếu người tại gia có thể giác ngộ Giáo Pháp, thì pháp từ khước là không có kết quả.

Vậy ta nên hỏi vị thuyết giảng hạng nhất, được thông thạo về Tam Tạng, có sự nghiền nát học thuyết của các diễn giả khác, vị ấy sẽ tiêu diệt nỗi nghi ngờ của ta.”

1. Khi ấy, đức vua Milinda đã đi đến gặp đại đức Nāgasena, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Nāgasena rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Milinda đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Thưa ngài Nāgasena, có người tại gia nào, sống ở nhà, trong khi sinh sống có sự thọ hưởng các dục, có việc nằm chen chúc với vợ và con, trong khi hưởng thụ vải Kāsi và trầm hương, trong khi đeo tràng hoa, vật thơm, và vật thoa, trong khi ưng thuận vàng và bạc, buộc búi tóc có trang điểm ngọc ma-ni, ngọc trai, và vàng, mà người ấy đã chứng ngộ sự an tịnh, mục đích tối hậu, Niết Bàn, không?”

“Tâu đại vương, không phải chỉ một trăm, không phải hai trăm, không phải ba bốn năm trăm, không phải một ngàn, không phải một trăm koṭi,[3] không phải một ngàn koṭi, không phải một trăm ngàn koṭi. Tâu đại vương, hãy bỏ qua sự lãnh hội của mười, của hai mươi, của một trăm, của một ngàn (người tại gia), tôi có thể cho đại vương câu trả lời bằng phương thức nào?”

“Chính ngài hãy nói về điều ấy.”

“Tâu đại vương, như thế thì tôi sẽ nói với đại vương về một trăm, hay một ngàn, hay một trăm ngàn, hay một koṭi, hay một trăm koṭi, hay một ngàn koṭi, hay một trăm ngàn koṭi. Bất cứ lời giảng nào về Phật Pháp gồm chín thể loại được liên quan đến sự thực hành hạnh giảm thiểu và các yếu tố cao quý về hạnh từ khước, tất cả các lời giảng ấy sẽ tập trung lại ở đây.

Tâu đại vương, giống như nước đã được đổ mưa ở các phần đất lõm xuống hoặc nhô lên, bằng phẳng hoặc gồ ghề, đất liền hay không phải đất liền, sau khi rơi xuống từng giọt ở khắp nơi rồi từ đó tập trung lại ở đại dương biển cả. Tâu đại vương, tương tợ y như thế khi có người tiếp nhận thì bất cứ lời giảng nào về Phật Pháp gồm chín thể loại được liên quan đến sự thực hành hạnh giảm thiểu và các yếu tố cao quý về hạnh từ khước, tất cả các lời giảng ấy sẽ tập trung lại ở đây.

Tâu đại vương, việc giải nghĩa theo lý lẽ bằng kinh nghiệm và sự sáng suốt của tôi sẽ tập trung lại ở đây, nhờ vậy ý nghĩa ấy sẽ khéo được phân tích, được thêm thắt, được đầy đủ, được gom chung lại.  

Tâu đại vương, giống như vị thầy ghi chép thiện xảo, đã được chỉ dẫn, trong khi ghi lại bài viết thì hoàn thiện bài viết với việc giải nghĩa theo lý lẽ bằng kinh nghiệm và sự sáng suốt của bản thân, như vậy bài viết ấy sẽ được hoàn thành, được đầy đủ, không thiếu sót. Tương tợ y như thế, việc giải nghĩa theo lý lẽ bằng kinh nghiệm và sự sáng suốt của tôi sẽ tập trung lại ở đây, nhờ vậy ý nghĩa ấy sẽ khéo được phân tích, được thêm thắt, được đầy đủ, được gom chung lại.

2. Tâu đại vương, ở thành Sāvatthi, có khoảng năm koṭi (năm mươi triệu) Thánh đệ tử là các cận sự nam và cận sự nữ của đức Thế Tôn, (trong số đó) ba trăm năm mươi bảy ngàn người đã được thiết lập vào quả vị Bất Lai, tất cả những vị ấy đều là người tại gia, họ không phải bậc xuất gia.

Thêm nữa, ở ngay tại nơi ấy, vào lúc (thị hiện) song thông ở gốc cội cây gaṇḍamba, có hai mươi koṭi (200.000.000) sinh mạng đã lãnh hội. Thêm nữa, vào lúc (thuyết giảng) Mahārāhulovāda, Kinh Mahāmaṅgala, bài giảng về tâm bình lặng, Kinh Parābhava, Kinh Purābheda, Kinh Kalahavivāda, Kinh Cūḷabyūha, Kinh Mahābyūha, Kinh Tuvaṭaka, Kinh Sāriputta, đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của chư Thiên với số lượng vượt trội phương thức tính đếm.

Ở thành Rājagaha, ba trăm năm mươi ngàn Thánh đệ tử của đức Thế Tôn là các cận sự nam và cận sự nữ. Thêm nữa, ở ngay tại nơi ấy, vào lúc chế ngự con long tượng Dhanapāla có chín mươi koṭi (900.000.000) sinh mạng đã lãnh hội; ở cuộc hội họp về mục đích tối hậu ở điện thờ Pāsāṇaka có mười bốn koṭi (140.000.000) sinh mạng đã lãnh hội; thêm nữa ở hang động Indasāla có tám mươi koṭi (800.000.000) chư Thiên đã lãnh hội; thêm nữa ở thành Bārāṇasī, Isipatana, nơi vườn nai, vào lúc thuyết giảng Giáo Pháp lần đầu tiên, có mười tám koṭi (180.000.000) Đại Phạm Thiên và vô số chư Thiên đã lãnh hội; thêm nữa ở cõi trời Đạo Lợi, tại tảng đá Paṇḍukambala (ngai vàng của đức Trời Đế Thích) vào lúc thuyết giảng về Vi Diệu Pháp, có tám mươi koṭi (800.000.000) chư Thiên đã lãnh hội; vào lúc từ cõi trời trở lại trần gian tại cổng thành Saṅkassa, vào lúc (thị hiện) thần thông mở ra cho thấy thế gian, có ba mươi koṭi (300.000.000) nhân loại và chư Thiên được tịnh tín đã lãnh hội.

