TẠNG KINH
BỘ ĐẠI TẬP (397 - 424)
SỐ 417 - KINH BAN-CHU TAM-MUỘI
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nguyệt Chi.
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn trúc Ca-lân thuộc thành La-duyệt-kỳ (Vương xá) cùng với các Đại Bồ-tát, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưubà-di, các chúng Trời, Rồng, A-tu-la, Dạ-xoa, Calâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già… cả đại chúng đông vô số đang an tọa nơi đại hội.
Bấy giờ, Bồ-tát Bạt-đa-hòa (Hiền Hộ) từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, quỳ gối chắp tay thưa Phật:
–Bạch Thế Tôn! Con có điều muốn thưa hỏi, kính xin Ngài cho phép.
Đức Phật bảo:
–Lành thay! Ông cứ thưa hỏi, ta sẽ giảng giải cho ông.
Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:
–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát phải tu hành những pháp gì để đạt được trí tuệ như biển cả gồm chứa vạn dòng sông? Phải tu hành ra sao để đạt được các trí, những gì được nghe biết điều hiểu rõ không nghi ngờ? Phải tu hành như thế nào để tự biết đời trước của mình như thế nào và từ đâu sinh đến đây? Phải tu hành như thế nào để được tuổi thọ lâu dài? Phải tu hành như thế nào để thường được sinh vào gia đình tôn quý, được cha mẹ, anh em, thân thuộc, bạn bè ai ai cũng đều yêu mến. Phải tu hành như thế nào để được tướng mạo đẹp đẽ? Phải tu hành như thế nào để có được tài năng xuất chúng, trí tuệ thông sáng đạt tất cả mọi điều? Phải tu hành như thế nào để công đức viên mãn, đạt đến thành Phật, oai thần vô lượng, thành tựu cảnh giới Phật, làm trang nghiêm cõi nước. Phải tu hành như thế nào để điều phục được các ma oán? Phải tu hành như thế nào để được tự tại viên mãn các ước nguyện? Phải tu hành như thế nào để được thể nhập pháp môn Tổng trì? Phải tu hành như thế nào để được thần thông đi đến khắp cõi Phật? Phải tu hành như thế nào để được dũng mãnh, không sợ hãi như sư tử chúa, đối với tất cả các ma không hề bị dao động? Phải tu hành như thế nào để đạt được chủng tánh Phật thánh, thọ trì được tất cả các kinh, hiểu và ghi nhớ không bị quên mất? Phải tu hành như thế nào để được tự đầy đủ, không còn dua nịnh, không chấp thủ vào thân, miệng, ý? Phải tu hành như thế nào để được không trở ngại việc thọ trì giáo pháp Nhất thiết trí, không quên mất tâm Phật?
Phải tu hành như thế nào để được người khác kính tin? Phải tu hành như thế nào để có được tám loại tiếng nhập vào muôn ức âm thanh? Phải tu hành như thế nào để đầy đủ các tướng hảo? Phải tu hành như thế nào để nghe rõ tất cả? Phải tu hành như thế nào để đạt được Đạo nhãn, nhìn thấy suốt tất cả pháp? Phải tu hành như thế nào để đạt được mười Lực, trí tuệ của bậc Chánh Chân? Phải tu hành như thế nào để tâm vừa nghĩ đến trong khoảng một niệm thì chư Phật ở khắp mười phương đều hiện ra trước mắt? Phải tu hành như thế nào để biết được nguồn gốc của bốn việc (ẩm thực, y phục, đồ nằm, thuốc thang) là không? Phải tu hành như thế nào để có thể ở chỗ này mà nhìn thấy được vô sô cõi Phật khắp mười phương; dân chúng, Trời, Rồng, Quỷ thần và các thiếu niên ở đó, tất cả những nơi chốn thiện ác thảy đều biết rõ? Tất cả những điều như vậy, phải tu hành như thế nào, kính xin Thế Tôn giảng giải những nghi vấn ấy cho con.
Đức Phật nói:
–Lành thay, này Bạt-đà-hòa! Những điều ông hỏi thật quá nhiều, không thể tính kể. Sở dĩ ông có thể thưa hỏi được như vậy là nhờ vào đời Đức Phật quá khứ, ông đã tạo nhiều công đức, cúng dường chư Phật, ưa thích kinh pháp, giữ gìn giới cấm thanh tịnh, thường đi khất thực không cần được mời thỉnh, làm cho nhiều chúng hội Bồ-tát được thành tựu, giáo hóa khiến cho họ từ bỏ điều ác, nhìn tất cả các đối tượng đều bình đẳng, luôn luôn có tâm đại Từ, đại Bi đối với tất cả chúng sinh. Công đức của ông không thể tính kể.
Này Bạt-đa-hòa! Có Tam-muội tên là Thập phương chư Phật tất tại tiền lập. Ông có thể tu hành pháp này để đạt được tất cả những điều ông đã thưa hỏi.
Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:
–Bạch Thế Tôn! Kính xin Thế Tôn giảng nói pháp ấy. Hôm nay Thế Tôn giảng nói thì tất cả mười phương đều được an ổn. Kính xin vì các Bồtát mà hiện tướng ánh sáng lớn.
Đức Phật nói:
–Này Bạt-đà-hòa! Có Tam-muội tên là Định ý, các Bồ-tát nên giữ gìn để tu tập, thọ trì, không nên làm theo những pháp khác. Tam-muội này có công đức bậc nhất trong các pháp bậc nhất.
Đức Phật nói:
–Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát nào muốn mau chóng đạt được Định ấy, phải có lòng tin lớn, như pháp tu hành Tam-muội ấy thì có thể đạt được, không nên có ý tưởng nghi ngờ dù chỉ bằng mảy lông sợi tóc. Pháp Định ý này được gọi là hạnh siêu việt của Bồ-tát:
Lập một niệm
Tin pháp ấy
Theo chỗ nghe
Nghĩ về phương.
Thuận một niệm
Đoạn các tưởng
Lập định tin
Chớ hồ nghi.
Hành tinh tấn
Không biếng nhác
Chớ khởi tưởng
Có và không.
Chớ nghĩ tiến
Chớ nghĩ lui
Không nghĩ trước
Chớ nghĩ sau.
Không nghĩ phải
Chẳng nghĩ trái
Chớ nghĩ không
Chẳng niệm có.
