BuddhaSasana Home Page TÌM HIỂU Dhammarakkhita Bhikkhu Những Ðại Thí Chủ Xuất Sắc về Hạnh Bố Thí TÍCH ÔNG PHÚ HỘ ANĀTHAPIṆḌIKA Tiền thân của ông phú hộ Anāthapiṇṇika là một cận sự nam trong
thời Ðức Phật Padumuttara [thời kỳ Ðức Phật Padumuttara thời gian
cách Ðức Phật Gotama 100 ngàn đại kiếp, trải qua 14 Ðức Phật tuần tự
xuất hiện trên thế gian] xuất hiện trên thế gian. Một hôm, ông ngồi
lắng nghe Ðức Phật thuyết pháp; nhân dịp ấy, Ðức Phật tuyên dương
công đức một cận sự nam là thí chủ xuất sắc nhất về hạnh hoan hỉ bố
thí, trong hàng cận sự nam thí chủ đệ tử của Ngài. Nghe thấy xong,
ông vô cùng hoan hỉ, có nguyện vọng muốn trở thành người cận sự nam
thí chủ xuất sắc nhất về hạnh hoan hỉ bố thí, trong hàng cận sự nam
của một Ðức Phật trong thời vị lai. Người cận sự nam (tiền thân của ông phú hộ Anāthapiṇṇika)
ấy, kính thỉnh Ðức Phật Padumuttara cùng chư Ðại Ðức Tăng làm phước
thiện bố thí, ông phát nguyện muốn trở thành người cận sự nam thí
chủ xuất sắc nhất về hạnh hoan hỉ bố thí, như người cận sự nam thí
chủ của Ngài. Ðức Phật Padumuttara dùng Phật nhãn thấy rõ kiếp vị
lai của người cận sự nam này nên thọ ký rằng: Thời vị lai, Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, người cận
sự nam này sẽ trở thành cận sự nam thí chủ suất sắc nhất về
hạnh hoan hỉ bố thí, trong hàng cận sự nam của Ðức Phật Gotama.
Người cận sự nam ấy vô cùng hoan hỉ tạo mọi phước thiện bố thí
cho đến trọn đời. Từ thời kỳ Ðức Phật Padumuttara cho đến Ðức Phật Gotama thời gian
cách 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua 14 Ðức Phật, người cận sự
nam ấy, trong vòng tử sanh luân hồi, do phước thiện cùng nguyện lực
thường được tái sanh làm thiên nam trong cõi trời, hoặc người nam
cõi người, trong gia đình phú hộ, có đức tin trong sạch, thường hoan
hỉ trong việc làm phước thiện bố thí. Kiếp hiện tại, tái sanh làm con trai trong gia đình phú hộ
Sumana, cha mẹ đặt tên Sudatta. Cậu Sudatta, con phú hộ, lập ra một
trại bố thí, hằng ngày phân phát vật thực cho những người cô độc
không nơi nương tựa. Do đó, người đời tặng ông cái tên mới
Anāthapiṇṇika, về sau, phần đông mọi người biết đến tên mới này, còn
tên cũ do cha mẹ đặt ít ai biết đến. Một lần, phú hộ Anāthapiṇṇika dẫn đầu 500 cỗ xe chở hàng đến kinh
thành Rājagaha, bán cho phú hộ trong kinh thành ấy, vốn là anh em rể
với nhau. Trong dịp ấy, phú hộ Anāthapiṇṇika được nghe tin lành
"Buddho" Ðức Phật đã xuất hiện trên thế gian, vừa nghe danh
hiệu "Buddho" ông phát sanh hỉ lạc chưa từng có, nghĩ
rằng: "trong thế gian này nghe được danh hiệu "Buddho"
hiếm có lắm, khó lắm!". Ông muốn đến hầu Ðức Phật ngay, nhưng vì
ban đêm không tiện, nên nằm chờ đến sáng. Trong lúc nằm ông chỉ niệm
tưởng đến Ân Ðức Phật "Buddho", nên tâm phát sanh ánh
sáng, ông tưởng đã gần sáng liền thức dậy, ông đi đến hầu Ðức Phật
vào canh chót đêm. Ðức Phật biết rõ ông Anāthapiṇṇika sắp đến, Ngài đi kinh hành
xong ngồi chờ ông. Ông vừa đến gần, Ðức Phật gọi: - Ehi Sudatta! Này Sudatta, con hãy lại đây!
Nghe Ðức Phật gọi đích danh Sudatta, ông vô cùng hoan hỉ, bởi từ
lâu mọi người chỉ biết ông với cái tên Anāthapiṇṇika mà thôi; còn
tên thật của ông do cha mẹ đặt, mọi người không ai nhắc đến. Nay,
nghe Ðức Phật gọi tên thật của mình, nên ông liền phát sanh đức tin
trong sạch, hết lòng tôn kính Ðức Phật, đến hầu đảnh lễ dưới hai bàn
chân của Ngài. Khi ấy, Ðức Phật thuyết pháp tế độ ông, ông lắng nghe, thực hành
theo liền chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh
Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, ông tán
dương ca tụng Ðức Phật rằng: Kính bạch Ðức Thế Tôn, con thật vô cùng hoan hỉ! Kính bạch Ðức Thế Tôn, con thật vô cùng hoan hỉ! Ðức Thế Tôn thuyết pháp bằng nhiều phương pháp khác nhau, ví như
lật ngửa ra vật bị che đậy, hoặc mở ra vật bị đóng chặt, hoặc chỉ
đường cho người đang lạc đường, hoặc rọi đèn soi sáng vào nơi tăm
tối cho người có đôi mắt sáng được nhìn thấy tất cả mọi vật hiện
hữu. Con xin nguyện hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Ðức
Thế Tôn, nơi Ðức Pháp, nơi Ðức Tăng. Kính xin Ðức Thế Tôn chấp thuận con là người cận sự nam đã quy y
Tam bảo kể từ nay cho đến trọn đời. Ông Anāthapiṇṇika đã quy theo cách siêu tam giới quy y
(lokuttarasaraṇagamana).
