NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)

QUYỂN VI

PHÁP-HẠNH BA-LA-MẬT 1
(PĀRAMĪ)


3 -Pháp-Hạnh Xuất-Gia Ba-La-Mật (Nekkhammapāramī)

Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật có ba bậc:

3.1-Pháp-Hạnh Xuất-Gia Ba-La-Mật Bậc Hạ (Nekkhammapāramī)

Tích Bhisajātaka (Phi-xá-cha-tá-ká)

Tích Bhisajātaka[1], Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm con gia đình Bà-la-môn phú hộ, có tâm nhàm chán trong ngũ-dục, nên tạo pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc hạ (nekkhammapāramī), trở thành Đạo-sĩ ở trong rừng Himavanta. Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn đề cập đến một vị tỳ-khưu phát sinh tâm tham muốn trong ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục). Đó là năm đối-tượng ràng buộc, nên Đức-Thế-Tôn cho truyền gọi vị tỳ-khưu ấy đến, truyền hỏi rằng:

- Này tỳ-khưu! Con phát sinh tâm tham muốn trong ngũ-dục như vậy, có thật không?

Vị tỳ-khưu thú thật rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, có thật vậy. Bạch Ngài.

- Này tỳ-khưu! Do nguyên nhân nào mà con phát sinh tâm tham muốn như vậy?

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do phiền-não phát sinh Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

- Này tỳ-khưu! Con đã xuất-gia trong giáo pháp của Như-Lai, để diệt mọi phiền-não, dẫn đến giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. Sao con để phiền-não phát sinh, rồi sinh tâm tham muốn ngũ-dục như thế!

Trong quá khứ, khi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác chưa xuất hiện trên thế gian, chư bậc thiện-trí xuất gia trở thành đạo-sĩ, đem vật-dục (vatthukāma) và phiền-não dục (kilesakāma) làm đối-tượng, để tự răn dạy, nguyền rủa mình.

Tích Bhisajātaka

Đức-Thế-Tôn thuyết tích Bhisajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, Đức-vua Brahmadatta ngự tại kinh-thành Bārāṇasī. Khi ấy, Đức-Bồ-tát, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh trong gia đình Bà-la-môn phú hộ có của cải tài sản nhiều đến 800 triệu, cha mẹ đặt tên Ngài là Mahākañcanakumāra: Công-tử Mahākañcana.

Về sau, cha mẹ của Đức-Bồ-tát sinh đứa con thứ hai đặt tên là Upakañcanakumāra: Công-tử Upakañcana, theo tuần tự sinh thêm năm đứa con trai và đứa con gái út đặt tên là Kañcanadevī.

Đức-Bồ-tát Mahākañcana trưởng thành sau khi học thành tài các bộ môn theo truyền thống Bà-la-môn từ kinh-thành Takkasilā trở về, cha mẹ muốn cho Đức-Bồ-tát lập gia đình, nên bảo rằng:

- Này Mahākañcana con yêu quý! Cha mẹ muốn chọn một người con gái cùng giai cấp đem về làm lễ thành hôn cho con.

Nghe cha mẹ dạy bảo như vậy, Đức-Bồ-tát Mahā-kañcana thưa với cha mẹ rằng:

- Kính thưa cha mẹ, con không muốn thành hôn cưới ai làm vợ cả, bởi vì con nhận thức thấy rõ tam-giới này như là nhà tù lớn giam hãm chúng-sinh đáng kinh sợ, đầy tai họa đau khổ, như lửa đang cháy khắp mọi nơi.

Con cảm thấy nhàm chán trong ngũ-dục là sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục, thấy tội lỗi trong ngũ-dục. Dù trong giấc mộng con cũng không từng thấy hành dâm, huống hồ gì con đang tỉnh.

Vậy, làm sao con có thể cưới ai làm vợ được!

-Kính thưa cha mẹ, xin cha mẹ cưới vợ cho các em con. Riêng con chắc chắn không muốn cưới vợ.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahākañcana khăng khăng không chịu cưới vợ. Cha mẹ đã khẩn khoản năn nỉ nhiều lần không được, nên nhờ các người bạn thân của Đức-Bồ-tát Mahākañcana đến tha thiết năn nỉ nhưng cũng không làm cho Đức-Bồ-tát thay đổi ý kiến. Các người bạn bèn hỏi Đức-Bồ-tát rằng:

- Này bạn Mahākañcana thân mến! Bạn muốn gì mà không muốn cưới vợ?

Nghe các bạn hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát trả lời rằng:

- Này các bạn thân mến! Tôi muốn lánh xa ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục) trong đời, nên tôi không muốn cưới vợ.

Các bạn không thể thuyết phục được Đức-Bồ-tát Mahākañcana, nên cha mẹ của Đức-Bồ-tát đến khuyên bảo tuần tự sáu người con trai còn lại nên cưới vợ, nhưng không có người con trai nào chịu vâng lời theo cha mẹ.

Cả sáu người con trai đều khăng khăng không chịu cưới vợ, thậm chí người con gái út Kañcanadevī cũng không chịu lấy chồng.

Cha mẹ không thể khuyên bảo người con nào được. Về sau, khi cha và mẹ tuần tự qua đời, Đức-Bồ-tát Mahākañcana anh trưởng cùng với sáu người em làm lễ

hoả táng cha và mẹ xong, tất cả bảy anh em đồng tâm nhất trí đem tất cả của cải khoảng 800 triệu làm phước-thiện đại-thí đến cho những người nghèo khổ, thiếu thốn, rồi bảy anh em dự định cùng dẫn nhau vào rừng núi Himavanta, xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Xuất-Gia Trở Thành Đạo-Sĩ

Sau khi làm phước-thiện đại-thí hết phần của cải tài sản xong, Đức-Bồ-tát Mahākañcana anh trưởng dẫn sáu người em trai, một người em gái, một người tớ trai, một người tớ gái và một người bạn hữu cùng nhau đi vào rừng núi Himavanta, mỗi người làm một cốc lá gần hồ sen lớn, rồi xuất gia trở thành đạo-sĩ sống tại nơi ấy.

Hằng ngày, các đạo-sĩ dẫn nhau vào rừng vừa chuyện trò vừa hái trái cây lớn nhỏ, các thứ rau, các loại củ, … đem về cùng ăn chung chuyện trò vui vẻ với nhau.

Một hôm, trên đường từ trong rừng trở về, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana suy nghĩ rằng:

“Chúng ta đã từ bỏ nhà cửa, của cải đi xuất-gia trở thành đạo-sĩ sống trong rừng núi, mà cách sống giống như đời sống của người tại gia thế này, không thích hợp với bậc xuất-gia trở thành đạo-sĩ như chúng ta.”

Buổi chiều hôm ấy, gọi tất cả các vị đạo-sĩ tụ hội, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana nói rõ điều suy nghĩ của mình, rồi bảo rằng:

-Này quý vị đạo-sĩ! Từ nay, mỗi vị ở tại cốc của mình thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục kasiṇa, không nên chuyện trò vui vẻ với nhau như thế này nữa.

Chỉ một mình tôi đi vào rừng tìm các thứ trái cây lớn nhỏ, rau, củ mà thôi, đem về chia ra 11 phần ăn.

Khi nghe tiếng kiểng đá báo hiệu, mỗi vị từ cốc đi ra nghiêm chỉnh, cẩn trọng lục-môn (nhãn-môn, nhĩ-môn, tỷ-môn, thiệt-môn, thân-môn, ý-môn) thanh-tịnh đến tại tảng đá này, lãnh một phần ăn đem về cốc để dùng, rồi tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục kasiṇa.

Trong trường hợp đặc biệt, nếu vị đạo-sĩ nào có sự việc gì xảy ra thì vị đạo-sĩ ấy nên đánh kiểng đá báo hiệu, để tất cả các vị đạo-sĩ sẽ tụ hội tại nơi này.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahākañcana truyền bảo như vậy, vị đạo-sĩ Upakañcana em kế thứ nhì bạch rằng:

-Kính bạch vị Đạo-trưởng, tất cả chúng em đều nương nhờ nơi Đạo-trưởng mà xuất gia trở thành đạo-sĩ như ngày nay.

Vậy, Đạo-trưởng là Tôn sư của chúng con, tất cả chúng con đều có bổn phận hầu hạ phục vụ Tôn sư. Cho nên, việc đi vào rừng tìm các thứ trái cây lớn nhỏ, rau, củ là phận sự của chúng con.

-Kính bạch Tôn sư, xin thỉnh Tôn sư, nữ đạo-sĩ Kañcanadevī em gái và nữ đạo-sĩ tớ gái, cả ba vị đều ở tại cốc thực-hành pháp-hành thiền-định, còn lại chúng con gồm có tám vị luân phiên nhau, mỗi ngày một vị đi vào rừng tìm đủ các thứ trái cây lớn nhỏ, rau, củ, đem về chia ra làm 11 phần ăn, đặt trên tảng đá này, rồi đánh kiểng báo hiệu.

Khi nghe tiếng kiểng, xin thỉnh mỗi vị đi ra nhận một phần ăn đem về cốc để dùng, rồi thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục kasiṇa.

Về sau, các đạo-sĩ xuống hồ lấy củ sen lên nấu chín chia ra làm 11 phần ăn cho mỗi vị một phần ăn để dùng.

Tất cả các vị đạo-sĩ tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục kasiṇa, có định tâm vững chắc, có nhiều oai lực phi thường.

Khi ấy, cõi trời Tam-thập-tam-thiên của Đức-vua trời Sakka bị rung chuyển do oai lực giới-đức của các đạo-sĩ ấy, khiến Đức-vua-trời Sakka phải kính phục, nên nghĩ rằng:

“Tất cả các vị đạo-sĩ ấy có còn hướng tâm đến hưởng thụ ngũ-dục hay không? Ta nên thử xem cho biết sự thật.”

Đức-vua-trời Sakka dùng oai lực giấu phần ăn củ sen của vị Đạo-trưởng Mahākañcana.

Ngày đầu, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana từ trong cốc đi ra đến tảng đá không thấy phần ăn củ sen của mình, nên nghĩ rằng:

“Hôm nay, vị đạo-sĩ ấy quên chia phần ăn của ta rồi.”

Ngày thứ hai, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana cũng không thấy phần ăn củ sen của mình, nên nghĩ rằng:

“Chắc ta có lỗi gì, nên vị ấy không chia phần ăn củ sen cho ta.”

Ngày thứ ba, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana cũng không thấy phần ăn củ sen của mình, nên nghĩ rằng:

“Do nguyên nhân nào mà quý vị không chia phần ăn củ sen cho ta suốt ba ngày qua?

Nếu ta có lỗi thì ta nên xin lỗi, rồi ta xin quý vị tha thứ lỗi cho ta.”

Nghĩ như vậy, chiều hôm ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana đánh tấm kiểng đá báo hiệu.

Nghe tiếng kiểng đá, tất cả các vị đạo-sĩ cùng nhau đến tụ hội tại nơi quy định. Một vị đạo-sĩ hỏi rằng:

- Kính thưa quý vị, vị nào đánh kiểng đá, có điều gì xảy ra vậy?

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana bảo rằng:

- Này quý vị, chính tôi là người đánh kiểng đá.

Các vị đạo-sĩ thưa rằng:

- Kính bạch Tôn sư, do nguyên nhân gì mà Tôn sư đánh kiểng đá vậy?

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana hỏi rằng:

- Này quý vị! Đã ba ngày qua liên tục, ba vị nào có phận sự đi tìm củ sen vậy?

Một vị đạo-sĩ đứng dậy chắp hai tay thưa rằng:

- Kính bạch Tôn sư, ngày hôm trước cách nay ba hôm, phiên con đi tìm củ sen. Bạch Ngài.

- Này con! Ngày hôm ấy, con có nhớ chia phần củ sen cho thầy hay không?

- Kính bạch Tôn sư, ngày hôm ấy, con đã chọn lựa những củ sen ngon nhất làm phần ăn để kính dâng đến Tôn sư trước. Bạch Ngài.

- Này quý vị! Ngày hôm qua vị nào đi tìm củ sen vậy?

Một vị đạo-sĩ đứng dậy chắp hai tay thưa rằng:

- Kính bạch Tôn sư, ngày hôm qua, phiên con đi tìm củ sen. Bạch Ngài.

- Này con! Ngày hôm qua, con có nhớ chia phần ăn củ sen cho thầy hay không?

- Kính bạch Tôn sư, hôm qua, con đã chọn lựa những củ sen ngon nhất làm phần ăn để kính dâng đến Tôn sư trước. Bạch Ngài.

- Này quý vị! Ngày hôm nay, vị nào đi tìm củ sen vậy?

Một vị đạo-sĩ đứng dậy chắp hai tay thưa rằng:

- Kính bạch Tôn sư, ngày hôm nay, phiên con đi tìm củ sen. Bạch Ngài.

- Này con! Ngày hôm nay, con có nhớ chia phần ăn củ sen cho thầy hay không?

- Kính bạch Tôn sư, hôm nay, con đã chọn lựa những củ sen ngon nhất làm phần ăn để kính dâng đến Tôn sư trước. Bạch Ngài.

Nghe ba vị đạo-sĩ bạch như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana báo cho biết rằng:

- Này quý vị! Suốt ba ngày qua, thầy đến tảng đá để nhận phần ăn của mình, nhưng không được phần ăn củ sen nào cả.

* Ngày đầu, thầy nghĩ rằng: “Vị chia phần ăn, quên phần của ta rồi.”

* Ngày hôm qua, thầy nghĩ rằng:“Chắc ta có lỗi gì?”

* Ngày hôm nay, thầy nghĩ rằng: “Ta nên đánh kiểng đá, báo quý vị đến tụ hội tại nơi này.

Nếu ta có lỗi thì ta nên xin quý vị tha lỗi.”

Đó là nguyên nhân mà thầy đánh kiểng đá chiều nay.

