NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)

QUYỂN VI

PHÁP-HẠNH BA-LA-MẬT 1
(PĀRAMĪ)


CHƯƠNG VIII

PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT 1 (PĀRAMĪ)

Chương VII: Phước-Thiện đã được trình bày xong trong bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo, quyển V Phước-Thiện, tiếp theo chương VIII này sẽ trình bày về pháp-hạnh ba-la-mật. Quyển VI: Pháp-Hạnh Ba-La-Mật 1.

 

PHẦN I

 

Pháp-hạnh ba-la-mật âm từ danh từ Pāḷi: Pāramī

Pāramī: Pháp-hạnh ba-la-mật nghĩa là gì?

Danh từ pāramī có nhiều nghĩa.

Trong bộ Jinālaṅkāraṭīkā định nghĩa rằng: “Pāramiyo’ti pāraṃ Nibbānaṃ ayanti gacchanti

etāhī’ti.  Nibbānasādhako  hi  dānacetanādayo  dhammā pāramī’ti vuccanti.”

Pāramī: Ba-la-mật là những pháp dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn. Thật vậy, tác-ý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật, pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật,v.v… dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, gọi là paramī: pháp-hạnh ba-la-mật.

Pāramī: Pháp-hạnh ba-la-mật có 10 pháp:

1-Dānapāramī: Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

2-Sīlapāramī: Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

3- Nekkhammapāramī: Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

4- Paññāpāramī: Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

5- Vīriyapāramī: Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

6-Khantipāramī: Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

7-Saccapāramī: Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

8-Adhiṭṭhānapāramī: Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

9-Mettāpāramī: Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

10-Upekkhāpāramī: Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Thế nào gọi là pháp-hạnh ba-la-mật?

Trong bộ Chú-giải Pāḷi Cariyāpiṭakaṭṭhakathā giải thích rằng:

“Taṇhāmānadiṭṭhīhi anupahatā karaṇūpāyakosalla-pariggahitā dānādayo guṇā pāramiyo.”[1]

Các pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật, pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật, v.v… không bị nương nhờ bởi tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến, đồng thời hợp với tâm-bi và trí-tuệ có cứu cánh Niết-bàn cao thượng, gọi là pháp-hạnh ba-la-mật.

Phần Giải Thích

* Nếu người nào làm phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… bị tham-ái (taṇhā) nương nhờ cầu mong sẽ trở thành người giàu sang phú quý, có chức trọng quyền cao, trở thành ngôi vị Đức-vua Chuyển-luân Thánh-vương, ngôi vị Đức-vua-trời Sakka, v.v… thì phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v. .. không trở thành pháp-hạnh ba-la-mật, mà chỉ là đại-thiện-nghiệp mà thôi.

* Nếu người nào làm phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… bị ngã-mạn (māna) nương nhờ tự cho mình  là  người  bố-thí,  giữ-giới,  xuất-gia,  v.v…  hơn người, hoặc bằng người, hoặc kém hơn người, thì phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… ấy không trở thành pháp-hạnh ba-la-mật, mà chỉ là đại-thiện-nghiệp mà thôi.

* Nếu người nào làm phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… bị tà-kiến (diṭṭhi) nương nhờ thấy sai chấp lầm cho là ta bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… thì phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… ấy không trở thành pháp-hạnh ba-la-mật, mà chỉ là đại-thiện-nghiệp mà thôi.

* Nếu người nào làm phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… với đại-thiện-tâm bị tham-ái (taṇhā), ngã-mạn (māna), tà-kiến (diṭṭhi) nương nhờ thì phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… ấy không trở thành pháp-hạnh ba-la-mật, mà chỉ là đại-thiện-nghiệp mà thôi, cho quả an-lạc trong cõi dục-giới, không làm nhân-duyên dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Chư Đức-Bồ-tát tạo các pháp-hạnh ba-la-mật như: pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật, pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật, v.v… với đại-thiện-tâm hoàn toàn trong sạch thanh-tịnh, không bị tham-ái (taṇhā), ngã-mạn (māna), tà-kiến (diṭṭhi)  nương  nhờ, nên đại-thiện-tâm không bị ô nhiễm bởi mọi phiền-não, đồng thời hợp với tâm bi (karuṇā) và trí-tuệ có cứu cánh Niết-bàn cao thượng (upāyakosallañāṇa) nên gọi là pháp-hạnh ba-la-mật, gọi là vivaṭṭanissitakusala: đại-thiện-nghiệp nương nhờ thóat khỏi tử sinh luân-hồi.

Ví dụ như Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Akitti là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật với tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện tâm phát-nguyện rằng:

“Tena dānena na lābhasakkārasilokaṃ na cakka-vattisampattiṃ na Sakkasampattiṃ na brahma-sampattiṃ na sāvakabodhiṃ na paccekabodhiṃ patthemi, api ca idaṃ me dānaṃ Sabbaññutañaṇassa paccayo hotu.”[2]

Do pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật này, bần đạo không mong cầu được nhiều tài sản, phẩm vật lễ bái cúng dường, sự tán dương ca tụng, cũng không mong cầu ngôi vị Đức-vua Chuyển-luân Thánh-vương, cũng không mong cầu ngôi vị Đức-vua-trời Sakka, cũng không mong cầu ngôi vị Đức Phạm-thiên, cũng không mong cầu ngôi vị Thánh thanh-văn-giác, cũng không mong cầu ngôi vị Đức-Phật Độc-Giác, mà sự thật, pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật này của bần đạo chỉ mong làm duyên lành để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai mà thôi.

Mahākaruṇā: tâm đại-bi: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tâm đại-bi thương xót chúng-sinh đang đắm chìm trong biển khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, nên Đức-Bồ-tát phát-nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, để cứu vớt chúng-sinh thoát khỏi biển khổ tử sinh luân-hồi.

Upāyakosallañāṇa: Trí-tuệ có cứu cánh Niết-bàn cao thượng: Chư Đức-Bồ-tát đều có chung mục đích cứu cánh Niết-bàn cao thượng, song mỗi Đức-Bồ-tát tạo các pháp-hạnh ba-la-mật khác nhau, cuối cùng đạt đến mục đích cứu cánh Niết-bàn như sau:

* Đối với Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác (Sammā-sambodhisatta) cần phải tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng.

Đến kiếp chót sinh làm người trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác đi xuất gia trở thành bậc xuất gia thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā) trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trên toàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có khả năng thuyết pháp tế độ chúng-sinh cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, cũng chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

* Đối với chư Đức-Bồ-tát Độc-Giác (Paccekabodhi-satta) cần phải tạo đầy đủ trọn vẹn 20 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung.

Đến kiếp chót sinh làm người trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Bồ-tát Độc-Giác đi xuất gia trở thành bậc xuất gia thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán gọi là Đức-Phật Độc-Giác. Có nhiều Đức-Phật Độc-Giác trong cùng thời gian.

Đức-Phật Độc-Giác không có khả năng thuyết pháp tế độ chúng-sinh cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y Ngài được, bởi vì Đức-Phật Độc-Giác không thể chế định ra ngôn ngữ thuyết-pháp tế độ chúng-sinh chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.

* Đối với chư vị Bồ-tát thanh-văn-giác (Sāvaka-bodhisatta) cần phải tạo đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, rồi thực-hành theo lời giáo huấn của Đức-Phật, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc như sau:

-Chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

- Chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

- Chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

- Chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Mỗi vị Bồ-tát thanh-văn-giác có khả năng trở thành bậc Thánh-nhân nào là do nhờ năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị Bồ-tát thanh-văn-giác ấy.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật Theo Tuần Tự

1-Dānapāramī: Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

2-Sīlapāramī: Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

3-Nekkhammapāramī:Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

4-Paññāpāramī: Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

5-Vīriyapāramī: Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

6-Khantipāramī: Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

7-Saccapāramī: Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

8-Adhiṭṭhānapāramī: Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

9-Mettāpāramī: Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

10-Upekkhāpāramī: Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

10 pháp-hạnh ba-la-mật được bắt đầu từ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật theo tuần tự cho đến pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật không chỉ trình bày tuần tự theo cách thuyết pháp (desanānaya), mà còn trình bày tuần tự theo cách thực-hành (paṭipattinaya), nghĩa là pháp-hạnh ba-la-mật trước làm nền tảng, hỗ trợ cho pháp-hạnh ba-la-mật sau được thuận lợi.

Giải Thích 10 Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

1- Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật (Dānapāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm sẵn sàng đem của cải tài sản, ngọc ngà châu báu, ngai vàng, vợ con, những bộ phận trong thân thể, thậm chí hy sinh sinh-mạng của mình đem bố-thí đến người khác, chúng-sinh khác, và đem sự hiểu biết của mình dạy dỗ người khác, để tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được thành tựu.

Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật này làm nền tảng hỗ trợ không chỉ pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật được thuận lợi, mà còn hỗ trợ các pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng được thuận lợi nữa.

Cho nên, pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật được trình bày trước các pháp-hạnh ba-la-mật khác.

2- Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật (sīlapāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh bố-thí Ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật đó là tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm giữ gìn thân tránh xa thân hành ác, để thành tựu thân hành thiện; giữ gìn khẩu tránh xa khẩu nói ác, để thành tựu khẩu hành thiện; giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi hành ác, để thân và khẩu được trong sạch thanh-tịnh.

Cho nên, pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

3-Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật (Nekkhammapāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật đó là 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ (mahākusalañāṇasampayuttacitta) thấy rõ, biết rõ tội lỗi của ngũ-dục: sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục; nhàm chán ngũ-dục, nên chư Đức-Bồ-tát từ bỏ nhà, đi xuất-gia.

Trong thời-kỳ Đức-Phật xuất hiện trên thế gian, hoặc Phật-giáo còn đang lưu truyền trên thế gian, chư Đức-Bồ-tát xuất-gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức-Phật, thực-hành phẩm hạnh cao thượng.

Trong thời-kỳ không có Đức-Phật xuất hiện trên thế gian, chư Đức-Bồ-tát xuất-gia trở thành đạo-sĩ thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới, các bậc thiền vô-sắc-giới, chứng đắc ngũ thông: đa-dạng-thông, nhãn-thông, nhĩ-thông, tiền-kiếp-thông, tha-tâm-thông.

Trong thời-kỳ này, chư Đức-Bồ-tát Độc-Giác kiếp chót xuất-gia, tự mình thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán gọi là Đức-Phật Độc-Giác.

Cho nên, pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

4-Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật (Paññāpāramī):

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật đó là trí-tuệ tâm-sở (paññindriyacetasika) đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, biết nghiệp là của riêng mình (kammas-sakatāñāṇa), và trí-tuệ thiền-tuệ (vipassanāñāṇa) thấy rõ, biết rõ thực-tánh của các sắc-pháp, danh-pháp, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp, …

Cho nên, pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

5-Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật (Vīriyapāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật đó là tinh-tấn tâm-sở (vīriyacetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm tinh-tấn không ngừng trong 4 pháp tinh-tấn:

- Tinh-tấn ngăn ác-pháp chưa sinh, không cho phát sinh.

- Tinh-tấn diệt ác pháp đã phát sinh.

- Tinh-tấn làm cho thiện-pháp chưa sinh, được phát sinh.

- Tinh-tấn làm tăng trưởng thiện-pháp đã phát sinh.

Cho nên, pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

6- Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật (Khantipāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật đó là vô-sân tâm-sở (adosacetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm nhẫn-nại chịu đựng mọi nghịch cảnh, tâm sân không phát sinh trong các đối-tượng xấu ấy, chỉ có đại-thiện-tâm phát sinh để đạt đến mục đích cao cả mà thôi.

Cho nên, pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh tinh-tấn Ba-la-mật.

7- Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật (Saccapāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật đó là tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) hoặc chế-ngự tâm-sở (viraticetasika) hoặc trí-tuệ tâm-sở (paññindriyacetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, với lời nói chân-thật (saccavācā) phát sinh từ đại-thiện-tâm ấy, nói như thế nào, làm như thế ấy; làm như thế nào, nói như thế ấy. Đức-Bồ-tát không bao giờ nói dối, nói sai sự thật, dám hy sinh sinh-mạng để giữ gìn sự thật mà thôi.

Cho nên, pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

8- Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật (Adhiṭṭhāna-pāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật đó là đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ phát-nguyện bằng ý nghĩ trong tâm hoặc phát-nguyện bằng lời nói chân-thật.

Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật có năng lực rất phi thường. Cho nên, pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

9- Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật (Mettāpāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật đó là vô-sân tâm-sở (adosacetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm có đối-tượng tất cả chúng-sinh. Đức-Bồ-tát tạo pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật đối với tất cả chúng-sinh muôn loài vô lượng rằng:

“Sabbe sattā averā hontu, abyāpajjā hontu, anīghā hontu, sukhī attānaṃ pariharantu.”

Cầu mong tất cả chúng-sinh không oan trái lẫn nhau, không có khổ tâm, không có khổ thân, xin giữ gìn thân tâm thường được an-lạc.

Cho nên, pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

10- Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật (Upekkhāpāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật đó là trung-dung tâm-sở (tattaramajjhattatācetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm có đối-tượng tất cả chúng-sinh. Đức-Bồ-tát tạo pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật đối với chúng-sinh đối xử tốt, lễ bái cúng dường đến Ngài hoặc đối với chúng-sinh đối xử xấu, quấy phá làm khổ Ngài. Đức-Bồ-tát đều có đại-thiện-tâm trung dung đối với tất cả chúng-sinh vô lượng ấy, nghĩa là, không phát sinh tâm thương yêu đối với chúng-sinh đối xử tốt với Ngài, cũng không phát sinh tâm ghét chúng-sinh đối xử xấu với Ngài.

“Sabbe sattā kammassakā.”

Tất cả mọi chúng-sinh đều có nghiệp là riêng của họ.

Cho nên, pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

10 pháp-hạnh ba-la-mật được trình bày theo tuần tự pháp-hạnh ba-la-mật trước làm nền tảng hỗ trợ cho pháp-hạnh ba-la-mật sau, đó là theo cách thuyết-pháp và cách thực-hành. Tuy nhiên, nếu mỗi khi chư Đức-Bồ-tát có cơ hội tốt tạo pháp-hạnh ba-la-mật nào thì tạo pháp-hạnh ba-la-mật ấy, chứ không bỏ lỡ cơ hội tốt ấy.

Bốn Đặc Tính Chung Của 10 Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

10 pháp-hạnh ba-la-mật đều có tâm đại-bi (mahā-karuṇā) và trí-tuệ có cứu cánh cao cả (upāyakosalla-ñāṇa) để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác hoặc Đức-Phật Độc-Giác, hoặc vị Thánh thanh-văn-giác, nên 10 pháp-hạnh ba-la-mật có 4 đặc tính chung như sau:

Bốn Đặc Tính Chung

1- Trạng-thái (Lakkhaṇa): 10 pháp-hạnh ba-la-mật có trạng-thái tế độ chúng-sinh.

2- Phận sự (Rasa): 10 pháp-hạnh ba-la-mật có phận sự đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến tất cả chúng-sinh. Hoặc có phận sự quyết tâm tinh-tấn không ngừng tạo các pháp-hạnh ba-la-mật mà không hề thóai chí nản lòng trước mọi sự khó khăn.

3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Chư Đức-Bồ-tát biết rõ sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đối với tất cả chúng-sinh, đó là kết quả hiện hữu của 10 pháp-hạnh ba-la-mật.

Hoặc Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Bồ-tát Độc-Giác trở thành Đức-Phật Độc-Giác, vị Bồ-Tát thanh-văn-giác trở thành vị Thánh thanh-văn-giác, đó là kết quả hiện hữu của các pháp-hạnh ba-la-mật.

4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Tâm đại-bi (mahākaruṇā) và trí-tuệ có cứu cánh cao cả (upāya-kosallañāṇa) là nguyên nhân gần phát sinh 10 pháp-hạnh ba-la-mật.

Đó là 4 đặc tính chung của 10 pháp-hạnh ba-la-mật.

Bốn Đặc Tính Riêng Của Mỗi Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Mỗi pháp-hạnh ba-la-mật có chi pháp khác nhau, có đối-tượng khác nhau, nên mỗi pháp-hạnh ba-la-mật có 4 đặc tính riêng khác nhau như sau:

1- Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật có 4 đặc tính:

1.1-Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật có trạng-thái đem của cải tài sản, sự hiểu biết, v.v… bố-thí, phân phát đến người khác, chúng-sinh khác.

1.2-Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật có phận sự diệt tâm keo kiệt, bủn xỉn trong của cải tài sản, sự hiểu biết của mình.

1.3-Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát trở thành người giàu sang phú quý, có nhiều của cải tài sản, v.v… mà không dính mắc trong của cải tài sản ấy, trở thành bậc đa văn túc trí, học nhiều hiểu rộng, mà không phát sinh tâm ngã-mạn, v.v… Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh bố-thí Ba-la-mật.

1.4-Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Của cải tài sản, sự hiểu biết, đem ra bố-thí, phân phát đến người khác là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

2- Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật có 4 đặc tính:

2.1-Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật có trạng-thái tránh xa mọi thân hành ác, mọi khẩu hành ác; thành tựu mọi thân hành thiện, mọi khẩu hành thiện.

2.2-Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật có phận sự ngăn sự phạm-giới là ngăn 3 thân hành ác, 4 khẩu nói ác.

2.3-Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát có mọi thân hành điều thiện, mọi khẩu nói điều thiện, giữ gìn thân khẩu trong sạch thanh-tịnh. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

2.4-Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

3- Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật có 4 đặc tính:

3.1-Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật có trạng-thái tránh xa các đối-tượng ngũ dục: sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục.

3.2-Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật có phận sự làm cho thấy rõ, biết rõ tội-lỗi của ngũ-dục.

3.3-Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát từ bỏ được các đối-tượng ngũ dục. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

3.4-Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Trí-tuệ nhàm chán ngũ dục là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

4- Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật có 4 đặc tính:

4.1-Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật có trạng-thái thấy rõ thực-tánh của các sắc-pháp, danh-pháp; trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trạng-thái-riêng của mỗi sắc-pháp, danh-pháp; trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp.

4.2-Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật có phận sự diệt tâm si vô-minh tối tăm, ví như ánh sáng diệt bóng tối.

4.3-Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát có trí-tuệ thiền tuệ sáng suốt chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

4.4-Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Định tâm trong các đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

5- Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật có 4 đặc tính:

5.1-Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật có trạng-thái cố gắng tinh-tấn không ngừng.

5.2-Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật có phận sự tinh-tấn diệt các ác-pháp, và tinh-tấn làm tăng trưởng các thiện-pháp.

5.3-Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát có sự tinh-tấn không ngừng trong mọi thiện-pháp, không hề thóai chí nản lòng trước mọi sự khó khăn. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

5.4-Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Trí-tuệ suy xét mọi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, nên phát sinh động tâm (saṃvega), mong giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh tinh-tấn Ba-la-mật.

6- Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật có 4 đặc tính:

6.1-Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật có trạng-thái nhẫn-nại chịu đựng mọi nghịch cảnh một cách tự nhiên.

6.2-Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật có phận sự đè nén, chế ngự tâm tham không phát sinh trong đối-tượng tốt; đè nén, chế ngự tâm sân không phát sinh trong đối-tượng xấu.

