TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 45
MILINDA VẤN ĐẠO
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
1. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, đối với các pháp được gom chung thành một bản thể này, có thể nào lần lượt tách rời và chỉ ra sự khác biệt của chúng: ‘cái này là xúc, cái này là thọ, cái này là tưởng, cái này là tư, cái này là thức, cái này là tầm, cái này là tứ’?”
“Tâu đại vương, đối với các pháp được gom chung thành một bản thể này, không thể nào lần lượt tách rời và chỉ ra sự khác biệt của chúng: ‘cái này là xúc, cái này là thọ, cái này là tưởng, cái này là tư, cái này là thức, cái này là tầm, cái này là tứ.’”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người đầu bếp của đức vua thực hiện món súp hoặc nước chấm, người ấy nêm sữa, nêm muối, nêm gừng, nêm thìa là, nêm tiêu, nêm các gia vị khác vào trong món đó, đức vua nói với người ấy như vầy: ‘Hãy đem cho trẫm nước chấm vị sữa, hãy đem cho trẫm nước chấm vị muối, hãy đem cho trẫm nước chấm vị gừng, hãy đem cho trẫm nước chấm vị thìa là, hãy đem cho trẫm nước chấm vị tiêu, hãy đem cho trẫm nước chấm đã được nêm tất cả các thứ.’ Tâu đại vương, đối với các vị nếm được gom chung thành một bản thể ấy, có thể nào lần lượt tách rời và mang lại nước chấm có vị chua, hoặc có vị mặn, hoặc có vị đắng, hoặc có vị cay, hoặc có vị chát, hoặc có vị ngọt không?”
“Thưa ngài, đối với các vị nếm được gom chung thành một bản thể ấy, không thể nào lần lượt tách rời và mang lại nước chấm có vị chua, hoặc có vị mặn, hoặc có vị đắng, hoặc có vị cay, hoặc có vị chát, hoặc có vị ngọt được, mặc dầu chúng hiện diện với đặc điểm riêng của từng vị một.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với các pháp được gom chung thành một bản thể này, không thể nào lần lượt tách rời và chỉ ra sự khác biệt của chúng: ‘cái này là xúc, cái này là thọ, cái này là tưởng, cái này là tư, cái này là thức, cái này là tầm, cái này là tứ,’ mặc dầu chúng hiện diện với đặc điểm riêng của từng pháp một.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
2. Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, muối có thể được nhận biết bằng mắt không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể được nhận biết bằng mắt.”
“Tâu đại vương, có đúng là đại vương biết một cách chắc chắn?”
“Thưa ngài, phải chăng có thể được nhận biết bằng lưỡi?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Có thể được nhận biết bằng lưỡi.”
“Thưa ngài, phải chăng nhận biết tất cả các loại muối bằng lưỡi?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Nhận biết tất cả các loại muối bằng lưỡi.”
“Thưa ngài, nếu nhận biết tất cả các loại muối bằng lưỡi, tại sao những con bò mang muối lại bằng các xe kéo? Không lẽ có thể mang lại chỉ riêng muối thôi?”
“Tâu đại vương, không thể mang lại chỉ riêng muối thôi. Các vật được gom chung thành một bản thể này có bản chất khác biệt về lãnh vực, và muối có tính chất nặng nề.”
“Tâu đại vương, phải chăng có thể cân muối bằng cân?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể.”
“Tâu đại vương, không có thể cân muối bằng cân. Tính chất nặng nề (của muối) được cân bằng cân.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
3. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải năm xứ[1] được sanh lên do các việc làm khác nhau, hay là do một việc làm?”
“Tâu đại vương, chúng được sanh lên do các việc làm khác nhau, không phải do một việc làm.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Năm loại hạt giống gieo ở một cánh đồng, đối với các loại hạt giống khác nhau phải chăng các quả khác nhau được sanh lên?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Chúng được sanh lên.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế năm xứ được sanh lên do các việc làm khác nhau, không phải do một việc làm.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
4. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, vì lý do gì mà toàn thể loài người là không giống nhau, những kẻ này yểu thọ, các kẻ khác trường thọ, những kẻ này nhiều bệnh, các kẻ khác ít bệnh, những kẻ này có sắc xấu, các kẻ khác có sắc tốt, những kẻ này có ít quyền lực, các kẻ khác có nhiều quyền lực, những kẻ này có ít của cải, các kẻ khác có nhiều của cải, những kẻ này có gia tộc hạ tiện, các kẻ khác có gia tộc thượng lưu, những kẻ này có tuệ tồi, các kẻ khác có tuệ?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, vì sao tất cả các cây cối là không giống nhau, những cây này là chua, các cây khác là mặn, những cây này là đắng, các cây khác là cay, những cây này là chát, các cây khác là ngọt?”
“Thưa ngài, trẫm nghĩ là vì việc làm khác nhau của hạt giống.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế vì việc làm khác nhau của các nghiệp mà toàn thể loài người là không giống nhau, những kẻ này yểu thọ, các kẻ khác trường thọ, những kẻ này nhiều bệnh, các kẻ khác ít bệnh, những kẻ này có sắc xấu, các kẻ khác có sắc tốt, những kẻ này có ít quyền lực, các kẻ khác có nhiều quyền lực, những kẻ này có ít của cải, các kẻ khác có nhiều của cải, những kẻ này có gia tộc hạ tiện, các kẻ khác có gia tộc thượng lưu, những kẻ này có tuệ tồi, các kẻ khác có tuệ. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này người thanh niên, chúng sanh là các chủ nhân của nghiệp, là những kẻ thừa tự của nghiệp, có nghiệp là căn nguyên, có nghiệp là thân quyến, có nghiệp là nơi nương tựa, nghiệp phân loại các chúng sanh tức là theo tính chất hạ liệt hay cao quý.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
5. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Làm cách nào để cho khổ này diệt và khổ khác không thể sanh lên? Tâu đại vương, sự xuất gia của chúng tôi là với mục đích ấy.’ Có lợi ích gì với việc đã tinh tấn trước đây? Chẳng phải là nên tinh tấn trong thời hiện tại hay sao?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, sự tinh tấn trong thời hiện tại thì chưa làm được việc, sự tinh tấn trước đây thì đã làm được việc.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Phải chăng khi nào đại vương bị khát thì khi ấy đại vương mới bảo đào giếng nước, mới bảo đào hồ nước (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ uống nước’?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự tinh tấn trong thời hiện tại thì chưa làm được việc, sự tinh tấn trước đây thì đã làm được việc.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Phải chăng khi nào đại vương thèm ăn thì khi ấy đại vương mới bảo cày ruộng, mới bảo trồng lúa sāli, mới bảo đem thóc lại (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ thọ dụng bữa ăn’?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự tinh tấn trong thời hiện tại thì chưa làm được việc, sự tinh tấn trước đây thì đã làm được việc.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Phải chăng khi nào đại vương lâm trận thì khi ấy đại vương mới bảo đào hào, mới bảo đắp lũy, mới bảo xây cổng thành, mới bảo làm vọng gác, mới bảo đem lại thóc, khi ấy đại vương mới rèn luyện về voi, mới rèn luyện về ngựa, mới rèn luyện về xe, mới rèn luyện về cung, mới rèn luyện về gươm?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự tinh tấn trong thời hiện tại thì chưa làm được việc, sự tinh tấn trước đây thì đã làm được việc. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
‘Người biết việc nào lợi ích cho mình thì nên làm việc ấy trước. Không có ý nghĩ như kẻ đánh xe bò, bậc thông minh sáng trí nên cố gắng.
Giống như kẻ đánh xe bò từ bỏ con đường lớn bằng phẳng đi vào con đường gồ ghề, bị gãy trục xe rồi bực bội.
