TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 45
MILINDA VẤN ĐẠO
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
“Là người hiểu biết về tranh luận, biết cách biện luận, rất thông minh, sắc sảo, Milinda đã đến gặp Nāgasena nhằm phân tích về trí tuệ.
Trong khi sống dưới bóng che của vị ấy, trong khi hỏi đi hỏi lại, sau khi trí thông minh đã được mở ra, đức vua cũng đã trở thành vị thông hiểu Tam Tạng.
Sau khi đã đi đến nơi thanh vắng, trong khi suy gẫm về chín thể loại trọn đêm, đức vua đã nhận thấy những câu hỏi khó tháo gỡ, có sự bắt bẻ.
Trong Giáo Pháp của đấng Pháp Vương, có lời nói có tính giảng giải, có lời nói về sự liên hệ, có lời nói về bản chất.
Do không hiểu được ý nghĩa của chúng, về những vấn đề đối chọi trong lời dạy của đấng Chiến Thắng, vào thời vị lai xa xôi, sẽ có sự tranh cãi về chúng.
Vậy thì sau khi đã có niềm tin vào vị thuyết giảng, ta sẽ khiến cho các vấn đề đối chọi được chia chẻ. Trong ngày vị lai, người ta sẽ giải thích theo đường lối đã được giải thích của vị ấy.”
1. Sau đó, lúc đêm đã tỏ bình minh đã rạng, đức vua Milinda đã gội đầu, chắp tay lên ở trán, tưởng niệm đến chư Phật Toàn Giác quá khứ vị lai và hiện tại, đã thọ trì tám phận sự hành trì rằng: “Từ hôm nay cho đến bảy ngày sắp tới của trẫm, trẫm sẽ thọ trì tám đức tính, sẽ thực hành pháp đạo sĩ. Trong khi có pháp đạo sĩ đã được hoàn thành, trẫm đây sẽ làm cho vị thầy dạy học được hài lòng và sẽ hỏi các câu hỏi có tính chất đối chọi.” Sau đó, đức vua Milinda đã bỏ đi cặp vải thường nhật, đã cởi ra các đồ trang sức, rồi mặc vào tấm vải ca-sa, buộc búi tóc của người tu ở trên đầu, đạt đến trạng thái của vị hiền sĩ, và thọ trì tám đức hạnh là: “Bảy ngày này, trẫm không chỉ bảo công việc triều chính, không sanh khởi tâm liên hệ dến ái luyến, không sanh khởi tâm liên hệ với sân hận, không sanh khởi tâm liên hệ đến si mê, có lối cư xử nhã nhặn với kẻ nô bộc, người làm, người hầu hạ, hộ trì thân khẩu, hộ trì toàn diện luôn cả sáu xứ, hướng tâm vào việc tu tập từ ái.” Rồi đức vua đã thọ trì tám đức hạnh này, đã thiết lập tâm ý vào chính tám đức hạnh ấy, đã không đi ra bên ngoài, và đã trải qua bảy ngày. Vào ngày thứ tám, khi đêm đã tỏ, sau khi dùng buổi điểm tâm rất sớm, đức vua Milinda, với mắt nhìn xuống, với lời nói cân nhắc, với bốn oai nghi khéo được ổn định, với tâm không tán loạn, mừng rỡ, phấn chấn, tịnh tín, đã đi đến gặp trưởng lão Nāgasena, sau khi đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của vị trưởng lão rồi đã đứng ở một bên nói điều này:
“Thưa ngài Nāgasena, trẫm có vấn đề cần thảo luận với ngài, không muốn có người thứ ba nào khác ở nơi ấy, là ở chỗ trống vắng, ở khu rừng tách biệt đạt được tám điều kiện thích hợp cho các vị Sa-môn, tại đó câu hỏi ấy sẽ được hỏi, tại đó trẫm sẽ không giữ bí mật, sẽ không dấu giếm, trẫm xứng đáng để nghe điều được giấu kín khi sự thảo luận tốt đẹp đã đạt đến. Vấn đề ấy nên được xem xét thậm chí bằng ví dụ. Giống như là điều gì? Thưa ngài Nāgasena, giống như trái đất vĩ đại là xứng đáng cho việc cất giấu khi việc cất giấu xảy đến, thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế trẫm xứng đáng để nghe điều được giấu kín khi sự thảo luận tốt đẹp đã đạt đến.”
2. Sau đó, đức vua đã đi vào khu rừng rậm tách biệt cùng với vị thầy và đã nói điều này: “Thưa ngài Nāgasena, ở đây người có ý định thảo luận có tám nơi cần xa lánh. Người có sự hiểu biết không thảo luận ở những nơi ấy. Vấn đề dầu đã được thảo luận sẽ bị đổ vỡ, không thành tựu. Là tám nơi nào?
Nơi không bằng phẳng nên được xa lánh,
có sự lo sợ nên được xa lánh,
nơi có gió mạnh nên được xa lánh,
nơi được che kín nên được xa lánh,
nơi của chư Thiên nên được xa lánh,
đường lộ nên được xa lánh,
chỗ qua lại nên được xa lánh,
bến nước nên được xa lánh,
tám nơi này nên được xa lánh.”
3. Vị trưởng lão đã nói rằng: “Có điều sai trái gì ở nơi không bằng phẳng, có sự lo sợ, có gió mạnh, được che kín, ở nơi của chư Thiên, ở đường lộ, ở chỗ qua lại, ở bến nước?”
“Thưa ngài Nāgasena, vấn đề được thảo luận ở nơi không bằng phẳng sẽ tản mạn, tiêu tan, nhỏ giọt, không thành tựu.
Ở nơi có sự lo sợ thì tâm ý bị khuấy động. Khi bị khuấy động thì không theo dõi vấn đề một cách đúng đắn.
Ở nơi có gió mạnh thì âm thanh không rõ.
Ở nơi được che kín thì nhiều người đứng nghe lén.
Ở nơi của chư Thiên vấn đề được thảo luận trở thành nghiêm trọng.
Ở đường lộ vấn đề được thảo luận trở thành vô bổ.
Ở chỗ qua lại trở nên thất thường.
Ở bến nước trở nên lộ liễu.
Vậy ở đây là:
Nơi không bằng phẳng, có sự lo sợ, có gió mạnh, được che kín, được chư Thiên ngự, đường lộ, chỗ qua lại, bến nước, tám nơi này nên được xa lánh.”
4. “Thưa ngài Nāgasena, có tám hạng người này, trong khi thảo luận, họ làm hỏng vấn đề được thảo luận. Là tám hạng nào? Hạng có tánh ái luyến, hạng có tánh sân, hạng có tánh si, hạng có tánh ngã mạn, hạng tham lam, hạng lười biếng, hạng suy nghĩ một chiều, hạng ngu dốt. Tám hạng người này làm hỏng vấn đề được thảo luận.”
5. Vị trưởng lão đã nói rằng: “Những người ấy có sự sai trái gì?”
“Thưa ngài Nāgasena, hạng có tánh ái luyến làm hỏng vấn đề được thảo luận do tác động của sự ái luyến. Hạng có tánh sân làm hỏng vấn đề được thảo luận do tác động của sân. Hạng có tánh si làm hỏng vấn đề được thảo luận do tác động của si. Hạng có tánh ngã mạn làm hỏng vấn đề được thảo luận do tác động của ngã mạn. Hạng tham lam làm hỏng vấn đề được thảo luận do tác động của tham. Hạng lười biếng làm hỏng vấn đề được thảo luận do sự lười biếng. Hạng suy nghĩ một chiều làm hỏng vấn đề được thảo luận do sự suy nghĩ một chiều. Hạng ngu dốt làm hỏng vấn đề được thảo luận do sự ngu dốt.
Vậy ở đây là:
Hạng bị ái luyến, sân hận, si mê, ngã mạn, tham lam, lười biếng là tương tợ, có suy nghĩ một chiều, và ngu dốt. Các hạng người này làm hư hỏng vấn đề.”
6. “Thưa ngài Nāgasena, chín hạng người này bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận. Là chín hạng nào? Hạng có tánh ái luyến, hạng có tánh sân, hạng có tánh si, hạng hèn nhát, hạng nặng về vật chất, phụ nữ, hạng nghiện ngập, hạng vô căn, trẻ con.”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Những người ấy có sự sai trái gì?”
“Thưa ngài Nāgasena, hạng có tánh ái luyến bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tác động của sự ái luyến.
Hạng sân hận bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tác động của sân.
Hạng si mê bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tác động của si.
Hạng hèn nhát bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tác động của sự sợ hãi.
Hạng nặng về vật chất bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận vì lý do vật chất.
Phụ nữ bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tánh hay thay đổi.
Hạng nghiện ngập bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tánh thèm rượu.
Hạng vô căn bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tánh không kiên quyết.
Trẻ con bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tánh lao chao.
Vậy ở đây là:
Hạng bị ái luyến, sân hận, si mê, hèn nhát, xem trọng vật chất, phụ nữ, kẻ nghiện ngập, vô căn, và thứ chín là trẻ nít.
Chín hạng người này ở trên đời là hay thay đổi, bị dao động, chao đảo, vì những người này điều bí mật đã được thảo luận mau chóng trở thành phổ biến.”
8. “Thưa ngài Nāgasena, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi do tám lý do. Do tám lý do gì?
Do sự tiến triển của tuổi tác, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Do sự tiến triển của danh tiếng, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Do học hỏi, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Do sự sống gần gũi với vị lãnh đạo tinh thần, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Do sự chú tâm đúng đắn, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Do sự bàn luận, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Do sự phục vụ với lòng thương, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Do sống ở xứ sở thích hợp, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Vậy ở đây là:
Do tuổi tác, danh tiếng, học hỏi, do sống với vị lãnh đạo tinh thần, (chú tâm) đúng đắn, do bàn luận, do sự phục vụ với lòng thương, và do sống ở xứ sở thích hợp.
Tám sự việc này làm cho tánh giác được rõ ràng. Những người nào có các điều này được hiện hữu thì tánh giác của họ được đánh thức.”
9. “Thưa ngài Nāgasena, phần lãnh thổ này được xa lánh tám điều sai trái đối với các nhà tư tưởng. Và trẫm ở thế gian là người bạn tối thắng của các nhà tư tưởng, trẫm có sự gìn giữ điều được bí mật. Trẫm sẽ gìn giữ điều được bí mật cho đến khi nào trẫm còn sống. Và tánh giác của trẫm đã đạt đến sự tiến triển nhờ vào tám lý do. Hiện nay người học trò thực hành đúng đắn như trẫm là khó kiếm được. Các vị thầy có hai mươi lăm đức tính của vị thầy đối với người học trò. Vị thầy nên thực hành đúng đắn các đức tính ấy. Là hai mươi lăm đức tính nào?
Thưa ngài, ở đây đối với người học trò vị thầy:
nên thiết lập sự hộ trì một cách thường xuyên liên tục,
nên biết sự thân cận hay không thân cận,
nên biết tình trạng xao lãng hay không xao lãng,
nên biết về trường hợp cho phép nằm,
nên biết về sự bệnh hoạn,
nên biết vật thực đã được nhận hay chưa được nhận,
nên biết về cá tánh,
nên phân phát vật đã có ở bình bát,
nên an ủi rằng: ‘Chớ lo sợ, điều tốt lành sẽ đến cho con,’
nên biết về sự tiếp xúc: ‘Nó tiếp xúc với nhân vật này,’
nên biết về sự tiếp xúc ở trong làng,
nên biết về sự tiếp xúc ở trong chỗ cư ngụ,
không nên cười đùa giỡn hớt với người ấy,
sau khi nhìn thấy yếu điểm nên nhẫn nại,
nên là người có hành động thận trọng,
nên là người có hành động không nhỏ mọn,
nên là người có hành động không khuất lấp,
nên là người có hành động không thừa thãi,
nên thiết lập tâm của người đào tạo rằng: ‘Ta đào tạo người này về các ngành nghề,’
nên thiết lập tâm về sự tiến triển: ‘Làm thế nào để người này không thể bị suy giảm?’
nên thiết lập tâm: ‘Ta đào tạo người này trở nên mạnh mẽ với sự mạnh mẽ của việc học tập,’
nên thiết lập tâm từ,
không nên bỏ rơi trong các trường hợp bất hạnh,
không nên xao lãng việc cần làm,
nên sách tấn bằng pháp khi (học trò) bị lỗi lầm.
Thưa ngài, đây là hai mươi lăm đức tính của vị thầy được dành cho vị thầy. Xin ngài hãy thực hành đúng đắn đối với trẫm bằng các đức tính này. Thưa ngài, có điều hoài nghi đã sanh khởi đến trẫm: Có những câu hỏi đối chọi đã được thuyết giảng bởi đấng Chiến Thắng. Vào thời vị lai xa xôi, sẽ nảy sanh sự tranh cãi về chúng, và vào thời vị lai xa xôi, các bậc giác ngộ như ngài sẽ khó đạt được. Xin ngài hãy cho ý kiến về những câu hỏi ấy của trẫm vì sự bắt bẻ của các học thuyết khác.”
Vị trưởng lão đã chấp thuận rằng: “Tốt lắm,” rồi đã làm sáng tỏ về mười đức tính cư sĩ dành cho người cư sĩ.
“Tâu đại vương, mười đức tính cư sĩ này là dành cho người cư sĩ. Là mười đức tính gì? Tâu đại vương, ở đây người cư sĩ:
là cùng vui cùng khổ với hội chúng,
có Pháp là chủ,
yêu thích việc san sẻ tùy theo khả năng,
sau khi nhìn thấy sự suy đồi ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng thì nỗ lực cho sự phát triển,
là người có chánh kiến, xa rời lễ hội náo nhiệt, không tuyên bố theo giáo chủ khác thậm chí vì nguyên nhân mạng sống,
thân và khẩu của người này được gìn giữ,
có sự vui thích trong sự hợp nhất, ưa thích sự hợp nhất, là người không ganh tỵ, và không thực hành giáo pháp theo cách dối trá,
đã đi đến nương nhờ vào đức Phật,
đã đi đến nương nhờ vào Giáo Pháp,
đã đi đến nương nhờ vào Hội Chúng.
Tâu đại vương, mười đức tính cư sĩ này là dành cho người cư sĩ.
Tất cả mười đức tính ấy được tìm thấy ở đại vương. Điều ấy được gắn bó, được đạt đến, là thích đáng, là phù hợp đối với đại vương là việc sau khi nhìn thấy sự suy đồi ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng thì đại vương mong muốn sự phát triển. Tôi cho phép đại vương. Đại vương hãy hỏi tôi một cách thoải mái.”
Dứt Lời Giảng về Phần Mở Đầu các Câu Hỏi Đối Chọi.
--ooOoo--
1. Khi ấy, đức vua Milinda, với sự đã được cho phép, đã cúi xuống ở hai bàn chân của vị thầy, rồi đã chắp tay lên ở đầu, và nói điều này: “Thưa ngài Nāgasena, các giáo chủ tà giáo này nói như vầy: ‘Nếu đức Phật ưng thuận sự cúng dường thì đức Phật chưa đạt Niết Bàn, còn bị gắn bó với đời, còn ở trong đời, còn chung chạ với đời. Vì thế hành động hướng thượng được làm đến Ngài là vô ích, không có quả báu. Nếu đã đạt Niết Bàn thì Ngài không còn gắn bó với đời, đã tách rời khỏi tất cả các hữu, sự cúng dường đến Ngài không phát sanh nữa. Người đã đạt Niết Bàn không ưng thuận điều gì. Hành động hướng thượng được làm đến người không ưng thuận là vô ích, không có quả báu.’ Câu hỏi này có cả hai khía cạnh. Lãnh vực này không dành cho những kẻ có tâm trí chưa đạt, lãnh vực này chỉ dành cho những bậc vĩ đại. Xin ngài hãy phá vỡ mạng lưới tà kiến này. Xin ngài hãy xác định về điều chắc thật. Câu hỏi này được dành cho ngài. Xin ngài hãy ban cho sự nhận thức đến những người con của đấng Chiến Thắng trong ngày vị lai để phản bác lại các học thuyết khác.”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, đức Thế Tôn đã đạt Niết Bàn, và đức Thế Tôn không ưng thuận sự cúng dường. Ngay tại cội cây Bồ Đề, sự ưng thuận của đức Như Lai đã được dứt bỏ, vậy thì còn điều gì nữa đối với vị đã Viên Tịch Niết Bàn ở cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót? Tâu đại vương, điều này cũng đã được vị trưởng lão Tướng Quân Chánh Pháp Sāriputtena nói đến:
Các bậc tương tương với đấng Vô Song, trong khi được cúng dường bởi chư Thiên và nhân loại, các vị ấy không ưng thuận sự tôn vinh; điều ấy là lẽ tự nhiên của chư Phật.”
2. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, con nói lời ca ngợi cha, cha nói lời khen ngợi con, điều này không phải là lý do để phản bác lại các học thuyết khác. Điều này gọi là lời tuyên bố về niềm tin. Vậy xin ngài hãy nói rõ ràng cho trẫm lý do về trường hợp ấy nhằm thiết lập học thuyết của mình và nhằm việc tháo tung mạng lưới tà kiến.”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, đức Thế Tôn đã đạt Niết Bàn, và đức Thế Tôn không ưng thuận sự cúng dường. Chư Thiên và nhân loại, trong khi thực hiện nền đất cho báu vật xá-lợi của đức Như Lai dẫu cho Ngài không ưng thuận và trong khi đeo đuổi pháp hành đúng đắn với đề mục là báu vật trí tuệ của đức Như Lai, vẫn đạt được ba sự thành tựu.[1] Tâu đại vương, giống như khối lửa lớn bốc cháy rồi tắt ngấm, tâu đại vương phải chăng khối lửa ấy cũng ưng thuận việc bám víu vào cỏ và củi?”
“Thưa ngài, ngay cả trong khi đang cháy, khối lửa lớn ấy cũng không ưng thuận việc bám víu vào cỏ và củi, vậy thì việc gì lại ưng thuận khi đã tắt ngấm, được yên lặng, không còn tâm thức?”
“Tâu đại vương, phải chăng khi khối lửa lớn ấy đã ngừng nghỉ, được yên lặng, thì không còn ngọn lửa ở thế gian?”
“Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, củi là nền tảng, là sự bám víu của ngọn lửa. Thưa ngài, bất cứ những người nào có ước muốn về lửa, những người ấy xoay tròn nhánh củi bằng thể lực, sức mạnh, và sự nỗ lực của bản thân, do việc làm của mỗi cá nhân thì làm phát sanh ngọn lửa, rồi với ngọn lửa ấy làm các công việc được làm bởi ngọn lửa.”
