NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)

QUYỂN IX

PHÁP-HÀNH THIỀN-ĐỊNH
(SAMATHABHĀVANĀ)


Giảng Giải 40 Đề-Mục Thiền-Định

1-10 Đề-Mục Thiền-Định Hình Tròn Kasiṇa

10 đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa là 10 đề-mục thiền-định có đủ 3 loại nimitta, 3 loại bhāvanā, 3 loại samādhi, có khả năng dẫn đến chứng đắc đủ 5 bậc thiền sắc-giới.

1.1-Đề-Mục Thiền-Định Hình Tròn Đất (Pathavīkasiṇa)

Pathavīkasiṇa = Pathavī + kasiṇa

Pathavī: Đất dùng để làm đề-mục thiền-định (pathavī-kasiṇa) không phải là thật-tánh của đất (sabhāvapathavī) có trạng-thái cứng hoặc mềm, thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), mà chỉ là đất bình thường tự nhiên (sasambhārapathavī) thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) mà thôi.

Kasiṇa: Trọn vẹn đề-mục thiền-định hình tròn đất, nghĩa là hành-giả hướng tâm đến trọn vẹn đề-mục thiền-định hình tròn đất, không thiếu một phần nào.

Pathavīkasiṇa là đề-mục thiền-định hình tròn đất trọn vẹn mà hành-giả dùng làm đề-mục của pháp-hành thiền-định, có khả năng dẫn đến chứng đắc đầy đủ 5 bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả là bậc xuất gia tỳ-khưu, sa-di hoặc cận-sự-nam, cận-sự-nữ có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavī-kasiṇa), hành-giả không nên biết đến thật-tánh của địa-đại (sabhāvapathavī) có trạng-thái cứng, mềm thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), cũng không nên quan tâm đến màu sắc của đề-mục thiền-định hình tròn đất, mà hành-giả chỉ nên hướng tâm đến toàn diện trọn vẹn đối-tượng đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) là đất bình thường (sasambhārapathavī) thuộc về chế-định-pháp mà thôi.

Tiền-kiếp chứng đắc thiền sắc-giới

* Nếu hành-giả là người đã từng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới với đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavī-kasiṇa) trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại (kiếp trước từ tầng trời sắc-giới phạm-thiên tái-sinh xuống làm người), thì khi hành-giả hướng tâm đến đất bình thường tự nhiên (sasambhārapathavī) như mặt đất, đám đất nào đó thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma), làm đối-tượng đề-mục thiền-định hình tròn đất gọi là đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu, với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu với dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng: “Pathavī, … Pathavī, … Pathavī, … hoặc Đất, … Đất, … Đất, …”

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định trong đề-mục thiền-định hình tròn đất có đối-tượng parikammanimitta ban đầu ấy được tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là đối-tượng thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định hình tròn đất phát sinh rõ ở trong tâm.

Khi đối-tượng uggahanimitta đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả không nên hướng tâm đến đối-tượng đề-mục thiền-định hình tròn đất bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm đến đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định hình tròn đất ấy bên trong tâm mà thôi, được tiến triển dần dần trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định hình tròn đất phát sinh rõ ở trong tâm với upacārabhāvanā: Tâm-hành cận bậc thiền sắc-giới, đạt đến upacārasamādhi: Cận-định gần bậc thiền sắc-giới.

Nếu hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng pathavīpaṭibhāga-nimitta: Đối-tượng quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định hình tròn đất ấy thì tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi đã chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) ấy, bắt đầu hướng tâm đến đối-tượng pathavīpaṭibhāga-nimitta là đối-tượng quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định hình tròn đất ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm.

Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) ấy như vậy, theo tuần tự chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm một cách thuận lợi đối với hành-giả ấy.

* Nếu hành-giả là người không chứng đắc đề-mục-thiền-định đất trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì hành-giả cần phải làm đề-mục thiền-định hình tròn đất:

Cách làm đề-mục thiền-định hình tròn đất Pathavīkasiṇa

Hành-giả tìm đất sét màu mặt trời hừng đông rất sạch sẽ và dẻo, nhồi đất sét ấy cho thật nhuyễn, rồi cán mỏng ra trên tấm ván thành bánh tròn bằng phẳng trơn tru, không có vật dơ nào dính trên mặt hoàn toàn sạch sẽ, cũng không có màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng lẫn lộn, cắt bánh hình tròn có đường kính 1 gang và 4 lóng tay nằm ngang, dùng màu xanh hoặc màu trắng, vẽ một đường viền bằng ¼ lóng tay vòng quanh chu vi hình tròn đất sét, để làm nổi phần đất sét “đề-mục thiền-định đất (pathavīkasiṇa)”.

Đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) trung bình có đường kính 1 gang và 4 lóng tay nằm ngang đối với các hành-giả. Nếu đối với hành-giả có tính hay suy nghĩ (vitakkacarita) thì nên làm đề-mục thiền-định hình tròn đất nhỏ lại 2 hoặc 3 lóng tay, để phù hợp với hành-giả có tính hay suy nghĩ. Và đối với hành-giả có tính si (moha-carita) thì nên làm đề-mục thiền-định hình tròn đất lớn thêm 4 hoặc 8 lóng tay, để phù hợp với hành-giả có tính si.

Đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) mà hành-giả sử dụng làm đối-tượng thiền-định để thực-hành pháp-hành thiền-định, hành-giả nên biết tôn kính và giữ gìn sạch sẽ như là tượng Đức-Phật.

Đặt Đề-mục thiền-định hình tròn đất (Pathavīkasiṇa)

Sau khi đã làm đề-mục thiền-định hình tròn đất xong, hành-giả cần phải tìm một nơi thanh vắng, thuận lợi cho việc thực-hành pháp-hành thiền-định. Hành-giả đặt đề-mục thiền-định hình tròn đất ngay trước mặt ngang tầm mắt, không cao, không thấp, cách chỗ ngồi khoảng 2 cùi và 1 gang tay.

Nếu hành-giả ngồi cách xa quá thì mắt không nhìn thấy rõ trọn vẹn đề-mục thiền-định hình tròn đất, hoặc nếu ngồi gần quá thì mắt nhìn thấy rõ dấu tay, những tỳ trên mặt đề-mục thiền-định hình tròn đất.

Như vậy, làm trở ngại cho định-tâm trong đề-mục thiền-định hình tròn đất và làm cho đối-tượng uggahanimitta: Thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định hình tròn đất khó phát sinh.

Cho nên, hành-giả ngồi không xa quá, cũng không gần quá với đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavī-kasiṇa) ấy.

Pháp hỗ trợ pháp-hành thiền

Thực-hành pháp-hành thiền-định hoặc pháp-hành thiền-tuệ cho được thuận lợi, hành-giả cần phải biết những pháp hỗ trợ như sau:

- Để có đức-tin trong sạch trong pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, hành-giả nên niệm tưởng đến 9 ân-Đức-Phật, 6 ân-Đức-Pháp, 9 ân-Đức-Tăng.

- Để tránh mọi sự trở ngại và tai hại, hành-giả nên niệm rải tâm-từ đến tất cả chúng-sinh vô-lượng trong muôn loài.

- Để diệt tâm tham-ái trong 5 đối-tượng ngũ dục: Sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục, hành-giả nên niệm về 32 thể trược (trọc) trong thân của mình.

- Để có sự tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, hành-giả niệm về sự chết.

Bốn pháp hỗ trợ này được áp dụng tùy lúc, hợp thời.

Phương pháp thực-hành đề-mục thiền-định hình tròn đất (Pathavīkasiṇa)

Sau khi ngồi trong tư thế 2 chân bắt lên nhau ngay thẳng trước đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa), hành-giả chắp 2 tay cung kính đề-mục thiền-định hình tròn đất, rồi đặt bàn tay phải trên bàn tay trái trên 2 bàn chân, mắt nhìn thẳng đến toàn diện trọn vẹn đối-tượng đề-mục thiền-định hình tròn đất, không nên nhìn một phần nào của đề-mục thiền-định hình tròn đất ấy.

Khi hành-giả hướng tâm đến trọn vẹn đối-tượng đề-mục thiền-định hình tròn đất, không nên biết đến thật-tánh của địa-đại (sabhāvapathavī) có trạng-thái cứng, mềm thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), cũng không nên quan tâm đến màu sắc của đề-mục thiền-định hình tròn đất, mà hành-giả chỉ nên hướng tâm đến trọn vẹn đối-tượng đề-mục thiền-định hình tròn đất là đất bình thường (sasambhārapathavī) thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) mà thôi.

Thực-hành đề-mục thiền-định hình tròn đất Pathavī-kasiṇa

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) gọi là đối-tượng parikammanimitta, là đề-mục thiền-định ban đầu với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu trong dục-giới lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javanacitta) dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Pathavī,… Pathavī,… Pathavī,… hoặc Đất,… Đất,… Đất,…” từng lúc khoảng 2-3 giây đồng hồ một lần, không nên niệm liên tục như niệm chú, nên thường mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến toàn diện trọn vẹn đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) ấy, càng lâu càng tốt, không nên thường nháy mắt, làm trở ngại đối-tượng uggahanimitta: Thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định hình tròn đất phát sinh rõ ở trong tâm.

Nếu hành-giả cảm thấy mỏi mắt thì nhắm mắt niệm thầm một lát, rồi mở mắt trở lại niệm thầm “Pathavī,… Đất,…” như vậy, cho đến khi đối-tượng parikamma-nimitta là đối-tượng đề-mục thiền-định ban đầu tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là đối-tượng thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) phát sinh rõ ràng trong tâm.

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định ban đầu thực-hành pháp-hành-thiền-định còn cách xa bậc thiền sắc-giới.

Đối-tượng Uggahanimitta phát sinh rõ ở trong tâm

Khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định hình tròn đất đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả cần phải thay đổi chỗ ngồi, hoặc ngồi quay sang hướng khác, không còn phải mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến đề-mục thiền-định hình tròn đất bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm nhìn đối-tượng uggaha-nimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định hình tròn đất bên trong tâm của hành-giả mà thôi.

Đối-tượng Uggahanimitta biến mất trong tâm

Nếu đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định hình tròn đất ấy bị biến mất thì hành-giả cần phải quay trở lại mở mắt bình thường hướng tâm nhìn thẳng đến trọn vẹn đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) ấy với parikamma-bhāvanā: Tâm-hành ban đầu với dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng: “Pathavī,... Pathavī,… Pathavī,… hoặc Đất,… Đất,… Đất,… Đất,…” như trước cho đến khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định hình tròn đất phát sinh rõ trở lại trong tâm như trước.

Sự khác nhau của Parikammanimitta với Uggahanimitta

Đối-tượng parikammanimitta và đối-tượng uggaha-nimitta của đề-mục thiền-định hình tròn đất (patha-vīkasiṇa) là 2 đối-tượng có hình dáng, màu sắc, lớn nhỏ giống nhau, chỉ có điểm khác nhau như sau:

* Đối-tượng parikammanimitta của đề-mục thiền-định hình tròn đất ban đầu là đối-tượng đề-mục thiền-định hình tròn đất hiện-tại, mà hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-định, mở mắt bình thường hướng tâm nhìn thẳng đến toàn diện trọn vẹn đề-mục thiền-định hình tròn đất ấy với nhãn-môn-lộ-trình-tâm (cakkhu-dvāravīthicitta).

* Đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định hình tròn đất ấy là đối-tượng hình ảnh quá-khứ thô và tương tự với đề-mục thiền-định hình tròn đất được phát sinh rõ ở trong tâm, theo ý-môn-lộ-trình-tâm.

Đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định hình tròn đất được phát sinh rõ ở trong tâm mau hoặc chậm là tùy thuộc vào 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ và các pháp-hạnh ba-la-mật của hành-giả.

Khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) đã phát sinh rõ như gắn dính trong tâm của hành-giả rồi thì hành-giả khi đứng, hoặc khi ngồi, hoặc khi nằm, hễ khi nhắm mắt lại thì đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định hình tròn đất liền phát sinh rõ ở trong tâm.

Đối-tượng Paṭibhāganimitta phát sinh trong tâm

Nếu hành-giả thuộc hạng người tam-nhân (tihetuka-puggala) có 3 nhân: Vô-tham, vô-sân, vô-si (trí-tuệ) thì khi thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định đất, có khả năng làm cho đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định hình tròn đất ấy diễn biến dần dần trở nên hoàn toàn trong sạch thanh khiết, trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định hình tròn đất phát sinh rõ ràng ở trong tâm.

Sự khác nhau của Uggahanimitta với Paṭibhāganimitta

- Đối-tượng uggahanimitta và đối-tượng paṭibhāga-nimitta của đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavī-kasiṇa) cả 2 đối-tượng đều phát sinh rõ ở trong tâm, theo ý-môn-dục-giới lộ-trình-tâm, có khác nhau như sau:

- Đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự quá-khứ hoàn toàn giống như đề-mục thiền-định hình tròn đất ban đầu như các dấu tay, mặt đất có tỳ chút đỉnh, có màu lẫn lộn, v.v… như thế nào, khi đối-tượng uggahanimitta được phát sinh rõ ở trong tâm cũng có các dấu tay, mặt đất có tỳ chút đỉnh, có màu lẫn lộn, v.v… cũng đều như thế ấy.

- Đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng không giống như đề-mục thiền-định hình tròn đất ban đầu, bởi vì các dấu tay, mặt đất có tỳ chút đỉnh, có màu lẫn lộn, v.v… hoàn toàn biến mất, không còn một tỳ nhỏ nào cả, thay vào đó chỉ là hình ảnh hoàn toàn trong sáng thanh khiết mà thôi.

Thật ra, đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định đất là do năng lực của thiền-định tiến triển làm cho đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định hình tròn đất diễn biến dần dần biến mất các dấu tay, các tỳ, màu sắc, v.v… Vì vậy, đối-tượng uggahanimitta biến đổi trở nên hoàn toàn trong sáng thanh khiết, trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định hình tròn đất ấy.

Đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta không phải là đối-tượng chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) mà chỉ là đối-tượng chế-định-pháp (paññattidhamma) mà thôi.

Như vậy, từ đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavī-kasiṇa) gọi là đối-tượng parikammanimitta ban đầu tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta của parikammabhāvanā và parikammasamādhi.

Từ đối-tượng uggahanimitta tiến triển dần dần trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta của upacārabhāvanā, và upacārasamādhi: Cận-định có đối-tượng paṭibhāga-nimitta của đề-mục thiền-định hình tròn đất ấy, gần bậc thiền sắc-giới (mahaggatajjhāna).

