TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 29
KINH TẬP
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
SUTTANIPĀTAPĀḶI - KINH TẬP
Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!
V. PĀRĀYANAVAGGO - PHẨM ĐI ĐẾN BỜ KIA
980. Có vị Bà-la-môn tinh thông chú thuật, trong khi ước nguyện về trạng thái vô sở hữu, từ thành phố đáng yêu của xứ Kosala đã đi đến khu vực phía Nam.
981. Vị ấy đã trú ngụ ở địa phận Assaka, kế bên vùng Aḷakassa, bên bờ sông Godhāvarī (sống) bằng vật lượm lặt và trái cây.
982. Và đã có một ngôi làng rộng lớn kề cận với bờ sông ấy. Với thu nhập phát sanh từ nơi ấy, vị Bà-la-môn đã sắp đặt một cuộc tế lễ vĩ đại.
983. Sau khi đã cống hiến cuộc tế lễ vĩ đại, vị Bà-la-môn đã đi vào lại nơi ẩn cư. Khi vị ấy đã đi vào trong, một người Bà-la-môn khác đã đi đến.
984. Và người ấy, với bàn chân bị sưng vù, run lập cập, có răng đóng bợn, với đầu lấm bụi, đã đi đến gần vị Bà-la-môn và cầu xin năm trăm (tiền).
985. Sau khi nhìn thấy kẻ ấy đấy, (Bà-la-môn) Bāvarī đã mời chỗ ngồi, đã hỏi về sự an lạc và tốt lành, rồi đã nói lời này:
986. “Quả thật, cái gì thuộc về tôi mà là vật có thể bố thí, thì tôi đã ban phát tất cả rồi. Này ông Bà-la-môn, xin hãy hiểu cho tôi, tôi không có năm trăm.”
987. “Nếu trong khi được tôi cầu xin, mà ngài không ban cho, thì vào ngày thứ bảy, cái đầu của ngài hãy bể tan thành bảy mảnh.”
988. Sau khi làm thủ thuật, kẻ dối trá ấy đã thốt lời hăm dọa. Sau khi nghe được lời nói ấy của kẻ ấy, Bāvarī đã trở nên sầu khổ.
989. (Vị ấy) trở nên héo mòn, không thức ăn, đã bị đâm trúng bởi mũi tên sầu muộn, Rồi cũng thế, đối với người có tâm như vậy, ý không vui thích trong việc tham thiền.
990. Sau khi nhìn thấy Bāvarī bị run sợ, bị sầu khổ, vị Thiên nhân có lòng mong mỏi điều tốt đẹp, đã đi đến gặp Bāvarī và đã nói lời này:
991. “Gã ấy không nhận biết về cái đầu. Gã dối trá ấy là kẻ tầm cầu tài sản. Sự hiểu biết của gã ấy về cái đầu hay về việc làm vỡ cái đầu không hiện hữu.”
992. “Thưa tiên nữ, nếu nàng biết, khi được tôi hỏi, xin nàng hãy nói với tôi về điều ấy, về cái đầu và về việc làm vỡ cái đầu. Chúng tôi xin lắng nghe lời nói của nàng về điều ấy.”
993. “Ngay cả tôi cũng không biết về điều này; sự hiểu biết của tôi về lĩnh vực này không hiện hữu. Kiến thức ở lĩnh vực này, cái đầu và việc làm vỡ cái đầu, chỉ riêng thuộc về các đấng Chiến Thắng.”
994. “Vậy thì hiện nay, ở trái đất hình cầu này, người nào biết về cái đầu và về việc làm vỡ cái đầu? Thưa tiên nữ, xin nàng hãy nói điều ấy cho tôi.”
995. “Bậc Lãnh Đạo Thế Gian, hậu duệ của đức vua Okkāka, con trai dòng Sakya, đấng Mặt Trời, trước đây đã ra đi từ thành Kapilavatthu.
996. Này Bà-la-môn, vị ấy chính là đấng Toàn Giác, bậc đã đi đến bờ kia đối với tất cả các pháp, đã đạt được năng lực của tất cả các thắng trí, bậc Hữu Nhãn về tất cả các pháp, đã đạt đến sự cạn kiệt đối với tất cả các nghiệp, đã được giải thoát bởi sự cạn kiệt các mầm tái sanh.
997. Vị ấy là đức Phật, đấng Thế Tôn ở thế gian, bậc Hữu Nhãn thuyết giảng Giáo Pháp. Ông hãy đi đến và hỏi vị ấy. Vị ấy sẽ giải thích điều ấy cho ông.”
998. Sau khi nghe được câu nói “Đấng Toàn Giác,” Bāvarī đã trở nên phấn khởi. Nỗi sầu muộn của vị này đã trở thành nhỏ nhoi, và ông ta đã đạt được niềm vui bao la.
999. Vị Bāvarī ấy, có ý hài lòng, phấn khởi, sanh nỗi hân hoan, hỏi người tiên nữ ấy rằng: “Đấng Bảo Hộ Thế Gian ở ngôi làng hoặc ở phố thị nào, hay ở xứ sở nào? Chúng tôi sẽ đi đến nơi ấy và lễ bái đấng Toàn Giác, bậc tối thượng của loài người.”
1000. “Đấng Chiến Thắng ở Sāvatthi, cung điện của xứ Kosala, có tuệ rộng lớn, có sự sáng suốt quảng đại cao quý. Người con trai dòng Sakya ấy không kẻ sánh bằng, không còn lậu hoặc, là bậc Nhân Ngưu, vị hiểu biết về việc làm vỡ cái đầu.”
1001. Sau đó, vị Bà-la-môn đã bảo những người học trò tinh thông về chú thuật rằng: “Này các cậu thanh niên hãy đi đến, ta sẽ nói. Các ngươi hãy lắng nghe lời nói của ta.
1002. Sự xuất hiện thường xuyên ấy của vị nào là điều khó đạt được ở thế gian, vị ấy hôm nay đã hiện khởi ở thế gian, được biết tiếng là “Đấng Toàn Giác.” Chúng ta hãy nhanh chóng đi đến Sāvatthi và diện kiến bậc tối thượng của loài người.”
1003. “Thưa Bà-la-môn, vậy làm thế nào chúng con có thể biết là ‘Đức Phật’ sau khi nhìn thấy? Xin thầy hãy nói ra cho những người không biết chúng con để chúng con có thể nhận biết vị ấy.”
1004. “Các tướng trạng của bậc đại nhân quả đã được lưu truyền ở các chú thuật, và ba mươi hai điều đã được thuật lại đầy đủ theo thứ tự.
1005. Vị nào có những tướng trạng của bậc đại nhân này ở các phần thân thể, đối với vị ấy chỉ có hai lối đi, bởi vì lối đi thứ ba không có.