“Tâu đại vương, chính vì điều ấy lời nói của các giáo chủ tà giáo: ‘Hành động hướng thượng được làm đến người không ưng thuận là vô ích, không có quả báu’ là sai trái. Tâu đại vương, giống như khối lửa lớn đã bốc cháy, tương tợ y như thế đức Thế Tôn đã bốc cháy với vẻ rực rỡ của vị Phật trong mười ngàn thế giới. Tâu đại vương, giống như khối lửa lớn bốc cháy rồi tắt ngấm, tương tợ y như thế đức Thế Tôn sau khi bốc cháy với vẻ rực rỡ của vị Phật trong mười ngàn thế giới rồi đã Viên Tịch Niết Bàn ở cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót. Tâu đại vương, giống như khối lửa lớn đã tắt ngấm thì không còn ưng thuận việc bám víu vào cỏ và củi, tương tợ y như thế sự ưng thuận của đấng Phúc Lợi Thế Gian là đã được dứt bỏ, được yên lặng. Tâu đại vương, giống như khi khối lửa đã tắt ngấm, không còn bám víu, những người xoay tròn nhánh củi bằng thể lực, sức mạnh, và sự nỗ lực của bản thân, do việc làm của mỗi cá nhân thì làm phát sanh ngọn lửa, rồi với ngọn lửa ấy làm các công việc được làm bởi ngọn lửa, tương tợ y như thế chư Thiên và nhân loại sau khi thực hiện nền đất cho báu vật xá-lợi của đức Như Lai dẫu cho Ngài đã Viên Tịch Niết Bàn không còn ưng thuận, và trong khi đeo đuổi pháp hành đúng đắn với đề mục là báu vật trí tuệ của đức Như Lai, vẫn đạt được ba sự thành tựu. Tâu đại vương, cũng vì lý do này dẫu cho đức Như Lai đã Viên Tịch Niết Bàn không còn ưng thuận, hành động hướng thượng được làm đến Ngài là không vô ích, có quả báu.”
3. “Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy hành động hướng thượng được làm đến đức Như Lai, dẫu cho Ngài đã Viên Tịch Niết Bàn không còn ưng thuận, là không vô ích, có quả báu. Tâu đại vương, giống như cơn gió lớn thổi qua rồi ngừng nghỉ, tâu đại vương phải chăng cơn gió đã ngừng nghỉ ấy cũng ưng thuận việc sanh lên lần nữa?”
“Thưa ngài, cơn gió đã ngừng nghỉ hẵn không có tư tưởng hoặc tác ý cho việc sanh lên lần nữa. Vì lý do gì? Bản chất của gió ấy là không có suy tư.”
“Tâu đại vương, phải chăng có việc nhận biết về ‘cơn gió’ khi cơn gió ấy đã ngừng nghỉ?”
“Thưa ngài, không có. Cành lá thốt nốt và cây quạt là điều kiện để tạo ra cơn gió. Những người nào bị bực bội bởi sức nóng, bị hành hạ bởi sự đốt nóng, những người ấy bằng thể lực, sức mạnh, và sự nỗ lực của bản thân, do việc làm của mỗi cá nhân thì làm phát sanh lên cơn gió với cành lá thốt nốt hoặc với cây quạt rồi làm dập tắt sự nóng nực, làm dịu đi sự đốt nóng.”
“Tâu đại vương, chính vì điều ấy lời nói của các giáo chủ tà giáo: ‘Hành động hướng thượng được làm đến người không ưng thuận là vô ích, không có quả báu’ là sai trái. Tâu đại vương, giống như cơn gió lớn đã thổi qua, tương tợ y như thế đức Thế Tôn đã thổi đến cơn gió mát mẻ, ngọt ngào, êm dịu, và từ ái ở mười ngàn thế giới. Tâu đại vương, giống như cơn gió lớn thổi qua rồi ngừng nghỉ, tương tợ y như thế đức Thế Tôn sau khi thổi đến cơn gió mát mẻ, ngọt ngào, êm dịu, và từ ái rồi đã Viên Tịch Niết Bàn ở cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót. Tâu đại vương, giống như cơn gió lớn đã ngừng nghỉ thì không còn ưng thuận việc sanh lên lần nữa, tương tợ y như thế sự ưng thuận của đấng Phúc Lợi Thế Gian là đã được dứt bỏ, được yên lặng. Tâu đại vương, giống như những người ấy bị bực bội bởi sức nóng, bị hành hạ bởi sự đốt nóng, tương tợ y như thế chư Thiên và nhân loại bị hành hạ bởi sức nóng bởi sự đốt nóng của ngọn lửa gồm ba loại (tham sân si). Giống như cành lá thốt nốt và cây quạt là điều kiện để tạo ra cơn gió, tương tợ y như thế xá-lợi và báu vật trí tuệ của đức Như Lai là điều kiện cho việc đạt được ba sự thành tựu. Giống như những người bị bực bội bởi sức nóng, bị hành hạ bởi sự đốt nóng thì làm phát sanh lên cơn gió với cành lá thốt nốt hoặc với cây quạt rồi làm tắt ngấm sự nóng nực, làm dịu đi sự đốt nóng, tương tợ y như thế chư Thiên và nhân loại sau khi cúng dường xá-lợi và báu vật trí tuệ của đức Như Lai dẫu cho Ngài đã Viên Tịch Niết Bàn không còn ưng thuận, sau khi làm phát sanh pháp thiện, với pháp thiện ấy làm tắt ngấm, làm dịu sự nóng nực và sự đốt nóng của ngọn lửa gồm ba loại. Tâu đại vương, cũng vì lý do này dẫu cho đức Như Lai đã Viên Tịch Niết Bàn không còn ưng thuận, hành động hướng thượng được làm đến Ngài là không vô ích, có quả báu.
4. Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa để phản bác lại các học thuyết khác. Tâu đại vương, giống như người đàn ông sau khi vỗ vào cái trống thì tạo ra âm thanh; âm thanh nào của cái trống đã được tạo ra bởi người đàn ông thì âm thanh ấy sẽ biến mất. Tâu đại vương, phải chăng âm thanh ấy cũng ưng thuận việc tạo ra lần nữa?”
“Thưa ngài, không đúng. Âm thanh ấy đã biến mất, nó không có tư tưởng hoặc tác ý cho việc sanh lên lần nữa. Khi âm thanh của cái trống đã được tạo ra một lần rồi biến mất, âm thanh của cái trống ấy được chấm dứt. Thưa ngài, tuy nhiên cái trống là điều kiện cho việc tạo ra âm thanh. Và người đàn ông khi có điều kiện vỗ vào cái trống bằng sự nỗ lực của chính mình thì tạo ra âm thanh.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn, sau khi xác lập báu vật xá-lợi, cùng với Pháp, Luật, và lời giáo huấn đã được phát triển toàn vẹn nhờ vào Giới-Định-Tuệ-Giải Thoát-Trí Tuệ và Nhận Thức về sự Giải Thoát chính là bậc Đạo Sư, rồi đã tự mình Viên Tịch Niết Bàn ở cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót. Và không phải khi đức Thế Tôn đã Viên Tịch Niết Bàn thì việc đạt được các sự thành tựu là bị gián đoạn. Các chúng sanh bị hành hạ bởi khổ đau ở sự hiện hữu, sau khi sử dụng báu vật xá-lợi, Pháp, Luật, và lời giáo huấn làm điều kiện, rồi có ước muốn về sự thành tựu thì đạt được các sự thành tựu. Tâu đại vương, cũng vì lý do này dẫu cho đức Như Lai đã Viên Tịch Niết Bàn, không còn ưng thuận, hành động hướng thượng được làm đến Ngài là không vô ích, có quả báu.
Tâu đại vương, đức Thế Tôn đã nhìn thấy, đã thuyết giảng, đã nói lên, đã phát biểu về điều ấy cho thời vị lai xa xôi rằng: ‘Này Ānanda, nếu các ngươi khởi ý như vầy: Có lời dạy của đấng Đạo Sư trong quá khứ, còn (hiện nay) chúng ta không có bậc Đạo Sư. Này Ānanda, điều này không nên được nhận thức như thế. Này Ānanda, Pháp và Luật nào đã được thuyết giảng, đã được quy định bởi Ta, Pháp và Luật ấy, sau khi Ta tịch diệt, là bậc Đạo Sư của các ngươi.’ Về lời nói ấy của các giáo chủ tà giáo ấy rằng: ‘Đức Như Lai đã Viên Tịch Niết Bàn không còn ưng thuận, hành động hướng thượng được làm đến Ngài là vô ích, không có quả báu’ là sai trái, không là sự thật, lìa sự chân thật, không đúng, là mâu thuẫn, là sai lệch, tạo sự khổ đau, có kết quả khổ đau, dẫn đến địa ngục.”
5. “Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy hành động hướng thượng được làm đến đức Như Lai, dẫu cho Ngài đã Viên Tịch Niết Bàn không còn ưng thuận, là không vô ích, có quả báu. Tâu đại vương, phải chăng đại địa cầu này ưng thuận rằng: ‘Tất cả hạt giống hãy mọc lên ở nơi ta’?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vậy thì tại sao các hạt giống ấy, trong khi đại địa cầu không ưng thuận, lại mọc lên, tạo lập chùm rễ vững chãi, có thân cây, lõi cây, và cành cây tỏa rộng xung quanh, có mang hoa và quả?”
“Thưa ngài, mặc dầu không ưng thuận đại địa cầu vẫn là nền tảng và tạo điều kiện cho sự phát triển của các hột giống ấy. Các hột giống ấy nương vào nền tảng ấy, nhờ vào điều kiện ấy mọc lên, tạo lập chùm rễ vững chãi, có thân cây, lõi cây, và cành cây tỏa rộng xung quanh, có mang hoa và quả.”
“Tâu đại vương, chính vì điều ấy các giáo chủ tà giáo đã bị hư hoại, bị thất bại, bị mâu thuẫn ở lời nói của họ nếu họ nói rằng: ‘Hành động hướng thượng được làm đến người không ưng thuận là vô ích, không có quả báu.’ Tâu đại vương, đại địa cầu như thế nào, thì đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri như thế ấy. Tâu đại vương, đại địa cầu không ưng thuận bất cứ điều gì như thế nào, thì đức Như Lai không ưng thuận bất cứ điều gì như thế ấy. Tâu đại vương, các hột giống ấy nương vào trái đất mọc lên, tạo lập chùm rễ vững chãi, có thân cây, lõi cây, và cành cây tỏa rộng xung quanh, có mang hoa và quả như thế nào, thì chư Thiên và nhân loại nương vào xá-lợi và báu vật trí tuệ của đức Như Lai, dẫu cho Ngài đã Viên Tịch Niết Bàn không còn ưng thuận, rồi tạo lập nền tảng vững chãi về pháp thiện, có thân cây là định, lõi cây là Pháp, và cành cây là giới tỏa rộng xung quanh, có mang hoa là sự giải thoát và quả là bản thể Sa-môn như thế ấy. Tâu đại vương, cũng vì lý do này dẫu cho đức Như Lai đã Viên Tịch Niết Bàn không còn ưng thuận, hành động hướng thượng được làm đến Ngài là không vô ích, có quả báu.”
6. “Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy hành động hướng thượng được làm đến đức Như Lai, dẫu cho Ngài đã Viên Tịch Niết Bàn không còn ưng thuận, là không vô ích, có quả báu. Tâu đại vương, phải chăng các con lạc đà, các con bò, các con lừa, các con dê, các con thú, các con người này ưng thuận sự hiện hữu của các dòng họ giun sán ở trong bụng?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vậy thì tại sao trong khi chúng không ưng thuận mà các con giun sán ấy lại hiện hữu và vô số con cháu lại đạt được sự phát triển ở trong bụng của chúng?”
“Thưa ngài, do năng lực của nghiệp ác mà các con con giun sán ấy hiện hữu và vô số con cháu đạt được sự phát triển ở trong bụng của các chúng sanh ấy mặc dầu chúng không ưng thuận.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế do năng lực của xá-lợi và báu vật trí tuệ, dẫu cho đức Như Lai đã Viên Tịch Niết Bàn không còn ưng thuận, hành động hướng thượng được làm đến đức Như Lai là không vô ích, có quả báu.”
7. “Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy hành động hướng thượng được làm đến đức Như Lai, dẫu cho Ngài đã Viên Tịch Niết Bàn không còn ưng thuận, là không vô ích, có quả báu. Tâu đại vương, phải chăng các con người này ưng thuận rằng: ‘Chín mươi tám loại bệnh này hãy sanh lên ở thân thể’?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vậy thì tại sao các loại bệnh ấy lại giáng xuống thân thể của những người không ưng thuận?”
“Thưa ngài, do ác hạnh đã làm ở thời quá khứ.”
“Tâu đại vương, nếu điều bất thiện đã làm ở thời quá khứ có thể được cảm thọ ở đây, tâu đại vương, chính vì điều ấy nghiệp thiện hoặc bất thiện đã làm ở thời quá khứ cũng như đã làm ở đây là không vô ích, có quả báu. Tâu đại vương, cũng vì lý do này dẫu cho đức Như Lai đã Viên Tịch Niết Bàn không còn ưng thuận, hành động hướng thượng được làm đến Ngài là không vô ích, có quả báu.”
8. “Tâu đại vương, hơn nữa đại vương có được nghe trước đây rằng Dạ-xoa tên Nandaka sau khi công kích vị trưởng lão Sāriputta đã bị rơi vào trong trái đất?”
“Thưa ngài, đúng vậy, có được nghe. Điều ấy là rõ rệt ở thế gian.”
“Tâu đại vương, phải chăng trưởng lão Sāriputta đã ưng thuận việc nuốt vào của trái đất đối với Dạ-xoa Nandaka?”
“Thưa ngài, ngay cả khi thế gian có cả chư Thiên đang bị vỡ ra, ngay cả khi mặt trăng và mặt trời đang bị rơi xuống ở mặt đất, ngay cả khi núi chúa Sineru đang bị vỡ tung tóe, trưởng lão Sāriputta cũng không ưng thuận sự khổ đau của người khác. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Do nhân nào mà trưởng lão Sāriputta có thể nổi giận hoặc sân hận, nhân ấy đối với trưởng lão Sāriputta đã được nhổ bỏ, đã được trừ tuyệt. Thưa ngài, do tính chất đã được nhổ bỏ của nhân mà trưởng lão Sāriputta không thể nào giận dữ dầu có liên quan đến việc bị tước đoạt mạng sống.”
“Tâu đại vương, nếu trưởng lão Sāriputta đã không ưng thuận việc nuốt vào của trái đất đối với Dạ-xoa Nandaka, vậy thì tại sao Dạ-xoa Nandaka lại rơi vào trong trái đất?”
“Thưa ngài, do năng lực của nghiệp bất thiện.”
“Tâu đại vương, nếu do năng lực của nghiệp bất thiện mà Dạ-xoa Nandaka rơi vào trong trái đất, thì sự xúc phạm đã làm đến người dầu là không ưng thuận cũng là không vô ích, có quả báu. Tâu đại vương, chính vì điều ấy do năng lực của nghiệp thiện, ‘hành động hướng thượng được làm đến người không ưng thuận là không vô ích, có quả báu.’
Tâu đại vương, cũng vì lý do này dẫu cho đức Như Lai đã Viên Tịch Niết Bàn không còn ưng thuận, hành động hướng thượng được làm đến Ngài là không vô ích, có quả báu.
9. Tâu đại vương, vào thời bấy giờ những người đã rơi vào trong trái đất là bao nhiêu? Đại vương có được nghe về trường hợp ấy không?”
“Thưa ngài, đúng vậy, có được nghe.”
“Tâu đại vương, vậy xin đại vương hãy cho nghe với.”
“Thưa ngài, là ‘thiếu nữ Ciñcā, Suppabuddha dòng Sakya, trưởng lão Devadatta, Dạ-xoa Nandaka, và thanh niên Nanda.’ Thưa ngài, điều này trẫm đã được nghe, năm người này đã rơi vào trong trái đất.”
“Tâu đại vương, những người ấy đã xúc phạm đến ai?”
“Thưa ngài, đến đức Thế Tôn và các vị Thinh Văn.”
“Tâu đại vương, phải chăng đức Thế Tôn hay các vị Thinh Văn đã ưng thuận việc hút vào của trái đất đối với những người này?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, chính vì điều ấy hành động hướng thượng được làm đến đức Như Lai, dẫu cho Ngài đã Viên Tịch Niết Bàn không còn ưng thuận, là không vô ích, có quả báu.”
“Thưa ngài Nāgasena, câu hỏi thâm sâu đã khéo được giảng giải, đã được làm rõ, điều bí mật đã được phơi bày, nút thắt đã được mở ra, bụi rậm đã được làm không còn bụi rậm, lời tuyên thuyết của ngoại đạo đã bị hư hoại, quan điểm xấu đã bị đổ vỡ, các giáo chủ tà giáo đã không còn hào quang phát sanh, ngài đã tiến đến vị thế cao quý và ưu tú trong số các vị có đồ chúng.”
Câu hỏi về việc không thọ nhận cúng dường là thứ nhất.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, có phải đức Phật là đấng Toàn Tri?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Đức Thế Tôn là đấng Toàn Tri. Tuy nhiên đối với đức Thế Tôn, sự biết và thấy không hiện diện một cách thường xuyên, liên tục. Trí Toàn Tri của đức Thế Tôn gắn liền vào sự hướng tâm. Sau khi hướng tâm thì Ngài biết theo như ý muốn.”
“Thưa ngài Nāgasena, như thế thì đức Phật là không Toàn Tri, nếu Trí Toàn Tri của Ngài là do sự suy tầm.”
“Tâu đại vương, có một trăm xe lúa, mỗi xe là bảy tạ rưỡi và hai giạ lúa.[2] Chừng ấy trăm ngàn hạt lúa có thể được xác định, có thể đạt đến kết quả cuối cùng bởi tâm được vận hành trong khoảng thời gian một khảy móng tay. Ở đây, có bảy loại tâm này vận hành: Tâu đại vương, những người nào còn luyến ái, còn sân hận, còn si mê, còn phiền não, có thân chưa được tu tập, có giới chưa được tu tập, có tâm chưa được tu tập, có tuệ chưa được tu tập, tâm ấy của những người ấy sanh lên một cách trì trệ, vận hành một cách chậm chạp. Vì lý do gì? Vì tính chất chưa được tu tập của tâm.
Tâu đại vương, giống như đối với cành tre được tỏa ra, rậm rạp, lan rộng, bị kết chùm chưa được gỡ ra, bị rối rắm với những cụm cành lá, trong khi được lôi kéo thì sự chuyển động là trì trệ, chậm chạp. Vì lý do gì? Vì tính chất kết chùm chưa được gỡ ra của các cành. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào còn luyến ái, còn sân hận, còn si mê, còn phiền não, có thân chưa được tu tập, có giới chưa được tu tập, có tâm chưa được tu tập, có tuệ chưa được tu tập, tâm ấy của những người ấy sanh lên một cách trì trệ, vận hành một cách chậm chạp. Vì lý do gì? Vì tính chất kết chùm chưa được gỡ ra bởi các phiền não. Đây là loại tâm thứ nhất.
2. Ở đây, có loại tâm thứ nhì này đạt được sự xếp loại. Tâu đại vương, những người nào là bậc Nhập Lưu, có các cõi khổ đã được đóng lại, đã đạt được Chánh Kiến, đã nhận thức được Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, tâm ấy của những người ấy sanh lên một cách nhẹ nhàng ở ba trường hợp,[3] sanh lên một cách trì trệ, vận hành một cách chậm chạp ở các cảnh giới bậc trên. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được trong sạch của tâm ở ba trường hợp, vì tính chất chưa được dứt bỏ của các phiền não bậc trên.