Thêm nữa, ở thành Kapilavatthu của dòng họ Sakya, tại tu viện Nigrodha, lúc thuyết giảng về dòng dõi chư Phật và lúc thuyết giảng về Kinh Mahāsamaya, đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của chư Thiên với số lượng vượt trội phương thức tính đếm. Thêm nữa, ở cuộc gặp gỡ với người làm tràng hoa Sumana, ở cuộc gặp gỡ với Garahadinna, ở cuộc gặp gỡ với nhà triệu phú Ānanda, ở cuộc gặp gỡ với đạo sĩ lõa thể Jambuka, ở cuộc gặp gỡ với Thiên tử Maṇḍuka, ở cuộc gặp gỡ với Thiên tử Maṭṭakuṇḍali, ở cuộc gặp gỡ với Sulasā hoa khôi thành phố, ở cuộc gặp gỡ với Sirimā hoa khôi thành phố, ở cuộc gặp gỡ với người con gái thợ dệt, ở cuộc gặp gỡ với Cūlasubhaddā, ở cuộc gặp gỡ về việc xem xét chỗ hỏa táng của người Bà-la-môn xứ Sāketa, ở cuộc gặp gỡ tại Sunāparanta, ở cuộc gặp gỡ về câu hỏi của Thiên Chủ Sakka, ở cuộc gặp gỡ về (bài Kinh) Tirokuḍḍa, ở cuộc gặp gỡ về Ratanasutta (Kinh Châu Báu), mỗi một lần đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của tám mươi bốn ngàn sinh mạng.

3. Tâu đại vương, trong thời gian mà đức Thế Tôn đã ngự ở thế gian, thì trong thời gian ấy, tại mỗi một nơi nào ở trong ba phạm vi thuộc mười sáu xứ sở lớn mà đức Thế Tôn đã trú ngụ, thì ở tại mỗi một nơi ấy hầu hết đều có hai, ba, bốn, năm trăm, một ngàn, một trăm ngàn chư Thiên và nhân loại đã chứng ngộ sự an tịnh, mục đích tối hậu, Niết Bàn. Tâu đại vương, những vị nào là chư Thiên, những vị ấy cũng chính là người tại gia, họ không phải bậc xuất gia. Tâu đại vương, những người này, và luôn cả nhiều trăm ngàn koṭi (nhiều tỷ) chư Thiên khác nữa đều là người tại gia, sống ở nhà, có sự thọ hưởng các dục, đã chứng ngộ sự an tịnh, mục đích tối hậu, Niết Bàn.”

4. “Thưa ngài Nāgasena, nếu những người tại gia, sống ở nhà, có sự thọ hưởng các dục, chứng ngộ sự an tịnh, mục đích tối hậu, Niết Bàn, thế thì các pháp từ khước phục vụ mục đích gì? Vì lý do ấy, các pháp từ khước là việc làm không thuộc về bổn phận. Thưa ngài Nāgasena, nếu các cơn bệnh được lắng dịu không cần chú thuật và dược thảo, thì cần gì với việc làm yếu đuối cơ thể bởi sự nôn mửa và xổ ruột, v.v...? Nếu sự trấn áp kẻ thù nghịch là bằng các nắm tay, thì cần gì với gươm, giáo, tên, cung, nỏ, đùi cui, chày vồ? Nếu có được việc leo lên cây sau khi bám vào chạng cây, khúc cong, lỗ hổng, mầm gai, dây leo, cành cây, thì cần gì với việc tìm kiếm cái thang dài và chắc chắn? Nếu có sự điều hòa tứ đại với việc nằm ở nền đất, thì cần gì với việc tầm cầu giường nằm to lớn khổng lồ rực rỡ, có sự xúc chạm thoải mái? Nếu mỗi một mình có khả năng vượt qua bãi sa mạc có sự nguy hiểm, có sự sợ hãi, không bằng phẳng, thì cần gì với đoàn xe to lớn khổng lồ đã được chuẩn bị, đã được vũ trang? Nếu có khả năng vượt qua sông hồ bằng cánh tay, thì cần gì với việc tìm kiếm cây cầu và thuyền bè vững chắc? Nếu có thể làm ra thức ăn thức mặc bằng vật sở hữu của bản thân, thì cần gì với việc hầu hạ, việc nói lời thương mến, và việc lăng xăng chạy phía trước phía sau những kẻ khác? Nếu nước được lấy ở hồ thiên nhiên, thì cần gì với việc đào giếng nước, ao, hồ? Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế nếu những người tại gia, sống ở nhà, có sự thọ hưởng các dục, chứng ngộ sự an tịnh, mục đích tối hậu, Niết Bàn, thì cần gì với việc thọ trì cao quý về hạnh từ khước?”

5. “Tâu đại vương, hai mươi tám đức tính này của các pháp từ khước là các đức tính đúng theo bản thể; do những đức tính này, các pháp từ khước được chư Phật ước ao, mong mỏi. Hai mươi tám đức tính nào? Tâu đại vương, ở đây pháp từ khước là sự nuôi mạng trong sạch, có quả an lạc, không có tội lỗi, không gây đau khổ cho người khác, không sợ hãi, không tự hành hạ mình, thuần túy liên quan đến sự tiến triển, không đưa đến hư hoại, không giả dối, là sự bảo vệ, sự ban cho điều đã được mong mỏi, sự huấn luyện cho tất cả chúng sanh, có sự thu thúc là lợi ích, là sự đúng đắn, không bị lệ thuộc, được thoát ra khỏi, là sự diệt tận luyến ái, diệt tận sân, diệt tận si, dứt bỏ ngã mạn, cắt đứt suy nghĩ xấu xa, vượt khỏi sự nghi hoặc, tiêu diệt sự lười biếng, dứt bỏ sự không ưa thích, sự chịu đựng, không so sánh được, không đo lường được, đưa đến sự diệt tận tất cả khổ đau. Tâu đại vương, hai mươi tám đức tính này của các pháp từ khước là các đức tính đúng theo bản thể; do những đức tính này, các pháp từ khước được chư Phật ước ao, mong mỏi.  

