NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)

QUYỂN VI

PHÁP-HẠNH BA-LA-MẬT 1
(PĀRAMĪ)


2 -Pháp-Hạnh Giữ-Giới Ba-La-Mật (Sīlapāramī)

Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật có 3 bậc:

2.1 -Pháp-Hạnh Giữ-Giới Ba-La-Mật Bậc Hạ (Sīlapāramī)

-Tích Bhūridattajātaka (Bhu-ri-dat-tá-cha-tá-ká) Tích Bhūridattajātaka[1], Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của

Đức-Phật Gotama sinh làm kiếp Đức Long-vương Bhūridatta tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc hạ (sīlapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy nhằm vào ngày bát-giới uposatthasīla hằng tháng, dân chúng trong kinh-thành dậy từ sáng sớm, nguyện thọ trì bát-giới uposatha-sīla, dùng bữa ăn sáng xong đem vật thực hoa quả, v.v… đi vào chùa Jetavana để cúng dường Đức-Thế-Tôn và chư tỳ-khưu Tăng.

Sau khi đảnh lễ Đức-Thế-Tôn xong, họ ngồi một nơi hợp lẽ, lắng nghe Đức-Thế-Tôn thuyết pháp.

Hôm ấy là ngày bát-giới uposathasīla, Đức-Thế-Tôn truyền dạy các cận-sự-nam, cận-sự-nữ rằng:

-Này các con! Bây giờ các con nương nhờ nơi Như-Lai chỉ dạy, rồi các con nguyện thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hàng tháng như thế này không phải là điều phi thường.

Trong thời quá khứ, Đức Long-vương tự mình đã rời khỏi cõi long cung, đi tìm nơi yên tĩnh để thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hàng tháng. Đó mới là điều phi thường.

Truyền dạy như vậy xong, Đức-Thế-Tôn làm thinh.

Khi ấy, chư Tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Đức Long-vương tiền bối thiện-trí ấy.

Tích Bhūridattajātaka

Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Bhūridattajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, Đức-vua Brahmadatta ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi, tấn phong Thái-tử làm Đức Phó-vương giúp việc triều chính. Nhưng về sau Đức-vua phát sinh ngờ vực sợ rằng Thái-tử sẽ dùng quyền lực chiếm lấy ngôi vua, cho nên Đức-vua truyền gọi Thái-tử đến mà dạy rằng:

-Này Hoàng-nhi! Con nên rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi đến nơi nào mà con ưa thích, con ở tại nơi ấy cho đến khi nào Phụ-vương băng hà. Khi ấy, con sẽ trở về lên ngôi làm vua nối dõi vua cha.

Vâng lệnh của Đức Phụ-vương, Thái-tử đảnh lễ Đức Phụ-vương, rồi xin phép rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, ngự đến bên bờ sông Yamunā, làm một cốc lá ở khoảng giữa con sông Yamunā và biển Samudda, rồi Thái-tử xuất gia trở thành đạo-sĩ, hằng ngày sống bằng các trái cây rừng và rễ cây.

Khi ấy, một long-nữ góa chồng (chồng chết) nhìn thấy các long-nữ khác chung sống với chồng được hạnh phúc an-lạc. Cảm thấy cô đơn, nên cô rời khỏi cõi long cung đi dạo đến bờ biển Samudda, nhìn thấy dấu chân của Thái-tử đạo-sĩ ngự vào trong rừng tìm các thứ trái cây. Cô đi ngược theo dấu chân đến cốc lá nơi chỗ ở của Thái-tử đạo-sĩ.

Muốn biết vị đạo-sĩ này xuất-gia với đức-tin hay không có đức-tin, nên cô thử để biết.

Nếu vị đạo-sĩ này xuất gia với đức-tin thì sẽ không còn ham muốn trong năm đối-tượng ngũ-dục như sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngọt, xúc êm ái… mà chỉ có đại-thiện-tâm xa lánh năm đối-tượng ngũ-dục ấy. Nhưng nếu vị đạo-sĩ này xuất gia không có đức-tin thì vẫn còn ham muốn năm đối-tượng ngũ-dục ấy. Nếu như vậy thì ta sẽ lấy vị đạo-sĩ này làm chồng. Nghĩ xong, cô long-nữ liền trở về cõi long cung, đem những đoá hoa xinh đẹp, những vật thơm, v.v... từ cõi long cung đến trang hoàng chỗ nằm của vị đạo-sĩ, sau khi trang hoàng xong cô long-nữ trở về cõi long cung chờ đợi.

Buổi chiều, vị Thái-tử đạo-sĩ tìm các thứ trái cây ở rừng núi trở về cốc, nhìn thấy chỗ nằm được trang hoàng những đoá hoa xinh đẹp chưa từng thấy, những vật thơm tho chưa từng ngửi… thật đáng hài lòng, vị Thái-tử đạo-sĩ phát sinh tâm hoan hỷ chưa từng có nghĩ rằng:

“Trong rừng núi vắng vẻ này, ai mà đến trang hoàng chỗ nằm của ta bằng những đoá hoa xinh đẹp, những vật thơm tho như thế này, thật là điều lạ thường quá!”

Sở dĩ vị Thái-tử đạo-sĩ phát sinh tâm hoan hỷ trong đối-tượng ngũ-dục tốt đẹp như thế này, là vì đạo-sĩ không phải xuất gia với đức-tin, xa lánh ngũ-dục, mà chỉ vâng theo lệnh của Đức Phụ-vương mà thôi.

Đêm hôm ấy, Thái-tử đạo-sĩ nằm ngủ trên chỗ nằm được trang hoàng êm ấm, thơm tho ấy, ngủ say cho đến lúc mặt trời mọc.

Khi thức dậy trễ, vị Thái-tử đạo-sĩ không quét dọn xung quanh cốc lá, mà vội vã đi vào rừng tìm các thứ trái cây để dùng.

Theo dõi biết vị đạo-sĩ đã đi vào rừng, cô long-nữ đến cốc lá xem xét thấy những đóa hoa bị vị đạo-sĩ nằm đè lên làm nhàu nát cả, nên cô biết rằng:

“Vị đạo-sĩ này vẫn còn ham muốn ngũ-dục, nên không phải xuất gia với đức-tin. Như vậy, ta có thể lấy vị đạo-sĩ này làm chồng của ta.”

Cô long-nữ đem những đóa hoa cũ ra thay bằng những đóa hoa mới rất xinh đẹp và những vật thơm từ cõi long cung trang hoàng chỗ nằm trong cốc và xung quanh bên ngoài cốc xinh đẹp hơn hôm qua, rồi cô trở về cõi long cung chờ đợi.

Buổi chiều, vị Thái-tử đạo-sĩ từ rừng núi trở về, nhìn thấy cốc lá bên ngoài bên trong trang hoàng đẹp đẽ, phát sinh tâm hài lòng vô cùng hoan hỷ.

Đêm hôm ấy, vị Thái-tử đạo-sĩ cũng nằm ngủ say trên chỗ nằm sang trọng ấy cho đến sáng ngày hôm sau, vị Thái-tử đạo-sĩ nghĩ rằng:

“Hôm nay, ta muốn biết ai đã đến đây trang hoàng như vậy.”

Vị Thái-tử đạo-sĩ giả đi vào rừng như mọi ngày, nhưng đi được một quãng đường, rồi liền quay trở lại ẩn núp một nơi kín đáo không xa cốc lá, có thể nhìn thấy cốc lá được.

Cũng như ngày trước, theo dõi biết vị đạo-sĩ đã đi vào rừng, cô long-nữ đem nhiều đoá hoa xinh đẹp và các thứ vật thơm đi vào trong cốc lá.

Khi ấy, theo dõi nhìn thấy cô gái xinh đẹp mang hoa vào trong cốc, vị Thái-tử đạo-sĩ phát sinh tâm hài lòng hoan hỷ nghĩ rằng:

“Trong rừng sâu vắng vẻ này có cô gái xinh đẹp như thế này.”

Vị Thái-tử đạo-sĩ trở về bước vào cốc, trong khi cô long-nữ đang trang hoàng sửa soạn chỗ nằm. Vị Thái-tử đạo-sĩ lên tiếng hỏi rằng:

- Thưa tiểu thư, tiểu thư là ai? Từ đâu đến đây?

Cô long-nữ cung kính trả lời rằng:

- Kính thưa Ngài đạo-sĩ, tiện nữ là long-nữ (nāga-māṇavikā) từ cõi long cung đến đây.

- Này long-nữ! Cô đã có chồng hay chưa?

- Kính thưa Ngài đạo-sĩ, trước đây tiện nữ đã có chồng, nhưng chồng tiện nữ đã chết, hiện nay tiện nữ là người góa bụa.

- Kính thưa Ngài đạo-sĩ, Ngài từ đâu đến mà ở một mình nơi khu rừng vắng vẻ này?

- Này long-nữ! Ta vốn là Thái-tử Brahmadatta của Đức-vua Bārāṇasī, ta vâng lệnh Đức Phụ-vương của ta đến ở nơi này.

Thật ra, ta xuất-gia trở thành đạo-sĩ không phải với đức-tin, mà ta chỉ ở đây chờ đợi đến khi nào Đức Phụ-vương của ta băng hà. Khi ấy, ta sẽ trở về nối ngôi vua cha mà thôi. Còn long-nữ sao một mình đến nơi này?

- Kính thưa Thái-tử đạo-sĩ, tiện nữ goá bụa nhìn thấy các long-nữ khác có chồng được hạnh phúc an-lạc, nên tiện nữ rời khỏi long cung, đi tìm một người chồng.

Nghe cô long-nữ thưa như vậy, Thái-tử đạo-sĩ truyền bảo rằng:

- Này long-nữ! Ta vốn không phải xuất-gia đạo-sĩ với đức-tin, mà ta chỉ ở đây chờ đợi mà thôi. Vậy, long-nữ có muốn lấy ta làm chồng hay không?

Nghe Thái-tử đạo-sĩ truyền bảo như vậy, cô long-nữ vô cùng sung sướng thưa rằng:

-Kính thưa Thái-tử đạo-sĩ, nếu được Thái-tử đoái thương cuộc đời của tiện nữ thì vinh hạnh cho tiện nữ biết dường nào!

 

Thái-Tử Thành Hôn Với Long-Nữ

Thái-tử Brahmadatta với cô long-nữ ăn ở sống chung với nhau trong tình nghĩa vợ chồng. Cô long-nữ đã hóa ra một lâu đài nguy nga tráng lệ bằng oai lực của mình, đầy đủ tiện nghi có ngai vàng để cho Thái-tử.

Từ đó về sau, Thái-tử không phải đi vào rừng tìm kiếm các loại trái cây để nuôi sống nữa, mà mỗi ngày Thái-tử dùng những vật thực ngon lành từ cõi long cung.

Về sau, cô long-nữ có thai sinh ra một đứa con trai tại bờ biển Sāgara, nên đặt tên công-tử là Sāgara-brahmadatta, qua một thời gian sau nữa cô long-nữ lại sinh ra một đứa con gái bên bờ biển (Samudda), nên đặt tên là tiểu-thư Samuddajā.

Một hôm, một người lính kiểm lâm từ kinh-thành Bārāṇasī đi vào rừng làm công tác, gặp Thái-tử Brahmadatta trong khu rừng ấy, rồi nhận biết ra được Thái-tử Brahmadatta và Thái-tử biết người lính kiểm lâm từ kinh-thành Bārāṇasī đến, hai bên chủ và khách gặp nhau vô cùng hoan hỷ.

Thái-tử Brahmadatta hỏi thăm về Đức Phụ-vương Brahmadatta của mình, hoàng tộc, triều đình các quan và toàn thể dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī.

Người lính kiểm lâm tâu cho Thái-tử biết rõ mọi điều.

Thái-tử truyền bảo người lính kiểm lâm ở lại một thời gian ngắn.

Vâng theo lời của Thái-tử người lính kiểm lâm ở lại với Thái-tử 2-3 hôm, rồi xin phép trở về kinh-thành Bārāṇasī. Trước khi từ giã người lính kiểm lâm tâu rằng:

-Tâu Thái-tử, khi trở về đến kinh-thành Bārāṇasī, kẻ tiện dân sẽ trình lên các quan biết Thái-tử đang ngự tại nơi này.

Người lính kiểm lâm bái biệt, xin phép trở về kinh-thành Bārāṇasī.

Khi ấy, Đức-vua Brahmadatta băng hà, các quan dòng họ hoàng tộc cùng dân chúng làm lễ hỏa táng thi thể Đức-vua xong. Đến ngày thứ bảy các quan hội họp lại bàn bạc với nhau rằng:

“Triều đình không thể không có Đức-vua. Nay, không biết Thái-tử Brahmadatta hiện đang ngự tại nơi nào?

Vậy, chúng ta nên ra lệnh thông báo cho toàn thể dân chúng trong nước đều hay biết, nếu có ai biết chỗ ở của Thái-tử Brahmadatta nơi nào, thì báo cho triều đình biết. Khi ấy, chúng ta sẽ đưa cỗ long xa Phussa đi đến nơi ấy, làm lễ đăng quang suy tôn tấn phong Thái-tử Brahmadatta lên ngôi vua, rồi thỉnh Đức-vua hồi cung ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi này.

Tin tức này được thông báo lan truyền khắp mọi nơi từ kinh-thành đến dân các vùng biên giới trong toàn cõi đất nước Kāsi.

Khi ấy, về đến kinh-thành Bārāṇasī nghe tin tức như vậy, người lính kiểm lâm đến gặp các quan lớn trong triều đình, rồi trình cho các vị quan lớn ấy rằng:

-Kính thưa quan lớn, kẻ hạ quan này biết chỗ ở của Thái-tử Brahmadatta trong rừng.

Nghe lời trình của người lính kiểm lâm, các quan lớn trọng thưởng cho người lính, rồi nhờ người lính ấy dẫn đường đi đến chỗ ở của Thái-tử Brahmadatta.

Các quan trang hoàng cỗ long xa Phussa, bên trên đặt năm vật báu làm lễ phong vương cho Thái-tử Brahmadatta. Các quan cùng các đội quân chỉnh tề, người lính kiểm lâm dẫn đường khởi hành từ kinh-thành Bārāṇasī đi đến chỗ ở của Thái-tử Brahmadatta trong rừng.

Các quan tâu với Thái-tử Brahmadatta rằng:

- Muôn tâu Thái-tử Brahmadatta, Đức Phụ-vương của Thái-tử đã băng hà.

Nay, chúng thần xin làm lễ đăng quang suy tôn Thái-tử lên ngôi vua, rồi kính thỉnh hồi cung trở về kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi này.

Nghe các quan tâu như vậy, Thái-tử Brahmadatta bàn bạc với phu-nhân rằng:

- Này phu-nhân yêu quý! Đức Phụ-vương của anh đã băng hà. Nay, các quan đã đem cỗ long xa Phussa đến đây, sẽ làm lễ đăng quang suy tôn anh lên ngôi vua, rồi sẽ thỉnh anh hồi cung trở về kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi.

Vậy, xin phu-nhân hãy đi với anh và hai con cùng nhau hồi cung, lên ngôi báu tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi rộng lớn, rồi phu-nhân sẽ trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu đứng đầu 16000 cung phi mỹ nữ.

Nghe phu-quân nói như vậy, bà long-nữ thưa rằng:

- Kính thưa Thái-tử phu-quân kính yêu, tiện thiếp không thể nào đi theo với phu-quân được.

- Này phu-nhân yêu quý! Tại sao phu-nhân không đi cùng với anh được?

- Kính thưa Thái-tử phu-quân yêu quý, tiện thiếp là loài long-nữ có nhiều chất độc nguy hiểm, dễ phát sinh sân-tâm không vừa lòng dù chỉ là việc nhỏ.

Nếu mà tiện thiếp phát sinh sân-tâm thì sẽ gây ra sự tai hại, thiêu đốt biến thành tro bụi. Vì vậy, tiện thiếp không thể đi theo Thái-tử phu-quân được.

Ngày hôm sau, vị Thái-tử tha thiết khẩn khoản long-nữ phu-nhân cùng nhau trở về kinh-thành Bārāṇasī, nhưng long-nữ phu-nhân một mực khước từ thưa rằng:

- Kính thưa Thái-tử phu-quân kính yêu, hai đứa con của chúng ta: công-tử Sāgarabrahmadatta và tiểu-thư Samuddajā tuy các con là loài người, nhưng Thái-tử phu-quân phải nên chăm sóc rất cẩn thận, bởi vì cơ thể của các con rất vi tế, chỉ thích nghi trong môi trường dưới nước mà thôi. Nếu các con đi đường tiếp xúc với nắng và gió thì các con dễ bị chết.

Vậy, Thái-tử phu-quân cho người đóng một chiếc thuyền chứa đầy nước đặt trên chiếc xe, để các con bơi trong nước trên đường đi trở về kinh-thành Bārāṇasī.

Khi đến kinh-thành Bārāṇasī, Thái-tử phu-quân truyền cho người đào một cái hồ nước lớn, trồng các loài hoa sen, các loài hoa súng, để cho các con bơi lội chơi trong hồ nước ấy.

Sau khi kính thưa với Thái-tử phu-quân như vậy, bà long-nữ phu-nhân tỏ lòng tôn kính vị Thái-tử phu-quân và ôm hai đứa con vào lòng hôn trên đầu chúng, rồi trao hai đứa con lại cho vị Thái-tử phu-quân. Bà long-nữ phu-nhân khóc than thảm thiết, bởi vì phải từ biệt vị Thái-tử phu-quân kính yêu và hai đứa con yêu quý nhất của bà. Bà long-nữ biến trở về cõi long cung.

Vị Thái-tử Brahmadatta cảm thấy vô cùng khổ tâm vì từ biệt long-nữ phu-nhân yêu quý của mình.

Khi ấy, vị Thái-tử gặp lại các quan, để các quan làm lễ đăng quang suy tôn Thái-tử lên ngôi vua, rồi kính thỉnh Đức-vua hồi cung ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi.

Đức-vua Brahmadatta truyền lệnh rằng:

-Này các khanh! Các khanh hãy đóng một chiếc thuyền chứa đầy nước, rồi đặt trên chiếc xe, để cho hoàng-tử Sāgarabrahmadatta và công-chúa Samuddajā bơi lội trong chiếc thuyền ấy, trên đường ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī.

Tuân theo lệnh của Đức-vua, sau khi đóng chiếc thuyền xong, các quan thỉnh Đức-vua hồi cung, hoàng-tử Sāgarabrahmadatta và công-chúa Samuddajā bơi lội trên chiếc thuyền trên đường ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī.

Kinh-thành Bārāṇasī được trang hoàng đẹp đẽ rực rỡ, dân chúng trong kinh-thành cho đến ngoài kinh-thành vô cùng hoan hỷ làm lễ ăn mừng đón rước Đức-vua Brahmadatta cùng hoàng-tử Sāgarabrahmadatta và công-chúa Samuddajā hồi cung ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī.

Đến kinh-thành Bārāṇasī, Đức-vua truyền lệnh đào một hồ nước lớn trồng đủ các loại hoa sen, các loại hoa súng, để cho hoàng-tử Sāgarabrahmadatta và công-chúa Samuddajā bơi lội vui chơi thích nghi với cơ thể của chúng.

Khi hoàng-tử Sāgarabrahmadatta và công-chúa Samud-dajā trưởng thành, công-chúa Samuddajā xinh đẹp tuyệt trần nổi danh khắp nơi, Đức Long-vương Dhataraṭṭha nghe đến danh tiếng của công-chúa Samuddajā đem lòng mến mộ, muốn công-chúa Samuddajā trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của mình. Cho nên, Đức Long-vương Dhataraṭṭha gửi bốn sứ thần đến yết kiến Đức-vua Brahmadatta, tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, nghe công-chúa Samuddajā xinh đẹp tuyệt trần, nên Đức Long-vương Dhataraṭṭha gửi 4 chúng thần đến yết kiến Đại-vương, kính xin Đại-vương ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha, rước về làm Chánh-cung Hoàng-hậu.

Nghe các sứ thần của Đức Long-vương Dhataraṭṭha tâu như vậy, Đức-vua Brahmadatta truyền bảo rằng:

- Này các sứ thần! Triều đình của chúng tôi từ trước cho đến nay chưa từng có phong tục ban công-chúa cho Đức Long-vương bao giờ.

Nay, Trẫm ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha sao được.

Nghe Đức-vua Brahmadatta khước từ, không chấp thuận, các sứ thần tỏ vẻ không hài lòng bèn tâu lời hăm doạ rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương là loài người không có phép thuật, không có hơi độc làm thiêu hủy, còn Đức Long-vương, các đoàn long binh có nhiều phép thuật, có chất độc làm thiêu huỷ được.

Vậy, xin Đại-vương chớ nên xem thường.

Nghe các sứ thần của Đức Long-vương Dhataraṭṭha tâu lời hăm dọa như vậy, Đức-vua Brahmadatta truyền bảo rằng:

- Này các sứ thần! Trẫm không có ý xem thường Đức Long-vương Dhataraṭṭha trị vì cõi long cung có nhiều oai lực, nhưng Đức Long-vương Dhataraṭṭha là loài long (rồng), còn công-chúa Samuddajā của Trẫm là loài người. Vì vậy, hai loài chúng-sinh khác nhau làm sao sống hòa hợp với nhau được.

Nghe Đức-vua Brahmadatta truyền bảo như vậy, các sứ thần của Đức Long-vương Dhataraṭṭha nổi cơn giận dữ muốn thiêu hủy Đức-vua Brahmadatta bằng chất độc trong lỗ mũi của họ, nhưng không dám, bởi vì họ là sứ thần của Đức Long-vương Dhataraṭṭha gửi đến, họ phải trở về tâu trình lên Đức Long-vương Dhataraṭṭha biết rõ.

Các sứ thần xin từ giã Đức-vua Brahmadatta, liền hiện trở về cõi long cung đến chầu Đức Long-vương Dhataraṭṭha.

Nhìn thấy bốn sứ thần trở về, Đức Long-vương Dhata-raṭṭha liền truyền hỏi rằng:

- Này các khanh! Các khanh tâu với Đức-vua Brahmadatta đồng ý ban công-chúa Samuddajā cho Trẫm rồi phải không?

- Muôn tâu Đức Long-vương, Bệ-hạ truyền gởi chúng thần đến một nơi không đáng đến, bởi vì Đức-vua Brahmadatta đề cao công-chúa Samuddajā là loài người, còn Bệ-hạ tuy là Đức Long-vương, nhưng thuộc về loài long (rồng).

Vì vậy, công-chúa Samuddajā với Bệ-hạ không thể sống hoà hợp với nhau được.

Nghe các sứ thần tâu như vậy, Đức Long-vương Dhataraṭṭha nổi cơn thịnh nộ truyền lệnh rằng:

- Này các khanh tướng! Các khanh hãy huy động các đoàn long binh khắp mọi nơi, bốn phương tám hướng hãy mau tụ họp tại trước cung điện của Trẫm.

Sau khi Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền lệnh không lâu, các đoàn long binh tề tựu đông đủ trước cung điện của Đức Long-vương Dhataraṭṭha.

Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền lệnh rằng:

- Này các khanh tướng! Các khanh hãy dẫn các đoàn long binh đến vây quanh kinh-thành Bārāṇasī.

- Tâu Bệ-hạ, chúng thần có cần phải phun lửa thiêu huỷ kinh-thành Bārāṇasī ấy không?

Đức Long-vương Dhataraṭṭha yêu say đắm công-chúa Samuddajā, nên không muốn gây tai hại nào cả, Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền lệnh rằng:

- Này các khanh tướng! Các khanh chỉ phô trương uy thế để gây áp lực đến Đức-vua Brahmadatta phải chấp thuận ban công-chúa Samuddajā cho Trẫm mà thôi.

Vì vậy, các khanh tuyệt đối không được gây tai hại đến một ai cả. Các khanh chỉ biến hóa ra mọi hình dạng, để làm cho dân chúng nhìn thấy sợ hãi, rồi họ dẫn nhau đến cung điện, khẩn cầu Đức-vua Brahmadatta ban công-chúa Samuddajā cho Trẫm mà thôi. Còn chính Trẫm hóa ra thân hình màu trắng to lớn và dài bao bọc quanh kinh-thành Bārāṇasī.

Tuân theo lệnh của Đức Long-vương Dhataraṭṭha, đêm hôm ấy, các đoàn long binh hiện đến vây quanh kinh-thành Bārāṇasī, nhưng tuyệt đối không gây hại ai cả, chỉ biến hóa ra nhiều hình dạng như phùng mang, thở ra kêu vù vù, treo lủng lẳng trên cây, nằm các ngõ đường, nằm dưới đất, v.v…

Dân chúng trong kinh-thành khi thức dậy nhìn thấy những cảnh tượng rừng rợn, đáng kinh sợ như vậy. Dân chúng hỏi các vị long-tướng rằng:

- Này các long-tướng! Tại sao các đoàn long binh đến đây làm cho chúng tôi kinh sợ như vậy?

Các long-tướng trả lời rằng:

- Này dân chúng kinh-thành! Bởi vì Đức-vua Brahmadatta không chấp thuận ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha của chúng tôi.

Khi Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền gửi bốn sứ thần đến yết kiến Đức-vua Brahmadatta, kính xin Đức-vua Brahmadatta ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha rước về làm Chánh-cung Hoàng-hậu, nhưng Đức-vua Brahmadatta khước từ, không chấp thuận ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha.

Vì vậy, Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền lệnh các đoàn long binh đến vây quanh kinh-thành Bārāṇasī này.

Nếu Đức-vua Brahmadatta khước từ, không chấp thuận ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha của chúng tôi thì toàn thể dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī kể cả Đức-vua Brahmadatta sẽ bị thiêu rụi trở thành tro bụi.

Nghe lời hăm dọa của các long-tướng, dân chúng trong kinh-thành sợ hãi kéo nhau đến cung điện Đức-vua Brahmadatta khẩn khoản van xin Đức-vua Brahmadatta ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhata-raṭṭha, để cứu nguy Đức-vua, triều đình và sinh-mạng của dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī, để tránh khỏi cảnh diệt vong.

Ngay khi ấy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Brahmadatta và những người trong hoàng tộc cũng khẩn khoản van xin Đức-vua ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha, để cứu nguy sinh-mạng của Đức-vua, hoàng tộc và toàn thể dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī.

Nghe lời khẩn khoản van xin của Chánh-cung Hoàng-hậu, những lời cầu xin thống thiết của dân chúng xin Đức-vua ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha.

Chính Đức-vua Brahmadatta đang nằm trên long sàng, nhìn thấy bốn long-nam đứng nơi bốn chân long sàng phùng mang nghiến răng chờ hại Đức-vua. Khi ấy, Đức-vua Brahmadatta vô cùng hoảng sợ mới truyền bảo ba lần rằng:

“Trẫm chấp thuận ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha.”

Nghe Đức-vua Brahmadatta truyền bảo như vậy, Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền lệnh các long-tướng rút lui, các đoàn long binh cách xa kinh-thành Bārāṇasī, rồi hóa ra một kinh-thành có cung điện của Đức-vua nguy nga tráng lệ như trên cõi trời.

