TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 45
MILINDA VẤN ĐẠO
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, vị đứng đầu trong số các tỳ khưu đệ tử có thần thông của Ta tức là Mahāmoggallāna.’ Và thêm nữa, nghe nói vị ấy bị đánh bằng những cây côn, có đầu bị vỡ, xương thịt gân bị nghiền nát thành bột, và toàn thân bị chặt đứt, rồi viên tịch Niết Bàn. Thưa ngài Nāgasena, nếu vị trưởng lão Mahāmoggallāna đã đạt đến tột đỉnh của thần thông, như thế thì lời nói rằng: ‘Bị đánh bằng những cây côn rồi viên tịch Niết Bàn’ là sai trái. Nếu bị đánh bằng những cây côn rồi viên tịch Niết Bàn, như thế thì lời nói rằng: ‘Đã đạt đến tột đỉnh của thần thông’ cũng là sai trái. Có phải vị ấy không có khả năng về thần thông để tránh né việc chết chóc của mình, để trở thành đối tượng nương nhờ của thế gian luôn cả chư Thiên? Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, vị đứng đầu trong số các tỳ khưu đệ tử có thần thông của Ta tức là Mahāmoggallāna.’ Và đại đức Mahāmoggallāna đã bị đánh bằng cây côn rồi viên tịch Niết Bàn. Tuy nhiên, điều ấy là do đã bị chế ngự bởi nghiệp.”
“Thưa ngài Nāgasena, thế không phải lãnh vực của thần thông đối với người có thần thông và quả thành tựu của nghiệp là hai điều không thể nghĩ bàn hay sao? Và có thể tránh né việc không thể nghĩ bàn (này) bằng việc không thể nghĩ bàn (khác)? Thưa ngài, giống như những ai mong muốn trái cây thì chọi thẳng trái táo rừng bằng trái táo rừng, chọi thẳng trái xoài bằng trái xoài, thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế sau khi đối chọi việc không thể nghĩ bàn (này) bằng việc không thể nghĩ bàn (khác) thì có thể tránh né được.”
“Tâu đại vương, tuy nhiên trong hai điều không thể nghĩ bàn thì một điều là trội hơn, có năng lực lớn hơn. Tâu đại vương, giống như các vị vua ở trên trái đất là tương đương về dòng dõi. Tuy nhiên trong số các vị tương đương về dòng dõi ấy, có một vị thống trị tất cả và thể hiện quyền hành. Tâu đại vương, tương tợ y như thế trong số các điều không thể nghĩ bàn ấy, thì chính quả thành tựu của nghiệp là trội hơn, có năng lực lớn hơn. Chính quả thành tựu của nghiệp thống trị tất cả và thể hiện quyền hành. Đối với người đã bị chế ngự bởi nghiệp, các hành động còn lại không đạt được cơ hội.
Tâu đại vương, hơn nữa trong trường hợp một người nam vi phạm một sự việc nào đó, thì người mẹ, hoặc người cha, hoặc anh chị em, hoặc bạn bè thân hữu của người ấy không bảo vệ được anh ta, khi ấy chính đức vua thống trị ở nơi ấy và thể hiện quyền hành. Trong trường hợp ấy cái gì là nguyên nhân? Do tình trạng vi phạm tội. Tâu đại vương, tương tợ y như thế trong số các điều không thể nghĩ bàn ấy, thì chính quả thành tựu của nghiệp là trội hơn, có năng lực lớn hơn. Chính quả thành tựu của nghiệp thống trị tất cả và thể hiện quyền hành. Đối với người đã bị chế ngự bởi nghiệp, các hành động còn lại không đạt được cơ hội.
Tâu đại vương, hoặc là giống như đám lửa rừng khi đã phát khởi ở trái đất thì cho dầu một ngàn lu nước cũng không thể nào dập tắt. Khi ấy, chính ngọn lửa thống trị ở nơi ấy và thể hiện quyền hành. Trong trường hợp ấy cái gì là nguyên nhân? Là do sức mạnh của ngọn lửa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế trong số các điều không thể nghĩ bàn ấy, thì chính quả thành tựu của nghiệp là trội hơn, có năng lực lớn hơn. Chính quả thành tựu của nghiệp thống trị tất cả và thể hiện quyền hành. Đối với người đã bị chế ngự bởi nghiệp, các hành động còn lại không đạt được cơ hội. Tâu đại vương, do đó đại đức Mahāmoggallāna là đã bị chế ngự bởi nghiệp, trong khi đang bị đánh bằng những cây côn đã không có được sự gom tụ lại của thần thông.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về thần thông và quả thành tựu của nghiệp là thứ nhất.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Pháp và Luật đã được công bố bởi đức Như Lai là bộc lộ, chói sáng, không bị che giấu.’ Và thêm nữa, việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha và toàn bộ Tạng Luật là được đóng lại, được che giấu. Thưa ngài Nāgasena, nếu ngài đạt được sự gắn bó, hoặc sự thành tựu, hoặc sự lãnh hội trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, thì sự quy định về Luật là được bộc lộ, có thể tỏa sáng. Vì lý do gì? Toàn bộ ở đây là sự thu thúc trong các điều học, sự kiềm chế, sự quy định về giới đức và tánh hạnh đều có hương vị của mục đích, hương vị của Giáo Pháp, hương vị của Giải Thoát. Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, Pháp và Luật đã được công bố bởi đức Như Lai là bộc lộ, chói sáng, không bị che giấu,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha và toàn bộ Tạng Luật là được đóng lại, được che giấu’ là sai trái. Nếu việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha và toàn bộ Tạng Luật là được đóng lại, được che giấu,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, Pháp và Luật đã được công bố bởi đức Như Lai là bộc lộ, chói sáng, không bị che giấu’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Pháp và Luật đã được công bố bởi đức Như Lai là bộc lộ, chói sáng, không bị che giấu.’ Và thêm nữa, việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha và toàn bộ Tạng Luật là được đóng lại, được che giấu. Tuy nhiên, điều ấy không phải là đối với tất cả (mọi người), sau khi đã thực hiện ranh giới thì việc ấy được đóng lại.
Tâu đại vương, việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại bởi đức Thế Tôn bởi vì ba tính chất: được đóng lại theo quy luật truyền thống của các đức Như Lai thời trước, được đóng lại vì sự cung kính đối với Giáo Pháp, được đóng lại vì sự cung kính đối với địa vị của các tỳ khưu.
Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại theo quy luật truyền thống của các đức Như Lai thời trước (nghĩa) là thế nào? Tâu đại vương, truyền thống này là của tất cả các đức Như Lai thời trước, tức là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở giữa các vị tỳ khưu, và đóng lại đối với các thành phần còn lại. Tâu đại vương, giống như kiến thức Sát-đế-lỵ của dòng Sát-đế-lỵ lưu truyền chỉ trong số các vị Sát-đế-lỵ, việc như thế này là tập quán đối với thế gian của các vị Sát-đế-lỵ, và đóng lại đối với các thành phần còn lại. Tâu đại vương, tương tợ y như thế truyền thống này là của tất cả các đức Như Lai thời trước, tức là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở giữa các vị tỳ khưu, và đóng lại đối với các thành phần còn lại.
Tâu đại vương, hoặc là giống như các nhóm người sinh sống ở trái đất gồm có: thợ đấu vật, làm xiếc, uốn dẻo, tài tử, diễn viên, kịch sĩ, vũ công, múa rối, ảo thuật, hạng thờ phụng các vị Trời Maṇibhaddā, Puṇṇabhaddā, Thần Mặt Trăng, Thần Mặt Trời, Thần May Mắn, Thần Rủi Ro, Thần Siva, Thần Visnu, Thần Mây, Thần Asipāsā, Thần Bhaddiputta. Điều bí mật của mỗi một nhóm lưu truyền chỉ trong từng nhóm người ấy, và đóng lại đối với các thành phần còn lại. Tâu đại vương, tương tợ y như thế truyền thống này là của tất cả các đức Như Lai thời trước, tức là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở giữa các vị tỳ khưu, và đóng lại đối với các thành phần còn lại. Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại theo quy luật truyền thống của các đức Như Lai thời trước (nghĩa) là như vậy.
Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại vì sự cung kính đối với Giáo Pháp (nghĩa) là thế nào? Tâu đại vương, Giáo Pháp là đáng được cung kính, đáng được tôn trọng. Ở đây, người có sự thực hành đúng đắn thì đạt được trí tuệ. Người đạt được điều ấy ở đây do sự thực hành đúng đắn theo sự truyền thừa, người không đạt được điều ấy ở đây do sự thực hành đúng đắn theo sự truyền thừa (nghĩ rằng): ‘Giáo Pháp tinh túy, Giáo Pháp cao quý này chớ có rơi vào tay của những người có sự thực hành sai trái, rồi bị chê bai, bị khinh thường, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách. Giáo Pháp tinh túy, Giáo Pháp cao quý này chớ có đến với những người xấu xa, rồi bị chê bai, bị khinh thường, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách.’ Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại vì sự cung kính đối với Giáo Pháp (nghĩa) là như vậy.
Tâu đại vương, giống như vật gọi là trầm huyết có lõi, cao quý, ưu tú, chính cống, nguyên chất, màu đỏ được đem đến nơi thị tứ ở thôn quê thì bị chê bai, bị khinh thường, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách. Tâu đại vương, tương tợ y như thế có người (nghĩ rằng): ‘Giáo Pháp tinh túy, Giáo Pháp cao quý này chớ có rơi vào tay của những người có sự thực hành sai trái theo sự truyền thừa, rồi bị chê bai, bị khinh thường, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách. Giáo Pháp tinh túy, Giáo Pháp cao quý này chớ có đến với những người xấu xa, rồi bị chê bai, bị khinh thường, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách.’ Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại vì sự cung kính đối với Giáo Pháp (nghĩa) là như vậy.
Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại vì sự cung kính đối với địa vị của các tỳ khưu (nghĩa) là thế nào? Tâu đại vương, bản thể tỳ khưu ở trên đời quả là không so sánh được, không đo lường được, không định giá được, không ai có thể đem ra đánh giá, đem ra so sánh, đem ra đo lường (nghĩ rằng): ‘Mong rằng người này đứng vững trong bản thể tỳ khưu như vầy và chớ trở thành đồng đẳng với thế gian,’ việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha lưu truyền ở giữa chỉ riêng các vị tỳ khưu.
Tâu đại vương, giống như loại hàng hóa cao quý và ưu tú ở trên đời là tấm vải hoặc là tấm thảm trải, hoặc là voi, ngựa, xe, vàng, bạc, ngọc ma-ni, ngọc trai, các châu báu của phụ nữ, v.v... hoặc là những việc làm và các vị anh hùng không bị đánh bại, tất cả các vật ấy đều đến với đức vua. Tâu đại vương, tương tợ y như thế hết thảy các điều học, các Kinh điển khéo được truyền thừa và pháp học, các đức tính của việc thu thúc trong hành xử và của sự phòng hộ các giới, tất cả các điều ấy đều đến với hội chúng tỳ khưu. Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại vì sự cung kính đối với địa vị của các tỳ khưu (nghĩa) là như vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về Pháp và Luật được che giấu hay không được che giấu là thứ nhì.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội pārājika.’ Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội nhẹ với việc sám hối trong sự hiện diện của một vị.’ Thưa ngài Nāgasena, vậy thì ở đây có điều gì khác nhau? Lý do gì mà do một lời nói dối thì bị đứt đoạn và do một lời nói dối lại có được sự sửa chữa? Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội pārājika,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội nhẹ với việc sám hối trong sự hiện diện của một vị’ là sai trái. Nếu đức Như Lai đã nói rằng: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội nhẹ với việc sám hối trong sự hiện diện của một vị,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội pārājika’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội pārājika.’ Và Ngài đã nói rằng: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội nhẹ với việc sám hối trong sự hiện diện của một vị.’ Và điều ấy là nặng hay nhẹ tùy theo mức độ của sự việc. Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Ở đây, có kẻ tung cú đấm bằng bàn tay vào người khác, đại vương xét xử hình phạt gì đối với kẻ ấy?”
“Thưa ngài, nếu người kia nói: ‘Tôi không tha thứ,’ thì chúng tôi sẽ bảo kẻ không được tha thứ ấy mang lại một đồng tiền.”
“Tâu đại vương, trái lại ở đây nếu chính kẻ ấy tung cú đấm bằng bàn tay vào đại vương, thì kẻ ấy chịu hình phạt gì?”
“Thưa ngài, đối với kẻ ấy trẫm có thể bảo chặt bàn tay, cũng có thể bảo chặt bàn chân, có thể bảo chặt theo lối xử trảm đến tận cái đầu, cũng có thể cho tịch thu toàn bộ nhà cửa của kẻ ấy, và thủ tiêu hai bên nội ngoại cho đến bảy đời.”
“Tâu đại vương, vậy thì ở đây có điều gì khác nhau? Lý do gì mà trong việc đấm bằng bàn tay vào một người thì chịu hình phạt nhẹ một đồng tiền, còn trong việc đấm bằng bàn tay vào đại vương thì chịu sự bị chặt bàn tay, sự bị chặt bàn chân, cho đến việc bị chặt theo lối xử trảm đến tận cái đầu, sự tịch thu toàn bộ nhà cửa, sự thủ tiêu hai bên nội ngoại cho đến bảy đời.”
“Thưa ngài, do sự cách biệt giữa loài người.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc cố tình nói dối là nặng hay nhẹ tùy theo mức độ của sự việc.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về tính chất nặng nhẹ của lời nói dối là thứ ba.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến ở bài giảng Pháp về quy luật tự nhiên: ‘Ngay trong thời quá khứ, mẹ cha của các đức Bồ Tát là được xác định, cội cây Bồ Đề là được xác định, các vị Thinh Văn hàng đầu là được xác định, người con trai là được xác định, vị thị giả là được xác định.’ Và thêm nữa, ngài nói rằng: ‘Khi ngự ở tập thể Chư Thiên Tusitā, đức Bồ Tát quán xét tám điều quán xét chánh yếu: Quán xét về thởi điểm, quán xét về châu lục, quán xét về xứ sở, quán xét về gia tộc, quán xét về người mẹ, quán xét về tuổi thọ, quán xét về tháng (thời gian trụ thai), quán xét về việc xuất ly.’ Thưa ngài Nāgasena, khi trí chưa được chín muồi thì không có sự giác ngộ. Khi trí đã chín muồi thì không thể chờ đợi dầu chỉ trong nháy mắt. Trí đã chín muồi sẽ không bị vượt qua. Tại sao đức Bồ Tát quán xét thời điểm rằng: ‘Ta tái sanh vào thời điểm nào?’ Khi trí chưa được chín muồi thì không có sự giác ngộ. Khi trí đã chín muồi thì không thể chờ đợi dầu chỉ trong nháy mắt. Tại sao đức Bồ Tát quán xét gia tộc rằng: ‘Ta tái sanh vào gia tộc nào?’ Thưa ngài Nāgasena, nếu mẹ cha của các đức Bồ Tát là được xác định ngay trong thời quá khứ, như thế thì lời nói rằng: ‘Quán xét về gia tộc’ là sai trái. Nếu (đức Bồ Tát) quán xét về gia tộc, như thế thì lời nói rằng: ‘Mẹ cha của các đức Bồ Tát là được xác định ngay trong thời quá khứ’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, mẹ cha của các đức Bồ Tát là được xác định ngay trong thời quá khứ, và đức Bồ Tát quán xét về gia tộc. Nhưng quán xét về gia tộc như thế nào? Quán xét về gia tộc như vầy: ‘Những người nào là mẹ cha của ta, có phải những người ấy là Sát-đế-lỵ hay là Bà-la-môn?’
