TẠNG LUẬT
Thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn
Ngài là bậc ỨNG CÚNG
Đấng CHÁNH BIẾN TRI
4. GIỚI LẤY Y CỦA NI KHÔNG PHẢI BÀ CON
5. GIỚI SAI NI KHÔNG PHẢI BÀ CON GIẶT Y
6. GIỚI XIN Y NƠI NGƯỜI KHÔNG PHẢI BÀ CON
8. GIỚI CẦU ĐƯỢC Y TỐT ĐẸP HƠN
11. GIỚI MAY NGỌA CỤ BẰNG TƠ TẰM
13. GIỚI LÀM NGỌA CỤ KHÔNG CÓ MÀU SẮC TẠP
14. GIỚI DÙNG NGỌA CỤ KHÔNG ĐỦ SÁU NĂM
15. GIỚI KHÔNG MAY MỘT MIẾNG CŨ TRÊN TỌA CỤ MỚI
16. GIỚI CẦM LÔNG DÊ ĐI ĐƯỜNG XA
Đại thừa vì chúng thì không phạm, tự làm cho mình cũng phạm.
Tỳ-kheo nào, y đã xong, Ca-thi-na y đã xả, nếu Tỳ-kheo được vải phi thời, cần thì nhận; nhận xong nhanh chóng may thành y, đủ thì tốt, không đủ thì được phép chứa 1 tháng vì đợi cho đủ; nếu chứa quá hạn, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.
Có Tỳ-kheo, y Tăng-già-lê bị hư rách, trong 10 ngày không thể may xong, sợ phạm giới trước. Đồng bạn bạch với Phật, nhân ấy Phật cho phép cất chứa cho đến khi may xong đầy đủ. Lục quần có y phấn tảo và các loại y khác, cùng loại vải không đủ, nên lấy một phần trong y phấn tảo giặt nhuộm, may phủ lên bốn góc để tác tịnh, đem y ấy gởi cho các Tỳ-kheo thân hữu rồi đi du hành trong nhơn gian.
Lâu ngày không thấy trở lại, người nhận gởi đem phơi. Các Tỳ-kheo thấy hỏi, biết sự việc, bạch Phật, kiết giới.
Thời của y: tức là không có lễ thọ y Ca-thi-na thì sau ngày Tự tứ một tháng, nếu có lễ thọ y Cathi-na thì sau ngày Tự tứ năm tháng. Không phải thời của y tức là quá thời hạn này.
Trong 10 ngày, đồng loại của y đủ nên cắt may thành y liền, hoặc tịnh thí, hoặc sai cho người. Không làm như vậy, đến ngày thứ 11, mặt trời xuất hiện, tùy theo số lượng y nhiều ít, mắc tội Xả đọa. Nếu đồng loại của y không đủ đến ngày thứ 11, đồng loại của y đủ, nên phải cắt may như trước. Không làm như vậy, qua ngày thứ 12, khi mặt trời xuất hiện, tùy theo y nhiều ít mắc tội Xả đọa. Cho đến ngày thứ 29 cũng vậy. Nếu đến ngày thứ 30, đủ hay không đủ, đồng hay không đồng, ngày ấy cũng phải cắt may cho xong. Không vậy qua đến ngày thứ 31, khi mặt trời xuất hiện đều mắc tội Xả đọa. Tỳ-kheo-ni phạm Xả đọa.
Luật Thiện kiến nói:
Nếu ngày 29, y trông mong được tốt mịn, còn y trước thô. Y trước nên thuyết tịnh, y mới được đó, được phép để lại một tháng, vì chờ đủ cùng loại mịn. Nếu y mong được thô, được phép đình lại một tháng. Như vậy triển chuyển[2] tùy theo sở thích, mong muốn cùng loại, nhưng đừng để quá một tháng.
Đây thuộc về giá tội. Đại thừa không luận là bà con hay không phải bà con, chỉ quán sát nên nhận hay không nên nhận. Song ở vào đời mạt pháp cần tránh sự tị hiềm.
Tỳ-kheo nào, thọ nhận y từ Tỳ-kheo-ni không phải thân quyến, trừ đổi chác, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.
Có một Tỳ-kheo mặc y Tăng-già-lê cũ rách, Tỳkheo-ni Liên Hoa Sắc thấy vậy, phát lòng từ mẫn, liền cởi chiếc y quý giá đang mặc đổi lấy cái y cũ rách đó. Sau đó mặc y cũ rách này đến yết kiến Phật. Phật dạy: Không nên như vậy, cho phép cô chứa đủ 5 y[4] lành lẽ bền chắc, ngoài ra mới tùy ý cho kẻ khác. Tại sao vậy? Phụ nữ mặc y phục lành lẽ còn không coi được, huống là y rách. Phật liền tập chúng kiết giới. Sau đó các Tỳ-kheo đều cẩn thận lo sợ, không dám nhận lấy y của Tỳ-kheo-ni bà con. Phật dạy: Nếu là bà con, nhưng phải biết được họ có khả năng hay không khả năng, có nên nhận hay không nên nhận, thì cho phép.
Lại nữa, trong Kỳ-hoàn, hai bộ Tăng được dâng y chia nhau, Tỳ-kheo nhận lộn y của Tỳ-kheo-ni, Tỳ-kheo-ni nhận lộn y của Tỳ-kheo. Ni đem đến trong Tăng-già-lam để đổi, Tỳ-kheo lại bạch Thế Tôn, mới cho phép trao đổi.
Bà con là cha mẹ, bà con cho đến bảy đời gọi là thân lý. Đổi chác là lấy y đổi y, lấy y đổi phi y, hoặc lấy phi y đổi y, như dao, chỉ, ống dựng kim cho đến một hoàn thuốc v.v...
Bốn chúng mắc tội Đột-kiết-la.
(Sa-di lấy y của Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na và Sa-di-ni không phải là bà con đều mắc tội Đột-kiếtla. Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di ni lấy y của Tỳ-kheo, Sa-di không phải là bà con cũng đều phạm Đột-kiết-la).
Không phạm: là vì Tăng vì Phật mà lấy.
Luật Ngũ phần nói:
Đến Thức-xoa-ma-na và Sa-di ni không phải bà con mà lấy y đều mắc tội Đột-kiết-la. Nếu người bà con phạm giới, tà kiến, mà đến họ lấy y, mắc tội Đột-kiết-la.
Luật Căn bản nói:
Không phải là bà con, tưởng không phải là bà con, hoặc sanh nghi đều phạm Xả đọa. Bà con tưởng không phải là bà con, hoặc nghi mắc tội ác tác.
Không phạm: Nếu Ni đem y đến cúng cho Tăng hoặc vì thuyết pháp cho nên cúng; hoặc vì khi thọ Cụ túc cho nên cúng, hoặc thấy bị giặc cướp cho nên cúng, hoặc ni nhiều lợi dưỡng đem y vật đến chỗ Tỳ-kheo, để dưới đất cầu thọ nhận, để đó rồi đi, nhận không phạm.
Luận Tát-bà-đa nói:
Lấy y đúng lượng mắc Xả đọa, lấy y không đúng lượng, các vật v.v... mắc Đột-kiết-la.
Đại thừa đồng học. Mạt pháp rất nên lưu ý giới này.
Tỳ-kheo nào, khiến Tỳ-kheo-ni không phải thân quyến giặt y, hoặc nhuộm, hoặc đập, Ni-tát-kỳ Badật-đề.
Ca-lưu-đà-di cùng với Tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nanđà để lộ hình mà ngồi, nhìn nhau với tâm dục, nên xuất thứ bất tịnh, nhớp y An-đà-hội. Ni ngỏ ý đem giặt, rồi lấy thứ bất tịnh để vào miệng và đường tiểu tiện. Sau đó có thai, các Ni gạn hỏi biết việc đó, bạch với các Tỳ-kheo, nhờ bạch lại Thế Tôn, đức Phật quở trách và kiết giới.
Lúc ấy các Tỳ-kheo đều sợ cẩn thận không dám bảo Ni bà con giặt, nhuộm, đập y cũ. Phật lại thêm câu “phi thân lý” (không phải bà con).
Y cũ là y kể cả chỉ mới mặc một lần.
Luật Thiện kiến nói:
Được phép bảo người con gái xuất gia, cho đến người cháu gái giặt; không được bảo người đàn bà có chồng rồi xuất gia, và người đàn bà nhỏ tuổi không phải bà con giặt.
Giặt, nhuộm, đập, mỗi việc một tội đọa. (Y thì chỉ xả một lần tức là tịnh, tội đọa thì có ba, phải sám hối). Bảo họ giặt, nhuộm, đập mà họ không giặt, nhuộm, đập thì mỗi việc một Đột-kiết-la. Bảo Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni không phải bà con, thì phạm Đột-kiết-la. Bảo Ni không phải bà con giặt, nhuộm, đập y mới phạm Đột-kiết-la; bốn chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Luật Tăng kỳ nói:
Nếu vì hai thầy (Hòa thượng, A-xà-lê) đem y bảo Ni giặt phạm tội Việt tỳ-ni. Vì tháp, Tăng bảo Ni giặt, nhuộm, đập không tội.
Luật Thập tụng nói:
Trước tự giặt sơ, bảo giặt kỹ lại đều phạm Độtkiết-la.
Luận Tát-bà-đa nói:
Giới này y đúng lượng hay không đúng lượng tất cả đều phạm.
Luật Ma-đắc-lặc-già nói:
Bảo Ni không phải bà con giặt Ni-sư-đàn, phạm Xả đọa, giặt gối, mền v.v… phạm Đột-kiết-la.
Luật nhiếp nói:
Y giặt sạch sẽ có 5 điều lợi:
- Trừ mùi hôi thối.