Lễ Thành Hôn Công-Chúa Với Đức Long-Vương

Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền lệnh các quan đem các lễ vật quý giá từ cõi long cung kính dâng lên Đức-vua Brahmadatta. Nhận lễ vật xong, Đức-vua Brahmadatta truyền lệnh bảo rằng:

- Này các khanh! Các khanh hãy trở về tâu với Đức Long-vương Dhataraṭṭha biết rõ rằng:

“Trẫm sẽ cho đoàn hộ giá tiễn đưa công-chúa Samuddajā đến chầu Đức Long-vương Dhataraṭṭha của các khanh.”

Khi ấy, Đức-vua Brahmadatta gọi công-chúa Samuddajā lên trên lâu đài tầng cao mở cửa sổ nhìn về phía kinh-thành có cung điện của Đức Long-vương Dhataraṭṭha như cõi trời mà truyền dạy rằng:

- Này Samuddajā con yêu quý! Con hãy nhìn kinh-thành có cung điện nguy nga tráng lệ kia, con sẽ là Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua tại cung điện ấy.

Khi nào con muốn về thăm Phụ-vương thì con cho người đánh xe đưa về. Bây giờ con nên trang điểm những đồ trang sức quý giá.

Vâng lời Đức Phụ-vương, trang điểm xong, công-chúa Samuddajā ngự lên chiếc xe sang trọng được che kín có đoàn các quan theo hộ giá tiễn đưa đến chầu Đức Long-vương Dhataraṭṭha.

Đức Long-vương Dhataraṭṭha cùng các long-tướng ngự ra đón rước công-chúa Samuddajā rất trọng thể, rồi thỉnh mời phái đoàn các quan của Đức-vua Brahmadatta vào cung vàng điện ngọc làm đại lễ thành-hôn, rồi tấn phong Công-chúa Samuddajā lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức Long-vương Dhataraṭṭha.

Đức Long-vương kính gửi những phẩm vật quý giá từ cõi long cung dâng lên Đức-vua Brahmadatta và các quan. Các quan nhận những lễ vật ấy, rồi xin từ giã trở về kinh-thành Bārāṇasī.

Đức Long-vương Dhataraṭṭha đưa Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā lên trên lâu đài nguy nga tráng lệ, mời nằm trên long sàng được trang hoàng như chỗ nằm của Chánh-cung Hoàng-hậu Đức-vua-trời, khi thân hình của Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā tiếp xúc với long sàng không lâu đã ngủ say.

Khi ấy, Đức Long-vương Dhataraṭṭha đưa Chánh-cung Hoàng-hậu hồi cung ngự trở về cõi long cung cùng các long-tướng và các đoàn long binh.

Đến cõi long cung, Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền lệnh rằng:

-Này các quan cùng các long-nam long-nữ! Trong toàn cõi long cung xung quanh phạm vi 500 do tuần, các long-nam long-nữ không một ai được biểu lộ kiếp long (rồng) để cho Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā nhìn thấy cả.

Nếu ai không tuân lệnh thì phải bị phạt tội nặng.

Khi Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā tỉnh giấc biết mình đang nằm trên long sàng trong một lâu đài nguy nga tráng lệ bằng vàng, bằng các thứ ngọc như ngọc maṇi, v.v… ngồi dậy ngự đi du ngoạn, xem xung quanh có hồ nước lớn, thấy có nhiều loại hoa sen đủ màu rất xinh đẹp, đi xem vườn thượng uyển có nhiều loại hoa như trên cõi trời chưa từng thấy bao giờ.

Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā truyền hỏi các nàng hầu rằng:

- Này quý cô! Kinh-thành, cung điện, các lâu đài nguy nga tráng lệ xinh đẹp lộng lẫy như thế này, kinh-thành Bārāṇasī không sao sánh được. Kinh-thành cung điện các lâu đài này thuộc về của Đức-vua nào vậy?

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā truyền hỏi như vậy, các cô nàng hầu tâu rằng:

- Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā, kinh-thành, các cung điện, các lâu đài này thuộc về Đức-vua Dhataraṭṭha, vị phu-quân của lệnh Bà. Lệnh Bà là người có phước lớn mới hưởng được quả báu tốt như thế này.

Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā sống tại cõi long cung với Đức Long-vương Dhataraṭṭha. Hằng ngày đêm bà tiếp xúc với các hàng long-nữ long-nam, nhưng bà không hề biết bà đang ở cõi long cung. Cho nên, Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā sống hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung mà tưởng rằng đang sống trong cõi người.

Chánh-Cung Hoàng-Hậu Samuddajā Có 4 Hoàng-Tử

Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā sống chung với Đức Long-vương Dhataraṭṭha và sinh hạ được 4 hoàng-tử.

* Hoàng-tử thứ nhất có tên là Sudassana.

* Hoàng-tử thứ hai có tên là Datta là Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama.

* Hoàng-tử thứ ba có tên là Subhoga.

* Hoàng-tử thứ tư có tên là Ariṭṭha.

Dù Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā đã sinh hạ được bốn hoàng-tử mà vẫn chưa biết mình đang sống trong cõi long cung.

Một hôm hoàng-tử Ariṭṭha cùng chơi với bọn trẻ loài long, bọn chúng tâu với hoàng-tử Ariṭṭha rằng:

- Tâu hoàng-tử Ariṭṭha, Mẫu-hậu của hoàng-tử là loài người chứ không phải là long-nữ như mẹ của chúng tôi.

Nghe bọn trẻ nói như vậy, hoàng-tử Ariṭṭha muốn biết rõ Mẫu-hậu là loài người đúng thật như vậy hay không.

Một hôm, Chánh-cung Hoàng-hậu đang ẵm hoàng-tử Ariṭṭha, hoàng-tử Ariṭṭha biến hóa trở lại loài long-nhi.

Khi ấy, nhìn thấy hoàng-tử Ariṭṭha trong thân thể long-nhi, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā hoảng sợ, hét lớn lên, rồi buông bỏ hoàng-tử Ariṭṭha rơi xuống nền làm cho một con mắt của hoàng-tử bị thương chảy máu.

Nghe tiếng hét lớn của Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā, Đức Long-vương truyền hỏi rằng:

-Này ái-khanh Samuddajā! Có chuyện gì xảy ra, làm cho ái-khanh hoảng hốt, hét lớn như vậy?

Nghe bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā tâu chuyện xảy ra như vậy, Đức Long-vương Dhataraṭṭha nổi cơn thịnh nộ bắt tội hoàng-tử Ariṭṭha.

Với tình thương yêu của người mẹ, bà Chánh-cung Hoàng-hậu lạy xin Đức Long-vương Dhataraṭṭha tha tội cho hoàng-tử Ariṭṭha.

Khi ấy, một con mắt của hoàng-tử bị thương làm mù con mắt ấy. Do đó gọi là hoàng-tử Kāṇāriṭṭha: Hoàng-tử Ariṭṭha mù một mắt.

Từ đó về sau, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā mới biết mình đang sống trong cõi long cung.

Khi 4 vị hoàng-tử đã trưởng thành, Đức Long-vương Dhataraṭṭha phân chia cõi long cung cho bốn vị hoàng-tử, mỗi vị hoàng-tử 100 do tuần, rồi tấn phong lên ngôi Long-vương có 16.000 long-nữ hầu hạ, trị vì phần giang sơn của mình. Riêng Đức Long-vương Dhataraṭṭha còn 101 do tuần.

Ba vị hoàng-tử Sudassana, hoàng-tử subhoga, và hoàng-tử Kāṇāriṭṭha ngự đến chầu thăm viếng Đức Long-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu Samuddajā mỗi tháng một lần.

Riêng Đức-Bồ-tát hoàng-tử Datta đến chầu thăm viếng Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu Samuddajā nửa tháng một lần.

Một thuở nọ, Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha gọi Đức-Bồ-tát hoàng-tử Datta ngự theo, cùng với Đức Long-vương Virūpakkha ngự lên chầu Đức-vua-trời Sakka ở cõi Tam-thập-tam-thiên, cùng với số đông các long-nam. Trong đại chúng chư-thiên, long-chúng có Đức Long-vương Dhataraṭṭha, Đức Vua trờì Sakka chủ trì.

Khi ấy, Đức Long-vương Virūpakkha nêu những câu hỏi mà chưa có một vị nào có khả năng giải đáp cho được rõ ràng, thì Đức-Bồ-tát hoàng-tử Datta được thỉnh ngồi trên pháp toà giải đáp mọi câu hỏi được rõ ràng sáng tỏ, đại chúng vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát hoàng-tử Datta. Đức-vua-trời Sakka tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát Datta rằng:

-Này hoàng-tử Datta! Nhà ngươi có trí-tuệ siêu-việt, trí-tuệ rộng lớn mênh mông bao la tựa như mặt đất. Từ nay, ngươi được xứng đáng với danh hiệu Bhūridatta (Hoàng-tử Datta có trí-tuệ siêu-việt rộng lớn).

Từ đó về sau, Đức-Bồ-tát Bhūridatta thường lên chầu Đức-vua-trời Sakka, nhìn thấy lâu đài Vejayanta nguy nga tráng lệ, ngai vàng điện ngọc của Đức-vua trời Sakka thật lộng lẫy. Đức-Bồ-tát hoàng-tử Bhūridatta không còn hài lòng sống trong cõi long cung mà rất hài lòng vô cùng hoan hỷ có ý nguyện kiếp sau muốn trở thành Đức-vua-trời Sakka trong cõi Tam-thập-tam-thiên này.

Sau khi về cõi long cung, Đức-Bồ-tát hoàng-tử Bhūridatta ngự đến chầu Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu Samuddajā, bèn tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu, con kính xin Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu cho phép con thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

Nghe Đức-Bồ-tát Bhūridatta tâu như vậy, Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu truyền dạy rằng:

- Này Hoàng-nhi Bhūridatta yêu quý! Lành thay! Phụ-vương và Mẫu-hậu rất hài lòng hoan hỷ chấp thuận cho con thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

Vậy, con nên tìm một nơi yên tĩnh trong cõi long cung này mà thọ trì bát-giới uposathasīla, con chớ nên đi nơi nào khác sẽ có tai hại đến với con.

Vâng lời truyền dạy của Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu, Đức-Bồ-tát hoàng-tử Bhūridatta thọ trì bát-giới uposathasīla trong vườn thượng uyển, trong ngày giới hằng tháng.

Biết như vậy, các long-nữ dẫn nhau đến vườn thượng uyển đờn ca múa hát để làm cho Đức Long-vương Bhūridatta xem nghe cho vui.

Một hôm nhằm vào ngày giới, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta nghĩ rằng:

“Ta thọ trì bát-giới uposathasīla tại vườn thượng uyển này, các long-nữ đến đàn ca múa hát quấy rầy ta, làm cho giới của ta không được hoàn toàn trong sạch.

Vậy, tốt nhất ta nên xuất hiện lên cõi người tìm đến khu rừng thanh vắng để thọ trì bát-giới uposathasīla, thì 8 điều-giới của ta được trong sạch trọn vẹn.”

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta không dám đến xin phép Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu, mà chỉ truyền bảo cho các hoàng-hậu của mình biết rằng:

-Này các ái-khanh! Trẫm sẽ xuất hiện lên cõi người, nơi gò mối gần cây đa bên bờ sông Yamunā, Trẫm sẽ thọ trì bát-giới uposathasīla tại nơi ấy.

Sau khi truyền bảo các hoàng-hậu cho biết chỗ ở xong, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta xuất hiện lên cõi người, đến tại nơi ấy.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta phát-nguyện bốn điều rằng:

* Người nào cần đến da của ta thì hãy lột da.

* Người nào cần đến gân của ta thì hãy rút gân.

* Người nào cần xương của ta thì hãy lấy xương.

* Người nào cần máu của ta thì hãy lấy máu.

Sau khi phát-nguyện bốn điều ấy xong, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta có thân hình dài nằm khoanh tròn quanh gò mối, nguyện thọ trì bát-giới uposathasīla, rồi giữ gìn bát-giới ấy cho đến sáng ngày hôm sau mới trở lại cõi long cung, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta đã thọ trì bát-giới uposathasīla như vậy được thuận lợi trải qua một thời gian khá lâu.

Người Thợ Săn Và Con Trai

Trong thời ấy, một gia đình người thợ săn Nesāda nhà ở gần kinh-thành Bārāṇasī, hằng ngày người thợ săn Nesāda và người con trai tên Somadatta đi vào rừng đặt bẫy, săn bắn thú rừng bán thịt để nuôi sống gia đình.

Một hôm, hai cha con người thợ săn đi vào rừng săn bắn không được con thú nào, người cha nói với người con rằng:

-Này Somadatta! Hôm nay, cha con chúng ta săn bắn không được con thú nào đem về nhà, chắc chắn cha con ta sẽ bị mẹ của con nổi giận rầy la.

Bây giờ trời tối rồi, cha con ta leo lên cây ngủ tạm qua đêm nay, ngày mai chúng ta sẽ đi săn bắn cho được những con thú đem về nhà.

Sáng hôm ấy, nhằm vào ngày giới Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta xuất hiện lên cõi người, nằm khoanh tròn quanh gò mối gần gốc cây đa, nguyện thọ trì bát-giới uposathasīla, rồi giữ gìn tám điều-giới cho được trong sạch trọn vẹn.

Khi ấy, biết có người thợ săn Nesāda tìm đến, nên Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta liền biến hóa thành Đức-vua-trời. Người thợ săn Nesāda hỏi rằng:

- Thưa Ngài, Ngài là ai mà ngồi một mình ở nơi khu rừng vắng vẻ này?

Nghe người thợ săn Nesāda hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta trả lời rằng:

- Này Bà-la-môn! Ta là Đức Long-vương ở cõi long cung có nhiều oai lực, nếu ta nổi giận thì có thể thiêu huỷ những vật xung quanh biến thành tro bụi, Đức Phụ-vương của ta là Đức Long-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu là Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā, ta là hoàng-tử Bhūridatta.

Nhìn người thợ săn Nesāda này, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta biết rằng:

“Người thợ săn Nesāda này là con người ác, phản bạn. Nếu người thợ săn này đi báo cho vị thầy rắn đến đây, thì vị thầy rắn sẽ gây ra tai hoạ cho việc thọ trì bát-giới uposathasīla của ta.

Vậy, ta nên mời người thợ săn Nesāda này đến cõi long cung, rồi ta sẽ ban cho y địa vị, nhiều của cải, để y an hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung.

Như vậy, ta sẽ được thuận lợi trong việc thọ trì bát-giới uposathasīla lâu dài.”

Nghĩ xong Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta truyền hỏi người thợ săn Nesāda rằng:

- Này Bà-la-môn! Ngươi ở cõi người này, phải vất vả đi săn bắn thú rừng bán thịt nuôi mạng khổ cực lắm, ta mời ngươi đến cõi long cung, ta sẽ ban cho ngươi chức vị, nhiều của cải, để cho ngươi an hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung, không phải vất vả khổ cực gì cả.

Vậy, ngươi có muốn đi với ta hay không?

Người thợ săn tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Long-vương Bhūridatta! Tôi có đứa con trai ở đằng kia, tôi sẽ báo cho con trai tôi biết, rồi tôi sẽ đi theo Đức Long-vương.

- Này Bà-la-môn! Vậy, ngươi hãy dẫn người con trai của ngươi cùng đi đến cõi long cung với ta, để hưởng mọi sự an-lạc trong cõi ấy.

Hai cha con người thợ săn đến gặp Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, Đức-Bồ-tát dẫn hai cha con đến con sông Yamunā, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta truyền bảo rằng:

- Này Bà-la-môn! Ta dẫn hai cha con ngươi đến cõi long cung do oai lực của ta.

Khi hai cha con người thợ săn đến cõi long cung thì thân hình hai cha con trở thành như người hóa sinh, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta ban cho hai cha con mỗi người mỗi lâu đài và 400 long-nữ theo hầu hạ, hai cha con hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta không dể duôi, cứ nửa tháng đến chầu Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu Samuddajā, thuyết pháp tế độ hai Ngài.

Thỉnh thoảng Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta cũng đến thăm hai cha con người thợ săn và khuyên hai cha con ở đây hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung.

Hai cha con hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung được một năm. Riêng người cha cảm thấy buồn chán muốn trở lại cõi người, bởi vì phước ít nhìn thấy cõi long cung giống như trong cõi địa-ngục nóng nảy, ngôi lâu đài bằng vàng nguy nga đẹp đẽ giống như nhà tù khó chịu, các cô long-nữ xinh đẹp kia giống như các nữ Dạ-xoa hung ác.

Vì vậy, người cha cảm thấy khổ tâm nghĩ rằng:

“Cõi long cung đối với ta như thế này, còn Somadatta con của ta thì sao?”.

Người thợ săn Nesāda tìm đến gặp người con, hỏi rằng:

- Này Somadatta yêu quý! Sống ở cõi long cung này, con cảm thấy buồn chán hay không?

- Kính thưa cha, con hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung như thế này, làm sao con có thể cảm thấy buồn chán được. Còn cha cảm thấy như thế nào?

- Này somadatta yêu quý! Cha cảm thấy buồn chán khổ tâm quá, bởi vì cha nhớ mẹ con và các em của con.

- Này Somadatta yêu quý! Cha con ta xin trở về cõi người để thăm viếng mẹ con và các em của con.

Nghe người cha nói như vậy, nhớ lại trước đây trên cõi người hằng ngày phải vật vả cực khổ đi vào rừng săn bắn thú rừng đem thịt đi bán để nuôi sống gia đình; còn ở cõi long cung này, đời sống sung sướng được hưởng mọi sự an-lạc, cho nên Somadatta không muốn trở về cõi người, nhưng người cha khẩn khoản năn nỉ, nên Soma-datta phải chịu đồng ý với người cha trở về cõi người.

Biết người con trai chịu theo mình trở về, người cha cảm thấy nhẹ được nỗi lo âu, nhưng ông không biết phải tâu thế nào để Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta cho phép hai cha con ông trở về cõi người, nên ông nghĩ rằng:

“Nếu tâu sự thật, ta cảm thấy buồn chán ở cõi long cung này, thì Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta sẽ ban cho ta nhiều ân huệ nữa, sẽ truyền các long-nữ xinh đẹp đến đàn ca múa hát cho ta xem cho vui, để ta ở lại hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung này. Như vậy, ta không có lý do xin phép trở về cõi người được. Vậy, ta phải tìm cách tâu dối với Đức Long-vương Bhūridatta.”

Người thợ săn Nesāda có mưu kế, và chờ đợi cơ hội Đức Long-vương Bhūridatta đến thăm.

Một hôm, đến thăm hai cha con người thợ săn, Đức-Bồ-tát Bhūridatta truyền hỏi rằng:

- Này Bà-la-môn, hai cha con nhà ngươi sống nơi này có thiếu thốn gì không? Thân tâm thường được an-lạc hay không?

- Tâu Đức Long-vương Bhūridatta, hai cha con chúng tôi sống tại cõi long cung này đầy đủ mọi tiện nghi như thế này, hưởng được mọi sự an-lạc, cho nên thân tâm chúng tôi thường được an-lạc.

- Tâu Đức Long-vương Bhūridatta, cõi long cung của Đức Long-vương rộng lớn, cung điện của Đức Long-vương bằng ngọc, bằng vàng châu báu, được trang hoàng bằng thất báu, các thứ ngọc quý, v.v… các lâu đài nguy nga tráng lệ, hồ lớn có nhiều loài hoa sen xinh đẹp, hương thơm ngào ngạt, có nhiều loài hoa thơm cỏ lạ màu sắc rực rỡ, có các đàn long-nữ xinh đẹp, đàn giỏi, ca hay, nhảy múa tuyệt vời, v.v… như thế này, tôi không biết có còn cõi nào sánh bằng cõi long cung này hay không? Tâu Đức Long-vương.

Nghe người thợ tán dương ca tụng cõi long cung như vậy, Đức-Bồ-tát Bhūridatta truyền bảo rằng:

- Này Bà-la-môn! Nhà ngươi chớ nên nói như vậy, giang sơn cõi long cung nhỏ bé này làm sao sánh được với cõi Tam-thập-tam-thiên của Đức-vua-trời Sakka.

- Này Bà-la-môn! Cung điện của Đức-vua-trời Sakka thật vĩ đại, rất nguy nga tráng lệ gấp bội lần so với cung điện cõi long cung này. Kiếp Long-vương của ta vốn thuộc loài súc-sinh tuy có nhiều oai lực biến hóa, nhưng kiếp sau ta muốn trở thành Đức-vua-trời Sakka cõi Tam-thập-tam-thiên.

Vì vậy, ta thường xuất hiện lên cõi người trong những ngày giới hằng tháng, để thọ trì bát-giới uposathasīla, rồi giữ gìn 8 điều-giới cho được trong sạch trọn vẹn.

Nghe Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta truyền dạy như vậy, người thợ săn rất hoan hỷ có được cơ hội, để xin phép Đức Long-vương Bhūridatta trở về cõi người, nên tâu dối rằng:

- Tâu Đức Long-vương Bhūridatta, hai cha con chúng tôi đi vào rừng săn bắn thú rừng bán thịt để nuôi mạng, duyên may gặp được Đức Long-vương dẫn cha con chúng tôi xuống cõi long cung này được hưỏng mọi sự an-lạc, mà vợ con thân quyến của tôi không hề hay biết hai cha con chúng tôi sống hay chết như thế nào.

Nay, muốn xin Đức Long-vương cho phép chúng tôi trở về cõi người, để thăm viếng vợ con, thân quyến.

Nghe người thợ săn Nesāda tâu như vậy, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta truyền bảo rằng:

- Này Bà-la-môn! Hai cha con của nhà ngươi đến ở trong cõi long cung này được hưởng mọi sự an-lạc như thế này, trong cõi người không dễ gì có được, nhưng nếu hai cha con nhà ngươi muốn trở về cõi người để thăm viếng thân quyến thì ta cũng chiều theo ý của ngươi.

- Này Bà-la-môn! Ta muốn giúp đỡ ngươi, sau khi ngươi trở về cõi người để có cuộc sống đầy đủ sung sướng an-lạc, không chịu cảnh khổ thiếu thốn, nên ta sẽ ban tặng cho ngươi một viên ngọc maṇi như ý. Nếu khi nhà người muốn được vật gì, thì viên ngọc maṇi như ý này sẽ giúp cho nhà ngươi được thành tựu như ý.

Sở dĩ Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta ban cho người thợ săn Nesāda viên ngọc maṇi như ý, để cho người thợ săn muốn bất cứ vật gì trong đời cũng sẽ được thành tựu như ý. Như vậy, đời sống của người thợ săn và toàn gia đình được đầy đủ sung túc, được hạnh phúc an-lạc, nhờ nơi ân-đức của Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta mà không nghĩ đến chuyện phản bội, làm hại Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta.

Nghe Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta ban cho viên ngọc maṇi như ý, thì người thợ săn tâu rằng:

-Tâu Đức Long-vương Bhūridatta, tôi vô cùng cảm kích trước tình thương yêu cao cả của Đức Long-vương đối với chúng tôi.

Nay, tôi đã già rồi, sau khi trở về cõi người, tôi muốn xuất gia trở thành đạo-sĩ. Vì vậy, viên ngọc maṇi như ý ấy đối với tôi không trọng dụng được thì uổng lắm, tôi chân thành đội ơn Đức Long-vương, tôi không dám nhận, kính xin Đức Long-vương giữ lại.

Sự thật, viên ngọc maṇi như ý ấy chỉ dành cho những vị có nhiều phước lớn mà thôi, còn người thợ săn Nesāda này là người có ít phước, nên không có khả năng nhận viên ngọc maṇi như ý ấy được.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta truyền bảo rằng:

- Này Bà-la-môn! Nhà ngươi xuất gia hành phạm hạnh, đó là điều tốt, nhưng không phải là việc dễ làm. Nếu khi nào ngươi chán nản thực-hành phạm hạnh hoàn tục trở lại cuộc sống của người tại gia, khi ấy, nhà ngươi lại sẽ cần đến của cải cần thiết trong cuộc sống, nhà ngươi hãy đến tìm ta tại nơi gò mối ấy, ta sẽ giúp đỡ cho ngươi nhiều của cải.

Nghe Đức Long-vương Bhūridatta truyền bảo chí tình như vậy, người thợ săn Nesāda tâu rằng:

- Tâu Đức Long-vương Bhūridatta, lời truyền dạy của Đức Long-vương thật chí tình quá, tôi vô cùng cảm kích trước tâm-từ cao thượng của Đức Long-vương đối với cha con chúng tôi.

Tôi chân thành cảm tạ ân đức của Đức Long-vương.

Biết người thợ săn Nesāda không muốn tiếp tục ở lại cõi long cung này, nên Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūri-datta truyền bảo bốn vị long-nam tiễn đưa hai cha con người thợ săn trở lại cõi người, dẫn hai cha con đến con đường đi về kinh-thành Bārāṇasī, rồi bốn vị long-nam trở về lại cõi long cung.

Người thợ săn bảo với người con rằng:

- Này Somadatta! Đây là con đường cũ đi đến nhà chúng ta.

Trên đường đi nhìn thấy hồ nước trong, người cha bảo con rằng:

- Này Somadatta yêu quý! Nước hồ trong trẻo, cha con ta xuống hồ tắm cho mát, rồi trở về thăm mẹ và các em con.

Nghe người cha nói như vậy, Somadatta đồng ý ngay. Hai cha con cởi y phục và những đồ trang sức của hàng long-nam ra, gói lại để trên bờ, rồi hai cha con đi xuống hồ nước tắm.

Khi ấy, tất cả y phục và những đồ trang sức cõi long cung đều biến khỏi nơi ấy, hiện về lại cõi long cung, thay bằng bộ đồ cũ đã mặc trước kia và những dụng cụ cung tên, bẫy đặt bắt thú rừng hiện ra trở lại như xưa.

Sau khi hai cha con tắm xong, bước lên bờ, không nhìn thấy những bộ y phục và những đồ trang sức trong cõi long cung nữa, chỉ thấy những bộ y phục cũ và những dụng cụ săn bắn trước kia mà thôi, Somadatta than rằng:

- Này cha ơi! Cha đã làm hại con rồi! Bây giờ con mất hết tất cả chẳng còn gì nữa!

Nghe con than vãn như vậy, người cha an ủi rằng:

- Này Somadatta con yêu quý! Con chớ nên tiếc của nữa, trong rừng này còn thú rừng thì cha con mình đi săn bắn thú rừng, bán thịt nuôi sống gia đình chúng ta như trước.

Sau đó, hai cha con dẫn nhau trở về nhà, mọi người trong gia đình vui mừng đoàn tụ vợ chồng và các con.

Buổi đoàn tụ gia đình vui mừng, bà vợ người thợ săn làm đồ ăn ngon đãi chồng và các con, người chồng ăn xong ngủ say. Bà hỏi người con trai rằng:

- Này Somadatta con yêu quý! Hai cha con đi đâu mà mất tích một năm qua, đã ở nơi nào mà đến nay mới trở về nhà, vậy con?

Somadatta thưa với mẹ rằng:

- Thưa mẹ, hai cha con được Đức Long-vương Bhūri-datta dẫn xuống cõi long cung sống hưởng mọi sự an-lạc suốt một năm qua, cha con nhớ mẹ và các em, nên xin Đức Long-vương cho phép trở về thăm mẹ và các em.