Tâu đại vương, sự việc chưa xảy đến nên được xem xét trước đối với tám hạng. Đối với tám hạng nào? Tâu đại vương, đối với thương buôn, hàng hóa mua bán nên được xem xét trước. Đối với con voi chúa, con đường chưa đi đến nên được xem xét trước bằng vòi. Đối với người đánh xe bò, bến nước cạn chưa đi đến nên được xem xét trước. Đối với người thuyền trưởng, bến tàu chưa đi đến nên được xem xét trước rồi mới nên cho thuyền tiến vào. Đối với người thầy thuốc, nên xem xét trước về tuổi thọ rồi mới nên đến gần người bệnh. Đối với cây cầu để vượt qua, nên biết trước về tình trạng bền hay yếu rồi mới nên bước lên. Đối với vị tỳ khưu, nên quán xét trước về thời gian (thọ thực) còn chưa trôi qua rồi mới nên thọ dụng thức ăn. Đối với các đức Bồ Tát, nên xem xét trước về gia tộc là gia tộc Sát-đế-ly hay là gia tộc Bà-la-môn. Tâu đại vương, đối với tám hạng này thì sự việc chưa xảy đến nên được xem xét trước.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về quy luật tự nhiên đối với đức Bồ Tát là thứ tư.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, không nên tự kết liễu bản thân;[1] vị nào tự kết liễu thì nên được hành xử theo pháp.’ Và thêm nữa, ngài nói rằng: ‘Ở bất cứ nơi nào, trong khi thuyết giảng Giáo Pháp cho các đệ tử, đức Thế Tôn thuyết giảng Giáo Pháp bằng nhiều phương tiện nhằm cắt đứt hoàn toàn đối với sanh, đối với già, đối với bệnh, đối với chết. Bởi vì bất cứ vị nào vượt qua sanh-già-bệnh-chết, Ngài ca ngợi vị ấy với lời ca ngợi cao cả nhất.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Này các tỳ khưu, không nên tự kết liễu bản thân; vị nào tự kết liễu thì nên được hành xử theo pháp,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Ngài thuyết giảng Giáo Pháp nhằm cắt đứt hoàn toàn đối với sanh, đối với già, đối với bệnh, đối với chết’ là sai trái. Nếu Ngài thuyết giảng Giáo Pháp nhằm cắt đứt hoàn toàn đối với sanh, đối với già, đối với bệnh, đối với chết, như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, không nên tự kết liễu bản thân; vị nào tự kết liễu thì nên được hành xử theo pháp’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, không nên tự kết liễu bản thân; vị nào tự kết liễu thì nên được hành xử theo pháp.’ Ở bất cứ nơi nào, trong khi thuyết giảng Giáo Pháp cho các đệ tử, đức Thế Tôn thuyết giảng Giáo Pháp bằng nhiều phương tiện nhằm cắt đứt hoàn toàn đối với sanh, đối với già, đối với bệnh, đối với chết. Tuy nhiên trường hợp ấy là có lý do, mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã khước từ và đã khuyến khích.”
“Thưa ngài Nāgasena, vậy thì ở đây có lý do gì mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã khước từ và đã khuyến khích?”
“Tâu đại vương, người có giới, đầy đủ về giới, giống như liều thuốc giải trong việc tiêu diệt chất độc phiền não của chúng sanh, giống như phương thuốc làm dịu xuống cơn bệnh phiền não của chúng sanh, giống như nước trong việc tẩy trừ bụi bặm phiền não của chúng sanh, giống như viên ngọc quý ma-ni trong việc ban phát tất cả các sự thành tựu cho chúng sanh, giống như chiếc thuyền trong việc vượt lên trên bốn dòng lũ của chúng sanh, giống như người hướng dẫn đoàn xe trong việc vượt qua bãi sa mạc tái sanh của chúng sanh, giống như làn gió trong việc dập tắt sức nóng của ngọn lửa gồm ba loại cho chúng sanh, giống như cơn mưa lớn trong việc làm tràn đầy tâm ý của chúng sanh, giống như người thầy trong việc rèn luyện điều tốt đẹp cho chúng sanh, giống như người hướng dẫn khéo léo trong việc chỉ ra đạo lộ an toàn cho chúng sanh. Tâu đại vương, người có hình thức như thế là có nhiều đức tính, có vô số đức tính, có vô lượng đức tính, có một khối đức tính, có một đống đức tính, là người làm lợi lạc cho chúng sanh, tâu đại vương, vì lòng thương tưởng chúng sanh (nghĩ rằng): ‘Chớ để người có giới bị tiêu hoại,’ đức Thế Tôn đã quy định điều học: ‘Này các tỳ khưu, không nên tự kết liễu bản thân; vị nào tự kết liễu thì nên được hành xử theo pháp.’ Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã khước từ.
Tâu đại vương, điều này cũng đã được vị trưởng lão Kumārakassapa, vị Pháp sư có tài hùng biện, trong lúc đang làm sáng tỏ về thế giới khác cho đức vua Pāyāsi: ‘Thưa bệ hạ, các vị Sa-môn, Bà-la-môn có giới, có thiện pháp, tồn tại thời gian dài lâu như thế nào thì họ thực hành vì sự lợi ích cho nhiều người, vì sự an lạc cho nhiều người, vì lòng tương tưởng thế gian, vì sự tốt đẹp, vì sự lợi ích, vì sự an lạc cho chư Thiên và loài người như thế ấy.’
Vậy thì vì lý do gì mà đức Thế Tôn đã khuyến khích? Tâu đại vương, sanh cũng là khổ, già cũng là khổ, chết cũng là khổ, sầu muộn cũng là khổ, than vãn cũng là khổ, khổ đau cũng là khổ, ưu phiền cũng là khổ, thất vọng cũng là khổ, sự liên hệ với những gì không yêu thích cũng là khổ, sự xa lìa với những gì yêu thích cũng là khổ, cái chết của mẹ cũng là khổ, cái chết của cha cũng là khổ, cái chết của anh em trai cũng là khổ, cái chết của chị em gái cũng là khổ, cái chết của con cũng là khổ, cái chết của vợ cũng là khổ, mất mát về thân quyến cũng là khổ, mất mát vì bệnh tật cũng là khổ, mất mát về tài sản cũng là khổ, mất mát về giới cũng là khổ, mất mát về kiến thức cũng là khổ, sợ hãi vì đức vua cũng là khổ, sợ hãi vì trộm cướp cũng là khổ, sợ hãi vì kẻ thù cũng là khổ, sợ hãi vì vật thực khó khăn cũng là khổ, sợ hãi vì lửa cũng là khổ, sợ hãi vì nước cũng là khổ, sợ hãi vì sóng nước cũng là khổ, sợ hãi vì nước xoáy cũng là khổ, sợ hãi vì cá sấu cũng là khổ, sợ hãi vì cá dữ cũng là khổ, sợ hãi vì sự quở trách của bản thân cũng là khổ, sợ hãi vì sự quở trách của người khác cũng là khổ, sợ hãi vì hình phạt cũng là khổ, sợ hãi vì khổ cảnh cũng là khổ, sợ hãi vì e ngại tập thể cũng là khổ, sợ hãi vì sự nuôi mạng cũng là khổ, sợ hãi vì sự chết cũng là khổ, việc đánh đập bằng những cây gậy cũng là khổ, việc đánh đập bằng những cây roi cũng là khổ, việc đánh đập bằng những cây đoản côn cũng là khổ, việc chặt bàn tay cũng là khổ, việc chặt bàn chân cũng là khổ, việc chặt bàn tay và bàn chân cũng là khổ, việc cắt tai cũng là khổ, việc xẻo mũi cũng là khổ, việc cắt tai và xẻo mũi cũng là khổ,
việc (nhúng vào) hũ giấm chua cũng là khổ, việc cạo đầu bôi vôi cũng là khổ, việc đốt lửa ở miệng cũng là khổ, việc thiêu sống cũng là khổ, việc đốt cháy ở bàn tay cũng là khổ, việc lột da thành sợi cũng là khổ, việc mặc y phục vỏ cây cũng là khổ, việc kéo căng thân người ở trên đất cũng là khổ, việc xiên da thịt bằng lưỡi câu cũng là khổ, việc khoét thịt thành đồng tiền cũng là khổ, việc chà xát với chất kiềm cũng là khổ, việc quay tròn ở trên thập tự giá cũng là khổ, việc ngồi ở ghế rơm cũng là khổ, việc rưới bằng dầu sôi cũng là khổ, việc cho những con chó gặm cũng là khổ, việc đặt trên giáo nhọn lúc còn sống cũng là khổ, việc chặt đầu bằng gươm cũng là khổ.[2] Tâu đại vương, người bị luân hồi gánh chịu các khổ đau nhiều thứ vô số loại có hình thức như thế.
Tâu đại vương, giống như nước tích lũy ở núi Hi-mã-lạp ngập tràn ở các viên đá, sỏi, cát nhám, vực nước xoáy, ghềnh, thác, vật chướng ngại, vật ngăn cản, rễ cây, cành lá ở sông Gaṅgā, tâu đại vương, tương tợ y như thế người bị luân hồi gánh chịu các khổ đau nhiều thứ vô số loại có hình thức như thế.
Tâu đại vương, khổ đau thì bị xoay chuyển, an lạc (Niết Bàn) thì không bị xoay chuyển. Tâu đại vương, trong khi giải thích rõ về đức tính của sự không bị xoay chuyển và nguy hiểm của sự bị xoay chuyển, vì sự chứng ngộ pháp không bị xoay chuyển, vì sự vượt qua sanh-già-bệnh-chết mà đức Thế Tôn đã khuyến khích. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã khuyến khích.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Câu hỏi đã khéo được tháo gỡ. Lý do đã được giảng giải rõ ràng. Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về việc tự kết liễu bản thân là thứ năm.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, với từ tâm giải thoát đã được rèn luyện, được tu tập, được thực hành thường xuyên, được tạo thành phương tiện, được tạo thành nền tảng, được thiết lập, được tích lũy, được khởi đầu tốt đẹp, mười một điều lợi ích này là điều mong đợi. Mười một điều nào? (Vị ấy) ngủ an lạc, thức dậy an lạc, không nhìn thấy mộng mị xấu xa, được loài người thương mến, được phi nhân thương mến, chư Thiên hộ trì, lửa hoặc thuốc độc hoặc dao gươm không hại được vị ấy, tâm được định nhanh chóng, sắc mặt trầm tĩnh, từ trần không mê mờ, (nếu) chưa thấu triệt pháp cao hơn thì được sanh về thế giới Phạm thiên.’ Và thêm nữa, ngài nói rằng: ‘Bé trai Sāma, có sự an trú tâm từ, được vây quanh bởi bầy nai, trong khi đi lang thang ở khu rừng bị đức vua Piliyakkha bắn bằng mũi tên tẩm độc, đã bị bất tỉnh và ngã xuống ngay tại chỗ ấy.’[3]
Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Này các tỳ khưu, với từ tâm —(như trên)— được sanh về thế giới Phạm thiên,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Bé trai Sāma, có sự an trú tâm từ, được vây quanh bởi bầy nai, trong khi đi lang thang ở khu rừng bị đức vua Piliyakkha bắn bằng mũi tên tẩm độc nên đã bị bất tỉnh và ngã xuống ngay tại chỗ ấy’ là sai trái. Nếu bé trai Sāma, có sự an trú tâm từ, được vây quanh bởi bầy nai, trong khi đi lang thang ở khu rừng bị đức vua Piliyakkha bắn bằng mũi tên tẩm độc, đã bị bất tỉnh và ngã xuống ngay tại chỗ ấy, như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, với từ tâm —(như trên)— lửa hoặc thuốc độc hoặc dao gươm không hại được vị ấy’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, vô cùng khôn khéo, hết sức tinh vi, tế nhị, sâu xa. Thậm chí mồ hôi có thể tiết ra ở thân thể của những người vô cùng khôn khéo. Nó được dành cho ngài. Xin ngài hãy gỡ rối cục rối lớn đã bị rối lại. Xin ngài hãy ban cho sự nhận thức đến những người con của đấng Chiến Thắng trong ngày vị lai bằng cách giải quyết.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, với từ tâm —(như trên)— lửa hoặc thuốc độc hoặc dao gươm không hại được vị ấy.’ Và bé trai Sāma, có sự an trú tâm từ, được vây quanh bởi bầy nai, trong khi đi lang thang ở khu rừng bị đức vua Piliyakkha bắn bằng mũi tên tẩm độc, đã bị bất tỉnh và ngã xuống ngay tại chỗ ấy. Tâu đại vương, tuy nhiên ở trường hợp ấy là có lý do. Lý do gì ở trường hợp ấy? Tâu đại vương, các đức tính này không thuộc về cá nhân, các đức tính này do sự phát triển tâm từ. Tâu đại vương, bé trai Sāma trong khi đang nâng lên vò nước, vào giây phút ấy đã bị xao lãng về sự phát triển tâm từ. Tâu đại vương, vào giây phút nào con người thể nhập tâm từ thì vào giây phút ấy lửa hoặc thuốc độc hoặc dao gươm không hại được người ấy. Những ai có ý định không tốt đối với người ấy đi đến gần thì không nhìn thấy người ấy, không đạt được cơ hội ở nơi người ấy. Tâu đại vương, các đức tính này không thuộc về cá nhân, các đức tính này do sự phát triển tâm từ.
Tâu đại vương, ở đây người nam, là anh hùng chiến trận, khoác lên chiếc áo giáp lưới sắt không thể xuyên thủng rồi xông vào chiến trường, những mũi tên được bắn ra hướng đến người ấy đều bị rơi xuống tung tóe, không đạt được cơ hội ở nơi người ấy. Tâu đại vương, đức tính ấy không thuộc về người anh hùng chiến trận, đức tính ấy thuộc về chiếc áo giáp lưới sắt không thể xuyên thủng, khiến những mũi tên được bắn ra hướng đến người ấy đều bị rơi xuống tung tóe. Tâu đại vương, tương tợ y như thế các đức tính này không thuộc về cá nhân, các đức tính này do sự phát triển tâm từ. Tâu đại vương, vào giây phút nào con người thể nhập tâm từ thì vào giây phút ấy lửa hoặc thuốc độc hoặc dao gươm không hại được người ấy. Những ai có ý định không tốt đối với người ấy đi đến gần thì không nhìn thấy người ấy, không đạt được cơ hội ở nơi người ấy. Tâu đại vương, các đức tính này không thuộc về cá nhân, các đức tính này do sự phát triển tâm từ.
3. Tâu đại vương, hơn nữa ở đây một người sử dụng rễ cây làm tàng hình ở cõi trời nơi bàn tay. Khi nào rễ cây ấy còn nằm ở bàn tay của người ấy thì không người bình thường nào nhìn thấy người ấy. Tâu đại vương, đức tính ấy không thuộc về người ấy, đức tính ấy thuộc về rễ cây làm tàng hình, khiến người ấy không hiện ra trong tầm nhìn của những người bình thường.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế các đức tính này không thuộc về cá nhân, các đức tính này do sự phát triển tâm từ. Tâu đại vương, vào giây phút nào con người thể nhập tâm từ thì vào giây phút ấy lửa hoặc thuốc độc hoặc dao gươm không hại được người ấy. Những ai có ý định không tốt đối với người ấy đi đến gần thì không nhìn thấy người ấy, không đạt được cơ hội ở nơi người ấy. Tâu đại vương, các đức tính này không thuộc về cá nhân, các đức tính này do sự phát triển tâm từ.
Tâu đại vương, hoặc là giống như cơn mưa to lớn khổng lồ đang đổ mưa không thể làm ướt con người đã đi vào trong hang lớn khéo được tạo lập. Tâu đại vương, đức tính ấy không thuộc về người ấy, đức tính ấy thuộc về cái hang lớn, khiến cơn mưa to lớn khổng lồ đang đổ mưa không thể làm ướt người ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế các đức tính này không thuộc về cá nhân, các đức tính này do sự phát triển tâm từ. Tâu đại vương, vào giây phút nào con người thể nhập tâm từ thì vào giây phút ấy lửa hoặc thuốc độc hoặc dao gươm không hại được người ấy. Những ai có ý định không tốt đối với người ấy đi đến gần thì không nhìn thấy người ấy, không đạt được cơ hội ở nơi người ấy. Tâu đại vương, các đức tính này không thuộc về cá nhân, các đức tính này do sự phát triển tâm từ.”
“Thưa ngài Nāgasena, thật là kỳ diệu! Thưa ngài Nāgasena, thật là phi thường! Sự phát triển tâm từ có sự ngăn cản mọi điều xấu xa.”
“Tâu đại vương, sự phát triển tâm từ có sự vận chuyển mọi đức tính tốt đẹp đến những người tốt và luôn cả những người xấu. Sự phát triển tâm từ có lợi ích lớn lao nên được phân phát đến tất cả những chúng sanh đã gắn liền với sự nhận thức.”
Câu hỏi về lợi ích của tâm từ là thứ sáu.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, quả thành tựu của người làm việc thiện cũng như của người làm việc bất thiện là tương đương nhau? Hay là có sự khác biệt nào đó?”