Tâu đại vương, giống như đối với cành tre đã được tỉa sạch các mắt ở ba lóng, còn bị rối rắm bởi những cụm cành lá ở phía trên, trong khi được lôi kéo thì di chuyển một cách nhẹ nhàng chỉ đến ba lóng, từ đó trở lên thì bị dính cứng. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được tỉa sạch ở phần dưới, vì tính chất rối rắm bởi những cụm cành lá ở phía trên.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào là bậc Nhập Lưu, có các cõi khổ đã được đóng lại, đã đạt được Chánh Kiến, đã nhận thức được Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, tâm ấy của những người ấy sanh lên một cách nhẹ nhàng ở ba trường hợp, sanh lên một cách trì trệ, vận hành một cách chậm chạp ở các cảnh giới bậc trên. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được trong sạch ở ba trường hợp, vì tính chất chưa được dứt bỏ của các phiền não bậc trên. Đây là loại tâm thứ nhì.
3. Ở đây, có loại tâm thứ ba này đạt được sự xếp loại. Tâu đại vương, những người nào là bậc Nhất Lai, có sự luyến ái, sân hận, si mê ở trạng thái giảm thiểu, tâm ấy của những người ấy sanh lên một cách nhẹ nhàng, vận hành một cách nhẹ nhàng ở năm trường hợp,[4] sanh lên một cách trì trệ, vận hành một cách chậm chạp ở các cảnh giới bậc trên. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được trong sạch của tâm ở năm trường hợp, vì tính chất chưa được dứt bỏ của các phiền não bậc trên. Tâu đại vương, giống như đối với cành tre đã được tỉa sạch các mắt ở năm lóng, còn bị rối rắm bởi những cụm cành lá ở phía trên, trong khi được lôi kéo thì di chuyển một cách nhẹ nhàng chỉ đến năm lóng, từ đó trở lên thì bị dính cứng. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được tỉa sạch ở phần dưới, vì tính chất rối rắm bởi những cụm cành lá ở phía trên. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào là bậc Nhất Lai, có sự luyến ái, sân hận, si mê ở trạng thái giảm thiểu, tâm ấy của những người ấy sanh lên một cách nhẹ nhàng, vận hành một cách nhẹ nhàng ở năm trường hợp, sanh lên một cách trì trệ, vận hành một cách chậm chạp ở các cảnh giới bậc trên. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được trong sạch của tâm ở năm trường hợp. Đây là loại tâm thứ ba.
4. Ở đây, có loại tâm thứ tư này đạt được sự xếp loại. Tâu đại vương, những người nào là bậc Bất Lai, có năm sự ràng buộc ở phần dưới đã được dứt bỏ, tâm ấy của những người ấy sanh lên một cách nhẹ nhàng, vận hành một cách nhẹ nhàng ở mười trường hợp,[5] sanh lên một cách trì trệ, vận hành một cách chậm chạp ở các cảnh giới bậc trên. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được trong sạch của tâm ở mười trường hợp, vì tính chất chưa được dứt bỏ của các phiền não bậc trên. Tâu đại vương, giống như đối với cành tre đã được tỉa sạch các mắt ở mười lóng, còn bị rối rắm bởi những cụm cành lá ở phía trên, trong khi được lôi kéo thì di chuyển một cách nhẹ nhàng chỉ đến mười lóng, từ đó trở lên thì bị dính cứng. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được tỉa sạch ở phần dưới, vì tính chất rối rắm bởi những cụm cành lá ở phía trên. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào là bậc Bất Lai, có năm sự ràng buộc ở phần dưới đã được dứt bỏ, tâm ấy của những người ấy sanh lên một cách nhẹ nhàng, vận hành một cách nhẹ nhàng ở mười trường hợp, sanh lên một cách trì trệ, vận hành một cách chậm chạp ở các cảnh giới bậc trên. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được trong sạch của tâm ở mười trường hợp, vì tính chất chưa được dứt bỏ của các phiền não bậc trên. Đây là loại tâm thứ tư.
5. Ở đây, có loại tâm thứ năm này đạt được sự xếp loại. Tâu đại vương, những người nào là bậc A-la-hán, có các lậu hoặc đã được cạn kiệt, có các bợn nhơ đã được rửa sạch, có các phiền não đã được ói ra, đã được hoàn mãn, có các việc cần làm đã làm, có các gánh nặng đã được đặt xuống, có mục đích của mình đã được đạt đến, có các sự trói buộc ở hữu đã được đoạn tận, có các tuệ phân tích đã đạt, đã được trong sạch ở các cảnh giới của vị Thinh Văn, tâm của những người ấy sanh lên một cách nhẹ nhàng, vận hành một cách nhẹ nhàng ở phạm vi của vị Thinh Văn, sanh lên một cách trì trệ, vận hành một cách chậm chạp ở cảnh giới của vị Phật Độc Giác. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được trong sạch ở phạm vi của vị Thinh Văn, vì tính chất chưa được trong sạch của tâm ở phạm vi của vị Phật Độc Giác. Tâu đại vương, giống như đối với cành tre đã được tỉa sạch các mắt ở tất cả các lóng, trong khi được lôi kéo thì di chuyển một cách nhẹ nhàng, không bị dính cứng. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được tỉa sạch ở tất cả các lóng, vì tính chất không còn bám víu của thân cây tre. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào là bậc A-la-hán, có các lậu hoặc đã được cạn kiệt, có các bợn nhơ đã được rửa sạch, có các phiền não đã được ói ra, đã được hoàn mãn, có các việc cần làm đã làm, có các gánh nặng đã được đặt xuống, có mục đích của bản thân đã được đạt đến, có các sự trói buộc ở hữu đã được đoạn tận, có các tuệ phân tích đã đạt, đã được trong sạch ở các cảnh giới của vị Thinh Văn, tâm ấy của những người ấy sanh lên một cách nhẹ nhàng, vận hành một cách nhẹ nhàng ở phạm vi của vị Thinh Văn, sanh lên một cách trì trệ, vận hành một cách chậm chạp ở cảnh giới của vị Phật Độc Giác. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được trong sạch ở phạm vi của vị Thinh Văn, vì tính chất chưa được trong sạch của tâm ở phạm vi của vị Phật Độc Giác. Đây là loại tâm thứ năm.
6. Ở đây, có loại tâm thứ sáu này đạt được sự xếp loại. Tâu đại vương, những người nào là Phật Độc Giác, bậc tự chủ, không thầy, độc hành tợ như sừng tê giác, có tâm đã được trong sạch không còn bợn nhơ ở phạm vi của mình, tâm ấy của những người ấy sanh lên một cách nhẹ nhàng, vận hành một cách nhẹ nhàng ở phạm vi của mình, sanh lên một cách trì trệ, vận hành một cách chậm chạp ở cảnh giới của vị Phật Toàn Tri. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được trong sạch ở phạm vi của mình, vì tính chất vĩ đại ở phạm vi của vị Phật Toàn Tri.
Tâu đại vương, giống như người nam có thể băng qua con sông nhỏ thuộc phạm vi của mình vào ban đêm lẫn ban ngày, theo như ước muốn, không bị hãi sợ, nhưng sau đó khi nhìn thấy đại dương sâu thẳm, mênh mông, không thể ước lượng, không có bờ bên kia, có thể hãi sợ, có thể ngần ngại, không dám vượt qua. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được quen thuộc ở phạm vi của mình, vì tính chất vĩ đại của đại dương. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào là Phật Độc Giác, bậc tự chủ, không thầy, độc hành tợ như sừng tê giác, có tâm đã được trong sạch không còn bợn nhơ ở phạm vi của mình, tâm ấy của những người ấy sanh lên một cách nhẹ nhàng, vận hành một cách nhẹ nhàng ở phạm vi của mình, sanh lên một cách trì trệ, vận hành một cách chậm chạp ở cảnh giới của vị Phật Toàn Tri. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được trong sạch ở phạm vi của mình, vì tính chất vĩ đại ở phạm vi của vị Phật Toàn Tri. Đây là loại tâm thứ sáu.
7. Ở đây, có loại tâm thứ bảy này đạt được sự xếp loại. Tâu đại vương, những người nào là Phật Chánh Đẳng Giác, đấng Toàn Tri, bậc nắm giữ mười Lực, có sự tự tin ở bốn pháp tự tin, hội đủ mười tám pháp của vị Phật, là đấng Chiến Thắng vô biên, có trí không bị che lấp, tâm ấy của những người ấy sanh lên một cách nhẹ nhàng, vận hành một cách nhẹ nhàng ở mọi nơi. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được trong sạch ở mọi nơi. Tâu đại vương, phải chăng có sự vụng về hoặc sự vướng víu của mũi tên khéo được làm sạch sẽ, không bợn nhơ, không có mắc mứu, có thân mềm mại, không bị uốn, không bị cong, không bị quẹo, được đặt lên cây cung vững chãi, được bắn ra bởi người có sức mạnh vào tấm vải gai mềm, lớp gòn mềm, tấm len mềm?”
“Thưa ngài, không có.”
“Vì lý do gì?”
“Vì tính chất mềm mại của những tấm vải, vì tính chất được làm sạch sẽ của mũi tên, và tính chất mạnh mẽ của phát bắn ra.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào là Phật Chánh Đẳng Giác, đấng Toàn Tri, bậc nắm giữ mười Lực, có sự tự tin ở bốn pháp tự tin, hội đủ mười tám pháp của vị Phật, là đấng Chiến Thắng vô biên, có trí không bị che lấp, tâm ấy của những người ấy sanh lên một cách nhẹ nhàng, vận hành một cách nhẹ nhàng ở mọi nơi. Vì lý do gì? Vì tính chất đã được trong sạch ở mọi nơi. Đây là loại tâm thứ bảy.
8. Tâu đại vương, ở đây tâm này của chư Phật Toàn Tri vượt trội sự tính đếm của luôn cả sáu loại tâm, được trong sạch và nhẹ nhàng với đức tính vô số kể. Và tâu đại vương, bởi vì tâm của đức Thế Tôn được trong sạch và nhẹ nhàng nên đức Thế Tôn mới phô diễn song thông. Tâu đại vương, về song thông nên được biết rằng: ‘Tâm của chư Phật Thế Tôn có sự chuyển dịch nhẹ nhàng như thế.’
Trong trường hợp ấy, không thể nào nói hơn nữa về lý do. Tâu đại vương, những loại thần thông có liên quan đến tâm của chư Phật Toàn Tri ấy đều không thể áp đặt phép đếm, phép tính, sự chia chẻ, và luôn cả sự tách phần. Tâu đại vương, trí Toàn Tri của đức Thế Tôn được gắn liền vào sự hướng tâm, sau khi hướng tâm thì biết được theo như ý muốn. Tâu đại vương, giống như người nam có thể đặt xuống ở bàn tay thứ nhì bất cứ vật gì đã được đặt xuống ở bàn tay (thứ nhất), có thể phát ra lời nói bằng miệng đã được mở ra, có thể nuốt vào thức ăn đã đưa vào miệng, có thể mở mắt ra rồi nhắm lại, hoặc có thể nhắm mắt lại rồi mở ra, có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, việc ấy còn chậm hơn, tâu đại vương, trí Toàn Tri của đức Thế Tôn là nhẹ nhàng hơn, sự hướng tâm là nhẹ nhàng hơn. Sau khi hướng tâm thì biết được theo như ý muốn. Dầu cho không có sự hướng tâm, chư Phật Thế Tôn ấy vẫn không gọi là không có Toàn Tri”
9. “Thưa ngài Nāgasena, sự hướng tâm là được thực hiện do sự suy tầm, vậy thì ngài hãy giúp cho trẫm hiểu trường hợp ấy bằng lý lẽ.”
“Tâu đại vương, giống như người giàu thì có nhiều tài sản, có nhiều của cải, có dồi dào vàng bạc và vật sở hữu dự phòng, có dồi dào tài sản và ngũ cốc là gạo thơm, thóc, lúa mạch, gạo xay, mè, đậu mugga, đậu māsa, các loại hạt chưa chế biến hoặc các loại khác nữa, bơ lỏng, dầu ăn, bơ đặc, sữa tươi, sữa đông, mật ong, mật đường, và đường mía được chứa ở bình, chum, lu, hũ, chậu, và có người khách, là người xứng đáng để mời ăn và có sự mong mỏi về bữa ăn, đi đến với người ấy, nhưng tại nhà của người ấy thức ăn nấu chín là đã hết sạch thì có thể đem gạo từ chum lại rồi nấu chín. Tâu đại vương, phải chăng do sự việc thiếu hụt thức ăn trong chốc lát mà người ấy trở thành người không có tài sản và nghèo khó?”
“Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, ngay cả ở nhà của đức Chuyển Luân Vương cũng có sự thiếu hụt thức ăn vào lúc không đúng thời điểm, thì có điều gì đối với gia chủ.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế là trí Toàn Tri của đức Như Lai trong trường hợp không có sự hướng tâm, sau khi hướng tâm thì biết được theo như ý muốn.
10. Tâu đại vương, hơn nữa giống như cây cối thì có thể kết trái, bị oằn xuống, bị uốn cong, bị mang nặng trĩu bởi những chùm trái, và không có trái nào bị rơi rụng ở tại nơi ấy. Tâu đại vương, phải chăng do sự việc không có trái cây rơi rụng trong chốc lát mà cây ấy trở thành không có trái cây?”
“Thưa ngài, không đúng. Những trái cây ấy được gắn liền với sự rơi rụng. Khi được rơi rụng thì đạt được theo như ý muốn.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế là trí Toàn Tri của đức Như Lai trong trường hợp không có sự hướng tâm, sau khi hướng tâm thì biết được theo như ý muốn.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải sau khi hướng tâm thì đức Phật biết theo như ý muốn?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Đức Thế Tôn sau khi lần lượt hướng tâm thì biết được theo như ý muốn. Tâu đại vương, giống như đức Chuyển Luân Vương khi nào nhớ đến bánh xe báu (khởi ý rằng): ‘Bánh xe báu hãy đến với ta,’ trong khi nhớ đi nhớ lại thì bánh xe báu hiện đến. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, đức Như Lai sau khi lần lượt hướng tâm thì biết được theo như ý muốn.”
“Thưa ngài Nāgasena, lý do là vững chãi. Đức Phật là đấng Toàn Tri. Chúng tôi chấp nhận đức Phật là đấng Toàn Tri.”
Câu hỏi về bản thể Toàn Tri của đức Thế Tôn là thứ nhì.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, do vị nào mà Devadatta đã được xuất gia?”
“Tâu đại vương, sáu vương tử dòng Sát-đế-lỵ này là Bhaddiya, Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimbila, Devadatta, và người thợ cạo Upāli là thứ bảy. Khi bậc Đạo Sư đã đắc thành Chánh Đẳng Giác, trong việc đem lại nỗi vui mừng cho dòng họ Sakya những vị ấy đã ra đi xuất gia theo đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã cho những vị ấy xuất gia.”
“Thưa ngài, không phải Devadatta sau khi xuất gia đã chia rẽ hội chúng?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Devadatta sau khi xuất gia đã chia rẽ hội chúng. Không phải người tại gia chia rẽ hội chúng, không phải tỳ khưu ni, không phải vị ni tu tập sự, không phải vị sa di, không phải vị sa di ni chia rẽ hội chúng. Vị tỳ khưu bình thường, cùng chung sự đồng cộng trú, đứng cùng chung ranh giới, chia rẽ hội chúng.”
2. “Thưa ngài, người là kẻ chia rẽ hội chúng phạm vào nghiệp gì?”
“Tâu đại vương, phạm vào nghiệp liên quan đến việc chịu đựng một kiếp.”
“Thưa ngài Nāgasena, vậy có phải đức Phật biết rằng: ‘Devadatta sau khi xuất gia sẽ chia rẽ hội chúng, sau khi chia rẽ hội chúng thì sẽ bị nung nấu ở địa ngục một kiếp’?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Đức Như Lai biết rằng: ‘Devadatta sau khi xuất gia sẽ chia rẽ hội chúng, sau khi chia rẽ hội chúng thì sẽ bị nung nấu ở địa ngục một kiếp.’”
“Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Phật biết rằng: ‘Devadatta sau khi xuất gia sẽ chia rẽ hội chúng, sau khi chia rẽ hội chúng thì sẽ bị nung nấu ở địa ngục một kiếp,’ thưa ngài Nāgasena, như thế thì lời nói rằng: ‘Đức Phật, đấng Bi Mẫn, bậc Thương Xót, vị tầm cầu lợi ích, sau khi xua đi điều bất lợi thì đem đến điều lợi ích cho tất cả chúng sanh’ là sai trái. Nếu Ngài không biết điều ấy rồi đã cho xuất gia, như thế thì đức Phật là không Toàn Tri. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài, xin ngài hãy tháo gỡ múi rối to lớn này, hãy đánh đổ học thuyết của những kẻ khác. Trong ngày vị lai xa xăm những vị tỳ khưu có sự giác ngộ tương đương ngài sẽ khó đạt được. Trong trường hợp này, xin ngài hãy bày tỏ năng lực của ngài.”
“Tâu đại vương, đức Thế Tôn là bậc Đại Bi và là đấng Toàn Tri. Tâu đại vương, đức Thế Tôn, trong lúc xem xét cảnh giới tái sanh của Devadatta với lòng bi mẫn và trí Toàn Tri, đã nhìn thấy Devadatta sau khi tích lũy nghiệp đưa đến trôi nổi luân hồi từ địa ngục đến địa ngục, từ đọa xứ đến đọa xứ trong nhiều trăm ngàn koṭi kiếp. Đức Thế Tôn, sau khi biết được điều ấy bằng trí Toàn Tri rằng: ‘Nghiệp đã được làm không có giới hạn của người này, nếu được xuất gia trong Giáo Pháp của Ta, sẽ trở thành có giới hạn. Khổ liên quan đến việc trước sẽ trở thành có giới hạn. Còn không được xuất gia thì kẻ rồ dại này sẽ tích lũy nghiệp kéo dài trọn kiếp,’ vì lòng bi mẫn Ngài đã cho Devadatta xuất gia.”
“Thưa ngài Nāgasena, như thế thì đức Phật gây tổn thương rồi thoa dầu, làm rơi xuống vực thẳm rồi đưa tay (kéo lên), làm cho chết rồi tìm kiếm mạng sống, là việc Ngài ban cho sự khổ đau trước rồi đem lại sự an lạc sau.”
“Tâu đại vương, đức Như Lai dẫu có gây tổn thương cũng vì lợi ích cho chúng sanh, dẫu có làm rơi xuống cũng vì lợi ích cho chúng sanh, dẫu có làm cho chết cũng vì lợi ích cho chúng sanh. Tâu đại vương, đức Như Lai gây tổn thương rồi đem lại lợi ích cho chúng sanh, làm rơi xuống rồi đem lại lợi ích cho chúng sanh, làm cho chết rồi đem lại lợi ích cho chúng sanh. Tâu đại vương, giống như mẹ cha gây tổn thương, làm rơi xuống, rồi đem lại lợi ích cho những người con, tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai gây tổn thương cũng vì lợi ích cho chúng sanh, làm rơi xuống cũng vì lợi ích cho chúng sanh, làm cho chết cũng vì lợi ích cho chúng sanh. Tâu đại vương, đức Như Lai gây tổn thương rồi đem lại lợi ích cho chúng sanh, làm rơi xuống rồi đem lại lợi ích cho chúng sanh, làm cho chết rồi đem lại lợi ích cho chúng sanh. Với bất cứ cách thức nào có sự tăng trưởng các đức hạnh cho chúng sanh thì Ngài đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh bằng cách thức ấy. Tâu đại vương, nếu đức Như Lai không cho Devadatta xuất gia thì Devadatta trong khi là người tại gia sẽ làm nhiều nghiệp ác dẫn đến địa ngục, trong khi trôi nổi từ địa ngục đến địa ngục, từ đọa xứ đến đọa xứ trong nhiều trăm ngàn koṭi kiếp sẽ cảm thọ nhiều khổ đau. Đức Thế Tôn, trong khi biết được điều ấy, vì lòng bi mẫn đã cho Devadatta xuất gia (nghĩ rằng): ‘Đối với người đã được xuất gia trong Giáo Pháp của Ta thì khổ đau sẽ trở thành có giới hạn.’ Vì lòng bi mẫn mà Ngài đã làm vơi nhẹ nỗi khổ đau trầm trọng.
