NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN VIII
PHÁP-HẠNH BA-LA-MẬT 3
(PĀRAMĪ)
CHƯƠNG VIII
Quyển VII: Pháp-Hạnh ba-la-mật 2 đã trình bày 1 pháp-hạnh ba-la-mật là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật, có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng, mỗi bậc được trích dẫn một tích Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, nên gồm có 3 tích Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama xong, tiếp theo,
Quyển VIII, Pháp-Hạnh ba-la-mật 3 này sẽ trình bày 6 pháp-hạnh ba-la-mật là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật, pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật, pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật, pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật, pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật. Mỗi pháp-hạnh ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng, mỗi bậc có trích dẫn một tích Đức-Bồ-tát, gồm có 18 tích Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc ấy làm tiêu biểu như sau:
5.1 -Pháp-Hạnh Tinh-Tấn Ba-La-Mật Bậc Hạ (Vīriyapāramī)
Tích Pañcāvudhajātaka (Păn-cha-wu-thá-cha-tá-ká)
Trong tích Pañcāvudhajātaka[1] Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Thái-tử Pañcāvudha của Đức-vua Brahmadatta tạo pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc hạ (vīriyapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:
Một thuở nọ Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, vị tỳ-khưu có sự tinh-tấn kém, lười biếng, nên Đức-Thế-Tôn cho truyền gọi đến, hỏi rằng:
- Này tỳ khưu! Con có sự tinh-tấn kém, lười biếng thật vậy không?
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, thật vậy. Bạch Ngài.
- Này tỳ khưu! Trong quá-khứ, chư bậc thiện-trí cố gắng tinh-tấn trong những trường hợp nên tinh-tấn, kết quả thành tựu được lên ngôi vua.
Trong thời quá-khứ, Đức-vua Brahmadatta ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, đầu thai vào lòng Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Brahmadatta.
Khi Đức-Bồ-tát đản sinh ra đời, đến ngày làm lễ đặt tên cho Đức-Bồ-tát, Đức-vua Brahmadatta truyền mời 108 vị Bà-la-môn giỏi về khoa xem tướng đến cung điện. Sau khi tiếp đãi bữa tiệc linh đình xong, Đức-vua Brahmadatta mời các vị Bà-la-môn xem tướng Thái-tử.
- Muôn tâu Đại-vương, Thái-tử có các tướng tốt của bậc đại nhân, là bậc đại phước, đại tài, đặc biệt có tài sử dụng 5 loại khí giới không ai sánh bằng. Sau này, khi Thái-tử lên ngôi vua sẽ là Đức-vua cao cả trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này.
Nghe các vị Bà-la-môn tiên đoán như vậy, nên Đức-vua đặt tên Pañcāvudhakumāra: Thái-tử Pañcāvudha (Thái-tử có tài sử dụng 5 loại khí giới).
- Này hoàng nhi Pañcāvudha yêu quý! Con nên đi học các bộ môn theo truyền thống của hoàng gia.
- Muôn tâu Đức-Phụ-vương, con đi học với vị Thầy nào? Ở kinh-thành nào?
- Này hoàng nhi Pañcāvudha yêu quý! Con nên đi học với vị Thầy Disāpāmokkha tại kinh-thành Takkasilā, đất nước Gandhāra. Con nên đem theo 1.000 đồng kahāpaṇa (tiền Ấn xưa), để cúng dường ân đức Thầy dạy.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha vào đảnh lễ Thầy, và kính cúng dường 1.000 đồng kahāpaṇa. Vị Thầy bắt đầu dạy các bộ môn cho Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha.
Trải qua thời gian theo học các bộ môn, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha học bộ môn nào cũng xuất sắc, đặc biệt nhất bộ môn sử dụng 5 loại khí giới rất tài giỏi không một ai sánh bằng.
Sau khi Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha học các bộ môn theo truyền thống xong, vị Thầy Disāpāmokkha trao cho Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha 5 loại khí giới.
Nhận 5 loại khí giới từ vị Thầy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha đảnh lễ tạ từ Thầy, xin phép trở về cố quốc.
Đức-Bồ-Tát Thái-Tử Pañcāvudha Thực-Hành Tinh-Tấn
Dân chúng sống bên ngoài khu rừng ấy nhìn thấy Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha ngự đi theo con đường vào trong khu rừng ấy nên ngăn cản rằng:
- Này chàng trai trẻ! Xin ngươi chớ nên đi theo con đường này vào trong khu rừng ấy, bởi vì, trong đó có dạ-xoa Silesaloma rất hung ác, nếu thấy người nào đi vào khu rừng ấy thì nó đều bắt giết, rồi ăn thịt cả. Nhiều người đã bị mất tích.
Khi đến giữa rừng, dạ-xoa Silesaloma hóa ra thân hình cao bằng cây thốt nốt đầy lông dính như keo, cái đầu bằng cái đỉnh nhà, hai con mắt bằng hai bánh xe, hai răng nanh nhọn hai bên bằng đầu bắp chuối, mặt màu trắng, bụng lông đốm, hai tay hai chân màu xanh hiện ra đứng đằng trước Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha, hét lên rằng:
- Này ngươi đi đâu? Hãy dừng lại! Hôm nay, ngươi sẽ là món ăn của ta.
- Này dạ-xoa Silesaloma! Ta đã chuẩn bị sẵn sàng mới vào trong khu rừng này. Ngươi chớ nên đến gần, ta sẽ bắn mũi tên tẩm thuốc độc, rồi ngươi sẽ ngã xuống tại nơi ấy.
Dạ-xoa Silesaloma rùng mình, các mũi tên rơi xuống hai bàn chân, nó đi lần đến Đức-Bồ-tát Thái-tử.
Quát lớn tiếng, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha rút thanh kiếm ra đâm chém, thì thanh kiếm dính vào lông của nó; lấy cây giáo ra đâm, lưỡi giáo cũng dính vào lông của nó. Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha biết lông của dạ-xoa Silesaloma dính như keo, nên lấy cây chùy đánh vào thân mình, cây chùy cũng dính vào lông của nó.
Biết toàn thân của dạ-xoa Silesaloma đều có trạng thái dính như keo, nên Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha dõng dạc hét lên như sư tử chúa rống rằng:
-Này dạ-xoa Silesaloma! Ngươi không từng nghe đến danh của ta là Pañcāvudhakumāra hay sao? Ta đã biết ngươi ở trong khu rừng này nên ta đã chuẩn bị sẵn sàng. Hôm nay, ta sẽ đánh ngươi.
chân phải cũng dính vào lông; chân trái đá, chân trái cũng dính vào lông.
Đức-Bồ-tát Thái-tử nghĩ rằng: Ta nên húc đầu vào nó, làm cho nó gãy xương ngã quỵ.
Khi ấy, thân hình của Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha dính vào thân hình to lớn của dạ-xoa Silesaloma, nhưng Đức-Bồ-tát Thái-tử không hề tỏ ra sợ sệt chút nào cả.
Dạ-xoa Silesaloma nghĩ rằng: Người này là con người đệ-nhất, con người như sư-tử Chúa, con người vô-thượng, chắc chắn không phải con người bình thường. Người này dù bị dính vào thân ta vẫn không hề tỏ ra sợ sệt chút nào cả. Ta đã từng giết, ăn thịt nhiều người, mà chưa từng thấy con người như thế này bao giờ.
Vậy, do nguyên nhân nào mà con người này không sợ chết?
- Này chàng trai trẻ! Do nguyên nhân nào mà Ngài không sợ chết?
- Này dạ-xoa Silesaloma! Tại sao ta phải sợ chết! Bởi vì mỗi kiếp chúng-sinh, sự chết đó là điều chắc chắn không ai tránh khỏi. Vả lại, trong bụng của ta có loại khí giới vajirāvudha: Khí giới vajira có nhiều thần lực, nếu ngươi dám ăn thịt ta thì khí giới ấy không thể tiêu được, chính khí giới ấy sẽ đâm thủng, rách nát dạ dày của ngươi, ngươi sẽ đau khổ cùng cực, rồi sẽ chết thê thảm. Như vậy, ta chết trước, rồi ngươi cũng sẽ chết sau. Do đó, nên ta không sợ chết.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha nói vajirāvudha: Khí giới vajira với ý nghĩa là ñāṇāvudha: Khí giới trí-tuệ trong người của Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha.
Nghe Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha nói như vậy, Dạ-xoa Silesaloma hiểu là vajirāvudha: khí giới vajira thật, nên nghĩ rằng:
“Chàng trai trẻ anh hùng này nói thật, nếu ta ăn thịt của con người như Sư tử chúa này vào bụng thì khí giới ấy chắc chắn sẽ không tiêu được, bụng của ta sẽ bị đâm thủng rách nát, đau khổ cùng cực, ta không tránh khỏi chết thê thảm.”
-Này Chàng trai trẻ anh hùng! Ngài là con người như sư-tử Chúa, tôi không dám ăn thịt của Ngài, Ngài đã thoát ra khỏi tay của tôi rồi, như mặt trăng thoát ra khỏi miệng của thiên-nam Rāhu. Ngài hoàn toàn được tự do. Kính mời Ngài trở về nhà, gia đình bà con thân quyến của Ngài sẽ vui mừng khi gặp lại Ngài.
-Này dạ-xoa Silesaloma! Ta đi trở về, còn ngươi thế nào? Tiền-kiếp của ngươi đã tạo ác-nghiệp, nên kiếp hiện-tại sinh làm dạ-xoa hung ác có đôi bàn tay dính máu, sống bằng vật thực máu và thịt của người khác, tạo thêm ác-nghiệp nữa.
Sau khi ngươi chết, nếu ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh thì sẽ tái-sinh vào trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy càng nhiều hơn nữa.
-Này dạ-xoa Silesaloma! Kiếp này gặp ta, kể từ nay, ngươi chớ nên tạo ác-nghiệp sát-sinh nữa, bởi vì, ác-nghiệp sát-sinh, giết hại sinh-mạng người khác. Sau khi chết, nếu ác-nghiệp sát-sinh ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục phải chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới mong thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy.
Kiếp sau kế-tiếp, nếu ác-nghiệp sát-sinh ấy còn có cơ hội cho quả tái-sinh làm loài súc-sinh thì loài súc-sinh ấy bị chết yểu. Nếu đại-thiện-nghiệp nào khác có cơ hội cho quả tái-sinh làm người thì người ấy cũng sẽ là người chết yểu, bởi do năng lực của ác-nghiệp sát-sinh trong tiền-kiếp.
Sau khi nghe Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha thuyết pháp giảng dạy như vậy, dạ-xoa Silesaloma tỉnh ngộ, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, không còn tính hung ác như trước nữa, cung kính thưa rằng:
-Kính thưa Ngài, nay tôi nên làm thế nào?
Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha thuyết pháp giảng dạy vị thiên-nam pháp không dể duôi (appamāda-dhamma), rồi từ giã vị thiên-nam, trở ra bên ngoài bìa rừng, thông báo cho mọi người biết rằng:
-Này quý dân chúng! Tôi đã thuyết phục được dạ-xoa Silesaloma biết phục thiện, trở thành vị thiên-nam có giới trong sạch, xin quý vị nên cúng dường đến vị thiên-nam trong khu rừng này.
Đến kinh-thành Bārāṇasī, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha vào chầu, rồi tâu lên Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu biết rõ việc học các bộ môn theo truyền thống đã thành tài, đặc biệt sử dụng năm loại khí giới rất tài.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha thuật lại trên đường trở về, đi băng qua khu rừng gặp dạ-xoa Silesaloma ăn thịt người, thuyết phục được dạ-xoa Silesaloma biết phục thiện, trở thành vị thiên-nam có giới.
Về sau, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha lên nối ngôi vua, trị vì đất nước Kāsi bằng thiện-pháp, tạo các pháp-hạnh ba-la-mật cho đến trọn đời.
Sau khi Đức-vua Pañcāvudha băng hà, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới, an hưởng mọi sự an-lạc cho đến hết tuổi thọ tại cõi ấy.
Sau khi thuyết về tích Pañcāvudhajātaka này xong, Đức-Thế-Tôn thuyết dạy câu kệ có ý nghĩa rằng:
-Này tỳ khưu! Người nào có tâm không thoái chí, không nản lòng thực-hành 37 pháp chứng ngộ Niết-Bàn, giải thoát mọi ràng buộc.
Người ấy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi pháp ràng buộc theo năng lực của mỗi Thánh-đạo-tuệ.
Tích Pañcāvudhajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại
-Dạ-xoa Silesaloma, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla.
-Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.
(Xong pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc hạ)
Tích Mahāsīlavajātaka (Má-ha-xi-lá-vá-cha-tá-ká)
Trong tích Mahāsīlavajātaka[2] Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Đức-vua Mahāsīlava tạo pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc trung (vīriya upapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:
Một thuở nọ Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, vị tỳ-khưu có sự tinh-tấn kém, lười biếng, nên Đức-Thế-Tôn cho truyền gọi đến, hỏi rằng:
- Này tỳ khưu! Con có sự tinh-tấn kém cỏi, lười biếng, có thật vậy hay không?
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, thật vậy. Bạch Ngài.
- Này tỳ khưu! Con đã xuất gia trong giáo-pháp của Như-Lai dắt dẫn chúng-sinh giải thoát khỏi khổ tử sinh luân-hồi.
Vậy, do nguyên nhân nào mà con có sự tinh-tấn kém cỏi, lười biếng như vậy?