Không niệm xa
Chớ niệm gần
Chẳng niệm thọ
Chẳng niệm nhận.
Không niệm đói
Chẳng nghĩ khác
Không nghĩ lạnh
Chẳng nghĩ nóng.
Chớ niệm khổ
Không niệm vui
Chẳng niệm sinh
Không niệm già.
Chớ niệm bệnh
Chớ niệm chết
Chẳng nghĩ thân
Không nghĩ mạng.
Chớ nghĩ thọ (sống)
Chớ nghĩ nghèo
Không nghĩ giàu
Chớ nghĩ sang.
Chẳng nghĩ hèn
Chớ niệm sắc
Không niệm dục
Chẳng niệm nhỏ.
Không niệm lớn
Không niệm ngắn
Chớ niệm tốt.
Chớ niệm xấu
Không niệm ác
Chẳng niệm thiện
Chớ nghĩ sân.
Chớ nghĩ hỷ
Không nghĩ ngồi
Chẳng nghĩ khởi
Chớ nghĩ đi.
Chớ nghĩ dừng
Chẳng niệm kinh
Không niệm pháp
Chẳng niệm thị.
Không niệm phi
Chớ niệm bỏ
Chẳng niệm xả
Chẳng niệm tưởng.
Không niệm thức
Chẳng niệm đoạn
Chớ niệm chấp
Chẳng niệm không.
Chẳng niệm thật
Chớ niệm nhẹ
Không niệm nặng
Chẳng niệm khó.
Không niệm dễ
Chớ niệm sau
Chẳng niệm cạn
Chớ nghĩ rộng.
Chớ nghĩ hẹp
Chẳng nghĩ cha
Không nghĩ mẹ
Chớ nghĩ vợ.
Chẳng nghĩ con
Không nghĩ thân
Chẳng nghĩ sơ
Chớ nghĩ yêu.
Chớ nghĩ ghét
Chẳng nghĩ được
Không nghĩ mất
Chớ nghĩ thành.
Chớ nghĩ bại
Chẳng nghĩ trong
Không nghĩ đục
Đoạn các niệm.
Một hạn niệm
Ý chớ loạn
Luôn tinh tấn
Chớ biếng trễ.
Chẳng tính năm
Không ngày mệt
Tạo nhất niệm
Chớ xao lảng
Trừ ngủ nghỉ
Tình chuyên ý
Luôn tiếp xúc
Chớ tụ tập.
Tránh kẻ ác
Gần bạn ác
Thân minh sư
Xem như Phật.
Ý chí vững
Thường mềm mỏng
Quán bình đẳng
Nơi tất cả
Lánh làng xóm
Xa tộc họ
Bỏ ái dục
Hành thanh tịnh.
Chứng vô vi
Dứt các dục
Bỏ ý loạn
Tập tu định.
Học văn tuệ
Tất như thiền
Trừ ba uế
Dứt sáu nhập.
Đoạn dâm sắc
Lìa các thọ
Chớ tham của
Nhiều tích chứa.
Ăn biết đủ
Chớ tham vị
Mạng chúng sinh
Thận trọng ăn.
Áo như pháp
Chớ trang sức
Chớ đùa cợt
Chớ kiêu mạn.
Đừng tự đại
Đừng cao ngạo
Nếu nói kinh
Nên như pháp.
Rõ gốc thân
Giống như huyễn
Chớ thọ ấm
Chẳng nhập giới.
Ấm như giặc
Bốn (đại) như rắn
Là vô thường
Là phút chốc.
Vô thường chỗ
Rõ vốn không
Nhân duyên hợp
Nhân duyên tan.
Đều thấu đạt
Rõ gốc không
Thân Từ bi
Nơi hết thảy.
Thí bần cùng
Cứu chẳng tiếc
Đó là định
Bồ-tát hành
Đạt tuệ chính
Khởi các trí.
Đức Phật nói:
–Này Bạt-đà-hòa! Người giữ gìn Pháp tu hành như vậy sẽ đạt được Tam-muội, tất cả chư Phật hiện tại đều đứng ở trước mặt. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di theo đúng như pháp, giữ gìn đầy đủ giới luật, ở riêng một mình, tùy theo những điều mình đã được nghe biết, nhất tâm nhớ nghĩ về Đức Phật A-di-đà hiện nay đang ở nước Tu-ma-đề (Cực lạc) cách đây ngàn ức vạn cõi Phật về phương Tây, trong một ngày một đêm hoặc bảy ngày bảy đêm, sau bảy ngày đêm sẽ được nhìn thấy Ngài. Ví như những sự việc mà người đang ở trong mộng nhìn thấy, không biết đến ngày đêm cũng chẳng biết trong ngoài; không phải do ở trong tối bị trở ngại mà không được nhìn thấy.
Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát nên nhớ nghĩ như vậy.
Khi ấy, nơi cảnh giới của các cõi nước Phật, những chỗ tối tăm, u ám trong các núi lớn, núi Tudi đều được khai mở, không còn gì chướng ngại, che lấp. Bồ-tát ấy không còn dùng Thiên nhãn để nhìn thấy cho rõ ràng, không cần dùng Thiên nhĩ để nghe được thấu triệt, không cần dùng thần thông đến đến cõi Phật đó, cũng không cần qua đời ở chỗ này sinh về chỗ kia mà chỉ ở ngay chỗ ngồi này nhìn thấy tất cả.
Ví như có người nghe ở nước Đọa-xá-lợi có dâm nữ tên là Tu-môn, lại có người nghe dâm nữ tên là A-phàm-hòa-lợi, lại có người nghe dâm nữ Ưu-bà-hoàn. Khi ấy, ba người kia chưa từng nhìn thấy ba cô gái này, chỉ nghe đến thì ý dâm dục đã dao động. Ba người ấy đều ở nước La-duyệt-kỳ đồng thời nghĩ đến, nên trong mộng, họ thấy mình được đến bên cô gái và cùng qua đêm. Tỉnh dậy, mỗi người đều nhớ nghĩ đến cô gái của mình.
Đức Phật nói:
–Này Bạt-đà-hòa! Ta đem ba cô gái này để làm ví dụ, ông hãy dùng điều ấy để giảng nói kinh cho người khác, khiến được hiểu rõ tuệ này, được tâm không thoái chuyển đối với đạo quả Chánh chân Vô thượng, sau đó sẽ thành Phật hiệu là Thiện Giác.