“Tâu đại vương, có sự khác biệt giữa thiện và bất thiện. Tâu đại vương, thiện có an lạc là quả thành tựu, đưa đến cõi trời. Bất thiện có khổ đau là quả thành tựu, đưa đến địa ngục.”
2. “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Devadatta thuần đen, hội đủ các pháp thuần đen. Đức Bồ Tát thuần trắng, hội đủ các pháp thuần trắng.’ Thêm nữa, Devadatta với đức Bồ Tát trong từng kiếp một là tương đương nhau về danh vọng và đồ chúng, hoặc đôi lúc trội hơn. Vào lúc Devadatta đã là con trai viên quan tế tự của đức vua Brahmadatta ở thành Bārāṇasī, khi ấy đức Bồ Tát đã là người thầy pháp có dòng dõi hạ tiện đáng thương, sau khi đọc thầm thần chú đã làm trổ ra các trái xoài sái mùa.[4] Khi ở vào trường hợp ấy, đức Bồ Tát là thấp kém về dòng dõi và thấp kém về danh vọng so với Devadatta.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là vị vua, chủ tể của đại địa cầu, có đầy đủ tất cả các dục, khi ấy đức Bồ Tát đã là vật sử dụng của nhà vua, là con long tượng có đủ mọi tướng tốt. Trong khi bị khó chịu với cử chỉ và điệu bộ duyên dáng của con voi, đức vua trong khi muốn giết nên đã nói với người thầy dạy voi như vầy: ‘Này ông thầy, con long tượng này không được ngươi dạy dỗ, ngươi hãy cho nó thực hiện việc tên là ‘đi trên không trung’ đi.’[5] Luôn cả trường hợp ấy, đức Bồ Tát là loài thú đáng thương, thấp kém về dòng dõi so với Devadatta.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là loài người, kẻ bị phá sản, ở trong rừng, khi ấy đức Bồ Tát đã là con khỉ tên Mahāpaṭhavī.[6] Cho đến lần này thì sự khác biệt giữa người và thú được nhận thấy. Luôn cả trường hợp ấy, đức Bồ Tát là thấp kém về dòng dõi so với Devadatta.
3. Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là loài người, là kẻ thợ săn mạnh mẽ tên Soṇuttara, có sức mạnh hơn cả sức mạnh của con voi, khi ấy đức Bồ Tát đã là con voi chúa tên Chaddanta. Khi ấy, gã thợ săn ấy đã giết chết con long tượng ấy.[7] Luôn cả trường hợp ấy, chính Devadatta là trội hơn.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là loài người, là kẻ sống ở rừng, sống không có chỗ ở, khi ấy đức Bồ Tát đã là loài chim, là con chim đa đa có sự học tập về chú thuật. Khi ấy, kẻ sống ở rừng ấy cũng đã giết chết con chim ấy. Luôn cả trường hợp ấy, chính Devadatta là trội hơn về dòng dõi.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là vua xứ Kāsi tên Kalābu, khi ấy đức Bồ Tát đã là vị đạo sĩ khổ hạnh giảng về sự kham nhẫn. Khi ấy, vị vua ấy, bị nổi giận, đã cho chặt đứt các bàn tay và bàn chân của vị đạo sĩ khổ hạnh ấy như là chém các chồi măng non. Luôn cả trường hợp ấy, chính Devadatta là trội hơn về dòng dõi và danh vọng.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là loài người, là kẻ sống ở rừng, khi ấy đức Bồ Tát đã là con khỉ chúa tên Nandiya. Cũng vào khi ấy, kẻ sống ở rừng ấy đã giết chết con khỉ chúa ấy cùng với khỉ mẹ và khỉ em. Luôn cả trường hợp ấy, chính Devadatta là trội hơn về dòng dõi.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là loài người, là đạo sĩ lõa thể tên Kārambhiya, khi ấy đức Bồ Tát đã là con rồng chúa tên Paṇḍaraka. Luôn cả trường hợp ấy, chính Devadatta là trội hơn về dòng dõi.
4. Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là loài người, là đạo sĩ bện tóc ở trong rừng. khi ấy đức Bồ Tát đã là con heo rừng lớn tên Tacchaka. Luôn cả trường hợp ấy, chính Devadatta là trội hơn về dòng dõi.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là đức vua tên Suraparicara của xứ Cetī, có sự di chuyển trong không trung, ở bầu trời, phía bên trên của đám người, khi ấy đức Bồ Tát đã là vị Bà-la-môn tên Kapila.[8] Luôn cả trường hợp ấy, chính Devadatta là trội hơn về dòng dõi và danh vọng.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là loài người, có tên là Sāma, khi ấy đức Bồ Tát đã là con nai chúa có tên Ruru. Luôn cả trường hợp ấy, chính Devadatta là trội hơn về dòng dõi.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là loài người, là thợ săn sống ở rừng, khi ấy đức Bồ Tát đã là con long tượng. Kẻ thợ săn ấy đã bảy lần cắt lấy ngà của con long tượng ấy rồi mang đi.[9] Luôn cả trường hợp ấy, chính Devadatta là trội hơn về nguồn gốc xuất thân.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là loài chó rừng, có tư cách của dòng dõi Sát-đế-lỵ, nó đã làm cho hết thảy tất cả những vị vua của các xứ sở ở Jambudīpa trở thành chư hầu, khi ấy đức Bồ Tát đã là bậc sáng trí tên Vidhura.[10] Luôn cả trường hợp ấy, chính Devadatta là trội hơn về danh vọng.
5. Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là con long tượng, nó đã giết những chim con của con chim cút, khi ấy đức Bồ Tát cũng đã là con long tượng, chúa của một bầy.[11] Cho đến trường hợp ấy, cả hai đã là tương đương nhau.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là loài Dạ-xoa tên Adhamma, khi ấy đức Bồ Tát cũng đã là loài Dạ-xoa tên Dhamma.[12] Luôn cả trường hợp ấy, cả hai cũng đã là tương đương nhau.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là thuyền trưởng, là người chỉ huy của năm trăm gia đình, khi ấy đức Bồ Tát cũng đã là thuyền trưởng, là người chỉ huy của năm trăm gia đình.[13] Luôn cả trường hợp ấy, cả hai cũng đã là tương đương nhau.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là người chỉ đạo đoàn xe, là người chỉ huy năm trăm cỗ xe, khi ấy đức Bồ Tát cũng đã là người chỉ đạo đoàn xe, là người chỉ huy năm trăm cỗ xe.[14] Luôn cả trường hợp ấy, cả hai cũng đã là tương đương nhau.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là con nai chúa tên Sākha, khi ấy đức Bồ Tát cũng đã là con nai chúa tên Nigrodha.[15] Luôn cả trường hợp ấy, cả hai cũng đã là tương đương nhau.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là vị tướng quân tên Sākha, khi ấy đức Bồ Tát đã là vị vua tên Nigrodha.[16] Luôn cả trường hợp ấy, cả hai cũng đã là tương đương nhau.
6. Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là vị Bà-la-môn tên Khaṇḍahāla, khi ấy đức Bồ Tát đã là vị vương tử tên Canda.[17] Khi ấy, chính Khaṇḍahāla này là trội hơn.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là vị vua tên Brahmadatta, khi ấy đức Bồ Tát đã là vị hoàng tử tên Mahāpaduma, con trai của vị vua ấy. Khi ấy, vị vua ấy đã ra lệnh ném người con trai của mình xuống Corapapāta (khe núi kẻ cướp).[18] ‘Bởi vì ở mọi nơi, chính người cha là đặc biệt, là trội hơn những người con trai,’ như thế luôn cả trường hợp ấy, chính Devadatta là trội hơn.
Còn có điều khác nữa, vào lúc Devadatta đã là vị vua tên Mahāpatāpa, khi ấy đức Bồ Tát đã là vị hoàng tử tên Dhammapāla, con trai của vị vua ấy. Khi ấy, vị vua ấy đã ra lệnh chặt các bàn tay bàn chân và đầu của người con trai của mình.[19] Luôn cả trường hợp ấy, chính Devadatta là cao hơn, trội hơn.
Vào lúc này hôm nay, cả hai cũng đã sanh vào gia tộc Sakya. Đức Bồ Tát đã trở thành đức Phật, đấng Toàn Tri, vị Lãnh Đạo Thế Gian, còn Devadatta sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của vị Chúa của chư Thiên ấy, đã làm sanh khởi thần thông, và đã thể hiện ước muốn làm Phật.
Thưa ngài Nāgasena, phải chăng điều đã được Trẫm nói, mọi điều ấy đều là như thế ấy, hay là như thế khác?”
7. “Tâu đại vương, tất cả mọi lý do theo nhiều loại đã được ngài dẫn giải ấy đều y như thế ấy, không phải như thế khác.”
“Thưa ngài Nāgasena, nếu đen cũng như trắng là có cảnh giới tái sanh tương đương nhau, như thế thì phải chăng thiện cũng như bất thiện có quả thành tựu tương đương nhau?”
“Tâu đại vương, không phải thiện cũng như bất thiện là có quả thành tựu tương đương nhau. Tâu đại vương, không hẳn là Devadatta đã chống đối lại tất cả mọi người, đã chống đối lại chính đức Bồ Tát. Mà sự chống đối của vị ấy đối với đức Bồ Tát được chín muồi và trổ quả ngay trong mỗi một kiếp sống ấy.
Tâu đại vương, ngay cả Devadatta khi được đặt vào ở vị thế quyền lực cũng ban bố sự bảo vệ đến các xứ sở, cũng cho xây dựng cầu cống, hội trường, phước xá, cũng dâng cúng vật thí theo như mong mỏi đến các Sa-môn và Bà-la-môn, đến những người khốn khổ và nghèo khó có sự bảo hộ hoặc không có sự bảo hộ. Do quả thành tựu của điều ấy, Devadatta đạt được các sự thành tựu trong từng kiếp sống một. Tâu đại vương, đối với người nào mà có thể nói về điều này: ‘Sẽ hưởng thụ sự thành tựu mà không cần bố thí, rèn luyện, thu thúc, thực hành trai giới?’
Tâu đại vương, hơn nữa về điều mà đại vương nói như vầy: ‘Devadatta và đức Bồ Tát tuần tự luân chuyển chung với nhau,’ việc gặp gỡ ấy đã xảy ra không phải với sự trải qua của trăm kiếp sống, không phải với sự trải qua của ngàn kiếp sống, không phải với sự trải qua của trăm ngàn kiếp sống, mà đôi lúc đôi khi đã xảy ra với sự trải qua của nhiều ngày đêm. Tâu đại vương, hơn nữa về ví dụ về con rùa mù đã được đức Thế Tôn chỉ ra về (sự khó khăn trong) việc thành tựu bản thể nhân loại.[20] Tâu đại vương, hãy ghi nhận việc gặp gỡ của hai người này là (khó khăn) tương tợ như thế.
Tâu đại vương, không phải đã xảy ra sự gặp gỡ của đức Bồ Tát với riêng Devadatta, tâu đại vương, trưởng lão Sāriputta trong nhiều trăm ngàn kiếp sống cũng đã là cha, đã là ông nội, đã là chú, đã là anh (em) trai, đã là con trai, đã là chị (em) gái, đã là bạn bè của đức Bồ Tát. Tâu đại vương, đức Bồ Tát trong nhiều trăm ngàn kiếp sống cũng đã là cha, đã là ông nội, đã là chú, đã là anh (em) trai, đã là con trai, đã là chị (em) gái, đã là bạn bè của trưởng lão Sāriputta. Tâu đại vương, thậm chí tất cả (những ai) đã được gộp vào thành phần chúng sanh, bị xuôi theo dòng chảy luân hồi, bị cuốn trôi bởi dòng chảy luân hồi, đều gặp gỡ với những người ghét lẫn người thương.
Tâu đại vương, giống như nước, trong khi bị cuốn trôi theo dòng thì gặp gỡ với vật sạch, dơ, đẹp, xấu, tâu đại vương, tương tợ y như thế thậm chí tất cả (những ai) đã được gộp vào thành phần chúng sanh, bị xuôi theo dòng chảy luân hồi, bị cuốn trôi bởi dòng chảy luân hồi, đều gặp gỡ với những người ghét lẫn người thương.
Tâu đại vương, Devadatta trong khi là Dạ-xoa với bản thân theo phi pháp, sau khi khuyến khích những người khác theo phi pháp đã bị nung nấu ở đại địa ngục trong năm trăm bảy mươi sáu triệu năm.[21] Tâu đại vương, còn đức Bồ Tát trong khi là Dạ-xoa với bản thân theo đúng pháp, sau khi khuyến khích những người khác theo đúng pháp đã vui sướng ở cõi trời, có đầy đủ tất cả các dục, trong năm trăm bảy mươi sáu triệu năm.
Tâu đại vương, hơn nữa Devadatta trong kiếp sống này sau khi công kích đức Phật là bậc không nên công kích, sau khi chia rẽ Hội Chúng hòa hợp, đã đi vào trái đất. Đức Như Lai, sau khi được giác ngộ tất cả các pháp, rồi đã viên tịch Niết Bàn khi có sự tiêu diệt của các mầm tái sanh.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về sự bằng nhau của thiện và bất thiện là thứ bảy.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
‘Nếu có thể đạt được lúc thuận tiện hoặc chỗ kín đáo hoặc có được kẻ mời mọc là người vừa ý, tất cả các nữ nhân cũng có thể làm điều xấu xa, với cả người què quặt khi không đạt được kẻ nào khác.’
Và thêm nữa được thuật lại rằng: ‘Người đàn bà tên Amarā, vợ của Mahosadha, đã ở lại trong thôn khi chồng đi xa. Ngồi xuống trong phòng kín, cô quạnh, nàng đã xem chồng như là vị vua và đã không làm điều xấu xa trong khi được mời mọc với một ngàn đồng.’
Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là:
‘Nếu có thể đạt được lúc thuận tiện hoặc chỗ kín đáo hoặc có được kẻ mời mọc là người vừa ý, tất cả các nữ nhân cũng có thể làm điều xấu xa, với cả người què quặt khi không đạt được kẻ nào khác,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Người đàn bà tên Amarā, vợ của Mahosadha, đã ở lại trong thôn khi chồng đi xa. Ngồi xuống trong phòng kín, cô quạnh, nàng đã xem chồng như là vị vua và đã không làm điều xấu xa trong khi được mời mọc với một ngàn đồng’ là sai trái.
Nếu người đàn bà tên Amarā, vợ của Mahosadha, đã ở lại trong thôn khi chồng đi xa. Ngồi xuống trong phòng kín, cô quạnh, nàng đã xem chồng như là vị vua và đã không làm điều xấu xa trong khi được mời mọc với một ngàn đồng, như thế thì lời nói rằng: ‘Nếu có thể đạt được lúc thuận tiện hoặc chỗ kín đáo hoặc có được kẻ mời mọc là người vừa ý, tất cả các nữ nhân cũng có thể làm điều xấu xa, với cả người què quặt khi không đạt được kẻ nào khác’ cũng là sai trái.
Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
‘Nếu có thể đạt được lúc thuận tiện hoặc chỗ kín đáo hoặc có được kẻ mời mọc là người vừa ý, tất cả các nữ nhân cũng có thể làm điều xấu xa, với cả người què quặt khi không đạt được kẻ nào khác.’
Và được thuật lại rằng: ‘Người đàn bà tên Amarā, vợ của Mahosadha, đã ở lại trong thôn khi chồng đi xa. Ngồi xuống trong phòng kín, cô quạnh, nàng đã xem chồng như là vị vua và đã không làm điều xấu xa trong khi được mời mọc với một ngàn đồng.’
Tâu đại vương, người đàn bà ấy trong khi nhận được một ngàn đồng có thể làm hành động xấu xa với người nam vừa ý, (hay) nàng ấy có thể không làm nếu có thể đạt được lúc thuận tiện hoặc chỗ kín đáo hoặc có được kẻ mời mọc là người vừa ý?