Tâu đại vương, những người nào thực hiện đúng đắn các hạnh từ khước, những người ấy là những người đi đến hội hợp với mười tám đức tính. Với mười tám đức tính nào? Cách cư xử của những vị ấy khéo được thanh tịnh, sự thực hành khéo được đầy đủ, thân khẩu khéo được hộ trì, sự hành xử của ý khéo được thanh tịnh, sự tinh tấn khéo được nắm giữ, sợ hãi được lắng xuống, tùy ngã kiến được xa lìa, sự căm hận được đình chỉ, tâm từ được thiết lập, vật thực được nhận biết rõ rệt, được kính trọng đối với tất cả chúng sanh, biết vừa đủ về vật thực, gắn liền với sự tỉnh thức, không cần chỗ ngụ, nơi nào có sự thoải mái thì trú ngụ ở nơi ấy, có sự nhờm gớm về điều ác, có sự thích thú nơi thanh vắng, thường xuyên không xao lãng. Tâu đại vương, những người nào thực hiện đúng đắn các hạnh từ khước, những người ấy là những người đi đến hội hợp với mười tám đức tính.

6. Tâu đại vương, mười hạng người này là xứng đáng với hạnh từ khước. Mười hạng nào? Là người có đức tin, có sự hổ thẹn (tội lỗi), có sự sáng suốt, không lường gạt, có khả năng đối với mục đích, không tham, ưa thích sự học tập, có sự thọ trì kiên cố, không có nhiều sự than phiền, có sự an trú tâm từ. Tâu đại vương, mười hạng người này là xứng đáng với hạnh từ khước.

7. Tâu đại vương, những người nào là người tại gia, sống ở nhà, có sự thọ hưởng các dục, chứng ngộ sự an tịnh, mục đích tối hậu, Niết Bàn, tất cả những người ấy trong những kiếp sống trước đây đã thực hành sự huấn luyện, đã thực hành các công việc căn bản trong mười ba hạnh từ khước. Những người ấy, sau khi đã hoàn chỉnh cách cư xử và sự thực hành ở tại nơi ấy, giờ đây hôm nay trong khi còn là người tại gia vẫn chứng ngộ sự an tịnh, mục đích tối hậu, Niết Bàn.

Tâu đại vương, giống như người cung thủ thiện xảo, trước tiên hết bắt những người học trò noi gương tập luyện ở phòng huấn luyện về việc phân loại cây cung, việc nâng lên và nắm giữ cây cung, việc kìm chặt nắm tay, việc cong lại ngón tay, việc đặt để bàn chân, việc nắm lấy mũi tên, việc đặt vào, việc kéo căng ra, việc giữ chặt, việc nhắm vào mục tiêu, việc buông ra, về việc xuyên thủng mục tiêu là hình nhân bằng cỏ, bãi phân thú vật, đống cỏ, đống rơm, đống đất sét, tấm ván, sau khi hoàn thành về thuật bắn cung trong sự hiện diện của đức vua thì được nhận lãnh ân huệ về ngựa thuần chủng, xe kéo, voi, ngựa chiến, tài sản, thóc lúa, vàng khối, vàng ròng, tôi trai, tớ gái, vợ, làng mạc.

Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào là người tại gia, sống ở nhà, có sự thọ hưởng các dục, chứng ngộ sự an tịnh, mục đích tối hậu, Niết Bàn, tất cả những người ấy trong những kiếp sống trước đây đã thực hành sự huấn luyện, đã thực hành các công việc căn bản trong mười ba hạnh từ khước. Những người ấy, sau khi đã hoàn chỉnh cách cư xử và sự thực hành ngay ở tại nơi ấy, giờ đây hôm nay trong khi còn là người tại gia vẫn chứng ngộ an tịnh, mục đích tối hậu, Niết Bàn. Tâu đại vương, không có sự luyện tập trước đây về các hạnh từ khước thì không có được sự chứng ngộ phẩm vị A-la-hán chỉ trong một kiếp sống, hơn nữa với sự tinh tấn tột bực, với sự thực hành tột bực, với người thầy có hình thức như thế, với người bạn tốt lành thì có được sự chứng ngộ phẩm vị A-la-hán.

8. Tâu đại vương, hoặc là giống như người thầy thuốc phẫu thuật sau khi đã làm hài lòng người thầy với tài sản hoặc bằng việc thực hành phận sự, sau khi đã noi theo học tập công việc cầm cây dao, việc cắt, việc rạch, việc xuyên thủng, việc rút ra cây tên, việc rửa vết thương, việc làm khô, việc bôi thuốc, việc áp dụng dầu thơm cho việc nôn mửa và việc xổ ruột, khi đã thực hành việc học tập về các kiến thức, đã thực hành sự huấn luyện, đã thực hành tay nghề, thì đi thăm những người bệnh nhằm việc chữa trị.

Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào là người tại gia, sống ở nhà, có sự thọ hưởng các dục, chứng ngộ sự an tịnh, mục đích tối hậu, Niết Bàn, tất cả những người ấy trong những kiếp sống trước đây đã thực hành sự huấn luyện, đã thực hành các công việc căn bản trong mười ba hạnh từ khước. Những người ấy, sau khi đã hoàn chỉnh cách cư xử và sự thực hành ngay ở tại nơi ấy, giờ đây hôm nay trong khi còn là người tại gia vẫn chứng ngộ an tịnh, mục đích tối hậu, Niết Bàn. Tâu đại vương, không có sự lãnh hội Giáo Pháp đối với những người chưa được hoàn thiện về các hạnh từ khước.