Do năng lực của upacārasamādhi: Cận-định gần bậc thiền sắc-giới, nên làm giảm dần tiềm năng của 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa) không có cơ hội phát sinh.

 

5 Nīvaraṇa: 5 pháp-chướng-ngại

1- Kāmacchanda nīvaraṇa: Tham-dục trong ngũ dục.

2- Byāpāda nīvaraṇa: Sân-hận không hài lòng trong đối-tượng.

3- Thīna-middha nīvaraṇa: Buồn-chán -buồn-ngủ buông bỏ đối-tượng.

4- Uddhaccakukkucca nīvaraṇa: Phóng-tâm -hối-hận. 5-Vicikicchā nīvaraṇa: Hoài-nghi.

Năm pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa) này bị chế ngự làm cho yếu dần bởi năng lực của upacārasamādhi có đối-tượng paṭibhāganimitta.

Đối-tượng paṭibhāganimitta có 2 giai đoạn:

- Giai đoạn đầu: Đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) là đối-tượng của upacārabhāvanā: Tâm-hành cận bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định hình tròn đất với các dục-giới lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javanacitta), dục-giới thiện-tâm có đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định đất.

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là upacārasamādhi: Cận-định có đối-tượng paṭibhāga-nimitta của đề-mục thiền-định hình tròn đất ấy, đạt đến cận-định, gần bậc thiền sắc-giới (mahaggatajjhāna).

- Giai đoạn sau: Đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) là đối-tượng của appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới.

* Nếu hành-giả là hạng người tam-nhân (tihetuka-puggala) thuộc hạng tikkhapuggala: Hành-giả có trí-tuệ sắc bén nhanh nhạy, tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại đã từng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới, thì kiếp hiện-tại này, hành-giả hướng tâm đến đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định đất, với appanābhāvanā: Tâm-hành dễ dàng chứng đắc sắc-giới-thiền thiện-tâm trong sắc-giới lộ-trình-thiền-tâm.

Định-tâm đồng sinh với sắc-giới thiền-thiện-tâm gọi là appanāsamādhi: An-định vững chắc trong đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) ấy, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm (paṭhamajjhānakusalacitta).

* Nếu hành-giả là hạng người tam-nhân (tihetuka-puggala) thuộc hạng mandapuggala: Hành-giả có trí-tuệ chậm, tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại không chứng đắc các bậc thiền sắc-giới, thì kiếp hiện-tại này, hành-giả dù hướng tâm đến đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa), với appanābhāvanā: Tâm-hành chậm chứng đắc sắc-giới-thiền thiện-tâm trong sắc-giới lộ trình-thiền-tâm.

Định-tâm đồng sinh với sắc-giới thiền-thiện-tâm gọi là appanāsamādhi: An-định vững chắc trong đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) ấy, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm (paṭhamajjhānakusalacitta).

* Nếu đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) tuy đã phát sinh rõ ở trong tâm của hành-giả, nhưng chưa chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, thì hành-giả cần phải giữ gìn đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta ấy một cách rất thận trọng, ví như Chánh-cung Hoàng-hậu có thai, các quân sư Bà-la-môn tiên đoán thai nhi là thái-tử, khi sinh ra đời, đến lúc trưởng thành sẽ là Đức-Chuyển-luân Thánh-vương. Vì vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu cần phải giữ gìn thai nhi rất thận trọng như thế nào, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, khi có đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta đã phát sinh rõ ở trong tâm cũng cần phải giữ gìn rất thận trọng cũng như thế ấy.

Pathavīpaṭibhāganimitta biến mất

Khi ban đầu đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta phát sinh rõ ở trong tâm, thì tâm của hành-giả đang là upacārabhāvanā: Tâm-hành cận bậc thiền sắc-giới, có định-tâm là upacārasamādhi: Cận-định gần bậc thiền sắc-giới.

* Nếu hành-giả giữ gìn đối-tượng pathavīpaṭibhāga-nimitta thiếu thận trọng thì đối-tượng pathavīpaṭibhāga-nimitta ấy dễ bị biến mất.

Nếu khi đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta ấy bị biến mất thì tâm của hành-giả xuống bậc thấp parikam-mabhāvanā có định-tâm là parikammasamādhi: Sơ-định ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-định còn cách xa bậc thiền sắc-giới (mahaggatajjhāna).

Cho nên, hành-giả nên bắt đầu trở lại thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định hình tròn đất theo tuần tự như trước, cho đến khi đối-tượng pathavīpaṭibhāga-nimitta phát sinh rõ trở lại trong tâm của hành-giả.

Cách giữ gìn Paṭibhāganimitta

Để giữ gìn đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả cần phải tránh xa 7 điều bất lợi trong việc thực-hành pháp-hành thiền-định (asappāya), đồng thời nên có đầy đủ 7 điều thuận lợi trong việc thực-hành pháp-hành thiền-định (sappāya) như trong bộ Visuddhimagga chỉ dạy như sau:

7 Asappāya: 7 điều bất lợi

7 Sappāya: 7 điều thuận lợi.

1- Āvāsa asappāya: Chỗ ở bất lợi.

Āvāsa sappāya: Chỗ ở thuận lợi.

* Āvāsa asappāya: Chỗ ở bất lợi là chỗ ở nào mà hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, nimitta chưa sinh thì không sinh, khi nimitta đã sinh rồi thì bị mất, tâm không an trụ thì vẫn không an trụ, …

Như vậy, chỗ ở ấy gọi là chỗ ở bất lợi.

* Āvāsa sappāya: Chỗ ở thuận lợi là chỗ ở nào mà hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, nimitta chưa sinh thì phát sinh, khi nimitta đã sinh rồi thì không bị mất, tâm không an trụ thì được an trụ, …

Như vậy, chỗ ở ấy gọi là chỗ ở thuận lợi.

2- Gocara asappāya: Xóm nhà bất lợi. Gocara sappāya: Xóm nhà thuận lợi.

* Gocara asappāya: Xóm nhà bất lợi khi đi khất thực như sau:

- Xóm nhà nằm cách chỗ ở của hành-giả về hướng đông, hoặc hướng tây, ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào mặt khi hành-giả đi khất thực hoặc trở về.

- Xóm nhà nằm cách xa quá 5 cây số với chỗ ở của hành-giả, đường sá gồ ghề khó đi lại.

- Đi khất thực trong xóm nhà ấy, hành-giả không có đủ vật thực để nuôi mạng sống.

Như vậy, gọi là xóm nhà bất lợi khi đi khất thực.

* Gocara sappāya: Xóm nhà thuận lợi khi đi khất thực như sau:

- Xóm nhà nằm cách chỗ ở của hành-giả về hướng Nam, hoặc hướng Bắc, tránh được ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào mặt khi hành-giả đi khất thực hoặc trở về.

- Xóm nhà nằm gần khoảng cách dưới 5 cây số với chỗ ở của hành-giả, đường sá bằng phẳng dễ đi lại.

- Đi khất thực trong xóm nhà ấy, hành-giả có đầy đủ vật thực để nuôi mạng sống.

Như vậy, gọi là xóm nhà thuận lợi khi đi khất thực.

3- Bhassa asappāya: Lời nói bất lợi. Bhassa sappāya: Lời nói thuận lợi.

* Bhassa asappāya: Lời nói bất lợi đó là lời nói liên quan đến tiracchānakathā, có 32 lời nói gọi là lời nói bất lợi. Những lời nói này làm trở ngại cho sự chứng đắc các bậc thiền, Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn.

Tiracchānakathā có 32 lời nói là:

1-Nói chuyện về Đức-vua và hoàng tộc.

2-Nói chuyện về trộm cắp.

3-Nói chuyện về các quan, chính phủ.

4-Nói chuyện về quân đội.

5- Nói chuyện về tai họa.

6- Nói chuyện về chiến tranh.

7- Nói chuyện về các đồ ăn.

8-Nói chuyện về các thức uống.

9-Nói chuyện về vải vóc, y phục.

10-Nói chuyện về chỗ nằm ngồi.

11-Nói chuyện về các vòng hoa.

12-Nói chuyện về các vật thơm.

13-Nói chuyện về bà con thân quyến.

14-Nói chuyện về các xe cộ.

15- Nói chuyện về xóm làng.

16- Nói chuyện về các tỉnh thành.

17- Nói chuyện về các thành phố.

18-Nói chuyện về các vùng quê.

19-Nói chuyện về đàn bà.

20- Nói chuyện về đàn ông.

21- Nói chuyện về sự can đảm.

22- Nói chuyện về các con đường.

23- 23-Nói chuyện về các bến nước.

24-Nói chuyện về thân quyến đã quá vãng.

25-Nói chuyện về đâu đâu.

26-Nói chuyện về ai tạo ra cõi-giới này.

27-Nói chuyện về đại dương.

28-Nói chuyện về sự phát triển và sự suy đồi.

29-Nói chuyện về rừng rú.

30-Nói chuyện về núi non.

31-Nói chuyện về dòng sông.

32-Nói chuyện về hòn đảo…

Đó là 32 lời nói bất lợi đối với hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-định hoặc pháp-hành thiền-tuệ, bởi vì lời nói này không hỗ trợ cho pháp-hành thiền phát triển được, mà ngược lại chỉ làm trở ngại cho sự chứng đắc các bậc thiền, Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn mà thôi.

Do đó, hành-giả nên tránh xa những lời nói bất lợi.

* Bhassa sappāya: Lời nói thuận lợi đó là lời nói liên quan đến kathāvatthu có 10 lời nói gọi là lời nói thuận lợi. Những lời nói này hỗ trợ cho sự chứng đắc các bậc thiền, Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn.

Kathāvatthu có 10 lời nói là:

1- Nói chuyện về sự ít ham muốn.

2- Nói chuyện về sự hài lòng vật gì đã có, biết tri túc.

3- Nói chuyện về thân, khẩu, ý thanh-tịnh.

4-Nói chuyện không liên quan với ngũ dục.

5-Nói chuyện về sự tinh-tấn không ngừng.

6-Nói chuyện về giới.

7-Nói chuyện về định.

8-Nói chuyện về tuệ.

9- Nói chuyện về A-ra-hán Thánh-quả.

10- Nói chuyện về trí-tuệ quán triệt A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn.

Đó là 10 lời nói thuận lợi đối với hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-định hoặc pháp-hành thiền-tuệ, bởi vì lời nói này hỗ trợ cho pháp-hành-thiền phát triển được, hỗ trợ cho sự chứng đắc các bậc thiền, Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn.

Tuy 10 lời nói này gọi là lời nói thuận lợi, nhưng hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-định hoặc pháp-hành thiền-tuệ, chỉ nên nói khi cần thiết mà thôi, không nên nói nhiều.

4-Puggala asappāya: Con người bất lợi. Puggala sappāya: Con người thuận lợi.

* Puggala asappāya: Con người bất lợi là người mà hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền không nên tiếp xúc, nói chuyện; có 2 hạng người là:

1- Người thích trang điểm thân hình.

2- Người thích nói chuyện tiracchānakathā có 32 lời.

Hai hạng người này chỉ làm cho hành-giả phóng tâm, không an trụ trong đối-tượng thiền định được, nên gọi là con người bất lợi đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định hoặc pháp-hành thiền-tuệ.

* Puggala sappāya: Con người thuận lợi là người mà hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định hoặc pháp-hành thiền-tuệ nên thân cận gần gũi, để làm tăng thêm đức-tin trong pháp-hành-thiền của hành-giả; có 2 hạng người là:

1- Người không nói chuyện tiracchānakathā, mà chỉ nói lời động viên khuyến khích làm tăng đức-tin.

2- Người có giới, định, tuệ đầy đủ, khuyên dạy rõ ràng.

Hai hạng người này hỗ trợ cho hành-giả tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi pháp-hành-thiền, làm cho tâm an trụ trong đối-tượng thiền-định được, nên gọi là con người thuận lợi đối với hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền.

5- Bhojana asappāya: Món ăn bất lợi. Bhojana sappāya: Món ăn thuận lợi.

* Bhojana asappāya: Món ăn bất lợi là món ăn mà hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-định hoặc pháp-hành thiền-tuệ, dùng vào không có thích hợp, nên làm cho thân thể cảm thấy khó chịu, có ảnh hưởng đến tâm hành-giả không được an-lạc.

Đó là món ăn bất lợi mà hành-giả không nên dùng.

* Bhojana sappāya: Món ăn thuận lợi là món ăn mà hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-định hoặc pháp-hành thiền-tuệ, dùng vào được thích hợp, nên làm cho thân thể cảm thấy dễ chịu, khỏe mạnh, có ảnh hưởng đến tâm hành-giả được an-lạc.

Đó là thức ăn thuận lợi mà hành-giả nên dùng.

6- Utu asappāya: Thời tiết bất lợi. Utu sappāya: Thời tiết thuận lợi.

* Utu asappāya: Thời tiết bất lợi là thời tiết quá nóng, hoặc quá lạnh làm cho thân thể của hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-định hoặc pháp-hành thiền-tuệ khó chịu đựng nổi, khiến cho tâm của hành-giả không được an-lạc.

Đó là thời tiết bất lợi đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền.

* Utu sappāya: Thời tiết thuận lợi là thời tiết không nóng quá cũng không lạnh quá làm cho thân thể của hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-định hoặc pháp-hành thiền-tuệ dễ chịu đựng nổi, khiến cho tâm của hành-giả được an-lạc.

Đó là thời tiết thuận lợi đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền.

7- Iriyāpatha asappāya: Tứ oai-nghi bất lợi. Iriyāpatha sappāya: Tứ oai-nghi thuận lợi.

* Iriyāpatha asappāya: Tứ oai-nghi bất lợi là 4 oai-nghi đi, đứng, ngồi, nằm, mà hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-định hoặc pháp-hành thiền-tuệ, nếu sử dụng oai-nghi nào, khi ấy, hành-giả cảm thấy thân tâm không được an-lạc thì oai-nghi ấy gọi là oai-nghi bất lợi đối với hành-giả.

* Iriyāpatha sappāya: Tứ oai-nghi thuận lợi, là 4 oai-nghi đi, đứng, ngồi, nằm, mà hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-định hoặc pháp-hành thiền-tuệ, nếu sử dụng oai-nghi nào, khi ấy, hành-giả cảm thấy thân tâm được an-lạc thì oai-nghi ấy gọi là oai-nghi thuận lợi đối với hành-giả.

Hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-định có đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) đã phát sinh rõ ở trong tâm, dù hành-giả đã tránh xa 7 điều bất lợi trong việc thực-hành pháp-hành thiền-định, và có đầy đủ 7 điều thuận lợi trong việc thực-hành pháp-hành thiền-định, nhưng vẫn chưa chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm.