Tâu đại vương, người đàn bà Amarā ấy, trong khi xem xét, đã không nhìn thấy lúc thuận tiện hoặc chỗ kín đáo hoặc có được kẻ mời mọc là người vừa ý. Nàng đã không nhìn thấy do sợ hãi về sự chê trách ở đời này, đã không nhìn thấy lúc thuận tiện do sợ hãi về địa ngục ở đời sau, đã không nhìn thấy lúc thuận tiện (vì nghĩ rằng): ‘Việc xấu xa có quả thành tựu đắng cay,’ đã không nhìn thấy lúc thuận tiện vì không có ý muốn buông bỏ người yêu, đã không nhìn thấy lúc thuận tiện do sự kính trọng đối với chồng, đã không nhìn thấy lúc thuận tiện trong khi tôn kính Giáo Pháp, đã không nhìn thấy lúc thuận tiện trong khi đang chê trách việc không thánh thiện, đã không nhìn thấy lúc thuận tiện vì không có ý muốn đổ bể việc làm. Nàng đã không nhìn thấy vì nhiều lý do có hình thức như thế.
Còn về chỗ kín đáo, sau khi suy xét ở thế gian, nàng ấy trong khi không nhìn thấy nên đã không làm điều xấu xa. Nếu nàng ấy có thể đạt được chỗ kín đáo đối với loài người, thì có thể không đạt được chỗ kín đáo đối với phi nhân. Nếu có thể đạt được chỗ kín đáo đối với phi nhân, thì có thể không đạt được chỗ kín đáo đối với những vị xuất gia biết được tâm của người khác. Nếu có thể đạt được chỗ kín đáo đối với những vị xuất gia biết được tâm của người khác, thì có thể không đạt được chỗ kín đáo đối với chư Thiên biết được tâm của người khác. Nếu có thể đạt được chỗ kín đáo đối với chư Thiên biết được tâm của người khác, thì có thể không đạt được chỗ kín đáo đối với các điều xấu xa bởi chính mình. Nếu có thể đạt được chỗ kín đáo đối với các điều xấu xa bởi chính mình, thì có thể không đạt được chỗ kín đáo đối với điều phi pháp. Sau khi không đạt được chỗ kín đáo vì nhiều lý do có hình thức như thế, nàng đã không làm điều xấu xa.
Còn về kẻ mời mọc, sau khi xem xét ở thế gian, trong khi không đạt được người vừa ý, nàng ấy đã không làm điều xấu xa.
3. Tâu đại vương, bậc sáng trí Mahosadha được hội đủ với hai mươi tám yếu tố. Được hội đủ với hai mươi tám yếu tố nào? Tâu đại vương, Mahosadha là bậc anh hùng, có tàm, có quý, có tùy tùng, đạt được bạn bè, nhẫn nại, có giới hạnh, nói lời chân thật, đạt được sự thanh tịnh, không giận dữ, không ngã mạn thái quá, không ganh tỵ, có sự tinh tấn, năng nổ (làm phước thiện), hào phóng, rộng rãi, nói năng khéo léo, cư xử khiêm tốn, tế nhị, không gian trá, không xảo quyệt, đạt được sự thông minh vượt bậc, khôn khéo, đạt được kiến thức, có sự tầm cầu lợi ích cho những người nương tựa, được mọi người mong mỏi, có tài sản, có danh vọng. Tâu đại vương, bậc sáng trí Mahosadha được hội đủ với hai mươi tám yếu tố này. Nàng ấy sau khi không đạt được kẻ mời mọc nào khác vừa ý, nàng ấy đã không làm điều xấu xa.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về hoàng hậu Amarā là thứ tám.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Các vị A-la-hán có sự sợ hãi và run rẩy đã được xa lìa.’ Và thêm nữa ở thành Rājagaha năm trăm bậc Lậu Tận, sau khi nhìn thấy con voi Dhanapālaka đang lao đến gần đức Thế Tôn, đã rời bỏ đấng Chiến Thắng cao quý và đã tản mác khắp các phương ngoại trừ một vị là trưởng lão Ānanda. Thưa ngài Nāgasena, phải chăng các vị A-la-hán ấy đã tản mác vì sợ hãi? Hay là đã tản mác với ước muốn được chứng kiến thần thông không thể đo lường, vĩ đại, không thể sánh bằng của đức Như Lai?
Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Các vị A-la-hán có sự sợ hãi và run rẩy đã được xa lìa,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Ở thành Rājagaha năm trăm bậc Lậu Tận, sau khi nhìn thấy con voi Dhanapālaka đang lao đến gần đức Thế Tôn, đã rời bỏ đấng Chiến Thắng cao quý và đã tản mác khắp các phương ngoại trừ một vị là trưởng lão Ānanda’ là sai trái. Nếu ở thành Rājagaha năm trăm bậc Lậu Tận, sau khi nhìn thấy con voi Dhanapālaka đang lao đến gần đức Thế Tôn, đã rời bỏ đấng Chiến Thắng cao quý và đã tản mác khắp các phương ngoại trừ một vị là trưởng lão Ānanda, như thế thì lời nói rằng: ‘Các vị A-la-hán có sự sợ hãi và run rẩy đã được xa lìa’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Các vị A-la-hán có sự sợ hãi và run rẩy đã được xa lìa.’ Và ở thành Rājagaha năm trăm bậc Lậu Tận, sau khi nhìn thấy con voi Dhanapālaka đang lao đến gần đức Thế Tôn, đã rời bỏ đấng Chiến Thắng cao quý và đã tản mác khắp các phương ngoại trừ một vị là trưởng lão Ānanda. Tuy nhiên, điều ấy không do sự sợ hãi, cũng không phải do sự mong muốn để khiến cho đức Thế Tôn bị ngã gục.
Tâu đại vương, do nhân nào các vị A-la-hán có thể bị sợ hãi hoặc có thể bị run rẩy, nhân ấy đã được trừ tuyệt ở các vị A-la-hán; vì thế các vị A-la-hán có sự sợ hãi và run rẩy đã được xa lìa. Tâu đại vương, vậy thì đại địa cầu có bị sợ hãi trong khi (bị) đào xới, trong khi (bị) đổ vỡ, trong khi nâng đỡ biển cả, núi non, và đỉnh núi?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, vì lý do gì?”
“Thưa ngài, nhân nào khiến cho đại địa cầu có thể bị sợ hãi hay bị run rẩy thì nhân ấy không có ở đại địa cầu.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhân nào khiến cho các vị A-la-hán có thể bị sợ hãi hay bị run rẩy thì nhân ấy không có ở các vị A-la-hán. Tâu đại vương, vậy thì đỉnh núi có bị sợ hãi trong khi (bị) nứt nẻ, trong khi (bị) đổ vỡ, trong khi sụp xuống, hoặc trong khi (bị) đốt nóng bởi ngọn lửa?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, vì lý do gì?”
3. “Thưa ngài, nhân nào khiến cho đỉnh núi có thể bị sợ hãi hay bị run rẩy thì nhân ấy không có ở đỉnh núi.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhân nào khiến cho các vị A-la-hán có thể bị sợ hãi hay bị run rẩy thì nhân ấy không có ở các vị A-la-hán. Tâu đại vương, nếu như tất cả những ai đó được gộp vào thành phần chúng sanh ở trăm ngàn thế giới, với bàn tay cầm gươm, đuổi theo và dọa dẫm một vị A-la-hán, thì cũng không có bất cứ điều gì đổi khác ở tâm của vị A-la-hán. Vì lý do gì? Bởi vì sự không thực tế và tính chất không hợp lý. Tâu đại vương, hơn nữa các vị A-la-hán ấy đã có ý nghĩ suy tầm như vầy: ‘Hôm nay, khi bậc cao quý và ưu tú của loài người, đấng Chiến Thắng anh hùng cao quý, đã tiến vào thành phố cao quý ở trên con đường thì con voi Dhanapālakaka sẽ lao đến. Điều không nghi ngờ là vị thị giả sẽ không rời bỏ vị Chúa của chư Thiên. Nếu tất cả chúng ta sẽ không rời bỏ đức Thế Tôn thì đức tính của Ānanda sẽ không được thể hiện, và chủ yếu là con long tượng sẽ không tự tiến đến gần đức Như Lai. Vậy chúng ta hãy tránh ra xa. Điều này là như vậy, sẽ có sự giải thoát khỏi sự trói buộc của phiền não cho đám đông người, và đức tính của Ānanda sẽ được thể hiện.’ Như vậy, sau khi nhìn thấy sự lợi ích, các vị A-la-hán ấy đã tản mác khắp các phương.”
“Thưa ngài Nāgasena, câu hỏi đã khéo được phân giải. Điều ấy là như vậy, không có sự sợ hãi hoặc sự run rẩy đối với các vị A-la-hán. Các vị A-la-hán ấy, sau khi nhìn thấy sự lợi ích, đã tản mác khắp các phương”
Câu hỏi về sự không sợ hãi của bậc Lậu Tận là thứ chín.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Đức Như Lai là đấng Toàn Tri.’ Và thêm nữa, ngài nói rằng: ‘Khi hội chúng tỳ khưu đứng đầu là Sāriputta và Moggallāna bị đức Như Lai giải tán, các vị dòng Sakya ở tại Cātumā và Phạm Thiên Sahampati đã nhắc đến ví dụ về hạt giống và ví dụ về con bê nhỏ khiến cho đức Thế Tôn tin tưởng, tha thứ, và đã tỏ vẻ hài lòng.’
Thưa ngài Nāgasena, phải chăng đức Như Lai đã không biết đến các ví dụ ấy, và nhờ vào các ví dụ ấy mà đức Như Lai đã được thích thú, tha thứ, an tịnh, và đã tỏ vẻ hài lòng? Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Như Lai đã không biết đến các ví dụ ấy, như thế thì đức Phật không là đấng Toàn Tri. Nếu biết, như thế thì Ngài đã ép buộc dời đi, đã giải tán, không có ý định tìm hiểu, như thế thì lòng thương xót không hiện hữu ở Ngài. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, đức Như Lai là đấng Toàn Tri. Và nhờ vào các ví dụ ấy mà đức Thế Tôn đã tin tưởng, thích thú, tha thứ, an tịnh, và đã tỏ vẻ hài lòng. Tâu đại vương, đức Như Lai là đấng Pháp Chủ. Nhờ vào các ví dụ đã được chính đức Như Lai công bố ấy mà các vị đã làm cho đức Như Lai được vừa ý, vui vẻ, tin tưởng. Và tin tưởng vào các vị ấy, đức Như Lai đã nói lời tùy hỷ rằng: ‘Tốt lắm!’
Tâu đại vương, hoặc là giống như người đàn bà nhờ vào tài sản của chính mình dành cho người chồng mà làm cho chồng được vừa ý, vui vẻ, tin tưởng. Và người chồng nói với cô ấy lời tùy hỷ rằng: ‘Tốt lắm!’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhờ vào các ví dụ đã được chính đức Như Lai công bố ấy mà các vị dòng Sakya ở tại Cātumā và Phạm Thiên Sahampati đã làm cho đức Như Lai được vừa ý, vui vẻ, tin tưởng. Và tin tưởng vào các vị ấy, đức Như Lai đã nói lời tùy hỷ rằng: ‘Tốt lắm!’
3. Tâu đại vương, hoặc là giống như người thợ cạo, trong lúc trang điểm cái đầu của đức vua, nhờ vào cái lược vàng của chính mình dành cho đức vua mà làm cho đức vua được vừa ý, vui vẻ, tin tưởng. Và tin tưởng vào người ấy, đức vua nói lời tùy hỷ rằng: ‘Tốt lắm!’ rồi ban thưởng theo như ước muốn. Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhờ vào các ví dụ đã được chính đức Như Lai công bố ấy mà các vị dòng Sakya ở tại Cātumā và Phạm Thiên Sahampati đã làm cho đức Như Lai được vừa ý, vui vẻ, tin tưởng. Và tin tưởng vào các vị ấy, đức Như Lai đã nói lời tùy hỷ rằng: ‘Tốt lắm!’
Tâu đại vương, hoặc là giống như người đệ tử sau khi nhận lấy đồ ăn khất thực đã được mang lại cho thầy tế độ, trong khi dâng lên cho thầy tế độ mà làm cho thầy tế độ được vừa ý, vui vẻ, tin tưởng. Và tin tưởng vào người ấy, thầy tế độ nói lời tùy hỷ rằng: ‘Tốt lắm!’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhờ vào các ví dụ đã được chính đức Như Lai công bố ấy mà các vị dòng Sakya ở tại Cātumā và Phạm Thiên Sahampati đã làm cho đức Như Lai được vừa ý, vui vẻ, tin tưởng. Và tin tưởng vào các vị ấy, đức Như Lai sau khi nói lời tùy hỷ rằng: ‘Tốt lắm!’ rồi đã thuyết giảng Giáo Pháp đưa đến sự hoàn toàn giải thoát mọi khổ đau.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về bản thể toàn tri của đức Như Lai là thứ mười.
Phẩm về Trí Toàn Tri là thứ tư.
(Trong phẩm này có mười câu hỏi)
--ooOoo--
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
‘Sợ hãi sanh ra từ sự thân thiết, bụi bặm sanh ra từ nhà ở, không nhà ở không thân thiết, quả thật điều ấy là quan điểm của bậc hiền trí.’[22]
Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Nên cho xây dựng trú xá đẹp, nên thỉnh các bậc nghe nhiều (học rộng) ngụ tại nơi ấy.’[23]
Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Sợ hãi sanh ra từ sự thân thiết, bụi bặm sanh ra từ nhà ở, không nhà ở không thân thiết, quả thật điều ấy là quan điểm của bậc hiền trí,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Nên cho xây dựng trú xá đẹp, nên thỉnh các bậc nghe nhiều (học rộng) ngụ tại nơi ấy’ là sai trái.
Nếu điều đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Nên cho xây dựng trú xá đẹp, nên thỉnh các bậc nghe nhiều (học rộng) ngụ tại nơi ấy,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Sợ hãi sanh ra từ sự thân thiết, bụi bặm sanh ra từ nhà ở, không nhà ở không thân thiết, quả thật điều ấy là quan điểm của bậc hiền trí’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Sợ hãi sanh ra từ sự thân thiết, bụi bặm sanh ra từ nhà ở, không nhà ở không thân thiết, quả thật điều ấy là quan điểm của bậc hiền trí.’
Và Ngài đã nói rằng: ‘Nên cho xây dựng trú xá đẹp, nên thỉnh các bậc nghe nhiều (học rộng) ngụ tại nơi ấy.’
Tâu đại vương, điều đã được đức Thế Tôn nói là: ‘Sợ hãi sanh ra từ sự thân thiết, bụi bặm sanh ra từ nhà ở, không nhà ở không thân thiết, quả thật điều ấy là quan điểm của bậc hiền trí,’ điều ấy là lời nói về bản thể, là lời nói không thiếu sót, là lời nói không thay đổi, (điều ấy) tương xứng với Sa-môn, thích hợp với Sa-môn, thích đáng với Sa-môn, xứng đáng với Sa-môn, (việc ấy) là hành xứ của Sa-môn, là cách thức của Sa-môn, là pháp hành của Sa-môn.
Tâu đại vương, giống như con nai, là loài thú rừng, trong khi lang thang ở rừng cây, rừng rậm, không chỗ ngụ, không nhà ở, thì ngủ (nơi nào) theo như ý thích, tâu đại vương, tương tợ y như thế vị tỳ khưu nên suy tư rằng: ‘Sợ hãi sanh ra từ sự thân thiết, bụi bặm sanh ra từ nhà ở, không nhà ở không thân thiết, quả thật điều ấy là quan điểm của bậc hiền trí.’
3. Tâu đại vương, trái lại về điều đã được đức Thế Tôn nói là: ‘Nên cho xây dựng trú xá đẹp, nên thỉnh các bậc nghe nhiều (học rộng) ngụ tại nơi ấy,’ điều ấy đã được đức Thế Tôn nói trong khi xem xét về hai lợi ích. Hai điều nào? Việc gọi là bố thí trú xá được tất cả chư Phật ngợi khen, đồng ý, tán dương, ca tụng rằng: ‘Những người ấy sau khi dâng cúng vật thí về trú xá ấy thì sẽ hoàn toàn giải thoát khỏi sanh-già-chết.’ Đây là lợi ích thứ nhất trong việc bố thí trú xá.
