TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ ĐẠI TẬP (397 - 424)

SỐ 409 - KINH QUÁN HƯ KHÔNG TẠNG BỒ-TÁT

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Đàm-ma-mật-đa, người nước Kế Tân.

MỤC LỤC

Thần chú Kinh Quán Hư Không Tạng Bồtát

Danh hiệu ba mươi lăm Đức Phật

Đà-la-ni của Bồ-tát Hư Không Tạng

Danh hiệu năm mươi ba Đức Phật đời quá khứ

Kinh Tập Pháp Duyệt Xả Khổ Đà-la-ni

Thần chú Đà-la-ni của Bồ-Tát Hư Không Tạng

 


Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại núi Khư-đà-la (nơi cư trú của các vị tiên Chánh giác) cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo và một ngàn vị Bồ-tát thuộc kiếp hiện tại, do Bồ-tát Di-lặc đứng đầu.

Bấy giờ, Trưởng lão Ưu-ba-ly đã từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Trước đây, trong kinh Công

Đức đã thuyết giảng về danh hiệu của Đại Bồ-tát Hư Không Tạng có thể diệt trừ tất cả các nghiệp bất thiện. Như vậy, nếu có người sửa đổi những luật nghi xấu ác của vua hành theo Chiên-đà-la cho đến Sa-môn hành theo Chiên-đà-la thì họ phải quán niệm Bồ-tát Hư Không Tạng như thế nào? Giả sử được gặp thì làm sao để cùng Bồ-tát ở chung và Bố-tát thực hiện các việc của chúng Tăng? Lại có Ưu-bà-tắc nào phá bỏ năm giới, phạm tám giới quan trai, hàng xuất gia: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na phạm bốn giới căn bản, Bồ-tát tại gia hủy hoại sáu pháp quan trọng, Bồ-tát xuất gia phạm tám giới nặng những người phạm giới như vậy, trước đây, trong luật, Đức Thế Tôn đã nói, nhất định họ phải bị đuổi, như tảng đá lớn đã bị phá vỡ. Hôm nay, trong kinh này lại nói Bồ-tát Hư Không Tạng vì lòng Từ bi lớn có thể cứu giúp các chúng sinh khổ và nói thần chú để dứt trừ các tội lỗi cho họ. Giả sử có người nào đạt được như thế thì lấy gì để làm chứng cứ? Kính xin Bậc Thiên Tôn giải thích rõ ràng.

Đức Phật nói:

–Này Tôn giả Ưu-ba-ly! Ông và những người khéo giữ gìn giới luật, vào đời vị lai, nên dạy bảo những chúng sinh phạm tội ấy, làm cho họ được an tâm. Với lòng Từ bi lớn, thệ nguyện vô lượng, Như Lai không bỏ bất cứ một chúng sinh nào. Trong kinh Công Đức thâm diệu, ta nói các pháp xử trị tội, gọi là “Quyết định Tỳ-ni”.

Có ba mươi lăm Đức Phật cứu đời với lòng Từ bi lớn, ông nên cung kính đảnh lễ. Khi kính lễ, nên mặc áo “hổ thẹn”, vô cùng xấu hổ như mắt bị bệnh, như người mắc bệnh hủi phải theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc, ông cũng vậy, nên sinh lòng hổ thẹn, biết hổ thẹn rồi, đảnh lễ các Đức Phật khắp mười phương, một ngày cho đến bảy ngày. Niệm danh hiệu ba mươi lăm Đức Phật rồi niệm riêng danh hiệu và lòng Từ bi lớn của Bồ-tát Hư Không Tạng, tắm rửa sạch sẽ, đốt hương trầm thủy, đến lúc ngôi sao sáng xuất hiện, quỳ gối chắp tay, nước mắt ràn rụa, xưng niệm Bồ-tát Hư Không Tạng, thưa: “Bồtát là bậc phước đức, vì lòng Từ bi lớn, xin Bồ-tát thương xót nhớ nghĩ đến con mà hiện thân.” Lúc ấy, ông nên nghĩ đến ngọc quý Như ý trên đỉnh đầu của Bồ-tát Hư Không Tạng, ngọc ấy tỏa ra ánh sáng màu vàng ròng, nếu thấy ngọc Như ý tức thấy được mão đội của cõi trời, trong mão có ba mươi lăm tượng Phật hiện ra, rồi trong ngọc Như ý đó lại có hình tượng Phật hiện khắp mười phương.

