TẠNG LUẬT
Thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn
Ngài là bậc ỨNG CÚNG
Đấng CHÁNH BIẾN TRI
TRÙNG TRỊ TỲ-NI SỰ NGHĨA TẬP YẾU
2. GIỚI XÚC CHẠM THÂN NGƯỜI NỮ
4. GIỚI TỰ KHEN MÌNH, ĐÒI CUNG PHỤNG DỤC LẠC
Đây là tánh tội. Đại thừa đồng chế.
Trường hợp được phép làm, như trong Giới bổn của Bồ-tát đã nói đầy đủ.
Hỏi: Đại thừa gặp trường hợp được phép làm, thì vấn đề sát sanh, ăn trộm, dâm dục, nói láo, đối với giới Bồ-tát, không những không trái phạm mà còn được nhiều công đức, đối với giới Tỳ-kheo có trái phạm không?
Đáp: Xuất gia đối với giới dâm thì Đại thừa, Tiểu thừa đều cấm; ba giới sát, trộm và vọng thì Đại thừa khai mở cho, Tiểu thừa thì ngăn cấm. Nếu quả thật vì lòng từ bi, cứu vật thì đối với giới Bồ-tát tuy không trái phạm, nhưng đối với pháp của Tỳ-kheo vẫn phải y luật kiết tội. Luận rằng: Nơi thâm tâm của Bồ-tát còn muốn thay thế cho tất cả chúng sanh, nhận lấy cái khổ nơi địa ngục, đâu không thể nhận lấy cái khổ do sự trị phạt của Tăng? Thảng như tự xưng là Đại sĩ, mà không tuân hành quy chế của Tăng thì đã chẳng phải là Tỳ-kheo mà cũng chẳng phải là Bồ-tát.
Tỳ-kheo nào, nơi làng xóm, hoặc nơi rừng vắng, lấy vật không cho với tâm trộm cắp; tùy theo sự lấy vật không cho ấy mà vua hay Đại thần của vua, hoặc bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc đuổi khỏi nước, hoặc khiển trách: “Ngươi là kẻ trộm, ngươi là kẻ ngu, ngươi là kẻ không biết gì.” Tỳ-kheo ấy là kẻ Ba-la-di không được sống chung.
Đức Phật du hóa nơi thành La-duyệt, trong núi Kỳ-xà-quật. Lúc bấy giờ, trong thành có một vị Tỳkheo, con của người thợ đồ sứ, tên là Đàn-ni-ca, cất một thảo am nơi chỗ rừng vắng. Vị Tỳ-kheo ấy đi vào trong thôn khất thực, trẻ nhỏ quơ củi dỡ thảo am ấy đem về chụm. Sau đó, vị Tỳ-kheo kia trộn đất làm thành một ngôi nhà bằng đất, lấy củi và phân bò nung chín. Ngôi nhà ấy sắc đỏ như lửa. Phật cấm không cho làm nhà hoàn toàn bằng gạch màu sắc đỏ. Nếu làm, phạm tội Đột-kiết-la. Đức Phật ra lệnh cho các Tỳ-kheo đến đập phá ngôi nhà ấy. Tỳ-kheo Đàn-ni-ca lại lừa dối nói với người giữ cây gỗ của nước Ma-kiệt-đà để lấy gỗ quý lưu trữ của vua Bìnhsa. Đại thần tâu với vua, vua nghĩ: Không nên vì một ít tài vật mà dứt mạng sống của người xuất gia, chỉ quở trách rồi đuổi đi. Các quan thì không bằng lòng, cư sĩ thì cơ hiềm. Hàng Tỳ-kheo thiểu dục, nhân đây bạch Phật, Phật quở trách rồi kiết giới.
Tùy bất dữ thủ pháp (tùy theo pháp không cho mà lấy), tức là tùy theo pháp tắc của nhà vua quy định lấy vật không cho, xử trị như thế nào. Pháp của nhà vua lúc bấy giờ là: Nếu lấy năm tiền, hay lấy vật trị giá đủ năm tiền thì bị tội tử hình.
Luật Thập tụng nói:
Một đồng trị giá bằng một phần mười sáu của đồng tiền.
Luật nhiếp nói:
Năm ma-sái, một ma-sái có 80 bối xỉ[2].
Lấy rời khỏi chỗ thì phạm tội Ba-la-di. Chuẩn bị để lấy mà chưa được, phạm tội Thâu-lan-giá, lấy gần năm tiền phạm Thâu-lan-giá, lấy không được phạm Đột-kiết-la. Dạy người lấy, dạy người tìm, đồng như trước. Phương tiện dạy người tìm năm tiền trở lên, nhưng người được dạy, lấy vật khác, hay lấy chỗ khác, người lấy phạm Ba-la-di, còn người dạy phạm Thâu-lan-giá. Nếu người được dạy không có tâm trộm cắp mà lấy được trên năm tiền thì người lấy không có tội, người dạy phạm Ba-la-di. Nếu người được dạy với tâm ăn trộm, lấy được năm tiền trở lên thì phạm Ba-la-di, còn người dạy không phạm bổn tội.
Vật có chủ hay tưởng là có chủ, không cho mà lấy năm tiền trở lên, phạm Ba-la-di. Gần năm tiền trở xuống, phạm Thâu-lan-giá. Nghi là có chủ, lấy năm tiền trở lên thì phạm Thâu-lan-giá. (Nếu theo bộ Căn bản thì cũng phạm tội Ba-la-di). Gần năm tiền trở xuống phạm Đột-kiết-la (dựa vào bộ Căn bản thì cũng phạm Thâu-lan-giá). Không có chủ, tưởng là có chủ và nghi là có chủ mà lấy năm tiền trở lên thì phạm Thâu-lan-giá, gần năm tiền trở xuống phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni phạm Ba-la-di. Ba chúng nhỏ phạm Đột-kiết-la, diệt tẫn. Trường hợp không phạm là: tưởng là cho, tưởng của mình, tưởng là phấn tảo (vất bỏ), nghĩ rằng tạm lấy, ý tưởng là của người thân hữu, và lúc đầu chưa chế giới v.v.... thì không phạm.
(Phần thứ ba[3] nói: Ý tưởng thân hậu ‘bạn thân’ có bảy yếu tố để tạo thành người bạn thân đem lại lợi ích và lòng từ mẫn. Bảy pháp là:
- Vật khó cho có thể cho.
- Việc khó làm có thể làm.
- Việc khó nhẫn có thể nhẫn.
- Việc bí mật nói cho nhau.
- Không bươi móc nhau.
- Gặp khổ không bỏ nhau. - Nghèo nàn không khinh dể.) Căn bản tạp sự nói:
Phàm là người thân hữu, là người có thể giao phó đời mình cho họ. Người ấy có 5 yếu tố:
- Có lòng thương yêu nhau.
- Càng gần càng vừa lòng. - Tôn trọng lẫn nhau - Xa lâu nhớ nhau.
- Bạn dùng vật của mình, lòng sanh vui mừng.
Phần thứ tư[4] nói:
Với tâm trộm cắp, vì người, đem vật phải chịu thuế của họ qua khỏi cửa ải quan thuế, trị giá đủ năm tiền, phạm Ba-la-di. Nhiều Tỳ-kheo bảo một người lấy vật của kẻ khác, lấy được năm tiền, nhưng tất cả mỗi người đều phạm tội Ba-la-di. (Vì dùng tâm trộm cắp lấy vật của người đủ 5 tiền, lìa khỏi chỗ cũ). Đối với địa phương kia, vật được trị giá là 5 tiền, nhưng đến địa phương này trị giá dưới 5 tiền vẫn phạm tội Ba-ladi. Đối với địa phương kia vật được trị giá dưới 5 tiền, nhưng đến địa phương này trị giá trên 5 tiền, phạm Thâu-lan-giá. Biết người đó với tâm trộm cắp, sai mình lấy vật của người, trước đó thì chấp thuận, nhưng sau ăn năn không thực hiện, thì phạm Độtkiết-la. Muốn ăn trộm áo của người, nhưng nhầm lấy áo của mình, thì phạm Thâu-lan-giá. Kẻ trộm kia lấy vật, mình cưỡng đoạt lấy vật của kẻ trộm đó, phạm Ba-la-di. Lấy lần trước, lấy lần sau khác nhau cộng lại đủ 5 tiền, phạm Ba-la-di. Ăn trộm đất, nước, trái cây, rau cải v.v... tính đủ 5 tiền, hoặc mình tự thọ dụng, hoặc khiến cho nó bị tổn giảm, tất cả đều phạm Ba-ladi.
Trường hợp, người Đàn-việt có hai đứa bé[5] khôn ngoan dạn dĩ, một hôm, ngài Tất-lăng-già-bà-ta đến, đứa bé liền đến ôm chân, chạy quanh mừng giỡn. Sau đó, kẻ trộm bắt đem đi, cha mẹ nó đến nơi Tôn giả khóc kể, nghĩ rằng Tôn giả bắt con họ. Tôn giả dùng Thiên nhãn thấy em bé trong thuyền của bọn giặc. Tôn giả liền dùng thần thông bắt đem về cho cha mẹ nó. Các Tỳ-kheo cơ hiềm Tôn giả về vấn đề này. Phật hỏi Tôn giả dùng tâm gì để bắt em bé. Tôn giả trả lời: Dùng lòng từ bi chứ không có tâm trộm cắp. Phật dạy: Không phạm tội.
Luật Tăng kỳ nói:
Trường hợp Tỳ-kheo trên đường đi, bị bọn cướp cướp đoạt, hoặc bọn cướp ít, Tỳ-kheo nhiều, hoặc bọn giặc giấu vật vừa cướp được đến chỗ khác. Vị Tỳkheo này nếu chưa nghĩ là vật của mình đã mất, rồi đoạt lấy lại, thì không tội. Nếu đã nghĩ vật của mình đã mất rồi đoạt lấy lại, thì thành bọn giặc, cướp của bọn giặc. Lại nữa, hoặc bọn giặc thuận đường đi, gần đến xóm làng, sắp sửa đem vật ra chia, Tỳ-kheo theo xin lại được thì không tội. Hoặc dùng thế lực khủng bố khiến cho giặc trả lại cũng không tội. Hoặc báo cáo cho người chủ tụ lạc, dùng phương tiện dụ dỗ, khiến cho giặc trả lại, không tội. Nếu biết làm như vậy họ sẽ giết, sẽ trói thì không nên báo cáo. Trường hợp Tỳ-kheo làm vị Ma-ma-đề (tức chủ chùa). Tháp (chùa) không có tài sản, chúng Tăng có tài sản, bèn nghĩ rằng: Sở dĩ trời, người cúng dường chúng Tăng đều nhờ ơn của Phật, cúng dường Phật tức là cúng dường chúng Tăng, bèn đem của Tăng tu bổ Tháp. Vị Ma-ma-đề này mắc tội Bala-di.
