TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 29
KINH TẬP
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
SUTTANIPĀTAPĀḶI - KINH TẬP
Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!

III. MAHĀVAGGO - ĐẠI PHẨM

 

 1. KINH XUẤT GIA

 

407. Tôi[1] sẽ thuật lại việc xuất gia: Bậc Hữu Nhãn đã xuất gia ra sao, trong khi suy xét thế nào mà Ngài đã tỏ ra thích thú việc xuất gia.

408. Ngài đã xuất gia sau khi nhìn thấy rằng: ‘Cuộc sống tại gia này có sự chướng ngại, là địa bàn của ô nhiễm; việc xuất gia quả là bầu trời mở rộng.’

409. Sau khi xuất gia, Ngài đã lánh xa nghiệp ác do thân. Sau khi từ bỏ uế hạnh về khẩu, Ngài đã làm trong sạch việc nuôi mạng.

410. Đức Phật đã đi đến thành Rājagaha, vùng đất ở giữa các ngọn núi của xứ Magadha. Ngài đã dấn thân vào việc khất thực, với tướng mạo cao quý nổi bật.

411. Đứng ở tòa lâu đài, đức vua Bimbisāra đã nhìn thấy Ngài. Sau khi nhìn thấy bậc có đầy đủ tướng mạo, đức vua đã nói lên ý nghĩa này:

412. ‘Này các khanh, hãy nhìn xem người này, vị có vóc dáng đẹp, cao cả, (làn da) trong sáng, và còn thành tựu về cử chỉ nữa; và vị này nhìn chỉ trong tầm của một cán cày.

413. Với mắt nhìn xuống, có niệm, vị này dường như không thuộc gia tộc hạ liệt. Hãy cho các sứ giả của vua chạy đến (hỏi xem) vị tỳ khưu (ấy) sẽ đi đến nơi nào?'

414. Được phái đi, các sứ giả ấy của vua đã đi theo sát ở phía sau (nghĩ rằng): ‘Vị tỳ khưu sẽ đi đến nơi nào? Chỗ trú ngụ sẽ là nơi đâu?’

415. Trong khi bước đi (khất thực) tuần tự theo từng nhà, vị ấy có các căn đã được canh phòng, khéo thu thúc ở các giác quan, đã nhận đầy bình bát một cách nhanh chóng, có sự nhận biết rõ, có niệm.

416. Sau khi đi khất thực, vị hiền trí đã rời khỏi thành phố rồi đã leo lên núi Paṇḍava (nghĩ rằng): ‘Nơi này sẽ là chỗ trú ngụ.’

417. Sau khi nhìn thấy vị ấy đi đến gần chỗ trú ngụ, do đó các sứ giả đã dừng lại. Và chỉ một vị sứ giả đã trở về thông báo cho đức vua rằng:

418. ‘Tâu đại vương, vị tỳ khưu ấy ngồi tựa như con hổ hay con bò mộng ở phía trước núi Paṇḍava, tựa như con sư tử ở trong hang núi.’

419. Sau khi đã nghe lời nói của viên sứ giả, vị Sát-đế-lỵ với dáng vẻ vội vã đã ra đi về phía núi Paṇḍava bằng cỗ xe xinh đẹp.

420. Sau khi đã đi hết vùng đất có thể đi bằng cỗ xe, đức vua ấy đã leo xuống cỗ xe rồi đã đi bộ đến gần, sau khi đến nơi đã ngồi kế cận vị tỳ khưu ấy.

421. Sau khi ngồi xuống, đức vua đã nói lời xã giao thân thiện. Kế đó, sau khi trao đổi lời chào hỏi, đức vua ấy đã nói ý nghĩa này:

422. ‘Ngươi là thanh niên và trẻ trung, vừa mới lớn, còn non trẻ, đươc thành tựu màu da và dáng vóc, có dòng dõi tựa như là Sát đế-lỵ.

423. Dẫn đầu đoàn voi trận, ngươi làm rạng rỡ đội binh tiên phong. Trẫm ban cho các của cải, ngươi hãy hưởng thụ. Đã được hỏi, ngươi hãy nói về dòng dõi.’

424. ‘Tâu đức vua, thẳng ngay hướng này có một chủng tộc (sống) ở sườn núi Hi-mã-lạp, có đầy đủ tài sản và nghị lực, thuộc dân bản địa của xứ sở Kosala.

425. Với dòng họ có tên là Mặt Trời, với dòng dõi có tên là Sākiya (Thích Ca), tâu đức vua, trong khi không mong mỏi các dục, từ gia tộc ấy tôi đã xuất gia.

426. Sau khi nhìn thấy sự tai hại ở các dục, sau khi nhìn thấy sự xuất ly là an toàn, tôi sẽ ra đi nhằm (mục đích) ra sức nỗ lực, trong việc này tâm ý của tôi được vui thích.’

 

Dứt Kinh Xuất Gia.

 

2. KINH NỖ LỰC

 

427. Trong lúc ta đây,[2] với bản tánh cương quyết về việc nỗ lực, đang gắng hết sức tham thiền cạnh dòng sông Nerañjarā nhằm đạt đến sự an toàn đối với các trói buộc (Niết Bàn).

428. Namuci[3] đã đi đến gần, thốt lên lời nói thương xót rằng: ‘Ông trở nên ốm o, xuống sắc; cái chết là ở cạnh ông rồi.’

429. Đối với ông, có đến một ngàn phần chết, chỉ còn một phần sống. Này ông, hãy sống đi, mạng sống là tốt hơn. Trong khi sống, ông sẽ làm các việc phước đức.

430. Nhiều phước báu (sẽ) được tích lũy cho ông ngay trong khi ông thực hành Phạm hạnh,và dâng cúng vật tế thần lửa, ông sẽ làm gì với việc nỗ lực?

431. Con đường đưa đến sự nỗ lực là khó đi, khó làm, khó hoàn thành,’ trong khi nói những lời kệ này Ma Vương đã đứng gần đức Phật.

432. Khi Ác ma có lời nói như thế, đức Thế Tôn đã nói với Ác Ma ấy điều này: ‘Này kẻ thân quyến của xao lãng, này Ác Ma, ngươi đến đây với mục dích gì?

 433. Ta không có mục đích về phước báu dầu chỉ là một phần nhỏ nhoi, Ma Vương nên nói với những người nào có mục đích về các việc phước báu.

434. Ta có đức tin cũng như tinh tấn, và trí tuệ được tìm thấy ở ta, ta còn là người có bản tánh cương quyết như vậy, sao ngươi còn hỏi ‘hãy sống’ đối với ta?

435. Gió này có thể làm khô cạn các dòng nước thậm chí của các con sông, nhưng sao máu của người có bản tánh cương quyết như ta không bị làm khô kiệt?

436. Trong khi máu bị khô cạn, mật và đàm bị khô cạn, trong khi các phần xác thịt bị hủy hoại, thì tâm (của ta) càng thêm tịnh tín; niệm, tuệ, và định của ta càng thêm vững chải.

437. Trong khi sống như vậy ta đây đã đạt đến cảm thọ (khổ) cùng tột, tâm của ta (vẫn) không mong cầu các dục. Ngươi hãy nhìn xem trạng thái trong sạch của chúng sanh.

438. Các dục là đạo binh thứ nhất của ngươi, thứ nhì gọi là sự không hứng thú, thứ ba của ngươi là đói và khát, thứ tư gọi là tham ái.

439. Thứ năm của ngươi là dã dượi và buồn ngủ, thứ sáu gọi là sợ sệt, thứ bảy của ngươi là hoài nghi, thứ tám của ngươi là gièm pha, bướng bỉnh.

440. Lợi lộc, danh tiếng, tôn vinh, và danh vọng nào đã đạt được sai trái, kẻ nào đề cao bản thân và khi dễ những người khác, ...

441. ... Này Namuci, chúng là đạo binh của ngươi, là toán xung kích của Kaṇha. Kẻ khiếp nhược không chiến thắng nó, còn (người nào) sau khi chiến thắng thì đạt được sự an lạc.

442. Ta đây có nên gắn lên cọng cỏ muñja?[4] Thật xấu hổ thay mạng sống của ta! Đối với ta, việc chết ở chiến trường là tốt hơn việc có thể sống còn mà bị thua trận.

443. Bị chìm đắm ở đây, một số Sa-môn và Bà-la-môn không được tỏa sáng và họ không biết được đạo lộ mà những vị có sự hành trì tốt đẹp[5] đã đi qua.

444. Sau khi nhìn thấy Ma Vương cùng với đạo quân binh có cờ hiệu dàn trận ở xung quanh, ta tiến ra đối đầu ở chiến trường. Chớ để Ma Vương loại ta rời khỏi vị trí.

445. Thế gian luôn cả chư Thiên không chế ngự được đạo binh ấy của ngươi. Ta sẽ phá tan đạo binh ấy của ngươi bằng trí tuệ, tựa như đập vỡ cái bình bát chưa nung bằng viên đá.

446. Sau khi chế ngự được tầm (sự suy tư), và niệm đã khéo được thiết lập, trong khi huấn luyện các đệ tử đông đảo, ta sẽ du hành từ xứ sở này đến xứ sở khác.

447. Họ là những người hành theo lời chỉ dạy của ta, không xao lãng, có bản tánh cương quyết. Dầu ngươi không muốn, họ sẽ đi đến nơi mà họ không sầu muộn sau khi đi đến.

447. ‘Suốt bảy năm,[6] ta đã theo sát đức Thế Tôn từng bước chân một. Ta đã không tìm được khuyết điểm nào của đấng Chánh Đẳng Giác, bậc có niệm.

449. Ví như con quạ lượn vòng vòng quanh hòn đá giống như miếng mỡ (nghĩ rằng): ‘Ở đây chúng ta cũng có thể kiếm được vật gì mềm mại, thậm chí là miếng ăn ngọt ngào?’

450. Không đạt được miếng ăn ngọt ngào ở nơi ấy, con quạ đã lìa bỏ nơi ấy. Tựa như con quạ với hòn đá, chúng ta đã đến với Gotama, đã chán nản và đã bỏ đi.’

451. Khi ấy, cây đàn vīṇā đã rơi xuống từ nách của kẻ bị sầu muộn tác động ấy. Sau đó, với tâm trí buồn bã, gã Dạ Xoa ấy đã biến mất ngay tại chỗ ấy.

 

Dứt Kinh Nỗ Lực.

 

3. KINH KHÉO NÓI

 

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. ―như trên― Đức Thế Tôn đã nói điều này:

“Này các tỳ khưu, hội đủ với bốn yếu tố lời nói là được khéo nói, không bị vụng nói, không có lỗi lầm, và không có sự chê trách của các bậc hiểu biết. Với bốn (yếu tố) nào?

Này các tỳ khưu, ở đây (trong Giáo Pháp này), vị tỳ khưu chỉ nói lời khéo nói, không bị vụng nói, chỉ nói lời chính đáng, không phải sái quấy, chỉ nói lời khả ái, không phải không khả ái, chỉ nói lời chân thật, không phải giả dối. Này các tỳ khưu, hội đủ với bốn yếu tố này lời nói là được khéo nói, không bị vụng nói, không có lỗi lầm, và không có sự chê trách của các bậc hiểu biết.”

Đức Thế Tôn đã nói điều này. Sau khi nói điều này, đấng Thiện Thệ, bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

452. Các bậc đức độ đã nói lời khéo nói là tối thượng.

Nên nói lời chính đáng, không phải sái quấy; điều ấy là thứ nhì,

nên nói lời khả ái, không phải không khả ái; điều ấy là thứ ba,

nên nói lời chân thật, không phải giả dối; điều ấy là thứ tư.

Khi ấy, đại đức Vaṅgīsa đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Bạch đức Thế Tôn, có điều này sáng tỏ cho con. Bạch đức Thế Tôn, có điều này sáng tỏ cho con.”

Đức Thế Tôn đã nói rằng: “Này Vaṅgīsa, hãy làm sáng tỏ điều ấy cho ngươi.”

Khi ấy, đại đức Vaṅgīsa đã trực diện ca ngợi đức Thế Tôn bằng những lời kệ thích hợp rằng:

453. Chỉ nên nói lời nói nào không làm bản thân nóng nảy, và không hãm hại những người khác; chính lời nói ấy là khéo nói.

454. Chỉ nên nói lời nói khả ái, là lời nói làm cho vui thích. Nên nói lời khả ái, là lời nói không mang lại những điều xấu xa cho những người khác.

455. Quả vậy, chân thật là lời nói bất tử. Điều này là quy luật muôn đời, Người ta đã nói rằng các bậc đức độ được thiết lập ở sự chân thật, ở mục đích, và ở sự chính trực.

456. Lời nói nào đức Phật nói về sự an toàn đưa đến sự chứng đạt Niết Bàn, đưa đến việc làm chấm dứt khổ đau, lời nói ấy quả là tối thượng trong số các lời nói.

 

Dứt Kinh Khéo Nói.

 

4. KINH SUNDARIKABHĀRADVĀJA

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại xứ sở Kosala, bên bờ sông Sundarikā. Vào lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja[7] cúng tế lửa, chăm sóc việc cúng tế lửa ở bờ sông Sundarikā. Lúc ấy, sau khi đã cúng tế lửa, sau khi đã chăm sóc việc cúng tế lửa, Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja đã từ chỗ ngồi đứng dậy nhìn ngắm bốn phương ở xung quanh (rồi nghĩ rằng): “Người nào có thể ăn phần còn lại của phẩm vật cúng tế này?”

Rồi Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja đã nhìn thấy đức Thế Tôn, có đầu được trùm lại, đang ngồi ở gốc cây nọ không xa lắm, sau khi nhìn thấy đã cầm lấy phần còn lại của phẩm vật cúng tế bằng tay trái, và cầm lấy bình nước bằng tay phải, rồi đã đi về phía đức Thế Tôn.

Khi ấy, do tiếng chân của Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja, đức Thế Tôn đã cởi (vải trùm) đầu ra. Khi ấy, Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja (nghĩ rằng): “Vị này trọc đầu! Vị này là kẻ đầu trọc!” ngay tại nơi ấy đã có ý định quay trở lại. Khi ấy, Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja đã khởi ý điều này:

“Ở đây, một số Bà-la-môn cũng trọc đầu vậy, hay là ta nên đi đến gần và hỏi về dòng dõi?” Rồi Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Ông thuộc dòng dõi nào?”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja bằng những lời kệ này:

457. “Ta không là Bà-la-môn, không là con của vua chúa,

Ta không là thương buôn hay bất cứ hạng người nào.

Sau khi biết toàn diện về dòng dõi của những kẻ phàm phu,

Ta không sở hữu gì, là bậc trí, Ta du hành ở thế gian.

 

458. Khoác tấm y hai lớp, không nhà, Ta du hành,

có tóc đã được cạo sạch, có bản thân đã được tịch tịnh,

không bị vướng bận ở đời này với loài người,

này Bà-la-môn, ông hỏi Ta câu hỏi về dòng dõi là không hợp lẽ.”

 

459. “Thưa ông, quả thật các Bà-la-môn có hỏi với các Bà-la-môn rằng: ‘Vậy ông có phải là Bà-la-môn?”

 

“Nếu ông xưng là Bà-la-môn và bảo Ta không phải là Bà-la-môn, vậy hãy để Ta hỏi ông về Kinh Sāvittī gồm ba câu và hai mươi bốn chữ.” 

 

460. “Mục đích gì mà số đông các ẩn sĩ, loài người, các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn đã chuẩn bị lễ hiến tế đến chư Thiên  ở nơi này, tại thế gian?”

“Vào thời điểm của lễ hiến tế, vật cúng tế của người nào (được dâng) đến vị đã đạt được mục đích cuối cùng, đến vị đã đạt được sự thông hiểu, Ta nói rằng vật cúng tế ấy có thể thành tựu kết quả cho người ấy.”

 

461. (Vị Bà-la-môn nói): “Đương nhiên vật cúng tế của tôi đây có thể đạt kết quả vì tôi đã nhìn thấy vị đạt được sự thông hiểu như thế ấy. Với việc không gặp được vị tương tự như ông thì người nào khác sẽ thọ hưởng phần bánh cúng tế.”

 

462. “Bởi thế, này Bà-la-môn, ở đây ông là người tầm cầu lợi ích, nên ông hãy đến gần và hãy hỏi. Biết đâu ở nơi đây ông có thể tìm được bậc an tịnh, không còn sân hận, không phiền muộn, không mong cầu, có trí tuệ cao cả.”

