NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)

QUYỂN VI

PHÁP-HẠNH BA-LA-MẬT 1
(PĀRAMĪ)


PHẦN II

30 Tích Đức-Bồ-Tát Tiền-Kiếp Đức-Phật Gotama

Tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp quá khứ cho đến kiếp chót là Đức-Bồ-tát Siddhattha trở thành Đức-Phật Gotama thì không thể nào kể bằng số được. Tuy nhiên trong bộ Chú-giải Jātaka (Jātakaṭṭhakathāpāḷi) gồm có 547 tích Đức-Bồ-tát, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, bắt đầu tích Apaṇṇaka-jātaka và tích cuối cùng Vessantarajātaka.

Những tích Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama này được Đức-Phật thuyết trong trường hợp gặp sự kiện nào, hoặc nguyên nhân nào xảy ra trong kiếp hiện-tại có liên quan đến tiền-kiếp của Đức-Phật với sự kiện ấy hoặc với các nhân vật ấy.

Nhân cơ hội ấy, Đức-Phật thuyết về tiền-kiếp của Ngài, để tế độ các chúng-sinh ấy được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

Đức-Phật thuyết về tích Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama gồm có 547 tích, được ghi trong 7 bộ Chú-giải Pāḷi gọi là Jātakaṭṭhakathāpāḷi bắt đầu tích Apaṇṇakajātaka và tích cuối cùng Vessantarajātaka.

Quyển VI: Pháp-Hạnh Ba-La-Mật 1, có 2 phần Phần I đã trình bày xong.

Phần II trình bày 3 pháp-hạnh ba-la-mật:

- Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.

- Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.

- Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.

Mỗi bậc được trích chọn 1 tích Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama làm tiêu biểu có liên quan trực tiếp tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc ấy.

Tên Mỗi Tích Jātaka

Tên mỗi tích Jātaka, phần nhiều được lấy tên Đức-Bồ-tát đặt tên tích Jātaka. Ví dụ tích Vessantarajātaka, tích Vidhurajātaka, tích Bhūridattajātaka, v.v…

Khi thì lấy tên đầu đề pháp đặt tên tích Jātaka. Ví dụ tích Devadhammajātaka, tích Kurudhammajātaka, v.v…

Khi thì lấy tên nơi chốn, đồ vật đặt tên tích Jātaka. Ví dụ tích Araññajātaka, tích Sāketajātaka, tích Sattu-bhastajātaka, tích Bhisajātaka, Ummaṅgajātaka, v.v…

1-Pháp-Hạnh Bố-Thí Ba-La-Mật Có 3 Bậc

1.1-Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ (dānaparamī).

1.2-Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung (dāna-upapāramī).

1.3-Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng (dānaparamatthapāramī).

Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ như thế nào?

Đức-Bồ-tát tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ Đức-Bồ-tát bố-thí những gì thuộc về bên ngoài thân thể của Đức-Bồ-tát như của cải tài sản, vàng bạc, châu báu, ngai vàng, … đến người khác, chúng-sinh khác, thậm chí đem cả con yêu quý và vợ yêu quý của mình đem bố-thí đến người khác, để thành-tựu pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật ấy, nhưng không liên quan đến các bộ phận trong thân thể và sinh-mạng của Đức-Bồ-tát.

Như vậy, gọi là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ (dāna pāramī).

Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung như thế nào?

Đức-Bồ-tát tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung Đức-Bồ-tát không chỉ bố-thí những của cải tài sản bên ngoài, mà còn bố-thí các bộ phận nào bên trong thân thể của mình như đôi mắt, … đến người khác, để thành-tựu pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật ấy, nhưng không liên quan đến sinh-mạng của Đức-Bồ-tát.

Như vậy, gọi là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung (dāna upapāramī).

Pháp-hạnh bố-thí Ba-la-mật bậc thượng như thế nào?

Đức-Bồ-tát tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng Đức-Bồ-tát không chỉ bố-thí những của cải tài sản bên ngoài và bố-thí các bộ phận bên trong thân thể của mình như đôi mắt, … mà còn bố-thí sinh-mạng của mình đến cho chúng-sinh khác, để thành-tựu pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

Như vậy, gọi là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng (dāna paramatthapāramī).

 

1.1-Pháp-Hạnh Bố-Thí Ba-La-Mật Bậc Hạ (Dānapāramī)

Tích Đức-vua Bồ-tát Vessantara (wêt-xăn-tá-rá) Tích Vessantarajātaka[1] Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama làm Đức-vua Vessantara tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ (dānapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Nigrodhārāma gần kinh-thành Kapilavatthu. Nhóm bô lão dòng tộc Sakya tự cho mình lớn tuổi hơn Đức-Phật, nên họ không đảnh lễ Đức-Phật. Đó là nguyên nhân Đức-Thế-Tôn thuyết tích Vessantarajātaka để tế độ dòng tộc Sakya.

Đức-vua Suddhodana Phụ-vương của Thái-tử Siddhattha ngự tại kinh-thành Kapilavatthu, nghe tin Thái-tử Siddhattha đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama vào canh chót đêm rằm tháng tư (âm lịch), rồi thuyết pháp tế độ chúng-sinh trong khắp mọi nơi.

Nay, Đức-Phật Gotama hiện đang ngự tại kinh-thành Rājagaha. Từ kinh-thành Kapilavatthu đến kinh-thành Rājagaha cách xa khoảng 60 do tuần. Đức-vua Suddhodana có nguyện vọng muốn đảnh lễ Đức-Phật Gotama, và muốn dòng tộc Sakya được nghe Đức-Phật thuyết pháp tế độ họ, nên Đức-vua truyền lệnh một vị quan lớn dẫn đầu 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Gotama, rồi kính thỉnh Đức-Phật ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu, để Đức-vua Suddhodana đảnh lễ, và thỉnh Đức-Phật thuyết pháp tế độ dòng tộc Sakya.

Vị quan lớn dẫn đầu 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng lên đường từ kinh-thành Kapilavatthu đến kinh-thành Rājagaha cách xa khoảng 60 do tuần. Khi vị quan lớn cùng 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng đến ngôi chùa Veḷuvana, trong khi Đức-Phật đang thuyết pháp, họ đứng sau hội chúng nghe pháp, sau khi nghe pháp xong, vị quan lớn cùng với 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng đều chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cả thảy, nên xem nhẹ lệnh truyền của Đức-vua Suddhodana. Tất cả đều kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.

Đức-vua Suddhodana trông ngóng từng ngày vẫn không nghe tin tức, nên truyền lệnh một vị quan lớn dẫn đầu 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng khác đi thỉnh Đức-Phật Gotama. Cũng như lần trước, 1001 vị quan sau khi nghe Đức-Phật thuyết pháp cũng đều trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.

Đức-vua Suddhodana lại truyền lệnh một vị quan lớn dẫn đầu 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng khác. Như vậy, đến lần thứ 9, gồm có 9009 vị quan đều chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán cả thảy, rồi kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.

Đức-vua Suddhodana cảm thấy nóng lòng muốn chiêm bái, đảnh lễ Đức-Phật Gotama. Đã gởi 9 phái đoàn gồm có 9009 vị quan mà vẫn không có tin tức gì cả.

Xét thấy một vị quan lớn thân tín nhất trong triều đình, đó là vị quan Kāḷudāyī, người sinh cùng một ngày với Thái-tử Siddhattha năm xưa, Đức-vua truyền lệnh vị quan lớn Kāḷudāyī dẫn đầu 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Gotama, rồi bằng mọi cách kính thỉnh cho được Đức-Phật Gotama ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu, để cho Đức-vua đảnh lễ, và thiết tha muốn được nghe pháp của Đức-Phật Gotama.

Tuân lệnh Đức-vua Suddhodana, vị quan lớn Kāḷudāyī dẫn đầu 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng đến kinh-thành Rājagaha, vào ngôi chùa Veḷuvana, trong khi Đức-Phật đang thuyết pháp, họ đứng sau hội chúng nghe pháp, sau khi nghe pháp xong, vị quan lớn cùng với 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng đều chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.

Đức-Phật Ngự Trở Về Kinh-Thành Kapilavatthu

Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Kāḷudāyī đảnh lễ Đức-Phật, tán dương ân-đức của Đức-Phật với 64 câu kệ. Nay, đúng lúc hợp thời xin kính thỉnh Đức-Phật ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu, để Đức-vua Suddhodana, Đức Phụ-vương của Ngài chiêm bái, đảnh lễ Ngài, tha thiết muốn nghe Ngài thuyết pháp tế độ dòng tộc Sakya.

Nhận lời thỉnh mời của Ngài Trưởng-lão Kāḷudāyī, từ ngày 16 tháng 2, Đức-Phật Gotama bắt đầu khởi hành từ ngôi chùa Veḷuvana, kinh-thành Rājagaha ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu, cùng với đoàn chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng 20.000 vị, cứ mỗi ngày đi được một do tuần, từ kinh-thành Rājagaha đến kinh-thành Kapilavatthu cách xa khoảng 60 do tuần. Như vậy, thời gian 2 tháng mới đến kinh-thành Kapilavatthu.

Ngài Trưởng-lão Kāḷudāyī là bậc Thánh A-ra-hán sử dụng thần thông bay trở về kinh-thành Kapilavatthu trước, để báo cho Đức-vua Suddhodana biết Đức-Phật Gotama đang trên đường ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu.

Nghe tin lành như vậy, Đức-vua Suddhodana vô cùng vui mừng hoan hỷ truyền lệnh cho các quan sửa soạn trang hoàng khu vườn Nigrodhārāma của dòng tộc Sakya cho thật trang nghiêm, để chuẩn bị đón tiếp Đức-Phật Gotama cùng 20.000 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Vào ngày 16 tháng 4 (âm lịch), sau khi đã chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama (được 1 năm lẻ 1 ngày), Đức-Phật ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu cùng với 20.000 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Sau 6 năm 10 tháng lẻ 1 ngày xa cách, kể từ khi Ngài còn là Thái-tử siddhattha rời bỏ kinh-thành Kapila-vatthu trốn đi xuất gia vào đêm rằm tháng 6 năm xưa cho đến nay.

Đức-vua Suddhodana cùng tất cả hoàng tộc Sakya, dân chúng đón rước Đức-Phật Gotama cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng rất trọng thể. Đức-Phật ngự đến khu vườn Nigrodhārāma cùng với 20.000 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Một số bậc bô lão trong dòng tộc Sakya có tính ngã-mạn nên suy nghĩ rằng:

“Đức-Phật còn trẻ tuổi cũng như hàng con cháu, còn chúng ta là những bậc bô lão trong dòng tộc Sakya, không nên đảnh lễ Đức-Phật.”

Biết rõ ý nghĩ của họ, nên Đức-Phật nhập đệ tứ thiền, rồi hóa phép-thần-thông hóa ra một con đường bằng thất báu trên hư không, Đức-Phật đi kinh hành qua lại, cho bụi dưới chân của Đức-Phật rơi rớt xuống đầu những người thân quyến dòng tộc Sakya của Ngài, rồi Ngài hóa phép-thần-thông Yamakapāṭihāriya đặc biệt, để tế độ tất cả mọi người thân quyến lớn nhỏ trong dòng tộc Sakya đều phát sinh đức-tin trong sạch, một lòng tôn kính và thành kính đảnh lễ Ngài.

Yamakapāṭihāriya là phép-thần-thông như thế nào?

Yamakapāṭihāriya là phép-thần-thông đặc biệt có hai dòng nước và lửa song song cùng phát ra từ hai con mắt bên trái và bên phải, từ hai lỗ tai bên trái và bên phải, từ hai lỗ mũi bên trái và bên phải, từ hai bên vai phải và vai trái, từ hai tay phải và tay trái, từ hai chân phải và chân trái, v.v…

Hai dòng nước và lửa có thể thay đổi vị trí nhau. Phép-thần-thông Yamakapāṭihāriya này chỉ Đức-Phật mới có mà thôi, còn chư Thánh thanh-văn đệ-tử không có khả năng hóa phép-thần-thông này được.

Khi ấy, Đức-vua Suddhodana chắp hai tay bạch rằng:

-Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sau khi đản sinh ra đời, Ngài trở về cung điện, con truyền lệnh cho bà nhũ mẫu ẵm Ngài đến để đảnh lễ vị đạo-sư Kāḷadevila, thì Ngài hiện lên đứng trên đầu vị đạo-sư.

Đó là việc phi thường chưa từng có! Lần đầu tiên con đã đảnh lễ Ngài.

Vào ngày lễ Vappamaṅgala: lễ hạ điền, che lều để Ngài ngồi ngự dưới cội cây trâm mà bóng mát cây trâm đứng yên một chỗ không hề di chuyển.

Đó cũng là điều phi thường chưa từng có! Lần thứ nhì con đã thành kính đảnh lễ Ngài.

Hôm nay, nhìn thấy Ngài hóa phép-thần-thông Yamakapāṭihāriya thật phi thường mà con chưa từng thấy! Lần thứ ba con thành kính đảnh lễ Ngài.

Nhìn thấy Đức-vua Suddhodana đảnh lễ Đức-Phật, cho nên tất cả mọi người thân quyến, các bô lão lớn và nhỏ trong dòng tộc Sakya đều phát sinh đức-tin trong sạch, một lòng tôn kính và thành kính đảnh lễ Đức-Phật.

Đức-Phật từ trên hư không hiện xuống ngự trên pháp toà, tất cả thân quyến lớn nhỏ trong dòng tộc Sakya ngồi tụ hội tại khu vườn Nigrodhārāma, có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật. Khi ấy, một trận mưa lớn như nước đổ xuống mặt đất, nhưng đặc biệt những người nào muốn ướt, thì nước mưa thấm ướt những người ấy, còn những người nào không muốn ướt thì nước mưa không thấm ướt người ấy.

Tất cả các hàng Thanh-văn đệ-tử đều chứng kiến một sự kiện phi thường chưa từng có, chư tỳ-khưu tán dương ca tụng rằng:

Thật là một điều kỳ diệu!

Thật là một điều phi thường chưa từng có!

Do oai lực của Đức-Phật, một trận mưa lớn rơi xuống những người thân quyến dòng tộc Sakya.

Nghe chư tỳ-khưu đang đàm đạo với nhau như vậy, Đức-Phật bèn truyền hỏi rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?

Chư tỳ-khưu bạch Đức-Thế-Tôn về chuyện ấy, nên Đức-Thế-Tôn bèn truyền dạy rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Một trận mưa lớn như vậy, không những xảy ra trong thời hiện-tại này, mà khi Như-Lai còn là Đức-Bồ-tát cũng đã từng làm một trận mưa lớn rơi xuống những người thân quyến của Đức-Bồ-tát, tiền-kiếp của Như-Lai cũng như vậy.

Nghe Đức-Phật truyền dạy như vậy, chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết giảng về tích Đức-Bồ-tát ấy tiền-kiếp của Ngài.

Tích Đức-Bồ-Tát Vessantara

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại khu vườn Nigrodhārāma, gần kinh-thành Kapilavatthu. Nhân dịp Đức-Thế-Tôn lần đầu tiên ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu cùng với 20.000 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, sau 6 năm 10 tháng lẻ 1 ngày xa cách.

Đức-Phật thuyết giảng tích Vessantarajātaka, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, là Đức-vua Bồ-tát Vessantara, để tế độ toàn thể thân quyến trong dòng tộc Sakya, được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, Đức-vua Sañjaya ngự tại kinh-thành Jetuttara trị vì đất nước Sivi, có Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī được Đức-vua Sañjaya sủng ái nhất.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đang hưởng mọi sự an-lạc tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên, Đức-vua-trời Sakka ngự đến thỉnh Đức-Bồ-tát xuống cõi người tái-sinh đầu thai vào lòng Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī của Đức-vua Sañjaya tại kinh-thành Jetuttara, đất nước Sivi, để bồi bổ cho đầy đủ các pháp-hạnh ba-la-mật.

Đức-Bồ-Tát Tái-Sinh

Chấp nhận theo lời thỉnh mời của Đức-vua-trời Sakka, Đức-Bồ-tát đã chuyển kiếp (chết) từ cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Đức-Bồ-tát sau khi chuyển kiếp (chết), đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh vào lòng bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī của Đức-vua Sañjaya đất nước Sivi, đồng thời có 60.000 vị thiên-nam cũng chuyển kiếp (chết) từ cõi trời Tam-thập-tam-thiên, đại-thiện nghiệp cho quả tái-sinh vào lòng 60.000 phu-nhân của 60.000 vị quan trong triều đình của Đức-vua Sañjaya.

Khi bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phusatī có thai, thì thai nhi Đức-Bồ-tát khiến Mẫu-hậu phát sinh đại-thiện-tâm muốn làm phước-thiện bố-thí. Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī tâu trình Đức-vua Sañjaya biết Bà đã có thai, và muốn làm phước-thiện bố-thí. Bà xin Đức-vua cho phép lập ra 6 trại bố-thí: 4 trại tại 4 cửa thành, 1 trại giữa kinh-thành và 1 trại trước cung điện.

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu tâu cho biết đã có thai, Đức-vua rất vui mừng, chuẩn theo lời tâu của Bà. Mỗi ngày Đức-vua cấp 60.000 đồng Kahāpaṇa cho Bà làm phước-thiện bố-thí tại 6 trại theo ý muốn của bà.

Đức-vua truyền lệnh cho mời các vị quân sư Bà-la-môn vào cung điện, hỏi về bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī mang thai có ý muốn làm phước-thiện bố-thí như vậy có ý nghĩa gì?

Các quân sư Bà-la-môn tâu rằng:

-Muôn tâu Bệ-hạ, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī mang thai mà thai nhi là một Thái-Tử hoan hỷ làm phước-thiện bố-thí bao nhiêu cũng không biết đủ.

Nghe tâu như vậy, Đức-vua cảm thấy vô cùng hoan hỷ. Do oai lực các pháp-hạnh ba-la-mật của Đức-Bồ-tát, từ khi mang thai Đức-Bồ-tát, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī thường nhận được những lễ vật quý giá, có nhiều người hầu hạ, và Đức-vua Sañjaya cũng thường nhận những cống vật quý giá từ các nước lân bang, còn trong hoàng tộc mọi người đều được hạnh phúc an-lạc, thần dân thiên hạ được an cư lạc nghiệp, dân giàu nước mạnh.

Khi thai nhi Đức-Bồ-tát tròn đủ mười tháng, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī muốn du ngoạn quanh kinh-thành, nên tâu xin Đức-vua Sañjaya.

Đức-vua chuẩn y theo lời tâu của Bà, rồi truyền lệnh cho các quan và dân chúng trang hoàng kinh-thành cho đẹp đẽ. Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī ngự trên xa giá sang trọng lộng lẫy cùng với các quan quân theo hộ giá, du ngoạn quanh kinh-thành.

Khi xa giá đến giữa con đường của những người lái buôn, Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī phát sinh triệu chứng sắp lâm bồn (sắp sinh). Đức-vua truyền lệnh cho các quan làm phòng hộ sinh để cho Bà Chánh-cung Hoàng-hậu hạ sinh Thái-Tử.

Đức-Bồ-tát Thái-Tử được đản sinh ra khỏi lòng Mẫu-hậu rất sạch sẽ, không giống như những đứa trẻ khác, Đức-Bồ-tát Thái-tử vừa mới mở mắt, ngửa lòng bàn tay phải ra, liền tâu lời đầu tiên với Mẫu-hậu rằng:

Amma dānaṃ dassāmi, atthi kiñci te dhanaṃ.

- Muôn tâu Mẫu-hậu, Mẫu-hậu có của cải gì, cho con, con sẽ làm phước-thiện bố-thí.

Nghe Thái-tử tâu như vậy, Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī vô cùng hoan hỷ truyền dạy rằng:

Tāta yathā ajjhāsayena dānaṃ dehi.

- Này Hoàng-nhi yêu quý! Của cải của Mẫu-hậu, con hãy đem làm phước-thiện bố-thí, tuỳ theo sở nguyện của con.

Bà liền cho một gói tiền 1000 kahāpana đặt trên tay Thái-tử.

Lễ Đặt Tên Thái-Tử

Đức-vua Sañjaya làm lễ đặt tên Thái-tử là Vessantara, nghĩa là Thái-tử đản sinh giữa con đường người lái buôn.

Ngày Đức-Bồ-tát Thái-tử Vessantara đản sinh, một con voi lớn dẫn một voi con toàn thân đều màu trắng (bạch-tượng) gọi là con Bạch-tượng An-lành (maṇgala-hatthi) dâng lên Đức-vua Sañjaya. Con Bạch-tượng con này được đặt tên Paccaya bởi con Bạch-tượng này sinh ra do năng lực pháp-hạnh ba-la-mật của Đức-Bồ-tát Thái-tử Vessantara.

Đức-Bồ-tát Thái-tử Vessantara trưởng thành cùng với 60.000 công-tử của 60.000 vị quan trong triều đình của Đức-vua Sañjaya. Đức-Bồ-tát Thái-tử vốn có tính hoan hỷ trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

Thật vậy, Đức-vua Sañjaya truyền lệnh làm đồ trang sức cho Thái-tử với giá trị 100 ngàn kahāpana, khi ấy mới lên 4-5 tuổi, Đức-Bồ-tát Thái-tử đã biết cởi đồ trang sức làm phước bố-thí cho người nhũ mẫu, mà Thái-tử không chịu nhận đồ trang sức ấy từ người nhũ mẫu dâng trở lại nên người nhũ mẫu tâu sự việc ấy lên Đức-vua.

Đức-vua truyền bảo rằng:

“Đồ trang sức mà Hoàng-nhi của Trẫm ban cho ngươi, đồ trang sức ấy thuộc về của ngươi.”

Đức-vua truyền lệnh làm lại đồ trang sức khác cho Thái-tử. Cũng như lần trước Đức-Bồ-tát Thái-tử lại cởi đồ trang sức ra làm phước bố-thí ban cho những người nhũ mẫu khác, qua chín lần như vậy.

Đức-Bồ-Tát Thái-Tử Phát-Nguyện

Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử lên 8 tuổi, ngự trên lâu đài tư duy rằng: Ta đã tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bên ngoài thân thể, pháp-hạnh bố-thí ấy chưa đủ làm cho ta phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ nhiều.

Vậy, ta nên phát-nguyện muốn tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bên trong thân thể của ta rằng:

* Nếu có người nào đến xin trái tim của ta thì ta cho phép mổ ngực của ta, lấy trái tim cho người ấy.

* Nếu có người nào đến xin đôi mắt của ta thì ta sẽ đem đôi mắt cho người ấy.

* Nếu có người nào đến xin thịt trong thân thể của ta thì ta sẽ cắt, lẻo miếng thịt cho người ấy.

* Nếu có người nào đến xin máu trong thân ta thì ta sẽ cắt đứt mạch máu để lấy máu cho người ấy.

* Nếu có người nào nói với ta rằng: “Ngươi hãy làm người tôi tớ của ta” thì ta cũng hoan hỷ làm một người tôi tớ trung thành, ngoan ngoãn vâng lời người chủ ấy.

Khi ta phát-nguyện tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật đúng sự thật như vậy, đại-thiện-tâm của ta vững chắc không hề lay động.

Khi ấy, do oai lực lời phát-nguyện ấy khiến cho trái đất rung chuyển, đại dương nổi sóng, Đức-vua-trời Sakka phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ, Đức Phạm-thiên cũng tán dương ca tụng Sādhu! Lành thay! Chư-Thiên Phạm-thiên đều phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ.

Đức-Bồ-Tát Thái-Tử Lên Ngôi Báu

Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử Vessantara trưởng thành lên 16 tuổi, có tài đức vẹn toàn, Đức-vua Sañjaya truyền ngôi báu cho Thái-tử Vessantara, đồng thời thành hôn với công-chúa Maddī là con gái của Đức-vua Madda (Đức-vua Madda là em trai của Mẫu-hậu Phussatī).

Đức-vua Bồ-tát Vessantara tấn phong công-chúa Maddī lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu. Đức-vua Bồ-tát Vessantara lên ngôi ngự tại kinh-thành Jetuttara, trị vì đất nước Sivi, mỗi ngày Đức-vua Bồ-tát chi 600 ngàn đồng kahāpana, để tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật trong 6 trại bố-thí mà Mẫu-hậu đã từng tạo phước-thiện bố-thí.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara ngự trên con Bạch-tượng báu được trang sức bằng những sợi dây vàng bạc châu báu quý giá, đến 6 trại bố-thí mỗi tháng 6 lần.

Hoàng-Tử Jāli Và Công-Chúa Kaṇhājinā

Về sau Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī sinh hạ hoàng-tử đặt tên là Hoàng-tử Jāli và mấy năm sau, Chánh-cung Hoàng-hậu lại sinh hạ một công-chúa, đặt tên là Công-chúa Kaṇhājinā.

Hoàng-tử Jāli là đứa bé rất thông minh dĩnh ngộ và công-chúa Kaṇhājinā là đứa bé rất xinh đẹp dễ thương. Hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā được Phụ-hoàng là Đức-Bồ-tát Vessantara và Mẫu-Hậu là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī rất mực thương yêu và được Hoàng gia gia là Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng tổ mẫu là Hoàng-Thái-Hậu Phussatī cũng rất mực yêu thương.

Đất Nước Kāliṅga Bị Nạn Hạn Hán

Vào thời-kỳ ấy, đất nước Kāliṅga bị nạn hạn hán kéo dài, mùa màng cày cấy không được, dân chúng bị cảnh đói khổ. Dân chúng từ các nơi kéo về trước cung điện của Đức-vua, cầu xin Đức-vua cứu giúp, làm cho trong nước mưa thuận gió hoà, để dân chúng làm mùa màng, cày cấy.

Thương cảm với nỗi khổ của dân chúng, Đức-vua hứa sẽ cố gắng hết mình để làm cho mưa thuận gió hoà. Đức-vua đã thọ trì bát-giới uposathasīla suốt bảy ngày mà vẫn không có mưa. Đức-vua bèn truyền lệnh hội các quan văn võ trong triều và dân chúng trong kinh-thành, để tìm cách cứu giúp dân chúng.

Dân chúng tâu lên Đức-vua rằng:

-Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Vessantara ngự tại kinh-thành Jetuttara trị vì đất nước Sivi, Đức-vua có con Bạch-tượng báu là con Voi Maṅgalahatthi (Bạch-tượng hạnh phúc an lành). Con Bạch-tượng báu ấy ở nước nào thì nước ấy được mưa thuận gió hoà, mùa màng cày cấy thuận lợi, dân chúng được cuộc sống an cư lạc nghiệp.

Đức-vua Vessantara là bậc hoan hỷ làm phước-thiện bố-thí. Vậy, xin Bệ-hạ truyền lệnh gởi các vị Bà-la-môn đến kinh-thành Jetuttara, chầu Đức-vua Vessantara, xin Đức-vua ban cho con Bạch-tượng báu ấy đem về nước ta.

Chuẩn y lời tâu của dân chúng, Đức-vua truyền tuyển chọn 8 vị Bà-la-môn gửi đi đến kinh-thành Jetuttara, chầu Đức-vua Vessantara, xin Đức-vua ban cho con Bạch-tượng báu ấy đem về nước.

Theo lệnh của Đức-vua, 8 vị Bà-la-môn lên đường đến kinh-thành Jetuttara, hỏi thăm dân chúng trong kinh-thành để biết Đức-vua Vessantara ngày nào ngự đến trại bố-thí. Được dân chúng cho biết, vào sáng ngày hôm sau Đức-vua Vessantara sẽ ngự đến trại bố-thí tại cửa thành phía đông, sau đó, Đức-vua Vessantara ngự đến trại bố-thí tại cửa thành phía nam, v.v…

Đức-Vua Bồ-Tát Bố-Thí Bạch-Tượng Báu

Vào sáng hôm ấy, con Bạch-tượng báu được trang sức bằng những dây vàng bạc, châu báu quý giá, Đức-vua Bồ-tát Vessantara ngồi trên con Bạch-tượng báu ấy cùng với đoàn quân theo hộ giá, ngự đến trại bố-thí tại cửa thành phía đông, Đức-vua Bồ-tát tự tay tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật đôi ba người, rồi sau đó giao cho các quan làm phận sự bố-thí tiếp tục. Đức-vua Bồ-tát có đoàn quân hộ giá đông đảo, nên 8 vị Bà-la-môn không thể tiếp cận với Đức-vua Bồ-tát Vessantara được.

Do đó, 8 vị Bà-la-môn đến trại bố-thí tại cửa thành phía nam, đứng chờ sẵn. Khi Đức-vua Bồ-tát Vessantara vừa mới đến, thì 8 vị Bà-la-môn quỳ gối chắp tay nói lời tán dương ca tụng ân đức của Đức-vua Vessantara, rồi tự giới thiệu rằng:

-Muôn tâu Bệ-hạ, bậc có tâm đại-bi vô lượng cứu khổ chúng-sinh. Chúng tiện dân từ đất nước Kāliṅga nơi ấy không có mưa, nạn hạn hán kéo dài, dân chúng trong nước không thể làm mùa màng cày cấy được, nên dân chúng lâm vào cảnh đói khổ lầm than bởi thiên tai. Cho nên Đức-vua Kāliṅga phái chúng thần đến cầu xin Bệ-hạ ban cho phước lành bố-thí con Bạch-tượng báu đem về nước, để cho được mưa thuận gió hoà, dân chúng trong nước được sinh sống an cư lạc nghiệp.

Nghe tâu như vậy, Đức-vua Vessantara tư duy rằng:

“Ta đã phát-nguyện tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật thuộc bên trong thân thể, mà những vị bà-la-môn này xin ta bố-thí những của cải bên ngoài thân thể. Dù như vậy, ta vẫn hoan hỷ thực-hành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, ban con Bạch-tượng báu này cho nhóm Bà-la-môn từ đất nước Kāliṅga được toại nguyện như ý.”

Đức-vua Bồ-tát Vessantara đang ngự trên con Bạch-tượng báu mà truyền bảo rằng:

- Này các vị Bà-la-môn! Trẫm sẽ ban con Bạch-tượng báu này cho các ngươi. Các ngươi sẽ được toại nguyện.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara ngự xuống con Bạch-tượng báu, đi xung quanh ba vòng xem xét các đồ trang sức của con Bạch-tượng báu, không thiếu một món đồ trang sức nào, rồi Đức-vua Bồ-tát Vessantara cầm bình vàng đựng nước hoa thơm truyền gọi các vị Bà-la-môn rằng:

- Này các vị Bà-la-môn! Các ngươi hãy đến đây!

Đức-vua Bồ-tát Vessantara cầm cái vòi con Bạch-tượng báu đặt lên hai bàn tay của vị Bà-la-môn rồi rót nước hoa thơm từ cái vòi con Bạch-tượng báu chảy rơi xuống hai bàn tay của vị Bà-la-môn.

Con Bạch-Tượng Báu Và Đồ Trang Sức

Đó gọi là lễ Đức-vua Bồ-tát Vessantara ban con Bạch-tượng báu được trang sức bằng những đồ quý giá, nơi bốn chân Bạch-tượng có giá 400 ngàn kahāpana; hai bên hông Bạch-tượng có giá 200 ngàn kahāpana; ba tấm lưới kết bằng loại ngọc muddā, ngọc maṇi và vàng có giá 300 ngàn kahāpana; ghế ngồi đặt trên lưng Bạch-tượng có giá 200 ngàn kahāpana; tấm vải kambala kết bằng ngọc phủ trên lưng Bạch-tượng có giá 100 ngàn kahāpana; đồ trang sức trang điểm chỗ mô trên đầu Bạch-tượng có giá 100 ngàn kahāpana; ba sợi dây choàng có giá 300 ngàn kahāpana; đồ trang sức trang điểm hai lỗ tai Bạch-tượng có giá 200 ngàn kahāpana; đồ trang sức trang điểm hai chiếc ngà Bạch-tượng có giá 200 ngàn kahāpana; đồ trang sức cái vòi Bạch-tượng có giá trị 100 ngàn kahāpana; đồ trang sức cái đuôi Bạch-tượng có giá trị 100 ngàn kahāpana, v.v…

Những đồ trang sức bên trên thân thể con Bạch-tượng báu gồm có giá trị 2200 ngàn kahāpana.

Và những đồ dụng cụ bên ngoài dùng cho Bạch-tượng báu có giá 200 ngàn kahāpana, gồm cả thảy 2400 ngàn kahāpana.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara không những ban con Bạch-tượng báu ấy cho 8 vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga, mà còn ban vị quan nài con Bạch-tượng báu và 500 gia đình chăm nom săn sóc nuôi dưỡng con Bạch-tượng báu ấy nữa.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara vô cùng hoan hỷ bố-thí con Bạch-tượng báu ấy gọi là tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, làm cho trái đất rung chuyển.

Sau khi nhận con Bạch-tượng báu, 8 vị Bà-la-môn vô cùng hoan hỷ được thoả nguyện như ý, rồi cùng với đoàn người tuỳ tùng rước con Bạch-tượng báu ra khỏi kinh-thành theo cửa hướng bắc, bị dân chúng trong kinh-thành chận lại hỏi rằng:

- Này quý vị Bà-la-môn! Quý vị rước con Bạch-tượng báu của chúng tôi đi đâu?

Quý vị có được con Bạch-tượng báu này như thế nào?

Tám vị Bà-la-môn thưa rằng:

- Thưa quý vị, chúng tôi được Đức-vua Vessantara ban cho con Bạch-tượng báu này.

Nghe quý vị Bà-la-môn nói như vậy, dân chúng trong thành Jetuttana bực tức Đức-vua Vessantara, bởi vì Đức-vua đem con Bạch-tượng báu của đất nước Sivi ban cho các vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga.

Dân Chúng Tỏ Thái Độ Bất Bình

Tin tức Đức-vua Bồ-tát Vessantara ban con Bạch-tượng báu cho các vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga được lan rộng trong kinh-thành Jetuttara. Một số người không hài lòng việc bố-thí của Đức-vua Bồ-tát Vessantara, cho nên các người trong hoàng tộc, các hàng Bà-la-môn, các quan, quân lính, các thương gia, dân chúng trong kinh-thành, các tỉnh thành, v.v… tụ hội vào chầu Đức Thái-Thượng-Hoàng Sañjaya, bèn tâu rằng:

-Muôn tâu Đức Thái-thượng-hoàng, Đức-vua Vessantara đã đem con Bạch-tượng báu của đất nước Sivi ban cho 8 vị Bà-la-môn của đất nước Kāliṅga, việc làm này đã gây thiệt hại lớn cho đất nước Sivi này. Con Bạch-tượng báu ấy là quốc bảo của đất nước Sivi, mà triều đình cùng thần dân thiên hạ nương nhờ vào con Bạch-tượng báu ấy, nên đất nước được phồn vinh, toàn thể dân chúng được sinh sống an cư lạc nghiệp.

