TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 29
KINH TẬP
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
SUTTANIPĀTAPĀḶI - KINH TẬP
Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!

I. URAGAVAGGO - PHẨM RẮN

 

1. KINH GIẢNG VỀ DỤC

 

770. Đối với người ham muốn về dục, nếu điều ấy thành tựu đến người ấy, đương nhiên (người ấy) có ý vui mừng sau khi đã đạt được điều con người ước muốn.

771. Nếu đối với người ấy, --(tức là) đối với người đang ham muốn, đối với con người có sự mong muốn đã sanh khởi,-- các dục ấy bị suy giảm, thì (người ấy) bị khổ sở như là bị đâm xuyên bởi mũi tên.

772. Người nào xa lánh các dục tựa như các bàn chân (xa lánh) đầu của con rắn, người ấy, có niệm, vượt qua sự vướng mắc này ở thế gian.

773. Người nam nào thèm muốn ruộng, đất, hoặc vàng, gia súc, ngựa, tôi tớ, người hầu, người nữ, thân quyến, vô số các dục, ...

774. ... các (ô nhiễm) yếu ớt thống trị người ấy, các hiểm họa chà đạp người ấy; do việc ấy khổ đau đi theo người ấy tựa như nước (tràn vào) chiếc thuyền đã bị vỡ.

775. Do đó, người luôn luôn có niệm có thể xa lánh các dục, sau khi dứt bỏ chúng thì có thể vượt dòng nước lũ, tựa như sau khi tát cạn chiếc thuyền, là người đi đến bờ kia.

 

Dứt Kinh Giảng về Dục.

 

2. KINH NHÓM TÁM VỀ HANG

 

776. Bị dính mắc ở hang (thân xác), bị che đậy bởi nhiều (ô nhiễm), trong khi tồn tại, con người bị đắm chìm trong sự say mê (ngũ dục). Người thuộc hạng như thế ấy quả thật cách xa sự viễn ly, bởi vì các dục ở thế gian thật không dễ gì dứt bỏ.

777. Có ước muốn là căn nguyên, bị trói buộc vào lạc thú ở hiện hữu, đang trông mong về sau này hoặc luôn cả trước đây, đang tham muốn các dục này hoặc các dục trước đây, những kẻ ấy là khó giải thoát, đương nhiên không thể giúp cho những người khác giải thoát.

778. Bị thèm khát ở các dục, bị đeo níu, bị mê đắm, là những người thấp kém, họ đã đi theo lối sai trái. Bị dẫn đến khổ đau, họ than vãn: ‘Vậy chúng ta sẽ trở thành cái gì sau khi đã chết từ nơi đây?’

779. Chính vì điều ấy, con người ở ngay tại đây (trong Giáo Pháp này) nên học tập, nên biết bất cứ điều gì là ‘sai trái’ ở thế gian, không nên làm điều sai trái do nhân của điều ấy, bởi vì các bậc sáng trí đã nói mạng sống này là ít ỏi.

780. Ta nhìn thấy con người này, bị nhiễm tham ái trong các cõi, đang chao đảo ở thế gian. Những người thấp hèn, chưa xa lìa tham ái ở hữu và phi hữu, rên rỉ ở cửa miệng Tử Thần.

781. Hãy nhìn xem những kẻ đang chao động về vật đã được chấp là của tôi tựa như những con cá ở chỗ ít nước, ở dòng chảy bị cạn kiệt. Và sau khi nhìn thấy điều ấy, nên sống không chấp là của tôi, không tạo nên sự vướng bận ở các hữu.

782. Nên dẹp bỏ sự mong muốn ở cả hai thái cực, sau khi biết toàn diện về xúc thì không còn thèm muốn, bản thân chê trách điều nào thì không làm điều ấy, người sáng trí không nhơ bẩn ở những điều đã được thấy đã được nghe.

783. Sau khi biết toàn diện về tưởng, có thể băng qua dòng lũ, bậc hiền trí không bị vấy bẩn ở các sự bám giữ, có mũi tên đã được lấy ra, không bị xao lãng trong khi sinh hoạt, không mong ước đời này và đời khác.

 

Dứt Kinh Nhóm Tám về Hang.

 

3. KINH NHÓM TÁM VỀ XẤU XA

 

784. Thật vậy, một số người nói (bôi nhọ) với tâm ý xấu xa. Quả vậy, một số người có tâm ý chân thật cũng nói (bôi nhọ). Bậc hiền trí không tiếp cận lời nói (bôi nhọ) đã khởi lên, bởi vậy bậc hiền trí không có rác rưởi ở bất cứ đâu.

785. Bị dẫn dắt bởi lòng mong muốn, đã đi theo sự ưa thích, trong khi tự mình làm cho (các quan điểm trở nên) đầy đủ, làm thế nào có thể vượt qua quan điểm của chính mình? Bởi vì người biết như thế nào thì sẽ nói như thế ấy.

786. Người nào, dầu không được hỏi đến, mà nói với những người khác về giới và phận sự của bản thân, người nào tự chính mình nói về bản thân, các bậc thiện xảo đã nói kẻ ấy là không có Thánh pháp.

787. Và vị tỳ khưu an tịnh, có trạng thái đã được hoàn toàn diệt tắt, không khoe khoang về các giới rằng: ‘Tôi là thế này,’ đối với vị nào không có sự kiêu ngạo ở bất cứ đâu ở thế gian, các bậc thiện xảo nói vị ấy là có Thánh pháp.

788. Các pháp (quan điểm) của người nào được xếp đặt, được tạo tác, được chú trọng, là không trong sạch, (người ấy) nhìn thấy điều nào là việc lợi ích cho bản thân, rồi đã nương vào điều ấy, vào sự an tịnh bị thay đổi, thuận theo điều kiện.

789. Các sự chấp chặt vào tà kiến quả thật không dễ vượt qua sau khi đã suy xét điều đã được ôm giữ trong số các pháp (tà kiến). Vì thế, trong số các sự chấp chặt ấy, loài người rời bỏ và nắm giữ tà kiến (này đến tà kiến khác).

790. Quả thật, đối với vị đã rũ sạch thì không có quan điểm được xếp đặt liên quan đến hữu và phi hữu ở bất cứ đâu ở thế gian. Vị đã rũ sạch sau khi dứt bỏ xảo quyệt và ngã mạn, thì bởi điều gì mà vị ấy có thể đi (tái sanh) khi vị ấy không có sự vướng bận?

791. Quả thật, người vướng bận tiếp cận sự tranh luận về các pháp. Với điều gì, bằng cách nào có thể nói về người không vướng bận? Bởi vì điều được nắm lấy và được rời bỏ là không có đối với vị ấy; vị ấy đã rũ bỏ mọi tà kiến ở ngay tại nơi đây.

 

Dứt Kinh Nhóm Tám về Xấu Xa.

 

4. KINH NHÓM TÁM VỀ TRONG SẠCH

 

792. ‘Tôi nhìn thấy đối tượng trong sạch, tối thắng, không bệnh. Do việc nhìn thấy, con người có được sự thank khiết,’ trong khi biết rõ như thế, người đã biết (việc ấy) là ‘tối thắng,’ có sự quan sát đối tượng trong sạch, tin tưởng rằng (điều ấy) là trí tuệ.

793. Nếu do nhìn thấy mà con người có được sự trong sạch, hoặc do nhận biết mà người ấy dứt bỏ khổ đau, thì người ấy--người còn mầm mống tái sanh--được trong sạch do (đạo lộ) khác (so với Thánh Đạo), chính tà kiến (thế ấy) đã mớm lời cho người ấy trong khi nói như thế.

794. Vị Bà-la-môn đã nói rằng sự trong sạch là không do (đạo lộ) khác, không liên quan đến điều đã được thấy, đến điều đã được nghe, đến giới và phận sự, hoặc đến điều đã được cảm giác, là người không bị vấy bẩn bởi phước và tội, buông bỏ điều đã được chấp giữ, không tạo ra (nghiệp gì) ở nơi đây.

795. Buông bỏ cái trước rồi nương vào cái khác, đeo đuổi dục vọng, những người ấy không vượt qua sự quyến luyến. Họ nắm bắt rồi rời bỏ, tựa như con khỉ với việc nắm lấy cành cây trước mặt.