Vậy, hành-giả cần phải thực-hành 10 pháp Appanākosala: Sự hiểu biết trong Appanā chứng đắc các bậc thiền sắc-giới, các bậc thiền vô-sắc-giới.

 

Appanākosala có 10 pháp

1- Hành-giả nên làm vệ sinh thân thể, y phục cho sạch sẽ, quét dọn chỗ ở, đồ dùng sạch sẽ, rồi sắp xếp gọn gàng dễ nhìn.

2- Hành-giả nên thực-hành đồng đều giữa 4 pháp-chủ là: Tín-pháp-chủ với tuệ-pháp-chủ đồng đều nhau, và tấn-pháp-chủ với định-pháp-chủ đồng đều nhau, còn niệm-pháp-chủ có năng lực hơn 4 pháp-chủ kia, để giữ gìn thiện-tâm phát triển.

3- Hành-giả có trí-tuệ hiểu biết cách giữ gìn các nimitta thiền-định.

4- Khi nào hành-giả biết tâm buồn chán thực-hành pháp-hành thiền-định, thì khi ấy hành-giả nên nâng đỡ 3 pháp giác-chi: Pháp phân-tích giác-chi, pháp tinh-tấn giác-chi, pháp hỷ-giác-chi được phát triển, để tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định.

5- Khi nào hành-giả biết phóng-tâm chuyện này chuyện kia, thì khi ấy hành-giả nên nâng đỡ 3 pháp giác-chi: Pháp an-tịnh-giác-chi, pháp định-giác-chi, pháp xả-giác-chi được phát triển, để tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định.

6- Khi nào hành-giả biết chán nản, biếng nhác thực-hành pháp-hành thiền-định, thì khi ấy hành-giả nên suy xét đến 8 pháp-động-tâm (saṃvegavatthu) sinh, lão, bệnh, tử, khổ trong cõi 4 ác-giới, khổ tử sinh luân-hồi trong kiếp quá-khứ, trong kiếp vị-lai, khổ trong kiếp hiện-tại; và nên niệm tưởng đến 9 ân-Đức-Phật, 6 ân-đức-Pháp, 9 ân-Đức-Tăng, để phát sinh đức-tin trong pháp-hành thiền-định, tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định.

7- Khi nào hành-giả biết tâm ở trong trạng-thái ổn định, không buồn-chán, không phóng-tâm, không chán-nản, thì khi ấy hành-giả không nên nâng tâm, không nên chế ngự tâm, mà chỉ nên giữ gìn đại-thiện-tâm dõi theo biết đề-mục thiền-định ấy mà thôi.

8- Hành-giả tránh xa người không có định-tâm, hành động không nghiêm túc.

9- Hành-giả nên gần gũi thân cận với người có định-tâm vững chắc, có thân, khẩu, ý thanh-tịnh.

10- Hành-giả cố gắng tinh-tấn không ngừng, chỉ hướng tâm đến đối-tượng paṭibhāganimitta ấy, để chứng đắc các bậc thiền sắc-giới mà thôi.

Đó là 10 pháp hiểu biết để chứng đắc các bậc thiền sắc-giới.

Khai triển đối-tượng Paṭibhāganimitta

Hành-giả giữ gìn đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta vững chắc, rồi từ đó, nên khai triển đối-tượng pathavī-paṭibhāganimitta này lớn dần từ 1 lóng tay, 2 lóng tay, 3 lóng tay, …, 1 gang, 2 gang, 3 gang, …, 1 cùi, 2 cùi, 3 cùi, … dần dần lớn rộng ra chỗ ở, xóm làng, trong nước, v.v… để cho định-tâm tăng trưởng có nhiều năng lực.

Dù đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta được khai triển rộng lớn như vậy, tâm vẫn còn upacārabhāvanā: Tâm-hành gần bậc thiền sắc-giới, có định-tâm là upacāra-samādhi: Cận-định gần bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả tiếp tục thực-hành như vậy cho đến khi tiến triển đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, có định-tâm là appanāsamādhi: An-định vững chắc trong đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới-thiện-tâm đầu tiên (paṭhamajjhānakusalacitta).

 

Paṭhamajjhānakusalacitta đầu tiên phát sinh

Khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) tiến triển theo tuần tự như trên đến giai đoạn chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới-thiện-tâm (rūpāvacarapaṭhamajjhānakusala-citta) có đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta phát sinh, có 5 chi-thiền, trong sắc-giới lộ-trình-tâm đầu tiên gọi là (ādikammikajjhānavīthicitta).

Ādikammikajjhānavīthicitta: Lộ-trình thiền-tâm đầu tiên

Đệ nhất thiền sắc-giới lộ-trình-thiện-tâm đầu tiên phát sinh có các loại tâm sinh rồi diệt theo tuần tự như sau:

Đồ biểu đệ nhất thiền sắc-giới lộ-trình-tâm đầu tiên

Đệ nhất thiền sắc-giới lộ-trình-tâm đầu tiên

1-Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm trước, viết tắt (bha)

2-Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động, vt (na)

3-Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt, vt (da)

4-Manodvāravajjanacitta: Ý-môn hướng-tâm, vt (ma)

5-Parikamma: Tâm-chuẩn-bị đệ nhất thiền, vt (pari)

6-Upacāra: Tâm-cận đệ nhất thiền, vt (upa)

7-Anuloma: Tâm-thuận theo đệ nhất thiền, vt (anu)

8-Gotrabhu: Tâm chuyển cõi giới, vt (got)

9-Paṭhamajjhānakusalacitta: Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm đầu tiên, vt (jha)

10-Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm sau, vt (bha)

Chấm dứt đệ nhất thiền sắc-giới lộ-trình-tâm đầu tiên.

Giải thích:

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) tiến triển theo tuần tự cho đến giai đoạn chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới-thiện-tâm đầu tiên có đối-tượng pathavīpaṭibhāga-nimitta, trong đệ nhất thiền sắc-giới lộ-trình-tâm đầu tiên phát sinh, có các loại tâm sinh rồi diệt theo tuần tự như sau:

* Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm trước sinh rồi diệt.

* Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động sinh, diệt.

* Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt sinh, diệt.

* Manodvāravajjanacitta: Ý-môn-hướng-tâm 1 sát-na có đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta sinh rồi diệt.

* Javanacitta: Tác-hành-tâm là dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ làm phận sự tác-hành-tâm phát sinh liên tục có 5 hoặc 4 sát-na-tâm đầu là:

1- Sát-na-tâm thứ nhất gọi là parikamma[1]: Tâm-chuẩn-bị cho đệ nhất thiền sắc-giới-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm có đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta giống như ý-môn-hướng-tâm, sinh rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm tiếp theo là:

2- Sát-na-tâm thứ nhì gọi là upacāra: Tâm-cận đệ nhất thiền sắc-giới-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm có đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta giống như ý-môn-hướng-tâm, sinh rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm tiếp theo là:

3- Sát-na-tâm thứ ba gọi là anuloma: Tâm-thuận-theo đệ nhất thiền sắc-giới-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm có đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta giống như ý-môn-hướng-tâm, sinh rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm tiếp theo là:

4- Sát-na-tâm thứ 4 gọi là gotrabhu: Tâm-chuyển từ dục-giới thiện-tâm chuyển lên sắc-giới thiện-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm có đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta giống như ý-môn-hướng-tâm, sinh rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau tiếp theo. (4 sát-na-tâm này thuộc về tâm upacārabhāvanā, có định-tâm là upacārasamādhi: Cận-định-tâm trong đệ nhất thiền sắc-giới lộ-trình-tâm đầu tiên sinh rồi diệt).

5- Sát-na-tâm thứ 5 gọi là jhānacitta đó là đệ nhất thiền sắc-giới-thiện-tâm (rūpāvacarapaṭhamajjhāna-kusalacitta) phát sinh chỉ có 1 sát-na-tâm mà thôi, có đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta với appanābhāvanā định-tâm appanāsamādhi: An-định-tâm trong đệ nhất thiền sắc-giới lộ-trình-tâm đầu tiên sinh rồi diệt, tiếp theo

* Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm sau chấm dứt đệ nhất thiền sắc-giới lộ-trình-tâm đầu tiên.

Như vậy, trong đệ nhất thiền sắc-giới lộ-trình-tâm đầu tiên với đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta có 2 loại tâm như sau:

1- Dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ làm phận sự tác-hành-tâm có 4 sát-na-tâm là parikamma, upacāra, anuloma, gotrabhu.

2- Sắc-giới-tâm đó là đệ nhất thiền sắc-giới-thiện-tâm đầu tiên phát sinh chỉ có 1 sát-na-tâm mà thôi.

Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm đầu tiên có 5 chi-thiền là vitakka, vicāra, pīti, sukha, ekaggatā.

5 chi-thiền chế ngự 5 pháp-chướng-ngại

* Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi-thiền có khả năng chế ngự được 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa) không phát sinh được. Mỗi chi-thiền có khả năng chế ngự được mỗi pháp-chướng-ngại như sau:

1- Vitakka: Hướng-tâm chế ngự được thīna-middha: Buồn-chán -buồn-ngủ.

2- Vicāra: Quan-sát chế ngự được vicikicchā: Hoài-nghi.

3- Pīti: Hỷ chế ngự được byāpāda: Sân-hận.

4- Sukha: Lạc chế ngự được uddhacca-kukkucca: Phóng-tâm -hối-hận.

5- Ekaggatā: Nhất-tâm chế ngự được kāmacchanda: Tham-dục.

Sau khi đệ nhất thiền sắc-giới lộ-trình-tâm đầu tiên chấm dứt, liền tiếp theo các lộ-trình-tâm paccavekkhaṇa-vīthicitta quán triệt 5 chi-thiền phát sinh, mỗi lộ-trình-tâm quán triệt mỗi chi-thiền.

Hành-giả tự biết chứng đắc bậc thiền

Sau khi đã trải qua đệ nhất thiền sắc-giới lộ-trình-tâm đầu tiên (ādikammikajjhānavīthicitta) và các quán-triệt lộ-trình-tâm (paccavekkhaṇavīthicitta) quán triệt các chi-thiền, cho nên hành-giả tự biết mình đã chứng đắc bậc thiền ấy rồi, bởi vì parikamma tâm chuẩn bị cho bậc thiền ấy, upacāra tâm cận bậc thiền ấy, anuloma tâm thuận theo bậc thiền ấy, gotrabhu tâm chuyển từ dục-giới thiện-tâm lên sắc-giới thiền-tâm ấy, (hoặc từ thiền-tâm bậc thấp lên thiền-tâm bậc cao), thuộc về dục-giới-tác-hành-tâm có đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta.

Và paṭhamajjhānakusalacitta: Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm thuộc về appanājavanacitta: Sắc-giới-tác-hành-tâm cũng có đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta.

Tuy 2 loại tác-hành-tâm (javanacitta) là kāmajavana-citta và appanājavanacitta đều có đối-tượng pathavī-paṭibhāganimitta giống nhau, nhưng năng lực của mỗi tác-hành-tâm khác nhau:

* Kāmajavanacitta: Dục-giới tác-hành-tâm phát sinh còn do năng lực của kāmataṇhā: Tham-ái trong cõi dục-giới.

* Appanājavanacitta đó là paṭhamajjhānakusalacitta đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi-thiền, tuy chỉ 1 sát-na-tâm nhưng có năng lực đặc biệt chế ngự được kāmataṇhā: Tham-ái trong cõi dục-giới.

Do nhờ năng lực đặc biệt này, cho nên hành-giả tự biết mình biết đã chứng đắc được đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sắc-Giới Thiện-Nghiệp

Tác-ý (cetanā cetasika) đồng sinh với đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm (không có kāmataṇhā) là sắc-giới thiện-nghiệp thuộc về trọng-yếu thiện-nghiệp (garukakusala-kamma) chắc chắn cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi trời sắc-giới. Cho nên, đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm này có tên là rūpāvacarakusalacitta: Sắc-giới thiện-tâm.

Thực tập đệ nhất thiền sắc-giới có năng lực

Sau khi đã chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm đầu tiên, hành-giả cần phải tiếp tục thực tập nhập đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm ấy cho định-tâm có nhiều năng lực vững chắc, để làm nền tảng thực-hành 5 pháp vasībhāva: Khả năng thuần thục.

Các thiền bậc cao như đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm đều phải nương nhờ 5 pháp vasībhāva: Khả năng thuần thục làm nền tảng.

Để thực tập 5 pháp vasībhāva, trước tiên, hành-giả cần phải hướng tâm đến đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta có parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu với đại-thiện-tâm niệm thầm rằng:

“Pathavī, … Pathavī, … Pathavī, …cho đến khi lộ trình đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm phát sinh.

Mỗi lộ trình đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm sinh rồi diệt, hành-giả không nên quán triệt 5 chi-thiền, mà chỉ nên hướng tâm đến đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta, cho lộ trình đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm sinh rồi diệt liên tục, để cho định-tâm có nhiều năng lực vững chắc mà thôi.

Sau đó, hành-giả cần phải thực tập 5 pháp vasībhāva: Khả năng thuần thục.

Vasībhāva có 5 pháp

1- Āvajjana vasībhhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục quán triệt chi-thiền với ý-môn-hướng-tâm.

2- Samāpajjana vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục nhập bậc thiền ấy.

3- Adhiṭṭhāna vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục phát nguyện ấn định thời gian nhập bậc thiền ấy.

4- Vuṭṭhāna vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục ấn định thời gian xả bậc thiền ấy.

5- Paccavekkhaṇa vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục quán triệt chi-thiền với tác-hành-tâm.

Giải thích

1-Hành-giả có khả năng thuần thục quán triệt chi-thiền với ý-môn-hướng-tâm như thế nào?

Hành-giả nhập đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi xả đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm ấy, tiếp theo quán triệt từng mỗi chi-thiền riêng biệt trong 5 chi-thiền ấy, với đại-thiện-tác-hành-tâm chưa đến 7 sát-na-tâm, chỉ cần 4 hoặc 5 sát-na-tâm mà thôi, tùy theo khả năng của hành-giả thuộc hạng trí-tuệ sắc bén nhanh nhạy (tikkha) hoặc thuộc hạng trí-tuệ chậm (manda).

Mỗi khi lộ-trình-tâm vừa chấm dứt, không để cho bhavaṅgacitta phát sinh nhiều sát-na-tâm, liền phát sinh Bhavaṅgacalana, Bhavaṅgupaccheda, tiếp theo lộ-trình-tâm Manodvāravajjana, mahākusalajavana 4 hoặc 5 sát-na-tâm làm phận sự.

