TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG LUẬT

Thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn
Ngài là bậc ỨNG CÚNG
Đấng CHÁNH BIẾN TRI

TRÙNG TRỊ TỲ-NI SỰ NGHĨA TẬP YẾU

QUYỂN MỘT

Sa-môn TRÍ HÚC tự NGẪU ÍCH, người CỔ NGÔ[1] soạn tập, giải thích

Việt dịch: Sa-môn THÍCH ĐỖNG MlNH Nhuận văn và chú thích: Sa-môn THÍCH ĐỨC THẮNG

MỤC LỤC

PHẦN ĐẦU LÀ ĐỀ MỤC

A. GIẢI THÍCH TÊN GỌI:

I. TỨ PHẦN GIỚI BỔN LÀ GÌ?

II. RÚT RA TỪ BỘ LUẬT NÀO?

III. GIẢI THÍCH VỀ SỰ NGHĨA TẬP YẾU

B. TRÌNH BÀY BẢN THỂ

1) Trước hết biện minh danh từ “Vô tác”:

2) Thuyết minh chỉ và hành:

C. ĐỊNH LIỆU VẤN ĐỀ GIẢN ĐƠN:

1) Biện chỗ được và bỏ:

2) Biện minh chỗ cạn, sâu:

PHẦN HAI CHÁNH VĂN

A. BÀI KỆ KHEN NGỢI

I. NAY NÓI VỀ PHẦN QUY KÍNH

II. BẢO CHÚNG HỌP ĐỂ NGHE

III. THẦY TRÒ TRUYỀN THỌ

IV. DÙNG DỤ KHUYÊN ĐỪNG PHÁ GIỚI

V. TRÌNH BÀY HỌC XỨ SẼ NÓI

VI. KHEN GIỚI LÀ HƠN HẾT ĐỂ KẾT THÚC

PHỤ:

BIỆN MINH:


Toàn văn bộ Luật này chia làm hai phần, đề mục và giải thích bản văn.

PHẦN ĐẦU LÀ ĐỀ MỤC

TỨ PHẦN GIỚI BỔN - Giải thích đề mục của bộ Luật này là phỏng theo giới Phạm võng nghĩa sớ, lược thuật theo ba lớp huyền nghĩa :

– Giải thích tên gọi.

– Trình bày bản thể.

– Định liệu vấn đề giản đơn.

A. GIẢI THÍCH TÊN GỌI:

Chia làm ba:

– Nói rõ Tứ phần giới bổn.

– Rút ra từ bộ Luật nào.

– Giải thích sự nghĩa tập yếu.

I. TỨ PHẦN GIỚI BỔN LÀ GÌ?

Luật Tứ Phần Giới Kinh của Tỳ-kheo.

Bộ Luật này rút ra từ bộ luật Đàm-vô-đức. Tiếng Phạn gọi là Đàm-vô-đức, Hoa dịch là Pháp Mật.

Bộ Luật này có 4 phần:

Phần thứ nhất, thuyết minh việc của Tỳkheo.

Phần thứ hai, thuyết minh việc của Tỳ-kheo-ni và pháp thọ giới, pháp thuyết giới.

Phần thứ ba, thuyết minh các pháp An cư và tự tứ...

Phần thứ tư, thuyết minh các pháp phòng xá và tạp pháp...

Giới bổn này thuộc phần thứ nhất. Đức Như Lai nhân sự việc mà kết thành giới kinh.

II. RÚT RA TỪ BỘ LUẬT NÀO?

Rút ra từ nhiều bộ Luật, trong đó có thông và biệt.

Thông nghĩa là tất cả đều gọi là Luật. Biệt chỉ cho Tăng kỳ, Ngũ phần v.v... Chúng được rút ra từ sự quan hệ của Kinh sách số mục mà gọi tên. Tỳ-ni hay Tỳ-nại-da, phiên âm từ tiếng Phạn, Hoa dịch là Thiện trị cũng dịch là Điều phục, hay là Diệt, gọi chung là Luật, luật là pháp vậy.

Kinh Giới nhân duyên nói:

Chữ “Tỳ” ngôn ngữ nhà Tần gọi là “Khử”, “Nại-da” gọi là “Chơn”, nghĩa là loại bỏ bao nhiêu cái sai quấy để còn lại cái chơn, cho nên gọi là chơn. Hàng phục tâm này, chấm dứt tâm này, nhẫn nhục không để tâm này sinh khởi, nên gọi là chơn. Hàng phục là giới, chấm dứt là định, nhẫn là tuệ. Nêu lên một pháp là gồm thâu cả ba môn Vô lậu học. Nếu không có giới thiện thì định tuệ không phát khởi. Giới pháp này có ba loại:

- Luật nghi giới, cũng gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa giới.

- Định cộng giới, cũng gọi là Thiền giới.

- Đạo cộng giới, cũng gọi là Vô lậu giới.

1) Luật nghi giới: Luật là ngăn ngừa và đình chỉ; Nghi là hình nghi, nó có khả năng đình chỉ các việc ác, thể hiện nơi thân gọi là giới, cũng gọi là oai nghi. Oai là thanh bạch trang nghiêm khả kính. Nghi là phép tắc đáng làm mô phạm, cũng gọi là điều ngự, tức là hướng dẫn tâm làm điều lành. Ba-la-đề-mộc-xoa: Hoa dịch là bảo giải thoát, cũng dịch là biệt biệt giải thoát, vì nó có khả năng bảo đảm hành giả ra khỏi biển sanh tử. Hơn nữa, tùy theo sự giữ gìn không phạm giới nào đó thì ở nơi đó có sự giải thoát, tức chỉ cho 250 học xứ, và tùy luật oai nghi.

2) Định cộng giới: Định là vắng lặng, khi vào định tự nhiên điều phục tâm thiện, chận đứng các điều ác.

3) Đạo cộng giới: Đạo có khả năng thông suốt, sau khi chơn tâm được phát khởi, tự nó không hủy phạm, như người chứng được sơ quả, khi cày đất thì loài trùng xa lìa bốn tấc, đó là cái sức của Đạo cộng giới.

Hai pháp giới này chỉ cho cái dụng thắng diệu trên bản tâm, chúng có khả năng phát sanh giới, hơn nữa Đạo, Định và Luật nghi, cả ba cùng phát khởi nên gọi là cộng. Tạng Tỳ-ni này chính là nói rõ luật nghi, nhưng nhiếp cả Định và Đạo.

Do công đức trì tịnh giới nên thiền định, trí tuệ mới phát sanh. Như vậy, Luật nghi là nhân, Định, Đạo là quả. Hoặc do thiền định và sức của Vô lậu mà tánh nghiệp, giá nghiệp đều thanh tịnh, cho nên Mộc-xoa là quả, Định, Đạo là duyên.

Luận Tát-bà-đa nói: Giới Ba-la-đề-mộc-xoa này nếu Phật xuất thế thì có, Phật không xuất thế thì không, nhưng Thiền giới, Vô lậu giới lúc nào cũng có. Giới Ba-la-đề-mộc-xoa từ nơi lời dạy mà có được; còn Thiền, Vô lậu giới không từ nơi lời dạy mà có được. Cho nên luận ấy nói: Giới Ba-la-đề-mộc-xoa chỉ đệ tử Phật mới có, còn Thiền giới thì ngoại đạo cũng có.

Luận rằng: khả năng duy trì Phật pháp, gồm cả bảy chúng ở thế gian, đạo quả ba thừa nối tiếp nhau không dứt đoạn, đều dùng Ba-la-đề-mộc-xoa làm căn bản. Thiền và Vô lậu giới thì không vậy.

Do đó, trong ba giới nó là hơn hết.

Luận Thiện kiến cũng nói:

Tỳ-ni tạng là mạng sống của Phật pháp. Tỳ-ni tạng có mặt, Phật pháp cũng có mặt. Đó là lược giải nghĩa tên chung.

Kế đến tên riêng chỉ cho luật Tăng kỳ, Ngũ phần, Tát-bà-đa, Thật tụng, Thiện kiến, kinh Giới nhân duyên, luận Tỳ-ni mẫu v.v... Tại sao lại dùng các bộ Luật này? Xét theo kinh Xá-lợi-phất hỏi Phật, Đức Phật tự huyền ký rằng: Sau khi pháp diệt, cháu Vua Thâu-kha (A-dục) là Phất-sa-mật-đala, một vị vua đức tính hiền lương đã chấn hưng Phật pháp[2]. Khi ấy, các Tỳ-kheo tham đắm theo danh khen, rất ưa tranh luận, sao chép sửa đổi giới luật của Như Lai, thêm bớt gia giảm. Đối với những gì ngài Ca-diếp kiết tập, họ chia làm từng phe nhóm riêng, cùng nhau nói phải nói quấy. Họ yêu cầu nhà vua phán quyết. Vua tập họp hai bộ lại, rút thăm. Số người thủ cựu nhiều gọi là Ma-ha Tăng kỳ; số người theo chủ thuyết mới thì ít, mà là bậc Thượng tọa, gọi là Tha-tỳ-la, tức Thượng tọa bộ. Về sau do sự tranh luận lại chia làm nhiều bộ, trong thời gian ba bốn trăm năm, sau khi Phật diệt độ, lần lượt phân chia thành nhiều giáo phái. Như vậy truyền mãi về sau, phải có, quấy có. Ngoài ra chỉ có 5 bộ, theo sở trường của mình, dùng sắc phục để nói lên điều đó.

a) Bộ Ma-ha Tăng kỳ, siêng học kinh điển, truyền giảng chơn nghĩa, theo chỗ ở của mình nên mặc áo màu vàng.

b) Bộ Đàm-vô-cúc-đa-ca (tức là Đàm-vô-đức) thông suốt ý nghĩa của giáo lý, mở bày hướng dẫn việc lợl ích, nêu lên điểm thù thắng, nên mặc áo màu đỏ.