796. Sau khi tự mình thọ trì các phận sự, con người đi đến chỗ cao chỗ thấp, bị dính mắc vào tưởng; còn người có sự hiểu biết, nhờ các sự hiểu biết sau khi thông hiểu pháp không đi đến chỗ cao chỗ thấp, là người có tuệ bao la.

797. Vị ấy, người diệt đạo binh ở tất cả các pháp, về bất cứ điều gì đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác. Vị ấy, người có nhãn quan như thế, đang hành xử rõ ràng, với cái gì ở thế gian này có thể chi phối được vị ấy?

798. Các vị ấy không sắp đặt, không chú trọng, không nói về ‘sự trong sạch tột cùng.’ Sau khi tháo gỡ sự trói buộc vào chấp thủ đã bị buộc trói, các vị không tạo lập sự mong mỏi ở bất cứ đâu ở thế gian.

799. Vị Bà-la-môn, có sự vượt quá ranh giới, đối với vị ấy không có điều gì được ôm giữ sau khi đã biết và sau khi đã thấy, không có sự luyến ái với ái dục, không bị luyến ái ở pháp ly ái dục; đối với vị ấy, điều tối thắng được ôm giữ là không có ở nơi đây.

 

Dứt Kinh Nhóm Tám về Trong Sạch.

 

 

5. KINH NHÓM TÁM VỀ TỐI THẮNG

 

800. Trong khi sống trong các tà kiến, (nghĩ rằng) ‘(Điều này) là tối thắng,’ con người làm nổi trội điều ấy ở thế gian, rồi đã nói tất cả những điều khác là ‘thấp hèn’ so với điều ấy, vì thế không vượt lên trên các sự tranh cãi.

801. Người nhìn thấy cái gì đó ở điều đã được thấy, ở điều đã được nghe, ở giới và phận sự, hoặc ở điều đã được cảm giác là sự lợi ích cho bản thân, sau khi ôm giữ chính cái (tà kiến) ấy về điều ấy, người ấy nhìn thấy mọi cái khác đều là hèn kém.

802. Hơn nữa, các bậc thiện xảo gọi điều ấy là sự trói buộc, người bị nương tựa vào điều ấy nhìn thấy cái khác là thấp hèn. Chính vì thế, vị tỳ khưu không nên nương tựa vào điều đã được thấy, điều đã được nghe, điều đã được cảm giác, hoặc vào giới và phận sự.

803. Cũng không nên hình thành quan điểm (nào nữa) ở thế gian dựa vào trí (chứng đắc) hoặc dựa vào giới và phận sự. Không nên tự nhủ bản thân là ‘ngang bằng,’ không nên nghĩ mình là thấp hèn hoặc là có sự đặc biệt.

804. Sau khi dứt bỏ điều đã được chấp giữ, không còn chấp thủ, vị ấy không tạo lập sự nương tựa dầu là ở trí. Quả vậy, giữa những người đã bị phân ly, vị ấy không theo phe nhóm, vị ấy không quay trở lại bất cứ tà kiến nào nữa.

805. Đối với vị nào, ở đây, không có ước vọng về cả hai thái cực, về hữu và phi hữu, về đời này hay đời sau, đối với vị ấy, không có bất cứ các sự chấp chặt nào sau khi đã suy xét điều đã được ôm giữ trong số các pháp (tà kiến).

806. Sự nhận thức được xếp đặt liên quan đến điều đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác ở nơi đây, dầu là nhỏ nhoi, cũng không có đối với vị ấy; vị Bà-la-môn ấy không chấp thủ tà kiến, ở thế gian này đây với cái gì có thể chi phối được vị ấy?

807. (Các bậc A-la-hán) không sắp đặt, không chú trọng, luôn cả các pháp (tà kiến), đối với các vị ấy, đều không được chấp nhận. Vị Bà-la- môn không bị dẫn dắt đi bởi giới và phận sự, là bậc tự tại, đã đi đến bờ kia, không quay trở lại.

 

Kinh Nhóm Tám về Tối Thắng. 

 

6. KINH VỀ SỰ GIÀ

 

808. Quả thật, mạng sống này là ít ỏi, thậm chí kém hơn trăm tuổi cũng chết rồi. Nếu người nào vượt qua (hạn tuổi ấy) vẫn còn sống, người ấy rồi cũng chết vì già.

809. Loài người sầu muộn về vật đã được chấp là của ta, bởi vì các sự bám giữ được trường tồn là không có. Sự chia lìa này thật sự đang hiện diện, sau khi nhìn thấy như thế thì không nên sống đời tại gia.

810. Cái nào mà người suy nghĩ rằng: ‘Cái này là của tôi,’ cái ấy bị dứt bỏ cũng bởi sự chết. Sau khi nhìn thấy điều này, vị sáng suốt, là người thành tín, không nên thiên về trạng thái chấp là của tôi.

811. Cũng giống như sự việc đã được gặp gỡ qua giấc chiêm bao, khi thức giấc, người không còn nhìn thấy, tương tự như thế, với người được yêu mến đã từ trần, đã quá vãng, thì không nhìn thấy nữa.

812. Những người ấy dầu đã được thấy, dầu đã được nghe, đề cập đến họ, tên gọi này được nói ra. Chỉ mỗi tên gọi sẽ còn ở lại, sẽ được nhắc đến đối với người đã từ trần.

813. Những người bị thèm khát ở vật đã được chấp là của ta không buông bỏ sầu muộn, than vãn, và bỏn xẻn. Do đó, các bậc hiền trí, với việc nhìn thấy sự an toàn, sau khi từ bỏ sự bám giữ, đã du hành.

814. Ðối với vị tỳ khưu có hạnh sống tách ly, đang thân cận chỗ ngồi vắng vẻ, các vị đã nói rằng điều này là hợp nhất đối với vị ấy, vị ấy sẽ không thị hiện bản thân ở cảnh giới (tái sanh nào nữa).

815. Bậc hiền trí, không bị lệ thuộc vào tất cả các nơi, không tạo ra vật yêu mến cũng không tạo ra vật không yêu mến, than vãn và bỏn xẻn không gây bẩn ở vị ấy, giống như nước không gây bẩn ở lá sen.

816. Cũng giống như giọt nước ở lá sen, giống như nước không gây bẩn ở hoa sen, tương tự như thế bậc hiền trí không vấy bẩn ở những điều đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác.

817. Thật vậy, vị đã rũ sạch không suy nghĩ theo lối ấy, tức là về những điều đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác, (cũng) không ước muốn sự thanh tịnh theo cách nào khác, bởi vì vị ấy không luyến ái, (cũng) không lìa luyến ái.

 

Dứt Kinh về Sự Già.

 

7. KINH VỀ TISSAMETTEYYA

 

818. “Thưa Ngài, xin Ngài hãy nói về sự tàn hại dành cho kẻ đeo bám việc đôi lứa. Sau khi lắng nghe lời dạy của Ngài, chúng con sẽ học tập về hạnh viễn ly,” (Đại đức Tissa Metteyya đã nói thế ấy).

819. (Đức Thế Tôn đã nói như vầy: “Này Metteyya,) đối với kẻ đeo bám việc đôi lứa, lời giảng dạy thậm chí còn bị quên lãng và là kẻ thực hành sai trái; điều này ở kẻ ấy là không thánh thiện.

820. Sau khi sống một mình trước đây, kẻ nào (giờ) gần gũi việc đôi lứa, kẻ ấy ở thế gian, tựa như chiếc xe bị chao đảo, người ta đã gọi là kẻ phàm phu thấp hèn.

821. Danh vọng và tiếng tăm nào (đã có) trước đây, điều ấy của kẻ ấy (giờ) hiển nhiên cũng bị giảm thiểu. Sau khi nhìn thấy điều này, nên học tập nhằm dứt bỏ hẳn việc đôi lứa.

822. Kẻ ấy, bị chi phối bởi các suy tư, trầm tư như là kẻ khốn khổ. Sau khi lắng nghe lời quở trách của những người khác, kẻ thuộc hạng như thế trở nên tủi hổ.

823. Rồi (kẻ ấy) tạo ra các vũ khí (các uế nghiệp), bị khiển trách bởi các lời nói của những người khác. Điều ấy, đối với kẻ này, quả là sự vướng mắc lớn lao; (kẻ ấy) lún sâu vào sự giả dối.