- Rận rệp không sanh.
- Thân không ngứa ngáy.
- Nhuộm dễ ăn màu.
- Có khả năng dùng được lâu.
Ngược lại, không giặt sạch sẽ y áo có 5 điều tổn thất. Mặc áo nhiễm sắc cũng có 5 điều lợi:
Thuận với hình nghi của Thánh.
Khiến cho xa lìa ngạo mạn.
Khó bám bụi bặm.
Không sanh rận rệp.
Cảm giác mềm mại, dễ bảo vệ.
Lâu quá không giặt có 5 điều tổn thất:
Mau rách.
Khó chịu.
Bực bội.
Nhọc mệt.
Ngăn cách thiện tâm.
Mặc y màu đẹp cũng có 5 điều tổn thất:
Nuôi lớn lòng kiêu mạn buông lung, làm cho người ghét.
Khiến cho người khác biết dáng điệu đẹp đẽ.
Nhọc nhằn mới tìm được.
Có khả năng trở ngại việc lành.
Y thường nhuộm mau rách.
Đập nhiều cũng có 5 điều tổn thất như trên.
Đại thừa vì chúng sanh nên không đồng học, song phải tính xem thí chủ kham hay không kham (có khả năng hay không).
Tỳ-kheo nào, xin y từ cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, trừ trường hợp đặc biệt. Trường hợp đặc biệt là nếu Tỳ-kheo y bị cướp, y bị mất, y bị cháy, y bị nước cuốn. Đây gọi là trường hợp đặc biệt.
Thành Xá-vệ có một Trưởng giả đến xem cây cảnh trong vườn, quay xe trở lại tịnh xá Kỳ-hoàn gặp Bạt-nan-đà Thích tử, lễ kính xin nghe pháp. Bạt-nan-đà nói pháp khai hóa, Trưởng giả sanh lòng hoan hỷ, bèn hỏi: “Ngài cần gì?” Tôn giả nói: “Không cần gì”. Trưởng giả cố hỏi. Được trả lời: “Thôi! Thôi! Điều tôi muốn ông không thể cho được.” Trưởng giả tha thiết hỏi.” Bạt-nan-đà trả lời: “Có thể cho tôi chiếc áo ông đang mặc?” Khi ấy, Trưởng giả chỉ mặc một chiếc áo lụa trắng, dài rộng, quý giá, nên Trưởng giả nói: “Sáng mai đến nhà tôi, tôi sẽ trao cho.” Bạt-nan-đà cố đòi mãi. Trưởng giả mặc dù trong lòng không vui, nhưng vẫn cởi áo trao cho. Sau đó, lên xe, mặc một chiếc áo lót vào thành. Người giữ cửa thành nghi là bị giặc cướp. Trưởng giả nói rõ vấn đề. Nhân đây cư sĩ cơ hiềm, cho nên Phật chế giới cấm này. Từ đó các Tỳ-kheo cẩn thận sợ không dám đến bà con xin y, nên đức Phật lại thêm câu “phi thân lý” (không phải bà con).
Sau đó, ở nước Câu-tát-la có chúng Tỳ-kheo, an cư xong, thọ trì y bát, đến nơi Thế Tôn. Vì ban ngày trời nắng nóng không thể đi, nên đi ban đêm lạc đường, và bị bọn cướp lột cả y áo. Đến nơi, trần truồng đứng ngoài cửa Kỳ-hoàn, các Tỳ-kheo nghi là phái Ni-kiền-tử, báo cáo với ngài Ưu-ba-ly. Ngài hỏi, biết rõ vấn đề nên liền tạm mượn y cho các vị đó mặc để đến yết kiến đức Phật. Phật an ủi hỏi, được trình bày rõ nguyên nhân. Phật bèn chế cấm: Lõa hình mà đi phạm Đột-kiết-la.
Lúc bấy giờ, nên dùng lá cây, cỏ mềm để che hình. Nên đến chùa gần nhất, nơi đó có y dư nên mượn mặc. Nếu không có thì biết Tỳ-kheo bạn có y dư nên mượn mặc. Nếu Tỳ-kheo bạn không có, nên hỏi trong Tăng, có loại y nào nên chia. Nếu có nên chia cho. Nếu không, nên hỏi có ngọa cụ không? Nếu có nên chia cho, nếu không chia, nên tự mở kho xem, nếu có mền, đồ trải đất, áo mỏng, áo lót, nên trích ra để may y che thân, rồi ra ngoài xin y.
Khi ấy, các Tỳ-kheo không dám đem vật của trú xứ này đến trú xứ khác. Phật nói: “Được phép”. Người kia khi được y khác rồi, y của Tăng không đem trả lại chỗ cũ. Phật nói: “Không nên làm như vậy. Nếu được y khác rồi nên giặt, nhuộm, vá lại tử tế, để lại chỗ cũ. Nếu không làm như vậy, như pháp trị”.
Khi ấy, có Tỳ-kheo y bị đoạt, bị cháy, bị trôi, cẩn thận sợ không dám đến xin y nơi người không phải bà con. Phật nói: “Cho phép”. Phật kiết giới này lại.
Tỳ-kheo-ni phạm Xả-đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Không phạm: hoặc vì người khác xin, người khác vì mình xin, không xin mà được v.v...
Luật Tăng kỳ nói:
Nếu tự xin cho mình, bảo người xin, khởi ý tưởng nóng lạnh mà xin, thuyết pháp để xin nếu được đều phạm Xả đọa. Nếu xin đãy lọc nước, giẻ để vá y, vật trùm đầu, khăn che ghẻ, áo lót, một điều trong y, đều không phạm. Nếu xin vì hai thầy, mắc tội Việt tỳ-ni. Xin vì tháp, Tăng thì không phạm.
Luật Căn bản nói:
Khi xin, mắc tội ác tác, được y vật, hoặc trị giá, hoặc màu sắc, hoặc số lượng, tương ưng với mức lượng cần xin, phạm Xả đọa, không tương ưng thì không phạm.
Tỳ-bà-sa nói:
Hai người cùng xin một cái y, phạm Đột-kiết-la. Vì người xin, phạm Đột-kiết-la. Đặng y đúng lượng phạm Xả đọa, không đúng lượng của y phạm Độtkiết-la. Đến bà con nghèo thiếu xin, phạm Độtkiết-la. Cho ít lại đòi nhiều phạm Đột-kiết-la. Nếu không phải bà con, trước xin cúng y, sau nghèo thiếu không cúng được mà theo đòi, phạm Đột-kiếtla. Xin cho người cũng phạm Đột-kiết-la.
Ma-đắc-lặc-già nói:
Đến xin y loài phi nhơn, súc sanh, chư thiên thì không phạm.
Hỏi: Luật Tứ phần nói vì người khác xin không phạm. Luật Tăng kỳ và Tát-bà-đa đều kết tội Đột-kiết-la. Vậy nên theo bên nào?
Đáp: Thấy người khác nghèo khổ mà sanh lòng từ mẫn, Tứ phần cho phép làm việc đó không có lỗi. Lợi dụng cái muốn của người khác mà vì mình tác phương tiện, Bà-sa sở dĩ kết thành tội, định đoạt vấn đề này là dựa vào tâm để bàn luận. (Tát-bà-đa có thể là Tỳ-bà-sa).
Đây thuộc về giá tội, Đại thừa vì chúng sanh không đồng học, tùy theo sự bố thí nên thọ nhận. GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, y bị mất, y bị cướp, y bị cháy, y bị nước cuốn. Nếu có cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến đem cho nhiều y, yêu cầu tùy ý nhận. Tỳ-kheo ấy nên biết đủ để nhận y; nếu nhận quá, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.
Chúng Tỳ-kheo gặp giặc mất y, đi đến Kỳ-hoàn, có Ưu-bà-tắc đem nhiều y tốt đến, thỉnh các Tỳkheo tùy ý nhận. Tỳ-kheo có 3 y, nói rằng: “Không nhận”. Lục quần nói: Tại sao không nhận rồi cho chúng tôi, hay là cho người khác. Các Tỳ-kheo bèn nhận rồi cho họ. Các vị thiểu dục hiềm trách, bạch Phật nên chế cấm.
Nếu mất một y, không nên nhận. Nếu mất hai y còn một y, mà y ấy hoặc hai lớp, ba lớp, bốn lớp nên chia ra làm các loại y. Nếu ba y đều mất, nên nhận vừa đủ.
Tri túc có hai loại:
Một là tùy theo cư sĩ cúng mà nhận (không nên đòi hỏi nhiều).
Hai là đủ ba y (ngoài ba y không được nhận nhiều).
Nếu cư sĩ thỉnh tùy ý, cúng nhiều y, hoặc vải mịn, hoặc vải mỏng, hoặc vải không bền chắc, nên may thành hai lớp, ba lớp, bốn lớp. Phải may chừa đường viền. Trên vai nên lót miếng vải để ngăn mồ hôi. Nên may cái móc để cột dây (may khâu hoàn). Nếu còn dư, nói với cư sĩ: “Vải cắt còn dư này, làm gì?”. Nếu Đàn-việt nói: “Tôi không phải cúng do việc mất y, mà tự tôi muốn cúng cho Đại đức”. Vị kia nếu muốn nhận thì nhận.
Tỳ-kheo-ni phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Đại thừa đồng chế, tức là ác cầu đa cầu.
Tỳ-kheo nào, có cư sĩ hay vợ cư sĩ vì Tỳ-kheo để dành tiền sắm y, nghĩ rằng: “Mua y như thế cho Tỳ-kheo có tên như thế”. Tỳ-kheo ấy trước không được yêu cầu tùy ý mà đi đến nhà cư sĩ, nói như vầy: “Lành thay cư sĩ. Nếu vì tôi mua y như vậy như vậy”. Vì muốn đẹp, nếu nhận y, Ni-tát-kỳ Badật-đề.