- Này Somadatta con yêu quý! Đức Long-vương Bhūridatta có ban cho viên ngọc quý nào không con?

- Thưa mẹ, Đức Long-vương Bhūridatta có ban cho cha một viên ngọc maṇi như ý, mà cha không chịu nhận đem về. Mẹ ạ.

- Này Somadatta! Tại sao cha con không chịu nhận vậy con?

- Thưa mẹ, cha con tâu với Đức Long-vương Bhūri-datta rằng:

“Sau khi trở về cõi người, tôi sẽ xuất gia trở thành đạo-sĩ, nên không nhận viên ngọc maṇi như ý ấy.”

Nghe Somadatta thưa như vậy, bà vợ người thợ săn nổi giận, đi vào phòng gặp người chồng la rầy rằng:

-Này ông chồng bất nghĩa! Ông bỏ mẹ con tôi, đi hưởng sự an-lạc cõi long cung một năm qua. Khi trở về Đức Long-vương Bhūridatta ban cho viên ngọc maṇi như ý ông không chịu nhận, ông còn có ý định xuất-gia trở thành đạo-sĩ, bỏ lại mẹ con tôi.

Sao không đi luôn, còn trở lại nhà làm gì nữa!

Bà đánh sau lưng chồng bằng cái chày đâm tiêu.

Bị người vợ la rầy, đánh đập, người chồng xin lỗi năn nỉ rằng:

-Này em yêu quý! Nhớ em và các con, nên anh trở về nhà thăm em và các con. Vậy, xin em bớt giận anh.

Trong rừng còn các loài thú, thì anh còn đi vào rừng bẫy thú, săn bắn thú, bán thịt nuôi nấng em và các con.

 

Chuyện Viên Ngọc Maṇi Như Ý

Một hôm, người thợ săn Nesāda và người con Somadatta đi vào rừng săn bắn, nhìn thấy viên ngọc maṇi như ý trên tay vị Bà-la-môn, nên hỏi người con rằng:

- Này Somadatta yêu quý! Con hãy nhìn kỹ viên ngọc maṇi trên tay ông Bà-la-môn kia có phải là viên ngọc maṇi như ý của Đức Long-vương Bhūridatta hay không?

- Thưa cha, đúng là viên ngọc maṇi như ý ấy.

- Này Somadatta yêu quý! Nếu đúng là viên ngọc maṇi như ý ấy, thì cha sẽ tìm mọi cách lừa đảo để chiếm đoạt viên ngọc maṇi như ý ấy cho bằng được.

- Thưa cha, ngày trước Đức Long-vương Bhūridatta ban viên ngọc maṇi như ý ấy cho cha, thì cha không chịu nhận, bây giờ cha tìm cách lừa đảo vị Bà-la-môn ấy để chiếm lấy viên ngọc maṇi như ý ấy.

Đó là điều bất thiện không nên làm. Thưa cha.

- Này Somadatta! Con không nên nói đến chuyện trước đây. Bây giờ, con hãy xem cha lừa đảo vị Bà-la-môn này, để chiếm lấy viên ngọc maṇi như ý ấy.

Khi ấy, người thợ săn hỏi ông Bà-la-môn rằng:

- Này ông Bà-la-môn! Viên ngọc maṇi mà ông cầm trên tay là viên ngọc quý trong cõi long cung.

Vậy, ông có được viên ngọc quý ấy bằng cách nào?

- Này người thợ săn! Sáng nay, tôi vừa đi trên đường, vừa tụng đọc bài thần chú mà vị đạo-sĩ dạy cho tôi. Khi ấy, 1000 long-nữ đang quây quần xung quanh viên ngọc maṇi này, nghe tôi đọc bài thần chú phép thuật Alampāyanamanta: Phép thuật bắt rắn độc ấy, chúng nó hoảng sợ chạy biến mất, không kịp mang theo viên ngọc maṇi này, nên tôi đã nhặt viên ngọc maṇi này.

Nghe vị Bà-la-môn nói vậy, người thợ săn Nesāda có tác-ý ác muốn chiếm đoạt viên ngọc maṇi ấy, nên nói với ông Bà-la-môn rằng:

- Này ông Bà-la-môn! Viên ngọc maṇi ấy có nhiều oai lực, nếu người nào không biết tôn trọng, không biết cách giữ gìn, thì viên ngọc maṇi ấy sẽ gây ra sự tai hại kinh khủng cho người ấy.

- Này ông Bà-la-môn! Tôi sẽ trả cho ông 100 lượng vàng, xin ông bán viên ngọc maṇi ấy cho tôi.

Thật ra, người thợ săn Nesāda không có một lượng vàng nào trong nhà cả, nhưng y tin tưởng rằng:

“Khi có viên ngọc maṇi như ý ấy, nếu y muốn những thứ nào thì do nhờ oai lực viên ngọc maṇi như ý ấy, y sẽ được thành tựu như ý ngay tức khắc.”

Nghe người thợ săn muốn mua viên ngọc maṇi ấy với giá 100 lượng vàng, ông Bà-la-môn bảo rằng:

-Này người thợ săn! Tôi không thể bán viên ngọc maṇi quý báu này bằng vàng hoặc các châu báu nào cả.

Nghe ông Bà-la-môn khẳng định như vậy, người thợ săn Nesāda phát sinh tâm tham muốn cùng tột nên hỏi ông Bà-la-môn ấy rằng:

-Thưa ông Bà-la-môn, nếu ông không bán viên ngọc maṇi ấy bằng vàng hoặc các thứ châu báu nào khác thì ông muốn đổi viên ngọc maṇi quý ấy bằng thứ gì trong đời này? Vậy, xin ông cho tôi biết.

Ông Bà-la-môn trả lời rằng:

- Này người thợ săn! Nếu người nào chỉ cho tôi thấy chỗ ở của Long-vương có nhiều thần lực, có chất độc kinh khủng, không một ai dám tiếp xúc thì tôi sẽ trao viên ngọc maṇi này cho người ấy ngay.

Nghe ông Bà-la-môn trả lời như vậy, người thợ săn hỏi rằng:

- Này ông Bà-la-môn! Ông là hóa thân của loài Điểu-vương Garuḍa hoặc một loài chúng-sinh nào biến hình ra thành Bà-la-môn đi tìm kiếm Long-vương để ăn thịt có phải không?

- Này người thợ săn! Tôi không phải là Điểu-vương Garuḍa, tôi cũng không phải loài chúng-sinh nào biến hình cả, tôi là người thầy bắt rắn độc, mọi người gọi ta là thầy rắn Alampāyana.

- Thưa vị thầy rắn Alampāyana, Ngài có oai lực gì, có quyền lực gì mà Ngài không sợ Long-vương có nhiều thần lực, có chất độc kinh khủng?

Nghe người thợ săn Nesāda hỏi như vậy, vị thầy rắn Alampāyana kể lại rằng:

- Này người thợ săn Nesāda! Điểu-vương Sapaṇṇa truyền dạy phép thuật Alampāyanamanta: Phép thuật bắt rắn cho vị đạo-sĩ dòng Koliya thực-hành phạm hạnh trong rừng nhiều năm.

Tôi đi vào rừng gặp vị đạo-sĩ ấy, xin phục vụ cho vị đạo-sĩ, tôi đem hết lòng tôn kính tận tâm phục vụ vị đạo-sĩ ấy một cách chu đáo suốt ngày đêm trải qua một thời gian lâu, như người học trò lo phục vụ vị tôn sư của mình và vị đạo-sĩ có tâm-từ, tâm bi đối với tôi.

Một hôm, vị đạo-sĩ có tâm bi dạy cho tôi phép thuật Alampāyanamanta: Phép thuật bắt rắn độc và thuốc trị nọc rắn độc, nên tôi biết được phép thuật Alampāyana-manta và thuốc trị nọc rắn độc.

Vì vậy, tôi không sợ Long-vương có nhiều thần lực, có chất độc khủng khiếp.

Tôi là vị thầy rắn của các vị thầy bắt rắn độc, mọi người gọi tôi là vị thầy rắn Alampāyana vậy.

Nghe vị thầy rắn Alampāyana nói về khả năng đặc biệt của ông, vả lại ông đã từng nói rằng:

“Nếu người nào dẫn chỉ cho tôi thấy chỗ ở của Long-vương có nhiều thần lực, có chất độc kinh khủng, không một ai dám tiếp xúc, thì tôi sẽ trao viên ngọc maṇi này cho người ấy ngay.”

Người thợ săn Nesāda rất muốn được viên ngọc maṇi như ý ấy, nên bàn tính với người con của y rằng:

- Này Somadatta yêu quý! Cha rất muốn được viên ngọc maṇi như ý ấy.

Vậy, chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội tốt hiếm có này, nếu cha dẫn vị thầy rắn Alampāyana đến chỗ ở của Đức Long-vương Bhūridatta, thì cha chắc chắn sẽ có được viên ngọc maṇi như ý ấy.

Nghe người cha nhẫn tâm phản bội, làm hại Đức Long-vương Bhūridatta bậc ân nhân của hai cha con, chỉ vì tâm tham muốn viên ngọc maṇi như ý một cách mù quáng quá độc ác, cho nên Somadatta thưa với cha rằng:

- Thưa cha kính yêu, Đức Long-vương Bhūridatta là bậc ân nhân của hai cha con chúng ta trước đây, Đức Long-vương đã ban cho hai cha con chúng ta hưởng mọi sự an-lạc suốt một năm trong cõi long cung.

Trước khi trở lại cõi người Đức Long-vương Bhūri-datta đã ban cho cha viên ngọc maṇi như ý ấy, cha không chịu nhận. Bây giờ cha lại nhẫn tâm dẫn vị thầy rắn Alampāyana đến làm hại Đức Long-vương Bhūri-datta, chỉ vì muốn được viên ngọc maṇi như ý ấy.

- Thưa cha kính yêu, con xin cha không nên nhẫn tâm phản bội, làm hại Đức Long-vương Bhūridatta.

Dù nghe người con khẩn khoản khuyên can như vậy, người cha vẫn không chịu nghe lời khuyên can của người con, ông bảo rằng:

- Này Somadatta! Con còn nhỏ dại chưa biết được sự lợi ích đặc biệt của viên ngọc maṇi như ý ấy. Cha sẽ không bao giờ chịu bỏ lỡ cơ hội tốt hiếm có này.

Biết người cha bị tâm tham muốn cùng tột viên ngọc maṇi như ý làm tối tăm, không biết được sự tai hại trong kiếp hiện-tại và những kiếp vị-lai, nên Somadatta giảng giải cho người cha biết rằng:

- Thưa cha kính yêu! Người nào có tác-ý làm hại người bạn tốt, không biết tri ân đối với bậc ân nhân của mình, trong kiếp hiện-tại, người ấy bị người đời chê trách, bị bạn bè xa lánh, khổ tâm khổ thân.

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục, phải chịu quả khổ lâu dài của ác-nghiệp ấy.

Nếu cha muốn được những thứ của cải nào, thì cha nên đến xin Đức Long-vương Bhūridatta, Đức Long-vương sẽ ban những thứ của cải ấy cho cha.

Nhưng nếu cha có ác-tâm dẫn vị thầy rắn Alam-pāyana đến làm hại Đức Long-vương thì cha tạo nhiều tội ác nghiêm trọng.

Khi nghe người con Somadatta giảng giải như vậy, người cha hiểu việc làm tội ác nghiêm trọng, nhưng người cha có tà-kiến hiểu lầm nói với người con rằng:

- Dù cha có tạo nhiều tội ác nghiêm trọng bao nhiêu, sau đó, cha xuống sông tắm gội cho sạch tội lỗi và cúng tế thần lửa, thì cha cũng trở lại trong sạch như thường.

Biết không thể thuyết phục người cha từ bỏ ý định phản bội, làm hại Đức Long-vương Bhūridatta, nên Somadatta thưa rằng:

- Thưa cha, con đã khẩn khoản khuyên can cha không nên làm hại Đức Long-vương Bhūridatta, tạo ra nhiều tội ác nghiêm trọng mà cha không chịu từ bỏ.

Vậy, từ nay về sau, con quyết tâm không đi cùng đường với cha nữa, cha đi đường của cha, con đi đường của con, bởi vì cha là người phản bạn, làm hại Đức Long-vương Bhūridatta bậc ân nhân của cha con ta.

Sau khi thưa với người cha như vậy, Somadatta quay lưng đi không nhìn lại, đi thẳng vào rừng núi Himavanta xuất gia trở thành đạo-sĩ thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới và các phép-thần-thông, không trở về nhà nữa.

Sau khi vị đạo-sĩ Somadatta chết, sắc-giới thiện nghiệp cho quả tái-sinh lên cõi trời sắc-giới phạm-thiên hưởng an-lạc cho đến hết tuổi thọ trong cõi trời sắc-giới phạm-thiên ấy.

Người Ít Phước Không Giữ Được Viên Ngọc Maṇi Như Ý

Sau khi người con Somadatta bỏ đi, người thợ săn Nesāda nghĩ rằng:

“Somadatta con trai của ta không hài lòng với việc làm ác của ta bỏ đi, rồi nó cũng sẽ trở về nhà thôi.”

Nhìn thấy vị thầy rắn Alampāyana bất bình, người thợ săn Nesāda thưa rằng:

-Thưa vị thầy rắn Alampāyana, xin thầy an tâm, tôi sẽ dẫn thầy đến chỗ ở Đức Long-vương Bhūridatta ngay bây giờ.

Nói xong, người thợ săn Nesāda dẫn vị thầy rắn Alampāyana đến đứng cách không xa gò mối bên cạnh cây đa gần bờ sông Yamunā, người thợ săn Nesāda chỉ tay về phía gò mối chỗ Đức-Bồ-tát Bhūridatta đang nằm thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla trong ngày giới hôm ấy.

Khi ấy, biết có người đến, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta mở mắt ra nhìn thấy người thợ săn Nesāda dẫn theo vị thầy rắn Alampāyana. Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta nghĩ rằng:

“Người thợ săn Nesāda này dẫn vị thầy rắn Alam-pāyana đến đây sẽ gây sự tai họa cho việc thực-hành, giữ gìn bát-giới uposathasīla của ta.

Ngày trước, ta đã đoán biết y là con người ác, phản bạn. Cho nên, ta đã dẫn y xuống cõi long cung để y hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung. Khi y trở lại cõi người, ta đã ban cho y viên ngọc maṇi như ý ấy mà y không chịu nhận.

Nay, y lại muốn được viên ngọc maṇi như ý ấy trên tay vị thầy rắn Alampāyana. Vì vậy, y dẫn vị thầy rắn ấy đến đây bắt ta, để y được viên ngọc maṇi như ý ấy.

Sáng nay, ta đã thọ trì bát-giới uposathasīla đầy đủ 8 điều-giới, nếu ta phát sinh tâm sân làm hại họ thì ta phạm-giới, bát-giới của ta sẽ bị đứt.

Để giữ gìn bát-giới uposathasīla cho được hoàn toàn trong sạch và đầy đủ trọn vẹn tám điều-giới này.

Vậy, ta nên phát-nguyện rằng:

“Dù bị thầy rắn Alampāyana hành hạ ta bằng cách nào đi nữa ta vẫn nhẫn-nại chịu đựng không bao giờ phát sinh tâm sân đối với vị thầy rắn.”

Sau khi phát-nguyện xong, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, nhắm đôi mắt chui đầu vào trong vòng khoanh thân mình, nằm yên không cựa quậy.

Đứng không xa chỗ nằm của Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, người thợ săn Nesāda chỉ tay về phía Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta đang nằm khoanh tròn, rồi người thợ săn Nesāda đưa hai bàn tay ra thưa với vị thầy rắn Alampāyana rằng:

- Thưa vị thầy rắn Alampāyana, xin thầy bắt Đức Long-vương Bhūridatta kia, và xin thầy trao viên ngọc maṇi ấy cho tôi.

Nhìn thấy Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta có thân hình xinh đẹp tuyệt vời, vị thầy rắn liền phát sinh tâm tham vô cùng hoan hỷ, nên không còn coi trọng viên ngọc maṇi quý báu ấy nữa, vị thầy Alampāyana ném viên ngọc maṇi về phía người thợ săn Nesāda đồng thời bảo rằng:

- Ngươi hãy nhận lấy viên ngọc maṇi này!

Viên ngọc maṇi như ý vừa chạm hai bàn tay của tên thợ săn Nesāda, y bắt không được, nên viên ngọc maṇi như ý bị rơi xuống mặt đất, ngay tức thì viên ngọc maṇi như ý biến vào lòng đất, hiện trở lại cõi long cung.

Người thợ săn Nesāda thiệt hại ba điều

Người thợ săn Nesāda bị thiệt hại ba điều.

1- Không nhận được viên ngọc maṇi như ý ấy.

2- Làm mất tình nghĩa thân thiện với Đức Long-vương Bhūridatta.

3- Mất Somadatta người con yêu quý thường đồng hành với y.

Người thợ săn Nesāda khổ tâm khóc than thảm thiết, không còn nơi nương nhờ, bởi vì không chịu nghe lời khuyên can của người con chí hiếu, y thất tha thất thểu lê đôi chân về nhà.

Đức-Bồ-Tát Bhūridatta Bị Hành Hạ

Nhìn thấy Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta nằm yên khoanh tròn quanh gò mối, vị thầy rắn Alampāyana thoa thần dược vào toàn thân, miệng ngậm thần dược đọc bài thần chú phép thuật Alampāyanamanta: Phép thuật bắt rắn độc, từ từ tiến dần đến Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, vị Alampāyana nắm cái đuôi kéo ra, rồi nắm chặt cái đầu, mở cái miệng Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta phun thần dược với nước miếng vào miệng Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta vốn là loài chúng-sinh rất sạch sẽ, dù Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta bị phun nước miếng và thần dược vào miệng, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta vẫn nhẫn-nại chịu đựng không hề phát sinh tâm sân, vẫn nhắm kín đôi mắt lại để giữ gìn bát-giới uposatthasīla cho được trong sạch hoàn toàn và đầy đủ trọn vẹn tám điều-giới, không để điều-giới nào bị đứt cả.

Tiếp theo vị thầy rắn Alampāyana đọc tụng thần chú phép thuật Alampāyanamanta và dùng thần dược khống chế Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, nắm cái đuôi giật lên giật xuống làm cho vật thực trong bụng trào ra ngoài miệng, đặt Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta nằm dài trên mặt đất, y giẫm đạp trên toàn thân từ đuôi lên đầu, rồi ngược lại từ đầu đến đuôi nhiều lần như vậy, làm bộ sương sống rã rời, làm cho mất sức lực.

Vị thầy rắn Alampāyana nắm cái đuôi của Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta choàng lên vai mang đi, cái đầu chúc xuống đất kéo lê đi.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta chịu bao nhiêu nỗi khổ thân không sao tả được, nhưng nhờ tạo pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, cho nên, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta không hề phát sinh tâm sân đối với vị thầy rắn ấy.

Đặt Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta nằm xuống đất, rồi cột chặt lại một nơi, vị thầy rắn Alampāyana vào rừng tìm dây mây đan một cái lồng bỏ Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta vào trong lồng ấy, rồi mang lên vai đến một vùng đông dân cư. Vị thầy rắn Alampāyana đặt cái lồng nhốt Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta xuống, ông loan báo dân chúng trong vùng rằng:

- Này toàn thể dân chúng trong vùng! Ai muốn xem Long-vương Bhūridatta biểu diễn đủ trò hay chưa từng thấy thì hãy tụ hội lại đây.

Nghe vị thầy rắn Alampāyana loan báo như vậy, dân chúng trong vùng kéo nhau đến rất đông. Khi ấy, vị thầy rắn Alampāyana nói với Long-vương Bhūridatta rằng:

- Này Long-vương Bhūridatta! Long-vương hãy biểu diễn các trò thật hay cho dân chúng xem, nếu tôi thu được nhiều tiền của thì tôi sẽ thả Long-vương được tự do trở lại cõi long cung.

Nghe vị thầy rắn Alampāyana hứa như vậy, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta nghĩ rằng:

“Hôm nay, ta sẽ biểu diễn các trò thật hay cho dân chúng xem, khi vị thầy rắn Alampāyana thu được nhiều tiền của, rồi sẽ thả ta ra.

Như vậy, vị thầy rắn Alampāyana bảo ta biểu diễn như thế nào thì ta sẽ làm như thế ấy”.

Vị thầy rắn Alampāyana mở nắp lồng ra, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta từ trong lồng bò ra, vị thầy rắn Alampāyana bảo rằng:

- Này Long-vương Bhūridatta! Long-vương hãy hóa ra thân hình to lớn.

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta liền hóa ra thân hình to lớn.

- Này Long-vương! Hãy hóa ra thân hình nhỏ bé.

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta liền hóa ra thân hình nhỏ bé.

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta phùng mang lớn dần dần.

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta biến mất rồi hiện ra lại.

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta hiện rõ nửa thân hình.

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta biến ra thân hình màu vàng, màu xanh, màu trắng.

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta phun lửa, phun khói, v.v…

Vị thầy rắn Alampāyana bảo Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta biểu diễn thế nào thì Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta biểu diễn thế ấy.

Dân chúng đứng xem Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta bị thầy rắn Alampāyana sai khiến biểu diễn đủ trò, dân chúng ai cũng xúc động trào rơi nước mắt. Mọi người ban thưởng nhiều vàng, bạc đồ trang sức,… cốt để cho vị thầy rắn Alampāyana được nhiều của cải, rồi thả Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta được tự do, nhưng khi thu được nhiều của cải quý báu, vị thầy rắn càng phát sinh tâm tham muốn được thêm nhiều của cải, nên không chịu thả Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta được tự do.

Vị thầy rắn Alampāyana cho người đóng một chiếc lồng bằng kính, nhốt Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta trong lồng kính ấy, rồi đặt trên chiếc xe sang trọng, đưa Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta đi từ vùng này sang vùng khác, bắt buộc Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta biểu diễn các trò cho dân chúng xem, để vị thầy rắn thu được nhiều tiền của, không cho Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta dùng món ăn mật ong và gạo rang, mà cho các món đồ ăn không thể dùng được.

Tuần tự chiếc xe chở Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūri-datta đến trước các cửa kinh-thành Barāṇasī.

Hôm ấy, nhằm vào ngày giới vị thầy rắn Alampāyana xin vào chầu Đức-vua Bārāṇasī tâu rằng:

-Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ tiện dân có khả năng điều khiển được Long-vương Bhūridatta biểu diễn các trò rất hay để Bệ-hạ xem.

Đức-vua Bārāṇasī chuẩn tấu, rồi truyền lệnh cho các quan đánh trống thông báo cho các quan trong triều, những người trong hoàng tộc cùng dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī đến xem Long-vương Bhūridatta biểu diễn các trò hay.

Chánh-Cung Hoàng-Hậu Samuddajā Thấy Ác Mộng

Trong ngày vị thầy rắn Alampāyana bắt Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, vào canh chót đêm ấy bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā là Mẫu-hậu của Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, nằm thấy ác mộng rằng:

“Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā bị một người đàn ông có gương mặt đỏ, dùng gươm chặt cánh tay bên phải của bà đem đi, khi máu đang chảy ròng.”

Sau khi tỉnh cơn ác mộng bà vẫn còn sợ hãi tay sờ cánh tay bên phải của bà còn nguyên, bà mới biết rằng đó là cơn ác mộng. Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā nghĩ rằng:

“Ta nằm thấy cơn ác mộng thật là kinh hoàng, không biết có điều gì xảy ra cho bốn vị hoàng-tử của ta và đấng phu-quân của ta hay không?

Trong bốn hoàng hoàng-tử thường có ba hoàng-tử ở tại long cung, chỉ có hoàng-tử Bhūridatta thường xuất hiện trên cõi người, để thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng mà thôi.

Trong cõi người, nếu hoàng-tử Bhūridatta gặp thầy rắn hoặc Điểu-vương thì chắc chắn sẽ gây tai hoạ cho hoàng-tử Bhūridatta của ta.”

Nghĩ như vậy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā lo lắng khổ tâm sầu não nghĩ đến hoàng-tử Bhūridatta suốt ngày đêm.

Kể từ ngày bà Chánh-cung Hoàng-hậu thấy cơn ác mộng đến hôm nay đã trải qua nửa tháng.

Theo lệ thường, cứ mỗi nửa tháng hoàng-tử Bhūridatta đến chầu thăm viếng Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu Samuddajā.

Hôm ấy là ngày đến kỳ hạn nửa tháng, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā ngồi nhìn ra trước cổng lâu đài không thấy hoàng-tử Bhūridatta đến, bà than vãn rằng:

“Hoàng-nhi Bhūridatta con hãy mau đến thăm Mẫu-hậu, Mẫu-hậu đang mong chờ con.”

Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā mong chờ hoàng-tử Bhūridatta, làm cho bà khổ tâm sầu não suốt nửa tháng ròng rã.

Theo lệ thường, mỗi tháng một lần, ba hoàng-tử Sudassana, Subhoga, Ariṭṭha ngự đến chầu thăm viếng Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu Samuddajā.

Hôm ấy, nhằm vào ngày đến kỳ hạn Đức Long-vương Sudassana, hoàng-tử trưởng của Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā và Đức Long-vương Dhataraṭṭha, ngự đến chầu Mẫu-hậu, nhìn thấy Mẫu-hậu khổ tâm sầu não khóc than, hoàng-tử trưởng Sudassana không biết do nguyên nhân nào làm cho Mẫu-hậu khổ tâm như vậy, nên tâu rằng:

- Muôn tâu Mẫu-hậu, con đến chầu thăm Mẫu-hậu, do nguyên nhân nào mà Mẫu-hậu không vui mừng, ai làm cho Mẫu-hậu khổ tâm, sầu não?

Hoặc Mẫu-hậu có nỗi khổ tâm gì mà trên gương mặt của Mẫu-hậu âu sầu, đôi mắt của Mẫu-hậu đầy nước mắt vậy? Tâu Mẫu-hậu.

- Này Hoàng-nhi Sudassana yêu quý! Mẫu-hậu nằm thấy cơn ác mộng trải qua một tháng nay như sau:

“Một người đàn ông có đôi mắt đỏ, dùng thanh gươm chặt cánh tay bên phải của Mẫu-hậu, đem đi, khi máu đang chảy ròng.”

Đó là nguyên nhân làm cho Mẫu-hậu khổ tâm sầu não khóc than suốt ngày đêm, kể từ ngày hôm ấy cho đến nay trải qua một tháng rồi.

- Này Hoàng-nhi Sudassana yêu quý! Mẫu-hậu cùng con ngự đến thăm lâu đài của Bhūridatta để biết rõ về hoàng-đệ Bhūridatta của con như thế nào?

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā cùng phái đoàn hộ giá của Hoàng-tử trưởng Sudassana ngự đến thăm lâu đài của Hoàng-tử Bhūridatta.

Một tháng trước, các hoàng-hậu của Đức Long-vương Bhūridatta xuất hiện lên cõi người đến chỗ gò mối không gặp Đức Long-vương đấng phu-quân của họ. Các bà hoàng-hậu nghĩ rằng:

“Đức Long-vương đã ngự trở về cõi long cung, đến chầu Mẫu-hậu Samuddajā và Đức Phụ-vương Dhata-raṭṭha, rồi ở lại hầu hạ phục vụ thuyết pháp tế độ Mẫu-hậu cùng Đức Phụ-vương.”