824. Đã được công nhận là ‘bậc sáng suốt,’ đã phát nguyện hạnh sống một mình, rồi cũng gắn bó vào việc đôi lứa, tựa như gã ngu khờ (kẻ ấy) bị sầu muộn.

825. Sau khi biết được điều bất lợi này, ở đây bậc hiền trí trước đó và sau này, nên thực hành vững chải hạnh sống một mình, không nên gần gũi việc đôi lứa.

826. Nên học tập mỗi hạnh viễn ly, điều này đối với các bậc Thánh là tối thượng, với điều ấy không nên nghĩ (bản thân) là hạng nhất; vị ấy quả nhiên ở gần Niết Bàn.

827. Đối với bậc hiền trí đang sống, trống vắng (mọi ô nhiễm), không có sự trông mong các dục, đã vượt qua (bốn) dòng nước lũ, người đời, bị buộc trói ở các dục, mong cầu (được như vị ấy)."

 

Dứt Kinh về Tissametteyya.

 

8. KINH VỀ PASŪRA

 

828. Họ (những kẻ theo tà kiến) nói rằng: ‘Chính ở đây là trong sạch.’ Họ đã nói sự thanh tịnh không có ở các giáo pháp khác. Điều mà họ nương tựa, họ nói điều ấy là tốt đẹp. Phần đông đã đi theo những chân lý riêng biệt.

829. Mong muốn tranh luận, những kẻ ấy sau khi chen vào hội chúng, từng đôi, chúng đánh giá lẫn nhau là ngu dốt. Dựa dẫm vào người khác, chúng nói lời bàn cãi, mong muốn lời ca ngợi, chúng nói (học thuyết) là tốt lành.

830. Kẻ gắn bó với sự phát biểu ở giữa hội chúng, trong khi ước muốn lời ca ngợi, thì trở nên lo lắng. Hơn nữa, khi bị bác bỏ thì trở nên xấu hổ, vì sự chê bai kẻ ấy bị bực tức, có sự tìm kiếm điểm thiếu sót.

831. Họ đã nói rằng cuộc tranh luận của người này là hèn mọn, những vị xem xét câu hỏi đã bác bỏ. Người có cuộc tranh luận thấp hèn than vãn, sầu muộn, kể lể rằng: ‘Kẻ ấy đã vượt hẳn tôi.’

832. Những sự tranh cãi này đã sanh khởi giữa các vị Sa-môn. Ở những việc này có sự hưng phấn và chán nản. Sau khi nhìn thấy luôn cả điều này, nên xa lánh sự bàn cãi, bởi vì không có lợi ích nào khác ngoài việc đạt được lời ca ngợi.

833. Hoặc hơn nữa, kẻ được ca ngợi ở nơi ấy, sau khi đã nói lên lời tranh luận ở giữa hội chúng, kẻ ấy cười về điều ấy, hãnh diện vì điều ấy, sau khi đã đạt được mục đích ấy theo như ý định đã có.

834. Cái nào là sự kiêu hãnh, cái ấy đối với kẻ ấy là vùng đất tiêu diệt. Hơn nữa, kẻ ấy nói một cách ngã mạn và ngã mạn thái quá. Sau khi nhìn thấy luôn cả điều này, không nên tranh cãi, các bậc thiện xảo nói sự trong sạch hiển nhiên là không do việc ấy.

835. Giống như vị dũng sĩ, được chu cấp với thức ăn của nhà vua, đi đến, la hét, ước muốn có dũng sĩ đối địch. Này dũng sĩ, ngươi hãy đi đến nơi kẻ (dũng sĩ đối địch) ấy, quả thật trước đây đã không còn (ô nhiễm) gì để mà chiến đấu.

836. Những kẻ nào sau khi học hỏi tà kiến, rồi tranh cãi và nói rằng: ‘Chỉ mỗi điều này là sự thật.’ Ngươi hãy nói với những kẻ ấy rằng: ‘Khi cuộc nói chuyện sanh khởi, người đối kháng với ngươi ở đây thật sự không có.’

837. Hơn nữa, sau khi tiêu diệt đạo binh (ô nhiễm), những vị nào sống không chống đối quan điểm (này) bằng các quan điểm (khác), này Pasūra, ngươi có thể đạt được gì ở những vị ấy, là những vị ở đây không có điều gì được ôm giữ là tối thắng.

Giờ ngươi đã đi đến sự suy xét trong khi dùng ý suy nghĩ về các tà kiến. Ngươi đã gặp gỡ sánh đôi với vị đã rũ sạch, ngươi quả không có khả năng để đi cùng.

 

Dứt Kinh về Pasūra.

 

9. KINH VỀ MĀGANDIYA

 

839. Sau khi nhìn thấy tham ái, bất mãn, và luyến ái,

ngay cả sự mong muốn về việc đôi lứa đã không có.

Vật được chứa đầy nước tiểu và phân này là cái gì đây?

Ta không muốn chạm đến nó dầu là bàn chân.

840. Nếu Ngài không ước muốn báu vật như thế này, một người nữ được mong ước bởi nhiều vị vua chúa, vậy Ngài nói về quan điểm, về giới, về phận sự, về cuộc sống, và về sự sanh lên của hiện hữu thuộc loại như thế nào?

841. (Đức Thế Tôn nói: “Này Māgandiya,) sau khi đã suy xét trong số các pháp (tà kiến), đối với Ta đây không có điều gì đã được nắm bắt (nói rằng): ‘Ta nói điều này.’ Và trong khi nhìn thấy mà không bám níu vào các tà kiến, trong khi tìm tòi, Ta đã nhìn thấy sự an tịnh ở nội phần.”

842. (Māgandiya nói rằng:) “Các phán đoán nào đã được xếp đặt, này bậc hiền trí, ngài nói về chính chúng mà không bám níu. Điều nào có ý nghĩa là ‘sự an tịnh ở nội phần,’ điều ấy đã được tuyên bố thế nào bởi các bậc sáng trí?”

843. (Đức Thế Tôn nói: “Này Māgandiya,) người ta đã nói rằng sự trong sạch không phải do kiến, không phải do nghe, không phải do trí, không phải do giới và phận sự, cũng không phải do (không có) điều ấy là do không kiến, do không nghe, do không trí, do không giới, do không phận sự. Và sau khi không nương tựa, không bám níu vào các điều này, được an tịnh, không phụ thuộc, không còn tham muốn hữu.”

844. (Māgandiya nói rằng:) “Nếu nói rằng sự trong sạch không phải do kiến, không phải do nghe, không phải do trí, không phải do giới và phận sự, cũng không phải do (không có) điều ấy, là do không kiến, do không nghe, do không trí, do không giới, do không phận sự, tôi nghĩ rằng giáo lý (ấy) thật mù mờ; một số người tin rằng trong sạch là do kiến.”

845. (Đức Thế Tôn nói: “Này Māgandiya,) sau khi nương tựa vào kiến, trong khi tìm hiểu, ngươi đã đi đến sự mê muội ở những điều đã được nắm bắt. Và từ đây ngươi đã không tiếp thâu sự nhận thức dầu là nhỏ nhoi; do đó ngươi ghi nhận (điều ấy) là mù mờ.”

846. Bằng nhau, đặc biệt, hoặc thấp hèn,

kẻ nào nghĩ vậy, kẻ ấy sẽ tranh cãi vì điều ấy.

Người không dao động ở ba trạng thái kiêu mạn ấy,

đối với người ấy không có (ý nghĩ): ‘bằng nhau’ hay ‘đặc biệt.’

 

847. Vị Bà-la-môn ấy có thể nói gì (cho rằng): ‘Đây là sự thật’?

Hoặc vị ấy có thể tranh cãi với ai rằng: ‘Đây là sai trái’?

Ở vị nào (ý niệm so sánh) bằng nhau hay không bằng nhau là không có,

vị ấy có thể vướng víu vào sự tranh luận với ai đây?

 

848. Sau khi từ bỏ chỗ ngụ, không có sự vương vấn nhà ở,

vị hiền trí không nên tạo ra các sự thân thiết ở trong làng,

trống vắng đối với các dục, không ước vọng,

không nên tạo ra cuộc nói chuyện cãi vã với người (khác).

