TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 29
KINH TẬP
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
SUTTANIPĀTAPĀḶI - KINH TẬP
Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!

 

II. CULLAVAGGO - TIỂU PHẨM

 

1. KINH CHÂU BÁU

 

224. Các hạng sanh linh [i] nào đã tụ hội nơi đây,

là các hạng ở địa cầu, hoặc các hạng nào ở hư không,

mong rằng toàn thể tất cả sanh linh đều được hoan hỷ,

rồi xin hãy nghiêm trang lắng nghe lời nói này.

 

225. Chính vì thế, hỡi các sanh linh, mong rằng tất cả hãy lắng tai,

xin các vị hãy thể hiện lòng từ ái đến dòng dõi nhân loại,

là những người ngày và đêm mang lại vật phẩm cúng tế,

chính vì thế, xin các vị hãy hộ trì những người ấy, không xao lãng.

 

226. Bất cứ của cải nào ở đời này hoặc đời sau,

hoặc loại châu báu hảo hạng nào ở các cõi Trời,

thật vậy, không có gì sánh bằng đức Như Lai.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở đức Phật;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

 

227. Sự diệt trừ, sự xa lìa tham ái, sự Bất Tử hảo hạng,

bậc Hiền Trí dòng Sakya, (với tâm) định tĩnh, đã chứng đắc điều ấy,

không có bất cứ cái gì sánh bằng Pháp ấy.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Giáo Pháp;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

 

228. Điều mà đức Phật tối thắng đã ca ngợi là trong sạch,

Ngài đã nói điều ấy là định cho quả không bị gián đoạn,

pháp sánh bằng định ấy không được biết đến.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Giáo Pháp;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

 

229. Tám hạng người nào đã được các bậc thiện nhân ca tụng,

các vị này là bốn cặp;[ii]

họ là các đệ tử của đấng Thiện Thệ, xứng đáng cúng dường,

các sự bố thí ở các vị này có quả báu lớn lao.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

 

230. Các vị nào đã khéo gắn bó với tâm ý vững chãi,

không còn dục vọng, theo lời dạy của đức Gotama,

các vị ấy đã đạt được sự chứng đạt, sau khi đã thể nhập Bất Tử,

các vị đã đạt được không nhọc sức, đang thọ hưởng trạng thái Tịch Diệt.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

 

 231. Giống như cột trụ đá được nương vào lòng đất,

sẽ không bị lay động bởi các cơn gió từ bốn phương,

với sự so sánh như thế Ta nói về bậc chân nhân,

là vị nào nhìn thấy rõ ràng bốn Chân Lý Cao Thượng.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

 

232. Các vị nào hiểu rõ về bốn Chân Lý Cao Thượng

đã khéo được thuyết giảng bởi tuệ thâm sâu,

dầu cho các vị ấy thường xuyên bị xao lãng,

các vị ấy cũng không nhận lấy kiếp sống thứ tám.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

 

233. Đối với vị này, nhờ thành tựu về nhận thức,

có ba pháp được từ bỏ:

sự nhận thức sai trái về thân, sự hoài nghi,

giới và phận sự, hoặc thậm chí bất cứ điều gì có liên quan,

và (vị này) được thoát khỏi bốn khổ cảnh,[iii]

không thể nào gây nên sáu tội nghiêm trọng.[iv]

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

 

234. Ngay cả khi vị ấy tạo nên bất cứ nghiệp gì ác xấu,

bằng thân, bằng khẩu, hoặc bằng ý,

vị ấy không thể nào che giấu điều ấy,

tính chất không thể của vị chứng đạt Niết Bàn đã được nói đến.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

 

235. Giống như cây cối ở trong rừng đã được trổ hoa ở ngọn

trong cái nóng ở tháng đầu tiên của mùa hạ,

với sự so sánh như thế, Ngài đã thuyết giảng về Giáo Pháp cao quý,

có khả năng dẫn đến Niết Bàn, tối thắng về lợi ích.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở đức Phật;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

 

236. Bậc cao quý, biết pháp cao quý, thí pháp cao quý, đem lại pháp cao quý, đấng Vô Thượng đã thuyết giảng về Giáo Pháp cao quý.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở đức Phật;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

 

237. Nghiệp cũ đã được cạn kiệt, nguồn sanh khởi mới không có,

với tâm không còn luyến ái vào sự hiện hữu ở tương lai,

các vị ấy có mầm giống đã cạn kiệt, mong muốn tăng trưởng không còn,

các bậc sáng trí tịch diệt, giống như ngọn đèn này vậy.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

 

 238. Các hạng sanh linh nào đã tụ hội nơi đây, là các hạng ở địa cầu hoặc các hạng nào ở hư không, chúng ta hãy lễ bái đức Phật đã ngự đến như thế, được chư Thiên và nhân loại cúng dường, mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

 

239. Các hạng sanh linh nào đã tụ hội nơi đây, là các hạng ở địa cầu hoặc các hạng nào ở hư không, chúng ta hãy lễ bái Giáo Pháp đã ngự đến như thế, được chư Thiên và nhân loại cúng dường, mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

 

240. Các hạng sanh linh nào đã tụ hội nơi đây, là các hạng ở địa cầu hoặc các hạng nào ở hư không, chúng ta hãy lễ bái Tăng Chúng đã ngự đến như thế, được chư Thiên và nhân loại cúng dường, mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

 

Dứt Kinh Châu Báu.

 

2. KINH MÙI TANH HÔI

 

241. “Các bậc đức hạnh, trong khi ăn các loại hạt kê, hạt cỏ, đậu núi, lá cây, rễ củ, trái cây đã nhận được đúng pháp, các vị không vì ham muốn ngũ dục mà nói điều dối trá.

 

242. Còn kẻ nào, trong khi ăn vật thực hảo hạng được khéo làm, được khéo sửa soạn, được bố thí, được dâng hiến bởi những người khác, trong khi thọ dụng cơm nấu bằng gạo sālī, thưa Ngài Kassapa, kẻ ấy thọ thực vật có mùi tanh hôi.

 

243. ‘Vật có mùi tanh hôi không được phép đối với Ta,’

Ngài nói y như thế, thưa đấng quyến thuộc của Phạm Thiên,

trong khi Ngài thọ dụng cơm nấu bằng gạo sālī

với các miếng thịt chim khéo được nấu nướng.

Thưa Ngài Kassapa, tôi hỏi Ngài ý nghĩa này,

đối với Ngài kiểu cách như thế nào là có mùi tanh hôi?”

 

244. “Việc giết hại mạng sống, hành hạ, chặt chém, trói giam,

trộm cướp, nói dối, gian lận, các sự lường gạt,

làm ra vẻ học thức, ve vãn vợ người khác,

việc ấy là có mùi tanh hôi, chẳng phải thức ăn thịt.

 

245. Ở đây, những kẻ nào không tự kiềm chế trong các dục,

thèm khát ở các vị nếm, xen lẫn với sự (nuôi mạng) không trong sạch,

theo tà kiến ‘không có gì hiện hữu,’ sái quấy, khó chỉ bảo,

việc ấy là có mùi tanh hôi, chẳng phải việc ăn thịt

 

246. Những kẻ nào thô lỗ, bạo tàn, nói xấu sau lưng,

hãm hại bạn bè, nhẫn tâm, ngã mạn thái quá,

có bản tánh keo kiệt và không bố thí đến bất cứ ai,

việc ấy là có mùi tanh hôi, chẳng phải việc ăn thịt.