Nay, thầy đã nghe ba vị làm phận sự tìm củ sen trong ba ngày qua, đều có chia phần ăn củ sen cho thầy, nhưng sự thật, thầy không nhận được phần ăn củ sen.

Vậy, ai là người ăn cắp phần ăn củ sen ấy?

Thật ra, ăn cắp phần ăn củ sen, đó là điều đáng trách đối với bậc đã từ bỏ nhà cửa, của cải đi xuất gia trở thành đạo-sĩ như chúng ta.

Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana truyền bảo như vậy, tất cả các vị đạo-sĩ đều phát sinh tâm ghê-sợ tội-lỗi mà thốt lên kinh ngạc rằng: “Ô! Tội lỗi thật!”

Khi ấy, vị thiên-nam ngự trên cây trong rừng gần hồ nước, hiện xuống dưới đất, đến ngồi nơi hội họp ấy; một con voi phá chuồng, chạy trốn trong rừng, thỉnh thoảng đến đảnh lễ chư đạo-sĩ, cũng đến đứng nơi ấy; một con khỉ bị thầy bắt rắn bắt buộc diễn trò với con rắn hổ mang, nên chạy trốn vào rừng sống gần hồ nước cũng đến ngồi nơi ấy; Đức-vua-trời Sakka hiện xuống ẩn mình không để ai thấy cũng chứng kiến tại nơi ấy.

Khi ấy, vị đạo-sĩ Upakañcana, em trai kế của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana, đứng dậy thành kính đảnh lễ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana Tôn sư, và kính trọng các vị đạo-sĩ, với lòng chân thành xin bạch rằng:

- Kính bạch Tôn sư, xin Thầy cho phép con bộc bạch sự trong sạch của con có được không?

Nghe Upakañcana bạch như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana bảo rằng:

- Này Upakañcana! Thầy cho phép con tự nhiên bộc bạch sự trong sạch của con.

Những Lời Thề Gọi Là Độc Địa

* Vị đạo-sĩ Upakañcana đứng giữa nhóm đạo-sĩ bộc bạch sự trong sạch của mình, xin thề với lời độc địa rằng:

- Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy có được nhiều ngựa, nhiều bò, nhiều vàng bạc, có được người vợ xinh đẹp dễ thương thật đáng yêu quý nhất, có nhiều con trai con gái thật dễ thương.

Sở dĩ, đó gọi là lời thề độc địa là vì vị đạo-sĩ ấy thấy những thứ vật-dục ấy có nhiều chừng nào, thì nỗi khổ thân, khổ tâm cũng có nhiều chừng ấy, bởi vì những thứ ấy đều vô thường, là khổ cả.

Vị đạo-sĩ này là người lánh xa ngũ-dục (là sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục), có tâm nhàm chán trong ngũ-dục, bởi vì đó là năm đối-tượng ràng buộc.

Các vị đạo-sĩ khác cũng thấy rõ, biết rõ tội lỗi của vật-dục (vatthukāma) và phiền-não-dục (kilesakāma).

Vì vậy, khi nghe vị đạo-sĩ Upakañcana thề độc địa như vậy, các vị đạo-sĩ đều bịt hai lỗ tai lại. Còn Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana bảo rằng:

- Này Upakañcana! Lời thề của con thật là độc địa quá! Con không ăn cắp củ sen thật sự.

Vậy, con nên ngồi xuống chỗ ngồi của mình.

* Tiếp theo vị đạo-sĩ em trai thứ nhì đứng dậy thành kính đảnh lễ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana, xin bộc bạch sự trong sạch của mình, xin thề với lời độc địa rằng:

- Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy thích trang sức, thoa bột trầm đỏ thơm tho, mặc vải từ vùng Kāsi, là người có nhiều con trai con gái dễ thương, là người say mê đắm đuối trong ngũ-dục.

Bởi vì, người nào say mê đắm đuối trong ngũ-dục thì người ấy phải chịu bao nhiêu nỗi khổ.

* Tiếp theo cũng như vậy, vị đạo-sĩ em trai thứ ba xin thề với lời độc địa rằng:

- Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy là người tại gia có nhiều ruộng đất, nhiều lúa gạo đầy kho, nhiều của cải ngọc ngà châu báu, nhiều con trai con gái, có danh tiếng, say mê trong ngũ-dục, người ấy sống tại gia như vậy, không thấy sự già, sự bệnh của mình.

Bởi vì, người sống tại gia có đầy đủ ngũ-dục, chắc chắn sẽ có nhiều nỗi khổ lớn lao.

* Tiếp theo cũng như vậy, vị đạo-sĩ em trai thứ tư xin thề với lời độc địa rằng:

- Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy được làm lễ đăng quang lên ngôi vua có nhiều quyền lực, có sức mạnh, xâm chiếm các nước khác làm nước chư hầu, trị vì đất nước rộng lớn có bốn biển làm ranh giới.

Bởi vì, thấy tội lỗi trong ngôi vị đế-vương. Đức-vua càng lớn thì càng có nhiều nỗi khổ.

* Tiếp theo cũng như vậy, vị đạo-sĩ em trai kế thứ năm xin thề với lời độc địa rằng:

- Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy là vị thầy Bà-la-môn say mê trong sự xem sao, đoán số không bao giờ biết chán, được Đức-vua, các quan, các phú hộ,… thường đến lễ bái cúng dường người ấy.

Bởi vì, tâm tham-ái trong lễ vật cúng dường là nhân sinh khổ thân, khổ tâm.

* Tiếp theo cũng như vậy, vị đạo-sĩ em trai kế thứ sáu xin thề với lời thề độc địa rằng:

- Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy được mọi người trong đời suy tôn là người tài giỏi về môn tụng thần chú; người ấy được nổi danh lan truyền khắp mọi nơi, nên có nhiều người đem các phẩm vật đến lễ bái cúng dường người ấy.

Bởi vì, thấy tội lỗi trong lễ vật cúng dường.

* Tiếp theo cũng như vậy, vị đạo-sĩ bạn hữu xin thề với lời độc địa rằng:

- Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy được Đức-vua ban cho xóm làng trù phú để lấy thuế, lúc nào cũng phát sinh tâm tham hoan hỷ cho đến chết.

Bởi vì, thấy tội lỗi trong của cải tài sản.

* Tiếp theo cũng như vậy, vị đạo-sĩ tớ trai xin thề với lời thề độc địa rằng:

- Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy được Đức-vua ban ân huệ làm chủ một vùng trù phú, ngày đêm thưởng thức ca hát, nhảy múa vui chơi trong đám bạn hữu. Xin đừng gặp điều không may nào xảy ra cả.

Bởi vì, thấy rõ, biết rõ tội lỗi trong vật-dục và phiền-não-dục là nhân sinh khổ.

* Tiếp theo cũng như vậy, nữ đạo-sĩ Kañcanadevī em gái út xin thề với lời độc địa rằng:

- Kính bạch Tôn sư, nếu người nữ nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người nữ ấy được Đức-vua cao cả nhất trên trái đất, tấn phong người nữ ấy là đệ nhất Chánh-cung Hoàng-hậu cao cả nhất đứng đầu trong 16 ngàn hoàng-hậu, cung phi mỹ nữ.

Bởi vì, nữ đạo-sĩ có tâm nhàm chán trong ngũ-dục, xem ngũ-dục ví như đống phẩn có mùi hôi thối nên tránh xa, thấy rõ, biết rõ tội-lỗi trong ngũ-dục.

* Tiếp theo cũng như vậy, nữ đạo-sĩ tớ gái xin thề với lời độc địa rằng:

- Kính bạch Tôn sư, nếu tớ gái nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho tớ gái ấy không biết sợ sệt, ngồi ăn chung những món ăn ngon với những người chủ.

Bởi vì, người tớ gái ngồi ăn chung với chủ, đó là điều bất-hạnh.

* Tiếp theo vị thiên-nam xin thề với lời độc địa rằng:

- Kính bạch vị Đạo-sư, nếu thiên-nam nào ăn cắp phần ăn củ sen của Đạo-sư thì xin cho kiếp sau của thiên-nam ấy sẽ là Ngài Trưởng-lão trụ-trì một ngôi chùa lớn cũ tại kinh-thành lớn, nên thường sửa chữa, làm mọi công việc hằng ngày, là Ngài Trưởng-lão ham mê làm việc suốt ngày.

Bởi vì, trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa, tiền-kiếp vị thiên-nam này đã từng là Ngài Trưởng-lão trụ-trì một ngôi chùa lớn cũ, nên phải sửa chữa, làm mọi công việc hằng ngày, phải chịu bao nhiêu khổ cực.

Vì vậy, vị thiên-nam tưởng nhớ lại tiền-kiếp của mình mà kinh sợ.

* Tiếp theo con voi cũng xin thề với lời độc địa rằng:

- Kính bạch vị Đạo-sư, nếu con voi nào ăn cắp phần ăn củ sen của vị Đạo-sư thì xin cho con voi ấy bị buộc bốn chân, cổ và eo buộc bằng sợi dây xích chắc chắn, bị dắt ra khỏi rừng yên tịnh này, dẫn về kinh-thành, bị đâm bằng lưỡi giáo, bị móc bằng câu móc.

* Tiếp theo con khỉ cũng xin thề với lời độc địa rằng:

- Kính bạch vị Đạo-sư, nếu con khỉ nào ăn cắp phần ăn củ sen của vị Đạo-sư thì xin cho con khỉ ấy bị đeo vòng hoa đẹp nơi cổ, bị xỏ lỗ tai, bị đánh bằng roi. Vị thầy rắn tập luyện con khỉ xong, bắt con khỉ ấy diễn trò với rắn hổ mang, bắt đến gần miệng rắn hổ mang. Con khỉ ấy bị buộc cổ dắt đi diễn trò với rắn hổ mang theo các ngõ đường trong kinh-thành.

Nghe tất cả 13 vị có lời thề độc địa như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana nghĩ rằng: tất cả

“Không biết có ai nghĩ rằng ta không mất phần ăn củ sen mà nói rằng mất hay không, để bộc bạch sự trong sạch của mình.

Vậy, ta cũng xin thề với lời độc địa trước sự hiện diện của tất cả quý vị rằng:

-Này quý vị! Người nào nói dối rằng: “Phần ăn củ sen không mất mà nói mất, hoặc có nghi ngờ người nào, thì xin cho người ấy say mê hưởng mọi thứ ngũ-dục (vatthukāma) với tâm phiền-não-dục (kilesakāma), không được đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, cho đến chết ở trong gia đình.

Ẩn mình nghe 11 vị đạo-sĩ, vị thiên-nam và con voi, con khỉ bộc bạch tâm trong sạch của mình như vậy, mà họ cho rằng: Đó là lời thề độc địa”, nên Đức-vua-trời Sakka nghĩ rằng:

“Ta có tác-ý giấu phần ăn củ sen của vị Đạo-sư suốt ba ngày qua, để thử nhóm đạo-sĩ xem. Nay nghe họ đều tỏ vẻ nhàm chán trong ngũ-dục thật sự, thấy tội-lỗi ngũ-dục như nhổ bãi nước miếng, nên họ đều thề với lời thề mà họ cho là độc địa.

Vậy, ta nên bạch hỏi nguyên nhân nào mà họ phát sinh tâm nhàm chán trong ngũ-dục như vậy”

Đức-vua-trời Sakka hiện ra ngự đến đảnh lễ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana, rồi truyền hỏi rằng:

-Kính bạch Ngài Đạo-sư Mahākañcana, phần đông chúng-sinh trong đời mong mỏi, tìm kiếm những ngũ-dục, nên tạo ác-nghiệp, mọi đại-thiện-nghiệp, bởi vì ngũ-dục là đối-tượng đáng mong ước, đáng hài lòng ưa thích, đáng say mê đối với chúng-sinh trong đời này.

Đối với quý Ngài đạo-sĩ nhận thức thế nào về ngũ-dục mà phát sinh tâm nhàm chán trong ngũ-dục như vậy? Bạch Ngài.

Nghe Đức-vua-trời Sakka bạch hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana tâu rằng:

-Muôn tâu Đức-vua-trời Sakka, bởi vì say mê trong ngũ-dục, nên phần đông chúng-sinh tạo thân hành ác, tạo khẩu nói ác, để phải chịu mọi cảnh khổ như bị hành hạ đánh đập, bị giam cầm trong nhà tù, bị chém giết.

Bởi vì say mê trong ngũ-dục nên phần đông chúng-sinh phát sinh tâm dể duôi, quên mình tạo ác-nghiệp mà bậc thiện-trí chê trách. Những người ấy phải chịu quả khổ trong kiếp hiện-tại. Sau khi chết, nếu ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì sẽ sinh trong bốn cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy.

Do thấy tội lỗi của ngũ-dục như vậy, nên các đạo-sĩ phát sinh đại-thiện-tâm nhàm chán trong ngũ-dục.

Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thưa như vậy, Đức-vua-trời Sakka bạch thú thật rằng:

- Kính bạch Ngài Đạo-sư Mahākañcana cao thượng, Trẫm muốn thử xem quý vị đạo-sĩ có còn hướng tâm đến hưởng thụ ngũ-dục hay không, nên mới lấy giấu phần ăn củ sen của Ngài Đạo-sư suốt ba ngày liên tiếp.

Tất cả quý Ngài đạo-sĩ đều là những bậc có giới-đức trong sạch, hoàn toàn không phạm tội trộm cắp.

- Kính bạch Ngài Đạo-sư Mahākañcana, đây là ba phần ăn củ sen của Ngài.

Đức-Vua-Trời Sakka Bị Quở Trách

Nghe Đức-vua-trời Sakka bạch như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana tâu rằng:

-Tâu Đức-vua-trời Sakka, các vị đạo-sĩ chúng tôi không phải những người thuộc hạ của Đức-vua-trời, chúng tôi không phải những người để cho Đức-vua-trời thử xem như vậy.