1006. Nếu sống tại gia, vị ấy sẽ chinh phục trái đất này và cai quản đúng pháp, không nhờ vào gậy gộc, không nhờ vào gươm đao.
1007. Và nếu vị ấy xuất gia, rời nhà sống không nhà, thì (sẽ) trở thành đấng Toàn Giác, bậc A-la-hán, đấng Vô Thượng, có màn che (vô minh) đã được xua tan.
1008. Các ngươi hãy hỏi, chỉ bằng ý mà thôi, về việc sanh ra và về dòng họ, về tướng trạng, về các chú thuật, về các học trò, về những điều khác nữa (liên quan đến ta), về cái đầu và về việc làm vỡ cái đầu.
1009. Nếu là đức Phật, bậc có sự nhìn thấy không bị chướng ngại, thì khi câu hỏi được hỏi bằng ý, (vị ấy) sẽ đáp lại bằng lời nói.”
1010. Sau khi lắng nghe lời nói của Bāvarī, mười sáu vị Bà-la-môn học trò là: Ajita, Tissametteyya, Puṇṇaka, rồi Mettagū, ...
1011. Dhotaka, và Upasīva, Nanda, rồi Hemaka, hai vị Todeyya, và Kappa, và vị sáng suốt Jatukaṇṇī, ...
1012. Bhadrāvudha, và Udaya, luôn cả Bà-la-môn Posāla, và vị thông minh Mogharājā, và vị đại ẩn sĩ Piṅgiya.
1013. Tất cả là những vị có đồ chúng riêng, được nổi tiếng khắp cả thế gian, có thiền chứng, thích thú với thiền, sáng trí, đã được huân tập thành thói quen trong quá khứ.
1014. Sau khi đã đảnh lễ Bāvarī, và thực hiện việc nhiễu quanh vị ấy, tất cả có tóc bện, mặc y da dê, đã ra đi hướng về phía bắc.
1015. (Họ đã đi) đến Patiṭṭhāna của xứ sở Mūlaka trước tiên, rồi đến Māhissatī, luôn cả Ujjenī, Gonaddhā, Vedisā, và (thành phố) có tên Vana.
1016. Rồi đến Kosambī, luôn cả sāketa, và thành phố hạng nhất Sāvatthi, Setavya, vùng đất Kapila, và cung điện Kusinārā.
1017. Pāvā, và thành phố Bhogā, Vesālī, thành phố xứ Magadha, và điện thờ Pāsāṇakaṃ đáng yêu, thich ý.
1018. Tựa như người bị khát nước được nước mát, tựa như thương buôn được lợi lớn, tựa như người bị thiêu đốt bởi sức nóng được bóng râm, họ đã vui mừng trèo lên ngọn núi.
1019. Và vào thời điểm ấy, đức Thế Tôn, được hội chúng tỳ khưu tôn vinh, thuyết giảng Giáo Pháp cho các vị tỳ khưu, tựa như con sư tử gầm thét ở khu rừng.
1020. Ajita đã nhìn thấy đấng Toàn Giác tựa như mặt trời có trăm ánh hào quang, giống như mặt trăng đã tiến gần đến sự tròn đầy vào ngày mười lăm.
1021. Rồi sau khi nhìn thấy các phần thân thể của vị này và dấu hiệu được đầy đủ, Ajita, đứng ở một bên, mừng rỡ, đã hỏi bằng ý các câu hỏi rằng:
1022. “Xin Ngài hãy xác định và nói về việc sanh ra (của vị Bāvarī). Xin Ngài hãy nói về dòng họ cùng với tướng trạng. Xin Ngài hãy nói về sự toàn hảo ở các chú thuật. Vị Bà-la-môn (Bāvarī) dạy bảo được bao nhiêu?”
1023. “Tuổi thọ là một trăm hai mươi. Và theo dòng họ vị ấy là Bāvarī. Ở thân thể vị này có ba tướng trạng. Là vị tinh thông về ba bộ Vệ Đà.
1024. Là người đã đạt đến sự toàn hảo về pháp (Bà-la-môn) của mình, về tướng trạng và về lịch sử, về từ vựng và về nghi lễ, (Bāvarī) dạy bảo năm trăm (học trò).”
1025. “Thưa bậc Tối Thượng Nhân, thưa bậc đã cắt đứt tham ái, xin Ngài hãy giải thích chi tiết về các tướng trạng của Bāvarī, xin chớ để chúng tôi bị hoài nghi.”
1026. “(Người ấy) che khuất khuôn mặt bằng cái lưỡi, có sợi lông ở khoảng giữa chân mày của người này, vật được che giấu sau lớp vải (vật kín) được bọc lại; này người thanh niên, hãy biết như thế.”
1027. Trong khi không nghe bất kỳ câu hỏi nào, mà đã nghe các câu hỏi được trả lời, tất cả mọi người sanh nỗi hân hoan, tay chắp lại, suy nghĩ rằng:
1028. “Vậy thì vị Trời nào, hay đấng Đại Phạm, hoặc (Thiên vương) Inda chồng của Sujā, đã hỏi bằng ý những câu hỏi ấy? (Đức Phật) đáp lại điều này cho ai?”
1029. “Vị Bāvarī hỏi về cái đầu và về việc làm vỡ cái đầu. Thưa đức Thế Tôn, xin Ngài hãy trả lời điều ấy. Thưa bậc ẩn sĩ, xin Ngài hãy xua đi nỗi nghi ngờ của chúng tôi.”
1030. “Người hãy biết vô minh là ‘cái đầu,’ minh với việc đập vỡ cái đầu, được liên kết với tín, niệm, định, ... với ước muốn và tinh tấn.”
1031. Do đó, với nỗi hân hoan lớn lao, sau khi trấn tĩnh lại người thanh niên Bà-la-môn đã khoác tấm da dê một bên vai, quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân (đức Phật và nói rằng):
1032. “Thưa Ngài, Bà-la-môn Bāvarī, có tâm phấn khởi, có ý tốt lành, cùng với các học trò đảnh lễ hai bàn chân của Ngài, thưa bậc Hữu Nhãn.”
1033. “Mong sao Bà-la-môn Bāvarī cùng với các học trò được an lạc. Và luôn cả ngươi nữa hãy được an lạc. Này người thanh niên, chúc người sống thọ.
1034. Từ cơ hội đã được tạo ra, ngươi hãy hỏi mọi điều hoài nghi của tất cả, của Bāvarī, hoặc của ngươi, bất cứ điều gì ngươi mong muốn ở trong tâm.”
1035. Với cơ hội đã được tạo ra bởi đấng Toàn Giác, Ajita đã ngồi xuống, chắp tay lại, tại nơi ấy đã hỏi đức Như Lai câu hỏi thứ nhất.
Dứt Kệ Ngôn Giới Thiệu.