Đức Phật nói tiếp:
–Bồ-tát ở cõi nước này, chuyên tâm niệm Đức Phật A-di-đà thì sẽ được thấy Phật. Thấy Phật rồi sẽ thưa hỏi Phật: “Phải thọ trì pháp gì để được sinh về nước của Phật?”
Đức Phật A-di-đà đáp: “Muốn sinh về cõi nước ấy, phải niệm danh hiệu của ta. Niệm luôn không ngừng nghỉ thì sẽ được sinh về nước của ta.” Đức Phật tiếp:
–Nhờ chuyên tâm niệm Phật nên được vãng sinh, thường niệm thân Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, trăm ngàn ức ánh quang minh chiếu sáng khắp nơi, trang nghiêm không ai sánh bằng, Đức Phật ở giữa đại chúng Bồ-tát giảng nói pháp về Sắc không hư hoại. Vì sao? Vì Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, thần hồn, địa, thủy, hỏa, phong, cõi người, cõi trời cho đến các vị trời, trời Phạm, Đại phạm đều là sắc không hư hoại, nhờ niệm Phật nên đạt được Tam-muội này.
Này Bạt-đà-hòa! Ai là người chứng đắc Tammuội này của Bồ-tát? Đó là Đại Ca-diếp đệ tử của ta, Thiên tử Nhân-để-đạt-tu-chân đã biết đúng thời, đã thực hành và đạt được. Đó là những người đã chứng đắc.
Như vậy, này Bạt-đà-hòa! Người nào muốn nhìn thấy chư Phật hiện tại ở khắp mười phương, phải nhất tâm hướng niệm về chư Phật, không được tán loạn, như thế thì liền được nhìn thấy. Ví như có người đi xa đến nước khác, nhớ về làng xóm, nhà cửa, người thân của mình, trong mộng, người đó thấy mình về đến cố hương, được gặp bà con thân thuộc và cùng mọi người chuyện trò vui vẻ. Tỉnh dậy, người ấy nhớ biết rõ ràng kể lại đúng như thật.
Cho nên, Bồ-tát nghe danh hiệu Phật, muốn được thấy Phật, nên luôn luôn niệm Phật thì sẽ được nhìn thấy. Ví như vị Tỳ-kheo quán xương người chết, luôn đặt đề mục trước mặt để quán sát, khi thì màu xanh, khi thì màu trắng, lúc thì màu đỏ, lúc lại màu đen, màu của xương thì không do ai đem đến mà chỉ là do ý của vị ấy quán tưởng ra. Bồ-tát nên thọ trì năng lực oai thần của Phật như vậy, an trú tự tại trong Tam-muội, muốn được thấy Phật ở phương nào cũng đều liền được nhìn thấy. Vì sao? Vì nhờ ba điều: năng lực niệm Phật, năng lực của Tam-muội và năng lực nơi công đức của mình nên được nhìn thấy Đức Phật.
Ví như người trẻ tuổi đẹp đẽ, mặc y phục tốt đẹp, muốn nhìn thấy thân hình của mình, người ấy dùng gương, hoặc bằng mặt dầu mè, hoặc mặt nước trong hoặc gương bằng thủy tinh để soi thì sẽ được thấy. Này Bạt-đà-hòa! Có hình ảnh nào từ bên ngoài đi vào bên trong gương dầu mè, mặt nước hay gương thủy tinh hay không?
Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:
–Thưa không, bạch Thế Tôn! Đó là vì gương dầu mè, mặt nước và gương thủy tinh sạch trong nên người ấy nhìn thấy ảnh của mình, ảnh không từ trong đi ra cũng không từ ngoài đi vào.
Đức Phật nói:
–Lành thay! Này Bạt-đà-hòa! Vì sắc thanh tịnh nên người có sắc ấy cũng thanh tịnh, muốn thấy Phật thì liền được thấy, thấy rồi thưa hỏi, thưa hỏi rồi đáp, nghe kinh xong vô cùng hoan hỷ, người ấy suy nghĩ: “Đức Phật từ đâu đến, ta đi đến chỗ nào?” Rồi lại nghĩ: “Đức Phật không từ đâu đến, ta cũng chẳng về đâu. Cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc đều là đối tượng được tạo ra của tâm ý. Ta niệm Phật liền được thấy Phật, tâm tạo ra Phật rồi tâm tự thấy. Vậy, tâm tức là tâm Phật, tâm Phật tức là thân ta. Tâm thấy Phật mà tâm không tự biết tâm, tâm cũng không tự thấy tâm. Tâm có tưởng là tâm si, không có tưởng là Niết-bàn. Pháp này không đáng để ưa thích. Giả sử niệm là không tức là không có chấp giữ. Bồ-tát an trú trong Tam-muội nhìn thấy được như vậy.”
Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:
Tâm không tự biết tâm
Tâm cũng không tự thấy
Tâm khởi tưởng: Tâm si
Không khởi tưởng: Niết-bàn.
Pháp này không bền chắc,
Thường ở trong các niệm
Người hiểu rõ về không
Không hề còn các tưởng.
Bồ-tát có bốn pháp để nhanh chóng đạt được Tam-muội này.
1. Niềm tin kiên cố không có gì thể hủy hoại được.
2. Tinh tấn dũng mãnh không thoái lui.
3. Có trí tuệ không ai sánh bằng.
4. Thường được tu hành cùng bậc thầy hiền thiện.
Đó là bốn pháp.
Bồ-tát lại có bốn pháp để nhanh chóng đạt được Tam-muội này.
1. Trong ba tháng không được có tưởng về thế gian dù chỉ trong một khoảng khảy móng tay.
2. Trong ba tháng không được ham ngủ nghỉ dù chỉ trong một khoảng khảy móng tay.
3. Trong ba tháng phải kinh hành, không ngơi nghỉ, trừ khi ăn uống và vệ sinh.
4. Giảng nói kinh cho người khác, không mong họ cúng dường.
Đó là bốn pháp.
Lại có bốn pháp để nhanh chóng đạt được Tammuội này.
1. Cùng với nhiều người đi đến chỗ Đức Phật.
2. Khuyến khích mọi người nghe Kinh pháp.
3. Không ganh ghét.
4. Dạy cho người khác học theo Phật đạo. Đó là bốn pháp.
Lại có bốn pháp để nhanh chóng đạt được Tammuội này.
