TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 29
KINH TẬP
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
SUTTANIPĀTAPĀḶI - KINH TẬP
Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!
I. URAGAVAGGO - PHẨM RẮN
1. Vị (tỳ khưu) nào xua đi cơn giận dữ đã trổi dậy, tựa như (kẻ xua đi) nọc rắn độc đã lan tỏa nhờ vào các loại thảo dược, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
2. Vị (tỳ khưu) nào đã cắt đứt hoàn toàn luyến ái, tựa như kẻ đã lội xuống (cắt đứt) đóa hoa sen mọc lên ở hồ nước, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
3. Vị (tỳ khưu) nào đã cắt đứt hoàn toàn tham ái, sau khi đã làm khô cạn dòng suối nước trôi nhanh,[1] vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
4. Vị (tỳ khưu) nào đã hủy diệt hoàn toàn ngã mạn, tựa như cơn lũ lớn (hủy diệt) cây cầu làm bằng sậy vô cùng yếu ớt, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
5. Vị (tỳ khưu) nào đã không đi đến bản thể ở các hữu,[2] tựa như kẻ (không đạt được bông hoa) trong khi tìm kiếm bông hoa ở những cây sung,[3] vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
6. Đối với vị (tỳ khưu) nào mà các sự bực tức không hiện diện ở trong tâm, vị đã vượt qua khỏi hữu và phi hữu như thế, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
7. Đối với vị (tỳ khưu) nào các ý nghĩ suy tầm được thiêu đốt, khéo được cắt bỏ ở nội tâm, không còn dư sót, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
8. Vị (tỳ khưu) nào đã không vượt quá, đã không quay trở lại, đã chế ngự tất cả vọng tưởng này, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
9. Vị (tỳ khưu) nào đã không vượt quá, đã không quay trở lại, sau khi biết được về thế gian rằng: ‘Toàn bộ điều này là không thật,’ vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
10. Vị (tỳ khưu) nào đã không vượt quá, đã không quay trở lại, (sau khi biết được rằng) ‘Toàn bộ điều này là không thật,’ có tham đã được xa lìa, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
11. Vị (tỳ khưu) nào đã không vượt quá, đã không quay trở lại, (sau khi biết được rằng) ‘Toàn bộ điều này là không thật,’ có luyến ái đã được xa lìa, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
12. Vị (tỳ khưu) nào đã không vượt quá, đã không quay trở lại, (sau khi biết được rằng) ‘Toàn bộ điều này là không thật,’ có sân đã được xa lìa, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
13. Vị (tỳ khưu) nào đã không vượt quá, đã không quay trở lại, (sau khi biết được rằng) ‘Toàn bộ điều này là không thật,’ có si đã được xa lìa, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
14. Đối với vị (tỳ khưu) nào mà các pháp tiềm ẩn đều không hiện diện, (và) các cội rễ bất thiện đều đã được trừ diệt, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
15. Đối với vị (tỳ khưu) nào mà các pháp sanh ra từ sự bực bội, (là) các duyên đưa về lại bờ này, đều không hiện diện, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
16. Đối với vị (tỳ khưu) nào mà các pháp sanh ra từ sự bám lấy đối tượng, (là) các pháp làm nhân đưa đến sự trói chặt vào hiện hữu, đều không hiện diện, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
17. Vị (tỳ khưu) nào sau khi đã dứt bỏ năm pháp che lấp, không có phiền muộn, có sự nghi ngờ đã được vượt qua, có mũi tên đã được xa lìa, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
Dứt Kinh Rắn.
18. (Người chăn nuôi bò Dhaniya[4] nói)
“Tôi có cơm đã nấu chín, có sữa đã vắt xong,
cư ngụ cùng gia đình bên bờ sông Mahī,
cái chòi đã được lợp kín, lửa đã được nhóm lên.
Này vị Trời, giờ đây nếu ngài muốn, ngài hãy đổ mưa đi.”
19. (Đức Thế Tôn nói)
“Ta không có giận dữ, sự bướng bỉnh đã xa lìa,
cư ngụ một đêm bên bờ sông Mahī,
cái chòi (bản ngã) đã được mở ra, lửa đã được diệt tắt.
Này vị Trời, giờ đây nếu ngài muốn, ngài hãy đổ mưa đi.”
20. (Người chăn nuôi bò Dhaniya nói)
“Ruồi và muỗi không tìm thấy,
bầy bò bước đi ở đầm lầy có cỏ đã mọc,
thậm chí cơn mưa đến, chúng cũng có thể chịu đựng.
Này vị Trời, giờ đây nếu ngài muốn, ngài hãy đổ mưa đi.”
21. (Đức Thế Tôn nói)
“Chiếc bè quả đã được buộc lại, đã khéo được tạo ra.
Ta đã vượt qua, đã đi đến bờ kia, sau khi đã chế ngự dòng lũ;
nhu cầu với chiếc bè không tìm thấy.
Này vị Trời, giờ đây nếu ngài muốn, ngài hãy đổ mưa đi.”
22. (Người chăn nuôi bò Dhaniya nói)
“Người vợ của tôi nhu thuận, không tham lam,
hợp ý, cùng chung sống thời gian dài,
tôi không được nghe bất cứ điều gì xấu xa của nàng.
Này vị Trời, giờ đây nếu ngài muốn, ngài hãy đổ mưa đi.”
23. (Đức Thế Tôn nói)
“Tâm của Ta nhu thuận, đã được giải thoát,
được phát triển toàn diện, khéo được huấn luyện thời gian dài,
hơn nữa điều xấu xa của Ta không tìm thấy.
Này vị Trời, giờ đây nếu ngài muốn, ngài hãy đổ mưa đi.”
24. (Người chăn nuôi bò Dhaniya nói)
“Tôi sinh sống bằng lợi tức của bản thân,
và những người con trai của tôi cùng sống chung, không bệnh tật,
tôi không nghe bất cứ điều gì xấu xa của chúng.
Này vị Trời, giờ đây nếu ngài muốn, ngài hãy đổ mưa đi.”
25. (Đức Thế Tôn nói)
“Ta không là người làm thuê cho bất cứ ai,
với sự thành tựu (phẩm vị Toàn Tri) Ta du hành ở khắp thế gian,
nhu cầu về lương bổng không tìm thấy,
Này vị Trời, giờ đây nếu ngài muốn, ngài hãy đổ mưa đi.”
26. (Người chăn nuôi bò Dhaniya nói)
“(Tôi) có các bò con mới lớn, có các bò cái cho con bú,
có các bò cái mang thai, luôn cả các bò cái vừa trưởng thành,
ở đây cũng có con bò đực, chúa đàn.
Này vị Trời, giờ đây nếu ngài muốn, ngài hãy đổ mưa đi.”
27. (Đức Thế Tôn nói)
“(Ta) không có các bò con mới lớn, không có các bò cái cho con bú,
không có các bò cái mang thai, luôn cả các bò cái vừa trưởng thành,
ở đây cũng không có con bò đực, chúa đàn.
Này vị Trời, giờ đây nếu ngài muốn, ngài hãy đổ mưa đi.”
28. (Người chăn nuôi bò Dhaniya nói)
“Các cây cọc đã được chôn xuống, không bị lay động.
Các dây buộc mới, làm bằng cỏ muñja, có phẩm chất tốt,
ngay cả các con bò cái cho con bú cũng không thể giật đứt.
Này vị Trời, giờ đây nếu ngài muốn, ngài hãy đổ mưa đi.”
29. (Đức Thế Tôn nói)
“Tựa như con bò đực đã cắt đứt các sự trói buộc,
tựa như con voi đã bứt lìa sợi dây rừng thối tha,
Ta sẽ không đi đến việc nằm ở bào thai lần nữa.
Này vị Trời, giờ đây nếu ngài muốn, ngài hãy đổ mưa đi.”
30. Ngay khi ấy, có đám mây lớn đã đổ mưa
làm tràn ngập vùng đất trũng và đất cao.
Sau khi nghe được Trời đang mưa,
Dhaniya đã nói lên ý nghĩa này:
31. (Người chăn nuôi bò Dhaniya nói)
“Quả thật lợi ích của chúng tôi là không ít,
chúng tôi đã được gặp đức Thế Tôn.
Thưa đấng Hữu Nhãn, chúng con đi đến nương tựa Ngài.
Thưa bậc Đại Hiền Trí, xin Ngài hãy là bậc Đạo Sư của chúng con.
32. Vợ và con là những người nhu thuận, hãy cho chúng con thực hành Phạm hạnh ở nơi đấng Thiện Thệ, hãy cho chúng con trở thành những người đi đến bờ kia của sanh tử, những người thực hiện sự chấm dứt khổ đau.