Vì vậy, các bà Hoàng-hậu không đi tìm kiếm Đức Long-vương Bhūridatta nữa.

Hôm nay, nhìn từ xa thấy Mẫu-hậu Samuddajā và Hoàng-huynh Sudassana ngự đến đây, các bà hoàng-hậu của Đức Long-vương Bhūridatta ngự ra cung kính đón rước Mẫu-hậu và Hoàng-huynh cùng đảnh lễ nơi bàn chân của hai Vị, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Mẫu-hậu, Đức Long-vương Bhūridatta hoàng-tử của Mẫu-hậu ở nơi nào, sao không cùng ngự theo Mẫu-hậu?

- Muôn tâu Mẫu-hậu, đã một tháng qua, các con ngày

đêm mong chờ Đấng phu-quân Bhūridatta trở về.

Nghe các bà hoàng-hậu của Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta tâu như vậy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā chết ngất, vì quá xúc động, Hoàng-tử Sudassana đến đỡ Mẫu-hậu còn các bà hoàng-hậu ấy ôm đôi bàn chân Mẫu-hậu khóc than thảm thiết.

Khi ấy, Đức Long-vương Subhoga và Đức Long-vương Ariṭṭha cùng đoàn hộ giá ngự đến chầu thăm viếng Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu Samuddajā. Trên đường đi ngang qua lâu đài của Hoàng-huynh Bhūridatta thì nghe tiếng khóc than của các hoàng tẩu, nên hai Đức Long-vương ghé vào lâu đài, thì thấy Mẫu-hậu Samuddajā nằm trên long sàng, Hoàng-huynh trưởng ngồi bên cạnh, các hoàng tẩu ôm đôi bàn chân Mẫu-hậu khóc than thảm thiết.

Hai hoàng-tử Subhoga và Ariṭṭha không biết chuyện gì xảy ra, ngự đến hầu đảnh lễ Mẫu-hậu, mới biết Hoàng-huynh Bhūridatta đã mất tích một tháng rồi.

Hoàng-tử Subhoga và Hoàng-tử Ariṭṭha tâu với Mẫu-hậu rằng:

- Muôn tâu Mẫu-hậu, xin Mẫu-hậu an tâm, ba huynh đệ chúng con sẽ đi khắp mọi nơi từ trên cõi trời, nơi rừng núi Himavanta, cõi người, các con sông, biển… tìm cho được Hoàng-huynh Bhūridatta thỉnh về chầu Mẫu-hậu trong vòng 7 ngày.

Nghe các hoàng-tử tâu như vậy, Mẫu-hậu Samuddajā truyền bảo rằng:

- Này các Hoàng-nhi yêu quý! Các con hãy mau đi tìm Bhūridatta về chầu Mẫu-hậu, nếu Mẫu-hậu không gặp được Bhūridatta sớm thì chắc chắn Mẫu-hậu không thể sống được.

Nghe Mẫu-hậu truyền dạy như vậy, Hoàng-tử trưởng Sudassana truyền dạy hai hoàng-đệ rằng:

- Này hai Hoàng-đệ! Cả ba huynh đệ chúng ta phải đi khắp mọi nơi, huynh phân công như sau:

* Hoàng-đệ Ariṭṭha có tính khí nóng nảy nếu thấy Hoàng-huynh Bhūridatta bị hành hạ ở xóm làng nào thì xóm làng ấy chắc chắn sẽ bị thiêu đốt thành tro bụi.

Đó là điều hoàng-đệ Bhūridatta không muốn.

Vậy, huynh phân công hoàng-đệ Ariṭṭha đi tìm trên các cõi trời. Nếu hoàng-đệ thấy Hoàng-huynh Bhūridatta đang thuyết pháp thì hoàng-đệ vào thỉnh Hoàng-huynh Bhūridatta trở về cõi long cung đến chầu Mẫu-hậu gấp, vì Mẫu-hậu đang khắc khoải mong chờ.

* Hoàng-đệ Subhoga đi tìm trong rừng núi Hima-vanta và các con sông lớn, biển. Nếu thấy Hoàng-huynh Bhūridatta thì thỉnh Hoàng-huynh Bhūridatta ngự trở về cõi long cung vào chầu Mẫu-hậu, vì Mẫu-hậu đang khắc khoải mong chờ.

* Còn huynh sẽ đi tìm trên cõi người, nếu huynh xuất hiện lên cõi người với hình dáng người thanh niên trai trẻ thì loài người không quan tâm, không kính trọng. Vậy, huynh sẽ biến hóa thành vị đạo-sĩ thì được loài người kính trọng, huynh sẽ dễ dàng hỏi thăm tin tức của Hoàng-đệ Bhūridatta.

Sau khi phân công xong, cả ba huynh đệ vào đảnh lễ Mẫu-hậu Samuddajā, xin Mẫu-hậu ban phước lành ra đi. Khi ấy, một hoàng-muội Ajamukhī là người em cùng Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha khác Mẫu-hậu, Công-chúa Ajamukhī rất kính yêu Hoàng-huynh Bhūridatta, nên xin đi theo sau Hoàng-huynh trưởng Sudassana.

Hoàng-huynh trưởng truyền dạy rằng:

- Này hoàng-muội Ajamukhī yêu quý! Em không thể đi theo cùng với huynh được, bởi vì huynh biến hóa thành vị đạo-sĩ, em đi theo sau sẽ bị người ta chê trách.

Nghe hoàng-huynh trưởng Sudassana truyền dạy như vậy, hoàng-muội Ajamukhī thưa rằng:

- Thưa Hoàng-huynh trưởng, em sẽ biến hóa thành con nhái con nằm gọn trên cái mũ của Hoàng-huynh.

- Này hoàng-muội Ajamukhī yêu quý! Nếu như vậy thì hoàng muội hãy mau đi theo Hoàng-huynh ngay!

- Thưa Hoàng-huynh trưởng, trước hết, muội hỏi các hoàng tỷ, hoàng-hậu của Hoàng-huynh Bhūridatta, để biết Hoàng-huynh Bhūridatta xuất hiện lên cõi người thường thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla chỗ nào, rồi huynh muội chúng ta hãy đi đến chỗ ấy trước.

Các hoàng-hậu của Đức Long-vương Bhūridatta cho biết tại gò mối gần cây đa bên bờ sông Yamunā, là nơi Đấng phu-quân Bhūridatta thường nằm thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

Biết được chỗ của Hoàng-huynh Bhūridatta, hai huynh muội hiện lên cõi người ngự đến tại nơi ấy quan sát xem xét thấy những vết máu khô của Hoàng-đệ Bhūridatta, đi theo vết máu đến một nơi thấy những sợi dây mây vụn đang bỏ rãi rác nơi ấy. Vị đạo-sĩ Sudassana đoán biết chắc chắn rằng:

“Vị thầy rắn đã bắt Hoàng-đệ Bhūridatta.”

Vị đạo-sĩ Sudassana phát sinh nỗi khổ tâm cùng cực, nước mắt trào ra, vị đạo-sĩ lần theo con đường mòn mà vị thầy rắn đã đi đến một vùng dân chúng đông đúc, vị đạo-sĩ Sudassana hỏi thăm dân chúng rằng:

- Này quý bà con! Vị thầy rắn bắt Đức Long-vương Bhūridatta biểu diễn trò tại đây có phải không?

- Kính thưa vị đạo-sĩ, cách đây một tháng, vị thầy rắn Alampāyana bắt Đức Long-vương biểu diễn trò tại đây, đã thu được nhiều tiền, vàng bạc,.. đi đến vùng khác rồi.

Nghe dân chúng cho biết rõ tin tức về Hoàng-đệ Bhūridatta, vị đạo-sĩ Sudassana cảm thấy vui mừng, nhưng nỗi khổ tâm lại phát sinh, bởi vì nghĩ đến Hoàng-đệ Bhūridatta bị thầy Alampāyana hành hạ, vị đạo-sĩ Sudassana theo dõi từ vùng này đến vùng khác, từ tỉnh thành này đến tỉnh thành khác cuối cùng đến kinh-thành Bārāṇasī, gặp vị thầy rắn Alampāyana đang chuẩn bị bắt Đức Long-vương Bhūridatta biểu diễn cho Đức-vua Bārāṇasī xem.

Hôm ấy, vị thầy rắn Alampāyana ăn mặc một bộ đồ sang trọng. Cho người mang lồng kính ra đặt trước sân rồng của cung điện, các hoàng gia, các quan cùng dân chúng trong kinh-thành tụ hội rất đông, một ngai vàng được sắp đặt chờ Đức-vua Bārāṇasī ngự đến xem.

Đức-vua Bārāṇasī truyền bảo các quan rằng:

-Trẫm sẽ ngự đến, truyền cho vị thầy rắn Alampāyana hãy đem Long-vương Bhūridatta thả ra trước.

Được lệnh của Đức-vua, vị thầy rắn Alampāyana mở của lồng kính, báo hiệu mời Đức Long-vương Bhūridatta bò ra ngoài.

Khi ấy, vị đạo-sĩ Sudassana đứng sau nhóm người xem, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta thò đầu ra xem bên ngoài, nếu nhìn thấy có Điểu-vương xuất hiện ở nơi ấy, thì Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta không dám bò ra ngoài, vì sợ Điểu-vương gây tai hại cho mình.

Thấy không có Điểu-vương, nên Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta bò thẳng đến chỗ đứng của vị đạo-sĩ Sudassana, những người đứng xem gần nơi ấy đều hoảng sợ bỏ chạy ra xa, chỉ còn vị đạo-sĩ Sudassana đứng yên một chỗ, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta cúi đầu dưới đôi bàn chân của vị đạo-sĩ Sudassana.

Vị đạo-sĩ Sudassana nhìn thấy hoàn cảnh đáng thương của Hoàng-đệ Bhūridatta, nên xúc động khóc trào nước mắt, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta cũng khóc rồi bỏ trở lại vào chiếc lồng kính.

Khi ấy, vị thầy rắn Alampāyana hiểu lầm rằng:

Vị đạo-sĩ bị Long-vương Bhūridatta cắn, nên vị thầy rắn đến an ủi rằng:

- Thưa đạo-sĩ, Long-vương Bhūridatta bò đến cắn đôi bàn chân của Ngài có phải không?

- Kính xin Ngài chớ nên lo sợ, tôi có bổn phận chữa trị vết thương cho Ngài được bình phục.

Nghe vị thầy rắn Alampāyana thưa như vậy, vị đạo-sĩ Sudassana muốn khiêu khích với vị thầy rắn rằng:

- Này thầy rắn Alampāyana! Đức Long-vương ấy không có khả năng làm gì ta được, dù chỉ một chút thôi. Thật ra, trong đời này có bao nhiêu thầy rắn cũng không có một ai hơn ta được.

Vì không biết vị đạo-sĩ ấy là ai, thầy rắn Alampāyana chạm tự ái, nên nổi cơn giận dữ mắng nhiếc rằng:

- Này đạo-sĩ! Ngươi là ai mà ngu si đến cuồng dại, dám tự cao tự đại, mang hình thức đạo-sĩ đến đây thách đố với ta giữa hội chúng đông đảo như thế này!

Vị thầy rắn Alampāyana tuyên bố rằng:

- Kính xin toàn thể hội chúng thông cảm cho tôi, nếu có chuyện gì xảy ra với vị đạo-sĩ này thì tôi là người vô tội, kính xin quý vị đừng giận tôi.

Nghe vị thầy rắn Alampāyana nói vậy, vị đạo-sĩ thách đố với vị thầy rắn rằng:

- Này thầy rắn Alampāyana! Ông đem con Long-vương đấu với con nhái con của ta. Trong cuộc chiến đấu này giữa hai chúng ta, mỗi người có một số tiền 5000 đồng kahāpana, nếu người nào thua thì người đó mất số tiền đó, nếu người nào thắng thì người ấy được số tiền đó.

Nghe vị đạo-sĩ đặt ra điều kiện đấu nhau như vậy, vị thầy rắn Alampāyana nói với vị đạo-sĩ trẻ rằng:

- Này đạo-sĩ trẻ! Ta là người giàu mới có số tiền lớn như vậy, còn ngươi là kẻ nghèo hèn, ai đứng ra bảo lãnh cho ngươi?

Vậy, trong cuộc chiến đấu này giữa ta và ngươi, mỗi người phải đặt ra một số tiền 5000 đồng kahāpana.

Nghe vị thầy rắn Alampāyana nói như vậy, vị đạo-sĩ Sudassana đến chầu Đức-vua Bārāṇasī tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương cao thượng, cầu mong Đại-vương được sống lâu, an-lạc. Kính xin Đại-vương đứng ra bảo lãnh số tiền 5000 đồng kahāpana giúp bần đạo.

Nghe vị đạo-sĩ tâu như vậy, Đức-vua truyền hỏi rằng:

- Thưa vị đạo-sĩ, vì lý do gì mà đạo-sĩ cầu xin Trẫm đứng ra bảo lãnh số tiền lớn như vậy?

Nghe    Đức-vua     truyền    hỏi    như    vậy,    vị    đạo-sĩ Sudassana tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, bởi vì thầy rắn Alampāyana đem Đức Long-vương Bhūridatta đấu với con nhái con của bần đạo. Trong cuộc chiến đấu giữa bần đạo với vị thầy rắn Alampāyana, nếu người nào thua thì phải chịu chồng đủ số tiền 5000 đồng kahāpana cho người thắng.

- Muôn tâu Đại-vương cao thượng, kính xin Đại-vương ngự đến chứng kiến cuộc chiến đấu hôm nay.

Đức-vua Bārāṇasī ngự cùng vị đạo-sĩ Sudassana ra chỗ sân rồng nơi hội chúng tụ hội đông đảo.

Nhìn thấy Đức-vua ngự ra cùng với đạo-sĩ, vị thầy rắn Alampāyana kính nể không dám xem thường vị đạo-sĩ, do nghĩ rằng: vị đạo-sĩ này là người trong hoàng tộc, nên thưa rằng:

- Thưa vị đạo-sĩ, tôi không dám coi thường tài năng và oai lực của Ngài, nhưng tôi khuyên Ngài không nên ỷ lại vào tài năng của mình mà không biết sợ con Long-vương Bhūridatta này. Tôi cho Ngài biết con Long-vương Bhūridatta này có nhiều thần lực, có chất độc khủng khiếp lắm.

Nghe vị thầy rắn Alampāyana khuyên như vậy, vị đạo-sĩ Sudassana nói với thái độ khiêu khích rằng:

- Này thầy rắn Alampāyana! Bần đạo biết Đức Long-vương này không có chất độc, nhưng ông đã lừa gạt mọi người cho rằng: Đức Long-vương có chất độc kinh khủng, để ông kiếm được nhiều của cải.

Nếu mọi người đều biết Đức Long-vương này không có chất độc, thì ông đâu có kiếm được của cải lớn như thế này?

Nghe vị đạo-sĩ Sudassana nói như vậy, thầy rắn Alampāyana nổi cơn tức giận như điên như cuồng mắng nhiếc vị đạo-sĩ Sudassana rằng:

- Này đạo-sĩ giả! Ngươi mặc đồ gia cọp, đầu đội mũ như đạo-sĩ, ngươi vốn là người si mê đần độn tự cao tự đại, dám thách ta giữa hội chúng này. Ngươi dám coi thường Long-vương Bhūridatta này không có chất độc.

Vậy, ngươi có dám đến gần con Long-vương Bhūri-datta này, để ngươi biết có chất độc kinh khủng, có nhiều thần lực hay không?

Ta nói cho ngươi biết, nếu ngươi đến gần thì con Long-vương Bhūridatta này phun chất độc, phun lửa ra thiêu đốt ngươi biến thành tro bụi ngay!

Vị đạo-sĩ Sudassana nói khiêu khích với vị thầy rắn Alampāyana rằng:

- Này thầy rắn Alampāyana! Con rắn nước, con rắn lửa may ra còn có chất độc, nhưng Đức Long-vương Bhūridatta này làm gì có chất độc!

Vị thầy rắn Alampāyana nổi cơn tức giận điên cuồng nói rằng:

- Này vị đạo-sĩ giả! Tôi từng nghe chư Thánh A-ra-hán cao thượng dạy rằng:

“Các thí-chủ đã làm phước bố-thí trong đời này sau khi họ chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh lên cõi trời.”

Vậy, khi đang còn sống, ngươi có những gì bố-thí

được thì nên làm phước bố-thí ngay bây giờ.

Ta sẽ sai khiến con Long-vương Bhūridatta có chất độc kinh khủng, có nhiều thần lực sẽ bò đến cắn ngươi, sẽ thiêu huỷ ngươi biến thành tro bụi ngay bây giờ.

Vị đạo-sĩ Sudassana cũng khuyên vị thầy rắn rằng:

- Này thầy rắn Alampāyana! Tôi cũng từng nghe chư Thánh A-ra-hán cao thượng dạy rằng:

“Các thí-chủ đã làm phước bố-thí trong đời này sau khi họ chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh lên cõi trời.”

Vậy, khi ông còn sinh-mạng, ông nên đem của cải tài sản để làm phước bố-thí ngay bây giờ. Tôi sẽ cho con nhái con tên Ajamukhī có nhiều chất độc kinh khủng, có nhiều thần lực nhảy ra cắn ông, chắn chắn ông sẽ biến thành tro bụi.

- Này thầy rắn Alampāyana! Con nhái con này tên Ajamukhī vốn là công-chúa của Đức Long-vương Dhataraṭṭha, nó là hoàng-muội cùng Đức Phụ-vương khác Mẫu-hậu với bần đạo, công-chúa Ajamukhī có chất độc kinh khủng, có nhiều thần lực nó sẽ cắn ông biến thành tro bụi.

Sau khi nói xong, đạo-sĩ Sudassana đứng giữa hội chúng đông đảo đưa bàn tay ra gọi hoàng-muội Ajamukhī rằng:

- Này hoàng-muội Ajamukhī yêu quý! Em hãy nhảy ra từ trên mũ của hoàng-huynh, đứng trên bàn tay của hoàng-huynh.

Nghe tiếng Hoàng-huynh Sudassana gọi, con nhái con vốn là công-chúa Ajamukhī nhảy ra từ trên mũ, đứng trên bàn tay của vị đạo-sĩ Sudassana, nhả từ miệng ra ba giọt chất độc trên bàn tay của vị đạo-sĩ Sudassana, rồi nhảy trở lại nằm trên mũ của vị đạo-sĩ như trước.

Khi ấy, vị đạo-sĩ Sudassana đưa ba giọt chất độc dõng dạt tuyên bố rằng:

- Toàn thể dân chúng trong nước này sẽ bị diệt vong chỉ do 3 giọt chất độc này mà thôi.

Tiếng nói của vị đạo-sĩ Sudassana vang dội khắp kinh thành Bārāṇasī ra xa chu vi rộng lớn.

Khi ấy, Đức-vua Bārāṇasī truyền hỏi vị đạo-sĩ Sudassana rằng:

- Thưa Ngài đạo-sĩ, tại sao dân chúng trong nước này sẽ bị diệt vong?

- Tâu Đại-vương, dân chúng trong nước này sẽ bị diệt vong bởi vì ba giọt chất độc này.

- Thưa Ngài đạo-sĩ, xin Ngài bỏ ba giọt chất độc xuống mặt đất được hay không?

- Tâu Đại-vương, không thể được. Nếu bần đạo bỏ ba giọt chất độc này xuống mặt đất, thì xin Đại-vương nên biết rằng:

Các loài cây ăn trái, các giống lúa, loài hoa màu, v.v... do nương nhờ mặt đất đều bị khô héo, tàn lụi cả vì ba giọt chất độc này.

Vì vậy, bần đạo không thể bỏ xuống mặt đất được.

- Thưa đạo-sĩ, xin Ngài ném xuống nước được hay không?

- Tâu Đại-vương, cũng không thể được. Nếu bần đạo ném ba giọt chất độc này xuống nước, thì xin Đại-vương biết rằng:

Các loài chúng-sinh sống trong nước đều bị chết cả thảy, không còn một con nào sống sót.

Vì vậy, bần đạo không thể bỏ xuống nước được.

- Thưa đạo-sĩ, xin Ngài ném lên hư không có được hay không?

- Tâu Đại-vương, cũng không thể được. Nếu bần đạo ném 3 giọt chất độc này lên hư không thì xin Đại-vương nên biết rằng:

Mưa và sương sẽ không có, hạn hán suốt bảy năm ròng rã.

Vì vậy, bần đạo không thể nào ném lên hư không.

Đức-vua Bārāṇasī khẩn khoản yêu cầu rằng:

- Thưa đạo-sĩ, Trẫn không biết làm cách nào nữa. Vậy, xin Ngài tìm cách cứu giúp toàn thể dân chúng trong nước tránh khỏi tai hoạ diệt vong.

Vị đạo-sĩ Sudassana tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, nếu như vậy thì xin Đại-vương truyền lệnh cho đào ba cái hầm thật sâu gần sát nhau, rồi bần đạo sẽ làm cho nó trở thành vô hiệu.

Sau khi đào xong ba cái hầm sâu, vị đạo-sĩ Sudassana bỏ đầy các loại cây thuốc khác nhau để làm hóa giải bớt chất độc vào hầm thứ nhất, bỏ đầy phân bò vào hầm thứ nhì, bỏ đầy thần dược vào hầm thứ ba.

Vị đạo-sĩ Sudassana bỏ ba giọt chất độc xuống hầm thứ nhất, ngay khi ấy, ngọn lửa bốc cháy ngùn ngụt, cháy lan sang hầm thứ nhì chứa đầy phân bò, rồi cháy sang hầm thứ ba gặp thần dược, ngọn lửa cháy hết thần dược, thì mới tắt.

Khi ấy, vị thầy rắn Alampāyana đứng gần nơi ấy, bị tiếp xúc hơi độc làm cho thân hình của ông lở loét, trở thành bệnh ngoài da thấy rất ghê tởm. Vị thầy rắn sợ hãi hét lên rằng:

“Nāgarājānaṃ vissajjemi.” (3 lần)

Tôi xin thả Đức Long-vương Bhūridatta ra được tự do. (3 lần)

Nghe tiếng la hét lớn của thầy rắn Alampāyana như vậy, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta từ trong lồng kính bò ra, liền biến hóa ra thân hình to lớn có đầy đủ trang phục, đồ trang sức ngọc ngà quý báu đứng giữa hội chúng như Đức-vua-trời, đồng thời vị đạo-sĩ Sudassana và công-chúa Ajamukhī cũng hóa ra như vị thiên-nam, vị thiên-nữ có đầy đủ trang phục và đồ trang sức lộng lẫy đứng bên cạnh Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta.

Khi ấy, Đức Long-vương Sudassana tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương có biết ba huynh đệ muội chúng con là ai không?

Đức-vua Bārāṇasī truyền bảo rằng:

- Thưa quý vị, Trẫm không biết thật.

- Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương không biết ba huynh đệ muội chúng con là phải, nhưng điều chắc chắn Đại-vương nhớ rõ chuyện Công-chúa Samuddajā của Đức-vua Brahmadatta ban cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha trước kia đúng không?

Đức-vua Bārāṇasī truyền bảo rằng:

- Này quý vị! Đúng vậy, Trẫm nhớ rõ lắm! Bởi vì Công-chúa Samuddajā là Hoàng-muội của Trẫm.

Đức Long-vương Sudassana tâu rõ lý lịch rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, cháu là hoàng-tử trưởng tên Sudassana, em cháu là hoàng-tử thứ nhì Bhūridatta, cả hai chúng cháu là hoàng-tử của bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā, Hoàng-muội của Đại-vương.

Vậy, Đại-vương là Đức-vua cậu của hai huynh đệ

chúng cháu.

- Muôn tâu Đức-vua cậu, Mẫu-hậu Samuddajā sinh hạ được bốn hoàng-tử: cháu là hoàng-tử trưởng tên Sudassana, kế hoàng-tử thứ nhì Bhūridatta, hoàng-tử thứ ba Subhoga và hoàng-tử thứ tư Ariṭṭha. Mỗi cháu đi tìm hoàng-tử Bhūridatta mỗi nơi.

Còn công-chúa Ajamukhī này là hoàng-muội của chúng cháu cùng Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha khác Mẫu-hậu.

Nghe Đức Long-vương Sudassana tâu rõ cội nguồn như vậy, Đức-vua Bārāṇasī vui mừng khôn xiết, ôm choàng ba cháu vào lòng, quá xúc động trào ra nước mắt, rồi dẫn nhau ngự vào cung điện.

Trước tiên Đức-vua truyền hỏi rằng:

- Này các cháu yêu quý! Mẫu-hậu Samuddajā của các cháu thế nào? Cậu muốn gặp Mẫu-hậu của các cháu bằng cách nào?

Đức Long-vương Sudassana tâu rằng:

- Tâu Đức-vua cậu, Mẫu-hậu Samuddajā của các cháu nằm thấy ác mộng đoán biết chắc chắn rằng:

Hoàng-tử Bhūridatta bị tai nạn, cho nên ngày đêm Mẫu-hậu Samuddajā nhớ thương hoàng-tử Bhūridatta, lo lắng sầu não khổ tâm, truyền ba huynh đệ chúng cháu mỗi vị một nơi đi tìm cho được hoàng-tử Bhūridatta, thỉnh về chầu Mẫu-hậu sớm.

- Tâu Đức-vua cậu, Đức-vua ngoại của chúng cháu hiện đang ngự tại nơi nào?

- Này các cháu yêu quý! Đức-vua ngoại của các cháu từ khi tiễn đưa Công-chúa Samuddajā rời khỏi cung điện, ban cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha. Từ đó, đêm ngày nhớ thương Công-chúa Samuddajā, nỗi buồn khổ khôn nguôi, nên Đức-vua Ngoại đã truyền ngôi lại cho cậu, rồi Đức-vua Ngoại từ bỏ kinh-thành Bārāṇasī đi vào rừng xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Hiện nay, Đức-vua Ngoại đạo-sĩ của các cháu đang ngự tại rừng núi kia.

- Tâu Đức-vua cậu, Mẫu-hậu của chúng cháu muốn viếng thăm Đức-vua Ngoại và Đức-vua cậu. Cháu xin hẹn đến ngày hôm ấy, Đức-vua cậu ngự đến chỗ ở của Đức-vua ngoại.

Vào ngày hôm ấy, cháu sẽ thỉnh Mẫu-hậu Samuddajā, và các cháu đủ mặt ngự đến đoàn tụ gia đình tại chỗ ở của Đức-vua Ngoại đạo-sĩ ấy.

Đức-vua Bārāṇasī truyền hỏi về Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta rằng:

- Này cháu Bhūridatta yêu quý! Cháu có nhiều thần lực phi thường như vậy, tại sao vị thầy rắn Alampāyana bắt được cháu?

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta tâu với Đức-vua cậu Bārāṇasī hiểu rõ về tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật, pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật, pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, v.v… của mình, rồi Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta thuyết pháp giảng dạy Đức-vua cậu thực-hành mười pháp của Đức-vua, làm phước-thiện bố-thí, giữ-giới, v.v… giữ gìn truyền thống tổ tiên của Hoàng tộc.