Trường hợp Tháp có tài vật, chúng Tăng không có tài vật, bèn nghĩ rằng: Cúng dường Tăng, Phật cũng có trong đó, liền đem vật của Tháp cúng dường cho Tăng. Vị Ma-ma-đề sử dụng như vậy mắc tội Ba-la-di.
Trường hợp Tháp không có tài vật, Tăng có tài vật, được như pháp tạm mượn để dùng, nhưng cần phải ghi chép phân minh rằng: “Khi nào mượn dùng, khi nào sẽ trả lại”. Nếu Tăng không có tài vật, Tháp có tài vật cũng như vậy. Khi giao nhận để mượn dùng, phải tuyên đọc văn kiện rõ ràng trước chúng, giao nhận phân minh. Nếu không tuyên đọc văn kiện thì phạm tội Việt tỳ-ni.
Trường hợp hai Tỳ-kheo có chung tài vật cần chia, một trong hai Tỳ-kheo đó có tâm trộm cắp lấy hết về cho mình, trừ phân nửa của họ ra, còn phân nửa của vị kia, nếu đủ 5 tiền thì phạm Ba-la-di. Nếu người kia đồng ý cho lấy thì không tội. Nếu cùng nhau hứa hẹn được vật cùng chia, khi được vật lại nói: Mỗi người đều có lộc riêng, thì phân nửa phần trong đó, đủ 5 tiền phạm Ba-la-di. khi nghĩ như vậy nhưng vật còn để nơi nhà thí chủ thì phạm Thâulan-giá, biết có thí chủ mà nghĩ như vậy, mắt tội Việt tỳ-ni. Hai Tỳ-kheo phấn tảo[6] ước hẹn với nhau cũng vậy.
Tỳ-kheo coi ngó vật của Tăng, cần biết có vật nên cho, có vật không nên cho. Thế nào là nên cho? Vật có thể làm tổn giảm, vật có lợi ích thì nên cho. Sao gọi là tổn giảm? Như có giặc đến chùa, đòi hỏi thức ăn, thức uống nếu không cho thì có thể bị đốt chùa, cướp của, không cho sợ bị tổn hại, nên tùy theo đó ít nhiều cần phải cho. Tại sao gọi là có lợi ích? – Đối với thợ nề, thợ đào đất, thợ vẽ họa đồ và những người coi sóc công việc sửa chữa phòng ốc của Tăng thì nên cho bữa ăn trước, bữa ăn sau, dầu thoa mình và nước uống phi thời v.v... Nếu vua và các người có thế lực lớn nên cho vật thực, thức ăn, thức uống gọi là có ích thì nên cho.
Có Tỳ-kheo y bát bị mất, nếu chưa nghĩ rằng mình đã mất, sau biết chỗ, nên đến đó tìm cách lấy lại, nếu đã nghĩ rằng mình mất, sau biết chỗ, đến tìm cách lấy lại mắc tội Việt tỳ-ni, nếu trước đã nghĩ rằng: Sau đó nếu biết chỗ sẽ đến tìm cách lấy lại, sau đó tìm cách lấy lại được, như vậy thì không tội.
Có hai Tỳ-kheo hứa hẹn nhau: Sẽ cùng nhau thọ kinh, sẽ cùng nhau tụng kinh, sau đó không thọ kinh, không tụng kinh, mắc tội Việt tỳ-ni.
Luật Căn bản nói:
Khởi tâm trộm cắp, chuẩn bị phương tiện, mắc tội ác tác (tức Đột-kiết-la), đụng đến vật đó phạm tội Tốt-thổ-la-để-dã (tức Thâu-lan-giá), đem khỏi chỗ cũ, đủ 5 tiền, phạm Ba-la-thị-ca (Ba-la-di), không đủ 5 tiền, mắc thô tội (cũng là Thâu-lan-giá). Nếu là vật thuộc về vật của súc sanh, chạm đến vật đó, phạm ác tác, rời khỏi chỗ, đủ 5 tiền, mắc thô tội, không đủ 5 tiền, mắc tội ác tác.
Luật nhiếp nói:
Người thợ săn, đuổi con vật chạy vào chùa, dù bị thương hay không bị thương, không trả con vật ấy lại cho thợ săn, không phạm. Nếu con vật bị bắn, chạy vào chùa chết liền, nên trả lại cho họ.
Nếu đồng tâm cùng với giặc, chỉ nơi chỗ cho họ, sau đó nhận phần chia, tùy theo số lượng nhận được mà mắc tội.
Hỏi: Đây cùng với dạy người lấy, có gì sai khác. Thảng như không nhận phần, có phạm tội chăng?
Đáp: Dạy người vì mình lấy, khi vật ấy lìa khỏi chỗ, liền thành tội đối với mình. Còn chỉ nơi chốn cho giặc, khi giặc cướp được vật ấy, chưa chắc họ đã cho mình, cho nên phải tùy theo khi nhận phần mà kết tội. Song tuy không nhận phần cũng mắc tội (phương tiện Thâu-lan-giá).
Nếu sau sanh lòng hối hận, đến nhà người chủ có vật, báo cho họ giữ gìn, đừng để vật bị mất, dù bọn giặc kia lấy được, đều mắc tội phương tiện; sau tuy có nhận phần cũng mắc tội Tốt-thổ-la. Cùng với giặc đồng đi, muốn làm việc trộm cắp, nhưng nửa đường thối lui, chỉ mắc tội ác tác.
Đồng tâm làm giặc, vì giặc canh chừng, khi chia vật, nhận phần thì thành tội. Vì sợ sệt nên làm bạn chứ không có tâm cùng họ trộm cắp, tuy giặc lấy được nhưng Bí-sô không phạm tội.
Nếu mang vật của mình hoặc là vật của người khác mà nói với thuế quan là tôi muốn khỏi thuế thì mắc tội Việt pháp. Dạy người bị thâu thuế đi đường khác, mắc tội ác tác. Nếu khởi ác tâm, chỉ họ đi đường khác, mong được khỏi đóng thuế, mắc tội Tốtthổ-la. Nếu mang vật của kẻ khác đi qua chỗ đóng thuế, không có tâm thủ lợi thì mắc thô tội. Chưa đến chỗ đóng thuế, hoặc lấy phân nửa, hay lấy toàn phần mà chưa qua khỏi, mắc tội Tốt-thổ-la. Nếu qua khỏi chỗ đóng thuế, đủ số, mắc bổn tội. Nếu mang vật của mình, đến chỗ đóng thuế, bảo kẻ khác vượt qua, cũng mắc bổn tội. Thật là tài vật của mình, quyết tâm hiến tặng cha mẹ, anh v.v... báo với người thâu thuế rằng: Đây không phải vật của tôi, xin ông miễn thuế, hoặc nương trên hư không mà đi qua, hoặc ngậm trong miệng, hay gói trong áo, hoặc tránh đường mà đi, đều mắc thô tội.
(Hỏi: Đây cũng đồng với trường hợp vì người vượt qua, tại sao không phạm bổn tội?
Đáp: Vì người đem vật vượt qua, lợi ắt về mình, nên kiết bổn tội. Nay quyết tâm hiến dâng nên không có cái tội thủ lợi, chỉ có cái lỗi trái phạm thuế, nên chỉ mắc thô tội).
Nếu vì cha mẹ hay việc Tam bảo, mang vật qua chỗ quan thuế, nên vì người thu thuế, nói các pháp lành, khen ngợi Tam bảo, trình bày ân đức của cha mẹ, họ không đánh thuế thì không phạm. Nếu họ vẫn đòi thì nên đưa.
Ăn trộm đại lược có 5 loại:
1) Đối diện cuỡng lấy.
2) Chùng lén lấy.
3) Điều lộng lấy.
4) Nhân họ gởi mà lấy. 5) Cho rồi, đoạt lấy lại.
Năm loại này đều thuộc về ăn trộm.
Có người đem vật đến cúng, biết rằng không có phần mà nói trong đó có phần của tôi, mắc tội Tốtthổ-la. Nếu nhận phần ấy, chuẩn theo số lượng nhận được mà thành tội. Không được mời mà đến ăn, mắc tội ác tác.
Vì Bổn sư đến chỗ khác nhận tài vật, không phạm. Nếu khi lấy phần của người, phải báo cho người biết, không nên không báo mà nhận phần của người khác.
Nếu vì người bệnh, định đem tài vật đến giúp, nghe người đó qua đời, vật ấy trở lại người chủ. Nếu đem đến mà người ấy còn sống, sau đó mới qua đời, thì thành vật của người chết.
Nếu giặc trộm của người vì bị khủng bố nên đem vật ấy cho Bí-sô, không nên nhận. Nếu nghĩ rằng sẽ trả lại cho chủ của vật thì nhận không phạm. Nếu biết đó là thủ lãnh của giặc, thì tùy ý nên nhận. Nhận rồi cắt rọc, nhuộm cho hoại sắc mới có thể chứa cất. Chủ của vật đến đòi, nên trả lại.
Nếu móng ý muốn trộm tài vật của người, sau khi xúc chạm vật ấy, bèn đến chủ xin, họ thuận cho, khi nhận được, thì tính từ đó về trước, mắc thô tội. Ban đầu mượn dùng, sau muốn không trả, kể từ khi quyết định không trả, bèn mắc bổn tội.
Nếu người khác gởi vật, khi khởi tâm trộm cắp, mắc tội Tốt-thổ-la, sau đó dời khỏi chỗ cũ, mắc bổn tội (trộm). Nếu trước dời khỏi chỗ cũ, sau khởi tâm lấy luôn, cũng mắc bổn tội.
Lừa gạt bắt con của người, mê hoặc lấy vật của người, căn cứ theo số lượng thành tội. Những gì thuộc về vật của cờ bạc mà lấy, đều mắc tội ác tác.