Còn có điều khác nữa, trong khi trú xá được hiện hữu thì các tỳ khưu ni sẽ có được nơi gặp gỡ các vị (tỳ khưu) có kinh nghiệm, đối với những người có ước muốn tiếp kiến thì việc tiếp kiến sẽ là việc dễ dàng đạt được, việc khó tiếp kiến sẽ xảy ra khi không có trú xứ. Đây là lợi ích thứ nhì trong việc bố thí trú xá. Trong khi xem xét về hai lợi ích này, đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Nên cho xây dựng trú xá đẹp, nên thỉnh các bậc nghe nhiều (học rộng) ngụ tại nơi ấy.’ Trong trường hợp ấy, người con trai của đức Phật không nên biến chỗ ngụ thành nhà ở.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về sự thân thiết là thứ nhất.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Không nên xao lãng trong việc đứng (khất thực), nên hạn chế ở bao tử.’
Và thêm nữa, đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Này Udāyi, tuy nhiên một đôi khi Ta thọ thực với bình bát này đầy ngang miệng, thậm chí Ta còn thọ thực nhiều hơn thế nữa.’
Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Không nên xao lãng trong việc đứng (khất thực), nên hạn chế ở bao tử,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Này Udāyi, tuy nhiên một đôi khi Ta thọ thực với bình bát này đầy ngang miệng, thậm chí Ta còn thọ thực nhiều hơn thế nữa’ là sai trái. Nếu điều đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Này Udāyi, tuy nhiên một đôi khi Ta thọ thực với bình bát này đầy ngang miệng, thậm chí Ta còn thọ thực nhiều hơn thế nữa,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Không nên xao lãng trong việc đứng (khất thực), nên hạn chế ở bao tử’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Không nên xao lãng trong việc đứng (khất thực), nên hạn chế ở bao tử.’ Và Ngài đã nói rằng: ‘Này Udāyi, tuy nhiên một đôi khi Ta thọ thực với bình bát này đầy ngang miệng, thậm chí Ta còn thọ thực nhiều hơn thế nữa.’
Tâu đại vương, điều mà đức Thế Tôn đã nói là: ‘Không nên xao lãng trong việc đứng (khất thực), nên hạn chế ở bao tử,’ điều ấy là lời nói về bản thể, là lời nói không thiếu sót, là lời nói đầy đủ, là lời nói không thay đổi, là lời nói về sự thật, là lời nói đúng sự thật, là lời nói chính xác, là lời nói không sái quấy, là lời nói của bậc ẩn sĩ, là lời nói của bậc hiền trí, là lời nói của đức Thế Tôn, là lời nói của vị A-la-hán, là lời nói của vị Phật Độc Giác, là lời nói của đấng Chiến Thắng, là lời nói của đấng Toàn Tri, là lời nói của đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác.
Tâu đại vương, người không hạn chế ở bao tử giết hại mạng sống, lấy vật không cho, đi đến vợ người khác, nói lời dối trá, uống chất say, đoạt mạng sống của mẹ, đoạt mạng sống của cha, đoạt mạng sống của vị A-la-hán, chia rẽ Hội Chúng, làm chảy máu đức Như Lai với tâm ác xấu. Tâu đại vương, chẳng phải Devadatta, kẻ không hạn chế ở bao tử, đã chia rẽ Hội Chúng và đã gây nên nghiệp kéo dài một kiếp (trái đất). Tâu đại vương, sau khi nhìn thấy các lý do khác, nhiều loại, có hình thức như thế, đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Không nên xao lãng trong việc đứng (khất thực), nên hạn chế ở bao tử.’
3. Tâu đại vương, người hạn chế ở bao tử lãnh hội được sự lãnh hội về bốn Sự Thật, chứng ngộ bốn quả vị Sa-môn, đạt được bản thể năng lực về bốn tuệ Phân Tích, về tám Thiền Chứng, về sáu Thắng Trí, và làm tròn đủ toàn bộ phận sự của Sa-môn. Tâu đại vương, chẳng phải con bồ câu xinh, sau khi hạn chế ở bao tử, đã làm rung động đến tận cung Trời Đạo Lợi và đã khiến cho Sakka, Chúa của chư Thiên, phải đi đến chăm sóc.[24] Tâu đại vương, sau khi nhìn thấy các lý do khác, nhiều loại, có hình thức như thế, đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Không nên xao lãng trong việc đứng (khất thực), nên hạn chế ở bao tử.’
Tâu đại vương, trái lại về điều đã được đức Thế Tôn nói là: ‘Này Udāyi, tuy nhiên một đôi khi Ta thọ thực với bình bát này đầy ngang miệng, thậm chí Ta còn thọ thực nhiều hơn thế nữa,’ điều ấy đã được đấng Toàn Tri, bậc Tự Chủ, đức Như Lai, vị có phận sự đã làm xong, có công việc đã hoàn thành, có mục đích đã được thành tựu, có nhiệm vụ đã hoàn mãn, không còn chướng ngại, nói về bản thân Ngài.
Tâu đại vương, giống như đối với người bị bệnh cần được ói ra, cần được xổ, cần phải thải độc, thì công việc chăm sóc là cần thiết, tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với người còn phiền não, chưa thấy được Sự Thật, thì việc hạn chế ở bao tử là việc nên làm. Tâu đại vương, giống như đối với viên ngọc quý ma-ni có hào quang, nguyên chất, có phẩm chất cao và hoàn toàn tinh khiết thì không có việc cần phải chùi mài, chà xát, đánh bóng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với đức Như Lai, vị đã đi đến sự toàn hảo trong cương vị của một bậc Giác Ngộ, thì không có sự trở ngại trong các hành động và việc làm.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về việc hạn chế bao tử là thứ nhì.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin, luôn có bàn tay đưa ra (bố thí), mang thân mạng cuối cùng, là vị y sĩ, vị phẫu thuật vô thượng.’ Và thêm nữa, đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, vị đứng đầu trong số các tỳ khưu đệ tử ít có bệnh tật của Ta, tức là Bakkula.’ Và bệnh tật được nhìn thấy đã nhiều lần sanh khởi ở cơ thể của đức Thế Tôn.
Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Như Lai là vô thượng, như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, vị đứng đầu trong số các tỳ khưu đệ tử ít có bệnh tật của Ta, tức là Bakkula’ là sai trái. Nếu trưởng lão Bakkula là đứng đầu trong số các vị ít có bệnh tật, như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin, luôn có bàn tay đưa ra (bố thí), mang thân mạng cuối cùng, là vị y sĩ, vị phẫu thuật vô thượng’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin, luôn có bàn tay đưa ra (bố thí), mang thân mạng cuối cùng, là vị y sĩ, vị phẫu thuật vô thượng.’ Và Ngài đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, vị đứng đầu trong số các tỳ khưu đệ tử ít có bệnh tật của Ta, tức là Bakkula.’ Tuy nhiên, điều ấy được nói có liên quan đến tình trạng đang có ở bản thân đối với sự chứng đắc và việc học tập ở bên ngoài (của Tam Tạng).
Tâu đại vương, hơn nữa có những vị đệ tử của đức Thế Tôn là các vị chuyên đứng và đi kinh hành. Các vị ấy trải qua ngày đêm với việc đứng và đi kinh hành. Tâu đại vương, trái lại đức Thế Tôn trải qua ngày và đêm với việc đứng, đi kinh hành, ngồi, và nằm. Tâu đại vương, những vị tỳ khưu nào chuyên đứng và đi kinh hành, những vị ấy là vượt trội về chi phần ấy.
Tâu đại vương, hơn nữa có những vị đệ tử của đức Thế Tôn là các vị thọ thực chỉ một chỗ ngồi. Các vị ấy, cho dù vì nguyên nhân mạng sống, cũng không thọ dụng hai bữa ăn. Tâu đại vương, trái lại đức Thế Tôn thọ dụng vật thực thậm chí đến lần thứ nhì luôn cả đến lần thứ ba. Tâu đại vương, những vị tỳ khưu nào chỉ thọ thực một chỗ ngồi, những vị ấy là vượt trội về chi phần ấy. Tâu đại vương, những việc làm ấy với nhiều hình thức được nói đến có liên quan đến việc này việc nọ của những vị này vị khác. Tâu đại vương, tuy nhiên đức Thế Tôn là vượt trội về giới, về định, về tuệ, về giải thoát, về trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát, về mười lực, về bốn pháp tự tín, về mười tám pháp của vị Phật, về sáu trí không phổ thông (đến các vị Thinh Văn). Và điều ấy đã được nói đến có liên quan đến toàn bộ cương vị của một bậc Giác Ngộ là: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin, luôn có bàn tay đưa ra (bố thí), mang thân mạng cuối cùng, là vị y sĩ, vị phẫu thuật vô thượng.’
3. Tâu đại vương, nơi đây ở giữa loài người: một người là có dòng dõi, một người có tài sản, một người có kiến thức, một người có tài nghệ, một người là anh hùng, một người có sự cảnh giác, sau khi vượt trội tất cả những người này, chính đức vua là tối thượng trong số những người ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn là vị đứng đầu, cao cả, tối thượng trong số tất cả các chúng sanh.
Trái lại, về việc đại đức Bakkula đã là người ít có bệnh tật, việc ấy là do năng lực của sự ước nguyện. Tâu đại vương, bởi vì khi bệnh đau bụng bão của đức Thế Tôn Anomadassī đã sanh khởi, và khi bệnh hoa cỏ (dị ứng?) của đức Thế Tôn Vipassī và sáu mươi tám ngàn vị tỳ khưu đã sanh khởi, vị ấy, trong khi bản thân là đạo sĩ khổ hạnh, đã xua đi cơn bệnh ấy bằng vô số thuốc men khác loại nên đã đạt được trạng thái ít bệnh tật. Và điều đã được nói là: ‘Này các tỳ khưu, vị đứng đầu trong số các tỳ khưu đệ tử ít có bệnh tật của Ta, tức là Bakkula.’
Tâu đại vương, trong khi căn bệnh của đức Thế Tôn đang sanh lên cũng như đang tiếp diễn, trong khi Ngài đang duy trì cũng như không duy trì pháp từ khước, không có bất cứ chúng sanh nào sánh bằng đức Thế Tôn. Điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở đoạn Varalañchaka (Dấu Ấn Cao Quý) thuộc Saṃyuttanikāya (Tương Ưng Bộ) rằng: ‘Này các tỳ khưu, cho đến các hàng chúng sanh không chân, hoặc hai chân, hoặc bốn chân, hoặc nhiều chân, hoặc hữu hình, hoặc vô hình, hoặc hữu tưởng, hoặc vô tưởng, hoặc phi tưởng phi phi tưởng, trong số các hạng ấy đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác được gọi là hạng nhất.’”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về sự ít bệnh của đức Thế Tôn là thứ ba.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác là người làm sanh khởi Đạo Lộ chưa được sanh khởi.’ Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy Đạo Lộ cổ xưa, con đường cổ xưa đã được các bậc Chánh Đẳng Giác trước đây đi theo.’
Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Như Lai là người làm sanh khởi Đạo Lộ chưa được sanh khởi, như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy Đạo Lộ cổ xưa, con đường cổ xưa đã được các bậc Chánh Đẳng Giác trước đây đi theo’ là sai trái. Nếu đức Như Lai đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy Đạo Lộ cổ xưa, con đường cổ xưa đã được các bậc Chánh Đẳng Giác trước đây đi theo,’ như thế thì lời nói rằng: ‘đức Như Lai là người làm sanh khởi Đạo Lộ chưa được sanh khởi’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác là người làm sanh khởi Đạo Lộ chưa được sanh khởi.’ Và Ngài đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy Đạo Lộ cổ xưa, con đường cổ xưa đã được các bậc Chánh Đẳng Giác trước đây đi theo.’ Cả hai điều ấy đều là lời nói về bản thể.
Tâu đại vương, với sự biến mất của các đức Như Lai trước đây, trong khi không có người chỉ dạy, Đạo Lộ đã biến mất. Đức Như Lai ấy, trong khi quán sát bằng tuệ nhãn về Đạo Lộ đã bị tiêu hoại, đã bị đổ nát, đã bị phủ lấp, đã bị đóng lại, đã bị che kín, không còn có sự thực hành hoàn mãn ấy, đã nhìn thấy rằng Đạo Lộ ấy đã được các bậc Chánh Đẳng Giác trước đây đi theo. Bởi lý do ấy, Ngài đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy Đạo Lộ cổ xưa, con đường cổ xưa đã được các bậc Chánh Đẳng Giác trước đây đi theo.’
Tâu đại vương, với sự biến mất của các đức Như Lai trước đây, trong khi không có người chỉ dạy, Đạo Lộ đã bị tiêu hoại, đã bị đổ nát, đã bị phủ lấp, đã bị đóng lại, đã bị che kín, không còn có sự thực hành hoàn mãn ấy; giờ đây đức Như Lai đã thể hiện việc thực hành hoàn mãn. Bởi lý do ấy, Ngài đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, đức Như Lai là người làm sanh khởi Đạo Lộ chưa được sanh khởi.’
3. Tâu đại vương, ở đây do sự biến mất của đức Chuyển Luân Vương, viên ngọc quý ma-ni ẩn tàng ở nơi đỉnh núi. Rồi do việc hành xử chính trực của đức Chuyển Luân Vương khác, nó lại hiện đến. Tâu đại vương, phải chăng viên ngọc quý ma-ni ấy là được tạo ra cho vị ấy?”
“Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, viên ngọc quý ma-ni vốn là vật hiển nhiên, tuy nhiên do vị ấy mà nó lại hiện ra.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế Đạo Lộ an toàn có tám chi phần đã được thực hành bởi các đức Như Lai trước đây—vốn là hiển nhiên—trong khi không có người chỉ dạy, thì đã bị tiêu hoại, đã bị đổ nát, đã bị phủ lấp, đã bị đóng lại, đã bị che kín, không còn có sự thực hành hoàn mãn; đức Thế Tôn trong khi quán sát bằng tuệ nhãn đã làm sanh khởi, đã thể hiện việc thực hành hoàn mãn (Đạo Lộ ấy). Bởi lý do ấy, Ngài đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, đức Như Lai là người làm sanh khởi Đạo Lộ chưa được sanh khởi.’
Tâu đại vương, hoặc là giống như với việc sanh ra đứa con trai qua đường tử cung và đứa con—đang hiện hữu—thì người mẹ được gọi là ‘sanh mẫu.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế trong khi quán sát bằng tuệ nhãn về Đạo Lộ—vốn luôn hiện hữu—nhưng đã bị tiêu hoại, đã bị đổ nát, đã bị phủ lấp, đã bị đóng lại, đã bị che kín, không còn có sự thực hành hoàn mãn, đức Như Lai đã làm sanh khởi, đã thể hiện việc thực hành hoàn mãn (Đạo Lộ ấy). Bởi lý do ấy, Ngài đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, đức Như Lai là người làm sanh khởi Đạo Lộ chưa được sanh khởi.’
4. Tâu đại vương, hoặc là giống như một người nam nào đó nhìn thấy vật gì đó đã bị thất lạc, thì người ta đồn đãi rằng: ‘Nhờ người ấy mà vật ấy được xuất hiện.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế trong khi quán sát bằng tuệ nhãn về Đạo Lộ—vốn luôn hiện hữu—nhưng đã bị tiêu hoại, đã bị đổ nát, đã bị phủ lấp, đã bị đóng lại, đã bị che kín, không còn có sự thực hành hoàn mãn, đức Như Lai đã làm sanh khởi, đã thể hiện việc thực hành hoàn mãn (Đạo Lộ ấy). Bởi lý do ấy, Ngài đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, đức Như Lai là người làm sanh khởi Đạo Lộ chưa được sanh khởi.’
Tâu đại vương, hoặc là giống như một người nam nào đó dọn sạch mảnh rừng rồi ban ra thành đất bằng, thì người ta đồn đãi rằng: ‘Mảnh đất ấy là của người ấy.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế trong khi quán sát bằng tuệ nhãn về Đạo Lộ—vốn luôn hiện hữu—nhưng đã bị tiêu hoại, đã bị đổ nát, đã bị phủ lấp, đã bị đóng lại, đã bị che kín, không còn có sự thực hành hoàn mãn, đức Như Lai đã làm sanh khởi, đã thể hiện việc thực hành hoàn mãn (Đạo Lộ ấy). Bởi lý do ấy, Ngài đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, đức Như Lai là người làm sanh khởi Đạo Lộ chưa được sanh khởi.’