6.3-Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát có trí-tuệ tự chủ hoàn toàn, không bị ảnh hưởng bởi các đối-tượng dù xấu, dù tốt, đại-thiện-tâm vẫn phát sinh an nhiên tự tại. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

6.4-Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Trí-tuệ thấy rõ sự thật chân-lý là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

7- Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật có 4 đặc tính:

7.1-Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật có trạng-thái nói lời chân-thật, không nói lời giả dối.

7.2-Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật có phận sự làm rõ sự thật chân-lý.

7.3-Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát là bậc luôn luôn có đại-thiện-tâm hoan hỷ trong sự thật chân-lý. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

7.4-Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Thân, khẩu, ý trong sạch là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh chân-thật Ba-la-mật.

8- Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật có 4 đặc tính: 8.1-Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh phát-nguyện

ba-la-mật có trạng-thái quyết tâm vững chắc, không lay

chuyển nói lời phát-nguyện trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, hoặc trở thành Đức-Phật Độc-Giác, hoặc trở thành bậc Thánh thanh-văn-giác.

8.2-Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật có phận sự diệt mọi phiền-não gây trở ngại tạo các pháp-hạnh ba-la-mật.

8.3-Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát quyết tâm, không thóai chí nản lòng, tinh-tấn không ngừng tạo các pháp-hạnh ba-la-mật cho sớm được đầy đủ trọn vẹn. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh phát-nguyện Ba-la-mật.

8.4-Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Các pháp-hạnh ba-la-mật là nguyên nhân gần để phát sinh pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

9- Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật có 4 đặc tính:

9.1-Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật có trạng-thái cầu mong sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến tất cả chúng-sinh.

9.2-Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật có phận sự diệt tâm oan trái đối với tất cả chúng-sinh. Hoặc rải tâm-từ cầu mong tất cả chúng-sinh có thân tâm thường được an-lạc.

9.3-Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát có thân tâm thường được an-lạc mát mẻ. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

9.4-Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Đối-tượng chúng-sinh đáng yêu, đáng kính là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh tâm-từ Ba-la-mật.

10- Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật có 4 đặc tính:

10.1-Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật có trạng-thái tâm trung-dung, không thương, không ghét đối với tất cả mọi chúng-sinh.

10.2-Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật có phận sự không thiên vị vì thương, vì ghét, giữ gìn tâm trung-dung công bằng đối với tất cả chúng-sinh, như bàn cân đúng đắn.

10.3-Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát có đại-thiện-tâm trung dung, không thương, không ghét đối với tất cả chúng-sinh. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

10.4-Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Trí-tuệ hiểu biết mỗi chúng-sinh có nghiệp là của riêng họ là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Để biết phân biệt rõ sự khác biệt của mỗi pháp-hạnh ba-la-mật, bậc thiện-trí căn cứ vào 4 đặc tính cơ bản của mỗi pháp-hạnh ba-la-mật.

Pháp-hạnh ba-la-mật là pháp-hành của chư Đức-Bồ-tát. Mỗi Đức-Bồ-tát có ý nguyện cao cả để trở thành

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác hoặc trở thành Đức-Phật Độc-Giác hoặc trở thành bậc Thánh thanh-văn-giác khác nhau, nên tạo các pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, bậc trung, bậc thượng khác nhau, với thời gian tạo, bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật ấy khác nhau.

Để đạt đến ý nguyện cao cả của mình, mỗi Đức-Bồ-tát cần phải tạo đầy đủ trọn vẹn các pháp-hạnh ba-la-mật tương xứng với ý nguyện cao cả của mình.

Bodhisatta: Đức-Bồ-tát

Đức-Bồ-tát là hạng chúng-sinh nào?

Đức-Bồ-tát phiên âm từ chữ Pāḷi: Bodhisatta.

Trong bộ Chú-giải Pāḷi Mahavaggaṭṭhakathā định nghĩa rằng:

“Bodhisatto’ti paṇḍitasatto bujjhanakasatto. Bodhi-saṅkhātesu vā catūsu maggesu satto āsatto laggamānaso’ti bodhisatto”[3].

Ý nghĩa:

(Đức-Bồ-tát là chúng-sinh thiện-trí, chúng-sinh mong giác-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, hoặc Đức-Bồ-tát là chúng-sinh có ý nguyện tha thiết cầu mong chứng đắc 4 Thánh-đạo. Như vậy, gọi là Bodhisatta: Đức-Bồ-tát.)

Trong bộ Chú-giải Cariyāpiṭakaṭṭhakathā định nghĩa:

“Dānasīlādiguṇavisesayogena sattuttamatāya paramā mahāsattā bodhisattā.”[4]

Chư Đức-Bồ-tát là bậc chúng-sinh cao thượng trong mọi chúng-sinh, có đại-thiện-tâm hợp với các đức tính đặc biệt trong các pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật, v.v…

Chư Đức-Bồ-tát có ý nguyện tha thiết khác nhau như muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, hoặc trở thành Đức-Phật Độc-Giác, hoặc trở thành bậc Thánh thanh-văn-giác, mục đích cứu cánh cuối cùng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Đức-Bồ-tát có 3 hạng:

1-Sammāsambodhisatta:Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác.

2-Paccekabodhisatta: Đức-Bồ-tát Độc-Giác

3-Sāvakabodhisatta: Vị Bồ-tát Thanh-văn-giác.

Phần Giải Thích

1-Sammāsambodhisatta: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác

Đức-Bồ-tát nào có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Bồ-tát ấy gọi là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambodhisatta).

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung và 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng.

Khi đã tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật xong, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy kiếp chót chắc chắn sinh làm người nam trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác nào xuất hiện trên thế gian, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy từ bỏ nhà đi xuất-gia, tự mình thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā), trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong mười ngàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có khả năng đặc biệt chế định ra ngôn ngữ để thuyết pháp, chỉ dạy tế độ chúng-sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có 3 hạng:

1- Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt (Paññādhika).

2- Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt (Saddhādhika).

3- Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt (Vīriyādhika).

1- Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt là như thế nào?

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt (Paññādhika) là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ nhiều năng lực hơn đức-tin và tinh-tấn trong khi tạo các pháp-hạnh ba-la-mật. Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy cần phải tạo đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật trải qua ba thời-kỳ.

- Thời-kỳ đầu: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt phát-nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành một Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, để tế độ cứu vớt chúng-sinh thóat khỏi biến khổ luân-hồi.

Sau đó, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy tạo các pháp-hạnh ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 7 A-tăng-kỳ[5]kiếp trái đất.

- Thời-kỳ giữa: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt phát-nguyện bằng lời nói để cho chúng-sinh biết ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác của Ngài.

Sau đó, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy tiếp tục bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 9 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

Qua hai thời-kỳ trên gồm có 16 a-tăng-kỳ kiếp trái đất, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt ấy vẫn còn là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác bất-định (aniyatabodhisatta) nghĩa là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy có thể thay đổi ý nguyện không muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác mà chỉ muốn trở thành một Đức-Phật Độc-Giác hoặc bậc Thánh Thanh-văn-giác.

Nếu trường hợp Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt ấy vẫn giữ nguyên ý nguyện xưa, rồi tiếp tục tạo, và tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật thì sẽ dẫn đến thời-kỳ cuối.

-Thời-kỳ cuối: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt ấy, khi hội đủ 8 pháp để được Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đầu tiên thọ ký xác định thời gian còn lại là 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt ấy sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt mới chính thức trở thành Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cố-định (niyatabodhisatta).

Từ đó, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy cố gắng tinh-tấn tiếp tục bồi bổ, tích lũy cho được đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật trong thời gian còn lại ấy.

Trong khoảng thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, mỗi khi có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác nào xuất hiện trên thế gian, thì Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy đều phải đến hầu Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy và được Đức-Phật thọ ký xác định thời gian còn lại sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.

Khi Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt đã bồi bổ đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật xong. Kiếp chót Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt ấy, chắc chắn sẽ tái-sinh làm người nam trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác nào xuất hiện trên thế gian, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, tự chính mình thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên, không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn,diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā), trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong mười ngàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha) độc nhất vô nhị trong mười ngàn cõi-giới chúng-sinh.

2- Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt như thế nào?

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt (Saddhādhika) là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin nhiều năng lực còn trí-tuệ và tinh-tấn trung bình trong khi tạo các pháp-hạnh ba-la-mật.

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt ấy cũng cần phải tạo đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật với thời gian gấp hai lần Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt.

Thời gian trải qua ba thời-kỳ tạo các pháp-hạnh ba-la-mật của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt như sau:

-Thời-kỳ đầu: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt phát-nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành một Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, để tế độ cứu vớt chúng-sinh thóat khỏi biển khổ luân-hồi.

Sau đó, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy tạo các pháp-hạnh ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 14 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

-Thời-kỳ giữa: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt phát-nguyện bằng lời nói để cho chúng-sinh biết ý nguyện muốn trở thành một Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác của Ngài.

Sau đó, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy tiếp tục tạo, bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 18 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

Qua hai thời-kỳ trên gồm có 32 a-tăng-kỳ kiếp trái đất, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt ấy vẫn còn là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác bất-định (aniyatabodhi-satta) nghĩa là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy có thể thay đổi ý nguyện không muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác mà chỉ muốn trở thành một Đức-Phật Độc-Giác hoặc bậc Thánh Thanh-văn-giác.

Nếu  trường  hợp  Đức-Bồ-tát  Chánh-Đẳng-Giác  có đức-tin siêu-việt ấy vẫn giữ nguyên ý nguyện xưa, rồi tiếp tục bồi bổ, tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật thì sẽ dẫn đến thời-kỳ cuối.

-Thời-kỳ cuối: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt ấy, khi hội đủ 8 pháp để được Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đầu tiên thọ ký xác định thời gian còn lại là 8 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt ấy sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt mới chính thức trở thành Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cố-định (niyatabodhisatta).

Từ đó, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy cố gắng tinh-tấn tiếp tục bồi bổ, tích lũy cho được đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật trong suốt thời gian còn lại ấy.

Trong khoảng thời gian 8 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, mỗi khi có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác nào xuất hiện trên thế gian, thì Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy đều phải đến hầu Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy và được Đức-Phật thọ ký xác định thời gian còn lại sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.

Khi Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt đã bồi bổ và tích lũy đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật xong. Kiếp chót Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt ấy, chắc chắn sẽ tái-sinh làm người nam trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác nào xuất hiện trên thế gian, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, tự chính mình thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên, không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā), trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong mười ngàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammā-sambuddha) độc nhất vô nhị trong mười ngàn cõi-giới chúng-sinh.

3- Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt là như thế nào?

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt (Vīriyādhika) là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn nhiều năng lực còn trí-tuệ và đức-tin trung bình trong khi tạo các pháp-hạnh ba-la-mật.

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt ấy cũng cần phải tạo đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật với thời gian gấp hai lần thời gian Đức-Bồ-tát có đức-tin siêu-việt, với thời gian gấp bốn lần thời gian Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt.

Thời gian trải qua ba thời-kỳ tạo các pháp-hạnh ba-la-mật của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt như sau:

-Thời-kỳ đầu: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt phát-nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành một Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, để tế độ cứu vớt chúng-sinh thóat khỏi biển khổ luân-hồi.

Sau đó, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy tạo các pháp-hạnh ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 28 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

-Thời-kỳ giữa: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt phát-nguyện bằng lời nói để cho chúng-sinh biết ý nguyện muốn trở thành một Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác của Ngài.

Sau đó, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy tiếp tục bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 36 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

Qua hai thời-kỳ trên gồm có 64 a-tăng-kỳ kiếp trái đất, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn ấy vẫn còn là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác bất-định (aniyata-bodhisatta) nghĩa là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy có thể thay đổi ý nguyện không muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác mà chỉ muốn trở thành một Đức-Phật Độc-Giác hoặc bậc Thánh Thanh-văn-giác mà thôi.

Nếu trường hợp Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt ấy vẫn giữ nguyên ý nguyện xưa, rồi tiếp tục tạo, tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật thì sẽ dẫn đến thời-kỳ cuối.

-Thời-kỳ cuối: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt ấy, khi hội đủ 8 pháp để được Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đầu tiên thọ ký xác định thời gian còn lại là 16 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt ấy sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt mới chính thức trở thành Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cố-định (niyatabodhisatta).

Từ đó, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy cố gắng tinh-tấn tiếp tục bồi bổ, tích lũy cho được đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật trong suốt thời gian còn lại ấy.

Trong khoảng thời gian 16 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, mỗi khi có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác nào xuất hiện trên thế gian, thì Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy đều phải đến hầu Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy và được Đức-Phật thọ ký xác định thời gian còn lại sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.

Khi Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt đã bồi bổ và tích lũy đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật xong.

Kiếp chót Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt ấy, chắc chắn sẽ tái-sinh làm người nam trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác nào xuất hiện trên thế gian, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, tự chính mình thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên, không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā), trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong mười ngàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha) độc nhất vô nhị trong mười ngàn cõi-giới chúng-sinh.

Đức-Phật Gotama Trong Thời Đại Của Chúng Ta

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt (Paññādhika).

- Thời-kỳ đầu: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama phát-nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành một Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, để tế độ cứu vớt chúng-sinh giải thóat khỏi biển khổ luân-hồi.

Sau đó, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt ấy tạo các pháp-hạnh ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 7 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

Trong khoảng thời gian 7 a-tăng-kỳ kiếp trái đất ấy, có 125.000 Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tuần tự mỗi vị đã xuất hiện trên thế gian.

- Thời-kỳ giữa: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, phát-nguyện ra bằng lời nói, để cho chúng-sinh biết ý nguyện của Ngài muốn trở thành một Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Sau đó, Đức-Bồ-tát tiếp tục bồi bổ, tạo các pháp-hạnh ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 9 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

Trong khoảng thời gian 9 a-tăng-kỳ kiếp trái đất ấy, có 342.000 Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tuần tự mỗi vị đã xuất hiện trên thế gian.

-Thời-kỳ cuối: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt là đạo-sĩ Sumedha, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, hội đủ 8 pháp là:

“Manussattaṃ liṅgasampatti, hetu satthāradassanaṃ. Pabbajjā guṇasampatti, adhikāro ca chandatā.

Aṭṭhadhammasamodhāno, abhinīhāro samijjhati.”[6]

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải hội đầy đủ 8 pháp mới được Đức-Phật thọ ký xác định thời  gian thành tựu nguyện vọng trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.

Tám pháp này là:

1- Manussatta: loài người thật.

2- Liṅgasampatti: người nam thật.

3- Hetu: đầy đủ pháp-hạnh ba-la-mật có khả năng trở thành bậc Thánh A-ra-hán ngay kiếp hiện-tại.

4- Satthāradassana: đến hầu đảnh lễ Đức-Phật.

5- Pabbajjā: bậc xuất-gia đạo-sĩ có chánh kiến.

6- Guṇasampatti: đầy đủ 8 bậc thiền sắc-giới và vô sắc-giới, 5 phép-thần-thông thế gian.

7- Adhikāra: cúng dường sinh-mạng đến Đức-Phật Dīpaṅkara.

8- Chandatā: nguyện vọng tha thiết muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha có hội đủ 8 pháp ấy, nên được Đức-Phật Dīpaṅkara đầu tiên thọ ký, xác định thời gian còn lại là 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Từ đó, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha trở thành Đức-Bồ-tát cố-định (niyatabodhisatta).

Đức-Bồ-Tát Được Thọ Ký

Sau khi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama được Đức-Phật Dīpaṅkara  thọ  ký đầu tiên. Từ đó, trong khoảng thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất ấy, tuần tự có 24 Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đến hầu mỗi Đức-Phật, và được Đức-Phật thọ ký theo tuần tự như sau:

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đầu tiên là Đức-Phật Dīpaṅkara thọ ký, tiếp theo là Đức-Phật Koṇdañña, Đức-Phật Maṅgala, Đức-Phật Sumana, Đức-Phật Revata, Đức-Phật Sobhita, Đức-Phật Anomadassī, Đức-Phật Paduma, Đức-Phật Nārada, Đức-Phật Padumuttara, Đức-Phật Sumedha, Đức-Phật Sujāta, Đức-Phật Piyadassī, Đức-Phật  Atthadassī,  Đức-Phật  Dhamma-dassī,  Đức-Phật Siddhattha, Đức-Phật Tissa, Đức-Phật Phussa, Đức-Phật Vipassī, Đức-Phật Sikhī, Đức-Phật Vessabhū, Đức-Phật Kakusandha, Đức-Phật Koṇā-gamana và Đức-Phật Kassapa là Đức-Phật thứ 24 cuối cùng xuất hiện trên thế gian thọ ký, xác định thời gian rằng:

“Trong thời vị-lai, trong kiếp trái đất Bhaddakappa này, vị tỳ-khưu Jotipāla này sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.”[7]

 

Đức-Bồ-Tát Kiếp Đầu Tiên Và Kiếp Chót Của Đức-Phật Gotama

 

* Đức-Bồ-Tát Kiếp Đầu Tiên Của Đức-Phật Gotama

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự trên tảng đá quý cùng với số đông tỳ-khưu tại ven rừng có nhiều hoa thơm gần hồ Anotatta. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết dạy về tiền-kiếp đầu tiên của Ngài đã tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật rằng:

-Này chư tỳ-khưu! Các con nên lắng nghe đại-thiện-nghiệp bố-thí là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật đầu tiên mà Như-Lai đã tạo trong kiếp quá khứ như sau:

Tiền-kiếp Như-Lai thấy một vị tỳ-khưu hành pháp-hạnh đầu đà sống trong rừng, nên phát sinh đức-tin trong sạch, dâng cúng dường “một tấm vải cũ” đến vị tỳ-khưu ấy. Ngay khi ấy, tiền-kiếp Như-Lai phát sinh tâm đại-bi, có ý nguyện muốn trở thành một Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai, để tế độ chúng-sinh thoát khỏi biển khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Đó là Đức-Bồ-tát kiếp đầu tiên của Như-Lai trong thời quá-khứ có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, chính nhờ đại-thiện-nghiệp bố-thí cúng dường tấm vải cũ là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật đầu tiên ấy dẫn đến kiếp chót của Như-Lai hiện-tại là

Đức-Bồ-tát thái-tử Siddhattha đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama[8].

Quả Báu Của Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Cố Định

Sau khi Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Sumedha, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, đã được Đức-Phật Dīpaṅkara thọ ký xác định thời gian vị-lai còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Từ đó, Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Sumedha trở thành Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cố-định (niyatabodhisatta) tiếp tục tử sinh luân-hồi, mỗi kiếp Đức-Bồ-tát tạo các pháp-hạnh ba-la-mật suốt khoảng thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, bồi bổ, tích lũy cho được đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Suốt khoảng thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất ấy, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cố-định mỗi kiếp tử sinh luân-hồi chắc chắn không còn tái-sinh làm chúng-sinh trong các cõi sau đây:

- Không sinh làm người dân thiểu số trong rừng.

- Không sinh làm người nữ, người ái nam ái nữ.

- Không sinh làm con của người tôi tớ.

- Không sinh làm người đui mù, câm điếc từ khi tái-sinh.

- Không sinh làm người có bệnh nan y.

- Không sinh làm thiên Ma-Vương.

- Không sinh làm phạm-thiên trong cõi Vô-tưởng-thiên.

- Không sinh làm phạm-thiên trong cõi Tịnh-cư-thiên.

- Không sinh làm phạm-thiên trong cõi Vô-sắc-giới.

- Không sinh làm chúng-sinh trong cõi giới khác.

- Không sinh làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục tối tăm Lokantarikanaraka.

- Không sinh vào trong cõi đại-địa-ngục Avīci.