Như vậy, sau khi xa lìa Chánh Pháp, xu hướng theo phi pháp, kẻ ngu bị rơi vào miệng thần chết, sầu muộn như kẻ bị gãy trục xe vậy.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
6. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Lửa địa ngục nóng dữ dội hơn lửa bình thường. Một hòn đá nhỏ bé được ném vào trong lửa bình thường, trong khi bị đốt cháy trọn ngày vẫn không bị tiêu hoại, còn tảng đá thậm chí lớn bằng ngôi nhà mái nhọn được ném vào trong lửa địa ngục liền bị tiêu hoại trong giây lát.’ Trẫm không tin lời nói này. Hơn nữa, ngài còn nói như vầy: ‘Chúng sanh nào sanh ra ở nơi ấy, trong khi bị nung nấu ở địa ngục thậm chí trong nhiều ngàn năm, vẫn không bị tiêu hoại,’ trẫm cũng không tin lời nói này.”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Các loài như cá đao cái, cá sấu cái, rùa cái, công mái, bồ câu mái, phải chăng chúng ăn các hòn đá và các hạt cát cứng rắn?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Chúng ăn.”
“Vậy có phải các thứ này khi đã đi vào bên trong bao tử ở bụng của chúng thì bị tiêu hoại?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Chúng bị tiêu hoại.”
“Vậy còn bào thai ở trong bụng của các loài thú cái ấy cũng bị tiêu hoại?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Vì lý do gì?”
“Thưa ngài, trẫm nghĩ do tác động của nghiệp khiến chúng không bị tiêu hoại.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế do tác động của nghiệp khiến chúng sanh ở địa ngục, trong khi bị nung nấu ở địa ngục thậm chí trong nhiều ngàn năm, vẫn không bị tiêu hoại; họ sanh ra ngay tại nơi ấy, lớn lên ngay tại nơi ấy, chết đi ngay tại nơi ấy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Cho đến khi nào nghiệp ác ấy còn chưa được diệt tận thì chúng sanh địa ngục ấy vẫn không chết.’”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Các loài như sư tử cái, cọp cái, beo cái, chó cái, phải chăng chúng cũng ăn các khúc xương và các miếng thịt cứng rắn?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Chúng ăn.”
“Vậy có phải các thứ này khi đã đi vào bên trong bao tử ở bụng của chúng thì bị tiêu hoại?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Chúng bị tiêu hoại.”
“Vậy còn bào thai ở trong bụng của các loài thú cái ấy cũng bị tiêu hoại?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Vì lý do gì?”
“Thưa ngài, trẫm nghĩ do tác động của nghiệp khiến chúng không bị tiêu hoại.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế do tác động của nghiệp khiến chúng sanh ở địa ngục trong khi bị nung nấu ở địa ngục thậm chí trong nhiều ngàn năm, vẫn không bị tiêu hoại.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Các phụ nữ như các cô mảnh mai xứ Yona, các cô mảnh mai dòng Sát-đế-lỵ, các cô mảnh mai dòng Bà-la-môn, các cô gia chủ mảnh mai, phải chăng họ cũng ăn các vật nhai và các miếng thịt cứng rắn?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Họ ăn.”
“Vậy có phải các thứ này khi đã đi vào bên trong bao tử ở bụng của họ thì bị tiêu hoại?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Chúng bị tiêu hoại.”
“Vậy còn bào thai ở trong bụng của những phụ nữ ấy cũng bị tiêu hoại?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Vì lý do gì?”
“Thưa ngài, trẫm nghĩ do tác động của nghiệp khiến chúng không bị tiêu hoại.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế do tác động của nghiệp khiến chúng sanh ở địa ngục trong khi bị nung nấu ở địa ngục thậm chí trong nhiều ngàn năm, vẫn không bị tiêu hoại; họ sanh ra ngay tại nơi ấy, lớn lên ngay tại nơi ấy, chết đi ngay tại nơi ấy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Cho đến khi nào nghiệp ác ấy còn chưa được diệt tận thì chúng sanh địa ngục ấy vẫn không chết.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
7. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Đại địa cầu này được tồn tại ở nước, nước được tồn tại ở gió, gió được tồn tại ở hư không.’ Trẫm cũng không tin lời nói này.”
Vị trưởng lão đã lấy nước bằng bình đựng nước rồi giúp cho đức vua Milinda hiểu được rằng: “Tâu đại vương, nước này được nâng đỡ bởi gió như thế nào thì nước kia cũng được nâng đỡ bởi gió như thế ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
8. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải sự diệt tận là Niết Bàn?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Sự diệt tận là Niết Bàn.”
“Thưa ngài Nāgasena, sự diệt tận là Niết Bàn nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, quả là tất cả những kẻ phàm phu ngu dốt thích thú tán thưởng, bám víu vào các nội và ngoại xứ. Chúng thả trôi theo dòng chảy ấy, không hoàn toàn thoát khỏi sự sanh, sự già, sự chết, các sự sầu bi khổ ưu não, tôi nói rằng chúng không hoàn toàn thoát khỏi khổ. Tâu đại vương, còn vị Thánh đệ tử, có sự học hỏi, không thích thú không tán thưởng, không bám víu vào các nội và ngoại xứ. Trong khi vị ấy không thích thú không tán thưởng, không bám víu vào các nội và ngoại xứ, ái bị diệt tận; do sự diệt tận của ái, có sự diệt tận của thủ; do sự diệt tận của thủ, có sự diệt tận của hữu; do sự diệt tận của hữu, có sự diệt tận của sanh; do sự diệt tận của sanh, già chết sầu bi khổ ưu não bị diệt tận. Như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này. Tâu đại vương, sự diệt tận là Niết Bàn nghĩa là như vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
9. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải tất cả đều đạt được Niết Bàn?”
“Tâu đại vương, không phải tất cả đều đạt được Niết Bàn. Tâu đại vương, người nào thực hành chân chánh biết rõ các pháp cần được biết rõ, biết toàn diện các pháp cần được biết toàn diện, dứt bỏ các pháp cần được dứt bỏ, tu tập các pháp cần được tu tập, chứng ngộ các pháp cần được chứng ngộ, người ấy đạt được Niết Bàn.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
10. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, người nào chưa đạt được Niết Bàn, có phải người ấy biết được Niết Bàn là an lạc?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Người nào chưa đạt được Niết Bàn, người ấy vẫn biết được Niết Bàn là an lạc.”
“Thưa ngài Nāgasena, trong khi không đạt được Niết Bàn làm thế nào lại biết được Niết Bàn là an lạc?”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Đối với những người có tay chân không bị chặt đứt, tâu đại vương, có phải họ có thể biết được sự chặt đứt tay chân là đau đớn.”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Làm thế nào họ có thể biết được?”
“Thưa ngài, sau khi lắng nghe tiếng rên rỉ của những người khác có tay chân bị chặt đứt, họ biết được sự chặt đứt tay chân là đau đớn.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sau khi lắng nghe những người đã thấy được Niết Bàn mà biết được Niết Bàn là an lạc.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
Phẩm Niết Bàn là thứ tư.
*****
1. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải đức Phật đã được ngài nhìn thấy?”
“Tâu đại vương, không.”
“Vậy có phải đức Phật đã được các vị thầy của ngài nhìn thấy?”
“Tâu đại vương, không.”
“Thưa ngài Nāgasena, như vậy thì không có đức Phật.”
“Tâu đại vương, vậy sông Ūhā ở núi Hi-mã-lạp có được ngài nhìn thấy không?”
“Thưa ngài, không.”
“Vậy có phải sông Ūhā đã được cha của ngài nhìn thấy?”
“Tâu đại vương, không.”
“Tâu đại vương, như vậy thì không có sông Ūhā.”