849. Sống ở thế gian, (bản thân) đã được viễn ly với những điều nào, bậc long tượng sẽ không tiếp thu và sẽ không nói về những điều ấy. Giống như cây sen có gai (ở cuống), được sanh ra ở trong nước, không bị vấy bẩn bởi nước và bùn, tương tự như vậy, bậc hiền trí nói về sự an tịnh, không bị thèm khát, không bị vấy bẩn ở dục và ở thế gian.

850. Bậc hiểu biết sâu sắc không do tà kiến, không do cảm giác mà vị ấy đi đến ngã mạn, bởi vì vị ấy không có điều ấy là bản tính. Không do hành động, cũng không do điều đã được nghe mà vị ấy có thể bị dẫn đi, vị ấy không bị dẫn dắt vào trong các sự chấp chặt.

851. Đối với vị đã xa lìa tưởng, các trói buộc không hiện hữu,

đối với vị đã được giải thoát do tuệ, các si mê không hiện hữu.

Và những người nào đã nắm giữ tưởng và tà kiến,

những người ấy sống, gây va chạm, ở thế gian.

 

Dứt Kinh Māgandiya.

 

10. KINH TRƯỚC KHI HOẠI RÃ

 

852. “Có sự hiểu biết thế nào, có giới thế nào, được gọi là an tịnh? Thưa ngài Gotama, được hỏi về con người tối thượng, xin ngài hãy nói về vị ấy.”

853. (Đức Thế Tôn nói): “Vị có tham ái đã được xa lìa trước khi hoại rã (xác thân) không nương tựa vào thời gian trước (quá khứ), ở vào khoảng giữa (hiện tại) không thể phân hạng; việc mong ước là không có đối với vị ấy.”

854. Không có sự giận dữ, không xao động, không khoe khoang, không hối tiếc, có lời nói khôn khéo, không cao ngạo, vị ấy quả thật là bậc hiền trí đã thu thúc về khẩu.

855. Vị không có sự dính mắc ở tương lai, không sầu muộn về quá khứ, có cái nhìn tách biệt ở các xúc, và không bị dẫn đi bởi các tà kiến.

856. Vị đã xa rời (các bất thiện pháp), không xảo trá, không mong cầu, không bỏn xẻn, không xấc xược, không gây nhờm gớm, và không can dự vào việc nói đâm thọc.

857. Vị không có sự buông xuôi theo các khoái lạc, không can dự vào việc ngã mạn thái quá, tế nhị, và có biện tài, không cả tin, không thờ ơ lãnh đạm.

858. Vị học tập không vì ham muốn lợi lộc và không bực tức khi không được lợi lộc, không chống đối và không thèm muốn các vị nếm do tham ái.

859. Vị hành xả, luôn luôn có niệm, ở thế gian không nghĩ (bản thân) là ngang bằng, không (nghĩ) là có sự đặc biệt, không (nghĩ) là thấp hèn. Đối với vị ấy, không có các (thái độ) kiêu ngạo.

860. Đối với vị nào không có sự nương tựa—sau khi hiểu được Giáo Pháp (vị ấy) không còn nương tựa—đối với vị ấy tham ái ở hữu và phi hữu không tìm thấy.

861. Ta nói rằng vị ấy là “bậc an tịnh” không trông mong về các dục, đối với vị ấy các sự trói buộc không tìm thấy; vị ấy đã vượt qua sự vướng mắc.

862. Đối với vị ấy, những người con, các thú nuôi, ruộng vườn và đất đai đều không tìm thấy. Ngã (thường kiến) và luôn cả phi ngã (đoạn kiến) cũng không tồn tại ở vị ấy.

863. Vì việc nào mà các phàm phu, rồi các Sa-môn, và các Bà-la-môn có thể kết tội vị ấy, việc ấy là không được mong ước bởi vị ấy; vì thế vị ấy không run sợ ở những lời (buộc tội).

864. Có sự thèm khát đã được xa lìa, không bỏn xẻn, bậc hiền trí không mô tả (bản thân) là trong số những người ưu việt, không trong số những người ngang bằng, không trong số những người thấp kém, là vị không bị sắp đặt, không đi đến sự sắp đặt (bởi tham ái và tà kiến).

865. Đối với vị nào, vật sở hữu ở thế gian là không có, vị không sầu muộn do tình trạng không có, và không đi đến (sự lầm lẫn) trong mọi pháp; thật vậy vị ấy được gọi là ‘bậc an tịnh.’”

 

Dứt Kinh Trước Khi Hoại Rã.

 

11. KINH CÃI CỌ VÀ TRANH CÃI

 

866. “Từ đâu khởi sanh các sự cãi cọ, các sự tranh cãi,

các sự than vãn, các nỗi sầu muộn, và thêm các sự bỏn xẻn,

các sự ngã mạn, và ngã mạn thái quá, rồi thêm các việc nói đâm thọc?

Từ đâu chúng khởi sanh? Nào, xin Ngài hãy nói về điều ấy.”

 

867. “Từ vật được yêu thương, khởi sanh các sự cãi cọ, các sự tranh cãi,

các sự than vãn, các nỗi sầu muộn, và thêm các sự bỏn xẻn,

các sự ngã mạn, và ngã mạn thái quá, rồi thêm các việc nói đâm thọc.

Các sự cãi cọ, các sự tranh cãi là có liên quan đến sự bỏn xẻn.

Và ở các cuộc tranh cãi đã được sanh ra, có các việc nói đâm thọc.”

868. “Vậy các vật được yêu thương ở thế gian có căn nguyên từ đâu, và cũng do tham chúng (loài người) sống ở thế gian? Mong mỏi và sự thành tựu (của mong mỏi),―(nhân) đưa đến đời sống kế tiếp của con người,―có căn nguyên từ đâu?”

869. “Các vật được yêu thương ở thế gian có mong muốn là căn nguyên, và cũng do tham chúng (loài người) sống ở thế gian. Mong mỏi và sự thành tựu (của mong mỏi),―(nhân) đưa đến đời sống kế tiếp của con người,―có căn nguyên từ đây (sự mong muốn).”

870. “Vậy mong muốn ở thế gian có căn nguyên từ đâu?

Hoặc luôn cả các phán đoán được khởi sanh từ đâu?

Sự giận dữ, lời nói giả dối, và sự nghi ngờ,

hoặc luôn cả các pháp nào đã được bậc Sa-môn nói đến?”

 

871. “‘Khoái lạc, không khoái lạc’ là điều người ở thế gian đã nói;

nương tựa vào điều ấy, mong muốn khởi sanh.

Sau khi nhìn thấy sự biến mất và sự hình thành ở các sắc,

con người ở thế gian tiến hành sự phán đoán.

 

872. Sự giận dữ, lời nói giả dối, và sự nghi ngờ,

các pháp này (sanh lên) trong khi cặp đôi có mặt.

Kẻ có sự nghi ngờ nên học tập theo lộ trình của trí.

Các pháp đã được bậc Sa-môn nói lên sau khi Ngài đã biết.”

 

873. “Khoái lạc và không khoái lạc có căn nguyên từ đâu?

Khi cái gì không có mặt, thì hai pháp này không có mặt?

Về sự biến mất và sự hình thành, điều nào là ý nghĩa,

xin ngài hãy nói cho tôi điều ấy có căn nguyên từ đâu?

 

874. “Khoái lạc và không khoái lạc có xúc là căn nguyên.

Khi xúc không có mặt, hai pháp này không có mặt.

Về sự biến mất và sự hình thành, điều nào là ý nghĩa,

Ta nói cho ngươi điều ấy có căn nguyên từ đây.”

 

875. “Vậy xúc ở thế gian có căn nguyên từ đâu?

Và các sự bám giữ được khởi sanh từ đâu?

Khi cái gì không có mặt, thì không có trạng thái chấp là của tôi?

Khi cái gì bị biến mất, thì các xúc không xúc chạm?”

 

876. “Các xúc tùy thuộc vào danh và sắc.

Và các sự bám giữ có ước muốn là căn nguyên.

Khi ước muốn không có mặt thì không có trạng thái chấp là của tôi.

Khi sắc bị biến mất, thì các xúc không xúc chạm.”

 

877. “Đối với vị đã thành đạt thế nào thì sắc biến mất?

Hạnh phúc hoặc luôn cả khổ đau biến mất thế nào?