33. (Ma Vương ác độc nói)
“Người có con trai vui vẻ với các con trai,
tương tự y như thế, người chủ bầy bò vui vẻ với bầy bò.
Bởi vì mầm tái sanh là niềm vui vẻ của con người,
bởi vì người nào không có mầm tái sanh, người ấy không vui vẻ.”
34. (Đức Thế Tôn nói)
“Người có con trai sầu muộn với các con trai,
tương tự y như thế, người chủ bầy bò sầu muộn với bầy bò.
Bởi vì mầm tái sanh là nỗi sầu muộn của con người,
bởi vì người nào không có mầm tái sanh, người ấy không sầu muộn.”
Dứt Kinh Dhaniya.
35. Buông bỏ sự trừng phạt đối với tất cả chúng sanh,
không hãm hại bất cứ ai trong số họ,
không nên mong mỏi đứa con trai, sao lại (mong mỏi) bạn bè?
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
36. Các sự thương yêu hiện hữu đối với người đã có sự giao tiếp,
theo sau sự thương yêu là khổ đau này được thành lập.
Trong khi xét thấy điều bất lợi sanh lên từ sự thương yêu,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
37. Trong khi thương tưởng đến các bạn bè thân hữu,
(thời) buông rơi mục đích, có tâm bị ràng buộc.
Trong khi xét thấy mối nguy hiểm này ở sự giao du,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
38. Giống như lùm tre rậm rạp bị vướng víu
sự mong mỏi (yêu thương) các con và những người vợ (là tương tự).
Trong khi không bị vướng víu như là mụt măng tre,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
39. Giống như con nai ở trong rừng không bị trói buộc
đi đến nơi kiếm ăn tùy theo ý thích,
người hiểu biết trong khi xem xét về sự tự do,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
40. Có sự mời gọi giữa bạn bè
về chuyện nghỉ ngơi, về việc đứng gần, về sự ra đi, về cuộc du hành,
trong khi xem xét về sự tự do không được (kẻ khác) ham thích,[5] nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
41. Sự vui đùa thích thú ở giữa đám bạn bè
và lòng thương yêu đối với con cái là bao la,
trong khi chán ghét sự tách lìa khỏi những người yêu dấu,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
42. Người không lòng bất bình trải khắp bốn phương,
tự hài lòng với vật dụng dầu tốt hay xấu,
chịu đựng mọi hiểm nghèo không lòng hoảng sợ,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
43. Ngay cả một số các vị đã xuất gia cũng khó đồng thuận,
những kẻ tại gia đang sống dưới mái gia đình cũng vậy,
đã là người ít bị bận tâm về con cái của những kẻ khác,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
44. Hãy cởi bỏ các hình tướng tại gia
như loài cây koviḷāro có lá được rũ bỏ,
là người anh hùng, sau khi cắt đứt mọi sự ràng buộc của gia đình,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
45. Nếu có thể đạt được người bạn chín chắn,
kẻ đồng hành sáng suốt, sống ngay thẳng,
sau khi khắc phục mọi sự hiểm nghèo,
nên du hành với vị ấy, có sự hoan hỷ, có niệm.
46. Nếu không thể đạt được người bạn chín chắn,
kẻ đồng hành sáng suốt, sống ngay thẳng,
tương tự như vị vua từ bỏ lãnh địa đã xâm chiếm được,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
47. Quả vậy, chúng ta ca ngợi sự thành tựu về bạn bè. Những bạn bè vượt trội (hoặc) tương đương là nên giao thiệp. (Nếu) những người này là không đạt được, (nên) thọ hưởng những gì không bị chê trách, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
48. Sau khi nhìn thấy những (vòng) vàng sáng chói
khéo được hoàn thành bởi con trai người thợ kim hoàn,
(chúng) đang va chạm vào nhau khi hai vòng ở trên cùng cánh tay,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
49. Tương tự như thế, cùng với người thứ hai, có thể xảy đến cho tôi
sự chuyện vãn bằng lời nói hoặc sự quyến luyến sâu đậm.
Trong khi xem xét thấy mối nguy hiểm này trong tương lai,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
50. Bởi vì các dục là đa dạng, ngọt ngào, làm thích ý,
chúng khuấy động tâm bằng nhiều hình thức khác nhau.
Sau khi nhìn thấy điều bất lợi ở các loại dục,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
51. Điều này là tai họa, là mụt nhọt, là bất hạnh, là tật bệnh, là mũi tên, và là sự nguy hiểm cho tôi. Sau khi nhìn thấy mối nguy hiểm này ở các loại dục, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
52. Lạnh, nóng, đói, khát,
gió và sức nóng, muỗi mòng và rắn rết,
sau khi đã khắc phục tất cả những điều này,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
53. Tựa như con long tượng có thân hình khổng lồ, có đốm hoa sen, cao thượng, đã lìa bỏ các bầy đàn sống trong rừng theo như ý thích, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
54. Người ưa thích sự tụ hội có thể chạm đến sự giải thoát tạm thời[6] là điều không có cơ sở. Sau khi cân nhắc lời nói của đấng quyến thuộc của mặt trời, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
55. (Nghĩ rằng): ‘Tôi đã vượt lên trên các sự trái khuấy của tà kiến,
đã đạt đến pháp không thối đọa, có đạo lộ đã được tiếp thâu,
có trí đã được sanh khởi, không cần người khác dẫn dắt,’
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
56. Sau khi đã trở nên không còn tham muốn, không giả dối, không khao khát, không gièm pha, có các tật xấu và sự mê muội đã được loại trừ, không còn ước ao (tham vọng) về toàn thể thế giới, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
57. Nên lánh xa hẳn bạn bè ác xấu,
kẻ không nhìn thấy mục đích, bị dấn sâu vào sở hành sai trái.
Không nên chính mình giao thiệp với kẻ cố chấp (tà kiến), bị xao lãng,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
58. Nên thân cận với vị nghe nhiều (học rộng), nắm giữ Giáo Pháp,
người bạn cao thượng, có biện tài.
Sau khi nhận biết các sự lợi ích, sau khi loại trừ điều nghi hoặc,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
59. Người không chú trọng và không mong mỏi sự vui đùa, sự thích thú, và khoái lạc ngũ dục ở trên đời, đã xa lánh hẳn việc trang sức, có lời nói chân thật, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
60. Sau khi từ bỏ con và vợ, cha và mẹ, các tài sản và lúa gạo, các quyến thuộc, và các dục theo như mức giới hạn (của chúng), nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
61. Điều này (ngũ dục) là sự dính líu, hạnh phúc ở đây là nhỏ nhoi,
ít khoái lạc, sự khổ đau ở đây là nhiều hơn.
Người có sự sáng suốt, sau khi biết được điều này là móc câu,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
62. Sau khi đã tự phá tan các mối ràng buộc,
tựa như loài thủy tộc đã phá tan chiếc lưới ở trong nước,
tựa như ngọn lửa không quay lại nơi đã bị đốt cháy,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
63. Có mắt nhìn xuống và không buông thả ở bước chân đi,
có các căn được canh phòng, có tâm ý được gìn giữ,
không bị ngập tràn (dục vọng), không bị thiêu đốt (bởi phiền não),
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
64. Sau khi trút bỏ các hình tướng tại gia,
giống như cây san hô có lá được rũ bỏ,
sau khi đã ra đi, mặc y ca-sa,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
65. Không tạo sự tham đắm ở các vị nếm, không buông thả,
không nuôi dưỡng kẻ khác, đi khất thực theo tuần tự từng nhà,
có tâm không bị ràng buộc ở nhà này nhà nọ,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
66. Sau khi dứt bỏ năm pháp che lấp của tâm,
sau khi xua đuổi hẳn tất cả các tùy phiền não,
không bị lệ thuộc (tà kiến), sau khi cắt đứt thương yêu và sân hận,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
67. Sau khi đã bỏ lại sau lưng lạc và khổ,
cùng với hỷ và ưu ngay trước đây,
sau khi đạt được xả, sự vắng lặng (tứ thiền), và sự thanh tịnh (giải thoát),
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
68. Có sự nỗ lực tinh tấn để đạt đến chân lý tuyệt đối,
có tâm không thụ động, có sự thực hành không biếng nhác,
có sự cố gắng bền bỉ, có được sức mạnh và năng lực,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
69. Trong khi không bỏ phế việc ẩn cư tham thiền,
là người thường xuyên thực hành thuận pháp đối với các pháp,[7]
là người nhận chân được sự bất lợi trong các hữu,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
70. Trong khi ước nguyện sự đoạn diệt tham ái, không xao lãng,
không ngây ngô khờ khạo, có sự nghe nhiều, có niệm,
đã hiểu rõ Giáo Pháp, được quả quyết, có sự nỗ lực,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
71. Tựa như con sư tử không kinh hãi đối với các tiếng động,
tựa như làn gió không bị dính mắc ở tấm lưới,
tựa như đóa sen không bị vấy bẩn bởi nước,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
72. Tựa như con sư tử, có sức mạnh của các răng nanh, vua của các loài thú, có cuộc sống khuất phục và chế ngự (các con thú), nên lai vãng các trú xứ xa vắng, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
73. Vào thời điểm đang rèn luyện từ, bi, hỷ, xả, và giải thoát, trong khi không bị tất cả thế gian gây trở ngại, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
74. Sau khi từ bỏ tham ái sân hận và si mê,
sau khi tự phá tan các mối ràng buộc,
người không kinh hãi về chặng cuối cùng của mạng sống,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
75. Người ta thân cận và phục vụ có động cơ và chủ đích (lợi lộc),
ngày nay những người bạn không có động cơ (lợi lộc) là khó đạt được,
những người (chỉ) biết đến lợi ích của bản thân là người không trong sạch,
nên sống một mình tựa như sừng của loài tê giác (chỉ có một).