 

247. Giận dữ, đam mê, bướng bỉnh, và đối địch,

xảo trá, ganh ghét, và nói khoác lác,

ngã mạn, kiêu căng, và thân thiết với những kẻ không tốt,

việc ấy là có mùi tanh hôi, chẳng phải việc ăn thịt.

 

248. Những kẻ nào có hành vi ác độc, quỵt nợ, vu khống,

gian lận trong giao dịch, những kẻ giả mạo trong giáo pháp,

những kẻ đê tiện làm điều sái quấy ở thế gian này,

việc ấy là có mùi tanh hôi, chẳng phải việc ăn thịt.

 

249. Những kẻ nào ở đời này không tự kiềm chế đối với các sinh mạng,

sau khi đoạt lấy vật sở hữu của những người khác còn ra sức hãm hại,

có bản tánh tồi tệ, tàn bạo, thô lỗ, không có sự tôn trọng,

việc ấy là có mùi tanh hôi, chẳng phải việc ăn thịt.

 

250. Những kẻ nào thèm khát ở những mạng sống này rồi chống đối, giết hại, thường xuyên ra sức (làm ác), sau khi chết đi về nơi tăm tối, là các chúng sanh rơi vào địa ngục, đầu đi xuống trước, việc ấy là có mùi tanh hôi, chẳng phải việc ăn thịt.

 

251. Không phải cá và thịt, không phải việc nhịn ăn, không phải việc lõa thể, không phải cái đầu cạo, tóc bện và cáu đất, các y da dê thô cứng, hoặc không phải việc thờ phượng cúng tế ngọn lửa, hoặc thậm chí vô số sự khổ hạnh cho việc bất tử ở thế gian, các chú thuật, các đồ hiến cúng, sự hy sinh, các việc hành xác rửa tội theo mùa tiết, mà (có thể) làm trong sạch con người còn chưa vượt qua sự nghi hoặc.

 

252. Vị đã bảo vệ ở các dòng chảy (giác quan), có (sáu) căn đã được nhận biết, nên sống vững vàng ở Giáo Pháp, thích thú ở sự ngay thẳng và mềm mỏng, đã vượt qua sự quyến luyến, đã dứt bỏ tất cả khổ đau, bậc sáng trí không bị lấm lem bởi các điều đã được thấy hoặc đã được nghe.”

 

253. Đức Thế Tôn đã nói lập đi lập lại ý nghĩa này như thế, vị tinh thông chú thuật đã hiểu được điều ấy. Bậc Hiền Trí, không có mùi tanh hôi, không bị lệ thuộc, khó bị lôi kéo, đã giảng giải bằng các kệ ngôn đa dạng.

 

254. Sau khi lắng nghe lời nói không có mùi tanh hôi, có sự xua đi tất cả sự khổ đau, đã khéo được nói lên của đức Phật, (vị đạo sĩ khổ hạnh) với tâm ý khiêm nhượng đã đảnh lễ đấng Như Lai, rồi ngay tại nơi ấy đã tuyên bố việc xuất gia.

 

Dứt Kinh Mùi Tanh Hôi.

 

3. KINH HỔ THẸN

 

255. Kẻ (nào) vượt qua sự hổ thẹn, kinh tởm sự hổ thẹn,

trong khi nói rằng: ‘Tôi là bạn,’

(nhưng) không nhận lấy các việc làm trong khả năng,

nên nhận biết về kẻ ấy rằng: ‘Người này không là (bạn) của tôi.’

 

256. Kẻ nào thể hiện lời nói trìu mến ở giữa bạn bè nhưng không làm theo, các bậc sáng suốt biết rõ là kẻ nói mà không làm.

 

257. Kẻ nào thường xuyên chú ý, nghi ngờ sự chia rẽ, chuyên soi mói khuyết điểm, kẻ ấy không phải là bạn. Và ở người nào (có thể) trông cậy được tựa như đứa con trai nằm dựa vào ngực (cha), người ấy quả thật là bạn, người ấy không bị chia cắt bởi những kẻ khác.

 

258. Trong khi gồng gánh phận sự của nam nhân, người mong cầu Quả Vị làm tăng trưởng (sự tinh tấn), nền tảng tạo ra sự hoan hỷ, (làm tăng trưởng) sự an lạc (Niết Bàn), nguồn mang lại sự khen ngợi.

 

259. Sau khi đã uống hương vị của sự ẩn cư và hương vị của sự an tịnh, người uống hương vị hoan hỷ của Giáo Pháp trở nên không còn buồn bực, không còn ác xấu.

 

Dứt Kinh Hổ Thẹn.

 

4. KINH ĐIỀM LÀNH

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy, lúc đêm đã khuya, một vị Thiên nhân nọ với màu sắc vượt trội đã làm cho toàn bộ Jetavana rực sáng rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Đứng ở một bên, vị Thiên nhân ấy đã bạch với đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng:

 

260. “Nhiều chư Thiên và nhân loại, trong khi mong mỏi các điều hưng thịnh, đã suy nghĩ về các điềm lành, xin Ngài hãy nói về điềm lành tối thượng.”

 

261. “Không thân cận những kẻ ác, thân cận các bậc sáng suốt, và cúng dường các bậc xứng đáng cúng dường, điều này là điềm lành tối thượng.

 

262. Cư ngụ ở địa phương thích hợp, tính cách đã làm việc phước thiện trong quá khứ, và quyết định đúng đắn cho bản thân, điều này là điềm lành tối thượng.

 

263. Kiến thức rộng và (giỏi) nghề thủ công, việc rèn luyện khéo được học tập, và lời nói được khéo nói, điều này là điềm lành tối thượng.

 

264. Phụng dưỡng mẹ và cha, cấp dưỡng các con và vợ, các nghề nghiệp không có xung đột (thuần là công việc), điều này là điềm lành tối thượng.

 

265. Bố thí và thực hành Giáo Pháp, trợ giúp các thân quyến, những việc làm không bị chê trách, điều này là điềm lành tối thượng.

 

266. Sự kiêng cữ, xa lánh điều ác, tự chế ngự trong việc uống các chất say, và không xao lãng trong các (thiện) pháp, điều này là điềm lành tối thượng.

 

267. Sự cung kính, khiêm nhường, tự biết đủ, và biết ơn, sự lắng nghe Giáo Pháp vào đúng thời điểm, điều này là điềm lành tối thượng.

 

268. Sự nhẫn nại, trạng thái người dễ dạy, và việc yết kiến các bậc Sa-môn, sự bàn luận Giáo Pháp lúc hợp thời, điều này là điềm lành tối thượng.

 

269. Sự khắc khổ, và thực hành Phạm hạnh, sự nhận thức các Chân Lý Cao Thượng, và việc chứng ngộ Niết Bàn, điều này là điềm lành tối thượng.

 

270. Tâm không dao động khi tiếp xúc với các pháp thế gian, không sầu muộn, có sự xa lìa bợn nhơ, được an ổn, điều này là điềm lành tối thượng.

 

 271. (Những người) đã thực hành những điều như thế này thì không bị thất bại ở mọi nơi, đi đến mọi nơi một cách hưng thịnh; đối với họ (những) điều ấy là điềm lành tối thượng.”

 

Dứt Kinh Điềm Lành.

 

5. KINH SŪCILOMA

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại làng Gayā, ở tảng đá Ṭaṃkitamañca, nơi trú ngụ của Dạ-xoa Sūciloma. Vào lúc bấy giờ, Dạ-xoa Khara và Dạ-xoa Sūciloma đi ngang qua ở nơi không xa đức Thế Tôn.

Khi ấy, Dạ-xoa Khara đã nói với Dạ-xoa Sūciloma điều này:

“Người này là Sa-môn.”