Ông kính thỉnh Ðức Phật cùng 1.000 chư Ðại Ðức Tăng cúng dường
vật thực vào hôm sau. Nhân dịp ấy, ông kính thỉnh Ðức Phật cùng chư
Ðại Ðức Tăng ngự đến kinh thành Sāvatthi để tế độ dân chúng nơi đó.
Ðức Phật nhận lời bằng cách làm thinh. Từ kinh thành Rājagaha đến kinh thành Sāvatthi cách xa 45 do tuần
[1 do tuần khoảng 20.482,56 mét hoặc 12,72 miles]. Mỗi do tuần ông
bỏ ra số tiền 100 ngàn kahāpana (tiền Ấn) nhờ những người bạn thân
xây cất một ngôi chùa, để Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng nghỉ chân.
Khi ông về đến kinh thành Sāvatthi, ông chọn khu vườn của ông hoàng
Jeta, rồi mua khoảng đất ấy, bằng cách lót vàng trên mặt đất, ông đã
xuất kho vàng trị giá khoảng 180 triệu đồng vàng để mua đất, 180
triệu để xây cất ngôi chùa, đặt tên chùa Jetavana, và chi phí thêm
số tiền 180 triệu để tổ chức lễ khánh thành dâng ngôi chùa ấy đến
chư Tăng tứ phương, có Ðức Phật chủ trì chứng minh và làm phước bố
thí kéo dài suốt 3 tháng. Như vậy, đại thí chủ Anāthapiṇṇika hiến dâng tổng số tiền 540
triệu làm phước bố thí: mua đất, cho xây cất chùa Jetavana và tổ
chức lễ khánh thành, làm phước bố thí. Trong tư thất của ông thường có làm các loại bố thí đến chư Tỳ
khưu Tăng như: Hằng ngày dâng vật thực bằng thẻ có 500 vị. Như vậy, trong tư thất phú hộ Anāthapiṇṇika luôn luôn sửa soạn
sẵn 500 chỗ ngồi để đón tiếp chư Tỳ khưu. Trong dịp chư Tăng hội họp, Ðức Phật tuyên dương công đức ông phú
hộ Anāthapiṇṇika: "Etadaggaṃ bhikkhave, mama sāvakānaṃ upāsakānaṃ dāyakānaṃ yadidaṃ
Sudatto gahapati Anāthapiṇṇiko". "Này chư Tỳ khưu, trong hàng nam Thanh Văn cận sự nam của Như
Lai, Anāthapiṇṇika tên thật Sudatta là người cận sự nam thí chủ xuất
sắc nhất về hạnh hoan hỉ bố thí". Phú hộ Anāthapiṇṇika, mỗi ngày 2-3 lần đến chùa Jetavana hầu Ðức
Phật hoặc thăm viếng chư Ðại Ðức, Tỳ khưu, Sa di, nếu có bận rộn
nhiều công việc, thì ít nhất cũng một lần, không có ngày nào mà ông
không đến chùa, thành thói quen thường ngày của ông. Mỗi lần đến
chùa, ông phú hộ thường mang theo những vật dụng cần thiết dâng cúng
đến Ðức Phật, hoặc chư Tỳ khưu, Sa di. Ðến ngày cuối cùng cuộc đời ông phú hộ Anāthapiṇṇika đang lâm
bệnh nặng, nằm trên giường, không thể đến chùa được, ông nhờ một
người thân tín bảo rằng: Này con, con hãy đến chùa, đảnh lễ dưới chân Ðức Thế Tôn bạch
rằng: "Ông Anāthapiṇṇika đang lâm bệnh nặng, sắc thân thọ khổ, nhờ
con thay ông đến đảnh lễ dưới chân Ngài. Và con đến đảnh lễ dưới chân Ngài Ðại Ðức Sāriputta bạch rằng:
"Ông Anāthapiṇṇika đang lâm bệnh nặng, sắc thân thọ khổ, nhờ con
thay ông đảnh lễ dưới chân Ngài, kính thỉnh Ngài đến nhà ông với tâm
bi tế độ ông". Ngài Sāriputta nhận lời bằng cách làm thinh, rồi gọi Ðại Ðức
Ānanda cùng đi theo đến nơi biệt thự của ông Anāthapiṇṇika, thăm hỏi
bệnh tình của ông, Ngài Sāriputta thuyết pháp tế độ ông. Ông vô cùng
hoan hỉ theo lời dạy của Ngài Ðại Ðức Sāriputta. Phú hộ Anāthapiṇṇika vô cùng cảm kích trước tấm lòng bi mẫn của
Ngài Ðại Ðức Sāriputta, đã đến thuyết pháp tế độ ông trong giờ phút
cuối cùng của cuộc đời. Ngài Ðại Ðức Sāriputta với Ngài Ðại Ðức Ānanda từ giã ông phú hộ
Anāthapiṇṇika không lâu, thì ông phú hộ Anāthapiṇṇika từ giã cuộc
đời. Sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh làm thiên nam ở
cõi trời Tusita (Ðâu suất đà thiên), có sắc thân hào quang
sáng ngời, trong lâu đài nguy nga tráng lệ đặc biệt hơn các thiên