“Thưa ngài, có mà. Mặc dầu sông Ūhā không được trẫm nhìn thấy, sông Ūhā cũng không được cha của trẫm nhìn thấy, nhưng mà có sông Ūhā.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế mặc dầu đức Thế Tôn không được tôi nhìn thấy, đức Thế Tôn cũng không được các vị thầy của tôi nhìn thấy, nhưng mà có đức Thế Tôn.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
2. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải đức Phật là vô thượng?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Đức Phật là vô thượng.”
“Thưa ngài Nāgasena, làm thế nào ngài biết được ‘Đức Phật là vô thượng’ khi chưa từng được thấy trước đây?”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Với những người mà biển cả chưa từng được thấy, tâu đại vương, có phải những người ấy có thể biết được biển—nơi mà năm con sông lớn này, tức là Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī thường xuyên, liên tục đổ vào— là rộng lớn, sâu thẳm, không thể đo đạc, khó thăm dò, luôn cả sự thiếu hụt hay tràn đầy của nó cũng không được nhận ra?”
“Thưa ngài, họ có thể biết được.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sau khi nhìn thấy các vị Thinh Văn vĩ đại viên tịch Niết Bàn, tôi biết được ‘Đức Thế Tôn là vô thượng.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
3. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có thể biết được ‘Đức Phật là vô thượng’?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Có thể biết được ‘Đức Phật là vô thượng.’”
“Thưa ngài Nāgasena, làm thế nào có thể biết được ‘Đức Phật là vô thượng.’”
“Tâu đại vương, vào thời trước đây đã có vị thầy về văn tự tên là Trưởng Lão Tissa. Vị ấy từ trần đã trải qua nhiều năm, vì sao mà vị ấy vẫn được biết đến?”
“Thưa ngài, nhờ vào văn tự.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào thấy Pháp người ấy thấy đức Thế Tôn. Tâu đại vương, bởi vì Pháp đã được thuyết giảng bởi đức Thế Tôn.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
4. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải Pháp đã được ngài nhìn thấy?”
“Tâu đại vương, các vị đệ tử cần phải thực hành theo sự hướng dẫn của đức Phật, theo điều quy định bởi đức Phật, cho đến trọn đời.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
5. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải tái sanh không phải là chuyển sang?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Tái sanh không phải là chuyển sang.”
“Thưa ngài Nāgasena, tái sanh không phải là chuyển sang nghĩa là thế nào? Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó thắp sáng cây đèn từ cây đèn (khác), tâu đại vương, phải chăng cây đèn ấy được chuyển sang từ cây đèn (kia)?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tái sanh không phải là chuyển sang.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, có phải ngài biết rõ là trong lúc còn niên thiếu đã có câu thơ nào đó được học ở người thầy dạy về thơ?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, phải chăng câu thơ đó được chuyển sang từ người thầy?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tái sanh không phải là chuyển sang.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
6. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải sự hiểu biết có thể đạt được?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, theo ý nghĩa tuyệt đối sự hiểu biết không thể đạt được.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
7. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải có chúng sanh nào từ thân này chuyển sang thân khác?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Thưa ngài Nāgasena, nếu không có việc từ thân này được chuyển sang thân khác, không lẽ sẽ được thoát khỏi các nghiệp ác?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Nếu không tái sanh thì sẽ được thoát khỏi các ngiệp ác. Tâu đại vương, chính vì tái sanh mà không được hoàn toàn thoát khỏi các nghiệp ác.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó lấy trộm trái xoài của người khác, có phải người ấy đáng bị hành phạt?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Người ấy đáng bị hành phạt.”
“Tâu đại vương, quả là người ấy đã không lấy trộm các trái xoài đã được trồng bởi người kia, tại sao lại đáng bị hành phạt?”
“Thưa ngài, những trái xoài ấy được sanh lên có điều kiện. Do đó, người ấy đáng bị hành phạt.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế người tạo nghiệp tốt đẹp hoặc không tốt đẹp với danh sắc này, do nghiệp ấy danh sắc khác tái sanh. Vì thế mà không được hoàn toàn thoát khỏi các nghiệp ác.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
8. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, nghiệp thiện hoặc bất thiện được tạo ra bởi danh sắc này, vậy các nghiệp ấy trú ở đâu?”
“Tâu đại vương, các nghiệp ấy theo sau tợ như bóng có sự không xa lìa (hình) vậy.”
“Thưa ngài, có thể nào chỉ cho thấy các nghiệp ấy là: ‘Các nghiệp ấy trú ở chỗ này’ không?”
“Tâu đại vương, không thể nào chỉ cho thấy các nghiệp ấy là: ‘Các nghiệp ấy trú ở chỗ này hay ở chỗ này.’”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Những cây nào có các trái chưa trổ, có thể nào chỉ cho thấy các trái của chúng là: ‘Các trái ấy trú ở chỗ này hay ở chỗ này’ không?”
“Thưa ngài, không.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế khi sự diễn tiến còn chưa bị cắt đứt thì không thể nào chỉ cho thấy các nghiệp ấy là: ‘Các nghiệp ấy trú ở chỗ này hay ở chỗ này.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
9. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải người nào tái sanh thì người ấy biết được rằng: ‘Ta sẽ tái sanh’?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Người nào tái sanh thì người ấy biết được rằng: ‘Ta sẽ tái sanh.’”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nông dân gia chủ sau khi gieo xuống các hạt giống ở đất, trong khi trời mưa điều hòa thì biết được rằng: ‘Thóc lúa sẽ được tạo ra.”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể biết được.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào tái sanh thì người ấy biết được rằng: ‘Ta sẽ tái sanh.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
10. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải là có đức Phật?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Có đức Phật.”
“Thưa ngài, có thể nào chỉ cho thấy đức Phật là ‘chỗ này hay chỗ này’ không?”
“Tâu đại vương, đức Thế Tôn đã viên tịch Niết Bàn ở cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót. Không thể nào chỉ cho thấy đức Thế Tôn là ‘chỗ này hay chỗ này.’”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Ngọn lửa của đống lửa lớn đang cháy đã bị diệt tắt, có thể nào chỉ cho thấy ngọn lửa ấy là ‘chỗ này hay chỗ này’ không?”
“Thưa ngài, không.” Ngọn lừa ấy đã tắt, đã đi đến trạng thái không còn được nhận biết.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn đã viên tịch Niết Bàn ở cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót. Đức Thế Tôn đã diệt tắt, không thể nào chỉ cho thấy là ‘chỗ này hay chỗ này. Tâu đại vương, tuy nhiên có thể chỉ cho thấy đức Thế Tôn bởi tổng thể các Pháp. Tâu đại vương, bởi vì Pháp đã được thuyết giảng bởi đức Thế Tôn.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
Phẩm Đức Phật là thứ năm.
*****
1. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải thân thể đối với các bậc xuất gia là đáng yêu?”
“Tâu đại vương, thân thể đối với các bậc xuất gia là không đáng yêu.”
“Thưa ngài, vậy tại sao ngài lại nâng niu, quyến luyến?”
“Tâu đại vương, khi đại vương tham gia chiến trận, có phải đôi khi vào lúc nào đó đại vương có bị tên bắn?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, vậy có phải vết thương ấy được bôi cao, được thoa dầu, và được băng bó bằng miếng vải mềm?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Nó được bôi cao, được thoa dầu, và được băng bó bằng miếng vải mềm.”
“Tâu đại vương, phải chăng vết thương là đáng yêu đối với đại vương nên được bôi cao, được thoa dầu, và được băng bó bằng miếng vải mềm?”