Trong thời quá-khứ, chư bậc thiện-trí dù đã mất ngai vàng rồi, vẫn còn giữ gìn sự tinh-tấn không ngừng, nên ngai vàng đã bị mất rồi được trở lại như trước.
Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết tích Mahāsīlavajātaka được tóm lược như sau:
Trong thời quá-khứ, Đức-vua Brahmadatta ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, đầu thai trong lòng Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Brahmadatta.
Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử đản sinh ra đời, ngày làm lễ đặt tên cho Thái-tử, Đức-vua Brahmadatta đặt tên là Sīlavakumāra: Thái-tử Sīlava.
Khi trưởng thành năm 16 tuổi, Đức-Bồ-tát Thái-tử Sīlava đã theo học các bộ môn truyền thống rất đầy đủ.
Sau khi Đức-Phụ-vương Brahmadatta băng hà, Đức-Bồ-tát Thái-tử Sīlava lên ngôi vua lấy danh hiệu là Mahāsīlavarājā thực-hành theo thiện-pháp, nên gọi là Dhammarājā: Đức-Pháp-vương.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava có đầy đủ các đức nhẫn-nại, có tâm-từ, tâm-bi đối với tất cả chúng-sinh muôn loài vô lượng, thường giữ gìn bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, trị vì đất nước Kāsi bằng thiện-pháp.
Trong triều đình của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, có một vị quan lén lút xâm nhập vào nơi cung cấm, làm điều bất chính, chuyện đã bại lộ. Các quan tâu chuyện vị quan này lên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava.
Để biết rõ sự thật như thế nào, nên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava để ý theo dõi thì đã gặp vị quan ấy có hành vi bất chính, nên truyền lệnh gọi vị quan ấy vào chầu, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava truyền lệnh rằng:
-Này quan gian tà! Ngươi đã có những hành vi bất chính như vậy, ngươi không còn xứng đáng sống trong đất nước Kāsi nữa.
Vậy, từ nay ngươi hãy dọn tất cả của cải tài sản và dẫn dắt vợ con của ngươi rời khỏi đất nước Kāsi này, đi đến nơi khác mà sinh sống.
-Muôn tâu Bệ-hạ, cung điện trong kinh-thành Bārāṇasī ví như tổ ong đầy mật mà không có con ong, bởi vì Đức-vua Mahāsīlava là Đức-vua yếu đuối bất tài, các đoàn quân đều là bất lực, nên Bệ-hạ chỉ cần một đội quân nhỏ cũng có thể đánh chiếm lấy cung điện của Đức-vua Mahāsīlava tại kinh-thành Bārāṇasī một cách dễ dàng.
“Cung điện trong kinh-thành Bārāṇasī to lớn, sao vị quan này tâu rằng: “Bệ-hạ chỉ cần một đội quân nhỏ cũng có thể đánh chiếm lấy cung điện của Đức-vua Mahāsīlava tại kinh-thành Bārāṇasī một cách dễ dàng.”
Vậy, vị quan này là kẻ gián điệp được gởi đến đây để đánh lừa ta có phải hay không? Thật đáng nghi ngờ lắm, nên Đức-vua Kosala truyền hỏi rằng:
- Này khanh! Khanh có phải là người gián điệp đến đây để đánh lừa Trẫm, có phải hay không?
- Muôn tâu Bệ-hạ, hạ thần chắc chắn không phải là người gián điệp của Đức-vua Mahāsīlava, mà hạ thần tâu đúng theo sự thật. Nếu Bệ-hạ không tin lời của hạ thần thì xin Bệ-hạ truyền cho người qua vùng biên giới trộm cướp thì sẽ rõ. Đức-vua Mahāsīlava tại kinh-thành Bārāṇasī đối xử với những người ấy như thế nào?
Đức-vua Kosala suy nghĩ rằng: “Vị quan này tâu rất khẳng khái như vậy, ta nên thử xem thế nào?”
Biết như vậy, lính của triều đình bắt số người ấy đem về trình lên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava xét xử.
Đức-vua Bồ-tát truyền hỏi số người ấy rằng:
- Này các ngươi! Do nguyên nhân nào các ngươi xâm nhập vùng biên giới đất nước của Trẫm mà trộm cướp, gây ra sự khổ cực bất an cho dân chúng như vậy?
- Muôn tâu Đại-vương, do đói khổ quá, nên số tiện dân đánh liều xâm nhập vùng biên giới trộm cướp như vậy. Kính xin Đại-vương tha tội.
- Này các ngươi! Khi lâm vào hoàn cảnh đói khổ như vậy, sao các ngươi không dẫn nhau đến nương nhờ nơi Trẫm?
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava thả số người ấy trở về đất nước của họ.
Khi về đến cố hương, số người ấy đến chầu Đức-vua Kosala, tâu trình việc Đức-vua Mahāsīlava đối xử với họ là kẻ trộm cướp như vậy.
Đức-vua Kosala chưa dám dẫn đoàn quân đi đánh chiếm cung điện của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, mà truyền cho nhóm người khác xâm nhập sâu vào trong tỉnh thành, cướp giựt trên đường phố giữa ban ngày.
Nhóm người ấy bị lính triều đình bắt đem đến trình Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava. Cũng như lần trước, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava xét hỏi, rồi ban của cải riêng của Đức-vua cho nhóm người ấy, rồi thả họ trở về cố hương.
Nhóm người ấy đến chầu Đức-vua Kosala, tâu trình việc Đức-vua Mahāsīlava đối xử với nhóm họ cướp giựt giữa đường ban ngày như vậy.
Đức-Vua Kosala Xâm Chiếm Kinh-Thành Bārāṇasī
Trong thời ấy, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava có 1.000 vị tướng anh hùng vô địch, các đoàn binh hùng mạnh có khả năng chiến thắng các Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu, chiếm các ngai vàng, bắt các Đức-vua đem về dâng lên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, nhưng Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava không bao giờ chấp thuận.
Các vị tướng anh hùng ấy nghe tin rằng: “Đức-vua Kosala dẫn đầu một đoàn quân đang ngự đến xâm nhập vào vùng biên giới đất nước Kāsi, sẽ tiến quân đến kinh-thành Bārāṇasī, có ý định chiếm lấy ngai vàng của Đức-vua Mahāsīlava.”
-Này các tướng anh hùng! Trẫm không muốn các tướng phải vất vả, khổ cực, nếu Đức-vua Kosala muốn ngai vàng này thì vào chiếm lấy. Còn các tướng không nên chiến đấu với nhau, gây khổ đau lẫn nhau.
Đức-vua Kosala dẫn đầu đoàn quân xâm chiếm cứ tiếp tục tiến vào mà không gặp sự chống cự nào cả, nên tiến quân thẳng vào đến gần kinh-thành Bārāṇasī, đóng quân lại ở bên ngoài kinh-thành, Đức-vua Kosala truyền lệnh cho các quan đem tối hậu thư dâng lên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava với ý nghĩa rằng:
“Đại-vương Mahāsīlava chịu trao ngai vàng cho bổn Vương hoặc chiến tranh.”
Nhận được tối hậu thư, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava trả lời rằng:
“Bổn Vương không muốn chiến tranh, nếu Đại-vương muốn chiếm lấy ngai vàng thì vào chiếm.”
Khi ấy, các quan văn võ đến chầu Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, tâu xin Đức-vua Bồ-tát truyền lệnh để các tướng anh hùng xuất quân ra bắt Đức-vua Kosala đem trình lên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava trị tội xâm chiếm, nhưng Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava không chấp thuận mà truyền vị quan đem thư trả lời trình cho Đức-vua Kosala, đồng thời truyền lệnh cho các quan ra lệnh các lính mở các cổng thành và cửa cung điện.
Tuân lệnh của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, các cổng thành và cửa cung điện đều được mở rộng. Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava truyền lệnh các quan văn võ hội triều đông đủ, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava ngự trên ngai vàng.
Khi ấy, nhận được thư trả lời của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, Đức-vua Kosala dẫn đầu đoàn quân tiến vào kinh-thành Bārāṇasī, thấy cửa thành mở rộng, tiến thẳng vào cung điện, bước lên chỗ hội triều, nhìn thấy Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava ngự trên ngai vàng, phía dưới hai bên 1.000 vị quan văn võ ngồi nghiêm chỉnh. Đức-vua Kosala xâm chiếm truyền lệnh các quân lính rằng:
-Này các quân lính! Các ngươi hãy bắt Đức-vua Mahāsīlava cột hai tay sau lưng cho chắc chắn cùng với các quan văn võ triều đình này cũng cột hai tay sau lưng, dẫn đi ra nơi nghĩa địa, đào hố sâu đến cổ, rồi chôn đứng Đức-vua Mahāsīlava và tất cả các quan này, lấp đất chặt chẽ không để cho người nào dở tay lên được.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava không hề phát sinh tâm sân thù oán, mà rải tâm-từ đến Vua Kosala xâm chiếm, và khuyên 1.000 vị quan cũng không nên phát sinh tâm thù oán, mà nên rải tâm-từ đến Vua Kosala xâm chiếm.
Nhóm lính của Vua Kosala xâm chiếm dẫn Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava cùng với 1.000 vị quan ra nghĩa địa. Nhóm lính đào các hố sâu đến cổ, rồi chôn đứng Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava ở giữa, chôn 1.000 vị quan hai bên, lấp đất chặt không một vị nào dở tay lên được, thi hành xong phận sự, nhóm lính trở về tâu lên vua Kosala.
Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava khuyên dạy các quan rằng:
-Này các khanh! Các khanh nên giữ gìn đại-thiện-tâm trong sạch thực-hành niệm rải tâm-từ đến vua Kosala xâm chiếm và nhóm lính thi hành lệnh vua Kosala xâm chiếm. Các khanh chớ nên để cho tâm sân phát sinh thù oán vua Kosala xâm chiếm và nhóm lính ấy.
Đến lúc nửa đêm, đàn chó sói đi kiếm ăn thịt người chết, kéo nhau vào nghĩa địa, đánh hơi người, chúng chạy đến, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava cùng 1.000 vị quan la to tiếng, đàn chó sói hoảng sợ kéo nhau chạy một khoảng xa, chúng ngoảnh lại, không thấy có người đuổi theo, nên chúng kéo nhau trở lại. Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava cùng các quan la to tiếng, đàn chó sói hoảng sợ kéo nhau chạy đến lần thứ ba.
Đức-Vua Bồ-Tát Mahāsīlava Có Tinh-Tấn Dũng Mãnh
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava bình tĩnh đưa cổ lên, con chó sói đầu đàn vồ đến cắn cổ, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava có sức mạnh phi thường, có sự tinh-tấn dũng mãnh, ngay tức khắc dùng cái cằm kẹp chặt đầu con chó đầu đàn không cho thoát ra được.
Con chó sói đầu đàn bị Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava kẹp chặt, nó sợ chết, tru lên tiếng lớn, các con chó sói khác nghe tiếng tru của chúa đàn, sợ chết kéo nhau chạy thoát thân, chỉ còn lại con chó đầu đàn vùng vẫy bằng bốn cái chân khoẻ mạnh của nó cào trên mặt đất, làm cho đất văng ra tung toé thành lỗ sâu.
Với sức mạnh phi thường của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava lắc qua lắc lại và sức mạnh của con chó sói đầu đàn vùng vẫy làm cho đất lỏng. Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava biết có khả năng lên khỏi mặt đất được, nên thả con chó sói ra, nó chạy thoát thân.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava vốn có sức mạnh phi thường, có sự tinh-tấn dũng mãnh cố gắng lắc qua lắc lại nhiều lần, dỡ được hai cánh tay lên khỏi mặt đất, rồi chống hai tay trên mặt đất rút toàn thân mình lên khỏi hố sâu.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava đến giúp lôi vị quan lên khỏi hố, và tiếp tục lôi các vị quan khác đều lên khỏi hố cả. Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava cùng 1.000 vị quan đều sống, ngồi nghỉ tại nơi nghĩa địa.
Có Đức-vua Mahāsīlava là Đức Pháp-vương đang ngự tại nơi nghĩa địa này, hai chúng ta nên đem cái xác người chết này đến thỉnh Đức-vua Mahāsīlava phân chia, nếu Đức-vua Mahāsīlava phân chia thế nào thì hai chúng ta chấp nhận như thế ấy.
- Muôn tâu Đại-vương Mahāsīlava, kính xin Đức-vua phân chia xác người chết này cho hai chúng tôi.
- Này hai vị dạ-xoa! Trẫm sẽ phân chia xác người chết này cho hai ngươi, nhưng bây giờ thân của Trẫm không được sạch sẽ, Trẫm cần phải tắm trước.
Vậy, xin hai ngươi đem nước cho Trẫm tắm.
Sau khi tắm xong, mặc bộ y triều phục, thoa vật thơm, vật thoa, trang sức, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava đứng tỏ vẻ đang đói. Hai dạ-xoa biết ý, nên đi lấy những món ăn vị ngon, nước uống để dành cho Vua Kosala xâm chiếm, đem về dâng lên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava dùng xong.
Khi ấy, hai dạ-xoa tâu rằng:
- Muôn tâu Đại-vương Mahāsīlava, hai chúng tôi cần phải phục vụ gì nữa?
- Này hai dạ-xoa! Nay hai ngươi hãy đi lấy thanh gươm báu để trên đầu long sàng của Vua Kosala xâm chiếm đến đây cho Trẫm.
Nhận thanh gươm báu, rồi đặt xác người chết nằm ngửa ngay ngắn, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava đưa thanh gươm báu đặt ngay giữa sọ rạch một đường thẳng từ đầu xuống háng, chia ra làm hai phần bằng nhau cho hai dạ-xoa.