Các đạo-sĩ chúng tôi không phải thân quyến cũng không phải bạn hữu của Đức-vua-trời.

Tại sao Đức-vua-trời ngự xuống đây làm trò đùa với các đạo-sĩ chúng tôi như vậy!

 

Đức-Vua-Trời Sakka Sám Hối Và Xin Nương Nhờ

Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana quở trách như vậy, Đức-vua-trời Sakka cúi xin lỗi bằng câu kệ rằng:

-Kính bạch Ngài Đạo-sư Mahākañcana cao thượng, Trẫm xin hết lòng thành kính đảnh lễ, xin sám hối Ngài Đạo-sư cùng quý vị đạo-sĩ, cầu xin quý Ngài tha thứ lỗi cho Trẫm đã phạm đến quý Ngài lần này. Trẫm cầu mong chư bậc thiện-trí, có đức nhẫn-nại, có tâm từ tế độ không ghét bỏ Trẫm.

Trẫm xin Ngài Đạo-sư là vị Tôn sư, là Đức Phụ-thân của Trẫm, Trẫm xin nương nhờ bóng mát dưới đôi bàn chân của Ngài Đạo-sư.

Khi Đức-vua-trời Sakka thành tâm sám hối lỗi lầm của mình, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana tha thứ lỗi cho Đức-vua-trời Sakka và khuyên bảo nhóm vị đạo-sĩ cũng nên tha thứ lỗi cho Đức-vua-trời Sakka nữa.

Vâng lời Thầy, nhóm đạo-sĩ đều hoan hỷ tha thứ lỗi cho Đức-vua-trời Sakka.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana khuyên dạy nhóm đệ-tử rằng:

- Này các con! Tất cả chúng ta được thấy Đức-vua-trời Sakka cao cả trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, đó là điều vinh hạnh đối với chúng ta sống trong rừng như thế này. Nếu sống tại nhà thì chúng ta không có cơ hội thấy Đức-vua-trời Sakka như vậy.

- Này các con! Các con nên phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ, hãy nên tha thứ lỗi cho Đức-vua-trời Sakka, bởi vì thầy đã nhận lại được phần ăn củ sen rồi.

Sau đó, Đức-vua-trời Sakka thành kính đảnh lễ Đức Đạo-sư Mahākañcana và nhóm đạo-sĩ, rồi xin phép ngự trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Tất cả nhóm đạo-sĩ thực-hành pháp-hành thiền-định, đều chứng đắc các bậc thiền sắc-giới và chứng đắc các phép-thần-thông.

Sau khi nhóm đạo-sĩ chết, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh lên cõi trời sắc-giới phạm-thiên.

Sau khi thuyết về tích Bhisajātaka xong, Đức-Thế-Tôn truyền dạy chư tỳ-khưu rằng:

-Này chư tỳ-khưu! Chư đạo-sĩ thiện-trí tiền bối đều đem ngũ-dục ra làm đối-tượng để thề với lời thề gọi là độc địa theo cảm tưởng của mình như vậy.

Đức-Thế-Tôn thuyết về pháp chân-lý tứ Thánh-đế, tỳ-khưu có tâm tham muốn trong ngũ-dục thấy rõ tội-lỗi của ngũ-duc, nên nhàm chán ngũ-dục, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu tại nơi ấy.

Tích Bhisajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Bhisajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama làm đạo-sĩ Mahākañcana trong thời quá khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Bhisajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

-Vị đạo-sĩ Upakañcana em trai thứ nhất, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

- Vị đạo-sĩ em trai thứ nhì, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

- Vị đạo-sĩ em trai thứ ba, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa.

- Vị đạo-sĩ em trai thứ tư, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha.

- Vị đạo-sĩ em trai thứ năm, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Puṇṇa.

- Vị đạo-sĩ em trai thứ sáu, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

- Vị nữ đạo-sĩ Kañcanadevī em gái út, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā.

- Vị đạo-sĩ tớ gái, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Khujjuttarā.

- Đức-vua-trời Sakka, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Kāḷudāyī.

- Vị đạo-sĩ tớ trai, nay kiếp hiện-tại là cận-sự-nam Cittagahapati.

- Vị thiên-nam cội cây, nay kiếp hiện-tại là Dạ-xoa Sātāgira.

- Con voi, nay kiếp hiện-tại là voi chúa Pālileyya.

- Con khỉ, nay kiếp hiện-tại là con khỉ dâng mật ong đến Đức-Phật Gotama tại rừng Pālileyya.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc hạ, ngoài ra, còn có pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana đem tất cả của cải làm phước bố-thí, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana giữ-giới trong sạch, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana có trí-tuệ suy xét đúng đắn, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana có đức nhẫn-nại,

đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana phát-nguyện bằng lời chân-thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana có tâm-từ đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana có tâm-xả đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là 9 pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu cùng một lúc với pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc hạ này.

Nhận Xét Về Đức-Bồ-Tát Đạo-Sĩ Mahākañcana

Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc hạ là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật đó là đại-thiện-tâm trong sạch nhàm chán trong ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục).

Trong tích Bhisajātaka này, Đức-Bồ-tát Mahākañcana, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, sinh trong gia đình phú hộ.

Khi Đức-Bồ-tát Mahākañcana trưởng thành, cha mẹ khuyên bảo Đức-Bồ-tát nên cưới vợ, nhưng Đức-Bồ-tát khăng khăng từ chối, không chịu cưới vợ, bởi vì Đức-Bồ-tát thấy rõ tội lỗi trong ngũ-dục.

Đức-Bồ-tát Mahākañcana huynh trưởng làm gương cho sáu người em trai và một người em gái noi theo.

Sau khi cha mẹ qua đời, Đức-Bồ-tát Mahākañcana đem tất cả của cải làm phước-thiện đại-thí đến những người nghèo khổ, rồi dẫn sáu người em trai, một người em gái, một người bạn hữu, một người tớ trai và một người tớ gái đi vào rừng Himavanta, xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Tất cả nhóm vị đạo-sĩ đều là những người có tâm nhàm chán trong ngũ-dục, thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi 11 vị đạo-sĩ này chết, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên.

(Xong pháp-hạnh xuất-gia Ba-la-mật bậc hạ)

 

3.2-Pháp-Hạnh Xuất-Gia Ba-La-Mật Bậc Trung (Nekkhamma Upapāramī)

Tích Hatthipālajātaka (Hach-thi-pa-lá-cha-tá-ká)

Tích Hatthipālajātaka [2] này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm công-tử Hatthipāla tạo pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc trung (nekkhamma-upapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Chư tỳ-khưu tụ hội tại giảng đường đàm đạo về nhiều người từ bỏ nhà, xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức-Thế-Tôn, đông đảo như vậy.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn ngự đến giảng đường, ngồi trên pháp toà truyền hỏi chư tỳ-khưu rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo với nhau về vấn đề gì vậy?

Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn về vấn đề như vậy, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Không chỉ kiếp hiện-tại Như-Lai đã tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật, xuất-gia trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thuyết pháp tế độ các hàng thanh-văn đệ-tử, nên có nhiều người từ bỏ nhà, xuất-gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của Như-Lai rất đông như vậy, mà những tiền-kiếp Như-Lai khi còn là Đức-Bồ-tát từ bỏ nhà, xuất gia trở thành đạo-sĩ, cũng có nhiều người từ bỏ nhà, đi theo Đức-Bồ-tát đạo-sĩ vào rừng núi Himavanta, xuất gia trở thành đạo-sĩ rất đông.

Nghe Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về tiền-kiếp của Ngài.

Tích Hatthipālajātaka

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Hatthipālajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, Đức-vua Esukārī ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi. Đức-vua Esukārī có vị Quan thừa-tướng vốn là người bạn thân thiết từ thời thơ ấu. Đức-vua và Quan thừa-tướng cả hai đều chưa có con nối dòng. Một hôm Đức-vua Esukārī truyền bảo giao ước với Quan thừa-tướng rằng:

- Này khanh thân mến! Hai chúng ta chưa có con kế thừa. Sau này, nếu bạn có công-tử thì Trẫm sẽ truyền ngôi báu cho công-tử của bạn. Hoặc nếu Trẫm có Thái-tử thì Thái-tử sẽ thừa hưởng gia sản của bạn.

Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng đã giao ước chắc chắn với nhau như vậy.

Một hôm, Quan thừa-tướng đi kinh lý địa phương thâu thuế của mình, ngồi trên xe trở về kinh-thành, đến bên ngoài cửa hướng đông, gặp một người đàn bà khốn khổ tên Bahuputtika có bảy đứa con trai nhỏ: đứa ẵm trên tay, đứa ngồi trên vai, đứa dắt theo sau, còn các đứa khác đi trước, đi sau bà. Quan thừa-tướng hỏi người đàn bà ấy rằng:

- Này người đàn bà khốn khổ! Cha của bảy đứa trẻ này ở đâu vậy?

Người đàn bà thưa rằng:

- Kính thưa quan lớn, cha của bảy đứa con này đâu có thường ở đây.

Quan thừa-tướng hỏi rằng:

- Này người đàn bà khốn khổ! Bà làm cách nào mà có bảy đứa con trai như vậy?

Nghe quan lớn hỏi như vậy, cảm thấy lúng túng, bà nhìn thấy một cây đa lớn bên ngoài cửa thành, chỉ tay về phía cây đa ấy mà thưa rằng:

- Kính thưa quan lớn, tiện nữ này đến cầu xin chư-thiên ngự tại cây đa, nên tiện nữ có được bảy đứa con trai như vậy.

Nghe người đàn bà khốn khổ thưa như vậy, Quan thừa-tướng xuống xe, đến chỗ cây đa, cầm nhánh cây đa lay động, nói lời hăm doạ chư-thiên rằng:

- Này chư-thiên cội cây! Hằng năm, Đức-vua đã truyền lệnh xuất ra một số tiền 1.000 kahāpaṇa, để làm lễ cúng dường đến các ngươi. Sao ngươi không dâng lên Đức-vua nhiều hoàng-tử, nhiều công-chúa! Còn người đàn bà khốn khổ kia có ân nghĩa gì đối với ngươi, mà ngươi ban cho bà ấy bảy đứa con trai như vậy!

Kỳ hạn trong khoảng bảy ngày, kể từ ngày hôm nay, nếu nhà ngươi không dâng lên Đức-vua của ta các hoàng-tử, đến ngày thứ bảy, thì ta sẽ ra lệnh chặt cây đa này ra thành từng đoạn nhỏ, đào gốc chặt rễ.

Sau khi nói lời hăm dọa xong, Quan thừa-tướng lên xe vào kinh-thành, trở về tư dinh của mình.

Sáng ngày hôm sau, Quan thừa-tướng lại đến cây đa cũng nói lời hăm dọa, mỗi buổi sáng như vậy.

Đến sáng ngày thứ sáu, Quan thừa-tướng cầm nhánh cây đa lay động, dõng dạc nói lời hăm dọa rằng:

-Này chư-thiên cội cây! Chỉ còn một đêm nay nữa mà thôi. Nếu các ngươi không chịu dâng lên Đức-vua của ta các hoàng-tử thì sáng ngày mai các ngươi phải bị phạt.

Nghe lời dõng dạc hăm dọa của Quan thừa-tướng như vậy, chư-thiên cội cây hoảng sợ nghĩ rằng:

“Nếu vị Quan thừa-tướng này không được các hoàng-tử như ý thì chắc chắn sẽ ra lệnh chặt cây đa này, làm hư hoại các lâu đài của chúng ta, không còn nơi nương nhờ nữa.

Vậy, chúng ta nên dâng lên Đức-vua các hoàng-tử bằng cách nào đây!

Chư-thiên cội cây bay đến cầu cứu các Đức tứ Đại-Thiên-vương, tâu rõ sự việc xảy ra như vậy. Đức tứ Đại Thiên-vương không có khả năng dâng các hoàng-tử theo sự yêu cầu của Quan thừa-tướng.

Chư-thiên cội cây bay lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, đến chầu, cầu xin Đức-vua-trời Sakka cứu giúp.

Nghe lời khẩn khoản cầu cứu của chư-thiên cội cây, Đức-vua-trời Sakka suy xét rằng:

Đức-vua Esukārī sẽ có được các hoàng-tử xứng đáng, Đức-vua-trời Sakka thấy bốn vị thiên-nam đã từng tích lũy nhiều phước-thiện xứng đáng tái-sinh làm các hoàng-tử của Đức-vua Esukārī .

Tiền-kiếp của bốn vị thiên-nam này là bốn người thợ dệt trong kinh-thành Bārāṇasī. Khi làm ra được của cải, chia ra năm phần, lấy một phần đem làm phước-thiện bố-thí.

Sau khi bốn người thợ chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh làm bốn vị thiên-nam trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên này. Tiếp theo kiếp sau sẽ tái-sinh lên cõi trời Dạ-ma-thiên, cõi trời Đâu-suất-đà-thiên, cõi trời Hóa-lạc-thiên, cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên. Đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh trong các cõi trời dục-giới.

Nay đến lúc bốn vị thiên-nam hết tuổi thọ tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên này, đại-thiện-nghiệp sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời Dạ-ma-thiên.

Thấy rõ như vậy, nên Đức-vua-trời Sakka ngự đến lâu đài của bốn vị thiên-nam, truyền bảo rằng:

- Này bốn vị thiên-nam! Các ngươi nên tái-sinh làm người trong cõi người, theo tuần tự tái-sinh đầu thai trong lòng Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Esukārī.

Nghe lời truyền bảo của Đức-vua-trời Sakka, bốn vị thiên-nam tâu rằng:

- Muôn tâu Đức-vua-trời Sakka, chúng thần xin tuân lệnh của Đức-vua, nhưng chúng thần không muốn tái-sinh đầu thai trong lòng Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Esukārī, mà chúng thần sẽ tái-sinh đầu thai trong lòng phu-nhân Vāseṭṭhī của Quan thừa-tướng.