Có một Tỳ-kheo vào trong thành khất thực, đến nhà cư sĩ, nghe vợ chồng cư sĩ cùng bàn: “Sẽ sắm y quý giá cho Bạt-nan-đà”. Vị ấy về báo với Bạt-nanđà, Bạt-nan-đà hỏi, biết địa chỉ, sáng ngày đến đó nói rằng: “Nếu muốn cho tôi y, nên may rộng lớn, tốt đẹp, chắc bền như vậy, đúng là thứ y tôi thọ trì”. Do đó, cư sĩ cơ hiềm nên Phật chế cấm.
Sau đó, có cư sĩ tự ý thưa rằng: “Đại đức cần loại y nào?” Tỳ-kheo trong ý nghi ngờ, không dám trả lời.
Lại có cư sĩ muốn sắm y quý giá, nhưng Tỳ-kheo tri túc muốn không nhận y như vậy, nhưng trong ý cũng nghi, không dám từ chối. Phật dạy: Trước đó có thưa thỉnh tùy ý thì không phạm.
Mong cầu có hai loại:
Một là mong cầu về giá trị, cho đến chỉ thêm một đồng tiền nhỏ.
Hai là cầu y, cho đến chỉ thêm một sợi chỉ.
Mong cầu mà được, phạm Xả đọa; không được, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni phạm Xả đọa. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Không phạm: Vì người khác mong cầu v.v...
Luật Ngũ phần nói:
Nếu đến bà con đòi hỏi thứ tốt, phạm Đột-kiếtla.
Luật nhiếp nói:
Đến loại trời... xin, hoặc xin tơ lụa dư và miếng lụa nhỏ, không phạm.
Nguyên do, phạm, không phạm v.v... đồng như giới trước.
Tỳ-kheo nào, có hai nhà cư sĩ hay vợ cư sĩ để dành tiền sắm y cho Tỳ-kheo, đều nghĩ rằng: “Mang tiền sắm y như thế, để mua y như thế, cho Tỳ-kheo có tên như thế”. Tỳ-kheo ấy trước chưa nhận được sự tự ý yêu cầu của hai nhà cư sĩ, mà đi đến nhà hai cư sĩ, nói như vầy: “Lành thay dành số tiền may y như thế cho tôi, hãy chung lại làm một y”. Vì muốn đẹp, nếu nhận được y, Ni-tátkỳ Ba-dật-đề.
Đây thuộc về giá tội, đại thừa đồng học.
Tỳ-kheo nào, hoặc vua hoặc đại thần, hoặc Bàla-môn, hoặc cư sĩ hay vợ cư sĩ, sai sứ giả mang tiền đến Tỳ-kheo, bảo rằng: “Hãy mang số tiền sắm y như thế cho Tỳ-kheo có tên như thế”. Người sứ giả ấy đến chỗ Tỳ-kheo, nói với Tỳ-kheo rằng: “Đại đức, nay tiền sắm y nầy được gởi đến ngài, ngài hãy nhận”. Tỳ-kheo ấy nên nói với sứ giả rằng: “Tôi không được phép nhận tiền may y này. Khi nào cần y hợp thời và thanh tịnh, tôi sẽ nhận”. Người sứ giả này có thể hỏi Tỳ-kheo rằng: “Đại đức có người chấp sự không? Tỳ-kheo cần y nên nói: “Có”. Và chỉ một tịnh nhơn Tăng-già lam, hoặc một Ưu-bà-tắc, nói rằng: “Đó là người chấp sự của Tỳ-kheo, thường chấp sự cho Tỳ-kheo”. Bấy giờ sứ giả đi đến chỗ người chấp sự, trao số tiền sắm y, rồi trở lại chỗ Tỳ-kheo, nói như vầy: “Đại đức, tôi đã trao tiền sắm y cho người chấp sự mà ngài chỉ. Đại đức, khi nào cần hãy đến người ấy sẽ được y”. Tỳ-kheo khi cần y sẽ đến chỗ người chấp sự, hoặc hai lần, hoặc ba lần, khiến cho họ nhớ lại, bằng cách nói rằng: “Tôi cần y”. Hoặc hai lần, hoặc ba lần như vậy, khiến cho họ nhớ lại. Nếu nhận được y thì tốt, bằng không thì bốn lần, năm lần, sáu lần đứng im lặng trước người ấy. Nếu bốn lần, năm lần, sáu lần đứng im lặng trước người ấy mà được y thì tốt, bằng không được y mà cố cầu quá giới hạn ấy, nếu được y, Ni-tát-kỳ Badật-đề. Nếu không được y, tự mình hoặc sai người đến chỗ người xuất tiền sắm y, nói rằng: “Ngài trước kia sai người cầm tiền sắm y cho Tỳ-kheo tên như vậy. Tỳ-kheo ấy cuối cùng không được y. Ngài hãy lấy lại, đừng để mất”. Như vậy là hợp thức.
Thành La-duyệt, một đại thần sai sứ giả cầm số tiền may y cúng cho Bạt-nan-đà. Bạt-nan-đà dẫn người sứ ấy vào thành, đem số tiền may y giao cho ông Trưởng giả quen thân cất giữ. Sau đó một thời gian, đại thần hỏi người sứ rằng: “Ngài Bạt-nan-đà có mặc y ấy hay không?” Sứ giả trả lời: “Không mặc”. Đại thần liền sai sứ đòi lại số tiền may y. Bạt-nan-đà vội vã đến nhà Trưởng giả đòi y. Lúc bấy giờ, trong thành có cuộc họp các Trưởng giả.
Trước đó có quy chế ai không đến họp phạt 500 tiền. Trưởng giả nói: “Đại đức đợi một chút chờ tôi dự đại hội về.” Bạt-nan-đà không chịu. Trưởng giả vì vậy mà phải may y cho xong, khi may y xong thì đại hội đã giải tán, nên bị phạt 500 tiền. Các cư sĩ biết, cùng nhau cơ hiềm, nên Phật chế cấm giới này.
Luật Tăng kỳ nói:
Ba phen đến đòi, sáu phen nín thinh đứng, hoặc hoãn hay gấp. Thế nào gọi là hoãn gấp? Nếu khi đến đòi mà người ấy nói: “Tôn giả sau một tháng trở lại”. Tỳ-kheo mãn 1 tháng trở lại đòi. Họ lại nói: “Một tháng nữa sẽ trở lại”, Vẫn chờ đủ 1 tháng lại đòi. Họ lại nói: “Sau một tháng nữa”. Lại tới đủ 1 tháng nữa đến đòi. Quá 3 tháng rồi không được đến đòi nữa, đó gọi là hoãn. Nếu họ nói: Nửa tháng, 10 ngày, cho đến trong giây lát thì quá ba giây lát không được lại đòi nữa, đó gọi là gấp. Sáu phen đến đứng nín thinh cũng vậy. Quá 6 tháng hay quá 6 giây lát rồi, không được lại đứng nữa. Nếu khi đến nói với người chủ của vật, họ nói: Trước đây tôi cúng cho Tỳ-kheo, tùy phương tiện đến nhận. Lúc bấy giờ được phép như trước, ba phen đến đòi, sáu phen đến đứng nín thinh.
Luật Thiện kiến nói:
Nếu không mở miệng đòi thì được phép 12 lần đòi bằng cách đến đứng nín thinh. Nếu một lần đòi bằng cách nói thì trừ hai lần đứng nín thinh, hai lần đòi bằng cách nói, thì trừ bốn lần đứng nín thinh; cho đến 6 lần nói thì trừ 12 lần nín thinh.
Tỳ-kheo-ni phạm Xả-đọa. Ba chúng sau phạm
Đột-kiết-la.
Luật Thập tụng nói:
Khi Tỳ-kheo này đã nói với người chủ cúng tiền sắm y rồi, thì lúc nào có nhân duyên đến chỗ người chấp sự, nếu họ hỏi: “Đến có việc gì?” Trả lời: “Tôi có việc khác nên đến”. Nếu họ nói: “Đem y này về”. Trả lời: “Tôi đã nói với người chủ y, ông tự đến đó để giải quyết”. Nếu họ bảo: “Ngài cứ đem về, tôi sẽ trình bày với người chủ y”. Lúc bấy giờ nhận y đem về không phạm.
Luật Căn bản nói:
Nếu Tỳ-kheo bảo sứ giả báo rồi, người chấp sự kia đến, nói: “Thánh giả có thể nhận y này”. Nên trả lời: “Y này tôi đã xả rồi, ông nên trả lại cho người cúng y”. Trả lời như vậy là tốt. Nếu lấy y thì phạm Xả đọa. Nếu người chấp sự nói: “Thánh giả có thể nhận y này, người thí chủ kia cùng tôi giải quyết rõ ràng, khiến cho họ vui lòng”. Trường hợp như vậy lấy y về không phạm”.
Đại thừa vì chúng sanh cho nên được phép chứa song không nên tự thọ dụng.
Tri môn cảnh huấn nói:
Kinh Ương-quật dạy: Vật thuộc về tơ, lụa, da, lần lượt khỏi tay người sát sanh, đem cúng cho người trì giới, không nên nhận, là pháp của người Tỳ-kheo. Nếu nhận, thì không phải lòng từ. Ngài Nam Nhạc và ngài Đạo Hưu không mặc đồ tơ lụa tốt, mà chỉ bận vải thô sơ xấu xí. Cho nên ngài Nam Sơn Luật sư nói: Phật pháp đến phương Đông mới độ 600 năm, mà chỉ còn hạnh từ của ngài Hành Nhạc (Hành Sơn Nam Nhạc) là khả dĩ làm nơi quy ngưỡng mà thôi.