Hai dạ-xoa vô cùng hoan hỷ nhận một nửa xác người chết ấy, rồi ăn phần thịt người no đủ, hai dạ-xoa cảm thấy vui mừng tâu rằng:
- Muôn tâu Đại-vương Mahāsīlava, Đại-vương cần hai chúng tôi phục vụ việc gì nữa?
- Này hai dạ-xoa! Nếu như vậy, thì do oai lực của hai ngươi, đưa Trẫm ngự trở về phòng ngủ mà Vua Kosala xâm chiếm đang ngủ, và đưa 1.000 vị quan của Trẫm trở về tư dinh của mỗi vị.
Khi ấy, Vua Kosala xâm chiếm đang ngủ say trên long sàng trong phòng ngủ sang trọng, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava đặt thanh gươm báu trên bụng vua Kosala xâm chiếm đang ngủ say quên mình, làm cho vua Kosala giật mình thức giấc, nhớ mặt Đức-vua Bồ-tát Mahā-sīlava được qua ánh đèn sáng trong phòng, liền ngồi dậy tỉnh táo tâu với Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava rằng:
- Muôn tâu Đại-vương Mahāsīlava, ban đêm như thế này, các cửa thành, các cửa cung điện đều đóng kín, có lính canh gác thay phiên nghiêm nhặt, mà Đại-vương ngự đến phòng ngủ này bằng cách nào?
Nghe chuyện như vậy, Vua Kosala xâm chiếm cảm thấy động lòng trắc ẩn, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, tâu với Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava rằng:
- Muôn tâu Đại-vương Mahāsīlava, tuy bổn vương là loài người nhưng không biết đến ân-đức cao thượng của Đại-vương. Dù loài dạ-xoa ăn thịt người, uống máu người, thuộc loại chúng-sinh đáng ghê tởm, vẫn còn biết đến ân-đức cao thượng của Đại-vương.
-Muôn tâu Đại-vương Mahāsīlava, từ nay về sau, bổn vương không dám nghĩ hại Đại-vương, Đức Pháp-vương cao thượng có giới đức trong sạch nữa.
Bổn vương thành kính đảnh lễ Đại-vương, xin sám hối những tội-lỗi sai lầm của bổn vương. Kính xin Đại-vương tha thứ những tội-lỗi sai lầm ấy.
Sáng ngày hôm sau lúc mặt trời mọc, Đức-vua Kosala truyền lệnh cho các quan đánh kiểng loan báo cho các quan văn võ, các đoàn binh, các người trong hoàng gia, các Bà-la-môn, các dòng dõi quý tộc, toàn thể dân chúng đến tụ hội trước cung điện.
Đức-vua Kosala tán dương ca tụng ân-đức cao thượng của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava như vầng trăng rằm sáng giữa không trung, như mặt trời chiếu sáng giữa ban ngày.
Một lần nữa, Đức-vua Kosala thành kính đảnh lễ Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava xin sám hối những tội-lỗi sai lầm của mình, rồi xin dâng trả ngôi báu lại cho Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, rồi tâu rằng:
-Muôn tâu Đại-vương Mahāsīlava, kể từ nay về sau, nếu có ai dám đến quấy phá, gây ra tai họa trên đất nước Kāsi của Đại-vương thì bổn vương có bổn phận dẹp loạn ấy, để Đại-vương an hưởng trên ngai vàng, thần dân thiên hạ trong đất nước Kāsi của Đại-vương được sống trong cảnh thanh bình thịnh vượng, bởi vì có bổn vương là người luôn luôn lo bảo vệ.
Đức-vua Kosala thành kính đảnh lễ Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava xin phép cáo biệt, dẫn đầu đoàn quân ngự trở về đất nước Kosala.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava ngự trên ngai vàng lộng lẫy dưới chiếc lọng trắng, nhìn lại ngôi báu của mình, suy nghĩ rằng:
“Ta đã thoát khỏi chết trở lại ngự trên ngôi báu to lớn như thế này, và sinh-mạng của 1.000 vị quan được ta cứu sống. Nếu ta không có sự tinh-tấn thì không có được như thế này!
Vậy, nhờ năng lực của sự tinh-tấn dũng mãnh, nên ta mới thoát khỏi chết, có được sinh-mạng này trở lại và đã cứu sống được sinh-mạng của 1.000 vị quan.
Làm người không nên mất hy vọng, chỉ luôn luôn nuôi hy vọng mà thôi. Bởi vì người đã cố gắng tinh-tấn, rồi sẽ được thành tựu kết quả.”
Người là bậc thiện-trí nên luôn luôn nuôi hy vọng; Với năng lực tinh-tấn của mình rằng:
Khi ta cố gắng tinh-tấn không ngừng như thế này. Ta chắc chắn sẽ giải thoát khỏi mọi cảnh khổ.
Người là bậc thiện-trí biết mưu trí tài ba lỗi lạc. Cố gắng tinh-tấn trong trường hợp hiểm nghèo. Không nên thất vọng, thoái chí nản lòng.
Ta đã tự thấy kết quả của sự tinh-tấn của ta rồi. Bị chôn trong hố, ta đã thoát ra khỏi hố.
Ta mong muốn thế nào, ta đã thành tựu như thế ấy.
-Này các ngươi! Thông thường, kết quả của sự tinh-tấn được thành tựu một cách phi thường, đối với những người có giới đức trong sạch.
Sau khi Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava băng hà, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời dục-giới ấy.
Sau khi thuyết tích Mahāsīlavajātaka xong, Đức-Thế-Tôn thuyết pháp về tứ Thánh-đế, vị tỳ-khưu có sự tinh-tấn kém cỏi, lười biếng ấy, trở nên vị tỳ-khưu có sự tinh-tấn, không ngừng thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Tích Mahāsīlavajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại
-Vị quan gian tà, nay kiếp hiện-tại là tỳ khưu Devadatta.
- 1.000 vị quan, nay kiếp hiện-tại là tứ chúng: tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ.
- Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.
(Xong pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc trung)
-Tích Mahājanakajātaka (Má-ha-chá-ná-ká-cha-tá-ká)
Trong tích Mahājanakajātaka[3] Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm hoàng-tử tên Mahājanaka (Mahājanakarājakumāra) thực-hành pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc thượng (vīriyaparamatthapāramī), tích này được bắt nguồn như sau:
- Này chư tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chúng con đang tán dương ca tụng Đức-Thế-Tôn đã từ bỏ ngai vàng đi xuất gia. Bạch Ngài.
- Này chư tỳ-khưu! Không chỉ kiếp hiện-tại này Như-Lai đã thực-hành đầy đủ trọn vẹn các pháp-hạnh ba-la-mật, rồi từ bỏ ngai vàng đi xuất gia, mà còn những tiền-kiếp Như-Lai còn là Đức-Bồ-tát đang thực-hành, bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật, cũng đã từng từ bỏ ngai vàng đi xuất gia như vậy.
Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Mahājanaka-jātaka được tóm lược như sau:
Trong thời quá-khứ, Đức-vua Mahājanaka[4] ngự tại kinh-thành Mithilā xứ Videha. Đức-vua có hai người con: thái-tử trưởng Ariṭṭhajanaka và hoàng-tử thứ Polajanaka. Khi hai Thái-tử trưởng thành, Đức-vua tấn phong Thái-tử trưởng Ariṭṭhajanaka làm Phó-vương và tấn phong hoàng-tử thứ Polajanaka làm quan thừa-tướng.
Khi Đức-vua Mahājanaka băng hà, Thái-tử trưởng Ariṭṭhajanaka lên ngôi Chánh-vương và hoàng-tử thứ Polajanaka làm Phó-vương.
Một quan nịnh thần tâu Đức-vua Ariṭṭhajanaka rằng:
- Muôn tâu Bệ-hạ, Đức Phó-vương Polajanaka có âm mưu làm phản, có ý định giết Bệ-hạ để lên ngôi làm vua.
- Nếu tôi có âm mưu làm phản, có ý định giết hoàng-huynh của tôi, để chiếm đoạt ngôi vua thì những xiềng xích này vẫn dính chặt hai tay, hai chân của tôi, cửa nhà lao vẫn đóng chặt, giam hãm tôi suốt đời.
Nhưng nếu tôi không có âm mưu làm phản, không có tác-ý giết hoàng-huynh của tôi để chiếm đoạt ngôi vua, thì tất cả những xiềng xích này hãy rời khỏi hai tay và hai chân của tôi ngay tức thì, và cửa nhà lao hãy mở rộng ra, tôi được tự do đi ra khỏi nhà lao mà không một ai có thể ngăn cản.
Đức Phó-vương Polajanaka ngự đến một vùng biên giới, dân chúng trong vùng nhận biết được, nên dân chúng hết lòng bảo vệ phụng sự Đức Phó-vương, cho nên lính triều đình của Đức-vua Ariṭṭhajanaka không thể bắt Đức Phó-vương đem trở lại kinh-thành Mithilā được.
Về sau, dân chúng các vùng khác cũng tôn kính và ủng hộ Đức Phó-vương Polajanaka ngày càng đông, và vùng đất đai ngày càng được mở rộng. Đức Phó-vương tổ chức thành các đội quân bảo vệ dân chúng và giữ gìn các vùng đất đai, cho nên, triều đình Đức-vua Ariṭṭhajanaka không còn chủ quyền nữa. Khi có các đội binh hùng mạnh trong tay, Đức Phó-vương Polajanaka nghĩ rằng:
“Ngày trước, ta không có tác-ý âm mưu chiếm đoạt ngôi vua của hoàng-huynh ta. Nhưng nay, ta sẽ đánh nhau để tranh giành ngôi vua của hoàng-huynh của ta.”
Đức Phó-vương Polajanaka thân chinh dẫn đầu các đội binh hùng mạnh, cùng với một số đông dân chúng kéo đến kinh-thành Mithilā. Đức Phó-vương Polajanaka truyền lệnh đóng trại các đội binh ở bên ngoài kinh-thành Mithilā. Nhìn thấy quân đội của Đức Phó-vương Polajanaka như vậy, lính canh gác bảo vệ kinh-thành Mithilā chạy vào chầu Đức-vua Ariṭṭhajanaka tâu rằng:
-Muôn tâu Bệ-hạ, Đức Phó-vương Polajanaka thân chinh dẫn đầu các đội binh: đội tượng binh, đội mã binh, đội quân xa, đội bộ binh, cùng với một số đông dân chúng kéo đến kinh-thành Mithilā. Tất cả đều đóng trại ở bên ngoài kinh-thành Mithilā.
Khi ấy, Đức Phó-vương Polajanaka truyền một phái đoàn đến chầu Đức-vua Ariṭṭhajanaka dâng tờ biểu rằng:
“Tâu Hoàng-huynh, ngày trước đệ không có tác-ý âm mưu làm phản Hoàng-huynh, để chiếm đoạt ngôi vua. Nhưng nay, đệ đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu giành ngôi vua của Hoàng-huynh.
Vậy, tâu Hoàng-huynh, xin Hoàng-huynh nhường ngôi vua lại cho đệ, nếu không thì cuộc chiến sẽ xảy ra giữa huynh đệ chúng ta.”
Nhận được tờ biểu, Đức-vua Ariṭṭhajanaka không chấp nhận nhường ngôi vua, mà phải chiến đấu để phân tranh thắng bại. Đức-vua cho truyền gọi Chánh-cung Hoàng-hậu đến rồi truyền bảo rằng:
-Này ái-khanh! Trẫm thân chinh cầm quân ra trận đánh nhau với Phó-vương Polajanaka lần này, cuộc chiến đấu thắng hay bại chưa có thể biết được. Nếu nghe tin Trẫm bị băng hà thì ái-khanh nên trốn ra khỏi kinh-thành thận trọng giữ gìn bảo vệ thai nhi cho được an toàn.
Trong cuộc chiến đấu xảy ra giữa hai huynh và đệ, Đức-vua Ariṭṭhajanaka bị bại trận, rồi băng hà tại trận địa, còn Đức Phó-vương Polajanaka là người chiến thắng kéo quân vào kinh-thành Mithilā.
Còn Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Ariṭṭha-janaka cảm thấy vô cùng khổ tâm khi nghe tin Hoàng-thượng của Bà băng hà. Nhớ lời truyền bảo của Đức-vua Ariṭṭhajanaka, Bà Chánh-cung Hoàng-hậu lấy những viên ngọc quý giá, những báu vật quý giá gói gọn đặt trong một giỏ, mặc bộ đồ cũ giả dạng dân thường, đội giỏ trên đầu rời khỏi cung điện, ngự đi ra cửa thành phía bắc, mà không một ai nhận ra được. Bà vốn là người không từng đi ra khỏi kinh-thành một mình, nên không biết phải đi đâu. Bà nhớ lại đã có lần nghe đến tên thành phố Kālacampā, nhưng lại không biết đường đi, nên Bà ngồi nghỉ bên đường chờ người đi qua để hỏi thăm đường đi.
Thai nhi nằm trong bụng của Chánh-cung Hoàng-hậu là Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, do năng lực các pháp-hạnh ba-la-mật của Đức-Bồ-tát, khiến cho chỗ ngồi của Đức-vua trời Sakka nóng lên, cho nên, Đức-vua trời Sakka xem xét bằng thiên nhãn thấy rõ nguyên nhân làm nóng ấy, nên nghĩ:
“Thai nhi trong bụng Chánh-cung Hoàng-hậu là Đức-Bồ-tát có nhiều oai lực của pháp-hạnh ba-la-mật. Vậy, chính ta phải hiện xuống cõi người, để rước Chánh-cung Hoàng-hậu đến thành phố Kālacampā.”