1. Tạo hình tượng Phật để thành tựu được Tammuội này.
2. Dùng giấy mực tốt để viết ra Tam-muội ấy.
3. Giáo hóa cho những người kiêu mạn được vào Phật đạo.
4. Thường ủng hộ pháp Phật. Đó là bốn pháp.
Khi ấy Đức Phật nói kệ:
Đối với Phật pháp thường tin ưa
Tinh tấn tu hành hiểu tuệ sâu
Rồi đem giảng nói cho mọi người
Cẩn thận, không mong được cúng dường.
Ý hiểu chắc chắn, lìa mọi dục
Thường niệm Đức Phật có oai đức
Được thấy biết vô số Như Lai
Trong đời quá khứ và vị lai.
Và Bậc Nhân Trung Tôn hiện tại
Các ngài nhiều tướng tốt trang nghiêm
Vô lậu, thanh tịnh như vàng ròng,
Dạy pháp Trí tuệ ba-la-mật.
Nghe được pháp này, tâm chẳng loạn
Luôn luôn từ bỏ tâm biếng trễ
Không còn giận dữ, hại người khác
Cung kính thầy tổ, xem như Phật.
Cẩn thận, không được nghi kinh này
Tất cả chư Phật đều khen ngợi
Thường tạo các loại hình tượng Phật
Giáo hóa cho người học kinh ấy.
Tu hành như vậy đạt Tam-muội.
Rồi Phật nói tiếp:
–Này Bạt-đà-hòa! Muốn học Tam-muội này phải cung kính cúng dường, phụng sự và xem thầy như Phật. Người nào không cung kính thầy như Phật thì rất khó đạt Tam-muội này. Bồ-tát cung kính bậc thầy hiền thiện và theo thầy học được Tam-muội này rồi, nhờ oai thần của Phật, đứng ở giữa nhìn về phương Đông, thấy được vô số trăm ngàn vạn ức Phật, cho đến các Đức Phật ở khắp mười phương, Bồ-tát đều nhìn thấy. Ví như người vào ban đêm thức dậy nhìn thấy rất nhiều các vì sao, Bồ-tát muốn được nhìn thấy các Đức Phật hiện tại thì chư Phật liền hiện ra trước mặt. Vậy, phải cung kính bậc thầy hiện thiện, không được soi mói điều hay chuyện dở của thầy, phải tu hành đầy đủ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và không biếng trễ.
Đức Phật nói:
–Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát đã đạt được Tammuội ấy mà không tin tấn tu hành thì cũng ví như người chở châu báu đầy thuyền vượt qua biển cả, giữa đường, thuyền bị hư, những người ở cõi Diêm-phù đều vô cùng lo rầu, tiếc nuối giống như mình bị mất nhiều châu báu.
Bồ-tát nghe Tam-muội nay mà không tu học theo, tất cả trời, người đều buồn bã cho: “Biết bao kinh điển quý báu của chúng ta đều đã bị mất hết!” Đức Phật nói:
–Kinh Tam-muội này đã được Phật phó chúc, được Phật ngợi khen, người nào nghe Tam-muội sâu xa này mà không ghi chép, học hỏi, đọc tụng và giữ gìn đúng như pháp thì đó là người ngu si.
Ví như có người ngu được một người nọ mang cho hương thơm chiên-đàn, người ngu ấy chẳng những không nhận mà còn cho rằng đó là mùi hôi. Người cho hương nói: “Đây là hương thơm chiên-đàn, ông không nên cho đây là mùi hôi. Hãy ngửi sẽ thấy mùi thơm, hãy nhìn sẽ thấy hương này là thanh tịnh.” Người ngu bịt mũi nhắm mắt không thèm ngửi hay nhìn.
Người nào nghe được Tam-muội này mà không chịu thọ trì, cũng vô trí giống như người ngu kia, cho thế gian là có, không hội nhập vào không, cũng chẳng biết về không, rồi tự cho mình là đúng pháp, nói lời khinh thường, đùa giỡn: “Phật cũng có kinh pháp sâu xa chăng! Cũng có oai thần chăng!” Lại nói: “Thế gian này cũng có Tỳ-kheo giống như Anan hay sao!” Những người như vậy theo những người đang thọ trì Tam-muội ấy cũng chỉ đưa ra đôi ba câu để nói: “Tam-muội này do những ai nói ra? Nhờ ai mà ông nói ra những lời như vậy? Hay là các ông cùng nhau tạo ra kinh này, chẳng phải do Phật giảng nói?”
Này Bạt-đà-hòa! Ví như có người buôn bán đem ngọc ma-ni vào nhà người ngu cho người này xem rồi nói: “Ông thử đoán xem viên ngọc này giá bao nhiêu tiền. Nếu đem viên ngọc để trong nhà tối, ánh sáng của nó sẽ chiếu thẳng đến những châu báu có trong nhà.”
Này Bạt-đà-hòa! Do không biết viên ngọc này, nên người ngu nói: “Viên ngọc này trị giá bằng một con bò không? Thà đổi cho tôi một con bò còn tốt hơn!”
Như vậy, này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát nào nghe được Tam-muội này mà không kính tin, có thái độ ngược lại thì chẳng khác người ngu kia.
Này Bạt-đà-hòa! Người nào nghe được Tammuội này rồi luôn kính tin, thọ trì và tu hành thì bốn phía người ấy đều được hộ vệ, không hề sợ hãi, giữ giới hoàn hảo. Đó là bậc cao minh, có trí tuệ sâu xa, nên lưu giữ chỉ dạy cho nhiều người khác, khiến cho Tam-muội này được tồn tại lâu dài ở thế gian.
Này Bạt-đà-hòa! Người ngu từ các kiếp trước đã không cúng dường, tạo các công đức, lại tự cao ngạo, thường hay chê bai, ganh ghét, tham lam tiền tài lợi lộc nên mong cầu được tiếng khen, chỉ muốn diễn nói cho văn hoa, chẳng kính tin kinh pháp sâu xa, nghe Tam-muội này chẳng những không kính tin, không ưa thích chẳng học hỏi mà còn chê bai, cho rằng chẳng phải do Phật giảng nói.