Vậy, tại sao Đức-vua Vessantara đem con Bạch-tượng báu ấy ban cho 8 vị Bà-la-môn của đất nước Kāliṅga?

-Muôn tâu Đức Thái-thượng-hoàng, con Bạch-tượng báu ấy vốn là phương tiện cao quý nhất để Đức-vua ngự đi làm quốc sự, hoặc nếu mỗi khi có quân thù kéo đến xâm lăng đất nước của chúng ta, thì con Bạch-tượng báu ấy sẽ là phương tiện để Đức-vua thân chinh ngự ra trận địa. Quân thù nhìn thấy con Bạch-tượng báu dũng cảm làm cho quân thù khiếp đảm lui quân hoặc bỏ chạy thóat thân.

Vậy, tại sao Đức-vua Vessantara lại đem con Bạch-tượng báu và quan giữ ngựa cùng với 500 gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng con Bạch-tượng báu ấy ban cho 8 vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga?

Đáng lẽ Đức-vua Vessantara chỉ nên đem các thứ của cải khác ban cho các vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga mà thôi, không nên đem con Bạch-tượng báu ban cho họ, nhưng tại sao Đức-vua Vessantara lại đem con Bạch-tượng báu là quốc bảo của đất nước Sivi ban cho 8 vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga ?

- Muôn tâu Đức Thái-thượng-hoàng, Đức-vua Vessantara là hoàng Thái-tử của Đức Thái-thượng-hoàng, nên dân chúng trong đất nước Sivi xin Đức Thái-thượng-hoàng không nên xử tội Đức-vua Vessantara, cũng không nên giam Đức-vua Vessantara trong tù, mà chỉ xin Đức Thái-thượng-hoàng nên truyền lệnh mời Đức-vua Vessantara ra khỏi đất nước Sivi, đến rừng núi Himavanta, ở tại núi Vaṅka vậy.

Nghe lời yêu cầu của dân chúng đất nước Sivi như vậy, Đức Thái-thượng-hoàng truyền bảo rằng:

- Này thần dân thiên hạ đất nước Sivi! Dù cho đất nước Sivi sẽ thiệt hại như thế nào đi nữa, Trẫm cũng không thể mời Đức-vua Vessantara là Hoàng Thái-tử của Trẫm ra khỏi đất nước Sivi này, bởi vì Hoàng Thái-tử là đứa con mà Trẫm yêu quý nhất. Vả lại Hoàng Thái-tử có giới hạnh trong sạch, có các pháp hành thiện cao thượng, cho nên Trẫm không thể nào làm khổ Hoàng Thái-tử của Trẫm được.

Nghe Đức Thái-thượng-hoàng truyền bảo như vậy, dân chúng Sivi hăm doạ rằng:

- Muôn tâu Đức Thái-thượng-hoàng, nếu Đức Thái-thượng-hoàng không chiều theo lời yêu cầu của dân chúng Sivi, thì không chỉ Đức-vua Vessantara ở trong tay của chúng tôi mà còn Đức Thái-thượng-hoàng cũng ở trong tay của chúng tôi nữa.

Nghe dân chúng Sivi hăm doạ như vậy, Đức Thái-thượng-hoàng suy nghĩ rằng:

“Dân chúng Sivi này sẽ hại Hoàng Thái-tử của ta hay sao, mà dám nói lời hăm dọa như vậy, ta nên truyền lời hòa hoãn thì hơn.”

Đức Thái-thượng-hoàng truyền bảo rằng:

-Này thần dân thiên hạ đất nước Sivi! Nếu dân chúng nước Sivi muốn mời Hoàng Thái-tử của Trẫm ra khỏi nước Sivi này, thì Trẫm cũng chiều theo ý muốn của dân chúng Sivi, nhưng Trẫm xin Hoàng Thái-tử của Trẫm lưu lại đêm nay tại cung điện, sáng ngày mai khi mặt trời mọc, thì Hoàng Thái-tử sẽ rời khỏi đất nước Sivi này.

Nghe Đức Thái-thượng-hoàng truyền bảo như vậy, dân chúng Sivi đồng ý để cho Đức-vua Vessantara lưu lại một đêm. Đức Thái-thượng-hoàng liền truyền lệnh vị quan thân tín khẩn cấp đến tâu lại Đức-vua Vessantara tường trình mọi sự việc đã xảy ra như vậy.

Đức-Vua Bồ-Tát Vessantara Hoan Hỷ

Sau khi đã tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật ban con Bạch-tượng báu cùng đoàn tuỳ tùng đến 8 vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga, Đức-vua Vessantara phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật ấy tại cung điện của Đức-vua.

Khi ấy, tuân theo lệnh truyền của Đức Thái-thượng-hoàng, một vị quan cận thần thân tín, khẩn cấp đến tâu lên Đức-vua Vessantara rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ tha tội, hạ thần đã được Bệ-hạ cưu mang nuôi dưỡng, ân đức của Bệ-hạ lớn lao. Nay, hạ thần đành tâu tin không lành lên Bệ-hạ rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, thừa theo lệnh truyền của Đức Thái-thượng-hoàng, hạ thần xin tâu lên Bệ-hạ rõ:

Dân chúng Sivi gồm có người trong hoàng tộc; các Bà-la-môn; các nhà thương gia; các binh đội: đội tượng binh, đội mã binh, đội chiến binh; dân chúng trong kinh-thành Jetuttara; dân chúng Sivi kéo đến tụ hội trước cung điện vào yết kiến Đức Thái-thượng-hoàng, thỉnh cầu Đức Thái-thượng-hoàng mời Bệ-hạ ra khỏi nước Sivi.

- Muôn tâu Bệ-hạ, Bệ-hạ chỉ còn có đêm nay nữa mà thôi, ngày mai khi mặt trời mọc, Bệ-hạ sẽ phải rời khỏi đất nước Sivi này.

Nghe vị quan tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền hỏi ý:

- Này khanh! Trẫm đã làm điều gì sai mà dân chúng Sivi bực tức Trẫm? Khanh có thể tâu rõ cho Trẫm biết việc sai ấy được không? Do nguyên nhân nào mà dân chúng Sivi mời Trẫm rời khỏi nước Sivi?

Vị quan cận thần tâu lên Đức-vua Vessantara rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, dân chúng Sivi gồm có nhiều thành phần bực tức Bệ-hạ đã đem con Bạch-tượng báu là quốc bảo của đất nước Sivi ban cho 8 vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga. Đó là nguyên nhân mà dân chúng Sivi bực tức, nên họ mời Bệ-hạ rời khỏi nước Sivi này.

Nghe vị quan cận thần thân tín tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara hoan hỷ truyền dạy rằng:

- Này khanh! Trái tim hoặc đôi mắt của Trẫm, nếu có người nào đến xin thì Trẫm hoan hỷ đem bố-thí ban cho người ấy được, huống hồ gì của cải bên ngoài thân thể của Trẫm, như bạc vàng, châu báu, ngọc Muddā, ngọc Maṇi, con Bạch-tượng báu, v.v… Nếu có người nào đến tâu xin Trẫm, thì Trẫm hoan hỷ sẽ ban cho người ấy. Trẫm không hề có ác-tâm keo kiệt bủn xỉn trong của cải, bởi vì đại-thiện-tâm của Trẫm luôn luôn hoan hỷ bố-thí đến người xin.

Dù dân chúng Sivi mời Trẫm rời khỏi nước Sivi này hoặc giết Trẫm, hoặc chặt Trẫm ra làm 7 đoạn, Trẫm cũng không bao giờ từ bỏ tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của Trẫm.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền bảo vị quan cận thần thông báo với dân chúng Sivi và tâu lên Đức Thái-Thượng-Hoàng rằng:

“Đức-vua Vessantara chấp thuận sẽ rời khỏi đất nước Sivi này, nhưng không phải sáng ngày mai lúc mặt trời mọc, mà Đức-vua Vessantara xin ở lại thêm một ngày và một đêm nữa.

Ngày mai, Đức-vua Vessantara làm lễ đại-thí xong, rồi mới rời khỏi nước Sivi này, sau ngày đại thí.”

Thi hành theo lệnh của Đức-vua Vessantara, vị quan cận thần thân tín đến hầu Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và thông báo cho dân chúng đến nhận những vật-thí của Đức-vua Bồ-tát Vessantara.

Lễ Đại Thí Đầy Đủ Mọi Vật-Thí

Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền gọi các vị quan trong triều đình và truyền rằng:

- Này các khanh! Ngày mai Trẫm làm lễ đại thí, mỗi thứ 700. Vậy các khanh hãy sửa soạn 700 con voi, 700 con ngựa, 700 cỗ xe, 700 cô gái xinh đẹp, 700 con bò sữa, 700 tớ gái, 700 tớ trai. Còn các thứ khác như đồ ăn, đồ uống, đồ dùng đều chuẩn bị thật đầy đủ không thiếu một thứ gì, thậm chí có cả thứ rượu đối với những người nghiện rượu nữa.

Sau khi truyền bãi triều, các quan trở về lo thi hành phận sự, Đức-vua Bồ-tát Vessantara ngự một mình đến cung điện của Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, ngự trên chỗ cao quý, rồi truyền bảo với bà rằng:

- Này Ái-khanh Maddī! Những của cải nào, như vàng bạc châu báu, ngọc muttā, ngọc maṇi, v.v… Và những thứ của cải mà ái-khanh đã nhận từ Đức Phụ-Hoàng và Mẫu-Hậu, thì ái-khanh nên cất giữ những thứ của cải ấy thật an toàn và chắc chắn.

Nghe lời ân cần truyền dạy của Đức-vua Bồ-tát Vessantara, Đức phu-quân, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī vô cùng ngạc nhiên, bởi vì từ trước cho đến nay chưa từng nghe lời lẽ có ý nghĩa như thế này bao giờ, nên Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, Hoàng-thượng truyền dạy thần-thiếp cất giữ những thứ của cải thật an toàn và chắc chắn như thế để làm gì?

Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền dạy rằng:

- Này ái-khanh Maddī! Ái-khanh nên đem những thứ của cải ấy tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật tùy thời đến cho những người có giới đức trong sạch, tạo pháp-hạnh cao thượng. Đó gọi là cách cất giữ những thứ của cải an toàn và chắc chắn, luôn luôn mang theo bên mình ngay trong kiếp hiện-tại và vô lượng kiếp trong vị-lai. Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật ấy làm nơi nương nhờ, hỗ trợ cho các pháp-hạnh ba-la-mật khác được thành tựu.

Nghe lời truyền dạy của Đức Phu-quân, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī cung kính vâng lời.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền dạy tiếp rằng:

-Này ái-khanh Maddī! Ái-khanh nên nuôi dưỡng hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājina cho nên người, và chăm nom, phụng dưỡng Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng Thái-hậu Phussatī thật chu đáo.

- Này ái-khanh Maddī! Khi Trẫm không còn ở trong cung điện này nữa. Nếu có hoàng-tử nào trong hoàng tộc xin được làm vị phu-quân của ái-khanh, thì ái-khanh nên phục vụ vị phu-quân ấy một cách cung kính, hoặc ái-khanh có thể tự chọn vị phu-quân khác đáng yêu mến, rồi sống chung với vị phu-quân ấy. Ái-khanh chớ nên nhớ đến Trẫm nữa.

Lắng nghe lời ân cần truyền dạy của Đức-vua Bồ-tát Vessantara, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī vô cùng sửng sốt nên tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, tại sao hôm nay Hoàng-Thượng lại truyền dạy những lời bất hạnh như vậy?

Đức-vua Bồ-tát Vessantara giải đáp rằng:

- Này ái-khanh Maddī! Dân chúng Sivi bực tức Trẫm, bởi vì Trẫm đã đem con Bạch-tượng báu ban cho 8 vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga. Vì vậy, dân chúng Sivi mời Trẫm phải rời khỏi đất nước Sivi này.

Ngày mai, Trẫm sẽ làm phước-thiện đại bố-thí mỗi thứ 700 xong, rồi vào sáng ngày thứ ba (kể từ ngày hôm nay), Trẫm một mình sẽ rời khỏi kinh-thành Jetuttara, ngự đi vào trong rừng núi Himavanta, sẽ gặp rất nhiều thú dữ, cho nên sinh-mạng của Trẫm thật là vô cùng nguy hiểm, khó tránh khỏi sự chết.

Lắng nghe từng lời giải đáp của Đức-vua Bồ-tát Vessantara, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, như vậy, thần-thiếp xin cùng đi theo Hoàng-thượng. Chết theo Hoàng-thượng hoặc xa cách Hoàng-thượng, trong hai điều này, thần-thiếp xin chọn chết theo Hoàng-thượng, còn sống mà xa cách Hoàng-thượng thì chẳng cao quý gì!

Như con voi cái và đàn voi con đi theo sau con voi đực cao thượng qua các khúc đường rừng núi lồi lõm như thế nào, thì thần-thiếp cũng dẫn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā cùng đi theo Hoàng-thượng như thế ấy.

- Muôn tâu Hoàng-thượng, xin hứa chắc chắn với Hoàng-thượng, thần-thiếp sẽ là người dễ dạy, dễ nuôi, biết vâng lời, hoàn toàn chiều theo ý của Hoàng-thượng.

Để thuyết phục Đức-vua Bồ-tát Vessantara, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu những điều mà bà tưởng tượng cảnh rừng núi Himavanta (Hi-mã-lạp-sơn) như tận mặt thấy rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, khi Hoàng-thượng nhìn thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā có giọng nói trong trẻo đáng yêu, ngồi đùa giỡn nhau dưới bóng cây trong rừng, Hoàng-thượng sẽ không còn nhớ tưởng đến ngai vàng nữa.

Khi Hoàng-thượng nhìn thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā có giọng nói hay ngọt ngào đáng yêu đang chơi đùa quanh cốc lá nhỏ trong rừng, Hoàng-thượng sẽ không còn tưởng nhớ đến ngai vàng.

Khi Hoàng-thượng nhìn thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā có giọng nói hay, lảnh lót đáng yêu, đi tìm những cánh hoa rừng đem về trang điểm cho Hoàng-thượng, rồi Hoàng-thượng cùng với hai con đùa giỡn chạy đuổi bắt quanh cốc lá nhỏ, Hoàng-thượng sẽ không còn nhớ tưởng đến ngai vàng, …

Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tưởng tượng, rồi diễn tả mọi cảnh trí hấp dẫn để thuyết phục Đức-vua Bồ-tát Vessantara cho phép bà cùng hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đi theo Đức-vua Bồ-tát vào rừng núi Himavanta, bà và hai con chắc chắn sẽ không làm bận tâm, mà chỉ theo hỗ trợ Đức-vua Bồ-tát Vessantara cho được an-lạc mà thôi.

Bà Hoàng-thái-hậu Phussatī hay tin dân chúng Sivi yêu cầu Đức Thái-thượng-hoàng mời Đức-vua Vessantara Thái-tử của bà ra khỏi nước Sivi này và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī cùng hai cháu đích tôn yêu quý của bà cùng đi theo Đức-vua Vessantara, Bà Hoàng-thái-hậu Phussatī ngự đến yết kiến Đức Thái-thượng-hoàng khóc than, van xin Đức Thái-thượng-hoàng đừng chiều theo ý dân chúng Sivi mà mời Thái-tử của bà vô tội ra khỏi đất nước Sivi này.

Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền bảo rằng:

-Này Ái-khanh Phussatī! Đức-vua Vessantara, Thái-tử yêu quý nhất của Trẫm, như ngọn cờ của đất nước Sivi, nhưng Trẫm đành phải mời Đức-vua Vessantara rời khỏi kinh-thành Jetuttara, bởi vì Trẫm phải thi hành theo luật lệ của triều đình xưa, mặc dù Thái-tử là người con yêu quý nhất của Trẫm.

Đức-Bồ-Tát Làm Lễ Đại Thí Đầy Đủ Mọi Vật-Thí

Sau khi sửa soạn xong các vật-thí trong buổi lễ đại-thí, các quan đến tâu với Đức-vua Vessantara. Sáng hôm ấy Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng các quan ngự đến các trại bố-thí làm phước đại thí gồm có:

* 700 con voi quý cùng những đồ trang sức.

* 700 con ngựa quý cùng với đồ trang sức.

* 700 cỗ xe cùng đồ trang hoàng.

* 700 cô gái xinh đẹp cùng đồ trang sức quý giá.

* 700 con bò sữa giống tốt.

* 700 người tớ gái tài giỏi xinh đẹp.

* 700 người tớ trai đã được huấn luyện tốt…

Còn các thứ đồ ăn, đồ uống không thiếu một thứ nào, thậm chí có cả rượu (không có lợi), để cho nhóm người nghiện rượu không chê trách.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara làm phước-thiện đại-thí (mahādāna) đến cho tất cả mọi hạng người: Từ vua chúa cho đến người nghèo khổ không thiếu hạng người nào mãi đến chiều tối, Đức-vua Bồ-tát trở về cung điện của mình (Chỉ còn một đêm ấy mà thôi).

Đêm hôm ấy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī với hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ngự đến chầu Đức Phụ-vương Sañjaya và Mẫu-hậu Phussatī, xin phép từ biệt đi vào rừng núi Himavanta, đến núi Vaṅka.

Đức Phụ-vương Sañjaya và Mẫu-hậu Phussatī vô cùng khổ tâm vì phải xa lìa Thái-tử Vessantara yêu quý nhất, lại còn biết Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā là người con dâu hiền và hai cháu đích tôn thật là đáng yêu quý nhất cũng xin đi theo Thái-tử Vessantara, cho nên nỗi thống khổ càng thêm gấp bội.

Đức Phụ-vương Sañjaya và Mẫu-hậu Phussatī khuyên bảo Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī rằng:

-Này Vương-phi Maddī! Trong rừng núi Himavanta có nhiều thú dữ rất nguy hiểm, vả lại đời sống trong rừng rất khổ cực, con không thể chịu nổi được đâu!

Vậy, con nên ở lại trong cung điện này, chỉ một mình Đức phu-quân Vessantara của con đi mà thôi.

Nghe Đức Phụ-vương Sañjaya và Mẫu-hậu Phussatī khuyên bảo như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tha thiết tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu, con cũng biết rõ như vậy, nhưng con không thể ở lại cung điện hưởng mọi sự an-lạc một mình, mà để Đức phu-quân của con chịu khổ một mình trong rừng núi Himavanta.

Vậy, con tha thiết kính xin Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu cho phép con được cùng đi theo Đức phu-quân của con, để trọn tình trọn nghĩa, cùng vui cùng khổ có nhau.

Nghe vương-phi Maddī tâu như vậy, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và bà Hoàng-thái-hậu Phussatī biết không thể thuyết phục người con dâu ở lại cung điện được, nên tha thiết khuyên bảo vương-phi Maddī nên để 2 đứa cháu ở lại cung điện rằng:

- Này vương-phi Maddī! Nếu con muốn đi theo Đức phu-quân của con để trọn tình trọn nghĩa thì Phụ-vương và Mẫu-hậu cho phép được, nhưng hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā còn thơ ấu quá không thể sống thiếu thốn trong rừng núi được.

Vậy, con không nên đem 2 cháu yêu quý đi theo 2 con, mà nên để 2 đứa cháu ở lại với Phụ-vương và Mẫu-hậu nuôi dưỡng.

Nghe Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu khuyên bảo như vậy, vương-phi Maddī tha thiết tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā thơ ấu là trái tim, là một phần thân thể của 2 con. Khi 2 con còn sống thì không thể xa lìa hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā được. Tâu Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu.

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu, con đã khuyên bảo Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī nên ở lại cung điện với hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, nhưng Chánh-cung Hoàng-hậu không chịu, nhất quyết dẫn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đi theo con.

Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và bà Hoàng-thái-hậu Phussatī vô cùng khổ tâm, bởi vì không chỉ mất Thái-tử Vessantara mà còn con dâu là vương-phi Maddī và hai cháu đích tôn là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā nữa. Thái-tử Vessantara hầu chuyện thân mật với Đức Phụ-vương Sañjaya và Mẫu-hậu Phussatī suốt đêm hôm ấy.

Đức-Vua Bồ-Tát Rời Khỏi Đất Nước Sivi

Sáng sớm hôm ấy, trước khi mặt trời mọc, các quan sửa soạn chiếc long xa có 4 con ngựa báu. Biết ý của Thái-tử Vessantara hoan hỷ làm phước-thiện bố-thí, nên bà Hoàng-thái-hậu Phussatī truyền bảo các quan đem nhiều của cải quý báu chất đầy trong chiếc xe, rồi đem đến rước Đức-vua Bồ-tát Vessantara.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đảnh lễ Đức Phụ-Vương Sañjaya và Mẫu-Hậu Phussatī, xin phép xuất gia trở thành đạo-sĩ. Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu đành chấp thuận, nhưng phát sinh nỗi thống khổ cùng cực vì phải xa lìa những người thân yêu nhất trong đời.

Khi mặt trời mọc, các quan đến tâu Đức-vua Bồ-tát Vessantara đến giờ ngự ra khỏi kinh-thành Jetuttara. Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đảnh lễ Đức Phụ-Vương Sañjaya và Mẫu-Hậu Phussatī xin phép từ giã lần cuối và từ giã 60 ngàn quan đại thần đồng sinh với Đức-vua Bồ-tát Vessantara, rồi ngự đến chiếc long xa có bốn con ngựa báu đang chờ đón bên ngoài cửa.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā bước lên xe, ngoảnh nhìn lại thấy Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu đứng nhìn theo với nỗi thống khổ cùng cực vì phải xa lìa những người thân yêu nhất của mình.

Chiếc long xa có 4 con ngựa báu chở bốn vị vương-gia lăn bánh, hai bên đường có nhiều người trong hoàng tộc, dân chúng đứng chờ tiễn đưa Đức-vua Bồ-tát Vessantara ngự ra khỏi đất nước Sivi, đến núi Vaṅka trong rừng núi Himavanta. Họ chắp hai tay cung kính Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā với lòng kính yêu vô hạn.

Trên đường đi, nhiều người đứng chờ xin ban phước-thiện bố-thí đến cho họ, Đức-vua Bồ-tát Vessantara dừng chiếc long xa lại, lấy của cải quý báu làm phước-thiện bố-thí ban cho họ.

Đến khi tất cả mọi thứ của cải vàng ngọc quý báu trong xe đã hết sạch, Đức-vua Bồ-tát Vessantara cởi những thứ đồ trang sức đeo trong thân của mình đem làm phước-thiện bố-thí cho họ.

Nghe tin Đức-vua Bồ-tát Vessantara làm phước-thiện đại-thí, bốn vị Bà-la-môn đến không kịp, nên chạy theo sau. Nhìn từ xa thấy họ, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu với Đức phu-quân, Đức-vua Bồ-tát Vessantara ngừng chiếc long xa lại chờ họ đến. Bốn vị Bà-la-môn quỳ lạy tâu xin Đức-vua bố-thí ban của cải đến cho họ.

Khi biết không còn thứ của cải nào để cho họ nữa, nên họ tâu xin Đức-vua bố-thí cho họ mỗi người một con ngựa. Đức-vua Bồ-tát Vessantara bước xuống chiếc long xa, cởi bốn con ngựa báu ra, rồi ban cho 4 vị Bà-la-môn mỗi người một con ngựa báu, họ lên ngựa cỡi trở về, chiếc long xa đứng trơ trọi một chỗ.

Ngay khi ấy, 4 vị thiên nam hóa ra thành 4 con la thay vào bốn con ngựa báu tiếp tục kéo chiếc long xa đưa bốn vị Vương-gia ngự đi đến núi Vaṅka trong rừng núi Himavanta.

Khi ấy, nhìn thấy chiếc long xa sang trọng lộng lẫy, nên một vị Bà-la-môn đến quỳ lạy tâu xin Đức-vua làm phước-thiện bố-thí ban chiếc long xa ấy cho ông.

Nghe vị Bà-la-môn tâu xin như vậy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng với Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ẵm

2 đứa con bước xuống long xa, rồi Đức-vua Bồ-tát Vessantara ban chiếc long xa cho vị Bà-la-môn ấy.

Ngay khi ấy, 4 con la vốn là 4 vị thiên nam cùng nhau biến mất.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền bảo rằng:

- Này Maddī em! Em ẵm công-chúa Kaṇhājinā, còn anh ẵm hoàng-tử Jāli tiếp tục ngự đi bộ trên đường đến núi Vaṅka trong rừng núi Himavanta.

Rừng Núi Vaṅka

Đức-vua Bồ-tát Vessantara ẵm hoàng-tử Jāli và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ẵm công-chúa Kaṇhājinā đang đi trên đường, gặp một nhóm người đi ngược đường về phía họ, Đức-vua Bồ-tát Vessantara bèn hỏi họ rằng:

- Này quý vị! Núi Vaṅka ở nơi nào? Từ đây đi đến nơi đó còn khoảng cách bao nhiêu xa?

Nhóm người này nhìn thấy Đức-vua Bồ-tát Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī đi bộ mỗi người ẵm một đứa con, hỏi đường đi đến núi Vaṅka, họ cảm thấy thương mà thưa rằng:

- Kính thưa hai vị, núi Vaṅka ở xa tít mãi đằng kia, mà hai vị đi bộ như thế này biết bao giờ mới đi đến nơi ấy.

Nghe nhóm người chỉ dẫn như vậy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī từ giã nhóm người ấy, rồi tiếp tục đi bộ đến kinh-thành Mātula đất nước Cetaraṭṭha vào buổi chiều ngày hôm ấy, ngồi tại nhà nghỉ trước cổng kinh-thành Mātulanagara.

Thực ra, từ kinh-thành Jetuttara đất nước Sivi đến kinh-thành Mātula đất nước Cetaraṭṭha có khoảng cách xa 30 do tuần[2], do nhờ oai lực chư-thiên đã thâu con đường ngắn lại, nên Đức-vua Bồ-tát Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī khởi hành từ kinh-thành

Jetuttara đất nước Sivi vào buổi sáng, đến kinh-thành Mātula đất nước Cetaraṭṭha vào buổi chiều hôm ấy.

Nghe quân lính gác tại cổng thành tâu báo với Đức-vua Ceta rằng:

“Đức-vua Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đã ngự đến, và đang ngồi tại nhà nghỉ trước cổng kinh-thành.”

Nghe tâu như vậy, Đức-vua Ceta cùng các quan văn võ ngự ra tận nhà nghỉ trước cổng kinh-thành, đón rước Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā.

Nhìn thấy hoàn cảnh khổ của 4 vị Vương-gia như vậy, Đức-vua Ceta cùng các quan cận thần vô cùng xúc động rơi nước mắt. Nghi lễ đón tiếp rất đơn giản nhưng tình cảm thật đậm đà thắm thiết.

Đức-vua Ceta cung thỉnh Đức-vua Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ngự lên chiếc long xa sang trọng, rồi cung nghinh rước vào cung điện, để cho bốn vị Vương gia tắm rửa sạch sẽ, rồi cung thỉnh ngự đến phòng khách của triều đình. Đức-vua Ceta tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương Vessantara, hôm nay bổn vương cùng bá quan văn võ vô cùng diễm phúc được đón tiếp Đại-vương cùng Chánh-cung Hoàng-hậu, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, xin được mở tiệc thết đãi 4 vị vương-gia là thượng khách của triều đình.

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền bảo rằng:

- Thưa Đức-vua Ceta, Đức-vua cùng các quan đã đón tiếp bổn-vương cùng Chánh-cung Hoàng-hậu, hoàng-tử và công-chúa thật là trọng thể với tình cảm đậm đà thắm thiết như thế này, bổn vương xin cảm tạ toàn thể quý vị.

Đức-vua Ceta tâu hỏi rằng:

- Muôn tâu Đại-vương Vessantara, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, Bà Hoàng-thái-hậu Phussatī được khoẻ mạnh hay không?

Do nguyên nhân nào mà Đại-vương cùng Chánh-cung Hoàng-hậu phải vất vả như thế này?

Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền bảo cho Đức-vua Ceta biết Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, Hoàng-Thái-Hậu Phussatī được khoẻ mạnh, và thuật cho biết nguyên nhân như sau:

- Thưa Đức-vua Ceta, sở dĩ bổn vương phải rời khỏi đất nước Sivi là vì bổn vương đem con Bạch-tượng báu của triều đình, làm phước-thiện bố-thí ban cho 8 vị Bà-la-môn của đất nước Kāliṅga. Vì vậy, dân chúng Sivi bực tức bổn vương, dẫn nhau đến chầu Đức Thái-thượng-hoàng, yêu cầu Đức Thái-thượng-hoàng phải truyền lệnh mời bổn vương rời khỏi đất nước Sivi, đến ở núi Vaṅka trong rừng núi Himavanta.

Tuy Đức Thái-thượng-hoàng rất thương yêu bổn vương, nhưng dân chúng Sivi hăm doạ, nếu Đức Thái-thượng-hoàng không truyền lệnh mời bổn-vương rời khỏi đất nước Sivi thì họ sẽ gây nguy hiểm không chỉ đến cho bổn-vương, mà còn đến Đức Thái-thượng-hoàng nữa. Vì vậy, Đức Thái-thượng-hoàng đành phải chiều theo ý của dân chúng Sivi.

Đó là nguyên nhân khiến bổn-vương phải rời khỏi đất nước Sivi, đến ở núi Vaṅka trong rừng núi Himavanta. Còn Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ẵm hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā xin đi theo bổn vương.

Nghe xong câu chuyện của Đức-vua Bồ-tát Vessan-tara, Đức-vua Ceta cùng các quan vô cùng thương cảm cho cảnh ngộ của Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā còn thơ ấu.

Đức-vua Ceta cùng 60 ngàn quan cận thần chắp tay khẩn khoản tâu rằng:

-Muôn tâu Đại-vương Vessantara, kính thỉnh Đại-vương lên ngôi báu ngự tại kinh-thành Mātula, trị vì đất nước Ceta này, còn tất cả chúng thần nguyện hết lòng làm bề tôi trung thành của Đại-vương.

Dù Đức-vua Ceta khẩn khoản tâu nhiều lần như vậy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara vẫn một mực khước từ lời thỉnh cầu của Đức-vua Ceta cùng các quan trong triều đình, bởi vì, Đức-vua Bồ-tát Vessantara chỉ muốn ngự đến rừng núi Vaṅka mà thôi.

Nghỉ lại một đêm tại cung điện của Đức-vua Ceta, sáng sớm hôm sau Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ngự lên chiếc long xa tiếp tục khởi hành ngự đi đến rừng núi Vaṅka.

Đức-vua Ceta cùng 60 ngàn quan theo sau đưa tiễn Đức-vua Bồ-tát Vessantara một đoạn đường dài 15 do tuần, rồi dừng lại nơi đầu bìa rừng và tâu chỉ rõ đường cho Đức-vua Bồ-tát Vessantara rằng:

- Muôn tâu Đại-vương Vessantara, chúng thần xin tiễn Đại-vương nơi đây, còn Đại-vương cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā tiếp tục ngự đi về hướng bắc nhìn thấy sườn núi cao Vepulla, tiếp đến dòng sông Ketumatī nước trong trẻo, tiếp đến núi Nāḷika. Từ đó, ngự đi về hướng đông bắc có hồ nước Mucalinda to lớn có nhiều thứ sen trắng, sen hồng…, từ đó, ngự vào rừng sâu có nhiều loại cây ăn quả, tiếp đến sườn núi Vaṅka gần đó có cái hồ vuông lớn nước ngon lành, Đại-vương có thể làm cốc lá trú ngụ nơi ấy.

- Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương ngự đi thêm khoảng 15 do tuần nữa, trải qua các dãy núi rừng này mới đến rừng núi Vaṅka.

Tại nơi ấy, cuộc chia ly đầy lưu luyến, vô cùng cảm động, Đức-vua Ceta cảm động trào nước mắt, Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā tiếp tục lên đường đầy khó khăn nguy hiểm, Đức-vua Ceta đứng nhìn theo cho đến khi khuất dạng.

Để bảo vệ an toàn cho Đức-vua Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, không cho kẻ thù nào đến quấy rầy, nên Đức-vua Ceta gọi người thợ săn tên là Cetaputta đến truyền bảo rằng:

- Này ngươi! Ngươi có phận sự giữ gìn cửa rừng này, xem xét những người lạ khả nghi không cho phép vào khu rừng.

Sau khi truyền bảo người thợ săn xong, Đức-vua Ceta hồi cung ngự trở về kinh-thành Mātulanagara cùng với 60 ngàn quan trong triều.

Đức-Vua Bồ-Tát Vessantara Ngự Đến Núi Vaṅka

Theo sự chỉ dẫn đường của Đức-vua Ceta, đoạn đường còn lại 15 do tuần, Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ngự đi đến núi Gandhamādana, đứng nhìn rừng núi bao la, từ đó ngự theo hướng bắc đến chân núi Vepulla, ngồi nghỉ nơi bến sông Ketumatī tắm mát xong, ăn trái cây, rồi tiếp tục ngự đến núi Nāḷika, ngự đi về phía hướng đông bắc đến hồ nước lớn Mucalinda, từ đó ngự vào rừng sâu có nhiều cây ăn quả và cũng có nhiều thú dữ, vượt qua khu rừng ấy, đến cái hồ vuông lớn gần núi Vaṅka.

Khi ấy, chỗ ở của Đức-vua-trời Sakka phát nóng, Đức-vua-trời Sakka xem xét nguyên nhân biết rõ Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ngự vào rừng núi Himavanta, trú tại núi Vaṅka, xuất gia trở thành đạo-sĩ, nên Đức-vua-trời Sakka gọi thiên nam Vissakamma truyền bảo rằng :

-Này Vissakamma! Ngươi nên hiện xuống rừng núi Himavanta, hóa ra hai cốc lá tại núi Vaṅka, để làm chỗ ở cho Đức-vua Bồ-tát Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī và những thứ vật dụng cần thiết cho các vị đạo-sĩ.

Vâng lệnh Đức-vua-trời Sakka, vị thiên nam Vissa-kamma hiện xuống rừng núi Himavanta, hóa ra hai cốc lá khoảng cách không xa, đường đi kinh hành thuận lợi, hóa ra một bộ y phục đạo-sĩ, một bộ nữ đạo-sĩ, hai bộ trẻ con, và các thứ vật dụng cần thiết của các đạo-sĩ, rồi ghi mấy dòng chữ

“Những vị nào muốn xuất gia trở thành đạo-sĩ, xin hãy sử dụng những bộ y phục và những thứ vật dụng cần thiết này”.