“Người này không phải là Sa-môn. Người này là Sa-môn giả. Lát nữa thì ta sẽ biết người ấy là Sa-môn hay Sa-môn giả.”

 

Sau đó, Dạ-xoa Sūciloma đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến gần đã nghiêng người về phía thân của đức Thế Tôn.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã nghiêng thân ra xa.

Sau đó, Dạ-xoa Sūciloma đã nói với đức Thế Tôn điều này:

 

“Này Sa-môn, ông sợ ta sao?”

“Này đạo hữu, Ta quả không sợ ngươi. Tuy nhiên, sự xúc chạm của ngươi là xấu xa.”

 

“Này Sa-môn, ta sẽ hỏi ông câu hỏi. Nếu ông không trả lời ta, thì ta sẽ khuấy động tâm của ông, hoặc ta sẽ chẻ đôi trái tim của ông, hoặc ta sẽ nắm ở hai bàn chân rồi ném qua bên kia sông Gaṅgā.”

 

“Này đạo hữu, Ta quả không nhìn thấy người nào trong thế gian tính luôn cõi của chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư Thiên và loài người, có thể khuấy động tâm của Ta, hoặc có thể chẻ đôi trái tim của Ta, hoặc có thể nắm ở hai bàn chân rồi ném qua bên kia sông Gaṅgā. Này đạo hữu, tuy vậy ngươi hãy hỏi điều mà ngươi muốn.”

 

Khi ấy, Dạ-xoa Sūciloma đã nói với đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng:

 

272. “Luyến ái và sân hận có căn nguyên từ đâu?

Ghét, thương, sự rởn lông (vì sợ hãi) sanh ra từ đâu?

Phát khởi từ nơi nào, các suy tầm (về dục) khuấy rối tâm,

tựa như những bé trai tung lên con quạ (đã bị cột chân bởi sợi chỉ dài)?”

 

273. “Luyến ái và sân hận có căn nguyên từ nơi (bản ngã) này.

Ghét, thương, sự rởn lông (vì sợ hãi) sanh ra từ nơi (bản ngã) này.

Phát khởi từ nơi (bản ngã) này, các suy tầm (về dục) khuấy rối tâm,

tựa như những bé trai thả lỏng con quạ (đã bị cột chân bởi sợi chỉ dài).

 

274. Chúng sanh ra từ sự thương yêu, được hình thành ở bản ngã, tựa như việc sanh ra từ thân của giống cây nigrodha. Chúng nhiều vô số, bị vướng mắc vào các dục, tựa như loài dây leo lan rộng ở khu rừng.

 

275. Những ai nhận biết điều ấy có căn nguyên từ đâu,

những vị ấy xua đuổi nó, này Dạ-xoa, ngươi hãy lắng nghe,

những vị ấy vượt qua dòng lũ này, (dòng lũ) khó vượt qua được,

chưa được vượt qua trước đây, để không còn hiện hữu lại nữa.”

 

Dứt Kinh Sūciloma.

 

6. KINH KAPILA

 

276. Việc hành Pháp, việc hành Phạm hạnh, các vị (Thánh nhân) đã nói việc này là tài sản tối thượng, nếu là bậc xuất gia, rời nhà sống không nhà.

 

277. Nếu kẻ ấy có bản tánh nói nhiều, thích thú việc hãm hại (như là) loài thú, cuộc sống của kẻ ấy là xấu xa, làm gia tăng ô nhiễm cho chính mình.

 

278. Vị tỳ khưu thích thú việc cãi cọ, bị ngăn che bởi pháp si mê, thậm chí không biết đến Giáo Pháp đã được công bố, đã được thuyết giảng bởi đức Phật.

 

279. Trong khi hãm hại vị có bản thân đã được tu tập, (kẻ ấy) bị thúc đẩy bởi vô minh, không biết về phiền não, về con đường đưa đến địa ngục.

 

280. (Kẻ ấy) bị đưa đến đọa xứ, từ thai bào (này) đến thai bào (khác), từ tăm tối (này) đến tăm tối (khác). Thật vậy vị tỳ khưu thuộc loại như thế ấy sau khi chết bị đọa vào khổ đau.

 

281. Giống như hố phân đã sử dụng nhiều năm có thể bị đầy tràn, kẻ nào thuộc loại như vậy, có sự ô uế, quả khó làm cho trong sạch.

 

282. Này các tỳ khưu, các ngươi hãy biết kẻ nào thuộc loại như vậy, thiên về cuộc sống gia đình, có ước muốn xấu xa, có suy tư xấu xa, có hành vi và nơi lai vãng xấu xa.

 

283. Tất cả các ngươi hãy hợp nhất lại, hãy xa lánh kẻ ấy, hãy tống đi bụi bặm, và hãy lùa bỏ rác rưởi.

 

284. Sau đó, các ngươi hãy loại bỏ các cặn bã, những kẻ không phải Sa-môn giả mạo như là Sa-môn, hãy tống đi những kẻ có ước muốn ác xấu, có hành vi và nơi lai vãng xấu xa.

 

285. Là những người trong sạch các ngươi hãy sắp xếp việc cộng trú với những vị trong sạch, có sự tôn trọng lẫn nhau. Từ đó, có sự hợp nhất, chín chắn, các ngươi sẽ thực hiện việc chấm dứt khổ đau.

 

Dứt Kinh Kapila.

 

7. KINH TRUYỀN THỐNG BÀ-LA-MÔN

 

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy, nhiều vị Bà-la-môn giàu có, cư dân xứ Kosala, già cả, uy tín, lớn tuổi, sống thọ, đã đạt đến giai đoạn cuối của cuộc đời, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị Bà-la-môn giàu có ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

 

- Thưa ngài Gotama, các vị Bà-la-môn hiện nay có sống theo pháp Bà-la-môn của các vị Bà-la-môn thời xưa không?

- Này các Bà-la-môn, các vị Bà-la-môn hiện nay không sống theo pháp Bà-la-môn của các vị Bà-la-môn thời xưa.

- Thưa ngài Gotama, lành thay xin ngài Gotama hãy nói cho chúng tôi về pháp Bà-la-môn của các vị Bà-la-môn thời xưa, nếu đối với ngài Gotama là không trở ngại.

- Này các Bà-la-môn, như thế thì các người hãy lắng nghe, các người hãy khéo chú ý, Ta sẽ nói.

“Thưa ngài, xin vâng,” các vị Bà-la-môn giàu có ấy đã đáp lại đức Thế Tôn Đức Thế Tôn đã nói điều này:

 

286. Các vị ẩn sĩ thời quá khứ có bản thân đã được chế ngự, có sự khắc khổ, sau khi từ bỏ năm loại dục, các vị đã thực hành điều lợi ích cho bản thân.

 

287. Không gia súc, không vàng, không tài sản đối với các vị Bà-la-môn. Có việc học là tài sản và lúa gạo, các vị đã bảo vệ kho báu cao thượng.

 

288. Vật nào đã được làm ra dành cho các vị ấy, vật thực được đặt gần ở cánh cửa (của ngôi nhà), vật đã được làm ra bởi niềm tin, (các thí chủ) nghĩ rằng vật ấy sẽ được bố thí đến những vị đang tầm cầu.

 

289. Với các vải vóc nhuộm nhiều màu, với các giường nằm, và với các chỗ trú ngụ, các xứ sở, các vương quốc thịnh vượng đã tôn vinh các vị Bà-la-môn ấy.