Như vậy, gọi là āvajjana vasībhhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục quán triệt chi-thiền với ý-môn-hướng-tâm.

2- Hành-giả có khả năng thuần thục nhập bậc thiền sắc-giới ấy như thế nào?

Muốn nhập bậc thiền sắc-giới ấy lúc nào, hành-giả có khả năng thuần thục nhập bậc thiền sắc-giới ấy ngay tức khắc, chỉ cần hướng tâm đến đối-tượng pathavīpaṭi-bhāganimitta trong thời gian ngắn ngủi liền sau đó Bhavaṅgacalana, Bhavaṅgupaccheda, tiếp theo lộ-trình-tâm Manodvāravajjana, parikamma, upacāra, anuloma, gotrabhū, (hoặc upacāra, anuloma, gotrabhu) jhānacitta phát sinh liên tục.

Như vậy, gọi là samāpajjana vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục nhập bậc thiền sắc-giới ấy.

3- Hành-giả có khả năng thuần thục phát nguyện ấn định thời gian nhập bậc thiền sắc-giới ấy như thế nào?

* Dòng lộ-trình-tâm bậc thiền sắc-giới ấy sinh, rồi diệt liên tục không ngừng, gọi là nhập bậc thiền sắc-giới ấy.

* Dòng lộ-trình-tâm bậc thiền sắc-giới ấy bị ngừng, rồi rơi xuống bhavaṅgacitta, gọi là xả bậc thiền sắc-giới ấy.

Hành-giả có khả năng thuần thục phát nguyện định thời gian nhập bậc thiền sắc-giới ấy.

Khi có ý nguyện nhập bậc thiền sắc-giới ấy thì tức khắc nhập bậc thiền sắc-giới ấy ngay.

Nếu cần nhập bậc thiền sắc-giới ấy suốt 1 giờ hoặc 2 giờ, v.v… thì dòng lộ-trình-tâm bậc thiền sắc-giới ấy sinh, rồi diệt liên tục suốt thời gian ấn định.

Như vậy, gọi là adhiṭṭhāna vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục phát nguyện ấn định thời gian nhập bậc thiền sắc-giới ấy.

4- Hành-giả có khả năng thuần thục ấn định thời gian xả bậc thiền sắc-giới ấy như thế nào?

Hành-giả có khả năng thuần thục ấn định thời gian xả bậc thiền sắc-giới ấy lúc nào, đến đúng vào thời gian lúc ấy, thì hành-giả có khả năng thuần thục xả bậc thiền sắc-giới ấy ngay, không sớm không muộn.

Như vậy, gọi là vuṭṭhāna vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục ấn định thời gian xả bậc thiền ấy.

Sự khác nhau giữa adhiṭṭhāna vasībhāva với vuṭṭhāna vasībhāva là:

* Adhiṭṭhāna vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục phát nguyện ấn định thời gian nhập bậc thiền sắc-giới ấy, đúng theo thời gian không trước không sau.

* Vuṭṭhāna vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục ấn định thời gian xả bậc thiền sắc-giới ấy, đúng theo thời gian không sớm không muộn.

5- Hành-giả có khả năng thuần thục quán triệt chi-thiền với dục-giới tác-hành-tâm như thế nào?

Sau khi đã xả bậc thiền sắc-giới ấy, hành-giả có khả năng quán triệt mỗi chi-thiền với đại-thiện-tác-hành-tâm 4 hoặc 5 sát-na-tâm phát sinh, và khoảng cách giữa mỗi lộ-trình-tâm có 4 hoặc 5 bhavaṅgacitta sinh, rồi diệt, liền phát sinh Bhavaṅgacalana, Bhavaṅgupaccheda tiếp theo lộ-trình-tâm Manodvāravajjana, kāmajavanacitta 4 hoặc 5 sát-na-tâm phát sinh.

Như vậy, gọi là paccavekkhaṇa vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục quán triệt chi-thiền với đại-thiện-tác-hành-tâm.

Āvajjana vasībhhāva và paccavekkhaṇa vasībhāva có khả năng thuần thục quán triệt chi-thiền giống nhau trong cùng lộ-trình-tâm, nhưng gọi khác nhau theo khả năng của mỗi tâm:

- Khả năng của manodvāravajjanacitta gọi là āvajjanavasībhāva.

- Khả năng của javanacitta gọi là paccavekkhaṇa vasībhāva.

Thực-hành chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới

Sau khi đã chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả muốn tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa), để chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả cần phải thực-hành theo tuần tự như sau:

Hành-giả nên thực tập 5 pháp vasībhāva: Khả năng thuần thục đặc biệt đã trở nên thành thạo, sau đó, hành-giả nhập đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm xong, xả đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm ấy, rồi suy xét về đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm rằng:

“Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm này có 5 chi-thiền là bậc thiền gần với 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa).

Trong 5 chi-thiền, chi-thiền vitakka có trạng-thái thô là nhân làm cho các chi-thiền khác như vicāra, pīti, sukha, ekaggatā có năng lực yếu, làm cho định-tâm không đủ vững chắc.

Dù 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa) đã bị chế ngự rồi, vẫn có cơ hội phát sinh trở lại, làm cho đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm đã chứng đắc rồi, sẽ dễ bị mất.

Còn đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm ấy có 4 chi-thiền: Vicāra, pīti, sukha, ekaggatā có trạng-thái vi-tế, định-tâm vững chắc hơn, nên cách xa với 5 pháp-chướng-ngại.

Khi suy xét kỹ như vậy, hành-giả phát sinh tâm nhàm chán đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, không còn tham muốn trong đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm ấy nữa.

Từ đó, hành-giả ấy bắt đầu hướng tâm đến đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta, có các lộ-trình-tâm parikamma-bhāvanā: Tâm-hành ban đầu với đại-thiện-tâm niệm thầm rằng: “Pathavī, … Pathavī, … Pathavī, …” với vitakka-virāgabhāvanā: Tâm-hành nhàm chán chi-thiền vitakka, để mong chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm.

Khi ấy, parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu có đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta (không phải là đối-tượng parikammanimitta hoặc đối-tượng uggahanimitta).

Khi hành-giả hướng tâm đến đối-tượng pathavīpaṭibhā-ganimitta với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu như vậy, muốn biết tâm của hành-giả đạt đến upacāra-bhāvanā: Tâm-hành gần đệ nhị thiền sắc-giới hay chưa, hành-giả nên nhập đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi xả đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả quán triệt 5 chi-thiền theo tuần tự.

Khi quán triệt 5 chi-thiền như vậy, nếu thấy trạng-thái thô của chi-thiền vitakka, và thấy trạng-thái vi-tế của 4 chi-thiền còn lại, hành-giả biết rằng:

“Tâm-hành của hành-giả đã đạt đến upacāra-bhāvanā: Tâm-hành gần đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm. Nếu chưa thấy trạng-thái thô của chi-thiền vitakka, và trạng-thái vi-tế của chi-thiền vicāra, v.v… thì tâm-hành của hành-giả vẫn còn parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu cách xa đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm.

Hành-giả cần phải cố gắng tinh-tấn hướng tâm đến đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta với parikamabhāvanā: Tâm-hành ban đầu tiếp tục thực-hành để đạt đến upacāra-bhāvanā: Tâm-hành gần đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm.

Chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm

Khi hành-giả cố gắng tinh-tấn hướng tâm đến đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu thực-hành đạt đến upacārabhāvanā: Tâm-hành gần đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, tiếp tục thực-hành tiến triển đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm đầu tiên trong đệ nhị thiền sắc-giới lộ trình thiện-tâm có các tâm sinh rồi diệt theo tuần tự như sau: “Bhavaṅgacitta, bhavaṅgacalana, bhavaṅgupaccheda, tiếp theo manodvāra-vajjana, parikamma[2], upacāra, anuloma, gotrabhu, dutiyajjhānakusalacitta (1 sát-na-tâm), bhavaṅgacitta, chấm dứt đệ nhị thiền sắc-giới lộ trình thiện-tâm đầu tiên.

Đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có 4 chi-thiền là vicāra, pīti, sukha, ekaggatā.

Tiếp theo các lộ-trình-tâm quán triệt (paccavekkhaṇa-vīthicitta) mỗi chi-thiền là vicāra, pīti, sukha, ekaggatā.

Hành-giả đã chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm. Sau khi chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, để cho đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có nhiều năng lực, hành-giả cần phải thực tập tương tự như đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm.

Đệ tam thiền, đệ tứ thiền, đệ ngũ thiền sắc-giới

Sau khi đã chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm với đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa), hành-giả tiếp tục thực-hành để chứng đắc các bậc thiền cao như đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm theo tuần tự từ bậc thiền thấp đến bậc thiền cao.

Phương-pháp thực-hành phần đầu cũng giống như hành-giả đã chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm thực-hành để chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, nhưng phần sau, mỗi bậc thiền cao có khác nhau về phần suy xét thấy trạng-thái thô của chi-thiền trước, thấy trạng-thái vi-tế của chi-thiền sau như sau:

Chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm

Sau khi hành-giả đã chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có 4 chi-thiền là vicāra, pīti, sukha, ekaggatā, rồi tiếp tục thực-hành để chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả nhập đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi xả đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, suy xét thấy rõ trạng-thái thô của chi-thiền vicāra, và thấy rõ trạng-thái vi-tế của 3 chi-thiền pīti, sukha, ekaggatā.

Hành-giả hướng tâm đến đối-tượng pathavīpaṭibhā-ganimitta thực-hành theo tuần tự 3 loại bhāvanā: Parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu với vicāravirāga-bhāvanā: Tâm-hành nhàm chán chi-thiền vicāra, đạt đến upacārabhāvanā: Tâm-hành gần đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi tiếp tục thực-hành tiến triển đến appanā-bhāvanā: Tâm-hành chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm đầu tiên trong đệ tam thiền sắc-giới lộ trình thiện-tâm có các tâm sinh rồi diệt theo tuần tự như sau:

“Bhavaṅgacitta, bhavaṅgacalana, bhavaṅgupaccheda, tiếp theo Manodvāravajjana, parikamma[3], upacāra, anuloma, gotrabhu, tatiyajjhānakusalacitta (1 sát-na-tâm), bhavaṅgacitta, chấm dứt đệ tam thiền sắc-giới lộ trình thiện-tâm đầu tiên.

Đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm có 3 chi-thiền là pīti, sukha, ekaggatā.

Tiếp theo các lộ-trình-tâm quán triệt (paccavekkhaṇa-vīthicitta) mỗi chi-thiền là pīti, sukha, ekaggatā.

Hành-giả đã chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm.

Chứng đắc đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm

Sau khi hành-giả đã chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm có 3 chi-thiền là pīti, sukha, ekaggatā, rồi tiếp tục thực-hành để chứng đắc đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả nhập đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi xả đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, suy xét thấy rõ trạng-thái thô của chi-thiền pīti, và thấy rõ trạng-thái vi-tế của 2 chi-thiền sukha, ekaggatā.

Hành-giả hướng tâm đến đối-tượng pathavīpaṭibhā-ganimitta thực-hành theo tuần tự 3 loại bhāvanā: Parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu, với pītivirāga-bhāvanā: Tâm-hành nhàm chán chi-thiền pīti, đạt đến upacārabhāvanā: Tâm-hành gần đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi tiếp tục thực-hành tiến triển đến appanā-bhāvanā: Tâm-hành chứng đắc đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm đầu tiên trong đệ tứ thiền sắc-giới lộ trình thiện-tâm có các tâm sinh rồi diệt theo tuần tự như sau:

“Bhavaṅgacitta, bhavaṅgacalana, bhavaṅgupaccheda, tiếp theo Manodvāravajjana, parikamma[4], upacāra, anuloma, gotrabhu, catutthajjhānakusalacitta (1 sát-na-tâm), bhavaṅgacitta, chấm dứt đệ tứ thiền sắc-giới lộ trình thiện-tâm đầu tiên.

Đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là sukha, ekaggatā.

Tiếp theo các lộ-trình-tâm quán triệt (paccavekkhaṇa-vīthicitta) mỗi chi-thiền là sukha, ekaggatā.

Hành-giả đã chứng đắc đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm.

Chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm

Sau khi hành-giả đã chứng đắc đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là sukha, ekaggatā, rồi tiếp tục thực-hành để chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả nhập đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi xả đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm, suy xét thấy rõ trạng-thái thô của chi-thiền sukha, và thấy rõ trạng-thái vi-tế của 2 chi-thiền upekkhā, ekaggatā.

Hành-giả hướng tâm đến đối-tượng pathavīpaṭibhā-ganimitta thực-hành theo tuần tự 3 loại bhāvanā: Parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu, với sukhavirāga-bhāvanā: Tâm-hành nhàm chán chi-thiền sukha, đạt đến upacārabhāvanā: Tâm-hành gần đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi tiếp tục thực-hành tiến triển đến appanā-bhāvanā: Tâm-hành chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm đầu tiên trong đệ ngũ thiền sắc-giới lộ trình thiện-tâm có các tâm sinh rồi diệt theo tuần tự như sau:

“Bhavaṅgacitta, bhavaṅgacalana, bhavaṅgupaccheda, tiếp theo Manodvāravajjana, parikamma[5], upacāra, anuloma, gotrabhu, pañcamajjhānakusalacitta (1 sát-na-tâm), bhavaṅgacitta, chấm dứt đệ tứ thiền sắc-giới lộ-trình thiện-tâm đầu tiên.

Đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là upekkhā, ekaggatā.

Tiếp theo các lộ-trình-tâm quán triệt (paccavekkhaṇa-vīthicitta) mỗi chi-thiền là upekkhā, ekaggatā.

Hành-giả đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm.

* 5 bậc thiền sắc-giới

Đối với hành-giả thuộc hạng mandapuggala: Hành-giả có trí-tuệ chậm thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm theo tuần tự như sau:

1- Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi-thiền: Vitakka, vicāra, pīti, sukha, ekaggatā do chế ngự được 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa): Kāmacchanda, byāpāda, thīna-middha, uddhacca-kukkucca, vicikicchā.

2- Đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có 4 chi-thiền: Vicāra, pīti, sukha, ekaggatā, do chế ngự được chi-thiền vitakka.

3- Đệ tam thiền thiện-tâm có 3 chi-thiền: Pīti, sukha, ekaggatā, do chế ngự được chi-thiền vicāra.

4- Đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền: Sukha, ekaggatā, do chế ngự được chi-thiền pīti.

5- Đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền: Upekkhā, ekaggatā, do thay thế chi-thiền sukha bằng upekkhā.