nam khác. Vào canh chót đêm hôm ấy, thiên nam Anātha-piṇṇika từ cõi trời
Tusita hiện xuống chùa Jetavana với ánh hào quang sáng ngời, đến hầu
đảnh lễ Ðức Thế Tôn, đứng một nơi hợp lẽ, tán dương Ân Ðức Phật, Ân
Ðức Pháp, Ân Ðức Tăng, tán dương ân đức Ngài Ðại Ðức Sāriputta, rồi
đảnh lễ Ðức Thế Tôn xin phép trở về cõi Tusita. Sáng hôm sau, Ðức Phật dạy chư Tỳ khưu rằng: - Này chư Tỳ khưu, canh chót đêm qua, có vị thiên nam đến hầu
đảnh lễ Như Lai, đứng một nơi hợp lẽ, tán dương Ân Ðức Phật, Ân Ðức
Pháp, Ân Ðức Tăng, tán dương ân đức Sāriputta, rồi đảnh lễ Như Lai
xin phép trở về cõi trời Tusita. Ngài Ðại Ðức Ānanda đoán biết vị thiên nam ấy là ai, nên bạch Ðức
Thế Tôn rằng: - Kính bạch Ðức Thế Tôn, có phải vị thiên nam ấy là vị thiện nam
Anāthapiṇṇika không? Bạch Ngài. Ðức Thế Tôn dạy: - Ðúng vậy Ānanda! Vị thiên nam ấy chính là Anāthapiṇṇika. Vị thiên nam Anāthapiṇṇika là 1 trong 7 vị Thánh Nhập Lưu đặc
biệt, có lời phát nguyện xin thọ hưởng sự an lạc tuần tự các tầng
trời dục giới cho đến các tầng trời sắc giới tột cùng, cõi Sắc cứu
cánh thiên, sẽ tịch diệt Niết Bàn nơi cõi này. Do đó, vị thiên nam
Anāthapiṇṇika, khi tái sanh đến cõi Tha hoá tự tại thiên, tầng trời
thứ 6 tột cùng của cõi trời dục giới, vị thiên nam ấy tiến hành
thiền định chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới, cho quả tái sanh làm
phạm thiên cõi trời sắc giới Phạm chúng thiên (Brahmaparisajjā);
tiếp tục tiến hành thiền định chứng đắc đệ nhị thiền sắc giới, cho
quả tái sanh lên cõi trời sắc giới đệ nhị thiền; chứng đắc đệ tam
thiền sắc giới, cho quả tái sanh lên cõi trời sắc giới đệ tam thiền;
và tiếp tục chứng đắc đệ tứ thiền sắc giới đồng thời chứng đắc Nhất
Lai Thánh Ðạo – Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Ðạo – Bất Lai
Thánh Quả trở thành bậc Thánh Bất Lai được tái sanh lên tầng trời
sắc giới Tịnh cư thiên (Suddhavāsa) có 5 tầng trời theo tuần
tự Vô phiền thiên – Vô nhiệt thiên – Thiện hiện thiên – Thiện kiến
thiên và đến tầng Sắc cứu cánh thiên (Akaniṭṭhā) tột cùng cõi
trời sắc giới, sẽ chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả
trở thành bậc Thánh A-ra-hán, hưởng hết tuổi thọ 16.000 đại kiếp rồi
tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong tam giới. TÍCH BÀ ÐẠI THÍ CHỦ VISĀKHĀ Ở thời kỳ Ðức Phật Padumuttara, tiền kiếp bà cận sự nữ Visākhā đã
từng phát nguyện mong trở thành cận sự nữ đại thí chủ, xuất sắc nhất
về hạnh hoan hỉ bố thí trong hàng cận sự nữ của một Ðức Phật trong
thời vị lai. Bà được Ðức Phật Padumuttara thọ ký. Từ kiếp đó về sau, trong vòng tử sanh luân hồi suốt 100 ngàn đại
kiếp, do thiện nghiệp cho quả thường tái sanh làm thiên nữ cao quý
cõi trời hoặc cõi người là con gái trong gia đình phú hộ, bà có đức
tính hoan hỉ trong việc bố thí. Kiếp hiện tại, tái sanh làm con gái của phú hộ Dhanañjaya tại
kinh thành Bhaddiya, xứ Aṅga, đặt tên là Visākhā. Cô Visākhā mới lên
bảy tuổi đi cùng với ông nội, phú hộ Meṇṇaka, đến nghe Ðức Phật
thuyết pháp xong, cô cùng với 500 cô bạn gái đều chứng đắc thành bậc
Thánh Nhập Lưu, ông phú hộ Meṇṇaka cũng chứng đắc thành bậc Thánh
Nhập Lưu cùng lúc ấy. Theo sự yêu cầu của đức vua Pasenadikosala xứ Sāvatthi, toàn thể
gia đình của cô Visākhā di chuyển đến xứ Sāvatthi, tạo lập thành phố
Sāketa sinh sống. Cô Visākhā trưởng thành kết hôn cùng với cậu Puṇṇavaṇṇhana con
trai của phú hộ Migāra trong xứ Sāvatthi. Cô về làm dâu trong gia đình Migāra, là gia đình theo phái ngoại
