NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)

QUYỂN VIII

PHÁP-HẠNH BA-LA-MẬT 3
(PĀRAMĪ)


6- Pháp-Hạnh Nhẫn-Nại Ba-La-Mật (Khantipāramī)

Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.

6.1 -Pháp-Hạnh Nhẫn-Nại Ba-La-Mật Bậc Hạ (Khantipāramī)

Tích Mahiṃsarājājātaka (Ma-him-xá-ra-cha-cha-tá-ká)

Tích Mahiṃsarājājātaka[1] Đức-Bồ-tát tiền-kiếp Đức-Phật Gotama sinh làm Trâu chúa tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ (khantipāramī).

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Mahiṃsarājājātaka này đề cập đến pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật của Ngài. Tích này được bắt nguồn như sau:

Trong kinh-thành Sāvatthi, một con khỉ tinh nghịch hay quấy phá được nuôi trong một gia đình trong kinh-thành, nó đi đến chuồng voi nhảy lên ngồi trên lưng một con voi có giới, tuy nó đi tiểu tiện, đại tiện, đi qua đi lại trên lưng con voi ấy, nhưng con voi không hề phát sinh tâm-sân, không tỏ vẻ bực tức nó, bởi vì con voi có giới đặc biệt có tâm-từ và đức tính nhẫn-nại.

Một hôm, con voi con hung dữ đứng nghỉ chỗ con voi có giới, theo thói quen, con khỉ tinh nghịch đi đến nhảy lên ngồi trên lưng con voi con hung dữ ấy, tưởng như con voi lớn có giới kia. Con voi con hung dữ nhanh nhẹn lấy cái vòi bắt con khỉ tinh nghịch đập xuống đất, rồi lấy bàn chân chà xát thân con khỉ tinh nghịch tan xương nát thịt, chết ngay tại chỗ.

Chuyện con voi con hung dữ và con khỉ tinh nghịch ấy được chư tỳ khưu nghe biết như vậy. Một hôm, chư tỳ-khưu tụ hội tại giảng đường đàm đạo với nhau rằng:

- Này chư pháp-hữu! Nghe nói rằng: Con khỉ tinh nghịch hay quấy phá nhảy lên ngồi trên lưng con voi con hung dữ, tưởng như con voi lớn có giới. Con khỉ tinh nghịch ấy bị con voi con hung dữ bắt chà xát tan xương nát thịt chết ngay tại chỗ.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn ngự đến giảng đường, ngồi trên pháp toà, bèn truyền hỏi rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy ?

Chư Tỳ khưu bạch với Đức-Thế-Tôn về chuyện con khỉ như vậy. Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Con khỉ tinh nghịch hay quấy phá có thói quen xấu như vậy không chỉ trong kiếp hiện-tại này mà còn tiền-kiếp xa xưa của con khỉ tinh nghịch hay quậy phá cũng có thói quen xấu như vậy.

Tích Mahiṃsarājājātaka

Truyền dạy như vậy xong, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Mahiṃsarājājātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá-khứ, Đức-vua Brahmadatta ngự tại kinh-thành Bārāṇasī. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp Đức-Phật Gotama sinh làm con Trâu chúa ở trong rừng núi Himavanta.

Khi trưởng thành, Đức-Bồ-tát Trâu chúa có thân hình to lớn, có sức mạnh phi thường, đi kiếm ăn dọc theo sườn núi trong rừng sâu. Thấy một cây to lớn sum xuê có bóng mát, nên đi kiếm ăn nơi nào, đến buổi trưa, Đức-Bồ-tát Trâu chúa cũng đến đứng dưới gốc cây to lớn ấy nghỉ mát.

Khi ấy, một con khỉ tinh nghịch hay quấy phá từ trên cây leo xuống, đứng trên lưng Đức-Bồ-tát Trâu chúa, đi tiểu tiện, đại tiện, nắm 2 cái sừng lắc chơi chán, rồi nắm cái đuôi đưa qua đưa lại chơi như vậy.

Đức-Bồ-tát Trâu chúa vẫn đứng tự nhiên, dù con khỉ tinh nghịch hay quấy phá thế nào, Đức-Bồ-tát Trâu chúa vẫn không hề phát sinh sân-tâm bực tức con khỉ tinh nghịch ấy, bởi vì Đức-Bồ-tát Trâu chúa đang tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, nên không phát sinh tâm sân.

Cho nên, mỗi ngày dù cho con khỉ tinh nghịch hay quấy phá như thế nào, Đức-Bồ-tát Trâu chúa vẫn giữ thái độ nhẫn-nại tự nhiên, không hề phát sinh sân-tâm bực tức con khỉ tinh nghịch ấy.

Vị chư-thiên cội cây ấy nhìn thấy con khỉ có hành vi tinh nghịch đáng ghét mỗi ngày như vậy. Một hôm, vị chư-thiên cội cây ấy hiện ra đứng chỗ cội cây ấy thưa với Đức-Bồ-tát Trâu chúa rằng:

-Kính thưa Ngài Trâu chúa cao thượng, do nguyên nhân nào mà Ngài nhẫn-nại chịu đựng những nỗi khổ do con khỉ tinh nghịch hay quấy phá làm khổ Ngài vậy?

Ngài nên húc nó bằng đôi sừng nhọn, nên đạp nó bằng chân khoẻ mạnh của Ngài, làm cho nó chết ngay tại nơi ấy.

Nếu Ngài không giết nó chết thì nó mãi quấy phá những chúng-sinh khác.

Nghe vị chư-thiên cội cây thưa như vậy, Đức-Bồ-tát Trâu chúa thưa rằng:

-Này chư-thiên cội cây! Xét thấy ta với con khỉ thì ta là chúng-sinh có thân hình to lớn, dòng dõi cao quý, tuổi tác cao hơn con khỉ, nếu ta không chịu nhẫn-nại tha thứ lỗi cho con khỉ thì nguyện vọng cao cả tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật của ta thành tựu làm sao được?

Nếu con khỉ tinh nghịch ấy vẫn có thói quen bậy bạ đối với con trâu hung dữ khác, tưởng như ta thì nó sẽ bị con trâu hung dữ khác trừng trị hại nó chết ngay tại nơi ấy.

Như vậy, ta sẽ không bị phạm tội sát-sinh nào cả.

Vài ba hôm sau, Đức-Bồ-tát Trâu chúa đi ở nơi khác, một con trâu hung dữ khác đến đứng ngay tại chỗ cội cây ấy, con khỉ tinh nghịch ấy theo thói quen nhảy lên trên lưng con trâu hung dữ ấy, đi tiểu tiện, đại tiện, tưởng như Đức-Bồ-tát Trâu chúa. Con trâu hung dữ liền lắc mạnh thân mình, bất ngờ, con khỉ tinh nghịch rơi xuống đất, ngay tức khắc, con trâu hung dữ lấy cái sừng húc vào tim, rồi lấy chân đạp con khỉ tinh nghịch ấy tan xương nát thịt chết ngay tại chỗ ấy.

Sau khi thuyết tích Mahiṃsajātaka này xong, Đức-Thế-Tôn thuyết pháp về pháp tứ Thánh-đế tế độ chư tỳ-khưu chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân bậc thấp hoặc cao tuỳ theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.

Tích Mahiṃsajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Mahiṃsarājājātaka này, Đức-Bồ-tát Trâu chúa là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ. Đến khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu-kiếp những nhân vật trong tích Mahiṃsarājājātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

- Con khỉ tinh nghịch (kiếp quá-khứ) ấy, nay kiếp hiện-tại cũng là con khỉ tinh nghịch (kiếp hiện-tại) này.

- Con trâu hung dữ (kiếp quá-khứ) ấy, nay kiếp hiện-tại là con voi con hung dữ (kiếp hiện-tại).

- Đức-Bồ-tát Trâu chúa, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Nhận Xét Về Tích Mahiṃsarājājātaka

Trong tích Mahiṃsarājājātaka, con trâu có tính hung dữ trong kiếp quá-khứ, nay kiếp hiện-tại là con voi con cũng có tính hung dữ. con khỉ có tính tinh nghịch trong kiếp quá-khứ, nay kiếp hiện-tại cũng là con khỉ có tính tinh nghịch kiếp hiện-tại.

Như vậy, nếu chúng-sinh có thói quen xấu nào phát sinh từ ác-tâm được biểu hiện ra bằng thân hoặc bằng khẩu đã trở thành thói quen tật xấu gọi là tiền-khiên-tật xấu (vāsana) được tích lũy trong tâm, từ kiếp này sang kiếp kia, trong mỗi kiếp tử sinh luân-hồi của chúng-sinh ấy, dù cho phần thân mỗi kiếp thay đổi khác nhau tùy theo nghiệp và quả của nghiệp, song phần tâm vẫn còn tích lũy thói quen tật xấu ấy.

Nếu kiếp nào có cơ hội thì thói quen tật xấu ấy được biểu hiện ra bằng thân hoặc bằng khẩu trong kiếp ấy.

Như trường hợp trong tích Mahiṃsarājājātaka, sau khi con trâu hung dữ kiếp quá-khứ chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau sinh làm con voi con hung dữ trong kiếp hiện-tại. Và con khỉ tinh nghịch kiếp quá-khứ sau khi chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau sinh làm con khỉ tinh nghịch kiếp hiện-tại.

Tiền-khiên-tật xấu này rất khó diệt tận được. Thật vậy, đối với chư bậc Thánh A-ra-hán có khả năng diệt tận được tất cả mọi phiền-não, tất cả mọi tham-ái không còn dư sót, nhưng không thể diệt tận được tiền-khiên-tật xấu đã được tích-luỹ từ những kiếp quá-khứ của mỗi chúng-sinh trong vòng tử sinh luân-hồi trong các loài.

Tiền-khiên-tật này duy nhất chỉ có Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, đồng thời đặc biệt diệt tận được mọi tiền-khiên tật (vāsanā) không còn nữa, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, trong toàn cõi-giới chúng-sinh mà thôi.

(Xong pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ)

 

6.2 -Pháp-Hạnh Nhẫn-Nại Ba-La-Mật Bậc Trung (Khanti Upapāramī)

Tích Cūḷadhammapālajātaka (Chu-lá-tham-má-pa-lá)

Trong tích Cūḷadhammapālajātaka[2] Đức-Bồ-tát tiền-kiếp Đức-Phật Gotama sinh làm hoàng tử Dhammapāla của Đức-vua Mahāpatāpa tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc trung (khanti upapāramī).

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh-thành Rājagaha, Ngài thuyết về tích Cūḷadhammapālajātaka đề cập đến pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật của Ngài. Tích này được bắt nguồn như sau:

Một hôm, chư tỳ-khưu hội họp tại giảng đường bàn luận về tỳ-khưu Devadatta tìm mọi cách để giết hại Đức-Thế-Tôn, như tuyển các xạ thủ bắn tên giỏi đến bắn Đức-Thế-Tôn, lăn đá đè Đức-Thế-Tôn, thả voi Nāḷāgiri chạy đến chà Đức-Thế-Tôn, … nhưng cách nào cũng không thể giết hại Đức-Thế-Tôn được.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn ngự đến giảng đường, ngồi trên pháp toà, truyền hỏi chư tỳ khưu rằng:

-Này chư tỳ-khưu! Các con đang bàn luận về chuyện gì vậy?

Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn về câu chuyện đang bàn luận như vậy.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

-Này chư tỳ-khưu! Không chỉ kiếp hiện-tại này, tỳ-khưu Devadatta tìm mọi cách để giết hại Như-Lai, mà còn có nhiều kiếp quá-khứ của Như-Lai cũng bị tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta giết hại. Nhưng kiếp hiện-tại, tỳ-khưu Devadatta chắc chắn không có khả năng giết hại được Như-lai, thậm chí cũng không thể làm cho Như-Lai giựt mình nữa.

Tích Cūḷadhammapālajātaka

Nhân dịp ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Cūḷadham-mapālajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá-khứ, Đức-vua Mahāpatāpa ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tái-sinh đầu thai vào lòng Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī của Đức-vua Mahāpatāpa.

Đức-Bồ-tát đản sinh ra đời, đức-vua phụ làm lễ đặt tên là Dhammapālakumāra: Hoàng-tử Dhammapāla.

Khi Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla lên 7 tháng, Mẫu-hậu của Đức-Bồ-tát là Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī ẵm Hoàng-tử Dhammapāla tắm nước thơm, rồi trang phục hoàng-tử xong, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī vô cùng hoan hỷ ngồi ham nựng nịu Hoàng-tử Dhammapāla. Khi ấy, Đức-vua Mahāpatāpa ngự đến lâu đài của Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, thấy Chánh-cung Hoàng-hậu ẵm Hoàng-tử Dhammapāla vào lòng nựng nịu bằng tình thương mẫu tử, nên không để ý đứng dậy đón rước Đức-vua Mahāpatāpa.

Đức-vua Mahāpatāpa nghĩ rằng:

“Sở dĩ Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī sinh tâm ngã-mạn là vì nương nhờ Hoàng-tử Dhammapāla này, nên không để ý ta đến đây, không đứng dậy đón rước ta như trước.

Nếu sau này, Hoàng-tử Dhammapāla trưởng thành thì Chánh-cung Hoàng-hậu không còn coi ta ra gì nữa cũng nên. Vậy, ta nên giết Hoàng-tử Dhammapāla ngay bây giờ.”

Nghĩ như vậy, Đức-vua Mahāpatāpa nổi cơn thịnh nộ, bực tức ngự trở về, ngồi trên ngai vàng giữa nơi hội triều, rồi truyền lệnh gọi tên đao phủ mang con đao và tấm ván đến chầu.

Tên đao phủ đến tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này sẽ làm việc gì?

Đức-vua Mahāpatāpa hằn học truyền lệnh rằng:

- Này tên đao phủ! Ngươi hãy mau đến lâu đài của Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, đem Hoàng-tử Dhammapāla đến đây cho Trẫm.

Biết Đức-vua Mahāpatāpa nổi cơn thịnh nộ, bực tức nên ngự trở về, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī ẵm Hoàng-tử Dhammapāla vào lòng, than khóc thật thảm thương. Khi ấy, theo lệnh của Đức-vua Mahāpatāpa, tên đao phủ đến bắt buộc Chánh-cung Hoàng-hậu Candā-devī trao Hoàng-tử Dhammapāla cho y. Nhưng vì thương yêu Hoàng-tử, Chánh-cung Hoàng-hậu không đành lòng trao Hoàng-tử, nên tên đao phủ giật Hoàng-tử từ trên tay của Chánh-cung Hoàng-hậu, đem hoàng-tử Dhammapāla mới lên 7 tháng, đến trình lên Đức-vua Mahāpatāpa, tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này sẽ làm gì?

Đức-vua Mahāpatāpa truyền lệnh rằng:

-Này tên đao phủ! Ngươi hãy đem tấm ván đặt nằm trước mặt Trẫm, rồi đem Hoàng-tử Dhammapāla đặt nằm ngửa trên tấm ván này.

Tuân theo lệnh Đức-vua Mahāpatāpa, tên đao phủ thi hành như vậy.

Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī ngự đến ngồi gần Hoàng-tử Dhammapāla khóc than thảm thiết.

Tên đao phủ tâu rằng:

-Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này sẽ làm gì?

Đức-vua Mahāpatāpa truyền lệnh rằng:

-Này tên đao phủ! Ngươi hãy chặt 2 bàn tay của Hoàng-tử Dhammapāla này.

Nghe lệnh của Đức-vua Mahāpatāpa truyền như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī đảnh lễ Đức-vua, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, Hoàng-tử Dhammapāla của thần thiếp mới lên 7 tháng còn bé nhỏ không biết gì, Hoàng-tử Dhammapāla hoàn toàn vô tội, chỉ có thần thiếp là người có tội lớn đối với Hoàng-thượng, vì không đứng dậy đón rước Hoàng-thượng mà thôi.

Vì vậy, kính xin Hoàng-thượng truyền lệnh chặt 2 bàn tay của thần thiếp.

- Kính xin Hoàng-thượng tha cho Hoàng-tử Dhamma-pāla vô tội, còn nhỏ quá chưa biết gì cả.

Không quan tâm đến lời tâu của Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, Đức-vua Mahāpatāpa lại truyền lệnh tên đao phủ rằng:

-Này tên đao phủ! Ngươi chớ nên chậm trễ, hãy mau chặt 2 bàn tay của Hoàng-tử Dhammapāla.

Đức-Bồ-Tát Dhammapāla Tạo Pháp Nhẫn-Nại ba-la-mật

Tên đao phủ lấy lưỡi đao bén chặt 2 bàn tay của Hoàng-tử Dhammapāla như chặt vào mụt măng non, máu chảy ra từ 2 vết thương cổ tay.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla nằm yên không hề lay động, không hề khóc, thực-hành pháp-hành nhẫn-nại ba-la-mật, chịu đựng nỗi đau khổ của vết thương 2 bàn tay. Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla còn có tâm-từ đối với Đức-Phụ-vương và tên đao phủ.

Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, Mẫu-hậu của Hoàng-tử Dhammapāla khóc than thảm thiết nhặt 2 bàn tay bỏ vào trong hộp.

Tên đao phủ tâu nữa rằng:

-Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này sẽ làm gì nữa?

Đức-vua Mahāpatāpa truyền lệnh rằng:

-Này tên đao phủ! Ngươi hãy chặt 2 bàn chân của Hoàng-tử Dhammapāla.

Nghe Đức-vua Mahāpatāpa truyền lệnh như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, chỉ có thần thiếp mới là người có tội lớn đối với Hoàng-thượng mà thôi.

Vậy, kính xin Hoàng-thượng truyền lệnh chặt 2 bàn chân của thần thiếp, và xin tha cho Hoàng-tử Dhamma-pāla vô tội, lại còn bé nhỏ quá chưa biết gì.

Không quan tâm đến lời tâu của Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, Đức-vua Mahāpatāpa truyền lệnh cho tên đao phủ lập tức thi hành lệnh ngay. Tên đao phủ chặt 2 bàn chân của Hoàng-tử Dhammapāla, máu chảy ra từ vết thương 2 bàn chân.

Dù đã bị chặt 2 bàn tay và 2 bàn chân, Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla vẫn nằm yên tự nhiên bất động, tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, chịu đựng mọi nỗi đau khổ cùng cực mà không hề khóc. Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla còn có tâm-từ đối với Đức-Phụ-vương và tên đao phủ.

Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī khóc than thảm thiết, nhặt 2 bàn chân của Hoàng-tử Dhammapāla đặt vào hộp, rồi đảnh lễ Đức-vua Mahāpatāpa, tâu rằng:

-Muôn tâu Hoàng-thượng, Đấng Phu-quân của thần thiếp, Hoàng-tử Dhammapāla đã bị Hoàng-thượng truyền lệnh chặt 2 bàn tay và 2 bàn chân rồi, thần thiếp là Mẫu-hậu của hoàng tử có bổn phận nuôi dưỡng.

- Muôn tâu Hoàng-thượng, kính xin Hoàng-thượng ban Hoàng-tử Dhammapāla cho thần thiếp nuôi dưỡng.

Khi ấy, tên đao phủ tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này đã thi hành theo lệnh của Bệ-hạ.

Vậy, công việc của kẻ hạ thần xong hay chưa?

Đức-vua Mahāpatāpa truyền bảo rằng:

-Này tên đao phủ! Công việc ngươi chưa xong đâu!

- Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này còn phải làm gì nữa?

Đức-vua Mahāpatāpa truyền bảo rằng:

-Này tên đao phủ! Ngươi hãy chặt cái đầu của Hoàng-tử Dhammapāla.

Nghe Đức-vua Mahāpatāpa truyền bảo tên đao phủ như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, chỉ có thần thiếp mới là người có tội lớn đối với Hoàng-thượng mà thôi.

Vậy, kính xin Hoàng-thượng truyền lệnh chặt cái đầu của thần thiếp, và xin tha cho Hoàng-tử Dhammapāla vô tội, lại còn bé nhỏ quá chưa biết gì.

Tâu xong, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī đưa cái đầu của Bà cho tên đao phủ chặt.

Tên đao phủ tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này phải làm thế nào?

Hoàng-Tử Dhammapāla Bị Chặt Đầu

Đức-vua Mahāpatāpa truyền bảo rằng:

-Này tên đao phủ! Ngươi hãy mau chặt cái đầu của Hoàng-tử Dhammapāla ngay lập tức.

Tên đao phủ liền chặt cái đầu của Hoàng-tử Dhamma-pāla, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này thi hành theo lệnh của Bệ-hạ xong rồi hay chưa?

-Này tên đao phủ! Ngươi còn phận sự phải làm nữa.

Tên đao phủ tâu rằng:

-Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này còn phải làm phận sự nào nữa?

Đức-vua Mahāpatāpa truyền lệnh rằng:

-Này tên đao phủ! Ngươi hãy dồi cái thây của Hoàng-tử Dhammapāla lên trên hư không, rồi đưa mũi đao nhọn lên đón cái thây ấy.

Tuân theo lệnh của Đức-vua Mahāpatāpa, tên đao phủ thi hành, dồi cái thây của Hoàng-tử Dhammapāla lên trên hư không, khi cái thây rơi xuống, tên đao phủ đưa mũi đao nhọn lên đón xuyên thủng qua cái thây của Hoàng-tử Dhammapāla, rơi xuống giữa sân rồng, trước mặt các quan trong triều.

Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī phát sinh nỗi thống khổ cùng cực, vừa khóc than thảm thiết, vừa nhặt cái đầu và từng miếng thịt của Hoàng-tử Dhammapāla bỏ vào trong hộp, than vãn rằng:

-Có ai là bạn thân thiết và là bề tôi trung thành của Đức-vua Mahāpatāpa có tâm-từ, tâm-bi tại nơi đây không?

Chắc chắn là không có rồi! Bởi vì không có một ai khuyên can Đức-vua Mahāpatāpa rằng:

“Muôn tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ không nên truyền lệnh giết hại Hoàng-tử Dhammapāla yêu quý của Bệ-hạ.” Có ai là bạn thân thiết và là thân quyến của Đức-vua Mahāpatāpa có tâm-từ, tâm-bi tại nơi đây không?

Chắc chắn là không có rồi. Bởi vì không có một ai khuyên can Đức-vua Mahāpatāpa rằng:

“Muôn tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ không nên truyền lệnh giết hại Hoàng tử Dhammapāla yêu quý của Bệ-hạ.”

Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī khóc than vãn rằng:

“Hoàng-tử Dhammapāla sẽ là đứa con nối ngôi Hoàng-thượng, Hoàng-tử Dhammapāla được nâng niu từ khi mới sinh, hai bàn tay, hai bàn chân, đầu và mình được thoa bằng lõi trầm đỏ thơm tho. Nay, Hoàng-thượng đã truyền lệnh chặt đứt rời ra cả rồi!

-Muôn tâu Hoàng-thượng, chắc sinh mạng của thần thiếp không thể duy trì được nữa, sẽ bị chết thôi!

Chánh-Cung Hoàng-Hậu Candādevī Quy Thiên

Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī phát sinh nỗi thống khổ cùng cực không sao chịu nổi được, nên vỡ tim ngã xuống chết tại nơi ấy.

Đức-Vua Mahāpatāpa Bị Đất Rút

Khi ấy, Đức-vua Mahāpatāpa không thể ngồi vững trên ngai vàng được, ngã lăn xuống nền nơi hội triều, Đức-vua Mahāpatāpa rơi xuống nền đất, mặt đất dày không thể đỡ được tội ác của Đức-vua Mahāpatāpa, nên mặt đất nứt ra làm đôi, ngọn lửa địa-ngục loé lên rút Đức-vua Mahāpatāpa vào dưới lòng đất.

Sau khi Đức-vua Mahāpatāpa băng hà, ác-nghiệp sát-sinh Hoàng-tử Dhammapāla ấy cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt trong cõi đại-địa-ngục ấy suốt thời gian lâu dài cho đến khi mãn hạn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra được.

Thi thể của Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī và thi thể của Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla được các vị quan trong triều làm lễ hoả táng theo truyền thống của hoàng tộc.

Sau khi Đức-Thế-Tôn thuyết tích Cūḷadhammapāla-jātaka xong, Chư tỳ khưu hiểu rõ tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta như vậy.

Tích Cūḷadhammapālajātaka Liên Quan Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Cūḷadhammapālajātaka này, Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla sinh ra được 7 tháng là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc trung. Đến khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu-kiếp những nhân vật trong tích Cūḷadhamma-pālajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

-Đức-vua Mahāpatāpa, nay kiếp hiện-tại là tỳ-khưu Devadatta.

- Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Mahāpajāpatigotamī.

- Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Nhận Xét Về Đức-Bồ-Tát Hoàng-Tử Cūḷadhammapāla

Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc trung là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật đó là vô-sân tâm-sở (adosacetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm chịu đựng mọi đối tượng không đáng hài lòng xảy đến một cách bất ngờ, mà không hề phát sinh sân-tâm không hài lòng trong các đối tượng ấy.

Tích Cūḷadhammapālajātaka, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Hoàng-tử Cūḷadhamma-pāla của Đức-vua Mahāpatāpa, khi còn nhỏ mới lên 7 tháng tuổi.

Vậy, do nguyên nhân nào mà Đức-Phụ-vương Mahāpatāpa tàn nhẫn truyền lệnh cho người đao phủ chặt 2 bàn tay, 2 bàn chân, chặt cái đầu của Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla, mà còn truyền lệnh dùng lưỡi đao nhọn đâm phân thây, làm cho Hoàng-tử Dhamma-pāla chết thê thảm như vậy?

Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama và Đức-vua Mahāpatāpa là tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta.

Sở dĩ Đức-Phụ-vương Mahāpatāpa đối xử tàn nhẫn với Hoàng-tử Dhammapāla con của mình như vậy, là vì trong tiền-kiếp xa xưa của Đức-vua Mahāpatāpa phát sinh tâm sân hận điên cuồng kết oan trái với tiền-kiếp của Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla, trong tích Serivavāṇijajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá-khứ, một người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo là tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta và một người buôn bán đồ nữ trang lương thiện là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama.

Một hôm, người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo đi ngang qua nhà người nghèo vốn trước kia là một gia đình phú hộ giàu sang, nay còn lại một bà ngoại và một cháu gái nhỏ.

Thấy người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo, cháu gái muốn có được món nữ trang, nên năn nỉ xin bà ngoại mua cho món nữ trang, nhưng bà ngoại bảo cháu gái rằng:

-Này cháu yêu quý! Gia đình của ta nghèo, không có tiền nhiều để mua nữ trang cho cháu, trong nhà có một chiếc mâm cũ kỹ kia, để bà ngoại hỏi người lái buôn xem thử có đổi được món nữ trang nhỏ nào cho cháu được hay không.

* Gọi người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo vào nhà, bà đem chiếc mâm cũ kỹ ấy đưa cho người buôn bán nữ trang ấy xem, bà thiết tha trình bày hoàn cảnh nghèo khổ của bà cho y thông cảm, rồi nói cho biết ý muốn của bà.

Sau khi săm soi kỹ với con mắt nhà nghề, người buôn bán đồ nữ trang ấy biết rõ đó là chiếc mâm vàng ròng được chạm những phù điêu, hoa văn rất tinh tế, thật là cổ vật vô giá, nhưng mà hai bà cháu hoàn toàn không hề biết giá trị của nó. Y vốn có tánh tham lam và gian xảo, nên nghĩ rằng:

“Ta sẽ chiếm đoạt chiếc mâm vàng cổ vật này, mà chỉ cần đổi một món nữ trang không đáng giá mà thôi.”

Nghĩ xong, y giả vờ bực dọc ném chiếc mâm cũ kỹ xuống đất, nói rằng:

-Này bà cụ! Chiếc mâm cũ kỹ này có đáng giá gì đâu, mà bà đòi đổi một món nữ trang? Nó chưa đáng giá 12 xu rưỡi mà thôi!

Nói xong, người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo kia làm bộ bỏ đi nơi khác.

* Ngày hôm sau, thấy người buôn bán đồ nữ trang lương thiện (Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama) đi ngang qua nhà, đứa cháu lại xin bà ngoại mua cho một món đồ nữ trang.

Vì thương đứa cháu mồ côi mẹ cha, nên bà chiều ý cháu, gọi người buôn bán đồ nữ trang ấy vào nhà, lại đem chiếc mâm cũ kỹ ấy, đưa cho người buôn bán đồ nữ trang lương thiện ấy xem.

Lần này, bà kể lể hoàn cảnh khốn khổ của mình cho người lái buôn ấy nghe, với hy vọng người lái buôn ấy cảm thông hoàn cảnh khổ của cháu bà, nhận chiếc mâm cũ kỹ ấy, để đổi lấy món nữ trang nhỏ nào cho cháu.

Đức-Bồ-tát buôn bán đồ nữ trang lương thiện cầm chiếc mâm lau chùi lớp bụi sạch sẽ, phát hiện ra chiếc mâm này không chỉ là một chiếc mâm vàng ròng quý báu, mà còn chạm trỗ những phù điêu, hoa văn rất tinh tế, thật công phu, mỹ thuật tuyệt vời là cổ vật vô giá.

Đức-Bồ-tát lái buôn đưa hai tay nâng niu chiếc mâm

ấy và từ tốn thưa rằng:

- Kính thưa mẹ, chiếc mâm này không chỉ là bằng vàng ròng quý báu, mà còn là một cổ vật mỹ thuật tuyệt vời vô giá, có giá trị ít nhất trên 100 ngàn đồng kahāpaṇa (tiền Ấn xưa).

- Kính thưa mẹ, tất cả các món nữ trang và số tiền của con mang theo trong người cũng chưa bằng một phần trăm, thì con đâu dám đụng đến cổ vật vô giá ấy được. Nhưng con sẽ tặng cho bé gái một món đồ nữ trang mà bé gái thích nhất.

Nghe Đức-Bồ-tát lái buôn thưa như vậy, bà già vô cùng cảm kích trước tấm lòng chân thành của người lái buôn lương thiện, nên bà bảo rằng:

- Này con! chính tấm lòng chân thật của con còn quý hơn chiếc mâm vàng cổ vật này gấp trăm, gấp ngàn lần.

Hôm trước, một người buôn bán đồ nữ trang như con đến nhà, y đã chê chiếc mâm này chưa đáng 12 xu rưỡi. Khi đi ra, y ném chiếc mâm này xuống đất, còn nói lời hằn học trách móc nữa.

Nếu quả thật, chiếc mâm này là bằng vàng quý báu như con nói thì đó chính là quả phước của con.

Vậy, con hãy lấy chiếc mâm này, rồi cho cháu gái của bà một món nữ trang nào cũng được, để cho nó vui mừng. Con chớ nên ái ngại gì cả.

Tuy nghe bà cụ nói như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát lái buôn xét thấy tất cả đồ nữ trang và số tiền của mình ít quá so với chiếc mâm vàng cổ vật vô giá kia, nên Đức-Bồ-tát lái buôn không dám nhận nó.