Bộ Tát-bà-đa, rỗng không, mẫn đạt, dùng pháp hướng dẫn để giáo hóa, nên mặc áo màu đen.

Bộ Ca-diếp-di, siêng năng mạnh mẽ, nhiếp hộ chúng sanh, nên mặc áo màu lam.

c) Bộ Di-sa-tắc, tư duy thiền quán đến chỗ vi diệu, cứu xét đến chỗ tận cùng u mật, nên mặc áo màu xanh.

Ma-ha Tăng kỳ ý vị thuần chánh, còn các bộ kia cũng như trang bị thêm cam lồ. Như chư thiên khi uống thì chỉ uống cam lồ, loại bỏ nước thường, còn người đời khi uống thì cam lồ và nước đều dùng, có khi tiêu hết bệnh, có khi lại sanh bệnh. Người đọc tụng cũng như vậy, người nhiều trí huệ có khả năng thủ xả, còn kẻ ngu si không thể phân biệt được.

Lại xét, trong tập Phiên dịch danh nghĩa ghi rằng:

Đức Thế Tôn thành đạo 38 năm, một hôm đến thành Vương Xá thọ trai, khi thọ trai xong, Ngài bảo La Vân rửa bát (La-vân là La-hầu-la, phiên dịch là phú chướng “ngăn che”, ở trong thai 6 năm là con của Tất-đạt-đa)[3] rủi tay làm bể cái bát thành 5 mảnh. Phật dạy: Đó là điềm báo sau khi Ta diệt độ, trong khoảng 500 năm đầu, các Tỳ-kheo chia Tạng luật thành năm bộ. Sau quả là như vậy. Năm bộ là:

1) Đàm-vô-đức bộ.

2) Tát-bà-đa bộ, Hoa dịch là Thuyết nhất thế hữu. Tên của luật là Thập Tụng.

3) Ca-diếp-di bộ, Hoa dịch là Trùng không quán.

Chỉ có một quyển kinh Giải thoát giới bổn truyền đến Trung Hoa mà thôi.

4) Di-sa-tắc bộ, Hoa dịch là Bất trước hữu vô quán. Tên luật là Ngũ phần.

5) Bà-ta-phú-la bộ. Hoa dịch là Độc tử. Bộ này không truyền đến nước Trung Hoa.

Năm bộ là biệt, Ma-ha Tăng kỳ là tổng. Chung lại là sáu bộ.

Lại xét, Nam hải ký qui truyện[4] có nói:

Sự lưu truyền của các bộ phái, sanh khởi không đồng nhau. Sự tương thừa bên Tây Vức đại cương chỉ có 4:

1) Thánh Đại chúng bộ, chia ra thành bảy bộ.

2) Thánh Thượng tọa bộ, chia ra thành ba bộ.

3) Thánh Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ, chia ra làm 4 bộ.

4) Thánh Chánh lượng bộ, chia ra làm 4 bộ.

Trong thời gian đó, vấn đề phân chia đã xuất hiện hay còn ẩn khuất, riêng tên gọi từng bộ không phải là một, nơi đây không phiền để thuật lại.

Hữu bộ chia ra làm ba bộ khác nhau:

1) Pháp hộ bộ.

2) Hóa địa bộ.

3) Ca-nhiếp-tì (Ca-diếp-di) bộ.

Thập tụng, Tứ phần, phần nhiều gần với kinh, và lấy đó làm đề mục, song Thập tụng chính là Căn bản hữu bộ.

Vua Tần-bà-sa-la nằm mộng thấy một thớt lụa bị xé thành 18 miếng, một cây trượng bằng vàng bị chặt thành 18 đoạn. Nhà vua sợ, đến hỏi Phật, Phật dạy: “Hơn 100 năm sau, khi Ta diệt độ, có vua A-thâu-ca, oai lực ở cõi Thiệm-bộ, khi ấy các Bí-sô đem giáo pháp của Ta chia thành 18 bộ. Nhưng pháp môn giải thoát thì chỉ có một. Đây tức là điềm báo trước, việc đó vua chớ nên lo.” Những gì vừa trình bày đều khác nhau không đồng bởi cách Phật quá xa, cho nên sự truyền thừa có thể bị sai lạc. Nay nếu câu nệ nơi dấu vết dị đồng thì sự mâu thuẫn nảy sanh, không phải là ít. Nhưng nếu ta nắm lấy ý nghĩa thì sẽ có điều hay tốt tiện dụng. Tuy Thánh tâm khó lường nhưng sự so sánh có thể y cứ vào được. Miễn nắm được ý nghĩa thì sự việc không phải nhọc nhằn để giải quyết. Phần nguyên ủy của các Bộ đã nói xong.

III. GIẢI THÍCH VỀ SỰ NGHĨA TẬP YẾU

Sự là duyên khởi để chế giới.

Nghĩa là tùy theo tội phạm nặng nhẹ, kiết tội sám hối.

Yếu tức là văn của Luật nghi phần nhiều phiền phức nay chỉ lấy chỗ cốt yếu.

Tập là tuy riêng tôn luật Tứ phần, nhưng vẫn tham khảo và dụng lấy nghĩa của các Bộ phái. Tại sao chỉ riêng tôn luật Tứ phần? Vì 250 giới tướng, không thể thêm bớt được và vì đã nhiều đời lưu hành. Tại sao phải tham khảo dùng nghĩa của các bộ khác? Vì “Sư” là khi nói rõ, có khi nói lược. “Nghĩa” là có sở trường, sở đoản, nên không ngại gì việc làm sáng tỏ cho nhau.

Phần giải thích tên gọi xong.

B. TRÌNH BÀY BẢN THỂ

1) Trước hết biện minh danh từ “Vô tác”:

Ngài Thiên Thai đại sư nói: “Giới thể không phát thì thôi, phát khởi thì thuộc về tánh”. Cũng trong hướng ấy, Khánh Công giải thích “Vô tác giả sắc” như sau: “Giới thể này không phát khởi thì thôi, nếu phát khởi thì hoàn toàn thuộc về tánh”. Tánh và tu kết hợp với nhau mà thành (giới thể) chắc chắn có vô tác giả sắc. Vô tác một khi phát khởi, tự nó ngăn điều ác và làm điều lành. Cho nên sau khi phát khởi rồi không hề phát khởi lại, nên gọi là vô tác.

Nói vô tác giả sắc, là chỉ cho 11 sắc pháp, chúng có giả và thật nên pháp xứ là nơi dung nhiếp các sắc. Ở đó chỉ có định quả sắc gọi là thật sắc, còn Biểu, vô biểu sắc đều gọi là giả sắc. Hai giới thiện và ác đều có biểu và vô biểu; biểu chỉ cho tác, vô biểu chỉ cho vô tác.

Nay giải thích thiện giới: Khi quỳ gối một cách chí thành gọi là thân biểu. Ba lần nói lên sự xin giới, gọi là ngữ biểu. Chúng Tăng hòa hợp đồng nhóm họp nơi giới trường cũng gọi là thân biểu. Bạch tứ yết-ma cũng gọi là ngữ biểu. Do đây, khi tác pháp nhận được giới thể thanh tịnh của Tỳkheo thì đó là cảnh sở duyên của ý, tự nó hằng được hai pháp thiện “chỉ và hành”. Cho nên nói sau khi phát khởi rồi không hề phát lại, gọi đó là vô tác giả sắc vậy.

Vô tác giới thể này, khi Yết-ma lần thứ ba xong liền được. Khi ấy, đối với tất cả nam nữ được cái sắc thái không dâm. Đối với tất cả hữu tình, phi tình được cái sắc thái không trộm cắp. Đối với tất cả loài hữu tình được cái sắc thái không giết hại. Đối với tất cả loài hữu tình được cái sắc thái không khi cuống. Cho đến đối với tất cả đất đai được cái sắc thái không đào bới. Đối với tất cả cỏ cây được sắc thái không phá hoại. Đối với tất cả rượu được cái sắc thái không uống. Như vậy 250 giới pháp mỗi mỗi đều hiện hữu khắp cả pháp giới. Cho nên trong kinh Xuất gia công đức, nói rõ công đức trì giới một ngày môt đêm không thể cùng tận. Chính là do thiện vi diệu của giới này biến khắp, và lấy pháp giới làm cảnh sở duyên.

Như vậy thì vô tác giới thể là Pháp xứ sắc, là Vô lậu sắc. Thành thật luận gọi là “phi sắc phi tâm hội tụ”, vì nó ngăn tâm không còn có đắc thất, quả không còn có bất thiện, mà chúng là hai món nạn vậy.