- Không sinh làm loài ngạ-quỷ Khuppīpāsikapeta: ngạ-quỷ chịu cảnh đói khát, loài ngạ-quỷ Nijjhāma-taṇhikapeta: ngạ-quỷ bị thiêu đốt, hoặc loài ngạ-quỷ Kālakañcikapeta: ngạ-quỷ tên loài A-su-ra.

- Không sinh làm loài súc-sinh có thân hình nhỏ hơn con chim sẻ.

- Không sinh làm loài súc-sinh có thân hình to lớn hơn con voi.

- Không bao giờ tạo 5 ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội (giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, làm bầm máu bàn chân Đức-Phật, chia rẽ chư tỳ-khưu Tăng).

- Không bao giờ có tà-kiến cố-định (niyatamicchā-diṭṭhi).

- Không trở thành bậc Thánh-nhân trong khoảng thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất ấy[9].

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cố-định, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tiếp tục tử sinh luân-hồi trải qua vô số kiếp, để bồi bổ tạo các pháp-hạnh ba-la-mật, tích lũy cho được đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật trong suốt thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa.

Như vậy, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, trải qua khoảng thời gian mau nhất là 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất bằng một nửa khoảng thời gian của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt và bằng một phần tư khoảng thời gian của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt.

Đức-Bồ-Tát Kiếp Chót Của Đức-Phật Gotama

Đến kiếp áp chót tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là Đức-vua Bồ-tát Vessantara bồi bổ thêm pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật như bố-thí con voi báu, bố-thí của cải, bố-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhā, bố-thí Chánh-cung Hoàng-hậu Maddīdevī, cho đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật.

Sau khi Đức-vua Bồ-tát Vessantara băng hà, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận-sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam tên là Setaketu trên cõi trời Tusita (Đâu-suất-đà-thiên) đang hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.

Khi ấy, 6 Đức-vua-trời cùng với chư-thiên 6 cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trên các cõi trời sắc-giới phạm-thiên đồng tụ hội đến hầu Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu, tất cả đồng chắp tay bạch rằng:

- Kính bạch Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu, Đức-Bồ-tát đã thực-hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật xong rồi. Pháp-hạnh ba-la-mật ấy không phải để Đức-Bồ-tát  mong  ngôi  vị  các  Đức-vua-trời  trong  cõi dục-giới, cũng không phải để mong ngôi vị Đức-vua Chuyển-luân Thánh-vương, cũng không phải để mong ngôi vị Đức-Phạm-thiên, mà sự thật các pháp-hạnh ba-la-mật ấy giúp hỗ trợ Đức-Bồ-tát trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, để thuyết pháp tế độ chúng-sinh giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

- Kính bạch Đức-Bồ-tát thiên-nam, bây giờ đúng lúc đúng thời-kỳ, để cho Đức-Bồ-tát trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác cao thượng.

- Kính bạch Đức-Bồ-tát thiên-nam, tất cả chúng con thành kính thỉnh Đức-Bồ-tát tái-sinh xuống làm người, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thuyết pháp tế độ chúng-sinh giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Lắng nghe lời thỉnh cầu của chư-thiên, phạm-thiên, Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu chưa nhận lời thỉnh cầu ấy, mà Đức-Bồ-tát xem xét trong thời quá-khứ rằng:

“Chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót tái-sinh xuống làm người để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, đã xem xét như thế nào?”

Xem Xét 5 Điều Trước Khi Tái-Sinh

Theo lệ thường, chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót tái-sinh xuống làm người, thường phải xem xét đầy đủ 5 điều như sau:

1-Xem xét thời-kỳ tuổi thọ con người.

2-Xem xét châu đến tái-sinh.

3- Xem xét xứ sở đến tái-sinh.

4- Xem xét dòng họ nơi tái-sinh.

5- Xem xét tuổi thọ của mẫu hậu, để đầu thai.

Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu xem xét từng điều:

1- Đức-Bồ-Tát Xem Xét Thời-Kỳ Tuổi Thọ Con Người

Chư Phật Chánh-Đẳng-Giác không xuất hiện trên thế gian trong thời đại con người có tuổi thọ trên 100 ngàn năm và trong thời đại con người có tuổi thọ dưới 100 năm.

Nếu thời đại con người có tuổi thọ sống lâu trên 100 ngàn năm, mỗi khi Đức-Phật thuyết pháp rằng:

“Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ; hoặc ngũ-uẩn có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, ...” thì họ khó hiểu rõ chánh-pháp, phát sinh tâm hoài-nghi.

Vì vậy, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác không xuất hiện trên thế gian trong thời đại ấy.

Và nếu thời đại con người có tuổi thọ ngắn ngủi dưới 100 năm thì con người có phiền-não nặng nề, tâm bị ô nhiễm tối tăm. Mỗi khi Đức-Phật thuyết giảng chánh-pháp vi-tế cao siêu, họ khó hiểu rõ được chánh-pháp ấy.

Vì vậy, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác cũng không xuất hiện trên thế gian trong thời đại ấy.

Trong quá-khứ, Chư Phật thường xuất hiện trên thế gian trong thời đại con người có tuổi thọ khoảng 100 ngàn năm với 100 năm. Khi ấy, con người có trí-tuệ sáng suốt, nếu lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp thì có thể hiểu rõ được chánh-pháp, rồi thực-hành theo chánh-pháp dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu xem xét thấy khi ấy thời đại con người có tuổi thọ khoảng 100 năm, đó là thời-kỳ thích hợp cho Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt xuất hiện trên thế gian.

2- Đức-Bồ-Tát Xem Xét Các Châu Đến Tái-Sinh

Trong quá-khứ, Chư Phật Chánh-Đẳng-Giác chỉ xuất hiện trong cõi Nam-thiện-bộ-châu mà thôi, không xuất hiện ở 3 châu khác.

Vì vậy, Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu quyết định tái-sinh trong cõi Nam-thiện-bộ-châu.

3- Đức-Bồ-Tát Xem Xét Xứ Sở Đến Tái-Sinh

Cõi Nam-thiện-bộ-châu rộng lớn mênh mông, trong quá-khứ, chư Phật Chánh-Đẳng-Giác chỉ xuất hiện trong trung-xứ (majjhimapadesa) mà thôi, không xuất hiện ở nơi xứ biên địa.

Vì vậy, Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu quyết định tái-sinh nơi trung-xứ, vùng Sakka, kinh-thành Kapilavatthu.

4- Đức-Bồ-Tát Xem-Xét Dòng Họ Nơi Tái-Sinh

Trong quá-khứ, chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác không sinh trong dòng họ hạ tiện, nghèo khổ, mà chỉ sinh một trong hai dòng dõi là dòng dõi vua chúa hoặc dòng dõi Bà-la-môn.

Nếu thời-kỳ ấy, tất cả mọi người kính trọng dòng dõi Bà-la-môn, thì Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót sẽ tái-sinh vào trong dòng dõi Bà-la-môn, hoặc

Nếu thời-kỳ ấy, tất cả mọi người kính trọng dòng dõi vua chúa, thì Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác sẽ tái-sinh vào trong dòng dõi vua chúa.

Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu xem xét thấy thời-kỳ ấy, tất cả mọi người đều kính trọng dòng dõi vua chúa hơn dòng dõi Bà-la-môn, nên Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu quyết định sinh vào dòng dõi vua Sakya.

Đức-vua Suddhodana trải qua nhiều đời vua tinh khiết (không lẫn lộn với dòng khác) làm Đức-Phụ-vương của Đức-Bồ-tát.

5- Đức-Bồ-Tát Xem Xét Mẫu-Hậu Và Tuổi Thọ Của Bà

Mẫu-hậu của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót phải là người đã từng thực-hành 10 pháp-hạnh ba-la-mật suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất và được Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong quá-khứ đã từng thọ ký rằng:

“Bà sẽ là mẫu-hậu của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.”

Mẫu-hậu của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy là người có ngũ-giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, không hề bị phạm giới nào; ngoài ngũ-giới ra, bà còn thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

Đức-Bồ-tát thiên-nam suy-xét thấy bà Mahāmayādevī, Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Suddhodana,  có đầy đủ những tiêu chuẩn trên và tuổi thọ của bà Mahā-mayādevī chỉ còn đúng 10 tháng lẻ 7 ngày.

Vì  vậy,  Đức-Bồ-tát  thiên-nam  Setaketu  chọn   Mahāmayādevī làm mẫu-hậu của Đức-Bồ-tát.

Sau khi xem xét đầy đủ 5 điều rồi, Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu quyết định tái-sinh xuống làm người, để trở thành một Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. Đức-Bồ-tát truyền dạy rằng:

-Này chư-Thiên, chư Phạm-thiên, ta đồng ý nhận lời thỉnh cầu của các ngươi. Ta sẽ tái-sinh xuống làm người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu, tại trung-xứ, kinh-thành Kapilavatthu, trong dòng dõi vua Sakya, Đức-vua Suddhodana là Đức-Phụ-vương và bà Mahāmayādevī, Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Suddhodana, là mẫu-hậu của ta.

Sau khi lắng nghe lời truyền dạy của Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu, tất cả chư-thiên và chư phạm-thiên vô cùng hoan hỷ cùng nhau tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu.

Sau đó, đều cùng nhau xin phép trở về cảnh giới của mình. Chư-thiên, chư phạm-thiên loan báo cho  khắp toàn cõi giới chúng-sinh biết:

“Đức-Phật sẽ xuất hiện trên thế gian!”

Theo truyền thống của Chư Phật Chánh-Đẳng-Giác, hầu hết có những điều cơ bản hoàn toàn giống nhau, Chư Phật Chánh-Đẳng-Giác trong quá-khứ như thế nào, thì Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong hiện-tại cũng như thế ấy và Chư Phật Chánh-Đẳng-Giác trong vị-lai cũng như thế ấy.

Nếu có điều khác nhau, thì khác nhau những điều chi tiết như thời gian thực-hành 30 pháp-hạnh ba-la-mật, tuổi thọ, cây Đại-Bồ-đề, v.v...

Đức-Bồ-Tát Tái-Sinh Đầu Thai Làm Người

Sau khi Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu chuyển kiếp thiên-nam (chết) tại cõi trời Tusita (Đâu-suất-đà-thiên), tam-nhân đại-thiện-nghiệp bậc cao trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp chót đầu thai vào lòng mẫu hậu Mahāmayādevī, Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Suddhodana tại kinh-thành Kapilavatthu vào ngày thứ năm, nhằm ngày rằm tháng sáu lúc canh chót.

Đến khi tròn đủ 10 tháng, vào ngày rằm tháng 4 âm lịch, Đức-Bồ-tát kiếp chót đản sinh ra khỏi lòng bà Chánh-cung hoàng-hậu Mahāmayādevī tại khu vườn Lumbinī.

Đức-Bồ-tát được đặt tên là Thái-tử Siddhattha có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc-đại-nhân và 80 tướng tốt phụ, khi Thái-tử Siddhattha trưởng thành:

- Năm 16 tuổi, Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha lên ngôi vua và kết hôn với công-chúa Yasodharā, ngự tại kinh-thành Kapilavatthu làm vua được 13 năm.

- Năm 29 tuổi, Đức-vua Bồ-tát Siddhattha từ bỏ ngai vàng đi xuất gia, vào đêm rằm tháng 6 âm lịch, trong đêm ấy Chánh-cung Hoàng-hậu Yasodharā sinh hạ hoàng-tử Rāhula.

- Năm 35 tuổi, Đức-Bồ-tát Siddhattha tự mình thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên, không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā), trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong mười ngàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha) độc nhất vô nhị trong mười ngàn cõi-giới chúng-sinh, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, vào canh chót đêm rằm tháng 4 âm lịch, dưới cội Đại-Bồ-đề tại khu rừng Uruvelā (nay gọi là Buddhagayā, Bihar, nước Ấn-Độ).

* Đức-Phật Gotama thuyết pháp tế  độ  chúng-sinh suốt 45 năm.

- Năm 80 tuổi, Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn tại khu rừng Kusinārā (Ấn Độ) vào canh chót đêm rằm tháng 4 âm lịch, chấm dứt tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác Tế Độ Chúng-Sinh

Mỗi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có khả năng tế độ, cứu vớt một số lượng chúng-sinh có duyên lành được giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài như sau:

“Catuvīsati asaṅkhyeyyā[10], saṭṭhī ceva ca koṭiyo. Pāṇāni satasahassāni, eko Buddho pamocayi.”[11]

Mỗi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có khả năng tế độ, cứu vớt 24 a-tăng-kỳ 600 triệu và 100 ngàn chúng-sinh giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Trong thời quá-khứ, có vô số Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đã xuất hiện trên thế gian, chư Phật đã tế độ, cứu vớt vô số chúng-sinh đã giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Trong thời hiện-tại, Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, Đức-Phật đã tế độ, cứu vớt một số lượng chúng-sinh có duyên lành được giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong trong ba giới bốn loài. Đức-Phật Gotama đã tịch diệt Niết-bàn rồi, nhưng điều chắc chắn chưa đủ số lượng ấy, nên giáo pháp của Đức-Phật Gotama đang còn lưu truyền trên thế gian, để tế độ, cứu vớt số chúng-sinh còn lại. Do đó, các hàng Thanh-văn đệ-tử chúng ta nên cố gắng tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, để mong giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

(Xong phần Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác)

2-Đức-Bồ-Tát Độc-Giác (Paccekabodhisatta)

Đức-Bồ-tát nào có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Độc-Giác, Đức-Bồ-tát ấy gọi là Đức-Bồ-tát Độc-Giác (Paccekabodhisatta).

Đức-Bồ-tát Độc-Giác cần phải tạo 20 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ và 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung. Dù Đức-Bồ-tát Độc-Giác có ý nguyện trở thành Đức-Phật Độc-Giác và đã tạo, tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật trải qua từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ bao nhiêu, Đức-Bồ-tát Độc-Giác ấy vẫn chưa biết còn thời gian bao lâu nữa mới trở thành Đức-Phật Độc-Giác.

Đức-Bồ-Tát Độc-Giác Được Thọ Ký

Khi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác nào xuất hiện trên thế gian, Đức-Bồ-tát Độc-Giác ấy là bậc đã tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật từ những tiền-kiếp trong quá khứ đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy.

Để được Đức-Phật thọ ký, Đức-Bồ-tát Độc-Giác ấy cần phải hội đủ 5 pháp là:

“Manussattaṃ liṅgasampatti, vigatāsavadassanaṃ. Adhikāro chandatā ete, abhinīhārakaraṇā.”[12]

1- Manussatta: loài người thật.

2- Liṅgasampatti: người nam thật.

3- Vigatāsavadassana: đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, hoặc Đức-Phật Độc-Giác, hoặc bậc Thánh Thanh-văn-giác.

4- Adhikāra: đã từng tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật đặc biệt có nhiều oai lực.

5- Chandatā: nguyện vọng tha thiết muốn trở thành Đức-Phật Độc-Giác trong thời vị-lai.

Xem xét thấy Đức-Bồ-tát Độc-Giác ấy hội đủ 5 pháp, nên Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thọ ký xác định thời gian còn lại là 2 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, Đức-Bồ-tát Độc-Giác ấy sẽ trở thành Đức-Phật Độc-Giác trong thời vị-lai.

Sau khi đã được Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thọ ký xác định thời gian còn lại như vậy, Đức-Bồ-tát Độc-Giác ấy trở thành Đức-Bồ-tát Độc-Giác cố-định, cần phải tiếp tục tạo 20 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ và 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung trong suốt khoảng thời gian còn lại 2 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, cho được đầy đủ trọn vẹn.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Độc-Giác chắc chắn sinh làm người nam trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian. Đức-Bồ-tát Độc-Giác ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, tự mình thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không có thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não, mọi tham-ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, gọi là Đức-Phật Độc-Giác.

Sở dĩ gọi là Đức-Phật Độc-Giác là vì Ngài không chế định ra ngôn ngữ, để thuyết pháp giảng dạy tế độ các chúng-sinh khác cùng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Ngài được.

Vấn: Đức-Phật Độc-Giác đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế như Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. Vậy do nguyên nhân nào  Đức-Phật Độc-Giác không thuyết pháp giảng dạy tế độ các chúng-sinh khác cùng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Ngài được?

Đáp: Đức-Phật Độc-Giác đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, nhưng Ngài không thuyết pháp giảng dạy tế độ các chúng-sinh khác cùng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Ngài được, bởi vì Ngài không chế định ra ngôn ngữ để thuyết pháp ấy.

Đức-Phật Độc-Giác có thể có nhiều vị trong cùng một thời đại, song mỗi Đức-Phật Độc-Giác đều tự mình thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán gọi là Đức-Phật Độc-Giác.

Paccekabodhisatta: Đức-Bồ-Tát Độc-Giác

Đức-Bồ-tát Độc-Giác có 3 hạng:

1-Đức-Bồ-tát Độc-Giác có trí-tuệ siêu-việt.

2-Đức-Bồ-tát Độc-Giác có đức-tin siêu-việt.

3-Đức-Bồ-tát Độc-Giác có tinh-tấn siêu-việt.

2.1-Đức-Bồ-tát Độc-Giác có trí-tuệ siêu-việt sau khi được Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thọ ký xong rồi, còn phải bồi bổ, tạo các pháp-hạnh ba-la-mật suốt 2 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, để có đầy đủ trọn vẹn 20 pháp-hạnh ba-la-mật.

2.2-Đức-Bồ-tát Độc-Giác có đức-tin siêu-việt sau khi được Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thọ ký xong rồi, còn phải bồi bổ, tạo các pháp-hạnh ba-la-mật suốt thời gian gấp đôi Đức-Bồ-tát Độc-Giác có trí-tuệ siêu-việt là 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, để có đầy đủ trọn vẹn 20 pháp-hạnh ba-la-mật.

2.3-Đức-Bồ-tát Độc-Giác có tinh-tấn siêu-việt sau khi được Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thọ ký xong rồi, còn phải bồi bổ, tạo các pháp-hạnh ba-la-mật suốt thời gian gấp đôi thời gian Đức-Bồ-tát Độc-Giác có đức-tin siêu-việt, và gấp bốn lần thời gian Đức-Bồ-tát Độc-Giác có trí-tuệ siêu-việt là 8 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, để có đầy đủ trọn vẹn 20 pháp-hạnh ba-la-mật.

 

3-Vị Bồ-Tát Thanh-Văn-Giác (Sāvakabodhisatta)

Vị Bồ-tát nào có ý nguyện muốn trở thành bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, vị Bồ-tát ấy gọi là vị Bồ-tát Thanh-văn-giác (Sāvaka-bodhisatta).

Vị Bồ-tát Thanh-văn-giác cần phải tạo đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ để trở thành bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Vị Bồ-tát Thanh-văn-giác có 3 bậc:

3.1-Vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác (Agga-sāvakabodhisatta) là vị Bồ-tát có ý nguyện muốn trở thành bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

3.2-Vị Bồ-tát Đại-Thanh-văn-giác (Mahāsāvaka-bodhisatta) là vị Bồ-tát có ý nguyện muốn trở thành bậc Thánh A-ra-hán Đại-Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

3.3-Vị Bồ-tát Thanh-văn-giác hạng-thường (Pakati-sāvakabodhisatta) là vị Bồ-tát có ý nguyện muốn trở thành bậc Thánh thanh-văn đệ-tử hạng thường của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Phần Giải Thích

3.1-Vị Bồ-Tát Tối-Thượng Thanh-Văn-Giác Như Thế Nào?