1036. (Tôn giả Ajita hỏi:) “Thế gian bị phủ kín bởi cái gì? Không chói sáng bởi điều gì? Ngài hãy nói cái gì là sự vấy nhiễm? Sự nguy hiểm lớn lao của nó là gì?”
1037. (Đức Thế Tôn nói: “Này Ajita,) thế gian bị phủ kín bởi vô minh, không chói sáng bởi keo kiệt, bởi xao lãng. Ta nói tham muốn là sự uế nhiễm, khổ là sự nguy hiểm lớn lao của nó (thế gian).”
1038. (Tôn giả Ajita hỏi:) “Các dòng chảy trôi đi khắp mọi nơi. Cái gì là sự ngăn cản các dòng chảy? Ngài hãy nói về sự chế ngự các dòng chảy. Các dòng chảy được chặn đứng bởi cái gì?”
1039. (Đức Thế Tôn nói: “Này Ajita,) những dòng chảy nào hiện diện ở thế gian, niệm là sự ngăn cản chúng. Ta nói về sự chế ngự các dòng chảy. Chúng được chặn đứng bởi tuệ.”
1040. (Tôn giả Ajita hỏi:) “Thưa ngài, tuệ và luôn cả niệm, danh và sắc; được tôi hỏi điều này, xin ngài hãy nói lên, ở đâu điều này được diệt tận?”
1041. “Này Ajita, câu hỏi nào ông đã hỏi, Ta (sẽ) trả lời câu hỏi ấy cho ông: Nơi nào danh và sắc được diệt tận không dư sót. Do sự diệt tận của thức, ở đây, điều này (danh và sắc) được diệt tận.”
1042. “Những vị nào đã hiểu rõ Giáo Pháp (các bậc A-la- hán) và những vị nào là các bậc Hữu Học đông đảo ở nơi này, tôi hỏi bậc chín chắn về oai nghi của những vị ấy, thưa ngài, xin ngài hãy nói lên.”
1043. “Vị tỳ khưu không nên khát khao ở các dục, không nên bị vẩn đục ở tâm, thiện xảo đối với tất cả các pháp, có niệm, nên ra đi du phương.”
Kinh Ajita là thứ nhất.
1044. (Tôn giả Tissametteyya hỏi:) “Ở đây, người nào được hài lòng ở thế gian? Đối với người nào các sự dao động không hiện hữu? Người nào, sau khi biết rõ cả hai đầu, nhờ vào trí tuệ không bị nhiễm bẩn ở khoảng giữa? Ngài nói ai là ‘bậc đại nhân’? Ở đây, người nào vượt qua thợ may (tham ái)?”
1045. (Đức Thế Tôn nói: “Này Metteyya,) vị có Phạm hạnh về các dục, đã xa lìa tham ái, luôn luôn có niệm, sau khi đã suy xét, vị tỳ khưu được tịch tịnh. Đối với vị ấy các sự dao động không hiện hữu.
1046. Vị ấy, sau khi biết rõ cả hai đầu, nhờ vào trí tuệ không bị nhiễm bẩn ở khoảng giữa. Ta nói vị ấy là ‘bậc đại nhân.’ Ở đây, vị ấy vượt qua thợ may (tham ái).”
Kinh Tissametteyya là thứ nhì.
1047. (Tôn giả Puṇṇaka nói:) “Với ý định hỏi câu hỏi, tôi đã đi đến với bậc không dục vọng, bậc có sự nhìn thấy gốc rễ (của các pháp): ‘Nương tựa vào điều gì, các vị ẩn sĩ, loài người, các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn đã chuẩn bị lễ hiến tế đến chư Thiên, đông đảo tại nơi này, ở thế gian. Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi ngài. Xin ngài hãy trả lời tôi về điều này.”
1048. (Đức Thế Tôn nói: “Này Puṇṇaka,) bất cứ những ai, các vị ẩn sĩ, loài người, các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn đã chuẩn bị lễ hiến tế đến chư Thiên, đông đảo tại nơi này, ở thế gian, này Puṇṇaka, trong khi mong ước bản thể này, bị phụ thuộc vào tuổi già, họ đã chuẩn bị lễ hiến tế.”
1049. (Tôn giả Puṇṇaka nói:) “Bất cứ những ai, các bậc ẩn sĩ, loài người, các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn đã chuẩn bị lễ hiến tế đến chư Thiên, đông đảo tại nơi này, ở thế gian, thưa đức Thế Tôn, những người ấy, không xao lãng ở đường lối tế lễ, thưa ngài, có phải họ đã vượt qua sanh và già? Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi ngài. Xin ngài hãy trả lời tôi về điều này.”
1050. (Đức Thế Tôn nói: “Này Puṇṇaka,) những kẻ mong ước, tán dương, cầu khấn, cúng tế, cầu khấn các dục bởi vì lợi lộc, Ta nói rằng: ‘Những kẻ ấy, do sự gắn bó vào tế lễ, bị luyến ái với sự ái luyến vào hiện hữu, đã không vượt qua sanh và già.’”
1051. (Tôn giả Puṇṇaka nói:) “Thưa ngài, quả thật những kẻ ấy do sự gắn bó vào tế lễ đã không vượt qua sanh và già nhờ vào những lễ hiến tế, thưa ngài. Thưa ngài, vậy giờ đây người nào ở thế giới chư Thiên và nhân loại đã vượt qua sanh và già? Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi ngài. Xin ngài hãy trả lời tôi về điều này.”
1052. (Đức Thế Tôn nói: “Này Puṇṇaka,) sau khi đã suy xét nơi này và nơi khác ở thế gian, đối với vị nào sự dao động là không có bất cứ đâu ở thế gian, có sự an tịnh, không còn sân hận, không phiền muộn, không mong cầu, Ta nói rằng: ‘Vị ấy đã vượt qua sanh và già.’”
Kinh Puṇṇaka là thứ ba.
1053. (Tôn giả Mettagū nói:) “Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi ngài. Xin ngài hãy trả lời tôi về điều này. Tôi nghĩ rằng ngài là người hiểu biết sâu sắc, có bản thân đã được tu tập. Từ đâu mà các khổ này đã được khởi lên, bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức?”
1054. (Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū,) quả thật ngươi (đã) hỏi ta về sự phát khởi của khổ. Ta sẽ tuyên thuyết về điều ấy cho ngươi theo như điều Ta nhận biết. Các khổ phát khởi đều có căn nguyên là mầm tái sanh, bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức.
1055. Thật vậy, kẻ nào, (do) không biết, tạo ra mầm tái sanh, là kẻ ngu (sẽ) đi đến khổ lần này lần khác. Chính vì thế, người có sự quán xét về sự sanh ra và sự phát khởi của khổ, trong khi biết, không nên tạo ra mầm tái sanh.”