Này Bạt-đà-hòa! Cho nên hôm nay, ta nói cho ông như vầy: Thiện nam, thiện nữ nào đem châu báu đầy khắp tam thiên đại thiên mà bố thí thì phước đức cũng không bằng người nghe Tammuội này mà kính tin, ưa thích.
Này Bạt-đà-hòa! Như trước ta đã giảng nói như thế nào thì hôm nay ta cũng nói như thế ấy. Người nào được nghe ta giảng nói về Tam-muội này mà nghi ngờ thì người đó sau này phải bị ở bên thầy không tốt, giả sử có được ở gần bậc thầy hiền thiện, người ấy cũng không đạt đầy đủ các công đức, những người như vậy vẫn phải luôn theo phụng sự vị thầy không tốt, có nghe Tammuội này cũng không kính tin, không ưa thích, cũng chẳng học theo. Vì sao? Vì người này trải qua rất ít đời được gặp Phật và có trí tuệ kém nên không kính tin.
Này Bạt-đà-hòa! Người nào nghe được Tammuội này mà không khinh cười, không chê bai, không nghi ngờ, cũng không có thái độ lúc thì tin lúc thì chẳng tin mà hoan hỷ, ưa thích ghi chép, học theo, đọc tụng và thọ trì thì ta chắc chắn biết trước, người ấy không chỉ gặp được một hay hai Đức Phật để tạo các công đức mà còn được ở chỗ hàng trăm Đức Phật để nghe Tam-muội này. Vào đời sau, người ấy nghe Tam-muội này, biên chép, học theo và thọ trì dù chỉ trong một ngày đêm thì phước đức đã nhiều không tính kể, cho đến khi tâm không thoái chuyển, đạt được các ước nguyện.
Này Bạt-đà-hòa! Hãy nghe ta nói ví dụ! Có người đem một cõi Phật nghiền thành bụi, sau đó lấy một hạt bụi nghiền thành vô số bụi nhiều bằng số bụi của một cõi Phật nói trên, như vậy, số hạt bụi ấy có nhiều không?
Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:
–Rất nhiều, rất nhiều, bạch Đấng Thiên Trung Thiên!
Đức Phật nói:
–Giả sử một hạt bụi (của lần nghiền bụi sau) là một cõi Phật, nếu Bồ-tát đem châu báu chứa đầy trong tất cả các cõi Phật ấy để cúng dường chư Phật thì phước đức cũng rất ít so với người nghe được Tam-muội này mà học theo, biên chép, đọc tụng, thọ trì và giảng nói khiến cho người khác cũng thọ trì, dù chỉ trong chốc lát, công đức này không thể tính kể, huống là đã chứng đạt đầy đủ về Tam-muội ấy.
Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:
Nếu có Bồ-tát cầu công đức
Nên nói phụng hành Tam-muội này
Ai kính tin, đọc tụng, không nghi
Phước đức người này không kể xiết.
Ví như thế giới một cõi Phật
Đều đem nghiền nát thành hạt bụi
Tất cả cõi Phật nhiều hơn trên
Chứa đầy châu báu, đem bố thí.
Cũng chẳng bằng nghe Tam-muội này
Phước đức nhiều hơn người bố thí
Công đức không thể nào ví dụ
Ta giao các ông, nhớ khuyên dạy.
Tu hành tinh tấn không biếng trễ
Người tụng, thọ trì Tam-muội này
Chắc chắn được gặp trăm ngàn Phật
Giả sử gặp điều rất kinh hãi.
Trì Tam-muội này, không lo sợ
Tỳ-kheo tu hành, được thấy ta
Thường luôn theo Phật, chẳng rời xa
Như lời Phật dạy không gì khác.
Bồ-tát nên theo lời dạy ấy
Mau chóng đạt biển tuệ Chánh giác.
Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:
–Bạch Thế Tôn! Thật là khó bì kịp. Nếu có người từ bỏ ái dục làm vị Tỳ-kheo, nghe được Tam-muội này phải học như theo nào? Thọ trì như thế nào và tu hành như thế nào?
Đức Phật nói:
–Người từ bỏ ái dục xuất gia làm Tỳ-kheo muốn học Tam-muội này thì phải giữ giới thanh tịnh không được sai khuyết dù chỉ là một lỗi nhỏ bằng lông tóc, phải luôn sợ hãi những điều khổ sở nơi địa ngục, rời bỏ dua nịnh. Đó là thanh tịnh.
–Vậy thế nào là khuyết giới?
–Là mong cầu nơi sắc dục.
–Mong cầu nơi sắc dục là gì?
Người nào nghĩ mình giữ giới là để đời sau là được sinh làm trời hoặc làm vua Chuyển luân ở cõi người. Đó là người còn ưa thích ái dục, như vậy gọi là khuyết giới.
Này Bạt-đà-hòa! Người nào vì muốn học Tammuội này mà giữ gìn thanh tịnh, đầy đủ giới luật, không dua nịnh, thường được bậc trí khen ngợi. Đối với kinh, phải giảng nói bố thí cho người, phải tu hành tinh tấn, chí nguyện mạnh mẽ, phải dốc lòng kính tin và khuyên người khác tin ưa theo, phụng sự cung kính thầy tổ như Phật. Người nào đạt được Tam-muội này mà không cung kính, khinh thường thầy tổ, giả sử người ấy đã học Tammuội này từ rất lâu thì cũng nhanh chóng quên mất. Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát nào theo Tỳ-kheo, Tỳkheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nghe được Tammuội này thì phải cung kính, tôn trọng xem các vị ấy như Phật, không nên có ý dua nịnh các vị ấy, Bồ-tát không được có ý dua nịnh, phải luôn chí thành, thường ưa thích ở riêng một mình, không tiếc thân mạng, không được mong cầu có người khác giúp đỡ mình, thường đi khất thực không nhận mời thỉnh, tự giữ gìn tiết độ, biết vừa đủ, phải kinh hành, không được biếng nhác. Như trong kinh đã dạy, người học Tam-muội này phải giữ gìn như vậy.
Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:
–Bạch Thế Tôn! Thật là khó sánh kịp! Đời sau, nếu có Bồ-tát biếng trễ nghe Tam-muội này mà không chịu tinh tấn tu học thì phải làm thế nào? Còn nếu có Bồ-tát tinh tấn muốn tu học chúng con sẽ theo kinh này mà giáo hóa cho họ.