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về vị làm sanh khởi đạo lộ chưa được sanh khởi là thứ tư.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Vào thời quá khứ, trong khi có bản thể nhân loại, Ta đã là người có bản tánh không hãm hại chúng sanh.’ Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Trong khi là vị ẩn sĩ tên Lomasakassapa đã giết chết hàng trăm mạng sống và đã hiến cúng đại lễ tế thần Vājapeyya.’[25]
Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Vào thời quá khứ, trong khi có bản thể nhân loại, Ta đã là người có bản tánh không hãm hại chúng sanh,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Đại lễ tế thần Vājapeyya đã được ẩn sĩ Lomasakassapa hiến cúng sau khi đã giết chết hàng trăm mạng sống’ là sai trái. Nếu đại lễ tế thần Vājapeyya đã được ẩn sĩ Lomasakassapa hiến cúng sau khi đã giết chết hàng trăm mạng sống, như thế thì lời nói rằng: ‘Vào thời quá khứ, trong khi có bản thể nhân loại, Ta đã là người có bản tánh không hãm hại chúng sanh’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Vào thời quá khứ, trong khi có bản thể nhân loại, Ta đã là người có bản tánh không hãm hại chúng sanh.’ Và đại lễ tế thần Vājapeyya đã được ẩn sĩ Lomasakassapa hiến cúng sau khi đã giết chết hàng trăm mạng sống. Tuy nhiên, việc ấy là do tác động của ái luyến, không có sự suy nghĩ, không có sự cố ý.”
“Thưa ngài Nāgasena, tám hạng người này giết hại mạng sống. Tám hạng nào? Hạng luyến ái giết hại mạng sống do tác động của luyến ái, hạng xấu xa giết hại mạng sống do tác động của sân, hạng mê mờ giết hại mạng sống do tác động của si, hạng ngã mạn giết hại mạng sống do tác động của ngã mạn, hạng tham lam giết hại mạng sống do tác động của tham, hạng không có gì giết hại mạng sống vì mục đích nuôi mạng, hạng ngu dốt giết hại mạng sống do tác động của sự đùa giỡn, đức vua giết hại mạng sống do tác động của kỷ cương. Thưa ngài Nāgasena, đây là tám hạng người giết hại mạng sống. Thưa ngài Nāgasena, có phải việc đã làm bởi đức Bồ Tát có tính chất tự nhiên?”
“Tâu đại vương, việc đã làm bởi đức Bồ Tát không phải có tính chất tự nhiên. Tâu đại vương, nếu đức Bồ Tát hạ thấp (phẩm cách) để hiến cúng đại lễ tế thần vì bản tánh tự nhiên thì không nói lên lời kệ này:
‘Ta không mong muốn vùng đất có sự bao quanh của biển cả, có biển là vòng đai, cùng với lời phỉ báng. Này Sayha, ngươi hãy nhận biết như vậy.’[26]
3. Tâu đại vương, với lời nói như vậy đức Bồ Tát do việc nhìn thấy nàng Candavatī, con gái của đức vua, đã không còn có sự suy nghĩ, tâm bị tán loạn, bị luyến ái, có trạng thái không suy nghĩ, vô cùng bối rối, vô cùng vội vã. Với tâm đã bị tán loạn, đã bị lay động, đã bị khuấy động ấy, vị ấy đã hiến cúng đại lễ tế thần Vājapeyya với sự tích lũy to lớn khổng lồ về lượng máu từ cần cổ của những con thú bị giết.
Tâu đại vương, giống như kẻ bị điên, có tâm bị tán loạn, bước lên ngọn lửa đã được đốt cháy, nắm bắt con rắn độc đã bị lên cơn giận, cưỡi lên con voi đã bị nổi điên, lao vào biển cả không nhìn thấy bến bờ, giẫm đạp vào vũng nước luôn cả hố phân, leo lên hàng rào gai, lao vào vực thẳm, ăn vật dơ, thậm chí lõa lồ đi ở đường phố, (hoặc) làm nhiều công việc không xứng đáng khác nữa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Bồ Tát do việc nhìn thấy nàng Candavatī, con gái của đức vua, đã không còn có sự suy nghĩ, tâm bị tán loạn, bị luyến ái, có trạng thái không suy nghĩ, vô cùng bối rối, vô cùng vội vã. Với tâm đã bị tán loạn, đã bị lay động, đã bị khuấy động ấy, vị ấy đã hiến cúng đại lễ tế thần Vājapeyya với sự tích lũy to lớn khổng lồ về lượng máu từ cần cổ của những con thú bị giết.
Tâu đại vương, việc xấu xa đã được làm bởi kẻ có tâm bị tán loạn trong thời hiện tại không phải là có tội lỗi nghiêm trọng, và tương tợ y như thế cũng không có quả thành tựu ở thời vị lai. Tâu đại vương, ở đây một kẻ điên khùng nào đó phạm vào tội đáng chết thì ngài sẽ giáng xuống kẻ đó hình phạt gì?”
4. “Thưa ngài Nāgasena, sẽ là hình phạt gì đối với kẻ điên khùng? Chúng tôi cho người đánh đập rồi bảo đuổi kẻ ấy đi; chính điều ấy là hình phạt đối với kẻ ấy.”
“Tâu đại vương, như thế cũng không có hình phạt trong việc phạm tội của kẻ điên khùng. Vì thế, trong việc đã làm của kẻ điên khùng thì không có sự sai trái, có thể tha thứ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị ẩn sĩ Lomasakassapa do việc nhìn thấy nàng Candavatī, con gái của đức vua, đã không còn có sự suy nghĩ, tâm bị tán loạn, bị luyến ái, có trạng thái không suy nghĩ, đã đi ra ngoài sự kiềm chế, vô cùng bối rối, vô cùng vội vã. Với tâm đã bị tán loạn, đã bị lay động, đã bị khuấy động ấy, vị ấy đã hiến cúng đại lễ tế thần Vājapeyya với sự tích lũy to lớn khổng lồ về lượng máu từ cần cổ của những con thú bị giết. Hơn nữa, đến khi đã có tâm trở lại bình thường, có trí nhớ đã được hồi phục, khi ấy (Lomasakassapa) sau khi xuất gia trở lại lần nữa, đã làm sanh khởi năm thắng trí, và đã đi đến cõi Phạm Thiên.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về Lomasakassapa là thứ năm.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến khi là voi chúa Chaddanta:[27] ‘Trong khi siết chặt (nghĩ rằng): Ta có thể hủy diệt gã này,’ con voi đã nhìn thấy tấm y ca-sa, biểu tượng của các vị ẩn sĩ. Con thú bị hành hạ đau khổ đã có ý tưởng sanh khởi rằng: Biểu tượng của các vị A-la-hán là cao quý, là hình bóng không thể bị hủy diệt.’
Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Trong khi là người thanh niên Bà-la-môn Jotipāla thì đã sỉ vả, đã chê bai đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác Kassapa bằng những lời nói vô lễ, thô lỗ nói là kẻ trọc đầu, nói là kẻ Sa-môn nhỏ nhoi.’
Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Bồ Tát trong khi là loài thú đã tôn kính tấm y ca-sa, như thế thì lời nói rằng: ‘Đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác Kassapa đã bị người thanh niên Bà-la-môn Jotipāla sỉ vả, chê bai bằng những lời nói vô lễ, thô lỗ nói là kẻ trọc đầu, nói là kẻ Sa-môn nhỏ nhoi’ là sai trái. Nếu đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác Kassapa đã bị người thanh niên Bà-la-môn Jotipāla sỉ vả, chê bai bằng những lời nói vô lễ, thô lỗ nói là kẻ trọc đầu, nói là kẻ Sa-môn nhỏ nhoi, như thế thì lời nói rằng: ‘Y ca-sa đã được tôn kính bởi voi chúa Chaddanta’ cũng là sai trái. Nếu đức Bồ Tát, lúc là loài thú, dẫu đang chịu đựng cảm thọ thô thiển, nhức nhối, đau đớn, cũng đã tôn kính tấm y ca-sa được kẻ thợ săn khoác lên, tại sao trong khi là loài người, có trí tuệ đã chín muồi, có sự hiểu biết đã chín muồi, sau khi nhìn thấy đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, đấng Thập Lực, vị Lãnh Đạo Thế Gian Kassapa, vô cùng nổi bật, có hào quang một sải tay rực sáng, bậc cao quý tối thượng đang khoác lên tấm y ca-sa vải xứ Kāsī cao quý và ưng ý thì đã không tôn kính? Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến khi là voi chúa Chaddanta: ‘Trong khi là người thanh niên Bà-la-môn Jotipāla thì đã sỉ vả, đã chê bai đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác Kassapa bằng những lời nói vô lễ, thô lỗ nói là kẻ trọc đầu, nói là kẻ Sa-môn nhỏ nhoi.’
Và đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác Kassapa đã bị người thanh niên Bà-la-môn Jotipāla sỉ vả, chê bai bằng những lời nói vô lễ, thô lỗ nói là kẻ trọc đầu, nói là kẻ Sa-môn nhỏ nhoi. Tuy nhiên, điều đó là do tác động của dòng dõi, do tác động của gia tộc. Tâu đại vương, thanh niên Bà-la-môn Jotipāla đã được sanh ra ở gia tộc không có đức tin, không có tịnh tín. Cha mẹ, anh chị em, và những người tôi trai, tớ gái, kẻ hầu, và tùy tùng của anh ta là những người thờ phụng đấng Brahmā, kính trọng đấng Brahmā. Họ (nghĩ rằng): ‘Chỉ có các vị Bà-la-môn là tối thượng, cao quý’ rồi chê trách, nhờm gớm các vị xuất gia còn lại. Thanh niên Bà-la-môn Jotipāla đã nghe điều ấy từ những người ấy, nên khi được người thợ làm đồ gốm Ghaṭīkāra mời mọc về việc diện kiến đấng Đạo Sư đã nói như vầy: ‘Cái gì với việc diện kiến vị Sa-môn nhỏ nhoi trọc đầu của ngươi?’
Tâu đại vương, giống như thuốc trường sanh sau khi đặt gần thuốc độc thì trở nên đắng. Và giống như nước mát sau khi để gần ngọn lửa thì trở nên nóng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế thanh niên Bà-la-môn Jotipāla đã được sanh ra ở gia tộc không có đức tin, không có tịnh tín; anh ta, sau khi trở nên mù quáng vì tác động của gia tộc, đã sỉ vả, đã chê bai đức Như Lai.
Tâu đại vương, giống như khối lửa lớn đã được đốt lên phát cháy, có ánh sáng, sau khi gặp nước thì trở nên có màu đen, mát lạnh, ánh sáng và sức nóng bị mất đi, tợ như trái cây nigguṇḍi đã được chín muồi. Tâu đại vương, tương tợ y như thế thanh niên Bà-la-môn Jotipāla có phước đức, có đức tin, có sự sáng láng bao la của trí tuệ, sau khi đã được sanh ra ở gia tộc không có đức tin, không có tịnh tín; anh ta, sau khi trở nên mù quáng vì tác động của gia tộc, đã sỉ vả, đã chê bai đức Như Lai, và sau khi đi đến gần và đã biết được ân đức của Phật thì đã trở thành như là người hầu, và sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, đã làm sanh khởi các thắng trí và các thiền chứng, rồi đã đi đến cõi Phạm Thiên.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về Chaddanta và Jotipāla là thứ sáu.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Căn nhà của người thợ gốm Ghaṭīkāra, có mái che là bầu trời, đã tồn tại suốt cả ba tháng, và đã không bị nước mưa.’ Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Cốc liêu của đức Như Lai Kassapa bị mưa dột.’ Thưa ngài Nāgasena, tại sao cốc liêu của đức Như Lai Kassapa, bậc có thiện căn đầy đủ như thế, lại bị mưa dột? Oai lực ấy của đức Như Lai là điều đáng được ao ước. Thưa ngài Nāgasena, nếu căn nhà của người thợ gốm Ghaṭīkāra, có mái che là bầu trời, đã không có mưa dột, như thế thì lời nói rằng: ‘Cốc liêu của đức Như Lai Kassapa bị mưa dột’ là sai trái. Nếu cốc liêu của đức Như Lai Kassapa bị mưa dột, như thế thì lời nói rằng: ‘Căn nhà của người thợ gốm Ghaṭīkāra, có mái che là bầu trời, đã không có mưa dột’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Căn nhà của người thợ gốm Ghaṭīkāra, có mái che là bầu trời, đã tồn tại suốt cả ba tháng, và đã không bị nước mưa.’ Và Ngài đã nói rằng: ‘Cốc liêu của đức Như Lai Kassapa bị mưa dột.’ Tâu đại vương, người thợ gốm Ghaṭīkāra là người có giới hạnh, có thiện pháp, có thiện căn đầy đủ, đang nuôi dưỡng cha mẹ mù lòa già yếu. (Các tỳ khưu) không có mặt của vị ấy, còn chưa có hỏi ý, đã lấy đi cỏ (lợp mái) ở nhà của vị ấy rồi che mái cho cốc liêu của đức Thế Tôn. Vị ấy, với việc lấy đi cỏ (lợp mái) ấy, đã đạt được niềm vui không bị lay chuyển, không bị dao động, khéo được ổn định, bao la, không thể sánh bằng, và còn làm sanh lên tâm hoan hỷ không thể ước lượng hơn thế nữa: ‘Ôi, quả nhiên đức Thế Tôn, bậc tối thượng ở thế gian, đã vô cùng tin tưởng ở ta!’ Do việc ấy, quả thành tựu hiện tiền đã sanh lên cho vị ấy. Tâu đại vương, bởi vì đức Như Lai không bị dao động vì chừng ấy sự xáo trộn.
Tâu đại vương, giống như núi chúa Sineru cũng không rúng động không dao động bởi sự dồn dập của hàng trăm ngàn cơn gió; đại dương, biển cả cao quý và ưu tú, cũng không tràn đầy, không đi đến sự xáo trộn vì hàng trăm vạn trăm ngàn con sông lớn. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai không bị dao động vì chừng ấy sự xáo trộn.
Tâu đại vương, hơn nữa về việc cốc liêu của đức Như Lai bị mưa dột, việc ấy là vì lòng thương tưởng đối với số đông nhân loại. Tâu đại vương, trong khi xem xét hai điều lợi ích này, các đức Như Lai không sử dụng vật thiết yếu được tự mình hóa hiện ra: -Chư Thiên và nhân loại (nghĩ rằng): ‘Bậc Đạo Sư này là bậc đáng cúng dường hạng nhất’ sẽ dâng cúng vật thiết yếu đến đức Thế Tôn và sẽ được hoàn toàn giải thoát khỏi mọi cảnh giới khổ đau -Chớ để những kẻ khác trách móc rằng: ‘Những vị này phô diễn điều kỳ diệu và tầm cầu sinh kế.’ Trong khi xem xét hai điều lợi ích này, các đức Như Lai không sử dụng vật thiết yếu được tự mình hóa hiện ra.
Tâu đại vương, nếu (Chúa Trời) Sakka hoặc đấng Brahmā, hoặc tự thân (đức Thế Tôn) làm cho cốc liêu ấy hết mưa dột thì có thể có điều đáng nói; chính việc làm ấy là có sự sai trái, có sự khiển trách rằng: ‘Những người này gây ra chuyện rồi mê hoặc thế gian, làm việc có tính chất dư thừa.’ Do đó, việc làm ấy là đáng bị chê trách. Tâu đại vương, các đức Như Lai không cầu xin vật chất. Do việc không cầu xin vật chất ấy, các Ngài không đáng bị quở trách.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về Ghaṭīkāra là thứ bảy.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin.’ Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Ta là đức vua Sela.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Ta là đức vua Sela’ là sai trái. Nếu điều đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Ta là đức vua Sela,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin’ cũng là sai trái. Bởi vì chỉ có thể hoặc là Sát-đế-lỵ hoặc là Bà-la-môn, nghĩa là không thể có hai giai cấp cho một lần sanh ra. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin.’ Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Ta là đức vua Sela.’ Ở đây có lý do, mà với lý do ấy đức Như Lai vừa là vị Bà-la-môn vừa là vua.”
“Thưa ngài Nāgasena, vậy thì lý do ấy là gì, mà với lý do ấy đức Như Lai vừa là vị Bà-la-môn vừa là vua?”