Thân Bồ-tát Hư Không Tạng cao lớn hai mươi do-tuần, lớn bằng thân của Bồ-tát Quán Thế Âm… Vị Bồ-tát này ngồi kiết già, tay cầm ngọc sáng Như ý, từ ngọc phát ra âm thanh diễn nói pháp và luật. Bồ-tát lại vì luôn thương xót chúng sinh nên hiện ra thân Tỳ-kheo và nhiều hình tượng khác, hoặc trong giấc mộng, hoặc lúc ngồi thiền, Bồ-tát sẽ dùng ấn ngọc Ma-ni ấn chứng trên cánh tay của các ông, trong dấu ấn có chữ, chữ này có công năng dứt trừ tội lỗi. Được chữ này rồi, các ông lại vào trong chúng Tăng nói giới như trước. Ưu-bà-tắc nào được chữ ấy thì xuất gia không bị điều gì trở ngại. Nếu như không được chữ này thì nói lớn vào không trung: “Tội diệt tội diệt!”. Nếu không nói lớn tiếng vào hư không để nhận biết về giới luật thì trong mộng gặp được Bồ-tát Hư Không Tạng, thưa: “Thưa Bồ-tát giữ gìn giới luật, con là Tỳ-kheo tên là…, Ưu-bà-tắc tên là…, xin được sám hối.” Một ngày cho đến bốn mươi chín ngày, nhờ diệu lực của việc đảnh lễ ba mươi lăm Đức Phật và Bồ-tát Hư Không Tạng nên tội được giảm nhẹ. Được người biết pháp bảo dọn dẹp nhà vệ sinh trong tám trăm ngày, mỗi ngày đều nói: “Ông làm việc bất tịnh, nên hôm nay ông phải dốc lòng dọn dẹp tất cả các nhà vệ sinh, không được cho người khác biết.” Dọn dẹp xong, tắm rửa sạch sẽ, đảnh lễ ba mươi lăm Đức Phật, xưng niệm Bồ-tát Hư Không Tạng, hướng đến mười hai bộ kinh, năm vóc gieo sát đất và nói lên tội lỗi của mình. Sám hối như vậy lại trải qua hai mươi mốt ngày.

Bấy giờ, người trí nên tập hợp những người thân thuộc, ở trước hình tượng Phật, xưng niệm danh hiệu ba mươi lăm Đức Phật, Bồ-tát Văn-thùsư-lợi và các Bồ-tát trong kiếp hiện tại, làm bậc thầy tôn chứng bạch Yết-ma cho những người đó được thọ giới như trước. Người này nhờ sức tu hành những hạnh khổ nhọc nên nghiệp tội được dứt trừ hẳn, đạt được ba thứ tâm Bồ-đề không bị chướng ngại.

Đức Phật lại nói:

–Này Tôn giả Ưu-ba-ly! Ông thọ trì pháp quán Hư Không Tạng này, vào đời vị lai, hãy nên phân biệt giảng nói cho các chúng sinh không biết hổ thẹn và phạm nhiều lỗi lầm.

Đức Phật giảng nói lời này rồi, Bồ-tát Hư Không Tạng đang ngồi kiết già, liền phóng ra hào quang màu vàng ròng, trong ngọc Như ý xuất hiện ba mươi lăm Đức Phật. Bồ-tát thưa:

–Bạch Thế Tôn! Ngọc báu Như ý này của con là từ nơi Thủ-lăng-nghiêm sinh ra, cho nên, chúng sinh nào nhìn thấy ngọc báu liền được tự tại như ý. Đức Phật bảo Tôn giả Ưu-ba-ly:

–Ông không nên giảng nói kinh này cho nhiều người mà chỉ nói với những người nào giữ gìn giới luật để làm mắt sáng cho các chúng sinh ở đời vị lai bị vô minh phiền não che phủ, cẩn thận đừng quên.