- Có ai đi thành phố Kālacampā hay không?
- Thưa ông lão, con nhờ ông lão đưa con đến thành phố Kālacampā, con có thai đã già ngày già tháng rồi, khó bước lên xe được, xin ông lão hãy bỏ cái giỏ trên xe, còn con xin đi theo sau xe.
Ông già đánh xe (Đức-vua trời Sakka) bước xuống xe đến gần Chánh-cung Hoàng-hậu thưa rằng:
- Thưa bà, lão là người đánh xe chuyên môn, xe chạy rất êm, xin bà an tâm.
- Thưa ông lão, nơi đây là nơi nào? Thưa ông.
- Thưa Bà, nơi đây là cửa thành phố Kālacampā.
- Thưa ông lão, con nghe nói từ kinh-thành Mithilā đến thành phố Kālacampā, cách xa 60 do tuần, sao mà ông lão đánh xe nhanh quá vậy?
- Thưa Bà, đúng vậy, từ kinh-thành Mithilā đến thành phố Kālacampā khoảng cách 60 do tuần, nhưng lão biết con đường đi tắt, nên đến nhanh như vậy.
- Này cô em gái thân thương! Cô em một mình từ đâu đến đây?
- Kính thưa Ngài, con là Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Ariṭṭhajanaka tại kinh-thành Mithilā nước Videha, Hoàng-thượng Ariṭṭhajanaka của con chiến đấu với Hoàng-đệ Polajanaka. Trong cuộc chiến đấu ấy, Hoàng-thượng Ariṭṭhajanaka bị thua, rồi băng hà tại trận địa.Trước khi thân chinh cầm quân xuất trận, Hoàng-thượng của con truyền bảo con rằng:
“Trẫm thân chinh cầm quân ra trận đánh nhau với Phó-vương Polajanaka lần này, cuộc chiến đấu thắng hay bại chưa có thể biết được. Nếu nghe tin Trẫm bị băng hà thì ái-khanh nên trốn ra khỏi kinh-thành thận trọng gìn giữ, bảo vệ thai nhi cho được an toàn.”
Vì vậy, con đã cải dạng trốn khỏi kinh-thành đi đến đây với hy vọng bảo vệ thai nhi được an toàn.
- Này cô em gái thân thương! Cô em có thân quyến trong thành phố này hay không?
- Kính thưa Ngài, con không có thân quyến, người quen biết nào trong thành phố này cả. Thưa Ngài.
- Này cô em gái thân thương! Xin cô em an tâm, tôi là giáo sư Bà-la-môn Udicca giàu có, khá giả trong thành phố này, tôi xem cô như người em gái của tôi, cô em sẽ được chăm nom săn sóc, nuôi dưỡng như một người em ruột. Từ nay, xin cô em hãy gọi tôi là anh trai.
- Dạ vâng! Thưa anh trai kính yêu của em!
- Kính thưa Tôn sư, có sự việc gì vui mừng như vậy?
- Này các con! Người em gái của thầy từ phương xa đến, cho nên, khi gặp lại nhau, thầy và người em gái cảm thấy vui mừng như vậy.
Vị giáo sư truyền bảo rằng:
- Này các con! Các con hãy đem chiếc xe của thầy đến, rồi mời người em gái của thầy lên xe, các con đưa về nhà thưa với phu nhân của thầy rằng:
“Cô gái này là em gái của thầy, xin bà lo chăm nom săn sóc cô cho chu đáo.”
Sau khi tắm xong, vị giáo sư Bà-la-môn trở về nhà, cho người mời người em gái đến phòng dùng cơm chung với ông cùng phu nhân. Chánh-cung Hoàng-hậu được chăm sóc nuôi dưỡng tử tế trong gia đình của vị giáo sư Bà-la-môn. Sau đó không lâu, Bà hạ sinh một Thái-tử, chính là Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, có màu da như màu vàng ròng, Bà lấy tên của Thái-Thượng-hoàng đặt tên cho con là Thái-tử Mahājanaka.
Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka còn nhỏ thường chơi với nhóm trẻ trong thành, hễ đứa trẻ nào chọc tức, thì Thái-tử bắt đánh đòn đứa trẻ ấy, bởi vì, Thái-tử có sức mạnh vô địch. Nhóm trẻ ấy khóc la rằng:
-Đứa con không cha của bà góa chồng đánh tôi!
- Kính thưa mẹ, xin mẹ hãy nói cho con biết rõ sự thật rằng: Cha của con là ai?
- Này con yêu quý! Con vốn là Thái-tử của Đức-vua Ariṭṭhajanaka tại kinh-thành Mithilā, trị vì nước Videha. Trong khi Mẫu-hậu đang mang thai con, thì xảy ra cuộc chiến giữa Đức-Phụ-vương Ariṭṭhajanaka của con với Đức Phó-vương Polajanaka, Hoàng-thúc của con.
Trước khi thân chinh cầm quân ra trận, Đức-Phụ-vương của con truyền bảo Mẫu-hậu rằng:
“Trẫm thân chinh cầm quân ra trận đánh nhau với Đức Phó-vương Polajanaka lần này, cuộc chiến đấu thắng hay bại chưa có thể biết được. Nếu nghe tin Trẫm bị băng hà thì ái-khanh nên trốn ra khỏi kinh-thành, thận trọng giữ gìn bảo vệ thai nhi cho được an toàn.”
Trong cuộc chiến đấu ấy, Đức-Phụ-vương của con bị thua, rồi băng hà tại trận địa. Khi nghe tin ấy, vâng lời truyền bảo của Đức-Phụ-vương con, Mẫu-hậu phải giả làm thường dân trốn ra khỏi kinh-thành Mithilā, đi lánh nạn, đến thành phố Kālacampā này, để bảo vệ con.
Thật vô cùng diễm phúc, Mẫu-hậu gặp được vị giáo sư Bà-la-môn Udicca này. Ông đã nhận Mẫu-hậu như là người em gái của ông và gia đình ông đã cưu mang, nuôi dưỡng hai mẹ con ta. Gia đình ông Bà-la-môn này là vị ân nhân của chúng ta.
Bây giờ, con đã biết rõ thân thế dòng dõi hoàng tộc của con, con là Thái-tử của Đức-vua Ariṭṭhajanaka. Vậy, từ nay về sau, con không nên bực tức đánh đòn các bạn của con nữa.
Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử trưởng thành, Ngài có thân hình khoẻ mạnh phi thường, có tài đức vẹn toàn không ai sánh bằng. Khi ấy, Thái-tử Mahājanaka nghĩ rằng:
“Ngôi vua của Đức-Phụ-vương ta đã mất, ta quyết tâm giành lại ngôi vua ấy.”
-Tâu Mẫu-hậu, Mẫu-hậu có đem theo của cải quý giá nào không? Mẫu-hậu cho con làm vốn đi buôn bán kiếm được nhiều của cải, rồi chiêu mộ binh lính kéo đến kinh-thành Mithilā, chiến đấu, tranh giành lại ngôi vua của Đức-Phụ-vương con đã mất.
- Này Hoàng nhi yêu quý! Mẫu-hậu có mang theo ba viên ngọc quý của Đức-Phụ-vương con: ngọc Maṇi, ngọc Mutta và ngọc Vajira. Dù chỉ một viên ngọc cũng đủ cho con thực hiện ý nguyện chiêu mộ binh lính kéo đến kinh-thành Mithilā để chiến đấu, tranh giành lại ngôi vua của Đức-Phụ-vương con đã mất.
- Này Hoàng nhi yêu quý! Con hãy nhận 3 viên ngọc quý này làm của cải, để gầy dựng lên cơ nghiệp đế vương của con. Con chớ nên đi buôn làm gì cho nguy hiểm.
- Muôn tâu Mẫu-hậu, xin Mẫu-hậu ban cho con một nửa của cải, để con làm vốn đi buôn bán trong vùng Suvaṇṇabhūmi (vùng đất vàng).
- Này Hoàng nhi yêu quý! Trên đại dương có nhiều nguy hiểm, con chớ nên đi! Theo Mẫu-hậu nghĩ, với ba viên ngọc báu này có thừa cho con thực hiện ý nguyện chiêu mộ binh lính để đánh chiếm, tranh giành lại ngôi vua của Đức-Phụ-vương con.
* Thái-Tử Mahājanaka Khởi Hành
* Đức-Vua Polajanaka Bị Lâm Bệnh
Ngày hôm ấy, thái-tử Mahājanaka cùng với 700 thủy thủ lên thuyền, Thái-tử Mahājanaka ra lệnh cho thuyền khởi hành ra biển cả đại dương, hướng chiếc thuyền đến vùng đất Suvaṇṇabhūmi (vùng đất vàng). Và cũng ngày hôm ấy, tại kinh-thành Mithilā, Đức-vua Polajanaka bị lâm bệnh trầm trọng. Hai sự việc ấy xảy ra cùng một ngày hôm ấy.
Đức-Bồ-Tát Tạo Pháp-Hạnh Tinh-Tấn ba-la-mật
Chiếc thuyền lớn của Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka
* Đến ngày thứ 7 chiếc thuyền ấy gặp cơn bão lớn làm cho chiếc thuyền bị vỡ rồi chìm giữa biển cả đại dương.
* Và cũng ngay trong ngày hôm ấy, tại kinh-thành Mithilā, Đức-vua Polajanaka băng hà.
Sau khi chiếc thuyền lớn bị chìm trong đại dương, 700 thuỷ thủ đều bị chết làm mồi cho cá, chỉ còn Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka vẫn đang còn cố gắng tinh-tấn bơi lội, với đôi tay và đôi chân của Đức-Bồ-tát, suốt 7 ngày đêm giữa đại dương mà thôi.
Nhìn lên hư không thấy vầng trăng tròn trong sáng, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka tính nhẩm hôm ấy nhằm vào ngày giới uposathasīla, nên Đức-Bồ-tát nguyện thọ trì bát giới Uposathasīla.
Vị thiên-nữ Maṇimekhalā đã không làm tròn phận sự quan sát trên biển cả đại dương trong suốt 7 ngày qua, nên không biết sự việc gì xảy ra trên đại dương. Chợt nhớ đến phận sự của mình thì đã đến ngày thứ 7, vị thiên-nữ quan sát nhìn thấy Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka đang cố gắng tinh-tấn bơi lội trên biển cả đại dương đã suốt 7 ngày qua. Vị thiên-nữ ấy nghĩ:
“Nếu ta để Thái-tử Mahājanaka này chết trên đại dương này, thì chắc chắn ta phải chịu tội với Đức Đại-Thiên-vương.”
-Ai đó cứ cố gắng tinh-tấn bơi lội ở giữa biển đại dương, khi không nhìn thấy đâu là bờ bến.
Vậy, Ngài thấy sự lợi ích gì mà vẫn cố gắng tinh-tấn bơi lội như vậy?
“Ta đã cố gắng tinh-tấn bơi lội ở giữa đại dương suốt 7 ngày qua không thấy người bạn thứ hai nào. Vậy, ai đang hỏi ta như vậy?”
- Này thiên-nữ! Ta suy xét thấy sự lợi ích của pháp-hạnh tinh-tấn và quả-báu của pháp-hạnh tinh-tấn ấy. Cho nên, dù ta không thấy đâu là bờ bến, ta vẫn cố gắng bơi lội ở giữa đại dương này.
- Thưa Ngài, bờ bến đại dương xa tít mù khơi không hiện rõ đối với Ngài, thì sự cố gắng của con người như Ngài chỉ là vô ích mà thôi Ngài sẽ chết trước khi chưa đến bờ bến đại dương.
- Này thiên-nữ! Khi con người có sự cố gắng tinh-tấn, dẫu có chết cũng không bị mẹ cha, bà con, chư-thiên, phạm-thiên chê trách. Nếu con người có sự cố gắng tinh-tấn hết sức mình thì sẽ không hối hận về sau.
- Thưa Ngài, phàm công việc nào mà người cố gắng tinh-tấn, nhưng không thành tựu thì công việc ấy không có kết quả gì, chỉ làm khổ thân vất vả mà thôi. Sự cố gắng tinh-tấn trong công việc nào mà con người đang thực hiện chưa đạt đến kết quả, sự chết xảy ra đối với người ấy, thì sự cố gắng tinh-tấn ấy có lợi ích gì đâu?
- Này thiên-nữ! Nếu người nào biết rõ rằng sự cố gắng tinh-tấn trong công việc mà mình đang thực hiện chắc chắn sẽ không đem lại kết quả, rồi buông xuôi thì người ấy gọi là người không biết bảo vệ sinh-mạng của mình. Người ấy từ bỏ sự cố gắng tinh-tấn trong trường hợp như vậy, sẽ thấy hậu quả của sự lười biếng.
- Này thiên-nữ! Nếu người nhận thấy rõ sự lợi ích công việc mà họ đang thực hiện, dù công việc ấy có được thành tựu, hoặc không thành tựu thì sự cố gắng tinh-tấn vẫn phải nên tiếp tục tiến hành.
- Này thiên-nữ! Ngươi đã thấy rõ kết quả của pháp-hạnh tinh-tấn của tôi rồi phải không. Những người thủy thủ khác không có sự cố gắng tinh-tấn đều bị chết chìm trong đại dương làm mồi cho cá cả thảy rồi, chỉ còn một mình tôi đang bơi lội để đến bờ đại dương và tôi được nhìn thấy ngươi ở bên tôi. Tôi quyết tâm cố gắng tinh-tấn hết sức, để đạt đến mục đích của tôi. Cho nên, pháp-hạnh tinh-tấn là pháp-hạnh mà con người cần phải cố gắng thực-hành không nên ngừng nghỉ.