Ý định muốn trộm lấy vật kia, mà lầm lấy vật này đã trái với ý muốn nên chỉ mắc thô tội.
Nếu bị mất vật, đã nghĩ là mất rồi, tức là thuộc về của người khác, cướp đoạt lại vật ấy, căn cứ theo số lượng mà thành tội. Cho nên, không nên vội nghĩ là đã mất rồi.
Nếu thấy giặc đến, la hét khiến cho nó đi. Nếu bắt được giặc, không nên đem nạp cho quan. Trước hết phải vì họ nói pháp, theo họ xin lại những vật họ đã lấy, nếu họ không chịu cho thì nên trả phân nửa tiền hay là trả đủ số cho họ.
Người đóng cửa chùa có 5 việc cần lưu ý: khóa trên, khóa dưới, hai khóa phụ và chốt cửa phải cẩn thận. Nếu không đóng cửa, giặc lẻn vào lấy đồ, dựa theo sự việc đó mà trị giá bồi thường. Nếu sơ suất một bộ phận thì bồi hoàn một phần, nếu sơ suất hết thì bồi hoàn hết.
Nếu thí chủ có lòng tốt muốn cúng dường cho trú xứ này để tạo lập Tăng phòng, Bí-sô dùng ngân khoản ấy vào vấn đề vật thực thì nên tính theo giá hoàn trả lại cho đủ.
Nếu vì người bệnh muốn chạy chữa thuốc thang, nên hỏi người bệnh cần dùng thuốc gì ở đâu, theo lời của bệnh nhân mà chạy chữa.
Căn bản mục-đắc-ca nói:
Người chủ thấy khách đến, trước hết nên hỏi họ, ở đây có ai là bạn của ông không? Có cần dùng y bát không? Nếu họ nói không cần mà còn đem đưa cho họ thì phải bồi lại đúng như giá của vật ấy. Nếu nói cần thì có mất khỏi bồi thường.
Khách Tỳ-kheo đến nơi phòng của Tỳ-kheo khác, Nên hỏi người chủ, nếu có người đến, cần dùng y bát, có cung cấp hay không; nếu người chủ nói không cung cấp mà tự lấy cung cấp thì tính theo giá cả bồi hoàn. Nếu họ nói cần cung cấp, thì có mất, khỏi phải bồi thường.
Người qua đường mượn áo để thay, cho đến khi chưa thọ không nên không đòi lại. Nếu cố ý không đòi lại thì phải bồi lại đúng giá.
Luật Ngũ phần nói:
Người ta chưa đồng ý mà vội nghĩ rằng họ đã đồng ý, lấy y thực cho họ, phạm Đột-kiết-la.
Luật Thập tụng nói:
Nếu vật bị nước trôi đến Tỳ-kheo có tâm trộm cắp lấy, khi lựa chọn để lấy, phạm Thâu-lan-giá. Nếu nắm vật ấy lại không cho trôi, hoặc để chìm dưới đáy nước, hoặc lấy lên khỏi nơi, trị giá 5 tiền trở lên thì phạm Ba-la-di.
Nếu giúp lời để đoạt đất đai của người, đoạt được thì phạm Ba-la-di, không đoạt được phạm Thâu-langiá.
Trộm Xá-lợi của Phật, phạm Thâu-lan-giá. Nếu lấy với tâm tôn kính thanh tịnh thì không có tội.
Trộm kinh sách, tính theo giá mà phạm. Trộm tư cụ cúng dường trong Chùa, Tháp, Tinh xá, nếu có người bảo vệ, tính theo giá mà phạm tội.
Lấy vật của người nơi Tây câu-da-ny[7] tùy theo giá trị nơi đó mà phạm. Nơi Phất-vu-đãi[8] cũng như vậy. Lấy vật nơi Uất-đơn-việt[9] không phạm.
Đàn-việt thỉnh Tăng, chưa đến phiên mình, tự nói, tôi cần đi dự, phạm Ba-dật-đề. Khi nhận được thức ăn, tùy theo đó tính giá thành phạm tội.
Phá tổ chim, lấy tổ chim, đều phạm Đột-kiết-la.
Vì lòng lân mẫn giải phóng súc sanh của người nuôi, phạm Đột-kiết-la. Đoạt vật của thần tượng phạm Thâu-lan-giá. Phá hoại tất cả vật săn bắt với tâm vui thích, phạm Thâu-lan-giá, với tâm lân mẫn, phạm Đột-kiết-la.
Luật Thiện kiến nói:
Nếu nhận vật của người gởi, người chủ vật đến lấy, mà nói rằng: Tôi không nhận vật của ông gởi, phạm Đột-kiết-la; khiến cho người chủ hồ nghi, phạm Thâu-lan-giá. Người chủ nói: Thế là vật của tôi bị mất rồi, phạm Ba-la-di.
Nếu kẻ trộm lấy vật, Tỳ-kheo dùng tâm trộm, đoạt lấy vật ấy, vật ấy lìa khỏi thân kẻ trộm, nếu người ấy mạnh, đoạt vật ấy lại mang đi, Tỳ-kheo tuy không được vật vẫn phạm Ba-la-di, vì do tâm trộm, đoạt lấy vật và vật đã lìa khỏi chỗ cũ.
Nếu Đàn-việt cúng dường cây ăn trái cho chúng Tăng mà đem dùng vào việc y phục hay thuốc thang, chúng Tăng không nhận được phần ăn ấy, hoặc dùng cây ăn trái làm tứ sự để bố thí, Tỳ-kheo dùng tâm trộm cắp nhận quá phần ăn của mình, tùy theo giá trị nhiều hay ít mà kết tội. Nếu họ làm phòng xá để bố thí, chúng Tăng đem làm vật thực, phạm Thâu-lan-giá, nên trả lại đúng giá trị. Nếu họ cúng y thì nên dùng cho vấn đề y, nếu gặp lúc đói kém, chúng Tăng Yết-ma hòa hợp dùng vào việc ăn uống, không phạm. Dùng của thí may y làm phòng xá, dùng của thí làm phòng xá để sắm vật thực cũng như vậy. Trong chùa phòng xá nhiều, hư nát, không có người tu bổ, nên để lại những cái tốt, bao nhiêu cái xấu hư được dỡ bán mua vật thực, để bảo vệ trú xứ.
Đây là tánh tội, Đại thừa đồng cấm.
Thanh văn giết súc sanh phạm Ba-dật-đề, Đại sĩ thì phạm trọng. Thanh văn đối với cha mẹ, A-la-hán thành tội nghịch. Đại sĩ đối với hai thầy (Hòa thượng, A-xà-lê) cũng thành tội nghịch. Tội nghịch thì không cho phép sám hối. Trọng tội tuy cho phép sám hối, nhưng cốt yếu là phải thấy được tướng hảo.
Hỏi: Bậc Đại sĩ giết súc sanh, Nghĩa sớ kết tội có hai cách, tại sao nơi đây chỉ áp dụng một cách? Hơn nữa hai thầy, ân đức với pháp đồng nhau, tại sao Đại sĩ thành nghịch mà Tỳ-kheo không gọi là nghịch?
Đáp: Thọ giới Bồ-tát, chắc chắn là có phát tâm Bồ-đề, tự mình hiểu rõ chúng sanh đồng có Phật tánh, từ bi ái mẫn như thân mình, như con mình, đâu có thể khinh thị súc sanh, lại giết hại, cho nên chỉ áp dụng một trong hai cách mà thôi. Ân đối với pháp hai thầy, thật không có sai khác, song Tỳ-kheo phạm giới sát, đã thành biên tội, không có cách nào được cho thọ giới lại; Bồ-tát phạm giới sát, cần phải thấy được tướng hảo, mới cho thọ giới lại. Nếu giết hai thầy, chắc chắn trở ngại giới phẩm, do đó gọi là nghịch vậy.
Tỳ-kheo nào, cố ý tự tay mình làm dứt sanh mạng người, hoặc cầm dao đưa người khác dứt, hoặc khen ngợi sự chết, hoặc khích lệ cho chết, nói rằng: “Ôi, này bạn, ích gì đời sống xấu xa đó. bạn nên chết đi tốt hơn”. Hoặc với tâm ý như vậy, tư duy như vậy, bằng mọi phương tiện, khen ngợi sự chết, khích lệ cho chết. Người kia nếu do thế mà chết, Tỳ-kheo ấy là kẻ Ba-la-di, không được sống chung.
Đức Phật du hóa nơi Tỳ-xá-ly, bên bờ sông Di hầu, trong giảng đường, nói pháp quán bất tịnh, khen ngợi pháp quán bất tịnh, khen ngợi người tư duy pháp quán bất tịnh. Các Tỳ-kheo nghe rồi, tu tập theo pháp quán bất tịnh, lo ngại, nhàm chán thân mạng, tìm dao muốn tự sát.
Khi ấy, có Tỳ-kheo, tự là Vật-lực-già Nan-đề, cầm con dao bén vào trong vườn Bà-cầu. Có một Tỳkheo nói với Vật-lực rằng: “Đại đức đoạn mạng tôi, tôi trả công bằng y bát của tôi”. Vật-lực nhận lời và đoạn mạng Tỳ-kheo ấy. Hành động xong, đến nơi sông, rửa dao, lòng sanh hối hận. Khi ấy, Thiên ma đứng nơi sông, lại khen ngợi hành động ấy. Hối tâm của Vật-lực liền biến mất, lại vào trong vườn, giết các Tỳ-kheo, cho đến 60 người. Thây chết bỏ bừa bãi trong vườn, cư sĩ kinh hoàng cơ hiềm.
Khi ấy, đức Phật thấy chúng bị giảm thiểu, Ngài biết mà cố hỏi. Tôn giả A-nan trình bày đầy đủ mọi việc lên đức Phật. Phật bèn họp chúng, nói pháp tam-muội A-na-ban-na, rồi kiết giới này.