Vị thiên nam Vissakamma dùng oai lực của mình cấm các loài thú dữ, các loài rắn độc, các con vật có tiếng kêu đáng sợ không được đến gần nơi ấy, rồi trở về cõi trời Tam-thập-Tam-thiên.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ngự đi theo con đường ấy đến nơi, Đức-vua Bồ-tát quan sát nhìn thấy hai cốc lá khoảng cách không xa nhau, có đường đi kinh hành, v.v… Đức-vua Bồ-tát bước vào cốc lá thấy dòng chữ, hiểu biết đó là Đức-vua-trời Sakka ban cho.

Xuất Gia Trở Thành Đạo-Sĩ

Đức-vua Bồ-tát mở cốc lá ra nhìn thấy bên trong những y phục và các thứ vật dụng của đạo-sĩ. Đức-vua Bồ-tát Vessantara thay bộ y phục cũ, mặc bộ y phục đạo-sĩ mới vào, sử dụng các vật dụng của đạo-sĩ, trở thành bậc xuất-gia đạo-sĩ. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara cầm gậy bước xuống cốc cảm thấy hạnh phúc, nên thốt lên rằng:

-Ô! An-lạc quá, hạnh phúc quá! Ta đã là bậc xuất-gia đạo-sĩ rồi!

Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Vessantara đi qua lại trên đường kinh hành. Sau đó, đi đến cốc lá của Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā.

Nhìn thấy Hoàng-thượng trong tướng mạo đạo-sĩ, Chánh-cung Hoàng-hậu cúi xuống lạy dưới đôi bàn chân của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, xin phép Đức-Bồ-tát đạo-sĩ cho phép xuất gia trở thành nữ đạo-sĩ. Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī vào cốc mặc bộ y phục nữ đạo-sĩ và hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā cũng mặc y phục đạo-sĩ. Cả bốn vị vương-gia đều trở thành đạo-sĩ sống trong rừng núi Vaṅka.

Nữ đạo-sĩ Maddī bạch với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ rằng:

- Kính bạch Đức đạo-sĩ, xin Ngài ngự tại cốc chăm sóc hai con nhỏ, còn tiện nữ xin làm phận sự vào rừng tìm các loại trái cây đem về dâng lên Ngài và hai con.

Từ đó mỗi buổi sáng, nữ đạo-sĩ Maddī một mình vào rừng núi tìm các loại trái cây, rồi đem về dâng lên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ và hai con.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ truyền dạy nữ đạo-sĩ Maddī rằng:

- Này nữ đạo-sĩ Maddī! Bây giờ chúng ta đều là bậc xuất-gia đạo-sĩ rồi.

Vậy, từ nay nữ đạo-sĩ không nên đến tìm bần đạo trong những lúc không hợp thời, bởi vì nữ giới có thể làm ô nhiễm bậc hành phạm hạnh.

Nữ đạo-sĩ Maddī cung kính vâng lời truyền dạy của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, nên bạch rằng: “Dạ, xin vâng”.

Từ ngày đó, nữ đạo-sĩ Maddī dậy từ sáng sớm đi lấy nước uống, nước dùng, cây đánh răng đem đến dâng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, quét dọn xung quanh cốc, dẫn hai con đến gửi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ xong, nữ đạo-sĩ đeo gùi trên đôi vai, tay cầm mai một mình đi vào rừng núi tìm các loại trái cây, loại củ, buổi chiều mới trở về đến cốc lá, tự tay sửa soạn các loại trái cây, loại củ dọn trên sàn trước cốc, rồi thỉnh Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, và gọi hai con vào dùng, bốn vị đạo-sĩ cùng nhau dùng trái cây và củ.

Hằng ngày, đời sống yên ổn của 4 vị vương gia đạo-sĩ thực-hành phạm-hạnh cao thượng trong núi Vaṅka suốt thời gian 7 tháng qua.

Bà-La-Môn Jūjaka

Vào thời ấy, có Bà-la-môn hành khất tên Jūjaka ở làng Bà-la-môn Dunniviṭṭha trong đất nước Kāliṅga, y đi ăn xin dành dụm được 100 kahāpana (tiền Ấn xưa) đem gửi một gia đình Bà-la-môn, rồi y lại ra đi ăn xin nơi khác, trải qua một thời gian lâu, nên gia đình Bà-la-môn ấy tiêu dùng hết số tiền ấy.

Khi y trở lại, xin lấy lại số tiền mà y đã gởi trước kia, người chủ nhà Bà-la-môn không có tiền trả lại cho y, nên đem đứa con gái tên Amittatāpanā gả cho y làm vợ, để trừ số tiền ấy.

Bà-la-môn Jūjaka vô cùng sung sướng được người vợ trẻ dẫn về ở làng Bà-la-môn Dunniviṭṭha trong đất nước Kāliṅga.

Cô Amittatāpanā là người vợ tận tụy biết lo phục vụ chồng mình rất chu đáo. Một số ông chồng Bà-la-môn trẻ khác trong làng nhìn thấy cô Amittatāpanā như vậy, nên khen ngợi cô Amittatāpanā mà chê trách vợ mình rằng:

“Cô Amittatāpanā, vợ của ông Bà-la-môn Jūjaka già, tận tuỵ biết lo phục vụ chồng của cô một cách chu đáo như vậy, còn bà sao không biết noi gương cô Amitta-tāpanā mà phục vụ tôi như vậy?”

Nghe chồng chê trách mình như vậy, khiến các bà vợ cảm thấy bực tức, nên họ gặp nhau bàn tính rằng:

“Từ ngày cô Amittatāpanā, vợ ông Bà-la-môn Jūjaka già đến ở trong làng này, ông chồng của chúng ta khen ngợi cô ấy mà chê trách chúng ta.

Vậy, chúng ta nên tìm cách nào, để cô Amittatāpanā bỏ làng này đi đến làng khác?”

Các bà Bà-la-môn bàn tính với nhau rằng:

“Khi gặp cô chỗ nào, chúng ta cùng nhau nói xấu, chê cười cô có chồng già, đó là điều bất hạnh, thà chịu chết còn hơn có chồng già!”

Một hôm, nhìn thấy cô Amittatāpanā đem nồi đến bến sông để lấy nước, các bà Bà-la-môn vợ của các ông Bà-la-môn trẻ trong làng, cùng nhau dẫn đến gặp cô Amittatā-panā nói xấu, chê cười rằng:

-Này cô Amittatāpanā! Cô còn trẻ đẹp như thế này, sao mà cha mẹ cô không gả cô cho một người chồng trẻ đẹp xứng đôi vừa lứa mà lại đem gả cô cho ông Bà-la-môn Jūjaka già khọm lưng còng xấu xí như thế kia!

Cô có được hạnh phúc gì đâu! Thà chết còn hơn là sống chung với ông Bà-la-môn Jūjaka già khọm như vậy.

Cha mẹ của cô không tìm cho cô một người chồng trẻ đẹp, nên gả cô cho ông Bà-la-môn Jūjaka già lưng còng xấu xí như thế kia. Chắc cô đã tạo ác-nghiệp, nên cô không may mà gặp phải ông Bà-la-môn Jūjaka già lưng còng làm chồng như vậy.

Người chồng trẻ với người vợ trẻ sống chung với nhau mới có hạnh phúc an-lạc, còn ông chồng già khọm lưng còng với người vợ trẻ đẹp như cô em sống chung với nhau có hạnh phúc gì đâu! Cô em thật đáng thương!

-Này cô Amittatāpanā! Cô em còn trẻ và xinh đẹp như thế này, chắc chắn có nhiều Bà-la-môn trai trẻ giàu có xứng đôi vừa lứa thương yêu say đắm cô em.

Vậy, cô em nên bỏ ông Bà-la-môn Jūjaka chồng già khọm ấy, đi trở về lại nhà cha mẹ của mình. Đó là điều hạnh phúc đối với cô em. Nếu cô em còn bị ràng buộc với ông Bà-la-môn Jūjaka chồng già khọm thì cô em có được hạnh phúc an-lạc gì đâu! Thật uổng phí cuộc đời con gái xinh đẹp như cô!

Nghe các bà Bà-la-môn vừa chê trách vừa khuyên bảo, nên làm cho cô Amittatāpanā cảm thấy tủi thân. Trên đường đem nước về nhà, cô Amittatāpanā vừa đi vừa khóc thảm thương cho đến khi về đến nhà.

Nhìn thấy cô Amittatāpanā, người vợ trẻ yêu quý của mình khóc, ông Bà-la-môn Jūjaka chồng già liền hỏi rằng:

- Này Amittatāpanā em yêu quý! Vì sao em khóc vậy?

- Này ông Bà-la-môn! Tôi sẽ không đi đến bến sông lấy nước nữa đâu! Vì các bà vợ của các ông Bà-la-môn trẻ chê cười tôi làm vợ của một ông chồng già khọm xấu xí như ông đấy! Họ chế nhạo tôi đủ điều, tôi cảm thấy xấu hổ quá. Vì vậy, từ nay tôi không đi đến bến sông lấy nước nữa đâu!

Nghe người vợ trẻ yêu quý của mình than vãn như vậy, ông Bà-la-môn Jūjaka cảm thấy khổ tâm, nói lời an ủi rằng:

- Này Amittatāpanā em yêu quý! Từ nay, em không phải đi đến bến sông lấy nước cho anh nữa! Anh sẽ tự đi lấy nước về cho em và anh dùng.

-Này ông Bà-la-môn! Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống không để chồng đi lấy nước. Tôi nói cho ông biết, nếu ông không tìm được tớ trai, tớ gái đem về phục vụ thì tôi không thể sống chung với ông trong gia đình này nữa.

Nghe người vợ trẻ yêu quý của mình nói như vậy, ông Bà-la-môn Jūjaka thở than rằng:

- Này em yêu quý! Em biết anh nghèo khổ, sống bằng nghề hành khất như thế này, thì làm sao có nhiều tiền để thuê tớ trai, tớ gái đem về phục vụ cho em được. Xin em đừng giận dỗi nữa, em không phải vất vả làm gì cả, một mình anh làm mọi việc trong nhà để phục vụ cho em.

Do oai lực của chư-thiên khiến cô Bà-la-môn Amitta-tāpanā nói với ông Bà-la-môn Jūjaka rằng:

- Này anh Bà-la-môn Jūjaka! Em nghe tin Đức-vua Vessantara đang ở tại núi Vaṅka, anh đến yết kiến Đức-vua, xin Đức-vua ban cho tớ trai, tớ gái. Đức-vua chắc chắn sẽ ban tớ trai, tớ gái cho anh được toại nguyện.

Ông Bà-la-môn Jūjaka than vãn rằng:

- Này Amittatāpanā em yêu quý! Anh già yếu không còn sức lực, con đường đi đến núi Vaṅka xa xôi khó khăn hiểm trở, có nhiều thú dữ gây tai hại đến sinh-mạng.

- Này Amittatāpanā em yêu quý! Xin em đừng bận tâm lo nghĩ, anh sẽ làm mọi việc nhà và phục vụ em một cách chu đáo. Xin em hãy an tâm.

Nghe ông Bà-la-môn Jūjaka than vãn như vậy, cô Amittatāpanā chê trách rằng:

- Này ông Bà-la-môn Jūjaka! Ông là người nhút nhát chưa ra đến trận địa chưa chiến đấu đã chịu đầu hàng rồi! Ông chưa đi mà đã co rút cổ chịu thua rồi.

- Này ông Bà-la-môn Jūjaka! Ông nên biết rằng: Nếu ông không chịu đi xin tớ trai, tớ gái từ Đức-vua Vessantara thì tôi không ở trong nhà ông nữa. Khi ấy, ông sẽ buồn khổ nhiều, lưng của ông sẽ khòm xuống, tóc ông sẽ bạc trắng, thân hình ông sẽ gầy ốm và ông sẽ chết vì thương nhớ tôi.

Nghe người vợ trẻ yêu quý nói như vậy, ông Bà-la-môn Jūjaka già khọm lo sợ người vợ trẻ bỏ đi thật, bởi vì ông đã bị ràng buộc bởi tham-ái với cô vợ trẻ Amitta-tāpanā, nên ông nói rằng:

- Này Amittatāpanā em yêu quý! Em hãy chuẩn bị vật thực đi đường để cho anh đi đến yết kiến Đức-vua Vessantara, xin tớ trai, tớ gái đem về phục vụ em suốt ngày đêm.

Trước lúc khởi hành, ông Bà-la-môn Jūjaka già sửa cửa ngõ lại cho chắc chắn, vào rừng tìm củi về để trong nhà, lấy nước đầy các bể chứa, để cho người vợ ở nhà dùng, rồi ông Bà-la-môn Jūjaka dạy bảo rằng:

- Này Amittatāpanā em yêu quý! Em ở nhà chớ nên dể duôi, ban ngày, em không nên tiếp xúc nhiều người, ban đêm chớ nên đi ra khỏi nhà. Em ở nhà chờ đợi anh đem tớ trai, tớ gái về cho em.

Dạy bảo người vợ trẻ xong, ông Bà-la-môn Jūjaka mang hình thức đạo-sĩ, trên gương mặt đầm đìa nước mắt vì lưu luyến nói lời từ giã người vợ trẻ yêu quý.

Ông lên đường đi thẳng đến kinh-thành Jetuttara, đất nước Sivi hỏi thăm đường đi đến chỗ ở của Đức-vua Bồ-tát Vessantara tại núi Vaṅka. Dân chúng kinh-thành Jetuttara biết ông Bà-la-môn Jūjaka là người dân ăn xin của đất nước Kāliṅga, họ mắng nhiếc xua đuổi, ông Bà-la-môn Jūjaka sợ chạy đi ra khỏi kinh-thành Jetuttara.

Do nhờ oai lực của chư-thiên khiến ông chạy nhằm đúng con đường mà Đức-vua Bồ-tát Vessantara đã ngự đi trước kia.

Ông Bà-la-môn Jūjaka đã trải qua một khoảng đường dài gian nan vất vả đầy khổ cực, cuối cùng ông cũng tìm đến ven rừng, gặp phải bầy chó săn của người thợ săn Cetaputta chạy đến cắn, ông Bà-la-môn Jūjaka hoảng sợ liền trèo lên cây, rồi cầu xin rằng:

-Có ai nói cho tôi biết chỗ ở của Đức-vua Vessantara cao thượng, Bậc thắng được tâm keo kiệt bủn xỉn mà không bao giờ bị bại nữa. Đức-vua ban cho sự an toàn đến tất cả chúng-sinh, tôi đang gặp cơn nguy khốn, xin ban sự an toàn đến cho tôi. Đức-vua Vessantara là nơi nương nhờ của những kẻ hành khất, như mặt đất là nơi nương nhờ của chúng-sinh muôn loài.

Có ai nói cho tôi biết chỗ ở của Đức-vua Vessantara, Đức-vua là nơi mà những kẻ hành khất đến tụ hội, như con sông Gaṅgā là nơi mà các dòng sông lớn nhỏ chảy đến tụ hội.

Có ai nói cho tôi biết chỗ ở của Đức-vua Vessantara, Đức-vua như một cây cổ thụ to lớn bên đường, có bóng mát rộng lớn che mát những khách lữ hành nghỉ chân trong mùa nắng nóng, v.v…

Tôi đang gặp cơn nguy khốn ở khu rừng này, hoảng sợ kêu lời cầu cứu.

Vậy, nếu người nào biết chỗ ở của Đức-vua Vessantara nói cho tôi thì người ấy chắc chắn có phước lớn lắm!

Người thợ săn Cetaputta được Đức-vua Ceta truyền bảo có bổn phận bảo vệ sự an toàn cho Đại-vương Vessantara, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ở trong núi rừng Vaṅka này.

Khi ấy, người thợ săn Cetaputta đi trong rừng, nghe tiếng ông Bà-la-môn Jūjaka đang than vãn muốn biết chỗ ở của Đức-vua Vessantara, nên nghĩ rằng:

“Ông Bà-la-môn này gian nan vất vả đến nơi này, chắc chắn có ý đồ xin gì đây, ta nên giết y chết là xong.”

Nghĩ xong, người thợ săn đưa cây cung nạp mũi tên vào nhắm về phía ông Bà-la-môn Jūjaka bảo rằng:

- Này ông Bà-la-môn! Đại-vương Vessantara đã bị các ngươi làm khổ, bởi vì đã xin con Bạch-tượng báu là quốc bảo của đất nước Sivi, nên dân chúng Sivi bực tức mời Đại-vương Vessantara ra khỏi đất nước Sivi. Đại-vương Vessantara đã dẫn Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ngự đến ở tại núi Vaṅka này. Bây giờ, Đại-vương Vessantara không có gì để ban cho ngươi nữa!

- Này ông Bà-la-môn! Ngươi định đến xin hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā chăng? Ta sẽ không để ngươi thực hiện ý đồ xấu ấy đâu! Ta sẽ bắn ngươi rơi xuống đất chết tại nơi đây.

Vậy, ngươi có gì để nói hay không ?

Nghe người thợ săn Cetaputta khẳng khái nói như vậy, nên ông Bà-la-môn Jūjaka già kinh hồn bạt vía sợ chết, nên nói dối rằng:

- Này người thợ săn! Ta là Bà-la-môn sứ giả không nên giết. Xin ngươi hãy nghe ta nói, người ta không bao giờ giết sứ giả, đó là truyền thống xưa.

- Này người thợ săn! Dân chúng Sivi không còn bực tức Đức-vua Vessantara nữa, họ muốn thỉnh Đức-vua hồi cung.

Từ ngày Đức-vua Vessantara, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ra khỏi kinh-thành Jetuttara, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, Bà Hoàng-thái-hậu Phussatī nhớ thương Thái-tử Vessantara, Vương-phi Maddī và hai cháu đích tôn Jāli và Kaṇhājinā, làm cho hai vị Vương-gia ngày đêm khổ tâm.

Vì vậy, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, Bà Hoàng-thái-hậu Phussatī phái tôi đến đây tìm Đức-vua Vessantara, để kính thỉnh Đức-vua Vessantara, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā hồi cung ngự trở về kinh-thành Jetuttara trị vì đất nước Sivi như trước.

-Này người thợ săn! Ngươi có biết chỗ ở của Đức-vua Vessantara, thì ngươi chỉ đường cho tôi đến yết kiến tâu thỉnh Đức-vua Vessantara, Chánh-cung Hoàng-hậu ngự trở về kinh-thành Jetuttara.

Nghe ông Bà-la-môn Jūjaka nói như vậy, người thợ săn Cetaputta vui mừng hoan hỷ đuổi bầy chó đi nơi khác, Bà-la-môn Jūjaka từ trên cây leo xuống, người thợ săn mời ông Bà-la-môn đến chỗ ở của mình nói rằng:

- Này ông Bà-la-môn! Tôi rất hân hạnh tiếp đãi ông là sứ giả của Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng-thái-hậu Phussatī, đến tâu thỉnh Đức-vua Vessantara kính yêu của chúng tôi.

Vậy, xin mời ông sứ giả dùng vật thực bằng các món thịt rừng với tôi.

Sau khi tiếp đãi ông Bà-la-môn Jūjaka xong, người thợ săn Cetaputta còn biếu mật ong và nhiều món quà khác đi đường cho ông Bà-la-môn Jūjaka.

Người thợ săn Cetaputta tiễn chân ông sứ giả Bà-la-môn Jūjaka đến một nơi, rồi chỉ rõ đường đến chỗ ở của Đức-vua Vessantara.

Người thợ săn còn khuyên ông sứ giả Bà-la-môn Jūjaka trên đường đi, nên đến gặp vị đạo-sĩ Accuta, nhờ Ngài chỉ đường tiếp đến chỗ ở của Đức-vua Vessantara.

Nghe người thợ săn tận tình chỉ rõ con đường đi đến chỗ ở của Đức-vua Vessantara, ông Bà-la-môn Jūjaka vô cùng hoan hỷ cảm tạ ơn người thợ săn, rồi xin từ giã tiếp tục lên đường theo sự chỉ dẫn của người thợ săn đến gặp vị đạo-sĩ Accuta vấn an sức khỏe lẫn nhau xong, ông Bà-la-môn Jūjaka bạch hỏi vị đạo-sĩ Accuta rằng:

- Kính bạch Ngài đạo-sĩ Accuta, tôi đến chầu Đức-vua Vessantara là Thái-tử của Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng-thái-hậu Phussatī. Đức-vua Vessantara bị dân chúng Sivi mời ra khỏi đất nước Sivi, ngự đến ở rừng núi Vaṅka.

Nếu Ngài biết chỗ ở của Đức-vua Vessantara thì xin Ngài chỉ đường cho tôi đến chầu Đức-vua Vessantara.

Nghe ông Bà-la-môn Jūjaka bạch hỏi như vậy, vị đạo-sĩ Accuta nói cho biết rằng:

- Này ông Bà-la-môn! Đức-vua Vessantara không còn một thứ của cải nào cả. Bây giờ, Đức-vua Vessantara, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đều xuất gia trở thành đạo-sĩ cả thảy, sống thực-hành pháp-hành cao thượng.

Vậy, ông đến chầu để xin thứ gì nữa? Không lẽ, ông đến xin hoàng-tử Jāli đem về làm tớ trai, hoặc xin công-chúa Kaṇhājinā đem về làm tớ gái hay sao?

Nghe vị đạo-sĩ Accuta nói đúng tim đen của mình, ông Bà-la-môn Jūjaka hoảng sợ vị đạo-sĩ không chỉ đường đến chỗ ở của Đức-vua Vessantara, nên nói dối rằng:

- Kính bạch Ngài đạo-sĩ Accuta cao thượng, kính xin Ngài bớt giận. Thật ra, tôi tha thiết muốn đến chầu Đức-vua Vessantara không phải xin Đức-vua ban gì cho tôi, mà sự thật, được thấy chư bậc thiện-trí sẽ đem lại hạnh phúc cao thượng, gần gũi thân cận với chư bậc thiện-trí sẽ được an-lạc cao thượng.

Tôi là vị thầy Bà-la-môn Jūjaka muốn đến chầu Đức-vua Vessantara, từ ngày Đức-vua Vessantara bị dân chúng Sivi mời ra khỏi kinh-thành Jetuttara, tôi không được yết kiến Đức-vua nữa. Vì vậy, tôi đến đây tìm đến chầu Đức-vua Vessantara.

Nếu Ngài đạo-sĩ biết chỗ ở của Đức-vua Vessantara thì kính xin Ngài hoan hỷ chỉ cho tôi biết. Bạch Ngài.

Nghe ông Bà-la-môn Jūjaka bạch như vậy, vị đạo-sĩ Accuta bảo rằng:

- Này ông Bà-la-môn Jūjaka! Nếu đúng như vậy thì bần đạo xin mời ông nghỉ lại đêm nay ở đây, sáng ngày mai, bần đạo sẽ chỉ đường cho ông đến chầu Đức-vua Vessantara.

Nghe vị đạo-sĩ bảo như vậy, ông Bà-la-môn Jūjaka vô cùng hoan hỷ vâng lời. Ngài đạo-sĩ tiếp đãi mời ông Bà-la-môn Jūjaka dùng các thứ trái cây no đủ.

Sáng ngày hôm sau, Ngài đạo-sĩ đưa ông Bà-la-môn Jūjaka đến ngọn đồi cao, đưa cánh tay phải chỉ về phía núi Gandhamādana mà bảo rằng:

- Này ông Bà-la-môn Jūjaka! Ông hãy nhìn theo hướng đầu ngón tay của bần đạo, phía xa kia là núi Gandhamādana, dưới chân núi có hồ nước vuông rộng lớn và sâu có nhiều loại cá to lớn, gần đó có hồ Mucalinda có nhiều hoa sen, hoa súng đủ loại rất xinh đẹp, quanh bờ hồ có nhiều thứ rau ngon, xung quanh nơi ấy là rừng cây, đặc biệt có nhiều cây ăn quả thay đổi nhau cho quả các mùa, quanh năm suốt tháng không bao giờ hết quả. Chính nơi ấy là chỗ ở của Đức-vua Vessantara, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā.

Nghe vị đạo-sĩ Accuta chỉ rõ đường đến chỗ ở của Đức-vua Vessantara, ông Bà-la-môn Jūjaka vô cùng vui mừng hoan hỷ cảm tạ ân đức vị đạo-sĩ, rồi đảnh lễ vị đạo-sĩ Accuta, xin phép tiếp tục lên đường đi theo sự chỉ dẫn của vị đạo-sĩ Accuta.

Ông Bà-la-môn Jūjaka đi theo con đường nhỏ đến chỗ ở của Đức-vua Bồ-tát Vessantara, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā.

Đến gần chỗ ở của Đức-vua Bồ-tát Vessantara vào buổi chiều hôm ấy, y nghĩ rằng: “Nếu ta đến yết kiến Đức-vua Vessantara để xin hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā mà có sự hiện diện của Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī thì bất lợi cho ta, cho nên ta nên tìm một chỗ nghỉ qua đêm, chờ sáng mai lúc Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī đi vào rừng để tìm trái cây. Khi ấy, ta sẽ đến yết kiến Đức-vua Vessantara, xin Đức-vua ban cho ta hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā. Ta sẽ dẫn về làm tôi tớ cho người vợ trẻ yêu quý của ta.”

Chánh-Cung Hoàng-Hậu Maddī Thấy Ác Mộng

Trong đêm ấy, lúc gần sáng, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī nằm thấy ác mộng rằng:

“Một ông Bà-la-môn có thân hình xấu xí dị dạng đáng sợ, hai lỗ tai đeo hoa, tay cầm vũ khí hung hãn xông vào cốc lá, nắm đầu tóc của Chánh-cung Hoàng-hậu lôi làm té xuống nằm trên nền, rồi móc hai con mắt, chặt hai tay, Chánh-cung Hoàng-hậu khóc la thảm thiết, y liền mổ ngực của Chánh-cung Hoàng-hậu móc lấy trái tim, máu đang chảy lai láng, rồi y đem đi.”

Khi tỉnh giấc Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī cảm thấy kinh hoàng, hoảng sợ, nghĩ rằng:

“Ta đã nằm thấy ác mộng. Ngoài Hoàng-thượng ra, không một ai có thể đoán được ác mộng này, ta nên ngự đến chầu Hoàng-thượng, kể lại ác mộng này.”

Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ngự đến gõ cửa cốc của Đức-vua đạo-sĩ Vessantara.

Nghe tiếng gõ cửa, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền hỏi: -Ai đó?

Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rằng:

- Muôn tâu Đức đạo-sĩ cao thượng, thần-thiếp là Maddī, kính xin Đức đạo-sĩ tha tội.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền hỏi rằng:

- Này nữ đạo-sĩ Maddī! Nữ đạo-sĩ đã phá lời cam kết của chúng ta rồi! Do nguyên nhân nào mà nữ đạo-sĩ đến đây không đúng thời, đúng lúc vậy?

Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rằng:

- Muôn tâu Đức-vua đạo-sĩ cao thượng, thần-thiếp không dám phá lời cam kết, nhưng thần-thiếp vừa nằm thấy cơn ác mộng hãi hùng.

Đức đạo-sĩ Vessantara truyền hỏi rằng:

- Này nữ đạo-sĩ Maddī! Nếu vậy thì nữ đạo-sĩ hãy thuật rõ lại cho bần đạo nghe cơn ác mộng ấy.

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rõ lại ác mộng ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đoán mộng biết chắc rằng:

“Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của mình sẽ được thành tựu. Sáng mai này sẽ có người hành khất đến xin hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā.”

Đoán biết như vậy, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara trấn an nữ đạo-sĩ Maddī rằng:

- Này nữ đạo-sĩ Maddī! Nữ đạo-sĩ ngủ không được yên giấc nên nằm mộng thấy như vậy, nữ đạo-sĩ không nên hoảng sợ mà an tâm trở về cốc của mình.

Đêm đã qua, lúc hừng đông, Chánh-cung Hoàng-hậu thức dậy làm mọi công việc quét dọn sạch sẽ xung quanh, lấy nước uống nước dùng xong, rồi vào ôm hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā vào lòng, hôn trên đầu, dạy bảo rằng:

- Này hai con yêu quý! Đêm nay, Mẫu-hậu nằm thấy cơn ác mộng hãi hùng, hai con ở nhà nên thận trọng.

Dặn dò xong, tắm rửa sạch sẽ, thay y phục, dẫn hai đứa con yêu quý đến trao cho Đức đạo-sĩ Vessantara, kính xin Đức đạo-sĩ trông nom hai con, rồi nữ đạo-sĩ Maddī mang gùi, cầm mai vào rừng đi tìm các thứ trái cây, các thứ củ.

Đức-Bồ-Tát Vessantara Tạo Pháp-Hạnh Đại-Thí Con

Theo dõi biết Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī đã ngự vào rừng, ông Bà-la-môn Jūjaka vội vã đi thẳng đến cốc lá để yết kiến Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara ngay.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đang ngồi trước cửa cốc lá như một pho tượng vàng, còn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đang chơi đùa bên cạnh cốc lá của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara.

Nhìn từ xa thấy ông Bà-la-môn hành khất đi đến, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara nghĩ rằng:

“Suốt bảy tháng qua, ta chưa thấy một Bà-la-môn nào.”

Khi thấy ông Bà-la-môn Jūjaka đến đứng trước cửa cốc, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:

- Này Bà-la-môn! Xin mời vào!

Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara gọi, ông Bà-la-môn Jūjaka liền đến yết kiến Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, bèn tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương không có bịnh, sống được an-lạc, tìm trái cây đủ sống hằng ngày, muỗi mòng rắn rít không làm khổ Đại-vương có phải không?

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:

- Này Bà-la-môn! Bần đạo ít bịnh, sống được an-lạc, tìm trái cây thuận lợi, đủ dùng hằng ngày, muỗi mòng rắn rít không làm khổ bần đạo.

Chúng tôi sống trong rừng núi này suốt bảy tháng qua, thấy Bà-la-môn là người đầu tiên.

- Này Bà-la-môn! Ngươi đến đây hợp thời đúng lúc, xin mời dùng các thứ trái cây và uống nước suối.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền hỏi ông Bà-la-môn rằng:

- Này Bà-la-môn! Ngươi đã vất vả đi đến rừng núi Vaṅka này, chắc chắn có mục đích gì, ngươi hãy nói cho bần đạo biết rõ mục đích ấy?

Ông Bà-La-Môn Jūjaka Xin Hoàng-Tử Và Công-Chúa

Ông Bà-la-môn Jūjaka tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương Vessantara, nước các dòng sông không bao giờ khô cạn như thế nào, Đại-vương luôn luôn có tâm đại-bi tế độ đến những người hành khất cũng như thế ấy. Kẻ tiện dân này đến xin hoàng-tử và công-chúa.

Kính xin Đại-vương có tâm đại-bi ban hoàng-tử và công-chúa cho kẻ tiện dân này, để làm tớ trai, tớ gái của người vợ trẻ yêu quý là Amittatāpanā của kẻ tiện dân.

Pháp-Hạnh Đại-Thí Con Yêu Quý

Nghe ông Bà-la-môn Jūjaka tâu xin như vậy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ vì có được cơ hội tốt bồi bổ cho đầy đủ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

Pháp-hạnh đại-thí con yêu quý là một trong năm pháp-hạnh đại-thí mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo, để cho pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật được đầy đủ trọn vẹn, cho nên Đức-vua Bồ-tát Vessantara phát sinh đại-thiện-tâm vững chắc không hề nao núng, làm cho núi Vaṅka rung chuyển, truyền dạy rằng:

- Này Bà-la-môn! Bần đạo sẽ ban hoàng-tử Jāli và công-chúa Kahajinā cho ngươi. Ngươi sẽ là chủ của hai đứa con yêu quý của bần đạo.

Nữ đạo-sĩ Maddī đã ngự đi vào rừng từ sáng sớm, tìm các loại trái cây, và các loại củ, và sẽ ngự trở về vào lúc buổi chiều.

- Này Bà-la-môn! Ngươi nên nghỉ lại một đêm, sáng ngày mai đợi cho Mẫu-hậu của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā tắm rửa hai đứa con sạch sẽ, trang điểm các hoa thơm, ôm hôn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, rồi sau đó ngươi hãy dắt hai đứa con yêu quý của bần đạo đi theo ngươi.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền dạy như vậy, ông Bà-la-môn Jūjaka tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương Vessantara, kẻ tiện dân này không muốn nghỉ lại đêm, mà muốn ra khỏi nơi đây ngay bây giờ, bởi vì đàn bà không ai muốn cho đứa con yêu quý của mình đến với người khác.

- Muôn tâu Đại-vương, nếu Đại-vương muốn tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh đại-thí con yêu quý thì Đại-vương đừng để Chánh-cung Hoàng-hậu thấy hoàng-tử và công-chúa, Chánh-cung Hoàng-hậu sẽ cản trở pháp-hạnh đại-thí con yêu quý của Đại-vương.

- Muôn tâu Đại-vương, kẻ tiện dân xin dẫn hoàng-tử và công-chúa đi ngay bây giờ.

Xin Đại-vương gọi hoàng-tử và công-chúa đến đây giao cho tiện dân, không nên chờ Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī trở về, cũng không nên để hoàng-tử và công-chúa gặp Mẫu-hậu của chúng.

Đức đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:

- Này Bà-la-môn! Nếu ngươi không muốn gặp Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī thì cũng được, nhưng ngươi nên dẫn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đến kính dâng lên Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya đang ngự tại kinh-thành Jetuttara.

Khi nhìn thấy hai đứa cháu đích tôn của Người, thì Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya sẽ ban cho ngươi nhiều của cải, nhiều tớ trai, tớ gái.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền bảo như vậy, ông Bà-la-môn Jūjaka tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, nếu kẻ tiện dân này dẫn hoàng-tử và công-chúa đến kinh-thành Jetuttara chầu Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya thì kẻ tiện dân này sợ Đức Thái-thượng-hoàng kết tội ăn cắp hoàng-tử và công-chúa, cháu đích tôn của Người, Đức Thái-thượng-hoàng sẽ truyền lệnh trị tội tử hình kẻ tiện dân này.

Như vậy, kẻ tiện dân này không được tớ trai, tớ gái để phục vụ người vợ trẻ yêu quý của kẻ tiện dân này.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:

- Này Bà-la-môn! Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya là Đức-Minh-quân sẽ vui mừng khi nhìn thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, rồi chắc chắn sẽ ban cho ngươi nhiều của cải, tớ trai, tớ gái.

Ông Bà-la-môn Jūjaka lại tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, kẻ tiện dân này không thể tuân theo lệnh của Đại-vương được, mà kẻ tiện dân này chỉ muốn dẫn hoàng-tử và công-chúa về làm tôi tớ phục vụ cho người vợ trẻ yêu quý của kẻ tiện dân mà thôi.