* 4 bậc thiền sắc-giới

Đối với hành-giả thuộc hạng tikkhapuggala: Hành-giả có trí-tuệ sắc bén nhanh nhạy có khả năng suy xét thấy rõ trạng-thái thô của chi-thiền vitakka chi-thiền vicāra cùng một lúc, nên đệ nhị thiền sắc-giới có 3 chi thiền là pīti, sukha, ekaggatā.

Cho nên, hành-giả thuộc hạng tikkhapuggala chỉ có 4 bậc thiền sắc-giới theo tuần tự như sau:

1- Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi-thiền: Vitakka, vicāra, pīti, sukha, ekaggatā, do chế ngự được 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa): Kāmacchanda, byāpāda, thīna-middha, uddhacca-kukkucca, vicikicchā.

2- Đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có 3 chi-thiền: Pīti, sukha, ekaggatā, do chế ngự được 2 chi-thiền vitakka, vicāra cùng một lúc.

3- Đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền: Sukha, ekaggatā, do chế ngự được chi-thiền pīti.

4- Đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền: Upekkhā, ekaggatā, do thay thế chi-thiền sukha bằng chi-thiền upekkhā.

 

1.2-Đề-Mục Thiền-Định Nước (Āpokasiṇa)

Āpokasiṇa= Āpo + kasiṇa

Āpo: Nước dùng làm đề-mục thiền-định nước (āpo-kasiṇa) không phải là thật-tánh của nước (sabhāva āpo) có trạng-thái chảy hoặc đông đặc, thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), mà chỉ là nước bình thường tự nhiên (sasambhāra āpo) thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) mà thôi.

Kasiṇa: Toàn thể nước, toàn vẹn nước của đề-mục thiền-định, nghĩa là hành-giả hướng tâm đến trọn vẹn đề-mục thiền-định nước, không thiếu một phần nào.

Āpokasiṇa là đề-mục thiền-định nước trọn vẹn mà hành-giả dùng làm đề-mục của pháp-hành thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc đầy đủ 5 bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định nước, hành-giả không nên biết đến thật-tánh của thuỷ-đại (sabhāva āpo) có trạng-thái chảy hoặc đông đặc thuộc về chân-nghĩa-pháp, cũng không nên quan tâm đến màu sắc của đề-mục thiền-định nước, mà hành-giả chỉ nên hướng tâm đến toàn diện trọn vẹn đối-tượng đề-mục thiền-định nước là nước bình thường (sasambhāra āpo) thuộc về chế-định-pháp mà thôi.

Tiền-kiếp chứng đắc thiền sắc-giới

* Nếu hành-giả là người đã từng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới với đề-mục thiền-định nước trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì khi hành-giả hướng tâm đến nước bình thường tự nhiên (sasambhāra āpo) như nước sông hoặc nước hồ, v.v… một loại nước nào đó thuộc về chế-định-pháp, làm đề-mục thiền-định nước gọi là đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu, với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu bằng dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Āpo,… Āpo,… Āpo,… hoặc Nước,… Nước,… Nước,…Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định trong đề-mục thiền-định nước là đối-tượng parikammanimitta ban đầu ấy tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là đối-tượng thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định nước phát sinh rõ ở trong tâm.

Khi đối-tượng uggahanimitta đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả không nên hướng tâm đến đối-tượng đề-mục thiền-định nước bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm đến đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định nước ấy bên trong tâm mà thôi, tiến triển dần dần trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định nước phát sinh rõ ở trong tâm với upacārabhāvanā: Tâm-hành cận bậc thiền sắc-giới, có upacārasamādhi: Cận-định gần bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng āpopaṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định nước ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định nước ấy, bắt đầu hướng tâm đến đối-tượng āpopaṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định nước ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm.

Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định nước (āpokasiṇa) ấy như vậy, theo tuần tự chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm một cách thuận lợi đối với hành-giả ấy.

* Nếu hành-giả là người không chứng đắc đề-mục-thiền-định nước trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì hành-giả cần phải làm đề-mục thiền-định nước như sau:

Cách làm đề-mục thiền-định nước (āpokasiṇa)

Hành-giả nên dùng nước thật trong sạch không có màu gì lẫn lộn, như hứng nước mưa từ trên hư không rơi xuống đổ vào trong bát hoặc trong đồ đựng nước đầy ngang miệng, có đường kính 1 gang và 4 ngón tay nằm ngang hoặc 30 phân, làm đề-mục thiền-định nước.

Sau khi đã làm đề-mục thiền-định nước xong, hành-giả cần phải tìm một nơi thanh vắng, thuận lợi cho việc thực-hành pháp-hành thiền-định. Hành-giả ngồi một nơi thích hợp đặt đề-mục thiền-định nước không xa cũng không gần, có thể hướng tâm đến đề-mục thiền-định nước, không quan tâm đến thật-tánh của thủy-đại (sabhāva āpo) có trạng-thái chảy hoặc đông đặc của nước thuộc về chân-nghĩa-pháp, mà hành-giả chỉ hướng tâm đến nước thật trong sạch bình thường (sasambhāra āpo).

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục thiền-định nước gọi là đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu trong lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javanacitta) dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Āpo,… Āpo,… Āpo,… hoặc Nước,… Nước,… Nước, …” từng lúc khoảng 2-3 giây đồng hồ một lần, không nên niệm liên tục như niệm chú, nên thường mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến toàn diện trọn vẹn đề-mục thiền-định nước ấy, càng lâu càng tốt, không nên thường nháy mắt, làm trở ngại đối-tượng uggahanimitta: Thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định nước phát sinh rõ ở trong tâm.

Nếu hành-giả cảm thấy mỏi mắt thì nhắm mắt niệm thầm một lát, rồi mở mắt trở lại niệm thầm “Āpo,… Nước,…” như vậy, cho đến khi đối-tượng parikammanimitta là đối-tượng đề-mục thiền-định ban đầu tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là đối-tượng thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định nước phát sinh rõ ở trong tâm.

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-định còn cách xa bậc thiền sắc-giới (mahag-gatajjhāna).

Đối-tượng uggahanimitta phát sinh rõ ở trong tâm

Khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định nước đã phát sinh rõ ở trong tâm, thì hành-giả cần phải thay đổi chỗ ngồi, hoặc ngồi quay sang hướng khác, không còn phải mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến đề-mục thiền-định nước bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm nhìn đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định nước bên trong tâm của hành-giả mà thôi.

Hành-giả tiếp tục hướng tâm đến đối-tượng uggaha-nimitta của đề-mục thiền-định nước ấy diễn biến dần dần trở nên hoàn toàn trong sạch thanh khiết, trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định nước phát sinh rõ ở trong tâm của hành-giả.

Sự khác nhau của uggahanimitta với paṭibhāganimitta

Cả 2 đối-tượng uggahanimitta và đối-tượng paṭibhāga-nimitta của đề-mục thiền-định nước đều phát sinh rõ ở trong tâm, theo ý-môn-lộ-trình-tâm, chỉ có khác nhau như sau:

Đối-tượng uggahanimitta là đối-tượng thô-ảnh tương-tự như đối-tượng parikammanimtta của đề-mục thiền-định nước ban đầu. Còn đối-tượng paṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định nước trong suốt như viên ngọc cao quý.

Sau khi có đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định nước, hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng āpopaṭibhāga-nimitta của đề-mục thiền-định nước ấy.

Phương-pháp thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục-thiền-định nước, để chứng đắc theo tuần tự 5 bậc thiền sắc-giới, hầu hết giống như phương-pháp thực-hành đề-mục thiền-định hình tròn đất đã trình bày ở phần trước.

1.3-Đề-Mục Thiền-Định Lửa (Tejokasiṇa)

Tejokasiṇa= Tejo + kasiṇa

Tejo: Lửa dùng làm đề-mục thiền-định lửa (tejo-kasiṇa) không phải là thật-tánh của lửa (sabhāvatejo) có trạng-thái nóng hoặc lạnh, thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), mà chỉ là lửa bình thường tự nhiên (sasambhāratejo) thuộc về chế-định-pháp mà thôi.

Kasiṇa: Toàn thể lửa, toàn vẹn lửa của đề-mục thiền-định, nghĩa là hành-giả hướng tâm đến trọn vẹn đề-mục thiền-định lửa, không thiếu một phần nào.

Tejokasiṇa là đề-mục thiền-định lửa trọn vẹn mà hành-giả dùng làm đề-mục của pháp-hành thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc đầy đủ 5 bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định lửa, hành-giả không nên biết đến thật-tánh của hỏa-đại (sabhāvatejo) có trạng-thái nóng hoặc lạnh thuộc về chân-nghĩa-pháp, cũng không nên quan tâm đến màu sắc của đề-mục thiền-định lửa, mà hành-giả chỉ nên hướng tâm đến toàn diện trọn vẹn đối-tượng đề-mục thiền-định lửa là lửa bình thường (sasambhāratejo) thuộc về chế-định-pháp mà thôi.

Tiền-kiếp chứng đắc thiền sắc-giới

Nếu hành-giả là người đã từng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới với đề-mục thiền-định lửa trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì khi hành-giả hướng tâm đến lửa bình thường tự nhiên như lửa ngọn đèn, hoặc lửa trong lò, hoặc lửa cháy rừng, v.v… một loại lửa nào đó, thuộc về chế-định-pháp làm đề-mục thiền-định lửa gọi là đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu, với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu bằng dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Tejo,… Tejo,… Tejo,… hoặc Lửa,… Lửa,… Lửa, …”

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định trong đề-mục thiền-định lửa là đối-tượng parikammanimitta ban đầu ấy tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là đối-tượng thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định lửa phát sinh rõ ở trong tâm.

Khi đối-tượng uggahanimitta ấy đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả không nên hướng tâm đến đối-tượng đề-mục thiền-định lửa bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm đến đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định lửa ấy bên trong tâm mà thôi, tiến triển dần dần trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định lửa phát sinh rõ ở trong tâm với upacārabhāvanā: Tâm-hành cận bậc thiền sắc-giới, có upacārasamādhi: Cận-định gần bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng tejopaṭibhāganimitta: Đối-tượng quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định lửa ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định lửa (tejokasiṇa) ấy, bắt đầu hướng tâm đến đối-tượng tejopaṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh-trong-sáng của đề-mục thiền-định lửa ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm.

Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định lửa (tejokasiṇa) ấy như vậy, theo tuần tự chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm một cách thuận lợi đối với hành-giả ấy.

* Nếu hành-giả là người không chứng đắc đề-mục-thiền-định lửa trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì hành-giả cần phải làm đề-mục thiền-định lửa như sau:

Cách làm đề-mục thiền-định lửa (tejokasiṇa)

* Dùng lửa làm đề-mục thiền-định lửa (tejokasiṇa), hành-giả nên lấy củi khô chắc, chặt ra từng đoạn, rồi chọn một nơi thích hợp, đốt lửa lên tại một nơi thích hợp, dựng phía trước một tấm ván mỏng, khoét một lỗ có đường kính 1 gang và 4 lóng tay nằm ngang hoặc 30 phân, làm đề-mục thiền-định lửa.

Hành-giả ngồi trước đề-mục thiền-định lửa ngang tầm mắt, không cao, không thấp, cách chỗ ngồi khoảng 2 cùi và 1 gang tay, không nên ngồi xa quá, cũng không nên ngồi gần quá.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định lửa, không nên quan tâm đến màu của lửa, cũng không nên biết trạng-thái nóng của lửa thuộc về chân-nghĩa-pháp, mà hành-giả chỉ hướng tâm đến lửa bình thường (sasambhāratejo) thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) qua hình tròn có đường kính 1 gang và 4 lóng tay làm đề-mục thiền-định lửa mà thôi.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục thiền-định lửa gọi là parikammanimitta: Đối-tượng đề-mục thiền-định ban đầu với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu trong lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javanacitta) dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Tejo,… Tejo,… Tejo,… hoặc Lửa,… Lửa,… Lửa…” như vậy, từng lúc khoảng 2-3 giây đồng hồ một lần, không nên niệm liên tục như niệm chú, nên thường mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến toàn diện trọn vẹn đề-mục thiền-định lửa ấy, càng lâu càng tốt, không nên thường nháy mắt, làm trở ngại đối-tượng uggahanimitta: Thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định lửa phát sinh rõ ở trong tâm.

Nếu hành-giả cảm thấy mỏi mắt thì nhắm mắt niệm thầm một lát, rồi mở mắt trở lại niệm thầm “Tejo,… Lửa,…” như vậy, cho đến khi đối-tượng parikammanimitta là đối-tượng đề-mục thiền-định ban đầu tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là đối-tượng thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định lửa phát sinh rõ ở trong tâm.

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-định còn cách xa bậc thiền sắc-giới.

Đối-tượng uggahanimitta phát sinh rõ ở trong tâm

Khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định lửa đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả cần phải thay đổi chỗ ngồi, hoặc ngồi quay sang hướng khác, không còn phải mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến đề-mục thiền-định lửa bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm nhìn đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định lửa bên trong tâm của hành-giả mà thôi.

Hành-giả tiếp tục hướng tâm đến đối-tượng uggaha-nimitta của đề-mục thiền-định lửa ấy diễn biến dần dần trở nên hoàn toàn trong sạch thanh khiết, trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định lửa phát sinh rõ ở trong tâm của hành-giả.

Sự khác nhau của uggahanimitta với paṭibhāganimitta

Cả 2 đối-tượng uggahanimitta và đối-tượng paṭibhāga-nimitta của đề-mục thiền-định lửa đều phát sinh rõ ở trong tâm, theo ý-môn-lộ-trình-tâm, chỉ có khác nhau như sau:

Đối-tượng uggahanimitta là đối-tượng thô-ảnh tương-tự như đối-tượng parikammanimitta của đề-mục thiền-định lửa ban đầu. Còn đối-tượng paṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định lửa trong suốt như tấm vải nhung đỏ, hoặc tấm vàng ròng.

Sau khi có đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định lửa hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng tejopaṭibhāga-nimitta của đề-mục thiền-định lửa ấy.

Phương-pháp thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định lửa, để chứng đắc theo tuần tự 5 bậc thiền sắc-giới, hầu hết giống như phương-pháp thực-hành đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) đã trình bày ở phần trước.

1.4-Đề-Mục Thiền-Định Gió (Vāyokasiṇa)

Vāyokasiṇa= Vāyo + kasiṇa

Vāyo: Gió dùng làm đề-mục thiền-định gió (vāyo-kasiṇa) không phải là thật-tánh của gió (sabhāvavāyo) có trạng-thái lay động hoặc căng đầy nào cả, thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), mà chỉ là gió bình thường tự nhiên (sasambhāravāyo) thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) mà thôi.

