BuddhaSasana Home Page TÌM HIỂU Dhammarakkhita Bhikkhu Năng Lực Của Tác Ý Trước Khi Bố Thí Tích tiền thân của Ðức Phật Gotama, Ðức Bồ Tát Kusarājā [Bộ
Jātaka, tích tiền thân Kusajātaka]
Ðức Bồ Tát sắp hết tuổi thọ tại cung Tam thập tam thiên, Ðức vua
trời Sakka khuyến khích tái sanh đầu thai vào lòng chánh cung hoàng
hậu Sīlavatī của Ðức vua Okkākarājā. Chấp thuận theo lời khuyên của Ðức vua Sakka, Ðức Bồ Tát sau khi
từ giã (chết) cõi trời, do thiện nghiệp cho quả tái sanh vào lòng
chánh cung hoàng hậu Sīlavatī, đúng 10 tháng chào đời có thân hình
xấu xí đáng ghê sợ, được đặt tên Kusakumāra: thái tử Kusa.
Ðức Bồ Tát trưởng thành có trí tuệ siêu việt, có đầy đủ tài nghệ
xuất chúng do bẩm tính tự nhiên, không hề theo học một vị thầy nào
cả. Ðức Bồ Tát có một người em trai là hoàng tử Jayampati. Khi Ðức Bồ Tát lên 16 tuổi, vua cha có ý định muốn truyền ngôi
báu cho Ðức Bồ Tát, vì nhận thấy Ngài có đầy đủ tài xuất chúng,
không một ai sánh kịp, có oai lực phi thường, đặc biệt có giọng nói
như sư tử chúa rống, làm cho mọi kẻ thù kinh hồn bạt vía. Ðức vua Okkāka cùng chánh cung hoàng hậu Sīlavatī bàn tính tìm
một công chúa của một Ðức vua nào trong cõi Nam thiện bộ châu, đem
về tấn phong ngôi chánh cung hoàng hậu. Hoàng hậu Sīlavatī truyền
người hầu đến hỏi ý kiến Ðức Bồ Tát. Ðức Bồ Tát suy nghĩ rằng: ta có thân hình xấu xí đáng ghê sợ như
thế này, còn công chúa có sắc đẹp, khi nàng nhìn thấy ta sẽ khinh
ghét bỏ đi. Như vậy, chỉ làm cho ta xấu hổ mà thôi, không ích lợi
gì. Ðiều tốt hơn, ta sống trong cung điện này lo phụng dưỡng phụ
vương và mẫu hậu, đến khi hai Người băng hà, ta sẽ xuất gia trở
thành đạo sĩ sống trong rừng núi tu hành. Nghĩ như vậy, nên Ðức Bồ Tát trả lời cho người hầu biết rằng: - Ta không muốn làm vua, không muốn vợ con, ta muốn lo phụng
dưỡng phụ vương và mẫu hậu của ta, cho đến khi hai Người băng hà;
lúc ấy ta sẽ xuất gia trở thành đạo sĩ sống trong rừng núi. Người hầu về tâu với hoàng hậu, hoàng hậu tâu lên Ðức vua; Ðức
vua không chấp thuận, truyền cho người đến báo cho thái tử biết ý
định của Ðức vua là "thái tử phải lên ngôi, phải có chánh cung
hoàng hậu". Ðức Bồ Tát 2 – 3 lần vẫn từ chối không chấp nhận. Về
sau Ðức Bồ Tát suy xét về phận làm con, từ chối lời khẩn khoản của
cha mẹ nhiều lần là điều không nên, vậy ta nên tìm cách khác vậy. Ðức Bồ Tát, tự mình đúc một pho tượng một cô gái bằng vàng xinh
đẹp tuyệt vời, cho mặc y phục, trang hoàng những đồ nữ trang quý
giá, mang giầy dép... giống hệt như cô gái thật xinh đẹp tuyệt vời
(không ai ngờ rằng đó là pho tượng). Ðức Bồ Tát cho người đem đến trình mẫu hậu, cùng với lời tâu
rằng: "Công chúa nào thật xinh đẹp tuyệt vời như pho tượng này,
thì con mới chịu làm lễ kết hôn với công chúa ấy".
Hoàng hậu truyền gọi các quan rồi phán rằng: - Thái tử của ta là bậc đại phước, do Ðức vua trời Sakka ban cho,
thái tử chỉ muốn kết hôn cùng với công chúa xinh đẹp như pho tượng
này. Vậy, các ngươi hãy đem pho tượng này so sánh cùng khắp cõi Nam
thiện bộ châu, nếu gặp công chúa của Ðức vua nào có thân hình xinh
đẹp như pho tượng này, thì xin dâng pho tượng này đến Ðức vua ấy rồi
tâu rằng: "Ðức vua Okkāka muốn kết tình thông gia với Ðại Vương,
sẽ làm lễ thành hôn thái tử với công chúa của Ðức vua ... Xin hẹn
ngày làm lễ, rồi các ngươi cấp tốc trở về tâu lại cho ta rõ".
Các quan tuân lệnh Hoàng hậu, đặt pho tượng trên xe, đưa đi đến
các nước lân bang, đặt nơi kinh thành và có nhiều người qua lại, còn
các quan ẩn nấp một nơi để lắng nghe lời phê bình về pho tượng. Người ta nhìn qua pho tượng đều trầm trồ khen ngợi rằng: - Cô gái này xinh đẹp tuyệt vời, có khác gì thiên nữ, ở xứ ta
không có công chúa nào xinh đẹp như cô gái này; cô gái này ở xứ nào
đến mà đứng ở đây? Ðược lắng nghe như vậy, các quan biết xứ này không có công chúa
nào xinh đẹp như pho tượng, nên chở pho tượng sang xứ khác. Cuối
cùng đến xứ Madda của Ðức vua Madda trị vì ở kinh thành Sāgala; đem
pho tượng đến kinh thành Sāgala, đặt ở bến sông có nhiều người qua
lại để lấy nước. Ðức vua Madda có 8 công chúa, công chúa lớn nhất tên Pabhāvatī
bởi cô có sắc đẹp tuyệt trần, có ánh sáng hào quang toả ra từ sắc
thân, như một thứ ánh sáng mát dịu của mặt trời, cả đêm lẫn ngày.
Trong căn phòng của công chúa, ban đêm không cần dùng đèn cũng có
thể nhìn thấy mọi vật như ban ngày. Công chúa có một người nữ hầu
thân tín tên Khujjā (nữ còng lưng).
Bà hầu Khujjā sai bảo 8 nữ tỳ đi lấy nước ở bến sông đem về cho
công chúa Pabhāvatī dùng. Các nữ tỳ nhìn từ xa thấy pho tượng, tưởng
là công chúa Pabhāvatī đứng nơi đó, nên lại gần lễ phép thưa công
chúa, chẳng nghe nói năng gì, nhìn kỹ mới biết không phải là công
chúa chủ của mình, đấy chỉ là pho tượng bằng vàng, các nữ tỳ cảm
thấy mắc cở vì bị hớ, liền chê trách rằng: - Pho tượng này có giá trị gì đâu, so với công chúa chủ của chúng
ta! Lắng nghe rõ lời phê bình của các nữ tỳ, các quan tìm đến hỏi: - Này quý cô, quý cô nói công chúa của quý cô xinh đẹp hơn pho
tượng này phải không? - Thưa phải! Pho tượng này so với công chúa của chúng tôi có đáng
giá gì đâu! – Một nữ tỳ trưởng nhóm trả lời. - Công chúa của quý cô có quý danh gọi là gì? - Công chúa có quý danh gọi là Pabhāvatī, công chúa lớn của đức
vua Madda. – Thưa ông. Các quan vô cùng hoan hỉ, cám ơn các cô, rồi đem pho tượng đặt
lên xe đi thẳng đến cửa cung điện của đức vua Madda, nhờ người lính
gác cửa vào tâu lên Ðức vua rằng: - Có sứ giả của đức vua Okkāka ở kinh thành Kusavatī xứ Malla
đang đứng chờ ngoài ngọ môn, xin được vào yết kiến Hoàng thượng. Ðức vua truyền lệnh mời các quan sứ giả vào triều bệ kiến. - Muôn tâu Ðại vương, Hoàng thượng của kẻ hạ thần là đức vua
Okkāka kính lời vấn an Ðại vương, kính chúc Ðại vương vạn tuế. Ðức vua cám ơn rồi truyền hỏi rằng: - Các ngươi đến đây, chắc còn có quốc sự gì quan trọng, hãy tâu
trình cho Trẫm rõ. - Muôn tâu Ðại vương! Hoàng thượng của kẻ hạ thần có một thái tử
tên Kusakumāra, có giọng nói hùng dũng như tiếng sư tử chúa rống,
Hoàng thượng của chúng thần muốn truyền ngôi báu cho thái tử, kén
chọn công chúa tấn phong lên ngôi chánh cung hoàng hậu. Người truyền
lệnh kẻ hạ thần đến yết kiến Ðại vương, xin Ðại vương ban công chúa
Pabhāvatī kết hôn cùng thái tử Kusakumāra. Khi thái tử lên ngôi, sẽ
tấn phong công chúa Pabhāvatī lên ngôi chánh cung hoàng hậu. Các quan sứ giả dâng pho tượng vàng lên Ðức vua Madda, Ðức vua
rất hoan hỉ tiếp nhận pho tượng và nghĩ rằng: "công chúa của ta
được kết hôn với thái tử một nước lớn, thì thật là vinh hạnh cho xứ
sở của ta".
Các quan sứ giả xin phép trở về nước, để trình tâu lên đức vua
Okkāka được rõ, và sẽ chọn ngày ngự đến đón rước công chúa
Pabhāvatī. Ðức vua Madda phán rằng: Tốt lắm! Rồi truyền lệnh tiễn đưa các
quan trở về nước. Khi các quan về đến kinh thành Kusavatī, vào yết kiến Ðức vua
cùng Hoàng hậu tâu trình việc tìm được công chúa Pabhāvatī xinh đẹp
tuyệt trần rồi cùng chọn ngày đón rước công chúa Pabhāvatī, Ðức vua
Okkāka, hoàng hậu Sīlavatī cùng các quan quân một đoàn hộ giá đông
đảo rời khỏi kinh thành Kusavatī ngự đến xứ Madda. Ðức vua Madda làm
lễ đón rước đức vua Okkāka, hoàng hậu Sīlavatī cùng đoàn hộ giá ngự
vào kinh thành Sāgala, tổ chức buổi lễ rất long trọng tại cung điện
đức vua Madda. Trải qua 2 – 3 ngày hoàng hậu Sīlavatī rất thông minh, có trí tuệ
sáng suốt, muốn nhìn mặt công chúa Pabhāvatī, nên tâu với Ðức vua
Madda rằng: - Thưa Ðức vua, chúng tôi xin phép nhìn mặt nàng dâu có được hay
không? - Ðược lắm. – Ðức vua Madda đáp lời rồi truyền gọi công chúa
Pabhāvatī đến yết kiến đức vua Okkāka và hoàng hậu Sīlavatī. Công chúa Pabhāvatī trang điểm những đồ trang sức quý giá tăng
thêm vẻ đẹp tuyệt trần như thiên nữ cùng nhóm nữ tỳ đông đảo tuỳ
tùng theo sau đến bệ kiến Ðức vua cùng Hoàng hậu. Hoàng hậu nhìn thấy công chúa Pabhāvatī nghĩ rằng: công chúa đẹp
tuyệt trần như thiên nữ, có ánh sáng hào quang mát dịu, còn thái tử
có thân hình xấu xí, đáng ghê sợ, nếu công chúa nhìn thấy thái tử,
thì không thể nào sống chung với nhau được, chắc chắn sợ hãi ghét bỏ
đi. Ta nên tìm cách giúp Thái tử. Hoàng hậu thưa với đức vua Madda rằng: - Thưa Ðại vương, công chúa Pabhāvatī thật xứng đáng với thái tử
của chúng tôi. Trong dòng vua của chúng tôi có một truyền thống,
không biết công chúa có thể hành theo truyền thống ấy được hay
không? - Truyền thống thế nào, tâu Hoàng hậu? – Ðức vua Madda thưa. - Thưa Ðại vương, ban ngày hoàng hậu không được phép diện kiến
Ðức vua, chỉ gặp nhau trong căn phòng lúc ban đêm. Cho đến khi nào
hoàng hậu thụ thai. Khi ấy, hoàng hậu diện kiến Ðức vua lúc ban
ngày. Nếu công chúa Pabhāvatī hành theo truyền thống ấy được, chúng
tôi đón rước công chúa. Ðức vua Madda truyền hỏi công chúa: - Này con, con có thể hành theo truyền thống ấy được không? - Tâu phụ vương, con có thể. – Công chúa tâu. Sau đó, đức vua Okkāka làm lễ dâng nhiều của cải quý giá đến đức
vua Madda, rước công chúa Pabhāvatī trở về kinh thành Kusavatī. Phần đức vua Madda làm lễ tiễn đưa công chúa Pabhāvatī với đoàn
tuỳ tùng đông đảo. Ðức vua Okkāka về đến kinh thành Kusavatī, truyền chiếu chỉ trang
hoàng toàn kinh thành, cung điện làm lễ mừng ngày lễ đăng quang thái
tử lên ngôi báu trị vì đất nước, tấn phong công chúa Pabhāvatī lên
ngôi chánh cung hoàng hậu. Ðức vua truyền lệnh phóng thích tất cả tù nhân, truyền chiếu chỉ
đến các nước lân bang rằng: "Từ nay, đức vua Kusa trị vì toàn thể
đất nước Malla rộng lớn này, các nước trong cõi Nam thiện bộ châu,
Ðức vua nào có công chúa, xin dâng công chúa đến đức vua Kusa để gây
tình thân thiện; và gởi các hoàng tử đến cầu thân để được Ðức vua
bảo hộ".