Tâu đại vương, giống như không có sự rưới nước thì không có sự mọc lên của hạt giống. Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có sự lãnh hội Giáo Pháp đối với những người chưa được hoàn thiện về các hạnh từ khước.

Tâu đại vương, hoặc là giống như không có việc đi đến cảnh giới tốt đẹp đối với những người đã không làm các việc thiện, đã không làm các việc tốt. Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có sự lãnh hội Giáo Pháp đối với những người chưa được hoàn thiện về các hạnh từ khước.

9. Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, thì hạnh từ khước ví như trái đất theo ý nghĩa nơi nâng đỡ.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như nước theo ý nghĩa rửa sạch tất cả bợn nhơ phiền não.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như ngọn lửa theo ý nghĩa thiêu đốt tất cả cánh rừng phiền não.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như gió theo ý nghĩa thổi đi tất cả bợn nhơ bụi bặm về phiền não.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như thuốc giải độc theo ý nghĩa làm lắng dịu tất cả tật bệnh về phiền não.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như thuốc bất tử theo ý nghĩa tiêu diệt tất cả chất độc phiền não.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như thửa ruộng theo ý nghĩa làm mọc lên tất cả mùa màng về Sa-môn hạnh.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như ngọc như ý theo ý nghĩa ban cho ân huệ về mọi sự thành tựu đã được mong mỏi, ước ao.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như chiếc thuyền theo ý nghĩa đi đến bờ bên kia của đại dương luân hồi.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như chốn nương nhờ cho người bị sợ hãi theo ý nghĩa việc làm an ủi cho những người sợ hãi sự già và sự chết.  

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như người mẹ theo ý nghĩa người hỗ trợ cho những người bị áp bức bởi phiền não khổ đau.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như người cha theo ý nghĩa người sanh ra tất cả Sa-môn hạnh cho những người có ước muốn tăng trưởng thiện pháp.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như người bạn theo ý nghĩa không lường gạt trong việc tầm cầu tất cả Sa-môn hạnh.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như loài sen theo ý nghĩa không bị lấm lem bởi mọi phiền não ô nhiễm.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như bốn loại hương thơm cao quý theo ý nghĩa xua đuổi mùi thối của phiền não.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như núi chúa cao quý theo ý nghĩa không bị lay động bởi các ngọn gió của tám pháp thế gian.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như không trung theo ý nghĩa bao la, tỏa ra, rộng, lớn đối với việc bám víu ở mọi nơi đã được tách rời.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như dòng sông theo ý nghĩa chuyển tải các bợn nhơ phiền não.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như người dẫn đường giỏi theo ý nghĩa thoát ra khỏi sa mạc của sự sanh và vùng rậm rạp của khu rừng phiền não.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như người hướng dẫn đoàn xe vĩ đại theo ý nghĩa đạt đến thành phố Niết Bàn cao quý và ưu tú, không sợ hãi, an toàn, và không còn tất cả các sự sợ hãi.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như tấm gương được chùi kỹ lưỡng không vết nhơ theo ý nghĩa nhìn thấy bản thể thật của các hành.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như tấm mộc che theo ý nghĩa ngăn chặn tất cả các cây gậy, mũi tên, gươm đao phiền não.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như chiếc lọng che theo ý nghĩa ngăn chặn cơn mưa phiền não và sức đốt nóng của ngọn lửa gồm ba loại.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như mặt trăng theo ý nghĩa được ước muốn, được mong cầu.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như mặt trời theo ý nghĩa tiêu diệt sự tăm tối của bóng tối si mê.

Tâu đại vương, đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh, hạnh từ khước ví như biển cả theo ý nghĩa nâng cao các viên ngọc quý giá về đức hạnh Sa-môn và theo ý nghĩa không đo lường được, không thể tính toán, không thể ước lượng.

10. Tâu đại vương, như vậy hạnh từ khước đối với những người có ước muốn về sự thanh tịnh là có nhiều sự giúp đỡ, xua đi mọi sự khó chịu và bực bội, xua đi sự không thích thú, xua đi nỗi sợ hãi, xua đi sự hiện hữu, xua đi sự cứng nhắc (của tâm), xua đi ô nhiễm, xua đi sầu muộn, xua đi khổ đau, xua đi ái luyến, xua đi sân hận, xua đi si mê, xua đi ngã mạn, xua đi tà kiến, xua đi tất cả các pháp bất thiện, đem lại danh tiếng, đem lại lợi ích, đem lại an lạc, tạo sự thoải mái, tạo sự vui vẻ, tạo sự an toàn đối với các trói buộc, không có tội lỗi, có quả thành tựu dễ chịu và an lạc, là khối đức hạnh, là đống đức hạnh, có đức hạnh vô lường, vô lượng, cao quý, ưu tú, tối thắng.

Tâu đại vương, giống như loài người nhờ cậy vật thực vì muốn sự nâng đỡ, nhờ cậy thuốc men vì muốn sự lợi ích, nhờ cậy bạn bè vì muốn sự giúp đỡ, nhờ cậy chiếc thuyền vì muốn sự vượt qua, nhờ cậy mùi thơm của tràng hoa vì muốn mùi thơm tốt, nhờ cậy chỗ ẩn náu đối với sự sợ hãi vì muốn sự không còn sợ hãi, nhờ cậy trái đất vì muốn chỗ nâng đỡ, nhờ cậy người thầy vì muốn nghề nghiệp, nhờ cậy đức vua vì muốn danh vọng, nhờ cậy ngọc báu ma-ni vì muốn sự ban cho điều ước muốn. Tâu đại vương, tương tợ y như thế các bậc Thánh nhờ cậy hạnh từ khước vì muốn sự ban phát tất cả đức hạnh của vị Sa-môn.