Vị Bồ-tát nào có ý nguyện muốn trở thành bậc Thánh Tối-thượng Thanh-văn-giác của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, vị Bồ-tát ấy gọi là vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác (Aggasāvakabodhisatta).

Vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác cần phải tạo 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, dù đã tích lũy trải qua từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác ấy vẫn chưa biết còn thời gian bao lâu nữa mới trở thành bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác nào.

Vị Bồ-Tát Tối-Thượng Thanh-Văn-Giác Được Thọ Ký

Khi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác nào xuất hiện trên thế gian, vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác ấy là vị đã tạo và tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật từ những tiền-kiếp trong quá khứ, đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy, rồi kính bạch ý nguyện của mình muốn trở thành bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng Thanh-văn-giác của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.

Để được Đức-Phật thọ ký xác định thời gian còn lại, vị Bồ-tát ấy cần phải hội đủ 2 pháp là:

“Adhikāro ca chandatā.”[13]

1- Adhikāra: đã từng tạo và tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật đặc biệt có nhiều oai lực.

2- Chandatā: nguyện vọng tha thiết muốn trở thành bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng Thanh-văn-giác trong thời vị-lai.

Xem xét thấy vị Bồ-tát ấy hội đủ 2 pháp, nên Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thọ ký xác định thời gian còn lại là 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, vị Bồ-tát ấy sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu như vậy, trong thời vị-lai.

Sau khi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thọ ký xác định như vậy, vị Bồ-tát ấy trở thành vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác cố-định của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy trong thời vị-lai.

Vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác ấy cần phải tiếp tục bồi bổ, tích lũy 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ trong suốt khoảng thời gian còn lại 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, cho được đầy đủ trọn vẹn.

Kiếp chót vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác ấy chắc chắn sinh làm người nam trong thời-kỳ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu như vậy xuất hiện trên thế gian, đúng như Đức-Phật quá khứ đã từng thọ ký.

Vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác ấy đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy, xin xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, cùng với tứ tuệ-phân-tích, lục-thông.

Nhân dịp chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng hội, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy tuyên dương ngôi vị bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.

Mỗi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác chỉ có hai vị Thánh A-ra-hán Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử mà thôi.

* Một vị là bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên phải có trí-tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử.

* Một vị là bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên trái có phép thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử.

Hai Vị Thánh Tối-Thượng Thanh-Văn-Giác

Đức-Phật Gotama có hai vị Thánh A-ra-hán Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử là:

- Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta là bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử bên phải có  trí-tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

- Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna là bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng Thanh Văn đệ-tử bên trái có phép-thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Tiền-Kiếp Và Kiếp Chót Của 2 Vị Đại-Trưởng-Lão

* Tiền-Kiếp Của Vị Đại-Trưởng-Lão Sāriputta

Trong thời-kỳ Đức-Phật Anomadassī [14] xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, công-tử Sarada là tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, và công-tử Sirivaḍḍhana là tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna. Hai vị công-tử là hai người bạn thân thiết với nhau.

Công-tử Sarada từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, vị đạo-sĩ Sarada có 74.000 đệ-tử trú tại chân núi, thực-

hành thiền-định chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới và 4 bậc thiền vô-sắc-giới, đặc biệt chứng đắc năm phép-thần-thông. Hằng ngày các vị đạo-sĩ vào rừng tìm các loại trái cây lớn nhỏ dùng để nuôi mạng.

Một đêm vào canh chót, Đức-Phật Anomadassī sau khi xả đại-bi-định, rồi xem xét các chúng-sinh có duyên nên tế độ, Đức-Phật thấy vị đạo-sĩ Sarada cùng nhóm đệ-tử 74.000 đạo-sĩ hiện ra trong màng lưới trí-tuệ của Đức-Phật, đó là các chúng-sinh nên tế độ.

Đức-Phật suy xét rằng: “Sáng hôm nay, ngự đến chỗ vị đạo-sĩ Sarada, Như-Lai sẽ truyền bảo 2 vị Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử thuyết pháp. Sau khi nghe pháp, vị đạo-sĩ Sarada có ý nguyện muốn trở thành bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng thanh-văn đệ-tử, còn nhóm đệ-tử 74.000 đạo-sĩ đều chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán.”

Đêm ấy đã qua, sáng ngày hôm sau, Đức-Phật Anomadassī một mình ngự đến chân núi, nơi vị đạo-sĩ Sarada đang trú tại đó.

Nhìn thấy Đức-Phật Anomadassī đang ngự đến, vị đạo-sư Sarada nhận biết ngay Bậc này là Đức-Phật, không có nghi ngờ gì cả. Vị đạo-sư Sarada ra đón rước Đức-Phật Anomadassī, thỉnh Đức-Phật ngự  ngồi  trên chỗ cao quý, vị đạo-sư thành kính đảnh lễ Đức-Phật Anomadassī xong, rồi ngồi một chỗ thấp nơi hợp lẽ.

Khi ấy, nhóm đệ-tử 74.000 đạo-sĩ đi tìm các loại trái cây lớn nhỏ từ trong rừng trở về, nhìn thấy Đức-Phật Anomadassī ngự ngồi trên chỗ cao, còn vị đạo-sư của họ ngồi chỗ thấp, nghĩ rằng: “Trong đời này, chúng ta cứ tưởng rằng không có ai cao thượng hơn vị tôn-sư của chúng ta. Nay, Bậc này là Bậc cao thượng hơn vị tôn-sư của chúng ta.”

Vị đạo-sư Sarada gọi các đệ-tử, rồi dạy rằng:

-Này các đệ-tử! Các con hãy đến đảnh lễ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, cao thượng nhất trong toàn cõi-giới chúng-sinh, không có một ai có thể sánh được với Đức-Phật.

Hôm nay chúng ta có duyên lành được Đức-Phật ngự đến tế độ. Thật là hy hữu!

Vâng lời dạy bảo của vị tôn-sư, các đệ-tử vô cùng hoan hỷ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật Anomadassī, thành kính đảnh lễ Ngài.

Vị đạo-sư Sarada dạy bảo các đệ-tử đem các loại trái cây lớn nhỏ đến, vị đạo-sư tự tay đặt các loại trái cây lớn nhỏ vào bát dâng cúng dường đến Đức-Phật Anoma-dassī. Đức-Phật độ các loại trái cây có chư-thiên cúng dường thêm vị vào các trái cây ấy.

Sau khi độ trái cây xong, Đức-Phật Anomadassī nghĩ trong tâm rằng: “Hai vị Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử cùng chư Đại-đức tỳ-khưu Tăng hãy cùng nhau đến nơi chân núi này.”

Biết được ý nghĩ của Đức-Thế-Tôn, 2 vị Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử cùng 100 ngàn bậc Thánh A-ra-hán bằng phép-thần-thông xuất hiện đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn xong, rồi mỗi vị ngồi một nơi hợp lẽ.

Khi ấy, vị đạo sư Sarada gọi các đệ-tử dạy rằng:

-Này các đệ-tử! Chỗ ngồi của Đức-Phật còn thấp và 100 ngàn chỗ ngồi của chư Thánh A-ra-hán cũng chưa có. Hôm nay, chúng ta nên làm lễ cúng dường Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng một cách tôn kính với khả năng của chúng ta.

Vậy, các con hãy sử dụng phép-thần-thông của mình đi tìm các loại hoa thơm đem về xây dựng nên chỗ ngồi cao thượng nhất để cúng dường Đức-Phật, hai chỗ thấp hơn để cúng dường hai vị Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử, 100 ngàn chỗ ngồi để cúng dường đến 100 ngàn chư Thánh A-ra-hán.”

Bằng phép-thần-thông, các đệ-tử đạo-sĩ đã làm xong tất cả chỗ ngồi. Vị đạo-sư Sarada đến đảnh lễ Đức-Phật Anomadassī, chắp tay bạch rằng:

-Kính bạch Đức-Thế-Tôn, kính xin Ngài có tâm đại-bi tế độ chúng con, cho được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

Kính thỉnh Đức-Phật ngự đến ngồi trên chỗ ngồi làm bằng các thứ hoa và kính xin Ngài cho phép chư Đại-đức-Tăng ngồi trên các chỗ ngồi ấy.

Đức-Phật Anomadassī ngự đến ngồi trên chỗ ngồi cao quý làm bằng các thứ hoa ấy và 2 vị Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử ngồi bên phải và bên trái của Đức-Phật, còn chư Thánh A-ra-hán ngồi theo thứ bậc cao thấp của mình.

Khi ấy, Đức-Phật Anomadassī nhập diệt-thọ-tưởng suốt 7 ngày đêm. Biết Đức-Thế-Tôn đã nhập diệt-thọ-tưởng 2 vị Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử cùng chư Thánh A-ra-hán cũng đều nhập Thánh-quả của mình.

Vị đạo-sư Sarada cầm chiếc lọng lớn kết bằng các thứ hoa, đứng hầu che Đức-Phật Anomadassī suốt 7 ngày đêm với đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ.

Khi Đức-Phật Anomadassī xả diệt-thọ-tưởng, bên phải của Đức-Phật có Ngài Đại-Trưởng-lão Nisabha là vị Thánh Đệ-nhất Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử, và bên trái của Đức-Phật có Ngài Đại-Trưởng-Lão Anoma là vị Thánh Đệ Nhị Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử.

Đức-Phật Anomadassī truyền dạy rằng:

-Này Nisabha! Con hãy nên thuyết pháp tế độ vị đạo-sư Sarada cùng nhóm đệ-tử của đạo-sư, họ đã cúng dường chỗ ngồi làm bằng các thứ hoa này.

Vâng lời dạy của Đức-Phật Anomadassī, Ngài Đại-Trưởng-lão Nisabha, Đệ-nhất Tối-thượng thanh-văn đệ-tử có trí-tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử, vị Thống-lĩnh các-pháp của Đức-Phật Anomadassī, thuyết các pháp sâu sắc và vô cùng vi-tế bằng nhiều cách, làm cho vị đạo-sư Sarada vô cùng hoan hỷ chưa từng có bao giờ.

Và tiếp theo Đức-Phật Anomadassī truyền dạy Ngài Đại-Trưởng-lão Ngài Anoma rằng:

-Này Anoma! Con hãy nên thuyết pháp tế độ vị đạo-sư Sarada và nhóm đệ-tử của đạo-sư, họ đã cúng dường chỗ ngồi làm bằng các thứ hoa này.

Vâng lời dạy của Đức-Phật Anomadassī, Ngài Đại-Trưởng-lão Anoma, Đệ-nhị Tối-thượng thanh-văn đệ-tử có phép-thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử, vị Thông suốt Tam-Tạng Pháp-Bảo của Đức-Phật Anomadassī, thuyết các pháp rộng rãi bao la vô cùng sâu sắc, cũng làm cho vị đạo-sư Sarada vô cùng hoan hỷ chưa từng có.

Sau khi lắng nghe 2 vị Thánh Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Anomadassī thuyết pháp xong, nhóm đệ-tử 74.000 đạo-sĩ của vị đạo-sư Sarada đều chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái không còn dư sót, trở thành 74.000 bậc Thánh A-ra-hán, chỉ trừ vị đạo-sư Sarada ra mà thôi.

Khi ấy, nhóm đệ-tử 74.000 đạo-sĩ xin phép Đức-Phật Anomadassī cho thọ phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.

Đức-Phật Anomadassī cho phép nhóm đệ-tử ấy xuất gia bằng cách đưa bàn tay phải chỉ ngón trỏ truyền gọi rằng:

- Etha bhikkhavo! ...

- Này các con, hãy lại đây! các con được trở thành tỳ-khưu theo ý nguyện …

Đức-Phật Anomadassī vừa dứt lời, thì hình tướng đạo-sĩ của 74.000 đệ-tử của vị đạo-sư Sarada đều biến mất, thay bằng hình tướng của bậc tỳ-khưu có đầy đủ tám món vật dụng của bậc tỳ-khưu, như một vị Đại-đức có 60 tuổi hạ.

Vấn: Tại sao vị đạo-sư Sarada không trở thành bậc Thánh A-ra-hán?

Đáp: Vị đạo-sư Sarada lắng nghe Ngài Đại-Trưởng-lão Nisabha thuyết các pháp hay, sâu sắc vô cùng vi-tế, mà tiền-kiếp vị đạo-sư đã từng có ý nguyện muốn trở thành vị Thánh Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử có trí-tuệ xuất sắc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật nào đó.

Nay lắng nghe Ngài Đại-Trưởng-lão Nisabha thuyết các pháp hay, sâu sắc vô cùng vi-tế như vậy, cho nên, vị đạo-sư Sarada vô cùng hoan hỷ nghĩ rằng: “Ta muốn trở thành bậc Thánh A-ra-hán Đệ-nhất Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên phải có trí-tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai, cũng như Ngài Đại-Trưởng-lão Nisabha, Đệ-nhất Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên phải có trí-tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng đệ-tử của Đức-Phật Anomadassī này”.

Bởi vì vị đạo-sư Sarada nghĩ như vậy, cho nên tâm không hướng đến thực-hành pháp-hành thiền-tuệ để dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Vì vậy, vị đạo-sư Sarada không trở thành bậc Thánh A-ra-hán trong giáo-pháp của Đức-Phật Anomadassī.

Vị đạo-sư Sarada đảnh lễ Đức-Phật Anomadassī rồi bạch rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài Đại-Trưởng-lão ngồi bên phải của Đức-Thế-Tôn đã thuyết pháp đầu tiên là bậc Thanh-văn đệ-tử như thế nào? Bạch Ngài.

Đức-Phật Anomadassī truyền dạy rằng:

- Này đạo-sĩ Sarada! Vị Thanh-văn đệ-tử của Như-Lai đã thuyết pháp đầu tiên tên là Nisabha, vị Đệ-nhất Tối-thượng thanh-văn đệ-tử có trí-tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử của Như-Lai.

Ý Nguyện Của Vị Đạo-Sư Sarada

Vị đạo-sư Sarada đảnh lễ Đức-Phật Anomadassī, rồi bạch rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con đã cầm chiếc lọng lớn kết bằng các thứ hoa đứng hầu che Đức-Thế-Tôn suốt 7 ngày đêm với đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ ấy.

Do  năng  lực  của  phước-thiện  cung-kính  ấy,  con không cầu mong trở thành ngôi vị Đức-vua-trời Sakka cõi Tam-thập-tam-thiên, cũng không cầu mong trở thành ngôi vị Đức Phạm-thiên trên cõi trời sắc-giới phạm thiên.

Thật ra, con chỉ có ý nguyện muốn trở thành vị Đệ-nhất Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên phải có trí-tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai, cũng như Ngài Đại-Trưởng-lão  Nisabha,  Đệ-nhất  Tối-thượng  thanh-văn đệ-tử bên phải có trí-tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng đệ-tử của Đức-Phật mà thôi.

Nghe lời bạch của vị đạo-sư Sarada, Đức-Phật Anomadassī thấy rõ, biết rõ vị đạo-sư Sarada hội đủ 2 pháp là:

“Adhikāro ca chandatā.”

1- Adhikāra: đã từng tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật đặc biệt có nhiều oai lực.

2- Chandatā: nguyện vọng tha thiết muốn trở thành bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng Thanh-văn-giác trong thời vị-lai.

Cho nên, ý nguyện của vị đạo-sư Sarada sẽ  được thành tựu trong thời vị-lai. Vì vậy, Đức-Phật Anomadassī thọ ký xác định rằng:

- Này đạo-sĩ Sarada! Ý nguyện của con sẽ được thành tựu trong thời vị-lai, còn 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, Đức-Phật Gotama sẽ xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, con sẽ là vị Đệ-nhất Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên phải có trí-tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Lắng nghe lời Đức-Phật Anomadassī thọ ký xác định như vậy, vị đạo-sư Sarada phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ biết chắc chắn ý nguyện muốn trở thành Đệ-nhất Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên phải có trí-tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử của mình sẽ được thành tựu trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian.

Sau đó, Đức-Phật Anomadassī ngự trở về cùng tất cả chư Thánh A-ra-hán gồm 74.000 đệ-tử của vị đạo-sư Sarada, bay lên hư không theo Đức-Phật Anomadassī.

* Tiền-Kiếp Của Vị Đại Trưởng Lão Mahāmoggallāna

Nhóm đạo-sĩ đệ-tử sau khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi xuất-gia trở thành tỳ-khưu đi theo Đức-Phật Anomadassī, vị đạo sư Sarada một mình đi tìm đến thăm người bạn thân cũ Sirivaḍḍhana, (tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna).

Nhìn thấy vị đạo-sư Sarada đến nhà, ông Siri-vaḍḍhana vô cùng hoan hỷ đón tiếp niềm nở xong, bèn hỏi rằng:

- Kính thưa Ngài đạo-sư Sarada, hôm nay, Ngài chỉ đến một mình, còn nhóm đạo-sĩ đệ-tử của Ngài sao không đến?

Vị đạo-sư Sarada đáp rằng:

- Này bạn Sirivaḍḍhana! Đức-Phật Anomadassī ngự đến chỗ ở của bần đạo. Sau đó, hai vị Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử và 100 ngàn bậc Thánh A-ra-hán cũng đến. Chúng tôi đã cúng dường đến Đức-Phật Anomadassī cùng chư Đại-đức-Tăng.

Đức-Phật Anomadassī truyền dạy Ngài Đại-Trưởng-lão Nisabha, Đệ-nhất Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên phải có trí-tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử thuyết pháp xong, tiếp theo Ngài Đại-Trưởng-lão Anoma, Đệ-nhị Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên trái có phép-thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử cũng thuyết pháp.

Sau khi nghe 2 Ngài Đại-Trưởng-lão thuyết pháp xong, tất cả nhóm đạo-sĩ đệ-tử gồm có 74.000 đạo-sĩ đều chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán. Đức-Phật cho phép 74.000 đạo-sĩ xuất gia trở thành tỳ-khưu, rồi đi theo Đức-Phật Anomadassī.

Còn bần đạo có ý nguyện muốn trở thành vị Đệ-nhất Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên phải của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai, thì bần đạo đã được Đức-Phật Anomadassī thọ ký xác định trong thời vị-lai còn 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, Đức-Phật Gotama sẽ xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, bần đạo sẽ trở thành vị Đệ-nhất Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên phải có trí-tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng đệ-tử của Đức-Phật Gotama ấy, như Ngài Đại-Trưởng-lão Nisabha, Đệ-nhất Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên phải có trí-tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng đệ-tử của Đức-Phật Anomadassī.

- Này bạn Sirivaḍḍhana! Trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama sẽ xuất hiện trên thế gian, bần đạo muốn bạn sẽ là vị Đệ-nhị Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên trái có phép-thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, như Ngài Đại-Trưởng-lão Anoma, Đệ-nhị Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên trái có phép-thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng đệ-tử của Đức-Phật Anomadassī.

Lắng nghe lời động viên khuyến khích tác-động của vị đạo-sư Sarada, người bạn thân thiết, trưởng-giả Siri-vaḍḍhana vô cùng hoan hỷ thưa rằng:

- Kính thưa Ngài đạo-sư Sarada kính yêu! Nghe lời khuyên của Ngài, chính tôi cũng có ý nguyện muốn được ngôi vị Đệ-nhị Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên trái có phép-thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Vậy, tôi phải làm thế nào? Thưa đạo-sư.