- Kính bạch bậc Đại-nhân, Ngài là người có pháp-hạnh tinh-tấn bậc thượng, có chánh tinh-tấn không ngừng bậc thượng.
- Kính bạch bậc Đại-nhân, Ngài muốn đến nơi nào, tôi xin đưa Ngài đến nơi ấy. Bạch Ngài.
- Này thiên-nữ! Tôi nhờ thiên-nữ đưa tôi đến kinh-thành Mithilā.
Trong khoảng thời gian không lâu đã đến kinh-thành Mithilā, vị thiên-nữ Maṇimekhalā đặt Đức-Bồ-tát Thái-tử nằm nghiêng về bên phải trên tảng đá an lành trong khu vườn xoài thuộc vườn thượng uyển, bên ngoài kinh-thành Mithilā. Vị thiên-nữ Maṇimekhalā nhờ chư-thiên trong khu vườn xoài chăm nom săn sóc Ngài, rồi trở về chỗ ở của mình.
Chọn Người Có Tài Đức Lên Ngôi Vua
-Muôn tâu Bệ-hạ, Bệ-hạ không có Thái-tử nối ngôi, chỉ có công-chúa Sīvalidevī mà thôi. Vậy, sau khi Bệ-hạ băng hà rồi, chúng hạ thần nên chọn người như thế nào lên ngôi vua trị vì đất nước này?
-Này các khanh! Các khanh nên chọn, suy tôn người nào có đủ tài đức song toàn như sau:
* Nếu người nào có khả năng làm cho công-chúa Sīvalidevī hài lòng, thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.
* Nếu người nào có khả năng biết được đầu nằm của long sàng hình vuông (caturassapallaṅka) thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.
* Nếu người nào có sức mạnh phi thường có khả năng nhấc nổi cây cung có sức nặng 1.000 người khiêng (sahassathānadhanu) thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.
* Nếu người nào có khả năng biết rõ chỗ 16 hầm báu lớn (mahānidhi), rồi đem về đủ nộp vào kho triều đình, thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.
- Muôn tâu Bệ-hạ, xin Bệ-hạ truyền cho biết mật hiệu của mỗi hầm báu vật cho chúng thần.
Đức-vua Polajanaka truyền bài kệ chỉ cho biết mật hiệu của 16 hầm báu rằng:
- Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời mọc.
- Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời lặn.
- Hầm báu lớn ở bên trong.
- Hầm báu lớn ở bên ngoài.
- Hầm báu lớn không phải ở bên trong lẫn bên ngoài.
- Hầm báu lớn ở chỗ chân bước lên.
- Hầm báu lớn ở chỗ chân bước xuống.
- 4 hầm báu lớn ở 4 đại cội sālā (mahāsālā).
- Hầm báu lớn ở chỗ xung quanh do tuần.
- Hầm báu lớn ở giữa hai ngà của con voi báu.
- Hầm báu lớn ở chỗ đuôi của con voi báu.
- Hầm báu lớn ở chỗ dưới nước.
- Hầm báu lớn ở chỗ đầu ngọn cây.
Điều thứ nhất:
- “Người nào có khả năng làm cho công-chúa Sīvalidevī hài lòng.”
- Công-chúa Sīvalidevī là người có trí-tuệ sáng suốt rất thông minh.
Vậy, ai là người có khả năng làm cho công-chúa hài lòng được?
Các quan xét thấy vị quan Thừa-tướng thân cận với Đức-vua có khả năng làm cho công-chúa Sīvalidevī hài lòng nhất, nên mời vị quan Thừa-tướng vào chầu công-chúa Mong muốn được lên ngôi vua, nên vị Thừa-tướng rất vui mừng vội vàng đến chầu, đứng chờ bên ngoài lâu đài
Để thử cho biết vị Thừa-tướng có phải là người có đủ tài đức xứng đáng lên ngôi vua hay không, Công-chúa truyền rằng:
- Cho phép Thừa-tướng hãy chạy nhanh vào chầu ta!
Vị Thừa-tướng nghĩ rằng: “Ta phải làm cho công-chúa Sīvalidevī hài lòng”, nên chạy nhanh vào.
- Ngươi hãy mau đến gần ta.
-Ngươi hãy xoa hai bàn chân của ta.
Quan Thừa-tướng vừa ra khỏi lâu đài của Công-chúa Sīvalidevī thì các quan đến hỏi rằng:
- Thưa quan Thừa-tướng, Ngài có làm cho công-chúa Sīvalidevī được hài lòng hay không?
- Thưa quý vị! Xin quý vị đừng hỏi tôi về Công-chúa Sīvalidevī nữa. Công-chúa là người rất khó tính đáng sợ, không dễ làm cho cô ấy hài lòng được đâu!
“Nếu điều thứ nhất này không có vị nào có khả năng làm cho Công-chúa Sīvalidevī hài lòng, thì tiếp đến điều thứ nhì là:”
Điều thứ nhì:
“Người có khả năng biết được đầu nằm của long sàng hình vuông.”
Điều thứ 3:
“Người nào có sức mạnh phi thường nhấc nổi cây cung 1.000 người khiêng.”
16 hầm báu:
“Người nào có khả năng biết rõ chỗ 16 hầm báu lớn, rồi đem về đủ nộp vào kho triều đình.”
Triều đình của chúng ta không thể không có một Đức-vua. Vậy, bây giờ chúng ta phải làm thế nào.
-Xin quý vị chớ nên lo lắng quá! Chúng ta nên sử dụng cỗ long xa Phussa đi tìm người có đủ tài đức vẹn toàn, để lên ngôi vua trị vì đất nước.
“Xin cho cỗ long xa Phussa này ngừng ngay chỗ người nào đại phước có tài đức vẹn toàn thì sẽ làm lễ đăng quang suy tôn người ấy lên ngôi vua, rồi thỉnh ngự lên cỗ long xa Phussa này hồi cung.”
Sau khi vị quan lớn Purohita phát nguyện xong, liền ra lệnh cho cỗ long xa Phussa dẫn đầu khởi hành, theo sau có đội nhạc triều đình trỗi lên, các đội binh chỉnh tề đi theo hộ tống.
Cỗ long xa Phussa dừng lại cung kính cung điện, rồi phi nhanh ra, các quan trong triều như quan Thừa-tướng đều hy vọng cỗ long xa Phussa sẽ dừng trước tư dinh của mình, nhưng cỗ long xa vượt qua các tư dinh của các quan, đi ra cửa hướng đông kinh-thành, thẳng đến vườn thượng uyển, vào vườn xoài, đi vòng quanh tấm đá an lành (maṅgalasilāpaṭṭa) tỏ vẻ cung kính, rồi đứng lại nghiêm trang, bởi vì trên tấm đá an lành ấy có Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka đang nằm ngủ say.
vị quan lớn Purohita thưa với các quan rằng:
-Nếu người đang nằm ngủ trên tấm đá an lành ấy là bậc đại phước có tài đức vẹn toàn xứng đáng lên ngôi vua thì sẽ không ngồi dậy.
Nếu người ấy là kẻ hèn thì thức dậy phát sinh tâm kinh sợ, hốt hoảng, thức giấc ngồi dậy chạy trốn.
Vậy, các ngươi hãy trỗi các loại nhạc lên vang rền khắp vùng không gian này!
Nghe tiếng nhạc, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka tỉnh giấc, mở mắt nhìn thấy cỗ long xa Phussa đứng trang nghiêm, các quan nghiêm chỉnh, đằng sau có các đội binh các loại nhạc triều đình vẫn trỗi lên. Đức-Bồ-tát Thái-tử suy nghĩ rằng:
“Ngai vàng Đức-vua đã đến với ta rồi!.”
Suy nghĩ xong, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka vẫn nằm yên. Vị quan lớn Purohita nhìn đôi bàn chân của Ngài, xem tướng của Ngài rồi tuyên bố rằng:
“Người này là bậc đại phước có tài đức vẹn toàn, có khả năng làm vua không chỉ trị vì một châu này mà còn có khả năng trị vì 4 châu thiên hạ, có 4 biển làm ranh giới.”
Vị quan lớn Purohita ra lệnh trỗi nhạc lớn hơn nữa, khi ấy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka mở mắt nhìn xung quanh. Vị quan lớn ra lệnh các quan, dân chúng tránh ra xa, vị quan lớn cung kính chắp hai tay tâu rằng:
- Muôn tâu bậc Đại-nhân, kính thỉnh Ngài ngồi dậy. Kính thỉnh Ngài lên ngôi vua, ngự tại kinh-thành Mithilā, trị vì đất nước Videha.
Khi ấy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka vẫn nằm, truyền hỏi vị quan lớn Purohita rằng:
- Này các ngươi! Đức-vua của các ngươi không có hay sao?
- Muôn tâu bậc Đại-nhân, Đức-vua chúng thần đã băng hà rồi!
- Này các ngươi! Đức Phó-vương hoặc vị Thái-tử của Đức-vua các ngươi không có hay sao?
- Muôn tâu bậc Đại-nhân, Đức-vua của chúng thần không có Đức Phó-vương cũng không có Thái-tử nối ngôi, chỉ có một Công-chúa mà thôi.
Nghe vị quan lớn Purohita tâu trình như vậy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka truyền bảo rằng:
- Này các ngươi! Nếu như vậy thì ta chấp thuận lời thỉnh cầu của các ngươi, lên ngôi vua.
Truyền bảo xong, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka ngồi dậy. Tại tấm đá an lành ấy, các quan đem nước uống, nước dùng vào kính dâng lên Đức-Bồ-tát. Sau khi Đức-Bồ-tát làm vệ sinh thân thể xong, các quan đem bộ vương phục và 5 thứ báu vật suy tôn vương (cái mũ miện báu, thanh kiếm báu, cây gậy báu, quạt báu và đôi hia báu) đến kính dâng lên Đức-Bồ-tát.
Nhận những vật báu ấy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahā-janaka mặc bộ vương phục, mang đôi hia, đội mũ, mang gươm báu. Tại tấm đá an lành ấy, các quan làm lễ đăng quang suy tôn Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka lên ngôi vua có tên là Đức-vua Mahājanaka, rồi các quan cung thỉnh Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka ngự lên cỗ long xa Phussa dẫn đầu hồi cung, theo sau là đoàn nhạc triều đình, các bộ binh hộ giá trở về kinh-thành Mithilā.
Khi đến kinh-thành Mithilā, Đức-vua Mahājanaka ngự xuống cỗ long xa Phussa, rồi ngự vào cung điện. Công-chúa Sīvalidevī truyền lệnh vị quan đến chầu Đức-vua tâu rằng:
- Tâu Đại-vương, Công-chúa Sīvalidevī thỉnh Đại-vương ngự đến lâu đài gặp công-chúa.
- Muôn tâu Công-chúa, kẻ hạ thần đã cố gắng tâu lời truyền của Công-chúa, nhưng Đức-vua vẫn ngự đi xem các lâu đài, cung điện một cách tự nhiên, không hề quan tâm đến lời tâu của hạ thần.
Nghe lời tâu của vị quan, Công-chúa Sīvalidevī nghĩ rằng: “Đức-vua này là bậc đại-nhân, bậc đại-thiện-trí.”
Khi ấy, do oai lực của Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka, công-chúa Sīvalidevī ngự đến làm lễ tôn kính Đức-vua, rồi kính dâng hatthālampaka (chiếc vòng đeo tay của công-chúa) lên Đức-vua. Nhận chiếc vòng ấy của công-chúa Sīvalidevī, Đức-vua Mahājanaka ngự trên ngai vàng dưới chiếc lọng trắng truyền bảo các quan rằng:
- Này các khanh, trước khi Đức-vua Polajanaka của các khanh băng hà có truyền bảo điều gì phải không?
- Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Polajanaka của chúng thần trước khi băng hà có truyền lại rằng:
“Nếu người nào có khả năng làm cho công-chúa Sīvaladevī hài lòng, thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên làm vua.”
- Công-chúa Sīvalidevī đã ngự đến chầu Trẫm và đã dâng báu vật Hatthālampaka (chiếc vòng đeo tay của Công-chúa).
Như vậy, Trẫm đã làm cho công-chúa Sīvalidevī hài lòng rồi. Các khanh hãy tâu điều khác.
- Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Polajanaka truyền lại rằng: “Nếu người nào có khả năng biết được đầu nằm của long sàng hình vuông thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.”
“Điều này ta nên dùng kế để biết.”
Tuân theo lệnh của Đức-vua Mahājanaka, Công-chúa Sīvalidevī cung kính đặt chiếc trâm vàng ấy lên trên đầu nằm của long sàng hình vuông.
- Các khanh hãy tâu điều khác.
- Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Polajanaka truyền lại rằng: “Nếu người nào có sức mạnh phi thường có khả năng nhấc nổi cây cung có sức nặng 1.000 người khiêng thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.”
- Các khanh hãy tâu điều khác.
- Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Polajanaka truyền lại rằng: “Nếu người nào có khả năng biết rõ chỗ 16 hầm báu lớn, rồi đem về đủ nộp vào kho của triều đình thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.”
- Đức-vua Polajanaka có truyền mật hiệu của mỗi hầm báu lớn cho các khanh hay không?
- Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Polajanaka có truyền cho biết mật hiệu của mỗi của báu lớn cho chúng thần như sau:
1-Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời mọc.
2-Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời lặn.
3-Hầm báu lớn ở bên trong.
4- Hầm báu lớn ở bên ngoài.
5- Hầm báu lớn không phải ở bên trong lẫn bên ngoài.
6- Hầm báu lớn ở chỗ chân bước lên.
7-Hầm báu lớn ở chỗ chân bước xuống.
8…11-4 hầm báu lớn ở 4 đại cội Sālā (mahāsālā).
12-Hầm báu lớn ở chỗ xung quanh do tuần.
13-Hầm báu lớn ở giữa hai ngà của con voi báu.
14-Hầm báu lớn ở chỗ đuôi của con voi báu.
15- Hầm báu lớn ở dưới nước.
16- Hầm báu lớn ở đầu ngọn cây.
- Hôm nay, Trẫm bãi triều, ngày mai Trẫm sẽ chỉ đủ 16 hầm báu lớn ấy.
- Này các khanh! Đức-vua của các khanh có thỉnh Đức-Phật Độc-Giác đến cung điện làm phước bố-thí cúng dường vật thực hay không?
- Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Polajanaka của chúng thần thường thỉnh Đức-Phật Độc-Giác đến cung điện làm phước bố-thí, cúng dường vật thực. Tâu Bệ-hạ.
Đức-vua Bồ-tát suy nghĩ rằng:
“Mặt trời ở đây không có nghĩa là mặt trời trên hư không, mà chínhh là Đức-Phật Độc-Giác.”
Vậy, hầm báu lớn ở tại chỗ đón rước Đức-Phật Độc-Giác và chỗ đưa tiễn Đức-Phật Độc-Giác.
1. Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời mọc
Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền hỏi rằng:
- Này các khanh! Khi Đức-Phật Độc-Giác ngự đến cung điện, Đức-vua Polajanaka ngự ra đón rước Đức-Phật Độc-Giác tại chỗ nào?
Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho triều đình. Các quan cùng dân chúng đều tán dương ca tụng Đức-vua có trí-tuệ siêu-việt.
2. Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời lặn
Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền hỏi rằng:
- Này các khanh! Khi Đức-Phật Độc-Giác ngự trở về, Đức-vua Polajanaka đứng đưa tiễn Đức-Phật Độc-Giác tại chỗ nào?
Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.
3. Hầm báu lớn ở bên trong
Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.
4. Hầm báu lớn ở bên ngoài
Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.
5. Hầm báu lớn không phải bên trong lẫn bên ngoài
Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.
6. Hầm báu lớn ở chỗ chân bước lên
Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.
7. Hầm báu lớn ở chỗ chân bước xuống
Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.
8-9-10-11. 4 hầm báu lớn ở 4 đại cội sālā
Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.
12. Hầm báu lớn ở chỗ xunng quanh do tuần
Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.
13. Hầm báu lớn ở giữa hai ngà của con voi báu
Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.
14. Hầm báu lớn ở chỗ đuôi của con voi báu
Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.
15. Hầm báu lớn ở dưới nước
Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.
16. Hầm báu lớn ở đầu ngọn cây
Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.
Như vậy, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka đã chỉ đúng chỗ 16 hầm báu lớn, rồi đào lấy đem nộp vào kho triều đình đầy đủ. Các quan cùng dân chúng ca tụng rằng:
Thật phi thường chưa từng có! Đức-vua Mahājanaka là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt xuất chúng.
“Ta sẽ làm phước bố-thí.”
Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh cho các quan đi đến thành phố Kālacampā, thỉnh mời Mẫu-hậu cùng ông bà giáo sư Bà-la-môn Udicca đến kinh-thành Mithilā để lo phụng dưỡng báo ân.
Lễ Mừng Lên Ngôi Báu Và Thành Hôn
Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh tổ chức đại lễ mừng lên ngôi báu và thành hôn với Công-chúa Sīvalidevī. Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka lên ngôi vua, ngự tại kinh-thành Mithilā trị vì đất nước Videharaṭṭha, thần dân thiên hạ được sống an-lạc trong cảnh thanh bình thịnh vượng.
Cho nên, Đức-vua có nhiều của cải lớn lao. Đức-vua ngự trên ngai vàng dưới chiếc lọng trắng cao quý, như Đức-vua trời Sakka trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
Đức-vua Bồ-tát hồi tưởng lại cảnh chìm thuyền ở giữa đại dương:
“Pháp tinh-tấn là pháp-hạnh ba-la-mật nên hành, nếu ta không có sự cố gắng tinh-tấn bơi lội suốt 7 ngày đêm trong đại dương thì ngày nay, ta không thể ngự trên ngai vàng, hưởng được mọi sự an-lạc như thế này!
Sở dĩ ngày hôm nay ta được ngự trên ngai vàng, hưởng được mọi sự an-lạc như thế này là nhờ pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật ấy.”
“Người là bậc thiện-trí nên có niềm tin và hy vọng, có sự tinh-tấn trong công việc của mình, không nên lười biếng, không nên chán nản. Ta đã thấy điều mong muốn được lên ngôi vua đã thành tựu đối với ta.
Người là bậc thiện-trí nên có niềm tin và hy vọng, có sự tinh-tấn trong công việc của mình, không nên lười biếng, không nên chán nản. Ta đã thấy sự tinh-tấn bơi lội suốt 7 ngày đêm giữa đại dương, rồi ta được vớt lên đặt nằm trên tảng đá an lành trong vườn thượng uyển.
Người là bậc thiện-trí nên có sự tinh-tấn không ngừng trong công việc của mình, không nên lười biếng, không nên chán nản. Ta đã thấy điều mong muốn được lên ngôi vua đã thành tựu đối với ta.
Người là bậc thiện-trí nên có sự tinh-tấn không ngừng trong công việc của mình, không nên lười biếng, không nên chán nản. Ta đã thấy sự tinh-tấn bơi lội suốt 7 ngày đêm giữa đại dương, rồi ta được vớt lên đặt nằm trên tảng đá an lành trong vườn thượng uyển.
Người có trí-tuệ dù gặp hoàn cảnh khổ cùng cực vẫn có sự tinh-tấn không ngừng, có niềm tin và hy vọng, rồi sẽ được sự an-lạc.
Phần đông mọi người, khi sống trong cảnh an-lạc thì mới có sự tinh-tấn tạo được những điều lợi ích cho mình, nhưng khi gặp phải hoàn cảnh khổ cùng cực thì thoái chí nản lòng, không có tinh-tấn thực-hành đem lại điều lợi ích cho mình, bởi vì, những người ấy không biết suy xét.
Thực ra, dù sống trong cảnh an-lạc, hoặc gặp phải hoàn cảnh khổ cùng cực cũng đều có thể tinh-tấn thực-hành đem lại những điều lợi ích cho mình được.
Những người ấy không chịu khó suy nghĩ điều ấy, nên sự chết đến với họ. Vì vậy, pháp tinh-tấn không ngừng là pháp-hạnh nên thực-hành.
Ta lên ngôi vua mà không cần phải chiến đấu, tranh giành. Đó là điều mà ta không nghĩ, lại xảy đến với ta. Còn điều ta nghĩ phải chiến đấu để giành lại ngôi vua cha, thì điều đó không xảy ra đối với ta.
Những thứ của cải tài sản của người đàn ông hoặc người đàn bà được thành tựu không phải do suy nghĩ suông, mà thật ra, những thứ của cải tài sản ấy được thành tựu do sự tinh-tấn không ngừng trong công việc của mình. Cho nên, sự tinh-tấn không ngừng là pháp-hạnh cần phải thực-hành.
Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka trị vì đất nước Videha bằng 10 pháp-vương (10 pháp-hành của Đức-vua), thường hộ độ cúng dường đến chư Phật Độc-Giác.
Về sau, Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī sinh hạ được Thái-tử, đặt tên là Dīghāvu. Khi Thái-tử Dīghāvu trưởng thành, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka tấn phong Thái-tử làm Đức Phó-vương.
Một hôm, người trông nom vườn thượng uyển đem những quả xoài có vị ngon ngọt thơm tho, những đoá hoa xinh đẹp đến kính dâng lên Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka. Nhìn thấy những phẩm vật ấy, Đức-vua tán dương ca tụng người trông nom vườn thượng uyển, rồi truyền bảo rằng:
-Này ngươi! Trẫm muốn du lãm vườn thượng uyển. Vậy, ngươi nên trang hoàng vườn thượng uyển.
Bài Học Về Hai Cây Xoài
* Một cây xoài có quả chín trĩu các cành.
* Một cây xoài không có quả xanh tươi.
Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka ngự trên lưng con voi báu, đưa tay hái một quả xoài chín dùng thử, quả xoài có hương vị thơm tho ngon ngọt như hương vị trời.
Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka nghĩ rằng:
“Khi hồi cung ngự trở về, ta sẽ dùng thêm đôi quả xoài ấy nữa.”
Đức-vua Bồ-tát tiếp tục ngự vào vườn thượng uyển để du lãm cảnh vật, những hoa quả trong vườn.
Nhìn thấy Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka đã hái quả xoài dùng trước rồi, phái đoàn hộ giá mới dám hái những quả xoài để dùng. Khi miếng xoài chạm vào lưỡi, họ thưởng thức được hương vị thơm tho ngon ngọt lạ thường, nên để hái những quả xoài chín ở trên các cành cây cao, họ đã chặt những cành cây ấy, làm cho cây xoài có quả ấy trụi các cành, đứng trơ trọi. Còn cây xoài không có quả vẫn xanh tươi tự nhiên.
Sau khi du lãm vườn thượng uyển xong, khi Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka hồi cung, ngự ra cổng vườn thượng uyển, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka nhìn thấy cây xoài vừa mới đây có quả chín trĩu các cành, nay nó bị chặt các cành, đứng trơ trụi, nên Đức-vua Bồ-tát bèn truyền hỏi các quan rằng:
- Này các khanh! Vừa mới đây cây xoài này có quả chín trĩu các cành, tại sao nay như thế này?
- Muôn tâu Bệ-hạ, sau khi Bệ-hạ đã dùng quả xoài chín xong, những người trong đoàn hộ giá, mỗi người đều hái quả xoài chín để ăn, quả xoài có hương vị thơm tho ngon ngọt lạ thường, nên ai cũng muốn thưởng thức hương vị ấy. Để hái những quả xoài chín ở trên các cành cao, họ đã chặt những cành cây ấy, cho nên, làm cho cây xoài có quả ấy trụi các cành, đứng trơ trọi như vậy. Tâu Bệ-hạ.
Nghe các quan tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Mahā-janaka truyền hỏi rằng:
- Này các khanh! Tại sao cây xoài này có quả thì lại bị chặt trụi các cành, đứng trơ trọi, còn cây xoài kia không có quả vẫn xanh tươi như thường?
- Muôn tâu Bệ-hạ, bởi vì, cây xoài này có quả chín trĩu các cành, quả xoài chín có hương vị thơm tho ngon ngọt lạ thường, nên ai cũng muốn thưởng thức hương vị của quả xoài ấy. Vì vậy, nó bị chặt trụi các cành để hái quả chín. Còn cây xoài kia không có quả, thì không ai quan tâm đến nó. Vì vậy, cây xoài kia vẫn được xanh tươi tự nhiên. Tâu Bệ-hạ.
Nghe các quan tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Mahā-janaka phát sinh động tâm, nên suy nghĩ:
* Một cây xoài này có quả chín trĩu các cành, quả xoài chín có hương vị thơm tho ngon ngọt, nên nó bị chặt trụi các cành, để hái quả ấy.
* Một cây xoài kia không có quả, thì không ai quan tâm đến nó, nên nó vẫn xanh tươi như thường.
Cũng như vậy, nếu ta ngự trên ngai vàng có đầy đủ mọi sự an-lạc thì cũng giống như cây xoài này có quả chín thơm tho ngon ngọt. Nhưng nếu ta từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, sống trong rừng thì cũng giống như cây xoài không có quả kia.
Sự tai hại thường xảy đến đối với người có nhiều của cải tài sản lớn, sự tai hại ít xảy đến đối với người không có của cải tài sản.
Vậy, ta nên là người không giống như cây xoài có quả chín thơm tho ngon ngọt này, mà ta nên là người giống như cây xoài không có quả kia.
“Ta nguyện chắc chắn sẽ từ bỏ ngôi vua, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ.”
-Này khanh! Bắt đầu từ hôm nay, Trẫm chỉ cho phép một người đem vật thực, đồ dùng đến hầu Trẫm mà thôi. Ngoài ra, Trẫm không cho phép một ai đến quấy rầy sự yên tĩnh của Trẫm cả. Mọi công việc triều đình, các quan tự điều hành, còn Trẫm ở một mình trên lâu đài này, thực-hành theo pháp-hạnh của Sa-môn.
Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka tạo pháp-hạnh của Sa-môn ở trên lâu đài suốt 4 tháng, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka cảm thấy bị giam hãm trong lâu đài như ở trong địa-ngục. Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka nhận thức thấy rõ: “Tất cả các cõi trong tam-giới này như bị thiêu, bị đốt.”
Cho nên, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka hướng tâm đến sự xuất gia trở thành đạo-sĩ. Đức-vua Bồ-tát Mahā-janaka tự hỏi rằng:
“Khi nào ta mới được từ bỏ kinh-thành Mithilā to lớn này, đi vào rừng núi Himavanta, để xuất gia trở thành đạo-sĩ đây?”