Nghe lời nói độc ác của ông Bà-la-môn Jūjaka như vậy, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā hoảng sợ, nên dẫn nhau đi ra sau cốc lá, rồi chạy vào rừng, đến hồ nước, nhảy xuống trốn dưới hồ nước ấy, lấy lá sen che kín trên đầu.

Khi ấy, ông Bà-la-môn Jūjaka không nhìn thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, nên bực tức nói với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ rằng:

- Này Đại-vương! Đại-vương hãy ban hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā cho tôi ngay bây giờ có được không? Tôi khẳng định chắc chắn không dẫn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đến kinh-thành Jetuttara, mà tôi chỉ dẫn về làm tôi tớ phục vụ cho người vợ trẻ yêu quý của tôi mà thôi.

Đại-vương đã ra hiệu cho hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā chạy trốn mất cả rồi. Đại-vương ngồi làm như người không hay biết.

Đại-vương đã hứa mà không thực hiện đúng theo lời hứa như vậy được hay sao?

Nghe lời buộc tội của ông Bà-la-môn Jūjaka, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ giật mình nhìn phía sau không thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, biết chắc hai đứa con nghe được câu chuyện, nên hoảng sợ chạy trốn mất cả rồi. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo ông Bà-la-môn Jūjaka rằng:

- Này Bà-la-môn! Ngươi chớ nên nghĩ sai như vậy, bần đạo sẽ đi tìm hai đứa con về giao cho ngươi.

Truyền bảo xong, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đứng dậy đi ra sau cốc lá nhìn thấy dấu chân hai con chạy vào rừng, theo dấu chân lần đến hồ nước, biết chắc chắn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đang trốn dưới hồ nước.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ gọi hoàng-tử Jāli rằng:

- Này Jāli con yêu quý! Con hãy lên với Phụ-vương, con hãy nên giúp cho Phụ-vương bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn. Con nên ngoan ngoãn dễ dạy vâng lời Phụ-vương, giúp cho Phụ-vương thành tựu pháp-hạnh đại-thí con yêu quý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật này.

Như vậy, hai con yêu quý như là chiếc thuyền giúp đưa Phụ-vương sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, vượt qua biển khổ luân-hồi, rồi sẽ dắt dẫn các chúng-sinh khác, các nhân loại, các chư-thiên, các phạm-thiên cùng vượt qua biển khổ luân-hồi.

Hoàng-tử Jāli lắng nghe lời khẩn khoản thiết tha của Đức Phụ-vương, nên nghĩ rằng:

“Dù ông Bà-la-môn già độc ác kia hành hạ ta thế nào cũng chịu đựng nổi, nhưng ta không nên để Đức Phụ-vương của ta nói sai lời với ông Bà-la-môn già kia.”

Nghĩ xong, hoàng-tử Jāli dở lá sen, trồi đầu lên khỏi mặt nước bước lên bờ hồ, đến cúi đầu lạy dưới bàn chân bên phải của Đức Phụ-vương, rồi hai tay ôm chân phải của Đức Phụ-vương, khóc nức nở, nước mắt rơi xuống bàn chân Đức Phụ-vương.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ truyền dạy rằng:

- Này Hoàng-nhi Jāli yêu quý! Hoàng muội Kaṇhājinā của con ở đâu ?

Hoàng-tử Jāli tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ-vương, thông thường tất cả chúng-sinh, khi biết tai họa xảy đến với mình, đều phải tìm nơi lẩn tránh tai hoạ.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara biết chắc công-chúa Kaṇhājinā cũng đang trốn dưới hồ nước này, nên truyền bảo rằng:

- Này Kaṇhājinā con yêu quý của Phụ-vương! Con hãy lên đây với Phụ-vương. Con nên giúp Phụ-vương bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn. Con nên ngoan ngoãn dễ dạy, vâng lời Phụ-vương, giúp cho Phụ-vương thành tựu pháp-hạnh đại-thí con yêu quý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.

Như vậy, hai con yêu quý như là chiếc thuyền giúp đưa Phụ-vương sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, vượt qua biển khổ luân-hồi, rồi sẽ dắt dẫn các chúng-sinh khác, các nhân loại, các chư-thiên, các phạm-thiên cùng vượt qua biển khổ luân-hồi.

Lắng nghe lời tha thiết khẩn khoản của Đức Phụ-vương, công-chúa Kaṇhājinā mới nghĩ rằng:

“Ta không nên để Đức Phụ-vương nói sai lời với ông Bà-la-môn già kia.”

Công-chúa Kaṇhājinā nổi lên khỏi mặt nước, bước lên bờ, đến cúi đầu lạy dưới bàn chân trái của Đức Phụ-vương, hai tay ôm chân trái Đức Phụ-vương, khóc nức nở, nước mắt rơi xuống bàn chân Đức Phụ-vương.

Thấy hai con khóc như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ cũng rơi nước mắt xuống trán hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhā-jinā, cảnh tượng thật vô cùng cảm động.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ cảm thấy vô cùng xúc động, trong tình phụ tử sâu sắc, cúi xuống đưa hai bàn tay mềm mại xoa nhẹ trên đầu hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, rồi tha thiết nói lời an ủi hai đứa con yêu quý rằng:

- Này hai con yêu quý! Hai con có biết Phụ-vương đang suy xét về pháp-hạnh đại-thí con yêu quý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, thì chỉ có hai con yêu quý mới giúp Phụ-vương bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được thành tựu đầy đủ trọn vẹn mà thôi.

Cúi xuống đỡ hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đứng dậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đặt điều kiện giá biểu của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, như người chủ đàn bò cho giá mỗi con bò.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ truyền dạy hoàng-tử Jāli rằng:

- Này Jāli con yêu quý! Phụ-vương đã bố-thí con đến ông Bà-la-môn rồi, nếu con muốn được giải phóng, trở thành người tự do thì con phải trao cho Bà-la-môn Jūjaka 1000 lượng vàng. Khi ấy con sẽ được tự do.

Còn hoàng-muội Kaṇhājinā của con thật đáng yêu, đáng quý, nếu muốn được giải phóng, trở thành người tự do thì trao cho ông Bà-la-môn Jūjaka mỗi thứ 100, đó là 100 tớ trai, 100 tớ gái, 100 con voi, 100 con ngựa, 100 con bò. Khi ấy hoàng-muội của con cũng sẽ được tự do.

Những điều kiện này, chỉ có Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya là Đức-vua nội của hai con mới có khả năng làm được mà thôi. Ngoài Đức-vua nội của hai con ra, không một ai có khả năng làm được.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đặt điều kiện giá cả cho mỗi đứa con yêu quý xong, an ủi hai con giúp cho Ngài bồi bổ pháp-hạnh bố-thí Ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.

Đức-Vua Bồ-Tát Tạo Hạnh Đại-Thí Con Yêu Quý

Dẫn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā trở về cốc lá, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ gọi ông Bà-la-môn Jūjaka đến, tay phải cầm bình nước, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vô cùng hoan hỷ vừa phát-nguyện vừa rót nước xuống lòng bàn tay của ông Bà-la-môn, với lời phát-nguyện rằng:

“Sabbaññutaññāṇassa paccayo hotu.”

Pháp-hạnh đại-thí con yêu quý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của bần đạo này xin làm duyên lành để trở thành Đức-Phật Toàn-Giác.

Sau khi tạo hạnh đại thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý nhất (piyaputtamahādāna) xong, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vô cùng hoan hỷ truyền bảo với ông bà-la-môn Jūjaka rằng:

“Ambho Brahmaṇa! Puttehi me sataguṇena sahassaguṇena satasahassaguṇena sabbaññutañ-ñāṇameva piyataraṃ.”[3]

-Này Bà-la-môn Jūjaka! Bần đạo chỉ có nguyện vọng muốn trở thành Đức-Phật Toàn-Giác mà thôi, là nơi yêu quý bậc nhất hơn cả yêu quý hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần.

Khi ấy, do oai lực của pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhā-jinā yêu quý của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đến cho ông Bà-la-môn Jūjaka, làm cho trái đất rùng mình chuyển động, trên bầu trời sấm sét vang rền, núi Sineru (Tu-di-sơn) cúi đỉnh núi xuống núi Vaṅka tỏ sự cung kính, toàn thể chư-thiên ngự trên mặt đất đều tán dương ca tụng bằng lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Chư Đức-vua các cõi trời dục-giới cùng toàn thể chư-thiên cõi dục-giới đều chắp tay thốt lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Chư Phạm-thiên cõi trời sắc-giới cũng đều thốt lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Trong khu rừng núi Himavanta, các con thú bốn chân như sư tử, cọp, beo, v.v… đều rống lên vui mừng theo tiếng của mình.

Pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý xong, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ thốt lên rằng:

Pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý của ta thật là cao thượng! Ta có cơ hội tốt tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật được đầy đủ.

Ông Bà-La-Môn Jūjaka Độc Ác

Sau khi xin hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā được thỏa mãn như ý, ông Bà-la-môn Jūjaka rất vui mừng, mỗi tay nắm tay mỗi đứa trẻ dẫn đứng một nơi.

Ông Bà-la-môn Jūjaka vào rừng, dùng răng cắn một sợi dây rừng đem ra cột vào cổ tay của hoàng-tử Jāli và cổ tay của công-chúa Kaṇhājinā, ông nắm đầu dây, cầm cây đánh đập, chửi mắng hoàng-tử và công-chúa, rồi lôi đi.

Hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā vừa bị đánh đau vừa bị sợi dây siết chặt làm cắt da, thấu thịt, máu chảy tươm ra theo đường, trước sự hiện diện của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara.

Dắt đi được một đoạn đường, ông Bà-la-môn Jūjaka bị trượt chân ngã lăn xuống đường, làm cho sợi dây đứt rời tuột ra khỏi tay của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā. Khi ấy, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā vừa khóc vừa chạy lại tìm Đức Phụ-vương, đảnh lễ dưới bàn chân của Đức Phụ-vương tâu rằng:

- Tâu Đức Phụ-vương, Đức Phụ-vương ban hai con cho ông Bà-la-môn già độc ác, khi Mẫu-hậu của hai con ngự đi tìm các loại trái cây trong rừng chưa về. Kính xin Đức Phụ-vương chờ đợi Mẫu-hậu ngự trở về, để hai con gặp Mẫu-hậu, rồi sau đó Đức Phụ-vương mới ban hai con cho ông Bà-la-môn già độc ác ấy đem đi bán hoặc giết hai con cũng được.

- Tâu Đức Phụ-vương, thân hình ông Bà-la-môn già có 18 tật nguyền xấu xí quái dị đáng ghê tởm như là loài phi nhân độc ác, hoặc loài Dạ-xoa ăn thịt người. Chắc ông Bà-la-môn ấy đến khu rừng xin Đức Phụ-vương ban hai con cho ông để ăn thịt.

- Tâu Đức Phụ-vương, xin Đức Phụ-vương nhìn thân hình của hai con bị đánh sưng, bị sợi dây rừng siết chặt làm trầy da, lủng thịt máu tươm ra chảy dài theo đường, con đau đớn quá! Đức Phụ-vương ơi!

- Tâu Đức Phụ-vương, thông thường các bậc làm cha, làm mẹ thấy con của mình đang bị đau khổ thì không thể nào không cảm động được. Chắc trái tim của Đức Phụ-vương được bọc bằng sắt rắn chắc, nên không còn rung động trước nỗi đau đớn khổ sở của hai con.

-Tâu Đức Phụ-vương, Đức Phụ-vương có biết hay không, ông Bà-la-môn già ấy vô cùng độc ác, tàn nhẫn đánh đập, chửi mắng, vừa lôi hai con vừa đánh đập, như lôi đàn bò vậy. Hoàng-muội Kaṇhājinā chưa từng biết đau khổ, nay gặp nỗi khổ như thế này chắc chắn không thể chịu đựng được nổi, chắc có lẽ chết giữa đường thôi!

Vậy, xin Đức Phụ-vương chỉ ban một mình con cho ông Bà-la-môn độc ác ấy mà thôi. Còn hoàng-muội Kaṇhājinā ở lại với Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu.

Hơn nữa, hoàng-muội Kaṇhājinā không thấy Mẫu-hậu, chắc không thể sống nổi được.

Khi nghe hoàng-tử Jāli tâu như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara làm thinh không truyền bảo lời nào cả.

Khi ấy, hoàng-tử Jāli than vãn đến Mẫu-hậu rằng:

-Dù chịu muôn vàn đau khổ như thế nào, con cũng có thể chịu đựng được, nhưng con không gặp được Mẫu-hậu, đó mới thật là nỗi đau khổ gấp 100 lần, gấp 1000 lần, gấp 100 ngàn lần mà con không sao chịu đựng nổi được.

Ôi! Khi Mẫu-hậu từ rừng ngự trở về, không nhìn thấy con và hoàng-muội Kaṇhājinā dễ thương, Mẫu-hậu sẽ khổ tâm nhiều, khóc than thảm thiết đi tìm 2 con mà không gặp 2 con, Mẫu-hậu càng khổ tâm, sầu não vì thương nhớ 2 con nhiều, rồi sẽ ngủ không được, thân của Mẫu-hậu ngày một gầy yếu dần.

Khi ông Bà-la-môn già độc ác dắt 2 con đi khỏi nơi này rồi, thì Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu sẽ buồn khổ nhớ thương 2 con, sinh khổ tâm sầu não khóc than suốt đêm dài làm cho cơ thể ngày một héo hon.

Hoàng-tử Jāli nói với công-chúa Kaṇhājinā rằng:

-Từ hôm nay, hai huynh muội ta bị rời khỏi nơi này, bỏ lại những cây ăn quả, những cây hoa rừng xinh đẹp, bến nước trong trẻo, những con búp bê xinh đẹp mà Đức Phụ-vương khéo tay làm ra, rồi ban cho huynh muội ta chơi trước đây.

Khi hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đang than vãn với nhau, thì ông Bà-la-môn có đôi mắt đỏ ngầu cầm sợi dây và cây chạy lại đánh đập xối xả, chửi mắng thô lỗ, rồi lấy sợi dây cột tay hoàng-tử và công-chúa lôi đi.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara chứng kiến cảnh tượng ông Bà-la-môn Jūjaka độc ác đánh đập, lôi hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā như vậy.

Hoàng-tử Jāli ngoảnh đầu lại sau tâu với Đức Phụ-vương rằng:

-Tâu Đức Phụ-vương, xin Đức Phụ-vương truyền bảo với Mẫu-hậu hai con rằng: .

“Hai con được khỏe mạnh bình thường, cầu xin Mẫu-hậu thân tâm thường được an-lạc.”

Khi ấy, nỗi thống khổ cùng cực phát sinh lên đối với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, trái tim của Đức-Bồ-tát nóng lên, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ toàn thân rung động vì nỗi thống khổ, không thể đứng vững được, đôi dòng lệ trào ra giàn giụa trên đôi mắt, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ vào trong cốc lá nằm khóc than thảm thiết thật đáng thương xót.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara nằm than vãn rằng:

“Hôm nay, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý của ta sẽ như thế nào? Hai con của ta khóc than, đói khát trên đường đi.

Thường mỗi buổi chiều, đến giờ ăn, hai con đói xin đồ ăn rằng: “Tâu Mẫu-hậu, hai con đói lắm rồi! Xin Mẫu-hậu ban đồ ăn cho hai con.”

Chiều nay, ai sẽ ban đồ ăn cho hai con của ta?

Trên con đường xa 60 do tuần, hai con ta ngự đi chân đất, không có mang dép, đôi bàn chân sưng lên làm cho đau đớn. Vậy ai dắt tay hai con ta đi?

Ông Bà-la-môn Jūjaka đánh đập hành hạ, chửi mắng hai đứa con nhỏ trước mặt ta, mà không biết nể mặt ta chút nào, không biết ghê sợ tội lỗi.”

Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara nghĩ rằng:

“Ông Bà-la-môn Jūjaka ấy thật là kẻ độc ác, đánh đập, chửi mắng hai đứa con nhỏ yêu quý của ta một cách tàn nhẫn như vậy, ta nên cầm thanh gươm đuổi theo giết chết y, rồi dẫn hai con của ta trở lại.”

Sở dĩ Đức-vua Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara suy nghĩ than vãn những điều như vậy, là vì quá thương yêu hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý nhất. Khi thấy ông Bà-la-môn Jūjaka đối xử tàn nhẫn với hai đứa con, tâm sân hận phát sinh khiến Đức-vua Bồ-tát đạo-sĩ chợt nảy ra ý định giết chết ông Bà-la-môn Jūjaka ấy rồi dẫn hai đứa con yêu quý trở về.

Cũng ngay khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara liền thức tỉnh, nhớ lại truyền thống của chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác trong quá khứ, có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đều phải tạo đầy đủ năm pháp-hạnh đại-thí (Pañca mahāparicāga)[4].

Pháp-hạnh-đại thí ba-la-mật có 5 pháp là:

1- Pháp-hạnh đại-thí của cải tài sản, ngai vàng,…

2-Pháp-hạnh đại-thí bộ phận trong thân thể của mình. 3-Pháp-hạnh đại-thí sinh-mạng của mình.

4-Pháp-hạnh đại-thí con yêu quý. 5-Pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý.

Thật ra, tiền-kiếp của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đã từng tạo ba pháp-hạnh đại-thí pháp-hạnh đại-thí của cải tài sản, ngai vàng…, pháp-hạnh đại-thí bộ phận trong thân thể của mình, pháp-hạnh đại-thí sinh-mạng của mình, nhưng chưa thực-hành hai pháp-hạnh đại-thí là pháp-hạnh đại-thí con yêu quý và pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý. Cho nên, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo 2 pháp-hạnh đại-thí này, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.

Để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật.

Trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật này gồm có 5 pháp-hạnh đại-thí mới gọi là đầy đủ trọn vẹn được.

Nếu Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác chưa tạo đầy đủ năm pháp-hạnh đại-thí này thì chắc chắn chưa có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác được.

Hiểu biết rõ như vậy, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara tự nhủ mình rằng:

“Này Vessantara! Ngươi bố-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā là một trong năm pháp-hạnh đại-thí trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật mà chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo cho được đầy đủ trọn vẹn.

Khi đã bố-thí hai đứa con yêu quý đến ông Bà-la-môn Jūjaka rồi, ngươi đã thành tựu được pháp-hạnh đại-thí con yêu quý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

Nay, hai con của ngươi đã thuộc về sở hữu của ông Bà-la-môn Jūjaka rồi! Ngươi nhìn thấy hai đứa con bị đau khổ, khiến ngươi sinh tâm sân sầu não cùng cực, mà nảy ra ý định giết chết ông Bà-la-môn ấy, lấy lại hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý của ngươi trở về.

Đó là việc làm của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác hay sao?

Thật ra, chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác đã tạo pháp-hạnh đại-thí trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật rồi, sau đó không phát sinh tâm sân nóng nảy sầu não, mà chỉ có phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ mà thôi.”

Sau khi tự nhủ mình như vậy, tâm của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara được ổn định, vắng lặng được phiền-não, Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Vessantara phát nguyện với lời chân thật rằng:

“Dù ông Bà-la-môn Jūjaka đối xử với hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā của ta như thế nào, thì ta cũng nhẫn-nại giữ gìn đại-thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh.”

Sau đó, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara ngự ra ngồi trước cửa cốc lá như tượng màu vàng.

Trên đường đi, hoàng-tử Jāli than vãn với hoàng-muội Kaṇhājinā rằng:

- Này hoàng-muội Kaṇhājinā yêu quý! Đức Phụ-vương đã ban huynh muội ta cho ông Bà-la-môn già độc ác, ông đánh đập, chửi mắng huynh muội ta, vừa lôi đi vừa đánh đập như lôi đàn bò. Nay, huynh muội chúng ta không còn Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu nữa.

- Này hoàng-muội Kaṇhājinā yêu quý! Huynh muội ta đau khổ, mệt lử cả người, đôi bàn chân bị sưng, không bước nổi được. Vậy, huynh muội ta cùng nhau chết cho rồi, còn sống mà khổ như thế này có ích lợi gì đâu?

Một lần nữa, ông Bà-la-môn Jūjaka dẫn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đi, bị vấp ngã xuống đường, làm đứt sợi dây rời ra khỏi tay, nên hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā cùng nhau chạy trở lại gặp Đức Phụ-vương.

Ông Bà-la-môn bị ngã đau, cố gắng ngồi dậy, không thấy hai đứa trẻ, nên tâm sân phát sinh nóng nảy tức giận, cầm sợi dây và cây rượt đuổi theo, gặp hoàng-tử và công-chúa tại chỗ cốc Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, ông Bà-la-môn tức giận đánh đập một cách tàn nhẫn, chửi mắng rằng:

“Hai đứa trẻ con này giỏi chạy trốn đâu cho thóat khỏi tay ta.”

Trước sự hiện diện của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, ông Bà-la-môn Jūjaka lấy sợi dây cột chặt vào tay của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, lôi nhanh đi.

Khi ấy, công-chúa Kaṇhājinā khóc than và tâu với Đức Phụ-vương rằng:

- Tâu Đức Phụ-vương, ông Bà-la-môn già Jūjaka này rất độc ác, tàn nhẫn quá! Ông đánh đập 2 anh em chúng con bằng cây như đánh đàn bò.

- Tâu Đức Phụ-vương, thông thường Bà-la-môn là người có thiện-pháp, có tâm-từ, nhưng ông Bà-la-môn già này chắc không phải là người, ông là Dạ-xoa hóa thành Bà-la-môn có thân hình dị dạng đáng ghê sợ, đến xin Đức Phụ-vương cho hai con, để ông ăn thịt.

Hai anh em chúng con bị Dạ xoa bắt đi ăn thịt, Đức Phụ-vương có biết hay không?

Lắng nghe tiếng khóc than và lời tâu thiết tha của công-chúa Kanhajinā. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara chỉ còn phát sinh nỗi thống khổ cùng cực mà thôi, trái tim nóng lên, lỗ mũi nghẹt thở, phải thở bằng miệng, hai dòng nước mắt nóng chảy ra. Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ tư duy rằng:

“Nỗi thống khổ cùng cực này là do nhân tình thương yêu các con, không phải vì nhân nào khác.”

Sau khi suy xét đã biết rõ nhân sinh nỗi thống khổ này, Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ liền ngồi kiết già lấy bình tĩnh trở lại.

Hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā bị ông Bà-la-môn Jūjaka độc ác, tàn nhẫn lôi đi mau, công-chúa Kaṇhājinā vừa đi vừa than khóc rằng:

- Đôi chân nhỏ của hai huynh muội chúng tôi đã mỏi rã rời, mà đường thì còn xa tít, hai huynh muội chúng tôi đi không nổi nữa, mặt trời thì sắp lặn, hai huynh muội chúng tôi mệt lử bước chân đi không nổi, và vừa đói bụng vừa khát nước quá!

Hai huynh muội chúng tôi xin kính lạy tất cả chư-thiên ngự trong rừng núi Himavanta, ngự trên các cội cây, ngự nơi bến hồ,… kính xin quý vị chư-thiên đến tâu cho Mẫu-hậu Maddī của chúng tôi biết rằng:

“Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā của bà vẫn bình thường, ông Bà-la-môn già độc ác, tàn nhẫn đang dẫn hai người con của Bà đi trên con đường nhỏ đủ một người đi.”

- Thưa các vị chư-thiên, xin quý vị tâu với Mẫu-hậu Maddī của chúng tôi rằng:

“Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, nếu Bà muốn đi tìm hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā thì xin Bà đi theo con đường nhỏ đủ một người đi, từ cốc lá ngự đi nhanh theo dấu chân, chắc chắn Bà sẽ gặp hoàng-tử và công-chúa ở giữa đường.”

Sau khi tha thiết khẩn khoản chư-thiên giúp tâu với Mẫu-hậu Maddī của mình, rồi than vãn và hy vọng Mẫu-hậu Maddī đến giúp đỡ rằng:

“Ôi! khi Mẫu-hậu từ rừng ngự trở về cốc lá không nhìn thấy hai con ra đón, nhìn thấy cốc lá vắng vẻ, không thấy bóng hai con, chắc chắn Mẫu-hậu sẽ khổ tâm lắm!

Mẫu-hậu ơi! Ông Bà-la-môn già độc ác, cột tay hai con bằng sợi dây rừng, đánh đập, chửi mắng hai con, lôi đi như đàn bò.

Xin Mẫu-hậu mau đến kịp chiều nay, đem trái cây cho ông Bà-la-môn già ăn no đủ, rồi xin ông lôi đi chậm chậm, bởi vì hai bàn chân của hai con đã sưng lên, đau đớn, nhức nhối không chịu nổi được nữa. Còn cổ tay của hai con bị ông Bà-la-môn già cột chặt bằng sợi dây rừng, làm trầy da, đứt thịt, máu chảy rơi theo đường, hai con đau nhức quá! Mẫu-hậu ơi!

Xin Mẫu-hậu đến mau để cứu hai con với!”

Chánh-Cung Hoàng-Hậu Maddī

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đã tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh đại-thí con yêu quý (piya-puttamahādāna) cho ông Bà-la-môn Jūjaka làm cho mặt đất rung chuyển, chư-thiên trong các cõi trời dục-giới, chư Đức-vua-trời trong sáu cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trong các cõi trời sắc-giới, đồng thanh hoan hỷ tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đã tạo pháp-hạnh đại-thí con yêu quý (piyaputtamahādāna).

Đó là pháp-hạnh đại-thí con yêu quý cao thượng.

Khi ấy, nhóm chư-thiên ngự tại rừng núi Himavantu nghe lời than vãn những nỗi khổ của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā. Hai huynh muội tha thiết khẩn khoản chư-thiên báo tin cho Mẫu-hậu của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đến gặp mau lẹ.

Nhóm chư-thiên ngự tại rừng núi Himavanta bàn bạc với nhau rằng:

“Lúc mặt trời chưa lặn, nếu Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī từ rừng ngự trở về không nhìn thấy hai con, Chánh-cung Hoàng-hậu sẽ tâu hỏi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, biết Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đã bố-thí hai đứa con cho ông Bà-la-môn Jūjaka dẫn đi rồi, chắc chắn Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī sẽ đi theo dấu chân hai con, với năng lực của mẫu tử tình thâm, Chánh-cung Hoàng-hậu sẽ phát sinh nỗi thống khổ cùng cực.

Cho nên, chư Thiên-vương truyền lệnh cho ba vị thiên-nam hóa ra ba con thú dữ: con sư tử, con hổ, con báo chặn đường ngự trở về của Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, cho đến khi mặt trời lặn, rồi mới tránh đường cho Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ngự đi về.

Sau đó, ba vị thiên-nam đi theo sau bảo vệ Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ngự về cốc lá được an toàn bằng ánh sáng trăng rằm.”

Ba vị thiên-nam thi hành theo lệnh, biến hóa ra con sư tử, con hổ, con báo nằm chặn đường không để cho Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ngự trở về cốc lá, lúc ban chiều.

Khi ấy, nữ đạo-sĩ Maddī đang trên đường ngự trở về cốc lá, gặp ba con thú dữ ấy chặn đường, mới nghĩ rằng:

“Đêm qua, ta nằm thấy ác mộng hãi hùng, sáng nay gặp những điều không may xảy ra: Cái mai được cầm trong tay bị rơi khỏi tay, cái gùi trên vai bị rớt xuống đất, mắt bị máy mắt bên phải, những cây có quả, hôm nay như không có quả, các phương hướng không rõ.”

Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī nghĩ rằng:

“Điều gì sẽ xảy ra? Trước đây chưa từng có như vậy. Vậy, điều gì sẽ xảy ra với ta, với Đức đạo-sĩ Vessantara, Đức phu-quân, với hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý của ta?”

Khi ấy, mặt trời sắp lặn, nữ đạo-sĩ Maddī mang gùi trái cây ngự trên con đường trở về cốc lá, để phục vụ bữa ăn chiều cho Đức đạo-sĩ Vessantara, Đức phu-quân và hai đứa con yêu quý đang chờ đợi.

Trên đường, nữ đạo-sĩ Maddī gặp phải ba con thú dữ: con sư tử, con hổ, con báo nằm chặn con đường nhỏ đủ một người đi, nên không thể tránh sang con đường nào khác được, nữ đạo-sĩ Maddī cung kính ba chúa sơn lâm này, tha thiết khẩn khoản rằng:

“Tôi là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī của Đức-vua Vessantara bị lưu đày đến sống trong núi Vaṅka này, tôi dẫn theo hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý đi theo phục vụ Đức Phu-quân của tôi.

Xin quý chúa sơn lâm có tâm từ, tâm bi nhường đường cho tôi đem các thứ trái cây trở về phục vụ bữa ăn chiều cho Đức phu-quân và hai đứa con yêu quý của tôi.”

Ba chúa sơn lâm vốn là ba vị thiên-nam nghe lời cầu xin tha thiết khẩn khoản của Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, ba vị thiên-nam cảm thấy vô cùng cảm động, nhưng vì phận sự nên phải chặn đường cho đến khi mặt trời lặn, mới tránh đường, và đi theo bảo vệ nữ đạo-sĩ Maddī ngự trở về đến cốc lá bằng ánh sáng trăng rằm được an toàn.

Nữ đạo-sĩ Maddī ngự đi về đến gần chỗ ở của mình, không nhìn thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đứng chờ đón như mỗi buổi chiều.

Nữ đạo-sĩ Maddī hồi hộp bước đi theo con đường mòn dưới ánh trăng mờ, cảnh vật đêm nay vắng vẻ lạ thường không một tiếng kêu của các loài vật, một cảnh tượng thật đáng rùng rợn chưa từng có trước đây.

Nhìn thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara ngồi trước cốc như pho tượng, nữ đạo-sĩ Maddī đến cung kính tâu rằng:

-Muôn tâu Hoàng-thượng, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā của thần-thiếp ở đâu? Thần-thiếp không thấy 2 đứa con yêu quý đón thần-thiếp như mỗi chiều.

Nghe nữ đạo-sĩ Maddī tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vẫn ngồi im không nói lời nào.

Nữ đạo-sĩ Maddī tâu lại rằng:

- Tâu Hoàng-thượng, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, 2 đứa con yêu quý của thần-thiếp đang nằm ngủ trong cốc lá của Hoàng-thượng phải không?

Nữ đạo-sĩ Maddī tâu như vậy, đến lần thứ ba, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vẫn ngồi im lặng như trước.

Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī khóc than vãn rằng:

- Sở dĩ chiều nay ta đem trái cây về trễ là vì trên đường về gặp ba thú dữ nằm chặn đường. Con đường nhỏ đủ một người đi, nên ta không còn con đường nào khác để tránh chúng được, chờ đến khi mặt trời lặn, chúng mới chịu tránh đường, nên ta mới trở về trễ.

Nữ đạo-sĩ Maddī tâu rằng:

- Tâu Hoàng-thượng, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ở nơi nào? Thần-thiếp đã tâu nhiều lần, nhưng Hoàng-thượng vẫn làm thinh, không nói lời nào, làm cho thần-thiếp đang khổ lại càng thêm khổ gấp bội.

Với ánh sáng trăng, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī khóc than thảm thiết đi vào trong rừng tìm những nơi mà hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā thường đến chơi, đi qua hồ nước, tìm khắp mọi nơi trong rừng mà vẫn không tìm thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý đâu cả!

Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī trở lại cốc lá của Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Vessantara tâu rằng:

-Tâu Hoàng-thượng, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ở nơi nào? Hai đứa con yêu quý của thần-thiếp đang nằm ngủ trong cốc của Hoàng-thượng phải không? Hoặc hai đứa con yêu quý của thần-thiếp bị thú rừng bắt ăn thịt rồi phải không? Hoặc hai đứa con yêu quý của thần-thiếp bị người ta bắt dẫn đi rồi phải không?

Nghe nữ đạo-sĩ Maddī tâu hỏi như vậy đã nhiều lần, nhưng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vẫn ngồi im lặng.

Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, thần-thiếp có lỗi gì mà Hoàng-thượng không nói với thần-thiếp một lời nào. Hoàng-thượng không nói với thần-thiếp đó là nỗi thống khổ cùng cực nhất hơn cả các nỗi khổ như không thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý của thần-thiếp.

- Tâu Hoàng-thượng, nếu đêm nay, Hoàng-thượng không nói với thần-thiếp thì sáng ngày mai, Hoàng-thượng sẽ nhìn thấy thần-thiếp có thân xác mà không còn tâm thức nữa.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara nghĩ rằng:

“Ta nên nói với nữ đạo-sĩ Maddī bằng lời lẽ bắt lỗi.”

- Này nữ đạo-sĩ Maddī! Nữ đạo-sĩ vốn là công-chúa xinh đẹp, ở ngôi vị Chánh-cung Hoàng-hậu, đã có hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā. Hôm nay, nữ đạo-sĩ đi vào rừng một mình tìm các loại trái cây, các loại củ từ sáng sớm, sao đến đêm xuống mới trở về bằng ánh sáng trăng. Đó là lỗi lớn của đạo-sĩ.

Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara bắt lỗi như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rằng:

- Tâu Hoàng-thượng, hôm nay, Hoàng-thượng có nghe tiếng rống của con sư tử, con cọp, con báo, con voi, con trâu rừng, con chó rừng, v.v… trời sấm sét vang rền khắp mọi nơi. Những hiện tượng báo trước những điều không may xảy ra với thần-thiếp ở trong rừng như: Cầm cái mai trong tay bị rơi khỏi tay, cái gùi trên vai bị rớt xuống đất, mắt bị máy mắt bên phải, những cây có quả, hôm nay như không có quả, các phương hướng không rõ.

Khi ấy, thần-thiếp phát sinh tâm sợ hãi, nên cầu nguyện chư-thiên hộ trì Đức đạo-sĩ Vessantara, phu-quân, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý của thần-thiếp được an toàn, thân tâm được an-lạc.

Trên con đường từ rừng trở về, thần-thiếp gặp phải ba con thú dữ: con sư tử, con cọp, con báo nằm chặn con đường nhỏ chỉ đủ một người đi, nên thần-thiếp không còn đường nào khác để tránh chúng được.

Thần-thiếp đã cầu xin ba con chúa sơn lâm nhường đường cho thần-thiếp ngự đi trở về, mãi cho đến lúc mặt trời lặn, ba con chúa sơn lâm mới chịu tránh đường, nên thần-thiếp mới ngự trở về được.

Đó là nguyên nhân mà thần-thiếp về trễ đêm nay. Kính xin Hoàng-thượng tha lỗi cho thần-thiếp.

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī phân trần như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara ngồi làm thinh không nói lời nào cho đến lúc rạng đông ngày hôm sau.