Bấy giờ, nghe lời Phật dạy, Tôn giả Ưu-ba-ly hoan hỷ phụng hành.

Kinh Quán Hư Không Tạng Bồ-tát.

Thần chú Kinh Quán Hư Không Tạng Bồtát

A di lệ xa a di lệ xa ca lưu ni ca. Giá ra giá ra tỳ giá ra san giá ra ca lưu ni ca. Ra mậu ra ra mậu ra tỳ ca đà lệ. Ma tào khư phục xà ma na ca lưu ni ca. Chân đà ma ni phú ra di ca lưu ni ca. Tát bà a xa di tha bì di. Đà hội đà lợi. Phá cừu phá cừu. Lưu để tỳ tỳ già cừu. Chất tỳ tỳ già cừu ca lưu ni ca. Phú lệ di đỏa ma ma a xa. Tát đỏa ba tha giá thâu ca kiệt độ, sa ha.

Danh hiệu ba mươi lăm Đức Phật

Phật Thích-ca Mâu-ni, Phật Kim Cang Bất Hoại Thân, Phật Bảo Quang, Phật Long Tôn Vương, Phật Tinh Tấn Quân, Phật Tinh Tấn Hỷ, Phật Bảo Lực, Phật Bảo Nguyệt Quang Minh, Phật Hiện Vô Ngu, Phật Bảo Nguyệt, Phật Vô Cấu, Phật Ly Cấu, Phật Dõng Thí, Phật Thanh Tịnh, Phật Thanh Tịnh Thí, Phật Bà-lưu-na, Phật Thủy Thiên, Phật Kiên Đức, Phật Chiên-đàn Công Đức, Phật Vô Lượng Quang, Phật Quang Đức, Phật Vô Lượng Cúc Quang, Phật Na-la-diên, Phật Công Đức Hoa, Phật Liên Hoa Du Hý Thần Thông, Phật Tài Công Đức, Phật Niệm Công Đức, Phật Thiện Danh Xưng, Phật Hồng Diệm Tràng Vương, Phật Thiện Du Bộ Công Đức, Phật Đấu Chiến Thắng, Phật Thiện Du Bộ, Phật Châu Tạp Trang Nghiêm Công Đức, Phật Bảo Liên Hoa Du Bộ Công Đức, Phật Liên Hoa Quang Thiện Trụ Ta-la Thọ Vương.

Đà-la-ni của Bồ-tát Hư Không Tạng

Đa trịch đá, a di đồ, ca lưu ni ca, giá ra giá ra tỳ giá ra, ca lưu ni ca, mậu ra ra ra mậu, ra tỳ già đà ra, ma ma kiếp khư, phục xa ma na, ca lưu ni ca chân đa ma ni, phú ra di, ca lưu ni ca, tát đỏa xá ma, xa bà xà, a nhã đà lê, bà phá cùng cùng lưu đề, tỳ tỳ gia cùng, ca lưu ni ca, phú lê xà phù, ma ma a xá, tát đỏa ba lợi giá, a thâu già kiệt đề ta ha.

Chúng sinh nào bị bệnh hoạn làm thân khổ sở, khiến tâm ý tán loạn, điếc, mù, câm, ngọng các căn không đủ, thân thể suy hoại giống như gần chết mà dốc lòng xưng niệm danh hiệu Đại Bồtát Hư Không Tạng thì được tiêu trừ các bệnh hoạn. Muốn không bị bệnh, nên đốt hương trầm thủy, trầm thủy đen chắc, hương Đa-kiệt-lưu, đảnh lễ bậc Trượng phu Đại thiện Hư Không Tạng, bậc Trượng phu này sẽ hiện ra hình tượng vị Bà-la-môn ở trong mộng, trước mặt người đó, hoặc hiện ra thân trời Đế thích, trời Công đức, trời Diệu âm, hoặc thân La-sát, hoặc thân đại thần, hoặc thân quan lại, hoặc thân thầy thuốc, cha mẹ trước mặt người bệnh, nói các loại thuốc men đúng như thật, tùy mỗi bệnh uống mỗi loại thuốc để dứt hẳn bệnh tật.