11. Tâu đại vương, hoặc là giống như nước nhằm việc tăng trưởng của hạt giống, lửa nhằm việc thiêu đốt, thực phẩm nhằm mang lại sức mạnh, dây leo vì sự trói buộc, dao vì việc cắt đứt, nước uống nhằm việc xua đuổi cơn khát, của chôn giấu nhằm sự an tâm, chiếc thuyền nhằm việc đạt đến bờ, thuốc men nhằm làm lắng dịu cơn bệnh, xe cộ nhằm việc đi lại được an lạc, chỗ ẩn náu đối với sự sợ hãi nhằm xua đi nỗi sợ hãi, đức vua nhằm mục đích bảo vệ, tấm mộc che nhằm ngăn chặn roi vọt, đất cục, gậy gộc, mũi tên, gươm đao, thầy giáo nhằm việc chỉ dạy, người mẹ nhằm việc nuôi dưỡng, tấm gương nhằm việc nhìn xem, đồ trang sức vì sắc đẹp, vải vóc nhằm việc che đậy, cái thang nhằm việc leo lên, cái cân nhằm loại bỏ, chú thuật để đọc lẩm nhẩm, vũ khí nhằm ngăn chặn sự hăm dọa, ngọn đèn nhằm tiêu diệt bóng tối, gió nhằm dập tắt sự nóng nực, nghề nghiệp nhằm thành tựu sự sinh sống, thuốc giải độc nhằm bảo vệ mạng sống, hầm mỏ nhằm sản xuất châu ngọc, châu ngọc nhằm để trang điểm, mệnh lệnh nhằm việc không vượt qua, uy quyền nhằm vận hành mệnh lệnh.  

Tâu đại vương, tương tợ y như thế hạnh từ khước nhằm việc tăng trưởng hạt giống Sa-môn, nhằm việc thiêu đốt bợn nhơ phiền não, nhằm mang lại năng lực của thần thông, nhằm buộc chặt sự thu thúc ở niệm, nhằm cắt đứt sự phân vân và nghi ngờ, nhằm xua đuổi sự khát khao về tham ái, nhằm tạo ra sự an tâm trong việc lãnh hội, nhằm thoát ra khỏi bốn dòng nước lũ, nhằm lắng dịu cơn bệnh phiền não, nhằm đạt được an lạc Niết Bàn, nhằm xua đi nỗi sợ hãi về sanh già bệnh chết sầu bi khổ ưu não, nhằm bảo vệ các đức hạnh của Sa-môn, nhằm ngăn chặn sự không ưa thích và các suy nghĩ xấu xa, nhằm chỉ dạy toàn thể mục đích của đời sống Sa-môn, nhằm nuôi dưỡng tất cả các đức hạnh của đời sống Sa-môn, nhằm việc xem xét về chỉ tịnh, minh sát, Đạo, Quả, và Niết Bàn, nhằm tạo ra vẻ đẹp lớn lao vĩ đại đã được tán dương, khen ngợi bởi toàn thể thế gian, nhằm đóng lại tất cả đọa xứ, nhằm leo lên đỉnh chóp núi đá của mục đích đời sống Sa-môn, nhằm loại bỏ tâm cong, quẹo, sai trái, nhằm làm cho việc học tập tốt đẹp về các pháp nên thân cận và không nên thân cận, nhằm hăm dọa kẻ thù là mũi tên phiền não, nhằm tiêu diệt bóng tối vô minh, nhằm dập tắt sự đốt nóng và sự nóng nực của ngọn lửa gồm ba loại, nhằm thành tựu sự chứng đạt sự an tịnh tinh vi và tế nhị, nhằm bảo vệ đức hạnh của toàn bộ đời sống Sa-môn, nhằm sản xuất châu ngọc quý giá là các chi phần đưa đến giác ngộ, nhằm để trang điểm người hành giả, nhằm việc không vượt qua sự an lạc của trạng thái an tịnh không tội lỗi, khôn khéo, tế nhị, nhằm vận hành uy lực của Thánh pháp ở toàn bộ đời sống Sa-môn. Tâu đại vương, như vậy mỗi một hạnh từ khước là nhằm đưa đến sự chứng đạt các đức hạnh này. Tâu đại vương, như vậy ‘hạnh từ khước là không thể so sánh, không thể đo lường, không sánh bằng được, không vật tương đương, không vật đối chiếu, không vật trội hơn, là vô thượng, hàng đầu, đặc biệt, vượt trội, trải dài, bao la, tỏa ra, vươn rộng, quan trọng, nghiêm trọng, vĩ đại.’

12. Tâu đại vương, cá nhân nào có ước muốn xấu xa, bị thúc đẩy bởi ước muốn, gian xảo, tham lam, quan tâm đến bao tử, mong muốn lợi lộc, mong muốn danh vọng, mong muốn tiếng tăm, không thích hợp, không đạt yêu cầu, không thích đáng, không xứng đáng, không phù hợp mà thọ trì hạnh từ khước, kẻ ấy gánh chịu hai lần hình phạt, gánh chịu sự phá hại tất cả các đức hạnh, trong thời hiện tại nhận lấy sự khinh bỉ, khinh miệt, chê trách, chế nhạo, giễu cợt, sự không thọ hưởng chung, sự xua đuổi, sự tống khứ, sự đưa đẩy, sự trục xuất, thậm chí ở thời vị lai kẻ ấy, trong nhiều trăm ngàn koṭi (nhiều tỷ) năm, bị nung nấu quay tròn lẫn lộn với bọt nước ở bề mặt, ở hướng trên, ở hướng dưới, ở hướng ngang, trong quầng lưới lửa nóng bỏng, sôi sục, cháy nóng, cháy rực ở đại địa ngục vô gián rộng một trăm do-tuần, sau khi được thoát ra khỏi nơi ấy, thì có cơ thể và tứ chi gầy ốm, thô kệch, đen đủi, cái đầu bị sưng, phồng lên, có lỗ thủng với vô số muỗi bám, bị đói, bị khát, có hình thể dáng vóc không đồng đều, khủng khiếp, có lỗ tai bị tơi tả, có tròng con mắt mở ra nhắm lại, có cơ thể bị thương tích, cơ thể bị thối rữa, toàn bộ thân thể lúc nhúc giòi bọ, có ngọn lửa đang đốt cháy đang phát cháy ở bên trong, tợ như đang đốt cháy ở đầu ngọn gió, không sự bảo vệ, không sự nương nhờ, đang than vãn tiếng khóc tỉ tê, nức nở, bi thương, sau khi trở thành hạng ngạ quỷ to lớn có hình dáng Sa-môn luôn bị dằn vặt bởi sự khao khát, đi lang thang ở trái đất, có giọng kêu gào thảm thiết.  