Ðức vua Kusa trị vì đất nước rộng lớn, có oai lực phi thường, đặc
biệt có giọng nói như tiếng rống của sư tử chúa, khiến cho các nước
lân bang đều khâm phục. Cho nên trong nước được an lành thịnh vượng. Hoàng hậu Pabhāvatī không diện kiến đức vua Kusa ban ngày, và đức
vua Kusa cũng không nhìn thấy rõ mặt hoàng hậu Pabhāvatī; Ðức vua và
hoàng hậu chỉ gần gũi nhau lúc ban đêm; bình thường ban đêm hoàng
hậu Pabhāvatī ở một mình, thân hình toả ra ánh sáng hào quang mát
dịu như ban ngày, nhưng khi nào Ðức vua Bồ Tát đến gần hoàng hậu, do
oai lực của Ðức Bồ Tát thì ánh sáng hào quang kia biến mất, chỉ có
bóng tối ban đêm, cho nên, Ðức vua và hoàng hậu không thể nhìn thấy
mặt nhau được. Ðức vua muốn nhìn thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī ban ngày, nên đến
nhờ mẫu hậu của Ngài giúp đỡ. Bà ngăn cấm rằng: - Hoàng nhi hãy chờ đợi một thời gian nữa, cho đến khi nào có
được một hoàng tử. Ðức vua Bồ Tát nóng lòng muốn nhìn xem mặt hoàng hậu, đến cầu xin
khẩn khoản mẫu hậu của Ngài, nhiều lần, bà cũng phải chìu theo, bà
dạy rằng: - Hoàng nhi đến chuồng voi, đóng vai người nài voi, mẫu hậu sẽ
dẫn nàng đến chuồng voi xem voi của Ðức vua. Mẫu hậu của Ngài dẫn hoàng hậu Pabhāvatī đến xem voi trong chuồng
voi, Ðức Bồ Tát đứng nơi đó nhìn thấy hoàng hậu xinh đẹp tuyệt trần,
cảm hứng quá lấy phân voi ném đằng sau hoàng hậu Pabhāvatī, làm cho
hoàng hậu tức giận truyền rằng: - Ta sẽ trình tâu Ðức vua, truyền lệnh chặt tay của ngươi! Bà Hoàng thái hậu năn nỉ tha thứ tội lỗi cho người nài. Lần sau, Ðức Bồ Tát muốn nhìn xem mặt hoàng hậu, mẫu hậu của Ngài
dẫn hoàng hậu đến chuồng ngựa; Ngài đóng vai người giữ ngựa, nhìn
thấy hoàng hậu, lại lấy phân ngựa ném đằng sau hoàng hậu. Hoàng hậu
tức giận, bà Hoàng thái hậu lại năn nỉ tha tội cho người giữ ngựa. Một hôm, hoàng hậu Pabhāvatī muốn nhìn xem mặt Ðức vua, bà mẫu
hậu không thể từ chối nên bảo nàng rằng: - Ngày mai, Ðức vua sẽ đi dạo quanh kinh thành, con hãy đứng ở
cửa sổ nhìn xuống. Bà hoàng thái hậu truyền lệnh kinh thành trang hoàng đẹp đẽ, Ðức
vua đi dạo, bà truyền dạy hoàng tử Jayampati (hoàng đệ của Ðức Bồ
Tát) trang phục Ðức vua ngồi lên lưng bạch tượng, còn Ðức Bồ Tát
đóng vai người nài voi ngồi đằng sau, bạch tượng đi ngang qua lâu
đài của hoàng hậu, hoàng hậu đứng cửa sổ nhìn xuống, Ðức Bồ Tát nhìn
lên lấy tay vẫy, có cử chỉ không lịch sự, hoàng hậu thấy không hài
lòng, nhưng nàng tự nghĩ: Ðức vua thật xứng với ta. Bà hoàng thái hậu truyền dạy: - Con đã nhìn thấy Ðức vua rồi phải không? - Tâu thái hậu, con đã nhìn thấy rồi, con rất hài lòng, nhưng sao
lại tuyển chọn người nài voi xấu xí đáng ghê sợ, có những cử chỉ vô
lễ với Ðức vua và con nữa. Bà hoàng thái hậu khuyên hoàng hậu nên tha tội cho người nài voi
kia. Hoàng hậu suy nghĩ: mấy hôm trước người nài voi, người giữ
ngựa, nay cũng chính y. Tại sao y lại được hưởng đặc ân của triều
đình đến như vậy? Có phải y chính là đức vua Kusa hay không?
Hoàng hậu bắt đầu hoài nghi về nhân vật này. Ðức Bồ Tát lại muốn nhìn thấy tận mặt hoàng hậu, đến xin mẫu hậu
của Ngài giúp đỡ. Bà hoàng thái hậu nhận thấy hoàng hậu không vui,
bà dẫn đi dạo thượng uyển, đến hồ sen nước trong, hoa sen nở rộ, Ðức
Bồ Tát ngâm mình dưới hồ, lấy lá sen che mặt; hoàng hậu nhìn thấy
nước hồ trong trẻo, có nhiều loại hoa sen xinh đẹp, nàng muốn xuống
hồ để tắm, cùng với các nữ tỳ. Nàng nhìn thấy một hoa sen xinh đẹp,
vớ tay định hái đoá hoa sen, tại nơi ấy Ðức Bồ Tát ẩn mình, nổi lên
nắm lấy cánh tay hoàng hậu la lớn rằng: "Ta là đức vua Kusa!".
Hoàng hậu tận mắt nhìn thấy rõ mặt mày, thân hình xấu xí đang ghê sợ
của Ðức Bồ Tát làm cho hoàng hậu chết giấc, các nữ tỳ đem hoàng hậu
cứu chữa mới tỉnh lại. Khi hoàn hồn, hoàng hậu nhớ lại những sự kiện
đã xảy ra trước kia: người nài voi ném phân voi, người giữ ngựa
ném phân ngựa, người nài voi ngồi sau bạch tượng cũng chính là người
này, đức vua Kusa, không phải ai khác.
Hoàng hậu gọi các quan lo xe giá đưa bà trở về cố quốc ngay hôm
ấy, các quan tâu Ðức vua rõ. Ðức vua nghĩ rằng: nếu cấm hoàng hậu,
nàng có thể đứng tim chết thôi, nên đành để cho nàng trở về kinh
thành Sāgala. Sau đó, ta sẽ tìm cách rước nàng trở lại. Ðức vua truyền lệnh chuẩn bị xe giá sang trọng tiễn đưa Chánh
cung hoàng hậu về kinh thành Sāgala. Do nghiệp lực nào, đức vua Kusa có thân hình xấu xí, đáng ghê sợ? Do nghiệp lực nào, đức vua Kusa chỉ sủng ái một mình hoàng hậu
Pabhāvatī mà không quan tâm đến các cung phi mỹ nữ khác? Và do nguyện lực nào, hoàng hậu Pabhāvatī có sắc đẹp tuyệt trần,
có ánh sáng hào quang toả ra từ sắc thân của bà suốt ngày đêm, nhưng
khi đức vua Kusa đến gần, ánh sáng kia biến mất. Do nguyện lực nào hoàng hậu Pabhāvatī không muốn sống chung với
đức vua Kusa? Tất cả mọi quả ắt hẳn phát sanh từ nhân. Quả có nghĩa là quả của
nghiệp và nhân chính là nghiệp. Ðức vua Kusa và hoàng hậu Pabhāvatī
đều là hiện thân quả của nghiệp. Vậy quả của nghiệp nào, nên tìm
hiểu qua tích tiền kiếp cuả đức vua Kusa và hoàng hậu Pabhāvatī được
tóm lược như sau: Trong quá khứ, một làng ở gần cửa thành Bārāṇasī có hai gia đình: Một gia đình có hai người con trai: một anh cả và một người em
thứ là Ðức Bồ Tát. Một gia đình kia có một người con gái. Bên nhà trai xin cưới con gái của gia đình kia về làm vợ của
người con cả. Người con thứ chưa có vợ vẫn sống chung với nhau một
nhà. Một hôm, người chị dâu làm bánh chiên rất ngon, gia đình đông đủ,
chỉ có người em chồng vắng mặt, vì đi làm ở trong rừng; người chị
dâu dành phần bánh cho người em xong, cả gia đình cùng nhau dùng hết
bánh. Khi ấy, Ðức Phật Ðộc Giác đi khất thực đến đứng trước cửa nhà,
người chị dâu phát sanh đức tin trong sạch, nên nghĩ rằng: "ta
nên lấy phần bánh để dành cho người em chồng, để bát cúng dường đến
Ðức Phật Ðộc Giác xong, rồi ta sẽ làm phần bánh chiên khác thay
thế". Khi người chị dâu đem phần bánh chiên dâng cúng đến Ðức
Phật Ðộc Giác xong; vừa lúc đó, người em chồng từ rừng trở về nhà
hỏi phần bánh chiên của mình; người chị chồng nói rằng: - Chú ạ! Phần bánh chiên của chú chị đã đem dâng cúng đến Ðức
Phật Ðộc Giác rồi, chú hoan hỉ ráng đợi chị một lát, chị sẽ làm phần
bánh chiên khác cho chú ngay. Nghe nói vậy, người em chồng nổi giận nói rằng: - Chị ăn phần bánh của mình hết rồi, lại lấy phần bánh chiên của
tôi đem dâng đến Ðức Phật Ðộc Giác, tôi lấy gì ăn đây? Người em chồng tức giận đi đến Ðức Phật Ðộc Giác lấy lại phần
bánh chiên. Thấy vậy, người chị dâu vội vã đi về nhà cha mẹ của mình
lấy bơ lỏng còn mới và trong trẻo có màu giống như hoa mộc lan, dâng
cúng đến Ðức Phật Ðộc Giác đầy bát, thay thế phần bánh chiên kia. Bơ
lỏng toả ra ánh sáng trong, nhìn thấy, nàng vô cùng hoan hỉ, nên
thành tâm phát nguyện rằng: - Kính bạch Ngài, do năng lực phước thiện bố thí này, kiếp sau,
cầu xin cho con có được sắc thân xinh đẹp tuyệt trần, không một ai
sánh kịp, có ánh sáng hào quang toả ra từ sắc thân suốt đêm ngày và
xin đừng sống chung với hạng người ác như chú em chồng của con. Nghe rõ lời phát nguyện của người chị dâu, người em chồng (Ðức
Bồ Tát) vội vàng dâng cúng để bát Ðức Phật Ðộc Giác phần bánh
chiên của mình đè lên trên bơ lỏng của người chị dâu rồi phát nguyện
rằng: - Kính bạch Ngài, do năng lực phước thiện bố thí này, kiếp sau
chị dâu của con dầu ở xa hằng trăm do tuần, cầu xin cho con có đủ
khả năng rước đem về làm vợ của con. Người chị dâu sau khi chết, do năng lực phước thiện bố thí là
thiện nghiệp cho quả tái sanh lên cõi trời hưởng mọi sự an lạc trong
cõi trời; về sau tái sanh cõi người là công chúa Pabhāvatī, con của
đức vua Madda. Công chúa Pabhāvatī có sắc thân xinh đẹp tuyệt trần, có ánh hào
quang toả ra từ sắc thân suốt đêm ngày. Như vậy, được thành tựu đúng
theo lời phát nguyện. Hoàng hậu Pabhāvatī không muốn sống chung với đức vua Kusa. Như
vậy, được thành tựu đúng theo lời phát nguyện.