Khi lớn lên, chúng thần sẽ từ bỏ nhà, xa lánh ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục), xuất gia trở thành đạo-sĩ lúc còn trai trẻ.

Chấp thuận điều kiện của bốn vị thiên-nam, Đức-vua-trời Sakka ngự trở về truyền bảo với chư-thiên cội cây biết như vậy. Chư-thiên cội cây vô cùng hoan hỷ đảnh lễ Đức-vua-trời Sakka, rồi xin phép trở về chỗ lâu đài tại cây đa.

Sáng ngày thứ bảy, Quan thừa-tướng ra lệnh gọi nhóm lính lực lưỡng đem theo cưa, búa, rìu, … dẫn nhóm lính ấy đến cây đa, Quan thừa-tướng bực bội nói với chư-thiên cội cây rằng:

- Này chư-thiên cội cây! Ta chỉ xin các ngươi dâng lên Đức-vua của ta các hoàng-tử mà thôi, mà các ngươi không chịu giúp ta. Sáng ngày thứ bảy hôm nay đã hết kỳ hạn, các ngươi phải bị phạt.

Khi ấy, chư-thiên cội cây hiện ra từ cây đa do oai lực của mình, kính thưa với Quan thừa-tướng với lời nhỏ nhẹ rằng:

- Kính thưa Quan thừa-tướng, chúng tôi sẽ ban cho Ngài 4 đứa con trai.

-Này chư-thiên cội cây! Không phải ta muốn 4 đứa con trai ấy, mà ta chỉ xin các ngươi hãy kính dâng lên Đức-vua của ta bốn đứa con trai ấy mà thôi.

Chư-thiên khẳng định thưa rằng:

- Kính thưa Quan thừa-tướng, chúng tôi chỉ ban cho Ngài bốn đứa con trai ấy mà thôi.

Quan thừa-tướng khẩn khoản cầu xin rằng:

- Này chư-thiên cội cây! Nếu vậy, thì xin chư-thiên dâng lên Đức-vua hai đứa con trai, còn ban cho tôi hai đứa con trai vậy!

Chư-thiên khẳng định một lần nữa thưa rằng:

- Kính thưa Quan thừa-tướng, chúng tôi không thể kính dâng lên Đức-vua Esukārī, mà chỉ ban cho Ngài cả bốn đứa con ấy mà thôi.

- Kính thưa Quan thừa-tướng, khi lớn lên, bốn đứa con ấy sẽ từ bỏ nhà đi vào rừng núi Himavanta, sẽ xuất gia trở thành đạo-sĩ lúc đang còn trẻ.

Một lần nữa, Quan thừa-tướng khẩn khoản rằng:

- Này chư-thiên cội cây! Xin chư-thiên dâng lên Đức-vua cả bốn đứa con trai ấy.

Để ngăn cản bốn hoàng-tử không xuất gia trở thành đạo-sĩ. Đó là phận sự của ta.

Tuy Quan thừa-tướng khẩn khoản van nài như vậy, nhưng chư-thiên cũng chỉ ban cho Quan thừa-tướng cả bốn đứa con trai ấy mà thôi, rồi biến mất trở về lâu đài.

Từ đó về sau, những phẩm vật cúng dường phát sinh đến chư-thiên rất nhiều.

Đức-Bồ-Tát Tái-Sinh Đầu Thai

* Đức-Bồ-tát Jeṭṭhakadevaputta: Đức-Bồ-tát thiên-nam trưởng chuyển kiếp (cuti: chết) từ cõi trời Tam-thập-tam-thiên, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh đầu thai vào lòng phu-nhân Vāseṭṭhī của Quan thừa-tướng.

Đúng mười tháng, Đức-Bồ-tát sinh ra đời, được đặt tên là Hatthipālakumāra: Công-tử giữ voi, rồi giao cho người giữ voi nuôi dưỡng, cốt để ngăn cản không cho Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipālakumāra lớn lên từ bỏ nhà, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ. Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla lớn lên trong gia đình của người giữ voi.

* Tiếp theo vị thiên-nam thứ nhì chuyển kiếp (cuti), đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh đầu thai vào lòng phu-nhân Vāseṭṭhī của Quan thừa-tướng.

Đúng mười tháng bé trai sinh ra đời, được đặt tên là Assapālakumāra: Công-tử giữ ngựa, rồi giao cho người giữ ngựa nuôi dưỡng. Công-tử Assapāla lớn lên trong gia đình người giữ ngựa.

* Tiếp theo vị thiên-nam thứ ba chuyển kiếp (cuti), đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh đầu thai vào lòng phu-nhân Vāseṭṭhī của Quan thừa-tướng.

Đúng mười tháng bé trai sinh ra đời, được đặt tên là Gopālakumāra: Công-tử giữ bò, rồi giao cho người giữ bò nuôi dưỡng. Công-tử Gopāla lớn lên trong gia đình người giữ bò.

* Tiếp theo vị thiên-nam thứ tư chuyển kiếp (cuti), đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh đầu thai vào lòng phu-nhân Vāseṭṭhī của Quan thừa-tướng.

Đúng 10 tháng bé trai sinh ra đời, được đặt tên là Ajapāla-kumāra: Công-tử giữ dê, rồi giao cho người giữ dê nuôi dưỡng. Công-tử Ajapāla lớn lên trong gia đình người giữ dê.

Để ngăn cản không cho bốn công-tử từ bỏ nhà, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, nên Quan thừa-tướng ra lệnh mời tất cả mọi đạo-sĩ phải rời khỏi đất nước Kāsi, bởi vì Quan thừa-tướng sợ rằng: nếu bốn công-tử nhìn thấy vị đạo-sĩ, rồi sẽ đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, thì sẽ không có người kế thừa sự nghiệp của mình.

Được nuôi dưỡng trưởng thành trong mỗi gia đình như vậy, mỗi công-tử trở thành đứa trẻ ngỗ nghịch, không biết lễ phép, thích quậy phá mọi người.

Bàn Tính Truyền Ngôi Vua

Bốn công-tử đến lúc trưởng thành đều có thân hình phương phi, đặc biệt thân hình Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla có những tướng tốt của bậc đại nhân, nhưng tính khí của mỗi công-tử lại ngang tàng ngỗ nghịch.

Bốn công-tử được biết là bốn huynh đệ với nhau đều là con của Quan thừa-tướng. Mỗi công-tử ở mỗi tư dinh của mình.

Khi Đức-Bồ-tát Hatthipāla lên 16 tuổi, Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng bàn tính với nhau rằng:

Việc truyền ngôi báu cho công-tử Hatthipāla và phong chức cho ba công-tử như thế nào đây!

Bởi vì mỗi công-tử đều có tính khí ngang tàng ngỗ nghịch, nếu công-tử Hatthipāla được làm lễ đăng quang lên ngôi vua, và ba công-tử được phong chức quan trong triều thì chỉ làm cho đất nước Kāsi này bị suy vong mà thôi. Còn nếu có các đạo-sĩ đến kinh-thành Bārāṇasī này, thì bốn công-tử chắc chắn sẽ từ bỏ dinh thự, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ sẽ chỉ làm khổ dân chúng mà thôi.

Bây giờ, Trẫm và khanh nên thử bốn công-tử trước, rồi sau đó sẽ tính việc truyền ngôi sau.

 

Đức-Bồ-Tát Công-tử Hatthipāla

Sau khi bàn tính xong, Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng thay hình đổi dạng, giả làm hai vị đạo-sĩ đi đến khất thực trước cổng tư dinh của Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla.

Nhìn thấy hai vị đạo-sĩ, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla vô cùng hoan hỷ ra tận cổng, đảnh lễ dưới đôi bàn chân của hai vị đạo-sĩ, đón rước vào tư dinh, thỉnh ngồi trên chỗ ngồi cao quý, rồi bạch rằng:

- Kính bạch hai Ngài đạo-sĩ cao quý, đã lâu lắm rồi, nay con mới gặp hai Ngài đạo-sĩ thực-hành phạm hạnh cao thượng cẩn trọng nơi lục-môn[3] thanh-tịnh. Thật là đáng tôn kính.

Hai Ngài mặc y phục, đội mũ đạo-sĩ là bậc diệt mọi phiền-não. Con đem hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ dưới hai bàn chân của hai Ngài bằng thân, khẩu, ý cung-kính của con.

- Kính bạch hai Ngài đạo-sĩ cao quý, lần đầu tiên nhìn thấy hai Ngài thực-hành phạm-hạnh cao thượng, con liền phát sinh đức-tin trong sạch nơi hai Ngài. Con xin lau đôi bàn chân của hai Ngài, xin xoa dầu, bóp đôi chân của hai Ngài, rồi kính mời thọ nhận những lễ vật cúng dường của con.

Thấy Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla vô cùng hoan hỷ đón rước, tiếp đãi rất cung kính, biết lễ phép, nói lời khiêm tốn như vậy, vị đạo-sĩ vốn là Quan thừa-tướng phụ thân của Đức-Bồ-tát công-tử hỏi rằng:

- Này công-tử Hatthipāla! Con có biết hai chúng tôi là ai, mà con đã tiếp đãi cung kính với chúng tôi như vậy?

- Kính bạch hai Ngài đạo-sĩ cao quý, hai Ngài là đạo-sĩ từ rừng núi Himavanta đến đây.

- Này công-tử Hatthipāla! Hai chúng tôi không phải là đạo-sĩ. Vị này là Đức-vua Esukārī, còn ta là Quan thừa-tướng cha của con đây!

Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương Esukārī và kính thưa phụ thân, con muốn biết do nguyên nhân gì mà Đại-vương và phụ thân phải thay hình đổi dạng, giả làm vị đạo-sĩ như vậy?

Quan thừa-tướng, phụ thân của công-tử Hatthipāla trả lời rằng:

- Này Hatthipāla con yêu quý! Đức-vua và cha giả làm đạo-sĩ như vậy, chỉ để thử con mà thôi.

-Kính thưa phụ thân, Đại-vương và phụ thân thử con như vậy để làm gì?

- Này Hatthipāla con yêu quý! Khi con thấy Đức-vua và cha giả làm đạo-sĩ, để cho con không muốn xuất gia trở thành đạo-sĩ. Nếu được như vậy thì Đức-vua và cha sẽ làm lễ đăng quang cho con lên ngôi vua, trị vì đất nước Kāsi này.

Nghe phụ thân bảo như vậy, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla thưa rằng:

- Kính thưa phụ thân, con không muốn lên ngôi làm vua, mà con chỉ muốn xuất gia trở thành đạo-sĩ mà thôi.

Nghe công-tử Hatthipāla dõng dạc thưa như vậy, Quan thừa-tướng, phụ thân công-tử khuyên bảo rằng:

- Này Hatthipāla con yêu quý! Con còn trẻ nên học các bộ môn truyền thống, lên ngôi làm vua, hưởng mọi đối-tượng ngũ-dục an-lạc trong đời, có các hoàng-hậu, sinh ra nhiều hoàng-tử, nhiều công-chúa, để nối dòng dõi.

Đến lúc tuổi già, con mới nên vào rừng núi xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Người nào xuất gia lúc tuổi già như vậy, người ấy được chư bậc thiện-trí tán dương ca tụng.

Nghe phụ thân khuyên dạy như vậy, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla thưa rằng:

- Kính thưa phụ thân, học các bộ môn truyền thống không phải là chân-lý, không đem lại sự lợi ích thật sự, lên ngôi làm vua cũng vậy thôi.

- Kính thưa phụ thân, có ai có thể ngăn được sự già, sự bệnh, sự chết bằng quyền lực, bằng các con của mình được đâu!

Của cải tài sản, các con là nơi chấp thủ, chỉ làm cho khổ tâm mà thôi.

Chư bậc thiện-trí khuyên dạy nên lánh xa ngũ-dục là những đối-tượng ràng buộc làm say mê trong đời.

Mỗi chúng-sinh được hiện hữu trong đời đều do quả của nghiệp của chúng-sinh ấy đã tạo trong kiếp quá khứ.

-Kính thưa phụ thân, tất cả chúng-sinh đều có nghiệp là của riêng mình.

Nghe Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla thưa với phụ thân như vậy, Đức-vua Esukārī truyền hỏi công-tử rằng:

-Này công-tử Hatthipāla! Ngươi nói:

“Mỗi chúng-sinh được hiện hữu trong đời đều do quả của nghiệp của chúng-sinh ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.”

Đó chắc chắn là sự thật.

Tuy nhiên, cha mẹ già của ngươi mong ước được nhìn thấy ngươi sống lâu 100 tuổi, không có bệnh luôn khoẻ mạnh, để phụng dưỡng cha mẹ già.

Nghe Đức-vua Esukārī truyền bảo như vậy, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương cao cả, tình bằng hữu với sự già, tình bạn thân thiết với sự chết, nếu có đối với người nào, hoặc người nào biết chắc rằng: “Ta sẽ không chết” thì đôi khi cha mẹ sẽ nhìn thấy con mình sống lâu 100 tuổi, không có bệnh luôn khoẻ mạnh.

- Muôn tâu Đại-vương cao cả, như người chèo đò ngang chở khách từ bến này sang bến kia, rồi ngược lại như thế nào, thì sự già, sự bệnh thường dắt dẫn sinh-mạng của chúng-sinh đến sự chết cũng như thế ấy.

Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla giảng giải về sinh-mạng của chúng-sinh vô-thường ngắn ngủi như vậy, không có ai là bạn thân với sự già để giúp mình không già, không có ai là bạn thân với tử thần để giúp mình không chết cả.

Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla cầu nguyện cho Đức-vua Esukārī rằng:

Xin cầu nguyện cho Đại-vương thân tâm thường được an-lạc. Sự già, sự bệnh, sự chết đang đuổi theo kẻ tiện dân đang tâu với Đại-vương.