Luật Thiện kiến nói:
Đức Như Lai dùng Thiên nhãn thấy rõ xa xưa có 500 người thợ săn, cùng nhau vào chỗ trống vắng giết một bầy nai. Do hành động đó, đọa vào ba đường ác, chịu các khổ não, trải qua nhiều kiếp mới ra khỏi. Nhờ trước đó có chút phước lành, được sanh trong nhân gian, xuất gia làm đạo. Quả báo chưa hết nên trong nửa tháng lại cùng giết nhau, chư Phật không thể cứu được. Trong 500 người này, có những vị đã chứng các Thánh quả, sanh tử có chừng mức, ngoài ra người phàm phu thì luân chuyển không ngằn mé, cho nên đức Như Lai nói pháp quán bất tịnh cho họ nghe, khiến lìa ái dục, được sanh lên cõi trời, vốn không phải dạy họ chết. Chỉ vì biết trước không thể dùng thần lực cứu hộ, cho nên sau khi nói pháp quán bất tịnh, đức Như Lai vào tịnh thất nửa tháng, và chỉ cho phép một vị thị giả đem thức ăn đến mà thôi. Do vậy, đừng để ai nói rằng: Đức Phật là bậc Nhất thiết trí mà không thể chấm dứt việc các đệ tử chém giết lẫn nhau. Bởi vì sau khi nói bài pháp này, đức Thế Tôn nhập định, không một ai được phép đến.
Luận Tát-bà-đa tỳ-bà-sa đặt vấn đề rằng:
Đức Phật là bậc Nhất thiết trí, tại sao dạy các Tỳ-kheo, khiến cho họ phải bị suy não như vậy? Nếu nói rằng Phật không biết, thì không thể gọi là bậc Nhất thiết trí được!
Đáp: Đức Phật bình đẳng dạy cho tất cả. Lúc bấy giờ không phải chỉ có 60 người thọ pháp quán bất tịnh. Giáo pháp của đức Phật dạy không hề có sự thiên lệch, nhưng chỉ có người lãnh thọ, được lợi nhiều, ít có khác nhau. Đức Phật thật thấu rõ, biết căn nghiệp của chúng sanh, trước sau ắt phải dùng nhân duyên pháp này, sau sẽ được đại lợi. Sáu chục Tỳ-kheo kia, có mặt lúc Phật Ca-diếp, thọ pháp quán bất tịnh, mà không thể chuyên tâm tu hành, phần nhiều phạm các ác hạnh, mạng chung đọa vào địa ngục. Nay Phật ra đời, tội họ hết, được sanh trong nhân gian, sanh vào nhà hạ tiện, xuất gia vào đạo, do duyên trước kia, nên thọ pháp này. Sau khi mạng chung, được sanh lên cõi trời. Từ cõi trời giáng xuống, theo Phật nghe pháp thu hoạch được đạo quả. Do nhân duyên như vậy nên biết Phật không hề thiên lệch.
A-na-ban-na, Hoa dịch là khiển lai khiển khứ, tức là 16 pháp môn đắc thắng. Bộ Pháp giới thứ đệ sơ môn[11] nói rằng:
1. Biết hơi thở vào.
2. Biết hơi thở ra.
3. Biết hơi thở dài ngắn.
4. Biết hơi thở khắp cả thân.
5. Trừ các thân hành. Đều thuộc về Thân niệm xứ quán.
6. Thọ hỷ.
7. Thọ lạc.
8. Thọ các tâm hành. Ba pháp này thuộc về Thọ niệm xứ quán.
9. Tâm tác hỷ.
10. Tâm tác nhiếp.
11. Tâm tác giải thoát. Ba pháp này thuộc về Tâm niệm xứ quán.
12. Quán vô thường.
13. Quán xuất tán.
14. Quán ly dục.
15. Quán diệt.
16. Quán khí xả (buông xả). Năm pháp này thuộc về Pháp niệm xứ quán.
Hơn nữa, biết hơi thở vào, hơi thở ra, chính là nương nơi hơi thở làm pháp môn, được trụ nơi thô tế và định của dục giới, thì biết hơi thở dài, hơi thở ngắn. Nhập vào Vị đáo địa (Vị đáo định) thì biết khắp cả thân. Được Sơ thiền thì trừ thân hành, thọ hỷ, thọ lạc, thọ các tâm hành. Đắc Nhị thiền thì tâm tác hỷ, tác nhiếp. Đắc Tam thiền thì tâm tác giải thoát. Đắc Tứ thiền thì quán vô thường. Đắc Không xứ thì quán xuất tán. Đắc Thức xứ thì quán ly dục. Khi đắc Vô sở hữu thì có thể quán diệt. Khi đắc Phi hữu tưởng, phi vô tưởng thì quán khí xả.
Đây cùng với căn bản Tứ thiền, Tứ định hình như là đồng, nhưng quán hạnh có khác. Người tu hành nếu ở trong mỗi địa tu quán chiếu rõ thì trong mỗi địa, điên đảo không khởi, tâm không nhiễm trước. Tùy theo nhân duyên kia hội đủ liền ở nơi đó phát chơn Vô lậu, chứng Tam thừa đạo.
Trong đây tự mình giết, dạy người giết, sai kẻ khác giết, khuyên giết, phương tiện giết, tất cả đều phạm Ba-la-di tội. Đối tượng không chết phạm Thâu-lan-giá. Đối với tám bộ chúng, súc sanh, hiểu rõ tiếng nói, biến hình, tìm cách giết, giết được phạm Thâu-lan-giá, không chết phạm Đột-kiết-la. Thật 1à người, tưởng là thật người, giết, phạm Bala-di. Nghi là người, phạm Thâu-lan-giá (Y theo luật Căn bản cũng phạm Ba-la-di). Người mà tưởng không phải người, không phải người mà tưởng là người, không phải người, nghi, tưởng không phải là người, tất cả đều phạm Thâu-lan-giá. Tỳ-kheo-ni phạm Ba-la-di, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la, diệt tẫn. Không phạm: Ngộ sát, không có tâm sát hại, trước khi chưa chế giới v.v...
Phần thứ tư[12] nói:
Dùng phương tiện làm đọa thai của kẻ khác phạm Ba-la-di. Mẹ chết, con sống, mẹ chết không phạm, chỉ mắc tội Thâu-lan-giá.
Số đông Tỳ-kheo sai một người dứt mạng kẻ khác, tất cả Tỳ-kheo đều phạm Ba-la-di. Phương tiện muốn tự sát Thâu-lan-giá.
Luật Tăng kỳ nói:
Khi dùng phương tiện muốn tự sát mắc tội Thâulan-giá, nếu tự sát rồi thì phạm tội Ba-la-di. Dùng dao kê chỗ ái, phạm Thâu-lan-giá. Chỗ ái là cách cốc đạo mỗi bên bốn ngón tay (cốc đạo là hậu môn).
Bộ Căn bản ni-đà-na nói:
Không nên cắt cục trĩ (bệnh lòi trê).
Luật Ngũ phần nói:
Sau khi vào thai mẹ đến ngày 49 gọi là tợ nhơn, quá thời gian đó đều gọi là nhơn. Hoặc nhơn hay tợ nhơn mà giết mạng ấy đều phạm Ba-la-di.
Nếu viết thư khiến kẻ khác giết, mỗi chữ phạm một Thâu-lan-giá. Thư ấy đến nơi, người ấy do đó mà chết, phạm Ba-la-di. Nếu dùng lời nói tương tợ, dạy người kia giết người đó nhân đây mà chết, phạm Ba-la-di.
Độc tưởng là độc phạm Đột-kiết-la. Không độc tưởng là độc, độc tưởng là không độc, đều phạm Thâu-lan-giá. Khi khởi tâm giết hại phạm Đột-kiếtla. Khi khởi phương tiện giết hại phạm Thâu-langiá, đối tượng chết, phạm Ba-la-di.
Có hai Tỳ-kheo giận nhau, sau đó cùng đi một đường, trên đường đánh nhau, một người chết. Phật nói: Không có tâm sát thì không phạm. Vì giận trở lại đánh Tỳ-kheo phạm Ba-dật-đề. Từ nay không cho phép giận nhau, chưa có sự ăn năn tạ tội, cùng đi một đường, nếu phạm, mắc tội Đột-kiết-la.
Muốn giết người kia, mà nhầm giết người này thì phạm Thâu-lan-giá.
Luật Thập tụng nói:
Nếu vì giết người mà đào hầm, làm cùm, làm cung, bủa lưới v.v... Người ấy nhân đây mà chết phạm Ba-la-di. Nếu không chết liền, sau đó nhân vậy mà chết, cũng phạm Ba-la-di. Sau đó, không nhân đây mà chết, phạm Thâu-lan-giá. Nếu vì phi nhơn mà làm, phi nhơn chết phạm Thâu-lan-giá, người chết, súc sanh chết đều phạm Đột-kiết-la. (Nên nói: Người, súc sanh chết, không có tội, vốn không có tâm ác vậy, chỉ đối với bên phi nhơn, nên mắc tội phuơng tiện). Nếu vì súc sanh mà làm, súc sanh chết phạm Ba-dật-đề, nhơn, phi nhơn chết thì phạm Đột-kiết-la (cũng chỉ theo bên súc sanh, kiết tội phương tiện). Nếu không nhất định vì một loài nào làm, mà loài nào đến, cũng đều bị chết, nếu người chết thì phạm Ba-la-di, phi nhơn chết thì phạm Thâu-lan-giá, súc sanh chết thì phạm Ba-dậtđề, tất cả không chết thì phạm một Thâu-lan-giá, và hai Đột-kiết-la.
Tự đoạn âm phạm Thâu-lan-giá. Tự đoạn ngón tay phạm Đột-kiết-la.
Giết người biến hóa phạm Thâu-lan-giá. Có tâm sát, nhưng đánh người không chết phạm Thâu-langiá. Chăm sóc bệnh lâu ngày, sanh tâm nhàm chán, để tạo cho bệnh nhơn chết, phạm Thâu-lan-giá. Xúi giục đi đến nơi thức ăn có chất độc, kẻ ăn bị chết, phạm Thâu-lan-giá. Phá mụt nhọt chưa chín, cho người chết, phạm Thâu-lan-giá. Phá mụt nhọt đã chín thì không tội.
Luận Tát-bà-đa tỳ-bà-sa nói:
Nếu dùng ảnh hưởng lời nói của Tỳ-kheo, mà chinh phục thống trị một nước khác để thu tài bảo đều mắc hai tội Ba-la-di là sát và đạo.
Ma-đắc-lặc-già nói:
Muốn giết phàm nhơn, nhầm giết La-hán; muốn giết La-hán nhầm giết phàm nhơn; muốn giết cha, nhầm giết mẹ, muốn giết mẹ, nhầm giết cha, đều phạm Thâu-lan-giá, không xếp vào nghịch tội.