Xin ngài hãy nói cho tôi việc ấy biến mất ra sao,

‘chúng tôi nên biết điều ấy,’ ý nghĩ của tôi đã là thế ấy.”

878. “Không phải là có tưởng ở tưởng, không phải là có tưởng ở tưởng sai lệch, cũng không phải là không có tưởng, không phải là có tưởng bị biến mất; đối với vị đã thành đạt như vậy thì sắc biến mất, bởi vì cái gọi là vọng tưởng có tưởng là căn nguyên.”

879. “Điều mà chúng tôi đã hỏi ngài, ngài đã trả lời chúng tôi. Chúng tôi hỏi ngài điều khác. Nào, xin Ngài hãy nói về điều ấy. Có phải một số bậc sáng suốt ở nơi đây nói rằng sự trong sạch của chúng sanh đến chừng này là cao nhất, hay là họ còn nói về điều khác so với điều này?”

880. “Một số bậc sáng suốt ở nơi đây nói rằng sự trong sạch của chúng sanh chỉ đến chừng này là cao nhất. Trái lại, một số trong số đó nói về sự tịch diệt (đoạn kiến), tuyên bố là thiện xảo về trạng thái không còn dư sót.”

881. Và sau khi nhận biết những người này là ‘những kẻ nương tựa,’

sau khi nhận biết, bậc hiền trí ấy có sự cân nhắc về các sự nương tựa,

sau khi nhận biết, bậc đã được giải thoát không đi đến tranh cãi,

bậc sáng trí không đi đến tái sanh ở hữu và phi hữu.”

 

Dứt Kinh Cãi Cọ và Tranh Cãi.

 

12. KINH SỰ DÀN TRẬN NHỎ

 

882. “Trong khi sống theo quan điểm của chính mình, nhiều vị khác nhau (tự xưng là) thiện xảo, giữ khư khư (quan điểm của mình), nói rằng: ‘Người nào biết như vầy, người ấy hiểu biết pháp. Kẻ khinh miệt điều này, kẻ ấy là không toàn hảo.’

883. Sau khi giữ khư khư (quan điểm của mình) như vậy, chúng tranh cãi, và đã nói rằng: ‘Người khác là ngu si, không thiện xảo.’ Vậy thì lời nói nào trong số này là sự thật, bởi vì tất cả những người này đều tuyên bố (họ) là thiện xảo?”

884. “Nếu không thừa nhận pháp của người khác,

(kẻ ấy) là ngu si, là loài thú, có tuệ thấp kém,

tất cả quả là những kẻ ngu si, có tuệ vô cùng thấp kém,

tất cả những người này quả đang sống theo quan điểm (của mình).

 

885. Và nếu do quan điểm của mình, những kẻ không trong sạch

trở nên có tuệ thanh tịnh, thiện xảo, có sự nhận thức,

không ai trong số họ là có tuệ hoàn toàn thấp kém,

bởi vì quan điểm của họ cũng đã đạt đến bản thể thật.

 

886. Nhưng Ta không nói rằng: ‘Điều ấy là bản thể thật,’

là điều mà các kẻ ngu đã nói đối chọi lẫn nhau.

Họ đã tạo lập quan điểm của chính mình là chân lý,

chính vì điều ấy, họ đã xem người khác là ‘kẻ ngu si.’”

 

887. “Điều mà một số kẻ đã nói: ‘Là sự thật, là bản thể thật,’

những kẻ khác đã nói điều ấy ‘Là rỗng không, là sai trái.’

Sau khi giữ khư khư (quan điểm của mình) như vậy, họ tranh cãi.

Vì sao các vị Sa-môn nói không đồng nhất?”

 

888. “Bởi vì Sự Thật chỉ có một, không có cái thứ nhì,

trong khi nhận biết về Sự Thật ấy, chúng sanh sẽ không tranh cãi.

Chúng tự mình nói về các sự thật khác nhau;

vì thế, các vị Sa-môn nói không đồng nhất.”

889. “Nhưng vì sao họ—những nhà biện luận tuyên bố (mình) là thiện xảo—lại nói về các sự thật khác nhau? Phải chăng các sự thật đã được nghe là có nhiều và khác nhau? Hay là các vị ấy theo đuổi sự suy tư (của riêng mình)?”

890. “Đương nhiên là không có nhiều sự thật khác nhau và thường còn ở thế gian, ngoại trừ (các sự thật) do tưởng (tạo ra). Và sau khi xếp dặt sự suy tư về các quan điểm (do chúng tạo ra), chúng đã nói về hai pháp là: ‘Đúng và sai.’

891. Liên quan đến điều đã được thấy, đến điều đã được nghe, đến giới và phận sự, hoặc đến điều đã được cảm giác, sau khi nương tựa vào các điều này, rồi có sự coi khinh (người khác), sau khi đứng vững ở các phán đoán, trong lúc hớn hở, (kẻ ấy) đã nói rằng: ‘Người khác là ngu si, là không thiện xảo.’

892. Bởi chính lý do nào mà kẻ ấy xem người khác là ‘ngu si,’

thì bởi lý do ấy kẻ ấy đã nói về bản thân là ‘thiện xảo.’

Kẻ ấy, trong khi tự mình tuyên bố chính mình là thiện xảo,

rồi khinh chê người khác, và đã phát biểu y như thế.

 

893. Với quan điểm vượt quá giới hạn, kẻ ấy được thỏa mãn,

bị say đắm vì ngã mạn, có sự tự cao là toàn thiện,

rồi bằng tâm ý, tự mình đăng quang cho chính mình;

quan điểm ấy của kẻ ấy đã được tiếp nhận như thế.

 

894. Bởi vì, nếu do lời nói của kẻ khác mà trở thành thấp kém,

thì bản thân, do điều ấy, (cũng) trở thành có tuệ thấp kém.

Còn nếu do (lời nói) của mình mà trở thành người thông hiểu, sáng trí,

thì không có bất cứ người nào là kẻ ngu trong số các vị Sa-môn.

 

895. Những kẻ nào thuyết về pháp nào khác so với điều này,

những kẻ ấy bị thất bại về (đạo lộ) trong sạch, họ không toàn hảo.

Các kẻ ngoại đạo cũng nói như vậy theo kiểu cách riêng,

bởi vì họ bị nhiễm nặng do sự luyến ái với quan điểm của mình.

 

896. ‘Chỉ nơi đây có sự trong sạch,’ họ nói như thế ấy.

Họ đã nói sự thanh tịnh không có ở các giáo pháp khác.

Các kẻ ngoại đạo cũng đã gầy dựng như vậy theo kiểu cách riêng

về đường lối của họ, trong khi nói một cách khẳng khái về điều ấy.

 

897. Và trong khi nói một cách khẳng khái về đường lối của họ,

người nào khác ở đây mà kẻ ấy có thể xem là ‘ngu si’?

Kẻ ấy tự chính mình đem lại sự gây gỗ,

trong khi nói kẻ khác là ngu si, là có pháp không trong sạch.

 

898. Sau khi đứng vững ở sự phán đoán, sau khi ước lượng bản thân,

kẻ ấy đi đến sự tranh cãi ở thế gian nhiều hơn.

Sau khi từ bỏ tất cả các sự phán đoán,

con người không tạo ra sự gây gỗ ở thế gian.”

 

Dứt Kinh Sự Dàn Trận Nhỏ.

 

13. KINH SỰ DÀN TRẬN LỚN

 

899. “Bất cứ những người nào, trong khi sống theo quan điểm (riêng của cá nhân), tranh cãi rằng: ‘Chỉ điều này là chân lý,’ có phải tất cả những người ấy đều mang lại sự chê trách, hay họ cũng đạt được sự khen ngợi về việc ấy?”

900. “Bởi vì việc (ca ngợi) này là nhỏ nhoi, không đủ để đưa đến sự yên lặng. Ta nói đến hai kết quả của sự tranh cãi.[1] Và sau khi nhìn thấy như vậy, thì không nên tạo ra sự tranh cãi, trong khi nhận thấy vùng đất không tranh cãi là an toàn (Niết Bàn).

901. Bất cứ những thỏa thuận chung nào được sanh lên từ số đông, bậc đã hiểu biết không tiếp cận tất cả những điều ấy. Trong khi không thể hiện sự chấp nhận ở điều đã được thấy, ở điều đã được nghe, vị ấy, không có sự vướng bận, tại sao lại đi đến với sự vướng bận?