Dứt Kinh Sừng Tê Giác.
Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự ở xứ sở Magadha, tại vùng Dakkhiṇāgiri, trong ngôi làng của những người Bà-la-môn có tên là Ekanāḷā. Vào lúc bấy giờ, ở thời điểm gieo trồng, các lưỡi cày của Bà-la-môn Kasībhāradvāja[8] với số lượng năm trăm đã được buộc sẵn (vào ách).
Khi ấy, vào buổi sáng đức Thế Tôn đã quấn y (nội) rồi cầm bình bát và y đi đến nơi làm việc của Bà-la-môn Kasībhāradvāja. Vào lúc bấy giờ, việc phân phát thức ăn của Bà-la-môn Kasībhāradvāja đang được tiến hành. Khi ấy, đức Thế Tôn đã đi đến nơi phân phát thức ăn, sau khi đến đã đứng ở một bên. Bà-la-môn Kasībhāradvāja đã nhìn thấy đức Thế Tôn đang đứng khất thực, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
"Này Sa-môn, tôi cày và tôi gieo hạt. Sau khi cày và sau khi gieo hạt, tôi ăn. Này Sa-môn, ông cũng hãy cày và hãy gieo hạt. Sau khi cày và sau khi gieo hạt, ông hãy ăn."
"Này Bà-la-môn, Ta cũng cày và Ta cũng gieo hạt. Sau khi cày và sau khi gieo hạt, Ta ăn."
"Nhưng chúng tôi không nhìn thấy cái ách, hoặc thân cày, hoặc lưỡi cày, hoặc gậy thúc hoặc các con bò đực của ngài Gotama. Và hơn nữa, ngài Gotama đã nói như vầy: ‘Này Bà-la-môn, Ta cũng cày và Ta cũng gieo hạt. Sau khi cày và sau khi gieo hạt, Ta ăn.’"
Khi ấy, Bà-la-môn Kasībhāradvāja đã nói với đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng:
76. "Ông tự nhận là người đi cày, nhưng chúng tôi không nhìn thấy việc cày của ông. Được chúng tôi hỏi, ông hãy nói về việc cày sao cho chúng tôi có thế biết về việc cày của ông."
77. "Đức tin là hạt giống, khắc khổ là cơn mưa, tuệ của Ta là ách và thân cày, liêm sỉ là cán cày, trí là sự buộc lại, niệm của Ta là lưỡi cày và gậy thúc.
78. Được gìn giữ ở thân, được gìn giữ ở khẩu, được tiết chế vật thực ở bao tử, Ta lấy sự chân thật làm vật bứng gốc (cỏ dại đối với thiện pháp); trạng thái hân hoan là sự giải thoát của Ta.
79. Tinh tấn là (các con) thú mang gánh nặng, đưa đến nơi an toàn khỏi các (ách) trói buộc. Trong khi không quay trở lại, nó đi đến nơi nào mà người không sầu muộn sau khi đi đến.
Việc cày ấy đã được cày như vậy. Nó có kết quả là sự Bất Tử. Sau khi đã cày việc cày ấy, được thoát khỏi tất cả khổ đau."
Khi ấy, Bà-la-môn Kasībhāradvāja đã đặt đầy cơm sữa vào cái đĩa lớn bằng vàng rồi dâng đến đức Thế Tôn (nói rằng): “Ngài Gotama hãy ăn món cháo sữa. Ngài là người cày, bởi vì Ngài Gotama cày việc cày có kết quả là sự Bất Tử.”
81. "Vật nhận được sau khi ngâm nga kệ ngôn là không được thọ dụng bởi Ta. Này Bà-la-môn, điều ấy không phải là pháp của những bậc có nhận thức đúng đắn. Chư Phật khước từ vật nhận được sau khi ngâm nga kệ ngôn. Này Bà-la-môn, khi Giáo Pháp hiện hữu, điều ấy là cung cách thực hành.
82. Ngươi hãy cung ứng đến vị toàn hảo (đức hạnh), bậc đại ẩn sĩ có các lậu hoặc đã được cạn kiệt, có các trạng thái hối hận đã được lắng dịu, với cơm ăn nước uống khác, bởi vì đó chính là thửa ruộng của người mong mỏi phước báu.”
"Thưa Ngài Gotama, vậy tôi nên cho món cơm sữa này đến ai?"
“Này Bà-la-môn, ta không thấy người nào trong thế gian tính luôn cõi của chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư Thiên và loài người mà cơm sữa ấy khi được người ấy ăn vào có thể đem lại sự tiêu hóa tốt đẹp, ngoại trừ đức Như Lai hay đệ tử của đức Như Lai. Này Bà-la-môn, chính vì điều ấy ngươi hãy đổ bỏ cơm sữa ấy ở nơi không có cỏ xanh hoặc đổ xuống nước không có sinh vật.”
Rồi Bà-la-môn Kasībhāradvāja đã đổ cơm sữa ấy xuống nước không có sinh vật. Khi ấy, cơm sữa ấy khi được đổ vào trong nước liền sủi bọt xì xèo, bốc hơi, và tỏa khói. Cũng giống như lưỡi cày đã được nung đỏ trọn ngày khi được bỏ vào trong nước liền sủi bọt xì xèo, bốc hơi, và tỏa khói; tương tợ y như thế, cơm sữa ấy khi được đổ vào trong nước liền sủi bọt xì xèo, bốc hơi, và tỏa khói.
Khi ấy, Bà-la-môn Kasībhāradvāja trở nên hoảng hốt, lông dựng đứng lên, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã quỳ xuống đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn rồi đã nói điều này:
“Thưa Ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Thưa Ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Thưa Ngài Gotama, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, hoặc mở ra vật đã bị che kín, hoặc chỉ đường cho kẻ lạc lối, hoặc đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tự như thế Pháp đã được Ngài Gotama giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Con đây xin đi đến nương nhờ Ngài Gotama, Giáo Pháp, và Tăng Chúng tỳ khưu. Con có thể xuất gia trong sự hiện diện của Ngài Gotama không? Con có thể tu lên bậc trên không?”
Sau đó, Bà-la-môn Kasībhāradvāja đã đạt được sự xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn, đã đạt được sự tu lên bậc trên. Và khi đã được tu lên bậc trên không bao lâu, đại đức Bhāradvāja một mình đã tách riêng, rồi trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có bản tánh cương quyết nên chẳng bao lâu sau, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình, đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào mục đích tối thượng ấy của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà. Vị ấy đã biết rõ rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn gì khác (phải làm) đối với bản thể (A-la-hán) này nữa.” Và thêm một vị nữa là đại đức Bhāradvāja đã trở thành vị A-la-hán.
Dứt Kinh Kasībhāradvāja.
83. (Cunda, con trai người thợ rèn nói):
“Con hỏi bậc Hiền Trí, vị có tuệ bao la,
đức Phật, đấng Pháp chủ, có tham ái đã được xa lìa,
bậc tối thượng của loài người, vị quý cao trong số các xa phu rằng:
Ở thế gian có bao nhiêu hạng Sa-môn? Nào, xin Ngài hãy nói điều ấy.”