(Bộ Nghĩa sớ nói: Hỏi đề vô tác giả sắc, kinh luận cùng nhau thuyết minh, kẻ nói có, người nói không. Một chủ thuyết cho rằng chỉ thề không làm ác, tức gọi là thọ giới hoàn toàn không có cái sắc vô tác. Nếu trong nhân riêng có cái bất thiện, cùng nhau làm cái nhân thành Phật, thì nơi Phật địa cũng phải riêng có cái thiện này cùng làm Phật quả. Ở đây vì cái quả không có bất thiện, nên sự trở ngại đối với giới, chính là sắc pháp, vì Tiểu thừa, vọng cho vô tác là thật sắc ở ngoài tâm. Một chủ thuyết cho rằng: Kinh luận Đại, Tiểu thừa đều có đề cập đến vô tác. Có thể dùng thắng tâm làm giới, thì khi phát tâm liền đắc giới. Nếu vậy thì tại sao có bảy thứ ngăn ngại, không thể đắc giới? Hơn nữa, nếu hoàn toàn không có vô tác, thì tại sao khi phạm trọng tội liền gọi là mất giới? Do tâm không có đắc thất nên sự trở ngại đối với giới, chính là tâm pháp. Thành thật luận lập “phi sắc phi tâm hội tụ” với mục đích là dùng hai cái này để ngăn hai nạn trên. Xưa nay, các Luật sư đều dựa vào đó mà dụng nghĩa. Nếu Đại thừa thuyết minh giới là giả sắc, nương vào Bổn sư, một khi thọ lãnh giới pháp cho đến chứng quả Bồ-đề, tùy theo Định cộng giới, Đạo cộng giới mà thề tu các thiện, thệ nguyện độ hàm thức (hữu tình), cũng dùng cái khả năng lớn mạnh của tâm này. Riêng phát khởi thiện giới để làm cảnh sở duyên cho hành giả, chấm dứt các điều ác.)

Thật sự là do tâm cảm mà được, nên mượn sắc để tiêu biểu thôi. Cho nên Đại thừa nói: Yết-ma lần thứ nhất thành tựu, vì do nghiệp lực của tâm mà diệu thiện giới pháp trong mười phương, thế giới thảy đều chấn động. Yết-ma lần thứ hai thành tựu, thì diệu thiện giới pháp trong mười phương thế giới, ở giữa hư không như mây, như bảo cái (lọng báu) bao trùm trên đảnh người thọ giới. Yết-ma lần thứ ba thành tựu, thì diệu thiện giới pháp trong mười phương thế giới, từ đảnh môn của người thọ giới, trôi chảy vào trong thân tâm, sung mãn chánh báo, bao trùm cả đời vị lai, luôn luôn là hạt giống Phật. Tuy trong Tạng Tỳ-ni không nói việc này, nhưng cũng nói rằng: “Yết-ma thành tựu gọi là đắc xứ sở”. Nên biết hữu lậu ngũ uẩn, sắc thân là chỗ nương. Vô lậu ngũ uẩn, giới thân là chỗ nương. Hữu lậu sắc thân từ tinh cha huyết mẹ hòa hợp mà thành là sắc xứ giả sắc; còn Vô lậu giới thân từ Tam sư Thất chứng yết-ma mà được, đó là pháp xứ giả sắc. Sở dĩ, Hòa thượng gọi là lực sanh, vì chính từ cái khả năng này sanh ra giới thân, nên dùng nghĩa đó mà gọi tên vậy.

Được giới thân này, liền đồng với Tăng bảo, thường khiến cho Thiên long tôn phụng, quỷ thần khâm phục tuân theo. Nếu tâm không vui sống với đạo thì gọi là giới luy (giới yếu kém). Nếu hướng đến người nào nói xả giới thì gọi là hoàn giới. Nếu không có cái vô tác giới thể này, thì thiện thần dựa vào đâu mà quý kính, làm sao gọi là yếu kém, làm sao gọi là xả giới?

Hỏi: - Đã là yếu kém, có xả lại có phá, vậy tại sao gọi là nhậm vận chỉ, hành?

Đáp: - Thí như cầu, đò có công năng đưa người qua sông, ao giếng có công năng cho nước dùng. Nếu như phá bỏ cầu đò, lấp bằng ao giếng thì công năng kia liền mất. Nếu không như vậy, thì lúc nào cũng sử dụng được, khỏi đợi phải làm lại, cho nên gọi là vô tác.

2) Thuyết minh chỉ và hành:

Đây là hai pháp hành.

Như Bách luận nói:

Dứt điều ác không làm gọi là chỉ, tin thọ tu tập gọi là hành.

Phật giáo tuy bao la, nhưng hai chữ “chỉ và hành” thâu nhiếp cả.

Nay nói về giới thiện, nếu không phát khởi thì thôi, còn phát khởi thì chận đứng ngay các điều ác, đó là nghĩa chữ “chỉ”. Và từ đó tiến lên thực hiện điều lành, đó là nghĩa chữ “hành”. Chận đứng điều ác từ căn Tùy phiền não, khởi lên thân, khẩu thất chi là nhân ác, trong ba đường chịu khổ khốc là quả ác.

Thập cú nghĩa sẽ giải bày đầy đủ ở sau.

Mỗi khi các Tỳ-kheo kiết giới, có khả năng khiến cho người thọ trì, khi nhân ác đã trừ, quả ác sẽ tiêu hết, đó là “phạt ác”. Tiến lên nhiếp trì các căn, không cho niệm tán loạn, thường nhất tâm tu tập các pháp lành, nhậm vận cảm được hoa báo cõi nhơn thiên, cho đến khi đạt đến thật quả xuất thế giải thoát, đó là nghĩa “tấn thú”. Phần trình bày về bản thể đã xong.

C. ĐỊNH LIỆU VẤN ĐỀ GIẢN ĐƠN:

Chia làm hai:

– Đối với Đại thừa thì biện chỗ được (đắc) và bỏ (xả)

– Đứng trên giáo tướng thì biện chỗ cạn sâu.

1) Biện chỗ được và bỏ:

Đại thừa chú trọng nội nhân, Tiểu thừa chú trọng ngoại duyên. Vì chú trọng nội nhân cho nên cần phải phát tâm Bồ-đề mới có thể thọ giới được. Nếu ở trong tâm bất thiện, vô ký không phát khởi vô tác, ngàn dặm tìm thầy không có, thì cho phép đối trước Phật tượng tự thọ. Vì chú trọng ngoại duyên nên cần phải có Sư, Tăng, Giới, Pháp, mọi việc hợp lại để chế. Nếu các duyên có một cái nào không đủ thì không đắc giới, còn các duyên đầy đủ thì cả ba tâm đều đắc giới (thiện, bất thiện, vô ký đều phát khởi).

Hơn nữa, Đại thừa sau khi được giới thẳng đến thành Phật, Tiểu thừa chỉ đắc giới trong một đời thôi.

Đại thừa thì thượng phẩm triền, phạm thập trọng, và thối thất tâm đại Bồ-đề thì gọi là mất giới. Tiểu thừa phạm tứ trọng cấm thì gọi là mất giới. Nếu lòng không vui sống với đạo, đến trước một người để xả thì gọi là hoàn giới.

Đại thừa sau khi mất giới, nếu thấy được hảo tướng thì cho phép thọ giới lại. Tiểu thừa mất giới rồi, dứt khoát không cho thọ giới lại. Trường hợp tuyệt đối không che giấu thì cũng chỉ có thể cho Yết-ma dữ học. (Trong pháp trị tội có thuyết minh vấn đề này). Trường hợp có xả giới mới cho phép thọ lại, còn đủ ba phen hoàn tục, thì mới không cho thọ lại.

Hỏi: - Giải thích giới thể dựa vào Đại thừa để trình bày chỗ được bỏ, nhưng lại phân ra có đại có tiểu, làm sao cho tông chỉ nghĩa lý của nó không trái nhau?

Đáp: - Vì y vào Đại thừa để giải thích vô tác nên không trái với thể pháp. Đối với đại tiểu để trình bày chỗ được bỏ thì không làm hủy hoại pháp tướng, nếu trái với thể pháp, thì tướng không có chỗ nương tựa, làm hoại pháp tướng thì thể không do đâu hiển hiện. Cho nên sau khi khai hiển của kinh Pháp hoa, thì phần phò trì giới luật thuộc về kinh Niết-bàn. Phép tắc của Tỳ-ni không hề có thay đổi một mảy may. Chính biết nghĩa “thường” ở đây nên mới gọi là nhiệm mầu tuyệt đãi, do dó tông chỉ nghĩa lý đều thành, nghĩ suy có thể hiểu được.

Lại hỏi: - Đại thừa đã chú trọng nội nhân, thời nay, Luật sư cho người thọ Bồ-tát giới, vậy có thể biết nội nhân của họ chơn thật không? Giả như không chơn thật thì có gọi là đắc giới hay không? Nếu không đắc giới, thì dầu có phạm thập trọng đi nữa, lại có thể dùng thập trọng để định tội kia được sao?