Hỏi: Đã không cho mặc tơ lụa mà lại cho dùng lông cừu v.v... cả hai loại đều thuộc về thân phận của chúng sanh, tại sao một bên cho phép, một bên ngăn cấm?
Đáp: Tơ lụa và lông tuy đều là thân phận của chúng sanh, nhưng khi luộc kén chỉ vì lấy tơ, còn khi giết cừu dê, không phải mục đích để lấy lông. Hơn nữa, dùng tơ làm ngọa cụ thì phải mất nhiều mạng sống mà dùng lông thì sanh mạng tốn ít. Các học xứ, giới điều này đặt nặng ở chỗ vận dụng tuần tự về nhơn tình, chứ không phải đoạn tuyệt một cách gấp gáp được vậy.
Tỳ-kheo nào, trộn tơ tằm làm ngọa cụ mới, Nitát-kỳ Ba-dật-đề.
Lục quần Tỳ-kheo làm ngọa cụ mới bằng các loại tơ tằm. Đến các nhà nuôi tằm xin tơ, họ bảo: “Chờ tằm chín”. Lục quần đứng một bên đợi, xem họ kéo tơ, nghe tiếng nhộng kêu, các cư sĩ cơ hiềm, nên chế cấm.
Luật Căn bản nói:
Ngoại đạo cơ hiềm khinh rẻ, nói thế này, phải giết nhiều loại hữu tình, làm sao gọi là ăn mặc hợp lẽ! Vì để cho bọn trọc đầu này, mà phải dứt nhiều sanh mạng. Đức Phật nghe được nên chế cấm.
Tạp loại tức là gồm cả: Các loại lông mịn, kiếp bối, câu-giá-la, cỏ nhũ diệp, sô-ma[11], hoặc gai...
Luật Tăng kỳ nói:
Kiều-xa-da có hai loại: một là sanh, hai là tác.
Sanh là loại tơ nhỏ mịn, tác là loại tơ kéo sợi.
Tự mình làm, dạy người khác làm mà thành, đều phạm Xả đọa; không thành, thì phạm Đột-kiếtla. Mình vì người khác làm, thành hay không thành đều phạm Đột-kiết-la. Xả loại này là dùng rìu, búa chặt nhỏ nhồi với bùn trét nơi vách hay dưới đất. Bốn chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Không phạm là nếu nhận được mà đã thành rồi, đem chặt nhỏ hòa với bùn đất trét nơi vách đất.
Luật Tăng kỳ nói:
Nếu dùng trong ba y; hoặc đường dọc, đường ngang; hoặc chính giữa hay một bên; hoặc giây ở giữa hay viền; hoặc may ép lá hẹ; hay chằm vá mà thành, đều phạm Xả đọa; thọ dụng thì phạm tội Việt tỳ-ni. Nên xả trong Tăng. Tăng không nên trả lại cũng không nên dùng vào việc khác. Được phép trải dưới đất và làm rèm treo. (Hai giới đều đồng như vậy).
Luật Ngũ phần nói:
Nên xả cho Tăng, không nên xả cho người khác. Tăng dùng trải dưới đất hay trên sàng. Ngoài ra tất cả Tăng, tùy thứ tự ngồi nằm. Tuy mình không làm không dạy người khác làm, nhưng người khác cúng mà nhận cũng phạm Xả đọa.
BIỆN MINH:
Vấn đề xả nơi đây được y cứ vào luật Ngũ phần, đại ý chúng Tăng được quyền chứa, không đươc chứa riêng. Như vậy cùng với lời dạy trong Đại thừa phù hợp.
Đại thừa đồng học. Nghĩa cũng như trước.
Tỳ-kheo nào, làm ngọa cụ mới bằng lông dê toàn đen, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.
Các Lê-xa Tử ở nơi Tỳ-xá-ly, hầu hết làm nghề mãi dâm, dùng toàn lông dê đen may đồ mặc để đi ban đêm khỏi ai thấy. Lục quần bắt chước như vậy. Lê-xa nói: Chúng tôi vì dâm dục, các ông mặc như vậy mục đích để làm gì? Tỳ-kheo bạch Phật, nên chế cấm.
Toàn màu đen tức là hoặc lông dê đen, hoặc nhuộm thành màu đen.
Phạm nhẹ, nặng đồng như giới trước. Bốn chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Không phạm: làm gối hay những đồ dùng lặt vặt.
Luật Ngũ phần nói:
Nên xả cho Tăng, Tăng dùng trải trên giường, không được trải trên đất. Ngoài ra như trước đã nói.
Luật Thập tụng nói:
Không phạm: Vì Tháp, vì Tăng, mà làm.
Đại thừa đồng học.
Tỳ-kheo nào, làm ngọa cụ mới, phải dùng hai phần lông dê toàn đen, phần thứ ba trắng, phần thứ tư xám. Nếu Tỳ-kheo không dùng hai phần đen, phần thứ ba trắng, phần thứ tư xám, làm ngọa cụ mới, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.
Lục quần may tọa cụ toàn màu trắng, cư sĩ cơ hiềm rằng giống như vua, hoặc đại thần, cho nên Phật chế cấm.
Màu xám: là màu lông nơi đầu, nơi tai, nơi chân, hoặc các màu xám nơi chỗ khác. Nếu làm cái ngọa cụ 40 bát-la[14] thì 20 bát-la lông màu đen, 10 bát-la lông màu trắng, 10 bát-la lông màu xám. Nếu làm cái ngọa cụ 30 hay 20 bát-la, dựa theo trên mà tính. (Luật Thập tụng nói: Một bát-la là 4 lượng vậy).
Phạm nhẹ, nặng đồng như giới trước. Bốn chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Không phạm: Nếu nhận được vật đã làm thành thì cắt rọc phá hoại, hoặc may gối, làm đồ dùng lặt vặt...
Luật Thập tụng nói:
Dùng màu đen nhiều hơn cho đến một lượng, phạm Xả đọa. Dùng màu trắng nhiều hơn cho đến một lượng, phạm Đột-kiết-la. Dùng màu xám ít hơn cho đến một lượng phạm Xả đọa.
Luật nhiếp nói:
Hoặc màu đen dễ có đuợc, các màu khác khó tìm thì số lượng tăng giảm đều không phạm.
Đại thừa đồng học.
Tỳ-kheo nào, làm ngọa cụ mới phải trì cho đến sáu năm. Nếu dưới sáu năm, không xả mà làm thêm cái mới, trừ Tăng Yết-ma, Ni-tát-kỳ Ba-dậtđề.
Lục quần chê ngọa cụ hoặc nặng, hoặc nhẹ, hoặc dày hay mỏng, không xả cái cũ, lại sắm cái mới, chứa để rất nhiều, cho nên Phật chế cấm. Sau đó có một Tỳ-kheo mắc bệnh khô da ghẻ chốc, cần đi du hành trong nhơn gian mà các ngọa cụ bằng phấn tảo quá nặng, không thể mang theo được. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật cho phép Tăng Bạch nhị yết-ma cho vị Tỳ-kheo ấy.
Phạm nặng, nhẹ đồng như giới trước. Bốn chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Luật Tăng kỳ nói:
Giữa Tăng xả rồi, Tăng không nên trả lại. Tăng được thọ dụng, chỉ không được làm áo lót mà thôi. (Giới sau cũng vậy).
Đại thừa đồng học.
Tỳ-kheo nào, làm tọa cụ mới, phải lấy một miếng của cái cũ vuông vức một gang tay Phật, đắp lên tọa cụ mới, để cho hoại sắc. Nếu Tỳ-kheo làm tọa cụ mới không lấy một miếng của cái cũ vuông vức một gang tay đắp lên tọa cụ mới để cho hoại sắc, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.
(Ngoài ra, trong 4 bộ đều nói một gang tay của Phật).
Đức Phật ở nơi vườn Cấp Cô Độc sai người đi nhận thức ăn. Thường pháp của chư Phật là, sau khi các Tỳ-kheo đi thọ thỉnh, Phật đi khắp các phòng, thấy tọa cụ cũ bỏ bừa bãi khắp nơi. Phật bèn bảo các Tỳ-kheo khi may tọa cụ mới, phải lấy một miếng vải của tọa cụ cũ, dọc ngang bằng một gang tay may lên trên để cho hoại sắc. Lục quần không y lời Phật dạy nên Phật chế ra giới này.
Luật Tăng kỳ nói:
Thế Tôn vì 5 việc lợi ích cho nên mỗi 5 ngày một lần đến xem xét phòng chư Tăng:
1) Thanh văn đệ tử có đắm vào việc hữu vi?
2) Có đắm vào ngôn luận thế tục?
3) Có đắm vào ngủ nghỉ, trở ngại việc hành đạo?
4) Xem có Tỳ-kheo nào bệnh chăng? (Tỳ-kheo bệnh có người chăm sóc chăng?)
5) Vì Tỳ-kheo nhỏ tuổi mới xuất gia, thấy oai nghi tường tự của đức Như Lai khởi tâm hoan hỷ.
Luật Ngũ phần nói:
Một gang tay của Phật vuông vức hai thước. Phá hư cái sắc đẹp: tức là tùy ý phủ lên trên cái mới ấy.
Luật Căn bản nói:
Làm hoại sắc: là muốn cho nó được bền chắc vậy.
Bốn chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Không phạm: Tự mình không có cái cũ, được vật đã thành, người khác vì mình làm, làm toàn đồ cũ.
Luật Thập tụng nói:
Nếu làm giảm bớt, cho đến nửa tấc, phạm Độtkiết-la.