 

290. Các vị Bà-la-môn đã không bị giết hại, không bị áp bức, được pháp luật bảo vệ, hoàn toàn không có bất cứ người nào đã ngăn cản các vị ấy ở các ngưỡng cửa của các gia đình.

 

291. Các vị ấy đã thực hành Phạm hạnh từ thời niên thiếu cho đến bốn mươi tám tuổi. Các vị Bà-la-môn trước đây đã tầm cầu kiến thức và đức hạnh.

 

292. Các vị Bà-la-môn đã không đi đến với (giai cấp) khác, các vị ấy cũng đã không mua người vợ. Chi do sự yêu thương lẫn nhau, họ đã đi đến với nhau và cùng vui thích sự chung sống với nhau.

 

293. Trừ ra thời điểm ấy, lúc dứt kinh kỳ của người vợ, khoảng giữa (chu kỳ ấy), các vị Bà-la-môn không bao giờ đi đến việc đôi lứa.

 

294. Các vị đã ca ngợi Phạm hạnh, giới hạnh, sự ngay thẳng, sự mềm mỏng, sự khắc khổ, sự nhã nhặn, sự không hãm hại, và luôn cả sự kham nhẫn.

 

295. Trong số các vị ấy, vị nào là tối thắng, cao cả, có sự nỗ lực vững chải, chính vị ấy đã không còn đi đến việc đôi lứa, dầu là trong giấc mơ.

 

296. Trong khi học tập theo sự thực hành của vị ấy, nhiều vị ở đây, có bản tánh hiểu biết, đã ca ngợi Phạm hạnh, giới hạnh, và luôn cả sự kham nhẫn.

 

297. Sau khi yêu cầu gạo, giường nằm, vải vóc, bơ lỏng và dầu ăn, sau khi đã thu thập đúng pháp, từ đó các vị đã chuẩn bị lễ hiến tế. Khi lễ hiến tế được sẵn sàng, các vị ấy đã không bao giờ giết hại các con bò.

 

298. 298. Giống như mẹ, cha, anh (em) trai, hoặc luôn cả những người bà con khác, những con bò là bạn bè tốt nhất của chúng ta, (bởi vì) từ nơi chúng các thuốc chữa bệnh được sản xuất ra.

 

299. Tương tự như thế, chúng còn cho thức ăn, cho sức mạnh, cho dung sắc, và cho sự an lạc. Sau khi biết được lợi ích này, các vị Bà-la-môn đã không bao giờ giết hại những con bò.

 

300. Có vóc dáng thanh tú, có thân hình cao lớn, có dung sắc, có danh tiếng, các vị Bà-la-môn năng nổ ở phận sự và không phải là phận sự đối với các truyền thống của mình. Chừng nào các truyền thống ấy còn vận hành ở thế gian, thì dòng dõi (con người) này còn đạt được sự an lạc.

 

301. Trong số các vị Bà-la-môn đã có sự đổi thay. (Trước đây) các vị đã nhìn thấy nhỏ nhoi là nhỏ nhoi, ví như sự huy hoàng của nhà vua, các người phụ nữ đã được trang điểm, ...

 

302. ... các cỗ xe đã được thắng ngựa thuần chủng, đã khéo được kiến tạo, các tấm thảm may nhiều màu sắc, các chỗ trú ngụ và các ngôi nhà đã được phân chia, đã được đo đạc theo từng phần.

 

303. (Giờ đây) các vị Bà-la-môn đã tham lam của cải sung túc của loài người, được vây quanh bởi những bầy gia súc, được kết hợp với những nhóm phụ nữ sang trọng.

 

304. Các vị ấy, sau khi đã soạn thảo các chú thuật về việc ấy, rồi đã đi đến gặp vua Okkāka (nói rằng): ‘Ngài có nhiều tài sản và lúa gạo. Ngài hãy cúng tế, sẽ có nhiều của cải cho ngài. Ngài hãy cúng tế, sẽ có nhiều tài sản cho ngài.’

 

305. Và sau đó, đức vua, vị chúa tể của các xa phu, được các vị Bà-la-môn thuyết phục, đã cúng tế những sự hiến cúng này: lễ tế ngựa, lễ tế người, lễ ném cái nêm, lễ uống rượu thánh, lễ hiệp tế, rồi đã bố thí đến các vị Bà-la-môn tài sản (gồm có):

 

306. Đàn bò, giường nằm, vải vóc, và những người phụ nữ đã được trang điểm, các cỗ xe đã được thắng ngựa thuần chủng, đã khéo được kiến tạo, các tấm thảm may nhiều màu sắc.

 

307. Sau khi chứa đầy các chỗ trú ngụ xinh xắn đã khéo được phân chia thành từng phần với các loại mễ cốc khác nhau, đức vua đã bố thí tài sản đến các vị Bà-la-môn.

 

308. Và các vị ấy, sau khi nhận được tài sản tại nơi ấy, đã vui thích việc tích trữ (của cải). Đối với các vị bị tác động bởi ước muốn, tham ái đã tăng trưởng nhiều hơn đến các vị ấy. Các vị ấy, sau khi soạn thảo các chú thuật về việc ấy, đã đi đến gặp vua Okkāka lần nữa (nói rằng):

 

309. ‘Nước và đất, vàng, tài sản và mễ cốc (quan trọng) đối với con người như thế nào, thì bầy bò là như vậy, bởi vì nó là vật cần thiết cho các sinh mạng. Ngài hãy cúng tế, sẽ có nhiều của cải cho ngài. Ngài hãy cúng tế, sẽ có nhiều tài sản cho ngài.’

 

310. Và sau đó, đức vua, vị chúa tể của các xa phu, được các vị Bà-la-môn thuyết phục, đã giết hại hàng trăm ngàn con bò trong lễ cúng tế.

 

311. Không bằng gót chân, không bằng cái sừng, các con bò đã không bao giờ hãm hại (ai) bằng bất cứ vật gì. Chúng hiền hòa giống như loài cừu, cho vắt sữa từng chậu. Sau khi nắm lấy chúng ở cái sừng, đức vua đã giết chúng bằng dao.

 

312. Và do đó, chư Thiên, các Phạm Thiên, Thiên Chủ Inda, các A-tu-la, và các quỷ thần đã thét lên: ‘Phi pháp’ về việc cắm xuống con dao ở các con bò.

 

313. Trước đây đã có ba căn bệnh: ước muốn, thiếu ăn, già nua. Do việc giết hại các con thú, các căn bệnh đã lên đến chín mươi tám loại.

 

314. Trong số các hình phạt, việc phi pháp này đã là cổ xưa được lưu truyền lại. Các loài vô hại bị giết chết, các vị thực hiện lễ tế hủy hoại truyền thống.

 

315. Như vậy, truyền thống thấp kém cổ xưa này bị những bậc có sự hiểu biết quở trách. Nơi nào nhìn thấy việc làm như thế người ta đã quở trách vị thực hiện lễ tế.

 

316. Khi truyền thống bị đảo lộn như vậy, các giai cấp Thủ-đà-la và Vệ-xá bị phân chia, các Sát-đế-lỵ bị phân chia riêng rẽ, vợ đã xem thường chồng.

 

317. Các Sát-đế-lỵ, các thân quyến của Phạm Thiên (Bà-la-môn), và những người khác được bảo vệ bởi dòng họ (Thủ-đà-la và Vệ-xá), đã bỏ bê việc nói đến dòng dõi và đã đi theo sự thống trị của các dục.”