Nữ đạo-sĩ Maddī ngồi than vãn đủ điều mà Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ vẫn ngồi lặng yên như pho tượng. Lòng nôn nóng muốn nhìn thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, nữ đạo-sĩ Maddī vừa khóc than thảm thiết vừa đi vào rừng với ánh sáng trăng, cố gắng tìm khắp mọi nơi mà hai đứa con yêu quý đã từng đến chơi, với hy vọng mong manh gặp được hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā.

Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī vừa khóc than thảm thiết vừa thất tha thất thểu đi tìm hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā quanh quẩn suốt đêm gồm quãng đường dài khoảng 15 do tuần. Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī mệt lử, rồi thất vọng trở về đứng trước cốc, nhìn thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara ngồi yên như pho tượng, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī khóc than nức nở rằng:

“Hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý của thần-thiếp chết rồi hay sao?”

Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ngất xỉu ngã lăn xuống mặt đất chết giấc. Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nghĩ rằng: “Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī như thế nào?”

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ bước xuống, đi đến đặt tay phải lên trên trán Chánh-cung Hoàng-hậu, biết cảm giác còn hơi ấm, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đem nước rưới lên mặt. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara không đụng chạm vào thân thể Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī suốt bảy tháng qua, nhưng do năng lực của tâm sầu não, quá cảm động nên trào hai dòng nước mắt chảy ra, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đưa tay nâng thân hình tiều tuỵ của Chánh-cung Hoàng-hậu đặt trên vế, rồi rưới nước lên mặt.

Một lát sau Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tỉnh lại, cảm thấy hổ thẹn, nên đảnh lễ Đức đạo-sĩ, tâu rằng:

- Tâu Hoàng-thượng, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý của Hoàng-thượng ở đâu?

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:

- Này nữ đạo-sĩ! Xin lỗi nữ đạo-sĩ, bần đạo đã tạo pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý đến cho ông Bà-la-môn Jūjaka rồi, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.

Vậy, xin nữ đạo-sĩ Maddī phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ với pháp-hạnh đại-thí con yêu quý cao thượng này.

Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rằng:

- Tâu Hoàng-thượng, Hoàng-thượng đã tạo pháp-hạnh đại-thí con yêu quý đến cho ông Bà-la-môn Jūjaka rồi, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn. Sao Hoàng-thượng không truyền bảo cho thần-thiếp biết ngay từ đầu hôm vậy?

Đức Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:

- Này nữ đạo-sĩ Maddī! Sở dĩ bần đạo không dám truyền bảo cho nữ đạo-sĩ biết ngay từ đầu hôm là vì bần đạo e ngại, nếu nữ đạo-sĩ biết như vậy thì sẽ không ngăn được sự khổ tâm cùng cực làm cho trái tim bị vỡ ra.

- Này nữ đạo-sĩ Maddī! Nữ đạo-sĩ nên phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ pháp-hạnh đại-thí con yêu quý để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.

Xin nữ đạo-sĩ không nên buồn khổ nữa. Bần đạo hy vọng rằng chúng ta sẽ gặp lại hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai con yêu quý của chúng ta.

- Này nữ đạo-sĩ Maddī! Bần đạo có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, để tế độ chúng-sinh thóat khỏi biển khổ luân-hồi, nếu có người nào đến xin trái tim của bần đạo thì bần đạo dám mổ ngực lấy trái tim, đem bố-thí đến người ấy ngay.

Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, nay thần-thiếp cảm thấy vô cùng hoan hỷ với pháp-hạnh đại-thí con yêu quý cao thượng của Hoàng-thượng.

Kính xin Hoàng-thượng nên tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn, để hầu mong trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

- Muôn tâu Hoàng-thượng, phần đông mọi người có tính keo kiệt bủn xỉn trong của cải tài sản, con cái của mình, còn Hoàng-thượng là bậc luôn luôn hoan hỷ tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh đại-thí con yêu quý của Hoàng-thượng.

Đó là điều phi thường chưa từng có làm cho mặt đất rung chuyển, chư-thiên các cõi trời dục-giới đều hoan hỷ thốt lên lời Sādhu! Chư Đức-vua-trời cõi trời dục-giới cũng đều hoan hỷ thốt lên lời Sādhu!

Chánh-cung Hoàng-hậu suy xét rằng:

“Tuy người mẹ là người mang thai 10 tháng sinh con ra, nuôi dưỡng con bằng bầu sữa mẹ, ẵm bồng, chăm sóc nuôi nấng con khôn lớn, nhưng người cha vẫn là người chủ của người con. Cho nên, Đức-vua tạo pháp-hạnh đại-thí con yêu quý cho ông Bà-la-môn Jūjaka, để bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật. Đó là pháp-hạnh đại-thí con yêu quý khó tạo mà Đức-vua đã tạo được như vậy.

Vậy, ta nên bày tỏ đại-thiện-tâm hoan hỷ”. Do nghĩ như vậy, nên Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rằng:

-Muôn tâu Hoàng-thượng, thần-thiếp thành tâm nói lên lời hoan hỷ “Sādhu!” với pháp-hạnh đại-thí con yêu quý của Hoàng-thượng.

Đức-Vua-Trời Sakka Hỗ Trợ

Đức-vua-trời Sakka thấy Đức-vua Bồ-tát Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī phát sinh đại-thiện-tâm cùng nhau hoan hỷ trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý nhất (piyaputtamahādāna), nên Đức-vua-trời Sakka nghĩ rằng:

“Hôm qua, Đức-vua Bồ-tát Vessantara đã tạo pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý nhất của Đức-vua đến ông Bà-la-môn Jūjaka, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn, làm cho trái đất rung chuyển, các hàng chư-thiên từ các cõi trời dục-giới cho đến các cõi trời sắc-giới phạm-thiên đều hoan hỷ thốt lên lời “Sādhu!” tán dương ca tụng vang rền khắp toàn cõi trời.

Sau này, nếu có người nào đến hầu Đức-vua Bồ-tát Vessantara, xin Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī thì Đức-vua Bồ-tát cũng sẽ ban Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī cho người ấy dẫn đi nơi khác.

Nếu như vậy thì Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara chỉ còn một mình, không có người hộ độ Đức-Bồ-tát nữa.

Không muốn điều ấy sẽ xảy ra đối với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, ta nên biến hóa thành vị Bà-la-môn đến chầu Đức-vua Bồ-tát, rồi xin Chánh-cung Hoàng-hậu để cho Đức-vua Bồ-tát thành tựu pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý (piyabhariyamahādāna) của Đức-Bồ-tát, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.

Sau đó, ta sẽ kính dâng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī trở lại đến Đức-vua Bồ-tát Vessantara.”

Nghĩ xong, vào lúc mặt trời mọc Đức-vua-trời Sakka từ cõi trời Tam-thập-Tam-thiên xuất hiện xuống cõi người biến hóa thành Bà-la-môn đến chầu Đức-vua Bồ-tát Vessantara có sự hiện diện của Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương có ít bệnh phải không? Tứ đại của Đại-vương được điều hoà, thân tâm của Đại-vương thường được an-lạc, Đại-vương ngự tại nơi núi rừng này, có các loại trái cây, các loại củ đầy đủ độ dùng hằng ngày phải không ?

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:

- Này Bà-la-môn! Bần đạo có ít bệnh, tứ đại của bần đạo được điều hòa, thân tâm thường được an-lạc, bần đạo ngự tại nơi núi rừng này, có các loại trái cây, các loại củ đầy đủ độ dùng hằng ngày.

Trú tại rừng núi Vaṅka này suốt bảy tháng qua, hôm nay bần đạo hân hạnh gặp được ông là vị Bà-la-môn có phẩm hạnh cao quý thứ hai.

- Này Bà-la-môn! Ông đến nơi này hợp thời đúng lúc, xin mời Ông vào bên trong, mời ông ngồi dùng các loại trái cây, dùng nước một cách tự nhiên.

- Này Bà-la-môn! Ông đã vất vả đi đến đây có nguyện vọng gì, xin ông nói cho bần đạo rõ được không?

Vị Bà-la-môn (vốn là Đức-vua-trời Sakka) tâu tán dương Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, dòng nước sông lúc nào cũng tràn đầy, không bao giờ khô cạn như thế nào, Đức-vua Bồ-tát Vessantara có đầy tâm-từ, tâm bi tế độ đến những kẻ hành khất cũng như thế ấy.

- Muôn tâu Đại-vương, kẻ tiện dân này già yếu, đến đây có nguyện vọng muốn xin Đại-vương ban Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī cho kẻ tiện dân này.

Đó là nguyện vọng của kẻ tiện dân già yếu này đến chầu Đại-vương sáng hôm nay.

Đức-Vua Bồ-Tát Tạo Pháp-Hạnh Đại-Thí Vợ Yêu Quý

Nghe Bà-la-môn tâu xin như vậy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền bảo rằng:

- Này Bà-la-môn! Ngày hôm qua, bần đạo đã tạo pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhā-jinā, hai đứa con yêu quý nhất của bần đạo rồi.

Nay, dù chỉ còn Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī mà thôi, bần đạo cũng vô cùng hoan hỷ truyền bảo cho ông biết rằng:

- Này Bà-la-môn! Ông chắc chắn sẽ được toại nguyện. Bần-đạo vô cùng hoan hỷ ban Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī đến cho ông với đại-thiện-tâm không hề nao núng, bởi vì bần đạo vô cùng hoan hỷ tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật này.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara đem bình nước ra, một tay cầm bình nước còn tay kia nắm tay bà Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, Đức-vua Bồ-tát rót nước từ bình chảy xuống bàn tay bà Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, rồi chảy xuống bàn tay vị Bà-la-môn.

Đó là nghi lễ ban Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī cho vị Bà-la-môn (vốn là Đức-vua-trời Sakka).

Đức-vua Bồ-tát Vessantara đã thành tựu pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý (piyabhariyamahādāna) của Đức-Bồ-tát trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật được đầy đủ trọn vẹn.

Pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý 1 trong 5 pháp-hạnh đại-thí mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo để cho pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật được đầy đủ trọn vẹn.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara có cơ hội tốt, duyên may đã thành tựu được pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý nhất của Đức-Bồ-tát, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ.

Sau khi tạo pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý nhất xong, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vô cùng hoan hỷ truyền bảo với ông Bà-la-môn rằng:

“Ambho Brahmaṇa! Maddito me sataguṇena sahassa-guṇena satasahassaguṇena sabbaññutaññāṇameva piya-taraṃ. Idaṃ me dānaṃ Sabbaññutaññāṇappaṭivedhassa paccayo hotu.”[5]

-Này ông Bà-la-môn! Bần-đạo chỉ có nguyện vọng muốn trở thành Đức-Phật Toàn-Giác mà thôi, là nơi yêu quý bậc nhất hơn cả yêu quý Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần.

Pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý này của bần đạo xin làm duyên lành để trở thành Đức-Phật Toàn-Giác.

Khi ấy, do oai lực của pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đến cho ông Bà-la-môn (vốn là Đức-vua-trời Sakka) làm cho trái đất rùng mình chuyển động, trên bầu trời sấm sét vang rền, đỉnh núi Sineru (Tu-di-sơn) cúi xuống núi Vaṅka tỏ sự cung kính, toàn thể chư-thiên ngự trên mặt đất đều tán dương ca tụng bằng lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Chư Đức-vua-trời các cõi trời dục-giới cùng toàn thể chư-thiên cõi dục-giới đều chắp tay thốt lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Chư Phạm-thiên cõi trời sắc-giới cũng đều thốt lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Còn Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī vẫn giữ trạng-thái tự nhiên, không hề biến sắc mặt, không tỏ vẻ không vừa lòng Đức phu-quân của mình, không lộ vẻ ngượng ngùng, cũng không hề rơi nước mắt, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī có đức tính nhẫn-nại tự nhiên.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nhìn thấy Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī vẫn tự nhiên, làm thinh không nói lời nào. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara hiểu biết được đức tính cao thượng của Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý (piyaputtamahādāna) là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā còn nhỏ, và pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý (piyabhariyaramahādāna) là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, để bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, hầu mong trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tế độ cứu vớt chúng-sinh thóat khỏi biển khổ luân-hồi.

Sự thật, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara rất yêu thương hoàng-tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā và rất yêu thương Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, nhưng vì có ý nguyện tha thiết muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai, nên Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Vessantara phải tạo pháp-hạnh đại-thí hai đứa con nhỏ yêu quý nhất pháp-hạnh đại-thí người vợ trẻ yêu quý nhất của Đức-Bồ-tát, để bồi bổ cho được đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, hầu mong trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.

Cho nên, ngôi vị Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác mục đích Tối-thượng mà Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara yêu quý hơn cả hoàng-tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần.

Hiểu biết được mục đích Tối-thượng của Đức-vua Bồ-tát Vessantara, Đức Phu-quân của mình, nên Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī hoan-hỷ hỗ trợ cho Đức-vua Bồ-tát Phu-quân của mình được thành tựu đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, nên Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī vẫn giữ thái độ tự nhiên.

Khi ấy, nhìn thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, Đức Phu-quân nhìn thẳng vào khuôn mặt của mình, nên Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī dõng dạc tâu rằng:

-Muôn tâu Hoàng-thượng, thần-thiếp còn trẻ đẹp, là Chánh-cung Hoàng-hậu của Hoàng-Thượng.

Vậy, Hoàng-thượng là Đức Phu-quân cũng là Đức chủ-nhân của thần-thiếp. Cho nên, Hoàng-thượng muốn ban thần-thiếp đến cho vị nào, hoặc đem sinh-mạng của thần-thiếp hiến dâng đến vị nào, tùy theo ý của Hoàng-thượng.

Thần-thiếp vô cùng hoan hỷ thuận theo ý của Hoàng-thượng, chỉ để giúp cho Hoàng-thượng được thành tựu đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của Hoàng-thượng mà thôi.

Hiểu biết được đại-thiện-tâm vô cùng cao thượng của Đức-vua Bồ-tát Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, nên vị Bà-la-môn vốn là Đức-vua-trời Sakka tán dương ca tụng rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương đã thắng được kẻ thù bên trong tâm là mọi phiền-não và cảm thắng được kẻ thù bên ngoài là loài người và chư-thiên, nên làm cho mặt đất rùng mình chuyển động, Đức-vua-trời trong cõi trời dục-giới cùng với chư-thiên trong cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trong các tầng trời sắc-giới cũng đến tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara. Tất cả chư-thiên, phạm-thiên đều hoan hỷ thốt lên rằng:

“Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đã tạo pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý nhất và pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý nhất, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.”

Đó là những pháp-hạnh đại-thí khó tạo, chỉ có chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác mới có thể tạo những pháp-hạnh đại-thí này được mà thôi. Những hạng người thường không thể tạo được.

Cho nên, các pháp-hạnh ba-la-mật của chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác là cao thượng, khác hẳn với việc làm của những hạng người thường.

Sau khi nói lời hoan hỷ tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara xong, vị Bà-la-môn vốn là Đức-vua-trời Sakka nghĩ rằng: Bây giờ, ta nên dâng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī lại cho Đức-Bồ-tát đạo-sĩ”, nên tâu rằng:

-Muôn tâu Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, hôm qua Đức-Bồ-tát đã tạo pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý nhất, hôm nay Đức-Bồ-tát đã tạo pháp-hạnh đại-thí vợ trẻ yêu quý nhất, làm cho mặt đất rùng mình chuyển động, chư-thiên trong các tầng trời dục-giới, chư phạm-thiên trong các tầng trời sắc-giới cũng đều tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ.

- Muôn tâu Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, nay tôi xin kính dâng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī lại cho Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ, bởi vì Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ và Chánh-cung Hoàng-hậu đều là hai bậc đại-thiện-trí thực-hành phạm-hạnh cao thượng, hai bậc đại-thiện-trí đều thuộc dòng dõi vua chúa.

Hằng ngày, nữ đạo-sĩ Maddī hộ độ, phục vụ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ.

- Muôn tâu Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, bổn vương vốn là Đức-Vua-trời Sakka xuất hiện đến nơi này, biến hóa thành vị Bà-la-môn, cốt để giúp Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ tạo pháp-hạnh đại-thí vợ trẻ yêu quý nhất, chỉ giúp cho thành tựu đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ mà thôi.

Khi ấy, vị Bà-la-môn biến trở lại thành Đức-vua-trời Sakka đứng trên hư không tâu với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara rằng:

- Muôn tâu Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, bổn vương sẽ kính dâng đến Đức-Bồ-tát đạo-sĩ 8 ân huệ.

Kính xin Đức-Bồ-tát đạo-sĩ chọn lấy 8 ân huệ.

Tám Ân Huệ

Nghe Đức-vua-trời Sakka truyền bảo như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara tâu rằng:

- Tâu Đức-vua-trời Sakka trị vì cõi trời Tam-thập-tam-thiên, nếu Đức-vua-trời ban 8 ân-huệ cho bần đạo, thì bần đạo xin nhận 8 ân-huệ như sau:

1- Kính xin Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya là Đức Phụ-vương của bần đạo ngự đến nơi đây, truyền ngôi báu lại cho bần đạo, rồi đón rước bần đạo cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī hồi cung ngự trở về kinh-thành Jetuttara.

Đó là ân-huệ thứ nhất mà bần đạo xin nhận.

2- Bần-đạo khi trở thành Đức-vua trị vì kinh-thành Jettutara sẽ ân xá tất cả mọi tù nhân có tội tử hình, vì không muốn phạm tội sát-sinh.

Đó là ân-huệ thứ nhì mà bần đạo xin nhận.

3- Thần dân thiên hạ trong nước, nếu là người lão niên, trung niên, ấu niên nghèo khổ không nơi nương tựa, tất cả những người ấy sẽ nương nhờ nơi Đức-vua, để có cuộc sống no đủ.

Đó là ân-huệ thứ ba bần đạo xin nhận.

4- Hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā là hai đứa con yêu quý nhất của bần đạo sẽ được gặp trở lại, sẽ được sống lâu, sẽ lên ngôi vua trị vì đất nước Sivi bằng chánh-pháp.

Đó là ân-huệ thứ tư mà bần đạo xin nhận.

5- Bần-đạo khi trở thành Đức-vua chỉ có một Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī mà thôi và không bị ở trong sự cám dỗ của đàn bà.

Đó là ân-huệ thứ năm mà bần đạo xin nhận.

6- Khi đêm đã qua, mặt trời mọc, xin cho vật thực trời hiện ra cho bần đạo.

Đó là ân-huệ thứ sáu bần đạo xin nhận.

7- Khi bần-đạo trở thành Đức-vua tạo phước-thiện bố-thí bao nhiêu đi nữa, của cải tài sản cũng không vơi đi chút nào, lúc nào trong các kho cũng đầy đủ của cải.

Khi đang bố-thí với đại-thiện-tâm hoan hỷ, sau khi đã bố-thí rồi với đại-thiện-tâm càng hoan hỷ, không hối tiếc, không nóng nảy khổ tâm về sau.

Đó là ân-huệ thứ bảy mà bần đạo xin nhận.

8- Khi bần-đạo hết tuổi thọ kiếp hiện-tại này, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tusita (Đâu-suất-đà-thiên), rồi từ cõi Tusita chuyển kiếp (cuti), tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi) làm người là kiếp chót sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, sẽ tịch diệt Niết-bàn, không còn tái-sinh kiếp sau nữa.

Đó là ân-huệ thứ tám mà bần đạo xin nhận.

Lắng nghe 8 điều ân-huệ mà Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara xin nhận, Đức-vua-trời Sakka xét thấy cả 8 điều ân-huệ ấy đều được thành tựu như ý, nên tâu rằng:

- Muôn tâu Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya không lâu sẽ ngự đến đây, sẽ truyền ngôi vua lại cho Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ, và đón rước trở về kinh-thành Jetuttara, và những điều ân-huệ khác cũng sẽ được thành tựu như ý.

Sau khi ban 8 điều ân-huệ xong, Đức-vua-trời Sakka ngự trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Hoàng-Tử Jāli, Công-Chúa Kaṇhājinā

Ông Bà-la-môn Jūjaka cầm sợi dây và cây dẫn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đi suốt một đoạn đường dài 60 do tuần, có chư-thiên theo bảo vệ hộ trì hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā suốt ngày đêm.

Mỗi ngày, đến khi mặt trời lặn, ông Bà-la-môn Jūjaka cột hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā tại gốc cây, nằm ngủ trên mặt đất, còn ông leo lên cây nằm ngủ trên cành cây, vì sợ các thú dữ làm hại ông.

Khi ấy, một vị thiên-nam hóa ra làm Đức-vua Bồ-tát Vessantara và một vị thiên-nữ hóa làm Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī hiện đến mở dây cột tay của hoàng-tử Jāli công-chúa Kaṇhājinā, rồi xoa bóp toàn thân thể hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, tắm rửa sạch sẽ, trang điểm đẹp đẽ, cho dùng vật thực chư-thiên, rồi ẵm lên đặt trên giường của chư-thiên như trong một lâu đài, nằm ngủ cho đến lúc rạng đông. Hoàng-tử và công-chúa trở lại bị cột dây như cũ, còn hai vị chư-thiên biến mất.

Nhờ vậy, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā vẫn khoẻ mạnh không có bệnh.

Sáng dậy, ông Bà-la-môn Jūjaka leo xuống cây, ăn trái cây, uống nước, rồi tiếp tục dắt hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đi. Đến đoạn đường có hai ngã rẽ:

* Một ngã đến đất nước Kāliṅga.

* Một ngã đến kinh-thành Jetuttara.

Chư-thiên khiến ông Bà-la-môn Jūjaka không rẽ theo ngã đường đến đất nước Kāliṅga mà rẽ theo ngã đường đến kinh-thành Jetuttara, mà ông tưởng rằng đi trở về đất nước Kāliṅga.

Ông Bà-la-môn Jūjaka dắt hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đến kinh-thành Jetuttara chỉ có nửa tháng mà thôi. Đó là do oai lực của chư-thiên thâu ngắn đường.

Đức Thái-Thượng-Hoàng Sañjaya Nằm Mộng

Đêm hôm ấy gần rạng đông, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya nằm mộng thấy rằng:

“Đức Thái-thượng-hoàng đang ngự trên sân rồng, nhìn thấy một ông già da đen đem hai đóa hoa sen đến đặt trong tay của Đức Thái-thượng-hoàng. Nhận hai đóa hoa sen, Đức Thái-thượng-hoàng trang điểm hai bên lỗ tai, nhuỵ hai đóa hoa sen rơi xuống ngực.”

Khi tỉnh giấc, Đức Thái-thượng-hoàng truyền bảo mời các vị quân sư đến đoán mộng.

Các vị quân sư tâu rằng:

-Muôn tâu Đức Thái-thượng-hoàng, đây là giấc mộng lành, có hai người trong hoàng tộc của Đức Thái-thượng-hoàng từ xa trở về.

Nghe các vị quân suy đoán như vậy, Đức Thái-thượng-hoàng vô cùng hoan hỷ ban thưởng cho các quân sư.

Đức Thái-thượng-hoàng tắm rửa, độ bữa ăn sáng xong, ngự đến ngồi tại sân rồng. Chư-thiên khiến ông Bà-la-môn Jūjaka dắt hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đến trước sân rồng.

Khi ấy, Đức Thái-thượng-hoàng nhìn thấy hai đứa bé một bé trai giống như hoàng-tử Jāli và một bé gái giống như công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa bé rất xinh đẹp dễ thương, ăn mặc như đạo-sĩ.

Đức Thái-thượng-hoàng truyền bảo vị quan cận thần ra dẫn ông Bà-la-môn và hai đứa bé vào.

Vâng lệnh Đức Thái-thượng-hoàng, vị quan cận thần dẫn ông Bà-la-môn và hai đứa trẻ vào chầu Đức Thái-thượng-hoàng.

Nhìn thấy ông Bà-la-môn nắm dây dắt hai đứa bé như dắt đàn bò vào chầu, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya nhận biết ngay hai đứa bé ấy chính là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, cháu đích tôn của mình, nên truyền hỏi rằng:

- Này ông Bà-la-môn! Ngươi từ đâu đến? Ngươi có được hai đứa bé này bằng cách nào? Ngươi hãy mau tâu cho Trẫm rõ?

Nghe lệnh truyền của Đức Thái-thượng-hoàng như vậy, ông Bà-la-môn Jūjaka hoảng sợ tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, kẻ hèn này từ núi Vaṅka đến, kẻ hèn đi đến núi Vaṅka, xin Đức-vua đạo-sĩ Vessantara ban hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā này cho kẻ hèn này. Đức-vua đạo-sĩ hoan hỷ ban hai đứa con yêu quý nhất này cho kẻ hèn. Từ núi Vaṅka, kẻ hèn đã dắt hoàng-tử và công-chúa đến đây suốt 15 ngày qua. Tâu Đại-vương.

Nghe ông Bà-la-môn tâu như vậy, nhưng Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya không tin đó là sự thật, nên truyền hỏi lại rằng:

- Này Bà-la-môn! Trẫm không thể tin lời của ngươi là sự thật, bởi vì trong đời này không có người cha nào chịu đem hai đứa con nhỏ yêu quý nhất của mình cho người khác được.

Vậy, ngươi hãy tâu cho Trẫm rõ, lý do nào mà ngươi có được hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā này.

Ông Bà-la-môn Jūjaka tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, Đức-vua Vessantara là nơi nương nhờ của những kẻ hành khất ví như mặt đất là nơi nương nhờ của tất cả chúng-sinh muôn loài, ví như đại dương là nơi nương nhờ của các loài thuỷ tộc.

Đức-vua Vessantara trú trong núi Vaṅka đã bố-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kahajinā đến cho kẻ tiện dân này đem về làm tôi tớ cho người vợ trẻ yêu quý của kẻ tiện dân.

Nghe ông Bà-la-môn Jūjaka tâu như vậy, các quan bàn tán với nhau rằng:

“Đức-vua Vessantara bị lưu đày ở rừng núi Vaṅka, chỉ có hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā thế mà cũng đem bố-thí đến ông Bà-la-môn này. Đó là điều không nên làm.”

Khi ấy, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền hỏi hai đứa cháu đích tôn rằng:

- Này hai cháu yêu quý! Đức Phụ-vương của hai cháu đem hai cháu bố-thí đến ông Bà-la-môn hành khất này với tâm trạng như thế nào?

Nghe vua nội truyền hỏi như vậy, hoàng-tử Jāli tâu:

- Muôn tâu Đức-vua nội, khi Đức Phụ-vương đã đem hai cháu bố-thí đến kẻ hành khất Bà-la-môn này rồi, nghe tiếng khóc than của hoàng-muội Kaṇhājinā, Đức Phụ-vương của hai cháu phát sinh nỗi khổ tâm cùng cực, đôi mắt đỏ ngầu chảy hai dòng nước mắt như hai dòng máu.

Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền hỏi tiếp rằng:

- Này hai cháu yêu quí của vua nội! Đức Phụ-vương của hai cháu là Thái-tử của vua nội, Mẫu-hậu của hai cháu là vương-phi (con dâu) của vua nội.

Vậy, hai cháu là cháu đích tôn của vua nội.

Trước đây, hai cháu thấy vua nội, liền chạy đến ngồi trên vế của vua nội. Sao bây giờ, hai cháu đứng xa vua nội như vậy?

Hoàng-tử Jāli tâu rằng:

-Muôn tâu Đức-vua nội, Đức Phụ-vương của hai cháu là Thái-tử của Đức-vua nội, Mẫu-hậu của hai cháu là vương-phi (con dâu) của Đức-vua nội, và hai cháu là cháu đích tôn của Đức-vua nội. Nhưng bây giờ hai cháu là tôi tớ của ông Bà-la-môn này, không còn là cháu của Đức-vua nội nữa.

Vì vậy, hai cháu phải đứng xa Đức-vua nội.

Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền bảo rằng:

- Này hai cháu yêu quý của vua nội! Hai cháu chớ nên tâu như vậy, làm cho trái tim của vua nội bị đau nhói, thân thể của vua nội nóng như ngồi trên lò than nóng, thân tâm của vua nội cảm thấy đau khổ, nỗi thống khổ cùng cực.

- Này hai cháu yêu quý của vua nội! Với bất cứ giá nào, vua nội cũng chuộc hai cháu yêu quý ra, không còn là tôi tớ của ông Bà-la-môn này.

- Này Jāli cháu yêu quý của vua nội! Khi bố-thí hai cháu yêu quý cho ông Bà-la-môn này, Đức Phụ-vương của cháu có truyền bảo, mỗi cháu cần phải chuộc bao nhiêu hay không? Cháu nên tâu cho vua nội rõ, để vua nội truyền quan giữ kho đem của cải đến để chuộc hai cháu yêu quý của Vua nội ra, không còn là tôi tớ của ông Bà-la-môn này.

Hoàng hoàng-tử Jāli tâu rằng:

- Muôn tâu Đức-vua nội, khi Đức Phụ-vương bố-thí hai cháu cho ông Bà-la-môn già này, nếu muốn chuộc hai cháu ra khỏi kiếp tôi tớ của ông Bà-la-môn này thì Đức-vua nội cần phải trao cho ông Bà-la-môn này một số của cải như sau:

* Về phần cháu, Đức-vua nội cần phải trao cho ông Bà-la-môn này 1000 lượng vàng.

* Về phần hoàng-muội Kaṇhājinā dễ thương, cần phải trao cho ông Bà-la-môn này 100 tớ gái, 100 tớ trai, 100 con bò sữa, 100 con bò đực, và các thứ khác, mỗi thứ 100.

Nghe hoàng-tử Jāli tâu như vậy, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền lệnh vị quan giữ kho lấy 1000 lượng vàng, dẫn 100 tớ gái, 100 tớ trai, dắt 100 con bò sữa, 100 con bò đực, đồ dùng, đồ ăn, đồ uống, v.v… ban cho ông Bà-la-môn Jūjaka, để chuộc lại hai đứa cháu đích tôn ra khỏi kiếp tôi tớ của ông Bà-la-môn Jūjaka.

Đức Thái-thượng-hoàng còn ban cho ông Bà-la-môn Jūjaka một lâu đài bảy tầng. Từ đó ông Bà-la-môn Jūjaka có nhiều vàng, có nhiều tớ trai, tớ gái, và các thứ của cải.

Ông Bà-la-môn Jūjaka vô cùng hoan hỷ có được những thứ của cải quý báu, ở trong lâu đài sang trọng có nhiều người hầu hạ, ăn những món ngon vật lạ mà cuộc đời của ông không bao giờ dám mơ tưởng được.

Khi ấy, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā được tự do, thóat khỏi tôi tớ của ông Bà-la-môn Jūjaka.

Hoàng-Tử Jāli Và Công-Chúa Kaṇhājinā Được Tự Do

Hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā không còn là tôi tớ của ông Bà-la-môn Jūjaka nữa, trở lại là cháu đích tôn Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā được tắm rửa sạch sẽ, mặc những trang phục của hoàng-tử, của công-chúa, ăn uống những món ăn ngon lành, rồi hoàng-tử lên ngồi trên vế của Đức-vua nội, công-chúa lên ngồi trên vế của bà nội.

Khi ấy, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng-thái-hậu Phussatī truyền hỏi rằng:

- Này hai cháu yêu quý của vua nội! Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu của hai cháu được khỏe mạnh phải không? Các loài thú dữ trong rừng có đến làm hại không?

Hằng ngày, Đức Phụ-vương, Mẫu-hậu và hai cháu sống bằng các loại trái cây rừng, các loại củ có được đầy đủ hay không?

Hoàng hoàng-tử Jāli tâu rằng:

- Muôn tâu Đức-vua nội, Bà nội, Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu của hai cháu vẫn khoẻ mạnh như thường. Các loài thú dữ trong rừng không đến làm hại gì cả.

Hằng ngày, mỗi buổi sáng, Mẫu-hậu của hai cháu là nữ đạo-sĩ thức dậy sớm, mang nồi xuống sông lấy nước uống, nước dùng đầy đủ, rồi dẫn hai cháu đến ở với Đức Phụ-vương, Mẫu-hậu một mình mang gùi trên vai, tay cầm cây mai, ngự đi vào rừng tìm các loại trái cây, các loại củ, đến buổi chiều mang về nuôi dưỡng Đức Phụ-vương, Mẫu-hậu và hai cháu dùng bữa ăn chiều, và dành lại một phần trái cây để dùng vào buổi sáng ngày hôm sau như vậy.

- Muôn tâu Đức-vua nội, bà nội, Mẫu-hậu của hai cháu vốn là công-chúa có thân mình mảnh mai, đảm đang việc nuôi dưỡng Đức Phụ-vương và hai cháu hằng ngày, nên thân hình trở nên ốm gầy, da dẻ rám nắng.

Mỗi ngày, Mẫu-hậu của hai cháu một mình ngự đi vào rừng có nhiều loài thú dữ, các loài rắn độc đầy nguy hiểm đến sinh-mạng.

Còn Đức Phụ-vương của hai cháu là đạo-sĩ cao thượng, mặc da cọp, nằm trên mặt đất, ăn mỗi ngày một bữa vào buổi chiều, đi vào rừng tìm củi, và chăm nom săn sóc hai cháu, cũng chịu bao nhiêu nỗi vất vả khổ cực.

Lắng nghe lời thỏ thẻ của cháu đích tôn, hoàng-tử Jāli diễn tả đời sống vất vả khổ cực của Vương-phi Maddī (người con dâu hiền) và Thái-tử Vessantara, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng-thái-hậu Phussatī vô cùng cảm động rơi đôi dòng nước mắt.

Khi ấy, hoàng-tử Jāli tâu tiếp rằng:

- Muôn tâu Đức-vua nội, bà nội, trong đời này, những người cha mẹ đều yêu thương những đứa con trai, con gái của mình. Còn Đức-vua nội và Bà nội có yêu thương Thái-tử Vessantara là Đức Phụ-vương của con hay không?

Nghe cháu đích tôn, hoàng-tử Jāli tâu hỏi như vậy, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng-thái-hậu Phussatī cảm thấy đau nhói trong tim, nên truyền bảo rằng:

- Này hai cháu yêu quý của vua nội! Đúng vậy, trong đời này, những người cha mẹ đều yêu thương những đứa con trai, con gái của mình, nhưng vua nội đã chiều theo lời tâu của dân chúng đất nước Sivi, nên vua nội đã lưu đày Đức-vua Vessantara, Thái-tử của vua nội, vô tội đến rừng núi Vaṅka.

Như vậy, vua nội không có tâm-từ, tâm-bi đối với Thái-tử Vessantara, làm cho Đức Phụ-vương Vessantara, Mẫu-hậu Maddī của hai cháu đích tôn của Vua nội phải chịu bao nhiêu nỗi vất vả khổ cực như vậy.