đạo loã thể, không có đức tin nơi Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng. Một hôm, chư Ðại Ðức đi khất thực đứng trước ngôi biệt thự cha
chồng, cha chồng vẫn ngồi dùng vật thực ngon lành không hề quan tâm
đến vị Ðại Ðức khất thực, nàng Visākhā nhìn thấy vậy nên bạch rằng: - Aticchatha Bhante, mayhaṃ sasuro purāṇam khādati Kính bạch Ngài, kính thỉnh Ngài hoan hỉ sang nhà khác, cha chồng
của con dùng đồ cũ. Ông phú hộ Migāra nghe con dâu của mình nói "Purāṇam khādati:
dùng đồ cũ", ông hiểu ý nghĩa là "Asucikhādakaṃ: dùng đồ dơ". Ông
tức giận quyết định đuổi nàng dâu ra khỏi nhà. Nhưng không dễ dàng
như ông nghĩ, vì khi cô Visākhā về nhà chồng, thân phụ của cô gởi
theo 8 vị luật sư. Mỗi khi xảy ra chuyện gì có 8 vị luật sư xét xử
cô có tội hay vô tội. Ông phú hộ Migāra mời 8 vị luật sư xét hỏi về điều cô nói
"Purāṇam khādati" có ý nghĩa gì? Cô Visākhā giải thích rằng: - Mayhaṃ sasuro imasmiṃ attabhāve puññaṃ na karoti,
purāṇapuññameva khādati "Cha chồng của con, kiếp hiện tại này không làm phước thiện bố
thí, chỉ hưởng quả của phước thiện bố thí cũ mà thôi.", hoàn
toàn không có ý "dùng đồ dơ" như ông hiểu lầm. Như vậy, các luật sư
phán xét cô hoàn toàn vô tội. Ông Migāra trình bày những lỗi khác
của nàng dâu; những luật sư xét xử cô đều vô tội, chẳng qua là sự
hiểu lầm của phú hộ mà thôi.
Cô Visākhā thưa rằng: - Kính thưa quý vị luật sư, trước đây, cha chồng của con hiểu lầm
rằng con có tội, đuổi con ra khỏi nhà. Qua sự xét xử, con là người
hoàn toàn vô tội, nay con xin từ giã ngôi biệt thự này, trở về nhà
cha mẹ của con. Ông phú hộ Migāra khẩn khoản xin con dâu miễn chấp rằng: - Này con, cha đã hiểu lầm, nên bắt tội con, nay cha đã biết mình
có lỗi đối với con, xin con miễn chấp lỗi cho cha. Nàng Visākhā thưa với cha chồng rằng: - Thưa cha, con sẵn sàng miễn chấp lỗi của cha, xin cha cho con
một đặc ân: con là người cận sự nữ đã quy y Tam bảo, có đức tin vững
chắc nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng. Cho nên, con không thể sống
thiếu Ðức Phật, thiếu nghe pháp, và thiếu tạo phước thiện bố thí
cúng dường đến chư Ðại Ðức Tăng. Nếu cha muốn con ở lại đây, xin cha
cho phép con được chiêm bái Ðức Phật, nghe pháp, làm phước thiện bố
thí cúng dường đến chư Ðại Ðức Tăng. Nếu không con sẽ rời khỏi nơi
đây. - Này con, cha chấp thuận theo yêu cầu của con, con được chiêm
bái Ðức Phật, nghe pháp và thỉnh chư Ðại Ðức Tăng về nhà làm phước.
– Ông phú hộ Migāra bảo. Hôm sau, nàng Visākhā thỉnh Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng đến
nhà dâng cúng vật thực. Khi thọ thực xong, nàng Visākhā cho người
mời cha chồng đến nghe Ðức Phật thuyết pháp. Ông sửa soạn đi, thì vị
Ðạo Sư phái ngoại đạo loã thể ngăn lại. Mặc dầu vậy, Ðức Phật thuyết
pháp ông vẫn nghe rõ ràng từng tiếng, từng câu. Khi Ðức Phật thuyết
pháp xong, ông liền chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập
Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu ngay
khi ấy. Ông phú hộ Migāra đến hầu Ðức Phật, đảnh lễ dưới hai bàn chân
Ngài bạch rằng: - Kính bạch Ðức Thế Tôn, con là Migāra! Bạch Ngài. Trước sự hiện diện của Ðức Phật, ông thưa với nàng dâu rằng: - Này con, kể từ nay con ở ngôi vị là mẹ của ta.
Từ đó nàng Visākhā thêm vào tên là Visākhā Migāramātā: nàng
Visākhā mẹ phú hộ Migāra.
Bà Visākhā Migāramātā có 20 đứa con: 10 con trai và 10 con gái.