Vị đạo sư Sarada hướng dẫn trưởng giả Sirivaḍḍhana đến kính thỉnh Đức-Phật Anomadassī cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng ngự đến biệt thự để làm phước-thiện bố-thí cúng dường vật thực suốt 7 ngày xong, rồi bạch với Đức-Phật Anomadassī về ý nguyện của mình muốn trở thành vị Đệ-nhị Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên trái có phép-thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng đệ-tử của Đức-Phật Gotama trong thời vị-lai.

Làm theo lời hướng dẫn của vị đạo-sư Sārada, trưởng-giả Sirivaḍḍhana chuẩn bị làm phước-thiện đại-thí, nên xây dựng trại bố-thí rộng lớn, trang hoàng lộng lẫy, có chỗ ngồi cao quý của Đức-Phật Anomadassī cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, rồi trưởng giả Sirivaḍḍhana đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Anomadassī, kính thỉnh Đức-Phật ngự cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến trại bố-thí rộng rãi được trang hoàng lộng lẫy.

Trưởng giả Sirivaḍḍhana tự tay dâng cúng dường những vật thực ngon lành đến Đức-Phật Anomadassī cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng suốt 7 ngày.

Đến ngày thức 7 trưởng giả Sirivaḍḍhana dâng cúng dường những tấm y quý giá đến Đức-Phật cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Ý Nguyện Của Trưởng Giả Sirivaḍḍhana

Sau khi làm lễ phước-thiện đại-thí cúng dường đến Đức-Phật Anomadassī cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng xong, trưởng-giả Sirivaḍḍhana cung-kính đảnh lễ Đức-Phật Anomadassī, rồi chắp tay bạch rằng:

-Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài có tâm-đại-bi tế độ, nên con đã được tạo phước-thiện đại-thí cúng dường đến Ngài cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng suốt 7 ngày qua.

-Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con được biết vị đạo-sư Sarada bạn thân của con đã có ý nguyện muốn trở thành vị Đệ-nhất Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên phải có trí-tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng đệ-tử của Đức-Phật Gotama trong thời vị-lai.

Vậy, do nhờ phước-thiện đại-thí thanh cao này, con cũng chỉ có ý nguyện muốn trở thành vị Đệ-nhị Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên trái có phép-thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng đệ-tử của Đức-Phật Gotama ấy trong thời vị-lai mà thôi.

Ngoài ra, con không cầu mong những gì khác nữa.

Nghe lời bạch của trưởng giả Sirivaḍḍhana, Đức-Phật Anomadassī thấy rõ, biết rõ trưởng-giả Sirivaḍḍhana hội đủ 2 pháp, nên ý nguyện của trưởng-giả sẽ được thành tựu. Vì vậy, Đức-Phật Anomadassī thọ ký xác định rằng:

-Này Sirivaḍḍhana! Ý nguyện của con sẽ được thành tựu trong thời vị-lai, còn 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, Đức-Phật Gotama sẽ xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, con sẽ là vị Đệ-nhị Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên trái có phép-thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Lắng nghe Đức-Phật Anomadassī thọ ký xác định như vậy, trưởng-giả Sirivaḍḍhana phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ, biết chắc chắn ý nguyện muốn trở thành Đệ-nhị Tối-thượng thanh-văn đệ-tử bên trái của Đức-Phật Gotama sẽ được thành tựu trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian.

Sau đó, Đức-Phật thuyết pháp tế độ trưởng-giả Sirivaḍḍhana cùng các chúng-sinh khác, rồi Đức-Phật ngự trở về chùa cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Từ đó, vị đạo-sư Sarada và trưởng-giả Sirivaḍḍhana đã trở thành vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác cố-định tiếp tục tạo, tích lũy 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ trong suốt khoảng thời gian còn lại 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, cho được đầy đủ trọn vẹn.

* Vị đạo-sư Sarada sau khi chết, sắc-giới thiện nghiệp cho quả tái-sinh lên cõi trời sắc-giới phạm thiên.

* Trưởng-giả Sirivaḍḍhana tiếp tục tạo các pháp-hạnh ba-la-mật cho đến trọn đời, sau khi chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh lên cõi trời dục-giới.

Kiếp Chót Của Vị Đạo-Sư Sarada Và Trưởng-Giả Sirivaḍḍhana

Sau khi được Đức-Phật Anomadassī thọ ký xác định thời gian còn lại của vị đạo-sư Sarada và trưởng-giả Sirivaḍḍhana xong, 2 vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác này tiếp tục tạo, bồi bổ 10 pháp-hạnh ba-la-mật, kể từ Đức-Phật Anomadassī xuất hiện trên thế gian cho đến Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, trải qua vô số kiếp tử sinh luân-hồi suốt khoảng thời gian 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, để cho được đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật đối với vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác.

Trong khoảng thời gian 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất ấy có 19 Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tuần tự xuất hiện trên thế gian như sau:

Đức-Phật Anomadassī, Đức-Phật Paduma, Đức-Phật Nārada, Đức-Phật Padumuttara, Đức-Phật Sumedha, Đức-Phật Sujāta, Đức-Phật Piyadassī, Đức-Phật Atthadassī, Đức-Phật Dhammadassī, Đức-Phật Siddhattha, Đức-Phật Tissa, Đức-Phật Phussa, Đức-Phật Vipassī, Đức-Phật Sikhī, Đức-Phật Vessabhū, Đức-Phật Kakusandha, Đức-Phật Koṇāgamana, Đức-Phật Kassapa và Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian.

Khi ấy, hậu-kiếp đạo-sư Sarada là vị Bồ-tát Đệ-nhất Tối-thượng thanh-văn-giác bên phải kiếp chót sinh làm con của bà Sārī (con gái của ông trưởng-giả) trong làng Upatissa gần kinh-thành Rājagaha.

Và hậu-kiếp trưởng-giả Sirivaḍḍhana là vị Bồ-tát Đệ-nhị Tối-thượng thanh-văn-giác bên trái kiếp chót sinh làm con của bà Moggalī (con gái của ông trưởng-giả) trong làng Kolita gần kinh-thành Rājagaha.

Kiếp chót của 2 vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác sinh ra cùng trong một ngày. Bà Sārī đặt tên con trai là Upatissa, và bà Moggalī đặt tên con trai là Kolita. Khi 2 công-tử lớn lên trở thành 2 người bạn thân thiết với nhau. Mỗi công-tử có nhóm thuộc hạ.

Một hôm, công-tử Upatissa và công-tử Kolita đi chơi hội mà không vui, cảm thấy động tâm về cuộc đời là khổ, nên hai người bạn bàn bạc với nhau cùng nhau xuất gia tìm con đường giải thóat khổ tử sinh luân-hồi.

Thời ấy, trong kinh-thành Rājagaha, vị Đạo-sư Sañcaya là Đạo-sư trưởng phái ngoại đạo lớn có nhiều đệ-tử, công-tử Upatissa và công-tử Kolita cùng nhóm thuộc hạ đến xin xuất gia trở thành đệ-tử của vị đạo-sư Sañcaya. Sau khi xuất gia được 2 -3 hôm, hai vị tu-sĩ Upatissa và Kolita đã học thông hiểu phần lý thuyết của vị đạo-sư Sañcaya, không còn gì để học nữa.

Hai vị tu-sĩ Upatissa và Kolita bàn luận với nhau về phần lý thuyết của vị đạo-sư Sañcaya chỉ là rổng tuếch mà thôi, không phải là con đường giải thóat khổ tử sinh luân-hồi, nên 2 vị tu-sĩ giao ước với nhau rằng:

“Hai chúng ta nếu người nào trước tiên tìm thấy được vị thầy chỉ dạy Niết-bàn, giải thóat khổ tử sinh luân-hồi, thì người ấy cho người kia biết.”

Sau khi giao ước xong, mỗi người đi một con đường tìm thầy.

Tu-sĩ Upatissa đi con đường vào kinh-thành Rājagaha.

Đức-Phật Gotama Xuất Hiện Trên Thế Gian

Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian vào đúng ngày rằm tháng 4 (âm lịch) tại cội Đại-Bồ-đề trong khu rừng Uruvelā (nay gọi là Buddhagayā, Bihar, Ấn Độ).

* Ngày rằm tháng 6, Đức-Phật Gotama ngự đến khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, thuyết bài kinh Dhammacakkappavattanasutta: Kinh Chuyển-Pháp-Luân lần đầu tiên tế độ nhóm 5 tỳ-khưu: Ngài Trưởng Lão Koṇḍañña, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji.

Đức-Phật sau khi thuyết bài kinh Chuyển-Pháp-Luân xong, Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña là vị đầu tiên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức-Phật Gotama. Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña có tên mới là Aññāsikoṇḍañña.

Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu. Đức-Phật Gotama cho phép Ngài Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña xuất gia trở thành tỳ-khưu bằng cách gọi “Ehi bhikkhu!”.

Như vậy, Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña là vị tỳ-khưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, đồng thời Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo lần đầu tiên đầy đủ trọn vẹn xuất hiện trên thế gian đúng vào ngày rằm tháng 6 (âm lịch).

* Ngày 16 tháng 6, Đức-Phật nhập hạ thứ nhất ba tháng mùa mưa tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana cùng với nhóm 5 tỳ-khưu.

Vào ngày hôm ấy, Ngài Trưởng-lão Vappa trở thành bậc Thánh Nhập-lưu và được phép xuất gia trở thành tỳ-khưu bằng cách gọi “Ehi bhikkhu”.

* Ngày 17 tháng 6, Ngài Trưởng-lão Bhaddiya trở thành bậc Thánh Nhập-lưu và được phép xuất gia trở thành tỳ-khưu bằng cách gọi “Ehi bhikkhu”.

* Ngày 18 tháng 6, Ngài Trưởng-lão Mahānāma trở thành bậc Thánh Nhập-lưu và được phép xuất gia trở thành tỳ-khưu bằng cách gọi “Ehi bhikkhu”.

* Ngày 19 tháng 6, Ngài Trưởng-lão Assaji trở thành bậc Thánh Nhập-lưu và được phép xuất gia trở thành tỳ-khưu bằng cách gọi “Ehi bhikkhu”.

* Ngày 20 tháng 6, Đức-Phật thuyết bài kinh Anattalakkhaṇasutta: Kinh Trạng-thái Vô-ngã để tế độ nhóm 5 tỳ-khưu đều trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

Hạ đầu tiên, Đức-Phật cùng nhóm 5 tỳ-khưu an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại khu rừng Isipatana.

Sau 3 tháng mùa mưa, Đức-Phật ngự đến khu rừng Uruveḷā , nơi đây có ba anh em Kassapa đều là những vị đạo-sư trưởng nhóm:

- Ngài Uruvelā  Kassapa có nhóm đệ-tử 500 vị đạo-sĩ.

- Ngài Nadī Kassapa có nhóm đệ-tử 300 vị đạo-sĩ.

- Ngài Gayā Kassapa có nhóm đệ-tử 200 vị đạo-sĩ.

Đức-Phật thuyết bài kinh Ādittapariyāyasutta tế độ ba anh em Kassapa và nhóm đệ-tử gồm có 1.000 đạo-sĩ đều trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi được Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu bằng cách gọi “Etha bhikkhavo!”…

Sau đó, Đức-Phật cùng nhóm đệ-tử ngự đến kinh-thành Rājagaha vào ngày mồng một tháng giêng.

Tu-Sĩ Upatissa Gặp Ngài Trưởng-Lão Assaji

Khi ấy, tu-sĩ Upatissa đi vào kinh-thành Rājagaha, nhìn thấy Ngài Trưởng-lão Assaji còn trẻ đang đi khất thực với cử chỉ cẩn trọng thân khẩu thanh-tịnh, tu-sĩ Upatissa phát sinh đức-tin trong sạch nơi Ngài Trưởng-lão Assaji, nên đi theo hộ độ Ngài.

Ngài Trưởng-lão Assaji sau khi độ vật thực xong, tu-sĩ Upatissa thành kính đảnh lễ, chắp tay bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Trưởng-lão, Ngài có thân khẩu thanh-tịnh, gương mặt của Ngài trong sáng thật đáng tôn kính.

- Kính bạch Ngài, Ngài xuất gia với Đức Tôn-sư nào?

Đức Tôn-sư của Ngài là Bậc nào?

Ngài hài lòng hoan hỷ chánh-pháp Đức Tôn-sư nào?

Ngài Trưởng-lão Assaji đáp rằng:

- Này hiền giả, tôi xuất gia với Đức-Phật Gotama, Ngài xuất thân từ dòng dõi Sakya. Tôi hài lòng hoan hỷ trong giáo-pháp của Vị Tôn-sư của tôi là Đức-Phật Gotama.

Tu-sĩ Upatissa bạch hỏi tiếp rằng:

- Kính bạch Ngài Trưởng-lão, giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, Đức Tôn-sư của Ngài thuyết pháp giảng dạy như thế nào? Kính xin Ngài Trưởng-lão thuyết dạy cho con nghe pháp ấy.

- Này hiền giả! Giáo-pháp của Đức-Phật Gotama rộng lớn mênh mông, vô cùng sâu sắc và rất vi-tế, tôi là vị tỳ-khưu trẻ mới xuất gia chưa hiểu biết nhiều, tôi chỉ có thể chỉ dạy tóm tắt ngắn gọn mà thôi.

- Kính bạch Ngài Trưởng-lão, bần đạo tên là Upatissa, kính xin Ngài Trưởng-lão thuyết pháp giảng dạy dù nhiều dù ít cũng tốt đối với bần đạo.

Ngài Trưởng-lão Assaji thuyết bài kệ rằng:

“Ye dhammā hetuppabhavā, tesaṃ hetuṃ Tathāgato āha. Tesañca yo nirodho, evaṃ vādī mahāsamaṇo”[15]

- Này hiền giả! Những pháp ngũ-uẩn nào là pháp khổ-đế đều sinh từ tham-ái, nhân sinh khổ-đế ấy.

Đức-Phật thuyết dạy tham-ái, nhân sinh khổ-đế ấy và thuyết dạy Niết-bàn diệt tham-ái, nhân sinh khổ-đế ấy.

Đức-Phật Gotama bậc Đại Sa-môn thường thuyết dạy chân-lý tứ Thánh-đế như vậy.

Trong khi lắng nghe Ngài Trưởng-lão Assaji thuyết bài kệ tóm tắt về chân-lý tứ Thánh-đế gồm có 4 câu, vốn là vị Bồ-tát Đệ-nhất Tối-thượng thanh-văn-giác có trí-tuệ xuất sắc bậc nhất, vừa nghe hai câu đầu của bài kệ, tu-sĩ Upatissa đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu ngay tại nơi ấy.

Tu-sĩ Upatissa phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ thành kính đảnh lễ dưới hai bàn chân của Ngài Trưởng-lão Assaji, chắp tay bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Trưởng-lão, hiện nay Đức-Thế-Tôn đang ngự ở nơi nào? Bạch Thầy.

Ngài Trưởng-lão Assaji dạy rằng:

- Này hiền giả! Hiện giờ Đức-Thế-Tôn đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh-thành Rājagaha này.

-Kính bạch Ngài Trưởng-lão, kính thỉnh Thầy trở về trước, còn con có một người bạn thân đang chờ đợi con, con phải về gặp bạn con, rồi chúng con sẽ đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn sau.

Nhìn thấy tu-sĩ Upatissa từ xa trở về, tu-sĩ Kolita nhận biết chắc chắn bạn Upatissa đã gặp Đức-Tôn-sư và đã chứng ngộ được pháp cao thượng rồi!

Tu-sĩ Kolita ra đón bạn Upatissa bèn hỏi rằng:

- Này bạn Upatissa thân mến! Bạn đã gặp Đức-Tôn-sư và đã chứng ngộ Niết-bàn, pháp giải thóat khổ rồi có phải không?

- Này bạn Kolita! Phải, tôi đã gặp Tôn-sư và đã chứng ngộ Niết-bàn, pháp giải thóat khổ rồi.

Xin bạn hãy nghe tôi thuật lại chuyện tôi đã tìm gặp vị Thầy, Ngài Trưởng-lão Assaji. Ngài Trưởng-lão đã thuyết dạy bài kệ tóm tắt về chân-lý tứ Thánh-đế, tôi đã nghe bài kệ ấy, rồi chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

- Này bạn Kolita! Bạn hãy lắng nghe tôi thuyết lại bài kệ ấy.

“Ye dhammā hetuppabhavā, tesaṃ hetuṃ Tathāgato āha. Tesañca yo nirodho, evaṃ vādī mahāsamaṇo”.

Sau khi lắng nghe tu-sĩ Upatissa thuyết bài kệ xong, tu-sĩ Kolita cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, ngay tại nơi ấy.

- Này bạn Upatissa! Hiện nay Đức-Thế-Tôn của chúng ta đang ngự tại nơi nào?

- Này bạn Kolita! Hiện nay Đức-Thế-Tôn của chúng ta đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvanna gần kinh-thành Rājagaha này.

Tu-sĩ Upatissa và tu-sĩ Kolita đi vào hầu vị đạo-sư

Sañcaya, bạch rằng:

- Kính bạch đạo-sư, Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian rồi, hai con kính thỉnh đạo-sư cùng với chúng con đến xin thọ giáo với Đức-Phật Gotama.

Hai vị đệ-tử khẩn khoản ba lần vị đạo-sư Sañcaya khăng khăng không chịu đi, vị đạo-sư hỏi rằng:

- Này hai con! Trong đời này kẻ ngu có nhiều hay bậc trí có nhiều?

- Kính thưa đạo-sư, trong đời này kẻ ngu có nhiều còn bậc trí thì có ít.

- Này hai con! Như vậy, các bậc-trí thì đến với Đức-Phật Gotama đại-trí, còn những người ngu thì đến với ta thiểu-trí.

Vậy, các con hãy đi đến với Đức-Phật Gotama, còn ta không đi đâu cả.

Nghe vị đạo-sư Sañcaya nói khẳng định như vậy, hai vị tu-sĩ Upatissa và Kolita xin phép từ giã vị đạo-sư Sañcaya ra đi, đến gặp nhóm bạn đồng môn 250 đệ-tử của vị đạo-sư, rồi thông báo cho họ biết Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, 2 huynh đệ họ sẽ đi đến hầu Đức-Phật Gotama, sẽ xin thọ giáo với Đức-Phật Gotama.

Nghe hai vị tu-sĩ Upatissa và Kolita nói như vậy, nhóm 250 đệ-tử của vị đạo-sư Sañcaya cùng xin đi theo đến hầu Đức-Phật Gotama.

Hai Vị Tối-Thượng Thanh-Văn Đệ-Tử Của Đức-Phật

Khi ấy, Đức-Phật Gotana đang ngự ở giữa tứ chúng tại ngôi chùa Veḷuvana, dạy bảo chư tỳ-khưu rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Tu-sĩ Upatissa và tu-sĩ Kolita là hai người bạn thân thiết sẽ đến với Như-Lai. Tu-sĩ Upatissa sẽ là vị Đệ-nhất Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử bên phải của Như-Lai và tu-sĩ Kolita sẽ là vị Đệ-nhị Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử bên trái của Như-Lai.

Hai vị tu-sĩ Upatissa và tu-sĩ Kolita dẫn nhóm 250 đạo-sĩ đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Gotama, bèn bạch rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép chúng con được xuất gia sa-di và thọ tỳ-khưu trong giáo-pháp của Ngài.

Xem xét về pháp-hạnh ba-la-mật và hạnh nguyện của họ xong rồi, Đức-Phật cho phép xuất gia bằng cách gọi Ehi bhikkhūpasampada. Đức-Thế-Tôn đưa bàn tay phải, chỉ ngón trỏ truyền dạy rằng:

“Etha bhikkhavo!