1056. (Tôn giả Mettagū nói:) “Điều nào chúng tôi đã hỏi ngài, ngài đã giải bày cho chúng tôi. Tôi hỏi ngài điều khác, vậy xin ngài hãy trả lời điều ấy: Làm thế nào các bậc sáng trí vượt qua dòng lũ, sanh và già, sầu muộn và than vãn? Thưa bậc hiền trí, xin ngài hãy khéo léo giảng rõ điều ấy cho tôi, bởi vì pháp này đã được ngài biết đúng theo bản thể.”
1057. (Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū,) Ta sẽ giải bày cho ngươi Giáo Pháp tự mình chứng ngộ, không phải do nghe nói lại. Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống, có thể vượt qua sự vướng mắc này ở thế gian.”
1058. “Thưa bậc đại ẩn sĩ, tôi thích thú Giáo Pháp tối thượng ấy. Sau khi hiểu pháp ấy, có niệm, trong khi sống, tôi có thể vượt qua sự vướng mắc này ở thế gian.”
1059. (Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū,) bất cứ điều gì mà ngươi tự mình nhận biết, bên trên, bên dưới, luôn cả chiều ngang và khoảng giữa, ngươi hãy xua đi sự vui thích, sự chấp chặt, và sự nhận thức ở các điều này; không nên trụ lại ở hữu.
1060. An trú như vậy, có niệm, không xao lãng, vị tỳ khưu, trong khi sống, sau khi từ bỏ các vật đã được chấp là của tôi, là vị hiểu biết, ngay tại nơi này, có thể dứt bỏ khổ đau, sanh, già, sầu muộn và than vãn.”
1061. (Tôn giả Mettagū nói:) “Thưa ngài Gotama, tôi thích thú lời nói này của bậc đại ẩn sĩ, đã khéo được giải bày, không liên quan đến mầm tái sanh, bởi vì đức Thế Tôn đương nhiên đã dứt bỏ khổ, bởi vì pháp này đã được ngài biết đúng theo bản thể.
1062. Và thưa bậc hiền trí, những người nào được ngài giáo huấn không ngừng nghỉ, những người ấy chắc chắn có thể dứt bỏ khổ đau. Vì thế, thưa bậc long tượng, sau khi gặp ngài, con xin kính lễ ngài. Mong sao đức Thế Tôn sẽ giáo huấn con không ngừng nghỉ.”
1063. (Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū,) vị Bà-la-môn nào mà ngươi có thể biết rõ là người hiểu biết sâu sắc, không sở hữu gì, không dính mắc ở dục và hữu, vị ấy đương nhiên đã băng qua dòng lũ này, và đã được vượt đến bờ kia, không còn cọc nhọn (ô nhiễm), không còn hoài nghi.”
1064. Và sau khi đã hiểu, vị ấy trở thành người hiểu biết sâu sắc ở nơi đây. Sau khi tháo gỡ sự quyến luyến này ở hữu và phi hữu, vị ấy có tham ái đã được xa lìa, không còn phiền muộn, không có mong cầu, Ta nói rằng: ‘Vị ấy đã vượt qua sanh và già.’”
Kinh Mettagū là thứ tư.
1065. (Tôn giả Dhotaka nói:) “Thưa đức Thế Tôn, con hỏi ngài. Xin ngài hãy trả lời con về điều này. Thưa bậc đại ẩn sĩ, con mong mỏi lời nói của ngài. Sau khi lắng nghe lời tuyên bố của ngài, con có thể học tập về sự tịch diệt cho bản thân.”
1066. (Đức Thế Tôn nói: “Này Dhotaka,) chính vì điều ấy ngươi hãy thực hiện sự năng nỗ, ngay tại nơi này hãy là người có sự chín chắn, có niệm. Sau khi lắng nghe lời tuyên bố từ nơi đây, nên học tập về sự tịch diệt cho bản thân.”
1067. (Tôn giả Dhotaka nói:) “Con nhìn thấy ở thế giới của chư Thiên và loài người vị Bà-la-môn không sở hữu gì đang hành sử (bốn oai nghi). Vì thế, thưa bậc Toàn Nhãn, con xin kính lễ ngài. Thưa vị dòng Sakya, xin ngài hãy giải thoát cho con khỏi các mối nghi ngờ.”
1068. (Đức Thế Tôn nói: “Này Dhotaka,) Ta sẽ không đi đến để giải thoát cho bất cứ người nào có nỗi nghi ngờ ở thế gian. Nhưng trong khi biết rõ Giáo Pháp tối thượng, như thế ngươi có thể vượt qua dòng lũ này.”
1069. (Tôn giả Dhotaka nói:) “Thưa đấng Đại Phạm Thiên, xin ngài hãy từ mẫn chỉ dạy pháp viễn ly để con có thể nhận thức được pháp ấy, theo đó, ví như bầu trời không bị xâm phạm, trong khi tồn tại ở chính nơi này con có thể sống, không bị lệ thuộc.”
1070. (Đức Thế Tôn nói: “Này Dhotaka,) Ta sẽ giải bày cho ngươi về sự an tịnh, tự mình chứng ngộ, không phải do nghe nói lại. Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống, có thể vượt qua sự vướng mắc này ở thế gian.”
1071. (Tôn giả Dhotaka nói:) “Thưa bậc đại ẩn sĩ, con thích thú sự an tịnh tối thượng ấy. Sau khi hiểu pháp ấy, có niệm, trong khi sống, con có thể vượt qua sự vướng mắc này ở thế gian.”
1072. (Đức Thế Tôn nói: “Này Dhotaka,) bất cứ điều gì mà ngươi tự mình nhận biết, ở bên trên, bên dưới, luôn cả chiều ngang và khoảng giữa, sau khi hiểu điều này là ‘sự quyến luyến’ ở thế gian, ngươi chớ tạo ra tham ái ở hữu và phi hữu.”
Kinh Dhotaka là thứ năm.
1073. (Tôn giả Upasīva nói:) “Thưa vị dòng Sakya, con, đơn độc, không nương tựa (nơi nào), không có khả năng vượt qua dòng lũ lớn. Thưa bậc Toàn Nhãn, xin ngài hãy nói về đối tượng; được nương tựa nơi ấy, con có thể vượt qua dòng lũ này.”
1074. (Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva,) vị không trông mong vô sở hữu xứ, có niệm, sau khi nương tựa vào (ý niệm) ‘không có gì,’ có thể vượt qua dòng lũ. Sau khi dứt bỏ các dục, đã xa lánh hẳn các điều nghi ngờ, ngươi hãy quán sát sự cạn kiệt của tham ái đêm và ngày.”
1075. (Tôn giả Upasīva nói:): “Vị nào đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các dục, sau khi từ bỏ pháp (chứng đắc thấp thỏi) khác, không nương tựa vào vô sở hữu xứ, đã được giải thoát ở sự giải thoát tối thượng đối với tưởng, phải chăng vị ấy nên trụ lại ở nơi ấy, không đi theo nữa?”