 

Khi được nói như vậy, các vị Bà-la-môn giàu có ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Thưa Ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Thưa Ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Thưa Ngài Gotama, cũng giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, hoặc mở ra vật đã bị che kín, hoặc chỉ đường cho kẻ lạc lối, hoặc đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tự như thế Pháp đã được Ngài Gotama giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Chúng tôi đây xin đi đến nương nhờ Ngài Gotama, Giáo Pháp, và Tăng Chúng tỳ khưu. Xin Ngài Gotama hãy ghi nhận chúng tôi là những người cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.”

 

Dứt Kinh Truyền Thống Bà-la-môn.

 

8. KINH GIÁO PHÁP (CHIẾC THUYỀN)

 

318. Do bởi vị nào mà một người có thể nhận thức được Giáo Pháp, thì nên tôn vinh vị ấy, tựa như vị Thiên nhân tôn vinh Thiên Chủ Inda. Được tôn vinh, có tâm hoan hỷ ở người (học trò) ấy, vị đa văn ấy (sẽ) bày tỏ về Giáo Pháp.

319. Người nào thân cận với vị (thầy) như thế ấy, không xao lãng, là người sáng trí, sau khi lấy điều ấy làm mục đích, sau khi lắng tai nghe, trong khi thực hành đúng pháp và thuận pháp, trở thành người hiểu biết, thông suốt, và khôn khéo.

320. Trong khi phục vụ vị (thầy) nhỏ mọn và ngu dốt, còn chưa đạt đến mục đích và có tánh ganh tỵ, ngay tại nơi này người (học trò) không thông suốt Giáo Pháp và đi đến cái chết, còn chưa vượt qua sự nghi hoặc.

321. Giống như người đàn ông sau khi lội xuống dòng sông có nước lớn, tràn lan, có dòng nước chảy xiết, trong khi bị cuốn trôi xuôi theo dòng nước, người ấy có khả năng để giúp những kẻ khác vượt qua không?

322. Tương tự như thế ấy, người không thông suốt Giáo Pháp, không lắng tai nghe ý nghĩa ở những vị đa văn, trong khi chính mình không biết, còn chưa vượt qua sự nghi hoặc, người ấy có khả năng để giúp cho những kẻ khác lĩnh hội không?

323. Cũng giống như người, sau khi leo lên chiếc thuyền vững chắc, được cung cấp mái chèo và bánh lái, là người thiện xảo, biết xử trí, hiểu biết cách thức (điều khiển) ở nơi ấy (chiếc thuyền), người ấy có thể giúp cho nhiều người khác nữa vượt qua nơi ấy.

324. Cũng như vậy, vị nào đã đạt được tri kiến, có bản thân đã được tu tập, là vị nghe nhiều, có bản tánh không bị dao động, quả thật vị ấy, trong khi nhận biết, có thể giúp cho những người khác lĩnh hội, những người có sự lắng tai nghe và có được điều kiện căn bản (của sự chứng ngộ).

325. Vì thế, thật vậy nên thân cận với bậc chân nhân, vị có sự thông minh và có sự nghe nhiều. Sau khi hiểu được ý nghĩa, trong khi thực hành, với Giáo Pháp đã được nhận thức, người ấy có thể đạt được sự an lạc.

 

Dứt Kinh Giáo Pháp.

 

9. KINH VỚI GIỚI GÌ

326. Với giới gì, với sở hành gì, trong lúc làm tăng trưởng các nghiệp gì, một người có thể được tiến vào một cách đúng đắn và có thể đạt được mục đích tối thượng?

 

327. Nên có sự tôn kính các bậc trưởng thượng, không nên ganh tỵ,

và nên biết thời điểm để yết kiến các vị thầy,

nên biết thời khắc buổi thuyết giảng Pháp được bắt đầu,

nên nghiêm chỉnh lắng nghe các lời đã được khéo nói.

 

328. Nên đi đến trình diện các vị thầy đúng thời điểm,

nên dẹp bỏ sự bướng bỉnh, có lối cư xử khiêm nhường,

về ý nghĩa (lời giảng), Giáo Pháp, sự tự kiềm chế, và Phạm hạnh,

chẳng những nên ghi nhớ mà còn nên hành trì.

 

329. Có sự vui thích ở Giáo Pháp, ưa thích Giáo Pháp,

đứng vững ở Giáo Pháp, biết xét đoán về Giáo Pháp,

không nên tạo ra lời nói gây hại cho Giáo Pháp,

nên được dẫn dắt bởi những sự thật đã được khéo nói.

 

330. Nên từ bỏ sự cười giỡn, việc nói vô bổ, sự than vãn, sự nổi sân, việc làm xảo trá, sự giả dối, sự thèm khát, và ngã mạn, sự hung hăng, sự thô lỗ, các uế trược, sự mê mẩn, và nên sống xa lìa sự đam mê, với bản thân đã được ổn định.

 

331. Các cốt lõi đã được nhận thức là các lời đã được khéo nói. Điều đã được nghe và điều đã được nhận thức là cốt lõi của định. Người nam nào nóng nảy và xao lãng, tuệ và điều đã được nghe của người ấy không tăng trưởng.

 

332. Những người nào thích thú ở Giáo Pháp đã được tuyên thuyết bởi bậc Thánh nhân, những người ấy là không vượt hơn được về lời nói, về ý, và về hành động, những người ấy đã đứng vững ở sự an tịnh, ở sự hiền hòa, và ở định, họ đã đạt đến cốt lõi của điều đã được nghe và của tuệ.

 

Dứt Kinh Với Giới Gì.

 

10. KINH ĐỨNG LÊN

 

333. Hãy đứng lên! Hãy ngồi dậy! Lợi ích gì cho các ngươi với việc ngủ? Bởi vì ngủ nghê gì đối với những kẻ bệnh, bị mũi tên xuyên thủng, đang bị khổ sở?

334. Hãy đứng lên! Hãy ngồi dậy! Các ngươi hãy rèn luyện vững chắc về sự an tịnh. Chớ để Ma Vương biết được các ngươi xao lãng rồi gạt gẫm các ngươi trở thành những kẻ chịu sự sai khiến.

335. Chư Thiên và nhân loại bị lệ thuộc vào điều nào mà tồn tại và có sự mong cầu, các ngươi hãy vượt qua điều vướng mắc ấy. Chớ để thời khắc trôi qua đối với ngươi, bởi vì những kẻ để thời khắc trôi qua (sẽ) sầu muộn khi bị đọa vào địa ngục.

336. Sự xao lãng là bụi bặm, sự xao lãng kế tiếp sự xao lãng là bụi bặm. Nhờ không xao lãng, nhờ vào minh, có thể nhổ lên mũi tên của bản thân.

 

Dứt Kinh Đứng Lên.

 

11. KINH RĀHULA

 

337. Con có coi thường bậc sáng suốt do việc cộng trú thường xuyên hay không? Bậc nắm giữ ngọn đuốc của loài người có được con tôn kính hay không?

338. Con không coi thường bậc sáng suốt do việc cộng trú thường xuyên. Bậc nắm giữ ngọn đuốc của loài người luôn luôn được con tôn kính.

339. Sau khi từ bỏ năm loại dục có hình thức đáng yêu, làm thích ý, sau khi rời căn nhà ra đi vì niềm tin, con hãy thực hiện việc chấm dứt khổ đau.

340. Con hãy thân cận những người bạn tốt lành và chỗ nằm ngồi thanh vắng, cô quạnh, ít tiếng động. Con hãy biết chừng mực về vật thực.

341. Con chớ tạo ra sự tham ái ở những vật này: ở y phục, ở đồ ăn khất thực, ở thuốc men chữa bệnh, ở chỗ nằm ngồi. Con chớ đi đến thế gian lần nữa.