Kính xin Đại-vương không nên dể duôi trong mọi thiện-pháp, không nên say mê trong sinh-mạng vô thường này.

Đức-Bồ-Tát Công-Tử Hatthipāla Đi Xuất Gia

Sau khi tâu xong, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla đảnh lễ Đức-vua Esukārī, đảnh lễ Quan thừa-tướng phụ thân của mình, rồi xin phép từ bỏ tư dinh, không màng đến ngôi vua, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, có một số đông dân chúng cũng xin đi xuất gia theo Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla.

Dẫn đoàn tuỳ tùng thuộc hạ dài khoảng 1 do-tuần đến bờ sông Gaṅgā, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla nhìn dòng nước sông Gaṅgā làm đề-mục thiền-định āpokasiṇa, thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và chứng đắc các phép-thần-thông tại nơi ấy.

Đức-Bồ-tát Hatthipāla biết rằng:

“Đoàn tùy tùng này sẽ có đông đảo lắm, còn có ba người em trai, cha mẹ, Đức-vua Esukārī, Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua, những người trong hoàng tộc, cùng với toàn thể dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī sẽ đi xuất gia trở thành đạo-sĩ. Cho nên, ta nên chờ đợi mọi người đến đông đủ.”

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Hatthipāla ngồi giảng dạy đoàn tuỳ tùng thuộc hạ tại bờ sông Gaṅgā.

Công-Tử Assapāla

Ngày hôm sau, Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng bàn tính với nhau rằng:

Công-tử Hatthipāla không màng đến ngôi vua, dẫn đoàn tùy tùng đông đảo đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, đang nghỉ tại bờ sông Gaṅgā.

Nay, Trẫm cùng ngự với khanh nên đến thử công-tử Assapāla như thế nào, rồi sẽ làm lễ đăng quang cho lên ngôi vua.

Sau khi bàn tính xong, Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng giả làm đạo-sĩ ngự đến khất thực trước cổng tư dinh của công-tử Assapāla.

Nhìn thấy hai vị đạo-sĩ đứng trước cổng tư dinh của mình, công-tử Assapāla vô cùng hoan hỷ ra tận cổng, đảnh lễ dưới đôi bàn chân của hai vị đạo-sĩ, đón rước vào tư dinh, thỉnh ngồi trên chỗ ngồi cao quý, rồi bạch với hai vị đạo-sĩ rằng:

- Kính bạch hai Ngài đạo-sĩ cao quý, đã lâu lắm rồi, nay con mới gặp hai Ngài đạo-sĩ thực-hành phạm hạnh cao thượng cẩn trọng trong lục-môn thanh-tịnh. Thật là đáng tôn kính.

Công-tử Assapāla phục vụ tiếp đãi hai vị đạo-sĩ như Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla.

Thấy công-tử Assapāla lễ phép, nói lời khiêm tốn, nên Quan thừa-tướng phụ thân bảo với công-tử Assapāla biết sự thật rằng:

- Này Assapāla con yêu quý! Sự thật chúng ta không phải là hai đạo-sĩ như con tưởng. Vị này là Đức-vua Esukārī và ta là Quan thừa-tướng, cha của con đây. Đức-vua và cha sẽ làm lễ đăng quang cho con lên ngôi vua, trị vì đất nước Kāsi này.

Nghe phụ thân của mình bảo như vậy, công-tử Assapāla thưa rằng:

- Kính thưa phụ thân, khi huynh trưởng Hatthipāla của con đang hiện hữu, sao có thể làm lễ đăng quang cho con lên ngôi vua được.

Quan thừa-tướng phụ thân của công-tử Assapāla cho biết rằng:

- Này Assapāla con yêu quý! Huynh trưởng Hatthi-pāla của con không chịu lên ngôi làm vua, đã xin phép cha, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ rồi.

Công-tử Assapāla thưa tiếp rằng:

- Kính thưa phụ thân, hiện nay huynh trưởng Hatthi-pāla của con đang ở đâu vậy?

- Này Assapāla con yêu quý! Hiện nay huynh trưởng Hatthipāla của con đang ở bến sông Gaṅgā.

Công-tử Assapāla dõng dạc thưa với phụ thân rằng:

- Kính thưa phụ thân, con cũng không muốn lên ngôi làm vua, ví như bãi nước miếng mà huynh trưởng Hatthipāla của con đã nhổ bỏ, chẳng lẽ con lại quỳ gối liếm bãi nước miếng ấy sao! Con cũng sẽ đi xuất gia trở thành đạo-sĩ theo huynh trưởng Hatthipāla của con.

Công-tử Assapāla giảng giải rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, kính thưa phụ thân, ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục) ví như sình lầy làm cho chúng-sinh chìm đắm; ngũ dục là những đối-tượng ràng buộc dắt dẫn tâm tham-ái của chúng-sinh đến sự khổ.

Những chúng-sinh nào say mê trong ngũ-dục ví như sình lầy, những chúng-sinh ấy bị chìm đắm trong sình lầy không thể vượt qua bờ bên kia là Niết-bàn được; những chúng-sinh ấy tạo ác-nghiệp thấp hèn chỉ chịu khổ trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài mà thôi.

- Muôn tâu Đại-vương, kính thưa phụ thân, trước đây, lớn lên trong gia đình người giữ ngựa, con là đứa trẻ ngang tàng ngỗ nghịch, đã tạo nhiều ác-nghiệp làm khổ các chúng-sinh khác. Khi còn tử sinh luân-hồi, con không thể tránh khỏi được quả của ác-nghiệp ấy.

Vậy, ngay bây giờ, con đi xuất gia trở thành đạo-sĩ cố gắng cẩn trọng giữ gìn thân, khẩu, ý tránh xa mọi ác-nghiệp, chỉ cố gắng tinh-tấn tạo mọi thiện-nghiệp mà thôi.

Công-tử Assapāla cầu nguyện rằng:

- Muôn tâu Đại-vương và kính thưa phụ thân, con xin cầu nguyện Đại-vương và phụ thân thân tâm thường được an-lạc.

Về phần con, trong khi con đang tâu với Đại-vương và phụ thân thì sự già, sự bệnh, sự chết đang đuổi theo con.

Công-Tử Assapāla Đi Xuất Gia

Công-tử Assapāla đảnh lễ Đức-vua Esukārī và phụ thân, rồi xin phép rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, dẫn theo đoàn tuỳ tùng thuộc hạ cùng dân chúng theo sau dài 1 do tuần, đi tìm huynh trưởng Hatthipāla tại bờ sông Gaṅgā.

Nhìn thấy người em thứ nhất, công-tử Assapāla cùng với đoàn tuỳ tùng đông đảo đến, huynh trưởng Hatthi-pāla ngồi trên hư không thuyết pháp giảng dạy công-tử Assapāla cùng đoàn tuỳ tùng, rồi khuyên rằng:

-Này Assapāla em yêu quý! Đoàn người này chắc chắn sẽ càng đông thêm nữa. Vậy, chúng ta nên chờ đợi tại nơi này.

Nghe huynh trưởng Hatthipāla dạy bảo như vậy, công-tử Assapāla vâng lời ở lại chờ đợi.

Công-Tử Gopāla

Sau khi công-tử Assapāla đã xin phép rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi xuất gia theo Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla.

Vào ngày hôm sau, Đức-vua Esukārī Quan thừa-tướng giả làm đạo-sĩ đi khất thực đến đứng trước cổng tư dinh của công-tử Gopāla.

Nhìn thấy hai vị đạo-sĩ đứng trước cổng, công-tử Gopāla vô cùng hoan hỷ ra tận cổng đảnh lễ dưới hai bàn chân của hai vị đạo-sĩ, rồi thỉnh vào tư dinh của mình, thỉnh ngồi trên chỗ ngồi cao quý, phục vụ hộ độ tiếp đãi như hai người anh đã làm, và bạch những lời lẽ như hai người anh đã bạch.

Khi ấy, Quan thừa-tướng truyền bảo cho công-tử Gopāla biết rõ sự thật rằng:

- Này công-tử Gopāla, con yêu quý! Sự thật chúng ta không phải là hai vị đạo-sĩ như con tưởng, mà là Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng cha của con đây.

Đức-vua và cha sẽ làm lễ đăng quang cho con lên ngôi vua, trị vì đất nước Kāsi này.

Nghe phụ thân của mình bảo như vậy, công-tử Assapāla thưa rằng:

- Kính thưa phụ thân, khi hai huynh của con đang hiện hữu, sao có thể làm lễ đăng quang cho con lên ngôi vua được!

Quan thừa-tướng phụ thân của công-tử Assapāla cho biết rằng:

- Này Gopāla con yêu quý! Huynh trưởng Hatthipāla và huynh Assapāla của con không chịu lên ngôi làm vua, đã xin phép cha rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ. Hiện nay đang ở tại bờ sông Gaṅgā.

Nghe phụ thân cho biết như vậy, công-tử Gopāla vô cùng hoan hỷ thưa rằng:

- Kính thưa phụ thân, đã từ lâu con tha thiết muốn xuất gia trở thành đạo-sĩ, mà con chưa tìm ra được con đường xuất gia, cũng như người đi tìm con bò bị lạc đường vào trong rừng.

Nay, con đã thấy con đường mà hai huynh của con đi rồi, ví như người ấy thấy dấu chân con bò bị lạc đường vào trong rừng.

- Kính thưa phụ thân, con không muốn lên ngôi làm vua, mà chỉ muốn từ bỏ kinh-thành Bārāṇasī này, đi theo hai huynh của con xuất gia trở thành đạo-sĩ mà thôi.

Công-tử Gopāla tâu với Đức-vua Esukārī và thưa phụ thân của mình rằng:

- Muôn tâu Đại-vương Esukārī, ví như người nuôi bò biết con bò bị lạc đường vào trong rừng sâu như thế nào, cũng như con đường xuất gia đem lại sự lợi ích lớn mà kẻ tiện dân này bị thất lạc từ lâu. Hôm nay, kẻ tiện dân đã thấy con đường xuất gia ấy rồi, chẳng lẽ kẻ tiện dân này không đi xuất gia để tìm lại sự lợi ích lớn cho mình hay sao!

- Muôn tâu Đại-vương, kẻ tiện dân này chắc chắn cũng sẽ đi theo con đường xuất gia mà hai huynh của kẻ tiện dân đã đi.

Công-Tử Gopāla Xin Đi Xuất Gia

Công-tử Gopāla đảnh lễ Đức-vua và phụ thân, rồi xin phép rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi theo con đường của hai huynh của mình.

Khi ấy, Quan thừa-tướng phụ thân của công-tử Gopāla khẩn khoản yêu cầu rằng:

- Này Gopāla con yêu quý! Xin con chờ 1-2 ngày nữa, để cho Đức-vua và cha thân tâm được ổn định, rồi sau đó con mới nên đi xuất gia có được không?

Nghe Đức-vua và phụ thân của mình khẩn khoản yêu cầu như vậy, công-tử Gopāla tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương và kính thưa phụ thân, thiện-nghiệp nên tạo hôm nay thì không nên khất lại ngày mai. Thiện-nghiệp nên tạo hôm nay, thì chỉ nên tạo ngay hôm nay mà thôi.

- Muôn tâu Đại-vương và kính thưa phụ thân, người nào khất lần công việc rằng: Công việc nên làm hôm nay khất lại ngày mai, công việc nên làm ngày mai khất lại ngày kia, và cứ như vậy, thì người ấy không được lợi ích của công việc ấy.

Bậc thiện-trí biết rằng: thiện-pháp nào vị-lai chưa đến thiện-pháp ấy chưa đem lại lợi ích. Thiện-pháp nào đang hiện hữu hiện-tại, bậc thiện-trí không bỏ lỡ thiện-pháp ấy bao giờ.

Sau khi giảng giải như vậy, công-tử Gopāla cầu nguyện Đức-vua và phụ thân rằng:

- Muôn tâu Đại-vương và phụ thân kính yêu, con xin cầu nguyện Đại-vương và thân phụ thân tâm thường được an-lạc.

Sự già, sự bệnh, sự chết đang đuổi theo con, con xin phép đi xuất gia.

Công-Tử Gopāla Đi Xuất Gia

Công-tử Gopāla đảnh lễ Đức-vua và phụ thân, rồi xin phép rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, dẫn theo đoàn tùy tùng thuộc hạ cùng dân chúng theo sau dài một do-tuần, đi tìm hai người anh của mình tại bờ sông Gaṅgā.

Nhìn thấy em thứ nhì, công-tử Gopāla cùng với đoàn tùy tùng đông đảo đến, huynh trưởng Hatthipāla ngồi trên hư không thuyết pháp giảng dạy công-tử Gopāla và đoàn tùy tùng.

Công-Tử Ajapāla

Sau khi không thể khẩn khoản yêu cầu công-tử Gopāla ở lại dù 1-2 ngày cũng không được, Đức-vua và Quan thừa-tướng vô cùng thất vọng.

Qua ngày hôm sau, Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng giả làm đạo-sĩ đi khất thực đến đứng trước cổng tư dinh của công-tử Ajapāla.

Nhìn thấy hai vị đạo-sĩ đứng trước cổng, công-tử Ajapāla vô cùng hoan hỷ ra tận cổng đảnh lễ dưới bàn chân của hai vị đạo-sĩ, rồi thỉnh vào tư dinh của mình, thỉnh ngồi trên chỗ cao quý, cung kính tiếp đãi giống như ba người anh, và bạch lời lẽ cũng như vậy.

Khi ấy, Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng truyền bảo cho công-tử Ajapāla biết sự thật rằng:

- Này công-tử Ajapāla, con yêu quý! Sự thật chúng ta không phải là hai vị đạo-sĩ như con tưởng, mà là Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng cha của con đây.

Đức-vua và cha sẽ làm lễ đăng quang cho con lên ngôi vua, trị vì đất nước Kāsi này.