84. (Đức Phật nói: “Này Cunda,)
có bốn hạng Sa-môn, không có hạng thứ năm.
Được hỏi trực diện, Ta nói rõ các hạng ấy cho ngươi:
Hạng chiến thắng Đạo Lộ, và hạng thuyết giảng Đạo Lộ,
hạng sống theo Đạo Lộ, và hạng làm ô uế Đạo Lộ.”
85. (Cunda, con trai người thợ rèn nói):
“Chư Phật nói gì về hạng chiến thắng Đạo Lộ,
bậc thuyết giảng Đạo Lộ là vô song nghĩa là thế nào?
Được hỏi xin Ngài hãy nói cho con về hạng sống theo Đạo Lộ,
rồi xin Ngài hãy nói cho con rõ về hạng làm ô uế Đạo Lộ.”
86. “Ai đã vượt qua sự nghi ngờ, không còn mũi tên,
thỏa thích Niết Bàn, không còn thèm muốn,
vị hướng đạo của thế gian luôn cả chư Thiên,
chư Phật nói vị như thế ấy là hạng chiến thắng Đạo Lộ.
87. Ở đây, ai biết được tối thượng (Niết Bàn) là tối thượng,
vị nói lên và phân tích Giáo Pháp ở ngay đây,
vị ấy là bậc hiền trí, cắt đứt nỗi hoài nghi, không còn dục vọng,
người ta đã gọi vị tỳ khưu thứ nhì là hạng thuyết giảng Đạo Lộ.
88. Khi nền tảng Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng, vị nào
sống theo Đạo Lộ, tự chế ngự, có niệm,
đang thân cận các pháp không có tính chất tội lỗi,
người ta đã gọi vị tỳ khưu thứ ba là hạng sống theo Đạo Lộ.
89. Sau khi đã cải trang ở giữa những vị có sự hành trì tốt đẹp,
kẻ xông xáo, kẻ làm hư hỏng các gia đình, xấc xược,
xảo quyệt, không tự chế ngự, loại vỏ trấu,
sống trá hình, kẻ ấy là hạng làm nhơ Đạo Lộ.
90. Và người tại gia nào đã thấu hiểu những hạng này,
là đệ tử các bậc Thánh, có sự nghe nhiều, có tuệ,
sau khi biết rằng: ‘Tất cả các hạng ấy là như thế ấy,’
sau khi nhìn thấy như thế, không làm suy giảm niềm tin của người ấy,
bởi vì làm thế nào vị không hư hỏng với kẻ xấu xa,
vị trong sạch với kẻ không trong sạch lại có thể xem như nhau?”
Dứt Kinh Cunda.
Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy, lúc đêm đã khuya, một vị Thiên nhân nọ với màu sắc vượt trội đã làm cho toàn bộ Jetavana rực sáng rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Đứng ở một bên, vị Thiên nhân ấy đã bạch với đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng:
91. “Chúng tôi đi đến để hỏi đức Thế Tôn, chúng tôi hỏi Gotama về hạng người thoái hóa: ‘Tiền đề của hạng người thoái hóa là gì?’”
92. “Thật dễ nhận biết (thế nào) là người tiến hóa, thật dễ nhận biết (thế nào) là người thoái hóa. Người có sự mong muốn Giáo Pháp là người tiến hóa, người có sự ghét bỏ Giáo Pháp là người thoái hóa.”
93. “Chúng tôi nhận biết điều này y như vậy (theo lời Ngài dạy), người thoái hóa ấy là hạng thứ nhất. Xin đức Thế Tôn hãy nói về tiền đề thứ nhì của hạng người thoái hóa là gì?”
94. “Người này yêu mến những kẻ không tốt, không tỏ sự yêu mến những bậc tốt lành, thích thú pháp của những kẻ không tốt, việc ấy là tiền đề của hạng người thoái hóa.”
95. “Chúng tôi nhận biết điều này y như vậy (theo lời Ngài dạy), người thoái hóa ấy là hạng thứ nhì. Xin đức Thế Tôn hãy nói về tiền đề thứ ba của hạng người thoái hóa là gì?”
96. "Người có bản tánh ưa ngủ, có bản tánh ưa tụ hội, không năng động, lười biếng, có biểu hiện giận dữ, việc ấy là tiền đề của hạng người thoái hóa.”
97. “Chúng tôi nhận biết điều này y như vậy (theo lời Ngài dạy), người thoái hóa ấy là hạng thứ ba. Xin đức Thế Tôn hãy nói về tiền đề thứ tư của hạng người thoái hóa là gì?”
98. “Người trong khi có khả năng mà không phụng dưỡng mẹ hoặc cha già nua, đã qua thời tuổi trẻ, việc ấy là tiền đề của hạng người thoái hóa.”
99. “Chúng tôi nhận biết điều này y như vậy (theo lời Ngài dạy), người thoái hóa ấy là hạng thứ tư. Xin đức Thế Tôn hãy nói về tiền đề thứ năm của hạng người thoái hóa là gì?”
100. “Người lừa gạt vị Bà-la-môn hoặc vị Sa-môn, hoặc luôn cả người nghèo khổ bằng lời dối trá, việc ấy là tiền đề của hạng người thoái hóa.”
101. “Chúng tôi nhận biết điều này y như vậy (theo lời Ngài dạy), người thoái hóa ấy là hạng thứ năm. Xin đức Thế Tôn hãy nói về tiền đề thứ sáu của hạng người thoái hóa là gì?”
102. “Người có nhiều của cải, có vàng, có thức ăn, mà thọ dụng các vật ngon ngọt một mình, việc ấy là tiền đề của hạng người thoái hóa.”
103. “Chúng tôi nhận biết điều này y như vậy (theo lời Ngài dạy), người thoái hóa ấy là hạng thứ sáu. Xin đức Thế Tôn hãy nói về tiền đề thứ bảy của hạng người thoái hóa là gì?”
104. “Người kiêu hãnh về chủng tộc, kiêu hãnh về tài sản, kiêu hãnh về dòng họ rồi khinh khi thân quyến của mình, việc ấy là tiền đề của hạng người thoái hóa.”
105. “Chúng tôi nhận biết điều này y như vậy (theo lời Ngài dạy), người thoái hóa ấy là hạng thứ bảy. Xin đức Thế Tôn hãy nói về tiền đề thứ tám của hạng người thoái hóa là gì?”
106. “Người đắm say đàn bà, đắm say rượu chè, đắm say cờ bạc, tiêu phí mọi thứ thu nhập, việc ấy là tiền đề của hạng người thoái hóa.”
107. “Chúng tôi nhận biết điều này y như vậy (theo lời Ngài dạy), người thoái hóa ấy là hạng thứ tám. Xin đức Thế Tôn hãy nói về tiền đề thứ chín của hạng người thoái hóa là gì?”
“Không vui thích với những người vợ của mình, xuất hiện nơi những gái điếm, được thấy ở những người vợ kẻ khác, việc ấy là tiền đề của hạng người thoái hóa.”
109. “Chúng tôi nhận biết điều này y như vậy (theo lời Ngài dạy), người thoái hóa ấy là hạng thứ chín. Xin đức Thế Tôn hãy nói về tiền đề thứ mười của hạng người thoái hóa là gì?”
110. “Người nam đã qua thời tuổi trẻ cưới về cô gái có ngực như trái cây timbaru. Gã không ngủ được do ghen tỵ với nàng, việc ấy là tiền đề của hạng người thoái hóa.”
111. “Chúng tôi nhận biết điều này y như vậy (theo lời Ngài dạy), kẻ thoái hóa ấy là hạng thứ mười. Xin đức Thế Tôn hãy nói về tiền đề thứ mười một của hạng người thoái hóa là gì?”
112. “Kẻ thiết lập nữ nhân tham đắm, hoang phí, hoặc ngay cả nam nhân có cùng cá tánh vào vị thế uy quyền, việc ấy là tiền đề của hạng người thoái hóa.”
113. “Chúng tôi nhận biết điều này y như vậy (theo lời Ngài dạy), kẻ thoái hóa ấy là hạng thứ mười một. Xin đức Thế Tôn hãy nói về tiền đề thứ mười hai của hạng người thoái hóa là gì?”
114. “Sanh ra ở gia tộc Sát-đế-lỵ, có ít của cải, có tham vọng lớn, kẻ ấy ước muốn quyền cai trị ở nơi này, việc ấy là tiền đề của hạng người thoái hóa.
115. Bậc sáng trí, sau khi xem xét kỹ lưỡng các hạng người thoái hóa này ở thế gian, bậc thánh thiện ấy, đầy đủ nhận thức, thân cận với thế giới hạnh phúc (cõi trời).”