1076. (Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva,) vị nào đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các dục, sau khi từ bỏ pháp (chứng đắc thấp thỏi) khác, không nương tựa vào vô sở hữu xứ, đã được giải thoát ở sự giải thoát tối thượng đối với tưởng, vị ấy nên trụ lại ở nơi ấy, không đi theo nữa.”
1077. (Tôn giả Upasīva nói:) “Thưa bậc Toàn Nhãn, nếu vị ấy trụ lại ở nơi ấy, không đi theo nữa, thậm chí một số năm, có phải ngay tại chỗ ấy vị ấy có thể có sự mát mẻ, được giải thoát, và thức (tái sanh) của vị thuộc hạng như thế ấy có thể diệt tắt?”
1078. (Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva,) giống như ngọn lửa đã bị dập tắt bởi lực đẩy của ngọn gió thời đi đến sự chấm dứt, không đạt đến danh xưng; tương tự như vậy, vị hiền trí đã được giải thoát khỏi danh thân (tập hợp các yếu tố thuộc về tâm) thời đi đến sự chấm dứt, không đạt đến danh xưng.
1079. (Tôn giả Upasīva nói:) “Có phải vị ấy đi đến sự chấm dứt hay vị ấy không có (hiện hữu), hay là vị ấy thật sự ở vào trạng thái trường tồn, vô bệnh? Thưa bậc hiền trí, xin ngài hãy khéo léo giảng rõ điều ấy cho con, bởi vì pháp này đã được ngài biết đúng theo bản thể.”
1080. (Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva,) đối với vị đã đi đến sự chấm dứt, thì không có sự ước lượng (phỏng đoán). Với điều nào người ta có thể nói về vị ấy, thì điều ấy không còn có đối với vị ấy. Khi tất cả các pháp đã được bứng lên, các nền tảng cho việc nói đến cũng được bứng lên.”
Kinh Upasīva là thứ sáu.
1081. (Tôn giả Nanda nói:) “Dân chúng nói rẳng: ‘Có các vị ẩn sĩ ở thế gian,’ theo ngài điều này (có ý nghĩa) thế nào? Họ nói người đã thành tựu về trí là vị ẩn sĩ, hay là người đã thành tựu về lối sống?”
1082. (Đức Thế Tôn nói: “Này Nanda,) không phải do quan điểm, không phải do học thức, không phải do trí, mà các bậc thiện đức ở nơi đây gọi là vị ẩn sĩ. Những người nào đã tiêu diệt đạo binh (ô nhiễm), sống không phiền muộn, không mong cầu, Ta nói rằng những người ấy là ‘các vị ẩn sĩ.’”
1083. (Tôn giả Nanda nói:) “Bất cứ những Sa-môn và Bà-la-môn nào nói rằng sự trong sạch là do quan điểm và do học thức, nói rằng sự trong sạch là do giới và phận sự, nói rằng sự trong sạch là do nhiều hình thức, thưa đức Thế Tôn, có phải những vị ấy, trong lúc sống như thế ở nơi ấy, họ đã vượt qua sanh và già, thưa ngài? Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi ngài. Xin ngài hãy trả lời tôi về điều này.”
1084. (Đức Thế Tôn nói: “Này Nanda,) bất cứ những vị Sa-môn và Bà-la-môn nào nói rằng sự trong sạch là do quan điểm và do học thức, nói rằng sự trong sạch là do giới và phận sự, nói rằng sự trong sạch là do nhiều hình thức, mặc dầu những vị ấy, trong lúc sống như thế ở nơi ấy, Ta nói rằng: ‘Họ đã không vượt qua sanh và già.’”
1085. (Tôn giả Nanda nói:) “Bất cứ những vị Sa-môn và Bà-la-môn nào nói rằng sự trong sạch là do quan điểm và do học thức, nói rằng sự trong sạch là do giới và phận sự, nói rằng sự trong sạch là do nhiều hình thức.
1086. Thưa bậc hiền trí, nếu ngài nói rằng những vị ấy là không vượt qua dòng lũ, vậy giờ đây người nào ở thế giới chư Thiên và nhân loại đã vượt qua sanh và già, thưa ngài? Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi ngài. Xin ngài hãy trả lời tôi về điều này.”
1087. (Đức Thế Tôn nói: “Này Nanda,) Ta không nói rằng tất cả các vị Sa-môn và Bà-la-môn đều bị bao trùm bởi sanh và già. Ở đây, những vị nào đã dứt bỏ điều đã được thấy, hoặc đã được nghe, hoặc đã được cảm giác, hoặc tất cả giới và phận sự, hoặc đã dứt bỏ mọi hình thức nhiều loại, đã hiểu toàn diện về tham ái, không còn lậu hoặc, Ta nói rằng ‘những con người ấy thật sự đã vượt qua dòng lũ.’”
1088. (Tôn giả Nanda nói:) “Thưa ngài Gotama, tôi thích thú lời nói này của bậc đại ẩn sĩ, đã khéo được giải bày, không liên quan đến mầm tái sanh. Ở đây, những vị nào đã dứt bỏ điều đã được thấy, hoặc đã được nghe, hoặc đã được cảm giác, hoặc tất cả giới và phận sự, hoặc đã dứt bỏ mọi hình thức nhiều loại, đã hiểu toàn diện về tham ái, không còn lậu hoặc, tôi cũng nói rằng ‘những con người ấy thật sự đã vượt qua dòng lũ.’”
Kinh Nanda là thứ bảy.
1089. (Tôn giả Hemaka nói:) “Những người nào trước đây đã giảng giải cho tôi khác với lời dạy của Gotama (nói rằng): ‘Đã là như vầy, sẽ là như vầy,’ mọi điều ấy đều do nghe nói lại theo truyền thống, mọi điều ấy đều là sự tăng trưởng suy tầm (về dục), tôi không thích thú ở nơi ấy.
1090. Và thưa bậc hiền trí, xin ngài hãy nói cho tôi về pháp diệt trừ tham ái; sau khi hiểu pháp ấy, tôi có niệm, trong khi sống, có thể vượt qua sự vướng mắc này ở thế gian.”
1091. “Này Hemaka, ở đây, về các hình thức đáng yêu đã được thấy-đã được nghe-đã được cảm giác-đã được nhận thức là sự xua đi mong muốn và luyến ái (ở chúng), là vị thế Niết Bàn, Bất Hoại.
1092. Sau khi nhận biết điều này, những vị nào có niệm, đã nhận thức được Giáo Pháp, đã được diệt tắt, và luôn luôn an tịnh, những vị ấy đã vượt qua sự vướng mắc này ở thế gian.”
Kinh Hemaka là thứ tám.
1093. (Tôn giả Todeyya nói:) “Ở người nào các dục không sinh tồn, đối với người nào tham ái không tìm thấy, và người nào đã vượt qua các sự nghi ngờ, sự giải thoát của người ấy là như thế nào?”