Hỏi: Thánh nhơn xuất thế, cha mẹ sanh thân này, tuy là nhầm sát, nhưng đâu thoát khỏi báo khổ trong ba đường, làm sao thoát khỏi sự cơ hiềm của người đời. Tuy đối với giới thân không hề gì, nhưng có thể an tâm tấn đạo chăng?
Đáp: Hai giới sát và đạo, dựa vào tâm để luận tội, chứ không dựa vào sự tướng, nay đối với đối tượng muốn giết, sự việc còn chưa toại nguyện, cho nên chỉ kết tội phương tiện, giết nhầm chứ không cố tâm để giết, nên không mắc tội. Bốn duyên đã không hội đủ thì giới thể vẫn còn. Đến như đối với khổ báo trong ba đường. Sự cơ hiềm của người đời, tất cả đều thuộc về giá tội, dĩ nhiên là có, đâu có thể dựa vào đó mà gọi là mất giới được.
Đây là tánh tội, Đại thừa đồng cấm.
Tỳ-kheo nào, thật sự không chứng ngộ, mà tự mình tuyên bố rằng: “Tôi đã chứng đắc pháp của bậc Thượng nhơn; tôi đã chứng nhập pháp thù thắng của Thánh trí. Tôi biết như vậy. Tôi thấy như vậy”. Vị ấy vào một lúc khác, bị người cật vấn, hay không cật vấn, muốn cho mình được thanh tịnh, nói như vầy: “Tôi thật sự không biết, không thấy, nhưng đã nói là có biết, có thấy. Đó là lời nói hư dối”. Ngoại trừ Tăng thượng mạn, Tỳ-kheo ấy là Ba-la-di, không được sống chung.
Đức Phật du hóa nơi thành Tỳ-xá-ly, bên bờ sông
Di hầu, bấy giờ gặp lúc mất mùa, khất thực rất khó khăn. Bên sông Bà-cầu, có các Tỳ-kheo đến người Cư sĩ, tự nói mình được pháp của bậc Thượng nhơn v.v... Các Cư sĩ tin ưa cúng dường nên không bị khổ sở về vấn đề ăn uống. An cư xong các Tỳ-kheo đến yết kiến đức Thế Tôn. Ngài hỏi thăm và đề cập đến vấn đề ấy, họ trình bày đầy đủ. Đức Phật nói: “Các ông là người ngu si. Có chứng quả thật còn không nên đến người nói, huống là không thật có. Ở đời có hai kẻ giặc: Một là thật chẳng phải tịnh hạnh mà tự xưng là tịnh hạnh. Hai là vì bụng và miệng nên không chơn thật, chẳng phải mình có, mà ở trong đại chúng, cố ý vọng ngữ nói mình chứng đặng pháp của bậc Thượng nhơn. Trong hai kẻ giặc này, hạng người vì bụng và miệng là kẻ giặc đại tối thượng (nguy hiểm tai họa nhất) vì trộm nhận thức ăn, thức uống của người”.
Câu “trừ Tăng thượng mạn” trong luật Tăng kỳ nói:
Có hai vị Tỳ-kheo tu nơi A-luyện-nhã, một trong hai vị, tạm thời thành tựu căn, lực, giác, đạo, tham sân không phát khởi, nói với vị Tỳ-kheo thứ hai rằng: “Trưởng lão, tôi chứng đắc A-la-hán”. Sau đó, đi đến trong xóm làng, buông lung các căn, lơ là tu tập nói với người bạn rằng: “Không chứng”. Người bạn nói: “Trưởng lão vọng xưng chứng đắc pháp của bậc hơn người, phạm tội Ba-la-di”. Vị Tỳ-kheo ấy nói: “Tôi không phải biết mà dối nói, mà tôi tưởng là thật vậy”. Do nhân duyên ấy bạch Phật, Phật bảo:
“Đây là Tăng thượng mạn. Tại sao ở trong Chánh pháp, bỏ nhà, ra khỏi nhà, lại khởi Tăng thượng mạn? Ông nên trừ Tăng thượng mạn, có thể chứng được quả A-la-hán”.
Lúc ấy, vị Tỳ-kheo đó quá xấu hổ, liền tinh tấn phương tiện, tu tập chỉ quán, trừ Tăng thượng mạn, đắc quả A-la-hán.
Hỏi: Người Tăng thượng mạn chưa được nói được, chưa chứng nói chứng, như thiền thứ tư, Tỳkheo vô văn, tội cũng nặng vậy. Tại sao không kiết tội?
Đáp: Trừ Tăng thượng mạn, nghĩa là người đó không rõ pháp tướng, cảm nhận lầm đặng một ít nhẹ nhàng, tự gọi là cứu cánh, đó là đúng như lòng mà nói, nên không kết tội vọng ngữ (tâm khẩu nhất như). Bởi lẽ sau tỉnh biết, ăn năn tội lỗi, tinh cần tu tập, còn có thể vào đạo. Nếu bướng bỉnh cố ý tự phụ, không hề cải hối, mới bị cái lỗi vô văn. Không phải như hạng người đại vọng ngữ, tức thì mất giới, quyết định trầm luân.
Nhân pháp tức là nhân ấm, nhân giới, nhân nhập. Thượng nhân pháp, tức là các pháp có khả năng thành tựu, yếu tố xuất ly sanh tử. Tự ngôn, tức là chính nơi mình. Cho đến có đắc, có quả. Thánh trí tức là pháp trí, tỷ trí v.v... Kiến, tức là kiến khổ, kiến tập... Cho đến tùy theo nghiệp báo của chúng sanh, biết đúng như sự thật vậy.
Hư dối không thật, chính mình đến người nói, hoặc sai người nói, hoặc viết thư, hoặc ra dấu người kia biết, phạm Ba-la-di, không biết, phạm Thâu-langiá.
Yên tịnh, khởi tưởng không yên tịnh; không yên tịnh khởi tưởng yên tịnh, miệng mình nói[14], phạm Thâu-lan-giá. Đến quỷ, súc sanh v.v... nói, nếu nó biết, phạm Thâu-lan-giá, không biết, phạm Đột-kiếtla. Người, khởi tưởng là người... Sáu câu, chuẩn theo đó mà biết[15] (theo bộ Căn bản thì có hai nặng bốn nhẹ). Tỳ-kheo-ni phạm Ba-la-di. Ba chúng dưới, phạm Đột-kiết-la, diệt tẫn.
Không phạm là đến người nói: Căn, lực, giác, ý, giải thoát, tam-muội chánh thọ các pháp, không nói mình chứng được, cho đến nói một mình, nói trong mộng, nói nhầm, trước khi chưa chế giới v.v...
Luật Ngũ phần nói:
Thà nuốt hòn đá đốt nóng, uống nước đồng sôi, chứ không dùng lời nói hư vọng mà ăn đồ ăn của tín thí.
Trong thế gian có 5 hạng đại tặc:
1) Hạng người làm chủ trăm người, ngàn người, phá thành, phá làng xóm, hại người lấy của.
2) Hạng ác Tỳ-kheo, dẫn các Tỳ-kheo du hành trong nhơn gian, nói pháp tà mạng.
3) Hạng ác Tỳ-kheo, đối với pháp do đức Phật nói; mà xưng là do mình nói.
4) Hạng ác Tỳ-kheo, không tu phạm hạnh, tự nói là tôi tu phạm hạnh.
5) Hạng ác Tỳ-kheo vì lợi dưỡng, không hề có pháp hơn người mà tự xưng là chứng đắc pháp ấy.
Hạng giặc thứ 5 đây là hạng đại tặc lớn nhất của tất cả thế gian, nhơn, thiên, ma, phạm, Sa-môn, Bà-la-môn.
Luật ấy lại nói: Vì lợi dưỡng, nhiều cách khen ngợi giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của kẻ khác thành tựu, với ý đồ làm đẹp cho chính mình, phạm Thâu-lan-giá. Vì lợi dưỡng, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng an tường, tỏ ra rằng mình có tướng mạo đã chứng được đạo, muốn cho người khác biết, phạm Thâu-lan-giá.
Luật Thập tụng nói:
Nếu nói tôi là A-la-hán, cho đến chứng được niệm A-na-ban-na mà không thật, phạm Ba-la-di. Nếu nói tôi khéo trì giới, dâm dục không khởi, mà không thật, phạm Thâu-lan-giá. Nếu nói trời đến, cho đến quỷ La-sát đến, cùng nhau vấn đáp, mà không thật, phạm Ba-la-di. Nếu nói gió lốc, thổ quỷ[16] đi đến chỗ tôi, mà không thật, phạm Thâulan-giá.
Có người hỏi Tỳ-kheo rằng: Ngài là bậc A-la-hán phải không? Nếu nín thinh, phạm Thâu-lan-giá. Trường hợp đó nên nói: Tôi không phải là A-la-hán.
Tát-bà-đa tỳ-bà-sa nói:
Không có thọ trì đọc tụng mà nói là tôi có thọ trì đọc tụng, đều phạm Thâu-lan-giá.
Ma-đắc-lặc-già nói:
Nếu nói tôi không đọa tam đồ, phạm Thâu-langiá. Nói tôi đã lìa kiết sử phiền não phạm Ba-la-di.
Đến người điếc, người câm, người điếc và câm hay là người nhập định mà nói, phạm Thâu-lan-giá.
Nếu hỏi: “Đắc quả không?” Trả lời: “Đắc quả” mà chỉ trái (quả) hiện ở trong tay, phạm Thâu-lan-giá.
Luật Thiện kiến nói:
Nếu có Tỳ-kheo ở A-luyện-nhã, lập quy chế: “Ai ngồi nơi gốc cây này, ai kinh hành nơi chỗ này, thì đắc quả A-la-hán, chúng ta nên dùng hương hoa cúng dường”. Có kẻ ác Tỳ-kheo muốn được sự cúng dường này, đến ngồi và đi nơi đó, phạm Ba-la-di.
Nếu có kẻ bạch y cất chùa và nói: “Ai vào trong chùa này là A-la-hán”. Có kẻ ác Tỳ-kheo vào trong chùa này, phạm Ba-la-di.
Nếu chúng Tăng lập quy chế: trong ba tháng hạ chớ nói với nhau, chớ ngủ nghỉ, chớ nhận đồ cúng dường của Đàn-việt. Như vậy là phi pháp chế, không tuân theo, không phạm.