Tâu đại vương, hơn nữa giống như người đàn ông có năng lực, nhờ vào năng lực về tài sản, tiếng tăm, danh vọng, và sự thân thiết, sau khi nhìn thấy bà con hoặc bạn bè của mình đang chịu hình phạt nặng nề của đức vua, liền làm vơi nhẹ nỗi khổ đau trầm trọng của người ấy nhờ vào điều kiện có nhiều sự thân thiết và khả năng của bản thân, tâu đại vương tương tợ y như thế ấy đức Thế Tôn sau khi cho Devadatta—là người sẽ bị cảm thọ khổ đau nhiều trăm ngàn koṭi kiếp—xuất gia đã làm vơi nhẹ nỗi khổ đau trầm trọng nhờ vào điều kiện về năng lực và khả năng của giới định tuệ và giải thoát.
Tâu đại vương, hoặc là giống như người thầy thuốc phẫu thuật thiện xảo nhờ vào năng lực của phương thuốc mạnh làm vơi nhẹ căn bệnh trầm trọng, tâu đại vương tương tợ y như thế ấy đức Thế Tôn, là vị có năng lực về lòng bi mẫn, với sự hiểu biết về tu tập, sau khi cho Devadatta—là người sẽ bị cảm thọ khổ đau nhiều trăm ngàn koṭi kiếp—xuất gia đã làm vơi nhẹ nỗi khổ đau trầm trọng nhờ vào năng lực của phương thuốc cứng rắn của Giáo Pháp. Tâu đại vương, phải chăng đức Thế Tôn ấy, trong khi làm cho Devadatta đáng lẽ bị nhiều cảm thọ (khổ) chỉ còn ít cảm thọ (khổ), lại tạo ra điều vô phước nào đó?”
“Thưa ngài, không tạo ra điều vô phước nào, dầu chỉ là một lượng thời gian ngắn ngủi như việc vắt sữa ở vú bò.”
“Tâu đại vương, đại vương hãy chấp nhận lý do này theo ý nghĩa mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã cho Devadatta xuất gia.
Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã cho Devadatta xuất gia. Tâu đại vương, giống như những người bắt được kẻ trộm phạm tội thì trình lên đức vua rằng: ‘Tâu bệ hạ, kẻ trộm phạm tội này là thuộc về bệ hạ. Đối với kẻ này, xin bệ hạ hãy ra lệnh hành phạt mà bệ hạ muốn. Đứa vua có thể nói về kẻ ấy như vầy: ‘Này các khanh, như thế thì hãy đưa kẻ trộm này ra ngoại thành rồi chém đầu ở bãi hành quyết.’
‘Tâu bệ hạ, xin vâng.’ Vâng lệnh đức vua, những người ấy đã đưa kẻ ấy ra ngoại thành rồi dẫn đến bãi hành quyết. Một người đàn ông nào đó, là người đã đạt được ân huệ từ đức vua, đã đạt được danh tiếng, tài sản, của cải, có lời nói được chấp nhận, có năng lực, có hành động theo ý thích, nhìn thấy kẻ ấy. Người ấy, khởi tâm bi mẫn đến kẻ trộm ấy, nên đã nói với những người ấy như vầy: ‘Này các ông, thôi đi. Các ông được gì với việc chặt đầu của người này? Này các ông, chính vì điều ấy các ông hãy chặt tay hoặc bàn chân của người này và hãy duy trì mạng sống cho gã. Ta sẽ trình tấu đến đức vua lý do của việc này.’ Những người ấy, do lời nói của người có năng lực ấy, có thể chặt tay hoặc bàn chân của kẻ trộm ấy và duy trì mạng sống cho gã. Tâu đại vương, phải chăng người đàn ông ấy, với hành động như vậy, là có thể hiện trách nhiệm đối với kẻ trộm ấy?”
“Thưa ngài, người đàn ông ấy là người ban cho mạng sống đến kẻ trộm. Khi mạng sống đã được ban đến gã, thì có điều gì gọi là đã không được làm cho kẻ ấy?”
“Tuy nhiên, về cảm thọ trong việc chặt tay chân của kẻ ấy, không lẽ người ấy không tạo ra điều vô phước nào trong cái cảm thọ ấy?”
“Thưa ngài, kẻ trộm ấy cảm nhận cảm thọ khổ đau do việc đã làm của mình. Còn người đàn ông, là người ban cho mạng sống, không tạo ra điều vô phước nào cả.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn vì lòng bi mẫn đã cho Devadatta xuất gia (nghĩ rằng): ‘Đối với người đã được xuất gia trong Giáo Pháp của Ta thì khổ đau sẽ trở thành có giới hạn.’ Tâu đại vương, và khổ đau của Devadatta trở thành có giới hạn. Tâu đại vương, Devadatta vào thời điểm chết, đã đi đến việc nương nhờ khi còn sống (nói rằng):
‘Với những khúc xương này, với các sanh mạng, tôi đi đến nương nhờ đức Phật, nhân vật cao cả ấy, vị Trời vượt trội các vị Trời, đấng Điều Ngự Trượng Phu, bậc nhìn thấy toàn diện, có đặc điểm của trăm phước báu.’
Tâu đại vương, trong kiếp (trái đất) gồm sáu giai đoạn, thì Devadatta đã chia rẽ hội chúng khi giai đoạn thứ nhất đã trôi qua, sau khi bị nung nấu trong năm giai đoạn còn lại rồi từ đó sẽ được giải thoát, và sẽ trở thành vị Độc Giác Phật tên Aṭṭhissara. Tâu đại vương, phải chăng đức Thế Tôn, với hành động như vậy, là có thể hiện trách nhiệm đối với Devadatta?”
“Thưa ngài Nāgasena, đối với Devadatta đức Như Lai là vị ban bố tất cả, là việc đức Như Lai sẽ khiến cho Devadatta đạt được quả vị Độc Giác Phật. Còn có điều gì đã không được làm bởi đức Như Lai đến Devadatta?”
“Tâu đại vương, vả lại việc Devadatta sau khi chia rẽ hội chúng rồi cảm thọ khổ đau ở địa ngục, tâu đại vương, phải chăng đức Thế Tôn do nhân ấy có thể tạo ra điều vô phước nào đó?”
“Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, Devadatta bị nung nấu ở địa ngục một kiếp do việc đã làm bởi bản thân. Bậc Đạo Sư, là người đã làm cho khổ đau trở thành có giới hạn, không tạo ra điều vô phước nào.”
“Tâu đại vương, đại vương hãy chấp nhận lý do này theo ý nghĩa mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã cho Devadatta xuất gia. Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã cho Devadatta xuất gia.
Tâu đại vương, giống như người thầy thuốc phẫu thuật thiện xảo, trong khi làm êm dịu vết thương bị tác động dữ dội bởi gió, mật, đàm đã tụ hội lại, bởi sự thay đổi của thời tiết, bởi sự chăm nom không đều đặn, bị xông lên mùi hôi thối của tử thi ô uế, có mũi nhọn bên trong tạo thành lỗ hổng, bị ngập đầy máu ứ, đành phải bôi miệng của vết thương bằng loại thuốc sần sùi, xót xa, nhức nhối, đau đớn. Sau khi làm chín muồi (vết thương) bằng cách thức làm cho chín muồi, rồi mổ vết thương đã được đạt đến trạng thái mềm mỏng bằng dao, sau đó đốt nóng bằng cái thanh dẹp, rồi cho chất kiềm và muối vào vết thương ở chỗ đã được đốt nóng, sau đó bôi thuốc để làm lành vết thương nhằm đạt đến trạng thái tốt lành cho người bị bệnh. Tâu đại vương, phải chăng người thầy thuốc phẫu thuật ấy có tâm không tốt nên mới bôi thuốc, mổ ra bằng dao, đốt nóng với cái thanh dẹp, rồi cho chất sát trùng vào vết thương?”
“Thưa ngài, không đúng. Người thầy thuốc có tâm tốt, có lòng mong mỏi điều tốt lành, nên mới làm những hành động ấy.”
“Vậy thì các cảm thọ khổ đau nào đã sanh lên do hành động việc làm và thuốc men đối với người ấy, do nhân ấy người thầy thuốc phẫu thuật ấy có tạo ra điều vô phước nào không?”
“Thưa ngài, người thầy thuốc phẫu thuật có tâm tốt, có lòng mong mỏi điều tốt lành, nên mới làm những hành động ấy. Làm sao người ấy, do nhân ấy, lại có thể tạo ra điều vô phước? Thưa ngài, người thầy thuốc phẫu thuật ấy là người sanh về cõi trời.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn vì lòng bi mẫn đã cho Devadatta xuất gia nhằm thoát khỏi khổ đau. Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã cho Devadatta xuất gia. Tâu đại vương, giống như một người nam bị đâm bởi cây gai, rồi một người nam khác có tâm tốt, có lòng mong mỏi điều tốt lành, mới cắt xung quanh (vết thương) bằng cây gai nhọn hoặc bằng mũi dao, rồi lấy cây gai ấy ra nhờ vào lượng máu đang bị phun ra, tâu đại vương, phải chăng người nam ấy có tâm không tốt nên mới lấy cây gai ấy ra?”
“Thưa ngài, không đúng. Người nam ấy có tâm tốt, có lòng mong mỏi điều tốt lành, nên mới lấy cây gai ấy ra. Thưa ngài, nếu người nam ấy không lấy cây gai ấy ra, do điều ấy người kia có thể gánh chịu sự chết hoặc khổ đau gần như chết.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai vì lòng bi mẫn đã cho Devadatta xuất gia nhằm thoát khỏi sự khổ đau. Tâu đại vương, nếu đức Thế Tôn không cho Devadatta xuất gia, thì Devadatta có thể bị nung nấu ở địa ngục liên tiếp nhiều đời sống thậm chí trong trăm ngàn koṭi kiếp.”
“Thưa ngài Nāgasena, đức Như Lai đã đưa Devadatta, kẻ có sự bị cuốn trôi theo dòng nước, vào Đạo Lộ; đã ban cho Devadatta, kẻ đã bị rơi vào vực thẳm, chỗ đứng; đã đưa Devadatta, kẻ bước đi ở chỗ gập ghềnh, đến nơi bằng phẳng. Thưa ngài Nāgasena, không thể nhìn nhận những nhân tố này và những lý do này bởi người nào khác ngoại trừ bậc có sự giác ngộ như là ngài vậy.”
Câu hỏi về sự xuất gia của Devadatta là thứ ba.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, có tám nhân tám duyên này đưa đến hiện tượng dao động dữ dội của trái đất.’ Đây là lời nói không thiếu sót, đây là lời nói đầy đủ, đây là lời nói không thay đổi, không có nhân thứ chín nào khác đưa đến hiện tượng dao động dữ dội của trái đất. Thưa ngài Nāgasena, nếu có nhân thứ chín khác đưa đến hiện tượng dao động dữ dội của trái đất, đức Thế Tôn cũng sẽ nói đến nhân ấy. Và thưa ngài Nāgasena, bởi vì không có nhân thứ chín nào khác đưa đến hiện tượng dao động dữ dội của trái đất, vì thế đã không được đức Thế Tôn đề cập đến. Và có nhân thứ chín này đưa đến hiện tượng dao động dữ dội của trái đất được thấy là đại địa đầu đã rúng động bảy lần vào lúc cuộc đại thí đang được trao ra bởi đức vua Vessantara. Thưa ngài Nāgasena, nếu chỉ có tám nhân tám duyên đưa đến hiện tượng dao động dữ dội của trái đất, như thế thì lời nói ‘đại địa đầu đã rúng động bảy lần vào lúc cuộc đại thí đang được trao ra bởi đức vua Vessantara’ là sai trái. Nếu đại địa đầu đã rúng động bảy lần vào lúc cuộc đại thí đang được trao ra bởi đức vua Vessantara, như thế thì lời nói ‘chỉ có tám nhân tám duyên đưa đến hiện tượng dao động dữ dội của trái đất’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, vi tế, khó tháo gỡ, gây tăm tối, và sâu xa. Nó được dành cho ngài. Điều này không thể trả lời bởi người nào khác có trí tuệ nhỏ nhoi, ngoại trừ bậc có sự giác ngộ như là ngài vậy.”
“Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, có tám nhân tám duyên này đưa đến hiện tượng dao động dữ dội của trái đất.’ Còn đại địa đầu đã rúng động bảy lần vào lúc cuộc đại thí đang được trao ra bởi đức vua Vessantara, tuy nhiên điều ấy là bất thường, đôi lúc có xảy ra, được loại ra khỏi tám nhân. Vì thế không được tính vào tám nhân.
2. Tâu đại vương, giống như ở thế gian chỉ có ba loại mưa được tính là ‘(mưa) thuộc mùa mưa, (mưa) thuộc mùa lạnh, và cơn mưa rào.’ Nếu có cơn mưa khác không thuộc vào ba loại này mà đổ mưa, thì cơn mưa ấy không được tính vào các loại mưa đã được công nhận, và chỉ được xem là ‘cơn mưa sái mùa.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc đại địa đầu đã rúng động bảy lần vào lúc cuộc đại thí đang được trao ra bởi đức vua Vessantara, điều này là bất thường, đôi lúc có xảy ra, được loại ra khỏi tám nhân. Việc ấy không được tính vào tám nhân.
3. Tâu đại vương, hoặc là giống như năm trăm con sông chảy ra từ núi Hi-mã-lạp. Tâu đại vương, trong số năm trăm con sông ấy, chỉ có mười con sông được tính vào việc tính đếm các con sông, tức là: sông Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī, Sindhu, Sarassatī, Vetravatī, Vitatthā, Candabhāgā. Các con sông còn lại không được tính vào việc tính đếm các con sông. Vì lý do gì? Các con sông ấy không có nước thường xuyên. Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc đại địa đầu đã rúng động bảy lần vào lúc cuộc đại thí đang được trao ra bởi đức vua Vessantara, điều này là bất thường, đôi lúc có xảy ra, được loại ra khỏi tám nhân. Việc ấy không được tính vào tám nhân.
4. Tâu đại vương, hoặc là giống như các quan đại thần của đức vua thì cả trăm người, hai trăm người. Trong số những người ấy chỉ có sáu là được tính vào việc tính đếm các quan đại thần, tức là: tướng quân, quan tế tự, quan xử án, quan thủ khố, quan giữ lọng, quan giữ gươm. Chỉ những người này được tính vào việc tính đếm các quan đại thần. Vì lý do gì? Vì trạng thái gắn bó với các phẩm chất của đức vua. Còn tất cả những người còn lại không được tính đếm mà chỉ được xem là ‘quan đại thần.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc đại địa đầu đã rúng động bảy lần vào lúc cuộc đại thí đang được trao ra bởi đức vua Vessantara, điều này là bất thường, đôi lúc có xảy ra, được loại ra khỏi tám nhân. Việc ấy không được tính vào tám nhân.
Tâu đại vương, phải chăng có được nghe là trong thời hiện tại nghiệp của những việc làm hướng thượng đã làm ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng là có cảm thọ lạc trong hiện tại, và danh tiếng của những việc này vang lên ở giữa chư Thiên và nhân loại?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có được nghe là trong thời hiện tại nghiệp của những việc làm hướng thượng đã làm ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng là có cảm thọ lạc trong hiện tại, và danh tiếng của những việc này vang lên ở giữa chư Thiên và nhân loại. Những người ấy là bảy người.”
“Tâu đại vương, là ai và ai vậy?”
“Thưa ngài, là ‘người làm tràng hoa Sumana, Bà-la-môn Ekasāṭaka, người làm công Puṇṇa, hoàng hậu Mallikā, hoàng hậu Gopālamātā, cận sự nữ Suppiyā, và nữ tỳ Puṇṇā.’ Bảy người này có cảm thọ lạc trong hiện tại, và danh tiếng của những người này vang lên ở giữa chư Thiên và nhân loại.”
“Vậy có được nghe những người khác trong thời quá khứ đã đi đến cung trời Đạo Lợi bằng chính thân thể và vóc dáng ấy của con người?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có được nghe.”
“Tâu đại vương, là ai và ai vậy?”
“Là ‘vị Càn-thát-bà Guttila, đức vua Sādhīna, đức vua Nimī, và đức vua Mandhātā.’ Bốn người này được nghe là đã đi đến cung trời Đạo Lợi bằng thân thể và vóc dáng của con người. Được nghe rằng việc đã làm tốt hoặc đã làm xấu đã được làm lâu lắm rồi.”
“Tâu đại vương, phải chăng đại vương đã được nghe trước đây vào thời quá khứ xa xăm hoặc trong thời hiện tại xa xăm đại địa cầu đã rúng động một lần hoặc hai lần hoặc ba lần khi vật thí của người tên như vầy đang được trao ra?”
6. “Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, tôi đã có sự truyền thừa, sự thành tựu, sự thuộc lòng Kinh điển, sự lắng nghe, sự học tập, năng lực, sự mong mỏi lắng nghe, sự vấn hỏi, sự hầu hạ các vị thầy, tuy nhiên tôi cũng chưa từng được nghe trước đây đại địa cầu đã rúng động một lần hoặc hai lần hoặc ba lần khi vật thí của người tên như vầy đang được trao ra, ngoại trừ việc bố thí cao quý của vị vua kiệt xuất Vessantara. Tâu đại vương, vào khoảng giữa của hai vị Phật là ‘đức Thế Tôn Kassapa và đức Thế Tôn Sakyamuni,’ nhiều koṭi năm vượt quá cách thức tính đếm đã trôi qua, ngay cả trong khoảng thời gian đó tôi cũng không có nghe là ‘đại địa cầu đã rúng động một lần hoặc hai lần hoặc ba lần khi vật thí của người tên như vầy đang được trao ra.’
Tâu đại vương, đại địa cầu không rúng động với sự tinh tấn chừng ấy, với sự nỗ lực chừng ấy. Tâu đại vương, bị chồng chất gánh nặng về đức hạnh, bị chồng chất toàn bộ gánh nặng về sự trong sạch, hành động, và đức hạnh, trong khi không thể nâng đỡ, đại địa cầu lay động, rúng động, chuyển động.
7. Tâu đại vương, giống như khi chiếc xe tải bị chồng chất vật nặng quá tải thì các ổ trục và các vành bánh xe bung ra, trục xe bị gãy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế bị chồng chất toàn bộ gánh nặng về sự trong sạch, hành động, và đức hạnh, trong khi không thể nâng đỡ, đại địa cầu lay động, rúng động, chuyển động.