Nghe phụ thân của mình bảo như vậy, công-tử Assapāla thưa rằng:

- Kính thưa phụ thân, khi ba huynh của con đang hiện hữu, sao có thể làm lễ đăng quang cho con lên ngôi vua được!

Quan thừa-tướng phụ thân của công-tử Assapāla cho biết rằng:

- Này Ajapāla con yêu quý! Huynh trưởng Hatthipāla, huynh Assapāla và huynh Gopāla của con không chịu lên ngôi làm vua, đã xin phép cha rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ. Hiện nay đang ở tại bờ sông Gaṅgā.

Nghe phụ thân cho biết như vậy, công-tử Ajapāla vô cùng hoan hỷ thưa rằng:

- Kính thưa phụ thân, một khi ba người anh của con không chịu lên ngôi làm vua, như nhổ bãi nước miếng, rồi bỏ đi, chẳng lẽ con quỳ gối liếm lại bãi nước miếng của ba người anh của con được hay sao!

- Kính thưa phụ thân, chắc chắn con cũng chỉ đi xuất gia theo ba người anh của con mà thôi.

Nghe công-tử Ajapāla dõng dạc thưa như vậy, Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng vô cùng thất vọng, chỉ còn cách khẩn khoản tha thiết công-tử Ajapāla rằng:

- Này Ajapāla con yêu quý! Con còn trẻ quá! Đức-vua và cha mẹ còn có bổn phận nuôi dưỡng.

Bây giờ con nên lên ngôi làm vua, trị vì đất nước Kāsi này. Đến lúc tuổi già con mới nên xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Nghe phụ thân khuyên dạy như vậy, công-tử Ajapāla thưa rằng:

-Kính thưa phụ thân, thông thường, tất cả chúng-sinh, có số người chết lúc còn trẻ, có số người chết lúc tuổi già, có phải vậy không?

Không có báo hiệu nào để phân biệt chúng-sinh nào chết lúc còn trẻ, hoặc chúng-sinh nào chết lúc tuổi già.

Riêng phận con, con hoàn toàn không biết chết lúc nào. Vì vậy, tốt nhất con nên xuất gia ngay từ bây giờ.

Công-tử Ajapāla tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương và kính thưa phụ thân, kẻ tiện dân thấy một cô gái xinh đẹp dễ thương, cô gái ấy chết trong thời còn trẻ, chưa kịp hưởng sự an-lạc trong đời; và thấy một cậu trai trẻ có thân hình khỏe mạnh, có trí-tuệ sáng suốt, thế mà cậu trai trẻ ấy cũng không thóat khỏi tử thần.

- Muôn tâu Đại-vương, kẻ tiện dân sẽ lánh xa ngũ-dục, từ bỏ tư dinh này, đi ra khỏi kinh-thành Bārāṇasī, để đi xuất gia theo ba người anh của tiện dân.

Kính xin Đức-vua và phụ thân có tâm đại-bi tế độ, cho phép kẻ tiện dân này được đi xuất gia.

Sau khi tâu như vậy, công-tử Gopāla cầu nguyện Đức-vua và phụ thân rằng:

-Muôn tâu Đại-vương và phụ thân kính yêu, con xin cầu nguyện Đại-vương và phụ thân thân tâm thường được an-lạc.

Sự già, sự bệnh, sự chết đang đuổi theo con, con xin phép đi xuất gia.

Công-Tử Ajapāla Xin Đi Xuất Gia

Công-tử Ajapāla đảnh lễ Đức-vua và phụ thân, rồi xin phép rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, dẫn theo đoàn tùy tùng thuộc hạ cùng dân chúng theo sau dài một do-tuần, đi tìm ba người anh của mình tại bờ sông Gaṅgā.

Nhìn thấy em thứ tư, công-tử Ajapāla cùng với đoàn tuỳ tùng đông đảo đến, huynh trưởng Hatthipāla ngồi trên hư không thuyết pháp giảng dạy công-tử Ajapāla cùng đoàn tùy tùng, rồi khuyên rằng:

-Này Ajapāla em yêu quý! Đoàn người này chắc chắn sẽ càng đông thêm nữa.

Vậy, chúng ta nên chờ đợi tại nơi này.

Nghe huynh trưởng Hatthipāla dạy bảo như vậy, công-tử Ajapāla vâng lời ở lại chờ đợi.

Quan Thừa-Tướng

Ngày hôm sau, Quan thừa-tướng ngồi trên ngai một mình nghĩ rằng:

“Bốn đứa con trai của ta đã bỏ ta đi xuất gia trở thành đạo-sĩ cả rồi, chỉ còn lại một mình ta mà thôi. Bây giờ, ta như gốc cây khô trụi cành trụi lá.

Vậy, ta cũng nên xuất gia trở thành đạo-sĩ theo 4 đứa con yêu quý của ta.”

Nghĩ vậy, nên cho người truyền gọi phu-nhân Vāseṭṭhī đến, Quan thừa-tướng bảo rằng:

- Này phu-nhân Vāseṭṭhī! Người đời gọi là ‘cây’ bởi vì có cành có lá, khi cây ấy đã trụi cành, trụi lá hết, thì gọi là ‘gốc cây khô’.

- Này phu-nhân Vāseṭṭhī! Bốn đứa con yêu quý đã bỏ chúng ta đi xuất gia trở thành đạo-sĩ cả rồi. Bây giờ, tôi xin trao tất cả của cải tài sản lớn này lại cho phu-nhân, tôi cũng từ bỏ dinh thự này, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ theo bốn đứa con của tôi.

Sau khi truyền bảo phu-nhân Vāseṭṭhī của mình như vậy, Quan thừa-tướng liền cho truyền gọi 16.000 Bà-la-môn đến hội họp.

Quan thừa-tướng bảo các vị Bà-la-môn ấy rằng:

- Này quý vị Bà-la-môn! Tôi sẽ từ bỏ dinh thự này, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ theo bốn đứa con của tôi.

Còn quý vị nghĩ thế nào?

Các vị Bà-la-môn ấy đều thưa rằng:

- Kính thưa Quan thừa-tướng, tất cả chúng tôi cũng xin đi theo Quan thừa-tướng, để xuất gia trở thành đạo-sĩ theo bốn đứa con của Ngài.

Quan Thừa-Tướng Đi Xuất-Gia

Quan thừa-tướng trao tất cả của cải tài sản gồm có khoảng 180 triệu đồng (tiền Ấn xưa), cho phu-nhân Vāseṭṭhī của mình, rời khỏi dinh thự, dẫn nhóm 16.000 Bà-la-môn ra khỏi kinh-thành Bārāṇasī, tìm đến bốn đứa con yêu quý tại bờ sông Gaṅgā.

Nhìn thấy Quan thừa-tướng, phụ thân của mình từ xa đi đến, dẫn theo đoàn tùy tùng thuộc hạ đông đảo, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla ngồi trên hư không thuyết pháp tế độ phụ thân cùng nhóm tùy tùng ấy.

Phu-Nhân Vāseṭṭhī

Sau khi Quan thừa-tướng dẫn nhóm 16.000 Bà-la-môn đi xuất-gia, bà Vāseṭṭhī phu-nhân của Quan thừa-tướng nghĩ rằng:

“Bốn đứa con của ta không màng ngôi vua, đã đi xuất gia trở thành đạo-sĩ rồi, Đức phu-quân của ta từ bỏ của cải tài sản đến khoảng 180 triệu và bỏ chức Quan thừa-tướng cao nhất trong triều, dẫn nhóm tuỳ tùng thuộc hạ 16.000 Bà-la-môn đi xuất gia rồi, chỉ còn lại một mình ta mà thôi.

Vậy, ta cũng nên từ bỏ tất cả, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ theo bốn đứa con yêu quý của ta.”

Nghĩ như vậy, bà Vāseṭṭhī cho gọi các phu-nhân của 16.000 vị Bà-la-môn đến, rồi thông báo rằng:

- Này tất cả quý phu-nhân! Quan thừa-tướng phu-quân của ta đã dẫn 16.000 vị Bà-la-môn phu-quân của quý bà, đã đi xuất gia trở thành đạo-sĩ theo bốn đứa con của ta rồi.

Vậy, quý bà nghĩ thế nào?

Các bà phu-nhân thưa rằng:

- Kính thưa Lệnh bà, Lệnh bà nghĩ thế nào?

Bà Vāseṭṭhī phu-nhân của Quan thừa-tướng bảo rằng:

- Này tất cả quý phu-nhân! Ta quyết định từ bỏ dinh thự này và tất cả của cải tài sản lớn này, rồi ta đi xuất gia trở thành nữ đạo-sĩ theo bốn đứa con của ta.

Còn các bà nghĩ thế nào?

Các bà phu-nhân đồng thưa rằng:

- Kính thưa Lệnh bà, tất cả chúng tôi đều xin đi theo Lệnh bà, để xuất gia trở thành nữ đạo-sĩ theo bốn công-tử của Lệnh bà.

Phu-Nhân Vāseṭṭhī Đi Xuất Gia

Sau đó, bà Vāseṭṭhī phu-nhân của Quan thừa-tướng từ bỏ tất cả, dẫn nhóm 16.000 phu-nhân của vị Bà-la-môn cùng các con của họ, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi tìm đến bốn công-tử tại bờ sông Gaṅgā.

Nhìn thấy mẫu thân của mình dẫn đoàn người đông đảo từ xa đến, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla ngồi trên hư không thuyết pháp tế độ mẫu thân cùng đoàn tùy tùng đông đảo ấy.

Đức-Vua Esukārī

Ngày hôm ấy, không thấy Quan thừa-tướng đến chầu như thường ngày, Đức-vua Esukārī truyền hỏi rằng:

- Này các khanh! Quan thừa-tướng thế nào mà không đến chầu hôm nay?

- Muôn tâu Bệ-hạ, Quan thừa-tướng và bà Vāseṭṭhī phu-nhân của Quan thừa-tướng từ bỏ dinh thự và tất cả của cải tài sản lớn ấy, rồi dẫn đoàn tuỳ tùng đông đảo rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi xuất gia theo bốn công-tử tại bờ sông Gaṅgā rồi. Tâu Bệ-hạ.

Nghe tâu như vậy, Đức-vua Esukārī nghĩ rằng:

“Của cải tài sản nào không có chủ, của cải tài sản ấy thuộc về của Đức-vua.”

Nghĩ vậy, nên Đức-vua Esukārī truyền lệnh lính trong triều đến dinh thự Quan thừa-tướng chở tất cả của cải tài sản của Quan thừa-tướng đem về nộp vào kho triều đình.

Chánh-Cung Hoàng-Hậu

Nhìn thấy lính chở của cải nhiều đem về nộp vào kho như vậy, nên Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Esukārī truyền hỏi các lính ấy rằng:

- Này các khanh! Của cải tài sản của ai mà các ngươi chở nhiều quá vậy?

- Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, Đức-vua truyền lệnh chở tất cả của cải tài sản của Quan thừa-tướng đem về nộp vào kho triều đình.

- Này các khanh! Quan thừa-tướng ở đâu? Dinh thự Quan thừa-tướng không còn ai hay sao?

- Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, Quan thừa-tướng và bà Vāseṭṭhī phu-nhân của Quan thừa-tướng đã từ bỏ dinh thự, từ bỏ tất cả của cải tài sản lớn, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, mỗi vị dẫn theo đoàn tùy tùng đông đảo đi xuất gia trở thành đạo-sĩ theo bốn công-tử của họ rồi, nên trong dinh thự không còn người nào cả.”

Nghe người lính tâu như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu suy nghĩ rằng:

“Đức-vua Esukārī, Đức phu-quân của ta truyền lệnh cho lính triều đình khuân tất cả của cải tài sản lớn mà Quan thừa-tướng, phu-nhân Vāseṭṭhī và bốn công-tử của Quan thừa-tướng đã từ bỏ, như nhổ bãi nước miếng, rồi bỏ đi, Đức-vua lại truyền lệnh cho những người lính khuân tất cả của cải tài-sản ấy về nộp vào kho triều đình.

Vậy, ta nên thức tỉnh Đức-vua bằng một thí dụ.”

Suy nghĩ như vậy xong, Chánh-cung Hoàng-hậu truyền lệnh cho người lính mua thịt bò ngon đem về gom một đống thịt phía trước sân cung điện, rồi giăng lưới bẫy sẵn, chờ bầy chim kên kên thấy thịt từ xa bay đến ăn thịt bò ngon.

Những con chim kên kên ăn thịt bò ngon no quá, thân mình nặng nề không thể bay lên được. Con chim kên kên nào khôn, mửa bớt thịt ra, làm cho thân mình nhẹ bớt, nên bay trở về tổ được.

Còn con chim kên kên nào ham ăn thịt bò ngon no quá, thân hình nặng nề không thể bay lên được, chúng đều bị mắc lưới bẫy.

Chánh-cung Hoàng-hậu truyền lệnh cho người lính bắt một con kên kên đem đến cho bà. Chánh-cung Hoàng-hậu đem con chim kên kên ấy đến chầu Đức-vua Esukārī, tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, kính thỉnh Hoàng-thượng ngự đến đứng chỗ cửa sổ nhìn xuống trước sân, thấy bầy chim kên kên nằm trong bẫy lưới. Rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, nếu những con chim kên kên nào ăn thịt bò ngon quá no, rồi biết mửa ra bớt, thân nhẹ bớt, thì những con chim kên kên ấy bay lên trở về tổ của mình được.

Nếu những con chim kên kên nào ăn thịt bò ngon quá no, không chịu mửa ra được, thân nặng nề, thì những con chim kên kên ấy không thể bay lên được, nên chúng đều bị sa vào bẫy lưới của thần-thiếp.

- Muôn tâu Hoàng-thượng, Quan thừa-tướng, phu-nhân Vāseṭṭhī và bốn công-tử của Quan thừa-tướng đã từ bỏ tất cả của cải tài sản, như nhổ bỏ các ngũ-dục sình lầy, rồi đi xuất gia trở thành đạo-sĩ. Còn Hoàng-thượng lại truyền lệnh cho lính khuân tất cả của cải tài sản ấy đem về nộp vào kho triều đình, để sử dụng lại.