Tâu đại vương, giống như người nào đó không thích hợp, không đạt yêu cầu, không thích đáng, không xứng đáng, không phù hợp, kém cỏi, có dòng dõi xấu xa mà phong vương với lễ đăng quang của dòng Sát-đế-lỵ, kẻ ấy nhận chịu việc bị chặt bàn tay, chặt bàn chân, chặt bàn tay và bàn chân, cắt tai, xẻo mũi, cắt tai và xẻo mũi, (nhúng vào) hũ giấm chua, cạo đầu bôi vôi, đốt lửa ở miệng, thiêu sống, đốt cháy ở bàn tay, lột da thành sợi, mặc y phục vỏ cây, kéo căng thân người ở trên đất, xiên da thịt bằng lưỡi câu, khoét thịt thành đồng tiền, chà xát với chất kiềm, quay tròn ở trên thập tự giá, ngồi ở ghế rơm, rưới bằng dầu sôi, cho những con chó gặm, đặt trên giáo nhọn, chặt đầu bằng gươm, gánh chịu việc làm của nghiệp theo nhiều cách. Vì lý do gì? Kẻ không thích hợp, không đạt yêu cầu, không thích đáng, không xứng đáng, không phù hợp, kém cỏi, có dòng dõi xấu xa, đã đặt bản thân vào địa vị vương quyền to lớn, đã thủ tiêu ranh giới. Tâu đại vương, tương tợ y như thế cá nhân nào có ước muốn xấu xa, —(như trên)— ở trái đất, có giọng kêu gào thảm thiết.

13. Tâu đại vương, tuy nhiên cá nhân nào thích hợp, đạt yêu cầu, thích đáng, xứng đáng, phù hợp, ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách ly, không giao du, có sự nỗ lực tinh tấn, có bản tánh cương quyết, không gian trá, không xảo quyệt, không quan tâm đến bao tử, không mong muốn lợi lộc, không mong muốn danh vọng, không mong muốn tiếng tăm, có đức tin, xuất gia vì đức tin, mong muốn thoát khỏi già chết, (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ hiểu được Giáo Pháp’ rồi thọ trì hạnh từ khước, vị ấy xứng đáng sự cúng dường gấp hai lần, đối với chư Thiên và loài người là vị được yêu mến, được ưa thích, được ước muốn, được mong cầu, như là bông hoa của các loài hoa nhài trâu, nhài Ả-rập, v.v... đối với người đã được tắm đã được thoa dầu, như là thức ăn hảo hạng đối với người bị thèm ăn, như là nước uống mát sạch thơm tho đối với người bị khát, như là dược thảo cao quý đối với người bị nhiễm độc, như là cỗ xe ngựa thuần chủng cao quý tối thượng đối với người mong muốn đi nhanh, như là ngọc quý ma-ni như ý đối với người có ước muốn về mục đích, như là chiếc lọng trắng trong sạch không bợn nhơ đối với người có ước muốn được phong vương, như là sự chứng đắc vô thượng của quả vị A-la-hán đối với người có ước muốn về Giáo Pháp. Đối với vị ấy, bốn sự thiết lập niệm nhờ vào sự tu tập đi đến tròn đủ; bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy chi phần đưa đến giác ngộ, Thánh đạo tám chi phần nhờ vào sự tu tập đi đến tròn đủ, chứng đắc chỉ tịnh và minh sát, hoàn thiện sự thực hành của sự chứng đắc; bốn quả báu của đời sống Sa-môn, bốn tuệ phân tích, ba Minh, sáu Thắng Trí, và toàn bộ pháp Sa-môn, tất cả là thuộc về vị ấy. Vị ấy được phong vương với chiếc lọng trắng trong sạch không bợn nhơ của sự giải thoát.  

Tâu đại vương, giống như đối với vị vua dòng Sát-đế-lỵ, sanh ra ở nơi quý phái, có dòng dõi gia tộc, đã được phong vương với lễ đăng quang của dòng Sát-đế-lỵ, thì có các thị dân, dân chúng, nhân công, binh lính thuộc vương quốc phục tùng, và ba mươi tám toán tùy tùng của đức vua, các kịch sĩ và vũ công, những người tiên đoán điềm lành, những người nói lời chúc tụng, các Sa-môn, Bà-la-môn, tất cả các nhóm người ngoại đạo tìm đến; bất cứ việc gì ở trái đất như là bến tàu, hầm mỏ châu báu, thành phố, trạm thuế, các người khác xứ, việc xử chặt, việc xử chém, việc chỉ thị dân chúng, vị vua ấy trở thành người chủ ở tất cả các nơi. Tâu đại vương, tương tợ y như thế cá nhân nào thích hợp, đạt yêu cầu, —(như trên)— được phong vương với chiếc lọng trắng trong sạch không bợn nhơ của sự giải thoát.