Đức Phật nói:
–Lành thay, này Bạt-đà-hòa! Ta sẽ hỗ trợ khiến cho người ấy hoan hỷ, các Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai cũng đều hỗ trợ.
Khi ấy, Đức Phật nói kệ:
Như lời ta dạy hãy thọ trì
Thường ở một mình tu công đức
Giữ gìn tiết độ, không tụ tập
Khất thực, không nên nhận thỉnh riêng.
Cung kính bậc Thầy xem như Phật
Chẳng ham ngủ nghỉ, cầu giải thoát
Luôn tự tinh tấn, đừng biếng lười
Tu hành như vậy đạt Tam-muội.
Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:
–Bạch Thế Tôn! Nếu Tỳ-kheo-ni cầu đạo Bồtát, muốn học Tam-muội này, phải thực hành như thế nào?
Đức Phật nói:
–Tỳ-kheo-ni muốn cầu học Tam-muội này, không được tự kiêu, phải luôn khiêm tốn, không nên tự cho mình là cao quý, không được tự đại, không ganh ghét, không giận dữ, cũng không được tham tiền của, sắc dục. Phải luôn thanh tịnh, không tiếc thân mạng, thường ưa thích kinh Pháp, mong muốn được học hỏi, phải từ bỏ tham, sân, si, không được ham thích trang điểm, đeo vòng ngọc. Phải được sự khen ngợi của bậc Trí, nên cung kính bậc thầy hiền thiện xem như Phật và không được có ý dua nịnh.
Khi ấy, Đức Phật nói kệ:
Nếu Tỳ-kheo-ni cầu Tam-muội
Phải luôn tinh tấn, đừng biếng trễ
Không được nghe theo tâm tham dục
Trừ bỏ giận dữ và tự cao.
Không được khinh thường và đùa giỡn
Thường tu chí thành, lòng kính tin
Cung kính bậc thầy, xem như Phật
Tu hành như thế đạt Tam-muội.
Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:
–Bạch Thế Tôn! Nếu có cư sĩ tu đạo nghe Tammuội này, muốn học theo thì phải thực hành như thế nào?
Đức Phật nói:
–Nếu cư sĩ muốn học Tam-muội này phải giữ gìn năm giới thật kiên cố; không được uống rượu cũng không dạy người khác uống rượu; không được gần gũi người nữ, cũng không bày người khác gần gũi; không được có sự ân ái với vợ con, trai gái; không được ham tài sản, thường nghĩ đến việc xuất gia làm Sa-môn; thường thọ tám Giới quan trai, phải luôn nhớ bố thí, cúng dường chùa chiền, cúng dường xong, không nghĩ mình sẽ được phước, tất cả đều đem bố thí, phải luôn có lòng đại Từ, cung kính bậc minh sư; thấy vị Tỳkheo giữ giới không được khinh dễ, nói lỗi lầm của vị ấy. Phải thực hành như vậy rồi mới thọ trì Tam-muội này:
Khi ấy, Đức Phật nói kệ:
Cư sĩ muốn học Tam-muội này
Phải giữ năm giới, đừng sai phạm
Thường nghĩ xuất gia làm Sa-môn
Không ham vợ con và tài sản.
Vào chùa, giữ tám giới quan trai
Không được cao ngạo khinh thường người
Tâm chẳng nhớ nghĩ đến tham dục
Phụng hành kinh pháp không dua nịnh.
Bỏ tham, bỏn xẻn, thường bố thí
Luôn luôn cung kính các Tỳ-kheo
Chí nguyện tu hành chớ biếng trễ
Học Tam-muội này phải như vậy.
Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:
–Bạch Thế Tôn! Nếu Ưu-bà-di nghe Tam-muội này mà muốn tu học thì phải thực hành như thế nào?
Đức Phật nói:
–Nếu Ưu-bà-di muốn tu học, phải giữ gìn năm giới, quy ba ngôi báu. Ba ngôi là: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng chúng Tỳ-kheo, không được thờ ngoại đạo, không được lễ bái chư Thiên, không được cúng quỷ thần, không được coi ngày tốt xấu, không được giỡn cười, không được buông lung, không tưởng về sắc dục, không được có tâm tham dục, phải luôn nhớ bố thí, ưa thích muốn được nghe Kinh, gia tâm, gắng sức học hỏi, kính trọng bậc minh sư, tâm luôn chuyên chú, không được biếng trễ, nếu có vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đến phải cung kính mời ngồi, cúng dường thức phẩm.
Khi ấy, Đức Phật nói kệ:
Ưu-bà-di muốn học Tam-muội
Kính giữ năm giới, đừng sai phạm
Phụng sự minh sư, xem như Phật
Không lễ bái trời, thờ cúng thần.
Không sát sinh, trộm cắp, ghét ganh
Chớ nói đôi điều và tranh cãi
Không được sân tham, thường bố thí
Nên che điều xấu, khuyến điều lành.
Không nên dua nịnh, chớ tà dâm
Thường phải khiêm cung, đừng tự đại
Cung kính Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
Thực hành như vậy đạt Tam-muội.
Khi ấy, nghe Đức Phật giảng nói như vậy, tám vị Bồ-tát gồm: Bồ-tát Bạt-đà-hòa, Bồ-tát La-lânna-kiệt, Bồ-tát Kiêu-nhật-đâu, Bồ-tát Na-la-đạt, Bồ-tát Tu-thâm, Bồ-tát Ma-ha Tu-tát-hòa, Bồ-tát Nhân-để-đạt và Bồ-tát Hòa-luân-điều đều vô cùng hoan hỷ, dâng lên năm trăm y kiếp-ba-dục và nhiều châu báu để cúng dường rồi cung kính đảnh lễ Đức Phật.
Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
–Bồ-tát Bạt-đà-hòa cùng năm trăm Bồ-tát là bậc thầy trong cõi người, thường đem chánh pháp tùy thuận giáo hóa, luôn luôn hoan hỷ, ưa thích làm theo thị giả, tâm luôn thanh tịnh không hề tham dục.
Khi ấy, năm trăm Bồ-tát đều chắp tay đứng trước đứng Đức Phật, Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:
–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát phải làm những việc gì để nhanh chóng đạt được Tam-muội này?