Tâu đại vương, hoặc là giống như bầu trời bị bao phủ bởi sự chuyển động của gió và nước, bị chồng chất bởi gánh nặng về lượng nước dồi dào, do trạng thái bị đưa đẩy bởi cơn gió mạnh nên gầm rú, gào thét, rống lên. Tâu đại vương, tương tợ y như thế bị chồng chất gánh nặng lớn lao và dồi dào về năng lực bố thí của đức vua Vessantara, trong khi không thể nâng đỡ, đại địa cầu lay động, rúng động, chuyển động.
8. Tâu đại vương, bởi vì tâm của đức vua Vessantara không vận hành do tác động của tham, không vận hành do tác động của sân, không vận hành do tác động của si, không vận hành do tác động của ngã mạn, không vận hành do tác động của tà kiến, không vận hành do tác động của phiền não, không vận hành do tác động của suy tầm, không vận hành do tác động của ganh ghét. Khi ấy, nó vận hành phần nhiều do tác động của sự bố thí: ‘Làm cách nào những người ăn xin chưa đi đến có thể đến gần ta, và những người ăn xin đã đi đến có thể nhận lãnh theo như ý muốn và có thể được hài lòng?’ Sự bố thí là chủ tể, là tâm ý đã được khẳng định một cách thường xuyên, liên tục.
9. Tâu đại vương, tâm ý của đức vua Vessantara đã được khẳng định một cách thường xuyên, liên tục trong mười trường hợp: ở sự huấn luyện, ở sự bình lặng, ở sự nhẫn nại, ở sự phòng hộ, ở sự thu thúc, ở sự đè nén, ở sự không giận dữ, ở sự không hãm hại, ở sự chân thật, ở sự trong sạch.
Tâu đại vương, đối với đức vua Vessantara thì sự tầm cầu về dục đã được dứt bỏ, sự tầm cầu về hữu đã được yên lặng, chỉ riêng sự tầm cầu về Phạm hạnh là được đạt đến một cách sốt sắng.
Tâu đại vương, đối với đức vua Vessantara thì sự bảo vệ bản thân đã được dứt bỏ, sự bảo vệ người khác đã được đạt đến một cách sốt sắng: ‘Làm cách nào những chúng sanh này có thể hợp nhất, không tật bệnh, có tài sản, có tuổi thọ dài lâu?’ tâm ý vận hành phần nhiều là như thế.
Tâu đại vương, và trong khi bố thí vật thí ấy, đức vua Vessantara không bố thí vì nhân đạt đến tái sanh, không bố thí vì nhân tài sản, không bố thí vì nhân vật biếu lại, không bố thí vì nhân thu phục, không bố thí vì nhân tuổi thọ, không bố thí vì nhân sắc đẹp, không bố thí vì nhân hạnh phúc, không bố thí vì nhân sức mạnh, không bố thí vì nhân danh vọng, không bố thí vì nhân con trai, không bố thí vì nhân con gái. Khi ấy đức vua đã bố thí vật thí cao quý, không thể đo lường, bao la, vô thượng có hình thức như thế ấy vì lý do của trí Toàn Tri, vì lý do của báu vật là trí Toàn Tri. Và khi đã đạt được bản thể Toàn Tri, đức vua đã nói lên lời kệ này:
‘Chỉ vì lý do là sự Giác Ngộ, ta đã không nghĩ suy trong khi buông bỏ Jāli, con gái Kaṇhājinā, và hoàng hậu Maddī chung thủy.’
10. Tâu đại vương, đức vua Vessantara chiến thắng giận dữ bằng không giận dữ, chiến thắng sự xấu xa bằng sự tốt đẹp, chiến thắng keo kiệt bằng bố thí, chiến thắng giả dối bằng chân thật, chiến thắng tất cả bất thiện bằng thiện. Trong khi vị ấy, là người đã tiến bước theo Giáo Pháp, hướng về Giáo Pháp, đang bố thí như vậy, do tính chất bao la của sự tinh tấn và năng lực của việc hoàn thành sự bố thí, có những cơn gió lớn xao động ở phía bên dưới. Chúng thổi qua một cách hoàn toàn rối loạn, chầm chậm từng cơn từng cơn một; chúng sà xuống, bốc lên, xoáy tròn; các cây bị trụi lá đổ xuống, những đám mây dầy đặc di chuyển ở bầu trời, những cơn gió tích lũy đầy bụi trở nên dữ dội, bầu trời bị hạ thấp, các cơn gió thổi cuốn đi ào ạt, âm thanh vô cùng ghê rợn phát ra; khi những cơn gió ấy giận dữ thì nước dao động tăng dần, khi nước bị dao động thì các con cá và rùa bị quấy nhiễu, các đợt sóng từng đôi từng đôi sanh lên, các chúng sanh là loài thủy tộc run sợ, sóng nước gợn tròn từng cặp, tiếng rì rào của sóng phát khởi, bong bóng nước ghê rợn nổi lên, những mảng bọt nước hiện hữu; đại dương nổi dậy, nước chạy khắp tám phương, các dòng nước trôi chảy từ miệng của các dòng nước xuôi ngược. Các loài A-tu-la, kim-sỉ-điểu, rồng, dạ-xoa bị hoảng hốt: ‘Có thật không, bằng cách nào mà biển cả xoay ngược lại?’ rồi tìm kiếm lối ra đi với tâm hãi sợ; khi bầu nước bị quấy nhiễu, bị khuấy rối, đại địa cầu cùng với núi non luôn cả biển cả rúng động, chóp đá của đỉnh núi Sineru nghiêng ngả trong khi bị xoáy tròn, các loài rắn, chồn, mèo, chó rừng, heo rừng, nai, chim chóc bị hết hồn, các dạ-xoa ít quyền lực khóc lóc, các dạ-xoa nhiều quyền lực cười đùa trong khi đại địa cầu rung động.
11. Tâu đại vương, giống như ngọn lửa đang cháy ở bên dưới cái chảo to lớn vĩ đại được chứa đầy nước, có gạo lổn nhổ, được đặt ở lò lửa, trước tiên (ngọn lửa) đốt nóng cái chảo, khi cái chảo đã được đốt nóng, nó đun nóng nước; khi nước đã được đốt nóng, nó đun nóng gạo; gạo đã được đốt nóng nổi lên, chìm xuống, làm sanh ra bong bóng nước, rồi những mảng bọt nước trồi lên. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, đức vua Vessantara đã từ bỏ vật khó từ bỏ ở thế gian. Khi vị ấy đang từ bỏ vật khó từ bỏ ấy, do sự hoàn thành từ bản chất của việc bố thí, những cơn gió lớn ở phía bên dưới, trong khi không thể nâng đỡ, đã bị khuấy động. Khi những cơn gió lớn bị khuấy động, nước đã rung động. Khi nước bị rung động, đại địa cầu đã rung động.
Như thế vào khi ấy ‘những cơn gió lớn, nước, và quả địa cầu,’ ba thứ này đã trở thành như là có chung một tâm ý. Do việc hoàn thành của sự bố thí vĩ đại, do năng lực và sự tinh tấn bao la, không có người nào khác có oai lực bố thí như thế này như là oai lực bố thí vĩ đại của đức vua Vessantara.
12. Tâu đại vương, giống như các viên ngọc ma-ni nhiều loại được tìm thấy ở trái đất, như là: ngọc xa-phia, ngọc lục, ngọc như ý, ngọc bích, ngọc hoa lanh, ngọc hoa keo, ngọc thu hồn, ngọc nhật lệ, ngọc nguyệt lệ, kim cương, ngọc lân tinh, hoàng ngọc, hồng ngọc, ngọc mắt mèo,’ thì viên ngọc ma-ni của đức Chuyển Luân vượt trội tất cả các viên ngọc này nên được gọi là nhất hạng. Tâu đại vương, viên ngọc ma-ni của đức Chuyển Luân chiếu sáng một do-tuần ở chung quanh, tâu đại vương, tương tợ y như thế bất cứ sự bố thí nào được tìm thấy ở trái đất, dầu là sự bố thí tối thượng không thể sánh bằng, sự bố thí vĩ đại của đức vua Vessantara vượt trội tất cả các sự bố thí ấy nên được gọi là nhất hạng. Tâu đại vương, khi sự bố thí vĩ đại của đức vua Vessantara đang được trao ra thì đại địa cầu đã bị rung động bảy lần.”
“Thưa ngài Nāgasena, là sự kỳ diệu của chư Phật! Thưa ngài Nāgasena, là sự phi thường của chư Phật! Là việc đức Thế Tôn, trong khi còn là Bồ Tát, với sự nhẫn nại như vậy, với tâm như vậy, với quyết định như vậy, với chủ tâm như vậy, so với thế gian không người sánh bằng. Thưa ngài Nāgasena, sự nỗ lực của các đức Bồ Tát đã được phô bày. Và các pháp toàn hảo của các đấng Chiến Thắng được chiếu sáng còn nhiều hơn thậm chí trong khi các ngài đang thực hành đức hạnh, cho đến bản thể tối thượng của đức Như Lai là được hiển hiện ở thế gian có cả chư Thiên. Thưa ngài Nāgasena, thật tốt đẹp thay Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng đã được tán dương, các pháp toàn hảo của đấng Chiến Thắng đã được tỏa sáng, nút thắt ở học thuyết của các giáo chủ tà giáo đã được cắt đứt, bầu nước về học thuyết của những kẻ khác đã được đập bể, câu hỏi thâm sâu đã được làm rõ, bụi rậm đã được làm không còn bụi rậm, sự giải quyết của các vị con trai của đấng Chiến Thắng đã được tiếp thu đúng đắn. Hỡi vị cao quý và ưu tú trong số các vị có đồ chúng, xin ngài hãy chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về hiện tượng dao động dữ dội của trái đất là thứ tư.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, ngài đã nói như vầy: ‘Các con mắt đã được đức vua Sivi bố thí đến kẻ cầu xin, khi đức vua đã bị mù thì các thiên nhãn đã được tạo ra lại.’[6] Lời nói này cũng có sự sái quấy, có sự bắt bẻ, có khuyết điểm. Điều đã được nói ở trong Kinh là: ‘Khi nhân đã bị lấy đi, khi không có nhân, khi không có nền tảng, thì không có sự tạo ra thiên nhãn.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu các con mắt đã được đức vua Sivi bố thí đến kẻ cầu xin, như thế thì lời nói rằng: ‘Các thiên nhãn đã được tạo ra lại’ là sai trái. Nếu các thiên nhãn đã được tạo ra, như thế thì lời nói rằng: ‘Các con mắt đã được đức vua Sivi bố thí đến kẻ cầu xin’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, bị thắt lại còn hơn nút thắt, bị xoắn lại còn hơn vật xoắn, bị rối rắm còn hơn bụi rậm, nó được dành cho ngài. Ở đây, xin ngài hãy khởi lên ước muốn về việc giải quyết vì sự bắt bẻ của các học thuyết khác.”
2. “Tâu đại vương, các con mắt đã được đức vua Sivi bố thí đến kẻ cầu xin. Đại vương chớ khởi lên sự phân vân về trường hợp ấy. Và các thiên nhãn đã được tạo ra lại. Đại vương cũng chớ này sanh sự phân vân về trường hợp ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, phải chăng khi nhân đã bị lấy đi, khi không có nhân, khi không có nền tảng thì thiên nhãn cũng được tạo ra?”
“Tâu đại vương, không đúng.”
“Thưa ngài Nāgasena, vậy thì ở đây điều gì là lý do mà với lý do ấy thiên nhãn lại được tạo ra khi nhân đã bị lấy đi, khi không có nhân, khi không có nền tảng? Vậy ngài hãy giúp cho trẫm hiểu bằng lý lẽ.”
3. “Tâu đại vương, có chăng ở thế gian cái gọi là sự chân thật mà những người có lời nói chân thật về điều ấy tạo ra sự phát nguyện chân thật?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có cái gọi là sự chân thật ở thế gian. Thưa ngài Nāgasena, những người nói lời chân thật với sự chân thật tạo ra sự phát nguyện chân thật khiến cho trời đổ mưa, khiến cho lửa bị dập tắt,[7] làm tiêu tan chất độc, và còn tạo ra việc có thể làm các loại khác nữa.”
“Tâu đại vương, như thế thì nó liên quan, nó phù hợp với việc các thiên nhãn đã được tạo ra cho đức vua Sivi là nhờ vào năng lực của sự chân thật. Tâu đại vương, nhờ vào năng lực của sự chân thật mà thiên nhãn đã được tạo ra khi không có nền tảng. Ở đây, chính sự chân thật là nền tảng cho việc tạo ra thiên nhãn. Tâu đại vương, giống như những vị đạo sĩ nào đó cầu khấn lời chân thật rằng: ‘Xin cho cơn mưa lớn hãy đổ xuống,’ cùng với việc đã cầu khấn lời chân thật của những người ấy, cơn mưa lớn đổ xuống. Tâu đại vương, phải chăng có nhân của cơn mưa đã hội tụ lại ở khoảng không mà với nhân ấy cơn mưa lớn đổ xuống?”
“Thưa ngài, không đúng. Trong trường hợp ấy, chính sự chân thật là nhân cho việc đổ xuống của cơn mưa lớn.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc ấy không có nhân bình thường. Trong trường hợp này, chính sự chân thật là nền tảng cho việc tạo ra thiên nhãn.”
4. “Tâu đại vương, hoặc là giống như việc những vị đạo sĩ nào đó cầu khấn lời chân thật rằng: ‘Xin cho khối lửa lớn đã bộc phát hãy quay trở lại;’ cùng với việc đã cầu khấn lời chân thật của những người ấy, khối lửa lớn đã bộc phát tức thời quay trở lại. Tâu đại vương, phải chăng ở khối lửa lớn đã bộc phát ấy có nhân đã được hội tụ lại, mà do nhân ấy khối lửa lớn đã bộc phát tức thời quay trở lại?”
“Thưa ngài, không đúng. Chính sự chân thật là nền tảng cho việc tức thời quay trở lại của khối lửa lớn đã bốc phát ấy.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc ấy không có nhân bình thường. Trong trường hợp này, chính sự chân thật là nền tảng cho việc tạo ra thiên nhãn.”
5. “Tâu đại vương, hoặc là giống như việc những vị đạo sĩ nào đó cầu khấn lời chân thật rằng: ‘Xin cho chất độc dữ dội trở thành thuốc chữa bệnh.’ Tâu đại vương, phải chăng ở chất độc dữ dội có nền tảng đã hội tụ lại, mà với nền tảng ấy chất độc dữ dội trở thành thuốc chữa bệnh?”
“Thưa ngài, không đúng. Trong trường hợp ấy, chính sự chân thật là nguyên nhân cho việc tức thời tiêu diệt chất độc dữ dội.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế trong trường hợp này, chính sự chân thật là nền tảng cho việc tạo ra thiên nhãn, không phải nhân bình thường.”
“Tâu đại vương, không có nền tảng nào khác cho việc thâm nhập bốn Chân Lý Cao Thượng. Bốn Chân Lý Cao Thượng được thâm nhập sau khi đã đặt nền tảng ở sự chân thật. Tâu đại vương, có đức vua Cīna ở khu vực Cīna. Đức vua có ước muốn tiến hành việc cúng tế ở đại dương nên đã thực hiện sự phát nguyện chân thật vào mỗi bốn tháng, rồi cùng với chiếc xe tiến vào trong đại dương một do-tuần. Khối lượng nước vĩ đại đi thụt lùi ở phía trước đầu chiếc xe của đức vua, đến khi đức vua đã vượt qua thì bao trùm lại. Tâu đại vương, phải chăng thế gian có cả chư Thiên và nhân loại, với năng lực của cơ thể bình thường, có thể khiến cho đại dương ấy đi thụt lùi?”
“Thưa ngài, thế gian có cả chư Thiên và nhân loại, với năng lực của cơ thể bình thường, cũng không thể khiến cho nước ở hồ nước vô cùng nhỏ đi thụt lùi, thì làm gì được đối với nước ở đại dương?”
6. “Tâu đại vương, cũng vì lý do này mà năng lực của sự chân thật được biết đến như vầy: ‘Không có nơi nào mà sự chân thật không thể đạt đến.’
Tâu đại vương, đức vua công chính Asoka ở thành phố Pāṭaliputta, được tùy tùng bởi các thị dân, dân chúng, các viên chức, nhân công, binh lính, và các quan đại thần, sau khi nhìn thấy sông Gaṅgā tràn đầy nước mới, ngập bờ, trải rộng có bề dài năm trăm do-tuần, bề ngang một do-tuần, đang trôi chảy, nên đã nói với các quan viên rằng: ‘Này các khanh, có ai có khả năng làm cho sông Gaṅgā vĩ đại này chảy ngược dòng không?’ Các quan viên đã nói rằng: ‘Tâu bệ hạ, là việc khó làm.’ Có cô kỹ nữ tên Bindumatī đứng ở ngay tại bờ sông Gaṅgā ấy đã nghe rằng: ‘Nghe nói đức vua đã nói như vầy: - Có thể làm cho sông Gaṅgā vĩ đại này chảy ngược dòng không?’ Cô ấy đã nói như vầy: ‘Chính thiếp là người kỹ nữ ở thành phố lớn Pāṭaliputta, có cuộc sống nhờ vào sắc đẹp, là cách sinh nhai tồi tệ nhất. Mong rằng đức vua hãy chứng kiến sự phát nguyện chân thật của thiếp.’ Rồi cô ấy đã thực hiện sự phát nguyện chân thật. Vào giây phút của sự phát nguyện chân thật của cô ấy, con sông Gaṅgā vĩ đại ấy, trong lúc gầm lên tiếng rì rào, đã chảy ngược dòng cho đám đông người chứng kiến. Khi ấy, nghe được tiếng ầm ĩ tạo ra bởi tốc độ của sóng nước bị xoáy tròn, đức vua đã có sự ngạc nhiên được sanh lên do điều kỳ diệu phi thường, nên đã nói với các quan viên rằng: ‘Này các khanh, do người nào mà con sông Gaṅgā vĩ đại này chảy ngược dòng?’ ‘Tâu đại vương, cô kỹ nữ Bindumatī sau khi nghe lời nói của đại vương đã thực hiện sự phát nguyện chân thật. Do sự phát nguyện chân thật của cô ấy mà con sông Gaṅgā chảy về phía thượng nguồn.’
Khi ấy, có tâm bị chấn động, đức vua đã đích thân đi đến vô cùng vội vã và đã hỏi cô kỹ nữ ấy rằng: ‘Này cô gái, nghe nói do sự phát nguyện chân thật của cô mà con sông Gaṅgā này chảy ngược dòng, có đúng không vậy?’ ‘Tâu bệ hạ, đúng vậy.’ Đức vua đã nói rắng: ‘Cô có năng lực gì về việc ấy? Ai mà tin lời nói của cô, nếu không bị điên khùng? Do năng lực gì mà cô đã làm cho con sông Gaṅgā vĩ đại này chảy ngược dòng?’ Cô ấy đã nói rằng: ‘Tâu đại vương, do năng lực của sự chân thật mà thiếp đã làm cho con sông Gaṅgā vĩ đại này chảy ngược dòng.’ Đức vua đã nói rắng: ‘Năng lực của sự chân thật gì có ở nơi cô, khi cô là kẻ trộm, hạng người vô lại, không trong sạch, lường gạt, độc ác, bóc lột những kẻ mê muội?’ ‘Tâu đại vương, sự thật thì thiếp là người như thế ấy.