Kasiṇa: Toàn thể gió, toàn vẹn gió của đề-mục thiền-định, nghĩa là hành-giả hướng tâm đến trọn vẹn đề-mục thiền-định gió, không thiếu một phần nào.

Vāyokasiṇa là đề-mục thiền-định gió trọn vẹn mà hành-giả dùng làm đề-mục của pháp-hành thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc đầy đủ 5 bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục thiền-định gió hành-giả không nên biết đến thật-tánh của phong-đại (sabhāvavāyo) có trạng-thái lay động hoặc căng đầy thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), mà hành-giả chỉ nên hướng tâm đến toàn diện trọn vẹn đối-tượng đề-mục thiền-định gió là gió bình thường tự nhiên (sasambhāravāyo) thuộc về chế-định-pháp mà thôi.

Không làm đề-mục thiền-định gió (vāyokasiṇa)

Hành-giả là người đã từng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới với đề-mục thiền-định gió (vāyokasiṇa) hoặc không chứng đắc các bậc thiền sắc-giới với đề-mục thiền-định gió trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, cũng đều không phải làm đề-mục thiền-định gió riêng biệt, mà hành-giả chỉ cần sử dụng gió bình thường tự nhiên (sasambhāravāyo) thuộc về chế-định-pháp (paññatti-dhamma) làm đề-mục thiền-định gió mà thôi.

Thật ra, gió không thể thấy bằng mắt thịt được, nhưng có thể biết gió bằng mắt nhìn thấy ngọn cây lay chuyển, cành cây, lá cây lay động hoặc thân tiếp xúc với gió có cảm giác mát lạnh, … một trong những đối-tượng ấy làm đề-mục thiền-định gió (vāyokasiṇa).

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục thiền-định gió gọi là đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu trong lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javana-citta) dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Vāyo,… Vāyo,... Vāyo,… hoặc Gió,… Gió,... Gió,…” như vậy, từng lúc khoảng 2-3 giây đồng hồ một lần, không nên niệm liên tục như niệm chú, nên thường mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến toàn diện trọn vẹn đề-mục thiền-định gió (vāyokasiṇa) ấy, càng lâu càng tốt, để cho đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định gió phát sinh rõ ở trong tâm.

Nếu hành-giả cảm thấy mỏi mắt thì nhắm mắt niệm thầm một lát, rồi mở mắt trở lại niệm thầm “Vāyo, … Gió,…” như vậy, cho đến khi đối-tượng parikamma-nimitta là đối-tượng đề-mục thiền-định ban đầu tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là đối-tượng lay động của đề-mục thiền-định gió phát sinh rõ ở trong tâm.

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-định còn cách xa bậc thiền sắc-giới.

Đối-tượng uggahanimitta phát sinh rõ ở trong tâm

Khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh-lay-động của đề-mục thiền-định gió đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả cần phải thay đổi chỗ ngồi, hoặc ngồi quay sang hướng khác, không còn phải mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến đề-mục thiền-định gió bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm nhìn đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh của đề-mục thiền-định gió bên trong tâm của hành-giả mà thôi.

Hành-giả tiếp tục hướng tâm đến đối-tượng uggaha-nimitta của đề-mục thiền-định gió ấy diễn biến dần dần trở nên hoàn toàn trong sáng bất động, trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng bất động của đề-mục thiền-định gió phát sinh rõ ở trong tâm của hành-giả.

Sự khác nhau của uggahanimitta và paṭibhāganimitta

Cả 2 đối-tượng uggahanimitta và đối-tượng paṭibhāga-nimitta của đề-mục thiền-định gió đều phát sinh rõ ở trong tâm, theo ý-môn-lộ-trình-tâm, chỉ có khác nhau như sau:

Đối-tượng uggahanimitta là đối-tượng thô-ảnh lay-động của đối-tượng parikammanimitta, đề-mục thiền-định gió (vāyokasiṇa) ban đầu. Còn đối-tượng paṭibhāga-nimitta là đối-tượng quang-ảnh trong-sáng bất động của đề-mục thiền-định gió.

Sau khi có đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng bất động của đề-mục thiền-định gió, hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng vāyo-paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định gió ấy.

Phương-pháp thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định gió, để chứng đắc theo tuần tự 5 bậc thiền sắc-giới, hầu hết giống như phương-pháp thực-hành đề-mục thiền-định hình tròn đất đã trình bày ở phần trước.

Ba loại nimitta của đề-mục thiền-định gió

- Đối-tượng parikammanimitta đó là gió thổi làm ngọn cây lay chuyển, cành cây, lá cây lay động,…

- Đối-tượng uggahanimitta là đối-tượng như hơi nồi cơm bốc lên, hoặc hơi nước sôi bốc lên, hoặc hơi thác nước, hoặc khói bay, … là thô-ảnh lay động phát sinh rõ ở trong tâm.

- Đối-tượng paṭibhāganimitta cũng là đối-tượng như hơi nước sôi bốc lên, hơi nước, v.v… như đối-tượng uggaha-nimitta, nhưng đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng bất động, định ảnh như ảnh chụp, ảnh vẽ.

Thật ra, gió bình thường tự nhiên không thể thấy bằng mắt thịt được. Vì vậy, hành-giả cần phải nhờ mắt thấy cây lay chuyển, cành cây, lá cây lay động, …

Hành-giả sử dụng một trong các đối-tượng ấy làm đề-mục thiền-định gió gọi là đối-tượng parikamma-nimitta: Đề-mục thiền-định ban đầu.

* Đối-tượng uggahanimitta là đối-tượng như hơi nồi cơm bốc lên, hoặc hơi nước sôi bốc lên, hoặc hơi thác nước, hoặc khói bay,… thô-ảnh lay động của đề-mục thiền-định gió phát sinh rõ ở trong tâm.

Cho nên, hành-giả thực-hành hướng tâm đến gió bình thường tự nhiên bên ngoài, để có thô-ảnh của đề-mục thiền-định gió đặc biệt phát sinh rõ ở trong tâm, trở nên đối-tượng uggahanimitta.

Vấn: Nếu vậy thì hành-giả trực tiếp hướng tâm đến hơi nồi cơm bốc lên, hoặc hơi nước sôi bốc lên, hoặc hơi thác nước, hoặc khói bay,… bởi vì các loại hơi này là uggahanimitta: Đối-tượng thô-ảnh lay động của đề-mục thiền-định gió (vāyokasiṇa) không được hay sao?

Đáp: Hành-giả không thể trực tiếp hướng tâm đến hơi nồi cơm bốc lên, hoặc hơi nước sôi bốc lên, hoặc hơi thác nước, hoặc khói bay,… bởi vì uggahanimitta: Đối-tượng thô-ảnh lay động của đề-mục thiền-định gió (vāyo-kasiṇa) hiện rõ bên trong tâm với ý môn lộ-trình-tâm.

Đối-tượng uggahanimitta tiến triển trở thành paṭi-bhāganimitta: Đối-tượng quang-ảnh trong-sáng bất động của đề-mục thiền-định gió (vāyokasiṇa) cũng hiện rõ bên trong tâm với ý môn lộ-trình-tâm.

Khi có đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định gió (vāyokasiṇa), hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng bất động của đề-mục thiền-định gió ấy, để dẫn đến chứng đắc theo tuần tự 5 bậc thiền sắc-giới.

Vaṇṇakasiṇa: 4 Màu Kasiṇa

1.5-Đề-Mục Thiền-Định Màu Xanh (Nīlakasiṇa)

Nīlakasiṇa: Đề-mục thiền-định màu xanh trọn vẹn là đề-mục của pháp-hành thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc đầy đủ 5 bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định màu xanh (nīlakasiṇa) thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma).

Tiền-kiếp chứng đắc thiền sắc-giới

* Nếu hành-giả là người đã từng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới với đề-mục thiền-định màu xanh trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì khi hành-giả hướng tâm đến màu lá xanh, hoa màu xanh, vải màu xanh, vật gì màu xanh,… một loại nào đó thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma), làm đề-mục thiền-định màu xanh gọi là đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu, với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu bằng dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Nīlaṃ, ... Nīlaṃ, ... Nīlaṃ, … hoặc Màu xanh, ...Màu xanh, ... Màu xanh, ...”

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định trong đề-mục thiền-định màu xanh là đối-tượng parikammanimitta ban đầu ấy tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu xanh phát sinh rõ ở trong tâm.

Khi đối-tượng uggahanimitta đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả không nên hướng tâm đến đối-tượng đề-mục thiền-định màu xanh bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm đến đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định màu xanh ấy bên trong tâm mà thôi, tiến triển dần dần trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu xanh phát sinh rõ ở trong tâm với upacārabhāvanā: Tâm-hành cận bậc thiền sắc-giới, có upacārasamādhi: Cận-định gần bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng nīlapaṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu xanh ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định màu xanh (nīlakasiṇa) ấy, bắt đầu hướng tâm đến đối-tượng nīlapaṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu xanh ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanā-bhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm.

Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định màu xanh ấy như vậy, theo tuần tự chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm một cách thuận lợi đối với hành-giả ấy.

* Nếu hành-giả là người không chứng đắc đề-mục thiền-định màu xanh trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì hành-giả cần phải làm đề-mục thiền-định màu xanh như sau:

Cách làm đề-mục thiền-định màu xanh (nīlakasiṇa)

Hành-giả tìm hoa màu xanh, hoặc vải màu xanh, hoặc tấm ván sơn màu xanh, chọn một thứ nào đó tùy theo sở thích của hành-giả.

* Nếu sử dụng hoa màu xanh thì cùng loại không lấy nhụy, sắp hoa không thấy cuống hoa trong nắp bát hoặc đồ đựng hoa có đường kính 1 gang và 4 lóng tay nằm ngang.

* Nếu sử dụng vải màu xanh, hoặc tấm nhựa màu xanh, hoặc tấm ván ép sơn màu xanh, thì cắt tròn có đường kính 1 gang và 4 lóng tay nằm ngang, rồi vẽ một đường biên màu trắng hoặc màu đỏ ¼ ngón tay vòng quanh chu vi vòng tròn, để làm nổi đề-mục thiền-định màu xanh.

Đề-mục thiền-định màu xanh mà hành-giả sử dụng làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định, hành-giả phải nên biết tôn kính, và giữ gìn sạch sẽ như tượng Đức-Phật.

Đặt đề-mục thiền-định màu xanh

Sau khi đã làm đề-mục thiền-định màu xanh xong, hành-giả cần phải tìm một nơi thanh vắng, thuận lợi cho việc thực-hành pháp-hành thiền-định. Hành-giả đặt đề-mục thiền-định màu xanh ngay trước mặt ngang tầm mắt, không cao, không thấp, cách chỗ ngồi khoảng 2 cùi và 1 gang tay (Không nên đặt xa quá, cũng không nên đặt gần quá). Đề-mục thiền-định màu xanh này thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma).

Thực-hành đề-mục thiền-định màu xanh (Nīlakasiṇa)

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục thiền-định màu xanh gọi là đối-tượng parikamma-nimitta là đề-mục thiền-định ban đầu với parikamma-bhāvanā: Tâm-hành ban đầu trong lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javanacitta) dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Nīlaṃ, … Nīlaṃ, … Nīlaṃ, … hoặc Màu xanh, … Màu xanh, … Màu xanh, …” từng lúc khoảng 2-3 giây đồng hồ một lần, không nên niệm liên tục như niệm chú, nên thường mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến toàn diện trọn vẹn đề-mục thiền-định màu xanh (nīlakasiṇa) ấy, càng lâu càng tốt, không nên thường nháy mắt, làm trở ngại đối-tượng uggahanimitta: Thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định màu xanh phát sinh rõ ở trong tâm.

Nếu hành-giả cảm thấy mỏi mắt thì nhắm mắt niệm thầm một lát, rồi mở mắt trở lại niệm thầm “Nīlaṃ, … Màu xanh, …” như vậy, cho đến khi đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu xanh phát sinh rõ ràng trong tâm.

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định ban đầu thực-hành pháp-hành-thiền-định còn cách xa bậc thiền sắc-giới (mahag-gatajjhāna).

Đối-tượng uggahanimitta phát sinh rõ ở trong tâm

Khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu xanh đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả cần phải thay đổi chỗ ngồi, hoặc ngồi quay sang hướng khác, không còn phải mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến đề-mục thiền-định màu xanh bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm nhìn đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu xanh bên trong tâm của hành-giả mà thôi.

Hành-giả tiếp tục hướng tâm đối-tượng uggaha-nimitta là thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định màu xanh (nīlakasiṇa) ấy tiến triển dần dần trở nên hoàn toàn trong sạch thanh khiết, trở thành đối-tượng paṭibhāga-nimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu xanh phát sinh rõ ở trong tâm.

Sau khi có đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh-trong-sáng của đề-mục thiền-định màu xanh, hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng nīlapaṭibhāga-nimitta của đề-mục thiền-định màu xanh ấy.

Phương-pháp thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định màu xanh, để chứng đắc theo tuần tự 5 bậc thiền sắc-giới, hầu hết giống như phương-pháp thực-hành đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) đã trình bày ở phần trước.

1.6-Đề-Mục Thiền-Định Màu Vàng (Pītakasiṇa) 1.7-Đề-Mục Thiền-Định Màu Đỏ (Lohitakasiṇa) 1.8-Đề-Mục Thiền-Định Màu Trắng (Odātakasiṇa)

Đề-mục thiền-định màu vàng (pītakasiṇa), đề-mục thiền-định màu đỏ (lohitakasiṇa), đề-mục thiền-định màu trắng (odātakasiṇa) là những đề-mục của pháp-hành thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc đầy đủ 5 bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định màu vàng (pītakasiṇa) hoặc đề-mục thiền-định màu đỏ (lohitakasiṇa) hoặc đề-mục thiền-định màu trắng (odātakasiṇa).

 

1.6-Đề-Mục Thiền-Định Màu Vàng (Pītakasiṇa)

* Nếu hành-giả là người đã từng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới với đề-mục thiền-định màu vàng (pīta-kasiṇa) trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì khi hành-giả hướng tâm đến hoa màu vàng, vải màu vàng, vật gì màu vàng, … một loại nào đó thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma), làm đối-tượng đề-mục thiền-định màu vàng gọi là đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu, với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu bằng dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Pītakaṃ, … Pītakaṃ, … Pītakaṃ, … hoặc Màu vàng, … Màu vàng, … Màu vàng, …”

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định trong đề-mục thiền-định màu vàng là đối-tượng parikammanimitta ban đầu ấy tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu vàng phát sinh rõ ở trong tâm.