Đức Phật nói:
–Có bốn việc:
1. Không tin theo ngoại đạo.
2. Đoạn trừ ái dục.
3. Tu hành thanh tịnh.
4. Không tham.
Đó là bốn việc.
Người thực hành như vậy, đời hiện tại đạt được năm trăm công đức. Ví như vị Tỳ-kheo có tâm Từ thì không bao giờ bị trúng độc, binh khí đâm không được, lửa không thể đốt cháy, vào nước cũng không bị chìm, không bị hại. Giả sử vào kiếp thiêu, vị ấy bị rơi vào lửa thì lửa liền tắt, giống như nước lớn dập tắt lửa nhỏ. Bồ-tát thọ trì Tam-muội này nếu bị hoặc vua, hoặc giặc, hoặc nước, lửa, hoặc rồng, Dạ-xoa, trăn rắn, sư tử, hỗ, sói, hươu, cây độc, chim dữ tất cả các loài thú dữ và quỷ thần muốn quấy nhiễu, giết hại, muốn chiếm đoạt y, bát, phá hoại thiền định và chánh niệm, nếu muốn nhằm vào Bồ-tát này đều không thể được, trừ phi đời trước của vị này đã tạo như vậy, như lời ta giảng nói không khác.
Người thọ trì Tam-muội này, không lúc nào bị bệnh về mắt, tai, mũi, miệng, thân thể, tâm không bao giờ bị lo âu, trừ phi đời trước của người này đã tạo như vậy.
Bồ-tát này luôn được các chúng Trời, Rồng, Thần, A-tu-la, Quỷ, Dạ-xoa, Ca-lâu-la, Khẩn-nala, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân đều cùng nhau tán thán, đều cùng nhau ủng hộ, phụng sự, cúng dường, chiêm ngưỡng cung kính và rất mong muốn được gặp gỡ. Chư Phật Thế Tôn cũng vậy. Bồ-tát này đối với kinh điển chưa được đọc tụng, chưa nghe và thọ trì, nhờ oai thần của Tam-muội này nên đều tự đạt được. Nếu ban ngày không đạt được thì ban đêm sẽ nằm mộng thấy đạt được tất cả.
Này Bạt-đà-hòa! Có người nào thọ trì Tammuội này thì công đức của người ấy, ta nói trong một kiếp hay hơn một kiếp cũng không thể cùng tận, ta chỉ có thể nói được sơ lược những công đức cốt yếu của người ấy mà thôi.
Đức Phật nói:
–Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát ở trong Tam-muội này sẽ có bốn việc để hỗ trợ cho tâm hoan hỷ của vị ấy. Chư Phật đời quá khứ thọ trì Tam-muội này để hỗ trợ hoan hỷ cho đến khi thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên trí tuệ của chư Phật hoàn toàn đầy đủ. Vô số chư Phật đời hiện tại cũng ở trong Tam-muội này, cũng có bốn việc hỗ trợ hoan hỷ và chư Phật đời vị lai cũng vậy. Ta cũng hỗ trợ hoan hỷ.
Này Bạt-đà-hòa! Ta sẽ nói ví dụ một ít về bốn việc hỗ trợ hoan hỷ trong Tam-muội này. Ví như có người thọ một trăm tuổi đi trên mặt đất đến nơi cần đến không hề dừng nghỉ, người ấy đi nhanh hơn cả gió mạnh, như vậy, có thể tính biết được con đường mà người ấy đi là bao xa hay không?
Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:
–Bạch Thế Tôn! Không ai có thể tính biết được, chỉ có Tôn giả Xá-lợi-phất, đệ tử của Phật, các Bồtát đạt bất thoái chuyển mới có thể tính biết được.
Đức Phật nói:
–Cho nên, ta bảo với các Bồ-tát, nếu có thiện nam, thiện nữ nào bố thí các châu báu chất đầy trong tất cả những nơi chốn người đi nhanh hơn gió nói trên đã đi qua và còn nhiều hơn thế trăm ngàn vạn ức lần, nên biết người hỗ trợ hoan hỷ đạt được phước đức vẫn lớn hơn nhiều.
Này Bạt-đà-hòa! Vào thuở xa xưa, cách đây vô số kiếp, có Đức Phật hiệu là Tư-ha-ma-đề, Đẳng Chánh Giác, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn đang ở một nơi tĩnh lặng, vắng vẽ. Thuở ấy cõi Diêm-phù-đề rộng lớn mười tám vạn ức dặm có sáu trăm bốn mươi vạn nước, nước nào cũng hưng thạnh, dân chúng đông đúc. Có một nước lớn tên là Bạt-đà-hòa. Nước ấy có vị vua Chuyển luân tên là Duy-tư-cầm dùng chánh pháp trị nước. Vua đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ xong lui ra ngồi một bên. Phật biết được tâm ý của vua liền giảng nói cho vua về Tam-muội này. Nghe xong vua rất hoan hỷ, liền đem châu báu rải cúng dường Phật, vua nghĩ: “Nhờ công đức cúng dường này, sẽ khiến cho dân chúng mười phương đều được an ổn.”
Sau khi Đức Phật Tư-ha-ma-đề nhập Niết-bàn, vua Duy-tư-cầm qua đời rồi lại sinh vào làm Thái tử trong dòng họ Chuyển luân tên là Phạm-ma-đạt.
Bấy giờ có vị Tỳ-kheo tên là Châu Báu đang giảng nói Tam-muội này cho các đệ tử. Thái tử Phạm-ma-đạt nghe được, nên vô cùng hoan hỷ, đem nhiều châu báu giá trị để cúng dường, lại đem y phục tốt đẹp dâng cúng vị Tỳ-kheo ấy và phát tâm cầu Phật đạo. Thái tử cùng với một ngàn người đồng theo vị Tỳ-kheo ấy xuất gia làm Sa-môn, cầu học Tam-muội ấy. Vị Tỳ-kheo thái tử này cùng với một ngàn Tỳ-kheo phụng sự thầy trong tám ngàn năm không lúc nào ngưng nghỉ và biếng trễ, vừa nghe được bốn việc của Tam-muội này, vị ấy vô cùng hoan hỷ, thể nhập vào trí tuệ cao minh. Nhờ đó mà sau này vị ấy được gặp sáu vạn bốn ngàn Đức Phật. Ở chỗ mỗi Đức Phật vị đó đều nghe Tam-muội này cho đến khi thành Phật hiệu là Đểla-duy-đãi, Đẳng Chánh Giác, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngư Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, một ngàn vị Tỳ-kheo tùy tùng cũng đạt thành Chánh giác, đều có hiệu là Để-la-uất-trầm, giáo hóa dân chúng không thể tính kể đều cầu Phật đạo. Này Bạt-đà-hòa! Ông nghĩ có người nào nghe được Tam-muội này mà không hoan hỷ học, thọ trì, đọc tụng và giảng nói cho người khác hay không? Này Bạt-đà-hòa! Người nào thọ trì Tammuội này sẽ nhanh chóng thành Phật, chỉ nghe thôi thì công đức của nghe ấy đã là không thể tính kể, huống là học và thọ trì. Nếu cách xa trăm dặm, nghìn dặm mà có Tam-muội này thì cùng phải dốc cầu, huống là ở gần mà lại không cầu học.