Đã nhiều lần từ chối không được, nên Đức-Bồ-tát lái buôn đem trao tất cả đồ nữ trang còn lại và trao trọn cả số tiền của mình, tổng cộng giá trị khoảng một ngàn (1.000) đồng tiền Ấn xưa cho hai bà cháu, xin nhận lấy chiếc mâm vàng cổ vật vô giá ấy, rồi chỉ xin lại tám (8) đồng để chi phí dọc đường trên đường trở về quê mà thôi.

Sau khi Đức-Bồ-tát buôn bán đồ nữ trang mang chiếc mâm vàng cổ vật đi ra đến bờ sông lên thuyền sang sông. Khi ấy, người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo trở lại nhà tìm bà cụ, y bảo rằng:

- Này bà cụ! Bà hãy đem chiếc mâm cũ kỹ kia ra đây, tôi sẽ cho cháu bà món nữ trang nho nhỏ.

Nhìn thấy y, con người tham lam và gian xảo đáng khinh bỉ, nên bà mắng rằng:

- Này ông kia! Chiếc mâm vàng cổ vật của tôi đáng giá 100 ngàn đồng, thế mà ông dám chê rằng:“Nó chưa đáng giá 12 xu rưỡi.”

Tôi đã trao chiếc mâm vàng cổ vật ấy cho người buôn bán đồ nữ trang lương thiện rồi. Người ấy đã trao cho tôi tất cả số nữ trang còn lại và trọn số tiền mà người ấy có, rồi nhận chiếc mâm vàng cổ vật vô giá ấy vừa mới đem đi rồi.

Nghe bà cụ nói như vậy, người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo hối tiếc vì đã làm mất món lợi lớn, nên y gào thét lên rằng:

“Ôi! Ta đã thất bại quá lớn rồi! Tên buôn bán đồ nữ trang kia đã cướp chiếc mâm vàng ròng đáng giá 100 ngàn đồng kahāpaṇa của ta rồi!

Gào thét khô hơi tắt tiếng, tâm uất hận đến cực độ, nên tên buôn bán đồ nữ trang ấy nằm lăn xuống đất ngất xỉu. Khi tỉnh lại, y như người điên nóng nảy xả bỏ y phục, vung vãi các đồ nữ trang xuống đất, với đầu bù tóc rối, y chạy đuổi theo ra bờ sông, thấy Đức-Bồ-tát buôn bán đồ nữ trang ngồi trên chiếc thuyền qua quá nửa sông, y gào thét lớn rằng:

“Hãy quay thuyền trở lại! Hãy quay thuyền trở lại!”

Tuy nghe tiếng gọi, nhưng Đức-Bồ-tát buôn bán đồ nữ trang bảo người lái thuyền chèo sang bờ bên kia.

Tiền-Kiếp Của Tỳ-Khưu Devadatta Kết Oan Trái Với Đức-Bồ-Tát Tiền-Kiếp Của Đức-Phật Gotama

Nằm trên bờ sông bên này, người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo hối tiếc của, nên quá uất hận, phát sinh cơn nóng cùng cực, làm cho người buôn bán đồ nữ trang ấy máu trào ra miệng, với tâm sân hận thốt ra lời thề kết oan trái với Đức-Bồ-tát buôn bán đồ nữ trang, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, mỗi khi gặp lại nhau, bất cứ kiếp nào trong vòng tử sinh luân-hồi, rồi lăn ra chết ngay tại chỗ bờ sông ấy.

Đó là lần đầu tiên tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta kết oan trái với Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama.

Do điều oan trái ấy mà trong vòng tử sinh luân hồi, mỗi khi tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta gặp Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, bất cứ ở địa vị nào cũng tìm mọi cách để làm hại Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama.

Đến kiếp chót của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác sinh làm Thái-tử Siddhatta của Đức-vua Suddhodana và Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī thuộc dòng họ Sakya, và hoàng-tử Devadatta cũng sinh trưởng trong dòng họ Sakya.

Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhatta xuất gia trở thành Đức-Phật Gotama, còn hoàng-tử Devadatta xuất gia trở thành tỳ-khưu, là đệ tử của Đức-Phật Gotama, thế mà, về sau tỳ-khưu Devadatta tìm đủ mọi cách giết hại Đức-Phật Gotama, để trở thành Đức-Phật, nhưng điều ấy không thể thực hiện được, bởi vì đã là Đức-Phật thì không có một ai có khả năng giết hại Đức-Phật được.

Trường-hợp tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta kết oan trái với tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama chỉ có một bên, còn tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama hoàn toàn không kết oan trái với tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta.

(Xong pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc trung)

 

6.3-Pháp-Hạnh Nhẫn-Nại Ba-La-Mật Bậc Thượng (Khantiparamatthapāramī)

 

Tích Khantivādījātaka (Khăn-tí-wà-đì-chà-tá-ká) Trong tích Khantivādījātaka[3] này Đức-Bồ-tát tiền- kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm vị đạo-sĩ Kuṇḍala, tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng (Khanti paramatthapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, một vị tỳ-khưu có tính hay nóng giận, vì không có đức nhẫn-nại. Một hôm, Đức-Thế-Tôn truyền bảo vị tỳ-khưu ấy rằng:

-Này tỳ-khưu! Con đã xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của Như-Lai, Như-Lai là Bậc không nóng giận. Tại sao con thường phát sinh sân-tâm hay nóng giận như vậy?

Này tỳ-khưu! Trong thời quá-khứ, bậc thiện-trí là đạo-sĩ dù bị Đức-vua truyền lệnh cho người đánh đập tàn nhẫn, chặt hai tay, hai chân, cắt hai lỗ tai, cắt lỗ mũi mà vẫn có đức nhẫn-nại chịu đựng không hề phát sinh sân-tâm tức giận Đức-vua và những người hành hạ mình.

Tích Khantivādījātaka

Nhân dịp ấy, Đức-Phật thuyết về Khantivādījātaka, tích Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala là tiền-kiếp của Ngài. Tích này được tóm lược như sau:

Trong thời quá-khứ, Đức-vua Kalābu ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì nước Kāsiraṭṭha. Thời ấy, Đức-Bồ-tát Kuṇḍala tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh trưởng trong một gia đình Bà-la-môn giàu sang phú quý có của cải tài sản nhiều đến 800 triệu Kahāpana, đặt tên của Đức-Bồ-tát Kuṇḍalakumāra (công-tử Kuṇḍala).

Khi trưởng thành, Đức-Bồ-tát công-tử Kuṇḍala được mẹ cha gởi đi học tại kinh-thành Takkasilā. Sau khi học thành tài, Đức-Bồ-tát công-tử trở về nhà giúp đỡ mẹ cha. Đến khi mẹ cha qua đời, Đức-Bồ-tát công-tử Kuṇḍala được thừa hưởng tất cả của cải tài sản ấy.

Một hôm, Đức-Bồ-tát Kuṇḍala suy xét thấy tất cả của cải tài sản lớn lao mà tổ tiên, ông bà, mẹ cha đã tích luỹ trải qua nhiều đời kế tiếp. Đến khi chết, không có ai có thể mang theo được, nên Đức-Bồ-tát Kuṇḍala nghĩ rằng:

“Cuộc đời của ta chắc chắn cũng sẽ là như vậy mà thôi. Vậy, ta nên đem tất cả của cải tài sản lớn lao này ra làm phước-thiện bố-thí đến cho những người nên bố-thí. Như vậy, ta sẽ được phước-thiện bố-thí thuộc về của riêng ta, rồi ta hồi hướng phước-thiện bố-thí ấy đến cho tổ tiên, ông bà, mẹ cha, bà con thân bằng quyến thuộc cùng tất cả chúng-sinh. Khi họ hoan hỷ phần phước-thiện bố-thí này, họ sẽ được thoát khỏi cảnh khổ, được an-lạc lâu dài.”

Suy nghĩ xong, Đức-Bồ-tát Kuṇḍala thực hiện ý định của mình, đem tất cả của cải tài sản làm phước-thiện bố-thí cho những người cần được sự bố-thí.

Sau đó, Đức-Bồ-tát Kuṇḍala bỏ nhà đi vào rừng núi Himavanta, xuất gia trở thành đạo-sĩ trú trong rừng núi ấy. Hằng ngày, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala đi vào rừng tìm các thứ trái cây lớn, nhỏ, hoặc các thứ củ, các loại rau rừng để nuôi mạng, thực-hành pháp-hành thiền-định. Sau một thời gian dài trú trong rừng núi Himavanta, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala rời khỏi khu rừng núi ấy đi đến xóm làng để khất thực. Dần dà Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala đến vườn thượng uyển của Vua Kalābu trú ngụ.

Một buổi sáng, khi đi vào kinh-thành Bārāṇasī để khất thực, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala đứng trước ngôi nhà của vị quan Thừa-tướng của Vua Kalābu. Nhìn thấy tướng mạo oai nghi, đường hoàng, 6 môn được cẩn trọng thanh-tịnh của Ngài, vị Thừa-tướng liền phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, cung kính cúng dường những vật thực đến Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, rồi bạch rằng:

-Kính bạch Ngài đạo-sĩ, trong thời gian Ngài còn trú trong vườn thượng uyển này, mỗi ngày chúng con kính thỉnh Ngài đến khất thực tại ngôi nhà của chúng con, để cho chúng con có cơ hội tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường các món vật thực đến Ngài.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala làm thinh nhận lời thỉnh mời ấy. Mỗi ngày, Ngài đi đến khất thực tại ngôi nhà vị quan Thừa-tướng ấy.

Một hôm, Vua Kalābu đang say rượu, ngự đến du lãm vườn thượng uyển cùng với các quan quân theo hộ giá và đoàn vũ nữ ca hát theo sau. Đến vườn thượng uyển, Vua Kalābu nằm trên tảng đá quý, đầu gối lên người của cô mỹ nữ yêu quý, rồi ngủ say. Nhóm vũ nữ ca hát bảo nhau rằng:

-Chúng ta nhảy múa, ca hát để cho Đức-vua xem và nghe. Bây giờ, Đức-vua đã ngủ say rồi, chúng ta ca hát nhảy múa có ích lợi gì đâu!

Nhóm vũ nữ ấy liền ngưng nhảy múa ca hát, dẫn nhau đi dạo chơi xem hoa quả trong vườn thượng uyển. Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala đang trú dưới gốc cây Sālā đang mùa hoa nở. Nhìn thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, nhóm vũ nữ dẫn nhau đến đảnh lễ, kính thỉnh Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thuyết pháp cho họ nghe, cho đến khi Đức-vua tỉnh giấc. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đã thuyết pháp tế độ nhóm vũ nữ ấy.

Khi ấy, Vua Kalābu nằm ngủ gối đầu trên mình cô vũ nữ, cô cựa mình làm cho Đức-vua tỉnh giấc, liền truyền hỏi rằng:

-Nhóm vũ nữ đi đâu cả rồi?

Cô mỹ nữ ấy tâu rằng:

- Tâu Hoàng-thượng, nhóm vũ nữ ấy đi nghe một vị đạo-sĩ thuyết pháp.

Nghe cô mỹ nữ yêu quý tâu như vậy, Vua Kalābu giận dữ, nổi cơn thịnh nộ, cầm thanh gươm báu ngự đến, thì một cô vũ nữ xinh đẹp trong nhóm chạy đến đón rước Đức-vua, rồi xin nhận lấy thanh gươm báu ấy, Vua Kalābu ngự đến nơi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, truyền hỏi rằng:

- Này tên đạo-sĩ! Ngươi thường thuyết pháp gì?

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala tâu rằng:

-Tâu Đại-vương, bần đạo thường thuyết pháp nhẫn-nại (khantivādī), và thường tán dương ca tụng pháp nhẫn-nại.

- Này tên đạo-sĩ! Pháp nhẫn-nại ấy như thế nào?

- Tâu Đại-vương, pháp nhẫn-nại là pháp không sân, dù người ta chửi mắng mình, hăm doạ mình, đánh đập mình, v.v… mà mình vẫn có đức nhẫn-nại chịu đựng, không hề phát sinh sân-tâm tức giận người ấy.

Vua Kalābu hằn học truyền bảo rằng:

- Lát nữa, ta sẽ thấy pháp nhẫn-nại của ngươi!

Vua Kalābu truyền gọi tên đao phủ chuyên chặt đầu kẻ trộm cướp đến. Tên đao phủ tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, kẻ hạ thần phải làm gì?

Vua Kalābu truyền lệnh rằng:

-Này đao phủ! Ngươi hãy xô ngã tên đạo-sĩ ác này nằm xuống đất, rồi lấy chiếc roi gai đánh 2.000 roi ở 4 nơi: đằng trước, đằng sau và hai bên hông cho ta.

Tuân theo lệnh của Vua, tên đao phủ xô ngã Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nằm xuống đất, rồi đánh Đức-Bồ-tát đạo-sĩ 2.000 roi ở 4 nơi. Dù bị đánh làm cho rách da, nát thịt, máu chảy ra khắp toàn thân như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ vẫn có đức nhẫn-nại chịu đựng một cách tự nhiên, không hề phát sinh sân-tâm tức giận Đức-vua và tên đao phủ đánh đập mình.

Vua Kalābu truyền hỏi rằng:

-Này tên đạo-sĩ! Ngươi còn có pháp gì nữa không?

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ ôn tồn tâu rằng:

-Tâu Đại-vương, bần đạo chỉ có pháp nhẫn-nại mà thôi. Bần đạo thường tán dương ca tụng pháp nhẫn-nại. Pháp nhẫn-nại của bần đạo không phải ở chỗ da thịt, mà ở trong tâm của bần đạo. Đại-vương không thể nào làm hại được đâu!

Vua Kalābu tức giận truyền lệnh rằng:

-Này đao phủ! Ngươi hãy chặt hai cánh tay của tên đạo-sĩ ác này!

Tuân theo lệnh của Vua, tên đao phủ chặt hai cánh tay của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ lìa khỏi thân. Máu từ vết thương 2 cánh tay chảy ra lênh láng trên mặt đất. Dù bị chặt hai cánh tay như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ vẫn nằm yên nhẫn-nại chịu đựng, không hề phát sinh sân-tâm tức giận Vua và tên đao phủ ấy

Thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ như vậy, Vua Kalābu càng thêm tức giận, truyền lệnh rằng:

- Này đao phủ! Ngươi hãy chặt hai chân của tên đạo-sĩ ác này!

Tuân theo lệnh của Vua, tên đao phủ chặt hai chân của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ lìa khỏi thân. Máu từ vết thương hai chân tuôn ra xối xả trên mặt đất. Dù bị chặt hai chân như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ vẫn nằm yên nhẫn-nại chịu đựng đau đớn một cách tự nhiên, không hề phát sinh sân-tâm tức giận Vua và tên đao phủ.

Vua Kalābu truyền hỏi tiếp rằng:

- Này tên đạo-sĩ! Ngươi còn có pháp gì nữa không?

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nhẫn-nại, từ tốn tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, bần đạo chỉ có pháp nhẫn-nại mà thôi. Bần đạo thường tán dương ca tụng pháp nhẫn-nại. Pháp nhẫn-nại của bần đạo không ở trong hai cánh tay, hai chân mà ở trong tâm của bần đạo. Đại-vương không thể nào làm hại được đâu!

Nghe Đức-Bồ-tát tâu như vậy, Vua Kalābu càng thêm nổi cơn tức giận truyền lệnh rằng:

- Này đao phủ! Ngươi hãy cắt hai tai, cắt mũi của tên đạo-sĩ ác này cho Trẫm.

Tuân theo lệnh của Vua, tên đao phủ cắt hai tai, cắt mũi của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ. Dù bị cắt hai tai, cắt mũi nhưng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ vẫn nằm yên nhẫn-nại chịu đựng đau đớn một cách tự nhiên, không hề phát sinh sân tâm tức giận Vua và tên đao phủ ấy.

Vua Kalābu truyền hỏi tiếp rằng:

- Này tên đạo-sĩ! Ngươi còn có pháp gì nữa không?

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nhẫn-nại chịu đựng, cố gắng từ tốn tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, bần đạo cũng chỉ có pháp nhẫn-nại mà thôi. Bần đạo thường tán dương ca tụng pháp nhẫn-nại. Pháp nhẫn-nại của bần đạo không có trong hai lỗ tai, lỗ mũi, mà ở trong tâm của bần đạo. Đại-vương không có thể nào làm hại được đâu!

Vua Kalābu tức giận như điên, truyền lệnh tên đao phủ dựng Đức-Bồ-tát ngồi dậy, chính Vua Kalābu đưa chân đạp mạnh vào ngực của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, làm cho Đức-Bồ-tát đạo-sĩ ngã ngửa ra sau, rồi Vua Kalābu hậm hực bảo rằng:

- Này tên đạo-sĩ! Ngươi nằm nơi đó mà tán dương ca tụng pháp nhẫn-nại của ngươi!

Vua Kalābu tức giận bỏ đi. Sau khi Vua Kalābu rời khỏi nơi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đang nằm, vị quan Thừa-tướng đến lấy tấm vải sạch lau sạch máu toàn thân của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, nhặt hai cánh tay, hai chân, hai lỗ tai và lỗ mũi lau sạch sẽ, rồi gói lại bằng tấm vải sạch, đỡ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ ngồi dậy, rồi nâng Ngài đến nằm một nơi đáng tôn kính. Vị Thừa-tướng đảnh lễ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, rồi tha thiết khẩn khoản rằng:

- Kính bạch Ngài đạo-sĩ cao thượng! Nếu Ngài có tức giận thì xin Ngài chỉ tức giận một mình Vua Kalābu mà thôi, vì Vua là người truyền lệnh đánh Ngài, chặt hai tay, hai chân, cắt hai tai và mũi của Ngài.

-Kính xin Ngài đạo-sĩ có tâm đại bi thương xót đến những người khác, xin Ngài đừng giận, để cho đất nước này tránh khỏi tai họa.

Nghe vị Thừa-tướng tha thiết khẩn khoản như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ ráng nhẫn-nại chịu đựng những cơn đau đớn, bình tĩnh, sáng suốt dạy bảo rằng:

- Thưa ân nhân thân mến! Tuy Vua Kalābu đã truyền lệnh đánh bần đạo, chặt hai cánh tay, hai chân, cắt hai tai, cắt mũi của bần đạo, nhưng bần đạo có pháp nhẫn-nại, nên không hề phát sinh sân-tâm tức giận Vua Kalābu và người hành hạ ấy.

Thật ra, bần đạo có pháp nhẫn-nại, nên không hề phát sinh sân-tâm tức giận bất cứ một ai cả.

Xin ân nhân hãy an tâm.

Vua Kalābu Bị Đất Rút

Khi ấy, Vua Kalābu ngự đi một đoạn đường ngắn cách Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, thì mặt đất nứt làm đôi, ngọn lửa phun lên, rút Vua Kalābu vào trong lòng đất.

Sau khi Vua Kalābu băng hà, ác-nghiệp tàn nhẫn đối với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci, phải chịu quả khổ thiêu đốt trong cõi địa-ngục ấy.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala cũng viên tịch ngay trong ngày hôm ấy, các quan trong triều đình của Vua Kalābu, hoàng tộc, dân chúng trong thành Bārāṇasī đem những vật thơm, hoa đến làm lễ cúng dường thi thể Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, rồi họ tổ chức lễ hoả táng thi thể của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala một cách trọng thể.

Sau khi thuyết về tích Khantivādījātaka xong, Đức-Thế-Tôn thuyết bài kệ rằng:

“Acetanaṃ va koṭṭente, tiṇhapharusunā mamaṃ. Kāsisāje na kuppāmi, esā me khantipārami.”[4]

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Như-Lai tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

Dù Vua Kalābu nước Kāsi đã truyền lệnh đánh đạo- sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Như-Lai,

Chặt hai tay, hai chân, cắt hai tai, cắt mũi của đạo-sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Như-Lai,

Bằng mã tấu sắc bén, như chặt vào khúc gỗ vô tâm.

Đạo-sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Như-Lai không hề phát sinh sân-tâm tức giận Vua Kalābu.

Đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng của

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Như-Lai.

Sau khi lắng nghe Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Khantivādījātaka, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Đức-Thế-Tôn như vậy, vị tỳ-khưu thường hay phát sinh sân-tâm, có tính hay nóng giận ấy chế ngự được sân-tâm, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc từ Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, cho đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được sân-tâm không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Bất-lai trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

Tích Khantivādījātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Tích Khantivādījātaka này, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng trong kiếp quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích Khantivādījātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại.

-Vua Kalābu nước Kāsi, nay kiếp hiện-tại là tỳ-khưu Devadatta.

- Vị quan Thừa-tướng của Vua Kalābu, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

 

10 Pháp-Hạnh ba-la-mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng, ngoài ra, còn có 9 pháp-hạnh ba-la-mật khác là phụ cũng đồng thời thành tựu như sau:

- Đức-Bồ-tát Kuṇḍala đem tất cả của cải tài sản làm phước-thiện bố-thí, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala giữ gìn giới trong sạch, đó là pháp-hạnh giữ giới ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala từ bỏ nhà cửa đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, đó là pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala có trí-tuệ sáng suốt, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala giữ gìn lời nói chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala nói lời phát nguyện không lay chuyển, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala có tâm-từ, không phát sinh sân-tâm đến tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala có tâm-xả đối với tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là 9 pháp-hạnh ba-la-mật phụ đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng.

Nhận Xét Về Đức-Bồ-Tát Đạo-Sĩ Kuṇḍala

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng (khantiparamatthapāramī).

Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ, để hỗ trợ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hành nhẫn-nại ba-la-mật đó là vô-sân tâm-sở đồng sinh trong đại-thiện-tâm, mỗi khi tiếp xúc những đối tượng bất bình một cách bất ngờ, Đức-Bồ-tát vẫn giữ gìn đại-thiện-tâm trong sáng một cách tự nhiên.

Thật ra, những đối tượng bất bình xảy ra một cách bất ngờ dễ làm cho sân-tâm phát sinh làm khổ tâm.

Đối với chư Đức-Bồ-tát tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật với đại-thiện-tâm trong sáng, cho nên dù tiếp xúc những đối-tượng bất bình xảy đến làm cho khổ thân như thế nào, Đức-Bồ-tát vẫn không hề phát sinh sân-tâm trong các đối-tượng ấy, vẫn giữ gìn đại-thiện-tâm trong sáng nhẫn-nại chịu đựng mọi nỗi khổ thân một cách tự nhiên, để thành tựu pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

Thật ra, pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật là pháp-hạnh khó có cơ hội thực-hành, bởi vì những trường hợp bất bình này xảy đến bất ngờ, nên Đức-Bồ-tát hoàn toàn bị động, cho nên, Đức-Bồ-tát có trí-tuệ sáng suốt suy xét rằng:

“Đây là cơ hội tốt, hiếm có, giúp cho ta tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, đó là một pháp-hạnh ba-la-mật không thể thiếu được.”

Vì vậy, Đức-Bồ-tát tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật với đại-thiện-tâm trong sáng, không để sân-tâm phát sinh trong các đối tượng bất bình ấy, để cho thành tựu được pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật của mình.

Ngoài pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật ra, còn lại 9 pháp-hạnh ba-la-mật khác như là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật, pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật, pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật, pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật, pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật, pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật, pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật, pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật. Trong 9 pháp-hạnh ba-la-mật này, chư Đức-Bồ-tát hoàn toàn chủ động lựa chọn tạo pháp-hạnh ba-la-mật nào thì cố gắng cũng có cơ hội tạo pháp-hạnh ba-la-mật ấy được thành-tựu như ý.

Như trường hợp Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala gặp Vua Kalābu một cách bất ngờ và hoàn toàn bị động. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thường đề cao pháp-hạnh nhẫn-nại, nên khi Vua Kalābu truyền hỏi Đức-Bồ-tát rằng:

-“Này tên đạo-sĩ! Ngươi thường thuyết pháp gì?”

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala tâu rằng:

-“Tâu Đại-vương, bần đạo thường thuyết pháp nhẫn-nại (khantivādī), và thường tán dương ca tụng pháp nhẫn-nại.”

Vua Kalābu vốn đã kết oan trái với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ từ kiếp quá-khứ xa xưa. Vì vậy, khi gặp lại nhau trong kiếp hiện-tại này, nên Vua Kalābu trả thù ngay.

Còn đối với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala đó là cơ hội tốt hiếm có, để tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng, bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, để mong sớm trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.

- Đối với chư vị Bồ-tát thanh-văn-giác cần phải tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ, để bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, làm nhân-duyên hỗ trợ pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

- Đối với chư Đức-Bồ-tát Độc-giác cần phải tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ và bậc trung để bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ và 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, để làm nhân-duyên hỗ trợ pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, gọi là chư Đức-Phật Độc-Giác.

- Đối với Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ, bậc trung và bậc trung để bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung và 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng để làm nhân-duyên hỗ trợ pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

(Xong pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng)

 

7- Pháp-Hạnh Chân-Thật Ba-La-Mật (Saccapāramī)

Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.

7.1 -Pháp-Hạnh Chân-Thật ba-la-mật Bậc Hạ Saccapāramī

Tích Vaṭṭakajātaka (Wat-tá-ká-cha-tá-ká)

Trong tích Vaṭṭakajātaka[5], Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm kiếp chim cút con (vaṭṭaka) tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc hạ (saccapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Đức-Thế-Tôn ngự đi khất thực cùng với số đông chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng trong xóm nhà dân Magadha. Sau khi độ vật thực xong, Đức-Thế-Tôn ngự trở về cùng với số đông chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến giữa khu rừng. Khi ấy, vào mùa nắng nóng, các cành cây khô cọ xát vào nhau phát ra lửa, trở thành đám cháy rừng lớn dữ dội cả phía trước lẫn phía sau, xung quanh, đám cháy rừng khói lửa bốc lên nghi ngút đang cháy lan đến chỗ đứng của chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Trong số chư tỳ-khưu ấy, có vị còn là phàm nhân sợ bị chết thiêu nên bàn tính với nhau rằng:

- Này các pháp-hữu! Chúng ta nên châm lửa đốt cháy rừng ngược lại, để ngăn chặn ngọn lửa cháy lan đến chỗ đứng của chúng ta.

Họ đang cặm cụi lấy 2 viên đá đánh cho phát ra lửa. Một nhóm tỳ khưu khác hỏi rằng:

- Này các pháp-hữu! Các pháp-hữu đang làm gì vậy?

Các vị tỳ-khưu ấy nói cho biết ý định đốt cháy rừng chặn đường lửa.

Nghe nói như vậy, vị tỳ-khưu nói rằng:

- Này các pháp-hữu! Các pháp-hữu không thấy Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác là bậc Tối-Thượng trong toàn thể chư-chiên, phạm-thiên, nhân loại, Ngài đang ngự đứng phía trước chúng ta hay sao!

Các pháp-hữu làm như người không nhìn thấy vầng trăng rằm đang chiếu sáng trên hư không, hoặc như người không nhìn thấy mặt trời đang chiếu sáng trong bầu trời, hoặc như người đứng bờ đại dương mà không nhìn thấy đại dương mênh mông bao la, hoặc người đứng gần núi Sineru to lớn và cao mà không nhìn thấy núi Sineru được hay sao!

Cho nên, các pháp-hữu mới có ý định đốt cháy rừng, chặn đường lửa cháy lan đến chỗ các pháp-hữu.

- Này các pháp-hữu! Các pháp-hữu hãy cùng nhau đến hầu đứng quanh Đức-Thế-Tôn.

Nghe lời khuyên bảo như vậy, tất cả chư tỳ-khưu đều đến hầu đứng quanh Đức-Thế-Tôn. Đám lửa rừng cháy lớn đến khoảng cách Đức-Thế-Tôn 16 karīsa ngọn lửa tự dập tắt, như gặp phải nước.

(Đức-Thế-Tôn đứng giữa, phía trước, phía sau, bên phải, bên trái, xung quanh 4 phía khoảng 32 karīsa ngọn lửa rừng tự dập tắt hẳn).

Nhìn thấy như vậy, chư tỳ-khưu vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng Đức-Thế-Tôn rằng:

Thật là phi thường! Do oai lực của Đức-Thế-Tôn, ngọn lửa rừng không có tâm mà tự dập tắt như gặp phải nước, không còn cháy lan đến chỗ đứng của Đức-Thế-Tôn.

Nghe chư tỳ-khưu tán dương ca tụng như vậy, Đức-Thế-Tôn dạy rằng:

-Này chư tỳ-khưu! Ngọn lửa rừng cháy lan đến khoảng cách xa chỗ đứng Như-Lai, rồi tự dập tắt ngay như gặp phải nước, do oai lực của Như-Lai không chỉ trong kiếp hiện-tại này, mà còn tiền-kiếp của Như-Lai sinh làm chim cút con đã phát nguyện bằng lời chân thật. Do oai lực phát nguyện bằng lời chân thật của chim cút con ấy, khiến cho đám cháy rừng, ngọn lửa tự dập tắt ngay như gặp phải nước, cách xa tổ chim cút con nằm khoảng 16 karīsa, xung quanh 4 phía.

Từ đó về sau, lửa rừng không xảy ra suốt kiếp trái

đất. Đó mới thật là phi thường!

Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Ānanda trải tấm y 4 lớp, rồi thỉnh Đức-Thế-Tôn ngự ngồi kiết già, còn chư tỳ-khưu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi trải toạ cụ ngồi xung quanh. Chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn rằng:

-Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do oai lực của Đức-Thế-Tôn, ngọn lửa rừng tự dập tắt ngay như gặp phải nước trong kiếp hiện-tại thì chúng con đã thấy rõ, còn ngọn lửa rừng tự dập tắt trong tiền-kiếp của Đức-Thế-Tôn như thế nào thì chúng con chưa biết.

Vậy, chúng con kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về chim cút con, tiền-kiếp của Ngài.

Tích Vaṭṭakajātaka

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Vaṭṭakajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá-khứ, trong khu rừng vùng Magadha, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh vào loài chim cút. Đức-Bồ-tát tái-sinh trong trứng cút, đến khi phá vỡ vỏ trứng cút, Đức-Bồ-tát chim cút con nở ra nằm trong tổ. Mẹ cha cút tha mồi đem về nuôi Đức-Bồ-tát chim cút con, Bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ.

Khi Đức-Bồ-tát chim cút con có 2 cánh chưa đủ lông, nên chưa có thể bay lên hư không được, có 2 chân còn yếu, nên chưa có thể bước đi được.

Hằng năm, vào mùa nắng nóng, cây rừng khô cọ xát vào nhau phát sinh ra lửa, gây ra nạn cháy rừng tại khu rừng vùng Magadha ấy.

Khi ấy, đám cháy rừng dữ dội, những tiếng nổ lớn nghe kinh hồn, các con thú rừng, các loài chim sợ chết đều bay đi nơi khác lánh nạn. Mẹ cha của Đức-Bồ-tát cút con tuy thương cút con nhưng không thể tha cút con đi được, nên đành phải để Đức-Bồ-tát chim cút con nằm một mình trong tổ, còn mẹ cha cút sợ chết bay đi lánh nạn nơi khác.