 

463. “Thưa ngài Gotama, tôi ưa thích các lễ hiến tế, có sự mong muốn cống hiến lễ hiến tế. Tôi không biết rõ, xin ngài hãy chỉ dạy tôi. Vật cống hiến ở nơi nào có thể đạt kết quả, xin ngài hãy nói cho tôi điều ấy.”

 

464.  “Này Bà-la-môn, như thế thì người hãy lắng tai nghe, Ta sẽ giảng giải Giáo Pháp cho ngươi.”

 

465. “Chớ hỏi về dòng giống, hãy hỏi về tánh hạnh. Thật vậy, ngọn lửa được sanh ra từ khúc củi gỗ. Bậc hiền trí, dầu có gia tộc hạ liệt, cũng vẫn có trí hiểu biết, là vị thuần chủng, có sự ngăn ngừa nhờ vào hổ thẹn (tội lỗi).

 

466. Được thuần thục với sự chân thật, đã đạt đến sự chế ngự các giác quan, là người đã đi đến tận cùng của hiểu biết, đã sống đời Phạm hạnh, vào đúng thời điểm nên dâng vật cúng hiến đến vị ấy, người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

 

467. Những vị nào đã từ bỏ các dục, sống không nhà, có bản thân đã khéo tự chế ngự, ngay thẳng tựa như con thoi, vào đúng thời điểm nên dâng vật cúng hiến đến các vị ấy, người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

 

468. Những vị nào đã xa lìa luyến ái, có các giác quan đã khéo được tập trung, đã được giải thoát tựa như mặt trăng đã thoát khỏi sự nắm giữ của thần Rāhu,[8] vào đúng thời điểm nên dâng vật cúng hiến đến các vị ấy, người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

 

469. Các vị du hành ở thế gian, không bám víu, luôn luôn có niệm, sau khi đã từ bỏ các vật đã được chấp là của tôi,[9] vào đúng thời điểm nên dâng vật cúng hiến đến các vị ấy, người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

 

470. Là vị du hành sau khi đã từ bỏ và chế ngự các dục,

là vị biết sự chấm dứt của sanh và tử,

đã được tịch tịnh tựa như hồ nước mát lạnh, 

đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.

 

471. Đồng đẳng với những vị đồng đẳng, cách xa những kẻ không đồng đẳng, đức Như Lai là vị có tuệ vô biên, không bị nhiễm ô ở đời này hoặc đời sau, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.

 

472. Ở vị nào không có sự xảo quyệt trú ngụ, không có ngã mạn,

là vị có tham đã được xa lìa, không sở hữu, không mong cầu,

có sự giận dữ đã được xua đi, có bản thân đã được tịch tịnh,

là vị Bà-la-môn đã từ bỏ vết nhơ của sầu muộn,

đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.

 

473. Là vị đã từ bỏ chỗ cư trú của ý,

là vị không có bất cứ các vật sở hữu nào,

trong khi không chấp thủ đời này hoặc đời sau,

đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.

 

474. Là vị đã được định tĩnh, đã vượt lên trên dòng lũ,

đã hiểu được pháp bằng sự nhận thức cùng tột,

có lậu hoặc đã được cạn kiệt, mang thân mạng cuối cùng,

đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.

475. Là vị có các hữu lậu và các lời nói thô lỗ đã được thiêu hủy, đã được tiêu hoại, không còn hiện hữu, vị ấy đã đạt được sự thông hiểu, đã được giải thoát về mọi phương diện,đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.

476. Là vị đã vượt qua các sự dính líu, không còn các sự dính líu, vị ấy không bị dính mắc ở ngã mạn giữa những kẻ bị dính mắc ở ngã mạn, vị đã biết toàn diện về khổ cùng với chốn hoạt động và nền tảng của nó, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.

477. Không trông cậy vào sự mong mỏi, là vị đã nhìn thấy sự tách biệt, đã vượt qua kiến thức có thể hiểu biểt được bởi những người khác, là vị không còn có bất cứ duyên cớ (tái sanh) nào nữa, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.

478. Là vị đã thấu suốt về các pháp từ nội phần đến ngoại phần đã được thiêu hủy, đã được tiêu hoại, không còn hiện hữu, là vị an tịnh, đã được giải thoát ở sự cạn kiệt của chấp thủ, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.

479. Là vị nhìn thấy sự cạn kiệt và chấm dứt của sự trói buộc và của sự sanh, là vị đã xua đuổi trọn vẹn đường đi của luyến ái, là vị trong sạch, hết lỗi lầm, lìa khỏi vết nhơ, không khuyết điểm, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.

480. Là vị không nhìn thấy tự ngã (ở năm uẩn) của bản thân, được định tĩnh, đã đi đến sự ngay thẳng, có bản thân vững chãi, vị ấy quả thật không có dục vọng, không bướng bỉnh, không nghi ngờ, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.

481. Là vị không còn có bất cứ những lý do si mê nào nữa,

có sự nhìn thấy bằng trí tuệ về tất cả các pháp,

đang mang thân mạng cuối cùng,

và đã đạt đến quả vị Toàn Giác là sự an toàn tối thượng;

trạng thái trong sạch của con người là đến mức này, 

đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.”

482. “Mong rằng vật hiến cúng của tôi hãy là vật hiến cúng thật sự, là việc tôi đã đạt được người có sự thông hiểu như là ngài, rõ ràng ngài chính là Phạm Thiên, xin đức Thế Tôn hãy thọ nhận cho tôi, xin đức Thế Tôn hãy thọ hưởng phần bánh cúng tế của tôi.”

483. “Vật nhận được sau khi ngâm nga kệ ngôn là không được thọ dụng bởi Ta. Này Bà-la-môn, điều ấy không phải là pháp của những bậc có nhận thức đúng đắn. Chư Phật khước từ vật nhận được sau khi ngâm nga kệ ngôn. Này Bà-la-môn, khi Giáo Pháp hiện hữu, điều ấy là cung cách thực hành.

484. Ngươi hãy dâng cúng với cơm ăn nước uống khác đến vị toàn hảo (đức hạnh), đến bậc đại ẩn sĩ có các lậu hoặc đã được cạn kiệt, có các trạng thái hối hận đã được lắng dịu, bởi vì đó chính là thửa ruộng của người mong mỏi phước báu.”

485. “Lành thay, thưa Thế Tôn! như vậy tôi có thể biết được vị nào có thể thọ dụng vật cúng dường của người như tôi, trong khi tôi đang tìm kiếm vị ấy vào thời điểm của lễ hiến tế, sau khi đã có được lời chỉ dạy của ngài.”

486. “Tánh nóng nảy của vị nào đã được xa lìa, tâm của vị nào không bị vẩn đục, vị nào đã được thoát ra khỏi các dục, sự dã dượi của vị nào đã được xua đi, ...

487. ... vị rèn luyện về giới hạn và kỹ cương, vị rành rẽ về sanh và tử, khi bậc hiền trí đầy đủ trí tuệ như thế ấy đi đến lễ hiến tế, ...

488. ... nên ngăn lại việc nhíu mày, nên chắp tay cúi chào, nên cúng dường với cơm nước, như vậy các việc cúng dường được thành tựu.”

489. “Đức Phật, bậc đức độ, xứng đáng phần bánh cúng tế,

Ngài là thửa ruộng phước tối thượng,

bậc đáng được hiến cúng của khắp cả thế gian,

vật đã được bố thí đến Ngài có quả báu lớn lao.”

Khi ấy, Bà-la-môn đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Bạch ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Bạch ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Bạch ngài Gotama, cũng giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tự như thế Pháp đã được ngài Gotama giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Tôi đây xin đi đến nương nhờ ngài Gotama, Giáo Pháp, và Hội Chúng tỳ khưu. Tôi có thể xuất gia trong sự hiện diện của ngài Gotama không? Tôi có thể tu lên bậc trên không?”

Rồi Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja đã đạt được —như trên— đã trở thành vị A-la-hán.

 

Dứt Kinh Sundarikabhāradvāja.

 

5. KINH MĀGHA

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở núi Gijjhakūṭa. Lúc bấy giờ, thanh niên Bà-la-môn Māgha đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, thanh niên Bà-la-môn Māgha đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Thưa ngài Gotama, chính tôi là người bố thí, người thí chủ, ân cần, hào phóng, tôi tầm cầu các của cải một cách chân chánh; sau khi tầm cầu các của cải một cách chân chánh, với các của cải đã nhận được một cách chân chánh, đã thành đạt một cách chân chánh, tôi cho đến một người, tôi cho đến hai người, tôi cho đến ba người, tôi cho đến bốn người, tôi cho đến năm người, tôi cho đến sáu người, tôi cho đến bảy người, tôi cho đến tám người, tôi cho đến chín người, tôi cho đến mười người, tôi cho đến hai chục người, tôi cho đến ba chục người, tôi cho đến bốn chục người, tôi cho đến năm chục người, tôi cho đến một trăm người, tôi cho dến nhiều người hơn nữa. Thưa vị Gotama, trong khi cho như vậy, trong khi cống hiến như vậy, phải chăng tôi tạo ra được nhiều phước báu?”

“Này thanh niên Bà-la-môn, đúng thế. Trong khi cho như vậy, trong khi cống hiến như vậy, ngươi tạo ra được nhiều phước báu. Và này thanh niên Bà-la-môn, người nào là người bố thí, người thí chủ, rộng rãi, hào phóng, tầm cầu các của cải một cách chân chánh; sau khi tầm cầu các của cải một cách chân chánh, với các của cải đã nhận được một cách chân chánh, đã thành đạt một cách chân chánh, (người ấy) cho đến một người, —như trên—cho đến một trăm người, cho dến nhiều người hơn nữa, người ấy tạo ra được nhiều phước báu.”

Khi ấy, thanh niên Bà-la-môn Māgha đã nói với đức Thế Tôn bằng lời kệ này:

490. (Lời thanh niên Bà-la-môn Māgha) “Tôi hỏi vị Gotama ân cần, mặc y màu ca-sa, không nhà, đang du hành rằng: Người thí chủ hào phóng, sống tại gia, có sự tầm cầu phước báu, cống hiến có sự mong mỏi phước báu, đang cho cơm nước đến những kẻ khác ở đây, như thế nào để vật cúng tế của người đang cống hiến có thể được trong sạch (có thể thành đạt phước báu)?”

491. (Lời đức Thế Tôn: “Này Māgha,) người thí chủ hào phóng, sống tại gia, có sự tầm cầu phước báu, cống hiến có sự mong mỏi phước báu, đang cho cơm nước đến những những kẻ khác ở đây, người như thế ấy có thể thành đạt (phước báu) nhờ vào những bậc xứng đáng được cúng dường.”

492. (Lời thanh niên Bà-la-môn Māgha) “Người thí chủ hào phóng, sống tại gia, có sự tầm cầu phước báu, cống hiến có sự mong mỏi phước báu, đang cho cơm nước đến những những kẻ khác ở đây, xin đức Thế Tôn hãy giải thích cho tôi về những bậc xứng đáng được cúng dường.”

493. “Quả vậy, những vị nào không bị dính mắc, du hành ở thế gian, không sở hữu gì, toàn hảo (đức hạnh), có bản thân đã được chế ngự, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

494. Những vị nào đã cắt đứt tất cả các sự trói buộc, đã được huấn luyện, đã được giải thoát, không phiền muộn, không mong cầu, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

 495. Những vị nào đã được thoát ra khỏi tất cả các sự trói buộc, đã được huấn luyện, đã được giải thoát, không phiền muộn, không mong cầu, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

496. (Những vị nào) sau khi từ bỏ tham ái sân hận và si mê, có lậu hoặc đã được cạn kiệt, đã sống đời Phạm hạnh, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

 497. Ở những vị nào không có sự xảo quyệt trú ngụ, không có ngã mạn, là những vị có tham đã được xa lìa, không ích kỷ, không mong cầu, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

 498. Thật vậy, những vị nào không bị sa đọa ở các tham ái, sau khi đã vượt qua dòng lũ, sống không ích kỷ, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

499. Những vị nào không có tham ái về bất cứ điều gì ở thế gian, ở hữu hoặc phi hữu, ở đời này hoặc đời sau, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

500. Những vị nào, sau khi từ bỏ các dục, không nhà, đang du hành, có bản thân đã khéo tự chế ngự, ngay thẳng tựa như con thoi, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

501. Những vị nào đã xa lìa luyến ái, có các giác quan đã khéo được định tĩnh, đã được giải thoát tựa như mặt trăng đã thoát khỏi sự nắm giữ của thần Rāhu, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

502. Những vị đã được yên lặng, đã xa lìa luyến ái, không còn giận dữ, là những vị không có cảnh giới tái sanh sau khi lìa bỏ nơi này, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

503. (Những vị nào) sau khi đã từ bỏ hoàn toàn sanh và tử, đã vượt lên trên tất cả hoài nghi, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

504. Những vị nào du hành ở thế gian, có (đức hạnh là) hòn đảo (nương nhờ) của bản thân, không sở hữu gì, đã được giải thoát về mọi phương diện, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

505. Những vị nào ở đây biết được điều này đúng theo bản thể: ‘Đây là lần cuối cùng, không còn tái sanh lại nữa,’ vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.

506. Vị nào là bậc đã đạt được sự thông hiểu, ưa thích việc tham thiền, có niệm, đã đạt đến quả vị Toàn Giác, nơi nương nhờ của nhiều người, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.”

507. (Lời thanh niên Bà-la-môn Māgha) “Thật vậy, câu hỏi của tôi đã không vô ích, đức Thế Tôn giải thích cho tôi về những bậc xứng đáng được cúng dường, bởi vì ở đây ngài biết điều này đúng theo bản thể, ngài biết pháp ấy đúng như thế.

508. Người nào là thí chủ hào phóng, sống tại gia, có sự tầm cầu phước báu, cống hiến có sự mong mỏi phước báu, đang cho cơm nước đến những những kẻ khác ở đây, xin đức Thế Tôn hãy giải thích cho tôi về sự thành tựu của lễ hiến tế.”

509. Đức Thế Tôn: “Này Māgha, hãy hiến dâng; trong lúc hiến dâng hãy khiến cho tâm được tịnh tín về mọi phương diện. Đối tượng của người đang hiến dâng là lễ hiến tế, do sự đứng vững ở tại nơi này người (ấy) từ bỏ sân hận.

510. Người ấy có luyến ái đã được xa lìa, có thể loại trừ sân hận. Trong khi phát triển tâm từ ái vô lượng, đêm và ngày, thường xuyên, không xao lãng, (người ấy) nên lan tỏa (tâm từ ái) không hạn lượng khắp tất cả các phương.”

511. “Ai trở nên trong sạch, ai được giải thoát, và ai bị trói buộc?

Tự mình đi đến thế giới Phạm Thiên bằng cách nào?

Thưa bậc hiền trí, được hỏi xin ngài hãy nói cho tôi, là kẻ không biết.

Bởi vì đức Thế Tôn được tôi thấy rõ ràng hôm nay là đấng Phạm Thiên,

bởi vì ngài ngang bằng dấng Phạm Thiên của chúng tôi’ là sự thật.

Thưa bậc sáng chói, làm thế nào để được sanh về thế giới Phạm Thiên?”

512. (Lời đức Thế Tôn: “Này Māgha,) người nào cống hiến có sự thành tựu phước báu với ba yếu tố (ở vào ba thời điểm), người như thế ấy có thể thành đạt (phước báu) nhờ vào những bậc xứng đáng được cúng dường. Ta nói rằng: ‘Sau khi cống hiến một cách đúng đắn như vậy, người hào phóng được sanh về thế giới Phạm Thiên.’”

Khi được nói như vậy, thanh niên Bà-la-môn đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Bạch ngài Gotama, thật là tuyệt vời!—như trên— đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.”

 

Dứt Kinh Māgha.

 

6. KINH SABHIYA

 

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, có vị Thiên nhân, trước đây là thân nhân cùng huyết thống của du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã nêu lên những câu hỏi rằng: “Này Sabhiya, vị Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào (có thể) trả lời khi được ngươi hỏi những câu hỏi này, thỉ ngươi nên thực hành Phạm hạnh ở nơi vị ấy.”

Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã học những câu hỏi ấy ở nơi vị Thiên nhân ấy, rồi đã đi đến gặp những Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào là những vị có hội chúng, có đồ chúng, là giáo thọ sư của tập thể, được biết tiếng, có danh vọng, là các giáo chủ, được nhiều người đánh giá cao, như là Pūraṇa Kassapa, Makkhalī Gosāla, Ajita Kesakambala, Pakudha Kaccāyana, Sañjaya Bellaṭṭhiputta, Nigaṇṭha Nātaputta, sau khi đến đã hỏi các vị ấy những câu hỏi. Các vị ấy, khi được du sĩ ngoại đạo Sabhiya hỏi những câu hỏi, thì không thể trả lời. Trong khi không thể trả lời, các vị ấy trở nên giận dữ, sân hận, tỏ vẻ sự bực bội, và thậm chí còn hỏi ngược lại chính du sĩ ngoại đạo Sabhiya nữa.

Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã khởi ý điều này: “Những Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào là những vị có hội chúng, có đồ chúng, là giáo thọ sư của tập thể, được biết tiếng, có danh vọng, là các giáo chủ, được nhiều người đánh giá cao, như là Pūraṇa Kassapa, —như trên— Nigaṇṭha Nātaputta, các vị ấy khi được ta hỏi những câu hỏi, thì không thể trả lời. Trong khi không thể trả lời, các vị ấy trở nên giận dữ, sân hận, tỏ vẻ sự bực bội, thậm chí ở đây còn hỏi ngược lại chính ta nữa; có lẽ ta nên quay trở lại đời sống thấp kém và thọ hưởng các dục?”

Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã khởi ý điều này: “Sa-môn Gotama này cũng là vị có hội chúng, có đồ chúng, là giáo thọ sư của tập thể, được biết tiếng, có danh vọng, là giáo chủ, được nhiều người đánh giá cao, có lẽ ta nên đi đến gặp Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này?”

Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã khởi ý điều này: “Thậm chí các ngài Sa-môn và Bà-la-môn già cả, lão niên, lớn tuổi, đã sống thọ, đã đạt đến đoạn cuối cuộc đời, là các vị trưởng lão, thâm niên, xuất gia đã lâu, có hội chúng, có đồ chúng, là giáo thọ sư của tập thể, được biết tiếng, có danh vọng, là các giáo chủ, được nhiều người đánh giá cao, như là Pūraṇa Kassapa, —như trên— Nigaṇṭha Nātaputta. Ngay cả các ngài ấy, khi được ta hỏi những câu hỏi, còn không thể trả lời. Trong khi không thể trả lời, các ngài ấy trở nên giận dữ, sân hận, tỏ vẻ sự bực bội, thậm chí ở đây còn hỏi ngược lại chính ta nữa. Vậy thì Sa-môn Gotama, khi được ta hỏi những câu hỏi này, sẽ có trả lời chăng? Bởi vì Sa-môn Gotama còn trẻ về tuổi tác và còn mới mẻ trong việc xuất gia.” 

Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã khởi ý điều này: “Quả [không nên khi dễ,[ không nên xem thường vị Sa-môn còn trẻ; mặc dầu còn trẻ, nhưng Sa-môn Gotama ấy có đại thần lực, có đại oai lực; có lẽ ta nên đi đến gặp Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này?”

Sau đó, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã ra đi du hành về phía thành Rājagaha, trong khi tuần tự du hành đã đi đến thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc, và đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã nói với đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng:

513. (Sabhiya nói) “Có sự phân vân, có sự hoài nghi, tôi đã đi đến, trong khi mong muốn hỏi những câu hỏi, xin ngài hãy là người giải quyết dứt điểm chúng. Được tôi hỏi những câu hỏi, xin ngài hãy tuần tự trả lời tôi thuận theo pháp.”

514. (Đức Thế Tôn nói) “Này Sabhiya, ngươi đã từ xa đi đến, trong khi mong muốn hỏi những câu hỏi, Ta là người giải quyết dứt điểm chúng. Được hỏi, Ta (sẽ) tuần tự trả lời ngươi thuận theo pháp.

515. Này Sabhiya ngươi hãy hỏi Ta bất cứ câu hỏi nào mà ngươi muốn ở trong tâm, Ta (sẽ) giải quyết dứt điểm từng câu hỏi một cho ngươi.”

Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ diệu! Thật là phi thường! Quả thật là việc mà ta đã không đạt được mảy may cơ hội ở các Sa-môn và Bà-la-môn khác, cơ hội ấy đã được tạo ra cho ta bởi Sa-môn Gotama.” Được hoan hỷ, vui mừng, phấn khởi, sanh tâm phỉ lạc, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã hỏi đức Thế Tôn câu hỏi rằng:

516. (Sabhiya nói) “Đã đạt được điều gì khiến người ta gọi là ‘tỳ khưu’? Do (thành tựu) cái gì (gọi là) ‘khéo an tịnh’? Và như thế nào được gọi là ‘đã được huấn luyện’? Như thế nào được gọi là ‘đức Phật’? Thưa đức Thế Tôn, được tôi hỏi, xin ngài hãy trả lời.”

517. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya,) vị đã tự mình thực hành theo đường lối, đã đi đến sự tịch diệt hoàn toàn (ô nhiễm), đã vượt qua sự hoài nghi, đã lìa bỏ (hai thái cực) phi hữu và hữu, đã được hoàn mãn, có sự tái sanh đã được cạn kiệt, vị ấy là ‘tỳ khưu.’

518. Vị hành xả trong mọi trường hợp, có niệm, vị ấy không hãm hại bất cứ ai ở toàn thể thế gian, vị đã vượt qua, được tịnh lặng, không bị vẩn đục, vị nào không có các (thái độ) kiêu ngạo, vị ấy là ‘khéo an tịnh.’

519. Vị nào có các giác quan đã được tu tập, ở nội phần và ở ngoại phần, ở toàn thể thế gian, sau khi thấu triệt đời này và đời sau, vị đã được tu tập chờ đợi thời điểm, vị ấy là ‘đã được huấn luyện.’

520. Vị đã hiểu rõ toàn bộ các kiếp sống, về sự luân hồi ở cả hai trường hợp chết và tái sanh, vị có ô nhiễm đã được xa lìa, không còn vết nhơ, hoàn toàn trong sạch, vị đã đạt đến sự diệt trừ tái sanh, người ta gọi vị ấy là ‘đức Phật.’

Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã thích thú, đã tùy hỷ với lời giảng giải của đức Thế Tôn. Được hoan hỷ, vui mừng, phấn khởi, sanh tâm phỉ lạc, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã hỏi đức Thế Tôn thêm câu hỏi nữa rằng:

521. (Sabhiya nói) “Đã đạt được điều gì khiến người ta gọi là ‘Bà-la-môn’? Do (thành tựu) cái gì (gọi là) ‘Sa-môn’? Và như thế nào được gọi là ‘người gột rửa (tội)’? Như thế nào được gọi là ‘bậc Long Tượng’? Thưa đức Thế Tôn, được tôi hỏi, xin ngài hãy trả lời.”

522. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya,) sau khi loại trừ tất cả các điều ác, là người không còn bợn nhơ, tốt lành, định tỉnh, có bản thân vững chãi, vị ấy đã vượt qua luân hồi, có sự thành tựu, không bị lệ thuộc, tự tại, được gọi là Bà-la-môn.”

523. Vị đã được yên lặng, sau khi từ bỏ thiện và ác, lìa khỏi ô nhiễm, sau khi biết được đời này và đời sau, đã vượt lên trên sanh và tử, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘Sa-môn.’

524. Sau khi đã gột rửa sạch tất cả các điều ác, nội phần và ngoại phần, ở toàn thể thế gian; giữa chư Thiên và nhân loại chịu sự phân hạng, vị không đi đến sự phân hạng, người ta gọi vị ấy là ‘người gột rửa (tội).’

525. Vị không làm bất cứ điều ác xấu nào ở thế gian, sau khi tháo gở tất cả các sự ràng buộc (và) các sự trói buộc, không bám víu vào bất cứ nơi đâu, đã được giải thoát, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc Long Tượng.’”

Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya —như trên— đã hỏi đức Thế Tôn thêm câu hỏi nữa rằng:

526. (Sabhiya nói) “Người nào chư Phật nói là ‘bậc chiến thắng đồng ruộng’? Do (thành tựu) cái gì (gọi là) ‘bậc thiện xảo’? Và như thế nào được gọi là ‘bậc sáng suốt? Như thế nào được gọi là ‘bậc hiền trí’? Thưa đức Thế Tôn, được tôi hỏi, xin ngài hãy trả lời.”

527. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya,) Vị đã hiểu rõ toàn diện về các đồng ruộng (mười hai xứ) thuộc cõi trời, thuộc loài người, và đồng ruộng thuộc Phạm Thiên, được thoát khỏi sự trói buộc căn bản của tất cả các đồng ruộng, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc chiến thắng đồng ruộng.’

528. Vị đã hiểu rõ toàn diện về các kho chứa (nghiệp) thuộc cõi trời, thuộc loài người, và kho chứa thuộc Phạm Thiên, được thoát khỏi sự trói buộc căn bản của tất cả các kho chứa, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc thiện xảo.’

529. Vị đã hiểu rõ các xứ về cả hai lãnh vực, nội phần và ngoại phần, vị có sự trong sạch và trí tuệ, đã vượt lên trên đen và trắng, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc sáng suốt.’

530. Vị đã biết được bản chất của những kẻ xấu và của những người tốt, nội phần và ngoại phần, ở tất cả thế gian, vị được tôn vinh bởi chư Thiên và nhân loại, vị đã vượt qua sự quyến luyến và mạng lưới, vị ấy là ‘bậc hiền trí.’”

Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya —như trên— đã hỏi đức Thế Tôn thêm câu hỏi nữa rằng:

531. (Sabhiya nói) “Đã đạt được điều gì khiến người ta gọi là ‘bậc đã đạt được sự thông hiểu’? Do (thành tựu) cái gì (gọi là) ‘bậc đã nhận biết được’? Và như thế nào được gọi là ‘bậc có sự tinh tấn’? Như thế nào được có tên là ‘bậc thuần chủng’? Thưa đức Thế Tôn, được tôi hỏi, xin ngài hãy trả lời.”

532. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya,) Vị đã hiểu rõ toàn diện về kiến thức các loại thuộc về các Sa- môn, thuộc về các Bà-la- môn, vị đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các cảm thọ, vị đã vượt qua mọi kiến thức, vị ấy là ‘bậc đã đạt được sự thông hiểu.’

533. Vị đã nhận biết được các pháp chướng ngại, danh và sắc nội phần và ngoại phần, nền tảng của các tật bệnh, vị đã được thoát khỏi sự trói buộc căn bản của tất cả các tật bệnh, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc đã nhận biết được.’

534. Vị đã lánh xa tất cả các việc ác xấu ở đời này, đã vượt qua sự khổ đau ở địa ngục, có tinh tấn là nơi cư ngụ, vị ấy, có sự nỗ lực, sáng suốt, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc có sự tinh tấn.’

535. Đối với vị nào, các sự trói buộc có thể đã được cắt lìa, nội phần và ngoại phần, gốc rễ của sự quyến luyến, vị đã được thoát khỏi sự trói buộc căn bản của tất cả các sự quyến luyến, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc thuần chủng.’”

Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya —như trên— đã hỏi đức Thế Tôn thêm câu hỏi nữa rằng:

536. (Sabhiya nói) “Đã đạt được điều gì khiến người ta gọi là ‘bậc thiện tri thức’? Do (thành tựu) cái gì (gọi là) ‘bậc Thánh’? Và như thế nào được gọi là ‘có tánh hạnh’? Như thế nào được có tên là ‘bậc du sĩ’? Thưa đức Thế Tôn, được tôi hỏi, xin ngài hãy trả lời.”

537. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya,) vị đã lắng nghe và biết rõ mọi pháp ở thế gian, bất cứ điều gì có tội hay không có tội, vị đã chế ngự, không còn hoài nghi, đã được giải thoát, không phiền muộn về mọi phương diện, người ta đã gọi là ‘bậc thiện tri thức.’

538. Vị đã cắt đứt các lậu hoặc, (và) các pháp tiềm ẩn,[10] sau khi đã hiểu biết, vị ấy không đi đến việc trú ở thai bào, sau khi đã xua đi ba loại tưởng, (và) bãi lầy (ngũ dục), vị không đi đến sự phân hạng, người ta gọi vị ấy là ‘bậc Thánh.’

539. Vị nào đã đạt được mục đích về các tánh hạnh ở trong Giáo Pháp này, vị thiện xảo vào mọi lúc, đã hiểu biết Giáo Pháp, không bám víu vào bất cứ nơi đâu, đã được giải thoát, vị nào không có các sự bất bình, vị ấy là ‘có tánh hạnh.’

540. Sau khi đã lánh xa bất kỳ nghiệp nào có quả báu khổ đau, ở bên trên và bên dưới, luôn cả bên ngang và khoảng giữa, có sự du hành với trí tuệ, vị đã làm chấm dứt sự xảo quyệt, ngã mạn, luôn cả tham lam và giận dữ, danh và sắc, người ta đã gọi vị ấy là ‘bậc du sĩ” đã đạt được mục đích.”

Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã thích thú, đã tùy hỷ với lời nói của đức Thế Tôn. Được hoan hỷ, vui mừng, phấn khởi, sanh tâm phỉ lạc, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã ca ngợi trực tiếp đến đức Thế Tôn bằng những lời kệ thích đáng rằng:

541. “Thưa bậc có tuệ bao la, bậc đã đi đến nơi tận cùng của các dòng lũ, sau khi đã xua tan ba và sáu mươi tà thuyết[11] được dựa vào giáo điều của các Sa-môn (ngoại đạo), được nương tựa vào tưởng và sự suy diễn của tưởng.

542. Ngài là bậc đã đi đến tận cùng, bậc đã đi đến bờ kia của khổ đau. Ngài là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, con nghĩ rằng Ngài có lậu hoặc đã được cạn kiệt. Ngài sáng láng, sâu sắc, có trí tuệ dồi dào. Thưa bậc đã làm chấm dứt khổ đau, ngài đã đưa con vượt qua (hoài nghi). 

543. Khi ngài đã biết con có điều nghi ngờ, ngài đã đưa con vượt qua sự hoài nghi, xin kính lễ ngài. Thưa bậc hiền trí, vị đã đạt được mục đích ở đạo lộ trí tuệ, bậc không cứng nhắc, vị thân quyến của mặt trời, ngài là khéo an tịnh.

544. Thưa bậc hữu nhãn, nghi ngờ nào của con đã có trước đây, ngài đều giải thích điều ấy cho con. Ngài quả thật là bậc hiền trí đã được hoàn toàn giác ngộ, không có sự che lấp nào đối với ngài.

545. Và mọi sự sầu muộn của ngài đều đã được tan vỡ, đã được làm cho tiêu hoại. Ngài có trạng thái mát lạnh, đã đạt đến sự thu thúc, có sự kiên quyết, có thế mạnh là sự chân thật.

546. Trong khi ngài đây, bậc long tượng của các loài long tượng, bậc đại anh hùng đang nói, tất cả chư Thiên, luôn cả hai nhóm Nārada và Pabbata, đều tùy hỷ.

547. Thưa bậc siêu nhân, xin kính lễ ngài. Thưa bậc tối thượng nhân, xin kính lễ ngài. Ở thế gian luôn cả chư Thiên, không có kẻ nào sánh bằng ngài.

548. Ngài là đức Phật, ngài là bậc đạo sư, ngài là bậc hiền trí, đấng chế ngự Ma Vương. Sau khi cắt đứt các pháp tiềm ẩn và đã vượt qua, ngài đưa dòng dõi này vượt qua.

549. Các mầm tái sanh đã được ngài vượt qua, các lậu hoặc đã được ngài phá tan. Ngài là loài sư tử, không còn chấp thủ, đã dứt bỏ nỗi sợ hãi và khiếp đảm.

550. Giống như đóa sen trắng xinh đẹp không bị vấy bẩn ở nước, tương tự như thế, ngài không bị vướng bận ở thiện và ác, cả hai loại. Thưa đấng anh hùng, xin ngài hãy duỗi ra hai bàn chân, Sabhiya xin đảnh lễ hai bản chân của đấng đạo sư.”

Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã cúi xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói điều này:

“Bạch ngài Gotama, thật là tuyệt vời! —như trên— Giáo Pháp, và Hội Chúng tỳ khưu. Con có thể xuất gia trong sự hiện diện của ngài Gotama không? Con có thể tu lên bậc trên không?”

“Này Sabhiya, người nào, trước đây theo ngoại đạo, mong mỏi sự xuất gia trong Pháp và Luật này, mong mỏi việc tu lên bậc trên, người ấy (phải) sống thử thách bốn tháng. Sau bốn tháng, có tâm được hài lòng, các vị tỳ khưu (sẽ) cho xuất gia, (sẽ) cho tu lên bậc trên để trở thành tỳ khưu; tuy nhiên ở đây Ta biết được tính chất khác biệt của mỗi cá nhân.”

“Thưa ngài, nếu người trước đây theo ngoại đạo mong mỏi sự xuất gia trong Pháp và Luật này, mong mỏi việc tu lên bậc trên, (phải) sống thử thách bốn tháng. Sau bốn tháng, có tâm được hài lòng, các vị tỳ khưu (sẽ) cho xuất gia, (sẽ) cho tu lên bậc trên để trở thành tỳ khưu, thì con sẽ sống thử thách bốn năm. Sau bốn năm, có tâm được hài lòng, các vị tỳ khưu hãy cho xuất gia, hãy cho tu lên bậc trên để trở thành tỳ khưu.”

Quả vậy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã đạt được sự xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn, đã đạt được sự tu lên bậc trên. —như trên— Và thêm một vị nữa là đại đức Sabhiya đã trở thành vị A-la-hán.

 

Dứt Kinh Sabhiya.

 

7. KINH SELA

 

Tôi đã nghe như vầy:[12] Một thời, đức Thế Tôn trong khi đi du hành ở xứ sở Aṅguttarāpa cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu, đã ngự đến phố chợ của xứ sở Aṅguttarāpa có tên là Āpaṇa.

Đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nghe rằng: “Chắn chắn là ngài Sa-môn Gotama, con trai dòng Sakya, từ dòng dõi Sakya đã xuất gia, trong khi đi du hành ở xứ sở Aṅguttarāpa cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu, đã ngự đến Āpaṇa. Hơn nữa, về ngài Gotama ấy có tiếng đồn tốt đẹp đã được lan rộng ra như vầy: ‘Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Tối Thượng, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’ Với thắng trí của mình, vị ấy chứng ngộ và công bố về thế gian này tính luôn cõi chư Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư Thiên và loài người. Vị ấy thuyết giảng Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Tốt thay cho việc diện kiến các vị A-la-hán như thế ấy.”

Sau đó, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống ở một bên. Khi đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã ngồi xuống ở một bên, Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đạo sĩ bện tóc Keṇiya bằng bài Pháp thoại.

Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.”

Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với đạo sĩ bện tóc Keṇiya điều này: “Này Keṇiya, hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu, và ngươi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị Bà-la-môn.”

Đến lần thứ nhì, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Thưa ngài Gotama, dầu cho hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và (dầu cho) tôi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị Bà-la-môn, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.”

Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với đạo sĩ bện tóc Keṇiya điều này: “Này Keṇiya, hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu, và ngươi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị Bà-la-môn.”

Đến lần thứ ba, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Thưa ngài Gotama, dầu cho hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và (dầu cho) tôi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị Bà-la-môn, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.”

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng.

Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Keṇiya hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy và đi về nơi cư ngụ của mình, sau khi về đến đã bảo các bạn bè thân hữu và thân quyến cùng huyết thống rằng:

“Xin quý vị bạn bè thân hữu và thân quyến cùng huyết thống hãy lắng nghe tôi, Sa-môn Gotama đã được tôi thỉnh mời bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu, vì thế mong các vị có thể làm giúp công việc phục dịch.”

“Thưa ngài, xin vâng,” các bạn bè thân hữu và thân quyến cùng huyết thống của đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nghe theo đạo sĩ bện tóc Keṇiya, một số đào bếp lữa, một số chẻ củi, một số rửa bát đĩa, một số xếp đặt lu nước, một số bố trí các chỗ ngồi, còn đạo sĩ bện tóc Keṇiya tự mình thiết lập lều trại có mái che.

Vào lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sela cư trú ở Āpaṇa, là vị tinh thông về ba tập Vệ Đà, về các từ vựng và nghi thức, luôn cả về âm từ với sự phân tích, về truyền thống là thứ năm, là nhà ngữ học, nhà văn phạm, tinh thông về thế gian luận và các tướng của bậc đại nhân, đang chỉ dạy các chú thuật cho ba trăm thanh niên Bà-la-môn.

Vào lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sela đặt nhiều niềm tin vào đạo sĩ bện tóc Keṇiya. Khi ấy, Bà-la-môn Sela được tháp tùng bởi ba trăm thanh niên Bà-la-môn, trong lúc đi kinh hành, trong lúc đi tản bộ cho việc thư giãn chân cẳng, đã đi đến nơi cư ngụ của đạo sĩ bện tóc Keṇiya. Bà-la-môn Sela đã nhìn thấy ở nơi đạo sĩ bện tóc Keṇiya một số người đang đào bếp lữa, —như trên— một số bố trí các chỗ ngồi, còn đạo sĩ bện tóc Keṇiya đang tự mình thiết lập lều trại có mái che, sau khi nhìn thấy đã nói với đạo sĩ bện tóc Keṇiya điều này:

“Không lẽ ông Keṇiya sẽ có đám rước dâu, hay là sẽ có đám đưa dâu, hay là sắp xếp cho buổi đại lễ hiến tế, hay là đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha được mời thỉnh vào ngày mai cùng với đội quân binh?”

“Này Sela, không phải tôi sẽ có đám rước dâu, cũng sẽ không có đám đưa dâu, cũng không phải đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha được mời thỉnh vào ngày mai cùng với đội quân binh, nhưng mà tôi có cuộc đại lễ hiến tế đã được sắp xếp. Sa-môn Gotama, con trai dòng Sakya, từ dòng dõi Sakya đã xuất gia, trong khi đi du hành ở xứ sở Aṅguttarāpa cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu, đã ngự đến Āpaṇa. Hơn nữa, về ngài Gotama ấy —như trên— Phật, Thế Tôn.’ Vị ấy đã được tôi thỉnh mời vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.”

“Này ông Keṇiya, có phải ông nói: ‘Đức Phật’?” “Ồ ông Sela, tôi nói là: ‘Đức Phật.’” “Này ông Keṇiya, có phải ông nói: ‘Đức Phật’?” “Ồ ông Sela, tôi nói là: ‘Đức Phật.’”

Khi ấy, Bà-la-môn Sela đã khởi ý điều này: “Cái âm này thật khó được nghe ở thế gian, đó là từ: ‘Đức Phật.’ Hơn nữa, ba mươi hai tướng của bậc đại nhân đã được lưu truyền ở các kinh thơ của chúng ta, bậc đại nhân có được các tướng này chỉ có hai con đường, không có con đường khác: Nếu ở tại gia thì trở thành vua Chuyển Luân, bậc công chính, vị vua công minh, bậc chinh phục bốn phương, đạt được sự bền vững của xứ sở, có được bảy báu vật.

Bảy báu vật này là thuộc về vị ấy, gồm có: bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc ma-ni báu, nữ nhân báu, gia chủ báu, và tướng quân báu là thứ bảy. Hơn nữa, vị này có hơn một ngàn con trai là những dũng sĩ, có vóc dáng anh hùng, có khả năng tiêu diệt quân đội của kẻ thù. Vị ấy chinh phục và ngự trị trái đất được biển bao quanh này một cách công minh, không gậy gộc, không gươm đao. Nhưng nếu rời nhà xuất gia sống không nhà thì trở thành bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác, khơi mở sự che lấp ở thế gian.”

“Này ông Keṇiya, vậy bây giờ ngài Gotama, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác ấy trú ở đâu?

Khi được nói như vậy, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã vươn cánh tay mặt và đã nói với Bà-la-môn Sela điều này: “Này ông Sela, ở dải rừng xanh biếc kia.”

Sau đó, Bà-la-môn Sela cùng với ba trăm thanh niên Bà-la-môn đã đi đến gặp đức Thế Tôn. Khi ấy, Bà-la-môn Sela đã bảo các thanh niên Bà-la-môn ấy rằng: “Này quý vị, hãy đi đến ít có tiếng động trong khi đặt bàn chân xuống từng bước một, bởi vì các đức Thế Tôn ấy là khó tiếp cận, tựa như loài sư tử sống một mình. Và này quý vị, khi ta chuyện trò với Sa-môn Gotama, quý vị chớ làm gián đoạn cuộc nói chuyện ở khoảng giữa, quý vị hãy chờ đợi đến khi ta dứt lời.”

Sau đó, Bà-la-môn Sela đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống ở một bên.

Khi đã ngồi xuống ở một bên, Bà-la-môn Sela đã tìm xem ba mươi hai tướng của bậc đại nhân ở thân thể của đức Thế Tôn. Bà-la-môn Sela quả đã nhìn thấy hầu hết ba mươi hai tướng của bậc đại nhân ở thân thể của đức Thế Tôn ngoại trừ hai tướng, nên phân vân, hoài nghi, chưa xác quyết, chưa hài lòng về hai tướng của bậc đại nhân là nam căn được bọc lại và lưỡi lớn. [13]

Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Bà-la-môn Sela này nhìn thấy hầu hết ba mươi hai tướng của bậc đại nhân ở thân thể của Ta ngoại trừ hai tướng, nên phân vân, hoài nghi, chưa xác quyết, chưa hài lòng về hai tướng của bậc đại nhân là nam căn được bọc lại và lưỡi lớn.”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã thể hiện thần thông khiến cho Bà-la-môn Sela đã nhìn thấy nam căn được bọc lại của đức Thế Tôn. Sau đó, đức Thế Tôn đã nhe lưỡi ra rồi đã liếm xuôi liếm ngược cả hai lỗ tai, đã liếm xuôi liếm ngược cả hai lỗ mũi, rồi đã dùng lưỡi che kín toàn bộ vầng trán.

Khi ấy, Bà-la-môn Sela đã khởi ý điều này: “Sa-môn Gotama quả đã có đầy đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân, không phải không đầy đủ, nhưng ta không biết vị ấy có phải là đức Phật hay không phải. Vả lại, điều này đã được ta nghe từ các vị Bà-la-môn lão niên, lớn tuổi, là các bậc thầy tổ, nói rằng: ‘Các vị nào là bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác, các vị ấy phô bày bản thân trong khi ân đức của mình đang được nói lên. Hay là ta nên trực diện ca ngợi Sa-môn Gotama bằng những lời kệ thích đáng? Khi ấy, Bà-la-môn Sela đã trực diện ca ngợi đức Thế Tôn bằng những lời kệ thích đáng rằng:

551. “‘Bạch Thế Tôn, ngài có thân hình vẹn toàn, có ánh sáng rực rỡ, đã được thiện sanh, có vẻ đáng mến, có màu da như vàng, có răng trắng tinh, có sự tinh tấn.[14]

552. Bởi vì những đặc điểm nào hiện hữu ở người đã được thiện sanh, tất cả các đặc điểm ấy, những tướng trạng của bậc đại nhân, đều có ở thân thể của Ngài.

553. Ngài có cặp mắt trong sáng, khuôn mặt đầy đặn, cao to, đứng ngay thẳng, oai vệ; ở giữa hội chúng Sa-môn, Ngài chói sáng tựa như mặt trời.

554. Là vị tỳ khưu có vóc dáng đẹp đẽ, có làn da giống như vàng, có màu da tối thượng như vậy, Ngài cần gì với bản thể Sa-môn?

555. Ngài xứng đáng để trở thành vị vua, đấng Chuyển Luân, người xa phu xuất sắc, bậc có sự chiến thắng khắp bốn phương, chúa tể của Jambusaṇḍa.

556. Các vị Sát-đế-lỵ, các tộc trưởng và các vị vua đều phục tùng ngài; ngài là vị vua đứng đầu các vị vua, là chúa của loài người. Thưa ngài Gotama, xin ngài hãy cai trị vương quốc.”

557. (Đức Thế Tôn nói) “Này Sela, Ta là đức vua, đấng Pháp vương vô thượng. Ta chuyển vận bánh xe theo Giáo Pháp, là bánh xe không thể bị chuyển vận ngược lại.”

558. (Bà-la-môn Sela nói) “Ngài tự nhận là bậc Toàn Giác, đấng Pháp vương vô thượng. Thưa ngài Gotama, Ngài nói rằng: ‘Ngài chuyển vận bánh xe theo Giáo Pháp.’

559. Vậy vị nào là tướng quân của ngài, là đệ tử tiếp nối bậc đạo sư? Vị nào tiếp tục vận chuyển cho Ngài bánh xe Pháp đã được chuyển vận này?”

560. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sela,) bánh xe đã được Ta chuyển vận là bánh xe Pháp vô thượng. Sāriputta kế thừa đức Như Lai tiếp tục chuyển vận.

561. Điều cần biết rõ đã được biết rõ, việc cần tu tập đã được tu tập, cái cần dứt bỏ đã được dứt bỏ bởi  Ta; này Bà-la-môn, vì thế Ta là đức Phật.

562. Này Bà-la-môn, ngươi hãy dẹp bỏ sự hoài nghi về Ta, ngươi hãy xác quyết; việc gặp gỡ các bậc Toàn Giác thường xuyên là điều khó đạt được.

563. Quả vậy, việc tái xuất hiện ở thế gian của những vị này là điều khó đạt được. Này Bà-la-môn, Ta đây là bậc Toàn Giác, phẫu thuật gia vô thượng.

564. Ta có tư cách Phạm Thiên, bậc không thể so sánh, người có sự tiêu diệt các đạo binh của Ma Vương, sau khi chế ngự tất cả đối thủ, Ta hân hoan, không có sự sợ hãi từ bất cứ đâu.”

565. “Này quý vị, quý vị hãy lắng nghe lời mà bậc Hữu Nhãn, nhà phẫu thuật, đấng Đại Hùng phát biểu, tựa như con sư tử rống ở khu rừng.

566. Người nào, cho dầu là kẻ có dòng dõi thấp kém, sau khi nhìn thấy bậc có tư cách Phạm Thiên, bậc không thể so sánh, người có sự tiêu diệt các đạo binh của Ma Vương, mà không tịnh tín?

567. Ai là người muốn theo ta, hoặc ai không muốn thì hãy đi đi. Tại đây, ta sẽ xuất gia trong sự chứng minh của bậc có trí tuệ cao quý.”

568. “Nếu Giáo Pháp này của đấng Chánh Đẳng Giác được thích thú đối với ngài, chúng tôi cũng sẽ xuất gia trong sự chứng minh của bậc có trí tuệ cao quý.”

569. Ba trăm vị Bà-la-môn này đã chắp tay thỉnh cầu: “Bạch đức Thế Tôn, chúng con sẽ sống Phạm hạnh trong sự hiện diện của Ngài.”

570. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sela,) Phạm hạnh đã khéo được thuyết giảng, hoàn toàn hiển nhiên, không bị chi phối bởi thời gian, việc xuất gia trong Giáo Pháp ấy không phải là vô ích đối với người đang (ra sức) học tập, không bị xao lãng.”

Quả vậy, Bà-la-môn Sela  cùng với đồ chúng đã đạt được sự xuất gia, đã đạt được sự tu lên bậc trên trong sự hiện diện của đức Thế Tôn.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm tại nơi cư ngụ của mình rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: “Bạch ngài Gotama, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.”

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội) rồi cầm bình bát và y đi đến nơi cư ngụ của đạo sĩ bện tóc Keṇiya, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm.

Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có bàn tay đã rời khỏi bình bát, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã cầm lấy một chiếc ghế thấp rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói lời tùy hỷ đến đạo sĩ bện tóc Keṇiya bằng những lời kệ này:

571. “Các lễ hiến tế có sự cúng tế ngọn lửa là đứng đầu, kinh cổ Sāvittī là đứng đầu về niêm luật, đức vua là đứng đầu loài người, biển cả đứng đầu các con sông.