Luật nhiếp nói:
Ni-sư-đãn-na[17]nên làm hai lớp, chồng làm ba phân, cắt đứt may thành lá, cùng đồng với lá của y.
Luật Thập tụng nói:
Không nên thọ Ni-sư-đàn một lớp. Không nên lìa Ni-sư-đàn mà ngủ.
Đại thừa đồng học.
Tỳ-kheo nào, khi đi đường được lông dê, nếu cần dùng không có người mang, được phép tự mang đi cho đến ba do-tuần[18]. Nếu không có người mang, tự mình mang đi quá ba do-tuần, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.
Bạt-nan-đà trên đường đi, được nhiều lông dê, xâu trên đầu gậy, quảy đi trên đường. cư sĩ hiềm trách cho là kẻ buôn bán lông dê, cho nên chế cấm.
Tự mình cầm đi quá ba do-tuần phạm Xả đọa; bảo kẻ khác cầm thì không phạm. Nếu giữa đường tiếp tay cầm, mắc tội Đột-kiết-la; khiến bốn chúng dưới cầm quá ba-do tuần phạm Đột-kiết-la. Trừ lông dê, cầm các vật khác như Câu-giá-la (y, vải)... đi quá ba do-tuần phạm Đột-kiết-la. Nếu quảy các vật khác trên đầu gậy mà đi cũng phạm Đột-kiếtla. Bốn chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Luật Ngũ phần nói:
Nên bảo tịnh nhơn gánh. Nếu không có tịnh nhơn thì cho phép tự mình cầm chứ không được gánh trên vai, đội trên đầu, mang nơi lưng. Trái phạm, mắc tội Đột-kiết-la.
Tát-bà-đa ma-đắc-lặc-già nói:
Trên không trung cầm lông dê đi hay là đưa cho kẻ biến hóa cầm đi đều phạm Đột-kiết-la.
Luật nhiếp nói:
Các Tỳ-kheo không nên gánh vác việc gì.
Đại thừa đồng học.
Tỳ-kheo nào, sai Tỳ-kheo-ni không phải thân quyến, giặt, nhuộm hay chải lông dê, Ni-tát-kỳ Badật-đề.
Lục quần, sai Tỳ-kheo-ni Đại Ái Đạo giặt, nhuộm, đập lông dê; nhuộm xong nhớp tay, đến yết kiến Đức Thế Tôn. Thế Tôn hỏi biết việc ấy, khiển trách lục quần, kiết giới. Sau đó các Tỳ-kheo cẩn thận sợ không dám bảo Ni có bà con giặt, nhuộm, đập. Đức Phật lại khai cho.
Giặt, nhuộm, đập mỗi cái đều một tội Xả đọa. (tức là một Xả, ba Đọa như đã nói trước). Sai người giặt mà họ không giặt v.v... mỗi cái đều một Độtkiết-la. Sai không phải bà con, hai chúng nữ khác, Đột-kiết-la
Luận Tát-bà-đa nói:
Sai giặt, nhuộm vật của Tăng phạm Đột-kiết-la.
Đây là giá tội. Đại thừa vì chúng sanh cho phép nhận, song phải giao cho tịnh nhơn cất giữ; trường hợp không có tịnh nhơn, tâm không tham đắm, cũng được phép tự cầm. Nếu chứa cất với tham tâm của mình, tức là đa dục, không tri túc. gọi là nhiễm ô, phạm. Cho nên bộ Cảnh huấn nói:
Ruộng, nhà vườn, cây.
Gieo trồng cây cối.
Chứa để lúa gạo.
Nuôi dưỡng tôi tớ. Chăn nuôi súc vật.
Tiền bạc vật quý.
Mền, dạ, lu, vạc.
Voi, vàng, giường đẹp và các vật trọng.
Tám thứ này kinh, luận và luật đều liệt vào một loại rõ ràng tội lỗi không nên chứa giữ.
Lại trong kinh luật nói:
Nếu chứa giữ thì không phải đệ tử của Ta. Vì tám món này, làm cho lòng tham lớn mạnh, phá hư đạo nghiệp, nhơ nhớp phạm hạnh, đưa đến kết quả xấu nhơ. Cho nên gọi là không sạch vậy.
Kinh Niết-bàn nói:
Nếu các đệ tử, không có ai giúp đỡ thời buổi đói khổ, miếng ăn khó được. Vì muốn hộ trì, kiến lập Chánh pháp, Ta cho phép đệ tử thọ nhận vàng bạc, xe ngựa, ruộng nhà, lúa gạo, đổi chác vật cần dùng. Tuy cho phép chứa giữ các vật như vậy, nhưng cốt yếu là phải tịnh thí cho người Đàn-việt giàu lòng tin.
Tỳ-kheo nào, tự tay cầm tiền, hoặc vàng, bạc, hoặc bảo người cầm, hoặc để xuống đất mà nhận, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.
Tại thành La-duyệt có vị đại thần thân thiện với Bạt-nan-đà. Một bữa nọ, vị đại thần nhận được nhiều thịt heo, bảo người vợ để phần cho Bạt-nanđà. Khi ấy, trong thành nhân ngày tiết hội, có ban nhạc giúp vui, suốt đêm không ngủ. Con của vị đại thần đói, hỏi mẹ còn thịt không, mẹ nó bảo: “Chỉ còn phần của Bạt-nan-đà”. Đứa nhỏ liền lấy 5 tiền đưa cho mẹ nó và nói: “Mẹ đem tiền này mua thịt trả lại cho Bạt-nan-đà”. Sáng sớm Bạt-nan-đà đến nhà vị đại thần, vợ vị Đại thần nói rõ việc ấy. Bạtnan-đà lấy tiền đem gởi cửa hàng nơi chợ mà đi. cư sĩ và đại thần của vua, cùng nhau cơ hiềm. Chỉ có vị đại thần tên là Châu Kế, khéo léo nói pháp giải thích. Sau khi giải thích xong đến bạch Thế Tôn, Thế Tôn khen vị đại thần đã khéo nói, tạo nhiều lợi ích.
Đức Phật nói: “Đại thần nên biết: Mặt trời mặt trăng có 4 cái nạn làm cho chúng không sáng, không sạch, không thể chiếu soi, cũng không oai thần. Bốn cái đó là: A-tu-la, khói mây, bụi và sương mù. Đó là đại nạn cho mặt trời, mặt trăng. Samôn, Bà-la-môn cũng có 4 nạn: không sáng, không sạch, không thể chiếu soi, cũng không oai thần. Bốn cái nạn đó là: Không bỏ uống rượu, không bỏ dâm dục, không bỏ tay cầm vàng bạc, không bỏ sống theo tà mạng. Đó là 4 đại nạn”.
Khi ấy, Tỳ-kheo thiểu dục cũng hiềm trách Bạtnan-đà, bạch Phật kiết giới.
Vấn đề xả nơi đây là, nếu vị kia có lòng tin đối với người giữ vườn hoặc là Ưu-bà-tắc, thì nên nói với họ rằng: “Đây là vật mà tôi không nên nhận, người nên biết việc ấy”. Nếu người đó nhận rồi, hoàn lại cho Tỳ-kheo, nên vì vật người ấy đã nhận, bảo sứ giả của tịnh nhơn cất giữ. Nếu được y, bát, ống kim, Ni-sư-đàn thanh tịnh, thì nên đổi lấy để thọ trì. Nếu Ưu-bà-tắc nhận rồi cho Tỳ-kheo y, bát, Ni-sư-đàn, ống đựng kim thanh tịnh, nên nhận để thọ trì. Nếu người đó nhận rồi không trả lại thì nên bảo Tỳ-kheo khác nói với họ rằng: “Phật có dạy vì cần thanh tịnh nên cho ngươi, ngươi nên trả lại vật kia cho Tỳ-kheo đó.” Nếu các Tỳ-kheo khác không nói thì nên tự đến nói: “Phật có dạy vì thanh tịnh nên cho ngươi, ngươi nay có thể cúng cho Tăng, cho Tháp, cho hai thầy, cùng với bạn tri thức đồng học, hoặc là trả lại cho chủ. Tại sao vậy? Vì không muốn mất của tín thí vậy.” Nếu không nói với người kia: Biết vậy, xem vậy, phạm Độtkiết-la. Tỳ-kheo-ni phạm Xả đọa. Ba chúng sau Đột-kiết-la.
Phần thứ ba của luật Tứ phần nói:
Có một Tỳ-kheo nơi gò mả nhận được tiền, tự tay cầm đi. Phật nói: Không nên lấy như vậy. Tỳkheo ấy cần đồng, Phật dạy: Đập phá cho hư hoại hình tướng, sau đó được tự tay cầm đi.
Luật Tăng kỳ nói:
Người bệnh được sai tịnh nhơn cất chứa, nhưng đừng tham đắm. Nếu vật phạm Xả đọa, xả giữa Tăng rồi, vật ấy không được trả lại cho Tỳ-kheo kia, Tăng cũng không nên chia. Nếu nhiều nên cho vào trong vật vô tận (quĩ tiết kiệm), khi có lợi tức, được làm phòng xá, sắm y trung (y An-đà-hội), không được dùng vào thức ăn.
Tỳ-kheo được tiền và an cư rồi được y tài, không nên tự tay lấy, nên bảo tịnh nhơn biết. Nếu không có tịnh nhơn thì chỉ chỗ đất gần chân, nói rằng: Trong đó nên biết. Họ đặt xuống đất rồi, tự tay lấy lá cây, hay ngói gạch, từ đằng xa liệng đến phủ lên trên, đợi tịnh nhơn đến bảo cho biết. Tùy theo cách sử dụng của quốc độ đó, hoặc tiền bằng đồng, bằng sắt, bằng hồ giao, bằng da, thẻ cây tre, tất cả không nên cầm. hoặc có quốc độ lấy không thành tựu hình tướng, để dùng, hoặc có nước không dùng, thành tựu hình tướng, cầm nắm đều phạm tội Việt tỳ-ni. Trong nước không dùng, không thành tựu tướng, nắm vật làm bằng đồng, bằng thiếc thì không có tội.