Người em chồng, sau khi chết, do năng lực phước thiện là thiện
nghiệp cho quả tái sanh lên cõi trời hưởng mọi sự an lạc, đến
khi hết tuổi thọ, đức vua Sakka thỉnh tái sanh cõi người vào lòng
chánh cung hoàng hậu Sīlavatī của Ðức vua Okkāka xứ Malla. Sau khi
tái sanh, ác nghiệp nổi giận lấy lại phần bánh chiên của mình
từ trong bát của Ðức Phật Ðộc Giác, cho quả có thân hình xấu xí đáng
ghê sợ. Thái tử Kusa lên ngôi làm vua trị vì một nước lớn, có nhiều oai
lực có giọng nói như sư tử chúa rống, làm cho kẻ thù kinh hồn bạt
vía. Ðó là do quả của thiện nghiệp. Thái tử Kusa rước công chúa Pabhāvatī đem về tấn phong chánh cung
hoàng hậu. Như vậy, được thành tựu đúng theo lời phát nguyện. Lời phát nguyện của tiền thân hoàng hậu Pabhāvatī mọi điều đã
được thành tựu như ý. Còn lời phát nguyện của Ðức Bồ Tát thì thế nào? Sau khi hoàng hậu Pabhāvatī đã trở về đến kinh thành Sāgala của
vua cha rồi, ngày đêm, đức vua Kusa tâm trí luôn luôn nhớ thương đến
một mình hoàng hậu không nguôi. Mặc dầu trong cung điện có nhiều
cung phi mỹ nữ mà Ðức vua không hề quan tâm đến một người nào cả.
Lòng thương nhớ hoàng hậu càng thôi thúc, khiến cho Ðức vua đến hầu
mẫu hậu của Ngài tâu rằng: Tâu mẫu hậu, xin phép mẫu hậu, con sẽ đi rước hoàng hậu
Pabhāvatī trở lại. Vậy con xin giao lại ngôi báu này cho mẫu
hậu. Ðức vua Bồ Tát giả dạng một người dân thường, đem theo một cây
đàn lên đường thẳng đến kinh thành Sāgala, xin ngủ nhờ một nhà người
nài voi gần cung điện của đức vua Madda; Ðức Bồ Tát ngủ rất ngon
giấc, khi thức dậy lấy cây đàn khảy một bài, tiếng đàn réo rắt gợi
lòng thương nhớ hoàng hậu Pabhāvatī. Tiếng đàn toả ra không gian,
lan vào cung điện. Hoàng hậu nghe tiếng đàn biết rõ chắc chắn tiếng
đàn của đức vua Kusa đã đến đây để rước ta trở lại kinh thành
Kusavatī, bà rất lo sợ. Chính đức vua Madda cũng tấm tắc khen ngợi
tiếng đàn hay tuyệt vời, nhưng nghe sao thống thiết quá! Ðức Bồ Tát nghĩ rằng ở đây không thể gặp mặt hoàng hậu Pabhāvatī
được, nên tìm đến chỗ lò gốm, nơi làm đồ dùng của Ðức vua và các
công chúa, để có cơ hội làm những món đồ dùng cho hoàng hậu
Pabhāvatī. Ðức Bồ Tát đến xin làm học trò, ông chủ lò gốm hoan hỉ
nhận Ðức Bồ Tát. Tại lò gốm, Ðức Bồ Tát đã làm nhiều món đồ gốm
tráng men, kiểu mẫu đẹp tuyệt vời, xứng đáng bậc thầy của chủ lò
gốm. Có những món đồ gốm tráng men, cố ý dành cho hoàng hậu
Pabhāvatī dùng, có hình ảnh hoàng hậu Pabhāvatī, đức vua Kusa, cảnh
trong cung điện, chỉ có một mình hoàng hậu biết được mà thôi. Ông
chủ lò gốm đem vào dâng Ðức vua cùng quý công chúa, Ðức vua trầm trồ
khen ngợi những món đồ rất xinh đẹp tuyệt vời, thật vô giá. Những
món đồ ấy cũng đến tay hoàng hậu Pabhāvatī, bà nhìn thấy biết ngay,
những món đồ này do đôi bàn tay của đức vua Kusa để dành cho bà, vốn
không ưa thích Ðức vua, nên bà không dùng những món đồ ấy. Ðức Bồ Tát nghĩ rằng ở nơi đây ta cũng không có cơ hội gặp mặt
hoàng hậu Pabhāvatī được; tìm đến chỗ làm đồ thủ công, nơi làm đồ
dùng cho Ðức vua và quý công chúa, Ðức Bồ Tát xin làm học trò, Ngài
đã làm những món đồ đan bằng lá thốt nốt đẹp tuyệt vời có hình ảnh
hoàng hậu, ở trong cung điện, chỉ có một mình hoàng hậu biết được mà
thôi. Người thợ thủ công đem những món đồ dâng Ðức vua cùng quý công
chúa, Ðức vua trầm trồ khen ngợi chưa từng thấy những món đồ xinh
đẹp như vậy. Những món đồ ấy đến tay hoàng hậu Pabhāvatī, bà nhìn
thấy biết ngay, những món đồ này do đôi bàn tay của đức vua Kusa, bà
không chịu dùng những món đồ ấy. Ðức Bồ Tát nghĩ rằng ở đây ta cũng không có cơ hội thấy mặt hoàng
hậu Pabhāvatī, tìm đến tiệm hàng kết hoa cho Ðức vua Madda cùng quý
công chúa. Ðức Bồ Tát xin làm học trò, Ngài đã kết những tràng hoa
bằng nhiều loại hoa khác nhau, thành hình ảnh hoàng hậu, Ðức vua
v.v... chỉ có hoàng hậu biết mà thôi. Người thợ kết hoa đem dâng Ðức
vua cùng quý cô công chúa; hoàng hậu Pabhāvatī nhìn thấy tràng hoa
biết ngay, do bàn tay của đức vua Kusa, bà không chịu nhận tràng hoa
ấy. Ðức vua Bồ Tát bỏ ngôi báu, mẫu hậu, phụ hoàng xứ sở của mình đến
kinh thành Sāgala này với ý nguyện nhìn thấy hoàng hậu Pabhāvatī và
rước hoàng hậu trở lại cung điện. Ðức Bồ Tát suy nghĩ ở đây không
thể thực hiện được ý nguyện của mình, nên Ngài từ giã tiệm hàng kết
hoa, tìm đến nhà bếp nơi làm đồ ăn dâng Ðức vua cùng quý công chúa,
để xin làm học trò phụ bếp. Người đầu bếp cho Ðức Bồ Tát một ít
xương còn dính thịt làm món ăn để dùng, Ngài đã làm thành một món ăn
thật ngon có mùi thơm toả ra khắp kinh thành bay đến cung điện. Ðức
vua ngửi thấy mùi thơm vật thực, truyền hỏi người đầu bếp đang dâng
vật thực rằng: - Này ngươi, còn món ăn đặc biệt nào ở nhà bếp mà ngươi chưa dâng
cho Trẫm phải không? - Tâu Hoàng thượng, không có. – Người đầu bếp tâu. - Ngươi để ý ngửi xem có phải hương vị món vật thực không? – Ðức
vua truyền. Người đầu bếp để ý ngửi, đúng là mùi thơm của món vật thực, bèn
tâu rằng: - Tâu hoàng thượng, hạ thần có cho người học trò mới phụ bếp một
ít xương còn dính thịt làm món ăn để dùng. - Ngươi hãy về đem món ăn ấy cho Trẫm xem. Người đầu bếp trở về lấy món ăn ấy dâng lên Ðức vua, Ðức vua vừa
bỏ vào đầu lưỡi, vị ngon, hương thơm toả ra toàn thân như nếm phải
món vật thực của chư thiên. Ðức vua truyền lệnh rằng: - Từ nay, ngươi để cho người học trò mới làm đồ ăn dâng lên Trẫm
và quý công chúa. Phần ăn của Trẫm thì chính ngươi đem đến, còn phần
ăn của quý công chúa, thì ngươi cho người học trò mới đem phân phát. Người đầu bếp trở về thi hành theo ý chỉ của Ðức vua, giao việc
nấu nướng những thức ăn cho Ðức Bồ Tát, ông bảo Ðức Bồ Tát rằng: - Ta đem phần ăn lên dâng Ðức vua, còn ngươi đem những phần ăn
dâng đến quý công chúa. Ðức Bồ Tát nghe người đầu bếp phân công, trong lòng vô cùng vui
mừng hoan hỉ, nghĩ rằng: ý nguyện của ta sẽ thành tựu, từ nay ta có
thể nhìn thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī. Như vậy, mỗi ngày Ðức Bồ Tát đem vật thực phân phát quý cô công
chúa, với mục đích chính là nhìn thấy chánh cung hoàng hậu
Pabhāvatī. Ðức Bồ Tát mang vật thực lên lâu đài hoàng hậu Pabhāvatī, Ðức vua
vô cùng hoan hỉ, khi nhìn thấy rõ chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī,
còn hoàng hậu cũng nhìn thấy rõ Ðức vua tâm không hài lòng, nghĩ
rằng:"Chỉ vì ta, mà đức vua Kusa đến đây giả dạng người làm công,
người tôi tớ. Thật không xứng đáng chút nào cả! Nếu ta làm thinh,
Ðức vua tưởng lầm ta còn thương tưởng đến Người rồi ở đây luôn để
mọi ngày nhìn thấy ta. Ta nên nói cho Ðức vua biết".
- Xin mời Ðại vương trở về kinh thành Kusavatī càng sớm càng tốt,
thần thiếp không muốn nhìn thấy Ðại vương có thân hình xấu xí đáng
ghê sợ! Ðại vương ở đây phải chịu vất vã khổ cực ngày đêm có ích lợi
gì đâu? Nghe lời chê trách với giọng hằn học của hoàng hậu, thay vì tức
giận, Ðức vua lại hài lòng hoan hỉ nghe được giọng nói của hoàng
hậu, rồi đáp lại rằng: - Này ái khanh Pabhāvatī, ái khanh xinh đẹp tuyệt trần, Trẫm rất
sủng ái nơi ái khanh, Trẫm không thể trở lại kinh thành Kusavatī một
mình; Trẫm đã từ bỏ kinh thành Kusavatī, từ bỏ cả ngôi báu, từ bỏ
tất cả, chỉ vì ái khanh. Trẫm rất hài lòng ở lại đây, để hằng ngày
ngắm nhìn ái khanh. - Này ái khanh, Trẫm say mê nơi sắc đẹp tuyệt trần của ái khanh,
Trẫm chỉ cần một mình ái khanh mà thôi, không cần đến ngôi báu ở
kinh thành Kusavatī xứ Malla to lớn.... Nghe lời phán của đức vua Kusa, hoàng hậu Pabhāvatī nghĩ rằng:
Ta chê trách để làm cho Ðức vua tức giận, trở về cố quốc. Ngược lại,
Ðức vua không tức giận, lại còn thốt lời yêu thương ràng buộc. Nếu
người tự xưng danh "Ta là đức vua Kusa" tiến đến nắm tay ta, thì còn
ai dám can ngăn Ðức vua được.