“Thưa ngài, vết thương quả là không đáng yêu đối với trẫm. Tuy nhiên, nhằm mục đích làm lành da thịt nên nó được bôi cao, được thoa dầu, và được băng bó bằng miếng vải mềm.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế thân thể đối với các bậc xuất gia là không đáng yêu, và các bậc xuất gia chăm nom thân thể mà không bị bám víu nhằm nâng đỡ việc thực hành Phạm hạnh. Tâu đại vương, thân thể ví như vết thương đã được đức Thế Tôn đề cập đến. Vì thế, các bậc xuất gia chăm nom thân thể như là (chăm sóc) vết thương mà không bị bám víu. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
‘Được bao bọc bởi lớp da ẩm ướt, vết thương lớn có chín cửa (cửu khiếu) rỉ ra xung quanh những mùi hôi thối, không trong sạch.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
2. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải đức Phật là vị biết tất cả, thấy tất cả?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Đức Thế Tôn là vị biết tất cả, thấy tất cả.”
“Thưa ngài Nāgasena, vậy thì tại sao đức Thế Tôn đã quy định điều học cho các đệ tử theo từng điều một?”
“Tâu đại vương, có người thầy thuốc nào của ngài biết được toàn bộ dược phẩm ở trái đất này không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có.”
“Tâu đại vương, phải chăng người thầy thuốc ấy cho người bệnh uống thuốc khi thời điểm đã đến, hay là khi thời điểm chưa đến?”
“Thưa ngài, vị ấy cho người bệnh uống thuốc khi thời điểm đã đến, không phải khi thời điểm chưa đến.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn là vị biết tất cả, thấy tất cả; ngài không quy định điều học cho các đệ tử khi không phải là thời điểm. Khi thời điểm đã đến, ngài mới quy định điều học cho các đệ tử, cho đến trọn đời không nên vượt qua.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
3. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải đức Phật hội đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân và được phân biệt với tám mươi tướng phụ, có sắc vàng, có làn da như là vàng, có hào quang một sải tay?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Đức Thế Tôn hội đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân và được phân biệt với tám mươi tướng phụ, có sắc vàng, có làn da như là vàng, có hào quang một sải tay.”
“Thưa ngài, có phải cha mẹ của đức Phật cũng hội đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân và được phân biệt với tám mươi tướng phụ, có sắc vàng, có làn da như là vàng, có hào quang một sải tay?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Thưa ngài Nāgasena, trong khi là như vậy thì không thể nào đức Phật sanh lên được hội đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân và được phân biệt với tám mươi tướng phụ, có sắc vàng, có làn da như là vàng, có hào quang một sải tay. Hơn nữa, con trai là giống mẹ hay bà con bên mẹ, hoặc con trai là giống cha hay bà con bên cha.”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, có loại hoa sen nào có trăm cánh không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có.”
“Vậy xuất xứ của nó là từ đâu?”
“Nó sanh ra ở trong bùn, sống ở trong nước.”
“Tâu đại vương, phải chăng hoa sen có sắc, hoặc có mùi, hoặc có vị tương tợ như bùn?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Vậy thì phải chăng hoa sen có sắc, hoặc có mùi, hoặc có vị tương tợ như nước?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn hội đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân và được phân biệt với tám mươi tướng phụ, có sắc vàng, có làn da như là vàng, có hào quang một sải tay.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
4. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải đức Phật là người hành Phạm hạnh?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Đức Thế Tôn là người hành Phạm hạnh.”
“Thưa ngài Nāgasena, chính vì điều ấy có phải đức Phật là học trò của Phạm Thiên?”
“Tâu đại vương, đại vương có con voi đầu đàn không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có.”
“Tâu đại vương, phải chăng con voi ấy đôi khi vào lúc nào đó rống tiếng rống như là của loài cò?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Nó có rống.”
“Tâu đại vương, chính vì điều ấy có phải con voi ấy là học trò của những con cò?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, có phải Phạm Thiên có tánh giác?”
“Thưa ngài, có tánh giác.”
“Tâu đại vương, chính vì điều ấy Phạm Thiên là học trò của đức Thế Tôn.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
5. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải việc tu lên bậc trên là tốt?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Việc tu lên bậc trên là tốt.”
“Thưa ngài, vậy đối với đức Phật có việc tu lên bậc trên, hay là không có?”
“Tâu đại vương, đức Thế Tôn đã tu lên bậc trên ở cội cây Bồ Đề với trí biết tất cả. Đối với đức Thế Tôn không có việc tu lên bậc trên được ban cho bởi những người khác. Tâu đại vương, giống như việc đức Thế Tôn quy định điều học cho các đệ tử, cho đến trọn đời không nên vượt qua.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
6. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, người khóc vì việc qua đời của mẹ và người khóc vì sự yêu mến Pháp, trong hai người đang khóc ấy nước mắt của ai là liều thuốc, nước mắt của ai không phải là liều thuốc?”
“Tâu đại vương, nước mắt của một người là nóng nảy, do tham sân si, có vấy bụi, của một người là mát mẻ, do hỷ và thiện tâm, không có vấy bụi. Tâu đại vương, cái nào mát mẻ cái ấy là liều thuốc, cái nào nóng này cái ấy không phải là liều thuốc.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
7. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, cái gì là sự khác biệt ở người có tham ái và ở người đã lìa tham ái?”
“Tâu đại vương, một người là bị dính mắc, một người không bị dính mắc.”
“Thưa ngài, điều gì gọi là dính mắc, và không dính mắc?”
“Tâu đại vương, một người có mong cầu, một người không có mong cầu.”
“Thưa ngài, trẫm thấy như vầy: Người có tham ái và người đã lìa tham ái, cả hai hạng này đều ưa thích vật thực loại cứng loại mềm tốt đẹp và không ưa thích bất cứ loại nào xấu.”
“Tâu đại vương, người chưa lìa tham ái thọ dụng vật thực có sự nhận biết về mùi vị, có sự nhận biết về tham ái ở mùi vị, còn người đã lìa tham ái thọ dụng vật thực có sự nhận biết về mùi vị nhưng sự nhận biết về tham ái ở mùi vị là không có.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
8. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, tuệ trú ở nơi nào?”
“Tâu đại vương, không ở nơi nào cả.”
“Thưa ngài Nāgasena, như vậy thì không có tuệ.”
“Tâu đại vương, gió trú ở nơi nào?”
“Thưa ngài, không ở nơi nào cả.”
“Tâu đại vương, như vậy thì không có gió.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
9. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘luân hồi,’ luân hồi ấy là gì?”
“Tâu đại vương, người sanh ra ở nơi đây, chết ngay tại nơi đây; chết tại nơi đây, sanh lên ở nơi khác; sanh ra ở nơi kia, chết ngay tại nơi kia; chết tại nơi kia, sanh lên ở nơi khác. Tâu đại vương, luân hồi là như vậy.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó sau khi ăn trái xoài chín rồi ươm trồng cái hột, từ đó cây xoài nảy mầm, lớn lên, rồi cho các trái. Rồi người ấy sau khi ăn trái xoài chín cũng từ đó rồi ươm trồng cái hột, cũng từ đó cây xoài nảy mầm, lớn lên, rồi cho các trái. Như vậy, điểm tận cùng của các cây này không được biết đến. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người sanh ra ở nơi đây, chết ngay tại nơi đây; chết tại nơi đây, sanh lên ở nơi khác; sanh ra ở nơi kia, chết ngay tại nơi kia; chết tại nơi kia, sanh lên ở nơi khác. Tâu đại vương, luân hồi là như vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
10. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, nhờ vào cái gì mà hồi tưởng lại việc đã làm từ lâu trong quá khứ?”
“Tâu đại vương, nhờ vào trí nhớ.”
“Thưa ngài Nāgasena, thế chẳng phải hồi tưởng lại là bằng tâm, không phải bằng trí nhớ?”
“Tâu đại vương, đại vương có nhận biết được rằng sau khi làm một việc cần làm nào đó rồi quên lửng không?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, phải chăng vào thời điểm ấy ngài là không có tâm?”