Dứt Kinh Thoái Hóa.
Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội) rồi cầm bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Vào lúc bấy giờ, ở chỗ ngụ của Bà-la-môn Aggikabhāradvāja lửa đã được đốt lên, vật cúng tế đã được đưa lên. Khi ấy, đức Thế Tôn trong khi đi khất thực tuần tự theo từng nhà ở thành Sāvatthi đã đi đến gần chỗ ngụ của Bà-la-môn Aggika-bhāradvāja. Bà-la-môn Aggikabhāradvāja đã nhìn thấy đức Thế Tôn từ đằng xa đang đi đến, sau khi thấy đã nói đức Thế Tôn điều này:
“Này gã trọc đầu, ngay tại chỗ đó. Này gã Sa-môn, ngay tại chỗ đó. Này người hạ tiện, hãy đứng ngay tại chỗ đó.”
Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với Bà-la-môn Aggika-bhāradvāja điều này: “Này Bà-la-môn, phải chăng ngươi biết về người hạ tiện hoặc các pháp tạo thành người hạ tiện?”
“Thưa Ngài Gotama, tôi quả không biết về người hạ tiện hoặc các pháp tạo thành người hạ tiện. Thật tốt lành thay, xin Ngài Gotama hãy thuyết giảng Giáo Pháp cho tôi, theo đó tôi có thể biết về người hạ tiện hoặc các pháp tạo thành người hạ tiện.”
“Này Bà-la-môn, chính vì điều ấy ngươi hãy lắng nghe, ngươi hãy khéo chú ý, Ta sẽ giảng.”
“Thưa Ngài, xin vâng,” Bà-la-môn Aggikabhāradvāja đã đáp lại đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nói điều này:
116. Kẻ nào giận dữ, có sự thù hằn, ác độc và có sự gièm pha, có kiến thức bị hư hỏng, có sự xảo trá, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
117. Ở đây, kẻ nào hãm hại các sanh mạng, đơn sanh hoặc lưỡng sanh, kẻ nào không có lòng trắc ẩn đối với sanh mạng, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
118. Kẻ nào hủy diệt, vây hãm các làng mạc và các thị trấn, được biết tiếng là kẻ áp bức, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
119. Nếu ở làng hay ở rừng, kẻ lấy vật thuộc sở hữu của những người khác, vật không được cho theo lối trộm cắp, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
120. Kẻ nào, thật sự sau khi vay nợ, trong khi bị quở trách liền trốn chạy (bảo rằng) ‘Tôi không có nợ nần gì với ngươi,’ có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
121. Kẻ nào quả thật vì lòng ham muốn đồ lặt vặt, đã giết hại người đang đi trên đường rồi đoạt lấy đồ lặt vặt, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
122. Kẻ nào vì nguyên nhân bản thân, vì nguyên nhân người khác, vì nguyên nhân tài sản, và kẻ nào khi được hỏi trực diện mà nói lời dối trá, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
123. Kẻ nào bị bắt gặp ở nơi những người vợ của thân quyến hoặc của bạn bè, bằng vũ lực hoặc do thương yêu nhau, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
124. Kẻ nào trong khi có khả năng mà không phụng dưỡng mẹ hoặc cha già nua, đã qua thời tuổi trẻ, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
125. Kẻ nào hành hạ, chọc giận bằng lời nói đến mẹ hoặc cha, hoặc anh em trai, chị em gái, và mẹ vợ, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
126. Kẻ nào trong khi được hỏi về điều lợi ích lại chỉ dạy điều không lợi ích, và chỉ bảo theo lối giấu diếm, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
127. Kẻ nào sau khi làm việc ác lại ước muốn rằng: ‘Chớ ai biết ta (làm),’ kẻ có hành động được giấu diếm, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
128. Kẻ nào quả thật đã đi đến nhà người khác và đã thọ dụng vật thực tinh khiết, (nhưng) không khoản đãi lại khi người ấy đi đến (nhà mình), có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
129. Kẻ nào lừa gạt vị Bà-la-môn hoặc vị Sa-môn, hoặc luôn cả người nghèo khổ bằng lời dối trá, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
130. Kẻ nào chọc giận bằng lời nói và không bố thí đến vị Bà-la-môn hoặc vị Sa-môn vào thời điểm của bữa ăn đến gần, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
131. Ở đây, kẻ nào nói về diều không có thật, bị si mê bao trùm, ham muốn đạt được đồ vật nhỏ nhặt, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
132. Kẻ nào đề cao bản thân và khi dễ người khác, là hạ liệt do sự ngã mạn của mình, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
133. Kẻ chọc giận (người khác) và keo kiệt, có ước muốn xấu xa, bỏn xẻn, xảo trá, không hổ thẹn (tội lỗi), không ghê sợ (tội lỗi), có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
134. Kẻ nào chê bai đức Phật, hay đệ tử của Ngài, vị xuất gia hoặc người tại gia, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’
135. Kẻ nào thật sự chưa trở thành bậc A-la-hán mà tự nhận bậc A-la-hán, là kẻ cướp ở thế gian tính luôn cõi Phạm Thiên, kẻ ấy quả là tệ nhất trong số người hạ tiện. Những kẻ này quả đã được gọi là những người hạ tiện, chúng đã được Ta giảng giải cho ngươi.
136. Không phải do dòng dõi mà trở thành hạ tiện, không phải do dòng dõi mà trở thành Bà-la-môn, do hành động mà trở thành hạ tiện, do hành động mà trở thành Bà-la-môn.
137. Ngươi hãy biết việc ấy với điều này nữa, giống như ví dụ này của Ta: Có gã nấu thịt chó để ăn, con trai của một kẻ thuộc giai cấp nô lệ, được biết tiếng là Mātaṅga.
138. Vị Mātaṅga ấy đã đạt đến danh vọng tối cao, là điều khó đạt được. Nhiều Sát- đế- lỵ và Bà-la-môn đã đi đến phục vụ cho người ấy.
139. Vị ấy đã leo lên Thiên xa, con đường lớn không bụi bặm, đã lìa khỏi sự luyến ái ở các dục, và đã đi đến thế giới Phạm Thiên.
140. Dòng dõi sanh ra đã không cản ngăn được vị ấy trong việc sanh ra ở thế giới Phạm Thiên. Đã được sanh ra ở gia tộc các vị thầy trì tụng (Vệ Đà), những người Bà-la-môn là thân quyến của chú thuật.
141. Chính họ thường xuyên được nhìn thấy ở các hành động ác xấu. Họ bị chê trách ngay trong thời hiện tại và (đi đến) khổ cảnh trong thời vị lai. Dòng dõi sanh ra không ngăn chặn họ thoát khỏi khổ cảnh hoặc khỏi sự chê trách.
142. Không phải do dòng dõi mà trở thành hạ tiện, không phải do dòng dõi mà trở thành Bà-la-môn, do hành động mà trở thành hạ tiện, do hành động mà trở thành Bà-la-môn.
Khi được nói như vậy, Bà-la-môn Aggikabhāradvāja đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Thưa Ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Thưa Ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Thưa Ngài Gotama, cũng giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, hoặc mở ra vật đã bị che kín, hoặc chỉ đường cho kẻ lạc lối, hoặc đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tự như thế Pháp đã được Ngài Gotama giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Con đây xin đi đến nương nhờ Ngài Gotama, Giáo Pháp, và Tăng Chúng tỳ khưu. Xin Ngài Gotama hãy ghi nhận con là người cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.”
Dứt Kinh Người Hạ Tiện.
143. Việc cần làm bởi vị thiện xảo trong việc thực hành, sau khi đã thấu hiểu về vị thế (Niết Bàn) an tịnh ấy là: có khả năng, ngay thẳng, chánh trực, dễ dạy, hòa nhã, và không ngã mạn thái quá.
144. Là người tự biết đủ, dễ cấp dưỡng, ít bận rộn công việc, và có lối sống nhẹ nhàng, có giác quan an tịnh, và chín chắn, không hỗn xược, không tham đắm theo các gia tộc.
145. Và không nên thực hành bất cứ điều gì nhỏ nhặt mà các bậc hiểu biết khác đã khiển trách. Mong rằng tất cả chúng sanh có được sự an lạc, có được sự an toàn. Mong rằng tất cả chúng sanh có bản thân được an lạc.
146. Bất cứ những chúng sanh nào dầu là: yếu hoặc mạnh (tất cả) không bỏ sót, (có thân hình) dài hoặc to lớn, trung bình hoặc ngắn, nhỏ bé hay mập.