Luật Ngũ phần nói:
Tăng nên Bạch nhị yết-ma sai một Tỳ-kheo làm người bỏ vàng bạc và tiền. Tỳ-kheo ấy nên bỏ vật này trong hầm, trong lửa, trong dòng nước chảy, trong đồng trống, không nên ghi nhớ chỗ ấy. Nếu cầm nắm bỏ chỗ khác không được nắm lại. Vị Tỳkheo ấy không nên hỏi rằng: “Vật này nên làm thế nào.” Tăng cũng không nên dạy bảo làm như thế, như thế. Nếu không bỏ, không hỏi mà sai tịnh nhơn đổi lấy y thực cho Tăng, đem đến cúng Tăng, Tăng được phép thọ. Nếu chia thì chỉ người phạm tội không được thọ phần.
Không phạm: Tuy thí cho Tỳ-kheo mà Tỳ-kheo không biết. Tịnh nhơn thọ, rồi mua vật tịnh cho Tỳ-kheo.
Trường hợp có các Tỳ-kheo muốn đi xa, đến Trưởng giả xin lương thực đi đường. Người ấy sai người đem vàng, bạc, tiền, vật tiễn đưa. Đến nơi đồ tích trữ dư rất nhiều, sứ giả trở lại thưa với chủ. Chủ nói: “Tôi đã dâng cúng, không nên trả lại, ông có thể đem đến trong chỗ có Tăng để cúng cho Tăng”. Phật dạy: “Cho phép tịnh nhơn vì Tăng thọ nhận để đổi lấy vật cần dùng cho Tăng. Các Tỳkheo không nên biết tới”.
Luật Thập tụng nói:
Tự tay cầm đồ báu, nếu ít thì nên bỏ, nếu nhiều, gặp tịnh nhơn đồng tâm, nên nói: “Vì không tịnh nên tôi không nhận, người nên lấy.” Tịnh nhơn lấy rồi, nói với Tỳ-kheo: “Vật này cho Tỳkheo.” Tỳ-kheo nói: “Đây là vật không tịnh, nếu tịnh sẽ thọ.” Nếu không gặp tịnh nhơn đồng tâm, nên làm ngọa cụ cho tứ phương Tăng, nên vào trong Tăng nói: “Các Đại đức, tôi tự tay cầm đồ báu, mắc tội Ba-dật-đề. Tôi nay phát lồ, không dám che giấu, ăn năn tội lỗi.” Tăng nên hỏi: “Thầy đã xả vật báu ấy chưa?” Nếu đáp: “Đã xả.” Tăng nên hỏi: “Thầy có thấy tội không?” Nếu nói: “Thấy tội.” Tăng nên nói: “Sau đừng làm lại.” Nếu nói: “Chưa xả.” Tăng nên hướng dẫn cho xả. Nếu không hướng dẫn, tất cả Tăng mắc tội Đột-kiết-la. Nếu hướng dẫn mà không xả, Tỳ-kheo ấy mắc Đột-kiết-la.
Luật Căn bản nói:
Nếu vì sửa sang phòng xá các việc, nên xin cỏ, cây, xe cộ, nhơn công, không nên xin vàng, bạc, tiền... Nếu cầm loại tiền mà trong nước đó dùng thì phạm Xả đọa. Nếu cầm loại tiền mà trong nước đó không dùng thì mắc tội ác tác. Nếu cầm đồng đỏ, thau, đá, đồng thiếc, chì, kẽm thì không phạm. Nếu có người cúng y tài, cần thì nhận. Nhận rồi liền nghĩ là vật của người đó, mà cất chứa, nên giao cho tịnh nhơn giữ, không nên tự mình cầm. Nếu không có tịnh nhơn thì đem vật ấy đối trước một Tỳ-kheo, nói như thế này: “Cụ thọ[22], nhớ cho: Tôi tên là... được vật bất tịnh này, tôi sẽ đem vật bất tịnh này đổi lấy tịnh tài.” Nói như vậy ba lần, rồi tùy theo việc thọ, không đến nổi sanh nghi.
Nếu trong chùa Tăng có giặc đáng sợ thì vàng, bạc, tiền, vật báu của Tháp, Tăng nên cất giữ chắc chắn, mới dời đi nơi khác. Nếu không có người cư sĩ tịnh tín nên sai cầu tịch (Sa-di), cầu tịch cũng không có thì tự tay Tỳ-kheo đào hầm cất giấu. Như Lai vì trường hợp gặp nạn khai cho, sau khi nạn hết thì không được tiếp tục việc làm ấy.
Luật nhiếp nói:
Nếu khi an cư, thí chủ đem y quí đến cúng cho Tỳ-kheo, liền khởi ý nghĩ gởi cho thí chủ này rồi nhận lấy. Nên tìm cư sĩ tịnh nhơn tín kính để làm tịnh thí. Khởi ý tuởng là của thí chủ, cầm nắm, không phạm. Nếu không có thí chủ, có thể được phép đem vàng, bạc, các vật đối trước một Tỳ-kheo nói rằng: “Cụ thọ, nhớ cho: Tôi Tỳ-kheo... đặng của cải bất tịnh này, nay đem của bất tịnh này đổi lấy tịnh tài. nói như vậy ba lần rồi tự cất giữ, hoặc sai kẻ khác cất giữ.” (Theo tập Yết-ma của ngài Hoài Tố cũng chọn lấy pháp này. Đời mạt pháp này, đây là phương tiện dễ làm, nên phải tuân hành).
Nếu Tỳ-kheo ở trên đường, nhận được vàng, bạc, làm lương thực đi đường, nên tự cất giữ. Hoặc sai tịnh nhơn và cầu tịch mang đi. Nên biết: Cầu tịch đối với vàng, bạc v.v... chỉ cấm chứa cho riêng mình chứ không ngăn cấm việc cầm nắm.
Kinh Đại bát niết-bàn nói:
Nếu nói Phật cho phép Tỳ-kheo nuôi người tôi tớ, chứa để vật bất tịnh, vàng, bạc, trân bảo, lúa, gạo, kho tàng, trâu, dê, voi, ngựa, mua bán cầu lợi, đối với đời đói kém. Đó chỉ là thương xót con vậy.
Lại cho phép các Tỳ-kheo cất chứa đồ ăn cách đêm, tự tay làm đồ ăn, không thọ mà ăn. Không nên dựa vào những lời dạy như vậy.
Luật Thiện kiến nói:
Có 4 loại thọ dụng:
1) Dùng có tàm quý, nghĩa là người không có tàm quý gần gũi với người có tàm quý.
2) Dùng không tàm quý, nghĩa là người có tàm quý gần gũi với người tàm quý, gọi là thọ dụng không tàm quý, mắc tội. Người có tàm quý gần gũi với người không tàm quý, sau đó ắt phải tùy theo làm điều ác, cho nên gọi là người không tàm quí. Người không tàm quý, gần gũi với có tàm quý ắt sẽ cải ác tu thiện, gọi là người có tàm quý.
3) Dùng có pháp, nghĩa là người có tàm quý, y nơi Chánh pháp mà thọ nhận.
4) Dùng không pháp, nghĩa là người không tàm quý không y theo Chánh pháp mà thọ nhận. Nếu được vật như thế này thì như được thuốc độc không khác.
Luật Tăng kỳ nói:
Có một Tỳ-kheo dẫn một Sa-di về nhà thăm bà con, đi qua khoảng đồng trống vắng, có một phi nhơn hóa làm hình con rồng, đi quanh phía bên phải của Sa-di, rải hoa khen rằng: “Lành thay! Ông được lợi lớn, bỏ nhà ra khỏi nhà.” Tỳ-kheo đến nhà thăm bà con xong, khi sắp trở về người vợ trong gia đình nói: “Ông nay trở về, trên đường đi thiếu thốn nhiều, có thể cầm số tiền này, đổi lấy vật cần dùng”. Sa-di nhận lấy, cột nơi chéo y. Trên đường đi, phi nhơn lại hóa thành con rồng, đi quanh phía bên trái của Sa-di, lấy bùn rải lên, nói rằng: “Ông mất thiện lợi, xuất gia tu đạo, mà cầm tiền đi”. Sadi kêu la. Tỳ-kheo quay lại hỏi sự việc. Sa-di đáp: “Con không nhớ có lỗi gì, vô cớ mà bị quấy rối”. Tỳ-kheo bảo: “Ông có cầm cái gì chăng?” Sa-di đáp:
“Cầm tiền đi”. Thầy Tỳ-kheo bảo Sa-di bỏ mà đi. Bỏ rồi, phi nhơn lại trở lại như trước cúng dường. Do nhân duyên ấy, Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: “Từ nay không cho phép Sa-di cầm vàng, bạc, tiền. Nếu Tỳ-kheo sai Sa-di trước đó đã cầm rồi, sau sai cầm thì không tội”.
Đại thừa đồng chế.
Tỳ-kheo nào, kinh doanh tài bảo dưới mọi hình thức, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.
Bạt-nan-đà đến nơi cửa hàng dùng tiền đổi tiền, cầm đi. cư sĩ cơ hiềm cho nên Phật chế cấm.
Tiền có 8 loại: Tiền bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng thiếc, bằng bạch lạp, bằng chì, bằng cây, bằng hồ giao.