“Thưa ngài, không đúng. Vào thời điểm ấy trẫm đã không có trí nhớ.”
“Tâu đại vương, vậy tại sao ngài đã nói như vầy: ‘hồi tưởng lại là bằng tâm, không phải bằng trí nhớ’?”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
11. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, toàn bộ trí nhớ được sanh lên là thuộc về chủ quan hay trí nhớ là thuộc về khách quan?”
“Tâu đại vương, trí nhớ được sanh lên vừa thuộc về chủ quan, trí nhớ vừa thuộc về khách quan.”
“Thưa ngài Nāgasena, chính vì như thế phải chăng toàn bộ trí nhớ là thuộc về chủ quan, không có trí nhớ thuộc về khách quan?”
“Tâu đại vương, nếu không có trí nhớ thuộc về khách quan thì những người thợ học nghề không có cái gì cần phải làm đối với các lãnh vực về nghề nghiệp, đối với các lãnh vực về học tập, hoặc đối với các tư liệu về kiến thức; không có nhu cầu về các thầy dạy học. Tâu đại vương, bởi vì có trí nhớ thuộc về khách quan mà có việc cần phải làm đối với các lãnh vực về nghề nghiệp, đối với các lãnh vực về học tập, hoặc đối với các tư liệu về kiến thức; và có nhu cầu về các thầy dạy học.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
Phẩm Trí Nhớ là thứ sáu.
(Trong phẩm này có mười một câu hỏi)
*****
1. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, trí nhớ sanh lên với bao nhiêu hình thức?”
“Tâu đại vương, trí nhớ sanh lên với mười sáu hình thức.[2] Với mười sáu hình thức gì? Tâu đại vương,
trí nhớ sanh lên do điều kiện chủ quan,
trí nhớ sanh lên do điều kiện khách quan,
trí nhớ sanh lên do nhận thức sự kiện trọng đại,
trí nhớ sanh lên do nhận thức điều tốt đẹp,
trí nhớ sanh lên do nhận thức điều không tốt đẹp,
trí nhớ sanh lên do dấu hiệu tương tợ,
trí nhớ sanh lên do dấu hiệu khác biệt,
trí nhớ sanh lên do hiểu rõ lời nói,
trí nhớ sanh lên do đặc điểm,
trí nhớ sanh lên do sự nhớ lại,
trí nhớ sanh lên do việc viết chữ,
trí nhớ sanh lên do việc tính toán,
trí nhớ sanh lên do việc thuộc lòng,
trí nhớ sanh lên do việc tu tập,
trí nhớ sanh lên do gắn bó với sách vở,
trí nhớ sanh lên do việc tiếp cận,
trí nhớ sanh lên do kinh nghiệm.”
“Trí nhớ sanh lên do điều kiện chủ quan nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, giống như trường hợp đại đức Ānanda và nữ cư sĩ Khujjuttarā, hoặc bất cứ những người nào khác có được năng lực về đời sống (quá khứ) nhớ lại đời sống (quá khứ). Trí nhớ sanh lên do điều kiện chủ quan nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do điều kiện khách quan nghĩa là thế nào? Người nào có bản tính hay quên, và những người khác thúc giục người ấy với mục đích nhắc nhở. Trí nhớ sanh lên do điều kiện khách quan nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do nhận thức các sự kiện trọng đại nghĩa là thế nào? Khi được tấn phong vương quyền hoặc khi đạt được quả vị Nhập Lưu. Trí nhớ sanh lên do nhận thức các sự kiện trọng đại nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do nhận thức điều tốt đẹp nghĩa là thế nào? Vị được hạnh phúc về điều nào đó rồi nhớ lại rằng: ‘Ta được hạnh phúc như vầy.’ Trí nhớ sanh lên do nhận thức điều tốt đẹp nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do nhận thức điều không tốt đẹp nghĩa là thế nào? Vị bị đau khổ về điều nào đó rồi nhớ lại rằng: ‘Ta bị đau khổ như vầy.’ Trí nhớ sanh lên do nhận thức điều không tốt đẹp nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do dấu hiệu tương tợ nghĩa là thế nào? Sau khi nhìn thấy người tương tợ thì nhớ lại người mẹ, hoặc người cha, hoặc anh em trai, hoặc chị em gái; sau khi nhìn thấy con lạc đà, hoặc con bò, hoặc con lừa thì nhớ lại con lạc đà, hoặc con bò, hoặc con lừa khác tương tợ như thế. Trí nhớ sanh lên do dấu hiệu tương tợ nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do dấu hiệu khác biệt nghĩa là thế nào? Vị nhớ lại rằng: ‘Người kia có như vầy: sắc thế này, thinh thế này, hương thế này, vị thế này, xúc thế này.’ Trí nhớ sanh lên do dấu hiệu khác biệt nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do hiểu rõ lời nói nghĩa là thế nào? Người nào có bản tính hay quên, những người khác nhắc nhở người ấy, nhờ thế người ấy nhớ lại. Trí nhớ sanh lên do hiểu rõ lời nói nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do đặc điểm nghĩa là thế nào? Nhận ra nhờ vào dấu sắt nung của những con bò kéo là nhận ra do đặc điểm. Trí nhớ sanh lên do đặc điểm nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do sự nhớ lại nghĩa là thế nào? Người nào có bản tính hay quên, những người khác liên tục nhắc nhở người ấy rằng: ‘Ngươi hãy nhớ lại, ngươi hãy nhớ lại.’ Trí nhớ sanh lên do sự nhớ lại nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do việc viết chữ nghĩa là thế nào? Do đã được học tập về chữ viết nên nhận biết được rằng: ‘Nên thực hiện chữ cái này liền với chữ cái này.’ Trí nhớ sanh lên do việc viết chữ nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do việc tính toán nghĩa là thế nào? Những người kế toán, do đã được học tập về việc tính toán, nên tính toán nhiều. Trí nhớ sanh lên do việc tính toán nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do việc thuộc lòng nghĩa là thế nào? Những người chuyên học thuộc lòng, do đã được học tập về việc thuộc lòng, nên thuộc lòng được nhiều. Trí nhớ sanh lên do việc thuộc lòng nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do việc tu tập nghĩa là thế nào? Ở đây, vị tỳ khưu nhớ lại nhiều kiếp sống trước như là một lần sanh, hai lần sanh, ba lần sanh, bốn lần sanh, năm lần sanh, mười lần sanh, hai mươi lần sanh, ba mươi lần sanh, bốn mươi lần sanh, năm mươi lần sanh, một trăm lần sanh, một ngàn lần sanh, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp: ‘Ở nơi ấy, ta đã có tên như vầy, dòng họ như vầy, giai cấp như vầy, thức ăn như vầy, có sự nhận biết lạc và khổ như vầy, có giới hạn tuổi thọ như vầy. Từ chỗ ấy, ta đây đã chết đi rồi đã sanh lên tại chỗ kia. Ở nơi kia, ta đã có tên như vầy, dòng họ như vầy, giai cấp như vầy, thức ăn như vầy, có sự nhận biết lạc và khổ như vầy, có giới hạn tuổi thọ như vầy. Từ nơi kia, ta đây đã chết đi rồi đã sanh lên tại nơi này.’ Như thế, vị ấy nhớ lại nhiều kiếp sống trước với các nét đại cương và cá biệt. Trí nhớ sanh lên do việc tu tập nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do gắn bó với sách vở nghĩa là thế nào? Các vị vua trong khi tưởng nhớ về điều giáo huấn (rồi ra lệnh): ‘Hãy mang lại một cuốn sách,’ và tưởng nhớ lại nhờ cuốn sách ấy. Trí nhớ sanh lên do gắn bó với sách vở nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do việc tiếp cận nghĩa là thế nào? Sau khi nhìn thấy hàng hóa được đặt xuống gần bên thì nhớ lại. Trí nhớ sanh lên do việc tiếp cận nghĩa là như vậy.