902. Những kẻ chủ trương giới là tối thượng đã nói sự trong sạch là do sự tự chế ngự. Sau khi thọ trì phận sự, họ duy trì (nghĩ rằng): ‘Chúng ta hãy học tập ở lãnh vực này thôi, rồi sẽ có sự trong sạch;’ họ bị dẫn đến hữu trong khi tuyên bố (mình) là thiện xảo.

 

903. Nếu bị hư hỏng về giới và phận sự,

kẻ ấy run rẩy sau khi thất bại về hành động,

kẻ ấy tham muốn, ước nguyện sự trong sạch ở nơi này,

ví như người bị bỏ lại bởi đoàn xe trong khi sống xa nhà.

 

904. Hoặc là sau khi đã dứt bỏ tất cả giới và phận sự,

cùng hành động có tội hoặc không có tội ấy,

trong khi không ước nguyện về ‘sự trong sạch hay không trong sạch,’

đã lìa bỏ, vị ấy sống, không nắm bắt sự an tịnh (do tà kiến).

 

905. Sau khi nương tựa vào điều đã bị chán ghét ấy (khổ hạnh),

hoặc vào điều gì đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác,

những kẻ chủ trương luân hồi hướng thượng[2] nói về sự trong sạch,

chúng chưa xa lìa tham ái ở hữu và phi hữu.

 

906. Bởi vì đối với những người đang ước nguyện, các sự tham muốn

hoặc sự run sợ về các điều đã được (họ) xếp dặt.

Ở đây, đối với vị nào tử và sanh là không có,

vị ấy có thế run rẩy vì cái gì, có thể tham muốn về cái gì?

 

907. Pháp nào mà một số vị đã nói là ‘tối cao,’

trái lại, những vị khác đã nói về chính pháp ấy là ‘thấp kém;’

vậy trong số những vị này, lời nói nào là sự thật,

bởi vì tất cả các vị này đều tuyên bố (mình) là thiện xảo?

 

908. Bởi vì họ đã tuyên bố pháp của chính mình là hoàn hảo,

hơn nữa, họ đã tuyên bố pháp của người khác là thấp kém.

Sau khi giữ khư khư (quan điểm của mình) như vậy, chúng tranh cãi,

và đã tuyên bố quan điểm riêng của từng cá nhân là sự thật.

 

909. Nếu là thấp kém do việc bị khinh miệt của người khác,

thì không có pháp nào là đặc biệt trong số các pháp,

bởi vì số đông tuyên bố pháp của người khác

là thấp hèn, trong khi nói một cách chắc chắn về (pháp) của mình.

 

910. Họ ngợi khen đường lối của chính mình như thế nào,

thì việc cúng dường đến học thuyết của họ sẽ là y như vậy.

Tất cả các học thuyết có thể là đúng đắn,

bởi vì sự trong sạch của họ chỉ liên quan đến cá nhân.

911. Sau khi suy xét về điều đã được ôm giữ trong số các pháp (tà kiến), đối với vị Bà-la-môn, không có việc bị dẫn dắt bởi người khác. Do điều ấy, vị Bà-la-môn vượt lên trên các sự tranh cãi, bởi vì vị Bà-la-môn nhìn thấy học thuyết khác là không tối thắng.

912. (Nói rằng): ‘Tôi biết, tôi thấy điều ấy chắc chắn là như thế,’

một số tin rằng sự trong sạch là do việc thấy.

Nếu đã nhìn thấy, điều gì có được cho bản thân với việc (thấy) ấy?

Sau khi sai sót, chúng nói về sự trong sạch theo cách khác.

 

913. Một người, trong khi nhìn, sẽ nhìn thấy danh và sắc,

hoặc sau khi nhìn thấy thì sẽ biết được mỗi chúng mà thôi.

Hãy để người ấy nhìn nhiều hay ít theo ý thích,

các bậc thiện xảo hẳn nhiên không nói sự trong sạch là do điều ấy.

 

914. Trong khi sùng bái quan điểm đã được xếp dặt,

kẻ đã chấp chặt vào học thuyết quả thật không dễ hướng dẫn.

Nương tựa vào cái gì thì nói điều tốt đẹp về cái ấy,

với lời tuyên bố về sự trong sạch, kẻ ấy đã nhìn thấy sự thật ở nơi ấy.

 

915. Sau khi cân nhắc, vị Bà-la-môn không tiếp cận sự sắp đặt (của tham ái và tà kiến), không có sự hùa theo quan điểm, cũng không có sự thân thiết với các (thắng) trí. Và sau khi biết các sự đồng thuận được sanh lên từ số đông, vị ấy thản nhiên (nói rằng): ‘Hãy để những kẻ khác tiếp thu.’

 

916. Sau khi tháo gở các sự trói buộc ở thế gian này, bậc hiền trí

không hùa theo phe nhóm ở các cuộc tranh cãi đã được sanh lên.

Vị ấy thản nhiên, an tịnh giữa những người không an tịnh,

không tiếp thu, (nói rằng): ‘Hãy để những kẻ khác tiếp thu.’

 

917. Sau khi từ bỏ các lậu hoặc trước đây, không tạo ra những lậu hoặc mới, không là người đi theo sự (tác động của) mong muốn, cũng không phải là kẻ đã chấp chặt vào học thuyết, vị ấy đã được giải thoát khỏi các tà kiến, là bậc sáng trí, không bị nhơ bẩn ở thế gian, không có sự chê trách bản thân.

 

 918. Vị ấy là người diệt đạo binh ở tất cả các pháp (tà kiến),

về bất cứ điều gì đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác.

Bậc hiền trí ấy có gánh nặng đã đặt xuống, đã được tách riêng,

không chịu sự phân hạng, không phải kiêng chừa, không có ước nguyện.”

 

Dứt Kinh Sự Dàn Trận Lớn.

 

14. KINH MỘT CÁCH NHANH CHÓNG

 

919. “Tôi hỏi ngài, đấng quyến thuộc của mặt trời,

bậc đại ẩn sĩ, về sự viễn ly và vị thế an tịnh.

Sau khi nhìn thấy như thế nào, vị tỳ khưu được tịch diệt,

không còn chấp thủ bất cứ cái gì ở trên đời?”

 

920. (Đức Thế Tôn nói)

“Nên chận đứng tất cả gốc rễ của cái được gọi là vọng tưởng: ‘Tôi là’ nhờ vào trí tuệ. Bất cứ những tham ái nào ở nội phần, sau khi dẹp bỏ chúng, nên học tập, luôn luôn có niệm.

 

921. Bất cứ pháp (đức tính tốt) nào có thể biết rõ

ở nội phần (nơi bản thân) hay là ở ngoại phần (nơi người khác),

không vì điều ấy mà tạo ra sự ngã mạn,

bởi vì điều ấy không được các bậc thiện nhân gọi là sự tịch diệt.

 

922. Không nên vì việc (ngã mạn) ấy mà nghĩ rằng (bản thân) là tốt hơn,

kém thua, hoặc thậm chí là tương đương.

Bị tác động bởi nhiều hình thức,

trong khi sắp đặt về bản thân, không nên dừng lại ở điều ấy.

 

923. Nên an tịnh ngay ở nội tâm,

vị tỳ khưu không nên tìm kiếm sự an tịnh từ nơi khác.

Đối với vị đã được an tịnh ở nội tâm,

điều được nắm bắt là không có, từ đâu có điều được buông lơi?

 

924. Giống như ở giữa biển cả,

là đứng yên, sóng biển không sanh ra,

tương tự như vậy, nên trầm tĩnh, không dục vọng

vị tỳ khưu không nên tạo ra (thái độ) kiêu ngạo ở bất cứ đâu.”

 

925. “Bậc có mắt được mở ra đã nói về

pháp thực chứng, có sự xua đi các hiểm họa.

Thưa ngài đại đức, xin ngài hãy nói về đường lối thực hành,

về giới giải thoát, và luôn cả định nữa.”

 

926. “Không nên buông thả với đôi mắt,

nên che đậy lỗ tai đối với chuyện làng xóm,

và không nên thèm muốn ở các vị nếm,

và không nên chấp là của ta về bất cứ cái gì ở thế gian.