Đáp: - Trong văn Di-lặc bồ-tát yết-ma, có trình bày rõ vấn đề quán sát đương cơ. Nếu không biết cái nội nhân kia, sai quấy tương truyền cho thọ thì không tránh khỏi cái tội không hiểu rõ mà làm thầy. Song người thọ giới kia trong tâm bất thiện, vô ký, tuy không phát khởi giới nhưng mà đã lạm nhận cái tên Bồ-tát, tự mình cần phải y theo luật quán xét tội kia, không đồng với không đắc giới.

Rốt cuộc xếp vào hạng tặc trú vậy.

2) Biện minh chỗ cạn, sâu:

Đây là thuộc về giáo pháp của vị “lạc” (sữa đông) trước hết hướng dẫn người phàm phu vào cõi Thánh. Nếu có thể dùng 5 vị để dung thông, cũng có thể dùng tứ giáo để giải thích.

Đối với tất cả cấm giới, kiên cố chấp trì, hằng xa lìa hệ phược, tức là pháp của “Tạng giáo”. Nếu đạt đến tội như bệnh huyễn, giới như thuốc huyễn, trì phạm vốn không, thân tâm thanh tịnh, tức là pháp của “Thông giáo”. Nếu tin theo trung đạo, tức dùng giới này, đoạn kiến tư hoặc, kế đến nhập vào đời làm việc lợi ích cho chúng sanh, sau ngộ nhập trung đạo, tức là pháp của “Biệt giáo”. Nếu gọi giới là pháp giới thì tất cả pháp đều hướng về giới, hướng này là trụ nơi bí tàng của giới. Trong mỗi một giới thấy rõ Phật tánh, tức 1à pháp của “Viên giáo”.

Lại nữa, đức Như Lai dùng Tứ tất-đàn, để lập ra giới pháp này. Tùy thuận thế gian, bảo hộ chúng sanh, khiến cho họ hoan hỷ, tức “Thế giới tất-đàn”. Sanh thiện tức là “Vị nhơn tất-đàn”. Diệt ác tức là “Đối trị tất-đàn”. Hay khiến cho Chánh pháp cửu trụ, tức là “Đệ nhất nghĩa tất-đàn”.

Lại nữa, sau khi lãnh thọ, khai hiển thì giới này chỉ là Nhất thừa, không thuộc ba giáo trước. Cho nên kinh Pháp hoa nói: “Sau khi các đức Phật diệt độ, nếu người nào có tâm thiện thành tựu, hạng người như vậy đều thành Phật đạo”. Lại nói rằng: “Việc làm của các ngươi là đạo của Bồ-tát vậy”.

Lại nữa, trước khi chưa khai hiển, Tỳ-kheo Đại thừa cũng phải đồng học. Cho nên trong kinh Bồtát giới bổn nói: “Nếu Bồ-tát đối với Tạng Ba-la-đềmộc-xoa của Như Lai mà kiến lập Tỳ-ni thì ngăn được tội. Bồ-tát nên hộ trì chúng sanh khiến người chưa tin thì tin, tin rồi thì tăng trưởng đồng như Thanh văn học. Tại sao vậy? Thanh văn là tự độ, nhưng cũng không xa lìa độ tha, huống chi Bồ-tát độ sanh là đệ nhất”.

Lại nói rằng: Nếu Bồ-tát thấy như vậy, thuyết như vậy, và nói: “Bồ-tát không nghe kinh pháp của Thanh văn, không thọ, không học, nhưng tại sao Bồ-tát dùng pháp của Thanh văn mà làm”. Như vậy gọi là phạm, phạm rất nhiều, như vậy là phạm tội khởi nhiễm ô. Than ôi!

Luật này toàn văn chia làm hai, phần một giải thích đề mục rồi.

PHẦN HAI CHÁNH VĂN

Chia làm ba:

Trước hết nói về tựa của giới.

Thứ hai là liệt kê các giới tướng.

Thứ ba là khuyến, kết, hồi hướng.

Phần đầu chia làm bốn:

– Bài kệ khen ngợi.

– Hỏi đáp khải bạch.

– Nói tựa của giới kinh.

– Kết thúc hỏi.

Mục một lại chia làm sáu:

– Quay về với Tam Bảo.

– Bảo chúng họp để nghe.

– Thầy trò truyền thọ.

– Dùng dụ khuyên đừng phá giới.

– Trình bày giới điều đang nói.

– Khen giới là hơn hết để kết thúc.

A. BÀI KỆ KHEN NGỢI

I. NAY NÓI VỀ PHẦN QUY KÍNH

Cúi đầu lễ chư Phật,
Tôn pháp Tỳ-kheo Tăng.

Trước khi tác pháp, phải lễ kính Tam bảo, để cầu sự gia bị. Cúi đầu là thân nghiệp thành kính, khi “thân” thành kính thì “miệng” xưng danh hiệu công đức, “tâm” chỉ có quán tưởng, tức là ba nghiệp cúng dường.

Phật, Pháp, Tăng gọi là Tam bảo, đáng tôn trọng.

- Phật nghĩa là giác. Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, cho nên gọi là Phật.

- Pháp nghĩa là quỹ trì, là tự nó có tính chất của nó, và khi chúng ta tiếp xúc thì khái niệm về nó không nhầm cái khác. (Nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải), cho nên gọi là Pháp.

- Tỳ-kheo gồm có ba nghĩa:

1) Khất sĩ: xa lìa pháp sống tà mạng, với một chiếc bình bát nuôi thân, xả bỏ sự nhơ nhớp vì ngu si, ba huệ tự trong sáng.

2) Bố ma: khi vừa thọ giới Cụ túc, yết-ma thành tựu, chư thần liền nói lớn rằng: Nơi đây, lúc này có người con trai (con gái) lành đã thọ giới Cụ túc, sẽ làm cho chư Thiên mạnh thêm, Tu-la (A-tu-la) tổn giảm. Như vậy, các thiên thần đi giữa hư không nghe được, lần lượt lớn tiếng xướng reo, chỉ trong giây lát, thấu đến Phạm thiên, ma Ba-tuần hoảng sợ. Cho nên gọi là ma sợ (Bố ma).

3) Phá ác: là người tu Bồ-đề phần, đoạn kiến tư hoặc.

Trong khi tu hành, đầy đủ ba nghĩa, cho nên trong quả chứng, theo đó được danh hiệu Ứng cúng, Vô sanh, Sát tặc cũng gọi là A-la-hán.

Lại nữa, Tỳ-kheo là Trừ cẩn. Làm ruộng phước cho đời, mở đại pháp thí, cho nên gọi là Trừ cẩn.

Tăng, gọi đủ là Tăng-già. Trung Hoa dịch là Hòa hiệp chúng. Đó là danh xưng dành cho bốn vị Tỳ-kheo trở lên.

Hòa hiệp có hai nghĩa:

1) Lý hòa, là đồng chứng quả Trạch diệt.

2) Sự hòa, có 6 nghĩa:

– Giới hòa đồng tu.

– Kiến hòa đồng giải.

– Thân hòa đồng trụ.

– Lợi hòa đồng quân.

– Khẩu hòa vô tránh.

– Ý hòa đồng duyệt.

Lại nữa, luật Thập tụng nói có 5 loại Tăng:

Tăng không biết tàm quý, tức là các Tỳ-kheo phá giới.

Tăng nhụ dương[5], là các Tỳ-kheo tập hợp ở một chỗ, không biết Bố-tát, không biết Yết-ma Bốtát, không biết thuyết giới, không biết pháp hội.

Tăng biệt chúng, là các Tỳ-kheo trong một cương giới, làm các pháp Yết-ma riêng rẽ.

Tăng thanh tịnh, là các Tỳ-kheo phàm phu giữ giới và phàm phu thắng giả (thất hiền).

Tăng chơn thật, là các Tỳ-kheo hữu học và vô học.

Trong đây nói kính lễ là kính lễ hai hạng Tăng sau. Vì chơn thật Tăng, có khả năng làm cho Chánh pháp thắng nghĩa cửu trụ. Vì Tăng thanh tịnh, có khả năng khiến cho Chánh pháp nơi thế tục cửu trụ.

Ba hạng Tăng trước có khả năng làm các Yếtma phi pháp, khiến cho Chánh pháp bị phá hoại, cho nên không phải hạng người để ta lễ lạy.

Lại nữa, có Trụ trì Tam bảo, Nhất thiết Tam bảo. Trụ trì, tức là khi Phật tại thế, đắc đạo dưới cây thọ vuơng là Phật bảo, pháp Tứ đế là Pháp bảo, năm vị Tỳ-kheo là Tăng bảo. Sau khi Phật diệt độ, các tượng bằng kim loại, bằng gỗ, bằng đất, bằng giấy có màu sắc là Phật bảo, kinh sách ba tạng Thánh giáo là Pháp bảo, kẻ cạo đầu nhuộm áo kế thừa đạo pháp là Tăng Bảo. Ba món này không chấm dứt ở đời nên gọi là Trụ trì Tam bảo.

Song, tất cả tượng đồng với chơn thân, kinh điển hiện có tức là Pháp thân xá-lợi, phàm Tăng hiện có cũng có thể gánh vác Chánh pháp, làm ruộng phước cho đời, vì thế cũng đều nên kính lễ.