Khi đối-tượng uggahanimitta đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả không nên hướng tâm đến đối-tượng đề-mục thiền-định màu vàng bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm đến đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định màu vàng ấy bên trong tâm mà thôi, tiến triển dần dần trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu vàng phát sinh rõ ở trong tâm với upacārabhāvanā: Tâm-hành cận bậc thiền sắc-giới, có upacārasamādhi: Cận-định gần bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng pītapaṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu vàng ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định màu vàng ấy, bắt đầu hướng tâm đến đối-tượng pītapaṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu vàng ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm.

Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định màu vàng ấy như vậy, theo tuần tự chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm một cách thuận lợi đối với hành-giả ấy.

* Nếu hành-giả là người không chứng đắc đề-mục-thiền-định màu vàng trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì hành-giả cần phải làm đề-mục thiền-định màu vàng.

Cách làm đề-mục thiền-định màu vàng (pītakasiṇa) tương tự như cách làm đề-mục thiền-định màu xanh (nīlakasiṇa), chỉ có khác là chọn toàn màu vàng mà thôi.

Đặt đề-mục thiền-định màu vàng (Pītakasiṇa)

Sau khi đã làm đề-mục thiền-định màu vàng xong, hành-giả cần phải tìm một nơi thanh vắng, thuận lợi cho việc thực-hành pháp-hành thiền-định. Hành-giả đặt đề-mục thiền-định màu vàng ấy ngay trước mặt ngang tầm mắt, không cao, không thấp, cách chỗ ngồi khoảng 2 cùi và 1 gang tay (Không nên đặt xa quá, cũng không nên đặt gần quá).

Khi hành-giả hướng tâm đến trọn vẹn đối-tượng đề-mục-thiền-định màu vàng (pītakasiṇa) ấy chỉ thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) mà thôi.

Thực-hành Đề-mục thiền-định màu vàng (Pītakasiṇa)

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục thiền-định màu vàng gọi là parikammanimitta: Đối-tượng đề-mục thiền-định ban đầu với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu trong lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javana-citta) dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Pītakaṃ, … Pītakaṃ, … Pītakaṃ, … hoặc Màu vàng, … Màu vàng, ... Màu vàng, ...” từng lúc khoảng 2-3 giây đồng hồ một lần, không nên niệm liên tục như niệm chú, nên thường mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến toàn diện trọn vẹn đề-mục thiền-định màu vàng ấy, càng lâu càng tốt, không nên thường nháy mắt, làm trở ngại đối-tượng uggahanimitta: Thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định màu vàng phát sinh rõ ở trong tâm.

Nếu hành-giả cảm thấy mỏi mắt thì nhắm mắt niệm thầm một lát, rồi mở mắt trở lại niệm thầm “Pītakaṃ, … Màu vàng, …” như vậy, cho đến khi đối-tượng parikam-manimitta là đề-mục thiền-định ban đầu tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu vàng (pītakasiṇa) phát sinh rõ ràng trong tâm.

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-định còn cách xa bậc thiền sắc-giới.

Đối-tượng uggahanimitta phát sinh rõ ở trong tâm

Khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu vàng (pītakasiṇa) đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả cần phải thay đổi chỗ ngồi, hoặc ngồi quay sang hướng khác, không còn phải mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến đề-mục thiền-định màu vàng bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm nhìn đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu vàng bên trong tâm của hành-giả mà thôi.

Hành-giả tiếp tục hướng tâm đến đối-tượng uggaha-nimitta là thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định màu vàng (pītakasiṇa) ấy tiến triển dần dần trở nên hoàn toàn trong sạch thanh khiết, trở thành đối-tượng paṭibhāga-nimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu vàng phát sinh rõ ở trong tâm.

Sau khi có đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu vàng (pītakasiṇa), hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng pītapaṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định màu vàng ấy.

Phương-pháp thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định màu vàng, để chứng đắc theo tuần tự 5 bậc thiền sắc-giới, hầu hết giống như phương-pháp thực-hành đề-mục thiền-định hình tròn đất đã trình bày ở phần trước.

1.7-Đề-Mục Thiền-Định Màu Đỏ (Lohitakasiṇa)

* Nếu hành-giả là người đã từng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới với đề-mục thiền-định màu đỏ (lohita-kasiṇa) trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì khi hành-giả hướng tâm đến hoa màu đỏ, vải màu đỏ, vật gì màu đỏ, … một loại nào đó thuộc về chế-định-pháp (paññatti-dhamma), làm đề-mục thiền-định màu đỏ, gọi là đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu, với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu bằng dục-giới thiện-tâm, niệm thầm trong tâm rằng:

“Lohitakaṃ, … Lohitakaṃ, … Lohitakaṃ, … hoặc Màu đỏ, … Màu đỏ, … Màu đỏ, …”

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định trong đề-mục thiền-định màu đỏ là đối-tượng parikammanimitta ban đầu ấy tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu đỏ phát sinh rõ ở trong tâm.

Khi đối-tượng uggahanimitta đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả không nên hướng tâm đến đối-tượng đề-mục thiền-định màu đỏ bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm đến đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định màu đỏ ấy bên trong tâm mà thôi, tiến triển dần dần trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu đỏ phát sinh rõ ở trong tâm với upacārabhāvanā: Tâm-hành cận bậc thiền sắc-giới có upacārasamādhi: Cận-định gần bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng lohitapaṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu đỏ ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định màu đỏ ấy, bắt đầu hướng tâm đến đối-tượng lohitapaṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu đỏ ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm.

Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định màu đỏ (lohitakasiṇa) ấy như vậy, theo tuần tự chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm một cách thuận lợi đối với hành-giả ấy.

* Nếu hành-giả là người không chứng đắc đề-mục-thiền-định màu đỏ trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì hành-giả cần phải làm đề-mục thiền-định màu đỏ.

Cách làm đề-mục thiền-định màu đỏ (lohitakasiṇa) tương tự như cách làm đề-mục thiền-định màu xanh (nīlakasiṇa), chỉ có khác là chọn toàn màu đỏ mà thôi.

Đặt đề-mục thiền-định màu đỏ (Lohitakasiṇa)

Sau khi đã làm đề-mục thiền-định màu đỏ xong, hành-giả cần phải tìm một nơi thanh vắng, thuận lợi cho việc thực-hành pháp-hành thiền-định. Hành-giả đặt đề-mục thiền-định màu đỏ ấy ngay trước mặt ngang tầm mắt, không cao, không thấp, cách chỗ ngồi khoảng 2 cùi và 1 gang tay (không nên đặt xa quá, cũng không nên đặt gần đề-mục thiền-định màu đỏ ấy quá).

Khi hành-giả hướng tâm đến trọn vẹn đối-tượng đề-mục thiền-định màu đỏ (lohitakasiṇa) ấy chỉ thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) mà thôi.

Thực-hành đề-mục thiền-định màu đỏ (Lohitakasiṇa)

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục thiền-định màu đỏ gọi là đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu trong lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javana-citta) dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Lohitakaṃ, … Lohitakaṃ,… Lohitakaṃ, … hoặc Màu đỏ, … Màu đỏ, … Màu đỏ, …” từng lúc khoảng 2-3 giây đồng hồ một lần, không nên niệm liên tục như niệm chú, nên thường mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến toàn diện trọn vẹn đề-mục thiền-định màu đỏ ấy, càng lâu càng tốt, không nên thường nháy mắt, làm trở ngại đối-tượng uggahanimitta: Thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định màu đỏ (lohitakasiṇa) phát sinh rõ ở trong tâm.

Nếu hành-giả cảm thấy mỏi mắt thì nhắm mắt niệm thầm một lát, rồi mở mắt trở lại niệm thầm “Lohitakaṃ, … Màu đỏ, …” như vậy, cho đến khi đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu đỏ (lohita-kasiṇa) phát sinh rõ ràng trong tâm.

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-định còn cách xa bậc thiền sắc-giới.

Đối-tượng uggahanimitta phát sinh rõ ở trong tâm

Khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu đỏ (lohitakasiṇa) đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả cần phải thay đổi chỗ ngồi, hoặc ngồi quay sang hướng khác, không còn phải mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến đề-mục thiền-định màu đỏ bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm nhìn đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu đỏ bên trong tâm của hành-giả mà thôi.

Hành-giả tiếp tục hướng tâm đến đối-tượng uggaha-nimitta là thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định màu đỏ ấy tiến triển dần dần trở nên hoàn toàn trong sạch thanh khiết, trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu đỏ phát sinh trong tâm.

Sau khi có đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu đỏ (lohitakasiṇa), hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng lohitapaṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định màu đỏ ấy.

Phương-pháp thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định màu đỏ (lohitakasiṇa), để chứng đắc theo tuần tự 5 bậc thiền sắc-giới, hầu hết giống như phương-pháp thực-hành đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) đã trình bày ở phần trước.

1.8-Đề-Mục Thiền-Định Màu Trắng (Odātakasiṇa)

* Nếu hành-giả là người đã từng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới với đề-mục thiền-định màu trắng trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì khi hành-giả hướng tâm đến hoa màu trắng, vải màu trắng, vật gì màu trắng, … một loại nào đó thuộc về chế-định-pháp (paññatti-dhamma), làm đề-mục thiền-định màu trắng, gọi là đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu, với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu bằng dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Odātaṃ, … Odātaṃ, … Odātaṃ, … hoặc Màu trắng, … Màu trắng, … Màu trắng, ...”

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định trong đề-mục thiền-định màu trắng là đối-tượng parikammanimitta ban đầu ấy tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu trắng phát sinh rõ ở trong tâm.

Khi đối-tượng uggahanimitta đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả không nên hướng tâm đến đối-tượng đề-mục thiền-định màu trắng bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm đến đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định màu trắng ấy bên trong tâm mà thôi, tiến triển dần dần trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu trắng phát sinh rõ ở trong tâm với upacārabhāvanā: Tâm-hành cận bậc thiền sắc-giới, có upacārasamādhi: Cận-định gần bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng odātapaṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu trắng ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định màu trắng (odātakasiṇa) ấy, bắt đầu hướng tâm đến đối-tượng odātapaṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu trắng ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm.

Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định màu trắng (odātakasiṇa) ấy như vậy, theo tuần tự chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm một cách thuận lợi đối với hành-giả ấy.

* Nếu hành-giả là người không chứng đắc đề-mục-thiền-định màu trắng trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì hành-giả cần phải làm đề-mục thiền-định màu trắng.

Cách làm đề-mục thiền-định màu trắng (odātakasiṇa) tương tự như cách làm đề-mục thiền-định màu xanh (nīlakasiṇa), chỉ có khác là chọn toàn màu trắng mà thôi.

Đặt đề-mục thiền-định màu trắng (Odātakasiṇa)

Sau khi đã làm đề-mục thiền-định màu trắng xong, hành-giả cần phải tìm một nơi thanh vắng, thuận lợi cho việc thực-hành pháp-hành thiền-định. Hành-giả đặt đề-mục thiền-định màu trắng ấy ngay trước mặt ngang tầm mắt, không cao, không thấp, cách chỗ ngồi khoảng 2 cùi và 1 gang tay (không nên đặt xa quá, cũng không nên đặt gần với đề-mục thiền-định màu trắng ấy quá).

Khi hành-giả hướng tâm đến trọn vẹn đối-tượng đề-mục-thiền-định màu trắng (odātakasiṇa) ấy chỉ thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) mà thôi.

Thực-hành đề-mục thiền-định màu trắng (odātakasiṇa)

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục thiền-định màu trắng gọi là đối-tượng parikamma-nimitta là đề-mục thiền-định ban đầu với parikamma-bhāvanā: Tâm-hành ban đầu trong lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Odātaṃ, … Odātaṃ, … Odātaṃ, … hoặc Màu trắng,

… Màu trắng, … Màu trắng, ...” từng lúc khoảng 2-3 giây đồng hồ một lần, không nên niệm liên tục như niệm chú, nên thường mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến toàn diện trọn vẹn đề-mục thiền-định màu trắng (odātakasiṇa) ấy, càng lâu càng tốt, không nên thường nháy mắt, làm trở ngại đối-tượng uggahanimitta: Thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định màu trắng phát sinh rõ ở trong tâm.

Nếu hành-giả cảm thấy mỏi mắt thì nhắm mắt niệm thầm một lát, rồi mở mắt trở lại niệm thầm “Odātaṃ, … Màu trắng, …” như vậy, cho đến khi đối-tượng parikamma-nimitta là đề-mục thiền-định ban đầu tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu trắng phát sinh rõ ràng trong tâm.

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-định còn cách xa bậc thiền sắc-giới.

Đối-tượng uggahanimitta phát sinh rõ ở trong tâm

Khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu trắng (odātakasiṇa) đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả cần phải thay đổi chỗ ngồi, hoặc ngồi quay sang hướng khác, không còn phải mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến đề-mục thiền-định màu trắng bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm nhìn đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu trắng bên trong tâm của hành-giả mà thôi.

Hành-giả tiếp tục hướng tâm đối-tượng uggaha-nimitta là thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định màu trắng ấy tiến triển dần dần trở nên hoàn toàn trong sạch thanh khiết, trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu trắng (odātakasiṇa) phát sinh trong tâm.

Sau khi có đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu trắng, hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng odāta-paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định màu trắng ấy.

Phương-pháp thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định màu trắng, để chứng đắc theo tuần tự 5 bậc thiền sắc-giới, hầu hết giống như phương pháp thực- hành đề-mục thiền-định hình tròn đất đã trình bày ở phần trước.

1.9-Đề-Mục Thiền-Định Hư-Không (Ākāsakasiṇa)

Đề-mục thiền-định hư-không (ākāsakasiṇa) là đề-mục của pháp-hành thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc đầy đủ 5 bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định hư-không (ākāsakasiṇa).

Tiền-kiếp chứng đắc thiền sắc-giới

* Nếu hành-giả là người đã từng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới với đề-mục thiền-định hư-không (ākāsa-kasiṇa) trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì khi hành-giả hướng tâm đến khoảng trống cửa ra vào, khoảng trống cửa sổ, v.v… một loại nào đó thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma), làm đề-mục thiền-định hư không gọi là đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu, với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu bằng dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Ākāso, … Ākāso, … Ākāso, … hoặc Hư-không, … Hư-không, … Hư-không, …”

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định trong đề-mục thiền-định hư-không là đối-tượng parikammanimitta ban đầu ấy tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định hư-không phát sinh rõ ở trong tâm.