Trí nhớ sanh lên do kinh nghiệm nghĩa là thế nào? Vị nhớ lại cảnh sắc do đã thấy, nhớ lại cảnh thinh do đã nghe, nhớ lại hương do đã ngửi, nhớ lại vị do đã nếm, nhớ lại xúc do đã chạm, nhớ lại pháp do đã nhận thức. Trí nhớ sanh lên do kinh nghiệm nghĩa là như vậy.
Tâu đại vương, trí nhớ sanh lên với mười sáu hình thức này.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
2. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói như vầy: ‘Người nào làm việc bất thiện trong một trăm năm, và vào lúc chết đạt được một niệm tưởng đến đức Phật thì người ấy có thể sanh ở giữa chư Thiên.’ Trẫm không tin lời nói này. Hơn nữa, ngài còn nói như vầy: ‘Có thể đọa vào địa ngục do một lần giết hại mạng sống.’ Trẫm cũng không tin lời nói này.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Không có chiếc thuyền, hòn đá dầu là nhỏ có thể nổi ở nước không?”
“Thưa ngài, không.”
“Tâu đại vương, phải chăng một trăm xe đá được chất lên thuyền thì có thể nổi ở nước?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể nổi.”
“Tâu đại vương, chiếc thuyền là như thế nào thì các nghiệp thiện nên được xem xét như vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
3. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải ngài tinh tấn nhằm loại bỏ khổ thuộc quá khứ?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Vậy có phải ngài tinh tấn nhằm loại bỏ khổ thuộc vị lai?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Vậy có phải ngài tinh tấn nhằm loại bỏ khổ thuộc hiện tại?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Nếu ngài không tinh tấn nhằm loại bỏ khổ thuộc quá khứ, không tinh tấn nhằm loại bỏ khổ thuộc vị lai, không tinh tấn nhằm loại bỏ khổ thuộc hiện tại, vậy ngài tinh tấn nhằm mục đích gì?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, làm cách nào để cho khổ này diệt, và khổ khác không thể sanh lên? Chúng tôi tinh tấn nhằm mục đích này.”
“Thưa ngài Nāgasena, vậy (bây giờ) có khổ thuộc vị lai không?”
“Tâu đại vương, không có.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài quả là quá sáng trí khi ngài tinh tấn nhằm loại bỏ các khổ không hiện hữu!”
“Tâu đại vương, vậy có những vị vua đối nghịch, những kẻ thù đối nghịch, những bạn bè đối nghịch chống đối lại ngài không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có.”
“Tâu đại vương, phải chăng khi ấy ngài mới bảo đào hào, mới bảo đắp lũy, mới bảo xây cổng thành, mới bảo làm vọng gác, mới bảo đem lại thóc?”
“Thưa ngài, không đúng. Việc ấy là được chuẩn bị trước.”
“Tâu đại vương, phải chăng khi ấy ngài mới rèn luyện về voi, mới rèn luyện về ngựa, mới rèn luyện về xe, mới rèn luyện về cung, mới rèn luyện về gươm?”
“Thưa ngài, không đúng. Việc ấy là được chuẩn bị trước.”
“Nhằm mục đích gì?”
“Thưa ngài, nhằm mục đích ngăn chặn các nỗi lo sợ thuộc vị lai.”
“Tâu đại vương, phải chăng (bây giờ) có nỗi lo sợ thuộc vị lai?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, đại vương quả là quá sáng trí khi ngài chuẩn bị nhằm mục đích ngăn chặn các nỗi lo sợ thuộc vị lai!”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Phải chăng khi nào ngài bị khát thì khi ấy ngài mới bảo đào giếng nước, mới bảo đào ao nước, mới bảo đào hồ nước (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ uống nước’?”
“Thưa ngài, không đúng. Việc ấy là được chuẩn bị trước.”
“Nhằm mục đích gì?”
“Thưa ngài, được chuẩn bị nhằm mục đích ngăn chặn các sự khát nước còn chưa đến.”
“Tâu đại vương, phải chăng (bây giờ) có sự khát nước ở vị lai?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, đại vương quả là quá sáng trí khi ngài chuẩn bị việc ấy nhằm mục đích ngăn chặn các sự khát nước ở vị lai!”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Phải chăng khi nào ngài thèm ăn thì khi ấy ngài mới bảo cày ruộng, mới bảo trồng lúa sāli (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ thọ dụng bữa ăn’?”
“Thưa ngài, không đúng. Việc ấy là được chuẩn bị trước.”
“Nhằm mục đích gì?”
“Thưa ngài, được chuẩn bị nhằm mục đích ngăn chặn các sự thèm ăn ở vị lai.”
“Tâu đại vương, phải chăng (bây giờ) có sự thèm ăn ở vị lai?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, đại vương quả là quá sáng trí khi ngài chuẩn bị việc ấy nhằm mục đích ngăn chặn các sự thèm ăn không hiện hữu ở vị lai!”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
4. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, cõi Phạm Thiên cách đây bao xa?”
“Tâu đại vương, cõi Phạm Thiên cách đây xa lắm. Tảng đá kích thước bằng ngôi nhà mái nhọn bị rơi từ nơi ấy, trong khi rơi xuống ngày đêm bốn mươi tám ngàn do-tuần thì bốn tháng mới có thể đến được trái đất.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài nói như vầy: ‘Cũng giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ y như thế, vị tỳ khưu có thần thông, đã đạt đến năng lực của tâm, biến mất ở Jambudīpa có thể hiện ra ở cõi Phạm Thiên.’ Trẫm không tin lời nói này. Như vậy vị ấy sẽ di chuyển cực kỳ nhanh đến cả nhiều trăm do-tuần?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, sanh quán của ngài ở đâu?”
“Thưa ngài, có hòn đảo tên là Alasandā. Trẫm sanh ra tại nơi ấy.”
“Tâu đại vương, Alasandā cách đây bao xa?”
“Thưa ngài, khoảng cách hai trăm do-tuần.”
“Tâu đại vương, phải chăng ngài biết rõ là ngài đã làm một việc cần làm nào đó ở tại nơi ấy và ngài vẫn còn nhớ?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Trẫm nhớ.”
“Tâu đại vương, quả là ngài đã di chuyển khoảng cách hai trăm do-tuần một cách nhẹ nhàng.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
5. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, người từ trần ở đây rồi sanh vào cõi Phạm Thiên, và người từ trần ở đây rồi sanh vào xứ Kasmīra, ai là lâu hơn, ai là mau hơn?”
“Tâu đại vương, bằng nhau.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, thành phố quê hương của ngài ở đâu?”
“Thưa ngài, có ngôi làng tên là Kalasi. Trẫm sanh ra tại nơi ấy.”
“Tâu đại vương, ngôi làng Kalasi cách đây bao xa?”
“Thưa ngài, khoảng cách hai trăm do-tuần.”
“Tâu đại vương, Kasmīra cách đây bao xa?”
“Thưa ngài, mười hai do-tuần.”
“Tâu đại vương, đại vương hãy nghĩ đến ngôi làng Kalasi đi?”
“Thưa ngài, đã nghĩ đến rồi.”
“Tâu đại vương, đại vương hãy nghĩ đến Kasmīra đi?”
“Thưa ngài, đã nghĩ đến rồi.”
“Tâu đại vương, cái nào đã được suy nghĩ lâu, cái nào mau hơn?”
“Thưa ngài, bằng nhau.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế người từ trần ở đây rồi sanh vào cõi Phạm Thiên, và người từ trần ở đây rồi sanh vào xứ Kasmīra, họ sanh lên đều bằng nhau.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Hai con chim bay ở không trung, một con trong số đó đậu xuống ở cây cao, một con đậu ở cây thấp. Khi chúng đồng thời đáp xuống, bóng của con nào thành lập ở mặt đất trước, bóng của con nào thành lập ở mặt đất lâu hơn?”