Pháp xả đồng như giới trước.
Tỳ-kheo-ni phạm Xả đọa. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Không phạm: Dùng tiền đổi lấy dụng cụ trang hoàng như chuỗi ngọc mà vì Phật, Pháp, Tăng hoặc lấy đồ anh lạc đổi lấy tiền mà vì Phật, Pháp, Tăng.
Luật nhiếp nói:
Nếu vì Tam bảo xuất nhập, hoặc thí chủ làm kho vô tận (quĩ tiết kiệm), vì thế mà tìm cầu đều thành phi phạm. Song, những vật này khi xuất để làm lợi phải ghi vào sổ sách để làm tin, tìm cách bảo chứng tốt, lập thành văn bản. Ngày cuối năm phải báo cáo với Thượng tọa và người giao nhận việc, đều phải biết rõ. Hoặc lại báo cáo cho Ô-basách-ca[24] có tín tâm kia biết.
Đại thừa đồng chế.
Tỳ-kheo nào, kinh doanh mậu dịch dưới mọi hình thức, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.
Bạt-nan-đà ở trong thôn không có trú xứ (Tăng), cầm gừng sống đổi thức ăn mang đi. Ngài Xá-lợi-phất khất thực, đến nơi cửa hàng bán cơm, chủ cửa hàng trả giá. Lại nữa, trong thành Xá-vệ, có ngoại đạo được một y quý giá đem đến Tăng-giàlam, xin được đổi chác. Bạt-nan-đà bảo sáng mai trở lại. Đêm đó, Bạt-nan-đà bảo giặt nhuộm y cũ của mình thành như y mới. Sáng ngày đổi cho ngoại đạo. Ngoại đạo được y đổi xong, đem về trong vườn nơi chỗ ở, khoe với các ngoại đạo khác, trong đó có người hiểu biết, nói: “Ông đã bị người ta lừa dối.” Ngoại đạo liền đem y đến đó, muốn đổi lại. Bạt-nan-đà không chấp thuận đổi lại. Ngoại đạo cơ hiềm cho nên Phật chế cấm.
Kinh doanh mậu dịch dưới mọi hình thức là lấy thời (thuốc có thời hạn) đổi thời, lấy thời đổi phi thời (thuốc không có thời hạn), đổi (thuốc) bảy ngày, đổi (thuốc) suốt đời, đổi Ba-lợi-ca-la[26] dùng phi thời đổi phi thời, đổi bảy ngày, suốt đời và thời v.v... cho đến dùng Ba-lợi-ca-la đổi thời, phi thời, v.v...
Bán, tức là trị giá từ một tiền, luôn luôn lên xuống, tăng lên đến ba tiền, năm tiền. Mua cũng như vậy.
Kinh doanh mậu dịch dưới mọi hình thức, nếu được, phạm Xả đọa; không được, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni phạm Xả đọa. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Không phạm: Đổi chác với người trong 5 chúng xuất gia, tự thẩm định không nên để thua thiệt cho nhau. Không nên đổi chác cùng với người khác. Hoặc bảo tịnh nhơn đổi chác, nếu có sự hối hận thì nên hoàn lại. Hay là dùng tô (váng sữa) đổi du (dầu), dùng du đổi tô.
Luật Tăng kỳ nói:
Nếu vật ở trên cửa hàng, có định giá trước, Tỳkheo đem tiền đến mua, khi lấy vật đi nên nói với người chủ rằng: “Đây là giá của vật đó.” Nếu không nói, im lặng cầm đi, phạm tội Việt tỳ-ni. Nếu vật ấy đáng giá 50 mà thách 100 tiền, Tỳ-kheo nói: “Nên biết tôi chỉ có 50.” Như vậy không gọi là mua hạ giá. Nếu Tỳ-kheo biết có người muốn mua vật ấy, không nên mua trước. Nếu mua, phạm tội Việt tỳ-ni.
Trường hợp khi mua lúa, nghĩ như vầy: Sau này lúa sẽ đắt, phạm Việt tỳ-ni. Khi bán lúa ra phạm Xả đọa. Trường hợp nghĩ: Sợ lúc nào đó lúa sẽ đắt, nên nay mua lúa vào, nhờ vậy ta được tụng kinh, tọa thiền, hành đạo. Đến khi lúa đắt, để dành cúng dường hai thầy, hay làm công đức. Ngoài ra, bán được lợi thì không có tội. Mua bát, mua thuốc v.v... cũng như vậy.
Luật Ngũ phần nói:
Nếu muốn đổi chác, nên sai tịnh nhơn làm, nói rằng: “Vì tôi đem vật này đổi lấy vật kia.” và tâm nên nghĩ: Thà để người kia được lợi nơi ta, chứ ta không nên được lợi nơi người đó. Nếu mình muốn đổi chác thì nên đổi chác với người trong 5 chúng, nếu đổi chác với bạch y phạm Đột-kiết-la.
Luật Căn bản nói:
Vì lợi mà mua, không vì lợi mà bán. Khi mua phạm ác tác, khi bán không phạm. Nếu không vì lợi mà mua, vì lợi nên bán; khi mua không phạm, khi bán phạm Xả đọa. Nếu vì về phương khác mà mua để đem đi, không nghĩ đến lợi, khi đến đó bán, tuy được lợi, không phạm.
Luật nhiếp nói:
Khi mua bán, không nương vào thật ngữ, hoặc ngụy lạm cân lít, khi cuống người khác thì mắc tội vọng ngữ. Khi được vật, phạm ăn trộm. Khi cầm tài vật muốn mua bán, trước phải định ý, không có tâm cầu lợi, tùy theo nơi mà thu được lợi, thảy đều không phạm.
Ni-đà-na nói:
Bí-sô không nên vì người khác đoán định giá, không nên trả giá cao thấp. Nếu không có người thế tục thay thế mình trả giá thì tự mình có thể trả hai, ba giá, nếu quá mức này mắc tội ác tác.
Luật Thập tụng nói:
Dùng vật bất tịnh mua thức ăn, mỗi miếng ăn phạm Đột-kiết-la. Mua y, tùy theo mỗi lần mặc, phạm một Ba-dật-đề. Nếu cùng nhau đổi chác, người kia ăn năn nên hoàn lại, nếu quá bảy ngày không được trả lại. Nếu dùng giá hạ mà đòi y quý giá của kẻ khác, phạm Đột-kiết-la. Nếu vật cần dùng, ba lần xin không được, nên tìm tịnh nhơn bảo họ mua giùm cho.
Luận Tát-bà-đa nói:
Thà làm tên đồ tể chứ không làm người mua bán, vì tất cả những việc làm đó là lừa dối tai hại. Vật mua bán này đem làm thức ăn cho chúng Tăng, Tăng không nên ăn; làm phòng cho bốn phương Tăng, Tăng không được ở. Làm tháp, làm tượng không nên hướng về đó tác lễ. Lại nói: “Chỉ nên tác ý Phật mà lễ.” (Tác ý lễ là không dùng đến thân, khẩu để lễ. Sở dĩ cự tuyệt một cách nghiêm ngặt, chính là sợ hạng người không biết xấu hổ, lừa dối nói cúng dường Tam bảo là việc làm có công đức, tìm cách bào chữa tội lỗi của mình vậy).
Phàm làm vị Tỳ-kheo giữ giới, không nên thọ dụng vật thế này, Nếu vị Tỳ-kheo này qua đời, vật này nên Yết-ma để chia. (Đã chết thì không có tâm tham chứa cất cho nên cũng giống như vật Tỳ-kheo qua đời, Yết-ma chia vậy).
Đại thừa vì chúng sanh nên không đồng học
Tỳ-kheo nào, chứa bát dư, không tịnh thí được phép chứa trong hạn mười ngày, quá hạn, Ni-tátkỳ Ba-dật-đề.
Lục quần Tỳ-kheo chứa bát, cái nào tốt thì dùng, cái nào xấu để một bên. cư sĩ đến phòng xem thấy, cơ hiềm: “Như thợ đồ gốm, bán hàng gốm”, cho nên Phật chế cấm.
Ngài A-nan nhận được cái bát quý giá nơi nước Tô-ma, muốn cúng cho ngài Ca-diếp, mà ngài Cadiếp đi vắng, sợ phạm giới này. Phật hỏi: “Tôn giả Ca-diếp đi bao lâu trở về.” Trả lời: “Mười ngày”. Vì vậy đức Phật cho chứa bát 10 ngày.
Bát có hai loại: Bát bằng thiếc, bát bằng sành.
Luật Căn bản nói:
Bát lớn nhất đựng được hai thăng gạo nấu cơm.
Cỡ trung một thăng rưỡi. Cỡ nhỏ một thăng.
Trong 10 ngày nhận được bát, ngày nhận được, ngày không nhận được, đến ngày thứ 11, tướng mặt trời hiện, đều phạm Xả đọa. Ngoài ra, như giới chứa y đã nói. Tỳ-kheo-ni phạm Xả đọa.
Luật nhiếp nói:
Hoặc giảm số lượng, hay quá số lượng, hoặc nghĩ cho người xuất gia cận viên khác, theo nhu cầu của họ, tuy không phân biệt, nhưng không phạm. Nếu vì để chứa canh rau, dùng uống nước, chứa hai bát nhỏ và để đựng muối hay múc nước đều không phạm. Trong một bát lớn có thể chứa cái bát nhỏ, để đáp ứng khi cần dùng, chứa nhiều chẳng phạm. Nên chứa một bát lớn để ngừa khi thiếu mà dùng.
Luận Tát-bà-đa nói:
Nếu chứa bát dư bằng thiếc trắng, bằng sành, mà chưa xông khói, tất cả bát không ứng lượng đều phạm Đột-kiết-la.