Tâu đại vương, nếu năng lực của sự chân thật có ở nơi thiếp, thì với điều ấy, trong khi mong muốn, thiếp cũng có thể xoay chuyển thế gian có cả chư Thiên.’ Đức vua đã nói rắng: ‘Vậy thì sự phát nguyện chân thật ấy là điều gì?’ ‘Vậy thì xin đại vương hãy lắng nghe thiếp. Tâu đại vương, người nào dầu là Sát-đế-lỵ, hay Bà-la-môn, hoặc thương buôn, hay nô lệ, hoặc là bất cứ ai ban cho thiếp của cải, thì thiếp phục vụ những người ấy đều bình đẳng. Là ‘Sát-đế-lỵ’ không có gì đặc biệt. Là ‘nô lệ’ không có gì khinh chê. Thiếp hầu hạ người có của cải, thoát ra khỏi sự nuông chiều hay ghét bỏ. Tâu bệ hạ, điều ấy là sự phát nguyện chân thật của thiếp, nhờ nó mà thiếp đã làm cho con sông Gaṅgā vĩ đại này chảy ngược dòng.’
Tâu đại vương, những người đứng vững ở sự chân thật cũng như thế, không có bất cứ ý nghĩa nào mà họ không biết. Tâu đại vương, các con mắt đã được đức vua Sivi bố thí đến kẻ cầu xin, và các thiên nhãn đã được tạo ra lại. Và điều ấy là do sự phát nguyện chân thật. Điều đã được nói ở trong Kinh là: ‘Khi nhục nhãn đã bị hư hoại, khi không có nhân, khi không có nền tảng, thì không có sự tạo ra của thiên nhãn,’ điều ấy được nói liên quan đến con mắt có vật liệu là sự tu tập. Tâu đại vương, xin đại vương hãy ghi nhớ điều này như thế.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Câu hỏi đã khéo được tháo gỡ, sự bắt bẻ đã khéo được giải thích, các học thuyết khác đã khéo được nghiền nát. Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về sự bố thí mắt của đức vua Sivi là thứ năm.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, sự nhập vào bào thai được hội tụ bởi ba yếu tố. Ở đây, người mẹ và người cha kết hợp với nhau, người mẹ có kinh nguyệt, và chúng sanh đi đầu thai đã sẵn sàng. Này các tỳ khưu, sự nhập vào bào thai được hội tụ bởi ba yếu tố này.’ Đây là lời nói không thiếu sót, đây là lời nói đầy đủ, đây là lời nói không thay đổi, đây là lời nói xứng đáng, đã được nói (bởi đức Thế Tôn) sau khi ngồi xuống ở giữa chư Thiên và nhân loại. Và việc nhập vào bào thai này được hội tụ bởi hai yếu tố đã được nhìn thấy: ‘Vào thời kỳ kinh nguyệt của nữ đạo sĩ Pārikā, lỗ rún của nàng đã bị chạm vào bởi ngón tay cái bên phải của đạo sĩ Dukūla, do việc chạm vào lỗ rún ấy của vị ấy mà đứa bé trai Sāma được sanh ra.[8] Vào thời kỳ kinh nguyệt của cô gái Bà-la-môn, lỗ rún của nàng cũng đã bị chạm vào bởi ngón tay cái bên phải của vị ẩn sĩ Mātaṅga, do việc chạm vào lỗ rún ấy của vị ấy mà thanh niên Bà-la-môn Maṇḍavya được sanh ra.’[9]
Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Này các tỳ khưu, sự nhập vào bào thai được hội tụ bởi ba yếu tố,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Bé trai Sāma và thanh niên Bà-la-môn Maṇḍavya, cả hai người ấy được sanh ra do sự chạm vào lỗ rún’ là sai trái. Nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Bé trai Sāma và thanh niên Bà-la-môn Maṇḍavya, cả hai người ấy được sanh ra do sự chạm vào lỗ rún,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, sự nhập vào bào thai được hội tụ bởi ba yếu tố’ là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, vô cùng sâu xa, vô cùng khôn khéo, là lãnh vực dành cho những bậc có sự giác ngộ. Nó được dành cho ngài. Xin ngài hãy chặt đứt sự phân vân. Xin ngài hãy nắm giữ ngọn đèn cao quý của trí tuệ.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, sự nhập vào bào thai được hội tụ bởi ba yếu tố. Ở đây, người mẹ và người cha kết hợp với nhau, người mẹ có kinh nguyệt, và chúng sanh đi đầu thai đã sẵn sàng. Sự nhập vào bào thai được hội tụ bởi ba yếu tố như vậy.’ Và có điều đã được nói là: ‘Bé trai Sāma và thanh niên Bà-la-môn Maṇḍavya, cả hai người ấy được sanh ra do sự chạm vào lỗ rún.’”
“Thưa ngài Nāgasena, như thế thì câu hỏi khéo được giải quyết bằng lý lẽ nào, xin ngài giúp cho trẫm hiểu bằng lý lẽ ấy.”
3. “Tâu đại vương, phải chăng đại vương đã được nghe trước đây là thanh niên Saṃkicca, đạo sĩ Isisiṅga,[10] và trưởng lão Kumārakassapa, những người ấy được sanh ra do việc này?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có được nghe. Việc sanh ra của những người ấy được loan truyền. Hai con nai cái, nhằm vào thời kinh nguyệt, đã đi đến chỗ tiểu tiện của hai vị đạo sĩ rồi uống nước tiểu có lẫn tinh dịch của họ, do tinh dịch ở nước tiểu ấy mà thanh niên Saṃkicca và đạo sĩ Isisiṅga được sanh ra. Trưởng lão Udāyi đã đi đến chỗ ngụ của tỳ khưu ni, trong lúc suy tưởng đến chỗ kín của vị tỳ khưu ni với tâm ái luyến, đã bị xuất ra tinh dịch ở y ca-sa. Khi ấy, đại đức Udāyi đã bảo vị tỳ khưu ni ấy điều này: ‘Này sư tỷ, hãy đi và đem lại nước. Tôi sẽ giặt y nội.’ - ‘Thưa ngài, hãy đưa đây. Chính tôi sẽ giặt.’ Sau đó, vị tỳ khưu ni ấy, đang ở vào thời kinh nguyệt, đã dùng miệng nuốt vào một phần tinh dịch ấy, còn một phần đã đưa vào chỗ kín.[11] Do việc ấy, trưởng lão Kumārakassapa đã được sanh ra.’ Và người ta đã nói về điều ấy như vậy.”
“Tâu đại vương, vậy ngài có tin vào lời nói ấy không?”
“Thưa ngài, có chứ. Chúng tôi chấp nhận lý do trong trường hợp ấy là vững chãi, vì lý do ấy chúng tôi tin rằng: ‘Họ đã được sanh ra bởi lý do ấy.’”
“Tâu đại vương, ở đây điều gì là lý do?”
“Thưa ngài, phải chăng khi hạt giống được gieo vào mảnh đất ẩm đã được chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ nhanh chóng nẩy mầm?”
“Tâu đại vương, đúng vậy.”
“Thưa ngài, tương tợ y như thế vị tỳ khưu ni ấy, khi đang có kinh nguyệt, khi noãn sào đã được thành lập, khi máu kinh có sức chảy đã ngưng lại, khi điều kiện đã được xác định, cô ấy đã nhận lấy tinh dịch ấy rồi đưa vào ở chỗ noãn sào ấy. Vì thế, bào thai đã thành tựu cho cô ấy. Chúng tôi ghi nhận lý do như vậy đối với việc sanh ra của những người ấy.”
“Tâu đại vương, điều ấy là như vậy. Theo đó, tôi chấp nhận là do sự xâm nhập vào tử cung mà bào thai được hình thành. Tâu đại vương, phải chăng ngài chấp nhận là có sự nhập vào bào thai của trưởng lão Kumārakassapa?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, lành thay! Đại vương đã đi theo đường lối của tôi. Mặc dầu chỉ theo một cách thức trong khi nói về việc nhập vào bào thai, đại vương cũng sẽ đi theo sự thuyết phục của tôi. Giờ đến hai con nai cái đã đạt được bào thai sau khi uống nước tiểu, đối với chúng thì đại vương có tin về sự nhập vào bào thai không?”
“Thưa ngài, có chứ. Bất cứ vật gì được ăn, được uống, được nhai, được liếm, thì tất cả trôi xuống noãn sào, rồi đạt đến sự phát triển ở nơi đã đi đến. Thưa ngài Nāgasena, giống như bất cứ cái gì gọi là dòng nước chảy, tất cả đều chảy xuôi về đại dương, rồi đạt đến sự phát triển ở nơi đã đi đến. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế bất cứ vật gì được ăn, được uống, được nhai, được liếm, thì tất cả đều trôi xuống noãn sào, rồi đạt đến sự phát triển ở nơi đã đi đến. Vì lý do ấy, trẫm tin về sự nhập vào bào thai cũng do vật đã được đưa vào miệng.”
“Tâu đại vương, lành thay! Đại vương đã đi theo đường lối của tôi một cách vững chắc hơn. Cũng do việc uống vào miệng mà có sự hội tụ của hai trường hợp. Tâu đại vương, phải chăng đại vương chấp nhận là có sự nhập vào bào thai của Saṃkicca, của đạo sĩ Isisiṅga, và của trưởng lão Kumārakassapa?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Đã được hội tụ thì trôi xuống.”
5. “Tâu đại vương, bé trai Sāma và thanh niên Bà-la-môn Maṇḍavya đều có chung một tính chất, được xếp vào ba sự hội tụ theo trường hợp đầu tiên. Tôi sẽ nói về lý do của trường hợp này. Tâu đại vương, đạo sĩ Dukūla và nữ đạo sĩ Pārikā, cả hai người ấy đã có sự cư ngụ ở trong rừng, có khuynh hướng viễn ly, là những người theo đuổi mục đích tối thượng, do quyền năng của sự khổ hạnh họ đã hâm nóng cho đến thế giới Phạm Thiên. Khi ấy, Thiên chủ Sakka ngày đêm đi đến phục vụ cho họ. Trong khi quan tâm đến họ bằng tâm từ được thể hiện với sự kính trong, Thiên chủ Sakka đã nhìn thấy sự hư hoại thị giác của cả hai người họ vào thời vị lai xa xăm, sau khi nhìn thấy đã nói với họ rằng: ‘Này hai vị, hãy thực hiện cho trẫm một việc. Tốt thay, hai vị hãy sanh ra một người con trai. Nó sẽ là người phục vụ và đỡ đần cho hai vị.’ ‘Này Kosiya, thôi đi! Chớ có lời nói như vậy.’ Họ đã không chấp nhận lời nói ấy của vị ấy. Là người có lòng bi mẫn, có sự mong mỏi điều lợi ích, Thiên chủ Sakka đã nói với họ như thế đến lần thứ nhì, đến lần thứ ba rằng: ‘Này hai vị, hãy thực hiện cho trẫm một việc. Tốt thay, hai vị hãy sanh ra một người con trai. Nó sẽ là người phục vụ và đỡ đần cho hai vị.’ Đến lần thứ ba, họ đã nói rằng: ‘Này Kosiya, thôi đi! Ngài chớ ràng buộc chúng tôi vào việc không có lợi ích. Thân này sẽ không tan rã cho đến khi nào? Thân này có sự tan rã là pháp tự nhiên, hãy để nó tan rã. Cho dầu trái đất đang bị tan rã, cho dầu đỉnh núi đang rơi xuống, cho dầu bầu trời đang bị nứt ra, cho dầu mặt trăng mặt trời đang sụp xuống, chúng tôi cũng không bao giờ hòa nhập với các pháp thế tục. Ngài chớ đến gần đối mặt với chúng tôi. Chúng tôi nghĩ ngài là hạng làm điều không có lợi ích; điều ấy là sự tin chắc khi ngài đi đến gần.’
Do đó, trong khi không đạt được tâm ý của họ, Thiên chủ Sakka đã thể hiện sự kính trọng, chắp tay lên, thỉnh cầu lần nữa: ‘Nếu hai vị không nỗ lực để thực hiện lời nói của trẫm, vậy thì lúc nào nữ đạo sĩ là đến thời kỳ, có kinh nguyệt, khi ấy thưa đạo sĩ, ông có thể chạm vào lỗ rún bằng ngón tay cái bên phải, do việc ấy nàng ấy sẽ mang thai. Chính điều ấy là sự đã được hội tụ của việc nhập vào bào thai.’ ‘Này Kosiya, tôi có thể thực hiện điều ấy. Chỉ chừng ấy thì sự khổ hạnh của chúng tôi sẽ không bị đổ vỡ. Hãy là như thế.’ Họ đã chấp nhận.
Hơn nữa, vào thời điểm ấy, ở cõi Trời có vị Thiên tử có thiện căn dồi dào, có tuổi thọ đã cạn kiệt, đã đạt đến sự chấm dứt tuổi thọ, có khả năng hạ sanh theo như ước muốn, thậm chí vào gia tộc của đức Chuyển Luân. Khi ấy, Thiên chủ Sakka đã đi đến gặp vị Thiên tử ấy và nói như vầy: ‘Thưa ngài, hãy đến, là ngày vô cùng rạng rỡ cho ngài. Việc thành công có ý nghĩa đã đến, là việc trẫm đã đi đến phục vụ cho ngài, ngài sẽ có chốn cư ngụ ở nơi đáng yêu, sẽ có sự tái sanh ở gia tộc thích hợp, sẽ có sự được nuôi dưỡng bởi cha mẹ tốt lành, hãy đến, hãy làm theo lời nói của trẫm.’ Rồi đã chắp tay ở đỉnh đầu thỉnh cầu đến lần thứ nhì, thỉnh cầu đến lần thứ ba. Do đó, vị Thiên tử ấy đã nói như vầy: ‘Thưa ngài, gia tộc nào mà ngài liên tục ca tụng lập đi lập lại?’ ‘Là đạo sĩ Dukūla và nữ đạo sĩ Pārikā.’ Lắng nghe lời nói của vị ấy, vị Thiên tử đã hoan hỷ chấp nhận: ‘Thưa ngài, tốt lắm! Vậy hãy theo ước muốn của ngài. Thưa ngài, tôi đang mong ước có thể sanh ra ở chủng loại đã được mong mỏi. Vậy tôi được sanh ra ở chủng loại nào: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hay hóa sanh?’ ‘Thưa ngài, ngài được sanh ra theo lối thai sanh.’
6. Khi ấy, Thiên chủ Sakka, sau khi tính đếm ngày thọ sanh, đã thông báo cho đạo sĩ Dukūla rằng: ‘Vào ngày ấy, nữ đạo sĩ sẽ đến thời kỳ, có kinh nguyệt, thưa ngài, khi ấy ngài nên chạm vào lỗ rún bằng ngón tay cái bên phải.’ Tâu đại vương, vào ngày ấy nữ đạo sĩ đã đến thời kỳ, có kinh nguyệt, và vị Thiên tử đã đi đến, đã hiện diện ở nơi ấy. Và vị đạo sĩ đã chạm vào lỗ rún của vị nữ đạo sĩ bằng ngón tay cái bên phải. Như thế, các việc ấy đã là ba sự hội tụ. Do việc chạm vào lỗ rún, ái luyến đã sanh khởi ở người nữ đạo sĩ. Hơn nữa, ái luyến ấy của cô ta là do việc chạm vào lỗ rún. Xin đại vương chớ nghĩ rằng việc chạm vào lỗ rún ấy chính là sự hư hỏng. Cười giỡn cũng là sự hội tụ. Ngợi khen cũng là sự hội tụ. Chú tâm cũng là sự hội tụ. Do sự sanh khởi của ái luyến đã được tạo ra trước đó, do sự chạm vào mà sự hội tụ được sanh lên. Do sự hội tụ mà có sự nhập thai.
7. Tâu đại vương, sự nhập vào bào thai do sự chạm vào thì cũng không ở vào trường hợp hư hỏng. Tâu đại vương, giống như ngọn lửa đang cháy xua đi sự lạnh cho người đã đến gần mặc dầu không có sự chạm vào. Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự nhập vào bào thai do sự chạm vào thì cũng không ở vào trường hợp hư hỏng. Tâu đại vương, sự nhập vào bào thai của chúng sanh là do bốn tác động: Do tác động của nghiệp, do tác động của nguồn gốc, do tác động của chủng loại, do tác động của sự thỉnh cầu. Hơn nữa, tất cả chúng sanh này có sự tạo thành do nghiệp, có sự sanh lên do nghiệp.
Tâu đại vương, sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của nghiệp nghĩa là thế nào? Tâu đại vương, các chúng sanh có thiện căn dồi dào sanh lên theo như ước muốn ở gia tộc Sát-đế-lỵ giàu có, hoặc ở gia tộc Bà-la-môn giàu có, hoặc ở gia tộc người tại gia giàu có, hoặc ở giữa chư Thiên, hoặc từ nguồn gốc noãn sanh, hoặc từ nguồn gốc thai sanh, hoặc từ nguồn gốc thấp sanh, hoặc từ nguồn gốc hóa sanh. Tâu đại vương, giống như người nam có tài sản lớn, có của cải lớn, có dồi dào vàng bạc, dồi dào vật sở hữu dự phòng, có dồi dào tài sản và ngũ cốc, có dồi dào thân quyến và phe nhóm, sau khi cho ra tài sản đến hai ba lần rồi mua theo như ước muốn bất cứ vật gì được mong mỏi bởi tâm, hoặc là tớ gái, hay tớ trai, hoặc là ruộng, vườn, làng mạc, thị trấn, hay là xứ sở. Tâu đại vương, tương tợ y như thế các chúng sanh có thiện căn dồi dào sanh lên theo như ước muốn ở gia tộc Sát-đế-lỵ giàu có, hoặc ở gia tộc Bà-la-môn giàu có, hoặc ở gia tộc người tại gia giàu có, hoặc ở giữa chư Thiên, hoặc từ nguồn gốc noãn sanh, hoặc từ nguồn gốc thai sanh, hoặc từ nguồn gốc thấp sanh, hoặc từ nguồn gốc hóa sanh. Sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của nghiệp nghĩa là như vậy.
8. Tâu đại vương, sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của nguồn gốc nghĩa là thế nào? Tâu đại vương, đối với giống gà mái thì có sự nhập vào bào thai do cơn gió, đối với loài hạc thì có sự nhập vào bào thai do cơn mưa. Thậm chí toàn bộ chư Thiên không nằm trong bào thai cũng là chúng sanh. Đối với các hạng ấy thì có sự nhập vào bào thai bằng nhiều cách thức khác nhau. Tâu đại vương, giống như những con người đi lại trên trái đất theo nhiều cách thức khác nhau, một số trùm kín phía trước, một số trùm kín phía sau, một số thì lõa thể, một số thì cạo đầu mang vải màu trắng, một số thì buộc tràng hoa, một số thì cạo đầu mặc y ca-sa, một số thì mặc y ca-sa cột búi tóc, một số thì bện tóc mang y bằng vỏ cây, một số thì mặc da thú, một số quấn các sợi dây. Tất cả những con người này đi lại trên trái đất theo nhiều cách thức khác nhau. Tâu đại vương, tương tợ y như thế chúng sanh chính là tất cả các hạng ấy. Đối với các hạng ấy thì có sự nhập vào bào thai bằng nhiều cách thức khác nhau. Sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của nguồn gốc nghĩa là như vậy.