1094. (Đức Thế Tôn nói: “Này Todeyya,) ở người nào các dục không sinh tồn, đối với người nào tham ái không tìm thấy, và người nào đã vượt qua các sự nghi ngờ, đối với người ấy không có sự giải thoát khác nữa.”
1095. “Vị ấy có sự không mong ước, hay có sự mong ước? Vị ấy có tuệ hay có sự sắp đặt về tuệ? Thưa vị dòng Sakya, để cho tôi có thể nhận biết về vị hiền trí, thưa bậc Toàn Nhãn, xin ngài hãy nói rõ điều ấy cho tôi.”
1096. “Vị ấy có sự không mong ước, vị ấy không có sự mong ước. Vị ấy có tuệ và không có sự sắp đặt về tuệ. Này Todeyya, ngươi hãy nhận biết về vị hiền trí là như vậy, là vị không sở hữu gì, không bị dính mắc ở dục và hữu.”
Kinh Todeyya là thứ chín.
1097. (Tôn giả Kappa nói:) “Đối với những người đang đứng giữa hồ nước, ở dòng lũ có sự nguy hiểm lớn đã được sanh ra, thưa ngài, xin ngài hãy nói về hòn đảo dành cho những người đang bị chế ngự bởi sanh và chết. Và xin ngài hãy giải thích cho tôi về hòn đảo để điều này không thể xảy ra lần khác nữa.”
1098. (Đức Thế Tôn nói: “Này Kappa,) đối với những người đang đứng giữa hồ nước, ở dòng lũ có sự nguy hiểm lớn đã được sanh ra, này Kappa, Ta sẽ nói cho ngươi về hòn đảo dành cho những người đang bị chế ngự bởi sanh và chết.
1099. Hòn đảo này là không sở hữu gì, không nắm giữ, không có cái nào khác, Ta gọi cái ấy là ‘Niết Bàn,’ sự diệt tận sanh và chết.
1100. Sau khi nhận biết điều này, những người nào có niệm, đã nhận thức được Giáo Pháp, đã được diệt tắt, những người ấy không đi theo quyền lực của Ma Vương, những người ấy không là nô bộc của Ma Vương.”
Kinh Kappa là thứ mười.
1101. (Tôn giả Jatukaṇṇi nói:) “Sau khi nghe về bậc anh hùng, vị không có lòng ham muốn các dục, tôi đã đi đến để hỏi bậc đã vượt qua dòng lũ, không có lòng ham muốn. Thưa bậc có nhãn quan (Toàn Giác) đã được đồng sanh, xin ngài hãy nói về vị thế an tịnh. Thưa đức Thế Tôn, xin ngài hãy nói cho tôi về điều này đúng theo sự thật.
1102. Bởi vì sau khi đã chế ngự các dục, đức Thế Tôn hành sử (các oai nghi) ví như mặt trời có sức nóng (chế ngự) trái đất bằng sức nóng. Thưa bậc có tuệ bao la, đối với tôi là người có tuệ nhỏ nhoi, xin ngài hãy chỉ bảo về Giáo Pháp để tôi có thể nhận thức sự lìa bỏ đối với sanh và già ở nơi đây.”
1103. (Đức Thế Tôn nói: “Này Jatukaṇṇi,) ngươi hãy xua đi sự thèm khát ở các dục để nhìn thấy sự xuất ly là an toàn. Đối với ngươi, chớ có bất cứ điều gì được nắm bắt hay bị rời bỏ.
1104. Điều (ô nhiễm) nào trước đây (quá khứ), ngươi hãy làm cho nó khô héo. Chớ có bất cứ (ô nhiễm) gì ở nơi ngươi sau này (vị lai). Nếu ngươi sẽ không nắm lấy (điều gì) ở khoảng giữa (hiện tại), ngươi sẽ sống an tịnh.
1105. Này ông Bà-la-môn, đối với vị đã xa lìa sự thèm khát ở danh và sắc về mọi phương diện, đối với vị ấy các lậu hoặc không hiện hữu, bởi vì chúng con người rơi vào sự thống trị của Tử thần.”
Kinh Jatukaṇṇi là thứ mười một.
1106. (Tôn giả Bhadrāvudha nói:) “Tôi khẩn cầu bậc khôn ngoan, bậc từ bỏ chỗ trú ngụ, bậc cắt đứt tham ái, bậc không còn dục vọng, bậc từ bỏ thú vui, bậc đã vượt qua dòng lũ, bậc đã được giải thoát, bậc từ bỏ sự sắp đặt (do tham ái và tà kiến). Sau khi lắng nghe (lời nói) của bậc Long Tượng, từ đây họ sẽ ra đi.
1107. Thưa bậc anh hùng, vô số người từ các xứ sở đã tụ hội lại, mong muốn lời nói của ngài. Xin ngài hãy khéo léo giải thích cho họ, bởi vì pháp này đã được ngài biết đúng theo bản thể.”
1108. (Đức Thế Tôn nói: “Này Bhadrāvudha,) nên xua đi sự nắm giữ và tham ái, ở bên trên, bên dưới, luôn cả chiều ngang và khoảng giữa. Bởi vì, mỗi một điều gì họ chấp thủ ở thế gian, do chính điều ấy Ma Vương theo đuổi loài người.
1109. Vì thế, trong khi nhận biết rằng: ‘Họ bị dính mắc ở sự nắm giữ,’ trong khi xem xét nhân loại này bị vướng mắc ở lãnh địa của Thần Chết, vị tỳ khưu, có niệm, không nên chấp thủ bất cứ điều gì ở khắp thế gian.”
Kinh Bhadrāvudha là thứ mười hai.
1110. (Tôn giả Udaya nói:) “Với ý định (hỏi) câu hỏi, tôi đã đi đến bậc có thiền chứng, không còn ô nhiễm, đã làm xong phận sự, không còn lậu hoặc, đã đi đến bờ kia của tất cả các pháp, xin ngài hãy nói về sự giải thoát do trí giác ngộ, về sự phá vỡ vô minh.
1111. (Đức Thế Tôn nói: “Này Udaya,) sự dứt bỏ đối với lòng mong muốn ngũ dục và nỗi ưu phiền, cả hai loại, sự xua đi dã dượi, và sự chế ngự các trạng thái hối hận.
1112. Ta nói về sự giải thoát do trí giác ngộ, về sự phá vỡ vô minh có xả và niệm đã được thanh tịnh, có sự suy tầm đúng pháp đi trước.”
1113. (Tôn giả Udaya nói:) “Thế gian có cái gì là sự ràng buộc? Cái gì là phương tiện xét đoán của nó? Do lìa bỏ cái gì được gọi là ‘Niết Bàn’?”
1114. (Đức Thế Tôn nói: “Này Udaya,) thế gian có vui thích là sự ràng buộc? Suy tầm là phương tiện xét đoán của nó. Do lìa bỏ tham ái được gọi là ‘Niết Bàn.’”