Thời Đại Đức-Vua Bồ-Tát Mahājanaka
Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka sinh ra trong thời đại con người có tuổi thọ khoảng 10.000 năm, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka đã lên ngôi báu làm vua được 7.000 năm. Sau khi Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka chứng kiến về hai cây xoài trước cổng vào vườn thượng uyển:
* Một cây xoài có nhiều quả chín ngon ngọt thơm tho, thì bị chặt trụi các cành, để hái quả xoài chín ấy.
* Một cây xoài không có quả thì vẫn xanh tươi như thường.
“Đời sống Đế-vương dễ phát sinh nhiều điều phiền não, dễ bị tai hại. Còn đời sống của bậc xuất-gia khó phát sinh phiền não, được an toàn.”
- Này khanh! Khanh hãy đi tìm cho Trẫm một bộ y màu lõi mít và một cái bát đất, tuyệt đối giữ kín, không được cho ai biết cả.
Tuân theo lệnh của Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka, vị quan hầu đi tìm bộ y và một cái bát đất, đem về dâng lên Đức-vua Bồ-tát. Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh cho gọi người thợ cắt tóc đến, Đức-vua Bồ-tát truyền bảo người thợ cắt tóc và cạo râu sạch sẽ xong, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka ban thưởng cho người thợ cắt tóc xóm làng để lấy thuế nuôi mạng.
- Ô! Đời sống của bậc xuất-gia thật là an-lạc quá! Thật là thanh cao quá!
-Này các em yêu quý! Suốt 4 tháng qua, chúng ta chưa đến chầu Hoàng-thượng. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau đến chầu Hoàng-thượng. Vậy, các em mỗi người hãy trang điểm cho đẹp duyên dáng đáng yêu, để làm cho Hoàng-thượng hài lòng.
Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī cùng 700 cung phi mỹ nữ đảnh lễ Ngài rồi tiếp tục ngự bước lên lầu. Khi đến nơi, Bà không thấy Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka, mà chỉ thấy bộ triều phục và các đồ trang sức của Đức-vua để trên long sàng, và nhìn thấy tóc râu của Đức-vua ở một nơi, Bà biết ngay và nói rằng:
-Bậc xuất-gia mà chúng ta gặp từ trên lâu đài ngự đi xuống không phải là Đức-Phật Độc-Giác như chúng ta tưởng lầm. Sự thật, bậc xuất-gia ấy chính là Hoàng-thượng của chúng ta.
Dân chúng trong kinh-thành Mithilā biết tin Đức-vua Mahājanaka từ bỏ ngôi vua đi xuất gia, họ đi theo sau khóc than rằng:
- Đức-vua của chúng ta là bậc Minh-quân đức độ, nay đã từ bỏ chúng ta đi xuất gia rồi!
- Này các khanh! Các khanh trở về gom các xác nhà cũ, cỏ rác… đốt cháy trước cửa cung điện làm cho cột khói to bốc lên hư không cho ta.
- Muôn tâu Hoàng-thượng, các kho vàng, kho ngọc, kho báu… của Hoàng-thượng đều bị cháy. Kính thỉnh Hoàng-thượng hồi cung, truyền lệnh các quan dập tắt lửa để bảo vệ của cải sản nghiệp của Hoàng-thượng.
- Bần đạo không còn gì bị cháy cả.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đứng lại, quay mặt về phía mọi người truyền hỏi các quan rằng:
- Này các khanh! Phần đất này thuộc về ai vậy?
- Muôn tâu Bệ-hạ, phần đất này thuộc về Bệ-hạ.
- Này các khanh! Phần đất này thuộc về Trẫm, nếu người nào vượt qua đường gạch ngang này, người ấy sẽ bị phạm tội.
Đạo-Sĩ Nārada
- Ô! thiền định thật là an-lạc!
- Sự an-lạc trong thiền định thật là thanh cao!
Nhìn thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka có mầm mống sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai, nên vị đạo-sĩ Nārada nghĩ rằng:
“Đức-vua Bồ-tát đã từ bỏ ngai vàng, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, thế mà Đức-Bồ-tát đạo-sĩ không ngăn cản được Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī cùng 700 cung phi mỹ nữ, dân chúng đi theo sau, làm trở ngại việc hành đạo của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ. Ta nên hiện đến đàm đạo với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ.”
Đạo-Sĩ Migājina
“Ta sẽ hiện đến gần gũi thân cận đàm đạo với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ. Đó là cơ hội tốt của ta.”
- Kính thưa Đức Đạo-sĩ, Ngài nhận thức như thế nào mà từ bỏ ngai vàng điện ngọc, từ bỏ hoàng gia, từ bỏ đất nước thần dân thiên hạ, để đi xuất gia trở thành đạo-sĩ sống đời khất thực bằng cái bát đất này? Thưa Ngài.
- Thưa Đạo-sĩ Migājina, tôi nhận thức thấy rõ cuộc đời của hạng phàm nhân tại gia thường bị ràng buộc bởi phiền não. Nếu hạng phàm nhân tại gia nào phát sinh phiền não trong đối tượng nào, thì tâm của hạng phàm nhân ấy bị ô nhiễm, bị ràng buộc bởi phiền não, bị sa lầy đắm chìm trong đối tượng ấy. Đó là điều mà tôi tư duy tự dạy mình rằng:
“Nếu tôi phát sinh phiền não trong đối tượng nào thì tâm của tôi cũng bị ô nhiễm, bị ràng buộc bởi phiền não, bị sa lầy đắm chìm trong đối tượng ấy. Vì vậy, tôi quyết tâm-từ bỏ ngai vàng điện ngọc, từ bỏ tất cả, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, hoan hỷ sống theo cách khất thực bằng cái bát đất này.”
- Thưa Đức đạo-sĩ, lời dạy của Ngài thật là hay, vô cùng sâu sắc. Vậy, Ngài đã từng nghe lời giảng dạy từ bậc Sa-môn nào, mà Ngài chưa nói đến bậc Sa-môn ấy?
- Thưa Đạo-sĩ Migājina, thật ra, tôi là người rất kính trọng các bậc Sa-môn, nhưng điều mà tôi đã thưa với Ngài, là do chính tôi đã mục kích sự việc xảy ra, rồi tư duy tự dạy mình.
- Thưa Đạo-sĩ Migājina, tôi đang hưởng sự an-lạc trên ngai vàng. Một hôm, tôi ngồi trên con voi báu, ngự đi du lãm vườn thượng uyển cùng với đoàn tùy tùng hộ giá đông đảo, có nhạc vang rền theo sau. Đến cổng vườn thượng uyển, tôi nhìn thấy hai cây xoài: Một cây xoài có quả chín trĩu các cành và một cây xoài không có quả xanh tươi. Tôi ngự trên lưng con voi báu, đưa tay hái một quả xoài chín dùng thử, quả xoài có hương vị thơm tho ngon ngọt như hương vị trời. Tôi nghĩ rằng:
“Khi hồi cung ngự trở về, ta sẽ dùng thêm đôi quả xoài này nữa.”
Tôi tiếp tục ngự đi vào vườn thượng uyển để du lãm cảnh vật những hoa quả trong vườn.
Nhìn thấy tôi đã hái quả xoài dùng trước rồi, phái đoàn tuỳ tùng hộ giá mới dám hái những quả xoài để dùng. Khi miếng xoài chạm vào lưỡi, họ thưởng thức được hương vị thơm tho ngon ngọt lạ thường. Muốn hái những quả xoài chín ở trên cành cây cao, họ đã chặt những cành cây, làm cho cây xoài có nhiều quả chín ấy trụi các cành, đứng trơ trọi.
Sau khi du lãm vườn thượng uyển xong, tôi hồi cung, ngự ra cổng, tôi nhìn thấy cây xoài có nhiều quả chín trĩu các cành vừa mới đây, nay trở thành cây xoài bị trụi các cành, đứng trơ trọi. Còn cây xoài không có quả vẫn xanh tươi tự nhiên.
Nhìn thấy hai cây xoài như vậy, nên tôi suy xét rằng: “Những kẻ thù muốn chiếm ngai vàng, họ có thể sát hại ta, như những người muốn ăn quả xoài chín ngon ngọt thơm tho, họ chặt trụi các cành cây, để hái quả xoài chín trên cao.”
Như vậy, một cây xoài có quả chín trĩu các cành, quả có hương vị thơm tho ngon ngọt và một cây xoài không có quả vẫn xanh tươi tự nhiên. Đó là vị thầy dạy dỗ tôi, giúp tôi có nhận thức đúng đắn về cuộc đời, nên tôi đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc, từ bỏ tất cả, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, hoan hỷ sống đời khất thực bằng cái bát đất này.
Chuyện Miếng Thịt Nướng
Nhìn thấy miếng thịt chín mà con chó bỏ lại, không có chủ, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ cúi xuống lượm miếng thịt nướng ấy, phủi bụi dơ, bỏ vào bát đất, đi đến chỗ có nước, ngồi suy xét về vật thực chỉ là tứ đại mà thôi, rồi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ dùng miếng thịt nướng ấy.
“Nếu khi Hoàng-thượng còn ngự trên ngai vàng, thì chắc chắn Hoàng-thượng không bao giờ dùng món thịt đã dính đất dơ bẩn của con chó bỏ lại. Món thịt thật đáng nhờm gớm làm sao!” Nghĩ xong Bà tâu rằng:
- Muôn tâu Hoàng-thượng, tại sao Hoàng-thượng có thể dùng món thịt thật đáng nhờm gớm như vậy được?
- Này Sīvalidevī! Bà không thể nào biết được tính chất đặc biệt của món ăn khất thực này đâu!
- Muôn tâu Hoàng-thượng, người ta thà chịu chết đói, chứ không dùng món thịt dính đất dơ bẩn. Còn Đại-vương lại có thể dùng món thịt dính đất dơ bẩn của con chó bỏ lại. Miếng thịt ấy thật đáng nhờm gớm biết dường nào!
- Này Sīvalidevī, miếng thịt nào của con chó hoặc của con người đã bị xả bỏ, vô chủ. Vậy, bần đạo có được miếng thịt ấy một cách hợp pháp. Món ăn nào mà người ta có được một cách hợp pháp thì chư bậc thiện-trí dạy rằng: “Người dùng món ăn ấy không có lỗi.”
Món ăn nào mà người ta có được một cách không hợp pháp, dù món ăn ấy có giá trị gấp trăm ngàn lần thì món ăn ấy vẫn là món ăn không sạch sẽ. Đó mới thật là món ăn đáng nhờm gớm!
Chuyện Hai Chiếc Vòng Đeo Tay
Nhìn thấy vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nghĩ rằng:
“Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī đi theo đằng sau ta thường hay nói chuyện với ta. Bậc thiện-trí dạy rằng:
“Đàn bà thường làm ô nhiễm đến bậc hành phạm-hạnh.” Nhìn thấy Sīvalidevī đi theo sau ta, người ta sẽ chê trách rằng: “Vị đạo-sĩ là bậc xuất-gia, mà còn chưa từ bỏ được vợ.”
Nếu bé gái này là đứa bé thông minh, thì nó sẽ giải thích về một chiếc vòng và hai chiếc vòng đeo trong cánh tay của nó. Sau khi nghe lời giải thích của bé gái ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī sẽ ý thức được việc đi theo sau vị đạo-sĩ là điều không nên. Bà sẽ chịu hồi cung trở về kinh-thành Mithilā.”
- Này cô bé dễ thương! Hai cánh tay của con, một bên đeo một chiếc vòng, một bên kia đeo hai chiếc vòng. Khi con cử động cánh tay đeo một chiếc vòng thì không có tiếng kêu, và khi con cử động cánh tay đeo hai chiếc vòng thì phát ra tiếng kêu. Do nguyên nhân nào vậy con?
- Kính thưa Ngài Sa-môn, cánh tay này của con đeo hai chiếc vòng, mỗi khi cánh tay con cử động thì chiếc vòng này va chạm với chiếc vòng kia, nên phát ra tiếng kêu. Còn cánh tay kia của con chỉ có một chiếc vòng mà thôi, dù cho con cử động nó cách nào, thì chiếc vòng cũng không thể phát ra tiếng kêu được, bởi nó không va chạm chiếc vòng khác.
Cũng giống như bậc Sa-môn nên sống vắng lặng một mình, thì không chuyện trò, cãi cọ, tranh luận.
- Kính thưa Ngài Sa-môn, nếu khi có hai người thì mới chuyện trò, cãi cọ, tranh luận với nhau. Còn chỉ có một người thôi, thì chuyện trò, cãi cọ, tranh luận với ai! Ngài là bậc Sa-môn nên sống vắng lặng một mình là hơn.
- Kính thưa Ngài Sa-môn, thông thường các bậc Sa-môn không dẫn theo em gái cùng đi chung một con đường. Ngài là bậc Sa-môn tại sao Ngài cho vợ đi theo Ngài như vậy. Người vợ này sẽ làm trở ngại cho việc tạo pháp-hạnh cao thượng của Ngài.
Vậy, xin Ngài nên từ bỏ người vợ này, đi một mình để thuận lợi cho việc thực-hành pháp Sa-môn của Ngài.
- Này Sīvalidevī! Bà đã nghe lời giải thích hai chiếc vòng đeo tay và lời khuyên của bé gái còn ngủ với mẹ, nó là đứa bé nhà quê, nó chê trách bần đạo đi chung với bà cùng một con đường.