Lại có người nào mong cầu những điều như vầy: Học hỏi các nghĩa lý, thực hành thiền định ở nơi yên tĩnh, cầu đạt trí tuệ, cầu được tiếng khen, khéo léo, tự tại, sắc đẹp, giàu có, uy lực, tài năng, tiếng nói hay, con cái, quyến thuộc, công đức, bố thí, trì giới, tinh tấn, thiền định, lời nói có ý nghĩa, được người cung kính, thoát khỏi các tai nạn dữ, được an trú trong bố thí cho đến trí tuệ, được sống lâu, tất cả những vật cần dùng đều được đầy đủ… người ấy nên đảnh lễ Bồ-tát Hư Không Dựng, hoặc ở nơi thanh tịnh vắng vẻ trong rừng, hoặc nơi đất trống, đốt hương trầm thủy, trầm thủy đen chắc, hương đa-kiệt-lưu, thành tâm chắp tay, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ khắp mười phương, nói chú Đà-la-ni, liền được mãn nguyện.

Danh hiệu năm mươi ba Đức Phật đời quá khứ

Phật Phổ Quang, Phật Phổ Minh, Phật Phổ Tịnh, Phật Đa-ma-la-bạt Chiên-đàn Hương, Phật Chiên-đàn Quang, Phật Ma-ni Tràng, Phật Hoan Hỷ Tạng Ma-ni Bảo Tích, Phật Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến Thượng Đại Tinh Tấn, Phật Mani Tràng Đăng Quang, Phật Tuệ Cự Chiếu, Phật Hải Đức Minh Quang, Phật Kim Cang Lao Cường Phổ Tán Kim Quang, Phật Đại Cường Tinh Tấn Dũng Mãnh, Phật Đại Bi Quang, Phật Từ Lực Vương, Phật Từ Tạng, Phật Chiên-đàn Khuất Trang Nghiêm Thắng, Phật Hiền Thiện Thủ, Phật Thiện Ý, Phật Quảng Trang Nghiêm, Phật Kim Hoa Quang, Phật Bảo Cái Chiếu Không Tự Tại Vương, Phật Hư Không Bảo Hoa Quang, Phật Lưu

Ly Trang Nghiêm Vương, Phật Phổ Hiện Sắc Thân Quang, Phật Bất Động Trí Quang, Phật Hàng Phục Chư Ma Vương, Phật Tài Quang Minh, Phật Trí Tuệ Thắng, Phật Di-lặc Tiên Quang, Phật Thế Tĩnh Quang, Phật Thiện Tịch Nguyệt Âm Diệu Tôn Trí Vương, Phật Long Chủng Thượng Tôn Vương, Phật Nhật Nguyệt Quang, Phật Nhật Nguyệt Châu Quang, Phật Tuệ Tràng Thắng Vương, Phật Sư Tử Hống Tự Tại Lực Vương, Phật Diệu Âm Thắng, Phật Thường Quang Tràng, Phật Quan Thế Đăng, Phật Tuệ Oai Đăng Vương, Phật Thắng Pháp Vương, Phật Tu-di Quang, Phật Tu-ma-na Hoa Quang, Phật Ưu-đàm-bát-la Hoa Thù Thắng Vương, Phật Đại Tuệ Lực Vương, Phật A-súc Tỳ Hoan Hỷ Quang, Vô Lượng Âm Thanh Vương, Phật Tài Quang, Phật Kim Hải Quang, Phật Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương, Phật Đại Thông Quang, Phật Nhất Thiết Pháp Thường Mãn Vương. Nếu thiện nam, thiện nữ cũng như tất cả chúng sinh nào nghe được danh hiệu năm mươi ba Đức Phật này thì những người ấy trong trăm ngàn vạn ức a-tăng-kỳ kiếp không bị đọa nơi đường ác, hoặc có người nào xưng niệm danh hiệu năm mươi ba Đức Phật này thì đời đời sinh ra ở chỗ nào cũng được gặp chư Phật khắp mười phương. Người nào chí tâm cung kính đảnh lễ danh hiệu năm mươi ba Đức Phật thì diệt trừ được bốn tội cực nặng và năm tội đại nghịch, các phương xung quanh người ấy đều thanh tịnh.