Nghe những tiếng nổ kinh hồn, Đức-Bồ-tát chim cút con nằm một mình trong tổ ấy, đưa đầu ra nhìn thấy đám khói mù mịt, ngọn lửa rừng đang cháy lan đến tổ của chim cút con, nên nghĩ rằng:

“Nếu ta có sức lực vỗ 2 cánh thì ta bay lên hư không đến nơi khác lánh nạn, nếu ta có sức lực duỗi 2 chân thì ta chạy đi nơi khác lánh nạn.

Mẹ cha của ta sợ chết đã bay đi lánh nạn nơi khác rồi, bỏ lại một mình ta nằm trong tổ này.

Bây giờ, ta không có nơi nương nhờ, không có nơi ẩn náu. Vậy, ta nên làm cách nào để thoát khỏi chết thiêu.”

Tiếp theo, Đức-Bồ-tát chim cút con tư duy rằng:

“Trong đời này, giới đức đang hiện hữu, sự thật chân-lý đang hiện hữu.

Trong thời quá-khứ, chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác đã thực-hành đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật xong, ngự đến ngồi tại cội Đại-Bồ-đề, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh, nên gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có đầy đủ giới-đức, định-đức, tuệ-đức, giải-thoát-đức, giải-thoát tri-kiến-đức, có đầy đủ tâm-từ, tâm-đại-bi, đức nhẫn-nại đối với tất cả chúng-sinh muôn loài, có ân-đức Phật-bảo, ân-đức Pháp-bảo và chính nơi ta cũng có các điều chân-thật nữa.

Vậy, ta nên niệm tưởng đến ân-đức Phật-bảo, ân-đức Pháp-bảo ấy và các điều chân-thật đang hiện hữu trong ta.

Ta nên phát nguyện bằng lời chân-thật, khiến cho ngọn lửa tự dập tắt, để cho ta thoát nạn chết thiêu và các loài chim, các sinh vật khác cũng được thoát nạn chết thiêu nữa.”

Suy xét xong, Đức-Bồ-tát chim cút con phát nguyện bằng lời chân-thật rằng:

“Santi pakkhā apatanā, santi pādā avañcanā. Mātāpitā ca nikkhantā Jātaveda paṭikkama.”[6]

- Này lửa! Tôi có 2 cánh mà không bay được, Tôi có 2 chân mà không bước đi được,

Mẹ cha của tôi đã bay đi lánh nạn nơi khác rồi.

- Này lửa! Ngươi hãy nên tự dập tắt ngay!

Sau khi Đức-Bồ-tát cút con phát nguyện bằng lời chân-thật xong, ngọn lửa đang cháy dữ dội kia tự dập tắt ngay như gặp phải nước, cách xa tổ của Đức-Bồ-tát chim cút con xung quanh khoảng 16 karīsa.

Do oai lực lời chân-thật của Đức-Bồ-tát chim cút con ấy, từ đó về sau, suốt một kiếp trái đất không xảy ra nạn cháy rừng như hằng năm.

Trong khu rừng ấy, chúng-sinh muôn loài sống được an toàn, không còn kinh sợ nạn cháy rừng nữa.

Đức-Bồ-tát chim cút sống được an lành cho đến hết tuổi thọ.

Sau khi Đức-Bồ-tát chim cút chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong các cõi thiện-giới: cõi người, các cõi trời dục-giới an hưởng mọi sự an-lạc tại cõi ấy.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết dạy rằng:

-Này chư tỳ-khưu! Ngọn lửa cháy rừng tự dập tắt, không còn cháy lan đến chỗ đứng này do oai lực của Như-Lai không chỉ trong kiếp hiện-tại, mà còn tiền-kiếp của Như-Lai sinh làm kiếp chim cút con phát nguyện bằng lời chân-thật, khiến cho ngọn lửa cháy rừng tự dập tắt, không còn cháy lan đến tổ của Đức-Bồ-tát chim cút con cũng như vậy.

Sau khi thuyết tích Vaṭṭakajātaka xong, Đức-Thế-Tôn thuyết giảng về chân-lý tứ Thánh-đế, cho nên, chư tỳ-khưu chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, có số tỳ-khưu chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu; có số tỳ-khưu chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai; có số tỳ-khưu chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai; có số tỳ-khưu chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, tuỳ theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị tỳ-khưu.

Tích Vaṭṭakajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Vaṭṭakajātaka, Đức-Bồ-tát chim cút con là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc hạ trong kiếp quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích Vaṭṭakajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại những nhân vật ấy như sau:

- Mẹ cha của Đức-Bồ-tát chim cút, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phụ-vương Suddhodana và Mẫu-hậu Mahā-mayādevī.

- Đức-Bồ-tát chim cút, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

10 Pháp-Hạnh ba-la-mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát chim cút con (Vaṭṭaka) tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc hạ, ngoài ra, còn có các pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu:

- Đức-Bồ-tát chim cút con có tâm-bi cứu sống các sinh vật trong rừng, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát chim cút con có trí-tuệ suy xét các pháp sâu sắc, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát chim cút con có tinh-tấn, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát chim cút con có đức nhẫn-nại, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát chim cút con phát nguyện bằng lời chân-thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát chim cút con có tâm-từ đối với tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát chim cút con có tâm-xả đối với tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là 7 pháp-hạnh ba-la-mật cũng đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc hạ này.

Nhận Xét Tích Đức-Bồ-Tát Chim Cút Con

Trong tích Vaṭṭakajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm kiếp chim cút con (Vaṭṭaka) còn nhỏ chưa bay được, chưa bước đi được, nằm trong tổ, mẹ cha cút tha mồi đem về nuôi Đức-Bồ-tát chim cút con.

Khi ấy, đám cháy rừng dữ dội, ngọn lửa đang cháy lan đến chỗ tổ của Đức-Bồ-tát chim cút con ấy, mẹ cha của Đức-Bồ-tát chim cút con không có khả năng tha Đức-Bồ-tát chim cút con lánh nạn nơi khác được, nên đành phải bỏ Đức-Bồ-tát chim cút con ấy ở lại nằm trong tổ một mình, còn mẹ cha Đức-Bồ-tát chim cút sợ bị chết thiêu, nên bay đi lánh nạn nơi khác.

Đức-Bồ-tát chim cút con ấy, tuy có 2 cánh, nhưng không thể bay được, tuy có 2 chân, nhưng không thể bước đi được, Đức-Bồ-tát chim cút con ấy không còn nơi nương nhờ, không có nơi ẩn náu nào cả. Đức-Bồ-tát chim cút con ấy tư duy rằng:

“Trong đời này, giới-đức đang hiện hữu, sự thật chân-lý đang hiện hữu…”

Sau khi tư duy xong, Đức-Bồ-tát chim cút con phát nguyện bằng lời chân thật rằng:

- Này lửa! Tôi có 2 cánh mà không bay được.

- Này lửa! Tôi có 2 chân mà không bước đi được.

- Này lửa! Mẹ cha của tôi đã lánh nạn nơi khác rồi.

- Này lửa! Ngươi hãy nên tự dập tắt ngay!

Sau khi Đức-Bồ-tát chim cút con phát nguyện bằng lời chân thật xong, ngọn lửa đang cháy dữ dội tự dập tắt ngay, như gặp phải nước, cách xa tổ của Đức-Bồ-tát chim cút con xung quanh 4 phía khoảng 32 karīsa.

Từ đó về sau, do oai lực lời phát nguyện chân thật của Đức-Bồ-tát chim cút con ấy, nạn cháy rừng hằng năm không còn xảy ra suốt kiếp trái đất ấy (kappaṭṭhāyiṃ mahātejaṃ).

Hậu-kiếp của Đức-Bồ-tát chim cút con trong kiếp quá-khứ ấy, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama ngự đi cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng giữa khu rừng lớn trong vùng Magadha, gặp đám cháy rừng dữ dội, ngọn lửa đang cháy lan đến chỗ đứng của Đức-Phật, do oai lực lời phát nguyện chân-thật của Đức-Bồ-tát chim cút con tiền-kiếp của Đức-Phật, khiến ngọn lửa tự dập tắt ngay, như gặp phải nước, cách xa chỗ đứng của Đức-Phật xung quanh 4 phía khoảng 32 karīsa.

Sự thật, tử sinh luân-hồi của chúng-sinh, phần thân bị tan rã theo mỗi kiếp, còn phần tâm sinh rồi diệt liên tục từ kiếp này sang kiếp kia, từ vô thuỷ cho đến kiếp hiện-tại trải qua vô số kiếp không sao kể được. Tâm có chức năng tích luỹ tất cả mọi thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp.

* Nếu đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội gặp thuận-duyên (sampatti) thì đại-thiện-nghiệp ấy có khả năng cho quả tốt, quả an-lạc ngay trong kiếp hiện-tại, kiếp kế tiếp (tái-sinh kiếp sau) và kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh A-ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn.

* Nếu ác-nghiệp nào có cơ hội, gặp nghịch-duyên (vipatti) thì ác-nghiệp ấy có khả năng cho quả xấu, quả khổ ngay trong kiếp hiện-tại, kiếp kế tiếp (tái-sinh kiếp sau) và kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh A-ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn.

Sự thật, lời phát-nguyện chân-thật của Đức-Bồ-tát chim cút con (tiền-kiếp) trong thời quá-khứ vẫn còn có oai lực trong kiếp hiện-tại của Đức-Phật Gotama, làm cho ngọn lửa tự dập tắt ngay, cách xa chỗ đứng của Đức-Phật Gotama xung quanh khoảng 32 karīsa. Cho nên, lời phát nguyện chân thật có oai lực rất phi thường.

Ví như trong tích Kaṇhadīpāyanajātaka[7], Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là vị đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana (trích một đoạn ngắn) ở tại cốc lá.

Một hôm, một người bạn cũ tên Mandabya dẫn vợ và đứa con trai nhỏ tên Yaññadatta đến thăm, cúng dường các thức vật dụng đến Đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana tại cốc lá.

Trong khi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana tiếp chuyện với 2 vợ chồng người bạn, còn đứa bé trai Yaññadatta chạy ra ngoài vườn chơi đánh con quay, con quay xoay chạy rơi xuống miệng hang đụng đầu con rắn hổ mang, cậu bé Yaññadatta đưa tay xuống hang lấy con quay thì bị con rắn hổ mang cắn nơi tay của cậu bé, nọc độc rắn hổ mang xâm nhập vào thân mình làm cho cậu bé Yaññadatta đau đớn hét lớn lên, rồi nằm xuống đất chết giấc.

Nhìn thấy con như vậy, mẹ cha cậu bé chạy đến bồng con vào đặt dưới chân của ngài Đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana, bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Đạo-sĩ, cầu xin Ngài chữa trị, cứu mạng con của chúng tôi.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana bảo rằng:

- Này 2 bạn! Bần đạo không có thuốc chữa trị nọc rắn độc hổ mang.

- Kính bạch Ngài Đạo-sĩ, nếu Ngài không có thuốc chữa trị nọc rắn độc hổ mang, thì kính xin Ngài phát nguyện bằng lời chân-thật vậy!

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana nhận lời:

- Lành thay! Bần đạo sẽ phát nguyện bằng lời chân-thật.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana đưa bàn tay phải đặt trên đầu của bé Yaññadatta phát nguyện bằng lời chân-thật rằng:

“Bần đạo mong tạo nhiều phước-thiện, nên từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo-sĩ với đức-tin trong sạch.

Bần đạo rất hoan hỷ thực-hành phạm-hạnh hoàn toàn trong sạch chỉ có được 7 ngày đầu mà thôi.

Từ đó về sau, dù không hài lòng đời sống đạo-sĩ, bần đạo vẫn ráng chịu đựng thực-hành phạm-hạnh trải qua suốt hơn 50 năm, mà không một ai biết được.

3

 

Do oai lực của lời chân-thật này của bần đạo, nọc rắn độc hổ mang trong thân thể của bé Yaññadatta hãy được tan biến.

Cầu mong sự an lành đến với bé Yaññadatta. Xin bé Yaññadatta được hồi sinh.”

Sau khi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana phát nguyện bằng lời chân-thật vừa chấm dứt, thì nọc rắn độc hổ mang trong thân thể của bé Yaññadatta được tan biến dần xuống đến ngực.

Bé Yaññadatta mở mắt gọi “Mẹ kính yêu của con!” rồi nằm yên.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana động viên khuyến khích người cha của bé Yaññadatta rằng:

-Này bạn Maṇḍabya! Oai lực của bần đạo chỉ có bấy nhiêu. Vậy, bạn hãy nên phát nguyện bằng lời chân-thật của bạn thêm nữa, để cho nọc độc rắn được tan biến.

Tiếp theo người cha của bé Yaññadatta đưa bàn tay đặt trên ngực của con, rồi phát nguyện bằng lời chân-thật của mình rằng:

“Khi tôi thấy người khách đến xin nghỉ lại, dù đôi khi tôi không hài lòng với người khách ấy, mà tôi vẫn để cho người khách ấy nghỉ lại nhà.

Đó là điều mà các Sa-môn, Bà-la-môn không biết tôi không hài lòng và chính tôi cũng không muốn cho ai biết điều ấy.

Do oai lực lời chân-thật này của tôi, nọc rắn độc hổ mang trong thân thể của Yaññadatta con tôi hãy được tan biến.

Cầu mong sự an lành đến với con của tôi. Xin Yaññadatta con của tôi được hồi sinh.”

Sau khi người cha của bé Yaññadatta phát nguyện bằng lời chân-thật trên vừa chấm dứt, thì nọc rắn độc hổ mang trong thân thể của bé Yaññadatta được tan biến xuống phía dưới, bé Yaññadatta có thể ngồi dậy được, nhưng chưa có thể đi được.

Ông Maṇḍabya cha của bé Yaññadatta bảo người vợ của ông rằng:

- Này em yêu quý! Anh chỉ có oai lực bấy nhiêu. Vậy, em hãy phát nguyện bằng lời chân-thật của em thêm nữa, để cho con của chúng ta được hoàn toàn bình phục.

Vâng lời chồng, với tình thương yêu của người mẹ đối với con, nên bà can đảm phát nguyện bằng lời chân-thật của bà rằng:

- Này Yaññadatta con yêu quý của mẹ! Con rắn hổ mang có nọc độc kinh khủng cắn con như vậy. Con rắn hổ mang ấy không phải là nơi yêu thương của mẹ trong ngày hôm nay. Cũng giống như cha của con không phải là người chồng yêu thương của mẹ đã từ lâu. Đó là điều mà không một ai biết được.

Do oai lực của lời chân-thật này của mẹ, nọc rắn độc hổ mang trong thân thể của Yaññadatta con của tôi hãy được tan biến hết thảy.

Cầu mong sự an lành đến với Yaññadatta con của tôi, Yaññadatta con của tôi được hoàn toàn bình phục.

Sau khi người mẹ của Yaññadatta phát nguyện bằng lời chân-thật trên vừa chấm dứt, thì nọc rắn độc hổ mang trong thân thể của bé Yaññadatta con của bà được tan biến hết thảy, Yaññadatta con của bà hoàn toàn bình phục, đứng dậy nói năng chạy đi chơi như trước.

Như vậy, lời phát nguyện chân-thật có oai lực làm tan biến được nọc rắn độc hổ mang. Thật là điều phi thường!

Lời phát nguyện có oai lực là lời phát nguyện chân-thật, phải là điều có thật của mình hoặc của người khác. Điều có thật ấy dù là điều tốt, dù là điều xấu cũng vẫn là điều thật, khi phát nguyện bằng lời chân thật thì lời phát nguyện ấy chắc chắn có được oai lực phi thường.

Vaṭṭasuttapāḷi

Bài kinh Vaṭṭasuttapāḷi (Kinh Chim cút) là 1 trong 11 bài kinh Parittapāḷi (kinh hộ trì), nếu người nào thường tụng niệm Parittapāḷi hằng ngày đêm thì người ấy có thể tránh khỏi mọi điều rủi ro tai hại, đem lại sự an lành hạnh phúc, do oai lực bài kinh Parittapāḷi.

Bài kinh Vaṭṭasutta Parittapāfḷi này có oai lực ngăn được nạn cháy do lửa gây ra cho chính mình, cho nhà cửa của mình, thậm chí cho cả vùng xung quanh mình cũng được tránh khỏi nạn lửa cháy nữa.

Vaṭṭasuttaparittapāḷi

Pūrentaṃ bodhisambhāre, nibbattaṃ vaṭṭajātiyaṃ. Yassa tejena dāvaggi, mahāsattaṃ vivajjayi.

Therassa Sāriputtassa, lokanāthena bhāsitaṃ. Kappaṭṭhāyiṃ mahātejam, parittaṃ taṃ bhaṇāma he!

Atthi loke sīlaguṇo,  saccaṃ soceyya’ nuddayā. Tena saccena kāhāmi, saccakiriyamuttamaṃ.

Āajjetvā dhammabalaṃ, saritvā pubbake jine. Saccabalam’avassāya, saccakiriyam’akāsa’haṃ.

Santi pakkhā apatanā, santi pādā avañcanā. Mātā pitā ca nikkhantā, Jātaveda paṭikkama.

Saha sacce kate mayhaṃ,  mahāpajjalito sikhī. Vajjesi soḷasa karīsāni, udakaṃ patvā yathā sikhī. Saccena me samo natthi, esa me saccapāramī.

(Vaṭṭasuttaṃ niṭṭhitaṃ)

Bài Kệ Khai Kinh Chim Cút

-Này chư thiện-trí! Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm chim cút bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật cho được đầy đủ.

Đám cháy rừng tự dập tắt không đến tới tổ Đức-Bồ-tát chim cút con, do oai lực của bài kinh Chim cút con.

Đức-Thế-Tôn thuyết bài kinh Vaṭṭasutta cho Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Bài kinh Chim cút con này có nhiều oai lực tồn tại suốt kiếp trái đất ấy.

-Này chư thiện-trí! Chúng tôi tụng bài kinh Chim cút con này.

Bài Kinh Chim Cút

Trong đời này, có giới-đức cao quý, pháp chân-thật cao thượng, thân khẩu ý thanh-tịnh, tâm-từ, tâm-bi đối với chúng-sinh.

Tôi phát nguyện bằng lời chân-thật cao thượng bằng các pháp ấy.

Tôi đã suy xét oai lực của chánh-pháp, đã niệm tưởng đến chư Phật trong thời quá-khứ.

Nương nhờ oai lực của pháp chân-thật, tôi phát nguyện bằng lời chân-thật.

- Này lửa! Tôi có 2 cánh mà không thể bay được. Tôi có 2 chân mà không thể bước đi được.

Mẹ cha của tôi đã bay đi lánh nạn nơi khác rồi!

- Này lửa! Ngươi hãy lùi ra xa, tự dập tắt ngay!

Khi tôi phát nguyện bằng lời chân-thật, đồng thời ngọn lửa tự dập tắt như gặp phải nước.

Ngọn lửa rừng to lớn cháy dữ dội tự dập tắt, cách xa tổ của Đức-Bồ-tát chim cút con xung quanh khoảng 32 karīsa.

Pháp chân-thật của tôi không có ai sánh bằng.

Pháp chân-thật này là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật của tôi.

(Xong bài kinh chim cút con)

(Xong pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc hạ)

 

7.2-Pháp-Hạnh Chân-Thật Ba-La-Mật Bậc Trung (Sacca Upapāramī)

Tích Macchajātaka

Trong tích Macchajātaka[8], Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của

Đức-Phật Gotama sinh làm Vua loài cá tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc trung (sacca upapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, trong đất nước Kosala gặp lúc hạn hán kéo dài, không mưa làm cho mùa màng khô héo, không trồng trọt được, bởi vì các con sông, suối, hồ nước lớn đều khô cạn. Ngay cả hồ nước lớn ở trong khuôn viên của ngôi chùa Jetavana, gần cổng ra vào cũng bị khô cạn, các loài cá, rùa, v.v… đều tìm chui vào lớp bùn để lánh nạn.

Đức-Thế-Tôn nhìn thấy bầy quạ, bầy diều, v.v… bay đến hồ, dùng mỏ bới lớp bùn bắt các con cá đang vùng vẫy để ăn. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, Đức-Thế-Tôn phát sinh tâm đại bi muốn cứu sống các loài cá, các sinh vật sống dưới nước được thoát khỏi cảnh khổ chết chóc này, nên Đức-Thế-Tôn nghĩ rằng:

“Như-Lai nên khiến cho trời mưa xuống tràn đầy hồ nước này.”

Buổi sáng hôm ấy, Đức-Thế-Tôn ngự vào kinh-thành Sāvatthi khất thực cùng với số đông chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Sau khi độ ngọ xong, Đức-Thế-Tôn ngự trở về ngôi chùa Jetavana cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Khi vào cổng chùa Jetavana, Đức-Thế-Tôn ngự đến đứng tại bậc cấp hồ nước lớn của ngôi chùa Jetavana, rồi truyền bảo Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng:

- Này Ānanda! Con hãy đem tấm y tắm đến đây, Như-Lai sẽ tắm tại hồ nước này.

Ngài Trưởng-lão Ānanda bạch rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, nước trong hồ lớn này đều khô cạn, chỉ còn lại bùn mà thôi. Bạch ngài.

- Này Ānanda! Thông thường, oai lực của Chư Phật thật là phi thường. Vậy, con hãy nên đem tấm y tắm đến cho Như-Lai.

Vâng lời dạy của Đức-Thế-Tôn, Ngài Trưởng-lão Ānanda đem tấm y tắm đến dâng lên Đức-Thế-Tôn.

Nhận tấm y tắm, Đức-Thế-Tôn thay bộ y, mặc tấm y tắm vào, một tấm trùm cái đầu, đứng tại bậc cấp hồ nước lớn, có ý định rằng:

“Như-Lai sẽ tắm nước hồ Jetavana này.”

Ngay khi ấy, tảng đá quý của Đức-vua Trời Sakka phát nóng, Đức-vua Trời Sakka xem xét nguyên nhân, thì biết rõ ý định của Đức-Thế-Tôn. Cho nên Đức-vua Trời Sakka truyền gọi Đức Thiên-vương làm mưa (Vassavalahaka devarājā) đến, rồi truyền bảo rằng:

-Này vị Thiên-vương, Đức-Thế-Tôn có ý định sẽ tắm nước hồ Jetavana.

Đức-Thế-Tôn đang đứng tại bậc cấp hồ nước Jetavana ấy. Vậy, ngươi hãy mau đến nơi ấy, làm cho trời mưa khắp mọi nơi trên toàn đất nước Kosala.

Tuân theo lệnh của Đức-vua Trời Sakka, Đức Thiên-vương làm mưa hiện đến nơi ấy hóa ra từng đám mây, những tia chớp, … một lúc sau, mưa rơi như nước đổ xuống tràn khắp mọi nơi trên đất nước Kosala. Tại hồ nước lớn Jetavana nước đã lên đầy tràn bờ.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn tắm nước hồ Jetavana xong, thay tấm y tắm bằng bộ y, rồi Ngài ngự đến cốc Gandhakuṭi, cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Đức-Thế-Tôn đứng trên tảng đá truyền dạy chư tỳ-khưu-Tăng xong, Đức-Thế-Tôn ngự vào cốc Gandhakuṭi nghỉ ngơi, còn chư tỳ-khưu trở về chỗ ở của mình.

Vào buổi chiều, số đông tỳ-khưu đến tụ hội tại giảng đường, đàm đạo về chuyện Đức-Thế-Tôn khiến cho trời mưa rơi xuống khắp mọi nơi rằng:

- Này các pháp-hữu! Quý vị thấy ân-đức của Đức-Thế-Tôn thật là phi thường! Tâm đại-từ, tâm đại-bi của Đức-Thế-Tôn đối với tất cả chúng-sinh.

Khi thấy đồng ruộng bị khô hạn, các con sông, suối, hồ nước lớn nhỏ đều bị khô hạn, dân chúng trong nước lâm vào cảnh khổ, các loài cá, rùa, những sinh vật sống dưới nước, v.v… đang chịu cảnh khổ phải chui xuống dưới bùn để lánh nạn, muốn cứu giúp tất cả chúng-sinh thoát khỏi cảnh khổ, Đức-Thế-Tôn mặc tấm y tắm đứng tại bậc cấp hồ nước Jetavana, với ý định tắm nước hồ này. Ngay khi ấy, Đức Thiên-vương hiện đến làm mưa xuống khắp mọi nơi trên toàn đất nước Kosala. Trong chốc lát, hồ nước lớn Jetavana có nước lên tràn bờ, để cho Đức-Thế-Tôn tắm. Các loài sinh vật sống ở dưới nước đều được an toàn sinh-mạng, dân chúng trong đất nước Kosala có nước đầy đủ để cày cấy gieo trồng các loại hoa màu khác, để cuộc sống của người dân được no đủ.

- Này các pháp-hữu! Oai lực của Đức-Thế-Tôn thật là phi thường quá!

Nghe bằng thiên nhĩ thông cuộc đàm đạo của chư tỳ-khưu, Đức-Thế-Tôn ra khỏi cốc Gandhakuṭi, ngự đến tại giảng đường, ngồi trên pháp toà truyền hỏi chư tỳ-khưu rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?

Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn về chuyện đang đàm đạo.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Không chỉ kiếp hiện-tại Như-Lai là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác khiến cho trời mưa rơi xuống khắp mọi nơi trên đất nước Kosala, để cứu giúp mọi chúng-sinh trong cảnh khổ, mà còn tiền-kiếp của Như-Lai sinh làm Vua loài cá, khi gặp lúc hạn hán kéo dài làm cho các sông, suối cạn nước. Các loài cá, rùa, các sinh vật sống dưới nước, v.v… đều bị lâm vào cảnh khổ. Đức-Bồ-tát Vua cá ấy phát nguyện bằng lời chân-thật, khiến cho trời mưa rơi xuống khắp nơi trên đất nước Kosala, làm cho các con sông, suối, hồ lớn, nhỏ đều có nước đầy đủ, cứu sống các loài cá, rùa, các sinh vật sống dưới nước,… đều thoát khỏi cảnh khổ chết chóc.

Chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về tiền-kiếp của Ngài.

Tích Macchajātaka

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Macchajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá-khứ, một suối nước lớn nằm ở giữa khu rừng, nay là hồ nước lớn trong chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvathi trong đất nước Kosala này. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Vua các loài cá đông đảo tại suối nước lớn.

Thời gian hạn hán kéo dài, không có mưa như bây giờ, dân chúng gieo trồng đều bị khô héo, các con sông, suối, hồ nước lớn, nhỏ đều bị khô cạn, cho nên các loài cá, rùa, các sinh vật sống dưới nước, v.v… đều lâm vào cảnh khổ chết chóc.

Ngay dòng suối nước lớn nơi mà Đức-Bồ-tát Vua cá đang sống cũng bị khô cạn, các loài cá, rùa, v.v… đều chui xuống bùn nằm lánh nạn.

Khi ấy, bầy quạ, bầy diều,… bay đến dòng suối ấy, dùng mỏ bới lớp bùn bắt những con cá còn sống đang vẫy vùng, mổ để ăn thịt.

Nhìn thấy cảnh tượng bà con dòng họ cá bị bầy quạ, diều, v.v… sát hại ăn thịt như vậy, Đức-Bồ-tát Vua cá nghĩ rằng:

“Ngoài ta ra, không có ai có thể cứu sống các bà con loài cá của ta thoát khỏi cảnh khổ chết chóc này. Vậy, ta nên phát nguyện bằng lời chân-thật khiến cho trời mưa đổ xuống, nước tràn đầy bờ, để cứu sống bà con loài cá của ta, thoát khỏi mỏ của bầy quạ, diều, v.v… này.

Đức-Bồ-tát Vua cá ngoi đầu lên khỏi bùn, lộ ra thân hình xinh đẹp, có đôi mắt sáng như hai viên ngọc maṇi, nhìn lên hư không dõng dạc phát nguyện bằng lời chân-thật với Đức Thiên-vương Pajjuna làm mưa rằng:

- Muôn tâu Đức Thiên-vương Pajjuna, nhìn thấy cảnh tượng bà con loài cá của tôi bị bầy quạ, bầy diều, v.v… bắt ăn thịt, nên tôi phát sinh tâm đại-bi muốn cứu sống bà con loài cá của tôi.

Tôi có giới hạnh trong sạch đang bị khổ tâm như thế này, sao Đức Thiên-vương không cứu giúp làm mưa rơi xuống, nước tràn đầy các dòng suối, các con sông, các hồ nước lớn, nhỏ, để cứu sinh-mạng của chúng tôi?

- Muôn tâu Đức Thiên-vương Pajjuna, tuy tôi sinh làm loài cá, nhưng tôi chưa hề ăn thịt đồng loại cá dù chỉ là một con cá nhỏ bằng hột gạo, và tôi cũng không có tác ý sát-sinh giết hại một sinh vật nào cả.

Do lời phát nguyện chân-thật này, cầu xin Đức Thiên-vương Pajjunna hãy làm mưa rơi xuống, nước tràn đầy các dòng suối, các con sông, các hồ nước lớn nhỏ, để cứu sống bà con các loài cá chúng tôi thoát khỏi nạn diệt vong.

Đức-Bồ-tát vua cá truyền dạy các thuộc hạ loài cá đọc câu kệ rằng:

“Abhitthanaya Pajjunna, nidhiṃ kākassa nāsaya. Kākaṃ sokāya randhehi, mañca sokā pamocaya.”

-Muôn tâu Đức Thiên-vương Pajjuna, cầu xin Đức Thiên-vương Pajjunna hãy phát ra những tiếng sấm sét vang rền, những tia chớp sáng ngời cả không gian, rồi làm mưa đổ xuống, nước tràn đầy các dòng suối, các con sông, các hồ nước lớn, nhỏ, làm cho kho vật thực của bầy quạ, diều, v.v… không còn nữa.

Cầu xin Đức Thiên-vương Pajjuna làm cho bầy quạ, diều, … nóng nảy sầu não, đồng thời giải cứu tôi và bà con dòng họ loài cá chúng tôi cùng với các loài sinh vật khác được thoát khỏi khổ sầu não bởi nạn chết chóc.

Đức-Bồ-tát Vua cá và các thuộc hạ đọc bài kệ này xong, trời mưa đổ xuống khắp mọi nơi trên đất nước Kosala, nước đầy tràn các dòng suối, các con sông, các hồ nước lớn, nhỏ không chỉ giải cứu các loài cá, rùa, các sinh vật sống trong nước, mà còn giúp cho dân chúng có nước để cày cấy, trồng trọt các loại cây hoa màu, được thoát khỏi nạn đói khát nữa.

Sau khi thuyết về tích Macchajātaka xong, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

-Này Chư tỳ khưu! Không chỉ kiếp hiện-tại Như-Lai là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác khiến cho trời mưa đổ xuống, mà còn trong tiền-kiếp của Như-Lai, sinh làm Vua các loài cá cũng đã từng phát nguyện bằng lời chân-thật khiến cho trời mưa đổ xuống khắp mọi nơi trên đất nước Kosala này.

 

Tích Macchajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Macchajātaka này, Đức-Bồ-tát Vua các loài cá là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc trung trong kiếp quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Macchajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

-Bà con dòng họ loài cá, nay kiếp hiện-tại là tứ chúng: tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ.