Khi ấy, Đức Long-vương Sudassana tâu rằng:

- Tâu Đức-vua cậu, Mẫu-hậu Samuddajā đang ngày đêm nhớ thương, khắc khoải trông ngóng từng giờ từng phút mong gặp Hoàng-tử Bhūridatta. Chúng cháu cần phải trở lại cõi long cung sớm.

Vậy, chúng cháu kính đảnh lễ Đức-vua cậu, xin phép bái biệt Đức-vua cậu, hẹn vào ngày ấy đoàn tụ đông đủ.

Đức-vua Bārāṇasī tiễn đưa những người cháu yêu quý ra khỏi cung điện, không cầm được nước mắt, nhìn theo ba đứa cháu cho đến khi chúng nó biến mất, xuất hiện trở về cõi long cung của mình.

Đức-Bồ-Tát Bhūridatta Trở Về Cõi Long Cung

Khi Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta trở về cõi long cung, Mẫu-hậu Samuddajā, Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha, các hoàng-hậu, những người trong hoàng tộc, các quan cận thần, v.v… đều vui mừng khôn xiết.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta bị nhốt trong lồng kính một tháng qua, phải chịu mọi cảnh khổ hành hạ đói khát, nên bị lâm bệnh, nằm trên lâu đài của mình, nhưng còn phải vất vả tiếp những người thân đến thăm viếng.

* Hoàng-tử Ariṭṭha có phận sự lên trên cõi trời để tìm kiếm khắp mọi nơi mà không gặp Hoàng-huynh Bhūri-datta, nên đã trở về cõi long cung trước nhất.

* Hoàng-tử Subhoga có phận sự đi tìm trong khu rừng núi Himavanta, các con sông lớn, các biển cả đại dương, khi Hoàng-tử Subhoga đến con sông Yamunā gặp người thợ săn Nesāda hằng ngày đến con sông này tắm để rửa tội, bởi vì y phản bạn, chỉ thầy rắn Alampāyana bắt Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta.

Hoàng-tử Subhoga bắt người thợ săn Nesāda đem xuống cõi long cung để trị tội, nhưng Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta truyền lệnh cho các long-nam dẫn người thợ săn Nesāda rời khỏi cõi long cung đưa trở về cõi người.

Ngày Đoàn Tụ Thân Tộc

Đúng ngày hẹn, Đức-vua Bārāṇasī cùng với đoàn hộ giá ngự đến cốc của Đức Phụ-vương đạo-sĩ.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta truyền lệnh rằng:

- Chúng ta chuẩn bị ngự đến chầu Đức-vua Ngoại Brahmadatta và Đức-vua Cậu Sāgarabrahmadatta.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta dẫn đầu phái đoàn gồm có Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha, Mẫu-hậu Samuddajā, các hoàng-tử, các công-chúa, các hoàng-hậu, các thành phần trong long tộc, cùng các quan quân theo hộ giá từ cõi long cung xuất hiện lên bờ sông Yamunā trên con đường dẫn đến cốc của Đức-vua Ngoại Brahmadatta đạo-sĩ.

Khi ấy, từ xa nhìn thấy Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta dẫn đầu phái đoàn đông đảo, Đức-vua Sāgarabrahmadatta không nhận ra được Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta cháu của mình, nên tâu hỏi Đức Phụ-vương đạo-sĩ rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ-vương, phái đoàn đông đảo, quân lính chỉnh tề, tiếng trống nhịp nhàng, tiếng tù và vang dội của Đức-vua nào từ xa ngự đến, Đức-vua còn trẻ có gương mặt trong sáng như vàng rồng, oai phong lẫm liệt ngự trên chiếc long xa được trang hoàng lộng lẫy, có chiếc lọng che trên đầu.

Đức-vua nào có gương mặt trong sáng như vàng ròng, trên thân mình được điểm trang những viên ngọc maṇi vô giá, bên cạnh có hai người hầu tay cầm quạt lông đuôi công được kết rất xinh đẹp.

Đức-vua nào có thân hình cân đối khoẻ mạnh, trang điểm những viên ngọc maṇi quý giá, đôi chân mang đôi hia vàng óng ánh, tay cầm thanh gươm báu, …

Trẫm xin tỏ lòng tôn kính Đức-vua ấy.

- Muôn tâu Đức Phụ-vương, Đức-vua ấy là Đức-vua đất nước nào? Từ đâu ngự đến đây vậy? Đức Phụ-vương.

Đức Đạo-sĩ Brahmadatta chứng đắc các bậc thiền và các phép-thần-thông là Đức Phụ-vương của Đức-vua Sāgarabrahmadatta truyền dạy rằng:

- Này Hoàng-nhi Sāgarabrahmadatta! Đức Long-vương Bhūridatta sắp ngự đến nơi đây, là hoàng-tử của Đức Long-vương Dhataraṭṭha và Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā, Hoàng-muội của hoàng-nhi. Đức Long-vương Bhūridatta ấy là cháu gọi Đức Phụ-vương là Ông ngoại và gọi hoàng-nhi là vua cậu.

Khi Đức Đạo-sĩ Brahmadatta truyền dạy Đức-vua Sāgarabrahmadatta như vậy, thì Đức Long-vương Bhūridatta dẫn đầu phái đoàn gồm có Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha, Mẫu-hậu Samuddajā, các Hoàng-hậu, các hoàng-tử, các công-chúa, các hoàng gia, các đoàn quan quân đông đảo theo hộ giá đến tận cốc của vị Đạo-sĩ Brahmadatta.

Khi ấy, Đức Long-vương Dhataraṭṭha đến đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức Đạo-sĩ Brahmadatta, Nhạc Phụ và đảnh lễ Đức-vua Sāgarabrahmadatta, Nhạc Huynh, rồi ngồi một nơi hợp lẽ.

Tiếp đến Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā đến đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức Đạo-sĩ Brahmadatta, Đức Phụ-vương, Bà vô cùng xúc động, nỗi vui mừng trào nước mắt, khi gặp lại Đức Phụ-vương trải qua bao năm xa cách, Bà gục đầu trên đôi bàn chân của Đức Phụ-vương Brahmadatta một hồi lâu, mới vấn an sức khoẻ, hàn huyên với nhau trong tình phụ tử thiêng liêng, rồi Bà đến đảnh lễ dưới hai bàn chân của Hoàng-huynh Sāgarabrahmadatta. Hoàng-huynh và Hoàng-muội rất vui mừng khôn xiết trào nước mắt, hàn huyên với nhau nói không hết lời. Một cảnh tượng đoàn tụ những người thân yêu với nhau thật là thắm thiết.

Tiếp đến, các hoàng-tử của bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā đến đảnh lễ dưới hai bàn chân của Ông ngoại Brahmadatta lần đầu tiên mới gặp nhau, mới biết lẫn nhau, tình cảm cũng rất là thiêng liêng!

Và cùng nhau đến đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức-vua Cậu Sāgarabrahmadatta.

Cảnh gia đình dòng họ đoàn tụ trong tình cảm thiêng liêng thắm thiết với nhau, rồi phái đoàn Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta đảnh lễ Ông ngoại Đạo-sĩ Brahmadatta và Đức-vua cậu Sāgarabrahmadatta xin bái biệt trở về cõi long cung.

Đức-vua Sāgarabrahmadatta ở lưu lại đôi ba hôm sau mới ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī.

* Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā quy thiên tại cõi long cung.

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta giữ gìn giới cho đến trọn kiếp, sau khi băng hà, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm Đức-vua-trời Sakka trong cõi Tam-thập-tam-thiên như ý nguyện.

Và tất cả mọi nhân vật trong tích này sau khi chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi trời.

Sau khi thuyết về tích Bhūridattajātaka xong, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

-Này các cận-sự-nam, cận-sự-nữ! Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta là tiền-kiếp của Như-Lai đang bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật cho được đầy đủ, Đức-Bồ-tát Long-vương rời khỏi cõi long cung, hiện lên cõi người, để giữ gìn bát-giới uposathasīla hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn trong những ngày giới hằng tháng như vậy.

 

Tích Bhūridattajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Bhūridattajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm kiếp Đức Long-vương Bhūridatta. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Bhūridattajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

- Đức Long-vương Dhataraṭṭha, nay kiếp hiện-tại là Đức Phụ-vương Suddhodana.

- Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā, nay kiếp hiện-tại là Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī.

- Hoàng-tử trưởng Sudassana, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

- Hoàng-tử Subhoga, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

- Hoàng-tử Kāṇāriṭṭha, nay kiếp hiện-tại là tỳ-khưu Sunakkhatta.

- Cậu Somadatta, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

- Công-chúa Ajamukhī, nay kiếp hiện-tại là Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā

- Thợ săn Nesāda, nay kiếp hiện-tại là tỳ-khưu Devadatta.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc hạ, ngoài ra, còn 9 pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

- Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta dám hy sinh tất cả, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta lánh xa ngũ dục, đó là pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta suy xét đúng đắn, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta có đức nhẫn-nại chịu đựng, không hề phát sinh tâm sân, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta giữ gìn lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta phát-nguyện bằng lời chân-thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta có tâm-từ đối với người thợ săn, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

-Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta có tâm-xả đối với người thợ săn, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là chín pháp-hạnh ba-la-mật khác đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh giữ-giới Ba-la-mật bậc hạ ấy.

Nhận Xét Về Tích Đức-Bồ-Tát Long-Vương Bhūridatta

Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc hạ là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật đó là tác-ý tâm-sở và ba tiết-chế tâm-sở giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi hành ác, để thành tựu thân hành thiện và khẩu hành thiện, thân và khẩu được trong sạch thanh-tịnh.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta nhẫn-nại chịu đựng nỗi khổ cốt để giữ gìn bát-giới uposathasīla gồm có 8 điều-giới cho được trong sạch đầy đủ trọn vẹn, gọi là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc hạ.

Loài Long (Nāga) là hạng chúng-sinh đặc biệt có thần thông biến hóa tự nhiên do quả của nghiệp (kamma-vipāka iddhi). Vì vậy, loài long có thể biến hóa ra thành người, chư-thiên, súc-sinh, v.v… Loài Long ở cõi long cung, có lâu đài toàn bằng vàng, bạc, thất báu, bằng các thứ ngọc quý… phát sinh do quả của đại-thiện-nghiệp.

Tích Bhūridattajātaka này có những trường hợp đặc biệt như:

* Trường hợp Thái-tử Brahmadatta thành hôn với long-nữ sống ở trong rừng. Long-nữ hóa ra lâu đài đầy đủ tiện nghi do oai lực của long-nữ. Bà long-nữ sinh hạ công-tử Sāgarabrahmadatta tiểu-thư Samuddajā.

Hai đứa con này thuộc về loài người thật giống người cha không có phép-thần-thông biến hóa tự nhiên do quả của đại-thiện-nghiệp như người mẹ long nữ.

Như vậy, người-nam có thể thành hôn với long-nữ sinh con trai, con gái thuộc về loài người thật.

* Trường hợp Đức Long-vương Dhataraṭṭha thành hôn với công-chúa Samuddajā, rồi rước về cõi long cung do oai lực của Đức Long-vương Dhataraṭṭha.

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā sống trong cõi long cung, sinh hạ được bốn đứa con trai là hoàng-tử trưởng Sudassana, hoàng-tử thứ Bhūridatta (Đức-Bồ-tát Bhūridatta là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama), hoàng-tử Subhoga và hoàng-tử Āriṭṭha. Bốn đứa con này thuộc về loài long giống cha, nên có phép-thần-thông biến hóa tự nhiên do quả của đại-thiện-nghiệp.

Như vậy, loài long-nam có thể thành hôn với loài người nữ sinh con thuộc về loài long có thần thông biến hóa tự nhiên do quả của đại-thiện-nghiệp.

* Trường hợp người thợ săn Nesāda và đứa con trai Somadatta xuống cõi long cung do oai lực của Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta. Trong khi hai cha con người thợ săn sống ở cõi long cung, được hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung như loài long. Nhưng khi hai cha con trở về cõi người, thì trở lại cuộc sống bình thường như mọi người.

Như vậy, loài người có thể sống ở cõi long cung được, do nhờ oai lực của Đức Long-vương.

(Xong pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc hạ)

 

2.2 -Pháp-Hạnh Giữ-Giới Ba-La-Mật Bậc Trung (Sīla Upapāramī)

Tích Chaddantajātaka (chat-đanh-tá-cha-tá-ká)

Tích Chaddantajātaka[2] Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc trung (sīla upapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn đang ngự trên pháp tỏa đề cập đến vị tỳ-khưu-ni trẻ phát sinh tâm sầu não không tự kiềm chế được mình, nên phát ra tiếng khóc lớn giữa hội chúng tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ đang ngồi nghe Đức-Thế-Tôn thuyết pháp.

Do nguyên nhân nào vị tỳ-khưu-ni trẻ khóc lớn tiếng như vậy?

Vị tỳ-khưu-ni trẻ vốn là con gái một gia đình khá giả trong kinh-thành Sāvatthi, cô cảm thấy nhàm chán đời sống của người tại gia, cho nên cô xin phép cha mẹ từ bỏ gia đình đi xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni trong giáo pháp của Đức-Phật Gotama.

Một hôm, vị tỳ-khưu-ni trẻ cùng đi với nhóm tỳ-khưu-ni đến ngôi chùa Jetavana, để nghe Đức-Phật thuyết pháp.

Lúc ấy, Đức-Phật đang ngự trên pháp toà thuyết pháp, vị tỳ-khưu-ni trẻ chiêm ngưỡng kim thân của Đức-Phật có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại nhân và 80 tướng tốt phụ một cách say mê, vị tỳ-khưu-ni trẻ nghĩ rằng:

“Trong vòng tử sinh luân-hồi, tiền-kiếp của ta đã từng là phu-nhân của Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama hay không?”

Ngay khi ấy, vị tỳ-khưu-ni trẻ nhớ lại tiền-kiếp của mình rằng:

“Tiền-kiếp của ta đã từng sinh làm kiếp con voi cái là Chánh-cung Hoàng-hậu thứ nhì tên là Cūḷasubhaddā của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama.”

Khi nhớ tiền-kiếp của mình như vậy, vị tỳ-khưu-ni trẻ phát sinh tâm vô cùng hoan hỷ, không tự kiềm chế được mình, không tự cẩn trọng, nên phát ra tiếng cười lớn giữa hội chúng đang ngồi nghe Đức-Phật thuyết pháp.

Tiếp theo, vị tỳ-khưu-ni trẻ tiếp tục nhớ lại tiền-kiếp của mình rằng:

“Khi ta là con voi Chánh-cung Hoàng-hậu thứ nhì Cūḷasubhaddā đã từng phục vụ đem lại sự an-lạc cho Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta hay không?”

Vị tỳ-khưu-ni trẻ nhớ lại tiền-kiếp khác của mình đã phạm phải tội lỗi lớn rằng:

“Khi tiền-kiếp của ta là Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā của Đức-vua tại kinh-thành Bārāṇasī, ta đã dùng quyền lực Chánh-cung Hoàng-hậu thuê mướn người thợ săn Sonuttara bắn Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta chết bằng mũi tên tẩm thuốc độc cực mạnh của ta, rồi cưa hai cái vòi có hào quang sáu màu đem về dâng cho ta.”

Ngay khi ấy, vị tỳ-khưu-ni trẻ phát sinh tâm hối hận khổ tâm sầu não không tự kiềm chế được mình, nên khóc lên tiếng lớn giữa hội chúng đang ngồi nghe Đức-Phật thuyết pháp.

Theo dõi diễn tiến lộ-trình-tâm của vị tỳ-khưu-ni trẻ, Đức-Phật mỉm miệng cười.

Khi ấy, chư tỳ-khưu kính bạch rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do nguyên nhân nào mà Đức-Thế-Tôn mỉm miệng cười như vậy? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Vị tỳ-khưu-ni trẻ ấy nhớ lại tiền-kiếp của mình đã từng phạm tội lỗi lớn đối với tiền-kiếp của Như-Lai, nên cô hối hận tội lỗi, phát sinh tâm sầu não khổ tâm khóc lên tiếng lớn như vậy.

Đó là nguyên nhân mà Như-Lai mỉm cười.

Chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về tiền-kiếp của Ngài.

Tích Chaddantajātaka

Đức-Thế-Tôn thuyết tích Chaddantajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời-kỳ quá khứ, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Đức Bạch-tượng Chaddanta, miệng và bốn bàn chân màu đỏ, cao 88 cùi tay, dài 120 cùi tay, cái vòi màu bạc dài 58 cùi tay, đặc biệt cặp ngà chu vi 15 cùi tay, dài 58 cùi tay có hào quang 6 màu.

Đức-Bồ-tát Bạch-tượng Chaddanta trở thành voi chúa có hai con voi Chánh-cung Hoàng-hậu: Voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhất tên là Mahāsubhaddā Voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị tên là Cūḷasubhaddā. Đức-Bồ-tát Bạch-tượng Chaddanta có đàn voi 8.000 con tuỳ tùng thuộc hạ, tất cả đàn voi này đều có phép-thần-thông (kammavipāka iddhi) bay trên hư không như loài chim, sống gần các hồ nước lớn Chaddanta dài và rộng 52 do tuần, giữa hồ có chiều sâu 12 do tuần, bến hồ thoai thoải từ cạn tới sâu, có các thứ hoa sen, các loài hoa súng đủ màu.

Hồ nước lớn Chaddanta này ở trong khu rừng núi Himavanta, xung quanh hồ có nhiều loại cây ăn trái, để cho đàn voi sống quanh năm suốt tháng.

Trong rừng núi Himavanta, xung quanh chỗ ở của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta cùng đàn voi thuộc hạ có 7 dãy núi cao: núi Cūḷakāḷapabbata, núi Mahākāḷapabbata, núi Udakapabbata, núi Candima-passapabbata, núi Sūriyapassapabbata, núi Maṇipassa-pabbata, núi Suvaṇṇapassapabbata.

Phía đông của dãy núi lớn Suvaṇṇapassapabbata, có động lớn làm chỗ ở của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta cùng 8.000 con voi thuộc hạ trong suốt mùa mưa, vào mùa nóng, đàn voi kéo nhau vào trong rừng cây lớn nghỉ mát.

Một hôm, một con voi đến chầu Đức Voi Chúa tâu:

-Muôn tâu Đức Voi Chúa, trong khu rừng Sālavana đã trổ hoa, kính thỉnh Đức Voi Chúa ngự đến du lãm khu rừng Sālavana ấy.

Nghe tâu như vậy, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta dẫn đàn voi ngự vào khu rừng Sālavan, để chơi thể thao, ngắm hoa Sāla. Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta húc đầu vào thân cây Sāla trổ đầy hoa.

Khi ấy, voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷa-subhaddā đứng dưới cành cây khô bị gãy có tổ kiến rơi xuống đầu và mình của Bà, nên Bà bị các con kiến cắn làm cho bà khó chịu.

Voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhất Mahāsubhaddā đứng dưới cành đầy hoa trổ, những cánh hoa, nhuỵ hoa rơi xuống đầu và mình Bà, Bà được ngửi mùi hoa thơm dễ chịu.

Kết Oan Trái

Khi ấy, voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷa-subhaddā nghĩ rằng:

“Voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhất Mahāsubhaddā được Đức Voi chúa sủng ái, cho rơi những cánh hoa, nhuỵ hoa xuống đầu và mình có mùi thơm dễ chịu. Còn ta thì Đức Voi chúa làm gãy cành cây khô có tổ kiến, những con kiến rơi xuống đầu và mình ta, ta bị những con kiến cắn làm khó chịu.

Từ nay, ta kết oan trái với Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta này.”

Một hôm, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta dẫn đầu đàn voi ngự đến hồ nước Chaddanta để tắm, chơi nước, khi Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa tắm, có hai con voi trẻ theo hầu phục vụ, lấy cỏ khô kỳ thân mình của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa cho sạch sẽ.

Sau khi Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa tắm xong, ngự lên bờ đứng nghỉ. Khi ấy, hai con voi Chánh-cung Hoàng-hậu ngự xuống hồ tắm xong, cũng ngự lên bờ đứng nghỉ. Sau đó, đàn voi 8.000 con xuống hồ tắm, chơi nước.

Khi đàn voi lên bờ đem những đóa hoa sen, hoa súng đem đến trang hoàng cho Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa, và hai con voi Chánh-cung Hoàng-hậu để cho thơm tho xinh đẹp.

Khi ấy, một con voi đem dâng Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa một đóa hoa sen lớn rất xinh đẹp. Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa nhận đóa hoa sen ấy, cho nhuỵ hoa rơi trên đầu, rồi đem trao cho voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhất Mahāsubhaddā.

Nhìn thấy Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta đem đoá hoa sen lớn xinh đẹp ấy cho voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhất Mahāsubhaddā như vậy, voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷasubhaddā phát sinh tâm ganh tỵ, nghĩ rằng:

“Đức Bạch-tượng chúa đem đóa hoa sen lớn xinh đẹp ban cho voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhất Mahā-subhaddā yêu quý, còn ta thì không cho gì cả.”

Một lần nữa, voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷa-subhaddā kết oan trái với Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta.

Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta thường làm món vật thực bằng trái cây chín trộn với mật ong đem kính dâng lên 500 Đức-Phật Độc-Giác.

Một hôm, voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷa-subhaddā đi tìm các trái cây lớn nhỏ đem kính dâng Đức-Phật Độc-Giác, rồi cầu nguyện trong tâm rằng:

“Kính bạch Đức-Phật Độc-Giác, do nhờ đại-thiện-nghiệp cúng dường các trái cây đến Ngài. Kiếp này sau khi con chết, đại-thiện-nghiệp ấy xin cho quả tái-sinh kiếp sau đầu thai trong lòng Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Maddarājā.

Khi sinh ra đời được đặt tên là Subhaddā: Công-chúa Subhaddā.

Đến khi trưởng thành, con sẽ là Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Bārāṇasī, được Đức-vua sủng ái nhất, để con thực hiện theo ý đồ của con, nghĩa là con có thể tâu lên Đức-vua tuyển chọn một người thợ săn tài giỏi, đến tận nơi này sẽ bắn Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta chết bằng mũi tên tẩm thuốc độc cực mạnh của con, rồi cưa cặp ngà có hào quang sáu màu đem về dâng cho con. Cầu xin cho con sẽ được thành tựu như ý.”

Sau khi cầu nguyện xong trở về, kể từ ngày hôm ấy, voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷasubhaddā nhịn ăn, nhịn uống thân hình gầy ốm, không lâu voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷasubhaddā chết.

Voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị sau khi chết, nhờ đại-thiện-nghiệp cúng dường Đức-Phật Độc-Giác ấy cho quả tái-sinh kiếp sau đầu thai vào lòng bà Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Maddarājā, như ý nguyện.

Khi bà Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Madda-rājā sinh ra một công-chúa đặt tên là Subhaddā: Công-chúa Subhaddā.

Khi công-chúa Subhaddā trưởng thành rất xinh đẹp, Đức-vua Maddarājā đem dâng công-chúa đến Đức-vua Bārāṇasī. Công-chúa Subhaddā được Đức-vua Bārāṇasī sủng ái nhất, nên được tấn phong ngôi vị Chánh-cung Hoàng-hậu đứng đầu 1.600 cung phi mỹ nữ.

Chánh cung Hoàng Subhaddā nhớ lại tiền-kiếp của mình (jātissarañāṇa) với lời cầu nguyện đã được thành tựu như ý.

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā nghĩ rằng:

“Bây giờ, ta nên thực hiện ý đồ của ta là tìm người thợ săn tài giỏi có khả năng bắn Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta chết bằng mũi tên tẩm thuốc độc cực mạnh của ta, rồi cưa cặp ngà có hào quang sáu màu đem về dâng cho ta.”

Nghĩ xong, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā giả bệnh, truyền bảo các nàng hầu rằng:

Nếu Đức-vua hỏi về Bà thì các ngươi hãy tâu rằng: “Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā bị lâm bệnh.” Truyền bảo như vậy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu

Subhaddā vào phòng nằm.

Không thấy Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā đến chầu, Đức-vua Bārāṇasī truyền hỏi các nàng hầu rằng:

- Này các ngươi! Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā thế nào, sao Trẫm không thấy?

Nghe Đức-vua truyền hỏi, các nàng hầu tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā bị lâm bệnh.

Nghe tâu như vậy, Đức-vua Bārāṇasī ngự đến tận phòng thăm bà, rồi truyền hỏi rằng:

- Này ái-khanh Subhaddā yêu quý! Ái-khanh có thân hình xinh đẹp, có màu da như màu vàng, có đôi mắt trong trẻo xinh đẹp tuyệt vời.

Vậy, nay do nguyên nhân nào mà ái-khanh như đóa hoa héo hon như vậy?

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, do thần-thiếp có mộng ước, nên làm ảnh hưởng xấu đến cái thai của thần-thiếp, nhưng điều mộng ước này của thần-thiếp khó thành tựu.

Nếu thần-thiếp không thành tựu được, chắc chắn thần-thiếp khó có thể sống, để hầu hạ Hoàng-thượng.

Nghe bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā tâu như vậy, Đức-vua truyền hỏi rằng:

- Này ái-khanh Subhaddā yêu quý! Nếu ái-khanh có mộng ước điều gì trong cõi người này thì Trẫm sẽ tìm ban cho ái-khanh được toại nguyện.

Vậy, ái-khanh hãy tâu cho Trẫm rõ.

Nghe Đức-vua truyền hỏi như vậy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, kính xin Hoàng-thượng truyền gọi những người thợ săn tài giỏi trong đất nước Kāsiraṭṭha tụ hội tại cung điện. Khi ấy, thần-thiếp sẽ tâu rõ điều mộng ước của thần-thiếp.

Chuẩn theo lời tâu của bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā, Đức-vua Bārāṇasī truyền lệnh các quan tuyển chọn những người thợ săn tài giỏi trong nước tập trung tại cung điện.

Sau thời gian không lâu, khoảng 60 ngàn người thợ săn trong nước Kāsiraṭṭha đến chầu Đức-vua tại cung điện.

Đức-vua Bārāṇasī truyền bảo bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā biết rằng:

- Này ái-khanh Subhaddā yêu quý! Những người thợ săn tài giỏi này được tuyển chọn là những người có tài săn bắn, họ sẽ phục vụ vì sự lợi ích của ái-khanh.

Nghe Đức-vua truyền bảo như vậy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā truyền bảo các người thợ săn rằng:

- Này các người thợ săn! Ta nằm mộng thấy Đức Bạch-tượng chúa toàn màu trắng có cặp ngà có hào quang sáu màu.

Vậy, ta nhờ các ngươi bắn Đức Bạch-tượng chúa ấy chết, rồi cưa lấy cặp ngà ấy đem về dâng cho ta.

Ta sẽ trọng thưởng cho các ngươi.

Nghe bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā truyền bảo như vậy, những người thợ săn tâu rằng:

- Tâu bà Chánh-cung Hoàng-hậu, từ đời ông đời cha của các kẻ tiện dân này chưa từng nghe rằng:

“Đức Bạch-tượng chúa toàn màu trắng có cặp ngà có hào quang 6 màu.”

- Tâu bà Chánh-cung Hoàng-hậu, bà nằm mộng thấy Đức Bạch-tượng chúa ấy ở nơi nào trong bốn phương tám hướng. Tâu lệnh Bà?