Lại nữa, các đức Phật là chỉ cho tất cả các vị Đại sư hiện tọa đạo tràng trong mười phương. Bởi vì giác thể của vị ấy biến khắp, tuy ở phương khác, nhưng họ có thể làm người bạn lành giúp đỡ ở cõi này, tức chỉ chung cho tất cả đức Thế Tôn tuần tự xuất hiện trong ba đời. Do giác tánh thường tại, tuy ở đời quá khứ, vị lai mà có thể đối với đời hiện tại cũng dũ lòng cảm ứng. Pháp và Tăng cũng thế.

Nhất thể là dùng trí huệ thật tướng biết rõ các pháp không phải không, không phải có; cũng có cũng không, cả hai đều mất, cả hai đều chiếu soi. Ba trí viên giác gọi là Phật bảo. Giác huệ cùng với lý, sự hòa hiệp gọi là Tăng bảo.

Lại nữa, một niệm hiện tiền, vốn đủ Ba đế, vì mê không biết, chính đó là Pháp bảo. Dùng cái trí biết được Ba đế là Phật bảo. Ba đế, ba trí hiệp nhau đó là Tăng bảo. Phật, Pháp, Tăng là nêu rõ nghĩa một thể Tam bảo.

Lại nữa, nói lễ là không ngoài một thể mà có trụ trì, cũng không lìa tướng trụ trì mà có một thể. Nếu không rõ cái lý một thể mà hành lễ kính, chỉ được sự thiện, không gọi là chơn lễ. Bởi vì lễ là nghĩa của thể. Chưa đạt được cái thể Ba luân[6] là vắng lặng, không phải là nghĩa của thể vậy.

Nếu lìa tướng trụ trì mà bàn nhất thể, thì rơi vào ác thú, không gọi là đạt lý. Đem lý đặt ra ngoài sự, chưa biết toàn sự tức là lý, chẳng phải là nghĩa “một” vậy.

Nói Phật, Pháp, Tăng chính là nêu lên điều chẳng phải một, chẳng phải ba, nhưng là ba, là một. Đó là tôn chỉ sự lý, hành bố viên dung.

II. BẢO CHÚNG HỌP ĐỂ NGHE

Nay diễn pháp Tỳ-ni
Để Chánh pháp trường tồn.
Giới như biển không bờ
Như báu cầu không chán.
Muốn hộ tài sản Thánh,
Chúng họp nghe tôi tụng.
Muốn trừ Bốn tội khí,
Và diệt tội Tăng tàn,
Ngăn Ba mươi xả đọa,
Chúng họp nghe tôi tụng.

Diễn là rao giảng cùng khắp.

Pháp Tỳ-ni là nghĩa như phần thích danh (giải tích danh từ) đã nói.

Chánh pháp là Thánh đạo xuất thế. Chánh pháp ở đời thì giáo, hạnh, quả cả ba đều đầy đủ. Luật này thì giới thân thành tựu, định, huệ phát sinh. Đại Sa-môn quả do đây được, khiến cho Chánh pháp cửu trụ.

Nửa bài kệ này thuyết minh nghĩa nhiếp chúng sanh.

Như biển không bờ: Trong Thuyết giới Kiền-độ nói rằng: Nước biển có tám pháp đặc biệt, cho nên loài A-tu-la thích ở.

Tất cả sông ngòi đều chảy về nơi đó.

Thủy triều lên không mất giới hạn.

Sông lớn nhỏ khi nhập vào bể thì mất cái tên cũ của nó.

Các sông và mưa lớn đều quy về biển mà không thêm bớt.

Đồng một vị mặn.

Không chấp nhận thây chết.

Sản sinh nhiều trân bảo.

Những vật có thân hình lớn ở nơi đó.

Trong giáo pháp của Như Lai cũng có tám kỳ đặc, khiến các đệ tử một khi gặp được rồi, tự mình vui sống trong đó:

Các đệ tử của Ta, lần lượt học giới, đều quy về pháp của Ta, ở nơi đó học các pháp lành.

Các đệ tử của Ta, trụ ở trong giới, đến chết không phạm.

Bốn giòng họ bỏ nhà đến ở với nhau đều xưng là Sa-môn.

Ở trong pháp Ta, với lòng tin kiên cố, bỏ nhà học đạo, vào trong cương giới Niết-bàn, mà cõi Niết-bàn không thêm không bớt.

Đồng một vị là giải thoát.

Phạm giới ác pháp, tuy ngồi trong chúng, mà thường xa lìa Tăng chúng. Chúng Tăng cũng xa lìa kẻ đó.

Hiện hữu nhiều Pháp bảo, như Tứ niệm xứ, cho đến tám Thánh đạo.

Thọ hưởng thân lớn như Tứ hướng, Tứ quả.

Lại nữa, khi mới thọ giới, tức đối với khắp pháp giới được sắc thái không dâm, không trộm, không sát... Như vậy cho đến 250 giới, 3.000 oai nghi, 80.000 tế hạnh, đều thanh tịnh giới sắc, khắp cả pháp giới.

Lại nữa, từ đó trong mỗi niệm, nhậm vận thành tựu, giới pháp thiện sắc, khắp cả pháp giới, không cùng tận. Cho nên gọi là như biển không bờ vậy.

Như báu cầu không chán: Báu là vua châu Như ý. Thứ báu này ở trong mỗi niệm, có khả năng mưa đầy cõi Diêm-phù-đề, đầy đủ tất cả sự vui, mà thể của nó trọn không tổn giảm. Giới cũng như vậy, ở trong mỗi niệm, sanh tất cả niệm xứ như, Chánh cần, Như ý, Căn lực, Giác đạo, các pháp, cho đến Tam thừa và tất cả Thánh quả mà giới thể không biến đổi.

Hơn nữa, giới này càng học càng thấy cái tinh ba của nó, càng tu càng được cái thiện lợi. Cho nên nói rằng như báu cầu không chán.

Tài sản Thánh lược có 7 chủng loại: Tín, Giới, Văn, Xả, Huệ, Tàm và Quý.

Nói rộng có: Lục độ, Vạn hạnh, Thập lực, Tứ vô sở úy, Bách bát tam-muội, Thập bát bất cộng pháp v.v... Các pháp tài này do giới mà được giữ gìn. Giới như binh giỏi tướng mạnh, cũng như thành chắc, hào sâu, cũng như hiến chương, phép tắc, cũng như vua Chuyển luân có đại thần chủ kho tàng, gìn giữ biên cương không để bị xâm lược, đề phòng kẻ gian tặc, không để bị cướp trộm, chỉnh lý một cách an ổn, không cho hủy hoại. Xuất, nạp, thủ, giữ, khiến được tăng trưởng. Nghĩa chữ “hộ” là vậy.

Một bài kệ này thuyết minh nghĩa của nhiếp thiện pháp. Trừ khí, diệt tàn, ngăn xả đọa, thuyết minh nghĩa của Nhiếp luật nghi. Khí v.v... trình bày ở văn sau.

Hỏi: - Tên gọi của Ba tụ, không cộng với tiểu giáo, đâu được ước theo nơi đây mà phán định để giải thích?

Đáp: - Khi chưa khai hiển thì có thực mà không có danh, khi đã khai hiển thì danh và thực đều có. Ba nghĩa rõ ràng đâu có chuyện ước theo nơi đây mà phán định để giải thích.

III. THẦY TRÒ TRUYỀN THỌ

Tỳ-bà-thi, Thức-khí
Tỳ-xá, Câu-lưu-tôn.
Câu-na-hàm-mâu-ni,
Ca-diếp, Thích-ca-văn[7],
Các Đại đức Thế Tôn,
Vì tôi dạy sự này,
Tôi nay muốn nhắc rõ,
Các Ngài thảy cùng nghe.

Tỳ-bà-thi, hoặc gọi là Duy-vệ, Hoa dịch Thắng Quán. Thức-khí, hoặc gọi là Thi-khí, Hoa dịch là Hỏa. Tỳ-xá-phù, hoặc gọi là Tùy-diếp, hoặc gọi là Tùy-diếp-la, Hoa dịch là Biến Nhất Thiết Tự Tại. Ba đức Thế Tôn này xuất hiện ở nơi cuối kiếp trang nghiêm. Câu-lưu-tôn, hoặc gọi là Câu-lâutần, Hoa dịch là Kim Tịch, hay dịch là Kim Tiên. Ca-diếp, hoặc gọi là Ca-diếp-ba, Hoa dịch là Ẩm Quang. Thích-ca-văn hoặc gọi là Thích-ca Mâu-ni,

Trung Hoa dịch là Năng Nhơn, lại dịch là Năng Nhơn Tịch Mặc. Bốn đức Như Lai này, giai đoạn đầu của Hiền kiếp, thứ tự ra đời.

Sở dĩ chỗ nào cũng nói đến bảy đức Phật này vì:

Một là ở trong 100 tiểu kiếp, người và trời ở cõi Tịnh Cư đã từng thấy.

Hai là Bổn sư tu nghiệp hảo tướng, bắt đầu từ khi đức Phật Tỳ-bà-thi.