- Đức Thiên-vương Pajjunna, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

- Đức-Bồ-tát Vua cá, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

10 Pháp-Hạnh ba-la-mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát Vua cá tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc trung, ngoài ra, còn có pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

- Đức-Bồ-tát Vua cá giữ giới trong sạch, không giết hại chúng-sinh, là bố-thí sự an toàn sinh-mạng của chúng-sinh, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Vua cá giữ giới trong sạch, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Vua cá có trí-tuệ suy xét đúng đắn, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Vua cá có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Vua cá có đức nhẫn-nại, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Vua cá phát nguyện bằng lời chân thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Vua cá có tâm-từ đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Vua cá có tâm-xả đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là 8 pháp-hạnh ba-la-mật khác đồng thời thành tựu cùng một lúc với pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc trung này.

Nhận Xét Về Đức-Bồ-Tát Vua Cá

Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc trung là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật đó là lời nói chân-thật bằng đại-thiện-tâm trong sạch.

Tích Macchajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Vua các loài cá, tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc trung.

Khi ấy, thời gian gặp nạn hạn hán kéo dài, trời không mưa, nước các dòng suối, các con sông, các hồ nước nhỏ lớn đều bị khô cạn, nên các loài cá, rùa, các sinh vật, v.v… đều ẩn mình dưới lớp bùn lánh nạn.

Gặp lúc nước bị khô cạn, các bầy quạ, diều, v.v… bay đến bới lớp bùn bắt những con cá còn sống ăn thịt.

Nhìn thấy cảnh tượng bà con dòng họ các loài cá bị bầy quạ, diều, … ăn thịt, Đức-Bồ-tát Vua cá phát sinh tâm-đại-bi muốn cứu giúp bà con dòng họ các loài cá, rùa, các loài sinh vật sống trong nước được thoát khỏi cảnh khổ chết chóc thảm thương này. Cho nên, Đức-Bồ-tát Vua cá phát nguyện bằng lời chân-thật, rồi khuyên bảo các loài cá thuộc hạ cũng đọc bài kệ cầu Đức Thiên-vương Pajjunna làm cho mưa đổ xuống, nước đầy tràn các dòng suối, các con sông, các hồ nước nhỏ lớn, để cứu sinh-mạng các loài cá, rùa và các sinh vật sinh sống dưới nước, bằng bài kệ như sau:

“Abhitthanaya Pajjunna, nidhiṃ kākassa nāsaya. Kākaṃ sokāya randhehi, mañca sokā pamocaya.”

Thật vậy, sau khi đọc bài kệ này xong, trời mưa từ trên hư không rơi xuống như nước đổ, chẳng mấy chốc, nước đầy tràn các dòng suối, các con sông, các hồ nước nhỏ lớn, cứu sinh-mạng các loài cá, rùa và các sinh vật sinh sống dưới nước, đồng thời làm cho bầy quạ, diều, … phải khổ tâm sầu não, vì mất đi kho vật thực loài cá ở trong các hồ nước, sông suối,…

Làm Lễ Cầu Mưa

Về sau, bài kệ này trở thành bài kệ cầu mưa. Mỗi khi trời hạn hán kéo dài, mùa màng không canh tác được, người ta cùng nhau đọc bài kệ cầu mưa ấy.

Để lễ cầu mưa cho được thành tựu, trời mưa rơi xuống như ý, những người cận-sự-nam làm lễ cầu mưa cần phải làm theo nghi lễ đơn giản như sau:

- Làm bàn thờ tượng Đức-Phật.

- Thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới.

- Đọc bài kính thỉnh chư-thiên.

- Những người cận-sự-nam có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, với đại-thiện-tâm trong sáng thành tâm cầu nguyện mưa thuận gió hoà bằng lời chân-thật mới linh ứng.

- Tụng niệm đến 9 ân-Đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo, cầu mong chư-thiên, nhất là Đức Thiên-vương Pajjunna tế độ, giúp làm cho trời mưa rơi xuống, có nước đầy đủ, để tất cả chúng-sinh thoát khỏi cảnh khổ thiếu nước, cuộc sống được an lành, rồi cùng nhau đọc bài kệ cầu mưa.

“Abhitthanaya Pajjunna, nidhiṃ kākassa nāsaya. Kākaṃ sokāya randhehi, mañca sokā pamocaya.”

- Muôn tâu Đức Thiên-vương Pajjuna, cầu xin Đức Thiên-vương Pajjunna hãy phát ra những tiếng sấm sét vang rền, những tia chớp sáng ngời cả không gian, rồi làm mưa đổ xuống, nước tràn đầy các dòng suối, các con sông, các hồ nước nhỏ lớn, làm cho hầm vật thực của bầy quạ, diều, v.v… không còn nữa.

Cầu xin Đức Thiên-vương Pajjuna làm cho bầy quạ, diều… nóng nảy sầu não, đồng thời giải cứu tôi và bà con dòng họ loài cá chúng tôi cùng với các loài sinh vật khác sinh sống trong nước được thoát khỏi khổ sầu não bởi nạn chết chóc.

Để cho lễ cầu mưa cho được thành-tựu, những người đọc bài kệ cầu mưa này cần phải hiểu ý nghĩa từng chữ, từng câu như sau:

- Pajjunna: Đức Thiên-vương Pajjunna

- Abhitthanaya: hãy làm cho phát ra tiếng sấm sét

- nāsaya: hãy làm tiêu mất

- nidhiṃ: hầm vật thực

- kākassa: của loài quạ, diều

- randhehi: hãy làm cho

- Kākaṃ:loài quạ, diều

- sokāya: sầu não

- pamocaya: hãy cứu giúp giải thoát khỏi

- mañca: tôi và dòng họ cá của tôi

- sokā: sầu não (hãy cứu giúp giải thoát khỏi sầu não)

(Xong pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc trung)

 

7.3 -Pháp-Hạnh Chân-Thật Ba-La-Mật Bậc Thượng (Saccaparamatthapāramī)

Tích Mahāsutasomajātaka (Má-ha-xú-tá-xô-má) Trong tích Mahāsutasomajātaka[9]  Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Đức-vua Sutasoma tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc thượng (sacca-paramatthapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Một hôm, Đức-Thế-Tôn một mình ngự vào trong rừng sâu, để tế độ tên cướp sát nhân có biệt danh là Aṅgulimāla, xuất gia rồi trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Trước khi xuất gia tỳ-khưu trở thành bậc Thánh A-ra-hán, Aṅgulimāla[10] là tên cướp sát nhân có võ thuật cao cường, đã từng giết trên ngàn người tại khu rừng rậm. Đức-Thế-Tôn một mình ngự đến khu rừng ấy, sử dụng phép thần thông để tế độ tên cướp sát nhân Aṅgulimāla. Sau khi đã tỉnh ngộ, y vất bỏ khí giới xuống hố sâu, đến

quỳ đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-Phật, rồi xin phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.

Đức-Phật xem xét thấy có đủ phước-duyên, nên cho phép xuất gia tỳ-khưu bằng cách gọi rằng:

“Ehi bhikkhu! Svākkhāto dhammo cara brahma-cariyam sammā dukkhassa antakiriyāya.”

-Này Aṅgulimāla! Con hãy đến với Như-Lai, con trở thành tỳ-khưu như ý nguyện. Chánh-pháp mà Như-lai đã thuyết giảng hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối. Con hãy nên tinh-tấn thực-hành phạm-hạnh cao thượng để trở thành bậc Thánh A-ra-hán, cuối cùng giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Đức-Phật vừa dứt lời, Ngài Aṅgulimāla trở thành vị tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ-khưu, trang nghiêm như vị Đại-đức có 60 tuổi hạ.

Đức-Phật ngự trở về ngôi chùa Jetavana có tỳ-khưu Aṅgulimāla theo sau. Về sau không lâu, tỳ-khưu Aṅgulimāla thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng là 1 trong 80 vị Thánh A-ra-hán Đại-thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Một hôm, Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla đi khất thực trong kinh-thành Sāvatthi, thấy một người đàn bà mang thai đang đau khổ vì khó sinh, Ngài Trưởng-lão phát sinh tâm bi muốn cứu người đàn bà ấy khỏi khổ.

Sau khi khất thực độ xong, Ngài Trưởng-lão trở về đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn bạch chuyện người đàn bà ấy. Đức-Phật thuyết dạy Ngài Trưởng-lão phát nguyện bằng lời chân thật, rồi truyền bảo Ngài Trưởng-lão trở lại gặp người đàn bà ấy.

Vâng lời dạy của Đức-Thế-Tôn, Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla trở lại gặp người đàn bà ấy, Ngài Trưởng-lão phát nguyện bằng lời chân-thật rằng:

- Này em gái, kể từ khi xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức-Phật Gotama, bần tăng biết rõ mình không có tác-ý sát hại chúng-sinh. Do lời chân-thật này, xin cho em gái sinh nở được dễ dàng, thai nhi và em gái được an toàn.

Quả nhiên, sau khi Ngài Trưởng-lão vừa phát nguyện xong, người đàn bà ấy sinh ra đứa con và người mẹ được an toàn. Một hôm, chư Tỳ-khưu tụ hội tại giảng đường đang đàm đạo về Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla rằng:

- Này chư pháp-hữu! Thật là điều phi thường chưa từng có! Đức-Thế-Tôn một mình ngự đến khu rừng sâu, tế độ được kẻ cướp sát nhân có võ thuật cao cường, rất hung ác, mang biệt danh là Aṅgulimāla, bởi vì y giết người xong, liền cắt đầu ngón tay xâu làm vòng đeo trên cổ. Đức-Thế-Tôn không cần sử dụng đến khí giới, đã thuyết phục được tên cướp sát nhân Aṅgulimāla, làm cho y tỉnh ngộ, rồi từ bỏ mọi ác-nghiệp, xin xuất gia trở thành tỳ-khưu.

Đức-Phật thường tế độ chúng-sinh một cách phi thường như vậy!

Khi ấy, tại gandhakuṭi, Đức-Thế-Tôn nghe rõ cuộc đàm đạo của chư tỳ-khưu bằng thiên-nhĩ-thông. Đức-Thế-Tôn nghĩ rằng:

“Đây là cơ hội, Như-Lai thuyết về tích Bồ-tát Mahāsutasoma, tiền-kiếp của Như-Lai, sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc cho tất cả chúng-sinh.”

Đức-Phật từ gandhākuṭi ngự đến giảng đường. ngồi trên pháp toà, Đức-Phật bèn hỏi chư tỳ-khưu rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?

Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chúng con đang đàm đạo về chuyện phi thường chưa từng có! Đức-Thế-Tôn đã tế độ Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla.

Đức-Thế-Tôn dạy rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Nay Như-Lai là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tế độ Aṅgulimāla trong kiếp hiện-tại này chưa phải là chuyện phi thường đâu! Khi Như-Lai còn là Bồ-tát đang bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật trong thời quá-khứ. Bồ-tát tiền-kiếp của Như-Lai, đã từng thuyết phục được tiền-kiếp của Aṅgulimāla, kẻ cướp sát nhân ăn thịt người có tên đặc biệt là Porisāda.

Truyền dạy như vậy xong, Đức-Thế-Tôn làm thinh. Chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về tiền-kiếp của Ngài.

Tích Mahāsutasomajātaka

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Mahāsutasoma-jātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá-khứ, Đức-vua Korabya ngự tại kinh-thành Indapatta trị vì đất nước Kuru bằng thiện-pháp, thực-hành 10 pháp vương (10 pháp-hành của Đức-vua).

Khi ấy, Bà Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Korabya mang thai Đức-Bồ-tát, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama. Đức-Bồ-tát Thái-tử sinh ra đời được đặt tên là Sutasoma.

Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma trưởng thành được Đức-Phụ-vương ban cho số tiền 1.000 Kahāpana, gửi đi học tại kinh-thành Takkasilā với vị thầy Disāpamokkha, để theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa. Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma nhận số tiền ấy, đảnh lễ Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu, rồi xin phép lên đường đến kinh-thành Takkasilā.

Khi ấy, Thái-tử Brahmadatta của Đức-vua Kāsi ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi, cũng được Đức-Phụ-vương gửi đến kinh-thành Takkasilā, để theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa với vị thầy Disāpamokkha.

Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma vừa đến cửa kinh-thành Takkasilā, ngồi nghỉ ở nhà mát trước cửa thành, thì Thái-tử Brahmadatta cũng vừa đến và ngồi nghỉ tại nhà mát ấy. Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma hỏi làm quen với Thái-tử Brahmadatta rằng:

Suta: -Thưa bạn, bạn từ nước nào đến đây, đi đường xa có vất vả lắm không?

Bra: -Thưa bạn, tôi từ kinh-thành Bārāṇasī đến đây, đi đường xa cũng khá vất vả lắm!

Suta:-Thưa bạn, bạn là con của ai? Đến nơi đây với mục đích gì?

Bra: -Thưa bạn, tôi là Thái-tử Brahmadatta của Đức-vua nước Kāsi, từ kinh-thành Bārāṇasī đến kinh-thành Takkasilā này, để theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa với vị thầy Disāpamokkha.

Thưa bạn, xin bạn giới thiệu cho tôi biết về bạn.

Suta: -Thưa Thái-tử Brahmadatta, tôi là Thái-tử Suta-soma của Đức-vua Korabya, từ kinh-thành Indapatta đến kinh-thành Takkasilā này, để theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa với vị thầy Disāpamokkha.

Như vậy, bạn và tôi đều là Thái-tử, hai chúng ta đều sẽ học chung với nhau một vị thầy. Vậy, hai chúng ta nên kết bạn với nhau.

Thái-tử Brahmadatta vô cùng hoan hỷ kết bạn với Thái-tử Sutasoma. Hai Thái-tử cùng nhau đi vào nội thành đến gặp vị thầy Disāpamokkha, đảnh lễ vị thầy xong, mỗi vị Thái-tử tự giới thiệu thân thế của mình, với mục đích được theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa. Vị thầy Disāpamokkha nhận hai Thái-tử làm học trò, nên bảo rằng:

-Này 2 Thái-tử! Thầy rất hoan hỷ tiếp nhận 2 vị làm học trò của Thầy.

Hai vị Thái-tử xin dâng tiền học xong, bắt đầu học các bộ môn truyền thống. Trong thời gian học, không những có 2 Thái-tử ấy mà còn có 101 Thái-tử, hoàng-tử từ các nước trong cõi Nam-thiện-bộ-châu cùng theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa với vị thầy Disāpamokkha nữa.

Trong tất cả Thái-tử, hoàng-tử, học trò của vị thầy Disāpamokkha, Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma là người học trò xuất sắc nhất về mọi bộ môn.

Trải qua một thời gian lâu, các Thái-tử, hoàng tử đều đã học xong các bộ môn, làm lễ mãn khoá, và làm lễ tạ từ vị thầy Disāpamokkha. Các Thái-tử, hoàng-tử xin phép trở về cố quốc của mình. Trên đường đi trở về, đến con đường rẽ đôi, đứng dừng lại nói lời chia tay với các bạn đồng môn, Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma thưa rằng:

-Thưa quý vị Thái-tử, Hoàng-tử thân mến! Chúng ta, mỗi người khi trở về đất nước của mình, vào chầu đảnh lễ Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu. Về sau, khi lên ngôi làm vua, xin quý vị nên thực-hành theo lời khuyên của tôi rằng:

* Xin quý vị giữ gìn ngũ-giới cho được trong sạch trọn vẹn và thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

* Xin quý vị kính trọng và thương yêu lẫn nhau, không nên làm khổ lẫn nhau, không nên làm khổ những người khác.

* Mỗi khi vị Thái-tử hoặc hoàng-tử nào được làm lễ đăng quang lên ngôi vua, vị Thái-tử hoặc Hoàng-tử ấy gửi thư mời các bạn đến tham dự, để gắn bó tình thân hữu giữa các nước trong cõi Nam-thiện-bộ-châu với nhau.

Các vị Thái-tử, hoàng-tử đều hoan hỷ vâng lời dạy của Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma. Sở dĩ khuyên các Thái-tử, hoàng-tử như vậy, là vì Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma đoán biết rằng sau này sẽ có tai họa lớn xảy ra từ Đức-vua Brahmadatta tại kinh-thành Bārāṇasī.

Sau khi làm lễ chia tay, mỗi vị Thái-tử, hoàng-tử trở về cố quốc của mình. Thời gian sau, Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma lên ngôi vua ngự tại kinh-thành Indapatta trị vì đất nước Kuru. Thái-tử Brahmadatta cũng lên ngôi vua ngự tại kinh-thành Bārānasi trị vì đất nước Kāsi. Và 101 vị Thái-tử, Hoàng-tử, mỗi vị cũng đều được lên ngôi vua tại mỗi nước của mình.

Vâng theo lời khuyên dạy của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, tất cả các Đức-vua đều có tình thân thiện bang giao các nước lớn nhỏ với nhau.

Đức-Vua Brahmadatta Dùng Thịt Người

Riêng Đức-vua Brahmadatta ngự tại kinh-thành Bārāṇasī trị vì nước Kāsi, thường có thói quen là mỗi bữa ăn đều phải có món thịt, đó là món ăn không thể thiếu đối với Đức-vua.

Trong thời-kỳ ấy, vào những ngày giới uposathasīla hằng tháng, không ai giết các loài gia súc, gia cầm để ăn thịt. Cho nên, thường vào trước ngày giới, người đầu bếp của Đức-vua Brahmadatta phải mua thịt làm món ăn nấu chín, để dành cho ngày giới dâng lên Đức-vua.

Một hôm, vào trước ngày giới, người đầu bếp mua thịt làm món ăn nấu chín, rồi cất không cẩn thận, con chó nuôi trong cung đã ăn hết sạch phần thịt ấy. Chiều hôm ấy, người đầu bếp biết món thịt không còn nữa, nên đi tìm mua món thịt khác khắp nơi, nhưng không mua được món thịt nào cả. Biết tính Đức-vua là mỗi bữa ăn không thể thiếu món thịt, người đầu bếp sợ Đức-vua bắt tội, cho nên, tối hôm ấy, lén đi vào nghĩa địa gặp một tử thi vừa mới chết, người đầu bếp xẻo một miếng thịt đùi đem về làm món ăn nấu chín, rồi cất giữ cẩn thận. Sáng ngày hôm sau, người đầu bếp làm các món ăn có món thịt người ấy xong, một vị quan có bổn phận mang các món ăn dâng lên Đức-vua.

Hôm ấy, Đức-vua vừa mới đặt món thịt người trên đầu lưỡi, vị ngon của món thịt người ấy lan tỏa khắp toàn thân. Đức-vua nghĩ:

“Vị ngon như thế này, ta chưa từng thưởng thức bao giờ trong kiếp hiện-tại này, nhưng chắc chắn ta đã từng thưởng thức trong tiền-kiếp.”

Thật ra, tiền-kiếp vừa qua của Đức-vua Brahmadatta là kiếp Dạ-xoa ăn thịt người. Cho nên, kiếp hiện-tại này, khi Đức-vua nếm vị thịt người liền có cảm giác ngon hơn các món thịt khác, do bởi vị tưởng (rasasaññā) trong quá-khứ.

Đức-vua nghĩ tiếp:

“Nếu ta làm thinh, thì người đầu bếp sẽ không tâu cho ta biết rõ món thịt này là món thịt gì.”

Nghĩ xong, Đức-vua truyền lệnh gọi người đầu bếp vào chầu và cho vị quan hầu ra ngoài. Khi ấy, chỉ còn Đức-vua và người đầu bếp, Đức-vua truyền hỏi rằng:

- Này khanh! Hôm nay, ngươi nấu món thịt gì cho Trẫm dùng vậy?

Người đầu bếp hoảng sợ tâu dối rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, món thịt thường ngày Bệ-hạ dùng.

- Này khanh! Ngươi đã tâu dối, Trẫm biết không phải món thịt như thường ngày. Nếu ngươi không tâu thật cho Trẫm biết, món thịt ấy là món thịt gì thì Trẫm sẽ truyền lệnh giết ngươi.

Người đầu bếp hoảng sợ tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ tha tội chết, kẻ hạ thần này xin tâu thật.

- Muôn tâu Bệ-hạ, món thịt thường ngày mà kẻ hạ thần mua ngày hôm qua, đã làm món ăn nấu chín xong nhưng cất không cẩn thận nên con chó nuôi trong cung đã ăn phần thịt ấy. Chiều hôm qua, kẻ hạ thần đi tìm mua khắp nơi mà không được món thịt nào. Vì sợ Bệ-hạ trị tội, nên tối hôm qua, kẻ hạ thần lén đi vào nghĩa địa xẻo miếng thịt người vừa mới chết, đem về làm món ăn thay món thịt thường ngày.

Vậy, món thịt ấy là món thịt người.

- Muôn tâu Bệ-hạ, kính xin bệ hạ tha tội chết.

Đức-vua truyền rằng:

- Này khanh! Kể từ hôm nay, các món thịt khác, Trẫm ban cho ngươi dùng, còn Trẫm chỉ dùng món thịt người mà thôi.

Người đầu bếp tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, điều đó khó lắm! Làm sao kẻ hạ thần có món thịt người hằng ngày được.

Đức-vua truyền rằng:

- Này khanh! Điều ấy không có gì khó, trong khám nhà lao có nhiều phạm nhân.

Vậy, ngươi bắt phạm nhân giết, lấy thịt làm món ăn dâng lên Trẫm.

Người đầu bếp tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần xin tuân lệnh.

Tuân lệnh Đức-vua, từ ngày đó, người đầu bếp bắt phạm nhân giết, rồi làm món ăn có món thịt người, mỗi ngày dâng lên Đức-vua Brahmadatta, mà chưa ai hay biết. Qua một thời gian sau, phạm nhân không còn trong khám nhà lao. Người đầu bếp tâu lên Đức-vua rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, trong khám nhà lao không còn phạm nhân nào, bây giờ kẻ hạ thần phải làm thế nào?

Đức-vua truyền lệnh cho người đầu bếp rằng:

- Này khanh! Ngươi đem gói tiền rải ngoài đường, rồi ẩn núp một nơi kín theo dõi, hễ người nào lấy gói tiền ấy, thì bắt người ấy về tội trộm cắp, rồi giết người ấy chết lấy thịt, làm món ăn dâng lên Trẫm.

Về sau, người ta nhìn thấy gói tiền, vì sợ chết, nên không một ai dám nhặt gói tiền ấy, người đầu bếp tâu lên Đức-vua Brahmadatta rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, người ta sợ chết, nên không có một ai dám nhặt gói tiền nữa. Bây giờ, kẻ hạ thần phải làm thế nào?

Đức-vua truyền lệnh cho người đầu bếp ẩn núp một nơi nào kín đáo, khi nhìn thấy một người đàn ông hoặc người đàn bà nào đi, đứng một mình thì giết người ấy chết, rồi lấy thịt, làm món ăn dâng lên Đức-vua.

Không lâu sau, những con đường vắng trong kinh-thành có rải rác những tử thi bị lóc lấy thịt, làm cho mùi hôi tỏa ra xung quanh. Có nhiều gia đình mất cha, mất mẹ, mất con, mất chị, em, bà con, khóc than thảm thiết. Những người trong kinh-thành tụ họp bàn tán với nhau. Người thì nói rằng:

“Những người ấy bị con cọp ăn thịt”, còn có người khác thì nói rằng: “họ bị sư tử ăn thịt”,… rồi nhìn kỹ những tử thi bị lóc lấy thịt, thấy có vết thương bị đâm chém, … Cho nên, những người ấy đều quả quyết rằng:

“Có kẻ sát nhân ăn thịt người.”

Dân chúng trong thành dẫn nhau đến trước cửa cung điện của Đức-vua Brahmadatta tâu chuyện xảy ra trong kinh-thành, cầu xin Đức-vua truyền lệnh cho lính triều đình bắt kẻ sát nhân ăn thịt người trị tội, nhưng Đức-vua không quan tâm đến lời khẩn khoản, cầu xin của họ. Họ vô cùng thất vọng ra về.

Họ lại cùng nhau dẫn đến dinh của vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthisenāpati trình bày chuyện xảy ra trong kinh-thành, có tên sát nhân ăn thịt người, cầu xin vị quan Thừa-tướng ra lệnh cho lính vây bắt tên sát nhân ăn thịt người để trị tội, để cho dân chúng trong kinh-thành được sống an lành.

Vị quan Thừa-tướng tiếp nhận lời yêu cầu của dân chúng và hứa sẽ ra lệnh cho lính vây bắt cho được tên thủ phạm ấy. Quan Thừa-tướng khuyên bảo dân chúng an tâm trở về.

Vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi ra lệnh các đoàn binh lính rằng:

-Này các binh lính! Dân chúng trong kinh-thành cho biết rằng:

“Trong kinh-thành có tên sát nhân ăn thịt người.”

Vậy, các ngươi hãy bố trí rải rác các ngõ đường vắng trong kinh-thành, để bắt sống nó cho được, rồi giải về nộp cho ta.

Tuân theo lệnh của vị quan Thừa-tướng, các binh lính bố trí rải rác các ngõ đường vắng trong thành.

Đêm hôm ấy, người đầu bếp giết một người đàn bà, đang xẻo lấy thịt bỏ vào giỏ, khi ấy, các binh lính vây bắt người đầu bếp cùng với tang chứng giỏ thịt rõ ràng, liền cột 2 tay đằng sau rồi dẫn y đi, đồng thời thông báo cho dân chúng biết rằng đã bắt được tên sát nhân ăn thịt người rồi. Dân chúng trong thành không còn lo sợ, kéo nhau ra đường xem tên sát nhân đang bị các binh lính dẫn đi nộp cho vị Thừa-tướng Kāḷahatthi.

Nhìn thấy tên thủ phạm, vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi nhận biết được y là người đầu bếp của Đức-vua. Muốn biết y giết người lấy thịt với mục đích gì, nên vị Thừa-tướng khảo tra rằng:

- Này người đầu bếp! Ngươi giết người lấy thịt để làm gì? Tại sao ngươi hành động tàn nhẫn, độc ác giết người như vậy?

Người đầu bếp thưa rằng:

- Kính thưa quan Thừa-tướng. Tôi giết người lấy thịt không phải để cho tôi, cũng không phải để cho vợ con, gia đình, bà con, bạn bè của tôi. Tôi đã hành động tàn nhẫn, độc ác giết người lấy thịt vì Đức-vua Brahmadatta người chủ của tôi. Đức-vua chỉ ưa thích ăn món thịt người mà thôi. Tôi đã thi hành theo lệnh của Đức-vua.

Vị quan Thừa-tướng bảo rằng:

- Này người đầu bếp! Ngươi nhớ đã khai rằng:

“Tôi đã thi hành theo lệnh của Đức-vua Brahma-datta.” Vì vậy, ngươi hành động tàn nhẫn, độc ác giết người lấy thịt như vậy.

Sáng ngày mai, ta sẽ dẫn ngươi vào cung điện, ngươi phải khai đúng sự thật về chuyện này với ta, trước sự hiện diện của Đức-vua Brahmadatta được hay không?

Người đầu bếp thưa rằng:

-Kính thưa quan Thừa-tướng, sáng ngày mai, trước cung điện, tôi sẽ khai đúng sự thật về chuyện này với Ngài, trước sự hiện diện của Đức-vua Brahmadatta. Thưa Ngài.

Vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi ra lệnh binh sĩ dẫn người đầu bếp nhốt vào trong nhà giam, rồi cho người canh gác cẩn thận. Sau đó, Ông bàn bạc với các vị quan trong triều và dân chúng trong kinh-thành, tất cả trên dưới đồng một lòng đến chầu Đức-vua. Vị quan Thừa-tướng ra lệnh cho binh sĩ giữ gìn an ninh trật tự trong kinh-thành cho được nghiêm ngặt.

Ngày hôm ấy, Đức-vua Brahmadatta đã dùng bữa ăn sáng và trưa có món thịt người, còn bữa ăn chiều, Đức-vua ngồi chờ người đầu bếp với ý nghĩ:

“Người đầu bếp sắp đến.” Đức-vua đã ngồi chờ suốt đêm đến sáng mà vẫn không thấy người đầu bếp đến.

Sáng sớm hôm sau, vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi giải người đầu bếp trên vai có mang giỏ thịt người, cùng số đông dân chúng trong kinh-thành đi theo sau đến trước cung điện của Đức-vua.

Khi nghe tiếng la hét ở ngoài cửa cung điện, Đức-vua đứng trên cung điện nhìn qua cửa sổ, thấy quan Thừa-tướng Kāḷahatthi dẫn người đầu bếp trên vai có mang giỏ thịt đang đi vào cung điện. Đức-vua nghĩ: “Chuyện đã bại lộ rồi, ta nên đối phó bằng cách nào đây?”

Đức-vua ngự xuống ngồi trên ngai vàng, khi ấy, vị quan Thừa-tướng đến chầu cùng với người đầu bếp. Vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi tâu với Đức-vua rằng:

- Tâu Bệ-hạ, hạ thần nghe người đầu bếp khai rõ rằng: chính Bệ-hạ đã truyền lệnh cho người đầu bếp này đã từ lâu giết các người đàn ông, các người đàn bà lấy thịt làm món ăn dâng lên Bệ-hạ. Hằng ngày, Bệ-hạ đã dùng món thịt người ấy có thật hay không?

Nghe vị quan Thừa-tướng tâu hỏi như vậy, Đức-vua biết không thể nói dối, nên truyền đúng sự thật rằng:

- Này Thừa-tướng! Sự thật đúng như vậy, Trẫm đã truyền lệnh cho người đầu bếp này giết người lấy thịt, làm món ăn dâng lên Trẫm. Khi y đã thi hành theo lệnh của Trẫm, phục vụ cho Trẫm, tại sao khanh lại hành hạ y như vậy?

- Này Thừa-tướng! Sao những kẻ trộm cắp, sát nhân khác trong nước, khanh không bắt trị tội, mà khanh lại bắt người phục vụ của Trẫm?

Nghe Đức-vua truyền sự thật như vậy, quan Thừa-tướng nghĩ rằng:

“Đức-vua tự nhận đã dùng món thịt người. Vậy, Đức-vua là con người ác đã dùng thịt người từ lâu. Ta nên khuyên Đức-vua không nên dùng thịt người nữa.”

Nghĩ xong, vị quan Thừa-tướng tâu rằng:

-Tâu Bệ-hạ, xin Bệ-hạ không nên dùng món thịt người nữa.

Đv: -Này Thừa-tướng! Khanh tâu như vậy nghe được sao! Trẫm không dùng món thịt người làm sao được! Bởi vì thịt người là món ăn mà Trẫm ưa thích nhất.

Kāl: -Tâu Bệ-hạ, nếu Bệ-hạ không từ bỏ món thịt người được, thì Bệ-hạ tự làm hại mình và hại dân chúng dẫn đến đất nước phải suy vong.

Đv: -Này Thừa-tướng! Dù Trẫm bị chê trách như thế nào đi nữa, Trẫm cũng không thể bỏ dùng món thịt người.

Vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi tâu chuyện xưa lên Đức-vua Brahmadatta, để giúp làm cho Đức-vua thức tỉnh mà từ bỏ món thịt người như sau:

Chuyện Con Cá Ānanda Ăn Cá Đồng Loại

Thời quá-khứ, trong đại dương, một con cá tên Ānanda rất lớn và dài 50 do tuần, nó ăn đá và san hô. Các đàn cá suy tôn con cá Ānanda lên làm vua các loài cá.

Hằng ngày, sáng chiều, các đàn cá đến chầu, phục vụ vua cá Ānanda. Một hôm, vua cá Ānanda đi kiếm ăn đá và san hô, nó ăn phải một con cá dính trong bụi san hô mà không biết. Thịt con cá có vị ngon lan toả khắp toàn thân, nó nghĩ:

“Đây là vị gì mà ta chưa hề được thưởng thức vị ngon đặc biệt như thế này bao giờ?”

Vua cá Ānanda khạc nhổ ra xem, thì biết đó là vị thịt một con cá đồng loại. Nó nghĩ tiếp:

“Cá đồng loại có vị ngon như thế mà từ lâu ta không hề biết. Vậy từ nay, các đàn cá đến chầu phục vụ ta mỗi sáng chiều, ta sẽ bắt 1-2 con để ăn thịt. Nếu ta bắt ăn mà để chúng nó biết thì chúng nó sẽ không đến chầu phục vụ ta nữa.

Vậy, ta nên chờ khi chúng nó chầu phục vụ xong trở về, ta sẽ lén bắt ăn con cá sau cùng.”

Nghĩ xong, nó thực hiện theo âm mưu độc ác ấy. Trải qua thời gian lâu dài, các đàn cá càng ngày càng giảm dần, đàn cá bàn luận với nhau rằng:

“Từ trước, các đàn cá bà con của chúng ta rất đông đảo, do nguyên nhân nào, bây giờ đã giảm dần thưa thớt như thế này? Do tai họa từ đâu?”

Một con cá thông minh nghĩ rằng:

“Vua cá Ānanda có những hành vi khác thường, ta nên lén theo dõi hành vi của y.”

Như thường lệ, các đàn cá đến chầu phục vụ xong rồi kéo nhau trở về. Con cá thông minh lén núp vào mang vua cá Ānanda. Khi các đàn cá kéo nhau ra về, vua cá Ānanda vồ bắt con cá bơi cuối cùng ăn thịt, trước sự chứng kiến của con cá thông minh.

Nhìn thấy hành vi tàn nhẫn, độc ác của vua cá Ānanda, con cá thông minh lén trở về thông báo, tố cáo hành vi tàn ác ấy cho các đàn cá biết.

Từ đó, tất cả các đàn cá hoảng sợ đều di chuyển đến nơi khác, không có một con cá nào dám đến chầu, phục vụ vua cá Ānanda nữa.

Vua cá Ānanda ăn thịt cá đồng loại có vị ngon đặc biệt trở thành nghiện vị thịt cá đồng loại, nên nó không muốn ăn đá, san hô như trước nữa. Cơn thèm khát hành hạ làm cho nó tối tăm, ngu muội. Khi bơi đi tìm đàn cá để bắt chúng ăn thịt, vua cá Ānanda gặp hòn núi lớn dưới đáy biển, nó nghĩ rằng:

“Các đàn cá trốn trong hòn núi này, bởi vì chúng sợ ta ăn thịt, ta sẽ vây chúng lại, không để một con nào trốn thoát khỏi miệng ta.”

Nghĩ xong, nó dùng đầu và thân mình quấn quanh hòn núi lớn, bởi vì thân hình nó dài 50 do tuần, cho nên, khi đầu và thân mình của nó quấn quanh hòn núi lớn giáp nhiều vòng, thì đầu của nó lại gặp cái đuôi của nó.

Đã mấy ngày qua chịu cảnh đói khổ thèm khát, vua cá Ānanda gặp cái đuôi của mình, tưởng nhầm rằng đuôi con cá khác trốn trong hòn núi ấy. Nó vừa nổi giận, vừa thèm khát, cắn cái đuôi của mình ăn ngon lành.

Vua cá Ānanda phát sinh đau khổ, máu chảy lai láng, toả ra một vùng rộng lớn. Cuối cùng nó chết, bộ xương của nó chất thành đống như núi.

Các vị đạo-sĩ có thần thông bay trên hư không nhìn thấy và biết rõ chuyện vua cá Ānanda này. Các Ngài đã trở về thuật lại cho mọi người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu đều biết chuyện vua cá Ānanda như vậy.

Kể xong câu chuyện con cá Ānanda, vị quan Thừa-tướng tâu với Đức-vua rằng:

- Tâu Bệ-hạ, vua cá Ānanda nghiện vị thịt cá đồng loại, khi không có đàn cá nữa, vua cá Ānanda tự cắn cái đuôi của mình để ăn rồi chết.

- Tâu Bệ-hạ, nếu Bệ-hạ là người dể duôi, ưa thích, thèm khát dùng món thịt người đồng loại, chưa biết thức tỉnh thì Bệ-hạ sẽ từ bỏ Đức Thái-Thượng-hoàng, Hoàng-thái-hậu, Chánh-cung Hoàng-hậu, thái-tử, các hoàng-tử, các công-chúa, những người trong hoàng gia, v.v… như vua cá Ānanda tự ăn thịt của mình rồi chết.

Dù vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi đã cố gắng đem tích quá-khứ tâu khuyên Đức-vua, nhưng Đức-vua vẫn khăng khăng một mực không thể từ bỏ món ăn thịt người được. Khi ấy, trước cửa cung điện, dân chúng la hét lớn rằng:

- Thưa Thừa-tướng Kāḷahatthi, nếu Đức-vua không chịu từ bỏ món ăn thịt người, thì chúng ta mời Đức-vua rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, ra khỏi đất nước Kāsi này, không để cho Đức-vua ở lại cung điện nữa.

Nghe dân chúng la hét lớn như vậy, Đức-vua Brahma-datta có vẻ lo lắng. Vị quan Thừa-tướng lại một lần nữa tâu rằng:

- Tâu Bệ-hạ, xin Bệ-hạ từ bỏ món ăn thịt người có được hay không?

Đức-vua truyền rằng:

- Này Kāḷahatthi! Trẫm không thể từ bỏ món ăn thịt người được!

Vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi thỉnh mời Đức Thái-Thượng-hoàng, Hoàng-thái-hậu, Chánh-cung Hoàng-hậu, thái-tử, các hoàng-tử, các công-chúa, các cung phi mỹ nữ, những người trong hoàng gia, v.v… đến chầu Đức-vua Brahmadatta khóc than khẩn khoản, van xin Đức-vua từ bỏ món ăn thịt người, nhưng Đức-vua vẫn khăng khăng một mực truyền rằng:

- Trẫm không thể nào từ bỏ món ăn thịt người được! Ngôi vua và tất cả các người không phải là nơi yêu quý nhất của Trẫm, Trẫm chỉ có ưa thích nhất là món thịt người mà thôi, các người nên biết như vậy!

Khi ấy, vị quan Thừa-tướng tâu rằng:

- Tâu Bệ-hạ, nếu Bệ-hạ quyết tâm không thể từ bỏ món ăn thịt người thì xin Bệ-hạ rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, ra khỏi đất nước Kāsi này.

Đức-vua truyền rằng:

- Này Thừa-tướng! Ngôi vua này không còn ích lợi gì đối với Trẫm nữa, Trẫm sẽ rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, ra khỏi đất nước Kāsi này. Trẫm chỉ cần một thanh gươm, một người đầu bếp, một nồi nấu thịt và một cái giỏ đựng thịt mà thôi.

Vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi ra lệnh cho người đem những thứ ấy dâng lên Đức-vua Brahmadatta. Sau khi nhận những thứ ấy xong, Đức-vua ngự rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī cùng người đầu bếp, không ngoảnh mặt lại, trước sự hiện diện của Đức Thái-Thượng-hoàng, Hoàng-thái-hậu, Chánh-cung Hoàng-hậu, thái-tử, các hoàng-tử, các công-chúa, các cung phi mỹ nữ, v.v…

Đức-vua Brahmadatta ngự đi vào rừng cùng với người đầu bếp, chỉ có 2 người trú ở dưới gốc cây da.

Hằng ngày, Đức-vua Brahmadatta mang gươm ra đường, chặn người qua lại, giết chết đem về giao người đầu bếp làm món ăn dâng lên y dùng.

Một hôm, Đức-vua Brahmadatta chạy ra đường la hét lớn lên rằng:

- Ta là kẻ sát nhân Porisāda (ăn thịt người)!

Những người đi đường hoảng sợ vấp té, tên sát nhân Porisāda thích người nào là giết người ấy chết, rồi mang 2 chân lên trên, cái đầu xuống dưới, đem về giao cho người đầu bếp làm món ăn để cho y dùng. Mọi người gần xa đều biết khu rừng ấy có tên sát nhân Porisāda, nên không có một ai dám đi lại.

Một hôm, tên sát nhân Porisāda không giết được người nào, trở về tay không. Thấy vậy, người đầu bếp tâu rằng:

- Tâu Bệ-hạ, hạ thần làm gì bây giờ?

Tên sát nhân Porisāda bảo người đầu bếp nhóm lửa, đặt nồi nước lên bếp. Người đầu bếp nghĩ rằng: “Hôm nay, chắc chắn ta sẽ là món ăn của Đức-vua.”

Nghĩ như vậy, nên y vừa khóc vừa phải làm phận sự nhóm lửa, đặt nồi nước lên bếp. Tên sát nhân Porisāda giết chết người đầu bếp, tự mình làm thịt, nấu chín rồi ăn ngon lành. Tại gốc cây da trong khu rừng chỉ còn một mình tên sát nhân Porisāda.

Vào thời ấy, một người lái buôn Bà-la-môn giàu sang có 500 cỗ xe bò chở hàng thường phải đi ngang qua khu rừng ấy. Bây giờ, nghe tin có tên sát nhân Porisāda ẩn núp trong khu rừng thường ra đón đường giết người. Nên ông lái buôn Bà-la-môn thuê mướn một nhóm người vệ sĩ đi theo bảo vệ ông và 500 cỗ xe hàng khi đi ngang qua khu rừng này với số tiền lớn 1.000 Kahāpana.

Nhóm người vệ sĩ này đồng ý, ông lái buôn Bà-la-môn cho 500 cỗ xe bò chở hàng đi trước. Ông ngồi trên cỗ xe nhỏ xinh đẹp bằng con bò trắng lực lưỡng kéo đi đằng sau, có nhóm người vệ sĩ đi theo bảo vệ ông và đoàn xe.

Khi ấy, tên sát nhân Porisāda leo lên cây cao quan sát, nhìn thấy đoàn xe bò đi qua theo tuần tự, đến cỗ xe sang trọng có ông lái buôn Bà-la-môn ngồi trong xe.

Nhìn thấy ông lái buôn Bà-la-môn, y cảm thấy thèm chảy nước miếng. Khi cỗ xe bò ấy đến gần, y từ trên cây cao nhảy xuống tung gươm la hét lớn lên 3 lần rằng:

“Ta là tên sát nhân Porisāda đây!”

Nhóm vệ sĩ đi theo bảo vệ ông lái buôn Bà-la-môn, không có một người nào đứng vững, tất cả đều giật mình té xuống đất. Tên sát nhân Porisāda bắt ông Bà-la-môn ấy, nắm 2 chân đưa lên trên, đầu chúc xuống đất mang đi. Nhóm vệ sĩ đứng dậy bảo nhau rằng:

- Ông lái buôn Bà-la-môn thuê mướn chúng ta đi theo bảo vệ ông, bây giờ ông bị bắt, chúng ta không làm gì được hay sao?

Trong nhóm vệ sĩ ấy, một người có tài chạy rất nhanh, cầm gươm đuổi theo kịp tên sát nhân Porisāda. Nhìn lại đằng sau thấy có người đuổi theo kịp, y mang ông lái buôn Bà-la-môn tung người nhảy qua bụi cây cản đường, đụng phải gốc cây nhọn đâm vào bàn chân bị thương nằm quỵ xuống, máu tuôn xối xả. Nhìn thấy y bị thương, người vệ sĩ la lớn lên rằng:

- Tên sát nhân đã bị thương rồi! Chúng ta hãy vây bắt y.

Nhìn thấy nhóm người chạy đến gần, tên sát nhân Porisāda bỏ ông lái buôn Bà-la-môn lại, một mình ráng chạy thoát thân. Nhóm vệ sĩ bảo nhau rằng:

-Chúng ta có phận sự bảo vệ ông lái buôn Bà-la-môn, nay chúng ta cứu ông được rồi, chúng ta không có bổn phận bắt tên sát nhân ấy.

Nhóm vệ sĩ không đuổi theo tên sát nhân nữa, mà dìu ông lái buôn Bà-la-môn trở lại lên xe và họ tiếp tục lên đường. Tên sát nhân Porisāda cố gắng đi về đến chỗ ở dưới gốc cây da nằm nghỉ.

Cầu Chư-Thiên Cội Cây Chữa Trị

Do vết thương làm đau nhức quá không chịu nổi, tên sát nhân Porisāda cầu xin chư-thiên cội cây chữa trị cho mau lành. Y hứa chắc rằng:

-Thưa vị chư-thiên cội cây này! Nếu vị chư-thiên chữa trị vết thương của tôi lành hẳn trong vòng 7 ngày thì tôi hứa chắc sẽ lấy máu ở cổ của các Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này, để làm lễ cúng dường đến vị chư-thiên, và lấy thịt của các Đức-vua ấy làm món ăn cúng dường đến vị chư-thiên.

Thật ra, khi tên sát nhân Porisāda nhịn ăn suốt 7 ngày, nên làm cho vết thương bàn chân lành hẳn, đi lại được tự nhiên. Y nghĩ rằng:

“Vết thương của ta được lành là do nhờ oai lực của vị chư-thiên cội cây này chữa trị. Ta phải nên thực hiện lời hứa làm lễ cúng dường tạ ơn vị chư-thiên cội cây này.”

Tên sát nhân Porisāda ăn thịt người được ít ngày sau, thì sức khoẻ được hồi phục trở lại, y nghĩ tiếp rằng:

“Vị chư-thiên cội cây này là ân nhân đã giúp chữa trị vết thương của ta lành, ta phải đền ơn vị chư-thiên này đúng theo lời hứa của ta.”

Nghĩ xong, y cầm gươm rời khỏi cội cây da, với quyết tâm bắt cho được 101 Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu, đem về làm lễ cúng dường tạ ơn vị chư-thiên cội cây này đã giúp chữa lành vết thương của y.

Khi ấy, một Dạ-xoa (yakkha)[11] vốn là bạn thân tiền-kiếp của y (tiền-kiếp của y là một Dạ-xoa), đang đi ngược chiều gặp lại y, nhớ lại vốn là bạn thân ở kiếp trước, Dạ-xoa hỏi y rằng:

- Này bạn! Bạn có nhớ tôi không?

Tên Porisāda trả lời rằng:

- Tôi không nhớ được, nhưng tôi cảm thấy thân quen.

Dạ-xoa nhắc lại chuyện tiền-kiếp của y là một Dạ-xoa, thì y cảm thấy thân quen thật sự, nên hai người trở thành bạn thân thiết như kiếp trước. Dạ-xoa hỏi về thân thế của y thế nào, tại sao ở một mình trong khu rừng này. Tên sát nhân Porisāda thuật lại mọi việc xảy ra trong cuộc đời của mình cho Dạ-xoa nghe, và hiện đang lo làm lễ cúng dường tạ ơn vị chư-thiên cội cây, nên y yêu cầu Dạ-xoa giúp đỡ rằng:

- Này bạn, xin bạn hãy giúp đỡ tôi, chúng ta cùng đi với nhau bắt 101 Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này, để đem về làm lễ cúng dường tạ ơn vị chư-thiên cội cây đã cứu chữa lành vết thương của tôi.

Dạ-xoa trả lời rằng:

- Này bạn! Bây giờ tôi chưa có thể cùng đi với bạn được, bởi vì tôi có phận sự phải làm, nhưng tôi có biết phép thuật (manta) tên Padalakkhaṇa, có khả năng đặc biệt, có sức mạnh phi thường, chạy nhanh như gió, có nhiều oai lực, tôi sẽ dạy bạn phép thuật manta ấy. Bạn nên học phép thuật này, vì nó sẽ giúp bạn thành tựu mọi điều như ý.

Nghe Dạ-xoa giới thiệu, tên sát nhân Porisāda vô cùng vui vẻ xin học phép thuật ấy.

Lễ Cúng Dường Tạ Ơn Vị Chư-Thiên Cội Cây

Thật vậy, sau khi học phép thuật ấy xong, tên sát nhân Porisāda có sức mạnh phi thường, có tài chạy nhanh như gió, y đi tìm bắt 101 Đức-vua trong cõi Nam-thiện-bộ-châu trong vòng 7 ngày, đem về xâu 2 bàn tay của 101 Đức-vua treo quanh cây da, 2 bàn chân chạm đất. Thật là một cảnh tượng đáng thương tâm.

Tên sát nhân Porisāda không bắt Đức-vua Bồ-tát Sutasoma là vì Đức-vua đã từng là vị thầy, phụ dạy y trong thời gian đang học tại kinh-thành Takkasilā.

Hơn nữa, nếu bắt Đức-vua Sutasoma làm lễ cúng dường chư-thiên, thì trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này không còn Đức-vua nào cả.

Để chuẩn bị làm lễ cúng dường tạ ơn vị chư-thiên cội cây, y gom củi chất thành đống chờ châm lửa, y ngồi làm những cây lui nướng thịt.

Vị chư-thiên cội cây thấy vậy nghĩ:

“Tên sát nhân Porisāda này sẽ tạo ác-nghiệp sát-sinh, giết 101 Đức-vua, lấy máu làm lễ cúng dường tạ ơn ta, lấy thịt của 101 Đức-vua làm món ăn cúng dường tạ ơn ta.

Sự thật, vết thương của y được lành ấy, ta không giúp chữa trị gì cho y cả. Bây giờ, y sẽ sát hại 101 Đức-vua lấy máu, lấy thịt làm lễ cúng dường tạ ơn ta. Đó là tội ác lớn lao.

Vậy, ta nên làm cách nào ngăn cản việc làm ác của y, để cứu sống 101 Đức-vua này.”

Suy xét thấy mình không có khả năng ngăn cản được việc làm ác của tên sát nhân Porisāda, vị thiên-nam cội cây đến cầu cứu Tứ Đại-Thiên-vương giúp ngăn cản việc làm ác của y, nhưng Tứ Đại-thiên-vương cũng không có khả năng ngăn cản việc làm ác của y được.

Tứ Đại-Thiên-vương giới thiệu lên cầu cứu Đức-vua trời Sakka cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Vị thiên-nam cội cây đến chầu Đức-vua trời Sakka tâu rõ sự việc như vậy, và cầu cứu Đức-vua trời Sakka giúp ngăn cản việc làm ác giết người khủng khiếp ấy, nhưng Đức-vua trời Sakka cũng không có khả năng ngăn cản y được. Đức-vua trời Sakka suy xét rằng:

“Trong các hàng chúng-sinh, ngoài Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ra, không có một ai có khả năng ngăn cản được việc làm tàn ác của tên sát nhân Porisāda.”

Vì vậy, Đức-vua trời Sakka truyền bảo rằng:

-Này thiên-nam! Trẫm không có khả năng ngăn cản việc làm tàn ác của tên sát nhân Porisāda được.

Trẫm biết chỉ có Đức-vua Sutasoma ngự tại kinh-thành Indapatta, trị vì đất nước Kuru, mới có khả năng đặc biệt thuyết phục được tên sát nhân Porisāda chịu từ bỏ ăn thịt người, và cứu sống 101 Đức-vua trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này được mà thôi.

Ngoài Đức-vua Sutasoma ra, Trẫm không thấy có một ai trong các cõi giới này, có khả năng ngăn cản được việc làm tàn ác của tên sát nhân Porisāda.

Vâng theo lệnh của Đức-vua trời Sakka truyền dạy, vị thiên-nam cội cây trở lại gốc cây da, rồi hóa ra một bậc xuất-gia đứng không xa tên sát nhân Porisāda.

Nhìn thấy bậc xuất-gia, y nghĩ: “Ta nên bắt bậc xuất-gia này để làm lễ cúng dường tạ ơn chư-thiên cùng với 101 Đức-vua này.” Nghĩ xong, y cầm gươm chạy nhanh đến, thì bậc xuất-gia bước đi khoan thai một cách tự nhiên với dáng cẩn trọng trong 6 môn, còn y dù chạy hết tốc lực suốt 3 do tuần mà vẫn không đuổi kịp bậc xuất-gia ấy. Y đuối sức mệt lử, đứng lại nghĩ rằng:

“Từ trước, voi, ngựa chạy, ta còn đuổi theo kịp, còn bậc xuất-gia này bước đi khoan thai một cách tự nhiên, dù ta chạy hết tốc lực mà vẫn không đuổi kịp bậc xuất-gia này.” Y gọi lớn lên rằng:

- Này Sa-môn kia, hãy dừng lại!

Vị Sa-môn vẫn bước đều đặn tự nhiên, không quay lại, trả lời rằng:

- Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chỉ có ngươi hãy nên dừng lại mà thôi!

Tên sát nhân Porisāda hỏi rằng:

-Này Sa-môn! Thông thường, vị Sa-môn không nói dối, dù vì sinh-mạng. Tại sao Ngài nói dối như vậy? Ngài tưởng rằng thanh gươm của tôi là chiếc lông nhỏ hay sao?

Vị Sa-môn trả lời rằng:

- Này Đại-vương! Bần đạo là người đã dừng lại mọi ác-nghiệp từ lâu, chỉ hành thiện-nghiệp mà thôi, không đổi tên, không đổi nòi giống.

Từ trước, Đại-vương có tên là Brahmadatta cao quý, nay thay đổi là kẻ sát nhân Porisāda tàn nhẫn, độc ác hành ác-nghiệp giết người ăn thịt.

Trước kia, Đại-vương sinh ra trong dòng dõi vua chúa, nay Đại-vương ăn thịt người như loài Dạ-xoa, thay đổi nòi giống.

- Này kẻ sát nhân! Ngươi đã hành ác-nghiệp, sau khi chết, ác-nghiệp sẽ cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.

- Này kẻ sát nhân! Sự thật, chính ngươi là người nói dối! Ngươi đã cầu khẩn và hứa với ta rằng:

“Tôi sẽ lấy máu trên cổ của các Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu, để làm lễ cúng dường, tạ ơn vị chư-thiên…”

Bây giờ, ngươi chỉ bắt các Đức-vua nước nhỏ đem về mà thôi, còn Đức-vua Sutasoma nước lớn, ngươi không bắt đem về được. Như vậy, ngươi là người nói dối.

Vậy, ngươi phải đi bắt cho được Đức-vua Sutasoma về đây.

Sau khi nói xong, vị Sa-môn ấy liền biến đổi hình dạng trở lại là vị thiên-nam cội cây đứng trên hư không có hào quang sáng ngời. Tên sát nhân Porisāda nghe tiếng nói và nhìn thấy vị thiên-nam ấy bèn hỏi rằng:

- Thưa Ngài, Ngài là ai vậy?

- Ta là vị thiên-nam cội cây da này.

Tên sát nhân Porisāda vô cùng hoan hỷ tận mắt nhìn thấy vị thiên-nam rồi thưa rằng:

- Kính thưa vị thiên-nam, xin Ngài an tâm, tôi sẽ đi bắt Đức-vua Sutasoma đem về đây.

Khi ấy, mặt trời đã lặn và mặt trăng đang mọc, tên sát nhân Porisāda nhìn các vì sao biết được, ngày hôm sau là ngày Đức-vua Sutasoma ngự đến vườn thượng uyển, tắm tại hồ nước lớn theo truyền thống hằng năm, nên y nghĩ rằng:

“Ngày mai, các đội binh hộ giá bảo vệ Đức-vua Sutasoma suốt 3 do tuần. Vậy, đêm nay ta đến vườn thượng uyển, xuống nằm dưới hồ nước ngâm mình chờ đợi, trong khi các đội binh chưa chuẩn bị giữ gìn an ninh bảo vệ Đức-vua Sutasoma.”

Tên sát nhân Porisāda liền thực hiện theo ý nghĩ ấy của mình.

Trong khi ấy, một vị Bà-la-môn Nanda thỉnh 4 bài kệ gọi là Satārahagāthā từ kinh-thành Takkasilā đến kinh-thành Indapatta khoảng cách 120 do tuần, vị Bà-la-môn Nanda nghỉ đêm ở ngoài cửa thành.

Sáng hôm sau, các đội binh: đội tượng binh, đội mã binh, đội quân xa, đội bộ binh, v.v… kéo dài suốt 3 do tuần bảo vệ Đức-vua Bồ-tát Sutasoma.

Sáng dùng vật thực xong, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự lên voi báu Maṅgala được trang hoàng lộng lẫy, xung quanh có các bộ binh hộ giá đi ra khỏi kinh-thành Indapatta. Cũng sáng hôm ấy, vị Bà-la-môn Nanda đi vào kinh-thành, nhìn thấy Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự ra cửa thành hướng đông, ông chắp hai tay trên trán, tỏ vẻ cung kính chúc tụng Đức-vua Bồ-tát.

Nhìn thấy vị Bà-la-môn, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma cho voi đến gần truyền hỏi rằng:

- Này vị Bà-la-môn! Ngươi từ đâu đến kinh-thành này có mục đích gì? Ngươi hãy tâu cho Trẫm rõ.

Vị Bà-la-môn tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, kẻ tiện dân từ kinh-thành Takkasilā đến đây. Nghe tin rằng Đại-vương là bậc đa văn túc trí, hiếu học, nên kẻ tiện dân thỉnh 4 bài kệ tên là Satārahagāthā có ý nghĩa sâu sắc mà Đức-Phật Kassapa đã thuyết giảng đến kinh-thành này vì sự lợi ích của Đại-vương.

Kính xin Đại-vương lắng nghe 4 bài kệ này, để được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

Lắng nghe vị Bà-la-môn tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma vô cùng hoan hỷ truyền bảo rằng:

- Kính thưa Bà-la-môn, tốt lành thay, Ngài đã đến đây! Nhưng bây giờ Trẫm không thể hồi cung được, bởi vì hôm nay Trẫm ngự đi làm lễ tắm gội đầu theo phong tục truyền thống của triều đình xưa.

Vậy, sau khi Trẫm làm lễ tắm gội đầu xong, khi hồi cung, Trẫm sẽ xin lắng nghe 4 bài kệ Satārahagāthā ấy.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền các quan rằng:

- Này các khanh! Các khanh hãy mời vị Bà-la-môn này vào cung điện, nghỉ ngơi chỗ sang trọng, lo phục vụ những thứ cần thiết cho vị Bà-la-môn này.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma tiếp tục ngự đến vườn thượng uyển. Xung quanh vườn thượng uyển có bờ thành cao 14 cùi tay, các cửa ra vào có các đội binh: đội tượng binh, đội mã binh, đội quân xa, đội bộ binh, v.v… kéo dài suốt 3 do tuần, để bảo vệ Đức-vua Bồ-tát.

Đến hồ nước, Đức-vua Bồ-tát cởi bộ đồ triều phục, thợ sửa râu tóc, các quan thoa vật thơm để tắm, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự xuống hồ nước lớn theo phong tục truyền thống của triều đình xưa. Làm lễ tắm gội đầu xong, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma vẫn đứng dưới nước, các quan đem vật thoa, vật thơm, bộ đồ triều phục, và các đồ trang sức đến cho Đức-vua mặc. Khi ấy, tên sát nhân Porisāda từ dưới nước nổi lên, cầm thanh gươm đưa lên khỏi đầu la hét lớn 3 lần rằng:

- Ta là tên sát nhân Porisāda đây!

Khi nghe như vậy, các đội binh theo hộ giá Đức-vua Bồ-tát Sutasoma giựt mình, những người lính ngồi trên lưng voi, lưng ngựa, trên xe thì bị rơi xuống đất, những người lính đi bộ thì té ngã xuống đất, v.v…

Tên Sát Nhân Porisāda Bắt Đức-Vua Bồ-Tát Sutasoma

Tên sát nhân Porisāda đến nâng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma lên đặt trên vai của mình. Đây là trường hợp đặc biệt, vì trước đây, khi bắt 101 Đức-vua khác, y đều nắm 2 chân đưa lên cao, đầu chúc xuống đất chạy nhanh như bay, nhưng đối với Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, y nâng cái mông của Đức-vua đặt trên vai của mình, không đi ra theo cửa ra vào mà bắn tung người lên nhảy ngang qua thành cao 14 cùi tay, đạp trên lưng con voi này đến lưng con voi khác, rồi đến lưng con ngựa này đến lưng con ngựa khác, rồi đến chiếc xe này đến chiếc xe khác,… chạy nhanh như gió khoảng 3 do tuần, nhìn lại không thấy một ai đuổi theo, nên y đi bình thường, rồi nghĩ rằng:

“Chúng-sinh không sợ chết không có, ai cũng đều sợ chết cả. Còn Đức-vua Sutasoma có sợ chết hay không? Ta nên tâu hỏi cho rõ.” Nghĩ xong y bèn tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, Đại-vương là bậc đại-thiện-trí, bậc đa văn túc trí có trí-tuệ sáng suốt hiểu rõ nhân quả, chắc chắn Đại-vương không hoảng sợ. Bậc đại-thiện-trí như Đại-vương là nơi nương nhờ của mọi người khác, ví như hòn đảo giữa đại dương là nơi nương nhờ của những người đi trên thuyền bị bão táp.

Như vậy, bậc đại-thiện-trí như Đại-vương chắc chắn không khóc vì sợ chết. Nếu Đại-vương khóc vì sợ chết, thì những người si mê khác sẽ như thế nào?

- Tâu Đại-vương, do nguyên nhân nào làm cho Đại-vương khổ tâm sầu não như vậy? Có phải vì mình, vì Chánh-cung Hoàng-hậu, thái-tử, các hoàng-tử, các công-chúa, Đức Thái-Thượng-hoàng, Bà Hoàng-thái-hậu, vì ngôi vua hay không?

Kính xin Đại-vương truyền bảo cho tôi biết rõ nguyên nhân ấy có được hay không?

Nghe Porisāda hỏi như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

- Này Porisāda bạn thân mến! Tôi không phải khổ tâm sầu não vì mình, hoặc vì Chánh-cung Hoàng-hậu, thái-tử, các hoàng tử, các công-chúa, Đức-Phụ-vương, Mẩu-hậu, vì ngôi vua, …

Thật ra, tôi tạo pháp-hạnh chân-thật của chư bậc thiện-trí đã thực-hành từ ngàn xưa, đó là lời nói chân-thật mà tôi đã hứa hẹn với vị Bà-la-môn ấy, tôi không giữ gìn đúng theo lời nói chân-thật hứa hẹn ấy, đó là nguyên nhân khiến tôi khổ tâm sầu não.