Mỗi đứa con trai, mỗi đứa con gái có 20 người con: 10 con trai và 10
con gái. Mỗi cháu trai, mỗi cháu gái lại có 20 người con: 10 con
trai, 10 con gái. Như vậy, bà Visākhā Migāramātā có 20 người con,
400 người cháu và 8.000 người chắt. Bà Visākhā Migāramātā thường hoan hỉ trong mọi phước thiện bố
thí. Một thuở nọ, bà đến đảnh lễ Ðức Phật xin phép 8 đặc ân: 1- Xin dâng y tắm mưa đến chư Tỳ khưu trọn đời. Tám đặc ân này được Ðức Phật cho phép, bà Visākhā vô cùng hoan hỉ
trong mọi việc làm phước thiện bố thí này. Một dịp nọ, đến chùa nghe Ðức Phật thuyết pháp, bà Visākhā mang
theo một tấm choàng mahālatā kết bằng những viên ngọc quý. Bà cởi
trao cho đứa tớ gái, vào đảnh lễ Ðức Thế Tôn, ngồi nghe pháp, nghe
xong, bà đảnh lễ Ðức Thế Tôn xin phép đi về, cô tớ gái đi về theo,
để quên lại tấm choàng mahālatā tại giảng đường. Sau khi tất cả mọi
người đi về hết, Ngài Ðại Ðức Ānanda nhìn thấy tấm choàng của bà
Visākhā để quên lại, bạch Ðức Thế Tôn rằng: – Kính bạch Ðức Thế Tôn, bà Visākhā đã về, để quên tấm choàng
lại. Bạch Ngài. Ðức Thế Tôn dạy rằng: – Này Ānanda con nên để một nơi hợp lẽ. Bà Visākhā đi thăm viếng Tỳ khưu bệnh, Tỳ khưu trẻ, Sa di.... Bà
bảo đứa tớ gái mang tấm choàng trở về. Cô tớ gái đã để quên tấm
choàng lại trong giảng đường nên thưa: – Thưa bà chủ, con đã để quên tấm choàng. Bà Visākhā dạy rằng: – Này con, con đi đến chùa lấy tấm choàng đem về, nhưng nếu Ngài
Ðại Ðức Ānanda đã đem tấm choàng cất, thì con không nên lấy lại, ta
xin dâng Ngài Ānanda tấm choàng ấy, nghe con! Ngài Ðại Ðức Ānanda nhìn thấy cô tớ gái liền hỏi rằng: – Này con, con đến đây để làm gì? – Bạch Ngài Ðại Ðức, con để quên tấm choàng của bà chủ, nên trở
lại đây để lấy. – Cô tớ gái thưa. – Này con, bần tăng đã đem treo ở chỗ kia, con hãy đến lấy đem
về. – Kính bạch Ngài Ðại Ðức, bà chủ con dặn rằng: nếu Ngài Ðại Ðức
đã đụng chạm vào tấm choàng ấy rồi, thì bà xin dâng Ngài tấm choàng
ấy. Cô tớ gái trở về, không mang theo tấm choàng, thưa lại với bà chủ
sự việc trên. Bà Visākhā dạy cô tớ gái rằng: – Này con, tấm choàng ấy Ngài Ðại Ðức đã đụng chạm, ta đã dâng
đến Ngài rồi, như vậy, Ngài phải giữ gìn nó là một điều vất vả. Vì
vậy, con hãy đến đem tấm choàng ấy về đây bán nó, để sắm những vật
dụng cần thiết dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng. Nghe theo lời dạy của bà Visākhā, cô tớ gái đến chùa đem tấm
choàng ấy về trao lại cho bà. Bà Visākhā đem bán tấm choàng mahālatā kết bằng những viên ngọc
quý với giá 90 triệu 100 ngàn đồng vàng. Với giá ấy, không có một
nhà phú hộ nào có khả năng mua nổi tấm choàng ấy. Cuối cùng, chính
bà Visākhā mua lại nó với giá 90 triệu 100 ngàn đồng vàng, bà đến
bạch Ðức Thế Tôn rằng: – Kính bạch Ðức Thế Tôn, Ngài Ðại Ðức Ānanda dùng tay đụng tấm
choàng của con, để cất giữ, nên con không dám lấy lại; con xin xả
tấm choàng ấy bằng cách bán nó, để sắm những vật dụng hợp pháp cần
thiết dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng. Kính bạch Ðức Thế Tôn, ngoài con ra, không có một ai mua nổi với
giá 90 triệu 100 ngàn đồng vàng. Vậy chính con mua lại tấm choàng ấy
với giá đó. Bạch Ngài. Kính bạch Ðức Thế Tôn, trong bốn thứ vật dụng: y phục, vật thực,
chỗ ở và thuốc trị bệnh, thứ nào cần thiết nhất? Bạch Ngài. Ðức Thế Tôn dạy: – Này Visākhā con! Vậy con nên xây cất một ngôi chùa gần phía
Ðông cửa thành Sāvatthī, để dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng. Vô cùng hoan hỉ, vâng theo lời dạy của Ðức Thế Tôn, bà mua đất
giá 90 triệu đồng vàng, cho xây cất ngôi chùa "Pubbārāma". Dưới sự
chỉ dẫn của Ngài Ðại Ðức Mahāmogallāna, công trình xây dựng suốt 9