Lại có Đức Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-khư, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp, Phật Thích-ca Mâu-ni, Phật Bảo Quang Nguyệt Điện Diệu Tôn Âm Vương ở phương Đông, Phật Thọ Căn Hoa Vương ở phương Nam, Phật Tạo Vương Thần Thông Viêm Hoa ở phương Tây, Phật Nguyệt Điện Thanh Tịnh ở phương Bắc, Phật Thiện Tịch Nguyệt Âm Vương ở phương Dưới, Phật Vô Số Tinh Tấn Nguyện Thủ ở phương Trên.

Đức Phật nói với Bồ-tát Bảo Võng:

–Nếu các thiện nam, thiện nữ nào xây dựng giảng đường rộng như Tam thiên đại thiên thế giới, ở trong giảng đường dùng chiên-đàn đỏ tạo lập vô số tinh xá, dùng tất cả các vật dụng để cúng dường chư Phật trong trăm ngàn kiếp. Sau khi Phật nhập diệt lại tạo lập tháp miếu, dùng cờ phướn, lọng hoa, bình báu, lò hương quý và âm nhạc để cúng dường khen ngợi. Ý ông nghĩ sao? Công đức của người ấy có nhiều không?

Bồ-tát Bảo Võng thưa:

–Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.

Dù vậy cũng không bằng công đức của người tụng niệm, cung kính đảnh lễ danh hiệu các Đức Phật trong sáu phương ấy. Người này đời đời thường được sinh vào dòng dõi vua Chuyển luân, tướng mạo đẹp đẽ, đầy đủ oai đức, đến khi lâm chung, được hàng trăm ức Đức Phật nắm tay, khiến không bị đọa vào ba cõi ác, nếu như bị phạm năm tội đại nghịch, đáng lý phải bị đọa địa ngục nhưng đời hiện tại chỉ bị quả báo nhẹ là bệnh đau đầu, không còn chịu khổ trong ba đường ác. Vì vậy, phải chí tâm cung kính đảnh lễ diễn nói kinh Đồng Tử Bảo Võng.

Lại có Đức Phật Tu-di Đăng Quang Minh ở phương Đông, Phật Bảo Tạng Trang Nghiêm ở phương Đông nam, Phật Chiên-đàn Ma-ni Quang ở phương Nam, Phật Kim Hải Tự Tại Vương ở phương Tây Nam, Phật Đại Bi Quang Minh Vương ở phương Tây, Phật Ưu-bát-la Liên Hoa Thắng ở phương Tây bắc, Phật Liên Hoa Tu Trang Nghiêm Vương ở phương Bắc, Phật Kim Cang Tự Tại Vương ở phương Đông bắc, Phật Thù Thắng Nguyệt Vương ở phương Trên, Phật Nhật Nguyệt Quang Vương ở phương Dưới.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát nào lần đầu tiên phạm giới thì đến trước mười chúng chí thành cầu xin sám hối, nếu tự phạm giới thì ở trước năm chúng để cầu sám hối, nếu tay chạm người nữ, mắt biểu hiện tâm ác thì ở trước một người hoặc hai người để sám hối. Bồ-tát nào phạm năm tội vô gián, phạm tội đối với người nữ hoặc đối với người nam, hoặc tự phạm, hoặc phạm nơi trụ xứ của Tăng chúng hoặc phạm những tội khác, Bồ-tát nên gần gũi ba mươi lăm Đức Phật, phạm tội gì cũng đều nên ở một mình, ngày đêm chí tâm sám hối, pháp sám hối là quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng.

Lại có Bồ-tát Diệu Âm, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Dược Vương, Bồ-tát Dũng Thí, Bồ-tát Túc Vương Hoa, Bồ-tát Thượng Hạnh Ý, Bồ-tát Trang Nghiêm Vương, Bồ-tát Dược Thượng, Bồ-tát Đắc Cần Tinh Tấn Lực, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Vô Tận Ý, Bồ-tát Trì Địa, Bồ-tát Trang Nghiêm Tướng, Bồ-tát Phổ Hiền.