“Tâu đại vương, tất cả các ác bất thiện pháp của đức Như Lai đã được lánh xa, đã được dứt bỏ, đã được xa lìa, đã được dứt lìa, đã được chặt đứt, đã đi đến sự cạn kiệt, đã được diệt tắt, đã được an tịnh, vì thế đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’
Bà-là-môn nghĩa là đã vượt qua sự nghi ngờ, phân vân, lưỡng lự. Tâu đại vương, đức thế Tôn cũng đã vượt qua sự nghi ngờ, phân vân, lưỡng lự. Vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’
Bà-là-môn nghĩa là đã lìa khỏi tất cả các nguồn gốc đưa đến hữu và cảnh giới tái sanh, đã thoát ra khỏi việc bị dính líu đến ô nhiễm và bụi bặm, không có bạn đồng hành. Tâu đại vương, đức thế Tôn cũng đã lìa khỏi tất cả các nguồn gốc đưa đến hữu và cảnh giới tái sanh, đã thoát ra khỏi việc bị dính líu đến ô nhiễm và bụi bặm, không có bạn đồng hành. Vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’
3. Bà-là-môn nghĩa là có nhiều sự an trú cao cả, tối thượng, cao quý, ưu tú thuộc về cõi trời. Tâu đại vương, đức thế Tôn cũng có nhiều sự an trú cao cả, tối thượng, cao quý, ưu tú thuộc về cõi trời. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’
Bà-là-môn nghĩa là người duy trì dòng dõi về sự chỉ dạy và truyền thống trước đây về việc học thuộc lòng, giảng dạy, tiếp nhận vật thí, rèn luyện, thu thúc, và kiềm chế. Tâu đại vương, đức thế Tôn cũng là người duy trì dòng dõi về sự chỉ dạy và truyền thống đã được thực hành bởi các đấng Chiến Thắng trước đây về việc học thuộc lòng, giảng dạy, tiếp nhận vật thí, rèn luyện, thu thúc, và kiềm chế. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’
Bà-là-môn nghĩa là vị có sự tham thiền về thiền có sự trú vào lạc bao la. Tâu đại vương, đức thế Tôn cũng là vị có sự tham thiền về thiền có sự trú vào lạc bao la. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’
Bà-là-môn nghĩa là vị biết sự vận hành và chọn lựa việc tái sanh ở tất cả các cảnh giới hữu và phi hữu. Tâu đại vương, đức thế Tôn cũng là vị biết sự vận hành và chọn lựa việc tái sanh ở tất cả các cảnh giới hữu và phi hữu. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’
Tâu đại vương, tên gọi ‘Bà-là-môn’ này của đức Thế Tôn không do mẹ tạo ra, không do cha tạo ra, không do anh trai tạo ra, không do chị gái tạo ra, không do các bạn bè thân hữu tạo ra, không do các thân quyến cùng huyết thống tạo ra, không do các Sa-môn và Bà-la-môn tạo ra, không do chư Thiên tạo ra. Tên gọi này của chư Phật Thế Tôn liên quan đến mốc cuối cùng của sự giải thoát, cùng với sự đạt được trí Toàn Tri sau khi tiêu diệt đạo binh của Ma Vương ở ngay dưới cội cây Bồ Đề, sau khi lánh xa các ác bất thiện pháp thuộc quá khứ, hiện tại, và vị lai, là sự xác định thực tế về việc đã đạt được, đã được hiển lộ, đã được sanh khởi, tức là ‘Bà-là-môn.’ Vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’”
4. “Thưa ngài Nāgasena, vậy thì với lý do gì đức Như Lai được gọi là ‘Vua’?”
“Tâu đại vương, vua nghĩa là người nào cai trị vương quốc, chỉ dạy thế gian. Tâu đại vương, đức Thế Tôn cũng cai trị vương quốc bằng Giáo Pháp ở mười ngàn thế giới, chỉ dạy thế gian tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến loài người luôn cả các vị Sa-môn và Bà-la-môn. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Vua.’
Tâu đại vương, vua nghĩa là sau khi chế ngự toàn bộ dân chúng loài người, trong khi làm hoan hỷ tập thể thân quyến, trong khi gây sầu muộn cho tập thể kẻ thù, rồi cho giương lên chiếc lọng che màu trắng tinh khiết là vật đem lại danh vọng và vinh quang lớn lao vĩ đại, có thanh cầm bằng lõi cây cứng chắc, được trang hoàng với một trăm thanh nan không thiếu sót. Tâu đại vương, đức Thế Tôn trong khi gây sầu muộn cho đội binh của Ma Vương có sự thực hành sai trái, trong khi làm hoan hỷ chư thiên và nhân loại có sự thực hành đúng đắn, cũng cho giương lên ở mười ngàn thế giới chiếc lọng che màu trắng tinh khiết của sự giải thoát cao cả quý báu, là vật đem lại danh vọng và vinh quang lớn lao vĩ đại, có thanh cầm bằng lõi cây cứng chắc là sự nhẫn nại, được trang hoàng với một trăm thanh nan trí tuệ cao quý. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Vua.’
Tâu đại vương, vua nghĩa là vị đáng được đảnh lễ bởi số đông dân chúng đã đi đến và gặp gỡ. Tâu đại vương, đức Thế Tôn cũng là vị đáng được đảnh lễ bởi số đông chư Thiên và nhân loại đã đi đến và gặp gỡ. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Vua.’
Tâu đại vương, vua nghĩa là đối với người nào có sự ra sức thì tin tưởng, ban cho ân huệ đã chọn lựa, và làm thỏa mãn theo như ước muốn. Tâu đại vương, đức Thế Tôn đối với người nào có sự ra sức về thân, về khẩu, về ý, thì cũng tin tưởng, ban cho ân huệ vô thượng đã chọn lựa là sự giải thoát hoàn toàn mọi sự khổ đau, và làm thỏa mãn trọn vẹn ân huệ theo như ước muốn. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Vua.’
Tâu đại vương, vua nghĩa là đối với kẻ chống lại mệnh lệnh thì quở trách, loại trừ, tiêu diệt. Tâu đại vương, trong Giáo Pháp cao quý của đức Thế Tôn, kẻ vô liêm sỉ vượt qua sự quy định cũng bị chê bai, khinh miệt, khiển trách vì tình trạng yếu hèn và bị loại ra khỏi Giáo Pháp cao quý của đấng Chiến Thắng. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Vua.’
Tâu đại vương, vua nghĩa là sau khi giảng giải về đúng pháp và sai pháp theo truyền thống và sự chỉ dạy của các vị vua chính trực trước đây, trong khi cai quản vương quốc một cách chính trực thì trở thành vị được ước muốn, được yêu mến, được mong cầu đối với dân chúng và loài người, rồi duy trì dòng dõi hoàng tộc lâu dài nhờ vào năng lực và ân đức của sự chính trực. Tâu đại vương, đức Thế Tôn sau khi cũng giảng giải về đúng pháp và sai pháp theo truyền thống và sự chỉ dạy của các đấng Tự Chủ trước đây, trong khi chỉ dạy thế gian đúng theo Pháp thì sẽ trở thành vị được ước muốn, được yêu mến, được mong cầu đối với chư Thiên và nhân loại, rồi chuyển vận Giáo Pháp lâu dài nhờ vào năng lực và ân đức của Pháp bảo. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Vua.’
Tâu đại vương, như vậy lý do có nhiều loại, mà với lý do ấy đức Như Lai có thể vừa là Bà-la-môn có thể vừa là vua. Vị tỳ khưu vô cùng khôn khéo cũng không có thể thành tựu được việc ấy cho dầu là một kiếp. Có ích gì với việc nói quá nhiều, điều khái quát nên được chấp nhận.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về lời nói là Bà-la-môn và là vua là thứ tám.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
‘(Vật thực do) việc ngâm nga các bài kệ sẽ không được Ta thọ dụng. Này Bà-la-môn, đối với những vị đang xem xét thì việc ấy không phải là Pháp. Chư Phật khước từ việc ngâm nga các bài kệ. Này Bà-la-môn, việc ấy là cách hành xử khi Giáo Pháp hiện hữu.’
Và thêm nữa, đức Thế Tôn trong khi thuyết giảng Giáo Pháp có phương pháp, trong khi giảng giải theo thứ lớp, trước tiên hết giảng giải bài thuyết về bố thí, kế đến là bài thuyết về giới. Sau khi lắng nghe lời giảng giải của đức Thế Tôn ấy, vị chúa tể của tất cả các thế giới, chư Thiên và nhân loại chuẩn bị và dâng cúng vật thí. Vật thí ấy đã được gởi đến cho Ngài và các đệ tử thọ dụng.
Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘(Vật thực do) việc ngâm nga các bài kệ sẽ không được Ta thọ dụng,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Đức Thế Tôn giảng giải bài thuyết về bố thí trước tiên’ là sai trái. Nếu Ngài giảng giải bài thuyết về bố thí trước tiên, như thế thì lời nói rằng: ‘(Vật thực do) việc ngâm nga các bài kệ sẽ không được Ta thọ dụng’ cũng là sai trái. Vì lý do gì? Thưa ngài, vị nào đó, là bậc xứng đáng cúng dường, giảng giải cho hàng tại gia bài thuyết về quả thành tựu của việc bố thí vật thực, sau khi lắng nghe bài giảng về Giáo Pháp của vị ấy, họ có tâm tịnh tín rồi liên tục dâng cúng vật thí. Các vị nào thọ dụng vật thí ấy, tất cả các vị ấy thọ dụng (vật thực do) việc ngâm nga các bài kệ. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, khôn khéo, thâm sâu, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
‘(Vật thực do) việc ngâm nga các bài kệ sẽ không được Ta thọ dụng. Này Bà-la-môn, đối với những vị đang xem xét thì việc ấy không phải là Pháp. Chư Phật khước từ việc ngâm nga các bài kệ. Này Bà-la-môn, việc ấy là cách hành xử khi Giáo Pháp hiện hữu.’
Và đức Thế Tôn giảng giải bài thuyết về bố thí trước tiên. Hơn nữa, điều ấy là việc làm của tất cả các đức Như Lai, trước hết bằng bài thuyết về bố thí, các Ngài làm cho tâm (người nghe) được thích thú vào việc ấy, sau đó khiến cho (người nghe) gắn bó vào giới. Tâu đại vương, giống như đối với những đứa trẻ còn nhỏ, người ta trước tiên hết cho chúng những món đồ chơi, như là móc câu, gậy ngắn, cối xay, vật đong đo, xe kéo, cây cung, sau đó gắn bó chúng theo hành động của mỗi đứa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức như Lai trước tiên hết làm cho tâm (người nghe) được thích thú bằng bài thuyết về bố thí sau đó khiến cho (người nghe) gắn bó vào giới.
Tâu đại vương, hoặc là giống như người thầy thuốc đối với những người bệnh, trước tiên hết cho uống dầu bốn năm ngày để tạo ra sức mạnh để làm cho mềm, sau đó cho thuốc xổ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức như Lai trước hết làm cho tâm được thích thú bằng bài thuyết về bố thí sau đó khiến cho gắn bó vào giới.
Tâu đại vương, tâm của những người bố thí, của những thí chủ là nhu thuận, dịu dàng, mềm mại. Nhờ cây cầu và đường đi của việc bố thí ấy, những người ấy tiến đến gần bờ bên kia của biển cả luân hồi nhờ vào con thuyền của sự bố thí. Do đó, đối với những người ấy trước hết Ngài chỉ dạy về nền tảng của nghiệp, nhưng không vì điều ấy mà phạm vào sự yêu cầu.”
3. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là ‘yêu cầu,’ vậy thì các sự yêu cầu ấy có bao nhiêu loại?”
4. “Tâu đại vương, đây là hai sự yêu cầu: Yêu cầu bằng thân và yêu cầu bằng khẩu. Trong trường hợp ấy, có sự yêu cầu bằng thân là có tội, có sự yêu cầu bằng thân là không có tội; có sự yêu cầu bằng khẩu là có tội, có sự yêu cầu bằng khẩu là không có tội. Sự yêu cầu bằng thân nào là có tội? Ở đây, một vị tỳ khưu nào đó đi đến các gia đình, đứng ở chỗ không thích hợp, rồi đứng lì tại chỗ; đây là sự yêu cầu bằng thân có tội. Các bậc Thánh không thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy bị chê bai, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến, bị xem là ‘có sự nuôi mạng bị hư hỏng.’
Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, ở đây một vị tỳ khưu nào đó đi đến các gia đình, đứng ở chỗ không thích hợp, nhướng cổ, nhìn soi mói với cái nhìn của loài công (nghĩ rằng): ‘Như vậy thì những người này sẽ nhìn thấy.’ Và do việc ấy, những người ấy nhìn thấy; đây là sự yêu cầu bằng thân có tội. Các bậc Thánh không thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy bị chê bai, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến, bị xem là ‘có sự nuôi mạng bị hư hỏng.’
Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, ở đây một vị tỳ khưu nào đó yêu cầu bằng quai hàm, hoặc bằng lông mày, hoặc bằng ngón cái; đây là sự yêu cầu bằng thân có tội. Các bậc Thánh không thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy bị chê bai, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến, bị xem là ‘có sự nuôi mạng bị hư hỏng.’
Sự yêu cầu bằng thân nào là không có tội? Ở đây, một vị tỳ khưu nào đó đi đến các gia đình, có niệm, được định tĩnh, có sự tỉnh giác, đi đến chỗ đứng cũng như ở nơi không phải chỗ đứng theo lời chỉ dạy, rồi đứng tại chỗ, ở những người có ý định bố thí thì đứng (chờ), ở những người không có ý định bố thí thì bước đi; đây là sự yêu cầu bằng thân không có tội. Các bậc Thánh thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy được khen ngợi, được ca tụng, được tán dương, được xem là ‘có hạnh giảm thiểu, có sự nuôi mạng trong sạch.’
Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:
‘Các bậc có trí tuệ không cầu xin, các bậc Thánh chê trách việc cầu xin. Các bậc Thánh đứng theo quy định, việc ấy là sự cầu xin của các bậc Thánh.’
5. Sự yêu cầu bằng khẩu nào là có tội? Tâu đại vương, ở đây vị tỳ khưu yêu cầu các vật dụng là y, vật thực, chỗ ngụ, và thuốc men chữa bệnh bằng lời nói theo nhiều cách; đây là sự yêu cầu bằng khẩu có tội. Các bậc Thánh không thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy bị chê bai, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến, bị xem là ‘có sự nuôi mạng bị hư hỏng.’
Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, ở đây một vị tỳ khưu nào đó nói như vậy khiến cho những người khác nghe được: ‘Tôi có sự cần dùng với vật này.’ Và do lời nói ấy, do việc làm cho những người khác nghe được, lợi lộc phát sanh đến vị ấy; đây là sự yêu cầu bằng khẩu có tội. Các bậc Thánh không thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy bị chê bai, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến, bị xem là ‘có sự nuôi mạng bị hư hỏng.’
Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, ở đây một vị tỳ khưu nào đó thông báo cho hội chúng với việc loan tin bằng khẩu rằng: ‘Nên dâng cúng vật như vầy và như vầy đến các vị tỳ khưu.’ Và do việc ấy, những người ấy nghe theo lời nói rồi mang lại vật đã được thông báo; đây là sự yêu cầu bằng khẩu có tội. Các bậc Thánh không thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy bị chê bai, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến, bị xem là ‘có sự nuôi mạng bị hư hỏng.’
Tâu đại vương, quả là trưởng lão Sāriputta, trong lúc bị bệnh vào ban đêm khi mặt trời đã lặn, trong khi được trưởng lão Mahāmoggallāna hỏi về thuốc chữa bệnh, đã nói ra lời. Do việc nói ra lời ấy của vị ấy, thuốc chữa bệnh đã phát sanh. Rồi trưởng lão Sāriputta (nghĩ rằng): ‘Do việc nói ra lời của ta mà thuốc chữa bệnh này đã được phát sanh. Chớ để cho sự nuôi mạng của ta bị hư hỏng,’ do sự lo âu về việc làm hư hỏng sự nuôi mạng nên đã từ chối, đã không sử dụng thuốc chữa bệnh ấy. Sự yêu cầu bằng khẩu như vậy cũng có tội. Các bậc Thánh không thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy bị chê bai, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến, bị xem là ‘có sự nuôi mạng bị hư hỏng.’
6. Sự yêu cầu bằng khẩu nào là không có tội? Tâu đại vương, ở đây vị tỳ khưu khi có duyên cớ rồi yêu cầu thuốc chữa bệnh ở các gia đình đã được thỉnh cầu và ở thân quyến; đây là sự yêu cầu bằng khẩu không có tội. Các bậc Thánh thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy được khen ngợi, được ca tụng, được tán dương, được xem là ‘có hạnh giảm thiểu, có sự nuôi mạng được trong sạch,’ và được cho phép bởi các đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác.