tháng mới hoàn thành chi phí thêm 90 triệu đồng vàng; và tổ chức lễ
khánh thành dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng tứ phướng có Ðức Phật chủ
trì, rồi làm phước bố thí kéo dài suốt 4 tháng, chi phí thêm 90
triệu nữa. Như vậy, bà đại thí chủ Visākhā Migāramātā đã hiến dâng tổng số
tiền 270 triệu làm phước bố thí: mua đất, xây cất ngôi chùa
Pubbārāma và làm lễ khánh thành. Tại tư thất của bà Visākhā Migāramātā cũng như tư thất của phú hộ
Anāthapiṇṇika, hằng ngày buổi sáng dâng cúng cháo đến chư Tỳ khưu,
buổi trưa dâng vật thực đến chư Tỳ khưu, buổi chiều bà đem nước trái
cây, thuốc trị bệnh đến dâng cúng đến chư Tỳ khưu bị bệnh v.v.... Ðức Phật tán dương bà là người cận sự nữ đại thí chủ, xuất sắc
nhất về hạnh bố thí trong hàng cận sự nữ đệ tử của Ngài như sau: Etadaggaṃ bhikkhave, mama sāvikānaṃ upāsikānaṃ dāyikānaṃ yadidaṃ
Visākhā Migāramātā. Này chư Tỳ khưu, trong hàng nữ Thanh Văn cận sự nữ của Như Lai,
Visākhā Migāramātā là cận sự nữ thí chủ xuất sắc nhất về hạnh hoan
hỉ bố thí. Bà Visākhā có tuổi thọ sống lâu 120 tuổi, cuộc đời của bà từ thuở
ấu niên, trung niên cho đến lão niên đều hưởng sự an lạc, sống trong
cảnh giàu sang phú quý; đó là quả của mọi phước thiện, nhất là phước
thiện bố thí. Cho nên, trong suốt cuộc đời của bà không phải gặp
cảnh khổ cực thiếu thốn về vật chất. Bà có nhiều tài sản của cải,
lại càng hoan hỉ tạo nhiều phước thiện bố thí cho đến ngày cuối cùng
cuộc đời của bà. Sau khi bà từ giả cõi người, do năng lực thiện
nghiệp cho quả tái sanh làm thiên nữ trong cõi Hoá lạc thiên, cõi
trời dục giới thứ 5, trở thành chánh cung hoàng hậu của đức vua trời
Sunimmita, hưởng sự an lạc trong cõi trời này cho đến hết tuổi thọ
80.000 năm (so với cõi người 2.304 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm
nơi cõi trời này bằng 800 năm cõi người).
Bà là 1 trong 7 vị Thánh Nhập Lưu đặc biệt, có lời phát nguyện
xin thọ hưởng sự an lạc tuần tầng trời dục giới cho đến các tầng
trời sắc giới tột cùng, cõi Sắc cứu cánh thiên, sẽ tịch diệt Niết
Bàn trong cõi này. Do đó, khi tái sanh làm thiên nữ cõi Tha hoá tự
tại thiên, tầng trời thứ 6 tột cùng của cõi trời dục giới, thiên nữ
Visākhā tiến hành thiền định chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới, cho
quả tái sanh làm phạm thiên (không còn nữ tính) cõi trời sắc
giới Phạm chúng thiên; tiếp tục tiến hành thiền định chứng đắc đệ
nhị thiền sắc giới, cho quả tái sanh lên cõi trời sắc giới đệ nhị
thiền; chứng đắc đệ tam thiền sắc giới, cho quả tái sanh lên cõi
trời sắc giới đệ tam thiền; và tiếp tục chứng đắc đệ tứ thiền sắc
giới đồng thời chứng đắc Nhất Lai Thánh Ðạo – Nhất Lai Thánh Quả,
Bất Lai Thánh Ðạo – Bất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Bất Lai
được tái sanh lên tầng trời sắc giới Tinh cư thiên có 5 tầng theo
tuần tự cho đến tầng Sắc cứu cánh thiên (Akaniṭṭhā) tột cùng
cõi trời sắc giới, sẽ chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh
Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán, hưởng hết tuổi thọ 16.000 đại kiếp
rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong tam giới. TÍCH ÐỨC VUA ASOKA Sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, Phật lịch 218, đức vua Asoka
là một đấng minh quân trị vì cõi Nam thiện bộ châu, có nhiều oai lực
đặc biệt như thần thông, Ðức Vua có đức tin trong sạch nơi Tam bảo. Một hôm, đức vua Asoka nhìn thấy Ðại Ðức Sa di Nirodha mới lên
bảy tuổi, là bậc Thánh A-ra-hán đang đi khất thực, Ðức Vua phát sanh
đức tin đặc biệt nơi vị Ðại Ðức Sa di Nirodha (Ðại Ðức Nirodha