Đây là mười bốn vị Bồ-tát trong kinh Pháp Hoa nói Bồ-tát Diệu Âm muốn đến gặp. Người nào xưng niệm lễ bái thì được phước báo ở đời hiện tại.

Lại có Bồ-tát Chủng Chủng Hạnh, Bồ-tát Vô Lượng Hạnh, Bồ-tát Thanh Tịnh Hạnh, Bồ-tát Kiến Lập Hạnh. Người nào tụng niệm, lễ bái danh hiệu bốn vị Bồ-tát này thì sau khi qua đời, không bị đọa vào ba đường ác.

Lại có Bồ-tát Không Vô ở phương Đông, Bồtát Thiện Tư Nghị ở phương Nam, Bồ-tát Hỷ Tín Tịnh ở phương Tây, Bồ-tát Thần Thông Hoa ở phương Bắc. Người nào xưng niệm, đảnh lễ bốn vị Bồ-tát này thì được phước báo trong ba đời, mau thành Phật đạo.

Lại có Bồ-tát Bạt-đà-hòa, Bồ-tát La-lân-na Kiệt, Bồ-tát Kiêu-mục-nghê, Bồ-tát Na-la-đạt, Bồtát Tu-thâm-di, Bồ-tát Ma-ha Tu-tát-hòa, Bồ-tát Nhân-hộ-đạt, Bồ-tát Hòa-luân-điều. Đây là tám vị Bồ-tát trong kinh Ban Chu, cầu đạo đến nay đã vô số kiếp, chư vị phát nguyện: “Nguyện cho muôn dân trong thiện hạ khắp mười phương đều đạt được Phật đạo. Người nào nhanh chóng niệm danh hiệu của tám chúng tôi thì liền được giải thoát. Khi người ấy lâm chung, chúng tôi sẽ đến nghênh đón.” Như vậy, người nào tụng niệm, đảnh lễ tám Bồtát thì được phước ở đời hiện tại, khi mạng chung được tám Bồ-tát tiếp dẫn sinh về nước Cực lạc, từ trong hoa sen hóa sinh và thành Bồ-tát vô sinh.

Nếu người nào tụng niệm đảnh lễ bốn Thanh văn: Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp, Tubồ-đề, người ấy cũng được phước báo ở đời hiện tại.

Lại có các bậc Thanh văn quyền biến như Phúlâu-na, A-nan, La-hầu-la, nếu ai xưng niệm lễ bái thì được phước Đại thừa.

Lại có mười phần Xá-lợi-phất: Phần thứ nhất an trí tại thành Câu-thi-na, phần thứ hai ở nước Babà, phần thứ ba ở nước La-ma, phần thứ tư ở nước Thứ-lặc, phần thứ năm ở nước Tỳ-nậu, phần thứ sáu ở nước Tỳ-da-ly, phần thứ bảy ở nước Ca-tỳla, phần thứ tám ở nước Ma-già-tha, phần thứ chín ở nước Bình-đầu-la, phần thứ mười ở nước Ladiên-na.

Sau khi Đức Như Lai vừa nhập diệt, trong khoảng hai mươi tám vạn dặm ở cõi Diêm-phù-đề, đã tạo lập mười ngôi tháp để thờ. Người nào kính lễ các tháp ấy thì được vô lượng phước đức, sau khi bỏ thân, không bị đọa trong ba đường ác.

Lại có bốn tháp ở cõi trời Đao-lợi:

1. Tháp thờ tóc Đức Phật, trong vườn Chiếu minh ở thành phía Đông.

2. Tháp thờ y Đức Phật, trong vườn Thô-sáp ở thành phía Nam.

3. Tháp thờ bình bát của Đức Phật trong vườn Hoan hỷ ở thành phía Tây.

4. Tháp thờ răng Đức Phật trong vườn Giá ngự ở thành phía Bắc.

Lại có bốn tháp ở cõi người.