9. Tâu đại vương, sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của chủng loại nghĩa là thế nào? Tâu đại vương, chủng loại nghĩa là có bốn chủng loại: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh. Ở đây nếu chúng sanh đi đầu thai từ bất cứ nơi đâu đi đến rồi sanh lên ở chủng loại noãn sanh, trong trường hợp ấy nó là hạng noãn sanh. —(như trên)— ở chủng loại thai sanh —(như trên)— ở chủng loại thấp sanh —(như trên)— sanh lên ở chủng loại hóa sanh, trong trường hợp ấy nó là hạng hóa sanh. Các chúng sanh như thế ấy hiện hữu trong các chủng loại ấy. Tâu đại vương, giống như các con thú hay loài có cánh nào đó đi đến núi Hi-mã-lạp hoặc núi Sineru, tất cả bọn chúng lìa bỏ màu sắc của mình và trở thành màu sắc vàng chói. Tâu đại vương, tương tợ y như thế chúng sanh đi đầu thai nào đó từ bất cứ nơi đâu đi đến rồi nhập vào nguồn gốc noãn sanh thì lìa bỏ vóc dáng thuộc về bản chất và trở thành hạng noãn sanh. —(như trên)— nhập vào nguồn gốc thai sanh —(như trên)— thấp sanh —(như trên)— hóa sanh thì lìa bỏ vóc dáng thuộc về bản chất và trở thành hạng hóa sanh. Sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của chủng loại nghĩa là như vậy.
10. Tâu đại vương, sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của của sự thỉnh cầu nghĩa là thế nào? Tâu đại vương, ở đây có gia tộc không có con trai, có nhiều của cải thừa tự, có đức tin, tịnh tín, có giới hạnh, có tư cách tốt đẹp, sống theo hạnh khắc khổ, và có vị Thiên tử có thiện căn dồi dào và đến thời tử vong. Khi ấy, Thiên chủ Sakka vì lòng thương tưởng đến gia tộc ấy đã thỉnh cầu vị Thiên tử ấy rằng: ‘Thưa ngài, xin ngài hãy ngự đến tử cung của người vợ chánh ở gia tộc kia.’ Do nguyên nhân thỉnh cầu của vị ấy, vị Thiên tử ngự đến gia tộc ấy. Tâu đại vương, giống như những người có lòng mong mỏi phước báu sau khi thỉnh cầu vị Sa-môn xứng đáng được phát tâm, thì đi về nhà (nghĩ rằng): ‘Vị này sau khi đến sẽ là nguồn an lạc cho toàn bộ gia tộc.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế Thiên chủ Sakka sau khi thỉnh cầu vị Thiên tử ấy thì đi đến gia tộc ấy. Sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của sự thỉnh cầu nghĩa là như vậy.
11. Tâu đại vương, cậu bé trai Sāma được Thiên chủ Sakka thỉnh cầu đã nhập bào tử cung của nữ đạo sĩ Pārikā. Mẹ và cha là người có giới hạnh, có tư cách tốt đẹp. Người thỉnh cầu là Sakka. Cậu bé trai Sāma được sanh ra do tâm nguyện của ba người. Tâu đại vương, ở đây có người nam rành rẽ cách thức gieo hạt giống ở thửa ruộng ẩm được cày kỹ lưỡng. Trong khi hạt giống ấy đang được ngăn ngừa tai họa, phải chăng có thể có tai họa nào đó cho sự phát triển của nó?”
“Thưa ngài, không thể. Hạt giống không bị hãm hại thì có thể tăng trưởng nhanh chóng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế cậu bé trai Sāma, được thoát khỏi các tai họa đã khởi lên, đã được sanh ra do tâm nguyện của ba người. Tâu đại vương, phải chăng đại vương đã được nghe trước đây có xứ sở rộng lớn, giàu có, thịnh vượng, có dân cư, đã bị tiêu diệt hoàn toàn bởi tâm khởi sân của các vị ẩn sĩ?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Điều được nghe là ở trái đất khu rừng Daṇḍaka, khu rừng Mejjha, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mātaṅga, tất cả các khu rừng ấy đã trở thành không còn là rừng, có trạng thái không phải là rừng, và toàn bộ các xứ sở này cũng đã đi đến hoại diệt bởi tâm khởi sân của các vị ẩn sĩ.”
“Tâu đại vương, nếu các xứ sở vô cùng giàu có bị tiêu diệt bởi tâm khởi sân của những vị ấy, phải chăng có sự an lạc nào đó có thể sanh lên bởi sự hoan hỷ ở tâm của các vị ấy?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, chính vì điều ấy cậu bé trai Sāma đã được sanh ra do sự hoan hỷ ở tâm của ba hạng có năng lực là: được tạo ra bởi hai vị ẩn sĩ, được tạo ra bởi vị Thiên nhân, được tạo ra do phước báu.”
“Tâu đại vương, xin đại vương hãy ghi nhớ điều này như thế. Tâu đại vương, được thỉnh cầu bởi Thiên chủ Sakka, ba vị Thiên tử này đã sanh lên ở gia tộc. Ba vị nào? Cậu bé trai Sāma, (vương tử) Mahāpanāda,[12] và đức vua Kusa.[13] Cả ba người này đều là các đức Bồ Tát.”
“Thưa ngài Nāgasena, sự nhập vào bào thai đã đã khéo được giải thích. Lý do đã được giảng giải rõ ràng. Ánh sáng đã được tạo ra ở nơi tăm tối. Cục rối đã được tháo gỡ. Học thuyết của những kẻ khác không còn chói sáng. Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về sự nhập vào bào thai là thứ sáu.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm.’ Và thêm nữa, vào thời điểm viên tịch Niết Bàn, được hỏi bởi du sĩ ngoại đạo Subhadda, đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Này Subhadda, nếu các tỳ khưu này sống chân chánh, thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán.’ Đây là lời nói không thiếu sót, đây là lời nói đầy đủ, đây là lời nói không thay đổi. Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán’ là sai trái. Nếu đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, bị rối rắm còn hơn bụi rậm, mạnh mẽ hơn người lực sĩ, bị thắt lại còn hơn nút thắt, nó được dành cho ngài. Ở đây, xin ngài hãy phô bày sự triển khai về năng lực trí tuệ của ngài như là con kình ngư di chuyển ở giữa biển khơi.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm.’ Và vào thời điểm viên tịch Niết Bàn, có lời đã được nói cho du sĩ ngoại đạo Subhadda rằng: ‘Này Subhadda, nếu các tỳ khưu này sống chân chánh, thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán.’ Tâu đại vương, hơn nữa lời nói ấy của đức Thế Tôn là có ý nghĩa khác nhau và có văn tự khác nhau. Điều này là giới hạn của Giáo Pháp, điều kia là sự làm sáng tỏ về việc thực hành. Cả hai điều ấy là cách biệt xa vời với nhau. Tâu đại vương, giống như bầu không gian là cách biệt xa vời với trái đất, địa ngục là cách biệt xa vời với cõi trời, thiện là cách biệt xa vời với bất thiện, lạc là cách biệt xa vời với khổ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế cả hai điều ấy là cách biệt xa vời với nhau. Tâu đại vương, tuy nhiên chớ làm cho câu hỏi của đại vương là vô bổ. Tôi sẽ so sánh và giảng giải cho đại vương về phần cốt yếu. Điều mà đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm,’ trong khi làm sáng tỏ sự hoại diệt ấy Ngài đã xác định phần còn lại rằng: ‘Này Ānanda, Chánh Pháp có thể tồn tại một ngàn năm nếu các tỳ khưu ni không xuất gia. Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm.’ Tâu đại vương, đức Thế Tôn trong khi nói như vậy phải chăng Ngài nói về sự biến mất của Chánh Pháp hay là Ngài bác bỏ về sự lãnh hội?”
“Thưa ngài, không phải vậy.”
“Tâu đại vương, trong khi công bố về việc bị tiêu hoại, trong khi làm sáng tỏ, Ngài đã xác định phần còn lại. Tâu đại vương, giống như người bị phá sản, sau khi nắm chắc phần còn lại, có thể làm sáng tỏ đối với dân chúng rằng: ‘Phần hàng hóa của tôi bị mất mát là chừng này, đây là phần còn lại.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn, trong khi làm sáng tỏ việc bị tiêu hoại, đã thuyết giảng cho chư Thiên và nhân loại rằng: ‘Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm.’
Tâu đại vương, tuy nhiên điều đã được nói bởi đức Thế Tôn rằng: ‘Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm;’ điều ấy là giới hạn của Giáo Pháp. Còn điều mà vào thời điểm viên tịch Niết Bàn, trong lúc công bố cho các vị Sa-môn, Ngài đã nói cho du sĩ ngoại đạo Subhadda rằng: ‘Này Subhadda, nếu các tỳ khưu này sống chân chánh, thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán;’ điều ấy là sự làm sáng tỏ về việc thực hành. Hơn nữa, đại vương đã khiến cho sự giới hạn và sự làm sáng tỏ trở thành có chung điều cốt yếu. Nếu đại vương có sự mong muốn, tôi sẽ thuyết giảng. Xin đại vương hãy chăm chú lắng nghe, hãy chú ý với tâm không bị xao lãng. Tâu đại vương, ở đây có hồ nước tràn đầy nước mới, trong khi sẽ tràn bờ thì đã được giới hạn lại, đã được làm con đê bao quanh, khi nước ở chính cái hồ ấy chưa bị tháo cạn, có đám mây lớn ở phía trên tuần tự đổ mưa liên tục. Tâu đại vương, phải chăng nước ở hồ nước ấy có thể đi đến sự cạn kiệt, đi đến sự tháo cạn?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vì lý do gì?”
“Thưa ngài, vì sự liên tục của cơn mưa.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế cái hồ nước Chánh Pháp cao quý trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, được tràn đầy nước mới không ô nhiễm là tánh hạnh, giới đức, phận sự, và sự thực hành, là vượt lên trên, vượt qua khỏi cảnh giới tột cùng của hiện hữu, và tồn tại. Nếu những người con trai của đức Phật trong Giáo Pháp này có thể liên lục, có thể đổ xuống tuần tự cơn mưa từ đám mây tánh hạnh, giới đức, phận sự, và sự thực hành, như thế hồ nước Chánh Pháp cao quý trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng có thể tồn tại thời gian lâu dài, và thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán. Liên quan đến ý nghĩa này là điều đã được đức Thế Tôn nói đến rằng: ‘Này Subhadda, nếu các tỳ khưu này sống chân chánh, thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán.’
3. Tâu đại vương, hơn nữa ở đây trong khi đống lửa lớn đang rực cháy, người ta tuần tự đem lại các thứ cỏ, củi, phân bò khô. Tâu đại vương, phải chăng khối lửa ấy có thể nguội tắt?”
“Thưa ngài, không đúng. Khối lửa ấy có thể rực cháy hơn nữa, có thể tỏa sáng còn nhiều hơn nữa.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế Giáo Pháp cao quý của đấng Chiến Thắng rực cháy, tỏa sáng ở mười ngàn thế giới với tánh hạnh, giới đức, phận sự, và sự thực hành.
Tâu đại vương, nếu những người con trai của đức Phật được hội đủ năm chi phần của sự nỗ lực, thường xuyên không bị xao lãng, có thể nỗ lực còn hơn thế nữa, có thể học tập với lòng ước muốn đã được sanh khởi về Tam Học, có thể làm đầy đủ một cách trọn vẹn về sự thực hành và sự kiêng cữ về giới, như thế Giáo Pháp cao quý này của đấng Chiến Thắng có thể tồn tại thời gian lâu dài còn hơn thế nữa, và thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán. Liên quan đến ý nghĩa này là điều đã được đức Thế Tôn nói đến rằng: ‘Này Subhadda, nếu các tỳ khưu này sống chân chánh, thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán.’
4. Tâu đại vương, hơn nữa ở đây họ có thể đánh bóng tuần tự tấm gương trơn láng, bằng phẳng, khéo được đánh bóng, có ánh sáng, hoàn toàn trong sáng, bằng bột phấn đỏ trơn và mịn. Tâu đại vương, phải chăng vết bẩn, bùn, bụi bặm có thể hiện lên ở tấm gương ấy?”
“Thưa ngài, không đúng. Ngược lại, nó còn trở nên trong sáng hơn nữa.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế Giáo Pháp cao quý của đấng Chiến Thắng, tự nhiên vốn không có vết nhơ, đã xa lìa hẳn vết nhơ và bụi bặm phiền não. Nếu những người con trai của đức Phật có thể nhẫn nại thực hành Giáo Pháp cao quý của đấng Chiến Thắng với tánh hạnh, giới đức, phận sự, sự thực hành, sự giảm thiểu, và hạnh từ khước, như thế Giáo Pháp cao quý này của đấng Chiến Thắng có thể tồn tại thời gian lâu dài, và thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán;’ điều đã được đức Thế Tôn nói rằng: ‘Này Subhadda, nếu các tỳ khưu này sống chân chánh, thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán’ là có liên quan đến ý nghĩa này. Tâu đại vương, Giáo Pháp của bậc Đạo Sư có căn bản là sự thực hành, có cốt lõi là sự thực hành, còn tồn tại khi nào sự thực hành chưa bị biến mất.”
“Thưa ngài Nāgasena, điều ngài nói là: ‘Sự biến mất của Chánh Pháp,’ sự biến mất của Chánh Pháp ấy là gì?”
“Tâu đại vương, đây là ba sự biến mất của Giáo Pháp. Ba điều gì? Sự biến mất của việc chứng đắc, sự biến mất của việc thực hành, sự biến mất của tướng mạo. Tâu đại vương, khi việc chứng đắc bị biến mất, thì ngay cả đối với những người thực hành tốt đẹp cũng không có sự lãnh hội Giáo Pháp. Khi việc thực hành bị biến mất, thì điều học và sự quy định bị biến mất, chỉ còn tướng mạo tồn tại. Khi tướng mạo bị biến mất, thì có sự đứt đoạn của truyền thống. Tâu đại vương, đây là ba sự biến mất của Giáo Pháp.”
“Thưa ngài Nāgasena, câu hỏi thâm sâu đã khéo được giảng giải, đã được làm rõ, nút thắt đã được mở ra, lời tuyên thuyết của ngoại đạo đã bị hư hoại, đã bị đổ vỡ, đã được làm cho không còn hào quang, ngài đã tiến đến vị thế cao quý nhất trong số các vị có đồ chúng.”
Câu hỏi về sự biến mất của Chánh Pháp là thứ bảy.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, đức Thế Tôn đã đạt đến bản thể Toàn Tri sau khi thiêu đốt tất cả pháp bất thiện, hay là đã đạt đến bản thể Toàn Tri khi pháp bất thiện còn dư sót.”
“Tâu đại vương, đức Thế Tôn đã đạt đến bản thể Toàn Tri sau khi thiêu đốt tất cả pháp bất thiện. Không có pháp bất thiện còn dư sót ở đức Thế Tôn.”
“Thưa ngài, phải chăng các thọ khổ trước đây đã khởi lên ở cơ thể của đức Như Lai?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Ở Rājagaha, bàn chân của đức Thế Tôn đã bị cắt đứt bởi miểng đá, cơn bệnh xuất huyết đã phát khởi, khi cơ thể bị tiết ra chất dơ Jīvaka đã cho sử dụng liều thuốc xổ, khi cơn bệnh gió phát khởi vị trưởng lão thị giả đã tìm kiếm nước nóng.”
2. “Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Như Lai đã đạt đến bản thể Toàn Tri sau khi thiêu đốt tất cả pháp bất thiện, như thế thì lời nói rằng: ‘Bàn chân của đức Thế Tôn đã bị cắt đứt bởi miểng đá, cơn bệnh xuất huyết đã phát khởi’ là sai trái. Nếu bàn chân của đức Như Lai đã bị cắt đứt bởi miểng đá, cơn bệnh xuất huyết đã phát khởi, như thế thì lời nói: ‘Đức Như Lai đã đạt đến bản thể Toàn Tri sau khi thiêu đốt tất cả pháp bất thiện’ cũng là sai trái. Thưa ngài, không có cảm thọ tách rời khỏi nghiệp, tất cả cảm thọ ấy có gốc rễ ở nghiệp, được cảm nhận chỉ do nghiệp. Câu hỏi này có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
3. “Tâu đại vương, không hẳn tất cả cảm thọ ấy có gốc rễ ở nghiệp. Tâu đại vương, các cảm thọ sanh lên do tám lý do, do các lý do ấy chúng sanh phàm phu cảm nhận các thọ. Do tám lý do nào? Tâu đại vương, một số cảm thọ sanh lên có nguồn sanh khởi là gió; tâu đại vương —(như trên)— có nguồn sanh khởi là mật; tâu đại vương —(như trên)— có nguồn sanh khởi là đàm; tâu đại vương —(như trên)— có liên quan đến sự tụ hội (của gió, mật, đàm); tâu đại vương —(như trên)— do sự thay đổi của mùa tiết; tâu đại vương —(như trên)— do sự sinh hoạt không đều đặn; tâu đại vương —(như trên)— có liên quan đến việc ra sức; tâu đại vương một số cảm thọ sanh lên do quả thành tựu của nghiệp. Tâu đại vương, do tám lý do này chúng sanh phàm phu cảm nhận các thọ. Ở đây, những chúng sanh nào nói rằng: ‘Nghiệp đày đọa các chúng sanh,’ những người ấy phủ nhận lý do. Lời nói ấy của những người ấy là sai trái.
4. “Thưa ngài Nāgasena, việc có liên quan đến gió, việc có liên quan đến mật, việc có liên quan đến đàm, việc có liên quan đến sự tụ hội (của gió, mật, đàm), việc do sự thay đổi của mùa tiết, việc do sự sinh hoạt không đều đặn, việc có liên quan đến việc ra sức, tất cả các việc ấy có nguồn sanh khởi cũng ở nghiệp, tất cả các việc ấy tạo thành cũng do nghiệp.”
“Tâu đại vương, nếu tất cả các bệnh tật ấy có nguồn sanh khởi chỉ là nghiệp, thì chúng không có các đặc điểm để phân loại. Tâu đại vương, gió trong khi bị rối loạn thì bị rối loạn theo mười cách: do lạnh, do nóng, do đói, do khát, do ăn quá độ, đo đứng, do tinh tấn, do chạy, do việc ra sức, do quả thành tựu của nghiệp. Trong số đó, có chín cách sanh lên không ở quá khứ, không ở vị lai, mà ở bản thể hiện tại. Vì thế, không nên nói rằng: ‘Tất cả các thọ có sự tạo thành do nghiệp.’
Tâu đại vương, mật trong khi bị rối loạn thì bị rối loạn theo ba cách: do lạnh, do nóng, do vật thực không đều. Tâu đại vương, đàm trong khi bị rối loạn thì bị rối loạn theo ba cách: do lạnh, do nóng, do thức ăn thức uống. Tâu đại vương, cái nào là gió, cái nào là mật, cái nào là đàm, sau khi bị rối loạn do các sự rối loạn bởi chúng, sau khi có sự trộn lẫn thì kéo theo thọ của từng cái một. Tâu đại vương, thọ do sự thay đổi của mùa tiết sanh lên do sự thay đổi của mùa tiết, thọ do sự sinh hoạt không đều đặn sanh lên do sự sinh hoạt không đều đặn. Tâu đại vương, thọ có liên quan đến việc ra sức thì có cái do hành động, có cái do quả thành tựu của nghiệp. Thọ sanh lên do quả thành tựu của nghiệp sanh lên do nghiệp đã làm trước đây. Tâu đại vương, như thế do quả thành tựu của nghiệp thì ít, phần còn lại thì nhiều hơn. Ở đây, những kẻ ngu vượt quá (khi cho rằng): ‘Tất cả đều do quả thành tựu của nghiệp;’ thiếu đi trí tuệ của đức Phật không thể thực hiện việc xác định đối với nghiệp ấy.