Thế Tôn có 10 hiệu đầy đủ, chín cõi đều tôn ngưỡng. Đại đức là nhân tròn quả đầy, người đời không thể bằng được.

Tỳ-kheo cũng có thể gọi chung là Đại đức, bởi vì có quảng đại đức hạnh vậy.

Sự này” là chỉ cho 4 trọng tội, 13 Tăng tàn, cho đến tùy luật các học xứ.

Thiện thuyết” là nói rõ, nói đúng như pháp, và hòa hiệp.

Thảy cùng nghe” là người mới thọ giới cho đến người 100 hạ đều tập hợp lại để nghe, từ tựa của giới cho đến kệ của kinh.

IV. DÙNG DỤ KHUYÊN ĐỪNG PHÁ GIỚI

Ví như người què chân,
Không thể đi đâu được.
Người phá giới cũng vậy,
Không thể sanh trời, người.
Muốn được sanh lên trời,
Hoặc sanh vào cõi người,
Thường phải giữ chân giới,
Đừng để bị thương tổn.
Như xe vào đường hiểm,
Lo hư chốt gãy trục,
Phá giới cũng như vậy
Khi chết lòng sợ hãi.

Hai bài kệ trước khuyên răn vấn đề trở ngại sanh vào cõi lành. Một bài kệ sau khuyên răn vấn đề sau khi chết đọa vào đường ác. Sanh tử dụ như đường hiểm.

Giới pháp dụ như chốt trục của xe. Hủy giới thì khi chết tướng của đường ác hiện ra, như trong đường hiểm hư chốt gãy trục. Trước sau không nhầm lẫn, sợ sệt khủng khiếp.

Phẩm Hạnh nguyện nói:

Đóng chặt tất cả các cửa của đường ác, mở toang cửa chính vào cõi nhơn thiên, Niết-bàn. Công năng của giới thật sự là như vậy.

Song, trong luật Căn bản nói:

Hoặc an vui nơi thế gian, hoặc cầu về thiên thượng, cần phải tu phạm hạnh. Được sanh vào cõi người, trời tạm thọ khoái lạc, người đó sau khi mạng chung đọa vào địa ngục, cho nên cần cầu về Niết-bàn phải tu phạm hạnh. Đừng vui cái vui của nhơn, thiên để rồi phải chịu khổ.

Luận Nhiếp nói:

Đường hiểm có hai:

Sanh lên cõi trời.

Sanh vào đường ác.

Tuy sanh lên cõi trời, thọ các thứ vui đẹp, sau khi báo hết, lại đọa vào đường ác. Cho nên cõi trời, người không phải là nơi cần mong cầu. Bài kệ thứ hai nói như vậy, lược có hai nghĩa:

a) Chân giới cần giữ gìn, không nên phá hủy. Phá hủy thì nhơn thiên còn không có phần huống là Niết-bàn.

b) Nhiếp thọ hạng người thấp kém, nói Niết- bàn thì sợ mà nói cõi trời người thì vui. Cho nên trước cần khuyến dụ, sau mới khiến cho họ vào trí Phật.

Hơn nữa, căn cứ vào sự để nói, nếu trì giới không bị phá hủy, dầu không có định huệ, quyết định cũng không mất thọ thân nơi cõi nhơn thiên.

Lại nữa, nên biết, dùng cái chân để dụ cho giới thì không nơi nào chẳng đến được. Nếu muốn siêu thoát lên phẩm trên của đài sen, hay muốn thừa sự mười phương các đức Phật, hoặc muốn nghiêm tịnh vô biên cõi Phật, hay muốn nhập vào huyền môn của pháp giới, đâu không dùng giới này làm phương tiện đầu tiên.

V. TRÌNH BÀY HỌC XỨ SẼ NÓI

Như người tự soi kiếng
Đẹp xấu sanh vui, buồn.
Thuyết giới cũng như vậy,
Vẹn, hỏng sanh mừng, lo.
Như hai trận xáp chiến,
Gan, nhát có tiến thối.
Thuyết giới cũng như vậy
Tịnh, nhiễm sanh vui, sợ.

Vui buồn thuộc ý, lo sợ hiện nơi thân hành. Giới được hoàn toàn sạch thì bên trong không hổ với mình, bên ngoài không thẹn với người, cho nên tâm vui là thân an. Giới bị phá hủy nhơ nhớp thì bên trong có tỳ vết đối với mình, bên ngoài bị nhớp nhúa đối với Tăng, cho nên ôm lòng lo sợ chúng vậy.

VI. KHEN GIỚI LÀ HƠN HẾT ĐỂ KẾT THÚC

Thế gian vua là lớn,
Sông ngòi bể rộng hơn.
Các sao, trăng sáng nhất,
Các Thánh, Phật trên hết.
Trong tất cả các luật,
Giới kinh là tối thượng.
Như Lai lập cấm giới,

Thọ giới này gọi là Đại Sa-môn. Chữ “đại” tiếng Phạn gọi là Ma-ha, gồm có ba nghĩa:

1) Lớn, lớn hơn hết trong cõi trời, người.

2) Nhiều, có nhiều phước huệ.

3) Hơn, vượt hơn các ngoại đạo.

Câu đầu dùng ngôi vị lớn để khen. Câu thứ hai dùng số nhiều để khen. Câu thứ ba dùng vấn đề trội hơn để khen. Câu thứ tư dùng ví dụ chung để khen.

Nửa bài kệ dưới, chính dùng pháp để hiệp. Chỉ có Giới kinh này là hơn, nên thọ Giới này cũng thành hơn hết.

Tất cả các Luật, nghĩa là thế gian và ngoại đạo cũng đều có luật.

Lại nữa, năm giới, tám giới, mười giới, cũng không bằng giới Tỳ-kheo. Giới Tỳ-kheo là hơn hết.

Hơn nữa, thiền giới, vô tận giới, cũng không bằng Ba-la-đề-mộc-xoa giới. Nó là cương lĩnh của Phật pháp.

Lại nữa, Tam tạng 12 bộ cũng chỉ có Giới kinh là hơn hết. Nếu không kiên trì cấm giới, dầu hiện tiền có thiền định đa trí đi nữa cũng thành nghiệp của ma. Vì vậy nên luật Căn bản nói: “Phật dạy ba tạng giáo, pháp Tỳ-nại-da là đứng đầu”.

Lại nữa, câu thứ nhất dùng dụ để khen “giáo” của kinh, chỉ có đức Như Lai tự nói. Câu thứ hai, dùng dụ để khen hạnh” của kinh, tất cả pháp đều hướng về giới. Câu thứ ba, dùng dụ để khen “lý” của kinh, giới thể vô tác, mát mẻ như mặt trăng, nhân nơi trì phạm có đầy và khuyết, nhưng sự thật không có tăng giảm. Câu thứ tư, dùng dụ để khen “quả” của kinh, không những chỉ thành quả của Thanh văn mà còn thành tựu đạo quả của Như Lai.

Hỏi: Vô tác giới thể từ nơi Thầy mà được. Nếu phạm thiên ban đầu, tuy hoàn toàn không có tâm che giấu, cũng chỉ cho “dữ học” mà thôi, không dùng vào việc của Tăng. Nếu dùng cái thể của mặt trăng dụ cho thể vô tác, thì cùng với bản tánh có gì phân biệt? Nếu từ nơi Thầy thọ mà được, gọi là vô tác, như vậy có thêm bớt ư?

Đáp: Vô tác là cái thể của đương thể. Bản tánh thanh tịnh là cái thuộc sở y. Vô tác thuộc về tu, bản tánh thuộc về tịnh. Vô tác là sự, bản tánh là lý. Thể của vô tác là tôn, thể của bản tánh là thể. Song, tôn cùng với thể không phải một, không phải hai. Thấu triệt nơi tôn mà ngộ được thể. Ngu muội nơi thể mà mê luôn cả tôn. Nay đã dùng mặt trăng để dụ mà khen lý của kinh, chính là chỉ cái thể của vô tác giới sở y. Nên biết, được hay mất là do vấn đề đầy hay khuyết, chứ không thể gọi tánh có tăng có giảm.

Lại nữa, từ câu: “Ví như người què chân” cho đến câu “Giới kinh là tối thượng”, đầy đủ 4 loại Tất-đàn: Mở đường cõi trời người, đóng cửa nẻo thú dữ là “Thế giới tất-đàn”. Hai ví dụ soi kiếng là “vị nhân” và “đối trị” hai tất-đàn, tùy theo đó để được hai món ích lợi sanh thiện, diệt ác. Giới dụ cho cái hơn hết, tức “Đệ nhất nghĩa tất-đàn”. Thể của giới này là tịnh Pháp thân.

Như Lai lập cấm giới: Trong cõi đại thiên, Phật là Pháp chủ. Luật do Phật chế, và chỉ có Phật chế lập, ngoài ra các vị dưới chỉ có thể y thừa. Bởi vì chỉ có hạnh quả viên mãn của đức Như Lai mới thấu triệt được nghiệp tánh nhẹ nặng của chúng sanh, còn bậc Đẳng giác trở xuống không thể làm được.