572. Mặt trăng đứng đầu các vì sao, mặt trời đứng đầu các vật tỏa sáng. Đối với những người mong mỏi phước báu đang cúng dường thì Tăng Chúng là đứng đầu.”[15]

Sau đó, khi đã nói lời tùy hỷ đến đạo sĩ bện tóc Keṇiya bằng những lời kệ này, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Sau đó, đại đức Sela  cùng với đồ chúng , một mình đã tách riêng, rồi trong khi sống không bị xao lãng, có sự nỗ lực, có sự quyết tâm nên chẳng bao lâu sau, ngay trong kiếp hiện tại này, nhờ vào thắng trí của mình đã chứng ngộ, đạt đến, và an trú vào mục đích tối thượng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà. Vị ấy đã biết rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn gì khác (phải làm) đối với bản thể (A-la-hán) này nữa.” Và thêm một vị nữa là đại đức Sela  cùng với đồ chúng đã trở thành vị A-la-hán.

Sau đó, đại đức Sela cùng với đồ chúng đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đắp y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn bằng những lời kệ rằng:

573. “Bạch đấng Hữu Nhãn, việc chúng con đi đến nương tựa vào Ngài đến nay là ngày thứ tám. Bạch đức Thế Tôn, chúng con đã được huấn luyện trong Giáo Pháp của Ngài bảy đêm.

574. Ngài là đức Phật, Ngài là bậc Đạo Sư, Ngài là bậc hiền trí, đấng chế ngự Ma Vương. Sau khi cắt đứt các pháp tiềm ẩn và đã vượt qua, Ngài đưa dòng dõi này vượt qua.

575. Các mầm tái sanh đã được Ngài hoàn toàn vượt qua, các lậu hoặc đã được Ngài phá tan, tựa như con sư tử, không còn chấp thủ, có sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ.

576. Ba trăm vị tỳ khưu này đứng yên, chắp tay. Bạch đấng Anh Hùng, xin Ngài hãy duỗi ra các bàn chân. Các bậc long tượng hãy đảnh lễ (bàn chân của) bậc Đạo Sư.”

 

Dứt Kinh Sela.

 

8. KINH MŨI TÊN

 

577. Mạng sống của loài người ở đây là không có sự báo hiệu, không được biết chắc, khó khăn, ngắn ngủi, và nó bị gắn liền với khổ đau.

578. Thật sự không có phương thức nào khiến cho những kẻ đã được sanh ra (sẽ) không chết; sau khi đạt đến tuổi già (hay chưa đạt đến) cũng sẽ có cái chết, bởi vì các sinh mạng có quy luật là như vậy.

579. Tựa như nỗi sợ hãi về sự rơi rụng vào buổi sáng của những trái cây đã chín, nỗi sợ hãi thường xuyên về sự chết của những con người đã được sanh ra là như vậy.

580. Cũng giống như bát đĩa bằng đất sét đã được làm ra bởi người thợ gốm, tất cả có sự bể vỡ là chặng cuối, mạng sống của loài người là như vậy.

581. Những ai ngu si và những ai sáng suốt, các trẻ con và những người lớn, tất cả đều sa vào quyền lực của thần chết, tất cả đều có sự chết là nơi cuối cùng.

582. Khi những người ấy đã bị chế ngự bởi thần chết và đang đi đến thế giới khác, người cha không thể bảo vệ con trai, hoặc ngay cả thân nhân không thể bảo vệ các quyến thuộc.

583. Ngươi hãy nhìn xem,[16] trong số các thân quyến thật sự đang xem xét, đang than khóc thê thảm, từng người một trong số loài người bị đưa đi, ví như loài bò là để giết thịt.

584. Thế gian bị hành hạ như vậy bởi cái chết và sự già; vì thế sau khi biết được bản thể của thế gian các bậc sáng trí không sầu muộn.

585. Ngươi không biết lộ trình đi đến (sanh) hoặc ra đi (chết) của kẻ ấy, trong khi không nhìn thấy cả hai chặng, ngươi than vãn một cách vô ích.

586. Nếu trong lúc than vãn, trong lúc hành hạ bản thân, kẻ bị mê muội có thể tạo nên lợi ích nào đó, thì người khôn khéo cũng nên làm điều ấy.

587. Hiển nhiên với việc khóc lóc, với sự sầu muộn, thì không đạt được sự an tịnh của tâm, khổ đau sanh lên cho người này còn nhiều hơn; cơ thể của người này bị tổn hại.

588. Trong khi tự mình hãm hại mình, (người này) trở nên gầy ốm, xuống sắc, những người đã quá vãng không được trợ giúp do việc ấy; sự than vãn là không có lợi ích.

589. Trong khi không dứt bỏ sầu muộn, con người đọa vào khổ đau nhiều hơn nữa; trong khi khóc lóc kẻ đã quá vãng, con người chịu sự tác động của sầu muộn.

590. Hãy nhìn xem những kẻ khác cũng có sự ra đi, những con người đi theo nghiệp lực, các sinh mạng ở nơi này quả nhiên run rẩy sau khi rơi vào quyền lực của thần chết.

591. Dầu họ suy nghĩ thế này thế khác, kết quả từ đó trở nên khác hẳn. Việc chia cách là như thế ấy; ngươi hãy nhìn xem bản thể của thế gian.

592. Thậm chí nếu người trai trẻ có thể sống một trăm năm, hoặc hơn thế nữa, rồi cũng (sẽ) tách rời khỏi tập thể thân quyến, cũng (sẽ) từ bỏ mạng sống ở nơi này.

593. Bởi thế, sau khi lắng nghe (lời giảng dạy của) bậc A-la-hán, nên chừa bỏ việc than vãn. Sau khi nhìn thấy người quá vãng đã lìa đời, (nên biết rằng) ‘Người ấy không thể nào (trở lại) với ta.’

594. Giống như người có thể dùng nước dập tắt chỗ ở bị đốt cháy, cũng tương tự như thế, người can đảm, có trí tuệ, sáng suốt, thiện xảo có thể mau chóng xua tan sự sầu muộn đã được sanh khởi, tựa như làn gió thổi bay sợi bông gòn.

595. Người tầm cầu sự an lạc cho bản thân nên nhổ lên mũi tên của mình, sự than vãn, sự khởi tham muốn, và nỗi ưu phiền của bản thân.

596. Người có mũi tên đã được nhổ lên, không còn lệ thuộc, sau khi đã đạt được sự an tịnh của tâm, trong khi vượt qua mọi sầu muộn, trở thành không còn sầu muộn, được tịch tịnh.

 

Dứt Kinh Mũi Tên.

 

9. KINHVĀSEṬṬHA

 

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Icchānaṅgala, ở khu rừng Icchānaṅgala.

Vào lúc bấy giờ, nhiều Bà-la-môn nổi tiếng và giàu có cư ngụ tại Icchānaṅgala, như là: Bà-la-môn Caṅkī, Bà-la-môn Tārukkha, Bà-la-môn Pokkharasāti, Bà-la-môn Jānussoni, Bà-la-môn Todeyya, và nhiều Bà-la-môn vô cùng nổi tiếng và giàu có khác nữa. Khi ấy, trong lúc hai thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha và Bhāradvāja đang đi kinh hành, đang đi tản bộ cho thư giãn chân cẳng, có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa hai vị ấy: “Này bạn, như thế nào là vị Bà-la-môn?”

Thanh niên Bà-la-môn Bhāradvāja đã nói như vầy: “Này bạn, khi nào thật sự là người được thiện sanh ở cả hai bên, phía mẹ và phía cha, có sự thụ thai được hoàn toàn trong sạch cho đến tổ tiên nội ngoại đời thứ bảy, không bị khinh bỉ, không bị chỉ trích về phương diện nòi giống; đến chừng ấy là Bà-la-môn.”

Thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha đã nói như vầy: “Này bạn, khi nào thật sự là người có giới và đầy đủ tánh hạnh; đến chừng ấy là Bà-la-môn.”

Thanh niên Bhāradvāja đã không thể thuyết phục thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha, và thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha cũng đã không thể thuyết phục thanh niên Bhāradvāja.

Khi ấy, thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha đã bảo thanh niên Bhāradvāja rằng: “Này Bhāradvāja, chắn chắn là vị Sa-môn Gotama này, con trai dòng Sakya, từ dòng dõi Sakya đã xuất gia, ngự tại Icchānaṅgala, ở khu rừng Icchānaṅgala. Hơn nữa, về ngài Gotama ấy có tiếng đồn tốt đẹp đã được lan rộng ra như vầy: ‘—như trên— Phật, Thế Tôn.’ Này bạn Bhāradvāja, hãy đến. Chúng ta sẽ đi đến gặp Sa-môn Gotama, sau khi đến chúng ta sẽ hỏi Sa-môn Gotama về ý nghĩa này. Sa-môn Gotama sẽ trả lời chúng ta thế nào thì chúng ta sẽ ghi nhận điều ấy như thế ấy.”

“Này bạn, như vậy đi.” Thanh niên Bà-la-môn Bhāradvāja đã đáp lại thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha.

Sau đó, hai thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha và Bhāradvāja đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha đã nói với đức Thế Tôn bằng những lời kệ này:

597. “Thưa ngài, chúng tôi tinh thông ba tập Vệ Đà, đã được truyền thụ và đã được công nhận. Tôi là (học trò) của Pokkharasāti, và thanh niên này là (học trò) của Tārukkha.

598. Điều nào đã được thuyết giảng bởi các vị tinh thông ba tập Vệ Đà, chúng tôi đã được hoàn hảo về lãnh vực ấy. Chúng tôi là nhà ngữ học, nhà văn phạm, tương đương với các vị thầy về sự hiểu biết.

599. Thưa ngài Gotama, giữa chúng tôi đây có sự tranh cãi về đề tài nòi giống: ‘Bà-la-môn là do nòi giống,’ Bhāradvāja nói như thế; còn tôi nói là do hành động. Thưa bậc Hữu Nhãn, xin ngài nhận biết như vậy.

600. Cả hai chúng tôi đây không thể thuyết phục lẫn nhau, và đã đi đến để hỏi đức Thế Tôn, vị được biết tiếng là ‘bậc Toàn Giác.’

601. Giống như những người tiến đến, tay chắp lại, nghiêng mình đảnh lễ mặt trăng đã qua thời kỳ khuyết (đang tròn dần), tương tự như vậy chúng tôi nghiêng mình đảnh lễ đức Gotama ở thế gian.

602. Chúng tôi hỏi đức Gotama, bậc đã thành tựu con mắt ở thế gian rằng: ‘Do nòi giống là Bà-la-môn, hay trở thành (Bà-la-môn) là do hành động? Xin ngài hãy nói lên cho chúng tôi, những người không biết, nhờ vậy chúng tôi có thể biết được về vị Bà-la-môn.”

603. (Đức Thế Tôn nói “Này Vāseṭṭha,) Ta sẽ giải thích cho các ngươi đây sự phân loại về nòi giống của các loài sinh vật một cách tuần tự, đúng theo bản thể; chính các sự khác biệt là các nòi giống.

604. Các ngươi hãy nhận biết về cỏ và cây cối. Dầu chúng không cho biết (về nòi giống), đặc điểm của chúng tạo nên nòi giống; chính các sự khác biệt là các nòi giống.

605. Kế đến, (hãy nhận biết) về các loại côn trùng, và các loại châu chấu, cho đến các loại kiến, mối, đặc điểm của chúng tạo nên nòi giống; chính các sự khác biệt là các nòi giống.

606. Các ngươi cũng hãy nhận biết về các loài bốn chân, nhỏ bé và to lớn, đặc điểm của chúng tạo nên nòi giống; chính các sự khác biệt là các nòi giống.

607. Các ngươi cũng hãy nhận biết về các loài rắn, về các loài bò sát có lưng dài, đặc điểm của chúng tạo nên nòi giống; chính các sự khác biệt là các nòi giống.

608. Kế đến, các ngươi cũng hãy nhận biết về các loài cá, về các loài thủy tộc, sống ở trong nước, đặc điểm của chúng tạo nên nòi giống; chính các sự khác biệt là các nòi giống.

609. Kế đến, các ngươi cũng hãy nhận biết về các loài chim, về các loài có sự di chuyển bằng cặp cánh, đi lại ở không trung, đặc điểm của chúng tạo nên nòi giống; chính các sự khác biệt là các nòi giống.

610. Giống như ở các nòi giống này, đặc điểm tạo nên nòi giống là đa dạng, còn đặc điểm tạo nên nòi giống ở loài người thì không đa dạng như vậy.

611. Không phải bởi mái tóc, không phải bởi đầu, không phải bởi các tai, không phải bởi các con mắt, không phải bởi miệng, không phải bởi mũi, không phải bởi đôi môi, hoặc bởi cặp lông mày.

612. Không phải do cổ, không phải do hai vai, không phải do bụng, không phải do lưng, không phải do tử cung, không phải do bộ ngực, không phải ở vật kín (nữ căn), không phải ở tinh hoàn.

613. Không phải bởi hai tay, không phải bởi hai chân, không phải bởi các ngón hoặc bởi các móng (tay chân), không phải bởi các bắp đùi, không phải bởi các bắp vế, không phải bởi màu da, hoặc bởi giọng nói, đặc điểm không tạo nên nòi giống (ở loài người) như là ở các nòi giống khác.

614. Tính chất khác biệt này ở các (phần) thân thể không tìm thấy ở loài người. Và cách gọi thông dụng ở loài người được nói lên là do sự định đặt.

615. Bởi vì kẻ nào ở loài người nuôi sống bằng việc chăn giữ bò, kẻ ấy là nông dân không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy.

615. Bởi vì kẻ nào ở loài người sinh sống bằng nghề nghiệp khác nhau, kẻ ấy là thợ thuyền không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy.

616. Bởi vì kẻ nào ở loài người nuôi sống bằng việc mua bán, kẻ ấy là thương gia không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy.

618. Bởi vì kẻ nào ở loài người sinh sống bằng việc hầu hạ người khác, kẻ ấy là tôi tớ không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy.

619. Bởi vì kẻ nào ở loài người nuôi sống bằng vật không được cho, kẻ ấy là trộm cướp không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy.

620. Bởi vì kẻ nào ở loài người nuôi sống bằng thuật bằng thuật bắn cung, kẻ ấy là chiến sĩ không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy.

621. Bởi vì kẻ nào ở loài người sinh sống bằng việc tế lễ, kẻ ấy là người cống hiến không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy.

622. Bởi vì kẻ nào ở loài người hưởng thụ làng mạc và xứ sở, kẻ ấy là nhà vua không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy.