14. Tâu đại vương, đây là mười ba pháp từ khước, được làm trong sạch với các pháp này, (vị tỳ khưu) tiến vào đại dương Niết Bàn, tiêu khiển trò tiêu khiển của Giáo Pháp có nhiều loại, rồi tiến đến tám sự chứng đạt của sắc giới và vô sắc giới, đạt được nhiều loại thần thông, Thiên nhĩ giới, nhận biết tâm của người khác, nhớ lại các kiếp sống quá khứ, Thiên nhãn, và sự diệt tận tất cả các lậu hoặc. Mười ba pháp nào? Pháp của vị chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, pháp của vị chỉ sử dụng ba y, pháp của vị chuyên đi khất thực, pháp của vị đi khất thực tuần tự theo từng nhà, pháp của vị chỉ một chỗ ngồi (khi thọ thực), pháp của vị thọ thực trong bình bát, pháp của vị không ăn vật thực dâng sau, pháp của vị ngụ ở rừng, pháp của vị ngụ ở gốc cây, pháp của vị ở ngoài trời, pháp của vị ngụ ở mộ địa, pháp của vị ngụ chỗ ở theo chỉ định, pháp của vị chuyên về oai nghi ngồi (không nằm). Tâu đại vương, với mười ba hạnh từ khước này đã được thân cận, đã được thành thạo, đã được thực hành, đã được hoàn thiện, đã được hành xử, đã được tiếp cận, đã được tròn đủ trước đây mà (bây giờ) đạt được toàn bộ đời sống Sa-môn; toàn bộ các sự chứng đạt tịch tịnh, an lạc là thuộc về vị ấy.

Tâu đại vương, giống như người thuyền trưởng, có tài sản, đã thực hiện tốt đẹp phần thuế ở bến tàu, thì tiến vào đại dương rồi đi đến các xứ Vaṅga, Takkola, Cīna, Sovīra, Suraṭṭha, Alasanda, Kolapaṭṭa, Suvaṇṇabhūmi, luôn cả bất cứ chỗ nào khác là nơi lai vãng của tàu bè. Tâu đại vương, tương tợ y như thế với mười ba hạnh từ khước này đã được thân cận, đã được thành thạo, đã được thực hành, đã được hoàn thiện, đã được hành xử, đã được tiếp cận, đã được tròn đủ trước đây mà (bây giờ) đạt được toàn bộ đời sống Sa-môn; toàn bộ các sự chứng đạt tịch tịnh, an lạc là thuộc về vị ấy.

Tâu đại vương, giống như người nông dân trước tiên dời đi các khuyết điểm của thửa ruộng như là cỏ, cành khô, đá sỏi, rồi cày xới, gieo hạt, đưa nước vào đúng đắn, bảo vệ, giữ gìn, rồi với việc giặt hái đập giũ mà trở thành người có nhiều thóc lúa, những người nào không có tài sản, khốn khổ, nghèo khó, người lâm cảnh bất hạnh là thuộc về người ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế với mười ba hạnh từ khước này đã được thân cận, đã được thành thạo, —(như trên)— toàn bộ các sự chứng đạt tịch tịnh, an lạc là thuộc về vị ấy.  

Tâu đại vương, hoặc là giống như vị Sát-đế-lỵ đã được làm lễ phong vương ở đầu, đã được sanh ra ở nơi quý phái, có dòng dõi gia tộc, là người chúa tể trong việc xử chặt, xử chém, chỉ thị dân chúng, có sự thể hiện các quyền lực, là người chủ có hành động theo như ước muốn, và toàn bộ đại địa cầu là thuộc về vị ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế với mười ba hạnh từ khước này đã được thân cận, đã được thành thạo, đã được thực hành, đã được hoàn thiện, đã được hành xử, đã được tiếp cận, đã được tròn đủ trước đây mà (bây giờ) trở thành vị chúa tể ở Giáo Pháp cao quý của đấng Chiến Thắng, có sự thể hiện các quyền lực, là người chủ có hành động theo như ước muốn; và toàn bộ các đức hạnh của đời sống Sa-môn là thuộc về vị ấy.

15. Tâu đại vương, chẳng phải trưởng lão Upasena, con trai của Vaṅganta, với sự thực hành đầy đủ các hạnh giảm thiểu và từ khước, sau khi không chấp hành quy định của hội chúng ở Sāvatthi, đã cùng tập thể của mình đi đến gặp đấng Điều Ngự Trượng Phu đang thiền tịnh, đã đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn, rồi đã ngồi xuống một bên. Và đức Thế Tôn sau khi nhìn thấy tập thể đã khéo được huấn luyện ấy, thì mừng rỡ, phấn chấn, vui mừng, phấn khởi, sau khi trao đổi chuyện trò với tập thể, rồi với giọng nói của Phạm Thiên không bị lẫn lộn, đã nói điều này:

‘Này Upasena, tập thể này quả là có niềm tin đối với ngươi. Này Upasena, ngươi hướng dẫn tập thể thế nào?’ Được đấng Toàn Tri, bậc Mười Lực, vị Trời vượt trội các vị Trời hỏi, vị ấy bằng năng lực về đức hạnh của tự thân đúng theo sự thật, cũng đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, người nào đi đến và cầu xin con sự xuất gia, hoặc pháp nương nhờ, thì con nói với người ấy như vầy: ‘Này đạo hữu, ta là vị hành pháp ngụ ở rừng, hành pháp chuyên đi khất thực, hành pháp chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, hành pháp chỉ sử dụng ba y. Nếu ngươi cũng sẽ là vị hành pháp ngụ ở rừng, hành pháp chuyên đi khất thực, hành pháp chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, hành pháp chỉ sử dụng ba y, như thế thì ta sẽ cho ngươi xuất gia, sẽ ban cho pháp nương nhờ.’ Thưa ngài, nếu người ấy sau khi đã đồng ý với con, vui vẻ, hứng thú, như vậy thì con cho người ấy xuất gia, con ban cho pháp nương nhờ. Bạch ngài, con hướng dẫn tập thể như thế.’ Tâu đại vương, cũng như thế, người thọ trì đức hạnh cao quý của các pháp từ khước là vị chúa tể ở Giáo Pháp cao quý của đấng Chiến Thắng, có sự thể hiện các quyền lực, là người chủ có hành động theo như ước muốn; toàn bộ các sự chứng đạt tịch tịnh, an lạc là thuộc về vị ấy.