Sáng nay, trên đường đang ngự ra khỏi kinh-thành, tôi gặp vị Bà-la-môn thỉnh 4 bài kệ của Đức-Phật Kassapa từ kinh-thành Takkasilā đến tìm tôi, để thuyết lại cho tôi nghe 4 bài kệ ấy.

Tôi đã hứa hẹn với vị Bà-la-môn ấy rằng:

“Sau khi Trẫm làm lễ tắm gội đầu xong, hồi cung trở về, Trẫm sẽ xin lắng nghe 4 bài kệ Satārahagāthā ấy.”

Tôi đã truyền lệnh các quan đón tiếp vị Bà-la-môn ấy tại cung điện của tôi. Tôi đã mời vị Bà-la-môn ấy chờ đợi cho đến khi tôi hồi cung.

Nay, tôi bị bạn bắt, tôi sẽ không thể gìn giữ đúng lời nói chân-thật hứa hẹn với vị Bà-la-môn ấy.

- Này Porisāda bạn thân mến! Tôi xin bạn cho tôi hồi cung trở về, để nghe vị Bà-la-môn thuyết xong 4 bài kệ ấy, tôi sẽ là người không còn nợ nữa, tôi hứa chắc chắn sẽ trở lại gặp bạn, tôi xin giữ gìn đúng lời hứa chân-thật này. Xin bạn hãy tin chắc nơi tôi.

Tên sát nhân Porisāda tâu rằng:

- Tâu Đại-vương cao thượng, người nào biết quý sinh-mạng, mong mỏi kiếp sống an-lạc, khi được ra khỏi tay kẻ thù là tử thần rồi, người ấy chắc chắn sẽ không trở lại gặp kẻ thù nữa. Cho nên điều mà Đại-vương hứa, tôi chưa có thể tin được.

- Tâu Đại-vương cao thượng, Đại-vương sẽ không trở lại tìm tôi nữa đâu!

Khi Đại-vương thoát ra khỏi tay của tôi, ngự trở lại cung điện, hưởng mọi sự an-lạc trong cung điện, Đại-vương rất quý sinh-mạng, sống an lành. Chẳng bao giờ Đại-vương có thể trở lại tìm tôi nữa!

Nghe Porisāda không tin vào lời hứa của mình, nên Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

-Này Porisāda bạn thân mến! Tôi với bạn cùng sống chung với nhau, cùng học chung một Tôn Sư trải qua nhiều năm trước đây. Bạn có từng nghe tôi nói dối bao giờ hay chưa?

Nay, tôi có thể nói dối chỉ vì sinh-mạng hay sao?

Dù gió thổi bay hòn núi lớn, mặt trời, mặt trăng rơi xuống mặt đất, nước dòng sông chảy ngược. Dù những điều ấy có thật thì tôi vẫn không thể nói dối được.

Dù hư không có nứt rạn, nước trong các đại dương đều bị khô cạn, mặt đất có đảo ngược, núi Suneru bị nhổ chân núi. Dù những điều ấy có thật thì tôi vẫn không thể nói dối được.

Dù Đức-vua Bồ-tát Sutasoma đã truyền bảo như vậy, nhưng tên sát nhân Porisāda vẫn chưa chịu tin. Đức-vua Bồ-tát nghĩ rằng:

“Ta đã nói hết lời như vậy mà Porisāda vẫn chưa chịu tin, ta sẽ làm cho y tin bằng lời hứa của ta.”

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma vẫn còn đang ngồi trên vai của tên sát nhân Porisāda, nên Đức-vua truyền bảo rằng:

- Này Porisāda bạn thân mến! Xin bạn hãy đặt tôi đứng xuống đất, tôi sẽ nói lên lời hứa trước mặt bạn, để cho bạn tin lời hứa chân-thật của tôi.

Tên sát nhân Porisāda đặt Đức-vua Bồ-tát Sutasoma đứng xuống đất. Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma tay cầm thanh gươm báu dõng dạc phát lời hứa rằng:

- Này Porisāda bạn thân mến! Tôi xin hứa trước mặt bạn rằng: “Bạn thả tôi trở về cung điện, tôi sẽ gặp lại vị Bà-la-môn đúng theo lời hứa hẹn chân-thật của tôi, để tôi được nghe vị Pháp-sư Bà-la-môn thuyết dạy 4 bài kệ của Đức-Phật Kassapa. Sau khi nghe xong, tôi sẽ cúng dường đến vị Pháp-sư Bà-la-môn. Khi ấy, tôi là người không còn mắc nợ nữa. Tôi xin hứa chắc chắn sẽ trở lại tìm gặp bạn. Tôi xin giữ gìn lời thề chân-thật này.”

Nghe lời hứa của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, tên sát nhân Porisāda suy xét rằng:

“Để giữ gìn lời hứa hẹn chân-thật với vị Bà-la-môn Pháp-sư mà Đức-vua Sutasoma đã dám thề nặng như vậy, mà chắc chắn không có Đức-vua nào dám thề.

Vậy, ta còn muốn gì hơn nữa. Dù Đức-vua Sutasoma có trở lại gặp ta hoặc không trở lại gặp ta, điều ấy không còn quan trọng gì nữa, bởi vì chính ta cũng là Đức-vua, nếu không có Đức-vua Sutasoma, thì ta sẽ lấy máu của ta làm lễ cúng dường tạ ơn chư-thiên cũng được vậy!”

Sau khi suy xét xong, tên sát nhân Porisāda tâu rằng:

-Tâu Đại-vương kính mến! Lời hứa hẹn chân-thật nào mà Đại-vương đã hứa hẹn với vị Pháp-sư Bà-la-môn, khi ngự ra khỏi thành.

Vậy, kính thỉnh Đại-vương hồi cung ngự trở về gặp vị Pháp-sư Bà-la-môn đúng theo lời hứa hẹn chân-thật ấy.

Kính xin Đại-vương giữ lời hứa chân-thật là sẽ ngự trở lại gặp tôi.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền rằng:

- Này Porisāda bạn thân mến! Xin bạn hãy an tâm. Sau khi đã nghe 4 bài kệ từ vị Pháp-sư Bà-la-môn, cúng dường đến vị Pháp-sư xong, tôi sẽ trở lại gặp bạn từ sáng sớm. Xin bạn hãy tin theo lời hứa chân-thật của tôi.

Tên sát nhân Porisāda tâu với Đức-vua Bồ-tát rằng:

- Tâu Đại-vương kính mến! Đại-vương đã truyền lời thề mà không có một Đức-vua nào dám thề cả.

Vậy, kính xin Đại-vương nhớ lời hứa với tôi.

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo với tên sát nhân Porisāda rằng:

- Này Porisāda bạn thân mến! Tôi với bạn cùng sống chung, cùng học chung với nhau trong thời thiếu niên, tôi chưa từng nói dối dù là lời nói đùa vui.

Bây giờ, tôi đã là Đức-vua đứng đầu trong một nước, tôi lại có thể nói dối chỉ vì sinh-mạng được hay sao!

- Này Porisāda bạn thân mến! Bạn hãy tin lời hứa chân-thật của tôi, chắc chắn tôi sẽ trở lại gặp bạn kịp lễ cúng dường tạ ơn chư-thiên, rồi bạn sẽ ăn thịt tôi vào ngày mai.

Tên sát nhân Porisāda tâu với Đức-vua Bồ-tát rằng:

- Tâu Đại-vương kính mến! Kính thỉnh Đại-vương ngự trở về ngay bây giờ. Ngày mai, xin Đại-vương trở lại sớm. Bởi vì, nếu thiếu Đại-vương thì chư-thiên không nhận lễ cúng dường tạ ơn của tôi.

Vậy, kính xin Đại-vương đừng làm hỏng lễ cúng dường tạ ơn chư-thiên của tôi.

 

Đức-Vua Bồ-Tát Sutasoma Được Phép Hồi Cung

Tên sát nhân tiễn đưa Đức-vua Bồ-tát Sutasoma hồi cung ngự trở về. Rời khỏi tay tên sát nhân Porisāda, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma có sức mạnh như voi chúa ngự trở về kinh-thành Indapatta.

Khi ấy, các đội binh đang đứng chờ Đức-vua Sutasoma ở ngoài cửa thành. Họ tin chắc rằng Đức-vua Sutasoma có tài thuyết pháp hay có thể thuyết phục được tên sát nhân Porisāda thả Đức-vua ngự trở về. Vả lại, các đội binh không dám vào kinh-thành, bởi vì sợ Đức Thái-Thượng-hoàng, Hoàng-Thái-hậu, dân chúng trong kinh-thành chê trách rằng:

Các đội binh hùng mạnh như vậy, tại sao không thể hộ giá bảo vệ Đức-vua được, để cho tên sát nhân Porisāda bắt Đức-vua đem đi.

Khi nhìn từ xa thấy Đức-vua Bồ-tát Sutasoma đang ngự trở về, tất cả các đội binh đứng nghiêm chỉnh đón tiếp Đức-vua, rồi tâu rằng:

- Tâu Bệ-hạ, chúng hạ thần bất lực quá, không bảo vệ được Bệ-hạ, để tên sát nhân Porisāda bắt Bệ-hạ, long thể Bệ-hạ có bất an hay không?

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

- Này các khanh! Trẫm vẫn được bình an, tuy Pori-sāda là tên sát nhân tàn ác, nhưng nghe Trẫm thuyết phục bằng lời chân-thật, y đã tin, rồi thả Trẫm trở về.

Các quan kính thỉnh Đức-vua Bồ-tát ngự lên voi báu cùng các quan ngự vào cung điện. Nhìn thấy Đức-vua hồi cung, toàn thể dân chúng vô cùng hoan hỷ tung hô ca tụng Đức-vua Sutasoma.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma là bậc đại-thiện-trí biết kính trọng pháp nên nghĩ rằng:

“Sau khi ta nghe 4 bài kệ từ vị Pháp-sư Bà-la-môn xong, ta sẽ ngự đến chầu Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu của ta.”

Vì nghĩ như vậy, nên Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự thẳng đến cung điện, ngự lên ngai vàng rồi truyền các quan rằng:

- Này các khanh! Các khanh hãy gọi thợ đến sửa râu, tóc cho Pháp-sư Bà-la-môn, tắm rửa sạch sẽ, mặc trang phục sang trọng, rồi thỉnh Pháp-sư đến yết kiến Trẫm.

Tuân theo lệnh của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, các quan đã phục vụ vị Pháp-sư Bà-la-môn xong, thỉnh đến chầu, Đức-vua Bồ-tát kính dâng phần vật thực của mình đến cho vị Pháp-sư Bà-la-môn dùng, còn Đức-vua Bồ-tát dùng phần vật thực khác.

Sau khi vị Pháp-sư Bà-la-môn dùng xong, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma kính thỉnh vị Pháp-sư ngồi trên ngai vàng, rồi cúng dường hoa, vật thơm với tâm tôn kính đến vị Pháp-sư. Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự một chỗ hợp lẽ thấp hơn, rồi kính thỉnh vị Pháp-sư Bà-la-môn rằng:

- Kính thưa Pháp-sư, Trẫm xin kính thỉnh Pháp-sư thuyết cho Trẫm nghe 4 bài kệ gọi là “Satārahagāthā” để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho Trẫm.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma kính thỉnh xong, vị Pháp-sư Bà-la-môn rửa 2 tay bằng nước hoa thơm, đưa tay lấy 4 bài kệ từ trong hộp quý, 2 tay cầm bổn kệ ngay trước ngực tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, bây giờ, kính xin Đại-vương lắng nghe 4 bài kệ gọi là “Satārahagāthā” mà Đức-Phật Kassapa đã thuyết giảng, để chứng ngộ Niết-bàn bất tử, để diệt tham, sân, si. 4 bài kệ ấy như sau:

 

4 Bài Kệ Satārahagāthā

1-“Sakideva Mahārājā, sabbhi hoti samāgamo

Sā naṃ saṅgati pāleti, nāsabbhi bahu saṅgamo.”

Tâu Đại-vương Sutasoma,

Sự thân cận với chư bậc đại-thiện-trí,

Dù chỉ một lần mà thôi,

Sự thân cận ấy cũng hộ trì người ấy được.

Dù gần gũi nhiều lần với những kẻ si mê,

Vẫn không thể hộ trì người ấy được.

2-“Sabbhireva samāsetha, sabbhi kubbetha santhavaṃ.

Sataṃ saddhammamaññāya, seyyo hoti na pāpiyo.”

Hãy nên thân cận với chư bậc đại-thiện-trí,

Hãy nên gần gũi kết bạn thân với chư bậc đại-thiện-trí.

Sự hiểu biết chánh-pháp của chư bậc đại-thiện-trí,

Chỉ có cao thượng chứ không có thấp hèn.

3- “Jīranti ve rājarathā sucittā, Atho sarīrampi jaraṃ upeti.

Satañca dhammo na jaraṃ upeti,    Santo have sabbhi pavedayanti.”

Long xa được trang hoàng đẹp đẽ tuyệt vời,

Cũng có ngày bị cũ rích, hư hoại.

Cũng như vậy, Thân thể được điểm trang xinh đẹp lộng lẫy,

Cũng có ngày đến tuổi già nua, tan rã.

Chư Phật, chư Thánh đều ca tụng Niết-bàn,

Thật sự, pháp Niết-bàn là bất lão, bất tử.

4- “Nabhañca dūre pathavī ca dūre, Pāraṃ samuddassa tadāhu dūre.

Tato have dūrataraṃ vadanti, Satañca dhammo asatañca Rājā.”

Tâu Đại-vương Sutasoma,

Bầu trời xa cách mặt đất,

Mặt đất cũng xa cách bầu trời.

Bờ đại dương bên này xa cách bờ bên kia.

Sự-thật, xa cách nhau hơn cả,

đó là Chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí,

Với tà-pháp của kẻ si mê.

Thật sự nghìn trùng xa cách!

Nghe xong 4 bài kệ ấy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma suy xét rằng:

Sự trở về của ta đã đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc lớn lao quá! 4 bài kệ này không phải là lời dạy của các vị Đạo-sĩ, cũng không phải lời thơ của các nhà thi sĩ, cũng không phải là lời dạy của chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật mà thật sự, 4 bài kệ này chính là lời giáo huấn của chư Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Thật là vô cùng cao thượng! Thật là vô giá!

Nếu có thất báu chất đầy từ cõi người lên đến 6 cõi trời dục giới, các cõi trời sắc giới phạm-thiên tột đỉnh, thì cũng không thể sánh được với 4 bài kệ này.”

Suy xét về sự cúng dường đến vị Pháp-sư Bà-la-môn, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma xét thấy vị Pháp-sư chỉ có khả năng thọ nhận được số tiền mỗi bài kệ 1.000 kahāpana mà thôi, nên Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền lệnh các quan đem ra 4.000 kahāpana. Đức-vua Bồ-tát Sutasoma kính thưa với vị Pháp-sư rằng:

-Kính thưa Pháp-sư, khi Pháp-sư thuyết 4 bài kệ này đến các Đức-vua khác, thì Pháp-sư được cúng dường mỗi bài kệ bao nhiêu? Thưa Ngài.

-Tâu Đại-vương, hạ thần được cúng dường mỗi bài kệ 100 kahāpana. Vì vậy, bài kệ này có tên Satāraha-gāthā: bài kệ đáng giá 100 kahāpana.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma kính thưa rằng:

-Kính thưa vị Pháp-sư, Trẫm xin cúng dường mỗi bài kệ 1.000 kahāpana. Xin gọi là “Sahassārahagāthā” bài kệ đáng giá 1.000 kahāpana.

-Kính thưa vị Pháp-sư, Trẫm kính xin cúng dường 4.000 kahāpana đến Ngài, kính xin Ngài thọ nhận 4.000 kahāpana này.

Khi ấy, toàn thể chư-thiên đều hoan hỷ thốt lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! vang rền khắp mọi nơi. Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền các quan đem ban cho vị Pháp-sư Bà-la-môn một chiếc xe sang trọng, rồi tiễn vị Pháp-sư lên đường trở về cố quốc.

Sau đó Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự đến chầu Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu, đảnh lễ song thân xong, đứng một nơi hợp lẽ.

Đức Thái-thượng-hoàng truyền hỏi rằng:

-Này hoàng nhi yêu quý! Con đã thoát khỏi tay tên sát nhân Porisāda bằng cách nào vậy?

-Muôn tâu Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu, Porisāda đã cho phép con hồi cung trở về, để nghe 4 bài kệ mà con đã hứa hẹn chân-thật với vị Pháp-sư Bà-la-môn tại cổng thành, trước khi con đi làm lễ tắm gội đầu ở hồ nước lớn trong vườn thượng uyển.

Sau khi đã nghe 4 bài kệ từ vị Pháp-sư, con cũng đã cúng dường đến vị Pháp-sư Bà-la-môn xong.

Nay, con kính dâng ngôi báu lại để Đức-Phụ-vương trị vì đất nước này. Còn con đã hứa chân-thật với Porisāda, sau khi đã nghe 4 bài kệ, cúng dường vị Pháp-sư Bà-la-môn xong, con sẽ trở lại gặp y.

Con xin thành kính đảnh lễ Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu, sáng sớm ngày mai, con phải trở lại gặp Porisāda đúng theo lời hứa chân-thật của con với y.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma tâu như vậy, Đức Thái-Thượng-hoàng cảm thấy khổ tâm, truyền bảo rằng:

- Này hoàng-nhi yêu quý! Con không nên đi đến gặp tên sát nhân Porisāda tàn ác ấy, Đức-Phụ-vương sẽ truyền lệnh đem các bộ binh vây bắt, giết tên sát nhân Porisāda ấy, bởi vì y là kẻ thù của chúng ta.

Nghe Đức Thái-Thượng-hoàng truyền bảo như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma tâu rằng:

- Muôn tâu Đức-Phụ-vương, Porisāda đã làm điều khó làm, y đã bắt sống được con, rồi lại thả cho con trở về. Con vẫn nhớ những hành vi của Porisāda đối xử tốt với con, và con đã nói lời hứa hẹn chân-thật với y rằng:

“Sau khi đã nghe 4 bài kệ từ vị Bà-la-môn Pháp-sư, rồi cúng dường đến vị Bà-la-môn Pháp-sư xong, tôi sẽ trở lại gặp bạn, vào sáng sớm ngày mai.”

-Muôn tâu Đức-Phụ-vương, con phải giữ đúng lời hứa hẹn chân-thật của con với y. Cho nên, con phải đi gặp y, chứ không thể nào thất hứa, làm khổ y được.

-Muôn tâu Đức-Phụ-vương, kính xin Đức-Phụ-vương chớ nên bận tâm về con, bởi vì con đã tạo và tích luỹ mọi thiện-nghiệp, để làm nơi nương nhờ cho con trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp vị-lai rồi.

Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Sutasoma, các hoàng-hậu, thái-tử, các hoàng-tử, các công-chúa cùng với 16.000 cung phi đều đến chầu Đức-vua Bồ-tát, khóc than khẩn khoản van xin Đức-vua Bồ-tát không nên ngự đến gặp tên sát nhân Porisāda. Các người trong hoàng tộc, các quan văn võ, các tướng lãnh đều khổ tâm, bởi nghe tin Đức-vua Bồ-tát ngự đến gặp tên sát nhân Porisāda.

Dân chúng trong kinh-thành nghe tin rằng:

Đức-vua Sutasoma đã nói lời hứa hẹn chân-thật với tên sát nhân Porisāda rằng: “Sau khi đã nghe 4 bài kệ từ vị Bà-la-môn Pháp-sư, rồi cúng dường đến vị Bà-la-môn Pháp-sư xong, Đức-vua sẽ trở lại gặp tên sát nhân Porisāda.”

Biết Đức-vua sẽ trở lại gặp tên sát nhân Porisāda đúng theo lời hứa hẹn chân thật ấy. Dân chúng ai cũng cảm thấy khổ tâm sầu não.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ở lại tại cung điện suốt đêm hôm ấy, để dạy dỗ Chánh-cung Hoàng-hậu, các hoàng-hậu, thái-tử, các hoàng-tử, các công-chúa, cùng các hoàng thân cả thảy.

Đến lúc rạng sáng ngày hôm sau, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự đến chầu đảnh lễ Đức Phụ-vương, Mẫu-hậu một lần nữa, rồi từ giã Chánh-cung Hoàng-hậu, thái-tử, các hoàng-tử, các công-chúa, các cung phi, các người trong hoàng tộc, các quan văn võ, tướng lĩnh, quân lính, cùng toàn thể dân chúng, … Ai ai cũng cảm động trào nước mắt.

Đức-Vua Bồ-Tát Sutasoma Ngự Trở Lại Gặp Porisāda

Đức-vua Bồ-Tát Sutasoma rời khỏi cung điện, ngự ra cửa thành, mọi người đi theo tiễn đưa Đức-vua Bồ-Tát.

Tại cửa thành, dân chúng cũng đứng chờ tiễn đưa, Đức-vua Bồ-Tát Sutasoma đứng lại truyền bảo từ giã dân chúng, rồi tiếp tục ngự đi đến gặp tên sát nhân Porisāda.

Đức-vua Bồ-Tát Sutasoma ngự đi trước, dòng người vẫn đi theo sau, Đức-vua Bồ-Tát dừng lại lấy cây gác ngang đường rồi truyền lệnh rằng:

-Nếu người nào còn kính yêu Trẫm, thì người ấy không nên bước ngang qua ranh giới bên này!

Tất cả mọi người không một ai dám vượt qua ranh giới ấy. Họ đứng lại nơi ấy nhìn theo Đức-vua Bồ-tát Sutasoma cho đến khi không còn nhìn thấy hình bóng Đức-vua Bồ-tát nữa. Tất cả mọi người vô cùng xúc động, khóc than tiễn biệt Đức-vua Bồ-tát, rồi trở về chỗ ở của mình.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma là bậc dũng cảm như sư tử chúa một mình đến gặp tên sát nhân Porisāda.

Suy Tư Của Tên Sát Nhân Porisāda

Từ khi Đức-vua Bồ-tát Sutasoma hồi cung trở về cung điện, tên sát nhân Porisāda suy nghĩ rằng:

“Đại-vương Sutasoma, bạn thân thiết, cũng là vị thầy của ta, nếu muốn trở lại thì cũng tốt, nếu không muốn trở lại thì cũng được. Vị chư-thiên cội cây này sẽ hành phạt ta thế nào ta cũng cam chịu. Ta sẽ giết các Đức-vua này lấy máu và lấy máu của ta thay máu của Đức-vua Sutasoma làm lễ cúng dường tạ ơn vị chư-thiên cội cây này, và sẽ lấy thịt các Đức-vua này làm món ăn cúng dường tạ ơn vị chư-thiên cội cây này.”

Nghĩ xong, tên sát nhân Porisāda đốt đống củi, khi lửa đang còn cháy ngùn ngụt, khói lên nghi ngút, y đang ngồi cặm cụi làm những cây nhọn để lụi thịt nướng thì Đức-vua Bồ-tát Sutasoma đã ngự đến.

Nhìn thấy Đức-vua Bồ-tát, tên sát nhân Porisāda vui mừng đón tiếp, rồi tâu rằng:

- Tâu Đại-vương kính mến! Đại-vương đã hoàn thành xong mọi phận sự, rồi mới ngự trở lại đây phải không?

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền rằng:

- Này Porisāda, bạn thân mến! Tôi đã hoàn thành xong mọi phận sự như: Tôi đã gặp vị Bà-la-môn đúng theo lời hứa hẹn chân-thật vào buổi sáng hôm qua; tôi đã nghe vị Pháp-sư Bà-la-môn thuyết dạy 4 bài kệ của Đức-Phật Kassapa, rồi tôi đã cúng dường xứng đáng đến vị Pháp-sư Bà-la-môn ấy; tôi đã đến chầu Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu của tôi; tôi đã từ giã mọi người thân trong hoàng gia; các quan văn võ, các tướng lĩnh, các quân lính; toàn thể dân chúng, …

Nay, tôi đến gặp bạn đúng theo lời hứa hẹn chân-thật của tôi. Tôi là người không mắc nợ với ai nữa.

-Này Porisāda, bạn thân mến! Ngay bây giờ, bạn có thể đem tôi để làm lễ vật cúng dường tạ ơn chư-thiên theo ý của bạn.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo như vậy, tên sát nhân Porisāda suy xét rằng:

“Đức-vua Sutasoma đã nghe 4 bài kệ xong, trở thành người dũng cảm, không hề run sợ, chắc chắn là do oai lực của 4 bài kệ ấy.

Vậy, ta nên thỉnh cầu Đức-vua Sutasoma thuyết lại cho ta nghe 4 bài kệ ấy, ta cũng sẽ trở thành người dũng cảm, không run sợ.”

Tên sát nhân Porisāda đã tâu rằng:

-Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Sau lễ cúng dường tạ ơn chư-thiên cội cây này rồi tôi sẽ ăn thịt của bạn. Đó là điều chắc chắn đối với tôi, tôi sẽ được như ý.

Nay lửa đang cháy, khói bốc lên nghi ngút, chờ trở thành than hồng, nướng thịt mới chín ngon được. Trong khi chờ đợi, kính xin Đại-vương thuyết lại 4 bài kệ ấy cho tôi nghe trước.

Nghe Porisāda kính xin như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma nghĩ rằng:

“Bây giờ Porisāda đang có tà-kiến, có ác-tâm phát sinh, ta nên thuyết phục y phát sinh đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, rồi ta mới thuyết lại 4 bài kệ ấy cho y nghe.”

Cho nên, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

-Này Porisāda, bạn thân mến! Bạn là người ác ăn thịt người, bị đuổi ra khỏi nước, bị lưu đày vào trong rừng sâu này. Bạn là kẻ sát nhân có đôi bàn tay đẫm máu, tạo ác-nghiệp giết người ăn thịt với ác-tâm tàn nhẫn, độc ác, không có tâm-từ, không có tâm-bi thương xót mọi người, mọi chúng-sinh. Bạn tự làm khổ mình, làm khổ chúng-sinh khác, bạn hành tà pháp của kẻ si mê.

Còn 4 bài kệ của Đức-Phật Kassapa này thuộc về chánh-pháp của bậc thiện-trí. Sao bạn có thể hiểu rõ ý nghĩa cao siêu của chánh-pháp được.

Như vậy, nếu tôi thuyết lại 4 bài kệ này cho bạn nghe thì có ích lợi gì đâu?

Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo như vậy, tên sát nhân Porisāda không nổi giận, mà còn cảm thấy mát mẻ, bởi vì Đức-vua Bồ-tát truyền bảo với tâm-từ mong đem lại sự lợi ích cho y. Y tâu rằng:

-Tâu Đại-vương, bạn thân mến! Các Đức-vua khác mang cung tên vào rừng săn bắn các con thú rừng như nai, v.v… để ăn thịt, tạo ác-nghiệp sát-sinh. Nếu hành động của các Đức-vua ấy hợp pháp thì hành động của tôi cũng hợp pháp.

-Này Porisāda, bạn thân mến! Thông thường Đức-vua không được phép dùng 10 thứ thịt, trong đó có món thịt người. Bạn là Đức-vua đã dùng món thịt người, thì hợp pháp sao được. Bạn đã phạm tội-lỗi rồi!

Tên sát nhân Porisāda không còn cách biện hộ cho mình được nữa, nên quay sang bắt lỗi Đức-vua Suta-soma rằng:

-Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Khi Đại-vương đã thoát ra khỏi tay của tôi, ngự trở lại cung điện của mình, đã thoát nạn, hưởng mọi sự an-lạc trong cung điện. Đại-vương còn ngự trở lại gặp kẻ thù là tôi.

Như vậy, Đại-vương đã không hiểu rõ chiến lược của một Đức-vua, Đại-vương không biết được con đường tiến hoá và con đường thoái hoá của mình. Danh tiếng của Đại-vương được lan truyền khắp cõi Nam-thiện-bộ-châu này rằng:

“Đại-vương là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt” nhưng thật ra, Đại-vương cũng chỉ là hạng người thiểu trí, si mê nhất mà thôi.

Nghe Porisāda chê trách mình như vậy, Đức-vua Sutasoma truyền bảo rằng:

-Này Porisāda, bạn thân mến! Tôi hiểu biết rõ chiến lược của một Đức-vua, nếu những Đức-vua nào thi hành theo sách lược ấy, phần nhiều sau khi chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục. Vì vậy, tôi không thực-hành theo sách lược ấy, mà tôi chỉ thực-hành theo bậc thiện-trí giữ gìn lời hứa hẹn chân thật của tôi mà thôi. Cho nên, tôi trở lại gặp bạn đúng theo lời hứa hẹn chân-thật ấy.

-Này Porisāda, bạn thân mến! Bạn hãy đem tôi làm lễ cúng dường tạ ơn chư-thiên theo ý muốn của bạn.

Nghe Đức-vua Sutasoma truyền bảo như vậy, tên sát nhân Porisāda tâu rằng:

-Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Bạn là một Đại-vương trị vì một đất nước rộng lớn, an hưởng mọi sự an-lạc đế vương. Thế mà Đại-vương đã từ bỏ tất cả, trở lại gặp tôi, nghĩa là Đại-vương dám hy sinh thân mạng để giữ lời hứa hẹn chân-thật với tôi.

- Tâu Đại-vương, bạn thân mến! Bạn thấy quả báu thực-hành giữ gìn lời hứa hẹn chân-thật ấy thế nào, mà bạn dám hy sinh thân mạng của bạn như vậy?

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

- Này Porisāda, bạn thân mến! Lời chân-thật là pháp vị cao quý nhất, cao thượng nhất trong các loại vị trong đời. Các bậc Sa-môn, Bà-la-môn, đều giữ gìn lời nói chân-thật, giữ gìn 3 tiết chế chân-thật (chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng) mới có thể dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi. Vì vậy, pháp-vị chân-thật là pháp cao thượng hơn tất cả mọi thứ vị trong đời.

Lắng nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo về quả báu của pháp-vị chân-thật như vậy, tên sát nhân Porisāda nhìn thấy gương mặt của Đức-vua Bồ-tát trong sáng, xinh đẹp như đoá hoa sen hé nở, như mặt trăng ngày rằm trong sáng, nên y mới tư duy rằng:

"Dù nhìn thấy giàn hoả lửa hồng, dù thấy ta đang làm cây lụi nướng thịt, thế mà Đức-vua Sutasoma vẫn không hề tỏ vẻ sợ sệt chút nào cả. Đó là do oai lực của 4 bài kệ hoặc do oai lực của pháp chân-thật của Đức-vua. Ta sẽ tâu hỏi cho biết rõ.” Suy xét xong, y tâu nhắc lại rằng:

- Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Bạn đã thoát khỏi tay tôi, bạn ngự trở về cung điện, an hưởng mọi sự an-lạc, rồi bạn trở lại gặp tôi. Bạn không sợ chết hay sao?

Người Không Sợ Chết

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

- Này Porisāda, bạn thân mến! Tôi đã tạo mọi đại-thiện-nghiệp, đã tích luỹ mọi đại-thiện-nghiệp mà chư bậc thiện-trí tán dương ca tụng. Như vậy, con đường đại-thiện-nghiệp của tôi dẫn đến cho quả tái-sinh kiếp sau được rõ ràng chắc chắn rồi. Vả lại tôi là người có giới, đang trú trong mọi thiện-pháp ấy. Vậy, tại sao tôi lại phải sợ chết?