kiếp trước đã từng là anh của Ðức Vua). Ðức Vua truyền lệnh các
quan thỉnh mời Ðại Ðức Sa di Nirodha vào cung điện, thỉnh ngoài trên
ngai vàng cao quý, tự tay Ðức Vua để bát bằng những món vật thực của
Ðức Vua dùng hằng ngày. Khi vị Ðại Ðức Sa di thọ thực xong, Ðức Vua
bèn thỉnh Ngài thuyết pháp. Vị Ðại Ðức Sa di Nirodha thuyết dạy bài kệ trong Pháp cú: "Appamādo amatapadaṃ, "Không dể duôi, có chánh niệm, Ðức vua Asoka nghe pháp xong, càng tăng thêm đức tin trong sạch
nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng gấp bội. Hằng ngày Ðức Vua cúng dường vật thực đến chư Tỳ khưu Tăng gồm có
600.000 vị tại cung điện của Ðức Vua, bởi do đức tin trong sạch nơi
vị Ðại Ðức Sa di Nirodha. Một hôm Ðức Vua dự lễ bố thí tứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng
600.000 vị, Ðức Vua bèn bạch chư Tỳ khưu Tăng rằng: - Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng, chánh pháp mà Ðức Phật thuyết giảng
có bao nhiêu pháp môn? Bạch quý Ngài. Chư Ðại Ðức thưa: - Thưa Ðại Vương! Chánh pháp mà Ðức Phật thuyết giảng có 84.000
pháp môn. Ðức Vua phát sanh đức tin trong sạch nơi 84.000 pháp môn, nên Ðức
Vua truyền lệnh cho các quan ở khắp mọi nơi trong nước rằng: - Trẫm muốn cúng dường mỗi pháp môn bằng một ngôi chùa và một bảo
tháp, vậy Trẫm muốn xây cất 84.000 ngôi chùa và 84.000 bảo tháp trên
toàn cõi Nam Thiện Bộ Châu, các khanh hãy đến mỗi tỉnh xây cất một
ngôi chùa để cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng và ngôi bảo tháp để tôn
thờ Xá Lợi của Ðức Phật. Ðức vua Asoka xuất ra số tiền gồm có 960 triệu kahāpana để lo xây
cất 84.000 ngôi chùa và 84.000 bảo tháp. Ngôi chùa trung tâm tại thủ
đô đặt tên Asokārāma. Việc xây cất 84.000 ngôi chùa và 84.000 bảo tháp suốt 3 năm mới
hoàn thành. Các quan ở mỗi tỉnh đến chầu Ðức Vua cùng một ngày, tâu lên Ðức
Vua rõ, những ngôi chùa và những ngôi bảo tháp đã hoàn thành rồi. Ðức Vua truyền chiếu chỉ trong toàn cõi Nam thiện bộ châu biết
rằng: "còn 7 ngày nữa sẽ làm đại lễ khánh thành những ngôi chùa
và những ngôi bảo tháp ở từng nơi, tất cả mọi thần dân trong nước
đều thọ trì bát giới, sửa soạn làm đại lễ khánh thành tất cả các
ngôi chùa và ngôi bảo tháp, để cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng từ
kinh thành đến các tỉnh thành".
Ngày đại lễ khánh thành chùa và bảo tháp, trong kinh thành cũng
như các tỉnh thành trang hoàng đẹp đẽ như cõi trời, Ðức Vua cùng các
quan cũng như dân chúng trang điểm đẹp đẽ trang nghiêm, đi dự đại lễ
khánh thành chùa và tháp bảo. Ðức Vua ngự đến ngôi chùa Asokārāma ở trung tâm chính tại kinh
đô, kính thỉnh chư Tỳ khưu Tăng toàn cõi Nam thiện bộ châu đến dự
đại lễ khánh thành và thọ nhận 84.000 ngôi chùa cùng bảo tháp ở mỗi
nơi, có khoảng 800 triệu vị Tỳ khưu Tăng và 9.600.000 vị Tỳ khưu ni
Tăng. Trong số đó có 100.000 bậc Thánh A-ra-hán. Chư bậc Thánh A-ra-hán suy tư rằng: "Nếu đức vua Asoka được
nhìn thấy rõ việc đại bố thí 84.000 ngôi chùa và 84.000 bảo tháp, mà
Ðức Vua đã truyền lệnh xây cất, nay làm lễ khánh thành dâng cúng đến
chư Tỳ khưu Tăng, sẽ làm cho Ðức Vua vô cùng hoan hỉ, càng tăng thêm
đức tin trong sạch nơi Tam bảo".
Khi ấy, một vị Thánh A-ra-hán liền hóa phép thần thông "Mở
thế gian" (Lokavivaraṇa), Ðức Vua nhìn thấy mọi nơi không có
gì che khuất cả. Dầu Ðức Vua đang đứng tại ngôi chùa Asokārāma trung
tâm, mà có thể nhìn thấy rõ bốn hướng toàn cõi Nam Thiện Bộ Châu,
thấy rõ 84.000 ngôi chùa và 84.000 ngôi bảo tháp tôn thờ Xá Lợi Ðức
Phật. Thật vậy, đức vua Asoka vô cùng hoan hỉ hơn bao giờ hết, Ðức Vua
suy tư rằng: sự việc đại bố thí như thế này, không biết đã có ai
từng làm chưa?