Ðức vua Kusa ngự đến kinh thành Sāgala này, chỉ có hoàng hậu
Pabhāvatī và bà Khujjā người hầu thân tín biết mà thôi, còn những
người khác hoàn toàn không ai hay biết sự có mặt của đức vua Kusa. Hoàng hậu Pabhāvatī cảm thấy lo sợ, nên lánh mặt, truyền dạy
người hầu mỗi ngày dùng phần ăn mà Ðức Bồ Tát dành cho bà; còn bà
dùng phần ăn của người hầu. Từ đó về sau, Ðức Bồ Tát không nhìn thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī,
lòng thương nhớ không nguôi, Ðức Bồ Tát nhờ đến bà Khujjā, người hầu
của hoàng hậu rằng: - Ta nhờ ngươi cố thuyết phục hoàng hậu gặp gỡ ta, nói chuyện vui
vẻ, tươi cười thương yêu ta, lấy đôi bàn tay mềm mại xoa nhẹ trên
thân hình của ta. Nếu nhà ngươi làm được như vậy, thì chắc chắn nhà
ngươi sẽ được trọng thưởng. Bà Khujjā nhận lời khẩn khoản tha thiết của Ðức Bồ Tát, cố gắng
thuyết phục hoàng hậu Pabhāvatī nhưng không có kết quả. Ðức vua Bồ
Tát chờ mãi, chờ mãi trải qua 7 tháng ròng rã mà vẫn chưa nhìn thấy
mặt hoàng hậu Pabhāvatī. Ðức Bồ Tát ngồi một mình than vãn rằng: đã trải qua 7 tháng
rồi chưa về thăm mẫu hậu và phụ vương; ở đây ngày đêm vất vả khổ
cực, mà chẳng nhìn thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī đâu...?
Nỗi khổ tâm của Ðức Bồ Tát động đến vua trời Sakka, hiểu rõ
nguyện vọng của Ðức Bồ Tát muốn gặp mặt hoàng hậu Pabhāvatī và rước
nàng trở về kinh thành Kusavatī, nên Ðức vua trời Sakka tìm cách
giúp đỡ để Ðức Bồ Tát được toại nguyện. Ðức vua trời Sakka cho hoá ra nhiều sứ giả mang chiếu chỉ của Ðức
vua Madda gởi đến 7 Ðức vua ở 7 kinh thành khác nhau, cùng một lúc,
với lời lẽ rằng: "Công chúa Pabhāvatī đã li dị đức vua Kusa trở
về kinh thành Sāgala rồi; nếu đại vương muốn công chúa Pabhāvatī,
xin ngự đến rước nàng".
Bảy Ðức vua từ 7 kinh thành đều ngự cùng với đoàn tuỳ tùng hộ
tống đông đảo đến kinh thành Sāgala gặp nhau cùng một lúc, các Ðức
vua gặp hỏi nhau rằng: - Ðại vương ngự đến đây với quốc sự gì? Ðược biết, 7 Ðức vua ngự đến xứ Madda có cùng một mục đích
"rước công chúa Pabhāvatī về nước". Các Ðức vua nổi giận Ðức vua
Madda và truyền rằng: Ðức vua Madda dâng một mình công chúa
Pabhāvatī đến 7 Ðức vua ở 7 kinh thành, là một việc làm có tánh
khiêu khích chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau bắt Ðức vua Madda trị
tội. Cho nên, mỗi Ðức vua đều gởi chiếu chỉ với lời lẽ rằng: "Ðại
vương Madda, hãy dâng công chúa Pabhāvatī cho quả nhân hoặc chiến
tranh".
Gởi chiếu chỉ xong, 7 Ðức vua đem quân vây quanh kinh thành
Sāgala. Ðức vua Madda biết như vậy, tâm vô cùng hoảng sợ, lệnh hội
họp các quan bàn việc đối phó, phải làm thế nào? Một vị quan tâu
rằng: - Tâu bệ hạ! 7 Ðức vua ngự đến đây, nguyên nhân do công chúa
Pabhāvatī, xin bệ hạ bắt công chúa Pabhāvatī dâng cho họ, để tránh
khỏi cuộc chiến tranh xảy ra. Nghe tâu như vậy, Ðức vua Madda truyền rằng: - Nếu Trẫm bắt công chúa Pabhāvatī dâng cho một Ðức vua này, thì
còn lại 6 Ðức vua kia sẽ gây chiến tranh với ta. Như vậy, Trẫm không
thể dâng công chúa cho Ðức vua nào được. Sự việc xảy ra như thế này, là do công chúa Pabhāvatī bỏ đức vua
Kusa là một Ðức vua có oai lực phi thường trong cõi Nam thiện bộ
châu này, mà công chúa chê đức vua Kusa có thân hình xấu xí, đáng
ghê sợ, trở về đây. Cho nên, ngày nay, công chúa Pabhāvatī đành phải
chịu hậu quả ấy. Vậy bắt công chúa Pabhāvatī chặt làm 7 phần dâng
cho 7 Ðức vua của 7 kinh thành. Nghe tin như vậy, công chúa vô cùng kinh hoảng sợ chết, chặt làm
7 phần, nàng vội vàng đến tìm mẫu hậu khóc than cầu xin cứu mạng;
nhưng làm sao cải lệnh của Ðức vua được. Mẫu hậu quở trách công chúa Pabhāvatī rằng: - Bởi con tự kiêu ngã mạn, ỷ lại sắc đẹp tuyệt trần của mình, nên
chê trách đức vua Kusa xấu xí đáng ghê sợ, bỏ Ðức vua về đây, nên
ngày nay con phải chịu hậu quả đau khổ như thế này! Nếu mà bây giờ có đức vua Kusa oai lực phi thường, có giọng như
sư tử chúa rống, làm cho 7 Ðức vua này kinh hồn bạt vía, khiếp đảm
bỏ chạy trốn thoát thân. Như vậy, mới mong cứu mạng cho công chúa
của ta thoát chết, rồi rước công chúa trở lại kinh thành Kusavatī.
Không biết đức vua Kusa bây giờ ngự ở nơi nào? Nghe mẫu hậu tán dương ca tụng oai lực của đức vua Kusa, bây giờ
công chúa Pabhāvatī đã đến đường cùng rồi, không còn phải giấu giếm
được nữa, nên tâu với mẫu hậu rằng: Tâu mẫu hậu, mẫu hậu ca tụng đức vua Kusa có oai lực phi thường
có thể thắng được 7 Ðức vua từ 7 kinh thành, chịu thua bỏ chạy, để
cứu mạng cho con, khỏi cái chết thê thảm này. - Tâu mẫu hậu, đức vua Kusa ấy hiện đang ngự ở trong vòng cung
điện này đây. Mẫu hậu của công chúa Pabhāvatī truyền dạy rằng: - Này con, vì quá sợ chết nên tâm trí con đã điên loạn rồi phải
không? Hay là con trở thành người ngu muội mới tâu với mẫu hậu như
vậy! Nếu đức vua Kusa ngự đến đây thật, tại sao phụ vương và mẫu hậu
không hề hay biết? Công chúa Pabhāvatī nghĩ rằng, mẫu hậu không tin theo lời của
mình, và hoàn toàn không hay biết đức vua Kusa ngự ở đây suốt 7
tháng qua, ta sẽ chỉ cho mẫu hậu nhìn thấy Ðức vua. Công chúa Pabhāvatī nắm tay mẫu hậu đến đứng gần cửa sổ chỉ tay
xuống dưới nhà bếp gần lâu đài của quý công chúa tâu rằng: - Tâu mẫu hậu, đức vua Kusa giả dạng người đầu bếp, ăn mặc gọn
gàng đang ngồi rửa nồi, chảo.... Khi ấy, Ðức Bồ Tát suy tư rằng: hôm nay, nguyện vọng của ta
chắc chắn được thành tựu, bởi vì hoàng hậu Pabhāvatī sợ chết, chắc
chắn tâu với mẫu hậu, phụ vương biết, có mặt ta ở tại nơi đây.
Ðức Bồ Tát lo rửa tất cả mọi chén bát cho sạch sẽ, đem cất trong
tủ gọn gàng. Còn mẫu hậu quở mắng công chúa Pabhāvatī rằng: - Này, ngươi có phải là đứa con gái hư không? Hay ngươi là đứa
con gái làm hại hoàng tộc phải không? Ngươi đã sanh trong dòng dõi
của Ðức vua Madda, tại sao ngươi có thể để Ðức vua hôn phu của ngươi
làm người đầy tớ? Nghe mẫu hậu quở mắng, công chúa Pabhāvatī tâu rằng: - Tâu mẫu hậu! Con không phải đứa con hư; cũng không phải đứa con
làm hại hoàng tộc. Kia là đức vua Kusa, thái tử của thái thượng
hoàng Okkāka, sao mẫu hậu nghĩ rằng người đầy tớ?
Công chúa Pabhāvatī tán dương ca tụng oai lực của đức vua Kusa
rằng: - Tâu mẫu hậu! Ðức vua nào, hằng ngày thường cúng dường vật thực
đến 20 ngàn vị Bà la môn; Ðức vua ấy, tên là Kusa, thái tử của thái
thượng hoàng Okkāka, sao mẫu hậu nghĩ rằng người đầy tớ. - Tâu mẫu hậu, các quân lính hằng ngày thường chuẩn bị đội tượng
binh gồm 20 ngàn thớt voi cho Ðức vua nào, Ðức vua ấy là đức vua
Kusa, thái tử của thái thượng hoàng Okkāka, sao mẫu hậu nghĩ rằng
người đầy tớ. - Tâu mẫu hậu, các quân lính, hằng ngày thường chuẩn bị đội quân
xa gồm 20 ngàn chiếc cho Ðức vua nào, Ðức vua ấy tên là Kusa, thái
tử của thái thượng hoàng Okkāka, sao mẫu hậu nghĩ rằng người đầy tớ. - Tâu mẫu hậu, các quân lính, hằng ngày thường vắt sữa bò gồm 20
ngàn con cho Ðức vua nào, Ðức vua ấy tên là Kusa, thái tử của thái
thượng hoàng Okkāka, sao mẫu hậu nghĩ rằng người đầy tớ.... Khi công chúa Pabhāvatī tán dương ca tụng đức vua Kusa như vậy,
với lời lẽ hùng hồn, khiến cho mẫu hậu của nàng tin rằng, có đức vua
Kusa thật, nên bà vội vã đến tâu lên đức vua Madda, Ðức vua ngự đến
lâu đài công chúa Pabhāvatī ngay tức khắc, bèn truyền hỏi rằng: - Này con, đức vua Kusa đang ngự tại đây có thật hay không? - Tâu phụ vương! Ðiều đó có thật, đức vua Kusa đang làm phận sự
người đầu bếp của phụ vương cùng quý công chúa trải qua thời gian
được 7 tháng rồi. – Công chúa Pabhāvatī tâu. Ðức vua Madda không thể nào tin đó là sự thật, nên truyền hỏi
nàng hầu Khujjā của công chúa. Nàng hầu cũng tâu rõ sự thật mọi điều như công chúa. Ðức vua quở
mắng công chúa rằng: - Này, ngươi là đứa con ngu xuẩn, ngươi đã làm điều tồi tệ quá!