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā quan sát xem xét những người thợ săn ấy, bà phát hiện ra một người thợ săn Sonuttara là con người dị tướng, đã từng kết oan trái với tiền-kiếp của Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta, nên bà nghĩ rằng:

“Chỉ có người thợ săn Sonuttara này mới chịu thi hành theo sự chỉ dẫn của ta mà thôi.”

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā tâu lên Đức-vua Bārāṇasī, xin Đức-vua cho phép người thợ săn Sonuttara lên lâu đài tầng thứ bảy, để cho bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā chỉ hướng chỗ ở của Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta.

Đức-vua Bārāṇasī chuẩn tấu theo lời của Bà, người thợ săn Sonuttara được phép lên lâu đài tầng thứ bảy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā chỉ tay về hướng bắc, rồi truyền bảo rằng:

-Này người thợ săn Sonuttara! Ngươi nhìn về phía hướng bắc này, ngươi băng qua những khu rừng đến chân núi, ngươi vượt qua bảy dãy núi cao theo tuần tự, đến dãy núi thứ bảy cao nhất gọi là dãy núi Suvaṇṇa-passapabbata có các loài hoa đua nhau trổ quanh năm, có đàn thú kinnara, kinnarī đông đảo. Ngươi leo lên đến đỉnh núi, nhìn xuống chân núi bên kia thấy cây da to lớn.

Vào mùa nóng Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta có cặp ngà phát ra hào quang sáu màu đứng hóng mát tại dưới tàng cây đa to lớn ấy, xung quanh Đức Bạch-tượng chúa có đàn voi 8.000 con có phép-thần-thông bay trên hư không như loài chim, chạy mau như gió, ngày đêm theo hộ trì bảo vệ Đức Bạch-tượng chúa. Cho nên, kẻ thù nào cũng không thể đến gần Đức Bạch-tượng chúa được.

Nếu nhìn thấy kẻ thù nào từ xa thì đàn voi chạy đến bắt chà xát thành bột.

Nghe bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā truyền bảo như vậy, người thợ săn Sonuttara tâu rằng:

- Tâu bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā, trong cung điện có nhiều thứ ngọc ngà châu báu quý giá, tại sao bà không muốn các thứ ấy, mà bà lại muốn cặp ngà của Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta?

Hay có phải Bà có ý định muốn giết Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta để trả thù hay bà muốn Đức Bạch-tượng chúa giết sạch dòng dõi thợ săn của tiện dân?

Nghe người thợ săn Sonuttara tâu như vậy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā bày tỏ sự thật mong người thợ săn thông cảm và giúp đỡ rằng:

- Này người thợ săn Sonuttara! Sự thật, ta không phải nằm mộng thấy Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta, mà ta nhớ lại tiền-kiếp của ta sinh làm voi là Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷasubhaddā của Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta. Đức Bạch-tượng chúa đem lòng sủng ái đối với voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhất Mahā-subhaddā hơn voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷa-subhaddā tiền-kiếp của ta.

Vì vậy, voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷa-subhaddā phát sinh tâm ganh tỵ, ghen tức, kết oan trái với Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta, nên quyết tâm trả thù Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta.

- Này người thợ săn Sonuttara! Tiền-kiếp của ta đã từng làm phước-thiện cúng dường đến Đức-Phật Độc-Giác, rồi cầu nguyện rằng:

“Do năng lực phước-thiện này, cầu xin cho con tuyển chọn được một người thợ săn tài giỏi, đến tận nơi này, y sẽ bắn Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta chết bằng mũi tên tẩm thuốc độc cực mạnh của con, rồi cưa cặp ngà có hào quang sáu màu đem về dâng cho con.

Xin cho lời cầu nguyện của con sẽ được thành tựu như ý.”

- Này người thợ săn Sonuttara! Ta đã từng làm phước-thiện và cầu nguyện mong được thành tựu như ý.

Vậy, ngươi chớ nên lo sợ, xin ngươi hãy cố gắng giúp ta giết Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta chết, rồi cưa lấy cặp ngà có hào quang sáu màu đem về dâng cho ta.

Thành tựu được như vậy, ta sẽ tâu lên Đức-vua Bārāṇasī ban thưởng cho ngươi năm xóm nhà để cho ngươi lấy thuế, hưởng sự an-lạc suốt đời.

Nghe bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā truyền bảo như vậy, người thợ săn Sonuttara đồng ý làm theo lời hướng dẫn nên tâu rằng:

- Tâu bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā, xin bà truyền bảo cho kẻ tiện dân biết rõ chỗ ở và sự sinh hoạt hằng ngày của Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta ấy.

Nghe người thợ săn Sonuttara tâu như vậy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā nhớ lại tiền-kiếp làm con voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷasubhaddā sống gần gũi thân cận bên Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta, nên truyền bảo với người thợ săn Sonuttara rằng:

- Này người thợ săn Sonuttara! Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta thường ngự xuống hồ lớn Chaddanta tắm, chơi nước xong, được trang hoàng các loại hoa sen hoa súng rồi ngự lên bờ đứng nghỉ nơi ấy, chờ đợi đàn voi 8.100 con tắm xong, Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta dẫn đầu ngự trở về chỗ ở của mình.

Nghe bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā truyền bảo như vậy, người thợ săn Sonuttara tâu rằng:

- Tâu bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā, kẻ tiện dân này sẽ cố gắng hết sức mình để giết Đức Bạch-tượng Chaddanta chết, rồi cưa cặp ngà có hào quang sáu màu đem về dâng lên Bà.

Nghe người thợ săn Sonuttara tâu như vậy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā vô cùng hoan hỷ ban cho người thợ săn Sonuttara 1000 đồng kahāpana, rồi truyền bảo rằng:

- Này người thợ săn Sonuttara! Ngươi hãy trở về thăm nhà và chuẩn bị những thứ cần thiết đem theo, kể từ hôm nay đến ngày thứ bảy, ngươi hãy trở lại đây, đến chầu ta, để nhận những thứ dụng cụ lên đường.

Chuẩn Bị Trả Thù

* Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā cho truyền gọi người thợ rèn đến chầu bà, rồi truyền bảo rằng:

- Này người thợ rèn! Ta cần những dụng cụ phá rừng làm gỗ như cưa, búa, đục, dao, rựa, cuốc… đặc biệt một câu móc ba lưỡi leo núi. Nhà ngươi hãy làm cho gấp đem lại cho ta.

* Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā truyền gọi người may da đến chầu bà, rồi truyền bảo rằng:

- Này người thợ may da! Ta cần một bao da để đựng dụng cụ đồ sắt, dây da để leo núi, dây nịt, giày dép đi rừng núi, … Nhà ngươi hãy làm gấp đem lại cho ta.

* Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā truyền gọi người thợ làm cây tên đến chầu bà, rồi truyền bảo rằng:

- Này người thợ làm cây tên! Nhà ngươi hãy làm cho ta một số cây tên, đặc biệt một ít cây tên đầu mũi tên tẩm thuốc độc cực mạnh, rồi đem nạp gấp cho ta.

* Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā truyền bảo người trong nội cung sửa soạn chuẩn bị đầy đủ các món đồ ăn, lương khô, thuốc men,… đồ dùng cho người đi xa.

Mọi việc bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā đã chuẩn bị xong, đến ngày thứ bảy người thợ săn đến chầu bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā, bà truyền bảo rằng:

- Này người thợ săn Sonuttara! Những món đồ ăn, thuốc men, các dụng cụ phá rừng, câu móc ba lưỡi leo núi, đặc biệt các mũi tên đã tẩm thuốc độc cực mạnh,… tất cả mọi thứ ta đã chuẩn bị sẳn sàng bỏ vào trong bao da. Ngươi hãy mang vào thử xem.

Người thợ săn Sonuttara vốn có sức mạnh hơn người, nên mang bao da nặng như vậy, mà vẫn không cảm thấy nặng nề đối với y.

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā dặn dò nên thận trọng đi đường, và cầu chúc người thợ săn Sonuttara cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang, rồi Bà ngự đến chầu Đức-vua Bārāṇasī, tâu việc người thợ săn Sonuttara đi thi hành phận sự.

Người thợ săn Sonuttara đến chầu Đức-vua Bārāṇasī bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā, rồi xin phép lên đường đi vào rừng núi Himavanta.

Người thợ săn Sonuttara lên xe đi ra khỏi kinh-thành Bārāṇasī, có số người tiễn chân một đoạn đường, rồi trở về, chiếc xe chở người thợ săn Sonuttara khoảng đường 30 do tuần đến bìa rừng, người thợ săn Sonuttara xuống xe đi bộ một mình băng qua những khu rừng rậm rạp đầy gai góc, nhắm thẳng về hướng bắc đến chân núi, từ dãy núi cao này đến dãy núi cao khác vô cùng hiểm trở, người thợ săn Sonuttara cần phải dùng câu móc ba lưỡi ném qua núi cao, rồi đu người qua theo giây.

Cuộc hành trình của người thợ săn Sonuttara được tiến hành theo lời chỉ dẫn của bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā đã trải qua bao nhiêu gian lao thử thách đầy nguy hiểm đến sinh-mạng.

Người thợ săn Sonuttara đã vượt qua được sáu dãy núi cao, đến dãy núi thứ bảy cao nhất gọi là Suvaṇṇa-passapabbata, trên đỉnh núi có loài thú kinnara, kinnarī sống với nhau từng đàn.

Đứng trên đỉnh núi, người thợ săn Sonuttara nhìn xuống chân núi, thấy cây đa to lớn, có bóng mát lớn bao phủ, dưới đại cội cây đa, một Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta có đôi ngà phát ra hào quang sáu màu, xung quanh Đức Bạch-tượng chúa có đàn voi đông khoảng 8.000 con theo hầu bảo vệ Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta ấy.

Nhìn ra xa một khoảng, người thợ săn Sonuttara thấy một cái hồ nước Chaddanta rộng lớn mênh mông có nhiều loài hoa sen hoa súng.

Người thợ săn Sonuttara đứng trên đỉnh núi cao, quan sát thấy rõ, theo dõi mỗi khi Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta ngự theo con đường xuống hồ nước để tắm, sau khi tắm xong, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng ngự theo con đường lên bờ, đứng tại một nơi chờ đợi đàn voi tắm xong, rồi Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta dẫn đầu cùng nhau ngự trở về chỗ ở của mình.

Người thợ săn Sonuttara đã theo dõi nhiều ngày qua, đều thấy Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta sinh hoạt như vậy trở thành thói quen hằng ngày.

Người Thợ Săn Tạo Ác-Nghiệp

Người thợ săn Sonuttara vốn là người đã từng kết oan trái với Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama trong thời quá khứ, nay kiếp hiện-tại là Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta. Kiếp hiện-tại người thợ săn Sonuttara bị tâm tham của cải mà bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā hứa sẽ ban cho y, do tâm si mê không biết biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, nên người thợ săn Sonuttara bị bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā sai khiến, đi tìm giết Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta, rồi cưa lấy cặp ngà đem về dâng Bà, để lãnh thưởng.

Người thợ săn Sonuttara đã băng qua nhiều khu rừng rậm, leo vượt qua 7 dãy núi cao mới tìm đến được chỗ ở của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta, đã trải qua suốt thời gian dài 7 năm 7 tháng và 7 ngày.

Người thợ săn Sonuttara trải qua nhiều ngày quan sát biết được con đường mà Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta ngự đi xuống hồ nước Chaddanta để tắm, sau khi tắm xong ngự đi lên bờ đến đứng nghỉ một chỗ chờ đợi đàn voi tắm xong lên bờ.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta dẫn

đầu đàn voi ngự trở về chỗ ở của mình.

Quyết định đào cái hầm vuông ngay dưới chỗ Đức Bồ Tát Bạch-tượng chúa Chaddanta đứng nghỉ, chờ đợi đàn voi tắm xong.

Người thợ săn Sonuttara xuống núi, vào rừng đốn cây làm cột, cưa cây làm ván sàn, thực hiện đào một cái hầm vuông sâu, có thể đi lại dưới hầm ấy, giữa hầm có chừa một cái lỗ trống để bắn mũi tên tẩm thuốc độc cực mạnh xuyên lên ngay chỗ đứng của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta, và đào một con đường hầm đi vào cái hầm vuông ấy.

Đức-Bồ-Tát Bạch-Tượng Chúa Chaddanta Bị Bắn

Cái hầm vuông sâu đã đào xong, mọi việc đều chuẩn bị sẵn sàng, buổi sáng sớm hôm ấy, người thợ săn Sonuttara mặc tấm y màu vàng lõi mít (kāsāva) tay cầm cây cung vai mang các mũi tên tẩm thuốc độc cực mạnh, đi theo con đường hầm đến chỗ hầm vuông ấy, đứng chờ giữa hầm ngay trên đầu có cái lỗ thông lên mặt đất.

Cũng buổi sáng hôm ấy, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta dẫn đầu đàn voi 8.000 con ngự đi đến hồ nước Chaddanta. Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta ngự xuống hồ nước tắm xong, rồi trang hoàng các loài hoa sen, hoa súng đủ màu, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta ngự lên bờ đi đến đứng nghỉ chỗ đứng theo thường lệ, để hóng gió chờ đợi đàn voi tắm xong.

Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta đứng ngay trên nắp hầm, phía dưới hầm người thợ săn Sonuttara đang đứng chờ sẵn từ sáng, nước từ lỗ rún của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta chảy rơi xuống đất ngay lỗ trống trên nắp hầm, nước rơi xuống trên đầu người thợ săn Sonuttara ở phía dưới.

Biết Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta đang đứng nghỉ hóng gió, chờ đàn voi, ngay chỗ lỗ trống. Người thợ săn Sonuttara lấy cây tên tẩm thuốc độc cực mạnh nạp vào cung, kéo dây cung thật căng bắn mũi tên độc bay ra khỏi cây cung xuyên qua lỗ nắp hầm đâm thủng vào lỗ rún xuyên qua bụng đi thẳng lên cột sống của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta, rồi mũi tên bay lên hư không, để lại vết thương làm cho máu chảy thành vòi xuống đất, thuốc độc thấm vào thân đau đớn vô cùng. Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta rống lên ba lần.

Nghe tiếng rống của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta, đàn voi 8.000 con chạy đến nhìn thấy Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta bị thương, chúng chạy dẫm nát khu rừng để tìm kẻ thù, riêng voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhất Mahāsubhaddā đến đứng gần an ủi Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta.

Khi ấy, ráng nhẫn-nại chịu đựng nỗi đau đớn từ vết thương mũi tên độc đâm thủng, suy xét đường mũi tên từ đâu đến, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta thấy mũi tên đâm thủng từ lỗ rún xuyên qua bụng đi thẳng lên cột sống, rồi bay lên hư không.

Như vậy, kẻ thù phải đứng dưới hầm bắn lên, không phải nơi nào khác.

Muốn Voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhất Mahā-subhaddā rời khỏi nơi ấy, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta truyền bảo rằng.

-Này ái-khanh! Các voi đều đi tìm kẻ thù, tại sao một mình ái-khanh đứng tại đây!

Nghe Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta truyền bảo như vậy, Voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhất Mahā-subhaddā nghĩ rằng:

“Ta cũng nên đi tìm cho ra kẻ thù hại Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta của ta.”

Voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhất Mahāsubhaddā cúi đầu đảnh lễ Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta, rồi bay lên hư không quan sát phía dưới khu rừng.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta đưa cái vòi móc bật nắp hầm, thấy người thợ săn Sonuttara đứng dưới hầm. Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta phát sinh tâm sân nghĩ rằng:

“Ta sẽ giết người thợ săn này chết.”

Đưa cái vòi xuống bắt người thợ săn Sonuttara đưa lên khỏi mặt đất, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta thấy tên thợ săn mặc tấm y vàng màu lõi mít (kāsāva) tượng trưng lá cờ chiến thắng của chư bậc Thánh A-ra-hán, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta đặt nhẹ y nằm xuống phía trước, ráng nhẫn-nại chịu đựng nỗi đau đớn cùng cực mà suy sét rằng:

“Tấm y màu vàng màu lõi mít (kāsāva) tượng trưng lá cờ chiến thắng của chư bậc Thánh A-ra-hán mà bậc thiện-trí hết lòng tôn kính, ta không nên xúc phạm tấm y màu lõi mít này.”

Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta truyền dạy hai câu kệ rằng:

-Này ngươi! Nếu người nào chưa diệt được phiền-não, không có giới, không biết cẩn trọng lục-môn[3] thanh-tịnh, không có pháp chân-thật thì người ấy không xứng đáng mặc tấm y vàng màu lõi mít này.

Bậc nào đã đoạn-tuyệt được mọi phiền-não, có giới-đức hoàn toàn trong sạch, biết cẩn trọng lục-môn thanh-tịnh, có pháp chân-thật thì bậc ấy mới xứng đáng mặc tấm y vàng màu lõi mít này.

Sau khi truyền dạy hai câu kệ xong, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta đè nén, khống chế được tâm sân, không nghĩ đến giết người thợ săn Sonuttara chết nữa.

Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta ráng nhẫn-nại chịu đựng nỗi đau khổ cùng cực, rồi truyền hỏi người thợ săn Sonuttara rằng:

- Này ngươi! Ngươi bắn Trẫm chết vì sự lợi ích của ngươi hay vì sự lợi ích của người khác?

Nếu là vì sự lợi ích của người khác thì người ấy là ai mà khiến ngươi phải vất vả khổ cực tìm đến nơi này, để giết Trẫm như vậy?

Nghe Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta truyền hỏi như vậy, người thợ săn Sonuttara tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta cao thượng, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā của Đức-vua Bārāṇasī nhớ lại tiền-kiếp của bà là voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷasubhaddā của Đức Bạch-tượng Chúa. Bà đã từng kết oan trái với Đức Bạch-tượng Chúa, bà muốn trả thù Đức Bạch-tượng Chúa, nên Bà gọi kẻ tiện dân đến, rồi truyền bảo rằng:

“-Này người thợ săn Sonuttara! Ta đã từng làm phước-thiện và cầu nguyện mong được thành tựu như ý.

Vậy, ngươi chớ nên lo sợ, xin ngươi hãy cố gắng giúp ta giết Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta chết, rồi cưa lấy cặp ngà có hào quang sáu màu đem về dâng cho ta.

Ngươi cố gắng hoàn thành phận sự như vậy, ta sẽ tâu lên Đức-vua Bārāṇasī ban thưởng cho ngươi 5 xóm nhà để cho ngươi lấy thuế, hưởng sự an-lạc suốt đời.”

-Muôn tâu Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta cao thượng, chính bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā hướng dẫn chỉ đường hướng cho kẻ tiện dân này đến tại nơi đây.

Nghe người thợ săn Sonuttara tâu như vậy, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta nghĩ rằng:

“Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā này không phải muốn được cặp ngà của ta, mà chính là bà có tác-ý ác-tâm muốn nhờ người thợ săn này giết ta chết, để trả thù ta theo lời kết oan trái trong tiền-kiếp của Bà.

Tiền-kiếp của bà là voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷasubhaddā phát sinh ác-tâm ganh tị, ghen tức với voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhất Mahāsubhaddā của ta.

Nay kiếp hiện-tại bà là Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā của Đức-vua Bārāṇasī dùng quyền thế để trả thù ta.”

 

Tạo Pháp-Hạnh Bố-Thí Ba-La-Mật

Sau khi suy nghĩ xong, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta truyền bảo rằng:

- Này người thợ săn! Thật ra, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā đã biết rõ những cặp ngà của ông cha ta đã cất giấu nơi nào rồi, nhưng bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā có ác-tâm thù hận đã từng kết oan trái với ta, bởi vì tính ganh tị đê hèn của bà, nên bà có thủ đoạn chỉ muốn giết ta mà thôi.

- Này người thợ săn! Ngươi hãy đứng dậy cầm cưa đến cưa cặp ngà, ta biết chắc chắn không bao lâu ta sẽ chết vì thuốc độc cực mạnh này.

Vậy, ngươi hãy mau cưa cặp ngà của ta đem về dâng cho Bà, rồi tâu với bà rằng:

“Tôi đã giết Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta chết rồi, theo ý nguyện oan trái của Bà kiếp trước, kiếp hiện-tại này Bà đã trả thù xong, bà đã thành tựu như ý.

Đây là cặp ngà của Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta có hào quang 6 màu. Xin bà hãy nhận lấy.”

Nghe Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta truyền bảo như vậy, người thợ săn Sonuttara ngồi dậy đi lấy cây cưa đến gần Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta, để cưa cặp ngà, nhưng Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta cao khoảng 80 cùi tay, đứng sừng sững như quả núi bằng bạc, nên người thợ săn Sonuttara không thể đưa lưỡi cưa đến cái ngà được.

Thấy vậy, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta nằm xà xuống đất, người thợ săn leo lên đầu Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta, dùng lưỡi cưa cắt chiếc ngà làm cho Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta đau đớn máu tuông ra đầy miệng.

người thợ săn Sonuttara dùng hết sức mình, nhưng vẫn chưa cắt đứt được chiếc ngà nào cả.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta ráng nhẫn-nại chịu đựng nỗi đau đớn, nhổ máu trong miệng rồi truyền hỏi rằng:

- Này bạn! Bạn không thể cắt đứt được chiếc ngà nào hay sao?

Người thợ săn thưa rằng:

- Muôn tâu Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta cao thượng, kẻ tiện dân này đã cố gắng hết mình mà vẫn chưa cắt đứt được chiếc ngà nào.

- Này bạn! Bạn hãy đỡ cái vòi của Trẫm nắm một đầu lưỡi cưa và bạn nắm một đầu lưỡi cưa, Trẫm sẽ giúp bạn cắt đứt cặp ngà của Trẫm.

Nhờ Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta giúp sức, nên người thợ săn Sonuttara mới có thể cắt đứt được cặp ngà có hào quang sáu màu rời ra khỏi thân hình to lớn như quả núi bạc của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta truyền bảo người thợ săn cầm cặp ngà có hào quang 6 màu đặt trong cái vòi, rồi truyền bảo với người thợ săn Sonuttara rằng:

- Này bạn thợ săn Sonuttara! Trẫm ban cho ngươi cặp ngà này không phải Trẫm không quý cặp ngà này, Trẫm ban cho ngươi cặp ngà này, không phải Trẫm cầu mong muốn trở thành vua trời Sakka cõi Tam-thập-tam-thiên, cũng không phải Trẫm cầu mong muốn trở thành Ma-vương, cũng không phải Trẫm cầu mong muốn trở thành Đức Phạm-thiên.

Sự thật, Trẫm ban cho ngươi cặp ngà này là Trẫm tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, Trẫm chỉ cầu mong muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác mà Trẫm yêu quý nhất gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần cặp ngà có hào quang 6 màu này.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta phát-nguyện rằng:

“Do nhờ phước-thiện tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung này chỉ làm duyên lành để chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác mà thôi.”

Sau khi phát-nguyện xong, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta trao cặp ngà cho người thợ săn Sonuttara. Người thợ săn Sonuttara vô cùng hoan hỷ đón nhận cặp ngà có hào quang 6 màu từ nơi cái vòi của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta.

Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa hỏi người thợ săn rằng:

- Này bạn thợ săn Sonuttara! Bạn từ kinh-thành Bārāṇasī đến tận nơi này đã trải qua thời gian bao lâu?

Người thợ săn Sonuttara tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta cao thượng, kẻ tiện dân từ kinh-thành Bārāṇasī đến tận nơi này suốt 7 năm, 7 tháng, 7 ngày.

Nghe người thợ săn Sonuttara tâu như vậy, Đức Bồ Tát Bạch-tượng chúa Chaddanta phát-nguyện rằng:

“Do oai lực của cặp ngà mà người thợ săn Sonuttara mang trong người sẽ giúp hỗ trợ cho người thợ săn này đi từ nơi đây đến kinh-thành Bārāṇasī chỉ trong vòng 7 ngày mà thôi.”

Và tiếp theo, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta phát-nguyện bằng lời chân-thật rằng:

“Khi Trẫm bị mũi tên tẩm thuốc độc cực mạnh xuyên qua thân thể, làm cho Trẫm phát sinh tâm sân khổ tâm và khổ thân đau đớn cùng cực, nhưng khi Trẫm nhìn thấy người thợ săn mặc tấm y vàng màu lõi mít (kāsāva) tượng trưng lá cờ chiến thắng của chư bậc Thánh A-ra-hán, nên Trẫm đè nén, chế ngự được tâm sân không phát sinh, không làm hại người thợ săn nữa.

Do lời chân-thật này, cầu xin các loài thú dữ trong rừng không làm hại người thợ săn Sonuttara này.

Cầu xin cho người thợ săn Sonuttara trở về đến kinh-thành Bārāṇasī được an toàn sinh-mạng.”

Sau khi phát-nguyện xong, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta băng hà.

Người thợ săn Sonuttara vô cùng tôn kính, lễ bái Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta, rồi từ giã, rời khỏi nơi ấy, vội mang cặp ngà có hào quang 6 màu trở về kinh-thành Bārāṇasī ngay khi ấy.

Lễ Hỏa Táng Đức-Bồ-Tát Bạch-Tượng Chúa Chaddanta

Sau khi người thợ săn Sonuttara rời khỏi nơi ấy không lâu, Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhất Mahā-subhaddā cùng đàn voi 8.000 con đi tìm kẻ thù không gặp, vội bay trở về thì nhìn thấy Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta nằm băng hà và cặp ngà đã bị cắt đứt đem đi rồi, không thấy kẻ thù đâu cả.

Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāsubhaddā cùng với đàn voi 8.000 con khóc than thảm thiết, dẫn nhau bay đến chỗ ở của 500 Đức-Phật Độc-Giác mà từ lâu Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta thường hay đến lễ bái cúng dường đến chư Đức-Phật Độc-Giác này, cung kính bạch quý Ngài rằng:

-Kính bạch chư Phật Độc-Giác, Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta bị bắn bằng mũi tên độc cực mạnh, đã băng hà rồi.

Kính thỉnh chư Phật Độc-Giác ngự đến quán xét thi thể của Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta tại hồ nước Chaddanta.

Nghe bạch như vậy, 500 Phật Độc-Giác bay bằng đường hư không đến tận nơi thi thể của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta.

Khi ấy, hai con voi lực lưỡng dùng cặp ngà nâng thi thể của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta, để tỏ lòng tôn kính chư Phật Độc-Giác.

Sau đó, đàn voi đi tìm củi chất thành giàn, để làm đại lễ hỏa táng Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta.

Chư Phật Độc-Giác ngồi nhập Thánh-quả suốt đêm ấy.

Lễ hỏa táng Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta xong, gom tất cả xá lợi của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta được gói lại, rồi làm lễ suy tôn voi Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāsubhaddā làm chúa đàn voi. Đàn voi 8.000 con đều khóc than thảm thiết lấy phần tro còn lại của lễ hỏa táng đem thoa trên đầu để tỏ lòng tôn kính Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta.

Lễ cung nghinh Xá-lợi của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta do voi Chánh-cung Hoàng-hậu Mahā-subhaddā dẫn đầu đàn voi thỉnh về chỗ ở của mình, rồi làm tháp tôn thờ Xá-lợi của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta một cách tôn nghiêm.