Tâu đại vương, hơn nữa việc bàn chân của đức Thế Tôn đã bị cắt đứt bởi miểng đá, cảm thọ ấy không có nguồn sanh khởi là gió, không có nguồn sanh khởi là mật, không có nguồn sanh khởi là đàm, không có liên quan đến sự tụ hội (của gió, mật, đàm), không do sự thay đổi của mùa tiết, không do sự sinh hoạt không đều đặn, không do quả thành tựu của nghiệp, chỉ có liên quan đến việc ra sức. Tâu đại vương, bởi vì Devadatta đã buộc oan trái với đức Như Lai nhiều trăm ngàn kiếp sống. Do sự oan trái ấy, kẻ ấy đã cầm lấy hòn đá to nặng rồi buông ra (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ làm cho rơi ở đỉnh đầu.’ Khi ấy, có hai tảng đá khác đã tiến đến hứng chịu hòn đá ấy khi còn chưa chạm vào đức Như Lai. Do sự va chạm của chúng, có miểng đá bị bể đã rơi vào bàn chân của đức Thế Tôn và làm chảy máu. Tâu đại vương, thọ ấy nảy sanh đến đức Thế Tôn hoặc là do quả thành tựu của nghiệp hoặc là do hành động; không có thọ khác ở trên việc ấy.
Tâu đại vương, giống như hạt giống không nẩy mầm hoặc là do tính chất tồi tệ của thửa ruộng, hoặc là do tính chất tồi tệ của hạt giống. Tâu đại vương, tương tợ y như thế ấy thọ ấy nảy sanh đến đức Thế Tôn hoặc là do quả thành tựu của nghiệp hoặc là do hành động; không có thọ khác ở trên việc ấy.
Tâu đại vương, hoặc là giống như vật thực trở nên lổn cổn hoặc là do tính chất tồi tệ của bao tử, hoặc là do tính chất tồi tệ của thức ăn. Tâu đại vương, tương tợ y như thế ấy thọ ấy nảy sanh đến đức Thế Tôn hoặc là do quả thành tựu của nghiệp hoặc là do hành động; không có thọ khác ở trên việc ấy.
Tâu đại vương, hơn nữa đối với đức Thế Tôn không có thọ do quả thành tựu của nghiệp, không có thọ do sự sinh hoạt không đều đặn. Đối với đức Thế Tôn, thọ sanh lên do các nguồn sanh khởi còn lại. Hơn nữa, không thể đoạt lấy mạng sống đức Thế Tôn bởi thọ ấy. Tâu đại vương, các thọ được ưa thích hay không được ưa thích, tốt hay xấu, rơi xuống ở thân tứ đại này. Tâu đại vương, ở đây cục đất được ném lên không trung thì rơi xuống đại địa cầu. Tâu đại vương, phải chăng cục đất ấy rơi xuống đại địa cầu do nghiệp đã làm trước đây?”
5. “Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, không có nhân ấy ở đại địa cầu, mà do nhân ấy đại địa cầu nhận chịu quả thành tựu thiện hay bất thiện. Thưa ngài, cục đất ấy rơi xuống đại địa cầu do nhân hiện tại không có liên quan đến nghiệp.”
“Tâu đại vương, đại địa cầu là như thế nào thì đức Như Lai nên được xem xét như vậy. Giống như cục đất rơi xuống đại địa cầu không do nghiệp đã làm trước đây, tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với đức Như Lai miểng đá ấy đã rơi xuống ở bàn chân không do nghiệp đã làm trước đây. Tâu đại vương, vả lại ở đây con người cắt xẻ và đào xới đại địa cầu, tâu đại vương, phải chăng con người cắt xẻ và đào xới đại địa cầu do nghiệp đã làm trước đây?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế ấy miểng đá nào đã rơi xuống ở bàn chân của đức Thế Tôn, miểng đá ấy đã rơi xuống ở bàn chân của đức Thế Tôn không do nghiệp đã làm trước đây. Tâu đại vương, còn cơn bệnh xuất huyết đã phát khởi đến đức Thế Tôn, cơn bệnh ấy đã phát khởi không do nghiệp đã làm trước đây, nó đã phát khởi có liên quan đến chính sự tụ hội (của gió, mật, đàm). Tâu đại vương, mọi cơn bệnh thuộc về thân đã phát khởi ở đức Thế Tôn, chúng đã không sanh ra do nghiệp, mà đã được sanh ra từ nguồn sanh khởi nào đó trong số sáu nguồn sanh khởi. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở lời giải thích cho Moliyasīvaka ở đoạn Varalañchaka (Dấu Ấn Cao Quý) thuộc Saṃyuttanikāya (Tương Ưng Bộ) rằng:
‘Này Sīvaka, ở đây, một số cảm thọ sanh lên có nguồn sanh khởi là mật. Này Sīvaka, tự bản thân nên biết về điều này là một số cảm thọ sanh lên có nguồn sanh khởi là mật. Này Sīvaka, ngay cả đối với thế gian điều này cũng được chấp nhận là sự thật rằng một số cảm thọ sanh lên có nguồn sanh khởi là mật. Này Sīvaka, về điều này những Sa-môn, Bà-la-môn nào có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: ‘Bất cứ điều gì mà người nam này cảm giác được, là lạc, hay là khổ, hay là không khổ không lạc, tất cả điều ấy có nhân là việc đã làm trong quá khứ,’ họ vượt quá điều đã được tự mình biết, họ vượt quá điều đã được chấp nhận là sự thật ở thế gian. Vì thế, Ta nói rằng: ‘Điều sai trái thuộc về các Sa-môn, Bà-la-môn ấy.’ Này Sīvaka, ở đây, một số cảm thọ sanh lên có nguồn sanh khởi là đàm. Này Sīvaka —(như trên)— có nguồn sanh khởi là gió. Này Sīvaka —(như trên)— có nguồn sanh khởi là sự tụ hội (của gió, mật, đàm). Này Sīvaka —(như trên)— do sự thay đổi của mùa tiết. Này Sīvaka —(như trên)— do sự sinh hoạt không đều đặn. Này Sīvaka —(như trên)— có liên quan đến việc ra sức. Này Sīvaka một số cảm thọ sanh lên do quả thành tựu của nghiệp. Này Sīvaka tự bản thân nên biết về điều này là một số cảm thọ sanh lên có nguồn sanh khởi là quả thành tựu của nghiệp. Này Sīvaka, ngay cả đối với thế gian điều này cũng được chấp nhận là sự thật rằng một số cảm thọ sanh lên có nguồn sanh khởi là quả thành tựu của nghiệp. Này Sīvaka, về điều này những Sa-môn, Bà-la-môn nào có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: ‘Bất cứ điều gì mà người nam này cảm giác được, là lạc, hay là khổ, hay là không khổ không lạc, tất cả điều ấy có nhân là việc đã làm trong quá khứ,’ họ vượt quá điều đã được tự mình biết, họ vượt quá điều đã được chấp nhận là sự thật ở thế gian. Vì thế, Ta nói rằng: ‘Điều sai trái thuộc về các Sa-môn, Bà-la-môn ấy.’
Tâu đại vương, như thế không hẳn tất cả các thọ sanh ra do quả thành tựu của nghiệp. Tâu đại vương, sau khi thiêu đốt tất cả pháp bất thiện, đức Thế Tôn đã đạt đến bản thể Toàn Tri, xin đại vương hãy ghi nhớ điều này như thế.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về sự cắt đứt pháp bất thiện là thứ tám.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, ngài đã nói rằng: ‘Bất cứ việc gì cần phải làm đối với đức Như Lai, tất cả các việc ấy đã được hoàn tất ở ngay tại gốc cây Bồ Đề. Đối với đức Như Lai, không có việc gì cần phải làm thêm nữa, hoặc sự tích lũy thêm đối với việc đã làm.’ Và ba tháng thiền tịnh này được ghi nhận. Thưa ngài Nāgasena, nếu bất cứ việc gì cần phải làm đối với đức Như Lai, tất cả các việc ấy đã được hoàn tất ở ngay tại gốc cây Bồ Đề. Đối với đức Như Lai, không có việc gì cần phải làm thêm nữa, hoặc sự tích lũy thêm đối với việc đã làm, như thế thì lời nói ‘ba tháng thiền tịnh’ là sai trái. Nếu có ba tháng thiền tịnh, như thế thì lời nói ‘bất cứ việc gì cần phải làm đối với đức Như Lai, tất cả các việc ấy đã được hoàn tất ở ngay tại gốc cây Bồ Đề’ cũng là sai trái. Không có thiền tịnh đối với người có việc cần phải làm đã được làm xong, thiền tịnh là chỉ riêng đối với người có việc cần phải làm. Giống như chỉ riêng đối với người bị bệnh thì có việc cần phải làm với thuốc men, còn đối với người không bị bệnh thì có việc gì với thuốc men? Chỉ riêng đối với người đói thì có việc cần phải làm với thức ăn, còn đối với người không đói thì có việc gì với thức ăn? Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế không có thiền tịnh đối với người có việc cần phải làm đã được làm xong, thiền tịnh là chỉ riêng đối với người có việc cần phải làm. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh. Nó được dành cho ngài, nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, bất cứ việc gì cần phải làm đối với đức Như Lai, tất cả các việc ấy đã được hoàn tất ở ngay tại gốc cây Bồ Đề. Đối với đức Như Lai, không có việc gì cần phải làm thêm nữa, hoặc sự tích lũy thêm đối với việc đã làm, và đức Như Lai có thiền tịnh ba tháng. Tâu đại vương, thiền tịnh quả là có nhiều công đức. Tất cả các đức Như Lai đều thiền tịnh rồi mới đạt đến bản thể Toàn Tri. Trong khi nhớ lại đức tính đã được thực hiện tốt đẹp ấy, các Ngài tiến hành thiền tịnh. Tâu đại vương, giống như người nam đã nhận được ân huệ, đã đạt được của cải nhờ vào sự thân cận đức vua. Trong khi nhớ lại đức tính đã được thực hiện tốt đẹp ấy, gã liên tục đi đến phục vụ đức vua. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tất cả các đức Như Lai đều thiền tịnh rồi mới đạt đến bản thể Toàn Tri. Trong khi nhớ lại đức tính đã được thực hiện tốt đẹp ấy, các Ngài tiến hành thiền tịnh.
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam bị nhiễm bệnh, khổ sở, có bệnh trầm trọng, sau khi đến gặp người thầy thuốc thì thành tựu sự an vui. Trong khi nhớ lại đức tính đã được thực hiện tốt đẹp ấy, gã thường xuyên đi đến gặp người thầy thuốc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tất cả các đức Như Lai đều thiền tịnh rồi mới đạt đến bản thể Toàn Tri. Trong khi nhớ lại đức tính đã được thực hiện tốt đẹp ấy, các Ngài tiến hành thiền tịnh.
3. Tâu đại vương, hơn nữa đây là hai mươi tám đức tính của thiền tịnh. Trong khi thấy rõ những đức tính này, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh. Hai mươi tám đức tính gì? Tâu đại vương, ở đây thiền tịnh hộ trì bản thân người đang thiền tịnh, làm tăng trưởng tuổi thọ, ban cho sức mạnh, lấp lại tội lỗi, loại trừ điều tai tiếng, đem lại danh tiếng, xua đi sự không hứng thú, cung cấp sự hứng thú, loại trừ sự sợ hãi, làm sanh lên sự tự tin, loại trừ sự lười biếng, tạo ra sự tinh tấn, loại trừ sự tham đắm, loại trừ sự sân hận, loại trừ sự si mê, tiêu diệt sự ngã mạn, phá vỡ sự suy tư, làm cho tâm chuyên nhất, làm cho tâm được trong sáng, sanh ra sự tươi vui, tạo sự kính trọng, làm cho đạt được sự lợi ích, tạo sự cung kính, khiến cho thành tựu hỷ, tạo sự hân hoan, làm cho thấy được bản thể của các sự tạo tác, diệt trừ sự nối liền với việc tái sanh, ban cho toàn bộ Sa-môn hạnh. Tâu đại vương, đây là hai mươi tám đức tính của thiền tịnh. Trong khi thấy rõ những đức tính này, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh.
Tâu đại vương, hơn nữa với ý muốn tận hưởng sự an tịnh, an lạc, sự hứng thú trong việc chứng đạt, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh với ý định dứt khoát. Tâu đại vương, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh vì bốn lý do. Vì bốn lý do gì? Tâu đại vương, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh vì tính chất an lạc của việc cư trú, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh nhằm sự gia tăng đức hạnh của việc không phạm lỗi lầm, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh vì đường lối trọn vẹn của bậc Thánh, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh vì đã được tán dương, khen ngợi, ca tụng của tất cả chư Phật. Tâu đại vương, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh vì bốn lý do này. Tâu đại vương, như thế các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh không phải vì có việc gì cần phải làm, không phải vì sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Quả vậy, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh vì thấy được tính chất đặc biệt về đức tính (của thiền tịnh).”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về tính chất không việc gì cần phải làm thêm nữa là thứ chín.
*****
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này Ānanda, bốn nền tảng về thần thông của Như Lai đã được tu tập, được thực hành thường xuyên, được tạo thành phương tiện, được tạo thành nền tảng, được thiết lập, được tích lũy, được khởi đầu tốt đẹp. Này Ānanda, Như Lai trong khi mong muốn có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp.’ Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Từ nay cho đến hết ba tháng, Như Lai sẽ viên tịch Niết Bàn.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Này Ānanda, bốn nền tảng về thần thông của Như Lai đã được tu tập, —(như trên)— có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp,’ như thế thì giới hạn ba tháng là sai trái. Nếu việc giới hạn ba tháng là sự thật, như thế thì lời nói rằng: ‘có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp’ là sai trái. Đối với các đức Như Lai, không có việc đã phát biểu về điều không có cơ sở. Chư Phật Thế Tôn có lời nói không rồ dại, có lời nói chân thật, có lời nói không hai nghĩa. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, thâm sâu, vô cùng khôn khéo, khó phân giải. Nó được dành cho ngài. Xin ngài hãy phá vỡ mạng lưới tà kiến này. Xin ngài hãy xác định về điều chắc thật. Xin ngài hãy đánh đổ học thuyết của những kẻ khác.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này Ānanda, bốn nền tảng về thần thông của Như Lai đã được tu tập, —(như trên)— có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp.’ Và giới hạn ba tháng đã được nói đến. Và hơn nữa, kiếp ấy được gọi là kiếp của tuổi thọ. Tâu đại vương, đức Thế Tôn không phải là đang tán dương năng lực của bản thân mà đã nói như vậy. Tuy nhiên, tâu đại vương, đức Thế Tôn trong khi đang tán dương năng lực của thần thông mà đã nói như vậy: ‘Này Ānanda, bốn nền tảng về thần thông của Như Lai đã được tu tập, —(như trên)— có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp.’ Tâu đại vương, giống như con ngựa thuần chủng của đức vua có sự di chuyển nhanh với tốc độ của gió. Đức vua trong khi tán dương năng lực về tốc độ của con ngựa có thể nói ở giữa dân chúng gồm có thị dân, dân chúng, nhân công, binh lính, Bà-la-môn, gia chủ, và các quan đại thần như vầy: ‘Này các khanh, con ngựa quý giá này của trẫm trong khi mong muốn có thể đi dọc theo trái đất được bao quanh bởi nước của biển cả rồi đi về đây trong giây lát.’ Dầu không phô bày sự di chuyển nhanh chóng cho hội chúng ấy, nhưng sự nhanh chóng ấy của nó được biết đến, và nó có khả năng đi dọc theo trái đất được bao quanh bởi nước của biển cả trong giây lát.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn không phải là đang tán dương năng lực của bản thân mà đã nói như vậy. Tuy nhiên, điều ấy đã được nói (bởi đức Thế Tôn) sau khi ngồi xuống ở giữa các vị A-la-hán có ba Minh, sáu Thắng Trí, không ô nhiễm, có các lậu hoặc đã cạn kiệt, cùng với chư Thiên và nhân loại rằng: ‘Này Ānanda, bốn nền tảng về thần thông của Như Lai đã được tu tập, được thực hành thường xuyên, được tạo thành phương tiện, được tạo thành nền tảng, được thiết lập, được tích lũy, được khởi đầu tốt đẹp. Này Ānanda, Như Lai trong khi mong muốn có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp.’ Tâu đại vương, và năng lực thần thông ấy của đức Thế Tôn được biết đến, và đức Thế Tôn có khả năng tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp nhờ vào năng lực thần thông. Nhưng đức Thế Tôn không phô bày năng lực thần thông cho hội chúng ấy. Tâu đại vương, đức Thế Tôn không có mong muốn đối với tất cả các hữu, và đối với đức Thế Tôn tất cả các hữu là bị chê trách. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, cũng như phân bò dầu chỉ chút ít cũng có mùi thối, này các tỳ khưu, tương tợ y như thế Ta không ca ngợi về sự hiện hữu dầu chỉ chút ít, thậm chí chỉ là thời gian của một khảy móng tay.’ Tâu đại vương, sau khi xem tất cả các hữu, các cảnh giới, và các nguồn đưa đến tái sanh là tương đương với phân bò, phải chăng đức Thế Tôn còn thể hiện sự ước muốn và tham đắm ở các hữu thông qua năng lực của thần thông?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, chính vì điều ấy trong khi tán dương năng lực của thần thông đức Thế Tôn đã gầm lên tiếng rống sư tử của bậc Giác Ngộ có hình thức như thế.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về sự nhận thức đối với năng lực của thần thông là thứ mười.
Phẩm Năng Lực của Thần Thông là phẩm thứ nhất.
(Ở phẩm này có mười câu hỏi)
--ooOoo--
[1] Ba sự thành tựu là thành tựu cõi Trời, thành tựu cõi người, và thành tựu Niết Bàn (ND).
[2] ammaṇaṃ và tumba: là hai đơn vị đo lường, được phỏng dịch là tạ (100 kg) và giạ (4o lít) vì không tìm được ý nghĩa chính xác (ND).
[3] Ba trường hợp: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ (ND).
[4] Năm trường hợp: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tham dục, và sân hận (ND).
[5] Mười trường hợp: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân hận, ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, và vô minh (ND).
[6] Sivijātakaṃ - Bổn Sanh 499 (số thứ tự câu chuyện được ghi theo văn bản của PTS).
[7] Vaṭṭakajātakaṃ - Bổn Sanh 35.
[8] Sāmajātakaṃ - Bổn sanh 540.
[9] Mātaṅgajātakaṃ - Bổn sanh 497.
[10] Alambusājatakaṃ - Bổn sanh 523.
[11] Điều Nissagiya Pācittiya thứ 4, TTPV 02, trang 518.
[12] Surucijātakaṃ - Bổn Sanh 489.
[13] Kusajātakaṃ - Bổn Sanh 531.
| 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 |