Tại sao, từ lâu con không tâu với phụ vương được rõ? Ðức vua Kusa là
một Ðại vương có nhiều oai lực, thống soái toàn cõi Nam thiện bộ
châu này, như là một con voi chúa, sao con có thể xem như loài ếch
được? Quở mắng công chúa xong, Ðức vua vội vã ngự đến tìm Ðức Bồ Tát
chấp hai tay xin tha tội rằng: - Tâu Ðại vương, bậc vĩ đại, xin người mở lòng thương mà tha tội
kẻ bề tôi, vì không biết Ðại vương đến nơi này, với hình thức không
dễ ai biết được. Nghe Ðức vua Madda tâu như vậy, Ðức Bồ Tát có tâm bi không quở
trách, mà chỉ nói lời an ủi để Ðức vua yên tâm rằng: - Này Ðại vương, người như quả nhân chẳng giấu giếm gì, quả nhân
là người đầu bếp đã được Ðại vương trọng dụng và tin cậy. Này Ðại vương, người không có tội lỗi gì mà quả nhân phải tha
tội. Nghe lời truyền dạy của Ðức Bồ Tát, Ðức vua yên tâm vội vã ngự
đến lâu đài của công chúa Pabhāvatī truyền dạy công chúa mau mau đến
yết kiến đại vương Kusa rằng: - Này đứa con khờ dại, con hãy mau mau đến yết kiến Ðại vương,
bậc đại hùng, cầu xin Người tha tội. Nếu đại vương Kusa tha tội cho
con, thì con mới mong thoát khỏi chết. Trong đời này, chỉ có đức vua
Kusa mới cứu mạng cho con được mà thôi! Nghe lời truyền dạy của phụ vương, công chúa Pabhāvatī cùng với
các em của nàng, nhóm nữ tỳ đông đảo đến yết kiến Ðức Bồ Tát; Ðức Bồ
Tát đứng với tư thế người đang rửa nồi chảo, biết hoàng hậu
Pabhāvatī đến yết kiến mình, nên nghĩ rằng: hôm nay ta sẽ trừ
tánh tự kiêu ngã mạn của hoàng hậu Pabhāvatī, để cho nàng cúi đầu
đảnh lễ dưới đôi bàn chân dơ bẩn của ta. Ðức Bồ Tát giẫm đôi bàn
chân dính đầy sình lầy dơ bẩn, khi hoàng hậu Pabhāvatī đến cúi đầu
đảnh lễ ôm hai bàn chân của Ðức Bồ Tát xong, ngồi trên vũng sình lầy
xin lỗi Ðức Bồ Tát rằng: - Tâu hoàng thượng, thần thiếp xin cúi đầu lạy dưới đôi bàn chân
của hoàng thượng, thần thiếp ghét hoàng thượng đến ngày hôm nay là
ngày cuối cùng. Cầu xin hoàng thượng tha thứ tội cho thần thiếp, xin
đừng giận thần thiếp nữa, thần thiếp thành thật thề với hoàng
thượng, xin hoàng thượng nghe rõ lời thề của thần thiếp: kể từ nay
về sau thần thiếp không còn ghét hoàng thượng nữa, một lòng thương
yêu hoàng thượng. Ðây là lời tha thiết khẩn khoản van xin của thần
thiếp, nếu hoàng thượng không đoái thương cứu mạng thần thiếp, thì
ngay hôm nay, phụ vương chắc chắn sẽ phân thây thần thiếp làm 7
phần, đem dâng cho 7 Ðức vua đang vây ở ngoài thành. Nghe lời khẩn khoản van xin của hoàng hậu Pabhāvatī, Ðức Bồ Tát
động lòng trắc ẩn, để cho hoàng hậu yên tâm mà phán rằng: - Này ái khanh, lời khẩn khoản van xin của ái khanh, làm sao mà
Trẫm không đoái thương được! Trẫm không giận ái khanh nữa đâu! Ái khanh, Pabhāvatī, xin đừng
có sợ! Trẫm cũng chân thành thề với ái khanh rằng: từ nay về sau Trẫm
không ghét ái khanh nữa. Này ái khanh, Pabhāvatī, nàng là người sủng ái nhất của đời Trẫm,
Trẫm có thừa oai lực tiêu diệt dòng vua Madda, phụ vương của ái
khanh, bắt ái khanh trở về kinh thành Kusavatī. Nhưng vì Trẫm quá
sủng ái ái khanh, nên Trẫm đành kiên trì chịu đựng, bao nhiêu nỗi
khổ thân khổ tâm chờ đợi cho đến ngày hôm nay. Ðức Bồ Tát chăm chú nhìn thấy rõ công chúa Pabhāvatī, chánh cung
hoàng hậu của mình xinh đẹp tuyệt trần chẳng khác nào thiên nữ,
chánh cung hoàng hậu của Ðức vua trời Sakka cõi Tam thập tam thiên,
làm cho tâm ngã mạn của dòng vua chúa phát sanh và nghĩ rằng: "Ta
còn sống ở đây, những Ðức vua nào có gan dám tranh giành chánh cung
hoàng hậu của ta được".
Ðức Bồ Tát tỏ rõ một vị đại vương có uy thế ngự đến trước sân
rồng rống như sư tử chúa, vỗ mạnh hai bàn tay mà phán rằng: - Ta là đức vua Kusa đã đến rồi, toàn thể dân chúng trong kinh
thành hãy xem ta bắt sống 7 vị vua, tất cả quan quân chuẩn bị ngựa
xe sẵn sàng cho ta. Ðức vua Madda truyền cho người thợ cắt tóc cạo râu cho Ðức Bồ Tát
xong; Ðức Bồ Tát tắm rửa, mặc bộ đồ đại vương tỏ vẻ oai phong lẫm
liệt ngự lên bạch tượng ngồi đằng trước, truyền cho hoàng hậu
Pabhāvatī ngồi đằng sau xông ra trận địa, cùng các đội binh mã, quân
xe hộ tống, ngự ra cửa phía Ðông, đưa mắt nhìn thấy binh lính kẻ thù
đang vây xung quanh thành, Ðức vua Bồ Tát cất giọng xưng hô ba lần
như sư tử chúa rống rằng: - Ta là vua Kusa, ai muốn sống, hãy mau mau khuất phục ta ngay! Binh lính của 7 Ðức vua từ 7 kinh thành nghe giọng nói như sư tử
chúa rống của đức vua Kusa đều kinh hồn bạt vía khiếp đảm giẫm nhau
mà chạy; như bầy nai nghe tiếng rống của sư tử chúa chạy trốn thoát
thân. Ðức Bồ Tát truyền lệnh bắt sống 7 vị vua từ 7 kinh thành trói dẫn
về trình Ðức vua Madda. Nhìn thấy Ðức vua Bồ Tát toàn thắng, Ðức vua
trời Sakka vô cùng hoan hỉ dâng lên Ðức Bồ Tát một viên ngọc Manī
tên "Rocana: huy hoàng xán lạn" nhờ oai lực của viên ngọc
Manī ấy, Ðức Bồ Tát thay hình đổi dạng có tướng hảo quang minh, thân
hình trở nên tốt đẹp không kém hoàng hậu Pabhāvatī. Ðức vua Bồ Tát đã toàn thắng ngồi trên bạch tượng đằng sau có
hoàng hậu Pabhāvatī kéo quân ngự vào cung điện Ðức vua Madda, dẫn
theo 7 Ðức vua từ 7 kinh thành vào yết kiến Ðức vua Madda. Ngài phán
rằng: Này Ðại vương! Ðây là 7 vị vua của 7 kinh thành là kẻ thù của
Người, bây giờ ở trong quyền hành của Người, Người muốn giam giữ tù
đày, hoặc phóng thích, hoặc xử tử tuỳ ý của Người. Nghe truyền như vậy, đức vua Madda tâu rằng: - Tâu Ðại vương, 7 vị vua này là kẻ thù của Ðại vương, không phải
kẻ thù của quả nhân. Tâu Ðại vương! Ngài là Ðức vua lớn bảo hộ quả nhân, cho nên chỉ
có Ngài mới có quyền phóng thích, hoặc xử tử 7 vị vua này tuỳ ý
Ngài. Ðức vua Madda tâu trình như vậy, Ðức Bồ Tát nghĩ rằng: lợi ích gì
xử tử 7 vị vua này, 7 vị vua đến đây phải có được lợi gì khi trở về,
Ðức vua Madda còn có 7 công chúa xinh đẹp là em của công chúa
Pabhāvatī, ta ban 7 công chúa này cho 7 vị vua ở 7 kinh thành thì có
lợi biết dường nào! Ðức Bồ Tát phán rằng: - Này Ðại vương, Người còn có 7 công chúa, xin Người ban cho 7 vị
vua ở 7 kinh thành; như thế 7 vị vua này sẽ trở thành những Ðức vua
phò mã của Người. Ðức vua Madda tâu rằng: - Tâu Ðại vương, Ngài là Ðức vua lớn bảo bộ quả nhân và công chúa
của quả nhân. Vậy xin Ngài ban 7 công chúa của quả nhân cho 7 Ðức
vua theo ý muốn của Ngài. Ðức vua Bồ Tát truyền lệnh trang điểm 7 công chúa của Ðức vua
Madda cho xinh đẹp, rồi ban cho mỗi Ðức vua một công chúa. Bảy Ðức vua ở 7 kinh thành vô cùng hoan hỉ, cảm đội ơn đức vua
Kusa và đức vua Madda nhạc phụ kéo quân ngự trở về kinh thành của
mình cùng với một nàng công chúa xinh đẹp. Ðức vua Bồ Tát ngự lại 2 – 3 hôm sau mới từ giã Ðức vua Madda ngự
trở về kinh thành Kusavatī. Trên long xa, đức vua Kusa cùng chánh
cung hoàng hậu Pabhāvatī ngồi sánh đôi, mỗi người mỗi vẻ không ai
kém ai, trên đường ngự trở về kinh thành Kusāvatī, lễ đón rước vô
cùng long trọng. Ðược tin đức vua Kusa cùng chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī trở về,
Thái thượng hoàng và Hoàng thái hậu truyền lệnh trang hoàng cung
điện, cũng như trong kinh thành thật lỗng lẫy làm lễ đón mừng. Khi ấy, thái thượng hoàng Okkāka, hoàng thái hậu Sīlavatī và
hoàng đệ Jayampati của Ðức Bồ Tát ngự ra khỏi thành đón rước, còn
các hoàng gia bá quan văn võ, dân chúng trong thành đều hân hoan đón
mừng đức vua Kusa và chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī trở về. Ðức vua
truyền lệnh cho phép tổ chức lễ hội mừng suốt 7 ngày đêm. Kể từ đó
đức vua Kusa và chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī sống hoà hợp nhau,
trị vì đất nước Malla được an lành thịnh vượng cho đến hết tuổi thọ. Ðức Phật thuyết về truyện tiền thân Kusajātaka xong, những nhân
vật trong câu truyện liên quan đến kiếp hiện tại như sau: Thái thượng hoàng Okkāka, kiếp hiện tại nay là Ðức vua
Suddhodana. Qua câu truyện tiền thân Kusajātaka giúp hiểu rõ những điều như: 1- Về tác ý (cetanā) tạo nghiệp. Ðức Phật dạy: "Này chư Tỳ khưu, Như Lai gọi tác ý là nghiệp,
sau khi suy nghĩ rồi tạo nghiệp do thân, khẩu, ý".