“Thưa ngài, bằng nhau.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế người từ trần ở đây rồi sanh vào cõi Phạm Thiên, và người từ trần ở đây rồi sanh vào xứ Kasmīra, họ sanh lên đều bằng nhau.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
6. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có bao nhiêu giác chi (chi phần đưa đến giác ngộ)?”
“Tâu đại vương, có bảy giác chi.”
“Thưa ngài, được giác ngộ với bao nhiêu giác chi?”
“Tâu đại vương, được giác ngộ với một giác chi là với trạch pháp giác chi.”
“Thưa ngài, vậy thì tại sao lại được nói là ‘bảy giác chi’?”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Cây gươm đã được tra vào vỏ, không được nắm bằng tay, có thể cắt được vật cần phải cắt?”
“Thưa ngài, không thể.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế thiếu đi trạch pháp giác chi thì không được giác ngộ bằng sáu chi phần (còn lại).”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
7. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, phước và tội cái nào nhiều hơn?”
“Tâu đại vương, phước thì nhiều hơn, tội thì ít.”
“Vì lý do gì?”
“Tâu đại vương, trong khi làm tội thì có sự ân hận rằng: ‘Nghiệp ác được ta làm,’ do đó ác không tăng trưởng. Tâu đại vương, trong khi làm phước thì không có sự ân hận. Đối với người không có sự ân hận, hân hoan sanh khởi; đối với người được hân hoan, hỷ sanh khởi; đối với người có tâm hỷ, thân khinh an; thân được khinh an thì cảm giác sự an lạc; có sự an lạc, tâm được định tĩnh; đã được định tĩnh, thì nhận biết đúng theo thực thể. Vì lý do ấy, phước tăng trưởng. Tâu đại vương, người có chân tay bị chặt đứt sau khi dâng lên đức Thế Tôn một bó hoa sen thì sẽ không rơi vào đọa xứ chín mươi mốt kiếp. Tâu đại vương, cũng vì lý do này mà tôi nói rằng: ‘phước thì nhiều hơn, tội thì ít.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
8. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, người làm nghiệp ác mà biết và người làm nghiệp ác mà không biết, người nào có tội nhiều hơn?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, người nào làm nghiệp ác mà không biết, người ấy có tội nhiều hơn.”
“Thưa ngài Nāgasena, chính vì điều ấy hoàng tử nào hoặc quan đại thần nào của chúng tôi làm nghiệp ác mà không biết, có phải chúng tôi phạt người ấy gấp đôi?”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Một người cầm lấy cục sắt được nung nóng, đốt nóng, cháy rực, có ngọn lửa mà không biết, một người cầm lấy mà biết, người nào bị phỏng với mức độ trầm trọng hơn?”
“Thưa ngài, người nào cầm lấy mà không biết, người ấy bị phỏng với mức độ trầm trọng hơn.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào làm nghiệp ác mà không biết, người ấy có tội nhiều hơn.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
9. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có người nào có thể đi đến xứ Uttarakuru, hoặc cõi Phạm Thiên, hoặc hòn đảo khác bằng cách phân thân này không?”
“Tâu đại vương, có người có thể đi đến xứ Uttarakuru, hoặc cõi Phạm Thiên, hoặc hòn đảo khác bằng thân tứ đại này.”
“Thưa ngài Nāgasena, làm thế nào có thể đi đến xứ Uttarakuru, hoặc cõi Phạm Thiên, hoặc hòn đảo khác bằng thân tứ đại này?”
“Tâu đại vương, chắc ngài biết rõ là đã nhảy lên khỏi trái đất này một gang tay hoặc một ratana?”[3]
“Thưa ngài, trẫm biết rõ. Thưa ngài Nāgasena, trẫm nhảy lên đến tám ratana.”
“Tâu đại vương, làm thế nào ngài nhảy lên đến tám ratana?”
“Thưa ngài, chính vì trẫm lập tâm rằng: ‘Ta sẽ rơi xuống ở chỗ này.’ Với sự lập tâm ấy, thân thể của trẫm trở thành nhẹ.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị tỳ khưu có thần thông, đã đạt đến năng lực của tâm, sau khi đặt thân vào tâm rồi di chuyển ở không trung bằng năng lực của tâm.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
10. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói như vầy: ‘Có những khúc xương dài một trăm do-tuần.’ Cho đến ngay cả cây cối còn không cao một trăm do-tuần, do đâu mà sẽ có được những khúc xương dài một trăm do-tuần?”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Có phải ngài đã được nghe là ở đại dương có loài cá dài năm trăm do-tuần?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Đã được nghe.”
“Tâu đại vương, không phải những khúc xương của con cá dài năm trăm do-tuần sẽ là có chiều dài năm trăm do-tuần?”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
11. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói như vầy: ‘Có thể ngưng các hơi thở ra hơi thở vào?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Có thể ngưng các hơi thở ra hơi thở vào.”
“Thưa ngài Nāgasena, làm thế nào có thể ngưng các hơi thở ra hơi thở vào?”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Đại vương đã được nghe trước đây người nào đang ngáy không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Đã được nghe trước đây.”
“Tâu đại vương, phải chăng âm thanh ấy có thể ngưng lại khi cơ thể được khom vào?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể ngưng lại.”
“Tâu đại vương, bởi vì âm thanh ấy có thể ngưng lại khi cơ thể được khom vào là đối với người có thân chưa được tu tập, có giới chưa được tu tập, có định chưa được tu tập, có tuệ chưa được tu tập. Trái lại, đối với người có thân đã được tu tập, có giới đã được tu tập, có định đã được tu tập, có tuệ đã được tu tập, đã chứng đạt tứ thiền, phải chăng hơi thở ra hơi thở vào của người này sẽ không được ngưng lại?”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
12. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, điều được gọi là ‘biển, biển.’ “Vì lý do gì nước được gọi là ‘biển’?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, nước chừng nào thì muối chừng ấy, muối chừng nào thì nước chừng ấy; vì thế được gọi là ‘biển’.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
13. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, vì lý do gì mà biển có một vị là vị của muối?”
“Tâu đại vương, điều đã được tồn tại từ lâu là đối với nước thì biển có một vị là vị của muối.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
14. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có thể cắt vật hoàn toàn vi tế không?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Có thể cắt vật hoàn toàn vi tế.”
“Thưa ngài, vậy cái gì là hoàn toàn vi tế?”
“Tâu đại vương, pháp là hoàn toàn vi tế. Tâu đại vương, không phải tất cả các pháp đều là vi tế. Tâu đại vương, ‘vi tế’ hay ‘thô cứng,’ điều này là sự diễn tả đối với các pháp. Bất cứ vật gì có thể cắt được thì cắt toàn thể vật ấy bằng tuệ. Không có việc cắt bằng tuệ lần thứ nhì.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
15. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ‘thức’ hay ‘tuệ’ hay ‘mạng sống ở chúng sanh,’ các pháp này khác về nội dung khác về hình thức, hay là có chung nội dung chỉ khác về hình thức tên gọi?”
“Tâu đại vương, thức có sự nhận thức là tướng trạng, tuệ có sự biết rõ là tướng trạng, mạng sống ở chúng sanh là không có.”