Để sửa lại những lỗi lầm của vua nội trước đây, cháu nên đi thỉnh Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu của hai cháu hồi cung ngự trở về kinh-thành Jetuttara, vua nội sẽ nhường ngôi báu lại cho Đức Phụ-vương của hai cháu, trị vì đất nước Sivi này.

Hoàng-tử Jāli tâu rằng:

- Muôn tâu Đức-vua nội, cháu tin chắc rằng: Đức Phụ-vương của cháu không tự mình hồi cung ngự trở về kinh-thành Jetuttara này theo lời thỉnh cầu của cháu đâu!

Cháu kính xin Đức-vua nội ngự đến rừng núi Vaṅka, làm lễ đăng quang truyền ngôi báu lại cho Đức Phụ-vương của cháu, rồi thỉnh hồi cung ngự trở về kinh-thành Jetuttara, trị vì đất nước Sivi này.

Nghe lời tâu thỉnh của hoàng-tử Jāli, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya chấp thuận. Để cho buổi lễ phong vương truyền ngôi vua lại cho Thái-tử Vessantara được trọng thể, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng-thái-hậu Phussatī thân chinh ngự đến cùng với đoàn hộ giá tuỳ tùng đông đảo. Cho nên, Đức Thái-thượng-hoàng truyền lệnh Quan thừa-tướng rằng:

- Này Thừa tướng! Trẫm sẽ thân chinh ngự đến rừng núi Vaṅka, để làm lễ phong vương truyền ngôi vua lại cho Thái-tử Vessantara, rồi thỉnh hồi cung trở về kinh-thành Jetuttara, trị vì đất nước Sivi này như trước.

Vậy, khanh hãy truyền lệnh của Trẫm rằng:

* Các đoàn binh: đoàn tượng binh, đoàn mã binh, đoàn quân xa, đoàn bộ binh hộ giá theo Trẫm. Các đoàn binh hãy chuẩn bị sẳn sàng.

* Các vương gia trong hoàng tộc chuẩn bị sẵn sàng.

* 60 ngàn vị quan sinh cùng ngày với Thái-tử của ta chia ra từng nhóm, mỗi nhóm mặc sắc phục khác nhau: nhóm mặc màu trắng, nhóm màu đỏ, nhóm màu vàng, nhóm màu xanh,… trang sức đẹp đẽ chuẩn bị sẵn sàng.

* Các vị Bà-la-môn quân sư, các vị Bà-la-môn trong triều ăn mặc chỉnh tề trang sức đẹp đẽ chuẩn bị sẵn sàng.

* Dân chúng trong nội thành, ngoại thành, các tỉnh thành, ăn mặc tử tế, trang sức đẹp đẽ chuẩn bị sẵn sàng.

* 14 ngàn con voi báu, 14 ngàn con ngựa báu trang sức đầy đủ đẹp đẽ chuẩn bị sẵn sàng.

* 14 ngàn chiếc xe trang hoàng lộng lẫy.

* Sửa sang con đường từ kinh-thành Jetuttara đến rừng núi Vankata đẹp đẽ, hai bên đường có trồng hoa, treo cờ.

* Dân chúng chuẩn bị đồ ăn, thức uống ngon lành hai bên đường, để tiếp đãi những người đi đón rước Thái-tử Vessantara hồi cung ngự trở về kinh-thành Jetuttara.

Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền lệnh đến các quan, toàn thể dân chúng trong đất nước Sīvī hãy chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh khởi hành.

Ông Bà-La-Môn Jūjaka Chết

Khi ấy, Bà-la-môn Jūjaka dùng vật thực ngon miệng, ăn quá độ, nên không thể tiêu hóa được, đã ngã lăn ra chết tại chỗ.

Đức Thái-thượng-hoàng truyền lệnh làm lễ hoả táng và thông báo rằng:

“Ai là thân quyến của ông Bà-la-môn Jūjaka, hãy đến nhận thừa kế tất cả của cải tài sản của ông.”

Nhưng không thấy một ai đến, cho nên tất cả của cải tài sản ấy được sung vào kho của triều đình.

Lễ Đón Rước Đức-Vua Bồ-Tát Vessantara

Trong vòng chỉ có 7 ngày, tất cả đều được chuẩn bị sẵn sàng, đặc biệt trong buổi lễ đi rước Đức-vua Bồ-tát Vessantara có con Bạch-tượng báu (paccayanāga) mà Đức-vua Bồ-tát Vessantara đã bố-thí đến 8 vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga trước đây.

Sau khi họ đem con Bạch-tượng báu về đất nước Kāliṅga thì trời không còn nắng hạn nữa, mưa thuận gió hoà, mùa màng cày cấy trồng trọt tốt. Vì vậy, Đức-vua đất nước Kāliṅga truyền lệnh 8 vị Bà-la-môn đem trả con Bạch-tượng báu ấy lại cho đất nước Sivi. Cho nên, trong buổi lễ đón rước này, con Bạch-tượng báu vô cùng hoan hỷ được gặp lại Đức-vua Vessantara chủ cũ, bởi vì nó sinh ra cùng ngày với Đức-Bồ-tát Vessantara, chỉ để phục vụ Đức-vua Bồ-tát Vessantara mà thôi.

Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya thân chinh ngự đi cùng với các đoàn uỳ tùng đông đảo đi theo hộ giá, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā dẫn đường từ kinh-thành Jetuttara đến rừng núi Vaṅka, khoảng đường dài 60 do tuần.

Khu rừng núi Vaṅka thật phi thường, các loài hoa đua nhau nở rộ, các trái cây đua nhau chín có mùi thơm ngon ngọt, các loài chim rừng đua nhau hót lên tiếng lảnh lót vui mừng trên các cành cây, những con thú rừng đua nhau trổ tài rống lên tiếng vui mừng vang dội khắp khu rừng núi Vaṅka.

Phái đoàn người đến hồ Mucalinda, hoàng-tử Jāli cho đoàn dừng lại, đóng trại tại nơi ấy, để giữ gìn bảo vệ sự an toàn.

Khi ấy, nghe tiếng đàn voi rống, tiếng ngựa hí, … Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara gọi nữ đạo-sĩ Maddī, dẫn nhau leo lên đỉnh núi cao, nhìn thấy các đoàn binh đông đảo, bụi mù bốc lên trong khu rừng lớn, Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ truyền hỏi nữ đạo-sĩ Maddī rằng:

- Này Maddī! Các đoàn binh đông đảo đang kéo đến đây, chắc chắn có việc quan trọng phải không?

Nghe Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ truyền hỏi như vậy, nữ đạo-sĩ Maddī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, đúng vậy, chẳng có ai dám đụng đến Hoàng-thượng đâu! Cũng như lửa không thể đụng đến nước đại dương.

Kính xin Hoàng-thượng suy xét đến 8 điều ân-huệ mà Đức-vua-trời Sakka đã ban cho Hoàng-thượng.

Vậy, chắc chắn, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya sẽ ngự đến đây, đem lại những điều tốt lành đến Hoàng-thượng.

Nghe nữ đạo-sĩ Maddī tâu như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vô cùng hoan hỷ cùng với nữ đạo-sĩ Maddī xuống núi, trở về ngồi tại cốc lá, nữ đạo-sĩ Maddī cũng ngồi trước cửa cốc lá của Đức-Bồ-tát.

Vương Gia Đoàn Tụ

Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền bảo với bà Hoàng-thái-hậu Phussatī rằng:

- Này ái-khanh Phussatī! Nếu chúng ta ngự đến cùng một lúc thì sẽ xảy ra nỗi sầu não lớn. Vậy, Trẫm ngự đến gặp Thái-tử Vessantara trước, rồi ái-khanh ngự đến sau, kế tiếp hai đứa cháu đích tôn, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đến sau cùng.

Khi ấy, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya ngự đi cùng với đoàn tùy tùng các quan hộ giá đông đảo đến cốc lá của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara.

Nhìn từ xa, thấy Đức Thái-thượng-hoàng đang ngự đến, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara và nữ đạo-sĩ Maddī đứng dậy, ngự ra đón rước, quỳ xuống đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức Thái-thượng-hoàng. Nữ đạo-sĩ Maddī tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ-vương, con là Maddī, con dâu của Đức Phụ-vương, kính xin đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức Phụ-vương.

Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya cúi xuống ôm choàng Thái-tử Vessantara và Vương-phi Maddī vào lòng, hôn trên đầu, hai tay xoa vai hai người con, nhìn thấy Thái-tử Vessantara và Vương-phi Maddī thân hình gầy ốm, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya quá cảm động nên bật ra tiếng khóc. Một lát sau Đức Thái-thượng-hoàng được thỉnh vào ngồi trong cốc lá.

Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền hỏi rằng:

- Này hai con yêu quý! Hai con thường được khỏe mạnh hay không? Hai con có đầy đủ các thứ trái cây để dùng hằng ngày hay không? Các loài thú rừng có đến làm khổ hai con hay không?

Nghe Đức Thái-thượng-hoàng truyền hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ-vương, hai con sống trong rừng núi Vaṅka này ít bệnh hoạn, nhưng phải vất vả khổ cực lắm, thiếu thốn mọi điều.

Hằng ngày mỗi buổi sáng, nữ đạo-sĩ Maddī mang gùi trên vai, tay cầm cây mai, ngự đi vào rừng sâu có nhiều thú dữ đầy nguy hiểm, tìm các thứ trái cây rừng, đào các loại củ, đến buổi chiều đem về nuôi dưỡng con và hoàng tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā, đủ ăn một bữa chiều tối.

Còn con ở cốc, vào rừng tìm củi khô, mang nồi xuống sông lấy nước, chăm nom săn sóc hai đứa con yêu quý nhất. Cuộc sống của chúng con chịu vô vàn cực khổ không sao kể xiết, nỗi khổ cực ấy đã dạy cho chúng con biết nhẫn-nại chịu đựng, biết tri túc. Cho nên, cuộc sống của chúng con vẫn được yên lành.

- Muôn tâu Đức Phụ-vương, chúng con bị lưu đày đến rừng núi Vaṅka này, dù cuộc sống có muôn vàn vất vả khổ cực về phần khổ thân vẫn chịu đựng được, nhưng nỗi khổ tâm vì phải xa lìa Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu thì không sao chịu nổi được.

Vì vậy, chúng con làm sao an-lạc cho được.

- Muôn tâu Đức Phụ-vương, hai đứa cháu đích tôn của Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đã bị con bố-thí đến cho ông Bà-la-môn Jūjaka. Ông Bà-la-môn là người độc ác, đã đánh đập, chửi mắng hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, lôi kéo đi một cách tàn nhẫn, như đánh đập đàn bò.

Nếu Đức Phụ-vương nghe biết tin hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā thì xin Đức Phụ-vương truyền bảo cho hai con biết liền ngay bây giờ. Ví như vị thầy rắn trị nọc độc cứu sống liền bệnh nhân bị rắn độc cắn vậy.

Nghe Thái-tử Vessantara nóng lòng muốn biết tin hai đứa con yêu quý nhất, nên Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền bảo rằng:

- Này hai con yêu quý! Hai đứa cháu đích tôn yêu quý của Phụ-vương là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đã được Phụ-vương đem của cải tài sản ra chuộc lại rồi.

Vậy, hai con chớ nên nóng lòng khổ tâm nữa, chắc chắn hai con sẽ gặp lại hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ngay bây giờ tại nơi đây.

Nghe Đức Phụ-vương truyền bảo như vậy, Thái-tử Vessantara và Vương-phi Maddī vô cùng hoan hỷ an tâm chờ đợi. Thái-tử Vessantara tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ-vương, Đức Phụ-vương vẫn được khỏe mạnh, thân tâm thường được an-lạc, và Mẫu-hậu của hai con cũng được khỏe mạnh, thân tâm thường được an-lạc, có đôi mắt sáng, không bị mờ vì khỏe thương hai con phải không?

Đức Thái-thượng-hoàng truyền bảo rằng:

- Này hai con yêu quý! Mẫu-hậu của hai con vẫn khoẻ mạnh, thân tâm thường được an-lạc, có đôi mắt vẫn còn sáng, không bị mờ vì khóc thương hai con.

Thái-tử Vessantara tâu hỏi về việc triều đình, hoàng tộc, dân chúng trong kinh-thành Jetuttara, ngoài kinh-thành, toàn thể dân chúng trong đất nước Sivi đều có cuộc sống an lành thịnh vượng.

Khi ấy, Hoàng-thái-hậu Phussatī biết lúc này Đức Thái-thượng-hoàng, Thái-tử Vessantara và vương-phi Maddī (con dâu) đã bớt nỗi khổ tâm rồi, nên bà nóng lòng muốn ngự vào gặp Thái-tử và vương-phi, con dâu yêu quý. Bà ngự đi cùng với đoàn tùy tùng hộ giá đông đảo đến.

Nhìn từ xa thấy Mẫu-hậu Phussatī đang ngự đến, Thái-tử Vessantara và vương-phi Maddī ngự ra đón rước, quỳ xuống đảnh lễ dưới hai bàn chân của Mẫu-hậu. Nữ đạo-sĩ Maddī tâu rằng:

-Muôn tâu Mẫu-hậu, con là Maddī, con dâu của Mẫu-hậu, kính xin đảnh lễ dưới hai bàn chân của Mẫu-hậu.

Hoàng-thái-hậu Phussatī cúi xuống đưa hai tay ôm choàng Thái-tử Vessantara và Vương-phi Maddī vào lòng, hôn trên đầu, xoa vai của hai người con yêu quý.

Khi ấy, cả ba vị vương gia đang đứng ôm nhau khóc vì quá cảm động, thì hoàng-tử Jāli công-chúa Kaṇhā-jinā từ xa ngự đến.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara đứng nhìn thấy hai đứa con yêu quý nhất đang ngự đến, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī toàn thân rung động không nén nổi xúc động, bật ra tiếng khóc lớn, chạy bổ nhào về phía hai đứa con yêu quý của mình, như con bò mẹ chạy bổ nhào đến con bê, ngã vật xuống nằm trên mặt đất ngất xỉu, từ hai đầu vú hai dòng sữa bắn ra, vừa đúng lúc hoàng-tử Jālī và công-chúa Kaṇhājinā chạy bổ nhào đến ngã trên ngực Mẫu-hậu Maddī, đưa miệng ngậm bú mỗi đứa một dòng sữa mẹ, rồi cũng ngất xỉu trên ngực Mẫu-hậu.

Thấy cảnh tượng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jālī và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý như vậy, nên Đức-vua Bồ-tát Vessantara phát sinh nỗi thống khổ cùng cực không chịu đựng nổi, nên cũng bị ngất xỉu ngã lăn xuống mặt đất ngay tại nơi ấy.

Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng-thái-hậu Phussatī chứng kiến Thái-tử Vessantara, vương-phi Maddī và hai đứa cháu đích tôn của mình như vậy, vô cùng xúc động, nên cũng bị ngất xỉu ngã xuống nằm trên mặt đất tại nơi ấy.

Thấy sáu vị vương gia đều bị ngất xỉu như vậy, 60 ngàn vị quan cùng sinh cùng một ngày với Đức-vua Bồ-tát Vessantara, vì xúc động quá, nên cũng đều bị ngất xỉu, ngã xuống nằm trên mặt đất tại nơi ấy.

Những đoàn tùy tùng hộ giá khác nhìn thấy cảnh tượng cảm động quá đều cũng ngất xỉu ngã xuống nằm trên mặt đất tại nơi ấy.

Trước cốc lá của Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Vessantara trở thành bãi tha ma đầy thân người nằm ngổn ngang bất động trên mặt đất.

Khi ấy, rừng núi Vaṅka bị rung chuyển, mặt đất bị rung động, núi Sineru (Tu-di-sơn) bị chuyển động, chư-thiên các tầng trời dục-giới đều xao xuyến trong lòng.

Trận Mưa Phép

Khi ấy, Đức-vua-trời Sakka cõi Tam-thập-tam-thiên nghĩ rằng:

“Sáu vị vương-gia cùng với các nhóm tùy tùng hộ giá đều bị ngất xỉu hết thảy, không có một ai có thể ngồi dậy, rưới nước lên đầu để cho họ tỉnh lại được cả. Vậy, ta nên hóa ra trận mưa rơi xuống ngay bây giờ.”

Nghĩ xong, Đức-vua-trời Sakka hóa một trận mưa rơi xuống chỉ cho sáu vị vương-gia cùng các nhóm tuỳ tùng hộ giá làm cho họ tỉnh lại mà thôi, còn những người khác không một ai bị ướt cả, hạt mưa rơi xuống đụng họ liền trượt xuống đất như hạt nước rơi xuống lá sen.

Ngay khi ấy, sáu vị vương gia tỉnh lại và nhìn thấy đám tuỳ tùng cũng đều tỉnh lại. Tất cả dân chúng trong xứ Sīvī nhìn thấy một sự kiện chưa từng có bao giờ, một trận mưa làm tỉnh lại sáu vị vương-gia cùng đám tuỳ tùng hộ giá đông đảo đều tỉnh lại.

Buổi đoàn tụ sáu vương-gia: Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, bà Hoàng-thái-hậu Phussatī, Thái-tử Vessantara, Vương-phi Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhā-jinā làm cho toàn thể dân chúng đất nước Sivi vô cùng cảm động trào nước mắt.

Tất cả những người trong hoàng tộc, dân chúng trong kinh-thành Jetuttara, dân chúng các tỉnh thành trong đất nước Sivi đều khóc, rồi chắp hai tay khẩn khoản thỉnh cầu Thái-tử Vessantara và vương-phi Maddī rằng:

- Muôn tâu Thái-tử, kính thỉnh Thái-tử lên ngôi Vua trị vì đất nước Sīvī, Vương-phi Maddī trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu như trước.

Nghe lời thỉnh cầu của dân chúng đất nước Sivi, Thái-tử Vessantara làm thinh, bèn tâu Đức Phụ-vương rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ-vương, ngày trước dân chúng đất nước Sivi hội họp kéo đến trước cung điện yêu cầu Đức Phụ-vương mời con là Đức-vua Vessantara ra khỏi đất nước Sivi, lưu đày đến rừng núi Vaṅka này.

Khi nghe Thái-tử Vessantara tâu như vậy, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền bảo rằng:

- Này Hoàng-nhi Vessantara yêu quý! Thật vậy, ngày trước dân chúng đất nước Sivi hội họp kéo đến trước cung điện yêu cầu Phụ-vương mời con ra khỏi đất nước Sivi, lưu đày đến rừng núi Vaṅka này. Do chiều theo yêu cầu của họ, nên Phụ-vương đã mời con là Đức-vua Vessantara không có lỗi ra khỏi kinh-thành Jetuttara, ra khỏi đất nước Sivi, lưu đày con đến rừng núi Vaṅka này, làm cho con, vương-phi Maddī, hai cháu đích tôn là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā phải chịu vô vàn khổ cực, vất vả thiếu thốn suốt thời gian chín tháng rưỡi qua.

Đó là điều sai lầm mà Phụ-vương có lỗi đối với hai con và hai cháu đích tôn của Phụ-vương. Phụ-vương đã biết lỗi của mình từ lâu.

Vậy, con nên bỏ lỗi cho Phụ-vương, để cho tâm của Phụ-vương được thanh thản lúc tuổi già.

- Này Hoàng-nhi yêu quý! Nay Phụ-vương xin truyền ngôi vua lại cho con. Xin con vâng lời Phụ-vương, xả bỏ cuộc đời đạo-sĩ ở tại rừng núi Vaṅka này, nhận lên ngôi làm vua. Phụ-vương sẽ làm đại-lễ đăng-quang con lên ngôi vua, rồi thỉnh hồi cung ngự trở về kinh-thành Jetuttara, trị vì đất nước Sivi này.

Nghe lời khẩn khoản tha thiết của Đức Phụ-vương, Thái-tử Vessantara hoan hỷ tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ-vương, Sādhu! Con xin cung kính vâng lời truyền dạy của Đức Phụ-vương.

Biết Thái-tử Vessantara đã nhận lời lên ngôi làm vua, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya cảm thấy vô cùng hoan hỷ, và nhất là 60 ngàn vị quan đồng sinh cùng một ngày với Thái-tử Vessantara lại càng hoan hỷ tâu rằng:

- Tâu Thái-tử Vessantara, xin mời Thái-tử Vessantara đi tắm rửa cho thân thể sạch sẽ, bỏ bộ y phục đạo-sĩ, cạo râu, sửa tóc, rồi mặc bộ trang phục Đức-vua, để làm đại-lễ đăng-quang lên ngôi vua tại nơi đây.

Thái-tử Vessantara truyền bảo rằng:

- Này các khanh! Hãy chờ một lát.

Thái-tử Vessantara ngự ra sau tắm rửa sạch sẽ, bỏ bộ y phục đạo-sĩ, mặc bộ y phục màu trắng tinh, ngự vào ngồi trong cốc lá tư duy rằng: “Ta đã trú tại nơi ngôi cốc lá này suốt chín tháng rưỡi, đã thực-hành pháp-hành thiền-định, và các pháp-hạnh ba-la-mật, nhất là tạo pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý và pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý, để bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của ta, làm cho mặt đất rung chuyển, chư-thiên vô cùng hoan hỷ nói lên lời “Sādhu! Sādhu!”

Ta chân thành tri ân nơi này, cầu mong tất cả chúng-sinh sống yên lành, thân tâm thường được an-lạc.”

Khi ấy, Thái-tử Vessantara ngự ra khỏi cốc, truyền bảo vị quan đến sửa râu, tóc xong, mặc bộ trang phục Đức-vua, trang sức các viên ngọc quý lộng lẫy như Đức-vua-trời.

Lễ Đăng-Quang Lên Ngôi Vua

Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền lệnh 60 ngàn vị quan sinh cùng ngày với Thái-tử Vessantara mặc trang phục chỉnh tề, bá quan văn võ tề tựu đông đủ, truyền lệnh đoàn nhạc trỗi lên, tiếng tù và được thổi lên vang dội khu rừng núi Vaṅka.

Đại-lễ đăng-quang Thái-tử Vessantara lên ngôi vua được cử hành rất trọng thể, Thái-tử Vessantara lại chính thức trở thành Đức-vua Vessantara tại khu rừng núi Vaṅka, bầu trời gầm vang dội khắp mọi nơi, các loài thú rừng rống lên thành tiếng vui mừng hoan hỷ, các loài chim đua nhau hót vui mừng Đức-vua Bồ-tát Vessantara.

Và vương-phi Maddī trang phục đẹp đẽ lộng lẫy như thiên nữ cũng được tấn phong trở lại ngôi vị Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī của Đức-vua Bồ-tát Vessantara.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī nhớ lại mới đây tại khu rừng núi Vaṅka này, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara và nữ đạo-sĩ Maddī sống chịu đựng vô vàn vất vả khổ cực.

Nay, cũng tại khu rừng núi Vaṅka này, sáu vương-gia đã được đoàn tụ: Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, Hoàng-thái-hậu Phussatī, Thái-tử Vessantara, Vương-phi Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, đại-lễ đăng-quang lên ngôi cũng đã cử hành trọng thể tại khu rừng núi Vaṅka này.

Như vậy, ân huệ thứ nhất đã được thành tựu.

Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī truyền bảo hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā rằng:

-Này hai con yêu quý của Mẫu-hậu! Khi biết Đức Phụ-vương tạo pháp-hạnh đại-thí hai con yêu quý cho ông Bà-la-môn Jūjaka dẫn đi, Mẫu-hậu chỉ dùng trái cây một bữa mỗi ngày, nằm dưới đất, ngày đêm cầu nguyện chư-thiên hộ trì cho hai con không có bệnh hoạn, thân tâm thường được an-lạc, và cầu mong sớm gặp lại hai con. Pháp-hành của Mẫu-hậu được thành tựu trong ngày hôm nay.

Những pháp-hạnh ba-la-mật của Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu xin luôn luôn hộ trì cho hai con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

Bà Hoàng-thái-hậu Phussatī nghĩ rằng:

“Vương-phi Maddī của Thái-tử Vessantara suốt thời gian ở trong rừng núi Vaṅka, đã chịu đựng muôn vàn vất vả, khổ cực, nay ta nên ban cho Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, con dâu của ta những bộ y phục sang trọng, những đồ trang sức quý giá, các thứ ngọc quý báu.”

Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī mặc bộ y phục lộng lẫy, trang sức những thứ ngọc quý báu, đẹp đẽ lộng lẫy như một thiên nữ trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Khi ấy, các quan trang hoàng con Bạch-tượng báu paccayanāga lộng lẫy dẫn đến tâu với Đức-vua Bồ-tát Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī rằng:

-Muôn tâu Đại-vương Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, kính thỉnh ngự lên ngồi trên con Bạch-tượng báu này.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ngự lên ngồi trên con Bạch-tượng báu dẫn đầu cùng với đoàn tùy tùng hộ giá đông đảo duyệt qua các đoàn binh hùng mạnh của triều đình.

Hồi Cung Trở Về Kinh-Thành Jetuttara

Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya đã truyền lệnh sửa sang đẹp đẽ con đường từ kinh-thành Jetuttara đến khu rừng núi Vaṅka có chiều dài khoảng 60 do tuần đã hoàn thành xong.

Trên con đường hồi cung trở về kinh-thành Jetuttara, các đoàn binh hộ giá đi trước dẫn đường, tiếp theo sáu con voi báu của sáu vị vương-gia: Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, Hoàng-thái-hậu Phussatī, Đức-vua Bồ-tát Vessantara, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā. Và theo sau, các quan, hoàng tộc Bà-la-môn và dân chúng đất nước Sivi.

Phái đoàn đi đến mỗi đoạn đường, dân chúng sống tại nơi ấy đón rước, tiếp đãi đầy đủ các món ăn ngon, đồ uống, ca hát nhảy múa kính mừng Đức-vua Bồ-tát Vessantara hồi cung ngự trở về kinh-thành Jetuttara.

Cứ như vậy, suốt con đường dài khoảng 60 do tuần, cho đến kinh-thành Jetuttara.

Về đến kinh-thành Jetuttara, ngự vào cung điện, ngồi trên ngai vàng, Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền lệnh hội triều, các quan văn võ tề tựu đông đủ, Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền lệnh rằng:

-Này các khanh! Trong toàn đất nước Sivi này, Trẫm truyền lệnh thả tất cả các tù nhân đang bị giam giữ đều được tự do, và thả các con vật đang bị trói buộc cũng đều được tự do.

Trận Mưa Thất Báu

Ngay đêm đầu tiên ngủ tại cung điện, vào canh chót

đêm ấy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara tỉnh giấc, nghĩ rằng:

“Nghe tin ta đã hồi cung ngự trở về cung điện, chắc chắn ngày mai, những người hành khất sẽ dẫn nhau đến xin ta bố-thí, ta sẽ lấy thứ gì để bố-thí đến những người hành khất đây.”

Ngay khi ấy, chỗ ngồi của Đức-vua-trời Sakka phát nóng lên, Đức-vua-trời Sakka xem xét do nguyên nhân nào thì biết rõ ý nghĩ của Đức-vua Bồ-tát Vessantara ấy, nên Đức-vua-trời Sakka hóa ra một trận mưa thất báu (bảy thứ báu) rơi xuống phía trước phía sau cung điện, bảy thứ báu chất đầy đến thắt lưng, còn rơi xuống trong kinh-thành Jetuttara, bảy thứ báu chất đầy đến đầu gối.

Sáng ngày hôm sau, Đức-vua Bồ-tát truyền lệnh rằng:

-Này toàn thể dân chúng! Nếu bảy thứ báu nào rơi trước và sau nhà nào thì thuộc về của riêng gia đình ấy. Còn lại bảy thứ báu nào rơi bên ngoài nhà thì nhặt đem nạp vào các kho của triều đình. Phần bảy thứ báu rơi xuống trong cung điện của Trẫm thì thuộc về của Trẫm.

Từ đó, Đức-vua Bồ-tát Vessantara ngự tại kinh-thành Jetuttara, trị vì đất nước Sivi bằng thiện-pháp, đất nước Sivi phồn vinh, thần dân thiên hạ sống trong cảnh thanh bình, an cư lạc nghiệp.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara tạo bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật, nhất là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, dù Đức-vua Bồ-tát đem của cải bố-thí bao nhiêu đi nữa, cũng không hề vơi bớt chút nào cả, lúc nào của cải cũng đầy các kho. Đức-vua Bồ-tát Vessantara tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho đến trọn đời trọn kiếp.

Sau khi Đức-vua Bồ-tát Vessantara băng hà, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh làm Đức-Bồ-tát thiên-nam tên Setaketu tại cõi trời Tusita (Đâu-suất-đà-thiên) đúng như ân huệ mà tiền-kiếp là Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đã từng cầu mong và đã được thành tựu như ý.

Sau khi thuyết tích Vessantarajātaka xong rồi, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Trong thời quá khứ, tiền-kiếp của Như-Lai là Đức-vua Bồ-tát Vessantara cũng có một trận mưa rơi xuống giữa dòng họ hoàng tộc của tiền-kiếp Như-Lai như vậy.

Tích Vessantarajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Vessantarajātaka này Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Đức-vua Bồ-tát Vessantara trong thời quá khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Vessantarajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

- Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, nay kiếp hiện-tại là Đức Phụ-vương Suddhodana.

- Hoàng-thái-hậu Phussatī, nay kiếp hiện-tại là Mẫu-hậu Sirimahāmāyādevī.

-Đức-vua Cetaputta, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Channa.

- Đạo-sĩ Accutatāpasa, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

- Đức-vua-trời Sakka, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha.

- Ông Bà-la-môn Jūjaka, nay kiếp hiện-tại là tỳ-khưu Devadatta.

- Cô Amittatāpanā, nay kiếp hiện-tại là kỹ-nữ Ciñcamāṇavikā.

- Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Yasodharā (Rāhulamātā).

- Hoàng-tử Jāli, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Rāhula.

- Công-chúa Kaṇhājinā, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā.

- Những nhân vật khác, nay kiếp hiện-tại là tứ chúng tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ.

- Đức-vua Bồ-tát Vessantara, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-vua Bồ-tát Vessantara, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, đã tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ, đặc biệt tạo pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý và pháp-hạnh đại-thí người vợ trẻ yêu quý, để thành tựu đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật. Ngoài ra, còn có 9 pháp-hạnh ba-la-mật phụ cũng đồng thành tựu như sau:

- Đức-vua Bồ-tát Vessantara giữ gìn giới trong sạch, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Vessantara xuất gia đạo-sĩ, đó là pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Vessantara có trí-tuệ sáng suốt, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Vessantara có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Vessantara có đức nhẫn-nại, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Vessantara nói lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Vessantara phát-nguyện bằng lời chân-thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Vessantara có tâm-từ đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Vessantara có tâm-xả đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là 9 pháp-hạnh ba-la-mật đồng thời cùng thành tựu với pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ.

Nhận Xét Về Đức-Vua Bồ-Tát Vessantara

Tích Đức-vua Bồ-tát Vessantara là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, đặc biệt tạo pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā (piyaputtamahādāna) và pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī (piyabhariyamahādāna) để bồi bổ vào pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ cho được đầy đủ trọn vẹn.

Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ là một trong mưòi pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ mà chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác, chư Đức-Bồ-tát Độc-Giác, chư vị Bồ-tát thanh-văn-giác đều cần phải tạo cho được đầy đủ trọn vẹn tuỳ theo ý nguyện của mỗi Đức-Bồ-tát.

Đối với chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác, thì pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật đặc biệt gồm có 5 pháp-hạnh đại-thí (mahāparicāga).

Pañca mahāparicāga: Năm pháp-hạnh đại-thí:

1-Dhanaparicāga: pháp-hạnh đại-thí của cải tài-sản.

2-Aṅgaparicāga: pháp-hạnh đại-thí bộ phận trong thân

3-Puttaparicāga: pháp-hạnh đại-thí con yêu quý.

4-Bhariyaparicāga: pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý.

5-Jīvitaparicāga:pháp-hạnh đại-thí sinh-mạng yêu quý.

Mỗi Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo đầy đủ trọn vẹn 5 pháp-hạnh đại-thí này.

Thật ra, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo và bồi bổ 30 pháp-hạnh ba-la-mật 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng trải qua ba thời-kỳ:

- Thời-kỳ đầu: tạo các pháp-hạnh ba-la-mật suốt 7 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

-Thời-kỳ giữa: tạo các pháp-hạnh ba-la-mật suốt 9 a tăng-kỳ kiếp trái đất.

- Thời-kỳ cuối: tạo các pháp-hạnh ba-la-mật suốt 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất.

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo các pháp-hạnh ba-la-mật suốt 3 thời-kỳ gồm có 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, cho đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Tuy nhiên, trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật ấy, chỉ còn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật chưa đầy đủ trọn vẹn, bởi vì còn thiếu pháp-hạnh đại-thí con yêu quý pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý, nên kiếp Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara cần phải tạo hai pháp-hạnh đại-thí còn lại này, để bồi bổ vào pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo hai pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā (piyaputta-mahādāna) và pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī (piyabhariyamahādāna), để bồi bổ vào pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ cho được đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác trong thời quá-khứ, trong thời hiện-tại và trong thời vị-lai đều phải tạo đầy đủ trọn vẹn 5 pháp-hạnh đại-thí (Pañca mahāparicāga) trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

Cho nên, 5 pháp-hạnh đại-thí này chỉ bắt buộc đối với chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác mà thôi, còn đối với chư Đức-Bồ-tát Độc-Giác và chư vị Bồ-tát Thanh-văn-giác không cần phải tạo đầy đủ 5 pháp-hạnh đại-thí này trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

Trong 5 pháp-hạnh đại-thí này, có hai pháp-hạnh đại-thí là pháp-hạnh đại-thí con yếu quý nhất pháp-hạnh-đại-thí vợ yêu quý nhất, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, chưa từng tạo, cho nên, kiếp Đức-vua Bồ-tát Vessantara cần phải tạo pháp-hạnh đại-thí con yêu quý nhất và pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý nhất, để bồi bổ vào pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ cho được đầy đủ trọn vẹn.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara sau khi tạo pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā cho ông Bà-la-môn Jūjaka, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ, nhưng khi thấy Bà-la-môn hành hạ hai đứa con yêu quý của mình, vì thương xót hai đứa con, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ phát sinh tâm sân định giết ông Bà-la-môn Jūjaka để dẫn hai đứa con yêu quý nhất của mình trở lại.