Hỏi: Trong kinh có pháp tu: Nhất hạnh tammuội, chỉ ngồi không nằm. Thường hành tam-muội, không ngồi, không nằm. Lại nữa, trong pháp chế của pháp sám hối, chuyên chú không nói tạp, kể cả việc giao tiếp hỏi han. Tiên Đức cũng có vị trọn đời không ra khỏi núi, cùng với luật Thiện kiến trái nhau, làm thế nào hội thông được?
Đáp: Y theo Đại thừa giáo, như pháp tấn tu, chắc chắn không gọi là phạm luật. Ngoài luật nghi của đức Phật cộng thêm sự tinh tấn, nay tách rời ra thì gọi là phi pháp. Dựa vào nghĩa để hội thông thì thật không trái phạm. Nay tế nhị để giải thích, nhất hạnh tam-muội v.v... đều tự mình thệ tinh tấn tu hành, không bị lệ thuộc vào điều ước trong Tăng. Pháp sám hối tuy ngăn cấm nói tạp, nhưng cũng chẳng phải thọ hành pháp câm (á pháp). Độc cư nhàn tịnh, suốt đời dứt sạch mọi tiếp xúc với người đời; đó là điều cao đẹp, là điều rất cần, đại chúng không thể cùng nhau phụng hành sao?
Kinh Đại bát-niết-bàn nói:
Tất cả chúng sanh tuy có tánh Phật, nhưng cần phải giữ giới, vậy sau mới thấy. Nhân thấy tánh Phật thì thành quả vị Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác. Nếu có người nói: Phật nói tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, vì phiền não che lấp, không biết không thấy; Bởi vậy cho nên cần phải siêng tu phương tiện, đoạn sạch phiền não. Người nào nói vậy nên biết họ không phạm tứ trọng.
Nếu có người nói: Tôi đã thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tại sao vậy? Do có Phật tánh vậy. Có tánh Phật, quyết định sẽ thành quả vị Vô thuợng Chánh đẳng Chánh giác. Do nhân duyên ấy nên biết tôi nay đã thành tựu quả vị Bồđề. Nên biết người nói như vậy tức là phạm tội Bala-di. Tại sao vậy? Tuy có tánh Phật, do chưa tu tập các thiện phương tiện cho nên chưa thấy. Do chưa thấy, nên không thể nói thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Các Đại đức, tôi đã tụng xong bốn pháp Ba-ladi, Tỳ-kheo nào phạm bất cứ một pháp nào không còn được sống chung với các Tỳ-kheo. cũng như trước kia, sau khi phạm cũng vậy. Tỳ-kheo ấy là kẻ Ba-la-di, không được sống chung.
Nay hỏi, các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (3 lần). Các Đại đức trong đây thanh tịnh vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.
Luật nhiếp nói:
Trước kia là người thế tục, không được dự phần vào nếp sống của Tỳ-kheo; sau khi phạm giới rồi, cùng với người thế tục trước kia, bản thể không khác, cho nên nói rằng: Như trước kia, sau khi phạm cũng vậy.
Phần thứ tư[17] nói:
Người chết có 5 điều bất hảo:
1) Không sạch.
2) Hôi thối.
3) Có sự sợ sệt nhờm gớm.
4) Khiến cho người sanh sợ sệt nhờm gớm, ác quỷ lại ưa thích.
5) Bị để chỗ ở của ác thú, phi nhơn.
Người phạm giới cũng như vậy:
1) Thân khẩu ý nghiệp bất tịnh.
2) Tiếng xấu đồn khắp nơi.
3) Các Tỳ-kheo tốt sợ, tránh xa.
4) Các thiện Tỳ-kheo thấy sanh ác tâm và nghĩ: Tại sao ta lại thấy kẻ ác như thế này? 5) Cùng với người bất thiện chung ở.
Phá giới có 5 điều lỗi lầm và nguy hại:
1) Tự mình hại mình.
2) Bị người trí chê trách.
3) Tiếng xấu đồn khắp.
4) Khi lâm chung sanh hối hận.
5) Lúc chết đọa vào địa ngục.
Lại có 5 việc nữa:
1) Vật chưa được thì không được.
2) Vật đã được thì không bảo vệ được.
3) Ở trong chúng bị hổ thẹn.
4) Tiếng ác rao khắp trong xứ.
5) Chết đọa vào đường ác.
Có 5 pháp gọi là đại tặc, tạo đại tội suốt đời nhưng không hề bị hệ phược. 5 pháp ấy là:
1) Chỗ ở không nhất định, có bạn ưa thích. 2) Nhiều đao trượng.
3) Giàu có nhiều tài bảo, nếu bị bắt lo lót liền.
4) Bạn bè là những người có quyền thế lớn như vua hay đại thần, nếu bị bắt thì được bảo hộ.
5) Làm giặc ở phương xa rồi trở về.
Tỳ-kheo phá giới cũng có 5 pháp tạo nhiều tội lỗi, nhưng không bị người cử tội sớm vì:
1) Chỗ ở không nhất định, có nhiều bè đảng.
2) Học nhiều, có khả năng ghi nhớ, nói lúc nào cũng hay, có văn, có nghĩa. Luôn luôn tịnh hạnh, nhưng không thể tư duy với tâm lành để thâm nhập Chánh kiến.
3) Thường được tứ sự cúng dường, khi bị cử tội thì lo lót.
4) Có thân hậu (bạn) là cấp bậc lớn, hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, bị cử tội được họ bảo hộ.
5) Ở chỗ đồng trống, tới lui nhà giàu, tìm cầu lợi dưỡng.
Đấy là 5 pháp đồng với kẻ đại tặc kia.
Luật Thiện kiến nói:
Đã làm tất cả các việc ác thì không ai không biết. Khi mới làm thì thần hộ thân thấy biết, kế đó Thiên, nhơn có trí tha tâm biết; hạng người như vậy trời thần đều thấy biết. Cho nên quả quyết rằng: Lần lượt tiếp nối nhau, truyền đến cõi Phạm thiên, an trí nơi cõi Vô sắc, mọi người đều biết hết.
Tát-bà-đa tỳ-bà-sa nói:
Ban đầu phạm một giới, đã hủy phá cái đồ đựng đạo (Đạo khí), gọi là Ba-la-di. Sau đó giết người, mắc tội Đột-kiết-la. Thật sự là tội nặng, nhưng không gọi là Ba-la-di, vì không còn cái đồ đựng đạo để phá vậy.
Kinh Ưu-bà-tắc ngũ giới tướng nói:
Phật bảo Tỳ-kheo: Như Lai có hai thân: Sanh thân, Giới thân.
Nếu Thiện nam tử vì Sanh thân của Ta, xây Tháp bằng bảy báu, cao đến cõi trời Phạm thiên. Nếu có người làm sứt mẻ thì tội đó còn có thể ăn năn được, nhưng nếu làm sứt mẻ Giới thân của Ta thì tội đó vô lượng.
Phần thứ nhất nói về bốn pháp khí đã xong.
Cũng chia làm ba: Nêu chung, kê riêng giới tướng, hỏi để kết thúc.
Thưa các Đại đức, đây là mười ba pháp Tănggià-bà-thi-sa, xuất từ Giới kinh, nửa tháng tụng một lần.
GIẢI THÍCH:
Luật Thập tụng nói:
Tăng-già-bà-thi-sa là tội thuộc về Tăng, chỉ có Tăng mới cứu được. Trước chúng Tăng ăn năn tội lỗi thì tội mới tiêu trừ, nên gọi là Tăng-già-bà-thi-sa.
Luật Căn bản nói:
Chữ Tăng-già ở đây có nghĩa là người phạm tội này phải nương theo Tăng-già để hành pháp sám, và y nơi Tăng-già mà xuất tội. Chữ Bà-thi-sa có nghĩa là còn hy vọng cứu được. Nếu phạm một trong bốn trọng giới thì không thể cứu được, không được sống chung. Còn 13 pháp này, nếu phạm, còn có thể cứu sống được, cho nên gọi là Tăng tàn.
Luật nhiếp nói:
Do vâng theo lời dạy của chúng nên tội có thể trừ diệt.
Kinh Tỳ-ni mẫu nói:
Như người bị kẻ khác chặt yết hầu chưa đứt, gọi là tàn (còn sống sót). Như hai người cùng vào trận chiến, một người bị giết chết liền, người thứ hai bị người giết nhưng mạng sống còn thoi thóp chưa chết hẳn. Nếu gặp được thầy hay thuốc tốt có thể chữa lành. Nếu không có thầy hay thuốc tốt thì không thể chữa được. Người phạm Tăng tàn cũng như vậy.
Đứng về lý thì có thể sám hối được, nếu có chúng Tăng thanh tịnh hướng dẫn đúng như pháp để sám hối trừ tội thì tội này có thể trừ. Nếu không có đại chúng thanh tịnh thì không thể trừ tội được, nên gọi là Tăng tàn.
Từ giới thứ nhất “Lộng âm xuất tinh” cho đến giới thứ 13 “không bỏ ác kiến”.
Đại thừa đồng cấm.
Kinh Phạm võng nói:
Thà lấy búa bén chặt phá thân này chứ suốt đời không dùng tâm phá giới tham đắm ưa đụng chạm để tạo tội.
Kinh Bồ-tát giới bổn nói:
Khởi tâm ngũ cái, không mở bày sự hiểu biết, gọi là phạm nhiều điều tội lỗi, tức là khởi tâm nhiễm ô, phạm tội vậy.
Tỳ-kheo nào, cố ý làm xuất tinh, trừ chiêm bao, Tăng-già-bà-thi-sa.
Ông Ca-lưu-đà-di ý muốn về dâm dục hừng hẫy, nhan sắc tiều tụy, thân thể ốm gầy. Thời gian khác, theo ý niệm nhớ tưởng, lộng âm cho xuất tinh, các căn tươi vui, nhan sắc sáng sủa. Tỳ-kheo quen thân hỏi biết việc này, bạch Phật, kiết giới.
Khi ấy, có một Tỳ-kheo, ngủ nghỉ ý loạn, trong mộng xuất tinh, nghi là phạm giới này. Phật dạy: Không phạm.
Song khi ngủ loạn ý có 5 điều lỗi:
- Ác mộng.
- Chư thiên không hộ.
- Tâm không vào trong pháp.