147. Được nhìn thấy, hoặc không được nhìn thấy, cư ngụ ở nơi xa và không xa, đã được hiện hữu hoặc đang tầm cầu sự thành hình, mong rằng tất cả chúng sanh có bản thân được an lạc.
148. Người này không nên lường gạt kẻ khác, không nên khi dễ bất cứ người nào ở bất cứ nơi đâu. Do sự giận dữ, do ý tưởng bất bình, không nên mong mỏi sự khổ đau cho lẫn nhau.
149. Giống như người mẹ bảo vệ đứa con trai của mình, đứa con trai độc nhất, đến trọn đời, cũng như vậy, đối với tất cả các sanh linh, nên phát triển tâm ý vô hạn lượng.
150. Và tâm từ ái ở tất cả thế giới, nên phát triển tâm ý vô hạn lượng, bên trên, bên dưới, và chiều ngang, không bị ngăn trở, không thù oán, không đối nghịch.
151. Trong khi đứng, trong khi đi, hoặc khi đã ngồi xuống, hoặc trong khi nằm, cho đến khi nào sự buồn ngủ được xa lìa, nên chuyên chú vào niệm này, ở đây việc này được gọi là sự an trú cao thượng.
152. Và sau khi không đeo đuổi tà kiến, là người có giới, được thành tựu về nhận thức, sau khi xua đi sự thèm khát ở các dục, thì chắc chắn không đi đến thai bào lần nữa.
Dứt Kinh Từ Ái.
153. (Dạ-xoa Sātāgira nói)
Hôm nay là ngày mười lăm, ngày Uposatha,
đêm rực rỡ đã đến rồi.
Nào, chúng ta hãy diện kiến bậc Đạo Sư Gotama có danh xưng cao tột.
154. (Dạ-xoa Hemavata nói)
Phải chăng tâm của bậc như thế ấy là đã được phát nguyện vững chắc hướng đến tất cả chúng sanh? Phải chăng tâm tư của vị này đã đạt đến quyền làm chủ ở đối tượng được ưa thích và không được ưa thích?
155. (Dạ-xoa Sātāgira nói)
Tâm của vị này, của bậc như thế ấy là đã được phát nguyện vững chắc hướng đến tất cả chúng sanh. Và tâm tư của vị này đã đạt đến quyền làm chủ ở đối tượng được ưa thích và không được ưa thích.
156. (Dạ-xoa Hemavata nói)
Phải chăng vị ấy không lấy vật không được cho?
Phải chăng vị ấy tự kiềm chế về các sanh mạng?
Phải chăng vị ấy xa lìa sự xao lãng?
Phải chăng vị ấy không bỏ phế việc tham thiền?
157. (Dạ-xoa Sātāgira nói)
Ngài không lấy vật không được cho,
đã tự kiềm chế về các sanh mạng,
đã xa lìa sự xao lãng,
đức Phật không bỏ phế việc tham thiền.
158. (Dạ-xoa Hemavata nói)
Phải chăng vị ấy không nói lời dối trá?
Phải chăng vị ấy không có lời nói thô lỗ?
Phải chăng vị ấy đã không nói lời phá hoại (đâm thọc)?
Phải chăng vị ấy không nói nhảm nhí?
159. (Dạ-xoa Sātāgira nói)
Và vị ấy không nói lời dối trá,
cũng không có lời nói thô lỗ,
cũng đã không nói lời phá hoại (đâm thọc),
là bậc trí, vị ấy nói điều có lợi ích.
160. (Dạ-xoa Hemavata nói)
Phải chăng vị ấy không luyến ái ở các dục?
Phải chăng tâm không bị vẩn đục?
Phải chăng vị ấy vượt qua si mê?
Phải chăng là bậc hữu nhãn về các pháp?
161. (Dạ-xoa Sātāgira nói)
Vị ấy không luyến ái ở các dục,
và tâm không bị vẩn đục,
Ngài vượt qua mọi si mê,
đức Phật là bậc hữu nhãn về các pháp.
162. (Dạ-xoa Hemavata nói)
Phải chăng vị ấy đã thành tựu về minh?
Phải chăng vị ấy có sở hành hoàn toàn trong sạch?
Phải chăng các lậu hoặc của vị này đã cạn kiệt?
Phải chăng không có sự tái sanh lại nữa?
163. (Dạ-xoa Sātāgira nói)
Vị ấy hẳn nhiên đã thành tựu về minh,
còn có sở hành hoàn toàn trong sạch,
các lậu hoặc của vị này đã cạn kiệt,
đối với vị ấy không có sự tái sanh lại nữa.
164. Tâm của bậc hiền trí là được trọn vẹn với hành động và lời nói. Ngươi hãy thật lòng ca ngợi vị ấy, bậc đã thành tựu minh và hạnh.
165. Tâm của bậc hiền trí là được trọn vẹn với hành động và lời nói. Ngươi hãy thật lòng tùy hỷ với bậc đã thành tựu minh và hạnh.
166. Tâm của bậc hiền trí là được trọn vẹn với hành động và lời nói. Nào, chúng ta hãy diện kiến vị Gotama, bậc đã thành tựu minh và hạnh.
167. Ngươi hãy đến, chúng ta hãy diện kiến vị Gotama, bậc hiền trí có bắp chân như của loài nai, gầy ốm, dũng cảm, ít vật thực, không tham đắm, đang tham thiền ở khu rừng.
168. Sau khi đến gần bậc Long Tượng đang sống một mình tựa như loài sư tử, không mong mỏi về các dục, chúng ta hãy hỏi Ngài về sự thoát ra khỏi bẫy sập của tử thần.
169. Chúng ta hãy hỏi vị Gotama, bậc tuyên thuyết, bậc tuyên bố, bậc đã đi đến bờ kia của tất cả các pháp, bậc đã giác ngộ, bậc đã vượt qua thù hận và sợ hãi.
170. (Dạ-xoa Hemavata nói)
Khi cái gì (sanh khởi) thế giới được sanh khởi?[9]
liên quan đến cái gì tạo nên sự gắn bó?
chấp thủ vào cái gì mà thế giới (hiện hữu)?
do cái gì mà thế giới bị sầu khổ?
171. (Đức Thế Tôn nói với Dạ-xoa Hemavata)
Khi sáu (sanh khởi) thế giới được sanh khởi,[10]
liên quan đến sáu tạo nên sự gắn bó,
chấp thủ vào sáu mà thế giới (hiện hữu),
do sáu mà thế giới bị sầu khổ.
172. Sự chấp thủ ấy là cái gì mà tại nơi ấy thế giới bị sầu khổ? Được hỏi về lối dẫn dắt ra khỏi xin Ngài hãy nói, làm thế nào được thoát khỏi khổ đau?
173. Năm loại dục được vui thích ở thế gian, với ý là thứ sáu. Sau khi lìa khỏi sự mong muốn ở nơi này, như vậy thì được thoát khỏi khổ đau.
174. Điều này là lối dẫn dắt ra khỏi thế giới, đã được nói cho các ngươi đúng theo thực thể. Ta nói ra điều này cho các ngươi, như vậy thì được thoát khỏi khổ đau.
175. Vậy ở đây ai vượt qua cơn lũ, ở đây ai vượt qua biển cả, ai không chìm xuống nơi sâu thẳm không có chỗ nâng đỡ, không có vật để nắm vào?
176. Vị luôn luôn thành tựu giới, có tuệ, khéo định tĩnh, có tâm tư hướng nội, có niệm, vượt qua cơn lũ khó vượt qua được.
177. Vị không còn vui thích ở dục tưởng, đã vượt lên khỏi mọi sự ràng buộc, đã hoàn toàn cạn kiệt sự vui thích và hiện hữu, vị ấy không chìm xuống nơi sâu thẳm.
178. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng bậc Đại Ẩn Sĩ ấy, bậc có tuệ thâm sâu, bậc nhìn thấy ý nghĩa vi tế, không sở hữu gì, không dính mắc ở dục và hữu, đã được giải thoát về mọi phương diện, đang bước đi ở con đường thiên giới.
179. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng bậc Đại Ẩn Sĩ ấy, bậc có danh xưng cao tột, bậc nhìn thấy ý nghĩa vi tế, bậc ban bố trí tuệ, không dính mắc ở trạng thái tiềm ẩn của các dục, bậc biết tất cả, bậc khôn ngoan, đang bước đi ở con đường thánh thiện.