Ngay khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara suy tưởng về truyền thống của chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác trong quá khứ tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật rằng:

“Sabbabodhisattānaṃ dhanapariccāgaṃ aṅga-pariccāgaṃ puttapariccāgaṃ bhariyapariccāgaṃ jīvita-pariccāgan’ti ime pañca mahāpariccāge apariccajitvā buddhabhūtapubbo nāma natthi. Ahampi tesaṃ abbhantaro homi, mayāpi piyaputtadhītaro adatvā na sakkā buddhena bhavituṃ.”[6]

“Đối với tất cả chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác không tạo đầy đủ năm pháp-hạnh đại-thí là pháp-hạnh đại-thí của cải quý báu, tài sản, ngôi vua, v.v…, pháp-hạnh đại-thí các bộ phận trong thân thể của mình, như đôi mắt, v.v…, pháp-hạnh đại-thí đứa con yêu quý nhất của mình, pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý nhất của mình, pháp-hạnh đại-thí sinh-mạng quý nhất của mình mà đã từng trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, đó là điều không thể có được bao giờ.

Chính ta cũng ở trong chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy, nếu ta không tạo pháp-hạnh đại-thí con yêu quý là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā thì chắc chắn ta cũng không thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác được.”

Thật ra, những tiền-kiếp của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đã từng tạo pháp-hạnh đại-thí của cải quý báu, tài sản, ngôi vua, v.v…, pháp-hạnh đại-thí các bộ phận trong thân thể của mình như đôi mắt, v.v…, pháp-hạnh đại-thí sinh-mạng của mình, nhưng chưa tạo pháp-hạnh đại-thí đứa con yêu quý nhất và pháp-hạnh đại-thí người vợ trẻ yêu quý nhất.

Cho nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara cần phải tạo hai pháp-hạnh đại-thí còn lại, để bồi bổ cho pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ được đầy đủ trọn vẹn, làm cho hoàn thành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.

Khi tạo pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý nhất cho ông Bà-la-môn Jūjaka, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vô cùng hoan hỷ truyền bảo ông Bà-la-môn Jūjaka rằng:

“Này ông Bà-la-môn Jūjaka! Bần-đạo chỉ có nguyện vọng muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác là nơi yêu quý bậc nhất hơn cả yêu quý hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần mà thôi.”

Và khi tạo pháp-hạnh đại-thí Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī yêu quý nhất cho ông Bà-la-môn, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vô cùng hoan hỷ truyền bảo ông Bà-la-môn rằng:

“Này ông Bà-la-môn! Bần-đạo chỉ có nguyện vọng muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác là nơi yêu quý bậc nhất hơn cả yêu quý Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần mà thôi.

Pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý này của bần-đạo xin làm duyên lành để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.”

Nếu Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara không tạo pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā và không tạo pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī thì chưa thành tựu đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ, và cũng chưa hoàn thành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật, chắc chắn chưa có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama trong thời vị-lai được.

Cho nên, để thành-tựu pháp-hạnh đại-thí con yêu quý thì hoàng-tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā cần phải hy sinh để hỗ-trợ cho Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, Đức Phụ-vương tạo pháp-hạnh đại-thí hai đứa con trẻ yêu quý nhất được thành tựu, và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī cần phải hy sinh để hỗ-trợ cho Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, Đức Phu-quân tạo pháp-hạnh đại-thí vợ trẻ yêu quý được thành tựu, để bồi bổ vào pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ đầy đủ trọn vẹn.

Còn các chư-thiên trú ở rừng núi Vaṅka hỗ trợ pháp-hạnh đại-thí con yêu quý Đức-Vua-Trời Sakka hỗ-trợ cho Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara tạo pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý.

Tóm lại, vô số kiếp Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm nhiều loài chúng-sinh khác nhau cho đến kiếp Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo 30 pháp-hạnh ba-la-mật được lưu-trữ ở trong tâm từ kiếp này sang kiếp kia cho đến kiếp chót là Đức-vua Bồ-tát Siddhattha, suốt 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, đã tạo 30 pháp-hạnh ba-la-mật được đầy đủ trọn vẹn, mà có những pháp-hạnh ba-la-mật cần phải nhờ những người thân yêu, chư-thiên, Đức-Vua-Trời Sakka hỗ trợ mới được thành tựu.

Đến kiếp chót là kiếp Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha trở thành Đức-Phật Gotama của chúng ta ngày nay.

(Xong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ)

 

1.2-Pháp-Hạnh Bố-Thí Ba-La-Mật Bậc Trung (Dāna Upapāramī)

Tích Sivijātaka (Xi-wi-cha-tá-ká)

Tích Sivijātaka [7] này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Đức-vua Sivi tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung (dāna upapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi, chư tỳ-khưu tụ hội tại giảng đường đàm đạo về Đức-vua Pasenadi Kosala làm phước-thiện bố-thí đủ mọi thứ vật dụng suốt bảy ngày. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn ngự đến truyền hỏi rằng:

- Này chư Tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo với nhau về vấn đề gì vậy?

Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn về vấn đề Đức-vua Pasenadi Kosala như vậy.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Trong kiếp quá khứ, bậc thiện-trí mỗi ngày xuất ra số tiền 600 ngàn kahāpaṇa (tiền Ấn xưa) mua sắm đủ mọi thứ vật-thí, để làm phước-thiện bố-thí đến những người nên bố-thí, thế mà vẫn chưa hài lòng hoan hỷ với những vật-thí thuộc về bên ngoài thân thể ấy (bāhiravatthudāna), nên suy nghĩ rằng:

“Nếu người thí-chủ bố-thí vật quý nhất thì sẽ được những điều cao quý nhất. Vật quý nhất đó là những bộ phận trong thân thể, hoặc sinh-mạng của mình.”

Bậc thiện-trí phát-nguyện rằng:

“Nếu có người nào đến xin bộ phận nào trong thân thể của ta thì ta hoan hỷ làm phước-thiện bố-thí bộ phận ấy cho người ấy ngay.”

Khi ấy, một vị Bà-la-môn già mù đôi mắt đến xin một con mắt của bậc thiện-trí, thì bậc thiện-trí vô cùng hoan hỷ liền bố-thí hai con mắt đến cho vị Bà-la-môn ấy ngay. Bậc thiện-trí không còn thấy gì nữa, nhẫn-nại chịu đựng nỗi khổ thân đau đớn kinh khủng, thế mà bậc thiện-trí phát sinh đại-thiện-tâm hỷ lạc chưa từng có, bởi vì biết vị Bà la-môn già đã có đôi mắt sáng nhìn thấy được mọi vật.

Chư Tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về tích bậc thiện-trí ấy.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Sivijātaka.

Tích Sivijātaka

Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Sivijātaka, Đức-vua Bồ-tát Sivi, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, Đức-vua Sivi ngự tại kinh-thành Ariṭṭhapura, trị vì đất nước Siviraṭṭha. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Thái-tử của Đức-vua Sivi được đặt tên là Sivikumāra: Thái-tử Sivi.

Khi trưởng thành, Đức-Bồ-tát Thái-tử Sivi được gởi đến kinh-thành Takkasilā, để theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa. Sau khi học hành thành tài, có đầy đủ tài đức vẹn toàn, Đức-Bồ-tát Thái-tử Sivi ngự trở về đất nước Siviraṭṭha. Đức Phụ-vương tấn phong Đức-Bồ-tát Thái-tử Sivi lên ngôi Phó-vương.

Về sau, Đức Phụ-vương băng hà, Đức-Bồ-tát Phó-vương được chính thức làm lễ đăng quang lên ngôi vua, trở thành Đức-vua Bồ-tát Sivi ngự tại kinh-thành Ariṭṭhapura, trị vì đất nước Siviraṭṭha bằng thiện-pháp của Đức-vua.

Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền lệnh xây dựng 6 trại bố thí: 4 trại tại 4 cửa thành, 1 trại tại trung tâm kinh-thành và 1 trại tại trước cửa cung điện của Đức-vua.

Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền lệnh mỗi ngày xuất ra số tiền 600 ngàn đồng kahāpaṇa (tiền Ấn xưa), mua sắm đủ mọi thứ vật-thí cần thiết, để làm phước-thiện bố-thí đến những người nên bố-thí hằng ngày.

Vào những ngày giới là ngày mồng 8, ngày 14, ngày 15, ngày 23, ngày 29, ngày 30 hằng tháng, Đức-vua Bồ-tát Sivi cỡi voi báu ngự đến mỗi trại, tự tay làm phước-thiện bố-thí đôi ba người, rồi ngự đến trại bố-thí khác.

Một hôm vào ngày rằm, Đức-vua Bồ-tát Sivi ngự trên ngai vàng dưới chiếc lọng trắng suy xét rằng:

“Hằng ngày, ta đã làm phước-thiện bố-thí đủ mọi thứ vật-thí cần thiết đến cho những người nên bố-thí, thế mà ta vẫn chưa cảm thấy hài lòng hoan hỷ với những vật-thí thuộc về bên ngoài thân thể (bāhiravatthudāna)”, nên suy nghĩ rằng:

“Nếu người thí-chủ bố-thí vật quý nhất thì sẽ được những điều cao quý nhất. Vật quý nhất đó là những bộ phận trong thân thể, hoặc sinh-mạng của mình.”

“Thật ra, những thứ vật-thí thuộc về bên ngoài thân của ta dù quý giá đến mức nào đi nữa, cũng chưa làm cho ta phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ.

Vậy, ta nên bố-thí những bộ phận trong thân, hoặc sinh-mạng của ta thuộc những vật-thí bên trong thân (ajjhattikadāna) của ta.”

Sau khi suy nghĩ đúng đắn như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sivi thành tâm phát-nguyện rằng:

Hạnh phúc biết dường nào!

* Nếu có người nào đến nói lời xin trái tim của ta thì ta sẽ vô cùng hoan hỷ dùng con dao mổ lồng ngực lấy trái tim đầy máu của ta, bố-thí đến cho người ấy ngay.

* Nếu có người nào đến nói lời xin thịt trong thân của ta thì ta sẽ vô cùng hoan hỷ dùng con dao xẻo thịt của ta, bố-thí đến cho người ấy ngay.

* Nếu có người nào đến nói lời xin máu tươi của ta thì ta sẽ dùng con dao cắt mạch máu, để cho máu chảy đầy bình, rồi bố-thí đến cho người ấy ngay.

* Nếu có người nào đến nói lời xin ta dẫn về làm tôi tớ trong nhà thì ta sẵn sàng từ bỏ ngai vàng, để đi theo người ấy về nhà, làm người tôi tớ đắc lực và dễ bảo.

* Nếu có người nào đến nói lời xin đôi mắt của ta thì ta sẽ vô cùng hoan hỷ lấy đôi mắt của ta, bố-thí cho người ấy ngay,…”

Sau khi phát-nguyện như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sivi tắm sạch sẽ, dùng bữa ăn sáng, mặc trang phục vương triều, cỡi con voi báu, ngự đi đến trại bố-thí.

Đức-vua-trời Sakka trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên theo dõi biết được những điều phát-nguyện của Đức-vua Bồ-tát Sivi trong đó có điều “bố-thí đôi mắt quý nhất của Đức-Bồ-tát”.

Biết lời phát-nguyện chân-thật của Đức-vua Bồ-tát Sivi, nên Đức-vua-trời Sakka hiện xuống cõi người, hóa ra thành vị Bà-la-môn già mù đôi mắt, đứng bên đường gần trại bố-thí.

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sivi ngự đến nơi, vị Ba-la-môn già mù chắp hai tay trên trán tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Sivi.

Nghe lời tán dương ca tụng của vị Bà-la-môn già mù như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sivi giục con voi báu đến gần vị Bà-la-môn ấy, truyền hỏi rằng:

- Này vị Bà-la-môn! Ngươi đã tán dương ca tụng Trẫm. Vậy, ngươi muốn xin vật gì nơi Trẫm?

Vị Bà-la-môn già mù đôi mắt (vốn là Đức-vua-trời Sakka) tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, trong khắp mọi nơi đều tán dương ca tụng pháp-hạnh bố-thí của Đại-vương, nên kẻ tiện dân này là lão già mù đôi mắt, xin mạo muội kính xin Đại-vương ban cho kẻ tiện dân này một con mắt của Đại-vương, thay vào một con mắt mù của kẻ tiện dân, để cho được sáng mắt nhìn thấy đường đi và mọi vật.

Nghe lời tha thiết kính xin của vị Bà-la-môn già mù đôi mắt như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sivi suy nghĩ:

“Sáng nay, ta ngự trên ngai vàng thành tâm phát-nguyện rằng:

“Nếu có người nào đến nói lời xin đôi mắt của ta thì ta sẽ vô cùng hoan hỷ lấy đôi mắt, rồi đem đôi mắt của ta bố-thí cho người ấy ngay.”

Bây giờ, vị Bà-la-môn già mù đôi mắt đến nói lời xin một con mắt quý nhất của ta. Đây là cơ hội tốt hy hữu đã đến với ta hôm nay.

Thật là hạnh phúc biết dường nào! Điều phát-nguyện của ta chắc chắn sẽ thành tựu ngay hôm nay.

Ta sẽ tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, bố-thí đôi mắt của ta, mà trước đây ta chưa từng bố-thí.

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền hỏi vị Bà-la-môn già rằng:

- Này vị Bà-la-môn! Ai là người hướng dẫn nhà ngươi đến xin đôi mắt của Trẫm tại nơi này?

- Này vị Bà-la-môn! Chư bậc thiện-trí dạy rằng:

Đôi con mắt là bộ phận quý nhất của con người, nên ít người chịu hy sinh đôi mắt của mình đem bố-thí cho người khác.

Vị Bà-la-môn già mù tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, Đức-vua-trời Sakka hướng dẫn kẻ tiện dân già mù này đến kính xin một con mắt của Đại-vương.

- Muôn tâu Đại-vương, thật vậy, chư bậc thiện-trí dạy rằng: “Con mắt là bộ phận quý nhất, nên ít người chịu hy sinh đôi mắt của mình đem bố-thí đến người khác.”

- Muôn tâu Đại-vương, Kính xin Đại-vương có tâm đại-bi ban cho kẻ tiện dân già mù này chỉ một con mắt của Đại-vương mà thôi. Ngoài ra, kẻ tiện dân già này không xin vật nào khác.

Nghe lời tha thiết kính xin của vị Bà-la-môn già đui mù như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền bảo rằng:

- Này vị Bà-la-môn! Tuy ngươi xin Trẫm ban cho ngươi chỉ một con mắt của Trẫm mà thôi, nhưng Trẫm sẽ ban cho ngươi cả hai con mắt của Trẫm. Rồi đây, ngươi sẽ nhìn thấy mọi vật bằng hai con mắt của Trẫm.

Sau khi truyền bảo với vị Bà-la-môn như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sivi nghĩ rằng:

“Tại nơi đây không thuận lợi để cho ta thực hiện pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, bố-thí hai con mắt này.

Vậy, ta nên truyền lệnh các quan mời vị Bà-la-môn già mù này đến cung điện, ta sẽ truyền bảo quan ngự y Sivika lấy hai con mắt của ta ra, rồi đặt vào hai con mắt của vị Bà-la-môn già ấy. Đó là điều an toàn nhất.”

Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền lệnh các quan mời vị Bà-la-môn già mù đi theo về cung điện của Đức-vua.

Khi biết Đức-vua Bồ-tát Sivi làm phước-thiện bố-thí đôi mắt, các quan, những người trong vương gia, hoàng tộc, toàn thể dân chúng đến chầu Đức-vua Bồ-tát Sivi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ không nên bố-thí đôi mắt của Bệ-hạ, xin Bệ-hạ chỉ nên làm phước-thiện bố-thí những thứ của cải khác như đồ ăn, thức uống, đồ dùng, vàng bạc, châu báu, ngựa, voi báu, v.v… mà thôi.

- Muôn tâu Bệ-hạ, Bệ-hạ là Đức-vua cao cả nhất trong đất nước Siviraṭṭha này, là nơi nương nhờ của chúng thần cùng thần dân thiên hạ.

Kính xin Bệ-hạ có tâm đại-bi thương xót chúng thần cùng thần dân thiên hạ. Cho nên, kính xin Bệ-hạ không nên bố-thí đôi mắt của Bệ-hạ.

Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền bảo rằng:

- Này các khanh! Người nào đã hứa rằng: “Ta sẽ ban cho”. Rồi đổi ý, nói lại rằng: “Ta không ban cho”. Người ấy là người hèn hạ hơn cả người hèn hạ.

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục Ussada chịu quả khổ lâu dài của ác-nghiệp ấy.

Thật ra, người nào đến xin vật nào, thì người thí-chủ nên bố-thí vật ấy đến cho người ấy.

Vị Bà-la-môn già mù đến tha thiết chỉ xin Trẫm ban cho y một con mắt của Trẫm mà thôi, không xin Trẫm một thứ của cải nào khác cả. Cho nên, Trẫm cũng chỉ bố-thí hai con mắt của Trẫm cho y mà thôi.

Khi ấy, các quan tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, Bệ-hạ cầu mong gì mà Bệ-hạ làm phước-thiện bố-thí hai con mắt của Bệ-hạ?

- Muôn tâu Bệ-hạ, kiếp hiện-tại này, Bệ-hạ là Đức-vua cao cả nhất trong đất nước Siviraṭṭha này, không có một ai cao thượng hơn Bệ-hạ. Vậy, Bệ-hạ làm phước-thiện bố-thí hai con mắt của Bệ-hạ, để cầu mong kiếp sau có phải không?

Nghe các quan tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền bảo rằng:

- Này các khanh! Trẫm làm phước-thiện bố-thí hai con mắt của Trẫm không phải cầu mong đại-thiện-nghiệp này sẽ cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam cao thượng trên cõi trời dục-giới nào, hoặc làm Đức-vua-trời nào, cũng không phải cầu mong trở thành Đức-vua nước lớn, có nhiều của cải, hoàng-tử, công-chúa nào cả.

Thật ra, Trẫm bố-thí hai con mắt của Trẫm là làm theo chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác tiền bối. Bởi vì không có Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác nào chưa tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác được.

Trẫm có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, cho nên Trẫm cần phải thực-hành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung, bố-thí hai con mắt của Trẫm, để bồi bổ vào pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung ấy.

Trẫm không phải không biết yêu quý hai con mắt của Trẫm, cũng không phải không biết thương yêu Trẫm mà sự thật, Trẫm có ý nguyện tha thiết muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác hơn cả. Vì vậy, Trẫm cần phải bố-thí hai con mắt của Trẫm, để bồi bổ cho đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật của Trẫm, hầu mong trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.

Sau khi nghe Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền bảo, giảng giải như vậy, các quan và toàn thể dân chúng không còn ai tâu lời nào nữa.

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền gọi vị quan ngự y Sivika đến truyền bảo rằng:

- Này ngự y Sivika! Ngươi là quan ngự y tài giỏi, cũng là người bạn thân của Trẫm. Nay ngươi hãy thi hành theo lời yêu cầu của Trẫm rằng:

Với đôi bàn tay khéo léo, ngươi hãy thực hiện lấy hai con mắt của Trẫm ra, rồi đặt hai con mắt của Trẫm ấy vào trong hai con mắt của vị Bà-la-môn già mù ấy, để vị Bà-la-môn ấy có đôi mắt sáng nhìn thấy rõ mọi vật bằng hai con mắt của Trẫm.

Nghe lệnh truyền của Đức-vua Bồ-tát Sivi, quan ngự y Sivika tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, hai con mắt là bộ phận quan trọng của con người. Kính xin Bệ-hạ suy xét kỹ, có nên bố-thí hay không?

Đức-vua Bồ-tát Sivi khẳng định truyền lệnh rằng:

-Này ngự y Sivika! Trẫm đã suy xét kỹ rồi. Ngươi hãy mau thi hành phận sự của ngươi, cho Trẫm bố-thí đôi mắt của Trẫm để được thành tựu pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung.

Nghe lệnh của Đức-vua Bồ-tát Sivi như vậy, quan ngự y Sivika nghĩ rằng: “Ta không nên dùng con dao mổ lấy 2 con mắt của Đức-vua Sivi, mà ta nên bào chế một món thuốc xoa vào con mắt, làm cho con mắt nhô lên khỏi lỗ mắt.”

Nghĩ xong, quan ngự y Sivika bào chế thuốc, rồi đem dâng lên Đức-vua Sivi.

Đức-vua Bồ-tát Sivi xoa vào con mắt bên phải trước, Đức-vua Bồ-tát nhẫn-nại chịu đựng nỗi đau đớn kinh khủng, tiếp tục xoa vào mắt lần thứ nhì, lần thứ ba, thì con mắt bên phải nhô lên khỏi lỗ mắt, Đức-vua Bồ-tát nhẫn-nại chịu đựng nỗi khổ thân vô cùng đau đớn, dòng máu tươi chảy ra từ vết thương lỗ mắt, xuống gương mặt của Đức-vua Bồ-tát Sivi.

Quan ngự y lấy con mắt bên phải, rồi đặt trên bàn tay của Đức-vua Bồ-tát Sivi, tâu rằng:

-Muôn tâu Bệ-hạ, đây là con mắt bên phải của Bệ-hạ.

Đức-Vua Bồ-Tát Sivi Bố-Thí Con Mắt Bên Phải

Nhìn thấy con mắt bên phải bằng con mắt bên trái, Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền bảo vị Bà-la-môn già mù rằng:

“Mama ito akkhito sataguṇena sahassaguṇena satasahassaguṇena Sabbaññutaññāṇakkhimeva piya-taraṃ, tassa me idaṃ paccayo hotu”.[8]

“Chỉ có tuệ-nhãn của bậc Toàn-Giác là nơi yêu quý nhất gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần con mắt của tôi đây mà thôi. Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bố-thí con mắt này của tôi, xin làm duyên lành hỗ trợ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.”

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sivi tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, bố-thí con mắt bên phải cho vị Bà-la-môn già mù. Vị Bà-la-môn già ấy vốn là Đức-vua-trời Sakka nhận con mắt bên phải của Đức-vua Bồ-tát Sivi xong, rồi tự đặt vào lỗ con mắt bên phải, do oai lực của mình. Con mắt bên phải của vị Bà-la-môn già được sáng ra có khả năng nhìn thấy rõ mọi vật.

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sivi vô cùng hoan hỷ truyền bảo rằng:

“Aho! Sudinnaṃ mayā akkhidānaṃ.”

Ôi! Hạnh phúc thay! Tôi đã thành tựu pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, bố-thí con mắt rồi!

Đức-vua Bồ-tát Sivi phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ chưa từng có bao giờ, rồi truyền lệnh quan ngự y Sivika tiếp tục thi hành phận sự lấy con mắt bên trái.

Quan ngự y Sivika cũng thực hiện như lần trước, dâng thuốc lên Đức-vua Sivi xoa con mắt bên trái lần thứ nhất, lần thứ nhì, lần thứ ba, thì con mắt bên trái nhô lên khỏi lỗ mắt, Đức-vua Bồ-tát Sivi nhẫn-nại chịu đựng nỗi khổ thân vô cùng đau đớn, dòng máu chảy ra từ vết thương lỗ mắt, máu tươi dính đầy trên gương mặt của Đức-vua Bồ-tát Sivi.

Quan ngự y lấy con mắt bên trái, rồi đặt trên bàn tay của Đức-vua Bồ-tát Sivi, tâu rằng:

-Muôn tâu Bệ-hạ, đây là con mắt bên trái của Bệ-hạ.

Đức-Vua Bồ-Tát Sivi Bố-Thí Con Mắt Bên Trái

Bây giờ, Đức-vua Bồ-tát Sivi mù mắt không nhìn thấy gì nữa, tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, bố-thí con mắt bên trái cho vị Bà-la-môn già, vị Bà-la-môn già vốn là Đức-vua-trời Sakka nhận con mắt bên trái xong, rồi tự đặt vào con mắt bên trái, do oai lực của mình. Con mắt bên trái của vị Bà-la-môn già được sáng ra.

Nay vị Bà-la-môn già có đôi mắt sáng nhìn thấy rõ mọi vật. Vị Bà-la-môn già tán dương ca tụng, làm lễ cảm tạ Đức-vua Bồ-tát Sivi, rồi xin phép rời khỏi cung điện của Đức-vua Bồ-tát Sivi.

Sau khi rời khỏi cung điện của Đức-vua Sivi, vị Bà-la-môn già hóa trở lại Đức-vua-trời Sakka ngự trở về cung trời Tam-thập-tam-thiên.

Đức-vua Bồ-tát Sivi suy xét rằng:

“Hạnh phúc biết dường nào! Ta đã có được cơ hội tốt, tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung, bố-thí hai con mắt của ta đến vị Bà-la-môn già mù, được thành tựu như ý. Vị Bà-la-môn già có đôi mắt sáng nhìn thấy mọi cảnh vật trong đời, bằng đôi mắt của ta.”

Cho nên, Đức-vua Bồ-tát Sivi phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hỷ lạc chưa từng có bao giờ.

Đức-vua Bồ-tát Sivi ngự lên trên lâu đài nghỉ ngơi, để chữa trị vết thương hai lỗ mắt.

Một hôm, Đức-vua Bồ-tát Sivi suy nghĩ rằng:

“Nay ta đã mù hai con mắt rồi, ngôi vua không còn thích hợp với ta nữa. Vậy, ta nên trao ngôi vua lại cho các quan, còn ta nên ngự vào vườn thượng uyển, xuất gia trở thành đạo-sĩ thực-hành pháp-hạnh Sa-môn.”

Sau khi suy xét như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền lệnh cho các quan văn võ đông đủ hội triều. Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền bảo rằng:

-Này các khanh! Kể từ hôm nay, Trẫm xin trao ngôi vua lại cho các khanh. Các khanh nên chọn người lên làm vua trị vì đất nước Siviraṭṭha này. Còn Trẫm sẽ ngự vào vườn thượng uyển, xuất gia trở thành đạo-sĩ thực-hành pháp-hạnh Sa-môn. Trẫm chỉ cần một người theo giúp đỡ Trẫm mà thôi.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền bảo như vậy, các quan đều cảm thấy vô cùng cảm động rơi nước mắt. Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền gọi quan đánh xe ngựa chở Đức-vua ngự vào vườn thượng uyển.

Các quan không muốn Đức-vua ngự đi bằng xe ngựa, mà kính thỉnh Đức-vua ngự trên chiếc kiệu vàng, rồi các quan tự khiêng chiếc kiệu đi đến hồ nước lớn trong vườn thượng uyển. Các quan đặt chiếc kiệu bên bờ hồ nước lớn ấy, có lính hầu hạ Đức-vua Bồ-tát Sivi rất cẩn trọng. Đức-vua Bồ-tát Sivi đang ngự trên chiếc kiệu vàng suy xét về pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung, bố-thí hai con mắt của Đức-vua.

Khi ấy, chỗ ngồi của Đức-vua-trời Sakka cõi Tam-thập-tam-thiên phát nóng, Đức-vua-trời Sakka xem xét thấy rõ, biết rõ điều suy nghĩ của Đức-vua Bồ-tát Sivi, nên Đức-vua-trời Sakka nghĩ rằng:

“Ta nên hiện xuống cõi người, đến chầu Đức-vua Bồ-tát Sivi, ban ân huệ đến cho Đức-vua Bồ-tát Sivi có lại hai con mắt sáng đặc biệt nhìn thấu suốt như thể thiên-nhãn của chư-thiên.”

Đức-vua-trời Sakka hiện xuống bên bờ hồ nước lớn gần nơi Đức-vua Bồ-tát Sivi đang ngồi ngự nơi ấy. Đức-vua-trời Sakka ngự đi qua đi lại không xa chỗ ngồi của Đức-vua Bồ-tát Sivi.

Nghe tiếng chân người đi qua lại, Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền hỏi rằng:

- Ai đi qua, đi lại vậy?

Đức-vua-trời Sakka tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Sivi, bổn vương là vua-trời Sakka ngự đến chầu Đại-vương. Kính xin Đại-vương chọn ân huệ nào mà Đại-vương muốn.

Nghe Đức-vua-trời Sakka truyền bảo như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sivi tâu rằng:

- Tâu Đức-vua-trời Sakka, của cải trong các kho của bổn vương đầy đủ. Bây giờ, bổn vương là Đức-vua mù, bổn vương chỉ hài lòng sự chết mà thôi.

Vậy, kính xin Đức-vua-trời Sakka ban ân huệ sự chết đến bổn vương.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Sivi tâu như vậy, Đức-vua-trời Sakka tâu hỏi rằng:

- Tâu Đại-vương Sivi, Đại-vương muốn chấm dứt tuổi thọ, nên Đại-vương hài lòng sự chết, hay Đại-vương hài lòng sự chết, bởi vì Đại-vương là Đức-vua mù đôi mắt?

Đức-vua Bồ-tát Sivi tâu rằng:

- Tâu Đức-vua-trời Sakka, bổn vương hài lòng sự chết, bởi vì bổn vương là vua mù đôi mắt.

Đức-vua-trời Sakka tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Sivi, đại-thiện-nghiệp bố-thí không chỉ cho quả an-lạc trong những kiếp vị-lai lâu dài, mà còn cho quả an-lạc ngay trong kiếp hiện-tại này nữa.

Thật ra, vị Bà-la-môn già mù đôi mắt chỉ xin Đại-vương ban cho một con mắt mà thôi, thế mà Đại-vương đã ban cho vị Bà-la-môn già mù ấy cả hai con mắt của Đại-vương. Vậy, kính xin Đại-vương phát-nguyện bằng lời chân-thật.

Sau khi Đại-vương phát-nguyện bằng lời chân-thật vừa dứt, thì hai con mắt mới mầu nhiệm đặc biệt sẽ được phát sinh lại hơn đôi mắt cũ gấp bội phần.

Nghe Đức-vua-trời Sakka truyền bảo như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sivi tâu rằng:

- Tâu Đức-vua-trời Sakka, nếu như Đức-vua-trời muốn ban hai con mắt cho bổn vương thì không nên làm như vậy, bởi vì bổn vương muốn có hai con mắt mới chỉ được phát sinh lại do năng lực quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí hai con mắt của bổn vương mà thôi.

Đức-vua-trời Sakka tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Sivi, bổn-vương dù là vua trời Sakka cũng không có khả năng ban hai con mắt mới cho Đại-vương được đâu! Sự thật, hai con mắt mới ấy chỉ được phát sinh lại do năng lực quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí hai con mắt mà Đại-vương đã tạo mà thôi.

Đức-Vua Bồ-Tát Sivi Phát-Nguyện

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sivi thành tâm phát-nguyện bằng lời chân-thật rằng:

“Tất cả mọi người hành khất nào từ các giai cấp, dòng dõi khác nhau đến xin nơi Trẫm bố-thí. Tất cả mọi người hành khất ấy đều là những người yêu quý của Trẫm.

Do năng lực của lời chân-thật này, xin cho hai con mắt được phát sinh lại cho Trẫm.”

Đức-Vua Bồ-Tát Sivi Sáng Mắt

Sau khi Đức-vua Bồ-tát Sivi vừa dứt lời phát-nguyện chân-thật ấy.

Thật phi thường thay! Hai con mắt mầu nhiệm đặc biệt được phát sinh lại cho Đức-vua Bồ-tát Sivi. Nhưng hai con mắt này không phải là nhục-nhãn như mắt người bình thường, cũng không phải là thiên-nhãn như mắt chư-thiên.

Vì sao? Bởi vì thiên-nhãn phát sinh do nương nhờ nơi nhục-nhãn, mà nhục-nhãn của Đức-vua Bồ-tát Sivi đã bố-thí cho vị Bà-la-môn già mù trước đây rồi, và dù Đức-vua-trời Sakka cũng không có khả năng làm cho nhục-nhãn phát sinh trở lại như xưa được. Cho nên, hai con mắt mầu nhiệm đặc biệt của Đức-vua Bồ-tát Sivi được phát sinh do năng lực pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật của Đức-vua Bồ-tát Sivi.

Đức-vua Bồ-tát Sivi có hai con mắt mầu nhiệm đặc biệt sáng trở lại. Khi ấy, do oai lực của Đức-vua-trời Sakka, các quan văn võ trong triều cùng toàn thể dân chúng trong kinh-thành Ariṭṭhapura tụ hội tại hồ nước lớn trong vườn thượng uyển, Đức-vua-trời Sakka đứng trên hư không tán dương ca tụng ân-đức của Đức-vua Bồ-tát Sivi giữa các hội chúng đông đảo rằng:

-Tâu Đại-vương Sivi cao thượng đất nước Siviraṭṭha, Đại-vương đã phát-nguyện bằng lời chân-thật, hai con mắt mầu nhiệm đặc biệt được phát sinh lại như thể thiên-nhãn có khả năng nhìn thấu suốt xuyên qua các tường vách, thành trì, núi cao… xung quanh chu vi 100 do tuần (1 do tuần khoảng 20 cây số).

Sau khi tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Sivi xong, Đức-vua-trời Sakka thành kính đảnh lễ Đức-vua Bồ-tát Sivi, rồi xin phép từ giã, ngự trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Đức-Vua Bồ-Tát Sivi Hồi Cung

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sivi hồi cung ngự trở lại kinh-thành Ariṭṭhapura, cùng với các quan văn võ và toàn thể dân chúng.

Dân chúng trong đất nước Siviraṭṭha nghe tin rằng: “Đức-vua Bồ-tát Sivi làm phước-thiện bố-thí đôi mắt cho vị Bà-la-môn già mù đôi mắt. Vị Bà-la-môn già ấy được sáng đôi mắt nhìn thấy mọi vật, còn Đức-vua Bồ-tát Sivi mù mắt không thấy gì nữa.

Sau đó, Đức-vua Bồ-tát Sivi đã phát-nguyện bằng lời chân-thật, thì hai con mắt mầu nhiệm đặc biệt được phát sinh cho Đức-vua Bồ-tát Sivi. Hai con mắt này như thể thiên-nhãn có khả năng nhìn thấy thấu suốt xuyên qua các tường vách, thành trì, núi cao,… chu vi 100 do tuần.”

Tin lành này được lan truyền khắp mọi nơi trong đất nước Siviraṭṭha, phần đông dân chúng trong đất nước, ai cũng muốn đến chầu, để chiêm ngưỡng Đức-vua Bồ-tát Sivi. Cho nên, dân chúng từ kinh-thành cho đến các miền trong đất nước Siviraṭṭha lũ lượt dẫn nhau đến cung điện của Đức-vua Bồ-tát Sivi, họ mang theo những phẩm vật quý giá của xứ sở dâng lên Đức-vua Bồ-tát.

Đức-vua Bồ-tát Sivi truyền lệnh các quan trang hoàng giảng đường lớn, để đón tiếp dân chúng, có pháp tỏa sang trọng để thuyết pháp.