1115. (Tôn giả Udaya nói:) “Đối với vị đang thực hành niệm, thức (của vị ấy) được hoại diệt như thế nào? Chúng tôi đã đi đến để hỏi đức Thế Tôn, hãy cho chúng tôi nghe lời nói của ngài.”
1116. “Đối với vị không thích thú cảm thọ ở nội phần và ngoại phần, đối với vị đang thực hành niệm như vậy, thức (của vị ấy) được hoại diệt.”
Kinh Udaya là thứ mười ba.
1117. (Tôn giả Posāla nói:) “Với ý định (hỏi) câu hỏi, tôi đã đi đến bậc đã đi đến bờ kia của tất cả các pháp, vị chỉ ra thời quá khứ, không còn dục vọng, đã cắt đứt sự nghi ngờ.
1118. Đối với vị có sắc tưởng đã không còn, có sự dứt bỏ toàn bộ về thân, đang nhìn thấy nội phần và ngoại phần là ‘không có gì,’ thưa vị dòng Sakya, tôi hỏi thêm về trí (của vị ấy). Vị thuộc hạng như thế ấy nên được hướng dẫn như thế nào?”
1119. (Đức Thế Tôn nói: “Này Posāla,) trong khi biết rõ tất cả các chỗ trú của thức, đức Như Lai biết vị ấy đang trú (ở đâu), được tự do, có nơi ấy là mục tiêu chính yếu.
1120. Sau khi biết được nguồn sanh khởi của Vô sở hữu xứ, (biết được) ‘vui thích là sự ràng buộc,’ sau khi biết rõ điều ấy như vậy, từ đó nhìn thấy rõ nơi ấy; đây là trí như thật của vị Bà-la-môn đã sống hoàn hảo ấy.”
Kinh Posāla là thứ mười bốn.
1121. (Tôn giả Mogharājā nói:) “Thưa vị dòng Sakya, tôi đã hỏi hai lần. Bậc Hữu Nhãn đã không giải thích điều ấy cho tôi. Và tôi đã được nghe rằng: ‘(Được hỏi) đến lần thứ ba, bậc Thiên Nhân Ẩn Sĩ (sẽ) giải thích.’
1122. Thế giới này, thế giới khác, thế giới Phạm Thiên luôn cả chư Thiên không biết rõ quan điểm của ngài, của vị Gotama có danh tiếng.
1123. Với ý định (hỏi) câu hỏi, tôi đã đi đến bậc có nhãn quan vượt trội này. Người đang xem xét thế gian như thế nào thì Tử Thần không nhìn thấy (người ấy)?”
1124. “Này Mogharāja, ngươi hãy xem xét thế giới là trống không, luôn luôn có niệm. Sau khi nhổ lên tà kiến về bản ngã, như vậy có thể vượt qua sự chết. Người đang xem xét thế gian như vậy, Thần Chết không nhìn thấy (người ấy).”
Kinh Mogharāja là thứ mười lăm.
1125. (Tôn giả Piṅgiya nói:) “Tôi đã già, yếu sức, không còn vẻ đẹp, cặp mắt không còn trong sáng, việc nghe không thoải mái, mong rằng tôi chớ mệnh chung ngay trong lúc mê muội. Xin ngài hãy chỉ bảo về Giáo Pháp để tôi có thể nhận thức sự lìa bỏ đối với sanh và già ở nơi đây.”
1126. (Đức Thế Tôn nói: “Này Piṅgiya,) sau khi nhìn thấy những người bị sầu khổ ở các sắc, các hạng người xao lãng bị khổ sở ở các sắc, này Piṅgiya, vì thế, (là người) không xao lãng, ngươi hãy từ bỏ sắc để không còn hiện hữu lại nữa.”
1127. “Bốn hướng chính, bốn hướng phụ, bên trên, bên dưới, đây là mười phương. Đối với ngài, không có điều gì ở thế gian là không được thấy, không được nghe, không được cảm giác, và không được nhận thức (bởi ngài). Xin ngài hãy chỉ bảo về Giáo Pháp để tôi có thể nhận thức sự lìa bỏ đối với sanh và già ở nơi đây.”
1128. (Đức Thế Tôn nói: “Này Piṅgiya,) trong khi nhìn xem những người theo đuổi tham ái bị chế ngự bởi sự già, những con người ấy bị mệt mỏi, này Piṅgiya, vì thế, (là người) không xao lãng, ngươi hãy từ bỏ tham ái để không còn hiện hữu lại nữa.”
Kinh Piṅgiya là thứ mười sáu.
Đức Thế Tôn đã nói điều này trong lúc cư ngụ ở xứ sở Magadha tại bảo điện Pāsāṇaka. Được yêu cầu bởi mười sáu vị Bà-la-môn tùy tùng (của Bà-la-môn Bāvarī), Ngài đã giải thích các câu hỏi mỗi khi được hỏi. Nếu sau khi hiểu thông ý nghĩa của từng câu hỏi một, sau khi hiểu thông Giáo Pháp, thì có thể thực hành đúng pháp và thuận pháp, và còn có thể đi đến bờ kia của sự già và sự chết. Các pháp này là sẽ đi đến bờ kia, vì thế, tên gọi của bài giảng pháp này là ‘Đi Đến Bờ Kia.’
1129. Ajita, Tissametteyya, Puṇṇaka, rồi Mettagū, Dhotaka, và Upasīva, Nanda, rồi Hemaka.
1130. Hai vị Todeyya, và Kappa, và vị sáng suốt Jatukaṇṇī, Bhadrāvudha, và Udaya, luôn cả Bà-la-môn Posāla, vị thông minh Mogharājā, và vị đại ẩn sĩ Piṅgiya.
1131. Những vị này đã đi đến gặp đức Phật, bậc ẩn sĩ có đức hạnh đầy đủ. Trong khi hỏi các câu hỏi vi tế, họ đã đến gần đức Phật tối thượng.
1132. Được hỏi những câu hỏi, đức Phật đã giải thích cho các vị ấy đúng theo bản thể (câu hỏi). Với việc giải thích các câu hỏi, bậc Hiền Trí đã làm hài lòng các vị Bà-la-môn.
1133. Được hài lòng với đức Phật, bậc Hữu Nhãn, thân quyến của mặt trời, các vị ấy đã thực hành Phạm hạnh ở sự hiện diện của bậc có tuệ cao quý.
1134. Theo như điều đã được thuyết giảng bởi đức Phật đối với từng câu hỏi một, người nào thực hành theo như thế có thể từ bờ bên này đi đến bờ kia.
1135. Người tu tập đạo lộ tối thượng có thể từ bờ bên này đi đến bờ kia. Đạo lộ ấy đưa đến việc đi đến bờ kia, vì thế gọi là ‘Đi Đến Bờ Kia.’”