623. Và Ta không gọi là Bà-la-môn với kẻ đã được sanh ra từ tử cung (của nữ Bà-la-môn), có sự xuất thân theo người mẹ, kẻ ấy được gọi là ‘người có sự xưng hô với từ Ông’ nếu kẻ ấy có sở hữu gì đó. Còn vị không sở hữu gì, không nắm giữ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

624. Thật vậy, người nào đã cắt đứt tất cả ràng buộc, không run sợ, đã vượt qua các sự dính líu, không còn bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

625. Người đã cắt đứt dây buộc (sân hận), dây trói (tham ái), dây thừng (62 tà kiến), cùng với vật phụ tùng (các pháp tiềm ẩn), đã nâng lên thanh chắn (vô minh), đã được giác ngộ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

626. Người nào chịu đựng lời khiển trách, sự trừng phạt và giam cầm, mà không sân hận, người có kham nhẫn là sức mạnh, có sức mạnh là quân đội, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

627. Người không nóng giận, có sự hành trì, có giới, không nhiễm dục vọng, đã được rèn luyện, có thân xác cuối cùng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

628. Ví như nước ở lá sen, ví như hột cải ở đầu mũi kim, người nào không nhiễm bẩn trong các dục, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

629. Người nào nhận biết sự diệt trừ khổ đau của bản thân ngay tại chỗ này, đã đặt xuống gánh nặng, không bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

630. Người có tuệ thâm sâu, thông minh, rành rẽ về Đạo Lộ và không phải Đạo Lộ, đã đạt đến mục đích tối thượng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

631. Người không gần gũi với cả hai hạng: những người tại gia và những bậc xuất gia, sống không trú xứ, ít ham muốn, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

632. Sau khi bỏ xuống gậy gộc đối với các chúng sanh di chuyển và đứng yên, người nào không giết hại, không bảo giết hại, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

633. Người không thù nghịch giữa những kẻ thù nghịch, tịnh lặng giữa những kẻ có gậy gộc, không cố chấp giữa những kẻ cố chấp, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

634. Người nào có sự luyến ái, sân hận, ngã mạn, và gièm pha đã được rơi rụng, ví như hột cải rơi khỏi đầu mũi kim, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

635. Người thốt lên lời nói chân thật, không thô lỗ, ý nghĩa rõ ràng, không làm mất lòng bất cứ ai với lời nói ấy, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

636. Ở thế gian này, người nào không lấy đi vật không được cho, dầu là dài hay ngắn, nhỏ hay lớn, đẹp hay xấu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

637. Những mong cầu của người nào về đời này và đời sau không còn tìm thấy, người không mong cầu, không bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

638. Những tham muốn của người nào không còn tìm thấy, là vị đã biết rõ, không còn nghi ngờ, đã đạt đến sự thể nhập Bất Tử, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

639. Ở thế gian này, người nào đã vượt qua sự quyến luyến và cả hai pháp thiện và ác, không sầu muộn, không ô nhiễm, trong sạch, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

640. Ví như mặt trăng không bị lấm nhơ, trong sạch, người có tâm thanh tịnh, không bị vẩn đục, đã hoàn toàn cạn kiệt sự vui thích và hiện hữu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

641. Người nào đã vượt qua con đường hiểm trở này, khó đi, (vòng quay) luân hồi, và sự si mê, đã băng qua, đã đi đến bờ kia, có thiền, không dục vọng, không nghi ngờ, không chấp thủ, đã tịnh lặng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

642. Người nào ở đây có thể dứt bỏ các dục, sống hạnh du sĩ, không nhà, đã hoàn toàn cạn kiệt các dục và hiện hữu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

643. Người nào ở đây có thể dứt bỏ tham ái, sống hạnh du sĩ, không nhà, đã hoàn toàn cạn kiệt tham ái và hiện hữu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

644. Người đã từ bỏ sự gắn bó thuộc cõi người, đã vượt lên sự gắn bó thuộc cõi trời, không bị ràng buộc với mọi sự gắn bó, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

645. Người đã từ bỏ sự thích thú và không thích thú, có trạng thái mát mẻ, không còn mầm tái sanh, vị đã chế ngự tất cả thế gian, bậc anh hùng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

646. Người nào đã hiểu biết sự chết và sự tái sanh của chúng sinh về mọi phương diện, không bám víu, đã đi đến nơi an lạc, đã được giác ngộ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

647. Cảnh giới tái sanh của người nào mà chư Thiên, Càn-thát-bà, và loài người không biết được, người có lậu hoặc đã được cạn kiệt, là bậc A-la-hán, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

648. Đối với người nào, ở phía trước (quá khứ), phía sau (vị lai), và ở phần giữa (hiện tại) không có sở hữu gì, người không sở hữu gì, không nắm giữ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

649. Đấng nhân ngưu, bậc cao quý, bậc anh hùng, bậc đại ẩn sĩ, bậc chiến thắng, bậc không còn dục vọng, người đã rửa sạch (mọi nhiễm ô), đã được giác ngộ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

650. Người nào biết về kiếp sống trước, nhìn thấy cõi Trời và đọa xứ, rồi đạt đến sự diệt trừ tái sanh, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

651. Việc ấy chỉ là sự định đặt ở thế gian, tên và họ là đã được sắp xếp, đã được khởi lên do sự thỏa thuận chung, đã được xếp dặt ở từng trường hợp.

652. Tà kiến của những kẻ không biết đã được tiềm ẩn một cách lâu dài. Trong khi không biết, chúng tuyên bố rằng: ‘Bà-la-môn là do nòi giống.’

653. Không phải do nòi giống là Bà-la-môn, không phải do nòi giống là phi Bà-la-môn, do hành động là Bà-la-môn, do hành động là phi Bà-la-môn.

654. Nông dân là do hành động, thợ thuyền là do hành động, thương gia là do hành động, tôi tớ là do hành động.

655. Trộm cướp cũng là do hành động, chiến sĩ cũng là do hành động, người cống hiến là do hành động, nhà vua cũng là do hành động.

656. Việc này là như vậy, các bậc sáng suốt, có sự nhìn thấy pháp tùy thuận sanh khởi, rành rẽ về quả thành tựu của nghiệp, nhìn thấy hành động đúng theo bản thể.

657. Thế gian xoay vần do hành động, loài người xoay vần do hành động, chúng sinh có sự gắn chặt vào hành động, tựa như cái chốt ở trục của chiếc xe đang di chuyển.

658. Do khắc khổ, do sự thực hành Phạm hạnh, do sự kiềm chế bản thân, và do sự rèn luyện, do điều ấy trở thành Bà-la-môn; tư cách Bà-la-môn này là tối thượng.

659. Đối với những người hiểu biết, người đã được thành tựu ba Minh, an tịnh, có sự tái sanh đã được cạn kiệt, là đấng Phạm Thiên, là Thiên Chủ Sakka, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy.”

Khi được nói như vậy, hai thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha và Bhāradvāja đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Thưa Ngài Gotama, thật là tuyệt vời! —như trên—Chúng tôi đây xin đi đến nương nhờ Ngài Gotama, Giáo Pháp, và Tăng Chúng tỳ khưu. Xin Ngài Gotama hãy ghi nhận chúng tôi là những nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.”

 

Dứt Kinh Vāseṭṭha.

 

10. KINH KOKĀLIKA

 

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Khi ấy, tỳ khưu Kokālika đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, tỳ khưu Kokālika đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Bạch Ngài, Sāriputta và Moggallāna có lòng tham muốn sái quấy, bị chi phối bởi lòng tham muốn sái quấy.”

Được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với tỳ khưu Kokālika điều này:

“Này Kokālika, chớ (nói) như vậy. Này Kokālika, chớ (nói) như vậy. Này Kokālika, hãy tín tâm với Sāriputta và Moggallāna. Sāriputta và Moggallāna là hiền thiện.”

Đến lần thứ nhì, tỳ khưu Kokālika đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Bạch Ngài, mặc dầu đối với con đức Thế Tôn là đáng tin tưởng và đáng tin cậy, nhưng Sāriputta và Moggallāna quả thật có lòng tham muốn sái quấy, bị chi phối bởi lòng tham muốn sái quấy.”

Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với tỳ khưu Kokālika điều này: “Này Kokālika, chớ (nói) như vậy. Này Kokālika, chớ (nói) như vậy. Này Kokālika, hãy tín tâm với Sāriputta và Moggallāna. Sāriputta và Moggallāna là hiền thiện.”

Đến lần thứ ba, tỳ khưu Kokālika đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Bạch Ngài, mặc dầu đối với con đức Thế Tôn là đáng tin tưởng và đáng tin cậy, nhưng Sāriputta và Moggallāna quả thật có lòng tham muốn sái quấy, bị chi phối bởi lòng tham muốn sái quấy.”

Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã nói với tỳ khưu Kokālika điều này: “Này Kokālika, chớ (nói) như vậy. Này Kokālika, chớ (nói) như vậy. Này Kokālika, hãy tín tâm với Sāriputta và Moggallāna. Sāriputta và Moggallāna là hiền thiện.”

Khi ấy, tỳ khưu Kokālika đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Và trong khi tỳ khưu Kokālika ra đi không bao lâu, toàn thân của vị ấy đã bị lan tràn bởi những mụt nhọt kích cỡ hạt cải. Sau khi trở thành kích cỡ hạt cải, chúng trở thành kích cỡ hạt đậu xanh. Sau khi trở thành kích cỡ hạt đậu xanh, chúng trở thành kích cỡ hạt đậu lớn. Sau khi trở thành kích cỡ hạt đậu lớn, chúng trở thành kích cỡ hột táo. Sau khi trở thành kích cỡ hột táo, chúng trở thành kích cỡ trái táo. Sau khi trở thành kích cỡ trái táo, chúng trở thành kích cỡ trái āmalaka. Sau khi trở thành kích cỡ trái āmalaka, chúng trở thành kích cỡ trái beluva. Sau khi trở thành kích cỡ trái beluva, chúng trở thành kích cỡ trái billa. Sau khi trở thành kích cỡ trái billa, chúng vỡ tung, tiết ra mủ và máu.

Khi ấy, tỳ khưu Kokālika đã qua đời bởi chính bệnh ấy. Và khi bị qua đời, tỳ khưu Kokālika đã sanh vào địa ngục Paduma sau khi khởi tâm thù hằn với Sāriputta và Moggallāna.

Sau đó, vị Phạm Thiên Sahampati, lúc đêm đã khuya, với màu sắc vượt trội đã làm cho toàn bộ Jetavana rực sáng, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Đứng ở một bên, Phạm Thiên Sahampati đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Bạch Ngài, tỳ khưu Kokālika đã qua đời. Và bạch Ngài, khi bị qua đời, tỳ khưu Kokālika đã sanh vào địa ngục Paduma sau khi khởi tâm thù hằn với Sāriputta và Moggallāna.” 

Phạm Thiên Sahampati đã nói điều này, sau khi đã nói điều này, đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi biết mất ở ngay tại chỗ ấy.

Sau đó, vào cuối đêm ấy đức Thế tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng:

“Này các tỳ khưu, đêm nay vị Phạm Thiên Sahampati, lúc đêm đã khuya, —như trên—”

Phạm Thiên Sahampati đã nói điều này, sau khi đã nói điều này, đã đảnh lễ Ta, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi biết mất ở ngay tại chỗ ấy.

Được nói như vậy, một vị tỳ khưu nọ đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Bạch Ngài, ước lượng tuổi thọ ở địa ngục Paduma dài đến chừng nào?”

“Này tỳ khưu, ước lượng tuổi thọ ở địa ngục Paduma quả là dài, việc ấy không phải là việc dễ làm để tính toán là ‘chừng này năm,’ hay ‘chừng này trăm năm,’ hay ‘chừng này ngàn năm,’ hay ‘chừng này trăm ngàn năm.’”

“Bạch Ngài, có thể làm một ví dụ không?”

“Này tỳ khưu, có thể.” Đức Thế Tôn đã nói rằng: “Này tỳ khưu, cũng giống như một cỗ xe chở hạt mè ở xứ Kosala có dung tích hai mươi khārika, rồi từ cỗ xe đó vào cuối thời hạn của một trăm năm, của một ngàn năm, người ta lấy bớt ra một hạt mè, này tỳ khưu, theo cách thức này một cỗ xe chở hạt mè ở xứ Kosala có dung tích hai mươi khārika ấy đi đến sự hoàn toàn cạn kiệt, hoàn toàn hết sạch là còn nhanh hơn (số lượng tuổi thọ ở địa ngục Paduma). Không phải chỉ có một địa ngục Abbuda. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Abbuda là một địa ngục Nirabbuda. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Nirabbuda là một địa ngục Ababa. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Ababa là một địa ngục Ahaha.

Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Ahaha là một địa ngục Aṭata. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Aṭata là một địa ngục Kumuda. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Kumuda là một địa ngục Sogandhika. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Sogandhika là một địa ngục Uppalaka. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Uppalaka là một địa ngục Puṇḍarīka. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Puṇḍarīka là một địa ngục Paduma. Này tỳ khưu, tỳ khưu Kokālika đã sanh vào địa ngục Paduma sau khi khởi tâm thù hằn với Sāriputta và Moggallāna.”

Đức Thế Tôn đã nói điều này. Sau khi nói điều này, đấng Thiện Thệ, bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

660. “Bởi vì đối với người đã được sanh ra, có lưỡi rìu được sanh ra cho người ấy, kẻ ngu tự cắt đứt bản thân với nó, trong khi nói lời nói xấu xa.

661. Kẻ nào khen ngợi người đáng bị chê bai, hoặc chê bai người đáng được khen ngợi, kẻ ấy tích lũy lầm lỗi bởi cái miệng, do lầm lỗi ấy không tìm thấy sự an lạc.

662. Lầm lỗi này, việc thất thoát tài sản thậm chí toàn bộ (của cải) cùng với bản thân ở các con súc sắc, là có tầm cỡ nhỏ nhoi. Kẻ nào khởi tâm ý xấu xa dối với các bậc đã đi đến trạng thái tốt lành, chính lầm lỗi này là lớn lao hơn.

663. Sau khi buông xuống lời nói và ý nghĩ ác xấu, kẻ quở trách các bậc Thánh nhân đi đến địa ngục là ba triệu sáu trăm ngàn (địa ngục) Nirabbuda và năm (địa ngục) Abbuda.

664. Người có lời nói không thật đi địa ngục, hoặc luôn cả người nào sau khi làm đã nói rằng: ‘Tôi không làm;’ cả hai người ấy, có hành động thấp kém, sau khi chết (đọa) vào cảnh giới khác là giống như nhau.

665. Kẻ nào bôi nhọ người không bị ô nhiễm,

người trong sạch, không vết nhơ,

điều xấu xa quay về chính kẻ ngu ấy,

ví như bụi bặm li ti được tung ra ngược chiều gió.

666. Kẻ nào đeo bám các bản chất của tham, kẻ ấy chê bai những người khác bàng lời nói, là kẻ không có niềm tin, keo kiệt, là kẻ không biết đến lời giảng huấn, bỏn xẻn, là kẻ đeo đuổi việc nói đâm thọc.

667. Này kẻ ăn nói thô lỗ, thiếu chân thật, không thánh thiện, kẻ đồi trụy, ác độc, kẻ làm hành động xấu xa, kẻ khốn cùng, xúi quẩy, kẻ hạ căn, ngươi chớ nói nhiều ở nơi đây; ngươi là hạng người ở địa ngục.

668. Ngươi gieo rắc bụi bặm (phiền não) vào sự bất hạnh (của chinh ngươi), ngươi quở trách những bậc đức độ, ngươi là kẻ làm điều sái quấy. Và sau khi thực hành nhiều uế hạnh, ngươi đương nhiên sẽ đi đến đọa xứ trong thời gian lâu dài.

669. Bởi vì nghiệp của bất cứ một ai đều không bị tiêu hoại, chủ nhân (của việc đã làm) đương nhiên gánh chịu nghiệp ấy. Kẻ ngu muội, kẻ làm điều sái quấy, nhìn thấy khổ đau ở bản thân mình vào đời sau.

670. Kẻ ấy đi đến cọc sắt có cạnh sắc bén, nơi chốn (có hình phạt) bị đâm xuyên bằng giáo sắt, rồi có vật thực giống như hòn sắt bị nung cháy đỏ, tương xứng (với nghiệp đã làm) như thế ấy.

671. Trong khi nói, đương nhiên họ (những cai ngục) không nói ngọt ngào, họ không vồn vã (tiếp đón). Chúng (những kẻ đọa địa ngục) đi đến nơi không phải là chốn nương thân. Chúng nằm ở nơi đã được lót trải than hừng, chúng đi vào đám lửa đã được bốc cháy.

672. Và sau khi chụp xuống bằng tấm lưới (sắt), tại nơi ấy họ (những cai ngục) đánh đập (chúng) với những chiếc búa làm bằng sắt. Chúng (những kẻ đọa địa ngục) đi đến bóng tối vô cùng mờ mịt, bóng tối ấy trải rộng khắp giống như sương mù.

673. Rồi chúng còn đi vào cái lu làm bằng đồng có đám lửa đã được bốc cháy. Thật vậy, chúng bị nung nấu trong những cái lu ấy một thời gian dài, trồi lên hụp xuống trong những đám lửa.

674. Rồi trong đám máu mủ bị trộn lẫn, kẻ làm điều sái quấy bị nung nấu ở tại nơi ấy. Bất kỳ phương hướng nào gã nương tựa vào, tại nơi ấy gã đều bị lem luốc trong khi xúc chạm (với mủ và máu).

675. Ở trong nước, chỗ trú ngụ của các loài giòi bọ, kẻ làm điều sái quấy bị nung nấu ở tại nơi ấy. Cũng chẳng có bến bờ để đi ra, bởi vì xung quanh cái chảo nấu tất cả đều bằng phẳng.

676. Hơn nữa, chúng (những kẻ đọa địa ngục) còn đi vào khu rừng Asipatta (Gươm Lá) sắc bén, (và) có thân thể bị băm nát. Họ (những cai ngục) nắm lấy cái lưỡi với các móc câu, kéo tới kéo lui, rồi đánh đập (chúng).