Tác ý thiện tâm đồng sanh trong thiện tâm phát sanh ba thời: Tác ý trước khi bố thí. Trường hợp người chị dâu và người em chồng (Ðức Bồ Tát) cùng làm
phước thiện bố thí cúng dường đến Ðức Phật Ðộc Giác; song tác ý hai
người khác nhau, nên tạo nghiệp khác nhau, dĩ nhiên quả
của nghiệp cũng khác nhau. Người chị dâu: tác ý trước khi bố thí, tác ý đang khi bố thí
và tác ý sau khi đã bố thí xong đều là tác ý thiện tâm hoàn toàn
trong sạch suốt cả ba thời tạo thiện nghiệp bố thí. Người em chồng: tác ý thiện tâm cả ba thời tạo thiện nghiệp
bố thí; song giai đoạn thời gian trước khi bố thí, đã tạo ác
nghiệp tức giận người chị dâu đã đem phần bánh chiên của mình bố
thí cúng dường đến Ðức Phật Ðộc Giác. 2- Về nghiệp và quả của nghiệp. Phước thiện bố thí cho quả báu được giàu sang phú quý, có quyền
cao chức trọng. Người chị dâu: do năng lực thiện nghiệp bố thí ấy, cho quả
báu được tái sanh làm công chúa của Ðức vua Madda ở kinh thành
Sāgala, vùng Madda. Do tác ý thiện tâm hoàn toàn trong sạch suốt cả
ba thời tạo nghiệp bố thí, cho nên hưởng được quả báu suốt cả ba
thời trong cuộc đời: thời ấu niên, thời trung niên và thời lão niên
được giàu sang phú quý, quyền cao chức trọng. Người em chồng: do năng lực thiện nghiệp bố thí ấy, cho quả
báu được tái sanh làm thái tử của Ðức vua Okkāka ở kinh thành
Kusavatī, xứ Malla. Do tác ý thiện tâm trước khi bố thí ngắn
ngủi, có phiền não làm ô nhiễm, tác ý đang khi bố thí và sau khi
bố thí xong đều trong sạch; cho nên, hưởng quả báu trong suốt cuộc
đời giàu sang phú quý, quyền cao chức trọng. Song bị ác nghiệp
tức giận trước khi bố thí cho quả sau khi tái sanh vào thời ấu niên
có thân hình xấu xí đáng ghê sợ, đến thời trung niên và lão niên
thân hình trở nên tốt đẹp, đó là do quả cả thiện nghiệp. 3- Về lời phát nguyện và sự thành tựu. Lời phát nguyện là điều mong muốn, ý nguyện riêng của mình có
được thành tựu như ý hay không, đều do năng lực phước thiện của mình
đã tạo. Năng lực phước thiện mạnh thì được thành tựu như ý, ngược
lại năng lực phước thiện yếu, thì khó thành tựu. Năng lực phước
thiện mạnh cần phải hội đủ 3 điều kiện: Vật bố thí hoàn toàn hợp pháp. Nếu đủ 3 điều kiện này, mới có năng lực phước thiện mạnh và
nhiều; thì thí chủ có ý nguyện nào cũng dễ dàng thành tựu được như ý
nguyện ấy. Người chị dâu và người em chồng đều có đủ 3 điều kiện. - Người chị dâu phát nguyện: Kiếp sau, cầu xin cho con có được
sắc thân xinh đẹp tuyệt trần, không một ai sánh kịp, có ánh sáng hào
quang toả ra từ sắc thân suốt đêm ngày. Xin đừng sống chung với hạng
người ác như chú em chồng của con. Kiếp sau, sanh làm công chúa Pabhāvatī đó là quả báu được thành
tựu đúng theo lời phát nguyện trong tiền kiếp, trong đó có điều
không muốn sống chung với đức vua Kusa. - Người em chồng phát nguyện: Kiếp sau, chị dâu của con dầu ở xa
hằng trăm do tuần, xin cho con có đủ khả năng rước đem về làm vợ của
con. Kiếp sau, sanh làm thái tử Kusa đã tìm được công chúa Pabhāvatī
rước về làm chánh cung hoàng hậu. Ðó là quả báu được thành tựu đúng
theo lời phát nguyện trong tiền kiếp. Nhưng khi hoàng hậu Pabhāvatī (chị dâu tiền kiếp) nhìn thấy rõ
đức vua Kusa (em chồng kiếp trước) liền có cảm ứng tự nhiên vừa ghét
vừa ghê sợ Ðức vua, do bởi năng lực lời phát nguyện trong tiền kiếp,
nên hoàng hậu từ bỏ đức vua Kusa trở về kinh thành Sāgala của phụ
vương mình. Bởi do năng lực lời phát nguyện trong tiền kiếp, nên đức vua Kusa
đeo đuổi theo hoàng hậu Pabhāvatī. Do năng lực phước thiện và lời
phát nguyện của Ðức Bồ Tát có nhiều năng lực hơn người thường,
khiến vua trời Sakka phải giúp đỡ Ðức Bồ Tát cho được thành
tựu như ý nguyện, làm thay đổi thân hình xấu xí đáng ghê sợ trở
thành thân hình tốt đẹp, đem hoàng hậu trở lại kinh thành Kusavatī
sống chung trong tình thương yêu kính mến nhau cho đến trọn đời. Qua lời phát nguyện của hai người, chị dâu và em chồng có điều
trái ngược nhau: kiếp sau người chị dâu không muốn sống chung với
người em chồng; ngược lại người em chồng chỉ muốn sống chung với
người chị dâu mà thôi. Kết quả: lời phát nguyện của Ðức Bồ Tát có năng lực hơn lời phát
nguyện của hoàng hậu Pabhāvatī, khiến hoàng hậu Pabhāvatī thay đổi
thái độ tâm tính từ ghét và kinh sợ đức vua Kusa chuyển sang không
ghét, một lòng thương yêu Ðức vua, và đức vua Kusa cũng thương yêu
hoàng hậu. Cả hai người nói lên bằng lời thề chân thật với nhau. Ðiều đó, có thể hiểu rõ rằng: quá khứ có ảnh hưởng đến hiện tại,
song hiện tại cũng có thể làm thay đổi, để cho tương lai theo ý của
mình. Có Phước Chọn Ðược Cõi Tái Sanh Trong đời, người giàu có nhiều tiền nhiều bạc, có thể chọn mua
sắm những gì theo ý muốn của mình. Trong đạo, bậc Thiện trí phàm
nhân có nhiều phước thiện cũng có thể chọn trước cảnh giới tái sanh
theo ý muốn của mình. Như những hành giả tiến hành thiền định chứng đắc được bậc thiền
nào (bậc thiền sắc giới, bậc thiền vô sắc giới) cho đến khi
gần chết chưa bị hư mất; sau khi chết, chắc chắn bậc thiền ấy cho
quả tái sanh lên cõi sắc giới phạm thiên, hoặc cõi vô sắc giới phạm
thiên tương xứng với bậc thiền sở đắc của mình. Ðó là sắc giới thiện nghiệp và vô sắc giới thiện nghiệp. Ðối với những bậc Thiện trí phàm nhân đã tạo dục giới thiện
nghiệp như: làm phước bố thí, giữ giới, tiến hành thiền định mà chưa
chứng đắc được bậc thiền nào; tiến hành thiền tuệ..., còn thuộc về
dục giới đại thiện tâm. Những bậc Thiện trí này có nhiều phước
thiện, đến khi sắp từ bỏ thể xác (chết), có thể chọn 1 trong
7 cõi thiện giới: 1 cõi người và 6 cõi trời dục giới theo ý muốn của
mình, để làm đối tượng nương nhờ tái sanh kiếp sau. Cho nên, sau khi
từ bỏ sắc thân (chết), do năng lực dục giới thiện nghiệp cho
quả tái sanh kiếp sau, theo cảnh giới mà mình đã chọn từ kiếp trước
lúc sắp lâm chung. Trích dẫn một tích người cận sự nam Dhammika [Bộ
Dhammapadaṭṭhakathā, tích Dhammika upāsikavatthu] trong bộ Chú giải
Pháp cú. Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự tại chùa Jetavana gần thành
Sāvatthi, đề cập đến cận sự nam Dhammika được tóm lược như sau: Trong kinh thành Sāvatthi, ông cận sự nam Dhammika là người cao
quý nhất trong nhóm 500 cận sự nam. Ông có 7 người con trai và 7
người con gái đều là những người cận sự nam, cận sự nữ, có đức tin
trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, Tam bảo. Trong tư thất
thường làm phước thiện bố thí như: bố thí cháo, bố thí vật thực, bố
thí vật thực vào ngày rằm và cuối tháng, bố thí vật thực vào ngày
giới hằng tháng, thỉnh chư Tỳ khưu Tăng thọ trai tại nhà, bố thí vật
thực chư Tỳ khưu khách đến, cúng dường vật thực chư Tỳ khưu Tăng an
cư nhập 3 tháng hạ v.v.... Toàn gia đình gồm cha mẹ và các con đều
là những người hoan hỉ trong phước thiện bố thí, gìn giữ giới hạnh
trong sạch, hoan hỉ trong việc nghe pháp. Một hôm, ông Dhammika bị lâm bệnh nặng sắp lâm chung, muốn nghe
tụng kinh, ông sai người đến hầu Ðức Phật, kính xin Ðức Phật cho
phép 8 hoặc 16 vị Tỳ khưu Tăng đến nhà ông. Ðức Phật cho phép chư Tỳ khưu đến nhà ông, thỉnh ngồi nơi đã sắp
đặt sẵn quanh giường của ông, ông bạch rằng: - Kính bạch chư Ðại Ðức, được chiêm ngưỡng quý Ngài là một điều
khó đối với con, nay con yếu quá rồi, kính xin quý Ngài tế độ tụng
cho con được nghe một bài kinh. - Này Dhammika, ông muốn nghe bài kinh nào? – Chư Tỳ khưu hỏi. - Kính bạch chư Ðại Ðức, con tha thiết cầu xin quý Ngài tụng cho
con nghe bài kinh "Mahāsati-paṭṭhānasutta": kinh Ðại Niệm Xứ
mà chư Phật (quá khứ, hiện tại, vị lai) thường thuyết giảng. Chư Tỳ khưu bắt đầu tụng rằng: "Ekāyano ayaṃ bhikkhave maggo sattānaṃ visuddhiyā...".
Ngay khi ấy có 6 chiếc xe trời, mỗi chiếc có 1.000 con ngựa quý
kéo, trang hoàng lộng lẫy từ 6 cõi trời dục giới kéo đến xin đón
rước ông [con ngựa thật là loài súc sanh không thể tái sanh lên cõi
trời, những con ngựa quý này do phép mầu của chư thiên hoá ra làm
phận sự kéo xe trời, không phải con ngựa loài súc sanh]. Chư thiên ở
mỗi cõi trời đều khẩn khoản mời ông rằng: Amhākaṃ devalokaṃ nessāma! Chúng tôi xin rước ông lên cõi trời của chúng tôi! Kính mời ông tái sanh lên cõi trời của chúng tôi, để cho cõi trời
của chúng tôi được huy hoàng xán lạn thêm, như người từ bỏ đồ dùng
cũ kỹ rạn nứt rồi, đổi lấy đồ dùng bằng vàng ròng (vàng mười) tái
sanh cõi trời chúng tôi hưởng nhiều sự an lạc lắm! Ông cận sự nam không muốn những nhóm chư thiên ấy làm trở ngại
việc nghe pháp của ông, nên ông bảo rằng: Āgametha! Āgametha! Chư Tỳ khưu Tăng đang tụng kinh, nghe ông nói như vậy, nên ngừng
lại, vì nghĩ rằng: ông nói với chúng ta.