1. Tháp kỷ niệm nơi Đức Phật đản sinh, ở rừng Lam-tỳ, thành Ca-tỳ-la, nước Câu-tát-la.

2. Tháp kỷ niệm nơi Đức Phật thành đạo, nơi cây Bồ-đề ở thành Già-da nước Ma-già-đà.

3. Tháp kỷ niệm nơi Đức Phật vận chuyển bánh xe pháp, tại vườn Lộc dã thành Ba-la-nại, nước Già-thi.

4. Tháp kỷ niệm nơi Đức Phật nhập Niết-bàn, giữa hai cây Ta-la ở thành Câu-thi-la, nước Ma-la. Người nào kính lễ tám tháp ở cõi trời và cõi người này thì được phước báo ở đời hiện tại.

Kinh Tập Pháp Duyệt Xả Khổ Đà-la-ni

Nam-mô Phật-đà-da Nam-mô Đạt-ma-da Nam-mô Tăng-già-da.

Nam-mô Tỳ-thủ-đà-giá-na.

Nam-mô Ma ha tát bà già rị da đa trịch diệt đa xỉ, lâm di rị, bà bá bà di lưu giá ha, đàn ma đàn na xà na hí hy, tát bà ma ha hí tri để rị, ương cầu tri rị, nặc cầu tri rị, tỷ bà tát bà da na, tỷ lâm bà xà ha đà xá da thâu, tát bà bà ra, tam mạn, bát trì ba, ba ba rị ma ha a na sa ha.

Bấy giờ, Đức Phật bảo đại chúng:

–Ngày xưa, cách đây vô số kiếp, khi còn là phàm phu, ta tên là Già-tha-đà, làm nghề lái buôn ở nước Gia-luân-la. Ta hay dối gạt, không thật thà và tạo nhiều nghiệp ác không thể đếm được. Ta lại đắm say theo đường dâm dục, không sao nói hết.

Bấy giờ, ta ngu si giết cha rồi loạn luân với mẹ. Vài năm sau, mọi người trong cả nước, ai ai cũng biết chuyện ấy. Họ nói: “Ông Già-tha-đà giết cha, loạn luân với mẹ đã mấy năm nay.” Đến lúc này, ta mới suy nghĩ mình thật chẳng khác loài súc sinh, ta đã làm các điều chẳng còn tính người. Nghĩ thế, ta bèn vượt thành trốn ra khỏi nước Gia-luân-la, vào ở trong rừng sâu.

Bấy giờ, vua Tỳ-xa của nước ấy ra chiếu lệnh cho khắp dân chúng cả nước như sau: “Tên Giàtha-đà hoang dâm, làm những điều trái đạo lý, ai bắt được gã ấy, sẽ được ban thưởng nhiều châu báu.” Mọi người nghe lời ban bố của vua, ai ai cũng đi lùng bắt ta. Vì quá sợ hãi, ta đi khỏi nước, xuất gia làm Sa-môn. Ở xứ người, ta tu hành mười nghiệp thiện, trải qua ba mươi bảy năm, ngày đêm ngồi thiền học đạo trong nước mắt buồn khổ. Do bị năm tội đại nghịch làm chướng ngại, nên ta không thể nào định tĩnh, luôn lo rầu không an ổn được.

Ba mươi bảy năm ròng, ở trong hang núi, ta thường than khóc một mình: “Khổ thay! Khổ thay. Ta phải làm thế nào để chấm dứt nỗi khổ sở này đây!”. Khóc than xong, ta xuống núi để thất thực. Một hôm nọ, trên đường khất thực, ta nhặt được một chiếc bát lớn nơi bát có quyển kinh chỉ ghi duy nhất Đà-la-ni Tập Pháp Duyệt Xả Khổ (Tổng trì tích tập pháp an vui, xả bỏ khổ), trong đó nói về hằng sa các Đức Phật đã nhập Niết-bàn vào đời quá khứ, thường diễn nói Đà-la-ni này, sau đấy thì giao phó cho các Đại Bồ-tát ở nước Tỳ-duyệt-la.