Tâu đại vương, trái lại việc đức Như Lai đã từ chối bữa ăn của Bà-la-môn Kasībhāradvāja, bữa ăn ấy được phát sanh do việc gây rối, việc tháo gỡ, việc lôi kéo, việc phê bình, và việc công kích. Do đó, đức Như Lai đã khước từ, đã không sử dụng phần vật thực ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải chư Thiên luôn luôn rắc dưỡng chất của cõi trời vào bình bát trong lúc đức Như Lai đang thọ thực, hay là đã rắc vào ở hai món là ở món thịt lợn rừng và ở món cơm sữa ngọt mà thôi?”
“Tâu đại vương, trong lúc đức Như Lai thọ thực chư Thiên luôn luôn cầm lấy dưỡng chất của cõi trời, đứng gần bên, rồi rắc vào những nắm cơm mỗi một lúc được đưa lên (miệng). Tâu đại vương, giống như trong lúc đức vua đang ăn, người đầu bếp của vua cầm lấy món xúp, đứng gần bên, rồi rưới xúp vào mỗi một nắm cơm. Tâu đại vương, tương tợ y như thế trong lúc đức Như Lai thọ thực chư Thiên luôn luôn cầm lấy dưỡng chất của cõi trời, đứng gần bên, rồi rắc vào những nắm cơm mỗi một lúc được đưa lên (miệng).
Tâu đại vương, thậm chí ở Verañjā trong lúc đức Như Lai đang thọ thực những hạt lúa mạch khô khan, chư Thiên cũng tuần tự tẩm ướt (chúng) với dưỡng chất của cõi trời rồi đem lại. Nhờ thế, cơ thể của đức Như Lai đã được bồi bổ.”
“Thưa ngài Nāgasena, thật là điều lợi ích đối với chư Thiên ấy, là các vị đã thường xuyên, liên tục thể hiện sự nỗ lực trong việc chăm sóc thân thể của đức Như Lai. Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi giảng về vật thực do việc ngâm nga các bài kệ là thứ chín.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Trong khoảng thời gian bốn a-tăng-kỳ kiếp và một trăm ngàn kiếp, đức Như Lai đã làm cho trí Toàn Tri được chín muồi nhằm tế độ đám đông dân chúng.’ Và thêm nữa: ‘Tâm của vị đạt đến phẩm vị Toàn Tri đã thiên về sự không nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.’
Thưa ngài Nāgasena, giống như viên xạ thủ, hoặc các học trò của viên xạ thủ, sau khi học tập thuật bắn cung vì mục đích chiến trận trong nhiều ngày, đến khi cuộc chiến đấu lớn xảy ra thì có thể thối lui. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế trong khoảng thời gian bốn a-tăng-kỳ kiếp và một trăm ngàn kiếp, đức Như Lai đã làm cho trí Toàn Tri được chín muồi nhằm tế độ đám đông dân chúng, nhưng khi đã đạt đến phẩm vị Toàn Tri thì Ngài đã thối lui trong việc thuyết giảng Giáo Pháp.
Thưa ngài Nāgasena, hoặc là giống như người võ sĩ đấu vật, hoặc các học trò của người võ sĩ đấu vật, sau khi học tập thuật đấu vật trong nhiều ngày, đến khi trận đấu lớn xảy ra thì có thể thối lui. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế trong khoảng thời gian bốn a-tăng-kỳ kiếp và một trăm ngàn kiếp, đức Như Lai đã làm cho trí Toàn Tri được chín muồi nhằm tế độ đám đông dân chúng, nhưng khi đã đạt đến phẩm vị Toàn Tri thì Ngài đã thối lui trong việc thuyết giảng Giáo Pháp.
2. Thưa ngài Nāgasena, phải chăng đức Như Lai đã thối lui vì sợ hãi? Hay đã thối lui vì chưa được rành rẽ? Hay đã thối lui vì năng lực yếu kém? Hay đã thối lui vì chưa phải phẩm vị Toàn Tri? Ở đây, điều gì là lý do? Nào, xin ngài hãy nói cho trẫm lý do nhằm vượt qua nỗi nghi hoặc.
Thưa ngài Nāgasena, nếu trong khoảng thời gian bốn a-tăng-kỳ kiếp và một trăm ngàn kiếp, đức Như Lai đã làm cho trí Toàn Tri được chín muồi nhằm tế độ đám đông dân chúng, như thế thì lời nói rằng: ‘Tâm của vị đạt đến phẩm vị Toàn Tri đã thiên về sự không nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp’ là sai trái. Nếu tâm của vị đạt đến phẩm vị Toàn Tri đã thiên về sự không nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp, như thế thì lời nói rằng: ‘Trong khoảng thời gian bốn a-tăng-kỳ kiếp và một trăm ngàn kiếp, đức Như Lai đã làm cho trí Toàn Tri được chín muồi nhằm tế độ đám đông dân chúng’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, thâm sâu, khó tháo gỡ, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
3. “Tâu đại vương, trong khoảng thời gian bốn a-tăng-kỳ kiếp và một trăm ngàn kiếp, trí Toàn Tri đã được đức Như Lai làm cho chín muồi nhằm tế độ đám đông dân chúng. Và tâm của vị đạt đến trí Toàn Tri đã thiên về sự không nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp. Vả lại, sau khi nhìn thấy tính chất thâm sâu, khôn khéo, khó thấy, khó giác ngộ, tinh vi, khó thấu triệt của Giáo Pháp, trạng thái ham thích tiềm ẩn của chúng sanh, và tính chất bám víu cứng nhắc vào quan điểm của chính mình, (thì nghĩ rằng): ‘(Thuyết giảng) về cái gì? Bằng cách nào?’ và tâm đã thiên về sự không nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp. Điều này chính là sự suy nghĩ và tâm ý về việc giác ngộ của chúng sanh.
Tâu đại vương, giống như người thầy thuốc phẫu thuật, sau khi đi đến gặp người bị hành hạ bởi nhiều căn bệnh, thì suy nghĩ như vầy: ‘Bằng cách thức gì, hoặc với phương thuốc nào thì căn bệnh của người này có thể được lắng xuống?’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với đức Như Lai, sau khi nhìn thấy loài người bị hành hạ bởi mọi căn bệnh phiền não và tính chất thâm sâu, khôn khéo, khó thấy, khó giác ngộ, tinh vi, khó thấu triệt của Giáo Pháp, (thì nghĩ rằng): ‘(Thuyết giảng) về cái gì? Bằng cách nào?’ và tâm đã thiên về sự không nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp. Điều này chính là sự suy nghĩ và tâm ý về việc giác ngộ của chúng sanh.
4. Tâu đại vương, giống như đối với đức vua dòng Sát-đế-lỵ đã được rưới nước thơm ở đầu (làm lễ phong vương), sau khi nhìn thấy những người giữ cổng, lính gác, quần thần, thị dân, nhân công, binh lính, quan đại thần, hoàng tộc, và thuộc hạ thì có thể khởi tâm như vầy: ‘Trẫm sẽ hậu đãi cái gì cho những người này? Bằng cách nào?’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với đức Như Lai, sau khi nhìn thấy tính chất thâm sâu, khôn khéo, khó thấy, khó giác ngộ, tinh vi, khó thấu triệt của Giáo Pháp, trạng thái ham thích tiềm ẩn của chúng sanh, và tính chất bám víu cứng nhắc vào quan điểm của chính mình, (thì nghĩ rằng): ‘(Thuyết giảng) về cái gì? Bằng cách nào?’ và tâm đã thiên về sự không nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp. Sự suy nghĩ và tâm ý về việc giác ngộ của chúng sanh chính là điều này.
5. Tâu đại vương, thêm nữa điều này là quy luật của các đức Như Lai, là việc các Ngài thuyết giảng Giáo Pháp khi được Phạm Thiên thỉnh cầu. Vậy trong trường hợp ấy, điều gì là lý do? Vào lúc bấy giờ, tất cả các vị đạo sĩ khổ hạnh, du sĩ, Sa-môn, Bà-la-môn là những người thờ phụng đấng Brahmā, kính trọng đấng Brahmā, nương tựa đấng Brahmā. Do đó, (nghĩ rằng): ‘Với sự hạ mình của vị (Brahmā) có năng lực, có danh vọng, được biết tiếng, được nổi tiếng, hơn hẳn, được vượt trội ấy, thì thế gian luôn cả chư Thiên sẽ hạ mình, sẽ tin tưởng, sẽ quy thuận (Ta).’ Tâu đại vương, và vì lý do này mà đức Như Lai thuyết giảng Giáo Pháp khi được Phạm Thiên thỉnh cầu.
Tâu đại vương, giống như vị vua nào đó, hoặc quan đại thần của vị vua, hạ mình, thể hiện sự cung kính đối với người nào, do sự hạ mình của vị ấy đối với người có năng lực trội hơn, mà số dân chúng còn lại hạ mình, thể hiện sự cung kính. Tâu đại vương, tương tợ y như thế khi Phạm Thiên hạ mình đối với các đức Như Lai thì thế gian luôn cả chư Thiên sẽ hạ mình. Tâu đại vương, thế gian tôn vinh bậc đã được tôn vinh. Do đó, vị Phạm Thiên ấy thỉnh cầu tất cả các đức Như Lai về việc thuyết giảng Giáo Pháp. Và vì lý do ấy, các đức Như Lai thuyết giảng Giáo Pháp khi được Phạm Thiên thỉnh cầu.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Câu hỏi đã khéo được tháo gỡ, việc giải thích thật là tuyệt hảo. Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về trạng thái không nỗ lực trong việc thuyết giảng Giáo Pháp của đức Thế Tôn là thứ mười.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
‘Không có ai là thầy của ta, người tương đương với ta không tìm thấy. Ở thế gian luôn cả cõi trời, không có ai là đối thủ của ta.’
Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, như vậy Āḷāra Kālāma, trong khi đang là thầy của Ta, đã đặt Ta, đang là người đệ tử, ngang hàng với mình, và đã tôn vinh Ta với sự tôn vinh tột bực.’
Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Không có ai là thầy của ta, người tương đương với ta không tìm thấy,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, như vậy Āḷāra Kālāma, trong khi đang là thầy của Ta, đã đặt Ta, đang là người đệ tử, ngang hàng với mình’ là sai trái. Nếu điều đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Này các tỳ khưu, như vậy Āḷāra Kālāma, trong khi đang là thầy của Ta, đã đặt Ta, đang là người đệ tử, ngang hàng với mình,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Không có ai là thầy của ta, người tương đương với ta không tìm thấy’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
‘Không có ai là thầy của ta, người tương đương với ta không tìm thấy. Ở thế gian luôn cả cõi trời, không có ai là đối thủ của ta.’
Và Ngài đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, như vậy Āḷāra Kālāma, trong khi đang là thầy của Ta, đã đặt Ta, đang là người đệ tử, ngang hàng với mình, và đã tôn vinh Ta với sự tôn vinh tột bực.’ Tuy nhiên, lời nói ấy đã được nói liên quan đến bản thân vị thầy của chính đức Bồ Tát lúc chưa là bậc Chánh Đẳng Giác, trước khi giác ngộ.
Tâu đại vương, năm vị này là những người thầy của đức Bồ Tát lúc chưa là bậc Chánh Đẳng Giác, trước khi giác ngộ. Được chỉ dạy bởi những vị này, đức Bồ Tát đã trải qua ở nơi kia ở nơi nọ. Năm vị nào?
Tâu đại vương, khi đức Bồ Tát ở giai đoạn đã được sanh ra, các vị ấy là tám vị Bà-la-môn đã xét đoán các tướng tốt, tức là các vị Rāma, Dhaja, Lakkhaṇa, Mantī, Yañña, Suyāma, Subhoja, Sudatta. Các vị ấy đã tuyên bố về điềm lành của đức Bồ Tát và đã thực hiện công việc bảo hộ; các vị ấy là những vị thầy đầu tiên.
Tâu đại vương, còn có vị khác nữa là vị Bà-la-môn tên Sabbamitta, được sanh ra ở nơi quý phái, cao thượng, có dòng dõi, biết về cú pháp, về văn phạm, có sáu chi phần (của kinh Vệ Đà). Vào lúc bấy giờ, người cha của đức Bồ Tát, đức vua Suddhodana, sau khi rước về đã rưới nước với chiếc bình vàng, rồi đã trao cho (nói rằng): ‘Hãy cho đứa bé trai này học tập;’ đây là vị thầy thứ nhì.
Tâu đại vương, còn có vị khác nữa là vị Thiên nhân đã khiến cho đức Bồ Tát chấn động tâm. Sau khi lắng nghe lời nói của vị ấy, đức Bồ Tát đã bị chấn động, kinh hoàng, rồi vào chính thời khắc ấy đã ra đi xuất ly và đã xuất gia; đây là vị thầy thứ ba.
Tâu đại vương, còn có vị khác nữa là Āḷāra Kālāma; đây là vị thầy thứ tư.
Tâu đại vương, còn có vị khác nữa là Uddaka Rāmaputta; đây là vị thầy thứ năm.
Tâu đại vương, đây là năm vị thầy của đức Bồ Tát lúc chưa là bậc Chánh Đẳng Giác, trước khi giác ngộ. Tuy nhiên, các vị này là những người thầy về pháp thế gian. Tâu đại vương, trái lại trong việc thấu triệt trí Toàn Tri về các pháp xuất thế gian này, thì không có vị hướng dẫn nào trội hơn đức Như Lai. Tâu đại vương, đức Như Lai là đấng Tự Chủ, bậc không có thầy.
Bởi lý do ấy, đức Như Lai đã nói rằng:
‘Không có ai là thầy của ta, người tương đương với ta không tìm thấy. Ở thế gian luôn cả cõi trời, không có ai là đối thủ của ta.’”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về trạng thái không có thầy của vị thầy là thứ mười một.
Phẩm Thân Thiết là thứ năm.
(Trong phẩm này có mười một câu hỏi)
CÁC CÂU HỎI ĐỐI CHỌI ĐƯỢC ĐẦY ĐỦ.
--ooOoo--
[1] ‘Tự kết liễu’ là đã được dịch thoát. Từ Pāli pāteti có ý nghĩa là ‘làm cho rơi, lao xuống.’
[2] Một số hành phạt đã được phỏng đoán (ND).
[3] Suvaṇṇasāmajātakaṃ - Bổn sanh 540.
[4] Ambajātakaṃ - Bổn sanh 474.
[5] Dummedhajātakaṃ - Bổn sanh 122.
[6] Māhākapijātakaṃ - Bổn sanh 516.
[7] Chaddantajātakaṃ - Bổn sanh 514.
[8] Cetiyajātakaṃ - Bổn sanh 422.
[9] Sīlavanāgajātakaṃ - Bổn sanh 72.
[10] Sabbadāṭhajātakaṃ - Bổn sanh 241.
[11] Laṭukikajātakaṃ - Bổn sanh 357.
[12] Dhammajātakaṃ - Bổn sanh 457.
[13] Samuddavaṇijajātakaṃ - Bổn sanh 466.
[14] Apaṇṇakajātakaṃ - Bổn sanh 01.
[15] Nigrodhamigajātakaṃ - Bổn sanh 12.
[16] Nigrodhajātakaṃ - Bổn sanh 445.
[17] Khaṇḍahālajātakaṃ - Bổn sanh 542.
[18] Mahāpadumajātakaṃ - Bổn sanh 472.
[19] Cūḷadhammapālajātakaṃ - Bổn sanh 358.
[20] Bālapaṇḍitasuttaṃ - Kinh Hiền Ngu, Trung Bộ tập 3, bài 129.
[21] 57 koṭi và 60 trăm ngàn năm.
[22] Suttanipātapāḷi - Kinh Tập, TTPV 29, trang 65, câu kệ 209.
[23] Tiểu Phẩm tập 2, Tạng Luật, TTPV 07, trang 133.
[24] Soṇakajātakaṃ và Saṃkiccajātakaṃ - Bổn Sanh 429 và Bổn Sanh 430.
[25] Cūḷahaṃsajātakaṃ - Bổn Sanh 433.
[26] Sayhajātakaṃ - Bổn sanh 310.
[27] Chaddantajātakaṃ - Bổn sanh 514.
| 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 |