Khi chư Tỳ khưu Tăng ngưng tụng kinh, các con ông than khóc kể lể
rằng: - Trước đây, cha của chúng con hoan hỉ trong việc lắng nghe pháp
không bao giờ biết đủ, chính cha đã cho thỉnh chư Tỳ khưu đến tụng
kinh cho cha nghe. Nhưng bây giờ, chính cha đã ngăn cản chư Tỳ khưu
không cho tụng kinh, cớ sao như vậy? Chư Tỳ khưu bàn với nhau rằng: "Bây giờ không phải là lúc tụng
kinh", nên các Ngài đứng dậy trở về chùa. Ông cận sự nam không nghe tiếng tụng kinh mà nghe tiếng khóc của
các con nên hỏi rằng: - Này các con, tại sao các con lại khóc như vậy? - Thưa cha, chính cha đã cho thỉnh chư Tỳ khưu đến tụng kinh cho
cha nghe, rồi cũng chính tự cha lại ngăn cấm Tỳ khưu không cho tụng
kinh nữa. Thấy như vậy, nên chúng con buồn mà than khóc vậy. Chư Ðại Ðức đi đâu rồi? – Ông cận sự nam hỏi. - Thưa cha, chư Ðại Ðức bàn với nhau: "Bây giờ không phải lúc
tụng kinh", nên quý Ngài đã trở về chùa rồi. - Cha không phải ngăn cấm chư Ðại Ðức. – Ông cận sự nam nói. - Thưa cha, nếu như vậy cha ngăn cấm ai vậy? Ông cận sự nam Dhammika giải thích cho các con hiểu rằng: - Có 6 chiếc xe từ 6 cõi trời dừng trên hư không, chư thiên mỗi
cõi trời đều khẩn khoản mời cha rằng: Amhākaṃ devaloke abhirama! Xin ông hoan hỉ hưởng sự an lạc nơi cõi trời của chúng tôi! Cha không muốn các chư thiên ấy quấy rầy, làm trở ngại việc nghe
pháp của cha, nên cha chỉ ngăn cấm họ mà thôi. - Thưa cha, xe trời ở đâu mà chúng con không thấy? Ông cận sự nam hiểu biết rõ đây là Gatinimitta: hiện tượng
cảnh giới tái sanh, chỉ có một mình ông thấy mà thôi, nên ông
tìm cách khác để chứng minh cho các con tin lời của ông, ông hỏi
rằng: - Này các con, vòng hoa dành cho cha có không? - Thưa cha, dạ có vòng hoa. - Này các con, trong 6 cõi trời dục giới, cõi trời nào đáng hài
lòng nhất? - Thưa cha, cõi trời Tusita (Ðâu suất đà thiên) là cõi mà chư Bồ
Tát, thân mẫu của Ðức Phật... thường hài lòng nơi cõi trời ấy. Ông cận sự nam Dhammika chọn cõi trời Tusita là nơi sẽ tái sanh
kiếp sau, do đó, ông dạy các con ông rằng: - Này các con, các con nguyện rằng: "Xin cho vòng hoa này đeo
vào đầu xe từ cõi trời Tusita" rồi các con ném lên hư không. Các con của ông làm theo lời chỉ dạy của ông, ném vòng hoa lên hư
không, kỳ diệu thay! Vòng hoa ấy treo lư lửng trên hư không, mọi
người đều có thể nhìn thấy vòng hoa trên hư không, nhưng mắt thường
không thể nhìn thấy chiếc xe trời (chỉ có nhãn thông mới nhìn
thấy được).
Ông cận sự nam hỏi các con rằng: - Này các con, các con có nhìn thấy vòng hoa trên hư không hay
không? - Thưa cha, chúng con đều nhìn thấy. Ông cận sự nam Dhammika giải thích rằng: - Cái vòng hoa ấy đeo trên chiếc xe từ cõi trời Tusita đấy. Sau
khi cha từ giã (chết) cõi người này rồi, do thiện nghiệp dẫn dắt cho
quả tái sanh lên cõi trời Tusita ấy. Các con chớ nên buồn rầu, các con muốn tái sanh cùng cảnh giới
với cha, thì các con nên tạo mọi phước thiện như bố thí, giữ giới,
hành thiền, nghe pháp, hành theo pháp v.v... như cha vậy. Sau khi ông cận sự nam Dhammika khuyên răn dạy dỗ các con của ông
xong, ông giữ tâm an tịnh từ giã (chết) cõi người. Sau khi
chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh lên cõi trời Tusita mà ông đã
chọn từ trước lúc sắp lâm chung, hoá sanh lên cõi trời Tusita, là
một thiên nam có thân hình cao 3 gāvuta [gāvuta: chiều dài 5.120,64
mét hoặc 3.18 miles], trang sức những đồ quý giá, trong một lâu đài
bằng ngọc ngà nguy nga tráng lệ lớn rộng 25 do tuần [do tuần
(yojana): chiều dài 20.482,56 mét hoặc 12.72 miles], có một ngàn
thiên nữ xinh đẹp hầu hạ ngày đêm. Khi chư Tỳ khưu trở về đến chùa, Ðức Thế Tôn bèn hỏi rằng: - Này chư Tỳ khưu, ông cận sự nam có nghe trọn bài kinh hay
không? Kính bạch Ðức Thế Tôn, ông cận sự nam nghe phần đầu; trong khi
đang tụng kinh, ông nói: "xin quý Ngài chờ một lát". Nghe như
vậy, chúng con ngừng tụng kinh, thì các con của ông than khóc, chúng
con bàn với nhau rằng: "Bây giờ không phải lúc tụng kinh" nên
chúng con đứng dậy trở về đây. - Này chư Tỳ khưu! Ông cận sự nam Dhammika không phải nói với các
con đâu! Khi ấy, chư thiên từ 6 cõi trời, mỗi cõi đem mỗi chiếc xe
trời khẩn khoản mời ông tái sanh lên cõi trời của mình. Ông không
muốn quý vị chư thiên quấy rầy, làm trở ngại việc nghe pháp của ông,
nên ông nói ngăn cấm các nhóm chư thiên ấy. - Kính bạch Ðức Thế Tôn, đúng như vậy thì kiếp này ông tái sanh
vào cõi nào? - Này chư Tỳ khưu, ông đã tái sanh bằng hoá sanh vào cõi trời
Tusita rồi. - Kính bạch Ðức Thế Tôn, khi trong cõi người, ông cận sự nam
Dhammika được hưởng sự an lạc trong gia đình bà con bè bạn; nay hoá
sanh lên cõi trời, làm chư thiên cũng được hưởng sự an lạc trong cõi
trời nữa. Ðức Phật dạy rằng: - Này chư Tỳ khưu, đúng vậy, người không dễ duôi quên mình, tiến
hoá trong mọi thiện pháp, dầu là người tại gia cư sĩ hoặc bậc xuất
gia sống nơi nào cũng đều được sự an lạc. Ðức Phật thuyết bài kệ rằng: "Chư Tỳ khưu các con! Trường hợp ông cận sự nam Dhammika, trước khi lâm chung
gatinimitta: hiện tượng cảnh giới tái sanh, đó là 6 chiếc xe
trời cùng 6 nhóm chư thiên từ 6 cõi trời hiện xuống đón rước ông,
ông đã chọn chiếc xe từ cõi trời Tusita làm đối tượng tái sanh kiếp
sau. Cho nên, sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh làm
thiên nam trong cõi trời Tusita. Tóm lại, những bậc thiện trí có nhiều phước thiện có thể chọn
được cảnh thiện giới làm cõi tái sanh kiếp sau theo ý muốn của mình.
Cũng như người có nhiều tiền, nhiều bạc có thể chọn mua sắm thứ gì
theo ý muốn của mình. Ngược lại, chúng sinh vô phước phải cam chịu
cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh) do bởi ác
nghiệp của mình đã tạo, những chúng sinh ấy không có quyền chọn lựa
cảnh giới để tái sanh; hoàn toàn tuỳ thuộc vào ác nghiệp cho quả
khổ, cũng như người nghèo nàn phải chịu đời sống thiếu thốn, đói
khát khổ cực. Vậy, muốn chọn cõi tái sanh kiếp sau, trong cảnh giới thiện nào,
thì nên tạo thiện nghiệp tương xứng với cảnh giới ấy. CHÚ THÍCH: Con người nói riêng, tất cả chúng sinh nói chung (trừ bậc
Thánh A-ra-hán, bởi vì không còn tái sanh nữa) trước khi từ bỏ
thân xác này (gọi là chết) luôn luôn có một trong ba hiện
tượng hiện ra, để làm đối tượng nương nhờ tái sanh kiếp sau: Ba hiện tượng: 1- Kamma: nghiệp, đó là thiện nghiệp hoặc ác nghiệp
của mình đã tạo từ trong kiếp quá khứ cho đến kiếp hiện tại
trước lúc lâm chung, hiện ra trong tâm làm đối tượng nương nhờ
để tái sanh kiếp sau.
2- Kammanimitta: hiện tượng nghiệp, đó là những hình
ảnh, hoặc những đối tượng hiện ra liên quan đến thiện nghiệp
hoặc ác nghiệp của mình đã tạo từ trước, làm đối tượng nương nhờ
để tái sanh kiếp sau. 3- Gatinimitta: hiện tượng cảnh giới tái sanh, đó là
cảnh giới hiện ra trước mắt, tạo nên ấn tượng sẽ được gặp, sẽ
được thọ hưởng an lạc trong cõi thiện giới ở kiếp sau, do
thiện nghiệp của mình đã tạo, hoặc chịu khổ cực trong cõi
ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh) ở kiếp sau,
do ác nghiệp của mình đã tạo.
Ba hiện tượng này chỉ có người hoặc chúng sinh sắp chết mới thấy,
mới biết mà thôi; và đặc biệt có những bậc Thiện trí có thiên
nhãn thông, và chư thiên có thể thấy, có thể biết được. Ngoài
ra, những chúng sinh khác không thể thấy, không thể biết được. Bố Thí Chỗ ở cõi Người, Lâu Ðài Hiện Ra Cõi Trời Bốn thứ vật dụng cần thiết cho con người là: y phục, vật thực,
chỗ ở và thuốc trị bệnh. Trong bốn thứ này, thí chủ làm phước bố thí
chỗ ở có được phước thiện nhiều hơn ba thứ kia, bởi vì chỗ ở có tính
chất bền vững lâu dài. Cho nên, phước thiện được phát triển, do đó
quả báu của phước thiện ấy đặc biệt vô cùng phong phú. Trích dẫn tích Nandiya [Dhammapadaṭṭhakathā, chuyện
Nandiyavatthu] trong bộ Chú giải Pháp cú. Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự tại khu rừng phóng sanh nai, gọi là
Isipatana đề cập đến thí chủ Nandiya, được tóm lược như sau: Trong thành Bārāṇasī, một gia đình có đức tin trong sạch nơi Tam
bảo, hằng ngày thường hoan hỉ làm phước thiện bố thí cúng dường đến
chư Tỳ khưu Tăng, gia đình có một người con trai tên Nandiya được
cha mẹ nuôi nấng và dạy dỗ, cậu Nandiya trở nên người cận sự nam có
đức tin trong sạch nơi Tam bảo, biết bổn phận phụng dưỡng cha mẹ và
thường cúng dường những thứ vật dụng cần thiết đến chư Tỳ khưu Tăng. Khi cha mẹ qua đời, cận sự nam Nandiya trở thành người đại thí
chủ thường cúng dường bốn thứ vật dụng: y phục, vật thực, chỗ ở,
thuốc trị bệnh đến chư Tỳ khưu Tăng và những người nghèo khổ, khách
lữ hành.... Một hôm, cận sự nam Nandiya nghe Ðức Phật thuyết pháp về phước
thiện bố thí chỗ ở và quả báu đặc biệt của nó, ông phát sanh đức tin
trong sạch, cho xây cất một Tăng xá tại ngôi chùa trong khu rừng
Isipatana, có trang bị mọi đồ dùng cần thiết. Ngày làm lễ khánh
thành, ông thành kính cúng dường Tăng xá đến chư Tỳ khưu Tăng có Ðức
Phật chủ trì. Khi dâng nước làm lễ bố thí (dakkhiṇodaka: nước làm
lễ bố thí tuôn chảy xuống ngón tay theo tục lệ cổ truyền lễ bố thí)
Một hôm, Ðại Ðức Mahāmoggallāna du hành lên cung Tam thập tam
thiên đứng nhìn thấy lâu đài nguy nga tráng lệ ấy muốn biết chủ nhân
là ai, nên Ngài hỏi các vị chư thiên rằng: - Này quý vị chư thiên, lâu đài có nhiều thiên nữ này thuộc về vị
thiên nam nào vậy? Nhóm chư thiên bạch rằng: - Kính bạch Ðại Ðức, lâu đài này hiện ra dành cho thiên nam
Nandiya, là thí chủ dâng Tăng xá tại khu rừng Isipatana đến chư Tỳ
khưu Tăng có Ðức Phật chủ trì. Nhóm thiên nữ nhìn thấy ngài Ðại Ðức Mahā-moggallāna, từ lâu đài
đi xuống, đến hầu đảnh lễ Ngài Ðại Ðức bạch rằng: - Kính bạch Ngài Ðại Ðức, chúng con sanh ở đây với hy vọng rằng
chúng con sẽ là những thiên nữ hầu hạ của thiên nam Nandiya. Kính bạch ngài Ðại Ðức, khi Ngài trở về cõi người, xin Ngài từ bi
nói hộ ông thí chủ Nandiya rằng: "từ bỏ sự nghiệp cõi người rồi
hưởng sự nghiệp nơi cõi trời" ví như từ bỏ một món đồ cũ bằng
đất bị bể, chọn lấy một món đồ mới khác bằng vàng giá trị hơn. Cũng
như vậy, từ bỏ sự nghiệp cõi người rồi, hưởng sự nghiệp nơi cõi trời
an lạc hơn nhiều. Khi ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna từ giã cõi trời, trở về cõi người
đến hầu Ðức Thế Tôn, đảnh lễ Ðức Thế Tôn bạch rằng: - Kính bạch Ðức Thế Tôn: lâu đài hiện ra nơi cõi trời dành cho
người thí chủ đã tạo phước thiện còn trong cõi người có hay không?