677. Rồi chúng còn đi đến (dòng sông) Vetaraṇī, có cạnh sắc bén, có lưỡi dao cạo, khó lội qua. Kẻ ngu muội, kẻ làm điều ác đọa vào nơi ấy sau khi đã làm các điều ác.

678. Bởi vì trong khi chúng đang khóc lóc ở tại nơi ấy, những con chó màu đen, có đốm, và những bầy quạ đen gặm nhấm chúng, những con chó rừng thèm khát, những con diều hâu và những con chim quạ rỉa rói chúng.

679. Lối hành xử này ở nơi đây quả là khó khăn, hạng người làm điều sái quấy nhìn thấy điều này. Vì thế, trong quãng đời còn lại ở thế gian này, nên là người thực hành phận sự, không nên xao lãng.

680. Những cỗ xe chở hạt mè so sánh với (thời gian ở) địa ngục Paduma đã được các bậc hiểu biết tính đếm là năm mươi nghìn koṭi (5 x 10.000 x 10 triệu = 500 tỷ) thêm vào một ngàn hai trăm koṭi (12 x 100 x 10 triệu = 12 tỷ) nữa.

681. Các địa ngục khổ đau đến chừng nào, thậm chí còn phải sống lâu ở nơi ấy đến chừng ấy, đã được nói đến ở đây; vì thế, nên thận trọng giữ gìn lời nói và ý nghĩ đối với những bậc có đức hạnh trong sạch, hiền thiện, và tốt lành.”

 

Dứt Kinh Kokālika.

 

11. KINH NĀLAKA

682. Vị ẩn sĩ Asita, vào lúc nghỉ trưa, đã nhìn thấy chư Thiên thuộc hội chúng cõi Tam Thập tràn đầy niềm hoan hỷ, vui thích, có y phục sạch sẽ, tôn kính Thiên Chủ Inda, đang cầm lấy vải vóc, và tán dương một cách nhiệt liệt.

683. Sau khi nhìn thấy chư Thiên có tâm ý vui mừng, phấn khởi, vị ấy đã thể hiện sự quan tâm, và tại nơi ấy đã nói điều này: “Tại sao hội chúng chư Thiên có dáng vẻ vô cùng mừng rỡ thế? Liên quan đến việc gì mà quý vị cầm lấy vải vóc quây vòng vòng vậy?

684. Mặc dầu vào lúc có cuộc chiến tranh với các A-tu-la, chiến thắng là thuộc về chư Thiên, còn các A-tu-la bị thất trận, vào lúc ấy cũng đã không có việc rởn lông như thế này. Vậy sau khi nhìn thấy điều phi thường gì mà các vị Thiên Thần thích thú?

685. Các vị hú vang, ca hát, tấu nhạc, đập vỗ các cánh tay, và nhảy múa. Thưa các ngài, tôi xin hỏi các ngài, những cư dân ở đỉnh núi Meru, xin các ngài hãy mau chóng giũ bỏ điều nghi hoặc của tôi.”

686. “Đức Bồ Tát ấy là vật báu quý giá, không thể sánh bằng, vì sự lợi ích và hạnh phúc (của chúng sanh) đã sanh ra ở thế giới loài người, tại ngôi làng của những người Sakya, thuộc xứ sở Lumbinī; chúng tôi phấn chấn, có dáng vẻ vô cùng mừng rỡ bởi vì điều ấy.

687. Ngài là bậc tối thượng của tất cả chúng sanh, là con người cao cả, đấng Nhân Ngưu, bậc tối thượng của tất cả loài người. Tựa như con sư tử hùng mạnh, chúa tể của loài thú, đang gầm thét, Ngài sẽ chuyển vận bánh xe ở khu rừng tên Isi.”

688. Sau khi nghe được lời nói ấy, vị ấy đã vội vã đi xuống, rồi đã đi đến chỗ cư ngụ của (vua) Suddhodana, sau khi ngồi xuống ở tại chỗ ấy, đã nói với các vị dòng Sakya điều này: “Hoàng tử ở đâu? Tôi cũng muốn chiêm ngưỡng.”

689. Sau đó, các vị dòng Sakya đã trình cho vị (ẩn sĩ) tên Asita thấy người con trai (của họ), vị hoàng tử sáng chói với sự vinh quang, có màu sắc tuyệt vời, tựa như khối vàng đã được đốt cháy, đã được nung nấu ở ngay cửa miệng của bễ lò rèn bởi người (thợ rèn) vô cùng thiện xảo.

690. Sau khi nhìn thấy vị hoàng tử tựa như ngọn lửa đang phát sáng, thanh tịnh tựa như chúa của các vì sao (mặt trăng) đang di chuyển ở bầu trời, tựa như mặt trời đang cháy sáng sau khi đã được thoát khỏi đám mây mùa thu, (vị ẩn sĩ) tràn đầy niềm hoan hỷ, đã đạt được pháp hỷ tràn trề.

691. Các vị Thiên Thần đã nắm giữ ở không trung chiếc lọng có nhiều thanh nan, có ngàn khoanh tròn, và phe phẩy tới lui những cây phất trần có tay cầm bằng vàng; những người nắm giữ các cây phất trần và chiếc lọng không được nhìn thấy.

692. Sau khi nhìn thấy (vị hoàng tử) tựa như vật trang sức bằng vàng ở tấm chăn len màu đỏ, có chiếc lọng trắng đang được duy trì ở trên đầu, vị ẩn sĩ bện tóc tên Kaṇhasiri, với tâm phấn khởi, thích ý, đã (đưa tay) tiếp nhận.

693. Hơn nữa, sau khi (đưa tay) tiếp nhận con người quý phái dòng Sakya, trong lúc xem xét, bậc tinh thông về tướng số và chú thuật, với tâm tịnh tín đã thốt lên lời nói rằng: “Vị này là bậc vô thượng, là đấng tối thượng của loài người.”

694. Rồi trong khi suy xét về số phận của bản thân, (vị ẩn sĩ) với dáng vẻ sầu thảm, tuôn rơi những giọt nước mắt. Sau khi nhìn thấy vị ẩn sĩ đang khóc lóc, những người dòng Sakya đã nói rằng: “Sẽ không có tai họa gì cho hoàng tử phải không?”

695. Sau khi nhìn thấy những người dòng Sakya sầu thảm, vị ẩn sĩ đã nói rằng: “Tôi không nghiệm thấy điều gì bất lợi cho hoàng tử, và cũng sẽ không có tai họa gì cho vị này. Vị này không phải là thấp thỏi, các người hãy an tâm.

696. Vị hoàng tử này sẽ thành tựu quả vị Toàn Giác tối cao. Vị này, có sự nhìn thấy (Niết Bàn) thanh tịnh tối thượng, có lòng thương tưởng đến sự lợi ích cho nhiều người, sẽ chuyển vận bánh xe Pháp. Phạm hạnh (Giáo Pháp) của vị này sẽ được lan rộng.

697. Và tuổi thọ của tôi còn lại ở nơi này không bao lâu, việc qua đời sẽ xảy đến cho tôi trước khi ấy. Tôi đây sẽ không được nghe Giáo Pháp của bậc tinh tấn không kẻ sánh bằng; vì thế tôi phiền muộn, đưa đến bất hạnh, sầu khổ.”

698. Bậc hành Phạm hạnh ấy, sau khi làm sanh khởi sự vui mừng cho những người dòng Sakya, đã rời khỏi nội cung. Trong lúc thương tưởng đến người cháu trai (con chị) của mình, vị ấy đã khuyên nó tiếp thu Giáo Pháp của bậc tinh tấn không kẻ sánh bằng:

699. “Khi nào con nghe được từ người khác âm thanh ‘Đức Phật,’ và bậc đã đạt được phẩm vị Toàn Giác khai mở Giáo Pháp tối cao, con hãy đi đến nơi ấy. Trong lúc tìm hiểu về đạo lý, con hãy thực hành Phạm hạnh ở nơi đức Thế Tôn ấy.”

700. Được chỉ dạy bởi vị ấy, bởi con người có tâm ý về sự lợi ích như thế ấy, bởi vị có sự nhìn thấy pháp thanh tịnh tối thượng trong ngày vị lai, Nālaka ấy, có sự tích lũy phước báu đã được hội tụ, trong lúc chờ đợi đấng Chiến Thắng, đã sống (với tư cách đạo sĩ khổ hạnh), có giác quan đã được gìn giữ.

701. Sau khi nghe được âm thanh về sự chuyển vận bánh xe cao quý của đấng Chiến Thắng, Nālaka đã đi đến, đã nhìn thấy vị chúa của các bậc ẩn sĩ. Được tịnh tín, Nālaka đã hỏi bậc Hiền Trí quý cao về trí tuệ tối thượng vào lúc lời giáo huấn của vị (ẩn sĩ) tên Asita đã được viên mãn.

(Dứt) Các Kệ Ngôn Giới Thiệu.

702. Lời nói ấy của vị Asita đã được nhận biết là đúng như thật. Thưa ngài Gotama, vì thế chúng tôi hỏi ngài, bậc đã đi đến bờ kia của tất cả các pháp.

703. Tôi là người đã đi đến cuộc sống không nhà, đang tầm cầu việc hành pháp khất thực. Thưa bậc Hiền Trí, được tôi hỏi, xin ngài hãy nói về đường lối thực hành tối thượng của hiền trí hạnh.

704. (Đức Thế Tôn nói) “Ta sẽ giúp cho ngươi hiểu về hiền trí hạnh, là điều khó làm, ;à điều khó thành tựu. Vậy Ta sẽ tuyên thuyết về điều ấy cho ngươi. Ngươi hãy cứng cỏi. Ngươi hãy kiên định.

705. Nên thực hành sự bình thản khi có sự bị mắng nhiếc hoặc được lễ bái ở trong làng, nên canh phòng sự sai trái ở tâm, nên sống an tịnh, không cao ngạo.

706. Các hiện tượng tốt xấu (nhiều loại) bộc phát, tương tự như ngọn lửa ở khu rừng. Các phụ nữ quyến rủ bậc hiền trí, mong sao các cô ấy chớ quyến rũ ngươi.

707. Sau khi từ bỏ các dục nhiềm loại, đã được xa lìa pháp đôi lứa, không chống đối, không bị đắm say ở các sinh vật di động hay đứng yên.

708. ‘Ta như thế nào, chúng như thế ấy; chúng như thế nào, ta như thế ấy,’ sau khi lấy bản thân làm ví dụ, không nên giết hại, không nên bảo (kẻ khác) giết hại.

709. Sau khi từ bỏ ước muốn và tham lam mà phàm phu bị dính mắc, bậc hữu nhãn nên thực hành (hiền trí hạnh), nên vượt qua địa ngục này.

710. Nên có bao tử vơi, nên có vật thực giới hạn, nên ít ham muốn, không tham lam. Vị ấy quả thật không có sự khao khát do ước muốn, là vị không cón ước muốn, được tịch tịnh.

711. Sau khi hành hạnh khất thực, bậc hiền trí nên đi đến ven rừng, đứng cạnh gốc cây, rồi tiến đến chỗ ngồi.

712. Đeo đuổi việc tham thiền, bậc sáng trí ấy nên vui thích nơi ven rừng; trong lúc làm hài lòng bản thân, nên tham thiền ở gốc cây.

713. Kế đó, khi tàn đêm, nên đi vào trong làng, không nên thích thú lời mời mọc và tặng phẩm từ ngôi làng.

714. Sau khi đi đến làng, bậc hiền trí không nên đi lại vội vàng ở các gia đình, việc chuyện vãn được cắt đứt, không nên nói lời nói gợi ý tầm cầu về vật thực. 

715. ‘Ta đã nhận được, việc này là tốt đẹp. Ta đã không nhận được, lành thay!” (nghĩ thế) với cả hai trường hợp, vị ấy đều tự tại, tựa như người đến gần cội cây rồi bỏ đi (dầu có hái được trái cây hay không cũng bình thản). 

716. Vị ấy với bình bát ở bàn tay, trong khi đi đó đây, không là người câm, được xem như người câm, không nên khinh chê vật thí ít ỏi, không nên xem thường thí chủ.

717. Bởi vì đường lối thực hành cao và thấp đã được vị Sa-môn giảng giải. Họ không đi đến bờ kia hai lần; điều này được cảm giác không chỉ một lần.

718. Đối với vị tỳ khưu nào không có tham ái, đã cắt đứt dòng chảy, đã dứt bỏ việc cần làm và không cần làm, sự bực bội (của vị ấy) không hiện hữu.

719. (Đức Thế Tôn nói) Ta sẽ giúp cho ngươi hiểu về hiền trí hạnh. Nên giống như là lưỡi dao cạo. Nên áp chặt cái lưỡi vào nóc họng, nên tự chế ngự ở bao tử.

720. Và nên có tâm không bị trì trệ, và cũng không nên suy nghĩ nhiều, không còn mùi hôi thối (phiền não), không lệ thuộc, có Phạm hạnh là mục đích.

721. Nên học tập về hạnh độc cư và về sự rèn luyện của bậc Sa-môn. Trạng thái đơn độc được gọi là hiền trí. Hiển nhiên, một mình sẽ thỏa thích.

722. Rồi ngươi sẽ chiếu sáng mười phương.

Sau khi nghe được danh tiếng của các bậc sáng trí, có thiền, có sự xả bỏ các dục, từ đó đệ tử của Ta nên làm tăng trưởng sự hổ thẹn tội lỗi và niềm tin.

723. Nên nhận biết điều ấy từ các con sông ở các hố nước và các khe nước, các dòng nước nhỏ di chuyển gây tiếng động, đại dương im lặng di chuyển.

724. Cái gì thiếu kém cái ấy làm thành tiếng vang, cái gì đầy ắp cái ấy thật yên tịnh. Kẻ ngu tương tự cái chum đầy một nửa, bậc sáng suốt tựa như hồ nước đầy tràn.

725. Điều mà Sa-môn nói nhiều là điều được liên quan, chứa đựng sự lợi ích. Có chủ tâm vị ấy thuyết giảng Giáo Pháp, có chủ tâm vị ấy nói nhiều.

726. Và vị nào có chủ tâm gắn bó sự an tịnh, có chủ tâm không nói nhiều, vị hiền trí ấy xứng đáng bản thể hiền trí, vị hiền trí ấy đã chứng đạt bản thể hiền trí."

 

Dứt Kinh Nālaka.

 

12. KINH QUÁN XÉT HAI KHÍA CẠNH

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, tu viện Pubba, ở tòa nhà dài của Mẹ của Migāra Vào lúc bấy giờ, nhằm ngày Uposatha, vào ngày mười lăm, trong đêm trăng tròn vằng vặc, đức Thế Tôn ngồi ở ngoài trời, được vây quanh bởi hội chúng tỳ khưu. Khi ấy, sau khi xem xét thấy hội chúng tỳ khưu có trạng thái im lặng hoàn toàn, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng:

“Này các tỳ khưu, các pháp thiện nào là cao thượng, dẫn dắt ra khỏi, đưa đến giác ngộ, này các tỳ khưu, lý do gì khiến các ngươi lắng nghe các pháp thiện, cao thượng, dẫn dắt ra khỏi, đưa đến giác ngộ ấy? Này các tỳ khưu, nếu có những người hỏi như thế, những người ấy nên được nói như vầy: ‘Chỉ để đưa đến sự nhận biết đúng theo bản thể đối với các pháp có hai khía cạnh.’

‘Và các vị nói cái gì là hai khía cạnh?’

‘Đây là Khổ, đây là Nguyên Nhân của Khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Đây là sự Diệt Khổ, đây là sự Thực Hành theo Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.

Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh một cách đúng đắn như vậy, không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có bản tánh cương quyết, một quả báu nào đó trong hai quả báu là điều chờ đợi: trí giải thoát ở đời hiện tại, hoặc nếu còn dư sót thì phẩm vị Bất Lai.”

Đức Thế Tôn đã nói điều này. Sau khi nói điều này, đấng Thiện Thệ, bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

727. “Những người nào không nhận biết khổ, rồi nguồn sanh khởi của khổ, và nơi nào khổ được tiêu hoại toàn bộ không dư sót, và không biết về đạo lộ ấy, (đạo lộ) đưa đến sự yên lặng của khổ.

728. Những người ấy là thấp kém về sự giải thoát của tâm, rồi sự giải thoát của tuệ, những người ấy không thể thực hiện việc chấm dứt, quả thật họ đi đến sanh và già.