- Không tư duy tướng của ánh sáng.
- Trong mộng bị xuất tinh.
Ngủ nghỉ với ý nghĩ tốt, có năm công đức ngược lại với 5 điều trên.
Lộng âm mà tinh xuất thì phạm Tăng tàn, tinh không xuất phạm Thâu-lan-giá.
Dạy Tỳ-kheo khác lộng âm mà tinh xuất, phạm Thâu-lan-giá, không xuất tinh phạm Đột-kiết-la. Dạy người khác lộng âm mà tinh xuất hay không xuất đều phạm Đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni phạm Ba-dật-đề. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Phần thứ tư[19] nói:
Nếu người nữ nắm phía trước Tỳ-kheo, Tỳ-kheo động thân, xuất đồ bất tịnh, phạm Tăng tàn; không động thân, mà xuất bất tịnh, phạm Đột-kiết-la. Nắm phía sau cũng vậy. Khi nắm chân đảnh lễ cũng vậy. Nếu dùng nam căn để chỗ ngược nước hay thuận nước, hoặc nước nhỏ giọt, hay ngược gió, thuận gió; hoặc dùng miệng mút, hay trong không trung nhớ tưởng, thân động, xuất bất tịnh, tất cả đều phạm Tăng tàn.
Luật Căn bản nói:
Thà dùng tay cầm con rắn độc đáng ghê gớm, chứ không dùng tâm nhiễm ô tự tay cầm lấy sanh chi, dùng tâm nhiễm ô nhìn ngó sanh chi để mắc tội ác tác.
Luật Ngũ phần nói:
Ngủ với tâm tán loạn, mắc tội Đột-kiết-la. Nhớ đến việc hành dâm, phạm Đột-kiết-la.
Kinh Đại niết-bàn nói:
Đối với sự dâm dục nên sanh ý tưởng hôi thúi, cho đến không thể sanh một ý tưởng về tịnh. Nếu hành dâm trong mộng, lúc tỉnh dậy phải sanh tâm hối hận.
Đại thừa đồng cấm.
Tỳ-kheo nào, do dục tâm dồn nén xúc chạm thân người nữ, hoặc nắm tay, hoặc nắm tóc, hoặc xúc chạm bất cứ một thân phần nào, Tăng-già-bàthi-sa.
Ca-lưu-đà-di nhân Phật chế giới không được lộng âm xuất tinh, lại rình chờ phụ nữ đến phòng rờ, hôn môi má. Người nào ưa, thì vui thích với việc làm ấy, kẻ không ưa, thì giận dữ mắng chửi, và nói lại với các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo bạch Phật kiết giới.
Rờ mó người nữ, một lần rờ mó, một tội Tăng tàn. Rờ mó quỷ nữ và súc sanh nữ, loài có thể biến hình, phạm Thâu-lan-giá, không thể biến hình, phạm Đột-kiết-la.
Nếu người nữ làm lễ, nắm chân, khởi cảm giác vui động thân, phạm Tăng tàn; không động thân, phạm Đột-kiết-la.
Nếu với dục tâm chạm y bát v.v... cho đến tự chạm thân mình, tất cả đều phạm Đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni phạm Ba-la-di. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Không phạm là xúc chạm nhau khi nhận đồ vật, hoặc xúc chạm khi cởi (trói) nhau, khuyên giải v.v...
Phần thứ tư[21] nói:
Khởi ý tưởng nữ cùng với thân người nam chạm nhau, khởi ý tưởng nam cùng với thân người nữ chạm nhau, đều phạm Thâu-lan-giá. Người nữ này, tưởng là bao nhiêu người nữ khác; bao nhiêu người nữ khác, tưởng là người nữ này, thân chạm nhau đều phạm Tăng tàn. Cùng với thân người nữ chết mà chưa hư hoại chạm nhau, phạm Tăng tàn. Nếu xúc chạm thân hư hoại phân nửa, hay phần nhiều hư hoại, phạm Thâu-lan-giá. Tùy theo nữ nhơn chạm vào thân phần nào mà Tỳ-kheo khởi động dục tâm, phạm Thâu-lan-giá. Nữ nhơn bị nước cuốn trôi, với ý niệm từ tâm cứu vớt va chạm mà không thọ lạc, không phạm.
Luật Tăng kỳ nói:
Khi Tỳ-kheo ngồi, có người nữ lễ dưới chân, nếu khởi dục tâm, nên trụ nơi chánh thân, phải bảo người nữ rằng: Cách ra một chút để lễ. Nếu người nữ quá giàu lòng tin, đột ngột đến lễ trực tiếp nơi chân, nên tự cắn cái luỡi khiến cho đau khỏi biết sự va chạm mịn màng của người nữ.
Nếu người nữ đến Tỳ-kheo xin nuớc, không nên tự tay mình cầm gáo múc nước xối tay người nữ, mà nên dùng đồ đựng để mà cho. Nếu không có đồ đựng thì bảo tịnh nhơn cho. Nếu không có tịnh nhơn thì cầm gáo để trên giường hay trên ghế bảo họ tự lấy.
Nếu người nữ bị nước cuốn trôi cầu cứu, Tỳ-kheo khởi ý tưởng như đất, nắm tay vớt lên, không phạm. Hay là trao cây tre, cây gỗ, sợi dây cho họ nắm kéo lên, không phạm. Hoặc nói: “Tôi biết cô tuy khổ nhưng do số mạng đã định trước.” thì không phạm.
Luật Căn bản nói:
Phàm chạm thân người nữ, đối tượng có thể hành dâm, trường hợp không có y ngăn cách, phạm Tăng tàn. Có y, phạm thô tội. Trường hợp không thể hành dâm, không có y, phạm thô tội; có y, phạm ác tác.
Nếu xúc chạm người nam và huỳnh môn có thể hành dâm, không có y, phạm thô tội; có y, phạm ác tác. Không thể hành dâm có y, không y, đều mắc tội ác tác.
Nếu xúc chạm bàng sanh, có thể, không thể hành dâm đều mắc tội ác tác.
Nếu thấy người nữ bị nước cuốn trôi, hoặc tự thắt cổ, hay uống thuốc độc v.v... khi cần cứu tế, xúc chạm đều không phạm.
Luật Thập tụng nói:
Người nữ vì dục tâm rờ chạm Tỳ-kheo không có y, Tỳ-kheo có dục tâm động thân, cảm thọ sự trơn mịn, phạm Tăng tàn. Tỳ-kheo có y phạm Thâu-langiá. Nếu vì cứu nạn lửa, nạn nước, nạn đao, nạn ác trùng, nạn ác quỷ, nạn từ trên cao rớt xuống, tất cả đều không phạm. Hoặc không có nhiễm tâm, chạm nhầm, đều không phạm.
Người nữ bị nước cuốn trôi, nên cứu, lúc đó tuy khởi dục tâm, chỉ nắm một chỗ đừng thả, khi lôi đến bờ mới thả ra, nắm lại thì mắc tội.
Hoặc người nữ được thêu hay vẽ trên giấy, hay người nữ bằng gỗ, cố ý xúc chạm phạm Đột-kiết-la.
Luật Thiện kiến nói:
Người nữ đánh Tỳ-kheo, Tỳ-kheo vì dục tâm vui nhận, phạm Đột-kiết-la. Nếu người nữ có sức lực nắm Tỳ-kheo, hay nhiều người nữ cùng nắm, không thọ lạc không phạm.
Kinh Giới nhân duyên nói:
A-nan bị Ma-đăng-già dùng chú thuật mê hoặc, không phạm tội.
Hỏi: Căn cứ theo luật Tăng kỳ, nếu không thể khởi ý tưởng là đất và cũng không có tre, cây, dây
v.v... để có thể trao cho họ nắm thì nên để tùy theo số kiếp của họ. Còn trong luật Thập tụng thì nói tuy có khởi dâm tâm cũng cho phép cứu họ. Vậy nên theo bên nào?
Đáp: Tăng kỳ thì chú trọng vấn đề đề phòng tội lỗi. Còn Thập tụng thì cần gấp chỗ cứu người. Nay nên tự xét: Như tập nhiễm quá mạnh, nên theo sự chế cấm của luật Tăng kỳ. Nếu lòng từ quả thật là nổi bật, mới áp dụng theo sự quyền chế của luật Thập tụng.
Đây là tánh tội. Đại thừa đồng cấm.
Tỳ-kheo nào, do dục tâm dồn nén, nói lời thô tục về dâm dục với người nữ, tùy theo lời nói thô tục về dâm dục, Tăng-già-bà-thi-sa.
Duyên khởi cũng do Ca-lưu-đà-di nên Phật chế giới này.
Thô ác tức là phi phạm hạnh. Lời nói dâm dục tức là khen ngợi “hai đường” tốt xấu... hoặc tự mình tìm cầu, hoặc dạy người khác tìm cầu, hoặc hỏi, hoặc đáp, hoặc nói, hoặc dạy người, hoặc mắng.
Nói một cách rõ ràng từ mỗi câu phạm một Tăng tàn, không rõ ràng phạm Thâu-lan-giá. Hoặc gởi thư, hoặc sai sứ hay ra dấu, khiến cho người nữ kia biết, phạm Tăng tàn; không biết, phạm Thâu-langiá. Nói các bộ phận khác tốt xấu, phạm Thâu-langiá. Đối với người nữ hai căn, phi nhơn và loại nữ súc sanh có thể biến hình mà nói, phạm Thâu-langiá. Loại ấy không hiểu biết, phạm Đột-kiết-la. Đối với loài nữ súc sanh không thể biến hình và người nam mà nói, tất cả phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni phạm Thâu-lan-giá. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Trường hợp vì người nữ nói pháp quán bất tịnh, hoặc nói Tỳ-ni, khi nói pháp có đề cập đến, cùng những việc nói trong mộng, nói nhầm v.v... thì không phạm.
Phần thứ tư[23] nói:
Nữ tưởng là nam, nam tưởng là nữ mà nói lời thô ác, phạm Thâu-lan-giá. Người nữ này mà tác tưởng là người nữ khác, người nữ khác tác tưởng là người nữ này, phạm Tăng tàn.
Tánh ưa nói lời thô ác mà không có tâm dục, phạm Đột-kiết-la.