- Này Sīvalidevī! Con đường rẽ đôi này có hai bên. Ngay bây giờ, xin bà chọn trước một con đường, con đường còn lại thuộc về bần đạo. Bần đạo và bà phải chia tay nhau tại nơi này. Kể từ nay, xin bà không nên nghĩ bần đạo là phu quân của bà và bần đạo cũng không còn nghĩ bà là phu nhân của bần đạo nữa.
- Muôn tâu Hoàng-thượng, Hoàng-thượng là bậc cao thượng, Hoàng-thượng nên đi con đường bên phải, còn thần thiếp là kẻ thấp hèn sẽ chọn con đường bên trái.
Chuyện Người Thợ Làm Mũi Tên
Nhìn thấy người thợ làm mũi tên như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka nghĩ rằng:
“Nếu người thợ làm mũi tên này là người thông minh thì y sẽ giải thích về sự lợi ích về hành động của y, và sẽ làm cho Chánh-cung Hoàng-hậu thức tỉnh không theo sau ta nữa mà hồi cung trở về kinh-thành Mithilā.”
- Này người thợ! Ngươi nheo mắt một bên, ngắm mũi tên với con mắt bên kia. Vậy, ngươi thấy sự lợi ích như thế nào mà hành động như vậy?
- Kính thưa Ngài Sa-môn, nếu tôi ngắm mũi tên với cả hai con mắt, mắt sẽ nhòa, không thể thấy chỗ cong của mũi tên ở phía trước, thì không thể uốn nó cho thẳng được. Khi tôi nheo mắt một bên, ngắm mũi tên với con mắt bên kia, thì tôi có thể thấy chỗ cong của mũi tên, để uốn nó thẳng được.
Cũng như vậy, nếu có hai người đi với nhau thì mới có chuyện trò, cãi cọ, tranh luận với nhau, nếu chỉ một người thì chuyện trò, cãi cọ, tranh luận với ai được! Bậc Sa-môn nên sống vắng lặng một mình.
Thông thường các Sa-môn không dẫn em gái đi chung một đường, Ngài là Sa-môn tại sao Ngài lại cho vợ đi theo với Ngài như vậy? Người vợ này sẽ làm trở ngại việc thực-hành phạm hạnh cao thượng của Ngài.
Thật ra, Ngài nên từ bỏ người vợ này, Ngài nên đi một mình để thuận lợi cho việc thực-hành phạm hạnh cao thượng của Ngài.
- Này Sīvalidevī! Bà đã nghe người thợ làm mũi tên chê trách bần đạo đi chung với bà cùng một con đường rồi phải không?
- Này Sīvalidevī! Tại đây con đường rẽ đôi có hai bên, bà nên chọn trước một con đường, con đường còn lại thuộc về bần đạo. Kể từ nay, xin bà không nên nghĩ bần đạo là phu-quân của bà, và bần đạo cũng không còn nghĩ bà là phu-nhân của bần đạo nữa.
Thật ra, không chỉ có Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvali-devī, mà còn có 700 cung phi mỹ nữ, dân chúng cùng đi theo sau Bà nữa.
Đến một khu rừng, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka muốn Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī, 700 cung phi mỹ nữ và số đông dân chúng trở về kinh-thành Mithilā, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nhổ một cây cỏ tranh bên đường, rồi đưa cây cỏ lên truyền bảo Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī rằng:
-Này Sīvalidevī! Bà hãy nhìn cây cỏ tranh này, nó không thể sống lại chỗ đất cũ của nó được nữa. Cũng như vậy, kể từ nay, bần đạo cũng không thể nào sống chung với bà như trước được nữa. Bần đạo chỉ sống một mình mà thôi. Còn bà nên hồi cung dẫn đoàn người trở về kinh-thành Mithilā.
“Kể từ nay, bần đạo cũng không thể nào sống chung với bà như trước được nữa.”
“Kể từ nay, ta không thể nào sống chung với Đức-vua Mahājanaka được nữa.”
Khi ấy, các người hầu cận cấp cứu Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī. Vừa tỉnh lại, Bà liền truyền hỏi rằng:
-Này các ngươi! Hoàng-thượng ngự đi đâu rồi?
Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī truyền lệnh đi tìm Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka, nhưng các quan không tìm thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka ở chỗ nào cả. Bà truyền lệnh xây dựng một ngôi tháp kỷ niệm chỗ chia tay lần cuối cùng với Đức-vua Mahājanaka, cúng dường hoa, vật thơm, …
Đức-Bồ-Tát Đạo-Sĩ Mahājanaka Vào Rừng
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka ngự thẳng vào rừng Himavanta thực-hành pháp-hành thiền-định, dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, và 5 phép thần-thông: đa-dạng-thông, thiên-nhãn-thông, thiên-nhĩ-thông, tiền-kiếp-thông và tha-tâm-thông trong vòng 7 ngày.
Sau khi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka tịch, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả hoá sinh làm vị phạm-thiên trên cõi trời sắc-giới phạm-thiên.
Chánh-Cung Hoàng-Hậu Sīvalidevī
- Ngôi tháp tại nơi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ hỏi chuyện người làm mũi tên.
- Ngôi tháp tại nơi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ hỏi chuyện với bé gái.
- Ngôi tháp tại nơi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ dùng miếng thịt nướng của con chó bỏ lại.
- Ngôi tháp tại nơi gặp vị đạo-sĩ Migājina.
- Ngôi tháp tại nơi gặp vị đạo-sĩ Nārada.
Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī ngự về đến kinh-thành Mithilā liền tổ chức làm lễ đăng quang Thái-tử Dīghāvu lên ngôi vua, trị vì nước Videharaṭṭha.
Sau khi Thái-tử Dīghāvu lên ngôi vua, Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī xuất gia trở thành nữ đạo-sĩ trú tại vườn xoài trong vườn thượng uyển, thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.
Đức-Phật thuyết về tiền-kiếp của Ngài là Đức-Bồ-tát Mahājanaka thực-hạnh pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc thượng với bài kệ rằng:
“Atīradassījalamajjihe, hatā sabbeva mānusā. Cittassa aññathā natthi, esā me vīriyapāramī”[5]
“Tiền-kiếp Như-Lai cùng với 700 thuỷ thủ bị chìm thuyền giữa đại dương, không nhìn thấy bờ bến. Tất cả thuỷ thủ đều chết chìm làm mồi cho cá, chỉ còn một mình tiền-kiếp Như-Lai có sự tinh-tấn không ngừng bơi lội giữa đại dương, không hề thoái chí nản lòng.
Đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc-thượng của tiền-kiếp Như-Lai.”
-Na bhikkhave idāneva, pubbepi Tathāgato mahābhi-nikkhamanaṃ nikkhantoyeva.
-Này chư tỳ-khưu! Không chỉ kiếp hiện-tại này, Như-lai từ bỏ ngai vàng đi xuất gia, mà tiền-kiếp của Như-lai cũng đã từng từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo-sĩ như vậy.
Tích Mahājanakajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại
- Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu, nay kiếp hiện-tại là Đức-vua Suddhodana và Mẫu-hậu Mahāmayādevī.
- Vị đạo-sĩ Nārada, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
- Vị đạo-sĩ Migājina, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.
- Bé gái, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Khemā.
- Thiên-nữ Maṇimekhalā, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā.
- Người thợ làm mũi tên, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.
- Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Yasodharā.
- Thái-tử Dīghāvu, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Rāhula.
- Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.
- Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka lập 6 trại bố-thí, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.
- Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka thọ trì và giữ gìn ngũ-giới, bát-giới trong những ngày giới hằng tháng, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.
- Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, đó là pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.
-Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka có trí-tuệ siêu-việt thấy rõ, biết rõ những điều mà người khác không biết, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.
- Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka có đức tính nhẫn-nại trong mọi cảnh khổ, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.
- Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka luôn luôn nói lời chân thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.
- Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka nói lời phát-nguyện không thoái chí, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.
- Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka có tâm-từ đến tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.
- Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka có tâm xả đối với tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.
Nhận Xét Về Tích Đức-Bồ-Tát Mahājanaka
Trong tích Mahājanakajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Thái-tử Mahā-janaka tạo pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc-thượng (Vīriyaparamatthapāramī) tinh-tấn không ngừng bơi lội suốt 7 ngày đêm giữa đại dương dù không nhìn thấy đâu là bờ bến.
Đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc-thượng của Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka.
Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).
Tinh-tấn ba-la-mật đó là tâm-sở tinh-tấn đồng sinh với các thiện-tâm cố gắng tinh-tấn, không thoái chí nản lòng trong mọi phận sự của mình.
Nhờ sức mạnh nào mà Đức-Bồ-tát Mahājanaka tinh-tấn bơi lội suốt 7 ngày đêm giữa đại dương như vậy?
Sức mạnh có 2 loại:
Thân (kāya) thuộc về sắc-pháp (rūpadhamma) đó là tứ đại hoàn toàn vô tri vô giác. Con người còn sống, thân và tâm nương nhờ lẫn nhau, nếu khi tâm rời khỏi thân thì thân này trở thành tử thi.
Tâm (citta) thuộc về danh-pháp (nāmadhamma) không có hình dáng, màu sắc. Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm chia làm 4 loại tâm:
1-Bất-thiện-tâm (ác-tâm) gồm có 12 tâm.
2-Thiện-tâm gồm có 21 hoặc 37 tâm.
3- Quả-tâm gồm có 36 hoặc 52 tâm.
4- Duy-tác-tâm gồm có 20 tâm.
2-Sức mạnh của tâm: Mỗi tâm có sức mạnh của nó.
- Sức mạnh của ác-tâm:
Ví dụ: khi tâm-sân phát sinh khiến cho thân có sức mạnh phá hoại đối tượng không hài lòng, nhưng cũng có khi tâm-sân phát sinh làm cho khổ tâm sầu não, khóc than thảm thiết khiến cho thân trở nên yếu đuối, thoái chí nản lòng, tuyệt vọng.
- Sức mạnh của thiện-tâm:
Khi đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ sáng suốt phát sinh, có đức-tin hy vọng, tinh-tấn không ngừng, có đức tính nhẫn-nại chịu đựng, khiến cho thân có sức mạnh phi thường bền bỉ kiên trì theo đuổi đến mục đích cuối cùng.
Như trong tích Mahājanakajātaka, trường hợp khi chiếc thuyền lớn bị chìm đắm, Đức-Bồ-tát Mahājanaka có đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ sáng suốt, bình tĩnh, có sự tinh-tấn bơi lội không ngừng, có đức tính nhẫn-nại chịu đựng kiên trì, đặc biệt có niềm tin hy vọng sẽ đến nơi bến bờ đại dương, nên khiến cho thân có thêm sức mạnh phi thường.
Đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc-thượng của Đức-Bồ-tát Mahājanaka.
Đức-Phật dạy: “Vīriyena dukkhamacceti[6].”
“Hành-giả giải thoát khỏi khổ sinh tử luân-hồi trong tam-giới do nhờ pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.”
Ví dụ: Như người nào cần lửa, người ấy đem 2 que củi khô cọ vào nhau liên tục không ngừng để phát sinh sức nóng, rồi mới phát ra lửa được.
Nếu người ấy đem 2 que củi khô cọ vào nhau một lát rồi nghỉ, thì không phát sinh sức nóng, nên không thể phát ra lửa được.
Phàm người nào muốn đạt đến sự thành công về lĩnh vực nào trong đời, người ấy cần phải cố gắng tinh-tấn không ngừng trong suốt thời gian dài hoặc ngắn tuỳ theo lĩnh vực ấy.
Nếu người nào vốn có trí-tuệ, có đức tính nhẫn-nại, kiên trì tinh-tấn không ngừng học hành thì người ấy chắc chắn sẽ có sự hiểu biết nhiều, chắc chắn sẽ được thành-tựu những công việc lớn nhỏ.
Trong tích Mahājanakajātaka này có những điều nên suy xét đó là 2 cây xoài:
* Một cây xoài không có quả được xanh tươi tự nhiên.
* Một cây xoài có quả chín trĩu các cành, quả có hương vị thơm tho ngon ngọt thì bị người ta chặt trụi cành, để hái quả.
Thật ra, mỗi người sinh ra trong đời này đều có tuổi thọ nhất định, nhưng đối với hạng người phàm-nhân chắc chắn không có một ai biết được mình còn sống được bao lâu nữa, vả lại sinh-mạng cũng không có gì chắc chắn, bởi vì trong thời đại này có nhiều loại bệnh nan y và nhiều tai nạn xảy ra dễ làm cho mất mạng.
Nếu người nào biết quý trọng sinh-mạng của mình, thì người ấy nên biết tranh thủ thời gian còn lại tạo các pháp-hạnh ba-la-mật cho sớm được đầy đủ làm nhân-duyên hỗ-trợ cho pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
(Xong pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc thượng)
[1] Bộ Jātakaṭṭhakathā, phần Ekakanipāta, tích Pañcāvudhajātaka.
[2] Bộ Jātakaṭṭhakathā, phần Ekakanipāta, tích Mahāsīlavajātaka.
[3] Bộ Jātakaṭṭhakathā, mahānipāta, tích Mahājanakajātaka.
[4] Trong tích này: Mahājanaka là tên của 2 Đức-vua: 1-Mahājanaka là tên của Đức-vua Thái Thượng Hoàng (Ông Nội). 2-Mahājanaka cũng là tên của Đức-vua Thái-tử (cháu nội).
[5] Bộ Khu.Jātakaṭṭhakathā, Nidāna, khu. Apadāna, Khu. Cariyāpiṭaka.
[6] Bộ Khu. Suttanipātapāḷi, kinh Āḷavakasutta.
Mục lục quyển 8 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07
Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10