342. Con hãy thu thúc theo giới bổn Pātimokkha và ở năm giác quan. Con hãy có niệm đặt ở thân. Con hãy có nhiều nhàm chán (về thế gian).

343. Con hãy xa lánh hiện tướng xinh đẹp, được gắn liền với luyến ái. Con hãy tu tập tâm về đề mục tử thi, có sự chuyên nhất, khéo định tĩnh.

344. Và con hãy tu tập về vô tướng. Con hãy nhổ bỏ sự tiềm ẩn của ngã mạn. Từ đó, nhờ vào sự lĩnh hội về ngã mạn, con sẽ sống được an tịnh.”

Như thế, đức Thế Tôn thường xuyên giáo huấn đại đức Rāhula bằng những lời kệ này.

 

Dứt Kinh Rāhula.

 

12. KINH NIGRODHAKAPPA

 

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Āḷavī, ở bảo tháp Aggāḷava. Vào lúc bấy giờ, thầy tế độ của đại đức Vaṅgīsa, vị trưởng lão tên Nigrodhakappa, vửa viên tịch Niết Bàn không bao lâu tại bảo tháp Aggāḷava.

 

Sau đó, đại đức Vaṅgīsa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Thầy tế độ của ta là viên tịch Niết Bàn hay là không phải viên tịch Niết Bàn?”

 

Sau đó vào buổi chiều, đại đức Vaṅgīsa, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Vaṅgīsa đã nói với đức Thế Tôn điều này:

 

“Bạch Ngài, ở đây trong lúc con thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Thầy tế độ của ta là viên tịch Niết Bàn hay là không phải viên tịch Niết Bàn?’”

Sau đó, đại đức Vaṅgīsa đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng:

 

345. "Chúng con hỏi đấng Đạo Sư, bậc có trí tuệ tột đỉnh,

bậc đã cắt đứt các sự hoài nghi ở thế giới hiện hữu,

về vị tỳ khưu đã từ trần ở Aggāḷava,

được biết tiếng, có danh vọng, có bản thể đã được tịch tịnh.

 

346. Bạch đức Thế Tôn, ‘Nigrodhakappa’ là tên đã được Ngài đặt cho vị Bà-la-môn ấy. Bạch đấng có sự nhìn thấy pháp vững chắc, vị ấy, mong mỏi sự giải thoát, trong lúc lễ bái Ngài, đã sống, có sự nỗ lực tinh tấn.

 

347. Bạch ngài Sakya, bạch đấng Toàn Nhãn, tất cả chúng con cũng muốn được biết về vị Thinh Văn ấy; những lỗ tai của chúng con đã sẵn sàng cho việc nghe. Ngài là bậc Đạo Sư của chúng con. Ngài là bậc Vô Thượng.

 

348. Xin Ngài hãy cắt đứt hẳn sự hoài nghi của chúng con, xin hãy nói cho con điều ấy. Bạch đấng có trí tuệ quảng đại, xin Ngài hãy cho biết về việc viên tịch Niết Bàn (của vị ấy). Bạch đấng Toàn Nhãn, xin Ngài hãy nói ở ngay giữa chúng con, tựa như vị Trời Sakka có ngàn mắt ở giữa chư Thiên.

 

349. Ở đây, bất cứ những mối buộc thắt nào, những con đường của si mê, những phe nhóm của vô trí, những chỗ đứng của hoài nghi, sau khi đạt đến đức Như Lai, chúng đều không tồn tại, bởi vì con mắt ấy là tối thượng giữa những con người.

 

350. Bởi vì, nếu chắc chắn không có người tiêu diệt các phiền não, giống như làn gió làm tiêu tan đám mây, thì toàn bộ thế gian, bị bao trùm, sẽ vô cùng tối tăm, ngay cả những người có hào quang (trí tuệ) cũng không thể tỏa sáng.

 

351. Và các bậc thông minh là những người tạo ra ánh sáng. Vì thế, bạch đấng Thông Minh, con nghĩ rằng Ngài là vị tương tự như thế ấy. Chúng con đã đi đến với bậc có sự minh sát và hiểu biết, xin Ngài hãy bày tỏ về vị Kappa cho chúng con ở các hội chúng.

 

352. Hỡi bậc có sự thu hút, xin Ngài hãy mau mau thốt lên giọng nói có sự thu hút. Tựa như chim thiên nga vươn cao (cái cổ), xin Ngài hãy dịu dàng thốt lên bằng âm thanh trọn vẹn khéo được điều khiển; toàn bộ tất cả chúng con đều tập trung lắng nghe.

 

353. Sau khi thúc giục bậc có sự sanh tử đã được dứt bỏ không còn dư sót, con sẽ thỉnh bậc đã rũ sạch (phiền não) thuyết Pháp; bởi vì trong số các phàm nhân không có người có thể làm được điều mong muốn, và người hành động đúng theo dự tính chỉ có trong số các đức Như Lai.

 

354. Lời giải thích đầy đủ này của Ngài, bậc có trí tuệ ngay thẳng, đã được tiếp nhận. Sự chắp tay sau cùng này đã được cúi chào tốt đẹp. Hỡi bậc có trí tuệ tột đỉnh, trong khi Ngài biết, xin Ngài chớ làm mê mờ.

 

355. Hỡi đấng Anh Hùng tột bực, Ngài đã hiểu biết về Giáo Pháp cao thượng từ thấp đến cao, trong khi Ngài biết, xin Ngài chớ làm mê mờ. Giống như người có bản thân bị nóng bức, trong lúc nóng nực mong mỏi nước, con mong mỏi lời nói (của Ngài); xin Ngài hãy đổ cơn mưa âm thanh.

 

356. Vị Kappāyana đã sống Phạm hạnh với mục đích nào, phải chăng điều ấy không phải là rỗng không? Có phải vị ấy đã Niết Bàn (không còn dư sót), hay là vẫn còn dư sót? Vị ấy đã được giải thoát như thế nào, hãy cho chúng con được nghe điều ấy.”

 

357. “Vị ấy đã cắt đứt tham ái ở danh và sắc ở nơi đây (lời của đức Thế Tôn), dòng nước của Ma Vương đã được tiềm ẩn bấy lâu. Vị ấy đã vượt qua sự sanh và sự chết.” Đức Thế Tôn, bậc đứng đầu về năm pháp, đã nói như thế.

 

358. “Bạch bậc Ẩn Sĩ tối thượng, sau khi nghe điều ấy, con tin tưởng vào lời nói của Ngài. Thật vậy, điều đã được con hỏi là không vô ích, vị Bà-la-môn đã không dối gạt con.

 

359. Vị có lời nói như thế nào thì có hành động như thế ấy đã là đệ tử của đức Phật. Vị ấy đã cắt đứt tấm lưới chắc chắn của Thần Chết xảo quyệt đã được giăng ra.

 

360. Bạch đức Thế Tôn, vị Kappiya đã nhìn thấy sự khởi đầu của chấp thủ. Quả thật, vị Kappāyana đã băng qua lãnh địa của Thần Chết, là nơi rất khó vượt qua.”

 

Dứt Kinh Nigrodhakappa.

 

13. KINH DU HÀNH CHÂN CHÁNH

 

361. “Con hỏi bậc hiền trí, bậc có tuệ bao la, bậc đã vượt qua, đã đi đến bờ kia, đã hữu dư Niết Bàn, có bản thân ổn định rằng: ‘Sau khi rời nhà ra đi, sau khi đã xua đuổi các dục, vị tỳ khưu ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian như thế nào?’”