- Muôn tâu Hoàng-thượng, người nào sử dụng những gì mà người khác nhổ bỏ rồi, chư bậc thiện-trí không tán dương ca tụng người ấy.

Nghe lời tâu của Chánh-cung Hoàng-hậu, Đức-vua Esukārī liền thức tỉnh, phát sinh đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, nhàm chán ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục), cảm thấy tam-giới này như ba hầm lửa đang cháy ngùn ngụt, phát sinh động tâm, nên nghĩ rằng:

“Ta nên từ bỏ ngai vàng điện ngọc, rồi ta cũng nên đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, ngay hôm nay mà thôi.”

Khi ấy, Đức-vua Esukārī tán dương ca tụng Chánh-cung Hoàng-hậu rằng:

-Này Ái-khanh! Như người đàn ông lực lưỡng có sức mạnh giúp nắm tay người yếu đuối bị chìm trong vũng sình lầy, đưa lên bờ được an toàn như thế nào. Cũng như ái-khanh cứu vớt Trẫm thóat ra khỏi vũng sình lầy ngũ-dục bằng lời lẽ chân lý đúng đắn như thế ấy.

Đức-Vua Esukārī Đi Xuất Gia

Sau khi tán dương ca tụng Chánh-cung Hoàng-hậu như vậy, Đức-vua Esukārī truyền lệnh các quan hội triều. Khi các quan văn võ tề tựu đông đủ, Đức-vua Esukārī truyền bảo rằng:

- Này các khanh! Trẫm từ bỏ ngai vàng, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ theo công-tử Hatthipāla, ngay hôm nay.

Còn các khanh nghĩ thế nào?

Nghe Đức-vua Esukārī truyền bảo như vậy, các quan văn võ đều tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, chúng thần cũng xin theo Bệ-hạ, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Như vậy, Đức-vua Esukārī từ bỏ ngai vàng, từ bỏ kinh-thành Bārāṇasī rộng lớn, dẫn nhóm quan và đoàn tùy tùng dài khoảng ba do-tuần, ngự đi xuất-gia, tìm đến nơi Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla tại bờ sông Gaṅgā.

Nhìn thấy Đức-vua Esukārī cùng đoàn tuỳ tùng đông đảo từ xa đến, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla ngồi trên hư không thuyết pháp tế độ Đức-vua Esukārī cùng đoàn tuỳ tùng ấy.

Chánh-Cung Hoàng-Hậu Pañcālī

Sau khi nghe tin Đức-vua Esukārī cùng các quan trong triều đã rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ rồi. Ngày hôm sau, dân chúng còn lại trong kinh-thành Bārāṇasī, kéo nhau tụ hội tại trước cung điện, đảnh lễ Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī, tâu rằng:

-Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī, Đức-vua Esukārī cao cả trong đất nước Kāsi đã từ bỏ ngai vàng, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, ngự đi xuất gia trở thành đạo-sĩ rồi.

Chúng thần dân thiên hạ kính thỉnh Chánh-cung Hoàng-hậu lên ngôi vua, trị vì đất nước Kāsi này, làm nơi nương nhờ của chúng thần dân thiên hạ trong đất nước Kāsi này.

Toàn thể chúng thần dân thiên hạ đều một lòng trung thành phục vụ Chánh-cung Hoàng-hậu.

Kính xin Lệnh bà ban lời giáo huấn đến thần dân thiên hạ.

Nghe lời tâu của thần dân thiên hạ, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī truyền bảo rằng:

- Này toàn thể dân chúng! Đức-vua Esukārī cao cả đã từ bỏ đất nước Kāsi này, đã xuất gia trở thành đạo-sĩ rồi. Ta cũng sẽ từ bỏ ngũ-dục ràng buộc trong đời, mà đi xuất gia trở thành đạo-sĩ thực-hành phạm hạnh cao thượng.

- Này toàn thể dân chúng! Đức-vua Esukārī cao cả đã từ bỏ đất nước Kāsi này, đã xuất gia trở thành đạo-sĩ rồi. Ta cũng sẽ từ bỏ ngũ-dục như sình lầy mà ta sở hữu trong đời, mà đi xuất gia trở thành đạo-sĩ thực-hành phạm hạnh cao thượng.

- Này toàn thể dân chúng! Thời gian ban ngày đã trôi qua, ban đêm cũng trôi qua, tuổi thọ giảm dần, tiếp theo tuần tự trải qua ba thời: ấu niên, trung niên, lão niên. Cho nên, ta sẽ từ bỏ ngũ-dục ràng buộc trong đời, mà đi xuất gia trở thành đạo-sĩ thực-hành phạm hạnh cao thượng.

- Này toàn thể dân chúng! Thời gian ban ngày đã trôi qua, ban đêm cũng trôi qua, tuổi thọ giảm dần, tiếp theo tuần tự trải qua ba thời: ấu niên, trung niên, lão niên. Cho nên, ta sẽ từ bỏ ngũ-dục như sình lầy trong đời, mà đi xuất gia trở thành đạo-sĩ thực-hành phạm hạnh cao thượng

- Này toàn thể dân chúng! Thời gian ban ngày đã trôi qua, ban đêm cũng trôi qua, tuổi thọ giảm dần, tiếp theo tuần tự trải qua ba thời: ấu niên, trung niên, lão niên. Cho nên, ta sẽ xuất gia trở thành đạo-sĩ để thực-hành phạm-hạnh cao-thượng, diệt mọi phiền-não, mọi tham-ái nóng nảy trong đời, để cho tâm trong sạch thanh-tịnh.

Sau khi truyền dạy năm câu kệ xong, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī truyền gọi những phu-nhân của những vị quan trong triều đến chầu, truyền bảo rằng:

- Này tất cả quý phu-nhân! Đức-vua Esukārī đã từ bỏ ngai vàng, từ bỏ đất nước Kāsi rộng lớn, dẫn nhóm quan trong triều cùng đoàn tuỳ tùng đông đảo, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī này, ngự đi xuất gia trở thành đạo-sĩ theo công-tử Hatthipāla, tại bờ sông Gaṅgā. Vậy, tất cả quý bà nghĩ thế nào?

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī truyền hỏi như vậy, quý bà phu-nhân của các vị quan đều tâu rằng:

- Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī, Lệnh bà nghĩ thế nào?

- Này tất cả quý phu-nhân! Ta cũng từ bỏ tất cả, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī này, rồi ngự đi xuất gia trở thành nữ đạo-sĩ theo công-tử Hatthipāla, tại bờ sông Gaṅgā.

- Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī, kính xin Lệnh bà cho phép tất cả chúng tôi cùng đi theo xuất gia trở thành nữ đạo-sĩ theo công-tử Hatthipāla, tại bờ sông Gaṅgā.

Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī vô cùng hoan hỷ truyền bảo rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Quý phu-nhân.”

Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī truyền lệnh cho lính trong triều mở các kho vàng, kho ngọc, v.v… và vẽ bản đồ chỉ rõ các hầm kho báu lớn chôn dưới đất, rồi ghi dòng chữ trên bảng treo lên cho mọi người biết rằng:

“Những thứ của cải này đã được vua ban cho rồi, nếu ai cần lấy những vật gì thì được phép lấy những vật ấy như ý.”

Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī truyền lệnh cho những người lính đánh kiểng thông báo cho toàn thể dân chúng trong kinh-thành và dân chúng trong đất nước Kāsi đều biết như vậy.

Nghe tin Đức-vua Esukārī từ bỏ ngai vàng, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī ngự đi xuất gia trở thành đạo-sĩ rồi. Nay, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī cũng sẽ rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, ngự đi xuất gia trở thành nữ đạo-sĩ nữa, làm cho toàn thể dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī xao động trong lòng. Cho nên, toàn thể dân chúng trong kinh-thành xôn xao bàn luận với nhau, rồi cuối cùng quyết định từ bỏ nhà cửa, của cải tài sản, mọi người đều lũ lượt dẫn con cháu xin đi theo Chánh-cung Hoàng-hậu cùng xuất gia trở thành đạo-sĩ theo công-tử Hatthipāla, tại bờ sông Gaṅgā.

Kinh-thành Bārāṇasī trở nên vắng người qua lại.

Chánh-Cung Hoàng-Hậu Pañcālī Đi Xuất Gia

Cuối cùng, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī dẫn đầu đoàn người đông đảo dài ba do-tuần, ngự đi ra khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi xuất gia theo công-tử Hatthipāla tại bờ sông Gaṅgā.

Nhìn thấy Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī dẫn đầu đoàn người đông đảo từ xa ngự đến, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla ngồi trên hư không thuyết pháp tế độ Chánh-cung Hoàng-hậu cũng đoàn tuỳ tùng đông đảo ấy.

Đức-Bồ-Tát Hatthipāla Đi Vào Rừng Núi Himavanta

Khi ấy, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla dẫn đầu đoàn tuỳ tùng dài độ 12 do-tuần đi vào rừng núi Himavanta. Dân chúng đất nước Kāsi nghe tin rằng:

Công-tử Hatthipāla dẫn đầu đoàn người đông đảo dài 12 do-tuần đi vào rừng núi Himavanta, để xuất gia trở thành đạo-sĩ, làm cho kinh-thành Bārāṇasī vắng người qua lại.

Vậy, chúng ta ở lại nơi đây có ích lợi gì!

Cho nên, các đoàn người lũ lượt kéo nhau đi theo vào rừng núi Himavanta, để xin xuất gia trở thành đạo-sĩ với Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla đông đảo đến 30 do-tuần. Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla dẫn đoàn tùy tùng chưa đến rừng núi Himavanta.

Khi ấy, trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên Đức-vua-trời Sakka suy xét rằng:

“Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla dẫn đầu đoàn tùy tùng đông đảo đi vào rừng núi Himavanta, để xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Vậy, ta nên có bổn phận chuẩn bị chỗ ở, các thứ vật dụng cần thiết đủ để cho mọi người xuất gia trở thành đạo-sĩ, và mọi thứ tiện nghi trong đời sống hằng ngày của các đạo-sĩ.

Cho nên, Đức-vua-trời Sakka truyền gọi vị thiên nam Vissakamma đến, rồi truyền bảo rằng:

-Này Vissakamma! Ngươi nên hiện xuống cõi người, tại rừng núi Himavanta, hóa ra các cốc lá, những thứ vật dụng cần thiết để cho mọi người xuất gia trở thành đạo-sĩ, và mọi thứ tiện nghi trong đời sống hằng ngày của các đạo-sĩ, chiều dài 36 do-tuần, chiều ngang 15 do-tuần.

Tuân theo lệnh của Đức-vua-trời Sakka, vị thiên nam Vissakamma hiện xuống cõi người, làm con đường dẫn đến rừng núi Himavanta chỗ thuận lợi, gần bến bờ sông Gaṅgā, hóa ra các cốc lá, những thứ vật dụng cần thiết đầy đủ để cho mọi người xuất gia trở thành đạo-sĩ, và mọi thứ tiện nghi cần thiết trong đời sống hằng ngày của toàn thể đạo-sĩ, như đường kinh hành, chỗ nghỉ buổi trưa, hồ nước lớn, những cây ăn quả nhiều loại có quả quanh năm suốt tháng, đầy đủ cho tất cả mọi đạo-sĩ, chiều dài khoảng 36 do-tuần, chiều ngang khoảng 15 do-tuần, do oai lực của vị thiên nam Vissakamma.

Sau khi hóa xong, vị thiên nam Vissakamma ghi dòng chữ rằng:

“Ye keci pabbajitukāmā ime parikkhāre gaṇhantu.”

“Những vị nào có ý định xuất gia trở thành đạo-sĩ, kính xin quý Ngài được phép sử dụng những thứ vật dụng cần thiết này.”

Vị thiên nam Vissakamma dùng oai lực của mình đuổi các con thú dữ và các loài chim có tiếng kêu đáng kinh sợ ra xa khỏi phạm vi sinh sống, sinh hoạt hằng ngày của toàn thể quý vị đạo-sĩ, rồi mới trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Đức-Bồ-Tát Hatthipāla Xuất-Gia Trở Thành Đạo-Sĩ

Khi Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla dẫn đầu đoàn tùy tùng đến bìa rừng theo con đường dẫn đến vùng mà vị thiên nam Vissakamma hóa ra dành cho Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla cùng đoàn tùy tùng đông đảo của Đức-Bồ-tát.

Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla biết rõ Đức-vua-trời Sakka đã truyền lệnh cho chư-thiên hóa ra đầy đủ mọi thứ sẵn sàng dành cho mình và đoàn tùy tùng đông đảo của mình, để xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Thật vậy, nhìn thấy tấm bản có ghi dòng chữ:

“Ye keci pabbajitukāmā ime parikkhāre gaṇhantu.”

Mở cửa bước vào cốc lá, nhìn thấy bộ y phục của đạo-sĩ, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla thay bộ y phục công-tử bằng bộ y phục đạo-sĩ, tự nguyện xuất gia trở thành đạo-sĩ, rồi bước ra ngoài đi kinh hành quanh cốc đôi ba vòng, cảm thấy thật là hạnh phúc an-lạc!

Sau đó, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla cho phép tất cả mọi người đều xuất gia trở thành đạo-sĩ cả thảy.

Xem xét toàn vùng, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ sắp đặt những vị nữ đạo-sĩ có con nhỏ ở giữa, vòng tiếp theo dành cho những vị đạo-sĩ già lớn tuổi, vòng tiếp theo dành cho những đạo-sĩ trung niên và vòng ngoài cùng dành cho những nam đạo-sĩ trẻ khoẻ mạnh.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla ngồi trên hư không thuyết pháp giảng dạy toàn thể đạo-sĩ, dạy pháp-hành thiền-định đề-mục “Tứ vô-lượng-tâm” Đó là:

* Niệm rải tâm-từ đến tất cả chúng-sinh vô lượng.