Hỏi: - Khế kinh có thể do 5 hạng người nói[8]. Riêng Tỳ-ni thì chỉ có đức Phật mới đủ thẩm quyền nói, cũng giống như vấn đề lễ nhạc, chinh phạt... chỉ có thiên tử ra lệnh chư hầu mới vòng tay cúi đầu nghe theo. Nay Đại minh luật do thiên tử chế, văn võ bá quan đều được xem. Vậy thì, tại sao Pháp của Tỳ-kheo, chỉ cho Tỳ-kheo học tập, mà không cho Sa-di, bạch y xem?

Đáp: - Luật chỉ do Phật chế, là để trình bày cái pháp tôn quý của đạo. Song không phải chỉ có pháp của Tăng mới gọi là luật, mà năm giới, mười giới, Bồ-tát giới đều gọi là luật cả. Những thứ luật đó, phổ biến cho cả 7 chúng, cũng như đại luật, ban hành chung cho thiên hạ. Còn đối với giới pháp của Tỳ-kheo, cũng như sách bí mật trong nội phủ, chỉ dành các quan có trọng trách mới được xem. Chẳng phải thứ dân được phép dự vào để nghe.

Câu “nửa tháng tụng một lần” là chỉ cho hai phần của tháng có trăng và không trăng, tiêu biểu cho hai nghiệp thiện và ác. Bạch là muốn cho trắng trong, hắc là muốn cho hết tội.

Lại nữa, bạch là tiêu biểu cho Trí đức, hắc là tiêu biểu cho Đoạn đức. Trong khi thuyết giới tự mỗi người xét lấy.

Cho nên luật Thập tụng nói rằng:

Pháp Bố-tát vào nửa tháng, nửa tháng các Tỳkheo hòa hợp một chỗ, tự cân nhắc lấy mình, ngày làm tội gì, đêm làm tội gì, từ ngày thuyết giới trước đến nay, có làm tội gì không? Nếu có tội phải đến người đồng tâm, Tỳ-kheo tịnh giới, như pháp sám hối. Nếu không gặp được Tỳ-kheo tịnh giới, nên nghĩ, sau này ta gặp, sẽ như pháp sám hối. Nhờ vậy an trụ trong thiện pháp, xa lìa pháp bất thiện.

Căn bản tạp sự nói:

Ta bảo các thầy mỗi nửa tháng, nói Ba-la-đềmộc-xoa. Nên biết đây là Đại sư của các thầy, là chỗ nương tựa của các thầy. Nếu Ta ở đời, không có khác vậy.

PHỤ:

Phần thứ tư[9] nói có 5 pháp gọi là trì luật:

1) Biết phạm.

2) Biết không phạm.

3) Biết tội nhẹ

4) Biết tội nặng.

5) Rộng tụng 2 bộ luật.

Lại có 5 pháp, 4 pháp trước như trên, pháp thứ 5 là: trụ nơi Tỳ-ni, không bị lay động.

Lại có 5 pháp, 4 pháp trước như trên, pháp thứ 5 là: Sự tranh cải khởi lên có thể diệt trừ.

Người trì Luật có 5 công đức:

1) Giới phần bền vững.

2) Nhiếp phục được oán thù.

3) Ở trong chúng, quyết đoán không sợ sệt.

4) Nếu có nghi hối, có thể khai giải.

5) Khiến Chánh pháp bền vững.

Lại nói rằng có 5 pháp khiến Chánh pháp mau hoại diệt:

1) Không lắng nghe thọ tụng, ưa quên nhầm lẫn. Văn không đầy đủ mà dạy người khác. Văn đã không đủ nghĩa lý phải khuyết.

2) Là người hơn hết, bậc Thượng tọa trong Tăng, cả nước tôn trọng, mà không trì giới, chỉ tu các pháp không lành, buông lung xả bỏ giới hạnh, không siêng năng tinh tấn. Khiến cho các Tỳ-kheo niên thiếu hậu sanh, bắt chước cái hạnh đó.

3) Đa văn trì pháp, trì luật, trì ma-di, mà không dùng những gì mình biết để dạy cho chúng, để rồi ôm nó qua đời.

(Trì pháp là biết Tu-đa-la-tạng, như A-nan... Trì Luật là biết tạng Tỳ-ni, như Ưu-ba-ly... Trì-madi nghĩa là khéo léo vấn đề dạy dỗ, đứng đầu về trách nhiệm huyền cơ, như Ma-ha Ca-diếp...).[10]

4) Có hạng Tỳ-kheo khó có thể giáo dục, không nhận lời hay, không thể nhẫn nhục, các thiện Tỳkheo khác liền bỏ không dạy họ.

5) Ưa đấu tranh, mắng chửi lẫn nhau, hai bên tranh nhau bằng lời nói, buông lời ra như gươm như kiếm, tranh cãi hơn thua.

Nếu ngược lại 5 điều trên thì khiến cho Chánh pháp được lâu bền.

Lại nữa, sau khi Như Lai diệt độ, nếu Tỳ-kheo không kính Phật, Pháp, Tăng và giới định thì Chánh pháp mau tiêu diệt. Hoặc xuất gia trong pháp luật, không hết lòng vì người nói pháp, không hết lòng vì người nghe pháp nhớ giữ. Dù có kiên trì, không hay tư duy nghĩa thú, không biết nghĩa, cũng không thể tu hành như pháp. Không tự lợi, cũng không lợi cho ai. Vì nhân duyên như vậy, khiến Chánh pháp mau tiêu diệt.

Ngược lại những điều trên, Chánh pháp được lâu bền.

Luật Ma-ha Tăng kỳ nói:

Nếu có kẻ Thiện nam tử nào giàu lòng tin, muốn được 5 việc lợi ích, nên tận tâm thọ trì luật này. Năm điều lợi ích là:

1) Kiến lập Phật pháp.

2) Khiến Chánh pháp lâu bền.

3) Không có nghi hối, thỉnh vấn người khác.

4) Có các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni phạm tội sợ sệt, làm chỗ nương tựa an ủi cho họ.

5) Đi du hóa khắp nơi không hề bị trở ngại.

Tất cả đều phải hết mình thọ trì luật này.

Lại nữa, ngài Đại Ca-diếp bảo các Tỳ-kheo rằng: “Vấn đề phân chia xá-lợi của Thế Tôn chẳng phải việc làm của chúng ta. Quốc vương, Trưởng giả, Bà-la-môn, chúng cư sĩ, người cầu phước tự họ sẽ lo việc phân chia xá-lợi để cúng dường. Việc của chúng ta là kiết tập Pháp tạng, đừng để cho pháp của Phật mau tiêu diệt”.

Luật Thập tụng nói:

Nếu Tỳ-kheo nào biết Bố-tát, biết Yết-ma Bốtát, biết thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa, biết nhóm họp, thì nên cung cấp cúng dường cho họ. Tại sao vậy? Vì khi không có Phật, người này thay thế vậy.

Lại nói, tùy theo các Tỳ-kheo thanh tịnh không phá hoại Chánh pháp, khi thuyết giới, gọi là pháp trụ thế.

Lại nói: Trì luật có 5 điều lợi:

1) Biết pháp xuất gia.

2) Biết Yết-ma.

3) Biết oai nghi.

4) Biết y chỉ.

5) Biết trở ngại đạo hay không.

Căn bản ni-đà-na nói:

Có Bỉnh pháp Yết-ma, có như pháp thi hành thì gọi là Chánh pháp trụ thế. Không như vậy, thì gọi là Chánh pháp hoại diệt.

Phật Bảo các Tỳ-kheo: “Các thầy nếu dùng lòng tin, xuất gia, tinh cầu Niết-bàn, tu tịnh hạnh, các Bí-sô như vậy mặc y phục đáng giá ức kim tiền, phòng xá nghỉ ngơi, giá đáng 500 kim tiền, ăn uống đầy đủ 100 món mỹ vị, các việc như vậy Như Lai đều cho phép thọ dụng, các vị ấy đều kham năng thọ dụng được.

Nếu có Bí-sô phá hủy trọng giới, ở trong trú xứ của Tăng cho đến một miếng ăn cũng không tiêu được. Trong đất Già-lam không có một chỗ để bước một bàn chân, cho một Tỳ-kheo phá giới.

Các ông nên biết người phá giới có 10 điều mất mát tội lỗi:

1) Tự biết mình là người ác phá giới.

2) Người khác cũng biết mình như vậy.

3) Thiên thần không lui tới giúp đỡ.

4) Bậc đồng phạm hạnh, người lành biết pháp đều khinh rẻ.

5) Tiếng vang tội ác nghe khắp bốn phương.

6) Điều chưa chứng không chứng được.

7) Pháp đã chứng, thảy đều thối thất.

8) Những gì đã nghe đều bị quên hết.

9) Sau khi mạng chung tâm sanh hối hận vì không yên tâm, hoang mang lo sợ.

10) Sau khi bỏ mạng sống này sanh vào địa ngục.

Lại các Bí-sô, nên biết có 5 loại thọ dụng:

1) Như chủ thọ dụng, tức là vị A-la-hán, trừ hết ba độc.

2) Như thọ dụng của cha mẹ, tức là các học nhơn, còn có các hoặc nghiệp.

3) Được phép thọ dụng, tức là bậc thuần thiện dị sanh, thanh tịnh giới, siêng tu thiền tụng, không hề biếng nhác.