Luật Thập tụng nói:
Nếu người nữ đối trước Tỳ-kheo nói lời thô ác mà Tỳ-kheo tùy thuận theo tâm họ, nói ra bằng lời ít hay nhiều tùy theo đó, mỗi lời nói phạm mỗi tội Tăng tàn.
Đại thừa đồng cấm.
Tỳ-kheo nào, do dục tâm dồn nén, đối trước người nữ, tự khen thân mình: “Này cô! Tôi tu phạm hạnh, trì giới tinh tấn, tu tập pháp thiện. Nên đem pháp dâm dục ấy cung phụng tôi, sự cung phụng ấy là bậc nhất”, Tăng-già-bà-thi-sa.
Như giới trước, cũng do Ca-lưu-đà-di nên Phật chế giới này.
Khen thân tức là khen thân mình đoan chánh, nhan sắc tốt đẹp, giòng dõi v.v... Phạm hạnh tức là siêng tu, lìa xa uế trược. Giữ giới tức là thọ trì học xứ không khiếm khuyết, không lủng chảy, không nhiễm ô. Thiện pháp tức là ưa thích ở chỗ nhàn tịnh, sống theo 12 hạnh Đầu-đà, học nhiều hay nói pháp, giữ luật, ngồi thiền v.v...
Tùy theo sự khen ngợi nhiều hay ít, nói một cách rõ ràng, mỗi lần là một Tăng tàn. Nói không rõ ràng, phạm Thâu-lan-giá. Loài nữ súc sanh và quỷ, biết, không biết, tưởng, nghi v.v... cũng đồng như trước. Tỳ-kheo-ni v.v... đồng như trước.
Đây thuộc về giá tội. Đại thừa đồng cấm.
Tỳ-kheo nào qua lại người này người kia làm mai mối, đem ý người nam nói với người nữ, đem ý người nữ nói với người nam, hoặc để thành việc vợ chồng, hoặc để cho tư thông dù chỉ trong chốc lát, Tăng-già-bà-thi-sa.
Tỳ-kheo Ca-la, biết rành về pháp thế tục, khi ông làm mai mối cho các nam nữ thành chồng vợ, được việc thì họ cúng dường khen ngợi, không hài lòng thì họ oán trách cơ hiềm, cho nên đức Phật chế giới này.
Tùy theo làm mai mối nhiều hay ít, mỗi trường hợp là phạm một Tăng tàn. Nhận lời đến bên kia nói, không trở lại báo cáo, phạm Thâu-lan-giá. Không nhận lời, đến bên kia nói, trở lại báo cáo, phạm Thâu-lan-giá. Nhận lời, không đến bên kia nói, không trở lại báo cáo, phạm Đột-kiết-la. Không nhận lời, đến bên kia nói, không trở lại báo cáo, phạm Đột-kiết-la. Các loại nữ súc sanh, quỷ, biết, không biết, tưởng, nghi v.v... đồng như trước. Cầm thơ của người đi, không xem coi, hoặc vì người bạch y làm các loại sứ giả, đều phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni phạm Tăng tàn. Ba chúng dưới phạm
Đột-kiết-la.
Những trường hợp sau đây không phạm:
Vì hòa hiệp sự biệt ly, vì cha mẹ bệnh, vì bị giam cầm trong ngục tù, vì người Ưu-bà-tắc tín tâm bệnh và bị giam cầm trong ngục tù, vì Tam bảo, vì Tỳ-kheo bệnh v.v...
Xem thơ và cầm đi thì không phạm.
Luật Tăng kỳ nói:
Trường hợp người nam có nhiều vợ đối xử không bình đẳng, Tỳ-kheo khuyên bảo người nam ấy đối xử cho bình đẳng. Người nam ấy trả lời: sẽ như lời thầy khuyên bảo; Khi ấy, Tỳ-kheo nọ mắc tội Thâu-lan-giá. Nếu vợ chồng cãi lộn, Tỳ-kheo khuyên dụ cho họ hòa hợp thì mắc tội Thâu-langiá. Trường hợp vợ chồng kia không hòa hợp, đối với việc Phật, việc Tăng có sự sơ suất, vì việc phước thiện khuyên bảo họ hòa hợp thì không tội. Trường hợp người phụ nữ bỏ về lại nhà cha mẹ họ, khuyên bảo họ sớm về lại nhà chồng, mắc tội Thâu-lan-giá.
Có người nuôi nhiều ngựa mà không có giống đực tốt, nhờ Tỳ-kheo điềm chỉ cho nhà nào có giống ngựa tốt để lấy giống, Tỳ-kheo chỉ điểm mắc tội Thâu-lan-giá.
Hai Tỳ-kheo, một người có con trai, một người có con gái, cùng nhau làm sui gia, cả hai đều mắc tội Tăng tàn.
Luật Thập tụng nói:
Việc mai mối đã xong, Tỳ-kheo sau đó đến trợ giúp, mắc Thâu-lan-giá.
Căn bản nói:
Nếu Tỳ-kheo đến nhà thí chủ, nói: Người con gái này đã trưởng thành sao không gả lấy chồng, người con trai này đã lớn sao không lấy vợ. Hoặc nói: Người con gái này sao không đến nhà chồng, người con trai này sao không đến nhà vợ, đều mắc tội ác tác.
Kinh Giới nhân duyên nói:
Thả đực, thả nái cho súc sanh, phạm Tăng-giàbà-thi-sa.
Hỏi: Các bộ khác, mai mối súc sanh không kết vào tội này, trong kinh Giới nhân duyên thì thả đực thả nái cho súc sanh đều kết tội Tăng tàn. Tại sao vậy?
Đáp: Chỉ làm mai mối thì động cơ đưa đến dâm dục còn xa, cho nên phi nhơn và súc sanh, theo thứ tự dần dần hàng phục, còn thả đực thả nái thì mắt mình nhìn vào việc phi pháp, cho nên tuy là súc sanh, cũng kết bổn tội vậy.
(Thời nay, trong Tùng lâm nuôi cả gà heo không biết đực cái một cách chung lộn, tội đâu có thể nói hết!)
TRÙNG TRỊ TỲ-NI SỰ NGHĨA TẬP YẾU HẾT QUYỂN THỨ BA
[1] Tứ phần luật 1, tr. 572b, Đại 22n1428.
[2] Vấn đề này nên nghiên cứu nơi bộ Tứ Phần Hiệp Chú của kỳ đức Luật sư Thích Trí Thủ để được rõ nghĩa hơn.
[3] Tứ phần luật 41, phần thứ ba Kiền-độ y, tr. 861a19, Đại 22n1428.
[4] Tứ phần luật 55, phần thứ tư Điều bộ, tr. 976a22, Đại 22n1428.
[5] Căn bản (thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da) 5, tr. 650b19, Đại 23n1442: Chỉ nói là một đứa bé, cháu của Tất-lăng-giàbà-ta.
[6] Tăng kỳ luật 3, tr. 252a18, Đại 22n1425: Có Tỳ-kheo được y phấn tảo đẹp, suy nghĩ: “Y này rất đẹp, sau này nếu có nữa thì chưa chắc được như vậy!” bèn nói với bạn: “Trưởng lão! Từ nay trở đi lộc của ai nấy giữ. Nếu thầy được thì thầy giữ, nếu tôi được thì tôi giữ.” Vì Tỳ-kheo này trái lời cam kết trước, nên trong nửa phần y ấy mà đủ số qui định thì phạm Ba-ladi. Nếu Tỳ-kheo này được y phấn tảo mà không mang về, lại đem cất giấu, lấy cỏ gạch phủ lên, rồi quay về giải lời cam kết như trên đã nói, thì phạm Thâu-lan-giá.
[7] Tây câu-da-ny 西拘耶尼: Skt. Apara-godnỵya, Tây Ngưu hoá châu. Phong tục ở đây dùng trâu làm tiền tệ để trao đổi.
[8] Phất-vu-đãi 弗于逮: Skt. Prva-videha, Đông Thắng thân châu.
[9] Uất-đơn-việt 鬱單越: Skt. Uttara-kuru, Bắc Câu-lô châu.
[10] Tứ phần luật 2, tr. 575c, Đại 22n1428.
[11] Pháp giới thứ đệ sơ môn (Tuỳ – Trí Khải soạn) quyển thượng phần hạ, tr. 673c01, Đại 46n1925.
[12] Tứ phần luật 56, phần thứ tư Điều bộ, tr. 981a17, Đại 22n1428.
[13] Tứ phần luật 2, tr. 577b, Đại 22n1428.
[14] Tứ phần luật 2, tr. 578c21: miệng nói: “Tôi đạt được pháp thượng nhơn”…
[15] “Sáu câu chuẩn theo đó mà biết”, câu này do ngài Trí Húc dẫn để độc giả hiểu theo trong nguyên văn Tứ phần. Tứ phần luật 2, tr. 578c29: Người, khởi ý tưởng là người phạm Ba-ladi. Nghi là người, phạm Thâu-lan-giá. Người mà tưởng chẳng phải người, phạm Thâu-lan-giá. Chẳng phải người mà tưởng là người, phạm Thâu-lan-giá. Chẳng phải người mà nghi cũng phạm Thâu-lan-giá.
[16] Thổ quỉ 土鬼: Thập tụng luật 2, tr. 12c17, Đại 231435: Phần cước chú “quỉ 鬼”= “khối 塊”. Vậy có thể dịch: nói, “Ngay cả gió lốc (toàn phong), đất khối lăn đến chỗ tôi”. Nếu không thật thì Tỳ-kheo phạm Thâu-lan-giá.
[17] Tứ phần luật 59, phần thứ tư Tỳ-ni tăng nhất, tr. 1005b15, Đại 22n1428.
[18] Tứ phần luật 2, tr. 579a, Đại 22n1428.
[19] Tứ phần luật 56, phần thứ tư Điều bộ, tr. 986a10, Đại 22n1428.
[20] Tứ phần luật 2, tr. 580b, Đại 22n1428.
[21] Tứ phần luật 57, phần thứ tư Điều bộ, tr. 986b, Đại 22n1428.
[22] Tứ phần luật 3, tr. 581b, Đại 22n1428.
[23] Tứ phần luật 57, phần thứ tư Điều bộ, tr. 987b24, Đại 22n1428.
[24] Tứ phần luật 3, tr. 582a, Đại 22n1428.
[25] Tứ phần luật 3, tr. 582c, Đại 22n1428.
[Đầu trang][MỤC LỤC CHÍNH][1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19]