Người nào nghe được Tam-muội này mà muốn học, nên phụng sự thầy của mình trong mười năm, cúng dường, chiêm ngưỡng cung kính, không được tự ý mình, phải nghe lời dạy của thầy luôn ghi nhớ ân thầy.
Này Bạt-đà-hòa! Cho nên, ta nói cho ông biết, người nào nghe có Tam-muội ở cách xa bốn ngàn dặm, liền đi đến đó, giả sử không nghe được Tammuội, công đức của người ấy cũng nhiều không tính kể. Vì sao? Vì nhờ người ấy chuyên tâm tinh tấn, chắc chắn sẽ được nghe Tam-muội này cho đến khi thành Phật.
Đức Phật nói:
Vào thuở xa xưa, có Phật hiệu là Tát-già-mana Đẳng Chánh Giác, Vô Thượng Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thuở ấy, có vị Tỳ-kheo tên là Hòa Luân. Sau khi Phật ấy nhập Niết-bàn, vị Tỳkheo đó thọ trì Tam-muội này. Bấy giờ, ta là vua dòng Sát-lợi, ở trong mộng, ta được nghe Tammuội ấy. Thức dậy, ta liền đi đến cầu vị Tỳ-kheo Hòa Luân kia để xuất gia làm Sa-môn, để nghe được Tam-muội này. Ta phụng sự vị thầy ấy trong ba vạn sáu ngàn năm, nhưng những việc ma cứ luôn luôn sinh khởi làm ta chẳng được nghe Tammuội.
Cho nên, này các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưubà-tắc, Ưu-bà-di! Các vị phải nhanh chóng thọ trì Tam-muội này không được quên mất, phải khéo léo phụng sự thầy của mình để thọ trì Tam-muội này, cho đến một kiếp, trăm kiếp hoặc trăm ngàn kiếp cũng không được biếng trễ, không rời xa bậc thầy hiền thiện. Đối với đồ ăn thức uống, những vật dụng sinh hoạt, y phục, đồ nằm, châu báu… đều không nên ưa thích. Nếu không có thì nên đi khất thực để cung cấp cho thầy, luôn luôn hướng đến Tam-muội này cho đến khi đạt được, không nên nhàm chán. Nếu cần thiết thì cũng phải cắt thịt nơi thân mình để cúng dường cho bậc minh sư, huống là tiếc các vật báu, điều này không thể nói hết. Phụng sự bậc minh sư nên như người hầu hạ bậc đại tộc, siêng cầu Tam-muội cũng như vậy. Đạt được Tam-muội này rồi phải luôn thọ trì kiên cố, thường ghi nhớ ân thầy. Tam-muội này rất khó được gặp, giả sử cầu Tam-muội này, đến trăm ngàn kiếp chỉ để nghe tên của Tam-muội còn không thể được huống là được học mà không tinh tấn.
Người được học Tam-muội này rồi nên tinh tấn dạy lại cho người khác, giả sử bố thí châu báu đầy trong khắp cõi Phật nhiều như số cát trong sông Hằng thì công đức cũng không bằng người học Tam-muội này.
Này Bạt-đà-hòa! Nếu có người muốn học Tammuội này, nên hỗ trợ hoan hỷ khiến cho họ được học, nhờ oai thần của Phật khiến họ được học. Phải nên ưa thích biên chép Tam-muội ấy, cất giữ ở nơi thanh tịnh, sẽ được ấn Phật ấn chứng cho và nên khéo léo cúng dường. Ấn của Phật là gì? Nghĩa là không tạo tác, không tham, không mong cầu, không nghĩ tưởng, không vướng mắc, không ước nguyện, không hướng đến thọ sinh, không chấp giữ, không lưu luyến, không chỗ trụ, không trở ngại, không trói buộc, không thủ đắc, diệt tận các dục, không sinh, không diệt, không hoại, không hư nát, đạt đến chỗ cốt lõi của đạo, căn bản của đạo, đó là ấn; A-la-hán, Bích-chi-phật còn không thể đạt đến huống là người thường. Ấn này chính là ấn Phật.
Này Bạt-đà-hòa! Khi Ta giảng nói về Tammuội này, có một ngàn tám trăm ức trời, A-tu-la, quỷ thần, rồng, người đều đạt đạo Tu-đà-hoàn; tám trăm Tỳ-kheo chứng A-la-hán; năm trăm Tỳ-kheoni đạt quả A-la-hán; một vạn Bồ-tát được Tammuội này, đạt được pháp Nhẫn vô sinh; một vạn hai ngàn Bồ-tát đạt tâm không thoái chuyển.
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiềnliên, Bạt-đà-hòa:
–Ta từ vô số kiếp cầu đạo đời này đã được thành Phật, ta phó chúc kinh này cho các ông, hãy đọc, học tụng, thọ trì, không được để quên mất.
Nếu có người muốn học, phải đúng như thật mà dạy đầy đủ cho họ, có ai muốn nghe thì phải giảng nói cho họ.
Đức Phật giảng nói kinh này xong, Bồ-tát Bạtđà-hòa, Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Anan, các vị Trời, A-tu-la, Rồng, Quỷ thần và mọi người đều vô cùng hoan hỷ, đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra.
[Mục lục bộ Đại tập][397.1][397.2][398][399][400][401][402][403][404][405][406][407][408][409][410][411][412][413][414][415][416][417][418][419][420][421][422][423][424]