1136. (Tôn giả Piṅgiya nói:) “Tôi sẽ tường thuật lại Kinh Đi Đến Bờ Kia. Bậc vô nhiễm, có tuệ bao la, không còn dục vọng, đã ra khỏi rừng (tham ái), bậc long tượng đã thấy như thế nào, ngài đã nói ra như thế ấy. Nguyên nhân gì khiến ngài lại nói lời sai trái?
1137. Giờ tôi sẽ thuật lại lời nói đức độ của bậc đã dứt bỏ vết nhơ và si mê, của bậc có sự dứt bỏ ngã mạn và sự thâm hiểm.
1138. Thưa vị Bà-la-môn, đức Phật, bậc xua tan bóng tối, đấng Toàn Nhãn, đã đi đến tận cùng thế giới, vượt trội mọi hiện hữu, không còn lậu hoặc, đã dứt bỏ tất cả khổ, có tên gọi là Sự Thật, đã được hầu cận bởi tôi.
1139. Giống như con chim, sau khi lìa bỏ khu rừng cây nhỏ, có thể sống ở khu rừng có nhiều trái cây, cũng tương tự như thế, sau khi lìa bỏ người có tầm nhìn nhỏ nhoi, tôi ví như con chim thiên nga đã đạt đến biển lớn.
1140. Những người nào trước đây đã giải thích cho tôi khác với lời dạy của Gotama (nói rằng): ‘Đã là như vầy, sẽ là như vầy,’ mọi điều ấy đều do nghe nói lại theo truyền thống, mọi điều ấy đều là sự tăng trưởng suy tầm (về dục).
1141. Vị xua tan bóng tối, một mình, đang ngồi, sáng chói, bậc tạo ra ánh sáng ấy là vị Gotama có tuệ bao la, là vị Gotama có sự sáng suốt bao la.
1142. Vị ấy đã thuyết giảng cho tôi Giáo Pháp có thể thấy được bởi tự thân, không bị chi phối bởi thời gian, có sự đoạn diệt tham ái, không có rủi ro, điều tương đương với pháp (Niết Bàn) ấy là không có ở bất cứ đâu.”
1143. “Này Piṅgiya, sao ngươi không thể sống, dầu chỉ trong chốc lát, xa lìai khỏi vị Gotama có tuệ bao la, khỏi vị Gotama có sự sáng suốt bao la?
1144. Là vị đã thuyết giảng cho ngươi Giáo Pháp có thể thấy được bởi tự thân, không bị chi phối bởi thời gian, có sự đoạn diệt tham ái, không có rủi ro; điều tương đương với pháp (Niết Bàn) ấy là không có ở bất cứ đâu.”
1145. Thưa vị Bà-la-môn, tôi không thể sống, dầu chỉ trong chốc lát, xa lìa khỏi vị Gotama có tuệ bao la, khỏi vị Gotama có sự sáng suốt bao la.
1146. Là vị đã thuyết giảng cho tôi Giáo Pháp có thể thấy được bởi tự thân, không bị chi phối bởi thời gian, có sự đoạn diệt tham ái, không có rủi ro; điều tương đương với pháp (Niết Bàn) ấy là không có ở bất cứ đâu.
1147. Thưa vị Bà-la-môn, tôi nhìn thấy Ngài ấy bằng tâm và bằng mắt, ban đêm và ban ngày không bị xao lãng. Trong khi kính lễ (đến Ngài), tôi sống qua đêm; chính bằng cách ấy, tôi nghĩ là sống không xa lìa.
1148. Tín, hỷ, tâm ý, và niệm của tôi không lìa xa lời giảng dạy của đức Gotama. Mỗi phương hướng nào bậc có tuệ bao la di chuyển đến, tôi đây đều kính lễ theo chính phương hướng ấy.
1149. Đối với tôi, là người đã già nua, có thể lực và sức mạnh kém cỏi, chính vì thế, thân xác của tôi không theo đến được nơi ấy. Thưa vị Bà-la-môn, tôi thường đi đến bằng cách hướng tâm, bởi vì tâm ý của tôi đã được gắn bó với vị ấy.
1150. Trong khi đang nằm giãy giụa trong đám bùn (ngũ dục), tôi đã bơi từ hòn đảo này đến hòn đảo khác. Và tôi đã nhìn thấy bậc Toàn Giác, vị đã vượt qua dòng lũ, không còn lậu hoặc."
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH: Vào thời điểm này, đức Phật đang ngự tại thành Sāvatthi. Biết được sự chín muồi về khả năng của Piṅgiya và Bārarī, Ngài đã phóng ra hào quang có màu sắc vàng chói. Piṅgiya ngay trong lúc đang ngồi tán dương ân đức của Phật cho Bāvarī đã nhìn thấy hào quang ấy, trong lúc xem xét ‘cái gì đây?’ và sau khi đã nhìn thấy đức Thế Tôn như đang đứng trước mặt, Piṅgiya đã bảo vị Bà-la-môn Bārarī rằng: ‘Đức Phật đã ngự đến.’ Bà-la-môn Bārarī đã từ chỗ ngồi chắp tay lên và đứng dậy. Đức Thế Tôn sau khi phóng ra hào quang đã hiện thân cho vị Bà-la-môn thấy. Sau khi thấy thời điểm phù hợp cho cả hai vị, trong lúc chỉ dạy riêng cho Piṅgiya, Ngài đã nói lên kệ ngôn này (SnA. ii,606).
1151. “Giống như Vakkali có niềm tin đã được khẳng định, Bhadrāvudha và Āḷavi Gotamo (cũng thế), tương tự y như vậy, ngươi cũng hãy khẳng định niềm tin. Này Piṅgiya, ngươi sẽ đi đến bờ bên kia đối với lãnh địa của Thần Chết.”
1152. “Sau khi lắng nghe lời nói của bậc hiền trí, tôi đây càng thêm tịnh tín. Ngài là bậc Chánh Đẳng Giác, có màn che đã được cuốn lên, không cọc nhọn (ô nhiễm), có tài biện giải.
1153. Sau khi biết rõ chư Thiên bậc cao, Ngài đã hiểu tất cả từ thấp đến cao. Bậc Đạo Sư, vị làm chấm dứt các câu hỏi của những người có sự nghi hoặc, của những người bộc lộ cho biết.
1154. Đương nhiên, tôi sẽ đi đến trạng thái (Niết Bàn) không bị tiêu hoại, không bị lay chuyển, điều tương đương với pháp (Niết Bàn) ấy là không có ở bất cứ đâu. Sự nghi hoặc của tôi về nơi này (Niết Bàn) là không có. Như vậy xin Ngài hãy ghi nhận tôi là người có tâm đã được khẳng định.”
Dứt Phẩm Đi Đến Bờ Kia.
KINH TẬP ĐƯỢC ĐẦY ĐỦ.