Phần thứ ba (luật Tứ phần) nói:
Bát cạn, bát nhỏ, bát vừa cho phép không tác tịnh thí được chứa.
Luật Ngũ phần nói:
Nếu được hai bát, nên hỏi thầy, cái nào hơn. Nếu thầy không khéo phân biệt, nên dùng mỗi cái trong 5 ngày để tự biết cái nào hơn thì thọ trì, cái kia cho người khác.
Hỏi: Luật nhiếp cho phép: Giảm số lượng, quá số lượng để đáp ứng nhu cầu, chứa nhiều không phạm. Còn luận Tát-bà-đa nói: Nếu chứa bát bằng thiếc trắng v.v... đều phạm Đột-kiết-la. Như vậy, theo bên nào?
Đáp: Đáp ứng nhu cầu thì tuy nhiều cũng có chừng mức; nếu chứa bát bằng thiếc trắng v.v... đã không phải là vật cần thiết thì là chứa nhóm xan tham, sao lại không phạm?
Đại thừa đồng học.
Tỳ-kheo nào, có bát vá dưới năm chỗ không chảy rỉ, mà tìm xin bát mới, vì muốn đẹp, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Tỳ-kheo ấy phải đem giữa Tăng xả.
Tăng lần lượt cho đến lấy cái bát tối hạ[28] trao cho, khiến thọ trì cho đến khi vỡ. Như vậy là hợp thức.
Bạt-nan-đà bị vỡ cái bát, vào thành Xá-vệ đến các cư sĩ xin bát. Chỉ bể một cái bát mà xin được nhiều cái bát. Một thời gian sau đó, các cư sĩ có cơ hội gặp nhau. Mỗi người đều nói tôi được nhiều phước, nhờ mua bát cúng cho Bạt-nan-đà. Do đó cùng nhau cơ hiềm, nên Phật chế cấm.
Vá 5 đường, giữa hai đường cách nhau hai ngón tay.
Luật Thập tụng nói:
Cho phép dùng thiếc hay đồng và bát bể.
Luật Căn bản nói:
Nếu khó xin được bát, tùy ý vá, trám, trét mà dùng. Nếu địa phương nào dễ xin được bát, có thể bỏ cái cũ xin cái mới.
Đủ năm đường nứt, không rỉ chảy, lại xin bát mới phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni phạm Xả đọa. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Không phạm: dưới năm đường nứt mà rỉ chảy nên tìm xin cái mới. Mình vì người khác mà xin, người khác vì mình mà xin. Không xin mà được. Được phần do Tăng chia. Tự mình mua để dành.
Luật Căn bản nói:
Cái bát này không nên cất, không nên để riêng, cũng không cho người khác, nên may hai cái đãy đựng bát, cái tốt thì đựng cái bát dư, cái không tốt thì đựng cái bát cũ. Khi khất thực nên đem hai cái bát, cơm khô thì đựng trong cái bát dư, cơm ướt thì đựng trong cái bát cũ. Nên ăn nơi cái bát cũ. Rửa cái bát dư trước, hong phơi cất để, ưu tiên đều dành cho cái bát dư. Khi để nơi khám hay xông khói, cái bát dư đều chiếm ưu tiên. Khi đi đường, cái bát cũ nhờ người mang, cái bát dư mình tự mang. Không có ai mang giùm thì mang cái bát dư nơi vai trái, cái bát cũ mang nơi vai phải mà đi. Đây là một cách trị phạt cho đến trọn đời hoặc phải khéo léo giữ gìn cho đến khi nó bể. Nếu trái phạm thì mắc tội việt pháp.
Luật Tăng kỳ nói:
Tỳ-kheo mang cái bát này cố ý làm cho bể, mắc tội Ba-dật-đề. Trường hợp hai thầy hay là bạn quen biết v.v... vì lòng lân mẫn sợ vấn đề rửa bát trở ngại cho việc tu tập đem dấu đi[30], tìm không được, xin cái khác không tội. Xin được một cái bát nên thọ trì. Nếu được hai cái thì bỏ vào kho của Tăng một cái. Cho đến xin được 10 cái thì 9 cái bỏ vào kho của Tăng. Xin được giá tiền mua bát cũng như vậy.
Tát-bà-đa ma-đắc-lặc-già nói:
Nếu xin được nhiều bát, cái nào vừa ý thì thọ trì, còn cái kia cho người cần dùng.
TRÙNG TRỊ TỲ-NI SỰ NGHĨA TẬP YẾU
HẾT QUYỂN THỨ NĂM
[1] Tứ phần luật 6, tr. 604b29, Đại 22n1428.
[2] Triển chuyển: Triển chuyển tịnh 展轉淨, Thiện kiến luật 14, tr. 772c19, Đại 24n1462: Thế nào gọi là triển chuyển tịnh? Trọn một người trong năm chúng xuất gia là người chủ nhận y, rồi đem y dư đến gặp Tỳ-kheo (nào đó), nói rằng: Tôi Tỳkheo tên… có y dư này chưa tác tịnh, xin được triển chuyển tịnh nên giao cho trưởng lão. Vị nhận y nói rằng: Đại đức có y dư này chưa tác tịnh, vì muốn triển chuyển tịnh nên giao cho tôi, tôi đã nhận, vậy chủ nhận y là ai? Đáp: Tỳ-kheo tên… (Vị nhận y) lại nói rằng: Đại đức có y dư này, vì muốn tác tịnh nên giao cho tôi. Tôi đã nhận, đây là vật của Tỳ-kheo tên… Đại đức nên giữ gìn cho Tỳ-kheo tên… dùng lúc nào cũng được, không cần phải hỏi chủ. Đây là triển chuyển tịnh thí.
[3] Tứ phần luật 6, tr. 605c06, Đại 22n1428.
[4] 5 y: ngoài 3 y như Tỳ-kheo, còn có thêm Tăng-kỳ-chi (yếm che ngực) và áo tắm.
[5] Tứ phần luật 6, tr. 607a26, Đại 22n1428.
[6] Tứ phần luật 7, tr. 608a, Đại 22n1428.
[7] Tứ phần luật 7, tr. 609c, Đại 22n1428.
[8] Tứ phần luật 7, tr. 610b29, Đại 22n1428.
[9] Tứ phần luật 7, tr. 612b28, Đại 22n1428.
[10] Tứ phần luật 7, tr. 613c25, Đại 22n1428.
[11] Kiếp-bối 劫貝 (Pli. kappsa, bông gòn), Câu-giá-la 拘遮羅 (Pli. koseyya, tơ lụa, vải quyến), cỏ nhũ diệp, sô-ma 乳葉, 芻摩 (Pli. khoma, ma bố, vải gai). (cht. Tứ phần luật, HT Thích Đỗng Minh dịch).
[12] Tứ phần luật, q. 7, tr. 614a27, Đại 22n1428.
[13] Tứ phần luật 8, tr. 615a, Đại 22n1428.
[14] Bát-la 钵羅: Pli. pala, đơn vị trọng lượng.
[15] Tứ phần luật 8, tr. 615c, Đại 22n1428.
[16] Tứ phần luật 8, tr. 616c, Đại 22n1428.
[17] Ni-sư-đãn-na: Ni-sư-đàn (Pli. nisỵdana), dịch là tọa cụ, phu cụ, là khăn trải để ngồi.
[18] Do-tuần 由旬: Skt=Pli. Yojana, Đại Đường Tây Vực ký 2: “ Duthiện-na, là đoạn đường hành quân của Thánh vương xưa, khoản 40 dặm. Theo tục Ấn Độ 30 dặm.”
[19] Tứ phần luật 8, tr. 617b23, Đại 22n1428.
[20] Tứ phần luật 8, tr. 618a22, Đại 22n1428.
[21] Tứ phần luật 8, tr. 618c22, Đại 22n1428.
[22] Cụ thọ 具壽: Skt. yuṣ mata, Pli. yasmant, cách tôn xưng đối với những vị đệ tử (Tỳ-kheo) Phật, hoặc thầy gọi đệ tử, Trưởng lão gọi vị thiếu niên cũng gọi từ này.
[23] Tứ phần luật 8, tr. 619c26, Đại 22n1428.
[24] Ô-Ba-sách-ca: Skt. Upsaka, cách dịch khác Ưu-bà-tắc, dịch nghĩa cận sự nam, tức cư sĩ tại gia phụng sự Tam bảo, thọ trì năm giới.
[25] Tứ phần luật 8, tr. 620b24, Đại 22n1428.
[26] Ba-lợi-ca-la 波利迦羅: skt. Parikara, còn gọi là Ba-già-la 波伽羅, là những loại y trợ thân ngoài ba y ra, như phú thân y, tăng-kỳ-chi, nê-hoàn-tăng v.v...
[27] Tứ phần luật 9, tr. 621c, Đại 22n1428.
[28] Bát tối hạ: lấy cái bát được đổi sau cùng, tức của Tỳ-kheo nhỏ nhất.
[29] Tứ phần luật 9, tr. 623a, Đại 22n1428.
[30] Đoạn này ngài Trí Húc trích dẫn thiếu (Trùng trị tỳ-ni sự nghĩa tập yếu, q. 6, tr. 38904, Vạn 40n719). Ma-ha Tăng kỳ luật, q. 10, tr. 316a23, Đại 22n1425: ….. Hòa thượng, A-xà-lê, bạn bè quen biết suy nghĩ: “Vị Tỳ-kheo hiền thiện này vì việc rửa bát mà phương hại đến sự ngồi thiền, trì kinh, tụng kinh”, nên họ đập vỡ, hoặc đem giấu…
[Đầu trang][MỤC LỤC CHÍNH][1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19]