“Nếu mạng sống không có, vậy thì ai nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, nghe âm thanh bằng tai, ngửi hương bằng mũi, nếm vị bằng lưỡi, chạm cảnh xúc bằng thân, nhận thức cảnh pháp bằng ý?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Nếu mạng sống nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, nghe âm thanh bằng tai, ngửi hương bằng mũi, nếm vị bằng lưỡi, chạm cảnh xúc bằng thân, nhận thức cảnh pháp bằng ý, phải chăng mạng sống ấy, khi các mắt bị hoại, vẫn có thể nhìn thấy cảnh sắc rõ hơn ở bên ngoài trước mặt qua bầu không gian lớn hơn? Có phải khi các tai bị hoại, khi mũi bị hoại, khi lưỡi bị hoại, khi thân bị hoại, vẫn có thể nghe âm thanh, có thể ngửi mùi, có thể nếm vị, có thể chạm cảnh xúc rõ hơn qua bầu không gian lớn hơn?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Tâu đại vương, chính vì điều ấy mạng sống ở chúng sanh là không có.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
16. Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, có phải hành động khó khăn đã được đức Thế Tôn thực hiện?”
“Thưa ngài, hành động khó khăn đã được đức Thế Tôn thực hiện là gì?”
“Tâu đại vương, hành động khó khăn đã được đức Thế Tôn thực hiện là việc xác định đối với các pháp không có hình tướng là tâm và sở hữu tâm đang diễn tiến ở một đối tượng đã được nói ra: ‘Đây là xúc, đây là thọ, đây là tường, đây là tư, đây là tâm.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó đi vào biển cả bằng thuyền, lấy nước bằng bụm tay, rồi nếm bằng lưỡi. Tâu đại vương, phải chăng người ấy có thể biết được rằng: ‘Đây là nước của sông Gaṅgā, đây là nước của sông Yamunā, đây là nước của sông Aciravatī, đây là nước của sông Sarabhū, đây là nước của sông Mahī’?”
“Thưa ngài, là việc khó khăn để biết được.”
“Tâu đại vương, việc đã được đức Thế Tôn thực hiện còn khó hơn việc đó nữa là việc xác định các pháp không có hình tướng là tâm và sở hữu tâm đang diễn tiến ở một đối tượng đã được nói ra: ‘Đây là xúc, đây là thọ, đây là tường, đây là tư, đây là tâm.’”
Đức vua đã vô cùng hoan hỷ: “Thưa ngài, thật quý hóa thay!”
Phẩm Xác Định Các Pháp Vô Sắc là thứ bảy.
(Trong phẩm này có mười sáu câu hỏi)
*****
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, đại vương có biết bây giờ là giờ nào không?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Trẫm biết. Lúc này canh một đã qua. Đang là canh giữa. Các ngọn đuốc được thắp sáng. Bốn ngọn cờ đã được truyền lệnh (kéo lên). Các vật dụng của hoàng gia từ nhà kho sẽ đến.”
Những người Yonaka đã nói như vầy: “Tâu đại vương, đại vương thì khôn ngoan, còn vị tỳ khưu là sáng trí.”
“Này các khanh, đúng vậy. Vị trưởng lão là bậc sáng trí. Người như vầy có thể là thầy dạy học, và người học trò như trẫm không bao lâu nữa có thể trở thành bậc sáng trí, có thể hiểu được Giáo Pháp.”
Được hoan hỷ với lời giải thích các câu hỏi của vị ấy, đức vua đã choàng lên vị trưởng lão Nāgasena tấm mền len trị giá một trăm ngàn rồi nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, kể từ hôm nay, trẫm sẽ cho chuẩn bị một trăm lẻ tám phần ăn dâng ngài. Và bất cứ vật gì đúng phép có ở nội thành, trẫm thỉnh cầu ngài về vật ấy.”
“Tâu đại vương, tôi vừa đủ sống.”
“Thưa ngài Nāgasena, trẫm biết ngài (vừa đủ) sống. Tuy nhiên, xin ngài hãy bảo vệ bản thân và xin ngài hãy bảo vệ trẫm. Ngài hãy bảo vệ bản thân nghĩa là thế nào? Lời phát biểu của những người khác có thể xảy đến là: ‘Nāgasena đã tạo niềm tin cho đức vua Milinda, nhưng đã không nhận được vật gì;’ ngài hãy bảo vệ bản thân nghĩa là như vậy. Ngài hãy bảo vệ trẫm nghĩa là thế nào? Lời phát biểu của những người khác có thể xảy đến là: ‘Đức vua Milinda đã được tịnh tín mà không bày tỏ biểu hiện đã được tịnh tín;’ ngài hãy bảo vệ trẫm nghĩa là như vậy.”
“Tâu đại vương, hãy là như vậy.”
“Thưa ngài, cũng giống như con sư tử, chúa của loài thú, bị ném vào trong cái chuồng bằng vàng, nhưng khuôn mặt chỉ hướng ra ngoài, thưa ngài, tương tợ y như thế trẫm dầu sống ở gian nhà nào đó, tuy vẫn tồn tại nhưng khuôn mặt chỉ hướng ra ngoài. Thưa ngài, nếu trẫm có thể rời nhà xuất gia sống không nhà, trẫm không thể sống thọ vì trẫm có nhiều kẻ thù.”
Khi ấy, đại đức Nāgasena, sau khi trả lời câu hỏi của đức vua Milinda, đã từ chỗ ngồi đứng dậy đi về tu viện của hội chúng. Và khi đại đức Nāgasena ra đi không bao lâu, đức vua Milinda đã khởi ý điều này: “Điều gì đã được ta hỏi, điều gì đã được ngài đại đức trả lời?” Khi ấy đức vua Milinda đã khởi ý điều này: “Tất cả đã được ta hỏi đúng đắn, tất cả đã được ngài đại đức trả lời đúng đắn.” Khi đi về lại tu viện của hội chúng, đại đức Nāgasena cũng đã khởi ý điều này: “Điều gì đã được đức vua Milinda hỏi, điều gì đã được ta trả lời?” Khi ấy đại đức Nāgasena đã khởi ý điều này: “Tất cả đã được đức vua Milinda hỏi đúng đắn, tất cả đã được ta trả lời đúng đắn.”
Sau đó, khi trải qua đêm ấy, đại đức Nāgasena vào buổi sáng đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến chỗ ngụ của đức vua Milinda, sau khi đến đã ngồi xuống chỗ ngồi đã được sắp đặt sẵn. Khi ấy, đức vua Milinda đã đảnh lễ đại đức Nāgasena rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Milinda đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Mong rằng ngài đại đức chớ khởi ý như vầy: ‘Chính vì ‘Nāgasena đã được ta hỏi câu hỏi’ rồi do tâm hoan hỷ đã không ngủ trọn đêm qua.’ Xin ngài đừng nhận thấy như vậy. Thưa ngài, trọn đêm qua trẫm đây đã khởi ý điều này: ‘Điều gì đã được ta hỏi, điều gì đã được ngài đại đức trả lời?’ Tất cả đã được ta hỏi đúng đắn, tất cả đã được ngài đại đức trả lời đúng đắn.”
Vị trưởng lão cũng đã nói như vầy: “Mong rằng đại vương chớ khởi ý như vầy: ‘Chính vì đức vua Milinda đã được ta trả lời câu hỏi, rồi do tâm hoan hỷ đã thức trọn đêm qua.’ Xin đại vương đừng nhận thấy như vậy. Tâu đại vương, trọn đêm qua tôi đây đã khởi ý điều này: ‘Điều gì đã được đức vua Milinda hỏi, điều gì đã được ta trả lời?’ Tất cả đã được đức vua Milinda hỏi đúng đắn, tất cả đã được ta trả lời đúng đắn.” Như thế, hai bậc khổng long ấy đã cùng tùy hỷ về việc đã khéo ăn nói với nhau.
Việc hỏi và trả lời các câu hỏi của Milinda được đầy đủ.
--ooOoo--
[1] Năm xứ là nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, và thân xứ (ND).
[2] Tuy ghi là 16 nhưng đếm thì có đến 17 loại. Tạng Miến Điện ghi 17 (ND).
[3] ratana = 0.25 mét, đơn vị đo chiều dài (ND).
| 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 |