-Này các con hãy đến với Như-Lai! Các con đều trở thành tỳ-khưu theo ý nguyện. Chánh-pháp mà Như-Lai đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối, con hãy nên thực-hành phạm-hạnh cao thượng để chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, chấm dứt khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Đức-Thế-Tôn sau khi truyền dạy vừa dứt lời, ngay khi ấy, hình tướng đạo-sĩ của vị tu-sĩ Upatissa và tu-sĩ Kolita cùng nhóm 250 đạo-sĩ đều biến mất, trở thành tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ-khưu, được thành tựu do quả phước-thiện như thần thông (Iddhimaya), trang nghiêm như một vị đại-đức có 60 tuổi hạ.

Từ đó, tỳ-khưu Upatissa được gọi là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta (có nghĩa là con của bà mẹ Sārī) và tỳ-khưu Kolita được gọi là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna (nghĩa là người con dòng dõi Moggalī).

Đức-Phật thuyết pháp tế độ nhóm tỳ-khưu ấy, tất cả

250 vị tỳ-khưu đều chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, chỉ trừ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta và Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna chưa chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán mà thôi.

Sau khi trở thành tỳ-khưu được 7 ngày, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc từ Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, cho đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với các phép-thần-thông xuất sắc bậc nhất.

Và sau khi trở thành tỳ-khưu được 15 ngày, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc từ Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, cho đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Vào ngày rằm tháng giêng ngày đại hội Tăng lần đầu tiên tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh-thành Rājagaha, chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng gồm có 1250 vị Thánh A-ra-hán hội đủ 4 chi:

1- Ngày rằm tháng giêng (Māghamāsa).

2- 1250 vị tỳ-khưu tự mình đến ngôi chùa Veḷuvana gần kinh-thành Rājagaha .

3- 1250 vị tỳ-khưu đều được Đức-Phật cho phép xuất gia bằng cách truyền gọi Ehi Bhikkhu.

4- 1250 vị tỳ-khưu đều là bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc lục thông.

Khi ấy, Đức-Phật thuyết về Ovādapātimokkha.

Tuyên Dương Ngôi Vị Tối-Thượng Thanh-Văn Đệ-Tử

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi  chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi, khi ấy, ngự giữa chư tỳ-khưu Tăng, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

“Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhik-khūnaṃ mahāpaññānaṃ yadidaṃ Sāriputto.”

- Này chư tỳ-khưu! Sīriputta là vị Đệ-nhất Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử bên phải có đại trí-tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử của Như-Lai.

“Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhik-khūnaṃ iddhimantānaṃ yadidaṃ Mahāmoggallāno.”

- Này chư tỳ-khưu! Mahāmoggallāna là vị Đệ-nhị Tối-thượng Thanh-văn đệ-tử bên trái có các phép-thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử của Như-Lai. Như  vậy,  Ngài  Đại-Trưởng-lão  Sīriputta  và  Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna đã thành-tựu theo ý nguyện của mỗi Ngài, đúng như  Đức-Phật Anomadassī quá khứ đã thọ ký.

Đó là sự thành tựu của 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ mà hai Ngài Đại-Trưởng-lão đã tạo đầy đủ trọn vẹn suốt 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất kể từ Đức-Phật Anomadassī cho đến Đức-Phật Gotama.

Vị Bồ-Tát Tối-thượng Thanh-Văn-Giác có 3 hạng:

1- Vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác có trí-tuệ siêu-việt.

2- Vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác có đức-tin siêu-việt.

3- Vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác có tinh-tấn siêu-việt.

 

* Vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác có trí-tuệ siêu-việt sau khi được Đức-Phật thọ ký xong rồi, còn phải bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ suốt 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, để cho đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ.

* Vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác có đức-tin siêu-việt sau khi được Đức-Phật thọ ký xong rồi, còn phải bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ suốt 2 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, để cho đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ.

* Vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác có đức-tin siêu-việt sau khi được Đức-Phật thọ ký xong rồi, còn phải bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ suốt 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, để cho đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ.

3.2-Vị Bồ-Tát Đại-Thanh-Văn-Giác Như Thế Nào?

Khi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác nào đã xuất hiện trên thế gian, vị Bồ-tát thanh-văn-giác đã tạo tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ từ những tiền-kiếp trong quá khứ, đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy, rồi kính bạch với Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy về ý nguyện muốn trở thành vị Thánh A-ra-hán Đại-Thanh-văn-giác có đức hạnh xuất sắc nào đó.

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xem xét thấy vị Bồ-tát Thanh-văn-giác ấy hội đủ 2 pháp là:

“Adhikāro ca chandatā.”[16]

1-Adhikāra: đã từng ttạo, ích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật đặc biệt có nhiều oai lực.

2-Chandatā: nguyện vọng tha thiết muốn trở thành bậc Thánh A-ra-hán Đại-thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy thọ ký xác định thời gian còn lại 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, vị Bồ-tát ấy sẽ trở thành vị Thánh Đại-Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu như vậy, sẽ xuất hiện trên thế gian trong thời vị-lai.

Sau khi Đức-Phật đã thọ ký xác định như vậy, vị Bồ-tát Thanh-văn-giác ấy trở thành vị Bồ-tát Đại-Thanh-văn-giác cố-định tiếp tục bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất, để cho được đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, để trở thành bậc Thánh A-ra-hán Đại-thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy trong thời vị-lai.

Đến kiếp chót của vị Bồ-tát Đại-thanh-văn-giác ấy chắc chắn sinh làm người nam đúng vào thời-kỳ Đức-Phật Chánh Đằng Giác có danh hiệu như vậy xuất hiện trên thế gian, đúng theo lời thọ ký của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong quá khứ ấy.

Vị Bồ-tát Đại-thanh-văn-giác ấy đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy, kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái không dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Nhân dịp hội họp chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy tuyên dương đức hạnh bậc Thánh A-ra-hán Đại-Thanh-văn đệ-tử ấy.

Như vậy, bậc Thánh A-ra-hán ấy là bậc Thánh Đại-Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ấy, đúng theo lời thọ ký của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác quá khứ.

Đức-Phật Gotama có 80 vị Đại-Thanh-văn đệ-tử:

80 Vị Thánh Đại-Thanh-Văn-Giác

40 Vị Thánh A-Ra-Hán Bên Phải Đức-Phật

1-Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta (Aggasāvaka).

2-Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña.

3-Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa.

4-Ngài Trưởng-lão Vappa.

5-Ngài Trưởng-lão Bhaddiya.

6-Ngài Trưởng-lão Mahānāma.

7-Ngài Trưởng-lão Assaji.

8-Ngài Trưởng-lão Nālaka.

9-Ngài Trưởng-lão Yasa.

10-Ngài Trưởng-lão Vimala.

11-Ngài Trưởng-lão Subāhu.

12-Ngài Trưởng-lão Puṇṇaji.

13- Ngài Trưởng-lão Gavampati.

14- Ngài Trưởng-lão Uruvelākassapa.

15- Ngài Trưởng-lão Nadīkassapa.

16-Ngài Trưởng-lão Gayākassapa.

17-Ngài Trưởng-lão Mahākaccāyana.

18-Ngài Trưởng-lão Mahākoṭṭhita.

19-Ngài Trưởng-lão Mahākappina.

20-Ngài Trưởng-lão Mahācunda.

21-Ngài Trưởng-lão Anuruddha.

22-Ngài Trưởng-lão Kaṅkhārevata.

23-Ngài Trưởng-lão Ānanda.

24-Ngài Trưởng-lão Nandaka.

25-Ngài Trưởng-lão Bhagu.

26-Ngài Trưởng-lão Nandiya.

27-Ngài Trưởng-lão Kimila.

28-Ngài Trưởng-lão Bhaddiya.

29-Ngài Trưởng-lão Rāhula.

30-Ngài Trưởng-lão Sīvali.

31-Ngài Trưởng-lão Upāli.

32-Ngài Trưởng-lão Dabba.

33- Ngài Trưởng-lão Upasena.

34- Ngài Trưởng-lão Mahāpuṇṇa.

35- 35-Ngài Trưởng-lão Cūḷapuṇṇa.

36-Ngài Trưởng-lão Soṇakuṭikaṇṇa.

37-Ngài Trưởng-lão Soṇakoḷivisa.

38-Ngài Trưởng-lão Rādha.

39-Ngài Trưởng-lão Subhūti.

40-Ngài Trưởng-lão Khadiravaniyarevata.

40 Vị Thánh A-Ra-Hán Bên Trái Đức-Phật

1-Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna (Aggasāvaka)

2- Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla .

3- Ngài Trưởng-lão Vakkali.

4- Ngài Trưởng-lão Kāḷudāyi.

5- Ngài Trưởng-lão Mahā-udāyi.

6- Ngài Trưởng-lão Pilindavaccha.

7- Ngài Trưởng-lão Sobhita.

8-Ngài Trưởng-lão Kumārakassapa.

9-Ngài Trưởng-lão Raṭṭhapāla.

10-Ngài Trưởng-lão Vaṅgīsa.

11-Ngài Trưởng-lão Sabhiya.

12-Ngài Trưởng-lão Sela.

13-Ngài Trưởng-lão Upavāna.

14-Ngài Trưởng-lão Meghiya.

15-Ngài Trưởng-lão Sāgata.

16- Ngài Trưởng-lão Nāgita.

17- Ngài Trưởng-lão Lakuṇḍakabhaddiya.

18- Ngài Trưởng-lão Piṇḍolabhāradvāja.

19- Ngài Trưởng-lão Mahāpanthaka.

20-Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka.

21-Ngài Trưởng-lão Bākula.

22-Ngài Trưởng-lão Kuṇḍadhāna.

23-Ngài Trưởng-lão Dārucīriya.

24-Ngài Trưởng-lão Yasoja.

25- Ngài Trưởng-lão Ajita.

26- Ngài Trưởng-lão Tissametteyya.

27- Ngài Trưởng-lão Puṇṇaka.

28-Ngài Trưởng-lão Mettagū.

29-Ngài Trưởng-lão Dhotaka.

30-Ngài Trưởng-lão Upasīva.

31-Ngài Trưởng-lão Nanda.

32-Ngài Trưởng-lão Hemaka.

33-Ngài Trưởng-lão Todeyya.

34-Ngài Trưởng-lão Kappa.

35- Ngài Trưởng-lão Jatukaṇṇi.

36- Ngài Trưởng-lão Bhadrāvudha. 37-Ngài Trưởng-lão Udaya.

38-Ngài Trưởng-lão Posāla. 39-Ngài Trưởng-lão Piṅgiya.

40-Ngài Trưởng-lão Mogharāja.

Trong 80 vị Thánh A-ra-hán Đại-Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsi-koṇḍañña là bậc chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế trước tiên, cũng là vị tỳ-khưu đầu tiên có tuổi hạ cao bậc nhất trong các hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, trở thành bậc Thánh Đại-Thanh-văn đệ-tử trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

Tiền-Kiếp Và Kiếp Chót Của Ngài Đại-Trưởng-Lão Aññāsikoṇḍañña

* Tiền-Kiếp Của Ngài Đại Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña

Trong thời-kỳ Đức-Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña là một đại phú hộ trong kinh-thành Haṃsavatī. Đức-Phật Padumuttara ngự đến kinh-thành Haṃsavatī cùng với 100 ngàn chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, ông đại phú hộ cùng dân chúng trong kinh-thành lũ lượt kéo nhau đến đảnh lễ, cúng dường Đức-Phật Padumuttara, rồi nghe Ngài thuyết pháp.

Một hôm, Đức-Phật Padumuttara thuyết pháp tế độ dân chúng trong kinh-thành Haṃsavatī, giữa hội chúng, Đức-Phật Padumuttara tuyên dương một vị tỳ-khưu chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế trước tiên, là vị tỳ-khưu đầu tiên có tuổi hạ cao bậc nhất trong các hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, trở thành vị Thánh Đại-Thanh-văn đệ-tử trong giáo-pháp của Đức-Phật.

Khi ấy, ông đại phú hộ, tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña, ngồi nhìn thấy Ngài Đại-Trưởng-lão Đại-Thanh-văn đệ-tử ấy có những đức tính đặc biệt hơn các hàng thanh văn khác, nên suy nghĩ rằng:

“Ngài Đại-Trưởng-lão ấy thật là cao thượng! Ngài là bậc chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế trước tiên, là vị tỳ-khưu đầu tiên có tuổi hạ cao bậc nhất trong các hàng Thanh-văn đệ-tử và trở thành vị Thánh Đại-Thanh-văn đệ-tử trong giáo-pháp của Đức-Phật Padumuttara.

Đối với ta, trong thời vị-lai, ta cũng muốn trở thành vị tỳ-khưu chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế trước tiên, là vị tỳ-khưu đầu tiên có tuổi hạ cao bậc nhất trong các hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật trong thời vị-lai,trở thành vị Thánh Đại-Thanh-văn đệ-tử trong giáo-pháp của Đức-Phật trong thời vị-lai, như Ngài Đại-Trưởng-lão là bậc chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế trước tiên, là vị tỳ-khưu đầu tiên có tuổi hạ cao bậc nhất trong các hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Padumuttara, trở thành vị Thánh Đại-Thanh-văn đệ-tử trong giáo-pháp của Đức-Phật Padumuttara, thì cao thượng biết dường nào!”

Sau khi suy nghĩ như vậy, chờ Đức-Phật thuyết pháp xong, ông đại phú hộ ấy đảnh lễ Đức-Phật Padumuttara, bạch rằng:

-Kính bạch Đức-Thế-Tôn, kính thỉnh Đức-Thế-Tôn cùng với 100 ngàn chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng sáng ngày mai ngự đến tư gia của con, để cho con làm phước-thiện bố-thí, cúng dường vật thực.

Đức-Phật Padumuttara nhận lời bằng cách im lặng. Biết Đức-Phật Padumuttara đã nhận lời, ông đại phú hộ đảnh lễ Đức-Phật, rồi xin phép trở về nhà.

Về đến nhà, ông đại phú hộ truyền bảo các gia nhân chuẩn bị trang hoàng lộng lẫy chỗ ngồi của Đức-Phật Padumuttara cùng 100 ngàn chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng thật trang nghiêm tôn kính, chuẩn bị sẵn sàng các vật thực ngon lành.

Đêm đã qua, sáng ngày hôm ấy, ông đại phú hộ đến kính thỉnh Đức-Phật Padumuttara cùng với 100 ngàn chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng ngự đến tư gia của ông. Ông đại phú hộ tự tay thành kính cúng dường những món vật thực ngon lành đến Đức-Phật Padumuttara và 100 ngàn chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Ông đại phú hộ làm phước-thiện bố-thí, cúng dường như vậy suốt 7 ngày. Đến ngày thứ 7, sau khi Đức-Phật cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đã thọ thực xong, ông đại phú hộ thành kính dâng bộ tam y vải tốt đặc biệt đặt dưới hai bàn chân của Đức-Phật Padumuttara và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng mỗi vị một bộ y vải tốt như vậy.

Sau khi làm phước-thiện đại-bố-thí cúng dường xong, ông đại phú hộ đến đảnh lễ dưới chân Đức-Phật Padumuttara, rồi chắp hai tay bạch rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, suốt 7 ngày qua, con đã thành kính làm phước-thiện đại-bố-thí cúng dường đến Đức-Thế-Tôn cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Do nhờ phước-thiện thanh cao này, con chỉ có ý nguyện muốn trở thành vị tỳ-khưu chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế trước tiên, là vị tỳ-khưu đầu tiên có tuổi hạ cao bậc nhất trong các hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai, trở thành vị Thánh Đại-Thanh-văn đệ-tử trong giáo-pháp của Đức-Phật trong thời vị-lai, như Ngài Đại-Trưởng-lão là bậc chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế trước tiên, là vị tỳ-khưu đầu tiên có tuổi hạ cao bậc nhất trong các hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn, trở thành vị Thánh Đại-Thanh-văn đệ-tử trong giáo-pháp của Đức-Thế-Tôn.

Ngoài ra, con không cầu mong gì khác. Bạch Ngài.

Ông Đại Phú Hộ Được Thọ Ký

Nghe ông đại phú hộ bạch như vậy, Đức-Phật Padumuttara dùng tuệ nhãn xem xét quá khứ và vị-lai của ông đại phú hộ này, thấy rõ, biết rõ ông đại phú hộ hội đủ 2 pháp là:

“Adhikāro ca chandatā.”.

1- Adhikāra: đã từng tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật đặc biệt có nhiều oai lực.

2- Chandatā: nguyện vọng tha thiết muốn trở thành bậc Thánh A-ra-hán Đại-Thanh-văn-giác trong thời vị-lai.

Cho nên, ý nguyện của ông đại phú hộ này chắc chắn sẽ được thành tựu trong thời vị-lai. Vì vậy, Đức-Phật Padumuttara thọ ký xác định thời gian còn lại rằng:

- “Này cận-sự-nam! Trong thời vị-lai, còn 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, Đức-Phật Gotama sẽ xuất hiện trên thế gian, Đức-Phật Gotama lần đầu tiên sẽ thuyết bài kinh Dhammacakkappavattanasutta: Kinh Chuyển-Pháp-Luân. Khi ấy, con sẽ là vị trưởng nhóm 5 tu-sĩ ngồi lắng nghe bài kinh ấy.

Sau khi nghe bài kinh ấy xong, chỉ có con là vị tu-sĩ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế trước tiên, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả,  Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama ấy, con sẽ là vị tỳ-khưu đầu tiên có tuổi hạ cao bậc nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, cũng là vị Thánh Đại-Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.”

Nghe Đức-Phật Padumuttara thọ ký xác định như vậy, ông đại phú hộ phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ vì biết ý nguyện của mình chắc chắn sẽ được thành tựu như ý. Ông đại phú hộ trở thành vị Bồ-tát Đại-Thanh-văn-giác cố-định, tiếp tục tạo 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, suốt khoảng thời gian 100 ngàn đại-kiếp trái đất cho được đầy đủ trọn vẹn.

Khi  Đức-Phật  Padumuttara  tịch  diệt  Niết-bàn,  các hàng đệ-tử tổ chức làm lễ hỏa táng xong, phần Xá-Lợi của Đức-Phật Padumuttara còn lại được các hàng đệ-tử xây dựng một ngôi bảo tháp to lớn và cao, để tôn thờ Xá Lợi Đức-Phật Padumuttara. Khi ấy, ông đại phú hộ tiền-kiếp của Ngài Đại Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña là một trong những thí-chủ lớn đóng góp xây dựng ngôi bảo tháp tôn thờ Xá Lợi Đức-Phật Padumuttara ấy.

Từ thời-kỳ Đức-Phật Padumuttara [17] xuất hiện trên thế gian trong thời quá khứ cho đến Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian trong thời hiện-tại, có khoảng cách thời gian 100 ngàn đại-kiếp trái đất, trải qua 16 Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác theo tuần tự xuất hiện trên thế gian như sau:

Đức-Phật Padumuttara, Đức-Phật Sumedha, Đức-Phật Sujāta, Đức-Phật Piyadassī, Đức-Phật Atthadassī, Đức-Phật Dhammadassī, Đức-Phật Siddhattha, Đức-Phật Tissa, Đức-Phật Phussa, Đức-Phật Vipassī, Đức-Phật Sikhī, Đức-Phật Vessabhū, Đức-Phật Kakusandha, Đức-Phật Koṇāgamana, Đức-Phật Kassapa cho đến Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian trong thời hiện-tại này.