Khi Đức-vua Bồ-tát Sivi ngự đến giảng đường, ngồi trên pháp toà dưới chiếc lọng trắng, phía dưới có các quan trong triều đông đủ, những người trong hoàng tộc, cùng toàn thể dân chúng tụ hội đông đủ, Đức-vua Bồ-tát Sivi thuyết pháp dạy rằng:

- Này các khanh, cùng toàn thể thần dân thiên hạ! Các ngươi hãy nhìn hai con mắt của Trẫm, như thể thiên-nhãn được phát sinh do quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí hai con mắt thịt của Trẫm.

Vậy từ nay, các ngươi nên làm phước-thiện bố-thí đến người nên bố-thí.

- Này toàn thể dân chúng đất nước Siviraṭṭha! Có ai không bố-thí cho người hành khất đến chỗ mình hay không?

Trẫm khuyên các ngươi nên làm phước-thiện bố-thí. Khi bố-thí vật-thí yêu quý nhất đến người xứng đáng thọ thí, thì sẽ được quả báu đáng hài lòng hoan hỷ.

- Này các dân chúng Sivi! Các ngươi đang tụ hội nơi đây nhìn thấy hai con mắt của Trẫm như thể thiên-nhãn của chư-thiên. Hai con mắt của Trẫm có khả năng nhìn thấu suốt xuyên qua tường vách, thành trì, núi cao,… xung quanh chu vi khoảng 100 do tuần.

Trong cõi người này, bố-thí là cơ hội tốt nhất. Trẫm đã bố-thí hai con mắt thịt (nhục-nhãn), ngay kiếp hiện-tại, phước-thiện bố-thí ấy cho quả phát sinh hai con mắt như thể thiên-nhãn đã phát sinh đến Trẫm.

- Này các dân chúng Sivi! Các ngươi đã thấy phước-thiện bố-thí và quả của phước-thiện bố-thí như vậy.

Nếu có cơ hội thì các ngươi nên làm phước-thiện bố-thí trước rồi mới nên dung sau. Những người nào đã làm phước-thiện bố-thí rồi, đại-thiện-nghiệp bố-thí sẽ cho quả an-lạc. Những người ấy không bị bậc thiện-trí chê trách.

Sau khi họ chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trong cõi trời dục-giới, an hưởng mọi sự an-lạc cho đến hết tuổi thọ trong cõi trời ấy.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Sivi thuyết pháp giảng dạy như vậy, từ đó về sau, các quan trong triều, toàn thể dân chúng Sivi phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-vua Bồ-tát Sivi, tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, thích làm phước-thiện bố-thí tùy thời, giữ gìn ngũ-giới của mình được trong sạch, và thọ-trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

Về sau, hằng tháng vào ngày 15 và ngày cuối tháng, toàn thể dân chúng đến tụ hội tại giảng đường lớn, Đức-vua Bồ-tát Sivi ngự đến giảng đường ấy, ngồi trên pháp toà thuyết pháp giảng dạy các quan cùng dân chúng đất nước Siviraṭṭha. Các quan cùng dân chúng đều hoan hỷ thực-hành theo lời giáo huấn của Đức-vua Bồ-tát Sivi.

Sau khi họ chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ hưởng mọi sự an-lạc cho đến hết tuổi thọ trong cõi trời dục-giới ấy.

Sau khi thuyết tích Sivijātaka, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Ngài xong, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

-Này chư Tỳ-khưu! Bậc thiện-trí trong kiếp quá khứ không những hoan hỷ làm phước-thiện bố-thí đủ mọi thứ vật dụng cần thiết, của cải quý giá thuộc bên ngoài thân của mình, mà còn hoan hỷ làm phước-thiện bố-thí những bộ phận trong thân của mình nữa. Đức-vua Bồ-tát Sivi, tiền-kiếp của Như-Lai đã vô cùng hoan hỷ bố-thí hai con mắt yêu quý nhất của mình đến cho vị Bà-la-môn già mù đôi mắt ngay lúc ấy.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về pháp tứ Thánh-đế, để tế độ chúng-sinh có duyên lành dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân tuỳ theo năng lực các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi chúng-sinh.

Tích Sivijātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Sivijātaka này Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Đức-vua Bồ-tát Sivi trong thời quá khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Sivijātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

-Đức-vua-trời Sakka hóa ra vị Bà-la-môn già mù đôi mắt, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha.

- Quan ngự y Sivika, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

- Các quan trong triều cùng toàn thể dân chúng đất nước Sivi, nay kiếp hiện-tại là tứ chúng: tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ.

- Đức-vua Bồ-tát Sivi, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Mưòi Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-vua Bồ-tát Sivi, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, đã tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung, bố-thí bộ phận trong thân, bố-thí hai con mắt quý nhất.

Ngoài ra, còn có chín pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thành tựu như sau:

- Đức-vua Bồ-tát Sivi giữ gìn giới trong sạch, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sivi xuất gia trở thành đạo-sĩ, đó là pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sivi có trí-tuệ sáng suốt, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sivi có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sivi có đức nhẫn-nại chịu đựng nỗi đau đớn, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sivi nói lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sivi phát-nguyện bằng lời chân-thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sivi có tâm-từ đối với tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

- Đức-vua Bồ-tát Sivi có tâm-xả đối với tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

Đó là 9 pháp-hạnh ba-la-mật cũng đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh bố-thí Ba-la-mật bậc trung ấy.

Nhận Xét Về Tích Đức-Vua Bồ-Tát Sivi

Tích Đức-vua Bồ-tát Sivi, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung (dāna upapāramī) bố-thí hai con mắt quý nhất của Đức-Bồ-tát đến cho vị Bà-la-môn già mù đôi mắt.

-Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Đức-vua Bồ-tát Sivi tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo pháp-hạnh bố-thí hai con mắt quý nhất, thuộc bộ phận trong thân của Đức-Bồ-tát cho vị Bà-la-môn già mù đôi mắt, để thành tựu pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung.

Sau khi bố-thí hai con mắt xong, Đức-vua Bồ-tát Sivi hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa, còn vị Bà-la-môn có đôi mắt sáng nhìn thấy rõ mọi vật.

Đức-vua Bồ-tát Sivi tuy trở thành Đức-vua mù và phải nhẫn-nại chịu đựng nỗi khổ thân, nhưng lại phát sinh đại-thiện-tâm hỷ lạc chưa từng có bao giờ, bởi vì biết mình đã thành tựu pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung rồi. Như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sivi tuy có khổ thân, nhưng không có khổ tâm.

Vậy, khổ thân với khổ tâm có hai trạng-thái khác biệt với nhau như thế nào?

* Khổ thân đó là thọ khổ (dukkhavedanā) đồng sinh với thân-thức-tâm thuộc bất-thiện-quả vô-nhân-tâm tiếp xúc với đối-tượng xấu, không đáng hài lòng. Khổ thân này liên quan đến tứ-đại: đất, nước, lửa, gió không điều hoà, khi mắc tiểu tiện, mắc đại tiện, khi đói, khi khát, khi bị bệnh hoạn ốm đau, hoặc khi bị thương tích, nên phát sinh nỗi khổ thân, hễ có thân thì ắt có khổ thân.

Cho nên, dù Đức-Phật và chư bậc Thánh A-ra-hán cũng không thể tránh khỏi được khổ thân này.

* Khổ tâm đó là thọ ưu (domanassavedanā) đồng sinh với sân-tâm có đối-tượng không đáng hài lòng.

Khổ tâm này thường phát sinh do mọi phiền-não, mà mọi phiền-não phát sinh do nương nhờ nơi bất-thiện-tâm (ác-tâm), trực tiếp là sân-tâm, nên đối với Đức-Phật, chư bậc Thánh A-ra-hán và chư bậc Thánh Bất-lai đã diệt tận được hai sân-tâm không còn dư sót nữa, nên quý Ngài tuyệt nhiên không còn khổ tâm nào cả, nhưng Đức-Phật và chư bậc Thánh A-ra-hán vẫn còn có khổ thân, cho đến khi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Khổ thân làm liên lụy đến khổ tâm như thế nào?

Trong đời này, đối với tất cả mọi hạng phàm-nhân chưa diệt tận được 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm), nếu người nào khi gặp phải tai nạn, hoặc bị thương tích nặng, hoặc bị lâm bệnh nan y khó chữa, v.v… người ấy không biết nhẫn-nại chịu đựng, nên phát sinh phiền-não tham nương nhờ nơi tham-tâm muốn cho mau khỏi khổ thân, nhưng không được như ý, nên phát sinh phiền-não sân nương nhờ nơi sân-tâm sầu não, phiền muộn, làm cho người ấy khổ tâm do sân-tâm.

Như vậy, khổ thân làm liên lụy đến khổ tâm.

* Khổ thân không làm liên luỵ đến khổ tâm như thế nào?

Trong đời này, bậc thiện-trí nào còn là hạng phàm-nhân đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ sáng suốt, dù khi gặp phải tai nạn, hoặc bị thương tích nặng, hoặc bị lâm bệnh nan y khó chữa, v.v… bậc thiện-trí ấy biết nhẫn-nại chịu đựng, tìm thầy giỏi thuốc hay chữa bệnh, bậc thiện-trí âý nhẫn-nại đó là vô-sân tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, nỗi khổ thân đến thế nào, đại-thiện-tâm ấy vẫn chịu đựng được, không để sân-tâm phát sinh, nên không làm cho bậc thiện-trí ấy khổ tâm (không có tham-tâm là nhân, nên không có sân-tâm là quả).

Như vậy, khổ thân không làm liên luỵ đến khổ tâm.

Như trường hợp Đức-vua Bồ-tát Sivi đã có lời phát nguyện tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bố-thí hai con mắt trước đây, nay Đức-vua Bồ-tát Sivi có cơ hội tốt tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bố-thí hai con mắt ấy, nên phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bố-thí hai con mắt quý nhất của mình cho vị Bà-la-môn mù đôi mắt, giúp cho vị Bà-la-môn có được đôi mắt sáng nhìn thấy rõ mọi vật, còn Đức-vua Bồ-tát Sivi được thành tựu pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung.

Cho dù Đức-vua Bồ-tát Sivi không còn nhìn thấy gì nữa, vẫn nhẫn-nại chịu đựng nỗi khổ thân đau đớn kinh khủng, nhưng lại phát sinh đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ hỷ lạc chưa từng có bao giờ, bởi vì, Đức-vua Bồ-tát Sivi có cơ hội tốt tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bố-thí hai con mắt quý nhất của mình cho vị Bà-la-môn mù đôi mắt nhìn thấy bằng hai con mắt của mình, còn Đức-vua Bồ-tát Sivi được thành tựu pháp pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung như ý.

Cho nên, Đức-vua Bồ-tát Sivi chỉ có khổ thân mà thôi, mà không có khổ tâm, bởi vì phát sinh đại-thiện-tâm hỷ lạc chưa từng có bao giờ.

 

Đối-Tượng Xấu, Đối-Tượng Tốt

 

Đối-tượng xấu hoặc đối-tượng tốt thường chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thân mà thôi. Ví dụ:

- Nếu khi thân tiếp xúc với đối-tượng xấu (thô) thì phát sinh thân-thức-tâm hợp với thọ khổ (dukkha-vedanā) khổ thân (dukkhakāya), là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp).

- Nếu khi thân tiếp xúc với đối-tượng tốt (mềm mại) thì phát sinh thân-thức-tâm hợp với thọ lạc (sukhavedanā) thân an-lạc (sukhakāya), là quả của đại-thiện-nghiệp.

* Đối-tượng xấu hoặc đối-tượng tốt đều có thể phát sinh ác-tâm hoặc đại-thiện-tâm. Ví dụ:

* Đối-Tượng Xấu Ví Như Tử-Thi

- Nếu người nào không phải là hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, một mình đi vào rừng gặp tử thi thì sân-tâm phát sinh hoảng sợ, kinh hồn bạt vía.

- Nếu hành-giả nào thuộc về hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch, đã từng học pháp-hành thiền-định về đề-mục tử thi, một mình đi vào rừng may mắn gặp được tử thi, thì hành-giả ấy sử dụng tử thi làm đối-tượng thiền-định, rồi thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, và tiếp tục sử dụng đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm làm nền tảng, làm đối-tượng thiền-tuệ, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Như vậy, tử thi là đối-tượng bất-tịnh đáng ghê sợ, đối với người (không phải là hành-giả) sân-tâm phát sinh hoảng sợ, kinh hồn bạt vía, nhưng đối với hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch, có đề-mục tử thi bất-tịnh đáng ghê sợ làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định làm nền tảng, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

 

* Đối-Tượng Tốt Ví Như Đức-Phật

- Đối với nhóm ngoại đạo, nếu nhìn thấy Đức-Phật thì sân-tâm phát sinh, chê trách đủ điều.

- Nhưng đối với các hàng Thanh-văn đệ-tử, khi thấy Đức-Phật thì phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ, có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp, thực-hành theo lời giáo huấn của Đức-Phật, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân trong Phật-giáo.

Như vậy, Đức-Phật là đối-tượng đáng tôn kính, thế mà đối với ngoại đạo thì tâm sân (ác tâm) phát sinh, còn đối với các hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật thì phát sinh đức-tin trong sạch.

Thật ra, ác-tâm hoặc mọi thiện-tâm phát sinh không tuỳ thuộc vào đối-tượng xấu hoặc đối-tượng tốt, mà chỉ tuỳ thuộc vào tâm hiểu biết của con người ấy mà thôi.

- Nếu người ác nào có ayonisomanasikāra: do si mê biết lầm ở trong tâm không đúng theo thật-tánh của các pháp nơi đối-tượng ấy, thì người ấy phát sinh bất-thiện-tâm (ác-tâm) nơi đối-tượng ấy.

- Nếu bậc thiện-trí nào có yonisomanasikāra: trí-tuệ hiểu biết ở trong tâm đúng theo thật-tánh của các pháp nơi đối-tượng ấy thì bậc thiện-trí ấy phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ nơi đối-tượng ấy.

(Xong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung)

 

1.3-Pháp-Hạnh Bố-Thí Ba-La-Mật Bậc Thượng (Dānaparamatthapāramī)

-Tích Sasapaṇḍitajātaka (Xá-xá-păn-đí-tá-cha-tá-ká)

Tích Sasapaṇḍitajātaka[9] Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm kiếp thỏ thiện-trí (Sasapaṇḍita) tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng (dāna-paramatthapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, một trưởng giả giàu có trong thành Sāvatthi chuẩn bị làm phước-thiện đại-thí cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng có Đức-Phật chủ trì, nên đã xây dựng một trại lớn lộng lẫy tại trước tư gia, rồi ông đến ngôi chùa Jetavana kính thỉnh Đức-Phật ngự cùng với 500 vị Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến trại lớn ngự trên chỗ ngồi đã sắp đặt sẵn. Ông tự tay dâng lễ, cúng dường những món vật thực bổ dưỡng đến Đức-Phật cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng suốt bảy ngày như vậy.

Đến ngày thứ bảy, ông dâng lễ, cúng dường những thứ vật dụng đặc biệt quý giá hơn đến 500 vị Đại-đức tỳ-khưu-Tăng có Đức-Phật chủ trì.

Khi ấy, để làm cho ông cận-sự-nam thí-chủ phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ phước-thiện đại-thí ấy, nên Đức-Phật thuyết dạy rằng:

-Này nam thí-chủ! Con nên phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trong phước-thiện đại-thí này, bởi vì con đã làm theo truyền thống của chư bậc thiện-trí tiền bối từ ngàn xưa.

Trong thời quá khứ, chư bậc thiện-trí tiền bối dám đem thân thể của mình để làm món ăn bố-thí đến vị Bà-la-môn khất thực.

Nghe Đức-Phật thuyết dạy như vậy, ông cận-sự-nam thí-chủ kính thỉnh Đức-Phật thuyết về bậc thiện-trí tiền bối ấy.

Tích Sasapaṇḍitajātaka

Đức-Phật thuyết về tích Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama được tóm lược như sau:

Trong quá khứ, thời-kỳ Đức-vua Brahmadatta trị vì kinh-thành Bāraṇasī. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm kiếp thỏ thiện-trí sống trong rừng, dưới chân núi gần bờ sông Gaṅgā, cùng với ba bạn thân thiết là con rái cá, con chó sói, con khỉ. Bốn con vật này đều là bậc thiện-trí.

Mỗi buổi sáng, bốn con vật, mỗi con đi tìm vật thực ở mỗi nơi, rồi chiều trở về tụ hội lại một nơi. Khi ấy, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita thuyết pháp khuyên dạy ba bạn kia rằng:

-Này ba bạn thân mến! Chúng ta nên bố-thí, nên giữ gìn ngũ-giới, nên thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

Ba con vật kia đều cung kính vâng theo lời khuyên dạy của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita, rồi trở về chỗ ở của mình.

Một đêm nọ, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita nhìn lên hư không thấy mặt trăng tròn tỏa sáng, biết rằng sắp đến ngày giới uposathasīla.

Chiều hôm ấy, bốn con vật thiện-trí tụ hội lại một nơi, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita thuyết pháp khuyên dạy rằng:

-Này 3 bạn thân mến! Ngày mai là ngày giới uposathasīla, tất cả chúng ta nên thọ trì bát-giới uposathasīla cho được trong sạch trọn vẹn, làm phước-thiện bố-thí.

Khi chúng ta có giới trong sạch trọn vẹn, rồi làm phước-thiện bố-thí sẽ có nhiều quả báu lớn lao. Vì vậy, nếu có vị Bà-la-môn nào khất thực đến tại chỗ ở của mình thì các bạn nên làm phước-thiện bố-thí đến vị Bà-la-môn ấy trước, rồi hãy dùng phần còn lại sau.

Ba con vật đều cung kính vâng theo lời khuyên dạy của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí, rồi trở về chỗ ở của mình.

Sáng ngày hôm sau:

* Con rái cá (Udda) thức dậy từ sáng sớm, đi dọc theo bờ sông Gaṅgā tìm vật thực. Đêm hôm trước, một người câu cá câu được bảy con cá hồi, rồi xâu chúng vào sợi dây, chôn dưới đống cát.

Từ đó, ông đi dọc theo bờ sông Gaṅgā về phía dưới để câu mà không quay trở lại.

Con rái cá đánh mùi cá, rồi đào lên, thấy xâu cá có bảy con cá hồi, nó hỏi lớn rằng:

- Xâu cá này có chủ hay không?

Con rái cá hỏi lớn ba lần mà không có ai trả lời cả, nó nghĩ rằng:

“Xâu cá này không có chủ”, nên nó ngậm xâu cá đem về chỗ ở của mình và chờ đến giờ để ăn các con cá ấy.

Con rái cá nằm suy xét về những điều-giới của mình.

* Con chó sói (Siṅgāla) đi tìm vật thực nhìn thấy hai miếng thịt nướng, một con kỳ đà nhỏ chết và một nồi sữa chua trong chòi canh của người giữ ruộng. Nó bèn hỏi lớn rằng:

- Những món ăn này có chủ hay không?

Con chó sói hỏi lớn ba lần mà không có ai trả lời cả, nó nghĩ rằng:

“Những món ăn này không có chủ”, nên nó mang nồi sữa trên cổ, miệng ngậm hai miếng thịt nướng và con kỳ đà nhỏ đem về chỗ ở của mình và chờ đến giờ để ăn những món ăn ấy.

Con chó sói nằm suy xét về những điều-giới của mình.

* Con khỉ (Makkaṭa) nhảy vào rừng leo lên cây xoài hái chùm xoài chín rồi đem về chỗ ở của mình và chờ đến giờ để ăn chùm xoài chín ấy.

Con khỉ nằm suy xét về những điều-giới của mình.

* Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí (Sasapaṇḍita) đến giờ chạy ra bãi cỏ, ăn cỏ xong rồi trở về chỗ ở của mình.

Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita suy xét rằng:

“Ta chỉ có cỏ là món ăn duy nhất mà thôi, cỏ không phải là món ăn của vị Bà-la-môn khất thực. Còn các món ăn khác như gạo, đậu, mè… thì ta không có.

Nếu có vị Bà-la-môn nào khất thực đến chỗ ở của ta thì ta sẽ hy sinh sinh-mạng, bố-thí thân thể của ta để làm món ăn dâng đến vị Bà-la-môn khất thực ấy.”

Do năng lực giới-đức trong sạch trọn vẹn, với điều tư duy chân chính của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí, làm cho chỗ ngồi của Đức-vua-trời Sakka cõi Tam-thập-tam-thiên phát nóng lên. Đức-vua-trời Sakka xem xét thấy rõ nguyên nhân do năng lực giới-đức trong sạch trọn vẹn với điều tư duy chân chính của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí, nên Đức-vua-trời Sakka nghĩ rằng:

“Ta sẽ hiện xuống thử xem giới-đức trong sạch trọn vẹn của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí thực hư thế nào?”

Nghĩ xong, Đức-vua-trời Sakka hiện xuống cõi người biến hóa ra thành vị Bà-la-môn khất thực.

Trước tiên, vị Bà-la-môn khất thực (Đức-vua-trời Sakka) đến đứng trước chỗ ở của con rái cá.

Nhìn thấy vị Bà-la-môn khất thực, con rái cá liền thưa rằng:

-Thưa vị Bà-la-môn, Ngài cần thứ gì mà đến đứng nơi đây?

Vị Bà-la-môn thưa rằng:

-Thưa bậc thiện-trí, bần đạo muốn được một ít vật thực để dùng, rồi giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Nghe vị Bà-la-môn khất thực nói như vậy, con rái cá vô cùng hoan hỷ thưa rằng:

- Thưa vị Bà-la-môn, lành thay! Ngài đã đến đây. Tôi xin bố-thí cúng dường đến Ngài món vật thực: bảy con cá hồi này. Kính xin Ngài có tâm từ tế độ thọ nhận, rồi nướng chín để Ngài dùng, giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Vị Bà-la-môn thưa rằng:

- Thưa bậc thiện-trí, bần đạo chưa nhận bây giờ, mà xin gửi lại.

Vị Bà-la-môn khất thực xin từ giã con rái cá, rồi đi đến đứng trước chỗ ở của con chó sói.

Nhìn thấy vị Bà-la-môn khất thực, con chó sói liền thưa rằng:

-Thưa vị Bà-la-môn, Ngài cần thứ gì mà đến đứng nơi đây?

Vị Bà-la-môn thưa rằng:

- Thưa bậc thiện-trí, bần đạo muốn được một ít vật thực để dùng, rồi giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Nghe vị Bà-la-môn khất thực nói như vậy, con chó sói vô cùng hoan hỷ thưa rằng:

- Thưa vị Bà-la-môn, lành thay! Ngài đã đến đây. Tôi xin bố-thí cúng dường đến Ngài món vật thực: hai miếng thịt nướng, một con kỳ đà nhỏ, một nồi sữa chua. Kính xin Ngài có tâm từ tế độ thọ nhận để Ngài dùng, rồi giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Vị Bà-la-môn khất thực thưa rằng:

- Thưa bậc thiện-trí, bần đạo chưa nhận bây giờ, mà xin gửi lại.

Vị Bà-la-môn khất thực xin từ giã con chó sói, rồi đi đến đứng trước chỗ ở của con khỉ.

Nhìn thấy vị Bà-la-môn khất thực, con khỉ liền thưa rằng:

-Thưa vị Bà-la-môn, Ngài cần thứ gì mà đến đứng nơi đây?

Vị Bà-la-môn thưa rằng:

- Thưa bậc thiện-trí, bần đạo muốn được một ít vật thực để dùng, rồi giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Nghe vị Bà-la-môn khất thực nói như vậy, con khỉ vô cùng hoan hỷ thưa rằng:

- Thưa vị Bà-la-môn, lành thay! Ngài đã đến đây. Tôi xin bố-thí cúng dường đến Ngài món vật thực: chùm xoài chín. Kính xin Ngài có tâm-từ tế độ thọ nhận để Ngài dùng, rồi giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Vị Bà-la-môn thưa rằng:

- Thưa bậc thiện-trí, bần đạo chưa nhận bây giờ, mà xin gửi lại.

Vị Bà-la-môn khất thực xin từ giã con khỉ, rồi đi đến đứng trước chỗ ở của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita.

Thấy vị Bà-la-môn khất thực, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí liền thưa rằng:

-Thưa vị Bà-la-môn, Ngài cần thứ gì mà đến đứng nơi đây?

Vị Bà-la-môn thưa rằng:

- Kính thưa Ngài Sasapaṇḍita, bần đạo muốn được một ít vật thực để dùng, rồi giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Đức-Bồ-Tát Thỏ Thiện-Trí Bố-Thí Sinh-Mạng

Nghe vị Bà-la-môn khất thực nói như vậy, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita vô cùng hoan hỷ thưa rằng:

- Thưa vị Bà-la-môn, vật thực của tôi là cỏ, Ngài không thể dùng cỏ được. Ngoài cỏ ra, tôi không có thứ vật thực nào khác.

Thưa vị Bà-la-môn, lành thay! Ngài đã đến đây. Hôm nay, tôi sẽ bố-thí cúng dường đến Ngài món vật thực mà tôi chưa từng cúng dường, đó là món thịt trong thân thể của tôi. Ngài là bậc có giới-đức trong sạch thì không thể phạm điều-giới sát-sinh được.

Vậy, tôi xin yêu cầu Ngài đi tìm củi khô gom lại thành đống, châm lửa đốt thành than hồng, rồi xin Ngài báo cho tôi biết, tôi sẽ bố-thí sinh-mạng của tôi bằng cách nhảy vào đống than hồng, đến khi nào thịt trong thân thể của tôi chín. Khi ấy, xin Ngài dùng món thịt chín của tôi, rồi Ngài giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Khi nghe Đức-Bồ-tát thỏ trí-tuệ Sasapaṇḍita thưa như vậy, vị Bà-la-môn khất thực vốn là Đức-vua-trời Sakka dùng oai lực của mình hóa ra một đống lửa than hồng cháy rực. Vị Bà-la-môn đi đến báo cho Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita rằng:

-Kính thưa bậc thiện-trí Sasapaṇḍita, bần đạo đã làm theo lời dạy của Ngài xong. Vậy, xin thưa cho Ngài rõ.

Nghe vị Bà-la-môn khất thực thưa như vậy, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita đứng dậy rời khỏi chỗ ở của mình, đi đến đống than hồng đang cháy đỏ rực. Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí suy nghĩ rằng:

“Những sinh vật nhỏ sống nương nhờ trong thân thể của ta lâu nay, chúng không nên bị chết cùng với ta.”

Nghĩ xong, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita dùng sức lắc thân thể thật mạnh ba lần, làm cho các sinh vật nhỏ văng ra khỏi thân của mình.

Khi ấy, với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ vô cùng hoan hỷ trong pháp-hạnh đại-thí sinh-mạng, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita nhảy vào giữa đống than hồng đang cháy rực ấy, nhưng đống than hồng ấy không nóng chút nào cả, thậm chí bộ lông mịn màng trên toàn thân mình của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita không có một sợi lông nào co rút lại vì sức nóng của lửa cả, như nhảy vào chỗ mát lạnh.

Thấy việc phi thường như vậy, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita thưa rằng:

- Thưa vị Bà-la-môn, đống than hồng mà Ngài đốt cháy rực như vậy, tại sao không nóng, thậm chí bộ lông mịn màng trên toàn thân mình của tôi cũng không có một sợi lông nào co rút lại cả.

Như vậy, thịt trong thân thể của tôi làm sao có thể chín, để cho Ngài dùng được?

Khi ấy, Vị Bà-la-môn khất thực hóa trở lại thành Đức-vua-trời Sakka rồi thưa rằng:

- Kính thưa Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita cao thượng! Tôi không phải là vị Bà-la-môn khất thực, mà tôi là vua trời Sakka cõi Tam-thập-tam-thiên hiện xuống, hóa thành vị Bà-la-môn khất thực đến thử Ngài, để biết sự thật về giới-đức trong sạch trọn vẹn và những điều tư duy chân chính của Ngài.

Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita dõng dạc tâu với Đức-Vua-Trời Sakka rằng:

- Tâu Đức-vua-trời Sakka, không chỉ một Đức-vua-trời như Ngài, mà tất cả chư-thiên, phạm-thiên và nhân loại khác, nếu họ đến thử tôi, thì họ sẽ không bao giờ được chứng kiến rằng:

“Tôi là Đức-Bồ-tát không hoan hỷ trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật” mà sự thật họ sẽ được chứng kiến rằng:

“Tôi là Đức-Bồ-tát vô cùng hoan hỷ trong các pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, ngay cả pháp-hạnh bố-thí sinh-mạng của tôi.”

Đức-vua-trời Sakka tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita rằng:

-Kính thưa Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita cao thượng! Pháp-hạnh đại-thí sinh-mạng của Ngài là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng sẽ được lưu truyền suốt những đại-kiếp trái đất sau này.

Để được lưu truyền về sau, tôi cần phải bóp nát hòn núi thành bột mịn, hòa làm mực để vẽ hình ảnh Ngài là Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita trên cung trăng.

Đức-vua-trời Sakka đến nâng Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita trở về chỗ ở của Ngài, rồi Đức-vua-trời Sakka cảm thấy vô cùng hoan hỷ đảnh lễ Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita, rồi xin phép từ giã ngự trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Bốn con vật thiện-trí là bạn thân thiết với nhau, giữ gìn ngũ-giới trong sạch trọn vẹn, thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, cho đến hết tuổi thọ của mỗi con vật.

Sau khi bốn con vật thiện-trí ấy chết, đại-thiện-nghiệp giữ-giới, bố-thí cho quả tái-sinh kiếp sau trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.

Đức-Thế-Tôn thuyết bài kệ:

“Bhikkhāya upagataṃ disvā, sakattānaṃ pariccajiṃ. Dānena me samo natthi, esā me dānapārami.”[10]

Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí, tiền-kiếp của Như-Lai.

Thấy vị Bà-la-môn khất thực đến đứng trước chỗ ở của mình.

Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí đã bố-thí sinh-mạng làm món ăn cúng dường đến vị Bà-la-môn khất thực ấy.

Pháp-hạnh bố-thí sinh-mạng của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí không ai bằng.

Đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng tiền-kiếp của Như-Lai.

Nghe Đức-Phật thuyết xong tích Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita tiền-kiếp của Đức-Phật, người cận-sự-nam thí-chủ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, ngay khi ấy.

Tích Sasapaṇḍitajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Tích Sasapaṇḍitajātaka này, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng trong thời quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Sasapaṇḍita-jātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

- Con khỉ, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

- Con chó sói, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

- Con rái cá, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

- Đức-vua-trời Sakka, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha.

- Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí (Sasapaṇḍita), tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng, ngoài ra, có 8 pháp-hạnh ba-la-mật phụ khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

- Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita giữ gìn ngũ-giới, bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita có trí-tuệ sáng suốt, có nhận thức đúng đắn mới bố-thí sinh-mạng của mình, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita có sự tinh-tấn không ngừng tạo mọi pháp-hạnh ba-la-mật, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita có đức nhẫn-nại chịu đựng trong mọi trường hợp, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita nói lời chân-thật, thực-hành theo lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita đã phát-nguyện rồi thực-hành theo lời phát-nguyện, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita có tâm-từ đến tất cả chúng-sinh, dù lớn dù nhỏ, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita có tâm-xả đối với tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là 8 pháp-hạnh ba-la-mật phụ cũng đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh bố-thí Ba-la-mật bậc thượng ấy.

Nhận Xét Về Tích Đức-Bồ-Tát Sasapaṇḍita

Tích Sasapaṇḍitajātaka này, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng (dānaparamattha-pāramī)bố-thí sinh-mạng (thân) của mình làm món ăn, để bố-thí cúng dường đến vị Bà-la-môn khất thực.

Đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng của Đức-Bồ-tát.

Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ dám hy sinh sinh-mạng của mình, để tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng cho được thành tựu.

Để trở thành một Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật, đó là:

- Mười pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ:

Khi tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải hy sinh của cải tài sản, vợ con, … thuộc bên ngoài thân thể của mình, để được thành tựu pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ ấy.

- Mười pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung:

Khi tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải hy sinh bộ phận thuộc bên trong thân thể của mình, để được thành tựu pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung ấy.

-Mười pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng:

Khi tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải hy sinh sinh-mạng của mình, để được thành tựu pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng ấy.

Vì vậy, mỗi khi tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác đều có trí-tuệ sáng suốt minh mẫn, có nhận thức đúng đắn về pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng ấy, rồi phát sinh đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ vô cùng hoan hỷ trước khi tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng ấy. Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tâm đại-bi thương xót chúng-sinh bị chìm đắm trong biển khổ trầm luân, nên cố gắng tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng nào, dám hy sinh sinh-mạng của mình để cho được thành tựu pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng ấy với ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác để cứu vớt chúng-sinh thóat khỏi biển khổ trầm luân.

Cho nên, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, dám hy sinh sinh-mạng quý báu nhất của mình. Sau khi Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy chết, đại-thiện-nghiệp ấy trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời ấy cho đến khi hết tuổi thọ.

Còn những người tự sát với sân-tâm bất mãn chán đời muốn chết, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.

(Xong pháp-hạnh bố-thí Ba-la-mật bậc thượng)



[1] Bộ Jātakaṭṭhakathāpāḷi, phần Mahānipātapāḷi, tích Vessantarajātaka.

[2] 1 do tuần dài khoảng 20 cây số.

[3] Khu. Jātakaṭṭhakathā, Mahānipāta, tích Vessantarajātakavṇṇanā.

[4] Khu. Jātakaṭṭhakathā, Phần Mahānipāta, tích Vessantarajātakavaṇṇanā.

[5] Khu. Jātakaṭṭhakathā, Mahānipātapāḷi, tích Vessantarajaatakavaṇṇanā.

[6] Bộ Jātakaṭṭhakathāpāli, phần Mahānipātapāḷi, tích Vessantarajātaka.

[7] Bộ Chú-giải Jātakaṭṭhakathā, phần Vīsatinipāta, tích Sivijātaka.

[8] Bộ Jātakaṭṭhakathāpāḷi, phần Vīsatinipāta, tích Sivijātakavaṇṇanā.

[9] Bộ Jātakaṭṭhakathā, phần Catukanipāta, tích Sasapaṇḍitajātaka.

[10] Khu. Jātakaṭṭhakathā, Nidānakathā; Khu. Apadāna; Khu. Cariyāpiṭaka.


Mục lục quyển 6 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07


Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10


[Đầu trang][Mục lục tổng quát]