* Niệm rải tâm-bi đến tất cả chúng-sinh vô lượng.

* Niệm rải tâm-hỷ đến tất cả chúng-sinh vô lượng.

* Niệm rải tâm-xả đến mỗi chúng-sinh vô lượng.

Trong ba đề-mục vô-lượng-tâm: niệm rải tâm-từ, niệm rải tâm-bi, niệm rải tâm-hỷ, hành-giả chọn một trong 3 đề mục thực-hành pháp-hành thiền-định trước.

Sau khi hành-giả chứng đắc đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm xong, mới chuyển đổi sang thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục niệm rải tâm-xả sau cùng.

Một Đức-vua của nước khác nghe tin rằng:

Trong kinh-thành Bārāṇasī, Đức-vua Esukārī và Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī từ bỏ ngai vàng, dẫn tất cả các quan trong triều, các phu-nhân của các quan cùng dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī đông đảo ngự đi theo công-tử Hatthipāla vào rừng núi Himavanta, để xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Nghe tin như vậy, muốn biết hư thực thế nào, nên Đức-vua dẫn đầu đội quân ngự đến kinh-thành Bārāṇasī.

Khi đến nơi, thấy cửa thành mở rộng, Đức-vua ngự đi vào bên trong kinh-thành vắng người, không thấy một bóng người qua lại, các dinh thự đều mở cửa, của cải ngổn ngang, ngự đến cung điện của Đức-vua Esukārī vắng người, các cửa cung điện đều mở, các kho báu đều mở cửa bỏ trống, nên Đức-vua nghĩ rằng:

“Đức-vua Esukārī, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī, toàn thể các quan, dân chúng trong kinh-thành đều từ bỏ các của cải quý báu mà họ đã dành dụm tích lũy trải qua các đời vua, các đời cha ông tổ tiên, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Như vậy, bậc xuất-gia đạo-sĩ ắt hẳn là cao quý hơn của cải quý báu ấy.

Nghĩ như vậy, Đức-vua ngự ra khỏi cung điện, tìm người hỏi thăm đường đi đến chỗ ở công-tử Hatthipāla, gặp mấy người uống rượu tại một nơi, họ chỉ con đường đi theo công-tử Hatthipāla. Đức-vua ngự cùng với đội quân theo con đường đi đến chỗ ở công-tử Hatthipāla, vừa đến bìa rừng.

Biết Đức-vua tìm đến, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla hiện ra bìa rừng đón rước Đức-vua, ngồi trên hư không thuyết pháp tế độ Đức-vua cùng đội quân, rồi dẫn vào chỗ ở bên trong.

Đức-vua cùng đội quân xin phép xuất gia trở thành đạo-sĩ. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla cho phép xuất gia trở thành đạo-sĩ theo ý nguyện.

Về sau, có năm Đức-vua của đất nước khác cùng đội quân cũng tìm đến xin phép xuất gia trở thành đạo-sĩ, như Đức-vua trước.

Như vậy, có bảy Đức-vua từ bỏ ngai vàng ngự đi cùng với các quan và toàn thể dân chúng rộng lớn gồm có 36 do-tuần, theo xuất gia trở thành đạo-sĩ theo Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla ngồi trên hư không thuyết pháp tế độ tất cả mọi đạo-sĩ, truyền dạy pháp-hành thiền-định đề-mục tứ vô-lượng-tâm và đề-mục kasiṇa.

Tất cả mọi vị đạo-sĩ thực-hành pháp-hành thiền-định phần đông dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và các phép-thần-thông.

Trong tất cả mọi đạo-sĩ ấy có hai phần ba (2/3) đạo-sĩ chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi những đạo-sĩ ấy chết, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên nào, tùy theo sắc-giới quả-tâm của bậc thiền sắc-giới thiện-tâm ấy của đạo-sĩ.

Còn lại một phần ba đạo-sĩ không chứng đắc bậc thiền nào, tâm vẫn còn thuộc về dục-giới thiện-nghiệp.

Sau khi những đạo-sĩ ấy chết, dục-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên sáu cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy.

Một số đạo-sĩ khác, sau khi chết, dục-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong ba hạng người: Đức-vua hoặc Bà-la-môn hoặc hạng trưởng giả giàu sang phú quý trong đời, không có một ai bị tái-sinh trong bốn cõi ác giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ quỷ, súc-sinh.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy câu kệ rằng:

“Abhitthretha kalyāṇe, pāpā cittaṃ nivāraye[4]. Dandhañhi karato puññaṃ, pāpasmiṃ ramate mano.”

- Này chư tỳ-khưu! Các con nên mau lẹ tạo thiện-nghiệp, để ngăn tâm ác.

Thật vậy, người chậm chạp tạo thiện-nghiệp, thì tâm hay ưa thích trong ác-nghiệp.

Sau khi thuyết xong tích Hatthipālajātaka, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Trong những tiền-kiếp của Như-Lai từ bỏ tất cả đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, nhiều người khác cũng noi gương từ bỏ tất cả đi theo tiền-kiếp Như-Lai xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Tích Hatthipālajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Tích Hatthipālajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm công-tử Hatthipāla trong thời quá khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Hatthipālajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

- Đức-vua Esukārī, nay kiếp hiện-tại là Đức Phụ-vương Suddhodana.

- Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī, nay kiếp hiện-tại là Mẫu-hậu Mahāmāyādevī.

- Quan thừa-tướng, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa.

- Phu-nhân Vāseṭṭhī của Quan thừa-tướng, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Bhaddakāpilānī.

- Công-tử Assapāla, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

- Công-tử Gopāla, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

- Công-tử Ajapāla, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha.

- Các vị đạo-sĩ khác, nay kiếp hiện-tại là tứ chúng: tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ.

- Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc trung. Ngoài ra, còn có pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla từ bỏ của cải, ... đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla giữ-giới trong sạch, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla có trí-tuệ suy xét đúng đắn, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla có đức nhẫn-nại, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla phát-nguyện bằng lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla nói lời phát-nguyện, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla có tâm-từ đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla có tâm-xả đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là chín pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu cùng một lúc với pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc trung này.

Nhận Xét Về Đức-Bồ-Tát Đạo-Sĩ Hatthipāla

Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc trung là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật đó là đại-thiện-tâm trong sạch nhàm chán ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục) ràng buộc trong đời.

Tích Hatthipālajātaka này, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, sinh làm công-tử của Quan thừa-tướng trong triều đình của Đức-vua Esukārī trong kinh-thành Bārāṇasī, đất nước Kāsi.

Tiền-kiếp Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla là vị thiên-nam tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Khi gần hết tuổi thọ, Đức-vua-trời Sakka ngự đến mời vị thiên-nam ấy tái-sinh xuống làm người, đầu thai vào lòng phu-nhân Vāseṭṭhī của Quan thừa-tướng, cùng với ba vị thiên-nam bạn với điều kiện khi trưởng thành sẽ từ bỏ nhà, đi vào rừng núi Himavanta, xuất gia trở thành đạo-sĩ lúc còn trẻ mà thôi.

Được biết rõ điều này, nên Quan thừa-tướng sẽ tìm cách ngăn cản bốn công-tử của mình không nghĩ đến việc xuất-gia, để công-tử trưởng lên ngôi vua, trị vì đất nước Kāsi.

Khi công-tử đầu lòng sinh ra đời, Quan thừa-tướng đặt tên Hatthipālakumāra: Công-tử giữ voi, rồi giao cho người giữ voi nuôi dưỡng.

Tuần tự ba công-tử sinh ra đời: Công-tử thứ nhì được đặt tên là Assapālakumāra: Công-tử giữ ngựa, rồi giao cho người giữ ngựa nuôi dưỡng. Công-tử thứ ba được đặt tên là Gopālakumāra: Công-tử giữ bò, rồi giao cho người giữ bò nuôi dưỡng. Công-tử thứ tư được đặt tên là Ajapālakumāra: Công-tử giữ dê, rồi giao cho người giữ dê nuôi dưỡng.

Bốn công-tử của Quan thừa-tướng từ nhỏ đến trưởng thành gần gũi thân cận với người ác, nên trở thành 4 người ác có tính khí ngang tàng ngỗ nghịch quậy phá làm khổ nhiều người.

Thấy bốn công-tử của mình như vậy, nên Quan thừa-tướng dẫn về dinh thự của mình, bốn công-tử biết nhau là bốn huynh đệ. Mỗi công-tử ở mỗi tư dinh riêng biệt có nhóm tuỳ tùng thuộc hạ của mình.

Khi công-tử trưởng Hatthipāla lên 16 tuổi, Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng bàn tính làm lễ đăng quang cho công-tử trưởng Hatthipāla lên ngôi vua, trị vì đất nước Kāsi này, nhưng xét thấy công-tử trưởng Hatthipāla có tính khí ngang tàng ngỗ nghịch là người ác như vậy.

Nếu khi công-tử trưởng Hatthipāla lên ngôi làm vua thì chắc chắn chỉ làm cho đất nước Kāsi này sẽ bị diệt vong mà thôi.

Nếu công-tử trưởng Hatthipāla từ bỏ tư dinh, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ thì cũng chỉ quậy phá làm khổ dân chúng mà thôi.

Đức-vua Esukārī bàn tính với Quan thừa-tướng rằng:

“Trẫm và khanh nên giả làm hai vị đạo-sĩ ngự đến thử công-tử trưởng Hatthipāla xem thế nào, rồi sau đó chúng ta sẽ tính việc làm lễ đăng quang cho công-tử trưởng Hatthipāla lên ngôi vua.”

Sau khi bàn tính xong, Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng giả làm hai vị đạo-sĩ ngự đến khất thực trước cổng tư dinh của công-tử trưởng Hatthipāla.

Nhìn thấy hình dạng hai vị đạo-sĩ đứng trước cổng tư dinh của mình, đó là hình ảnh đạo-sĩ chưa từng nhìn thấy bao giờ, nên Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla vô cùng hoan hỷ ra tận cổng, quỳ xuống cung kính đảnh lễ dưới hai bàn chân của hai vị đạo-sĩ, rồi kính thỉnh vào ngồi trên chỗ ngồi cao quý, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthi-pāla ngồi chỗ thấp, cung kính bạch lời khiêm tốn với đại-thiện-tâm tôn kính đối với hai vị đạo-sĩ.

Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng vô cùng ngạc nhiên không ngờ công-tử trưởng Hatthipāla có thể thay đổi tâm tính hiền lương một cách mau lẹ như vậy.

Thật vậy, Đức-Phật thuyết dạy trong bài kinh Maṅgala-sutta về 38 pháp-hạnh phúc an lành, hai pháp đầu tiên là:

“Asevanā ca bālānaṃ, paṇḍitānañca sevanā…”

“Không nên gần gũi thân cận với kẻ ác,

Nên gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, …

Đó là pháp-hạnh phúc an lành cao thượng.”

Bốn công-tử của Quan thừa-tướng khi còn nhỏ hằng ngày gần gũi thân cận với người ác, nên trở thành người ác, bởi vì bị ảnh hưởng người ác, chỉ làm cho tâm tính bị ô nhiễm nhất thời mà thôi.

Nhưng khi nhìn thấy hình tướng đạo-sĩ là bậc thiện-trí thì bốn công-tử của Quan thừa-tướng phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch vô cùng hoan hỷ, cung-kính đảnh lễ hai Ngài đạo-sĩ, nên tâm tính hiền lương một cách mau lẹ, bởi vì tiền-kiếp của bốn công-tử là bốn vị thiên-nam trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, sau khi chuyển kiếp (cuti: chết), đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ làm phận-sự tái-sinh kiếp sau đầu thai vào lòng bà Vāseṭṭhī phu-nhân của Quan thừa-tướng, thuộc về hạng người tam-nhân từ khi đầu thai làm người.

Khi bốn công-tử sinh ra đời, lúc trưởng thành vốn là người có trí-tuệ, nên khi nhìn thấy hai Ngài đạo-sĩ, bốn công tử đều phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch, cung-kính đảnh lễ hai Ngài đạo-sĩ, đồng thời nhớ lại điều kiện trong tiền-kiếp rằng: “Xuất gia trở thành đạo-sĩ lúc còn trẻ.”

Mặc dù, sau khi biết Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng phụ thân của mình, chứ không phải là đạo-sĩ, nhưng hình tướng đạo-sĩ ban đầu có ấn tượng sâu sắc trong tâm. Cho nên, khi Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng phụ thân muốn làm lễ đăng quang cho công-tử trưởng Hatthipāla lên ngôi vua, trị vì đất nước Kāsi, thì Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla một mực từ chối không chịu lên ngôi làm vua, mà chỉ muốn từ bỏ tư dinh, đi vào rừng núi Himavanta, xuất gia trở thành đạo-sĩ mà thôi.

Còn ba công-tử thứ công-tử Assapāla, công-tử Gopāla, công-tử Ajapāla noi theo gương công tử huynh trưởng Hatthipāla cũng từ bỏ tư dinh, đi vào rừng núi Himavanta, để xuất gia trở thành đạo-sĩ theo Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla.

(Xong pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc trung)



[1] Bộ Jātakaṭṭhakathā, phần Pakiṇṇakanipāta, tích Bhisajātaka.

[2] Bộ Jātakaṭṭhakathā, phần Vīsatinipāta, tích Hatthipālajātaka.

[3] Lục-môn: nhãn-môn, nhĩ-môn, tỷ-môn, thiệt-môn,thân-môn, ý-môn.

[4] Bộ Jātakaṭṭhakathā, phần Vīsatinipāta, tích Hatthipālajātakavaṇṇanā.


Mục lục quyển 6 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07


Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10


[Đầu trang][Mục lục tổng quát]