Về sau, có người nhờ đã tu hành, giữ gìn năm giới và mười nghiệp thiện nơi đời quá khứ nên nghe được Đà-la-ni này. Cũng có người không có duyên lành nên tuy nghe nhưng chẳng ghi nhớ và tu tập được.

Đà-la-ni ấy có công năng dứt trừ năm tội đại nghịch đã gây tạo trong hàng trăm ức kiếp sinh tử.

Người nào đọc tụng, thọ trì Đà-la-ni này thì không bao giờ bị đọa vào ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Vì sao? Vì các Đức Phật đời quá khứ, lúc sắp Niết-bàn, đã nói Đà-la-ni này để phó chúc cho các Bồ-tát, công đức của việc tôn trọng, khen ngợi, phúng tụng Đà-la-ni ấy là không thể tính kể. Sau này, chúng sinh nào nghe được và dốc lòng tu tập Đà-la-ni ấy thì công đức đạt được không thể tính đếm, giống như biển châu báu trong núi Tu-di, kẻ phàm phu không tài nào lượng đoán nổi. Nếu có người làm các việc ác mà tình cờ nghe được tên của Đà-la-ni này, dù không thể kịp tu hành, chỉ thoáng ghi nhớ thì khi bị đọa nơi địa ngục, tất cả chúng sinh ở cõi ấy đều nhờ ân đức của người kia mà không bị khổ sở, đau đớn.

Bấy giờ, lúc được kinh Đà-la-ni này, ta không đi khất thực nữa mà vui mừng về lại hang núi. Vào hang, ta đốt hương lễ lạy khóc than, xúc động. Ở trong hang núi cả năm trời, ta mới đọc tụng hết Đàla-ni ấy, nhưng vì bị tội lỗi làm chướng ngại, ta không thể nhập tâm ghi nhớ trọn vẹn.

Vào một đêm rằm mùa Thu, ta tắm rửa sạch sẽ rồi tu tập kinh này. Trong bảy ngày lần thứ nhất, giống như trẻ con mới đi học, ta rối rắm chẳng hiểu được gì. Ta lại tu tập bảy ngày nữa, cũng rối bời như con nít chẳng khác lần trước. Lòng ta thật sầu khổ chẳng biết làm sao. Nhưng rồi tâm ý ta cũng dần dần thấm nhuần chữ nghĩa của Đà-la-ni ấy. Qua nhiều lần suy ngẫm, bỗng nhiên tâm ta đạt định. Lúc đó, ta vô cùng vui mừng như người được trăm ngàn cân vàng. Người ngoài không thể biết trong lòng người khác vui mừng đến thế nào. Khi ấy, ta cũng như vậy. Tu tập vài năm sau nữa thì ta có thể bay đi hoàn toàn tự tại, thấy được các Đức Phật khắp mười phương, ba đời. Sau này, có ai tu hành thì nên theo pháp tu hành như vậy.

Thần chú Đà-la-ni của Bồ-Tát Hư Không Tạng

Nam-mô Phật-đâu-phật-đa, Ma ha mục kiền liên sa, đa trịch tha, y rị kiết rị di rị trì rị, tát bà ca y rị di rị, tát bà ca di rị sa ha.

Vào ngày mười bốn và ngày rằm hàng tháng, lúc ngôi sao sáng hiện ra, nên tụng chú này tám trăm lần, đốt hương trầm hảo hạng, khói hương không dứt, dùng tám trăm cành hoa vàng cúng dường Đà-la-ni để được phước báo như đối với người thiện nam thì thân hiện tại được an ổn, mong cầu điều gì cũng được như ý.

Người nữ nào muốn được thân nam thì nên chọn tháng ba, tháng tư, tháng tám, tháng chín, vào mùa Thu và mùa Xuân mát mẻ để trì tụng chú này, ngày đêm sáu thời thì tội lỗi trong một kiếp, hai kiếp đều được diệt hẳn, không bị đọa vào đường ác.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Đại tập][397.1][397.2][398][399][400][401][402][403][404][405][406][407][408][409][410][411][412][413][414][415][416][417][418][419][420][421][422][423][424]


[Mục lục tổng quát]