4) Thọ dụng như người mắc nợ. Nghĩa là tuy có phòng cấm giới mà không siêng tu giác phẩm thiện pháp.

5) Thọ dụng như kẻ trộm. Nghĩa là đối với 4 trọng cấm, tùy phạm một tội nào.

Cho nên các thầy nên tu học.

Thiện kiến tỳ-bà-sa nói:

Thiện nam tử hảo tâm xuất gia, Luật tạng là cha mẹ. Tại sao vậy? Bởi Luật tạng cho người xuất gia được giới Cụ túc, dạy học oai nghi, y chỉ nơi Luật tạng.

Tự thân trì giới có khả năng đoạn nghi hoặc cho người, nếu vào trong Tăng không có sợ sệt. Nếu có phạm tội y luật quán xét, khiến cho Chánh pháp cửu trụ.

Người trì giới luật tức là nguồn gốc của công đức. Nhân nơi cội gốc cho nên nhiếp lãnh các pháp lành.

Bộ Nam hải ký qui nói:

Luật Đại thừa, Tiểu thừa không khác[11], đều chế

Năm thiên, thông tu Bốn đế. Nếu lễ Bố-tát, đọc kinh Đại thừa gọi là đại. Không thực hành điều này gọi là tiểu. Có chỗ nói: Đại thừa không ra ngoài hai thứ: Trung quán, Du-già.

Trung quán thì Tục đế có, Chơn đế không, thể của nó như huyễn.

Du-già thì bên ngoài không, bên trong có, mọi việc đều Duy thức. Đây đều tuân theo Phật chế, phải, quấy đều hợp với Niết-bàn, đâu có chơn, đâu có ngụy. Chủ ý là ở chỗ đoạn hết các phiền não, tế độ chúng sanh. Đâu phải muốn rộng để đến nỗi phân vân, lại thêm nhũng tạp về vấn đề kiết chế. Y theo đó mà tu hành thì đủ điều kiện đến bờ bên kia. Ngược lại đều phải đắm chìm nơi bến sanh tử.

Bên Tây Trúc đều song hành, lý không chống trái… Lại nói: Phao nổi không bị lủng là bổn tâm của Bồ-tát. Đừng khinh cái lỗi nhỏ, để rồi lại phải có tiếng kêu cứu sau cùng. Lý hiệp cả đại lẫn tiểu để tu, mới thuận theo lời dạy của đức Từ Tôn.

Ngừa cái lỗi nhỏ, quán đại không, nhiếp vật, lắng lòng, như vậy làm gì có lỗi. Chỉ sợ tự mình mê, rồi lại mê người, theo giáo lý tạm trình bày ở một khía cạnh đối với pháp Không rồi tin Luật điển quá ư trống rỗng (cho là không có) thì sao thấy được sự phóng túng, biếng nhác của mình!

Tri môn cảnh huấn nói:

Luật chế Tỳ-kheo, năm hạ về trước, chuyên tinh Luật bộ, nếu đạt được vấn đề trì phạm, biện bạch được việc của Tỳ-kheo, thì sau đó mới học tập kinh luận.

Thời nay, vượt thứ lớp mà học, việc làm đã mất thứ tự làm sao vào đạo được? Đại Thánh quở trách, trọn không phải là đệ tử của Phật vậy.

Vả lại, vừa mới thấm nhuần giới phẩm, liền cho nghe Thánh giáo, tham thiền. Nếp sống của Tỳkheo không hề hiểu biết. Huống chi khinh khi giới luật, hủy báng Tỳ-ni, biếm nhẻ kẻ học luật cho là Tiểu thừa, nói người trì giới là chấp tướng. Cứ mãi buông lung theo trần tục, phóng túng theo thói ngu ác ham ăn ngon mặc đẹp, tự gọi là thức thời, hành dâm nộ khí lại xưng là đạt đạo, chưa hiểu được tôn chỉ của Thánh, ngộ nhập chơn thừa.

Vả lại, nếu giới đã khinh, tại sao ông đăng đàn thọ giới? Luật ắt hủy báng, tại sao lại cạo tóc nhuộm y? Như vậy, khinh giới tức là tự khinh, hủy luật lại thành tự hủy. Vọng tình dễ quen, chí đạo khó học. Vấn đề bạt tục siêu quần, vạn phần không có một. Xin rõ lời Thánh dạy, sao lại không theo?

Lại nói: Phật pháp - Hai bảo đều nhờ Tăng hoằng, Tăng bảo tồn tại là nương vào giới, ngoài giới ra không biết lấy gì để thành lập. Cho nên trong kinh Hoa nghiêm nói: “Thọ trì đầy đủ oai nghi, giáo pháp, khiến cho ngôi Tam bảo không bị đứt đoạn”.

Qui Sơn cảnh sách nói:

Pháp tịch Tỳ-ni chưa từng bước đến, liễu nghĩa Thượng thừa đâu hay phân biệt.

BIỆN MINH:

Hỏi: - Hạng người ham thịt rượu, hành dâm nộ khí, không đủ để bàn đến, nếu như không phạm trọng cấm, căn bản không sứt mẻ. Từ đây nghe giáo pháp, tham thiền, chuyên cầu Thượng thừa lại có lỗi gì? Đâu cần phải đợi đến sự tướng vụn vặt mới hiệp với lời dạy của Phật? Hạng người bỏ đại hướng tiểu, không tập học Phật cùng các giới điều của Phật, vậy thông ở chỗ nào?

Đáp: - Nếu là kẻ thượng căn lợi trí có khả năng đạt được pháp nghĩa thì Luật nghi là giáo là thiền, đâu thể coi là sự tướng vụn vặt mà riêng tìm cầu Thượng thừa. Nếu là hạng trung và hạ, sự tướng còn chưa biết, làm sao có khả năng xa cầu thiền giáo? “Củi không thấy mà mong tìm sợi lông tơ”[12] là đây vậy.

Kẻ bỏ đại theo tiểu, lòng mong cầu tự lợi, không tập học theo Phật, gọi là kẻ thối mất tâm Bồ-đề; năm đức của Sa-di còn nói: “Chỉ cầu Đại thừa vì độ người vậy”, huống là giới pháp của Tỳ-kheo đâu phải là Tiểu thừa mà cho là không tập học theo Phật ư?

Phần đầu trình bày về bài kệ khen ngợi xong.

TRÙNG TRỊ TỲ-NI SỰ NGHĨA TẬP YẾU HẾT QUYỂN THỨ NHẤT


[1] Cổ Ngô: là huyện Ngô xưa, nay là thành phố Tô Châu tỉnh Giang Tô.

[2] Đoạn này ngài Trí Húc viết gọn lại theo ý riêng (Trùng trị tỳ-ni sự nghĩa tập yếu 1, tr. 351b01, Vạn “Tục tạng” 40n719). Trong nguyên văn có chút sai khác, xem “Xá-lợi-phất vấn kinh”, tr. 900a15, Đại (Đại Chánh) 24n1465.

[3] Phiên dịch danh nghĩa tập 1, tr. 1064a05, Đại 54n2131.

[4] Nam hải ký qui nội pháp truyện 1, tr.205a25, Đại 54n2125.

[5] Nhụ dương 羺羊: Kẻ phàm phu độn căn, không có trí tuệ, như loài dê câm.

[6] Ba luân: người lễ, đối tượng được lễ, và sự lễ.

[7] Thích-ca-văn: tên gọi tắt nhưng không đúng của Thích-ca Mâu-ni.

[8] 5 hạng người nói: Phật pháp có thể có 5 hạng người nói được: 1. Từ miệng Phật nói; 2. Đệ tử của Phật nói; 3. Tiên nhơn nói; 4. Chư thiên nói; 5. Hóa người nói.

[9] Tứ phần luật 59, phần thứ tư Tỳ-ni tăng nhất (phần năm pháp), tr. 1004b17, Đại 22n1428.

[10] Đoạn trong ngoặc này nguyên chánh văn Tứ phần luật không có, ngài Trí Húc phụ chú thêm. Tứ phần luật 59, phần thứ tư Tỳ-ni tăng nhất, tr. 1006b26, Đại 22n1428.

[11] Đoạn này ngài Trí Húc lược bớt (Trùng trị tỳ-ni sự nghĩa tập yếu 1, tr. 356c28, Vạn 40n719). Nam hải ký qui nội pháp truyện 1, tr. 205c10, Đại 54n2125: Nguyên văn “Đại tiểu thừa tạp hành, khảo kỳ trí dã tắc luật kiểm bất thù 大小乘雜行,考其致也則律撿不殊 …” pháp hành của Đại thừa và tiểu thừa xen lại, nhưng khảo xét hai bộ phái đó thì về luật kiểm chứng không khác…

[12] Hán: Tân bất kiến nhi dục sát thu hào 薪不見而欲察秋毫.

“Thu hào”: Có một loài chim lông cánh của chúng đến mùa thu mới mọc, do lông nhỏ và mịn nên gọi là thu hào. Nghĩa bóng câu này: Việc dễ chưa làm được sao làm được việc khó.


[Đầu trang][MỤC LỤC CHÍNH][1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19]


[Mục lục tổng quát]