 

362. (Lời của đức Thế Tôn) “Đối với vị nào các điềm lành đã được bứng lên, các (hiện tượng) sao băng, các giấc chiêm bao, và các hiện tướng (cũng như vậy), vị tỳ khưu ấy đã dứt bỏ hẳn các điềm lành và điềm xấu, vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.

 

363. Vị tỳ khưu nên xua đi sự luyến ái ở các dục thuộc về nhân loại luôn cả thuộc về cõi trời. Sau khi vượt qua hữu, sau khi hiểu rõ Giáo Pháp (Tứ Diệu Đế), vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.

 

364. Sau khi đã bỏ lại sau lưng các việc nói đâm thọc,

vị tỳ khưu nên từ bỏ sự giận dữ và keo kiệt,

đã dứt bỏ hẳn sự tùy thuận và chống đối,

vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.

 

365. Sau khi từ bỏ thương và ghét,

sau khi không còn chấp thủ, không bị lệ thuộc vào bất cứ nơi nào,

được hoàn toàn thoát khỏi các sự trói buộc,

vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.

 

366. Không có việc vị ấy đi đến cốt lõi ở các mầm tái sanh,

sau khi xua đi sự mong muốn và luyến ái ở các chấp thủ,

vị ấy không bị lệ thuộc, không bị dẫn dắt bởi kẻ khác,

vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.

 

367. Không chống đối bằng lời nói, bằng ý nghĩ, và bằng hành động, sau khi hiểu biết Giáo Pháp một cách đúng đắn, trong khi ước nguyện trạng thái Niết Bàn, vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.

 

368. Vị nào không kiêu hãnh (nghĩ rằng) ‘Họ đảnh lễ ta,’

ngay cả khi bị sỉ vả, vị tỳ khưu cũng không kết nối (thù hận),

sau khi thọ lãnh vật thực của người khác, không đắc chí (tự mãn),

vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.

 

369. Sau khi dứt bỏ hẳn tham và hữu,

vị tỳ khưu lánh xa việc hãm hại và trói buộc (các chúng sanh khác),

vị ấy đã vượt qua sự nghi ngờ, không còn mũi tên,

vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.

 

370. Sau khi biết được điều thích hợp cho bản thân,

vị tỳ khưu không hãm hại bất cứ ai ở thế gian,

sau khi biết được Giáo Pháp đúng theo bản thể,

vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.

 

371. Đối với vị nào, không còn có bất cứ các pháp tiềm ẩn nào,

các gốc rễ bất thiện đã được nhổ lên,

vị ấy không còn ước ao (tham vọng), không có khao khát,

vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.

 

372. Có lậu hoặc đã được cạn kiệt, đã dứt bỏ ngã mạn,

đã vượt lên trên tất cả lộ trình của luyến ái,

đã được huấn luyện, đã hữu dư Niết Bàn, có bản thân ổn định

vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.

 

373. Có đức tin, có sự lắng nghe, có sự nhìn thấy quy luật,

vị sáng trí không xuôi theo bè phái giữa những kẻ đi theo bè phái,

sau khi xua đi tham lam, sân hận, bất bình,

vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.

 

374. Vị chiến thắng thanh tịnh, có màn che đã được cuốn lên,

có năng lực ở các pháp, đã đi đến bờ kia, không dục vọng,

được thiện xảo ở trí về sự tịch diệt của các hành,

vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.

 

375. Vị đã vượt qua suy tưởng (về tham ái và tà kiến) ở các thời quá khứ và còn ở các thời vị lai nữa, sau khi đã vượt qua, có tuệ trong sạch, được hoàn toàn thoát khỏi tất cả các xứ (sáu nội xứ và sáu ngoại xứ), vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.

 

376. Sau khi hiểu biết nền tảng (Tứ Đế), sau khi hiểu rõ Giáo Pháp,

sau khi nhìn thấy sự dứt bỏ của các lậu hoặc một cách rõ rệt,

nhờ vào sự diệt tận của tất cả các mầm tái sanh,

vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.

 

377. “Bạch đức Thế Tôn, thật vậy, bởi vì điều ấy đúng y như thế,

vị tỳ khưu ấy đã sống như vậy, đã được huấn luyện

và đã vượt qua khỏi tất cả các sự trói buộc,

vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.”

 

Dứt Kinh Du Hành Chân Chánh.

 

14. KINH DHAMMIKA

 

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy, cư sĩ Dhammika cùng với năm trăm cư sĩ đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, cư sĩ Dhammika đã nói với đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng:

378. “Bạch ngài Gotama, bạch đấng có trí tuệ quảng đại, con xin hỏi Ngài: Người đệ tử tốt lành là người có hành động như thế nào, người (đệ tử) này hoặc là vị (xuất gia) rời nhà đi đến đời sống không nhà, hoặc là những vị cư sĩ có sở hữu căn nhà?

379. Bởi vì Ngài nhận biết cảnh giới tái sanh và việc đi đến bờ kia của thế gian luôn cả chư Thiên, và người có sự nhìn thấy ý nghĩa vi tế có thể sánh bằng (với Ngài) là không có, bởi vì người ta nói Ngài là đức Phật quý cao.

380. Sau khi biết mọi loại trí tuệ, trong lúc thương tưởng đến chúng sanh, Ngài (đã) giảng giải Giáo Pháp. Bạch đấng Toàn Nhãn, Ngài có màn che đã được cuốn lên. Không bị vết nhơ, Ngài chiếu sáng tất cả thế gian.

381. Vị vua của loài voi tên là Erāvaṇa đã đi đến gặp Ngài. Sau khi nghe rằng: ‘Đấng Chiến Thắng,’ vị ấy cũng đã thảo luận với Ngài, đã lắng nghe và (đã nói) rằng: ‘Lành thay,’ rồi đã ra đi với dáng vẻ hân hoan.

382. Vị vua Vessavaṇa Kuvera cũng đã đi đến gặp Ngài hỏi han về Giáo Pháp. Bạch bậc Sáng Trí, ngay cả đối với vị ấy, Ngài đã trả lời khi được hỏi. Và vị ấy nữa, sau khi lắng nghe cũng có dáng vẻ hân hoan.

383. Những ngoại đạo này, bất cứ những vị nào có bản tánh tranh luận, dầu là các đạo sĩ khổ hạnh hay là các đạo sĩ lõa thể, tất cả không vượt qua được Ngài về tuệ, tựa như kẻ đứng lại không vượt qua được người đi nhanh đang tiến bước.

384. Những Bà-la-môn này, bất cứ những vị nào có bản tánh tranh luận, và có cả những vị Bà-la-môn trưởng thượng nào đó nữa, luôn cả những kẻ khác đang nghĩ họ là những người tranh luận, tất cả đều bám vào ý nghĩa (của lời giải đáp) ở nơi Ngài.

385. Bạch đức Thế Tôn, bởi vì Giáo Pháp này là vi tế và (đem lại) an lạc, đã khéo được tuyên thuyết bởi Ngài. Tất cả đang mong muốn lắng nghe chính điều ấy. Bạch đức Phật tối thượng, đã được hỏi, xin Ngài hãy nói cho chúng con điều ấy.

386. Tất cả các vị tỳ khưu này cũng đã cùng nhau ngồi xuống để lắng nghe, các cư sĩ cũng tương tự y như thế. Hãy để họ lắng nghe Giáo Pháp đã được giác ngộ bởi bậc Vô Nhiễm, tựa như chư Thiên lắng nghe lời khéo nói của (Thiên Vương) Vāsava.

387. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy lắng nghe Ta. Ta nói cho các ngươi nghe về pháp từ khước; và tất cả hãy ghi nhớ điều ấy. Vị có sự nhìn thấy điều lợi ích, có niệm, nên thực hành (bốn) oai nghi phù hợp đối với các bậc xuất gia.

388. Thật vậy, vị tỳ khưu không nên đi đâu vào lúc không đúng thời,

và nên đi vào làng để khất thực lúc đúng thời.

Bởi vì, sự quyến luyến bám vào kẻ du hành không đúng thời.

Vì thế, chư Phật không đi vào lúc không đúng thời.

 

389. Các sắc, các thinh, các vị, các hương,

và các xúc, chúng làm say đắm các chúng sanh.

Sau khi xua đi sự mong muốn ở các pháp ấy,

vị ấy vào lúc đúng thời có thể đi vào (làng để khất thực) cho buổi ăn sáng.

 

390. Và sau khi đã nhận được vật thực hợp thời, vị tỳ khưu, một mình, sau khi quay trở về nên ngồi xuống ở nơi vắng vẻ, có tâm hướng nội phần, có bản ngã đã được nắm giữ tốt đẹp, không để cho ý buông lung ở ngoại cảnh.

 

391. Thậm chí, nếu vị ấy phải chuyện trò với người đệ tử,

hoặc với kẻ khác, hoặc với bất cứ vị tỳ khưu nào,

thì nên đề cập đến Giáo Pháp hảo hạng ấy,

không nói đâm thọc, cũng không nói chỉ trích kẻ khác.

 

392. Bởi vì một số người phản kháng lại lời nói,

chúng ta không ca ngợi những kẻ có tuệ nhỏ nhoi ấy.

Các sự quyến luyến từ nơi này nơi khác đeo bám những kẻ ấy,

bởi vì những kẻ ấy để cho tâm đi xa khỏi nơi ấy.

 

393. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp được thuyết giảng bởi bậc Thiện Thệ, vị đệ tử có tuệ cao quý suy xét rồi thọ dụng đồ ăn khất thực, trú xá, chỗ nằm ngồi (giường ghế), và nước gột sạch bụi bám ở y hai lớp.

 

394. Chính vì thế, về đồ ăn khất thực, về chỗ nằm ngồi (giường ghế), và về nước gột sạch bụi bám ở y hai lớp, vị tỳ khưu không bám víu vào những pháp này, giống như những giọt nước ở lá sen.

 

395. Giờ đây, Ta nói về phận sự của người tại gia cho các ngươi. Có hành động như thế nào thì trở nên người đệ tử tốt lành. Bởi vì toàn bộ pháp hành ấy của tỳ khưu, người có vật sở hữu thì không thể nào đạt đến.

 

396. Không nên giết hại mạng sống và không nên bảo (kẻ khác) giết hại,

không nên chấp thuận cho những kẻ khác đang giết hại.

Sau khi bỏ xuống gậy gộc đối với tất cả chúng sanh,

những loài không di động và những loài di động hiện hữu ở thế gian.

 

397. Kế đến, người đệ tử sáng suốt nên xa lánh bất cứ vật gì không được cho, ở bất cứ nơi đâu. Không nên bảo (kẻ khác) lấy trộm, không nên chấp nhận những kẻ đang lấy trộm, nên xa lánh mọi vật không được cho.

398. Người có sự hiểu biết nên xa lánh việc phi Phạm hạnh, tựa như (xa lánh) đống than hừng đang cháy rực. Hơn nữa, trong khi không đủ khả năng (sống) Phạm hạnh, không nên xâm phạm vợ của người khác.

399. Một người đi đến cuộc hội họp hoặc đi đến hội chúng không nên nói lời dối trá đối với người khác, không nên bảo (kẻ khác) nói (dối), không nên chấp nhận những kẻ đang nói (dối), nên xa lánh mọi điều không phải sự thật.

400. Người tại gia nào thích thú với Giáo Pháp này không nên thực hành việc uống chất say, không nên bảo (kẻ khác) uống (chất say), không nên chấp nhận những kẻ đang uống (chất say), sau khi biết rằng việc (uống chất say) ấy có sự điên cuồng là kết cuộc.

401. Bởi vì do say sưa, những kẻ ngu làm những việc xấu xa

và còn làm cho những người khác cũng bị xao lãng.

Nên xa lánh hẳn việc này, lãnh vực không có phước báu,

sự điên cuồng, sự đần độn, được ưa thích bởi kẻ ngu.

 

402. Không nên giết hại sinh mạng, và không nên lấy vật không được cho,

không nên nói lời dối trá, và không nên uống chất say,

nên kiêng cử việc đôi lứa, việc phi Phạm hạnh,

không nên ăn vật thực lúc phi thời, vào ban đêm.

 

403. Không nên đeo tràng hoa, và không nên sử dụng chất thơm,

nên nằm ở chiếc giường, hoặc ở mặt đất đã được trải lót.

Bởi vì việc ấy được gọi là là hạnh trai giới gồm có tám chi phần,

đã được giảng giải bởi đức Phật, bậc đã đi đến sự chấm dứt của khổ đau.

 

404. Và kế đó, sau khi hành trì ngày trai giới hội đủ tám chi phần, có hình thức được hoàn toàn đầy đủ, với tâm tịnh tín, vào ngày mười bốn, ngày mười lăm, ngày thứ tám của nửa tháng, và (các) ngày phụ trội của nửa tháng,[v] ...

405. ... và sau đó vào buổi sáng, khi ngày trai giới đã được hành trì xong, người có sự hiểu biết, với tâm tịnh tín, trong khi đang hoan hỷ, nên dâng cúng cơm nước phù hợp với khả năng đến hội chúng tỳ khưu.

406. Người ấy nên phụng dưỡng mẹ cha đúng theo bổn phận, nên áp dụng việc buôn bán một cách đúng pháp. Người tại gia này, trong lúc duy trì cuộc sống (như vậy), không xao lãng, (sẽ) đi đến với chư Thiên có tên là ‘Sayaṃpabhā’ (tự mình có hào quang).

 

Dứt Kinh Dhammika.

 

Tiểu Phẩm là thứ nhì.

 

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

 

Kinh châu báu, và kinh mùi tanh hôi, kinh hổ thẹn, kinh điềm lành tối thượng, kinh Sūciloma, kinh Kapila, và kinh truyền thống Bà-la-môn nữa, kinh Giáo Pháp, kinh với giới gì, kinh đứng lên, và kinh Rāhula, kinh Kappa, kinh du hành (chân chánh), và còn có kinh Dhammika khác nữa; mười bốn bài kinh này gọi là Tiểu Phẩm.



[i] Các hạng sanh linh (bhūtāni): nói đến các hàng chư Thiên (amanussesu) không có phân biệt (KhpA. 166).

[ii] Tức là các bậc Thánh nhân, gồm có bốn Đạo và bốn Quả (ND).

[iii] Bốn khổ cảnh (apāyā): địa ngục, súc sanh, quỷ đói, và A-tu-la (KhpA. 189).

[iv] Sáu tội nghiêm trọng (abhiṭhānāni): gồm có: giết mẹ, giết cha, giết bậc Thánh A-la-hán, làm chảy máu thân Phật, chia rẽ Hội Chúng, tuyên bố vị khác là bậc đạo sư (Sđd.).

[v] Vào mỗi nửa tháng, ba ngày trai giới mồng tám, mười bốn, mười lăm, cộng thêm ngày rước và ngày đưa là các ngày bảy, ngày chín, ngày mười ba, và mồng một (ND).


[Mục lục][1][2][3][4][5]


[Trở về trang Thư Mục]