Tâu đại vương, giống như hoa sen, có nguồn gốc, sanh trưởng, mọc lên trong sạch cho đến lúc trưởng thành, là trơn láng, mềm mại, đáng ham thích, có mùi thơm tốt, được yêu mến, được mong cầu, được ca tụng, không bị lấm lem bởi nước và bùn, được tô điểm bởi những cánh hoa nhỏ, tua nhị, quả sen, được lai vãng bởi bầy ong, được phát triển ở nước mát lạnh. Tâu đại vương, tương tợ y như thế với mười ba hạnh từ khước này đã được thân cận, đã được thành thạo, đã được thực hành, đã được hoàn thiện, đã được hành xử, đã được tiếp cận, đã được tròn đủ trước đây mà (bây giờ) các vị đệ tử của bậc Thánh được đầy đủ với ba mươi đức tính cao quý. Với ba mươi đức tính cao quý nào?  

Là có tâm từ trìu mến, mềm mỏng, dịu dàng; là có phiền não được tiêu diệt, được phá hủy, được tiêu hoại; là có sự ngã mạn và sự kiêu ngạo được phá hủy, được diệt trừ; là có đức tin không dao động, vững chãi, được củng cố, không có phân vân; là nhận được sự chứng đạt trọn vẹn, được thỏa mãn, được mừng rỡ, đáng ham thích, tịch tịnh, an lạc; là được thấm nhuần bởi hương thơm cao quý, ưu tú, vô song, tinh khiết của giới; là đối tượng yêu quý, ưa thích của chư Thiên và nhân loại; được các bậc Lậu Tận, các Thánh nhân, và các nhân vật cao quý mong mỏi; được đảnh lễ, cúng dường đối với chư Thiên và nhân loại; được tán dương, ca ngợi, khen ngợi, ca tụng của những con người khôn ngoan, thông minh, sáng suốt; không bị lấm lem bởi thế gian ở đời này hay ở đời khác; có sự nhìn thấy nỗi sợ hãi về chút ít tội lỗi ở thế gian; có sự hoàn thành mục đích cao quý về Đạo và Quả của những người có sự mong muốn các thành tựu lớn lao và cao quý; có phần về vật dụng lớn lao, hảo hạng đã được (thí chủ) thỉnh cầu; có sự nằm nghỉ ở nơi không nhà; có sự an trú quý cao ở trạng thái gắn bó với thiền; có nền móng của mạng lưới phiền não đã được tháo gỡ; sự che lấp về cảnh giới tái sanh đã được phá vỡ, đập bể, co rút lại, chặt đứt; có pháp bền vững; chỗ ngụ được phù hợp; có sự thọ hưởng không bị chê trách; được thoát khỏi cảnh giới tái sanh; đã vượt lên trên tất cả hoài nghi; đã gắn bó vào sự giải thoát; đã nhìn thấy Giáo Pháp; đã đi đến chốn nương nhờ vững chắc, không dao động, đối với sự kinh sợ; có khuynh hướng ngủ ngầm đã được trừ tuyệt; đã đạt đến sự cạn kiệt tất cả lậu hoặc; có nhiều sự chứng đạt và an trú về sự tịch tịnh và sự an lạc; có đầy đủ tất cả đức tính của vị Sa-môn. Vị ấy được đầy đủ với ba mươi đức tính cao quý này.

Tâu đại vương, chẳng phải vị trưởng lão Sāriputta là con người cao cả ở mười ngàn thế giới, trừ ra đấng Thập Lực, bậc thầy của thế gian? Ngay cả vị ấy, trong vô lượng vô số kiếp sống, có thiện căn đã được tích lũy, có dòng dõi gia tộc Bà-la-môn, sau khi từ bỏ sự hứng thú về dục lạc làm thích ý và tài sản quý giá nhiều trăm con số đếm, sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, sau khi đã rèn luyện thân, khẩu, ý với mười ba hạnh từ khước này, giờ đây hôm nay được hội đủ các đức hạnh vô biên, đã được sanh làm người tiếp tục chuyển vận Bánh Xe Pháp của đức Thế Tôn Gotama. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở đoạn Dấu Ấn Cao Quý, pháp Một Chi thuộc Tăng Chi Bộ rằng:

‘Này các tỳ khưu, ta không nhìn thấy một cá nhân nào khác là người tiếp tục chuyển vận một cách đúng đắn Bánh xe Pháp vô thượng đã được chuyển vận bởi đức Như Lai như là Sāriputta. Này các tỳ khưu, Sāriputta tiếp tục chuyển vận một cách đúng đắn Bánh xe Pháp vô thượng đã được chuyển vận bởi đức Như Lai.’”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Bất cứ lời dạy nào của đức Phật gồm chín thể loại, các hành động nào vượt trên thế gian, và các sự chứng đạt vĩ đại cao quý nào của các sự chứng đắc ở thế gian, mọi điều ấy đều đi đến sự hội tụ ở mười ba hạnh từ khước.”

Câu hỏi về pháp từ khước là thứ nhì.

Phẩm Suy Luận được đầy đủ.

--ooOoo--


 


[1] Theo Sớ Giải, nghiệp (thiện) ở đây là các thiện pháp đã làm trong sự chứng minh của chư Phật quá khứ (Milindaṭīkā, văn bản mẫu tự Sinhala, trang 413).

[2] Dhammapadapāḷi - Pháp Cú, các câu 54, 55, 56.

[3] một koṭi là mười triệu (ND).

 

   

| 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 |

<Mục Lục Chính><Đầu Trang>