Người Thợ Săn Trở Về Kinh-Thành Bārāṇasī

Do nhờ oai lực của cặp ngà của Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta người thợ săn Sonuttara mang theo bên mình, và do nhờ lời phát-nguyện chân-thật của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta, nên người thợ săn Sonuttara trở về được an toàn sinh-mạng, đến kinh-thành Bārāṅasī chưa đến bảy ngày.

Trước khi vào kinh-thành Bārāṅasī, người thợ săn Sonuttara cho người tâu báo cho bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā biết rằng:

“Kẻ tiện dân thợ săn Sonuttara đã bắn chết Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta bằng mũi tên tẩm thuốc độc cực mạnh của bà và đã cắt được cặp ngà có hào quang sáu màu của Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta rồi. Kẻ tiện dân này sẽ đem cặp ngà có hào quang 6 màu ấy đến kính dâng lên Bà.

Vậy, kính xin Bà trang hoàng cung điện lộng lẫy rực rỡ để đón rước cặp ngà quý báu có hào quang 6 màu.”

Nghe tin tâu báo, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā ngự đến tâu lên Đức-vua. Đức-vua Bārāṇasī truyền lệnh trang hoàng kinh-thành và cung điện lộng lẫy rực rỡ như cung điện trên cõi trời.

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā đã truyền cho người thợ làm ngọc làm cái giá bằng ngọc maṇi, để sẵn sàng chờ đặt cặp ngà quý báu có hào quang 6 màu.

Khi người thợ săn Sonuttara về đến kinh-thành, lễ đón rước cặp ngà quý báu có hào quang 6 màu rất trọng thể, người thợ săn đem cặp ngà quý báu có hào quang 6 màu lên cung điện của bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā tâu rằng:

-Muôn tâu bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā, tiền-kiếp lệnh Bà đã kết oan trái với Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta, do tính ganh tị, ghen tức bởi chuyện nhỏ nhen.

Nay kiếp hiện-tại này, lệnh Bà đã sai khiến kẻ tiện dân này đến chỗ ở của Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta, bắn chết Đức Bạch-tượng chúa bằng mũi tên tẩm thuốc độc cực mạnh của Bà, và thi hành theo lệnh của Bà, kẻ tiện dân này đã cắt cặp ngà quý báu có hào quang sáu màu của Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta.

Như vậy, kẻ tiện dân này đã tạo tội-ác kinh khủng. Nay, kẻ tiện dân này xin kính dâng cặp ngà quý báu có hào quang 6 màu này lên lệnh Bà. Kính xin lệnh Bà đón nhận.

Chánh-Cung Hoàng-Hậu Subhaddā Thỏa Nguyện

Nghe người thợ săn Sonuttara trân trọng nâng cặp ngà quý báu có hào quang sáu màu ấy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā vô cùng hoan hỷ đón nhận cặp ngà quý báu có hào quang 6 màu của Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta.

Như vậy, lời nguyện cầu của Bà đã được thành tựu như ý.

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā ôm cặp ngà quý báu có hào quang 6 màu trên ngực vô cùng sung sướng. Khi ấy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā liền nhớ lại tiền-kiếp của Bà rằng:

“Tiền-kiếp của ta sinh làm con voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷasubhaddā của Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta, bởi vì tính ganh tị, ghen tức nhỏ nhen với voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhất Mahāsubhaddā, nên tiền-kiếp của ta đã kết oan trái với Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta, quyết tâm trả thù.

Nay kiếp hiện-tại này, ta là Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā được Đức-vua Bārāṇasī sũng ái nhất, ta đã nhờ người thợ săn Sonuttara bắn chết Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta bằng mũi tên tẩm thuốc độc cực mạnh của ta để trả thù, rồi cắt cặp ngà quý báu có hào quang sáu màu này.

Đây là cặp ngà quý báu của Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta. Đức phu-quân tiền-kiếp của ta.”

Khi ấy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā phát sinh tâm sầu não cùng cực, nên bị vỡ tim chết ngay tại nơi ấy.

Tích Chaddantajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Chaddantajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta trong thời quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Chaddantajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

- Voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷasubhaddā, nay kiếp hiện-tại là vị tỳ-khưu-ni trẻ cười lớn và khóc lớn ở giữa tứ chúng đang ngồi nghe Đức-Phật thuyết-pháp.

- Người thợ săn Sonuttara, nay kiếp hiện-tại là tỳ-khưu Devadatta.

- Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Chaddantajātaka này xong, chư tỳ-khưu có số trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, v.v… tùy theo các pháp-hạnh ba-la-mật của mỗi vị.

Về sau, vị tỳ-khưu-ni trẻ thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

 

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc trung đồng thời các pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng được thành tựu cùng một lúc như sau:

1- Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta bố-thí cặp ngà quý nhất, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

2- Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta có trí-tuệ sáng suốt biết rõ những điều nên làm, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

3- Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta có sự tinh-tấn, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

4- Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta có đức nhẫn-nại, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

5- Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta nói lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

6- Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta phát-nguyện bằng lời chân-thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

7- Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta có tâm-từ, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

8- Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta có tâm-xả, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là tám pháp-hạnh ba-la-mật cùng thành tựu với pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc trung này.

Nhận Xét Về Đức-Bồ-Tát Bạch-Tượng Chúa Chaddanta

Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc trung là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật đó là tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với các đại-thiện-tâm tránh xa mọi hành ác bằng thân và bằng khẩu.

Tích Chaddantajātaka, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Đức Bạch-tượng chúa Chaddanta bị người thợ săn Sonuttara bắn bằng mũi tên tẩm thuốc độc cực mạnh, làm cho thân thể vô cùng đau đớn, phát sinh tâm sân có ý định giết người thợ săn Sonuttara, nhưng khi nhìn thấy người thợ săn Sonuttara mặc tấm y vàng màu lõi mít (kāsāva) tượng trưng lá cờ chiến thắng của chư bậc Thánh A-ra-hán, nên Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta phát sinh đại-thiện-tâm tôn kính tấm y vàng ấy, mới đè nén, chế ngự được tâm sân, tránh xa sự sát-sinh, nhẫn-nại chịu đựng khổ thân, để cho người thợ săn Sonuttara cắt đôi ngà quý báu của mình, rồi chịu chết, để giữ gìn giới của mình cho được hoàn toàn trong sạch trọn vẹn.

Như vậy, Đức-Bồ-tát bạch tượng chúa Chaddanta đã tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc trung.

Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta truyền hỏi người thợ săn Sonuttara nguyên nhân và được biết rằng:

“Người thợ săn Sonuttara đến tận nơi này bắn mình theo lệnh của bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā, mà tiền-kiếp của bà là voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷasubhaddā của ta.

Voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhị Cūḷasubhaddā có tính ganh tị, ghen tức với voi Chánh-cung Hoàng-hậu đệ nhất Mahāsubhaddā, bởi vì chuyện nhỏ nhen, nên kết oan trái với Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta và quyết tâm trả thù.

Nay kiếp hiện-tại là Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā của Đức-vua Bārāṇasī, dựa vào quyền lực của mình, bà truyền bảo người thợ săn Sonuttara tìm đến đây, để bắn Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta chết bằng mũi tên tẩm thuốc độc cực mạnh của bà để trả thù, rồi bảo người thợ săn Sonuttara cưa cặp ngà quý báu có hào quang 6 màu, đem về dâng cho bà, để lãnh thưởng.”

Biết rõ như vậy, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta nhẫn-nại chấp nhận hy sinh, tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc trung, để cho người thợ săn Sonuttara cưa cặp ngà quý báu đem về dâng cho bà Chánh-cung Hoàng-hậu Subhaddā.

Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta truyền bảo với người thợ săn Sonuttara rằng:

-“Này bạn thợ săn Sonuttara! Trẫm ban cho ngươi cặp ngà này không phải Trẫm không quý cặp ngà này, không phải Trẫm cầu mong muốn trở thành Đức-vua-trời Sakka cõi Tam-thập-tam-thiên, cũng không phải Trẫm cầu mong muốn trở thành Ma-vương, cũng không phải Trẫm cầu mong muốn trở thành Đức phạm-thiên. Sự thật, Trẫm ban cho ngươi cặp ngà này là Trẫm tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, Trẫm chỉ cầu mong muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác mà Trẫm yêu quý nhất gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần cặp ngà có hào quang 6 màu này.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Bạch-tượng chúa Chaddanta phát-nguyện rằng:

Do nhờ đại-thiện-nghiệp tạo các pháp-hạnh ba-la-mật này chỉ làm duyên lành để chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác mà thôi.

(Xong pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc trung)

 

2.3-Pháp-Hạnh Giữ-Giới Ba-La-Mật Bậc Thượng (Sīlaparamatthapāramī)

Tích Saṅkhapālajātaka (Xăng-khắ-pa-lá-cha-tá-ká) Trong tích Saṅkhapālajātaka[4] này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Đức Long-vương tên là Saṅkhapālanāgarājā tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng (sīlaparamatthapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi, khi ấy, những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đang thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla trong ngày giới.

Đức-Thế-Tôn ngự đến ngồi trên pháp tòa, rồi truyền bảo khuyến khích chư cận-sự-nam, cận-sự-nữ rằng:

-Này các con! Trong thời quá-khứ, Đức Long-vương tiền bối đã từ bỏ ngai vàng trong cõi Long-cung, tìm đến nơi yên tĩnh để thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla trong ngày giới hàng tháng.

Nghe Đức-Thế-Tôn truyền bảo như vậy, các cận-sự-nam, cận-sự-nữ đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi kính thỉnh Ngài thuyết giảng về tích Đức Long-vương tiền bối ấy.

Tích Saṅkhapālajātaka

Đức-Thế-Tôn thuyết giảng về tích Đức Long-vương Saṅkhapālajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá-khứ, Đức-vua nước Magadha ngự tại kinh-thành Rājagaha. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Thái-tử của bà Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua nước Magadha. Đức-Bồ-tát tên là Thái-tử Duyyodhana.

Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử Duyyodhana trưởng thành được Đức-vua truyền gửi đi học tại kinh-thành Takkasilā. Sau khi Đức-Bồ-tát Thái-tử học thành tài xong trở về nước Magadha.

Sau đó, Đức Phụ-vương làm lễ đăng quang truyền ngôi báu cho Đức-Bồ-tát Thái-tử Duyyodhana lên làm vua, ngự tại kinh-thành Rājagaha trị vì nước Magadha.

Đức Phụ-vương của Đức-vua Bồ-tát Duyyodhana, từ bỏ cung điện đi xuất gia trở thành đạo-sĩ trú tại vườn thượng uyển. Đức-vua Bồ-tát ngự đến hầu Đức Phụ-vương đạo-sĩ tại vườn thượng uyển mỗi ngày ba lần.

Hằng ngày, các quan, dân chúng đến hầu Đức đạo-sĩ tại vườn thượng uyển và họ đem theo những lễ vật đến cúng dường. Cho nên, những lễ vật càng nhiều, càng làm quấy rầy Đức đạo-sĩ, không thuận lợi cho việc thực-hành pháp-hành thiền-định, nên Đức đạo-sĩ suy nghĩ rằng:

“Ta trú tại vườn thượng uyển này không thuận lợi cho việc thực-hành pháp-hành thiền-định.

Vậy, ta nên đi tìm nơi thanh vắng yên tịnh, để cho thuận lợi cho việc thực-hành pháp-hành thiền-định.”

Suy nghĩ như vậy, không muốn thông báo cho Đức-vua Duyyodhana biết, Đức đạo-sĩ rời khỏi vườn thượng uyển đi ra khỏi nước Magadha, sang nước Mahisaka đến chân núi Candaka, làm cốc lá nhỏ gần con sông Kaṇṇa-veṇṇā trú ngụ.

Con sông này bắt nguồn từ hồ nước lớn Saṅkhapāla. Đức đạo-sĩ thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới và chứng đắc các phép-thần-thông.

Hằng ngày, Đức đạo-sĩ đi khất thực để nuôi mạng.

Đức Long-vương Saṅkhapāla cùng nhóm tùy tùng hộ giá đông đảo thỉnh thoảng xuất hiện đến hầu nghe Đức đạo-sĩ thuyết pháp.

Đức-vua Bồ-tát Duyyodhana truyền lệnh cho các quan dò hỏi để tìm chỗ ở của Đức Phụ-vương đạo-sĩ. Khi biết được chỗ ở của Đức đạo-sĩ, Đức-vua Bồ-tát Duyyodhana cùng các quan ngự đến thăm Đức Phụ-vương đạo-sĩ tại cốc lá nhỏ ở chân núi Candaka gần con sông Kaṇṇaveṇṇā. Khi ấy, Đức Long-vương Saṅkhapāla cùng với nhóm tùy tùng thuộc hạ đang ngồi nghe Đức đạo-sĩ thuyết pháp.

Nhìn thấy Đức-vua Bồ-tát Duyyodhana cùng các quan ngự đến, Đức Long-vương Saṅkhapāla đảnh lễ Đức đạo-sĩ, rồi cùng nhóm tuỳ tùng đông đảo xin phép trở về cõi long-cung chỗ ở của mình.

Đức-vua Bồ-tát Duyyodhana đảnh lễ Đức Phụ-vương đạo-sĩ, rồi ngồi một chỗ hợp lẽ, vấn an sức khoẻ của Đức Phụ-vương đạo-sĩ xong bạch hỏi rằng:

-Kính bạch Đức Phụ-vương, vừa rồi Đức-vua nước nào đã ngự đến đây nghe Đức Phụ-vương thuyết pháp vậy?

-Này Hoàng-nhi! Đức-vua ấy là Đức Long-vương Saṅkhapāla từ cõi long-cung, thỉnh thoảng ngự đến nghe Phụ-vương thuyết pháp.

Nghe Đức Phụ-vương truyền bảo như vậy, Đức-vua Bồ-tát Duyyodhana có ý nguyện muốn trở thành Đức Long-vương. Cho nên, sau khi hồi cung, Đức-vua Bồ-tát truyền lệnh lập ra bốn trại bố-thí tại 4 cửa thành để tế độ những người nghèo khổ, những khách qua đường, và giữ gìn ngũ-giới, thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, rồi phát-nguyện rằng:

“Do nhờ đại-thiện-nghiệp này, xin kiếp sau trở thành Đức Long-vương.”

Thật vậy, Đức-vua Bồ-tát Duyyodhana sau khi băng hà, do năng lực lời phát-nguyện, nên đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh làm kiếp Đức Long-vương Saṅkha-pāla trị vì cõi long cung, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung.

Qua một thời gian, Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkha-pāla cảm thấy nhàm chán những sự an-lạc trong ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục) mà muốn tái-sinh trở lại làm người trong cõi người, để thuận lợi tạo các pháp-hạnh ba-la-mật. Cho nên, Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla phát-nguyện thọ trì bát-giới uposathasīla tại cõi long cung.

Sau khi Đức-Bồ-tát Long-vương đã phát-nguyện thọ trì bát-giới uposathasīla xong rồi, nhưng không thể giữ gìn bát-giới uposathasīla cho được trong sạch hoàn toàn và đầy đủ được, bởi vì các hoàng-hậu, các long-nữ đến quấy rầy. Vì vậy, Đức-Bồ-tát Long-vương rời khỏi cõi long cung xuất hiện lên cõi người, tìm đến chỗ gò mối gần con sông Kaṇṇaveṇṇā để thọ trì bát-giới uposathasīla.

Sau khi thọ trì bát-giới uposathasīla, Đức-Bồ-tát Long-vương thành tâm phát-nguyện rằng:

“Tôi quyết tâm giữ gìn bát-giới uposathasīla cho được trong sạch hoàn toàn và đầy đủ trọn vẹn tám điều-giới, dù phải hy sinh sinh-mạng, tôi vẫn quyết tâm không để đứt điều-giới nào.

* Nếu những người nào cần đến da của tôi, thì những người ấy hãy lột da của tôi.

* Nếu những người nào cần đến thịt của tôi, thì những người ấy hãy lóc thịt của tôi.

* Nếu những người nào cần đến xương của tôi, thì những người ấy hãy lấy xương của tôi, v.v…

Dù cho thế nào tôi vẫn giữ gìn đại-thiện-tâm trong sạch, không để cho ác-tâm phát sinh, quyết tâm giữ gìn bát-giới uposathasīla cho được hoàn toàn trong sạch và đầy đủ trọn vẹn.”

Sau khi phát-nguyện xong, Đức-Bồ-tát Long-vương nằm khoanh tròn quanh gò mối ấy, thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla vào ngày 14, 15 và ngày 29, 30 cuối tháng đủ hằng tháng (nếu tháng thiếu thì vào ngày 28, 29). Đức-Bồ-tát Long-vương thường ngự trở về cõi long cung vào ngày hôm sau của những ngày giới.

Một hôm, sau khi đã thọ trì bát-giới uposathasīla xong, Đức-Bồ-tát Long-vương nằm khoanh tròn quanh gò mối, giữ gìn bát-giới uposathasīla. Khi ấy, nhóm 16 người con của những người thợ săn thú rừng mang khí giới dẫn nhau vào rừng săn thú. Hôm ấy, chúng nó không giết được con thú nào, dẫn nhau trở về tay không, đến gò mối, nhìn thấy Đức-Bồ-tát Long-vương đang nằm khoanh tròn quanh gò mối giữ gìn bát-giới uposathasīla; chúng nó bàn tính với nhau rằng:

-Chúng ta nên bắt con Long-vương này để ăn thịt, nhưng con Long-vương này to lớn có sức mạnh và có chất độc dữ dội. Nếu chúng ta đụng đến nó thì nó sẽ bò đi mất, cho nên chúng ta đồng phóng lao cùng một lúc, để làm cho nó bị thương mất sức lực, khi ấy chúng ta mới có thể tiến gần đến bắt nó được.

Bàn tính xong, bọn chúng mỗi đứa cầm lao phóng vào thân mình của Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla.

Đức-Bồ-Tát Hy Sinh Sinh-Mạng Giữ Gìn Giới

Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla nghĩ rằng:

“Hôm nay, lời phát-nguyện của ta sẽ được thành tựu, ta sẽ hy sinh sinh-mạng, để giữ gìn bát-giới uposathasīla cho được trong sạch hoàn toàn và đầy đủ trọn vẹn.”

Cho nên, Đức-Bồ-tát Long-vương nhẫn-nại chịu đựng nỗi đau đớn cùng cực mà không hề phát sinh tâm sân, quyết tâm giữ gìn bát-giới uposathasīla cho được trong sạch hoàn toàn và đầy đủ trọn vẹn tám điều-giới.

Nhìn thấy Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla vẫn nằm yên một chỗ, chúng tiến đến gần nắm cái đuôi đập mạnh xuống mặt đất, rồi chúng lấy lưỡi giáo đâm dài theo thân mình của Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla tám lỗ, lấy sợi dây mây xâu vào tám lỗ cột thành vòng và đâm vào lỗ mũi, xỏ dây mây vào lỗ mũi cột chặt. Chúng xỏ tám cái đòn vào tám vòng mây, mỗi bên tám đứa khiêng Đức-Bồ-tát Long-vương từ gò mối đi ra con đường.

Đức-Bồ-tát Long-vương vẫn nhắm đôi mắt, cái đầu gục xuống chạm đất, chúng khiêng kéo lê Đức-Bồ-tát Long-vương làm cho cái đầu bị chà xát trên mặt đường.

Đức-Bồ-Tát Long-Vương Saṅkhapāla Tạo Pháp-Hạnh Giữ-Giới Ba-La-Mật Bậc Thượng

Thật ra, Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla có nhiều oai lực và nhiều phép mầu biến hóa phi thường. Nếu khi ấy Đức-Bồ-tát Long-vương nổi giận thì phun lửa ra có thể làm thiêu hủy phạm vi rộng lớn, và chất độc vô cùng khủng khiếp của Đức-Bồ-tát Long-vương có thể tàn sát các đối phương một cách chớp nhoáng, còn nhóm 16 đứa con của những người thợ săn này có đáng gì đâu! Song vì Đức-Bồ-tát Long-vương đã có lời phát-nguyện bố-thí sinh-mạng để giữ gìn bát-giới uposathasīla gọi là tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng, cho nên, Đức-Bồ-tát Long-vương nhẫn-nại chịu đựng nỗi đau đớn cho đến chết, mà không hề phát sinh tâm sân.

Khi ấy, trưởng giả Āḷāra là một lái buôn giàu có trong kinh-thành Mithilā nước Videha, đang ngồi trên chiếc xe sang trọng dẫn đầu 500 cỗ xe chở hàng hóa đi bán xứ khác. Nhìn thấy nhóm 16 đứa con của các người thợ săn trong xóm nhà Paccanta, đang khiêng Đức-Bồ-tát Long-vương, Ông trưởng giả Āḷāra bước xuống xe đến hỏi chúng rằng:

- Này các ngươi! Các ngươi khiêng Đức Long-vương này đi đâu? Để làm gì?

- Kính thưa ông trưởng giả lái buôn, chúng tôi khiêng con Long-vương này về xóm nhà Paccanta của chúng tôi, rồi chúng tôi sẽ giết con Long-vương này để ăn thịt, thịt con Long-vương này ngon lắm!

Nghe chúng nói như vậy, ông trưởng giả Āḷāra lái buôn liền trao đổi với chúng nó rằng:

- Này các ngươi! Ta sẽ ban cho các ngươi mỗi người một gói vàng ròng, một chiếc xe bò chở đầy hàng hóa, vải, mền, còn ban cho vợ các ngươi những đồ trang sức quý giá nữa, với điều kiện là các ngươi hãy thả Đức Long-vương này được sống tự do, ngự trở về cõi long cung.

Tuy chúng nó thèm ăn thịt Đức-Bồ-tát Long-vương, nhưng khi nghe ông trưởng giả lái buôn giàu có ban cho nhiều của cải quý giá nhiều như vậy, cho nên, chúng nó đồng ý ngay.

Chúng đặt Đức-Bồ-tát Long-vương nằm xuống mặt đất, xin nhận tất cả số của cải từ ông trưởng giả Āḷāra lái buôn giàu có ban cho. Chúng đi được một đoạn đường, rồi đứng lại một nơi kín, bởi vì chúng nghĩ rằng:

“Con Long-vương ấy bị thương nặng như vậy, chắc chắn nó sẽ chết, chúng ta đứng chờ ở đây, rồi khiêng nó đem về ăn thịt.”

Sau khi nhóm 16 người con của các thợ săn đi rồi, ông trưởng giả Āḷāra lái buôn lấy con dao bén cắt từng sợi dây mây cột trên thân hình của Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla, nhẹ tay rút ra từng sợi dây, rồi thả Đức-Bồ-tát Long-vương được tự do, thóat khỏi chết.

Đức-Bồ-tát Long-vương đã bị nhiều thương tích nên sức yếu, bò đi một cách mệt nhọc, ông trưởng giả Āḷāra lái buôn đi theo sau tiễn đưa Đức-Bồ-tát Long-vương cho đến bờ sông Kaṇṇaveṇṇā. Bò xuống sông được một khoảng, Đức-Bồ-tát Long-vương ngẩng đầu lên cám ơn ông trưởng giả Āḷāra lái buôn đã cứu sống mình.

Đức-Bồ-tát Long-vương ngự trở về cõi long cung, liền sau đó, Đức-Bồ-tát Long-vương cùng với đoàn tùy tùng đông đảo xuất hiện lên cõi người tìm ông trưởng giả Āḷāra lái buôn.

Khi ấy, ông trưởng giả Āḷāra lái buôn vẫn đang còn đứng tại bờ sông Kaṇṇaveṇṇā, Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla liền tán dương ca tụng ân đức của ông trưởng giả Āḷāra lái buôn rằng:

-Kính thưa Ngài trưởng giả Āḷāra, Ngài như là cha mẹ của tôi, Ngài là người đã cứu sống tôi, Ngài là người bạn tốt của tôi. Tôi còn sống như thế này là nhờ ơn Ngài cứu sống.

Tôi thành tâm kính mời Ngài đến cõi long cung của tôi, nơi ấy có vật thực ngon lành, có đầy đủ các ngũ dục, có các cảnh đẹp như cõi Đức-vua-trời Vāsava (Sakka).

Nghe Đức-Bồ-tát Long-vương diễn tả cõi long cung, ông trưởng giả Āḷāra cũng muốn biết cõi long cung nên nhận lời mời ngay.

Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla thỉnh ông trưởng giả Āḷāra xuống tại long cung do oai lực của Đức-Bồ-tát Long-vương, rồi thỉnh ông trưởng giả lên ngồi trên ngai vàng, bởi vì ông trưởng giả Āḷāra được tôn là bậc đại-ân-nhân. Đức-Bồ-tát Long-vương kính dâng 300 bà Hoàng-hậu của mình để phục vụ ông trưởng giả Āḷāra.

Ông trưởng giả Āḷāra hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung suốt một năm. Sau đó, ông thưa với Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla rằng:

-Tâu Đức Long-vương Saṅkhapāla kính mến, Ngài đã ban cho tôi được hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung suốt một năm. Nay, tôi muốn xin từ giã Đức Long-vương trở lại cõi người, bởi vì, tôi có ý nguyện muốn xuất-gia trở thành đạo-sĩ.

Nghe ông trưởng già Āḷāra thưa như vậy, biết không thể thỉnh mời ở lại thêm được nữa, Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla dâng các thứ vật dụng cần thiết đến ông trưởng giả Āḷāra để xuất gia trở thành đạo-sĩ. Đức-Bồ-tát Long-vương cùng đoàn tùy tùng theo tiễn đưa ông trưởng giả Āḷāra từ cõi long cung trở lại cõi người.

Ông trưởng giả Āḷāra đi vào rừng núi Himavanta (Hy-mã-lạp-sơn) xuất gia trở thành đạo-sĩ, hành đạo suốt thời gian lâu.

Về sau, vị đạo-sĩ Āḷāra đi ra khỏi rừng núi Himavanta du hành đến kinh-thành Bārāṇasī, nghỉ tại vườn thượng uyển của Đức-vua Bārāṇasī. Buổi sáng, vị đạo-sĩ đi vào kinh-thành khất thực, đi ngang qua cửa cung điện của Đức-vua Bārāṇasī.

Khi ấy, Đức-vua Bārāṇasī nhìn thấy vị đạo-sĩ Āḷāra với dáng đi nghiêm chỉnh, liền phát sinh đức-tin nơi vị đạo-sĩ. Đức-vua truyền lệnh các quan đi thỉnh mời vị đạo-sĩ vào cung điện. Đức-vua thỉnh vị đạo-sĩ ngồi trên chỗ cao quý, còn Đức-vua ngồi chỗ thấp, rồi đảnh lễ vị đạo-sĩ. Đức-vua tự tay cúng dường những món vật thực ngon lành. chặt chẽ và ngay ngắn

Sau khi vị đạo-sĩ Āḷāra độ vật thực xong, Đức-vua đảnh lễ vị đạo-sĩ rồi ngồi một chỗ hợp lẽ bèn bạch rằng:

- Kính bạch vị đạo-sĩ, Ngài có sắc thân đẹp đẽ, có đôi mắt trong sáng, Trẫm nghĩ rằng:

Ngài thuộc dòng dõi cao quý hoặc gia đình giàu sang phú quý. Vậy do nguyên nhân nào mà Ngài từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành vị đạo-sĩ như vậy? Thưa Ngài.