180. Quả thật hôm nay chúng ta đã nhìn thấy rõ ràng, bình minh rạng rỡ đã mọc lên tốt đẹp, nhờ thế chúng ta đã nhìn thấy đấng Toàn Giác, bậc đã vượt qua (bốn) dòng nước lũ, không còn lậu hoặc.
181. Một ngàn Dạ-xoa này, có thần thông, có danh tiếng, tất cả đi đến nương nhờ Ngài. Ngài là bậc Đạo Sư vô thượng của chúng tôi.
182. Chúng tôi đây sẽ du hành từ làng này đến làng nọ, từ núi này đến núi khác, kính lễ đấng Toàn Giác và tính chất thánh thiện của Giáo Pháp.
Dứt Kinh Hemavata.
Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự ở Āḷavī, tại nơi trú ngụ của Dạ-xoa Āḷavaka. Khi ấy, Dạ-xoa Āḷavaka đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Này Sa-môn, hãy đi ra.”
“Này đạo hữu, tốt lắm.” Đức Thế Tôn đã đi ra.
“Này Sa-môn, hãy đi vào.”
“Này đạo hữu, tốt lắm.” Đức Thế Tôn đã đi vào.
Đến lần thứ nhì, Dạ-xoa Āḷavaka đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Này Sa-môn, hãy đi ra.”
“Này đạo hữu, tốt lắm.” Đức Thế Tôn đã đi ra.
“Này Sa-môn, hãy đi vào.”
“Này đạo hữu, tốt lắm.” Đức Thế Tôn đã đi vào.
Đến lần thứ ba, Dạ-xoa Āḷavaka đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Này Sa-môn, hãy đi ra.”
“Này đạo hữu, tốt lắm.” Đức Thế Tôn đã đi ra.
“Này Sa-môn, hãy đi vào.”
“Này đạo hữu, tốt lắm.” Đức Thế Tôn đã đi vào.
Đến lần thứ tư, Dạ-xoa Āḷavaka đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Này Sa-môn, hãy đi ra.”
“Này đạo hữu, vậy thì Ta sẽ không đi ra. Điều gì mà ngươi cần làm thì ngươi hãy làm điều ấy đi.”
“Này Sa-môn, ta sẽ hỏi ông câu hỏi, nếu ông không trả lời ta, thì ta sẽ khuấy động tâm của ông, hoặc ta sẽ chẻ đôi trái tim của ông, hoặc ta sẽ nắm ở hai bàn chân rồi ném qua bên kia sông Gaṅgā.”
“Này đạo hữu, Ta quả không nhìn thấy người nào trong thế gian tính luôn cõi của chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư Thiên và loài người mà có thể khuấy động tâm của Ta, hoặc có thể chẻ đôi trái tim của Ta, hoặc có thể nắm ở hai bàn chân rồi ném qua bên kia sông Gaṅgā. Này đạo hữu, tuy vậy ngươi hãy hỏi điều mà ngươi muốn.”
Khi ấy, Dạ-xoa Āḷavaka đã nói với đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng:
183. "Cái gì ở thế gian này là của cải hạng nhất đối với con người?
Cái gì được khéo thực hành đem lại sự an lạc?
Cái gì quả thật là ngọt ngào hơn cả trong số các vị nếm?
Sống cách nào người ta đã gọi là đời sống hạng nhất?"
184. "Đức tin ở thế gian này là của cải hạng nhất đối với con người.
Giáo Pháp được khéo thực hành đem lại sự an lạc.
Chân thật quả thật là ngọt ngào hơn cả trong số các vị nếm.
Sống với trí tuệ người ta đã gọi là đời sống hạng nhất."
185. "Làm thế nào vượt qua cơn lũ? Làm thế nào vượt qua biển cả? Làm thế nào khắc phục khổ đau? Làm thế nào trở nên thanh tịnh?"
186. "Nhờ đức tin vượt qua cơn lũ. Nhờ không xao lãng vượt qua biển cả. Nhờ tinh tấn khắc phục khổ đau. Nhờ trí tuệ trở nên thanh tịnh."
187. "Làm thế nào đạt được trí tuệ? Làm thế nào kiếm được tài sản?
Làm thế nào thành đạt tiếng tăm? Làm thế nào kết giao bạn hữu?
Từ đời này đến đời khác, làm thế nào không sầu muộn sau khi chết?"
188. "Trong khi có niềm tin vào Giáo Pháp của các bậc A-la-hán nhằm đạt đến Niết Bàn, nhờ vào sự mong mỏi lắng nghe, người không xao lãng, sâu sắc đạt được trí tuệ.
189. Người có việc làm phù hợp, có trách nhiệm, năng động, kiếm được tài sản. Nhờ vào sự chân thật thành đạt tiếng tăm. Trong khi bố thí kết giao các bạn hữu.
190. Người nào, sống tại gia có đức tin, sở hữu bốn pháp này: chân thật, chính trực, kiên trì, xả thí, người ấy chắc chắn không sầu muộn sau khi chết.
191. Này, ngươi cũng hãy hỏi số đông các Sa-môn và Bà-la-môn về các điều khác, nếu có điều nào đó là tốt hơn sự chân thật, sự tự chế ngự, sự xả thí, và sự kham nhẫn."
192. "Vì sao con lại phải hỏi số đông các Sa-môn và Bà-la-môn? Hôm nay con đây biết rõ điều nào là việc lợi ích ở thời vị lai.
193. Quả thật vì lợi ích cho con mà đức Phật đã đi đến cư ngụ ở Āḷavī. Hôm nay con đây biết rõ vật đã được bố thí ở nơi nào là có quả báu lớn lao.
194. Con đây sẽ du hành từ làng này đến làng nọ, từ phố này đến phố khác, kính lễ đấng Toàn Giác và tính chất thánh thiện của Giáo Pháp."
Khi được nói như vậy, Dạ-xoa Āḷavaka đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thật là tuyệt vời! Bạch Ngài, thật là tuyệt vời! Bạch Ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tự như thế Pháp đã được đức Thế Tôn giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch Ngài, con đây xin đi đến nương nhờ đức Thế Tôn Gotama, Giáo Pháp, và Tăng Chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.”
Dứt Kinh Āḷavaka.
195. Trong lúc đang bước đi, hoặc đang đứng, đã ngồi xuống, hoặc đang nằm, người ta co lại, duỗi ra (các khớp nối); việc ấy là cử động của thân.
196. Được nối liền bởi xương và gân, được bôi trét bởi da và thịt, thân được che phủ bởi lớp da, không nhìn thấy đúng theo bản thể thật.
197. (Thân xác) được chất đầy bởi ruột, được chất đầy bởi bao tử, bởi túi gan, bởi bàng quang, bởi tim, bởi phổi, bởi thận, và bởi lá lách.
198. Bởi nước mũi, bởi nước miếng, bởi mồ hôi, và bởi mỡ, bởi máu, bởi nước ở khớp xương, bởi mật, và bởi huyết tương.
199. Rồi chất dơ luôn luôn trào ra từ chín dòng chảy của thân xác này: chất dơ của mắt từ mắt, chất dơ của tai từ tai.
200. Và nước mũi từ mũi, có lúc mật và đàm ói ra từ miệng, mồ hôi và cáu bẩn tiết ra từ thân.
201. Rồi cái đầu trống rỗng của thân xác này được chứa đầy bởi não bộ. Bị lèo lái bởi vô minh, kẻ ngu nghĩ rằng nó là đẹp đẽ.
202. Và khi nào kẻ ấy đã chết, nằm xuống, trương lên, đổi màu xanh tím, bị liệng bỏ ở bãi tha ma, các thân nhân còn không trông ngóng.
203. Các con chó, dã can, chó sói, và giòi bọ ngấu nghiến, các con quạ và diều hâu rỉa rói, và có các loài sinh vật khác nữa.
204. Ở đây, sau khi lắng nghe lời dạy của đức Phật, vị tỳ khưu có tuệ. Thật vậy, vị ấy biết toàn diện về thân xác này, bời vì vị ấy nhìn thấy đúng theo bản thể thật.
205. Cái này như thế nào, cái kia như thế ấy; cái kia như thế nào, cái này như thế ấy. Nên lìa khỏi sự mong muốn ở thân xác, bên trong và bên ngoài.
206. Đã lìa khỏi lòng mong muốn và luyến ái, ở đây vị tỳ khưu ấy, thành tựu tuệ, đã đạt đến Bất Tử, An Tịnh, vị thế Niết Bàn, Bất Hoại.
207. Thân xác có hai chân này, không sạch sẽ, có mùi hôi, lại được săn sóc; nó tràn đầy chất thối rửa, đang rỉ nước từ nơi kia nơi nọ.