Khi đối-tượng uggahanimitta đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả không nên hướng tâm đến đối-tượng đề-mục thiền-định hư-không bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm đến đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định hư-không ấy bên trong tâm mà thôi, tiến triển dần dần trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định hư-không phát sinh rõ ở trong tâm với upacārabhāvanā: Tâm-hành cận bậc thiền sắc-giới, có upacārasamādhi: Cận-định gần bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng ākāsapaṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định hư-không ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định hư-không ấy, bắt đầu hướng tâm đến đối-tượng ākāsapaṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định hư-không ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm.

Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định hư-không (ākāsakasiṇa) ấy như vậy, theo tuần tự chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm một cách thuận lợi đối với hành-giả ấy.

* Nếu hành-giả là người không chứng đắc các bậc thiền sắc-giới với đề-mục thiền-định hư-không trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì hành-giả cần phải làm đề-mục thiền-định hư-không (ākāsakasiṇa) như sau:

Cách làm đề-mục thiền-định hư-không (Ākāsakasiṇa)

Nếu hành-giả không có khả năng hướng tâm trực tiếp đến khoảng trống cửa ra vào, khoảng trống cửa sổ, v.v… thì cần phải làm đề-mục thiền-định hư-không (ākāsa-kasiṇa) bằng cách khoét lỗ vách có đường kính 1 gang và 4 ngón tay nằm ngang (hoặc 30 phân), làm đề-mục thiền-định hư-không (ākāsakasiṇa), chiều cao ngồi ngang tầm mắt, không cao, không thấp, trong căn nhà kín.

Thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định hư-không (ākāsakasiṇa), hành-giả ngồi vừa tầm mắt, khoảng cách 2 cùi 1 gang (không nên ngồi xa quá, cũng không nên ngồi gần quá).

Khi hành-giả hướng tâm đến đề-mục thiền-định hư-không ấy gọi là đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu trong lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javanacitta) dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Ākāso, … Ākāso, … Ākāso, … hoặc Hư-không, … Hư-không, … Hư không, …” từng lúc khoảng 2-3 giây đồng hồ một lần, không nên niệm liên tục như niệm chú, nên thường mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến toàn diện trọn vẹn đề-mục thiền-định hư-không (ākāsakasiṇa) ấy, càng lâu càng tốt, không nên thường nháy mắt, làm trở ngại đối-tượng uggahanimitta: Thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định hư-không phát sinh rõ ở trong tâm.

Nếu hành-giả cảm thấy mỏi mắt thì nhắm mắt niệm thầm một lát, rồi mở mắt trở lại niệm thầm “Ākāso, … Hư-không,

…” như vậy, cho đến khi đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định hư-không phát sinh rõ ràng trong tâm.

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định ban đầu thực-hành pháp-hành-thiền-định còn cách xa bậc thiền sắc-giới.

Đối-tượng uggahanimitta phát sinh rõ ở trong tâm

Khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định hư-không (ākāsakasiṇa) đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả cần phải thay đổi chỗ ngồi, hoặc ngồi quay sang hướng khác, không còn phải mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến đề-mục thiền-định hư-không (ākāsakasiṇa) bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm nhìn đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định hư-không bên trong tâm của hành-giả mà thôi.

Hành-giả tiếp tục hướng tâm đối-tượng uggaha-nimitta là thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định hư-không (ākāsakasiṇa) ấy tiến triển dần dần trở nên hoàn toàn trong sạch thanh khiết, trở thành đối-tượng paṭi-bhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định hư-không phát sinh trong tâm.

Sự khác nhau của 3 loại nimitta

Ba loại nimitta của đề-mục thiền-định hư-không như sau:

* Đối-tượng parikammanimitta của đề-mục thiền-định hư-không là hư-không qua cửa sổ, lỗ trống, hoặc lỗ trống trên vách.

* Đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định hư-không (ākāsakasiṇa) là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định hư-không hiện rõ trong tâm.

* Đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định hư-không là quang-ảnh hoàn toàn trong-sáng không có ranh giới bao bọc, có thể khai triển rộng hay hẹp bao nhiêu do năng lực của định-tâm.

Sau khi có đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định hư-không, hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng ākāsa-paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định hư-không ấy.

Phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định hư-không (ākāsakasiṇa), để chứng đắc theo tuần tự 5 bậc thiền sắc-giới, hầu hết giống như phương pháp thực-hành đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) đã trình bày ở phần trước.

1.10-Đề-Mục Thiền-Định Ánh-Sáng (Ālokakasiṇa)

Đề-mục thiền-định ánh-sáng (ālokakasiṇa) là đề-mục của pháp-hành thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định ánh-sáng (ālokakasiṇa).

Tiền-kiếp chứng đắc thiền sắc-giới

* Nếu hành-giả là người đã từng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới với đề-mục thiền-định ánh-sáng trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì khi hành-giả hướng tâm đến ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng, ánh sáng đèn, v.v… một loại ánh sáng nào đó thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma), làm đề-mục thiền-định ánh-sáng gọi là đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu, với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu bằng dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Āloko, … Āloko, … Āloko, … hoặc Ánh-sáng, ... Ánh-sáng, ... Ánh-sáng, …”

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định trong đề-mục thiền-định ánh-sáng là đối-tượng parikammanimitta ban đầu ấy tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định ánh-sáng (āloka-kasiṇa) phát sinh rõ ở trong tâm.

Khi đối-tượng uggahanimitta đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả không nên hướng tâm đến đối-tượng đề-mục thiền-định ánh-sáng bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm đến đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định ánh-sáng ấy bên trong tâm mà thôi, tiến triển dần dần trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định ánh-sáng phát sinh rõ ở trong tâm với upacārabhāvanā: Tâm-hành cận bậc thiền sắc-giới, có upacārasamādhi: Cận-định gần bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng ālokapaṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định hư-không ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định ánh-sáng ấy, bắt đầu hướng tâm đến đối-tượng ālokapaṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định ánh-sáng ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: Tâm hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: An-định trong đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm.

Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định ánh-sáng (ālokakasiṇa) ấy như vậy, theo tuần tự chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm một cách thuận lợi đối với hành-giả ấy.

* Nếu hành-giả là người không chứng đắc các bậc thiền sắc-giới với đề-mục thiền-định ánh-sáng trong tiền-kiếp gần kiếp hiện-tại, thì hành-giả cần phải làm đề-mục thiền-định ánh-sáng (ālokakasiṇa) như sau:

Cách làm đề-mục thiền-định ánh-sáng (Ālokakasiṇa)

Hành-giả làm đề-mục thiền-định ánh-sáng (āloka-kasiṇa) bằng cách khoét lỗ không lớn, không nhỏ nơi vách nhà hoặc trên mái nhà, để cho ánh sáng chiếu vào bên trong nhà, hiện rõ trên vách hoặc dưới nền nhà.

Nếu khi không có ánh sáng thì hành-giả cần phải tạo ra ánh sáng bằng cách đốt đèn, dùng đèn điện, khoét lỗ trên vách hoặc trên màn, cho ánh sáng chiếu qua lỗ rọi trên vách hoặc trên màn làm đề-mục thiền-định ánh-sáng.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục thiền-định ánh-sáng (ālokakasiṇa) gọi là đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu trong lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javanacitta) dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Āloko, … Āloko, … Āloko, … hoặc Ánh-sáng, … Ánh-sáng, ... Ánh-sáng, …” từng lúc khoảng 2-3 giây đồng hồ một lần, không nên niệm liên tục như niệm chú, nên thường mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến toàn diện trọn vẹn đề-mục thiền-định ánh-sáng (ālokakasiṇa) ấy, càng lâu càng tốt, không nên thường nháy mắt, làm trở ngại đối-tượng uggahanimitta: Thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định ánh-sáng (ālokakasiṇa) phát sinh rõ ở trong tâm.

Nếu hành-giả cảm thấy mỏi mắt thì nhắm mắt niệm thầm một lát, rồi mở mắt trở lại niệm thầm “Āloko,… Ánh-sáng,…” như vậy, cho đến khi đối-tượng parikammanimitta là đề-mục thiền-định ban đầu tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định ánh-sáng phát sinh rõ ràng trong tâm.

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định ban đầu thực-hành pháp-hành-thiền-định còn cách xa bậc thiền sắc-giới.

Đối-tượng uggahanimitta phát sinh rõ ở trong tâm

Khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định ánh-sáng (ālokakasiṇa) đã phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả cần phải thay đổi chỗ ngồi, hoặc ngồi quay sang hướng khác, không còn phải mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến đề-mục thiền-định ánh-sáng bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm nhìn đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định ánh-sáng bên trong tâm của hành-giả mà thôi.

Hành-giả tiếp tục hướng tâm đến đối-tượng uggaha-nimitta là thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định ánh-sáng (ālokakasiṇa) ấy tiến triển dần dần trở nên hoàn toàn trong sạch thanh khiết, trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định ánh-sáng phát sinh trong tâm.

Sau khi có đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định ánh-sáng, hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng āloka-paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định ánh-sáng ấy.

Phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định ánh-sáng (ālokakasiṇa), để chứng đắc theo tuần tự 5 bậc thiền sắc-giới, hầu hết giống như phương pháp thực-hành đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa) đã trình bày ở phần trước.

Tính chất đặc biệt 10 đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa

10 đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa: Đề-mục thiền-định đất, nước, lửa, gió, màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, hư-không, ánh-sáng, sau khi hành-giả đã chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới với 1 trong 10 đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa nào xong rồi.

Nếu hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa nào chỉ cần hướng tâm đến đối-tượng bình thường tự nhiên của đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa ấy với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu trong lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javanacitta) dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa ấy, thì đối-tượng uggahanimitta: Thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa ấy phát sinh rõ ở trong tâm của hành-giả, mà không cần phải làm đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa ấy riêng biệt (giống như trường hợp hành-giả đã từng chứng đắc bậc thiền sắc-giới với đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa ấy trong kiếp quá-khứ gần kiếp hiện-tại).

Khi ấy, hành-giả tiếp tục thực-hành chỉ hướng tâm đến đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa ấy phát sinh rõ ở trong tâm mà thôi, cho đến khi trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục kasiṇa ấy, rồi dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, một cách rất thuận lợi đối với hành-giả.

Như vậy, 10 đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa có tính chất liên quan với nhau về đối-tượng uggahanimitta và đối-tượng paṭibhāganimitta, để dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới.

Đề-mục thiền-định dễ chứng đắc bậc thiền

Trong 40 đề-mục thiền-định chỉ có 30[6] đề-mục thiền-định có khả năng chứng đắc bậc thiền mà thôi.

Trong 30 đề-mục thiền-định ấy có 10 đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa là những đề-mục thiền-định tương đối dễ chứng đắc các bậc thiền sắc-giới hơn các đề-mục thiền-định khác, bởi vì hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định hướng tâm đến đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa dễ phát sinh đối-tượng uggahanimitta: Thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa ấy và dễ đạt đến uppacārasamādhi: Cận-định, gần tâm bậc thiền sắc-giới.

Hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng uggahanimitta ấy cho đến khi trở thành đối-tượng paṭi-bhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa ấy, để dẫn đến chứng đắc appanāsamādhi: An-định trong bậc thiền sắc-giới.

Trong 10 đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa có 4 đề-mục thiền-định màu vaṇṇakasiṇa: Đề-mục thiền-định màu xanh, đề-mục thiền-định màu vàng, đề-mục thiền-định màu đỏ, đề-mục thiền-định màu trắng, là 4 đề-mục thiền-định dễ chứng đắc các bậc thiền sắc-giới hơn các đề-mục thiền-định khác.

Trong 4 đề-mục thiền-định màu vaṇṇakasiṇa này, có đề-mục thiền-định màu trắng (odātakasiṇa) là đề-mục thiền-định dễ chứng đắc các bậc thiền sắc-giới hơn 3 đề-mục thiền-định màu khác.

Thật vậy, đề-mục thiền-định màu trắng mà hành-giả đang thực-hành hướng tâm đến đối-tượng parikamma-nimitta đề-mục thiền-định ban đầu là đề-mục thiền-định màu trắng, với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu bằng dục-giới thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:

“Odātaṃ, … Odātaṃ, … Odātaṃ, … hoặc Màu trắng, … Màu trắng, … Màu trắng, …”

Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ-định trong đối-tượng đề-mục thiền-định màu trắng parikammanimitta ban đầu ấy tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu trắng phát sinh rõ trong tâm.

Dù khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự của đề-mục thiền-định màu trắng (odātakasiṇa) chưa phát sinh hiện rõ trong tâm, nhưng hành-giả cũng có khả năng đặc biệt ngăn được tâm buồn-chán buồn-ngủ (thīna-middha) là phiền-não làm chướng ngại pháp-hành thiền-định, không thể phát sinh lên được.

Khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh tương-tự như đề-mục thiền-định màu trắng phát sinh hiện rõ trong tâm, hành-giả tiếp tục hướng tâm đến đối-tượng uggahanimitta ấy làm cho tiến triển cho đến khi trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh trong-sáng của đề-mục thiền-định màu trắng, đạt đến uppacārasamādhi: Cận-định, gần đến bậc thiền sắc-giới.

Dù chưa đạt đến appanāsamādhi: An-định, chưa chứng đắc bậc thiền sắc-giới nào, nhưng hành-giả cũng có khả năng đặc biệt thấy rõ, biết rõ những điều rất phi thường chưa từng có.

Đó là tính chất đặc biệt của đề-mục thiền-định màu trắng (odātakasiṇa).



[1] Đối với hành-giả thuộc về mandapuggala có trí-tuệ chậm, có 4 sát-na-tâm này.

Đối với hành-giả thuộc về hạng tikkhapuggala có trí-tuệ sắc bén nhanh nhạy, chỉ có 3 sát-na-tâm mà thôi, không có sát-na-tâm parikamma.

[2] Nếu là tikkhapuggala thì không có parikamma, chỉ còn lại 3 phận sự upacāra, anuloma, gotrabhu mà thôi.

[3] Nếu là tikkhapuggala thì không có parikamma, chỉ còn lại 3 phận sự.

[4] Nếu là tikkhapuggala thì không có parikamma, chỉ còn lại 3 phận sự.

[5] Nếu là tikkhapuggala thì không có parikamma, chỉ còn lại 3 phận sự.

[6] 10 đề-mục kasiṇa, 10 đề-mục asubha, 4 đề-mục appamaññā, 1 đề-mục ānāpānassati, 1 đề-mục kāyagatāsati, 4 đề-mục āruppa.


Mục lục quyển 9 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08


Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10


[Đầu trang][Mục lục tổng quát]