Nghe Đức-vua hỏi như vậy, vị đạo-sĩ Āḷāra tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, Bậc cao thượng trong thần dân thiên hạ, do trước đây bần đạo tận mắt nhìn thấy cõi long-cung của Đức Long-vương Saṅkhapāla, và bần đạo cũng đã hưởng mọi sự an-lạc tại cõi long-cung ấy.

Cõi long-cung là quả được phát sinh do đại-thiện-nghiệp của Đức Long-vương. Đó là nguyên nhân mà bần đạo tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, cho nên, bần đạo từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, để được thuận lợi thực-hành mọi thiện-nghiệp.

Nghe vị đạo-sĩ tâu như vậy, Đức-vua Bārāṇasī bạch hỏi rằng:

-Kính bạch vị đạo-sĩ cao quý, Trẫm tin chắc chắn rằng Ngài không nói dối vì mục đích nào khác.

Vậy, Trẫm xin Ngài tường thuật lại sự thật cho Trẫm nghe, do nguyên nhân nào mà Ngài tận mắt nhìn thấy cõi long-cung và Ngài đã hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long-cung ấy, để cho Trẫm cũng tin nơi nghiệp và quả của nghiệp.

Vị đạo-sĩ tường thuật lại rằng:

-Tâu Đại-vương, trước khi trở thành đạo-sĩ như thế này, bần đạo vốn là một người lái buôn giàu có ở kinh-thành Mithilā trong nước Videha. Một hôm, bần đạo ngồi trên chiếc xe dẫn đầu 500 cỗ xe chở đầy hàng hóa đem bán xứ khác. Trên đường đi, bần đạo gặp nhóm 16 người con của những người thợ săn đang khiêng Đức Long-vương Saṅkhapāla có thân hình to lớn, bần đạo bèn hỏi chúng nó rằng:

“-Này các ngươi! Các ngươi khiêng Đức Long-vương có thân hình to lớn này đi đâu? Để làm gì?”

Chúng nó thưa rằng:

“-Kính thưa ông trưởng giả lái buôn, chúng tôi khiêng con Long-vương này về xóm nhà Paccanta của chúng tôi, rồi chúng tôi sẽ giết nó để ăn thịt, thịt con Long-vương này ngon lắm!”

-Tâu Đại-vương, khi nghe chúng nó nói vậy, bần đạo nhìn thấy Đức Long-vương Saṅkhapāla đau đớn, kiệt sức vì bị nhiều thương tích, liền phát sinh tâm bi muốn cứu giúp Đức Long-vương thóat khỏi tai nạn, khỏi bị giết chết, nên bần đạo xin trao đổi với chúng nó rằng:

“Ta sẽ ban cho các ngươi mỗi người một gói vàng ròng, một chiếc xe bò chở đầy hàng hóa, vải, mền,… còn ban cho vợ các ngươi những đồ trang sức quý giá nữa, với điều kiện là các ngươi hãy thả Đức Long-vương này được sống tự do, ngự trở về cõi long cung.”

Tuy chúng nó thèm ăn thịt Đức Long-vương, nhưng khi nghe bần đạo ban cho chúng nó nhiều của cải quý giá như vậy, cho nên, chúng đồng ý ngay.

Chúng nó đặt Đức Long-vương nằm xuống mặt đất, rồi nhận tất cả của cải mà bần đạo đã ban cho. Chúng nó vui mừng sung sướng trở về nhà.

Bần đạo tự tay cắt từng sợi dây mây xâu qua thân mình của Đức Long-vương, nhẹ tay rút từng sợi dây mây ra khỏi thân mình của Đức Long-vương. Khi ấy, Đức Long-vương Saṅkhapāla được hoàn toàn tự do, bò về hướng đông đến con sông Kaṇṇaveṇṇā một cách vất vả vì đau đớn và kiệt sức.

Bần đạo đi theo sau tiễn đưa Đức Long-vương cho đến bờ sông Kaṇṇaveṇṇā. Đức Long-vương Saṅkhapāla bò xuống nước một khoảng rồi ngẩng đầu lên cám ơn, rồi từ giã bần đạo ngự trở về cõi long-cung.

-Tâu Đại-vương, sau khi trở về cõi long-cung không lâu, Đức Long-vương Saṅkhapāla cùng đoàn tùy tùng đông đảo xuất hiện lên cõi người tìm bần đạo. Khi ấy, bần đạo đang còn ở bờ sông Kaṇṇaveṇṇā, Đức Long-vương đứng trước bần đạo nói những lời dịu dàng ngọt ngào nghe êm tai rằng:

“Kính thưa Ngài Āḷāra, Ngài như là cha mẹ của tôi, Ngài thật sự là người bạn tốt thân thiết nhất của tôi. Sở dĩ tôi còn sống đến bây giờ là nhờ ơn Ngài đã cứu sống.

Kính thưa Ngài Āḷāra, tôi thành kính mời Ngài đến thăm cõi long cung của tôi. Ngài có thể hưởng được mọi sự an-lạc trong cõi long cung, cũng như cõi trời của Đức-vua Vāsava (Sakka), cõi Tam-thập-tam-thiên.”

- Tâu Đại-vương, bần đạo đã nhận lời mời, rồi Đức Long-vương mời bần đạo xuống cõi long-cung do oai lực của Đức Long-vương.

Cõi long-cung thật là kỳ diệu, những lâu đài toàn là bằng vàng nguy nga lộng lẫy, được trang hoàng bằng các thứ ngọc như ngọc maṇi, ngọc bích,… có nhiều hồ nước xinh đẹp, các long-nam, long-nữ đều có vẻ đẹp kiều diễm từng đoàn đờn ca hát múa hát vui vẻ.

- Tâu Đại-vương, Đức Long-vương dẫn bần đạo lên lâu đài bằng vàng nguy nga lộng lẫy, được trang hoàng bằng các thứ ngọc, mời bần đạo ngồi trên ngai vàng, rồi Đức Long-vương thưa rằng:

“Kính thưa Ngài Āḷāra, tôi kính trọng Ngài như cha mẹ của tôi, tôi xin kính nhường ngôi báu này cho Ngài, và cũng xin nhường 300 hoàng-hậu của tôi đến phục vụ, hầu hạ Ngài”.

- Tâu Đại-vương, bần đạo hưởng mọi sự an-lạc tại cõi long-cung được một năm. Trong dịp ấy, bần đạo có đàm thoại với Đức Long-vương Saṅkhapāla.

Nay, bần đạo xin thuật lại cuộc đàm thoại ấy:

- “Tâu Đức Long-vương Saṅkhapāla, Ngài có được cõi long cung này bằng cách nào? Chính Ngài tự tạo nên hay là chư-thiên hóa ra rồi ban cho Ngài?

Đức Long-vương Saṅkhapāla truyền bảo rằng:

- Kính thưa Ngài Āḷāra, Trẫm có được cõi long cung này không phải Trẫm tự tạo nên, cũng không phải do chư-thiên hóa ra rồi ban cho Trẫm. Sự thật, Trẫm đang hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung này, đó là quả của đại-thiện-nghiệp mà tiền-kiếp của Trẫm đã tạo.

-Tâu Đức Long-vương, đại-thiện-nghiệp mà tiền-kiếp của Ngài đã tạo như thế nào? Nay, kiếp hiện-tại, Ngài được hưởng mọi sự an-lạc trong cõi-long cung to lớn đẹp đẽ như thế này?

- Kính thưa Ngài Āḷāra, tiền-kiếp của Trẫm là Đức-vua Duyyodhana ngự tại kinh-thành Rājagaha trị vì nước Magadha, có nhiều quyền lực.

Một hôm, Trẫm suy xét thấy rõ sinh-mạng con người là ngắn ngủi, vô thường, luôn luôn có sự biến đổi, Trẫm tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, muốn làm phước-thiện bố-thí, cho nên, Trẫm truyền lệnh xây dựng bốn trại bố-thí tại bốn cửa kinh-thành, Trẫm truyền lệnh xuất tiền của trong kho đem bố-thí đến những người nghèo khổ.

Mỗi ngày, Trẫm tự mình đến trại bố-thí, ban của cải tiền bạc đến những người nghèo khổ.

Hằng ngày, thỉnh mời các Sa-môn, Bà-la-môn đến cung điện, Trẫm tự tay dâng lễ cúng dường những món vật thực, và các thứ vật dụng cần thiết đến các Sa-môn, Bà-la-môn một cách cung kính.

Đó là đại-thiện-nghiệp mà tiền-kiếp của Trẫm đã tạo cho đến trọn kiếp ấy. Lúc lâm chung, Trẫm phát sinh tâm mong muốn trở thành Đức Long-vương trong cõi long-cung, cho nên, sau khi Trẫm băng hà, tâm tham-ái dắt dẫn đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh làm Đức Long-vương tên Saṅkhapāla trong cõi long-cung này.

- Tâu Đức Long-vương Saṅkhapāla, Ngài có sức mạnh phi thường, có phép-thần-thông biến hóa, có chất độc khủng khiếp, còn nhóm 16 người con những người thợ săn kia không có sức mạnh, không có phép thuật gì. Tại sao Ngài lại để nhóm 16 đứa trẻ ấy hành hạ Ngài, rồi chúng định giết Ngài, để ăn thịt như vậy?

- Kính thưa Ngài Āḷāra, thật ra, Trẫm có sức mạnh phi thường, có phép-thần-thông biến hóa, có chất độc khủng khiếp, còn nhóm 16 đứa trẻ kia không có sức mạnh hơn Trẫm, chúng cũng không có phép thuật gì, nhưng vì hôm ấy là ngày giới uposathasīla mà Trẫm đã thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla, để cho được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn tám điều-giới ấy, dù phải hy sinh sinh-mạng của Trẫm, chứ không để phạm giới, không để đứt giới. Cho nên, Trẫm nhẫn-nại chịu đựng bao nhiêu nỗi khổ thân mà không hề phát sinh tâm sân, nhẫn-nại chịu đựng để bát-giới uposathasīla của Trẫm không bị ô nhiễm, không bị đứt.

Vì vậy, Trẫm chịu để cho nhóm 16 đứa trẻ hành hạ Trẫm, rồi chúng nó định giết Trẫm để ăn thịt. Nhưng may mắn, Trẫm được Ngài đến kịp cứu sống.

- Kính thưa Ngài trưởng giả Āḷāra, Trẫm xuất hiện lên cõi người, để thọ trì bát-giới uposathasīla vào những ngày giới uposathasīla hằng tháng. Đó là ngày 14, 15 và ngày 29, 30 cuối tháng đủ (nếu tháng thiếu vào ngày 28, 29 cuối tháng).

Trong ngày bát-giới ấy, sau khi đã thọ trì bát-giới uposathasīla xong, Trẫm đang nằm khoanh vòng quanh gò mối, để giữ gìn bát-giới uposathasīla.

Nhóm 16 đứa con những người thợ săn thú vào rừng săn thú không được con thú nào, khi chúng trở về, nhìn thấy Trẫm nằm khoanh vòng quanh gò mối, chúng nó mỗi đứa cầm lao phóng vào thân hình Trẫm, làm cho Trẫm kiệt sức, chúng nó xông vào đâm vào thân hình của Trẫm 8 lỗ, rồi lấy dây mây xâu, dùng đòn khiêng ra đường. Khi ấy, Ngài gặp chúng nó, Ngài đã bỏ ra nhiều của cải ra để cứu mạng sống cho Trẫm.

- Tâu Đức Long-vương, Ngài là bậc có sức mạnh phi thường, có thần thông tự nhiên, có địa vị Đức Long-vương cao cả, trị vì trong cõi long-cung này, hưởng mọi sự an-lạc.

Vậy, thấy sự lợi ích nào mà Ngài xuất hiện lên cõi người, để thọ trì rồi giữ gìn bát-giới uposathasīla, để cho nhóm 16 đứa trẻ hành hạ Ngài và định giết để ăn thịt như vậy?

- Thưa Ngài trưởng giả Āḷāra, Trẫm xuất hiện lên cõi người, để thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla, không phải mong muốn được nhiều của cải tài sản, cũng không phải muốn được sống lâu. Thật ra, Trẫm thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla, vì có ý nguyện tha thiết muốn được tái-sinh trở lại làm người. Vì vậy, Trẫm nhẫn-nại chịu đựng bao nhiêu nỗi khổ, chỉ quyết tâm giữ gìn bát-giới uposathasīla cho được hoàn toàn trong sạnh và trọn vẹn 8 điều-giới mà thôi.

- Tâu Đức Long-vương, tái-sinh làm người trong cõi người cao thượng như thế nào mà Ngài muốn được tái-sinh làm người như vậy?

- Thưa Ngài trưởng giả Āḷāra, tái-sinh làm người trong cõi người rất cao thượng, bởi vì chỉ có con người mới có cơ hội tạo đầy đủ các pháp-hạnh ba-la-mật mà thôi. Chỉ có con người mới có khả năng trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, hoặc trở thành Đức-Phật Độc-Giác, hoặc trở thành bậc Thánh Tối-thượng Thanh-văn-giác, hoặc trở thành bậc Thánh Đại-Thanh-văn-giác mà thôi.

Ngoài con người trong cõi người ra, chúng-sinh trong các cõi khác không thể có được những địa vị cao cả ấy. Nếu Trẫm được tái-sinh trở lại làm người, thì Trẫm sẽ tạo các pháp hành ba-la-mật cho sớm được đầy đủ trọn vẹn.

- Tâu Đức Long-vương, tôi đã từ giã cõi người đến cõi long cung này được một năm rồi. Ngài đã ban cho tôi nhiều ân huệ, tôi đã hưởng được mọi sự an-lạc trong cõi long cung này. Tôi chân thành cảm ơn Ngài, các Hoàng-hậu, các cung phi, các hoàng-tử, các công-chúa cùng các long-nam, long-nữ đã tận tình lo lắng cho tôi rất chu đáo. Tôi thành kính tri ân quý vị.

Bây giờ, tôi xin phép từ giã cõi long cung để trở lại cõi người.

Nghe tâu như vậy, Đức Long-vương hỏi tôi rằng:

-Thưa Ngài trưởng giả Āḷāra, các hoàng-hậu, các cung phi, các hoàng-tử, các công-chúa và các thuộc hạ của tôi, có ai đã hầu hạ phục vụ Ngài không tận tình, hoặc đã làm điều gì để cho Ngài phật ý hay không?

- Tâu Đức Long-vương, các hoàng-hậu, các cung phi, các hoàng-tử, các công-chúa và các thuộc hạ của Ngài đã tận tình lo lắng cho tôi rất chu đáo, họ xem tôi như người thân quyến, nhờ Ngài có lòng thương yêu tôi.

Biết không thể thỉnh mời tôi ở lâu được nữa, Đức Long-vương thưa rằng:

- Kính thưa Ngài trưởng giả Āḷāra, đây là viên ngọc maṇi, báu vật của Trẫm, nó có khả năng đặc biệt giúp Trẫm thành tựu được những thứ của cải như ý.

Bây giờ Trẫm xin kính biếu viên ngọc maṇi này đến Ngài, người ân nhân, người bạn thân thiết nhất của Trẫm.

Kính xin Ngài hoan hỷ thọ nhận viên ngọc maṇi nầy, nó sẽ giúp Ngài thành tựu được những thứ của cải như ý.

Sau khi thành tựu của cải ấy xong, xin Ngài gìn giữ viên ngọc maṇi này bằng cách đặt vào trong bình nước ở trong nhà.

Khi nghe Đức Long-vương thưa như vậy, bần đạo tâu rằng:

- Tâu Đức Long-vương Saṅkhapāla, tôi chân thành cảm ơn Ngài, tôi không muốn các thứ của cải nào khác nữa, khi tôi trở về cõi người, tôi sẽ xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Vậy, kính xin Ngài chỉ cần ban cho tôi những thứ vật dụng cần thiết của vị đạo-sĩ mà thôi.”

Sau khi Đức Long-vương Saṅkhapāla ban cho tôi những thứ vật dụng cần thiết của vị đạo-sĩ, rồi Ngài cùng đoàn tùy tùng tiễn đưa tôi trở về cõi người.

- Tâu Đại-vương, bần đạo đã thuật lại cuộc đàm thoại giữa bần đạo với Đức Long-vương Saṅkhapāla như vậy.

Vị đạo-sĩ Āḷāra tâu tiếp với Đức-vua Bārāṇasī rằng:

-Tâu Đại-vương, bần đạo nhận thức thấy rõ sự an-lạc trong cõi người đều là vô thường, vì có sự sinh sự diệt là thường, luôn luôn biến đổi, bần đạo thấy rõ tội lỗi trong ngũ dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục), tin nơi nghiệp và quả của nghiệp. Cho nên, bần đạo từ bỏ nhà, bỏ của cải, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ.

-Tâu Đại-vương, những trái cây già chín, những trái cây còn non đều rụng cả, cũng như người già lẫn những người trẻ cũng đều từ bỏ thân này (chết), rồi tái-sinh kiếp sau như thế nào đều tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.

Bần đạo nhận thức thấy rõ quả báu tốt của sự xuất gia trở thành đạo-sĩ. Cho nên, bần đạo bỏ nhà, bỏ của cải tài sản, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Lắng nghe vị đạo-sĩ Āḷāra thuật lại những sự thật trong cõi long-cung, cuộc đàm thoại giữa trưởng giả Āḷāra (khi chưa trở thành đạo-sĩ) với Đức Long-vương Saṅkhapāla tại cõi long-cung như vậy, Đức-vua Bārāṇasī tán dương ca tụng rằng:

-Kính bạch đạo-sĩ Āḷāra, Ngài là bậc thiện-trí, bậc đa văn túc trí, bậc có trí-tuệ sáng suốt, tin nơi nghiệp và quả của nghiệp. Những người nào có duyên lành được gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, lắng nghe lời chỉ dạy của bậc thiện-trí, những người ấy chắc chắn có được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài ngay trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp vị-lai.

- Kính bạch Ngài đạo-sĩ Āḷāra, Trẫm có diễm phúc được gần gũi thân cận với Ngài, lắng nghe lời dạy của Ngài, và Ngài đã thuật lại những sự thật mà Ngài đã chứng kiến trong cõi long-cung, đặc biệt cuộc đàm thoại giữa Ngài với Đức Long-vương Saṅkhapāla. Trẫm phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trong lời dạy của Ngài, Trẫm sẽ cố gắng tinh-tấn thực-hành mọi đại-thiện-nghiệp như bố-thí, giữ-giới, … cho đến trọn đời.

Khi ấy, vị đạo-sĩ Āḷāra tâu với Đức-vua Bārāṇasī rằng:

- Tâu Đại-vương, thật vậy, những người nào có duyên lành gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, bậc đa văn túc trí, lắng nghe lời dạy của bậc thiện-trí, những người ấy chắc chắn sẽ được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài ngay trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp vị-lai.

Vị đạo-sĩ Āḷāra trú tại vườn thượng uyển của Đức-vua Bārāṇasī suốt bốn tháng mùa mưa xong. Sau đó, Vị đạo-sĩ trở lại rừng núi Himavanta, tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục tứ vô lượng tâm cho đến trọn đời.

Sau khi vị đạo-sĩ Āḷāra chết, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh lên cõi trời sắc-giới phạm thiên.

Đức-vua Bārāṇasī tinh-tấn thực-hành mọi đại-thiện-nghiệp như bố-thí, giữ-giới, … cho đến trọn đời.

Sau khi Đức-vua băng hà, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh trong cõi thiện-giới: cõi người, sáu cõi trời dục-giới.

Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla giữ gìn ngũ-giới và thọ trì bát-giới uposalasīla trong những ngày giới hằng tháng cho đến trọn đời.

Sau khi Đức-Bồ-tát Long-vương băng hà, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh làm người như ý nguyện.

Đức-Phật thuyết bài kệ:

“Sūlehi vijjhiyantopi, koṭiyantopi sattīhi. Bhojaputte na kuppāmi, esā me sīlapāramī[5]

Ý nghĩa:

Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla, tiền-kiếp của Như-Lai, dù bị nhóm con của những người thợ săn, đâm bằng những lưỡi giáo vào thân mình, dù bị xâu bằng những sợi dây mây khiêng đi, Đức-Bồ-tát vẫn không hề phát sinh tâm sân,

Để giữ gìn bát-giới cho được trong sạch và trọn vẹn. Đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng của tiền-kiếp Như-Lai.

Đức-Phật thuyết tích Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkha-pāla, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama xong, các cận-sự-nam, cận-sự-nữ đang thọ trì giữ gìn bát-giới uposalasīla vô cùng hoan hỷ, tinh-tấn thực-hành giữ bát-giới uposala-sīla trong những ngày giới hàng tháng cho đến trọn đời.

Tích Saṅkhapālajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Tích Saṅkhapālajātaka này, Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng trong thời quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Saṅkhapālajātaka này liên quan đến kiếp hiện-tại như sau:

- Đức Phụ-vương đạo-sĩ, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa.

- Đức-vua Bārāṇasī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

- Vị Đạo-sĩ Āḷāra, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

 

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng, ngoài ra, còn có chín pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

- Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla quyết định hy sinh sinh-mạng để giữ giới, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla quyết định từ bỏ ngai vàng cõi long-cung, lánh xa ngũ-dục, đó là pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla suy xét đúng đắn, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla có đức nhẫn-nại chịu đựng khổ đau mà không phát sinh tâm sân, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla giữ gìn lời chân-thật thọ trì bát-giới, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

-Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla phát-nguyện: “người nào cần lấy da,…” đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla có tâm-từ với nhóm 16 người con của những người thợ săn, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla giữ tâm bình thản trong sự khổ và trong nhóm con của những người thợ săn, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là 9 pháp-hạnh ba-la-mật phụ khác cũng đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng ấy.

Nhận Xét Về Tích Đức-Bồ-Tát Long-Vương Saṇkhapāla

Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo cho được đầy đủ để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật đó là tác-ý tâm-sở trong đại-thiện-tâm và ba tiết-chế tâm-sở trong đại-thiện-tâm giữ gìn các điều-giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, để cho thân và khẩu được thanh-tịnh.

Nếu Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác gìn giữ giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, dám hy sinh sinh-mạng chứ không để phạm điều-giới thì gọi là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng.

Đức Long-vương hay còn gọi Rồng Chúa là loài chúng-sinh đặc biệt có nhiều phép-thần-thông tự nhiên do quả của nghiệp (kammavipāka iddhi). Do đó, Đức Long-vương có thể biến hóa ra thành người, hoặc thành loài chúng-sinh nào theo khả năng của mình.

Long-vương có cõi riêng gọi là cõi long-cung, có cung điện, lâu đài, v.v… toàn bằng vàng bạc, các thứ ngọc quý báu… phát sinh do quả của đại-thiện-nghiệp kiếp trước.

Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla trị vì cõi long-cung, có 300 Hoàng-hậu, có nhiều hoàng-tử, công-chúa, có các quan trong triều đình tại long-cung.

Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla rời khỏi cõi long-cung, lánh xa sự an-lạc của ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục), xuất hiện lên cõi người để thọ trì và giữ gìn bát-giới uposalasīla cho được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn tám điều-giới, trong những ngày giới hằng tháng.

Một hôm, Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla bị nhóm 16 người con của những người thợ săn, đâm mũi giáo vào thân mình, rồi xâu bằng sợi dây mây khiêng về xóm nhà, chúng có ý định giết Đức-Bồ-tát Long-vương để ăn thịt. Đức-Bồ-tát Long-vương có đức nhẫn-nại chịu đựng bao nhiêu nỗi khổ cùng cực và chấp nhận hy sinh sinh-mạng, mà không hề phát sinh tâm sân hận, chỉ có đại-thiện-tâm trong sạch để giữ gìn bát-giới uposalasīla cho được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, với ý nguyện tha thiết muốn tái-sinh trở lại làm người.

Kiếp làm người cao quý như thế nào, mà Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla có ý nguyện tha thiết muốn tái-sinh trở lại làm người như vậy?

Trong tam-giới gồm có 31 cõi chúng-sinh: 11 cõi dục-giới, 16 cõi sắc-giới và 4 cõi vô-sắc-giới. Trong 31 cõi chúng-sinh, con người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này có nhiều điều thuận lợi hơn các chúng-sinh trong các cõi khác như sau:

* Chư Đức-Bồ-tát trong cõi người này có nhiều cơ-hội tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, còn các cõi khác không có cơ-hội thuận lợi như cõi người này.

* Chư Đức-Bồ-tát trong cõi người này có khả năng thực-hành phạm-hạnh cao-thượng, có cơ-hội tạo đầy đủ các pháp-hạnh ba-la-mật theo ý nguyện của mình, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác hoặc Đức-Phật Độc-Giác hoặc Bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng Thanh-văn-giác hoặc Bậc Thánh A-ra-hán Đại-Thanh-văn-giác hoặc Đức-vua Chuyển-luân Thánh-vương theo ý nguyện của mình, còn các chúng-sinh ở cõi khác không thể được.

Đức Long-vương cùng các long-nam, long-nữ đều có phép-thần-thông tự nhiên do quả của nghiệp (kamma-vipāka iddhi), có khả năng biến hóa thành người, thành chư-thiên, v.v… nhưng vốn là hạng chúng-sinh vô-nhân (không có ba thiện-nhân: vô-tham, vô-sân, vô-si), nên không thể chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, không thể trở thành bậc Thánh-nhân được.

Dòng giống long (rồng) tuy có khả năng biến hóa ra thành người, hoặc thành các loài chúng-sinh khác, nhưng nếu có một trong năm trường-hợp này thì tự nhiên trở lại kiếp con long của mình như trước.

Năm trường hợp [6] như sau:

1- Thời-kỳ tái-sinh kiếp long.

2- Khi lột lớp da cũ thay bằng lớp da mới.

3- Khi hành dâm cùng với loài long khác phái.

4- Khi nằm ngủ say.

5-Khi chuyển kiếp long (chết).

Đó là 5 trường hợp của tất cả loài long (rồng).

Đức-Phật dạy: “Được sinh làm người là điều khó…”

Nay, chúng ta hiện đang là kiếp người có những cơ hội tốt thuận lợi, để thực-hành mọi thiện-pháp từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp, cho siêu-tam-giới thiện-pháp tuỳ theo khả năng của mình, nhất là cố gắng tinh-tấn tạo các pháp-hạnh ba-la-mật cho sớm đầy đủ trọn vẹn, để làm duyên hỗ trợ cho pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

(Xong pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng)



[1] Bộ Jātakaṭṭhakathā, phần Mahānipāta, tích Bhūridattajātaka.

[2] Bộ Jātakaṭṭhakathā, phần Tiṃsanipāta, tích Chaddantajātaka.

[3] lục-môn là nhãn-môn, nhĩ-môn, tỷ-môn, thiệt-môn, thân-môn, ý-môn.

[4] Bộ Chú-giải jātaka, phần Cattālīsanipāta, tích Saṅkhapālajātaka.

[5] Khu. Jātakaṭṭhakathā, Nidānakathā, Khu. Apadāna (407), Khu. Cariyāpiṭka.

[6] Dhammapadaṭṭhakathā, Buddhavagga, tích Erakapattanāgarājāvatthu.


Mục lục quyển 6 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07


Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10


[Đầu trang][Mục lục tổng quát]