 

927. Khi nào bị xúc chạm bởi xúc (bất hạnh),

vị tỳ khưu không nên thể hiện sự than vãn về bất cứ điều gì,

và không nên tham đắm sự hiện hữu,

và không bị lay động ở các sự khiếp đảm.

 

928. Đối với các thức ăn, rồi đối với các thức uống,

đối với các vật thực cứng, rồi đối với các loại vải vóc,

sau khi nhận được, không nên tạo ra sự cất giữ,

và không nên băn khoăn trong khi không nhận được chúng.

 

929. Nên là vị có thiền, không nên buông thả bàn chân (đi đó đây),

nên xa lánh trạng thái hối hận, không nên xao lãng,

và ở những chỗ ngồi, ở những chỗ nằm,

ở những nơi có ít tiếng động, vị tỳ khưu nên cư trú.

 

930. Không nên thực hiện nhiều việc ngủ nghỉ. Nên thân cận sự tỉnh thức, có sự tinh cần. Nên dứt bỏ hẳn sự uể oải, xảo quyệt, cười cợt, đùa giỡn, việc đôi lứa, cùng với việc trang điểm.

 

931. Không nên thực hành việc bùa chú, giải mộng, bói tướng, và luôn cả chiêm tinh. Người đệ tử thành tín không nên chuyên chú về việc giải đoán tiếng thú kêu, việc thụ thai, và việc chữa bệnh.

 

932. Không nên run sợ vì sự chê bai, vị tỳ khưu khi được ca ngợi không nên kiêu hãnh, nên xua đi sự tham lam cùng với sự bỏn xẻn, sự giận dữ và việc nói đâm thọc.

 

933. Không nên duy trì việc mua bán,

vị tỳ khưu không nên tạo sự chê trách ở bất cứ nơi nào,

và không nên ràng buộc vào làng xóm,

không nên tỉ tê với người thế vì mong muốn lợi lộc.

 

934. Và vị tỳ khưu không nên là kẻ nói khoe khoang,

và không nên nói lời nói ướm (liên quan bốn món vật dụng),

không nên học tập lối cư xử xấc xược,

không nên nói ra ngôn từ đưa đến sự cãi vã.

 

935. Không nên bị xui khiến trong việc nói lời dối trá, không nên cố tình thực hiện các điều xảo trá, và không nên khinh khi người khác về sự sinh sống, về sự nhận thức, về giới và phận sự.

 

936. Bị xúc phạm sau khi nghe nhiều lời nói

của các vị Sa-môn, của những kẻ phàm phu,

không nên đáp trả lại những kẻ ấy một cách thô lỗ,

bởi vì các bậc thiện nhân không thể hiện sự phản kháng.

 

937. Và sau khi hiểu thông Giáo Pháp này,

trong khi chọn lựa, vị tỳ khưu nên học tập, luôn luôn có niệm,

sau khi biết được sự diệt tắt là ‘an tịnh,’

không nên xao lãng về lời giáo huấn của đức Gotama.

 

938. Bởi vì, vị ấy là đấng Chiến Thắng, bậc không bị chế ngự, vị đã nhìn thấy pháp thực chứng, không do nghe nói lại theo truyền thống. Chính vì thế, luôn luôn không xao lãng, trong lúc kính lễ, nên học tập theo lời giáo huấn của đức Thế Tôn ấy.”

 

Dứt Kinh Một Cách Nhanh Chóng.

 

15. KINH UẾ HẠNH CỦA BẢN THÂN

 

939. Sự sợ hãi sanh lên do uế hạnh của bản thân.[3] Các người hãy nhìn xem loài người đang gây gỗ. Ta sẽ thuật lại trạng thái chấn động đúng theo sự việc đã bị chấn động bởi Ta.

940. Sau khi nhìn thấy nhân loại đang run rẩy tựa như những con cá ở chỗ ít nước, sau khi nhìn thấy chúng chống đối lẫn nhau, sự sợ hãi đã xâm nhập Ta.

941. Toàn bộ thế gian là không có cốt lõi, tất cả các phương đều bị chuyển động. Trong khi ước muốn chỗ trú ngụ cho bản thân, Ta đã không nhìn thấy (một nơi nào là) không bị chiếm cứ.

942. Nhưng ngay sau khi nhìn thấy chúng chống đối vào giai đoạn cuối, sự chán ngán đã khởi lên ở Ta. Và ở đây, Ta đã nhìn thấy mũi tên khó thể nhìn thấy đã được cắm sâu vào trái tim (tâm thức).

943. Kẻ đã bị mũi tên đâm vào chạy khắp tất cả các phương (luân hồi khắp các cõi), sau khi đã nhổ chính mũi tên ấy lên thì không chạy, (và) không chìm xuống.

944. Ở nơi ấy, các môn học tập được truyền tụng.

Những gì bị trói buộc vào thế gian, không nên quan tâm đến chúng.

Sau khi thấu triệt các dục về mọi phương diện,

nên học tập về sự tịch diệt cho bản thân.

 

945. Nên chân thật, không hỗn xược, không xảo quyệt, việc nói đâm thọc được buông bỏ, không giận dữ, bậc hiền trí có thể vượt qua sự xấu xa của tham, (và) sự keo kiệt.

946. Người có tâm ý hướng Niết Bàn nên khắc phục trạng thái ngủ gà ngủ gật, sự uể oải, sự dã dượi, không nên cộng trú với sự xao lãng, không nên trụ lại ở sự ngã mạn thái quá.

947. Không nên bị lôi kéo vào việc nói lời dối trá, không nên tạo ra sự thương yêu ở sắc, và nên hiểu toàn diện về ngã mạn, nên sống tránh xa sự hung bạo.

948. Không nên thích thú cái cũ (ngũ uẩn quá khư), không nên tạo ra sự ưa chuộng cái mới (ngũ uẩn vị lai), trong khi (cái gì) đang bị tiêu hoại, không nên sầu muộn, không nên nương tựa hư không (tham ái).

949. Ta gọi thèm khát là ‘dòng lũ lớn,’ ta gọi tham muốn là dòng nước mạnh, sự bám vào (đối tượng) là rung động, dục là bãi lầy khó vượt qua được.

950. Không chệch khỏi sự thật (gọi là) bậc hiền trí, đứng ở đất liền (gọi là) vị Bà-la-môn. Vị ấy sau khi xả bỏ tất cả, vị ấy quả thật được gọi là ‘bậc an tịnh.’

951. Quả thật, vị ấy là bậc đã hiểu biết, vị ấy là bậc đã đạt được sự thông hiểu, sau khi biết pháp, vị ấy không nương tựa (vào tham ái và tà kiến). Vị ấy, trong khi cư xử chân chánh ở thế gian, không mong cầu đối với bất cứ người nào ở nơi này.

952. Ở đây, vị nào vượt qua các dục, sự quyến luyến ở thế gian khó vượt qua được, vị ấy không sầu muộn, không ưu tư, có dòng chảy đã được cắt đứt, không còn sự trói buộc.

953. Điều gì trước đây (quá khứ), ngươi chớ nắm lấy điều ấy. Chớ có bất cứ điều gì sanh khởi đến ngươi sau này (vị lai). Nếu ngươi không nắm lấy ở khoảng giữa (hiện tại), ngươi sẽ sống, được an tịnh.

954. Đối với vị nào không có vật đã được chấp là của ta liên quan đến danh và sắc về mọi phương diện, và (là vị) không sầu muộn do tình trạng không có, vị ấy quả thật không bị thua thiệt ở thế gian.

955. Đối với vị nào, không có (ý nghĩ): ‘Cái này là của tôi,’ hoặc ‘(Cái này) là của những người khác’ về bất cứ điều gì, trong lúc không tìm kiếm trạng thái sở hữu chủ (nghĩ rằng): ‘Không có gì là của tôi,’ vị ấy không sầu muộn.

956. Không ganh tỵ, không tham đắm, không dục vọng, bình đẳng ở mọi nơi, điều ấy là sự lợi ích mà Ta (sẽ) nói, khi được hỏi về vị không dao động.

957. Đối với vị không dục vọng, đang nhận thức, không có bất cứ sự tạo tác nào. Đã tránh xa khỏi sự tạo tác, vị ấy nhìn thấy an toàn ở mọi nơi.