Trong thời-kỳ Đức-Phật Vipassī [18] xuất hiện trên thế gian, tiền-kiếp của Ngài Đại Trưởng Lão Aññāsi-koṇḍañña là nhà phú-hộ Mahākāla, có người em là Cūḷakāla, có ruộng lúa sāli rộng lớn bao la nhiều mẫu.

Người anh Mahākāla đề nghị với người em Cūḷakāla bảo người làm công lấy một phần lúa sāli đang thời-kỳ ngậm sữa, trộn với sữa bò nguyên chất làm cơm sữa kính dâng, cúng dường đến Đức-Phật Vipassī cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, nhưng người em Cūḷakāla không bằng lòng. Cho nên người anh Mahākāla chia ruộng ra làm hai phần, mỗi người mỗi phần ruộng.

Người anh Mahākāla bảo người làm công cắt bông lúa trong phần ruộng của mình, thời-kỳ đầu ngậm sữa trộn với sữa bò nguyên chất, mật ong, dầu mè và đường thốt nốt làm thành món ăn bổ dưỡng, rồi ông phú hộ Mahākāla kính dâng, cúng dường đến Đức-Phật Vipassī cùng tất cả chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Điều thật phi thường chưa từng có! Những bông lúa bị cắt làm món đồ ăn ấy, rồi hoàn trở lại như trước, không bị hao hụt chút nào cả.

Đó là lần thứ nhất cây lúa đầu tiên ngậm sữa.

Về sau, cứ mỗi lần đến thời-kỳ đầu cây lúa sāli tăng trưởng, người anh Mahākāla đều bảo người làm công cắt bông lúa trong thời-kỳ đầu ấy làm món đồ ăn bổ dưỡng, rồi kính dâng, cúng dường đến Đức-Phật Vipassī cùng tất cả chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Như vậy, trải qua 9 thời-kỳ đầu cây lúa Sāli tăng trưởng, người anh Mahākāla đều làm món đồ ăn bổ dưỡng, rồi kính dâng, cúng dường đến Đức-Phật Vipassī cùng tất cả chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Điều thật phi thường chưa từng có! Cứ mỗi lần đến thời-kỳ đầu của cây lúa sāli tăng trưởng, cây lúa bị cắt làm món đồ ăn kính dâng, cúng dường đến Đức-Phật Vipassī cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng xong thì cây lúa sāli không giảm bớt mà lại còn tăng thêm gấp bội lần.

Những kiếp vị Bồ-tát Đại-Thanh-văn-giác, tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña, tử sinh luân-hồi suốt 91 đại-kiếp trái đất, kể từ kiếp trái đất có Đức-Phật Vipassī đã xuất hiện trên thế gian cho đến kiếp trái đất gọi là Bhaddakappa hiện-tại này, Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, những tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão không hề bị tái-sinh trong 4 cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, do nhờ thiện-nghiệp bố-thí ấy chỉ cho quả tái-sinh trong trong các cõi thiện-giới: cõi người và các cõi trời mà thôi.

Những tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsi-koṇḍañña đã cố gắng tinh-tấn thực-hành, bồi bổ 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ cho được đầy đủ trọn vẹn.

Kiếp Chót Của Ngài Đại Trưởng Lão Aññasikoṇdañña

Trong kiếp trái đất Bhaddakappa này, khi Đức-Phật Gotama chưa xuất hiện trên thế gian, kiếp chót của Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña sinh trong gia đình đại phú hộ tại làng Bà-la-môn Doṇavatthu gần kinh-thành Kapilavatthu, tên là công-tử Koṇḍañña.

Khi công-tử trưởng thành, cha mẹ gởi công-tử Koṇḍañña theo học các bộ môn theo truyền thống Bà-la-môn đặc biệt về bộ Mahāpurisalakkhaṇa, bộ môn xem tướng của bậc đại-nhân.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama chuyển kiếp (chết) từ cõi Tusita (Đâu-suất-đà-thiên), với đại quả tâm thứ nhất làm phận sự tái-sinh kiếp chót đầu thai vào lòng bà Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī của Đức-vua Suddhodana, vào canh chót đêm rằm tháng 6 (âm lịch).

Đúng 10 tháng, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót đản sinh đúng vào ngày rằm tháng 4 (âm lịch).

Ngày lễ đặt tên Thái-tử, Đức-vua Suddhodana truyền lệnh mời 108 vị Bà-la-môn đến cung điện để làm phước cúng dường cơm nấu bằng sữa tươi và y phục đến 108 vị Bà-la-môn. Sau khi lễ cúng dường xong, tiếp theo lễ đặt tên Đức-Bồ-tát Thái-tử.

Trong 108 vị Bà-la-môn ấy, chọn 8 vị Bà-la-môn thiện-trí giỏi về bộ môn xem tướng tốt của bậc đại-nhân để xem tướng Đức-Bồ-tát Thái-tử.

Mỗi vị Bà-la-môn thiện-trí đều chú tâm xem tướng Đức-Bồ-tát Thái-tử, đều thấy Đức-Bồ-tát Thái-tử có đầy đủ các tướng tốt của bậc đại-nhân và các tướng tốt phụ, cho nên 7 vị Bà-la-môn lớn tuổi đều đưa lên hai ngón tay tiên đoán giống nhau rằng:

1- Nếu Thái-tử sống tại cung điện thì sẽ trở thành Đức Chuyển-luân Thánh-vương.

2- Nếu Thái-tử đi xuất gia thì chắc chắn sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Riêng một vị Bà-la-môn thiện-trí trẻ tuổi nhất trong nhóm 8 vị Bà-la-môn là vị Bà-la-môn Koṇḍañña, thấy Đức-Bồ-tát Thái-tử có đầy đủ các tướng tốt của bậc đại-nhân và các tướng phụ như thế này, chắc chắn không thể trở thành Đức Chuyển-luân Thánh-vương mà chỉ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác mà thôi. Cho nên, vị Bà-la-môn Koṇḍañña chỉ đưa lên một ngón tay, rồi tiên đoán khẳng định rằng:

“Thái-tử chắc chắn sẽ từ bỏ cung điện, đi xuất gia, và chắc chắn sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác”.

Nghe lời tiên đoán khẳng định của vị Bà-la-môn Koṇḍañña trẻ tuổi, 7 vị Bà-la-môn thiện-trí lớn tuổi đều nhất trí với lời tiên đoán của vị Bà-la-môn Koṇḍañña trẻ tuổi rằng: “Đức-Bồ-tát Thái-tử chắc chắn sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác”.

Đức-Bồ-tát Thái-tử sẽ giúp cho tất cả chúng-sinh được thành tựu mọi lợi ích. Do đó, đặt tên Đức-Bồ-tát Thái-tử là “SIDDHATTHA” nghĩa là thành tựu lợi ích cho tất cả chúng-sinh.

Sau đó, 8 vị Bà-la-môn xin phép bái biệt Đức-vua trở về nhà. 7 vị Bà-la-môn già gọi các con dạy rằng:

-Này các con! Cha đã đến tuổi già không thể sống cho đến khi Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha của Đức-vua Suddhodana trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

-Này các con! Khi các con nghe tin Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha từ bỏ cung điện, đi xuất gia, thì các con nên đi xuất gia theo Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha. Các con nên nhớ lời cha căn dặn.

* Đức-Bồ-tát Thái-tử lên ngôi vua khi 16 tuổi và kết hôn cùng với công-chúa Yasodharā, ngự tại kinh-thành Kapilavatthu trị vì đất nước, thần dân thiên  hạ  sống trong cảnh thanh bình thịnh vượng. Đức-vua Bồ-tát Siddhattha làm vua được 13 năm.

* Năm 29 tuổi, vào đêm rằm tháng 6 (âm lịch), Đức-vua Bồ-tát Siddhattha quyết định ngự đi xuất gia, thì nghe tâu Hoàng-hậu Yasodharā sinh hạ được hoàng-tử Rāhula.

Không thay đổi ý định, ngay đêm rằm tháng 6 (âm lịch) hôm ấy, Đức-vua Bồ-tát Siddhattha cỡi con ngựa Kaṇḍaka cùng với vị quan thân tín Channa trốn ra khỏi kinh-thành Kapilavatthu, ngự đi xuất gia, để tìm con đường giải thóat khổ sinh, lão, bệnh tử, tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

* Vị Bà-la-môn Koṇḍañña thiện-trí trẻ tuổi trong nhóm 8 vị Bà-la-môn thiện-trí xem tướng Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha chắc chắn sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác năm xưa. Nay vị Bà-la-môn Koṇḍañña này già thêm 29 tuổi duy nhất còn sống.

Theo dõi hay tin Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha đã đi xuất  gia,  vị  Trưởng-lão  Koṇḍañña  đi  đến  tìm  những người con trai của 7 vị Bà-la-môn thiện-trí xem tướng Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha năm xưa, báo tin cho họ biết Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha đã đi xuất gia rồi, khuyên họ hãy nên xuất gia trở thành đệ-tử của Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha, nhưng chỉ có 4 người con trai chịu đi xuất-gia, nên trở thành nhóm 5 tỳ-khưu gọi là pañcavaggiya: nhóm 5 tỳ-khưu do Ngài Trưởng-lão Koṇḍañña làm trưởng nhóm.

Sau khi xuất gia xong, Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha ngự đến thọ giáo với vị đạo-sư Ālāra Kālāmagotta, thực-hành pháp-hành thiền-định không lâu, liền chứng đắc bốn bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và ba bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, đến bậc thiền thứ ba gọi là “Vô-sở-hữu-xứ-thiền thiện-tâm” ngang bằng với bậc thiền của vị đạo-sư Ālāra Kālāmagotta.

Đức-Bồ-tát Siddhattha nhận thức biết rõ những bậc thiền này không phải là con đường giải thóat khổ sinh, lão, bệnh, tử, nên Đức-Bồ-tát từ giã vị đạo-sư Ālāra Kālāmagotta ngự đi đến thọ giáo vị đạo-sư Udaka Rāmaputta, thực-hành pháp-hành thiền-định, không lâu, liền chứng đắc bốn bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và bốn bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, đến bậc thiền vô-sắc-giới tột đỉnh gọi là “Phi-tưởng-phi-phi-tưởng xứ-thiền thiện-tâm” ngang bằng với bậc thiền của vị đạo-sư Udaka Rāmaputta.

Đức-Bồ-tát Siddhattha nhận thức biết rõ những bậc thiền này không phải là con đường giải thóat khổ sinh, lão, bệnh, tử, nên Đức-Bồ-tát Siddhattha từ giã vị đạo-sư Udaka Rāmaputta đi tìm con đường giải thóat khổ sinh, lão, bệnh, tử, tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Sau khi từ giã vị đạo-sư Udaka Rāmaputta, Đức-Bồ-tát Siddhattha đi đến khu rừng Uruvelā gần con sông Narañjā. Tại nơi đây có nhóm 5 tỳ-khưu: Ngài Trưởng-lão Koṇḍañña là trưởng nhóm cùng với Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji, xin theo hộ độ Đức-Bồ-tát Siddhattha. Họ hy vọng không lâu Đức-Bồ-tát Siddhattha sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, họ sẽ được nghe Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thuyết pháp tế độ họ.

Đức-Bồ-tát Siddhattha thực-hành pháp hành khổ hạnh là pháp khó hành (dukkaracāriyā) như ngăn hơi thở, nhịn ăn cho đến nỗi thân hình của Đức-Bồ-tát Siddhattha chỉ còn da bọc xương, v.v…

Dù Đức-Bồ-tát Siddhattha đã thực-hành các pháp-hạnh khổ hạnh là pháp khó hành (dukkaracāriyā) suốt 6 năm ròng rã, mà vẫn chưa có thể chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Đức-Bồ-tát Siddhattha suy xét rằng: “Các pháp-hành khổ hạnh là pháp khó hành (dukkaracāriyā) này, trong thời quá-khứ không có vị Sa-môn nào có thể thực-hành như ta bây giờ.

Như vậy, pháp-hành khổ hạnh này là pháp khó hành (dukkaracāriyā) chắc chắn không phải là  pháp-hành dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài”.

Đức-Bồ-tát Siddhattha quyết định từ bỏ pháp-hành khổ hạnh, trở lại thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục niệm hơi thở ra, niệm hơi thở vào mà khi còn thơ ấu trong dịp lễ hạ điền, đã từng thực-hành dẫn đến chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, nhưng nay sức khoẻ quá yếu, không thể thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục niệm hơi thở được, nên Đức-Bồ-tát Siddhattha cần phải có sức khỏe.

Đức-Bồ-tát Siddhattha ôm bát ngự đi vào xóm Senā khất thực, dùng vật thực trở lại cho có sức khoẻ, để thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục niệm hơi thở ra-niệm hơi thở vào ấy.

Khi ấy, nhóm 5 tỳ-khưu thấy Đức-Bồ-tát Siddhatta từ bỏ sự tinh-tấn thực-hành pháp-hành khổ hạnh, trở lại đời sống ăn uống bình thường sung túc, nên nhóm 5 tỳ-khưu hiểu lầm rằng: “Đức-Bồ-tát Siddhattha đã thóai chí nản lòng, không tinh-tấn thực-hành pháp-hành khổ hạnh, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác nữa”.

Do sự hiểu lầm, nên nhóm 5 tỳ-khưu cảm thấy thất vọng, dẫn nhau đi đến khu rừng phóng sinh nai gọi Isipatana, bỏ Đức-Bồ-tát Siddhattha ở lại một mình.

Đức-Bồ-tát Siddhattha một mình ngự đi vào xóm Senā để khất thực, dùng vật thực sau một thời gian không lâu, sức khoẻ của Đức-Bồ-tát Siddhatta được hồi phục trở lại.

Ngày xưa, trong thời gian thực-hành pháp-hành khổ hạnh, thân hình chỉ còn da bọc xương, cho nên 32 tướng tốt của bậc đại nhân và 80 tướng tốt phụ bị biến mất.

Ngày nay, sức khoẻ của Đức-Bồ-tát Siddhattha được hồi phục trở lại, nên kim thân của Đức-Bồ-tát Siddhattha hiện rõ trở lại 32 tướng tốt của bậc đại nhân và 80 tướng tốt phụ, làn da có màu vàng sáng ngời như trước.

* Sáng ngày rằm tháng tư âm lịch, thọ nhận vật thực của bà Sujātā cúng dường, Đức-Bồ-tát Siddhattha độ 49 vắt cơm nấu bằng sữa tươi rất công phu, đặc biệt chư-thiên bỏ thêm vị trời bổ dưỡng.

Đức-Bồ-tát Siddhattha ngự đến ngồi dưới cội Đại-Bồ-đề tại khu rừng Uruvelā. cây Đại-Bồ-đề này là một trong bảy người và vật đồng sinh cùng ngày rằm tháng tư với Đức-Bồ-tát Siddhattha, cách nay tròn đúng 35 năm.

Đức-Bồ-tát Siddhattha thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục niệm hơi thở vào, niệm hơi thở ra dẫn đến chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm làm nền tảng.

* Vào canh đầu đêm rằm tháng tư ấy Đức-Bồ-tát Siddhattha chứng đắc tiền-kiếp-minh (pubbenivāsānus-satiñāṇa) trí-tuệ nhớ rõ tiền-kiếp của Ngài trải qua vô số kiếp không có hạn định.

* Vào canh giữa đêm rằm tháng tư ấy Đức-Bồ-tát Siddhattha chứng đắc thiên-nhãn-minh (dibbacakkhu-ñāṇa) trí-tuệ thấy rõ, biết rõ vô số kiếp quá-khứ, vô số kiếp vị-lai của tất cả mọi chúng-sinh muôn loài hơn cả thiên-nhãn của các chư-thiên trên cõi trời dục-giới, các phạm-thiên trên cõi trời sắc-giới.

Thiên-nhãn-minh có 2 loại:

1- Cutūpapātañāṇa: Tử-sinh-minh là trí-tuệ thấy rõ, biết rõ sự tử, sự tái-sinh của tất cả chúng-sinh muôn loài trong các cõi-giới do nghiệp nào, do quả của nghiệp nào.

2- Anāgataṃsañāṇa: Vị-lai kiến-minh là trí-tuệ thấy rõ, biết rõ vô số kiếp vị-lai của tất cả mọi chúng-sinh muôn loài.

Chư Phật sử dụng vị-lai kiến-minh này để thọ ký xác định thời gian còn lại của chúng-sinh bao nhiêu đại-kiếp trái đất nữa sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác hoặc trở thành Đức-Phật Độc-Giác hoặc trở thành bậc Thánh thanh-văn-giác của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác nào trong thời vị-lai.

* Vào canh chót đêm rằm tháng tư ấy Đức-Bồ-tát Siddhattha chứng đắc trầm-luân tận-minh (āsavakkhaya-ñāṇa) là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên, không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả Niết-bàn, diệt tận được 4 loại phiền-não trầm-luân không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā), trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong mười ngàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha) độc nhất vô nhị trong mười ngàn cõi-giới chúng-sinh, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, vào canh chót đêm rằm tháng 4 âm lịch, dưới cội Đại-Bồ-đề tại khu rừng Uruvelā (nay gọi là Buddhagaya, Bihar, nước Ấn-Độ). Đức-Phật Gotama tròn đúng 35 tuổi.

Sau khi trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Phật Gotama an hưởng pháp vị giải thóat suốt 7 tuần lễ gồm 49 ngày xung quanh cội Đại Bồ Đề.

Đức Phạm-Thiên Sahampati cùng chư phạm-thiên các cõi trời sắc-giới, các Đức-vua-trời cùng chư-thiên các cõi trời dục-giới hiện xuống kính thỉnh cầu Đức-Phật ngự đi thuyết pháp tế độ chúng-sinh có duyên lành nên tế độ. Đức-Phật Gotama nhận lời thỉnh cầu của Phạm-Thiên Sahampati và toàn thể chư-thiên, chư phạm-thiên.

Đức-Phật Thuyết Pháp Tế Độ Ai Đầu Tiên

Trước tiên, Đức-Phật nghĩ đến vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta, thì được biết Ngài đã viên tịch 7 ngày rồi. Tiếp đến Đức-Phật nghĩ đến vị Đạo-sư Uddaka Rāmaputta, thì cũng được biết Ngài đã viên tịch chiều hôm trước.

Tiếp đến Đức-Phật nghĩ đến nhóm 5 tỳ-khưu đã từng hộ độ, phụng sự Ngài suốt thời gian 6 năm hành pháp khổ hạnh. Đức-Phật sẽ thuyết pháp tế độ nhóm 5 tỳ-khưu đầu tiên.

Biết nhóm 5 tỳ-khưu hiện đang trú tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, Đức-Phật Gotama rời khỏi khu rừng Uruvelā, ngự đến khu rừng phóng sinh nai Isipatana, gần kinh-thành Bārāṇasī, đúng vào ngày rằm tháng 6 (âm lịch), sau 2 tháng trở thành Đức-Phật Gotama.

Nhìn từ xa thấy Đức-Phật đang ngự đến, khi ấy nhóm 5 tỳ-khưu chưa có đức-tin nơi Đức-Phật, nhưng họ vẫn đón rước Đức-Phật, rồi thỉnh Đức-Phật ngự trên chỗ ngồi cao quý.

Biết được tâm trạng của nhóm 5 tỳ-khưu, nên Đức-Phật thuyết phục được nhóm 5 tỳ-khưu phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật.