Vì vậy Ðức Vua bèn bạch hỏi chư Ðại Ðức Tăng: - Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng, trong giáo pháp Ðức Thế Tôn của
chúng ta, có thí chủ nào làm phước đại bố thí như thế này không? Chư Ðại Ðức Tăng kính thỉnh Ðại Ðức Moggali-puttatissatthera trả
lời câu hỏi của Ðức Vua. Ðại Ðức Moggaliputtatissatthera trả lời rằng: - Thưa Ðại Vương, trong Phật giáo, việc đại bố thí của Ðại Vương
như thế này, dầu khi Ðức Thế Tôn còn hiện tiền cho đến nay, chưa có
một ai làm được như vậy. Chỉ có Ðại Vương là đại thí chủ làm lễ đại
bố thí lớn lao nhất từ trước cho đến nay mà thôi. Ðức Vua lắng nghe câu trả lời của Ngài Ðại Ðức
Moggaliputtatissatthera rồi phát sanh hỉ lạc chưa từng có, rồi suy
tư rằng: "Từ trước cho đến nay, chưa có thí chủ nào làm phước đại
bố thí như ta, ta là một đại thí chủ bố thí 4 thứ vật dụng lớn lao
như thế này, chắc có lẽ ta là thân quyến kế thừa Phật giáo
(Dāyādo sāsanassa) có phải không?".
Do đó, Ðức Vua bèn bạch hỏi Ðại Ðức Moggali-puttatissatthera
rằng: – Kính bạch Ngài Ðại Ðức, con đã làm đại bố thí bốn thứ vật dụng
lớn lao như thế này, vậy, con có phải là "Thân quyến kế thừa
của Phật giáo" hay không? Ngài Ðại Ðức Moggaliputtatissatthera quán xét về ba la mật của
thái tử Mahinda và Công chúa Saṃghamittā con của Ðức Vua như thế
nào. Ngài biết rõ Thái tử và Công chúa xuất gia sẽ trở thành bậc
Thánh A-ra-hán, sẽ giúp cho Phật giáo phát triển tốt đẹp sau này.
Cho nên Ngài đáp rằng: – Thưa Ðại vương, người trở thành thân quyến kế thừa Phật
giáo không phải do nhân đại bố thí. Dầu người đại thí chủ bố
thí bốn thứ vật dụng nhiều đến bao nhiêu đi nữa, cũng chỉ gọi là:
paccayadāyaka: đại thí chủ bố thí 4 thứ vật dụng, hoặc
gọi là: upaṭṭhāka: người hộ độ mà thôi....
Thưa Ðại vương, sự thật, người nào dầu bố thí bốn thứ vật dụng
đến chư Tỳ khưu Tăng chất chồng từ mặt đất cao đến cõi trời, người
ấy không thể gọi là thân quyến kế thừa của Phật giáo.
Lắng nghe lời dạy của Ngài Ðại Ðức Moggali-puttatissatthera như
vậy, nên đức vua Asoka cống hiến vị hoàng thái tử Mahinda yêu quý
nhất, cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu, thay vì truyền ngôi báu,
và công chúa Sanghamitta xuất gia trở thành Tỳ khưu ni trong Phật
giáo. Ðức vua Asoka không chỉ là một đại thí chủ chưa
từng có từ trước cho đến nay, mà còn là một thân quyến kế thừa
của Phật giáo, bởi vì Ðức vua đã cống hiến, cho phép 2 người con
xuất gia trong Phật giáo, Người có công đức lớn gởi các phái đoàn
Ðại Ðức Tăng sang truyền bá Phật giáo ở đảo quốc Srilankā và vùng
Suvaṇṇabhūmi gồm các nước Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Lào,
Campuchia và Việt Nam. Trên đây là những nhân vật đại thí chủ xuất sắc nhất về phước
hạnh bố thí trong thời kỳ Ðức Phật còn hiện tiền, và sau thời kỳ Ðức
Phật đã tịch diệt Niết Bàn. -ooOoo-
Ðầu trang
| Mục lục
| 01
| 02
| 03
| 04.a
| 04.b
| 05
| 06
| 07
| 08
| 09
| 10
| 11
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Hộ
Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2003). [Trở
về trang Thư Mục]
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
PHƯỚC BỐ THÍ
(Tỳ khưu Hộ Pháp)
Hằng tháng dâng vật thực 2 kỳ có 500 vị, vào ngày rằm và cuối
tháng.
Hằng ngày dâng cháo sáng bằng thẻ có 500 vị.
Hằng tháng dâng cháo sáng 2 kỳ có 500 vị, vào ngày rằm và cuối
tháng.
Hằng ngày dâng vật thực đến 500 vị.
Dâng vật thực cho Tỳ khưu khách mới đến 500 vị.
Dâng vật thực cho Tỳ khưu sắp đi xa 500 vị.
Dâng vật thực cho Tỳ khưu bệnh 500 vị.
Dâng vật thực cho Tỳ khưu nuôi Tỳ khưu bệnh 500 vị.
[Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, chuyện Visākhāvatthura].
[Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, chuyện Visākhāvatthura].
Kính bạch Ðức Thế Tôn, con là Migāra! Bạch Ngài.
2- Xin dâng vật thực đến chư Tỳ khưu khách mới đến.
3- Xin dâng vật thực đến chư Tỳ khưu sắp đi xa.
4- Xin dâng vật thực đến chư Tỳ khưu lâm bệnh.
5- Xin dâng vật thực đến chư Tỳ khưu nuôi Tỳ khưu bị bệnh.
6- Xin dâng thuốc trị bệnh đến chư Tỳ khưu mắc bệnh.
7- Hằng ngày xin dâng cháo buổi sáng đến chư Tỳ khưu.
8- Xin dâng y tắm đến chư Tỳ khưu ni Tăng.
Pamādo maccuno padaṃ...".
là đường bất tử Niết Bàn,
Dể duôi là con đường tử...".
last updated: 01-07-2003