Bạch ngài. - Này Moggallāna, lâu đài và các thiên nữ hiện ra nơi cõi trời
dành cho thí chủ Nandiya, chính con đã tận mắt nhìn thấy không phải
hay sao? Tại sao con còn hỏi Như Lai nữa. - Kính bạch Ðức Thế Tôn, dạ phải, chính con đã thấy lâu đài, sự
nghiệp của thí chủ Nandiya. Ðức Phật dạy bảo rằng: - Này Moggallāna, ví như người con hoặc anh em thân yêu từ phương
xa lâu ngày trở về nhà; đứng trước cửa, người trong nhà nhìn thấy
mừng quá reo lên: "Con vào nhà, hoặc mời anh, em vào nhà" rồi
thông báo cho bà con thân quyến biết rằng người tên ấy đã về rồi!
Thân bằng quyến thuộc đến thăm hỏi: Āgato’si tāta! Con thân yêu! Con đã về Rồi tổ chức lễ ăn mừng. Cũng như vậy, trong cõi người, đàn ông, đàn bà đã tạo nhiều phước
thiện, sau khi từ bỏ cõi người (chết), do phước thiện cho quả hoá
sanh làm thiên nam hoặc thiên nữ trong cõi trời. Chư thiên ấy đón
tiếp thiên nam hoặc thiên nữ mới hoá sanh bằng 10 món quà
Tiếp theo Ðức Phật thuyết bài kệ rằng: Bà con cùng bè bạn, tâm vô cùng hoan hỉ, Sai Bảo Người Bố Thí Sai bảo người bố thí và tự mình bố thí có quả báu khác nhau. Tích ông Pāyāsi [Bộ Chú giải Dīghanikāya, phần Mahāvagga, kinh
Pāyāsi-rājaññasutta], tỉnh trưởng tỉnh Satabyā được tóm lược như
sau: Ông tỉnh trưởng Pāyāsi cho người xây dựng một trại bố thí; ông
sai bảo cậu Uttara làm phước bố thí đến Sa môn, Bà la môn, người
nghèo khổ, người qua đường, người ăn xin..., những đồ ăn, đồ mặc
như: cơm nấu bằng thứ gạo dở, với một món đồ ăn ngâm nước chua; vải
tấm nho nhỏ loại xấu, vải dơ.... Mặc dầu vậy, cậu Uttara tự tay mình
bố thí đến người thọ thí một cách kính trọng, với tâm từ bi tế độ.
Bố thí xong, cậu Uttara nguyện rằng: "mong rằng tôi chỉ gặp ông
tỉnh trưởng Pāyāsi kiếp này mà thôi, kiếp sau xin đừng gặp lại".
Nghe nguyện vậy, ông Pāyāsi gọi cậu Uttara hỏi tại sao nguyện như
vậy. Cậu Uttara thưa rằng: - Thưa ông, ông sai bảo con bố thí đến người khác những đồ ăn
như: cơm nấu bằng thứ gạo dở, với món đồ ăn ngâm nước chua; mà chính
ông cũng không muốn nhìn thấy, thì làm sao người ta ăn ngon được; bố
thí những tấm vải loại xấu, vải dơ, mà chính ông không muốn đụng
bằng đôi chân, thì làm sao người ta mặc được. - Ông tỉnh trưởng muốn làm cho mọi người kính mến ông, song ông
đối xử với họ như vậy, thì làm sao khiến cho họ kính mến ông tỉnh
trưởng được? Nghe như vậy, ông tỉnh trưởng bảo rằng: - Này Uttara, vậy kể từ nay, ngươi bố thí những đồ ăn như ta
dùng, bố thí thứ vải như ta mặc. Cậu Utttara vâng lời sai bảo của ông tỉnh trưởng, tự tay mình bố
thí những đồ ăn ngon lành; bố thí những thứ vải tốt đến những vị Sa
môn, Bà la môn, người nghèo khổ, người qua đường, thậm chí đến những
người xin ăn một cách kính trọng với tâm từ, tâm bi tế độ cho họ. Ông tỉnh trưởng Pāyāsi sai bảo cậu Utttara bố thí, không tự tay
mình làm phước bố thí, bố thí không kính trọng, xem thường việc bố
thí. Sau khi ông tỉnh trưởng Pāyāsi chết, do phước thiện bố thí như
thế ấy, cho quả tái sanh lên cõi Tứ đại thiên vương, trong một lâu
đài có tên Serisaka hoang vắng, sống một mình không có ai hầu hạ. Còn cậu Utttara, người giúp việc của ông tỉnh trưởng Pāyāsi làm
phận sự tự tay mình bố thí đến người khác một cách kính trọng, coi
trọng việc bố thí. Cho nên, sau khi cậu Uttara chết, do phước thiện
bố thí một cách kính trọng ấy, cho quả tái sanh lên cõi Tam thập tam
thiên (cao hơn cõi Tứ đại thiên vương) trong một lâu đài bằng
vàng nguy nga tráng lệ cao 16 do tuần, trang trí toàn những đồ quý
giá; là một thiên nam có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời, có
nhiều thiên nam, thiên nữ hầu hạ, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời
ấy. Một thuở nọ, Ngài Ðại Ðức Gavampati lên cõi Tứ đại thiên vương
nghỉ trưa. Khi ấy, thiên nam Pāyāsi đến hầu đảnh lễ Ngài Ðại Ðức
Gavampati xong đứng một nơi hợp lẽ. Ngài Ðại Ðức hỏi rằng: - Này thiên nam, ngươi là ai vậy? - Kính bạch Ngài Ðại Ðức, tiền kiếp con là Pāyāsi tỉnh trưởng
tỉnh Satabyā. – Thiên nam Pāyāsi thưa. - Này thiên nam Pāyāsi, cậu Uttara người giúp việc làm phận sự bố
thí của ngươi tái sanh cõi nào? - Kính bạch Ngài Ðại Ðức, cậu Uttara tự tay mình làm phước bố
thí, bố thí đến người khác một cách kính trọng, coi trọng việc bố
thí.... Sau khi cậu Uttara chết, do phước thiện bố thí ấy, cho quả
tái sanh lên cõi trời Tam thập tam thiên. Còn con sai bảo cậu Uttara
bố thí, không tự tay mình làm phước bố thí, bố thí không kính trọng,
xem thường việc bố thí. Cho nên sau khi con chết, do phước thiện bố
thí ấy, cho quả tái sanh lên cõi trời Tứ đại thiên vương này trong
lâu đài hoang vắng không có ai hầu hạ. Kính bạch Ngài Ðại Ðức, khi Ngài trở lại cõi người, kính xin Ngài
thuyết giảng cho mọi người biết rằng: "Nên tự tay mình làm phước
bố thí, bố thí đến người khác một cách kính trọng, coi trọng việc bố
thí, chớ nên xem thường việc bố thí". Xin Ngài thông báo cho mọi người được biết rằng: "Ông tỉnh
trưởng Pāyāsi không tự tay mình làm phước bố thí, bố thí không kính
trọng, xem thường việc bố thí... do phước thiện bố thí ấy, cho quả
tái sinh lên cõi Tứ đại thiên vương trong lâu đài Serisaka hoang
vắng, sống một mình không ai hầu hạ. Còn cậu Uttara tự tay mình làm
phước bố thí, bố thí đến người khác một cách kính trọng, coi trọng
việc bố thí... do phước thiện bố thí ấy, cho quả tái sinh lên cõi
trời Tam thập tam thiên".
Qua tích trên đây, chúng ta nhận thức rằng: - Người bỏ công làm phước bố thí, hơn người bỏ của cải
ra để làm phước bố thí gấp vô lượng lần không sao kể xiết. - Nếu thí chủ bỏ của cải lại còn bỏ công tự mình
làm phước bố thí thì phước thiện càng vô lượng. -ooOoo-
Ðầu trang
| Mục lục
| 01
| 02
| 03
| 04.a
| 04.b
| 05
| 06
| 07
| 08
| 09
| 10
| 11
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Hộ
Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2003). [Trở
về trang Thư Mục]
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
PHƯỚC BỐ THÍ
(Tỳ khưu Hộ Pháp)
Hoàng thái hậu Sīlavatī, kiếp hiện tại nay là hoàng hậu
Mayādevī.
Hoàng đệ Jayampati, kiếp hiện tại nay là Ðại Ðức Ānanda.
Chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī, kiếp hiện tại nay là hoàng hậu
Yasodhara.
Ðức vua Kusa, kiếp hiện tại nay là Ðức Phật Gotama của chúng ta.
Tác ý đang khi bố thí.
Tác ý sau khi bố thí xong, thời gian không hạn định.
Tác ý thiện tâm cả 3 thời hoàn toàn trong sạch.
Người thọ nhận vật bố thí phải là bậc có giới đức hoàn toàn
trong sạch; bậc ấy phải là Ðức Phật Toàn Giác, hoặc là Ðức Phật
Ðộc Giác, hoặc bậc Thánh A-ra-hán.
Amhākaṃ devalokaṃ nessāma!...
Chúng tôi xin rước ông lên cõi trời của chúng tôi!
Xin quý Ngài chờ một lát! Xin quý Ngài chờ một lát!
Amhākaṃ devaloke abhirama!
Xin ông hoan hỉ hưởng sự an lạc nơi cõi trời của chúng tôi!
Người tạo nhiều phước thiện,
An lạc trong đời này,
Ðời sau cũng an lạc,
Cả hai đời an lạc,
Do thiện nghiệp của mình,
Trong sạch và thanh tịnh,
Ðời đời được an lạc".
Āgato’si tāta!
Con thân yêu! Con được khoẻ mạnh chứ!
Vui mừng đón người về, khoẻ mạnh và an lạc,
Từ phương xa lâu ngày. Cũng như người đời này,
Ðã tạo nhiều phước thiện, khi từ bỏ cõi người,
Do nhờ phước thiện ấy, được tái sanh cõi trời,
Chư thiên như bà con, đón tiếp món quà trời.
last updated: 01-07-2003