Vào buổi chiều ngày rằm tháng sáu âm lịch, lúc mặt trời đang lặn hướng tây, mặt trăng ló dạng hướng đông, Đức-Phật Gotama lần đầu tiên thuyết giảng bài kinh Dhammacakkappavattanasutta: Kinh Chuyển-Pháp-Luân để tế độ nhóm 5 tỳ-khưu: Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji.

Đức-Phật Gotama sau khi thuyết bài Kinh Chuyển-Pháp-Luân này xong, trong nhóm 5 tỳ-khưu ấy, chỉ có Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế trước tiên y theo Đức-Phật, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama mà thôi. Vì vậy, Ngài có tên là Aññāsikoṇḍañña và đồng thời có 180 triệu chư-thiên, chư phạm-thiên cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân cùng một lúc với Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña.

Khi ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña kính xin Đức-Phật cho phép xuất-gia trở thành tỳ-khưu. Đức-Phật xem xét duyên lành của Ngài Đại-Trưởng-lão đã từng phát-nguyện trong quá khứ, nên Đức-Phật đưa bàn tay phải chỉ bằng ngón tay trỏ, truyền dạy rằng:

“Ehi bhikkhu! svākkhāto dhammo cara brahma-cariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya…”

-Này Aññāsikoṇḍañña! Con hãy đến với Như-Lai, con trở thành tỳ-khưu như ý nguyện. Chánh-pháp mà Như-Lai đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối, con hãy nên tạo pháp-hạnh cao thượng, để chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn chấm dứt khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Sau khi Đức-Phật truyền dạy vừa dứt lời, Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña trở thành tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ-khưu được thành-tựu do quả của phước-thiện như thần thông, trang nghiêm như một vị Đại-đức có 60 hạ.

Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña là vị tỳ-khưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức-Phật Gotama, đồng thời Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo đầy đủ trọn vẹn đầu tiên xuất hiện trên thế gian, đúng vào ngày rằm tháng 6 âm lịch tại khu rừng phóng sinh nai Isipatana gần kinh-thành Bārāṇasī (nay gọi tiểu bang Bārāṇasī).

-Ngày 16 tháng 6, Đức-Phật nhập hạ thứ nhất cùng với nhóm 5 tỳ-khưu tại khu rừng phóng sinh nai Isipatana gần kinh-thành Bārāṇasī, Đức-Phật tiếp tục dạy dỗ 4 vị tỳ-khưu còn lại.

- Ngày 16 tháng 6, Ngài Vappa[19] trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, rồi Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu theo cách gọi “Ehi bhikkhu!”. Ngài Trưởng-lão Vappa là vị tỳ-khưu thứ nhì.

- Ngày 17 tháng 6, Ngài Bhaddiya trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, rồi Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu theo cách gọi “Ehi bhikkhu!”. Ngài Trưởng-lão Bhaddiya là vị tỳ-khưu thứ ba.

- Ngày 18 tháng 6, Ngài Mahānāma trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, rồi Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu theo cách gọi “Ehi bhikkhu!”. Ngài Trưởng-lão Mahānāma là vị tỳ-khưu thứ tư.

- Ngày 19 tháng 6, Ngài Assaji trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, rồi Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu theo cách gọi “Ehi bhikkhu!”. Ngài Trưởng-lão Assaji là vị tỳ-khưu thứ năm.

Nhóm 5 Tỳ-khưu đều trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

- Ngày 20 tháng 6, Đức-Phật Gotama thuyết giảng bài kinh Anattalakkhaṇasutta: Kinh Trạng-Thái Vô-Ngã, để tế độ nhóm 5 tỳ-khưu Thánh Nhập-lưu.

Sau khi nghe Đức-Phật Gotama thuyết giảng bài kinh Anattalakkhaṇasutta xong, nhóm 5 vị tỳ-khưu đều chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn cho đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não, mọi tham-ái còn lại không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng, tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần kinh-thành Bārāṇasī.

Như vậy, 5 bậc Thánh A-ra-hán Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama cũng đã hiện hữu trên thế gian.

Tuyên Dương Vị Thánh Nhân Chứng Ngộ Chân-Lý Tứ Thánh-Đế Đầu Tiên

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi  chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi, khi ấy, ngự trên pháp tòa giữa chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, Đức-Thế-Tôn tuyên dương Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña rằng:

“Etadaggaṃ bhikkhave, mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ rattaññūnaṃ yadidaṃ Aññāsikoṇḍañño.”

-Này chư tỳ-khưu! Aññāsikoṇḍañña là vị Thánh Thanh-văn đệ-tử chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu đầu tiên trong giáo-pháp của Như-Lai, cũng là vị tỳ-khưu đầu tiên có tuổi hạ cao nhất trong hàng Thanh-văn đệ-tử của Như-Lai.

Như vậy, Ngài Đại-Trưởng-lão  Aññāsikoṇḍañña được Đức-Phật Gotama tuyên dương là vị Thánh Thanh-văn đệ-tử chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên, chứng đắc thành bậc Thánh Nhập-lưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, là vị tỳ-khưu đầu tiên có tuổi hạ cao nhất trong các hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, cũng là vị Thánh Đại-Thanh-văn-giác.

Đó là kết quả thành tựu của 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ mà Ngài Đại-Trưởng-lão đã tạo, tích lũy đầy đủ trọn vẹn suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất, kể từ thời-kỳ Đức-Phật Padumuttara cho đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama của chúng ta, đúng theo ý nguyện của Ngài Đại-Trưởng-lão và đã được Đức Phật Padumuttara quá khứ thọ ký.

Vị Bồ-tát Đại-Thanh-văn-giác có 3 hạng:

1-Vị Bồ-tát Đại-Thanh-văn-giác có trí-tuệ siêu-việt. 2-Vị Bồ-tát Đại-Thanh-văn-giác có đức-tin siêu-việt. 3-Vị Bồ-tát Đại-Thanh-văn-giác có tinh-tấn siêu-việt.

* Vị Bồ-tát Đại-Thanh-văn-giác có trí-tuệ siêu-việt, sau khi được Đức-Phật thọ ký xong rồi, còn phải tạo bổ sung các pháp-hạnh ba-la-mật suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất, để cho đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ.

* Vị Bồ-tát Đại-Thanh-văn-giác có đức-tin siêu-việt, sau khi được thọ ký xong rồi, còn phải tạo bổ sung các pháp-hạnh ba-la-mật suốt thời gian lâu hơn vị Bồ-tát Đại-Thanh-văn-giác có trí-tuệ siêu-việt gấp hai lần, để đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ.

* Vị Bồ-tát Đại-Thanh-văn-giác có tinh-tấn siêu-việt, sau khi được thọ ký xong rồi, còn phải tạo bổ sung các pháp-hạnh ba-la-mật suốt thời gian lâu hơn vị Bồ-tát Đại-Thanh-văn-giác có đức-tin siêu-việt gấp hai lần, để đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ.

3.3-Vị Bồ-Tát Thanh-Văn-Giác Hạng Thường Như Thế Nào?

Vị Bồ-tát Thanh-văn-giác hạng thường (pakatibodhi-satta) này cũng tạo 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, nhưng về thời gian không nhất định như vị Bồ-tát Tối-thượng Thanh-văn-giác và vị Bồ-tát Đại-Thanh-văn-giác.

Vị Bồ-tát Thanh-văn-giác hạng thường này có thể tạo 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ suốt khoảng thời gian 100 đại-kiếp trái đất, hoặc dưới 100 ngàn đại-kiếp trái đất.

Chư vị Bồ-tát Thanh-văn-giác hạng thường này cũng sinh ra trong thời-kỳ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian, hoặc sau khi Đức-Phật đã tịch diệt Niết-bàn rồi nhưng giáo-pháp của Đức-Phật vẫn còn đang lưu truyền trên thế gian.

Khi Đức-Phật còn đang hiện hữu, chư vị Bồ-tát Thanh văn ấy đến hầu đảnh lễ Đức-Phật hoặc bậc Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, lắng nghe chánh pháp của Đức-Phật, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.

* Có số chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-Lưu.

* Có số chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

* Có số chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

* Có số chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Chư bậc Thánh thanh-văn-giác hạng thường bậc cao hoặc thấp hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị Bồ-tát Thanh-văn-giác hạng thường ấy.

Đức-Phật Gotama có vô số bậc Thánh thanh-văn-giác hạng thường đủ các loài chúng-sinh như loài người, chư-thiên, chư phạm-thiên.

Tuy nhiên, cũng có số vị Bồ-tát Thanh-văn-giác hạng thường chưa có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, nên vẫn còn là hạng phàm-nhân, bởi vì chưa đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật.

Chư vị Bồ-tát Thanh-văn-giác hạng thường phàm nhân này đang bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật, để mong trở thành bậc Thánh-nhân trong kiếp hiện-tại này hoặc trong kiếp vị-lai.

Chư vị Bồ-tát Thanh-văn-giác hạng thường gồm có nhiều hạng chúng-sinh khác nhau như là bậc xuất-gia tỳ-khưu, sa-di, hoặc cận-sự-nam, cận-sự-nữ, hoặc là các hàng chư-thiên trong cõi trời dục-giới, hoặc là các hạng phạm-thiên trong cõi trời sắc-giới, cõi trời vô-sắc-giới.

Nếu kiếp hiện-tại, vị Bồ-tát thanh-văn-giác hạng thường trong các loài chúng-sinh nào thuộc hạng chúng-sinh tam-nhân (vô-tham, vô-sân và vô-si) và có đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ thì vị Bồ-tát thanh-văn-giác hạng thường ấy có cơ hội lắng nghe chánh pháp của Đức-Phật, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân.

Nếu vị Bồ-tát thanh-văn-giác hạng thường trong các loài chúng-sinh nào thuộc hạng chúng-sinh nhị-nhân (vô-tham vô-sân) và hạng chúng-sinh vô-nhân (không có thiện-nhân nào), trong kiếp hiện-tại dù có cơ hội lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì cũng không thể chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không thể chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn nào, mà chỉ có thể tạo bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật mà thôi.

Năng Lực Của Pháp-Hạnh Ba-La-Mật Và 5 Pháp-Chủ

Pháp-hạnh ba-la-mật chỉ là pháp-hành của chư Đức-Bồ-tát mà thôi. Ngoài chư Đức-Bồ-tát ra, các hàng chúng-sinh khác (không phải là Đức-Bồ-tát) khi tạo phước-thiện như bố-thí, giữ-giới, v.v… không phải là pháp-hạnh ba-la-mật mà chỉ là đại-thiện-nghiệp cho quả trong cõi dục-giới mà thôi.

Vị Bồ-tát Thanh-văn-giác nào thuộc về hạng người tam-nhân đã từng tạo đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ được tích-lũy ở trong tâm từ vô số kiếp trong quá-khứ cho đến kiếp hiện-tại, vị Bồ-tát Thanh-văn-giác ấy có cơ hội gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, lắng nghe chánh-pháp  của  Đức-Phật,  rồi  thực-hành  pháp-hành thiền-tuệ, có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn khác nhau như sau:

* Nếu hành-giả nào thuộc về hạng người tam-nhân có giới trong sạch trọn vẹn, có đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ và có đủ 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ, thì hành-giả ấy có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) và hoài-nghi (vicikicchā), trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh) nữa, chỉ còn tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người, 6 cõi trời dục-giới, nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi.

Đến kiếp thứ 7, bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Nếu hành-giả là bậc Thánh Nhập-lưu, có đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ và có đủ 5 pháp-chủ (indriya) nhiều năng lực, thì hành-giả có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại thô, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

Bậc Thánh Nhất-lai chỉ còn tái-sinh kiếp sau 1 kiếp duy nhất nữa mà thôi. Ngay kiếp ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Nếu hành-giả là bậc Thánh Nhất-lai, có đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ và có 5 pháp-chủ (indriya) nhiều năng lực, thì hành-giả ấy có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại vi-tế không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

Bậc Thánh Bất-lai không còn tái-sinh kiếp sau trở lại cõi dục-giới, mà chỉ tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên mà thôi.

Bậc Thánh Bất-lai chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán tại cõi trời sắc-giới phạm-thiên, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Nếu hành-giả là bậc Thánh Bất-lai, có đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ và có 5 pháp-chủ (indriya) nhiều năng lực, thì hành-giả ấy có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 7 loại phiền-não còn lại là tham (lobha), si (moha), ngã-mạn (māna), buồn chán (thīna), không biết hổ-thẹn tội-lỗi (ahirika), không biết ghê-sợ tội-lỗi (anottappa), phóng-tâm (uddhacca) không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Bậc Thánh A-ra-hán ngay kiếp hiện-tại sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Vấn: Cuộc hành trình tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài đối với các chúng-sinh là chư Đức-Bồ-tát với các chúng-sinh không phải là Đức-Bồ-tát khác nhau như thế nào?

Đáp: * Cuộc hành trình tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài đối với chúng-sinh là chư Đức-Bồ-tát có thể ví như là cuộc hành trình trên con đường thẳng, có một mục đích cứu cánh cuối cùng Niết-bàn, chấm dứt tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài…

Như vậy, chư Đức-Bồ-tát có từ vô thủy có hữu chung, có mục đích cứu cánh cuối cùng Niết-bàn.

* Cuộc hành trình tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài đối với các chúng-sinh không phải là Đức-Bồ-tát có thể ví như là cuộc hành trình trên con đường vòng tròn, không có mục đích cứu cánh cuối cùng.

Như vậy, chúng-sinh không phải là Đức-Bồ-tát có từ vô thủy đến vô chung, không có đích cuối cùng.

Đó là sự khác biệt giữa các chúng-sinh là chư Đức-Bồ-tát với chúng-sinh không phải là Đức-Bồ-tát.

Thật ra, nếu chúng-sinh còn tham-ái (taṇhā) thì cuộc hành trình tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài của mỗi chúng-sinh chỉ đề cập đến phần tâm của mỗi chúng-sinh ấy mà thôi, bởi vì, phần thân (thể xác) hoặc sắc uẩn của mỗi kiếp chúng-sinh ấy đều bị tan rã, bị thay đổi mỗi kiếp (chết), song phần tâm (4 danh-uẩn: thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn) của mỗi kiếp chúng-sinh ấy vẫn diệt rồi sinh, sinh rồi diệt liên tục không ngừng từ kiếp này sang kiếp kia.

Tâm (Citta): Mỗi tâm có phận sự biết đối-tượng, sinh rồi diệt liên tục qua các lộ-trình-tâm (vīthicitta). Tâm còn có phận sự đặc biệt tích lũy tất cả mọi thiện-nghiệp, mọi bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) của mỗi chúng-sinh từ vô thủy trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện-tại.

Trong tất cả mọi thiện-nghiệp, mọi bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) ấy, nếu nghiệp nào hội đủ nhân duyên và có cơ hội thì nghiệp ấy cho quả của nghiệp ấy, một cách công bằng, không hề thiên vị bất luận là chúng-sinh dù lớn dù nhỏ.

Tâm của mỗi Đức-Bồ-tát cũng có phận sự đặc biệt lưu-trữ tất cả mọi pháp-hạnh ba-la-mật từ kiếp này sang kiếp kia, trải qua vô số kiếp tử sinh luân-hồi, trong suốt thời gian ấn định, bồi bổ, tạo các pháp-hạnh ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn, để đạt đến ý nguyện cao cả của mỗi Đức-Bồ-tát.

* Nếu Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác nào tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật thì Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.

* Nếu Đức-Bồ-tát Độc-Giác nào tạo đầy đủ trọn vẹn 20 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ và 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung thì Đức-Bồ-tát Độc-Giác ấy trở thành Đức-Phật Độc-Giác, có nhiều Đức-Phật Độc-Giác trong cùng thời.

* Nếu vị Bồ-tát Thanh-văn-giác nào tạo đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ thì vị Bồ-tát Thanh-văn-giác ấy trở thành bậc Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, có vô số.

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Phật Độc-Giác và bậc Thánh A-ra-hán Thanh-văn-giác được thành-tựu do đầy đủ trọn vẹn các pháp-hạnh ba-la-mật của mỗi Vị.

Đến khi hết tuổi thọ, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Phật Độc-Giác, bậc Thánh A-ra-hán Thanh-văn-giác đều đạt đến mục đích cứu cánh là tịch diệt Niết-bàn, giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

(Xong phần I)



[1] Bộ Chú-giải Pāḷi Cariyāpiṭakaṭṭhakathā, phần Pakiṇṇakakathā.

[2] Bộ Chú-giải Pāḷi Cariyāpiṭakaṭṭhakathā, tích Kitticariyāvaṇṇanā.

[3] Bộ Chú-giải Mahāvaggaṭṭhakathā, phần Bodhisattadhammadāvaṇṇanā.

[4] Bộ Chú-giải Pāḷi Cariyāpiṭakaṭṭhakathā, phần Pakiṇṇakakathā.

[5] Asaṅkhyeyya: a-tăng-kỳ là thời gian không thể tính bằng số lượng.

[6] Jātakaṭṭhakathā, Dūrenidāna Sumedhakathā.

[7] Tìm hiểu rõ  trong  bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo, quyển I: Tam-Bảo, phần 24 Đức-Phật thọ ký, cùng soạn giả.

[8] Bộ Apadāna, Buddhāpādāna, Pubbakammapiloti.

[9] Bộ Chú-giải Jātakaṭṭhakathā, Buddhavaṃsaṭṭhakathā.

[10] Danh từ Asaṅkhyeyya có nhiều nghĩa. Nghĩa trong tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo 30 pháp-hạnh ba-la-mật suốt 4 Asaṅkhyeyya và 100 ngàn đại-kiếp trái đất. Danh từ Asaṅkhyeyya nghĩa là vô số không thể đếm bằng số.

Nghĩa trong văn phạm Pāḷi, Bộ Padarūpasiddhi, Phần Saṅkhyātaddhita, Asaṅkhyeyya nghĩa là số 1 theo sau 140 số không (0), v.v…

[11] Bộ Sottakītathāgatuppatti.

[12] Bộ Chú-giải Pāḷi Apadānaṭṭhakathā, Paccekabuddha apadānavaṇṇanā.

[13] Bộ Chú-giải Pāḷi Apadānaṭṭhakathā, Paccekabuddha apadānavaṇṇanā.

[14] Đức-Phật Anomadassī xuất hiện trên thế gian vào thời-kỳ con người có tuổi thọ khoảng 100 ngàn năm. Từ thời-kỳ Đức-Phật Anomadassī xuất hiện trên thế gian cho đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian có khoảng cách thời gian 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất.

[15] Vinayapiṭaka, bộ Mahāvagga phần Sāriputtamoggallāna pabhajjākathā.

[16] Bộ Chú-giải Pāḷi Apadānaṭṭhakathā, Paccekabuddha apadānavaṇṇanā.

[17] Đức-Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian vào thời-kỳ con người có tuổi thọ khoảng 90 ngàn năm.

[18] Từ thời-kỳ Đức-Phật Vipassī đã xuất hiện trên thế gian cho đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian có khoảng cách thời gian 91 ngàn đại-kiếp.

[19] Theo bộ Mahābuddhavaṃsa của Ngài Trưởng Lão Vicittasārā-bhivaṃsa thì Ngài Bhaddiya thứ nhì, Ngài Vappa thứ ba.


Mục lục quyển 6 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07


Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10


[Đầu trang][Mục lục tổng quát]