Và cũng chính những thiện-pháp ấy làm cho đại-thiện-tâm của tôi trong sáng, không bị ô nhiễm bởi phiền não trong lúc lâm chung, hy vọng sau khi tôi chết, chắc chắn đại-thiện-nghiệp ấy sẽ cho quả tái-sinh trong cõi thiện-giới: cõi người hoặc cõi trời dục-giới. Vậy, tại sao tôi lại phải sợ chết?

- Này Porisāda, bạn thân mến! Bạn hãy đem tôi làm lễ cúng dường tạ ơn chư-thiên theo ý muốn của bạn.

- Này Porisāda, bạn thân mến! Tôi đã phụng dưỡng Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu của tôi một cách cung kính và chu đáo, tôi đã làm tròn phận sự người con rồi; tôi là Đức-vua đã trị vì đất nước bằng thiện-pháp.

Như vậy, con đường đại-thiện-nghiệp của tôi dẫn đến cho quả tái-sinh kiếp sau được rõ ràng chắc chắn rồi.

Vả lại tôi là người có giới, đang trú trong mọi thiện-pháp ấy. Vậy, sao tôi lại phải sợ chết?

Và cũng chính những thiện-pháp ấy làm cho đại-thiện-tâm của tôi trong sáng, không bị ô nhiễm bởi phiền-não trong lúc lâm chung, hy vọng sau khi tôi chết, chắc chắn đại-thiện-nghiệp ấy sẽ cho quả tái-sinh trong cõi thiện-giới: cõi người hoặc cõi trời dục-giới. Vậy, tại sao tôi lại phải sợ chết?

- Này Porisāda, bạn thân mến! Bạn hãy đem tôi làm lễ cúng dường tạ ơn chư-thiên theo ý muốn của bạn.

- Này Porisāda, bạn thân mến! Tôi đã nuôi dưỡng Chánh-cung Hoàng-hậu, các cung phi, thái-tử, các hoàng-tử, các công-chúa, giúp đỡ thân quyến và bạn hữu một cách chu đáo; tôi là Đức-vua đã trị vì đất nước bằng thiện-pháp.

Như vậy, con đường đại-thiện-nghiệp của tôi dẫn đến cho quả tái-sinh kiếp sau được rõ ràng chắc chắn rồi.

Vả lại tôi là người có giới, đang trú trong mọi thiện-pháp ấy. Vậy, tại sao tôi lại phải sợ chết?

Và cũng chính những thiện-pháp ấy làm cho đại-thiện-tâm của tôi trong sáng, không bị ô nhiễm bởi phiền-não trong lúc lâm chung, hy vọng sau khi tôi chết, chắc chắn đại-thiện-nghiệp ấy sẽ cho quả tái-sinh trong cõi thiện-giới: cõi người hoặc cõi trời dục-giới. Vậy, sao tôi lại phải sợ chết?

- Này Porisāda, bạn thân mến! Bạn hãy đem tôi làm lễ cúng dường tạ ơn chư-thiên theo ý muốn của bạn.

- Này Porisāda, bạn thân mến! Tôi đã làm phước bố-thí cúng dường đến các Sa-môn, Bà-la-môn một cách cung kính, tế độ những người nghèo khổ.

Như vậy, con đường đại-thiện-nghiệp của tôi dẫn đến cho quả tái-sinh kiếp sau được rõ ràng chắc chắn rồi.

Vả lại tôi là người có giới, đang trú trong mọi thiện-pháp ấy. Vậy, tại sao tôi lại phải sợ chết?

Và cũng chính những thiện-pháp ấy làm cho đại-thiện-tâm của tôi trong sáng, không bị ô nhiễm bởi phiền-não trong lúc lâm chung, hy vọng sau khi tôi chết, chắc chắn đại-thiện-nghiệp ấy sẽ cho quả tái-sinh trong cõi thiện-giới: cõi người hoặc cõi trời dục-giới. Vậy, sao tôi lại phải sợ chết?

-Này Porisāda, bạn thân mến! Bạn hãy đem tôi làm lễ cúng dường tạ ơn chư-thiên theo ý muốn của bạn.

Lắng nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma thuyết giảng rõ ràng như vậy, tên sát nhân Porisāda vô cùng hoảng sợ, suy nghĩ rằng:

“Đại-vương Sutasoma là bậc đại-thiện-trí cao thượng, có trí-tuệ siêu-việt, thuyết pháp rất hay, có ý nghĩa sâu sắc. Nếu ta giết Đức-vua Sutasoma để làm lễ cúng dường tạ ơn chư-thiên, rồi ăn thịt Đức-vua thì chắc chắn cái đầu của ta sẽ bị vỡ ra làm 7 mảnh, hoặc mặt đất nứt làm đôi rút ta vào trong lòng đất, bởi vì ác-nghiệp nặng của ta.” Vì vậy, tên sát nhân Porisāda tâu rằng:

-Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Đại-vương là bậc đại-thiện-trí cao thượng, tôi không dám giết Ngài để làm lễ cúng dường tạ ơn chư-thiên, rồi ăn thịt. Nếu người nào dám giết Đại-vương, rồi ăn thịt của Ngài thì cái đầu của người ấy chắc chắn sẽ bị vỡ ra làm 7 mảnh.

Trước đây, tên sát nhân Porisāda muốn được nghe 4 bài kệ để trở thành con người dũng cảm, hoàn toàn chưa có đức-tin trong sạch nơi chánh-pháp.

Nay, y muốn được nghe 4 bài kệ đễ hiểu biết được thiện-pháp, ác-pháp, nên tên sát nhân Porisāda tâu rằng:

-Tâu Đại-vương, bạn thân mến! Thông thường những người được nghe chánh-pháp mới hiểu biết được thiện-pháp, ác-pháp. Nếu tôi được nghe chánh-pháp thì tôi cũng hiểu biết được thiện-pháp, ác-pháp vậy.

Bây giờ, tôi xin kính thỉnh Đại-vương có tâm-từ tế độ, thuyết lại cho tôi nghe 4 bài kệ ấy, để tôi được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

Khi nghe Porisāda tha thiết muốn nghe 4 bài kệ ấy, nên Đức-vua Bồ-tát Sutasoma suy xét rằng:

“Bây giờ, Porisāda có nhận thức đúng đắn, có ý nguyện tha thiết muốn nghe chánh-pháp, để hiểu rõ thiện-pháp, ác-pháp.

Vậy, ta nên thuyết lại 4 bài kệ ấy, để tế độ y.”

Suy xét như vậy xong, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

-Này Porisāda, bạn thân mến! Bạn hãy nên lắng tai nghe rõ 4 bài kệ như sau.

Bắt đầu, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma tán dương ca tụng bài kệ để cho Porisāda phát sinh đức-tin trong sạch nơi chánh-pháp. Khi ấy, chư-thiên trong cõi trời dục-giới đều vô cùng hoan hỷ, đồng thanh nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! vang rền khắp các cõi trời dục-giới. Tất cả chư-thiên đều tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma đã thuyết phục, tế độ được Porisāda.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma thuyết lại 4 bài kệ mà vị Bà-la-môn Pháp-sư đã thuyết cho Đức-vua Sutasoma như sau:

4 Bài Kệ

1-“Sakideva Mahārājā, sabbhi hoti samāgamo Sā naṃ saṅgati pāleti, nāsabbhi bahu saṅgamo.”

Tâu Đại-vương Sutasoma,

Sự thân cận với chư bậc đại-thiện-trí,

Dù chỉ một lần mà thôi,

Sự thân cận ấy cũng hộ trì người ấy được.

Dù gần gũi nhiều lần với những kẻ si mê,

Vẫn không thể hộ trì người ấy được.

2-“Sabbhireva samāsetha, sabbhi kubbetha santhavaṃ. Sataṃ saddhammamaññāya, seyyo hoti na pāpiyo.”

Hãy nên thân cận với chư bậc đại-thiện-trí,

Hãy nên gần gũi kết bạn thân với chư bậc đại-thiện-trí.

Sự hiểu biết chánh-pháp của chư bậc đại-thiện-trí,

Chỉ có cao thượng chứ không có thấp hèn.

3- “Jīranti ve rājarathā sucittā, Atho sarīrampi jaraṃ upeti.

Satañca dhammo na jaraṃ upeti, Santo have sabbhi pavedayanti.”

Long xa được trang hoàng đẹp đẽ tuyệt vời,

Cũng có ngày bị cũ rích, hư hoại.

Cũng như vậy, Thân thể được điểm trang xinh đẹp lộng lẫy,

Cũng có ngày đến tuổi già nua, tan rã.

Chư Phật, chư Thánh đều ca tụng Niết Bàn,

Thật sự, pháp Niết Bàn là bất lão, bất tử.

4- “Nabhañca dūre pathavī ca dūre, Pāraṃ samuddassa tadāhu dūre.

Tato have dūrataraṃ vadanti, Satañca dhammo asatañca Rājā.”

Tâu Đại-vương Sutasoma, Bầu trời xa cách mặt đất,

Mặt đất cũng xa cách bầu trời.

Bờ đại dương bên này xa cách bờ bên kia.

Sự-thật, xa cách nhau hơn cả, đó là Chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí,

Với tà-pháp của kẻ si mê. Thật sự nghìn trùng xa cách!

Lắng nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma thuyết lại 4 bài kệ với giọng rất hay, còn 4 bài kệ có ý nghĩa thật là sâu sắc, Porisāda phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, đồng thời phát sinh đại-thiện-tâm hỷ lạc chưa từng có bao giờ. Porisāda vô cùng tôn kính Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, xem Ngài như là Đức-Phụ-vương của mình. Porisāda nghĩ rằng:

Đại-vương Sutasoma là bậc đại-thiện-trí thuyết lại 4 bài kệ có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, thật là cao thượng. Ta không có phẩm vật nào xứng đáng để cúng dường vị Pháp-sư Đại-vương Sutasoma.

Vậy, ta nên cúng dường mỗi ân-huệ cho mỗi bài kệ, 4 bài kệ là 4 ân-huệ đến vị Pháp-sư Đại-vương Sutasoma.

Nghĩ như vậy xong, Porisāda thành kính tâu rằng:

-Tâu Đại-vương Sutasoma, Pháp-sư kính mến! Đại-vương là bậc đại-thiện-trí cao thượng đã thuyết lại 4 bài kệ với giọng rất hay, còn 4 bài kệ có ý nghĩa thật là sâu sắc, làm cho thân tâm tôi phát sinh hỷ lạc chưa từng có bao giờ. Tôi hết lòng thành kính cúng dường đến Ngài Pháp-sư Đại-vương Sutasoma mỗi ân-huệ cho mỗi bài kệ, 4 bài kệ là 4 ân-huệ với tấm lòng tôn kính và tri ân của tôi.

-Kính xin Ngài Pháp-sư Đại-vương Sutasoma nhận 4 ân-huệ của tôi.

Nghe Porisāda tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

-Này Porisāda, bạn thân mến! Bạn là con người ác, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không tin nghiệp và quả của nghiệp, không biết đại-thiện-nghiệp nên làm, ác-nghiệp không nên làm, không biết điều lợi, điều hại, không biết sự tử sinh luân-hồi.

Bạn là con người tàn nhẫn, độc ác giết người ăn thịt. Vậy, con người tàn ác như bạn lại có thể cúng dường 4 ân-huệ cho tôi thật hay sao?

Nếu tôi nói với bạn rằng: Tôi xin nhận đủ 4 ân-huệ của bạn, thì bạn có dám cúng dường đủ 4 ân-huệ ấy cho tôi hay không?

Bây giờ, bạn hứa sẽ cúng dường đến cho tôi đủ 4 ân-huệ, nếu khi tôi xin nhận đủ 4 ân-huệ ấy thì bạn không chịu cúng dường, chẳng lẽ tôi lại cãi với người ác có sức lực như bạn.

Ai là bậc thiện-trí phán xét công bằng được?

Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo như vậy, Porisāda nghĩ rằng:

“Đại-vương Sutasoma chưa tin nơi ta, ta sẽ tâu rõ để cho Đại-vương tin tưởng những điều ta tâu là sự thật.”

Porisāda tâu khẳng định rằng:

-Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Người nào đã hứa cúng dường 4 ân-huệ, rồi không chịu cúng dường đủ 4 ân-huệ thì tốt hơn người ấy không nên hứa cúng dường gì cả!

-Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Kính xin Đại-vương an tâm mà tin chắc chắn rằng:

“Tôi hứa chắc chắn cúng dường đủ 4 ân-huệ và Đại-vương cũng sẽ nhận đủ 4 ân-huệ ấy. Dù cho phải hy sinh sinh-mạng, thì tôi cũng dám hy sinh sinh-mạng, để hiến dâng, để cúng dường đến Đại-vương.

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma nghĩ rằng:

“Porisāda can đảm dám thốt lên lời nói khẳng định như vậy, Porisāda chắc chắn sẽ làm theo lời hứa của y. Ta sẽ xin nhận 4 ân-huệ của y.”

Nghĩ xong Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

-Này Porisāda, bạn thân mến! Nếu bạn đã có thật tâm dâng cho tôi đủ 4 ân-huệ thì tôi xin nhận đủ 4 ân-huệ của bạn.

Bốn Ân Huệ

1-Ân Huệ Thứ Nhất

-Này Porisāda, bạn thân mến! Tình bằng hữu của bậc Thánh này sánh được với tình bằng hữu của bậc Thánh kia. Sự hiểu biết của bậc thiện-trí này sánh được với sự hiểu biết của bậc thiện-trí kia.

Vậy, tôi mong muốn nhìn thấy bạn khoẻ mạnh sống lâu 100 tuổi.

Đó là ân-huệ thứ nhất mà tôi mong muốn được.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma xin ân-huệ thứ nhất như vậy, Porisāda hiểu rằng Đại-vương Sutasoma mong muốn ta được khoẻ mạnh, sống lâu, nên phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Đại-vương mong muốn nhìn thấy tôi được khoẻ mạnh sống lâu 100 năm. Tôi thành kính dâng đến Đại-vương ân-huệ thứ nhất này.

2-Ân Huệ Thứ Nhì

- Này Porisāda, bạn thân mến! Những Đức-vua nào thuộc dòng dõi hoàng tộc được làm lễ đăng quang lên ngôi vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu.

Vậy, tôi xin bạn đừng giết những Đức-vua ấy để ăn thịt.

Đó là ân huệ thứ nhì mà tôi mong muốn được.

Porisāda tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Những Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này đều sẽ không bị tôi giết, để ăn thịt.

Tôi thành kính dâng đến Đại-vương ân-huệ thứ nhì này.

3- Ân Huệ Thứ 3

- Này Porisāda, bạn thân mến! 101 Đức-vua bị bạn bắt, xâu 2 bàn tay treo trên cây da, họ chịu khổ thân, khổ tâm cùng cực.

Vậy, tôi xin bạn thả 101 Đức-vua ấy, để họ ngự trở về đất nước họ.

Đó là ân-huệ thứ 3 mà tôi mong muốn được.

Porisāda tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Tôi chắc chắn sẽ thả 101 Đức-vua ấy.

Tôi thành kính dâng đến Đại-vương ân-huệ thứ 3 này.

4- Ân Huệ Thứ Tư

- Này Porisāda, bạn thân mến! Đất nước của bạn có nhiều nơi hoang tàn, bởi dân chúng bỏ nhà kéo nhau đi lánh nạn, vì sợ bạn giết họ để ăn thịt.

Vậy, tôi xin bạn không nên dùng món thịt người nữa.

Đó là ân huệ thứ tư mà tôi mong muốn được

Khi nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền xin ân-huệ thứ tư này, Porisāda vỗ tay cười khanh khách, rồi tâu rằng:

-Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Đại-vương đề cập đến điều này được hay sao?

Ân-huệ này cũng như sinh-mạng của tôi, tôi làm sao có thể dâng đến Đại-vương được. Thịt người là món ăn ưa thích nhất của tôi từ lâu.

Sở dĩ tôi bị đuổi ra khỏi kinh-thành Bāraṇasī, bị lưu đày ở trong rừng này, là vì món thịt người này, tôi không dùng món thịt người làm sao được!

Kính xin Đại-vương chọn ân-huệ khác vậy!

Nghe Porisāda tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

-Này Porisāda, bạn thân mến! Bạn là Đức-vua trị vì một nước lớn, mà say mê, nghiện dùng thịt người, với ý nghĩ rằng:

“Thịt người là món ăn ưa thích nhất của ta.”

Vì vậy, bạn đã lún sâu vào mọi tội-ác mà xa lánh mọi phước-thiện. Cho nên, bạn phải chịu khổ trong kiếp hiện-tại này. Sau khi bạn chết, nếu ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục thì lại càng phải chịu quả khổ của ác-nghiệp suốt thời gian lâu dài trong cõi địa-ngục ấy nữa.

-Này Porisāda, bạn thân mến! Ta là nơi yêu quý nhất trong đời, khi tâm của ta đã tập luyện trú trong thiện-pháp, thì sẽ hưởng mọi sự an-lạc và mọi điều đáng ưa thích nhất hơn thế nữa.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo như vậy, Porisāda vô cùng kinh sợ nghĩ rằng:

Ta chắc chắn không thể nào thuyết phục được Đại-vương Sutasoma, bạn của ta thay đổi ân-huệ thứ tư ấy, còn ta cũng không thể không dùng thịt người được.

Vậy, ta phải làm sao bây giờ?

Nếu Đại-vương Sutasoma, bạn của ta xin ân-huệ thứ tư khác thì ta sẽ dâng ngay tức thì.”

Porisāda vô cùng khổ tâm, trào đôi dòng nước mắt mà tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Kính xin bạn thông cảm cho hoàn cảnh của tôi. Thịt người là món ăn ưa thích nhất của đời tôi, tôi không thể nào không dùng thịt người được. Kính xin bạn thương xót tôi mà chọn ân-huệ thứ tư khác vậy!

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

- Này Porisāda, bạn thân mến! Nếu bạn còn có tâm tham muốn chấp thủ trong thịt người là món ăn ưa thích nhất của bạn, nên tạo ác-nghiệp giết người ăn thịt.

Sau khi bạn chết, nếu ác-nghiệp sát-sinh ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì phải sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, phải chịu quả khổ của ác-nghiệp mà bạn đã tạo.

Cũng như người nào nghiện rượu, uống rượu có chất độc, người ấy tự làm khổ mình trong kiếp hiện-tại.

Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nghiện rượu ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì phải sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh lại càng khổ nhiều hơn nữa.

-Này Porisāda, bạn thân mến! Bạn nên có trí nhớ, trí-tuệ biết mình, từ bỏ dùng món thịt người mà bạn ưa thích nhất, cố gắng tránh xa mọi ác-nghiệp, cố gắng thực-hành theo lời dạy của bậc thiện-trí, tạo mọi đại-thiện-nghiệp.

Sau khi bạn chết, đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới: cõi người, các cõi trời dục-giới, hưởng mọi quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy trong cõi thiện-giới ấy.

Cũng ví như người mắc bệnh, muốn được khỏi bệnh, bất đắc dĩ bệnh nhân phải ráng cố gắng uống thuốc có vị đắng. Khi khỏi bệnh, người ấy được khỏe mạnh, an-lạc trong kiếp hiện-tại.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo như vậy, Porisāda vô cùng khổ tâm, khóc than rằng:

-Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Tôi đã từ bỏ Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu, từ bỏ Chánh-cung Hoàng-hậu, thái-tử, các hoàng-tử, các công-chúa, từ bỏ ngai vàng điện ngọc, v.v… Tôi bị lưu đày vào ở trong rừng này chỉ vì nguyên nhân tôi thích dùng món thịt người.

Bây giờ, làm sao tôi có thể dâng ân-huệ thứ tư này đến Đại-vương được!

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

-Này Porisāda, bạn thân mến! Chư bậc thiện-trí không bao giờ nói hai lời, nói như thế nào thì hành như thế ấy. Bạn đã nói với tôi rằng:

“Kính xin Đại-vương an tâm mà tin chắc chắn rằng: “Tôi hứa chắc chắn cúng dường đủ 4 ân-huệ và Đại-vương cũng sẽ nhận đủ 4 ân-huệ ấy.”

Vừa rồi bạn đã nói như vậy, bây giờ bạn lại nói khác. Vậy, lời nói trước khác với lời nói sau.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo như vậy, Porisāda khóc, tâu rằng:

-Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Tôi đã trở thành con người tàn ác, mất hết tính người. Hằng ngày, tôi sống bằng cách giết người để ăn thịt.

Vì vậy, tôi không thể nào dâng ân-huệ thứ tư này đến Đại-vương được.

Kính xin Đại-vương thông cảm nỗi khổ của tôi mà đừng bắt buột tôi phải từ bỏ món thịt người.

Kính xin Đại-vương chọn ân huệ thứ tư khác.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền nhắc lại lời nói của Porisāda rằng:

-Này Porisāda, bạn thân mến! Bạn cũng đã tâu với tôi rằng:

“Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Người nào đã hứa cúng dường 4 ân-huệ, rồi không chịu cúng dường đủ 4 ân-huệ thì tốt hơn người ấy không nên hứa cúng dường gì cả!

- Kính xin Đại-vương an tâm tin chắc rằng:

“Tôi hứa chắc chắn cúng dường đủ 4 ân-huệ và Đại-vương cũng sẽ nhận đủ 4 ân-huệ, “dù cho phải hy sinh sinh-mạng, thì tôi cũng dám hy sinh sinh-mạng, để hiến dâng, để cúng dường đến Đại-vương.”

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma nhắc lại lời nói của Porisāda vừa qua để động viên khuyến khích Porisāda phát sinh tâm dũng cảm quyết tâm dâng ân-huệ thứ tư này rằng:

- Này Porisāda, bạn thân mến! Sự hiến dâng sinh-mạng để đem lại sự lợi ích lớn lao cho mình và cho tất cả mọi người, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của chư Đức-Bồ-tát. Chư thiện-trí chỉ thực-hành, giữ gìn lời chân-thật mà thôi. 4 ân-huệ mà bạn đã hứa với lời chân-thật, thì bạn hãy nên thực hiện lời hứa chân-thật ấy ngay tức khắc. Bạn hãy nên dũng cảm lên!

-Này Porisāda, bạn thân mến! Người dám hy sinh của cải để bảo vệ giữ gìn các bộ phận trong thân thể, bởi vì các bộ phận như mắt, tai, v.v… là quý hơn của cải; người dám hy sinh bộ phận trong thân thể như tay, chân, v.v… để bảo vệ, giữ gìn duy trì sinh-mạng, bởi vì sinh-mạng là quý hơn bộ phận trong thân thể. Để bảo vệ, giữ gìn thiện-pháp, chánh-pháp của bậc thiện-trí như Đức-Phật… thì người ấy dám hy sinh của cải tài sản, các bộ phận trong thân thể, thậm chí cả đến sinh-mạng của mình nữa, bởi vì thiện-pháp, chánh-pháp của bậc thiện-trí như Đức-Phật, v.v… là cao thượng hơn tất cả mọi thứ trong đời.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo động viên khuyến khích Porisāda thực hiện lời hứa chân-thật, có lòng tri ân và đền đáp công ơn thầy tiếp như sau:

-Này Porisāda, bạn thân mến! Người nào có được sự hiểu biết là nhờ đến vị thầy, người ấy cần phải biết ơn thầy và biết đền đáp công ơn thầy. Đó là đức tính tốt của bậc thiện-trí.

-Này Porisāda, bạn thân mến! Tôi cũng từng là vị thầy giúp đỡ, hướng dẫn, dạy dỗ bạn lúc bạn còn trẻ, cùng sống chung với nhau tại kinh-thành Takkasilā.

Nay, tôi cũng đã thuyết lại 4 bài kệ của Đức-Phật Kassapa cho bạn nghe. Như vậy, tôi là thầy, cũng là bạn của bạn.

Vậy, bạn nên nghe lời khuyên dạy của tôi, không nên làm cho tôi thất vọng về bạn.

Nghe lời khuyên dạy chí tình của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, Porisāda có nhận thức đúng đắn rằng:

“Thật vậy, Đại-vương Sutasoma là vị thầy khả kính của ta, ta phải nên vâng lời khuyên dạy của thầy. 4 ân-huệ mà ta đã hứa bằng lời chân-thật với thầy, ta phải nên thực hiện đúng theo lời hứa chân-thật ấy.

Vậy, ta phải nên cúng dường đến thầy đầy đủ 4 ân-huệ ấy.

Sự thật, trong đời này, ai sinh ra rồi cũng có ngày phải chết cả. Đó là điều chắc chắn không ai tránh khỏi. Nếu ta không dùng được thịt người thì ta có chết cũng là việc thường thôi.

Vậy, ta sẽ dâng đến Đại-vương Sutasoma ân-huệ thứ tư là không dùng món thịt người nữa.”

Quyết định xong, nước mắt chảy dài trên đôi má, Porisāda đứng dậy đến đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma rồi tâu rằng:

-Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Đã từ lâu, thịt người là món ăn ưa thích nhất trong cuộc sống của tôi. Sở dĩ, tôi bị đày ở trong rừng này là vì nguyên nhân món thịt người ấy.

Nay, Đại-vương đã xin ân-huệ thứ tư là “Xin bạn không nên dùng món thịt người nữa.”

Tôi xin chấp thuận rằng: Tôi xin kính dâng đến Đại-vương ân-huệ thứ tư này.

Nghe Porisāda quyết định sáng suốt như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

-Này Porisāda, bạn thân mến! Lành thay! Bạn là người đã biết thức tỉnh, quyết định sáng suốt dâng đến tôi ân-huệ thứ tư. Tôi rất hoan hỷ nhận ân-huệ thứ tư của bạn.

Tôi cầu mong cho bạn thực-hành theo con đường của bậc thiện-trí, kể từ nay cho đến trọn đời, trọn kiếp.

-Này Porisāda, bạn thân mến! Nếu bạn còn biết thương yêu mình, thì tôi xin yêu cầu bạn nên thọ trì ngũ-giới. Bạn nghĩ thế nào?

Porisāda tâu rằng:

- Lành thay! Tâu Đại-vương Sutasoma, vị thầy khả kính! Con vô cùng hoan hỷ vâng theo lời dạy của thầy.

Con xin thọ-trì ngũ-giới. Con kính thỉnh thầy hướng dẫn thọ-trì ngũ-giới cho con.

Biết Porisāda đã biết phục-thiện, nên Đức-vua Bồ-tát Sutasoma công nhận trở lại là Đức-vua Brahmadatta như trước, rồi Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

- Vậy xin mời Đại-vương thọ trì ngũ-giới.

Đức-vua Brahmadatta đến đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma với đầy đủ 5 chi (cái trán, hai cùi tay, hai đầu gối chân sát mặt đất), rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Đức-vua Bồ-tát hướng dẫn thọ-trì ngũ-giới cho Đức-vua Brahmadatta vừa chấm dứt, vị chư-thiên ở cội cây cùng toàn thể chư-thiên trên địa cầu vô cùng hoan hỷ đồng tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát rằng:

-Tất cả chúng-sinh từ cõi đại-địa-ngục Avīci cho đến cõi trời sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh, không có một ai có khả năng ngăn cấm Porisāda dùng món thịt người được, duy nhất chỉ có Đức-vua Bồ-tát Sutasoma có khả năng đặc biệt thuyết phục Porisāda từ bỏ dùng món thịt người được mà thôi. Đó là việc làm mà người khác khó có thể làm được. Thật là điều phi thường!

Toàn thể chư-thiên cõi trời tứ-Đại-Thiên-vương nghe lời tán dương ca tụng của chư-thiên trên địa cầu, rồi cũng tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma như vậy. Toàn thể chư-thiên cõi trời Tam-thập-tam-thiên nghe lời tán dương ca tụng của chư-thiên cõi trời tứ-Đại-Thiên-vương rồi cũng tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma như vậy.

Và cứ như vậy, từ các tầng trời dục-giới cho đến tầng trời sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh, đều tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma vang rền khắp các tầng trời.

101 Đức-vua bị xâu 2 bàn tay treo trên cây da cũng đều nghe tiếng tán dương ca tụng của chư-thiên trên địa cầu. Các Đức-vua đều nghĩ rằng:

“Chúng ta chắc chắn được thoát nạn chết, do nhờ Đại-vương Sutasoma thuyết phục được tên sát nhân Porisāda từ bỏ ác-nghiệp làm thiện-nghiệp.”

Nghĩ như vậy xong, họ đều tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma.

Đức-vua Brahmadatta đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma xong, rồi đứng một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo Đức-vua Brahmadatta rằng:

-Này Đại-vương Brahmadatta, bạn thân mến! Bạn nên thả 101 Đức-vua kia ngay bây giờ.

Đức-vua Brahmadatta suy xét rằng:

“Ta là kẻ thù của 101 Đức-vua này, nếu khi ta thả 101 Đức-vua ấy ra thì họ sẽ hợp lại với nhau hành hạ ta đến chết để trả thù. Còn ta đã thọ trì ngũ-giới rồi, ta không thể làm khổ ai được nữa.”

Suy xét như vậy, nên Đức-vua Brahmadatta tâu rằng:

-Tâu Đại-vương Sutasoma, Đại-vương là bậc thầy khả kính và là bạn thân của con. Con đã vâng lời khuyên của thầy, nay con kính thỉnh thầy cùng con đến thả 101 Đức-vua ấy ra.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma đồng ý cùng ngự đi với Đức-vua Brahmadatta đến gặp 101 Đức-vua đang bị xâu 2 tay treo quanh cây da, 2 chân chạm đất, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

-Này quý Đức-vua thân mến! Tất cả quý Đức-vua đều được Đức-vua Brahmadatta thả ra, tôi cầu xin tất cả quý Đức-vua không nên hành hạ Đức-vua Brahmadatta để trả thù.

Xin quý Đức-vua hứa chắc chắn với tôi như vậy.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma xin như vậy, tất cả các Đức-vua tâu rằng:

-Tâu Đại-vương Sutasoma, tất cả chúng tôi xin hứa với Đại-vương rằng:

“Tất cả Đức-vua chúng tôi sẽ không hành hạ Đức-vua Brahmadatta để trả thù. Chúng tôi xin hứa chắc chắn với Đại-vương như vậy.”

Nhìn thấy cảnh tượng 101 Đức-vua bị xâu 2 bàn tay treo trên cây da như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma nghĩ rằng:

“Nếu để Đức-vua Brahmadatta cầm gươm đến cắt đứt sợi dây thì họ sẽ bị rơi xuống đất, làm cho chết ngất, bởi vì suốt 7 ngày qua bị treo trên cây.”