208. Với thân xác như thế này, kẻ nào nghĩ đến kiêu hãnh, hoặc khi dễ người khác, còn có điều gì khác ngoài việc không nhìn thấy?
Dứt Kinh Chiến Thắng.
209. Sợ hãi sanh ra từ sự thân thiết, bụi bặm sanh ra từ nhà ở. Không nhà ở, không thân thiết, quả thật điều ấy là quan điểm của bậc hiền trí.
210. Người nào, sau khi cắt đứt (ô nhiễm) đã được sanh ra, không nên vun trồng (ô nhiễm) đang được sanh ra, không nên tham gia cùng với nó (ô nhiễm). Người ta đã nói bậc hiền trí ấy đang du hành một mình. Bậc đại ẩn sĩ ấy đã nhìn thấy vị thế an tịnh.
211. Sau khi đã xem xét các nền tảng, sau khi đã dứt bỏ hạt giống yêu thương, không nên tham gia cùng với nó. Quả thật, với việc nhìn thấy sự chấm dứt của việc sanh ra và hoại diệt, bậc hiền trí ấy dứt bỏ các suy tầm (bất thiện) và không còn đi đến sự định đặt (khái niệm).
212. Sau khi hiểu biết về tất cả các nơi trú ngụ (các cảnh giới tái sanh),
không còn dục vọng với bất cứ nơi trú ngụ nào trong số chúng.
Quả thật, bậc hiền trí ấy, đã xa lìa sự thèm khát, không bị thèm khát,
không còn tích lũy (nghiệp) bởi vì đã đi đến bờ kia.
213. Là vị khuất phục tất cả, biết rõ tất cả, có trí tuệ,
không bị nhiễm ô trong tất cả các pháp,
từ bỏ tất cả, được giải thoát trong sự diệt tận về tham ái,
chính vị ấy, các bậc sáng trí nhận biết là bậc hiền trí.
214. Là vị có tuệ lực, đã thành tựu về giới và phận sự,
được định tĩnh, thích thú việc tham thiền, có niệm,
đã thoát khỏi sự quyến luyến, không chướng ngại, không còn lậu hoặc,
chính vị ấy, các bậc sáng trí nhận biết là bậc hiền trí.
215. Vị hiền trí, du hành một mình, không xao lãng,
không rung động ở các lời khen ngợi hay chê bai,
tựa như loài sư tử không kinh sợ ở các tiếng động,
tựa như làn gió không bị dính mắc ở tấm lưới,
tựa như đóa hoa sen không nhiễm bẩn bởi nước,
người dẫn dắt những kẻ khác, không bị dẫn dắt bởi kẻ khác,
chính vị ấy, các bậc sáng trí nhận biết là bậc hiền trí.
216. Vị nào hành xử tựa như cây cột trụ ở bãi tắm,
khi những kẻ khác nói lời nói quá mức,
vị ấy đã xa lìa luyến ái, có giác quan khéo được định tĩnh,
chính vị ấy, các bậc sáng trí nhận biết là bậc hiền trí.
217. Thật vậy, vị nào với tánh kiên định, ngay thẳng tựa như con thoi,
nhờm gớm đối với các nghiệp ác,
cân nhắc việc không đúng đắn và việc đúng đắn,
chính vị ấy, các bậc sáng trí nhận biết là bậc hiền trí.
218. Vị có bản thân đã tự chế ngự không làm việc ác,
còn trẻ hoặc trung niên, vị hiền trí có bản thân đã được chế ngự.
Không nổi giận, vị ấy không làm bất cứ ai nổi giận,
chính vị ấy, các bậc sáng trí nhận biết là bậc hiền trí.
219. Vị có mạng sống nhờ vào sự bố thí của những người khác nên thọ nhận đồ ăn khất thực dầu là từ phần bên trên, hay từ phần ở giữa, hoặc từ phần còn thừa lại, không đáng để ca ngợi cũng không có lời nói miệt thị, chính vị ấy, các bậc sáng trí nhận biết là bậc hiền trí.
220. Bậc hiền trí du hành, lánh xa việc đôi lứa,
vào thời tuổi trẻ, không nên gắn bó với bất cứ nơi đâu,
đã lánh xa sự say sưa và xao lãng, đã được giải thoát,
chính vị ấy, các bậc sáng trí nhận biết là bậc hiền trí.
221. Sau khi đã hiểu biết thế gian, có sự nhìn thấy chân lý tuyệt đối,
sau khi đã vượt qua dòng nước lũ và biển cả, là bậc tự tại,
vị ấy đã cắt đứt sự trói buộc, không còn lệ thuộc, không còn lậu hoặc,
chính vị ấy, các bậc sáng trí nhận biết là bậc hiền trí.
222. Và cả hai không tương tự nhau, với chỗ trú ngụ và cách sinh sống khác xa nhau. Kẻ tại gia nuôi vợ, còn vị vô sở hữu có sự hành trì tốt đẹp. Kẻ tại gia không tự chế ngự ở việc chận đứng sanh mạng của kẻ khác, còn vị hiền trí, đã được chế ngự, thường xuyên bảo vệ các sanh mạng.
Rắn, và vị Dhaniya nữa, sừng (tê giác), và vị Kasī như thế ấy,
vị Cunda, và sự thoái hóa nữa, người hạ tiện, sự tu tập tâm từ ái,
(Dạ-xoa) Sātāgira, Āḷavaka, chiến thắng, và vị hiền trí như thế ấy,
mười hai bài kinh này được gọi là ‘Phẩm Rắn.’
Dứt Kinh Hiền Trí.
Phẩm Rắn là thứ nhất.
Rắn, và vị Dhaniya nữa, sừng (tê giác), và vị Kasī như thế ấy,
vị Cunda, và sự thoái hóa nữa, người hạ tiện, sự tu tập tâm từ ái,
(Dạ-xoa) Sātāgira, Āḷavaka, chiến thắng, và vị hiền trí như thế ấy,
mười hai bài kinh này được gọi là ‘Phẩm Rắn.’
[1] Giáo sư K. R. Norman, ở bản dịch The Group of Discourses của mình, đồng ý với sự hiệu đính của Brough như sau: saritaṃ sīghasaraṃ’va sosayitvā = tựa như kẻ đã làm khô cạn dòng suối nước trôi nhanh.
[2] Bản thể ở các hữu: bản thể thường còn hoặc bản thể tự ngã ở các cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, cõi hữu tưởng, cõi vô tưởng, cõi phi tưởng phi phi tưởng, cõi một uẩn, cõi bốn uẩn, cõi năm uẩn (SnA. i, 19).
[3] Theo Chú Giải, udumbara là loại cây không có bông hoa (Sđd.). Từ điển ghi nghĩa udumbara là cây sung, cây vả, dướng như hai loại cây này kết trái nhưng không trải qua thời kỳ trổ hoa.
[4] Người chăn nuôi bò Dhaniya (dhaniyo gopo): Dhaniya là tên một người con trai phú hộ, gopo (gopī: nữ tánh) là người chăn nuôi trâu bò của chính mình, còn người chăn giữ trâu bò của người khác để nhận tiền công gọi là gopālaka (SnA. i, 28). Chú Giải cho biết bầy bò của Dhaniya có số lượng là 30.000 con, (trong số đó) 27.000 con được vắt sữa (Sđd. 26).
[5] Sự xuất gia là không được ham thích, không được mong ước bởi tất cả những kẻ tầm thường bị tham chế ngự (SnA. i, 85).
[6] “sāmayikaṃ vimuttinti lokiyasamāpattiṃ” (ApA. 182): “sự giải thoát tạm thời là sự thể nhập hiệp thế” (các tầng thiền và ngũ thông - ND).
[7] Thực hành thuận pháp đối với các pháp (dhammesu anudhammacārī): thực hành pháp minh sát tùy thuận theo sự diễn biến của các pháp như là ngũ uẩn, v.v..., hoặc là hành tuần tự theo chín pháp siêu thế là bốn Đạo, bốn Quả, và Niết Bàn (SnA. i, 123).
[8] Bà-la-môn Kasībhāradvāja: người Bà-la-môn ấy sống bằng nghề trồng trọt (kasī) và họ của ông ấy là Bhāradvāja, vì thế được gọi tên như vậy (SnA. i, 137).
[9] Thế giới (loka): ở đây là sattaloka (SnA i, 210), nghĩa là nói đến chúng sanh.
[10] Sáu (chassu): được Chú Giải giải thích là sáu nội ngoại xứ (chasu ajjhattikabāhiresu āyatanesu) (SnA i, 211).