729. Và những người nào nhận biết khổ, rồi nguồn sanh khởi của khổ, và nơi nào khổ được tiêu hoại toàn bộ không dư sót, và nhận biết đạo lộ ấy, (đạo lộ) đưa đến sự yên lặng của khổ.

730. Những người ấy thành tựu sự giải thoát của tâm, rồi sự giải thoát của tuệ, những người ấy có thể thực hiện việc chấm dứt, quả thật họ không đi đến sanh và già.”

‘Có thể có sự quán xét hai khía cạnh một cách đúng đắn bằng một phương thức khác,’ này các tỳ khưu, nếu có những người hỏi như thế, những người ấy nên được nói như vầy: ‘Có thể.’ Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do mầm tái sanh là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của các mầm tái sanh, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.

(Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

731. “Bất cứ các khổ nào, với nhiều hình thức, phát khởi ở thế gian đều có mầm tái sanh là căn nguyên. Thật vậy, kẻ ngu nào, không biết, tạo ra mầm tái sanh, (sẽ) đi đến khổ lần này lần khác. Vì thế, người có sự quán xét về sự sanh ra và phát khởi của khổ, trong khi nhận biết, không nên tạo ra mầm tái sanh.”

‘Có thể có sự quán xét hai khía cạnh một cách đúng đắn bằng một phương thức khác,’ này các tỳ khưu, nếu có những người hỏi như thế, những người ấy nên được nói như vầy: ‘Có thể.’ Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do vô minh là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của vô minh, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.

(Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

732. “Những người nào đi đến sanh, tử, luân hồi lần này lần khác, đến sự hiện hữu này và sự hiện hữu khác, tiến trình ấy là do chính vô minh.

733. Bởi vì vô minh này là sự mê muội lớn lao, do nó việc bị luân hồi này là lâu dài. Và những chúng sanh nào đạt được minh, họ không đi đến sự hiện hữu lại nữa.”

‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do các hành là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của các hành, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.

(Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

734. “Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do các hành là duyên. Do sự diệt tận của các hành, không có sự hình thành của khổ.

735. Sau khi biết được điều ấy là bất lợi, (biết được) khổ do các hành là duyên. Do sự yên lặng của tất cả các hành, do sự ngưng lại của tưởng, như vậy có sự cạn kiệt của khổ, sau khi biết điều này đúng theo thực thể ...

736. ... các bậc đạt được sự thông hiểu đã nhìn thấy đúng đắn; với sự nhận biết đúng đắn, các bậc sáng suốt, sau khi chế ngự sự ràng buộc của Ma Vương, không đi đến sự hiện hữu lại nữa.”

 ‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do thức là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của thức, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.

(Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

737. “Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do thức là duyên. Do sự diệt tận của thức, không có sự hình thành của khổ.

738. Sau khi biết được điều ấy là bất lợi, (biết được) khổ do thức là duyên, do sự yên tịnh của thức, vị tỳ khưu không còn sự khao khát, được hoàn toàn tịch tịnh.”

‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do xúc là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của xúc, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.

(Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

739. “Đối với những người bị quấy nhiễu bởi (sáu) xúc, có sự xuôi theo dòng chảy của hiện hữu, đang thực hành đường lối xấu xa, sự cạn kiệt các mối ràng buộc là xa xôi.

740. Và những người nào, sau khi biết toàn diện về xúc, được thích thú ở sự an tịnh nhờ vào trí hiểu biết, những người ấy, thật vậy, do sự lãnh hội về xúc, không còn sự khao khát, được hoàn toàn tịch tịnh.”

‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do thọ là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của thọ, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.

(Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

741. “Bất cứ điều gì có sự được cảm thọ, dầu là lạc hay là khổ, (hay là) với không khổ không lạc, ở nội phần và ở ngoại phần, ...

742. ... Sau khi biết được ‘điều ấy là khổ, có tính chất giả trá, bị đổ vỡ, trong khi nhìn thấy sự hoại diệt sau mỗi lượt xúc chạm và nhận thức như vậy tại nơi ấy, do sự cạn kiệt của các thọ, vị tỳ khưu không còn sự khao khát, được hoàn toàn tịch tịnh.”

‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do ái là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của ái, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.

(Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

743. “Có tham ái là bạn lữ, trong khi luân chuyển một thời gian dài đến sự hiện hữu này và sự hiện hữu khác, con người không vượt qua được luân hồi.

744. Sau khi biết được điều ấy là bất lợi, (biết được) tham ái là nguồn sanh khởi của khổ, vị tỳ khưu có tham ái đã được xa lìa, không có nắm giữ, có niệm, nên ra đi du phương.”

‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do thủ là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của thủ, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.

(Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

745. “Do thủ là duyên, có hữu. Ngưỡi đã được hiện hữu phải chịu khổ. Có cái chết dành cho người đã được sanh ra; điều ấy là nguồn sanh khởi của khổ.

746. Vì thế, do sự cạn kiệt của thủ, các bậc sáng suốt, với sự nhận biết đúng đắn, sau khi biết rõ sự cạn kiệt của sanh, không đi đến sự hiện hữu lại nữa.”

‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do sự khởi động (gắn liền với nghiệp) là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của sự khởi động, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.

(Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

747. “Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do sự khởi động là duyên. Do sự diệt tận của sự khởi động, không có sự hình thành của khổ.

748. Sau khi biết được điều ấy là bất lợi, (biết được) khổ do sự khởi động là duyên, sau khi từ bỏ mọi sự khởi động, đối với vị đã giải thoát khỏi sự khởi động, ...

749. ... đối với vị tỳ khưu có hữu ái đã được trừ tuyệt, có tâm an tịnh, việc luân hồi tái sanh đã được triệt tiêu, đối với vị ấy không có sự hiện hữu lại nữa.”

‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do dưỡng chất là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của các dưỡng chất, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.

(Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

750. “Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do dưỡng chất là duyên. Do sự diệt tận của các dưỡng chất, không có sự hình thành của khổ.

751. Sau khi biết được điều ấy là bất lợi, (biết được) khổ do dưỡng chất là duyên, sau khi biết toàn diện về mọi dưỡng chất thì không bị lệ thuộc vào mọi dưỡng chất.

752. Với sự nhận biết đúng đắn về vô bệnh (Niết Bàn), do sự hoàn toàn cạn kiệt của các lậu hoặc, vị có sự hành trì, sau khi phán xét, đứng vững ở Giáo Pháp; các bậc đạt được sự thông hiểu không đi đến sự phán xét.”

‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do sự loạn động là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của các sự loạn động, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.

(Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

753. “Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do sự loạn động là duyên. Do sự diệt tận của các sự loạn động, không có sự hình thành của khổ.

754. Sau khi biết được điều ấy là bất lợi, (biết được) khổ do sự loạn động là duyên, chính vì thế, sau khi buông bỏ dục vọng, sau khi chận đứng các hành, vị tỳ khưu không còn dục vọng, không có nắm giữ, có niệm, nên ra đi du phương.”

‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Người bị lệ thuộc có sự bị dao động,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Người không bị lệ thuộc không dao động,’ đây là sự quán xét thứ nhì.

(Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

755. “Người không bị lệ thuộc không dao động, và người bị lệ thuộc, trong khi chấp thủ sự hiện hữu này và sự hiện hữu khác, không vượt qua được luân hồi.

756. Sau khi biết được điều ấy là bất lợi, (biết được) nỗi sợ hãi lớn lao ở các sự lệ thuộc, vị tỳ khưu không bị lệ thuộc, không có nắm giữ, có niệm, nên ra đi du phương.”

‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Này các tỳ khưu, các trạng thái vô sắc an tịnh hơn các trạng thái sắc,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Sự diệt tận an tịnh hơn các trạng thái vô sắc,’ đây là sự quán xét thứ nhì.

(Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

757. “Và những chúng sanh nào đã đi đến sắc giới, và những người nào trú ở vô sắc giới, trong khi không biết toàn diện về tịch diệt (Niết Bàn), là những người đi đến sự hiện hữu lại nữa.

758. Và những người nào sau khi biết toàn diện về sắc giới, đã khéo đứng vững ở vô sắc giới, những người nào được giải thoát ở tịch diệt (Niết Bàn), những người ấy có sự từ bỏ Tử Thần.”

‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Này các tỳ khưu, điều nào mà đối với thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người,được suy tưởng rằng: ‘Điều này là sự thật,’ điều ấy đấy đối với các bậc Thánh được nhìn thấy rõ bằng tuệ chân chánh đúng theo bản thể rằng: ‘Diều này là giả trá,’ đây là sự quán xét thứ nhất. Này các tỳ khưu, điều nào mà đối với thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người,được suy tưởng rằng: ‘Điều này là giả trá,’ điều ấy đấy đối với các bậc Thánh được nhìn thấy rõ bằng tuệ chân chánh đúng theo bản thể rằng: ‘Diều này là sự thật,’ đây là sự quán xét thứ hai.

(Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

759. “Hãy nhìn xem thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, có sự hoan hỷ ở vô ngã (và) bị chìm đắm ở danh và sắc. Họ nghĩ rằng: ‘Điều này là sự thật.’

760. Dẫu cho họ nghĩ thế nào, cái ấy trở thành cái khác so với chính nó. Chính cái ấy trở nên giả trá đối với nó, bởi vì nó có tính chất giả trá và ngắn ngủi.

761. Niết Bàn là pháp không giả trá, các bậc Thánh đã biết điều ấy là sự thật. Những vị ấy, thật vậy, do sự lãnh hội về sự thật, không còn sự khao khát, được hoàn toàn tịch tịnh.”

‘Có thể có sự quán xét hai khía cạnh một cách đúng đắn bằng một phương thức khác,’ này các tỳ khưu, nếu có những người hỏi như thế, những người ấy nên được nói như vầy: ‘Có thể.’ Và có thể như thế nào? ‘Này các tỳ khưu, điều nào mà đối với thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người, được suy tưởng rằng: ‘Điều này là lạc,’ điều ấy đấy đối với các bậc Thánh được nhìn thấy rõ bằng tuệ chân chánh đúng theo bản thể rằng: ‘Diều này là khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhất. Này các tỳ khưu, điều nào mà đối với thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người,được suy tưởng rằng: ‘Điều này là khổ,’ điều ấy đấy đối với các bậc Thánh được nhìn thấy rõ bằng tuệ chân chánh đúng theo bản thể rằng: ‘Diều này là lạc,’ đây là sự quán xét thứ hai.

Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh một cách đúng đắn như vậy, không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có bản tánh cương quyết, một quả báu nào đó trong hai quả báu là điều chờ đợi: trí giải thoát ở đời hiện tại, hoặc nếu còn dư sót thì phẩm vị Bất Lai. Đức Thế Tôn đã nói điều này. Sau khi nói điều này, đấng Thiện Thệ, bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

762. “Các sắc, các thinh, các vị, các hương, các xúc, và các pháp, tất cả là đáng mong, đáng yêu, và đáng mến khi nào chúng còn (có trạng thái) được gọi là ‘hiện hữu.’

763. Đối với thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, các pháp này được công nhận là lạc, và nơi nào các pháp này được diệt tận, điều ấy đối với chúng được công nhận là khổ.

764. Sự hoại diệt của bản thân này được các bậc Thánh xem là ‘lạc,’ điều (nhận thức) này của các bậc đang nhìn thấy là đối nghịch với tất cả thế gian.

765. Điều nào những kẻ khác đã nói là lạc, điều ấy các bậc Thánh đã nói là khổ. Điều nào những kẻ khác đã nói là khổ, điều ấy các bậc Thánh đã biết là lạc.

766. Hãy nhìn xem Pháp khó nhận biết (Niết Bàn), ở đây những kẻ ngu muội không nhìn thấy. Sự tối tăm là dành cho những kẻ bị che đậy, bóng đêm là dành cho những kẻ không nhìn thấy.

767. Sự mở ra (Niết Bàn) là dành cho những người tốt lành, ví như ánh sáng là dành cho những người đang nhìn thấy. Những kẻ ngu không thông thạo Giáo Pháp không nhận thức được (dầu) ở gần bên.

768. Pháp này không dễ dàng giác ngộ bởi những kẻ bị quấy nhiễu bởi hữu ái, bởi những kẻ xuôi theo dòng chảy của hữu, bởi những kẻ đã đi vào tầm khống chế của Ma Vương.

769. Vậy người nào xứng đáng để giác ngộ vị thế (Niết Bàn) ngoại trừ các bậc Thánh? Với sự nhận biết đúng đắn về vị thế ấy, các ngài chứng đạt Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”

Đức Thế Tôn đã nói điều này. Được hoan hỷ, các vị tỳ khưu ấy thỏa thích lời dạy của đức Thế Tôn. Hơn nữa, trong khi sự thuyết giảng này được nói lên, tâm của sáu mươi tỳ khưu ấy đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc, do không còn chấp thủ.

 

Dứt Kinh Quán Xét Hai Khía Cạnh.

 

TÓM LƯỢC KINH NÀY

 

Sự thật, mầm tái sanh, vô minh, các hành, và thức là thứ năm,

xúc, thọ, ái, thủ, sự khởi động, các dưỡng chất,

sự loạn động, sự bị dao động, sắc, sự thật, với khổ là mười sáu.

 

Đại Phẩm là thứ ba.

 

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

Việc xuất gia, sự nỗ lực, việc khéo nói, và phần bánh cúng tế,

và Kinh về vị Māgha, vị Sabhiya, vị Sela, và mũi tên được nói đến,

và vị Vāseṭṭha nữa, vị Kokāli, vị Nālaka, việc quán xét hai khía cạnh,

mười hai bài Kinh này gọi là Đại Phẩm.

 



[1] Lời của Ngài Ānanda (SnA. 2, 381).

[2] Lời thuật lại của đức Phật về thời kỳ  thực hành khổ hạnh (SnA. ii, 386).

[3] Namuci: Ma Vương, sở dĩ được gọi như vậy vì không ai thoát khỏi (na muñcati) quyền cai quản của người này (sđd.).

[4] Chiến sĩ ở trận tiền gắn cọng cỏ muñja ở đầu, ở cờ hiệu, hoặc ở vũ khí để khẳng định việc không đầu hàng (SnA. ii, 390).

[5] Những vị có sự hành trì tốt đẹp (subbatā) là chư Phật Toàn Giác và Độc Giác (Sđd. 391).

[6] Lời của Ma Vương (SnA. ii, 392).

[7] Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja: vị Bà-la-môn này cư ngụ ở bờ sông Sundarikā và cúng tế lửa, và họ của vị ấy là Bhāradvāja nên được gọi như trên (SnA. ii, 401).

[8] Tựa như mặt trăng đã thoát khỏi sự nắm giữ của thần Rāhu: tựa như mặt trăng đã qua khỏi thời gian xảy ra hiện tượng nguyệt thực (ND).

[9] Các vật đã được chấp là của tôi: được giải thích là tham ái và tà kiến (SnA. ii, 407).

[10] Āsavāni: là bốn lậu gồm có: dục lậu, hữu lậu, tà kiến lậu, và vô minh lậu. Ālayāni: là hai pháp tiềm ẩn: tham ái và tà kiến (SnA. ii, 433).

[11] Ba và sáu mươi tà thuyết; tức là sáu mươi hai tà kiến đã được đề cập ở Brahmajālasutta (Kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ 1) cộng với sakkāyadiṭṭhi - thân kiến (SnA. ii, 434-435).

[12] Bài kinh này giống như Selasuttaṃ, Majjhimanikāya ii (Kinh Sela, Trung Bộ 2).

[13] Nam căn được bọc lại (kosohite vatthaguyhe): kosohite là được che đậy lại bởi lớp vỏ bọc bằng da, vatthaguyhe là dương vật (SnA. ii, 452).

[14] Các câu kệ 551-570 được thấy ở Selattheragāthā - Kệ ngôn của trưởng lão Sela, xem TTPV tập 31, các câu kệ 818-837, các trang 204-207 (ND).

[15] Hai câu kệ 571 và 572 được thấy ở Tạng Luật (xem TTPV tập 5, trang 97)

[16] Theo Chú Giải, đức Phật có nam cư sĩ là người hộ độ. Người này có đứa con trai vừa mới mất, và vì sầu muộn nên không dùng vật thực đã bảy ngày. Thương tình, đức Phật đã ngự đến nhà nam cư sĩ ấy để giáo hóa (SnA. ii, 457).


[Mục lục][1][2][3][4][5]


[Trở về trang Thư Mục]