Vì nghĩ như vậy, nên Đức-vua Bồ-tát Sutasoma đến gần mỗi Đức-vua, ôm choàng thân hình của họ, rồi truyền bảo Đức-vua Brahmadatta cắt đứt sợi dây, Đức-vua Bồ-tát ẵm từng mỗi Đức-vua đặt nằm xuống đất, nhẹ tay rút sợi dây xâu 2 tay ra, lau sạch vết thương, Đức-vua Bồ-tát phát nguyện bằng lời chân-thật, rồi thoa thuốc vào vết thương của mỗi Đức-vua ấy.

Thật phi thường thay! Vết thương được lành ngay.

Sau đó, Đức-vua Brahmadatta nấu cháo lỏng, lấy nước đem đến cho mỗi vị Vua dùng.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma và Đức-vua Brahmadatta lo phục vụ chăm sóc 101 Đức-vua sáng, trưa, chiều qua một thời gian ngắn, họ được hồi phục sức khoẻ. Khi ấy, Đức-vua Brahmadatta tâu xin lỗi Đức-vua Bồ-tát Suta-soma cùng 101 Đức-vua rằng:

-Tâu Đại-vương Sutasoma cùng 101 Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu kính mến! Bởi vì tâm tham muốn dùng món thịt người, tâm tà-kiến thấy sai, nên tôi đã trở thành người tàn ác đã gây ra đau khổ cho nhiều người, nhất là đã làm khổ Đại-vương Sutasoma cùng

101 Đức-vua. Chính nhờ nghe Đại-vương Sutasoma thuyết pháp tế độ cho tôi được thức tỉnh, nên tôi đã từ bỏ ác-nghiệp, tạo thiện-nghiệp.

Nay, tôi đã nhận thức được lỗi lầm, tôi thành tâm sám hối những tội-lỗi của tôi. Kính xin quý Đức-vua tha thứ lỗi cho tôi.

Các Đức-vua đều có tâm-từ hoan hỷ tha thứ lỗi cho Đức-vua Brahmadatta. Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền hỏi quý Đức-vua rằng:

-Này quý vị thân mến! Quý vị có thể ngự trở về kinh-thành của mình được chưa?

Các Đức-vua đều tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Sutasoma, mỗi Đức-vua chúng tôi có thể ngự trở về kinh-thành của mình được rồi.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo Đức-vua Brahmadatta rằng:

- Này Brahmadatta, bạn thân mến! Bạn cũng ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī của bạn.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo như vậy, Đức-vua Brahmadatta khóc, quỳ xuống ôm 2 bàn chân của Đức-vua Bồ-tát mà tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Sutasoma, vị thầy khả kính! Đại-vương cùng với 101 Đức-vua ngự trở về kinh-thành của mình, còn tôi ở lại trong rừng này tìm trái cây và rễ cây, để nuôi sống qua ngày.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

- Này Đại-vương Brahmadatta, bạn thân mến! Bạn ở lại trong rừng này có ích lợi gì đâu?

Bạn nên ngự trở về kinh-thành Bāraṇasī, lên ngôi vua trị vì đất nước Kāsi rộng lớn ấy.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo vậy, Đức-vua Brahmadatta tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính! Thầy truyền bảo như vậy được hay sao? Tôi không dám ngự trở về kinh-thành Bāraṇasī, bởi vì tôi đã từng là kẻ thù của dân chúng trong kinh-thành Bāraṇasī. Khi họ nhìn thấy tôi, họ sẽ mắng nhiếc tôi là kẻ sát nhân ăn thịt mẹ cha, bà con của họ, họ sẽ đánh đập tôi, thậm chí giết chết tôi nữa. Còn tôi đã thọ trì ngũ-giới từ nơi Thầy rồi, để giữ gìn ngũ-giới cho được trong sạch và trọn vẹn, tôi không thể nào chống cự lại họ được, dù để bảo vệ sinh-mạng. Vì vậy, tôi không thể ngự trở về kinh-thành Bāraṇasī được. Vả lại, không dùng thịt người, liệu tôi còn sống được bao nhiêu ngày nữa. Chắc tôi không còn có cơ hội gặp lại Đại-vương, Đức Thầy khả kính của đời tôi nữa đâu.

Đức-vua Brahmadatta khóc nức nở, tâu tiếp rằng:

- Kính thỉnh Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính ngự trở về kinh-thành Indapatta.

-Kính xin Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính để một mình tôi ở lại trong khu rừng này.

Nghe lời than vãn của Đức-vua Brahmadatta, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma cảm động đưa bàn tay vuốt nhẹ lưng của Đức-vua, rồi truyền bảo rằng:

- Này Đại-vương Brahmadatta, bạn thân mến! Tôi là vua Sutasoma đã khuất phục người tàn nhẫn, độc ác như bạn còn được, huống gì dân chúng kinh-thành Bāraṇasī sao lại không được? Tôi sẽ đưa bạn ngự trở về kinh-thành Bāraṇasī, lên ngôi vua trị vì đất nước Kāsi.

Nếu không được thì tôi sẽ chia đất nước của tôi làm hai phần, ban cho bạn một phần, rồi làm lễ đăng quang suy tôn bạn lên làm vua.

Nghe lời truyền bảo chí tình của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, Đức-vua Brahmadatta tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính! Tôi cũng từng là kẻ thù của dân chúng kinh-thành Indapatta.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma suy nghĩ tìm cách khác để thuyết phục Đức-vua Brahmadatta tin tưởng mà chịu trở về kinh-thành Bāraṇasī. Cho nên, Đức-vua Bồ-tát khéo diễn tả cuộc sống của Đức-vua Brahmadatta trước kia trong cung điện, hưởng mọi sự an-lạc, làm cho Đức-vua hồi tưởng lại cuộc sống ấy và nghĩ đến cuộc sống cô đơn vất vả trong rừng một mình. Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo Đức-vua Brahmadatta rằng:

-Này Đại-vương Brahmadatta, bạn thân mến! Xin mời bạn cùng đi với tôi. Tôi sẽ đưa bạn ngự trở về kinh-thành Bāraṇasī, làm lễ đăng quang suy tôn bạn lên làm vua xong, tôi mới ngự trở về kinh-thành Indapatta.

Nếu bạn không lên ngôi làm vua tại kinh-thành Bāraṇasī được, thì tôi sẽ đưa bạn trở về kinh-thành Indapatta. Tôi sẽ ban cho bạn một nửa phần đất nước, rồi làm lễ đăng quang suy tôn bạn lên làm vua. Bạn sống trong rừng cô đơn vất vả một mình có ích lợi gì đâu. Xin bạn hãy nên nghe theo lời khuyên của tôi.

Nghe lời khuyên bảo chí tình, lời khẩn khoản của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, Đức-vua Brahmadatta vô cùng cảm kích trước tấm lòng tốt thuỷ chung của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, Đức thầy khả kính, người bạn thân thiết nhất đời, nên suy nghĩ rằng:

“Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính, có tâm đại-bi cứu vớt ta khỏi vũng bùn tội ác, nâng đỡ ta trở nên người có giới-hạnh trong sạch. Bây giờ, Đại-vương Sutasoma lại muốn ta trở lại kinh-thành Bāraṇasī, làm lễ đăng quang lên ngôi vua như xưa, được hưởng mọi sự an-lạc. Ta ở lại sống trong rừng này có ích lợi gì đâu.

Vậy, ta nên tin và vâng lời khuyên bảo của Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính của ta.”

Sau khi suy nghĩ như vậy, Đức-vua Brahmadatta kính tâu rằng:

-Kính tâu Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính! Tôi vô cùng cảm kích trước tấm lòng thương yêu chân-thật của thầy đối với tôi. Vậy, tôi xin vâng lời thầy, đi theo thầy trở về kinh-thành Bāraṇasī.

-Kính tâu Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính! Sự gần gũi thân cận với bậc thiện-trí đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp vị-lai. Còn sự gần gũi thân cận với kẻ ác chỉ đem lại sự bất lợi, sự thoái hoá, sự khổ đau trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp vị-lai.

Đức-vua Brahmadatta tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma đủ điều. Sau đó, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma dẫn Đức-vua Brahmadatta cùng 101 Đức-vua ngự ra khỏi rừng đến vùng biên giới.

Nhìn thấy Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, dân chúng đi đến kinh-thành Indapatta báo cho các quan trong triều đình biết. Các quan văn võ, các tướng lĩnh dẫn các đội binh đến đón rước. Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự cùng với các quan, các đội binh đông đảo đi đến kinh-thành Bāraṇasī.

Khi ấy, Thái-tử của Đức-vua Brahmadatta lên ngôi làm vua, vị quan Kāḷahatthi cũng là vị Thừa-tướng trong triều như xưa. Dân chúng ngoại thành đi vào trong kinh-thành Bāraṇasī đến chầu Đức-vua, rồi tâu rằng:

- Tâu Bệ-hạ, Đại-vương Sutasoma đã thuyết phục được Đức-vua Brahmadatta, và đang cùng các quan, các đội binh hùng hậu ngự đến kinh-thành Bāraṇasī này.

Nghe tâu như vậy, Đức-vua liền truyền lệnh đóng cửa thành, và các đoàn binh cầm khí giới sẵn sàng. Khi đoàn quân của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma đã đến kinh-thành Bāraṇasī, các quan đến tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Sutasoma, cửa thành Bāraṇasī đã bị đóng chặt rồi!

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma liền truyền lệnh cho Đức-vua Brahmadatta và 101 Đức-vua cùng các đội binh dừng lại bên ngoài kinh-thành, Đức-vua Bồ-tát Suta-soma ngự đến cửa thành cùng với 2-3 vị quan, truyền lệnh rằng:

- Ta là Đức-vua Sutasoma, các ngươi hãy mở cửa thành!

Các quan giữ cửa thành vào tâu, Đức-vua Bāraṇasī liền truyền lệnh rằng:

-Đại-vương Sutasoma là bậc đại-thiện-trí, có giới đức đáng kính, là Đức Pháp-vương, chắc chắn không có tai hoạ nào xảy đến với chúng ta.

Vậy, các khanh hãy mở cửa thành ngay!

Đức-vua Bāraṇasī cùng Thừa-tướng Kāḷahatthi ra cửa thành đón rước Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự vào cung điện, cung thỉnh Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự trên ngai vàng, còn Đức-vua Bāraṇasī ngự chỗ thấp hơn. Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền lệnh cho mời Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Brahmadatta cùng các quan đến hội triều đông đủ. Đức-vua Sutasoma truyền hỏi rằng:

- Này quan Thừa-tướng Kāḷahatthi! Tại sao các ngươi không cho Đức-vua Brahmadatta ngự vào kinh-thành?

Vị Thừa-tướng Kāḷahatthi tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, khi trị vì đất nước, Đức-vua Brahmadatta là người tàn nhẫn, ăn thịt người. Đức-vua đã truyền lệnh cho người đầu bếp giết nhiều người trong kinh-thành này, lấy thịt làm món ăn dâng lên Đức-vua. Tuy chúng thần đã khuyên can, nhưng Đức-vua vẫn không chịu nghe, không chịu từ bỏ ăn món thịt người trong mỗi bữa ăn hằng ngày. Cho nên, chúng thần đành phải mời Đức-vua rời khỏi cung điện, ra khỏi kinh-thành này, ra khỏi đất nước này, để cho dân chúng được sống an lành. Nay, nghe tin Đức-vua Brahmadatta ngự trở lại kinh-thành, chúng thần lo sợ. Cho nên, Đức-vua hiện-tại truyền lệnh đóng cửa thành lại. Kính tâu Đại-vương.

Nghe các quan tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:

- Này các quan! Nay, các ngươi không còn phải lo sợ Đức-vua Brahmadatta sẽ tạo ác-nghiệp giết người ăn thịt như vậy nữa, bởi vì Trẫm đã thuyết phục được Đức-vua Brahmadatta từ bỏ ăn món thịt người rồi. Bây giờ, Đức-vua Brahmadatta đã thức tỉnh, biết phục thiện, trở thành Đức-vua thiện-trí có giới hạnh trong sạch.

Từ nay về sau, Đức-vua Brahmadatta chắc chắn sẽ không bao giờ gây tai hoạ đến cho bất cứ một ai nữa.

Vậy, các ngươi hãy nên tôn kính Đức-vua Brahmadatta.

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo Đức-vua Bāraṇasī là Thái-tử con của Đức-vua Brahmadatta rằng:

-Này Thái-tử! Bổn phận làm con phải biết tôn kính, biết lo phụng dưỡng mẹ cha. Nếu những người con nào không biết tôn kính, không biết lo phụng dưỡng mẹ cha thì sau khi những người con ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp ấy sẽ cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.

Nếu những người con nào biết tôn kính, biết lo phụng dưỡng mẹ cha, thì sau khi những người con ấy chết, đại-thiện-nghiệp ấy sẽ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới: cõi người hoặc cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi thiện-giới ấy.

-Này Thái-tử! Ngươi là con của Đức-vua Brahma-datta, ngươi phải có bổn phận biết tôn kính, biết lo phụng dưỡng Đức-Phụ-vương của ngươi một cách cung kính. Ngươi hãy nên cố gắng làm tròn bổn phận người con đối với Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu của ngươi.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi rằng:

- Này Kāḷahatthi! Khanh là bạn của Đức-vua Brahma-datta, Đức-vua Brahmadatta đã phong cho khanh địa vị quan Thừa-tướng trong triều.

Vậy, khanh phải nên phục vụ đem lại sự lợi ích, sự an-lạc đến Đức-vua Brahmadatta và đất nước Kāsi này.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Brahmadatta rằng:

- Này Chánh-cung Hoàng-hậu! Bà xuất thân từ hoàng tộc, và được phong lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Brahmadatta, đã sinh hạ Thái-tử, các hoàng-tử, các công-chúa.

Vậy, Bà cũng phải nên có bổn phận phục vụ, đem lại sự lợi ích, sự an-lạc đến Đức-vua Brahmadatta.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền dạy bài kệ rằng:

Đức-vua thắng người không nên thắng (chiếm ngôi của Đức-Phụ-vương), thì không xứng danh là Vua.

Bạn thắng bạn của mình (lừa bạn), thì không gọi là người bạn tốt.

Vợ không biết tôn trọng chồng (coi thường chồng), thì không gọi là vợ hiền.

Con không lo phụng dưỡng mẹ cha, thì không gọi là người con chí hiếu.

Trong cuộc hội họp, nếu không có bậc thiện-trí, thì không gọi là cuộc hội họp hợp pháp.

Người nào không nói đúng chánh-pháp, thì không gọi là bậc thiện-trí.

Bậc nào diệt được tham, sân, si, rồi thuyết dạy đúng theo chánh-pháp, thì bậc ấy được gọi là bậc thiện-trí.

Bậc thiện-trí nào ngồi chung với các hàng thiểu trí, nếu bậc thiện-trí ấy không phát biểu, thì không biết bậc ấy là bậc thiện-trí.

Bậc thiện-trí ấy thuyết pháp Niết Bàn bất tử, thì mới biết bậc ấy là bậc Đại-thiện-trí.

Bậc thiện-trí thuyết dạy chánh-pháp rõ ràng.

Bậc thiện-trí thường tán dương ca tụng chánh-pháp của bậc Đại-thiện-trí.

Chư Đại-thiện-trí nói lời thiện ngôn là lá cờ chánh-pháp của chư Đại-thiện-trí.

Lắng nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma thuyết pháp xong, Đức-vua Bāraṇasī, Thừa-tướng Kāḷahatthi, Chánh-cung Hoàng-hậu, các quan trong triều, … đều phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ, rồi bàn bạc với nhau tổ chức đại lễ đón rước Đức-vua Brahmadatta ngự vào cung điện.

Đức-vua Bāraṇasī liền truyền lệnh các quan văn võ, các tướng lĩnh chuẩn bị các đoàn binh, truyền lệnh dân chúng trong kinh-thành không nên lo sợ nữa. Vì hiện-tại Đức-vua Brahmadatta là Đức-vua có giới hạnh tốt, thực-hành thiện-pháp. Vì vậy, các bá quan văn võ, các tướng sĩ, các đoàn binh, toàn thể dân chúng trong kinh-thành và ngoại thành cùng nhau hội họp làm đại lễ đón rước Đức-vua Brahmadatta ngự vào cung điện.

Ngay khi ấy, đại lễ đón rước bắt đầu, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự đi dẫn đầu, Đức-vua Bāraṇasī, bá quan văn võ, các khanh tướng sĩ, các đoàn binh cùng dân chúng theo sau đến đón rước Đức-vua Brahmadatta tại ngoài kinh-thành.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền gọi người thợ sửa râu tóc cho Đức-vua Brahmadatta, mặc vương phục, rồi thỉnh Đức-vua ngự lên voi báu, rước vào kinh-thành Bāraṇasī.

Đến cung điện, thỉnh Đức-vua Brahmadatta ngự lên ngai vàng. Đại lễ đăng quang trọng thể suy tôn Đức-vua Brahmadatta lên ngôi vua trở lại, có sự hiện diện chứng minh chủ trì của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma và 101 Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu. Mọi người đều tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma rằng:

-Đại-vương Sutasoma đã thuyết phục được tên sát nhân Porisāda biết phục thiện, từ bỏ mọi ác-nghiệp, tạo mọi đại-thiện-nghiệp, trở lại Đức-vua Brahmadatta có giới hạnh trong sạch, hành thiện-pháp, rồi làm lễ đăng quang lên ngôi vua như xưa.

Đức-vua Brahmadatta truyền lệnh làm lễ thiết đãi Đức-vua Bồ-tát Sutasoma cùng 101 Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu trong tình bằng hữu thân thiện. Các nước trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu đều gửi sứ giả đến tham dự lễ đăng quang của Đức-vua Brahma-datta lên ngôi vua trở lại, đồng thời thỉnh 101 Đức-vua của họ ngự trở về cố quốc.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma cùng Đức-vua Brahmadatta làm lễ tiễn đưa 101 Đức-vua. Riêng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma vẫn còn ở lại kinh-thành Bāraṇasī thêm 1 tháng nữa, để thuyết pháp tế độ các quan trong triều, những người trong hoàng gia, toàn thể dân chúng trong kinh-thành và ngoài kinh-thành, đặc biệt với Đức-vua Brahmadatta rằng:

-Này Đại-vương Brahmadatta, bạn thân mến! Bạn không nên dể duôi, nên cố gắng tạo mọi phước-thiện, nên lập 5 trại để bố-thí: 4 trại bố-thí tại 4 cửa thành và 1 trại tại trước cung điện. Hằng ngày, bạn nên làm phước bố-thí đến mọi người nghèo khổ, thiếu thốn đói khổ, nên thực-hành nghiêm chỉnh 10 pháp-hành của Đức-vua. Bạn không nên có tâm thiên vị đối với các người trong hoàng tộc, các quan, các quân lính, và toàn thể dân chúng trong nước.

Một tháng sau, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma từ giã Đức-vua Brahmadatta ngự trở về kinh-thành Indapatta. Đức-vua Brahmadatta tiễn đưa Đức-vua Bồ-tát Sutasoma với lòng tôn kính và tri ân sâu sắc.

Đức-Vua Bồ-Tát Ngự Trở Về Kinh-Thành Indapatta

Kinh-thành Indapatta được trang hoàng lộng lẫy, các quan văn võ, các đoàn binh, toàn thể dân chúng làm lễ đón rước Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự trở về. Khi về đến hoàng cung, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự đến đảnh lễ vấn an Đức Thái-Thượng-hoàng và Hoàng-Thái-hậu trước. Sau đó, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự trở về cung điện, ngồi trên ngai vàng, các quan tề tựu đến chầu Đức-vua Sutasoma. Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo các quan trong triều không nên dể duôi, cố gắng tinh-tấn tạo mọi phước-thiện, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc cho mình và cho mọi chúng-sinh khác.

Đức-Vua Brahmadatta Thiện-Trí

Vâng lời khuyên dạy Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, Đức-vua Brahmadatta trị vì đất nước bằng thiện-pháp, hồi tưởng lại sự việc đã xảy ra:

“Vị chư-thiên cội cây có nhiều ân-đức đối với ta, ta phải nên làm lễ cúng dường đến vị chư-thiên ấy.”

Nghĩ như vậy xong, để cúng dường vị chư-thiên cội cây, Đức-vua Brahmadatta truyền lệnh cho san bằng vùng xung quanh gốc cây da, đào một hồ nước lớn, làm đường sá đi lại thuận tiện, lập ra một khu dân cư, có nhiều dân chúng đến lập nghiệp đông đúc, mọi người sinh sống phồn thịnh, an-lạc.

Hằng ngày dân chúng cúng dường đến vị chư-thiên cội cây ấy. Đức-vua Brahmadatta thực-hành theo lời khuyên dạy của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma trị vì đất nước hợp theo thiện-pháp, không dể duôi, cố gắng tinh-tấn tạo mọi phước-thiện cho đến suốt đời.

Sau khi Đức-vua Brahmadatta băng hà, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh lên cõi trời dục-giới hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.

Sau khi thuyết về tích Mahāsutasomajātaka xong, Đức-Thế-Tôn thuyết bài kệ rằng:

“Saccavācaṃ anurakkhanto, cajitvā mama jīvitaṃ. Mocesiṃ ekasataṃ khatthiye, esā me saccapāramī.”[12]

Tiền-kiếp Như-Lai là Đức-vua Bồ-tát Sutasoma

Dám hy sinh thân mạng của mình, để giữ gìn lời hứa chân-thật.

Cứu sống được 101 Đức-vua thoát khỏi chết.

Đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc thượng

Của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, tiền-kiếp Như-Lai.

Thuyết về tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là Đức-vua Bồ-tát Sutasoma xong, Đức-Thế-Tôn thuyết dạy pháp chân-lý tứ Thánh-đế, thì một số tỳ-khưu chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, tuỳ theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi tỳ-khưu.

Đức-Thế-Tôn truyền rằng:

-Này chư tỳ-khưu, Như-Lai không chỉ tế độ được Aṅgulimāla, kẻ cướp sát nhân trong kiếp hiện-tại này, mà còn tiền-kiếp của Như-Lai là Đức-vua Bồ-tát Sutasoma đã từng tế độ, thuyết phục được tiền-kiếp của Aṅgulimāla là kẻ sát nhân Porisāda ăn thịt người, biết thức tỉnh, biết phục thiện, rồi trở lại thành Đức-vua Brahmadatta có giới hạnh trong sạch, thực-hành các thiện-pháp cho đến trọn đời.

Tích Mahāsutasomajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Tích Mahāsutasomajātaka này, Đức-vua Bồ-tát Mahā-sutasoma là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc thượng trong kiếp quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Mahā-sutasomajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại như sau:

- Vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

- Vị thiên-nam cội cây, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-Lão Mahākassapa.

- Đức-vua trời Sakka, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha.

- Vị Bà-la-môn Nanda, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

- Tên sát nhân Porisāda, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla.

- 101 Đức-vua, nay kiếp hiện-tại là các hàng Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.

- Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phụ-vương Suddhodana Mẫu-hậu Mahāmayādevī.

- Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

10 Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát Mahāsutasoma, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh chân-thật Ba-La-Mật bậc thượng, ngoài ra còn có chín pháp-hạnh Ba-La-Mật khác là phụ cũng đồng thời thành tựu như sau:

- Đức-vua Bồ-tát Sutasoma quyết định hy sinh thân mạng để giữ gìn lời hứa hẹn chân thật, đó là pháp-hạnh bố-thí Ba-La-Mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sutasoma giữ gìn giới trong sạch, đó là pháp-hạnh giữ-giới Ba-La-Mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sutasoma từ bỏ ngai vàng, từ bỏ mọi sự an-lạc của Đức-vua, đó là pháp-hạnh xuất-gia Ba-La-Mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sutasoma suy xét đúng đắn sự lợi ích của sự giữ gìn lời chân-thật, đó là pháp-hạnh trí-tuệ Ba-La-Mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sutasoma có sự tinh-tấn luôn luôn giữ gìn lời chân thật, đó là pháp-hạnh tinh-tấn Ba-La-Mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sutasoma có đức tính nhẫn-nại chịu đựng không phát sinh tâm-sân, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại Ba-La-Mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sutasoma phát nguyện: “Dù hư không bị vỡ, nước biển bị khô cạn,…” đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sutasoma phát sinh tâm-từ đối với tên sát nhân Porisāda, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sutasoma giữ tâm bình thản trước sự chết, … đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là 9 pháp-hạnh ba-la-mật phụ cũng đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc thượng.

Nhận Xét Về Tích Đức-Vua Bồ-Tát Mahāsutasoma

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc thượng (Saccaparamatthapāramī).

Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ, để hỗ trợ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật đó là lời nói chân-thật (saccavācā), Đức-Bồ-tát nói như thế nào thì hành như thế ấy, hành như thế nào thì nói như thế ấy.

Đức-Bồ-tát tôn trọng giữ gìn lời nói chân-thật hơn cả sinh-mạng của mình. Nếu Đức-Bồ-tát dám hy sinh thân mạng để giữ gìn lời nói chân-thật của mình thì gọi là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc thượng.

Vậy,lời nói chân-thật có tầm quan trọng như thế nào?

Lời nói chân-thật được phát sinh từ đại-thiện-tâm trong sạch thì lời nói chân-thật ấy có năng lực tiềm tàng rất phi thường. Bậc thiện-trí nói lời chân-thật khiến cho người nghe phát sinh đức-tin trong sạch nơi bậc thiện-trí ấy, khiến cho kẻ thù phải run sợ, biết thức tỉnh, rồi bỏ ác-nghiệp, tạo đại-thiện-nghiệp, từ bỏ tà-kiến theo chánh-kiến như trường hợp tên sát nhân Porisāda.

Lời nói chân-thật còn có khả năng đặc biệt khác như:

- Làm tan biến chất độc của mũi tên: như trường hợp Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma.

- Làm tan biến nọc rắn độc: như trường hợp Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kaṇhadīpayana.

- Dập tắt được ngọn lửa rừng: như trường hợp Đức-Bồ-tát chim cút con chưa đi, chưa bay được.

Cho nên, lời nói chân-thật có năng lực rất phi thường.

Đức-vua Bồ-tát Mahāsutasoma truyền bảo rằng:

“Saccaṃ tesaṃ sādutaraṃ rasānaṃ…”

Lời nói chân-thật là vị cao thượng hơn các thứ vị trong đời.

Sinh-mạng của mình là quý hơn tất cả mọi thứ trong đời. Cho nên, người ta dám hy sinh của cải tài sản, dám hy sinh bộ phận trong thân thể để bảo vệ sinh-mạng.

Đối với chư Đức-Bồ-tát, nếu khi giữ gìn giới của mình cho được trong sạch trọn vẹn, hoặc giữ gìn lời chân-thật, v.v…hoặc tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng nào, thì chư Đức-Bồ-tát ấy dám hy sinh thân mạng của mình, để cho thành tựu pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng ấy, bởi vì, sinh-mạng của mình tuy là quý nhất, nhưng chỉ quý trong một kiếp ấy mà thôi.

Đến khi chết, sinh-mạng này không còn nữa. Còn giữ gìn giới của mình trong sạch đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật hoặc giữ gìn lời nói chân-thật đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật, v.v… là các pháp-hạnh ba-la-mật làm nhân duyên hỗ trợ để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, hoặc trở thành Đức-Phật Độc-Giác, hoặc trở thành bậc thánh thanh-văn-giác thì cao thượng hơn biết dường nào!

Vấn: Tại sao Đức-vua Brahmadatta ưa thích dùng món thịt người nhất, để trở thành tên sát nhân Porisāda ăn thịt người?

Đáp: Bởi vì tiền-kiếp vừa qua của Đức-vua Brahma-datta đã từng sinh làm kiếp Dạ-xoa (yakkha) thường ăn thịt người. Kiếp Dạ-xoa đã trải qua thời gian lâu dài ăn thịt người như vậy, nên vị của thịt người đã tích luỹ in sâu trong tâm tưởng gọi rasasaññā: vị tưởng. Cho nên trong kiếp hiện-tại, lần đầu tiên Đức-vua Brahmadatta khi vừa nếm đến vị của món thịt người, liền có cảm giác vị ngon quen thuộc đáng ưa thích nhất của mình.

Từ đó về sau, trong mỗi bữa ăn không thể thiếu món thịt người được.

Trong vòng tử sinh luân-hồi của mỗi chúng-sinh đều đã tích luỹ vô số ác-nghiệp và vô số đại-thiện-nghiệp.

- Nếu ác-nghiệp nào có cơ hội, gặp nghịch-duyên (vipatti) thì ác-nghiệp ấy cho quả khổ trực tiếp đến cho chúng-sinh ấy, và quả khổ ấy cũng có ảnh hưởng gián tiếp đến các chúng-sinh khác gần gũi với chúng-sinh ấy.

- Nếu đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội, gặp thuận-duyên (sampatti) thì đại-thiện-nghiệp ấy cho quả an-lạc trực tiếp đến cho chúng-sinh ấy, và quả an-lạc ấy cũng có ảnh hưởng gián tiếp đến chúng-sinh khác gần gũi với chúng-sinh ấy.

Vậy, chúng ta không nên gần gũi thân cận với kẻ ác, để tránh khỏi ảnh hưởng quả khổ của kẻ ác, và chúng ta nên gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, để được ảnh hưởng quả an-lạc của bậc thiện-trí.

(Xong pháp-hạnh chân thật ba-la-mật bậc thượng)



[1] Bộ Jātakaṭṭhakathā, phần Tikanipāta, tích Mahiṃsajātaka.

[2] Bộ Jātakaṭṭhakathā, Pañcakanipāta, Cūḷdhammapālajātakavaṇṇanā.

[3] Bộ Jātakaṭṭhakathā, phần Catukanipāta, tích Khantivādījātaka.

[4] Bộ Khu. Jātakaṭṭhakathā, phần Nidāna, Khu. Cariyāpiṭaka.

[5] Bộ Jātakaṭṭhakathāpāḷi, phần Ekakanipāta, tích Vaṭṭakajātaka.

[6] Bộ Jātakaṭṭhakathā, Ekakanipāta, Vaṭṭajātakavaṇṇanā.

[7] Bộ Jātakaṭṭhakathā, Dasakanipāta, tích Kaṇhadīpāyanajātaka.

[8] Bộ Jātakaṭṭhakathā, phần Ekakamipāta, tích Macchajāttaka.

[9] Bộ Jātakaṭṭhakathā, Asītinipāta, Mahāsutasomajātakavaṇṇanā.

[10] Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla vốn có tên thật là Ahiṃsaka (Vô-Hại). Khi vào trong rừng, trở thành tên cướp sát nhân giết người, cắt đầu ngón tay xâu làm vòng đeo cổ, nên có biệt danh là Aṅgulimāla. Nên tìm hiểu đầy đủ trong quyển 8 Sự Tích Phật-Lực, cùng soạn giả.

[11] Yakkha: Dạ-xoa là hạng chư-thiên ở phương Bắc thuộc cõi trời Tứ-đại-Thiên-vương, do Đức Đại-Thiên-vương Kuvera cai quản. Yakkha có thể hoá ra người.

[12] Bộ Khu. Jātakaṭṭhakathā, Nidānakatthā, Khu. Cariyāpiṭaka.

 


Mục lục quyển 8 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07


Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10


[Đầu trang][Mục lục tổng quát]