958. Bậc hiền trí không mô tả (bản thân) là trong số những người ngang bằng, không trong số những người thấp kém, không trong số những người ưu việt. Được an tịnh, đã xa lìa sự bỏn xẻn, vị ấy không nắm giữ, không buông bỏ.”

 

Dứt Kinh Uế Hạnh của Bản Thân.

 

16. KINH SĀRIPUTTA

 

959. Từ đây trở về trước, con chưa từng được thấy,

(Đại đức Sāriputta đã nói thế ấy),

hoặc chưa từng được nghe của bất cứ người nào,

tương tự như bậc Đạo Sư, vị có giọng nói êm dịu,

bậc có đồ chúng, đã đi đến từ cõi trời Tusitā.

960. Đối với thế gian có cả chư Thiên, bậc Hữu Nhãn được nhìn thấy là như thế. Sau khi xua đi tất cả tăm tối, Ngài, chỉ một mình, đã đạt đến sự khoái cảm (của việc xuất gia, của sự viễn ly, của sự an tịnh, của sự giác ngộ).

961. Với ý định (hỏi) câu hỏi cho số đông đã được gắn bó ở đây, con đã đi đến gặp đức Phật, bậc không nương tựa, đấng tự tại, vị không dối trá, bậc có đồ chúng, đã đi đến ấy.

962. Đối với vị tỳ khưu nhờm gớm (sanh, già, bệnh, chết, v.v...) đang thân cận chỗ ngồi trống vắng, gốc cây, mộ địa, hoặc ở các hang động của những ngọn núi.

963. Ở những chỗ trú ngụ cao thấp, có bao nhiêu sự khiếp đảm ở nơi ấy mà vị tỳ khưu không nên run sợ ở chỗ nằm ngồi không tiếng động?

964. Đối với vị đang đi đến khu vực chưa từng đi đến, có bao nhiêu hiểm họa ở thế gian mà vị tỳ khưu cần khắc phục ở các chỗ nằm ngồi xa vắng?

965. Cách thức nói năng của vị ấy nên là như thế nào? Hành xứ ở nơi này của vị ấy nên là như thế nào? Giới và phận sự của vị tỳ khưu có bản tánh cương quyết nên là như thế nào?

966. Sau khi thọ trì sự học tập gì, vị có sự chuyên nhất (của tâm), chín chắn, có niệm ấy, có thể loại bỏ bụi bặm (ô nhiễm) của bản thân, ví như người thợ kim hoàn có thể loại bỏ cáu bẩn của bạc?”

967. (Đức Phật nói: “Này Sāriputta,) Ta sẽ tuyên thuyết về điều ấy cho ngươi theo như Ta nhận biết, tức là sự thoải mái (an trú) dành cho vị nhờm gớm (sanh, già, bệnh, chết, v.v...) nếu vị ấy đang thân cận chỗ ngồi nằm trống vắng, có mong muốn quả vị giác ngộ thuận theo Giáo Pháp.

968. Vị tỳ khưu, sáng trí, có niệm, sống trong khuôn khổ, không nên sợ hãi đối với năm điều sợ hãi: đối với loài ruồi và muỗi mòng, đối với loài rắn, đối với các sự va chạm với con người, đối với loài bốn chân.

969. Cũng không nên sợ sệt đối với những kẻ theo các giáo phái khác, ngay cả sau khi nhìn thấy nhiều điều khiếp đảm của họ. Và vị tầm cầu điều tốt đẹp còn phải khắc phục những hiểm họa khác nữa.

970. Bị tác động bởi sự xúc chạm của bệnh tật, của cơn đói, nên chịu đựng sự lạnh, sự nóng. Bị tác động bởi những việc ấy dưới nhiều hình thức, vị không trú xứ ấy nên nỗ lực tinh tấn và nên thể hiện sự vững chãi.

971. Không nên thực hiện việc trộm cắp, không nên nói lời dối trá,

nên tiếp xúc bằng từ tâm với các loài yếu hay mạnh,

khi nào nhận biết được trạng thái bị khuấy động của tâm,

nên xua đi (nghĩ rằng): ‘Nó là phần đen tối.’

972. Không nên rơi vào quyền lực của sự giận dữ và ngã mạn thái quá, nên đứng vững sau khi đào lên gốc rễ của chúng. Và trong khi khắc phục vật được yêu mến hoặc không được yêu mến, nên chế ngự chúng một cách chắc chắn.

973. Sau khi chú trọng về trí tuệ, với sự hoan hỷ về thiện pháp,

nên loại trừ các hiểm họa ấy,

nên khống chế sự không thích thú ở chỗ trú ngụ xa vắng,

nên khống chế bốn pháp tạo nên sự than vãn.

 

974. ‘Vậy ta sẽ ăn gì? Hoặc ta sẽ ăn ở đâu?

Quả thật ta đã ngủ khổ sở. Hôm nay, ta sẽ ngủ ở đâu?’

Vị hữu học, không có sự vương vấn nhà ở,

nên loại bỏ những suy tầm có tính chất than vãn này.

 

975. Sau khi nhận lãnh vật thực và y phục đúng thời hạn,

vị ấy nên biết chừng mực ở đây với mục đích vừa lòng.

Vị đã được bảo vệ ở các dòng chảy (giác quan), sống thu thúc ở trong làng,

dầu cho bị xúc phạm, không nên nói lời nói thô lỗ.

 

976. Có mắt nhìn xuống và không buông thả bàn chân (đi đó đây),

nên gắn bó với việc tham thiền, nên có nhiều tỉnh thức,

sau khi nỗ lực về hành xả, có bản thân định tĩnh,

nên cắt đứt nền tảng của sự suy tư và trạng thái hối hận.

 

977. Bị quở trách bởi những lời nói, vị (tỳ khưu) có niệm nên hoan hỷ.

Nên phá vỡ sự cay nghiệt đối với các vị đồng phạm hạnh.

Nên thốt lên lời nói tốt lành, không vượt quá giới hạn.

Không nên suy nghĩ về chuyện phiếm luận của những người (khác).

978. Và hơn thế nữa, có năm loại bụi bặm ở thế gian, đối với chúng vị có niệm nên học tập để loại bỏ. Nên khống chế sự luyến ái ở các sắc, ở các thinh, rồi ở các vị, ở các hương, ở các xúc.

979. Vị tỳ khưu có niệm, có tâm khéo được giải thoát, Nên loại bỏ sự mong muốn ở các pháp ấy. Vị ấy, đúng thời điểm, trong khi suy xét toàn diện một cách đúng đắn về Giáo Pháp, có trạng thái chuyên nhất (của tâm), vị ấy có thể diệt trừ sự tăm tối.”

 

Dứt Kinh Sāriputta.

Phẩm Nhóm Tám là thứ tư.

 

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

 

Nhóm Tám về Dục, về Hang, về Xấu Xa, về Trong Sạch, về Tối Thắng, (bài Kinh về) Sự Già, vị Tissametteyya, vị Pasūra, và (Bà-la-môn) Māgandiya, (bài Kinh) Trước Khi Hoại Rã, sư Cãi Cọ, hai (bài Kinh) Sự Dàn Trận, rồi (bài Kinh) Một Cách Nhanh Chóng nữa, (bài Kinh) Uế Hạnh của Bản Thân, bài Kinh vị trưởng lão (Sāriputta) với câu hỏi của vị trưởng lão là mười sáu; tất cả những bài Kinh này đây là thuộc về Phẩm Nhóm Tám.

 



[1] khen chê, thắng thua, v.v... (SnA. ii, 557).

[2] uddhaṃsarā: những vị này có quan điểm không hành động (SnA. ii, 558). Mahāniddesa cho biết có bốn hạng thuyết về uddhaṃsarā và giải thích rằng những vị này chủ trương sự trong sạch đạt được thông qua tái sanh luân hồi (Nidd. i, 315; TTPV tập 35, trang 431).

[3] attadaṇḍā được dịch là “uế hạnh của bản thân” căn cứ vào lời giải thích của Chú Giải: “attadaṇḍā bhayaṃ jātaṃ attano duccaritakāraṇā jātaṃ” (SnA. ii, 566). Tựa đề của bài Kinh đã được ghi nghĩa theo ý nghĩa ấy.


[Mục lục][1][2][3][4][5]


[Trở về trang Thư Mục]